Thơ

- CHỈ NGẦN ẤY THÔI

- NGÀY THÁNG TƯ BUỒN

- THÁNG TƯ VƯƠNG VẤN

- CÀ-PHÊ BUỔI SÁNG

- NGƯỜI ĐI CÓ NHỚ

- NỖI NHỚ

CHỈ NGẦN ẤY THÔI

Cho tôi buổi sáng mai hồng.

Ngồi quanh bè bạn tình nồng đổi trao.

Ly cà-phê đá tiêu dao.

Trà thơm ấm lưởi, câu chào đầu môi.

Để mai còn thấy nụ cười.

Vui trong quá khứ một thời tuổi xanh.

Thuở mài nghiên mực vẽ tranh.

Yêu không dám nói, tập tành làm thơ.

Ngở đời như một giấc mơ.

Lằn tên mũi đạn giờ còn gặp nhau.

Tóc xanh xưa đã phai màu.

Còn chăng kỷ niệm tình trao đổi tình.

Cho tôi buổi sáng yên bình.

Ngồi bên máy tính màn hình mở to.

Đọc mail như thuở hẹn hò.

Mai còn gặp mặt, bến bờ dẩu xa.

Tìm trong ký ức nhạt nhòa.

Khơi tiềm thức dậy để mà nhớ nhau.

Bốn mươi năm, có ít đâu.

Người đi, đi mãi vó câu dặm dài.

Cho tôi những buổi sớm mai.

Để nghe máu nóng chảy dài trong tim.

Xin đời giây phút bình yên.

Cạn khô nước mắt đi tìm dấu xưa.

Biên Hòa, ngày 14/4/2012

Đỗ công Luận

NGÀY THÁNG TƯ BUỒN

Ca khúc 1

NGÀY CUỐI CỦA CHIẾN TRANH

Thứ bảy cuối tuần anh về với em .

Mười cây số đường xa lộ dài thêm.

Ngày tháng thần tiên tuần trăng mật lịm .

Đất rộng trời cao chỉ anh và em .

Trực thăng vần vũ bầu trời Bến Gỗ.

Long Thành kinh hoàng đạn pháo liên hồi .

Suối Nước Trong , nước không còn trong nữa.

Rừng cao su đất đỏ bụi mù khơi.

Mẹ già ở lại tìm phương lánh nạn.

Đàn em thơ di tản chiều qua .

Một lần trong đời mẹ lau nước mắt .

Nhớ đàn con yêu đang ở phương xa

Chợ Đồn lần đầu biết đến chiến tranh.

Đặc công nửa đêm đánh chiếm Cầu Gành.

Những xác người nằm phơi nắng gió.

Họ ra đi tóc hãy còn xanh .

Ngã tư Thủ Đức, năm canh thức đủ.

Người dắt dìu nhau tìm chốn tồn sinh.

Người dân di cư, lần di cư nữa.

Một đời người mấy cuộc trường chinh?

Bỏ đi hết rồi, Thiếu Úy vào chi?

Bọn em đang tìm phương tiện mà đi.

Đứa về cao nguyên đất cày sỏi đá.

Thằng lên miền Đông cuốc đất trồng mì.

Tàn cuộc chiến chinh anh về với em.

Sáu chục ngày qua hạnh phúc êm đềm.

Áo mẹ cơm cha, thâm ân chưa trả.

Tỉnh thức chập chờn những giấc mơ đêm.

Rủ áo màu xanh thay áo sọc.

Anh buồn thân phận kẻ vong nô.

Mười năm đèn sách , ba năm lính .

Mang án chung thân kiếp tội đồ.

Ngày đi con chưa nên hình vóc.

Ngày về con tập bước rong chơi.

Ngày tháng tư buồn, trăn trở thức.

Niềm đau năm tháng vẫn không nguôi .

Ngày đi con chưa ra đời.

Ngày về con đã rong chơi khắp nhà.

Mẹ đi gánh gạo đường xa.

Cha đi gánh vác sơn hà ngã nghiêng.

Ngủ đi con, giấc mơ tiên.

Để cho nước mắt xuôi miền phù hoa.

Nghe đời thôi những xót xa.

Trăm năm nổi nhớ như là phù vân.

Biên Hòa, ngày 8/4/2012.

Đỗ Công Luận

CHS K.08 NQ BH.

Ca khúc 2

ĐÊM Ở ĐỒNG-PAN

Hàng trăm cây số em đến thăm anh.

Hai giỏ quà xinh chứa nặng ân tình.

Anh đứng lặng yên nghe hồn bật khóc.

Một chút gì buồn vương trong mắt anh.

Anh nhìn mắt em để nhớ bé Hiền.

Đôi mắt nào tròn, đôi mắt nào đen.

Ôi, hình dáng nầy cho anh cuộc sống.

Anh thấy cuộc đời như rạng rỡ thêm.

Anh muốn thời gian ngừng chuyển động.

Để ngày tương ngộ kéo dài thêm.

Khăn tay anh chặn sầu lắng đọng .

Như ngày đầu, anh phải xa em.

Nắng đã lên cao ngày vui xuống chậm.

Anh trả em về phố thị đèn hoa.

Chim rừng cất giọng như lời đưa tiển.

Anh nhìn dáng em theo bụi đường xa.

Áo tím đi rồi còn anh ở đây.

Với ngàn cây xanh, với lá khô bay.

Đêm rừng gió núi sương khuya lạnh.

Em ở quê nhà, em hỡi! có hay?

Đỗ Công Luận

CHS K.08 NQ BH.

THÁNG TƯ VƯƠNG VẤN

_ Cho những ngày tháng tư trong cuộc đời _

Tháng tư, phượng đỏ rợp trời. (1)

Bút nghiên xếp lại với lời chia tay.

Người vui sóng biển trời mây.

Người mang nửa kiếp lưu đày thế gian.

Tháng tư, đại lộ kinh hoàng. (2)

Thành xưa tan tác, pháo đàn bủa vây.

Bao hàng mộ đá mới xây.

Cho An Lộc sử còn đây nổi buồn.

Giọt mồ hôi đổ thao trường.

Để xương máu bớt ngập đường cuồng chinh.

Vai mang áo trận đăng trình.

Ba năm mài kiếm tử sinh khắp miền.

Tháng tư, anh lỡ cưới em. (3)

Người đi chinh chiến rằng quên có về?

Thôi đành khép kín phòng khuê.

Đêm nghe súng nổ, tóc thề rối thêm.

Tháng tư đến, tháng tư đen.

Chiến y bỏ lại bên hiên cuộc đời.

Bao giòng lệ thắm tuông rơi.

Khóc người nằm xuống bên trời quạnh hiu.

Tháng tư, mưa ít nắng nhiều, (4)

Đạp cơn sóng dữ buồn thiu thiu buồn.

Trong vòng tay mở đón con.

Nghe tình sống lại thôi còn nhớ nhung.

Biên Hòa, ngày 3/4/2012.

Đỗ Công Luận.

CHS K.08 NQ BH.

(1)(2): Tháng 4/1972, mùa hè đỏ lửa.

(3): 21/4/1975, ngày Song Hỷ Lâm Môn.

(4): 17/4/1977, ngày về từ trại Đồng Pan.

CÀ-PHÊ BUỔI SÁNG

_ Cho buổi cà-phê sáng ven sông cù lao Phố _

Cà-phê buổi sáng ven sông.

Màn sương như đọng trên dòng Đồng giang.

Thuyền trôi thả lưới giăng ngang.

Làng bè cá ngủ mơ màng khói mây.

Cong cong cầu sắt mới xây.

Cho Cù lao Phố ngày mai hóa Rồng.

Chùa Thầy Tám mái vút cong.

Chuông ngân Đại Giác tỏ lòng từ bi.

Tôi ngồi soi rọi bóng tôi.

Lung linh mặt nước như đời ngã nghiêng.

Gió xô sóng nổi ba chìm.

Nào ai thấu hiểu niềm riêng cuộc đời.

Cà-phê từng giọt buồn rơi.

Đen như ngày tháng rong chơi cuối trời.

Bây giờ chỉ bạn bè thôi.

Đắng môi, đầu lưởi ngọt lời thương yêu.

Vui đi còn có bao nhiêu.

Mai vào thiên cổ thôi chiều xót xa.

Trãi lòng mở lối tình ra.

Đều tay khuấy mãi tình xa lại gần.

Biên hòa, ngày 26/03/2012.

Đỗ công Luận.

NGƯỜI ĐI CÓ NHỚ

_ Cho những lần gặp gỡ bè bạn phương xa trở về_

Người từ ngàn dặm về đây.

Gom trăng kỷ niệm chở đầy thuyền hoa.

Bến xưa giờ đã khơi xa.

Bơi trong ký ức nhạt nhòa bờ môi.

Có đi khắp đất cùng trời.

Đâu ngon bằng chén rượu mời quê hương.

Một ly vơi nỗi nhớ thương.

Một ly góp gió mười phương giải sầu.

Ngồi nơi quán ốc ven cầu.

Để nghe nhịp thở đoàn tàu xa xăm.

Sóng xô cầu sắt trăm năm.

Đất Cù lao Phố tiền nhân gợi buồn.

Công viên Cầu Mát chiều hôm.

Lao xao ngọn gió thổi hồn non Châu.

Đá ru núi Bửu bạc đầu.

Hoàng hôn ngã nón qua cầu Hóa An.

Giọt cà-phê nhớ miên man.

Mùi hương sách vở với hàng phượng xưa.

Những ngày đi học sớm trưa.

Áo bay trắng phố, gió lùa tóc tiên.

Người đi, cố nhớ đừng quên.

Lỡ mai trời đất gọi tên mà buồn.

Bình minh, và có hoàng hôn.

Chiều phai bóng ngã, mãi còn nhớ nhau.

Biên Hòa, ngày 17/03/2012

ĐỖ CÔNG LUẬN

CHS K.08 NQ BH

Lời Tác Giả:

Mến gửi Ban Biên Tập trang Web Ngô Quyền,

Sau khi đi qua một vòng tuần hoàn của 60 năm cuộc đời, người ta dường như lại muốn hoài niệm về quá khứ của mình trước khi về với cát bụi.

Hơn một tháng trước tết Nhâm Thìn, khi biết được tin tức của hai người bạn chung lớp thời trung học, tôi đã trở về quá khứ với bạn mình qua bài thơ VÒNG QUANH NỖI NHỚ.

Những ngày sau tết Nhâm Thìn, ngồi suy tư một mình, tôi lại nhớ về những năm tháng sống chết ở Trà Vinh, vùng đất mà tôi đã một thời vương vấn. Sau những chuyến về thăm lại chiến trường xưa, cảm xúc đó tôi lại lắng đọng trong bài thơ tiếp theo, BÂNG KHUÂNG NỖI NHỚ.

Đi qua bến sông xưa, có những con lạch nhỏ, cá lội từng bầy. Hai bên bờ sông đầy dừa nước và những bụi ô rô. Đơn vị tôi đã vượt sông nhờ những chiếc xuồng nhỏ mượn của người dân.

Đến cánh đồng lúa vàng tươi sắp thu hoạch. Ngày xưa có lần hành quân trở về, thuộc cấp tôi, một anh lính người Miên, vướng phải mìn cài ven đê, làm bằng trái đạn pháo 105 ly bị lép. Thân xác anh bị bắn thành trăm mảnh, đồng đội phải lượm từng mảnh thịt cho vào poncho mang về. Có lẽ những mảnh thịt còn sót lại đã làm cho cây lúa tốt tươi?

Đến ngôi chùa Miên, ngày xưa có những đêm không trăng sao, đơn vị trưởng hạ lệnh tôi dẫn mấy anh lính vào đó, rồi khuya tối vòng ra chỗ khác để nằm tiền tiêu cho đơn vị. Hạt mưa lâm râm, nổi buồn xa xứ...

Đến xóm ven sông, ngày xưa có người lính đơn vị tôi tử trận, đem về an táng tại đây. Người vợ mới cưới vài tháng. Một vành khăn sô cho góa phụ ven sông.

Đến nơi, ngày xưa là đồn lớn, BCH/TĐ đặt ở đó. Cuối năm 1974, tôi đã về ngành. Một dải đất hàng trăm cây số vuông đã thành chiến trường sôi động, chuẩn bị cho chiến cuộc mùa khô. Đại đồn bị nội tuyến san bằng. Sau 1975, vùng đất đó được xây dựng thành trung tâm xã, có trụ sở ủy ban xã, trường học, bưu điện...Nơi bến sông có cái chợ nhỏ mọc lên. Cây còng già đã bị đốn. Nơi bến sông đó, ngày mùng 5 tết Giáp Dần 1974, mẹ tôi từ Biên Hòa lặn lội đến thăm tôi. Tàu đò chưa chạy, mẹ tôi phải quá giang ghe người dân đi chợ để vào đơn vị. Tôi ra bến sông đón mẹ vào. Sau nầy, khi san ủi nơi đó để xây dựng trụ sở, trường học, đơn vị thi công có phát hiện vài bộ hài cốt của những người lính năm xưa bị cho là mất tích...

Thời chinh chiến đã qua và người còn sống trở về...

Tôi xin phép kết hợp hai nỗi nhớ đó lại thành bài thơ với tựa: NỖI NHỚ.

NỖI NHỚ

Ca khúc 1

VÒNG QUANH NỖI NHỚ

-Dành tặng bạn học lớp thất 3 của NK 1963-1970, trung học NQ BH-

A-lô, có phải Luận không ?.

Tao là Hồng Trọng, anh Hồng Đức đây.

Ừ, tao vẫn nhớ tên mầy.

Bạn bè chung lớp vẫn hoài nhớ nhau.

Từ xa nửa quả địa cầu.

Tình thân như những ngày đầu biết tên.

Thuở còn trắng áo tinh nguyên.

Tuổi nô đùa, giởn bên đèn sách thơm.

Rồi theo ngày tháng lớn khôn.

Bên đời lận đận, bẻ gươm chống trời.

Vai mang vận nước nổi trôi.

Tay ôm nước mắt một đời ly hương.

Mày có nhớ, Dũng cục xương.

Bọn tao tìm được trên trang web nhà.

Tưởng như cách trở trùng xa.

Bao năm vẫn nhớ Biên Hòa tình thân.

Tài lé, con chủ cây xăng.

Đôi kính cận, ở Ngã năm Biên Hùng.

Hoàng Thành, ngụ ngã ba Thành.

Đạp xe rong ruổi vòng quanh bờ hồ.

Nguyễn Xuân Dũng, Bắc kỳ con.

Võ văn Nghiệp đã không còn thế gian.

Hoàng Minh Chiếu, Tô Minh Quang.

Nguyễn Xuân Quang cũng dương gian giả từ...

Thôi đừng kể nửa Luận ơi,

Cho mi nhỏ lệ, nghẹn lời máu tim.

Quê hương vẫn mãi đi tìm.

Chao nghiêng đôi cánh như chim lạc bầy.

Quay về tổ ấm hôm nay.

Bốn mươi năm những tháng ngày hư hao.

Bạn bè sẽ gặp lại nhau.

Tròn như trái đất bay vào thinh không.

Biên Hòa, ngày 12/12/2011

Đỗ công Luận

CHS K.08 NQ BH

Ca khúc 2

BÂNG KHUÂNG NỖI NHỚ

-Cho những lần trở lại với Trà Vinh-

Chiều qua bến vắng sông đầy.

Nhớ con cá lội từng bầy nghiêng chao.

Hàng dừa nước đổ lao xao.

Lô xô sóng vỗ vẫy chào quân đi.

Chiều qua đồng lúa xanh rì.

Nhớ đồng đội cũ ra đi không về.

Người nằm ngã dưới chân đê.

Làm phân bón lúa, vỗ về ngàn năm.

Chiều qua chùa Phật âm thầm.

Nhớ đêm xuất kích không trăng sao trời.

Dăm thằng một mảnh áo tơi.

Hạt mưa ướt đất, một thời long đong.

Chiều qua xóm vắng ven sông.

Nhớ người vợ trẻ ngóng trông tin chồng.

Người về quấn mảnh chăn bông.

Hai hàng cờ rủ, một vành khăn thưa.

Chiều qua bãi đóng quân xưa.

Xốn xao tiếng trẻ nô đùa rong chơi.

Ngôi trường mái đỏ thắm tươi.

Mang bao khát vọng cho đời nở hoa.

Một thời chinh chiến đã xa.

Bâng khuâng nỗi nhớ mãi là trăm năm.

Trong ta nỗi xót đau thầm.

Nghe dòng máu chảy căm căm nỗi buồn.

Biên Hòa, ngày 03/02/2012.

Đỗ Công Luận.

CHS K.08 NQ BH.