Tự Truyện

- LỜI XIN LỖI MUỘN MÀNG

- ĐỂ TRẢ LỜI MỘT CÂU HỎI

- KỶ NIỆM QUÂN TRƯỜNG TRUYỀN TIN VŨNG TÀU

- VIẾT TIẾP CHUYỆN ANH EM MÌNH

- NHẮC KỶ NIỆM VỚI LÂM VĂN SƠN

LỜI XIN LỖI MUỘN MÀNG

KÍNH GỬI : ĐẠI UÝ TRẦN HUY QUANG,

ĐẠI ĐỘI TRƯỞNG KHÓA SINH ĐẠI ĐỘI 32.

Kính thưa anh cả,

Trước hết, xin đại uý cho phép tôi được gọi bằng anh và xưng em để tình cảm anh mình được gắn bó. Ngày xưa mình hơn nhau về cấp bậc. Ngày nay mình hơn nhau về tuổi tác . Cũng xin anh nhận nơi đây lời ra mắt muộn màng của một cánh chim côi sau 38 năm mới quay về tổ ấm 3.72.

Thưa anh, khi chúng em vào quân trường với tên gọi khoá 3.72 / SVSQ. TB/TĐ, anh đã là đại đội trưởng khoá sinh hướng dẫn chúng em ở đại đội 32.

Kỷ luật quân trường, nắng gió thao trường đã giúp những chàng thư sinh yếu đối thành những chàng trai dũng mãnh, có sức mạnh để ra giúp đời. Em cũng là một trong số 250 khoá sinh đó, không có gì nổi bật. Nếu nói đến tên Đỗ Công Luận thì chắc anh không nhớ . Nhưng nói đến khoá 3.72 thì anh biết rất rõ. Vì đó là thời kỳ cao điểm của chiến tranh Việt Nam. Cụm từ mùa hè đỏ lửa ăn sâu vào da thịt, tim óc của mỗi con người. Những người cha, người mẹ, lần lượt đưa tiễn con trai vào quân đội. Những người yêu nhau phải tạm biệt chia tay để mai anh đi vào cuộc chiến.

Thôi em chớ khóc than nhiều.

Đong đưa nước mắt anh tiều tuỵ thêm.

Nín đi em, nín đi em.

Để anh đốt lửa thắp đèn tương lai.

Bọn chúng em, những chàng trai sinh ra trong lứa tuổi 1950- 1951 , sinh viên năm thứ hai đại học, cũng xếp bút nghiên theo tiếng gọi lên đường. Dù rằng nơi chính trường thế giới GIÓ ĐÃ XOAY CHIỀU. Những tháng ngày sau cuối ở quân trường, mấy tuần lễ đi chiến dịch , chúng em thường trao nhau những tờ báo, những mẫu tin. Sắp có ngưng bắn rồi, mình sẽ trở lại giảng đường. Nhưng hy vọng chỉ là vô vọng. Một ánh sáng le lói ở cuối con đường hầm, rồi vụt tắt. Từ trong tổ ấm 3.72 , ngàn cánh chim bay ra theo những phương trời vô định.

Ngày tháng ở chiến trường gian khổ, đã cho em hiểu thế nào là sự sống. Con người sinh ra để được sống. Tại sao ta lại huỷ diệt sự sống của người khác. Nhưng nếu không, họ cũng cướp đi mạng sống của mình. Cái vòng lẩn quẩn, giống như cái vòng luân hồi của phật pháp. Cuối cùng, cũng có kẻ thắng người thua.

Những người mẹ, người cha, lại lần lượt mang xách đi thăm những đứa con trai còn sống sót sau chiến cuộc. Những người vợ lại lầm lũi quay về nuôi con trong nước mắt nhục nhằn. Thân cò lặn lội bờ sông.

Những con tàu rời bến ra khơi. Những kiếp người quay về làm lại cuộc đời. Rồi lại quay về tìm nhau bên hai cái tổ, cách nhau một đại dương xa thẳm .

Đầu tháng 8 /2010, sau chuyến đi miền tây về, em tìm ra được chân lý của cuộc sống. Sống thế nào cho đáng sống. Con người cuối cùng rồi phải trở về lòng đất. Nhưng kỷ niệm vẫn còn sống mãi trong lòng mọi người, bạn bè.

Đại bàng ơi ! em vẫn mến đại bàng.

Lam ơi ! Mực ơi ! Thuyên ơi ! Hoàng ơi ! Danh ơi ! .... Tao vẫn nhớ tụi mày.

Hình ảnh của bạn bè cũ em đã tìm lại được. Cảm ơn Trịnh Quan nhiều lắm. Bạn bè lần lượt đón chào em. Em cũng biết tin tức về anh. Ngay cả cấp trên của em mà cũng có bạn, có thù. Chiến tranh muôn mặt.

Em cảm ơn lời nhận xét của anh về bài viết của em. Xin anh nhận nơi đây lời ra mắt muộn màng và lời xin lỗi chân thành của em. Kính chúc sức khoẻ của anh và gia đình.

Mong anh mãi luôn luôn ở bên chúng em.

Tháng 12/2010

Đỗ Công Luận.

ĐỂ TRẢ LỜI MỘT CÂU HỎI

Con người ta hiện diện trên cõi đời này phải qua giai đoạn : sinh , lão , bệnh , tử . Cha mẹ sinh ra , nuôi nấng và dạy dỗ , với hoài bão chúng ta sẽ là trụ cột cuả một gia đình mới , có chỗ đứng trong lòng xã hội . Nhưng biến cố lịch sử muà hè đỏ lửa , đã đưa đẩy cuộc đời chúng ta sang bước ngoặt khác . Từ moị miền đất nước , anh em ta tập trung vào quân trường Thủ Đức với tên khoá 3.72 SQTB/TĐ . 6 tháng quân trường , mưa dầm nắng cháy , từ chổ xa lạ, chúng ta đã trở thành thân quen . Kỷ luật quân trường , đời sống tập thể, đã rèn luyện chúng ta thành những chàng trai thế hệ , vươn vai Phù Đổng . 6 tháng bên nhau , bao kỷ niệm vui buồn lẫn lộn . Rời xa tổ ấm , chúng ta bay khắp moị miền tổ quốc, đối diện với bao gian khổ hiểm nguy rình rập . Liên lạc với nhau , biết tin tức cuả nhau là điều hiếm hoi . Mình biết tin của Mai Văn Hoàn, Đỗ Công Danh qua bảng cáo phó trên báo chí . Mình gặp lại Kiến , Tiên , Lạc ..., những ngày tháng sau cùng ở khoá 48 HCTC . Biến cố 30/04 vùi dập cuộc đời chúng ta dưới vũng lầy đen tối . Nước mắt tủi nhục , tháng ngày tù tội đã khiến mình muốn xuôi tay . Mình phải sống để làm lại cuộc đời , lo cho thế hệ tương lai nối tiếp . Phải sống thế nào cho đáng sống . Bao lo toan của cuộc sống : cơm , áo , gạo , tiền , như cha mẹ đã lo cho mình . Tin tức bạn bè vẫn bặt tăm. Các con mình đã lớn , có một mái gia đình ấm êm hạnh phúc . Nhờ gã con gái, mình gặp lại Triệu Quang Vinh 324 và chỉ duy nhất một lần . Mình tìm đến những bạn bè ở trung học Ngô Quyền khi đã qua thời trai trẻ . Mình tâm đắc với câu nói của Tâm nhũi.

- Có những đứa chỉ biết làm giàu mà không biết đến bạn bè , ngồi trên đống tiền mà không có ai xung quanh .

Đó là Phẩm . Thọ 311, vân 313, tụi maỳ còn nhớ nó không ? chắc Thọ rõ hơn . Nó cũng vào Thủ Đức rồi ra vùng 2 . Sợ quá nó đào ngũ , vào chùa Tam Bảo của đệ tử ông đạo dừa . Sau 75, nó theo nghề y tá cuả ông già , có tay phục dược , rồi phất lên cất nhà cao hai ,ba tầng . Anh em có tiệc , mời nó cũng không đến . Có lần trú mưa gặp mình , nó chào hỏi đôi ba câu rồi đi . Sống chi như vậy . Trái lại, Hoàng Minh Chiếu rất nhiệt tình với anh em . Hai vợ chồng nó sống nhờ tiền cho thuê nhà , 5 triệu đồng mỗi tháng . Hai con trai nó đã tốt nghiệp đại học , tự chúng lo bản thân. Thỉnh thoảng Tâm nhũi và mình rũ đi uống cà phê , ra về nó nói câu cảm ơn anh em . Có lần dự đám giỗ ở nhà Tâm nhũi , nó nói với mình.

- Hai đưá hùn tiền mua thùng bia , đi không coi kỳ quá .

Mình nói với Tâm nhũi , nó bảo hiểu và thông cảm với bạn bè. Sống cho đáng sống.

Rồi lần họp mặt Ngô Quyền 2008 , Tươi nói với mình.

- Tao thấy ảnh cuả mày ở trung đội 324 do Phiệt đưa lên . Hôm nào mày đến nhà tao , tao mở ra cho mày xem .

Nhưng lúc đó đăng kí internet còn khó khăn , chưa có máy tính nên mình lại thôi , không buồn để ý .

Khoảng tháng 6 cuả năm 2010 , Tươi lại điện thoại cho mình .

- Ngón tay mày size số mấy? Có đứa bạn ở Canada có nhã ý làm nhẫn khoá gửi về tặng anh em . Mày cho biết để tao đăng ký .

- Ừ ! chắc có lẽ số 8 .

Tháng 8/2010, sau khi đi Trà Vinh về , tìm lại được Đại Bàng và đồng đội cũ , mình cảm thấy hưng phấn lên . Thế là Lê Thành Tươi dẫn mình vào 301.

Sau lá thư đầu tiên , thấy mình nhiệt tình , anh em cũng nhiệt tình chào hỏi , nhất là anh em đại đội 32. Khi họp mặt với Trịnh Quan , mình vẫn nhớ câu nói "Tao đã tìm mày 38 năm nay " . Lần đầu tiên gặp mặt , anh em rất vui vẻ , hỏi thăm nhau như người thân đi xa mới về . Đeo chiếc nhẫn khoá trên tay , mình cảm thấy hảnh diện , về khoe với mấy em , các con . Em gái mình nói với các con .

- Mấy đứa coi chừng ba bây liên lạc với mấy ông Sĩ Quan cũ , có vấn đề chính trị phiền phức lắm , ảnh hưởng đến chồng con tụi bây.

Thật thế, mấy chàng rể của mình sống trong chế độ mới cần phấn đấu , ông già vợ bị gì cũng vạ lây . Không sao , mình trấn an các con.

- Ba đã lớn tuổi rồi , 60 tuổi đời , ba biết . Ba chỉ tìm về kỷ niệm cũ mà thôi . Chuyện chính trị chính em ba không biết đến . Mọi vấn đề trên internet tụi cốm nó cũng quản lý theo dõi.

Các con an tâm về cha nó . Thấy mình thường nhờ đứa cháu gõ cho anh em sau mỗi lần họp mặt , chúng hiểu tâm trạng cha mình. Thấy ba thường lên mạng với anh em, rể út nói sẽ mua cho ba cái monitor LCD 24 inch để ba xem cho rõ, và đã mua . Giống như con gái mới về nhà chồng còn bẽn lẽn, lần lần mới quen hơi , mình tích cực với anh em hơn . Nhắc lại những kỷ niệm quân trường, thời gian khổ ở chiến trường , trong cuộc sống qua những bài viết. Khi điện thoại nói chuyện với Lạc , Kiến , Thọ... tụi nó nói anh em thích đọc những bài viết cuả mày lắm. Tại sao vậy? Vì anh em chúng ta xa cách đã 38 năm . Vì anh em chúng ta ngăn cách bởi một đại dương, nửa vòng trái đất. Anh em cần có những lời nói chân thật phát ra từ trái tim. Những kỷ niệm nằm trong sâu thẫm cuả ký ức được đánh thức dậy để tìm đến nhau, dù là ký ức đau buồn cuả một thời trai trẻ hào hùn . Chúng ta còn ít thời gian để tâm sự với nhau. Vài năm sau , trí óc còn minh mẫn để nhắc chuyện với nhau không? Thời gian dần trôi, ai sẽ là người tiếp nối Phan Trần Thắng ra đi. Không có câu trả lời. Có thể là anh, có thể là tô . Sau lần họp mặt với Trịnh Quan , nói chuyện với Lạc , nó nói nghe cảm động.

- Không biết chừng nào tao về gặp anh em, tổ chức đông vui như vậy.

Đâu phải cần đến vậy. Đâu cần phải có bia bọt , cao lương mỹ vị. Chúng ta có thể ngồi uống trà với nhau, đến với nhau để trắng đêm tâm sự. Tại sao Nguyễn Hoàng Vũ từ Long Xuyên lặn lội lên Sài Gòn? Tại sao Nguyễn Ngọc Lan từ Nha trang đáp tàu hoả về thành phố? Tại vì trái tim thôi thúc. Tại vì anh em muốn tìm về kỷ niệm xa xưa. Tại vì chúng ta cần phải có nhau, để đi nốt quảng đời còn lại. Khi ta đã nằm xuống, xác thân ta vùi sâu trong lòng đất, nhưng tên tuổi ta vẫn còn nằm trong trái tim cuả mỗi anh em. Vì vậy , mỗi ngày mình lên mạng đôi ba lần để xem email , tin tức cuả anh em. Rảnh rỗi , mình viết bài gửi cho anh em đọc chơi. Buồn buồn , mình điện thoại cho Trung Thuận , Tươi ...... Xa hơn nữa là Thọ , Lạc, Kiến , Vân ....

Tất cả nội dung bài viết này là để trả lời câu hỏi ,tại sao mình đến với anh em? Tại sao chúng ta cần có nhau.

BH, ngày 5/1/2011

ĐỖ CÔNG LUẬN

KỶ NIỆM QUÂN TRƯỜNG TRUYỀN TIN VŨNG TÀU

Mình vừa viết bài ĐỂ TRẢ LỜI MỘT CÂU HỎI cho anh em xong, mở trang group ra, laị thấy video clip cuả Bá Hùng đưa lên với nội dung họp mặt liên trường Vũng Tàu. Lại có bài cuả Tango nói đôi lời về Vũng Tàu khi ở trường thiếu sinh quân. Mình cảm thấy hưng phấn thêm lên, ký ức gọi về, mình tiếp tục viết bài nói về 5 tháng học khoá STLQ21 ở Vũng Tàu. Bài này cũng để tặng Lý Khôn Sơn, STLQ 23,bị gãy cánh giưã đường. Nguyễn Hoàng Vũ cũng là STLQ 17 .

Đầu tháng 5/1974, phòng Truyền Tin Tiểu khu gọi mình về để nhận sự vụ lệnh đi học khoá SQ căn bản truyền tin ở Vũng Tàu. Lúc đó phòng TrT/TK đa số SQ cấp uý đều tốt nghiệp các lớp SQ đặc biệt, cấp Đại Úy thường bên SĐ9 chuyển về .

Từ khoá 1/72 Thủ Đức trở đi, đa phần các anh em có trình độ học vấn. Cấp trên muốn cơ cấu tổ chức lại ngành truyền tin tiểu khu, nên chọn một số SQ có năng lực, lần lượt sẽ được đưa đi đào tạo căn bản ở Vũng Tàu. Mình có tên trong danh sách đó, do tiểu đoàn trưởng đề cử, trong đó có phần chung chi. Cùng đi học với mình có trung uý Mai Đăng Hải, SQ đặc biệt , nhưng rất giỏi về chuyên môn vì có thâm niên từ HSQ lên. Cơ cấu dự kiến là trung uý Hải sẽ về làm SQTT cuả liên đoàn 950 ĐPQ/TK .

Hai anh em về trình diện trường TT để chờ nhập học. Khóa 20 vừa ra trường, mình gặp lại Nguyễn Hoàng Minh, Minh lùn, Minh đầu bạc, bạn học Ngô Quyền, đang chuẩn bị về đơn vị là sư đoàn 25.Mấy tháng sau, mình về Biên Hòa chơi, nghe bạn bè kể lại, Minh bị pháo dập chết ở Củ Chi, bạn bè chung lớp có đưa tiển Minh về nghĩa trang Quân đội Biên Hòa. Trường TT nằm trên QL15, hướng ra Vũng Tàu. Phía sau là cảng cá Sao Mai, đầy các cây bần, cây đước, loại cây mọc ở các vùng nước mặn. Đi tới nưã là Ngã Tư Giếng Nước. Tới nữa là trường Thiếu sinh quân. Rẽ trái là sân bay, cơ sở 2 của trường TT, nơi đào tạo cán bộ trung cao cấp TT.

Phòng ngủ cuả học viên có 8 người. Phòng mình có 4 trung uý. Mai Đăng Hải, TK/VB , Huỳnh Văn Thiện, TK/Sa Đéc, Hồ Ngọc Ẩn SĐ18, Nguyễn Ngọc Hoàn TK/Phước Long. Thiếu uý có 3 người. Đỗ Công Luận TK/VB, Trần Tường Tri BĐQ , Huỳnh Hoài TK/Bình Định. Chuẩn uý có Nguyễn Ngọc Khôi. 8 chiến hữu xem nhau như anh em một nhà. Trung uý Thiện vui tính, trung uý Ẩn lè phẻ, thiếu uý Tri lờ khờ. Lúc đó mình thích nhất Huỳnh Hoài về mọi khía cạnh, cả hai thành cặp đôi. Mỗi tháng lãnh lương, anh em trích một ít tiền để mua thức ăn sáng tại phòng. Bơ Bretain của Pháp, sữa bột béo ...mua sẵn để dành. Đến phiên ai trực thì mua bánh mì. Vì học ngành nên giờ giấc cũng thoải mái, không bị gò bó. Lúc đó Liên đoàn trưởng khoá sinh là Đại Úy Thông, anh em gọi là bọ (lục) Thông, sau lên thiếu tá. Ngày 23/6/1974 khoá mình có quyết định thăng lon thiếu uý. Một ngày thứ hai đầu tuần của tháng , mình và một bạn K. 372 nữa (ĐĐ33 hoặc 34), được đại tá chỉ huy trưởng gắn lon tại sân cờ. Chiến hữu này chắc học cùng khoá 17 với Hoàng Vũ rồi được giữ lại trường làm huấn luyện viên. Hôm dự họp mặt đầu năm mình nhắc lại nhưng Vũ cũng không nhớ rõ .

Từ 4h chiều thứ bảy hàng tuần, thân nhân khoá sinh từ các tỉnh đổ về khu tiếp tân để gặp mặt người thân. Cũng như ở Thủ Đức, tên khoá sinh được xướng lên, đến bàn tiếp tân nhận giấy phép ra trại, đến 9h đêm trở lại doanh trại. Mình nói với anh em ra trước, nhờ người thân gọi tên, lấy giấy phép ra trại rồi lặn luôn đến khuya tối chủ nhật mới vào. Có tuần mình lặn ra với Huỳnh Hoài, chiều tối la cà ở bãi trước. Lúc đó Mỹ đã rút quân, các quán bar ở Vũng Tàu chỉ đón khách Việt Nam, đa phần là các anh lính chiến. Mình và Huỳnh Hoài là sĩ quan trẻ, đẹp trai, nên mỗi anh được một cô nàng ái mộ, ủng hộ chiến sĩ tận tình. Thấy chiến sĩ

- đêm nay không biết về đâu

nên mấy em

- đêm nay em đưa anh về phòng trọ của em .

4h sáng chủ nhật, mình đã thay thường phục lội bộ ra Ngã Tư Giếng Nước đón xe đò vọt về Biên Hoà. Thường từ 6h sáng , mấy anh an ninh của trường ra cầu Cỏ May chặn xe đò, kiểm tra giấy tờ để bắt mấy anh trốn dù về Sài Gòn. Huỳnh Hoài ở lại suốt ngày chủ nhật bù khú với mấy em.

Có tuần mình leo rào trốn ra ngoài với trung uý Ẩn. Anh Ẩn có người cô họ tu tại gia trong cái am trên núi, gần Thích Ca Phật Đài. Hai anh em xin ngủ tạm tại đó, 4h sáng hôm sau ra Ngã tư Giếng Nứơc đón xe đò về Sài Gòn.

Lúc đó việc hôn nhân của mình đã được gia đình hai bên chấp thuận, chỉ chờ tờ phép kết hôn cuả bộ Tổng tham mưu đưa xuống. Do đó hàng tuần mình cần phải về, đến nhà nàng để tìm hiểu. 7h sáng mình đã về đến Ngã Ba Tân Vạn. Trang điểm lại dung nhan, 9h sáng là mình đã có mặt ở nhà nàng. Trưa ăn cơm với gia đình nhạc gia tương lai. 3h chiều mình đã giã biệt nàng, ông bà nhạc, mấy đứa em vợ để trở lại đơn vị. Hẹn gặp lại tuần sau. Có lẽ sức mạnh tình yêu đã cuốn hút mình. Lúc đó, trên quốc lộ 15, đoạn từ Quán Chim, Thái Thiện, cây số 67, sáng sớm hoặc chiều tối, VC thường ra chặn xe đò. Mình vẫn MaKeNo. Chiều chủ nhật, trở lại Vũng Tàu, mình đến phòng trọ các nàng hoặc nhà cô họ anh Ẩn, thay lại bộ quân phục, la cà ngoài đường, chờ đến 11h đêm leo rèo trở lại doanh trại. Mấy anh lính gác cổng cũng biết chuyện leo rào, cảm thông các chiến hữu xa nhà nên cũng du di. Hai chục tuần học, chỉ có hai chủ nhật là mình ở lại với Vũng Tàu. Chủ nhật thứ nhất, hôm đó là ngày bầu cử quốc hội, lệnh cấm trại 100% ban ra. Đố cha ông nào dám lặn về. Chủ nhật thứ nhì, song thân cho phép nàng đi đổi gió Vũng Tàu và ghé thăm chiến sĩ. Sợ thân gái dặm trường, ông bà nhạc cho "cậu 6 nó" theo hộ vệ. Năm đó cậu 6 nó vào đệ thất trung học tỉnh hạt, mình bấm bụng cắn răng mua cây bút máy Pilot tặng cậu 6 nó để lấy lòng em vợ. Mình dẫn nàng và em vợ ra Bãi Dâu ngắm trời mây sóng nước, xem người ta tắm, ăn mấy điã ốc biển. 3h chiều, mình đưa nàng và cậu 6 nó ra xe đò về Biên Hoà, để trong lòng chiến sĩ một nỗi nhớ ngẩn ngơ.

Hai mươi tuần trôi qua, thi mãn khoá xong chờ kết quả để về lại đơn vị. Một chiều tối đầu tháng 10/74, Trương Văn Hai, thiếu úy, SĐ22 hoặc 23 gì đó, đến phòng mình báo tin.

- Mày có tên trong danh sách về HCTC rồi đó. Tao có danh sách anh em về binh chủng cục sở.

Chắc hắn ta có gốc. Hôm đi Trà Vinh , anh Chi,khóa 1/72 có nói

- Tao, Hai, và ba anh em nữa về phòng 5 bộ Tổng tham mưu, vì có bằng cử nhân.

Mình chuẩn bị hành trang để lên đường về đơn vị mới. Mình viết thư gửi về đơn vị giã biệt tiểu đoàn trưởng và anh em.

Mình cầm sự vụ lệnh về trình diện Tổng nha tài chánh và thanh tra quân phí, BQP. Rồi trình diện trường HCTC ở huấn khu Thủ Đức để học khoá 48 căn bản HCTC. Tháo cái huy hiệu con rùa số 4.16 trên vai áo trái, thay vào đó là huy hiệu HCTC. Cây súng trên tay được thay vào cây bút, cảm thấy lòng mình nhẹ nhỏm.

Hôm mùng 6 tết vưà qua, mình có theo các con, cháu đến tắm biển Vũng Tàu. Con đường vào thành phố được thay bằng con đường mới, hai chiều rộng thênh thang, đi thẳng ra bãi sau. Các nhà hàng khách sạn cao tầng mọc lên. Các bãi tắm được quy hoạch với mục đích thu tiền. Ngành công nghiệp không khói. Trường truyền tin ngày xưa thành nơi đầu não cuả ngành dầu khí Việt Nam, nơi ở của chuyên gia. Thành phố đang vươn lên theo sự phát triển cuả đất nước.

Hôm uống càphê với bạn bè, Nghiêm Thái Bình nhắc lại chuyện cũ. Năm đó thầy Thể hướng dẫn đội thể thao cuả trường Ngô Quyền đi cắm trại Vũng tàu và có tổ chức đá bóng giao hữu với đội bóng trung học công lập ở Vũng Tàu (mình quên tên trường). Hiệp 1 bị thua, đội bóng Vũng Tàu thay vào mấy anh lính ĐPQ cao lớn, chung cuộc vẫn thua. Tan trận, thầy Thể dẫn đội bóng Dzọt lẹ vì sợ bị chặn đưỡng "oánh'.Kỷ niệm và kỷ niệm . Vũng Tàu vẫn là Vũng Tàu, thành phố du lịch.

Tháng 3/2011

Đỗ công Luận

VIẾT TIẾP CHUYỆN ANH EM MÌNH

Sau khi xem qua hình ảnh , cũng như video clip mừng sinh nhật HT Phước 334 do Phước và Bá Hùng đưa lên group372 , mình lại có chuyện để viết về anh em mình. Trước hết , xin nói về Lưu Ngọc Sơn. Hôm 3-12, Bá Hùng có cho mình địa chỉ email của Sơn. Hôm sau mình có gửi một điện thư cho Sơn. Đại ý nói đã tìm lại được một số anh em thân thiết ở đại đội 32 cũng như ở Vạn Hạnh. Nếu đọc được thư mình, Sơn hãy cho số cell phone để liên lạc. Mấy hôm sau, mình đang online thì thấy Sơn cũng online, vì mình có vào yahoo messeger. Mình định kêu nó chat thì nó offline. Như vậy Sơn đã đọc được thư mình , nhưng đến nay đã hơn 10 ngày qua nó vẫn không trả lời. Chắc Sơn có điều gì nên không muốn liên lạc với anh em mình? Dù sao , mình vẫn cảm thấy toại nguyện vì biết rằng số anh em học chung ở Vạn Hạnh cũng như những anh em thân thiết 372 vẫn còn hiện diện trên cõi đời này.

Châu thủ kỳ 31 ơi ! Quận 322 ơi ! như vậy Sơn là người sau cùng mà mình cất công tìm đã có kết quả. Hồi đó học chung còn có hai "chị gái " là Diễm và Dương Thị Nhã. Diễm có một vẻ đẹp qúy phái. Ông thầy dạy tiếng tây, người Pháp, do trung tâm văn hoá Pháp đưa sang dạy tụi mình, hay gọi là "cô Dẽm". Dương Thị Nhã thì Quang mập hay kêu là Dương Thị Nhổ. Mỗi lần Nhổ một cái là nó bị đấm một cái . Quang mập vẫn còn ở Biên Hoà. Mình tin mỗi người dều có số phận. Giữa năm 72, khi bọn mình trình diện trung tâm 3 rồi vào Thủ Đức, thì Quang mập được không phi hành "vớt" ra Nha Trang. Học xong khoá Sĩ Quan Không Quân , nó lại được đi học tiếp khoá tổng quản trị. Đến ngày 30-4 , mai vàng chưa nở trên bâu áo nên nó chỉ học tập 3 ngày, rồi cũng đi làm viên chức nhà nước. Tháng 6 -2008 ,Vân 313 về họp mặt anh em Ngô Quyền cùng lớp, nó có tham dự. Hồi trước nó bự con mập mạp, nên giáo sư hướng dẫn lớp cho nó làm trưởng lớp mấy năm. Mình sẽ liên lạc với bạn bè rồi cho hai bạn số cellphone của nó .

Người thứ hai mình muốn nói đến là Nguyễn Ngọc Long, bạn cùng thời, học chung lớp với Long 314. Nó cũng học chung Vạn hạnh với mình, nhưng hồi đó chưa thân thiết lắm. Xong năm thứ nhất, mình tiếp tục lên năm thứ hai. Lúc đó ở Cần Thơ mở thêm ngành cao đẳng sư phạm, học 2 năm. Nó đăng ký theo học vì có người anh đi lính không quân ở Trà Nóc . Mùa hè đỏ lửa 1972, anh em mình bị động viên vì cái tội "lỡ thầy lỡ thợ ". Nó không biết quy chế nên cũng trình diện trung tâm 3.

- Mày còn học 1 năm nữa. Cho mày về học tiếp.

Tháng 12-1972, khi đi chiến dịch ở Thới An Đông, ngày chủ nhật về Cần Thơ chơi , mình tìm gặp nó đang nằm "chèo queo" ôn bài trong căn gác nóng nực ở khu vực sân bóng đá Cần Thơ. Năm 1973 ra trường, nó được điều động về dạy ở Cái Dầu, An Giang , dạy môn sinh vật cho học trò lớp 11. Năm 1976 , nó bất mãn với tay" hiệu trưởng cán bộ "nên làm đơn xin chuyển về Biên Hoà. Cán bộ ký "cái rẹt, nó được chuyển về dạy học ở Tân Vạn. Lúc đó kinh tế khó khăn, dạy học một buổi, một buổi bưng rổ mẹt thuốc tây lậu ra bán đầu chợ Biên Hoà. Năm 1990, nó xin nghỉ dạy, ra mở cơ sở gạch ngói , nuôi hai đứa con học lên đại học. Học trò của nó có đứa bây giờ là bí thư huyện uỷ ở Cần Thơ. Có đứa làm giám đốc.

- Tuần sau em cưới dâu, mời thầy xuống dự .

- Tuần tới họp mặt cựu học sinh, mời thầy xuống nhậu.

- Tao MẤT DẠY lâu rồi .

Thằng con trai nó có ý chí mãnh liệt . Năm cuối lớp 12 , nó tuyên bố con chỉ đi học ở Mỹ , cuối cùng không được con mới học ở Singapore . Lần đầu xin học bổng không được , năm sau tiếp tục nộp đơn, được cấp 85% học phí. Bốn năm học ở Mỹ, nó tốt nghiệp loại ưu , được ba công ty tài chánh ở Mỹ chấp thuận xin việc. Cuối cùng nó nhận làm việc ở San Francisco. Bốn năm học , tiêu tốn của ông già nó hết 1 tỷ vnđ .

Người thứ ba mình muốn nhắc đến là Chú Tàu Giang Hưng. Nó thông minh học giỏi , hồi thi vô Ngô Quyền nó đậu hạng 4. Lúc học luyện thi ở Thầy Hưng , Minh Tân , thầy cho bài tập, nó ngồi tính nhẩm rồi trả lời đáp án. Thầy phục nó luôn. Lên đại học, muốn chắc ăn, nó đăng ký thi vào , và đậu, học cán sự điện Phú Thọ. Hai năm học ,tốt nghiệp rồi cũng bóp cò súng. Nó chạy lên đại học Cao Đài , chạy qua phân khoa giáo dục Vạn Hạnh, vì mấy nơi đó có thi tuyển , được cộng thêm 1 tuổi. Giữa năm 1972 , nó cũng bị "dính chấu " như anh em mình. Khi mình vào Thủ Đức, gắn xong con cá vàng, tìm hết các đại đội, sao không thấy nó đâu? Về phép , anh em nói nó trốn theo tàu buôn sang HồngKông. Việt Nam đâu phải là tổ quốc của nó. Sau 1975 , nó sang định cư ơ Mỹ. Gia đình nó cũng vượt biên sang đó. Nhưng bây giờ nó cũng bị thân bại danh liệt vì cái tội cờ bạc , ham vui .

3h30 phút ngày 13-12 (giờ Việt Nam), mình chợt thức giấc để xem sao băng. Báo chí nói ngày 13-14 tháng 12 là cực đại . Bỗng mình chợt nhớ , bây giờ là 12h30 ngày 12/12 (giờ Mỹ), anh em đang dự sinh nhật ở nhà Phước 334 .Mình bấm máy gọi sang .

- Alo ! Phước hả , Luận ở Biên Hoà đây .

- Luận hả , anh em đang họp mặt vui vẻ. Mày nói chuyện với Kiến .

Phước có nói, Kiến học chung lớp thời trung học. Mình lần lượt nói chuyện với Kiến, Thọ311, Ngọc Trung 323, Vân 313, Diệm 313. Lý Khôn Sơn 322 cũng lên tiếng chào hỏi mình. Vân nói .

- Sang năm tao gả con gái xong mới về Việt Nam. Chắc anh em có dịp họp mặt nữa .

- Long 314 có dự không?

- Nó ở Bắc Cali , cách 4-5 giờ xe nên không xuống được.

Ngọc Trung nói.

- Sắp tới tao sẽ về gặp tụi mày.

- 08/01/2011 là đám cưới con gái Bửu Vân, anh em nội sẽ có mặt đầy đủ .

- Mười sáu tao mới đi , chắc tao sẽ dự .

Mình cảm động quá. Anh em vẫn còn nhớ nhau. Mình xài thẻ điện thoại 1718, 12 phút nói chuyện với anh em tốn 20 ngàn vnđ, bằng hai ly cà phê đá. Tiền bạc mất đi có thể tìm lại được. Tình cảm anh em mất mát là một thiệt thòi lớn, không gì bù đắp. Sau bài viết về quê hương Biên Hoà, lần đầu tiên mình tiếp xúc với Phước. Tình cảm của người anh em xa xứ dành cho mình rất là nồng thắm, phong cách xử sự rất chân tình cởi mở , dù người anh em đã một thời khoát lên người bộ quần áo rằn ri. Có sống trong gian lao khổ cực mình mới hiểu nhau .

Qua video clip do Bá Hùng đưa lên , mình thấy anh em vẫn vui vẻ , hồn nhiên , mày tao ơi ới ! Lại có quý phu nhân . Một gia đình 372 thu nhỏ đang có mặt ở nhà Phước .

Thọ ơi ! Tao thấy có một quý phu nhân mặc áo màu sậm , cổ viền đen , cột tóc đuôi gà , có phải em Mai của mày không ? bốn mươi năm rồi tao không có gặp mấy em : Lộc, Mai , Nga .... Nữ , em Mỹ , thì tao có gặp vài lần lúc còn ở Việt Nam.

Kiến ơi ! tao thấy mày vẫn năng động, quậy quá như ngày xưa. Mày là cây đinh của buổi họp mặt. Hồi đó mày ngầu lắm. Lưng quần xệ xệ, tay áo săng cao, tướng mày ốm , mắt lồ lộ, trông rất bậm trợn. Hút thuốc lá nhiều , hay chửi thề. Mày ở bến Phạm Thế Hiển quận 8, chớ phải dân Bến Tre đâu? (compris?). Nhưng bản chất mày hiền, vui vẻ, hoà đồng với anh em. Đó là liều thuốc quý, giúp anh em mình thọ đến nay. Sao mày không kể cho anh em nghe hồi đó mày có dự trận An Điền, Rạch Bắp, Bến Cát , theo chân mấy anh em đại đội trinh sát sư đoàn 5 vào cấm cờ để được quay phim đưa lên đài truyền hình. Bây giờ mày về Gò Đậu, không có đậu để cho mày nhổ nữa đâu. Tụi tao nhổ hết rồi. Chỉ có nhà cao tầng san sát , làm sao bứng nổi? Có điều tao buồn là thời đại bây giờ mà mày không chịu học sử dụng Computer. Hôm Tươi đưa tao lên group, còn giới thiệu tao không biết xài computer. Tao mượn đứa cháu làm trợ thủ, dạy tao học sử dụng để đọc thư của anh em . Mấy bài tao viết gửi lên group mày có đọc hết chưa? Tao ráng sống đến tháng 7 năm sau để gặp mày như mày đã hứa .

Một ngày vui vẻ đã qua. Một ngày vui vẻ khác lại đến. Đám cưới con gái Bửu Vân , họp mặt cuối năm ở nhà Thọ.

Vân 313 ơi ! Thọ 311 ơi ! Tao đề nghị tụi mày mời anh em Ngô Quyền ở vùng lân cận đến dự cho vui. Thằng Ngãi, Hạnh... Cũng là 5-72 Thủ Đức. Hồng Phước cũng là 72 SQ không quân. Nếu Long 314 dự được thì rủ Dũng con theo. Nó cũng là 71 Thủ Đức. Cách đây mấy hôm , tao, Tươi có uống cà phê với Nghiêm Thái Bình, nó cũng là 1-72 Thủ Đức , nó cũng nhắc anh em mình luôn. Bốn bể đều là một nhà. Bây giờ , khoa học kỹ thuật giúp anh em mình xích lại gần nhau. Năm 1969 , khi phi thuyền APPOLO đổ bộ lên mặt trăng, mình ngồi ở nhà xem trực tiếp. Bây giờ , anh em tải hình ảnh lên group là mình xem được ngay . 24 năm sau , tao mới thấy hình ảnh sinh động của mày đó Kiến ơi !

Anh em mình may mắn còn sống đến nay để chia sẽ niềm vui, nỗi buồn với nhau. Có những anh em đã ngủ yên giữa lòng đất mẹ. Thôi tụi mày hãy ngủ yên. Dù sao, đời vẫn còn nhắc đến tên tụi mày. Anh em mình hãy suy tư một chút để nghĩ đến những người anh em chết trẻ. Tụi nó cũng may mắn lắm chứ? Vì không còn được sống trong cõi đời đầy bận rộn và phiền toái nà .

Chúc sức khoẻ anh em .

BH, ngày 17/12/2010

Đỗ Công Luận

NHẮC KỶ NIỆM VỚI LÂM VĂN SƠN

Đêm nay, sau khi đọc xong email của các bạn, nhất là của Nguyễn Thiện Đức, bấm đốt tay tính lại, mình vào diễn đàn với anh em nay tròn 5 tháng. Từ những ngày đầu lạ lẫm, lần lần tiếp xúc với anh em mình cảm thấy thích thú. Nói chung, anh em chúng ta cùng một lứa tuổi, cùng một hoàn cảnh như nhau. Lần đầu tiên họp mặt với anh em còn ở lại Việt Nam, khi Trịnh Quan về Sài Gòn, này Thuận bđ, Thái Huỳnh, Hùng cận, Hồ Liệu, Bền , Nghiêm ,Vân , Tươi , Thụ , …. Mình cảm thấy anh em rất nhiệt tình và cới mở. Một ấn tượng tốt đẹp ẩn hiện trong tâm trí của mình .

Sau hơn ba mươi mấy năm anh em ta làm việc miệt mài để lo cho cuộc sống gia đình, bản thân, bây giờ anh em ta có chút thảnh thơi để suy ngẫm lại cuộc đời. Diễn đàn của chúng ta là môi trường tốt nhất để mình bộc bạch với anh em tất cả nổi niềm sau bao năm nằm sâu lắng nơi trái tim. Kỷ niệm ngủ sâu trong ký ức, có điều kiện nó thức dậy. Vì vậy mình thích viết bài để tâm sự cùng các bạn. Và hôm nay mình gửi đến các bạn những kỷ niệm với một người bạn. Lâm Văn Sơn 334.

Mình và Sơn ở cùng chung một xã, hai xóm cách nhau mấy trăm mét. Mình ở xóm chợ, ngay ngã tư Chợ Đồn. Nó ở xóm chùa Đạo Cao Đài. Dòng họ nó gốc Cao Đài Tây Ninh. Em gái cô cậu với mình là vợ của em chú bác với nó, nên mấy đứa cháu kêu mình bằng cậu, kêu nó bằng bác, cùng họ Lâm. Thời trung học mình học trung học công lập Ngô Quyền, nó học trung học tư thục Khiết Tâm. Lên đại học, cả hai đứa cùng học Vạn Hạnh, nó ban kinh tế, mình ban thương mại. Hai năm đại học, mình ở trọ Sài Gòn, mỗi tuần về một lần. Nó siêng hơn, ngày đi về hai lượt bằng chiếc SS50 đời 66. Đi quân sự học đường, hai đứa cùng chung tiểu đội. Chiều thứ bảy về phép, từ Quang Trung hai đứa đón xe đò ra Hàng Xanh, rồi đón xe lô về Tam Hiệp, xuống xe ở cây xăng Sáu Sử, Biên Hùng. Hơn 8h tối, hai đứa lội bộ từ ngà năm Biên Hùng về Chợ Đồn, gần 2km. Hai đứa vừa đi vừa kể chuyện, qua cầu Rạch Cát, Cầu Gành, gió sông lành lạnh thổi lên. Ngày nhập ngủ, hai đứa trình diện ở trại Hoa Lư, trung tâm nhập ngủ Biên Hoà, gần nhà Tươi, rồi được đưa lên trung tâm 3 ở Quang Trung. Mình số quân 71/142253, nó số 71/142254. Trong lúc chờ vào trường bộ binh Thủ Đức, được phép về thăm nhà, hai đứa cũng lội bộ từ Biên Hùng về đến nhà gần 10h đêm. Vào Thủ Đức, mình ở đại đội 32, nó đại đội 33. Những giờ phút tối được nghĩ ngơi hai đứa qua lại với nhau để tâm sự. Lúc tiếp tân , hai gia đình ngồi chung chiếc poncho ăn uống vui vẻ. Đi chiến dịch, nó ở vùng Thất Sơn, Châu Đốc mây mù gió núi, mình ở vùng sông nước Ô Môn. Tánh nó lì lợm, mấy ngày tết năm 1973, nó xung phong đi tiền đồn, rồi lặn theo ngã cầu Bến Nọc, ra xa lộ đón xe về nhà ăn tết.

Ngày mãn khoá ra đơn vị, nó về không phi hành, học khoá HCTC , rồi ra phục vụ ở SĐ6 KQ, PlâyKu. Mình về tiểu khu Vĩnh Bình, bóp cò súng liên tục, rồi cũng về khóa 48 HCTC đến tan hàng. Sau ngày 30/04/75 hai đứa gặp nhau thường xuyên để tâm sự, rồi ngày 25/06 hai đứa dắt tay nhau vào tù Phú Lợi. Nó ở tổ 1, hoặc 2 gì đó, gồm toàn mấy tay không quân. Mình ở tổ 9 gồm toàn mấy tay bộ binh bóp cò súng. Những đêm ở trại, hai đứa thường ra gốc cây bã đậu kể lể cuộc đời chó má hẩm hiu. Ngày chia trại, nó đi tuốt lên Bù Gia Mập, để đốn chặt lồ ô. Mình lên Trảng Lớn cuốc đất trồng rau. Mình học giỏi hơn nên tháng 4/77 về sum họp gia đình gặp mặt vợ con. Nó học dở nên cuối năm 81 mới về, sau đó cưới vợ. Khi có chuyện đi HO , cả hai cùng nộp đơn, mình không đủ 3 năm nên đành chịu. Nó hơn 3 năm nên tiếp tục lo dịch vụ để lên danh sách HO 13 hay 15 gì đó.Khoảng năm 1993, trước ngày xuất cảnh mấy hôm , nó mời mình đến dự tiệc chia tay. Mình chạy lên xí nghiệp gốm, kéo Quang mập đến chung vui với nó. Chia tay mày tao uống một bữa say mềm. Hôm về thọ tang mẹ , nó nói ở Texas, cuộc sống ổn định, mới mua nhà trả góp nên hai vợ chồng phải cày. Hai đứa con trai, một đứa tốt nghiệp kỹ sư, một đứa chuẩn bị ra trường nghành kiến trúc. Về xã tang mẹ, theo đạo Cao đài là 500 ngày, nó có đến thăm cha mình. Anh em ngồi kể chuyện với nhau, lúc đó mình chưa vào forum. Lúc mình đưa tin nó lên diễn đàn, hôm sau Bá Hùng báo tin đã nói chuyện với nó và cho số điện thoại. Mình gọi sang không liên lạc được .

Tối nay, gặp anh vợ nó ngoài đường mình hỏi thăm.

- Bây giờ hơn 21h là 6h sáng bên đó, mày gọi cho nó được rồi .

21h30 , mình gọi sang. Máy reo không người bắt máy. Mình gọi lại lần thứ 2, vợ nó bắt máy.

- Có phải số máy của Sơn mọi không? (vì nó đen như Miên ), tôi là Luận ở Chợ Đồn, chị cho tôi gặp Sơn .

Vợ nó mừng rỡ.

- Anh ơi anh, có anh Luận nè.

- Mày lúc này làm ăn thế nào? Bác ba có khoẻ không?

- Tao lúc này làm một buổi, một buổi liên lạc với anh em. Ba tao 95 tuổi còn khoẻ, ăn uống bình thường. Mày có vào forum khoá 3.72 chưa ?

- Hôm trước có Bá Hùng ở đại đội mày có gọi sang. Cách đây mấy hôm, Hoàng Trọng Ý có gọi nói chuyện.

- Nó chung trung đội mày. Phạm Hoàng Điệp 333 cũng mới vào forum. Nó ở gần mày.

- Không, tao 334. Tụi nó ở CaLi gọi sang rủ đi họp mặt hoài. Tao ở Dallas, Texas . Hôm trước năm Hạnh sang đây, bảy Đặng , chung tù Phú Lợi, có dẫn lại nhà tao mà tao không gặp được. Vợ chồng tao còn phải cày, từ từ rồi tính. Mấy đứa qua 75 hoặc 80 thì bây giờ khoẻ. Mày cho tao số phone hôm nào tao gọi cho mày.

Trong lúc mình gõ thư này cho các bạn, nó gọi cho mình, anh em nói chuyện 32 phút. Mình cũng đề nghị có điều kiện thì vào forum để gặp lại anh em. Nó nói đã liên lạc được với Kim Trọng 34, cùng đơn vị với nó ở SĐ6 KQ, tan hàng ở Phan Rang. Vậy mà Kim Trọng kín đáo quá không cho mình biết.

Mỗi đứa có một hoàn cảnh riếng . Nhưng rồi cũng lần lượt quay về tổ ấm 372 mà thôi . Dịp sau mày về Việt Nam , anh em sẽ nói chuyện nhiều hơn. Mày chuyên uống đế, tửu lượng rất cao. Mày ghiền nặng càphê tại vì hồi đó mày ở PlâyKu "... phố núi cao, phố núi mù sương ..." . Tao chờ đợi mày .

Bạn Phước 334 ơi ! bạn có nhớ quán nem nướng Hồng Hoa không? đối diện quán Hồng Hoa, bên kia đường, cạnh trường học có cái hẻm lớn. Nhà Sơn đi vào hẻm đó, phía sau trường học. Mình nhắc đến bạn, nó nhớ vì cùng chung 334 và chú sáu Thuận. Nếu nó đồng thuận , mình sẽ giới thiệu nó vào 372 để vui vẻ với anh em.

Hôm trước Tết vừa qua, nó về Chợ Đồn chơi, sau Tết mới về Dallas, ở hơn 3 tháng. Cuộc sống nó giờ thoải mái. Hai đứa con đã tốt nghiệp, đã đi làm. Nó vừa đổi cái nhà lớn hơn, cách đó vài cây số. Hai anh em lại có cơ hội tâm sự nhiều hơn, bỏ đi ngày tháng gian lao, cơ cực. Những kỷ niệm bạn bè gắn bó nhau từ thuở tóc xanh đến đầu bạc làm sao quên được. Tình cảm anh em mới trường tồn, vĩnh cửu. Phương tiện truyền thông mở rộng, anh em liên lạc thường xuyên hơn. Sống ở đâu cũng đáng sống, tình cảm bạn bè không bao giờ lạt phai. Kỷ niệm vẫn là kỷ niệm, vẫn mãi mãi sống trong ta.

Đỗ Công Luận

Honda SS 50 đời 66 và Lâm Văn Sơn

Chiếc xe nầy có nhiều kỷ niệm. Hai năm đại học, Lâm Văn Sơn đi về, SG-BH, bằng chiếc xe nầy. Hôm nào học 2 buổi thì ghé chỗ mình ở trọ ngủ trưa. Kỳ trước nó về, thằng cháu dọn dẹp ngon lành, hai đứa đi vòng vòng BH. Nó chở bà xã về Tây Ninh bằng xe nầy. Một thời kỷ niệm. Tri kỷ tri âm là đây. Hướng bờ sông là bãi đá hàn, nhìn về Cầu Gành. Về chơi 10 tuần. Máy bị yếu pin nên chỉ chụp một tấm, không vừa ý lắm. Mai mốt chụp nửa. Học chung đại học. Vào quân đội cùng ngày. Vô trại cùng bửa. Nhà cùng xóm. Kỷ niệm thì chết mang theo. 2 đứa con nó thành danh nơi xứ người. Giờ phẻ. Kiến, Hạnh ơi, mầy chuyển ảnh cho Kim Trọng dùm. Tao không có email. ĐCL