Trần Xuân An - Khuynh hướng Phan Châu Trinh & khuynh hướng Hồ Chí Minh

KHUYNH HƯỚNG PHAN CHÂU TRINH

& KHUYNH HƯỚNG HỒ CHÍ MINH

Trần Xuân An

 

Hai ngày qua, tôi đã tự trách mình, sao lại viết bài vè chế giễu tất thảy các đảng phái chính trị, kể cả bộ phận tôn giáo làm chính trị, đồng thời cười cợt cả công lí của sử học:

Kẻ theo Pháp, kẻ theo Nga

Kẻ theo Tàu, có kẻ là Nhật nô

Kẻ theo cả Mỹ, ô hô

Khổ nhục kia, chẳng bao giờ nữa nghe!

(Vè thêm, vè vẻ vè ve

Làm cha đạo, chớ học nghề Việt gian!)

Có cân công – tội thì cân

Cái cân thủng dĩa, gãy cần từ lâu! 

Trong bài vè này, tôi cũng đã thể hiện niềm ao ước thay các thế hệ trẻ: “khổ nhục kia, chẳng bao giờ nữa nghe!”.

Ai cũng hiểu rằng sự thể khổ nhục bị cướp nước bởi thực dân Pháp (ban đầu Pháp liên minh với Tây Ban Nha) là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến khổ nhục “dựa vào ngoại bang” để cứu nước, giành độc lập cho dân tộc.

Chống Pháp nhưng bất đắc dĩ phải dựa vào Pháp để cải cách, canh tân đất nước cho đến khi dân trí cao, dân khí vững, thế nước đủ mạnh mới có thể đánh đuổi Pháp, là chủ trương của Phan Châu Trinh.

Phan Bội Châu tìm cách dựa vào Nhật Bản, phát động phong trào Đông Du. Rồi đến vài ba năm trước 1945, cũng có kẻ dựa vào Nhật phát-xít, như Trần Trọng Kim, Trương Tử Anh, một bộ phận Cao Đài…

Dựa vào Nga, vào Tàu (Cộng sản và Quốc dân đảng), nổi bật nhất vẫn là Hồ Chí Minh, Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh) (1)…

Ngô Đình Diệm dựa vào Mỹ, và trước đó, đã dựa vào Vatican, toàn tâm toàn ý phục vụ Tòa thánh tại La Mã (Rome) với đức tin đã thành cuồng tín của một tín đồ, và với mưu đồ gia đình trị…

Sơ lược một ít tên tuổi cùng với những khuynh hướng chính trị như trên để gút lại hai nhân vật tiểu biểu nhất cho hai khuynh hướng chính trị điển hình nhất trong công cuộc chống thực dân Pháp, giành lại độc lập dân tộc:

1) Phan Châu Trinh, dựa vào giặc Pháp để “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, nhằm mưu tính đánh đuổi Pháp về sau.

2) Hồ Chí Minh, dựa vào Nga cộng sản và Tàu cộng sản để đánh đuổi Pháp. Ban đầu, chỉ với chủ nghĩa dân tộc – quốc gia, có ý nguyện là sẽ tranh thủ và chuyển hướng được Quốc tế Cộng sản III vào mục tiêu chống thực dân hơn là đấu tranh giai cấp, nhưng rồi trong thế cuộc phân liệt tư bản – cộng sản trên toàn cầu, Hồ Chí Minh (Nguyễn Tất Thành) ngả hẳn về phía cộng sản.

Hai khuynh hướng tiêu biểu ấy có thể còn được phát triển trong giai đoạn sau, 1954-1975, thời đất nước bị chia cắt bởi hiệp định Genève 1954. Liên Xô (gồm Nga Xô và các nước phụ thuộc) và Trung Quốc cộng sản vẫn là chỗ dựa, tham mưu cố vấn cho Miền Bắc Việt Nam. Trong khi đó, ở Miền Nam Việt Nam, khuynh hướng dựa vào thực dân Pháp để xây dựng chính thể Quốc gia Việt Nam, cộng hòa, tư bản chủ nghĩa, chống cộng, trước 1954 vẫn tiếp tục phát triển trong giai đoạn sau, mặc dù từ 1956, Pháp không dính líu gì đến nữa. Điều đó có nghĩa là, từ 1955, Mỹ (và khối đồng minh các nước tư bản chủ nghĩa) ở Miền Nam cũng đóng vai trò tương tự Liên Xô, Trung Quốc tại Miền Bắc Việt Nam. Đại để, Miền Nam Việt Nam cũng tương tự Tây Đức, Hàn Quốc, Đài Loan. Có điều, do sự tấn công của Bắc Việt Nam, nên can thiệp Mỹ (không phải thực dân Mỹ) và đồng minh (như Hàn Quốc, Canada, Úc…) đã trực tiếp đổ quân tham chiến trực tiếp với mục đích chống cộng, bình định “phiến quân cộng sản”, bảo vệ Miền Nam Việt Nam.

Tuy nhiên, nếu khuynh hướng Hồ Chí Minh (nội hàm đã giới thuyết bên trên) vẫn còn được thực thi bởi chính Hồ Chí Minh và người kế tục là Lê Duẩn, tại Miền Bắc, thì tại Miền Nam, khuynh hướng Phan Châu Trinh (nội hàm đã xác định ở trên) không có nhân vật lịch sử nào là tiêu biểu và xứng đáng làm nhân vật lịch sử điển hình. Thật ra, khuynh hướng Phan Châu Trinh đã phát triển với nội hàm mới. Nói rõ hơn, Mỹ không phải thực dân, mà chỉ là nước đứng đầu khối tư bản tự do, đảm đương trách nhiệm chính trong công cuộc chống cộng, cụ thể là lập phòng tuyến chặn sự lan tràn “làn sóng đỏ” xuống Đông Nam Á. Ở Miền Nam, quân đội, công chức không những dựa vào Mỹ để xây dựng đất nước mà còn phải đồng thời chống cộng; xây dựng đất nước và chống cộng là vì chính thể Quốc gia Việt Nam (không còn quân chủ), về sau thành chính thể Việt Nam cộng hòa (tổng thống chế), tức là chính thể cộng hòa, dân chủ, tự do, tư bản chủ nghĩa, chứ không sùng bái cá nhân quốc trưởng, tổng thống, thủ tướng hay tướng lĩnh nào.

Thực ra, về chiều sâu thực chất, hai khuynh hướng, gọi là khuynh hướng Phan Châu Trinh, khuynh hướng Hồ Chí Minh, có nội dung thứ nhất và cốt lõi nhất là dựa vào nước mạnh (cường quốc, thực dân với tham vọng siêu cường, đế quốc) để cứu nước, nhưng nội dung thứ hai và không cốt lõi là ý thức hệ (cộng sản chuyên chính hay tư bản tự do).

Sự dựa dẫm vào nước mạnh là ngoại bang như ở bài vè kia là có thật. Nhưng phải chăng đó chỉ là phương tiện của các chính đảng, các lực lượng chính trị Việt Nam, để hướng đến cứu cánh (mục đích cuối cùng) (2) là cứu nước, cứu dân, đánh đuổi ngoại bang thống trị. Tuy nhiên, một khi thế giới rơi vào thế cuộc Chiến tranh Lạnh (1945-1991), thì đất nước ta cũng không thể thoát khỏi sự phân liệt - thảm họa đó.

Hiểu như thế, để thực sự xóa bỏ mặc cảm tự tôn, mặc cảm tự ti do các phương tiện nghe nhìn tuyên truyền và sách báo, nhà trường nhồi sọ một chiều gây nên, nhằm mục đích có ích lợi hơn cho cả dân tộc Việt Nam chúng ta, đó là hòa giải dân tộc, tận thực chất, bề sâu của sự hòa giải dân tộc đó. Hòa giải dân tộc là lí giải, phân giải vì sao Miền Nam Việt Nam chống Miền Bắc Việt Nam, và ngược lại, vì sao Miền Bắc Việt Nam chống Miền Nam Việt Nam, tại sao chống “Quốc gia” và tại sao chống “Cộng sản”, đồng thời chỉ ra những sai lầm, những ngộ nhận, thậm chí cả những tội ác của cả hai Miền, hai Khối… Hòa giải dân tộc không phải là thái độ trịch thượng, ban ơn khoan hồng, hay thái độ hèn hạ, cầu xin tha tội…

Hòa giải dân tộc cũng chỉ nhằm đoàn kết dân tộc, trước sự bành trướng, xâm lược và uy hiếp của Trung Quốc, vì độc lập dân tộc thực sự, vì sự toàn vẹn lãnh thổ (bao gồm biển đảo), và vì sự trường tồn nhất thống của dân tộc Việt Nam từ Ải Nam quan đến Mũi Cà Mau…

Dĩ nhiên, chúng ta vẫn là công dân Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, với ước vọng dân tộc ta sẽ thực sự “thoát Trung”, thực sự độc lập, tự do, dân chủ… Ý thức hệ chỉ là phong trào. Đó cũng chỉ là điều kiện, thuộc thời đoạn trước 1954, để được sự viện trợ, chủ yếu từ Liên Xô, nhằm giành độc lập, tự do, và trước 1975, để chiến thắng Miền Nam. Nay tình hình thế giới đã khác, rất cần sự tỉnh táo để tự cởi trói khỏi sự bó buộc của ý thức hệ -- thứ ý thức hệ đã được thực tiễn chứng minh là hoang đường -- như Nga và các nước Đông Âu; tự cởi trói khỏi ý thức hệ cộng sản để đưa đất nước lên những bước phát triển mới, với sự giữ vững chính quyền hiện hành, với sự thỏa mãn nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là của dân Miền Nam, như đã nói về hòa giải dân tộc bên trên (3).

T.X.A.

25-10 HB14 (2014)

 

(1) Nguyễn Thái Học và Việt Nam Quốc dân đảng trước 1930 (khởi nghĩa Yên Báy), tuy có tiếp thu chủ nghĩa tam dân của Tôn Trung Sơn (Trung Hoa dân quốc) nhưng thực sự không hề có mối liên lạc nào với Trung Hoa Quốc dân đảng. Lãnh tụ Nguyễn Thái Học và các đảng viên Việt Nam Quốc dân đảng dưới sự lãnh đạo của ông hoàn toàn tự lực trong cuộc khởi nghĩa chống Pháp. Cần phân biệt với Việt Nam Quốc dân đảng của Vũ Hồng Khanh (dựa vào Trung Hoa dân quốc) về sau.

(2) Hiện nay, trên sách báo và phương tiện truyền thông nghe nhìn, nhiều người sử dụng từ “cứu cánh” với nghĩa sai lạc là “điều kiện hỗ trợ, trợ giúp”. Ví dụ như “cơm áo là cứu cánh để học sinh, sinh viên học tập”. Thật là sai lạc quá đáng! Đúng ra, nghĩa chính xác của “cứu cánh” là “mục đích cuối cùng”. Ví dụ, “dựa vào thực dân Pháp để nâng cao dân trí, dân khí, dân sinh, và xem đó chỉ là phương tiện, là điều kiện, nhằm vào cứu cánh là toàn dân đủ khả năng đánh đuổi Pháp để giành độc lập dân tộc (chứ không đuổi voi cửa trước rước cọp cửa sau)”. Độc lập dân tộc là cứu cánh (mục đích cuối cùng).

(3) Về ý thức hệ cộng sản, chúng ta hãy chờ đợi bao giờ tất cả các nước lớn trên thế giới (như Mỹ, Nga, Pháp, Anh, Đức, Canada, Úc, Nhật…) tiến lên chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản một cách bền vững, bấy giờ chúng ta lại cùng tiến bước như các nước lớn ấy. Là một nước trung bình, còn nghèo nàn, lạc hậu, Việt Nam chúng ta không thể tự làm thí điểm để thí nghiệm một học thuyết đã thất bại ngay từ sinh quán, nguyên quán của nó, Đức và Nga, và nói chung là cả châu Âu...

 

 

_______________________

 

Google Sites /  host

WORDPRESS, GOOGLE PAGE CREATOR, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE