Vương quốc Phù Nam (1)

1. Thời gian:

- Hình thành vào khoảng thế kỷ I (phát triển vào thế kỷ III với việc mở đất, phát triển thương nghiệp. Thế kỷ V là suy tàn). Cá biệt sách Sử ký Tư Mã Thiên ghi: dưới triều Thành vương nhà Chu năm Tân Mão, có sứ giả nước Việt Thường sang triều cống đã dâng chim trĩ trắng. Sứ giả không biết đường về; Chu Công Đán cho năm xe chỉ nam để dò đường. Sứ giả đi qua nước Phù Nam, Lâm Ấp về nước mất một năm.

- Khoa học lịch sử hiện đại xác định bằng C14 ra kết quả như sau:

+ Nền Chùa: niên đại 270 - 480 SCN (theo Ziaga, 1984)

+ Óc Eo: niên đại 200 - 420 SCN (theo Ziaga)

+ Gò Tháp: 330 - 460 SCN (Malleret, 1963)

=> Niên đại hình thành vương quốc Phù Nam theo chỉ số C14 là năm 40 SCN (Linh Sơn Nam, Gò Cây Da, gò A1). Do chỉ số C14 ở các nơi khác thì muộn hơn chút: năm 50 SCN (Gò Cây Đa, Linh Sơn Nam) và 60 SCN (Gò Cây Thị B). Ở Linh Sơn Nam đo được ra C14 với niên đại dao động từ năm 40 SCN đến năm 80 SCN. Ở Nền Chùa có đo được C14 ra niên đại dao động từ 50 SCN đến 70 SCN.

2. Cư dân chủ yếu:

Các tài liệu trước đây có phác thảo chút về cư dân Phù Nam. Cụ thể:

- Các sách TQ cổ viết mâu thuẫn nhau: Lương thư viết: "có một nước trong biển cả tên là Tì Kiền, có ngôn ngữ giống Phù Nam" (được xác định là Pekan, thuộc bán đảo Mã Lai - tức người Mã Lai Đa đảo); còn Tấn thư lại viết: "phong tục trong tang lễ và hôn nhân của Phù Nam gần giống Lâm Ấp" (được xác định là người Mã Lai Đa đảo). Từ năm 1944 về sau, các cuộc khảo cổ của Malleret (1944), Võ Sĩ Khải (1987), Nguyễn Quang Quyền (1990) và Nguyễn Lân Cường (1995) đều xác định cư dân Phù Nam là người Protomalais.

GS Lương Ninh phác họa như sau: lúc đầu cư dân chủ yếu là người Môn cổ, sinh sống khắp vùng Đông Nam Á lục địa. Họ sinh sống chủ yếu trên các thềm đất cao, chuyên thu hoạch lâm sản và săn voi, chủ nhân của văn hóa Đồng Nai cổ. Cuối thiên niên kỷ I TCN, một nhóm cư dân Nam Đảo (từ miền nam Thái Bình Dương, tức Malayo - Polinesiens) di chuyển sang, mang theo nghề trồng lúa nổi, nghề thủ công và buôn bán. Trước thế kỷ I, hai tộc người này cũng lập hai vương quốc là Kurumbanagara của người Môn cổ; vương quốc Naravanagara của người Nam Đảo. Thế kỷ I, hai vương quốc này hợp nhất thành một quốc gia riêng, hai tộc người (Môn cổ, Nam Đảo) hợp thành một một cư dân thống nhất của quốc gia mới.

Tộc người chính thức của nước Phù Nam là người Bnam (có nghĩa là "núi", sau chuyển thành tên tộc người). Còn chữ "Phnom" (Khmer; do Bouillevaux phiên âm; Bouillevaux cũng phiên âm thành Penong, Bunong) có từ thế kỷ VII, phát âm từ chữ Bnam mà ra. Người Bnam là hỗn dung giữa người Môn cổ và người Nam Đảo mà thành

GS Lương Ninh phân tích thêm: Bnam (Pnong) có nghĩa là "dân miền núi", giỏi săn bắn và rất thiện chiến. GS bác bỏ quan niệm coi chủ nhân của Phù Nam là người Khmer vì: người Pnong và Khmer ban đầu là giống nhất là do chung ngữ hệ và nhân chủng, sống ở trung tâm Đông Dương với gốc ban đầu là Vedoid cổ chuyển dần ra Nam Á qua quá trình "Nam Á hóa". Trong quá trình "Nam Á hóa" thì người Khmer chuyển hóa nhanh hơn người Pnong nhưng mặt dân tộc giữa hai tộc người này không khác biệt là bao. Khảo sát của bác sĩ Harmand của Pháp phát hiện người Pnong vẫn còn tục "cà răng - căng tai" (tai dùi lỗ để đeo vòng khuyên lớn và nặng). Những người Pnong được "Nam Á hóa" trước này (tức người Khmer) nhanh chóng thần phục Phù Nam một thời gian; đến thế kỷ V thì trở thành tộc Khmer ở nam sông Semun (tại nơi quần cư tốt cho nghề nông, điểm hội tụ tương đối rộng giao thời giữa đồ đồng và bước đầu dùng đồ sắt; trạm trung chuyển giữa vùng biển và bình nguyên Khorat). Theo Oliver, người Pnongs ở nam Semun tiếp nhận một yếu tố nhân chủng nào đó từ bên ngoài (chắc chắn hội nhập văn hóa Ấn Độ) để tạo một số đặc trưng riêng tuy không căn bản; đặc trưng này rất sâu sắc không kém gì Phù Nam. Với những lý do đó, về mặt lịch sử văn hóa thì người Khmer được một số tác giả gọi là "người Pnongs Ấn Độ hóa".

- GS Lương Ninh vạch ra giả thuyết cho rằng cư dân chính là người Nam Đảo (Malayo - Polinesiens); người Phù Nam khác người Khmer bởi các lý do sau:

+ Dân Phù Nam biết xây dựng hệ thống kênh rạch hợp lý nên canh tác được trên ruộng trũng và ruộng thấp; khác với người Khmer duy trì canh tác trên thềm cao và dựa vào nước tưới tự nhiên. Điều này phù hợp với suy luận của Thierry: "gọi Phù Nam là "đế quốc biển" và Óc Eo là "thương điếm quốc tế", chụp ảnh phố nhưng là rạch nước kiểu Venise với hàng dừa nước và thuyền tam bản"

+ Vốn là "dân ven biển" nên cư dân Phù Nam mở cửa giao lưu với nước ngoài qua cảng thị Óc Eo. Sự biến động dân cư do cuộc xâm nhập của người Khmer đã khiến Óc Eo bị bỏ phế

+ Người Phù Nam gọi tên nước là nagara (chữ Phạn), khác với cách gọi pura của người Khmer.

- Có motip nghệ thuật như hình nhiều vú ở đền đài, tìm thấy rất nhiều ở Óc Eo và Champa; nhưng hầu như không được tìm thấy ở Khmer

Người Nam Đảo hiện còn sống ở một số nước thuộc Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Việt Nam và định cư ở 6 thế kỷ đầu công nguyên. Ferrand phát hiện 4 minh văn ở Sumatra viết bằng Chữ cổ Mã Lai (gốc là chữ Phạn), có niên đại năm 683 - 686; Finot cũng phát hiện nhiều minh văn có niên đại còn sớm hơn thế. Bằng chứng cho chữ cổ Mã Lai có từ thư tịch cổ Trung Hoa: Văn hiến thông khảo của Mã Đoan Lâm ghi về nước Xích Thổ có viết: "Mỗi thành thị có hai viên quan đứng đầu, gọi là Na Nha Gia và Ba Ti". Tùy thư chép rằng khi phái bộ Thường Tuấn đến, "vua Xích Thổ cho con là Na Nha Gia ra đón tiếp". GS Lương Ninh khẳng định Na Nha Gia là phiên âm từ Nayaka, Ba Ti là phiên âm từ Pati, nghĩa chung là "người đứng đầu, người dẫn dắt"

3. Địa bàn: Có nhiều tư liệu viết khác nhau (Saint-Denys (1883) cho rằng có nước Phù Nam; Aymonier (1900) cho rằng lãnh thổ Phù Nam trải dài từ Bắc Kỳ tới Xiêm; Schlegel (1896) cho quốc gia này của người Thái, Paker (1893) cho quốc gia này của người Khmer). GS Lương Ninh dựa trên Pelliot và không ảnh của Paris (1931) cho rằng lãnh thổ Phù Nam ở miền Tây sông Hậu và miền Nam Việt Nam

Bề mặt lãnh thổ (hay địa hình) của Phù Nam là đồng bằng thấp, nhiều kênh rạch và nhiều đầm lầy. Có khá nhiều gò ở miền Tây Nam Bộ như Gò Xoài, Gò Trâm Quỹ ở Long An; Gò Tháp ở Đồng Tháp. Có các trung tâm chính trị và văn hóa lớn như Óc Eo (An Giang) và các đô thị lớn (sẽ nói kỹ ở phần sau)

- Các vật nặng buộc vào lưới chứng tỏ cư dân Phù Nam có thế mạnh về nghề đánh cá biển. Theo J. Leuba (1923), dấu tích của một hệ thống kênh đào thẳng tắp, những bánh xe nước còn được áp dụng ở miền Tây sông Hậu đã cho thấy tài nghệ của dân Nam Đảo (một thành phần của cư dân Phù Nam) giỏi thủy lợi, bước dầu khai phá và canh tác được ở ruộng thấp cũng như đồng bằng.

4. Kinh đô: dựa trên thư tịch cổ của Trung Quốc, Aymonier, Malleret và Pelliot xác định kinh đô của Phù Nam là Angkor Borei. Pelliot xác định đó là Angkor Borei vì ông dựa vào một đoạn của Tân Đường thư: "vua Phù Nam đóng đô ở thành Đặc Mục (mà Coedes phiên âm thành Vyadhapura): thành này bị Chân Lạp đánh bất ngờ nên vua phải chạy xuống phía nam, đến thành Na-phất-na". Theo Coedes giải mã văn bia Wat Prei Val ở vùng Ba Phnom, niên đại năm 665, Na-phất-na chính là Angkor Borei.

* Theo nghiên cứu về Angkor Borei của Mariam Stack (1997 - 2000, dự án LOMAP) như sau:

+ kinh đô Angkor Borei rộng 300ha

+ Thành cổ này được xây trên đỉnh núi cao 170 mét, trên một thềm đất xung quanh cao khoảng 10 mét so với mặt biển

+ Một tường thành bao quanh di tích, đắp đất và xây gạch hình chữ D, chu vi 6 km.

+ Dấu tích kiến trúc đã đổ nát, nhưng lớn nhất là dấu tích có mặt bằng rộng 32m, dài 70m; có 30 đống gạch cũ. Tương tự một phế tích cũng là một mặt bằng rộng 10 mét, dài 19 mét.

+ Bên trong thành có 151 di tích khảo cổ, khoảng 100 dấu tích nước (ao, giếng)

+ Tìm ra 37.000 mảnh gốm, 3 ấm nước, vài vòng chuỗi giống hệt văn hóa Óc Eo

+ Di tích Angkor Borei đứng trên bờ đông - nam của thềm cao nhìn ra đồng bằng thấp, trừ hướng tây - bắc (tức hướng CPC)

+ Định niên đại thì cư dân có mặt ở Angkor Borei khoảng năm 400 TCN

+ Từ Angkor Borei tiến thêm 3 km tới Phnom Da - nơi có phế tích chùa miếu, nhiều pho tượng. Điều này khiến Stack suy ra Angkor Borei có thể là một kinh độ nội địa của vương quốc Phù Nam (trích theo: Mariam Stack, "Angkor Borei and the Archeology of Cambodia's Mekong Delta" trong Art and Archeology of Funan, edite J. Khoo, Bangkok, 2003, p.95)

GS Lương Ninh cho rằng kinh đô là Óc Eo - Ba Thê vì ông phát hiện dấu tích một dinh thự lớn của vua Phù Nam ở Xuân Lộc, cộng với vị trí địa lý quá thuận lợi cho sự phát triển của hải thương. GS cũng suy luận là khi quân Phù Nam bị Chân lạp đánh bại, vua Phù Nam đã xuôi theo dòng kênh thẳng tắp dài 100 km từ Angkor Borei về thành thị Óc Eo - Ba Thê, chống cự mãi cho đến khi bị Isanavarman của Chân lạp đánh bại hoàn toàn vào năm 649 (thời vua Trinh Quán đế, TQ). Bia Han Chey nói thêm: "Khi vào đầu mùa thu, đức vua đi chinh chiến (...). Để thắng các vua Núi, Người đã (làm) một chiếc cầu để vượt qua rạch nước sâu ngập thân voi" (đoạn 4 - 5, mặt B). Vua Phù Nam lui về cố thủ ở dãy Bảy Núi - nên bia Han Chey nói tiếp: "(vua Phù Nam) phải đi lên đến tận đỉnh"

5. Tên quốc gia:

6. Lịch sử hình thành và phát triển của vương quốc Phù Nam:

* Phù Nam hình thành:

a. Văn hóa Đồng Nai và sự khởi phát vương quốc Phù Nam

* Văn hóa Đồng Nai:

- Niên đại của văn hóa Đồng Nai (tiền Óc Eo) được xác định qua C14: 3950 TCN - 50 SCN (niên đại mở đầu lấy từ kết quả khai quật ở Cầu Sắt).

- Năm 1968 - 1971, E. Saurin phát hiện 4 rìu tay, hai mũi nhọn, 2 nạo, 3 công cụ hình rìu, 5 mảnh tước, 3 "hạch đá"... ở Hàng Gòn, Dầu Giây và Xuân Lộc. Năm 1978, Saurin khai quật ở Hàng Gòn phát hiện hàng chục vò gốm có áo quan, 14 vật gốm; đồ tùy táng là 1 kiếm, 2 rìu, 1 hoa tai, 1 mảnh đồng...suy ra hỏa táng trong vò

- Năm 1979, E. Hamy khai quật phát hiện được 155 rìu tứ giác, 284 rìu có vai, 20 mảnh đàn đá, 2 đàn đá (niên đại 1230 TCN) ở Bình Đa; phát hiện tiếp 294 rìu bôn, 72 rìu vai xuôi, 76 mũi nhọn, 50 dao hái, 269 bàn mài (có niên đại 3.000 năm trước đây) ở Cầu Sắt.

- Phát hiện ở Giồng Cá Vồ (Cần Giờ) có 301 mộ chum, 10 ngôi mộ đất (chôn theo tư thế ngồi bó gối), 6 vòng, 6 mũi giáo sắt, 3 dao, 4 đục...đều có tra cán; nhiều mảnh vòng đồng, 1 giáo, 2 rìu tứ giác.

Qua các khai quật có thể mô tả sơ bộ như sau: cư dân sống tập trung ở các vùng đồi đất cao quanh khu vực Đồng Nai và Cần Giờ. Họ dùng đồng làm công cụ lao động, bước đầu dùng công cụ sắt; chôn người chết trong mộ chum (365 mộ chum, 12 mộ đất ở Cần Giờ) có thêm đồ tùy táng (26 cái khuyên tai hai đầu thú)

* Vương quốc Phù Nam hình thành:

- Niên đại hình thành vương quốc Phù Nam theo chỉ số C14 là năm 40 SCN (Linh Sơn Nam, Gò Cây Da, gò A1). Do chỉ số C14 ở các nơi khác thì muộn hơn chút: năm 50 SCN (Gò Cây Đa, Linh Sơn Nam) và 60 SCN (Gò Cây Thị B). Ở Linh Sơn Nam đo được ra C14 với niên đại dao động từ năm 40 SCN đến năm 80 SCN. Ở Nền Chùa có đo được C14 ra niên đại dao động từ 50 SCN đến 70 SCN.

- Thế kỷ I, những cư dân đầu tiên của Phù Nam sinh sống trên các gò đất cao 1 - 2 m ở Gò Cây Da, Gò A3, Gò Cây Thị, Gò Cây Trôm, Gò Óc Eo, Giồng Cát, Giồng Xoài và trên sườn núi Ba Thê. Thời gian đầu, cư dân Phù Nam sống chủ yếu ở nhà sàn và các nhà gạch; chôn người chết trong các mộ chum. Họ bước đầu đã dùng công cụ lao động bằng sắt (có dấu vết các cục xỉ sắt), biết chăn nuôi (bò, động vật khác) và có nấu ăn, làm nông (biểu hiện là than tro và các vết hạt thóc rất nhiều ở các di tích. Nghề thủ công bước đầu phát triển qua việc cư dân làm rất nhiều đồ gốm (mảnh gốm, gốm thô, gốm mịn), làm gạch (nhiều mảnh gạch vỡ còn ở các di tích), cà ràng, đồ nấu ăn, ấm có vòi, ly gốm... Do dân cư tăng vọt nên nghề luyện kim, nhất là nghề làm đồ trang sức phát triển: cư dân làm được hạt cườm (thế kỷ II), mã não và thủy tinh. Cư dân Óc Eo - Phù Nam bước đầu có buôn bán với bên ngoài với việc đồng tiền La Mã có mặt ở Óc Eo. Đầu thế kỷ III, có dấu vết hỏa hoạn và nội chiến vương quốc (có thể là lũ lụt) ở Óc Eo, Gò Phật.

* Phù Nam phát triển:

- Về niên đại phát triển của Phù Nam: đo C14 là năm 270 SCN (Nền Chùa, đo mẫu than). Đo chính xác thì thời kỳ phát triển của Phù Nam bắt đầu khoảng thế kỷ III - V: Nền Chùa đo ra niên đại là từ 450 - 460 SCN; mộ táng Bà Chúa Xứ ở Nền Chùa là 270 - 480 SCN. Phác thảo sơ bộ thì thấy: cư dân Phù Nam ở nhà sàn, nhà tường gạch trong khu đô thị Óc Eo (có thể phác thảo là Óc Eo có 10 khu, nằm đối xứng hai bờ Lung Lớn). Nghề thủ công phát triển cực thịnh: cư dân làm ra và xuất khẩu đồ gốm, vàng bạc, đồ trang sức, đá quý, tiền, con dấu, bùa đeo, tượng thờ... Phù Nam trở thành cường quốc thương nghiệp lớn. Dân chúng đóng thuế bằng vàng bạc, châu báu và hương liệu. Phù Nam sản xuất ra vàng bạc, đồng kẽm, trầm hương, ngà voi, công, chim két năm sắc lông.... đồ cống cho Trung Hoa gồm mía, giầy da, vàng ngọc chạm trổ, đồ thủy tinh, hương liệu (Cao Xuân Phổ 1984). Phù Nam kiểm soát thương nghiệp ở Đông Nam Á thông qua chinh phục quân sự đến các nước ở phía bắc bán đảo Mã Lai (Wolters 1967)

- Theo ghi chép của một số sách cổ, thời phát triển thịnh vượng thì lãnh thổ của Phù Nam rất rộng lớn. Sách Lương thư (Phù Nam truyện) chép rõ: Phù Nam là quốc gia ở phía nam Lâm Ấp (tức là gồm cả vùng đất Nam Bộ hiện nay).... Vua Phù Nam xưng là Đại vương, đóng thuyền lớn đi chinh phạt được hơn 10 nước (Khuất Đô Côn, Cửu Trì, Đốn Tốn...). Năm 1903, Pelliot trong sách "Nước Phù Nam" ghi lại: Phù Nam là một đế quốc rộng mênh mông (thời Phạm Sư Man) bao gồm Nam Bộ của Việt Nam, Campuchia, thung lũng sông Menam và cả một bộ phận bán đảo Mã Lai. G. Coedes kéo dài biên giới của Phù Nam đến tận Khánh Hòa, nơi có bia Võ Cạnh (8).

Sơ bộ có thể phát họa quá trình thịnh vượng của Phù Nam như sau

- Thời vua Phù Nam là Phạm Man, quân dân Phù Nam đã "đóng tàu to, vượt biển lớn", mở rộng đất nước Phù Nam đến 6.000 lí. Theo Lương thư, quân Phù Nam đánh chiếm được các nước:

+ nước Đốn Tốn, cách chính quốc Phù Nam hơn 3000 lí (hiện nay Đốn Tốn thuộc lãnh thổ của hạ lưu sông Mênam và một phần phía bắc bán đảo Malaya)

+ nước Đà Hoàn (nay thuộc Chanthabun, Thái Lan)

+ nước Dvaravati (Đọa La Bát Để, nay cũng thuộc hạ lưu sông Mê-nam (thay thế nước Đốn Tốn));

+ nước Xích Thổ (Tùy thư và Thông điển xác định là ở bờ đông bắc bán đảo Malaya, chỗ tiểu quốc Pattani của Malaysia ngày nay). Theo sử cũ, Xích Thổ là nơi cung cấp và buôn bán nhiều thiếc nhất cho kinh đô Óc Eo của Phù Nam (Malayasia vẫn là nơi chiếm 33% sản lượng thiếc lớn nhất thế giới, nhiều nhất ở Kedah, Selangor, Perak...)

+ nước Bàn Bàn: theo ghi chép của Lương thư về chuyến về nước của vua Phù Nam là Kiều Trấn Như II, vị trí của nước này ở vùng eo biển T'rang - Patalung ở giữa bán đảo Malaya.

+ nước Lang Nha Tu: theo lập luận của GS Lương Ninh, địa bàn của nước này ở đất Singora (thuộc eo biển T'rang), giáp Bàn Bàn và Xích Thổ

Theo Nam Tề thư, Phù Nam cũng dùng vũ lực tấn công thêm các nước lân cận không chịu thần phục, nhưng không cho biết điều gì cụ thể hơn.

- Cũng trong thời gian thịnh vượng này, vua Phù Nam có quan hệ ngoại giao với nhiều nước - nhất là Trung Quốc. Sách Ngô thư có viết Lữ Đại sau khi đánh chiếm Giao Châu và Cửu Chân đã sai người sang Phù Nam; năm 245, vua Phạm Chiên của Phù Nam cử sứ thần sang triều đình nhà Ngô. Thời vua cuối cùng là Rudravarman, sách Lương thư viết rằng vua Phù Nam nhiều lần cử sứ sang Trung Hoa vào các năm 519, 520, 530, 535, 539; năm 535 - 545 thi vua Lương cử sứ sang Phù Nam thỉnh kinh Phật và cao tăng Ấn Độ sang thuyết pháp (vua Phù Nam cử hòa thượng Paramatha đem 240 bộ kinh Phật sang Trung Hoa năm 546)

* Phù Nam suy tàn

- Về niên đại cho thời suy tàn của Phù Nam: kéo dài từ thế kỷ VI đến thế kỷ X. Đo C14 ra niên đại từ năm 690 - 880 SCN (Linh Sơn Nam). Ở Gò Tư Trâm đo C14 các cổ vật ra được niên đại là từ nửa sau thế kỷ VII đến thế kỷ X). Ở giai đoạn suy tàn này, cư dân Phù Nam không còn chú trọng nhiều về thủ công nghiệp và thương nghiệp, chỉ duy trì nông nghiệp. Ở Linh Sơn Nam phát hiện dấu tích chứng minh cư dân còn làm gốm, xây nhà gạch. Tư tưởng vương quyền kết hợp thần quyền rất đậm nét ở Phù Nam sau thế kỷ VIII đến thế kỷ X qua việc tìm thấy nhiều dấu tích đền thờ, minh văn.

- Thế kỷ V, người Khmer (vốn là phiên thuộc Phù Nam) đã lập quốc gia mới (theo bia Wat Luong - K.365; hai bia K - 367 và K-876 có niên đại thế kỷ VII - VIII) ở trung lưu sông Mekong. Quốc gia mới này tên ban đầu là Sresthapura (ý kiến của Dupont) và lãnh thổ của nó kéo dài từ Semun đến thác Khoong. Tùy thư ghi: "Chân Lạp.. nguyên trước là thuộc quốc của Phù Nam" (dẫn lại từ Pelliot, tài liệu xem phía dưới). Khi Chân Lạp mạnh lên, vua Sresthapura (về sau đổi là Bhavapura) đã "tự hào vì buổi đầu đã dứt dứt sợi dây ràng buộc của sự cống nạp" (trích bia Baksei Chamkrong (K-286), đoạn số 13, IC - IV - 88), xóa bỏ sự thần phục Phù Nam. Hơn nữa, sự phát triển dân số quá nhanh của cư dân Khmer dẫn tới yêu cầu mở rộng lãnh thổ; mà sự xuất hiện ngày càng nhiều văn bia bằng tiếng Khmer từ đất Thái Lan (bia Aran (K.505 - 507, IC-IV-23) và bia Chantabun (BE, 24), một bia ở đông bắc Thái Lan) tới tận Đồng Tháp Mười (bia K3, K6, K7, BE 36) chứng minh điều đó.

- Trong những năm 30 của thế kỷ VII, vua Bhavapura đánh chiếm được kinh đô Óc Eo của nước Chí Tôn (tức nước Phù Nam). Các bia ký Campuchia luôn khoe chiến công đánh thắng vua Phù Nam của các vua Bhavapura như bia Sambor Preikuk, Ang Chumnik...

- Bị Chân lạp đánh bại, vua Phù Nam đã xuôi theo dòng kênh thẳng tắp dài 100 km từ Angkor Borei về thành thị Óc Eo - Ba Thê, chống cự mãi cho đến khi bị Isanavarman của Chân lạp đánh bại hoàn toàn vào năm 649 (thời vua Trinh Quán đế, TQ). Bia Han Chey nói thêm: "Khi vào đầu mùa thu, đức vua đi chinh chiến (...). Để thắng các vua Núi, Người đã (làm) một chiếc cầu để vượt qua rạch nước sâu ngập thân voi" (đoạn 4 - 5, mặt B). Vua Phù Nam lui về cố thủ ở dãy Bảy Núi - nên bia Han Chey nói tiếp: "(vua Phù Nam) phải đi lên đến tận đỉnh"

- Những người thiện chiến này vốn không quen sông nước nền đã tàn phá hải cảng Óc Eo, dời kinh đô trở lại thềm đất cao Angkor Borei

- Niên đại sụp đổ của Phù Nam chưa rõ ràng:

+ sách Tân Đường thư ghi nhận vua Phù Nam sai sứ sang cống vua Đường Thái Tông hai người dân đầu trắng (627 - 649). GS Hà Văn Tấn dẫn lời của nhà sư Nghĩa Tĩnh có gửi về Võ Tắc Thiên các sách Đại Đường cầu pháp cao tăng truyện; Nam Hải quy nội pháp truyện xong năm 691, đã nhắc đến một nước là Bạt Nam (chắc là Phù Nam).

+ Sách Tùy thư không chép mục Phù Nam mà chỉ chép bốn nước Lâm Ấp, Xích Thổ, Chân lạp và Bà Lợi; viết rõ: "Chân Lạp ở phía tây nam Lâm Ấp, vốn là thuộc quốc của Phù Nam (Tùy thư, quyển 82 (bản dịch))

* Dòng dõi vua Phù Nam còn ở Nam Bộ Việt Nam và Đông Nam Á hải đảo. Ở Nam Bộ, sau khi Chân Lạp bị phân liệt thì khu vực phía nam do vua Thủy Chân Lạp Bladitya trị vì, niên đại đầu thế kỷ VIII; dòng dõi của ông này là hoàng thân Nripaditya để lại bài minh văn Đồng Tháp Mười liệt kê 9 địa danh ở Nam Bộ. Các nhà nghiên cứu đã đọc ra được bốn địa danh bắt đầu bằng chữ Chdin (sông, 4 địa danh), chữ Thval (gò, 2 địa danh), chữ Vrai (rừng, 3 địa danh); xác định hai ông này là dòng dõi vua Phù Nam xưa.

* Về cư dân hậu Óc Eo (hậu Phù Nam) thì sau khi Chân Lạp đánh chiếm Phù Nam không lâu, hiện tượng "hải xâm" và biến động dân cứ khiến vùng Nam Bộ về sau hoang vắng cư dân. Trong thời cường thịnh của vua Chân Lạp là Jayavarman II thì không có một bóng người nào ở duyên hải Nam Bộ, vì triều đại này có để lại một bia ký ở Vat Svay ở Mỹ Trung (Cần Thơ)

7. Chinh trị và Pháp luật

8. Kinh tế

a. Nông nghiệp

- Malleret khảo sát và phát hiện các công cụ lao động như: rìu có cán, bàn nghiền (cối đá)

b. Thủ công nghiệp

- Những phát hiện ra các hiện vật vàng, đồng, sắt của Malleret ở Óc Eo chứng tỏ nghề luyện kim ở Phù Nam rất phát triển. Ở tập 1 của tài liệu, Malleret cho biết đã tìm ra bàn mài, lò nấu chảy kim loại, bàn đập cho đồ gốm. Tổng kết phần tài liệu của Malleret, ông tìm ra được 1.311 món nữ trang bằng vàng, 10.062 hạt ngọc và đá quý (1945). Năm 1985 thu thập được hơn 1.700 hiện vật vàng, 10.062 hạt ngọc.

- Nghề làm gốm rất phát triển. Ở tập 1 thì Malleret tìm ra bàn đập đồ gốm. Về nguyên liệu làm đồ gốm thì chưa tìm ra (GS Lương Ninh theo một ý kiến cho rằng trong đất có nhóm oxit sắt hoặc oxit nhôm, nhưng không thuyết phục). Về hoa văn thì Malleret đưa ra tới 101 mẫu hoa văn (gồm: văn xương lá cây, văn sông nước, đường nửa tròn xoáy nối với nhau, đường răng lược kép vẽ hình uốn lượn...). Dồ gốm đa dạng như bình, ấm, vò, tô, đĩa. Ấm nước Phù Nam có đặc điểm: đựng được 5 lít nước cả ngày. Nắp đậy hình đĩa, có lỗ trũng để móc ngón tay vào mở nắp (không có núm cầm). Vòi ấm cao, trên đỉnh vòi có vành đĩa nhỏ và dẹt.

+ Trên các đồ gốm, cư dân khắc hoa văn rất đa dạng: vòi bình ở Cạnh Đền được nặn thành hình con ngỗng, vòi bình ở Hậu Giang nặn hình người, mảnh gốm ở Kiên Giang có đắp nổi hình thiếu nữ đang ngồi đàn.

- Nghề thủ công rất đa dạng và phong phú, nổi bật là nghề làm đồ trang sức (vàng, bạc, ngọc) và các chế phẩm bằng thiếc: chuông, lục lạc, gương, vòng, nhẫn, dây chuyền, hoa tai; "nồi" làm đồ trang sức (tập 2 của sách Malleret). Ở tập 3 thì Malleret phát hiện thêm hạt chuỗi vòng, vật trang sức và đính quần áo, nhẫn hình dây. Ông còn tìm ra các loại thủy tinh khác nhau: trắng và nhiều màu, hình hạt tròn, hình ống, hình trụ có cạnh, 6 cạnh, khoan lỗ (tập 3, tr. 243 - 275)

- Nghề khắc chữ trên vật ở Phù Nam hưng thịnh: tập 2 của Malleret ghi nhận có những vật có khắc chữ (tr. 335). Thống kê chung cho biết: có 36 mặt ngọc có khắc chữ Brahmi, chữ Sankrit; 3 vật gốm có khắc chữ Phạn; hai chữ Hán trên mảnh gương; một chữ Mã Lai cổ trên thẻ đeo bằng thủy tinh hồng

- Nghề chạm khắc trên đá phát triển: tập 3 của Malleret (1962) có ghi nhận chạm khắc trên đá quý (tr. 275 - 307). Ngoài ra có nghề khắc trên vàng, hình người và thần trên lá vàng như: hình người khắc trên lá vàng; hình tu sĩ mình trần ngồi thiền (hay đứng) ở Nền Chùa. Khắc tường mình người đầu thú ở Đá Nổi

c. Thương nghiệp

* Sự xuất hiện các thành thị lớn:

- Các nhà khảo cổ phát hiện ba thành thị lớn là Óc Eo (Ba Thê, Kiên Giang), Nền Chùa (Rạch Giá, Kiên Giang; còn gọi là Takeo hay Nền Vua), Trăm Phố (huyện Hồng Dân, Cà Mau). Khác với các thành thị của người Môn và Thái ở hạ lưu Chao Phraya như Uthong, Lopburi được xây trên nền đất cao, các thành thị của Phù Nam được xây dọc bờ các con kênh và ngập nước tới 6 tháng một năm. Ba thành thị Phù Nam này có mặt bằng rộng, mỗi chiều khoảng 1.000m.

- Các thành thị này cách nhau gần 20km và nối với nhau bằng kênh rạch. Cả ba thành thị này đều ra được biển với khoảng cách từ 2 đến 10km, cùng nối với kênh Ba Thê - Châu Đốc thẳng tắp dài đến 100km. Từ Châu Đốc có năm con kênh nữa đi về kinh đô Angkor Borei của Phù Nam.

* Hoạt động buôn bán:

- Hệ thống giao thông rất phát triển:

+ Theo khảo sát, các con kênh này được đào sâu và đáy cảng thị sâu đến 8 mét, đủ cho tàu neo đậu

+ Các kênh đào:

- Kênh đào thẳng tắp, dài 89 km từ Angkor Borei về gần Đá Nổi, cách Ba Thê 3 km về phía tây nam. Tại cầu sắt 13 thuộc huyện Tri Tôn (gần kinh đô Ba Thê) thì sông đào này trổ một nhánh về phía tây (nhánh này hiện nay gọi là kênh Cây Me) dài 28 km, đến thành cổ Sdachao (thành này ở vịnh cổ Tám Ngàn, bên trong Thất Sơn) thì sông đào rẽ thành 4 nhánh theo kiều nan quạt chạy đến và tụ lại vào một hào nước rộng và sâu trung bình đến 7 mét ở cửa ngõ thành phố Ba Thê. Các khảo sát ban đầu ở các đường nước cổ cho thấy sông đào Phù Nam chỉ sâu 2 - 3 m nhưng khá rộng; cá biệt đoạn sông đào Ba Thê - Sdachao có các kênh nước sâu, các kênh nhỏ xếp hình nan quạt. Nhánh còn lại có lẽ chảy về Thoại Giang, Giồng Cát; từ Giồng Cát thì sông đào này có tên là Lung Lớn (chảy từ Giồng Cát đến Nền Chùa (ở tây bắc Rạch Giá), dài 11 km). Phía đông thì Lung Lớn nối với Long Xuyên để ra sông Hậu; phía tây Lung Lớn bẻ thành 9 dòng kênh đào nối vào phía đông kinh thành Ba Thê và tạo nên thương cảng Óc Eo.

Với hệ thống kênh đào này thì kinh thành Óc Eo chia thành hai vùng:

# Khu phía đông kinh thành Ba Thê là các bến nước nằm dọc bờ kênh - tức các chợ nổi (Phụng Hiệp, Cái Răng) nơi các ghe xuồng lui tới trao đổi với cư dân Phù Nam; cũng là nơi cấp lương thực nuôi vua quan, đạo sĩ, binh lính, thương nhân, thị dân (hay công nhân ??/). Các kho hàng và xưởng luyện vàng, chế tác thủy tinh tập trung phía sau hào nước vốn là cửa ngõ chính của mỗi đô thị

# Khu phía nam là nơi neo đậu của tàu viễn dương để trao đổi hàng hóa

- Tại các con kênh này, cư dân tạo lập các phố và chợ trên sông mà các khai quật của Malleret và những năm gần đây ra các hiện vật bằng gốm, đồ gỗ phản ánh cuộc sống trên thuyền.

Buôn bán phát triển dẫn tới sử dụng các phương tiện, vật dụng lưu thông hàng hóa: Malleret tìm thấy quả cân (tập 2, tr.343), con dấu (tập 2, tr. 333 và tập 3, tr.109). Về tiền tệ (tập 2, tr. 333 và tập 3, tr. 134 của sách Malleret), Malleret tìm thêm 9 đồng tiền ở Óc Eo, 4 đồng ở nam Thái Lan và 4 đồng nữa ở Myanmar...và tất cả đều làm bằng bạc. Đồng bạc đúc nổi hình con ốc tù và (tượng trưng Vusnu), hình tia sáng Mặt Trời và hình cửa võng. Ngoài ra cũng tìm thấy mảnh 1/4, 1/8 đồng tiền, có lẽ dùng để buôn bán lặt vặt. Sau thời Malleret, các nhà khảo cổ tìm thấy được nhiều đồng tiền mới (kể cả đồng tiền khắc chữ): sau 1975, các nhà khảo cổ học Việt Nam tìm thấy 12 đồng ở Kiên Giang (Nền Chùa, Đá Nổi, Kè Một) và Gò Hàng (Long An) đúc hình voi, mặt người và hoa 8 cánh, bằng chì. Đến sau 1980, các nhà khảo cổ học Thái Lan đào ra được 5 đồng tiền, đúc hình con bò, cái bắp chân, chữ Pallava... Đồng bạc Phù Nam phát tán rộng từ Đông Dương qua Hongkong, đến tận các quốc gia hải đảo. Đồng bạc Phù Nam kiểm soát hệ thống thương trường Đông Nam Á trong thời gian dài, đến nỗi khi có đợt biển tiến vào năm 650 sau khi Phù Nam tan rã không lâu thì các nước Dvaravati, Sri Vijaya và Haripunjaya vẫn sản xuất đồng bạc theo cách Phù Nam

- Về thuyền đi biển, cư dân Phù Nam dùng các hải thuyền (Kolandia) có lực dãn nước đến 300 lần, từ biển Ấn Độ Dương vào cảng Óc Eo, theo kênh sang sông Hậu để ra Biển Đông, qua TQ và ngược lại. Chu Ứng trong Chuyện lạ ở phương Nam mô tả các con tàu Phù Nam đủ lớn chở hàng trăm người với 40 - 50 tay chèo. Tàu có 4 cột buồm với các cánh buồm năm nghiên rộng khoảng 10 bộ. Hoạt động thương thuyền rất quy củ: Chu Ứng viết rằng các chủ tàu Phù Nam chỉ nhận tiền công khi thuyền của họ đến nơi đúng hẹn. Khang Thái và Chu Ứng đến Phù Nam cũng mô tả thuyền của Phù Nam trong một tài liệu khác như sau: con tàu Phù Nam dài 20 bộ (40 mét), nổi cao trên mặt nước từ 2 đến 3 bộ (5 - 7 m) và có khả năng chở đến 700 người.

- Ở các cảng thị thuộc Óc Eo (Malleret, tập 3, tr.452), Malleret tìm thấy nhiều cái chai rất dày, cổ tròn (dung tích 5 lít) mà có người cho rằng đó là cọc tiêu cho thuyền đánh cá. Hoàng Xuân Phương khảo sát tài liệu của các lái buôn Nabat (chuyên buôn bán ở Đông Nam Á) có ghi: phía đông của hải cảng (Óc Eo) còn lại dấu vết một con sông cổ đổ vào một vịnh biển cổ, mà nền của vịnh này là một nhánh biển sâu 15 - 20 m còn để lại các cọc ám tiêu hàu biển Crassostrea Gigantissima quanh vùng núi Chóc.

Theo khảo sát, các đặc sản của Óc Eo có ở khắp nơi - phổ biến là dòng thủy tinh, một loại ngọc lựu (gọi là hessonite) và loại trầm hương của dò bầu Aquilaria crassna mà các nhà buôn Nabat gọi là "Ud" - ý chỉ văn hóa Óc Eo. Các nhà buôn Rabat có nói đến một cảng thị nữa của Óc Eo là Ri-Nai ở vùng được phỏng đoán là khoảng Vũng Tàu - Đồng Nai ngày nay.

Khang Thái và Chu Ứng trong ký sự nói rằng họ phải xuyên theo sông Sài Gòn (chỗ Rừng Sác) vào Óc Eo sau khi đi dọc bờ biển miền Trung. Khi khảo sát 11 con kênh ở kinh đô Óc Eo, Hoàng Xuân Phương cho rằng hai sứ thần này vượt qua 500 hải lý (Pelliot 1903, Coedes 1968) từ cửa biển Cần Giờ đến kinh đô Phù Nam từ 228 - 243 đã kết luận là kinh đô Óc Eo nằm sâu trong đất liền.

8. Xã hội (gồm đời sống vật chất và các tầng lớp trong xã hội)

- Khai quật ở gò M4 Đá Nổi phát hiện 165 mảnh vàng, M12 ở Gò Tháp có 400 mảnh, các nơi khác chừng 20 - 25 mảnh... Đó là những vật cúng cho các đền tháp (các trụ giới - sima) và có hình khắc khác nhau: 28 mảnh có hình thần, 7 cái có hình chim thần Garuda, 10 cái có hình trâu, 9 cái có hình ốc, 40 cái có hình hoa sen, 12 cái có hình rùa, 11 cái có hình hươu (hay ngựa), 3 cái hình rắn, 6 cái hình cá... Như vậy có thể suy ra xã hội Phù Nam có các tầng lớp sau:

+ Tầng lớp quý tộc: tìm thấy nhiều con dấu của quý tộc, đại địa chủ

+ Nông dân làm nông, trồng lúa nổi theo kiểu "gieo một năm, gặt ba năm" (Lương thư), làm lâm sản. Bằng chứng là tìm thấy nhiều bùa khắc hình người đàn bà có chửa (giúp nghề nông phát triển), thảo mộc

+ Tầng lớp thị dân chuyên buôn bán. Bằng chứng là các chiếc bùa được tìm thấy có khắc hình con bò, đinh ba (biểu tượng của Shiva), ốc (biểu tượng của Visnu)

+ Tầng lớp thương nhân buôn bán. Người ta tìm thấy nhiều bùa đeo có khắc hình chiếc thuyền đi biển

9. Văn hóa, nghệ thuật kiến trúc

a. Chữ viết:

- Người Phù Nam dùng chữ viết để chép kinh, ghi lại các hoạt động của nhà nước và các công việc giao dịch. Họ mượn các chữ Brahmi, Sankrit, chữ cổ Ấn Độ để viết. Tấn thư ghi lại: "Họ có nhiều sách và thư viện... Chữ viết của họ giống như chữ viết của người Hồ. Vua cũng đọc được những bài văn viết bằng chữ Ấn Độ, mỗi bài khoảng 300 chữ"

Người Phù Nam dùng chữ Phạn để khắc các lời chú trên đồ trang sức (dây chuyền, nhẫn) và văn bia. Phù Nam còn để lại bốn văn bia đều thuộc thế kỷ V, văn bia đầu ở Đồng Tháp Mười gồm 24 dòng, nói về hoàng tử Gunavarman chinh phục đầm lầy; bia thứ hai có 18 dòng, kể về hoàng hậu Kulaprabhavati đi làm cư sĩ; bia thứ ba có 44 dòng nói về việc hoàng tử Rudravarman kế ngôi vua cuối cùng của Phù Nam; bia cuối cùng ở Tráp Đá (An Giang) chữ bị mờ không đọc được. Ngoài ra, người Phù Nam còn viết sách trên lá cây nhưng hầu hết bị thất lạc hết

b. Phong tục tập quán:

- Cư dân Phù Nam rất tin vào ma thuật. Họ thường thể hiện bằng các bùa đeo, con dấu ở Phù Nam. Người ta tìm thấy hàng chục bùa đeo ở Óc Eo và Cần Giờ. Các bùa đeo khắc nhiều hình vẽ: động vật (bò, voi, ốc), thảo mộc (hoa lá cách điệu), người (đàn ông, đàn bà ngồi), đinh ba, bình hương hình thuyền... Hình đinh ba và con ốc biểu thị các vị thần, với mong muốn được các thần phù hộ; hình người đàn bà khỏa thân hay có chửa tượng trưng cho việc làm ăn khá, nông nghiệp phát triển và sinh sôi nảy nở

c. Phật giáo:

- Rất thịnh hành: nhà sư TQ Nghĩa Tịnh (nửa sau thế kỷ VII) ghi nhận: "Thời xưa gọi là Phù Nam... Người xưa thờ nhiều vị thiên thần. Ngoài ra Phật giáo cũng thịnh hành". Năm 484, vua Phù Nam cử nhà sư Nagasena đi sứ TQ dâng vua Nam Tế Vũ đế một tờ biểu về Phù Nam (Nam Tề thư, quyển 58, tờ 4); tờ biểu này nói nhiều về Phật, Bồ tát, khái niệm về kiếp, nghiệp, luân hồi, tam bảo. Bài minh văn Gò Tháp (được Lê Hương 1974 trích dịch) ghi nhận Phật giáo được các nhà sư truyền dạy vào nhân dân

d. Kiến trúc:

# Nhà ở của cư dân và phác lộ đời sống cư dân Phù Nam:

* Nhà sàn:

+ Ở Giồng Trôm có hai nền, một nền rộng 24*15, nền còn lại chia thành 426 ô (có lẽ là nhà dân). Malleret phát hiện một nền đất lớn ở Trăm Phố rộng 20*30m, dày đến 4m. Ở Giồng Cát phát lộ được 2 phiến đá granit lớn, rất có thể đây là dấu tích của đền tháp.

+ Năm 1982, các nhà khảo cổ phát hiện ở Nền Chùa (huyện Tân Hiệp, An Giang) dấu tích một nhà sàn (11 cọc gỗ, sàn gỗ, các vật dụng bằng gốm); đồng thời phát lộ nền móng một căn nhà lớn xây bằng gạch. Ở Định Mĩ (huyện Thoại Sơn) phát hiện hàng loạt cọc gỗ nhà sàn và nhiều vật dụng bằng gốm. Đợt khảo sát ở Ba Thê ra một nhà sàn có cọc gỗ đường kính 0,1 m, đóng sâu đến 1,4 m; đào thám sát tại đây thấy nhiều đồ gốm, hạt chuỗi, xương động vật và các vật liệu sinh hoạt => đây là nhà của người bình dân khá giả (theo Nguyễn Minh Sang)

+ Tại Phú Hòa (Đồng Tháp 1984) phát lộ một nhà sàn ra vết tích bếp lửa, mảnh nồi ám khói, mảnh đồ đựng bằng gốm tô màu, đồ phế thải bếp núc gồm xương heo, trái cây, trâu bò nhà, vỏ dừa... Ở khu mộ Đốc binh Kiều phát lộ ra dấu vết chó và trâu bò nhà, trâu bò rừng cùng các hạt lúa cổ lẫn trong gạch.

+ Tại Óc Eo, phát hiện nhiều cọc gỗ, sàn gỗ, bếp núc, con dấu, đồ trang sức, trái cây, bùa đeo. Ở Cạnh Đền phát hiện các lớp sò điệp, sọ người cổ, xương động vật, gốm và đồ trang sức. Tại Gò Hàng thấy gốm, hạt chuỗi, đá quý, đồ trang sức, tiền đồng, khuyên tai thủy tinh, xương răng động vật. Trong khi ở Gò Thành cũng có nhiều đồ gốm, thanh gỗ có gia công, than tro, xương động vật

* Nhà gạch, đền thờ:

- Ở Nền Chùa (1982) phát hiện móng của một nhà gạch (có dạng hình chữ nhật). Theo phác lộ thì vẽ được cấu trúc nhà gạch như sau: móng có nhiều đường rãnh để chịu sức nặng của tòa nhà; trên móng là phần nền chữ nhật, được xây dày đến 1,7m ở khu trung tâm của nền. Phần móng chia khu nhà gạch này thành 3 khu, có 2 hành lang riêng biệt. Tìm thêm lại thấy nhiều viên gạch bị vỡ và than tro, có tượng một linga bị vỡ theo chiều dọc... Những phát hiện này cho phép suy đoán đây là một đền thờ Balamon, thờ thần Shiva (có linga là chính); sau đền thờ là cái mộ của một người giàu có (kiến trúc mộ kiên cố, nhiều đồ gốm được chôn cùng than tro). Cũng theo khảo sát, khối lượng đá để xây dựng đền thờ này là 650m3; được kết dính bằng loại vữa (dẻo khi mát, rắn khi tiếp xúc nắng nóng)

- Ở Gò Cây Trôm (Óc Eo), phác lộ ra một nền gạch hình vuông. Nền gạch dày đến 1,6 m, có 26 ô lát gạch được đỡ bằng cát trắng, đất pha tạp chất; một cây gỗ được gia công cẩn thận => đây cũng là một đền thờ

- Ở Linh Miếu Bà (Gò Tháp, Đồng Tháp) phát hiện một nền kiến trúc gạch, nền của kiến trúc này dày đến 1,4m. Điểm đặc biệt là các đường góc được bẻ góc đến 7 lần theo hướng DN và TN. Bẻ góc này tạo ra bình đồ kiến trúc hình vuông với 14 góc, 24 cạnh dài ngắn khác nhau. Ở trung tâm của nền có hình hoa thị 8 cánh xếp bằng 8 viên gạch. Vòng theo biên móng có hàng cột giả. Gạch để xây là gạch trắng xám, gạch đỏ và gạch nâu, gạch nêm, gạch hoa văn và cả gạch có in dấu chân chó => đây có dạng một đền thờ

- Ở Gò Cây Thị (Vọng Thê, Thoại Sơn, An Giang 1944, 1999) phát hiện dấu tích nền móng (kiến trúc gạch) dạng hình chữ nhật, gồm ba cấu trúc là tiền điện, chánh điện, sàn kết nối hai phần trên (niên đại thế kỷ VI - VII)

- Ở Linh Sơn Nam (sườn đông núi Ba Thê) thấy kiến trúc có 22 cấu trúc được tạo bởi 36 đường móng bằng đá, gồm nền, sàn, hành lang, bậc thềm, cống nước. Niên đai là từ năm 40 - 880 SCN

- Kiến trúc gạch phát hiện ở Gò Tháp Mười (VI - VIII). Ở Gò Rộc Chanh có hai kiến trúc gạch nổi tiếp nhau, có linga ở hố thờ kiến trúc 1 (VII - VIII). Gò Cây Tung có kiến trúc gạch với tường móng lớn (VII - X); Lưu Cừ 2 (Trà Vinh) có sàn nền, tường móng, trụ vuông, cọc bằng đồng, trang sức và mảnh tượng đồng, bệ đá Yoni (thế kỷ I); Cây Gáo I (Đồng Nai) kiến trúc có vách ngăn, bậc thềm, cột gỗ, bệ thờ; Đồng Bơ (Đồng Nai) là đền thờ thần Visnu tay cầm con ốc, mảnh vỡ bình gốm.

# Mộ táng Óc Eo:

- Năm 1983, các nhà khảo cổ khai quật mộ cổ ở năm địa điểm của Nền Chùa; phát hiện mộ (chắc của quý tộc) có chôn 24 hiện vật - trong đó có 2 đá quý và 18 hiện vật bằng vàng. Năm 1985 khai quật ở Đá Nổi (huyện Thoại Sơn, An Giang) 7 ngôi mộ; phát hiện 5 mộ có 331 hiện vật, trong đó có 317 hiện vật bằng vàng khắc chữ và các ký tự (tổng kết của Đào Linh Côn)

- Ở Nền Chùa phát lộ 19 ngôi mộ xây theo bình đồ hình vuông, có đá bao bọc; hiện vật chôn theo là mảnh gốm và đá quý khắc hình, khắc chữ. Ở Óc Eo phát lộ một số ngôi mộ có hình dạng khác nhau: hình tháp, hình khối chữ nhật bên trong có vàng lá, thỏi đất nung, hạt chuỗi, xăng răng heo, trâu bò. Cũng ở nơi này khai quật tiếp một ngôi mộ khá lớn (phần trung tâm mộ được xếp giống một giếng vuông; ở hộc có chứa ba mảnh vàng khắc hình người, bò và 3 viên đá quý, trên hộc có dựng một tấm bia lớn. Riêng phần trung tâm là một huyệt sâu gần 4 mét). Tương tự ở Gò Tháp có lá vàng mỏng, trang sức bằng vàng, thảo mộc và động vật (Võ Sĩ Khải, Đào Linh Côn 1984). Năm 1985, Đào Linh Côn khai quạt ở Đá Nổi phát hiện 7 mộ cổ với 331 hiện vật vàng. Mộ của Phù Nam có hai loại: mộ gò và gò mộ - riêng gò mộ cầu kỳ hơn vì được đắp và xử lý rất phức tạp.

- Ở An Sơn, Lê Xuân Diệm (1978) khai quật 3 ngôi mộ có di cốt và chôn theo đồ gốm (theo Phạm Đức Mạnh 1984, các đồ gốm được đập vỡ trước khi chôn); hai trong ba ngôi mộ chôn thi hài nằm ngửa, đầu quay về hướng nam. Ở Rạch Gừng thì người chết được chôn theo tư thế nằm sấp, người hơi gập xuống, hai tay để ở giữa hai đùi và ba người chôn theo đường thẳng, đầu người sau đặt vào chân người phía trước; người chết còn đeo vòng tay và hạt chuỗi.

- Ở Đồng Nai (Phú Hòa, Hàng Gòn, Dầu Giây) tìm thấy hàng chục mộ chum; trong mộ chum có tro cốt người chết và hiện vật tùy táng. Ở 46 mộ chum ở Phú Hòa và 8 chum ở Suối Chồn đều chôn nhiều hiện vật tùy táng như đồ sắt (cuốc, lưỡi hái, rìu, kiếm), đồng (vòng tay, lục lạc), dây và hạt chuỗi bằng bạc và vàng, trang sức bằng đá quý, thủy tinh; vật dụng bằng đá (cuốc, búa, bàn mài). Ở Giồng Cá Vồ (Tp. Hồ Chí Minh) từ 1993 - 1994 khai quật hai khu mộ táng lớn gồm hàng trăm mộ chum với hàng trăm đồ tùy táng - nhiều nhất là trang sức, khuyên tai hai đầu thú.

* Theo Lương thư thì ở Phù Nam có 4 cách chôn người chết: thủy táng, hỏa tảng, điểu táng, mai táng (theo Pelliot 1903)

- Cũng ở Óc Eo, nhà khảo cổ Nguyễn Văn Long (tháng 2/1983) khảo sát và cho ra kết quả như sau:

+ Tại gò A1 (còn gọi là gò Cây Cóc) phát lộ thấy một lớp thành bằng đá hoa cương có dạng hình chữ nhật bao quanh khu mộ. Ở mặt tường phía đông thì đặt một tấm bia thờ. Phía bên trong thành thì xây một hộp vuông, ở mặt trên của hộp vuông này thì làm một lỗ vuông nhỏ - gọi là "lỗ thoát hồn" (đất sét ở lỗ này dày đến 0,4m); xung quanh thì lấy đất đá lấp lại. Mộ này không chôn theo hiện vật.

+ Tại gò A3 (còn gọi là Gò Đôi) cao hơn mặt ruộng đến 0,6m. Đáy mộ là lớp đất sét vàng, giữa chừa một cái hố hình phễu - trong hố này chứa nhiều mảnh gốm, gạch, than tro, xương động vật. Trên cái hố thì người ta làm thành một cái hộp vuông cao đến 2 mét và hộp vuông này không có hiện vật chôn theo. Cũng tại Gò Đôi 1 và 2 tìm thấy 7 mảnh vàng mỏng, 1 viên đá quý

+ Gò A5: có nền đất sét đen, trên nền đổ lớp cát mỏng và xếp gạch thành ba lớp, giữa chừa một hộp vuông (bên trong đổ đầy cát trắng). Tìm ở hộp có 1 lát vàng mỏng, 1 viên đá quý màu hồng

+ Gò A2 và A6: gò A6 có diện tích gần 100m2, gò A2 là khoảng 60m2. Riêng gò A6 có một tấm bia đá khá lớn.

- Tại một nơi khác, Lê Xuân Diệm - Đào Linh Côn khảo sát và cho ra kết quả như sau:

+ Ở Gò Tư Trâm, họ phát hiện lớp đồ gốm có màu xám, văn vạch, văn chải mịn, mảnh ngói có văn kẻ song song.... đoán định niên đại C14 là 2030+-80 => khoảng thế kỷ I TCN (chắc là: 2009 - 2030 + 80 = - 59 =? tức năm 29 TCN); phát hiện tiếp ra đồ gốm có nắp đậy (nắp đậy có quai chìm, vò bình) với niên đại C14 là 1860+-55 (chắc là: 2009 - 1860 + 55 = 215 SCN ) là thế kỷ III SCN.

+ Ở Gò Cây Me 1 có nhiều đồ gốm vỡ, di cốt động vật và phế tích một kiến trúc

+ Tại Trung Sơn có bình cổ cao, bình có vòi, cốc chân cao, nắp lõm mặt, cà ràng, ngói hình lá đề. chì lưới bằng đất nung, nhẫn bằng chì, dọi dây chì. Niên đại C14 là 1455 +- 39 (chắc là: 2009 - 1455 + 39 = 493 SCN) tức là thế kỷ V SCN.

+ Tại nam chùa Linh Sơn, phát hiện nền móng một kiến trúc mới: nó quay mặt về hướng đông; móng được gia cố bởi 25 đường đá và 11 đường gạch, tạo thành 22 bộ phận nhỏ gồm mặt nền, sân, hành lang, bậc thềm và cống thoát nước. Do niên đại C14 ra hai khung: 1990 +-50 (chắc là: 2009 - 1990 + 50 = 69 SCN, là thế kỷ I SCN) và 1070 +-50 (chắc là: 2009 - 1070 + 50 = 989 SCN, là thế kỷ X SCN)

# Các tượng cổ Óc Eo:

- Tượng Brahma: Năm 1984 tìm thấy một đầu tượng thần Brahma ở Giồng Xoài (Óc Eo) bằng sa thạch, bị vỡ nhiều chỗ

- Tượng Visnu: tượng này tìm thấy ở Đồng Nai (1977) làm bằng sa thạch, đội trang phục đẹp. Tượng cũng được tìm thấy khá nhiều ở Gò Tháp trong tình trạng không nguyên vẹn. Tượng Vishnu tìm thấy nhiều ở Óc Eo, Giồng Xoài, núi Sập, Đá Nổi, Châu Đốc, Trà Vinh, Mỹ Tho, Tây Ninh và Đồng Nai. Ở Gò Nổi, Lê Xuân Diệm tìm ra năm pho tượng Visnu khổng lồ (niên đại là thế kỷ VII - VIII)

- Tượng thần Pan (thần mục đồng) ở Vĩnh Hưng, Long An năm 1988; có dạng người thổi sáo

- Tượng hộ pháp gác đền Gò Đồn ở Bình Tả (Long An) do Lê Trung Khá tìm thấy năm 1987

- Tượng Shiva: một tượng nhỏ bằng đồng được tìm thấy ở Gò Tháp; Núi Sam và Cần Thơ

- Tượng Surya: tìm thấy ở Ba Thê

- Tượng Lashmi ở Sóc Trăng, tượng nữ thần Uma ở Vĩnh Long và Lâm Đồng

- Tượng Phật: năm 1975 tìm thấy ở Gò Cây Thị (Óc Eo) trong tư thế đứng, khoác cà sa. Năm 1985 phát hiện một tượng Phật ở Đá Nổi, niên đại là thế kỷ V. Ngoài ra, người ta tìm thấy các tượng như thế ở Kiên Giang, Vũng Tàu, Long An

- Tượng gỗ: năm 1981 tìm thấy một tượng gỗ ở sườn Gò Bà Chúa Xứ (1981, Cao Lãnh). Năm 1983 nhân dân Gò Tháp đào lên nhiều tượng gỗ, được lưu về Bảo tàng Đồng Tháp.

- Tượng con vật khác: Nguyễn Văn Long, Đào Linh Côn và Nguyễn Duy Tỳ (1976 - 1979, 1993) đào ra được tượng con heo bằng đá, tượng thú bằng đồng

- Tượng người: ở Óc Eo phát lộ tượng người nô lệ (hay kẻ tôi đòi, hoặc đi ăn xin). Năm 1959, O. Janse tìm thấy tượng người nhảy múa ở Trà Vinh. Ở Tp. Hồ Chí Minh (góc Lê Hồng Phong - Trần Hưng Đạo, Malleret tìm thấy tượng đồng một người đang quỳ gối, hay tay nâng cái chậu quá lớn và đầu đội mũ chóp. Năm 1991 tại Chùa Gò (TPHCM) tìm thấy hai đầu người bằng đất nung còn nguyên vẹn, khuôn mặt phúc hậu (báo cáo của Đoàn Thanh Hương, Lê Trung Khá, Lê Trung Văn 1991)

Nguồn:

1. Lương Ninh, Lịch sử Đông Nam Á, Nxb Giáo dục, 2005

2. Lương Ninh, Một con đường sử học, Nxb DHSP, 2006

3. Malleret, Khảo cổ học đồng bằng sông Cửu Long (tiếng Pháp), tập 1 - 3 (đã có bản dịch trích lược), 1960

4. Tùy thư, quyển 82, tờ 2

5. Dupont, Sự giải thể của Chân Lạp (tiếng Pháp), in trong Tạp san trường Viễn Đông Bác Cổ, 1946

6. P. Pelliot, Nước Phù Nam (tiếng Pháp), in trong Tạp san trường Viễn Đông Bác Cổ, tập 3.

7. Jeanne Leuba, Người Chàm và nghệ thuật của họ (tiếng Pháp), Paris et Brussel, 1923

8. G. Coedès, 'Deux inscriptions sankrites du Fou-nan", BEFEO, 1923, tập 31; Les Etats hindouises d'indochine et d'Indonesie Boccard, Paris, 1948

9. Võ Sĩ Khải, "Đất Gia Định từ tk VII đến XVII" trong Địa chí văn hóa TpHCM, 1987, tr. 115

10. Nguyễn Quang Quyền, "Thông báo về các sọ cổ thuộc văn hóa Óc Eo mới tìm thấy thuộc hai di chỉ ở Hậu Giang và Kiên Giang", Tạp chí Khoa học xã hội, số 5/1990.

11. Nguyễn Lân Cường, "Nghiên cứu những di cốt người cổ ở hai địa điểm Giồng Phệt và Giồng Cá Vồ (huyện Cần Giờ, Tp.HCM), Khảo cổ học, số 2/1995

12. Hoàng Xuân Phương, "Địa lịch sử quần thể văn hóa Ba Thê - Óc Eo", trích từ sách Ban quản lý di tích văn hóa Óc Eo và Viện văn hóa nghệ thuật quốc gia (2016), Di sản văn hóa Óc Eo Ba Thê tỉnh An Giang, Nxb Văn hóa dân tộc.

13. GS Hà Văn Tấn, "Phù Nam và Óc Eo: Ở đâu, khi nào và ai ?", Kỷ yếu Hội thảo khoa học tháng 2/1996

14. Cao Xuân Phổ, "Óc Eo trong sự phát triển thương mại ở Đông Nam Á", Hội thảo về văn hóa Óc Eo ở An Giang 1984

15. O.W.Wolters, Early Indonesian Commerce, a Study of Origin of Srivijaya, New York, 1967

16. P.C.E. Bouillevaux, Du lịch ở Đông Dương (chữ Pháp), 1858, Paris

17. A. de Quatrefages, Báo cáo về cuộc du lịch khám phá của tiến sĩ Harmand (chữ Pháp), Paris, 1876

18. Solange Thierry, Người Khmer (chữ Pháp), Paris, 1964, p. 51 - 64

19. G. Ferrand, Bốn bản minh văn Malayo - Sankrit ở Sumatra và Banka (chữ Pháp), J.A, 1932.

20. L. Finot, Bi ký ở Xiêm và bán đảo Mã Lai (chữ Pháp), Paris, 1910

21. Lương Ninh, "Óc Eo và Phù Nam" , trích từ sách Ban quản lý di tích văn hóa Óc Eo và Viện văn hóa nghệ thuật quốc gia (2016), Di sản văn hóa Óc Eo Ba Thê tỉnh An Giang, Nxb Văn hóa dân tộc.