Tường Thuật 1

- VUI BÊN KỶ NIỆM MỘT THỜI VẤN VƯƠNG

- NGÀY ĐẦU TIÊN CỦA NĂM

- NGÀY CUỐI CỦA NĂM

- GẶP LẠI " DŨNG CỤC XƯƠNG"

- HỌP MẶT CUỐI NĂM VỚI LÝ KHÔN SƠN 322

- "MINH TÂN" THẦY CŨ, TRÒ XƯA

VUI BÊN KỶ NIỆM MỘT THỜI VẤN VƯƠNG

Những ngày qua thời tiết ở Miền Nam cũng như ở Biên Hòa hơi xấu, mưa nhiều, nắng mưa xen kẻ. Hôm qua, chủ nhật, 15 giờ tôi đã lên trông coi cửa hàng cho con gái, mặc dù có những cụm mây đen kéo đến. Gần 16 giờ, Phạm thanh Thừa điện thoại cho tôi.

-Dũng con về Biên Hòa chơi, mời anh em họp mặt ở quán hải sản dưới chân cầu Gành, mày đến dự với bạn bè.

-Kẹt rồi, tao đang ở Tân Mai, không về được, đang coi cửa hàng cho con gái.

-Ừ, ráng cố gắng.

Vì con gái lớn của tôi vừa sanh cháu trai, còn trong tháng, nên tôi phải trực tiếp trông nôm cửa hàng cho đến lúc cháu ra tháng. Ba đứa con gái, bốn đứa cháu ngoại trai, một cháu ngoại gái, nên tôi hơi bận rộn. Hồi trước lo cho con, bây giờ lo cho cháu, nhưng có niềm vui. Ai như Dũng cục xương giờ còn phải nuôi con mọn, 70 tuổi mới có cháu ẩm bồng.

Một lát sau, Tô Minh Quang, Quang mập, điện thoại cho tôi.

-Anh em mời họp mặt với Dũng con, hai cái chân của tao bị sưng, đau nhức, chắc đi không được.

-Để tao nối máy cho mầy nói chuyện với Dũng con.

Quang mập rất nhiệt tình với anh em, nhưng nay sức khỏe không cho phép.

Sau buổi họp mặt ở Bắc Cali một vài hôm, Dũng cục xương có chuyển cho tôi mấy tấm hình gặp gở với bạn bè khóa 8 NQ mà lần đầu tiên anh chàng gặp lại sau mấy mươi năm rời xa trường Ngô Quyền. Tôi mail hỏi lại.

-Sao tao thấy Dũng con nay mập quá, so với tháng 10 năm vừa qua? Mày có nghe nói chừng nào nó về Biên Hòa?

Năm 2011, vài ngày sau khi Đinh Hoàng Vân và Tiêu Hồng Phước về lại Long Beach, Dũng con có về Biên Hòa gặp bạn bè. Sau buổi tối gặp mặt ở quán hải sản dưới chân cầu sắt, trưa hôm sau bạn bè tổ chức chiêu đãi bạn hiền ở nhà Tâm nhủi, Ngô Hồng Tâm, và có Nguyễn Tấn Lực ở Thủ Đức, Lê Xuân Sang ở Lái Thiêu về dự.Nguyễn văn Thành Lân, anh chàng cao khều nhất lớp, từ ngã ba Vũng Tàu, lần đầu về họp mặt với bạn bè.

Năm 2010, anh em gặp nhau ở quán đặc sản dưới chân núi Châu Thới, vịt ta làm 3 món. Kể cho Thọ Huỳnh Hiệp nghe, anh chàng tiếc cùi cụi.

Năm 2009, anh em có gặp gở Dũng con ở tư gia Tâm nhủi, có cả Thảo lùn.

Hôm sau, Dũng cục xương mail lại cho tôi.

-Nó đi bán phở, nên phải mang thùng nước lèo theo. Tháng 9 tới, nó về gặp tụi mầy.

Bạn bè còn gặp nhau, còn đến được với nhau, tức là còn sức khỏe. Xin ông trời hãy phù hộ cho bạn bè tôi để mọi người còn cơ hội gặp nhau.

Sáng nay tôi điện thoại cho Chiếu và Tâm nhủi hỏi thăm tình hình " ăn nhậu" chiều qua. Lỡ rồi, vì đã mang tiếng, chỉ nghe anh Luận kể chuyện ăn nhậu không hà. Nam vô tửu, như kỳ vô phong. Có bia bọt thì mới mạnh ăn, mạnh nói, dù sức tôi chỉ vật nổi 2 con cọp Tiger. Anh em hẹn nhau buổi sáng tâm tình ở cà-phê Lộc Vừng. Tôi điện thoại cho Lê Xuân Sang, đang làm rể ở Lái Thiêu, anh chàng trả lời, "lúc nầy heo bệnh nhiều quá, cố gắng gặp anh em sau trung thu". Nguyễn ngọc Long thì cho hay, " tao đang đi lấy tiền gạch ngói ở Châu Đốc".

9 giờ sáng, tôi gọi cho Chiếu.

-Tao và nó đang ngồi ở quán đây nè, có Hòa Vũ, Vũ Trung Hòa nửa.

Rồi bạn bè lần lượt đến gặp gở, dù trời đang lất phất mưa dầm tháng tám.Trần Văn Thông, Nguyễn Minh Tâm, Tâm khỉ, Ngô Hồng Tâm, Tâm nhủi, Huỳnh Văn Huê. Phạm Thanh Thừa đến sau cùng. Bạn bè bắt tay nhau, kể chuyện nhau nghe trong cái se lạnh của những ngày mưa bảo. Dũng con kể về chuyện gặp lại Phạm Văn Đạo chiều qua, nhờ cái bắt tay.

-Tao không ngờ nó ở Thủ Đức cùng chung đại đội với tao. Hồi học trong lớp, tao biết ngón tay trỏ nó bị mất hai lóng, nghĩ rằng nó không phải bị bóp cò. Hôm qua bắt tay nó, thấy mất mấy lóng tay, hỏi lại...à, ra thế.

Hồi trước, sau khi chúng tôi nhập học đệ thất thì Dũng con từ Quảng Ngãi chuyển trường về chung lớp thất 3. Năm sau, tôi, Đạo, Tâm khỉ chuyễn qua lục 1. Đến năm sau đệ tứ, Đạo chuyển ra học trường ngoài, bọn chúng tôi gặp nhau lại ở lớp tam B3. Dũng con và Đạo học chung không đầy một năm ở lớp đệ thất. Những con chim sau bao năm trời mỏi cánh, lại theo tổ ấm quay về.Anh em nhắc nhở nhau về những bạn bè ở phương xa. Đỗ Đăng Côn, Hoàng thế Ưu...đã xanh mộ nơi xứ người. Nguyễn Trương Hoàng đã đi xa không để lại xác thân trong những ngày cuối cùng của chiến tranh, may mắn còn lại giọt máu tình thâm cho đời. Nguyễn Hữu Đức lúc đầu ở Bắc Cali, rất nhiệt tình giúp đỡ anh em khi mới sang định cư, bị Giang Hưng chơi cho một vố. Tâm khỉ có qua gặp Hồng Trọng đôi lần ở nơi xa xôi của Texas. Tâm khỉ cho tôi số phone để nối máy với Hồng Trọng, có lẽ bị sai số nên không liên lạc được. Thảo lùn, Nguyễn thanh Liêm, Nguyễn Long Vân...một vài năm nay không liên lạc được. Nguyễn Hiền Nhi mất ở Biên Hòa cách nay vài năm, bạn bè có viếng tang. Nguyễn Gia Học, Đỗ Đăng Côn, từ Long Khánh chuyển về.

-Tao nhớ hồi đó nó mặc cái quần xệ xệ, ngầu lắm.

-Sau 75, nó ghé nhà tao nhậu hoài.

Kỳ lùn, bế quan, không gặp gở bạn bè. Võ hà Mỹ, chỉ liên lạc được qua email và điện thoại, duy nhất một lần gặp gở tôi và Tâm nhủi ở Sài Gòn ba mươi năm sau. Bạn bè ơi, nhớ quá.

Dũng con nhắc lại, kỳ họp mặt Ngô Quyền năm 1995 ở Bắc Cali, Trần Hữu Phúc đưa thầy hiệu trưởng Phạm Đức Bảo sang nghĩ ở nhà nó. Đêm đó nó hỏi thầy.

-Con là cháu ông Viễn, bạn thầy. Hồi đó thầy quất con 10 roi ở sân trường, đau điếng, thầy có nhớ không?.

-Học trò bị thầy quất nhiều quá, làm sao thầy nhớ hết.

Hai thầy trò cùng cười.

Anh em nối máy để nói chuyện với Nguyễn Tấn Lực đang trên công trình ở Thủ Đức. Phan Thanh Bình đang chở khách ở Sài Gòn. Bạn bè hứa 3 tuần sau sẽ về gặp gở nhau. Sài Gòn-Biên Hòa, sao mà xa vời vợi.

11 giờ sáng thứ hai ở Biên Hòa, 21 giờ đêm ở Cali, tôi nối máy với Huỳnh Hữu Thọ, Thọ Huỳnh Hiệp vừa đi xả stess với bạn bè khóa 3.72 TĐ, về đến nhà. Anh em cười nói huyên thiêng, và cả hờn trách. Nhà sách Huỳnh Hiệp ở Biên Hòa đã bị xóa tên nên Thọ Huỳnh Hiệp chẳng còn gì để nhớ Biên Hòa. Còn chớ. Còn chợ Biên Hòa, dù đã có nhiều thay đổi. Còn công viên Cầu Mát, nhà thủy tạ vẫn còn nguyên vẹn, là nhân chứng cho bao cuộc tình học trò. Và còn bạn bè, còn kỷ niệm hằn in trong tâm trí. Cố gắng nhé, Thọ ơi.

Gần 12 giờ trưa, anh em tạm chia tay. Vì Dũng con hứa sau khi đi công việc về, tuần sau sẽ trở lại gặp bạn bè để " lai rai" lần nửa. Có lẽ Dũng con sẽ lùi chuyến bay về 10 ngày nửa để sau trung thu sẽ dự họp mặt bạn bè khóa 8 NQ. Ừ, cố gắng Dũng nhé.

Hiện tại, thập kỷ thứ nhì của thế kỷ 21, khoa học kỷ thuật đã tiến bộ vượt bậc so với thời kỳ bạn bè ta mài ghế nhà trường. Một cái click chuột, một tiếng a-lô, bạn bè tìm đến nhau dù cách xa nửa vòng trái đất. Kỷ niệm một thời vương vấn đã thôi thúc chúng ta quay về tìm đến nhau. Sau cái vòng tròn của 60 năm cuộc đời, trước khi về với đất, mây ngàn, gió núi trời xanh, lại có những cuộc gặp gỡ, họp mặt nhau để mà hoài niệm. Rồi sẽ có những chiếc ghế bỏ trống. Tiếng cười vui, niềm thương tiếc sẽ hòa quyện vào nhau cho đến cuối con đường của kiếp nhân sinh. Hãy đến với nhau, bè bạn của tôi ơi.

Vui lên, những bạn bè thân.

Ngày mai, còn biết có lần gặp nhau....

Biên Hòa, cuối ngày 17/9/2012

Đỗ Công Luận

luando11251@yahoo.com.vn

0913108875

NGÀY ĐẦU TIÊN CỦA NĂM

Hôm nay là ngày đầu tiên của năm Tân Mão.Tết Nguyên Đán. Hơn 6h sáng, cái xóm lao động quanh nhà mình lại tĩnh lặng lạ thường. Thường ngày,3h sáng, chị Bảy đã đưa cái xe đẩy lộc cộc ra chợ bán bún riêu cho người lao động.Hơn 5h, đã nghe tiếng xe máy của các cháu thanh niên công nhân đi làm việc sớm. Tiếng lao xao của các em học sinh cắp sách đến trường. Hôm nay nhà nhà còn ngủ. Nếu thức giấc rồi, họ cũng chưa vội mở cửa, đang làm mâm cổ để cúng ông bà.Lần lượt, các chị lớn tuổi, các cháu gái tuổi xuân phơi phới đang trở về nhà, trên tay cầm cây nhang to cháy dở, cành lộc xuân tươi thắm. Họ đã đi viếng chùa từ rất sớm, cầu mong mưa thuận gió hoà, gia đạo an khang, việc làm ăn tấn tài tấn lộc.

Nhà mình cũng vậy. Như thông lệ thường ngày, sau khi thức giấc, mình thắp nhang cúng nước trên các trang thờ, rồi bật ti vi để xem tin tức. 5h30 am, tin tức của đài Đồng Nai. 6h am, tin tức của kênh VTV. Các phóng viên đưa tin về đêm Giao thừa, việc bắn pháo hoa của các địa phương. Vừa xem, vừa nhâm nhi ly cà-phê buổi sáng. Sung sướng cuộc đời. Sau đó mình lên mạng xem điện thư của anh em. Có tin nhắn cho mình.

NĂM MỚI , CHÚC SỨC KHOẺ BẠN VÀ GIA ĐÌNH NHIỀU MAY MẮN.

Mình thấy số lạ, bấm máy hỏi.

- Alo, xin lỗi số máy của ai.

- Tao đây, Bền đây, trại bò sữa đây. Chúc mừng năm mới đến gia đình mày. Mày cho tao số phone của Tươi.

-Năm mới chúc gia đình bạn an khang thịnh vượng. Tao sẽ nhắn tin qua cho mày.

Một lát sau có tin nhắn của Thái Huỳnh.

CHÚC MỪNG NĂM MỚI , MỌI ĐIỀU AN LÀNH MAY MẮN.

- Thái Huỳnh hả, năm mới chúc sức khoẻ gia đình bạn an khang thịnh vượng. Bạn đang làm gì đó?

- Đang chuẩn bị dạo phố mùa xuân cùng vợ con.

- Ừ, hẹn gặp lại nhé.

Rồi có tin nhắn của Tươi.

CHÚC MỪNG NĂM MỚI, SỨC KHOẺ SUNG MÃN, HẠNH PHÚC TRÀN TRỀ MÃI TRONG NĂM.

- Tươi hả, chúc mừng năm mới, gia đình vui vẻ hạnh phúc. Mấy lần họp mặt, anh em nhắc đến mày nhiều lắm.

- Tao gửi tin nhắn cho cả chục đứa, chắc có mày mới nhận được. Hôm nay đầu năm, có lẽ mạng bị nghẽn.

Rồi có tin nhắn của Chiếu, bạn trung học Ngô Quyền.

CHÚC MỪNG NĂM MỚI, 5H PM MÙNG 2 TẾT, HỌP MẶT Ở NHÀ TẠ NGUYỆT ÁNH.

Mình gọi cho Trung Thuận để chúc tết, máy ò í e. Chắc đang vui chơi với cháu ngoại nữa rồi.

Mình bấm máy gọi Nguyễn Ngọc Long rủ đi uống cà-phê đầu năm. Máy không liên lạc được. Mình gọi số máy nhà, vợ nó bắt máy.

- Chào chị, chúc mừng năm mới, chúc sức khoẻ gia đình. Chị cho tôi gặp anh Long.

- Ảnh đang thăm mả bà già. Cảm ơn anh, mẹ con tôi đang chuẩn bị để về Thốt Nốt. Anh ấy vào tôi sẽ nói lại.

Gần 9h am, 6h pm ngày 30 tết ở Mỹ, mình gọi sang Cali cho Lạc.

- Lạc hả, Luận đây. Bây giờ là 9h am ngày mùng 1 tết ở Việt Nam . Chúc

sức khoẻ gia đình mày, chúc an khang thịnh vượng. Hồi 22h đêm qua , sau khi nói chuyện với Thọ Huỳnh Hiệp, tao có gọi mày nhưng không liên lạc được.

- Tao thấy có cuộc gọi lỡ, không biết của ai. Tao cũng vậy,gia đình tao gửi lời

chúc mừng năm mới gia đình mày. 6h pm , đưa bà xã đi làm xong , tao sẽ gọi cho Kiến.

_Ừ, khoảng 12h trưa, tao sẽ gọi cho nó.

Một lúc sau, anh sui trai và cháu họ, nhà gần bên sang chúc tết. An vị quanh chiếc bàn dài, uống ngụm trà nóng đầu năm, sui gia bắt đầu hỏi chuyện. Chuyện làm ăn, chuyện gia đình, chuyện con cháu năm vừa qua.

- Xin phép anh, cho tôi đốt nén nhang tưởng nhớ ông bà. Năm mới chúc gia đình anh phát tài phát lộc. Gia đình hạnh phúc vui vẻ cả năm.

-Tôi cũng vậy, chúc gia đình anh an khang thịnh vượng, gặp nhiều điều may mắn trong năm.

Đó là tục lệ của ông cha mình, nét đẹp văn hoá Việt Nam. Dù sui gia ở sát bên nhau, gặp nhau hằng ngày, nhưng ngày tết vẫn đến nhau với những lời chúc tốt lành.

Rồi gia đình 2 đứa con gái cũng đến mừng tuổi cha, với bao lì xì cầu lộc. Gia đình cháu gái lớn mùng 1 đã du xuân ở Phan Thiết, hẹn ngày mùng 4 viếng cha.

- Hai con chúc ba mạnh khoẻ, sống lâu 100 tuổi như nội.

- Con chúc ông ngoại phát lộc phát tài, vui vẻ với cháu con quanh năm.

Niềm hạnh phúc nhất trong năm.

Sau đó mình bắt đầu xuất hành, đến mừng tuổi cha, đang ở nhà từ đường với đứa em trai út và mấy đứa em gái. Bà chị thứ năm và hai đứa con gái mình đã đến chúc tết ông nội trước. Mình đến với cha cũng như mấy đứa con đã đến với mình.

- Năm mới con đến mừng tuổi ba, chúc ba sống lâu 100 tuổi. Con gửi ba bao lì xì để lấy lộc đầu năm, vui vẻ với con cháu.

Hai đứa con của chị ba mình, đã gửi tiền lì xì cho ông ngoại 100 usd, năm nào cũng vậy. Tết năm vừa qua, đứa em gái của mình dùng tiền lì xì của cha mua cho ông cụ 3 chỉ vàng. Thỉnh thoảng ông cụ đem ra ngắm nghía. Niềm vui của tuổi già.

Mình đến cửa hàng vàng bạc, phụ đứa con gái út trông chừng cửa tiệm, vì gia đình đã về quê để mừng tuổi bà ngoại. Ngày tết, cửa hàng vàng bạc vẫn mở cửa , khách ra vào đông hơn ngày thường. Có người tin tưởng, đầu năm mua vào, ít vài phân, nhiều vài chỉ vàng, để rước lộc về nhà, suốt năm tiền vô như nước. Mấy chàng thanh niên gặp vận xui đầu năm, đem cà rá dây chuyền đi cầm để gỡ gạc. Dù sao lãi suất cũng rẻ hơn là vay nóng ở sòng bạc. Nửa tiếng đồng hồ sau, vận may đến, thắng lớn, lại đem tiền đến chuộc.

Kế bên cửa hàng là gia đình bạn Xỉnh, con chú Xỉnh Phò, gia đình làm heo truyền thống ở Chợ Đồn. Năm nay bạn ấy làm sui với bà chị thứ năm của mình. Đoàn lân đã đến trước nhà, chuẩn bị múa lân chúc tết. Theo truyền thống người Hoa, mùng một tết họ mời đoàn lân đến chúc phúc, cầu mong một năm làm ăn suôn sẽ, thuận buồm xuôi gió. Sau đó là hỗ trợ kinh phí cho hội đoàn. Đây là đoàn lân của xóm lò heo Biên Hoà, nơi toạ lạc của đền thờ đức ông Trần Thượng Xuyên. Đầu tiên là múa trống. Năm chiếc trống đặt giữa sân, đánh gõ theo nhịp điệu bài bản. Kế đến là múa lân, do hai người điều khiển, biểu diễn trên giàn sắt cao gọi là Mai Hoa Thung. Các võ sinh từ 15 đến 20 tuổi, đều được đào tạo, tập luyện công phu. Khách qua đường dừng lại để xem, thích thú nhất là các cháu nhỏ. Có cháu có thể là lần đầu được xem. Vì mỗi năm chỉ có một lần. Biểu diễn xong, con lân cắn cành hoa vào cắm trong nhà gia chủ gọi là cho LỘC.

Tiếp đến là đoàn lân thứ hai của PHỤNG SƠN TỰ, chùa Hoa toạ lạc gần rạp hát LiDo. Đây là hội đoàn của THẤT PHỦ CỔ MIẾU, tức chùa Ông ở Cù Lao Phố. Đoàn này được đầu tư thiết bị nhiều hơn, tập luyên công phu hơn.Có cả dàn âm thanh điện để phụ trợ phần biểu diễn cho sôi động. Đầu tiên cũng múa trống, kế đến là biểu diễn Mai Hoa Thung. Tiếp đến dàn loa nhạc trổi lên để chuẩn bị cho bài múa Rồng. Con rồng bằng vải lụa, dài gần 10m, do khoảng 10 võ sinh điều khiển, nhảy múa theo điệu nhạc. Võ nhạc. Sau cùng là phần biểu diễn võ thuật, khí công. Các võ sinh nhỏ tuổi biểu diễn các bài quyền trước tiên. Màn biểu diễn võ thuật, song quyền, song kiếm mà ta thường thấy trong các phim kiếm hiệp. Tiếp đến là màn biểu diễn nội công, tay không chặt gạch. Sau cùng màn trình diễn khí công, phần này do các võ sư tập luyện lâu năm, nội công thâm hậu mới biểu diễn được. Năm ngọn giáo sắt nhọn đâm vào cổ họng. Một chồng gạch thẻ đặt trên đỉnh đầu, dùng búa tạ đập lên. Màn công phu nhất, nằm trên bàn đinh nhọn, một tảng đá xanh đặt lên ngực. Một võ sinh khác nằm chồng lên, lại có một tảng đá xanh đặt tiếp lên ngực. Ba võ sinh khác cầm búa tạ đập lên cho đến khi tảng đá vỡ đôi. Khách tham quan võ tay tán thưởng. Phần trình diễn của hai đoàn lân kết thúc, trả lại không khí tỉnh lặng của buổi trưa.

12h trưa , mình bấm máy gọi sang cho Kiến ở Cali qua số điện thoại bàn. Cái thằng tệ thật , không cho số di động, không biết xài computer. Vợ nó bắt máy.

- Xin lỗi, có phải số máy của nhà Kiến không?Tôi là Luận ở Biên Hoà.

- Dạ, tôi vợ ảnh. Anh chờ chút, để tôi gọi anh Kiến.

- Kiến hả, bây giờ là 12h trưa mùng một tết ở Việt Nam. Chúc sức khoẻ gia đình mày an khang thịnh vượng.

- Bây giờ là 21h đêm ngày 30 ở bên này. Lạc mới điện thoại qua chúc mừng tao.

- Tao đã gọi cho nó cách đây 3 giờ rồi. Hôm Lý Khôn Sơn về Việt Nam, tụi tao có họp mặt, tao có nhờ nó gửi lời thăm mày. Mày có đọc bài viết của tao chưa. Chừng nào về Việt Nam gặp bạn bè?

- Hì hì , tao sẽ cố gắng.

Lại cố gắng nửa, chưa kịp tiến bộ với anh em.

15h bà xã lớn và các con cháu trở về. Mình giao lại công việc rồi trở về nhà. Một năm chỉ được làm chủ một ngày. Rồi mở ti vi xem tin thời sự, rồi lên mạng xem email của bạn bè. Ngày mùng một tết chóng qua.

Biên Hòa, ngày đầu Xuân Tân Mão

Đỗ Công Luận

NGÀY CUỐI CỦA NĂM

Hôm nay là ngày 30 tết, ngày cuối của năm Nhâm Dần, trước khi bước qua ngày đầu tiên của năm Tân Mão. Mọi người dường như hối hả vì sợ thời gian sẽ chóng qua. Sau một năm cực nhọc lao động, dù ít nhiều , người ta cũng cần mua những đồ dùng cho gia đình trong mấy ngày tết. Hàng vàng mã, nhang đèn đã được cải tiến, mẫu mã đa dạng để đánh vào thị hiếu người tiêu dùng. Cờ bay ngựa chạy dành cho ngày đưa ông Táo giờ đã xa xưa. Giấy vàng mã được bọc trong túi kiếng, dành cho từng ngày cúng : Đưa ông Táo ngày 23, đưa ông bà ngày 25, cúng giao thừa đêm 30, cúng tết nhà ngày mùng 3. Giá từ 3 ngàn vnđ đến 5 ngàn vnđ. Cặp đèn cầy sáp được đặt trong ly thuỷ tinh, không sợ ngã đổ, gió thổi tắt. Quần áo dành cho người quá cố được làm y như thật, cho vào túi kiếng, giống như được bày bán trong cửa hiệu thời trang.Còn có ti vi , tủ lạnh, xe máy, xe hơi ... tuỳ đối tượng. Người sống có tiện nghi thế nào thì người chết cũng có như vậy.

Ở hội chợ hoa Xuân, từ 10h sáng, ban tổ chức bắt đầu phát loa kêu gọi các người mua bán giải quyết hàng hoá để công nhân vệ sinh làm công tác dọn dẹp. Người bán không muốn tốn tiền vận chuyển về vườn số cây cảnh còn lại. Người mua cần tìm những chậu hoa rẻ đẹp để trang trí trước nhà. Việc trao đổi ngã giá nhanh chóng, giá cả chỉ còn bằng phân nửa so với những ngày trước. Ai cũng hối hả để kịp rước ông bà vào buổi trưa.

Các loại hoa chưng cúng trên bàn thờ được bày bán ở chợ. Một bó hoa Huệ đỏ, giá 50 ngàn vnđ ,dành cho tủ thờ ông bà cha mẹ, đặt giữa nhà. Các trang thờ Phật, Thổ Thần, Táo quân ... thường là Thọ hoặc Cúc. Các loại hoa kiểng của Đà Lạt thì đẹp nhưng giá đắt hơn.

Trái cây thì cũng rất phong phú. Ngoại nhập có Lê, Táo, Nho mỹ ... nội địa có Xoài, Quýt Hồng Lai Vung, Thanh Long ... Trái cây Việt Nam cũng bị ảnh hưởng của cơ chế thị trường. Thanh Long khi trúng mùa hoặc dội khẩu giá chỉ 10 ngàn vnđ cho 3 kg. Giá mấy ngày tết đã là 30 ngàn vnđ / 1kg. Một nông dân vùng Long Khánh, trồng Thanh Long trái vụ, với 5 sào đất, giá tại ruộng 18 ngàn vnđ /1kg, họ đã thu hoạch 100 triệu vnđ . Tết người ta ít chưng Cam vì sợ CAM KHỔ, dù rằng đây là mùa thu hoạch. Bưởi Năm Roi, Bưởi hồng da xanh của Miền Tây được bán theo kg. Bưởi Biên Hòa bán theo chục tuỳ trái lớn nhỏ. Mâm ngũ quả trên bàn thờ phải có CẦU , DỪA , SUNG , ĐỦ , XOÀI.

Cặp Dưa Hấu không thể thiếu trên bàn thờ cúng ông bà. Cặp dưa chưng phải nặng từ 7kg đến 10 kg mỗi quả , trái no tròn. Ngày mồng 4 xẻ ra nếu đỏ ngọt là điềm tốt. Nếu bị bọng hư là vận xấu trong năm. Sau này có thêm loại dưa hấu hình bầu dục, dưa hắc mỹ nhân, dưa ruột vàng ăn ngon và ngọt.

12h trưa, thời khắc rước ông bà đến, chợ phiên bắt đầu thưa thớt. Các cửa hàng tạp hoá vẫn mua bán tấp nập. Các tiệm cắt tóc, gội đầu, các điểm rửa xe khách ra vào không ngớt, phải chờ đợi. Trái lại các hiệu sách báo, vật liệu xây dựng, trang trí nội thất ... đã nghỉ từ một vài hôm trước. Đường xá thoáng đảng hơn vì học sinh, công nhân đã ngỉ tết. Xe tải, xe khách, xe ben .... đã không còn hoạt động. Chỉ còn người mua sắm là hối hả. Các hiệu giày dép, quần áo thời trang mở cửa đến tận giao thừa. Ở khu vực đường 5 nối dài , khu đô thị mới của Biên Hoà (vùng Gò me) khu phố ăn nhậu, các nhà hàng vẫn hoạt động. Có lẽ các thực khách muốn lai rai để chờ đợi giao thừa, giây phút chuyển giao giữa năm củ và mới.

23h 30 phút , mình cùng rể út và cháu ngoại di chuyển theo quốc lộ 1K củ, từ ngã ba Vườn Mít đến cầu Hoá An, bây giờ gọi là đường Nguyễn Ái Quốc, con đường đẹp nhất của thành phố Biên Hoà, để xem bắn pháo hoa. Hai bên thành cầu hàng trăm người dân với xe máy, đa số là thanh niên nam nữ đã có mặt. Họ lựa chọn chổ tốt nhất để xem bắn pháo hoa.Một cháu gái nói với tôi, hai chị em con từ Trị An lên đây. Từ đây có thể thấy pháo hoa vọt lên tử đồi 25, 30 Thủ Đức, hướng Dĩ An, hướng Tân Uyên, hướng Trị An. Năm nay pháo hoa được bắn ở rất nhiều điểm.Đúng 12h đêm, còi hụ của trạm bơm nước Hoá An, nơi cung cấp nước thô cho nhà máy nước Thủ Đức, vang lên một hồi dài. Pháo hoa từ hướng Dĩ An, khu công nghiệp Sóng Thần vụt bay lên. Từ hướng núi Bửu Long, Văn Miếu Trấn Biên trái pháo hoa đầu tiên vụt bay lên cao thấp sáng bầu trời thành phố. Tiếng trầm ồ vang lên. Xa xa, bầu trời Tân Uyên, Trị An cũng bừng sáng. Sông Đồng Nai nước chảy êm đềm, được thấp sáng pháo hoa từ 3 hướng. Trên cầu Hoá An, người ta đổ dồn về nhiều hơn. Các phương tiện giao thông không di chuyển được, hầu như họ cũng ngừng lại để thưởng thức màn bắn pháo hoa nghệ thuật, mỗi năm tổ chức một lần. Ngày xưa, NHỮNG ÁNH MẮT HOẢ CHÂU đã dẫn dắt NGÕ HỒN mình QUA ĐÊM trong NHỮNG ĐÊM CHỜ SÁNG. Bây giờ, những vầng sáng pháo hoa đang báo hiệu mùa Xuân mới lại về, bình minh đang ló dạng nơi chân trời mới. TẾT YÊN BÌNH.

Biên Hòa, ngày 2/2/2011

Đỗ Công Luận

GẶP LẠI " DŨNG CỤC XƯƠNG"

Bao năm rồi gặp lại…

Sáng qua 19/12/2011, khi check mail, tôi đã nhận mail của Dũng với nội dung đang ở Bà Rịa và cho số cell phone để anh em liên lạc. Mừng quá, tôi điện báo cho Hoàng minh Chiếu và Lê xuân Sang để biết tin về bạn bè. Khi đi uống cà-phê sáng, tôi và Chiếu có liên lạc với Dũng. Dũng cho biết về sớm hơn dự kiến vì mẹ già bị té gãy cột sống, cần đưa đi bệnh viện săn sóc và hẹn sẽ có cuộc họp mặt với anh em bạn học cũ. Sau đó qua trao đổi với Chiếu, Dũng quyết định sẽ về Biên Hòa ngày 20/12/2011 để thăm viếng bạn bè và tổ chức họp mặt với bạn học cùng lớp. Tôi và Chiếu nhận nhiệm vụ tìm địa điểm tổ chức và thông báo mời các bạn . Địa điểm được chọn là quán ăn hải sản dưới chân cầu Gành, nơi đó anh em đã tham dự nhiều lần nên dễ tìm đến. Chúng tôi đã thông báo số bạn bè ở xa như Nguyễn tấn Lực ở Thủ Đức, Phan thanh Bình ở Bà quẹo, Lê xuân Sang ở Lái Thiêu và anh em hứa sẽ cố gắng về dự. Riêng Nguyễn văn Thành Lân nhà ở ngã tư Vũng Tàu nhưng không liên lạc được vì máy cứ... ò í e...

Trước đó anh em đã có cuộc tiền họp mặt qua cử cà-phê sáng ở cà-phê Lộc Vừng, Chợ Đồn. Phạm văn Đạo, nhà ở cư xá nhà máy đường của khu công nghiệp, vì chiều tối phải vào ca nên chỉ đi uống cà-phê sáng. Đạo cũng như tôi, chỉ học chung với Dũng năm lớp thất 3, vì năm đệ lục cùng tôi và 12 bạn nửa chuyển qua lục 1. Đạo kể danh sách 14 anh tài thất 3 gồm :

Số còn sống.

-Trần văn Tốt, Nguyễn minh Tâm ( Mỹ ), Đào duy Kỳ, Phạm văn Đạo, Võ hà Mỹ ( Mỹ ), Đỗ công Luận, Mai tấn Phát ( làm trưởng lớp ), Bùi trường Đông,Nguyễn khắc Lưu ( tin tức sẽ tìm sau ).

Số đã mất.

-Võ văn Ngiệp, Nguyễn trương Hoàng, Phạm ngọc Hạnh, Võ việt Hùng,

"Thầy hiệu trưởng"Nguyễn bảo Hùng ( Hùng lé )nhờ nghỉ hưu, và Tô minh Quang kêu gọi nên mới đến với anh em, nhờ vậy sáng hôm đó trời mát mẻ.

Dũng cục xương buổi sáng khởi hành từ Bà Rịa, buổi trưa về đến Biên Hòa. Chiếu nhận nhiệm vụ đón bạn, đưa đi thăm cảnh cũ người xưa. 17 giờ chiều đưa đến điểm họp mặt.

17 giờ, bạn bè lần lượt có mặt.Hoàng minh Chiếu, Tô minh Quang, Đỗ công Luận, Ngô phước Thiện, Huỳnh văn Huê, Lê minh Trí, Phạm thanh Thừa, Lê minh Chánh.

Riêng Lê xuân Sang và Phan thanh Bình ở xa nên đến hơi trể một tí.Ngô hồng Tâm sắp xếp công việc ở lò gốm xong mới đến sau cùng.

Bên lớp thất 4 đến chung vui với thất 3 có : Trần văn Thông, Đinh thiên Thọ, Lê thành Vạn, Nguyễn ngọc Long. Riêng Vũ trung Hòa bận công việc ở Sài gòn nên không đến được.

Sau hơn 40 năm, anh em vẫn nhận ra nhau. Dũng cục xương với thể trạng cao, gầy, nay lại có thêm bộ râu mép để chứng tỏ bản lỉnh đàn ông. Dũng mở đầu với lời chào hỏi anh em, cám ơn Luận và Chiếu đã sắp xếp để có buổi tiệc gặp gỡ, và cũng không quên cám ơn"anh" Hạnh đã tạo cầu nối để gặp lại bạn bè. Mục cà-phê Cầu Mát do Dũng đề xuất. Cây Cầu Mát ở bờ sông Đồng Nai, Biên Hòa, nơi chứng kiến bao nhiêu cuộc tình, tình yêu, tình bạn...Nơi chia sẽ những cuộc chia tay trong nước mắt của bao lứa đôi...vẫn còn hiện hữu.Tôi nói, nếu Dũng vào trang web NQ, đọc bài của tôi nhắc về nó, anh em đã gặp nhau sớm rồi. Nó nói, hồi đó đi học gặp thầy cô đã sợ , bây giờ vào trang web gặp lại hình ảnh thầy cô ( đã già ) càng sợ hơn, nên mới mò vào trang web BH và gặp "anh" Hạnh. Máu tiếu lâm vẫn còn trong huyết quản, phải yêu đời để sống tốt các bạn ơi. Anh em vẫn nhắc nhở về thầy cô. Cô Hòa, thầy Sái dạy Pháp văn, cô Trí, cô Nhả Ý dạy Việt văn. Cô Bàn dạy toán...Nhất là biệt danh Dũng cục xương có từ môn học của thầy Sái. Kỷ niệm thời hoa mộng làm sao quên được. Cuộc đời bạn cũng bôn ba. Năm 1971 đi du học Nhật cùng Lê văn Trung, con bác sáu Nhơn, bạn Chặn NQ K.09, rồi bôn ba nhiều nước, có ở Brasil, rồi định cư ở Bắc San Jose, dưới San Francisco 20 km, lập gia đình trể, con cái mới 11 tuổi...Bây giờ còn phải cày, nên gặp lại bạn cũ vui mừng lắm.Ngoài tình bạn NQ, Dũng còn học chung với các bạn Chiếu, Chánh, Trí...ở tiểu học Nguyễn Du. Cũng như các bạn nhà ở Tân Hạnh, Hóa An, Hiệp Hòa..., xong lớp ba phải sang học lớp nhì, lớp nhất ở Chợ Đồn. Dù sao, tất cả cũng đều là đồng hương, sinh trưởng và lớn lên trên mãnh đất Biên Hòa, các bạn đang ngồi sau lưng cây cầu sắt hơn trăm năm tuổi, bên dòng Đồng Nai hiền hòa, nước lững lờ trôi. Dù ở đâu vẫn nhớ quê hương.Nâng ly, chúc mừng hội ngộ. Vì vậy Phan thanh Bình đang ở Sài Gòn, cũng xách xe máy về với bạn bè. Xong tiệc lại về Sài Gòn vì công cuộc mưu sinh.Lê xuân Sang cũng từ Lái Thiêu về. Anh em cũng nghĩ đến sức khỏe và an toàn của bạn bè nên không nài ép. Vui là chính. Nghe tôi nói đã liên lạc được Hồng Trọng, Bình cũng gửi lời thăm hỏi bạn bè. Trọng ơi, Bình gửi lời thăm mầy nhé.Anh em cũng hỏi thăm Võ hà Mỹ, Huỳnh hữu Thọ ở Cali. Lê tấn Tài ở Úc mà tháng bảy vừa qua Tâm nhủi có sang gặp. Anh em cũng có nhắc nhở với Dũng về ngày họp NQ cuối năm, bạn chưa hứa chắc chắn vì công việc, nhưng hứa cố gắng sẽ có mặt vì qua Tết tây mới về lại Cali thung lũng hoa vàng.

Ngoài trời mưa lấc phất vì ảnh hưởng của cơn bão cuối mùa mà những ngày qua người dân Nam Bộ lo sợ sau cái chết của hơn ngàn người dân ở Phi-luật-tân.Tiệc tàn, anh em tạm chia tay, Dũng về BH đi chơi với Chánh, Chiếu, Trí, Quang... Có cái hẹn buổi cà-phê sáng trước khi Dũng về lại Bà-rịa để rồi sau đó đưa mẹ già đi chửa bệnh ở Sài gòn...Còn cha còn mẹ như tiên...Tôi bùi ngùi chia tay bạn bè để về lại gia đình sau một ngày bận rộn. Những cái bắt tay từ giả. Hẹn ngày gặp lại.Có thể là lần nữa với bạn và lần đầu với bạn bè khác. Chuông đồng hồ ngân nga gõ 8 nhịp như những tiếng thở dài. Một ngày vui qua mau.

Biên Hòa, 5 giờ 30 sáng, ngày 21/12/2011.

Đỗ công Luận.

HỌP MẶT CUỐI NĂM VỚI LÝ KHÔN SƠN 322

Hôm nay đã là 27 tết, chỉ còn 3 ngày nữa là Bác Hổ sẽ chuyển giao quyền lực cho Anh Mèo. Năm hết tết đến. Sau sự ra đi của thân phụ và việc báo hiếu đã chu toàn, Lý Khôn Sơn có nhã ý tổ chức cuộc gặp mặt với anh em K372 ở Sài Gòn, trước khi về lại L.A vào trưa ngày 30 tết.

Theo kế hoạch đã vạch ra, hôm nay mình cũng đến với anh em, sau khi đã hoàn tất công việc riêng ở Chợ Lớn. Thời tiết thật lý tưởng cho một cuộc du hành. Vì là ngày đầu tiên của tuần lễ nghỉ tết, các phương tiện cơ giới nặng như xe tải ben, công -tai-nơ ... đã ngừng hoạt động, chỉ còn các xe khách, xe buýt, xe hai bánh tham gia giao thông. Đây cũng là lúc tình cảm của người Việt Nam mình được thể hiện. Người ở ngoài tỉnh đổ về thành phố mang theo những quà tết dành cho người thân. Có thể là một nhánh mai rừng nhiều nụ hoa, để kịp nở vào ngày đầu năm lấy lộc. Có thể là 1 thùng nước ngọt, 1 thùng bia, một phần quà gói trong giấy kiếng : rượu , trà , bánh mứt , thực phẩm khô .... Một loại hình quà biếu mới xuất hiện cách đây vài năm. Thanh lịch và tao nhã.

Mình cũng không ngoài thông lệ đó. Một thùng coca và một gói quà biếu dành cho gia đình nơi quý tử tạm cư. 6 năm qua đó là mái ấm thứ hai của cháu. Một lời chúc tốt lành cho năm mới. Sau đó mình vào Chợ Lớn để quyết toán công nợ với đối tác làm ăn. Từng toán công nhân vệ sinh theo sự phân công , đang dọn dẹp và làm vệ sinh đường phố. Cảm ơn anh chị đã làm đẹp cho đời. Người phu quét đường BÂY GIỜ KHÔNG CÒN dừng chổi đứng nghe. Nghề nghiệp nào cũng cao quý, chỉ có con người mới làm xấu hình ảnh nghề nghiệp .Bọn mình đã từng quét dọn nhà cầu ở quân trường Thủ Đức. Mỗi sáng ở Trảng Lớn, anh em ta đã từng gánh phân, nước tiểu tưới cho những mầm xanh để cải thiện bữa ăn. Một thau cơm ém chặt chia 6 phần đều đặn. Một thau canh nhiều nước hơn là rau thịt. Xin đừng quên dĩ vãng đau buồn bạn nhé.

Từ ngã tư Thủ Đức, nhìn về hướng Tây những chuyến bay đang hạ dần cao độ để đưa những người con xa xứ về quê. Sáng nay uống cà phê với Nguyễn Ngọc Long, mình hỏi thăm về đứa con trai của nó.

- 6h30AM nó đã có mặt ở sân bay HồngKông. 7h30AM máy bay khởi hành về Sài Gòn. Hôm nay nó ăn buổi cơm trưa với gia đình.

Mới làm việc ở S.F chưa được nửa năm, cháu cố gắng xin 2 tuần lễ nghỉ phép để về ăn tết ở quê nhà, sau 4 năm phiêu bạt nơi xứ người.

Đường hoa Nguyễn Huệ đang vào những công đoạn cuối cùng cho kịp ngày khai trương lễ hội, bắt đầu từ 18h ngày 31/1 (28 tết) kéo dài đến 22h ngày 6/2 (mùng 4 tết). Đây là lần thứ 8 đường hoa này được tổ chức. Mỗi năm có một chủ đề và chia ra nhiều tiểu cảnh. Nhiều tiền của và công sức được đầu tư, công trình tim óc của các nhà thiết kế và kiến trúc sư, dành cho khách du xuân . Mình hướng về công viên Tao Đàn, nơi được tổ chức hội chợ hoa xuân của thành phố. Người xe tấp nập. Không khí chuẩn bị chào đón nàng xuân thật rộn ràng. Mình vòng qua đường Trương Định. Phố ông đồ với những gian hàng treo câu đối, liễn. Những ông đồ có già, có trẻ, áo the khăn đống, đang chụm đầu cho chữ ngày xuân. Một truyền thống văn hoá tốt đẹp đang dần được hồi phục . Đến ngã tư Lý Chính Thắng, Yên Đỗ ngày xưa, Trần Quốc Thảo, nhà hàng Như Ý đây rồi. Trong phònh Vip quanh chiếc bàn dài anh em tề tựu gần được một nửa, mình nhận ra ngay Lý Khôn Sơn.

- Chào Sơn, tao Luận 324 đây.

Một cái bắt tay siết chặt.

- Hôm Tươi đưa ảnh mày lên forum hỏi biết ai đây không? tao đang voichat vời Hồ Văn Lạc, nó nhận ngay ra mày. Đỗ Công Luận chứ ai.

Mình bắt tay chào từng anh em. Này Lê Thể, Nguyễn Thành Cứ, Hồ Liệu, Phạm Hồng Hải, Hồ Hán Thông, Trần Văn Lâm .. Rồi những anh em khác lần lượt đến .

- Anh em có gọi Hồ Văn Tiên không ?

- Việc đó Lý Kim Thanh lo.

Thanh, Tiên, Sơn, ba đứa cùng học chính trị kinh doanh Đà Lạt. Dù những ngày giáp tết, bận công việc gia đình, kinh doanh, nhưng anh em đến với Sơn khá đông so với những lần trước .21 nội , 1 ngoại . Lần này 3 anh Hốc Môn có mặt đầy đủ. Bền, Vân, Nghiêm. Có Phan Chi đại diện ĐĐ3.

Anh em đến với nhau để nhắc lại những kỷ niệm thời ở quân trường.

- Hồi đó trung đội 322 bị đì nhiều nhất. Hết trung uý Đông đến thiếu uý Cần. Hết đột kích rồi đến mặc quần lót áo may-ô đeo dây ba chạc nhảy xổm.

- Mày cho tao nhắn lời thăm Tươi nhé. Nó cũng 322 với tao.

- Nó không đến được vì phụ với vợ bán hàng kiếm tiền mấy ngày tết. Nó rất nhiệt tình với anh em. Ngày thường , nhắn là nó đến ngay .

Lý Kim Thanh hỏi thăm Sơn về Lê Văn Quận, cả hai có nhiều kỷ niệm. Chắc 322 bị đì quá nên cũng bị cọp liếm hơi nhiều : Trung Thuận, Hùng cận, Kim Thanh, Quận ....

Mình trả lời thay.

- Hồi tao mới vô forum, những anh em tao tìm đầu tiên là : Châu , Quận , Sơn ..... cùng học chung ở Vạn Hạnh. Tất cả đều còn đủ,có số phone của Quận đây, để tao bấm máy cho mày nói chuyện.

Anh em nói chuyện với nhau gần 10 phút. Quận nhờ mình tìm bạn tên Dũng, tên Hoàng, nhà ở Biên Hoà, học chung Vạn Hạnh. Thời gian đã 40 năm rồi, từ 1970 mình nhớ không ra. Có những chuyện tình cờ, mình tìm gặp anh em như Triệu Quang Vinh năm 2006. Nguyễn Thành Công cùng ở tiểu khu Vĩnh Bình khi họp mặt đầu năm. Mình hứa sẽ cố gắng.

Cũng như những lần trước , một ly bia rót đầy đặt giữa bàn ,mời gọi anh em ra đi trước, gần đây nhất là Phan Trần Thắng, về uống chung vui với anh em. Trung Thuận làm đạo diễn để chụp hình lưu niệm.

- Lần dự tất niên ở nhà Thái Huỳnh, chụp hình búa xua mà không đưa lên vậy cha nội ?

- Tụi mày thông cảm, cháu ngoại nó về chơi nên lu bu.

Anh em mình bây giờ, sau con rồi cháu. Đó là niềm vui của tuổi già .

- Nảy giờ anh em bên nội kể lể đã nhiều, đề nghị Sơn cho biết cuộc sống hiện nay thế nào?

-Tao đã có 5 con, 3 trai 2 gái. Tất cả đều đã tốt nghiệp đại học và đi làm.Cháu nội có hai đứa rưỡi. Tiền trả góp các cái : nhà cửa, điện, nước, điện thoại .... đã trả xong nên lúc này thảnh thơi lắm.

- Bộ bên Mỹ cúp điện dữ lắm sao?

Sơn chưa hiểu ý câu hỏi, mình trả lời thay.

- Ý nó ghẹo mày đó. Mỗi lần cúp điện là lòi ra một đứa. Hồi tao học ở Vạn Hạnh, thầy Thích Giác Đức du học ở Mỹ về, kể chuyện tiếu. Có một lần cúp điện, chín tháng sau hồ sơ đăng ký khai sinh bị hơi nhiều.

Anh em vui vẻ với nhau. Sơn có ý kiến.

- Anh em đến với mình đông vui như vậy là rất mừng. Nhưng họp mặt ở Việt Nam và Mỹ có khác.

- Khác chổ nào, nói cho anh em biết.

- Ở Mỹ, họp mặt lúc nào cũng có quý phu nhân đính kèm. Mấy chị một bàn, mấy anh một bàn. Ở Việt Nam toàn là mấy ông không hà.

Anh em thông cảm cho, tuỳ hoàn cảnh xã hội của mỗi đất nước. Ở Mỹ anh em dùng toàn thức ăn tự chọn. Ở Việt Nam thức ăn dọn ra đầy bàn như đám cỗ. Hôm tất niên ở nhà Thái Huỳnh, có 3 chị tham gia.

Mình có ý kiến.

- Ở Mỹ , anh em 372 sẽ tổ chức sinh nhật tập thể vào ngày 29/5/2011, đã có nhiều anh em hưởng ứng. Ở Việt Nam anh em cũng nên tổ chức.

Tất cả đồng ý, sẽ chọn ngày, nhưng trước ngày 25/3/2011, ngày Trung Thuận tung cácnh chim già bay về hướng trời xa. Chim ơi chim, chim bay có mỏi?

Anh em cũng đề nghị nên lập một quỹ riêng cho 372 nội để sử dụng khi hữu sự như mừng cưới cho các cháu, thăm viếng khi ốm đau, giúp đỡ lúc khó khăn. Có thể đóng góp theo định kỳ hoặc tự nguyện, tuỳ khả năng thu nhập. Anh em đồng ý vỗ tay.

Anh em bàn luận theo nhóm. Cánh biệt động quân, cánh không quân, cánh HốcMôn ... Không khí như buổi chợ phiên. Sơn cũng đến gặp riêng và thân mất với Hùng kẽm, chiến hữu dù. Một đĩa thức ăn chay được mang lên cho Hùng kẽm. Anh em kể, từ lúc vợ chồng Hùng mất đứa con trai, hai vợ chồng buồn , tự nguyện ăn chay trường, nhưng có việc đều đến với anh em. Mỗi người dều có hoàn cảnh.

Cuộc vui nào rồi cũng tàn. Lần lượt anh em có việc riêng xin kiếu từ trước. 15h mình cũng đến bắt tay với Sơn.

- Cho tao xin chia buồn với gia đình mày. Chúc sức khoẻ và lên đường bình an. Cho tao gởi lời thăm anh em, nhất là Kiến, Lạc, Thọ ..... Thọ cũng chung Ngô Quyền Biên Hoà với tao. Nói với thẳng Kiến phải tiến bộ lên để hội nhập với anh em. Phải có điện thoại cầm tay, phải sử dụng computer. Nói là tao đang chờ đợi nó.

Từng cái bắt tay siết chặt. Từng câu căn dặn trìu mến, 3 ngày nữa bạn sẽ lên đường. Kỷ niệm 38 năm cô đọng trong một ngày họp mặt. Một ngày xuân vui vẻ và đáng nhớ. Quá khứ, kỷ niệm được khơi dậy. Hẹn lần gặp mặt nữa.

Viết xong 23h30 ngày 30/01/2011

Đỗ Công Luận

"MINH TÂN" THẦY CŨ, TRÒ XƯA

“Minh Tân” tên một ngôi trường không còn nữa, nhưng tình nghĩa thầy trò qua thời gian với bao sự biến đổi của đất nước vẫn đậm đà không phai lạt. Phải chăng từ một nền giáo dục nhân bản và khai phóng của miền Nam. Những người học trò nhỏ ngày xưa nay đã lên chức ông nhưng còn giữ được sự tôn kính và quý mến với người Thầy xưa. Những hình ảnh đẹp được ghi nhận nhân chuyến trở về thăm quê hương của thầy Huỳnh Bá Hạnh, giáo sư dạy Pháp văn của trường Minh Tân thủa nào

Buổi họp mặt diễn ra ở cà-phê Lộc Vừng của con gái anh Hồng văn Hoàng,con chủ là gạch Hồng Tám.Trong số học trò đến tham dự, có lẽ tôi là đứa học trò nhỏ nhất, đệ thất 1962-1963, tôi biết anh Hoàng là anh một người bạn học, anh Nỡ bến đò ngựa Hóa an.Thầy và Trò cùng ôn lại những kỷ niệm ngày xưa, với bài hát cũ:

Trường Minh Tân mến bên bờ Đồng Nai

Xa mờ Châu Thới ngang lưng trời

Nhìn trời chiều mưa bay lác đác

Lòng còn bâng khuâng…

Thầy Huỳnh Bá Hạnh bồi hồi xúc động khi tôi trao quyển thông tín bạ đệ thất của trường Minh Tân mà tôi còn giữ. Tôi đem đến để thầy Hạnh và đàn anh xem, trong đó có lời phê và chữ ký của thầy Hạnh, thầy Lưu, thầy Triệu. Hầu như những người Thầy Minh Tân đều rời bỏ đất nước Việt Nam, bỏ lại trường và những đứa học trò ngày xưa. Thầy Huỳnh Bá Hạnh về từ Cali, thầy Nguyễn Tường Triệu đang ở Canada, thầy Nguyễn Tường Lưu đang ở Úc. “ Sự Mất mát bao giờ vẫn quý”... Nụ cười của Thầy Huỳnh Bá Hạnh đã kéo chúng tôi về thực tại , với bao hạnh phúc bất chợt và rất gần. Chiều nay thầy sẽ gặp gở một số học trò Minh Tân nữa ở Biên Hòa, xin được nói lên một lời cám ơn Thầy, cũng như lời chúc sức khỏe đến Thầy Nguyễn Tường Lưu, Thầy Nguyễn Tường Triệu. Thêm một ngày chủ nhật vui trong đời, như đón Tết...

Đỗ Công Luận