Giới Thiệu 介紹

Kính thưa Quí Chư Vị,

Xưa ở nước ta các cụ gọi chữ Hán là chữ Nho vì đây là ngôn ngữ để truyền bá tư tưởng Nho Giáo do Đức Khổng Tử (551 – 479 TCN) sáng lập.

Theo các sách sử của Việt Nam, khi Sĩ Nhiếp 士燮 (137-226) làm quan Thái Thú đất Giao Chỉ thời nước ta thuộc Đông Hán (23-220) ông đã truyền bá chữ Hán vào nước ta, và được xem là ông tổ chữ Nho ở đất Việt.

Trải qua hơn 550 năm thì học thuật của người Việt mới thực sự đạt đến đỉnh cao. Đó là thành quả của một người Việt tên Khương Công Phụ 姜公輔 đỗ đầu kỳ thi năm 780 ở Trung Hoa thuộc nhà Đường, về sau ông thăng tiến tới chức Tể Tướng.

Năm 938 Ngô Quyền dùng chữ Hán soạn bài Hịch kêu gọi tướng sĩ đánh bại quân Nam Hán (thời Lục Triều) do Hoằng Thao cầm đầu ở cửa sông Bạch Đằng. Nước Vạn Xuân 萬春 do Lý Nam Đế 李南帝 (503–548) thành lập năm 544 (sau khi đánh bại quân nhà Lương - thời Nam Bắc Triều) trước kia lại được độc lâp. Kể từ đó Chữ Hán được xem là chữ viết chính thức của nước ta.

Năm 1009 Lý Công Uẩn lên ngôi, lập nên nhà Lý thì nền văn học chữ Hán mới thực sự phát triển. Trong các tài liệu Văn học sử, vào thời kỳ này chữ Hán ở nước ta đã phát triển mạnh mẽ, buổi đầu phổ biến ở chốn Thiền Môn. Bởi lẽ thời ấy chưa có nhà trường như bây giờ nên việc học chữ chủ yếu diễn ra ở các Chùa, do các nhà sư đảm trách. Thơ văn của các vị Thiền Sư giai đoạn ấy vẫn còn lưu lại khá nhiều trong bộ sách Thiền Uyển Tập Anh. 

Đến thời Pháp thuộc, ngày 22/02/1869 Phó Đề đốc Marie Gustave Hector Ohier ký nghị định bắt buộc dùng chữ Quốc ngữ thay thế chữ Nho, đó là thởi điểm chữ Hán chính thức cáo chung.

Đức Khổng Tử có nói:

溫 故 而 知 新 可 以 爲 師 矣

Ôn cố nhi tri tân, khả dĩ vi sư hĩ

Xét cũ để biết mới thì có thể làm thầy (Luận Ngữ, thiên Vi Chính)

Tuy chữ Hán không còn dùng chính thức như thời xưa nhưng nếu không biết được cái cũ thì làm sao biết được đâu là cái mới. Theo lời dạy, nếu Quí Vị thông kim bác cổ thì có thể làm thầy được rồi vậy!

Riêng tôi:

Thuở nhỏ mỗi khi gặp chữ Nho tôi rất tò mò và cảm thấy thích thú muốn học. Nhưng than ôi! tài liệu không biết tìm ở đâu, các Ông Đồ đã qui tiên từ lâu rồi, học thế nào cho được? Đến gần đây, truyền thông điện tử (internet) bùng nổ, thông tin chi cũng có nên tôi đã có cơ hội thực hiện ham muốn của mình: học chữ nho.

Nhằm chia sẽ với những người cùng sở thích với mình, tôi lập Trang này để:

- Tổng hợp có biên soạn các tài liệu học chữ Hán

- Tìm hiểu các danh tác của Nho Lão, tức Tứ Thư, Ngũ Kinh, Đạo Đức Kinh ...

- Thưởng thức những áng văn thơ của các vị tiên nho Hoa và Việt

- Học chữ Hán để hiểu rõ hơn tiếng Việt (chữ Quốc Ngữ) hiện nay vì theo các nhà nghiên cứu Tiếng Việt ngày nay có hơn 60% từ vựng là từ Hán Việt....

Sự học mênh mông, kiến văn thăm thẳm. Kẻ hậu học này mong được các bậc túc Nho, cao nhân gần xa chỉ giáo thêm.

知不知,尚矣;

不知知,病也。[老子]

Tri bất tri, thượng hĩ;

Bất tri tri, bệnh dã. (Lão Tử)

Sài Gòn, 2013

Lỗ Bình Sơn

Email: lobinhson@gmail.com

FB: www.facebook.com/lobinhson

www.cohanvan.com

*****

Trao đổi thông tin trên FB tại ĐÂY.