Khổng tước đông nam phi

Post date: Jun 14, 2013 2:42:19 PM

孔雀東南飛

Thưởng thức với đàn cổ tranh:

 Khổng tước đông nam phi là tên một bài nhạc phủ đời Hán, đầu tiên được thấy trong "Ngọc đài tân vịnh" do Từ Lăng 徐陵 người nước Trần ở Nam triều biên soạn, đề là "Cổ thi vi Tiêu Trọng Khanh thê tác" 古詩為焦仲卿妻作 (Bài cổ thi làm thay vợ Tiêu Trọng Khanh), lời tự viết: 

漢末建安中,廬江府小吏仲卿妻劉氏,為仲卿母所遣,自誓不嫁。其家逼之,乃沒水而死。卿聞之,亦自縊於庭樹。時人傷之,為詩云爾

Hán mạt Kiến An trung, Lư Giang phủ tiểu lại Trọng Khanh thê Lưu thị, vị Trọng Khanh mẫu sở khiển, tự thệ bất giá. Kỳ gia bức chi, nãi một thuỷ nhi tử. Khanh văn chi, diệc tự ải ư đình thụ. Thời nhân thương chi, vi thi vân nhĩ

Năm Kiến An đời Hán mạt, tiểu lại phủ Lư Giang là Trọng Khanh có vợ họ Lưu, vì bị mẹ Trọng Khanh đuổi, thề không tái giá. Bị nhà bức ép, nhảy xuống nước tự vẫn. Khanh nghe tin, cũng tự thắt cổ ở cây trước sân. Có người thời đó thương tâm, làm thơ thuật lại.

"Nhạc phủ thi tập" xếp bài này vào "Tạp khúc ca từ", đề là "Tiêu Trọng Khanh thê" 焦仲卿妻. Hậu nhân thường dùng câu đầu làm đề nên còn gọi là "Khổng tước đông nam phi" 孔雀東南飛 (chim công bay về phương nam)

Căn cứ vào một số phong tục và địa danh dùng trong bài thơ, như "thanh lư" được dùng trong hôn lễ chỉ có ở Bắc triều, và "Giao, Quảng" thì Quảng châu chỉ có từ đời Tam quốc, nên có thuyết cho rằng bài thơ này được viết sau năm Kiến An (196-219). Tuy nhiên, căn cứ vào phong cách toàn bài, đa số đều công nhận rằng đây là một bài dân ca đời Hán, trong quá trình lưu truyền không thể tránh khỏi bị thay đổi hoặc thêm thắt. Bài dài 1775 chữ, được chia làm bốn đoạn, là bài thơ tự sự đỉnh cao nhất cả về nghệ thuật lẫn tư tưởng trong nhạc phủ đời Hán.

Nội dung bài ca được chia làm 4 đoạn:

 - Đoạn 1 kể về cuộc sống của Lan Chi khi làm dâu nhà họ Tiêu đến khi bị đuổi,

 - Đoạn 2 kể việc Lan Chi bị đuổi và cảnh chia tay với Trọng Khanh,

 - Đoạn 3 kể từ khi Lan Chi về nhà đến khi bị anh mình ép gả cho nhà quan Thái thú,

 - Đoạn 4 kể từ khi Lan Chi bị buộc tái giá đến khi nàng và Trọng Khanh tự tử.

Theo wikipedia.

Chàng "Trọng Khanh" trải lòng bằng ngón đàn Tremolo trên cây Tỳ Bà

Ghi chú: phần thơ sẽ giới thiệu ở mục Nhạc Phủ trang Thi Văn; tranh sẽ giới thiệu trong phần Hoạ