Tường Thuật 14

MÙA XUÂN CHỞ NHỚ THƯƠNG VỀ...

NGƯỜI BIÊN HÒA ĂN TẾT MUỘN Ở BIÊN HÒA

NGƯỜI BIÊN HÒA MỘT THUỞ CỦA TÔI

NGÀY MỒNG BA TẾT ẤT MÙI

MÙA XUÂN CHỞ NHỚ THƯƠNG VỀ...

Chúng ta đang sống trong thời đại của khoa học kỷ thuật. Nhất là nghành kỷ thuật số, công nghệ thông tin đang bao phủ toàn cầu, vài tháng là công nghệ mới thêm hoàn hảo. Là ai đi nửa, cũng không thể lạc hậu, đi thụt lùi, dù tuổi đời ngày càng chồng chất. Tôi cũng làm quen với internet hơn 4 năm nay. Từ đó tôi tìm lại được bạn bè, có người thời tiểu học, biết nhau hơn nửa thế kỷ. Và từ chiếc cell phone cũng như mạng ảo, tôi tìm lại được những người bạn thời cùng khổ, xa cách hơn 38 năm. Có người tưởng chừng không còn hiện hữu.

Trong lần trung học Minh Tân Hội Ngộ ở Biên Hòa cách nay đúng một năm, một thân hữu đã gặp riêng tôi và nói,

- Anh Lâm còn ở Việt Nam, cụ thể là ở Nhà Bè. Mình cho số phone để anh liên lạc với anh ấy.

Anh Lâm là anh cô cậu với anh ta. Anh Lâm cũng là bạn cùng chung với tôi những tháng ngày ở trại Phú Lợi, nhưng khác tổ. Nhưng anh Lâm lại là thân thiết với bạn Sơn của tôi đang ở Texas, cả hai cùng chung một tổ.

Vài hôm sau tôi điện thoại cho anh Lâm. Anh em nhận ra nhau, và hai đầu máy đã nối thông. Anh nhờ tôi tìm lại bạn Đức ở Cù Lao Phố, vì cả hai chung tổ với nhau khi đổi lên Trảng Lớn. Chuyện quá dễ dàng, vì ba của Đức và ba tôi cùng là thợ gốm mỹ nghệ với nhau. Thế là 3 chiếc máy được nối thông.

Ít hôm sau, tôi điện thoại sang tâm sự cùng Sơn, báo tin tức về anh Lâm, và có cho số phone để liên lạc. Sơn gọi về cho anh Lâm, chuông reo nhưng không có người bắt máy. Sơn gọi sang cho Trai, cũng bạn cùng tổ, gọi lại thử. Cũng như vậy. Cả hai nghĩ, chắc tôi cho lộn số. Thực tế, anh Lâm không giữ máy trong người. Khi thấy cuộc gọi lỡ, cũng không gọi lại được, vì các bạn xử dụng thẻ.

Trung tuần tháng 11/2014, khi biết tin Sơn sẽ về Biên Hòa chơi và ở lại ăn Tết dân tộc, tôi gọi cho anh Lâm để báo tin, và có kế hoạch gặp mặt. Anh em xa cách nhau 38 năm, giờ biết tin tức nhau, tâm trí cũng hơi bồn chồn. Đối với Sơn, 3 năm về trước, tôi và bạn cũng đã vui vẻ bên nhau hơn 3 tháng. Cả hai cùng thân tình hai năm đại học, rồi cùng nắm tay nhau vào quân ngũ, rồi cùng dắt nhau vào trại...Tình thân như chén nước đầy, hai nhà cách nhau hơn hai trăm mét.

Sáng hôm sau ngày bạn xuống sân bay, tôi vào chào nhau, cái bắt tay sau 3 năm. Đồng thời, tôi cũng gọi cho anh Lâm để báo tin. Bốn cái máy điện thoại đã nối thông. Anh hứa ngày đầu năm dương lịch 2015 sẽ về Biên Hòa gặp gỡ bạn bè.

Đức,áo sậm - Luận - Vợ chồng anh Lâm - Vợ chồng Sơn.

Lần gặp gỡ thứ nhất, 1/1/2015 ở nhà Sơn.

Sáng ngày 1/1/2015, ngày đầu năm mới dương lịch, anh gọi cho tôi, có gì thay đổi không. Tôi trả lời, y như đã hẹn. Anh bảo 2 giờ nửa có mặt ở nhà Sơn, vì lúc trước anh có biết nhà. Sự bồn chồn lo lắng, dường như có phép nhiệm mầu. Chúng tôi cũng ngỡ anh đã đi định cư từ lâu. Rồi anh chị cũng đến. Bốn đứa thời cùng khổ nhận ra nhau, dù đã xa cách 38 năm, dù mái tóc đã điểm sương. Bù lại, mọi người có da thịt hơn, không gầy guột, đen đúa như ngày xưa. Những cái ôm nồng thấm. Bà xã anh Lâm, bà xã Sơn và gia đình cũng ngẩn ngơ. Cuộc hội ngộ sau 38 năm. Sau một hồi hỏi thăm nhau, chiếc bàn tròn được bày ra, buổi tiệc nho nhỏ, thức ăn cây nhà lá vườn. Nhưng quý nhất là tình cảm. Vừa lai rai, anh em cùng tâm sự.

Sau khi ra trại, anh cùng vợ con đã nhiều lần vượt biển nhưng không thành, tán gia bại sản. Sau đó vợ và con đi được cùng gia đình vợ ở Cà Mau. Lúc đầu, anh chị còn liên lạc nhau, nhưng sau đó bặt tin, vì chị đã có người khác. Con trai đã lớn, có gia đình, anh đã làm ông nội. Cuộc đời đưa đẩy, anh lập nghiệp ở Nhà Bè, thực tế là sát thành phố mới Phú Mỹ Hưng. Anh gặp người vợ sau, cùng đang lên nhà Sơn, và có một cháu trai. Đức đã hiểu và giải tỏa được thắc mắc.

- Hồi đó lên thăm ở Trảng Lớn, vợ ảnh lớn tuổi hơn, chị còn đi chiếc Vespa mà.

Lúc ở Trảng Lớn, tôi ở đội tăng gia. Đức và anh Lâm ở đội lao động, cùng chung tổ. Riêng Ngọc Sơn, dân Dĩ An, cùng chung tổ với Đức ở Phú Lợi, đã nằm lại vì cây ngã đè chết. Dũng, anh của Sĩ, cùng tổ với Tươi, đã gửi lại một bàn chân vì mìn cóc của phe ta, khi đi cắt tranh. Ôi, sao nghe buồn thương nhớ quá...Thước phim dỉ vãng lại quay về.

- Anh còn hớt tóc được nửa hôn ??

Hồi đó, với chiếc kéo và cây lược, anh o bế từng mái tóc cho anh em trong đội. Còn nhiều điều để nhắc nhở, gần 2 thùng bia đã vơi cạn, bóng chiều ngã xế về Tây, như cuộc đời anh em tôi đã bước vào tuổi hoàng hôn...Anh lớn hơn 3 đứa tụi tôi gần 10 tuổi. Trước khi chia tay, anh bảo 3 thằng dân Biên Hòa sắp xếp ngày giờ để biết tệ xá của anh. Chuyện cũng dễ thôi...

Đức, áo màu da trời - anh Lâm - Sơn, đứng - Luận.

Lần gặp gỡ thứ nhì ở Nhà Bè, 23/1/2015.

3 tuần lễ sau, ngày 23/1/2015, tôi nhờ rễ út, lái xe nhà, đưa vợ chồng Sơn, Đức, và tôi đến nhà anh Lâm ở Nhà Bè. Bây giờ cũng dễ dàng, cứ cho địa điểm, theo GPS định vị mà tìm. Nhưng cũng có trở ngại, vì mãi mê nói chuyện, con rễ nghe mấy bố già kể lễ, xe chạy đến cầu Phước Kiểng, lại phải quay đầu xe lại, may là có đường song hành trở đầu. Tệ xá của anh là một appartement rộng 119 mét vuông ở tầng 8 của chung cư cao cấp Hoàng Anh Gia Lai. Phải lên xuống bằng thang máy. Tiền bạc trả trước 1/3, còn lại trả hàng tháng, nhiều năm. Tiện ích, nhưng tốn nhiều chi phí, gửi xe, bảo vệ, vệ sinh...

Sau một hồi tâm sự, mọi người cùng nhau đến khu du lịch sinh thái gần kề để ăn trưa và tâm sự tiếp.Đây là lảnh địa của người Bình Xuyên ngày trước, còn lau sậy, dừa nước. Những khu đất đã được khai hóa. Những chung cư cao tầng được mọc lên. Đường diện cao thế từ Nhà Bè, Hiệp Phước kéo lên...

- Cuộc sống tiện nghi, nhưng phải làm có tiền để trang trãi. Nhờ bà xã. Coi vậy trong người anh nhiều thứ bệnh, mỗi lần uống thuốc một bụm. Trên hàng bảy bó rồi...

Lạc quan, yêu đời, giúp cuộc sống của mình bình thản hơn.

- Anh chị sẽ về Biên Hòa lần nửa, trước hoặc sau Tết ta, nhưng trước ngày Sơn lên máy bay.

Sơn sẽ lên máy bay sau Tết 10 ngày, về với 2 con trai và cháu nội.

- Về bển hơn tháng sau là tôi sẽ cưới thêm dâu. Anh sui cùng hệ với tôi, cùng dân Tây Ninh.

Vân, áo chấm bông - Vợ chồng anh Lâm - Vợ chồng Sơn - Đức - Luận.

Lần gặp gở thứ ba, ngày Mồng 6 Tết Ất Mùi, 24/2/2015.

Ngày mồng 6 Tết Ất Mùi, 24/2/ 2015, anh Lâm điện thoại báo cho tôi, 12 giờ trưa sẽ có mặt ở Biên Hòa. Tôi tìm Sơn, đang cà-phê với bạn bè.

- Như vậy thì tốt quá, có thằng Vân về hôm 27 Tết, ở 2 tuần rồi đi. Hôm 30 Tết tao có nhậu với nó. Thấy mầy bận bịu việc buôn bán nên tao không rủ...

Thực tế những ngày cận Tết, có mấy tiệc tất niên tôi cũng đành cáo lỗi. Chị Ba Hương mail cho tôi,

- 29 Tết chị xuống sân bay. Sáng 30 Tết em mời bạn bè gặp gỡ...

Giờ hoàng đạo mà làm sao đi được. May là chị Ba có việc gia đình, dời lại chiều mồng một Tết.

Đúng như đã hẹn, vợ chồng anh Lâm vừa đến cổng rào, tôi cũng vừa đi bộ tới, Đức đi xe máy đến sau. Một lát sau, Vân nhờ cậu ruột chở đến. 5 người bạn, trong đó anh Lâm, Sơn, Vân chung tổ. Bên kia bờ đại dương còn có Trai, Trung...

- Hồi đó nhà tao là trạm trung chuyển. Cô hai má thằng Vân, dượng Ba ba thằng Trai, mỗi lần đi chợ ghé hỏi thăm ba má tao, chừng nào đi thăm tụi nó...

Những thằng con trời đánh không chết, chỉ làm khổ mẹ cha. Bây giờ biết thương yêu mẹ cha thì song thân không còn nửa. Buồn tủi quá.

- Trong số 5 anh em, em nhỏ tuổi nhất, sinh 1953. Học lái A 37 xong ở Phan Rang rồi ra ĐàNẳng, rồi bay về Phan Rang. Anh Nguyễn Gia Học, bạn học anh, là thầy huấn luyện của em. Ra đi năm 1978, anh ruột bảo lảnh sang Anh. Lấy vợ trể, con gái lớn 25 tuổi, đã đi làm. Con gái nhỏ 18 tuổi, sắp vào đại học. Vài năm nửa mới nghĩ hưu. Hơn 40 năm, đây là lần đầu tiên em ăn Tết cùng gia đình, nhưng không có má bên cạnh...

Những lời tự bạch được khai ra. Mỗi thằng có mỗi số phận đau buồn thầm kín. Mẹ Vân mất sau mẹ tôi 3 tuần lễ, nhưng 2 gia đình không còn liên lạc nhau, nên không biết, dù cách nhau hơn cây số. Chai Black Walker đen 1 lít do Vân mang đến, hơn thùng bia cũng vơi cạn, dù bàn tiệc không được mười người. 16 giờ tiệc tàn, mọi người chụp hình lưu niệm, cho nhau lời chúc đầu năm, hẹn gặp lần sau. Về nhà trãi ghế bố ra, tôi ngủ một giấc đến 19 giờ. Đây là lần thứ nhì tôi say với Sơn. Lần thứ nhất, năm 1993, tôi đã say với Sơn trong buổi tiệc tiễn đưa bạn đi định cư. Say vì tình nghĩa chớ không phải say vì rượu. Vấn đề là thời gian và sức khỏe bạn bè còn gặp nhau để mà say...

Tối hôm trước Sơn lên đường, tôi, Sơn, Vân, có buổi cà-phê chia tay, vì Vân cũng sẽ về với vợ con sau Sơn một ngày. Gọi cho Đức thì máy reo, nhưng không có người trả lời. Tôi gọi máy cho anh Lâm để anh em từ giả nhau. Ước gì thời gian ngừng lại...

Ngày mồng 10 Tết là ngày vía Thần Tài, tôi lại bận rộn. Nhưng có cái hẹn gặp gở cà-phê với các anh chị ở phương xa buổi sáng nên các con cùng thông cảm. Hơn 20 giờ tôi chạy vội vào nhà Sơn để bắt tay từ giả. Người thân, hàng xóm cũng quay quần để lưu luyến chia tay.

- Tao cám ơn mầy, mầy là cầu nối bạn bè. Một cái Tết vui. Hẹn gặp lần sau. 21 giờ xe lăn bánh xuống phi trường. 24 giờ máy bay cất cánh...

Ôi sao thời gian như trĩu nặng. Còn ít phút nửa 21 giờ, cửa tiệm đóng cửa, tôi đi nhanh vào hẽm nhà Sơn, còn kịp không...Xe còn đậu trước cổng, hành lý đã chất lên xe. Người thân đang lưu luyến như không muốn chia xa, ai cũng có vẽ u buồn. Tôi vào sân, bắt tay bạn lần sau cùng, rồi quay gót về nhà. Sợ những giọt nước mắt chạy theo. Tôi về nhà, gọi điện thoại sang cho Kiến. May quá, sáng hôm ấy thứ bảy, giờ Cali, bạn nghĩ, không đi làm.

- Sơn đã bắt đầu xuống phi trường, 2 tiếng đồng hồ nửa phi cơ cất cánh, sáng mốt sẽ có mặt bên ấy...

- Cũng có thể sang năm tao về, ở chơi với mầy vài hôm. Hổng chừng tao xách va-li đến nhà mầy mà không báo trước...

Ôi, tình bạn...

Cuộc vui nào rồi cũng chóng qua. Nhưng tình bạn là trường tồn. Những đứa bạn đã một thời gian khổ. Giờ còn gặp nhau, biết tin tức của nhau là mừng quá đổi. Xin cám ơn cuộc đời đã dạy tôi khôn lớn. Xin cám ơn bạn bè còn thương tưởng đến nhau. Viết bao nhiêu đây là đã quá đủ rồi. Không gian đang trầm lắng, lối xóm đã ngủ say, tôi sợ những giọt nước mắt chia xa còn đeo đuổi...

Đỗ Công Luận.

Cuối ngày 1/3/2015.

NGƯỜI BIÊN HÒA ĂN TẾT MUỘN Ở BIÊN HÒA

Hôm nay đã là ngày 11 tháng giêng âm lịch. Theo thông lệ, hôm qua còn gọi là ngày mùng 10 Tết. Nhưng đối với tín ngưỡng dân gian, tháng giêng là tháng ăn chơi, đi viếng chùa lễ bái. Ngày mai, ngày thứ hai đầu tuần, học sinh bắt đầu đi học lại, sau 2 tuần lễ nghĩ Tết. Và tôi cũng trở lại công việc của mình, đưa rước cháu ngoại đi học. Những ngày Tết kể như lùi xa, chờ đợi hơn 11 tháng nửa.

Tôi đang chuẩn bị cho buổi cơm trưa chủ nhật. Bỗng chuông điện thoại reo lên, nhìn số máy, gọi từ nhà người đẹp Cây Chàm Đinh Thị Cúc, nhưng làm dâu ở Chợ Đồn.

- Chú Luận hả, mời chú lên nhà dùng cơm trưa. Có cô Võ Kim Lang, vợ chồng anh Thái, anh cô Lang, anh Tuy...

Đối với chị Kim Lang, tôi đã gặp gỡ cái Tết cách nay 4 năm, khi hội ngộ cùng thầy Huỳnh Bá Hạnh ở cà-phê Lộc Vừng, và những cái Tết sau đó. Vợ chồng anh Thái thì hôm Tết năm rồi. Anh Tuy, anh Ẩn C thì đã gặp gỡ hôm qua. Thân tình quá, làm sao từ chối.

Đến nơi, anh Dậu, em bạn dì anh Tuy, tên Dậu vì sinh năm con gà, cùng tuổi chị Ba Hương, đã dồn dả chào tôi.

- Tết năm rồi, Minh Tân hội ngộ với 3 ông Thầy, anh đã có gặp chú.

Ủa, cái bản mặt của tôi sao ai cũng biết hết vậy ta.

Thế là buổi cơm trưa Tết muộn đã bày biện lại càng đầm thấm thêm.

Tết năm vừa qua, chị Ba Hương, chị Tuyết Linda, cũng có đến thăm nhà chị Cúc. Chị em nhận ra nhau vì cùng ở Cây Chàm, đi học thì qua ngõ nhà em.

Sau một hồi tâm sự, anh Dậu góp ý, thêm chầu cà-phê dưới chân cầu mới Hóa An, mà cách đây 2 hôm, tôi đã ngồi tâm sự cùng anh Tuy, anh Lượm. Điện thoại móc ra, mời thêm chị ba Hương và anh Lượm, cho thêm đầm thấm tình người Biên Hòa. Chị Kim Lang, anh Thái xa BH từ 1970, nhưng vẫn nhớ về Biên Hòa một thuở. Sang Mỹ, chị cũng tìm đến bạn bè, đồng hương BH, dù định cư ở Pháp. Dường như cái gì vuột khỏi tầm tay thì chúng ta muốn tìm kiếm để níu kéo lại. Cái máy ảnh của tôi đã đầy thẻ nhớ, pin báo hết, đành xài cái smartphone dự phòng. Hình ảnh kỷ niệm không thể thiếu. Sẳn tiện, tôi bấm điện thoại sang Ý, gặp bạn Châu Kim Mỹ, để anh Phát, anh Tuy, anh Lượm, gặp gỡ nhau dù hơn 5 phút, điện thoại hết tiền tài khoản, cắt cái cụp. 5 phút đủ để những người bạn ở hai đầu nỗi nhớ tiếp chuyện nhau. Người Biên Hòa mà...

Đến 15 giờ, bàn tiệc tạm chia tay, để chị Kim Lang, vợ chồng anh Thái, ra bến xe Biên Hòa, lên xe buýt về Chợ Lớn. Sẳn tiện có chiếc xe 7 chỗ ngồi của hai vợ chồng em gái chị Ba, đưa khách phương xa viếng chùa Châu Thới, cách sông Đồng Nai khoảng 3 km. Chùa nằm trên đỉnh núi, có đường xoắn ốc đưa xe khách thập phương lên đến đỉnh núi. Vài hôm nửa là rằm tháng giêng, Tết Nguyên Tiêu, Châu Thới Cổ Tự cũng cúng vía cùng ngày với chùa Bà Bình Dương. Người Biên Hòa xa quê hương tấm tắc khen ngợi, vui vẻ quá. Người Biên Hòa, ăn Tết muộn ở Biên Hòa.

VIẾNG CHÙA CHÂU THỚI

image

Chùa Châu Thới tọa lạc trên đỉnh núi Châu Thới, thuộc xã Bình An,quận Dĩ An, là một trong những ngôi chùa cổ nhất của Biên Hòa ( ngày nay thuộc Bình Dương)

Xem trước theo Yahoo

Một ngày Tết muộn qua nhau. Xin cám ơn những người anh, người chị đã tạo cơ hội gặp gỡ nhau, trong đó tôi là người nhỏ tuổi nhất. Nói vậy cũng đã vào hàng sáu bó rưỡi. Xin cám ơn tình người Biên Hòa một thuở của tôi.

Vợ anh Thái - Luận - chị Lang - anh Dậu - anh Ẩn C.

Chị Thái người Việt lai Pháp, nói tiếng Việt lơ lớ, nhưng nói tiếng Pháp rành lắm

Anh Tuy cũng nói, anh lai Tây...

Anh Châu, chủ nhà, và những khách quý.

Anh Châu là con bác giáo Định, gốc Chợ Đồn.

Luận, áo màu biển - chị Ba Hương - chị Lang - anh Tuy....

Anh Tuy đang nói điện thoại - anh Châu - anh Lượm - anh Thái...

Chị ba Hương đang làm dáng bên cây mai...giả, nhưng y như thiệt.

Đỗ Công Luận. 1/3/2015.

NGƯỜI BIÊN HÒA MỘT THUỞ CỦA TÔI

Hôm nay ngày mồng 10 Tết, ngày đại vía Thần Tài, các nơi mua bán, làm ăn lớn cúng vía để cầu mua may bán đắt. Chợ búa, những món như cua cái sống, cá lóc, tôm càng để cúng tam sên, trái cây, hoa tươi...đều được giá. Ở nhà, sau khi cúng kiến xong, tôi sang Biên Hòa để uống cà-phê theo lời mời của chị Ba Hương.

Từ nhà sang BH, tôi đi theo hướng ngã tư Hóa An, Cầu Mới, tẻ vào công viên bờ sông. Đến trước đình Tân Lân, thấy các chức sắc của đình áo mão chỉnh tề, có kiệu rước sắc thần, có múa lân nửa. Nhìn hướng bờ sông người ta đang tập họp xem đông đảo. Thì ra, đoàn ghe của Chùa Ông Cù Lao sang để nghinh rước sắc Đức Ông Trần Thượng Xuyên sang Chùa Ông để dự lễ vía Ông, ngài Quan Thánh Đế Quân. Theo các cụ cao niên, về tuổi đời, Đức Ông Trần Thượng Xuyên nhỏ tuổi hơn Đức Ông Quan Thánh. Nhưng Đức Ông Trần Thượng Xuyên là người khai phá, tạo lập Nông Nại Đại Phố, nơi đó có Thất Phủ Cổ Miếu. Vì vậy, hôm nay ngày vía Thần Tài, ngày lành tháng tốt, Đức Ông họ Trần được mời thỉnh sang Cù Lao Phố để dự lễ Vía Ông Quan Thánh, ngày 13 tháng Giêng Âm Lịch. Sanh tiền, ba tôi kể, Đức Ông Quan Thánh có 2 ngày vía. Ngày 13 tháng Giêng vía ngày tử. Ngày 24 tháng 6 Âm Lịch, vía ngày sinh. Tuy nhiên, ngày vía 13 tháng Giêng được tổ chức long trọng. Sau khi tham dự lễ rước sắc, ghi lại vài hình ảnh, tôi đến cà-phê Gió Thoảng, nơi đầu chợ cá Biên Hòa cũ, cách đó vài trăm mét để cùng các anh chia sẽ tâm tư cùng chị Ba Hương.

Đoàn ghe của Thất Phủ Cổ Miếu từ Cù Lao Phố sang thỉnh sắc Đức Ông Trần Thượng Xuyên.

Đoàn ghe đang cập bến Đình Tân Lân. Xa xa là Cầu Mới Hóa An.

Người dân tụ tập đông xem lễ hội.

Đoàn chức sắc Đình Tân Lân đang chuẩn bị đưa kiệu sắc Đức Ông xuống thuyền.

Đoàn chức sắc Thất Phủ Cổ Miếu chuẩn bị lên bờ thỉnh kiệu sắc Đức Ông Thánh Trần.

Chuẩn bị xa giá kiệu sắc Ông Trần Thượng Xuyên,

người có công khai phá vùng đất Trấn Biên, Nông Nại Đại Phố.

Chị Ba Hương, anh Tuy, anh Lượm, anh Minh.

Bên kia là đường hông chợ BH, có tiệm tạp hóa của bác mười Chim.

Đến nơi, đã có anh Lượm và anh Tuy ngồi chờ sẳn. Nhà anh Lượm, anh Tuy cũng ở khu vực chợ BH. Hôm qua, anh Hải Vương cũng có gửi lời hỏi thăm anh Lượm. Cũng như anh Hai Minh, anh Phát, cũng gửi lời hỏi thăm anh Tuy và gia đình. Nhìn hình ảnh sao thấy thương nhớ quá. Biên Hòa một thuở. Anh Minh, bạn chị Ba Hương, chở chị Ba đến. Rồi anh Ẩn C từ Tân Ba sang. Chỉ có Chiếu và tôi là đám em út. Dù sao, tất cả cùng là người BH, gắn bó mấy chục năm nay. Anh Minh, sau nầy vì thời vận, cũng đã có lúc ở Trà Vinh, xã Hòa Thuận, nơi tôi cũng đã từng lưu luyến. Bên hông đơn vị, có nhà máy xay lúa nhỏ, có cô hàng cà-phê dễ thương...Chỉ nhìn, chớ không dám hó hé, vì chưa biết thuộc phe nào. Mặt trái của chiến tranh vùng sông nước

Luận, chị Ba, anh Tuy, anh Lượm, anh Minh, anh Ẩn C.

Người Biên Hòa một thuở.

Anh Tuy, chị Ba.

Sau hơn hai giờ tâm sự, trút cạn nỗi niềm, nói chuyện Đông, chuyện Tây, anh chị em từ giả nhau, hẹn sẽ có lần gặp gỡ sau vui vẻ hơn. Buổi sáng Biên Hòa trời hơi âm u, dịu mát, như tình cảm anh chị em vẫn tràn trề dù thời gian đã mấy chục năm. Xin cám ơn người Biên Hòa của tôi.

Đỗ Công Luận. 28/2/2015.

Mồng Mười Tết Ất Mùi.

NGÀY MỒNG BA TẾT ẤT MÙI

Hôm nay ngày Mồng Ba Tết, còn gọi là Tết nhà, cúng vái đất đai. Tục lệ cúng là con gà trống luộc tréo cẳng. Sáng sớm, ở Chợ Đồn đã có một sạp bán gà làm thịt sẳn, gà công nghiệp. Người khó tính thì lựa mua con gà trống tơ, về nhà làm thịt, phải là gà ta.Mỗi vật dụng trong nhà như bàn, ghế, tủ...đều được dán 2 miếng giấy tiền vàng bạc nhỏ.

Sau đó, anh sui trai gần nhà sang chúc Tết. Thông lệ nầy đã được thực hiện mấy năm nay. Chung trà, ly rượu Xuân, nói chuyện về cuộc sống, và cho nhau lời chúc tốt đẹp nhất. Sau đó, tôi đáp lễ lại, sang nhà anh sui. Bởi vì sau đó mỗi người còn công việc thăm viếng bà con nội ngoại, bạn bè. Lát sau, quí tử tôi đến nhà, đốt nhang cho ông bà nội.

Như đã hứa với hai đứa cháu hôm qua, hơn 17 giờ, tôi chở 2 cháu đi tham quan đường hoa Trấn Biên. Dòng người đổ về tấp nập, vì thời tiết dịu êm. Ban ngày thì nắng ráo. Các bãi giữ xe tự phát mọc lên, giá 10.000 vnđ/chiếc. Sau đó, hai cháu được đưa đến Công Viên Biên Hùng để tham gia trò chơi. Nơi đây có nhiều trò chơi hơn, người ta đi chơi đông đúc, các thiên thần nhỏ được nuông chiều hết ý. Đứa cháu ngoại trai nói, hôm nay ông ngoại dễ thương quá. Bởi vì hai cháu thích trò chơi nào là được chiều chuộng. Một sân khấu lộ thiên để phục vụ văn nghệ cho du khách, và có múa lân sư rồng.

Sau 2 giờ chơi đùa, các cháu thấm mệt và đòi về nhà, 21 giờ đêm. Ba ngày Tết trôi qua nhanh chóng.

Ngay cổng vào là hình 3 chú Dê, biểu tượng năm nay.

Nhờ khách tham quan chụp dùm, nên 3 ông cháu có tấm ảnh chụp chung. Còn tấm ảnh của ông và cháu trai là do cháu gái chụp, cũng pro lắm chứ. Người qua kẻ lại nhiều quá nên chụp vội vàng.

Trò chơi bắn cá hiện đang phổ biến.

ĐCL. 21/2/2015.

Mồng Ba Tết Ất Mùi.