Bài Viết 1

- CHÚC MỪNG SINH NHẬT

- CẢM NGHỈ SAU MỘT CHUYẾN ĐI

- GỬI HUỲNH HỮU THỌ VÀ NHÓM ÁI HỮU NGÔ QUYỀN, BIÊN HÒA

- NIỀM VUI ĐẦU XUÂN

- ĐIỂM DANH ĐỒNG ĐỘI - GỌI TÊN BẠN BÈ

- NHỮNG MÙA XUÂN TRONG ĐỜI ĐỖ

CHÚC MỪNG SINH NHẬT

Theo quan niệm của người Á Đông mình, được gọi là THỌ khi đã bước qua tuổi 60, lục tuần, tức là đã đi hết một vòng tuần hoàn của thiên can, địa chi.Đối với tôi, đó cũng là điều hảnh diện và sung sướng khi cảm nhận mình hiện diện trên cỏi đời nầy được 60 năm, dù biết rằng theo triết lý nhà Phật "đời là trần gian khổ ải, với lục dục thất tình, đủ mùi hỉ, nộ, ái, ố, và chua, cay, nồng, mặn, ngọt...".Đối với các con, cháu tôi, đó là niềm hạnh phúc khi có được người cha, ông như vậy.Gia đình nhỏ của tôi đã dự định tổ chức một ngày kỷ niệm đầy ý nghĩa với sự hiện diện đông đủ của con, rể, cháu. Nhưng năm nay, có một sự mất mát lớn đối với tôi và gia đình, đại tang, khi cha tôi quá vãng vào tháng 10 vừa qua.Không đầy hai tháng nửa là Tết âm lịch, Tết dân tộc, việc làm ăn của các con tôi hơi bận rộn.Rồi con gái út của tôi lại hạ sanh thêm hoàng nam nửa, tổng cộng tôi được 4 cháu ngoại. Sau Su-Gôn, Su-Bin, Su-Ri, rồi lại đến Su-Môn. Có lẽ cha mẹ chúng thích xem phim Hàn Quốc, phong trào thời thượng của văn hóa xem phim.Cuối cùng, các con tôi quyết định làm "nhà tài trợ" cho cha tổ chức buổi tiệc gặp gỡ thân mật với bạn bè thân đồng trang lứa, bạn học, mà sau một năm tôi "cất công" tìm lại được.

Trước ngày sinh nhật 3 tuần lễ, tôi đã cho ra đời đứa con tinh thần, một bài thơ lục bát, TỰ TÌNH KHÚC CA, với hai ca khúc để kỷ niệm ngày 1/12 lần thứ 60 của cuộc đời.Ca khúc XIN TẠ ƠN ĐỜI, tôi mới viết vào tháng 11 năm nay. Ca khúc ĐỂ LẠI CHO ĐỜI , tôi viết vào tháng 11 của năm 2010, bài thơ đầu tiên tôi viết lại sau 34 năm "nghỉ" làm thơ vì công cuộc mưu sinh. Trang web của Hội Ái hữu trung học Ngô Quyền đã chuyển tải dùm tôi đến thầy cô và bè bạn.Từ trang web nầy, và sau đó là trang web Ái hữu Biên Hòa Cali, đã giúp tôi tìm lại được bạn bè thân, bạn học, sau những năm tháng miệt mài vì cơm áo, gạo tiền.Có lẽ vì vậy, 10 giờ 25 phút sáng thứ ba, ngày 29/11/2011, từ Đà Nẳng City, anh Nguyễn ngọc Xuân đã gửi mail CHÚC MỪNG SINH NHẬT đến với tôi, với nội dung : " Chúc mừng sinh nhật bạn Đỗ công Luận.Chúc bạn một năm tuổi mới. Dồi dào sức khỏe, may mắn, thành công, hạnh phúc ".Xin cám ơn tấm chân tình của niên trưởng Nguyễn ngọc Xuân đối với đàn em.Sau đó, lúc 00 giờ 48 phút sáng ngày 30/11/2011, tôi lại nhận được email với nội dung : "Chúc bạn Đỗ công Luận nhiều sức khỏe,luôn được như ý và hạnh phúc ",kèm theo một nhánh Orchide, chụp từ phòng khách gia đình.Xin cám ơn lời chúc mừng gửi từ nước Ý xa xôi của thân hữu Châu kim Mỹ,bạn học chung tiểu học, sau 50 năm mới tìm gặp lại nhau qua internet.

Sáng ngày 30/11/2011, tôi đã nhờ bạn Hoàng minh Chiếu gửi tin nhắn mời dự tiệc đến với bạn bè. Bởi vì Chiếu có danh sách và số phone hầu hết anh em đã tìm lại được.Sau đó,tôi lên Sài Gòn, đến với con trai để làm "nghĩa vụ" tài chánh, đóng học phí học kỳ và tiền nhà trọ.Một niềm vui nho nhỏ lại đến với tôi. Cháu hồ hởi nói với tôi: - Con đã nhận đề tài để làm đồ án tốt nghiệp. Đề tài con nhận là "Bảo tàng tự nhiên học.".Tết nầy hai cha con mình phải đi Nha Trang để con tìm hiểu về Viện Hải dương học. Vừa mừng, vừa lo. Mừng, bởi vì sau bốn năm rưởi học, 9 học kỳ, cháu đã hoàn tất các môn học, không vướng nợ học phần nào.Lo, vì phải tốn kém thêm khoản tiền nửa. Dù sao cũng là tương lai của quý tử.

14 giờ trưa ngày 01/12/2011, một niềm hạnh phúc nửa đến với tôi nhân ngày sinh nhật trọng đại. Trước đó hai hôm, Nguyễn hữu Hạnh đã mail báo tin cho tôi:- Tác giả Hoàng duy Liệu, có mấy bài văn đăng trên trang web Ái hữu Biên Hòa, nhận mầy là bạn học chung lớp thất 3 , lục 3, ngũ 3.Tết nầy hắn về Bà rịa thăm mẹ, rồi sẽ về Biên Hòa tìm mầy và bè bạn.

Tôi nhớ lại, theo sổ điểm danh lớp hồi trước, theo vần L, đâu có bạn nào tên Liệu. Nầy Lân, Long, Lợi, Luận, Lực, Lưu...Tôi hỏi thăm bạn bè cùng lớp,các bạn cũng xác định không có bạn nào tên đó. Tôi nghĩ đó là bút danh và gửi mail trả lời, nhờ Hạnh chuyển tiếp dùm.Trưa ngày sinh nhật, tôi ngồi check mail và nhận được thư hồi âm với tin vui:- Tao đây, Nguyễn khắc Dũng đây.Vì không muốn giữ cái tên "ân oán giang hồ" Nguyễn khắc Dũng nên tao lấy bút danh Hoàng duy Liệu...

Rồi hắn nhắc lại một loạt tên bạn bè. Tài lé cây xăng Biên Hùng. Hoàng Thành ở ngã ba Thành Kèn. Hồng Trọng người Hoa tiệm vàng ở chợ Biên Hòa. Tên... Ta đen đen.Tên Chiếu nhỏ con....

Ối, giời ơi. Mầy đó hả, Dũng cục xương. Như vậy là mầy không có vào trang web Ngô Quyền. Bởi vì bài TẢN MẠN CHUYỆN THẦY CÔ, TRƯỜNG LỚP CŨ tao có nhắc mầy trong đó.Tôi bấm máy cho Chiếu và chuyển mail cho bè bạn.Một đứa bạn học tìm lại được sau 48 năm,kể từ khi vào đệ thất 3 Ngô quyền năm 1963.Bởi vì năm sau, tôi và 12 anh tài của lớp thất 3 chuyển sang lục 1,theo chỉ đạo của thầy "tân" giám học Đặng ngọc Thiềm.Dũng học với bạn bè ở lục 3, ngũ 3, rồi chuyển lên học trường Nông Lâm Súc Bảo Lộc. Nhưng kỷ niệm với Dũng cục xương thì bạn bè không thể nào quên được.Xin cám ơn bằng hữu Nguyễn hữu Hạnh.

Trước đó gần một giờ đồng hồ, Trần văn Thông gửi tin nhắn qua tôi.

- Thầy Lê văn Túy đang ở Việt Nam,số phone 01668457631(xin phép thầy cho phổ biến).Mầy điện thoại, mời thầy lên Biên Hòa dự sinh nhật.

Tôi điện thoại cho thầy, thầy đang ở Tiền Giang.Nếu báo sớm thầy mới lên kịp.Tôi thưa với thầy, có thể tuần sau thầy trò ta sẽ gặp nhau ở dịp họp mặt với Nguyễn hữu Đức về từ Houston.Thầy nói,Đức qua Houston rồi hả.Tôi nói, hồi trước em học 12 A1, do thầy Lê hoàng Sang làm giáo sư hướng dẫn, nhưng thầy em vẫn nhớ.Ôi, tình cảm thầy trò chúng ta không thể nào quên.

Gần 18 giờ, tôi đến điểm họp mặt, quán ăn hải sản dưới chân Cầu Gành, hai bạn Đinh hoàng Vân và Nguyễn xuân Dũng(Dũng con) vẫn còn nhớ.Hoàng minh Chiếu đến trước tôi mấy bước.Rồi lần lượt các bạn cũng đến. Dũng cục xương ơi, tao điểm danh để mầy hình dung bạn bè.Tô minh Quang là trưởng lớp 7 năm liền.( Còn Trần văn Sửu là trưởng lớp bên nữ,hiện giờ vẫn còn liên lạc). Lê minh Trí,Võ văn Trung và Phạm thanh Thừa (hai đứa ở gần nhà thương điên với Tô anh Dũng).Lê minh Chánh, Ngô phước Thiện.Rồi Ngô hồng Tâm, tự Tâm nhủi đến sau.(Vì có Nguyễn minh Tâm, Tâm khỉ, nửa).Vì tôi, Tâm nhủi và Võ hà Mỹ, hồi đó là bộ ba.Sinh nhật tôi thiếu Võ hà Mỹ, nên Tâm mang đến cho tôi và anh em một thùng cọp Tiger. Nơi phương trời xa mầy nâng ly với tụi tao nhe Mỹ. Bên lớp Anh văn,thất 4, có : Lê thành Vạn, Đinh thiên Thọ,Nguyễn ngọc Long, Vũ trung Hòa. Bây giờ lớp thất 3 và thất 4 của niên khóa 1963-1970 kết hợp lại khi có dịp họp mặt. Anh em bốn bể là nhà.Đây là dịp anh em ngồi lại bên nhau nhắc về quá khứ, kỷ niệm.Vui buồn cũng có.Hờn trách cũng có. Lớp thất 4 trách Hoàng minh Chiếu, tại sao đám cưới con trai mầy không mời tụi tao ?

- Thôi anh em thông cảm, tao gói ghém trong khả năng, 17 bàn, trong đó chỉ có 2 bàn bạn bè.Còn thằng con trai lớn nửa,kỳ sau tăng gấp đôi.

Anh em thông cảm bằng cách nâng ly và không quên CHÚC MỪNG SINH NHẬT. Đây cũng là dịp sinh nhật chung của những con mèo,mèo nhà và mèo rừng.Tại vì mèo nên những con mèo nầy làm yếu hơn những con cọp năm vừa qua.Sang năm chỉ còn con rồng Hoàng minh Chiếu.Anh em hãy vui đi với những gì của ngày qua và hôm nay, ngày mai sẽ đến sau.

Sau gần 3 giờ đồng hồ vật lộn với 60 chai(lon) con cọp, 2 con cá lóc chiên xù,2 con(dĩa) bò lúc lắc, 2 con(dĩa) mực xào, 20 con cá kèo, anh em gác cuộc vui và tạm chia tay.Anh em đến với nhau không có phần quà biếu, chỉ đóng góp

hiện kim với "chủ xị" cho ấm lòng tình nghĩa.Hẹn sẽ có những lần họp mặt khác và cũng không quên ngày 31/12 còn đúng một tháng nửa.Hy vọng anh em sẽ gặp nhau đầy đủ, đông vui.

Biên Hòa, 4 giờ 30 phút, ngày 02/12/2011

Đỗ công Luận

CHS K.08 NQ

CẢM NGHỈ SAU MỘT CHUYẾN ĐI

Hôm qua,19/7/2011,đứa em trai họ cô cậu với gia đình chúng tôi,gã con gái.Tuần trước nửa,chú em nó đến gia đình gửi thiệp mời và nói rất cảm động:

_Em làm tiệc cưới gã cháu gái,các anh chị cố gắng đến tham dự đông vui.

Từ thị xã An lộc,tỉnh lỵ của tỉnh Bình long cũ,em út đến mời, chẳng lẽ chị em tôi chối từ.Tôi nghĩ,sẳn dịp mình làm một chuyến du hành đến vùng đất lửa một thời.Ba mươi năm đã qua,mình chỉ lo làm ăn để lo cho gia đình và con cái.

8 giờ 30 sáng hôm đó,tôi cùng hai đứa em trai,bà chị và mấy đứa em họ ở Long thành lên tháp tùng,khởi hành bằng chiếc xe 16 chỗ ngồi Transit.Khoảng đường từ nhà đến chỗ tiệc cưới khoảng 100 km đường xe.Từ Chợ đồn đến Chợ Tân ba có hai ngã để đi.Nếu rẽ hướng trái,qua Phú lợi,Thủ dầu một,Ngã tư Sở sao rồi theo quốc lộ 13 đi thẳng.Nếu đi hướng phải,đi xuyên suốt qua quận Tân uyên,đến địa danh Cổng Xanh,tiếp giáp với quận Bến cát,là bắt đầu vào quốc lộ 14 để lên Tây nguyên.Khoảng 10 năm nay,QL 14 đã được nâng cấp,sửa chửa nên các chuyến hành trình về Đak nông,Ban mê thuột,Pleiku,Kontum...,người ta xử dụng tuyến đường nầy nhiều vì đường thoáng đãng,cung đường lại gần hơn.Từ QL14 đi lên Phước long,có những địa danh mà anh em chúng ta không thể nào quên:Bù gia mập,Bù gia phúc,Bù đăng,Bù đốp...Đến trại cai nghiện Bố lá,có một tỉnh lộ ngắn,nối QL14 với QL13 để đến Chơn thành.Từ đó,chúng ta tiếp tục thẳng đến Bình long,An lộc,Lộc ninh và cuối cùng là cửa khẩu Hoa lư giáp ranh với Căm-bốt.QL13 giờ cũng đã được sửa chửa,nâng cấp rộng rãi,nhưng ở đây thuộc vùng cao,không có tiềm lực về công nghiệp nên mật độ xe cộ lưu thông thưa thớt.Từ Biên hòa đến Vũng tàu,khoảng cách cũng ngần ấy mà thời gian xe chạy gấp đôi,4 giờ đồng hồ,so với đoạn đườn nầy.

Chỗ ở của em họ tôi thuộc xã Tân khai,cách An lộc khoảng 7 km.Mùa hè đỏ lửa 1972,khi trận chiến Bình long,An lộc nổ ra,đã có những địa danh đi vào lòng người:Suối Tàu ô,Xa trạch,Xa cam,Xa cát,Tân khai...Nếu chúng ta đọc lại bài bút ký MẶT TRẬN BÌNH LONG của tác giả Võ trung Tín đăng ở trang wed gia đình mũ đỏ,ta sẽ thấy cường độ ác liệt của trận đánh nầy. 75 ngày đêm,từ 2/4/72 đến 17/6/72,một trăm ngàn quân của hai bên,bao nhiêu vũ khí,xe tăng,phương tiện chiến tranh,bom đạn...đỗ vào vùng đất mấy chục cây số vuông nầy.Đối phương đã 3 lần mở cuộc tấn công vào thị xã đều bị đẩy lui. 7 km đường,tính từ Tân khai.17 km đường,tính từ Chơn thành,ta mất hơn 70 ngày đêm để vượt qua.Một ngày ta tiến quân không được 100 m.Người lính của ruộng đồng,sình lầy,SĐ 21,trung đoàn 15 của SĐ 9,phải lên tác chiến ở rừng núi...Ôi ! cường độ khủng khiếp của chiến tranh và sự chịu đựng,hy sinh của người trai thời lửa khói...

Nhà của đứa em họ tôi đi theo tỉnh lộ nhỏ,cách QL13 khoảng 1 km,hướng về Đồi Gió,đồi 169,nơi kỷ niệm muôn đời của những chiến binh Dù,Biệt cách 81.Nơi đó,bây giờ có những mỏ đá đang được khai thác để xây dựng cầu đường.Đứa em tôi lên đây từ sau 1975,và trụ đến ngày nay.Vợ nó người địa phương,cơ ngơi tạm ổn.Sản xuất được 3 đứa con,sau nhà có 300 gốc cao su.Người cậu họ nói:

_Tao lên đây sau nó 5 năm.Tao sản xuất được 5 đứa con,đứa gái út chưa có gia đình.Tao khai phá được một mẫu đất,trồng được 600 gốc cao su.Cách ngày thu hoạch một lần,mỗi lần bán được 1 triệu ba trăm ngàn vnđ,mỗi tháng có 20 chục triệu vnđ,cũng đủ trang trãi.

Đất đai ở đây là vùng đất đỏ ba-dan,phần cuối của dãy Trường sơn nên rất mầu mỡ,người dân làm giàu nhờ cao su tiểu điền.Ở Lộc ninh làm giàu nhờ cây tiêu,cà phê...Thức ăn đặc sản ở đây như:thịt bò,heo rừng,gà rừng...thì rẽ so với đồng bằng,thành thị.Tiệc cưới ở đây đãi toàn những món đó.Cá tôm thì quý hiếm.Dọc đường chúng tôi qua, nhà cửa cũng khá nhiều,xây gạch mái tôn.Cũng có những đại gia lên đây mua cả chục mẫu đất lập trang trại.Chẳng còn dấu vết gì của chiến tranh để lại.Còn chăng là những địa danh:Bình long,An lộc,Tân khai,Suối Tàu ô,Xa cát,Xa cam,Xa trạch,Đồi Gió...trong lòng mỗi con người chúng ta,còn sống sót sau chiến tranh.Xin chiến tranh hãy ngủ yên trong tâm tư con cháu thế hệ mai sau của chúng ta.

Đỗ công Luận

20/7/2011

GỬI HUỲNH HỮU THỌ

VÀ NHÓM ÁI HỮU NGÔ QUYỀN, BIÊN HÒA

Thọ và các bạn yêu mến,

Cho phép tớ xưng hô mày tao với bạn để tình bạn bọn mình sâu đậm hơn. Dù gì bọn mình biết nhau đã 47 năm, từ ngày vào đệ thất Ngô Quyền (1963). Một, hai năm sau bọn mình mới biết Tâm nhũi từ Dĩ An chuyển về. Năm đệ lục, 13 đứa thuộc loaị "top ten" chuyển học chung với "mấy chị". Tao nhớ có: Luận, Mỹ, Hoàng , Kỳ lùn, Tâm khỉ, Nghiệp, Tài lé, Chiếu... Tâm khỉ hồi đó học giỏi lắm. Sau này chắc chơi nhiều, mê gái nên bị xuống dốc, hình như nó rớt tú tài một lần nhưng nhờ sanh năm 1952 nên sau này mới bị vướng. Kỳ lùn. khoảng 1985 tao có gặp. Lúc đó nó đi làm thầu xây dựng. Sau này, nghe Tâm nhũi nói nó nhậu nhẹt lè phè sao đó, bị vợ la rầy, tự ái nó bế môn, không tiếp xúc với bạn bè. Tụi tao cố liên lạc với nó nhiều lần nhưng không được. Lần trước mày hỏi, giờ tao nhớ ra. Thành Lân cao nhất lớp, nhà ở Chợ Đồn, sau này ở Long Bình Tân (ngã ba Vũng Tàu đi lên) làm lò gạch, nhưng giờ nghỉ rồi. Vì theo qui định của chính quyền, các cơ sở sản xuất phải tập trung vào khu công nghiệp, xa khu dân cư để tránh ô nhiễm môi trường. Bây giờ, sản xuất gạch cũng phải theo công nghệ (như gạch ngói Đồng Nai của ông Kèm hồi trước). Làm thủ công bây giờ không có "ăn" nữa. Đó là qui luật tất yếu của kinh tế thị trường. Phải có sự cạnh tranh. Tâm nhũi sau này cũng chỉ sản xuất gốm sứ mỹ nghệ xuất khẩu. Nghe nói tháng 9-2010, các cơ sở gốm sứ cũng phải di dời tập trung về khu công nghiệp gốm sứ ở Tân Hạnh. (Lái Thiêu cũng vậy). Mày nhớ, Tâm nhũi hồi đó cũng ham vui với bạn bè lắm. Sau này, khi có gia đình (nó cưới vợ khoảng 6-1975, lúc đó tao, Mỹ có đi rước dâu). Ông già nó mất năm 1977, nó tiếp quản toàn bộ cơ sở sản xuất (có lẽ cả của chìm). Từ đó, nó chí thú làm ăn. Hồi đó nó suýt làm cột chèo với Hà Mỹ. Nó còn tính làm em rể của Mỹ nữa. Nhưng mỗi người có duyên số. Con trai lớn của nó đã lấy tiến sĩ (du học tự túc) đang định cư ở Úc. Nó tính đưa vòi bạch tuột sang Úc, mua nhà cửa cho con cái (con gái nó cũng du học ở Úc), tạo dựng cơ sở kinh doanh gốm sứ. Hàng ở Việt Nam nó sản xuất rồi gửi sang. Cách đây mấy tháng vợ chồng nó có sang đó. Vài tháng nữa nó sẽ đi tiếp. Lần này, nó định tìm Tài lé. Nó biết được tin tức của Tài lé rồi. Thật tình mà nói, không phải nó giàu có mà bọn tao nịnh bợ rồi tâng bốc nó. Bọn tao, số còn lại ở Việt Nam, quí nó ở chỗ "cái tình". Ngay cả bọn tao cũng vậy thương mến nhau ở chỗ "tình nghĩa 47 năm". Tháng 6-2008, Đinh Hoàng Vân về cũng tổ chức họp mặt bạn bè. Bọn tao cũng nhâm nhi cà phê, lai rai chút đỉnh, ngồi nhắc lại chuyện xưa... Năm sau, Dũng con về, hắn tìm cách liên lạc được Tâm nhũi, kéo cả Thảo lùn về họp mặt ở nhà Tâm nhũi. Thảo lùn hiện ở Sài Gòn. Hoàng Minh Chiếu bây giờ là trưởng ban tổ chức của nhóm (nó nắm danh sách, số phone của anh em, có chuyện là nó alo). Tâm nhũi là trưởng ban kinh tài, nó bao sân tất cả. Nói như vậy chớ bọn tao đứa nào khá giả cũng đóng góp vào. Chiếu có hai con trai đã tốt nghiệp đại học, đã đi làm. Vợ chồng nó sống nhờ tiền cho thuê mặt bằng (nhà nó ở đường Trịnh Hoài Đức cũ). Lê Minh Trí có cơ sở rửa xe. Phạm Thanh Thừa, Võ Văn Trung làm viên chức nhà nước. Nguyễn Tấn Lực làm thầu xây dựng... Mỗi lần đám giỗ, gả con, Tâm Nhũi cũng có mời Anh 12. Tao cũng ngồi chung bàn nói chuyện cởi mở lắm. Tao mới biết Anh 12 sau này khi đi chơi với Tâm nhũi. Năm 2002, Tâm khỉ về, tụi nó móc nối với Nguyệt cù lao (vì chỉ có Nguyệt mới biết) rủ em Hằng của mày vể nhà Nguyệt "nhậu" chơi. Hôm đó cũng có tao, Nguyễn Tấn Hoàng (ốm cao như mày lúc trước, má nó có vựa cá ở chợ Biên Hòa, nhà ở Cù Lao). Sau này, nó cũng định cư ở Mỹ do con gái bảo lãnh. Nguyễn Văn Lê, năm đệ tứ, nó lên nông lâm súc Bảo Lộc. Hình như sau này nó cũng tốt nghiệp kỹ sư nông lâm với Huê (lé). Giờ nó cũng có cơ sở làm ăn ở Sài Gòn. Con trai nó học giỏi được học bổng du học Mỹ, hình như nó có qua bên ấy. Trần Văn Phước (Cù Lao), sau về tiểu khu Biên Hòa, chết khoảng 2000, do bị bệnh. Tao, Tâm nhũi có đưa tang. Tóm lại, bọn mình có 4 đứa lọt vào 372: Tao, Mày, Hoàng Vân, Phước Cù Lao. Lúc trước tao nhớ Phước ở 33.

Đầu năm 2009 (gần tết ta), Hà Mỹ có về với vợ con nhưng trú ở nhà mấy đứa em vợ ở Phú Thọ Hòa. Trước lúc về lại Cali khoảng 3, 4 hôm, nó mới điện thoại cho tao và Tâm nhũi xuống chơi. Tụi tao tìm cách "móc" nó về Biên Hoà để vui chơi với bạn bè, nhưng nó không đi (có lẽ vợ không cho về). Chiều hôm sau, tao và Tâm nhũi lái xe con, do rể tao lái, xuống Sài Gòn chơi với nó đến 23 h mới về. Hôm mùng 4 tết năm đó, tụi tao có điện thoại qua cho nó. Hình như hôm đó Tâm nhũi có điện thoại qua cho mày? Bạn bè đứa nào về, tụi tao sẽ tiếp đãi nồng hậu, ân cần từ A đến Z. Bây giờ cuộc sống ở Việt Nam đã thay đổi rất nhiều. Chuyện gia đình sắm xe con là bình thường . Cũng trả góp qua ngân hàng như ở Mỹ. Nhiều khi vào trung tâm thành phố không có chổ đậu xe.

Hùng lé lúc trước làm hiệu trưởng trường cấp 3 Chu Văn An (hồi trước là trường tiểu học Đồ Chiểu , ngay Mũi Tàu Hãng Dầu). Mỗi lần bạn bè về rủ nó không đến. Có lẽ nó buồn chuyện gia đình vì con trai nó bị tai nạn giao thông chết.

Còn Quang mập cũng vậy tụi tao cũng có số phone gọi nhưng nó cũng không đến. Nói về Quang mập, tao tin mỗi người đều có số. Nó trình diện TT3 một ngày với tao. Mấy ngày sau được qua không phi hành. Học xong khóa không quân ở Nha Trang nó về học Tổng quản trị. Do đó, nó có quyết định mang thiếu úy khoảng đầu năm 1975. Đến 30-4, quyết định chưa về nó vẫn là chuẩn úy, học tập 3 ngày. Sau đó vẫn vào làm cơ quan nhà nước.

Hôm trước tết 2010, Tân con và vợ con có về Việt Nam để làm lễ hỏi cho con trai nó. Phía sui gái ở Sa Đéc, trung úy sư đoàn 9. Dâu của nó là kỹ sư phần mềm lương khoảng 100 ngàn / năm. Con trai nó là công nhân sửa ô tô. Hai đứa nó cũng đến với nhau vì cái Tình . 16 năm sau nó về Việt Nam lần đầu. Theo nó nói, vì thu nhập thấp, anh em đông, nên nó ngại về. Hôm Tâm nhũi qua Cali, cho vợ chồng nó 5 ngàn để mua vé máy bay về mà nó cũng không về được. Số phần .

Nguyễn Thanh Liêm (lực sĩ) cũng ở Sài Gòn, gần Thảo lùn .

Nguyễn Hồng Nhi chết cách đây vài năm.

Chúng ta nên có cái nhìn khác. Hiện nay đã là 35 năm sau của 75. Tụi tao bây giờ cũng đã ngẩng cao đầu, không còn cúi mặt như ngày trước. Ngày xưa, bọn mình cũng chỉ là con rối cuả những thế lực. Tao đã đọc rất kỹ hai cuốn LỊCH SỬ CHIẾN TRANH LẠNH do Lê Thanh Hoàng Dân dịch thuật, nhưng chỉ nói đến giai đoạn 1970. Rất thực tế và chính xác.

Sau này 10 năm, 20 năm nữa, chúng ta sẽ đọc cuốn LỊCH SỬ THẾ GIỚI CỦA 2020, 2030... Cái gì không hợp thời sẽ bị đào thải (compris?)

Nhưng chừng đó con cái của mày có biết gì về quê hương Biên Hòa hay không? Hôm đó, Hà Mỹ nói với tao rất cảm động. Hôm nó đưa vợ con đi chơi Đà Lạt về ghé tạt qua Biên Hòa. Nó chỉ cho con nó biết đây là chợ Biên Hòa. Dãy phố trước chợ có nhà nó, nơi nó được sinh ra và lớn lên. Kia là nhả sách Huỳnh Hiệp của nhà bác Thọ. Đó là dòng Đồng Nai đã mang nước ngọt cho nó uống, như bầu sữa mẹ. Sau đó, nó về Bửu Long ghé nhà thờ của dòng họ. Khi xem DVD chương trình ca nhạc Vân Sơn 34, QUÊ HƯƠNG VÙNG TRỜI KỶ NIỆM, lúc hết đoạn hài kịch giữa Vân Sơn (ông ngoại) và Hoài Tâm (cháu ngoại), cô ca sĩ nào đó, tao quên tên, cất cao giọng hát bài QUÊ HƯƠNG... "quê hương là chùm khế ngọt..." tao nghe muốn bật khóc. Không biết tụi mày thế nào?

Mày còn nhớ, hồi đó, khi bọn mình thi đậu tú tài 1, theo bà ngoại của Hà Mỹ lên Đà Lạt chơi. Nhưng chúng ta chỉ lòng vòng quanh chợ Đà Lạt, không dám đi đâu xa. Chiến tranh mà! Hồi xưa mày ở Cái Nhum (Vĩnh Long, bây giờ là huyện Măng Thít). Tao ở Vĩnh Bình, sát bên nhau mà có gặp nhau đâu. Chiến tranh mà!

Bây giờ bọn tao ở Việt Nam cứ rảnh rỗi là alo gặp nhau ở quán cà phê để tâm sự . Một ly cà phê đá giá có 10 ngàn đồng (50 cent ). Mày về Miền Tây uống còn rẻ nửa, 3 ngàn đồng (15 cent), một tô cháo lòng 6 ngàn (30 cent). Nếu có giỗ, cưới thì lai rai. Bây giờ giữa hai phương trời, mỗi chúng ta có cuộc sống riêng. Lao động làm việc lo cho tương lai con cái. Vài năm nữa mình được về hưu, thì lại có cái thú vui của người già. Xin thượng đế cho chúng ta vẫn còn mạnh khoẻ. Công Viên bờ sông Đồng Nai, từ tòa tỉnh trưởng cũ đến cầu Hóa An, mỗi sáng có từng tốp cụ già tuổi trên 70 ngồi đánh cờ tướng dưới ánh nắng ban mai. Tao mơ ước vài năm sau cũng được như vậy.

Rồi theo qui luật của tạo hoá, bọn mình cũng sẽ ra đi, nhưng bọn tao còn được may mắn là nằm ở dốc Chú Hỏa, núi Châu Thới, núi Bửu Long để quay đầu nhìn về dòng sông Đồng Nai hiền hòa ngàn năm vẫn chảy. Chảy đi sông ơi... Rồi cũng về biển. Nước bốc hơi thành mưa rồi cũng đổ về nguồn. Thời gian có thay đổi, nhưng xin cho tình cảm của bọn mình vẫn như xưa…

Tao nghẹn lời quá, hết ý, xin hết.

Thân Ái, Luận 324

TB: Trong bài thơ viết cho bằng hữu ở Biên Hòa (9-73) dù ở Trà Vinh, tao vẫn nhớ đến bạn bè ở Biên Hòa. Thương nhất là Nghiệp. Buồn quá, không nhắc nữa.

ĐỖ CÔNG LUẬN

Lời Tác Gỉả: Xin tự giới thiệu, tôi là Đỗ Công Luận, cựu học sinh Ngô Quyền BH, khóa 8, sau Lê Thành Tươi một khóa, cùng học chung Tô Anh Dũng, Đinh Hoàng Vân, Mai Trọng Ngãi, Huỳnh Hữu Thọ... Mùa hè đỏ lửa 1972, bị động viên vào khoá 372 SVSQ/TĐ, từ tháng 8/2010 tôi gia nhập forum khoá 372, tôi có gửi một số bài viết cho forum 372.

Nay tôi có một số bài viết nói về quê hương Biên Hòa và Ngô Quyền, xin gởi đến BQT forum Ngô Quyền. Nếu cảm thấy phù hợp BQT có thể đưa lên forum Ngô Quyền để chia sẻ với ai đã từng gắn bó với quê hương Biên Hòa. Forum k372 Thủ Đức và trang web của Hội ái hữu Ngô Quyền là nhịp cầu nối giữa tôi và bạn bè ở hải ngoại. Nơi đó thể hiện nỗi niềm, tâm tư, tình cảm của tôi. Các bài viết thường là dạng bút ký hoặc chuyện kể...

NIỀM VUI ĐẦU XUÂN

Chiều tối mùng 1 tết, sau một giấc ngủ dài để lấy lại sức cho ngày hôm sau, mình lại đến bàn máy để làm việc. Ngày 29 tết, trưởng nữ mua tặng cho mình một màn hình LCD 24 inch hiệu Toshiba, có hai chức năng: vừa xem ti vi, vừa sử dụng computer, giá 3,9 triệu vnđ (185usd). Mình lấy làm thích thú với màn hình này, vì mắt mình hơi kém, 5 diop, nên đọc thư sẽ rõ hơn, đồng thời khi xem video clip hoặc hình ảnh post lên rất rõ đẹp.

BBT website Ái Hữu Ngô Quyền Biên Hòa gửi email cho mình thông báo bài NHỮNG MÙA XUÂN TRONG ĐỜI đã đăng tải lên trang web của hội. Từ khi vào forum k.372, mình có nhiều bài viết gửi đến anh em, nhắc kỷ niệm ở quân trường, ở đơn vị... Trong đó, có phần nhắc đến bạn bè ở trung học Ngô Quyền, số nhiều ở CaLi, còn số ít ở Việt Nam. Mình lựa chọn ít bài có liên quan đến bạn bè trung học Ngô Quyền gửi đến BBT với mong muốn chuyển tải đến đồng hương Biên Hoà những kỷ niệm, tâm tư tình cảm riêng mình. Và đã có kết quả bước đầu. Có một bức điện thư với địa chỉ email khác lạ, mình cố gắng đọc vì thư viết không bỏ dấu. Người nhận ra mình là chị Châu Kim Mỹ, bạn học chung lớp nhì, lớp nhất ở tiểu học trường làng, hiện đang định cư ở MiLan, Ý.

Ngôi trường tiểu học này khi các chị mình đi học hãy còn là mái tranh vách cây. Mình học lớp nhất (lớp 5 bây giờ) niên khoá 1961-1962. Bác Nghiêm, Chủ Tịch xã, bị sát hại đêm trước thì đêm hôm sau ở xã Bửu Hoà điện lưới quốc gia được kéo về. Mình chỉ nhớ đó là năm 1961. Hồi trước, hai xã Hóa An, Tân Hạnh kế bên, học sinh học xong lớp 3 phải sang Chợ Đồn học tiếp lớp nhì, lớp nhất. Nhà chị Mỹ ở Hóa An, đối diện nhà Nguyễn Hữu Hạnh, khóa 5.72 Thủ Đức, khoá 8 trung học Ngô Quyền. Năm 1962, chị đậu vào đệ thất Ngô Quyền nên học khoá 7. Mình thi rớt nên phải tạm cư một năm ở đệ thất Minh Tân. Mình cố gắng luyện thi nên đậu ở kỳ tuyển sinh năm sau, thứ hạng khá cao. Năm đó trung học Ngô Quyền tuyển 5 lớp đệ thất.

Chị Mỹ diễn đạt về mình, nhà mình ngay ở trước Chợ Bửu Hòa, và nhắc tên một số bạn bè. Mục đích chính là chị muốn biết tin tức của cô Dương Thị Thu Tâm, cô giáo lớp nhất bọn mình. Nhà cô giáo ở Sài Gòn, lên Biên Hoà dạy học, cô ở trọ nhà bạn La Thoại Trân, học khoá 7 Ngô Quyền, sau này đi cảnh sát dã chiến. Bạn bè sau 50 năm vẫn còn nhận ra nhau. Đêm hôm đó mình gửi email hồi đáp cho chị. Mình chỉ biết rằng trước 1975, hơn 10 năm sau bọn mình rời trường tiểu học, bạn Đoàn Hữu Hiệp, chung lớp với Long Chùa, Giang Hưng, Nguyễn Hữu Hạnh.... có đến nhà cô một lần ở Thủ Thiêm, xóm Cây Bàng. Phu quân của cô là kỹ sư điện, làm việc ở nhà máy nhiệt điện Thủ Đức. Sau 1975, bọn mình không có tin tức gì về cô. Về chị Mỹ, lần cuối cùng mình gặp chị khoảng cuối 1974, đầu 1975 ở bến xe Liên Hiệp gần chợ An Đông, lúc cả hai đón xe đò về Biên Hòa. Khi ấy chị làm việc ở ngân hàng, mình về Huấn Khu Thủ Đức học khoá 48 HCTC và đăng ký học tiếp năm thứ 3 ở Đại Học Vạn Hạnh.

Niềm vui đầu năm đến bất ngờ. Nhờ trang web Ngô Quyền, nhờ kỹ thuật khoa học tiến bộ, nửa thế kỷ sau mình tìm gặp được bạn bè. Xin cảm ơn tấm lòng thành của nhau, của những người xa xứ.

Đỗ Công Luận

CHS- KHOÁ 08-NQ

ĐIỂM DANH ĐỒNG ĐỘI - GỌI TÊN BẠN BÈ

15h, ngày 07, tháng 11, mình có điện thoại nói chuyện với Lạc và Kiến. Cả hai đứa đi chơi mới về, và đang lai rai. Được phone của mình, cả hai cùng tiếp chuyện. Ba anh em nói chuyện vui vẻ với nhau hơn 16 phút. Những kỷ niệm xưa lại hiện về. Mình có đề tài để nói.

Lá thư đầu tiên gửi lên forum, mình có nhắc đến Nguyễn Văn Châu, thủ kỳ 31và Lê Văn Quận 322. Bởi vì Châu, Quận, Lưu Ngọc Sơn, Tô Minh Quang, và mình khắn khít nhau từ hồi còn ở giảng đường đại học. Hồi trước, bọn mình học chung khoa KH-XH ở Vạn Hạnh. Hai năm đầu, cả 5 ban học chung. Hai năm cuối mới đi chuyên ngành. Chỉ có giảng đường 18 mới đủ chỗ. Bọn mình thường đến lớp sớm, dành chỗ cho nhau. Rồi học chung nhóm, thành ra thân quen. Sau này, từ Biên Hòa đến Chợ Lớn lấy hàng, mình thường đi qua ngã tư Hùng Vương - Trần Hoàng Quân cũ, nay là Nguyễn Chí Thanh, gần hãng thuốc lá Mic. Nhìn vào dãy nhà ở góc phố, không biết nhà của Châu là nhà nào? Vì mình đến đó chỉ có một lần. Muốn hỏi thăm thì ngại, vì người mới đến ở nhiều, không biết họ có biết không? Không biết Châu thế nào, còn hay mất? Khi Bá Hùng cho số cellphone của Châu, Quận, mình phone nga . Châu còn hơi ngờ ngợ. "Luận đây nè, ở Biên Hòa, học chung với Quang mập cùng nhóm ở Vạn Hạnh". Châu nhận ra. Mình hỏi thăm về Mai. Hai đứa rất khắn khít nhau hồi ở giảng đường. Dân trường Tây mà. Châu nói trầm buồn. "chia tay rồi, từ hồi đi tù về". Chuyện buồn, mình không nhắc nữa sẽ buồn thêm. Châu ơi! hẹn gặp nhé ở Sài Gòn.

Phone cho Quận, máy có hộp thư thoại. Lát sau Quận gọi lại. Mừng quá. Lại nhắc về chuyện cũ, từ thời ở giảng đường đến Thủ Đức. Có hỏi về Sơn, hình như không có tin tức gì. Quận ơi! hẹn gặp nhé ở Sài Gòn.

Mình hỏi thăm về Phạm Trọng Kiến. Hồ Văn Lạc trả lời "tao vẫn thường liên lạc với nó. Tháng 7 rồi, tao có qua chơi nhà nó, để tao cho nó biết tin mày". Mình , Kiến, Lạc, học chung khóa 48 HCTC cho đến tan hàng. Thật ra mình biết tin Kiến còn sống, đang ở Mỹ, từ tháng 4 -2010, qua Đinh Hoàng Vân và nhóm ái hữu Ngô Quyền. Hôm đó, mình để máy di động ở nhà sạc pin, có hai cuộc gọi lỡ từ số máy 17100. Mình hỏi tổng đài, họ trả lời số máy đó gọi từ nước ngoài về. "thằng Kiến chớ không còn ai". Tháng 5 -2010, Nguyễn Ngọc Long, bạn Ngô Quyền với mình, sang dự lễ tốt nghiệp của con, mình căn dặn: "mày hỏi thằng Vân về tin của thằng Kiến dùm tao". Khi về nó trả lời "có uống cà phê với Kiến, tổng cộng 15 đứa". Kiến còn sống rồi, vì lần sau cùng mình còn gặp nó khoảng 1986. Mình phone hỏi Lạc "'nó không biết sử dụng Computer, không có cell phone, để tao cho số ở nhà". Mình gọi sang, vợ nó bắt máy. "Kiến ơi! Luận đây, Luận đây". Mừng quá! "ai cho mày số phone của tao" "Lạc chứ ai". Hôm 7 tháng 11, nó sang chơi nhà Lạc. Mình điện sang nói chuyện. Mình có nhắc đến Trần Thanh Nguyên.

- Nguyên, thư ký đại đội 32 hả? hồi tám mấy, tao có gặp nó ở Chợ Gạo. Nó làm gì ở nhà máy nước đó mà.

Mình nhắc đến Nguyên vì nó cùng đi chiến dịch với mình. Thái Huỳnh cho mình số phone của nó. Mình có nói chuyện và gửi email. Nửa tháng sau, Nguyên có gọi lại cho mình.

- Bá Hùng có email cho tao

- Mày muốn vào group với anh em thì liên lạc với Bá Hùng.

Nó nói, thường đi Biên Hòa vì công việc làm ăn.

- Khi nào lên Biên Hòa thì phone cho tao.

Nguyên ơi! hẹn gặp nhé ở Biên Hòa.

Kiến ơi! hẹn gặp nhé ở Dĩ An? ok

Lạc ơi! Mày có mở forum cho Kiến xem email và ảnh của tao chưa. Hôm trước, nó bảo để con nó hỗ trợ cho nó lướt web. Còn không mày bảo nó cho địa chỉ email của con nó để mình gửi qua. Phải theo thời đại chớ. Ngày xưa, tao học truyền tin, cái máy viễn ấn tự "bự chàm vàm" bằng cái tủ lạnh. Ngày nay, nó là máy fax, bằng cuốn từ điển, phải không Lý Khôn Sơn STLQ 22? Nam trung bộ bị mưa lũ, tình hình ở quê máy ra sao rồi Sơn? Nguyễn Ngọc Lan thế nào? Cho anh em biết để san sẻ.

Lạc ơi! Hẹn gặp nhé ờ Sài Gòn.

Mình hỏi thăm Trịnh Quan, gởi ảnh lên. Nó nhận ra. "38 năm nay tao đi tìm mày". Gặp nhau ở Sài Gòn, Trịnh Quan mập hơn, nhận ra ở khuôn mặt, nụ cười. Nhớ ra rồi, qua những tấm ảnh Trịnh Quan chụp ngày xưa, đưa lên blog hội ngộ. Bửu Vân, Trung Thuận, Thái Huỳnh, Quốc Hùng,… , Hồ Liệu, mình mới biết, vì cùng chung TQLC với Tươi, Vân. Cảm ơn Nguyễn Mạnh Cường, Bá Hùng.

Lê Thành Tươi, người đã đưa hình mình lên group gặp anh em. Cô Bảy chê mình già. Hôm lên nhà Hạnh, cô Bảy nói với Trịnh Quan: "bạn anh đẹp trai, vui vẻ". Sao thay đổi nhanh quá vậy cô Bảy? Nhân đây mình xin bật mí một chút. Ngô Hiếu Hạnh, 323, là anh rể của Đinh Hoàng Vân, 313. Vợ Hạnh, chị của Vân, là trung uý nữ quân nhân. Thôi thì, xuất giá tòng phu, cũng phải kêu thiếu úy bằng anh cho phải đạo chứ sao?

Tươi đi tù chung trại với mình. Mình tổ 9, nó tổ 10. Gặp lại nhau từ sau 90. Họp mặt Ngô Quyến (ở VN) cuối năm 2008, nó bảo "tao thấy mày trong ảnh của trung đội 324, thằng Phiệt đưa lên". Phiệt hả? Trần Thế Phiệt anh chàng người bắc, cao, hơi hô chứ gì. Đúng rồi. Ban chấp hành hội Ngô Quyền có nhắc đến Triệu Quang Vinh, mới mất cách đây mấy tháng.

- Thằng Vinh cũng ở Ái hữu Ngô Quyền hả?

- Chớ sao. Nó học lớp với tao, Danh Phạm Lung, Mai Quỳnh Lâm con ông Bộ.

- Vậy hả?

Mình mới gặp lại Vinh hồi 2006. Cách nhau có 5km mà sao như xa quá. Vinh ra trường, qua CSQG, hình như 324. Uống với tao 1 ly nữa nha Vinh? (vì đã uống một lần trong đám cưới con mình).

Thái Huỳnh, Trung Thuận có nhắc đến Nguyễn Hoàng Vũ. Nhớ chứ. Anh chàng thấp người nhỏ con, tánh thật thà chất phác. Dân miền Tây mà. Tết 2007, mình và quý tử có du lịch ở Miền Tây bằng xe gắn máy mấy ngày, ở Long Xuyên 2 hôm. Gia đình của bạn nó tiếp đãi cha con mình nồng hậu lắm. Khi về còn tặng mấy kg cá khô. Lúc đó, nếu biết Vũ ở Long Xuyên mình đã tìm đến rồi. Thôi Vũ nhé, hẹn gặp lần sau ở Long Xuyên. Nhớ dẫn anh em mình đi ăn món cá hô vàng đặc sản. Nghe nói mới có ngư dân nào bắt được một con nặng hơn trăm kg ở ngã ba Vàm Nao.

Thọ 311 ơi! Vân 313 ơi! nhắc đến tụi mày tao phải nhắc Võ Hà Mỹ và Nguyễn Trương Hoàng.

Tao, Mỹ, Hoàng thân nhau từ đệ thất Ngô Quyền 1963. Lúc đó tụi tao thích nhất là bản CHÚNG MÌNH BA ĐỨA. Xong tú tài 1, thằng Mỹ vì bị phụ tình, người yêu nó lấy anh chàng trung úy lái trực thăng, nên nó đăng ký phi hành. Sau này cũng lái caribou C7, đâu thua kém ai. Trương Hoàng cũng vì lý do gì, tao không biết, tình nguyện vào Thủ Đức, năm 71, tao không nhớ khóa. Sau đó nó ra tiểu khu Bình Định. Cuối năm 2009, Mỹ về Sài gòn, gặp lại anh em, nó có kể "lúc nó tiếp vận ở sân bay Phù Cát. Nó ra quán nước gần sân bay để giải khát. Thấy có chiếc nón sắt đề tên Hoàng với mấy câu có vẻ hận đời. Nó hỏi của ai? Cô chủ quán nói của thiếu úy Hoàng".

- Thiếu úy Hoàng ở Biên Hòa phải không?

- Đúng rồi.

- Thiếu úy Hoàng có về, cô nói có thiếu úy Mỹ ở Biên Hòa ra thăm.

Hai đứa có gặp nhau.

Đầu năm 75, Hoàng về Biên Hòa cưới Tuyết Nga. Lúc đó tao có nghe. Một bào thai bắt đầu tượng hình. Nó trở lại chiến trường và mất tích trong lúc di tản. Sau 30-4, ông già nó đi cách mạng về, ra Bình Định tìm nó. Ông đi đến các trại cải tạo, hỏi thăm anh em ở chung đơn vị với nó, nhưng vô vọng. Chiến tranh nghiệt ngã quá! Hoàng ơi! uống với tao một chén. Tiếc rằng tao không uống được rượu mừng ngày cưới của mày.

Vân ơi! Hôm đọc quyển đặc san Ngô Quyền do Tươi cho mượn, tao thấy có nhắc tên đến thầy Lê Quí Thể, giáo sư dạy vật lý bọn mình. Năm lớp 12, tao làm trưởng ban thể thao của trường, thầy làm giáo sư cố vấn cho khối thể dục. Ổng thương tao lắm. Khi bọn mình vào tù, nghe nói thầy phải đạp xích lô kiếm sống? Nếu có cellphone, mày cho tao, để tao liên lạc với thầy.

Đầu tháng 8 -2010, mình cùng anh Chi - khóa 1/72 TĐ, anh Hường - khoá 4/72 ĐĐ, về thăm lại Vĩnh Bình. Sau 1 đêm nghĩ ở Trà Ôn, ba anh em thuê xe máy đi thăm chiến trường xưa ở Cầu Kè, Tiểu Cần. Căn cứ ngày xưa mình ở bây giờ là trụ sở ủy ban xã. Sau nửa ngày, anh em nghĩ chân ở quán nước ven đường, gần quận lỵ Tiểu Cần. Thấy bà chủ quán cỡ trên 60 tuổi, mình chủ động hỏi thăm:

- Chắc chị ở đây từ xưa đến giờ? Nay chị mấy mươi?

- Đúng rồi. Chị nay sáu lăm. Mấy cậu ở đâu đến?

- Tụi em ở Sài Gòn. Nhưng hồi đó có ở đây. Chị biết hậu cứ của đại đội 217?

- Đó là nhà của ông địa chủ giàu lắm, chiến tranh bỏ hoang, mấy ông lính lấy làm chỗ đóng quân.

- Giữa năm 73, có trận đánh lớn ở Tập Ngãi, chị biết không?

- Ở ấp Cây Gáo, Tập Ngãi đó mà. Kỳ đó lính quốc gia chết nhiều lắm. Mà mấy chú biết không, hồi đó ông nhà tui là huyện đội trưởng, ổng dẫn mấy ông D3 đánh trận đó. Sau 75, ổng chuyển ngành qua công an, làm trung tá. Bây giờ về hưu rồi. Trận sau ở Chánh Hội, Trà Mềm, VC chết nhiều lắm, mấy ông 404 lấy súng đem ra Tiểu Cần triển lãm, có đăng báo Chiến sĩ cộng hòa.

Đụng độ thứ thiệt rồi.

Anh Chi là người có trí nhớ tốt:

- Tao nhớ rõ hôm đó là ngày 28-7-73. Tiểu đoàn mình nhảy trực thăng xong, nằm ém lại từ chùa đến ấp chiến đấu của VC, chờ thằng 404 bên kia sông, đi song song với nó rồi về mục tiêu. Thằng D3 là trung đoàn D3 chủ lực của VC ở khu 8. Mật danh của trung đoàn là E, nhưng gọi là D cho ta hiểu lầm. Nó né thằng 404, qua bên này đánh mình. Đêlô trên các ngọn dừa, chỉ điểm pháo vào BCH /TĐ. Đại úy Nhường, tiểu đoàn trưởng bị thương gãy chân. Ông bảo anh em rút lui, để lại máy cho ông liên lạc với tiểu khu xin tiếp viện. Anh em dạt ra giữa ruộng trống, VC phất cờ xung phong. Lúc đó mình không tránh đạn, đạn chỉ tránh mình. Trận đó ta tổn thất gần 30 anh em. TĐTrưởng bị chúng bắn nát người.

Đại Bàng ơi! hãy uống với em một chén. Ngày em mới về trình diện tiểu đoàn ở ThaLa, Trà Cú, em ở với Đại Bàng mấy hôm Sau đó, Đại Bàng ký sự vụ lệnh đưa em về đđ 217 ở Tiểu Cần. Trước khi đi, Đại Bàng có căn dặn "mày mới ra trường, phải cẩn thận". Bây giờ Đại Bàng đã đi xa, đi trước em rồi. Cuộc đời oái ăm quá!

Rời Tiểu Cần, ba anh em trực chỉ về Trà Vinh. Sau khi tham quan thành phố, ngồi uống cà phê với mấy chiến hữu ở chung tiểu khu Vĩnh Bình ngày xưa, trước khi về Sài gỏn.

- Mày có biết tin tức của đại úy Lợi, tiểu đoàn trưởng của tao không?

- Biết chứ, nghe nói ổng đã đi HO rồi.

- Ổng còn sống hả, mừng quá. Mày cố gắng xin số phone cho tao.

- Được rồi, tao sẽ liên lạc với mấy đứa em bà con của ổng.

- Mày có biết Đỗ Công Danh không?

- Nó người Tân Uyên, về 522 với tao.

- Nó chết làm sao?

- Khi đồn nghĩa quân ở xã Phong Phú, Cầu Kè, bị mất. Thằng 522 từ tiểu khu theo ngã Tiểu Cần lên giải tỏa bằng GMC. Đến khúc ruộng gần chùa Miên, tụi nó bị phục kích. Công đồn đã viện. Lúc đó nó nắm đại đội trưởng, tao khi đó dã về học khóa 47 HCTC.

- Như vậy là đàn anh của tao rồi.

Chỉ có mấy đồng để photo bằng cấp và một lá đơn, bọn mình đã về hậu phương rồi, bỏ lại chiến trận sau lưng.

Danh ơi! mày không có may mắn đó! tao uống với mày một chén.

Mấy hôm sau, mình ở Biên Hòa, có phone từ Vĩnh Bình gọi lên:

- Luận hả? có số phone của ông Lợi rồi, mầy lấy giấy viết ra ghi.

- Đúng của ổng không?

- Của em vợ ổng cho tao.

Mười giờ tối hôm sau, mình gọi sang. Đại úy phu nhân bắt máy.

- Xin lỗi, có phải số máy của anh Lợi ở Trà Vinh không?

- Đúng rồi, tôi vợ ảnh.

- Xin chị cho em gặp anh Lợi, có Luận ở Biên Hòa hỏi thăm... Đại Bàng hả, em Chuẩn úy Luận đây, ở chung với chuẩn úy Hường người Huế, hay đánh cờ tướng với Đại Bàng đó.

- Mày hả Luận?

Mình cảm thấy run lên, có lẽ vì sung sướng, nước mắt muốn tuôn trào.

- Anh qua bển hồi nào?

- Chín hai. Hồi mày về Vũng Tàu, tao cũng đi Long Thành học khóa bộ binh cao cấp. Nếu còn ở đồn Bến Cát chắc cũng chết mẹ rồi. Nó nội tuyến.

Chuyện thường ngày ở Miền Tây.

- Anh đang ở đâu?

- Tao ở Los (LA). Lúc đầu cực khổ lắm. Đánh đấm không bị gì, qua đây, bị xe đụng hư con mắt. Sức khỏe hơi yếu. Mấy đứa nhỏ lớn lên, làm nuôi lại. Tao mới đi nhà thờ về.

- Anh nay mấy mươi rồi?

- Năm chục năm trước, tao mời có hai chục tuổi.

Vẫn giọng hóm hỉnh ngày xưa.

- Em cho số di động của em, chừng nào anh về VN, anh phone cho em. Em sẽ bay xuống Trà Vinh với anh liền.

- Ừ! từ hồi đó tời giờ, tao về VN có 2 lần.

Đại bàng ơi! anh em mình sẽ chờ nhau để cạn chung một chén nước mắt quê hương, ăn tô bún nước lèo. Hồi đó, Đại bàng hay chửi bọn em, mấy thằng sĩ quan mới ra trường.

- ĐM, mấy thằng "sặt cụt"

Sặt cụt, mình tưởng là tiếng Miên, sau này ngẫm nghĩ lại, nói láy, mới hiểu. Sao hồi đó mình ngu nghê quá, khờ khạo quá.

Dù rằng, Đại bàng đã ĂN của em MẤY CHỤC để về làm sĩ quan truyền tin tiểu đoàn, nhưng em vẫn thương mến Đại Bàng.

EM VẪN ĐỢI ANH VỀ.

Khi mình đóng quân ở Cầu Kè, từ cồn Tân Quy, trên sông Hậu, VC tấn công, chiếm trụ sở xã An Phú Tân.

Em nằm xõa tóc trên cồn

Ta bên sông đứng, nghe hồn lao xao

Chiều buông nắng vẫy tay chào

Ru ta nửa giấc mòn hao tuổi đời.

Chi khu vẽ kế hoạch tái chiếm. ĐĐ4 (ĐĐ217 cũ của mình), cập theo sông cái tiến lên. BCH/TĐ từ ấp thọc ra ruộng đánh vào. Trung đội 2, trung đội cũ của mình, do chuẩn úy Lam chỉ huy, đi đầu. Khi trung đội lọt vào khu vườn. VC bắt đầu đánh, kiểu công đồn đã viện. Khi anh em ở phía sau chạy dạt ra ruộng, VC phục kích ở cánh vườn bên kia bồi tiếp. Nhờ cối 60 ly của BCH/TĐ yểm trợ, VC rút lui, kiểm điểm lại thiếu 4 anh em: Chuẩn úy Lam, hạ sĩ Thạch Mực (người lúc trước mang máy cho mình), trung sĩ Nguyễn Bá Thuyên và một người nữa. Hôm sau đơn vị mới vào lấy xác, chuyển về bệnh viện tiểu khu. Chuẩn úy Lam, gia đình ở Long Xuyên đến nhận. Thạch Mực cũng vậy. Tội nghiệp trung sĩ Thuyên, chưa đầy 20 tuổi. "rớt tú tài anh đi trung sĩ ", gia đình từ Huế, hơn tuần lễ sau mới đến nhận quan tài. Thương mày quá Thuyên ơi!

Lam ơi! Mực ơi! Thuyên ơi! tao uống với tụi mày một chén.

Chiều mồng 4 tết của năm 1974, từ tiền cứ ở ngoài Cầu Kè điện báo vào.

- Có mẹ chuẩn úy Luận từ Biên Hòa xuống thăm, đang nghĩ chân ở tiền cứ.

Gác máy xuống, mình cảm thấy bàng hoàng, không biết nói gì hơn. Mẹ già gần 60 tuổi, vượt 300km đường xe đò đến thăm con vào những ngày xuân. Theo người Á Đông mình, tết là điều gì thiêng liêng lắm. Ba ngày tết, gia đình con cháu quây quần về mừng tuổi ông bà, cha mẹ. Nhà nào cũng có bánh mứt, thịt kho dưa giá. Trẻ em mặc quần áo mới và có tiền lì xì, vui chơi thỏa thích. Nhưng đất nước đang chiến tranh, niềm vui không được trọn vẹn Mình gọi máy ra tiền cứ:

- Anh em sắp xếp chỗ cho mẹ tôi nghĩ tạm đêm nay ở tiền cứ. Ngày mai, đón tàu đò đưa bà cụ vào đây dùm tôi. Ở trong này tôi lo chỗ cho bà cụ.

Đêm ấy mình không ngủ được. Hầm ngầm của BCH / TĐ hình chữ Y. Mình cùng ban máy ở chung với tiểu đoàn trưởng. Bên kia là của tiểu đoàn phó, sĩ quan hành quân và đám lính tà lọt. Thôi phải nhường ghế bố xếp, kiểu mỹ, cho bà cụ. Dù sau ở trong này cũng an toàn hơn.

Sáng mùng 5 tết, tàu đò chưa chạy. Tiền cứ phải nhờ ghe của dân đi chợ cho quá giang vào. Mẹ mình kể: - Mấy bà ấy thấy tao quần áo tươm tất, mang hai ba xách, lại nói vào đơn vị thăm con. Chắc con bả là sĩ quan?

Ở vùng tranh chấp, ban ngày là của quốc gia, ban đêm là của VC, mình phải sáng suốt.

Chính đại úy tiểu đoàn trưởng của mình cũng nói:

- Tao đánh cờ với mấy ông già đó, chớ tao cũng biết mấy ổng là ai, làm gì. Mấy ổng cũng muốn lấy tin tức của tao. Tao cũng moi lại của mấy ổng chớ.

Chiến tranh cân não.

Tiền cứ báo ghe đã rời bến. Mình bồn chồn lo lắng, đứng ngồi không yên. Hai sếp lại còn chọc quê mình nữa chứ. Khoảng 1 giờ sau, mình ra bến sông để đón mẹ vào. Cổng căn cứ hướng ra bến sông, cách vài chục mét. Năm 2005, khi mình về thăm lại nơi này. Cảnh cũ vẫn còn đây, bên kia bến sông là ấp Chông Nô. Cây còng già đã bị đốn mất, một cái chợ quê mọc lên. Khu căn cứ cũ nay là trụ sở ủy ban xã.

Sau một ngày đêm mẹ con hàn huyên tâm sự. Hai sếp cũng có đến vấn an. Sáng hôm sau mình chuẩn bị đưa mẹ về. Suốt đêm đó mình đã suy nghĩ kỹ, bây giờ quyết định nói với mẹ.

- Con xin thưa với má. Bây giờ ba má đã lớn tuổi rồi. Đường xá đi lại khó khăn, xuống đây thăm nom con bất tiện. Con cũng đã hơn 20 tuổi rồi. Má về nhà cùng ba tiến hành việc CƯỚI VỢ cho con.

Thật ra, chuyện lập gia đình cho mình gia đình cũng đã bàn tính, nhưng mình chưa dứt khoát. Vì nghĩ thân trai chinh chiến, cuộc sống còn bôn ba. Nhưng mình nghĩ lại, nếu có gia đình, vợ con sẽ đến thăm, san sẻ phần nào cực nhọc cho cha mẹ.

Tình thương con của cha mẹ thì vô bờ bến. Năm 1978, thằng em áp út của mình đi bộ đội. Đơn vị nó tập kết ở XaMat, Tân Lập, chuẩn bị vượt biên đánh PônPốt. Bà cụ nghe tin, dấu cha mình, cũng lặn lội đường xa tìm đến thăm nó. Lúc đó xe cộ khó khăn hơn. Đến nơi, đơn vị nó đã đi rồi. Khi mình vào trại, bà cụ lại lặn lội mang xách lên Trảng Lớn, Đồng Pan thăm mình. Thân cò lặn lội quanh năm.

Chiến tranh đã dần xa. Nhưng ký ức vẫn tiềm ẩn trong tâm thức của chúng ta. Thế sự có thăng trầm, nhưng tình cảm của anh em mình vẫn dạt dào như sóng biển bao la. Tóc không còn xanh mà vẫn mày tao ơi ới!

Đồng đội ơi! hãy nghe tôi nói. Hãy vào hàng để làm cuộc điểm danh, ai còn ai mất.

Bằng hữu ơi! hãy gọi tên nhau trong suốt quãng đời còn lại để ngày sau không nuối tiếc. Điều gì đã khiến anh em mình gần lại với nhau? Chẳng lẽ một chuyện cỏn con mà sinh ra tranh luận?

Hãy im lặng, dành một phút cho bạn bè đã nằm xuống.

Hỡi đồng đội của tôi ơi! Này bạn bè của tôi ơi! Nào chúng ta hãy nâng LY và cùng cạn CHÉN.

Tại sao? ly dùng để uống sâm banh, bia bọt. Nâng ly lên là biểu tượng của sự thành công, chiến thắng. Những kẻ chiến bại như chúng mình chỉ có thể cạn chén nước mắt quê hương cho ngày đưa tiễn.

... Chén tiễn, chén đưa, cho rã rời một đêm hẹn ước. Dứt áo tìm vui nơi chiến trường, có bạn có thù...

Trầm Tử Thiêng

Bạn ơi! quan hà xin cạn chén ly bôi. Ngày mai, tôi đã, đã đi xa rồi...

Minh Kỳ

Đàn anh của ta đã tiên đoán như vậy

Đỗ Công Luận cựu hs NQ khoá 8

NHỮNG MÙA XUÂN TRONG ĐỜI ĐỖ

Chiều 29/12, mình gửi mail happy new year lên group cho các bạn. Chỉ còn 2 ngày nữa là sang năm 2011, bọn mình tròn 60 tuổi. Lúc 20h30, mình mở group 372, nhận được tin Phan Trần Thắng, thiếu uý thương phế binh TĐ 7 dù, đã ra đi hồi 17h 25 phút, do Thái Huỳnh và Trung Thuận đưa tin. Bạn mình thiếu 2 ngày nữa để bước qua tuổi 60 tây, hơn 1 tháng nữa bước qua tuổi 61 ta, trở lại một vòng tuần hoàn của cuộc đời. Bất chợt mình ngẫm nghĩ lại cuộc đời mình. Mình lấy giấy bút ra, tính sổ cuộc đời, 60 mùa xuân mình đã trải qua, có vui buồn lẫn lộn.

Mùa xuân đầu tiên, mình còn bé quá nên chẳng biết và nhớ gì. Mình tưởng tượng, lúc đó mình đang trong vòng tay mẹ, hai tay ôm bầu sữa căng tròn của mẹ. Hồi đó, gia đình vất vả, xã hội còn khó khăn, làm gì có sữa bột như mấy đứa cháu ngoại bây giờ. Con gái út của mình, sanh 1980, lúc đó cố gắng lắm mình mới cho cháu uống duy nhất 1 lon Similac của Liên Xô. Khi mình được vài tháng tuổi, giao mình ở nhà cho các chị trông nom, mẹ lại quảy đôi gánh tảo tần ra chợ, lội bộ đi về từ chợ Biên Hòa đến Chợ Đồn. Mình được 6 tuổi, ba đứa em nữa lần lượt ra đời. Đôi vai của mẹ lại gầy guộc hơn. Đôi gánh của mẹ laị trĩu nặng hơn. Năm 1958, chợ Bửu Hòa dời về điạ điểm hiện tại, đối diện nhà mình. Các chị đã lớn, ba má quyết định mở cửa hàng tạp hóa taị nhà. Ba vẫn đi làm ở trường Bá Nghệ. Lứa tuổi của mình lúc đó chỉ biết ăn và học. Đúng nghĩa ăn học. Mình trông mau tết đến để mặc quần áo mới và có tiền lì xì. Chú Bảy của mình lúc đó đi lính không quân, đóng ở sân bay Biên Hòa. Cả gia đình chú ở trong khu gia binh. Chỉ có 2 ngày giỗ nội và mấy ngày tết là chú về thắp nhang nhà thờ họ tộc và thăm anh chị cùng các cháu. Sáng mồng một tết, chị em mình và mấy đứa em họ, đã lóng ngóng chờ nhận những tờ tiền mới từ tay chú, để gọi là lấy lộc đầu năm. Lúc đó chánh quyền sở tại cho"xã cảng" ba ngày tết. Chợ không họp, các sòng bạc, bầu cua cá cọp, bông vụ... mở đầy trước sân chợ. Mình khoái nhất là đánh vụ, kế đến là bầu cua cá cọp. Đánh vụ, nếu đặt cửa chánh, trúng được nhiều lần số tiền đặt cược. Nếu đánh ngang hoặc vuốt sẽ trúng ít hơn. Khi nghe tiếng con vụ ngã, mình đoán được cửa nào. Thấy mấy người lớn tuổi đánh dồn về một cửa, mình bắt chước đánh theo. Dù sao người lớn tuổi cũng kinh nghiệm hơn. Có năm, sáng mùng một tết mình đã nhẵn túi. Mình giả vờ về phụ ba bán hàng để "chỉa" chút đỉnh gỡ gạc. Mấy ngày tết cửa hàng chỉ mở cửa bán buổi sáng. Có hôm thắng lớn mình laị có những giây phút huy hoàng. Ngay ở ngã tư Chợ Đồn có tiệm LÂM KINH TRÀ GIA của chú tàu .

- Tiểu nhị, cho một chai kem sođa sữa đá hột gà. Thêm một tô hủ tiếu mì đặc biệt. Cho mấy cái bánh ngọt ăn laséc nữa.

Từ mồng 4 tết trở đi, mình theo các chị, các cô chú đi chơi ở Bửu Long, sở thú hoặc về quê ngoại ở Bình Dương. Mùng 7 tết bắt đầu đi học lại. Lúc đó, chú út của mình thương mình nhất. Đi học nghề sửa xe ở xa, tết về nhà, chú mua cho mình cái xe hơi chạy bằng dây thiều. Chú út và anh hai mình sanh cùng một năm, năm dần. Bây giờ chú út bị tai biến, đi đứng khó khăn, mình vẫn thường đến thăm viếng chú.

Những năm lên đệ nhất cấp, mình lại thích ngồi sòng cắt tê với mấy chú, người lớn tuổi, để ăn ké cá cược. Mấy ngày tết, gia đình cũng cho thoải mái không cấm cản. Tết năm 1968, xuân Mậu Thân, cái tết dài lâu trong đời. Năm đó, VC tấn công vào Biên Hòa theo hai mặt trận chính. Từ hướng nhà máy cưa, miễu Ba Làng, men theo đường rầy xe lửa, ga Biên Hùng để đánh vào trại Bạch Đằng, tức trung tâm yểm trợ của tiểu khu. Nhà của Thọ Huỳnh Hiệp, Kỳ lùn nằm trong vùng chiến sự đó. Hướng Đông Bắc, sư đoàn 5 VC từ chiến khu Đ, qua sông Đồng Nai, theo hướng Vĩnh Cửu đến Hóc Bà Thức, Đồng Lách để đánh vào sân bay Biên Hòa và căn cứ dã chiến của Mỹ. Thọc sâu xuống, VC đánh vào bộ tư lệnh quân đoàn 3, khu vực phố chợ Phúc Hải thành bãi chiến trường. Người bác họ của mình phải đưa gia đình sang lánh nạn ở Chợ Đồn. Lúc đó phía nam sông Đồng Nai, vùng Chợ Đồn Tân Vạn như không có chuyện gì xảy ra. Có những trưa chiều mình ra bến sông, nhà chị Thưởng, vợ của Vân 313, nhìn về hướng Biên Hoà, Hố Nai. Những chiếc B57, A37 chao mình xuống bỏ bom. Những cột khói bốc lên cao. Những ngày tết năm đó kéo dài hết giữa tháng giêng, mình theo xem các chú, các bác đánh cắt tê, từ sàn nhà chú tám đến căn gác xếp của bác hai mình. Trường học vẫn chưa mở cửa. Chiến sự kết thúc, bọn mình phải đi học quân sự một tháng. Lại phải đi dọn dẹp, công tác xã hội ở Đồng Lách Hố Nai. Lại bắt đầu có sự lo âu. Mình đã trưởng thành, biết suy tư, biết theo dõi thời cuộc.

Mùa xuân 1973, lần đầu tiên mình ăn tết xa nhà, dù khoảng cách từ quân trường đến nhà khoảng hơn 10 cây số. Sau khi đi chiến dịch trở về, rồi hiệp định Paris ký kết, rồi tết đến. Lệnh cấm trại 100%. Trước tết gia đình thăm nuôi tiếp tế lương thực bánh mứt. Mình vẫn cảm thấy có cái gì thiếu thốn. Thiếu người thân, thiếu bè bạn. Em Liên đã đi lấy chồng. Những đêm gác tuyến, trời không trăng sao, gió đông lành lạnh, không bút mực nào tả hết nỗi buồn da diết đó, dù rằng đó là những ngày xuân. Mùa xuân chỉ đến trong khuôn viên mấy cây số vuông, bên trong những hàng rào phòng thủ. Bên ngoài pháo vẫn nổ vang.

Tháng 12/73, sau khi hết phép , mình trở lại đơn vị. Tiểu đoàn dã chuyển quân lên Cầu Kè. Mình được rú về bộ chỉ huy TĐ làm SQ truyền tin, không còn ở ĐĐ 4, không còn nắm giữ trung đội 2 thân thương. Hạ Sĩ Liên, Mai Văn Liên, bằng tuổi chú Tám mình, vẫn xưng em ngọt sớt.

- Em nấu cơm rồi, mời chuẩn úy dùng

Anh em thằng Tới, Được nhà ở Cầu Quan, anh rể em vợ, đứa chết đứa bị thương trước đó mấy hôm. Trung úy Bình, Huỳnh Quang Bình, đại đội trưởng bị thương một lượt với tụi nó đang nằm viện ở Cần Thơ. Chuẩn úy Trần Hồng, khóa 4B 72 Đồng Đế về sau mình lên nắm ĐĐ phó. Chiến trường đang bị khuấy động, đã có những cuộc đụng độ, dù rằng lệnh ngưng bắn vẫn còn hiệu lực. Không có từ hành quân, mà chỉ có hoạt động an ninh lãnh thổ. BCH/TĐ vào đóng ở đồn lớn ấp Bến Cát. Mùa xuân laị về. Những cánh đồng đã gặt hái xong còn trơ góc rạ. Những luống dưa hấu bên sau căn cứ đã bắt đầu cho trái no tròn. Những cây xoài bên vườn nhà ai, xa xa, đã bắt đầu trổ hoa kết trái. Trên ấp người dân đã mổ heo bán tết. Đơn vị mình ban ngày vẫn đi tuần tra, tiếp tế. Ban đêm, co cụm trong căn cứ, trong những chiến hào để phòng thủ. Mùa xuân thứ hai mình lại xa nhà, nhưng lần này lại xa hơn, ba trăm cây số đường xe. Ở quê, trong vùng chiến sự, nếu không có bánh mứt, dưa hấu, mình đầu biết rằng đó là những ngày Tết. Vẫn có tiếng súng nổ. Những đứa trẻ vẫn vui đùa trong bộ quần áo nhạt màu. Nếu có chiến sự, họ laị gồng gánh quần áo, nồi niêu.... cho xuống xuồng rồi bơi ra sông Hậu về hướng Phong Nẫm, Sóc Trăng để lánh nạn. Người Miên vẫn đi lễ chùa, chắc họ cầu cho quốc thái dân an?

Ngôi nhà của họ chỉ có mái tranh vách tre. Bộ phên tre làm giường. Nếu khá hơn có thêm chiếc tủ thờ và bộ ghế trà ở giữa nhà. Thương người dân quê mình quá. Căm ghét chiến tranh quá. Mùng năm tết, mẹ già laị lặn lội vào căn cứ thăm mình. Một mùa xuân xa xứ. Buồn.

Tháng 6-1975 mình vào trại Phú Lợi. Đêm giao thừa xuân 1976, cán bộ tập họp cả trại lên hội trường để nghe đọc thơ chúc tết. Cả hội trường, mấy trăm con người, im phăng phắc. Tiếng muỗi vo ve vẫn còn nghe rõ. Chắc anh em cùng chung tâm trạng, nghĩ về thân phận, gia đình vợ con bên ngoaì bị đối xử thế nào? Gần đến giao thừa, súng nổ ăn mừng rền vang. Dây điện bị trúng đạn đứt xuống, cúp điện. Cả hội trường, cả trại chìm ngập trong bóng tối. Như bóng đêm đang phủ trùm lên cuộc đời cuả những con người thất baị. Lời chúc tết trên loa vang lên. Lúc đó tâm trạng của mày thế nào hả Lê Thành Tươi?

Xuân 1977, mình ăn tết ở Trảng Lớn. Căn cứ này rộng lớn, xung quanh mìn cóc còn nhiều. Mình ngại nên xin vào đội tăng gia. Sáng cuốc đất tưới rau. Chiều thu hoạch rau xanh cho đội. Ban ngày, quanh quẩn trong mấy trăm mét vuông đất canh tác. Đêm về sinh hoạt với mấy trăm anh em trong lán trại, dưới ánh đèm mờ. Thêm một mùa xuân buồn xa xứ trôi qua.

Tháng 4/1977, mình về laị cuộc sống đời thường. Xuân 1978, cái tết hạnh phút nhất, bên gia đình vợ đẹp con xinh. Sau tết 78, thêm một cháu gái ra đời. Gần tết 1980, một công chúa nữa tiếp tục ghi tên vào sổ gia đình. Thời gian đó mình đi làm công nhân lao động phổ thông. Để không bị đưa đi kinh tế mới, để không bị dòm ngó, để được ngẩng cao đầu trong xã hội mới, để làm laị cuộc đời mới. Xuân 1981 mình bắt đầu ra kinh doanh mua bán. Lại vật lộn với cuộc sống. Gần đến giờ giao thừa mà chưa tắm rữa xong, nhà cửa chưa dọn dẹp, trang trí để đón chào chúa Xuân. Bù laị, mình có niềm vui hạnh phúc.

Đến mùa xuân thứ 59, xuân Canh Dần 2010 niềm vui laị nhân gấp bội. Sáng mùng một tết, ba công chúa, ba phò mã, ba cháu ngoại đến chúc tết .

- Chúc cho ba sống lâu trăm tuổi. Chúc ông ngoaị Trường Thọ.

- Đúng rồi, ba phải sống trăm tuổi. Vì ông nội con đã 95 tuổi, ba phải thọ hơn ông nội. Con hơn cha là nhà có phước.

Xuân Tân Mão 2011 sắp đến. Mình có niềm vui là đã tìm laị được anh em thời ở quân trường. Đồng đội cũ lúc ở chiến trường gian khổ . Những anh em cùng trang lứa, đánh mất tuổi thanh xuân do thời cuộc. Tìm được nhau khi mái tóc đã pha sương. Những bức điện thư viết cho nhau, những hình ảnh trao cho nhau, những lần sum họp thấm tình huynh đệ. Thế là mình hạnh phúc và mãn nguyện. Rồi laị có nỗi buồn. Phan Trần Thắng đã ra đi thanh thản. Một cuộc rong chơi rồi cũng kết thúc. Một giọt nước mắt cho mày. Một nén nhang cho mày. Một lời cầu nguyện cho mày. Xin hãy ngủ yên. Bên kia bờ đaị dương xa thẩm anh em vẫn nhớ đến mày.

Đỗ Công Luận - cựu HS NQ khóa 8