Tường Thuật 7

- CÀ-PHÊ SÁNG MÙNG 7 TẾT

- NHẬT KÝ NGÀY XUÂN GIÁP NGỌ : NGÀY MÙNG SÁU TẾT

- NHẬT KÝ NGÀY XUÂN GIÁP NGỌ : NGÀY MÙNG BỐN TẾT

- NHẬT KÝ NGÀY XUÂN GIÁP NGỌ : NGÀY MÙNG BA TẾT

- NHẬT KÝ NGÀY XUÂN GIÁP NGỌ : NGÀY MÙNG HAI TẾT

- NHẬT KÝ NGÀY XUÂN GIÁP NGỌ : NGÀY MÙNG MỘT TẾT

- PHÓNG SỰ ẢNH : CHIỀU 30 TẾT, QUÝ TỊ

- PHÓNG SỰ ẢNH : NGÀY 28 TẾT, QUÝ TỊ

- NGƯỜI TỪ NGÀN DẶM VỀ THĂM BIÊN HÒA

CÀ-PHÊ SÁNG MÙNG 7 TẾT

Tờ lịch của ngày mùng 7 Tết.

Sáng nay, mùng bảy Tết, tôi còn ngủ nướng, 6 giờ 40 phút chị Hương, Chị Hương Liên Hiệp, chị gọi thân thương là chị Ba với tôi, điện thoại cho tôi. Chị mời tôi và một số anh chị đến ăn sáng, điểm tâm, cũng ở cà-phê Gió Thoảng. Mấy hôm rày, sau hôm đi chùa Bà ở Tây Ninh về, chị bị mệt, nay đã hồi phục. Hôm qua, buổi sáng uống cà-phê với anh Hùng và bạn bè, tôi có điện thoại mời chị, nhưng không được. Tôi nối máy, mời các anh và bạn bè, hẹn gặp gỡ 8 giờ sáng. Máy chị Tuyết thì ò í e, chắc còn ngủ, vì tối qua, hơn 23 giờ chị còn lên mạng.

Chị Hương-anh Minh-anh Tuy-Luận-anh Lượm-Tâm khỉ-Thông-anh Ẩn C.

Luận-anh Lượm- Tâm khỉ-Thông.

Tôi đến nơi, đã có anh Lượm, chị Hương, và anh Minh, bạn học với chị. Anh Minh nhà ở gần ga Biên Hùng, sau trại hòm, chắc Dũng cục xương biết. Sau đó Tâm khỉ, Thông đến. Chị Hương không biết Thông, nhưng nói con bác Sáu Ngà thì chị biết. Cùng dân BH cả, đi đâu cũng về quê hương. Anh Tuy chờ anh Ẩn C , rồi đến sau. Sau đó, tôi nối máy được với chị Tuyết, chị Hương mời chị sang uống cà-phê để chia tay. Chị Tuyết đang tìm tài xế để đưa sang BH, vì các cháu đã bắt đầu đi làm việc lại. Các anh, tôi đã biết nhân dịp Tết năm vừa qua. Dù rằng tuổi tác chênh lệch, nhưng tất cả là đồng hương, bạn bè của nhau. Anh Tuy nói, có cơ hội như vậy mới gặp nhau, chứ biết đâu tìm. Như chị Ngọc Huệ đã nói với tôi, khi ba chị, bác trai về BH, định tìm ba tôi, nhưng không có người hướng dẫn. Sau đó, bác biết tin ba tôi qua bảng cáo phó. Hôm trước, anh Tuy định có chuyến đi sang Âu Châu, để gặp gỡ bạn bè, con gái chuẩn bị cho xong xuôi, chờ ngày khởi hành, sức khỏe không cho phép. Thôi, còn gặp nhau, còn vui được thì cứ vui.

Anh Lượm-Tâm khỉ-Thông-anh Ẩn C-cháu gọi chị Hương là dì-chị Hương.

Cháu gái chị Hương-anh Minh-anh Tuy.

Chị Hương-anh Minh, bạn chị Hương-anh Tuy.

Sau hồi chào hỏi, hàn uyên, chị Hương chúc Tết mọi người, và gửi lộc đầu năm. Xin cám ơn những tấm lòng đã đến với nhau trên quê hương mến yêu, nơi công viên Cầu Mát, nước sông Đồng vẫn lững lờ trôi, nhưng những con thuyền vẫn về bến đậu. Biên Hòa quê tôi. Gần 10 giờ, tôi xin phép về trước để phụ các con, bà xã đi khám bệnh đầu năm. Năm mới, xin chúc nhau mạnh khỏe, gặp nhiều may mắn trong cuộc sống, và mỗi năm, mỗi gặp gỡ.

ĐCL. 6/2/2014. Mùng 7 Tết Giáp Ngọ.

NHẬT KÝ NGÀY XUÂN GIÁP NGỌ : NGÀY MÙNG SÁU TẾT

Tờ lịch của ngày mùng 6 Tết.

Hôm nay ngày mùng sáu Tết Giáp Ngọ. Ngày mùng năm êm ả trôi qua, tôi nghĩ xã hơi. Buổi trưa, Anh Hùng từ Sài Gòn điện thoại cho tôi, ngày mai, mùng sáu, anh sẽ lên BH vui vẻ với bạn bè một ngày. Chị nhà cùng các bà bạn đi chơi, anh có một ngày thoải mái. Tôi đồng ý làm thổ địa cho anh, và hoản chuyến xuất hành khởi công mùa làm ăn theo dự định. Đa số các điểm kinh doanh khai trương ngày mùng sáu Tết. Sớm hơn, có nơi chọn ngày mùng bốn. Tuy nhiên, sáng nay tôi cũng đã đặt chuyến hàng đầu năm qua điện thoại. Tôi cũng ra chợ giao hàng đầu năm cho bạn hàng.

Luận-Anh Hùng-cháu vợ anh Hùng, trước cửa hàng tạp hóa, nhà từ đường của Luận.

Trước cửa chợ Bửu Hòa, Chợ Đồn,sáng mùng 6 Tết.

Trước cửa hàng gia đình Luận.

Anh Hùng và cháu vợ, trước nhà Luận.

Trước nhà Luận.

Ở phòng khách sui trai của Luận, nhà kế bên.

Cùng bạn bè tâm sự ở cà-phê Gió Thoảng,

Phía sau lưng là công viên Cầu Mát và sông Đồng Nai.

Anh Hùng-Tâm khỉ-Anh Tuy-Anh Lượm.

Gần 9 giờ , anh Hùng báo đã đến trước Chợ Bửu Hòa, đang đứng đợi tôi. Anh nhờ người cháu vợ chở bằng xe máy từ Sài Gòn lên. Tôi hướng dẫn anh sang nhà từ đường, bên dưới là cửa hàng tạp hóa của các em, chụp ảnh lưu niệm. Rồi sang chợ Bửu Hòa, ghi lại vài tấm ảnh Chợ Đồn của tôi. Rồi đến cửa tiệm của gia đình, và lên nhà tôi ở. Sau đó sang nhà anh sui trai, uống nước, nghĩ ngơi, bàn luận, trước khi tôi hướng dẫn sang BH, theo ngã cầu Hóa An. Trên đường đi, tôi chỉ cho anh đường xuống bến Đò Ngựa, trước 1970, muốn sang chợ BH thì dùng phương tiện nầy gần hơn, vì khi ấy chưa có cầu Hóa An. Tôi dừng lại trước trụ sở xã Hóa An cũ, đây là nơi hai vợ chồng anh đến đăng ký kết hôn. Sau đó 3 anh em thẳng hướng sang BH, đi theo đường cặp sông Đồng Nai, đã được xây dựng khoảng hơn 10 năm nay, sau khi một phần xóm Lò Heo ven sông bị giải tỏa, nhường đất cho công trình. Bạn bè cùng đến cà-phê Gió Thoảng gặp gỡ, sau khi có hẹn trước. Nguyễn Văn Đạo, đàn em CHS NQ khóa 10, nhờ Trần Văn Minh, em bạn Trần Văn Thông đưa đến để gặp gỡ các anh. Đến gần 12 giờ, mọi người tạm biệt chia tay. Anh Hùng đi thăm các thân hữu còn ở lại chợ BH. Hơn 30 năm, có nhiều thay đổi, công viên Cầu Mát còn tồn tại với thời gian. Tôi về nhà lo phần công việc của mình, tiếp tục giao hàng.

Tôi về đến nhà, đội múa lân chúc Tết của công ty sửa Cô Gái Hà Lan đến múa lân chúc Tết cho các cửa hàng chi nhánh, và trao lộc đầu năm. Lại có thêm vài hình ảnh múa lân, hình ảnh không thể thiếu trong ngày Tết dân tộc.

Đoàn múa lân của Công Ty sửa chúc Tết khách hàng.

Trao quà đầu năm cho cửa hàng.

Đến 16 giờ, anh Hùng điện thoại mời tôi sang BH, anh đang ngồi uống cà-phê chờ chị Tuyết. Buổi sáng, anh có điện thoại cho chị Tuyết, chị trả lời, đang ở Vũng Tàu cùng đứa cháu, chiều sẽ về. Bởi vì hôm nay các bạn nữ nhóm xirô đá nhận của CPCM có tổ chức tiệc chia tay cùng chị Tuyết, trước khi chị đáp chuyến bay. Hơn 16 giờ, chị Tuyết đến như đã hẹn, rồi cùng nhau đến nhà bạn Trầm Ngọc Sương, uống trà đàm đạo với anh Đại, phu quân bạn Sương, trong lúc chờ bạn bè đến. Đến 18 giờ, các bạn gái đến đông đủ, có anh Quang Trung, đàn anh khóa 1 NQ, anh bạn Kim Chi. Mọi người cùng chụp ảnh lưu niệm. Anh Hùng và chị Tuyết nói lời chia tay. Anh Hùng hẹn sẽ có ngày về BH gặp gỡ bạn bè trước khi về đảo quốc phương Nam. Tôi hướng dẫn hai anh đi theo ngã đường đấp mới, đến hãng Dầu, đi theo hướng cầu Hiệp Hòa, Bửu Hòa để ra ngã ba Tân Vạn theo xa lộ về Sài Gòn. Tôi về cùng gia đình, con cháu. Một ngày thăm viếng, gặp gỡ bạn bè khó quên.

Buổi chiều ở cà-phê Gió Thoảng, sau khi chị Tuyết từ Vũng Tàu về.

Chúng mình ba đứa.

Đang chờ bạn bè đến gặp gỡ ở nhà Sương Trầm.

Nhâm nhi trà buổi chiều.

Lục cô nương.

Chụp ảnh chia tay, anh Hùng về Sài Gòn.

Mùng 6 Tết Giáp Ngọ.

Đỗ Công Luận.5/2/2014.

NHẬT KÝ NGÀY XUÂN GIÁP NGỌ : NGÀY MÙNG BỐN TẾT

Tờ lịch của ngày mùng bốn Tết Giáp Ngọ.

Sáng nay, mùng bốn Tết Giáp Ngọ, ba ngày Tết đã trôi qua nhanh quá. Sau khi làm công việc nhà xong xuôi, tôi bước sang nhà anh sui trai kế bên chúc Tết. Chiều qua, tôi đã định sang, nhưng anh sui trai đi chúc Tết nhiều nhà, nên thôi, để anh nghĩ ngơi. Sau một lúc bàn chuyện, tôi xin thắp nhang cúng vái ông bà, cho nhau những lời chúc tốt đẹp đầu năm, rồi xin kiếu từ. Sau đó, tôi sang BH, uống cà-phê với thân hữu làm quen trên net, khi đã có lời mời chiều qua.

Các đội ghe đua chuẩn bị.

Người ta tập trung về Công Viên Bờ Kè để xem đua ghe.

Chờ đoàn đua ghe xuất phát, chụp ảnh kỷ niệm.

Mỗi đội một màu áo, cố gắng bứt phá.

Tôi di chuyển theo hướng cầu Hóa An mới. Hôm nay còn Tết, công nhân viên chức, học sinh còn nghĩ Tết, các loại phương tiện vận tải còn nghĩ, nên đường xá thông thoáng. Đến giữa cầu, người ta dừng lại, nhìn xuống sông nước, khá đông. Tôi nhớ ra, hôm nay mùng bốn Tết, có đua ghe trên sông Đồng Nai. Những năm gần đây, mùng bốn Tết đều có tổ chức đua ghe truyền thống. Các đội ghe tham dự thường là của các xã ven sông như Bến Gỗ, Hiệp Hòa, Vĩnh Cửu, và Tân Uyên. Tôi chạy xe theo đường mới mở ven sông, người dân đứng đầy theo lan can bờ kè, các bãi gửi xe đông đảo. Các đội ghe đua chỉ mới vào vị trí chuẩn bị xuất phát. Sau khi uống cà-phê, chào hỏi nhau, trao đổi công việc, tôi xin phép về sớm, vì tôi đã hứa 9 giờ sáng chở các cháu đi chơi ở khu du lịch Bửu Long. Đi sớm để tránh cái nắng gay gắt buổi trưa. Đi ngang khu vực chợ BH, các quày sạp còn đóng cửa, mặt tiền chợ vắng hoe. Người mua bán chỉ tập họp ở chợ thực phẩm, họ bày bán dọc theo lề đường. Còn mùng, còn Tết nên các anh trật tự cũng du di. Rau cải, trái cây, thịt tươi, hải sản...nói chung chỉ có hàng thực phẩm là lên ngôi. Công viên Cầu Mát vắng vẻ, vì người ta đổ dồn về bờ kè, phía đình Tân Lân để xem đua ghe. Các vòng đua tranh vòng loại đã khởi hành. Từ bến ghe tàu đến cầu Hóa An có khoảng cách 500 mét, vòng đua là 1.000 mét, gồm cả hai lượt đi về. Tôi về nhà để chở cháu ngoại đi chơi. Cuộc đua còn tiếp diễn.

Mùng 4 Tết, trước cửa chợ BH vắng hoe.

Người ta bày bán hàng hóa trên vĩa hè, nắng lên về ăn Tết tiếp.

Còn mùng là còn Tết.

Hàng rau cải tươi sống...

Hàng thịt,cá, hải sản...xuống đường.

Về đến nhà, đã hơn 9 giờ, các cháu ngoại đã sẳn sàng, ông cháu cùng thẳng tiến về đường hoa Trấn Biên. Trên đường đi, ngang khu vực miễu Bình Thiền, cạnh vòng rào sân bay, những mãnh ruộng còn sót lại, nông dân tận dụng trồng hoa vạn thọ. Lứa hoa nầy chuẩn bị cho ngày cúng sao hội mùng tám, và rằm tháng giêng. Đang là mùa khô, họ tận dụng nước bơm giếng để tưới tiêu. Đây là lần đầu tiên biết sự việc nầy, tôi giải thích cho các cháu hiểu. Một cặp bò đang thong dong nhai cỏ, cảnh hiếm thấy ở thành phố nhộn nhịp. Đến nơi, điểm gửi xe đã đông nghẹt. Hôm nay mùng bốn Tết, người ta bắt đầu du Xuân, sau 3 ngày đầu Xuân sum hợp gia đình. Đường hoa được thiết kế với giá 10 tỷ vnd, bằng nguồn kinh phí đóng góp của các công ty kinh doanh, hầu quảng bá sản phẩm cho họ. Có nhiều tiểu cảnh được thiết kế, dảnh cho nhiều tiết mục biểu tượng quê hương BH. Mô hình cầu Gành, trái bưởi BH, chôm chôm, sầu riêng của Long Thành, Long Khánh. Hình tượng của năm con ngựa, xe thổ mộ. Tất cả đều xử dụng hoa tươi, cho vẽ đẹp xinh tươi của mùa Xuân. Sau khi đi hết đường hoa và thưởng lãm, ông cháu tôi đi về khu vực Bửu Long phía trước. Năm nay khu du lịch nầy có nhiều tiết mục để thu hút du khách. Không gian thoáng mát, đường nội bộ thảm nhựa, không bụi bậm. Mặt hồ nước hút bớt cái nóng...Du khách có thể di chuyển tham quan toàn bộ khu vực bằng xe buýt điện, giá 30.000 vnđ cho một lượt. Có điểm vui chơi như xe điện, đu quay, tàu lượt cao tốc...thu hút các thiên thần nhỏ nhờ có tiền lì xì rủng rỉnh. Chỉ tội nghiệp mấy tay phó nhòm dạo, vì hiện nay máy ảnh kỷ thuật số cá nhân đã phổ biến, giá thành rẽ.

Trên đường vào Văn Miếu Trấn Biên, những ruộng hoa vạn thọ chờ bán

mùng 8 và rằm, ở Bửu Long, cạnh sân bay.

Hai đứa cháu ngoại bên cổng chào đường hoa.

Ông và cháu gái trước cổng chào đường hoa. Trên là hình tượng

Thánh Gióng cởi ngựa sắt phun lửa.

Đường hoa chia nhiều tiểu cảnh, trang trí hoa tươi.

Tiểu cảnh biểu tượng ngựa bay.

Mùa Xuân, phải có lân và trống.

Xe thổ mộ, hình bóng đâu còn nửa.

Hai cháu đang giới thiệu bưởi BH, biểu tượng của quê hương.

Cháu trai đang giới thiệu chôm chôm Long Thành, Long Khánh.

Tiểu cảnh ngựa thần.

Hồ Long Ẩn, hình bóng BH ẩn hiện đâu đây.

Đường xuống hồ để đi du thuyền, đạp vịt.

Vườn cây mát mẻ cho trẻ em sinh hoạt.

Văn Miếu Trấn Biên.

Hình ảnh ngựa của năm Giáp Ngọ.

Muôn hoa khoe sắc trong nắng Xuân, hơi gay gắt.

Sau 4 giờ đồng hồ vui chơi, tiêu tốn ít tiền cho các trò chơi, nắng chói chan, bụng cồn cào, các cháu ngoại tôi mới chịu về nhà. Vì khoảng cách cũng gần, ngại thức ăn đường phố, ngại chặt chém, thức ăn ở nhà còn nhiều, nên ông cháu về nhà bỏ bụng cho chắc ăn. Ngày mùng bốn Tết trôi qua nhanh. Ba ngày sưng(Xuân), bốn ngày xẹp của năm Giáp Ngọ dần qua. Nhưng quan niệm người Việt mình, còn mùng là còn Tết, còn đi chùa lễ Phật. 13 tháng giêng, Lễ hội Chùa Ông ở Cù Lao Phố, rằm tháng giêng vía bà ở Bình Dương, mười hai tháng hai lễ hội Dinh Cô ở Long Hải...Thôi thì hẹn tết năm sau, Ất Mùi vậy...

Mùng bốn Tết Giáp Ngọ.

Đỗ Công Luận.3/2/2014.

NHẬT KÝ NGÀY XUÂN GIÁP NGỌ : NGÀY MÙNG BA TẾT

Tờ lịch của ngày mùng ba Tết.

Sáng nay ngày mùng 3 Tết, 5 giờ 30, chuông đồng hồ báo thức. Tôi dậy sớm, chuẩn bị lễ vật cho ngày cúng mùng 3, Tết nhà. Nhà chỉ có mình tôi ở, nên cúng bái cũng đơn giản, một đòn bánh tét do bà xã đưa hôm trước, cùng nhang đèn, giấy vàng mã. Cúng bái xong, tôi check mail, rồi xuống cửa tiệm, bởi tối hôm qua, các nàng công chúa về chúc Tết phía nhà chồng. Bà xã cũng dọn cúng Tết nhà đơn giản như tôi.

Tôi thả bộ xuống Chợ Bửu Hòa, Chợ Đồn của tôi. Người ta họp chợ cũng đông, người mua cũng nhiều, nhưng chỉ tập trung ở đầu chợ. Hàng hóa bày bán đa phần cho ngày cúng mùng ba, Tết nhà. Bông vạn thọ mới nhổ từ ruộng rẩy ở Tân Hạnh, Tân Ba, giá 5.000 vnd/cây. Hoa Đà-Lạt thì đẹp hơn, giá cao. Mấy năm nay, gà trống cúng mùng ba được làm sẳn, cũng tréo giò, lựa mua con rồi tính ký lô, giá 100.000 vnd/ký lô. Không thấy có gà còn sống. Đời sống công nghiệp, các lò giết mổ làm sẳn, có người cung cấp cho điểm bán. Trái cây giá cũng còn hơi đắt. Bánh mì nóng hổi, nướng bằng lò điện, nên sạch sẽ, không nướng lò than, củi. Cũng có bánh ít, bánh thửng được thế bằng bánh bông lan. Sau một giờ đồng hồ tôi đi vòng lại, điểm bán gà chỉ còn khoảng 5-6 con.

Bánh bông lan, thay bánh thửng, và trái cây cho ngày cúng Tết nhà.

Trái cây và bánh ít.

Gà trống làm sẳn, giá 100.000 vnd/ký lô. Không thấy gà còn sống.

Bánh mì nướng điện, nóng hổi mới ra lò.

Hoa tươi Đà Lạt. Người đẹp bán hoa nầy là CHS NQ khóa 8,

học cùng lớp thất 2 với Hà Thu Thủy, hồi đó cũng là hoa khôi Chợ Đồn.

Hoa vạn thọ vừa nhổ ở Tân Hạnh, Tân Ba.

Xe buýt tuyến BH-Ngã ba Vũng Tàu, bắt đầu chạy từ mùng hai.

Anh bảo vệ bên ly cà-phê sửa đá, đang chờ khách đến xông nhà.

Sau đó tôi về nhà, vì con gái báo có anh sui trai, nhà gần bên sang mừng tuổi. Sui gia hàng ngày vẫn gặp nhau, nhưng lễ nghĩa phải gìn giữ. Năm nay bàn thờ ba má tôi đã được tôi và các con đặt trang trọng giữa nhà, để mỗi ngày nhang khói, Tết đến viếng bái. Bàn thờ ở nhà từ đường do đứa em trai út thủ từ, cúng giỗ hàng năm. Sau phần nghi thức thắp hương tưởng niệm, sui gia ngồi uống trà bàn luận, cháu ngoại được gọi sang để chụp cho hai ông nội ngoại tấm ảnh kỷ niệm. Trên đường đi bộ xuống cửa tiệm, tôi gặp bạn già Trần Văn Tốt, Tốt già, đang ngồi uống cà-phê ở quán gần bên. Tôi hứa lần họp mặt bạn bè khóa 8 NQ 3 tuần lễ nửa, tôi sẽ chở bạn đến dự. Một tấm ảnh được chụp lưu niệm.

Chỉ có khu vực Chợ Đồn là nhộn nhịp.

Gặp bạn già Trần Văn Tốt đang uống cà-phê gần nhà.

Anh sui trai nhà gần bên sang chúc Tết.

Như đã hẹn, đến 9 giờ, chị Hương, bạn chị Tuyết, cùng xóm Cây Chàm đến cửa hàng, tôi hướng dẫn chị và em gái sang nhà tôi gần đó. Qua chị Tuyết, tôi quen biết chị Hương trên mạng ảo, dù quê ngoại cũng ở Chợ Đồn. Sau một hồi hàn huyên tâm sự, tôi hướng dẫn chị Hương và em gái lên nhà chị Đinh Thị Cúc, CHS NQ khóa 4, hồi nhỏ cùng ở xóm Cây Chàm, lập gia đình về làm dâu xứ Chợ Đồn. Rồi chị Tuyết cũng được cháu trai đưa đến nhà chị Cúc, vì đã có hẹn trước. Sau một hồi nói chuyện, chị Cúc nhận ra chị Tuyết, nhưng hồi trước khi đi học về, chị rẽ vào hẽm trường Nữ Tiểu Học, nhà bảo sanh Kiện Khương gần đó. Hơn 50 năm vẫn nhận ra nhau.

Ngày trước, chị Hương đi thu tiền xe đò Liên Hiệp nên có biệt danh Hương Liên Hiệp. Hai chị gặp lại nhau trên quê hương xứ lạ. Sau một hồi hàn uyên tâm sự, chị Hương được gia đình đưa xe đến đón để đi viếng mộ song thân. Chị Tuyết về nhà soạn hành lý cho chuyến trở về ngày 8/2. Tôi sang BH định mua chiếc thẻ nhớ mới, vì thẻ đang xử dụng đã đầy, có dấu báo hiệu của máy. Nhưng hôm nay cửa hàng điện máy viễn thông chưa mở cửa, họ hẹn ngày hôm sau, mùng bốn. Thôi đành về xóa bớt những tấm ảnh không cần thiết để dành cho chuyến du Xuân ngày mai, như đã hứa với cháu ngoại. Tôi về nhà nghĩ trưa, rồi viết bài Mừng tuổi CPCM tròn thôi nôi, hết bò, trườn, để bắt đầu tăng tốc chạy. Sau đó tôi xuống cửa hàng tiếp tục công việc. Ngày mùng 3 Tết Giáp Ngọ trôi qua nhanh chóng.


Chị Hương Bùi, Hương xe Liên Hiệp, đang xông nhà đầu năm.

Đang cùng chị Tuyết, chị Hương ở nhà chị Đinh Thị Cúc, CHS NQ khóa 4.

Luận, chị Hương, chị Cúc, chị Tuyết, và Nga, em chị Hương.

Đỗ Công Luận.2/2/2014.

NHẬT KÝ NGÀY XUÂN GIÁP NGỌ : NGÀY MÙNG HAI TẾT

Tờ lịch của ngày mùng hai Tết Giáp Ngọ.

Sáng nay, ngày mùng hai Tết, 6 giờ 30 tôi mới thức dậy. Buổi tối bị ho quá, không ngủ được. Vả lại ngày Tết không bận bịu nên ngủ nướng. Tôi vẫn làm công việc thường nhật, cúng nước, check mail. 7 giờ hơn, tôi mới xuống cửa hàng. Tối qua, vợ chồng con gái út về phía chồng, nên con gái lớn ở lại cùng giữ cửa hàng. Đứa cháu trai vừa thức giấc, dậy ăn cháo sáng. Tôi dẫn cháu đi một vòng chợ Bửu Hòa. Hôm nay người ta đã họp chợ, cửa chợ đã mở. Hôm qua phố Chợ Đồn vắng tanh, chợ Bửu Hòa cửa đóng then cài. Hôm nay người ta họp chợ đến 10 giờ sáng, các điểm bán bánh mì, trái cây, rau quả...nhộn nhịp. Cửa hiệu của đứa em hôm nay mới mở cửa.

Sáng sớm qua, các con gái và cháu ngoại đã đến nhà thờ tự thắp nhang tưởng niệm ông bà nội và mừng tuổi cô chú. 9 giờ hôm nay, tôi mới đến đốt nhang cho ba má và tổ tiên. Người chú thứ tám vừa về quê bà nội ở Tân Hạnh cũng ghé nhà. Sáng hôm qua, chú đã đến đốt nhang cho anh chị. Bây giờ, dòng họ của tôi chỉ còn chú tám và người cô thứ sáu là trưởng tràng, còn tất cả đã theo ông bà nội. Lúc đó, anh hai Chánh, cháu nội ông Quản Quới, tức Thầy Nhất của trường Bá Nghệ, cũng đến chúc Tết gia đình em tôi. Anh hai cũng có hùn hạp với em tôi trong việc sản xuất gốm mỹ nghệ. Đó cũng là hai gia đình truyền thống trong làng gốm Bá Nghệ BH, Đặng và Đỗ. Tiếp đến, đứa em trai thứ tám cũng đến nhà. Mùng hai Tết, gia đình tôi mới có cơ hội sum họp. Đứa em đem bia Henneken chai 250 ml của Pháp ướp lạnh ra đãi khách. Đúng như lời chị Thêm đã tiên liệu trong bài Cảm nghĩ cuối năm, năm nay tôi uống bia bằng chai. Trong việc ăn uống, đứa em trai rất sành điệu, có lẽ vì giao tiếp nhiều. Mọi người bàn thảo về gốm mỹ nghệ BH, vì chú tôi cũng trong nghành. Trong phòng thờ của gia đình, vẫn còn lưu giữ một ít gốm của trường Bá Nghệ BH, bây giờ được xếp vào đồ cổ, có giá trên thị thường. Dấu mộc của trường minh chứng cho điều nầy. Khoảng thập niên 90 của thế kỷ trước, qua mối lái, một số tay săn đồ cổ đến gạ gẫm ba tôi để mua sản phẩm gốm xuất xứ từ trường Bá Nghê BH. Một phần vì ham tiền, họ trả giá cao, một phần không biết giá trị trên thị thường, ba tôi đã bán đi một số. Đó là những sản phẩm, tì vết, sứt gảy, ba tôi xin đem về nhà để trang trí phòng khách. Sau nầy, khi biết ra giá trị, gia đình không cho bán, giữ làm lưu niệm. Có những chiếc bình gốm, nhìn men màu là người ta biết sản phẩm của trường. Có 3 bức tượng "Tam Vô " của 3 chú khỉ, do em tôi làm sau nầy. Có hình chiếc gạt tàn thuốc với 3 chú khỉ "Tam vô" của thầy Sáu Mậu nắn, gia đình còn giữ lại. Sau một hồi thảo luận, mỗi người dùng hết hai chai bia, anh hai Chánh xin phép ra về, không quên gửi lại lời chúc mừng năm mới. Ba anh em tôi và người chú ở lại bàn thảo về việc gia đình. Người anh họ, con bác thứ hai vừa điện thoại từ Trà Ôn lên mừng tuổi chú và gia đình anh em tôi. Trãi qua bao năm dâu bể thăng trầm, dòng họ Đỗ chúng tôi vẫn còn đứng chân trên mãnh đất Chợ Đồn. Chú tôi cũng nhắc lại câu nói của ba tôi, " Sau chiến tranh, dòng họ ta không bị thương vong, mất mát, đó là nhờ ân đức của tổ tiên". Chú tôi dặn anh em tôi phải lo gìn giữ phần mộ ông bà, tổ tiên, gần nhát là phần mộ của ông bà nội. Mộ của nội tôi ở xóm rể tranh, gần chùa Hút Gió, đã bị người ta lấn chiếm đất cất nhà, gia đình phải rào chắn lại. Hồi đó gia đình nghèo, ông nội tôi không có chụp được tấm ảnh để cho con cháu phụng thờ. Ngày Tết dân tộc là dịp để gia đình quần tựu, tưởng nhớ tổ tiên.

Phòng thờ của nhà hương hỏa, do đứa em trai út thủ từ.

Luận, chú thứ tám, anh hai Chánh, cháu nội ông Quản Quới,

tức Thầy Nhất của trường Bá Nghệ,và em trai út của tôi.

Tượng ba chú khỉ "Tam Vô", mới làm sau nầy.

Gạt tàn thuốc với hình ba chú khỉ "Tam Vô", do thầy Sáu Mậu,

trường Bá Nghệ nắn, gia đình còn lưu giữ. Bây giờ là đồ cổ.

Anh Hai Chánh, em thứ chín, em thứ tám, Luận thứ sáu và người chú tám.

Gia đình Đỗ gia sum họp.

Theo như đã thông báo với nhau, chiều mùng hai Tết Giáp Ngọ, nhóm thân hữu CHS NQ khóa 8 đi viếng tang thân phụ bạn Nguyễn Thị Gái, nhạc phụ bạn Hoàng Minh Chiếu. Cụ ông đã thất lộc lúc 4 giờ sáng ngày mùng một Tết Nguyên Đán, hưởng thọ 85 tuổi. Đúng 17 giờ, bạn bè đã đến nơi cử hành tang lễ. Bạn Gái là trưởng nữ. Trước đó, đoàn Phật Tử ở quê nhà người quá cố, xã Bạch Đằng, Cù lao Mỹ Quới, Tân Uyên, đã đến tụng kinh hộ niệm. Bạn bè ngồi uống nước, đàm luận. Đến viếng tang có hơn mười bạn bè, trong đó bạn Trầm Ngọc Hương là CHS NQ khóa 10, nhưng là thân hữu với gia đình Chiếu-Gái. Mấy năm về trước, bạn Nguyệt Ánh thường tổ chức gặp gỡ bạn bè ở tư gia vào chiều ngày mùng hai Tết. Năm nay, thấy như vậy không thuận lợi, vì ngày Tết ai cũng bận bịu gia đình nên bạn không tổ chức nửa. Không ngờ ngày mùng hai Tết năm nay bạn bè cũng có dịp gặp gỡ nhau, nhưng ở không gian trầm lắng, u buồn hơn. Vì tang gia xin miễn phúng điếu nên bạn bè chỉ mang phẩm vật đến cúng viếng. Một vòng hoa tươi mang hàng chữ "Nhóm thân hữu CHS NQ khóa 8 kính viếng", nhang đèn, và một giỏ trái cây. Bao nhiêu đó cũng đã đủ nói lên tình nghĩa bạn bè. Sau khi ban hộ niệm chấm dứt phần nghi lễ, bạn bè lần lượt vào thắp hương, vái lạy. Người quá cố sẽ được đưa về an táng ở quê nhà, xã Bạch Đằng, Tân Uyên, vào 8 giờ sáng ngày hôm sau, mùng 3 Tết. Sự mất mát không sao tránh khỏi, nhưng vào những ngày Xuân thì con cháu về đông đủ. Trước khi ra về, nhân dịp đầu năm mới, những cái bắt tay Chúc Mừng Năm Mới an lành.

Thế là ngày đầu năm mới thứ hai dần trôi.

Bản cáo phó mà đám tang nào cũng có, dán ở cửa ra vào.

Bạn bè đang ngồi bàn luận chờ vào viếng tang.

Phẩm vật cúng viếng.

Bắt đầu cúng viếng.

NHẬT KÝ NGÀY XUÂN GIÁP NGỌ : NGÀY MÙNG MỘT TẾT

Tờ lịch của ngày đầu năm mới.

Sáng nay, ngày mùng một tháng Giêng, ngày đầu năm mới Giáp Ngọ. Gần 6 giờ sáng tôi mới thức dậy, chuẩn bị cho một ngày mới. Đêm qua, sau khi xem bắn pháo hoa trên tivi, tôi lên mạng check mail, 1 giờ sáng mới đi ngủ. Như vậy, tôi đã thức trọn vẹn một giờ của ngày đầu năm mới. Tôi cúng nước, đốt nhang buổi sáng đầu năm, khấn nguyện những điều tốt đẹp nhất. Sau đó, tôi chuẩn bị, sửa sang phòng khách, để chuẩn bị đón những người khách đầu tiên, những đứa con,rể, và các cháu ngoại. Rồi các cháu sẽ cùng gia đình về chúc Tết phía ngoại, tôi đến cửa hàng phụ con gái bán hàng như những năm trước. Tôi đã chuẩn bị 6 bao lì xì cho 6 đứa cháu ngoại, để sau đó nhận lại bao lì xì của các con. Năm nay hi vọng sẽ nhận 4 bao lì xì, vì con trai đã đi làm, cuối năm lảnh được 11 triệu vnd. Bây giờ chỉ lo cho cháu sang năm sẽ học Master, rồi lập gia đình. Tôi phải cố giữ gìn sức khỏe, để 70 tuổi bồng ẳm cháu nội. Xin chia sẽ trước với các ACE, tôi sẽ cập nhật "Nhật ký Ngày Xuân" như mọi năm.

9 giờ sáng, gia đình con gái giữa đến xông đất đầu năm nhà ông ngoại, vì nhà ông ngoại gần bên. Ông ngoại lì xì cho cháu trai tờ đô 2 usd, hôm qua cháu dặn phải lì xì tiền đô. Cháu gái nhận bao lì xì với tờ 50.000 vnd mới. Đổi lại ông ngoại nhận 2 tờ 500.000 vnđ mới cáo từ con gái, và nhận lời chúc tốt lành đầu năm. Cháu ngoại chúc ông ngoại sống lâu trăm tuổi. Thôi cở 20 năm nửa cũng được.

Gia đình con gái giữa đến xông đất đầu năm nhà ông ngoại.

Ông ngoại, con gái giữa ở nhà gần bên, và hai cháu ngoại, trai gái có đủ.

Cháu ngoại đang làm dáng.

Đến khoảng 10 giờ sáng, gia đình con gái lớn từ Tân Mai về, quý tử từ Cù Lao qua, đến nhà tôi chúc Tết. Tết năm nay, các cháu ngoại tôi được cha mẹ mua cho áo dài khăn đóng để mặc Tết. Áo dài vàng của cháu lớn là 140.000 vnđ, áo dài nhỏ là 100.000 vnd, khăn đóng là 50.000 vnd. Các kích cở đều đo theo ni, từ số 1 đến số 4. Mặc xong, Tết năm sau mặc tiếp. Sau khi đốt nhang trên bàn thờ ông bà nội, con gái lớn mừng tuổi cha 2 tờ giấy 500.000 vnd mới. Xong xuôi, tất cả xuống cửa hàng, chuẩn bị về mừng tuổi nhạc mẫu tôi ở Tân Phước Khánh. Con gái và rể út chắc mai mới lì xì, vì rể út về Tân Phước Khánh với con trai lớn từ tối qua. Chiếc xe 5 chỗ chở 2 cặp vợ chồng và bà xã, cùng 5 đứa cháu ngoại xuất hành. Tôi, quý tử, và con gái út ở lại trông coi cửa hàng. Đến 13 giờ 30 phút, các con và các cháu về nhà, bà xã và các cậu em vợ đi mừng tuổi bà con phía vợ. Sáng nay, Chợ Đồn vắng tanh, chỉ một hai chỗ bán thức ăn, nhà nhà đóng cửa. Xe buýt ngày mùng hai mới khởi hành.

Cháu ngoại gái mặc xường-xám đang làm dáng.

Gia đình con gái lớn, cháu gái đầu, cháu trai 18 tháng.

Ông ngoại và các con cháu.

Chậu mai và cây bông giấy chưng Tết.

Quý tử, anh chị, và các cháu.

Con gái út, và con trai nhỏ, cùng tuổi ông ngoại.

Con gái giữa và con trai , cùng 2 cháu.

Cháu ngoại cùng tuổi Tân Mẹo, cầm bao lì xì của ông ngoại.

Ông ngoại làm dáng, đẹp lão.

Chợ Đồn sáng mùng một Tết, vắng như chùa Bà Đanh.

Đến 16 giờ, sau khi nghĩ trưa, tôi tiếp tục xuống cửa hàng phụ các con. Năm nào cũng vậy, mấy ngày Tết cửa hàng vẫn bán liên tục. Có người sau một năm làm ăn, cuối năm có dư giả chút đỉnh, ngày mùng một Tết mua một, hai chỉ vàng lấy lộc. Mấy tay cờ bạc thua bạc, đem vàng cầm đỡ. Nếu thắng thì chuộc lại, hoặc mua thêm. Nếu thua thì bán đứt. Con gái út cầm bao lì xì mừng tuổi cha hai tờ giấy bạc 500.000 vnd mới tinh. Con trai thấy vậy cũng mừng tuổi cha 2 tờ giấy bạc 500.000 vnd, không thua các chị. Đây là lần đầu tiên tôi nhận tiền biếu tặng từ tay con trai, sau khi cháu đã thành đạt và đi làm. Cách đây mấy năm, khi cha tôi còn sống, ông cũng thích thú nhận phong bì bì mừng tuổi của các con cháu. Hai đứa con của bà chị, mỗi đứa gửi về cho ông ngoại tờ 100 usd mới toanh. Qua Tết, mấy đứa em lấy tiền đó mua cho ông cụ được dăm ba chỉ vàng. Ông cụ thích thú lắm, gặp ai cũng đưa ngón tay ra khoe.

Mấy hôm cận Tết, ông ngoại vừa làm bảo vệ kiêm vú em. Bà vú em giữ cháu ngoại 18 tháng tuổi đã về quê trước Tết mấy hôm. Tết năm rồi cũng vậy. Khi cháu được 6 tháng tuổi, chị vú em cũng về quê sớm vì sợ không có xe, khiến ông ngoại vừa làm bảo vệ kiêm vú em. Đút cháo cho cháu ăn, ông ngoại phải ẳm cháu vòng vòng ngoài chợ, dắt đi khắp xóm dụ cho cháu ăn. Cháu ăn được một muổng, ông ngoại khàn cổ họng. Chiều 30 Tết, ông ngoại bị tắt tiếng. Chạng vạng tối, tôi mở máy xem tin nhắn. Trần Văn Thông chúc Tết, và báo tin buồn. Thân phụ của bạn Nguyễn thị Gái, nhạc phụ bạn Hoàng Minh Chiếu qua đời ngày đầu năm mới. Chiều mùng hai Tết, 17 giờ bab5 bè đi viếng tang. Người quá cố được an táng lúc 8 giờ sáng ngày mùng 3 Tết. Buồn vui lẫn lộn. Đến chiều tối, bà ngoại đi mừng tuổi họ hàng về, con gái út về phía chồng ở Tân Phước Khánh để sum họp với nhà chồng. Hơn 19 giờ, cửa hàng đóng cửa, con trai lại chở cha đi dạo phố Biên Hòa, xem người ta ăn Tết. Các điểm ăn uống, vui chơi, công viên...người ta tấp nập. Các shop giày dép, quần áo thời trang cũng mở cửa hốt bạc. Có người xem lịch, năm nay mùng một tốt ngày, thuận lợi cho việc khai trương, nên họ cũng mở cửa lấy ngày. Hôm nay là ngày đầu năm nên thiên hạ đi chơi chưa nhiều, cốt lõi là sum họp gia đình. Các điểm bán dưa hấu giá bình ổn, 7.000 vnd/ký lô. Sau đó tôi về đến nhà, đồng hổ điểm 21 giờ. Thế là ngày mùng một Tết Giáp ngọ vui vẻ qua nhanh.

ĐCL. 31/1/2014.

Đường Trịnh Hoài Đức cũ, gần dốc Huỳnh Của tối mùng một Tết.

Vừa qua khỏi rạp hát Khánh Hưng.

Điểm bán dưa bên hông nhà thờ BH.

Dưa hấu giá bình thường trở lại, 7.000 vnd/ký lô.

PHÓNG SỰ ẢNH : CHIỀU 30 TẾT, QUÝ TỊ

Ngày 30/1/2014, nhằm ngày 30 Tết Quý Tị. Lúc hơn 17 giờ, tôi có việc sang BH. Sẳn tiện, tôi mang máy ảnh theo và ghi lại vài hình ảnh chiều 30 Tết, thời khắc chỉ còn hơn 6 giờ nửa là giao thừa, chuyển giao năm Quý Tị sang Giáp Ngọ.

Tờ lịch của ngày cuối năm con Rắn.

Dưa hấu đại hạ giá. Trái khoảng 4 ký lô, giá 20.000 vnd.

Trái khoảng 2 ký lô, giá 10.000 vnd. Người ta tranh nhau mua.

Vẽ mặt sầu thảm của ông chủ vựa dưa. Giá hôm qua là 20.000 vnd/ký lô.

Nhà thiếu nhi. Dinh tư lệnh Quân Đoàn cũ.

Mặt tiền nhà thờ BH được trang trí hoa tươi.

Công trường Sông Phố. Phía xa là các khối chung cư

cất trên nền quán cơm xã hội, trung tâm cải huấn.

Đường Hàm Nghi cũ, hướng về ngã tư chợ.

Chuẩn bị bán bong bóng trước nhà Thiếu Nhi.

Phố đã lên đèn.

Hiệu ảnh Phạm Lung, nhà may Hoa Mỹ..., đi tới là hẽm mì Chú Mừng.

Các sạp bán hàng Tết đã được dọn dẹp.

Người mua kẻ bán ai cũng hối hả. Mặt hàng nào sau Tết bán được thì không hạ giá.

Công Viên Cầu Mát chiều 30 Tết êm ả.

Công Viên Cầu Mát chỉ còn đôi tình nhân hẹn hò và chờ đến giao thừa,

pháo hoa tỏa sáng trên bầu trời BH, được bắn lên từ cầu Hóa An mới.

Sân trường Nguyễn Du được chọn làm bãi giữ xe.

Đôi vợ chồng bán bong bóng ở ngã tư Chợ Đồn.

Họ là dân nhập cư, không về quê được, bán kiếm thêm thu nhập.

Mai bonsai đã nở, chờ người mua vội, giá nào cũng bán.

Chậu mai bonsai do rể lớn mua, giá 400.000 vnd, nhánh tỏa đều,

rất nhiều nụ, ngày mai sẽ nở, đúng mùng một. Ai vào cửa hàng cũng khen.

Chậu bông giấy đỏ rực, nhiều bông, giá 400.000 vnd/cặp,

được chưng trước cửa hàng, ai cũng tấm tắc. Năm nay hên.

ĐCL.30/1/2014.

PHÓNG SỰ ẢNH : NGÀY 28 TẾT, QUÝ TỊ

Sáng nay, bà chủ tiệm giao cho tôi một " nhiệm vụ bất khả thi " ở BH, chớp cơ hội, tôi làm phóng sự ảnh ngày 28 Tết. Lúc nầy tình hình găng lắm, hở ra là đạo tặc chôm chỉa, quái xế. Mất chiếc xe là bảo vệ đền cở tháng lương. Tôi đi ngang khu vực trường Nguyễn Du, nhà thờ, chụp vài bô hình. Người ta mua bán ì xèo, hoa kiểng, dưa hấu, trái cây. Nghe nói dưa hấu để chưn 20.000 vnd/ký lô, ngót nghét trên 300.000 vnd/ cặp.

Tờ lịch của ngày 28/1/2014, 28 Tết Quý Tị.

Dưa hấu chưn bán trước trường Nguyễn Du.

Cửa chính nhà thờ trang trí nhiều bông hoa.

Mai kiểng bày bán trước nhà thờ.

Dưa hấu khắc chữ, do các em sinh viên làm.

Mai bonsai bày bán góc đường xuống bờ sông.

Sau đó, tôi liên lạc với anh Hùng. Anh chị Hùng và chị Tuyết đã dậy sớm, ăn điểm tâm

và đang thả bộ xuống công viên cầu mát tìm về dỉ vảng.

Tôi đến cùng uống cà-phê nơi quán Gió Thoảng, nhìn ra công viên.

Sau khi chia tay với các anh chị, tôi đi làm " nhiệm vụ bất khả thi ".

Sẳn tiện tôi chụp thêm vài hình ảnh trên đường về.

Nhà lồng chợ BH cũ đã được cất mới vài năm nay.

Một điểm bán các liễn treo trang trí nhà cửa ngày Tết.

Một màu đỏ sáng chói, theo quan niệm của người Hoa.

Trước cửa chợ, nhà sách Huỳnh Hiệp và nhà anh em Võ Hà Mỹ, đã đổi chủ.

Nơi trung tâm cải huấn, quán cơm xã hội...đã cất lên những

khối chung cư cao tầng cao cấp,

giá mỗi appartement khoảng 1 tỷ vnd.

Trên đường về, tôi gặp lại anh chị Hùng, chị Tuyết,

đang thả bộ về khách sạn, ở đường Công Lý cũ.

Vừa về đến nhà, đoàn hóa trang Thần Tài đến chúc Tết.

Đoàn khoảng 5 người, có ông địa, đánh trống. Mỗi ngày kiếm cở bạc triệu tiền lì-xì.

Ông Thần Tài chụp ảnh lưu niệm với cháu ngoại tôi,

sau khi bỏ tờ 50.000 vnd vào túi.

Trước cửa trường tiểu học Bửu Hòa, người ta cũng bày bán, kiếm tiền xài Tết.

Một điểm bán dừa, giá dao động từ 12.000 đến 14.000 vnd/trái.

Dừa Bình Định giá rẻ hơn dừa Bến Tre.

Cầu dừa đủ xài. Cầu đủ sung mãn...

NGƯỜI TỪ NGÀN DẶM VỀ THĂM BIÊN HÒA

Hôm nay đã là ngày 27 Tết. Chỉ còn 3 ngày nửa là khởi đầu năm mới Giáp Ngọ, Tết Nguyên Đán. Mười giờ hơn, tôi về nhà check mail. Hội Ái Hữu BH Cali có giới thiệu bài TUI ĐI DỰ TẤT NIÊN BIÊN HÒA 2014, của Hoàng Duy Liệu lên trang nhà. Tôi nhớ lại, khuya hôm đó tôi có mở màn hình để xem tiếp sóng trực tiếp, nhưng không được. Bởi vì hôm đó bạn bè cùng lứa tôi cũng có tham dự nhiều. Tôi nối máy điện thoại để nói chuyện với bạn Phạm Trọng Kiến, vì chỉ mới hơn 19 giờ ngày chủ nhật ở Cali. Hôm đó vợ chồng bạn tôi có tham dự tiệc tất niên của đồng hương Biên Hòa.

Dù là người Sài Gòn, nhưng bạn có mối giao hảo với bạn bè BH. Chúng tôi thỉnh thoảng nối máy hàn uyên tâm sự, thường từ 30 phút trở lên. Tôi xử dụng thẻ 1718 để gọi quốc tế, chỉ tốn 1400 vnd cho mỗi phút gọi sang Cali. Đang nói chưa hết chuyện, tiền trong tài khoản thẻ hết, tự động cúp máy.

Khi cuộc nói chuyện chấm dứt, bạn Phạm Văn Đạo gọi mời tôi sang nhà anh Mã Thành Tâm, nảy giờ tôi bận tán dóc nên Đạo gọi tôi không được. Tôi nhớ lại, anh Đặng Văn Hùng, Hùng Ba ke, hẹn sáng nay lên BH gặp gỡ bạn bè. Từ đảo quốc phương Nam xa xôi, anh chị về Sài Gòn đã được hai hôm. Anh chị đi xe taxi, ghé thăm gia đình Đạo ở ngã ba Vũng Tàu trước, rôi cả ba người vào BH, ghé nhà anh Tâm. Tôi vừa đến nơi, chị Tuyết cũng được cháu gái chở đến. Trưa nắng, người đẹp Cali phải quấn kín cơ thể như Ninja. Nhiều khi tôi ngồi trước nhà, có người đi ngang qua gật đầu chào, tôi cũng chào theo, nhưng không biết ai. Bởi vì sợ nắng, họ quấn kín cơ thể, chỉ chừa hai con mắt để nhìn đời. Bây giờ lại có mốt, các cô gái chạy xe máy, mặc jupe, lại quấn đôi chân bằng chiếc xà-rông. Mốt này du nhập từ Thái Lan, khi du khách vào viếng Hoàng Cung, hoặc đền chùa, phải mua chiếc xà-rông quấn vào nếu mặc jupe hoặc quần lửng.

Tôi biết anh Hùng qua lần anh nhắn tin trên trang nhà NQ, tìm bạn bè chung lớp, trong đó có anh Võ Hà Phi, anh ba của Võ Hà Mỹ, bạn tôi. Trong lần tranh luận trên mạng về tên gọi tổ đình Bửu Long của nội tổ anh Phi ở vùng Long Bình, ngã ba Tân Vạn, tôi làm quen với các anh chị. Chúng tôi thường trao đổi mail tâm sự, khi hai đầu nổi nhớ cách xa hàng ngàn cây số. Công cụ net kết nối mọi người gần lại nhau hơn. Theo đúng lịch bay, anh Tâm phải về Cali này 25 Tết. Nhưng vì anh Hùng đã đăng ký vé trước, lại về SG ngay ngày 25 Tết nên anh Tâm phải lùi ngày về thêm 4 ngày, tốn thêm chút ít tiền phạt, nhưng bạn bè còn có cơ hội gặp nhau trên quê hương. Nếu không , cơ hội chỉ đến năm 2016, khi họp mặt 60 năm NQ được tổ chức. Thời gian đâu có chờ đợi, biết đâu...

Tôi bắt tay chào anh chị, lần đầu biết mặt, giọng nói đã nghe nhiều lần trên máy điện thoại. Tôi ngồi nói chuyện cùng anh Hùng và anh Tâm, nhắc nhở về bạn bè cùng lớp các anh. Có vài người tôi đã biết qua những lần họp mặt NQ hoặc gặp gở bạn bè. Có những người cùng quê với tôi, ở Chợ Đồn-Tân Vạn. Anh Võ Bá Vạn, con bác xã trưởng Nghiêm, đã ra đi khi huấn nhục ở quân trường Võ Bị Đà Lạt. Có lần, các anh đến nhà anh Vạn, bơi xuồng ở rạch Thủ Huồng. Anh Tấn chuột, bạn dì với anh Hồng Văn Minh, Minh Hồng. Cách nay hơn nửa năm, tôi đã có gặp anh Tấn khi về thăm bà con ở Chợ Đồn. Tôi có điện thoại cho Nguyễn Minh Tâm, Tâm khỉ, bạn cùng lớp với tôi, sang gặp anh Tấn, vì cả hai là anh em cô cậu. Rồi lại nhắc nhở về bạn Bùi Trường Đông, đệ tử của anh Hùng lúc chung đơn vị. Tôi nối máy cho Đông nói chuyện với anh. Đạo, Đông, và tôi là 14 chàng trai của lớp thất 3 chuyển sang lục 1, học hành cũng khá giỏi. Anh Tâm nói về miếng vườn của gia đình, khi con đường mới được mở, nối đường Trịnh Hoài Đức, gần bệnh viện Đồng Nai, sang đường Phan Đình Phùng, đất nhà bị mất một ít, nhưng đổi lại được thành hai mặt tiền đường. Anh em, con cháu, cất nhà xung quanh ở, hôm sớm có nhau.

Hơn 12 giờ, mọi người đến dùng cơm trưa ở nhà hàng trên đường Công Lý cũ nối dài, nối đến vùng Tân Mai, Tam Hiệp, xuyên qua khu vực Gò Me. Từ đó, nơi đây thành khu đô thị mới, với quán ăn, nơi mua sắm, giải trí. Biên Hòa đang mở rộng về hướng Đông Bắc. 7 người chọn một phòng ăn ấm cúng để dễ dàng hàn uyên, tâm sự. Các món ăn dân giả được gọi ra để nhớ về quê hương. Cá tai tượng chiên xù, nước mắm kho quẹt, cá rô kho tộ, cá bóp nấu canh chua...Sau đó anh chị Hùng đến đặt phòng nghĩ ở hotel gần đấy, cho đôi ngày về thăm lại BH, dù thời gian anh sống ở BH chỉ gần 10 năm. Từ miền Bắc theo cha mẹ di cư vào Nam, sau một năm ở Sài Gòn, rồi theo cha lên BH làm việc, học ở trường tiểu học Nguyễn Du, rồi trung học NQ, rồi về lại Sài Gòn. Rồi theo vận mệnh nổi trôi, làm người xa xứ. Nhưng BH đã cho anh nhiều kỷ niệm ấu thơ. BH vẫn còn đó, dù có nhiều thay đổi theo gia tăng dân số cơ học. Bạn bè vẫn còn đây, sau 50 năm. Gặp nhau đầu tóc đã bạc, vài năm nửa sức khỏe có còn cho phép hay không. Hai ngày về thăm lại BH, gặp gỡ bạn bè, tuy thời gian ngắn, nhưng cũng đủ ấm tình những trái tim già cổi. Tôi vì còn công việc mua bán của gia đình những ngày Tết, mùa làm ăn, nên hẹn sẽ gặp nhau ở buổi sáng cà-phê ngày hôm sau. Những ngày Tết không bận rộn, anh em sẽ gặp nhau nhiều, như niềm vui tôi có được của những ngày Tết năm vừa qua khi có bạn bè, NGƯỜI TỪ NGÀN DẶM VỀ THĂM BIÊN HÒA.

ĐCL.27/1/2014.