b. Trần Xuân An - Giọt mực, cánh đồng và vở kịch điên - Tệp 2

07/01/09

 

 

 

Phần 1

 

Phần 2

 

Phần 3

 

 

 

 

                             

TRẦN XUÂN AN

 

 

 

 

 

 

Giọt mực, cánh đồng

 

và vở kịch điên

 

 

 

 

 

tập thơ thứ tám

(nhặt lại những bài thơ bão thổi bay mất)

 

 

Xem

Tạp chí điện tử Giao Điểm tháng 9-2005:

http://www.giaodiem.com         

http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/905_index.htm

NHỮNG VƯỜN TRẦU CAU

NHỮNG CÁNH RỪNG CAO SU

 

 

 

I

đá tảng trơ vơ xứ lạ

bờ sông xao xác mịt mùng

 

cau gầy vói trông mấy nẻo

gió hỡi về đâu chập chùng

 

hơi cây dây trầu quấn quít

linh cảm khói sương mung lung

 

quả cau rưng rưng con mắt

vôi nồng tâm trắng, lửa nung

 

cay cay hình tim dáng lá

nghĩa thơm tình ngát trinh trung

 

đời đời thiêng liêng máu thắm

say say hồn thơ vua Hùng

 

 

II

vấn vít quanh thân - dấu khấc

hóa một, cao su điệp trùng

 

mang cái chết màu tang trắng

của chất đá trắng tận cùng

 

máu đỏ buồn đau trắng máu

nghĩa sinh đôi, máu không ngưng!

 

như dáng mẹ ngồi, bú mớm

bát cơm bầu sữa nào lưng

 

ngỡ sống lại tình máu mủ

xanh, cao su xanh lạ lùng!

 

trầu lặn vào cây còn vết

muối biển trắng giọt chưa ngừng

 

thắm hòa xưa ba thân phận

cao su nhập một, thành rừng

 

thanh kẹo Trầu Cau ngát quyện

mặn hương, ngọt giọng hương gừng

 

hồn xưa xưa sau thi sĩ

cho loài người tứ thơ chung.

 

                                                  1993

 

 

 

TẤM LÒNG

 

 

 

bất ngờ trước những tứ thơ

những trang văn, vẫn có ngờ được đâu!

 

bàn tay tìm đến nỗi đau

trái tim nghe tận nguồn sâu mạch đời

 

chút tình rộng mở đến tôi

cái nhìn gắng trải khắp trời nắng, mưa

 

bao điều đã viết và chưa

cơ hồ thấm thía như vừa đọc xong

 

văn chương tự những tấm lòng

mãi trong veo mãi ngát dòng Sông Hương

 

các anh vào, nắng vườn dương

cứ bâng khuâng ở bên đường làng quê

 

tôi ngồi đến cạn đèn mê

mảnh trăng vằng vặc lại về trong tôi.

 

                                                 1985

 

 

 

 

VỚI NHỮNG NGƯỜI BẠN BÔNG ĐÙA

BÊN HỒ HOÀN KIẾM

 

 

 

hồ tỏa khói mờ, trời xuống mây mơ

ngàn cánh nắng mai đậu trên Thê Húc (1)

em là trăng, nên ngày không còn thực

rất hoa đào, thắp ấm một hừng đông

 

ngỡ em quan họ tung lụa cầu vồng

hay từ tay áo nâu sồng màu đất

lược cài tuổi thơ tươi son em cất

tự tiền kiếp nào, hóa Thê Húc xinh

 

em, con ngỗng trời huyền sử lung linh

bỗng bay bên vai, trắng ngần Hà Nội

tôi mặc áo the, đội khăn, tóc bối

guốc mộc bước qua, ngắm truyền thuyết xưa

 

lẫy nỏ Rùa Vàng, tên bắn như mưa

triệu tia mặt trời gãy trong làn nước...

khi chụp ảnh với Thánh Trần, mắt ngước (2)

thấy gươm thần thành Tháp Bút, ngút trời

 

thi sĩ bông lơn đồng bóng giữa đời

nhặt lá bồ đề, ép tim vào sách

nửa thành Đài Nghiên - cái tâm hóa thạch

nửa hóa Rùa Vàng - chút tình thành kinh

 

yêu các em như trời đất, thất tình

đáng đời chăng, kẻ chỉ mê tín sắc

ơi ni cô đẹp nét không thơ Phật

ơi trăng ơi đào, ngỗng trời yêu ơi...

 

 

                                      Hà Nội, 02.03.1997

                                             Tp. HCM., 12.03.1997

 

(1) Thê Húc: nắng ban mai đậu lại.

(2) Đền thờ Trần Hưng Đạo (Đức Thánh Trần) ngay trong chùa Ngọc Sơn.

 

 

 

 

NGẪM KHỔ ĐẾ (1), TẢN MẠN NIỀM VIỄN TƯỞNG

QUANH CHÙA MỘT CỘT

 

 

 

ni cô cùng anh rong chơi

thăm chùa xưa - đóa sen đời sắc nâu

vuông hồ gói cả trời sâu

hay khăn lụa biếc óng màu chép kinh?

đọc từng hoa súng, giật mình

chùa này, bóng ảo của xinh xắn này?

 

nâu sồng ơi, nghìn xưa đây

khói hương là thoáng sương bay hương đồng

 

cửa không, thơ-không-hư-không

dáng chùa, ngọn đuốc tỏa hồng lửa thiêng

 

nhớ xưa, một nụ hôn thiền

ấm phương nam ngưỡng vọng miền tâm linh

 

hoa súng ơi, anh đa tình

nhìn đâu cũng thấy lung linh hoa đầy

 

ngỡ bừng đuốc tuệ đêm ngày

thôi hiểu nhầm quả đất này: trần gian

địa ngục? cũng thành niết bàn

khi hai tay khỏe tưởng ngàn cánh tay

cõi người viễn tưởng, hồn chay

với Tự Nhiên, ta hết giày vò ta

 

cùng ni cô giữa ta bà

tâm đau khổ đế, la đà buồn ai (1)...

 

tự thưa, tên kẻ khổ sai:

một mái nhà và chẳng hai bạn tình (2)

 

cô em ni cô hát kinh...

quanh chùa Một Cột gặp mình đang bay

 

phật đày thương chăng phàm đày (3)

hạnh bồ tát tu trong cay đắng đời

 

người bóc người, đỏ mồ hôi

tình lột tình, gió tình ơi, héo tình!

vấp chân ngọn cỏ sơ sinh

giẫm dăm chú kiến, giật mình. Cứ đi!

về thôi, bông súng từ bi

anh còn cày ruộng xanh rì trang thơ

 

địa ngục? Ừ. Yêu ngẩn ngơ

lúa thơm vào áo, gạo no tâm hồn

 

 cõi người viễn tưởng, yêu hơn

cũng là quả đất đầy tròn dưới chân

 

mộng mơ thơ biếc bạt ngàn

nai nhà rộng trảng ngựa hoang quên rừng

 

vẽ vời cùng cô em cưng

nông trang chùa dựng nâu cùng dáng em

 

búp nâu nở một cánh mềm:

ngôi chùa hoa súng ngày đêm một người

mặn mà mắt mặn môi tươi

phật yêu dấu là tiếng cười anh thương (3)

chùa trong anh, đi muôn đường

chùa em, hoài ghé nghe chuông, xanh đời.

 

                                                Hà Nội, 03.03.1997

                                                         Tp. HCM., 13.03.1997

 

(1) Khổ đế (một trong tứ diệu đế Phật Giáo): chân lí về khổ đau; khổ đau của hiện thực trần gian là có thật. Tập khổ đế: nguyên nhân khổ đau, trong đó có tư hữu... Trần gian, theo đó, là địa ngục (tất thảy chúng sanh, gồm cả loài người, đều là tù nhân bị đọa đày khổ sai).

(2) An, theo chữ Hán, tượng hình: một người nữ dưới một mái nhà.

(3) Phật (Buddha), chữ Phạn: người giác ngộ chân lí ngay trong đời sống, dù là đời sống phàm tục. Ai cũng có thể là phật với ý nghĩa đó.

 

 

 

 

VU VƠ CHIỀU VĂN MIẾU,

TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGHÌN XƯA

 

 

                                    Thiên hà ngôn tai!

                                          (Trời có nói gì đâu!)

                                                Khổng Tử,

                                     ''NGƯỜI THẦY GIÁO CỦA VẠN ĐỜI''

 

 

1.

cô nàng mặc áo tứ thân

từ nghìn xưa đến hát gần bên tôi

điện thờ, thầy Khổng sững ngồi

nhập thân tình tứ chọn lời Kinh Thi? (1)

 

thưa em, duyên yêu là chi

râu nghiêm bạc, úa tim si thánh hiền

 

đâu vô danh vô vi thiền

đây bia chất xám, niềm riêng chói trời

giọng ca như rượu chuốc mời

em quan họ khảm vào đời ảnh em!

 

2.

tôi quỳ bên vuông cỏ mềm

chớp phim bè bạn, gió thêm rối bời

soi tôi xuống nước, nhìn tôi

mỗi bọt chữ mỗi lả lơi ỡm ờ!

 

vì đời, thầy Khổng tìm thơ

ngọt nồng em hát thực mơ, dâng đời

 

tiếng thơm, thơm cho nơi nơi...

(vẫn thương kính Lão tuyệt vời, quên danh

Gióng vô danh hóa Trời Xanh (2)

nghìn sau nhang khói vờn quanh tâm hình!)

 

3.

rùa thiêng, biểu tượng thần linh?

bia tên tuổi trĩu dân mình, bước lê?

lưng rùa, dựng sách tỉnh - mê

mê, bành trướng, mê, a ê bao đời! (3)

 

(như Thánh Kinh vút trùng khơi

da dê mục chữ nhầm lời, buồn không!)

 

một thẻ tre cách điệu xong

mai rùa một mảnh - mênh mông: bia ngời...

''đàn bà khó dạy''?! ấy ơi (4)

tôi nhạt đạo, ngoại đạo rồi, thưa em

 

4.

tháng giêng Văn Miếu, bên thềm

ngắm nàng đàn trong êm đềm chiều xanh...

thầy Chu An ngát hương thành...

yêu là Đạo? tôi tập tành trăm năm

 

ngài ơi, công nghệ lú câm

giàu nhân nghĩa sao âm thầm rạ rơm?

 

cái danh cái lợi - cái hòm?

cái tình, và cái lom khom rạp mình!

... tâm linh - ơn dựng miếu đình

tâm hồn, ngài hỡi - môi xinh í ời

 

5.

tôi về gò Đống Đa thôi

thắng Tàu, bởi học, vượt lời Tàu xưa!

                                            

                                              Hà Nội, 02.03.1997

                                            Tp. HCM., 14.03.1997

 

(1) Ở đây, chỉ chú trọng mảng đề tài lớn nhất trong Kinh Thi: yêu đương (phần Quốc phong).

(2) Lão: ông già. Gióng: (tên làng). Thánh Gióng là biểu tượng Chiến sĩ Vô danh.

(3) Phần hạn chế trong Kinh Thi (chủ yếu trong Tiểu Nhã, Đại Nhã, Tụng). Kinh Thi chỉ là một trong chín pho sách kinh điển của Khổng giáo. Cả chín pho đều bị mất mát ít nhiều, lại bị lắp ghép, xuyên tạc, thêm bớt.

(4) Quan điểm của Khổng giáo về phụ nữ.

 

 

 

 

QUẢNG TRỊ, TRĂNG BÀU VỊT

 

 

 

trăng, anh đã tuổi năm mươi

đôi tay sần chai kềm búa

đang say khướt thơ

hồn ngất ngưởng trên từng câu chữ

 

trăng, anh hớt tóc cạo râu

                                    quán dựng ngã tư đường

thơ xoáy buốt

tuôn tràn

sóng vỗ vào chân, giả

 

trăng, anh tơ vò thế cuộc đảo điên

khổ đau và kinh sợ

phó thợ may ngày ngày vắt sổ

khát thèm như đêm nay sống thật cùng thơ

 

trăng, giọng hát kia nồng ấm không ngờ

ơi nhân sĩ làng quê họ mạc

đau đớn mười lăm năm

                        còn xa quá bến Tiền Đường

thơ nương thân vào ông chủ bác tài

                                             xe khách

 

trăng, anh thầy thuốc tây búng đàn

môi run thầm thì từng nốt nhạc

trăng, anh thầy thuốc bắc

                                    tóc thả bềnh bồng

hồn lãng tử

                        giọng ngâm mượt mà da diết

                                                            mông lung

 

trăng, tạm lãng quên lãng quên

                                    bao điều khô quắt

hai anh giáo văn chương đêm nay,

                                                say, say nồng

say thật

thơ hơn

 

trăng, ơi nghiệm số trái tim

anh dạy toán chẳng cách nào tìm được

đến cùng thơ và nhạc

lung linh, chỉ thấy trong lung linh

 

tôi tách khỏi tôi đang giữa chúng mình

trăng, bàu nước tre pheo

                                    ngát đêm dân dã

quê hương quê hương trăng trăng trăng trăng

tôi vẽ bằng thơ chân dung Quảng Trị.

 

                                                          01.01.1991

 

 

 

MỘT Ý THU ĐÃ CŨ

 

 

 

mùa thu muôn đời trời xanh

muôn đời lá ở trên cành, vàng, rơi

thơ mùa thu của muôn đời

đang còn nguyên giữa hồn tôi, cũ càng!

 

bao ngày thu mới, bàng hoàng

bút sao trơ nhạt đôi hàng thơ thu?

hay mình cứ mãi giam tù

trong thơ kinh điển, hóa ngu muội rồi!

 

chữ xưa, giấy úa, rơi thôi

tan vào đất, cho cây đời lại xanh

tan vào em, tan vào anh

trời thơ cao vút, trong lành, cao hơn.

 

                                                02.11.1990

 

 

 

 

NHÀ SAO

 

 

 

hơn mười lăm năm qua rồi

tôn thời chiến tranh còn đó

mảnh đạn găm dày lỗ chỗ

ngày đêm, sao mọc khắp nhà!

 

trăng chiếu vào, đèn soi ra

nắng cũng thắp ngàn sao lạ

nhưng đợi nhà xây khắp đã

chuyện khổ thành tứ nên thơ

 

hơn mười lăm năm cứ chờ

ha hả bật cười, chờ mãi

nhà xây mới vài mươi cái

làng vẫn ngân hà, nhà sao!

 

thì biết chờ đến khi nào

nói đùa không rơi nước mắt

nhắc lại những cơ cực khác

nói trạng và cười, nhìn nhau.

                       

                                         19.10.1990

 

 

 

 

CẦU NỐI NHỮNG CHÂN TRỜI

 

 

 

vòm khí quyển xanh trong

nhưng nào đâu mái nhà chung?

tuổi thơ bao chân trời kia

                        khóc gào khản tiếng

cầu vồng, cầu vồng

cũng chỉ là khát vọng hiện lên

trên thép súng nhẫn tâm Vùng Vịnh

trên nhẫn tâm dầu tràn mặt biển

 

quả đất là tổ kiến

treo trên cành ước mơ

                                    đôi khi ấm ức

                                    bảy màu cầu vồng!

 

tuổi thơ đôi khi lồng lộng và vòi vọi

ngỡ dải giấy hoa ngày hội

                                    bảy màu cầu vồng

                                    nối những chân trời

                                    thành mái nhà chung

 

quả đất đôi khi thành trái bóng

cho trẻ thơ sút một đường cầu vồng

từ thiên hà này sang ngân hà kia

và vụt thành Thánh Gióng

rong chơi cỡi ngựa nhong nhong

bay vào công nguyên Hòa Bình, hừng đông.

 

                                                        14.02.1991

 

 

 

ĐỊNH CƯ

 

 

 

bây giờ

có nhà thơ tìm đến rừng cây

nhòa mình trong màu xanh sương khói

tự do phải mua ư!

thôi thì đành phạm tội (*)

cam thân ở ẩn giữa rừng người?!

 

                                                            02.07.1991

 

(*) Có nhà thơ phải phạm tội hối lộ để được nhập cư.

 

 

 

NGỒI Ở QUÁN BIA

 

 

 

với đồng chí công an

                           ghé vào nhấp chút men bia

các em đến ngồi bên cạnh

từng sợi tóc mang bão giông xứ Thanh

                                     buốt lạnh

cứa vào tâm hồn tôi

 

thịt da tê dại mất rồi

em, em say chưa, sao đôi mắt đôi khi quá tỉnh

có chút chi như buồn rầu nhẩm tính

hôm nay mất thêm gì?

                        rồi sẽ được bao nhiêu?

 

kính lạy các em, đâu phải là Kiều

ôi liêu trai đèn mờ, nhập nhòa

                        lung linh phấn son của nhạc

có giấc mơ nào vung lưỡi gươm phẫn uất

xuống nhà thơ và công an?

                        với nước mắt ăn năn?

 

Tố Như kính yêu, Người có bao giờ

                                    suýt hụt chân

chết đuối dưới vũng đen nghiên mực?

tôi hóa thú, rơi đê mê vào ngực

nhỏ nhoi như con ong cái kiến thiêu thân

 

ánh đèn màu ánh đèn màu (*)

               hắt ánh buồn vào tôi trơ trẽn

                                                    bao lần

 

(giữa khi nghệ thuật lắm lúc

             chỉ là lầu xanh hay nhà thổ!)

ánh đèn màu ánh đèn màu

             tôi nguyền rủa tôi trong vòng tay

                                        quỷ ma cám dỗ

quyết trải nghiệm hết mình

             trái tim hồng thành khối nặng dục tình

                                                         và cô đơn

 

tôi ghê tởm tôi, nén tiếng cười

                        trước trang thơ xanh non

quán đèn mờ đánh lừa nhau trong cơn mê

                                                     ảo giác:

các em trinh nguyên và tôi hành khất

đồng chí công an ơi,

                       hay tôi là hoàng đế giữa một

                            đàn cung nữ ngọc ngà?

 

Kiều ơi Kiều, em có chăng?

    ánh đèn màu, buồn trong cõi người ta.

 

                                                   08.10.1991

 

(*) Ánh đèn màu (Limelight): tên một bản nhạc của Sác-lơ Sáp-lin (Charles Chaplin).

 

 

 

 

CHẠM VÀO HƯ KHÔNG

 

 

 

buồn đau cùng thiên hạ

bay thoát vào trời xanh

hoang mang, về, đói lả

làm chi cũng không đành!

 

ơi cánh chim bé bỏng

niềm vui là cố vui

biết khát vọng - biết sống

hư không đâu?

                      sao ngủ vùi!

 

                              06.11.1991

 

 

 

CỨ SỐNG HẾT MÌNH, NGÀY MAI

 

 

 

của ngày mai, khổ đau và hạnh phúc

làm sao biết được bây giờ

cũng không làm sao chọn lựa?

thì việc gì phải chờ đợi âu lo?

 

                                            08.01.1991

                       

                       

 

CA DAO TRĂNG VÀ HẸN

 

 

 

bóng chim đã tắt cuối trời

nắng chiều vơi xuống núi đồi mờ xa

bâng khuâng chờ ánh trăng ngà

cùng ai đúng hẹn đến nhà thăm ai.

 

                                          23.10.1990

 

 

 

ĐẾN VỚI NHỮNG NGÀY THÁNG TRONG LÀNH

 

 

 

rối rắm những gì không thuộc về tình ta

quên đi, đừng nhớ

quên hết bụi bặm lẩn vào hơi thở

hãy tìm đến nhau!

                           yêu, đôi khi là quên

 

tất cả có thể ngậm ngùi tạm bợ

cát bụi ngậm ngùi!

                           tình thơ cõi thơ không thể vùi quên!

vì trái tim trăm năm nghìn năm phải thở

 

không phải dễ mục nát như ngai vàng ngai đen

anh mời em lên mênh mông ngai gió

bên bờ sông thơ không bao giờ lãng quên

nơi trái tim thênh thang hơi thở.

 

                                                              31.12.1997

 

 

 

 

THƠ VÀ HAI CHỮ TÌNH YÊU VIẾT HOA

(thơ bạt)

 

 

 

dẫu thơ là tinh huyết người thơ

kể cả cái tôi trữ tình

(biểu hiện hay tự biểu hiện...)

tất thảy chỉ là hình tượng

hư cấu

từ chất liệu đời!

vẫn tin vẫn hi vọng

''hư cấu còn thật hơn sự thật''

của thế giới hiện thực!

vẫn tin vẫn hi vọng

với nhiều khuôn mặt khắc đậm

vào một trái tim phơi mở

''cùng nhìn về một hướng''

thơ ca là tiếng hát mỗi người

tiếng hát cuộc đời, ơi Tình Yêu!

 

với ý thức về giới hạn

người thơ trải nghiệm lắng nghe soi thấy

tiếng đời hồn đời thinh lặng

dọc mọi nẻo đời thinh lặng giữa ồn ã

giữa hiu hắt

và viết

với cao vọng

thơ ca là tiếng hát mỗi người

tiếng hát cuộc đời

dẫu thơ là tinh huyết rất riêng

của người thơ

ơi Tình Yêu!

 

                                                     1995           

 

 

 

 

NIỀM TIN VÀO LƯƠNG TRI

(thơ bạt)

 

 

 

lương tri Quả Đất lại thao thức

                        trong đầu óc con người

không phải nạm chói ngai vàng

                        cất đầy két bạc

chân lí phù du chăng?

                        phù phiếm chăng sự thật?

như phù hoa áo mão cân đai,

                         rực rỡ hồng y,

                        lóng lánh đại cà sa (!)?

 

Quả Đất chỉ là hạt bụi giữa vạn thiên hà

sáng nhờ nắng, còn sáng lên

                                    nhờ lương tri tỏa nắng

sự thật - mất lòng, chân lí - nghẹn ngào cay đắng

những giai cấp, thể chế rụng rời, nhưng

                                    triệu triệu lương tri

                                    làm Quả Đất ngời thêm

 

bao nhà thơ nhà khoa học thắp ngọn đuốc

                        hoài nghi và cao vọng đêm đêm

bao chính khách doanh gia ung dung trong

                        dinh cơ xây bằng ngàn chiếc đầu chất xám

ai thực tế lạnh lùng?

                        ai ảo tưởng phiêu bồng đa cảm?

ai tin vào lương tri Quả Đất?

                        ai tin vào thời gian?

 

cái thuộc về vĩnh cửu là lợi chăng?   

                        danh chăng? Sức bền, tuổi thọ

                                    quá mỏng manh chóng tàn

khoa học sánh vai thơ ca

                        bước cùng lương tri

                        cùng thời gian bát ngát

tất cả đều còn lại: ánh sáng là

                        cái còn lại tuyệt vời! thời gian và

                        lương tri đãi lọc, làm ngời thêm Quả Đất

dẫu trái tim hóa hầu bao của giai cấp,

                        thể chế, biên cương... uất máu, tối sầm!

 

sự thật sẽ đui điếc, chân lí sẽ ngạt câm

với gông xiềng của áo cơm, bổng lộc

thắp lên lương tri, thoát cả màu da,

                                                siêu vượt lên dân tộc

để trở về trọn vẹn chính mình,

                        cùng sự thật thật hơn

                                    chân lí chân hơn

 

niềm tin vào lương tri Quả Đất, lương tri

                                    Việt Nam bừng sáng xanh non.

 

                                                                    11.01.1998

 

 

 

GIỌT MỰC, CÁNH ĐỒNG

VÀ VỞ KỊCH ĐIÊN

 

phần hai:

 

Giọt mực xanh trên cánh đồng xanh

 

 

 

 

NGỤM NƯỚC DƯỚI CHÂN CẦU TIÊN AN

 

 

 

đến với người mẹ giải phóng anh hùng,

                        thơ ca xé lòng và hào tráng

ngồi bên lão lính ngụy hành khất cụt què,

                        thơ ca xót xa mơ trại tình thương

uống ngụm nước Bến Hải vọng nhìn

                                                            Hiền Lương,

                        nghe ngọt nồng và mặn đắng

dòng lịch sử tuôn ra khơi xa,

                        xin mưa lại về nguồn.

 

                                                     09.01.1998

 

 

 

 

THƠ TÌNH CỦA NGƯỜI DU KÍCH

 

 

 

1.

gió dừng trên tóc mình ơi

lòng em cháy bỏng mặt trời ban trưa

 

ra sân ủ mắm phơi dưa

nhớ da diết những mùa mưa có mình

nước dâng giấc ngủ dập dềnh

ngồi hầm cứ tưởng dầm kênh bủa chài

nghiêng lưng ngước mắt ra ngoài

trời lên nắng hửng nhớ ngày trồng dưa...

 

nắng bù bóng tối năm xưa

em bù công sớm việc trưa hộ mình!

 

2.

có nhau, hầm chật nằm nghiêng

có đất đai, có xóm giềng, mất nhau!

 

máu rơi máu ứa hào sâu

bưởi trồng chỗ đất còn đau suốt đời

hoa thơm trĩu nhánh mình ơi

trắng lòng em những nụ cười đánh đêm

bưởi ra trĩu nhánh lung liêng

trái nghìn giọt lệ, cứng thêm lòng người

 

ta như hạt giống đất vùi

bom xô cành chiết, vói trời nở sao!

 

                                                              1976

 

 

 

 

HỒN HẬU CHÚT NIỀM CA DAO ĐẤT MỚI

CỦA NGƯỜI LÍNH NGỤY THƯƠNG MẾN

 

 

 

 về thăm mai mốt mình lên

rẫy nương ơi, nhớ đừng quên đâm chồi

mình đi, nhớ lắm đi thôi

rẫy ở lại, có nhớ lời mình không?

 

lưng cà mang nặng đừng cong

lắm em, ngô nhớ hông bồng cõng vai

còn khoai nữa, nhớ chưa khoai

sinh con bụ bẫm bằng hai mùa rồi

giàn bí cũng đừng ham chơi

cùng ong bướm, quên ru nôi em nằm

bầy heo giữ tạng ăn tham

gà cũng vậy, đừng xéo mầm phá cây

mình dặn đi dặn lại hoài

thương mình đừng bỏ ngoài tai lời mình

 

một quê ở, một quê sinh

xa đất mới để gặp mình phố xưa

lên đây quen nắng quen mưa

nửa lòng muốn nửa lòng chưa muốn về.

 

                                                        1976

 

 

 

 

QUÊ HƯƠNG TRONG GIỌT SỮA MẸ

 

 

 

trong đôi bầu sữa mẹ

chứa bao nguồn yêu thương

nghe hoài nhưng thấm thía

là từ khi có con

 

ngay bữa ăn ngày thường

nội vẫn nhường cho mẹ

sữa càng thơm môi bé

lòng nội càng ngát hương

 

ruột rà và tình thân

cũng góp cho sữa ngọt

ba thôi còn ngơ ngác

vì biết làm cha hơn!

 

ấm áp tận tâm hồn

vú sữa tươi tròn thế

trải qua thời tuổi trẻ

nội hiểu giọt sữa thơm

 

ôi đôi bầu sữa mẹ

đâu chỉ một ngọn nguồn

nội và tình và nghĩa

khơi dòng sữa trào tuôn!

 

sau này nhớ nghe con

Diên Sanh trong sữa ấy

nhịp trái tim nhắc mãi

thế nào là quê hương.

 

                                 1988

 

 

 

TẠ ƠN CA DAO

 

 

 

mẹ bây giờ lại ru con

như ngày xưa nội mỏi mòn ru ba

tưởng như gần, ngỡ như xa

nghe vang vọng tiếng ơi à nghìn xưa

 

bài thơ, ngọt ấm chiều mưa

cái tên từ nhịp nôi đưa thuở nào

 

tạ ơn bao khúc ca dao

sữa nguồn ruộng đất đọng vào ước mơ

cho ba một đời làm thơ

mai sau bé hát, bây giờ mẹ ru.

 

                                                      1988

 

 

 

ĐẾN BAO GIỜ

 

 

 

Tổ Quốc ơi, con đã nghe

đâu phải từ thuở mười lăm mười sáu tuổi

ai cũng từ lòng mẹ yêu thương nóng hổi

ôm ghì chiếc nhau ôm ghì tảng đất thiết tha

đã nghe âm vang tiếng nói ông cha

từ lồng ngực mẹ

Tổ Quốc ơi! Con Người ơi!

Tình Yêu Lớn có trong ta như thế!

trên mảnh Đất Vàng

tung tăng đôi chân thời tấm bé

đất và màu da

sâu thẳm, cội nguồn

Tổ Quốc gieo ra bao hạt mầm nho nhỏ

mãi bừng lên mùa xuân nối tiếp mùa xuân

 

cho một đời ta gắn bó

đâu chỉ thuở mười lăm mười sáu đó

ôi, quá đỗi thâm trầm

tiếng gọi thiêng liêng cất lên giữa thời

                                                    máu lửa

và Tổ Quốc ơi, con đã nghe!

 

cảm ơn người thầy dìu dắt chúng ta đi

giữa lớp học nhập nhòa, lóe lên bao tia sự thật

cổng trường căng áp phích

                        như cởi tung lồng ngực

những trái tim cháy bùng khát vọng:

                                                   Tự Do

ta đã đến bao ngôi trường ngoại ô

báo trong tay, ngạo nghễ vung cao:

                                    Tự Do hay là chết!

trăm tờ báo vụng về không chứa hết

niềm tin đánh thức: Tự Do

phải có Tự Do để giành lại muôn nghìn

                                                     Cái Đẹp

 

những quầy sách,

                             báo ta giăng,

                                                ngời nét mực

Đất và Màu Da ơi! con đã nghe!

 

Tổ Quốc ơi! con đã nghe!

đâu chỉ là cơn gió thoảng thời học trò

                                                 thoáng chốc

mãi đậm thêm trong ta Tổ Quốc

mảnh đất quý yêu, màu da vàng sáng rực

 

bao năm qua, bao năm qua

bị huyễn hoặc rồi tự mình huyễn hoặc!

phải cất cao thơ như ngọn đuốc

chiến lũy của thơ muôn đời là Sự Thật

đến bao giờ? đến bao giờ?

 

có lẽ nào lìa xa Tổ Quốc

để chọn quê chung là Trái Đất?

ở nơi đâu, dù ở nơi đâu

Tổ Quốc vẫn trong lòng da diết đớn đau!

ôi Tổ Quốc! Đất và Màu Da!

chọn lựa nào cũng cam đành mất mát

có phải tự do dân chủ là đối lập?

 

vinh danh muôn đời thống nhất và đối lập (*)

tại sao cần đối lập?

phải chăng ảo vọng của bao người

                                                 bị bức bách?

lũ kên kên nào còn lượn lờ

                        quanh Tổ Quốc chúng ta?

ôi Tự Do, Độc Lập

đến bao giờ?

 

                                                  18.10.1988 (**)

 

(*) Lưỡng đảng đối lập có chung một lập trường giai cấp (hoặc tư sản, hoặc vô sản) mãi mãi vẫn là cơ chế dân chủ, nhưng đó không phải là cơ chế dân chủ nhất. Ở các nước thuộc loại lớn về lãnh thổ, "siêu cường" về kinh tế, công nghệ, không sợ nạn ngoại xâm, chỉ khi thực thi cơ chế đa đảng đối lập, chấp nhận mọi lập trường giai cấp, ý hệ, mới thực sự tương xứng với tầm vóc. Nếu không, sẽ bị quy vào loại "to xác, nhưng trình độ dân chủ thiểu năng". Còn ở các nước nhỏ và chưa giàu mạnh, có lẽ cơ chế lưỡng đảng đối lập trong tính thống nhất về lập trường giai cấp, dân tộc như trên là thích hợp. Chuyên chế độc đảng chỉ dẫn đến trì trệ về trí tuệ, khốn khổ về vật chất và cuối cùng là sụp đổ như một tất yếu (Nga - Liên Xô là một cảnh báo nhãn tiền). Nhưng các nuớc nhỏ vẫn còn một âu lo lớn: nạn đế quốc, thực dân, bá quyền vàng hoặc đỏ xâm lược...

(**) Có lẽ cũng cần viết thêm một ghi chú nhỏ: Trong bài thơ này, có những tháng năm qua khứ được hồi tưởng lại… Tuy nhiên, cuộc sống của nhiều người, trong hiện tại, có khi không còn như những ngày xa xưa ấy.

(Bổ sung: 3-2006).

 

 

 

 

TẬP QUÂN SỰ

 

 

 

bước đều qua tháng bảy

giậm gót chân rập ràng

hiểu núi rừng năm ấy

đỉnh trời sao dọc ngang.

 

                               1977

 

 

 

 

BÀI THƠ ĐÔNG HÀ

 

 

 

dẫu nơi này tuổi nhỏ đã đi qua

(ơi những dốc, những dãy nhà chênh vênh

                                                   và gió)

vẫn không biết nói thế này

                                     có vội vàng không nữa

tôi yêu Đông Hà

 

đất đỏ, sao quá đỗi ruột rà

màu đất ấy thắm chân tôi thơ dại

sớm về đây, gió thổi bồi hồi biết mấy

tôi đi mê mải giữa Đông Hà suốt sáng hôm qua

 

chẳng bàng hoàng đâu. Tất cả đã khác xa

bom đánh nát Đông Hà xưa trong trí nhớ

vẫn tốt tươi những gì không thể:

màu đất đỏ nồng nàn, niềm tin yêu

                                           thiết tha

 

tôi muốn hát thì thầm cho Đông Hà nghe

và kịp mỉm cười bâng khuâng (đã trải

                                                       mùa đau xót!)

sớm nay, giữa bộn bề công việc

Đông Hà và tôi đầy ắp trong nhau

 

Đông Hà lên đường bỏ lại phía sau

bao đổ nát đau thương, bao chiều gió

                                    rì rào lau dại

ngói đỏ tầng cao, công trường, tàu phà...

                        Sáng mùa xây dựng mới

Đông Hà thắp giữa quyết tâm mình

                                 ngọn đuốc hôm nay

 

cầu tàu cho tôi ngọn gió thổi dài

trải trên dòng sông, xanh tràn ra cửa biển

lòng vui xa khơi, hàng tươi mặt bến

tôi đứng rộn ràng, tàu đứng đợi, không yên

 

máy kéo ra vào xí nghiệp, nghiêng nghiêng

sườn dốc thoải, bánh xe rung giữa đồi dương

                                                                  gió biếc

giữa màu sắn xanh, dọc ngang đường hào,

                          cho suối chảy ngầm trong ống nước

ngồi trước lán tranh này, tôi mở trang

                                                quy hoạch tương lai

 

bưu cục chúng mình đây, trên đỉnh nắng đang xây

nơi xích lại những miền đất xa, ủ nồng

                                                            lời tình tự

nhà máy điện lớn hơn với bao đường phố nữa

sẽ tỏa rộng đường dây

                                    cho chim đậu giữa đồng xanh

 

mặt kính cửa hàng thêm nắng sáng long lanh

cửa rừng sẽ tuôn ra cho xã viên

                                                từng thác gỗ...

yêu lắm những gì còn phôi thai,

                                                những gì đã có

những lưng áo xanh phai bạc, ướt đầm

 

trên sườn đồi hôm nay

                        vẫn đơn sơ lán trại công nhân

(khi nơi-của-mọi-người đã khang trang

                                                gạch hồng ngói mới)

hạnh phúc chung đã về

                                    thì vui riêng sẽ tới -

hồi kẻng vào ca rộn rã nói cười

 

tôi nghe, Đông Hà ơi

nghe tiếng hát học trò, nghe trái tim

                                    Đông Hà náo nức

tiếng hát hồng trời mơ ước

tôi nghe, giữa vùng đất rạng ngời

 

sớm nay, sân trường mở sáng chân trời

ở đấy các em sẽ nâng cao vầng hạnh phúc

ánh nắng chan hòa Đất Nước

có đóa hoa đỏ thắm Đông Hà.

 

                                                         1978

 

 

 

 

SÁNG THÁNG GIÊNG Ở GÒ ĐỐNG ĐA

 

 

 

1

lặng mình trước tượng đài Quang Trung

gò Đống Đa dưới chân tôi!

                                             Nắng tỏa

từ quản bút lưng trâu và chú bé Hồ Thơm (1)

                        trên đèo núi chập chùng

từ thanh gươm Nguyễn Huệ Tây Sơn

nghe sử thi thắp tim mình chói lóa

 

2

ông cha vào khai khẩn đất phương nam

mãi xót lòng nỗi cằn cỗi Nghệ An

phải đổi họ lấy chút yên thân nơi xứ lạ

vua, và hai chúa hai Đàng

Đất nước nát tan

đành dựng cờ đào trên rối bời tàn phá

với thanh gươm nghĩa cả

 

3

lần đầu tiên ra đây đến ngồi trên ghế đá

tôi ngẩng mặt trên bàn đá

đọc lời hịch hào hùng chói ngời dân dã

chạm lên tảng đá

sáng rọi nghìn sau

ngước nhìn tượng đài Ông cao vút trời sâu

mắt Quang Trung

nhìn tận Cửu Long

- lũ lũ đàn đàn quân Xiêm tan rã - sạch làu!

mắt Quang Trung

vượt qua gò đất chiến công

- một núi xác Tàu -

tầm kế sách vượt bao triều vua vương giả

 

4

sao để mãi hồn dân tộc bao đời đành sáng

                                    ngời trong văn tự lạ!

bắt con Trời Càn Long đầu gật mày chau

Quang Trung lấy lại Lưỡng Quảng nghìn xưa

                   bằng hào quang và một cỗ cau trầu!

(ôi lịch sử loài người!

            những dân tộc

            những quốc gia

            dồn đuổi nuốt tươi nhau!)

 

5

thực dân Phương Tây từ lâu

dò la Bắc - Nam

run rẩy đưa cao thập giá

run rẩy đưa cao nhánh lá (2)

kèm bản đồ

          giấu trong hàng hóa:

thư về nước, ngẩn ngơ, kinh hoàng

phơi lòng dạ!

ngợi ca Át-ti-la Phương Nam (3)

nét chữ bần thần nghiêng ngả

nguyện cầu!

 

6

danh sĩ Bắc Hà tâm phục đến chầu (4)

Hoàng đế Phương Nam, áo vải,

                                    da sạm nâu

rất mưu lược

sao hiền hòa chân thành quá

rất bản lĩnh

và ân tình đến lạ

 

7

lặng mình trước tượng đài Quang Trung

hiểu tuổi sống của thiên tài Tây Sơn

thắp sức sống nhân dân

sáng bừng vận nước

nhưng Ai tư vãn muôn đời còn đau! (5)

đau đến muôn trùng!

 

8

tôi ngồi trên ghế đục ra từ núi đá

ngẩng mặt trên bàn đục ra từ núi đá

trên xác thù bạo ngược

gò Đống Đa

ngập nắng sáng, tháng giêng

lá xanh, xanh mướt

thầm hát câu thơ về người áo vải anh hùng

cảm khái dân tộc mình dựng lên tầm cao Tổ quốc

phải bằng sông máu núi xương

và gò xác giặc điên khùng!

ôi, gò xác này chỉ là biểu trưng

một tầm cao, cao thẳm, không biết

                                        lấy gì đo được!

 

9

đâu rồi đền miếu, bát hương thuở trước

đã thắng giặc bằng căm thù

và bằng cả bao dung!

hương khói

tỏa lên dăm nét chữ chỉ đích danh:

lũ rối sắt máu, từ tim đen Càn Long

luôn chờ cớ xua quân cướp nước!

ôi lịch sử

nhân và nghĩa

cho vô cùng!

 

10

Quang Trung

người dựng mùa xuân

trên nỗi tan hoang hai miền Tổ quốc

bằng muôn triệu kiếm cung

trổ lên từ đồng Nam ruộng Bắc

bằng thanh gươm lóe thép Tây Sơn

bằng mùa mai thắm tươi ra Bắc

bằng mùa đào sáng bừng vào Nam

mùa xuân nối liền

vết thương sông Gianh

hai trăm năm

đau thắt Miền Trung

 

11

Hồ Thơm: Nguyễn Huệ: Quang Trung!

từ Nghệ An cỗi cằn

ông cha vào phương nam khai hoang

cánh chim Phượng Hoàng

mơ về đậu đỉnh xanh núi Quyết

chỗ đòn gánh kê vai gánh trĩu mùa vàng

chín rạn và bầm huyết

phải chăng

Trung Đô (6)

chiến lược nối liền Nam - Bắc hai Đàng?

và phải chăng

lệch tình ruột thịt cố hương nên nghiêng đổ hết?

 

12

Quang Trung

chỉ là lực biến dịch

            cho sông Gianh thôi gào thét?

để vận nước nối liền bằng thanh gươm Gia Long

cựu thần Đàng Ngoài cuồng trung giẫy chết

Nguyễn Du khóc Kiều đứt ruột đắng lòng

qua Đèo Ngang, buổi nắng tà uá rét

"quốc quốc gia gia" hoài Lê thê thiết

Bà huyện Thanh Quan

           tự đục tên khỏi gia phả nhà chồng? (7) (7b)

ngỡ mình là Hán tộc Hồng Tú Toàn,

           Cao Bá Quát huà theo lũ châu chấu điên ngông (8)

           quyển thơ thiên tài máu bết!

Phê-rô Tạ Văn Phụng (9)

           mạo danh con vua Đa-vít Viễn Đông

           Kinh Thánh rao giảng ngược,

                                     ngược ngôi sao Na-za-rét (10)

           "đế quốc La Mã bên sông Hương!" - ngược lời,

                                                               lâu la hú hét -

           máu chảy ngược sông Hồng!

ôi, Quang Trung! Quang Trung!

chỉ là lực biến dịch

           cho sông Gianh thôi gào thét?

để Đàng Ngoài cứ mãi hoài Lê

           với nỗi cuồng trung!

 

13

từ Hà Nội mùa xuân

ngậm ngùi tưởng tiếc

ngồi trên gò Đống Đa

trên đỉnh cao chiến công Quang Trung

nắng hồng xanh non cỏ cây tháng Tết

tôi ngước nhìn Quang Trung

Quang Trung, Quang Trung, lực biến dịch

        loé chớp

        lành lặn vết thương sông Gianh

        nối liền non sông nối liền biển biếc

trước thanh gươm vó ngựa Gia Long

Đàng Ngoài phải chăng tự dựng mùa đông?

mùa đông lan vào Đàng Trong

        trăm năm thực dân tàu đồng súng thép...

Giê-su vô can, mười chín thế kỉ Người đã chết

       sao giáo đường sáng trưng

       thắp bằng máu mỡ Việt?

Đàng Ngoài - Đàng Trong

                  bỗng chung một nỗi lạnh tê rỉ rét...

 

14

từ Hà Nội mùa xuân

ngậm ngùi tưởng tiếc

Quang Trung, Quang Trung

tôi chợt hiểu chút máu thái thú bao đời trong Ông

mãi vỡ mạch muôn đời trên trang sử chép

vết thương Bến Hải đã xa, xa lắc, trập trùng

tôi viết từ uẩn khúc Miền Nam,

        uẩn khúc thuyền nhân:

"nội - nội phân tranh

ngoại - ngoại phân tranh"

       lịch sử viết thẳng hay uốn cong?

và sao vang ra tận đây

               - Hà Nội mùa xuân -

               những tiếng khóc ròng?

vết thương Bến Hải

          thiếu vắng một Quang Trung?

Quảng Trị quê hương

         đau thương, hào hùng, quyết liệt

sao vang ra đây

         câu hỏi nghẹn ngào róng riết

thiên tài Lê Duẩn là Quang Trung?

ý chí kiên cường Lê Duẩn là Gia Long? (11)

lịch sử đã lặp lại chăng?

lịch sử đã hoán vị hai Đàng?

đâu rồi bao tấm lòng đau niềm chung da diết

ai đó còn thao thức, khắc khoải, chờ mong

                  (ta chờ mong trái tim ta rất Việt!) ?

sông Gianh - Bến Hải, nắng nỏ, bão bùng

         nỗi niềm đứt ruột Miền Trung

         vết thương chưa thôi gào thét?

15

ra thăm Hà Nội, ngắm hoa đào mùa Tết

tôi mỉm cười, bâng khuâng.

 

                                                Hà Nội, 05.03.1997

                                                Tp. HCM., 20.03.1997 

                                                                & 02.2004       

                                               

(1) Nguyễn Huệ có tên thật là Hồ Thơm, vốn là hậu duệ của dòng họ Hồ Quý Ly (họ Hồ huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An; về sau chuyển ra Thanh Hoá...). Hồ Quý Ly lại là hậu duệ của thái thú Hồ Hưng Dật, người thiểu số (?) Trung Hoa, sang cai trị nước ta thời Bắc thuộc. Mặc dù có gốc gác rất xa đời là người thiểu số (?) Phương Bắc (Trung Hoa), nhưng thực chất huyết thống dòng họ Hồ Thơm (Nguyễn Huệ, chi nhánh ở huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) đã pha trộn qua mấy chục đời để trở thành huyết thống Việt. Dẫu vậy, vẫn có một bộ phận nhân dân không ủng hộ Quang Trung Nguyễn Huệ vì lẽ đó.

      Có tư liệu cho rằng: Tổ tiên dăm ba đời trước của Hồ Thơm (Nguyễn Huệ) là lính thuộc quân binh họ Trịnh Đàng Ngoài. Trong một đợt giao chiến với quân Đàng Trong, người lính ấy bị bắt sống, và may thay, được chuá Nguyễn cho đưa vào Bình Định khai hoang lập ấp, rồi được phép định cư hẳn ở đấy. Từ đó, đất Tây Sơn tỉnh Bình Định có một nhánh họ Hồ vốn thuộc huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An sinh sôi nẩy nở, nhưng lại đổi sang họ Nguyễn. Tư liệu này cần được khảo chứng thêm.

 

(2) Nhánh lá trong ngày lễ Phục sinh (theo sự tích lịch sử - Kinh Thánh: nhân dân Do Thái tung hô Chuá Giê-su [Jésus], hậu duệ vua Đa-vít [David]).

 

(3) Attila (người Hung Nô [Les Huns, Mông Cổ], 406? - 453): một danh tướng có tầm vóc thế giới, xét về mặt thiên tài quân sự. Các cố đạo Thiên Chuá giáo vừa khâm phục, vừa lo sợ trước thiên tài quân sự của Quang Trung; họ so sánh Attila với Quang Trung trong những bức thư gửi về Pháp, Tây Ban Nha...

 

(4) Tất nhiên vẫn có rất nhiều cựu thần vua Lê, chuá Trịnh chống đối: Phạm Thái  (tác giả Sơ kính tân trang), Nguyễn Công Tấn (thân sinh Nguyễn Công Trứ)...

 

(5) Ai tư vãn, một bài thơ dài của Lê Ngọc Hân (công chuá nhà Lê), vợ Quang Trung, khóc thương vị vua này khi ông băng hà.

 

(6) Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế tại Huế (lấy hiệu là Quang Trung), nhưng về sau lại có kế hoạch dời đô về nguyên quán Nghệ An. Địa điểm xây dựng kinh đô là vùng đất dưới chân núi Quyết, bên bờ sông Lam. Tên kinh đô là Phượng Hoàng Trung Đô. Tuy nhiên, kế hoạch bất thành.

 

(7) Xin xem chú thích (7 b).

 

(7b) Xin đừng hiểu Bà huyện Thanh Quan đồng cảm với những người Chăm (““chợ” mấy nhà”), khi dừng bước ở Đèo Ngang, vốn là biên giới Đại Việt – Chăm-pa thuở nào. Cũng đừng đẩy xa ý tưởng đó, rồi cho rằng, người Đàng Ngoài với người Chăm có chung một kẻ thù là các chuá Nguyễn, vua Nguyễn, khi cảm nhận hai câu luận và hai câu kết của bài “Qua Đèo Ngang”:

Nhớ nước, đau lòng con quốc quốc

Thương nhà, mỏi miệng cái gia gia

Dừng chân đứng lại: trời, non, nước

Một mảnh tình riêng, ta với ta

      Đặc biệt là câu thơ “một mảnh tình riêng, ta với ta”! Ấy chỉ là cảm xúc khi chỉ còn mình đối diện với chính mình trong nỗi cô đơn. Cũng đừng đẩy xa hơn nữa ý tưởng đó, để kết luận Bà huyện Thanh Quan vốn có gốc gác là Chăm, tuy không ít người Đàng Ngoài đích thực là người Việt gốc Chăm (người Chăm phải ra Đàng Ngoài nhập cư, từ thời Lý đến thời Nguyễn*).

[* Có bao giờ họ muốn trở về Panduranga cũ

– Ninh Thuận, Bình Thuận ngày nay – ?].

      Tôi nghĩ thi sĩ đài các, trang trọng rất mực trong ngôn từ thơ ca này có thể bị ám ảnh về biên giới lịch sử bởi câu sấm kí của Trạng Trình: “Hoành Sơn nhất đái vạn đại dung thân” (Đèo Ngang một dải vạn đời dung thân), khi chuá Nguyễn Hoàng đến xin gặp Trạng Trình để tham khảo ý kiến. Mặc dù trong thực tế, sông Gianh mới là biên giới Đàng Trong – Đàng Ngoài, nhưng trong tâm thức người Đàng Ngoài, Hoành Sơn (Đèo Ngang) mới là biên giới có tính lịch sử.

      Phải liên hệ với các bài thơ khác của Bà huyện Thanh Quan, nhất là “Thăng Long thành hoài cổ”, khi cảm thụ “Qua Đèo Ngang”.

 

(8) Phong trào Thái Bình thiên quốc (bài Thanh phù Hán) ở Trung Hoa do Hồng Tú Toàn lãnh đạo; về sau biến tướng thành giặc Cờ, quấy nhiễu các tỉnh biên giới nước ta để chiếm cứ đất, xưng hùng xưng bá.

 

(9) Tạ Văn Phụng là một giáo dân, có tên thánh là Pierre (Phê-rô). Tuân theo lời các cố đạo, các tên thực dân Pháp, Tây Ban Nha, y mạo danh là hậu duệ vua Lê, với cái tên Lê Duy Phụng hoặc Lê Bảo Phụng. Pierre Tạ Văn Phụng gây nên một cuộc nổi loạn phản quốc, kéo dài nhiều năm, tạo thêm sức ép ở phía Bắc Kì, để triều đình Huế phải kí nhượng ước Nhâm tuất 1862, và mưu toan lập "xứ Bắc Kì thuộc Pháp "bảo hộ"". Sau khi đạt mục tiêu, thực dân, cố đạo Pháp và Tây Ban Nha liền bỏ rơi Pierre Tạ Văn Phụng! (10) Nazaret, quê hương của Chuá Jésus. Theo Kinh Thánh, lúc Đức mẹ Maria sinh ra Chuá Jésus, trên trời có xuất hiện một ngôi sao lạ. Ngôi sao này dẫn đường cho ba vị vua Trung Đông đến chầu.

 

(11)  Không phải chỉ khi đề cập đến Gia Long (Nguyễn Ánh), mới cần nhận thức theo quan  điểm lịch sử - cụ thể, nhưng không thể không nhấn mạnh như thế khi cần làm sáng tỏ, thoả đáng thêm về vấn đề này.

      Chủ quyền Đất nước dưới chế độ quân chủ cũng là một hình thức quan hệ sở hữu phong kiến (Đất nước và thần dân là tài sản và tôi tớ của hoàng tộc cầm quyền, nối đời thừa kế). Do đó, Nguyễn Ánh (Gia Long) đánh đổ triều Tây Sơn (ba anh em Nguyễn Huệ và Nguyễn Quang Toản) là để giành lại cái gọi là quyền sở hữu Đất nước Đàng Trong và thần dân của dòng họ mình, và thừa kế luôn cả Đàng Ngoài mà dòng họ ông ta có công trung hưng (vai trò công thần của Nguyễn Kim). Chủ quyền Đất nước và nhân dân được xác lập theo quan hệ sở hữu phong kiến về tài sản và nô bộc là một quan niệm phản động, cực kì phản động, nếu đứng ở giác độ dân chủ để phê phán. Tuy nhiên, ở cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX, Nguyễn Ánh vẫn chính nghĩa theo quan niệm phong kiến! Và cũng cần khẳng định rõ: mối quan hệ giữa Nguyễn Ánh và cố đạo thực dân Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc) chỉ là quan hệ lợi dụng lẫn nhau mà thôi! Sau khi nắm được ngai vàng hoàng đế, chính Gia Long (Nguyễn Ánh) đã hạn chế sự bành trướng Thiên Chúa giáo! Như thế, trên cơ sở đó, có thể có một nhận định: Quang Trung (Nguyễn Huệ) đáp ứng được yêu cầu bức thiết của lịch sử là phải thống nhất Đàng Trong - Đàng Ngoài (mặc dù công lao ấy phần nào còn bị hạn chế do tình trạng tam phân giữa ba anh em Tây Sơn). Tuy nhiên, Gia Long (Nguyễn Ánh) không phải không chính nghĩa, xét theo quan hệ sở hữu phong kiến về vương quốc, thần dân; và Gia Long còn kế thừa cả sự nghiệp thống nhất Đàng Trong - Đàng Ngoài của Quang Trung một cách tốt đẹp. Đó không phải là một nhận định "ba phải", mà xét trên cơ sở sự thật lịch sử và xét theo quan điểm cụ thể - lịch sử tiên tiến, khoa học nhất của chúng ta, trong thời đại dân chủ hiện nay. Mặc dù đối với chúng ta hiện nay, chế độ phong kiến nói chung (chứ không phải chỉ riêng triều Nguyễn) vốn đã trở nên quá lạc hậu, cực kì phản động, "một đi, không bao giờ trở lại", nhưng cũng phải công bằng, thỏa đáng trong việc nhận định lịch sử.

      Nói một cách giản dị, Nguyễn Ánh không dễ dàng gì để mất vào tay Tây Sơn sự nghiệp suốt hai trăm năm của dòng họ ông ta. Đó là sự nghiệp chín chuá Nguyễn đã lãnh đạo nhân dân Đàng Trong khai phá đất phương nam, từ Phú Yên đến Cà Mau!

      Cũng nói một cách giản dị, nếu lấy tiêu chí dân chủ hiện nay, nhất là dân chủ xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực sở hữu ruộng đất (sở hữu toàn dân hay còn gọi là công hữu), để nhận định về chế độ phong kiến quân chủ ... rồi trách cứ, thì chẳng khác nào trách cứ sao Nguyễn Du không sáng tác Truyện Kiều trên máy vi tính và phát hành trên mạng VnExpress hoặc Cinet! Nhưng có người sẽ vặn lại tôi: Đâu rồi quan điểm so sánh đồng đại? Từ năm 1848, giữa thế kỉ XIX, Karl Marx và Fridrich Engels đã xuất bản Tuyên ngôn Đảng Cộng sản kia mà! Tôi chỉ biết bảo người ấy nhìn ra thế giới ngay vào thời điểm này: Hiện còn bao nhiêu nước theo chính thể quân chủ lập hiến (lập hiến nhưng vẫn còn vua chuá!)? Còn năm 1848, cách thời điểm Gia Long lên ngôi (1802) đến bốn mươi sáu (46) năm! Nếu chọn thời điểm so sánh tương đồng, phải là 1789, năm cách mạng tư sản Pháp nổ ra và cũng là năm Quang Trung đánh tan hai mươi vạn quân Thanh, triều đại vua Lê - chuá Trịnh hoàn toàn tiêu tan; và lúc đó, Nguyễn Ánh vẫn còn trường kì chiến đấu khôi phục. Nhưng cách mạng tư sản Pháp tồn tại không bao lâu; rồi chính giai cấp phong kiến Pháp cũng xé toạc Tuyên ngôn Nhân quyền, Dân quyền 1789 * để phục hồi đế chế quân chủ! Vả lại, nên hiểu giới hạn tầm nhìn thời bấy giờ, cuối thế kỉ XVIII đến đầu thế kỉ XIX, trong điều kiện chung là thông tin liên lạc còn hạn chế. Do đó, giới hạn tầm nhìn thời bấy giờ là chỉ trong phạm vi khu vực Đông Nam Á và rộng hơn, là phạm vi châu Á... Hơn nữa, tầm nhìn còn bị quy định bởi bao nhiêu điều khác, nhất là nền tảng dân trí toàn xã hội! Hiểu như thế, mới thật là lịch sử - cụ thể. Không nên kéo lùi lịch sử hiện tại vào sự lạc hậu (tụt hậu), cũng không nên cưỡng bức lịch sử quá khứ phải thật dân chủ xã hội chủ nghĩa về quyền sở hữu Đất nước, tức là quyền làm chủ Đất nước (đúng nghĩa là dân chủ đích thực, chứ không phải trò lừa từ ngữ *)

[* Đây không phải chỗ để đề cập đến các quyền dân chủ cụ thể khác, về chính trị, xã hội, văn hoá...].

      Ngoài ra, tưởng cũng cần nhắc lại một nhận định xác đáng và công bằng của nhiều nhà nghiên cứu sử học về Gia Long Nguyễn Ánh: Ông là một con người có nghị lực mạnh mẽ, vị vua sáng nghiệp từ hai bàn tay đã trắng (có khi quân lính không còn một đội, lương thực không có để dùng). Ông chỉ có một điều kiện thuận lợi, ấy là lòng trung thành của nhân dân Đàng Trong đối với các chuá Nguyễn tiền bối. 

      Ở chú thích này, tôi chỉ nhấn mạnh đến nghị lực mạnh mẽ hay còn gọi là đức tính kiên cường của Nguyễn Ánh, nhất là sự nghiệp thống nhất Tổ quốc, từ Nam Quan đến Cà Mau. Và khi so sánh tổng bí thư Lê Duẩn với Quang Trung, Gia Long ở ba khía cạnh đó, tôi hiểu "so sánh nào cũng có sự khập khiễng".

E-mail: tranxuanan_vn@yahoo.com

Cập nhật 07/01/09                                                                    Trở về trang chủ

                                                                 

_________________________________________________________________________________________

 

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

 01-5 HB7 (2007) = 15-3 Đinh hợi HB7