Tường Thuật 12

NIỀM VUI BẠN BÈ GẶP GỠ

Vợ chồng Sơn - Vợ chồng Lâm - Luận - Đức

Dù thế nào đi nửa, khi trái đất vẫn quay đều, khi khoa học kỷ thuật tiến bộ, nhất là phương tiện truyền thông, cái điện thoại và internet, bạn bè vẫn còn cơ hội gặp nhau, dù thời gian dài đăng đẳng. Điều đó đã đến với bạn bè tôi, những người còn tâm huyết với nhau.

Theo đã có hẹn trước, hôm nay, tôi, Sơn, Đức, đến thăm nhà anh Lâm ở khu Phú Mỹ Hưng, Nam Sài Gòn. 4 thằng thời cùng khổ, những ngày ở trại Phú Lợi, đã gặp gỡ nhau hôm Tết tây, ngày đầu năm mới 2015 ở nhà Sơn. Sau 38 năm dài, bạn bè còn cơ hội gặp nhau. Nói theo triết lý nhà Phật, chúng tôi còn Duyên, nên còn gặp lại.

Trong ngày Hội Ngộ Minh Tân đầu năm Giáp Ngọ, dịp CHS trung học Minh Tân BH gặp gỡ các thầy cô giáo cũ, cũng sau gần nửa thế kỷ, một người em họ của anh Lâm đến nói sẽ gặp riêng tôi sau buổi họp mặt. Sau đó, anh nói là anh Lâm còn ở VN, và cho số điện thoại để liên lạc. Bạn bè cứ ngỡ anh đã đi định cư, ít có cơ hội gặp lại. Như bắt được vàng, về nhà, tôi gọi vào số máy đó, có tiếng trả lời, anh em nhận ra nhau. Hai đầu máy đã nối thông. Tôi điện thoại cho bạn bè báo tin mừng. Nhân dịp Sơn về quê ăn Tết, chúng tôi nhất quyết gặp nhau cho thỏa lòng mong nhớ.

Hôm nay tôi nhờ rễ quý lái xe, chở 2 người bạn và vợ Sơn, đi gặp bạn bè. Địa chỉ thì cứ theo định vị của GPS mà tìm. Tại điểm hẹn, anh Lâm ra hướng dẫn chúng tôi vào chỗ ở, một căn hộ ở tầng 8 của một chung cư cao cấp. Đời sống công nghiệp là như thế đó, khi dân số tăng nhanh mà đất đai không nở ra nhiều, dù có phá rừng, lấp biển, dời non. Khu vực nầy ngày xưa là sình lầy, dừa nước, lau sậy...đã biến thành đô thị nhỏ ở phía Nam Sài Gòn. Sau một lúc nói chuyện xã giao, vợ chồng anh hướng dẫn bạn bè đến khu du lịch sinh thái gần bên để ăn trưa và tâm sự tiếp. Thức ăn, thịt cá ê hề. Chúng tôi nhắc nhau, hồi đó được như vầy thì đâu có thời cùng khổ. Hột muối cắn đôi. Ca nước tắm khô củng đủ. Thức ăn thăm nuôi thì chia đều nhau. Vì vậy thức ăn mang ra đều được dọn dẹp sạch sẽ. 4 đứa chúng tôi giờ đều có cháu nội, ngoại ẳm bồng. Và cũng không quên nhắc nhở thời gian khó của cha ông.

Anh Lâm và Sơn nói với tôi.

- Mầy là người đầu tiên được thăm nuôi, diễm phúc lắm...

Chuyện như sau. Tôi cưới vợ ngày 21/4/ 1975, 2 tháng sau là vào trại. Một buổi trưa hè sau 2 tháng vào trại, nghĩ trưa dậy, tôi lòng vòng ra sân trại, vì thời tiết nóng nực. Nhìn sang đường, thấy ai đi qua, đi lại, giống bà xã quá. Tôi đến gần hàng rào, nhìn cho rõ hơn. Đúng là "ẽm" rồi. Em đội nón lá, mặc áo khoát mỏng, tay cầm túi đệm, đi qua lại, nhìn qua hàng rào, tìm kiếm tôi. Làm sao bây giờ. Nếu tiếp cận, vệ binh phát giác được thì nguy. Tôi bạo gan, lên gặp quản giáo và trình bày sự việc. Anh ấy dẫn tôi ra để gặp vợ trong vòng 5 phút, ngăn cách bởi mấy lớp rào kẽm gai, và anh đứng xa xa. Tôi thấy em hơi khác, cái bụng hơi lúp xúp, tôi đã được làm cha. Sau Tết Bính Thìn 1976, con gái tôi chào đời. Khi cháu được 2 tháng tuổi, mẹ và ông nội có ẳm lên gặp cha. Hôm qua, con gái lớn nói với tôi,

- Hôm trước, con soạn trong đống quần áo cũ, bắt gặp lá thư ba gửi về cho má, có nhắc tên con.

Như vậy, lá thư đó tôi lén gửi về nhà khi thăm nuôi.

Sơn còn chọc quê tôi.

- Phải lá thư đó mầy gửi cho em Liên thì tiêu tùng luôn...

Tháng sau, chúng tôi chuyển trại, và phân tán nhau trên mọi nơi...

Và 38 năm sau chúng tôi gặp lại nhau, những mái đầu bạc trắng. Nhưng còn có niềm vui là còn gặp gỡ nhau. Trái đất vẫn tròn.

Đỗ Công Luận. 23/1/2015.

"Tôi đã về Úc được 2 ngày. Chuyến đi có 2 tuần nhưng tôi đã thỏa mãn vì gặp được thằng bạn cũ sau 39 năm, thứ 2 là gặp được tận mặt anh và anh Thông để nói lời cám ơn. Về Gò Công chơi 1 tuần, thăm mồ mả ông bà cha mẹ cũng vui trong lòng.Coi được pháo bông đêm giao thừa ở Sài Gòn , nhìn đường xá kẹt xe đến 2 giờ sáng tại các đường ở trung tâm thành phố cũng thật là vui mắt . Khu Tây Ba Lô đường Bùi Viện về đêm thì thật là náo nhiệt và vui nhộn . Vui trước mắt nhưng nghĩ lại thì cảm thấy buồn khó tả. Muốn làm thơ như anh để tâm tình nhưng không làm được . Chúc anh chị và gia đình được nhiều sức khỏe và hạnh phúc trong năm mới nầy. Hy vọng sẽ có ngày gặp anh ở Úc. Thân mến, Lộc. "

TRÁI ĐẤT VẪN TRÒN

VANTRON1

chị Phương, anh Dân, vợ chồng anh Lộc

Trong cuộc đời, có những cuộc chia ly rồi không có cơ hội gặp lại. Nhưng nói theo triết lý nhà Phật, còn DUYÊN thì còn gặp lại, dù thời gian hàng mấy mươi năm. Tôi cũng có cơ may là nhân chứng cho lần gặp lại sau gần 40 năm của 2 người bạn.

Anh Trương Minh Lộc định cư ở Úc Đại Lợi hơn 30 năm nay. Dù ở phương xa, nhưng anh vẫn canh cánh bên lòng, một người bạn thân, một người đồng đội, hiện giờ đang ở đâu, sống chết thế nào... Theo bạn bè anh, anh bạn ấy có thể đã chết, không còn ở thế gian nầy. Nhưng anh có linh tính, người bạn ấy còn sống. Qua một người bạn là người của quê hương Biên Hòa, anh nhờ trang Ái hữu BH Cali nhờ đăng tin tìm bạn cũ.

Khi mail tìm bạn chuyển đến tôi, tôi nhận biết người ấy, cách nhà tôi hơn 2 km. Đó là anh Võ An Dân, có thời gian ở chung trại Phú Lợi với tôi. Anh Dân cũng là chú mười của Võ Việt Hùng, bạn chung lớp học với tôi. Có điều thời gian sau nầy tôi không thấy anh lên Chợ Đồn. Tôi định bụng sẽ xuống nhà anh xin số phone, rồi viết mail gửi đi. Nhưng bạn Trần Văn Thông đã nhanh nhẩu cho anh Lộc số điện thoại nhà của anh Dân. Thì ra, chị Đỗ Mai Phương, vợ của anh Dân, con chủ hiệu may Hoa Mỹ ở chợ Biên Hòa, cũng là cựu học sinh khóa 8 NQ, cũng là bạn học với Thông ở trường Quốc Gia Thương Mại Sài Gòn, nhưng học sau Thông một khóa, là vợ của anh Dân.Đám cưới anh chị diễn ra năm1973,Thông là rễ phụ bất đắc dĩ. Vì vậy Thông có số điện thoại để liên lạc.

Khi có số điện thoại trong tay, anh Lộc đã gọi ngay cho bạn, mà quên rằng hai phương trời cách nhau mấy giờ đồng hồ, lúc đó chưa rạng sáng ở Biên Hòa. Khi tình cảm đã đã thông, anh thường điện thoại về nói chuyện với bạn, vì anh Dân không xử dụng internet. Anh cũng không quên cám ơn đồng hương BH đã tận tình giúp đỡ anh, cũng như báo tin cho bạn bè đồng khóa về tin tức anh Dân. Và anh hẹn với tôi sẽ có ngày gặp mặt nơi quê hương BH.

Một ngày trung tuần tháng 12/2014, tôi nhận được mail của anh Lộc gửi cho tôi, xin lại số phone vì anh đã làm lạc mất. Vài tiếng đồng hồ sau, anh gọi cho tôi, báo tin đang ở Sài Gòn, hẹn 3 ngày sau sẽ đến nhà anh Dân và mời tôi đến để tương ngộ. Bởi vì hồi trước anh đã có nhiều lần đến chơi ở nhà anh Dân, và suýt là em rể của anh Dân. Tôi báo cho Thông biết tin để chuẩn bị.

Trưa ngày 22/12/2014, anh Lộc điện thoại mời tôi đến nhà anh Dân, khi anh và phu nhân đã đến đó.Tôi bỏ buổi cơm trưa, gọi cho Thông rồi đến nơi. Vợ chồng anh Lộc đang ngồi hàn uyên với anh Dân. Một cái bắt tay tràn đầy tình cảm. Qua mạng ảo, những người bạn xưa, những người bạn mới quen, lại gặp nhau, dù cách xa hàng ngàn cây số. Thông đến sau, chị Phương đi công việc vừa về đến. Một buổi tiệc nho nhỏ, những cái cụng ly cho lần hạnh ngộ. Bởi vì anh Lộc, anh Dân giờ đã thất thập cổ lai hy, biết có còn cơ hội nữa không...Thời gian xa cách gần 40 năm được cô đọng lại trong buổi chiều gặp gỡ. Anh chị Lộc gửi biếu cho tôi hộp rượu 64 chai nhỏ, hứa sẽ đem đãi cho bạn bè nhân dịp họp khóa 8 NQ sau rằm tháng giêng Ất Mùi. Rượu tình nghĩa sẽ ngon và nồng ấm. Như lần họp mặt năm rồi, cũng có chai rượu tình nghĩa của người anh gửi về, một người đã có thời gian dài gắn bó với vùng đất Biên Hòa. Sau đó, đến 15 giờ 30, tôi và Thông xin phép kiếu từ để các anh chị còn hàn uyên tâm sự.

VANTRON

vợ chồng anh Lộc, Luận Thông, Anh Dân chị Phương

Cuộc đời như bóng câu qua cửa sổ. Bạn bè 40 năm sau còn gặp lại nhau. Xin cám ơn những tấm chân tình đã đến với nhau khi ngày tháng không dừng trôi. Nhìn lại, mái tóc đã pha muối tiêu. Tình cảm vẫn như ngày xưa. Xin cám ơn cuộc đời.Một ngày vui qua mau.

Đỗ Công Luận. 5/1/2015.

ÔNG GIÀ NO-EN PHÁT QUÀ GIÁNG SINH

Chiều tối nay, 24/12/2014, không khí Noel đã bắt đầu tràn ngập mọi miền. Người lớn chuẩn bị đi lễ nhà thờ cũng như bửa ăn Reveillon cho gia đình. Thanh thiếu niên chuẩn bị đi dạo phố và khoe sắc màu cùng mùa lễ hội. Riêng các cháu nhỏ thì háo hức chờ ông già Noel đến phát quà. Các cháu ngoại của tôi cũng không ngoài thông lệ đó, đã mặc quần áo đẹp từ 18 giờ chiều, và nôn nóng chờ đợi.

Khoảng 3-4 ngày trước, các con đã hỏi các cháu thích quà gì, viết lá thư để gửi cho ông già Noel đến tặng quà đêm Giáng Sinh, với điều kiện phải ngoan, học giỏi. Sau đó, cha mẹ chúng đi mua quà, gói lại cho đẹp, gọn ghẻ, và nhờ dịch vụ chuyển phát quà Noel. Những năm gần đây dịch vụ nầy nở rộ. Các con nhờ hai nơi, một của Nhà Thiếu Nhi tỉnh ở BH, và một của cửa hàng gần nhà.

Theo đúng như lịch hẹn, gần 19 giờ, ông già Noel của Nhà Thiếu Nhi đến cùng chú gấu Misa. Nghe tiếng chuông leng keng từ xa, các cháu đã ngó ra đường chờ đợi. Khi ông già Noel đến trước cửa, các cháu vây quanh. Ông già Noel hỏi tên từng cháu, bao nhiêu tuổi, học lớp mấy... Các cháu ngoan ngoản trả lời để có quà. Sau khi chụp hình chung lưu niệm, từng hộp quà được phát cho các cháu, theo nguyện vọng. Khuôn mặt trẻ thơ rạng rỡ, người lớn cũng vui lây. Sau khi phát quà xong, ông già Noel chúc các cháu mau lớn, học giỏi và năm sau gặp lại. Các cháu khoanh tay cám ơn, để rồi ông già Noel tiếp tục công việc ở nơi khác. Các cháu vào nhà, mở quà ra xem, chứ đâu biết rằng đó là mồ hôi, công sức của cha mẹ, ông bà.

Trong vòng tay ông già Noen, ông tiên cổ tích.

Ông già Noel, chú gấu Misa, chụp ảnh lưu niệm với các cháu.

Ông ngoại cũng chụp hình ăn theo.

Từng gói quà đang phát cho các cháu.

Ăn no, chóng lớn, học giỏi nhe cháu...

Niềm vui trẻ thơ đêm Noel, sau khi nhận quà.

Cháu ngoại gái bé nhất, 17 tháng tuổi, và bà ngoại.

Thay đổi trang phục để chờ ông già Noel thứ hai đến phát quà.

Sau đó, ông già Noen thứ nhì của cửa hàng gần nhà, đi bộ, lắc chuông leng keng đến. Mỗi cháu được phát một cây đèn cầy chiếu sáng cầm tay. Rồi sau đó nhận món quà thứ nhì theo ước nguyện. Cháu trai giữa đã nói,

- Con viết thư cho ông già Noel, có xin thêm cho ông ngoại cái Ipad để ngoại xài...

Ông ngoại chờ mỏi cổ mà chẳng thấy ông già Noel phát quà. Chắc bà ngoại giận nên không cho, vì cách đây mấy tháng, ông ngoại đã làm mất một cái tablet Sam sung. Thôi ông ngoại ráng chờ năm sau, và năm sau nửa...như ông ngoại mỏi mòn với Mùa Giáng Sinh buồn của đúng 42 năm về trước. Ôi thời gian và phiền muộn...

Thêm một mùa Giáng Sinh êm ả của trẻ thơ trôi qua, và chờ đợi mùa Noel năm sau để gặp lại ông già Noel với những món quà ước mơ.

Ông già Noel thứ hai đang phát đèn cầy chiếu sáng cho các cháu.

Nhận món quà thứ nhì xong, các cháu đều hớn hở.

Ông ngoại, cùng ông già Noel và các cháu. Niềm vui tuổi già.

Đỗ Công Luận.

Mùa Giáng Sinh 2014.

TÂM TƯ NGÀY GIỖ MẸ TÔI

Ảnh gia đình chụp chung, 1981, nhân dịp đám cưới em trai thứ tám.

Em trai thứ 9 - Luận - Cha - Mẹ - Em trai thứ 8 - Chị 3 - Chị 5 - Em gái thứ 10 - Em gái thứ 11 - Em gái Út.

Thế là tôi và mẹ vĩnh viễn xa nhau đã 8 năm. Buổi chiều ngày rằm hạ ngươn Bính Tuất, 2006, tôi đi Chợ Lớn lấy hàng về bán. Mẹ tôi làm mệt, các em tích cực săn sóc, cho thở oxy, hút đờm. Sau đó mẹ tôi tỉnh lại, các em cho nằm ghế bố xem tivi. Tôi về nhà riêng, bên nầy Cầu Gành. Chưa kịp thay quần áo, có điện thoại của đứa cháu gái gọi sang...

- Bác Sáu, bà nội đã...

Tôi chạy sang, mẹ đã tắt thở, nhưng đôi mắt còn mở, như chờ đợi tôi. Tôi đưa tay vuốt mặt, mẹ mới nhắm mắt hẳn. Đó là điều tôi ân hận, mẹ trút hơi thở cuối cùng mà tôi không được ở cạnh bên chứng kiến. Mẹ hãy tha lỗi cho con.

Hôm nay gia đình tổ chức kỵ giỗ lần thứ sáu cho mẹ tôi. Hôm qua thứ bảy, rằm hạ ngươn, anh chị em tôi đã làm mâm cơm chay cúng mẹ. Hôm nay cúng mặn, đồng thời cũng mời họ hàng, bè bạn...đến dự buổi tưởng niệm ngày mất mẹ tôi. Nhân dịp bạn Lâm Văn Sơn, người bạn thời cùng khổ với tôi, về thăm gia đình và ăn Tết Ất Mùi, tôi mời bạn và vài người bạn đã cùng một thời gắn bó với nhau. Hôm qua, gia đình bạn cũng làm lễ kỵ giỗ cho cha, và tôi cũng có tham dự. Mẹ tôi, và cha bạn, cùng mất ngày rằm hạ ngươn, nhưng cha bạn mất trước vài năm.

Năm 1970, bạn Sơn, Long đen ở Tân Vạn, Quang Mập và tôi cùng học chung ở đại học Vạn Hạnh. Hết năm thứ nhất, Long đen xuống đại học Cần Thơ học sư phạm 2 năm, ra dạy trung học đệ nhất cấp ở Cái Dầu, Long Xuyên. Nhưng thiếu thầy, trường cho bạn dạy luôn lớp đệ nhị cấp. Sau 1975, bạn xin chuyển về Biên Hòa, dạy học đến 1990 thì nghĩ hẳn, "mất dạy". Sau đó ra bán chợ trời thuốc tây, làm chủ lò gạch cũng gần 20 năm. Bây giờ, có được mớ vốn liếng để dưỡng già, và 2 đứa con ngoan. Con trai bạn, đang học MBA ở Chicago, tương lai tươi sáng...

Mùa hè đỏ lửa, Sơn, Quang Mập, và tôi trình diện nhập ngũ ở trung tâm 3. Long đen không biết chính sách cũng trình diện. Sĩ quan phụ trách nhập ngũ xem giấy tờ của Long đen rồi phán.

- Anh còn một năm học cuối, về học tiếp ra trường rồi tính sau

Đâu ai biết hậu vận thế nào.

Trước đó, Quang mập có đăng ký không quân, nên được gọi ra Nha Trang nhập học. Nhờ có 2 năm đại học nên về học tiếp Tổng Quản Trị. Ngày tan hàng, vẫn còn đeo quai chảo trên vai áo, chỉ học tập 3 ngày, sau đó xin làm viên chức đến ngày về hưu, mỗi tháng cũng lảnh mấy triệu tiền lương hưu.

Những ngày ở trung tâm 3, chờ khóa học, hơn 18 giờ, Sơn và tôi, 2 đứa cầm tờ phép 24 giờ về thăm nhà. Hai đứa lội bộ ra Chợ Cầu, đón xe ra Hàng Xanh, đón xe lô về Biên Hòa theo ngã Tam Hiêp. Gần 21 giờ, về đến cây xăng bác Sáu Sử ở Biên Hùng, 2 đứa lội bộ về Chợ Đồn, hơn 3 cây số. Cả hai vừa đi, vừa kể chuyện cho mau đến nhà. Qua Cầu Rạch Cát, Cầu Gành, gió từ sông Đồng Nai lành lạnh thổi lên.

Sơn và tôi cùng vào Thủ Đức, số quân sát bên nhau, nhưng ở khác đại đội. Ra đơn vị, Sơn được chọn về không quân, học Hành Chánh Tài Chánh nhờ có 2 năm đại học, rồi về phục vụ mặt đất. Tôi ra đơn vị, bóp cò súng hơn 1 năm, rồi có đợt tuyển quân về binh chủng cục sở cho kế hoạch kinh tế hậu chiến, tôi cũng được về ngành HCTC, chuẩn bị mãn khóa học thì tan hàng. Nhưng trước đó, ngày 21/4/1975, tôi đã lập gia đình.

Tháng 6/1975, Sơn và tôi cùng vào trại. Những ngày ở trại, rảnh rổi, 2 đứa thường ngồi dưới gốc cây bả đậu tâm sự về gia đình, tương lại sự nghiệp về đâu, khi tuổi đời còn quá trẻ. Tôi thì lại bận bịu vợ hiền đang cưu mang đứa con đầu lòng trong bụng. Cuộc đời dường như rẽ vào ngõ cụt. Khi tôi ở Trảng Lớn, vợ tôi bồng con đến thăm, cháu mới vài tháng tuổi. Khi con gái lớn, và 2 cháu ngoại của tôi từ Tân Mai về, đến chào bàn tiệc, tôi chỉ tay, nói với Sơn.

- Nó đó...

Bây giờ cháu đã 38 tuổi và làm mẹ của 2 đứa con.

Tôi nhờ học giỏi, 2 năm tốt nghiệp, về nhà có thêm 2 cô công chúa nửa, phải lo cuộc sống gia đình. Hai năm làm công nhân lò gạch, rồi mượn vốn gia đình, sự giúp đỡ của cha mẹ đôi bên để đi buôn. Mỗi ngày 2 lượt, đạp chiếc xe chất đầy hàng vượt 70 cây số về nhà. Lên dốc cầu Sài Gòn thè lưởi. Đỗ dốc cầu Bình Triệu, đôi dép trên chân làm thắng...Bây giờ 3 cô con gái đã có gia đình ấm êm, con trai đã tốt nghiệp đại học và đã đi làm. Không còn gì đòi hỏi nửa, vui vầy bên con cháu.

Bạn học dở hơn, 5 năm năm mới ra trường. Về nhà mượn tiền sắm cái cưa máy làm thợ rừng cưa cây. Cô bạn gái hàng xóm thương tình, ưng làm vợ, sinh cho 2 quý tử. Năm 1993, bạn đi định cư. Hôm tiễn đưa, tôi chạy vào xưởng gốm, chở Quang Mập ra, cùng nhau cạn chén chia tay. Hôm đó tôi say mèm, về nhà ngủ đến sáng. Thỉnh thoảng bạn về thăm phụ mẫu, bạn bè gặp nhau chốc lát, không có thì giờ tâm sự. Bây giờ, bạn đã nhẹ gánh gia đình, con cái đã là kỷ sư, kiến trúc sư, đã có cháu nội ẳm bồng. Vợ chồng đã có lương hưu, còn gì đòi hỏi nửa...

Những mái đầu tóc bạc, ngồi quây quần bên nhau nâng ly cạn chén cho lần gặp gỡ. Hơn 3 năm về trước, Tiêu Hồng Phước về thăm nhà, bọn tôi cũng có lần chung vui, Quang Mập cũng làm hết mấy chai. Lần nầy,

- Cho tao xin chai nước mát...

Còn gặp nhau thì hãy cứ vui, với điều kiện sức khỏe còn cho phép. Chủ nhật tuần trước, khi bạn bè uống cà-phê sơ ngộ, tôi có điện thoại mời Quang Mập, nhưng bạn không đến được, vì không có ai thay thế săn sóc mẹ già. Mẹ già như chuối chín cây. Ai còn mẹ là niềm hạnh phúc lớn.

Mẹ kính yêu, nhân ngày giỗ mẹ, bạn bè vong niên của con còn cơ hội gặp nhau. Nhưng con không còn gặp được mẹ. Mỗi ngày chỉ 2 lần nhang khói, ra vào nhà chỉ nhìn di ảnh cha mẹ trên bàn thờ. Nhưng công ơn của mẹ, cũng như những bà mẹ Việt Nam, con không thể nào phai. Nhất là những đứa trai thời loạn như con. Ngày con ở chiến trường, không thư từ về nhà, mẹ lặn lội tìm đến thăm con. Con ở đâu là mẹ tìm đến đó. Mùng 5 Tết Giáp Dần, 1974, mẹ lặn lội tìm đến thăm con nơi đồn vắng. Sau nầy, khi chiến tranh biên giới Tây Nam diễn ra, 1978, nghe tin em trai con cùng đơn vị chuẩn bị vượt biên giới sang Miên, mẹ dấu cha, mang đôi giỏ xách tìm em con, đến cửa khẩu biên giới Tân Lập, Kà-Tum, đơn vị em đã xuất quân, mẹ quỵ xỉu tại chỗ. Thương thay cho những bà mẹ Việt Nam. Bây giờ chị em con sum họp đông đủ, mẹ không còn nửa. Giỗ mẹ, là dịp gia đình, họ hàng tưởng nhớ nhau.

Sáng nay, có cuộc họp mặt của các bạn nữ tứ 3, khóa 9 NQ, các bạn có mời tôi. Nhưng giờ chót tôi xin cáo lỗi. Buổi chiều, có buổi họp mặt ở nhà bạn Trầm Ngọc Sương, nhưng còn mệt, nên tôi cũng xin phép vắng mặt. Bạn bè từ nay đến cuối năm còn cơ hội gặp gỡ nhiều hơn. Tôi muốn dành thì giờ cho gia đình và bạn bè thời cùng khổ.

Quá khứ đã chia xa, tháng ngày còn lại cùng buồn vui năm tháng. Bây giờ, những đứa con của con cũng dành tình cảm cho con như con dành cho cha mẹ. Nước mắt chảy xuôi. Nhưng điều giáo huấn của cha mẹ con luôn ghi nhớ. Ở hiền, gặp lành. Sống cho đạo đức, gieo quả tốt, hưởng trái ngọt. Cuộc đời như gió thoảng, mây bay...

Mâm cơm cúng cho mẹ.

Trong phòng thờ của gia đình. Trong góc là bàn thờ em gái thứ 7, mất 4 tuổi.

Trên tường là bài báo viết về cha tôi, Ông Ba Trầm, nhân kỷ niệm BH 300 năm, 1998.

Từ trên sân thượng, hướng trước mặt là núi Châu Thới, với chùa trên đỉnh.

Sau lưng là Sông Đồng Nai và chợ Biên Hòa.

Tâm nhủi - Tâm khỉ - Sơn, áo xanh sậm - Long đen - Cang ở Riverside về.

Luận, áo xanh biển - Quang Mập - Sơn, áo sậm - Long đen, tóc xoắn.

Bàn tròn gặp gỡ.

Đỗ Công Luận. 7/12/2014.