con đường tơ lụa 4

CON ĐƯỜNG TƠ LỤA

BÚT KÝ

Xa Mộ Kỳ

Người dịch: NGUYỄN PHỐ

----o0o---

21. THÀNH PHỐ NƠI CỰC TÂY CỦA TRUNG QUỐC - CA THẬP

Lần đầu tiên đến Tân Cương, nghe chúng bạn dùng bao nhiêu lời tốt đẹp để nói về Ca Thập:

- Không đến Ca Thập, bạn chưa hiểu biết hết vẻ đẹp của Tây Vực.

- Ca Thập là một đóa hoa của vùng Nam Cương.

- Dưới một của người Uygur, Ca Thập không kém gì Urumqi ...

Thành trấn trọng yếu biên giới có sức hấp dẫn này dẫu sao đối với người Tân Cương sống lâu năm ở Urumqi cũng chỉ là một xứ sở xa vời. Từ Urumqi đi xe về Ca Thập phải mất bảy ngày trên đoạn đường dài 1500 cây số. Do đó, những chuyến bay nối liền Urumqi và Ca Thập luôn luôn không sợ thiếu người.

CA THẬP, THÀNH PHỐ PHÍA TÂY ĐỐI DIỆN VỚI ĐÔN HOÀNG, THÀNH PHỐ PHÍA ĐÔNG

Tôi men theo con đường tơ lụa ở bờ bắc của sa mạc Taklamacan đi xe từng trạm để đến Ca Thập. Còn nếu từ Đôn Hoàng men theo tuyến nam của con đường tơ lụa đi dọc bờ nam của sa mạc Taklamacan cũng đến được Ca Thập. Con đường giao thương giữa đông và tây ngày xưa chạy ngang qua cả vùng Tân Cương rộng lớn mà đông là Đôn Hoàng và tây là Ca Thập. Xa nhau mà lại đối nhau. Đôn Hoàng có ải Ngọc Môn quan là cửa ngõ của Trung Nguyên; Ca Thập nằm dưới núi Thông Lĩnh là yết hầu của lòng chảo Tarim. Nếu đứng trên nóc nhà thế giới (chỉ cao nguyên Pamia) mà nhìn ra xa thì đó là vùng bình nguyên Trung Á rộng lớn.

Đi vào thị khu, cảnh phố xá phồn hoa khiến tôi vô cùng kinh ngạc. Mặc dù đã nghe nói trước hàng loạt những lời tán tụng Ca Thập, song tôi vẫn không ngờ thành phố biên giới tây bộ của tổ quốc này lại giống như một nơi đô hội. So với cơ ngơi hiện nay thì Ca Thập phồn vinh hơn Đôn Hoàng rất nhiều, nhưng về mặt lịch sử có lẽ Đôn Hoàng vượt xa Ca Thập.

Dọc hai bên đường phố chính của trung tâm thành phố là nhà cửa kiến trúc theo kiểu phương Tây. Trên đường xe buýt công cộng và các loại xe khác chạy như mắc cửi, người người qua lại tấp nập. Trong các tủ kính của các hiệu buôn hàng hóa trưng bày la liệt. Ấn tượng đầu tiên của tôi là Ca Thập so với thành phố Y Ninh nổi tiếng ở Bắc Kinh có phần vượt trội, chỉ có thua Urumqi một chút.

Nhà khách tọa lạc trên một khu phố yên tĩnh cách trung tâm thị khu không xa lắm. Bước vào cổng nhà khách là một công viên trồng toàn cây cảnh và hoa cỏ. Xen kẽ giữa hoa viên, người ta bố trí những gian phòng có kiến trúc khác nhau trông rất tân kỳ. Chúng tôi được dẫn vào một dãy tầng trệt kiến trúc kiểu Âu có vẻ hơi xưa một chút. Gian phòng rộng thoáng, những bức rèm cửa bằng nhung tím buông rủ xuống đất. Kiểu bàn ghế và hoa văn trang trí mang phong cách cổ điển châu Âu. Thảm trải nền dệt những đường hoa văn mang nét điển hình của Tây Vực.

Có thể nói đây là nhà khách sang trọng nhất mà tôi được trú ngụ suốt thời gian ở Tân Cương. Vị chủ nhà khách cho biết đây vốn là lãnh sự quán của nước ngoài trước kia. Trước giải phóng, ở Ca Thập có nhiều kiều dân ngoại quốc buôn bán như Ấn Độ, Anh Quốc cư trú. Sau khi nước Trung Quốc cách mạng được thành lập, họ lần lượt ra đi hết. Ngày nay người nước ngoài đến Ca Thập du lịch, nghiên cứu, ngày một nhiều, khu ngoại ô cần phải xây thêm nhiều nhà khách mới đủ để đón tiếp.

Quảng trường Ngãi Đề Gã ở trung tâm thành phố khiến người ta liên tưởng đến cảnh đường phố ở Trung Á. Trên quảng trường có nhà thờ Thanh Chân với 400 năm lịch sử nhắc nhở ta rằng có một thời Ca Thập đã từng là trung tâm Hồi giáo lớn nhất ở phương Đông. Chung quanh quảng trường là khu chợ buôn bán sầm uất. Hai bên đường người ta dựng lên những căn lều đơn giản bày bán những mặt hàng khác nhau như quần áo, mũ hoa, giày da, tạp hóa, rương hòm ... Dạng thức hoa văn trên mũ hoa của người Uygur Ô Ca Thập khác hẳn với dạng thức hoa văn ở Tolophan, phần lớn đều rất trang nhã, dùng màu trắng làm nền, thêu hoa bằng chỉ đen; một loại hoa văn khác rất điển hình nữa đó là quả “ba đan mẫu”. “Ba đan mẫu”, tiếng Iran tức là một loại hạnh đào, vốn được trong ở tây bộ châu Á, vị ngọt như trái hạnh. Có một loại mũ hoa nữa thêu bằng chỉ vàng trông rất hài hòa sang trọng thường thấy các bà già hay đội. Dọc phố có quán trà mà trên nền của nó có một bệ thấp phía trên trải thảm, ba mặt treo màn vải. Vài ba cụ già ngồi xếp bằng trên tấm thảm quanh một ấm trà giữa cảnh náo nhiệt, tĩnh tọa nhâm nhi hưởng cái thú của trà đạo.

Phụ nữ đi lại trên phố vẫn còn một ít người trùm khăn che mặt không để cho người lạ trông thấy dung nhan của mình. Quy luật cũ kỹ ấy của đạo Hồi rất ít thấy ở Tân Cương và các thành phố khác. Một số đông phụ nữ trùm khăn mặt đã được giải phóng, để cho mọi người thấy rõ thần sắc, dung nhan của họ. Tôi để ý thấy một cặp vợ chồng trung niên trên đường phố, họ vẫn nói cười đùa giỡn như thường. Người phụ nữ kia tóc nâu, mắt xanh, mặt mày thanh tú, hình dáng cân đối cử chỉ đoan trang khiến tôi liên tưởng đến truyền thuyết về người đẹp năm xưa của Ca Thập, đó là nàng “Hương phi” được vua Càn Long nhà Thanh rất sủng ái.

MỘ HƯƠNG NẰM TRONG ĐÁM CÂY RỢP BÓNG

Mộ Hương phi tọa lạc tại một thôn trang cách Ca Thập chừng 10 cây số là một danh thắng mà ai tới đây cũng phải đi thăm. Chung quanh lăng mộ là cây xanh cao vút, có suối nước róc rách, đó là một nơi thanh tịnh u nhã. Bước vào cổng lớn của viên lăng, trước mắt sừng sững một kiến trúc tráng lệ theo phong cách Trung Á. Tôi dừng bước nhìn ngắm từ xa, bụng thầm kinh ngạc tán thưởng: “Ồ, thật là một kiến trúc tuyệt vời! Đúng là một nghệ thuật tinh xảo, siêu phàm!” Ở Ha Mật, tôi đã xem lăng mộ vua Ha Mật và ở Y Lê tôi cũng đã thấy làng mộ của Ngột-hắc-lỗ-thiếp-mộc-nhi, nhưng so với lăng mộ Hương phi đang hiện ra trước mắt thì hoàn toàn không thể so sánh. Bắt đầu xây dựng từ thế kỷ XVII theo kiểu cổ mộ Hồi giáo, ngôi mộ này được bảo quản rất hoàn hảo.

Toàn bộ kiến trúc là một hình vuông, bốn góc có bốn tháp viên trụ cao lớn vây quanh tòa mái vòm ở giữa. Đường nét kiến trúc ngay ngắn, nhưng mềm mại, các đường thẳng và đường cong kết hợp hài hòa tạo ra vô số đồ hình kỹ hà học, cân xứng mà trang trọng. Trên khung cổng hình chữ nhật và trên các tháp viên trụ có chạm trổ hoa văn rất tinh tế, vừa nghiêm trang, vừa xinh đẹp. Khắp nơi, trên những bức tường, trụ tháp và mái vòm lấp lánh ánh sáng gạch lưu ly ngũ sắc như khoác lên mình khu lăng mộ một chiếc áo nhiều màu hoa lệ, xinh đẹp. Nếu bảo lăng mộ hoàng hậu Ấn Độ bằng đá cẩm thạch trắng trong cho chúng ta cảm giác thanh khiết thì màu sắc bên ngoài của khu lăng mộ Hương phi đem lại cho chúng ta một thứ tình cảm ôn nhu, gần gũi.

Tôi đi chậm rãi vào cổng chính của lăng mộ liền bị hấp dẫn ngay bởi lối trang trí hoa văn trang nhã tinh tế chung quanh bốn trụ cổng. Dưới cùng dùng màu lam nhạt là chính, ở giữa màu lục non và hồng nhạt, còn trên cùng dùng đường kẻ chỉ màu trắng bạc vẽ cỏ cây hoa lá. Tôi mơ hồ cảm thấy trên lối vào này như treo một bức màn xinh đẹp mà trang nhã, bên trong là một người đẹp tuyệt trần đã cách biệt thế gian.

Đang khi tôi mơ màng tưởng như vậy thì hướng dẫn viên người Uygur Ngãi Sơn đã mở chiếc khóa đồng to tướng dẫn tôi đi vào thế giới lăng mộ đầy thần bí và tĩnh mịch. Trên chiếc khóa đồng có khắc chữ Ả Rập ghi rõ niên lịch Hồi giáo năm chế tạo 1294, tức là năm 1877 CN.

Đại sảnh trong lăng cao rộng, vách tường quét vôi trắng trông giản dị, tinh khiết. Trên bệ cao là mộ phần lớn nhỏ nằm ngang dọc tổng cộng 72 cái, tất cả đều phủ rèm vải màu. Ngài Sơn chỉ cho tôi một ngôi mộ tương đối nhỏ nằm ở hàng sau cùng và bảo đó là mộ phần của Hương phi, bên cạnh là nơi an nghỉ của thân mẫu, tổ phụ, cao tằng, cố tổ của Hương phi, cộng năm đời họ hàng nam nữ.

Về nàng Hương phi tôi đã được nghe rất nhiều truyền thuyết, nhưng lại rất khác nhau, nay đến chính quê hương của nàng, điều trước tiên là xem cách giải thích của chính dòng họ nàng nói ra. Hướng dẫn viên Ngãi Sơn trịnh trọng giới thiệu thân thế liên quan đến Hương phi theo tục truyền.

Anh nói, Hương phi vốn tên là Mại mộc nhiệt Ngãi tư mộc, cũng có một tên nữa là Y bá nhĩ Hãn. “Y bá nhĩ” có nghĩa là thơm, vì lúc sánh tiền, hàng năm đến mùa xuân hoa nở, nàng thích cài hoa táo trên người, hoa ngát hương thơm khiến ai cũng ưa thích, do đó mà từ nhỏ đã được gọi là “công chúa của hương hoa”. Hương phi là con gái của một đầu mục tôn giáo ở Ca Thập, sinh năm 1734. Năm 1756, hai mươi hai tuổi được tuyển nạp về kinh làm cung phi đời Càn Long. Bấy giờ gia tộc Hương phi đưa ra ba điều kiện:

1. Được duy trì tập quán của người Uygur trong sinh hoạt ở cung cấm.

2. Được người anh đưa tiễn về kinh.

3. Được đưa di thể về Ca Thập an táng cùng với tổ tiên sau khi chết.

Ngãi Sơn nói Hương phi mất vào năm 1763, lúc nàng mới 29 tuổi.

Quả nhiên Càn Long giữ lời hứa, phái 120 binh sĩ hộ tống thi thể của nàng về đến Ca Thập an táng tại khu lăng mộ này. Hiện nay còn lại một cái kiệu bằng gỗ, theo người ta nói thì chiếc kiệu ấy dùng để đưa linh cửu Hương phi về cố quận.

Ngãi Sơn nói, người Hán gọi khu viên lăng này là mộ Hương phi, nhưng người Uygur lại cho là mộ của “A bá Hòa trác”, bởi vì cha của A bá Hòa trác là Mã mộc đặc Ngọc tổ phủ (người này là ông cao của Hương phi) là người đã xây nên khu lăng mộ này vào năm 1640, và từ đó về sau con cháu năm đời của gia tộc đều an táng tại đây.

Nghe Ngãi Sơn nói xong, tôi cảm thấy mối quan hệ gia tộc của Hương phi có thể đáng tin, nhưng vẫn còn hai điều nghi vấn: thứ nhất, năm mất của Hương phi; thứ hai, nơi chôn cất chính xác thi thể của Hương phi. Mấy năm gần đây, căn cứ việc nghiên cứu hồ sơ tài liệu về triều Thanh, nhiều nhà học giả có cách nhìn nhận hai điều nghi vấn nói trên khác với những gì Ngãi Sơn trình bày.

TRONG MỘ HƯƠNG PHI KHÔNG CÓ DI THỂ HUƠNG PHI

Ở nội địa, từ thời cuối Thanh đầu Dân Quốc có lưu truyền một câu chuyện có tính bi kịch về nàng Hương phi, và có người đã viết thành một vở kinh kịch đem công diễn gọi là: “Hận Hương phi”. Hàng loạt những lời dã sử được ghi chép. Trong tập Thanh đại dật văn (những chuyện tản mạn đời Thanh) nói tương đối rõ. Câu chuyện này so với những gì Ngãi Sơn nói thì khác nhau rất xa. Đại ý như thế này:

Vua Càn Long nhà Thanh nghe danh Hương phi, trong lúc sai tướng quân Triệu Huệ đi bình định phản loạn ở Ca Thập có bảo ông lưu ý tìm nàng. Triệu Huệ viễn chinh trở về, quả nhiên có cả Hương phi cùng theo, nàng được đưa rước cẩn thận về kinh thành rồi nhập cung. Vua Càn Long rất vui. Nhưng Hương phi vẫn thờ ơ lãnh đạm khi nhìn thấy vua, hỏi han trăm điều nàng vẫn lặng thinh không đáp xem ra rất khó gần. Có một cung nhân khuyến dụ, nàng rút ra từ tay áo một con dao nhọn và nói:

- Nước mất nhà tan, tôi đã quyết tâm muốn chết, nhưng không thể chết vô duyên. Nếu hoàng thượng cưỡng bức tôi, ắt hẳn tôi sẽ báo thù!

Thái hậu khuyên nhà vua:

- Chí của phi không thể khuất phục được, chi bằng bệ hạ hoặc nên cho nàng hồi hương, hoặc ban cho nàng được chết để thỏa ý nguyện của nàng.

Nhà vua không nở hạ quyết tâm. Mấy năm sau, thái hậu theo nhà vua xuất cung, cho- gọi nàng đến rồi dùng lời mềm mỏng ban cho nàng được chết.

Có một điểm cần lưu ý là trong câu chuyện đầy bi tráng của Hương phi được lưu truyền ở Trung Nguyên hoàn toàn không có chi tiết đưa di thể ra nàng về an táng ở quê nhà Ca Thập.

Tôi thăm khu mộ xong trở về nhà khách cùng Lý Ngẫu Xuân bàn bạc về những gì liên quan đến Hương phi, rất muốn được nghe cách lý giải của nhà khảo cổ học. Vị học giả này vẫn giữ thái độ khoa học đúng mực, trước hết khẳng định khu viên lăng của gia tộc Hương phi là một tòa kiến trúc cổ tuyệt đẹp rất ít thấy ở Tân Cương. Trước giải phóng, nhà xiêu vách đổ chẳng ai lưu tâm. Sau khi nước Trung Quốc cách mạng mới được kiến lập, nhiều lần xuất ngân khoản lớn để duy tu bảo dưỡng mới có được diện mạo hoàn hảo như ngày hôm nay và đã trở thành thắng tích đáng chú ý trên con đường tơ lụa.

Lý Ngẫu Xuân nói:

- Hương phi không được chôn trong ngôi mộ của Hương phi hoàn toàn không ảnh hưởng đến giá trị của kiến trúc này, trên thực tế đồng bào người Uygur trước sau vẫn gọi đây là khu mộ của A bá Hòa trát. Theo tôi, trong khu lăng mộ này an táng năm đời con cháu bắt đầu từ Mã mộc đặc Ngọc tố phủ cho nên nếu gọi mộ của Mã mộc trặc Ngọc tố phủ Mã trát thì cũng chẳng hề gì, đôi khi lại còn hợp lý hơn.

Tôi nói:

- Thế là anh cũng cho rằng di thể của Hương phi không được đưa về Ca Thập, nhưng anh chàng hướng dẫn viên Ngãi Sơn lại xác nhận rằng chiếc kiệu gỗ kia là bằng chứng đưa linh cữu của Hương phi về Ca Thập. Anh là một nhà khảo cổ học, anh nghĩ sao về việc này?

Ông cười, nói:

- Không cần phải có con mắt của nhà khảo cổ học cũng có thể nhận ra chiếc kiệu gỗ kia không phải là thứ thật.

Ông nói tiếp, vào năm 1923 trong Tân Cương du ký của Tạ Bân đã chỉ ra rằng chiếc kiệu ấy “được chế tác thô sơ, trang trí sơ sài, tương truyền rằng do Càn Long ban tặng ... Vào thời kỳ toàn thịnh của đời vua Cao Tông (tức Càn Long), không thể tin được rằng nhà vua lại ban tặng cho ái phi của mình một tặng phẩm thô sơ như vậy, thật khó tin”. Có lẽ sau khi xem xong hiện vật, ông mới nói ra điều ấy.

Tôi lại hỏi:

- Rốt cuộc, Hương phi được chôn cất ở đâu?

Lý Ngẫu Xuân nói:

- Thật khó nói cho cùng được? Có một vài biên khảo của tác giả Tiêu Chi Hưng nhan đề “Phát hiện tài liệu mới về Hương phi” đăng trên Tập san Văn vật số tháng hai năm 1979 đã tường thuật rất rõ. Tôi đồng ý quan điểm của bài biên khảo này.

Sau này tôi đọc kỹ bài “Phát hiện tài liệu mới về Hương phi và các bài văn khác của Tiêu Chi Hưng liên quan đến vấn đề này và từ trong mớ rối rắm của sử liệu cũng tìm ra được một số manh mối.

CUỐI CÙNG HƯƠNG PHI ĐƯỢC CHÔN CẤT Ở NƠI NÀO?

Các học giả căn cứ vào các hồ sơ tài liệu mới tìm thấy về triều Thanh để đoán định thì Hương phi trong truyền thuyết dân gian gọi là Dung phi, vốn người Uygur được vua Càn Long tuyển nạp.

Chính sử: Thanh sử cáo - Hậu phi liệt truyện (bản thảo sử triều Thanh, phần truyện về các hậu phi) có ghi: trong số cung phi của Càn Long có “Dung phi, họ Hòa Trác, theo đạo Hồi”. Người con gái họ Hòa Trác người Uygur này chẳng phải là nàng “Y bá nhĩ Hãn” đó sao? Nhưng chỉ một bằng cớ đó thì cũng chưa thể khẳng định được. Gần đây, theo sự phát hiện trong các hồ sơ tài liệu cung đình nhà Thanh, trong danh sách ban thưởng lễ phẩm của triều đình cho thân quyến Hương phi có “Đỗ Nhĩ Đô”, “vợ Đồ Nhĩ Đô” và “Bá Nhĩ Tát” ... Căn cứ phổ hệ gia tộc Hương phi đã tu chính ở Ca Thập thì Đồ Nhĩ Đô là anh ruột của Y bá nhĩ Hãn Hương phi, còn Bá Nhĩ Tát là chú của nàng. Sự phát hiện mới mẻ này khiến cho nhiều học giả có cơ sở để đoán định rằng Hương phi trong truyền thuyết dân gian và Dung phi ghi chép trong chính sử chỉ là một.

Cũng cần để ý một điều rằng ở nội địa (chỉ khu vực Trung Nguyên thuộc dân tộc Hán) cũng có một Hương phi truyền thuyết là vợ của một đầu mục tôn giáo làm phản ở Ca Thập. Câu chuyện này chẳng qua chỉ là một chuyện hoang đường. Theo sử liệu ghi chép thì thân quyến trực hệ của Hương phi như người anh Đồ Nhĩ Đô chính là người có công lớn giúp triều đình nhà Thanh bình định bọn phản loạn. Năm 1759, nhân Đồ Nhĩ Đô đánh giặc lập công to được triều đình triệu về kinh và được phong “Phụ quốc công”. Năm đó Dung phi cùng theo người anh đến Bắc Kinh, ít lâu sau được tuyển làm cung phi. Căn cứ tài liệu cung đình nhà Thanh, Dung phi vừa nhập cung được phong làm quý nhân, và vì là con gái của họ Hòa Trác nên gọi là Hòa quý nhân, tiếp sau đó được thăng là “tần” (tức một cung phi được vua sủng ái), rồi được tấn phong là “phi”. Văn kiện trên còn nói rõ Dung phi từng được vinh thăng đều căn cứ vào ý chỉ của hoàng thái hậu.

Tại cung đình, Hương phi ở vào địa vị đặc biệt, về sau, trong số những cung phi của Càn Long, nàng được xếp vào hàng thứ ba. Tập quán dân tộc quê hương của nàng được đặc biệt tôn trọng, nàng vẫn luôn phục sức theo kiểu dân tộc, thức ăn và vua ban tặng thường là thịt dê, gà hoặc vịt, không bao giờ có thịt lợn.

Thế nhưng lúc chết Hương phi được chôn cất tại nơi nào? Trước ngày mở màn cuộc kháng chiến chống Nhật, một giáo sư đại học Bắc Kinh có viết bài “Hương phi khảo thực”, trong đó nói rõ “vào năm 1913 hay gì đó có người đến Đông lăng (một trong số khu lăng mộ của nhà Thanh tại huyện Tuân Hóa, tỉnh Hà Bắc) để nhìn ngắm, thăm thú lăng tẩm; đến một nơi mà người giữ lăng gọi là mộ Hương phi có ghi trên mộ chí là lăng tẩm Dung phi”. Các năm 1913, 1914 tuy nền thống trị của nhà Thanh đã sụp đổ, nhưng người giữ mộ ở Đông lăng vẫn là người giữ mộ xưa nay của hoàng tộc nhà Thanh, họ nói mộ Dung phi chính là mộ Hương phi là điều có thể tin được. Ngày nay cũng còn một số tài liệu văn kiện chứng thực Hương phi tức là Dung phi. Cho nên Hương phi an táng tại khu Đông lăng nhà Thanh là hoàn toàn đáng tin cậy.

Gần đây, sở bảo tồn văn vật khu Đông lăng nhà Thanh đã thực hiện một số điều tra về mộ Dung phi, người ta đã tìm thấy phần trước và bên quan tài của Dung phi có mấy chữ vàng viết tay bằng tiếng Ả Rập có thể nhận ra dạng chữ với nghĩa “Lấy danh nghĩa của chân chúa ...” Điều này càng chứng tỏ ngôi mộ này chính là mộ của Dung phi.

Hương phi trong truyền thuyết dân gian được hoàng thái hậu ban cho được chết (tự tử) vào năm 29 tuổi, nhưng trên thực tế, sau khi hoàng thái hậu chết mười một năm, Hương phi mới qua đời tức vào năm 1788, thọ 55 tuổi. Trong mộ Dung phi ở Đông lăng người ta phát hiện ra một bím tóc dài, mà trong mớ tóc màu vàng mịn ấy có những sợi tóc bạc, rõ ràng đây là vật chứng có sức thuyết phục cao.

Tôi cảm thấy hứng thú phát hiện ra rằng qua sử liệu còn nói đến người anh của Hương phi là Đồ Nhĩ Đô đã từng được triều đình nhà Thanh ban tặng một dinh cơ đồ sộ ở Bắc Kinh, tọa lạc tại số 46 đông nội thành, đúng là cùng một ngõ phố với gia đình nhà tôi. Khi viết đến, đây, tôi chợt nghĩ ra rằng anh em của nàng “Y bá như Hãn” đã từng là hàng xóm của mình, tôi đành dừng bút ngồi suy tưởng. Nghe nói ngõ phố này quả là đã có mấy nả là vương phủ của triều đình nhà Thanh trước kia, nhưng không biết nơi nào là trú sở của người hàng xóm nổi tiếng của tôi.

MỘT TRONG NHỮNG TRUNG TÂM HỒI GIÁO Ở PHƯƠNG ĐÔNG CỔ ĐẠI

Vùng phụ cận Ca Thập còn có mấy di chỉ cổ thành đáng tham quan. Lý Ngẫu Xuân muốn đi khảo sát khu cổ thành Ha Nại cách 30 cây số về phía đông, tôi vui vẻ đi theo.

Rời khỏi khu phố thị, chúng tôi đi vào vùng nông thôn. Mỗi lần xe đi qua, đường đất bụi mù tung bay. Chiếc Jeep của chúng tôi không thể không giữ khoảng cách nhất định với xe của Lý Ngẫu Xuân đi trước. Hai bên đường bóng cây rậm rạp, bên dưới là mương nước chảy ào ào. Nhà dân cái này tiếp cái kia, chỉnh tề ngay ngắn, trong bức tường rào thấp của mỗi nhà đều có vườn cây ăn trái, có trụ dàn nho. Rất đông trẻ con đùa nghịch trong các mương nước trước nhà. Xem ra nhân khẩu của vùng nông thôn này có vẻ đông đúc, nguồn nước ở đây cũng rất dồi dào.

Điều này khiến tôi nghĩ đến nhà du hành người ý là Marco Polo (1254 - 1324) đã miêu tả về Ca Thập trong du ký nổi tiếng của mình. ông theo con đường tơ lụa thẳng tiến về phía đông, qua Kashmir, vượt cao nguyên Pamia để vào nội địa Trung Quốc, trạm đầu tiên ông dừng chân là Ca Thập, ông viết như sau:

“Xưa kia Ca Thập Hát Nhĩ là một quốc gia ... trong nước có nhiều thành quách, thôn xóm, nhưng lớn nhất và đẹp nhất là thành Ca Thập Hát Nhĩ ... Ở đấy có vườn cây cảnh rất đẹp, có vườn nho sum suê, sản nghiệp to lớn, sản xuất bông vải, rất nhiều nhà buôn xuất thân từ đó đi khắp thế giới kinh doanh buôn bán ...”

Xe chạy đến thôn Bá thập thác hồ la khắc, phía ngoài thôn là một cánh đồng rộng mênh mông, ở giữa nổi lên một ngôi thành nhỏ hình vuông, tường thành vẫn còn dấu tích. Lý Ngẫu Xuân dẫn mọi người đi vào đo đạc, xem xét. Tôi sải chân bước dọc tường thành, mỗi bên ước chừng tám mươi bước. Trong thành khắp nơi là những mảnh sành màu đỏ, tôi cúi nhặt một mảnh ngói lưu ly màu lục đã bị ôxy hóa.

Tôi và Lý Ngẫu Xuân đứng trên bờ tường đất nhìn ra tứ phía, bình nguyên bao la nhìn hút tầm mắt, ông lấy tay vạch một vòng rồi nói:

- Di chỉ này cũng khá rộng đấy! Dưới chân chúng ta là một tòa thành nhỏ hình vuông, người ở đây gọi là thành Ha Nại, có nghĩa là hoàng cung. Theo vị trí mà xét thì quả giống hoàng thành, tức là thành ở trong thành, cũng giống như kiểu tử cấm thành ở thành Bắc Kinh vậy.

Tôi hỏi:

- Di chỉ lớn như vậy thì cổ thành này là gì? Xây dựng vào triều đại nào?

Ông nói:

- Theo những mảnh gạch ngói nung hiện có trên mặt đất mà xét thì hầu như cổ thành này thuộc đời nhà Đường hoặc nhà Tống, tức khoảng thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ XIII. Nhà khảo cổ học Hoàng Văn Bật đã từng thu nhặt ở đây những đồng tiền không có lỗ và trên hai mặt có chữ Ả Rập. Theo đó, ông ta suy đoán đây chính là thành đô của vương triều Kalahan.

Vương triều Kalahan là chính quyền được thành lập bởi người Đột Quyết và người Hồi Hột vào khoảng thế kỷ thứ X, cương vực bao gồm vùng đông và nam hồ Barcashi và vùng tây bộ Tân Cương ngày nay. Các thủ lĩnh của vương triều Kalahan thường chứng tỏ mình là người Trung Quốc. Đầu họ đội mũ có dòng chữ đề: “Đào hoa Thạch Hãn” tức có nghĩa là “vua Trung Quốc”. Vương triều này có hai trung tâm chính trị, một là Bát la Sa cổn mà sử sách Trung Quốc gọi là Bùi La tướng quân, và một là Ca Thập Hát Nhĩ.

Vương triều Kalahan là vương triều đầu tiên theo tín ngưỡng đạo Hồi. Bắt đầu từ thế kỷ thứ X, các thủ lĩnh của vương triều nhiều lần dùng bạo lực cưỡng ép truyền bá đạo

Hồi và đôi khi còn tiến hành những cuộc “thánh chiến”. Ca Thập Hát Nhĩ vừa là trung tâm chính trị của vương triều Kalahan, vừa là một trong những trung tâm Hồi giáo lớn nhất ở Tây Vực. Năm tháng trôi qua, nay tuy không còn như xưa nữa, song những ảnh hưởng của lịch sử vẫn còn lưu truyền mãi đến tận ngày nay.

DI CHỈ CỔ THÀNH ĐỜI ĐƯỜNG

Lý Ngẫu Xuân nói:

- Theo ý tôi thì di chỉ này có thể là trấn Sơ Lặc của đời nhà Đường. Căn cứ chính để nói như vậy là do vị trí địa lý của nó.

Qua người phiên dịch, ông nói chuyện với thôn dân người Uygur về con sông bao quanh di chỉ và ông đem nó đối chứng với bản đồ phác thảo trong bút ký trước đây của ông.

Sông Khắc Tư Lặc chảy từ phía tây lại, trước khi qua di chỉ cổ thành này phân ra một nhánh có tên là sông Kháp hách mã hách; hai con sông chảy vòng đến phía đông của di chỉ thì nhập lại làm một và có tên là sông Ca Thập Hát Nhĩ rồi chứ thẳng theo hướng Ba Sở.

Tân Đường thư, phần địa chí, mục trấn Sơ Lặc có nói: “Sông Xích Hà (tức sông Khắc Tư Lặc) bắt nguồn từ núi Cát La ở phía tây trấn Sơ Lặc (tức Ô lỗ khắc kháp đề), chảy đến phía tây của thành trấn thì phân nhánh rồi tụ hội ở phía đông bắc của thành trấn.

Đối chiếu hai tài liệu với nhau thì cổ thành Ha Nại phù hợp với địa điểm mà Tân Đường thư nói về vị trí của trấn Sơ Lặc.

Từ đời Hán đến đời Tống, vùng Ca Thập thường được sử sách gọi là nước Sơ Lặc. Đời Đường đặt làm trấn Sơ Lặc cùng với trấn Quy Tư, trấn Yên Kỳ, trấn Toái Diệp tổng xưng “Tây Vực đại trấn” (bốn trấn lớn ở Tây Vực). Hán thư gọi là nước Sơ Lặc “có phố xá, tây giáp các nước Đại Nguyệt Thị, Đại Oản, Khang Cự Đạo”. Xem thế có thể thấy trước khi Trương Khiên mở đường thông Tây Vực thì Sơ Lặc vốn nằm trên con đường thông thương trọng yếu của các nước ở phía tây của núi Thông Lĩnh, là một trong những trung tâm mậu dịch đông tây.

Những nhà cai trị của các triều đại ở Trung Quốc đều luôn luôn coi trọng vị trí của Sơ Lặc. Thời Đông Hán, Ban Siêu, người có công trong việc thống nhất Tây Vực đã nhiều năm trú đóng ở Sơ Lặc và coi đây là cứ điểm triển khai những cuộc chiến đấu qua lại với người Hung Nô xâm nhập đánh phá Tây Vực.

Ban Siêu là một vị tướng văn võ song toàn, đa mưu túc trí, thường ít dùng binh lực thủ thắng mà dùng uy đức để thu phục nhân tâm, ông rất có uy vọng ở Tây Vực. Về sau, hoàng đế Đông Hán triệu Ban Siêu về nước, tướng Sơ Lặc là Lê Yếm nói:

- Sứ nhà Hán đã bỏ tôi, chúng tôi ắt bị nước Quy Tư tiêu diệt, lòng tôi không nỡ nhìn sứ nhà Hán ra đi.

Nói xong lấy đao tự vẫn. Ban Siêu về đến nước Vu Điền, từ các vương hầu trở xuống ai nấy cũng đều khóc và nói:

- Chúng tôi xem Hán sứ như cha mẹ, thành khẩn mong người đừng đi!

Rồi cùng nhau ôm chân ngựa của Ban Siêu ngăn cản. Ban Siêu rất cảm động, cấp báo về triều đình sự chuyện này và được phê chuẩn cho trở lại Sơ Lặc. Về sau ông xuất quân từ Sơ Lặc liên hiệp với các nước đánh Quy Tư, Yên Kỳ đẩy lui được thế lực của Hung Nô, hoàn thành nghiệp lớn trong việc thống nhất Tây Vực.

VÉN TẤM KHĂN CHE MẶT CỦA CÔ DÂU

Trước đêm rời Ca Thập, có người thông báo hiện có một đám cưới của đôi thanh niên nam nữ người Uygur, hỏi xem chúng tôi có tham dự cho biết không. Thật là một cơ hội tốt, làm sao bỏ qua được!

Chúng tôi bôn ba băng đường vượt ngõ để vào được sân vườn của gia đình có đám cưới. Từ ngoài cổng, chúng tôi đã nghe tiếng nhạc vui tươi khởi tấu, bên trong tiếng người rộn rã. Khi bước vào sân, chú rể ăn mặc chỉnh tề ra đón, dùng mấy câu tiếng Hán đơn giản tỏ ý hoan hỷ đón tiếp. Chú rể tên là Aniwa, hai mươi hai tuổi, là công nhân chế bản của tờ nhật báo Ca Thập, cô dâu tên là Atalait, cùng tuổi với chú rể là giáo viên âm nhạc thuộc phân khoa học viện nghệ thuật dân tộc trung ương tại Bắc Kinh.

Tôi hỏi ngay chú rể:

- Anh chị kết hôn do người mai mối hay tự do yêu nhau?

Anh cười e thẹn, nói:

- Tự tìm hiểu làm quen.

Tôi nhìn quanh không thấy cô dâu, bèn hỏi:

- Cô dâu hiện ở đâu, có thể ngắm một chút được không ?

Chú rể có vẻ lúng túng, khó nói, xoa tay vẻ luống cuống, im lặng. Cũng may đám bạn anh đến kịp lúc gỡ rối, họ bảo:

- Xin hãy đợi một lát nữa, chưa đến lúc!

Hôn lễ của người Uygur được tiến hành trong hai ngày.

Ngày thứ nhất, nhà gái mở tiệc mời bà con, bạn bè nhà trai đến dự, những vật dụng như gạo, mì, trứng, thịt, dầu, đường ... đều do nhà trai dự trù đưa tới. Chiều tối, chú rể cùng với mẹ, chị em, bạn bè do một ban nhạc nhỏ dẫn đường đến nhà gái rước dâu. Trên đường đi, bạn bè chú rể luôn miệng nói lớn “A la lua! A Khắc Tô la lua!” có nghĩa là ‘Chúc mừng chuyện vui!”.

Khi cô dâu rời nhà mẹ và bước vào nhà bà gia đều phải khóc thành tiếng. Nghi thức kết hôn do A Oanh chủ trì, người này đọc một đoạn kinh Koran, sau đó bẻ đôi một chiếc bánh lễ đưa cho chú rể và cô dâu cùng ăn, tiếp theo hỏi hai người có tự nguyện lấy nhau hay không? Sau khi cùng đáp “đồng ý”, cuộc hôn nhân đến đây mới chính thức kết thúc. Sáng sớm ngày thứ hai, nhà gái đưa bữa ăn đến. Buổi chiều, nhà trai mở tiệc mời bà con, bạn bè họ nhà gái. Lúc này, cô dâu bên cạnh người bạn gái phù dâu, đội tấm khăn che mặt, ngồi ngay ngắn trong phòng riêng không được nhìn mặt khách đàn ông, con trai.

Ngay từ lúc đầu mới đến tham dự buổi hôn lễ, chúng tôi đã mạo muội đề nghị xem mặt cô dâu, rõ ràng là không đúng lúc. Họ mời chúng tôi vào nhà ngồi uống nước và nói rằng sắp làm lễ vén khăn che mặt của cô dâu.

Trong phòng trải thảm, đám khách phụ nữ ngồi trên chiếu đang thỏ thẻ chuyện trò. Chúng tôi được dẫn vào một gian phòng, trên sập cạnh lò sưởi, đám thanh niên bạn của chú rể ngồi chật cả. ớ đây, đám bạn trẻ theo tiếng đàn cùng ca hát, rồi người này tiếp người kia biểu diễn những màn độc vũ, không khí thật là náo nhiệt.

Họ nhảy say sưa đến độ khiến cho đám khách phụ nữ nhìn qua vuông cửa sổ với ánh mắt đầy thán phục. Tôi cảm thấy bất mãn trong lòng, tự hỏi tại sao những cô gái ngoài kia không được nhảy múa? Phải chăng họ còn bị ước thúc bởi lễ giáo phong kiến chăng?

Lát sau, tân khách vào phòng ăn. Mọi người lấn lượt lấy nước đổ vào chiếc thau đồng rửa tay, chuẩn bị dùng tay ăn món cơm om với thịt dê. Tôi muốn dùng nĩa, nhưng anh bạn trẻ ngồi cạnh tôi bảo phải ăn bằng tay mới có hương vị.

Tôi bắt chước cách ăn của anh bạn trẻ ấy. Dùng ba đầu ngón tay của bàn tay phải nhón một nhúm cơm và bỏ vào miệng, khi đưa tay ra khỏi miệng còn phải gọn gàng đừng để cơm rơi vãi. Mọi người thấy tôi ăn uống vụng về như vậy, ai nấy cũng bật cười. Theo luật của đạo Hồi không được uống rượu, nhưng đám thanh niên bạn bè của chú rể bỗng nổi hứng không nhịn được bèn rót một tô rượu trắng luân phiên nhau uống, trông rất khoái trá, thú vị.

Sau bữa tiệc là cử hành lễ vén khăn che mặt cô dâu. Đám bạn trai của chú rể xúm quanh anh kẻo đến phòng cô dâu, vừa đi vừa reo hò có ý như muốn báo cho cô dâu biết có người tới. Vào đến cửa, người thì đẩy anh vào, người thì kẻo anh ra. Điều này chẳng qua chỉ cốt cho vui, tạo ra không khí náo nhiệt mà thôi. Lúc ấy trong phòng cô dâu cũng huyên náo cả lên. Em gái chú rể, cùng trong tiếng vỗ tay múa một đường rất điệu nghệ, nhẹ nhàng vén tấm khăn che mặt cô dâu. Chúng tôi chen chúc nhau trong đám đông tranh nhau nhìn ngắm cô dâu, cô rõ là một người mắt phượng mày ngài, mũi cao miệng nhỏ, da dẻ non nẻo, đôi má hồng hào, đúng là một cô dâu xinh đẹp của mẫu người Uygur điển hình.

22. TỪ CA THẬP ĐẾN HÒA ĐIỀN

Ngành thủ công nghiệp dân tộc của Ca Thập đã nổi tiếng xưa nay ở Tân Cương. Sở công nghiệp nhẹ thành phố phái một thông dịch viên người Uygur làm hướng dẫn viên cho chúng tôi. Cô tên là Axia. Cô có đôi mắt rất xanh, long lanh như hai giọt nước. Huyền Trang trong Đại Đường Tây Vực kýđã từng nói người nước Khư Sa (tức Ca Thập) có “đôi mắt xanh” quả rất đúng. Axia từ nhỏ học tập ở trường người Hán nên nói tiếng Hán rất lưu loát, cô điềm đạm, ăn mặc trang nhã, đúng là một nữ cán bộ người Uygur có giáo dục.

MŨ HOA, NHẠC CỤ, DAO CẠO VÀ CÁC ĐẶC SẢN KHÁC

Trước hết cô dẫn chúng tôi đến xưởng thêu, ở đây sản xuất mũ hoa, khàn bàn, khăn ăn ... Mặt hàng mũ hoa khá nhiều so với số hàng bày bán trên các phố, ngoài người Uygur sử dụng, mũ hoa được người Kirghiz, người Tadjikistan ưa chuộng. Trong xưởng hầu như toàn là phụ nữ. Axia lặng lẽ chỉ cho tôi một nữ công nhân người Uygur bên máy khâu, nói nhỏ:

- Ông xem, cô ta có giống Liza không?

Liza là vai nữ chính trong bộ phim ấn Độ có tên là “Kẻ lang bạc”. Bộ phim này đã có một thời trở thành mốt ở Tân Cương, lớp trẻ đặc biệt ưa thích bài hát trong phim bởi lẽ khúc điệu của nó rất gần với âm nhạc của người Uygur. Phải rồi, nhờ cô Axia nhắc tôi mới nhận ra cô công nhân này có khuôn mặt rất giống những cô gái da trắng ở bắc Ấn Độ. Ca Thập cùng với các nước lân cận như Ấn Độ, Pakistan, từ xưa đến nay đã từng giao lưu qua lại với nhau nên có sự pha trộn huyết tộc cũng là một hiện tượng tự nhiên. Phụ nữ Uygur khác với phụ nữ người Hán hiện đại ... Đến nay họ vẫn còn thích đeo đồ trang sức, bất kể già trẻ hầu như ai cũng đeo bông tai, nhẫn, dây chuyền. Trong xưởng có một ông lão râu dài hướng dẫn lớp thợ trẻ dùng sợi đồng, sợi bạc chế tạo hàng loạt những đồ trang sức tinh xảo. Một đôi bông tai khảm ngọc túy hoặc lưu ly hồng đáng giá từ năm mươi đến một trăm lười nhân dân tệ. Cho dù đồ trang sức đáng giá một hai tháng lương của một công nhân bình thường, họ vẫn mua sắm như thường.

Chúng tôi chuyển qua thăm lò chế tạo đồ gốm gần khu thành cổ đúng lúc người ta đang xuất lò, chúng tôi thấy một loạt khay, chén và bình gốm sứ tráng men ba màu, hình dáng cổ xưa màu sắc trang nhã, tuy là đồ gốm nhật dụng nặng chất địa phương song vẫn là những công nghệ phẩm đáng lưu ý. Tôi bỏ ra một khoản tiền đáng giá hai gói thuốc thơm để mua hai cái đĩa, một cái bát, một cái khay đưa về Bắc Kinh đặt trên giá sách, mấy ông bạn có khiếu thẩm mỹ không ai là không tán thưởng; họ cho rằng chúng mang đậm phong cách Tây Vực. Khi tham quan, Lý Ngẫu Xuân rút tập vở ghi chép của mình ra hỏi rõ phương pháp chế tạo rồi ghi đầy đủ từ khâu làm đất, nung đất đến tên các loại men và phân lượng. Theo như ông nói thì sản phẩm của loại đất nung này có nhiều chỗ giống đồ sành sứ đào được của hàng ngàn năm trước, cho nên nhân cơ hội này thu thập những hiểu biết sống động từ miệng công nhân sành sứ nói ra, giúp ta có những thẩm định đặc biệt đối với những văn vật khai quật được.

Sau cùng, chúng tôi đi thăm xưởng làm nhạc cụ. Chủ nhân đem các loại sản phẩm bày ra cho chúng tôi xem, gồm bảy loại nhạc khí dân tộc, như nhiệt ngoa phủ, đô tháp nhĩ, khố mộc tư, hồ tư pháp nhĩ v.v... (tên các nhạc cụ không có tiếng Việt tương đương) Nhạc khí thường sơn màu đen, trên có khảm xà cừ hoặc nạm ngọc, tạo thành những đường hoa văn rất trang nhã, xinh đẹp và tinh tế. Mỗi nhạc cụ là một công trình nghệ thuật, âm thanh và ngoại hình đều đẹp, so với những nhạc cụ tôi đã xem ở Y Lê hay Urumqi thì nhạc cụ ở đây tinh tế khéo léo hơn nhiều. Ông chủ nhiệm xưởng nhạc cụ tự hào nói rằng nghề làm nhạc cụ ở Bắc Cương là do từ Ca Thập truyền đến. Tôi yêu cầu một nhạc công lớn tuổi đàn một khúc trên chiếc đàn đô đáp nhĩ của chính tay ông làm ra. Chiếc đàn hai dây, với ngón tay điêu luyện của ông, tiếng đàn sục sôi cuồn cuộn tựa như đàn ngựa đang phi nước đại trên thảo nguyên, rồi dịu dàng vi vút như tiếng thông reo trên núi cao, mạnh mẽ mà thâm trầm. Khúc đàn chấm dứt tôi bỗng vỗ tay tán thưởng.

Axia nói ngành thủ công nghiệp truyền thống ở Ca Thập, bất kể sản lượng, mặt hàng hay chất lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay ở tại Nam Cương. Toàn thành phố chỉ có mười tám công xướng và hợp tác xã sản xuất các mặt hàng đặc dụng cần cho sinh hoạt truyền thống dân tộc, chỉ khoảng chừng 2600 công nhân đảm trách, sản xuất hàng trăm chủng loại và sản lượng, mỗi năm đạt trên 20 vạn sản phẩm.

Nhưng cô thừa nhận một điều rằng dao cạo sản xuất ở Anh Cát Sa và thảm ở Hòa Điền vượt xa sản phẩm của Ca Thập. Xem ra cô gái Uygur có học thức này không tự cho xứ sở mình là số một.

Huyện Anh Cát Sa cách Ca Thập 40 cây số về phía nam, sản xuất loại dao cạo tinh xảo nổi tiếng khắp Tân Cương. Chúng tôi đi từ Ca Thập đến Hòa Điền có ghé qua Anh Cát Sa khoảng hơn một tiếng đốm hồ để thăm xưởng ngũ kim chế tạo loại dao cạo đặc sản.

Dao cạo Anh Cát Sa có màu lam bóng loáng, sắc bén vô cùng. Một tay cầm con dao một tay nhón một sợi tóc thổi nhẹ một cái, sợi tóc gặp lưỡi dao đứt đoạn. Trên mặt dao có trang trí hoa văn quả “ba đan nẫu” (tức một loại đảo có quả hình dẹp trồng nhiều ở Nam Cương); còn cán dao thì trông rất đẹp mắt. Có loại cán dao mạ công trên có khảm thủy tinh hữu cơ màu hồng tươi và màu tiếng bạc, hoa văn tinh tế, ánh màu lấp lánh. Có loại cán dao bằng gỗ táo, không sơn đen, chỉ đánh bóng, trên đó chạm trổ rất tinh vi, màu gỗ mộc mạc cho ta cảm giác giản dị mà trang nhã.

Xưởng làm dao cạo này có khoảng 30 công nhân, hàng năm sản xuất chừng mười toàn cái. Ở công đoạn cuối cùng, tôi chứng kiến một bác công nhân lớn tuổi khắc hoa trên cán dao. Tay phải điều khiển con dao khắc, chỉ trong một thoáng, các đường hoa văn tinh tế hiện ra trên cán dao cầm bên tay trái.

Tôi mua mười hai con dao cạo Anh Cát Sa để làm kỷ niệm, đem về đến Bắc Kinh, chỉ trong mấy ngày bạn bè đã lấy sạch.

CHỈ ĐỨNG NHÌN DÒNG SÔNG MÀ THAN

Chúng tôi rời Ca Thập đi về hướng đông nam, tôi và Lý ngẫu Xuân cùng với các đồng sự của ông đi trên một chiếc xe Jeep bảy chỗ ngồi. Trên xe, ngoài một số va-li tùy thân, còn mang theo hai bao hành lý lớn, hai thùng đầy nước uống hoàn bị cho khi đi vào sa mạc, lại thêm một thùng gỗ chứa đầy vật dụng cần thiết của những người làm công tác khảo cổ trong việc sưu tập văn vật hay tư liệu dọc đường. Chiếc Jeep nhỏ ấy đã đầy ắp đồ đạc, lại thêm năm con người ngồi nữa, rõ là chật chội. Thế nhưng chúng tôi đã cùng kết bạn đồng hành đi hết con đường của người xưa từ đầu đến cuối và nay lại sắp thâm nhập vào sa mạc nên ai nấy đều phấn chấn tinh thần.

Tham quan xong xưởng ngũ kim ở Anh Cát Sa, chúng tôi men theo đường cái bằng phẳng đi về hướng đông nam chừng 130 cây số, xuyên qua một sa mạc nhỏ thì đến huyện Sa Xa. Đây là một huyện có dân số đông nhất của Tân Cương, có nhiều thành công trong việc trồng rừng phòng hộ chống bão cát. Chúng tôi không dừng xe ở đây mà tách khỏi đường cái đi về hướng bắc theo đường đất nông thôn để đi đến huyện Mạch Cái Đề.

Giữa đường có báo cáo của phòng văn hóa Mạch Cái Đề nói ở đấy người ta vừa phát hiện một số văn vật quan trọng. Do đó, Lý Ngẫu Xuân quyết định rời đường cái rẽ về hướng Mạch Cái Đề. Đường đất nông thôn quanh co khúc khuỷu, thường gặp nhiều ngả rẽ, cũng may có anh cán bộ người Uygur trên xe, nên có thể tùy lúc hỏi đường. Cơ bản chúng tôi men theo dòng sông Diệp Nhĩ Khương mà đi về hướng bắc.

Trên đường đi phải xuyên qua ba công xã nông thôn thuộc huyện Sa Xa, hai bên đường cây cối rậm rạp, ruộng đất phì nhiêu, bờ ngang bờ dọc liền nhau, trong thôn đầy tiếng gà kêu, chó sủa, hoàn toàn không có cảm giác hoang vắng của vùng ven sa mạc, rõ ràng đây là một khu trù mật nhờ nguồn nước của sông Diệp Nhĩ Khương. Vừa đi vừa ngăm cảnh của vùng lục châu, không ngờ bóng chiều đã ngả về tây, vòng lửa to tướng lơ lửng phía chân trời trông thật diễm lệ.

Lý Ngẫu Xuân ngồi ở ghế trước có lẽ như đói bụng, tự nói:

- Không biết phòng Văn hóa huyện có chuẩn bị bữa ăn tối cho chúng ta không nhỉ?

- Anh có thông báo cho họ biết tối nay mình đến à? - Tôi hỏi.

- Sao lại không! Tối nay mình đến đó xem xét, giám định một số văn vật kia mà?

Huyện Mạch Cái Đề nằm ở đầu phía tây của sa mạc Taklamacan, đối diện sông Diệp Nhĩ Khương, vị trí tuy cách đường chính của con đường tơ lụa, nhưng thời cổ đại cũng có một đường nhánh thông vãng Ca Thập, đã từng có nhà thám hiểm xuất phát từ Mạch Cái Đề theo hướng đông đi vào sa mạc Taklamacan.

Đang khi chúng tôi chuyện trò thì gặp ngay một ngả rẽ, sau khi thăm hỏi đường sá, chứng tôi rẽ phải, xuyên qua một vườn cây ăn quả, trước mặt hiện ra dòng sông Diệp Nhĩ Khương đang cuồn cuộn chảy. Nước sông chảy mạnh, lòng sông rộng thoáng ước chừng năm, sáu trăm mét. Sông Diệp Nhĩ Khương phát nguyên từ núi Côn Luân, dài 1079 cây số, là nguồn nước chính của sông Tarim. Mặt trời đã xuống núi, nhìn qua bên kia sông trong đám lau sậy um tùm thấy thấp thoáng có nhà cửa, dinh thự, thì đó là huyện Mạch Cái Đề. Đưa mắt nhìn quanh chẳng thấy cầu, cũng chẳng thấy bến đò qua sông đâu cả, đến bên thành mà không vào được thành, chỉ còn cách đứng bên này sông mà kêu trời.

Anh tài xế thử tìm đoạn nước cạn để qua sông, nên bảo chúng tôi xuống xe, còn mình lái chiếc xe không theo bãi sông đi tới nhưng chưa đầy mười bước bánh xe bị lún vào bãi sình trơn trợt. Chúng tôi vội hợp lực kéo chiếc xe ra khỏi sình trở về chỗ cũ.

Chính trong lúc bận rộn ấy, có hai thanh niên người Hán lái chiếc xe tải đi tới, trên xe chở đầy dưa Ha Mật, sửa soạn lội nước qua sông về huyện Mạch Cái Đề. Chúng tôi vội đến hỏi họ cách qua sông.

Họ nói hiện nay cuối tháng nước sông đang lớn, xe con không thể qua được, chỉ có xe của họ bánh cao có thể tìm đoạn bãi cạn mới khỏi bị ngập.

Họ hỏi:

- Các anh từ đâu đến đây?

- Từ huyện Sa Xa.

- Ồ thế thì các anh đi trật đường rồi? Phải qua cầu ở huyện lỵ Sa Xa, đi về phía bờ đông của sông Diệp Nhĩ Khương rồi rẽ về hướng bắc mới đúng đường.

Chúng tôi có hối cũng không kịp. Lý Ngẫu Xuân nhờ hai chàng trẻ tuổi chuyển lời đến phòng văn hóa huyện nói là chúng tôi đi lạc đường không thể đến đúng hẹn được.

Đưa mắt nhìn theo chiếc xe tải từ từ lội nước qua sông, tôi ngồi xổm bên bờ sông lấy tay vốc nước uống một ngụm, rồi rửa mặt. Ồ! Sông này là nguồn nước từ băng tuyết ở núi Côn Luân chạy về đấy! Nước đổ về hướng bắc hội nhập vào sông Tarim nuôi dưỡng lòng chảo Tarim, từ thời xa xưa nó đã từng sinh dưỡng nền văn minh xán lạn mà hậu thế phải khâm phục.

ĐÊM NGHỈ NGOÀI TRỜI TRÊN CON ĐƯỜNG TƠ LỤA CỔ ĐẠI

Hôm ấy, mặt trời dần tắt, chúng tôi vội vã quay xe trở lại đường cũ. Không được ăn tối ở phòng văn hóa huyện Mạch Cái Đề chỉ là chuyện nhỏ, vạn nhất giữa đường xe cộ có gì trục trặc chắc sẽ không tìm ra chỗ trọ, thế thì làm thế nào đây? Tài xế nhấn ga tăng tốc, khi qua được công xã đầu tiên thì trời đã tối mịt, xa xa vang vọng âm thanh của buổi chiếu bóng ngoài trời. Quán xá nhỏ hai bên đường vẫn còn chong đèn, chúng tôi tạt vào mua một ít bánh để ăn đỡ đói rồi tiếp tục lên đường.

Đêm đen dày đặc, không trăng cũng không thấy ngôi sao nào nhấp nhánh, chỉ thấy hai vạch sáng trước xe trên con đường đất mấp mô, lồi lõm. Chung quanh vô cùng tĩnh lặng, mọi người không ai nói năng, bụng thầm lo lắng. Trong đêm tối nơi chốn ven sa mạc này có thể lạc mất phương hướng như chơi! Có người nói anh tài xế lão luyện này đi trở lại đường cũ thì làm sao lạc đường, nhưng chúng tôi đang đi trong đêm tối đen giơ bàn tay ra không thấy, làm sao yên tâm cho được. Xe cứ chạy, chạy mãi, chạy đến một ngã ba, ngoàí những hàng bạch dương cao vút thẳng tắp hai bên đường, còn thì không có dấu hiệu nào khác cả, thật khó biết đi theo đường nào cho đúng. Tài xế chọn đường rẽ phải, đi khoảng hơn mười cây số thì một con mương to tướng chắn ngang trước mặt, đường bị cắt. Cũng may gặp một bà lão đang quỳ bên bờ mương làm lễ thánh, nhờ bà chỉ điểm. Xe chạy trở lại chỗ ngã ba, rẽ trái mới đúng đường. Điều này khiến tôi nhớ đến vị bồ tát dẫn đường cho khách thương trên bức bích họa ở Thiên Phật động Khắc Tư Nhĩ. Bà giơ đôi tay biến thành bó đuốc chiếu sáng dẫn đường cho khách lữ hành đi trong đêm tối trên con đường tơ lụa.

Sau một hồi quanh co, cũng tìm ra được đường trở lại Sa Xa, ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm, nhưng bấy giờ đã quá nửa đêm, nhà trọ, nhà khách đều đóng cửa. Lý Ngẫu Xuân đề nghị dừng xe cạnh đường nghỉ ngơi đợi đến sáng hàng hay. Anh tài xế trẻ tuổi chủ trương đi tiếp, rạng sáng sẽ đến Diệp Thành. Anh bảo xe chạy trên đường nhựa bằng phẳng còn thoải mái hơn nằm lại trên xe trên đường phố ở huyện thành.

Mọi người tán thành đề nghị của tài xế. Ai ngờ đi một đoạn vì quá mệt, anh ngủ gục trên tay lái, thật là nguy hiểm, nên đành phải dừng tại một thị trấn nghỉ tạm. Vài người nằm ngổn ngang trong xe đánh giấc. Còn tôi mệt quá cũng thiếp đi lúc nào không biết. Tôi mộng thấy một tên cường đạo đầu đội khăn trắng, trợn tròn đôi mắt, râu ria xồm xoàm, tay cầm đoản kiếm kiểu Anh lao về phía chúng tôi. Hoảng hốt tôi kêu lên một tiếng, thất kinh tỉnh ngủ. Lúc này anh tài xế nằm sấp yên ắng trên tay lái ngáy đều đều. Chỉ có Lý Ngẫu Xuân một mình tản bộ quanh xe.

Tôi nói:

- Ông giám đốc! ông canh gác cho chúng tôi ngủ đấy à?

- Đâu có! Ngồi trong xe cảm thấy lạnh, đi quanh khởi động một chút cho nóng người lên đấy thôi! - Ông nói.

Tôi mặc thêm áo ấm xuống xe đi bộ với ông. Đêm thu nơi vùng ven sa mạc này có vẻ lạnh thật. Thời gian trôi qua quá chậm, hừng đông ló dạng, đánh thức tài xế dậy tiếp tục tiến về phía đông. Đã thấy Diệp Thành, nhưng đúng lúc xe vừa hết xăng, buộc phải đừng lại. Ngồi đợi mãi mới thấy một chiếc xe ca đi tới, Lý Ngẫu Xuân ra đón xe và hỏi mượn một thùng nhỏ xăng, nhờ đó mà đi được về Diệp Thành.

Bắt đầu vào tuyến nam của con đường tơ lụa thì gặp ngay sự trở ngại nhỏ, tôi và Lý Ngẫu Xuân bàn tính, bây giờ đi một bước cũng không được lơ đãng mà phải hết sức cẩn thận.

Diệp Thành, Mạch Cái Đề và Sa Xa là những huyện thuộc lưu vực sông Diệp Nhĩ Khuông, lấy sản xuất nông nghiệp làm chính vào thời cổ đại nước Sa Xa.

Đầu đời Đông Hán, nước Sa Xa là một cường quốc ở nam Thiên Sơn. Khi Hung Nô đánh nhau với Đông Hán, để chiếm lại xứ Tây Vực cho mình chỉ có nước Sa Xa kiên quyết kháng cự. Vua Vương Diên nước Sa Xa đã gởi con đến Trường An kết thân, đồng thời khuyên con phải phụng mệnh nhà Hán, không được phụ bạc. Diên mất, con. là Khang lên vẫn theo đuổi chính sách thân Hán. Khi thế lực Hung Nô được củng cố ở Tây Vực, nhiều quan lại, gia thuộc của nhà Hán ở Tây Vực đều được vua Sa Xa bảo bọc, tránh được sự sát hại của người Hung Nô. Năm 219 CN, vua Đông Hán phong Khang làm Tây Vực Đại đô úy thống lĩnh các nước Tây Vực. Khang mất, em là Hiền lên thay, nước Sa Xa trở nên giàu mạnh, quân đội, vũ lực thu gồm các nước. Nước Vu Điền không chịu sự áp bức nổi lên chống đối, cuối cùng tiêu diệt nước Sa Xa, và thay quyền Sa Xa tại đấy đứng đầu các nước Tây Vực ở tuyến nam của con đường tơ lụa.

KHU PHỐ LỀU TRẠI CỦA CÔNG NHÂN DẦU MỎ

Nghỉ lại ở Diệp Thành một ngày rồi tiếp tục lên xe hướng dãy Côn Luân đi tới, có một con đường thông Tây Tạng. Thế kỷ VII CN, người Thổ Phồn (tên cũ của Tây Tạng) đã từng xâm nhập Tây Vực, rất có thể đã đi theo con đường này.

Men theo đường nhựa thẳng tắp, xe chạy ven rìa sa mạc rằng phẳng mênh mông bỗng thấy một khu lều trại, hàng lối chỉnh tề, càng đến gần càng thấy rõ chúng có đủ ngõ phố, quãng trường, sân bãi, quả giống như một khu phố bằng lều trại. Đây không phải là nhà ở của mục dân mà là đại bản doanh của đoàn thăm dò dầu khí.

Chúng tôi được tiếp đãi đặc biệt, nhà trọ là loại phòng áng gỗ có thể tháo rời khi cần, bên trong có lát gạch, có đèn điện và lò sưởi. Chốn hoang mạc hẻo lánh này được như thế là quá thoải mái rồi.

Chiều tối, nhà địa chất họ Hạ, khoảng chừng năm mươi lại mang đến một tập bản đồ địa chất giảng giải cho chúng ,i nghe một hồi, ông say sưa nói về thành quả và triển vọng của khu dầu mỏ ở lòng chảo Tarim.

Ông nói, dưới lòng đất của lòng chảo Tarim là địa tầng trầm tích biển, vào khoảng một triệu năm trăm ngàn năm trước, nước biển đã từng xâm nhập ba lần vào đây nên rất lợi cho sự tạo ra dầu khí.

Lịch sử địa chất dầu mỏ Trung Quốc đã từng xảy ra cuộc tranh luận lớn về địa tầng trầm tích biển và địa tầng trầm tích lục địa trong sự tạo thành mỏ dầu. Có người đưa ra lý lẽ bảo rằng phần lớn mỏ dầu trên thế giới đều do địa tầng trầm tích biển và phủ định khả năng hình thành mỏ dầu do từ địa tầng trầm tích lục địa. Thế rồi sự phát hiện ra mỏ dầu địa tầng trầm tích lục địa ở Đại Khánh (tỉnh Hắc Long Giang) đã kết thúc các cuộc tranh biện ấy. Thực tế chứng minh ràng mỏ dầu được hình thành từ những sinh vật trong nước trải qua nhiều thời kỳ địa chất, bất kể sinh vật đại dương hay sinh vật hồ đầm trong điều kiện địa chất nhất định đều có thể tạo thành dầu mỏ.

Trên tấm bản đồ lớn, nhà địa chất họ Hạ chỉ cho tôi xem và giảng giải hàng triệu năm trước nước biển tại lòng chảo Tarim là do nước biển từ Địa Trung Hải vận hành qua đấy theo cửa khẩu Ô lỗ khắc kháp đề tràn vào Tarim.

Tôi nói đùa:

- Thế thì sinh vật đại dương cũng đi từ tây sang đông theo con đường tơ lụa, hay nói cách khác dấu mỏ ở lòng chảo Tarim đã vận chuyển từ tây sang đông qua con đường tơ lụa đấy nhỉ?

Nhà địa chất họ Hạ cũng cười, nói:

- Xem ra anh có vẻ mê con đường tơ lụa quá đỗi, mọi việc anh đều liên hệ cho được ... Nhưng có điều cái đó đã xảy ra hàng triệu triệu năm trước, ngay từ lúc loài người còn chưa xuất hiện!

Ông nhớ lại hồi năm 1952, đội thăm dò địa chất tiến hành công tác khảo sát khu vực lòng chảo Tarim. Họ đã trải qua chín lần xâm nhập đại sa mạc Taklamacan, đi ngang về dọc, tiến hành điều tra xem xét năm biện pháp về trọng lực và từ lực.

Tôi rất khâm phục họ và hỏi:

- Đi vào sa mạc hàng trăm cây số quả là phi thường! Vấn đề nước uống, quý vị giải quyết bằng cách nào?

Ông bảo, khi đi vào sa mạc, mỗi người cần chuẩn bị năm đến mười lạc đà chở nước và thức ăn, nhưng đôi khi lạc đà cũng bị chết khát; lạc đà cứ đi, đi mãi rồi thình lình ngã quỵ xuống đất không còn đứng lên nổi nữa.

Nhiều năm nay, đội thăm dò dầu khí dọc lòng chảo Tarim đã khoan đào một loạt giếng thăm dò, đã thấy có nhiều dấu hiệu khả quan nhưng bất ngờ nhất là vào năm 1977 đã đào thấy một giếng dầu khí có trữ lượng rất lớn bên chân núi Côn Luân.

Qua ngày thứ hai, chúng tôi rời khu phố lều trại trên sa mạc để đi vào khe núi; càng vào sâu, càng thấy lạnh, tuy mới đầu thu nhưng phải mặc áo bông chống lạnh. Xe qua một sơn thôn, một nhóm cán bộ xã viên người Uygur vây quanh một chiếc máy kéo đang hoạt động. Chúng tôi dừng xe nghỉ, vì ngôn ngữ không thông nên không đến chuyện trò với họ. Một xã viên diện mạo phúc hậu nhìn thấy chúng tôi, lặng lẽ đem tới một quả dưa hấu, đưa tay ra hiệu có ý mời chúng tôi giải khát Trên người đang mặc áo bông, miệng thì ăn dưa hấu mát lạnh, trông thật buồn cười. Nhưng dù sao cách đối đãi của thôn dân vùng sơn cước này rất thật thà, chất phác dễ mến.

Lại tiếp tục đi tới, trong hang núi hiện ra hàng dãy lều trại và một dàn khoan đồ sộ. Xa xa đã nghe tiếng ầm ầm đinh tai nhức óc, đó không phải là tiếng máy nổ của động cơ mà là tiếng phun bắn của dòng khí mỏ nghe như tiếng sấm.

Đến gần nhìn rõ, thì ra đó là âm thanh phóng ra của một giếng dầu khí có trữ lượng cao nhất được tìm thấy vào năm 1977. Nó khác với những gì tôi đã thấy ở những giếng dầu khác, miệng giếng tiếp liền với bốn ống dẫn lớn để dầu và khí phun ra phía ngoài. Vì áp lực bên trong quá lớn nên không thể chứa dầu khí trong các xe goòng mà phải để chúng phun vào hồ chứa lộ thiên. Trong hồ là một dịch thể nửa trong suốt, là một loại dầu nhẹ chỉ cần dùng phương pháp điều chế đơn giản là có thể dùng làm nhiên liệu cho xe hơi.

Giếng dầu này bắt đầu phun từ năm 1977 đến tháng chín năm 1979 là năm tôi đến tham quan, thế là đã trải qua hai năm nhưng áp lực kinh người của nó vẫn chưa giảm, điều này chứng tỏ trữ lượng dầu bên trong của nó rất lớn.

QUỐC GIA CỔ ĐẠI XƯNG HÙNG Ở TUYẾN NAM CỦA CON ĐƯỜNG TƠ LỤA

Sau khi trở lại Diệp Thành, chúng tôi lại tiếp tục lên xe đi về Hòa Điền, hai nơi này cách nhau chừng 250 cây số. Tôi vốn lo đường sá không tốt, xe cộ trở chứng không biết lúc nào, nhưng vượt qua một đoạn đường dài, mọi chuyện đều tốt đẹp. Đường nhựa vừa mới tu sửa, xe băng băng qua huyện Bì Sơn và huyện Hắc Ngọc Nhĩ thì đến Hòa Điền, tức là địa sở của nước Vu Điền cổ đại.

Xuất phát từ Korla đi vòng quanh đại sa mạc Taklamacan bằng đường nhựa đến Hòa Điền tổng cộng khoảng chừng 2500 cây số Rồi theo hướng đông đi trên đường đá dăm, xe cộ và bộ hành bắt đầu trở nên hiếm hoi.

Tây Hòa Điền có sông Ca La Ca Thập; đông Hòa Điền có sông Ngọc Long Ca Thập. Cả hai sông này đều phát nguyên từ núi Côn Luân, sau khi chảy ra khỏi Hòa Điền, hầu như chúng cùng song song theo hướng bắc chảy vào phía sa mạc.

Khoảng cách hai sông chưa đầy 20 cây số, chúng hình thành một vùng lục châu hẹp phì nhiêu dài chừng 120 cây số. Sau khi hai sông chảy ra hướng sa mạc Taklamacan, chúng hợp lưu gọi là sông Hòa Điền rồi chảy vào sông Tarim.

Được sự ban phát của hai dòng sông này, xưa nay Hòa Điền có một nền nông nghiệp phát đạt, lịch sử phồn vinh lâu đời được miêu tả như sau:

Thời Tây Hán, Hòa Điền là nước Vu Điền. Thời Đông Hán, nhân khẩu gia tăng, xưng hùng xưng bá ở dọc tuyến nam của con đường tơ lụa, quản hạt mặt tây đến Sa Xa, đông đến Dân Phong, chịu dưới sự lãnh đạo hành chính của quan trưởng sử Tây Vực do nhà Hán sai phái đến, Vu Điền đã một thời trở thành trú sở và là trung tâm chính trị của khu vực Nam Cương.

Đến đời Tùy Đường, sự giao hảo giữa Vu Điền và Trung Nguyên càng mật thiết. Trường An đã từng là nơi định cư của cha con thầy tăng Úy Trì Ất người nước Vu Điền. Họ là những đại họa gia nổi danh trong nền nghệ thuật Trung Quốc. Hồi ấy họ đã truyền bá một phương pháp mới nổi tiếng khắp kinh thành gọi là “vựng nhiễm pháp”, tức một phương pháp vẽ khiến bức tranh có hình khối kiểu không gian ba chiều.

Ở hang động Mạc Cao Đôn Hoàng, trên bức bích họa thứ 98 vẽ một bức tượng lớn về quốc vương Vu Điền Lý Thánh Thiên, nét bút thật tinh mỹ thuộc trường phái tả thực, có thể nhận thấy quốc vương Vu Điền không chỉ có “áo mũ như người Trung Quốc” mà dung mạo cũng rất giống người Hán. Ngụy thư có viết: Từ nước Cao Xương trở về phía tây, người các nơi đều có mắt sâu, mũi cao, duy chỉ có người nước Vu Điền là giống người Hoa Hạ. Cách nhận xét này rất có lý.

Lý Thánh Thiên là người của thế kỷ thứ X CN, tương ứng với thời Ngũ Đại. Dù cho thời kỳ này ở nội địa xảy ra chiến loạn, nhưng Lý Thánh Thiên vẫn nhiều lần sai sứ đưa ngọc quý tiến cống nội địa. Trong thời kỳ ông nhiếp chính, từ quốc vương đến thứ dân đều dùng họ tên theo kiểu người Hán, xây dựng cung điện đều trở mặt về hướng đông biểu thị chủ ý lòng luôn hướng về Trung Hoa.

ĐI THĂM DI CHỈ CỐ ĐÔ CỦA VU ĐIỀN

Ngày thứ hai ở Vu Điền, Lý Ngẫu Xuân khẩn trương đi thăm di chỉ cổ thành Mã-lợi-khắc-ngõa-đặc. Chúng tôi lên xe đi về hướng nam, qua khỏi phi trường Hòa Điền, xe chạy ven rìa sa mạc chừng 25 cây số thì đến di chỉ cổ thành ở sất phía tây bờ sông Ngọc Long Ca Thập.

Phạm vi của di chỉ: nam bắc dài chừng 1500 mét, hai đầu đông tây không đều nhau, đông rộng tây hẹp, phân ra 750 mét và 450 mét. Trên mặt đất không thấy tàn tích của tường thành.

Điều đáng chú ý nhất ở di chỉ này là số lượng đá kê chân cột rất nhiều, chúng rải rác tại ba, bốn nơi trên di chỉ, có nơi có đến ba, bốn mươi chân cột. Cứ theo số đá kê ấy, ta có thể tưởng tượng năm xưa nơi đây là cả một công trình kiến trúc dàn dựng đồ gỗ rất đồ sộ, bề thế. Đá kê chân cột hình tròn, một mặt bằng và nhẵn, còn mặt kia thì chung quanh mỏng, ở giữa dày, mặt cắt có hình vòng cung. Lý Ngẫu Xuân có hỏi ý kiến một nhà kiến trúc, người này cho rằng đá chân cột có hình trạng như vậy chôn trên vùng đất mềm xốp của sa mạc thì áp lực của tầng trên có thể tụ vào tâm của hòn đá điều này phù hợp với nguyên lý lực học trong kiến trúc.

Trên di chỉ có bốn nơi là lò gạch cũ. Chúng tôi xem xét kỹ một nơi, trên đất đầy những mảnh gạch ngói và các tàn tích của các loại đất nung khác.

Chúng tôi tiếp tục tìm xem tứ phía thu nhặt được nào là đồ trang sức bằng ngọc, mảnh đồng “tiền ăn năm”. Mấy năm trước, Lý Ngẫu Xuân đã thử đào xới ở đây và phát hiện ra một lò đúc tiền, đã đào được 45 cân “tiền ăn năm” đời Hán được cất giữ trong một cái hũ lớn.

Lý Ngẫu Xuân cho rằng cổ thành Mã-lợi-khắc-ngõa-đặc là cố đô của nước Vu Điền. Có hai lý do: thứ nhất, theo di vật đào được mà xét thì đây là thành nhà Hán; thứ hai, Hán thư có ghi: “Quốc vương Vu Điền cai trị Tây thành”. Hậu Hán thư cũng ghi: “Nước Vu Điền ở Tây thành”. Gọi Tây thành có thể hiểu rằng thành ở bờ tây sông Ngọc Long Ca Thập.

Mấy ngày sau, Lý Ngẫu Xuân lại nhờ người bạn làm công tác khảo cổ đi đến cổ thành, khi trở về vui mừng hớn hở, liền nói lớn: “Thành công rồi!”

Ông lôi ra từ bao mang trên lưng xuống rất nhiều mảnh vụn. Có thứ bằng chất đất, có thứ bằng đất nung, có thứ giống như thạch cao, nhất nhất ông chỉ cho tôi xem, rồi nói:

- Đây là một phần của lỗ tai, ... đây là đường viền áo hình đám mây,... đây là một ngón tay nhỏ ...

Tôi cầm ngón tay nhỏ bằng đất kia đưa lên so với ngón tay của mình thấy không sai biệt là bao. Tôi nói:

- Nếu bảo đây là ngón tay còn sót lại của một tượng Phật thì cỡ của nó cũng bằng người thật nhỉ?

Ông nói:

- Đúng. Những mảnh vỡ ấy được tìm thấy gần một ngôi miếu thờ Phật vừa mới khai quật. Ngoài ra còn đào được một số tiền đồng đời Hán. Đây là một phát hiện vô cùng quan trọng.

Ông còn nói Phật giáo từ Ấn Độ truyền nhập vào Trung Quốc từ đời Đông Hán, nhưng đến nay vẫn chưa tìm thấy tượng đất hay tượng vẽ đức Phật đời Đông Hán. Nếu các mảnh ngón tay còn sót lại này đúng là của tượng Phật thì chúng sẽ có giá trị rất lớn.

Có một thuyết cho rằng nước Vu Điền đóng đô tại Ước Đặc Can tức nay là đội sản xuất thứ nhát thuộc khu quản lý công xã Xuân Thu II huyện Hòa Điền.

Trong Tây Vực khảo cổ ký (những ghi chép về công cuộc khảo cổ ở Tây Vực) của Amel Stein (1862 - 1943) người Anh có viết: Di chỉ cố đô Hòa Điền ngày xưa có thể được xác định là một nơi thuộc thôn Ước Đặc Can. Vùng đất này nằm giữa hai con sông tức sông Ngọc Long Ca Thập và sông Ca La Ca Thập, cách huyện lỵ Hòa Điền ngày nay chừng bảy cây số về phía tây. Những thôn dân đi tìm kho báu đã đào xới ở đây suốt 35 năm, đào đến một lớp trầm tích lớn khá sâu đã phát hiện ra một tầng văn hóa hoàn toàn hư nát được chôn dưới đó.

Trước khi đào xới thì ở đây người ta đã đào tìm vàng lá. Theo một vị tăng người Trung Quốc thời cổ đại đã đến đây có ghi chép lại thì đô thành Hòa Điền không chỉ có tượng Phật, tức kiến trúc Phật giáo ở bề nổi, mà còn thếp cả vàng lá trên tượng nữa.

- Chúng tôi đã đến thôn Ước Đặc Can như một bác nông dân dẫn đường, đến chỗ xưa kia người ta đào tìm kho báu thì thấy chỉ là một đám ruộng lúa thấp trũng. Có lẽ qua nhiều năm đào xới, thế đất ngày càng trũng thấp, người ta lợi dụng nó để trồng cấy lúa nước. Bác nông dân nói rằng hàng năm cày cuốc có thể nhặt được nhiều mảnh gạch ngói vỡ.

Thôn Ước Đặc Can thuộc công xã Xuân hoa, nó xinh đẹp giống như tên gọi vậy, có thể nói đây là một nông thôn Uygur điển hình khiến người ta phải mê thích. Nó không những có cảnh quang tươi đẹp mà sản vật rất phong phú. Người ta trồng lúa nước, tiểu mạch, bông vải sản xuất sữa đậu nành, đậu xanh dùng làm đậu phụ và mì sợi. Trái cây thì có mật đào, nho. Họ còn cả bãi nuôi dê và trại nuôi lợn. Người ở đây rất coi trọng các loại kinh doanh sản xuất. Tôi nói với anh xã trưởng:

- Nơi các anh ở hiện nay là thủ phủ của nước Vu Điền vào thời cổ đại đấy!

Anh ta hầu như lần đầu nghe nói thế, nên có vẻ kinh ngạc, nhưng sau cũng vui vẻ bảo:

- Phong thủy của công xã Xuân Hoa chúng tôi rất tốt! Thời xưa đã nổi tiếng thì nay cũng phải không tồi chứ!

23. HÒA ĐIỀN - QUÊ HƯƠNG CỦA NGỌC QUÝ

NGỌC ĐẸP Ở NGOÀI ẢI NGỌC MÔN

Còn nhớ khi đi hành lang Hà Tây, tôi có mua mấy thứ đồ ngọc ở Tửu Tuyền đem về nhà, có người bạn thấy hỏi đây là ngọc gì? Tôi nói là ngọc ở núi Kỳ Liên, anh buột miệng nói:

- Thế thì đây là ngọc ở ải Ngọc Môn rồi? Còn nếu đúng là ngọc ở núi Côn Luân thì phải nằm ngoài ải Ngọc Môn mới là ngọc quý!

Người xưa thường lấy Ngọc Môn quan làm địa giới phân nội địa và Tây Vực, cho nên gọi là “Xuân phong bất độ Ngọc Môn quan” (Gió xuân không thổi đến được ải Ngọc Môn) có nghĩa là ra khỏi cửa ải Ngọc Môn là xứ Tây Vực với sa mạc hoang vu.

Vì sao có tên gọi Ngọc Môn quan? Giữa tên ải và ngọc có sự liên quan. Tây Vực sản xuất nhiều ngọc ở Côn Luân, theo người ta nói, ngọc được vận chuyển vào nội địa phải đi qua cửa ải ấy do đó mà có tên là Ngọc Môn quan.

Ngọc Côn Luân được sản xuất tại một vùng rộng lớn dưới chân núi Côn Luân trên tuyến nam của con đường tơ lụa, bao gồm các xứ Taxkorcan, Sa Xa, Bì Sơn, Hòa Điền, Lạc Phủ, Thả Mạt v.v... Đặc biệt ngọc sản xuất ở Hòa Điền thì rất nhiều và rất đẹp nên gọi là “Ngọc Hòa Điền”. Hòa Điền ngày nay là nước Vu Điền thời cổ đại, cho nên cũng gọi là “Ngọc Vu Điền”.

Nhà y dược học Lý Thời Trân đời Minh nói: “Nước ta có nhiều nơi sản xuất ngọc, ... nhưng chỉ có ngọc Vu Điền là quý hơn cả”. Trong sách Thiên công khai vật (Sản vật của tạo hóa cũng nói: “Phàm ngọc được quý trọng nhất phải là ngọc Vu Điền”.

Như vậy có thể thấy vào thời cổ đại, tiếng tăm của ngọc Vu Điền rất phổ biến.

Ngày nay, đồ ngọc quý của các triều đại còn được giữ lại ở phòng lưu trữ đồ trân quý ở viện bảo tàng Cố Cung, Bắc Kinh, không ít những đồ ngọc sản xuất ở Vu Điền được vận chuyển đến nội địa qua cửa ải Ngọc Môn.

Tại phòng tàng trữ đồ trân quý có một bức chạm ngọc khổng lồ độc chiếm nguyên một gian phòng, trên đó chạm khắc bức vẽ vua Đại Vũ trị thủy. Khối ngọc này nặng đến bốn tấn rưỡi, sản xuất ở núi Côn Luân thuộc phía nam vùng Diệp Nhĩ Khương vào năm 1780, chuyên chở bằng đường bộ, mỗi ngày đi được bốn, năm cây số và phải mất ba năm mới đến được Bắc Kinh; sau đó, người ta chuyển đến Dương Châu để chế tác và phải sáu năm sau mới chở trở lại Bắc Kinh.

Tôi đến Hòa Điền không dám vọng tưởng đến khối ngọc to lớn nào, nếu vận khí giỏi có thể kiếm được một viên ngọc nho nhỏ giữa lòng sông lạnh ngắt lạnh ngắt, dù có một viên như hạt đậu đi nữa cũng đủ cho bà con, bằng hữu khoe mẽ một phen.

DƯỚI SÔNG VỚT NGỌC

Phía đông Hòa Điền có sông Ngọc Long Ca Thập, phía tây có sông Ca La Ca Thập, cả hai con sông đều phát nguyên từ núi Côn Luân chảy qua Hòa Điền. Hai con sông này tạo thành một dải đất phì nhiêu dài và hẹp. Sau khi chảy vào đến sa mạc Taklamacan, chúng hợp lưu và thành sông Hòa Điền, thời xưa gọi là sông Vu Điền, cuối cùng chảy vào sông Tarim. Sông Ngọc Long Ca Thập còn gọi là sông Bạch Ngọc vì sau cơn nước lớn trong lòng sông có loại ngọc màu trắng từ núi Côn Luân chảy về đọng lại; còn sông Ca La Ca Thập gọi là sông Hắc Ngọc, sản sinh ra loại ngọc đen tuyền hay xanh đen.

Tại Hòa Điền, trên hai con sông này người ta có thể vớt ngọc. Sách sử có nhiều chỗ đã ghi chép.Tân Đường thư viết: “Vu Điền có sông ngọc, dân trong nước hễ thấy nơi nào trên sông sáng rạng nhất là nơi đó có ngọc đẹp”. Tương truyền rằng nơi nào trong nước có ngọc thạch thì mặt nước ban ngày và ban đêm sáng lên đặc biệt, cho nên ban đêm, nơi nào có ánh trăng sáng nhất có thể tìm thấy ngọc.

Ngũ đại sử (Sử đời Ngũ đại, thế kỷ thứ X) có viết: “Mỗi năm, vào mùa thu nước cạn, nhà vua đi vớt ngọc dưới sông, sau đó dân chúng mới được đi vớt ngọc”. Việc này cũng giống như lễ “khai liềm” (mở đầu mùa gặt) của nghề trồng trước mùa thu hoạch, biểu thị ý cầu chúc được bội thu. Nhà vua xuống sông vớt ngọc trước hàm ý khích lệ thần dân của mình đi tìm được nhiều ngọc.

Lúc lên xe đi đến Ca La Ca Thập lòng thầm nghĩ không biết mình có nên vận khí lặn xuống sông vớt ngọc không. Từ huyện lỵ đi về hướng đông chưa đầy năm phút đồng hồ đã đến bờ sông Ngọc Long Ca Thập. Lòng sông rất rộng, dễ chừng đến hàng trăm mét, nước sông không mạnh, có lẽ, một là chưa phải mùa nước lớn, hai là ở thượng lưu người ta đang tu sửa những dường mương dẫn nước. Có một cây cầu lớn bằng xỉ-măng bắc qua sông. Chúng tôi lái xe qua bên kia sông. Khi qua cầu, tôi bỗng đảo mắt nhìn thấy dưới lòng sông đầy cả đá cuội hình quả trứng, bụng bảo dạ không biết có phải mình thoáng thấy một viên ngọc đẹp chăng? Nhưng đó chẳng quả chỉ do si mê vọng tưởng mà thôi. Qua khỏi cầu, xe đi dọc bờ sông, đi một đỗi không xa thì thấy một con mương dẫn nước thẳng tắp được xây bằng đá cuội, nước chảy ào ào rất mạnh, trông nó như một con sông chị em gì với sông Ngọc Long Ca Thập.

Đi dọc sông chừng hơn 40 cây số thì gặp một thôn trang có tên nôm na là “Cosdak”, có nghĩa là “heo rừng”, bên bờ sông có trạm thủy văn. Thế nước rất lớn, nước trong thấy đáy, thấy rõ từng hòn cuội. Tôi nghĩ, nếu có ngọc thì làm sao thoát khỏi cặp mắt của con người. Tôi đứng trên bờ đưa mắt nhìn kỹ hoàn toàn chẳng thấy viên cuội nào có vẻ giống ngọc cả.

Tôi hỏi người dẫn đường địa phương có bao giờ vớt được ngọc dưới sông chưa Anh bảo chính mình thì chưa từng vớt được ngọc quý, nhưng cũng may có nhặt được loại đá có tên là “ca ngoa”, tức loại đá giống ngọc nhưng không phải ngọc, nước màu bên ngoài thì bóng mịn, nhưng chất đá thì mềm hơn nhiều so với ngọc.

Hằng năm vào mùa hạ, nước lũ ào ạt đổ về, ngọc thạch lộ thiên từ núi Côn Luân theo cơn lũ cuốn tràn vào dòng sông. Đến tháng chín, nước lụt rút đi, nước sông trở nên trong suốt, dân chúng kẻo nhau xuống sông tìm ngọc. Họ đứng thành hàng ngang, tay nắm tay, cứ thuận theo dòng sông mà đi, nếu chân đạp được ngọc, họ cúi xuống nhặt lên, người ta lấy ngọc toàn bằng đôi bàn chân.

Thế nhưng tìm ra được những viên ngọc lớn xưa nay không phải là chuyện dễ dàng. Thời Bắc Tống, triều đình yêu cầu vua nước Vu Điền dâng đại ngọc, qua nhiều năm tìm kiếm, vua Vu Điền phái sứ giả về triều hồi báo, nói rằng: “Hoàng thượng cầu ngọc, quốc vương tôi rất coi trọng, đã tổn hao nhiều tâm lực nhưng rất khó tìm thấy. Quốc vương tôi ra lệnh thần dân đi dọc hai bên bờ sông qua lại nhiều lần để tìm ngọc, cuối cùng tìm được một viên ngọc lớn theo yêu cầu của hoàng thượng, nay phái người dâng lên hoàng thượng”.

Năm 1977, hai người chăn dê của công xã Hỏa Tiễn, huyện Hòa Điền là Chu Ma và Mại Mại Đề đã tìm ra một khối ngọc lớn nặng 168 ki-lô tại một cửa sông quanh năm tuyết phủ. Nó trong sáng, bóng mịn như mỡ dê, nên gọi là “Dương chi ngọc”. Khối ngọc này được nhà nước thu mua, hai người chăn dê được nhận hơn 16000 nhân dân tệ.

NHỮNG GHI CHÉP VỀ VIỆC KHAI THÁC NGỌC CỦA 3000 NĂM TRƯỚC

Ngọc Hoa Điền được phân loại theo màu sắc, tính ra có bạch ngọc, hoàng ngọc, bích ngọc, hồng ngọc, tử ngọc, thanh ngọc v.v..., trong đó bạch ngọc được xem là quý nhất. Ngọc trắng như mỡ dê, bóng mịn, sáng trong, gần như trong suốt, không có tạp chất. Nó sản sinh tại đỉnh núi Côn Luân, do sông Ngọc Long Ca Thập xói mòn mà chảy xuống, đó là một loại ngọc cứng, chất lượng rất tốt, dao thường không thể gọt khắc được. Hoàng ngọc thường ít thấy, cũng là một loại ngọc quý như bạch ngọc.

Từ xưa đến nay, việc khai thác ngọc ở Hòa Điền theo ba cách. Thứ nhất là xuống sông vớt ngọc, thứ hai là “đào ngọc” giữa lòng sông khi nước cạn, thứ ba là lên núi “đạp tìm ngọc”, người ta cưỡi một con bò rừng xứ Tây Tạng leo rừng vượt núi đến tận nơi có ngọc trên núi Côn Luân đi tới đi lui nhiều lần để đạp tìm ngọc, cứ dựa vào bốn chân của con vật đạp tới đạp lui, cho đến khi những viên ngọc thạch lộ ra rồi nhặt lấy, cho nên gọi cách khai thác này là “đạp ngọc”. Về sau phương pháp này không còn sử dụng nữa, người ta lại nghĩ ra cách đục núi khai mỏ, phá núi tìm ngọc.

Hòa Điền sản xuất ngọc bắt đầu được ghi vào chính sử kể từ đời Tây Hán. Sử ký viết: “Sứ nhà Hán đi khắp nguồn sông, các con sông chảy ra Vu Điền, lên đến núi, nơi phát nguyên của các nguồn sông ấy có nhiều ngọc, người ta lượm lặt đem về”. Điều này chứng minh rằng hơn 2000 năm trước, khi Trương Khiên đi sứ Tây Vực thì đã có người từ nội địa đến nước Vu Điền tìm nhặt ngọc đưa về Trung Nguyên. Có người cho rằng nhân dân thời cổ đại ở Trung Quốc đã từng đến vùng núi Côn Luân để tìm ngọc thì phải kể từ thời Mục Vương nhà Chu, tức khoảng 3000 năm trước mới đứng, họ căn cứ vào sách Mục Thiên Tử truyện (Truyện về Mục Thiên Tử - tức Chu Mục Vương).

Sách trên kể rằng, năm thứ mười ba Chu Mực Vương, Mục Thiên Tử đến Tân Cương có lên núi Côn Luân. Năm ấy tức là năm 934 trước CN. Trong tập sách này có mấy chỗ ghi lại sự việc nhặt ngọc:

“Thiên Tử leo lên mặt bắc núi Thung Sơn nhìn ra tứ phía rồi nói Thung Sơn là ngọn núi cao nhất trong thiên hạ ... Thiên Tử nhặt được hai thứ ngọc đó là “ngọc vinh” và “chi tư”. Thung Sơn chính là núi Thông Lĩnh, tức nay là cao nguyên Pamia. “Ngọc vinh” và “chi tư” tức hai thứ tinh túy của ngọc.

Một chỗ khác cũng viết: “Thiên Tử sai người khai thác ngọc, thu hoạch được ba xe ngọc và các đồ ngọc khác”.

Truyện về Mục Thiên Tử là tập sách viết vào khoảng thế kỷ thứ IV trước CN, tức vào thời Chiến Quốc, chứ không phải do người đời sau nguy tạo. Tập sách này được tìm thấy trong một ngôi cổ mộ thời Chiến Quốc. Năm Thái Khang thứ hai đời Tây Tấn (281 CN), ở cấp quân (nay là huyện Cấp, tỉnh Hà Nam) có một người đào trộm mộ tên là Bất Chuẩn, khi đào trộm mộ Ngụy Nhượng Vương thì được tập sách Mục Thiên Tử truyện. Ngụy Nhượng Vương mất vào năm 329 trước CN. Cho nên có thể đoán định tập sách ấy được viết ra chậm nhất là vào thời Chiến quốc (475 - 211 trước CN). Tuy những điều ghi chép trong sách phần lớn mang màu sắc thần thoại, song đọc toàn bộ tập sách ta thấy tác giả rất am hiểu về địa lý vùng Tây Vực. Những gì nói về tình hình sản xuất ngọc ở núi Côn Luân có phần như thật. Mặc dù tác giả chưa lần nào đến Tây Vực, nhưng chắc chắn đã từng nghe nói nhiều về xứ ấy.

Lần nữa chúng tôi lên xe đi ngược đòng sông Ngọc Long Ca Thập, lòng sông càng ngày càng hẹp, hai bên bờ sông là vách đá dựng đứng cao ước chừng năm, sáu chục mét, hai vách tường đá đó hầu như muốn thách thức cùng trời đất, hiên ngang cứng cáp. Đi xe dọc trên vách đá cheo leo này chúng tôi cứ sợ nó ngã đổ ắt người sẽ thành đống thịt nhão. Nước sông từ hẻm núi ào ào chảy ra. Đứng ở đầu sông, tôi nhìn thấy những ngọn núi tuyết trắng phau thì đó chính là dãy Côn Luân nghe danh từ lâu. Tôi ngẩng đầu nhìn lên, lòng thầm nghĩ có phải Mục Thiên Tử đã thật sự lên đến dãy núi này chăng?

SỰ TÍCH VỀ LONG NỮ

Sông Ngọc Long Ca Thập là sinh mệnh của Hòa Điền. Ở đây có sự tích về Long nữ ngăn nước để cầu hôn, rất có thể là ám chỉ dòng sông này. Trong Đại Đường Tây Vực ký, những gì Huyền Trang ghi chép có phần khá rõ.

Tại nước Cù-tát-đản nọ (tức nước Vu Điền), ở phía đông nam thành có một con sông lớn chảy theo hướng tây bắc, người trong nước dùng nó để tưới tắm, sinh hoạt, một hôm bỗng bị ngăn dòng, nhà vua rất lấy làm lạ, bèn hỏi một cao tăng:

- Con sông này lâu nay vốn cung cấp nước cho dân sinh hoạt, nay bỗng tắc nghẽn, nguyên nhân vì đâu? Có phải quả nhân cầm quyền chính có gì sai trái chăng hay do phẩm hạnh quả nhân bất chính chăng? Cớ sao trời lại trừng phạt tôi nặng như thế?

Vị cao tăng thưa:

- Thật sự không phải do lỗi của đại vương, mà do Hà long tác quái.

Nhà vua bèn cúng tế Hà long. Bỗng nhiên có một cô gái từ trong nước hiện lên nói:

- Chồng tôi chết sớm, mong đại vương chọn một viên quan kết làm chồng với tôi thì nước sẽ chảy lại như cũ.

Nhà vua chấp thuận. Viên quan được chọn cho Long nữ mặc đồ trắng, cưỡi ngựa trắng cáo biệt đại Vương và tạ từ dân chúng, lên ngựa nhảy xuống sông, nhưng vẫn đi trên nước không chìm, cứ trôi nổi giữa dòng, ông bèn vung roi vạch xuống nước một cái, nước tách ra một đường cả người lẫn ngựa chìm nghỉm. Lát sau, bạch mã mới nổi lên ... Từ đó nước sông chảy mãi mang lại hạnh phúc cho toàn dân.

Nhà vua thà hy sinh một vị đại thần sủng ái để đổi lấy nước sông đừng bao giờ bị ngăn dòng, đủ thấy sự khô hạn, thiếu nước uy hiếp nghiêm trọng đời sống của dân chúng biết chừng nào.

Trên đường trở về, tôi thấy trong những mương nước xây bằng đá cuội, dòng nước trong đang chảy mạnh, lòng cảm thấy vui vui.

Số đá cuội nhiều vô kể này tuy không quý như ngọc, nhưng chúng kết tụ lại với nhau xếp thành hàng tạo ra những đường mương dẫn nước dài đem nước cung cấp cho nhân dân toàn huyện Hòa Điền.

Vùng Hòa Điền có khí hậu khô nóng vào bậc nhất ở Tân Cương. Lượng mưa bình quân hàng năm từ 34 đến 40 milimét, còn lượng bốc hơi lên đến 2737 … milimét. Do đó lượng nước mưa ở đây không đáng kể trong sản xuất nông nghiệp và trong sinh hoạt của nhân dân. Nguồn nước chủ yếu hoàn toàn dựa vào nước tuyết tan từ trên núi Côn Luân.

Ở Tân Cương, nước sông thẩm thấu vào cát sa mạc thường tạo nên tình trạng đoạn lưu, điều này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhân dân, cho nên thiết lập những đường mương dẫn nước bằng đá cuội để phòng chống nước thẩm thấu là tránh được tình trạng đoạn lưu, thực hiện công tác thủy lợi hữu hiệu nhất trong việc lợi dụng hết công suất nguồn nước.

Để thiết lập các mương nước, người ta rất quý đá cuội. Có nhiều nông dân mỗi khi ra đường thường mang theo một cái sọt, giữa đường thấy đá cuội sẽ nhặt lên bỏ vào sọt mang về nhà gặp việc thì dùng. Vì quý nước như dầu nên yêu đá như ngọc, những ai chưa đến Tân Cương chắc không thể hiểu hết tình cảnh này.

Ngày nay, khu vực Hòa Điền bao gồm các huyện Bì Sơn, Hắc Ngọc, Lạc Phủ, Sách Lặc, Vu Điền, Dân Phong mà xưa kia là nước Vu Điền hưng thịnh quản hạt đã từng có thời xưng bá trên tuyến nam của con đường tơ lụa, đã kiến tạo 818 đường mương bằng đá cuội phòng chống thẩm thấu nước, tổng chiều dài ước chừng 1500 cây số, lại càng có công dụng hữu hiệu trong việc lợi dụng nước tuyết tan từ núi Côn Luân. Diện tích canh tác toàn khu vực đã mở rộng đến ba triệu mẫu.

TRUNG TÂM NGHỀ TƠ LỤA TRÊN TUYẾN NAM CỦA CON ĐUỜNG TƠ LỤA

Khu vực Hòa Điền nằm trên tuyến nam của con đường tơ lụa, một trung tâm về nghề dâu tằm và nghề dệt tơ lụa. Ở đây có một sở nghiên cứu dâu tằm và có xưởng tơ lụa lớn nhất của khu tự trị Tân Cương, sản xuất tơ lụa xuất khẩu.

Tại sở nghiên cứu dâu tằm, chúng tôi được anh Trần Vinh Lâm, kỹ thuật viên của viện nông học Triết Giang nhiệt tình tiếp đãi. Chúng tôi đều là người Triết Giang, ở chốn Tân Cương xa xôi này được gặp người đồng hương, được nghe âm giọng quê nhà thật là vui mừng thân thiết. Anh bưng ra một tách trà và một khay nho tươi mới hái ra mời tôi. Tôi hỏi:

- Anh rời quê hương đến Hòa Điền từ bao giờ?

- Từ năm 1954. - Anh đáp: Khi Tân Cương mới giải phóng, để khôi phục ngành sản xuất dâu tằm, chúng tôi một loạt những nhân viên kỹ thuật ngành dâu tằm từ Giang Tô, Triết Giang được điều đến Tân Cương, và tôi được phân phối về Hòa Điền.

Tôi nghĩ, sở nghiên cứu dâu tằm duy nhất ở Tân Cương này sau nhiều năm làm việc, nhất định có một quy mô tương đối, tôi yêu cầu anh dẫn tôi đi tham quan một chuyến rồi sẽ bàn luận. Anh tỏ vẻ hơi khó xử, nói:

- Thú thật chẳng có gì đáng xem cả.

Tôi cho anh tỏ ra khách sáo, bèn nói:

- Chúng tôi đều là nó ngoài nghề, chẳng qua chỉ muốn xem cho biết mà thôi.

Anh thành thật nói:

- Đúng là chẳng có gì để xem thật, không nói giấu gì các anh, biển “Sở nghiên cứu” mới lấy lên treo lại sau nhiều năm gỡ xuống, những máy móc, thiết bị, tư liệu còn khóa cả trong kho, những người làm công tác kỹ thuật chúng tôi mới được điều về từ nông thôn …

Tôi bỗng hiểu ra, đồng thời cảm thấy đau lòng. Sở nghiên cứu dâu tằm duy nhất ở Tân Cương cũng không thoát khỏi cơn cuồng phong phá hoại sản xuất, phá hoại văn hóa của bọn bạo loạn Lâm Bưu, bọn “Tứ nhân bang” trên phạm vi toàn quốc. Trong khoảng mười năm gặp đại nạn ấy, nó đã bị phong tỏa, hiện nay mới được đang khôi phục.

Trấn Vinh Lâm và tôi cùng nhau ôn lại chặng đường thịnh suy của nghề dâu tằm ở khu vực Tân Cương và Hòa Điền mà bồi hồi cảm khái vô hạn.

Song song với việc vận chuyển tơ lụa từ Trung Quốc sang Tây Vực, tất nhiên kỹ thuật nuôi tằm dệt tơ cũng được truyền bá thông qua con đường tơ lụa. Điều đáng tiếc là đến nay không có tài liệu lịch sử nào xác minh kỹ thuật nuôi tằm dệt tơ truyền thống của Trung Quốc được du nhập đến miền tây vào lúc nào? Và du nhập bằng cách nào?

Ở Hòa Điền có một câu chuyện cổ hay được truyền tụng kể về tằm giống từ phương đông đến nước Vu Điền như thế nào. Tân Đường thư, truyện về Tây Vực có ghi chép, nhưng rõ nhất là những ghi chép của Huyền Trang trong Đại Đường Tây Vực ký.

Trong một ngôi chùa cách kinh đô nước Vu Điền năm, sáu dặm, Huyền Trang thấy rất nhiều cây dâu khô, người ta nói giống của những cây dâu này do từ phương đông đưa tới. Mà ngôi chùa này lại do Vương phi của tiên vương xây dựng, bà chính là công chúa nhà Đường đã có công đem giống dâu tằm truyền vào nước Vu Điền.

Nước Vu Điền vốn không biết trồng dâu, không biết nuôi tằm, nhà vua bèn phái sứ giả đến Đông quốc cầu cứu. Mà Đông quốc thì giữ bí mật về nghề nuôi tằm dệt tơ, không được truyền cho nước khác. Vả lại, trên các trạm kiểm soát biên giới, người ta kiểm tra rất nghiêm nhặt, đế phòng dâu tằm giống lọt ra ngoài. Vua Vu Điền bèn cầu hôn công chúa Đông quốc, lệnh sứ giả rằng: “Khanh cố nói rõ với công chúa là nước ta không có giống dâu tằm, mong nàng lấy giống mang về để phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, tự dệt vải lụa may y phục”.

Thế là khi sắp nghênh hôn, công chúa bèn bí mật cất giấu dâu tằm giống. Lúc qua cửa ải, áo quần, vật dụng, hòm xiểng đều bị kiểm tra gay gắt, chỉ có chiếc mũ công chúa đội trên đầu là không kiểm tra. Dâu tằm được cất giấu ở đấy. Từ đó nước Vu Điền trồng dâu, nuôi tằm dệt lụa rất thịnh hành.

Về lịch sử nước Vu Điền, trong sử liệu của nước Tây Tạng cũng có đề cập đến câu chuyện này, nói vua nước Vu Điền cưới con gái vua Đường nước Trung Quốc, vị vương phi này đã đem giống tằm từ bổn quốc đến Vu Điền, từ đó về sau, Vu Điền bắt đầu có nghề nuôi tằm.

Cũng thú vị hơn là trên một bức họa mộc bản tìm được trong một đống đổ nát ở Tantan Ulik thuộc bắc bộ sa mạc Hòa Điền có vẽ một bà quý tộc ở chính giữa ăn mặc xinh đẹp, đầu đội mũ cao, bên cạnh có một cô gái đưa tay trái chỉ vào chỗ mũ cao của bà quý tộc. Giữa hai người phụ nữ có đặt một chiếc giỏ đầy kén tằm. Theo như lời giải thích của người phát hiện thì nội dung của bức họa mộc bản ấy chính là câu chuyện công chúa nhà Đường giấu dâu tằm giống trong chiếc mũ để qua mắt người kiểm soát mà truyền nhập vào Tây Vực.

Trên thực tế, kỹ thuật nuôi tằm dệt lụa ở nội địa được truyền đến Tân Cương vào khoảng thế kỷ thứ VII (tức đầu đời Đường). Trong các tầng trầm tích văn hóa đời Đường ở cổ thành Thoát-khố-tư-tát-lai thuộc huyện Ba Sở, người ta đào được kén tằm và tơ lụa, hiện đang trưng bày ở viện bảo tàng Tân Cương. Trong số văn bản đào được ở Tolophan có ghi chép những phiếu thuê mướn dâu tằm vào đời Tây Lương Kiến Sơ năm thứ mười bốn (tức năm 418 CN). Điều này chứng tỏ rằng kỹ thuật nuôi tằm dệt tơ đã được truyền vào Tân Cương vào thế kỷ thứ V CN, nhưng đến thế kỷ thứ VII mới trở nên phổ biến.

Sau khi nghề nuôi tằm dệt tơ được đưa vào Tân Cương, hơn một ngàn năm trở lại đây sự sản xuất tơ tằm không những được tiếp tục kế thừa mà còn phát triển và nâng cao hơn nữa.

Những người có tấm lòng với sự nghiệp dâu tằm Tân Cương như Trần Vinh Lâm đã khôi phục ngành dâu tằm ở Hòa Điền. Anh nói, sau khi “bọn tứ nhân bang” bị hạ bệ, hính phủ đã đưa ra nhiều hình thức kinh doanh được nhân dân tiếp nhận. Nhiều chính sách kinh tế hữu hiệu đã khích lệ và bảo hộ người nông dân yên tâm trong nghề dâu tằm. Nông dân vùng Hòa Điền lại có thói quen lâu đời nuôi tằm kéo sợi, đất đai, khí hậu ở đây lại rất thích hợp cho cây dâu sinh trưởng, sâu bệnh phá hoại cũng rất ít, nên chẳng bao lâu, ngành dâu tằm trở nên phát triển. Họ đang nghiên cứu phương pháp trồng dâu chóng lớn bằng sự giâm cành. Nếu chính sách kinh tế ổn định lâu dài, việc khôi phục và sản xuất nghề dâu tằm ở đây sẽ có triển vọng rất to lớn.

Cuối cùng anh dẫn tôi đi thăm vườn giâm cành giống cây dâu. Thời kỳ sở nghiên cứu dâu tằm đóng cửa thì vườn ươm giống này không dễ gì tồn tại được. Ở đây người ta đã gây giống loại dâu trắng, cành lá thấp, rễ ăn sâu vào đất có thể chịu được nắng hạn và gió bão. Lá dâu tuy nhỏ, nhưng có giá trị dinh dương cao rất thích dụng cho ngành dâu tằm phát triển.

NHỮNG ĐIỆU MÚA CỦA NGƯỜI HỒ

Vào một buổi chiều cuối tuần, chúng tôi nghỉ lại ở một nơi gần một đại lễ đường, đèn đuốc sáng trưng, tiếng người huyên náo, có lẽ người ta đang tổ chức đêm dạ hội cuối tuần thì phải; chúng tôi rất muốn đi xem cho biết. Chúng tôi được người ta đưa vào hội trường, chúng tôi rất vui vẻ hào hứng.

Trong lễ đường người chật như nêm, người đi vào như nước, chen chân không lọt. Vở diễn tối nay là một vở ca kịch mới của người Uygur rất được khán giả hoan nghênh. Nhưng chúng tôi nghe không hiểu lời ca tiếng nói nên không thưởng thức được.

Người đồng hành của tôi đề nghị:

Thôi, mời các anh đi xem ca múa đi! Tiết mục của đoàn ca múa văn công Tân Ngọc rất nổi tiếng, ngay cả thủ tướng Chu Ân Lai và đồng chí Trần Nghị cũng rất tán thưởng.

Sau đó, chúng tôi đến chỗ ở của đoàn văn công Tân Ngọc xem các diễn viên diễn tập, tiết mục quả nhiên rất xuất sắc. Đặc biệt là các điệu nhảy múa, đúng là rất oai dũng đẹp mắt, xem ra công lực của các diễn viên rất thâm hậu. Người Uygur ca hay, múa đẹp. Họ được tuyển chọn từ trong quần chúng, được huấn luyện chuyên môn kỹ lưỡng nên kỹ thuật rất cao siêu.

Tôi cảm thấy các điệu nhảy múa của người Uygur cơ hồ có mối quan hệ nào đó với các điệu múa xoay, múa nhảy của người Hồ ở Tây Vực thời cổ đại. Vào đời nhà Đường, các điệu nhảy múa từ Tây Vực truyền nhập vào Trung Nguyên rất được ưa chuộng. Nhiều nhà thơ đã miêu tả hoặc tô vẽ thêm thanh sắc cho các điệu nhảy múa ấy. Bài Hồ toàn nữ (Cô gái Hồ múa xoay) của Bạch Cư Dị là một bài thơ nổi danh:

Hồ toàn nữ, Hồ toàn nữ,

Tâm ứng huyền, thủ ứng cổ.

Huyền cổ nhất thanh song tụ cử,

Hồi tuyết phiêu dao chuyển bồng vũ.

Tả toàn hữu chuyển bất tri bì,

Thiên cân vạn chu vô dĩ thời.

Nhân gian vật loại vô khả tỉ,

Bon xa luân hoàn toàn phong trì …

Tạm dịch: Cô gái Hồ múa xoay, cô gái Hồ múa xoay, tâm hòa với tiếng đàn, tay đưa theo nhịp trống. Đàn trống cùng cất lên hai tay áo cùng đưa cao rung lắc; đang lung linh như tuyết rơi, bỗng chuyển điệu múa ào ào. Xoay trái, xoay phải không hề biết mệt, ngàn vòng, vạn vòng xoay tít không ngừng. Người vật nào cũng không thể sánh nổi, nhanh chậm như bánh xe quay tùy thích.

Bài thơ có đề cập đến “Cô gái Hồ múa xoay vốn xuất thân từ nước Khang Cư” (Hồ toàn nữ, xuất Khang Cư). Theo sử sách ghi chép, người Trung Nguyên rất thích điệu múa xoay của người Hồ, nên các nước Tây Vực như nước Mễ, nước Sử, nước Câu Mật ... đều dâng hiến những cô gái xoay kiểu người Hồ.

Theo bài thơ của Bạch Cư Dị, ta có thể thấy điệu múa xoay của người Hồ trở thành mốt của một thời, ngay như ái phi của Đường Huyền Tông - Dương Quý Phi, cũng giỏi về điệu múa xoay này và đã khiến đấng quân vương phải mê mẩn.

Còn điệu “múa nhảy của người Hồ” (Hồ đằng vũ) thì xuất phát từ nước Thạch ở Tây Vực truyền nhập vào Trung Nguyên. Bài “Hồ đằng khúc” của Lý Đoan có tả: “Hồ Đằng thân thị Lương Châu Nhi, cơ phu như ngọc, tỵ như chùy” (Nghĩa là điệu múa nhảy kiểu người Hồ xuất phát từ Lương Châu; da thịt vũ nữ trắng như ngọc, mũi cao thẳng như quả chùy). Lương Châu là tên thường gọi để chỉ Tây Vực. Da dẻ người Lương Châu trắng, mũi thẳng và cao, rõ ràng rất khác với người Tây Vực ở Trung Nguyên. Theo bài thơ miêu tả thì người nhảy điệu “đằng vũ” đầu đội mũ nhọn, mình mặc áo chật thắt, cứ trên thảm hoa tùy theo tiết tấu nhanh mạnh của âm nhạc, người nhảy đánh nhịp chân gấp rút, phức tạp ... người xem phải hoa mắt, không biết đâu mà lần.

Khi đứng xem đoàn văn công Tân Ngọc biểu diễn thấy tư thế của nữ diễn viên thì xoay vòng, còn bước chân của nam diễn viên thì nhanh gọn, điệu nghệ, điều này khiến tôi nghĩ đến những câu thơ nói về “Điệu múa xoay người của người Hồ” và “Điệu múa nhảy của người Hồ” ở trên.

Đoàn văn công Tân Ngọc biểu diễn tại nội địa đã từngvang danh một thời. Họ nhớ lại những ngày vinh quang nọ tươi cười đắc ý. Họ còn cho chúng tôi xem những tấm hình đầy vui thích, hào hứng khi họ diễn xuất tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Diên An, Quảng Châu ...

24. CỔ THÀNH BỊ CHÔN VÙI TRONG SA MẠC

Trên đường rời Hòa Điền đi Vu Điền, vị phó giám đốc Viện Bảo tàng Tân Cương Lý Ngẫu Xuân nói đùa:

- Chúng ta đang từ Vu Điền đi Vu Điền đấy!

Tôi cười bảo:

- Thế thì hóa ra tên đất vốn không thay đổi ư?

Anh tài xế Tiểu Mã không hiểu, nói:

- Xe đang chạy rất nhanh từ nơi này qua nơi khác, cớ sao các vị lại nói tên vốn không thay đổi nhỉ?

Thì ra nước Vu Điền cổ đại hiện nay không còn gọi là huyện Vu Điền mà gọi là huyện Hòa Điền, chúng tôi đang tiến về huyện Vu Điền nhưng không phải là nước Vu Điền thời cổ đại mà là nước Câu Nhĩ. Người ta thường lẫn lộn Hòa Điền với Vu Điền, có đích thân đi đến đấy mới có thể phân biệt rõ ràng, thật ra hai nơi này cách nhau hơn 160 cây số.

VĂN VẬT MỚI ĐƯỢC PHÁT HIỆN TRONG SA MẠC

Giữa đường qua huyện Sách Lặc. Chúng tôi được ông chủ nhiệm văn phòng huyện ủy Vương Ức Quân mời nghỉ lại. Ông tự xưng mình là người yêu thích khảo cổ nghiệp dư, đã từng quen biết Lý Ngẫu Xuân. Năm 1978, hai người là bạn đã từng đi vào khu bắc sa mạc thuộc huyện Sách Lặc để tìm hiểu, khám phá, khảo sát một tòa cổ thành bị chôn vùi trong cát. Việc đã xảy ra một năm, sau đó ông tập hợp thêm tám người tiến vào sa mạc một lần nữa. Gần khu cổ thành bỏ hoang tại Tantan Ulik, họ đã tìm ra nhiều văn vật. Lúc chúng tôi đi qua, ông đang chuẩn bị tổ chức triển lãm những văn vật lịch sử thuộc khu vực Sách Lặc; thấy có Lý Ngẫu Xuân, ông rất vui mời bằng được chúng tôi ở lại vài ngày xem xét, chỉ đạo.

Phòng triển lãm nho nhỏ, bày bố rất có trật tự. Người đến xem đi qua một lượt có thể có một số ấn tượng sâu sắc về lịch sử vùng Sách Lặc. Vùng sa mạc bắc bộ Sách Lặc có một vài khu thành hoang phế bị cát chảy (lưu sa) chôn vùi, trong đó có tháp Phật, chùa chiền và thôn trang. Các hiện vật đem trưng bày phần lớn là những gì phát hiện được qua hai lần tìm kiếm, khảo sát tại sa mạc, bao gồm chân đèn khắc mài bằng ngọc (văn vật đời Tống, Nguyên), nhiều nhất là tiền đồng, trong đó gồm có “tiền ăn năm” đời Hán, tiền đồng có ghi văn tự Ả Rập, đồ đất nung có cách tạo hình khá đẹp trên mặt có in phù hiệu chữ “Vạn”. Các văn vật đào được này là những bằng chứng xác nhận sự giao lưu vàn hóa kinh tế trên con đường tơ lụa.

Điều đặc biệt khiến ta chú ý xem xét đó là cái tráp gỗ đào được trong thành hoang phế ở sa mạc, Lý Ngẫu Xuân cho rằng nó là văn vật có trước đời Đường. Tráp gỗ hay còn gọi là hòm gỗ, người ta ghép ván thành hai khối, một khối dài, giữa có một rãnh bằng phẳng để có thể úp khối ngắn hơn vào cho vừa vặn. Khi sử dụng, người ta viết văn tự vào hai mặt bên của tráp, sau đó đậy lại; ngoài tráp đi một cái rãnh dùng dây buộc chặt, phủ thêm ngoài một lớp đất sét nữa có đóng con dấu phòng người ngoài tháo mở. Trên tráp có viết chữ Tây Vực màu đen. Những năm qua, các tráp gỗ được phát hiện ở khu vực này đa số viết bằng chữ Khư Lô, nhưng cái tráp này thì không phải. Lý Ngẫu Xuân chớp mấy kiểu ảnh đem về nghiên cứu. Ông sơ bộ giám định đây là một khế ước viết bằng chữ Hòa Điền cổ. Điều này đối với những nhà nghiên cứu lịch sử thời cổ rất có giá trị.

Còn một điều đặc biệt khiến người ta chú ý nữa, đó là bức tượng đất nung khá tinh xảo, cao khoảng hai centimét, trên có khắc hai hình có dạng người, mặt đối mặt ôm nhau, nhưng rất tiếc phần đầu đã bị mất, nhìn không ra người hay vượn gì cả. Vương Ức Quân đoán là hình của Phục Hy và Nó Oa, tổ tiên của loài người trong thần thoại cổ Trung Quốc. Điều này nói lên rằng văn hóa cổ đại của người Hán không chỉ truyền đến Tolophan (ví như trong một ngôi cổ mộ ở Tolophan đời Đường, người ta đã phát hiện bức vẽ Phục Hy Nữ Oa đồ) mà còn đến cả vùng Nam Cương.

Lý Ngẫu Xuân xem xét hồi lâu rồi phủ nhận sự phán đoán của Vương Ức Quân. Ông nói, theo hoa văn trên phần thân và đuôi dài ở phần mông sau của tượng đất nung mà xem thì đây không phải là tượng hình người mà là tượng hình vượn, cho nên không dính dáng gì đến Phục Hy - Nữ Oa cả.

Hai lần vào sa mạc, họ thu thập không ít văn vật, điều này đã cổ vũ rất lớn đối với sự việc chúng tôi sắp tiến vào sa mạc. Chúng tôi đặc biệt yêu cầu Vương Ức Quân cho biết kinh nghiệm đi lại trong sa mạc, ông đưa cho tôi một tập bản thảo có tiêu đề “Ghi chép về lần thám hiểm đầu tiên đi tìm di chỉ cổ tại Tantan Ulik”. Đọc xem thấy có nhiều điều mới lạ thích thủ. Lý Ngẫu Xuân nói ở nam bộ đại sa mạc Taklamacan có khá nhiều cổ thành hoang phế, nhưng cần phải có nhiều cán bộ khảo sát và bảo quản văn vật cổ nhiệt tình như Vương Đức Quân mới có điều kiện tìm kiếm phát hiện đầy đủ được.

CHỢ PHIÊN VÀ CƯ DÂN Ở VU ĐIỀN

Trên đường từ Sách Lặc đi Vu Điền, ngoại trừ một đoạn ngắn là sa mạc, còn toàn bộ là lục châu, không ruộng vươn thì cũng ao đầm lau sậy sum suê. Huyện Sách Lặc có ba con sông lớn nhỏ. Là một huyện có nguồn nước khá sung túc.

Chúng tôi vốn cho rằng từ Hòa Điền xuôi về hướng đông chắc là cư dân thưa thớt, giao thông bất tiện, ngoài đường sẽ ít gặp người qua lại, sản xuất lạc hậu. Nhưng khi vào đến huyện lỵ Vu Điền, cảm quan hoàn toàn đổi khác.

Có lẽ do ảnh hương của ngày kỷ niệm lễ quốc khánh lần thứ ba mươi chăng? Vu Điền đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng tốt đẹp. Chúng tôi đến Vu Điền vừa đúng trước lễ quốc khánh một ngày, huyện thành nho nhỏ này có dáng vẻ vui nhộn hẳn lên. Con đường lớn thẳng tắp của trung tâm huyện lỵ đã trải nhựa, được quét dọn sạch sẽ đến một ngọn lá, một mảnh giấy vụn cũng không có. Nhựa rải đường trước đây vốn không ai biết nó là thế nào, thế mà bây giờ hàng thùng hàng thùng được vận chuyển đến từ nhà máy lọc dầu Klamay và Độc Sơn Tử cách xa hàng 3000 cây số, con đường tráng nhựa này rõ là rất khó khăn mới có được.

Các cửa hàng tuy không giăng đèn kết hoa nhưng được quét vôi lại như mới. Hàng hóa khá đầy đủ, có hàng bách hóa, thực phẩm từ Thượng Hải, Thiên Tân chở đến. Tôi mua hai gói thuốc thơm Thượng Hải, ở Bắc Kinh mỗi gói năm hào hai, ở đây năm hào tư, có thể nói không đắt vì trong đó tính cả tiền cước phí, vận chuyển khá xa như vậy mà chỉ hơn có hai xu xem ra nhà nước đã có chính sách chiếu cố đến các dân tộc ở vùng biên cương xa xôi.

Nhân viên bán hàng người Hán tuổi đã trung niên, chị nói giọng Thiên Tân, thái độ hòa nhã, chị đang nói chuyện với khách hàng người Uygur, chắc chị nói tiếng Uygur lưu loát và có vẻ hợp nhau lắm. Chị là thanh niên chí nguyện từ thành phố Thiên Tân phồn hoa đến miền biên cương xa xôi Vu Điền này đã hơn hai mươi năm.

Chợ phiên trước ngày lễ trở nên tấp nập vô cùng, đó là những gì gọi là đông vui, náo nhiệt nhất mà tôi được chứng kiến trên con đường tơ lụa. Hai bên con phố lớn, người ta bày những gian hàng, có gian hàng quốc doanh, có gian hàng hợp tác xã, cũng có những sạp hàng của nông dân đưa hàng hóa từ nông thôn đến. Chiếc xe lửa hai bánh, bốn góc dựng bốn trụ căng lên một tấm vải nhựa, thế là có một sạp hàng tạm thời, không chê vào đâu được. Hàng hóa của phiên chợ bày bán bao gồm từ tơ lụa Tô Châu, Hàng Châu đến thảm dệt Hòa Điền; từ rượu hổ cốt của Hắc Long Giang đến kẹo dừa Quảng Châu. Hàng hoá trên cả nước không thiếu thức gì, nhiều nhất là dưa

Ha Mật trồng ở Vu Điền, nho, mũ hoa; rồi đã trang sức bằng vàng bạc tinh xảo cùng thau chậu đồng chạm trổ tinh vi đủ các kiểu, các loại, thiên hình vạn trạng. Đi dạo chợ phiên “Ba trát” là một cái thú, chợ phiên kéo dài đến tận quảng trường; người bán hàng và mua hàng chen chân không lọt. Tiếng rao hàng, lời trả giá râm ran ầm ào như sôi. Giữa trưa, trời nắng tôi đang ở ngay giữa chợ, người qua kẻ lại chật cứng như nêm, mồ hôi đổ ra như tắm. Thật tình tôi không có ý mua sắm gì cả chỉ muốn xem qua cho biết mùi vị của một phiên chợ mang sắc thái Tây Vực mà thôi.

Từ khu chợ đông người bước ra, tôi đi vào một xóm nhỏ, dọc hai bên đường đất ngoằn ngoèo có mương nước chảy róc rách, trụ dàn nho kéo từ sân ra đến đường cái, trước mỗi cổng nhà đều có cây cầu nhỏ bắc qua mương nước, đôi khi có những cây cầu nối dài bởi một dãy lan can bằng gỗ. Một cụ già râu dài ôm cháu bé ngồi trên lan can, vẻ an nhiên tự tại chẳng khác nào một bức tranh quê yên tĩnh.

Lý Ngẫu Xuân nói nhà ở của cư dân nội thành huyện Vu Điền có lối kiến trúc đặc biệt mang sắc thái vùng Nam Cương nhiều nhất. Chúng tôi đi vào một gia đình, qua khỏi cổng chính là sân nhà, điều đặc biệt kỳ lạ là sân nhà dùng làm nơi để ở sân được đắp nền đất cao, trên trải thảm, một bên là giương ngủ một bên là bếp lò theo kiểu Uygur. Tại sao họ dùng sàn nhà làm nơi để ở? Điều này cũng có cái thú của nó! Ở Nam Cương, mùa nóng kéo dài khá lâu, ngủ ngoài trời há không sợ nắng thiêu mưa đốt chăng? Ồ, không hề gì'! Tại đây lượng mưa quá ít, với lại quanh sân người ta che chắn vách gỗ hẳn hoi, phần lộ thiên chỉ hiện ra một khoảnh nhỏ ở chính giữa mà thôi nên không có gì đáng ngại về chuyện mưa nắng cho lắm.

BỮA TIỆC NHÂN NGÀY QUỐC KHÁNH

Ngày thứ hai nhằm đúng ngày kỷ niệm quốc khánh lần thứ ba mươi. Tôi đã đánh điện về nhà chúc mừng bạn bè thân hữu ở thủ đô hưởng ngày quốc khánh vui vẻ. Còn tôi phải làm gì đây để trải qua ngày lễ hiếm hoi này tại nơi biên cương xa xôi này?

Ăn sáng xong, ông Lưu, huyện ủy phụ trách đón tiếp chúng tôi nói:

- Các Vị lãnh đạo huyện ủy hôm nay đều đến làm việc ở trạm thủy điện, các anh có muốn đến đó xem qua cho biết không?

Khách đành tùy chủ. Chúng tôi lên xe đi về hướng tây nam của huyện. Mặt đối mặt với dãy núi tuyết, đó chính là dãy Côn Luân. Trên suốt đường đi đều là hoang mạc. Xe chạy một đoạn chừng 36 cây số thì đến một nơi gọi là Thác-hồ-la- khắc, tiếng Uygur có nghĩa là “cây ngô đồng lớn”, nhưng lại không thấy bóng đáng cây ngô đồng nào cả mà chỉ thấy trên rìa sa mạc một dãy lều trại, đó chính là công trường trạm thủy điện Thác-hồ-la-khắc.

Sau khi xuống xe, chúng tôi đi về hướng trung tâm công trường, thật không ngờ, chẳng thấy đập ngăn nước của một công trình thủy lợi thường có, chúng tôi tiến đến bên cạnh một giếng sâu. Cái giếng to tướng này đào bên rìa sa mạc sâu đến ba mươi hai mét.

- Giếng sâu này để làm gì? - Tôi hỏi.

- Để tạo ra độ chênh lệch mực nước trên đất bằng.- Người bạn đồng hành bảo.

Thì ra trạm thủy điện này nằm bên rìa sa mạc, lợi dụng độ chênh lệch nước nhân tạo để dẫn nước sông Khắc Lý Nhã dùng chạy máy phát điện.

Tôi nổi hứng bò xuống đáy giếng. Ở đấy người ta chuẩn bị phòng ốc lắp đặt tuốc bin chạy máy phát điện. Bên trái có một đường hầm khác dài đến 1300 mét có thể để cho một người lớn đi thẳng thong thả bên trong, đó là đường mương ngầm dưới lòng đất đưa nước thừa sau khi tuốc-bin làm quay máy đến đường mương nằm trên mặt đất.

Tôi đi dọc theo đường dẫn nước ngầm này thì cách đấy một đoạn có một cái giếng thông với mặt đất, tôi không đi hết đoạn mương ngầm để ra khỏi lòng đất mà lại leo lên theo miệng giếng này. Bấy giờ tôi mới vỡ lẽ và nói với họ:

- Thì ra các anh được gợi ý từ những “khảm nhi tỉnh” ở Tolophan mà khởi phát công việc này chăng?

- Vâng, lợi dụng độ chênh lệch mực nước nhân tạo để làm ra trạm thủy điện kiểu này là một sáng kiến chỉ ở đây mới có.

Người trả lời câu hỏi của tôi là đồng chí Phàn Kiến Phúc, phó bí thư huyện ủy huyện Vu Điền. Ông cho biết sơ lược về việc kiến thiết công trình thủy lợi huyện Vu Điền. Toàn huyện đã làm hơn 500 cây số mương dẫn nước bằng đá cuội, xây 60 hồ chứa nước dùng để tưới tiêu cho hơn bốn mươi vạn mẫu ruộng. Để lợi dụng số nước dưới lòng đất, kế hoạch là phải đào hai vạn giếng bơm nên rất cần phải có điện. Sông Khắc Lý Nhã lớn nhất của huyện có lưu lượng nước khá lớn có thể dùng chạy máy phát điện. Nhưng nếu vào núi sâu xây dựng trạm thủy điện tất phải đầu tư rất nhiều vốn, vì thế mới nghĩ ra việc đào giếng sâu bên rìa sa mạc để tạo độ chênh lệch mực nước dùng cho việc chạy máy phát điện. Dung lượng trên thiết kế của trạm thủy điện “Cây ngô đồng lớn” là 3,750,000 kilôwat. Sau khi hoàn tất, cơ bản có thể đủ điện dùng cho toàn huyện Vu Điền. Năm 1949, Phàn Kiến Phúc đã theo quân giải phóng tiến vào Tân Cương đến nay đã đúng ba mươi năm. ông có thể nói thạo tiếng Uygur, đã hòa nhập vào cuộc sống của dân chúng ở đây. Trong khoảng thời gian mười năm ác mộng của cuộc cách mạng văn hóa, nhiều phần tử xấu đã muốn hãm hại ông, nhưng ông được người Uygur bảo bọc giúp đỡ. Cùng với ông theo đuổi ngành sản xuất nông nghiệp và tu tạo các công trình thủy lợi là chủ nhiệm công xã Osman Smay, lúc lâm chung, Osman Smay đã ký thác đứa con gái bé nhỏ của mình cho ông chăm sóc, chiếu cố ... Thế là ông đã cắm rễ sâu vào cuộc sống của quần chúng dân tộc thiểu số ở Tân Cương.

Rời trạm thủy điện trở về huyện lỵ, tiện đường chúng tôi ghé qua công xã Bồ Đào. Vừa vào phòng làm việc công xã, người ta đã bưng ra bốn khay nho tươi gồm bốn loại nho khác nhau: nho vú ngựa, nho Mulak, nho không hạt và nho hồng. Mỗi thứ tôi đều nếm qua cho biết, rõ không thua gì nho ở Tolophan. Đặc biệt thích nhất là loại nho không hạt, trái tuy nhỏ nhưng nước nhiều, vị ngọt thanh.

Trước cuộc “Đại cách mạng văn hóa”, công xã Bồ Đào trồng nho là chính, năm 1954 đã từng sản xuất đến 1250 tấn nho khô, sau bị phá hoại theo với cơn lốc văn hóa ấy, hiện nay đang khôi phục.

Buổi trưa, công xã Bồ Đào mở tiệc chiêu đãi, đồng thời mời khách thưởng thức rượu nho của chính công xã chế tạo, vị đượm mùi thơm đến nay vẫn còn nhớ, vẫn cứ nghĩ các thứ rượu nho mình đã uống trong đời thì rượu nho của công xã Bồ Đào ở Vu Điền là thứ rượu nho tuyệt hảo nhất. Tân Cương không hổ là quê hương của rượu nho. Trước đời nhà Đường, cống phẩm của các nước Tây Vực thường thường có rượu nho.

Vào đời Đường Thái Tông, Trường An mới học cách chế tạo rượu nho.

Trong bữa tiệc có cả người Hán lẫn người Uygur, có người từ Hoa Bắc, Hoa Nam đến, có người từ Bắc Cương, Nam Cương lại có thể nói anh em bốn biển hội ngộ trong ngày quốc khánh lần thứ ba mươi tại vùng lục châu bên rìa sa mạc Nam Cương này thật vô cùng hãn hữu. Lý Ngẫu Xuân nâng cốc chúc Tổ quốc phồn vinh thịnh trị, chúc nhân dân các tộc an khang hạnh phúc.

DI CHỈ NI NHÃ

Sau ngày quốc khánh, chúng tôi từ Vu Điền đi về hướng đông, phải hai lần vượt qua sa mạc mới đến huyện Dân Phong, hành trình dài 120 cây số này chỉ gặp hai chiếc xe khách từ Dân Phong đi về Vu Điền.

Dân Phong một huyện rất nhỏ, diện tích hơn năm mươi ngàn cây số vuông, nhân khẩu hai mươi ba ngàn người. Mặc dù ở nội thành của huyện có đường phố lớn rộng rãi bề thế, kiến trúc nhà cửa hai bên đường cũng khá tân kỳ, nhưng người đi lại trên đường phố quá thưa thớt, đặc biệt so với cảnh tấp nập ồn ào ở Vu Điền trong những ngày có chợ phiên trước lễ quốc khánh lại càng vắng lặng hơn nữa.

Vào thời Tây Hán, Dân Phong thuộc nước Tinh Tuyệt. Thời Đông Hán thuộc nước Thiên Thiện. Di chỉ của nước này ở hạ lưu sông Ni Nhã cách huyện Dân Phong 150 cây số về phía bắc hiện nay đã bị chôn vùi trong sa mạc.

Lý Ngẫu Xuân cho biết phạm vi của di chỉ Ni Nhã khá lớn, phân bố dọc sông Ni Nhã khô cạn, nam bắc dài chừng mười cây số, đông tây rộng khoảng hai cây số, đây đó còn thấy nhà cửa, phòng ốc làm bằng gỗ. Kèo cột và đòn tay toàn đều bằng gỗ hồ dương. Phòng ốc thì lớp bằng rơm rạ, phân dê và bùn đất; còn tường vách thì dùng loại hồng liễu gài thành phên, hai mặt trát bùn đất nay vẫn còn tốt.

Trên khu di chỉ, người ta phát hiện nông cụ, thức ăn, tơ lụa, đồ dệt bằng lông thú; ngoài ra cần tìm thấy những thẻ tre và thẻ gỗ viết cho Khư Lô, chữ Hòa Điền cổ và chữ Hán.

Lý Ngẫu Xuân nói văn vật được khai quật ở di chỉ Ni Nhã rất phong phú, có một con dấu bằng chữ Hán có tên là “Ty Hòa phủ ấn” (Con dấu của phủ Ty Hòa). Tại Tây Vực đời nhà Hán đã thiết đặt phủ Ty Hòa, chuyên quản lý công việc đồn điền. Sự phát hiện ra con dấu khắc chạm tinh tế này ở di chỉ Ni Nhã đã cung cấp thêm thực chứng.

Trong số những thẻ tre đào được ở di chỉ Ni Nhã có rất nhiều chứng từ “quá cảnh” thuộc đời Hán, đời Tấn. Điều thú vị là người mang “giấy thông hành” hoặc “hộ chiếu” ấy đa số là người “Nguyệt Chi hồ”, tức người thuộc nước Đại Nguyệt Chi ở phía tây núi Thông Lĩnh. Họ là những nhà buôn có tính chất mậu dịch quốc tế sớm nhất đi lại trên con đường tơ lụa, họ mua tơ lụa của Trung Quốc rồi chuyển vận đến Trung Á, Tiểu Á và qua đến châu Âu. Các giấy tờ quá cảnh trên đều để lại tên tuổi, quê quán, đặc điểm của họ. Ví như: “Hồ Chi Trụ, nước Nguyệt Chi, bốn mươi chín tuổi, người tầm thước, da ngăm đen”. “... Ba mươi tuổi, người tầm thước, da ngăm đen, mắt lớn, râu quai nón”. Tại di chỉ Ni Nhã, người ta đào được một ngôi mộ hợp táng hai vợ chồng thuộc đời Đông Hán, thì ngoài số lớn tơ lụa ra, còn có một tấm vải in hoa bằng nến màu xanh có hình hoa văn gồm có rồng, sư tử và người. Hình người kia nửa thân trên ở trần, nửa thân dưới mang dây tua, tay cầm một vật giống như ống quyển; điều thú nhất là trên đầu có vòng hào quang. Có người cho đó là một kiểu nghệ thuật mang màu sắc Phật giáo. Quả đúng như vậy. Thế thì tấm vải in hoa nến thời Đông Hán ấy rất có thể là bức họa tượng phật có sớm nhất được phát hiện ở Trung Quốc cho đến nay.

Tóm lại, cho dẫu thế nào thì về mặt hàng vải dệt không còn nghi ngờ gì nữa tấm vải in hoa ấy là thứ hàng vải có sớm được tìm thấy ở Trung Quốc cho đến nay và là tấm vải duy nhất phát hiện được.

HÀNH LANG XANH

Di chỉ Ni Nhã đã qua bốn lần khai quật. Ở Dân Phong còn có một tòa cổ thành bị chôn vùi trong sa mạc. Lý Ngẫu Xuân chuẩn bị dẫn chúng tôi thử đi khu quật một lần xem sao.

Nghỉ ngơi nửa ngày ở huyện Dân phòng, chín giờ sáng hôm sau chúng tôi bắt đầu lên đường, nơi sẽ đến là mục trường An Địch. Mục trường quốc doanh này nằm trong lòng sa mạc Taklamacan, cách rìa sa mạc chừng 44 cây số. Tôi hỏi Lý Ngẫu Xuân trong vòng vây của sa mạc như vậy, người và vật sống như thế nào? ông đã từng đi qua đấy nói rằng chẳng có gì phải lo ngại cả vì ở đây có con sông chảy qua tên là An Địch Nhi cung cấp đủ nguồn nước cho sinh hoạt. Chúng tôi sẽ lấy mục trường An Địch làm cứ địa, tiến dần từng bước tìm kiếm cổ thành bị chôn vùi trong sa mạc.

Từ huyện Dân Phong đi về hướng đông, dọc đường không thấy bóng người, thôn xóm. Ven bờ bắc là cồn cát chập chùng liên tu bất tận, ven bờ nam là sa mạc bằng phẳng mênh mông. Qua khỏi sông Cổ-thông-nhã-tư, đi thêm một đãi xa nữa thì đến bờ sông An Địch Nhi, tất cả hành trình dài 120 cây số. Ở đây có tên gọi là “lan can” An Địch Nhi, tức ý muốn chỉ nơi nghỉ chân tạm thời, gồm mấy gian phòng nhỏ trơ trọi lẻ loi dành cho những người đi đường dừng chân trú ngụ qua đêm.

Chúng tôi không dừng chân ở chỗ “lan can” này mà từ đây chúng tôi tách khỏi đường cái chuyển ngoặt lên hướng bắc men theo bờ tây của sông An Địch Nhi theo hướng sa mạc đi vào.

Đường đi khi đứt khi nối, lúc cao lúc thấp, thật là khó đi. Có đoạn thì đất mịn, những cành hồng liễu đan kết nhau khiến bánh xe không tài nào lăn nổi; có đoạn đất giống như bụi phấn, nếu sơ ý lọt vào, bánh xe sẽ nằm bất động, không quay được nữa, chỉ còn cách dùng xẻng đào đất mở đường. Rồi lại có đoạn bị các mương nước chắn lối, không cầu, không thuyền, chỉ có cách mạo hiểm lội băng qua. Suốt đường đi luôn luôn phấp phỏng lo âu, sợ xe có sự cố gì xảy ra chắc chúng tôi phải nằm lại nơi hoang mạc; nhưng cảnh sắc ven đường thật kỳ lạ, hấp dẫn khiến chúng tôi phấn chấn, vui vẻ, nếu không đích thân ở trong cảnh thì không thể nào tưởng tượng nổi.

Cảnh sắc cuối thu rất hợp với lòng người. Màu thúy lục và màu kim hoàng hai bên bờ sông An Địch Nhi kết hợp hài hòa trông như một bức tranh sơn mài làm say đắm lòng người. Những cây hồ dương tươi xanh có sức quyến rũ đặc biệt, nhìn từ xa chúng không giống cây mà giống như một vòng hoa rậm rạp với đáng vẻ ung dung sang trọng. Tôi đang chú thần chiêm ngưỡng cay hồ dương xanh thẳm ấy thì chiếc xe chuyển hướng, trước mắt hiện ra dòng nước lấp lánh, bên kia bờ nước là sáu cây hồ dương xếp hình chữ “nhất” như đang khoác trên mình chiếc áo lụa mỏng màu kim hoàng phản chiếu ánh mặt trời lóng lánh sắc vàng sáng láng. Bầu trời xanh ngắt một màu điểm vài dải mây trắng lững lờ, lãng đãng ... Tôi say đắm ngây người. Nếu là một họa sĩ, nhất định tôi sẽ vẽ một bức tranh phong cảnh đầy những gam màu tươi đẹp với đề tài “cảnh thu bên dòng sông An Địch Nhi”.

Lẽ nào đây là cảnh sắc ở sa mạc cơ chứ! Dĩ nhiên là không phải. Chúng tôi đang đi vào lòng sa mạc Taklamacan lớn nhất của Trung Quốc, có điều chúng tôi đang đi ngang qua “hành lang xanh” của ven bờ sông An Địch Nhi nên có thể tận hưởng cảnh đẹp của thế giới con ngươi. Dọc “hành lang xanh” này rộng khoảng hai cây số, kéo dài hơn năm mươi cây số trước khi tiếp giáp với sa mạc.

Cuộc sống phát triển tràn trề tại “hành lang xanh”, nhưng rồi cũng bị sự uy hiếp của những cơn sóng cát chặn lại. Trong hành hình bằng xe đầy gian nan của chúng tôi, dọc đường phải qua nhiều nơi toàn là rừng hồ dương khô héo. Nước ẩm ướt trong lòng đất cần cho cây cối kia không biết vì lý do gì bỗng dưng biến mất, thế là rừng hồ dương đang xanh tốt lần lượt từng mảng, từng mảng đột nhiên chết khô, chết héo, trơ trụi, trọc nhẵn, không còn để lại một phiến lá xanh nào, cái chết bao trùm cả một vùng rộng lớn. Nhưng mỗi cây hồ dương chết đi vẫn ngoan cường chĩa thẳng thân cây và cành nhánh lên không trung như đang muốn lên án tố cáo. Trong cảnh tịch mịch của cõi chết ấy, hầu như tôi vẫn nghe thấy tiếng kêu bất khuất của chúng: “Chúng tôi muốn sống! Chúng tôi muốn sống!”

MỤC TRƯỜNG VÀ TRẠM KHÍ TƯỢNG TRONG SA MẠC

Đường đi khi đứt khi nối, ngay cả người hướng đạo cũng phải mất phương hướng. Để đến được căn cứ của mục trường An Địch Nhi thì tổng cộng phải mất ba, bốn tiếng đồng hồ trên một lộ trình chỉ hơn bốn mươi cây số.

Mục trường ẩn tàng trong chốn sa mạc thâm sâu này mang nét hiện đại hóa vượt ra ngoài dự đoán của tôi. Có đèn điện, có rạp chiếu bóng, có bưu cục, nhưng rất tiếc không có điện thoại. Tôi thử gởi một bức thư từ bưu điện nơi chốn sa mạc này đi Bắc Kinh xem mất bao nhiêu thời gian, đặc biệt là chỉ gởi bằng thư thường. Mồng bốn tháng mười gởi thì hai mươi ba tháng mười đến, và chính tôi nhận được thư tại nhà, tôi rất trân trọng bức thư này, con dấu bưu cục An Địch Nhi vẫn nằm sờ sờ trên phong bì!.

Cạnh phòng khách nơi chúng tôi trú ngụ có một hội trường trong đó bày biện những nông sản phụ của mục trường. Tôi lấy làm hiếu kỳ đẩy cửa vào xem thử ở sa mạc người ta canh tác, sản xuất nông sản gì? Nào tiểu mạch, gạo, bông vải, đậu lạc, đậu nành, đậu xanh … nào củ cải đường, có củ nặng đến hai kí, dưa Ha Mật, có trái nặng đến chín kí. Có một điều thú vị là loại cỏ linh lăng vốn từ Tây Vực đưa đến Trung Nguyên vào đời Tây Hán thì tại đây nó vẫn là loại sản phẩm nổi tiếng. Ngày nay cỏ linh lăng của mục trường An Địch Nhi đã qua con đường tơ lụa và đường biển Thái Bình Dương vận chuyển đến tận Australia. Còn thích thú hơn nữa là có cả một hũ lớn mật ong, tôi lấy làm lạ hỏi làm sao tại sa mạc lại có cả nguồn mật hoa nữa chăng? Người ta trả lời: “vâng, có đấy! Trong số hoa đào, hoa táo, hoa hạnh, hoa hồng liễu, hoa quỳ, hoa linh lăng ... thì hoa táo là nguồn mật tốt nhất”.

Tôi hoàn toàn không ngờ những con ong mật lại cư trú trên mục trường An Địch Nhi nơi sa mạc thâm sâu này để tạo ra thứ mật thơm ngon cho đời.

Tôi càng không ngờ tại đây còn có cả đài ra đa hiện đại dùng để thăm dò vùng trời. Đài ra đa này trang bị cho trạm khí tượng An Địch Nhi. Ở đây, mỗi ngày theo giờ nhất định người ta phóng thiết bị tự động thăm dò khí tượng lên cao hơn ba mươi ngàn mét; một mặt dùng ra đa quan sát bầu trời, một mặt dùng máy thu báo tiếp nhận số liệu về khí tượng trên không do thiết bị tự động ghi nhận phát hồi. Trạm khí tượng này được xây dựng vào năm 1960 là trạm khí tượng duy nhất của Trung Quốc đặt tại sa mạc. Những tư liệu về khí tượng của đài quan sát đo đạc được đối với sự phân tích tổng hợp của đài khí tượng trung ương có một giá trị đặc biệt.

NỖI SỢ VÀ NIỀM VUI KHI CƯỠI LẠC ĐÀ

Sáng sớm ngày thứ hai, đội lạc đà do mục trường sắp đặt cho chúng tôi đã đến, tổng cộng có bảy con. Chúng tôi sẽ cưỡi lạc đà vào sa mạc để thăm khu cổ thành. Thấy mấy con lạc đà ai nấy đều cảm thấy thích thú nhưng cũng có phần e sợ. Cả đời chưa từng cưỡi lạc đà, trông chúng có vẻ ôn thuần, nhưng chúng cao lớn như thế làm sao leo lên cho được, mà cho dù leo lên được, nhưng khi xuống phải làm thế nào đây?

Người điều khiển lạc đà chẳng vội vàng gì cả, thủng thẳng dắt bảy con lạc đà đi hàng một, bảo chúng nhất tề quỳ xuống đất, sau đó gọi chúng tôi mỗi người cưỡi một con. Lý Ngẫu Xuân cưỡi con đi đầu, còn tôi cưỡi con đi sau cùng. Hai con này còn nhỏ, khoảng chừng sáu tuổi, rất dễ bảo, vậy nên họ bố trí cho hai người lớn tuổi chúng tôi. Tôi vừa leo đến khoảng giữa hai gù của con lạc đà, chưa ngồi ổn chỗ thì nó đã đứng dậy. Khi lạc đà đứng, trước tiên hai chân sau chống lên trước, đưa cao phần mông lên, sau đó mới chống hai chân trước. Trong lúc lạc đà đưa phần mông lên dần, người cưỡi nếu thân không ưỡn về phía sau thì rất dễ bị ngã chúi về phía trước.

Lần đầu tiên cưỡi lạc đà tôi đâu có biết nguyên tắc đó, nên khi nó đứng dậy tôi thất kinh hồn vía, cũng may nhờ nắm chắc dây cương khỏi một phen ngã nhào xuống đất.

Lạc đà đi, chúng đi chậm nhưng không bình ổn, người ngồi trên đó phải nhịp nhàng theo bước chân của nó mà trước cúi sau ngửa giống như ngồi trong nôi vậy. Lúc đầu tôi không hiểu, lưng cứ thẳng đơ, phải gồng sức nên hơi mệt; về sau, quen dần cứ để sống lưng thoải mái thuận theo bước chân tự nhiên của lạc đà mà lắc lư, bấy giờ mới hết mệt. Người điều khiển lạc đà đi bộ phía trước dẫn đường, ra khỏi thôn trang, vượt qua cồn cát, thỉnh thoảng nhìn lui đoàn lạc đà, có lẽ ông ta lo mấy người cưỡi lạc đà không quen chăng? Ông có mắt sâu, mũi cao, đầu đội mũ da lật cao chóp, rất giống tượng “người Hồ dắt lạc đà” khai quật được trưng bày ở Viện Bảo tàng Lịch sử Tây An.

Về cơ bản, đội lạc đà men dọc bờ lưng của những cồn cát tuần hành. Hình bóng của lạc đà và của chúng tôi in đậm trên cồn cát dưới ánh mặt trời chói chang, cũng vừa đi vừa lắc lư trông rất ngộ.

Trong lòng sa mạc không phải hoàn toàn hoang vu như tôi tưởng tượng, có những cồn cát đây đó từng đám cây cỏ không tên màu vàng óng như tấm thảm khoe sắc dưới ánh mặt trời; cũng có những cồn cát mọc đầy cây hồng liễu màu đỏ tía nổi lên trên sa mạc màu vàng ối kia lại càng thêm rực rỡ, diễm lệ. Rồi lại đi qua một khu rừng hồ dương chết khô queo mà người ta gọi là rừng ma cho ta cái cảm giác âm u đáng sợ. Trên suốt đường đi cồn cát lên cao xuống thấp giống như đi vào chốn núi non trùng điệp.

Có thể có lý do gì đó kỳ lạ chăng, thế nên cưỡi lạc đà đi vào lòng sa mạc kéo dài hơn bốn tiếng đồng hồ mà không hề hay biết, lại càng không nhận ra đã qua một thời gian dài như thế! Phía trước có người la lớn: “Đến rồi! Đã đến Akkuxicar rồi!” Nhìn từ xa về phía trái một cồn cát có dựng hai cột trụ ghi dấu và sau cồn cát kia là cổ thành Akkuxicar mà chúng tôi cần thăm viếng, tìm hiểu.

Akkuxicar là tiếng Uygur có nghĩa là “Đại bạch công dương” (Ông dê trắng lớn). Tại sao gọi tên như vậy thì không ai rõ. Người điều khiển lạc đà bước nhanh về phía trước, rẻ qua một cồn cát lớn, trước mắt hiện ra khu cổ thành hình tròn hoang phế. Tường thành hình tròn vẫn còn nhận ra rất rõ. Chúng tôi vui vẻ cưỡi lạc đà đi tiếp quanh một vòng tường thành, sau đó hùng hùng hổ hổ tiến vào nội thành. Đến một nơi chúng tôi gọi là “quảng trường” thì dừng bước và xuống lạc đà nghỉ ngơi. Ngồi trên cát, bấy giờ mới cảm thấy sống lưng đau ê ẩm và miệng khô đắng rất cần được uống nước. Chúng tôi mang theo hai thùng nước lớn và do Lý Ngẫu Xuân “định lượng cung ứng”, dưa Ha Mật trở thành món thực phẩm được ưa chuộng, hoan nghênh nhất.

THÀNH LŨY HÌNH TRÒN ĐỜI ĐƯỜNG

Sau khi ăn no uống đủ, Lý Ngẫu Xuân dẫn chúng tôi đi xem toàn thành. Điểm đặc biệt nhất của cổ thành Akkuxicar là có tường thành hình tròn, hầu như tròn vành vạnh. Lý Ngẫu Xuân đo đạc, thành có đường kính 215 mét, diện tích toàn thành là 36300 mét vuông.

Tường thành xây bằng đất sét, trên đỉnh tường người ta dùng cây hồng liễu và gỗ cây hồ dương bện chặt lấy nhau, vô cùng kiên cố. Toàn bộ tường thành bị chôn vùi trong cát, phần lộ ra ngoài đã bị hỏa thiêu và có thể nhận thấy tro than và đất đỏ. Một điều rất lạ là toàn bộ tường thành hầu như bị cháy rụi, nhưng khu nội thành thì không có dấu tích nào của cơn hỏa hoạn cả.

Phòng ốc nhà cửa ở khu nội thành san sát như bát úp, theo những kèo cột còn sót lại có thể nhận ra dạng thức kiến trúc phòng ốc. Có loại nhà hai gian và một đơn nguyên, có loại nhà nhiều gian tạo thành một tiểu viện; cũng có loại nhà có lầu có gác. Nhà cửa tiếp giáp lẫn nhau, có hàng có lớp, hình thành bố cục của đường phố và ngõ phố. Ngày nay phần lớn số phòng ốc, nhà cửa đều bị chôn vùi trong cát, chỉ còn lộ phần nóc, nhưng chúng tôi có thể đi dọc theo dấu vết của đường phố, ngõ phố của khu nội thành; thỉnh thoảng có thể thấy trước sân sau vườn có cây cối, đó là những cây sa táo và hồ dương khô. Tất cả sự sống ở khu nội thành đều bị ngưng đọng, chỉ ở ngoại thành, trên những cồn cát mới thấy những cây hồng liễu ngoan cường rạng rỡ nét thanh xuân.

Lý Ngẫu Xuân dẫn tôi đi quan sát kỹ lưỡng cổng thành duy nhất còn sót lại của thành lũy, tình trạng cổng thành được bảo tồn hoàn hảo khiến nhà khảo cổ học không ngớt ca ngợi, và ông cho rằng trên thế giới hiện nay rất hiếm thấy được như vậy.

Cổng thành xây về hướng chính đông nhưng hơi chếch về bắc một chút, dưới trên phải trái đều lấy trụ gỗ hình tròn làm thành lối vào, khung cổng và hai cánh cổng đều được bảo tồn hoàn chỉnh, một cánh cổng thì đóng, còn cánh kia thì mở. Lý Ngẫu Xuân dùng thước dây đo đạc, cổng thành cao ba mét bốn mươi, rộng ba mét, sâu năm mét bảy mươi. Mỗi cánh cổng đều dùng sáu tấm gỗ thông mụ (sa mu) dày mười milimét ghép thành, và thêm ba nẹp dằn ngang trên đó dùng chốt gỗ đóng bồi vào. Tôi đi vào đi ra cổng thành nhiều lần, mơ hồ thấy hàng đoàn người xưa đang chen lấn tới lui ra vào. Tại sao người ta phải rời bỏ thành lũy này nhỉ? Nó bị bỏ rơi vào triều đại nào? Tại sao lại bỏ rơi?...

Lý Ngẫu Xuân nói những vấn đề ấy chưa được tìm hiểu rõ ràng, cần phải có những khai quật khoa học mới có câu trả lời thỏa đáng. Đây là lần thứ hai ông đến lại đây để chuẩn bị công tác khoa học.

Một người Anh tên là A. Stein đoán rằng khu thành này Huyền Trang có nói trong Đại Đường Tây Vực ký gọi là nước Đỗ Hóa La, và cũng có người nói là thủ phủ Bố Tiên trấn của nước Thả Mạt đời Đường, nhưng Lý Ngẫu Xuân cho là không phải. Ông cho rằng theo vị trí địa lý và hình dáng hình tròn của thành lũy mà xét thì rất có khả năng là thủ tróc Lan Thành đời Đường. Gọi là thủ tróc có nghĩa là một cứ điểm quân sự. Dĩ nhiên phải chờ những khai quật có tính khoa học mới có kết luận đúng đắn được.

Chúng tôi tản mác trong khu nội thành để tìm những vật cổ. Tay ký giả nhiếp ảnh Tiểu Kim mở cờ đắc thắng trước, anh nhặt được một trự tiền đồng, sau đó có người đào thấy trong một đụn cát một mẫu vải hoa nền xanh, Lý Ngẫu Xuân xem xong có vẻ rất vui cho là cứ theo hoa văn mà xét, nó thuộc đời nhà Đường. Lại có một người phát hiện ra một chiếc nhẫn đá quý màu xanh trong một góc phòng. Lý Ngẫu Xuân phán đoán góc phòng kia là đống rác; toàn bộ đang chuẩn bị đào xới sàng lọc cho sự tìm tòi phát hiện mới.

Lý Ngẫu Xuân hướng dẫn mấy người sửa soạn chỗ ăn ngủ cho tối nay tại sa mạc để sáng mai tiếp tục công tác. Tôi và Tiểu Kim vì thời gian không cho phép không thể ở lại lâu được, lưu luyến từ biệt cổ thành nơi sa mạc này cùng với nhà khảo cổ học, phó giám đốc Viện Bảo tàng Tân Cương.

Trên đường trở về, tôi cưỡi một con la. Ai ngờ ràng cưỡi một con la nhỏ đi trên sa mạc còn khó hơn nhiều so với cưỡi một con lạc đà cao lớn. Lên xuống những cồn cát, lắc lư lắc lư, nếu vô ý một tý có thể bị ngã ngay. Tổng cộng tôi ngã đến bốn lần, cũng may nhờ cát mềm nên không hề hấn gì, nhưng có điều lưng đau ê ẩm không chịu được. Hướng đạo dẫn tôi đi đường tắt mà cũng phải mất ba tiếng rưỡi đồng hồ mới về đến nơi. Trên đường về, tôi được thưởng thức cảnh đẹp lúc mặt trời lặn trên sa mạc và sự thần bí của rừng hồ dương lúc trăng lên. Hôm đó đúng là rằm trung thu, vầng trăng tròn vành vạnh trên bầu không thăm thẳm tại chốn sa mạc khoảng khoát mênh mông này tựa hồ như to hơn và sáng hơn.

25. KẾT THÚC MỘT VÒNG QUANG ĐẠI SA MẠC

Suốt một ngày môn du trên sa mạc, về đến mục trường An Địch Nhi thì đêm đã khuya. Cho dù ngồi trên mình lạc đà lắc lư lưng đau ê ẩm, dù phải ngã bốn lần từ trên lưng con la xuống cát, dù tim tôi đến bây giờ vẫn còn đập thình thịch, nhưng cuối cùng tôi vẫn vui vẻ và an tâm. Tôi đã đi vào “mê cung” của những cồn cát trùng điệp, tôi đã thăm viếng tìm hiểu một tòa cổ thành hình tròn tại khu trung tâm của chốn “mê cung” ấy trong lòng sa mạc. Bức tường thành hoàn chỉnh kia, hai cánh cổng có thể đóng mở của tòa thành kia, những cảnh vật giống như trong thế giới thần thoại ấy thỉnh thoảng lại hiện ra trong giấc mộng của tôi.

Hôm đó tôi mệt nằm lăn ra thường không còn dậy nổi nữa, nhưng trong bụng lại tính toán đến lộ trình ngày hôm sau: lộ tuyến từ bờ sông An Địch Nhi đến Thả Mạt trên bản đồ là một lộ tuyến không có hình dáng rõ rệt, đó là một “hư tuyến” , không có con đương chính thức nào cả. Nếu chúng tôi gặp thuận lợi đến được Thả Mạt thì nguyện vọng đi vòng quanh đại sa mạc Taklamacan chắc chắn trở thành hiện thực, bởi vì từ Thả Mạt đến Korla, nơi khởi điểm của cuộc đi vòng quanh đại sa mạc sẽ có đường nhựa hẳn hoi để đi lại bằng xe hàng hoặc xe khách.

Khi lên kế hoạch đi vòng quanh đại sa mạc Taklamacan ở Urumqi, chúng tôi đã xem bản đồ nhiều lần thì thấy từ huyện Dân Phong đến Thả Mạt đường sá không chu chỉnh mà phát rầu. Nay chính là lúc thể nghiệm ý chí vượt khó của chính mình.

GẶP NẠN TRONG SA MẠC

Lúc còn ở mục trường An Địch Nhi, chúng tôi đã ngỡ bị lạc đường, nên khi rời mục trường chúng tôi xin nhờ một người địa phương làm hướng đạo. Hai mươi cây số đầu rất thuận lợi, có thể nói là bình an vô sự như đi trên đại lộ. Không ngờ chưa được bao lâu thì xảy ra sự cố.

Chiếc Jeep vừa chạy đến một con sông nhỏ, đúng ra là một mương nước, thì người dẫn đường nói: “Xuống xe để thử dò tìm đường xem sao!” Ý của anh là muốn tìm một đoạn đường nào đó có bãi cạn lội qua sông. Anh tài xế Tiểu Đoàn nghe không hiểu và cũng có vẻ không cảnh giác nên nói “không can gì đâu!” rồi lái xe chạy thẳng xuống mương nước. Không ngờ bên bờ kia có một bậc thềm, khi nhấn ga vượt qua dòng nước, xe đâm mạnh vào đấy, động cơ lập tức bị tắt. Tiểu Đoàn vội khởi động lại lái thẳng về phía bờ đối diện, nhưng do xe bị dừng một lát, rồi vừa cho nổ máy lại nên xe mất đà, dù có qua khỏi sông nhưng vẫn không thể nào leo lên dốc bờ được. Lúc ấy tay chân Tiểu Đoàn trở nên lóng cóng. Anh cho lùi xe lại, lấy đà chuẩn bị tiến lên phía bờ bên kia lần nữa, không ngờ bánh xe sau chui vào đám bùn. Anh kêu lên: “Không xong rồi!” Ba người chúng tôi ngồi trên xe vội nhảy xuống nước, cố sức đẩy bánh xe sau lên, nhưng phí công vô ích, xe chẳng nhúc nhích tí nào. Chiếc Jeep mắc kẹt giữa dòng sông. Nước sông chảy mạnh. Bánh xe sau dần dần lún xuống.

Chúng tôi gấp rút lấy trong thùng xe ra toàn bộ máy ảnh, vật dụng và ba lô hành lý chuyển lên bờ. Mấy quả dưa hấu để dưới gầm xe không lấy kịp, chúng thoát cả ra ngoài trôi nổi lềnh bềnh trên dòng nước.

Người dẫn đường nói đằng trước có trạm trông coi hệ thống mương nước, ở đấy có điện thoại có thể gọi về mục trường cầu cứu. Anh đi chừng nửa tiếng đồng hồ thì trở lại nói điện thoại bị hư. Chỉ còn cách cùng đi với Tiểu Kim trở lại mục trường nhờ người giúp đỡ. Còn tôi và Tiểu Đoàn ngồi lại chờ đợi bên sông.

Tôi vừa ngồi hong khô quần áo, vật dụng, và động viên Tiểu Đoàn không việc gì phải gấp, nhưng thật ra lòng tôi thì lại đang rối bời.

Thấy bánh xe sau dần dần lún sâu, cả thân xe theo đó cũng chìm xuống và đầu xe cũng đang bắt đầu dính nước. Nếu động cơ ngập nước, dù có xe kéo lên được đi nữa cũng không thể nào khởi động được. Những tưởng qua được tai họa, nào ngờ nó lại xảy ra. Chúng tôi bị mắc cạn tại sa mạc chẳng khác nào cá ra khỏi nước, thật là vô kế khả thi. Lòng thầm nghĩ kế hoạch đi vòng sa mạc chẳng những không đi tới đâu mà ngay cả sinh mạng của mình cũng bị uy hiếp …

Nửa tiếng dòng hồ đã trôi qua, rồi nửa tiếng khác cũng trôi qua. ớ đây sao mà yên tĩnh lạ, chẳng nghe thấy tiếng chân người cứu hộ. Thực ra, người dẫn đường và Tiểu Kim có đi nhanh đến mấy đi nữa thì từ đây đến mục trường ít nhất phải mất một tiếng đồng hồ, và còn phải trở lại nữa chứ? Tiểu Đoàn âu sầu nhìn đầu xe sợ các bộ phận của động cơ bị nước ngấm vào thì nguy. Thân xe tiếp tục lún xuống, lún xuống ... Trên mặt nước đã nổi lên những váng dầu, rõ ràng bình xăng đã bắt đầu vô nước. Tôi đi chân đất, xuôi tay lui tới một hồi, lòng lo canh cánh.

Cứ như vậy chừng hơn nửa tiếng đồng hồ, bỗng nghe từ rất xa tiếng lầm rầm truyền đến. Trong sa mạc tĩnh lặng thanh âm truyền đi rất xa. Bầu không khí đang ngưng đọng bắt đầu có những âm ba vang vọng, nhưng không rõ đó là âm thanh gì. Tiểu Đoàn lấy làm lạ nhảy lên khỏi mặt đất vui vẻ nói: “Có người đến rồi!”. Không quá mười phút sau, quả đúng trước mắt hiện ra một chiếc máy kéo, sau rờ-moọc chở hơn hai mươi người, người dẫn đường và Tiểu Kim ngồi ra đằng trước.

Thì ra hai người bọn họ giữa đường gặp ngay chiếc máy kéo này, thật đúng là “buồn ngủ gặp chiếu manh”, chúng tôi vui vẻ như thế nào ắt các bạn cũng đoán ra. Cứu tinh đã đến, thế giới trước mắt hoàn toàn thay đổi.

Nhìn chiếc máy kéo rẽ nước bình ổn qua sông, đằng sau có một sợi dây cáp buộc chặt vào đầu chiếc Jeep. Hơn hai mươi người chúng tôi đứng Phía sau, người đẩy kẻ kéo, một tiếng hô lớn làm hiệu, loáng một cái. chiếc Jeep được kéo lên bờ. Tiểu Đoàn chạy vội lên chỗ tay lái thử khởi động máy, động cơ vẫn nổ ầm ầm. Anh mừng rỡ nói: “Không hề gì! may quá!”. Cuối cùng nước vẫn chưa xâm nhập vào các bộ phận máy móc. Thật trong cái rủi cũng còn có cái may.

Chúng tôi bắt tay các vị cứu tinh người Uygur, nói lời cảm ơn, rồi vẫy tay từ biệt. Sự giúp đỡ của họ đã đưa chúng tôi ra khỏi cảnh nguy khốn ở sa mạc. Sau khi Tiểu Đoàn chùi rửa sạch sẽ trong ngoài toàn bộ chiếc xe, chúng tôi lại bắt đầu lên đường, trong lòng ai nấy đều vui vẻ phấn chấn.

ĐƯỜNG CÁI XUYÊN SA MẠC

Ra khỏi “hành lang xanh” của sa mạc để đến “lan can” An Địch Nhi nằm ven đại lộ thì đã bốn giờ chiều. Đến đây người dẫn đường từ giã chúng tôi chuẩn bị đáp xe về huyện Dân Phong. Trạm nghỉ chân ở đây không có ai phụ trách nấu nướng cả, chúng tôi đành ôm bụng đói tiếp tục đi về hướng đông. Qua khỏi sông An Địch Nhi thì bắt đâu vào địa phận huyện Thả Mạt. Lại đi thêm một đoạn hai mươi cây số giữa đồng hoang nữa thì thấy một dãy nhà tường đất trơ trọi ước chừng mươi gian, có một chiếc xe ca đang dừng lại giữa đồng trống sửa chữa gì đấy. Chúng tôi dừng xe hỏi đường. Một người Hán đi tới nói đây là trạm lưu trú của mỏ Thạch Miêu thuộc huyện Thả Mạt để công nhân đội xe vận chuyển Thạch Miêu có chỗ ăn ngủ dọc đường. Từ đây đến huyện lỵ Thả Mạt chừng 160 cây số và phải đi mất khoảng sáu tiếng đồng hồ.

Anh bảo chúng tôi chi bằng ngủ tạm tại đây một đêm, sáng mai hẵng hay. Tôi nghĩ chiếc Jeep của chúng tôi đã phải kéo từ dưới nước lên cũng cần được kiểm tra lại, con đường phía trước cũng không tốt nên không dám mạo hiểm, có lẽ nghe theo lời đề nghị của anh chàng người Hán ấy là tốt nhất. Chủ nhân nhiệt tình nấu cho chúng tôi một xong mì nóng, ăn uống no nê, Tiểu Đoàn kiểm tra lại xe cộ, rồi chúng tôi tranh thủ đi ngủ sớm. Nửa đêm thức giấc nghe bên ngoài gió lớn thổi mạnh, cát bay đá chạy, tiếng muông thú kêu la, rõ thật đáng kinh người. May thay, chủ nhân dậy đốt đèn gọi chúng tôi vào trú thân ở phòng nhà bằng đất tránh gió và được nằm trong chăn ấm. Nếu không thì đêm ấy sẽ phải khổ sở biết chừng nào.

Sáng sớm, ánh triều dương xán lạn, hết gió, mặt đất yên ắng trở lại, nhưng có điều trời lạnh thấu xương.

Chủ nhân nhà lưu trú đề nghị chúng tôi cho ông theo xe về huyện lỵ Thả Mạt, chúng tôi rất hoan hỷ vì có được một người dẫn đường khác. Anh chàng hướng đạo của chúng tôi đã chia tay trở về huyện Dân Phong trước đó rồi.

Từ Dân Phong cư Thả Mạt, dù trên bản đồ nói là không có đường chính thức, nhưng thực ra vẫn có công lộ, chỉ có điều một vài đoạn bị sa mạc xâm thực quá nghiêm trọng, lúc có lúc không, nên người ta thường cho là con đường đáng sợ, không dám mạo hiểm.

Dọc đường chúng tôi thấy rất nhiều người thi hành công trình phòng chống cát sa mạc xâm thực, khắp nơi đều bày bố những phương cách phòng chống cát giống như người ta đang bủa vây bắt cát sa mạc vậy, họ cố gắng tối đa ngăn cản chúng di chuyển gây họa. Trên đường đi còn có nhưng dãy bờ rào chắn gió kết bằng lau say bện chặt vào các trụ gỗ. Nhìn từ xa chẳng khác nào những tấm bảng quảng cáo ở thành phố.

Nói đi một vòng quanh sa mạc Taklamacan thì cũng không đúng hẳn. Vì thực ra, bắt đầu từ Korla men theo bờ bắc sa mạc qua Khố Xa, A Khắc Tô đến Ca Thập rồi tiếp tục men theo bờ nam qua sa mạc Sa Xa, Hòa Điền, Vu Điền, toàn bộ chặng đường ấy chính là đi vòng bờ rìa sa mạc; còn từ Dân Phong qua Thả Mạt, Nhược Khương để trở lại Korla thì trên thực tế là đi xuyên sa mạc. Cánh trái của đường đi là nội địa sa mạc Taklamacan, còn cánh phải thì cũng ở trong lòng sa mạc cách bờ rìa khoảng bảy, tám chục cây số.

Trên đường đi ở cả hai phía, thỉnh thoảng thấy những đụn cát, có những đụn thì như tòa kim tự tháp, có những đụn thì như đồi núi chập chùng liên tu bất tận, cho dù luôn có người bảo hộ phòng chống cát xâm nhập dọc ven đường, nhưng mặt đường vẫn bị cát xâm thực.

Đi được chừng 70 cây số, người dẫn đường dè chừng bảo phía trước có một đoạn đường cát dài chừng mười cây số, mặt đường trông có vẻ bằng phẳng, nhưng trơn trượt rất nguy hiểm. Quả đúng như vậy, khi xe vừa đến đấy, đầu xe bắt đầu lắc lư qua vẻ rất đáng sợ, tài xế cẩn thận chú tâm vào tay lái, chỉ cần sơ ý một tí, xe sẽ lật nhào ngay vào những đụn cát bên đường.

Chúng tôi phải khó khăn lắm mới vượt khỏi đoạn đường nguy hiểm ấy. Người dẫn đường thở phào nhẹ nhõm. Anh nói, cũng may gần đây người ta đã tu chỉnh phần nào đoạn đường này, nếu không thì phải lần lượt chèn gỗ vào dưới bánh xe mới dần dần đi tới được. Xe hơi qua đoạn lộ trình này chắc chắn phải dùng một số ván gỗ. Gặp một hố cát, người ta lát ván lên chờ cho xe chao chao đảo đảo từ từ qua khỏi tấm ván gỗ. Gặp một hố cát, ngh ta lát ván lên chờ cho xe chao chao đảo dảo từ từ qua khỏi tấm ván lại tiếp tục đẩy ván từ sau lên để cho bánh xe lăn tới, cứ thế cho đến hết cả đoạn đường dài. Đi từng bước bằng cách chèn ván gỗ như vậy để vượt qua mười cây số ít nhất phải mất cả ngày trời.

NHỮNG CÔ GÁI TÓC VÀNG TRÊN SA MẠC RỪNG HỒ DƯƠNG

Qua khỏi mười cây số đường cát trơn trượt, trước mắt hiện ra một đoạn đường đá gồ ghề, xe chạy trên đấy có vẻ dễ yên tâm hơn. Lát sau, lại đi vào một khu rừng hồ dương tự nhiên, những sợi lá trên mình chúng có màu vàng óng ánh giống như những cô gái tóc vàng trông đẹp đến mê người Chúng tôi dừng xe dưới một gốc cây hồ dương lớn để nghỉ ngơi và bổ dưa hấu Ha Mật thơm ngon ra giải khát. Gió nhẹ thổi qua, cành lá vi vu Tiểu Kim và Tiểu Đoàn cao hứng hát lên mấy bài tình ca; bao nhiêu mệt nhọc hiểm nguy trên đoạn đường xuyên sa mạc trước đó đều tan hết.

Hồ dương là nguồn tài vật thiên nhiên rất quý báu ở sa mạc Taklamacan. Nó là giống cây chịu hạn và chịu phèn, rễ của nó rất mạnh, có thể ăn sâu trong lòng đất từ mười đến hai mươi mét để hút nước Cây hồ dương ở thời kỳ còn nhỏ, rễ chưa phát triển nhiều nên lá của nó có hình kim để có thể giảm bớt sự thoát hơi nước. Lúc trưởng thành lá lại có hình quả trứng, tế bào biểu bì của nó không phải là kiểu tế bào đơn tầng như các giống thực vật thường thấy mà là do hai hay ba tầng tế bào cấu thành, tổ chức hệ thống mạch dẫn bên trong vô cùng phát triển và vi tế. Đặc điểm ấy khiến cây hồ dương có đặc tính chịu hạn rất tốt.

Theo điều tra khảo sát của Sở Lâm nghiệp Tân Cương, lòng chảo Tarim, bao gồm cả sa mạc Taklamacan có cả thảy hai mươi tám vạn héc-ta rừng hồ dương tự nhiên, phân bố chủ yếu ở các lưu vực sông Tarim, sông Diệp Nhĩ Khương, sông Hòa Điền, sông Xa Nhĩ Thần ... chảy vào các nhánh sông dọc sa mạc, và một số khác đọc ven rìa sa mạc. Rừng hồ dương tự nhiên ngăn chặn sự di động của cát ở sa mạc Taklamacan, chúng có tác dụng rất quan trọng trong sự điều hòa quân bình sinh thái ở vùng hoang mạc.

Rừng hồ dương là loại thực vật cổ đại thuộc thời kỳ biến động địa chất lần thứ ba còn lưu lại, đã trải qua sáu triệu rưỡi năm lịch sử. Hiện nay, rừng hồ dương trên thế giới còn lại rất ít Rừng hồ dương ở lòng chảo Tarim có diện tích phân bố lớn nhất thế giới, là một khu vực tập trung nhất.

Điều đáng tiếc là do nhiều năm trở lại đây, việc phá rừng khai hoang xảy ra không ngừng nên diện tích rừng hồ dương tự nhiên dần dần bị thu hẹp. Hiện nay diện tích rừng hồ dương ở lòng chảo Tarim chỉ còn khoảng bốn mươi lăm phần trăm so với năm 1958, đây cũng là nguyên nhân làm mất đi các giống động vật hoang dã quý hiếm như lạc đà, hươu cao cổ ...

Sau khi qua khỏi rừng hồ dương rộng lớn, thấy có một gian nhà nhỏ của chi đội tu sửa công lộ, rồi đi tiếp thì thấy có hai thanh niên đang dùng cuốc xúc cát trên đường, có lẽ họ là công nhân của chi đội tu sửa công lộ chăng? Chúng tôi dừng xe hỏi han: Hai thanh niên người Uygur này rất vui vẻ tiến về phía chúng tôi bắt tay. Tuy không hiểu. ngôn ngữ của nhau, nhưng qua cách siết chặt hai tay cũng phần nào nói lên tình cảm của họ. Có lẽ rất hiếm khi thấy khách xứ khác đến đây nên họ cảm thấy lạ lẫm; còn đối với chúng tôi, những người ngồi trên xe vượt qua những chặng đường dài trên sa mạc thì họ là những người mang lại những thành quả hữu ích trong việc tu sửa công lộ, giữa đường gặp nhau thì lòng cảm kích của chúng tôi đối với họ cũng tự nhiên bộc phát.

Xe chạy trong sa mạc chừng sáu tiếng đồng hồ mới thấy một nhóm người trồng rừng. Đó là những cây sa táo và bạch dương chống bão cát, đang sinh trưởng xanh tốt, sum suê. Đang bị ánh mặt trời làm lóa mắt nơi sa mạc, nay đột nhiên bước vào nơi râm mát của cây xanh, thật như lâu ngày chịu nắng hạn khát nước gặp trận mưa rào mát ngọt đúng lúc, mọi người đều cảm thấy thư thái, vui sướng. Người dẫn đường nói đã đến Thả Mạt. Chúng tôi xuyên qua dải rừng rậm rạp để đi vào huyện thành Cổ Lão.

“SA MẠC MINH CHU” - RỪNG TRỒNG BAO QUANH THẢ MẠT

Thả Mạt không hổ với danh xưng là “sa mạc minh chư”. Huyện thành nho nhỏ mà chung quanh là sa mạc bao bọc. Sông Xa Nhĩ Thần (hay còn gọi là sông Thả Mạt) chảy qua huyện lỵ tạo thành một vùng lục châu xanh tốt. Sông Xa Nhĩ Thần dài hơn năm trăm cây số phát nguyên từ núi Mộc Dư Tháp cách theo hướng từ nam lên bắc xuyên qua huyện thành, rồi rẽ hướng đông bắc và mất hút vào sa mạc mênh mông. Có ba mươi ba ngàn người sinh sống trên vùng lục châu ấy, canh tác chừng hai vạn mẫu đất màu mỡ và hàng năm có thể tự cung tự cấp các nhu phẩm cần thiết như lương thực, dầu ăn, thịt. Trong lòng đất có nhiều khoáng sản, người ta đã tìm ra mỏ đá quý, cẩm thạch, vân mẫu, thủy tinh, và các mỏ kim loại khác như vàng, đồng, kền, sắt, than đá v.v...

Vào thời Tây Hán (206 trước' CN - 8 CN), Thả Mạt là một tiểu quốc ở tuyến nam của con đường tơ lụa, gồm 230 hộ với 1610 nhân khẩu. Hán thư có ghi: “Thiên Thiện nằm trên đường giao thông của nhà Hán, thông với nước Thả Mạt ở phía tây chừng 720 dặm”, tức có ý nói Thả Mạt nằm trên khu vực La Bố Bạc giữa nước Thiên Thiện và nước Lâu Lan, tức là ở:trên con đường trọng yếu thông Tây Vực vào thời nhà Hán.

Tuyến nam của con đường tơ lụa, nếu xuất từ Đôn Hoàng thì trạm đầu tiên phải qua là nước Thiên Thiện, rồi đi về phía tây là nước Thả Mạt. Hán thư lại còn nói: “Từ nước Thả Mạt trở đi người ta đều trồng ngũ cốc... đi về phía tây cách nước Tinh Tuyệt chừng 200 dặm”. Nước Tinh Tuyệt hiện nay tức là di chỉ Ni Nhã ở phía bắc huyện Dân Phong. Như vậy có thể thấy Thả Mạt là một trạm ở tuyến nam của con đường tơ lụa. Trong lịch sử, cao tăng Đường Huyền Trang và nhà du hành người Ý Marco Polo đã từng đi qua con đường này.

Cách huyện thành về phía tây chừng năm cây số có di chỉ thành lũy cổ đại. Chúng tôi lái xe đến đấy thăm thú, tìm hiểu thì thấy một khu đất cao nhìn xuống huyện thành. Cổ thành đã bị cát sa mạc Gôbi chôn vùi. Trên mặt đất không thấy dấu vết của tường vách đổ nát, nhưng có thể nhặt được rất nhiều mảnh đất nung. Theo phân tích thì đó là những di vật đồ đất nung thuộc đời Hán.

Đứng trên khu đất cao của di chỉ nhìn xuống huyện thành Thả Mạt thì thấy bốn phương tám hướng đều có trồng cây thành rừng. Cả một vùng huyện thành có đến ba mươi lò gió nổi tiếng đến nay đều đã hoạt động tốt.

Chúng tôi lái xe đến khu ngoại thành đông bắc thuộc công xã Đông Phương Hồng, nơi có cát sa mạch bị tàn phá nghiêm trọng nhất. Ruộng lúa tựa sát vào các dải rừng, sa mạc bị chận ngay từ phía ngoài các dải rừng. Người bạn đồng hành chỉ một gian nhà ờ gần bờ rừng nói hộ gia đình này vừa mới dời về. Năm 1950, trước khi chưa trồng rừng, sa mạc nuốc dân vườn ruộng, nhà cửa của họ. Trong phạm vi của công xã Đông Phương Hồng có hơn bốn ngàn mẫu đất canh tác lần lượt bị cát sa mạc xâm thực, sáu hộ gia đình ở gần bờ rìa sa mạc buộc phải thiên di nơi khác.

Năm 1960 mới bắt đầu có kế hoạch trồng cây gây rừng phòng chống cát, người ta trồng tổng cộng hơn năm mươi vạn cây gồm dương, liễu, sa táo, du, dương đen ... kéo dài hai mươi cây số đã bị chặn đứng, không thể xâm thực được nữa. Một phần mười diện tích đất canh tác vốn bị cát sa mạc xâm thực nay đã cải tạo thành ruộng lúa, sáu hộ gia đình từng thiên di nay đã trở lại.

Tại huyện thành Thả Mạt, các nhu yếu phẩm như gạo, dầu ăn, thịt đủ để tự cung tự cấp; mấy năm gần đây sản lượng các loại trái cây như nho, hạnh đào, hồng, táo ... càng ngày càng gia tăng, nhưng vì giao thông bất tiện, việc vận chuyển khó khăn nên giá bán các loại trái cây rất rẻ, giá một cân hồng chỉ bằng một phần sáu giá ở Bắc Kinh.

TRẠM HÀNG KHÔNG ĐƠN SƠ CỦA HUYỆN THẢ MẠT

Dù trong lịch sử nước Thả Mạt là vùng đất mà tuyến nam của con đường tơ lụa phải đi qua, nhưng do sa mạc cách trở, bao nhiêu thế kỷ trở lại đây, công cụ giao thông vẫn chỉ là lạc đà và lừa ngựa. Có thể nói, từ những năm năm mươi của thế kỷ này trở về hơn hai ngàn năm trước, trình độ giao thông mãi mãi vẫn như cũ.

Trưởng khoa nông lâm huyện là Salimala trình bày cho chúng tôi nghe về tình hình kiến thiết nông lâm của huyện. ông là người Uygur quê ở A Khắc Tô. Sau giải phóng,

Salimala tích cực tham gia công tác cách mạng, ông được phái đến Thả Mạt làm việc từ năm 1953. Ông nói hồi ấy cán bộ được sai phái đi công tác thường được cấp ba con lừa, một con để người cưỡi, một con chở hành lý, còn một con chở lương thảo, nước uống. Phải đi hai ba mươi ngày trời trong sa mạc. Salimala đi từ Korla đến Thả Mạt, toàn bộ hành trình dài tám trăm cây số, đi mất bốn mươi ngày. Lúc ra đi ông chỉ mới mười sáu tuổi, đến nay đã bốn mươi ba tuổi. Ông đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho công cuộc kiến thiết Thả Mạt.

Salimala nói:

- Ngày nay sự giao thông ở Thả Mạt đã khá thuận tiện. Đi công tác ở Korla hay Urumqi có thể dùng ôtô hay máy bay. Do đó khoảng cách giữa Thả Mạt và Urumqi hay Bắc Kinh trở nên ngắn hơn, dễ dàng hơn.

Mặc dù chúng tôi chuẩn bị tinh thần vòng quanh sa mạc Taklamacan bằng đường bộ và hoàn toàn không có ý định trở về Urumqi bằng đường hàng không, nhưng để xem phi trường Thả Mạt vừa xuất cánh những chuyến bay như thế nào, tôi lấy xe đạp đến trạm hàng không dân dụng Trung Quốc ở Thả Mạt.

Phi trường còn quá sơ sài, đó chỉ là một đường băng đơn giản và một tháp hướng dẫn không lưu, không có phòng đợi, trên sân bay không có máy bay hạ cánh năm chờ. Những chuyến bay định kỳ từ Urumqi đến rồi bay trở về ngay trong ngày. Trạm trưởng Dịch Phượng Nhất tiếp đãi tôi rất nhiệt tình. Ông nói:

- Chuyến bay định kỳ Urumqi - Korla - Thả Mạt mỗi tuần một lần. Tháng bảy năm 1979 chính thức bắt đầu.

Tôi hỏi:

- Trong mỗi chuyến bay có đủ chỗ cho hành khách không?

- Chuyến nào cũng đầy khách. Giá vé rất rẻ, so với đi bằng ô tô thì không đắt bao. nhiêu, mà lại an toàn, thoải mái, tin tưởng.

- So với giá vé đi ô tô thì sao?

- Ồ! Đi xe thì phải vượt đèo, qua núi, rồi tiền ăn tiêu dọc đường, tiền trú đêm ... còn đi máy bay, bay thẳng một mạch.

- Ngoài hành khách trên tàu là cán bộ đi công tác và viên chức các xí nghiệp ra, có dân thường mua vé đi máy bay không?

- Cũng có sinh viên đến Urumqi học đại học, rồi những học sinh các trường chuyên nghiệp, những nông dân đi chữa bệnh ở bệnh viện thành phố, và cũng có những người đi thăm bạn bè thân thích ... Sau khi có các chuyến bay, người dân Thả Mạt có thể đọc báo chí, tập san mới phát hành, chứ còn trước đó chỉ đọc các loại sách sử, sách văn học mà thôi.

Người dân Thả Mạt như bị phong tỏa khá lâu, nay có các chuyến bay hàng không dân dụng, họ rất hoan nghênh, tâm tình vui vẻ ra mặt. Họ hăng hái tham gia lao động công ích, chỉ trong một thời gian ngắn phi trường Thả Mạt được tu sửa hoàn chỉnh.

NƯỚC LÂU LAN CỔ ĐẠI BỊ CHÔN VÙI TRONG SA MẠC

Đoạn đường từ Thả Mạt đi Nhược Khương theo hướng tây bắc dài 340 cây số, chúng tôi khởi hành từ lúc trời chưa sáng. Ra khỏi huyện thành, trước hết đi về hướng nam đối diện với dãy Côn Luân. Phía đông hửng sáng, mặt trời vẫn chưa lên khỏi mặt đất, ánh hồng nhạt đã phản chiếu trên đỉnh núi tuyết của dãy Côn Luân. Cả vùng đất mênh mông còn chìm trong cõi tờ mờ của buổi chớm bình minh, núi non tầng tầng lớp lớp như đang khoác trên mình tấm lụa mỏng màu xanh nhạt, cho ta cái cảm giác huyền ảo, thần bí. Tôi vẫn chú mục về phía đông để chính mắt mình được thấy cảnh mặt trời mọc trên sa mạc. Nhưng chẳng may một làn mây mỏng che khuất phía chân trời. Đợi đến lúc ánh triều dương ra khỏi đám mây với ánh sáng rực rỡ mê hồn thì đồng hồ đã chỉ tám giờ ba mươi làm phút (ở đây tính theo giờ Bắc Kinh, còn giờ địa phương chỉ mới sáu giờ ba mươi lăm).

Sau khi qua một con sông, chúng tôi rẽ về hướng đông bắc, vin theo đường núi mà đi, thế đất tương đối cao, ngồi trên xe nhìn xuống phía trái là mặt bắc thì biển cát mênh mông, tựa như sóng biển nhấp nhô, trông rất hùng tráng.

Mười một giờ chúng tôi thấy một tấm bảng chỉ đường ghi rõ là đã vào địa giới huyện Nhược Khương. Thỉnh thoảng cồn cát chôn lấp cả mặt đường, chiếc Jeep của chúng tôi đã hai lần chui vào cát, nhưng chúng tôi đã có kinh nghiệm đi xe trên cát nên không có gì phải hoảng hốt, chỉ cần lấy xẻng xúc hết lớp cát mịn dưới bánh xe và thân xe, sau đó rú hết ga phóng lên phía trước, thế là thoát hiểm. Tuy thế, tài xế vẫn luôn luôn chú ý cẩn thận trên những đoạn đường có cát chảy, cát lún.

Ra khỏi đám cát chảy lại gặp một khu rừng hồ dương tự nhiên, sau đó lại xuất hiện những đám lau sậy, thế là dần dần đến vùng lục châu. Qua khỏi công xã Ngoa Thạch Giáp thì đến huyện Nhược Khương.

Huyện thành rất nhỏ chỉ có một con phố lớn cỡ chưa bằng một thị trấn nhỏ ở nội địa. Nhân khẩu toàn huyện chỉ hai vạn hai ngàn người trên một diện tích Hy Lạp và Hà lan cộng lại, tuyệt đại bộ phận là sa mạc, ao đầm và đất núi vô sinh. Huyện có hồ La Bố Bạc nổi tiếng, thời cổ đại là hồ lục địa do sông Tarim và sông Xa Nhĩ Thần hợp lưu gọi là biển Bồ Xương hay Diêm Trạch, ngày nay đã khô cạn.

Vào thời Tây Hán, Nhược Khương là một tiểu quốc nằm gần Dương Quan. Hán thư ghi chép: “Ra khỏi Dương Quan, nước gần nhất là Nhược Khương ... phía tây tiếp giáp với Thả Mạt, phía tây bắc kéo dài đến nước Thiên Thiện và cũng là một thông đạo”. Như vậy nước Nhược Khương ở lệch về phía nam, nó không nằm trên tuyến nam của con đường tơ lụa.

Trên thực tế, huyện Nhược Khương ngày nay chính là nước Lâu Lan thời cổ đại, hoặc là đất xưa của nước Thiên Thiện. Đó là một nước đã từng có tên trong lịch sử.

Hán thư, phần truyện Tây Vực ghi về tuyến nam của con đường tơ lụa như sau: “Từ Ngọc Môn quan, hay Dương Quan đi Tây Vực có hai con đường. Từ Thiên Thiện đi cạnh núi Nam Sơn và sông Bắc Ba theo hướng tây đến Sa Xa gọi là nam đạo (tuyến nam) ...” Sách trên còn viết: “Ra khỏi Ngọc Môn, qua Thiên Thiện, Thả Mạt và Tinh Tuyệt đường dài hơn 3000 dặm để đến nước Câu Nhĩ”.

Như vậy, chúng ta có thể thấy nước Thiên Thiện là trạm đầu tiên ở tuyến nam của con đường tơ lụa sau khi ra khỏi Ngọc Môn quan.

“Nước Thiên Thiện vốn có tên là Lâu Lan, có vua trị vì thành Vu Nê ... đất thiếu muối khoáng, thiếu ruộng, lúa gạo, chỉ nhờ vào nước láng giềng. Nước chuyên sản xuất ngọc, có nhiều lau sậy, liễu đỏ, hồ đồng, bạch thảo. Dân sống bằng nghề du mục, chỉ dựa vào nguồn nước và cỏ thiên nhiên, nuôi nhiều lừa và lạc đà ...”

Lâu Lan vốn là trạm đầu tiên trên con đường thông vãng Tây Vực, mặt bắc giáp với Hung Nô, cho nên Lâu Lan không thể tránh khỏi vòng xoáy của cuộc tranh chấp giành quyền kiểm soát vùng Tây Vực giữa nhà Hán và người Hung Nô.

Sứ thần nhà Hán đi Tây Vực thì Lâu Lan là nước đầu tiên phải đi qua, quần thần vương quốc phải tiếp đãi chu tất, phải gánh vác thêm những chi phí đôi lúc không kham nổi. Hung Nô lợi dụng tình trạng này sách động người Lâu Lan công kích sứ nhà Hán. Triều đình nhà Hán lại đem binh thảo phạt, Lâu Lan phải hàng phục. Hung Nô nghe thế lại hưng binh hỏi tội. Thế là vua Lâu Lan phải một cổ hai tròng đành đưa con mình sang làm con tin ở cả hai nơi: Hung Nô và Hán. Triều đình nhà Hán có quở trách tại sao làm như thế thì họ bảo: “Một nước nhỏ nằm giữa hai nước lớn không thể không phụ thuộc vào cả hai, nếu không làm thế, nước chúng tôi làm sao có thể tự an được!” Như vậy, có thể thấy thời bấy giờ tiểu quốc Lâu Lan lâm vào một tình trạng rất khó xử.

Tình hình này kéo dài khá lâu, Lâu Lan phải chu toàn cả hai bên Hán và Hung. Họ thường bị người Hung Nô sách động phải sát hại sứ thần nhà Hán mỗi khi có sứ nhà Hán đi Tây Vực. Năm 77 trước CN, tức Nguyên Phượng năm thứ tư đời Hán Chiêu Đế, đại tướng Hoắc Quang sai Phó Giới Tử hành thích vua Lâu Lan, lập Úy Đồ Kỳ lên làm vua, đổi tên là nước Thiên Thiện.

Để được nhà Hán bản hộ, Úy Đồ Kỳ xin nhà Hán phái tướng sĩ vào bổn quốc đóng đồn binh, xây đồn điền ở thành Y Tuần.

CỐ ĐÔ NƯỚC LÂU LAN TẠI NƠI NÀO?

Nước Lâu Lan sau đổi tên là Thiên Thiện mà ngày nay thuộc khu vực huyện Nhược Khương ở Tân Cương bao gồm vùng La Bố Bạc là điều không còn nghi ngờ gì nữa. Nhưng kinh đô Vu Nề của nước Lâu Lan và thành Y Tuần của đồn binh thời nhà Hán rốt cuộc nằm nơi nào thì nhiều học giả trong và ngoài nước lại có nhiều giả thuyết khác nhau.

Nhà học giả chuyên về địa lý thời cổ là Phùng Thừa Quân cho rằng huyện thành Nhược Khương (tiếng Uygur gọi là Charklik) ngày nay chính là Vu Nê, kinh đô của nước Lâu Lan, còn cách phía đông Mê Lan chừng tám mươi sáu cây số chính là thành Y Tuần, đồn binh của nhà Hán ngày xưa, và nay là một nông trường.

Nhà khảo cổ học người Anh là A.Stein thì cho rằng Mễ Lan tức là Vu Nê, kinh đô của nước Lâu Lan, còn Charklik mới là thành Y Tuần.

Năm 1900, một nhà khảo cổ học người Thụy Điển dưới sự hướng dẫn của một người Uygur tên là Airtik đã phát hiện một tòa cổ thành ở La Bố Bạc gần sa mạc có tọa độ cụ thể là tám mươi chín độ bốn mươi lăm kinh đông và bốn mươi độ bốn mươi vĩ bắc. Về sau, người ta đào được một tấm gỗ ghi văn tự Tây Vực đọc âm là Koraina và cho rằng đó là tiếng của nước Lâu Lan. Và cũng theo đó nhà học giả ngoại quốc ấy cho rằng khu cổ thành ở sa mạc này mới là thành Vu Nê, kinh đô của Lâu Lan cổ đại.

Hai nhà học giả Trung Quốc Hoàng Văn Bật và Vương Quốc Duy không đồng ý với giả thuyết trên và cho rằng không thể chỉ vì trong văn thư đào được có văn tự của người Lâu Lan mà đoán định đó là kinh đô của nước Lâu Lan được.

Nhưng những người làm công tác khảo cổ Trung Quốc vẫn chưa đặt chân đến cổ thành này, mãi đến tháng tư năm 1980 Sở Nghiên cứu Khảo cổ Viện Khoa học Xã hội Tân Cương mới cử Mục Thuần Anh và Vương Bính Hoa hướng dẫn một đội làm công tác khảo cổ xuất phát từ Đôn Hoàng và ngày mười sáu tháng tư thì đến khu cổ thành ấy. Họ làm việc trong hai mươi ngày. Theo tìm hiểu và khảo sát của họ thì cổ thành có diện tích vuông vắn, mỗi bề ước khoảng 300 mét, chung quanh có tường thành, bố cục kiến trúc bên trong nội thành có chủ thứ phân minh. Phía đông thành có một tòa tháp thật, chiều cao còn lại là mười mét bốn mươi phân. Họ thu nhặt được nhiều văn vật gồm tiền tệ đời Hán, chữ khắc trên gỗ bằng tiếng Hán và tiếng Khư Lô; đồ dệt bằng tơ lụa hoặc bằng lông thú v.v... Mọi người đang chờ đợi công bố kết quả nghiên cứu của họ. Còn riêng tôi, tôi hy vọng họ sẽ có những phân tích mới mẻ về tòa cổ thành ấy để khẳng định nó có phải là của nước Lâu Lan cổ đại hay không.

KẾT THÚC CUỘC DU HÀNH QUANH SA MẠC TAKLAMACAN

Sau khi từ biệt Nhược Khương, chúng tôi đi về hướng bắc, như vậy là chúng tôi đã chuyển qua bờ đông của sa mạc Taklamacan. Có lẽ việc tu sửa và bảo hộ cả đoạn đường trên sa mạc này rất tốn hao tâm lực. Ngoài việc thực hiện công trình ngăn cát bàng gỗ tấm làm hàng rào và các phương cách phòng chống khác, còn có một con đường lớn dài một trăm cây số lát bằng gạch. Đó là đoạn đường thuộc vùng hạ lưu sông Tarim. Nước trong lòng đất khá ẩm ướt nên rừng hồ dương tự nhiên ở đây rất xanh tốt. Du hành trong sa mạc nhiều ngày tôi hầu như đã yêu thích rừng hồ dương lúc nào không biết nữa.

Rừng hồ dương màu vàng óng, suốt chặng đường xe chạy trên nền gạch, nó là bạn đồng hành của chúng tôi. Con đường có lối cấu tạo mới lạ này dài chừng một trăm cây số đã đưa chúng tôi đến huyện Uy Lê. Hai bên đường bắt đầu xuất hiện lau sậy, rừng nhân tạo... và cuối cùng là ruộng lúa và vườn trồng bông vải. Chạng vạng tối, chúng tôi đến được nông trường quốc doanh số ba mươi tư thuộc châu tự trị Mông Cổ

Ba-âm-cách-lăng. Sau bữa cơm tối ngon lành, chúng tôi ngủ lại qua đêm ở đấy. Du hành ở vùng Tân Cương rộng lớn, tôi rút được một kinh nghiệm là khi vào một nông trường thường được ăn thức tươi ngon và giá tiền lại rẻ. Sau bữa cơm còn được mời ăn dưa hấu, dưa Ha Mật và hương lê. Vòng quanh sa mạc Taklamacan, trên đường đi luôn đều được ăn dưa hấu và dưa Ha Mật. Theo nhận xét của chúng tôi thì dưa ở đông bộ Tân Cương ngọt hơn so với dưa ở tây bộ Tân Cương, trong đó dưa ở Ca Thập và dưa ở A Khắc Tô là số một. Dưa ở nông trường số ba mươi tư có thể sánh ngang với loại dưa Tolophan.

Chủ nhà thấy chúng tôi ăn dưa một cách thích thú, ông xách ra một giỏ lớn bỏ lên xe, chúng tôi cố từ chối nhiều lần, ông bèn nói:

- Dưa năm nay đặc biệt được mùa, lại không có người thu mua, gởi các anh đem về Bắc Kinh ăn xem cho biết thế nào, có gì phải ngại?

Tập đoàn sản xuất số bốn mươi ba là một tập đoàn sản xuất nông nghiệp nằm ở cực đông dọc sông Tarim. Trong quá khứ, đoạn cuối của sông Tarim chảy vào La Bố Bạc, nhưng ngày nay trên dọc dòng chảy này người ta lợi dụng chúng để lấy nước tưới tiêu nên đến nông trường số bốn mươi ba lượng nước càng ngày càng giảm giống như đoạn cuối của mũi tên vậy. Do đó, nông trường này có hơn mười vạn mẫu đất canh tác, nay do lượng nước không đủ nên đã giảm đi hơn sáu vạn mẫu.

Sáng hôm sau, chúng tôi men theo đường cái đi về hướng tây bắc, ven đường là những đường mương chống thẩm thấu, nước rộng thoáng thẳng tắp dẫn nước từ sông Tarim lại. Hai bên mương là ruộng lúa hoặc rừng nhân tạo. Buổi trưa, chúng tôi ngồi bên bờ nước dưới bóng cây râm mát nghỉ ngơi chốc lát bỗng thấy một con hươu nhảy qua mương nước, nhẹ nhàng nhanh chóng; tiếp theo là ba con khác cũng nhảy qua. Thì ra đó là đàn hươu được thuần dưỡng của nông trường sông Tarim.

Lại tiếp tục đi tới thì thấy dòng Tarim đang cuồn cuộn chảy, nó làm tim tôi rung động. Từ khi đến Nam Cương đến nay lúc nào tôi cũng nghĩ đến nó, tuy đã vượt qua ba nguồn sông của nó là A Khắc Tô, Diệp Nhĩ Khương và Hòa Điền, nhưng trước sau vẫn chưa nhận rõ chân diện mục của nó. Hôm nay chính mắt mình trông thấy thì làm sao không vui sướng cho được. Sông Tarim dài 2179 cây số. “Tarim” tiếng Uygur có nghĩa là “trồng lúa” Từ thời nhà Hán bắt đầu thông vãng Tây Vực sông Tarim đã từng nuôi dưỡng sĩ tốt nhà Hán từ xa đến để lập đồn điền mở rộng ảnh hưởng ngoài biên giới. Ngày nay, dọc sông, người ta lập ra rất nhiều nông trường.

Sau khi chúng tôi từ biệt nông trường Ba Châu số ba mươi tư thì lại qua nông trường Ba Châu số ba mươi tám ... Nhưng nông trường này thuộc huyện Uy Lê mà dưới triều nhà Hán là nước Cừ Lê, tức một trong những địa khu ở biên ải mà Nhị Sư tướng quân Lý Quảng Lợi khi viễn chinh nước Đại Oản đã từng lập đồn binh ở đấy vào năm 101 trước CN.

Đến gần huyện lỵ Úy Lê, sau khi qua khỏi sông Khổng Tước, xe chúng tôi trở lại trên đường nhựa sau nhiều tháng xa cách, chúng tôi cảm thấy bình ổn, thư thái một cách đặc biệt, và xe chạy êm ru và văng vẳng bên tai nghe có tiếng nước chảy giống như một bản hợp tấu làm mê sướng lòng người ... Tôi cảm nhận một giai điệu êm ả thích thú và trong cõi mơ mơ hồ hồ ấy, chúng tôi đến Korla lúc nào không hay, chúng tôi đang nằm gọn trong lòng dãy Thiên Sơn tráng lệ, hùng vĩ.

Đã kết thúc chuyến vòng quanh đại sa mạc Taklamacan hoàn toàn thuận lợi. Nhưng trong giờ phút này, tâm hồn tôi đang bay tới bên kia dãy Thông Lĩnh.

Không biết đến bao giờ tôi có thể vượt qua cao nguyên Pamia để đi về hướng Địa Trung Hải trên con đường tơ lụa cổ đại ở ngoài địa phận Trung Quốc?