Trần Xuân An - truyện 5 - Biểu tượng Suối Hương (Đạ Hương)

BIỂU TƯỢNG SUỐI HƯƠNG

Chương V (truyện ngắn 5)

Trần Xuân An

 

1

 

Trời chưa sáng và sương còn giăng mờ, Đình và Hoan đã nói lời tạm biệt ba giáo viên vẫn đang ở lại. Bước chân ra khỏi ngõ, họ quay mặt lui để vẫy tay chào. Buổi chia tay với học sinh, trong lớp học lúc gần trưa hôm qua, với anh em, người quen biết, tại nhà tập thể vào tối vừa rồi, cảm động, giản dị và trọn vẹn. Đình cũng như Hoan đã hoàn tất chương trình các bộ môn mình phụ trách trước ngày tổng kết năm học, do phải dạy bù lấp nhiều tiết trống của Sương, vì Sương phải nằm bệnh viện Đạ Công khá dài ngày. Cả hai được về trường chính sớm hơn mười lăm hôm. Về sớm, cũng để lo một ít việc nhỏ cho đợt phép hè của Phân hiệu.

Ba lô, xách tay vẫn như hôm mới vào, hai người bạn bước về phía ngã rẽ, hướng ra dốc “Mạ ơi!”, nơi từ lâu lẽ ra đã được gọi là cổng làng thay vì cổng rừng. Họ phải đi đường bộ, vì ca nô đường thuỷ đã hết xăng dầu! Trong sương mờ, họ nhận ra chốt gác của du kích. Bên cạnh vọng gác là ba người dân Suối Hương, hai người đàn bà đã luống tuổi và một cô gái.

Đến nơi, Đình mới nhận ra trong một thoáng sững sờ: Nếp Hương! Cô gái có nụ cười tươi tắn nhất trên thế gian này mà Đình được gặp! Đây là lần thứ hai Đình nhìn thấy nụ cười tươi tắn trên môi Nếp Hương! Dĩ nhiên, Đình bị hút hồn, nhưng anh vội trấn tĩnh được.

Sau vài lời chào hỏi, mới biết Nếp Hương cùng hai người đàn bà kia cũng sẽ đi bộ ra Đạ Tẻh để tiếp tục đi xe ra Mađagui, nhưng vì trời còn quá sớm, nên cũng như lệ thường, họ đứng ở vọng gác để chờ thêm người đồng hành cho vui đường đi.

Người thanh niên xung kích nay là du kích bắt tay Đình và Hoan, với lời chào, hẹn ngày gặp lại hai thầy giáo.

- Năm người rồi, hai o và Nếp Hương coi đã bắt đầu đi được chưa? – Đình nói –.

- Đi sớm cho mát. Thôi, rứa thì năm bà con mình cùng đi cho vui. – Người đàn bà tóc hơi chớm bạc nói với nụ cười –.

Dốc “Mạ ơi!” đã ở phía trước mặt. Thật ra dốc cũng không đứng lắm, mà thoai thoải, nhưng dài và khá cao, nghe đâu chừng đỉnh dốc ở cao độ 200 mét. Đường lên dốc đã được mở rộng, phong quang, chứ không phải rậm rịt cây cối, chằng chịt dây mây, tua tủa lẫn mai phục gai góc và đầy sên vắt...

Bước đi bên cạnh Nếp Hương, anh nhận ra hôm nay cô gái ấy mặc chiếc áo thun dài tay, cổ trái tim, màu hồng, đã cũ và hợp với chiếc quần vải jean nội hoá đã bạc màu, cùng đôi giày ba ta xanh thường thấy ở công nhân. Đình vừa bước vừa hỏi chuyện:

- Hôm nay Nếp Hương ra Mađagui có việc chi? Chắc là đi thăm bạn bè?

- Dạ, không. Có chút việc ở Uỷ ban huyện. – Nếp Hương mỉm cười, trả lời –. Nhưng... em đã nói rồi, tên em chỉ là Nếp thôi. Thầy Thừa cũng như nhiều người cứ gọi như rứa, nghe ngài ngại...

Bước chân lên dốc, khiến gương mặt Nếp Hương hồng lên dưới ánh sáng hừng đông vẫn còn dịu sương.

- Có chi mà ngài ngại. Nếp Hương, nghe hay chứ!

- Tại vì... tên thật là Nếp thì chỉ là Nếp thôi.

- Ba mạ khiêm tốn, mộc mạc và chắc Nếp cũng thích như rứa. Nhưng cho phép tôi cứ gọi là Nếp Hương. – Đình nói –. Người khác như thế nào không biết, nhưng tính tôi hơi đa đoan, nên nhiều khi nghĩ là ở đất Suối Hương mình đây vừa có Nước Mắt vừa có Nụ Cười. Nếp Hương là Nụ Cười và Dạ Hương là Nước Mắt.

Nếp Hương đứng sững lại, mở to mắt:

- Trời đất! Chắc Nếp phải khóc, kêu “Mạ ơi!” ở ngay dốc này! Nếp sợ lắm! Thầy Đình có biết Dạ Hương là ai không?

- Xin lỗi Nếp! Thôi, không có chi mô! Đó là do tính tôi hay đa đoan rứa thôi! Nghĩ cái chi, sự thể chi, cũng luôn nghĩ đến khía cạnh này, khía cạnh kia, mặt này, mặt nọ. – Và Đình biết mình đã trót lỡ gợi ra, không thể dừng lại, nín lặng được, nên đành nói thêm –. Đất Suối Hương mình đây là một thực thể, một hiện thực, nên dĩ nhiên phải có mặt lạc quan, mặt bi quan. Nếp Hương là biểu tượng của mặt lạc quan, tươi tắn, là mặt sức sống. – Đình bối rối giải thích, kẻo sợ Nếp Hương buồn lòng, giận dỗi, và anh nhìn thấy những người cùng đi đã vượt lên dăm bước chân, nên nói tiếp –. Mình cùng đi...

Cả hai lại đi song song với nhau. Nếp Hương nói:

- Thật ra, mỗi một người cũng đều có cả Nước Mắt lẫn Nụ Cười...

Bị mạch chuyện đưa đẩy, không thể khác được nữa rồi, Đình đành phải dài dòng:

- Nhưng Dạ Hương là một cô thanh niên xung kích đã thành điển hình của lòng tự trọng, tự ái thường thấy của con người, tuy quá nông nổi. Xin nói ngay để Nếp đừng hiểu lầm. Theo tôi biết, nhờ được nhiều người ở đây kể lại, cô gái có tên Dạ Hương đã quyên sinh bằng thuốc sốt rét Chloroquine, vì bị xúc phạm bởi một anh nào đó, không phải Đóng, vốn làm đại đội trưởng: Anh ta la mắng, ngỡ rằng Dạ Hương không bị bệnh, mà do lười biếng, thèm gạo, nên giả vờ bệnh để được nghỉ lao động, được hưởng tiêu chuẩn bồi dưỡng người ốm là cháo gạo! Trời đất ơi! Thật quá tội nghiệp! Với mọi người, hẳn ai cũng đều xem đó là sự xúc phạm, còn cái chết của Dạ Hương, một phần do tâm tính dễ tủi buồn, yếu đuối, dại dột của cô ấy, là cái chết tiêu cực, nông nổi, và là chuyện đã rồi. Tuy vậy, dẫu sao cái chết của Dạ Hương cũng là cả một biểu tượng bi kịch giữa một thời quá đói khổ, cực nhọc... – Đình hơi lặng người bởi điều mình vừa nói, rồi sau một thoáng ngập ngừng, anh lại nói tiếp –. Vì thế, trời đất Suối Hương ni không thể không có cô gái Nếp Hương, biểu tượng của niềm lạc quan, sự lạc quan của lòng nhẫn nại, nỗi thiệt thòi, cảnh cơ khổ, biểu tượng của nghị lực sống mãnh liệt, sức sống không chịu lụi tàn, khô héo, mãi vươn lên...

Đình cảm thấy hơi ngượng vì phải dài dòng như thế, nhưng anh không thể không nói, vì chẳng thà chịu tiếng dài dòng không đúng lúc còn hơn bị Nếp Hương ngộ nhận.

- Ở đây có Dốc “Mạ ơi!”, biểu tượng của thương yêu, che chở, có Đồi Dạ Hương, biểu tượng của nước mắt, tủi buồn, nên cũng phải có Đỉnh Nếp Hương, biểu tượng của lạc quan, sức sống... – Đình nói, cảm thấy nhẹ lòng và tin rằng Nếp Hương sẽ không phiền lòng vì anh dám gàn dở, đặt mối liên hệ giữa cô với cô thanh niên xung kích tội nghiệp, vừa đáng thương vừa đáng trách và đã chết kia –.

Bước chân lên dốc khiến cả hai thở hơi gấp. Họ im lặng, ngẫm nghĩ và vẫn bước theo Hoan cùng hai người đàn bà luống tuổi trước mặt.

Nếp Hương chừng như bước hơi chậm lại, nói khẽ khàng vì ngại bị nghe thấy:

- Nếp làm chi mà xứng đáng được như rứa...

- Đất trời Suối Hương ni thiêng liêng, nên đã chọn lựa và hun đúc Nếp Hương như rứa rồi. Nếp Hương phải cố gắng cho đến khi già nua, trắng tóc vẫn mãi mãi là biểu tượng tươi tắn, sáng ngời...

- Trời đất! Nếp có biết chi mô! Cứ sống tự nhiên như rứa, chứ có gắng gỏi chi mô!

Đình nói như trong một cơn mê sáng tạo:

- Tôi ước ao ở đất Suối Hương mình sẽ có ba tượng đài của ba biểu tượng đó.

Nếp Hương bỗng cười thành tiếng, tiếng cười trong trẻo, tươi vui, và như che lấp nỗi thẹn thùng.

Ánh nắng sớm mai đã loé qua những cành tre tươi xanh trên đỉnh dốc. Đình ngước mắt nhìn lên và vẫn bước bên cạnh Nếp Hương.

- Nếp Hương đừng gọi tôi là thầy Đình nữa. Cứ gọi cách khác cho thân mật.

- Em cứ gọi nguyên cả tên, thầy Đình, chứ đâu có gọi là thầy không đâu, nên vẫn thân tình mà! Nếu chỉ gọi thầy không thôi, em sẽ phải đi sau thầy một bước, như ở Huế vẫn rứa, để tỏ sự kính trọng, có cách biệt. Em đang đi ngang hàng với thầy Đình mà!

Đình định nói anh cũng chỉ nhiều hơn Nếp Hương vài tuổi, không khéo bằng tuổi cũng nên, vì cô ấy vào Trường Cán sự y tế Huế trước Ngày Thống nhất, tốt nghiệp sau Ngày Thống nhất khoảng vài ba năm, khi tên trường đã đổi thành Trường Cán bộ y tế Huế. Nhưng thôi thì, con gái bao giờ cũng tự chịu nhỏ tuổi hơn một chút, mới là con gái, như xưa nay vẫn thế, thể hiện qua cách xưng hô nghìn đời, muôn thuở. Nghĩ vậy, nên Đình chỉ mỉm cười, vẫn đưa chân bước, sánh vai với Nếp Hương.

 Trên đỉnh dốc “Mạ ơi!”, ba người đi trước đã dừng lại, nghỉ chân. Nếp Hương và Đình sau dăm phút cũng lên đến nơi. Ai cũng thở gấp, mồ hôi ướt đẫm.

Hoan mỉm cười:

- Đình và cô Nếp Hương đã mỏi chân chưa? Còn xa lắm đó, phải không?

Hai bên tóc mai đã có những giọt mồ hôi, lưng áo thun màu hồng đã ướt, nhưng Nếp Hương cũng mỉm cười:

- Đường này em cũng đã đi nhiều lần. Từ đây ra Đạ Tẻh còn khoảng sáu đến bảy cây số nữa.

Người đàn bà mặc áo màu tím nhạt nói:

- Mong đến Đạ Tẻh không phải đợi xe khách quá lâu.

Nhìn lại phần dốc đã vượt qua, thấy vẫn còn ướt sương và khuất nắng, trong khi phía dốc xuống, nắng vàng tươi buổi sáng sớm đã ngập tràn. Gió trên đỉnh dốc, tuy có cây cối hai bên, vẫn thổi mát rười rượi.

- Thôi, nghỉ chừng đó được rồi. Năm bà con mình tiếp tục đi. Thà đến sớm mà chờ xe còn hơn là trễ xe. – Vừa nói, người đàn bà tóc chớm bạc vừa đội lại chiếc nón lá, rồi cất bước –.

Cả nhóm người cùng xuống dốc. Dốc xuống cũng thoai thoải, đi đỡ mất sức hơn nhiều. Một chốc, Đình và Nếp Hương lại đi sau ba người kia. Hoan thỉnh thoảng quay lại, mỉm cười, nhìn Đình và Nếp Hương đang vừa đi vừa trò chuyện.

Đình nói với cô gái có “nụ cười tươi tắn”:

- Khi hồi, Nếp Hương có nói “mỗi một người cũng đều có cả Nước Mắt lẫn Nụ Cười...”. Tôi chưa thấy nước mắt của Nếp Hương. Nhưng bây chừ phải nói thêm là ai cũng có Nước Mắt, Nụ Cười và cả Mồ Hôi.

- Cười, và đổ mồ hôi, sôi nước mắt. Trong hai chữ “Mạ ơi!” cũng đã có mồ hôi lẫn nước mắt của thanh niên xung kích, khi họ vừa vượt dốc này, vừa phát cây, xẻ lối, vừa bắt sên vắt. Khóc, đã đành rồi. Nhưng trời mưa mà vẫn đổ mồ hôi!

- Tôi thấy nụ cười của Nếp Hương lúc nào cũng tươi tắn, lạc quan. Rứa Nếp Hương có bao giờ phải khóc không, trong thời gian vào vùng KTM. này?

- Trước khi vào, cũng đã khóc, sau khi vào, cũng đã khóc. Nhưng rồi quen đi, và lấy bất kì niềm vui nhỏ nhặt, lớn lao nào chung quanh để đẩy lùi nỗi buồn, cả nỗi đau nữa.

- Tôi biết Nếp Hương không được bổ nhiệm, sau khi tốt nghiệp Trường Cán sự y tế Huế?

Nếp Hương im lặng một lúc, rồi nói:

- Đó là nỗi đau của Nếp đó. Cũng như thầy Thừa, cô Phin thuộc Phân hiệu...

Đình nói với giọng chia sẻ:

- Nhưng sao Nếp Hương vẫn vui được? Điều lạ lùng là ở đó.

- Vì răng thầy Đình có biết không? Vì lúc còn nhỏ, Nếp học lịch sử, một cô giáo rất quý mến Nếp có nói, lịch sử Đàng Trong mình chủ yếu là lịch sử khai hoang lập ấp, lập đồn điền. Nếp chỉ nghĩ giản dị là Nếp với gia đình mạ Nếp cũng đang mở mang đất đai canh tác cho non sông bờ cõi.

- Nhưng thiệt thòi quá lớn, nhất là Nếp Hương không được phục vụ đúng ngành nghề đã học. Cùng lớp với Nếp Hương, nhiều người hẳn đã và đang ở Huế, quần áo trắng, mũ trắng, giày trắng, làm việc trong bệnh viện. Sự thật là Nếp Hương đã bị phân biệt đối xử.

- Nhưng biết làm sao được. Cố nghĩ về điều vui để vui thôi. Nếp vẫn tin vào ngày mai, vì bất kì cái gì cũng phải phát triển theo quy luật, lẽ phải. Chỉ sợ thời gian quá dài đó thôi! Và bây giờ đã có những tín hiệu đáng mừng.

Đình sực nhớ đến anh Cửu cùng những lập luận và ước vọng của anh ấy.

Nếp Hương nói tiếp:

- Thầy Đình biết không, em cũng suy tư nhiều về thời gian lắm. Nhà em ở bên bờ sông Đạ Dưng. Có một ông cụ thừa một số phao nhựa thường gắn ở lưới đánh cá, còn để dành, chưa dùng hết. Em đã xin dăm ba chục cái. Bù lại, em hứa sẽ may áo quần cho gia đình ông mà không lấy tiền. Em lấy mũi dao khắc trên phao nhựa hai chữ Suối Hương và mấy chữ ngày... tháng... năm... Rồi em đã thả xuống dòng sông Đạ Dưng mỗi đêm tròn trăng một cái, với số ngày tháng năm dương lịch theo từng con trăng đó, mặc cho những chiếc phao ấy trôi về đâu thì trôi.

- Trôi vô định?

- Trôi hết dòng sông Đồng Nai rồi ra cửa biển Cần Giờ, trôi tận Biển Đông... Cũng là vô định thật. Nếu có ai nhặt được, cũng không hiểu điều gì ở dòng chữ “Suối Hương, ngày... tháng... năm...” cả. Có lẽ người ta nghĩ đó là dòng chữ khắc để nhớ ngày sắm được tay lưới.

- Rứa với Nếp Hương, những chữ đó thật sự ẩn chứa nội dung gì?

- Có thể nói là không có nội dung gì cả, thầy Đình à! Vì tuyệt đối vỏn vẹn chỉ là “một lần trăng tròn nữa trôi qua”! Nhưng cũng chỉ một mình Nếp tự hiểu như rứa thôi. Thầy Đình nghĩ như rứa thì Nếp có buồn không?

Đình nói với niềm đồng cảm:

- Suy tư về thời gian thường là buồn, vì chúng ta không còn là trẻ con khắc dấu vào cột nhà, vách tường để đo chiều cao hay chờ Tết đến. Vả lại, thả trôi vô định như rứa thì chắc không vui rồi. Thời gian vô định thì phí hoài chăng? Đúng là nếu được làm việc phù hợp nhất với ngành nghề đã học thì cống hiến sẽ cao nhất, tốt nhất. Nếu không, rõ là phí hoài thật, chứ chẳng lẽ không!

Ba người đi phía trước cũng vừa đi vừa chuyện trò cho vui đường đi, quên nỗi đường dài. Hai người đi sau vẫn như thế, chuyện trò quên cả nắng trên đầu và bụi dưới chân. Đường vắng, không một chiếc xe nào chạy qua.

Nếp Hương cũng muốn nói thêm, rằng thầy Đình có hiểu không, nỗi niềm về thời gian đối với con gái nói chung trên đời này còn là nỗi âu lo tuổi trẻ chóng qua, nhan sắc mau tàn phai nữa. Nhưng Nếp Hương im lặng, chân cứ bước tiếp.

- Có như rứa “nụ cười tươi tắn” của Nếp Hương mới là nụ cười của con người, con người có nghị lực, có chiều sâu nội tâm, biết lấy niềm vui làm lẽ sống, hiểu lịch sử đất nước, hiểu quy luật khách quan và chân lí qua thước đo thực tiễn, tin vào sự tất thắng của lẽ phải, thứ lẽ phải trong tâm thức chung của dân tộc, của nhân loại, chứ “nụ cười tươi tắn” không phải của gỗ đá vô hồn, vô tri... Nếu tạc bằng gỗ đá thì nghệ sĩ điêu khắc cũng phải thấu hiểu và thể hiện được chiều sâu ấy.

- Thầy Đình cứ nói đùa! Có mô mà to tát, sâu xa đến như rứa!

Đình im lặng bước. Anh cứ ngẫm nghĩ về những điều Nếp Hương vừa hồn nhiên thể hiện trong cuộc chuyện trò này.

Họ đã xuống hết dốc “Mạ ơi!”, cùng bước tiếp trên những cây số đường dài còn lại. Nắng đã chói chang, nhưng cũng nhờ đồng không mông quạnh, nên gió lồng lộng thổi. Dẫu vậy, cả năm người đều ướt đẫm lưng áo và lóng lánh mồ hôi trên mỗi vầng trán. Dưới chiếc mũ rộng vành, gương mặt Nếp Hương ửng hồng.

 

Trong câu chuyện, đôi khi Đình cũng muốn nhắc về Huế, nhưng lại nghĩ, nhắc đến thành phố quê hương đầy ắp kỉ niệm ấu thơ, thời học sinh, sinh viên, chỉ khiến chân Nếp Hương, và cả chân anh nữa, chùn bước. Anh cũng muốn hỏi thêm đôi chi tiết về cuộc đời Nếp Hương, nhưng cảm thấy thật bất tiện, vì dù sao, đây cũng chỉ mới là cuộc chuyện trò đầu tiên giữa hai người, nếu không kể vài câu thăm hỏi vu vơ lúc Đình mới vào đất Suối Hương, được gặp cô ở cửa hàng hợp tác xã mua bán.

Nhưng rồi câu chuyện cứ đưa đẩy đến lúc Đình phải hỏi như tình cờ:

- Nếp Hương ra Uỷ ban huyện hôm nay có việc gì quan trọng không?

- Đây là lần đầu tiên Nếp ra đó. – Nếp Hương cười, quay sang Đình –. Thầy Đình có biết vì sao Nếp phải ra đó không?

Đình sực nhớ đến cuộc biểu tình thể hiện nguyện vọng, khá chấn động, với hình thức hiền lành, quá hiền lành, người Suối Hương thường gọi là vụ “hoan hô” đó, nhưng anh cũng ngập ngừng, rồi quyết định không hỏi Nếp Hương có tham dự vào vụ đó hay không, và đến nay, cô có bị phiền hà gì không.

- Không, mong là không có chuyện gì nghiêm trọng. – Đình nói –.

- Rất quan trọng, rất nghiêm trọng! – Nếp Hương bật cười, lặp lại hai từ Đình mới sử dụng –. Nhưng cũng rất chi là bình thường thôi! Nếp đã có giấy thông báo từ Ban Tổ chức huyện là đã được tuyển dụng vào làm đúng ngành nghề chuyên môn ở Bệnh viện huyện Đạ Huoai!

- Tin vui, đó là tin quá vui chứ đâu phải đùa!

Và ngay lập tức, Đình nói lớn cho Hoan đang đi phía trước, cách dăm bước chân, được nghe:

- Hoan ơi, cô Nếp Hương đã được tuyển dụng đúng ngành nghề rồi!

Hai người đàn bà luống tuổi và Hoan đều cùng quay mặt lại. Hình như trong hai người cùng đi với Suối Hương lúc sáng sớm, một người đã biết, còn người kia bây giờ mới rõ:

- Trời đất ơi! Tin đáng mừng như rứa mà lặng im, kín bi kín bít!

Hoan cười, nụ cười chia sẻ, nhìn Nếp Hương:

- Xin chúc mừng Nếp Hương!

Nếp Hương cảm ơn những lời chúc.

Lúc đó, nắng vẫn chói chang và gió vẫn lồng lộng thổi. Còn một đỗi đường nữa mới đến Đạ Tẻh.

Khi lại cùng Đình đi sau ba người kia, Nếp Hương nói khẽ:

- Rứa mà em cứ tưởng là Suối Hương sẽ được tự quản, và trạm xá y tế sẽ thành bệnh viện, như nay mai sẽ có trường phổ thông trung học.

Ngẫm nghĩ trong một thoáng, Đình nói:

- Như vậy là rõ rồi đó, Nếp Hương! Suối Hương chỉ là một xã như các xã khác của huyện Đạ Huoai mà thôi. Trường phổ thông trung học và bệnh viện huyện rồi sẽ đóng tại huyện lị như các huyện khác. Nếu sang năm học mới, tôi không phải điều chuyển đi huyện khác, thì chắc hẳn tôi cũng dạy học tại Mađagui, cũng như Nếp Hương sẽ làm việc ở đó.

Lúc ấy, cũng khoảng gần mười giờ trưa. Nắng vẫn chói chang và gió vẫn lồng lộng thổi. Cả hai người đều cảm thấy bâng khuâng, buồn xen lẫn vui, vì vẫn rất thương vùng KTM. Suối Hương. Có một quãng lặng bâng khuâng kéo dài giữa họ, mặc dù chân vẫn bước.

Đến Đạ Tẻh, dẫu sao, cả năm người đều mừng rỡ khi thấy chiếc xe khách cũ mèm, tróc sơn vẫn đang đậu – chiếc xe độc nhất. Trên xe đã có khoảng mươi hành khách. Họ cùng nhau lên xe, tìm chỗ cất hành lí và để mặc cho hơi nóng từ mái xe dội xuống. May là gió nơi bến xe Đạ Tẻh này cũng lồng lộng không kém. Đình đảo mắt tìm hướng xuống bến ca nô, nơi tháng mười năm ngoái, anh và Hoan không ngờ cô gái đội nón lá, quai nón che kín hơn nửa khuôn mặt, mặc áo bảo hộ thùng thình rộng, cùng đi chuyến ca nô trưa hôm ấy, lại chính là Nếp Hương! Bây giờ, Nếp Hương đang ngồi bên cạnh anh!

Trên chuyến xe trưa hôm đó, họ cũng chẳng nói gì nhiều với nhau, vì hành khách chung quanh là những người lạ và vì xe dằn xóc trên con đường lồi lõm đất đá. Đình trôi theo ý nghĩ, mãi cho đến bây giờ, Nếp Hương mới có điều kiện để phục vụ Suối Hương cùng các xã khác đúng với chuyên môn. Đình cứ hình dung Nếp Hương đội mũ trắng, mặc áo quần trắng y tế, trong một bệnh viện chắc hẳn được làm bằng gỗ và lợp tôn của huyện mới Đạ Huoai, với niềm vui, nỗi mừng cho một cô gái xinh đẹp, phúc hậu, dáng hình thon tròn, đài các, đặc biệt có “nụ cười tươi tắn” nhất thế gian, tuy số phận không được may mắn lắm, nhưng tuyệt vời và sâu sắc niềm lạc quan. Anh tự hỏi, không biết đã bao lần trăng tròn, bao chiếc phao nhựa có khắc dòng chữ “Suối Hương, ngày... tháng... năm...” đã được thả theo dòng sông Đồng Nai, trôi từ quãng thượng nguồn cạnh Suối Hương về đến Biên Hoà, TP. Hồ Chí Minh, Cần Giờ...

Đến bến xe Mađagui, Đình thấy Đóng đã đứng đó. Đóng chạy đến, nói với Nếp Hương:

- Anh chờ Nếp Hương từ hôm qua, mãi đến chừ Nếp Hương mới ra đến đây.

Nếp Hương đỏ mặt:

- Trời đất! Ai bảo anh chờ đón làm chi! Đừng nói đùa mà như thật rứa, thiên hạ họ cười Nếp và cả anh chừ!

Đình và Hoan chào Đóng. Khi đã xuống xe tất cả rồi, sau một lúc tần ngần, họ nói lời cảm ơn hai người đàn bà đồng hành luống tuổi, cảm ơn Nếp Hương, và xin chào tạm biệt, không quên chúc mừng Nếp Hương đã bước sang giai đoạn mới trong cuộc đời của cô, một nữ y sĩ của Bệnh viện Đạ Huoai. Riêng Đình, anh cảm thấy mình không lẽ lại giữ chân Nếp Hương, để mời cô vào một quán nước hoặc một quán cơm bên đường, trong khi Đóng nhìn Đình với cái nhìn ẩn chứa trong đó nhiều câu nói mà Đóng chưa tiện nói ngay lúc này. Đình đang phân vân. Hoan để mặc cho bạn tự quyết định.

Đóng bước đến cạnh Đình, bắt tay anh, rồi ôm chặt lấy anh, như một cách bày tỏ tình cảm khi sắp chia tay, nhưng để nói khẽ vào tai Đình: “Nếp Hương là của Đóng, Đình à!”. Đình nghẹn ngào, nhưng cũng kịp gật gật đầu với Đóng, và nói: “Mình hiểu rồi”.

Thế là suốt mãi ba mươi hai năm sau, Đình không một lần nào gửi thư hay tìm gặp Nếp Hương, vì Đóng. Đình thương Đóng và quý Đóng, cho dù Đóng có những điều nào đó đáng trách. Vả lại, Nếp Hương đã là biểu tượng của vùng đất Suối Hương, lẽ nào cô lìa bỏ! Hơn nữa, không biết Nếp Hương nghĩ ngợi thế nào, có thể Đình không phải là người cô muốn trao lòng yêu dấu chăng? Hay cô gái có nụ cười tươi tắn nhất thế gian đó, bởi lí do gì bên ngoài cô, nên cũng không một lần tìm cách liên lạc với Đình. Chắc chắn cô đã biết Đình được điều chuyển lên dạy ở Đạ Nông trong niên khoá mới, 1980-1981, nhưng không một lần nào cô viết thư cho anh.

Thật ra, trong thời gian ba năm sau, Đình vẫn còn hỏi thăm về Nếp Hương, qua Huế, Thừa, Sương, những người bạn cùng giảng dạy ở Phân hiệu Đạ Công tại Suối Hương năm đó, kể cả khi Phân hiệu đã thành Trường Phổ thông trung học Đạ Huoai tại Mađagui, vào những dịp gặp nhau như cùng đi làm giám thị hoặc giám khảo trong các kì thi tuyển sinh, tốt nghiệp. Cả ba người đều bảo, Đóng vẫn còn đeo đuổi Nếp Hương và Nếp Hương vẫn quý mến Đóng. Đình phải nghẹn ngào cố quên Nếp Hương.

 

2

 

1980, ba mươi hai năm sau: 2012.

Đình đã là người bước vào tuổi năm mươi sáu, sắp sửa về già.

Ông Đình không ngờ một trong những chiếc phao nhựa mang ý nghĩa thời gian vô định, trong thời đã xa, quá chừng xa, Nếp Hương đã thả trên khúc sông Đạ Dưng thuộc thượng nguồn sông Đồng Nai ở Suối Hương, mỗi đêm tròn trăng một chiếc, đã trở thành cơ duyên cho đứa con gái út của chính Nếp Hương và của Đóng. Ông đang ngồi nghe chàng trai tên Thuyền, con rể của hai người bạn ấy, kể lại cơ duyên của chính vợ chồng Thuyền, trong phòng khách nhà ông.

- Dạ vâng, thật như vậy đó, thưa chú. Cháu nghĩ chẳng qua là cơ duyên, nên cháu mới nhặt được một trong những cái phao nhựa đó, trúng ngay cái phao có dòng chữ “Suối Hương, ngày 17 tháng 10 năm 1978” (tức là ngày 16 tròn trăng của tháng 9 năm Mậu ngọ), trong chuyến đi khảo sát đường thuỷ ngược dòng sông Đồng Nai vào năm kia, lúc cháu đã hai mươi sáu tuổi... – Thuyền nói xen kẽ –. Dạ, cháu được sinh vào năm 1984... Cháu kể tiếp về cái phao năm 1978 ấy, cái phao được thả xuôi sông trước khi cháu ra đời đến sáu năm... – Thuyền lại kể –. Cái phao ấy tấp vào bờ sông đã lâu lắm rồi! Cháu cũng chẳng hiểu dòng chữ ấy có ý nghĩa gì, chỉ thấy ngồ ngộ, nên cất giữ làm kỉ niệm. – Thuyền mỉm cười nhớ lại –. Sau đó, trong một dịp đi du lịch với nhóm bạn, từ TP. Hồ Chí Minh lên Mađagui, cháu có hỏi thăm đường vào Suối Hương, cái địa danh cháu biết được từ cái phao nhựa ấy. Lúc cháu chìa cái phao nhựa ra, một người phụ nữ ở độ tuổi bằng tuổi má cháu, cầm chặt lấy, rồi bất giác, bà ấy cười rạng rỡ và rưng rưng nước mắt. Hỏi ra, mới biết bà chính là người đã khắc dòng chữ “Suối Hương, ngày 17 tháng 10 năm 1978” và thả xuôi sông trong đêm trăng tròn đó. Bà bảo, đó là kỉ niệm của bà về một nỗi niềm đối với thời gian. – Thuyền nhìn vợ, đang ngồi bên cạnh anh, trước mặt ông Đình, anh mỉm cười –. Nhờ cái phao cùng chuyến đi du lịch đó, cháu mới quen được gia đình bà Nếp và ông Đóng, tức là ba mẹ bên vợ của cháu sau này, rồi quen với Thuỷ Dung, tức là Đạ Dưng (Đạ Dung), vợ cháu đây. Chúng cháu cũng tổ chức lễ cưới vào đúng ngày 16 tháng 9 nguyệt lịch năm ngoái.

Ông Đình cũng mỉm cười, mừng cho cả Thuyền lẫn Thuỷ Dung đã có được một cơ may, duyên lành đến thế. Ông lại nhớ đến hiệu sách tại Nhà Bè, một huyện thuộc TP. Hồ Chí Minh, nơi mà ở đó, cách đây hơn hai tháng, ông đã gặp Thuỷ Dung đang đứng bán hàng sách phụ mẹ chồng, và nhận ra Thuỷ Dung rất giống mẹ đẻ (cô gái tên Nếp Hương năm xưa), giống y như hai giọt nước.

Mời hai vợ chồng trẻ uống trà, ông Đình lại nói:

- Hai cháu biết không, sau lần gặp cháu Đạ Dung, – Ông Đình tỏ ra thích cái tên ấy –, được biết lai lịch cháu, chú nhớ kỉ niệm một năm dạy học ở vùng KTM. Suối Hương, nhớ quá chừng quá đỗi. Và trong gần một tháng qua, chú đã viết lại mảng hồi ức về Suối Hương 1979-1980 thành một cuốn truyện vừa, gồm năm truyện ngắn liên hoàn, có nhan đề chung cho cả cuốn là “Bên kia dốc ‘Mạ ơi!’”. Cuốn truyện vừa này không dài lắm, chỉ độ hơn một trăm trang sách. Đặc biệt trong đó, truyện ngắn thứ năm có nhan đề riêng là “Biểu tượng Suối Hương” với nhân vật Nếp Hương. Nếp Hương là hình tượng được tập trung khắc hoạ ở truyện ngắn thứ năm ấy. Bao giờ đăng trên tạp chí nào đó, hay đến khi nào có điều kiện xuất bản thành sách, chú sẽ tặng hai cháu để đọc cho biết.

Thuỷ Dung ngẩng mặt hỏi ông Đình:

- Hồi đó, chú có quen thân với ba mạ cháu không?

- Chú có nhiều lần chuyện trò với bác Đóng, những khi bác ấy đến nhà tập thể Phân hiệu của các giáo viên bọn chú. Còn cô Nếp Hương, chú chỉ gặp ba lần. Lần đầu, trên một chuyến ca nô vào Suối Hương, nhưng vì còn xa lạ, không biết nhau... Lần thứ hai, nhờ người bạn cùng dạy học giới thiệu, khi tình cờ gặp trong một cửa hàng hợp tác xã, nhưng chỉ chào nhau vài câu. Lần thứ ba, đó là lúc chú và bác Hoan, bạn chú, đi bộ từ dốc “Mạ ơi!” ra Đạ Tẻh, rồi lên xe khách ra Mađagui, cũng tình cờ gặp cô Nếp Hương là người đi cùng đường, cùng lộ trình. – Ông Đình mỉm cười, hồi tưởng –. Để khi nào công bố được truyện ngắn thứ năm đó trên báo chí hay cả cuốn truyện vừa theo cách chú vừa nói, hai cháu đọc sẽ biết. Chẳng qua đó là kỉ niệm thời trẻ, thậm chí ít tuổi hơn tuổi của cháu Thuyền bây giờ.

Chuyện trò thêm một lúc, đôi vợ chồng trẻ xin cáo từ để về nhà.

- Chào chú, chào thím – Nhìn vợ ông Đình, họ cúi đầu chào thêm –.

- Hai cháu về... Từ Tân Bình này về đến Nhà Bè dễ chừng cũng khoảng bảy, tám cây số, chẳng ít đâu! Cẩn thận nghe! – Ông Đình nói –.

Tiễn họ ra khỏi cửa, đợi đến khi chiếc xe máy của họ chìm khuất vào dòng người xe trên đường, ông trở vào phòng khách, rồi lên phòng viết của mình trên tầng lầu, ngồi bâng khuâng trong hoài niệm.

Sau một lúc khá lâu, ông Đình ra phòng ngoài, mở cửa, bước ra ban công, nhìn xuống đường, rồi bâng quơ nhìn chếch về phía chợ Phạm Văn Hai. Đường đã vắng bớt. Chợ đã vắng hẳn người mua kẻ bán, chỉ còn dăm xe hàng rong trên lề đường phía trước.

Nhờ cơn mưa hồi chiều, đêm hôm nay trở nên dễ chịu. Tuy đã đứng ở ban công, ông Đình vẫn không thể nguôi quên kỉ niệm năm xưa, và thầm so sánh tuổi trẻ của Nếp Hương trong chuỗi dài những ngày tháng đó với tuổi trẻ của Đạ Dung, con gái út của chính Nếp Hương, trong thời đoạn hiện nay.

Không khí mát dịu của đêm, khá lâu sau đó, khiến ông Đình cảm thấy mình tỉnh lại, cần thoát ra khỏi thế giới hình tượng của truyện văn chương mà ông đang viết nốt vài trang cuối.

Truyện đành chấm dứt ở đây với niềm tiếc nuối khôn nguôi.

 

TP.HCM., 9: – 20:34 – 22:51, 26-9 HB12;

10:52, 27-9 & 6:56, 28-9 HB12

TXA.

 

 

Lời thưa cuối truyện ngắn thứ V

 

Tôi đang ngồi trước xấp bản thảo của mình, đọc lại những trang cuối. Tôi tự hỏi: Vì sao tôi lại tưởng tượng ra trên đoạn đường từ dốc “Mạ ơi!” đến Đạ Tẻh, lại có Nếp Hương và hai người đàn bà luống tuổi. Cảnh ở bến xe Mađagui nữa, tại sao tôi lại hư cấu nên như thế. Sự thật, chỉ có tôi và Hoan mà thôi, cùng với nắng chói chang, gió lồng lộng thổi, xe khách Đạ Tẻh xộc xệch chật người, bến xe huyện lị buồn tẻ, trong một buổi sáng tháng 5 năm 1980. Và tại sao tôi lại hư cấu cả đôi vợ chồng trẻ Thuyền - Thuỷ Dung (Đạ Dung) đến thăm, chuyện trò với tôi, tại phòng khách nhà tôi, trong một buổi tối tháng 9 năm 2012. Sự thật, không có đôi vợ chồng trẻ đó.

Để viết nên truyện ngắn thuộc lĩnh vực văn chương này (cũng gọi là tiểu thuyết đoản thiên), tôi cần có những nhân vật hư cấu ấy. Trong đó, ở mức độ hư cấu riêng biệt, quả thật, nhân vật mà tôi mất nhiều thì giờ để suy nghĩ, để gửi gắm là Nếp Hương, so với thực tế là không y hệt, hoàn toàn như hình tượng đã khắc hoạ. Đó chính là hình tượng được nhân cách hoá từ một biểu tượng: Nụ Cười, và tính cách hoá từ một cô gái Suối Hương thoáng gặp.

Nụ Cười là biểu tượng kết tinh từ niềm lạc quan sâu sắc và rất con người từ hiện thực có thật là Suối Hương. Như vậy, mặc dù Nếp Hương là nhân vật hư cấu theo nguyên tắc phản ánh hiện thực, gồm cả hiện thực tâm lí, nhưng biểu tượng Nụ Cười là có thật. Thậm chí, ít ra hình tượng Nếp Hương cũng thật sự có thật trong tâm tưởng, ước vọng của riêng tôi vào thuở bấy giờ, giữa một vùng rừng khai hoang lập ấp đầy đe doạ về bệnh sốt rét và vô vàn cơ khổ khác. Đây là một loại sự thật khác với loại sự thật như dốc “Mạ ơi!” và đồi Dạ Hương. Dốc “Mạ ơi!” với những chi tiết về thanh niên xung kích Huế vừa dũng cảm vượt dốc, xẻ lối, vừa hãi hùng sên vắt dưới bao trận mưa rừng xối xả là có thật trong thực tế. Đồi Dạ Hương với cái chết và nấm mộ, cùng nguyên nhân cái chết của cô gái thanh niên xung kích tên Dạ Hương là có thật trong thực tế.

Nếp Hương là một hình tượng nhân vật truyện văn chương, kết tinh từ hiện thực con người, vùng đất Suối Hương, mà tôi trực nhận được, rồi hình thành, khắc hoạ, từ nhiều tháng ngày suy ngẫm, trong một niên khoá dạy học ở đó, và mãi về sau này, khi đã rời xa Suối Hương.

Khác với hình tượng ấy, dốc “Mạ ơi!” và đồi Dạ Hương là hai sự tích, có thể gọi như thế, của thanh niên xung kích Huế, của nhân dân Suối Hương, đã diễn ra trước khi tôi về Suối Hương, mà tôi chỉ nghe kể lại, đồng thời trông thấy những chứng tích.

Xin được lưu ý như vậy, để thấu hiểu rằng, cho dù trong đời thực, nhân vật Nếp Hương không thật y nguyên như hình tượng nhân vật truyện văn chương, truyện ngắn này vẫn hoàn toàn chân thực. Truyện ngắn này vẫn hoàn toàn chân thực theo cách của tiểu thuyết (kể cả truyện ngắn – tiểu thuyết đoản thiên).

Truyện ngắn tập trung khắc hoạ hình tượng nhân vật Nếp Hương, một trong năm truyện ngắn liên hoàn, là thực thể vật chất, giấy và chữ, cũng như dốc “Mạ ơi!”, đồi Dạ Hương là thực thể vật chất, đất đá, cây cỏ và đường đi, nấm mộ... Cả ba thực thể vật chất đó đều chứa đựng nội dung ý nghĩa, phản ánh hiện thực của con người, vùng đất Suối Hương, 12-1977 – 5-1980, thuở mới khẩn hoang, khai canh, lập làng, dựng trường...

 

28-9 HB12

TXA.

 

Xem lại:

Lời thưa ngỏ

riêng về nguyên mẫu nhân vật và bối cảnh cụ thể

&

6) Phụ lục: Thơ TXA. về Hương Lâm (Đạ Hương)

Google Sites /  host

WORDPRESS, GOOGLE PAGE CREATOR, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE