b. Trần Xuân An - Hát chiêu hồn mình - Tệp 2

 

author's

copyright

trần xuân an

hát chiêu hồn mình

tập thơ

Nxb. Đồng Nai, 1992

06/30/09

 

 

Phần 1

 

Phần 2

 

Phần 3

 

 

                             

TRẦN XUÂN AN

 

 

 

 

HÁT

CHIÊU HỒN

MÌNH

 

thơ

( phần 2 )

 

 

NHÀ XUẤT BẢN ĐỒNG NAI

1991

 

 

 Xem

http://tranxuananthitap2.blogspot.com/

 

 

 

SƯƠNG SỚM MAI

 

                 tặng bạn bè ở Đức Trọng và Đà Lạt

 

hồ như đang trôi về núi đồi cõi ấy

hay cao nguyên bay về quê tôi

                                hừng đông sương mù

thơ lãng đãng bạn bè lãng đãng

tay ôm đàn, tìm nhau, hồ như…

 

hồ như mùa xuân hồ như mùa thu

sương lấp trắng đất trời năm tháng

nhưng tự bao giờ em về với nắng

từ sương mờ rét buốt tâm tư?

 

và hoa, hoa lanh lanh dịu sáng

cà phê, hương bay vào thực vào hư

ta có nhau trong vòng tay bè bạn

hồ như, mãi còn nguyên nồng ấm, cho dù…

 

                                            1991

 

 

 

 

CƠN BÃO VÀ CÂY SẦU ĐÔNG

 

mưa bão xoáy điên cuồng trên vùng đất lửa

cây sầu đông cây sầu đông

cây sầu đông bên thêm gạch vỡ

ngã xuống nơi mình đã toả bóng xanh

 

sầu đông sầu đông

mưa bão chạm tận cùng cội rễ

nhánh rễ nào còn bám chặt đất thiêng lòng mẹ

sẽ còn vươn chồi biếc giữa quê hương

 

sức sống lạ lùng bền bĩ

tự định nghĩa chính mình

từ nhánh rễ đến từng hạt quả

đâu chỉ bằng một thoáng hương thơm

 

từ nhánh rễ kia cây mới lại mình.

 

                                      1985

 

 

 

 

BƯỚM TRẮNG

 

             tặng Nguyễn Ngọc Khôi và Vân Anh

 

nàng thơ một thuở xa vời

áo mơ trắng lụa bao người thơ mơ

sách khuya cũng trắng đôi bờ

phiến thư trắng mỏng cứ ngờ bướm xưa (*)

 

bướm bay là nắng hay mưa

tôi vừa giông bão lại vừa khát khô

bạn bè dăm đứa ngẩn ngơ

áo nàng bay trắng niềm thơ trắng hồn

 

áo trắng bay, lụa trắng vờn

cải ngồng vàng nở chập chờn giấc mơ

trôi theo lời giảng thầy cô (**)

đến cùng cõi thực, cõi vô, trong mình

 

nàng thơ vẫn cười tươi xinh

ngoại ô bùn bụi – đường tình riêng tôi!

bông bụt vào thơ bạn rồi

trống trường ran ngực tôi ngồi nát tan

 

chút tình bướm trắng mang mang

mưa nhoà se sắt nắng loang ngậm ngùi

tàn phai, chết những ngày vui

tôi vùi vào sách tôi vùi vào thơ

 

niềm đau trẻ dại không ngờ

đưa tôi thấu vạn bến bờ trong tôi

cũng hồn bướm trắng ấy thôi

đẹp muôn ngày tháng chân trời xa xăm…

 

lắng sâu gần hai mươi năm

lòng tôi hồ điệp thoảng trầm vô vi

là người là bướm từng khi

vượt qua núi vực, lại đi, tâm nhàn

 

trở vào phố thị, gặp nàng

bạn bè lớp cũ ngỡ ngàng bướm xưa

nắng ướt đầm giữa chiều mưa

xe quà, ổi chát, me chua, lề đường!

 

đâu tà áo lụa mây sương

nụ cười trong cõi vô thường, bâng khuâng

chắt chiu tiền vụn nhàu nhăn

nuôi con đi học bao năm với đời

 

vẫn bươm bướm trắng lưng trời

mộng thường, úa trắng, trắng đôi tay gầy

bạn bè tìm lại nhau đây

ơn nàng giữ được trắng bay mảnh hồn.

 

                                      1992

 

Cước chú bài Bướm trắng:

 

 

 

 

BÊN SÔNG

 

thơ xưa bát ngát ánh trăng

nâng lòng như nước triều dâng, đọng vào

dòng sông vàng ánh ca dao

bóng cô tát nước in vào, sáng thêm

 

ai ngồi đây giữa trời đêm

dòng sông lai láng nỗi niềm của trăng

 

trách chi gàu nước bên đàng

khéo vô tâm để bâng khuâng muôn đời

trách chi trăng cổ cao vời

khéo mênh mang để lòng người thênh thang

 

ai ngồi đây đẫm ánh trăng

bờ vai ướt sáng cả bàn tay ai!

 

                                      1985

 

 

 

 

NIỀM VUI

 

có gì đâu em

mình tìm đến nhau như một điều rất lạ

mãi hoài vẫn còn bỡ ngỡ

dẫu tự bao giờ vẫn ở trong nhau

 

anh đã vượt qua từ lâu

         cơn xoáy lốc

         ngậm buồn với nỗi sầu thơ

bao ngọn sóng ập ào thời mới lớn

đã vượt qua tháng năm (ôi tuổi thanh niên!)

         sững sờ

         mừng vui

         với niềm tin yêu vô cùng lãng mạn

qua rồi thời hụt hẫng

         vỡ tan, phẫn nộ, cuồng điên

 

có gì đâu em

không lẽ đời người như con ốc vặn mình

         trong tháp khổ đau một đời tự hỏi

vật vờ giữa lòng biển tối

một hôm nào rỗng trơ bên bờ nguôi quên?

 

không, không có gì đâu em

khi em nhẫn nại lặng thầm như ngọn gió

em thổi vào lòng anh

– con ốc nhỏ bơ vơ – lên tiếng hú

tiếng hú gọi người, tiếng hú yêu thương,

                    cho trẻ thơ ngơ ngác kiếm tìm

 

không, không có gì đâu em

con ốc kia lại âm vang tiếng đời khi có gió

ta vui mừng làm đồ chơi cho con

                             một thời tuổi nhỏ

con áp vào tai

             sẽ nghe tiếng vọng chúng mình

 

không, không có gì ngoài niềm vui đâu em

âm thanh từ con ốc kia, may chăng,

      mai sau sẽ làm cho con nhẹ nhàng phần số

bao đắng cay ta gánh chịu hết rồi?

 

không, không có gì ngoài niềm vui, em ơi.

 

                                                   1985

 

 

 

 

BA HÁT VÀ CON RU

 

bây giờ ba làm thơ

ước gì ba có thể

sống lại thời tấm bé

để nô đùa cùng con

như mấy chú chim non

 

thơ có là phép lạ

là hạnh phúc cho người

cho con còn tất cả

tiếng nội ru, à ơi…

ngọn nắng vàng, xa xôi…

 

cho ba còn tất cả

kỉ niệm hoà ước mơ

mơ đẹp hơn ngày xưa

và cho con tất cả

trong và ngoài lời thơ

 

bây giờ ba làm thơ

thơ yêu thương con nhé

ba hát và con ru

tuổi hồng con sướng thế

có bao nhiêu là thơ!

 

                         1989

 

 

 

 

HOA QUỲ VÀNG

 

hoà lẫn với đồi nương

dọc đường dài mưa nắng

ơi cây lá và màu xanh thầm lặng

chợt bủa quanh tôi nghìn đóa quỳ vàng

 

hoa quỳ vàng!

hoa quỳ vàng!

 

bao năm rồi cứ tưởng

thấm tan vào cao nguyên

ngờ đâu bao năm sống

mới hiểu mình vô tâm!

 

hoa quỳ vàng! hoa quỳ vàng!

nghìn mặt trời chói chang trong đêm

 

hoa quỳ vàng! hoa quỳ vàng!

day lòng tôi không yên…

 

                                         1981

 

 

 

 

NHỚ NHÀ

 

chừng mươi hôm nữa ta về thăm

sao trong đêm ai gọi thâm trầm

nghe vẳng đâu tiếng trẻ con khóc

mưa, mưa khuya, phố ướt, đèn câm

 

chừng mươi hôm nữa, rất thoáng chốc

sạn chai lớp lớp giữa tâm hồn

bà có cháu, con ta có mẹ

thì can chi gan ruột bồn chồn!

 

chừng mươi hôm nữa, mươi hôm nữa…

phương nam, mưa rào rạt, cháy lòng

càng ngấm chút tình quê rả rích

ta già đi, ta bồng bột, chờ, trông…

 

                                       1991

 

 

 

 

NỤ CƯỜI TÌM GẶP

 

ngoảnh trước và nhìn sau

phận đời như thoáng gió

mới trông trời mưa mau

thoắt nắng vàng ngoài

 

có đôi điều để nhớ

dăm nỗi niềm để quên

giữ nụ cười nho nhỏ

nở lặng thầm lặng yên

 

ôi nụ cười an nhiên

nửa đời tôi mới gặp

rã rời tay với tìm

ngờ đâu ngay giữa ngực

 

có gì đâu, mái tóc

bạc phai dần: thời gian

có gì đâu, khúc hát

vang thì thầm: trái tim.

 

                         1982

 

 

 

 

ĐÊM NGỦ TRÊN HIÊN

 

1

sương bay trên hiên nhà?

bên ngoài chân ai qua?

chợt hé sơ đôi mắt

ô hay! trăng vội tà

cây chao mình ngân nga

sương vàng rơi trên mặt

 

2

ta quên đi sầu ta

ta quên ta hôm qua

bạn sao chưa tỉnh giấc

dậy thôi, trông mù sa

khoả đời chìm huyễn hoặc

hư không vang xao xác.

 

                           1973

 

 

 

 

NGÀY ẤY, ĐÁ MỒ CÔI

 

quay lưng với ráng chiều phai

bóng cây mờ nhạt loang dài mờ tan

có nhìn đâu phía lụn tàn

người đi phương ấy trăng vàng và cao

và mây và gió vẫy chào

và bàn tay đợi đặt vào bàn tay

một ai một góc buồn này

nắng bùng và tắt, đêm dày và đen

tiếng cười khô khốc bật lên

bật lên trầm thống cái tên rất lành

một ai bước bước bước nhanh

bước xiêu vẹo bước quẩn quanh bước về

một ai rủ xuống bên hè

người ơi người ở đừng về đừng đi

một ai khẽ hát thầm thì

hỡi ơi hạnh phúc là gì người ơi

người đi về phía của người

một ai hoá đá mồ côi, cũng buồn…

nghìn đêm đặc quánh mù sương

đá lặng trơ giữa bình thường từ xưa.

 

                                            1992

 

 

 

 

GẶP NHAU

 

                 kính tặng anh Hà Linh Chi

 

rất lâu mới gặp nhau 

cánh tay như sóng biển

trên vai tôi, sóng choàng

tôi như hòn đảo nhỏ

đứng lặng trong nỗi mừng

 

rất lâu mới gặp nhau

chén rượu chiều sóng sánh

bài thơ “chiều củi rụng”

đập vào vách đá im

nước mắt tràn trong đêm

 

rất lâu mới gặp nhau

cười đó rồi khóc đó

có khóc thì khóc thầm

có cười thì cười vỡ

sóng vỗ bờ đảo xanh

 

rất lâu mới gặp nhau

rượu cuồng đêm tâm sự

sáng ra còn làm, ăn

sóng còn ru đời nữa

đảo còn vui chim muông

 

rất lâu mới gặp nhau

để biển thêm tiếng sóng

đảo xanh vì mai sau

biết thế nào mà hẹn

tóc còn xanh trên đầu…

 

                        1982

 

Cước chú bài Gặp nhau:

                                 (Chú thích ngày 07. 03. 2005).

 

 

 

 

NGHĨ VỀ NGƯỜI NGHỆ SĨ

VÀ TIẾNG ĐÀN TÀI HOA THUỞ ẤY

 

người yêu, ta xấu với người

yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau (*)

                        (Nguyễn Du)

 

giá như Kiều có một đứa con

chắc hẳn tâm hồn chúng mình bây giờ đã khác

khúc đoạn trường thêm ánh nắng

                               lẫn đầm đìa nước mắt

hay trong veo tiếng cười trẻ thơ

                                       xanh ngát đất trời?

 

giữa tiệc đoàn viên Kiều vẫn lẻ loi

tiếng đàn cất lên niềm vui gượng gạo

được làm mẹ, lòng nguôi đi giông bão

nhưng nỗi đoạn trường cô đơn

                                   vẫn đeo đẳng trọn đời!

 

tanh tưởi luật Tú Bà đâu cho nàng làm người

độc ác cũng thành thói quen xót xa?!

         và mơ ước vẹn nguyên với tình đầu đau đớn

ngấm bỏng vô thức, hằn lên vết gợn?

hay số phận đoạ đày trêu ngươi?

 

đã tan nát cả rồi

dù sao, chiếc thoa ngày xưa cũng chỉ là kỉ vật

nỗi buồn tủi tuổi già cút côi

            là lũ dâng đêm đêm tràn ngập

dù sao, nàng vẫn chìm chết đau thương

                   giữa biển khổ trập trùng!

 

giá như Kiều có một đứa con. Dẫu con nàng

       lớn lên càng thấm thía nỗi bão bùng

đau niềm oan khốc của cõi đời máu ứa

sẽ thương mẹ hơn, thương kiếp người giẫy giụa

Kiều sống với thẳm sâu tiếng đàn,

       với tình yêu thương chăm chút cho con

 

hay chốn bể dâu này đã nhân ái hơn

khi tức tưởi cái kết thúc đoạn trường dường như

                                 chưa là có hậu

thì trách gì nhà thơ. Trách cuộc đời

                           cứ mãi hoài chảy máu

từ những tật nguyền, những vết thương

                              không lành lặn bao giờ!

 

                                                     1992

 

Cước chú bài Nghĩ về người nghệ sĩ và tiếng đàn tài hoa thuở ấy:

 

xanh trong thăm thẳm là Hương

nguồn thơ ca chảy với nguồn mây bay

 

“ngang trời một lưỡi gươm dài” (*)

còn in vào thép tháng ngày máu loang…

dòng sông – khúc hát dân gian (**)

lắng niềm đau nỗi buồn thầm mà trong

 

dòng sông dòng sông dòng sông

ngợp mắt tôi cúi xuống lòng, không yên…

 

dòng sông dòng sông uy nghiêm

lương tâm là lưỡi gươm thiêng sáng loà

dòng sông trĩu khúc dân ca

lương tâm là tiếng ơi à bên nôi

 

dòng sông bây giờ Huế ơi

thâm trầm tiếng gọi như lời lương tâm

 

nguồn sông – hai cánh tay trần (***)

vươn từ sâu thẳm nâng tầm Huế lên…

dòng sông – khát vọng thanh niên

chiều nay chảy thẳng vào tim, bàng hoàng…

 

                                                      1982

 

 

Cước chú bài Dòng sông chiều:

                                          (Chú thích ngày 07.03. 2005).

 

 

 

 

NÚI XANH TIẾNG HÚ,

TỰ TRÀO

 

từ độ trông vời mây trắng nhẹ

sương khói vào thơ thấu kiếp người

lắng niềm lâm lụy lòng hương toả…

mặt mày vẫn vắng bặt nụ cười

 

dạo nọ rủ nhau về núi biếc

trải nỗi sầu giữa nắng gió phơi

gối đá nghe hoa và cỏ hát…

khi không, hú vọng nhớ thương đời

 

núi tịnh núi hồn nhiên núi thoáng

chiều hôm trăng sáng xuống cùng ta

sao bềnh bồng nâng hồn bảng lảng…

hốt nhiên, hú vọng cõi ta bà!

 

                                       1992

 

 

 

 

CHÙM THƠ NHỎ

 

GIỌT LỆ CỦA MẸ

TRONG NHỮNG NGÀY CON BỆNH – 1988

 

hạt sương rơi tự bốn phía đất trời

đất trời đọng vào hạt sương nhỏ bé

ôi nước mắt nước mắt không chỉ thế

khi nhìn con từ lòng mẹ trào ra…

 

HUẾ VÀ TRẦM CẢM – 1987

 

là dòng nước mắt đó thôi

từ hai nguồn chảy về môi hé cười

Huế ơi Huế ơi Huế ơi

trong tôi gương mặt của người đó sao?

 

TIẾNG CHIM MÙA MỚI – 1984

 

lắng nhìn sâu sau tiếng nói dịu dàng

anh thấy cả tâm hồn em thênh thang

                                      đằm thắm

thôi qua rồi bao gió giông bao khoảng trời

                               chơi vơi hụt hẫng

xin sà xuống đời anh

                  lảnh lót tiếng ca xanh…

 

MƯA SỚM MAI – 1977

 

mưa, mưa phùn, bên khung cửa chồi non!

mưa bối rối suốt sớm mai khói biếc

ai nhớ ai, ai nhớ ai, sao tiếng hát

ai? thức khẽ trong lòng, cả mùa xuân xa xăm…

 

LỘC MỚI GIAO THỪA – 1989

 

cành hoa giấy mùa mưa ai chặt

thì xin về trồng ở hè nhà

đợi lá cũ rơi dần thành đất

bâng khuâng chờ lộc mới vươn ra

 

đón giao thừa, ngồi với cụm hoa

hoa càng hoa trong khói sương nhoà

hoa mới lại đất trời quá cũ

mới nụ cười trầm tĩnh trong ta.

 

 

 

 

VỀ LÀNG QUÊ

TÌM BẠN THƠ

 

những mảng bèo khoả ven mặt sông

đàn vịt bầu bơi lội thong dong

và cánh đồng xanh ngắt

và lò gạch đỏ hồng

 

làng quê ơi đã hiện dân trước mắt

nhưng vẻ bên ngoài kia

                         sao chẳng đủ yên lòng!

 

tôi đi chậm trên đường làng râm mát

tìm bạn thơ

              bạn có ở nhà không?

 

tôi tìm đọc những bài ca từ ruộng đất

thấm đẫm mồ hôi nước mắt chảy ròng

bạn có ở nhà không?

 

ước chi chiều nay tình cờ tôi gặp

bao bà con tìm đến bạn trải lòng

ơi người thơ của làng mạc ruộng đồng

bạn có ở nhà không? (*).

 

                                         1990

 

Cước chú bài Về làng quê tìm bạn thơ:

                                         (Chú thích ngày 06. 03. 2005)

 

 

 

 

NGUYÊN NGÂN

 

chim bay trên ngàn cao

ta ngước mắt trông lên buồn xa xứ

đồng lúa chiều phai hương rồi sao

chim ơi, nghe tình đau ngàn dặm lữ

 

bay đi thôi nghe chưa chim

ta năm đây suối lạnh im lìm

đồng quê đồng quê vàng lúa nhớ

làn phai sao, ta trôi buồn tênh

 

Nguyên Ngân Nguyên Ngân vai hương trầm

mái tóc xưa ta say màu trăng

ta hôn lên bằng hơi sương gió

nên thiên thu cứ ngát tình câm

 

chiếc nón ngà trên vai Nguyên Ngân

vầng trăng xưa che nghiêng thì thầm

và nhà em ngát trăng đồng nội

nên lòng ta lồng lộng vô ngần

 

loanh quanh chim bay rừng vạn cổ

bỏ không lồng ngực mưa ngàn dâng

trôi ta, trôi đi, về châu thổ

hương tàn phai lá mục đầy lòng

 

chim bay cánh nhỏ giữa hư không

tình xưa ơi mây giạt bềnh bồng

chim nghe tê buốt chiều không nắng

rụng xuống dòng đau hoe nhớ mong

 

suối trôi suối trôi về vai Ngân

(suối tóc ngày xưa sao ngại ngần)

trăng ơi cóng lạnh tan thành nước

phủ ngập Ngân phủ ngập mênh mang.

 

                                              1973

 

 

 

 

BAN MAI CÕI LẠ

 

kính tặng nhà thơ Bùi Giáng

và anh Đỗ Tư Nghĩa (Đà Lạt).

 

ngõ sâu

trong cõi người ta

vườn mưa

lều trống

bóng nhà thơ đâu

cào cào châu chấu ngậm sầu

cỏ xanh xanh

rợn trắng lau phương nào

phiêu bồng bước thấp bước cao

ngao du xứ mộng lạc vào trần ai

 

Á Đông cánh bướm chớp hoài

như không như có hình hài trăm năm

trời Tây buốt lạnh căm căm

nghe từ sa mạc vọng thầm niềm thơ

 

lắng hồn tri âm bao giờ

đến bao giờ vẫn bất ngờ, thơ ơi

 

mưa nguồn rớt hột một đời

dấu chân, bờ lúa…

rụng rời, rã riêng

ai bưng mặt khóc bạn hiền

rưng rưng hoa gạo bên hiên khốn cùng

giờ nghêu ngao với mông lung

cỏ leo lều rách, ố mùng, chiếu xơ!

 

anh cùng tôi tìm nhà thơ

vấp chân

choáng nỗi hư vô

giật mình

long lanh từng phiến tài tình

tứ thơ cuồng phóng lung linh muôn trùng

tay hữu hạn chạm vô cùng

tiêu dao thân phận bão bùng xưa sau

 

lều vắng

người rong chơi đâu

vườn mưa

hạt đọng

óng màu nắng mai.

 

                                       1992

 

 

 

 

BÀU VỊT VÀ ÁNH TRĂNG

 

           tặng Võ Văn Luyến

            và bạn bè Quảng Trị

 

bên bờ bàu Vịt tưởng như tù đọng này

các anh ngồi quanh chai rượu

ngâm thơ và hát

trên cành tre

trăng trong veo tưởng như huyền hoặc

trăng nghìn năm dân dã cao vời

 

bên bờ bàu Vịt bên bờ bàu Vịt

tưởng như mãi hoài câm nín tàn rơi

rượu ngấm vào lòng

thơ bừng lên từng tạng chất

thơ xanh tóc và thơ bạc tóc

nhạc tỉnh người và nhạc đắm say

 

bên bờ bàu Vịt bên bờ bàu Vịt

tưởng như tù đọng này

những mảnh đời

tưởng như chìm trong nỗi áo cơm

nỗi gỉ mòn

tận đáy

với tín ngưỡng thơ với tín ngưỡng thơ

ôi cõi miền thẳm sâu kì diệu ấy

nên vẫn rất người

giữa đời thường nhàm nhạt tháng ngày

 

bên bờ bàu Vịt bên bờ bàu Vịt

tưởng như tù đọng đến quẫn trí này

ta nhìn ra nhau – trăng bâng khuâng đáy mắt

những tấm lòng hoá khoáng đạt chân trời

nhạc và thơ mở ra lối thoát

cùng Thạch Hãn qua bao xóm làng

                                 ra tận biển khơi

và mây xa khơi lại trở về

trong bầu nước ngời trăng dân dã.

 

                                                   1991

 

 

 

 

KHỐI TÌNH

 

                       ngày xưa có anh Trương Chi

                       người thì thậm xấu hát thì thậm hay

                                                       (cổ tích)

 

đêm đêm, ai hát trên sông

cho ai cháy buốt tấm lòng, tương tư…

 

vào dinh, như giữa ngục tù

giọng anh đánh cá âm u rã rời

về cùng bát ngát nước trời

trĩu thêm ngực ấy, chói ngời nỗi đau

 

vút lên, chơi vơi, lắng sâu

môi nào bật máu mắt nào máu tuôn

 

kết khối ngọc gốc đa buồn

để ai ngây dại điên cuồng tìm ai

tìm đâu? gió rộng, sông dài…

– trái tim xoáy đất, nhẹ bay đến nàng

 

làm chén ngọc nơi lầu vàng

giọng câm

bóng vỡ

hồn chàng lại đi

 

cảm thông thành mối tình si

(mấy ai quyền quý hiểu gì dân gian!)

khát khao tiếng hát thênh thang

nhưng Mỵ ơi, đã hiểu chàng hết đâu!

 

đến bây giờ, ngàn năm sau

còn bao người kể khác nhau chuyện này (*)

tôi mơ hồ nghe đâu đây

xa mờ thăm thẳm tháng ngày mờ xa…

 

1991

 

Cước chú bài Khối tình:

 

 

 

 

PHƯƠNG NAM VỚI BẠN

BỖNG DƯNG KHẨU KHÍ TẾT

 

thôi thì chờ đến năm sau

hẵng về với biển xanh sâu nước, trời

tạm ngồi đây giữa rừng người

cụng li dăm cái cho đời sóng chao

bồng bềnh quên hết lao đao

lênh đênh lãng đãng phiền nào cũng xa

rồi ta gối giấc lên ta

tình thân là biển bao la giữa đời!

nhớ niềm bát ngát không nguôi

Tết quanh quẩn phố, tiếng cười thênh thênh

xuân lênh đênh xuân bồng bềnh

tình thân là biển mông mênh ở đời!

càn khôn tuý luý chơi vơi

trong li rượu nhỏ, trùng khơi dạt dào…

 

                                           1992

 

 

 

 

VƯỜN CỦA HAI NGƯỜI

 

chung quanh ngôi nhà ấy

cây hiền và lá ngoan

tháng năm đầy sương móc

tẩm hương thân thể nàng

 

sinh ra từ gió mát

tiếng chim nuôi lớn lên

dậy thì cùng lũ bướm

nàng cũng là thiên nhiên

 

một hôm chàng qua đó

vương cây rách linh hồn

ghé xin nàng khâu lại

bằng sợi tóc xanh non

 

ngón tay nàng run run

trái tim chàng rưng rưng

nụ hôn nồng môi thơm

đoá ngây thơ nở nốt

 

và họ đã yêu nhau

dễ thương như nắng lụa

vườn địa đàng phải đâu

chuyện ngày xưa ngày xửa.

 

                                1973

 

 

 

 

THẢO NÀO

 

tôi nằm ngửa giữa bãi xanh

chao ôi cỏ mượt bồng bềnh nhấp nhô

tôi trôi không bến không bờ

lim dim siêu thoát lơ mơ men đời

giá như em đến cùng tôi

trải lòng với gió chơi vơi mơ màng

(thảo nào trong cõi thênh thang

hồn châu chấu cũng mênh mang ơi người)

hay em bỏ mặc nhau rồi

thiên nhiên đẹp quá mình tôi sao đành!

 

                                            1991

 

 

 

 

ƠN EM

 

như tượng đá rêu phong

em trở về trên chập chùng đèo mây hoài niệm

nhưng lạ lùng sao, gương mặt xa xưa thánh thiện

vẫn rạng rỡ mỉm cười mặc lớp lớp thời gian

 

em trở về cho lòng tôi bất an

tình yêu tuổi nắng hồng giờ bão bùng đến thế

hay em đã hoá thân thành Đức Mẹ

chiều nay mỉm cười trừng phạt tôi chăng

 

xa mờ gần hai mươi năm

phút nắm tay bàng hoàng thuở đó

sống giữa đời vượt qua bao nhiêu mê lộ

được trở lại chính mình nhờ một đoá ngây thơ

 

em bất chợt trở về từ áo trắng học trò

hiện ra không ngờ trên đường phố

ôi tuổi mười tám du hồn tôi hoài cổ

cõi linh thiêng thăm thẳm nào chồng chất xanh rêu

 

tạ ơn tạ ơn chất ngọc tình yêu

sáng soi cứu rỗi cả kiếp người tục luỵ

là sự bảo ban của hồn nhiên,

             cái nghiêm khắc của dịu dàng thuỳ mị

ơi Maria bé bỏng trong tâm! (*)

                                               

                                                       1991

 

Cước chú bài Ơn em:

 

 

 

 

 

TRONG MƯA THU

 

1

mơ em trên đường mưa

tơ vàng bay lưa thưa

lá vàng nghiêng mắt ngó

nón vàng che tóc xưa

 

tóc đôi bờ kẹp nhỏ

đã biết buồn hay chưa

môi hồng nhung thắm nụ

lung linh dăm hạt mưa

 

2

mơ em chiều mùa thu

cây thì thầm vi vu

anh nhìn đôi tay ngọc

gảy khúc đàn ước mơ

 

rưng rưng hồn muốn khóc

ôi ngày xưa ngày xưa

đàn xưa em còn gảy

vọng về trong hơi mưa

 

3

mơ em chiều chưa tan

đường đi sầu mênh mang

anh cúi đầu nhìn đất

mưa bay trên cỏ vàng

 

mưa phùn bay lất phất

dây đàn đâm xuyên ngang

quả tim anh nhức buốt

rụng rơi trong lá vàng

 

4

mơ em sân trường xưa

cặp nặng tình… vu vơ…

áo mùa thu vẫn mới

gió vờn thôi se sua

 

anh đi về thành nội

nghẹn ngào trong hương mưa

muôn năm tình còn mới

bao giờ như bao giờ.

 

                              1973

(*) Hình tượng bướm, bướm trắng của Trang Tử, Nhất Linh, Nguyễn Bính.

(**) Đây là một loại tình yêu tuổi học trò trung học đệ nhị cấp (cấp III hoặc phổ thông trung học) ngày ấy. Loại tình yêu hoàn toàn mộng ảo này thật trong trắng, mở ra những chiều kích tâm hồn, nhưng đồng thời cũng gây tác hại không ít trong vấn đề học tập.

(*) Xin xem bài Nỗi mong của người lượm củi của Hà Linh Chi, trong tập thơ riêng Lời đá, Nxb. Văn Nghệ TP. HCM. & Hội Văn nghệ Lâm Đồng, 1995.

(*) Truyện Kiều, hai câu 3157 – 3158 (Chú thích, 05. 3. 2005).

 

 

 

 

DÒNG SÔNG CHIỀU

(*) Thơ Cao Bá Quát. Ở đây, tác giả hoàn toàn thông cảm và chia sẻ với nhà thơ thiên tài, nổi loạn này, khi ông nhìn dòng sông Hương của kinh đô Huế với khí phách như vậy.

(**) Tác giả chỉ hoàn toàn tán thành những khúc ca dân gian phản ánh hiện thực trong nhân dân, gồm những gì chính nhân dân trải qua. Nhưng tác giả không thể xem nhất loạt kiến thức dân gian (y học, lịch sử…) là hoàn toàn chính xác. Xin phân biệt tình cảm, nguyện vọng nhân dân với kiến thức dân gian. Ở đây, tứ thơ chỉ tập trung xoáy vào khát vọng cao đẹp, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, sự bất bình của nhân dân trước những tệ hại của quan lại như thói quan liêu, đối xử bất bình đẳng, tham ô, nhũng nhiễu (thời nào cũng có tuy với mức độ khác nhau).

                              (Chú thích ngày 06. 03. 2005)

(***) Thượng nguồn sông Hương gồm hai nhánh sông, nên có đoạn được gọi là sông Hai Nhánh.

(*) Bài thơ này vốn được viết để tặng Võ Văn Luyến, nhưng vì ngại là sẽ gây khó khăn cho bạn, và cũng vì lí do kĩ thuật khi in ấn, nên bị sót mất dòng đề tặng.

(*) Theo trào lưu sáng tạo lại huyền thoại, cổ tích, như vở “Tiếng hát” của Phan Kim Thịnh.

(*) Xin xem chú thích ở bài Thêm một lần em toả nắng trong tôi.

E-mail: tranxuanan_vn@yahoo.com

Cập nhật 06/30/09                                                                    Trở về trang chủ

                                                                 

______________________________________________________________________________________________________________

 

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

 01-5 HB7 (2007) = 15-3 Đinh hợi HB7