BÁNH TÉT ...CHÂN GÀ .

BÁNH TÉT ...CHÂN GÀ 

From:  K'Sim FW by: Quân Diệu (T........@Yahoo.com)

Tôi tình cờ ghé nhà bà Nguyên Thị Ngân, thường gọi là bà Sáu, ở thôn 6, xã Đăk Drông, huyện Cư Jut, tỉnh Đăk Nông trước Tết Nguyên Tiêu một ngày và thấy lạ là bà cùng cô con dâu đang gói bánh tét có nhân đậu xanh và… chân gà.

Tôi ngạc nhiên hỏi, bà cười: “Nhiều người thấy lạ chứ không phải riêng chú đâu, chắc thế gian này có mình tôi là… hơi ngược đời, nhưng món ăn này tuyệt vời lắm, sáng mai mời chú lại tôi đãi chú một bữa ăn thử.’’  

Tôi hỏi cách thức gói, bà Sáu nhiệt tình vừa gói vừa giải thíc cặn kẽ.

Bà kể rằng, trước những năm 1980, bà sống ở tỉnh Bến Tre, bà có người em trai út sinh ra được 2 tuổi mà chẳng biết bò, biết đi gì cả, đến ngồi cũng phải dựa lưng vào gối mới không bị té. Hết thuốc tây đến thuốc bắc cả năm trời nó vẫn yếu xìu như người không xương vậy. Rồi một lần ông cụ thân sinh ra bà đi chợ tỉnh được một người dân tộc thiểu số bán thuốc nam bảo “Về cứ nấu cháo chân gà cho ăn sẽ hết đấy’’.

Gói bánh tét chân gá 

Có bệnh thì vái tứ phương, ông về đến từng tiệm bún, phở và những người bán gà sống đã làm sẵn ngoà chợ đặt mua chân rồi sáng nào ông cũng lội bộ ra chợ huyện cách nhà 5 cây số cho thậ sớm gom chân gà về để còn kịp đi làm đồng đúng buổi, còn trách nhiệm của bà là làm cho sạch sẽ và nấu cháo cho em ăn trong ngày.

 Ấy vậy mà hay, chỉ hơn 100 ngày sau người em trai của bà cứng cáp hẳn lên, nó ngồi được thẳng người và tự xoay quanh chỗ ngồi không phải đỡ, phải dìu như trước nữa. Bà mừng quá nên từ đó thay cha lội ra chợ huyện hàng ngày để gom chân gà ở các quán đã thành quen.

 Chuyện gói bánh nhân chân gà cũng từ người em này. Số là có lẽ ăn cháo riết cũng ngán nên nó rất thích ăn cơm nếp với chân gà luộc. Nhưng bà Sáu nghĩ chân gà có thể tốt từ cái tủy bên trong nên mỗi lần nấu cơm nếp bà chặt chân gà thành từng khúc rồi nấu lộn với nếp. Và bà đã nấu cơm nếp mà không phải chắt nước vẫn khô được như xôi làm cậu em thích thú ăn khá nhiều.

Cũng có thời gian bà phải đi xa nhà từ 3 đến 5 bữa, có khi cả một tuần, thương em phải ăn cơm nếp nhão nhoẹt do mẹ hoặc chị nấu nên bà thử gói bánh tét để em ở nhà ăn vừa được ngon, vừa được lâu. Nào ngờ khi những tấm bánh lần đầu tiên chín cả nhà bà ăn thử thấy mùi vị vừa lạ, vừa rất ngon nên từ đó bà không phải nấu cháo hay nấu cơm nếp chân gà cho em như mọi khi nữa mà cứ 3-4 ngày bà gói 5-6 đòn bánh tét nho nhỏ để em ăn dần. 

Hơn 3 năm sau cậu út khỏe mạnh cắp sách tự đi học như mọi người cùng lứa tuổi trước sự ngạc nhiên của cả làng. Bà bảo “Rồi nó nghiện bánh tét chân gà, tháng nào nó cũng bắt bà gói cho ăn ít nhất một lần đến khi nó 7-8 tuổi mới thôi.”

Lấy chồng ở Tây Nguyên nhưng cứ Tết nào về quê Bến Tre bà Sáu cũng gói tới 5-7 đòn bánh tét nhân là chân gà cho cả nhà ăn. Chồng bà Sáu cách đây 10 năm ông bị chứng yếu chân, yếu tay do tuổi già, bà Sáu lại gói bánh tét chân gà cho ông ăn, tháng đôi ba lần, ăn đến mạnh khỏe rồi mà ông vẫn đòi bà gói cho ăn hàng tháng, vì chân gà bây giờ cũng dễ, đặt mua ở các nhà hàng chuyên làm đám cưới, tiệc tân gia thì tha hồ gói.

Đậu xanh chà ra bỏ vỏ rồi ngâm nước âm ấm cho nhanh mềm, chân gà làm cho sạch để nguyên xào qua mỡ tỏi cho thơm rồi gói chứ đừng chặt ra. Hỏi kỹ, bà b rằng bánh hầm cả ngày chân gà sẽ nhừ có thể nhai được hết cả xương không cần thiết phải chặt. Mỗi chiếc bánh gói 4 cái chân là đã đủ ngon, ai thích ăn cho béo hơn thì cho thêm một miếng mỡ heo cho một bánh. Gạo nếp cũng trộn dừa khô nạo nhỏ, một ít muối, bột nêm cho vừa ăn rồi gói như bánh nhân thịt heo thôi chứ chẳng có gì khó.

Nhưng bánh tét chân gà cần có thêm một ít lá chanh thái nhỏ, bà Sáu bảo theo Phương Đông, con gà thuộc hành mộc, lá chanh có vị cay, hành kim. Theo ngũ hành tương khắc thì kim khắc mộc, do đó muốn ăn thịt gà (mộc) mà không làm “động phong” thì ăn với lá chanh (kim) để kim khắc mộc

 

Hôm sau tôi đến nhà bà Sáu với chủ ý nếm thử món ăn lạ lẫm này. Bà Sáu nhiệt tình hướng dẫn tôi cách ăn khá tỉ mỉ. Do bánh tét chân gà thường gói nhỏ hơn bánh nhân thịt heo nên thời gian nấu bánh cũng tương đương; có điều lúc ăn không thể cắt thành khoanh được mà đặt bánh vào chiếc dĩa, dùng dao rọc lá theo chiều dọc của bánh để tách lá gói ra hai bên, rồi dùng mũi dao nhỏ cũng rạch dọc phần nếp trong bánh đàn theo chiều lá sẽ để lộ phần nhân. Song bà đưa tôi một cái muỗng và bảo “cứ xúc ăn tự nhiên, hồi sáng dì cũng ăn hết nửa cái nên giờ còn no lắm.”

Cái bánh được gói bằng nếp mới rất dẻo, nhân là những cái chân gà đã nhừ tươm đến nhai sạch cả xương mềm tan. Tôi cảm nhận rất ngon, mặc dù không có mỡ heo nhưng nó rất béo và có vị ngọt thanh thao của da, xương và tủy của gà. Do bà Sáu ngồi bên cứ nhắc tôi cố ăn cho hết nên tôi chẳng khách sáo ăn từ từ để thưởng thức cái món vừa lạ vừa rất hợp khẩu vị với tôi.

 

 Không biết người Việt ở Mỹ có chân gà ta và lá dong hoặc lá chuối không, nếu có bà con gói thử để thưởng thức mùi vị lạ mà ngon đến khó tả.

  

-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------