Ký Sự Du Lịch 2

Phần 5, ĐỒNG VĂN, MÙA HOA TAM GIÁC MẠCH - ĐCL

Ngày thứ năm chuyến hành trình, 27/10/2016.

Trở về Sài Gòn

Ga Hà Nội, khu B, phục vụ các chuyến đi phía Bắc biên giới.

Sáng ngày thứ năm 27/10/2016, ngày cuối cùng của hành trình, chúng tôi dậy sớm, ăn buffet ở tầng thượng. Tôi và anh bạn đến sớm nhất nên có dịp phóng tầm nhìn phố xá chung quanh. Ga Hà Nội đi các tỉnh biên giới phía Bắc gần đó.

Một phần xác B52 với 2 bánh xe. Tính nay gần 44 năm.

Theo lịch trình, sáng ngày nầy đoàn sẽ được hướng dẫn đi xem Quốc Tử Giám, chùa Trấn Quốc. Nhưng hướng dẫn viên đã linh động cho đoàn đi chơi tự do, 11 giờ về KS trả phòng và ăn cơm trưa.

Đứa cháu họ của anh bạn đã đến KS rước 2 anh em về nhà chơi. Người Huế lập nghiệp ở Hà Nội đã hơn 20 năm. Chỗ gia đình cháu ở đối diện hồ Ngọc Hà, còn lưu giữ một phần mảnh vở B52, với 2 bánh xe. Quán cà phê cạnh bên tên là Cà Phê B52. Làng Ngọc Hà ngày trước trồng hoa, bây giờ đã đô thị hóa.

Hai anh em về lại khách sạn, hỏi thăm lễ tân để tìm đến uống Cà Phê Trứng, một cách uống cà phê chế biến mà anh bạn tìm hiểu trên mạng, cũng như nghe bạn bè nói, đến Hà Nội phải uống Cà Phê Trứng. Cà phê pha đen, có chút muối, rồi trứng gà đánh với sửa cho nở đổ lên trên. 2 ly giá 50.000 vnđ.

Hai ly Cà Phê Trứng, giá mỗi ly 25.000 vnđ. Thêm khám phá mới.

Khi đã trả phòng, anh bạn già vong niên của anh bạn, cả hai thường đánh bóng bàn giải trí ở SG, xách xe máy đến chơi. Bởi vì anh đang về thăm quê, 2 ngày sau trở lại SG.

Xe đến chở đoàn đi ăn trưa, buổi ăn cuối của hành trình, ở làng Nhật Tân nổi tiếng về hoa đào

Đêm trước, khách Tây ngồi ăn nhậu đầy ở phố Mã Mây. Buổi sáng ăn buffet ở khách sạn cũng có đoàn Tây già.

16 giờ chiều đoàn đã đến sân bay Nội Bài, sau khi đổi chương trình lần nữa để quý bà đi shopping ở siêu thị Vincom.

Trước đó, cảng vụ hàng không đã thông báo máy bay delay một giờ đồng hồ. Nhưng đến 18 giờ 35, máy bay mới rời phi đạo. 20 giờ 35 hạ cách xuống sân bay TSN. Anh bạn chờ lấy hành lý, tôi ra cửa taxi đã chờ sẳn. Anh em chia tay qua điện thoại.

Cũng hên mà xuôi. Ngày thứ tư ở miền Bắc, khí tượng thủy văn đã thông báo cuối tuần không khí lạnh sẽ vào miền Bắc. Và bây giờ, trưa ngày chủ nhật 30/10/2016, SaPa đã là 11 độ C. Đồng Văn đã là 14 độ C. Hà Nội là 22 độ C. Anh bạn tiếc hùi hụi vì đã đem chăn lạnh áo ấm mà không tác dụng. Riêng tôi không cảm nhận được không khí lạnh của vùng cao. Chỉ biết gió mưa, nắng bụi mưa lầy của quê hương miền Nam hai mùa mưa nắng...

ĐCL, 30/10/2016

Phần 4, ĐỒNG VĂN, MÙA HOA TAM GIÁC MẠCH - ĐCL

Ngày hành trình thứ tư,26/10/2016, Tạm Biệt Hà Giang.

Khách sạn Cao Nguyên ở Hà Giang. Đoàn nghĩ đêm đầu tiên và đêm thứ ba.

Sáng ngày thứ tư, sau khi ăn sáng, đoàn du lịch trả phòng, về Hà Nội.

Xe chạy theo QL 2, đến Tuyên Quang tẻ vào TP Việt Trì của tỉnh Phú Thọ. Đoàn ăn trưa với thịt ngỗng 9 món. Sau đó đoàn vào tham quan đền Hùng, gồm 3 đền, hạ, trung, thượng.

Xe tiếp tục đi theo cao tốc Nội Bài-Lào Cai, về ăn tối và nghỉ đêm ở khách sạn Larossa HN. Theo dọ hỏi, giá phòng 2 giường ở đây khoảng 1 triệu đồng.

Bản đồ Cao Nguyên Đá Đồng Văn.

Nhìn kỷ, cột cờ Lủng Cú là điểm cực Bắc đất nước.

Thị trấn Mèo Vạc ở phía Đông, đi xuống chút nữa là xã Khâu Vai, với Chợ Tình Khâu Vai, diễn ra ngày 27/3 Âm Lịch hàng năm.

Buổi sáng trời mưa, thời tiết ngày thứ tư hơi xấu

Tỉnh lỵ Hà Giang bao quanh là núi.

Ăn điểm tâm sáng ở sân thượng KS Cao Nguyên, HG.

Từ Hà Giang về HN, xe đi theo hướng QL 2 vừa sửa chửa, đường tốt, nhưng chỉ có 2 làn xe. Đến điểm dừng nghỉ, thấy củ khoai môn to quá, hơn 1 ký lô, trồng trên núi đá, tôi chụp ảnh lưu niệm.

Xe điện chở du khách vào đền Hùng.

Ăn tối ở KS Larossa ở Hà Nội

Ở Hồ Gươm về đêm. Cầu Thê Húc màu đỏ.

Đêm nghĩ ở HN, đoàn được đi chơi tự do. Đây là khu phố cổ, có phố Hàng Bông, Hàng Đường, Hàng Cân...Nhà cổ nhiều, giá đắt đỏ. Trong ngõ hẹp ngang khoảng 1 mét có nhiều nhà. Tất đất tất vàng.

Tháp Rùa giữa hồ.

Nghệ sĩ đường phố

Du khách Tây đang ăn uống ở phố Mã Mây, như khu vực đường Phạm Ngũ Lảo SG

ĐCL, 29/10/2016.

Phần 3, ĐỒNG VĂN, MÙA HOA TAM GIÁC MẠCH - ĐCL

Ngày thứ ba hành trình, 25/10/2016.

Tạm Biệt Đồng Văn

Sáng sớm còn mờ sương, người dân tộc vùng cao ra phố

Sau hai ngày đêm hành trình, trời thương nên khí hậu mát dịu. Nắng nhẹ và không mưa.

Sáng ngày thứ ba của hành trình, đoàn dậy ăn điểm tâm để chuẩn bị cho chuyến về lại tỉnh lỵ Hà Giang, cũng như tham quan thêm vài điểm nữa. Mọi người được lưu trú trong khách sạn 3 hoặc 4 sao. có được ăn sáng.

Khách sạn lưu trú ở Đồng Văn thuộc hạng lớn nhất thị trấn, KS Hoa Cương, dành cho các đoàn du lịch. Những người đi phượt, thường chọn các nhà nghĩ gia đình, qua đêm là 80.000 vnđ. Phòng ngủ rộng, đủ tiện nghi, có cả wifi, và nước nóng, vì sử dụng năng lượng mặt trời.

Trong suốt 4 sáng điểm tâm, hai anh em tôi chọn món phở tái để ấm bụng, và uống cà phê. Đặc biệt, phở ở đây ăn không có kèm rau, quế, ngò gai, giá...và không có tương đen. Cà phê sữa được gọi là cà phê nâu, vì họ cảm nhận theo màu khi quậy lên. Nhà hàng chỉ bao thức ăn, thức uống phải trả tiền. Hai tách cà phê nóng là 50.000 vnđ.

Cô em người Tày, nhưng mặc trang phục HMông để tiếp khách du lịch

Cô em chỉ cho Rờ Vai chớ không cho Rờ Mông...

Phía sau dảy núi là lảnh thổ Trung Quốc.

Ngày thứ 3 của chương trình, buổi sáng sau khi ăn điểm tâm ở khách sạn, đoàn đi tham cột cờ Lũng Cú, trong hành trình xuôi về Hà Giang.

Cột cờ Lũng Cú – điểm cực Bắc, 1 trong 4 điểm cực xác định hình dạng địa đồ Việt Nam, là một kỳ quan khi đi du lịch đến Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang. Cột cờ Lũng Cú là một cột cờ quốc gia nằm ở đỉnh Lũng Cú hay còn gọi là đỉnh núi Rồng (Long Sơn) có độ cao khoảng 1.470 m so với mực nước biển, thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, nơi điểm cực Bắc của Việt Nam.Từ trên đỉnh cột cờ nhìn xuống đất có 02 ao nước hai bên núi quanh năm không bao giờ cạn nước được gọi là mắt rồng, là nguồn nước cho người dân tộc hai bản sử dụng.Cột cờ Lũng Cú được xây dựng đầu tiên từ thời Lý Thường Kiệt và ban đầu chỉ làm bằng cây sa mộc.

Từ điểm giữ xe, muốn đến cột cờ phải leo lên hơn 800 bậc thang. Để tiết kiệm thời gian và công sức, xe ôm chở theo đường núi, leo gần 300 bậc, tiền xe là 20.000 vnđ cho lượt lên, lượt xuống 10.000 vnđ.

Rời Lũng Cú, xe tiếp tục hành trình về Hà Giang theo đường cũ, vì đây chĩ là lối duy nhất, quốc lộ 4C, dù có các đường nhánh để đến các làng bản. Đó cũng là yếu tố thất bại của quân Trung Quốc khi gây ra chiến tranh biên giới, xưa và nay. Lúc nầy trời bắt đầu mưa rãi rác, đường trơn ướt. Sương mù dày đặc phủ vây các thung lũng, tạo nên bức tranh sinh động.

Tiếp đến, đoàn đến thăm thôn Lũng Cẩm, nằm dưới thung lũng xã Sủng Là, huyện Đồng Đồng Văn, Hà Giang. Làng văn hóa Lũng Cẩm với những nét văn hóa lâu đời vẫn nguyên những nét đẹp cổ xưa theo thời gian và được bao quanh, bảo vệ bởi những người dân tộc Mông dưới dãy núi đá tai mèo trùng điệp. Người dân sống trong làng Lũng Cẩm sinh sống chủ yếu vào việc sản xuất nông nghiệp các loại cây lương thực như lúa, ngô, các loại rau, hoa tam giác mạch, y dĩ, đậu, … nuôi trồng gia súc gia cầm và dệt thổ cẩm.

Nơi đây có những ngôi nhà cổ được giữ gìn hầu như còn nguyên vẹn của dân tộc Mông trắng, những nét kiến trúc đẹp này là những gì ấn tượng khi tới các thôn thuộc làng Lũng Cẩm, du khách sẽ không thể bỏ qua những nét độc đáo đặc trưng từ những ngôi nhà tường đất, hàng rào đá bao quanh truyền thống…Nơi đây cũng là nơi nổi tiếng được biết đến là bối cảnh quay chính của bộ phim “chuyện của Pao”. Bên cạnh đó là cuộc sống sinh hoạt đầy màu sắc của những người dân tộc, trải qua thời gian dài nhưng họ vẫn còn gìn giữ được những bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình như các lễ hội cổ truyền Gầu Tào, tục kéo vợ, lễ ma khô,…

Hàng rào xếp bằng đá không có chất kết dính

Làng Nghề Dệt Lanh Lùng Tám một địa phương nằm nép mình giữa những đỉnh núi đá mù sương bốn mùa mây phủ. Đây là nơi cư trú của đồng bào dân tộc Mông nổi tiếng với nghề dệt lanh, nhuộm chàm và vẽ sáp ong, đây cũng là nơi mà : “chỉ có mặc vải lanh, mình mới không bị lạc tổ tiên…”Đã thành truyền thống, mỗi người phụ nữ Mông đến tuổi trưởng thành đều có những mảnh nương riêng để trồng lanh. Những ruộng lanh mọc đều thẳng tắp chỉ hơn hai tháng đã cho thu hoạch, được người Mông cắt về rồi đem phơi khô để chế biến thành sợi

Làng dệt thổ cẩm Lùng Tám là một trong những ngôi làng dệt nổi tiếng ở Hà Giang. Làng dệt này luôn cho ra những sản phẩm dệt, những tấm vải thổ cẩm vô cùng lạ và bắt mắt, đều do chính tay những người phụ nữ dân tộc làm thủ công. Mỗi tấm vải dệt được đều có những nét hoa văn truyền thống, những hình ảnh mang đậm màu sắc của những người dân tộc vùng núi cao Tây Bắc, chúng đều có ý nghĩa và mang một ý nghĩa riêng. Chủ yếu là những hoạ tiết truyền thống của người dân tộc Mông trên vùng cao nguyên địa chất Hà Giang

Sau đó, đoàn về tỉnh lỵ Hà Hà Giang, dùng cơm chiều trước khi về khách sạn Cao Nguyên, nơi lưu trú đầu tiên. Vì buổi chiều trời mưa, đường trơn ướt, tài xế hạn chế tốc độ, nên về đến nơi trời tối, chấm dứt ngày hành trình thứ ba.

ĐCL, 29/10/2016.

* Bài viết có sử dụng tài liệu trên báo online

Phần 2, ĐỒNG VĂN, MÙA HOA TAM GIÁC MẠCH - ĐCL

Ngày thứ nhì. Lên cao nguyên Đồng Văn

Buổi sáng ngày thứ nhì của chuyến du lịch, 24/10, sau khi ăn buffet tại khách sạn, hơn 7 giờ đoàn xuất phát đến thị trấn Đồng Văn, dài 160 cây số, với hơn 130 kí lô mét là đường đèo dốc đá cheo leo. Có đoạn xe đang chạy lưng chừng núi, nhìn xuống vực sâu thăm thẳm mấy trăm mét. Đường đủ cho 2 xe ngược chiều tránh nhau. Có những khúc cua khuỷu tay, vừa xuống dốc đã ngoặc lên, như đoạn cua chữ M sau khi rời thị trấn Yên Minh. Trên đường đi, đoàn đã gặp nhiều đoàn đi chơi của giới trẻ, gọi là phượt, mỗi xe một cặp. Buổi sáng trong lúc chờ xe ở khách sạn, tôi gặp 6 cô gái trẻ, nói giọng Nam. Hỏi thăm, các cháu từ Biên Hòa lên, mua vé máy bay giá rẻ. Đến Hà Nội, đi xe đò lên Hà Giang, hiện tại đang chờ thuê xe máy để đi phượt, rồi ngày sau xuôi Nam. Các khách Tây ba lô cũng vậy. Người già đi theo tours.

Rời khỏi Hà Giang khoảng 20 cây số là bắt đầu lên vùng cao đèo dốc. Dốc đầu tiên phải vượt qua là Dốc Bắc Sum, cao 9 tầng nấc, uốn ngoằn ngèo theo triền núi, dưới chân là vực sâu hàng trăm mét. Phía xa là những dảy núi chập chùng, đỉnh cao hơn 1.000 mét so mặt nước biển, mây trắng lưng chừng núi, như cảnh đào tiên.

Điểm dừng chân đầu tiên là Cổng Trời Quản Bạ, nhìn xuống là thị trấn Tam Sơn của huyện Quản Bạ, và Núi Đôi Cô Tiên cạnh bên. Cồng Trời Quản Bạ là lô cốt do người Pháp xây dựng trên đỉnh núi cao nhất, năm 1939, để kiểm soát từ xa. Hiện nay vì đã xuống cấp, hư hao, nên đã rào chắn, không cho khách đến ngắm nhìn.

Núi Đôi Cô Tiên có truyền thuyết như sau,

Chuyện kể rằng ngày xửa ngày xưa, ở vùng đất này có một chàng trai người Mông đẹp trai có tài thổi đàn môi. Tiếng đàn môi của chàng réo rắt như tiếng suối, ríu rít lảnh lót như tiếng chim rừng, lúc lại sâu lắng, trầm bổng, da diết như tiếng gió giữa đêm khuya cứ bay xa, bay xa mãi. Có một nàng tiên trên thượng giới tên là Hoa Đào xinh đẹp tuyệt trần, da trắng như tuyết, đôi môi như nụ đào xuân chúm chím, hai má ửng hồng như trái đào chín. Một hôm nọ nghe được tiếng đàn môi của chàng đã theo gió trốn xuống trần gian tìm người thổi đàn môi mà phải lòng chàng và đã trốn ở lại vùng đất này. Họ nên vợ nên chồng và sinh được một bé trai vô cùng xinh xắn.

Lúc này Ngọc Hoàng đã phát hiện ra chuyện nàng bỏ trốn xuống trần gian lấy người phàm trần đã vô cùng giận dữ sai người đi bắt nàng về. Nàng khóc lóc van xin cho nàng được ở lại nuôi con nhưng không ai mủi lòng. Thương chồng một mình nuôi con vất vả, thương con thơ thiếu bầu sữa mẹ, nàng đã bỏ lại đôi nhũ của mình dưới hạ giới cho con bú. Đôi nhũ cứ căng tròn nuôi con nàng ngày càng khôn lớn, sau này đã biến thành hai quả núi dáng hình như bầu vú mẹ, tròn trịa, đều đặn đến lạ thường mà ngày nay vẫn gọi là Núi Đôi hay núi Cô Tiên ở Tam Sơn, Quản Bạ.Tương truyền nhờ dòng sữa của nàng mà vùng đất này có khí hậu vô cùng mát mẻ, các loại hoa trái như Đào, Mận, Lê, Hồng thơm ngon kỳ lạ, rau trái thì luôn xanh tươi, lúa ngô luôn tươi tốt trở thành vùng đất trù phú. Con gái ở đây xinh đẹp có tiếng, hai má lúc nào cùng ửng hồng, mịn màng như trái đào tiên. Và nước mắt của nàng đã biến thành dòng sông Miện xanh ngắt, mơ màng, khảm trôi trên biển đá tai mèo phún sắc, ôm lấy cả rẻo đất phía sau cổng trời huyền thoại.

Sau khi rời thị trấn Tam Sơn, huyện lỵ của Quản Bạ, xe lại vượt đèo dốc để đến thị trấn Yên Minh, của huyện Yên Minh, đừng chân và ăn trưa. Thường các điểm ăn uống do công ty du lịch chọn, hợp đồng, liên kết làm ăn. Thức ăn đặc trưng vùng miền, ngon và ăn dư thừa.

Rời huyện lỵ vài cây số, xe vượt qua khúc cua hình chữ M. Lên đến ngã ba trên cao, xe dừng lại cho đoàn nghỉ giải lao, vệ sinh cá nhân và chụp ảnh lưu niệm của vòng cua chữ M.

Trên đường đi, mọi người gặp vườn hoa tam giác mạch. Tam Giác Mạch còn có tên khác là: lúa mạch đen, kiều mạch, mạch ba góc, sèo.

Vốn không ưa nước, Tam Giác Mạch thích hợp với cao nguyên đất cằn sỏi đá. Cây chỉ được trồng duy nhất vào tiết thu, vụ mùa sẽ kéo dài 3 tháng. Tuy hoa rất đẹp nhưng lại không thơm, sớm nở chóng tàn. Một loài hoa mong manh và kiêu sa đã tôn lên vẻ đẹp đầy sức sống, can trường của thiên nhiên vùng cao nguyên đá.

Tam giác mạch có nhiều công dụng. Hạt dùng làm bánh. Quả và lá có chứa rutosid thường được dùng để phòng các tai nạn về mạch máu như xơ vữa động mạch, tăng huyết áp (viêm võng mạc, ban xuất huyết) trong trường hợp viêm da do tia Rơnghen hay sự rối loạn của tuần hoàn tĩnh mạch.

Bột hạt có thể dùng làm chất tan sưng chỗ đau tấy. Là loại cây sinh trưởng mạnh mẽ trong điều kiện khắc nghiệt, khô cằn… Tam Giác Mạch là thực phẩm tốt nhất cho bệnh nhân cơ thể đã suy yếu trầm trọng.

Những cách làm đẹp tự nhiên luôn an toàn và giúp chị em có một vẻ đẹp tự nhiên. Bột Tam Giác Mạch có thể dùng làm sữa rửa mặt, giúp da trở nên mềm mịn và hồng hào.

Không chỉ là loài cây đặc biệt không nơi nào có, loại rượu chiết xuất từ Tam Giác Mạch sẽ khiến bạn muốn thưởng thức nó một lần nữa. Đàn ông nơi đây đều biết cách chế biến loại rượu này sao cho ngon nhất và mang đặc trưng không trộn lẫn bất kỳ loại rượu nào. Phụ nữ nơi đây không biết cách làm vì nếu để họ chế biến thì rượu sẽ hỏng hết.

Sau đó đoàn đến dinh thự Vua Mèo, nằm ở thung lũng Sà Phìn.

Dinh thự có tuổi đời gần 100 năm do vua Mèo Vương Chính Đức thuê thợ giỏi và hàng vạn nhân công xây dựng trong 9 năm, tốn 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương, tương đương 150 tỷ đồng.

Vương Chính Đức (1865 - 1947) là người duy nhất được đồng bào người Mông nơi đây suy tôn là vua Mèo và chính thức cai quản 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn.Toàn bộ dinh thự vua Mèo có diện tích gần 3.000 m2, bắt đầu được xây dựng vào năm 1919, hoàn thành vào năm 1928.

Trước khi bắt tay vào xây dựng dinh thự đồ sộ này, cụ Vương Chính Đức sang Trung Quốc nhờ thầy phong thủy qua Việt Nam đi qua khu vực 4 huyện cụ đang cai quản để chọn địa thế đất. Cuối cùng, cụ Đức và thầy quyết định dừng chân tại thôn Sà Phìn, địa thế đất nằm giữa thung lũng Sà Phìn. Ở đây có một khối đất nổi lên cao như hình mui con rùa, tượng trưng cho thần kim quy. Nếu xây dựng dinh thự tại đây thì sự nghiệp của cụ Vương Chính Đức sẽ thành về sau. Số tiền cụ Vương Chính Đức thuê nhà thiết kế về đây mất rất nhiều, 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương của Pháp, tương đương với 150 tỷ đồng tiền Việt Nam lúc bấy giờ. Quan sát, thấy hai viên đá ở khu tiền có độ bóng nhất định, đó là do đồng bạc trắng Đông Dương mài vào đá mà thành. Để đánh được một chân cột đá như thế, cụ Vương Chính Đức đã phải bỏ ra 900 đồng bạc trắng Đông Dương, tương đương với 1 tỷ đồng tiền Việt Nam. Đó chỉ mới là tiền đánh bóng, chưa kể tiền đục đẽo, vận chuyển hai chân cột đá từ tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) về Đồng Văn.

Hiện, dinh thự vua Mèo về cơ bản vẫn giữ được nét những nét xưa cũ, chỉ có điều hệ thống sàn nhà gỗ đã bị cạy phá, chỉ còn trơ nền đất do thời điểm chiến tranh, nhà cụ Đức bị nghi chôn cất tài sản dưới nền nhà.

Bồn tắm của vợ Vua Mèo được đục đẻo từ tảng lớn.

Chân đế cột ở cửa lớn được đục đẻo thành hình quả anh túc, và lát bằng đồng tiền vàng mài dủa lấy bột đính vào.

Rời dinh thự, xe qua thị trấn Đồng Văn, huyện lỵ của Đồng Văn, để đến đèo Mã Pì Lèng, một trong " tứ đại danh đèo " của biên cương cương phía Bắc. Đèo dài 20 cây số, vượt qua đỉnh Mã Pí Lèng để đến huyện Mèo Vạc, nơi có chợ tình Khâu Vai cách vài cây số. Thời điểm nầy chợ tình chưa diễn ra, nên không có trong chương trình tham quan.

Mã Pì Lèng là tên gọi theo tiếng Quan Thoại chỉ sống mũi con ngựa theo nghĩa đen. Nhưng theo nghĩa bóng tên gọi này chỉ sự hiểm trở bậc nhất của đỉnh núi, nơi những con ngựa cái leo lên đến đỉnh trụy thai mà chết, nơi dốc cao đến mức con ngựa đi qua phải tắt thở, hoặc đỉnh núi dựng đứng như sống mũi con ngựa. Tuy nhiên, theo một số người Hmong bản địa thì tên đúng của đèo là Máo Pì Lèng, nghĩa là "sống mũi con mèo".

Đứng trên đỉnh đèo hùng vĩ Mã Pì Lèng, phóng tầm mắt xuống phía dưới vực sâu, ta sẽ ngắm nhìn được vẻ đẹp mê hồn, uốn lượn mềm mại quanh chân núi màu thiên thanh của dòng sông Nho Quế – một trong những dòng sông đã đi vào huyền thoại và trở thành biểu tượng của cao nguyên Hà Giang hùng vĩ.

Buổi tối mọi người tự do đi dạo chơi phố cổ Đồng Văn, nhưng vì trùng vào buổi tối nên không thể vào xem vùng nhà cổ phía trong của dòng họ Lương, với lối kiến trúc Hoa Nam, Trung Quốc.

Phố cổ Đồng Văn nằm ở trung tâm huyện lỵ Đồng Văn, mảnh đất địa đầu của Tổ quốc. Nói đến phố cổ Đồng Văn, ngoài vẻ đẹp của những ngôi nhà cổ kính rêu phong, còn thấy nét văn hóa đặc trưng của vùng Cao nguyên đá.

Xưa kia, Đồng Văn là tổng Đông Quan thuộc châu Bình Nguyên, phủ Tương Yên, sau đó thuộc châu Bảo Lạc do một quan Đạo người Tày họ Nông ở Bảo Lạc cai quản. Khi thực dân Pháp chiếm đóng, chúng tách Đồng Văn ra khỏi Bảo Lạc. Năm 1962, Đồng Văn được tách làm 3 huyện: Đồng Văn, Yên Minh, Mèo Vạc.

Năm 1887, người Pháp chiếm Hà Giang, với vị thế trọng yếu, Đồng Văn đã được chọn xây dựng lỵ sở, đồn bốt phục vụ cho việc cai quản vùng đất này. Công việc xây dựng các lỵ sở, đồn bốt được hoàn thành vào năm 1925. Những người già ở Đồng Văn kể lại: vào dịp Tết năm 1923 xảy ra một vụ hỏa hoạn đã thiêu chụi nhiều nhà dân và chợ Đồng Văn cũ. Sau vụ hỏa hoạn, người Pháp cho san ủi xây dựng lại khu chợ. Họ thuê thợ giỏi từ Tứ Xuyên (Trung Quốc) sang, thời gian kéo dài hơn 2 năm, từ năm 1923 đến năm 1925. Với kinh nghiệm, tay nghề cùng kỹ thuật tạc đẽo đá điêu luyện, các thợ đá vùng Tứ Xuyên đã biến những tảng đá xanh ở Cao nguyên đá Đồng Văn thành những “viên gạch đá” khổng lồ để xây dựng nhà cửa; họ cũng đã tạo ra những tảng kê chân cột với nhiều loại hình, kích cỡ; trên đó trang trí các băng hoa với nhiều chủ đề, mô típ khác nhau, tạo cho công trình có nét mềm mại, cổ kính. Cùng thời gian này, một số ngôi nhà liền kề khu chợ được xây dựng nhà sau tiếp nối nhà trước thành dãy nhà hình chữ L bao quanh chợ. Như vậy, những ngôi nhà cổ ở phố cổ Đồng Văn không phải được xây dựng cùng một thời kỳ mà được hình thành trong nhiều năm từ cuối thế kỷ IX đến nửa đầu thế kỷ XX.

Bên tô cháo Ấu Tẩu, ngồi ăn trong sương lạnh cho ấm bụng

ĐCL. 28/10/2016

* Bài viết có trích xuất tài liệu từ Google, và báo online

Phần 1, ĐỒNG VĂN, MÙA HOA TAM GIÁC MẠCH - ĐCL

Ngày khởi hành, 23/10/2016.

Đầu tháng 10/2016, anh bạn vong niên sau 30 năm gặp lại, 1/1975 - 1/2005, điện thoại rủ tôi đi du lịch Đồng Văn, Hà Giang, xem hoa tam giác mạch. Hai anh em đã từng mấy lần cùng nhau du lịch hưởng già, trước khi sức khỏe không cho phép. Ngày 20 tháng mười, 20 tháng chín ta, là ngày giỗ phụ thân tôi, nên chọn ngày không trùng lắp. Cuối cùng hai anh em chọn tours đi ngày 23/10, khi lễ hội đã diễn ra một tuần lễ trước.

3 giờ 30 sáng ngày 23/10, xe taxi đã chở tôi xuống sân bay TSN. Khuya sáng, đường vắng, 35 phút sau xe đã đến nơi. Tôi ngồi chờ bạn, cũng như hướng dẫn viên của tours đến làm thủ tục lên máy bay. 6 giờ, máy bay rời phi đạo, hướng đến sân bay Nội Bài, Hà Nội.

8 giờ sáng máy bay hạ cánh. Hướng dẫn viên của tours ở Hà Nội đã đón đoàn khách cùng xe 29 chỗ ngồi. Xe, tài xế, hướng dẫn viên theo đoàn du lịch suốt 5 ngày 4 đêm.

Đoàn gồm 15 khách du lịch, trong đó có toán 9 người bao gồm bà con, bạn bè, trên 40 tuổi. Một cặp vợ chồng trẻ quê Cà Mau, trên 30 tuổi. Một cặp vợ chồng tuổi đã nghĩ hưu, trú ngụ Biên Hòa. Và hai anh bạn già lớn nhỏ hơn nhau 3 tuổi, gặp nhau để nhớ về kỷ niệm xa xăm thời binh lửa.

Xe rời sân bay Nội Bài, qua đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, vào quốc lộ 2, hướng Hà Giang trực chỉ. Hơn 11 giờ, đoàn dùng cơm ở TP Tuyên Quang, sau đó hành trình đến TP Hà Giang, tỉnh lỵ của Hà Giang. Sông Lô, với chiến trận đánh Pháp quân ở Phú Thọ gần cuối năm 1947, chạy cập theo quốc lộ 2 , và đang có một thủy điện đang xây dựng.

Đến 16 giờ, điểm tham quan đầu tiên của đoàn là bản Thôn La của người Tày, với nhà sàn, lúa ngoài đồng đang gặt đập. Họ trú ngụ dưới chân núi của dãy Tây Côn Lỉnh, nước sinh hoạt được cung cấp từ các khe nước trên núi đổ về.

Sau đó đoàn đến Hà Giang, thăm cột mốc số 0 của quốc lộ 2 trong công viên thành phố với sông Lô chảy cạnh bên, hiền hòa mà cũng hung dữ trong mùa mưa lũ. Quốc lộ 2 dài hơn 300 km, chạy qua 5 tỉnh thành. Đoàn nghĩ đêm ở khách sạn Cao Nguyên cao 9 tầng, cách đó mấy trăm mét là chợ Hà Giang đang chuẩn bị đóng cửa. Phố Núi đã lên đèn. Đây là Phố Núi của vùng cao Đông Bắc.

Chợ Hà Giang chuẩn bị đóng cửa sau một ngày mua bán.

ĐCL. 28/10/2016