Hồi Ký

NGÀY CỦA CHA, XIN VIẾT VỀ CHA TÔI

Năm 2014, Ngày của Cha được diễn ra vào ngày 15/6. Những năm gần đây, cộng đồng người Việt Nam, trong và ngoài nước bị ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, lan truyền trên mạng xã hội, trên net, nên ngày của Cha cũng được nhắc nhở, tôn vinh. Cha của tôi mất nay đã 3 năm, nhưng ký ức về Cha dấu yêu vẫn còn mãi trong tôi. Tôi nay đã vượt qua ngưỡng cửa 60 tuổi, có chữ Hưởng Thọ trên bản tin buồn là vui mừng rồi. Tôi cũng đã là Cha của 4 đứa con, 3 gái, 1 trai và ông ngoại của 6 đứa cháu. Tôi cũng muốn nói lên tất cả năm tháng tôi sống bên Cha tôi, đúng 60 năm cuộc đời. Khi Cha mất, tôi bắt đầu qua tuổi 60. Đây cũng như là tự truyện, những cảm nhận trong cuộc sống giữa Cha và Con, để sau nầy các con, cháu tôi hiểu về cha ông của chúng. Tình Cha con, ông cháu là gắn bó lại các thế hệ lại với nhau. Không có sự khoe khoan, nhưng đó là những lời tự bạch khi Cha và Con, xa vắng đã 3 năm qua.

Lúc sinh thời, khi gia đình quần tựu, Cha tôi thường kể về gia phả của dòng tộc, nhưng chỉ là những lời bất thành văn, không ghi chép. Cố tổ tôi người gốc miền Trung, vào Nam lập nghiệp, gồm hai anh em trai. Một người định cư ở vùng Tân Uyên - Lái Thiêu. Một người lập nghiệp ở Chợ Đồn -Tân Vạn, là chi tộc của chúng tôi sau nầy.

- Những người họ Đỗ ở Tân Uyên cũng có thể là bà con dòng họ của chúng ta, Cha tôi thường nói.

Ông bà cố tôi sinh đẻ 9 người con. Người con gái út, thứ mười là bà Đỗ Thị Hoa, mẹ của thầy giáo Lại Văn Lung ở Cù lao Hiệp Hòa. Ông nội tôi thứ tám, ông Tám Quế đánh xe ngựa. Nhà nghèo, lại sanh 8 người con. Cha tôi thứ ba, ông Ba Trầm. Vì vậy, Cha tôi và bác Hai Sâm có một thời tuổi trẻ gian truân. Học xong lớp ba trường làng Bửu Hòa, hai anh em vào học lớp nhì năm thứ nhất, trường Nam tiểu học Biên Hòa, trường Nguyễn Du bây giờ. Không có tiền ăn học cho năm thứ nhì lớp nhì, Cha tôi và Bác Hai xin vào học nghề ở trường Bá Nghệ Biên Hòa, được thành lập năm 1903, đồng thời với hai cây cầu sắt quê hương, vì học ở đó có học bổng, tiền tài trợ của chánh phủ Pháp. Vì vậy cả hai giỏi tiếng Pháp, nhất là Bác Hai tôi. Vì gia đình nghèo, Bác Hai ra trường trước, nên rủ Cha tôi tôi lên làm thợ xoay chén ở xứ lò chén Thuận Giao, Thủ Dầu Một, khi kinh tế thế giới khủng hoảng. Ở đó Cha và Mẹ gặp nhau. Trai 20, gái 18. Rồi cả hai cùng về xứ sở Chợ Đồn. Mẹ tôi sinh anh hai, cùng năm đó bà nội sinh chú út. Nhưng anh hai và anh tư tôi mất lúc vài tuổi vì bệnh tật, khi mà y học chưa tiến bộ. Năm Cha tôi 35 tuổi, tôi cất tiếng chào đời, thằng con trai thứ ba, theo thứ tự là thứ sáu, Sáu Luận, đứa con thứ năm của Cha và Mẹ. Tôi được xem là con trai lớn, nên Cha Mẹ rất thương tôi. Khi đó kinh tế gia đình đã khắm khá. Năm 1958, cái chợ ở quê tôi được dời về vị trí hiện tại, khu đất của nội tôi trở nên đắc địa, nhà cửa trở thành phố chợ. Mẹ tôi không còn hằng ngày gánh chén sứ sang chợ Biên Hòa để buôn bán nửa. Một cửa hàng tạp hóa nho nhỏ được gầy dựng. Cha tôi vẫn làm thợ xoay gốm ở trường Bá Nghệ, rảnh rổi phụ lấy hàng về cho vợ con mua bán. Chị gái lớn đã vào tuổi 15, biết đỡ đần cho mẹ. Năm đó, một tai họa đến với gia đình tôi. Em gái kế tôi, Bảy Thuận, 4 tuổi, bị xe tải cán chết trước nhà. Nếu còn sống, nay em đã tròn 60 tuổi. Em trai Tám Đức 2 tuổi, hai cái tên ghép lại thành Tiệm tạp hóa Thuận Đức. Căn nhà gia đình tôi cư ngụ trở nên chật hẹp khi trong nhà có nhiều miệng ăn. Vì vậy, Cha Mẹ tôi chạy vại đủ 50.000 đồng (năm 1957) để mua lại căn nhà hiện tại, do chủ cất trên đất mướn của nội tôi. Họ bán lại nhà để trả đất. Cô năm Hiếu, chủ lò gạch Hạnh Phúc ở cầu Âm Phủ, Tân Bản, nói với Cha tôi,

- Căn nhà nầy hai vách đã mục mát, tôi bán gạch cho cậu Ba để sửa chửa, tiền bạc trả sau.

Cha tôi sợ nợ nần chồng chất thêm nên khéo léo từ chối. Căn nhà cũ, Cha tôi nhường cho chú Tám tôi ở, mở tiệm sửa xe, sau khi học nghề và lập gia đình. Tiệm sửa xe Thiện Đức. Gia đình bác hai tôi thì mở tiệm cơm, vì khi đó phương tiện xe tải nhập về nhiều để vận chuyển hàng hóa, nhất là đất đá, gạch ngói. Tài xế dừng xe nghĩ trưa và dùng cơm. Tiệm cơm Việt Đức. Ý nghĩ của các con ông Tám Quế đánh xe ngựa là đặt chữ Đức làm kim chỉ nam trong cuộc sống.

Khi đó tôi chỉ biết lo ăn học để vượt qua cấp tiểu học ở trường làng Bửu Hòa. Cha tôi nói,

- Con sáng sủa, thông minh, nên gắng học. Cha sẽ lo cho con.

Năm 1962, sau khi học xong lớp nhất với cô giáo Dương Thị Thu Tâm ở trường tiểu học Bửu Hòa, ngôi trường khi những người chị tôi học là mái tranh vách lá, thầy giáo Lại Văn Lung làm hiệu trưởng, tôi dự thi kỳ thi tuyển vào lớp đệ thất trung học công lập Ngô Quyền. Sau một buổi đội mưa lất phất để nghe xướng danh kết quả thi tuyển, cha tôi buồn bả ra về. Tôi không có tên trong danh sách thi đậu. Cha tôi hàng ngày vẫn đến xưởng làm thợ xoay gốm bằng chiếc xe gắn máy Đức, Sachs, hiệu Capri. Buổi sáng Cha mang theo một lon gạo đựng trong túi bồng bột, và một lon guigoz thức ăn. Khi đó nhà tôi có nuôi con chó mực, đặt tên Ky. Mỗi chiều, nó chạy lên trụ đèn ở giữa ngã tư Chợ Đồn để đón Cha tôi. Nghe tiếng máy nổ thân quen từ hướng đầu cầu Gành vọng ra, nó vẩy đuôi chạy lên đón Cha tôi và chạy theo về nhà. Con vẫn vô tư chơi đùa, không gắng học, không có tình thương như con chó Ky dành cho Cha. Con còn thua con chó Ky nhà mình đấy Cha ạ. Cha tha lỗi cho con. Đó là cái lỗi đầu đời tôi mắc nợ Cha tôi.

Trong một năm học đệ thất ở trường tư thục Minh Tân, tôi cố gắng ôn luyện để thi lại vào đệ thất công lập. Cuốn sách Câu hỏi thường thức, in bằng ronéo của một ông thầy ở trường tiểu học Nguyễn Du, tôi ôn đi, ôn lại cở 5-6 lần. Kết quả kỳ thi đó tôi đậu thứ hạng cao, hạng 6, sau Phạm Thị Ngọc Quỳnh, Đào Duy Kỳ, Giang Hưng, Bùi Trường Đông và một chị gần nhà, chết vì bị bệnh phong đòn gánh trước ngày nhập học. Hôm sau, Cha chở tôi đi Chợ Lớn lấy hàng hóa, và sắm sửa đồ dùng học tập cho tôi. Cha vẫn đèo tôi bằng chiếc xe gắn máy Capri. Hàng hóa gửi về nhà qua xe hàng Dủ Chành. Phần thưởng là một cái cặp táp da trâu, chiếc áo mưa, một cây bút máy Pilot màu đen, do Nhật Bản sản xuất...Tình thương của Cha dành cho tôi nhiều quá.

Những năm học đầu ở trung học, tôi đi học bằng xe đạp, hoặc có khi xe lam. Lần họp mặt bạn bè cách đây 2 năm, bạn Nguyễn Văn Ta nhắc lại.

- Có buổi đi học trưa, tao từ Tân Hạnh, ghé nhà đèo mầy ngồi ở giữa hai nẹp xe, vì xe không có yên sau.

Kỳ nghĩ hè năm đệ lục, 1965, sau những cơn đau bụng dữ dội, tôi được bác sĩ Trần Văn Tứ chẩn đoán bị bệnh đau ruột dư cấp tính, cần phẩu thuật gấp. Vì sự an nguy của quí tử, Cha tôi nhờ chú Tư Cô Hồn chở tôi xuống bệnh viện Đồn Đất, Grall, bằng chiếc xe Toyota Pick Up. Khi đó ai có chiếc xe bán tải là khá giả lắm. Bác sĩ, một Bà Đầm Pháp, chẩn bệnh xong là đưa lên bàn mổ lúc trưa, một ngày thứ tư trong tuần lễ. Tối đêm đó, tôi nằm trong phòng hồi sức, tay chân bị cột chặt vào thành giường. Cha tôi đứng ngoài cửa sổ theo dỏi. Nằm nghĩ trưa hoặc ngủ tối chỉ là mấy tờ báo lót trên nền sàn bệnh viện. Lúc đó, tôi mới hiểu tình cảm Cha dành cho tôi là vô bờ bến. Sáng ngày chủ nhật, tôi được đưa ra trại dưỡng sức, nằm giường hạng ba, 6 người một phòng, tiền giường là 300 đồng một ngày. Bửa ăn trưa ngày chủ nhật, sau 4 ngày nhịn đói và uống nước cam vắt nhỏ giọt, là một góc tư gà rô ti, nui xào, khoai Tây chiên.... Ngon quá. Bệnh viện tư của người Pháp có khẩu phần ăn theo lịch biểu, và món ăn truyền thống Pháp. Nui xào, khoai Tây chiên, xà lách, cà chua, gà rô ti....Buổi sáng là một tách cà-phê sửa nóng, phô mai ăn với bánh mì tròn hoặc sô cô la. Tôi ước ao được nằm bệnh diện dài lâu để được ăn ngon. Nhưng, một ca phẩu thuật, 15 ngày săn sóc, tỗng cộng chi phí là 15.000 đồng của thời điểm 1965. Một số tiền khá lớn, nhưng tánh mạng tôi là trên hết.

Đầu năm 1968, chiến cuộc Mậu Thân bùng nổ. Học trò nam đệ nhị cấp chúng tôi phải học QSHĐ ở trung tâm huấn luyện Bửu Long. Cha lại lo lắng khi con trai đã trưởng thành, có vượt qua vòng cương tỏa của chiến tranh hay không. Năm 1969, đậu xong tú tài phần thứ nhất, Võ Hà Mỹ sang nhà tôi và Ngô Hồng Tâm để xin gia đình cho phép cùng đi nghĩ mát ở Đà Lạt, vì nhà ngoại của Mỹ trên đó. Cha Mẹ đồng ý cho tôi đi nghĩ mát.

Lần uống cà-phê cách đây vài hôm, Tâm nhủi so bì,

- Ông già không cho tao đi, lại bắt lên Hóa An lái xe máy xúc móc đất về lò làm gạch.

Bác Ba trai tính vậy cũng phải thôi Tâm nhủi ơi. Đó cũng là tình Cha dành cho con, vì mầy là con trai độc nhất vô nhị, 1102, Tâm nhủi bạn mình ơi. Nhưng lần nghĩ hè ở Đà Lạt đó, chúng tôi chỉ loanh quanh ở Chợ Đà Lạt. Mỹ và Thọ thụt bi da suốt buổi, rồi đi thác Prenn, không dám đi chơi xa. Chiến tranh mà. Chúng tôi quá giang xe người quen về Biên Hòa, khi xe nầy lên Tùng Nghĩa chở bắp. Lần đầu tiên, Cha Mẹ thưởng cho tôi chuyến đi chơi xa, khi có kết quả tốt về học tập.

Năm tôi học đệ nhất, 1969, thấy bạn bè có xe Hon da, Suzuki...đi học, tôi cũng đua đòi xin mua. Cha tôi cũng đồng ý với điều kiện tôi phải đậu tú tài phần thứ hai để vào đại học. Dòng họ tôi khi đó chưa có ai vào ngưỡng cửa đại học. Cha tôi nhờ chú tám hỏi giá xe ở Ngã sáu Phù Đổng. Chiếc Honda dame đập thùng khi đó là 48.000 đồng. Nhưng tôi suy nghĩ, để có số tiền đó, Cha tôi phải mượn nợ hụi, hàng hóa cửa tiệm sẽ thiếu hụt. Khi đó, bột giặt, mì gói, cá hộp, đồ tiêu dùng...của Nhật tràn ngập thị trường, việc mua bán cũng thuận lợi. Tôi nói với Cha,

- Thôi Cha mua cho con chiếc mobylette xanh của Bác Sáu thợ hồ cũng được.

Bởi vì chiếc xe đó mới mua, cần tiền, chủ nhân bán rẽ giá 28.000 đồng. Chiếc xe đó đã gắn bó với tôi suốt hai năm đại học ở Sài Gòn và 6 tháng ở Huấn khu Thủ Đức. Lần đầu tiên tôi biết suy tư và biết thương công lao khó nhọc của Cha Mẹ. Bởi vì song thân mỗi năm tháng lại mòn mõi vì gió bụi thời gian và gánh nặng trên đôi lưng còng.

Tốt nghiệp đệ nhị cấp, rời trường trung học, tôi lên Sài Gòn để học đại học. Không thi đậu vào các trường tổ chức thi tuyển, tôi ghi danh vào đại học Vạn Hạnh, khoa Khoa học xã hội, ngành thương mại, với ước mong ngày sau sẽ làm việc nghành tài chánh ngân hàng. Tuổi trẻ bao giờ cũng có ước mơ và hoài bão với tương lai tươi sáng. Nhưng chiến tranh là rào cản. Mỗi năm, tôi phải lên lớp, không bị rớt hai lần thi cuối năm. Tôi theo ở trọ với các bạn, Giang Hưng, Đào Duy Kỳ...những đứa bạn học giỏi. Khi thì ở Cư Xá Lữ Gia. Khi thì ở hẽm sau lưng Phở Tàu Bay, đường Lý Thái Tổ. Sau cùng, là ở trọ với Tâm nhủi gần chợ Vườn Chuối. Chúng tôi là thực khách thân quen của tiệm cơm tàu Nam Sơn, góc phố Nguyễn Thiện Thuật - Phan Đình Phùng. Các tiệm cơm tấm ở đường Trần Quí Cáp cũng được chiếu cố, khi muốn thay đổi thực đơn. Trong mail gửi cho tôi, khi bạn bè biết được tin tức của nhau, Trần Văn Khỏe của lớp Anh Văn đã nói với tôi,

- Lần cuối cùng tao gặp mầy năm 1972 khi ăn cơm tấm ở phố Trần Quí Cáp.

Ôi thời gian, kẻ nhớ, người quên.

Mùa Hè đỏ lửa, chiến sự đến đỉnh điểm. Lệnh Tổng Động Viên được ban bố, tuổi hoản dịch dành cho SVHS bị giảm thêm 1 tuổi, tôi phải gia nhập quân đội. Cha họp gia đình bàn bạc,

- Gia đình mình sống lâu năm ở xứ Chợ Đồn, con lại có học vấn, không nghiệp văn thì theo nghiệp võ. Chẳng lẽ phải trốn chui nhủi hay sao ?

Tôi đã trưởng thành khi khoát vào người bộ quân phục. Tuần lễ nào không về phép, chủ nhật, Cha và Mẹ đến quân trường thăm tôi.

- Con tôi ốm, đen, nhưng rắn rỏi.

Ở nhà, chưa một lần tôi bị roi vọt, nhưng ở quân trường, huynh trưởng, kỷ luật quân đội đã tiếp sức cho thanh niên thành trai Phù Đổng. Hiểu sự khổ nhọc của cha mẹ, tôi chỉ ăn cơm nhà bàn, và lương khô do gia đình tiếp tế, không dùng cơm ở câu lạc bộ vì giá đắt đỏ. Hàng tháng lảnh lương, tôi dùng tiền đó mua hàng quân tiếp vụ mà bạn bè bỏ qua, không mua khẩu phần. Tôi biết Cha thích hút Ruby Queen, Nữ Hoàng Hồng Ngọc, nên mỗi lần về phép, tôi mang biếu Cha. Đó là phần báo đáp nho nhỏ tôi dành cho Cha.

Khi tôi đi chiến dịch ngưng bắn ở Cần Thơ, bắt đầu đối diện chiến tranh, Cha lại lo lắng cho sự an nguy tính mạng của con trai mình. Cha theo Dượng Ba, em rể bác Hai gái, người Trà Ôn, để đến An Thới Đông thăm tôi một ngày. Khi Cha về, tôi dặn dò, cận ngày Noel 1972, gia đình gửi điện tín để xin về phép, mục đích là vui chơi với bè bạn ngày Thánh Lễ. Cầm tờ điện tín trên tay, tôi bàng hoàng, dù biết rằng đó là tin báo giả.

- Cha bị tai nạn. Gảy tay chân nặng. Xin phép về gấp.

16 giờ ngày chủ nhật 24/12/1972, tôi cầm tờ phép 3 ngày trên tay, bắt đầu qua phà Cần Thơ. 17 giờ, xe tốc hành lăn bánh. Với bộ quân phục trên người, đoạn đường Cai Lậy - Cái Bè của tỉnh Định Tường không được an ninh khi thiết xa vận M113 đã về căn cứ. Sao tôi dạn dỉ, liều lỉnh quá vậy? Vì tình yêu, vì bạn bè, hay vì gia đình. 20 giờ đêm, xe đò về đến xa cảng Miền Tây. Tôi đi xe buýt để đến bến xe Nguyễn Hoàng, chợ An Đông, đón xe lô về Biên Hòa. Nhà thờ Ngã Sáu Chợ Lớn đã lên đèn, giáo dân bắt đầu đi lễ, mừng ngày Thiên Chúa Giáng Sinh. Tôi nôn nóng quá. 22 giờ đêm, xe lô về đến cây xăng Bác Sáu Sử, Biên Hùng. Gặp người anh gần xóm, tôi quá giang xe Honda về nhà. Vừa ra khỏi cầu Gành, tôi thấy Tâm nhủi đang cầm lái chiếc Toyota, có Tâm con còn mặc nguyên lễ phục SVSQ.CSQG, nó không vào quân trường mà ở lại vui chơi với bè bạn. Tôi cũng có một đêm Noel tuyệt vời, theo các bạn vòng quanh các xứ Đạo, dự lễ nửa đêm ở nhà người quen, và một đêm quên đường về nhà khi người thân đang ngóng đợi. Sáng hôm sau, Cha Mẹ tôi sai bảo đứa em trai, chạy chiếc mobylette xuống nhà Tâm nhủi chở tôi về nhà. Tôi lẳng lặng vào nhà, mặc lời trách móc của Cha Mẹ và các chị. Nơi chín suối, xin Cha Mẹ tha thứ lỗi lầm của con trẻ dại dột.

Tối hôm đó, một tin buồn đến với tôi. Thấy tôi ngồi trước nhà ngó sang đường, em gái đến hỏi tôi,

- Anh có nghe tin gì chưa ? Hôm kia, 23/12/1972, chị Liên đã tổ chức lễ hỏi với anh Thuận. Anh đừng hờn trách chị ấy. Vì chữ hiếu chị vâng lời mẹ, sợ mẹ sẽ không qua khỏi bệnh tình.

Tôi nghe như vũ trụ ngừng quay, trời đất như chừng sụp đỗ. Hai hôm sau, tôi trở lại An Thới Đông, một xã ven sông Trà Nóc, lòng buồn man mác. Một kỷ niệm buồn trong cuộc đời, dấu ấn không thể nào quên. Gia đình cũng hiểu tâm trạng của tôi khi đó, một chàng trai vừa lớn lên, đang bước vào ngưỡng cửa cuộc đời cũng như tình yêu nhiều sóng gió. Khi đó tôi 21 tuổi, Cha đã qua 56 mùa nắng mưa, sương gió.

Sau 5 tháng học ở quân trường, 2 tháng đi chiến dịch, tháng 3/1973, tôi ra đơn vị, đối mặt với chiến tranh. Tôi chọn vùng sông nước Chín Rồng để gửi gấm đời trai. Dù không nói ra, nhưng tôi biết Cha Mẹ rất lo lắng cho tôi. Sau 22 năm sống cạnh Cha Mẹ, trong sự bảo bọc của gia đình, bây giờ tôi chánh thức vào đời, tự lo cuộc sống bản thân, cũng như bảo toàn tính mạng. Nhưng trong chiến tranh, nào ai biết trước được. Tin tức của tôi về với gia đình chỉ qua những lá thơ, hoặc những lần tôi tìm cách xin về phép. Những khi trong vùng hành quân, phải chờ có đợt tiếp tế, nhờ anh em chuyển thư về hậu cứ, rồi quân bưu chuyển đi. Vì vậy, có khi cả tháng Cha Mẹ không được tin tức tôi, lại có sự âu lo. Mẹ tôi thì mỗi đêm đốt nhang khấn nguyện. Có lần, Cậu Sáu tôi ở Long Thành về chơi, Cha tôi rủ cậu cùng đi để thăm cháu. Có lẽ ở nhà khởi hành sớm, buổi trưa là hai người đã tìm được hậu cứ, lúc đó tôi đang ở vùng hành quân. Trong lúc nghĩ ngơi, anh hạ sĩ người Miên, tà lọt của đơn vị trưởng tiếp chuyện với Cha và cậu tôi. Vui miệng, anh thuật lại chuyện trước đó không lâu đơn vị tôi bị thiệt hại nặng sau một trận đánh, bị phục kích, khiến Cha tôi lo lắng thêm.

Lần đó, đơn vị tôi và một đơn vị bạn hành quân cấp tiểu khu vì có tin quân báo cho biết địch tình. Hai cánh quân di chuyển song hành cập con sông rộng. Đơn vị bạn có kinh nghiệm trận mạc, nên đối phương di chuyển qua hướng đơn vị tôi để bao vây phục kích, chận đầu khóa đuôi. Họ có delot quan sát trên các cây dừa cao để theo dỏi hướng di chuyển. Khi cánh quân di chuyển vào trận địa phục kích, thời điểm được chọn là lúc xế chiều, mặt trời gần lặn. Súng nổ, bộ chỉ huy đơn vị bị hạ gục, đơn vị trưởng tử thương. Cánh quân đi trước bị thiệt hại nặng. Như rắn mất đầu, cánh quân sau dạt ra đồng trống, bị cối dập. Khi đó mùa mưa, đồng ruộng ngập nước, tôi cũng chỉ biết phó mặt cho số phận. Trước mặt là pháo chận đầu, sau lưng là đạn rơi vải. Chiếc ba lô đã bị rơi rớt. Đến bờ sông, lội qua sông được là về vùng an toàn. Thời điểm đó trăng tròn, nước sông cao và chảy xiết, chúng tôi phải cởi bỏ giày vải, quân phục để qua sông cho dễ dàng. Đến giữa sông, khẩu colt nặng hơn hai ký rớt theo giòng nước, tay kia chỉ còn trái lựu đạn tròn da láng. Tập họp đơn vị lại, một số bị thương, một số mất tích, một số rã ngủ trốn về nhà, vì gia đình họ cũng ở gần đó. Trung sĩ Tuấn, chàng trai rớt tú tài phải đi trung sĩ, trốn lại, sáng hôm sau lên xe đò vọt về Vũng Tàu. Đơn vị được đưa về hậu cứ dưỡng quân, bổ sung quân số, rồi lại lao vào trận mạc. Từ đó tôi tin tưởng vào số mang, đạn tránh người, người không tránh đạn, súng đạn vô tình...,cũng như lời giáo huấn của Cha Mẹ, phải tu nhân tích đức, không làm điều sai trái với lương tâm. Sau nầy, khi gia đình sum họp đông đủ, Cha tôi thường nói,

- Sau chiến tranh, gia đình, dòng họ nhà mình không bị tổn thất, đó là hạnh phúc nhất mà Cha tâm nguyện.

Đầu tháng 12/1973, tôi được nghĩ phép thường niên 10 ngày để thăm gia đình và vui chơi với bè bạn. Hết phép, tôi về trình diện hậu cứ, đơn vị đã chuyển quân về Cầu Kè, chia thành những đơn vị nhỏ để trấn giữ các đồn bót, thay cho mấy anh nghĩa quân nhát khích. Anh sĩ quan tiếp liệu đơn vị, cũng là người chỉ huy hậu cứ nói với tôi,

- Phòng truyền tin tiểu khu có công văn xuống cho Đại Bàng, bảo chọn một sĩ quan để đề cử nắm truyền tin đơn vị, rồi sau đó làm hồ sơ cho đi học chuyên môn ở Vũng Tàu. Ổng đã chọn chú em, trẻ, có học lực, năng lực vào vị trí đó. Nhưng có đi thì phải có lại...

Tôi hiểu vấn đề. Ở đơn vị, sĩ quan quân số, sĩ quan tiếp liệu, là hai cánh tay của đơn vị trưởng. Tôi được về phép 3 ngày để về nhà tham khảo ý kiến gia đình. Cha Mẹ tôi mừng rở đồng ý. Tính mạng con người cũng được trao đổi với tiền bạc. Sau đó, tôi được về bộ chỉ huy đơn vị, đóng ở đồn lớn, hàng ngày sát cánh với Đại Bàng, vì đó là nhiệm vụ.

Chiều ngày mùng 4 Tết Giáp Dần, 1974, Mẹ tôi lại khăn gói xuống Cầu Kè thăm tôi và xem kết quả sự tình. Sáng hôm sau, tôi nhờ hạ sĩ quan tiền cứ đưa mẹ tôi ra tàu đò để vào đại đồn thăm tôi. Họ báo lại, mùng 5 Tết đò chưa chạy, cho bà cụ quá giang ghe người dân để vào.

Mẹ tôi kể lại,

- Ngồi trên ghe, thấy tao ăn mặc tươm tất, xách giỏ nặng, nói vào thăm con. Chắc con bả là sĩ quan quá...

Trước sự cực nhọc của Cha Mẹ, khi tiển Mẹ ra bến sông để về lại Biên Hòa, tôi quyết định thưa với Mẹ,

- Thấy Cha Mẹ cực nhọc thăm con, để có người đỡ đần, Mẹ về bàn với Cha, thảo luận với Bà Cô Sáu để tiến hành hôn nhân với con gái Dì Tư cho con.

Bà Cô Sáu là cô của Mẹ tôi, người đứng ra mai mối cưới vợ cho tôi. Tôi nghĩ, khi có gia đình, vợ con sẽ chia sẽ gánh nặng với Cha Mẹ tôi.

Đầu tháng 4/1974, anh sĩ quan quân số, lớn hơn tôi vài tuổi, có cảm tình với tôi, mời tôi lên để trao đổi khi tôi về hậu cứ,

- Anh đã xem kỷ hồ sơ của em. Em đủ điều kiện để làm đơn xin về binh chủng cục sở. Vậy em hãy báo về gia đình, gửi bản sao chứng chỉ đại học để anh làm hồ sơ giúp dùm, chuyển đi cho kịp thời hạn.

Vấn đề nầy tôi đã biết qua báo chí. Những sĩ quan có học vấn đại học, đã có một năm trở lên ở đơn vị tác chiến, có đơn xin yêu cầu, họ sẽ được chuyển ngành để đưa đi đào tạo chuyên môn cho kế hoạch kinh tế hậu chiến. Số bạn bè khóa học tôi về trình diện tiểu khu có 14 người. Một năm sau, đếm không còn được mấy người trên đầu ngón tay.

Hồ sơ làm xong, khi Đại Bàng về hậu cứ, anh sĩ quan quân số đưa ra trình duyệt, ông ta không chấp thuận vì muốn giữ tôi ở lại,

- Vì tương lai sự nghiệp của em nó, của đất nước, em nó còn trẻ, chẳng lẽ nó chôn chân ở cái xứ khỉ ho cò cái nầy sao. Đại Bàng thương tình...

Cuối cùng, hồ sơ của tôi cũng được ký và chuyển đi theo hệ thống quân giai.

Đầu tháng 5/ 1974, phòng truyền tin gọi tôi về để nhận Sự Vụ Lệnh đi học khóa chuyên môn ở Vũng Tàu. Vì khóa học kéo dài 20 tuần lễ, lại cận ngày học, vì vậy tôi sẽ đi thẳng ra Vũng Tàu, không ghé thăm nhà. Tôi đánh điện tín về nhà cho Cha Mẹ biết tin để an tâm. Đồng thời, xin gia đình gửi mandat cho tôi vài ngàn bạc để giải quyết công nợ. Chờ lâu chưa có tiền, tôi mang chiếc nhẩn 2 chỉ vàng gia đình cho để phòng thân ra tiệm vàng cầm cố, chờ có tiền mandat gửi sẽ chuộc lại. Hôm sau, chưa nhận tiền nhà, tôi bán luôn. Họ trả cho tôi 12.000 đồng. Như vậy, thời điểm tháng 5/1974, giá vàng trên thị trường là 60.000 đồng/1 lượng. Về đến hậu cứ, giấy báo lảnh tiền đến, tôi lại trở ra bưu điện.

Được về học chuyên môn, không còn đối diện hiểm nguy, lại sắp tiến hành hôn nhân, cơ hội tốt giúp cho tôi thêm nghị lực. Cha Mẹ tôi không còn âu sầu vì tôi. 20 tuần học ở Vũng Tàu, là có 18 cái chủ nhật tôi dù về nhà để tìm hiểu về người phối ngẩu, cũng như thăm nhà. Dù rằng, buổi chiều chủ nhật khi trở lại Vũng Tàu, đoạn đường Quán Chim - Thái Thiện, cây số 67, đối phương thường hay ra chận bắt xe đò. Tôi vẫn Mackeno.

Đầu tháng 10/1974, vừa thi mãn khóa học xong, tôi chờ kết quả để về lại đơn vị. Một tối, anh bạn cùng khóa học đến báo cho tôi biết tin.

- Mầy có tên trong danh sách về nghành Hành Chánh Tài Chánh, chuẩn bị tinh thần để lên đường. Tao có bản sao quyết định đây.

Chắc anh nầy có gốc bự.

Tôi về trình diện đơn vị mới, rồi được đưa về trường HCTC ở huấn khu Thủ Đức để học chuyên môn căn bản. Cha Mẹ tôi vui mừng khôn xiết. Công sức tôi học tập, công lao Cha Mẹ lo cho tôi đã có kết quả tốt lành. Tôi cũng chờ giấy phép kết hôn của cấp trên chuyển về để hợp thức hóa hôn nhân sẽ tiến hành sau đó. Học chuyên môn thì được thoải mái hơn. Buổi chiều sau giờ học được phép về nhà, vì phòng ngủ đơn vị hạn chế. Phương tiện đi lại được phép mang vào trường. Từ đó, tôi có thời gian đến nhà vợ sắp cưới tìm hiểu thêm. Tình yêu đã chín muồi. Sau Tết Ất Mão 1975, đơn xin phép kết hôn đã được duyệt ký, hai gia đình quyết định đầu tháng 4/1975 sẽ tổ chức hôn lễ. Nhưng cuối tháng 3/1975, xe tải của cha vợ tôi bị kẹt lại ở Phan Thiết khi đi giao gạch ngói. Tình hình chiến sự căng thẳng, quốc lộ 1 bị phong tỏa, xe tải không về được. Đám cưới phải hủy bỏ, dù tôi đã có giấy nghỉ phép của chỉ huy trưởng duyệt ký. Sau cùng, hai gia đình quyết định chờ cha vợ tôi theo đường biển, về Vũng Tàu bằng tàu cá để dự hôn lễ. Đám cưới không thể thiếu anh sui gái. Đám cưới tổ chức ngày thứ hai, 21/4/1975, vì vậy tôi chỉ dù lại ở nhà một ngày, thứ ba vào học tiếp. Tối hôm đó, sau khi dọn dẹp bàn ghế tiệc cưới xong, qua tivi, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức, sau khi cánh cửa thép Xuân Lộc sụp đỗ. Tình hình chiến sự diễn biến xấu cho chánh phủ mới. Tôi có 9 ngày hạnh phúc bên em để rồi nhìn lịch sử sang trang.

Niềm vui chưa được bao lâu, nổi ưu tư lại chất chứa trên vầng trán nhăn, mái tóc bạc của Cha tôi, khi phải thích nghi vào xã hội mới. Cha tôi bước vào tuổi 59, không còn trẻ trung nửa.

Tiệm tạp hóa không còn là nguồn sống của gia đình nửa, bị đóng cửa.

Gia đình của hai người chị lớn phải đi lập nghiệp vùng KTM.

Đứa em trai kế tôi bước vào tuổi 19. Suốt năm qua em phải trốn chui nhủi để không bị đi lính. Cuối năm đó em tôi phải đi bộ đội. Tránh võ dưa cũng gặp võ dừa.

Đứa em trai út sang năm cũng trưởng thành. Cha tôi tìm cho em một chỗ làm bảo vệ xí nghiệp để được hoản thi hành nghĩa vụ quân sự.

Đứa em gái thứ mười, 16 tuổi, không được học hết trung học, phải làm nhân viên bán hàng cho một công ty thương nghiệp ở Dĩ An, phải xa nhà.

Hai đứa em gái út, còn nhỏ, nên tiếp tục đi học.

Hai tháng sau ngày cưới, tôi phải từ giả cha mẹ già, vợ trẻ, em thơ, vào trại tập trung. Một giọt máu của tôi đã hòa vào huyết quản vợ hiền. Ở nhà, vợ tôi theo xe tải của cha vợ đi mua bán đường dài, đi buôn chuyến, nôm na là đi buôn lậu. Nghề của nàng.

Có câu,

- Lia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi...

...nên khi tôi vào trại chưa được bao lâu, vợ tôi lén Cha Mẹ lên trại tìm cách gặp tôi, lảng vãng ngoài hàng rào, vì cũng có nhà người quen gần đó. Anh quản giáo thương tình, cho vợ chồng gặp mặt 5 phút, bị ngăn cách bởi mấy lớp rào kẽm gai.

- Anh sẽ về. Anh sẽ về, em ơi...

Gần Tết năm đó, gia đình được phép gặp mặt tôi. Em e thẹn với cái bụng bầu. Qua Tết, tôi chuyển trại. Đón giao thừa năm đó trên hội trường rộng, hàng mấy trăm con người im lặng ngồi nghe đọc thư chúc Tết. Ngoài đường, pháo nổ, súng nổ, dây điện bị đứt, một màu đen tối trùm phủ cuộc đời...Buồn nào hơn đêm giao thừa năm ấy, anh phải xa em...

Khoảng giữa năm 1976, Cha Mẹ tôi, vợ và con gái mấy tháng tuổi lên thăm tôi ở Trảng Lớn. Chiếc xe nhà La Dalat do Cha vợ tôi cầm lái, vượt xa hơn trăm cây số để có 2 giờ ngắn ngủi gặp nhau. Trong cái nắng chói chan trưa hè, thấy Cha Mẹ từ xa, vợ trẻ ẳm con thơ, tôi cầm lòng không được. Bế con trên tay, bé nhìn tôi với đôi mắt tròn xoe, con thơ khóc ngất. Bé thơ không tội tình gì, hay là con khóc cho sự chia ly của cha mẹ....

Sau Tết Đinh Tỵ năm 1977, đó cũng năm Cha tôi bước qua vòng lẩn quẩn 60 năm cuộc đời, em đến thăm tôi lần nửa, nhưng ở Đồng Pan. Chiếc áo bà ba màu tím, quần lảnh đen, hai giỏ xách trên tay. Hình ảnh đó khiến đêm ấy tôi không ngủ được. Em chọn màu tím tình yêu chờ đợi tôi về.

Áo tím quay lưng về phố chợ.

Bụi đường níu hộ áo dùm ta.

Giữa cốn thâm sơn anh vẫn nhớ.

Bè bạn chia nhau chút muối cà...

Áo tím đi rồi, còn anh ở đây.

Với ngàn cây xanh với lá khô bay...

Đấy là câu trả lời, tại sao tôi yêu màu tím?

Gần đúng hai năm, sau ngày cưới, ngày 17/4/1977, tôi về với gia đình. Tháng tư của anh và em. Con gái tôi đã chập chửng biết đi. Mùa Xuân trở về trên khuôn mặt Cha tôi. Cha tôi bàn với sui gia cho hai vợ chồng tôi về ở trên lò gạch phía vợ đã ngưng hoạt động , để chăn nuôi, trồng rau, thả cá. Rồi sau đó xin một chân công nhân, để không bị buột đi KTM cơ cực.

Đầu năm 1980, cô công chúa thứ ba của tôi chào đời. Giửa năm, cháu được 6 tháng tuổi, việc kinh doanh cá thể được cho phép hoạt động trở lại, vợ chồng tôi xin cha mẹ cho mở một sạp hàng ở tiệm tạp hóa cũ. Chưa 6 giờ sáng, vợ tôi đã bồng con gái út xuống chợ, cách nhà gần 2 cây số, gửi cháu cho bà nội, rồi mở cửa tiệm. Đến sáng, Cha Mẹ vợ lên giữ nhà dùm tôi và chuồng trại, tôi đưa con gái lớn đến nhà trẻ, rồi sửa soạn chiếc xe đạp thồ để cuốc bộ 32 cây số đến Chợ Lớn để lấy hàng. Buổi chiều trở về nhà với chuyến hàng hơn trăm ký trên con ngựa sắt làm bằng sườn xe đạp Mỹ.

Năm năm cặm cụi làm ăn, chúng tôi tích cóp được số tiền, khi các con đã lớn, khi có những va chạm trong cuộc sống, giữa nàng dâu và gia đình chồng, chúng tôi cần có căn nhà để ở riêng. Cha Mẹ vợ cho mượn thêm số tiền nửa mới đủ tiền mua căn nhà. Tôi lại bị lệ thuộc phía vợ, có tự ái trong người, hạnh phúc gia đình đỗ vở. 3 đứa con gái theo mẹ, vì mẹ cháu không muốn chị em chúng bị chia xa. Cha tôi đã nhiều lần gặp gỡ sui gia để hàn gắn hạnh phúc cho gia đình con trẻ, nhưng vẫn còn những định kiến nên không thành. Tài sản tôi để lại cho các con, rồi cùng người chị, người cậu họ hùn hạp mở lò gạch. Không có vốn, tôi nhờ bạn bè giúp đỡ bất vụ lợi. Thất bại, tôi trở lại công việc mua bán. Thêm một cuộc sống mới đến với tôi khi người con gái, vợ sau, thông cảm cho hoàn cảnh của tôi. Tôi đã khôn lớn, đã biết suy nghĩ, nên Cha Mẹ cũng để tự tôi quyết định. Nhưng sự liên hệ với gia đình vợ trước thì gia đình tôi vẫn không để xung đột thêm. Với các con, tình thương tôi vẫn dành cho chúng, khi có một đứa em trai cùng cha khác mẹ ra đời. Con trai tôi dễ thương, nên má lớn, bắt buột gọi là Dì Hai, đã cho cháu ở chung nhà, nuôi dưỡng khi học tiểu học ở Chợ Đồn, quê nội. Khi đó, nhờ sự giúp đỡ của hai cậu em trai từ nước ngoài về, vợ trước tôi bỏ nghề kinh doanh tạp hóa, mở cửa hàng vàng bạc dù không biết nghề. Thời gian đầu chấp nhận thua lỗ, gầy dựng thương hiệu rồi dần dần đi vào ổn định, các con gái tôi có thời gian ăn học, hoàn tất hết cấp 3.

Thời gian đó, Cha tôi vẫn tiếp tục làm thợ xoay gốm, nhưng ở một xí nghiệp gốm quốc doanh cách nhà không đầy 2 cây số. Ngày bốn lượt đạp xe đạp đến chỗ làm. Cha cố gắng làm đủ 15 năm để được có chế độ hưu trí, cần có khi hữu sự ở tuổi già. Khi đó, Cha ngoài thất thập, ngồi nhào nắn một cục đất để xoay tạo sản phẩm xong lại ngồi thở. Xong, uống một ngụm trà, rít một điếu thuốc để lấy lại sức lực lao động. Khi đã được hưởng chế độ hưu trí, ở nhà buồn, thấy còn sức khỏe, Cha tôi xin làm lại ở xí nghiệp cũ, với chế độ hợp đồng, ăn lương sản phẩm. Cái bàn xoay bằng tay nay được gắn thêm chiếc mô tơ điện. Một buổi chiều trên đường đi làm về, Cha tôi bị xe tải chở đất quẹt té ngã xây xát, anh chị em tôi cuống cuồng, vội chạy lên đưa Cha đi bệnh viện. Nhờ trời, chỉ bị xây xát nhẹ. Gia đình khuyên cha nghĩ làm, ở nhà con cháu phụng dưỡng, vì khi đó việc làm ăn của anh chị em tôi khởi sắc, lại có hai đứa cháu ngoại, con chị ba tôi ở nước ngoài gửi tiền về phụng dưỡng. Khi đó cha tôi gần 80 tuổi.

Lao động quen rồi, an nhàn không được, Cha tôi cảm thấy buồn bực. Ông cụ kiếm cây, ván gỗ, sửa chửa cái bàn cũ, lảnh giấy số ở các đại lý để ngồi bán trước nhà. Sáng sớm, Cha tôi bày bàn vé số. Có hôm trời lạnh, Cha khoác thêm cái áo len. Đứa cháu kế bên mang sang ly cà phê sửa nóng. Những ông bạn già đi chợ, ghé chơi tâm sự. Có hôm, mấy bà, mấy cô đi chợ bằng xe đạp, chỗ gửi xe không nhận, ông cụ lại có thêm hai ngàn đồng bạc tiền giữ xe. Đến gần 10 giờ sáng, nắng lên, còn vài tờ giấy số, anh em tôi ủng hộ để Cha vào nghĩ. Khoảng hơn 15 giờ chiều, ông cụ sai cháu đi lảnh giấy số, đóng vào bàn, chờ xổ số xong ngồi bán. Có hôm, Cha tôi chừa vài tờ số để cầu may.

Tháng 5/1998, có một thầy giáo trẻ của Trường Trang Trí Mỹ Thuật Đồng Nai, mà tiền thân là trường Bá Nghệ Thực Hành nơi Cha tôi làm thợ, về sau có thời gian làm thầy đào tạo học trò, đến hỏi thăm và mời Cha tôi dự lễ kỷ niệm 95 năm thành lập trường. Cha tôi từ chối vì lý do sức khỏe, nhưng hứa sẽ xem buổi lễ qua ti vi. Hào hứng, Cha tôi ngồi tâm sự, kể chuyện về quá khứ, cuộc đời, suốt quảng thời gian làm thợ ở trường cho người thầy giáo ghi chép. Sau đó một bài báo về ba tôi, ÔNG BA TRẦM, được đăng trên báo tỉnh nhà. Các em tôi cất giữ để làm lưu niệm. Trong Đặc San Xuân Nhâm Thìn 2012 của hội AHBH Cali có giới thiệu bài nầy cho đồng hương. Khi đó cha tôi vừa quá vãng.

Năm 2000, khi Cha vợ tôi bị bệnh mất, con gái báo tin, tôi lên Tân Phước Khánh thăm viếng, chờ tẩn liệm xong rồi về báo sự việc cho Cha tôi biết. Cha tôi quyết định sẽ cùng các cô chú đến viếng tang, với đầy đủ lễ vật nhang đèn, hoa quả...Sau khi thắp 3 cây nhang lớn khấn vái trước linh sàn, Cha tôi sụp xuống quì lạy sui gia bốn lại, khiến mẹ vợ tôi đứng kế bên cản lại không kịp. Khi ngồi uống trà, nói chuyện với sui gia, Cha tôi giải thích cho bên nhà vợ tôi hiểu,

- Dù hai con đã đỗ vỡ, nhưng còn 3 đứa cháu. Các cháu kêu tôi là ông nội, gọi chị là bà ngoại, đó là sợi dây ràng buột hai gia đình, nên gia đình tôi phải đi viếng tang cho trọn nghĩa. Anh sui nhỏ hơn tôi một con giáp, nhưng anh sui đi trước, là làm lớn, tôi phải lạy sui gia 4 lạy.

Từ sự cư xử đó, gia đình bên vợ kính nể Cha tôi. Đối với tôi, mỗi năm ngày giỗ nhạc gia tôi đều về thắp nhang, và tham dự. Các em vợ, và bà con bên vợ vẫn quí mến tôi. Từ những việc đó, các con gái tôi hiểu về nội và cha nhiều hơn.

Năm sau, khi con đường tỉnh lộ trước chợ được nới rộng sửa chửa, Hội Đồng Gia Tộc, gồm anh chị em trong gia đình chấp thuận ký tên, đồng ý cho em trai út tôi đứng tên căn nhà mà cha mẹ tôi vun đắp. Theo thời gian, nó cũng mục riệu, dột nát. Căn nhà được xây cất lại, một trệt hai lầu, phía dưới buôn bán, trên lầu dùng làm nơi thờ tự khi Cha Mẹ tôi quá cố. Căn nhà hoàn tất, hai ông bà cụ cười mãn nguyện. Những buổi chiều mát mẻ, Cha tôi bước hết 50 bậc thang để lên sân thượng tưới cây, chăm sóc hoa cảnh. Anh chị em tôi mừng thầm, Cha mình còn sức khoẻ. Khoảng năm sau, khi lên đến nơi, Cha tôi phải ngồi thở hồi lâu rồi mới lao động. Sức khỏe Cha tôi bắt đầu suy kiệt, có vấn đề. Về sau, mỗi lần ra trước sân nhà ngồi chơi, Cha tôi cần có cây gậy nhôm hổ trợ. Suốt ngày ông cụ quanh quẩn trong phòng riêng, nhưng tinh thần còn tỉnh táo hiểu biết.

Đến một buổi chiều, Cha tôi bắt đầu mê sảng, hỏi Mẹ tôi đâu, kêu tên các con. Anh chị em tôi, các con cháu về đầy đủ, các cô chú đến thăm, Cha tôi từ từ nhắm mắt xuôi tay. Kim đồng hồ chỉ 18 giờ 5 phút, ngày 20 tháng chín năm Tân Mẹo, thượng thọ 95 tuổi. Năm đó tôi cũng tròn 60 tuổi, con tuổi Tân Mẹo 1951, và cha mất năm Tân Mẹo 2011.

Dầu Cha tôi không phải là người có quyền chức, địa vị trong xã hội, nhưng 3 ngày tổ chức tang lễ của Cha tôi có rất nhiều người đến phúng viếng. Ở xứ Chợ Đồn nầy và vùng phụ cận đều hiểu biết về dòng họ tôi. Các hội đoàn, sui gia , đi viếng tang trong ngày. Có gần 40 vòng hoa được mang đến kính viếng. Khi đưa tang Cha tôi, gia đình sắp xếp người để đi bộ mang vòng hoa từ nhà ở chợ đến nhà ở Tân Bản để người chết viếng thăm nhà. Căn nhà nầy là nơi sinh thời Cha Mẹ tôi ở đó và bỏ công sức gầy dựng. Khoảng đường gần 1 cây số. An táng xong, khi đấp mộ, những vòng hoa được phủ vây quanh mộ, để tôn trọng tấm lòng người ta kính viếng Cha mình.

Chiều tối tới giữa đêm là bạn bè, thân hữu, hàng xóm viếng thăm. Có khi chờ đợi sư thầy tụng kinh, hoặc các hội Phật tử hộ niệm xong, người ta xếp hàng để vào thắp hương vái lạy. Dòng người đông quá, phải chờ đợi. Nhang vừa thắp vào bình hương là phải dụi tắt ngay vì khói nhiều quá. Tôi cảm thấy xót xa, nhưng cảm thấy hảnh diện vì có nhiều người đến chia buồn cùng gia đình. Anh chị em tôi cũng thể hiện ước nguyện của Cha mình là an táng cha cạnh mẹ, huyệt mộ sánh đôi trong nghĩa địa gia tộc. Cha cũng căn dặn chỉ xây mộ, hàng rào chung quanh, nhưng không xây nhà mồ. Sống giữa trời đất thì yên nghĩ cùng trời đất.

Cha kính yêu của con,

Thế là Cha con ta thật sự xa nhau đã 3 năm nay. Đó là qui luật ngàn đời khó ai tránh khỏi. Nhưng con rất hảnh diện vì có người Cha mẫu mực như vậy, suốt đời tận tụy vì con. Lao động là nguồn lực kéo dài tuổi thọ cho Cha. Bây giờ con cũng có những đứa con. Nước mắt chảy xuôi, không chảy ngược. Tình yêu thương con dành cho các con của con, như Cha đã dành cho Cha chúng. Suốt cuộc đời con sống cạnh Cha, con là người làm Cha bận tâm, làm cho Cha ưu tư nhiều nhất. Xin Cha hãy tha thứ những lầm lỗi của con.

Dòng tộc ta từ nghẻo khó vươn lên. Cha muốn con được ăn học đến nơi đến chốn, để thành công trên đường khoa cử. Nhưng không ai cải được mệnh số, Cha con ta sinh vào ngôi sao xấu, đất nước triền miên đau khổ. Con trai con đã thay con để thực hiện ước mong của Cha. Ngày cháu tốt nghiệp, con đã bảo cháu về nhà từ đường, đốt 3 nén nhang lạy tạ ông bà nội. Xót xa nhất là khi Cha mất, con trai của con phải hoàn tất đồ án tốt nghiệp nên không về dự lễ phát tang và 3 ngày ma chay được. Con khuyên cháu dốc toàn sức lực làm bài tốt, không dao động. Buổi trưa đưa tiển cha về nơi an nghĩ cuối cùng, con cầm chiếc điện thoại cầm tay theo dỏi cháu ngồi trên xe buýt, về đến đâu, có kịp giờ không...Còn 5 phút nửa di quan, cháu về đến nơi, mặc bộ đồ tang chế dành sẳn, cầm tay rước di ảnh ông nội...rồi sau đó tiếp tục đến trường. Xin cha hiểu và tha thứ cho cháu...

Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời.

Con cũng muốn các con cháu sau nầy lưu danh dòng họ Đỗ, như cố tổ đã làm.

Xứ sở Chợ Đồn có ngần ấy tiếng thơm.

Nơi làng Mỹ Khánh, xứ Chợ Đồn, có Liệt phụ Nguyễn Thị Tồn dùng ghe bầu vượt biển, đánh trống minh oan cho chồng, thi nhân Bùi Hữu Nghĩa.

Cũng nơi ấy, có Anh học sinh Trần Văn Ơn không khiếp vía trước họng súng kẻ thù.

Cầu Thủ Huồng và rạch Thủ Huồng, với truyền thuyết Võ Thủ Hoằng, Nhà Bè nước chảy chia hai...

Đình Bình Long Cổ Kính. Thanh Lương cổ tự, Long Thiền cổ tự....

Dòng họ Đỗ chúng ta với hơn trăm năm sinh sống, sẽ lưu tên vào mãnh đất nầy, CHỢ ĐỒN YÊU DẤU....

Giờ cha ngủ giấc nghìn thu.

Để con xóa áng mây mù tối tăm.

Sáu mươi năm, những lỗi lầm.

Lạy cha thứ tội thâm ân biển trời.

Không mẹ, con sống mồ côi.

Không cha, con sống bên trời quạnh hiu....

Đỗ Công Luận. 9/6/2014.