d. Trần Xuân An - Nguyễn Văn Tường (1824-1886), một người trung nghĩa - Tệp 4

 

trần xuân an

Nguyễn Văn Tường,

những người trung nghĩa từ xưa,

tưởng không hơn được

   author's copyright

07/01/09

 

A.

 

Lời thưa

 

Bài 1

 

Bài 2

 

Bài 3

 

Bài 4

 

Bài 5

 

Bài 6

 

 

B.

 

Phụ lục 1

 

Phụ lục 2

 

Phụ lục 3

 

 

C.

 

Ngoài sách

 

Cuối sách

 

 

____________

____________

 

Hình ảnh 1

 

Hình ảnh 2

 

Bản đồ

 

 

 

 

 

 

 

                             

 

TRẦN XUÂN AN

 

NGUYỄN VĂN TƯỜNG,

“NHỮNG NGƯỜI TRUNG NGHĨA

TỪ XƯA,

TƯỞNG KHÔNG HƠN ĐƯỢC”

 

KHẢO LUẬN VỀ MỘT VÀI KHÍA CẠNH SỬ HỌC

 

 

 

 

  

Nhà Xuất bản

2003

 (trước và chính xác: 02-7 HB2 [2002])

  

 

 

 

 

 

 

 

 

 

TRẦN XUÂN AN

 

CÁCH VIẾT SỬ THEO TIÊU CHÍ NGƯỢC Ở

ĐẠI NAM THỰC LỤC CHÍNH BIÊN KỈ ĐỆ LỤC

VÀ CÁCH VIẾT SỬ XUYÊN TẠC BẰNG

SỰ ĐẢO NGƯỢC SỰ THẬT LỊCH SỬ

Ở MỘT VÀI TRANG TRONG

VIỆT NAM VONG QUỐC SỬ

   

I.

 

Đây là một vấn đề sử học rất đặc biệt trong tiến trình sử học ở nước ta từ xưa đến nay. Hiện tượng này chỉ nẩy sinh ở thời đoạn dân tộc ta bị rơi vào cảnh mất nước dưới ách xâm lược của thực dân Pháp và tả đạo trong Thiên Chúa giáo. Những tồn đọng từ cuối thế kỉ XIX đến nay vẫn chưa được giải quyết rốt ráo một cách thực sự khoa học, bởi chủ nghĩa thực dân cũ đã cáo chung lại biến tướng thành chủ nghĩa thực dân mới, và Thiên Chúa giáo vẫn là một thực thể “giành” được sự hợp pháp có tổ chức ngay dưới chế độ xã hội chủ nghĩa! Mặc dù Đất nước đang mở cửa, đổi mới, và vẫn bảo đảm chính sách đại đoàn kết, sử học cũng cứ phải vươn lên là khoa học lịch sử.

Dẫu sao cũng không thể muộn hơn được nữa! Hãy để sử học phải đích thực là sử học! Có như thế, đại đoàn kết mới thực sự bền vững, đổi mới, mở cửa mới thành công.

Trong ý hướng đó, chúng tôi xin được đưa ra một vấn nạn cụ thể, đã ghi rõ thành đầu đề của bài viết. Bài viết này có đoạn sẽ được trình bày một cách khái quát. Tư liệu sẽ được trích dẫn nguyên văn khi thật cần thiết; còn lại, các cứ liệu ở dạng lời dẫn gián tiếp hoặc đề nghị xem thêm, sẽ có chú thích cụ thể, đúng nguyên tắc khoa học, để tiện tra cứu.

 

II.

 

1. Về lập trường, quan điểm viết sử của Quốc sử quán triều Nguyễn trước và sau thời điểm Nguyễn Văn Tường bị lưu đày:

 

Lập trường, quan điểm viết sử ấy, trước và sau thời điểm nói trên, về cơ bản có sự đối lập, trái ngược lẫn nhau, thể hiện ở Thực lục qua hai kỉ IV (1847 – 1883), V (1883 – 1885) và ở kỉ VI (1885 – 1888). Chúng tôi đã căn cứ vào hai bản phàm lệ của kỉ V, kỉ VI và chủ yếu căn cứ vào hai đoạn xác định thời điểm phân kỉ ở hai kỉ ấy, mà về cơ bản là hai đoạn ấy giống hệt nhau (cùng khẳng định một vấn đề), để minh định.

Đoạn trích phàm lệ phụ biên của kỉ đệ ngũ:

“Từ ngày 23 tháng 5 năm Hàm Nghi thứ nhất, sau khi kinh thành có việc [:Kinh Đô Quật khởi và thất thủ – TXA. ct.], đến trước ngày mồng 10 tháng 8, xuất đế (Hàm Nghi) đã dời ra ngoài rồi, trong triều đình và ngoài các tỉnh không biết lệ thuộc vào đâu; và từ sau ngày mồng 10 tháng [8 âm lịch – ct.] ấy đến cuối tháng 9, vua Cảnh tông Thuần hoàng đế ta (Đồng Khánh) dẫu đã nối ngôi vua mà tuyên bố bảo dụ, nhưng trong nước còn chưa biết, niên hiệu vẫn chép là Hàm Nghi. Vả, phương nam, phương bắc đều vâng dụ vua Hàm Nghi, dấy quân cần vương; những kẻ khởi sự [:khởi nghĩa – ct.] đều nắm [Dụ Cần vương 02.6 Ất dậu – ct.] làm cớ để khởi binh. Còn từ sau ngày 01 tháng 10 năm Ất dậu (1885), niên hiệu Đồng Khánh, ngôi lớn đã ổn định lâu rồi; nếu kẻ nào còn dám làm hồ đồ thì đến kỷ thứ 6, sẽ chép làm nghịch” [1].

Đoạn trích phàm lệ của kỉ đệ lục:

“Phàm lệ phụ biên ở kỷ đệ ngũ, trong đó có một điều chép rõ: từ ngày 23 tháng 5 năm Hàm Nghi nguyên niên, sau khi kinh thành có việc [23.5 Ất dậu (1885] – ct.], đến ngày 10 tháng 8 trở về trước, xe vua dời đi, trong, ngoài không hệ thuộc được; và tự ngày 10 tháng [8 âm lịch – ct.] ấy trở về sau đến cuối tháng 9, Cảnh tông Thuần hoàng đế ta [:Đồng Khánh – TXA. ct.] tuy đã nối ngôi, nhưng tuyên bố dụ bảo, sợ chưa biết được khắp, niên hiệu vẫn còn chép là Hàm Nghi; về việc Nam – Bắc có vâng theo dụ của vua Hàm Nghi, mà khởi việc cần vương thì đều hãy chép làm “khởi binh” [:khởi nghĩa – ct.], để có cớ mà nói. Còn tự mồng 01 tháng 10 năm Đồng Khánh Ất dậu [1885 – ct.] trở về sau, ngôi lớn định đã lâu, dụ bảo chắc đã biết khắp cả, mà còn làm liều, thì ở kỷ đệ lục kỷ sẽ lại chép là nghịch. [Quốc sử quán – ct.] đã được chuẩn cho lục ra để chép vào.

Nay hai tháng 8 và 9 năm Hàm Nghi nguyên niên [tức là tháng 8 và tháng 9 âm lịch, năm Ất dậu (1885) – TXA. ct.], là còn thuộc vào phận tháng của kỷ ấy, cũng vẫn theo thế chép là khởi binh; còn từ mồng 1 tháng 10, là năm Đồng Khánh Ất dậu trở về sau, thì mới chép là nghịch” [2].

Hai tháng 8 và 9 âm lịch, Ất dậu (1885), ở triều đình, vua ngụy Đồng Khánh đã hoàn toàn bộc lộ bản chất phản quốc. Quyển thứ nhất của kỉ đệ lục (ĐNTL.CB., tập 37, sđd., từ tr. 22 đến tr. 59) đã chép rất rõ sự thật lịch sử ấy.

Trên cơ sở đó, việc xác định là rất rạch ròi, minh bạch: chính triều (1847 – 06.9.1885); ngụy triều (06.9.1885 – 1888…).

 

a. Chính triều: lập trường, quan điểm yêu nước, chống Pháp, chống tả đạo Thiên Chúa giáo; và ít nhiều xen lẫn lập trường, quan điểm bảo hoàng ngu trung trong sự kiện tứ tuyệt tam vương và các bi kịch khác ở điểm đỉnh mâu thuẫn đối kháng. Lập trường, quan điểm này thể hiện ở hai kỉ: kỉ IV, kỉ V (1847 – 06.9.1885, ngày Nguyễn Văn Tường bị Pháp lưu đày).

 

b. Ngụy triều: lập trường, quan điểm của ngụy triều Đồng Khánh, nịnh hót Pháp, nịnh hót tả đạo Thiên Chúa giáo, và bôi nhọ người chống Pháp, chống tả đạo Thiên Chúa giáo; đồng thời cũng là quan điểm vừa sử dụng bọn tả đạo Thiên Chúa giáo ở các địa phương để đánh dẹp phong trào Cần vương, vừa phê phán chính bọn tả đạo Thiên Chúa giáo ấy đang manh tâm phục thù, cướp chính quyền ở phủ, huyện, làm suy yếu ngụy quyền Đồng Khánh bù nhìn. Lập trường, quan điểm này thể hiện ở kỉ VI (12.9.1885 – 1888…).

 

Ở Đại Nam thực lục chính biên (ba kỉ IV, V, VI) không có sự đảo ngược sự thật lịch sử. Nhưng rõ ràng là riêng ở kỉ VI (12.9.1885 – 1888), Quốc sử quán triều Nguyễn đã thể hiện cách đánh giá sự thật liïch sử theo tiêu chí ngược, trái nghịch với chủ nghĩa yêu nước của dân tộc, trái nghịch với công lí của nhân loại về độc lập dân tộc và chủ quyền Đất nước.

 

2. Phân biệt cách viết Việt Nam vong quốc sử của Phan Bội Châu và cách viết Đại Nam thực lục chính biên kỉ đệ lục của Quốc sử quán triều Nguyễn:

 

Xin phân biệt rõ: cách viết sử xuyên tạc bằng sự đảo ngược sự thật lịch sử với cách viết sử có đánh giá sự thật lịch sử (gồm cả nhân vật lịch sử) theo tiêu chí ngược.

Ở cách thứ nhất, người chống Pháp bị đảo ngược thành kẻ câu kết với Pháp. Qua Việt Nam vong quốc sử, Phan Bội Châu (thực ra là do Lương Khải Siêu…) viết về Từ Dũ, Nguyễn Văn Tường một cách phi khoa học, thiếu cứ liệu – tư liệu được sử dụng làm luận cứ, luận chứng với ghi chú xuất xứ một cách khoa học, cụ thể. Cụ Phan (hay Lương Khải Siêu) đã đổ tội làm mất nước là do hai người này và do Trần Tiễn Thành! Như thế, vô hình trung Phan Bội Châu (Lương Khải Siêu…) đã ngụy biện cho Dục Đức, Hiệp Hoà, Tuy Lý vương, Hồng Hưu, Nguyễn Hữu Độ… và phần nào cho Trần Tiễn Thành… (1). Cách viết sử không có cứ liệu – luận cứ, luận chứng – như thế là không thể chấp nhận được. Theo pháp luật xưa nay, cách viết ẩu tả, vu vơ kiểu đó là đã vi phạm vào tội vu khống trên sách báo (tội công khai sỉ nhục người khác bằng văn tự)!

Ở cách thứ hai, người chống Pháp là xấu (!!!), như Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết…; và cũng phi lí thay, người nịnh hót Pháp lại là tốt (!!!) như Đồng Khánh, Nguyễn Hữu Độ… Quốc sử quán triều Nguyễn đã thể hiện rõ cách viết này ở kỉ VI (12.9.1885 – 1888), đó là cách viết sử theo hệ giá trị phản quốc, nhằm lưu lại sự thật cho hậu thế minh xét. Hậu thế chính là các thế hệ hiện nay… 

Xét về tính khoa học, Thực lục về các kỉ IV, V, VI đạt ở mức rất cao, trong sự so sánh đồng đại. Quốc sử quán triều Nguyễn trích dẫn khá đầy đủ các văn bản như:

 

a. quốc thư (Đồng Khánh gửi chính phủ Pháp, bôi nhọ Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết…); đặc biệt là mật dụ (sắc dụ gửi Nguyễn Văn Tường, sắc dụ gửi hoàng tộc, từ Tân Sở gửi về…);

b. chiếu, dụ, cáo thị (về phong trào Cần vương và vai trò của Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết…);

c. bản án (De Courcy, De Champeaux kết án Nguyễn Văn Tường; ngụy triều Đồng Khánh kết án chung thẩm về Nguyễn Văn Tường và ba thành viên khác của nhóùm chủ chiến…);

d. tấu, sớ (Nguyễn Văn Tường và các quan tâu lên vua, thái hoàng thái hậu…).

 

Đó là các văn kiện của phía triều đình Đại Nam và phía thực dân Pháp. Ngoài ra, sử quan còn ghi chép (thuật sự) các vụ việc với diễn biến khá chi tiết mà vẫn cô đọng.

Quốc sử quán triều Nguyễn viết sử theo thể biên niên. Mỗi năm, theo trình tự mười hai tháng (năm có tháng nhuận: 13 tháng). Mỗi tháng có những vụ việc, sự kiện gì xét thấy phải chép, thì chép thành các tiểu mục. Phần lớn mỗi tiểu mục đều có một câu đề (tiêu đề), sau đó mới chép phần thuyết (diễn giải cụ thể), tức là nội dung của tiểu mục. Các tiểu mục quá ngắn gọn thì câu đề cùng phần thuyết là một. Ví dụ như ở đoạn trích dưới đây, câu đề chính là câu “Tôn Thất Thuyết lập “Phấn Nghĩa quân””, phần thuyết của tiểu mục là các câu còn lại.

 

“Tôn Thất Thuyết lập “Phấn Nghĩa quân”:

Lúc đó, Thuyết muốn lập lính chân tay riêng mình, bèn thương lượng với Nguyễn Văn Tường, nói rằng: “Tiến hành vào ngày 29 tháng 10 là quan trọng nhất” [ngày đảo chính, truất phế Hiệp Hoà – TXA. iđ. & ct.]. Hai viên quan này cùng với những đình thần đã dự biết trước nên ai nấy giao cho những người thân thuộc tham dự vào việc hiểu dụ các thân hào sĩ dân kết đảng làm theo. Lần này, qua chọn lọc số người trong đó mà ban thưởng. Ngoài ra tuy chưa được dự vào phái cử, nhưng đều vui lòng đáp ứng. Gần đây, nhiều người làm theo. Nay các binh ngạch thiếu nhiều, nên nhân tình hình ấy mà thu dụng họ; xin hội đồng Binh bộ xét tuyển dụng được bao nhiêu lính (nhưng không được khấu giản), chia làm vệ đội, lượng mà thiết lập quản suất, tùy số mộ được nhiều hay ít mà thưởng phẩm hàm, đặt tên là “Phấn Nghĩa quân”. Số quân đó được khao thưởng và đặt tên riêng; chiểu theo thứ tự, tuyển hai vệ tiên phong, nhưng vẫn lệ thuộc vào các viên quan mà hai vị thần đó ủy nhiệm cho để luyện tập và phân phái. Theo thời kỳ này thì hữu dụng, nên (Tường) cho phép.

Sau đó Thuyết cho Trần Xuân Soạn lãnh số quân ấy” [3].

 

Rất tiếc là sách in bản dịch ĐNTL.CB. đã được trình bày một cách đáng phàn nàn.

Hơn nữa, nhờ phương thức làm việc tập thể, mỗi thành viên Quốc sử quán đều phải lưu danh để chịu trách nhiệm, nên Thực lục (IV, V, VI) đạt được tính khách quan – một yếu tính hết sức cần thiết của sử học (2), (3). Rất tiếc, ở kỉ đệ lục (kỉ Đồng Khánh, 12.9.1885 – 1888), đó chỉ là ghi chép một cách khách quan theo lập trường, quan điểm ngụy triều nói trên.

 

3. Sử học theo tinh thần “luật pháp bất vị thân” và sử học thuộc loại “vấn mục đích bất vấn thủ đoạn”.

 

Chúng tôi đã có dịp so sánh thái độ sử học của Thành Thái với ý hướng viết sử của Phan Bội Châu. Tuy nhiên, tưởng cũng nên nhắc lại: Thành Thái vẫn kiên định ý thức sử học bất vị thân trước sự de dọa của thực dân Pháp. Vị vua yêu nước này không chịu ban dụ khắc in kỉ đệ lục (1885 – 1888), mặc dù đã được biên soạn xong, vì kỉ đệ lục này vốn rất nhục nhã đối với vương triều Nguyễn. Nhưng tai hại thay, kỉ đệ lục lại được khắc in vào năm Duy Tân thứ 3 (1909), và sau đó lại bị truyền bá khắp cả nước, dùng để giảng dạy trong nhà trường thực dân nửa phong kiến [4]; trong khi đó, kỉ đệ tứ (1847 – 1883), kỉ đệ ngũ (1883 – 1888) sau khi khắc in xong (khởi công: 1894, hoàn tất: 1902) lại bị cất vào kho sử, và phát hành rất hạn chế [5]. Đối với việc nghiên cứu lịch sử giai đoạn này, một vấn đề cực kì hệ trọng, rất cần lưu ý là ở đó!

     Một lần nữa, xin nhấn mạnh điều này: Thành Thái bị thực dân Pháp lưu đày tít tận hòn đảo Réunion ở châu Phi; Phan Bội Châu lại an trí ngay tại kinh đô Huế!

     Quyết định khắc in hay không là ở vua Thành Thái, chứ không phải ở Quốc sử quán. Đó là điều nhiều người quên lưu ý. Và mặt khác, lâu nay, người ta quá đề cao vai trò tổng tài, lại xem nhẹ các biên tu, toản tu, khảo hiệu, nhất là không đánh giá đúng mức cách biên soạn tập thể của Quốc sử quán (2), (3), (4).

 

4. Vấn đề quyết định là tư liệu gốc:

 

Vấn đề quan trọng nhất là tư liệu gốc được trích dẫn và quan điểm, lập trường viết sử của Quốc sử quán thể hiện rõ nét ở hai giai đoạn đối lập nhau của ba kỉ sử như đã phân tích ở trên. Nhưng dẫu lòng dạ người chép sử thế nào đi nữa, mạn phép giả định như thế, thì vấn đề vẫn là tư liệu gốc (cũng tương tự như bằng chứng pháp lí trước tòa án). Tất nhiên phải giám định tư liệu gốc bằng phương pháp khoa học thực nghiệm của thuở bấy giờ. Nói chung, không phải riêng trường hợp Nguyễn Văn Tường, từ vị quan yêu nước, chống Pháp cho đến cả bọn kẻ cướp (thực dân), kẻ đồng lõa (tay sai), và cả hoàng thân quốc thích, tất cả đều phải cúi đầu công nhận trước nhiều bằng chứng (tư liệu gốc) và nhiều nhân chứng về mọi sự thật lịch sử (sử quan; và người đọc đương thời như hoàng tộc, đình thần, các quan ở tỉnh, huyện…).

Chúng tôi đã chú thích ở một bài viết: Xin xác định chuẩn xác thuật ngữ tư liệu gốc, hay cụ thể hơn, ấy là sử liệu gốc. Không thể cho rằng Việt Nam vong quốc sử là sử liệu gốc về Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, Từ Dũ, Phan Thanh Giản…, mà tác phẩm đó chỉ là sử liệu gốc về chính Phan Bội Châu (và Lương Khải Siêu). Nói rõ hơn, Việt Nam vong quốc sử thể hiện một khía cạnh con người Phan Bội Châu (hoặc một phần nào con người Lương Khải Siêu) về kiến thức lịch sử, về quan niệm, thái độ chính trị, sử học mà chính cụ Phan đã tự thú nhận: machiaveliste!…. Vả lại, Phan Bội Châu cũng không phải là người chứng cùng thời, cùng việc (đồng thời, đồng sự) và tại chỗ về những nhân vật lịch sử kể trên…. Đó chỉ là sơ lược trên hai nét nghĩa trong nhiều nét nghĩa khác của thuật ngữ tư liệu gốc.

5. Để tìm ra đáp số lịch sử, không thể không thực hiện phương pháp đối chiếu các nguồn tư liệu gốc, các nguồn sách báo nghiên cứu lịch sử, và phương pháp loại suy:

      Cuối cùng, với quan điểm, lập trường yêu nước và dân tộc của chúng ta, với cách nhìn khoa học, cụ thể – lịch sử, xin hãy đối chiếu ĐNTL.CB. IV, V, VI và VNVQS. với toàn bộ (hoặc ít ra cũng một phần nào đó) sách báo của thực dân và cố đạo đã viết theo nhãn quan và quyền lợi xâm lược của chúng thuở bấy giờ, đã xuất bản tại Pháp, tại La Mã, tại Việt Nam từ 1847 đến nay, 2002. Xin đơn cử: hãy đối chiếu với toàn bộ các số tạp chí Những người bạn cố đô Huế  (Bulletin des amis du vieux Huế, 1914 – 1944)!

Xin được nhắc lại: mặc dù có nhiều lời khen chê, thậm chí dựng đứng chuyện bịa để căn cứ vào đó mà chỉ trích thậm tệ, nhưng chưa có ai viết về Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886) một cách xuyên tạc bằng lối đảo ngược sự thật lịch sử như Phan Bội Châu (thực ra là do Lương Khải Siêu!). Nói gọn hơn, chỉ mỗi tác giả Việt Nam vong quốc sử viết ngược như vậy!

Và cũng nhắc lại: thử đối chiếu với cuốn sách đã sử dụng rất nhiều tư liệu chưa công bố trước đó của Pháp: Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa cùa GSTS. Yoshiharu Tsuboi. Cuốn sách này, do GS. Trần Văn Giàu viết lời tựa ở bản dịch ra tiếng Việt: “… cái kho châu bản đồ sộ và quý giá có lẽ còn quan trọng, căn bản hơn là tư liệu của Bộ Hải quân và Bộ Thuộc địa Pháp nữa. […] Không khai thác châu bản một cách triệt để mà chỉ bằng vào các hạng người Pháp phần lớn thuộc quân xâm lược hay chuẩn bị xâm lược, thì làm sao biết rõ, biết đúng một thời kì lịch sử “mấu chốt” của nước nhà, làm sao đánh giá các nhân vật chính xác?” [6]. Đó là lời GS. Trần Văn Giàu vào khoảng thời gian đầu thập niên 1990, chứ không phải lúc chưa tiếp cận được nhiều tư liệu gốc, trong đó Châu bản là quan trọng và cơ bản nhất. Châu bản cũng đã được trích dẫn khá đầy đủ trong Đại Nam thực lục, chính biên.

Toàn bộ châu bản từ 1847 đến 1888 và Đại Nam thực lục, chính biên IV, V, VI vẫn là tư liệu chuẩn cứ trong việc đối chiếu sử học, đối chiếu tư liệu gốc và vận dụng phương pháp loại suy.

Trên đây chỉ là nhận định khái quát chung trong một bài viết, nhưng chúng tôi nghĩ, là hết sức mấu chốt và căn bản.

 

III.

 

Rất tiếc là giai đoạn vừa qua và hiện tại, từ trước và sau thời điểm xảy ra biến động ở Đông Âu và Liên Xô cũ đến nay, quả thật có lắm vấn đề kì quái. Đó là thời đoạn mà khuynh hướng sử học ở nước ta chưa kịp khắc phục tính chất ấu trĩ “tả” khuynh, máy móc, thiếu cái nhìn biện chứng, không mở rộng tầm nhìn toàn cục để so sánh (các nước Á, Phi, Mỹ la tinh…), không xét đến tính lịch sử – cụ thể, bệnh sùng bái tư tưởng ngoại nhập, giáo điều chủ nghĩa, lại nặng phần tuyên huấn vì mục đích chính trị nhất thời (bóp méo để đả phong), hoặc lợi dụng sử học làm công cụ phục vụ cho “công tác mặt trận”! Đó là lúc chưa kịp khắc phục khuyết, nhược điểm như vừa liệt kê, thì các thế lực thân Pháp, thân tả đạo lại ngóc đầu dậy, thao túng, lũng đoạn cả văn nghệ, học thuật, nhất là trong sử học. Sự thao túng, lũng đoạn ấy đã và đang diễn ra với các thủ đoạn phục thù hèn hạ, đầy tính chất lưu manh trong việc làm sức ép, mua chuộc, đồng thời ra sức đảo ngược sự thật lịch sử! Nhìn trên sách báo hiện nay, ai cũng thấy bọn nội loạn, bọn tay sai của thực dân, tả đạo, kể cả bọn tả đạo người Pháp, đã được ca ngợi, tôn vinh như thế nào! Lũ “giậu đổ bìm leo”, nhân cơ hội phỉ Tàu (giặc Cờ) quấy nhiễu, xâm chiếm biên giới phía bắc nước ta, chúng nổi lên cướp phá huyện làng, giết chóc nhân dân rất tàn ác như những tên Nhiễm, Đài, Chuyên, và dư đảng “giặc theo đạo Gia-tô” Tạ Văn Phụng… lại được gọi là “khởi nghĩa” [7] (sic!). Thậm chí, Trương Vĩnh Ký, kẻ theo thực dân Pháp suốt đời, trong lúc cả dân tộc đang chống Pháp, lại được đặt tên trường học để giáo dục thế hệ trẻ noi theo “tấm gương tay sai”! Nguyễn Trường Tộ, Đinh Văn Điền vốn là tay sai có vũ trang, là đầu sỏ giặc từng gây họa từ trước, nay lại đòi liên kết với thực dân Anh để chống thực dân Pháp (sic!) (theo cách nói của đình thần thời bấy giờ [8]). Cả hai, nhất là Nguyễn Trường Tộ, lại điều trần “bánh vẽ”, thế mà cũng được đề cao tận trời!

Việc làm sức ép, mua chuộc để đảo ngược sự thật lịch sử đã và đang xảy ra!

May thay là người ta chưa “phục hồi” cái tên Đồng Khánh (5) trên cổng của một ngôi trường lớn nhất nhì ở Huế, hai mươi bảy năm nay được thay bằng hai chữ đầy tự hào cho học sinh thành phố cố đô bên dòng sông Hương: Trưng Trắc!

 

                                                          TRẦN XUÂN AN

 

1. CHÚ THÍCH bài CÁCH VIẾT SỬ THEO TIÊU CHÍ NGƯỢC Ở ĐẠI NAM THỰC LỤC CHÍNH BIÊN KỈ ĐỆ LỤC VÀ CÁCH VIẾT SỬ XUYÊN TẠC BẰNG SỰ ĐẢO NGƯỢC SỰ THẬT LỊCH SỬ Ở MỘT VÀI TRANG TRONG VIỆT NAM VONG QUỐC SỬ

 

                                                              

(1). Thật ra, Phan Bội Châu (và Lương Khải Siêu) chỉ lên án “quyền gian” trong vụ truất phế Dục Đức bằng vài dòng ngắn ngủi khi viết về Phan Đình Phùng (NTPCPBC., Việt Nam vong quốc sử, Nxb. KHXH., 1982, tr. 89). Ai cũng biết: Phan Bội Châu ám chỉ Tôn Thất Thuyết, người trực tiếp ra lệnh trói; và Bộ Hình, bộ đã nghị xử, cách chức Phan Đình Phùng (lúc ấy, Phan Đình Phùng còn chủ hòa). Ngoài ra, Phan Bội Châu không viết một chữ nào về vụ Hiệp Hòa (thân Pháp) và vụ Kiến Phúc (do Hồng Hưu). Lại kì quái thay, Phan Bội Châu (thật ra là Lương Khải Siêu) không một lời lên án bọn cơ hội, cam tâm bán nước cầu vinh như Nguyễn Hữu Độ!

 

(2). Trương Quang Đản là tổng tài của Quốc sử quán trong giai đoạn tập thể sử quan biên soạn lần cuối cùng đệ tứ kỉ (các tập 27 – 35), và ông cũng là tổng tài từ đầu đến cuối suốt thời gian Quốc sử quán biên soạn đệ ngũ kỉ (tập 36). Trương Quang Đản là người đã cùng Bùi Ân Niên (Bùi Dị) đánh Pháp quyết liệt và có nhiều công lao trong các trận đánh đó. Ông thuộc những người được Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết và đình thần đánh giá là “có thể mưu đồ cho đại cục về sau”.

Cao Xuân Dục chỉ làm tổng tài trong quá trình khắc in đệ ngũ kỉ (bản thảo đã hoàn tất từ thời Trương Quang Đản), và trọn vẹn những năm biên soạn đệ lục kỉ (2 tập 37 – 38).

Dẫu sao đi nữa, như đã trình bày: Trước tư liệu gốc (tương tự như bằng chứng có giá trị pháp lí) và nhân chứng lịch sử (nhân chứng đồng thời, đồng sự, đồng triều… , kể cả hoàng tộc ), bất kì ai cũng phải cúi đầu thừa nhận sự thật lịch sử, huống nữa sử quan ý thức họ phải lưu danh lại trên những trang sử cho hậu thế! Và trên tất cả, ấy là tinh thần yêu nước, ý thức sử học bất vị thân của Thành Thái. Chúng tôi muốn khẳng định rõ điều này một lần nữa.

 

(3). Phương thức biên soạn tập thể đúng nghĩa: Không phải mỗi người trong ban biên soạn phụ trách một phần rồi đem ghép lại thành một bộ sách hoặc một cuốn sách, mà các tư liệu, chi tiết sự kiện, diễn biến lịch sử, hành trạng nhân vật lịch sử, kể cả nhận định, bình giá đều phải được tập thể cân nhắc, lấy ý kiến chung rồi phân công người chấp bút, sau đó tập thể biên tập lại. Hơn nữa, còn phải xuất bản để trưng cầu công luận bằng nhiều hình thức công khai, gồm việc lấy ý kiến nhân chứng còn sống (trong điều kiện bấy giờ)… Tập thể sử quan thường là vài chục người trở lên (xem danh sách ở cuối phần mở đầu mỗi kỉ).

 

(4). Ngoài ra, Quốc sử quán triều Nguyễn còn ghi tên họ thật, phẩm hàm của các viên thu chưởng, đằng tả, bút thiếp thức, đằng lục… (rất tiếc là còn thiếu quê quán; xem thêm: Quốc triều hương khoa lục).

 

(5). Trong ngày lễ hội hằng năm của Trường nữ Trung học đệ nhất và đệ nhị cấp Đồng Khánh tại Huế, trước 1975, các giáo sư, nữ sinh chỉ kỉ niệm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng!

 

 

2. CƯỚC CHÚ bài CÁCH VIẾT SỬ THEO TIÊU CHÍ NGƯỢC Ở ĐẠI NAM THỰC LỤC CHÍNH BIÊN KỈ ĐỆ LỤC VÀ CÁCH VIẾT SỬ XUYÊN TẠC BẰNG SỰ ĐẢO NGƯỢC SỰ THẬT LỊCH SỬ Ở MỘT VÀI TRANG TRONG VIỆT NAM VONG QUỐC SỬ

 

 

[1] Đại Nam thực lục, chính biên (ĐNTL.CB.), tập 36, Nxb. KHXH., 1976, tr. 15. (Kỉ đệ ngũ: triều đình vẫn còn chủ quyền, độc lập).

[2] ĐNTL.CB., tập 37, Nxb. KHXH., 1977, tr. 15 – 16. (Kỉ đệ lục: bị “bảo hộ”, triều đình hoàn toàn mất chủ quyền).

 

[3] ĐNTL.CB., tập 36, Nxb. KHXH., 1976, tr. 63 – 64.

Các chữ trong các dấu ngoặc đơn ở đoạn trích trên là đúng như nguyên văn.

[4] Xem tờ tâu của Quốc sử quán, Đại Nam thực lục, chính biên (ĐNTL.CB.), tập 37, sđd., tr. 8.

[5] ĐNTL.CB., tập 36, sđd., tr. 5 và tr. 13.

[6] Yoshiharu Tsuboi, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, UB. KHXH. Thành ủy  TP.HCM., 1990, tr. 12.

[7] Xem: Nhiều tác giả, Đại cương lịch sử Việt Nam (toàn tập), Nxb. Giáo dục, 2001, tr. 506 – 507.

[8] ĐNTL.CB., tập 31, Nxb. KHXH., 1974, tr. 262 – 263.

 

TXA.

 

 

 

(  xem tiếp : bài 5  )

 

E-mail: tranxuanan_vn@yahoo.com

Cập nhật 07/01/09                                                                    Trở về trang chủ

                                                                 

____________________________________________________________________________________

 

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

 01-5 HB7 (2007) = 15-3 Đinh hợi HB7