Trần Xuân An - Giữa thuở chuyển mùa (Hậu chiến, không riêng ai) (VII)

HẬU CHIẾN, KHÔNG RIÊNG AI

Chương VII

Trần Xuân An

 

1

 

Tuần trước, khi Huyên men theo lối đi ven bờ hồ cá mới đào, phía sau hông nhà bác Uy cai trường, định qua quán 99 như đã hẹn với anh Văn và anh Tráng, lại tình cờ gặp bác ấy từ nhà đi ngược chiều sang trường. Bác Uy dừng chân, hỏi Huyên:

- Cái vụ thầy Ích rồi ra sao, thầy nhỉ?

Huyên cũng đứng lại, cười:

- Cái đó là giữa các vị trong chi bộ Đảng, Đoàn trường, đều là người Miền Bắc 75 chi viện với nhau, chứ giáo viên trẻ Miền Nam bọn tôi, lại chưa phải đoàn viên, đảng viên gì, thậm chí có người như tôi cũng chưa làm hồ sơ xin công nhận hết thời gian tập sự, thì can dự làm chi hở bác! Họp hành, biểu quyết, cũng đã được định hướng rồi. Cấp trên đã quyết định tất. Mà ai lãnh đạo nhà trường thì cũng vậy thôi.

Bác Uy vốn là người Bắc vào Nam mấy chục năm rồi. Bác ấy cũng cười:

- Bây giờ tôi mới hiểu thầy. Lâu nay tôi cứ tưởng thầy đã được vào Đoàn, vào Đảng rồi chứ!

Huyên lại cười trừ, và chào bác Uy.

Tối nay, Huyên ra quán “Bít tất” mua vài điếu thuốc lá. Khi từ cổng trường đi vào, gần đến lối nhỏ giữa dãy phòng học cũ và văn phòng, Huyên thấy anh Lê Thừa Ích mở cửa phòng hiệu trưởng:

- Huyên ơi, vào đây một chốc!

Chắc anh Ích đã nhìn thấy Huyên qua khung kính cửa sổ. Huyên bước lên thềm, vào chỗ anh Ích. Ngồi đối diện nhau qua chiếc bàn sa lông gỗ lắp kính dày, dưới ánh đèn ống trắng, Huyên thấy gương mặt anh Ích hơi phờ phạc, mệt mỏi.

- Anh cũng khoẻ chứ anh? Hen phế quản mạn tính, tiết trời này lại lạnh...

- Ừ, cũng hơi mệt thật. Lại thêm cái vụ bị thôi chức, phải lên Sở Giáo dục làm ba cái việc thuộc loại “dưỡng già” gì đó nữa, trong thời gian chờ quyết định của Bộ để về quê!... Thay đổi công việc, chỗ ở cũng phiền toái lắm. – Anh Ích hình như nén tiếng thở dài –. Mình cũng mong về quê, vì khí hậu ngoài đó phù hợp với bệnh hen phế quản của mình hơn cái xứ cao nguyên này. Hi vọng là ông anh ruột của mình, hiện đang làm trong cấp uỷ Bộ Nội vụ, sẽ giúp mình để được nhanh chóng hơn.

- Bộ Nội vụ?

- Ừ, Bộ Nội vụ tức là Bộ Công an đấy.

- Vâng, em biết rồi. Bộ Công an lấy tên là Bộ Nội vụ thì ai cũng biết.

Anh Ích rót nước trà vào hai tách sứ, từ bình thuỷ được đậy nút bằng một chiếc bóng đèn điện tháo chuôi, nhưng anh lại nói:

- Cậu uống tí rượu nhé! Cao hổ cốt thứ thiệt, chứ chả chơi đâu.

- Vâng, xin anh một chén nhỏ. – Huyên đáp –.

Anh Ích vào giường ngủ, phía sau chiếc tủ sắt đựng hồ sơ giấy tờ, lấy ra chai rượu. Rượu mạnh, cay nóng cả họng, nhưng thơm nồng.

- Bây giờ mình mới nói chuyện với cậu về bài thơ Tố Hữu trong dịp Tết vừa rồi. – Anh Ích cười buồn buồn –. Tâm trạng của mình lúc này cũng tương tự như “Đêm cuối năm. Riêng một ngọn đèn / Dở hay, khôn dại, những chê khen / Làm, ăn, hai chữ, quen mà lạ / Thế cuộc, nhân tình, rõ trắng đen...”. – Anh Ích nhấp thêm một chút rượu –. Đúng là con người có những lúc như thế thật. Thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, cả Nguyễn Công Trứ cũng thế. Nhưng với Tố Hữu, đúng là lạ thật. Trước đó, có bao giờ thấy hình tượng con người, cái tôi trữ tình trong thơ Tố Hữu như thế đâu! Mình cũng có thư từ trao đổi với anh em bạn bè ở ngoài Bắc, họ cũng bảo là như thế! Tình hình đất nước, chứ không chỉ thơ ca thôi đâu, chừng như đang chuyển mình, cậu ạ.

Huyên cảm thấy anh Ích “bắt mạch” đúng rồi, nên cũng nói:

- Đâu chỉ là hình tượng con người, cái tôi trữ tình, mà qua đó, thấy tình hình ở trên cấp cao đó chứ. Anh có để ý là Tố Hữu đã vận dụng linh hoạt thủ pháp nghệ thuật đối, không những làm nổi rõ các mặt đối lập của thế cuộc, nhân tình, ở khổ đầu, mà còn có ở khổ hai, khổ ba nữa, nhất là “tự cường – luồn lọt”, “gan góc – yếu hèn”, “cách mạng – hư danh”, “đóng góp – đua chen”, rồi lại có cả  “tan bèo bọt – dậy tiếng kèn”... Thật ra, thủ pháp đối trong thơ cổ cũng có rất nhiều, như đối “hoa” với “lá”, “vượn” với “nai”, nghĩa là cùng bình diện, nhưng không nhất thiết phải đối với dạng đối kháng như phơi ra tích cực – tiêu cực ở bài “Đêm cuối năm”. – Huyên nói –. Em thấy ông Tố Hữu không những nói đến cái tôi đối diện với cô đơn, mà còn mạnh dạn đưa ra mặt tiêu cực, thậm chí là rất tiêu cực, như “luồn lọt” ngoại bang, vì nó đối với “tự cường” dân tộc... – Nhưng Huyên vẫn dè dặt –. Nghĩ như vậy có vượt quá ý tác giả Tố Hữu không anh?

- Ừ, thế thì cũng khủng hoảng thật. – Anh Ích chừng như muốn co lại với bản tính kín kẽ –. Thôi, cậu uống rượu đi. Mình rót thêm chút nữa nhé!

- Thôi, anh à. Rượu ngâm cao, mạnh quá!

- Mình cũng mới uống với Nguyễn Thái Tráng, thư kí công đoàn. Hơi say say rồi. – Ngừng một lúc, anh nói thêm –. Ngày mai mình lên Đà Lạt, nhận việc ở Sở. Trường này tạm thời do cô Phú Sơn, hiệu phó, làm quyền hiệu trưởng, và thư kí hội đồng Dương Sĩ Cảm được đôn lên làm hiệu phó thứ hai, vì anh Nguyễn La Sắc đã đi học quản lí. Rồi sẽ có hiệu trưởng mới về thay mình.

- Vâng, vụ việc đã do cấp trên quyết định rồi... Em chỉ xin chúc anh sức khoẻ.

Anh Ích và Huyên bắt tay nhau để chia tay.

Huyên mở cửa bước ra khỏi phòng, trở về nhà tập thể. Đêm cao nguyên lạnh thật, thảo nào anh Ích lắm khi phải lấy khăn bịt kín cả miệng lẫn mũi, có lúc phải thở hốc lên đằng mồm, tính khí đâm ra cáu gắt, khó chịu.

 

2

 

Có thông báo từ Sở Giáo dục gửi về Ban Giám hiệu điều động Huyên đi dự Hội nghị giảng văn Miền Trung tại Đại học Sư phạm Huế. Đó là một tin vui đối với Huyên.

Huyên lên Đà Lạt, gặp anh Nguyễn Công, trưởng phòng phổ thông kiêm cán bộ chỉ đạo bộ môn ngữ văn Việt. Anh Công đã mua vé xe khách và vé tàu lửa liên vận cho cả hai. Huyên trả lại tiền cho anh ấy, rồi sau khi đi về, sẽ nộp lại công lệnh cùng giấy triệu tập cho Trường Phổ thông trung học Đạ Nông, để nhận lại tiền tàu xe cả chuyến ra lẫn chuyến vào.

Xe khách sẽ chở anh Công và Huyên cùng nhiều hành khách khác xuống Nha Trang. Tàu thống nhất, dừng ở Ga Nha Trang, đã được đặt chỗ theo hợp đồng với Bến xe Đà Lạt.

Lúc xe bắt đầu chạy xuống đèo Ngoạn Mục, Huyên nghe những người cùng đi trên chuyến xe ấy chuyện trò với nhau về hồ thuỷ điện Đa Nhim:

- Hồ nước bị nứt nên không chứa được nước ở mức bình thường. – Một người nói –.

- Vì vậy điện dạo này cứ lúc tắt lúc đỏ. – Một người khác góp lời –. Chán quá sức!

- Hình như Nhà nước đang mời kĩ sư Nhật Bản sang sửa chữa hay sao đấy!

- Công nghệ của Nhật chẳng lẽ chỉ Nhật mới nắm bí quyết sửa chữa?

Đúng là ít lâu nay điện ở Đạ Nông lúc có lúc không. Những đêm không có điện, một giáo viên vật lí bèn nảy ra “sáng kiến” dùng kết hợp với điện đất. Anh ấy vẫn sử dụng một dây nối với nguồn điện bị cúp và một dây nối vào cọc sắt ngắn cắm xuống đất. “Sáng kiến” này chỉ giúp bóng đèn đỏ được sợi tung ten bên trong như lửa nhang, có thể soi thấy đồ đạc bàn ghế trong phòng để khỏi vấp té, nên được đùa là “tối kiến” – thấy lờ mờ trong bóng tối! Chính trong hoàn cảnh đó, trước Tết khá lâu, Huyên có làm một bài thơ về Đa Nhim và nạn đói năm Ất dậu 1945, rất tâm đắc. Lúc này, Huyên chợt nhớ lại...

Khi ra đến Huế, mới thấy Huế càng cạn kiệt hơn, và không chỉ về điện mà cả nhiều thứ nhu yếu khác như gạo và nước sinh hoạt.

Tuy vậy, Huyên cũng có niềm vui là về lại Đại học Sư phạm Huế, trường cũ, gặp lại các thầy cô giáo thời Huyên còn là sinh viên. Đại biểu Thuận Hải (Bình Thuận – Ninh Thuận), có Võ Nguyễn Tâm, vốn là sinh viên học cùng lớp với Huyên, nay cũng như Huyên, về dự Hội nghị.

Trong suốt mấy buổi ở Giảng đường Canada (tên thường gọi của Giảng đường I), các bản tham luận của các nhà giáo từ các đại học như Hà Nội, TP.HCM., Vinh, Việt Bắc và các trường phổ thông trung học Miền Trung (Thanh Hoá – Thuận Hải) cũng chỉ đi vào những kĩ thuật giảng văn, kể cả các kĩ năng hỗ trợ như nghệ thuật đọc diễn cảm, và đề xuất ý kiến về một số thuật ngữ như nên gọi là tác phẩm văn chương thay vì tác phẩm văn học... Huyên không thấy có một ai dám bàn về việc cấu tạo lại bảng phân phối chương trình với các bài giảng văn cụ thể. Nói rõ hơn, không một ai dám bàn về việc thay đổi nội dung phân môn giảng văn, chẳng hạn như phải dạy những bài văn chính luận, truyện ngắn, trích đoạn tiểu thuyết, bài thơ nào, thuộc bộ phận văn học hiện đại – cách mạng, cho phù hợp với tình hình tình hình hậu chiến (tuy vẫn còn có chiến sự ở biên giới phía Bắc và ở Campuchia), cả nước đã thống nhất hai miền, nội bộ dân tộc không còn mâu thuẫn địch – ta, rất cần hoà giải, hoà hợp... Vấn đề đó mà không bàn, nghĩa là không có gì mới. Huyên những muốn đăng đàn với nội dung như đã có lần bàn luận với anh Nguyễn Huynh ở Đà Lạt, nhưng cảm thấy không thể phát biểu như vậy được. Huyên ngại những phiền hà không lường trước. Và Huyên cũng cảm nhận là các đại biểu đều biết tự kìm chế như chính anh.

Không những không bàn về nội dung giảng dạy phân môn giảng văn, Hội nghị cũng không có ai dám thừa nhận công khai tình trạng chung là học sinh hiện tại đang chán ngán phân môn này. Nếu có chăng, ý kiến cũng quá kín đáo, lướt nhẹ, đến mức như không nói gì. Các nhà giáo đại biểu chỉ có thể nói thật khi chuyện trò với nhau bên ngoài hội trường.

Ngoài ra, hai bài của Nguyễn Minh Châu (1978), Hoàng Ngọc Hiến (1979) và mới đây, “Đêm cuối năm” của Tố Hữu (1982), không có một âm vang nào trong Hội nghị.

Võ Nguyễn Tâm, một lần đi vào nhà ăn tập thể cùng với Huyên, nói khẽ:

- “Vũ Như Cẩn”.

Huyên cười:

- “Vẫn như cũ” thật!

Sau Hội nghị, Huyên có tranh thủ đến thăm một số nhà văn, nhà thơ quen biết ở Huế. Trong một buổi tối, điện tắt như đêm ba mươi ở cả thành phố, Huyên đến nơi ở của một nhà thơ nổi tiếng. Nhà thơ tiếp Huyên dưới ánh đèn nến được cắm trên hai chân đèn gỗ sơn đỏ, vốn được đặt trên ban thờ gia tiên, nay tạm vô phép đặt xuống bàn tiếp khách. Từ phía này bàn, nhìn qua bên kia bàn, Huyên thấy gương mặt anh ấy như tấm ảnh chân dung của người đã chết, có điều nét mặt không được thanh thản hay ít ra cũng bình thường, như ở những tấm ảnh thờ khác, mà sinh động hơn, vì rất sầu héo, đau đời. Có thể anh ấy cũng nhìn thấy Huyên như vậy: một tấm ảnh Huyên đã chết, chết đau đời, sầu héo, giữa hai cây đèn thờ!

1982 là thời điểm đất nước mình đang ở trong tình trạng khó khăn cùng cực, không khí xã hội tù đọng, trì trệ, như cả đất trời đều ngột ngạt, oi bức trước khi mưa rào đổ xuống giữa mùa hè. Đó cũng là thời điểm những tư tưởng “xé rào” âm ỉ, như sắp sửa “bung ra” trong lĩnh vực văn chương, tư tưởng...

Sáng mai lại, anh Nguyễn Công tranh thủ ra Quảng Bình thăm nhà vài hôm, Huyên cũng ra Quảng Trị thăm mẹ và chiều vô lại Huế, để kịp vào TP.HCM..

TP.HCM. tuy xa đường hơn, nhưng vì đó là nơi dễ mua vé xe lên lại Đạ Nông, Lâm Đồng hơn, đường từ thành phố ấy lên đó cũng ít nguy hiểm hơn, và cũng vì Huyên có ý định tranh thủ thăm viếng nơi này, nơi khác, xem thử TP.HCM. có gì thay đổi, nên Huyên vào đó trước.

Không khí bức bối ở Huế, Huyên cũng nhận thấy được khi ở TP.HCM., nhưng TP.HCM. bộc trực hơn nhiều. Văn nghệ sĩ và nhà giáo đã dám nói thật, nói thẳng ra trong nhiều chỗ, nhiều nơi, kể cả những khi có các vị lãnh đạo cao cấp. Huyên nghe kể lại như thế, và cũng đã tận mắt, tận tai nghe những câu nói huỵch toẹt, những bài thơ có từ ngữ khá nghệ thuật, khí thơ rất mạnh mẽ, do chính các nhà thơ tác giả đọc trong cuộc rượu.

Chai rượu đã khô đến giọt cuối cùng, được dốc ngược, cắm vào cái li cối. Trên đít chai là cây đèn cầy. Chiếc đèn “dã chiến” kiểu đó được đặt giữa bàn rượu. Ngồi bên này bàn, nhìn qua bên kia bàn, người này thấy người kia như thể đang chụm hai tay bưng đèn đi soi tìm cái gì đó, với nét mặt vừa khổ đau vừa căng thẳng khủng khiếp.

Cũng tình cờ, trên một quầy sách ven lề đường phố, Huyên mua được tập truyện ngắn của Lỗ Tấn, anh đã đọc từ khá lâu rồi và nhiều khi có ý định tìm mua lại. Trong đó, có “Nhật kí người điên”, viết về một giáo viên trung học mắc chứng bệnh bức hại cuồng, hoang tưởng rằng chính bản thân anh ta bị anh em, bà con, xóm giềng hăm he ăn thịt...

1982, Huế là vậy, TP.HCM. cũng thế.

Và thật không may mắn chút nào, khi Huyên tìm đến nhà người bà con của Hồng Vàng tại một con hẻm khá rộng, dễ tìm ở quận Phú Nhuận, nhưng rất tiếc là Hồng Vàng đã lên thăm nhà ở Đà Lạt!

Huyên đành lên xe về lại Đạ Nông với nỗi buồn nặng trĩu xen lẫn niềm hoang mang, bức bối chung. Huế, TP.HCM., Đà Lạt, và cả huyện lị Đạ Nông nữa, đều một không khí xã hội như thế.

3

 

Cũng trong học kì hai năm học 1981-1982, Huyên còn được điều động lên Đà Lạt để chấm thi cuộc tuyển chọn học sinh giỏi ngữ văn cuối cấp phổ thông trung học, nhằm hình thành đội tuyển của tỉnh. Sau đó, cũng chính Huyên phụ trách bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi đó của năm trường huyện, kể cả huyện mới Đạ Huoai, ba trường tại thành phố Đà Lạt (chưa kể trường vừa học vừa làm). Đạ Nông có hai học sinh được chọn, đều là nữ. Phí tổn ăn ở của cả thầy lẫn trò đều được chu cấp từ ngân sách của Sở Giáo dục. Trường Phổ thông trung học Bùi Thị Xuân tạo điều kiện về cơ sở vật chất, gồm phòng học và bếp tập thể.

Anh Nguyễn Công, trưởng phòng phổ thông kiêm cán bộ chỉ đạo bộ môn ngữ văn Việt, lại bận công tác, nên chỉ mỗi một mình Huyên đảm trách việc bồi dưỡng ấy, trong suốt thời gian trên hai mươi ngày. Chỉ sau đó, khi triệu tập các học sinh ấy để chính thức thi cấp quốc gia, theo đề và đáp án của Bộ Giáo dục, Huyên sẽ không có mặt.

Đúng là giảng dạy học sinh giỏi rất đáng phấn khởi, vì ở các em, trình độ tiếp thu nhanh, vận dụng tốt. Có một điều không thể nói là không thất vọng, khi thầy trò tâm sự với nhau, một học sinh nói thật là phải dự thi học sinh giỏi môn ngữ văn chẳng qua vì nể thầy chủ nhiệm cũng là giáo viên ngữ văn, chứ hồ sơ thi đại học, đã ghi là khối B tự nhiên! Em ấy cũng tương tự trường hợp một học sinh ở Đạ Nông đạt điểm 7, bằng điểm với Hồng Vàng, trong kì thi tốt nghiệp năm ngoái!

Hai học sinh khác có kĩ năng diễn đạt khá tốt, nhưng kiến thức thể hiện trong bài làm lại thiếu hụt. Huyên hỏi riêng từng em một:

- Em có thích đọc sách văn chương không? Trong một năm, em đọc được bao nhiêu cuốn?

- Dạ, sở thích duy nhất của em là đọc sách văn chương. Chỉ kể từ năm lớp mười đến nay thôi, ít ra mỗi năm em đều đọc mươi cuốn tiểu thuyết, mươi tập thơ và vài cuốn phê bình văn học.

- Cụ thể, em đọc sách gì? – Huyên lại hỏi –.

- Dạ, thưa thầy, hầu hết là sách dịch.

Dẫu thế, Huyên cũng cảm thấy mừng, và anh quả quyết:

- Không cách nào học sinh giỏi ngữ văn nếu chỉ học ở trường lớp mà không chịu đọc sách văn chương. Tôi cũng thừa nhận là sách dịch ở nước ta hiện nay là từ khá tốt đến tốt, có chọn lọc để dịch, không dịch ẩu. Hầu hết là văn chương thế kỉ XIX trở về trước của Phương Tây và văn chương Nga...

Nhưng Huyên không thể không buồn vì học sinh ấy chỉ thích văn chương nước ngoài được dịch ra tiếng Việt, chứ không phải sách văn chương của các tác giả Việt Nam hiện đại – cách mạng. Phải chăng sự thể đó là do nhà văn, nhà thơ hiện thời ở nước ta? Anh hỏi tiếp:

- Em không đọc sách văn chương trong nước, và hình như cũng không đọc kĩ sách giáo khoa?

- Dạ, thưa thầy... – Học sinh ấy thấy hơi khó trả lời –.

Học sinh thứ hai cũng trả lời tương tự như vậy. Huyên hiểu mình đã suy đoán đúng.

Bộ môn ngữ văn Việt là môn công cụ, môn nòng cốt của tất cả các ngành khoa học xã hội, đã đến mức như thế, nhưng không hề được báo động công khai trên báo chí và cả trong Hội nghị giảng văn Miền Trung vừa rồi!

Khi kết thúc đợt bồi dưỡng học sinh giỏi ấy, Huyên thanh thản tản bộ ven hồ Xuân Hương, tiếp tục suy nghĩ để tìm ra biện pháp nào cho học sinh mãi đậm lòng yêu quý với ý thức giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt mẹ đẻ, trau dồi kĩ năng diễn đạt và bắt kịp tiếng Việt hiện thời, chứ không phải tiếng Việt thời Nguyễn Trãi, thời Nguyễn Bỉnh Khiêm hay thời Nguyễn Du, bỗng dưng có hai người thanh niên đi đằng sau, nắm lấy lưng áo Huyên, xô Huyên suýt ngã xuống hồ, nhưng cũng vội kéo Huyên lại. Huyên sững sờ nhìn hai kẻ ngang ngược, côn đồ ấy đang bỏ đi. Chúng không quên quay mặt lại tỏ vẻ hăm doạ, khủng bố tinh thần. Huyên nhìn kĩ áo quần, dép nhựa của hai tên ấy, anh đoán chắc là người ngoài Bắc mới vào. Và sực nhớ lời anh Nguyễn Huynh hôm nào, Huyên nghĩ có lẽ đó là người của PA.25 chăng?

Chưa hết kinh hoàng, ngay chiều hôm ấy, khi đi ngang qua con dốc lên bưu điện trung tâm Đà Lạt, Huyên lại bị hai tên khác, người Miền Nam, hù doạ, xúc phạm. Một tên cầm áo Huyên kéo anh vào sân một ngôi nhà nhỏ, miệng chúng nói thật nhanh, không rõ tiếng: “Vô xem con xồ, vô đây con xồ”. Con xồ, tức là con chó! Huyên giằng lui, hất tay hắn ra, quay lại, và bước nhanh ra đường, với trạng thái kinh hoảng thật sự. Chẳng hiểu vì sao lại có sự khủng bố tinh thần quái ác như thế? Huyên có làm gì mích lòng ai đâu? Phải chăng đó cũng là người của PA.25 như anh Nguyễn Huynh nói?

Huyên không ngờ kết thúc đợt bồi dưỡng học sinh giỏi, sau hơn hai mươi ngày anh trút hết tâm lực mình để hoàn tất công việc, những mong đội tuyển tỉnh đạt kết quả cao trong kì thi cấp toàn quốc sắp tới, anh lại bị cái trò khủng bố này! Chẳng lẽ do bài thơ “Lại bắt đầu từ chữ cái thứ nhất”? Ngoài anh Nguyễn Huynh, có ai đã đọc được rồi sao? Nhưng bài thơ ấy có gì đâu để đến nỗi như vậy?

Huyên xem lại lưng áo và tay áo khoác, rõ ràng là có vết lôi kéo, gần xoạc cả vải, đứt chỉ ở nách áo, chứ không thể là ảo giác như trong “Nhật kí người điên” của Lỗ Tấn được! Nhưng nếu chúng cứ làm cái trò khủng bố này, rồi Huyên cũng hoá điên như trong “Nhật kí người điên” thật!

Tối hôm đó, định sẽ đến nhà anh Huynh, nhưng đi ra đường, Huyên thấy sợ quá, đành nằm vùi trên giường của người bạn dạy vật lí, giáo viên Trường Phổ thông trung học Bùi Thị Xuân, nơi Huyên tá túc suốt thời gian qua.

Hoảng sợ thật sự, Huyên liền về Đạ Nông ngay ngày hôm sau.

 

4

 

Về đến Đạ Nông, khi vào tới trường, Huyên mới lấy lại được ít nhiều bình tĩnh. Việc trước tiên, Huyên xem lại va li của mình có vết tích gì lạ không, bản thảo anh có ai tìm thấy không. Huyên cũng phần nào thêm yên tâm, khi chẳng thấy có dấu hiệu gì khả nghi, bài thơ “Lại bắt đầu từ chữ cái thứ nhất” vẫn còn đó.

Thật ra, đối với Huyên, bài thơ ấy chỉ là kỉ niệm, ghi nhận một tâm trạng đã trải qua, và được viết trong một lúc thiếu bình tĩnh mà thôi. Huyên không phủ nhận những tác phẩm nào anh đã viết. Đúng hơn, tác phẩm của anh bị phủ định bởi quan điểm sáng tác mới... Chung quy, đó là tâm trạng, cảm giác trước sự nghiêng đổ của ngôi nhà văn chương của riêng anh được chính tay anh xây trên nền cát phương pháp sáng tác... Nền cát phương pháp sáng tác ấy đang chạy...

Việc giảng dạy vẫn bình thường diễn ra. Huyên thấy tốt nhất là nên quên vụ bị khủng bố tinh thần ở Đà Lạt, bằng cách tìm việc gì đó để tập trung vào. Anh sực nhớ là mình cũng như Thuỷ, mỗi người đều trải qua hai năm dạy học ở các vùng khai hoang lập ấp, mới về giảng dạy ở trường phổ thông trung học hoàn chỉnh trong hai năm tiếp theo, gần đây nhất, và cũng đều chưa làm hồ sơ xin công nhận hết thời hạn tập sự. Anh bảo Thuỷ: Bọn mình là giáo viên miền núi, thời gian tập sự chỉ một năm. Nếu chỉ tính thời gian ở Trường Phổ thông trung học Đạ Nông, đủ ba lớp mười, mười một, mười hai, bọn mình thừa một năm. Thuỷ cũng muốn làm cho xong việc này, nên cả hai đều hoàn tất trong một tuần tất cả mọi thủ tục, rồi nộp cho Ban Giám hiệu, nhờ chuyển lên Sở Giáo dục, Sở sẽ chuyển ra Đại học Sư phạm Huế để làm bằng tốt nghiệp luôn thể. Công việc này cũng giúp Huyên lãng quên vụ việc bị khủng bố không đáng nhớ ở Đà Lạt vừa qua.

 

5

 

Thầy giáo Huyên vào lớp anh có tiết dạy. Sau thủ tục chào giáo viên, cả lớp ngồi xuống, lấy giấy ra làm bài tập kiểm tra mười lăm phút như đã được dặn dò ở tiết học hôm trước. Trong khi học sinh chép đề bài trên bảng, thầy giáo Huyên mới viết xong bằng phấn trắng, và trong khi các em đang làm bài, Huyên đi xuống cuối lớp, xem lướt qua tờ báo tường. Anh bị hút vào một bài viết có nhan đề “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ở trường ta”, với tên họ của một học sinh, Huyên biết, hiện đang làm bí thư chi đoàn lớp! Hơi ngạc nhiên vì giông giống bài xã luận ở báo Nhân dân, Huyên đọc thử, và mỉm cười rồi cảm thấy khó chịu vì giọng điệu như thể là của một lãnh đạo, thuộc chi bộ Đảng tại trường, thậm chí như của Huyện uỷ viên hay Tỉnh uỷ viên!

Chờ học sinh nộp bài đến em cuối cùng, Huyên nói:

- Sáng nay, tôi có đọc bài báo tường của bí thư chi đoàn lớp, thấy thiếu một từ cần thiết. – Nhìn học sinh ấy, Huyên hỏi –. Em có biết bài báo của em thiếu từ gì không?

- Dạ, em không biết ạ. – Bí thư chi đoàn lớp đứng dậy trả lời –.

- Đó là từ “kiến nghị”. Lẽ ra em phải đặt nhan đề có thêm từ ấy, để lễ độ hơn. Nhưng tại sao em lại đặt vấn đề “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ở trường ta” trong khi tại trường đã có chi bộ Đảng, ít ra vẫn còn hai đảng viên, là thầy Bùi Sĩ Khen, cô Lê Thị Em Nguyên?

- Thưa thầy, vì em thấy trong Ban Giám hiệu ở trường ta hiện nay không có ai là đảng viên cả ạ. – Vẫn ở tư thế đứng, học sinh ấy nói. – Cô Phú Sơn chỉ là quần chúng, trí thức cũ. Thầy Dương Sĩ Cảm mới được kết nạp Đoàn ở học kì một.

- Thế là đủ cơ cấu “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lí” chứ còn gì nữa! – Huyên khẽ cười thành tiếng –. Thầy Khen, cô Nguyên là Đảng; cô Phú Sơn, thầy Cảm là Nhà nước! Tôi nghĩ cơ cấu song hành đó là đặc điểm của thời kì quá độ... Nhưng em cũng thấy là trường ta còn khuyết một vị hiệu trưởng, nay mai Sở Giáo dục sẽ điều động về. Em đặt vấn đề ấy làm chi? Tôi thấy em nên đặt vấn đề là làm đơn kiến nghị Sở bổ nhiệm về trường mình một thầy hay cô hiệu trưởng đã có quá trình hoạt động cách mạng, cùng với tiêu chí quan trọng nhất là gốc Miền Nam. Thế mới phù hợp với yêu cầu quần chúng giáo viên, học sinh và phụ huynh... Cương vị đó, hiện nay phải là đảng viên. Nếu em muốn, thì ghi cụ thể yêu cầu, “phải là đảng viên”, cho rõ.

Bí thư chi đoàn lớp bỗng run giọng nói, do xúc động bởi ý tưởng trong lòng, chứ không phải vì sợ thầy giáo Huyên, một quần chúng trắng:

- Đảng đã chiến đấu lâu dài, hi sinh to lớn, thế mà bây giờ để quần chúng ngoài Đảng nắm quyền, em không thể chịu được!

Nhiều học sinh có lẽ chưa vào Đoàn cười rộ lên, với ý châm biếm. Có em phẫn nộ vì cách nói hơi vô lễ của bí thư chi đoàn: Quần chúng nắm quyền là ai kia chứ? Đối với thầy cô trong Ban Giám hiệu, nói thế mà nghe được sao? Còn Huyên, anh sửng sốt, lặng người một thoáng. Rồi Huyên cười, nói:

- Tôi cũng khiếp vì ý thức về tính Đảng của em rồi đó. Từ nay chắc phải đặt thêm cho em biệt danh Paven Korsaghin, tên của nhân vật chính có tính cách nhiều khi quá căng, trong tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy”. – Huyên cười mỉm, nói tiếp –. Tôi đọc tặng em thêm vài câu thơ của Bertolt Brecht, một nhà thơ, kịch tác gia Đông Đức: “Học đi, học đi, những người cộng sản / Bởi vì các bạn / Sẽ là / Các nhà lãnh đạo tương lai”. – Huyên ngừng lại, rồi nói –. Thôi, cả lớp trở lại với tiết học! Thế mà mất đi mươi phút rồi.

Huyên quay lại, viết lên bảng đen đề mục tiết học: “Luyện tập: Cách dùng từ phù hợp với văn cảnh”. Cả lớp khẽ ồ lên, vì bây giờ mới hiểu ra việc thầy giáo góp ý nên thêm từ “kiến nghị” vào nhan đề bài báo tường.

 

T.X.A.

                        TP.HCM., 09:37, 19-03 – 11:05, 20-03 HB13 (2013)

 

 

ĐÃ GỬI TTTĐT. HỘI NHÀ VĂN TP.HCM. (20-03 HB13 [2013])

& TẠP CHÍ SÔNG HƯƠNG (20-03 HB13 [2013])

 

http://txawriter.wordpress.com/2013/03/21/hau-chien-khong-rieng-ai-vii-tiep-theo/

Chương I:

http://www.tranxuanan-writer.net/Home/danh-muc-tac-pham-txa/bai-moi-viet-3/hau-chien-khong-rieng-ai-i

Chương II:

http://www.tranxuanan-writer.net/Home/danh-muc-tac-pham-txa/bai-moi-viet-3/hau-chien-khong-rieng-ai-ii

Chương III:

http://www.tranxuanan-writer.net/Home/danh-muc-tac-pham-txa/bai-moi-viet-3/hau-chien-khong-rieng-ai-iii

Chương IV:

http://www.tranxuanan-writer.net/Home/danh-muc-tac-pham-txa/bai-moi-viet-3/hau-chien-khong-rieng-ai-iv

Chương V:

http://www.tranxuanan-writer.net/Home/danh-muc-tac-pham-txa/bai-moi-viet-3/hau-chien-khong-rieng-ai-v

Chương VI:

http://www.tranxuanan-writer.net/Home/danh-muc-tac-pham-txa/bai-moi-viet-3/hau-chien-khong-rieng-ai-vi

Chương VII:

http://www.tranxuanan-writer.net/Home/danh-muc-tac-pham-txa/bai-moi-viet-3/hau-chien-khong-rieng-ai-vii

Xem tiếp:

"Hậu chiến, không riêng ai" -- tiếp theo -- (VIII)

 

 

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE