Bài Viết 3

- CHÚC MỪNG SINH NHẬT, HAPPY BIRTHDAY

- THƯ VIẾT CHO THẦY TÔI, THẦY LÊ QUÍ THỂ

- KỂ TIẾP CHUYỆN VỀ LỚP ĐỆ THẤT3

- TƯ ẾCH ĐI...SÀI GÒN...

- ĂN SÁNG VỚI... VIỆT KIỀU

- LỚP ĐỆ THẤT3 CỦA CHÚNG TÔI

- LỄ VU QUI CON GÁI BẠN PHẠM VĂN ĐẠO

- THƯ CHO BẠN TỪ NỬA VÒNG TRÁI ĐẤT

- NHẬT KÝ NGÀY XUÂN

CHÚC MỪNG SINH NHẬT, HAPPY BIRTHDAY

Ngày 1/12/2013, kỷ niệm ngày tôi bước vào tuổi 63. Ba năm trở lại đây, nhờ làm quen với computer, tôi đã kết nối được với bạn bè phương xa, làm quen với các vi hữu trên mạng. Gần gủi hơn, những bạn bè chung lớp, đồng môn còn ở quanh đây tìm được nhau qua những lần họp mặt. Cách đây hai năm, lần kỷ niệm bước qua tuổi 61, đáo tuế, tôi cũng đã tổ chức mừng sinh nhật cùng bạn bè ở quán hải sản dưới chân Cầu Gành. Năm trước đó, tôi kỷ niệm sinh nhật với các con, các cháu. Năm nay, tôi quyết định tổ chức sinh nhật cùng nhóm bạn bè biết nhau qua những lần họp mặt, cà-phê tâm sự. Các con tôi cũng đồng tình với ý kiến của cha. Niềm vui của tháng năm còn lại.

Trước đó vài hôm, tôi đã gửi mail mời, cũng như điện thoại báo tin. Bạn bè ở nội ô Biên Hòa thì dễ liên lạc. Riêng Lê Xuân Sang thì ở Lái Thiêu, Bình Dương, cũng hứa cố gắng. Sáng qua, Lê Xuân Sang điện thoại báo tin, nhạc phụ vừa qua đời lúc 5 giờ sáng. Tôi thay mặt bạn bè gửi mail chia buồn. Sinh nhật năm nay của tôi lại nhằm ngày chủ nhật, tổ chức lúc 17 giờ thì thuận lợi, trời mát mẻ. Nhưng hôm nay là ngày hoàng đạo, tiệc cưới khá nhiều, có sự trùng hợp. Mỗi lúc bạn bè điện thoại cáo lỗi, tôi lại buồn lo. Trong gia đình, hôm nay lại có tiệc gia đình của em vợ, bà xã và các con cháu phải đi dự tiệc, tôi và con gái phải ở nhà trong nôm cửa hàng. Thêm một ngày bận rộn. Về nhà nghĩ trưa, đã có email của nhóm thân hữu gửi lời chúc mừng sinh nhật. Bạn bè còn nhớ đến mình là điều hạnh phúc. Hôm qua, tôi đã nhận được mail chúc mừng của một thân hữu ở Ái Hữu Biên Hòa Cali, vì địa chỉ của tôi là luando1.12.51, nên dễ nhớ. Xin cám ơn thân hữu dù chưa một lần gặp mặt...

16 giờ chiều, sau khi bà xã và các con cháu về đến gia đình, tôi về nhà để chuẩn bị, không kịp trả lời mail của bè bạn trên Caphecaumat.blogspot.com. Trần Văn Thông điện thoại cho tôi, có ý kiến nhập tiệc sinh nhật của phu nhân bạn vào tiệc sinh nhật của tôi cho phần đông vui, ấm cúng. Thế thì hay quá, dù sao cũng là bạn học Ngô Quyền, đa phần là khóa 8 CHS NQ. Thế là lại có party của khóa 8 , những người bạn thường hiện diện trong những lần bạn bè gặp gỡ. Khách mời lần nầy có bạn Nguyễn Thế Hùng, còn ở lại Biên Hòa, 3 tuần sau bạn mới về với gia đình. Lại có những âu lo khi Lê Thành Vạn sức khỏe chưa ổn định, Nguyễn Ngọc Long những ngày qua bị virus cảm cúm hành đau nhức. Trời đã vào Đông, buổi sáng những ngày qua tiết trời se se lạnh. Địa điểm bạn bè gặp gỡ là quán hải sản Lẩu Tôm Năm Ri vừa mới khai trương ở khu dân cư Gò Me. Thương hiệu "Lẩu Tôm Năm Ri", người dân ở Biên Hòa ai mà chẳng biết. Bạn bè tham dự khoảng hơn hai chục người, gửi đến nhau lời chúc mạnh khỏe. Còn gặp nhau thì hãy cứ vui. Thức ăn đều là hải sản, tôm sú, ghẹ, chem chép, nghêu hấp...Món ăn dân dã là rau củ luộc chấm nước mắm kho quẹt, cơm chiên và lẩu hải sản...Lê Minh Trí nói, cứ một món mới mang ra là mỗi đứa cạn một chai. Thôi thì, uống theo tửu lượng, sức khỏe cho phép, vì còn những cơ hội gặp nhau nửa...

Trước khi chia tay sau buổi tiệc sinh nhật tối qua, bạn bè hẹn nhau sẽ có buổi cà-phê sáng hôm sau, dù rằng đó là sáng thứ hai đầu tuần. Mục đích là để tâm sự tiếp, cũng như gặp gỡ số bạn bè vì công việc riêng mà chiều qua không đến được. Tất cả bạn bè chúng tôi đã trên 60 tuổi, tuổi nghĩ hưu là 60, và có ngành nghề tự do nên không vướng bận giờ giấc hành chánh. Tất cả đồng ý, gật đầu, bắt tay chào nhau.

Sáng nay, trong lúc chờ đứa cháu ngoại ăn điểm tâm để đi học sáng, tôi bắt máy gọi cho Nguyễn Minh Tâm, Phạm Văn Đạo, Lê Thành Vạn, Nguyễn Ngọc Long...Có tin buồn về sức khỏe bạn bè. Nguyễn Ngọc Long, Long đen, sau khi đến bác sĩ tư khám bệnh, được chẩn đoán là bị xuất huyết bao tử, hiện tại đang nằm dưỡng bệnh tại nhà, bác sĩ đến chăm sóc và cho uống thuốc theo dõi bệnh. Bệnh tật đang đến với bạn bè, lứa tuổi U60, và biến chứng của lạm dụng rượu bia. Tôi an ủi Long, cố gắng điều trị để bạn bè còn dịp gặp nhau...

Sau khi đưa cháu ngoại đến trường học, trên đường về tôi ghé điểm hẹn, dưới chân cầu Bửu Hòa mới khai thông. Dù khoảng cách xa hơn 2 cây số so với ngã đi cầu sắt, nhưng đường đi thoáng đảng, rộng rãi hơn. Bạn Đạo đã đến trước, vì từ nhà bạn đến đây theo hướng phà An Hảo sẽ gần hơn. Gọi là phà vì phương tiện có thể vận chuyển xe tải nhỏ từ hãng giấy Cogido sang cù lao Hiệp hòa, gần hơn là đi hướng ngã ba Tân Vạn. Bạn Vạn và một người bạn đến cùng lượt với tôi. Lần lượt bạn bè đến đông đủ, cở một đội bóng đá kèm 2 cầu thủ dự bị. Lê minh Chánh đến sau cùng. Vũ Trung Hòa, Ngô Phước Thiện, bận việc không đến được. Nguyễn Thế Hùng, Đinh Quang Huyên, lại mang vác ba-lô cho chuyến hành trình tiếp theo. Dù sáng nay thời tiết khá lạnh hơn những sáng hôm trước, nhưng ly cà-phê đá truyền thống vẫn hiện diện trên bàn, cạnh ly cà-phê đen của Vạn, Chiếu. Bạn bè hiểu ý nhau. Hai bình trà nóng được mang ra để hâm nóng những trái tim già còn thổn thức ĐIỆP KHÚC YÊU THƯƠNG. Tôi nối máy cho bạn bè nói chuyện với Đinh Hoàng Vân, vì tối qua bạn bè có gửi mail cho nhau. Vân đang có niềm vui với cháu ngoại trai, hẹn có ngày gặp lại bạn bè. Bốn chiếc bàn vuông được kê dài cho đủ chỗ ngồi. Ít có cơ hội bạn bè uống cà-phê tâm sự đông vui như thế nầy. Thôi thì còn cơ hội gặp nhau thì hãy cứ vui.

Đến 9 giờ hơn, tôi có điện thoại gia đình, nên xin phép về trước. Bạn bè tâm sự tiếp đến khoảng 10 giờ rồi chia tay. Một buổi tiệc sinh nhật vui vẻ, một buổi cà-phê sáng ấm cúng, đã cho bạn bè tôi nhiều niềm vui. Quán cà-phê dưới chân cầu nhìn ra dòng sông quê hương, bạn bè gặp nhau để tìm về kỷ niệm. Cuộc đời như nước sông khi lớn, khi ròng. Mùa nắng nước trong, mùa mưa nước đục. Nhưng nước sông quê hương bao giờ cũng ngọt mát, mang phù sa cho mầm sống mới xanh tươi. Xin cám ơn tất cả bạn bè, vi hữu đã gửi lời chúc mừng sinh nhật đến tôi. Có những bạn bè chưa lần gặp gỡ, chỉ biết nhau qua mạng ảo, từ Bắc Mỹ, đảo quốc phương Nam và cả trời Âu yêu mến. Xin cám ơn những bạn bè đã đến nhau, nâng ly chúc mừng, cạn ly cho đời thôi cay đắng. Xin cám ơn các vi hữu đã quan tâm đọc bài viết nầy.

Đỗ Công Luận.2.12.2013.

THƯ VIẾT CHO THẦY TÔI, THẦY LÊ QUÍ THỂ

Kính thưa thầy,

Điều em muốn nói trước tiên khi viết thư nầy cho thầy, là đã có một sự diệu kỳ xảy ra để tạo cơ hội cho thầy trò ta xích lại gần nhau sau 43 năm xa cách.

Thưa thầy, em đã về sinh hoạt với đại gia đình trường ta nay gần 3 năm. Khi biết được một số thầy cô còn sống và sinh hoạt với học trò, em rất vui mừng. Một số bạn bè nhận ra em sau thời gian dài xa cách và đã có gửi thư thăm hỏi. Lần đầu tiên ở nhà bạn Lê Thành Tươi, CHS NQ K7, bạn đã mở cho em xem trang ngo-quyen.org. Em hỏi về tin tức thầy, bạn nói hãy tìm trong mục liên lạc thầy cô. Mở mục nầy ra, chỉ thấy có tấm ảnh của thầy, ngoài ra không có số phone hay địa chỉ email để cần liên lạc. Hỏi thăm một số bạn bè, em chỉ biết thời gian đầu thầy có liên lạc với đại gia đình ta, sau đó không có tin tức. Em hơi hụt hẳng.

Thưa thầy, ngoài tình nghĩa thầy trò, vì năm em học lớp 12 A1, niên khóa 1969-1970, thầy đã phụ trách môn lý hóa. Quyển thành tích biểu em còn lưu giữ với bút phê của thầy, "giỏi" cho cả hai lục cá nguyệt. Cả lớp có 32 học sinh, mà môn lý hóa và vạn vật có hệ số 4. Chữ ký của thầy là hai vần tê-hát "th" vút cong. Trong sinh hoạt học đường, thầy là giáo sư hướng dẫn thể thao toàn trường. Năm học 1968-1969, bạn Giang Hưng ở lớp đệ nhị B2 làm trưởng khối thể thao, em là Đỗ Công Luận ở lớp đệ nhị B3, làm khối phó. Cả hai chúng em rất ăn ý nhau trong việc tổ chức các hoạt động thể thao của trường, nhất là môn bóng đá. Giang Hưng thì có năng khiếu về môn bóng rỗ và bóng chuyền. Trên sân cỏ, em đá bóng dở, nhưng ở vòng ngoài sân lại rất nhiệt tình săn sóc cho cầu thủ, và cổ vũ cho tinh thần đội bóng nên được bạn bè trìu mến đặt biệt danh "Ông Bầu Luận". Năm đó đội bóng của trường ta rất mạnh. Hàng tiền đạo có cặp bài trùng, Nguyễn Liễu và Nghiêm Thái Bình, đàn anh học lớp đệ nhất B3 Pháp văn, bạn chung lớp với Diệp Cẩm Thu, Tô Anh Tuấn, Nguyễn Thanh Tùng, Phạm Sơn Danh, Mai Quỳnh Lâm.... Thủ thành có đàn em Ái, đồng thời cũng đá cặp hậu vệ với Nguyễn Văn Tiên. Bạn học chung lớp với Giang Hưng là Vũ Trung Hòa, đá vai tiền vệ rất cứng. Cả ba đều có nhà ở xóm ga Biên Hùng. Rồi có Nguyễn Văn Tú, sau em một lớp.Năm đó, thầy đã dẫn dắt chúng em đi dự đại hội thể thao học sinh Đông Nam Bộ ở Vũng Tàu.

Sang năm học 1969-1970, trong ban đại diện học sinh, em phụ trách khối thể thao, bạn Nguyễn Mai là em bạn Nguyễn Liễu, là khối phó. Hai anh em Liễu, Mai đang định cư ở Texas. Lớp đàn anh đã ra trường, một số đàn em được bổ sung cho đội bóng. Võ Hà Mỹ đá vai tiền đạo với Nguyễn Văn Thoan, học sinh mà thầy đã xin cho chuyển trường từ trường Khiết Tâm về trường ta. Rồi Huỳnh Kế Hiếu, Đinh Công Hoàng, Nguyễn Hữu Nghiên, Trần Văn Minh...cùng Ái, và Tiên cũng cố cho đội bóng. Sau nầy Đinh Công Hoàng nổi tiếng là tuyển thủ quốc gia. Thầy đã dẫn dắt đội bóng đi đấu giao hữu với các trường bạn như Lasan Mossard (Thủ Đức), trường Trịnh Hoài Đức(Bình Dương)...Các đội bóng trường bạn cũng đã đến sân vận động Biên Hòa đấu giao lưu với trường ta. Kinh phí các buổi thi đấu nầy được thầy xin duyệt của CPS (Chương trình Phát triển Sinh hoạt học đường).Thầy trò ta đã hòa đồng với nhau trong những lần sinh hoạt thể thao. Những kỷ niệm đáng nhớ em không thể nào quên.

Đỗ Công Luận và Đinh Công Hoàng trong lần họp mặt 26/2/2012.

Vũ Trung Hòa, áo pull vàng kem, trong lần họp mặt bạn bè.

Nghiêm Thái Bình, áo bông vàng đen. Trần văn Minh, áo pull sậm.

Cuối tháng 5 vừa qua, bạn bè báo tin thầy có ghi danh tham dự họp mặt toàn trường ở Nam Cali, lòng em mừng hớn hở. Một bài thơ nhớ về "THẦY TÔI" ra đời.

THẦY ƠI!

- Cảm tác khi nhận tin thầy Lê Quí Thể

sẽ tham dự họp mặt trường xưa 4/7/2013-

Đọc bài viết của bạn bè.

Ngỡ rằng nửa tỉnh nửa mê rối đời.

Bàng hoàng tin tức thầy tôi.

Bao năm sóng gió cuộc đời vùi sâu.

Nhớ thương vầng trán hói đầu.

Làn da sạm nắng úa màu thời gian.

Dép lê không rời đôi chân.

Bước đi cao thấp in hằn dấu xưa.

Những ngày đội nắng dầm mưa.

Dắt dìu đội bóng thắng thua không màng.

Vũng Tàu nắng lửa chói chan.

Hàng cây bóng mát La-San trường dòng.

Dạy cho chữ nghĩa tinh thông.

Cân bằng phản ứng vị nồng mặn chua.

Cõng lưng chữ số chơi đùa.

Vươn cao thành tích cuối mùa phượng say.

Nhìn trông chữ ký của thầy.

Hai vần tê-hát (TH) cuối ngày vút cong.

Bút phê, học giỏi, hai vòng.

Vũ Môn cá chép hóa rồng bay cao.

Trường xưa cánh cổng khép chào.

Thầy ơi, có biết ngày nào gặp đây?

Tìm trong hơi ấm bàn tay.

Ngô Quyền hội ngộ nắng say hương lòng.

Nửa vòng trái đất uốn cong.

Chờ nghe tiếng nói theo dòng điện phôn.

Bao năm chờ đợi mõi mòn.

Nhịp tim vẫn đập, hãy còn gặp nhau.

Cho xin kính gửi câu chào.

Thầy tôi, bạc trắng tóc màu nắng mưa...

Biên Hòa, ngày 29/5/2013

Đỗ Công Luận

Vài hôm sau, bạn Nghiêm Thái Bình có viết bài văn, " Nhớ về thầy Lê Quí Thể và một trận cầu". Có lẽ thầy có theo dỏi trang ngo-quyen.org, để biết rằng học trò vẫn còn nhớ đến thầy?

Ngày tổ chức họp mặt có trực tiếp truyền hình trên trang web NQ. Buổi trưa ở Cali là khuya ở Biên Hòa. Em háo hức và chờ đợi để theo dỏi, để nhận ra thầy cùng các thầy cô khác và bè bạn. Em dự định sẽ nối máy điện thoại cầm tay, nhờ bè bạn chuyền tay, để nói chuyện với thầy. Bởi vì bè bạn cũng không biết số phone của thầy. Đến khi hội nghị bắt đầu khai mạc, tin tức cuối cùng, phút thứ 89, thầy không đến dự được. Lòng em buồn vời vợi, hi vọng vuột khỏi tầm tay...

Thứ ba tuần qua, chị Ngọc Huệ có gửi mail cho em.

- Tôi mới liên lạc được với thầy Thể, thầy có cho địa chỉ email, nên lật đật gửi riêng cho anh...

Mừng quá, em viết vài dòng điện thư gửi cho thầy.

Thưa thầy,

Qua chị Ma thị Ngọc Huệ, em đã có địa chỉ email của thầy. Em là Đỗ Công Luận CHS NQ K.8, 1963-1970. Năm lớp đệ nhất, em là trưởng khối thể thao của trường ta. Năm trước đó, Giang Hưng là trưởng khối. Em có lời hỏi thăm thầy, xin thầy hồi đáp. Chúc thầy có nhiều sức khỏe.

Học trò Đỗ Công Luận.

Hôm sau, thầy hồi âm cho em.

-Cám ơn anh còn nhớ đến những ngày xưa và đã gửi lời thăm hỏi.

Thể.

Thế là thầy trò ta đã liên lạc được nhau rồi.

Trong cuộc đời em, những năm tháng gần đây, khi liên lạc được với bạn bè, người thân, có hai sự kiện em đáng ghi nhớ.

Lần em về miền Tây sông nước Cửu Long, em có về nơi chốn xưa và hỏi thăm tin tức của đơn vị trưởng. Bạn bè nói ông ta còn sống, đã đi H.O và sẽ cố gắng xin số phone để em liên lạc. Em cảm thấy lòng lâng lâng, thanh thản. Khi hai đầu máy điện thoại nối thông, nghe tiếng nói của "ông thầy", lòng mừng vô tả. Con người ta có già theo năm tháng, nhưng giọng nói không thay đổi nhiều. Mấy tháng sau, ông ta về quê thăm mẹ già, bạn bè báo tin. Em và một anh bạn cùng đơn vị, từ Sài Gòn xuống nhà tìm ông ta. Ba "thầy trò" gặp nhau, ôm nhau mà nước mắt lăn dài trên má. 37 năm, thuộc cấp và thẩm quyền gặp lại, tưởng đã không còn cơ hội...Sau chiến tranh, xã hội có thay đổi, nhưng tình người thủy chung vẫn còn nguyên vẹn, và biết rằng trái đất tròn nên vẫn còn cơ hội gặp nhau...

Đối với thầy em cũng nghĩ vậy. Hi vọng em sẽ có số phone của thầy, để khi nào bạn bè uống cà-phê cùng tâm sự, em sẽ nối máy để bạn bè cùng vấn an thầy. Hi vọng ngày nào đó trên quê hương Biên Hòa, học trò chúng em được uống ly hạnh ngộ cùng thầy, sau hơn 40 năm xa cách.

Hôm nay, ngồi đọc bài viết và hình ảnh đưa lên trang nhà, kể về buổi tiệc gặp gỡ của bạn bè phương xa với thầy, em cảm động quá. Em vẫn nhận ra dáng thầy, có"da thịt" hơn xưa, và cũng như em, có thêm cặp kính trăng. Thầy trò mình đã già hết rồi. Thầy đã hơn thất thập? Em cũng quá lục tuần. Nhìn nụ cười của thầy, em nghĩ thầy cũng đã trãi qua thời gian bệnh, vừa bình phục? Gần đến tuổi xế chiều, ai cũng cố gắng vượt qua bệnh tật. Qui luật "sinh, lão, bệnh, tử" muôn đời vẫn là vậy. Em cũng cầu mong thầy có nhiều sức khỏe để tay bắt mặt mừng với đồng nghiệp, học trò.

Thời gian trôi qua nhanh quá. Thầy trò mình chia tay khi em đậu tú tài phần hai để vào giảng đường đại học. Thời gian chuẩn bị thi tú tài, mỗi tối thứ bảy, bọn em gồm Võ Hà Mỹ, Ngô Hồng Tâm, và em, thường đến xe hủ tiếu cháo tiều của Giang Hưng ở chợ Biên Hòa để ăn tối, rồi đi nghe nhạc ở cà-phê Tuyệt. Chúng em thả hồn theo những bản tình ca hoặc những bài nhạc quê hương chiến tranh. Rồi hai năm ở đại học, có thời gian em ở trọ chung với Giang Hưng. Xong hai năm ở cao đẳng điện Phú Thọ, nó lại chạy đôn, chạy đáo để có tờ giấy hoản dịch học vấn. Hết lên đại học Cao Đài, xuống đại học Hòa Hảo , rồi trụ lại ở phân khoa giáo dục Vạn Hạnh. Giữa năm 1972, cũng như bao bạn bè khác phải vào quân đội, kiếm tìm hoài chẳng thấy Giang Hưng ở đâu, hỏi bạn bè,

- Nó theo tàu viễn dương đi nước ngoài rồi.

Rồi bây giờ, đôi chân phiêu bạt không biết dừng ở bến nào...

Riêng em, em đã tìm được tin tức của thầy và bao bạn bè khác.

Kính thưa thầy,

Nước sông vẫn miệt mài chảy ra biển lớn, gặp đại dương nơi cửa biển muôn trùng. Mặt trời tỏa sáng buổi bình minh, chói chan giữa trưa nắng lửa và xuống dần theo bóng xế hoàng hôn. Thầy cũng vậy, em cũng thế thôi. Rồi cũng có điểm dừng. Biết được tin tức thầy, em mừng rỡ lắm. Gặp được thầy lại càng vinh hạnh hơn. Bàn chân "trần" của thầy chắc có lẽ cũng dừng chân nơi bến đỗ "trung học Ngô Quyền" để cùng đồng liêu theo dỏi nhịp thở của học trò. Không biết nói gì hơn nửa, em cầu mong thầy có nhiều sức khỏe, gặp nhiều may mắn trong cuộc sống. Bao giông tố đã qua rồi, những gì còn lại tốt đẹp sẽ mãi theo thầy tôi nơi miền đất dung thân.

Biên Hòa, ngày 26/8/2013

Đỗ Công Luận

KỂ TIẾP CHUYỆN VỀ LỚP ĐỆ THẤT3

Hai tuần sau đám cưới con gái bạn Phạm Văn Đạo ở Biên Hòa, hôm nay bạn bè lớp đệ thất 3 lại đi dự tiệc cưới con gái bạn Lê Xuân Sang được tổ chức ở thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Phải nói rõ như vậy, vì Thủ Dầu Một đã lên đời, thành thành phố Thủ Dầu Một, trực thuộc tỉnh Bình Dương. Hồi trước, tỉnh lỵ Bình Dương là thị xã Phú Cường, cũng như xã Bình Trước của Biên Hòa yêu dấu của chúng ta.

Bạn Lê Xuân Sang cũng đậu kỳ thi tuyển sinh vào trường trung học NQ năm 1963. Hết năm đệ tứ, bạn đậu kỳ thi tuyển vào trường NLS Bảo Lộc cùng với Nguyễn Khắc Dũng, Trần Văn Phước, Lê văn Trung, Trần Minh Tuyên, Nguyễn Văn Lê...Gia đình bạn ở đường đấp mới, gần chợ nhỏ Hãng Dầu. Sau khi học xong trung học NLS, bạn theo học ngành sư phạm NLS, tốt nghiệp về dạy học ở Sóc Trăng.

- Năm 1972, tao cũng vào Thủ Đức, xét học trình, tao còn điều kiện hoản dịch nên được trả về học tiếp.

Trường hợp của bạn giống Long đen, nhưng Long đen được trả về từ trung tâm 3 Quang Trung. Cùng dạy học ở Sóc Trăng, bạn nên duyên với đồng nghiệp là bà xã hiện nay, cùng về quê vợ ở Lái Thiêu lập nghiệp. Cũng như bạn Trần Minh Tuyên mọc rể ở Cần Thơ. Trai Biên Hòa là rể Bình Dương.

Bạn bè chung lớp được mời dự đủ một bàn. Bạn Huỳnh Văn Huê đang ở Đà-Lạt. Bạn Lê Minh Trí bận việc riêng. Hai bạn Võ Văn Trung và Phạm Thanh Thừa có vấn đề về sức khỏe. Cách đây hơn hai tháng, bạn Thừa đi xe máy trên đường, xe cán cục đá, bạn bị té ngã, gảy xương bả vai và 4 xương sườn. Nay vết thương đã bình phục, nhưng đi xa, sợ đọng vết thương nên xin phép bạn bè vắng mặt, hẹn lần gặp gỡ sau. Chỉ có vợ chồng bạn Tạ thị Nguyệt Ánh không học chung lớp với Sang, nhưng là hàng xóm. Lần chung vui nầy, bạn bè rất vui mừng khi gặp lại bạn Nguyễn Văn Lê. Bạn bè đã có dịp gặp bạn Lê, cũng như Nguyễn Thanh Liêm vào năm 2008, khi vợ chồng bạn Đinh Hoàng Vân về BH tổ chức họp mặt bạn bè. Năm 2007, bạn Liêm đi du lịch ở Mỹ, có gặp bạn Huỳnh Hữu Thọ. Năm năm sau bạn bè mới có cơ hội gặp lại, vì bạn Lê đang sinh sống ở SG, gần nhà bạn Liêm. Bạn Lê cũng học ở NLS Bảo Lộc, cuối khóa tốt nghiêp thứ hạng cao nên được tuyển thẳng vào Trung tâm nông nghiệp Quốc Gia, số 45 Cường Để SG. Bạn nhắc lại,

- Hồi đó tao gặp mầy và Thọ nộp đơn thi vào Trung tâm nông nghiệp Quốc gia.

Lúc đó tôi chọn thi ngành thú y, đậu dự khuyết thứ hạng 12. Nhưng tôi không hi vọng vì có nhiều bạn tốt nghiệp tú tài NLS được tuyển thẳng.

Cùng dự thi vào NLS với bạn, có Lê Quí Hồng, nhà cùng ở cù lao với Lê và Phạm Ngọc Hạnh.

- Tao nộp đơn dùm cho Hạnh thi NLS, nhưng nó không đậu, buồn chán, không đủ điều kiện hoản dịch, nó tình nguyện vào binh chủng và tử nạn ở quân trường.

-Nhà nó hơi xéo nhà Đoàn Phước Long, cận thị, nhà may Đoàn Long.

Bạn bè gặp gỡ để nắm rõ thông tin của nhau, dù thời gian gần 50 năm. Rượu sum họp rót đầy ly để nhắc nhau về kỷ niệm. Dù rằng, tôi, Lê và Đạo chỉ học chung nhau năm đệ thất. Trong số bạn bè lớp thất 3, có nhiều bạn sinh trưởng và lớn lên từ đất cù lao Hiệp Hòa.

Xóm Gò Cát có : Nguyễn Văn Lê, Nguyễn Văn Hiền, Huỳnh Văn Huê...

Xóm Thành Hưng có Châu Tấn Phát, Nguyễn Xuân Quang...

Và Nguyễn Tấn Hoàng, Lê Quí Hồng, Trần Văn Phước...

Bạn bè nhắc đến Huỳnh Văn Giỏi, nhà ở ngã ba Máy Cưa.

- Có lần nó đắt tao về nhà tát cá dưới ao, nhà nó đi lên con dốc.

- Hồi đó tao, nó, xuống Sài Gòn để thi giọng hát hay sáng chủ nhật của đài phát thanh, hai đứa bị lạc đường. Nó hô răng, nhưng đàn, hát hay.

Biết rằng bạn bè còn hiện hữu, nhưng chưa có cơ hội gặp gỡ.

Nhắc về Lê Tấn Tài, Tài lé, con bác ba chủ cây xăng Biên Hùng, Ngô Hồng Tâm nói,

- Tao đến nhà nó chơi, ở Victoria, Úc. Nó với thầy Nguyễn Tường Lưu của trường Minh Tân là anh em cột chèo. Nó vẫn theo dỏi tin tức bạn bè qua trang web NQ. Nó còn giữ nhiều hình ảnh hồi đi học.

Tin tức bạn bè đại loại là như thế.

Thực khách của các bàn tiệc cưới lần lượt ra về, bạn Nguyễn Văn Lê nêu ý kiến mọi người ra uống cà-phê ở hội quán trong Công Viên văn hóa Thanh Lễ để tiếp tục hàn uyên. Ý kiến được sự đồng tình của mọi người vì bạn bè cần có chút tỉnh táo để về Biên Hòa, đường xa hơn hai mươi cây số. Lê thì về Sài Gòn. Trời hơi mưa lất phất. Mười ly cà-phê đá được mang ra để giải nhiệt. Những câu chuyện về bạn bè, những ngày tháng của quảng đời học sinh 50 năm về trước được nhắc nhở. Thực tế, chúng tôi không cùng chung lớp của 7 năm trung học, nhưng những ký ức về thầy cô không thể phai mờ. Chúng tôi vẫn nhớ về thầy Đinh Văn Sái dạy môn Pháp Văn, với bài nhạc...Alouette

Alouette je te plumerai.

Alouette, gentille Alouette.

Alouette je te plumerai...

Chúng tôi vẫn nhớ về cô Khương thị Bàn dạy môn toán học ở lớp đệ thất...

Sau đó bạn bè tạm biệt chia tay, hẹn lần gặp mặt của kỳ họp khóa sau hơn hai tháng nửa. Bạn bè ở nội ô vẫn thường xuyên gặp gỡ qua những lần uống cà-phê buổi sáng. Gặp nhau để biết tin tức, sức khỏe của nhau. Xin đừng có sự trống vắng, dù rằng đó là qui luật.

Biên Hòa, ngày 20/7/2013

Đỗ Công Luận

Quang, Tâm nhủi, Lê, Chiếu, vợ chồng Tâm-Ánh, Đạo, Chánh

Thiện, Chánh, Luận, Quang, Tâm nhủi, Lê.

Một tuần sau đám cưới con gái bạn Xuân Sang, tôi nhận được email của hội Ái hữu BH, nhờ cho biết địa chỉ email của anh em Hồng Trọng, Hồng Đức, vì có đồng hương cần liên lạc. Sau đó, tôi lại nhận được mail của Thọ Huỳnh Hiệp. Thọ nói, qua bạn Lâm văn Sơn ở Texas, bạn Hồng Sang vừa mổ tim. Bác sĩ nói, sự sống đang chạy đua với thời gian. Hồng Sang đang cần liên lạc, gặp gỡ với bạn bè. Tôi đã hiểu vấn đề. Số phone của Hồng Sang để bạn bè cần liên lạc thăm hỏi : 806.316.7007.

Hồng Trọng học chung lớp thất ba với tôi. Anh bạn là Hồng Sang và em Hồng Đức, là thân hữu với tôi những ngày tháng ở BH. Qua bài viết của tôi đăng trên trang nhà NQ, cuối bài tôi có cho số phone và email, nên từ nước Úc xa xôi, Hồng Đức điện thoại về hỏi thăm tôi. Quí hóa quá. Sẳn tiện tôi có xin địa chỉ email của Hồng Trọng để bạn bè liên lạc. Hơn bốn mươi năm rời mái trường xưa, mỗi người phiêu bạt một nẻo, bây giờ bạn bè biết tin nhau qua điện thư. Và Trọng có điện thoại nói chuyện với tôi.

VÒNG QUANH NỖI NHỚ

-Dành tặng bạn học lớp thất 3 của NK 1963-1970, trung học NQ BH-

A-lô, có phải Luận không ?.

Tao là Hồng Trọng, anh Hồng Đức đây.

Ừ, tao vẫn nhớ tên mầy.

Bạn bè chung lớp vẫn hoài nhớ nhau.

Từ xa nửa quả địa cầu.

Tình thân như những ngày đầu biết tên.

Thuở còn trắng áo tinh nguyên.

Tuổi nô đùa, giởn bên đèn sách thơm.

Rồi theo ngày tháng lớn khôn.

Bên đời lận đận, bẻ gươm chống trời.

Vai mang vận nước nổi trôi.

Tay ôm nước mắt một đời ly hương.

Mày có nhớ, Dũng cục xương.

Bọn tao tìm được trên trang web nhà.

Tưởng như cách trở trùng xa.

Bao năm vẫn nhớ Biên Hòa tình thân.

Tài lé, con chủ cây xăng.

Đôi kính cận, ở Ngã năm Biên Hùng.

Hoàng Thành, ngụ ngã ba Thành.

Đạp xe rong ruổi vòng quanh bờ hồ.

Nguyễn Xuân Dũng, Bắc kỳ con.

Võ văn Nghiệp đã không còn thế gian.

Hoàng Minh Chiếu, Tô Minh Quang.

Nguyễn Xuân Quang cũng dương gian giả từ...

Thôi đừng kể nửa Luận ơi,

Cho mi nhỏ lệ, nghẹn lời máu tim.

Quê hương vẫn mãi đi tìm.

Chao nghiêng đôi cánh như chim lạc bầy.

Quay về tổ ấm hôm nay.

Bốn mươi năm những tháng ngày hư hao.

Bạn bè sẽ gặp lại nhau.

Tròn như trái đất bay vào thinh không.

Biên Hòa, ngày 12/12/2011

Đỗ công Luận

Tôi mail sang cho Hồng Trọng, và xin số điện thoại, vì những lần uống cà-phê, Tâm khỉ có cho số phone nhưng gọi không được. Sáng qua, thứ hai đầu tuần ở BH, chiều chủ nhật ở Texas, tôi gọi điện sang thăm hỏi Hồng Sang, cũng như Hồng Trọng. Bạn bè nhận ra nhau, mừng quá. Nhưng bên ngoài ở BH đang mưa lớn, sóng điện di động chập chờn nên nói chuyện không lâu, tôi phải xử dụng điện thoại bàn. Nhưng tôi nhớ mãi câu nói của Trọng, bọn mình đã già hết rồi, hẹn sẽ có lần gặp nhau.

Tôi điện thoại sang cho Chiếu báo tin. Chiếu bảo,

- Mày mail sang cho Dũng con, vì nó cần liên lạc với Hồng Trọng.

Tôi gọi điện thoại cho Nguyễn Minh Tâm, Tâm khỉ và cho số điện thoại của Trọng để bạn bè liên lạc. Trọng nói, từ ngày Tâm khỉ về BH, bạn chỉ liên lạc được một đôi lần. Dịp nào bạn bè ở BH ngồi uống cà-phê tâm sự, tôi sẽ nối máy để bạn bè nói chuyện với nhau. Tiền bạc cũng là một vấn đề, nhưng điều cốt lõi là tình cảm bạn bè mấy mươi năm xa cách.

GỬI CHO BÈ BẠN Ở PHƯƠNG XA

Một thuở non sông bừng khói lửa.

Giã biệt người thương, biệt phố phường.

Màu áo thư sinh thay áo trận.

Giữ xanh màu ruộng lúa quê hương.

Đứa ở đầu non, thằng cuối biển.

Đứa ở tầng mây tung cánh bay.

Gặp nhau giữa phố đêm huyền diệu.

Rượu uống mềm môi, say vẫn say.

Đứa về khập khễnh đời sương gió.

Gửi cánh tay, chân, giữa chiến trường.

Một nữa kiếp người, bao kiếp khổ.

Giữa chợ đời, nhân thế còn thương?

Một thưở non sông im súng nổ.

Bạn bè trăm hướng lại quay về.

Đôi chân xiềng xích vòng cương toả.

Xô ngã tường rêu ước hẹn thề.

Mù mịt trùng khơi bao sóng gió.

Thuyền chở tin yêu đến bến bờ.

Bao dung, độ lượng, vòng tay mở.

Nắng ấm bình minh trọn ước mơ.

Đọc mail mày viết, tao muốn khóc.

Mấy chục năm dài vẫn nhớ nhau.

Nhắc tên từng đứa, còn hay mất?

Sờ trán nhăn nheo, tóc đổi màu.

Mai mốt người về thăm cố quận.

Uống chung dòng nước mát quê hương.

Lỡ mai sóng gió đời lận đận.

Sông vẫn muôn đời sống thuỷ chung.

Núi vẫn cao đầu soi bóng nước.

Sông vẫn ngàn năm chảy xuôi dòng.

Sông núi ôm nhau, sông núi hát.

Thuyền hoa rực sáng, sáng dòng sông.

Mây trắng buồn trôi, mây viễn xứ.

Gió ơi ! xin gió chở dùm ta.

Một chút tâm tư người ở lại.

Gửi cho bè bạn ở phương xa.

Biên Hoà ngày 29/03/2011

Đỗ Công Luận

Trọng ơi! Dũng ơi! Thọ ơi! Mỹ ơi!

Bây giờ bạn bè mình cách xa nhau nửa vòng trái đất. Bọn mình đã bắt đầu vào tuổi già, hơn sáu mươi năm cuộc đời. Nhưng tụi tao hi vọng sẽ có ngày bạn bè mình có dịp uống chung dòng nước mát quê hương, uống tràn đầy ly rượu tương phùng. Thời gian ơi! bạn bè lớp thất3 của tôi ơi!

Biên Hòa, ngày 31/7/2013

Đỗ Công Luận

TƯ ẾCH ĐI...SÀI GÒN...

Ông và cháu trước khu trò chơi.

Mấy năm nay, vì công việc làm ăn, tôi chỉ đi Sài Gòn-Chợ Lớn lấy hàng. Chỉ cần điện thoại xuống cho vựa sạp, họ gửi hàng ra xe tải chở về BH, hôm sau mình gửi tiền xuống, nhờ chủ xe hàng chuyển dùm. Sau nầy có hệ thống siêu thị, nguồn hàng nào rẻ mình lấy về, bỏ mối hưởng chênh lệch. Việc đi shopping, hoặc vui chơi, tôi ít có dịp đi. Chiều tối nay, vợ chồng con gái út đi shopping ở VINCOM CENTER, cháu ngoại rủ,

- Ông ngoại đi chơi với con cho vui.

- Ừ, đi thì đi, buổi tối thì ông ngoại rảnh.

TTMS Vincom Center, phía xa là nhà thờ Huyện Sĩ.

19 giờ, sau đi đóng cửa tiệm, cha con, ông cháu bắt đầu khởi hành. Hai tuần lễ nay, con gái giữa sanh con thứ nhì, tôi phụ ở cửa hàng mẹ nó, làm ông bảo vệ. Trước khi đi mua sắm, con gái đã lên net, tìm hiểu cửa hàng nào, loại hàng nào đang sale off. Thường các con chỉ mua sắm quần áo, giày dép. Tuổi trẻ mà. Vì đã đi mua sắm nhiều lần, nên đã chuẩn bị tất cả. Xe đẩy cho đứa cháu 20 tháng tuổi, nước uống, thức ăn, quần áo để thay cho lũ trẻ. Đi mua sắm buổi tối, trời mát mẻ, không bị kẹt đường, một giờ đồng hồ sau đã đến nơi. Vincom Center mới được xây dựng vài năm nay, nằm ở vị trí đắc địa, là khu đất của Bộ Giáo Dục cũ, sau nầy là Sở Giáo Dục thành phố. Nó được bao bọc bởi 4 mặt đường: Lê Thánh Tôn, Tự Do, Gia Long và Hai bà Trưng. Tòa nhà được xây dựng gồm 6 tầng hầm và cao 20 tầng. Một số tầng dưới dùng làm trung tâm mua sắm. Các tầng trên làm cao ốc văn phòng cho thuê và apartement. Xuống đến tầng hầm gửi xe, con rể tôi nói,

- Ba xem, xuống đến đây là radio mất sóng. Phải nhớ số tầng và số khu vực để xe.

Khi lên xuống mua sắm, ta xử dụng thang cuốn. Đứa cháu ngoại 7 tuổi thích nhất là khu vui chơi. Đến nơi, mua vé vào cổng cho cháu là 100.000 vnđ, chơi thoải mái trong thời gian 2 giờ đồng hồ, không quên cho số điện thoại để người phụ trách liên lạc và một chai nước uống. Ở BH có khu mua sắm Lotte của Hàn Quốc, gần Hố Nai, gồm 5 tầng, cũng có khu trò chơi, nhưng giá chỉ 60.000 vnđ dành cho hai giờ. Tỉnh làm sao bì thành phố.

Đứa cháu nhỏ thì cho vào xe đẩy. Các con đi mua sắm tùy thích, tôi chỉ đứng bên ngoài nhìn, không dám rớ vào. Toàn hàng hiệu, giá cao ngất ngưởng dù có 50% sale off. Chiêu thức bán hàng để câu khách, vì tiền thuê địa điểm của họ là không rẻ. Hồi xưa, mỗi lần đi Eden, Rex, để xem phim, xem xong, tôi chỉ đi vòng vòng xem hàng rồi ra về. Đồng hồ Nhật, mắt kính Ray Ban, Pilot, viết Parker...thì khoái, nhưng sờ túi không đủ tiền. Hôm nay thứ sáu, người mua sắm không nhiều bằng ngày cuối tuần và ngày lễ. Thương hiệu giày Bata của mấy chục năm về trước vẫn còn, nhưng không phát triển thành chuổi cửa hàng. Hồi đó, cứ nói Bata thì hiểu đó là đôi giày vải trắng. Ở BH, gần rạp hát Vạn Khánh Hưng cũ có hiệu giày Bata, tôi thường đến mua để mang đi học. Khách hàng mua sắm gồm đủ thành phần. Những người vừa rủng rỉnh tiền bạc, ăn mặc đúng thời trang, xài hàng hiệu mới là đẳng cấp. Khách du lịch đi mua sắm thường là người Châu Á, như là Nhật Bổn, Hàn Quốc, Đài Loan...Người Mỹ và Âu Châu hơi ít. Tư Ếch như tôi nhìn là biết liền. Đi cho biết để về khoe với làng xóm là đã vào trung tâm mua sắm bậc nhất Sài Gòn. Sau khi chọn được một số quần áo, các con dẫn vào Highland Coffe để giải khát. Con rể đến khu vui chơi đón đứa cháu. Mồ hôi nhể nhại, phải thay quần áo cho cháu. Tôi thích hương vị cà-phê của thương hiệu nầy, đúng là cà-phê nguyên chất. Một ly cà-phê đá giá là 29.000 vnđ. Người phục vụ nói nhỏ, gần đến giờ trung tâm đóng cửa, nên cà-phê chỉ xách mang về. Loại hình cà-phê nầy, xách mang đi, cũng đang thịnh hành ở BH.

Trên đường về, các loại xe cũng thưa vắng. Các khu vực ăn uống vẫn đông khách. Có làm có ăn. Tôi ngồi kể chuyện cho các con nghe chuyện hồi đó, khi đi lấy hàng tôi phải đạp thồ. Đẩy xe hàng lên giữa cầu Sài Gòn hụt hơi, phải dựa xe hàng vào cây trụ đèn rồi ngồi thở. Bây giờ mà làm như vậy bị thiên hạ chửi vì xe cộ chạy ào ào và sợ không toàn thây. Mỗi giai đoạn có nhiều kỷ niệm vui buồn mà suốt cuộc đời mình không thể quên. Gần 23 giờ, xe về đến nhà, tôi vào bàn viết để "tám" với anh chị.

Biên Hòa, ngày 20/7/2013

Đỗ Công Luận

ĂN SÁNG VỚI... VIỆT KIỀU

Xin nói rõ, Việt kiều đây là Việt kiều ...nhí, ba đứa cháu ngoại của người chị thứ ba của tôi.

Gia đình chị Ba của tôi có hai con, một gái, một trai. Hai cháu định cư nơi xứ người đã gần hai mươi năm. Sang bên ấy vài ba năm, các cháu lập gia đình, mỗi cháu có 3 đứa con, trai gái đủ cả. Thỉnh thoảng sau nầy, khoảng đôi ba năm, các cháu về cùng con cái, để thăm cha mẹ, ông bà. Đôi khi cháu gái không về được, thì gửi các con cho em trai dẫn về thăm ông bà ngoại. Thường các cháu về dịp tháng 7, để sang tháng 8 về bên ấy nhập học. Lần nầy cháu trai và vợ con về trước hai tuần. Cách đây mấy hôm, cháu gái và ba đứa con mới về. Các cháu về đã nhiều lần, nên gia đình của anh chị em ở bên nhà đều quý mến nhớ thương.

Mỗi lần về, các cháu lại cao lớn thêm. Đứa lớn 16 tuổi. Em trai nó 15 tuổi. Em gái út nó 8 tuổi. Khi má tôi mất vài tháng, cháu bồng con út về, lúc đó vài tháng tuổi. Vì vậy cháu nhỏ nầy không nói được tiếng Việt. Còn hai cháu lớn đã về nhiều lần, mỗi tối được cha mẹ cho vào chùa học tiếng Việt. Các cháu nói được, nhưng viết tiếng Việt không rành. Đứa con gái em trai tôi nói,

- Con lên mạng chat với tụi nó, con không rành tiếng Anh, nó không rành tiếng Việt, huề trất.

Sáng nay, đứa con gái em trai tôi chở các cháu đi ăn sáng ở Lộc Vừng, sẳn tiện gọi tôi. Tôi cùng đứa cháu ngoại trai "siêu quậy" tháp tùng. Các cháu thích ăn món ăn hợp khẩu vị bên ấy là bò beeftek kèm sà-lách và khoai tây chiên, uống coca. Cháu trai nói,

- Lớp con học bên ấy chỉ có mình con là người Việt. Còn bao nhiêu là Mỹ đen, Mỹ trắng và Mễ.

Tuy nhiên các cháu học cũng tốt. Cháu trai nầy có về cách nay hai năm trước, gia đình chúng tôi có đi dự cưới đứa cháu họ ở Bình Long, An Lộc nên cho cháu đi cùng. Mỗi khi đi đâu, mấy đứa em, mấy đứa cháu tôi chở chúng đi chơi. Vì vậy, các cháu thích về Việt Nam. Bên ấy, ba mẹ đi làm, các cháu đi học suốt, không có bạn bè người Việt để chơi.

Các cháu về chơi được 5 tuần. Hơn bốn tuần nửa về để nhập học. Như lần trước, có sự chia tay, quyến luyến, để rồi hai năm sau được về, nếu công việc làm ăn của cha mẹ thuận lợi. Lúc mới qua, hai chị em mua nhà ở cách nhau năm phút đi lại. Bây giờ, nhà cháu gái cho thuê, hai vợ chồng đến nơi ở mới cách em trai 4 giờ xe để mưu sinh. Sau khi tiển các con cháu ra sân bay rồi về, vợ chồng bà chị tôi mỗi người người ngồi một góc thểu nảo, thương con nhớ cháu. Hai ông bà thui thủi một mình sống cùng em cháu và chờ đợi mùa Xuân, mùa Hạ của hai ba, năm sau. Dù rằng tiền dollar xanh vẫn đều đặn bay về.

Biên Hòa, ngày 13/7/2013.

Đỗ Công Luận.

LỚP ĐỆ THẤT3 CỦA CHÚNG TÔI

Trường trung học Ngô QUYỀN BH của chúng ta được thành lập năm 1956, đầu tiên với bốn lớp học. Thời gian đầu, cơ sở đặt tại trường tiểu học Nguyễn Du. Trường được thành lập bởi những người thầy tâm huyết với nền giáo dục tỉnh nhà, thầy Phan Văn Nga và thầy Hồ Văn Tam. Sau 4 năm "ăn nhờ, ở đậu" ở trường Nữ tiểu học và Nữ công Gia chánh, khi số lớp học ngày càng gia tăng, trường đã có cơ ngơi tại địa điểm ngày nay. Rồi hai dảy lầu cao được xây lên, khi trường có đủ hai cấp trung học, đệ nhất và đệ nhị cấp. Năm 1963, trường tổ chức kỳ thi tuyển sinh cho khóa học thứ 8.

Năm học 1963-1964, trường tuyển sinh hơn hai trăm học sinh với 5 lớp học. Tôi có tên trong danh sách trúng tuyển với thứ hạng khá cao. Lớp đệ thất1 với sinh ngữ Pháp văn, gồm học sinh nữ và hơn chục học sinh nam đậu dự khuyết, được gọi nhập học sau. Lớp đệ thất2 và thất5 với sinh ngữ Anh văn, gồm toàn học sinh nữ. Lớp thất3 gồm toàn nam sinh với sinh ngữ Pháp văn. Lớp thất4 gồm các bạn nam sinh và sinh ngữ Anh văn. Vì lúc đó người Pháp đã rút về nước, nhưng nền văn hóa Pháp còn ảnh hưởng nước ta, nên tôi chọn học tiếng Pháp và được sắp xếp vào lớp thất3. Số danh bạ của tôi là 216/63. Lớp học khoảng 50 bạn. Tôi nhớ, tên bạn Trần Quốc Bảo (Bảo rổ) được xếp đầu trong sổ điểm danh. Và bạn Hoàng Thế Ưu đứng gần cuối sổ. Cả hai đều bị rổ mặt vì biến chứng bệnh đậu mùa. Khoảng thời gian sau 1980, bạn Bảo có sạp bán vé số trước hiệu ảnh Phạm Lung. Sau đó, nghe bạn bè nói bạn về quê miền Tây rồi không có tin tức đến nay. Hoàng Thế Ưu khi vào quân đội có tham gia nhảy toán, sau đó chết vì tai nạn giao thông nơi xứ người. Tôi gặp bạn lần cuối khoảng 1980 nơi hẽm mã tù. Nguyễn Long Vân và Nguyễn Thanh Liêm, tướng đô con như lực sĩ vì có tập tạ. Có lẽ vì tướng mập, bự, to, cao, nên Tô Minh Quang được chọn làm trưởng lớp. Bạn làm trưởng lớp bốn năm ở đệ nhất cấp. Ở đệ nhị cấp, bạn làm trưởng lớp ba năm liên tiếp của lớp B3. Như vậy Quang mập có thâm niên 7 năm làm trưởng lớp. Tánh tình vui vẻ, liếng thoắng, hòa nhả nên bạn không làm mất lòng ai. Vì là trưởng lớp, nắm danh sách bạn bè, luôn cả lý lịch tên cha mẹ, nên khi điểm danh, cứ kêu tên "ông già" ra mà gọi. Như, Phan Thanh Bình thì kêu Hai Vàng. Nguyễn Minh Tâm thì kêu Sáu Đực. Ngô Hồng Tâm thì gọi Ba Tựu. Nguyễn Trương Hoàng thì kêu Năm Ngũ...Đúng là...thứ ba học trò. Có lần nghĩ học tiết giữa, trưởng lớp cho anh em nghĩ luôn để sang nhà Nguyễn Văn Thành Lân ở Chợ Đồn chèo xuồng, câu cá. Hôm sau trưởng lớp bị thầy Bảo quạt cho một trận. Bây giờ Quang mập vẫn to cao, lớn xác, nặng hơn 90 ký lô, nhưng sức khỏe kém, trong người mang nhiều thứ bệnh, mỗi tháng phải đi khám định kỳ. Vì vậy, khi có họp mặt , đi uống cà-phê tâm sự, bạn vẫn vui vẻ hòa đồng cùng bạn bè. Chừng nào đất kêu thì dạ. Thế thôi. Còn có Nguyễn Xuân Quang, Quang cận, nói lắp, nhà ở xóm Thành Hưng, Cù Lao Phố. Những ngày khốn khổ, đi theo xe tải bốc xếp củi, mệt mõi, té xuống đường tử vong.

Hai cây tre cao khều của lớp là Huỳnh Hữu Thọ và Nguyễn Văn Thành Lân. Bạn Lân nhà ở Long Bình Tân, duy nhất một lần họp mặt với Dũng con năm 2011, tổ chức ở nhà Tâm nhủi. Ba tên lùn, nhỏ con nhất lớp là Hoàng Minh Chiếu, Phạm Văn Đạo và Phạm Ngọc Hạnh. Hạnh nhỏ con, yểu điệu như thục nữ, nhưng học giỏi. Năm đó bạn đứng nhất lớp, nhưng quá tuổi hoản dịch học vấn, bạn tình nguyện vào binh chủng và tử nạn khi vượt rừng núi sình lầy. Tôi, Võ Hà Mỹ, Nguyễn Trương Hoàng, ngồi gần nhau, rồi thân nhau cho đến hết năm đệ nhị để lần lượt vào quân ngũ. Ba đứa thích nhất là bản nhạc CHÚNG MÌNH BA ĐỨA, nhưng chẳng có đứa nào vui đời sông nước.

Quên làm sao được khi cả lớp cùng cười như vỡ tổ với cái tên Dũng cục xương. Hồi đó, Dũng cục xương, Nguyễn Khắc Dũng trắng trẻo, hiền lành như công tử chớ đâu liếng thoắng như Hoàng Duy Liệu bây giờ. Dù sao, tôi vẫn thích cái tên Dũng cục xương hơn. Năm học đệ lục, 1964, tôi chuyển qua lớp nữ, Dũng ở lại học hết tứ3, 1967, rồi lên học ở trường Nông Lâm Súc Bảo Lộc. Đến gần cuối năm 2011, bạn bè biết tin của nhau qua net. Hơn bốn chục năm mới có dịp gặp nhau dưới chân cầu Gành. Rồi còn Tô Anh Dũng, Dũng nhà thương điên, bạn bè biết đang định cư nơi xứ người nhưng vẫn chưa trao đổi tin tức cho nhau.

Luận-Dũng CX-Chánh-Long đen-Thiện-Quang-Chiếu

Hết năm học đệ thất, chúng tôi lại có sự xáo trộn, có thêm bạn mới. Thầy Đặng Ngọc Thiềm được điều động về làm giám học. 14 đứa thứ hạng cao nhất của lớp thất3 được chuyển sang lục1. Các bạn nam thất1 chuyển sang lục3. Một số bạn ở trường quận như Thủ Đức, Dĩ An... chuyển về từ năm đệ lục. Bởi vì khi thi tuyển vào đệ thất trường quận thường có tỷ lệ đậu cao do số thí sinh ít. Có bạn, hết năm đệ tứ thì lên Bảo Lộc để nhập học nông lâm súc, một ngành học định hướng nghề mới mở ra, như Lê Xuân Sang, Nguyễn Văn Lê, Nguyễn Khắc Dũng, Trần Văn Phước...Bạn Phước, biệt danh Phước Cà-phê vì rang lậu cà-phê, bị đột tử mất năm 2000, mộng đi định cư không thành. Rồi đến biến cố Mậu Thân, một số bạn rời xa bạn bè để vào quân đội vì quá tuổi hoản dịch học vấn, chiếc phao cứu sinh cho những ai còn thiết tha với con đường khoa bảng. Võ Văn Nghiệp thành thương phế binh, mất một tay, một chân và chết trong cô độc. Võ Việt Hùng chết vì rượu. Thất tình chăng?

Sau bảy năm ở ngôi trường trung học, chúng tôi như những cánh chim lìa tổ, khi đã đủ lông đủ cánh, tung bay mọi hướng. Chỉ bạn bè thân quen liên lạc được với nhau. Rồi những năm tháng đau buồn, tất bật vì cuộc sống cơm áo gạo tiền, ai cũng dành phần cho tổ ấm của mình. Có bạn lại đi xa, nơi xứ người làm mái ấm nương thân. Khi bạn bè lần lượt bước qua tuổi 60, gánh nặng gia đình phần nào được giải tỏa. Rồi khoa học kỷ thuật ngày càng tiến bộ, mạng viễn thông, mạng internet phủ đều các châu lục. Bạn bè có cơ hội tìm đến nhau. Cách nay đúng hai năm, ngày 7/7/2011, bạn Bùi Hiếu Thuận mãn phần tại Chợ Đồn, Biên Hòa, bạn bè thông báo cho nhau để viếng tang. Bạn Thuận học ở lớp thất4, khóa 8 NQ, lại là bạn học thời tiểu học với tôi. Từ đó, bạn bè kết nối lại với nhau. Đến với nhau khi họp mặt, quan hôn, tang lễ, chia sẽ buồn vui. Gần đây nhất, bạn bè biết được tin tức Lê Văn Mẽ, nhà ở Bình Trị, Tân Hạnh. Bạn Mẽ có họ hàng với sui gái của Tâm nhủi, gặp bạn bè nhân ngày giỗ thân phụ Tâm nhủi.

P.V.Đạo-Đ.C.Luận-H.M.Chiếu-T.M.Quang-L.X.Sang-N.P.Thiện-H.V.Huê-N.M.Tâm-L.M.Trí

Và hôm nay, các bạn bè lớp thất3 đến chia vui với người bạn thất3, Phạm Văn Đạo. Đạo cũng là một trong số 14 bạn được chuyển qua lục 1 cùng tôi. Học xong lớp tứ1, vì chuyện gia đình, bạn bỏ học một năm, rồi học lại ở tư thục Khiết Tâm, rồi lấy tú tài, rồi vào quân đội...Con gái bạn học ngành Nhật ngữ, được nhận vào làm việc cho một công ty Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam. Trong thời gian làm việc, cháu và một chuyên viên người Nhật, quen nhau, tâm đầu ý hợp, rồi quyết định đi đến hôn nhân. Hai gia đình đồng ý cho hai trẻ nên duyên, gia đình sui trai từ Nhật sang Biên Hòa cùng gia đình bạn tổ chức hôn lễ cho đôi trẻ, dưới sự chứng kiến của bạn bè, người thân. Gia đình bạn dành cho bạn bè đồng môn hai bàn tiệc. Riêng lớp thất3 có 9 bạn tham dự, kể luôn bạn Đạo. Không gì vui sướng hơn khi nhìn hạnh phúc của đôi trẻ. Dù từ buổi trưa thời tiết bắt đầu diễn biến xấu, nhưng hai bàn tiệc lúc nào cũng đầy ấp tiếng nói cười. Tan tiệc cưới, tôi có ý kiến chụp chung tấm ảnh 9 người bạn thất3.

Trưởng lớp vẫn phong độ như ngày nào

Chia tay nhau, bạn bè hẹn sẽ gặp gỡ lại sau hai tuần lễ nửa , nhưng ở Thủ Dầu Một. Hôm đó Lê Xuân Sang sẽ làm lễ vu quy cho quý nữ, mời bạn bè đến để chung vui. Rồi sẽ có đám hỏi, đám cưới con gái Ngô Hồng Tâm, Tâm nhủi. Gặp nhau để có tin tức của nhau, để biết bạn mình còn hiện hữu trên cỏi đời, để nhắc nhở nhau về kỷ niệm đã vút xa tầm tay nhưng còn lắng đọng trong trái tim thổn thức. Như Nguyễn Tấn Lực đang ở Thủ Đức, điện thoại mời về họp mặt, bạn nói nghe buồn thảm, tao bị đau tim không dám đi xa một mình. Bạn bè biết tin Nguyễn Văn Hiền khi nắp áo quan đóng lại. Thôi thì một nén hương thầm cũng đủ nhớ nhau.

Trần Văn Tốt, H.M.Chiếu, viếng tang Nguyễn văn Hiền.

Tôi xin gửi đến thầy cô, bạn bè tâm tư của mình để nhắc nhau còn hai tháng nửa là đúng 50 năm khóa 8 NQ bắt đầu nhập học. Nửa thế kỷ, hơn nửa đời người. Ngày nào, những cậu bé mới vào trường NQ của lớp thất3, với đồng phục trắng, giày vải trắng, kết trắng cho ngày thứ hai đầu tuần. Bây giờ những học trò "già" bắt đầu điểm danh. Hơn một chục bạn đã ra đi, đi mãi không về. Hơn một chục bạn còn ở Biên Hòa và vùng phụ cận. Một số bạn ở các châu lục. Và có những bạn vẫn còn bặt tin. Hi vọng một ngày gần đây những khuôn mặt học trò của lớp thất3 trường NQ, năm học 1963-1964, có cơ hội ngồi gần nhau hơn, dù chỉ là một nửa. Bạn bè lớp thất3 của tôi ơi !

Với tay, sợi tóc ngã màu.

Nhìn nhau để thấy phép mầu hồng ân.

Gặp nhau còn được bao lần.

Bơi trong nổi nhớ, ta cần có nhau.

Bây giờ, năm mươi năm sau.

Tìm trong ký ức gửi trao bạn bè.

Bạn ơi, ngồi hát nhau nghe.

Chừng như giấc mộng đêm hè thoảng đưa.

Tìm về kỷ niệm xa xưa.

Tuổi hoa niên thích chơi đùa với nhau.

Có con bướm trắng bay vào.

Đuổi theo để biết niềm đau đầu đời.

Cho nhau ngàn tiếng nói cười.

Để mai thui thủi bên đồi Tây Phương.

Ta là hạt bụi trên đường.

Quyện theo cát sỏi nhịn nhường bước chân.

Biên Hòa, ngày 7/7/2013

Đỗ Công Luận

LỄ VU QUI CON GÁI BẠN PHẠM VĂN ĐẠO

Hôm nay ngày 7/7/2013, ngày lành tháng tốt, gia đình bạn Phạm Văn Đạo tổ chức lễ cưới cho con gái, và bạn cũng không quên mời bạn bè thời niên thiếu, gồm hai bàn nam nữ. Cháu tốt nghiệp ngành Nhật ngữ, đi làm cho công ty Nhật, nên quen chú rễ là chuyên viên người Nhật. Sau thời gian tìm hiểu, hai gia đình quyết định tác hợp cho hai cháu. Gia đình đàng trai từ Nhật bay sang cùng nhà gái tổ chức hôn lễ.

Bạn bè được mời đến tham dự đông đủ, trừ Ngô Hồng Tâm bị sự cố, tay chân băng bó nên không dự được, nhưng vẫn gửi bì thơ. Đây là cũng là dịp bạn bè gặp gỡ nhau tâm sự. Tiệc cưới đãi ở Tam Hiệp, nhà hàng cạnh viện dưỡng lão cũ, bây giờ là trường học.Khách mời khoảng hơn chục bàn. Thực đơn cũng là những món ăn truyền thống. Khai vị với súp cua. Có nơi thì đãi thịt nguội nhiều món. Sau đó là món gỏi ăn bánh tráng. Tôm nướng ăn với xôi. Rồi thịt dê nhúng tái. Cuối cùng là món lẩu hải sản ăn với bún.Tráng miệng với vải thiều. Hôm tết Đoan Ngọ, vải thiều chín rộ, giá 25.000 vnđ/ký lô. Nay cuối vụ, đã là 38.000 vnđ. Bây giờ làm ăn cũng tính theo kinh tế thị trường. Thời tiết hôm nay lý tưởng, không nắng nóng, tàn tiệc có mưa lâm râm. Bạn bè về vui vẻ, hẹn hai tuần lễ nửa, lại sẽ gặp nhau khi dự tiệc cưới quý nữ bạn Lê Xuân Sang, tổ chức ở Thủ Dầu Một.

Trên đường đến tiệc cưới, tôi ghé nhà con gái ở Tân Mai, chơi với cháu ngoại nửa tiếng. Hôm rày ông ngoại lu bu, không có thời giờ gặp cháu ngoại. Con gái giữa của tôi vừa sanh đứa con thứ nhì, con gái, tuổi Quý Tỵ, bà ngoại cũng tuổi Quý Tỵ. Như vậy 3 cô con gái của tôi, mỗi cô đã có 2 con, đủ tiêu chuẩn. Ông ngoại không thất nghiệp cùng 6 đứa cháu ngoại. Sẳn tiện, tôi chụp vài tấm ảnh cho cháu, một tháng nửa cháu ngoại giáp thôi nôi, ông ngoại sẽ có dịp khoe cháu. Tôi xin gửi đến quý ACE hình ảnh bạn bè để chia vui cùng gia đình bạn Phạm Văn Đạo.

THƯ CHO BẠN TỪ NỬA VÒNG TRÁI ĐẤT

Mỹ thân mến,

Hôm qua là ngày Độc Lập của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Đó cũng là ngày họp mặt truyền thống lần thứ 12 của thầy trò trường trung học Ngô Quyền Biên Hòa của chúng mình. Đó cũng là ngày của 41 năm về trước, tao từ giả bạn bè vào trường Bộ Binh. Mốc thời gian sao đáng nhớ. Thời gian trôi qua cũng nhanh quá. Đúng 50 năm về trước, bọn mình trúng tuyển qua kỳ thi tuyển gian nan để được nhập học vào lớp đệ thất công lập của ngôi trường mơ ước. Trước đó một năm, tao đã sẩy chân vì không có phương pháp học tập hiệu quả, đành học tạm một năm ở đệ thất Minh Tân. Lúc đó tao cũng đã có suy nghĩ, nếu học 7 năm ở trung học công lập sẽ đở gánh nặng học phí cho gia đình. Cứ tính, học phí một tháng của đệ thất trường tư lúc đó là 100 đồng bạc. Mỗi sáng đi học, ba má cho tao 2 đồng bạc để ăn sáng. Vì vậy, năm sau tao quyết ôn tập để giành thứ hạng cao. Kết quả như mong đợi của gia đình, tao đậu thứ hạng 6, chỉ sau Phạm thị Ngọc Quỳnh, Đào duy Kỳ, Giang Hưng...Và từ đó, bạn bè mình gặp nhau ở lớp đệ thất ba.

Bảy năm gắn bó ở trung học Ngô Quyền đã cho tao nhiều kỷ niệm, nếu viết thành sách cũng mấy trăm trang. Viết thơ cũng mấy chục bài. Những kỷ niệm tuổi hoa niên của bọn mình nhiều lắm. Đối với tao, chỉ mang theo khi xuôi tay nhắm mắt. Còn sống, vẫn còn nhớ mãi. Rồi lần lượt, bạn bè mình kết nối lại được với nhau nhờ sự bổ trợ của khoa học kỷ thuật. Tao biết được Dũng cục xương với cái tên Hoàng Duy Liệu. Rồi tin tức của thầy cô, bạn bè đồng môn qua trang nhà. Nửa vòng trái đất xa xôi, tao không thể gặp gỡ bạn bè, nhưng vẫn còn cơ hội. Qua thông báo của trang nhà, sẽ có trực tiếp truyền hình. Háo hức, và mong đợi.

Hơn 21 giờ tối qua, tức 7 giờ sáng ở Cali, tao có điện thoại cho mầy, nhưng không nối được máy. Có lẽ ngày nghĩ lễ mầy ngủ nướng chăng? Đêm giao thừa vừa qua, tao gọi cho mầy, mầy bắt máy trả lời, đang đi siêu thị và gửi nhau những lời chúc tốt đẹp đầu năm. Lên mạng một hồi, tao ngủ sớm. Đến 23 giờ 30, tao thức giấc, chưa đến giờ họp mặt. Lại đi ngủ tiếp. Mà nào có chợp mắt được đâu. Dỉ vãng lại quay về theo dòng đời nghiệt ngã. 35 năm rồi, tao, mầy và Tâm nhủi chỉ duy nhất gặp gỡ nhau một lần ở Sài Gòn. Nơi đó, ngày tháng bôn ba, chỉ có thứ bảy, hoặc chủ nhật, tao gặp bọn mầy. Hôm trước, ngồi uống cà-phê, Tâm nhủi có nói với tao.

- Tao còn giữ cái phiếu lảnh cours ở đại học Vạn Hạnh của mầy.

Ừ, đúng rồi, năm đó tao về ngành, ghi danh học năm thứ ba để cố gắng lấy cái bằng Cử Nhân. Rồi thời cuộc đưa đẩy...

1 giờ 30 sáng của ngày 5/7, tao thức dậy, bật máy, đã có truyền hình trực tiếp trên trang nhà. Tao thấy MC Hạnh trong bộ veston đen rất là phong độ. Anh lớn của Dũng cục xương, mà Hoàng Duy Liệu là... anh hai của Ngọc Dung. Hội trường rộng lớn, bàn thầy cô ngồi riêng. Học trò ngồi theo từng khóa. Năm nay nghe nói khóa 8 của bọn mình đông nhất. Tao cố gắng tìm hình ảnh thầy cô và bạn bè. Cô Đặng Thị Trí , dạy việt văn lớp mình năm đệ lục, vận trang phục ký giả màu vàng nhạt. Hôm đám tang ba tao, cô Trí, thầy Hoàng Phùng Võ, và một số bạn bè có gửi mail chia buồn. Mầy thì khỏi kể rồi. Tình nghĩa thầy trò trường trung học Ngô Quyền BH là như thế đó. Thầy Mai Kiến Phúc dạy môn vật lý bọn mình năm đệ nhất, khi đó tụi mình đã chuyển qua ban A. Thầy Kiều Vĩnh Phúc, dạy môn Anh Văn, sinh ngữ hai bọn mình, mập mạp hơn và có bộ râu quai kẽm rất phong độ...

Tao cố tìm kiếm bạn bè quen thân qua màn ảnh nhỏ. Anh Tô Anh Tuấn đang nói chuyện với đồng môn ở Đức, có lẽ là Trần Hữu Phúc chăng? Anh đang nói nét mới của họp mặt năm nay là có trực tiếp truyền hình và giới thiệu anh ký giả thực hiện chương trính cho đại hội. Khoa học tiến bộ thì mình cũng tiến bộ theo. Phúc thì bọn mình nhớ mãi, năm đệ nhất nó đậu tú tài phần hai hạng tối ưu và được du học ở Đức. Tao nhận ra anh Lê Văn Thành, con bác Sáu Nhơn, với chai rượu mạnh trong tay, đến từng bàn chúc mừng bạn bè. Miệng móm, nhưng vui tánh, kể chuyện hoạt bác, mà tao có gặp trong lần viếng tang Bác Sáu ở Biên Hòa. Tâm nhủi nói, bạn vong niên của nó, tiếc rằng lần đó nó không gặp gỡ. Không thấy bạn bè mình, tao nối máy với Thọ Huỳnh Hiệp. Nó nói đang trên đường lái xe đến, nên vợ nó, Trần Thanh Mai, cầm máy. Một trong tứ cô nương của thất 5. Bài nhạc VỀ LẠI TRƯỜNG XƯA THÂN ÁI của anh Trần Ngọc Danh vẫn vang vang trong máy, dù chỉ mấy câu ngắn gọn nhưng vẫn nhắc nhở bọn mình để nhớ để thương. Trước họp mặt một hôm, tao cũng đã có bài thơ mới.

NGÔ QUYỀN ƠI, TRƯỜNG XƯA TÌNH CŨ

Hội ngộ trùng hoan, cùng về đây.

Kỷ niệm ngày xưa vẫn đong đầy.

Bạn bè ơi, tình xanh sống mãi.

Dẩu thời gian năm tháng tàn phai.

Ngồi lại bên nhau, hãy cùng vui.

Hát âm vang đêm tối ngủ vùi.

Tìm trong ký ức hình bóng cũ.

Thưở giao mùa, có bạn có tôi.

Bó hồng đỏ, cung kính dâng cô.

Đời nắng mưa chăm lo học trò.

Giờ vẫn vui xanh tình cơm áo.

Ngẫn ngơ sầu bao nổi phiền lo.

Mừng thầy tôi, chùm hoa vạn thọ.

Như mùi thơm sắc thắm hoa vàng.

Giữa cuộc đời sóng mưa bão gió.

Gieo hạt mầm chữ nghĩa cưu mang.

Nắm tay nhau, bài ca hội ngộ.

Hạnh phúc về, gặp gỡ hôm nay.

Những đêm đen, gió giông bão tố.

Đã qua rồi, tình bạn đắm say.

Rượu sum họp đắng cay đầu lưỡi.

Nhớ bạn bè nằm ngủ hôm qua.

Nén hương thơm cùng nhau tưởng niệm.

Tiên sư tôi bóng ngã chiều tà.

Ngô Quyền ơi, trường xưa tình cũ.

Bụi phấn hồng níu gót chân ai.

Vẫn muôn đời là thân đại thụ.

Che đời nhau bóng đỗ đường dài.

Ta ngồi đây để thương để nhớ.

Bạn phương xa lũ lượt nhau về.

Mơ có ngày cùng nhau tương ngộ.

Giữa vùng trời sáng ánh trăng quê.

Biên Hòa, ngày 3/7/2013

Đỗ Công Luận

Tao nhận ra Đinh Hoàng Vân với đôi kính cận. Tháng tư vừa qua, bạn bè có gặp gỡ.

- A-lô, tao Luận đây, mày đang ngồi với ai?

- Tao đang ngồi với bạn bè khóa 8, có Long, có Nữ, Thọ mới đến, chưa thấy Cục Xương. Huyên chắc chưa qua kịp.

- Chúc bạn bè thầy cô họp mặt vui vẻ. Tao nối máy với Hạnh để gửi lời chúc đại hội nhưng không được.

- Cho tao gửi lời thăm bạn bè ở Biên Hòa.

Đúng rồi." Quê hương, đi xa cũng nhớ, về nhà cũng mong"

Tình bạn bè là như thế đó. Tao nhận ra Võ Ngọc Nữ, em gái kế mầy, mập mạp và trẻ ra. Năm 2006, hay 2007 gì đó, Nữ có về thăm gia đình và cùng con trai gặp gia đình tao để trao quà của mầy gửi tặng. Hôm họp mặt bạn bè đầu năm, nghe tin tháng ba, Nữ sẽ về BH, nhưng tao không có cơ hội họp mặt. Có lẽ Cali đang vào ngày hè nắng nóng, nên các áo veston đã được cởi bỏ, chỉ có BTC và quý thầy vẫn còn mặc cho trang trọng. Ban nhạc hợp ca của học trò "già" Ngô Quyền đang tập dợt dưới sự điều khiển của cô Hoàng Ánh Nguyệt.

Đến khoảng hơn 2 giờ 30 sáng, lối xóm đã ngủ yên, chỉ còn tao với ánh đèn và màn hình vi tính, buổi họp mặt được chính thức khai mạc qua lời nói ngắn gọn của Mai Trọng Ngãi, bạn cùng lớp đệ nhất A của mình, với MC Hạnh và chị MC...Mỹ, điều khiển chương trình. Quý thầy cô tham dự hôm nay lần lượt được giới thiệu và mời lên sân khấu để nhận những bó hoa từ tay học trò mến yêu, và sau đó là chụp ảnh lưu niệm. Thầy Phan Thanh Hoài, cô Đặng Thị Trí...Điều làm tao băn khoăn là thầy Lê Quí Thể, dù có đăng ký, nhưng không đến dự được. Thầy ơi! Tao hơi hụt hẳng, dự định là nối máy với bạn bè để nói chuyện với thầy. Bạn bè trong đội bóng đá của trường chắc mầy cũng không quên. Võ Hà Mỹ cũng là cầu thủ tiền đạo. Đỗ Công Luận là ông bầu. Và thầy Lê Quí Thể, là giáo sư cố vấn thể thao, dẫn dắt đội bóng tả xung hữu đột ở Đông Nam Phần. Nghiêm Thái Bình đã có bài về hồi ức " đội bóng và thầy". Sau cùng là hai giáo sư của trường Minh Tân, thầy Huỳnh Bá Hạnh và thầy Nguyễn Tường Triệu, được giới thiệu. Dường như thầy Triệu cũng là rể của trường Ngô Quyền. Ngày 7/7 cận kề, là ngày giỗ lần thứ 50 của nhà văn Nhất Linh, thân sinh thầy Triệu. Những người thầy ở trung học Minh Tân tao còn nhớ mãi. Thầy Triệu, thầy Lưu, thầy Hạnh, thầy Hưng, thầy Xuân, và chú thư ký...vui tánh. Thầy Hạnh tao đã có dịp hàn uyên cùng thầy và các đàn anh những ngày Tết năm trước. Cái ly gốm sứ với hàng chữ, TRƯỜNG TRUNG HỌC MINH TÂN 1959-1975 THÂN TẶNG, do thầy Hạnh trao, tao vẫn còn giữ. Những chiếc ghế được sắp xếp để các thầy cô ngồi, đứng chụp ảnh lưu niệm. Hy vọng lần họp mặt thứ 13 năm sau ở Bắc Cali sẽ không có sự trống vắng, như chúng ta cùng vừa tưởng niệm thầy Thân Trọng Hưng, vừa tạ thế cách đây ít ngày ở Sài Gòn. Cũng như cô Phan thị Lệ Hoa, cô giáo lớp nhất của một số bạn bè chúng ta vừa từ giả cuộc chơi. Xin thầy cô yên nghĩ nơi cỏi vĩnh hằng, với hoa thơm cỏi lạ, suối nguồn rốc rách...Cũng như phần tổng kết hoạt động một năm của hội đoàn do Võ Thị Ngọc Dung, đàn em khóa 11 trình bày trước hội họp. Hy vọng sẽ có những lớp đàn em kế thừa đàn anh, đàn chị dấn thân. Rồi một chị của trường Gia Long áo tím, thân hữu trường Ngô Quyền, qua thông tin trên trang nhà, đã tìm ra tung tích người thân. Cám ơn bạn bè, cám ơn mọi người. Có bạn bè cách xa Cali ngàn dậm, không ngại đường xa, mệt mỏi đã đến với buổi tiệc cho thỏa lòng mong nhớ. Tao nối máy mấy lần với bà chị Võ Thị Tuyết, bạn học ở trường Trần Thượng Xuyên với bà chị thứ năm của tao, để hỏi tin tức Dũng cục xương nhưng không được. Chắc phải xin số phôn Liệu ơi! Đến phần văn nghệ giúp vui, tao xem hai tiết mục đầu, rồi tắt máy đi ngủ. 3 giờ 30 phút sáng thứ sáu 5/7 ở BH. 6 giờ 15 sáng, đứa cháu ngoại lớn sang nhà, ông ngoại đưa con đi học.

Sáng qua, ngồi uống cà-phê với Đạo lùn, Chiếu, tụi tao điện thoại cho Tâm nhủi. Nó nói, mới bị tai nạn ở cầu Gành, trầy tay, mẻ trán, không đi dự đám cưới con gái của Đạo trưa ngày chủ nhật tới đây. Sáng nay, tao ghé nhà nó để vấn an. Nó nói, chạy bên song ly cầu Gành cùng con gái, bị gió giông, té ngã, phải đi bệnh viện khâu mấy mũi. Tao kể nó nghe về buổi họp mặt, rồi nối máy với mầy, không được. Gọi cho Thọ Huỳnh Hiệp, vợ nó bắt máy, rồi tắt. Chắc xỉn. Ngày vui của bạn bè, mình ở bên nầy cũng vui lây. Tụi tao cũng cố gắng sẽ có ngày gặp gỡ một lần với bạn bè để mở rộng tầm mắt. Còn gì nửa đâu. Còn chăng là kỷ niệm đeo đuổi ta như hình với bóng. Và còn chăng, BÓNG NGÀY VUI, là ở mãi bên ta.

Biên Hòa, ngày 5/7/2013

Bạn thân mến của mầy

Đỗ Công Luận

"Tiếng Hát Học Trò" - Nguyễn Hiền sáng tác - Ái Vân trình bày

NHẬT KÝ NGÀY XUÂN

XUÂN QUÍ TỴ 2013

PART 1. NGÀY CUỐI NĂM

Sáng nay, 29 Tết, tôi đi bộ xuống phố Chợ Đồn. Chợ đông nghẹt người. Các vĩa hè đối diện trước chợ được tận dụng làm bãi giữ xe. Các anh trật tự cũng thông cảm, cũng không huýt còi te toét, vì đây là phiên chợ cuối của năm cũ Nhâm Thìn. Buổi trưa chợ cũng dần thưa, vì người ta về nhà chuẩn bị mâm cổ để rước ông bà. Uống cà-phê, chơi với cháu ngoại một chút rồi tôi về nhà để chuẩn bị những công việc cuối cùng, dọn dẹp nhà cửa, rửa xe...rồi xuống chợ lần nửa để gom tiền hàng, tính lời lỗ một năm.Thực tế, bây giờ cũng có người nhận làm dịch vụ vệ sinh, dọn dẹp nhà cửa, mỗi giờ giá 25.000 vnđ. Nhưng cuối năm, họ cũng lo cho gia đình của họ, đành tự ên làm.Tổng kết cuối năm chắc lời thôi. Cơm nước có người lo, tiền nước, điện thoại, internet, tiền điện...có con gái trả. Mỗi tháng lại có lảnh lương, tháng Tết lại có tiền típ. Đang làm công việc, chuông điện thoại reo. Huynh trưởng K.5 NQ Võ Hải Vương mời đến cà-phê Lộc Vừng uống cà-phê tâm sự cùng các đàn anh. Trước đó, anh đã mail cho tôi, về BH sẽ gặp đàn em Luận. Làm công việc xong, tôi đến nơi, gặp cở " một đội bóng rổ " đàn anh đã dàn chào. Hứng chí, tôi nối máy với anh Hùng BK để bạn bè tâm sự. Sẳn dịp, tôi mời đàn anh Đỗ Cao Tuy sang quán cà-phê để uống cà-phê cuối năm với em út, vì tối qua anh đã nối máy tôi. Có những cái hẹn lai rai những ngày Tết. Xin cám ơn những tấm lòng đã đến với nhau. Các anh và tôi cùng chung quan điểm, có điều kiện còn gặp mặt thì cứ vui, lở mai...

Xong cử cà-phê, tôi xuống chợ để làm công việc cuối cùng của năm, gom tiền hàng để tính toán với thủ quỷ. Nhờ trời, các bà, các cô mà tôi giao dịch đều thanh toán sòng phẳng, lại còn chúc cuối năm vui vẻ, mùng một Tết đến nhà uống trà, ăn mứt...Trà, mứt tôi có mua đâu, chỉ có la de, lạp xưởng, củ kiệu...Bỏ tiền vô túi quần, đi bộ ngang nhà em, người của bốn mươi năm về trước, em cười te toét với tôi. Cuối năm gặp hên, lại sắp sửa có bài thơ cho đầu năm Quí Tỵ.

Nghĩ trưa một chút, tôi lại lên phụ con gái ở Tân Mai. Đường xá thoáng đảng. Công nhân, học sinh, xe buýt, xe tải...đã nghĩ Tết. Chỉ có những người đi chợ về, đi quà biếu, là chạy hối hả. Những điểm bán hoa Tết ven đường tối qua tôi về còn khá nhiều, giờ đã giải quyết gần hết. Tối qua, chàng rể giữa mua cặp cúc lớn, hai người khiêng một chậu, về biếu cho cha vợ, giá 400.000 vnđ/cặp. Giờ nầy chắc rẽ hơn, nhưng không đẹp. Hôm qua, 28 Tết, công nhân, viên chức, vừa lảnh lương và tiền thưởng Tết, nên mua sắm giày dép, quần áo nhiều. Hôm nay lai rai. Các trụ ATM cũng vậy, phải xếp hàng chờ rút tiền. 20 giờ, con gái đóng cửa tiệm để về lo việc nhà. Một năm mua bán trôi qua. Có lẽ năm nay, mùng 9 Tết nhằm thứ hai, học sinh, viên chức, đi làm đi học, các người kinh doanh khai trương cửa hiệu. Tôi lại check mail, tám cuối năm. Còn 2 giờ đồng hồ nửa, năm cũ sẽ qua, năm mới bước đến, thân chúc quý ACE, một năm nhiều sức khỏe, vạn sự như ý. Ngày mai, tôi lại tiếp tục tám chuyện của ngày đầu Xuân năm con rắn hổ chúa.

NỤ CƯỜI CUỐI NĂM

Sáng hai chín Tết bôn chôn.

Bước chân xuống phố Chợ Đồn đông vui.

Chợ Xuân tràn ngập tiếng cười.

Chào nhau buổi sáng, lời mời cuối năm.

Cúc vàng tung cánh Xuân phân.

Nụ mai hé nhụy bước chân về cùng.

Cho nhau vừa (dừa), đủ, cầu, sung.

Bán mua trong những nổi mừng chợ phiên.

Trưa về ngang ngõ nhà em.

Người xưa tựa cửa bên thềm pha phôi.

Em cười rạng rỡ cùng tôi.

Bốn mươi năm có tiếng cười chào nhau.

Đêm giao thừa ngủ chiêm bao.

Nằm mơ tôi ngỡ hái sao trên trời.

Ngày xưa tình viết nên lời.

Giờ đâu chỉ có nụ cười cuối năm.

Mất nhau từ độ vào Xuân.

Gặp nhau cũng chỉ phân vân ngôn từ.

Tôi về giữa chốn thực hư.

Mùa Xuân thức giấc đau nhừ trái tim.

Biên Hòa, ngày 10/2/2013

Đỗ Công Luận

PART 2. NGÀY ĐẦU NĂM

Tối qua, gần giờ giao thừa, khoảng hơn 23 giờ, tôi thả bộ xuống Chợ Đồn. Các hàng quán đã đóng cửa, ngay cả cửa hàng của mấy đứa em, vì tụi nó đã mệt mỏi sau hơn mười ngày bán buôn, có đêm gần 24 giờ mới dọn hàng xong.Cái chợ thân quen của tôi đã đóng cửa, tắt đèn. Xe của công ty vệ sinh đã quét dọn từ lúc 20 giờ, công việc của họ tất bật, giải quyết rác rếnh trước giao thừa. Ở ngay ngã tư,những người bán bong bóng dạo đang đắt hàng. Đa số họ là dân nhập cư, đó là nghề tay trái của họ, làm theo thời vụ. Bán một, lời một. Người dân miền Nam thì ít chịu khó hơn, giờ nầy đang chuẩn bị cúng giao thừa, hoặc phóng xe lạng lách. Cuộc sống khó khăn giúp họ có cái nhìn khác, giờ nầy là chuẩn bị sum họp gia đình.

Tôi về nhà, chuẩn bị bản thảo để khai bút đầu Xuân, và dọn bàn cúng đón giao thừa. Cái xóm của tôi hôm nay êm ấm lạ thường. Những người lớn tuổi chuẩn bị đi viếng chùa, hoặc Miễu Bà cạnh bờ sông. Đốt nhang, khấn vái xong xuôi, tôi bấm máy cho bạn hiền Võ Hà Mỹ. Đầu năm hên quá, nó bắt máy trả lời, tao đang đi siêu thị, rồi chúc tôi một tràng dài, gặp hên đủ thứ. Tôi trả lời, tao chúc mầy y như vậy. Nó nói, sao mầy khôn quá vậy. Tại mầy chúc trước. Tôi hỏi, chừng nào mầy về gặp bạn bè. Nó cười hì..hì..Niềm vui đầu năm khi bạn bè gặp gở, dù qua điện thoại. Tôi gọi chị Tuyết Snow, máy có hộp thư thoại, chắc là đang vỗ cháu. Định gọi cho anh Hùng BK, trực nhớ là 3 giờ sáng ở Úc, ảnh mà bắt máy, sẽ chửi tôi bằng tiếng Tàu, có nước ông nhạc tôi sống dậy mà nghe. Tôi gọi cho Tâm nhủi ở Tân Vạn, chuyển lời chúc của Mỹ dành cho gia đình nó. Xong, tôi bấm máy lại với Võ Hà Mỹ, mạng 1718 báo bận liên tục. Giờ nầy người ở trong nước cũng gọi sang nước Mỹ cho người thân. Tết sum họp mà.

Sau đó, tôi "động não", bài thơ đầu năm ra đời, gửi cho 2 trang nhà và bè bạn. Câu chuyện của ngày cuối năm Thìn, nhưng được viết đầu năm Tỵ. Những chuyện của dĩ vảng, quá khứ, tôi muốn quên đi, nhưng sao lại vẫn đeo đuổi tôi như hình với bóng. Nụ cười của em dành cho tôi rất trong sáng,thân thiện, nhưng về đến nhà tôi suy nghĩ, lở bị chém thì xui cuối năm. Nụ cười vẫn giống như nụ cười của 40 năm về trước, mỗi chiều khi em dọn hàng, tôi đi học về. Hai giờ sáng, tôi mới chợp mắt được.

Năm nay, tôi có ý tưởng, những câu chuyện viết về ngày Tết, tôi sẽ đúc kết thành một tập NHẬT KÝ NGÀY XUÂN. Điều nầy tôi đã làm cho 2 năm về trước, 4 ngày Tết, 4 phần (part), gửi cho 2 trang nhà, nhưng chỉ có một bài được trang BH post lên web. Năm rồi, tôi chỉ làm phóng sự ảnh, khoe cái máy chụp hình con gái mua cho, chỉ có 1,5 triệu vnđ.

Bây giờ, tôi chuẩn bị xuống cửa hàng của má sắp nhỏ, cùng con gái út trông nom, để má nó và các anh chị về Tân Phước Khánh chúc Tết bà nhạc của tôi. Mấy ngày Tết, có tiền dư là họ mua vàng, thua bạc thì đem cầm. Mấy ngày cận Tết, phải mướn thêm anh chàng phụ giữ xe, hở là nó chộp, có camera quan sát, cũng huề trất. Sau đó, 17 giờ có buổi họp mặt lai rai.

Sáng nay, mùng một Tết, người xông nhà tôi đầu tiên là đứa cháu ngoại lớn nhất, đã học lớp hai. Cháu đến mừng tuổi, chúc ông ngoại làm ăn phát đạt, sống lâu như ông cố. Tôi đã chuẩn bị 5 bao lì xì cho các cháu ngoại. Bao lì xì đầu tiên cho cháu. Rồi đứa con gái giữa, nhà kế bên đến mừng tuổi cha, chúc những gì tốt lành nhất của năm. Một bao lì xì cho cha, như những năm trước tôi dành cho cha mình. Cháu đốt nén nhang đầu tiên cho gia tiên. Tết năm sau, sau khi hai năm mãn tang cho cha tôi, tôi sẽ thiết lập bàn thờ phụ mẫu, để ngày Tết, sui gia, bạn bè, con cháu đến đốt nén nhang thơm dành cho ông bà. Hôm cận Tết, bà xã lớn đã định mua cho tôi cái bàn thờ cổ, cùng bộ lư đồng, mà người bán đã hét giá 40 triệu vnd, tương đương 2.000 usd. Nhưng các em, các con tôi đã bàn, hãy từ từ. Dù sao, cũng là cha mẹ chồng, tình nghĩa vẫn còn. Con gái lớn đã lì xì cho tôi từ trong năm. Sau đó tôi và con gái đến nhà mẹ chúng, các con cháu đã về đông đủ. Đối với người Việt chúng ta, ngày Tết là dịp họp mặt gia đình. Sau đó, tôi và các con cháu đến nhà từ đường gần bên, đốt nhang cho cha mẹ tôi, trước khi gia đình đứa em trai út về phía vợ ở Bến Gỗ. Những lời chúc Tết, bao lì xì dành cho con cháu. Tôi và đứa em trai út đến nhà thờ họ tộc gần bên để đốt nén nhang tưởng nhớ ông bà. Chú Tám tôi, bây giờ chỉ còn chú là trưởng tràng, đã đến đốt nhang từ sớm. Dù sao, nén văn hóa Việt lâu đời về ngày Tết, gia đình tôi vẫn cố gắng gìn giữ.

Sau đó, rể lớn lái xe để đưa bà nhạc, vợ con, và em vợ về Tân Phước Khánh, mừng tuổi phía vợ tôi. Gia đình em trai vợ tôi, từ Sài Gòn cũng lần lượt về. Tôi và con gái út ở nhà trông chừng cửa hàng. Hằng năm, ngày mùng một Tết, cửa hàng vẫn mở cửa. Có người đến mua một, hai chỉ vàng đầu năm để lấy lộc, cầu mong một năm vàng vô như nước. Anh nào vận đen thì đến cầm cố để mong gở gạc, lở thua thì bán đứt. Còn nếu còn vận may thì đến chuộc lại và mua thêm. Ba ngày Tết, việc cờ bạc cũng được địa phương phớt lờ, miễn sao đừng quậy phá. Buổi trưa, đòn bánh tét chất lượng được con gái đem ra ăn Tết. Gọi là chất lượng vì nhưn bánh có trộn hạt điều, lạp xưởng, tôm khô..., giá 150.000 vnd một đòn bánh. Cũng như cái Tết của hai năm về trước, 12 giờ trưa, 21 giờ của ngày 29 Tết ta ở Cali, tôi bấm máy nói chuyện với Phạm Trọng Kiến, bạn cùng trung đội với tôi ở Thủ Đức, cùng chung khóa học nghành trước khi tan hàng. Anh em nhắc nhau về kỷ niệm, về Bình Dương, quê ngoại của tôi, cũng như quê vợ. Kiến khoái chí, vì tiểu khu Bình Dương là nơi nó gắn bó. Hẹn nhau ngày gặp gỡ ở quê hương. Về nhà nghĩ trưa, tôi bấm máy với Hồ Văn Lạc, bạn cùng khóa nghành với tôi và Kiến. Ở quê người, các bạn cũng được cho nghĩ ngày Tết dân tộc. Nguyễn Bá Hùng gửi mail và ảnh cho tôi, con gái về sum họp gia đình, cây đào, cây mai nhà bạn trổ hoa đẹp. Lại vừa có mưa đá ở Cali, Boston thì có bảo tuyết. Những gì vui buồn, bạn bè chia sẽ cho nhau.

Đến xế chiều, bà xã và các con cháu về nhà, tôi xong nhiệm vụ, về nhà tắm rửa, chuẩn bị cho bửa tiệc họp mặt 17 giờ ngày mùng một Tết. Hầu hết đều là đàn anh của tôi, học trò thầy Triệu, thầy Lưu, thầy Hạnh của trường Minh Tân. Dường như đến tuổi xế chiều, nôm na là gần xuống lỗ, người ta dường như nuối tiếc kỷ niệm của ngày xưa. Các anh đa phần là bạn học của bà chị kế tôi. Vẫn mầy tao ơi ới. Tôi có vinh hạnh là được đàn anh quý mến, mời tham gia. Quan trọng là cách cư xử, tấm chân tình đến với nhau. Tôi mang đến bàn tiệc chai vang Dalat, cặp bưởi, nhưng không phải của Biên Hòa, mà là của miền Tây sông nước. Hôm trước Tết, tôi mua ở Chợ Đồn giá 200.000 vnd cho một chục mười hai. Bưởi Biên Hòa, vì thương hiệu có tiếng nên giá đắt đỏ, dùng làm quà biếu hoặc xuất khẩu. Anh Hoàng chủ quán, biếu phát cho mỗi người bao lì xì, lấy lộc đầu năm của Lộc Vừng, hiện kim nhiều ít do hên xui. Xong tiệc, các anh tạm chia tay, hẹn chầu cà-phê của sáng ngày mai. Còn vui được thì cứ vui, nhưng đừng quên nhiệm vụ đối với gia đình.

Tôi về nhà, lên máy, viết bài của ngày mùng một Tết Quí Tỵ gửi cho mọi người, hẹn có bài của ngày mùng hai. Còn sức khỏe, thì còn tâm sự với bạn bè Cà-phê Cầu Mát, cái cầu nhô ra bờ sông Đồng Nai để chiều chiều hóng mát, may mắn được lưu giữ như là báu vật của quê hương Biên Hòa.

PART 3.NGÀY MÙNG HAI TẾT

H.M. Chiếu, vợ chồng Nguyễn Tấn Lực, Luận và H.V. Hoàng

Đinh Thị Cúc, Ẩn C, Kim Lang và V.H.Vương

Võ Kim Lang và Đ. C. Tuy

Sáng nay, mùng 2 Tết, tôi đang ở nhà check mail, đứa cháu ngoại trai ở gần bên sang nhà nói:

- Con mời ông ngoại đi ăn điểm tâm sáng, con bao ông ngoại.

Chiều hôm qua tôi đã gợi ý, có tiền lì-xì bao ông ngoại ăn sáng. Có lẽ sau một đêm suy nghĩ, cháu có quyết định sáng suốt như vậy. Ông, cháu, con trai tôi, tức cậu năm cháu và mẹ cháu, cùng đến tiệm mì Chú Di, hơi xéo nhà ba má tôi ăn sáng. Chú Di là người cùng thời với ông nội tôi, nên có thương hiệu mì Chú Di, bánh bao Chú Di, nhưng bây giờ do cháu nội gái bán. Đứa cháu cầm theo tờ 200.000 vnd đỏ mới toanh. Bốn tô mì hoành thánh, và một bọc mang về cho bà cô của cháu là 101.000 vnđ. Ông ngoại trả 1.000 vnd, chủ quán thối tờ 100.000 vnd cho chẳn. Như vậy là đầu năm ông ngoại vô lộc. Nó nói, hôm nay con kiếm thêm mấy trăm ngàn tiền lì xì nửa đủ mua một chỉ vàng. Bà ngoại lì xì cho cháu 500.000 vnđ, ông ngoại nghèo hơn, chỉ cho bằng 1/5 của bà ngoại.

Sau đó tôi đến cà-phê Lộc Vừng uống cà-phê cùng đàn anh. Tôi điện thoại mời Chiếu, Tâm khỉ, Tâm nhủi...sang uống cà-phê đầu năm. Vì hôm tất niên cuối năm, tôi bận bịu ở của hàng nên không chung vui được với bạn bè. Rốt cuộc có Chiếu đến và rủ thêm vợ chồng Nguyễn Tấn Lực đang trên đường về Biên Hòa. Trước đó tôi đã có cái hẹn với chị Đinh thị Cúc K.3 NQ, sẽ đến nhà chị để mừng Xuân và gặp gở với anh Tuy, chị Võ Kim Lang và anh Ẩn C. Những người nầy có "ân oán " với vợ chồng chị, gần 40 năm sau mới có cơ hội gặp lại. Chị Lang, tôi đã có dịp gặp gở Tết năm rồi cùng thầy Huỳnh Bá Hạnh, cũng như lần họp mặt tri ân thầy cô ở Sài Gòn. Chị Cúc dặn tôi, chừng nào các anh chị đến đông đủ sẽ điện thoại cho tôi, vì nhà chị cách đó cũng không xa. Chị Lang đang trên đường từ Sài Gòn lên Biên Hòa Biên Hòa bằng xe buýt, giá vé chỉ 6.000 vnd. Tôi tưởng chị đã về Pháp rồi, nhưng chị đi về như cơm bửa. Tôi nối máy để chị nói chuyện với anh Dương, vì giữa hai người có "ân oán tình cảm" hồi lứa tuổi ô-mai.

Tôi đến nhà chị Cúc cũng gần trưa. Anh Tuy đi xe ôm sang. Chị Lang từ ngã ba Tân Vạn transport lên bằng xe ôm. Anh Ẩn C từ Bình Dương xuống bằng xe cá nhân, trên bảy mươi tuổi vẫn còn khỏe mạnh. Những tâm hồn già hầu như trẻ lại để hàn uyên tâm sự, trong đó tôi nhỏ tuổi nhất. Rồi những chiếc di động cầm tay kết nối với bạn bè phương xa trong ngày Xuân dân tộc. Anh Dương sau khi đi công việc riêng cũng "mò" đến vì không nở bỏ người xưa cô quạnh. Ngày mùng hai Tết vui vẻ và ấm cúng tình thân. Sau đó tất cả mọi người đến cà-phê Lộc Vừng của anh Hoàng để tâm sự tiếp. Hồi sáng uống cà-phê, tôi có gặp anh Hồng Văn Minh, em anh Hoàng, người mà anh Minh Canada nhờ tìm hộ. Trái đất tròn, bạn bè vẫn còn cơ hội tìm đến nhau. Xế chiều, chị Lang xin phép về Sài Gòn vì còn có cái hẹn khác. Những cái bắt tay siết chặt sau ngày mùng 2 Tết Quí Tỵ vui vẻ. Trước đó, buổi sáng, tôi đã có lời cáo lỗi cùng Chiếu và Huê, vì không thể tham dự buổi họp mặt thường niên cũng tối mùng hai Tết tại tư gia bạn Tạ thị Nguyệt Ánh. Dù sao chúng mình cũng còn buổi họp mặt sau Tết nguyên tiêu. Bạn bè ơi, thông cảm nhé. Chương trình ngày mùng ba Tết của tôi là thăm viếng sui gia và đưa cháu ngoại du Xuân. Những ngày tết bận rộn nhưng vui vẻ trôi qua.

PART 3. NGÀY MÙNG BA TẾT

Hôm nay là ngày mùng ba Tết. Cũng như thường nhật, tôi dậy sớm, cúng nước, uống cà-phê sáng và check mail. 6 giờ 30 phút sáng, tôi thả bộ xuống Chợ Đồn. Hôm nay theo tục lệ là ngày Tết nhà, phải cúng gà trống luộc. Người ta họp chợ khá đông trước sân chợ, nhà lồng vẫn còn đóng cửa. Đa số hàng hóa là thực phẩm để cúng bái. Món chính là gà. Khác mọi năm, năm nay gà sống hầu như ít bán, đa số gà đã được làm sẳn. Có nhà máy giết mổ gà theo kiểu công nghiệp, có máy nhặt lông gà sau khi nhún qua nồi nước sôi. Bây giờ làm dâu sướng thật. Đi làm về, ghé vào siêu thị, mua thức ăn chế biến sẳn. Khổ qua dồn thịt làm sẳn cho vào khay nhựa, bán tính theo ký lô. Về nhà nấu nồi xương hầm, cho khổ qua vào, xong có nồi canh cho mẹ chồng. Tôi nhìn kỷ quầy thịt gà, toàn là gà mái tơ, chẳng có anh gà trống nào. Trai thiếu, gái thừa. Gà bán giá 140.000 vnd một ký lô. Hôm 29 Tết, giá là 160.000 vnd. Rồi bông vạn thọ, giá 6.000 vnd một cây. Bông Tết được trồng ở Tân Hạnh, Bửu Long, Hiệp Hòa. Trái cây đa số hàng Việt Nam, hôm Tết còn, nay đem ra bán tiếp. Rồi bánh tét, bánh ít. Nhà bà xã tôi ít người, vợ chồng con gái út còn ở Tân Phước Khánh, nên chỉ bày ra mâm bánh tét, bánh ít thay gà. Riêng tôi chọn mua dĩa trái cây, một nhánh bông vạn thọ để cúng. Khoảng 9 giờ là chợ tan. Hôm nay, các siêu thị đồng loạt mở cửa.

Sau khi dọn cúng, đốt nhang xong, anh sui trai, nhà gần bên sang Tết nhà. Thông lệ người Việt mình là mùng ba Tết, sui gia sang thăm viếng nhau. Tôi rót mời anh sui trai ly nước mát, nấu từ trái La Hán Tàu, a-ti-sô, lá bảy sắc, lá lược vàng, gừng khô, khổ qua khô...và đường phèn. Anh sui trai thắc mắc, chưa từng thấy trái La Hán. Tôi đem cho anh xem trái La Hán to hơn quả trứng vịt, ngày 28 Tết tôi mua ở Chợ Lớn giá 75.000 vnd một chục. Sui gia hỏi thăm nhau về sức khỏe, công việc làm ăn trong năm. Anh xin phép đốt nhang cho ông bà rồi ra về. Buổi chiều, tôi sang nhà anh đáp lễ. Tôi sửa soạn xe máy, chở đứa cháu ngoại trai để lên Tân Mai chúc Tết anh sui trai, ba chồng của đứa con gái lớn. Sui gia hơn nhau 20 tuổi, vì rể tôi là trai út. Hôm nay còn là Tết, nên các cửa hiệu ven đường còn đóng cửa, các quán ăn, quán cà-phê là đông khách. Tham gia lưu thông trên đường chỉ có xe hai bánh, xe du lịch, xe taxi. Ngày thường,lưu thông đoạn đường nầy tôi ngán ngẩm vì xe cộ chạy xô bồ. Đến nơi, sui gia chào nhau, uống trà, ăn mứt, đàm đạo, trong lúc vợ chồng con gái đang sửa soạn cho con để ông ngoại chở đi du Xuân.

Tôi chở hai đứa cháu ngoại theo quốc lộ 15 cũ, đến ngã ba Vườn Mít, qua cổng một, cổng hai không quân, để rẽ vào Bửu Long theo hướng miễu Bình Thiền. Khu vực vành đai sân bay Biên Hòa đã trở thành khu dân cư. Có một vài mảnh ruộng được tận dụng trồng bông vạn thọ bán cho ngày cúng. Sắp tới, ngày mùng tám tháng giêng cúng sao hội, mùng chín vía trời, rồi Tết Nguyên Tiêu. Ngày tây có 14 tháng 2, lễ Tình Nhân, hoa Đà-lạt sẽ làm giá. Đường hoa Trấn Biên được thiết kế trên đoạn đường trước Văn Miếu Trấn Biên, nhiều tiểu cảnh, hàng ngàn chậu hoa tươi, nhiều loại hoa đủ màu, trị giá 4 tỷ vnd, để cho khách du Xuân thưởng cảnh và chụp hình. Hầu như ai cũng có máy chụp hình riêng nên mấy bác phó nhòm dạo chào thua. Ba ông cháu thi nhau chụp hình, để có tấm hình đủ cả bộ ba phải nhờ người khác chụp dùm. Sau đó 3 ông cháu vào cổng chính khu du lịch Bửu Long, gọi là cổng chào hai con Rồng, giá vé vào cổng là 30.000 vnd cho người lớn, 20.000 vnd cho trẻ em. Cháu gái thì thích xem múa lân, cháu trai lại thích tắm hồ. Mỗi ngày có 2 đoàn lân đến biểu diễn miễn phí cho khách tham quan. Đã gần 10 giờ, không khí bắt đầu oi bức, hôm qua thì nắng nhẹ, tôi mua vé để hai cháu tắm hồ bơi, giá vé 20.000 vnd một lượt. Hôm qua cháu ngoại bao ông ăn mì, hôm nay ông ngoại bao cháu đi chơi, ông cháu sòng phẳng. Hồ bơi chỉ dành cho thiếu nhi tắm, sâu từ 4-5 tất. Để chắc ăn, tôi mướn cho cháu gái cái phao bơi, 5.000 vnd. Nhiều bậc phụ huynh cũng cho các cháu tắm để thư giản và giảm nhiệt. Hồ bơi ngày càng đông, cha mẹ đứng xung quanh theo dỏi, trông chừng các cháu. Tâm nhủi điện thoại cho tôi, rủ đến cà-phê Lộc Vừng. Cử cà-phê của bạn là phải hơn 10 giờ. Tôi trả lời, nủa tiếng sau sẽ có mặt. Cháu gái lúc đầu e dè, sau càng bạo dạng ra xa vì có cái phao cứu sinh bảo hộ. Trời càng về trưa nắng càng gắt, hai cháu khoái chí tung tăng tắm, ông ngoại đành hi sinh cử cà-phê cùng bè bạn. 12 giờ trưa, ông cháu mới ra về. Ngày Tết, nên bà ngoại không cầm cái roi mây chờ sẳn.

Chiều tối, trên đường đưa cháu ngoại về Tân Mai, sẳn tiện, tôi đưa hai cháu đi chơi công viên Biên Hùng, nằm trên khuôn viên Ty CSQG của tỉnh Biên Hòa cũ. Nơi đây có nhiều trò chơi dành cho trẻ em : đu quay, tàu bay, tàu hỏa siêu tốc, trò chơi điện tử...Ngày Tết mỗi lượt chơi được nâng giá lên gấp đôi, 20.000 vnd mỗi lượt. Cháu gái dạn dĩ hơn, thích cảm giác mạnh. Cháu thích trò chơi nào, mình cũng phải chiều. Sau các trò chơi, tô màu tượng, bay đứt tờ giấy 200.000 vnd màu đỏ. Kế bên, bên kia đường có hiệu thức ăn nhanh Lotteria của Hàn quốc đang đắt khách, vì các cháu ngày Tết có tiền lì-xì rủng rỉnh. Lại bay nhất tờ giấy 100.000 vnd xanh. Ngày mùng ba, 3 ông cháu tốn hết 600.000 vnd cho chi phí du Xuân, 6 ngày thu nhập của tôi. Dù sao, đôi khi người ta cũng đánh đổi tiền bạc để có niềm vui cho trẻ thơ. Thời gian qua rồi không thể níu kéo lại được. Hơn 20 giờ, tôi đưa cháu ngoại trả về với gia đình. Tôi đi theo đường mới mở qua khu đô thị Gò Me, khu vực "ăn chơi" của Biên Hòa. Các quán nhậu hải sản đã khai trương từ chiều tối mùng 2, đang hoạt động ì xèo. Các quán cà-phê nhạc, các quán bar cũng đang đón người ta đến vui chơi. Tết mà.


Hết ngày mùng 3 Tết, ba "ngày sưng (Xuân), bốn ngày xẹp" trôi qua, cũng như mùa Xuân thứ 63 trong đời tôi, như là cái chớp mắt.

Giấc mộng Nam Kha thoáng qua rồi.

Bừng con mắt thức để mà vui.

Lại chờ đợi mùa Xuân thứ 64 trong đời.

Xuân ơi, Xuân đã qua rồi...

Tết Quí Tỵ 2013, Tết yêu thương

Biên Hòa, ngày 12/2/2013

Đỗ Công Luận