v.a. Bài phụ của bài 22 - Tl.1 - Trần Xuân An -- Cảm ơn - trả lời (về bài "Đa nguyên...")

 

Web Tác giả Trần Xuân An

 

 

BÀI PHỤ (22-p)

 

 

TRẦN XUÂN AN

 

CẢM ƠN & XIN ĐƯỢC PHÉP TRẢ LỜI

(về bài  “Đa nguyên: vấn đề thời sự nổi bật”,

đã đăng trên BBCVietnamese.com, ngày 08-03-2006, link:

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/story/2006/03/060307_tranxuanan.shtml   )

 

Vấn đề đặt ra là đa nguyên, đa đảng. Do đó, tôi đã suy nghĩ về “đa nguyên, đa đảng” trên các cơ sở triết học (về quy luật phổ quát âm – dương; phạm trù thống nhất – đối lập), chính trị học (về giá trị dân chủ; nguyên tắc, cơ chế dân chủ đích thực) và đặc biệt là cơ sở sử học (cận – hiện đại). Cụ thể hơn, tôi đã tiến hành việc khảo sát từng “nguyên” (nguồn gốc) một, để xác định tính chất ngoại lai, ngoại nhập hay bản địa đậm tính Việt Nam; và cũng khảo sát các “nguyên” (nguồn gốc) ấy xuyên qua quá trình lịch sử, giới hạn trong các thời đoạn từ 1858 – 1989 (với các mốc lịch sử 1858 – 1885 – 1930 – 1945 – 1954 – 1975 – 1989), để từ đó đề nghị với người đọc, “nguồn” nào có tư cách chính trị trong hiện tại và trong tương lai.

 

Các bài tham gia thảo luận hầu như đều tán thành các cơ sở triết học và chính trị học và cả nhận định trên bình diện lịch sử cận – hiện đại. Tuy vậy, vẫn có ý kiến vướng mắc về lịch sử Thiên Chúa giáo tại nước ta và về tư cách chính trị của Việt kiều (quốc tịch và thực chất của các đảng phái hải ngoại).

 

Tôi thấy người viết cần phải trình bày cho thật chính xác sự thật lịch sử, đồng thời đề xuất trên cơ sở sự thật lịch sử ấy những gì có ích cho hiện tại, tương lai của đất nước, với tất cả lương tâm, trách nhiệm của mình. Còn việc người đọc chấp nhận hay không, người viết chỉ biết trông mong ở thái độ bình tĩnh, quyết tâm đối diện với sự thật lịch sử. Sách lịch sử không thiếu. Cuốn “Việt Nam sử lược”, một cuốn sách khá phổ cập, viết dưới thời thực dân, phong kiến, nhưng xuất bản khi nhân chứng còn sống khá nhiều (1924), nên cũng giữ được ít ra là trên 60% sự thật về Thiên Chúa giáo trong sự câu kết chủ nghĩa thực dân Phương Tây, cụ thể là thực dân Pháp. Thời Diệm – Thiệu, thì có thể hỏi ngay mọi người chung quanh họ là ai. Cũng xin khẳng định rõ, tôi không đồng nhất giáo hội Thiên Chúa giáo với mỗi giáo dân, kể cả giáo dân là người Việt Nam. Giáo dân Viêt Nam việc gì phải mang vác một quá khứ lịch sử đáng sợ của một giáo hội đã gây tội ác với dân tộc mình? Thiên Chúa giáo ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới, luôn mang hai tính chất gắn bó hữu cơ với nhau: mặt này, quỷ sứ xâm lược vì tham vọng bành trướng, và mặt kia, thiên thần hi sinh vì giá trị đạo đức theo một quan niệm khá phổ quát. Quỷ sứ có khi sinh nở ra thiên thần, nhưng không phải nhờ vậy mà quỷ sứ xóa sạch được quá khứ tội ác!

 

Thực hiện cơ chế đa nguyên, đa đảng mà không xét đến tư cách chính trị đã được kiểm nghiệm trong chiều dài lịch sử, hóa ra là một sự phiêu lưu chính trị, thả nổi số phận dân tộc, đồng thời đem giá trị dân chủ rất đáng tôn vinh, học tập là đa nguyên, đa đảng ra làm một cuộc vui dạ hội hóa trang.

 

Tôi chống chủ nghĩa lí lịch ba đời và lên án đó là sự tru di tam tộc kiểu mới. Nhưng thiết nghĩ, không ai có thể giả trang, đóng kịch từ bé đến khi tham chính, và cho đến hết tuổi đời, nên không thể không xét đến lí lịch cá nhân của mỗi người. Cần phải điều tra lí lịch cá nhân đối với những ai muốn tranh cử, đại diện diện cho nhân dân và nắm lấy quyền lực chính trị của địa phương, của đất nước, cho dù nhân gian đã bảo, “sông có lúc, người có khúc” với mắt nhìn biện chứng, bao dung (với trường hợp này) và dè dặt (với trường hợp kia).

 

Có hai điều khác nữa, tính chất nhạy cảm, dễ gây kích ứng chắc hẳn khá cao. Đó là đoàn kết Nam – Bắc và chủ nghĩa dân tộc.

 

Đoàn kết Nam – Bắc, nào ai cho rằng điều đó là sai trái! Có điều, không thể đoàn kết nếu mọi quyền lợi chính trị, xã hội, văn hóa và kinh tế, không đặt trên nền tảng bình đẳng. Bao nhiêu triệu người bên kia vĩ tuyến 17 vào Nam, nắm hết mọi vai trò và quyền lợi? Bao nhiêu người Miền Nam bỏ nước ra đi, bất kế sống chết giữa trùng trùng biển cả, núi rừng? Cũng có nhiều cách đoàn kết, nên chọn cách nào cho phù hợp với thực trạng? Ai bảo quy định cư trú theo Miền trong sự thống nhất đất nước một cách toàn diện là không đoàn kết? Đồng bào (gồm cán bộ) Miền Bắc giành hết quyền sống, đất sống của đồng bào Miền Nam mới là đoàn kết sao?

 

Chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, bài ngoại hay chủ nghĩa dân tộc rộng mở nhưng biết tự tôn, tự trọng và tự tạo ra những giá trị của chính dân tộc mình, cho dân tộc mình và cũng đóng góp cho nhân loại? Bao nhiêu núi xương, sông máu và suối nước mắt đã đổ suốt một trăm ba mươi mốt năm (1858 – 1989) vì sự tranh chấp nhân danh những giá trị ngoại lai, ngoại nhập? Câu hỏi đặt ra, lập tức nẩy sinh câu trả lời tự trong trái tim và trí óc chúng ta. Không bài ngoại, tất nhiên là thế, nhưng cũng không nên nhân danh ngoại lai, ngoại nhập để gây nội chiến và tạo điều kiện cho ngoại xâm.

 

Trong chủ nghĩa dân tộc, có sự đề cao bản sắc dân tộc, trong đó gồm cả tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, anh hùng dân tộc. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên vốn khởi đầu là xuất phát từ quan niệm hồn vía người thân luôn tồn tại và được nâng cao với triết lí hiếu nghĩa. Đó là tục lệ, niềm tin hồn nhiên và sâu thẳm nhất. Cho dù có các nước lân cận thuộc diện đồng văn cùng có chung tục lệ (hay tín ngưỡng) ấy nhưng chỉ gần giống nhau về cách thức, còn tổ tiên, anh hùng dân tộc ai nấy thờ kính. Tín ngưỡng này khác với các tôn giáo và các ý hệ ngoại lai, ngoại nhập khác rõ nhất là ở điểm này. Không nghi ngờ gì nữa, khi nghe giảng Kinh Thánh và nghe đọc kinh, xem lễ, ta ngỡ giáo dân như thể toàn là người Do Thái hoài niệm về lịch sử, văn hóa Do Thái! Tục lệ (hay tín ngưỡng) thờ cúng tổ tiên và anh hùng dân tộc Việt Nam rõ ràng là rất Việt Nam.

 

Và trước khi đi vào ý cuối, tôi thấy cũng cần minh định, bài viết (cũng như toàn bộ tác phẩm) của tôi, không phải được viết ra nhằm mục đích tuyên truyền, mị dân. Nếu tuyên truyền, mị dân, không ai lại viết thẳng, không sợ mất lòng, không sợ đụng chạm như thế. Và đánh lừa dư luận thế giới về “tự do ngôn luận” (những người viết đang ở trong nước mà tự do đến thế!) cũng chỉ là suy diễn của một vài người đọc nào đó mà thôi. Thực sự là việc công bố những gì mình viết (mà không được xuất bản, đăng báo trong nước) ra nước ngoài là một sự tìm kiếm tự do, dân chủ ngoài biên giới (một sự “vượt biên” về tinh thần!).  Cùng với việc “vượt biên tinh thần” bất đắc dĩ ấy, những bài viết tham gia thảo luận như đã đăng là chỉ nhằm trình bày những vấn nạn lịch sử cận – hiện đại, và trông mong được mọi người, trong nước cũng như ngoài nước, góp phần giúp thế hệ trẻ làm sáng tỏ những vấn nạn ấy, để từ đó, có phương cách giải quyết đường hướng cho hiện tại và tương lai của đất nước chúng ta.

 

Đó là những gì nghiêm túc, thành khẩn nhất và cũng vô cùng hệ trọng. Số phận đất nước, dân tộc và số phận của cả sinh mệnh nhỏ bé của người viết nữa, không phải là chuyện đùa chơi chút nào. Ai bảo Nguyễn Du viết Truyện Kiều là để đùa chơi, nhưng Nguyễn Du vẫn hạ hai câu kết thúc một cách rất đùa chơi, hầu như ai cũng biết: “Lời quê góp nhặt dông dài, Mua vui cũng được một vài trống canh”.

 

Vì không học tập cách nói đùa chơi của Nguyễn Du cuối Truyện Kiều, nên tôi nghĩ bài phản hồi này khá căng thẳng, không khéo có người cho tôi hẳn là “dữ dằn” lắm. Xin đừng ngộ nhận. Xin vui lòng cảm phiền và đừng trách cứ về sự căng thẳng này. Mục đích cuối cùng của bài viết vẫn là những gì nhân nghĩa nhất.

 

TRẦN XUÂN AN

10-03 HB6 ( 2006 )

TP.HCM., Việt Nam

 

 

Xem tiếp: Bài thứ hai mươi ba:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/luanvethoichungta_b23.htm

 

Trở về: Trang mục lục của tập bài viết "Luận về thời chúng ta...":

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/luanvethoichungta

 

Trở về trang chủ Web. Tác giả Trần Xuân An:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com

 

 

Google page creator /  host

  Ngày đưa lên trang web này: 28-4 HB7

 

DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE