Bài Viết 2

- TRUNG THU

- SINH NHẬT CHÁU NGOẠI

- TÌNH CHA

- BIÊN HÒA QUÊ TÔI

- HÀNH TRÌNH ĐI TÌM ĐỒNG ĐỘI

TRUNG THU

Đêm nay, 14 tháng 8 Nhâm Thìn. Cả ngày hôm qua, thời tiết ở Biên Hòa, cũng như ở Tây Nguyên, Nam Phần rất xấu. Mưa nặng hạt, rả rích cả ngày. Bầu trời nhiều mây, tích tụ đầy hơi nước. Khuya và sáng nay cũng vậy. Từ trưa trở đi, trời quang đảng, bắt đầu có ánh nắng dịu nhẹ. Tối nay không mưa, nhưng bầu trời nhiều mây che phủ nên không thấy được ánh trăng. Từ hơn 18 giờ trở đi, các ông bố, bà mẹ trẻ đã đưa các cháu xuống phố bằng xe gắn máy để tập trung về hướng trung tâm thành phố, chợ Biên Hòa...Các đội lân chuyên nghiệp bắt đầu hoạt động, di chuyển bằng xe tải. Đi đâu cũng nghe tiếng trống lân. Khoảng từ hơn 2 tuần lễ trước, hàng đêm, các đội lân nhí đã đi múa xin tiền ở các cửa hiệu. Nơi nào có đội lân múa, các cháu được cha mẹ dừng xe lại cho xem, khiến tắc đường, xe cộ di chuyển hơi khó khăn. Đêm nay thứ bảy, ngày nghỉ cuối tuần, các nam thanh nữ tú cũng chưng diện trang phục, nữ thường là quần short ngắn, hoặc đầm, jupe, xuống phố ăn Tết Trung Thu ké cùng với các bé.

Sáng nay, nước sông Đồng Nai đã dâng cao hơn ngày thường, vì mưa nhiều và thủy điện Trị An đang xã lủ, nước đã tích tụ hơn cao trình. Ba ngày tới, không biết con nước 17 sẽ như thế nào? Vì theo quy luật, rằm tháng 8 và rằm tháng 9 là đỉnh triều cực đại của năm.

Năm nay, bánh Trung thu không được ưa chuộng cho lắm, vì kinh tế khó khăn và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Bánh được bày bán ở các cửa hiệu là của người lớn, dành tặng cho nhau. Bánh càng quý, ơn nghĩa càng sâu nặng, quy luật muôn đời bất biến. Từ khoảng một tuần lễ nay, có hiệu bánh đã treo bảng, " mua một, tặng một ". Đèn lồng truyền thống bằng tre phết giấy kiếng hầu như ít có, dù Tân Mai, Tam Hiệp là làng nghề truyền thống. Các cửa hiệu treo nhan nhản đèn nhựa xài pin, có nhạc chuông. Vì vậy đèn cầy nhỏ màu sắc không được mua bán nhiều như ngày trước. Hồi đó khi hút hàng, bó đèn 500 gram chỉ còn 450 gram, rồi 400 gram, giá vẫn như vậy, không thay đổi. Chỉ có những tụ điểm lớn mới treo đèn sao nhiều màu, nhưng thắp sáng bằng điện.

Không biết đêm mai, Rằm tháng tám, ngày tết Trung Thu, tết của trẻ em, thời tiết có tốt đẹp không để các cháu có thể thấy ánh trăng Thu vằng vặc trên bầu trời trong sáng, như tâm hồn trong sáng của các cháu. Tin dự báo thời tiết vừa phát đi, có một vùng áp thấp vừa xuất hiện ở biển Đông. Hai cơn bảo song hành đang hoạt động ở Tây Thái Bình Dương. Tết Trung Thu năm nay biết có trọn vẹn không bé ơi !

21 giờ 30 tối, tôi về đến ngã ba mũi tàu Hãng Dầu, hàng trăm xe gắn máy hai bánh cùng các yên hùng choai choai đang tụ tập, chuẩn bị cho đêm cuối tuần quậy phá. Tuổi trẻ bây giờ khác hơn tuổi trẻ xông pha của chúng ta ngày xưa. Ánh trăng Thu giờ cũng vậy. Buồn quá Thu ơi!

Tường trình từ thành phố quê hương

Ngày 29/9/2012

TRUNG THU

Trăng tròn tháng tám mỗi năm.

Bé thơ rước đuốc hội rằm trăng sao.

Đèn lồng xanh đỏ sắc màu.

Nến hồng thắp sáng lời chào trăng Thu.

Thập thùng tiếng trống giao lưu.

Lân say điệu múa đèn cù lung linh.

Địa, lân vũ hội song tình.

Bé cười thích thú lúng xinh đồng tiền.

Gió lay đèn bướm chao nghiêng.

Bập bùng ánh lửa sáng miền tuổi thơ.

Để quên tiềm thức trong mơ.

Vầng trăng cổ tích đợi chờ bên sông.

Bé cầm đèn cá hóa long.

Cho mai chắp cánh thành rồng bay cao.

Ngập ngừng chân trước bước sau.

Sải đôi cánh rộng bay vào mênh mông.

Đưa tay phá cổ bánh hồng.

Nét dao sắc lịm chia đồng tuổi tên.

Bé ơi, cố nhớ đừng quên.

Vị thơm đất mẹ vững bền máu tim.

Biên Hòa, ngày 24/9/2012

Đỗ Công Luận

SINH NHẬT CHÁU NGOẠI

Hôm nay, ngày mùng mười tháng tám âm lịch, vợ chồng con gái út của tôi tổ chức sinh nhật cho con trai đầu lòng tròn 6 tuổi. Cháu vừa vào lớp một hơn hai tuần lễ nên chưa quen biết bạn học nhiều. Tiệc sinh nhật tổ chức tính cách gia đình. Ông ngoại và bốn cháu ngoại,vì cháu ngoại nhỏ nhất vừa được 5 tuần tuổi, cùng vợ chồng con gái út và con gái giữa. Tiệc sinh nhật được tổ chức ở nhà hàng thức ăn nhanh Lotteria của Hàn Quốc, cạnh công viên Biên Hùng, là Ty Cảnh Sát BH ngày xưa.

Ở Biên Hòa ngày nay, các nhà hàng thức ăn nhanh mở ra nhiều, từ KFC đến Pizza Hut, trong các khuôn viên siêu thị như Big C, Coop.Mart, Vinatext...tùy theo sự lựa chọn của khách hàng. Tiệc sinh nhật, họp mặt bạn bè tổ chức các nơi nầy rất tiện lợi, không tốn kém thời gian. Bánh sinh nhật đặt ở hiệu bánh Siu-Siu, gần ngã ba thành Kèn, có tiếng nhất Biên Hòa. Hơn 18 giờ, tôi từ Tân Mai chở cháu ngoại gái đến địa điểm trước. Các con và cháu còn lại đi xe nhà từ Chợ Đồn đến sau. Bây giờ phương tiện di chuyển cũng tương đối thuận lợi, dễ nhất là gọi taxi. Chiều nay trời hơi nặng hạt vì ảnh hưởng của siêu bảo đang hoành hành ở Phi-luật-tân. Các cháu thì vui mừng thỏa thích vì có dịp được tự do ăn uống, chơi đùa. Các nhà hàng thức ăn nhanh thường có các sân chơi dành cho các bé. Tội nghiệp cho cháu trai con thứ của con gái út, cháu mới hơn 10 tháng tuổi nên chưa ăn uống được như các anh chị. Cháu cùng tuổi Tân Mẹo với tôi, sinh nhật trước ông ngoại 2 tuần lễ. Năm rồi, tiệc 60 năm cuộc đời của tôi không tổ chức vui vầy với các con cháu đươc vì mẹ cháu vừa sanh cháu được 2 tuần. Nhưng cũng vui với bạn bè. Dường như có sự trùng hợp, cháu giống ông ngoại đến 90%. Mặt bầu bỉnh, sóng mũi dọc dừa, mắt một mí, dái tai đầy, nước da đen...Con gái út, con gái giữa, giống tôi cũng như phía nội. Cháu gái đầu lòng giống mẹ và bà ngoại. Con trai lớn của gái út rất giống cha và phía nội. Ông trời ăn ở thật công bằng, không phụ lòng ai. Tôi và bà xã, sản xuất một lèo ra ba nàng công chúa. Bây giờ các cháu sanh cho tôi 4 đứa cháu trai và 1 cháu gái. Luật bù trừ.

Nghĩ lại thời gian qua nhanh quá. Bóng trôi qua cửa sổ. Những ngày gần tàn cuộc chiến, tôi lập gia đình, rồi sau đó vào trại tập trung. Vài tháng sau, gia đình được phép vào gặp mặt. Cách đây mấy tháng, bạn Lâm Văn Sơn về gặp bạn bè. Uống cà-phê chung, nó nhắc chuyện khiến tôi muốn "độn thổ".

-Vợ nó lên thăm nó rồi về, tối nào nó cũng qua tổ tao ngồi nói chuyện. Nó thấy cái bụng vợ nó lúp xúp, hỏi thì em không nói. Hỏi bà ngoại nó, má nó, thì không trả lời. Nó tức quá, hỏi tao, sao kỳ vậy? Đêm nào cũng hỏi.

Gần cuối tháng 3 năm sau, gia đình báo tin vợ tôi sanh cháu gái đầu lòng. Khi tôi về với gia đình, lại có thêm hai công chúa nửa. Thời buổi "củi quế gạo châu", phải còng lưng đạp xe hàng từ Chợ Lón về nuôi ba cái tàu há mồm. Bây giờ cuộc sống các con tôi tạm ổn, các cháu ngoại lần lượt vào tiểu học, như hơn 50 năm về trước, ông ngoại sáng đi bộ đến trường với ngói xôi 2 đồng.

Như quy luật của tạo hóa, ông bà ta nói," được cái nầy thì mất cái kia". Khi con gái út tôi sanh con trai đầu lòng, Vương Gia Khang, vừa hơn tháng, một chiều rằm tháng 10 của sáu năm về trước, mẹ tôi vĩnh viễn lìa xa con cháu ra đi. Khi con gái út của tôi còn một tháng nửa sanh đứa con trai thứ nhì, Vương Gia Hào, ba tôi lại tiếp nối mẹ tôi về sum họp bên kia thế giới. Chỉ còn hơn tuần nửa là giáp năm ngày mất của cha tôi. Đưa tay vuốt mặt, sao thấy trán nhăn má hóp. Bứt vài cọng tóc, màu trắng lại nhiều hơn.

Các cháu ngoại của tôi đều sanh vào ngày tháng cuối năm, trời mưa gió bảo bùng và lạnh lẻo. Rồi sẽ đến sinh nhật Su-Gôn, Su-Ri, Su-Môn, và thôi nôi Su-Xì-Bo. Ôi, những cái tên toàn là Su vì cha mẹ chúng thích xem phim Hàn quốc nhiều tập. Xin ông trời cho tôi có sức khỏe để mỗi tháng được một lần ăn sinh nhật của các con và các cháu.

Biên Hòa, ngày 26/9/2012

Đỗ Công Luận

TÌNH CHA

Mùa hè năm 1965, tôi đã học xong lớp đệ lục ở trung học Ngô Quyền. Những ngày hè êm ả, tôi vui đùa với chúng bạn cùng quê. Một buổi trưa, tôi cảm thấy đau dữ dội ở vùng bụng bên phải, đau đến nổi vả mồ hôi hột. Chiều đến, cha tôi đi làm về, mẹ và các chị kể cho cha nghe. Để được an tâm, cha dẫn tôi đến phòng mạch bác sĩ Đào đức Chiệu, cách nhà mấy căn phố. Bác sĩ chẩn đoán, tôi bị viêm ruột thừa, cần phải đến bệnh viện để phẩu thuật. Sau đó một hai hôm, tôi cảm thấy không còn đau nhức nửa, vẫn vui chơi với chúng bạn. Cha tôi an tâm, ngày hai buổi đến xưởng làm việc bình thường. Khoảng hai tuần lễ sau, cơn đau lại bộc phát, dữ dội hơn lần trước. Cha đưa tôi đến khám bệnh ở bác sĩ Trần văn Tứ, phòng mạch gần trường tiểu học Nguyễn Du. Bác sĩ Tứ chẩn đoán, tôi bị bệnh viêm ruột thừa cấp, cần phải mổ ngay. Nếu không, chỗ đau đã tụ mủ, bị vỡ, ảnh hưởng đến bộ phận tiêu hóa. Nghe vậy, cả gia đình cuống cuồng, phải đưa tôi đến bệnh viện để điều trị.

Sáng hôm sau, cha tôi đã nhờ chú Tư Cô Hồn, lấy chiếc Toyota Pick up 1000, đưa tôi đến bệnh viện Grall, nhà thương Đồn Đất, để điều trị. Bệnh viện nầy của người Pháp quản lý, hầu hết các bác sĩ đều là người Pháp. Đón tiếp cha con tôi ở phòng nhận bệnh là một bà đầm, bác sĩ, và cô điều dưỡng người Việt, nói tiếng Tây u rôm rốp.Cha kể bệnh trạng của tôi mấy ngày qua.

_ Sáng giờ gia đình có cho cháu ăn gì chưa?

_ Dạ, chỉ có uống nửa ly sửa.

_ Tốt, trưa nay sẽ đưa cháu lên bàn mổ.

Bà đầm có hỏi tôi một câu, tôi hiểu nhưng không dám trả lời, vì chỉ mới bập bẹ học tiếng Pháp hai năm.

_ Comment t'appelles-tu ?

Tôi nhớ rõ, hôm đó là ngày thứ tư trong tuần. 13 giờ, tôi được đưa vào phòng mổ. Phòng mổ mát lạnh, kín đáo, đèn tròn cao áp sáng trưng. Một chiếc khăn tay màu đen, được cô điều dưỡng đưa qua mủi tôi mấy lần, tôi rơi vào trạng thái hôn mê, không biết gì. Đến khi tôi thức tỉnh, tay chân cọ quậy, sao lại cứng ngắt thế nầy ?Tay chân tôi bị cột chặt vào thành giường, chỉ ú ớ mấy tiếng. Lúc đó, cha tôi đang nằm nghỉ lưng ở cửa sổ, ngồi dậy nhìn vào. Tôi đang nằm ở phòng hồi sức, đang dần tỉnh, lúc đó quá khuya của ngày hôm sau. Cô điều dưởng mời cha tôi vào căn dặn, chỉ cho tôi uống vài giọt nước cam cho thắm giọng. Nguyên tắc bệnh lý là sau khi mổ không được phép uống nhiều nước, ảnh hưởng đến sinh mạng, vì vậy tôi mới bị cột tay chân vào thành giường.

Suốt mấy ngày đêm như vậy, cha tôi ngồi bên cửa sổ, nhìn vào theo dỏi sức khỏe của tôi. Đêm đến, hoặc nghỉ trưa, cha ngã lưng trên mấy tờ báo trãi trên nền gạch. Đến sáng ngày chủ nhật, sức khỏe tôi đã hồi phục, vết mổ tương đối liền miệng, không còn sưng nửa. Kỷ thuật hồi đó của người Pháp là vết mổ không dùng chỉ để khâu, mà được nẹp lại bằng mấy chiếc kẹp inox, để tế bào mọc ra, nối liền vết mổ. Một lổ thông nhỏ, đặt bên hông để thoát mủ trong màng bụng. Chẩn đoán vết mổ của tôi đã tốt, trưa hôm đó bác sĩ quyết định cho tôi ra phòng điều trị để tiếp tục được săn sóc. Điều làm tôi bất ngờ, thực đơn trưa chủ nhật của tôi là một góc tư gà rô ti ăn với nui xào tương cà và salad, khoai tây chiên. Bởi vì đây là bệnh viện tư của người Pháp nên khẩu phần ăn theo thời khóa biểu mỗi ngày. Sáng điểm tâm bằng một ly cà-phê sửa, kèm mấy lát bánh mì sandwich ăn với phô-mai, hoặc sô-cô-la. Thức ăn thường là nui xào, khoai tây chiên, thịt bò bít-tết, gà rô ti...Tôi ước ao phải chi được nằm bệnh viện đến hết hè cũng được.

Tôi không hiểu rằng đó là sự hi sinh lớn lao của cha và gia đình, vì lo lắng cho sức khỏe của tôi, vì hai anh trai tôi đã mất lúc ba, bốn tuổi bởi bệnh tật. Lúc đó ở nhà thương Đồn Đất chia ra 3 hạng phòng. Hạng nhât, phòng dành cho một người, đầy đủ tiện nghi, trừ ti-vi, vì lúc đó hệ thống truyền hình ở Sài Gòn chưa có. Nước máy bơm từ sông Sài Gòn nên hơi chua phèn, hệ thống nước máy ở Thủ Đức người Úc chưa viện trợ cho chúng ta. Phòng hạng nhì dành cho hai người. Tôi nằm phòng hạng ba, có bốn người, giá tiền phòng là 300 vnđ một ngày. Tổng cộng chi phí cho ca mổ và 15 ngày điều trị của tôi là 15.000 vnđ, thời điểm năm 1965. Đầu năm 1958, cha mẹ tôi phải chạy vại cho đủ số tiền 50.000 vnđ để mua lại căn nhà cất trên đất của nội tôi, từ tay cô năm Hiếu. Cô năm đã nói với cha tôi, sẽ cho cha tôi thiếu nợ tiền mua gạch để xây lại hai tấm vách nhà mục nát. Nhưng cha mẹ tôi từ chối vì sợ, nợ chồng nợ.

Đó là sự hi sinh vô bờ bến của cha mẹ dành cho tôi. Tôi cũng là niềm hy vọng của gia đình, các chị đã nghỉ học sớm, giúp đở cha mẹ để các em được ăn học. Lúc đó kỷ thuật y khoa còn hạn chế, cha mẹ không ngại tốn kém để giữ gìn sinh mạng của tôi. Tôi còn nhớ, đầu năm 1976, ở trong trại Phú Lợi, một bạn tù bị viêm ruột thừa cấp tính. Đưa xuống trạm xá, mấy anh quân y sĩ đã phẩu thuật trong tình trạng không có phòng mổ, không có tiệt trùng, chỉ buông mùng quanh giường mổ, và sức khỏe anh ta vẫn tốt sau khi mổ. Cách đây hai năm, em gái tôi bị viêm ruột thừa, đã đến bệnh viện Thánh Tâm, Hố Nai, mổ bằng phương pháp nội soi, hai ngày sau là về nhà. Những tháng ngày tôi đi chinh chiến, mỗi lần xem báo, biết có tin chiến sự nổ ra ở vùng tôi đóng quân, cha không ngại đường xa để tìm đến thăm tôi.

Khoảng mười năm về trước, khi sức khỏe còn cho phép, mỗi sáng cha thường ra ngồi trước sân nhà, uống cà-phê sáng, đàm đạo với các bạn già vong niên. Một ly cà-phê sửa, một cái bánh tiêu, một điếu thuốc thơm. Thế là cha có một buổi sáng tuyệt vời. Những khi rảnh rổi, con ngồi nói chuyện với cha và nghe cha kể chuyện cuộc đời. Bà nội quê gốc Tân Hạnh, thứ sáu trong gia đình, được gã về cho giòng họ Đỗ nghèo khó ở Chợ Đồn. Người em gái thứ bảy, là mẹ của chú tư, chú chín, chủ hiệu vàng Kim Hưng, có chồng ở Tân Hạnh, thuộc hàng khá giả ở quê. Có lần đám giổ mẹ là bà ngoại của cha, nội bảo cha và bác hai mang con gà mái dầu, lội bộ từ Chợ Đồn về Tân Hạnh để cúng giỗ. Dì bảy nhìn thấy hai đứa cháu cơ cực, lam lủ, nghĩ phận nghèo hèn của chị mình, vội lén lấy mấy cắc bạc cho cháu. Nhìn hai đứa cháu đi bộ về nhà trong ráng chiều, dì bảy cầm lòng không được. Cuộc đời của cha, sinh ra là khốn khổ.

Cha kính yêu của con, chỉ còn hơn bốn tháng nửa, chị em chúng con sẽ tổ chức lễ cúng một năm ngày mất của cha. Có lẽ cha mẹ cũng vui cười nơi chín suối khi chị em chúng con hòa thuận, có cuộc sống sung túc, ấm êm nơi cái làng Chợ Đồn giờ đã lên phố thị. Câu nói của ông bà ta, " không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời ", đúng quá phải không cha? Ngôi nhà vách cây, mái ngói mà gia đình ta về ở khi con được 7 tuổi, giờ là căn nhà đúc 2 tầng, dành làm nơi thờ tự cho cha mẹ. Chị em, con cháu chúng con về đông đủ mỗi dịp lễ Tết, cúng giổ cha mẹ. Có lẽ, giờ nầy nơi cửu tuyền, cha mẹ đang nắm tay nhau dạo chơi nơi nước nhược, non bồng. Như những ngày đầu cha mẹ gặp nhau nơi xứ sở lò chén của vùng đất Thủ. Ngôi nhà mới của cha mẹ là mộ huyệt sánh đôi, bên cạnh những người thân, dì ba, cậu tư, ông bà cố...Con còn phải đi tiếp phần đời còn lại, khi nước mắt vẫn chảy xuôi, bên niềm vui với các con và các cháu. Một ngày nào đó....

Biên Hòa, ngày 4/6/2012

Đỗ Công Luận

BIÊN HÒA QUÊ TÔI

Núi Bửu Long

Tôi sinh ra ở Biên Hòa, vùng đất được gọi là địa linh nhân kiệt. Sông Đồng Nai phát nguyên từ cao nguyên Lâm Viên, chảy qua đồi núi gập ghềnh đến thác Trị An. Từ đây sông chảy về đồng bằng , uốn lượn qua thành phố Biên Hòa để xuôi ra biển.Tả hữu dòng sông có hai ngọn núi Bửu Long, Châu Thới với tư thế RỒNG CHẦU HỔ PHỤC.

Theo dòng lịch sử, hơn 300 năm trước vào năm 1698, lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh chúa Nguyễn vào Nam kinh lược vùng đất mới khai phá, lập ra dinh Trấn Biên. Khoảng năm 1701 ông thống lĩnh binh sĩ đi dẹp loạn Man Di ở vùng Phước Long, Mô Xoài ở thượng nguồn Sông Bé. Trên một gò đất cao ở Cù Lao Phố, một ngày trời quang mây tạnh, ông làm lễ xuất quân. Bỗng có một bà đồng bóng, gọi là cô Bóng Hiên lên đồng ngăn cản. "Đừng đi sẽ nguy hiểm đến tánh mạng". Vì trung quân ái quốc, ông tuốt gươm chém cô bóng và ra lệnh tiến binh theo dòng Đồng Nai về hướng thượng nguồn. Đến nơi bị trúng tên độc của kẻ thù phải vong mạng. Thi hài ông được đưa về quàn tại gò đất nơi làm lễ xuất binh, trước khi được đưa về an táng ở quê hương Quảng Bình. Nơi gò đất cao đó, sau này dân làng lập ra đình Bình Kính để thờ tự ông với ngôi mộ gió. Hướng bên kia sông gần Thanh Lương Cổ Tự, dân làng Mỹ Khánh lập ra ngôi miếu thờ cô bóng Hiên. Mấy chục năm sau, hai bại tướng nhà Minh, Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch không thần phục nhà Thanh, xin Chúa Nguyễn vào lánh nạn ở vùng đất Biên Hoà, lập ra Nông nại Đại phố, một thương điếm nổi danh, trên bến dưới thuyền, trước khi phải nhường ngôi cho Sài Gòn Bến Nghé. Để ghi nhớ công lao của đức ông, dân chúng lập ra ngôi đình để thờ tự, gọi là đình Tân Lân hướng ra dòng Đồng Nai hiền hoà. Hàng năm, vào ngày 23-10 âm lịch, dân chúng làm lễ kỳ yên để nhớ tiền nhân.

Khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, cũng theo sông Đồng Nai tiến đánh Biên Hoà. Danh tướng Nguyễn Tri Phương vâng lệnh vua Tự Đức về lập đồn lũy để chống giữ vùng đất Biên Hoà. Nơi tiếp giáp rạch Thủ Huồng, địa chủ Võ Thủ Hoằng với truyền thuyết về Nhà Bè và sông Đồng Nai, có bãi đá ngầm. Theo các bô lão, đó là kỳ công của tướng Nguyễn Tri Phương cho ghe đổ đá để ngăn tàu giặc Pháp, vì ở giữa dòng sông đã có bãi đá hàn. Ở làng Mỹ Khánh cổ kính còn có bà Nguyễn Thị Tồn, vợ hiền của thi nhân Bùi Hữu Nghĩa, dùng ghe bầu vượt biển ra kinh thành, đánh trống tam toà, kêu oan cho chồng và được Từ Dụ Hoàng Thái Hậu phong tặng bốn chữ LIỆT PHỤ KHẢ GIA. Bên Cù Lao Phố, còn có Đại Giác Cổ Tự, Hoàng Ân Cổ Tự. Lúc vua Gia Long và hoàng gia bôn tẩu đã lánh nạn nơi này. Sau khi lên ngôi báu, vua đầu triều Nguyễn đã ban tặng bức trướng để ghi nhớ công đức. Núi Châu Thới , còn có tên là Cố Phi San, do độc trại chữ coffee,vì người Pháp đã có trồng thữ nghiệm cây cà phê trên đó. Tương truyền , vùng đất từ đồi Dù , chùa Hội Sơn, đến đồi bác sĩ Tín, làng Cao Thái qua Tam Bản Kiều (cầu bắc bằng ba tấm ván), vòng sau núi Châu Thới, đó là chiến trường nơi giao tranh giữa quân Tây Sơn và quân Nguyễn Triều. Về sau, có những đêm khuya, người dân nghe tiếng ngựa hí quân reo. Nơi đó gần những bãi tập của trường bộ binh Thủ Đức. Khi thực dân Pháp chiếm giữ Biên Hoà, đã lập ra doanh trại để binh lính trấn giữ gọi là thành Sơn Đá (Soldat). Vết tích còn lại chỉ là một mảng tường nằm gần địa danh nổi tiếng Ngã Ba Thành - Dốc Sỏi. Gần đó có Bửu Hưng Tự, dân gian gọi là chùa Cô Hồn, nơi bí mật thờ tự những anh linh nghĩa sĩ bị người Pháp giết hại vì đã chống lại "Đại mẫu quốc Pháp". Ngược lại, cách đó không đầy một cây số, hướng mặt trời mọc, người Pháp lại dựng lên một nơi là đài kỷ niệm, để tưởng niệm những người Việt Nam đi lính cho Pháp và hi sinh ở mẫu quốc Pháp trong thế chiến thứ nhất.

Tôi sinh năm 1951. Khi chưa tròn 1 tuổi, năm 1952 xảy ra trận bão lụt năm thìn. Mẹ tôi kể lại, năm đó nước lũ ngập hết chợ Biên Hoà, đến tận trường tiểu học Nguyễn Du. Hướng Chợ Đồn Tân Vạn, chỉ có từ Ngã Tư Chợ Đồn kéo dài đến dốc Chú Hoả, là vùng đất cao, nước không ngập tới, người dân đến đó để lánh nạn. Hướng cầu cuộn qua bãi đá hàn. Trận lũ lịch sử đã qua gần 60 năm.

Năm 1955, bà nội tôi mất. Ngày đưa tang, tôi mặc đồ tang trắng bằng vải mùng, ngồi trên xe nhà Vàng, vì tôi là đích tôn. Ba tôi kể lại. Hồi đó nhà nội nghèo, để đưa tiễn nội về quê mẹ ở xã Tân Hạnh, ba tôi và các cô chú chỉ đặt xe nhà Vàng hạng ba của trại hòm Mai Phùng Xuân. Khi đó, có một ông nhà giàu ở gần đó cũng cần đưa tang về xã Tân Ba, Tân Uyên, sau đám của nội tôi, bằng xe hạng nhất. Ông chủ trại hòm nói : Để tiện đường đi , tôi sẽ cho bà đi xe hạng nhất nhưng chỉ tính tiền hạng ba. Ba tôi nói, ai cũng có phần số.

Năm 1957, tôi bắt đầu vào học lớp năm. Năm năm tiểu học, đó cũng là khoảng thời gian thanh bình của đất nước. Năm 1958, xã tôi cho di dời ngôi chợ cũ về ngay chỗ hiện tại, gẩn ngã tư Chợ Đồn, gần trụ sở xã. Chợ được xây dựng trên nền đồn của lính đạo Cao Đài ở địa phương. Lúc đó hè năm lớp 1, chợ đang xây dựng. Ham chơi, tôi chạy qua chợ để nô đùa với lũ bạn. Bị mẹ la rầy, sợ quá, tôi chạy trốn lên trường học. Một lúc sau nhìn về hướng nhà, hướng chợ, sao thấy người ta bu đông nghẹt quá. Tôi chạy về, mới hiểu. Em gái kế tôi, 4 tuổi, thấy mẹ qua chợ, chạy theo sau bị xe tải quẹt ngã cán chết. Cả gia đình, ba má, các chị kêu la thảm thiết. Nỗi buồn thứ hai. Năm năm học tiểu học trường làng rồi cũng trôi qua. Bạn bè tôi người còn người mất, đã lên chức ông chức bà. Từ ngôi trường đó 4 đứa con tôi tiếp tục theo học. Năm nay, đứa cháu ngoại đầu lòng cũng sẽ học ở đó. Nhưng ở một ngôi trường mới hơn, khuôn viên rộng rãi hơn, cao 3 tầng. Phía sau trường là ngôi nhà nơi sinh ra anh Trần Văn Ơn, người học sinh Petrus-Ký, bị bắn chết ngày 9-1-1950 sau một cuộc biểu tình của sinh viên học sinh ở Sài Gòn. Ngôi trường mang tên trường tiểu học Trần Văn Ơn.

Năm 1963, tôi vào đệ thất Ngô Quyền. Đó cũng là thời kỳ đen tối của đất nước. Những trò đùa chính trị, đàn áp biểu tình, đàn áp phật giáo xảy ra. Chuyện công tội hãy để cho lịch sử phán xét, tôi chỉ muốn nhắc đến chuyện buôn thần bán thánh. Lúc đó người ta đồn rằng, nước giếng trên núi Bửu Long là nước thánh, trị được bá bệnh. Người ta đua nhau vét cả nước cặn, nước bùn. Nhưng nước hồ Long Ẩn thì không thể múc cạn vì đó là dấu tích của sự khai thác đá, làng nghề truyền thống đập đá và điêu khắc đá ở Bửu Long. Những tấm ảnh phật bà hiện ra, hình các nhà sư tự thiêu, trái tim bất diệt … được in ra, lồng ghép để bán. May là hồi đó chưa có photoshop. Ngay ở xã tôi, trên võ ca của miếu bà, người ta cũng bày chuyện đó. Có mấy ông bà bị căm điếc cũng được cho uống nước thánh để nói được. Vì chuyện tò mò của thời trẻ con, mấy ngày đêm tôi cũng bỏ ăn để theo dõi sự tình.

Rồi người Mỹ chen chân vào Việt Nam, đời sống xã hội bắt đầu thay đổi. Cầu Đồng Nai được xây dựng. Xa lộ không đèn được khánh thành. Một buổi chiều tà mát mẻ, ba mẹ tôi thuê chiếc xe lam 3 bánh để chở cả gia đình ra ngắm chiếc cầu bê tông hoành tráng, cái xa lộ thẳng tắp nhiều làn xe.

Căn cứ quân sự Long Bình rộng mấy chục cây số vuông được hình thành, chạy dài từ ngã ba Vũng Tàu đến ấp Ngũ Phúc Hố Nai. Con đường từ ngã tư Tam Hiệp đến ngã ba Phước Tân bị đóng lại, thay vào đó là con đường hiện hữu. Địa danh ngã ba Vũng Tàu xuất hiện từ đó. Những vườn cây cao su bị chặt phá, những hàng rào kẽm gai được mọc lên. Những con đường ngang dọc phẳng phiu, xe jeep quân sự ngày đêm tuần tra. Bên kia xa lộ, tiếp giáp sông Đồng Nai, khu kỹ nghệ Biên Hoà được ra đời. Những xí nghiệp do tư bản nước ngoài, nước trong đầu tư, tên gọi nửa tây nửa ta bắt đầu được điểm danh. COGIDO, công ty giấy Đồng Nai. COGIVINA, công ty giấy Việt Nam. VIKYNO, Việt Nam kỹ nghệ nông cơ. BOMICO , bột mì công ty … Trung tâm Biên Hòa bắt đầu náo nhiệt. Những khu đèn đỏ, đèn màu đã xuất hiện. Những từ OKê, Snack Bar có chỗ đứng trong lòng xã hội. Từ me Tây bị đi vào quên lãng để thay vào từ me Mỹ. Những điếu Salem, Pall Mall bắt đầu bập bẹ trên môi những em bé đánh giầy, trong khói thuốc xoe tròn. Tôi vẫn hồn nhiên đến trường trên những chiếc xe lam 3 bánh, ngày hai lượt qua cầu Ghềnh, cầu Rạch Cát. Một ngày đẹp trời, tỉnh trưởng huy động tất cả xe đò Liên Hiệp để chở lũ học sinh chúng tôi đến Dĩ An để đón ngài ngoại trưởng Dean Rusk, vẫy cờ chào đón lữ đoàn bồ câu trắng công binh kiến tạo ĐẠI HÀN DÂN QUỐC. Rừng Cấm, rừng Cò Mi bị san ủi để xây dựng những con đường chiến lược. Một ngày cuối tháng 10-64, Biên Hòa bừng tỉnh bởi những loạt đạn pháo kích sân bay. Lời cảnh báo của thần chiến tranh. Xã vùng ven của tôi lại có những đêm không ngũ vì lệnh khám xét nhà, bắt quân dịch. Giữa năm 1967, tôi được cấp giấy tốt nghiệp THĐ1 cấp để bước vào 3 năm đệ nhị cấp. Cái tuổi bắt đầu biết bóp cò súng.

Cầu Ghềnh, cầu Rạch Cát bắt đầu bị kẹt xe liên tục. Ngày hai buổi sáng chiều, trên những chiếc xe hai bánh Honda, Suzuki, lam-brết-tit trắng xám, những anh chàng lính không quân, Pilốt ngày hai lượt đi về. Cái chợ quê ở xã tôi nhộn nhịp hẳn lên. Người ta họp chợ ở cả ngoài đường, từ ngã tư Chợ Đồn đến Chợ Đồn Cũ. Mì Samen Nhật, cá hộp Nhật, bột giặt …đầy đường. Mặt trái của chiến tranh. Viện trợ Mỹ được đổi bằng hàng hoá Nhật, giúp anh dân Nhật vực dậy sau hai quả bom.

Trái tim tôi bắt đầu biết rung động. Mỗi sáng, trưa tôi đều đi học sớm, đến bến xe để đợi em. Em từ con dốc bước lên, tà áo trắng tung bay, cặp táp đen che ngực. Trái tim tôi đập nhanh hơn. Em lên xe rồi, tôi mới lên theo, ngồi trước kế bác tài. Ba năm tình câm lặng. Một ngày tôi trao thơ cho em, em nhận nhưng không hồi đáp. Sau này tôi hiểu ra, em đã có người khác, học trên hai lớp. Kết quả của sự mõi mòn chờ đợi. Bài học đầu đời tôi học được ở tình trường.

Đầu năm 1968, chiến tranh bước sang bước ngoặt mới. Chiến tranh về thành phố. Cụm từ TẾT MẬU THÂN còn nhức nhối trong tim của người Việt Nam máu đỏ da vàng. Chúng tôi được ăn cái tết dài nhất, nghĩ học hơn 1 tháng, rồi sau đó đi làm công tác xã hội ở Đồng Lách, Hốc Bà Thức...

Sáng mùng một Tết súng nổ bốn phương

Người dân ngơ ngác chạy vội ra đường

Giặc đang tìm đường tràn vào thành phố

Đám dân nghèo lần nữa chịu tai ương

Nổ ở Biên Hùng , nổ ở nhà ga

Liên thanh giòn rã lẫn tiếng A-ka

Người dân di cư thêm lần di cư nữa

Nước sông Đồng cuồn cuộn phong ba

Người dắt dìu nhau đi tìm sinh lộ

Đồng Lách điêu tàn trăng trắng màu tang

Suối săn máu đỏ vươn mùi tử khí

Hố Nai, Tam Hiêp nhà cháy hàng hàng...

Bọn học trò nam chúng tôi lại phải đi học quân sự ở TTHL / ĐPQ ở Bửu Long. Lần đầu tiên bàn tay thư sinh biết cầm súng. Tay nào cầm viết, tay nào cầm súng, để rồi sau này... cầm cuốc.

Tay đan nước mắt, ta đào mộ ta

Câu thơ này tôi viết khi bị tình phụ, nhưng khi vào tù vẫn có ý nghĩa.

Bạn bè lần lượt chia tay vào quân đội. Thằng Tốt, thằng Hùng đi hải quân. Thằng Nghiệp, thằng Phát đi địa phương quân. Thằng Hạnh đi biệt động quân.

Thằng Thiện đi không quân... Rồi tin dữ lại về. Thằng Hạnh nhỏ con, học giỏi, chết khi vượt dây tử thần ở Dục Mỹ. Tội nghiệp mày quá Hạnh ơi! Mày nhỏ con ốm yếu mà dám đi biệt động quân. Viết đến đây, những giọt nước mắt lại lăn dài trên má. Mình phải đi rửa mặt .

Chương trình học lại bị rút ngắn. Mỗi chiều thứ bảy bạn bè chúng tôi đi xã strees bằng cách đến xe hủ tiếu của Giang Hưng để ăn cháo tiều, mì xào giòn, rồi đi nghe nhạc ở các tụ điểm. Nhạc sống có ở các quán cà phê đối diện trường Ngô Quyền. Nhạc công là mấy anh chàng văn nghệ sĩ quân đội đi làm thêm kiếm tiến. Từ giàn máy Akai của cà phê Tuyệt, đối diện rạp Khánh Hưng, bọn chúng tôi thả hồn nghe những bản tình ca của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn. Xa xa, ở những quán bar đối diện bệnh viện tỉnh, ở khu vực Ngã Ba Thành Dốc Sỏi, cổng hai không quân, những em má đỏ môi hồng, những giàn đèn xanh đỏ mờ ảo, những chàng mũi lỏ mắt xanh dập dìu theo tiếng nhạc. Thành phố đợi giờ giới nghiêm. Những người con gái Việt Nam rời bỏ ruộng đồng, xa lánh chiến tranh để về thành phố làm những con thiêu thân.

Những chiều tan học, từ dốc Huỳnh Của đến ngã năm Biên Hùng, những tà áo trắng tung bay theo chiều gió lộng. Trong tôi, màu trắng là trắng cả ước mơ, tương lai là con số không to tướng. Phải đậu tú tài 1, tú tài 2. Từ đó đã sản sinh một nhà thơ. Nguyễn Tất Nhiên, tên tộc Nguyễn Hoàng Hải, bạn bè gọi là Hải khùng, học sau tôi một lớp. Những bài thơ nói về mối tình si với người con gái tên Duyên học cùng trường, chung xóm. Đến khi nhà thơ được Du Tử Lê giới thiệu đến nhạc sĩ Phạm Duy, những bài thơ của chàng được phổ nhạc, công chúng mới biết đến. Đêm đại đội 32 sinh hoạt ở sân đại đội, khi Hồ Văn Tiên hát lên bài THÀ NHƯ GIỌT MƯA, bọn mình cảm thấy xúc động quá, tuyệt vời quá và hãnh diện vì trường mình cũng có một thiên tài. Cuộc đời nhà thơ rồi cũng kết cuộc đau thương nơi xứ người.

Rồi mùa hè đỏ lửa, tôi phải vào Thủ Đức. Hơn một năm gian khổ ở chiến trường Vĩnh Bình. Năm tháng gay go ở gió biển Vũng Tàu. Tôi lại về huấn khu Thủ Đức để học Hành chánh tài Chánh. Học ngành thì thoải mái hơn. Xe máy được đem vào doanh trại. Buổi chiều chia ca gác cho lính lác xong, mình có quyền dzọt về nhà. Mười cây số đường xa lộ. Những ngày cuối tháng tư, tôi lại dzọt về nhà thường xuyên hơn vì mới cưới vợ.

Khoảng 20-4-1975 cậu tôi ở Long Thành về dự đám cưới, đã nói nhỏ với ba má tôi :

- VC về ở đồn điền Bình Sơn nhiều lắm, có cả xe tăng pháo lớn. Sắp có đánh lớn. Em đem má, bà ngoại tôi, và mấy đứa nhỏ về ở với anh chị.

Chiều 26-4 tôi từ Thủ đức về nhà, gần đến ngã ba Tân Vạn, súng nổ rền vang ở hướng Bến Gỗ, cầu Đồng Nai, trực thăng vần vũ trên bầu trời. Ngày chủ nhật 27-4 nhà ba má tôi bắt đầu đào hầm trú ẩn. Đêm đó đặc công VC từ Hóc Ông Che, men theo đường rầy xe lửa đánh chiếm cầu Ghềnh và cầu Rạch Cát. Họ muốn các cây cầu về Sài Gòn phải được nguyên vẹn. Người dân xã tôi lần đầu và cũng là lần cuối cùng biết đến chiến tranh. Súng nổ rền vang, mấy anh nhân dân tự vệ quăng súng chạy về trụ sở xã. Sáng hôm sau, lính từ Biên Hoà, tiểu đoàn dù từ xa lộ tiến vào hành quân giải toả. Từng ổ đề kháng bị tiêu diệt. Chiến xa M41 từ Tân Uyên chạy về, những người lính sư đoàn 18 thảm thương từ xa lộ kéo về tập họp ở ngã tư Chợ Đồn. Đêm 29-4, đêm cuối cùng, pháo bắn dồn dập vào căn cứ Long Bình, về hướng cầu Đồng Nai. Pháo nổ liên hồi như những hồi chuông vĩnh biệt. Bình minh 30-4, ngày đen tối bắt đầu. Lịch sử sang trang

Sau 1975, căn cứ quân sự Long Bình đặt dưới sự quân quản của bộ quốc phòng. Một nghề mới được hình thành, mua bán cũng như rà tìm phế liệu. Chỉ những người có thế lực và vai vế mới làm được việc này. Ngay cả những mảng bê tông lớn, dày hơn một tấc, rộng cả chục mét vuông cũng được cạy lên bán. Người dân nghèo thì sử dụng máy rà phế liệu tự chế, đôi khi phải hy sinh đến tánh mạng.

Đến thời kỳ mở cửa, sau 1986, vùng đất này được giao về chính quyền tỉnh quản lý, hình thành 4 khu công nghiệp, trong đó có một khu công nghiệp liên doanh với Thái Lan. Hạ tầng kỹ thuật được xây dựng, các xí nghiệp được thuê 50 năm, tiền trả theo mét vuông. Tư bản nước ngoài đầu tư vốn, máy móc, công nghệ kỹ thuật của họ. Công nhân tại chỗ, những lao động nhập cư ở Bắc Trung Bộ vào, ở Tây Nam Bộ lên. Hàng hoá sản xuất được tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu. Lại có ưu đãi về thuế trong thời gian 3 hoặc 5 năm đầu. Các công ty nước ngoài có thế mạnh về vốn, các xí nghiệp quốc doanh lần lần cạnh tranh không nổi. Điển hình, từ năm 1985 đến 1995, 3 nhà máy bột giặt quốc doanh: Viso, ở cư xá kiến thiết Thủ Đức, Lix, ở Linh Xuân gần trại heo, Net, ở khu công nghiệp Biên Hoà, đều sản xuất mặt hàng bột giặt lấy hiệu Viso, Con Ngổng. Hàng hoá sản xuất không đủ cung cấp cho thị trường trong Nam ngoài Bắc. Năm 1995, công ty UNILIVER nhảy vào thị trường Việt Nam. Đầu tiên họ mua đứt nhà máy Viso Thủ Đức để độc quyền sản xuất bột giặt Viso. Sau này thêm Omo là mặt hàng chiến lược của họ. Net và Lix chỉ gia công sản phẫm cho UNILIVER. Một lần giảy chết. Sau đó nhà máy kem đánh răng Perlon, sau 1975 là quốc doanh sản xuất kem đánh răng hiệu P.S, đang có chổ đứng trên thị trường, được mua lại với giá 5 triệu USD. Nhà máy của Perlon đối diện chợ An Đông chỉ được phép sản xuất nước rửa chén và kem Hynos. Kem Hynos anh bảy chà và đen là thương hiệu có tiếng trước 1975, nhưng bây giờ nguyên liệu, chất lượng không bằng nên người tiêu dùng không chấp nhận. Ta tự đào lỗ chôn mình. Cái mặt bằng đó giờ thành trường tiểu học Quốc Tế. Nhà máy kem đánh răng của UNILIVER được xây dựng mới ở khu công nghiệp Củ Chi, sản xuất thêm thương hiệu Close up truyền thống. 5 triệu USD để đổi lấy một thương hiệu. Từ ti vi, tủ lạnh, xe hơi, đồ tiêu dùng gia đình của các thương hiệu nổi tiếng của Anh, Pháp, Mỹ, Nhật, Hàn …Sự phát triển kinh tế thì đi đúng theo bài bản, từ việc vận dụng các qui luật kinh tế của thế giới để áp dụng vào Việt Nam. Nhưng có vươn tầm cỡ Hàn Quốc, Nhật Bản hay không là do cách quản lý và yếu tố con người.

Ở Biên Hoà còn có thế mạnh về mặt hàng gốm mỹ nghệ và vật liệu xây dựng như gạch ngói, đá, cát …

Khi người Pháp định hình xong nền móng đô hộ ở Viêt Nam nói chung và Biên Hoà nói riêng, họ thành lập trường bá nghệ thực hành ở Biên Hoà, do một bà đầm Pháp làm hiệu trưởng. Họ đào tạo lớp thợ đầu tiên để sản xuất gốm nung. Sau này có thêm đúc đồng, điêu khắc. Ba tôi thuộc lớp thợ thế hệ thứ hai, từ khoảng 1940 đến về sau. Sau khi người Pháp rút lui, trường bá nghệ vẫn còn, do anh em thợ quản lý dưới hình thức hợp tác xã. Một số nghệ nhân ra lập công ty, tổ chức sản xuất riêng lẽ, hoặc hợp tác với tư bản nước ngoài. Ở Chợ đồn, có chú Ba Nam, Chú Hai Đáng, sản xuất với thương hiệu DONA nổi tiếng ở Mỹ và thị trường Châu Âu. Ở Tân Vạn có bác Bảy Vạn. Thời kỳ đó, mấy đại gia này chỉ uống Wisky, đi xế hộp hoặc xe Jeep, giao dịch với mấy quan lớn. Thấy thị trường gốm mỹ nghệ béo bở, quý mệnh phụ phu nhân ở Sài gòn cũng lên Biên Hoà hùn vốn, chiếm một mảnh đất béo bở ở Tam Hiệp để lập ra công ty CERAMIC, hoạt động chưa được bao lâu thì tan hàng, đứt bóng. Chức vụ đi đôi với quyền lợi.

Từ sau thời mở cửa, mặt hàng này có lợi nhuận cao, nhiều cơ sớ sản xuất dưới hình thức hợp tác xã ra đời. Sản phẩm thiếu chất lượng, sản xuất cẩu thả, công nghệ lạc hậu các thị trường truyền thống bị mất dần. Lại có mặt hàng gốm đỏ, không dùng đất sét trắng, không tô màu, ở Vĩnh Long phát triển, người nước ngoài ưa chuộng hơn. Chính quyền sở tại bắt buột các cơ sở còn trụ được tập trung vào khu công nghiệp gốm sứ ở Tân Hạnh, nung sản phẩm bằng lò ga để tránh ô nhiễm môi trường.

Sau khi người Pháp rút lui, hoà bình được lập lại, các cơ sở gạch ngói phát triển thêm. Trước 1960, phương tiện sản xuất còn lạc hậu. Máy nổ để ép gạch chạy dầu, không có điện. Mỗi chủ lò gạch mua vài mẫu ruộng để lấy đất sản xuất. Đất sét được vận chuyển bằng xe bò, cách xa hàng cây số. Sau này những chổ lấy đất làm gạch thành ao nuôi cá. Sau 1960, các phương tiện cơ giới được nhập vào: xe tải ben, xe máy xúc, xe máy ủi...Những công ty khai thác đất được thành lập, những đường dây cung cấp củi được hình thành. Ở Chợ Đồn, cung cấp đất có chú Tám Chấn, cung cấp củi có bà Bảy Lâm, Bảy Mén... Nhưng ông bà mình có câu "nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá ", những người này phất lên một thời rồi cũng lụi tàn.

Khoảng năm 1970, một số tư bản người Hoa ở Biên Hòa lập ra nhà máy gạch ngói Đồng Nai, áp dụng công nghệ tiên tiến của Châu Âu. Lò nung theo kiểu Tunnel, đường hầm, gạch trước khi nung được hút chân không cho khô, nung đốt sản phẩm bằng dầu, có béc phun. Tất cả đều theo dây chuyền khép kín. Sản phẩm đúng qui cách, chắc, đẹp, được thị trường ưa chuộng, dù giá thành có đắt hơn. Sản phẩm còn được xuất khẩu .

Giai đoạn từ 1965 -1972, các lò gạch ăn nên làm ra .Ở khu vực Tân Vạn, Chợ Đồn, Hoá An, chỉ Chợ Đồn có rạp hát Phước Chung. Các đoàn cải lương thường đến đây trình diễn. Chiều tối, xe tải của đoàn hát đánh trống, thổi kèn chạy xuống Tân Vạn để rước khán giả miễn phí. Rồi chạy ngược lên Hoá An, Tân Hạnh. Đoàn Thanh Hương, Văn Chung, của anh kép mùi Văn Chung và cô đào Thanh Hương đến tập tuồng và khai trương ở đây. Đoàn Trâm Vàng có cô đào trẻ Lệ Thủy, mới bước lên ánh đèn sân khấu, lúc đó chưa nổi tiếng, cũng thường đến đây trình diễn. Đa số khán giả là dân lao động. Các lò gạch là nơi ẩn thân của mấy anh chàng trốn quân dịch. Thỉnh thoảng mấy anh chàng lính cao bồi của tiểu đoàn 58 bảo vệ phi trường đóng ở Hóa An, thường đến xem hát cọp, gây sự với dân vệ. Ẩu đả xảy ra, thất thế, mấy anh chàng chạy về đơn vị, kêu thêm đồng đội, lấy súng bao vây trụ sở xã. Xã trưởng phải điện báo quân vụ thị trấn ở Biên Hoà, do trung tá Đầy, chồng cô đào Út Bạch Lan, nhờ sang giải quyết. Đó là thời kỳ hoàng kim của vùng đất phía nam Biên Hoà. Ở phía đông,phía bắc Biên Hòa là Hố Nai, Tam Hiệp, Tân Mai có thế mạnh về mua bán, nhất là hàng lậu, hàng PX .

Sau năm 1975, những lò gạch có chủ bỏ đi hoặc sợ bị đánh tư sản nên đem hiến tặng nhà nước. Tất cả đều bị quốc doanh. Nguyên vật liệu được cung cấp theo kiểu bao cấp. Sản phẩm được bán theo kiểu xin cho. Sau 1985 những cơ sở đã ngừng hoạt động xin tái hoạt động lại dưới hình thức tư nhân. Các cơ sở quốc doanh bị thua lỗ, cụt vốn phải phá sản. Bù lại mặt bằng của họ được bán giá cao hoặc phân lô bán nền khi đất đai có giá. Một số lò gạch mini ra đời. Máy đùn gạch cho ra một cục. Lò nung khoảng vài chục ngàn viên, một tháng có 5-6 kỳ nung đốt lò. Một cơ sở có thể hoạt động hơn một năm là hoàn vốn. Nhu cầu tiêu thụ tăng cao. Người dân có tiền cần xây nhà. Các công trình phúc lợi, các xí nghiệp mới thành lập. Lại có phong trào xây trụ nọc cho cây tiêu, gạch cần nung cháy thêm nữa. Lò gạch mọc lên như nấm. Rồi đến giai đoạn bão hòa. Các nhà máy gạch Tunnel tiếp tục ra đời. Năm 2000 các lò gạch thủ công phải đóng cửa vì ô nhiễm môi trường. Họ sang Tân Ba, Tân Phước Khánh mua đất xây dựng cơ sở mới. Nhưng cũng chỉ hoạt động được 10 năm. Cuối 2010, tỉnh Bình Dương lại đóng cửa các cơ sở này, chỉ cho các lò gạch Tunnel hoạt động. Quy luật của phát triển kinh tế. Có thể nói, dưới nền đất của Biên Hoà, toàn bộ là đá xanh. Ở những vùng thấp, bóc lớp đất mặt lên khoảng 5m là hiện ra đá. Từ núi Châu Thới đến Bửu Long, đá được khai thác triệt để. Núi Châu Thới, Bửu Long đã bị chặt phá một phần. Để bảo tồn chính quyền không cho khai thác nữa. Người ta tiếp tục khai thác các vùng phụ cận chân núi. Những mỏ đá sâu, bị ngập nước thành những hồ nhân tạo, như ở xã Đông Hoà, Dĩ An, trong khu vực đại học quốc gia có mấy hồ nước lớn.Trên máy bay các bạn sẽ nhìn thấy rõ. Trước 1975 ở khu vực gần xa lộ, phía bên kia đồi 25, nhà thầu xây dựng RMK của Mỹ đã thành lập khu vực nghiền đá to lớn để trộn nhựa trải đường. Bây giờ các mỏ đá lại tiếp tục được khai thác ở Nhơn Trạch, ở Tân Thành, Phú Mỹ thuộc Bà Rịa. Lại có những mỏ mới ở Tân cang, Long Thành, Sóc Lu Trảng Bơm. Các xà lan hàng trăm tấn ở Miền Tây đều lên Đông Nam Bộ lấy đá cho các công trình xây dựng. Đá ở núi Sập, núi Sam có độ mềm hơn, non hơn. Món lợi nhuận khổng lồ vì chỉ cần khai thác, vận chuyển là có tiền. mặc cho môi trường bị xâm hại .

Cát ở khúc sông Đồng Nai, từ Cù Lao Thạnh Hội đến Cầu Mới Bửu Long cũng được khai thác triệt để. Sau từ lâm tặc là từ cát tặc. Cát ở sông Tiền, sông Hậu xấu hơn vì có lẫn bùn còn được xuất khẩu sang Singapore .

Chúng ta nằm trên những mỏ đá, mỏ cát. Nếu khai thác bừa bãi, không tính toán khoa học sẽ là hiểm hoạ cho thế hệ sau này. Nhưng không sao, ai chết mặc ai, tiền thầy bỏ túi .

Qua bao thăng trầm của thế sự, quê hương Biên Hoà , vùng đất mới Phương Nam vẫn xứng danh trong Nam Kỳ Lục Tỉnh. Nước mắt, mồ hôi, xương máu của tiền nhân đã vun bồi cho mảnh đất hoang vu này trở nên xanh tươi, trù phú. Nghìn năm qua, Bửu Long, Châu Thới vẫn trơ gan cùng Tuế Nguyệt. Trăm năm dài, Cầu Ghềnh, cầu Rạch Cát vẫn oằn mình cỏng những đoàn tàu xuyên Việt. 60 năm lặng lẽ, nước sông Đồng đã nuôi tôi khôn lớn nên người. Khi bưng chén cơm, hạt gạo trắng ngần, xin hãy nhớ đến quê hương. Quê hương trong trái tim ta . "QUÊ HƯƠNG MỖI NGƯỜI CHỈ MỘT, NHƯ LÀ CHỈ MỘT MẸ THÔI..." Bài hát vang vang từ cuối đông tàn. Mầm sống mới vươn lên …

ĐỖ-CÔNG-LUẬN

Núi Bửu Long & Sông Đồng Nai

HÀNH TRÌNH ĐI TÌM ĐỒNG ĐỘI

Năm 2004, con trai út của tôi bắt đầu chuyển cấp học. Giữa trường chuyên của tỉnh, và trường chuyên của đại học quốc gia, cháu quyết định học ở Sài Gòn. Ở đấy, môi trường học tập tốt hơn, lại có điều kiện trao dồi ngoại ngữ. Học kỳ một trôi qua, tôi cảm thấy an tâm. Cháu học tập tốt và không có biểu hiện sa sút tinh thần. Tháng 1-2005 , nhà trường tổ chức họp mặt phụ huynh đầu học kỳ 2. Lần họp mặt đó, tôi gặp lại anh Hường, người bạn cùng chiến đấu khi ở đơn vị. Con trai út của anh và con trai út của tôi cùng học chung lớp, lớp chuyên toán.

Anh Hường lớn hơn tôi 3 tuổi. Mùa hè đỏ lửa, anh và tôi cùng bị động viên vào quân đội. Khi ấy anh đã tốt nghiệp cử nhân ở đại học Vạn hạnh, tôi vừa xong năm thứ hai. Vì lệnh hoãn dịch hạ thêm 1 tuổi, tôi và anh ấy không đủ điều kiện học tập tiếp nên phải xếp bút nghiên lên đường cầm súng. Do có 2 chứng chỉ quân sự học đường nên anh phải ra Đồng Đế học khoá 4.72, tôi vào học khóa3.72 TĐ. Đầu tháng 4-73, tôi ra đơn vị, được đưa về tiểu khu Vĩnh Bình. Lúc đó ở chiến trường này, cấp đại đội rất thiếu sĩ quan, chỉ có trung uý hoặc thiếu uý làm đại đội trưởng. Các trung đội thường do các hạ sĩ quan thâm niên nắm giữ. Tôi được phân công về phụ trách trung đội 2. Tháng 6-73 anh Hường mãn khoá và được đưa về đại đội của tôi. Nhờ bị hơi lãng tai và cận thị, nên anh được ưu ái, ở ban chỉ huy , ít đi hành quân. Tháng 8-73 , tiểu đoàn trưởng mới về thay thế tiểu đoàn trưởng cũ đã hy sinh. Tháng 12-73, ông ta thấy hai anh em tôi có trình độ học vấn nên rút cả 2 về BCH / TĐ. Tôi được phân công làm SQ phụ trách truyền tin. Còn anh Hường chưa biết cho giữ chức vụ gì. Có lệnh của tiểu khu, đơn vị phải cử một sĩ quan đi học khóa không trợ mấy tuần ở Nha Trang, anh được đề cử, rồi về làm SQ không trợ, chức vụ ngồi chơi xơi nước, rảnh rổi đánh cờ tướng với cấp trưởng. Tháng 5-74, tôi về Vũng Tàu học khoá truyền tin. Anh bị bắn tỉa, đạn trúng ngón tay cái, bị rút gân, nên ra hội đồng rồi giải ngủ. Xong khóa học ỡ Vũng Tàu, tôi được chuyển nghành về Hành chánh tài chánh, lại tiếp tục đi học ngành. Tháng 1-1975, tôi đến đại học Vạn Hạnh đăng ký học tiếp năm thứ 3 và gặp anh cũng đang đến trường để thăm bạn bè. Tháng 1-2005 tôi gặp lại anh đúng 30 năm sau. Anh không thay đổi nhiều, mái tóc chỉ hơi điểm muối tiêu.

Anh Chi, cùng học chung với anh Hường và cũng đã tốt nghiệp đại học. Vì không đủ điều kiện học tiếp cao học, anh bị động viên vào khoá 1.72 TĐ. Tháng 10-72, anh ra đơn vị, đưa về đại đội 2 của tiểu đoàn. Lúc đó sắp có lệnh ngưng bắn, nên các đơn vị phải cày tối đa. Khi mới về đơn vị, đi hành quân chung, tôi gặp anh tóc tai rủ rượi, bộ trây-di bạc màu, lai quân vàng úa vì đất phèn. Nhưng vẫn nhận ra ở cái bảng tên nền đỏ chữ đen của tiểu đoàn 1 SVSQ /TĐ, biết cùng học chung đại học Vạn Hạnh, anh em càng thương mến nhau. Tháng 8-73, sau trận đánh Tập Ngãi, anh bị thương nhẹ. Sau khi dưỡng thương về, trình diện tiểu khu, tiểu khu trưởng thấy anh có trình độ, có bằng cấp nên rút về làm sĩ quan tùy viên. Tháng 10-74, anh cũng được rút về binh chủng cục sở một lượt với tôi, nhưng nhờ có bằng cấp cao hơn nên về P5 /Bộ Tổng tham mưu. Sau 75, anh được gia đình bảo lãnh định cư ở Canada. Hai anh vẫn liên lạc nhau qua email. Giữa năm 2010, trước khi về Việt Nam thăm gia đình, anh có trao đổi email với anh Hường là sẽ tổ chức chuyến du lịch Miền Tây. Anh Hường nhớ lại tôi đã có lần nói với anh là đã nhiều lần tôi đi về Miền Tây, nên bảo với anh là tôi sẽ cùng đi và là người hướng dẫn. 8h30 sáng ngày 1-8-2010 tại bến xe Miền Tây, tôi gặp lại anh Chi lần đầu sau 37 năm tính từ ngày 28-7-73, ngày tiểu đoàn bị đánh, hai anh em không liên lạc với nhau. Anh em ôm chầm nhau. Vẫn giọng nói đó, dáng cao ráo nhưng nét mặt hơi già vì thời gian.

Sau mấy ngày vui vẻ ở Cần Thơ, Cầu Kè, Tiểu Cần, sáng ngày thứ 3 của chuyến đi, tại thành phố Trà Vinh, sau một đêm lặn lội tìm bạn bè, anh Chi mời số anh em

tìm được đến ăn sáng, uống càfê trước khi cả 3 về lại Sài Gòn. Trong một năm làm việc ở tiểu khu, nhờ có mối quan hệ rộng rải nên anh tìm lại được nhiều bạn hữu. Anh Cầm có cử nhân luật nên được rút về ngành HCTC, học khoá 47, rồi về phục vụ ở sở 9 không quân. Sau 1975 vẫn còn ở Trà Vinh. Anh Nhơn, cựu giáo chức thâm niên cũng ở Trà Vinh. Tôi hỏi thăm về đại uý Lợi, tiểu đoàn trưởng của tôi.

- Ông Lợi đi HO lâu rồi.

- Như vậy ổng còn sống. Mừng quá, anh cố gắng xin số phone để tôi liên lạc.

Mấy hôm sau, anh Cầm điện thoại, cho tôi số phone của anh Lợi, do em vợ ông ta cho. Tối hôm sau tôi gọi qua số máy đó, nghe giọng nói của thẩm quyền, tôi mừng muốn khóc. Như vậy anh em mình còn có cơ hội gặp nhau.

21h ngày 23-2-2011, từ Trà Vinh, anh Nhơn điện thoại cho tôi.

- Luận ơi, anh Lợi vừa xuống sân bay chiều nay.

- Ủa , sao anh ấy không điện thoại báo cho tôi biết trước. Lúc trước tôi đã dặn rồi mà.

- Ông ấy về có chuyện, nghe nói bà già bị ốm.

- Anh cố gắng xin số phone của anh ấy ở Việt Nam để tôi có cái hẹn rồi mới xuống được.

- Ừ.

Tôi điện thoại báo cho anh Hường biết, nhất định hai anh em sẽ xuống Trà Vinh gặp thẩm quyền.

Một ngày trôi qua, không có điện thoại của anh Nhơn, lòng tôi rối bời.

- Từ Trà Vinh xuống Đức Mỹ hơi xa, để anh hỏi anh Tài, em vợ ổng xem sao.

Lại một ngày, hai ngày nữa trôi qua.

- Có tin tức gì chưa anh Nhơn.

- Anh Tài vừa về Mỹ hôm qua. Để một hai ngày nữa anh lấy con trâu già lên Đức Mỹ gặp ổng xem sao?

- Anh cố gắng giúp dùm em.

Hai ngày sau, 10h sáng, điện thoại của tôi reo, hiện ra số máy của anh Nhơn.

- Anh Nhơn hả, em Luận đây.

- Không , anh Lợi đây nè.

- Anh Lợi hả, sao hôm rày anh không điện cho em.

- Anh về xức dầu cho bà già anh, 96 tuổi rồi. Bả tỉnh lại rồi.

Vẫn giọng hóm hỉnh ngày xưa.

- Chừng nào em xuống anh được ?

- Thứ ba anh mắc đi Tắc Sậy, Cà Mau cùng gia đình. Chủ nhật, mùng 2 ta, tụi em xuống đây sẵn dự đám cưới của đứa cháu họ. Anh cho số phone của thằng cháu vợ để hai đứa liên lạc với anh. Anh Nhơn đang ngồi nhậu với anh đây.

Anh Nhơn rất nhiệt tình. Từ Trà Vinh anh chạy xe lên Đức Mỹ, làm cầu nối giữa tôi và thẩm quyền. Cảm ơn anh Nhơn nhiều lắm. Tôi và anh Hường đồng ý, 8h sáng ngày chủ nhật 6-3-2011 sẽ đi Trà Vinh vấn an đại bàng.

7h sáng ngày 6-3-2011.

- Luận đi chưa?

- Tôi đang trên xe buýt xuống bến xe Miền Tây.

- Vậy ai tới trước thì mua vé xe nhé.

8h sáng.

- Anh tới rồi, mua vé xe rồi. Họ nói 20 phút nữa xe sẽ khởi hành.

- Tôi đã đến Chợ Lớn rồi. Anh nói nhà xe chờ chút.

Vì tuyến xe Trà Vinh hơi ít khách, các hãng xe lớn như Mai Linh, Phương Trang ... hoạt động không hiệu quả nên đã bỏ tuyến. Chỉ có xe tư nhân còn hoạt động. Họ không chạy theo đường cao tốc, mà theo hướng quốc lộ 4 cũ để rước thêm khách dọc đường. 11h AM, xe đến trạm dừng nghỉ gần Cái Bè để khách thư giãn. Chuông điện thoại lại reo lên.

- Hai em tới đâu rồi?

- Tụi em mới đến Cái Bè. Khoảng hơn tiếng nữa sẽ đến chỗ anh.

- Tụi anh đã nhập tiệc rồi, cố gắng đến sớm. Nhớ nói nhà xe cho xuống trước nhà thờ Mai -Phốp nhé!

- Anh yên chí, địa bàn này là của em mà.

Anh Lợi là người có đạo, quê hương anh là xã Trung Hiếu, Vũng Liêm.

Gần 13h, xe dừng trước cây xăng, đối diện giáo xứ.

- Quý ơi! hai bác đang đứng trước cây xăng đây.

- Dạ, cháu sẽ đến, dượng hai trông hai bác lắm.

Quý là cháu vợ, gọi vợ anh Lợi là cô hai. Hai anh em bước lên ngạch cửa. Đây là nhà của anh em chú bác với anh Lợi, một dạng trung nông nên nhà cao, cửa rộng, vách tường, mái ngói , có sân phơi rộng, tráng xi măng để phơi lúa. Đại bàng đang nằm trên võng lim dim, vì trong bàn tiệc được ưu ái, chiếu cố nhiều quá.

- Anh Lợi, tụi em mới xuống tới đây.

- Hường, Luận hả?

Ba anh em ôm chầm nhau. Tâm trạng lúc này tôi không biết diễn tả thế nào cho đúng nghĩa. 37 năm sau , tính từ tháng 5-74 đến tháng 3-2011, thẩm quyền và hai thuộc cấp mới gặp lại nhau, ôm nhau trong vòng tay trìu mến. Gia đình người anh họ nhìn cảnh ấy cũng hơi ngỡ ngàng. Hai đứa em từ Sài Gòn lặn lội xuống đây để tìm gặp cấp trên, em họ của mình, 37 năm sau.

- Hai em cất túi xách rồi đi rửa mặt, nghỉ ngơi. Anh chị sẽ dọn cơm cho hai em ăn.

Tôi cảm thấy quá no, cái no tình nghĩa. Thịt cá ê hề, lại có một đĩa tôm càng xanh nướng.

- Thôi, anh em mình cụng ly, uống mừng ngày gặp mặt. Sáng giờ anh đụng độ đế, giờ còn chưa muốn tỉnh.

Anh hơi ốm hơn ngày xưa, tóc đã bạc trắng, mắt phải bị hư, nhưng sức khoẻ vẫn còn tốt. Anh kể về cuộc đời binh nghiệp của mình.

- Anh sinh 1941, tốt nghiệp khoá 16. TĐ. Ra trường về Vĩnh Bình, là quê hương. Cũng đi từ trung đội trưởng, đại đội trưởng, chổ nào khó khăn là bị đẩy vào. Chi khu phó Trà cú 2 tháng, rồi chi khu phó Cầu kè. Tiểu đoàn bị đánh tan tác, tiểu đoàn trưởng chết thì được đưa về để vực dậy đơn vị. Vừa ra Long Thành học khoá bộ binh cao cấp thì tuần lễ sau đồn Bến Cát bị nội tuyến, trung uý Ấm, tiểu đoàn phó chạy thoát, rồi về tiểu khu Long Xuyên. Ba tháng học xong khoá bộ binh, về nắm tiểu đoàn quân số hỗn tạp, đánh đấm từ Cầu kè, Trà Ôn, đến Thầy Phó, Hựu Thành.Ngày 1 tháng 5, nghe nói ở Chợ Mới chưa tan hàng định lên đó, đến Bến Có, bị chốt chặn, một thằng hạ sĩ quan ở tiểu khu làm việc hai mặt, nhìn mặt nên bắt về tỉnh điều tra, bị đẩy qua Cần Thơ, ra Bắc, ở Hoàng Liên Sơn, rồi Vĩnh Phú hết 8 năm. Lên thiếu tá được một tháng thì tan hàng. Cuối năm 82 về đến ga Sài Gòn, lơ thơ, thất thểu, được cô chủ quán phở cho ăn một tô phở no cành. Anh chồng ra nhìn mặt lại là một tay trung uý ở tiểu khu,cho chút ít tiền xe về nhà. Về đến nhà vợ con té xỉu vì tưởng đã bỏ mạng ngoài Bắc. 1992 đi HO, qua đó bị xe tải đụng bỏ chạy tưởng tiêu rồi. Năm đứa nhỏ lần lượt lớn lên nuôi lại. Anh chị đã hưởng tiền trợ cấp người già, nhận giữ thêm mấy đứa trẻ. Mấy tay đại uý ở tiểu khu, giờ ở gần bên (Mỹ) thỉnh thoảng qua nhậu lai rai. Anh chị đem tiền về cất nhà cho đứa cháu, định vài năm nữa về ở chung hủ hỉ với nó.

Rồi cũng xong một kiếp người, giờ chỉ còn là thời gian.

Chiều tối, anh chị đưa hai đứa em về nhà ở Đức Mỹ. Đứa cháu nói ngày mai 7-3 sẽ khởi công cầu Cổ Chiên nối hai bờ sông Tiền. Sau đó sẽ khởi công cầu Đại Ngãi nối hai bờ sông Hậu, qua Sóc Trăng. Quốc lộ 60 về Trà Vinh, Sóc Trăng được rút ngắn khoảng 60-70km. Tối hôm đó , ba anh em ngồi nhậu lai rai , hoài niệm về quá khứ, cuộc sống hiện tại, để suy ngẫm về cuộc đời, duyên số nào anh em còn gặp lại nhau.

Trưa hôm sau, anh em lai rai cho hết phần chai Remy Martin còn lại. Rượu tình nghĩa đậm đà và thấm thía quá. 12h30 anh em tạm chia tay. Một cái ôm chặt, một cái bắt tay. Anh hẹn lần sau, về đến sân bay sẽ ở lại Sài Gòn để chung vui với hai em. Quan trọng là sức khoẻ để còn gặp nhau lần nữa. Hai em qua phà Cổ Chiên, gió từ sông thổi lên làm ấm những tâm hồn già cổi trong trái tim còn rung động nhịp yêu thương. Hai anh em lên xe buýt về bến xe Mỹ Tho, rồi tiếp tục đón xe khách về thành phố. 37 năm dài cô đọng trong 2 ngày ngắn ngủi. Hy vọng rồi sẽ có ngày gặp lại. Trái đất tròn.

Biên Hòa, ngày 9/3/2011.

Đỗ công Luận.