Bài Viết 5

CHÚC MỪNG GIÁNG SINH. SINH NHẬT CHÁU GÁI

Các cháu đang nhận quà. Phía sau là rễ lớn, và con gái giữa.

Con gái lớn, 4 đứa cháu, và ông già No-en.

Con gái lớn và 5 đứa cháu ngoại.

Cháu trai lớn, 9 tuổi, học lớp 3.

Cháu trai kế, 8 tuổi, học lớp 2.

Cháu gái lớn, 5 tuổi, sang năm sẽ vào lớp 1.

Cháu trai thứ ba, tuổi Tân Mẹo với ông ngoại.

Cháu trai út, 16 tháng tuổi, và chị. Cả 2 là con cúa gái lớn.

Cháu gái mừng sinh nhật, đang làm dáng.

Tối đêm nay, chánh thức bước vào đêm thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh. Mấy đêm hôm trước, các con gái của tôi cùng chồng con đã đi xem trang trí đèn hoa ở khu đường 5 mới nối dài, Tân Mai, Tam Hiệp... Tôi thì cũng không tha thiết gì để hòa mình vào không khí ồn ào, và sợ kẹt xe. Thời điểm nầy của 41 năm về trước, tôi đã về gần đến Xa cảng Miền Tây để đón nhận mùa No-en đau buồn.

Hôm nay gia đình tôi tổ chức sinh nhật cho đứa cháu gái, con của cô con gái lớn. Cháu sinh ngày 25/12/2008, tuổi con chuột. Sang năm, cháu sẽ vào lớp một. Các con gái tôi tổ chức sinh nhật cho cháu ở bên ngoại, gồm thức ăn nhanh, xúc xích xông khói mua ở siêu thị và bánh sinh nhật do con gái làm. Ngày mai, sẽ tổ chức sinh nhật cho cháu ở bên nội, Tân Mai. Ăn uống xong, đến gần 19 giờ, các cháu háo hức chờ ông già No-en đến phát quà. Trước đó hai ngày, các con tôi đã hỏi các cháu thích ông già No-en cho quà gì, rồi sau đó bí mật đi mua, nhờ dịch vụ phát quà cử ông già No-en đến tặng cho các cháu. Các cháu hứa sẽ ngoan, học giỏi, để mỗi năm có quà dịp No-en. Năm nay, có 5 cháu ngoại được nhận quà. Cháu gái sanh sau, mới 6 tháng. Sang No-en năm sau, sẽ có quà đầy đủ cho 6 cháu ngoại, 4 trai, 2 gái.

Đó là niềm vui của tôi khi quây quần bên các cháu, để quên đi Mùa Giáng Sinh buồn của 41 năm về trước. Xin gửi đến các bạn hình ảnh các cháu của tôi để cùng chia sẽ.

ĐCL.24/12/2013

PHÓNG VIÊN ĐỖ CÔNG LUẬN

Ngày thứ hai đầu tuần, tôi phải đưa cháu ngoại đi học sớm. Sáng nay, thời tiết lạnh hơn mọi hôm, tôi phải tìm trong tủ quần áo để lấy chiếc áo phông chống lạnh. Chiếc áo kiểu ký giả tôi mua cách nay mấy năm chỉ được tôi mặc ít lần khi đi đường xa. Mặc vào, soi gương cũng thấy hay hay, có phong cách ký giả. Thế là nó theo tôi đi uống cà-phê sáng với bạn bè. Trên đường về, tôi đứng trên cầu Hiệp Hòa để săn ảnh cầu ba móng Rạch Cát. Đứng trên cầu Bửu Hòa để chụp ảnh cầu Gành bốn nhịp. Xin gửi đến quí vi hữu ảnh của phóng viên ĐCL và hình ảnh hai chiếc cầu biểu tượng của quê hương Biên Hòa.

Đỗ Công Luận.2.12.2013.

CÀ-PHÊ SÁNG THỨ HAI

Trước khi chia tay sau buổi tiệc sinh nhật tối qua, bạn bè hẹn nhau sẽ có buổi cà-phê sáng hôm sau, dù rằng đó là sáng thứ hai đầu tuần. Mục đích là để tâm sự tiếp, cũng như gặp gỡ số bạn bè vì công việc riêng mà chiều qua không đến được. Tất cả bạn bè chúng tôi đã trên 60 tuổi, tuổi nghĩ hưu là 60, và có ngành nghề tự do nên không vướng bận giờ giấc hành chánh. Tất cả đồng ý, gật đầu, bắt tay chào nhau.

Sáng nay, trong lúc chờ đứa cháu ngoại ăn điểm tâm để đi học sáng, tôi bắt máy gọi cho Nguyễn Minh Tâm, Phạm Văn Đạo, Lê Thành Vạn, Nguyễn Ngọc Long...Có tin buồn về sức khỏe bạn bè. Nguyễn Ngọc Long, Long đen, sau khi đến bác sĩ tư khám bệnh, được chẩn đoán là bị xuất huyết bao tử, hiện tại đang nằm dưỡng bệnh tại nhà, bác sĩ đến chăm sóc và cho uống thuốc theo dõi bệnh. Bệnh tật đang đến với bạn bè, lứa tuổi U60, và biến chứng của lạm dụng rượu bia. Tôi an ủi Long, cố gắng điều trị để bạn bè còn dịp gặp nhau...

Sau khi đưa cháu ngoại đến trường học, trên đường về tôi ghé điểm hẹn, dưới chân cầu Bửu Hòa mới khai thông. Dù khoảng cách xa hơn 2 cây số so với ngã đi cầu sắt, nhưng đường đi thoáng đảng, rộng rãi hơn. Bạn Đạo đã đến trước, vì từ nhà bạn đến đây theo hướng phà An Hảo sẽ gần hơn. Gọi là phà vì phương tiện có thể vận chuyển xe tải nhỏ từ hãng giấy Cogido sang cù lao Hiệp hòa, gần hơn là đi hướng ngã ba Tân Vạn. Bạn Vạn và một người bạn đến cùng lượt với tôi. Lần lượt bạn bè đến đông đủ, cở một đội bóng đá kèm 2 cầu thủ dự bị. Lê minh Chánh đến sau cùng. Vũ Trung Hòa, Ngô Phước Thiện, bận việc không đến được. Nguyễn Thế Hùng, Đinh Quang Huyên, lại mang vác ba-lô cho chuyến hành trình tiếp theo. Dù sáng nay thời tiết khá lạnh hơn những sáng hôm trước, nhưng ly cà-phê đá truyền thống vẫn hiện diện trên bàn, cạnh ly cà-phê đen của Vạn, Chiếu. Bạn bè hiểu ý nhau. Hai bình trà nóng được mang ra để hâm nóng những trái tim già còn thổn thức ĐIỆP KHÚC YÊU THƯƠNG. Tôi nối máy cho bạn bè nói chuyện với Đinh Hoàng Vân, vì tối qua bạn bè có gửi mail cho nhau. Vân đang có niềm vui với cháu ngoại trai, hẹn có ngày gặp lại bạn bè. Bốn chiếc bàn vuông được kê dài cho đủ chỗ ngồi. Đạo cũng tâm sự, sau khi đưa con gái ra phi trường để theo chồng về xứ sở Hoa Anh Đào, về nhà bị cảm bệnh, cũng có thể vì yếu tố nhớ con. Dù sao, con gái cũng đã định hướng tương lai. Ít có cơ hội bạn bè uống cà-phê tâm sự đông vui như thế nầy. Thôi thì còn cơ hội gặp nhau thì hãy cứ vui.

Đến 9 giờ hơn, tôi có điện thoại gia đình, nên xin phép về trước. Bạn bè tâm sự tiếp đến khoảng 10 giờ rồi chia tay. Một buổi tiệc sinh nhật vui vẻ, một buổi cà-phê sáng ấm cúng, đã cho bạn bè tôi nhiều niềm vui. Xin cám ơn bạn bè đã đến với nhau để kết nối yêu thương. Xin cám ơn mọi người quan tâm đã đọc bài viết nầy.

Đỗ Công Luận. 2.12.2013

CHÚC MỪNG SINH NHẬT, HAPPY BIRTHDAY

Thọ-Trí-Chiếu(đứng)-Hùng(áo sọc)-Huyên-Chánh-Tâm nhủi(áo kem)

Hôm nay ngày 1/12/2013, kỷ niệm ngày tôi bước vào tuổi 63. Ba năm trở lại đây, nhờ làm quen với computer, tôi đã kết nối được với bạn bè phương xa, làm quen với các vi hữu trên mạng. Gần gủi hơn, những bạn bè chung lớp, đồng môn còn ở quanh đây tìm được nhau qua những lần họp mặt. Cách đây hai năm, lần kỷ niệm bước qua tuổi 61, đáo tuế, tôi cũng đã tổ chức mừng sinh nhật cùng bạn bè ở quán hải sản dưới chân Cầu Gành. Năm trước đó, tôi kỷ niệm sinh nhật với các con, các cháu. Năm nay, tôi quyết định tổ chức sinh nhật cùng nhóm bạn bè biết nhau qua những lần họp mặt, cà-phê tâm sự.Các con tôi cũng đồng tình với ý kiến của cha. Niềm vui của tháng năm còn lại.

Sinh nhật cùng con cháu năm 2010.

Trước đó vài hôm, tôi đã gửi mail mời, cũng như điện thoại báo tin. Bạn bè ở nội ô Biên Hòa thì dễ liên lạc. Riêng Lê Xuân Sang thì ở Lái Thiêu, Bình Dương, cũng hứa cố gắng. Sáng qua, Lê Xuân Sang điện thoại báo tin, nhạc phụ vừa qua đời lúc 5 giờ sáng. Tôi thay mặt bạn bè gửi mail chia buồn. Sinh nhật năm nay của tôi lại nhằm ngày chủ nhật, tổ chức lúc 17 giờ thì thuận lợi, trời mát mẻ. Nhưng hôm nay là ngày hoàng đạo, tiệc cưới khá nhiều, có sự trùng hợp. Mỗi lúc bạn bè điện thoại cáo lỗi, tôi lại buồn lo. Trong gia đình, hôm nay lại có tiệc gia đình của em vợ, bà xã và các con cháu phải đi dự tiệc, tôi và con gái phải ở nhà trong nôm cửa hàng. Thêm một ngày bận rộn. Về nhà nghĩ trưa, đã có email của nhóm thân hữu gửi lời chúc mừng sinh nhật. Bạn bè còn nhớ đến mình là điều hạnh phúc. Hôm qua, tôi đã nhận được mail chúc mừng của một thân hữu ở Ái Hữu Biên Hòa Cali, vì địa chỉ của tôi là luando1.12.51, nên dễ nhớ. Xin cám ơn thân hữu dù chưa một lần gặp mặt...

16 giờ chiều, sau khi bà xã và các con cháu về đến gia đình, tôi về nhà để chuẩn bị, không kịp trả lời mail của bè bạn trên Caphecaumat.blogspot.com. Trần Văn Thông điện thoại cho tôi, có ý kiến nhập tiệc sinh nhật của phu nhân bạn vào tiệc sinh nhật của tôi cho phần đông vui, ấm cúng. Thế thì hay quá, dù sao cũng là bạn học Ngô Quyền, đa phần là khóa 8 CHS NQ. Thế là lại có party của khóa 8 , những người bạn thường hiện diện trong những lần bạn bè gặp gỡ. Khách mời lần nầy có bạn Nguyễn Thế Hùng, còn ở lại Biên Hòa, 3 tuần sau bạn mới về với gia đình. Lại có những âu lo khi Lê Thành Vạn sức khỏe chưa ổn định, Nguyễn Ngọc Long những ngày qua bị virus cảm cúm hành đau nhức. Trời đã vào Đông, buổi sáng những ngày qua tiết trời se se lạnh. Địa điểm bạn bè gặp gỡ là quán hải sản Lẩu Tôm Năm Ri vừa mới khai trương ở khu dân cư Gò Me. Thương hiệu "Lẩu Tôm Năm Ri", người dân ở Biên Hòa ai mà chẳng biết. Bạn bè tham dự khoảng hơn hai chục người, gửi đến nhau lời chúc mạnh khỏe. Còn gặp nhau thì hãy cứ vui. Thức ăn đều là hải sản, tôm sú, ghẹ, chem chép, nghêu hấp...Món ăn dân dã là rau củ luộc chấm nước mắm kho quẹt, cơm chiên và lẩu hải sản...Lê Minh Trí nói, cứ một món mới mang ra là mỗi đứa cạn chai. Uống theo tửu lượng, sức khỏe cho phép, vì còn những cơ hội gặp nhau nửa...

Buổi tiệc kết thúc, bạn bè hẹn sẽ gặp nhau buổi sáng cà-phê ngày mai, dưới chân cầu nhìn ra dòng sông quê hương để tìm về kỷ niệm, và dành cho những bạn không đến được buổi tiệc hôm nay. Cuộc đời như nước sông khi lớn khi ròng. Mùa nắng nước trong, mùa mưa nước đục. Nhưng nước sông quê hương cũng bao giờ ngọt mát, mang phù sa cho mầm sống mới xanh tươi. Xin cám ơn tất cả bạn bè, vi hữu đã gửi lời chúc mừng sinh nhật đến tôi. Có những bạn bè chưa lần gặp gỡ, chỉ biết nhau qua mạng ảo, từ Bắc Mỹ, đảo quốc phương nam và cả trời Âu yêu mến. Xin cám ơn những bạn bè đã đến nhau, nâng ly chúc mừng, cạn ly cho đời thôi cay đắng. Xin cám ơn các vi hữu đã quan tâm đọc bài viết nầy.

1.12.2013.Đỗ Công Luận.

luando11251.

VỀ THĂM LẠI MIỀN TÂY

Sáng ngày thứ sáu, đứa em trai út điện thoại rủ tôi đi miền Tây cùng với gia đình. Địa điểm đến là ở Trà Ôn, Vĩnh Long, phía ngoại của các anh chị con của bác hai tôi. Nói chung, gia đình các con của nội tôi đều trú ngụ ở BH. Chỉ có các anh chị con của bác hai tôi , sau 1975, đều về phía ngoại ở Trà Ôn, vì còn ruộng đất ở đó. Bây giờ anh chị em tôi chỉ còn người chú thứ tám là trưởng tràng. Do đó mấy đứa em trai của tôi muốn tạo cơ hội cho chú thiếm tôi đi du lịch miền Tây và tham quan cầu Cần Thơ. Vì vậy, nghe nói đến miền Tây là tôi ô-kê liền.

Cùng đi, ngoài chú thiếm tôi, có 4 chị em tôi, và 3 người con của người cô. Cuộc hành trình đi bằng xe 16 chỗ ngồi, rộng thênh thang. Hơn 7 giờ xe khởi hành. Mấy hôm trước, ảnh hưởng của áp thấp nên mưa nhiều. Hôm qua trời tạnh ráo, nắng nhẹ. Đến khoảng 10 giờ, xe đến trạm dừng nghĩ của tư nhân ờ Cai Lậy. Qua Cầu Mỹ Thuận, vào TP Vĩnh Long, xe theo QL 53, đường về Trà Vinh, theo tỉnh lộ để vào Trà Ôn. Đoạn đường nầy đối với tôi thân quen quá. Năm 2002, gia đình cũng tổ chúc cho ba má tôi, cô chú đi thăm anh em, mục đích là biết cầu Mỹ Thuận vừa khánh thành.

12 giờ trưa, xe đến nơi. Thời gian xe chạy lâu hơn vì đường hẹp, xấu. Bây giờ, từ xa cảng miền Tây đến Cần Thơ trung bình khoảng 3 giờ 30 phút, vì đường có dảy phân cách, mỗi chiều 3 làn xe. Do đã có báo trước nên các anh chị đã chuẩn bị buổi cơm trưa thân mật. Sau đó, đến 16 giờ là tiệc nhậu gia đình của Đỗ gia gặp gỡ kéo dài đến 20 giờ. Hai đứa em trai tôi và các con trai bác tôi thì tửu lượng khỏi chê. Tôi chỉ ngồi phá mồi. Thiếm tôi và mấy chị gái sang nhà người chị con bác hai. Đến sáng nay, sáng hôm sau, cà-phê sáng được pha uống tại nhà rồi tiếp tục chờ mấy chị làm mồi nhậu, gặp gỡ sui gia, bà con.

9 giờ, lại bắt đầu nhập tiệc. Chuyến đi nầy cũng có mục đích là mời các anh chị về dự mãn tang ba tôi, hai tuần nửa. Lúc nầy nước lũ đang về, cá linh tràn đồng. Tiếc rằng, nếu mua đem về BH, đến chiều mới về tới, cá không bảo quản được, sẽ bị ươn sình. Cá chạch đầy chợ, chiên dòn là hết ý. Cốm dẹp thì khoảng hơn tháng nửa mới có. Gà, vịt nuôi đầy vườn. Tôi thích miền Tây là vậy. Thức ăn rẻ, tươi ngon, cây nhà lá vườn. Năm 1995, tôi uống ly cà-phê đá ở đây, giá 1.500 vnđ. Năm 2008 là 2.500 vnđ/ly. Năm nay, 2013, là 5.000 vnđ, so với ở BH là 10.000 vnđ. Lần nhậu thứ hai nầy có mấy anh sui con bác và mấy người cậu. Những lần trước, khi về đây cũng gặp những người quen. Có vài người đã ra đi. Bây giờ, tính ra các anh chị em tôi đã xấp xỉ 60 tuổi và có người lớn hơn. Hai đứa em trai tôi vài năm nửa cũng lục tuần. Thời gian không đứng yên. Bên kia sông, khoảng 3 cây số đường chim bay, là nơi tôi đóng quân cách nay 40 năm, đã đôi lần suýt chết. Tôi cũng đã có đôi lần về đó. Bây giờ cảnh vật thay đổi. Hồi trước, gần chỗ tôi ở, có dì mười, có cô con gái tên Sơn, nước da bánh ít, cũng dễ thương. Nhưng đơn vị trưởng của tôi lại nói, tao đang theo dỏi bà nầy. Ớn quá.

Hơn 12 giờ, trời bắt đầu đỗ mưa, phái đoàn từ giả bà con, về lại BH, không đi tham quan Cần Thơ, để về nhà cho kịp buổi chiều. Tôi tiếc cùi cụi, nhưng phải theo ý kiến số đông. Uốt ơi, chờ dịp sau nhé. Em Sơn gần bên cũng không qua được. Thôi hẹn lần sau.

Biên Hòa, ngày 5/10/2013

Đỗ Công Luận

Chú 80 tuổi, và cháu 63 tuổi.

Dừa sáp, 180.000 vnđ/trái. Năm 2010, 200.000 vnđ/trái.

Đỗ gia sum họp.

Thêm mồi nhậu, Cổ Cò.

Đặc sản quê em. Nem Lai Vung. Bánh pía Sóc Trăng.

Trái ấu vừa luộc chín, còn bốc khói.

Bánh pía Sóc Trăng.

CÒN GẶP NHAU THÌ HÃY CỨ VUI

Tâm khỉ(áo đỏ)-Tám Cang(Việt Kiều ở Riverside)-Tâm nhủi-Thông-Luận-Chiếu-Anh 12.

Phía sau chiếc xe là gốc cây hóa thạch.

Sáng nay đẹp trời, có nắng ửng nhẹ, dù chiều hôm qua bão đã thổi vào miền Trung. Tâm nhủi đi Biên Hòa có việc, sẳn tiện, nó gọi điện thoại, gom bạn bè lại để uống cà-phê sáng lúc...10 giờ ở Nhã Viên Quán, nơi tổ chức họp mặt bạn Hồng và Tường Vi lúc trước. Bạn bè chọn cái nhà lục giác, ở giữa là cái bàn cây cưa ra từ gốc cây cổ thụ, mà 7 người ngồi còn thấy rộng. 6 cái ghế, chạm khắc từ những gốc cây cổ thụ, hai người bưng cái ghế không nổi. Bạn bè nói, ngồi đây kín đáo, không sợ dòm ngó. Bảy tay kiếm ngang tàng, ngồi tán hươu tán vượn. Tôi bấm máy cho bạn bè nói chuyện với Dũng Bắc Kỳ con, ở San Jose, hỏi nó sao năm nay mầy không về. Nó cười hì..hì. Chắc ông già vợ vừa mất, bỏ về sợ bà xã buồn. Còn máy của Thọ Huỳnh Hiệp thì ò..í..e...Mỗi năm, tháng 9, tháng 10, nó về BH, ăn nhậu với bạn bè rồi dông. Tàn tiệc, bạn bè chia tay, về nhà ăn cơm.

Tôi về nhà dự đám giỗ bà nội. Nội tôi mất năm 1955, khi ấy tôi 4 tuổi. Lúc đó , muốn bước lên nhà nội, phải qua bậc tam cấp, nền nhà cao đến bụng. Bây giờ, làm đường, đô thị hóa, nền nhà ngang mặt đường. Các con của nội, lần lượt theo ông bà nội, chỉ còn người chú thứ 8, đã 80 tuổi ngồi chủ tọa. Người cô thứ 6, đã 86 tuổi, nhà ở Cù lao. 10 ngày nửa là mãn tang người cô thứ 5. Hai tuần tiếp theo nửa là mãn tang ba tôi. Qua ngày sau là giáp năm chú út. Rồi lần lượt anh em họ hàng chú bác chúng tôi cũng lần lượt đi theo. Buồn quá, thôi thì còn vui được hãy cứ vui.

Ra về, đi ngang gian phòng chưng đồ cổ của hội quán, tôi chụp tấm ảnh chiếc Velo Solex cổ gửi cho mấy bà chị. Lần sau, mấy bà chị về nhớ đến đây mượn chiếc xe nầy dạo phố Biên Hòa, nhớ mặc áo dài trắng để nhớ thời dỉ vãng đã qua. Làm sao níu kéo thụt lùi thời gian...

Biên Hòa, ngày 1/10/2013.

Đỗ Công Luận

CHỦ NHẬT VUI

Họ nhà trai từ Long Xuyên lên BH cưới dâu.

Ngày mai là thứ hai, 19/8/2013, các cháu tiểu học bắt đầu vào trường lớp. Cách đây ít hôm, đứa cháu ngoại trai lớn nói với tôi, chủ nhật ông ngoại chở con đi tắm hồ bơi, nay con biết bơi rồi. Qua hai tháng học hè ở Nhà Thiếu Nhi tỉnh, cháu đã được dạy bơi. Tôi đồng ý.

Sáng nay, sau khi tan giờ học Anh Văn, tôi đến đón cháu, và chở lên Tân Mai để rước đưá cháu ngoại gái đi cùng. Lần tắm hồ nầy, tôi chọn piscine nằm trên tầng thượng, tầng thứ 14 của khách sạn Wooshu, cách chợ Tân Mai khoảng một cây số. Khách sạn nầy do một doanh nhân Hồng Kông gốc Việt về BH đầu tư xây dựng, nằm ở khu vực nhà máy nước đá Nam Hải cũ, sau nầy gọi là cơ khí Nam Hà.

Giá vé một lần vào tắm là 50.000 vnđ, hơi cao, nhưng tiện nghi vì họ cung cấp cho mình đủ dịch vụ như khăn tắm, áo phao...Từ tầng thượng, ta có thể bao quát toàn cảnh BH, tiếc là tôi mang máy ảnh nhỏ, không chụp xa. Trên đường đi, anh bạn cùng trung đội với tôi lúc ở Thủ Đức, nhà ở Long Xuyên, điện thoại báo cho tôi là đang cùng gia đình lên BH, dự đám hỏi đứa cháu trai.

Tôi bảo là xong việc với mấy đứa cháu, tôi sẽ tìm đến tiệc đính hôn để uống ly rượu gặp gỡ bạn bè. Bạn bè chúng tôi tìm lại được nhau năm 2010. Kỷ niệm vẫn hoài đeo đuổi.

Xin gửi đến các bạn vài hình ảnh của BH tôi chụp từ tầng thứ 14 của khách sạn cao nhất BH.

Hướng chợ Phúc Hải, với nhà thờ. Trước mặt là nghĩa trang giáo xứ, sau nhà lao Tân Hiệp.

Núi Châu Thới, sông Đồng Nai. Trước mặt là cánh đồng Gò Me.

Bệnh viện Quốc Tế gần bên.

Quốc lộ 15 cũ, kéo dài đến ngã ba Vườn Mít. Xa xa là 2 ngọn núi lớn nhỏ cũa núi Bửu Long.

Mấy dảy lầu cao là nhà thương điên BH.

Ngôi trường tiểu học thứ hai của Tân Mai, sang năm cháu gái tôi vào học.

Bạn bè gặp gỡ nhờ cái điện thoại cầm tay.

Chiều thứ bảy, 10/8/2013, thôi nôi đứa cháu ngoại trai của tôi. Gia đình chồng con gái ở Tân Mai. Vợ chồng cháu chỉ làm tiệc tính cách gia đình. Phía chồng con gái tôi có tất cả 6 anh chị, rể tôi là út. Nếu tính tất cả, luôn con cháu cũng cở 4 bàn. Buổi sáng tôi đem thực phẩm lên cho cháu nấu nướng, chè xôi đặt nấu ở Chợ Đồn. Sẳn tiện, tôi chụp cho cháu ngoại mấy tấm hình. Buổi chiều, định lên chung vui với con gái, mưa lớn quá, kéo đến chiều tối nên đành thôi. Hôm qua, con gái phải ở nhà để lo dọn dẹp. Hôm nay, con gái và cháu ngoại về chơi, phụ trông coi cửa hàng để con gái út làm bánh trung thu cho bà chị, để mấy đứa cháu mang về Texas. Bánh không mua ở ngoài tiệm vì có trứng và thịt, không được phép nhập cảnh. Bây giờ bánh trung thu bắt đầu bày bán, các gian hàng đã chưng dọn ở các chợ, cũng như chợ BH. Không biết năm nay thị trường như thế nào?. Sẳn tiện, tôi chụp thêm mấy tấm ảnh của cháu ngoại trước cửa hàng bà ngoại, và để thử máy ảnh mới sửa xong. Hồi cháu mới sanh nặng 3,4 ký lô. Thôi nôi được 10 ký lô. Máy ảnh tôi mua sử dụng hơn năm nay, dành chụp ảnh các lần họp mặt. Mấy hôm rày có vấn đề. Đem ra tiệm, thợ bảo hư bo-mạch, thay mới hết 300.000 vnđ. Nếu đòi giá cao, thà mua máy mới, hơn một triệu vnđ. Có máy, mới có ảnh gửi cho bạn bè. Niềm vui có vậy.

Hôm nay ngày thứ hai đầu tuần. Sau bốn ngày phụ chăm sóc cháu ngoại, sáng nay tôi phải chở hàng để giao cho mối lái. Nếu không, mấy "bả" tẩy chay thì bể nồi cơm. Trưa thứ bảy, chị bạn hàng điện thoại:

- Mấy hôm rày anh Sáu đi đâu không ra chợ giao hàng cho tôi.

- Tôi đi du lịch...Căm-pu-chia...hì..hì..

Tôi cũng nói là phụ chăm sóc cháu ngoại, hẹn sáng mai sẽ ra chợ giao hàng. Tôi cũng đã dặn một chuyến hàng ở Chợ Lớn, sáng hôm sau qua bến xe tải để chở về. Sau đó sẽ đi siêu thị Big C ở ngã ba Vũng Tàu lấy hàng hóa mỹ phẩm giao cho khách hàng, gọi là lấy công làm lời. Từ năm 1995 đến nay, các công ty ngoại quốc, cũng như các siêu thị nước ngoài xâm nhập thị trường trong nước khá nhiều, do đó có sự cạnh tranh. Siêu thị nào bán hàng hóa sản phẩm cho họ nhiều sẽ có nhiều ưu đãi, hưởng chiết khấu cao. Điều nầy là lẽ đương nhiên, như cách mua bán của người Hoa, số lượng hàng hóa mua nhiều sẽ rẻ hơn mua số ít đôi chút. Giữa sự chệch giá của thị trường, mình hưởng chênh lệch. Giá bán lẽ lúc nào cũng thấp nhiều so giá ghi trên bao bì sản phẩm, khiến người tiêu dùng tưởng rẽ. Rồi lại có sản phẩm khuyến mãi kèm theo. Bịch bột giặt Omo lớn, tặng kèm cái thau 3 tất trị giá 30.000 Vnđ. Các công ty đã tính toán tất cả. Ngay cả công ty Uniliver tuyên bố, một năm tiền quảng cáo sản phẩm của họ là 5 triệu Usđ. Số tiền đó cũng đã tính vào giá thành, chỉ có người tiêu dùng là thua thiệt. Rồi các siêu thị cũng cạnh tranh. Ở Big C, mua 1 triệu Vnđ sản phẩm, sẽ được chiết khấu thêm 5.000 Vnđ, tức năm phần ngàn. Một hóa đơn, họ trừ cho mình một vé xe buýt trị giá 4.000 Vnđ. Vì vậy, đi ngang các trạm xe buýt, tôi ngó láo liêng để...lượm vé...

Vì đã hứa với bạn hàng, sáng qua tôi định đi siêu thị lấy hàng hóa cho họ. Mấy hôm nay thời tiết diễn biến xấu. Mưa giông nhiều, bầu trời đầy mây. Có vùng khí hậu xấu ngoài khơi. Ven biển miền Tây mưa nhiều. Đi gần đến Tân Vạn, hướng ngã ba Vũng Tàu, xa lộ BH, trời mây đen kịt, nên tôi phải quay về. Tôi đành thất hứa, hẹn sáng nay, thứ hai sẽ đi. Họ cũng thông cảm. Sau đó, tôi lại xuống với cháu ngoại.

Để kịp giờ giấc, sáng nay tôi đi siêu thị sớm. 8 giờ 30 phút cổng siêu thị mới mở cửa. Tôi đến sớm 5 phút, phải ngồi chờ. Vào đến nơi, nhìn kệ hàng hóa tôi định lấy, trống quơ, buồn 5 phút. Mấy cháu nhân viên tiếp thị, nhân viên siêu thị chào tôi, vì tôi là khách hàng thường xuyên.

- Mấy hôm nay chú đi đâu? Mặt hàng bột giặt đắt quá không đủ bán, hết từ hôm qua.

Tôi đành lấy một ít dầu gội để gở gạc tiền xăng nhớt. Đang tính tiền ở quầy thu ngân, có điện thoại của con gái.

- Ba đang ở đâu? Ba xuống bệnh viện nhanh để thu dọn đồ đạc, bác sĩ đã cho Su-Sport xuất viện.

Cả hai cha con mừng rở. Một ngày ở bệnh viện là một ngày âu lo, bận rộn, không an tâm.

Tôi đón xe buýt tuyến số 6, Biên Hòa-Ngã ba Vũng Tàu, để đến ngã ba Tân Vạn, sang xe số 150 xuống bệnh viện. Kể như đi xe buýt không tốn tiền, vì giữ lại vé, ngày mai xuống siêu thị thanh toán lại. Tôi lại còn lượm được gần chục vé xe do hành khách vất bỏ lại trên sàn xe. Vô mánh. Hôm nay thời tiết vẫn còn diễn biến xấu, mưa lất phất. Vì đi ngoài giờ cao điểm nên xe vắng, đường thoáng, ít kẹt xe. 11 giờ, tôi đến cổng bệnh viện.

- Ba đến cổng bệnh viện rồi, mua 2 hộp cơm nhe con.

- Ba khỏi mua, con đã làm xong thủ tục , chờ dọn đồ rồi về.

Tôi vào phòng bệnh, cháu ngoại đã được thay quần áo, cười toe toét, có lẽ mừng rở vì được về nhà. Tổng cộng chi phí do 5 ngày ở bệnh viện là 1.200.000 Vnđ, trong đó tiền phòng hết 900.000 Vnđ. Bảo hiểm y tế chỉ thanh toán lại 30% tiền thuốc, vì điều trị trái tuyến. Thà như vậy, nhưng chắc ăn hơn. Cùng nằm chung phòng có con trai một cháu trai, nhà ở Hóa An, cháu ngoại một chủ lò gạch, được xuất viện cùng lượt. Do đó, hai gia đình cùng đi một chuyến taxi về BH. Con gái tôi gọi một chiếc taxi của BH, tổng đài nhà xe sẽ điều chiếc xe nào ở gần nhất, đang thả khách xuống ở Sài Gòn, như vậy họ có chuyến đi, chuyến về. Tiện đôi bề. Tiền xe taxi hơn ba trăm ngàn đồng. Cháu ngoại và con gái tôi về ở nhà ngoại đôi ngày dưỡng sức, sau đó sẽ về nội cháu ở Tân Mai để chuẩn bị cho đám giỗ bà nội của cháu tuần sau. Hai ngày sau lại đến tái khám. Như vậy ông ngoại cũng chưa yên thân, còn phải giữ cháu dài dài.

Những ngày ở bệnh viện, vui buồn lẫn lộn. Trong bối cảnh đó, mình mới thấy tình cảm ông bà, cha mẹ, dành cho cháu, con, vô bờ bến. Khi các cháu thức giấc, ăn no, được bồng bế, hoặc để trên xe đẩy vòng vòng đi chơi. Cũng có mấy khu trò chơi do các tổ chức xã hội thiết lập dành cho các cháu. Những mầm xanh đang vươn lên thay cho những cây già cổi đang khô héo. Có những trẻ mới sinh ra đã dị tật, là gánh nặng cho gia đình, xã hội. Vứt bỏ thì lương tâm không cho phép. Nụ cười của các cháu là liều thuốc bổ cho gia đình. Mỗi trẻ thơ là tế bào của xã hội, tương lai của cuộc sống. Cũng có những tổ chức thiện nguyện, mỗi ngày lúc 9 giờ và 15 giờ, họ phân phát hàng trăm khẩu phần ăn cho những gia đình khó khăn. Thực phẩm tươi ngon, bổ dưỡng, nhưng là phần chay. Xin cám ơn những tấm lòng, từ người thầy thuốc, điều dưỡng đến người tạp vụ, đã chăm sóc sức khỏe cho cháu tôi. Hai tuần lễ nửa, tôi lại có thêm một cháu ngoại gái chào đời. Ông ngoại còn mệt dài hơi. Còn có cháu nội để ẳm bồng thì phải chờ dài mỏi cổ. Tôi xin cám ơn quý ACE đã quan tâm, chia sẽ, và có lời chúc may mắn dành cho cháu ngoại của tôi.

Biên Hòa, ngày 17/6/2013

Đỗ Công Luận

Tết Đoan Ngọ, mùng 5 tháng 5 Âm lịch, đã qua bốn ngày. Hôm đó, vợ chồng con gái lớn tôi tổ chức cúng lễ ở nhà, vì hai đứa giữ nhà thờ gia tộc, anh em về dự đông vui. Mỗi năm, Tết Đoan Ngọ thường diễn ra dịp mùa trái cây chín rộ, nhất là vải thiều, đặc sản phương Nam không có. Năm nay vải thiều trúng mùa, giá không cao, chỉ 30.000 vnđ một ký lô. Ngày hôm nay chỉ còn 25.000 vnđ/ký. Họ hàng mang trái vải cúng khá nhiều. Suốt sáng hôm đó, đứa cháu ngoại mà tôi thường trông giữ lại ho khặc khặc mãi. Đến trưa, cháu ho nhiều, nhổ ra đờm kèm vài giọt máu. Mọi người bối rối, gọi con rể tôi về. Cháu lại ho văng đờm kèm máu khá nhiều. Gia đình quyết định dùng xe nhà đưa cháu đến bệnh viện nhi đồng ở Sài gòn cấp cứu.

Hôm đó bà ngoại cháu cũng về phía ngoại ở Tân Phước Khánh dự lễ mùng 5 tháng 5. Vì bà xã tôi là Tàu lai nên những lễ lộc như ngày Thanh Minh, Tết Đoan Ngọ, ngày Trùng cửu mùng 9 tháng 9...không thể vắng mặt được. Tôi phải phụ con gái trông nôm cửa hàng. Trên đường di chuyển, con gái lớn điện thoại báo cho phía ngoại biết. Tôi bối rối, lấy làm lạ, hôm qua tôi trông nôm, cháu vẫn vui chơi bình thường. Thế mà hôm nay cháu ho ra máu, triệu chứng nguy hiểm. Đến nơi, bệnh viện cho cháu vào phòng cấp cứu để theo dỏi bệnh tình. Xế chiều, con gái điện thoại về với tâm trạng vui vẻ, bớt âu lo.

- Hồi nảy, cháu lại ói nhiều, có lẫn một chút lá vải khô. Hết mưa, sẽ cho cháu đi chụp X quang về phổi.

Thì ra, khi thấy mấy chùm vải để trên bàn, cháu quơ lấy, chỉ lấy được miếng lá vải khô, cho vào miệng. Con gái tôi thấy được, đã móc ra, nhưng còn xót chút xíu, vướng vào cổ, cháu không khạc ra được, ho nhiều, vài mạch máu cổ họng bị vỡ. Đến chiều, con gái báo về, chụp hình phổi, cuống phổi bị sưng, bác sĩ khuyên nằm lại để điều trị. Thế là mất ngày mùng 5 tháng năm vui vẻ.

Sáng hôm sau, tôi đi xe buýt xuống bệnh viện để cùng con gái chăm sóc cháu ngoại. Tôi đến nơi, cháu ngoại thấy tôi, cười tươi hớn hở. Cha mày, làm ông ngoại lo.Bệnh viện nơi cháu ngoại tôi nằm là bệnh viện Đồn Đất, GRALL, ngày xưa. Bây giờ gọi là bệnh viện Nhi Đồng 2. Còn bệnh viện Nhi Đồng 1 nằm ở khu vực chợ cá Trần Quốc Toản cũ. Bệnh viện nầy tôi đã quen thuộc, vì có kỷ niệm 15 ngày nằm điều trị bệnh ruột thừa của kỳ nghĩ hè năm 1965. Ba tôi vì lo sợ cho tánh mạng của quý tử nên đã đưa

tôi đến đây để điều trị. Hồi đó, nếu cho tôi nằm một tháng tôi cũng chịu, vì ăn toàn đồ Tây. Sáng điểm tâm bằng ly cà-phê sửa nóng kèm bánh mì ngọt sô-cô-la hoặc bơ. Ăn trưa chiều, thức ăn toàn là nui xào, bò bít-tết, khoai tây chiên, gà rô-ti...Chi phí cho nửa tháng điều trị của tôi là 15.000 Vnđ của thời điểm 1965. Khi đó nước máy lấy trực tiếp từ sông Sài Gòn, còn nhiều phèn. Bệnh viện nầy do người Pháp xây dựng năm 1879 trên diện tích 8,6 héc ta, một phần của đại đồn Kỳ Hòa, dành cho thủy quân Pháp điều trị. Người Pháp, ngày xưa khi xâm chiếm Việt Nam thì dùng thủy quân nhiều hơn. Sau khi quân Pháp rút lui, bệnh viện giao tư nhân Pháp thành lập bệnh viện Grall, Đồn Đất, có con đường mang tên Đồn Đất, chạy từ hướng bờ sông Sài Gòn đến cổng chính. Ngày nay để tiện việc khám bệnh cho trẻ em, một cổng thứ hai được mở ở hướng sau, đường Nguyễn Du. Khối nhà kiến trúc 3 tầng vẫn được giữ nguyên. Có điều khác biệt là 3 dãy nhà được kết nối liền thành một dảy, dài hơn trăm mét. Tầng hầm dưới tòa nhà, ngày xưa dùng để bệnh nhân trú ẩn khi có chiến sự, hoặc bị oanh tạc, pháo kích, giờ đã bị lấp kín, do đó nền tòa nhà cao hơn mặt đất khoảng 1 mét. Những hàng me Tây, sao, dầu...chu vi 2 người ôm vẫn còn. Bệnh viện xây dựng trên vùng đất cao, gần sông Sài Gòn, khuôn viên rộng, có nhiều cây cao, bóng mát, nên có thể xem đây là bệnh đúng chuẩn ở Việt Nam. Nhưng hiện nay, có dự án hơn 3.000 tỷ Vnđ ( 150 triệu Usd ) để xây dựng bệnh viện mới, hiện đại hơn, trên nền đất cũ. Vấn đề còn đang tranh cải.

Dãy chính của bệnh viện dài hơn trăm mét. Cháu ngoại tôi nằm tầng trệt, gian giữa.

Cháu ngoại tôi nằm phòng dịch vụ, tức là điều trị trả tiền. Chi phí tiền phòng là 150.000 Vnđ, hơn 7 Usd, một ngày. Mỗi phòng có 6 giường cho các cháu. Có nhà vệ sinh riêng biệt cho mỗi phòng. Ngày xưa tôi nằm là 300 Vnđ/một ngày. Mỗi ngày bác sĩ khám bệnh hai lượt, hai lần xông mủi cho bớt đờm nhớt. Thường thì mỗi cháu có hai người lớn theo chăm sóc, vì đa phần các cháu có vấn đề về phổi dưới 2 tuổi. Vì vậy, chi phí tiền phòng cũng không cao lắm. Điện, nước, tắm giặt thoải mái. Lại có nước nóng dùng năng lượng mặt trời. Hàng ngày, có đội ngũ nhân viên vệ sinh quét dọn tươm tất. Có điều là khẩu phần ăn tự mình lo liệu. Đĩa cơm hộp là 20.000 Vnđ, kèm chén canh. Ở trong, hoặc ngoài bệnh viện, bán giá như nhau. Có điều khác biệt, hộp cơm bên ngoài có cơm nhiều hơn. Khi mới nhập viện, con rể tôi đã tạm đóng trước 1 triệu Vnđ. Khi xuất viện, bệnh viện sẽ tính tiền phòng, thuốc men, chi phí phát sinh... Gia đình sẽ đóng đủ sau khi trừ tiền ứng trước. Khi cháu bé và gia đình xuất viện, ra cổng, phải có giấy nầy thì bảo vệ mới cho rời cổng, vì sợ trốn viện phí. Trẻ em dưới 10 tuổi cũng không được phép thăm nuôi đễ kiểm soát và tránh lây bệnh. Ba ngày nuôi cháu, tôi cũng cảm thấy vui vui. Được làm quen mấy ông bạn già mới. Rảnh rổi giữ cháu để các con đi làm kiếm tiền. Đa phần là các ông bà ngoại giữ cháu. Chị hàng xóm nói, cháu ông nội làm tội ông ngoại. Câu nói đúng quá, vì ai cũng nghĩ cháu ngoại mới là cháu ruột, vì do con gái sanh ra. Có những cháu khi mới sinh đã bị bệnh bẩm sinh, như tim mạch, thần kinh..nhưng vì tình thương mà gia đình phải cố gắng giữ lấy. Có cháu trai ở Bến Cát, mới sinh đã phát hiện có vấn đề về tim, có vài mạch máu chảy ngược. Chi phí ca mổ là 60 triệu Vnđ, chi phí chăm sóc là 300 triệu Vnđ. Mỗi hai tháng đến bệnh viện tái khám một lần. Có cháu trai hơn hai tuổi, bị bệnh tim quá nặng, sau thời gian điều trị bệnh viện trả về gia đình vì vô phương cứu chửa. Xe du lịch ở ngoài đòi giá 7 triệu để đưa cháu về Kontum. Gia đình nhờ xe bệnh viện vì chi phí rẻ hơn. Hôm sau, lại có một cháu được đưa về quê hương cũng tình trạng như vậy. Con gái tôi kể, khuya đêm tối sau ngày Tết Đoan Ngọ, có anh chàng ba mươi tuổi ngoài, sau buổi chiều cúng lễ, có nhậu sương sương với gia đình. Đến tối, không quên nhiệm vụ nên vào bệnh viện phụ vợ săn sóc con. Vì nằm ngủ trên nền gạch, khi vợ kêu dậy để lo cho con thì thấy lạnh cứng, trúng gió, bác sĩ cấp cứu không được. Sáng hôm sau, vợ con xin xuất viện để lo tang chồng. Trưa hôm sau, gia đình bày mâm cổ nơi phòng bệnh để cúng vong.

Tôi phụ con gái săn sóc cháu ngoại ở bệnh viện nay đã ba hôm. Sáng đi xe buýt xuống bệnh viện rồi chiều lại về xe buýt. Chuyến transport xe ôm hết 20.000 Vnđ. Chi phí một ngày đi lại 36.000 Vnđ. Nếu đi xe máy hai bánh cũng ngần đó. Thôi, ông ngoại cũng phải cố gắng thêm vài hôm nửa, hi vọng đầu tuần cháu ngoại mới xuất viện. Chủ nhật tuần sau là đám giỗ bà nội cháu, tức chị sui của tôi. Hôm đó, hai ông sui sẽ cụng ly với nhau và kể chuyện, cháu ông nội làm tội ông ngoại.

Biên Hòa, ngày 16/6/2013

Đỗ Công Luận.

Đó là những ca từ của một bài hát, dành cho các cháu lớp lá, lớp cuối cấp mẫu giáo, để chuẩn bị vào lớp một. Tuần lễ nầy, hoặc trể lắm ngày đầu tuần tuần sau, các cháu học sinh trong nước sẽ tổng kết năm học và nghĩ hè. Sau đó, ngày 2/6, các cháu cấp ba sẽ thi tốt nghiệp, rồi đầu tháng bảy, các cháu sẽ dự thi vào đại học, dấu móc quan trọng của đời học sinh, và bắt đầu làm người lớn. Một vài năm gần đây, ở các trường học lớn của Sài Gòn có tổ chức buổi lễ tri ân cha mẹ khi các em lớp 12 kết thúc năm học, ra trường và bước vào ngã rẽ cuộc đời. Hôm nay, tôi thay mặt cho vợ chồng con gái lớn để dự lễ tổng kết năm học cho cháu gái.

Cháu gái tôi năm nay học lớp chồi của trường mẫu giáo tư thục gần nhà. Hệ thống mẫu giáo có 3 bậc học : lớp mầm, lớp chồi và lớp lá. Trường mẫu giáo của cháu dạng tư thục, do nhà dòng tổ chức, có dạy tăng cường tiếng Anh. Các cháu được dạy những từ thông dụng, các câu nói để làm quen. Ở lớp lá, các cháu được học đọc, viết tiếng Việt, cũng như bốn phép toán. Khi vào lớp một, bắt buột các cháu phải đọc, viết, làm toán thành thạo. Đối với lứa tuổi chúng ta ngày xưa, khi vào lớp một mới tập viết. Ngày xưa cũng không có lớp mẫu giáo. Các cháu chỉ được nghĩ học mười ngày, rồi tiếp tục đi học để cha mẹ đi làm lo cơm áo gạo tiền. Tóm lại, mẫu giáo như nhà giữ trẻ. Học phí mỗi tháng là 1.200.000 vnđ, bán trú ở trường và ăn cơm trưa.

Buổi tổng kết năm học được tổ chức ở đại sảnh một nhà hàng lớn ở Tam Hiệp, hơn ba trăm phụ huynh và ba trăm cháu tham dự. Bởi vì, cuối năm học cháu nào cũng có phần thưởng là cặp vở, đồ chơi. Buổi lễ bắt đầu từ 17 giờ chiều đến 19 giờ mới xong. Phần trình diễn văn nghệ do các cháu biểu diễn, do các cô chủ nhiệm lớp huấn luyện. Màn múa dân gian, múa Ấn Độ, trình diễn thời trang, múa Lambada...Xúc động nhất là phần đọc cảm tưởng của hai cháu lớp lá, nói lời chia tay thầy cô và bạn bè. Cháu gái đọc bài viết sẳn, rất lưu loát. Cháu trai nói lời chia tay bằng tiếng Anh, do các cô giáo soạn thảo. Sau cùng, các cháu lớp lá hát và múa bài " Tạm biệt gấu Misa". Tôi ngồi nghe mà muốn rơi lệ. Sao giống tâm trạng chúng mình khi chia tay thầy cô, bạn bè, ngày xưa. Sau đó, là phần phát quà, sự mong đợi của các cháu. Từng lớp được mời lên. Mỗi cháu nhận phần quà trong sự vui mừng. Cha mẹ cũng vui lây với hoàng tử, công chúa của mình.

Tựu trường năm sau, cháu gái tôi mới vào lớp một, em nó bắt đầu vào mẫu giáo. Sau ba tháng hè, cháu trai lớn của tôi vào lớp ba, một cháu vào lớp hai. Ba mẹ các cháu phải lo làm việc, để có cơm áo gạo tiền lo cho các con ăn học. Mỗi đứa hai đứa con mà thấy ngán ngẩm. Hồi xưa, ông bà, cha mẹ mình sản xuất cả chục đứa con mà vẫn đủ cỏ cho voi ăn. Bây giờ voi uống sửa ngoại nhập nên nuôi hai đứa con là thè lưởi. Ông ngoại cũng tiếp sức với ba mẹ chúng để ĐƯA CHÁU ĐẾN TRƯỜNG.

ĐƯA CHÁU ĐẾN TRƯỜNG (1)

(Cho cháu ngoại Võ Bách Vĩ)

Hôm nay trống điểm khai trường.

Tung tăng áo mới ngát hương học trò.

Vai mang cặp nặng buồn lo.

Ông đưa cháu ngoại vượt đò nhân sinh.

Chân qua cửa Khổng, sân Trình .

Mở tung rộng cánh tử sinh tâm hồn.

Mười năm gió ngựa bồn chồn .

Lặn bơi sông chữ, nỗi buồn áo cơm .

Giang đôi tay rộng đón con .

Cô mang bảng trắng mở hồn trẻ thơ.

Một mai bụi phấn phủ mờ.

Vàng trang chữ nghĩa, bơ vơ sách đèn.

Ông nhìn cánh phượng héo tàn.

Mới hay nắng gọi thu sang cuối hè.

Mẹ con gánh lúa bờ đê.

Ông đi gánh nặng bộn bề nước non.

Trường con mái đỏ như son.

Tường xây nước mắt, máu xương mẹ hiền.

Người nằm xuống, chữ đứng lên.

Để mai nắng ngập bốn miền, năm châu.

Vẩy vùng biển rộng, sông sâu .

Tên con chói lọi đỉnh đầu nhân gian.

Ráng rèn nhân cách nghe con.

Tiên sư đốt đuốc mở đường cháu tôi.

Biên Hòa, ngày 5/9/2011

Đỗ công Luận

o0o

ĐƯA CHÁU ĐẾN TRƯỜNG (2)

- (Cho cháu ngoại Vương Gia Khang và các cháu cùng lứa tuổi)-

Một cháu ngoại nữa đến trường.

Tóc ông thêm chút muối sương cuộc đời.

Quần xanh áo trắng tinh khôi.

Lưng đeo cặp vở, cháu ngồi thong dong.

Xe qua Cầu Mới hừng đông.

Màn sương bao phủ sông Đồng nên thơ.

Bửu Long say ngủ trong mơ.

Người đi ca sáng dật dờ ngược xuôi.

Cổng trường rộng mở đón mời.

Hàng cây phượng vĩ lả lơi nắng dài.

Cô cười ôm trọn vòng tay.

Đón con trẻ đến trong ngày khai tâm.

Trẻ vui như hội trăng rằm.

Cô trao đuốc sáng trăm năm trồng người.

Con còn ngụp lặn biển khơi.

Bơi trong sông chữ sóng đời ngã nghiêng.

Làu thông kinh sách thánh hiền.

Mới mong đủ sức đua chen bảng vàng.

Ngày con lọng mão vinh quang.

Ông tay chống gậy đón chàng về dinh.

Con ơi, gắng sức học hành.

Thầy cô tiếp lửa tưới xanh hạt mầm.

Cơm cha áo mẹ nhọc nhằn.

Đổ mồ hôi để dành phần cho con.

Một mai nắng xế chiều hôm.

Vui bên con cháu dõi hồn tương lai.

Xua đời tăm tối đêm dài.

Lỡ chừng đất gọi xuôi tay chẳng buồn.

Biên Hòa, ngày 22/8/2012

Đỗ Công Luận

Bé và cô giáo.

Bé và ông ngoại

Cả lớp cùng vui.

Bạn học đầu đời.

Niềm vui ngày hè.

Hát bài Tạm biệt gấu Misa.