CUỘC CHIẾN TRANH BẢO VỆ TỔ QUỐC Ở VÙNG BIÊN GIỚI PHÍA BẮC ĐẦU NĂM 1979: Những nội dung và phương pháp thể hiện trong giáo dục lịch sử ở nhà trường phổ thông

CUỘC CHIẾN TRANH BẢO VỆ TỔ QUỐC Ở VÙNG BIÊN GIỚI PHÍA BẮC ĐẦU NĂM 1979: Những nội dung và phương pháp thể hiện trong giáo dục lịch sử ở nhà trường phổ thông

GS.TS. Phạm Hồng Tung

Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển,

Đại học Quốc gia Hà Nội

1. Chiến tranh trong lịch sử nhân loại

Chiến tranh tuy là hiện tượng bất thường trong lịch sử nhân loại, nhưng lại xảy ra trong tất cả các thời gian lịch sử và tất cả các không gian địa lý. Dân tộc, quốc gia nào cũng từng trải qua một hay nhiều cuộc chiến tranh. Xét về bản chất – nói như Carl von Clausewitz, thì: “Chiến tranh không đơn thuần là một hành vi chính trị, nhưng cũng chính là một công cụ chính trị thực tiễn, là sự tiếp nối của chính trị, được tiến hành bởi chính những chủ thể chính trị đó nhưng bằng những phương tiện khác”. Như vậy, chiến tranh không bao giờ có mục đích tự thân, mà luôn luôn là một phương thức để người ta hiện thực hóa các ý đồ chính trị và đạt được những mục tiêu chính trị xác định nào đó.

Đó là bản chất chính trị của chiến tranh. Tuy nhiên, chiến tranh cũng được phân chia thành nhiều loại khác nhau: “chiến tranh chính nghĩa” hay “chiến tranh phi nghĩa”; “chiến tranh xâm lược” hay “chiến tranh bảo vệ Tổ quốc” (kháng chiến); “chiến tranh chống ngoại xâm” hay “nội chiến”. Tùy vào quy mô và hình thái diễn biến của chiến tranh, người ta còn phân loại hay định dạng chiến tranh theo những tiêu chí và phương diện khác nhau, như “chiến tranh thế giới”, “chiến tranh khu vực” hay “chiến tranh cục bộ”. Tùy thuộc vào phương lược và cách thức tổ chức cuộc chiến, người ta cũng có thể phân biệt chiến tranh thành “chiến tranh quy ước”, “chiến tranh tiêu hao”, “chiến tranh du kích”, “chiến tranh nhân dân” hay “chiến tranh tổng lực”. Tùy thuộc vào chủng loại vũ khí được sử dụng, người ta cũng có thể phân chia thành “chiến tranh thông thường” hay “chiến tranh hạt nhân” hoặc “chiến tranh công nghệ cao” vv… Ở đây, chúng tôi không muốn đi sâu vào việc phân loại và định nghĩa về từng loại hình chiến tranh, mà chỉ muốn nhấn mạnh rằng: tuy luôn có bản chất chính trị xác định, song, trong thực tế lịch sử, chiến tranh có thể mang những hình thức, trải qua nhiều hình thái diễn biến rất khác nhau, với những tính chất và ý nghĩa lịch sử cụ thể không giống nhau.

Cuộc chiến tranh nào cũng bắt nguồn từ những nguyên nhân cụ thể nào đó. Có những nguyên nhân sâu xa, có những nguyên nhân trực tiếp. Những nguyên nhân này tựu chung lại, luôn bắt nguồn từ những xung đột lợi ích giữa các bên tham chiến. Khi các xung đột này phát triển đến đỉnh điểm và khiến cho người ta không thể giải quyết được bằng những phương thức khác thì phương thức bạo lực được lựa chọn – và đó chính là con đường dẫn tới chiến tranh – hay cũng chính là cái cách mà chiến tranh “tiếp nối” chính trị.

Dù có bản chất chính trị thế nào, bắt nguồn từ nguyên nhân gì và diễn ra trong những hình thức ra sao, thì tất cả các cuộc chiến tranh đều đưa lại những tổn thất, đau thương cho nhân loại. Những sinh mạng bị cướp đi, những tài sản, cảnh quan, môi trường bị tàn phá, thậm chí cả những giá trị và niềm tin cũng bị hủy hoại, những di chứng đau thương để lại với biết bao hậu quả nặng nề. Cho nên, chiến tranh luôn là kẻ thù của hòa bình. Mỗi cuộc chiến nổ ra là một thất bại của loài người trong nỗ lực chung sống hòa bình với nhau trên bề mặt hành tinh này. Vì vậy, trong suốt chiều dài lịch sử, nhân loại luôn đề cao khát vọng hòa bình, tìm cách kìm chế và loại bỏ chiến tranh, bảo vệ hòa bình. Được chung sống trong hòa bình là khát vọng chính đáng, mang bản chất nhân văn, nhân bản sâu sắc. Vì vậy, ngay cả khi buộc phải tiến hành những cuộc chiến tranh chính nghĩa thì mục tiêu tối hậu của chiến tranh cũng là hòa bình – đương nhiên, không phải là hòa bình bằng bất cứ giá nào và trong bất kỳ hình thức nào.

2. Phương châm giáo dục về lịch sử chiến tranh trong giáo dục lịch sử ở nhà trường phổ thông

Trong nhà trường phổ thông (ở Việt Nam cũng như ở hầu hết các nước trên thế giới), giáo dục lịch sử phải hướng tới việc đạt được hai mục tiêu cơ bản:

Thứ nhất, giúp học sinh có được nhận thức khoa học về lịch sử, tức là phải giúp học sinh biết cách tìm hiểu lịch sử, nhận thức được lịch sử một cách khách quan, trung thực, toàn diện và cụ thể phù hợp với điều kiện, đặc điểm về tâm lý, năng lực của từng lớp, từng cấp học.

Thứ hai, giúp học sinh hình thành được những phẩm chất tốt đẹp, thái độ và tình cảm lành mạnh, tích cực, từng bước hoàn thiện nhân cách của các em.

Đạt được hai yêu cầu cơ bản nói trên, học sinh sẽ có năng lực để tham gia vào hoạt động thực tiễn nhằm góp phần củng cố, gìn giữ hòa bình, xây dựng xã hội nhân văn, nhân bản, tiến bộ.

Hai yêu cầu cơ bản nói trên của giáo dục lịch sử trong nhà trường xác lập những nguyên tắc và cách thức phổ quát đối với việc giảng dạy về lịch sử các cuộc chiến tranh trong nhà trường phổ thông ở Việt Nam cũng như ở các nước khác trên thế giới.

Thứ nhất, phải quán triệt quan điểm nhân văn, nhân bản trong giảng dạy và học tập về lịch sử chiến tranh. Chiến tranh đã được sản sinh ra từ những mâu thuẫn, những xung đột và những hận thù trong quá khứ. Nếu giảng dạy và học tập không đúng thì việc dạy và học về các cuộc chiến trong quá khứ sẽ làm thức dậy những hận thù trong quá khứ, bị lợi dụng để khơi sâu thêm những bất đồng, xung đột trong hiện tại, và do đó sẽ góp phần sinh ra hoặc khuếch đại những bất đồng, mâu thuẫn, hận thù trong hiện tại và trong tương lai. Đây thực sự là hiện tượng phản giáo dục, phản nhân văn. Do vậy, việc dạy và học về lịch sử chiến tranh phải xác định rõ mục đích là để hướng tới hòa bình, bồi dưỡng khát vọng hòa bình, hướng tới hòa giải lịch sử (historical reconciliation) và từng bước hóa giải những hận thù trong quá khứ cũng như trong hiện tại và tương lai.

Thứ hai, phải quán triệt quan điểm khách quan, trung thực. Đây là những nguyên tắc, quan điểm nền tảng của sử học. Nhận thức khoa học, thái độ tích cực, niềm tin và sự say mê, yêu thích lịch sử của học sinh chỉ có thể dựa trên cơ sở của việc nắm được và hiểu đúng sự thật lịch sử. Mọi sự cố tình che giấu (cover-up), xuyên tạc (distortion) hay áp đặt trong nhận thức lịch sử đều phản khoa học và không thể là cơ sở bền vững cho những năng lực, niềm tin và thái độ tích cực của người học sử.

Theo nguyên tắc trung thực, giáo dục lịch sử trong nhà trường phải giúp học sinh hình thành thái độ tôn trọng sự thực, không né tránh, che giấu sự thực lịch sử, không cố tình xuyên tạc hoặc bóp méo khi trình bày về sự thực lịch sử.

Nguyên tắc khách quan đòi hỏi giáo dục lịch sử trong nhà trường phải hướng dẫn các em tiếp cận và nhìn nhận các sự kiện, quá trình và nhân vật lịch sử từ những góc độ và chiều cạnh khác nhau (multi-perspective approach), hướng các em tới việc nhìn nhận, đánh giá những sự thực lịch sử một cách toàn diện, lịch sử và cụ thể, tránh cách nhìn phiến diện, một chiều, phi lịch sử. Đồng thời, nguyên tắc này cũng đòi hỏi tính chất thực chứng trong tìm hiểu, học tập lịch sử, tức là mỗi sự trình bày hay nhận định đều phải dựa trên những luận cứ sử liệu vững chắc; các nguồn thông tin sử liệu phải xác tín.

Đương nhiên, trong thực tế, việc vận dụng hai nguyên tắc nói trên vào việc nghiên cứu và giáo dục lịch sử trong nhà trường không phải khi nào cũng trọn vẹn và triệt để. Bản thân các nhà sử học, các nhà giáo dục và các em học sinh, ở Việt Nam hay ở nước nào cũng vậy, xưa nay đều là những con người sinh sống và ứng xử trong những môi trường và hoàn cảnh cụ thể nào đó. Johann Martin Chladenius, nhà sử học nổi tiếng người Đức, một trong những người sáng lập môn Văn bản học và thuộc trường phái đề cao sự khách quan tuyệt đối của sử học phương Tây trong Kỷ nguyên Ánh sáng, cũng đã phải thừa nhận: “Những ai đòi hỏi rằng người viết sử phải tự đặt mình vào vị thế của một người không tôn giáo, không tổ quốc, không gia đình, thì đó hẳn là một sai lầm lớn, vì người ta đã không biết rằng mình đang đòi hỏi những điều không thể.” Vì vậy, sử học nói chung và giáo dục lịch sử nói riêng chỉ có thể đặt mục tiêu là hướng con người, nhất là giới trẻ, từng bước đến với những giá trị nhân văn, nhân bản, tiến bộ, vượt qua những định kiến, kỳ thị, sai lầm và hận thù của quá khứ để chung tay xây dựng một thế giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.

Việc vận dụng nguyên tắc khách quan, trung thực trong nghiên cứu và giáo dục lịch sử tự nó cũng có những giới hạn khách quan. Sự thực là không bao giờ các nhà sử học có thể tái hiện một cách toàn vẹn các sự kiện, quá trình và nhân vật lịch sử, bởi họ không bao giờ có thể thu thập được hoàn toàn đầy đủ các thông tin sử liệu có liên quan. Do bị hạn chế bởi trình độ, năng lực của bản thân, các phương tiện và phương pháp nghiên cứu và bởi cả yêu cầu nhận thức lịch sử của thời đại mà họ đang sinh sống, nhà sử học chỉ có thể tiệm cận và trình bày những “phiên bản” khác nhau của sự thực lịch sử mà thôi. Vì lẽ này mà nhà sử học nổi tiếng Edward Hallett Carr đã từng nói sử học “là cuộc đối thoại không bao giờ dứt giữa hiện tại và quá khứ”.

Vì vậy, dẫu cho nhà sử học có luôn luôn cố gắng khách quan, trung thực thì họ cũng chỉ có thể khách quan, trung thực trong những giới hạn nhất định. Giáo dục lịch sử chiến tranh trong nhà trường cũng trong điều kiện tương tự như vậy.

3. Về việc trình bày và giảng dạy, học tập về các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới Tây Nam, vùng biên giới phía Bắc trong chương trình và sách giáo khoa lịch sử hiện hành

Cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới Bắc (17/2/1979 – 18/3/1979) và cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia ở vùng biên giới phía Bắc và ở Biển Đông (1979-1991) là những quá trình lịch sử hoàn toàn có thật, có ý nghĩa rất quan trọng trong lịch sử Việt Nam hiện đại. Tuy nhiên, cũng giống như lịch sử cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới phía Tây Nam (1975 – 1978), các quá trình lịch sử này cho tới nay còn chưa được nghiên cứu và trình bày đầy đủ trên các diễn đàn công khai ở Việt Nam, đặc biệt là trong nội dung giáo dục lịch sử trong nhà trường phổ thông các cấp.

Trong sách giáo khoa lịch sử hiện hành (bản in năm 2018 của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam), lịch sử cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới Tây Nam được trình bày ở cuốn Lịch sử 12, tại mục II “Đấu tranh bảo vệ Tổ quốc (1975-1979)” của Bài 25 “Xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh bảo vệ Tổ quốc (1976-1986)”. Với dung lượng 3 đoạn (paragraph), 6 câu, 13 dòng, toàn văn nội dung này như sau:

“- Bảo vệ biên giới Tây Nam: Do có âm mưu từ trước, ngay sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước, tập đoàn “Khơme đỏ” ở Campuchia do Pôn Pốt cầm đầu đã mở những cuộc hành quân khiêu khích, xâm phạm nhiều vùng lãnh thổ nước ta từ Hà Tiên đến Tây Ninh. Đầu tháng 5 – 1975, chúng cho quân đổ bộ đánh chiếm đảo Phú Quốc; sau đó đánh chiếm đảo Thổ Chu.

Ngày 22 – 12 – 1978, chúng huy động 19 sư đoàn bộ binh cùng với nhiều đơn vị pháo binh, xe tăng tiến đánh Tây Ninh, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lấn biên giới Tây Nam nước ta.

Thực hiện quyền tự vệ chính đáng, quân ta tổ chức cuộc phản công tiêu diệt và quét sạch quân xâm lược ra khỏi nước ta. Theo yêu cầu của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, quân đội Việt Nam cùng với lực lượng cách mạng Campuchia tiến công, xóa bỏ chế độ diệt chủng Pôn Pốt. Ngày 7 tháng 1 năm 1979, Thủ đô Phnôm Pênh được giải phóng.”

Cũng trong mục này, lịch sử cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới phía Bắc được đề cập đến với dung lượng 2 đoạn (paragraph) gồm 4 câu, 11 dòng, cụ thể như sau:

“- Bảo vệ biên giới phía Bắc: Hành động thù địch chống Việt Nam của tập đoàn Pôn Pốt được một số nhà lãnh đạo Trung Quốc lúc đó đồng tình ủng hộ. Họ còn có những hành động làm tổn hại đến tình hữu nghị của nhân dân hai nước như: cho quân khiêu khích dọc biên giới, dựng nên sự kiện “nạn kiều”, cắt viện trợ, rút chuyên gia. Nghiêm trọng hơn, sáng ngày 17 – 2 – 1979, quân đội Trung Quốc huy động 32 sư đoàn mở cuộc tấn công dọc biên giới nước ta từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Phong Thổ (Lai Châu).

Để bảo vệ lãnh thổ Tổ quốc, quân dân ta, trực tiếp là quân dân sáu tỉnh biên giới phía Bắc, đã đứng lên chiến đấu. Đến ngày 18 – 3 – 1979, quân Trung Quốc rút khỏi nước ta.”

Trong khi đó, toàn bộ quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia ở vùng biên giới phía Bắc và ở Biển Đông hầu như không hề được đề cập đến.

Điều đáng nói là: trong những bản in trước đó gần 20 năm, dung lượng và mức độ chi tiết của Sách giáo khoa lịch sử lớp 12 dành cho cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới Tây Nam lớn hơn khá nhiều. Chẳng hạn, trong sách Lịch sử 12, tập hai do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn và phát hành năm 2001, nội dung dành cho cuộc chiến tranh ở vùng biên giới Tây Nam chiếm khoảng gần 2 trang sách với 7 đoạn (paragraph) gồm 35 dòng, nhiều hơn gấp đôi dung lượng có trong sách Lịch sử 12, bản in năm 2018.

Trong bản in năm 2001, việc trình bày về lịch sử cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới phía Bắc cũng khá ngắn gọn, rất sơ lược, nhưng cũng đầy đủ, chi tiết hơn bản in năm 2018, với 3 đoạn (paragraph), gồm 24 dòng.

Đáng chú ý là ngay trong bản in năm 2001, lịch sử hai cuộc chiến tranh này đã được trình bày trong mối liên hệ gắn bó với nhau và với cả việc bình thường hóa, khôi phục “tình cảm láng giềng thân thiết, tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác vốn có từ lâu giữa Việt Nam – Trung Quốc, Việt Nam – Camphuchia, với tinh thần: “Cùng nhau xóa bỏ định kiến, mặc cảm, hướng tới tương lai”” cũng được nhắc đến.

Có thể thấy, việc trình bày về lịch sử cả hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở các vùng biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc (1975-1979) và cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc từ sau năm 1975 đến nay là quá sơ lược, không tương xứng với vị trí và ý nghĩa của những quá trình lịch sử đó trong lịch sử hiện đại Việt Nam; không đáp ứng được nhu cầu nhận thức và càng không đáp ứng được yêu cầu phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh Việt Nam. Hơn nữa, dù chỉ trong một số đoạn văn ngắn vừa được trích dẫn ở trên cũng đã lộ ra một số lỗi, sai sót cả về nội dung lịch sử và hình thức trình bày, diễn đạt.

Hơn nữa, trong khoảng gần 20 năm qua, xu hướng chung của việc giảng dạy và cung cấp thông tin cho học sinh phổ thông về các quá trình lịch sử này lại càng ngày càng có chiều hướng cắt giảm, sơ lược hóa. Mặt khác, thực hiện chủ trương “giảm tải” của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong những năm gần đây, những nội dung lịch sử nói trên đã được chỉ đạo “cắt giảm” một cách cơ học hoàn toàn khỏi nội dung giáo dục lịch sử trong nhà trường.

Đây là một thực tế đã được nhiều nhà giáo, nhà khoa học chỉ ra là hoàn toàn không đúng, không thể tiếp tục được chấp nhận.

Chính vì vậy, trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, nội dung giáo dục lịch sử này sẽ được đổi mới khá căn bản, toàn diện và cẩn trọng.

4. Cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới phía Bắc trong chương trình giáo dục lịch sử phổ thông mới

Trước hết, xin thông tin vắn tắt về toàn bộ nội dung giáo dục lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Ở cấp Tiểu học, giáo dục lịch sử nằm trong môn học tích hợp Lịch sử và Địa lí, bắt đầu được tổ chức dạy và học ở các lớp 4 và 5. Mục đích cơ bản của giáo dục lịch sử ở cấp học này là tạo điều kiện để học sinh làm quen với lịch sử, có tình yêu và sự say mê đối với lịch sử dân tộc và lịch sử nhân loại, nắm được những kiến thức sơ giản nhất về lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới, trên cơ sở đó bước đầu hình thành và phát triển những năng lực và phẩm chất cốt lõi.

Để phù hợp với đặc điểm tâm lí lứa tuổi của học sinh tiểu học, trong Chương trình môn học Lịch sử và Địa lí mới, thay vì giới thiệu và yêu cầu học sinh ghi nhớ máy móc phiên bản tóm lược của lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới, chúng tôi lựa chọn trong từng giai đoạn lịch sử những “điểm nhấn” quan trọng, giúp các em tìm hiểu chúng thông qua những chuyện kể lịch sử, truyền thuyết hoặc những di tích, di sản, hiện vật lịch sử tiêu biểu. Với cách tiếp cận này, các vấn đề liên quan đến hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới Tây Nam và vùng biên giới phía Bắc chưa được đề cập đến.

Ở cấp Trung học cơ sở, nội dung giáo dục lịch sử cũng nằm trong môn học tích hợp Lịch sử và Địa lí, được tổ chức dạy và học tử lớp 6 đến lớp 9, trong đó, hai mạch nội dung lịch sử và địa lý được tổ chức như những phân môn tương đối độc lập, cùng với 4 chủ đề tích hợp cao về lịch sử đô thị, phát kiến địa lý, các châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Ở cấp học này, nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của giáo dục lịch sử là giúp học sinh có được kiến thức thông sử (cơ bản, cốt lõi, hệ thống) của Việt Nam, khu vực Đông Nam Á và thế giới. Do vậy, nội dung về hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở các vùng biên giới Tây Nam và phía Bắc sẽ được trình bày ở Lớp 9, trong mạch nội dung “Việt Nam trong những năm 1976 – 1991”. Đây cũng là nơi nội dung lịch sử của cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải và lợi ích quốc ở vùng biên giới phía Bắc và ở Biển Đông được trình bày. Với tính chất của một nội dung thông sử, vấn đề này cũng sẽ chỉ được trình bày ở mức tóm lược những nguyên nhân và diễn biến, chủ yếu làm rõ vị trí và ý nghĩa của chúng trong diễn trình lịch sử dân tộc.

Ở cấp Trung học phổ thông, Lịch sử được tổ chức dạy và học với tính cách là một môn học độc lập. Các nội dung giáo dục sẽ được tổ chức thành những chủ đề và chuyên đề. Lịch sử hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở các vùng biên giới Tây Nam và phía Bắc sẽ tiếp tục được trình bày trong khuôn khổ của chủ đề “Cách mạng tháng Tám năm 1945, chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong lịch sử Việt Nam (từ tháng 8 năm 1945 đến nay)”. Chủ đề này sẽ được tổ chức dạy và học ở lớp 12. Như vậy, lịch sử hai cuộc chiến tranh này được đặt trong một mạch nội dung cùng với cuộc Cách mạng tháng Tám, cuộc Kháng chiến chống thực dân Pháp và cuộc Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Cách đặt vấn đề như vậy sẽ giúp cho việc tìm hiểu về các cuộc chiến tranh này được đặt trên một hệ quy chiếu lịch sử đồng nhất là lịch sử quân sự - lịch sử kháng chiến và chiến tranh chống ngoại xâm. Theo cách này, việc tìm hiểu lịch sử các cuộc chiến tranh của học sinh sẽ thuận lợi hơn, sâu sắc hơn, đồng thời cũng tránh được bất kỳ sự can thiệp nào vào nội dung của chương trình giáo dục lịch sử nhân danh “vấn đề nhạy cảm.”

Tương tự, lịch sử cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải và lợi ích quốc gia ở vùng biên giới phía Bắc và ở Biển Đông sẽ được trình bày kĩ hơn trong ba chủ đề: “Lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông” (lớp 11) và “Công cuộc Đổi mới ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay” và “Lịch sử quan hệ đối ngoại Việt Nam” (lớp 12). Khi đặt vấn đề khá “nhạy cảm” này vào trong nội dung của các chủ đề như trên, vấn đề sẽ được xem xét trong cái nhìn toàn diện, hệ thống, vừa sâu sắc, toàn diện hơn, và vì vậy, không ai còn có thể ngại ngùng về tính “nhạy cảm” của nó nữa.

Với cách thức cấu trúc nội dung như vậy, lịch sử các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (bao gồm cả Kháng chiến chống thực dân Pháp, Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, và các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở các vùng biên giới Tây Nam và phía Bắc) sẽ được đề cập đến ít nhất là hai lần ở cấp THCS và THPT với mức độ và cách tiếp cận khác nhau. Riêng vấn đề đấu tranh bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia từ sau năm 1979 được đề cập đến ít nhất là 3 lần trong 3 chủ đề khác nhau.

5. Một số vấn đề cần chú ý trong biên soạn sách giáo khoa và các học liệu khác phục vụ việc tìm hiểu về lịch sử cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới phía Bắc

5.1. Mấy vấn đề chung

Thứ nhất, cần chú ý rằng phương pháp giáo dục lịch sử trong trường phổ thông đã thay đổi, chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực, cho nên phải tránh sa đà vào việc trình bày diễn biến, yêu cầu học sinh học thuộc lòng, ghi nhớ máy móc diễn biến, số liệu vv… Trái lại, cần tập trung vào việc giúp học sinh nắm được phương pháp tìm hiểu về sự kiện, phân tích, đánh giá sự kiện và quá trình lịch sử. Theo đó, chỉ cần trình bày tóm tắt các diễn biến chính, nhưng hướng dẫn học sinh thu thập, phê phán sử liệu có liên quan, phân tích làm rõ nguyên nhân, tính chất, vị trí và ý nghĩa (tác động) của cuộc chiến tranh này.

Thứ hai, phải đặc biệt chú ý đến bản chất nhân văn, nhân bản của giáo dục lịch sử và mục tiêu cao cả nhất của giáo dục lịch sử là hướng đến tương lai hòa bình, hòa giải, hữu nghị và hợp tác. Vì vậy, phải hướng dẫn để học sinh tìm hiểu rõ nguyên nhân sâu xa và nguyên nhân trực tiếp đã dẫn đến cuộc chiến, thông qua đó, làm rõ tính chất chính nghĩa của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của Nhà nước và nhân dân Việt Nam, tính chất phi nghĩa trong các hành vi gây hấn, khiêu khích, xâm lược của phía Trung Quốc.

Thứ ba, trong việc biên soạn sách giáo khoa, các học liệu kèm theo và nhất là trong giảng dạy, học tập về lịch sử cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới Tây Nam, cần phải làm rõ rằng việc nổ ra cuộc chiến đó là trái với truyền thống đoàn kết, hữu nghị, tương thân tương ái giữa hai dân tộc Việt Nam và Trung Quốc, trái với lợi ích cơ bản, lâu dài của hai quốc gia, hai dân tộc. Vì vậy, hiểu rõ lịch sử cuộc chiến là để nhân dân và chính phủ hai nước cùng cố gắng khép lại quá khứ, chung tay xây dựng và củng cố nền hòa bình, tình đoàn kết, hữu nghị, tin cậy và hợp tác.

Thứ tư, quán triệt nguyên tắc khách quan, trung thực, trong giảng dạy, học tập, biên soạn sách giáo khoa và tài liệu tham khảo khác cần tránh che giấu sự thật, xuyên tạc và bó méo sự thật lịch sử. Khép lại quá khứ không có nghĩa là lảng tránh hay nói sai về quá khứ. Làm như vậy chỉ khiến cho nhận thức lịch sử trở nền tồi tệ hơn mà thôi. Cần giúp học sinh nắm vững cách thức khám phá sự thật lịch sử về cuộc chiến một cách khoa học. Trên cơ sở đó, nói rõ cho người học, rằng đó là những sự thật của quá khứ, chúng đã thuộc về quá khứ. Hiểu rõ chúng để ngăn ngừa, không cho chúng tái sinh trong hiện tại và tương lai.

Thứ năm, để tránh việc dạy và học lịch sử trở thành một phương tiện tuyên truyền, dễ bị lợi dụng và xuyên tạc, trong diễn đạt cần tuyệt đối tránh các ngôn từ, hình ảnh, lối trình bày mang tính gây hấn, biểu cảm, miệt thị. Trong trình bày lịch sử nói chung, giảng dạy lịch sử nói riêng, các ngôn từ biểu cảm, miệt thị, như “chúng”, “quân địch”, “giặc”, “dã man”, “tàn bạo”, “khát máu” vv… không hề giúp cho các lập luận, phân tích, đánh giá gia tăng tính thuyết phục, trái lại, nó làm bộc lộ rõ thái độ định kiến, áp đặt, phiến diện, thiếu khách quan và do đó, thiếu tính thuyết phục. Muốn chỉ ra những tính chất, đặc điểm nào đó của sự kiện, quá trình, nhân vật lịch sử thì nên để cho sử liệu tự cất lên tiếng nói khách quan, trung thực. Đối với việc sử dụng các tài liệu hình ảnh, hiện vật, cũng cần lưu ý đến tính nhân văn, nhân đạo, tránh sử dụng những hình ảnh, âm thanh, hiện vật nặng tính bạo lực, xúc phạm cá nhân vv…

5.2. Mấy đề xuất cụ thể

Điểm cốt yếu nhất đối với việc dạy sử, học sử, nghiên cứu và tuyên truyền về lịch sử là: nhìn thẳng vào sự thật lịch sử, nói rõ và nói đúng về sự thật lịch sử. Sự thật lịch sử là những gì đã diễn ra trong quá khứ, là khách quan với ý chí của người nghiên cứu lịch sử. Người ta, dù muốn hay không, cũng chỉ có thể thừa nhận sự thật lịch sử, chứ không thể quay ngược bánh xe thời gian để thay đổi, hiệu chỉnh những gì đã diễn ra trong quá khứ.

Trong lịch sử thế giới, việc giữa các quốc gia – dân tộc láng giềng có nhiều cuộc chiến tranh trong lịch sử cũng không phải là hiện tượng lạ lùng gì. Và sự thật không một ai có thể chối bỏ là trong quá khứ, giữa Trung Quốc và Việt Nam đã có hàng chục cuộc chiến tranh. Trước đây, sách sử của các triều đại quân chủ ở Việt Nam và Trung Quốc cũng đều thừa nhận sự thật này. Ngày nay, sách sử ở cả hai nước cũng vẫn tiếp tục ghi nhận sự thật nói trên.

Vấn đề là ở chỗ: trước đây cũng như ngày nay, cách trình bày, nhìn nhận, đánh giá về lịch sử các cuộc chiến tranh nói trên ở Việt Nam và Trung Quốc rất khác nhau, thậm chí hoàn toàn trái ngược nhau. Đối với cuộc chiến tranh giữa hai nước nổ ra vào đầu năm 1979, trong khi ở Việt Nam, giới trẻ ít được giáo dục, tuyên truyền, cung cấp thông tin một cách khoa học, đầy đủ, thì ở Trung Quốc, thanh niên, học sinh vẫn được tuyên truyền, giáo dục rằng đó là “cuộc chiến tranh phản kích chống Việt Nam để tự vệ” (phản Việt phòng vệ chiến tranh), nhằm trừng phạt “tiểu bá” Việt Nam vong ân bội nghĩa, tay sai của Liên Xô vv…

Chính sự khác nhau trong nhận thức và trình bày lịch sử này đã trở thành một trong những ngọn nguồn của những định kiến mang nặng tính chất kỳ thị và thù địch, nếu gặp những điều kiện thuận lợi, sẽ bùng phát thành hận thù và xung đột.

Đây cũng là hiện tượng không xa lạ trong thế giới ngày nay. Chính vì vậy, đã từng có “cuộc khủng hoảng sách giáo khoa lịch sử” xảy ra ở Đông Á, khi Nhật Bản quyết định sửa sách giáo khoa lịch sử vào năm 2001-2002. Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy giữa việc giảng dạy về lịch sử chế độ thuộc địa của người Pháp ở Đông Dương trong nhà trường Pháp và nhà trường Việt Nam cũng khác nhau rất nhiều và khác nhau rất xa.

Do vậy, nếu không hòa giải được trong nhận thức và trình bày về lịch sử, thì lịch sử vẫn còn là một liều thuốc độc mà tiền nhân để lại cho thế hệ sau.

Vấn đề là hòa giải lịch sử cần và nên được thực hiện như thế nào?

Các nhà giáo dục và sử học Đức và Pháp đã nêu một tấm gương mà giới sử học và giáo dục học Việt Nam và Trung Quốc rất nên tham khảo. Những nỗ lực hòa giải đầu tiên của họ đã bắt đầu được xúc tiến từ ngay sau Chiến tranh thế giới I, trải qua rất nhiều thăng trầm, thất bại, phải tới tận năm 2006, tập sách giáo khoa lịch sử chung đầu tiên mới ra đời, được sử dụng cho nhà trường phổ thông ở cả Đức và Pháp. Đến nay đã có thêm nhiều tập sách giáo khoa chung như vậy được xuất bản và sử dụng.

Người Đức và người Pháp đã thành công trên con đường hòa giải lịch sử, cho nên người Việt Nam và người Trung Quốc nhất định cũng sẽ thành công, nếu chúng ta cùng có trách nhiệm với tương lai của thế hệ trẻ hai nước, với tiền đồ của hai quốc gia – dân tộc.

Chỉ có thể bằng con đường hòa giải lịch sử (historical reconciliation) thì chúng ta mới góp phần “giải độc lịch sử”, bắc thêm một nhịp cầu chắc chắn cho hai quốc gia – dân tộc vượt qua hận thù, định kiến của quá khứ, tiến đến bến bờ hòa bình, hữu nghị, hợp tác.

6. Kết luận

Các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở các vùng biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc là những quá trình lịch sử đã diễn ra trong khoảng thời gian từ cuối năm 1978 đến đầu năm 1979. Các quá trình này là một phần nội dung của lịch sử Việt Nam, lịch sử Campuchia, lịch sử Trung Quốc, lịch sử khu vực Đông Á, Đông Nam Á và lịch sử thế giới hiện đại. Cho nên, khi tổ chức dạy và học về lịch sử Việt Nam, lịch sử Trung Quốc, lịch sử Campuchia, lịch sử Đông Á, Đông Nam Á hay lịch sử thế giới, người ta không thể và không nên lảng tránh việc trình bày và đánh giá về những quá trình lịch sử này, kể cả việc dạy và học về nó trong các nhà trường phổ thông.

Tương tự như nhiều cuộc chiến tranh khác, các cuộc chiến này cũng bắt nguồn từ một loạt những nguyên nhân sâu xa và nguyên nhân trực tiếp – tức là sản phẩm của bối cảnh lịch sử cụ thể khi đó, với những xung đột và cả hận thù của quá khứ. Việc giảng dạy và học tập lịch sử cuộc chiến này nhằm giúp cho thế hệ trẻ Việt Nam (và cả thế hệ trẻ ở Campuchia, Trung Quốc và các nước khác trong khu vực) hiểu rõ, hiểu đúng về quá khứ, giúp họ nhận thức rõ cái đúng, cái sai, cái chính nghĩa, cái phi nghĩa trong quá khứ để khép lại quá khứ, hướng tới tương lai hòa bình, hòa giải, hữu nghị và hợp tác không chỉ giữa hai quốc gia – dân tộc Việt Nam và Campuchia mà là giữa các nước trong khu vực và trên thế giới.

Muốn đạt được mục đích đó, việc tìm hiểu, biên soạn sách giáo khoa, học liệu và tổ chức dạy và học về lịch sử cuộc chiến nhất định phải tuân thủ những nguyên tắc cơ bản của khoa học giáo dục và của sử học. Đó là các nguyên tắc nhân văn, nhân bản, tiến bộ, yêu hòa bình; khách quan, trung thực, lịch sử toàn diện, cụ thể và thực chứng.

Hòa giải lịch sử là vô cùng cần thiết và cấp bách, song, việc này không thể tự nó diễn ra mà nó cần có một sự bắt đầu và kiên nhẫn đi tới bằng thiện chí, bằng trách nhiệm và hiểu biết khoa học của giới sử gia và cách nhà giáo dục học các nước hữu quan.

Hy vọng rằng với phương thức và cách tiếp cận mới, các nội dung giáo dục lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới sẽ góp phần vào việc phát triển phẩm chất tốt đẹp và năng lực cốt lõi cho thế hệ trẻ Việt Nam, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam và vào sự nghiệp phát triển bền vững vì hòa bình và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới./