Khởi nghĩa Lam Sơn (1418 - 1427)

I. Thời kỳ ở miền tây Thanh Hóa

1. Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa

Sau khi nhà Hồ kháng chiến chống quân xâm lược Minh bị thất bại, nước ta chính thức bị nhà Minh đô hộ. Chính sách cai trị rất tàn bạo của quân giặc đã làm dấy lên nhiều cuộc khởi nghĩa chống quân Minh, nhưng tiếc rằng những cuộc khởi nghĩa này về sau bị dìm trong biển máu. Lúc này đã xuất hiện một vị thủ lĩnh mới sẽ lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa đi đến thắng lợi cuối cùng. đó là Lê Lợi.

Vậy Lê Lợi là ai ? Ông xuất thân trong một gia đình họ Lê giàu có ở xứ Thanh: ông nội là Lê Hối, cha là Lê Khoáng và là một hào trưởng rất giàu có ở vùng đất Lam Sơn - Thanh Hóa: ruộng đồng bát ngát, gia nhân nhiều tới hơn 1.000 người và khối tài sản khá nhiều. Trước cảnh đất nước bị quân giặc dày xéo, Lê Lợi đã ban phát của cải để chiêu tập những người yêu nước về Lam Sơn. Khi thấy số lượng người yêu nước đến đây khá nhiều, ông đã quyết định chọn Lam Sơn làm căn cứ khởi nghĩa chính (lý do vì: Lam Sơn dựa vào núi ở phía sau, trước mặt là sông lớn (sông Chu, sông Hoàng) - quá thuận lợi cho việc lập căn cứ và đóng quân. Khi nghĩa quân suy yếu thì sẽ rút vào núi hay xuôi theo các con sông để tìm nơi trú ngụ nhằm củng cố lực lượng và nuôi quân; khi lực lượng mạnh sẽ tiến ra để phản công quân địch). Tại Lam Sơn này, nghĩa quân có cơ hội được tiếp xúc tỉnh Thanh Hóa thời phong kiến (Thanh Hóa, còn gọi là xứ Thanh; có nền văn hóa phong phú: bãi biển Sầm Sơn, sông Mã - sông Chu, khu di tích Lam Kinh (nơi thờ Lê Lợi), canh đắng, chè lam Thanh Hóa, nem chua; lễ hội Phủ Na (thờ Bà Triệu; lấy nước thánh....). Lam Sơn cách thành phố Thanh Hóa khoảng 50km (đi dọc sông Chu (còn gọi là sông Lương) và sông Mã là đến)

Trong số những nghĩa sĩ theo về Lam Sơn, có Nguyễn Trãi - một con người tài hoa xuất chúng. Là con trai của Nguyễn Phi Khanh (đỗ tiến sĩ); hai cha con ra làm quan cho nhà Hồ. Khi nhà Hồ mất, hai cha con bị giặc bắt về nước (tới ải Nam Quan, Phi Khanh khuyên con là Trãi về nước báo thù). Nguyễn Trãi bị giặc bắt giam ở Đông Quan, bị quân thù tìm đủ cách để mua chuộc nhưng thất bại. Từ Đông Quan, ông vượt ngục và theo về với nghĩa quân Lam Sơn. Tương truyền, Nguyễn Trãi cùng Trần Nguyên Hãn đã giả dạng người bán dầu đến gặp Lê Lợi. Khi gặp chủ tướng Lê Lợi, ông dâng bản Bình Ngô sách (kế sách đánh quân Ngô). Về nội dung của sách này (sách này bị thất truyền) thì tóm gọn là: (1) tập hợp nhân dân cả nước cùng đứng lên chống giặc, (2) khích lệ lòng yêu nước và tự hào dân tộc trong lòng mỗi người lính nghĩa quân để họ xông lên đánh bại kẻ thù; (3) lợi dụng triệt để các mâu thuẫn trong lòng địch để đánh giặc. Về phương châm tiến hành: là phối hợp chính trị - quân sự - ngoại giao

Tháng 1 năm 1416, Lê Lợi cùng 18 người khác đã tổ chức Hội thề Lũng Nhai. Lũng Nhai (dịch từ tiếng Mường là Pù Mẹ, nghĩa là "núi người mẹ") là một thung lũng nằm cạnh ngọn núi ở làng Lũng Mi, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa. Tại hội thề này, Lê Lợi cùng các tướng làm lễ tế cáo trời đất; chủ tướng trịnh trọng đọc bài văn thề để thể hiện mục tiêu đoàn kết các dân tộc anh em (người Việt, người Mường, người Thái - với nhân vật cụ thể là Lê Lai, người Mường)

Tháng 2/1418 (vào mùng 2 tháng Giêng năm Mậu Tuất), Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa và tự xưng là Bình Định Vương. Lúc này nghĩa quân có hơn 2.000 người với 35 tướng chỉ huy (theo Lam Sơn thực lục. Đại Việt sử ký toàn thư thì chép là hơn 1.000 người). Lý do ông khởi nghĩa ngay vào dịp Tết là để lợi dụng quân giặc lo ăn chơi Tết, không đề phòng (khá trùng hợp với chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa của nghĩa quân Tây Sơn cũng diễn ra ngay vào dịp Tết năm 1789). Từ "Bình Định" nghĩa là: dẹp yên giặc giã

2. Những năm đầu hoạt động của nghĩa quân Lam Sơn (1418 - 1423)

Trong thời gian đầu khởi nghĩa, nghĩa quân Lam Sơn gặp nhiều khó khăn vì lực lượng còn yếu và nghĩa quân chưa có kinh nghiệm chiến đấu; hơn nữa quân Minh rất mạnh và nhiều lần đưa quân lính tới đàn áp. Cho biết vài thống kê của quân Minh: năm 1407 riêng Giao Châu có hơn 29.000 quân, 837 cơ quan (nha môn) (theo An Nam chí nguyên của Cao Hùng Trưng) chưa kể vài vạn quân đóng ở các châu dọc biên giới nước ta sẵn sàng đàn áp nghĩa quân khi có lệnh.

Trước tình hình nguy cấp ấy, nghĩa quân đã ba lần rút lên núi Chí Linh (nay thuộc huyện Lang Chánh, Thanh Hóa). Nguyên gốc tên núi là Pù Rinh (cao hơn 2.100 m) là ngọn núi cao và địa thế hiểm trở nhất ở Thanh Hóa; núi này có đường thông xuống đồng bằng và thông cả qua Lào; nhưng Chí Linh xa dân nên lương thực lại là vấn đề. Ba lần đó là:

- Lần thứ nhất (tháng 2/1418), nghĩa quân rút lên núi Chí Linh và bị quân địch chặn hết nguồn cung ứng lương thực, "hơn mười ngày chỉ ăn được củ nâu và mật ong, người ngựa đều khốn đốn" (trích Đại Việt thông sử). Lê Lợi họp bộ chỉ huy để bàn kế. Ông nói rằng: "Bây giờ ai có thể làm như Kỷ Tín ngày xưa để ta ẩn náu trong rừng núi, mưu tính cử sự về sau" (theo Việt sử thông giám cương mục). Trước tình thế nghiêm trọng đó, Lê Lai khẳng khái tình nguyện hi sinh để cứu Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn. Lê Lai cải trang thành chúa Lam Sơn, lĩnh 500 quân kéo ra đánh quân giặc. Ông nhử cho quân giặc đuổi theo đến lúc kiệt sức, bị quân Minh bắt và sát hại.

Lê Lai ( ? - 1418) là người Mường, nhiều đời là phụ đạo ở Dựng Tú (nay thuộc huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa). Cha của Lê Lai là Lê Kiều sinh ra hai con là Lãn và Lai; Lê Lai hi sinh năm 1418; anh trai là Lê Lãn hi sinh năm 1425 trong trận Khả Lưu. Ba con trai của Lê Lai là Lô, Lộ và Lâm đều tham gia quân khởi nghĩa; riêng Lê Lâm chiến đấu đến khi khởi nghĩa toàn thắng. Khi Lê Lợi lên ngôi, nhà vua phong Lê Lai làm công thần hạng nhất và cặn dặn quần thần rằng, hãy làm giỗ Lê Lai vào hôm trước lễ giỗ Lê Lợi. Vì vậy dân gian có câu: "Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi"

- Lần thứ hai (tháng 5/1418), nghĩa quân lại rút lên núi Chí Linh sau đợt càn quét ác liệt của quân địch. Quân địch bao vây và càn quét, quật mồ của gia đình Lê Lợi và tàn sát nhân dân ta để uy hiếp nghĩa quân. Sau cuộc càn quét này, nghĩa quân Lam Sơn chỉ có độ 100 người, ẩn náu trên núi tới 3 tháng ròng rã

Nghĩa quân Lam Sơn sau một thời gian phục hồi lực lượng đã tổ chức các trận tập kích (bắt đầu từ tháng 10/1418): trận Lạc Thủy (giết quá nửa số quân địch), Mường Nanh, Nga Lạc (tháng 5/1419, diệt trên 300 địch); Bồ Mộng, Thi Lang (tháng 9/1419, diệt hơn 1.000 tên); tập kích trại Quan Du (cuối 1420, diệt trên 1.000 địch), trận Ủng Ải (tháng 12/1421, nay là đèo Ống). Tháng 2/1422, nghĩa quân đánh tan quân Minh ở sách Khôi (giữa Hòa Bình và Ninh Bình ngày nay, diệt trên 1.000 tên và bắt hơn 100 ngựa)

- Lần thứ ba (tháng 3/1423), nghĩa quân lại rút lên núi Chí Linh. Nghĩa quân trú trên núi hơn hai tháng trời, bị tuyệt lương thực trầm trọng. Vị chúa Lam Sơn đã phải cho giết cả voi, ngựa để nuôi quân

Đầu tháng 5/1423, Lê Lợi phải sứ giả là Lê Vận, Lê Trăn mang 5 ngà voi và thư xin hàng đến gặp tướng Minh là tổng binh Trần Trí, Sơn Thọ và Mã Kỳ xin hàng; mục đích là cho nghĩa quân có thời gian củng cố lực lượng, nuôi quân, tuyển mộ thêm quân và nhằm thăm dò lực lượng của đối phương. Riêng quân Minh cũng muốn cho hàng, vì: (1) Trung Hoa liên tục bị quân Mông Cổ uy hiếp tới 5 lần (vua Minh thân chinh đem quân đánh, lần đánh hồi năm 1422 phải dùng 34 vạn con lừa, 17 vạn cỗ xe, 23 vạn phu và 37 vạn thạch lương; (2) nhà Minh khủng hoảng triều đình: vua Thành Tổ chết bất ngờ và con trai là Cao Xí lên ngôi trong tình hình triều đình khủng hoảng đã buộc phải hòa hoãn; (3) nhà Minh lo đối phó với khởi nghĩa nông dân: khởi nghĩa nông dân Liêu Châu (1407), khởi nghĩa Sơn Đông (1420), khởi nghĩa Lưỡng Quảng và Vân Nam (1426 - 1427) và dân tộc thiểu số....

II. Giải phóng Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa và tiến quân ra Bắc (1424 - 1426)

1. Giải phóng Nghệ An (năm 1424)

Tháng 10/1424, nghĩa quân Lam Sơn đã thực hiện theo kế hoạch của Nguyễn Chích, chủ động rút quân về Nghệ An. Lý do của việc chuyển quân vào Nghệ An vì:

- Nghệ An đất rộng và người đông, giúp nghĩa quân giải quyết được vấn đề lương thực và phục vụ tốt cho nhu cầu của nhiệm vụ chiến lược (mở rộng lực lượng nghĩa quân). Nghĩa quân không muốn ở lại Thanh Hóa vì địa hình chủ yếu là núi rừng, dân cư thưa thớt và việc cung ứng lương thực là rất khó khăn. Hơn nữa, lực lượng của quân địch ở Thanh Hóa (phủ Thanh Hóa) rất mạnh với 5.600 quân thường trực canh giữ thành; bao quanh là nhiều đồn bốt và đặc biệt có 5.600 quân nữa canh gác xung quanh. Vùng thượng du Thanh Hóa quá gần hai căn cứ lớn là Nghệ An và Đông Quan... nên nghĩa quân mới bị quân Minh dễ dàng huy động lực lượng đàn áp.

- Từ Nghệ An trở xuống, chính quyền nhà Minh rất yếu. Thành Nghệ An không có đồn lũy vững chắc; quá xa trung tâm là Tây Đô (200km) và Đông Quan (300km) nên lực lượng của quân địch khá yếu, khả năng huy động lực lượng và chờ viện binh hầu như hiếm khi thực hiện được

Chiếm được Nghệ An, nghĩa quân sẽ chia cắt quân địch thành hai nơi khiến phía nam hoàn toàn bị cô lập và bố trí lực lượng của quân địch là rất yếu.

Ngày 12/10/1424, nghĩa quân bất ngờ tập kích đồn Đa Căng (nay thuộc xã Thọ Nguyên, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) do tên quan Lương Nhữ Hốt chỉ huy, diệt hơn 1.000 tên địch và tên quân Lương Nhữ Hốt phải bỏ chạy thoát thân

Sau trận Đa Căng, nghĩa quân men theo sườn núi và vượt các thung lũng; đánh tan quân Minh ở Bồ Lạp (nay thuộc xã Châu Nga, huyện Quỳ Châu; diệt trên 2.000 tên và bắt hơn 100 ngựa). Cuối tháng 10/1424, nghĩa quân tiếp tục đánh bại một đạo phục binh giặc (diệt 1.000 tên, Sư Hựu phải bỏ chạy) trước khi tiến đến thành Trà Lân

Cuối tháng 10/1424, nghĩa quân tiến đến bao vây thành Trà Lân (nay thuộc Tân Hòa, xã Bồng Khê, huyện Con Cuông, Nghệ An) của tên quan Cầm Bành cùng hơn 1.000 quân Minh đang cố thủ. Nghĩa quân vây ngặt 2 tháng trời, dùng kế hoạch triệt lương và chủ yếu là dụ hàng. Kiệt sức, thành Trà Lân đầu hàng

Sau một thời gian điều tra tình hình địch, Lê Lợi lệnh cho tướng Đinh Liệt chỉ huy 1.000 nghĩa quân Lam Sơn tiến lên ải Khả Lưu (nay thuộc xã Vĩnh Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An). Nghĩa quân lập trận địa mai phục và tấn công quyết liệt lúc quân giặc đang vượt sông Lam tiến đánh. Kết quả, quân Minh thiệt hại nặng với hơn 1 vạn tên bị chết và chết đuối

Sau trận thắng Khả Lưu của địch, Lê Lợi đặt phục binh ở Bồ Ải (nay thuộc xã Đức Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An). Theo kế của Nguyễn Vinh Lộc (lúc này nghĩa quân thiếu lương, lương thực dùng được 10 ngày mà thôi), Lê Lợi cho đốt doanh trại rồi giả rút lui, nhử quân giặc kéo lên Bồ Ải. Giặc lọt vào trận địa, phục binh Lam Sơn lao ra tấn công; kết quả: trên 1.000 quân Minh và đô ti Chu Kiệt bị bắt sống; đô ti Hoàng Thành cùng vô số tên địch bị giết

Sau các trận thắng Trà Lân, Khả Lưu và Bồ Ải, nghĩa quân tiến lên thành Nghệ An. Quân địch ở Nghệ An do tổng binh Trần Trí cầm đầu đã chủ động kéo quân vào đánh nghĩa quân. Nghĩa quân chiến đấu dũng cảm, đánh tan quân địch ở Đỗ Gia (thuộc cửa sông Khuất); đóng quân ở Đỗ Gia, động Tiên Hoa (nay thuộc xã Sơn Phúc, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) và sau đó là thành Lục Niên. Thành này được xây trên sườn núi Thiên Nhẫn (dãy núi này cao nhất là 264 m; hiện vẫn còn dấu tích thành này). Sau khi củng cố thành Lục Niên, nghĩa quân Lam Sơn tiến ra giải phóng nhiều châu huyện; hàng nghìn thanh niên gia nhập nghĩa quân. Nghĩa quân chủ động tổ chức các kho lương tại chỗ của hoàng hậu Bạch Ngọc, "ruộng binh" của Đinh Lễ (ở núi Tùng Lĩnh)

Cuối năm 1424, nghĩa quân Lam Sơn của Đinh Lễ tiến đánh thành Diễn Châu (do tướng Minh là Tiết Tụ chỉ huy). Nghĩa quân nhanh chóng đánh tan 400 quân cứu viện của Trương Hùng, vây hãm thành Diễn Châu. Đồng thời với vây thành Diễn Châu, Đinh Lễ đưa quân vượt biển đánh vào Tây Đô - có trợ giúp của hơn 2.000 quân Lam Sơn do Lý Triện, Lê Sát, Lưu Nhân Chú.... chỉ huy. Thành Tây Đô ngày nay nằm ở phía nam huyện Vĩnh Lộc, giữa sông Mã và sông Bưởi; nghĩa quân được nhân dân ủng hộ cũng nhanh chóng bao vây luôn Tây Đô. Cả miền Thanh Hóa và Nghệ An được giải phóng chưa đầy 9 tháng

2. Giải phóng Tân Bình - Thuận Hóa (năm 1425)

Tháng 8/1425, Lê Lợi phái các tướng Trần Nguyên Hãn và Lê Ngân đem hơn 1.000 quân và 1 voi, theo đường núi tiến vào giải phóng Tân Bình và Thuận Hóa. Trần Nguyên Hãn là con cháu của tư đồ Trần Nguyên Đán, không rõ cha mẹ là ai. Ông theo nghĩa quân chiến đấu đến ngày thắng lợi. Ông có dựng tượng ở trước chợ Bến Thành (hiện nay không còn nữa)

Trên đường tiến quân, nghĩa quân Lam Sơn đánh tan tành đạo quân Minh của Nhâm Năng ở Hà Khương (canh bờ sông Giang, bắc Quảng Bình); diệt và làm chết đuối hơn 1.000 tên địch. Sau chiến thắng Hà Khương, Lê Lợi phái một đạo quân thủy với 70 thuyền do Lê Văn An, Lê Bôi vào tiếp ứng. Nghĩa quân nhanh chóng bao vây thành Tân Bình. Chỉ trong thời gian ngắn, toàn bộ Tân Bình - Thuận Hóa (tới đèo Hải Vân) được giải phóng

Lý do nghĩa quân nhanh chóng giải phóng nhanh Tân Bình - Thuận Hóa là: chính quyền và lực lượng quân địch rất yếu. Hơn nữa, nghĩa quân được nhân dân ủng hộ: Tháng 2- 1425 , Lê Lợi kéo quân đến làng Đa Lôi( Nam Đàn Nghệ An) thì già, trẻ tranh nhau đem trâu, rượu đến khao quân. Họ nói : không ngờ ngày nay lại trông thấy uy nghi của nước cũ. Khi nghĩa quân chia nhau đi lấy đất các châu huyện, đi đến đâu người ta nghe tiếng, là quy phục và nhân dân trong cõi dắt díu nhau đến như đi chợ. Mỗi châu, huyện được giải phóng lại có hàng ngàn trai tráng nô nức gia nhập nghĩa quân. Có những gia đình, hai cha con hoặc mấy anh em cùng xin nhập ngũ…”(khởi nghĩa Lam Sơn của Phan Huy Lê, Phan Đại Doãn)

Nhận định tương quan lực lượng ta với địch: Ta thì lực lượng đang lớn mạnh, vùng giải phóng được mở rộng; còn quân địch bị tiêu hao lực lượng, phải rút lui và cố thủ trong thành để chờ đợi viện binh

* Ý nghĩa: giải phóng Nghệ - Tĩnh - Thuận đã làm nghĩa quân trưởng thành và vùng giải phóng được giải phóng, tạo đà tiến quân ra Bắc

3. Tiến quân ra Bắc, mở rộng phạm vi hoạt động (cuối năm 1426)

Tháng 9/1426, bộ tham mưu Lam Sơn quyết định mở cuộc tiến công ra Bắc để mở rộng phạm vi hoạt động. Nghĩa quân chia thành 3 đạo:

+ Đạo thứ nhất có 3.000 quân và một voi chiến, do Phạm Văn Xảo, Lý Triện, Trịnh Khả, Đỗ Bí...chỉ huy. Đạo quân này tiến ra vùng Thiên Quan, Quảng Oai, Gia Hưng, Quy Hoá, Đà Giang, Tam Đái, tức vùng Tây Bắc, với nhiệm vụ giải phóng vùng này, uy hiếp mặt tây thành Đông Quan và ngăn chặn viện binh từ Vân Nam sang.

+ Đạo thứ hai có 5.000 quân và 2 voi chiến, do Lưu Nhân Chú, Bùi Bị...chỉ huy. Đạo quân này chia làm hai cánh. Cánh thứ nhất tiến ra vùng Thiên Trường, Tân Hưng, Kiến Xương, giải phóng vùng hạ lưu sông Nhị và chặn đường rút quân của địch từ Nghệ An về Đông Quan. Cánh thứ hai tiến lên vùng Khoái Châu, Thượng Hồng, Hạ Hồng, Bắc Giang, Lạng Giang, tức vùng Đông Bắc, để ngăn chặn viện binh từ Quảng Tây sang.

+ Đạo thứ ba có 2.000 quân tinh nhuệ, do Đinh Lễ, Nguyễn Xí chỉ huy, tiến thẳng ra phía nam thành Đông Quan; để "phô trương thanh thế".

Nhiệm vụ của ba đạo quân: (1) tiến vào vùng chiếm đóng của địch, phối hợp nhân dân để giải phóng quê hương làng mạc; (2) chặn quân tiếp viện của địch. Như vậy, mục tiêu lúc này chưa phải là diệt địch mà chỉ là giải phóng đất đai và diệt sinh lực địch => đây là mục tiêu chính

Khi tiến ra Bắc, nghĩa quân lập tức cũng nhận được sự ủng hộ to lớn của nhân dân: Bà Lương Thị Minh Nguyệt ở làng Chuế Cầu (Ý Yên – Nam Định) bán rượu thịt ở thành Cổ Lộng, lừa cho giặc ăn uống no say, rồi bí mật quẳng xuống kênh chảy ra sông Đáy; hoặc cô gái người làng Đào Đặng (Hưng Yên) xinh đẹp, hát hay thường được mời đến hát mua vui cho giặc. Dêm đến, sau những buổi ca hát, tiệc tùng, nhiều kẻ chui vào bao vải ngủ để tránh muỗi. Cô cùng trai làng bí mật khiêng quẳng xuống sông

Được sự ủng hộ của nhân dân, nghĩa quân tấn công mạnh vào các cứ điểm của địch ở phía Bắc, hoạt động hiệu quả nhất là đạo quân thứ nhất. Cuối năm 1426, đạo quân này đánh tan quân Minh ở trận Ninh Kiều (vùng Ninh Sơn, xã Ngọc Sơn, huyện Chương Mĩ, Hà Nội), diệt trên 2.000 tên địch (ngày 13/9/1426) ; sau đó lại tiếp tục đánh tan một đạo quân địch nữa của Viên Lượng ở trận cầu Nhân Mục (nay là cống Mọc ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) khiến hơn 1.000 tên nữa bị chết trận. Cùng ngày với trận Nhân Mục, Phạm Văn Xảo và Trịnh Khả lại xuất binh và diệt gọn trên 1.000 quân Minh ở cầu Xa Lộc (nay là cầu Đồng Rọc, làng Tứ Xã, huyện Lâm Thao, Phú Thọ)

III. Khởi nghĩa Lam Sơn toàn thắng (1426 - 1427)

1. Trận Tốt Động - Chúc Động (tháng 11/1426)

a. Hoàn cảnh:

* Quân Minh:

- Những trận thua liên tiếp đã buộc nhà Minh phải tăng viện. Ở nước ta, Trần Trí lệnh cho Phương Chính đem quân (2 vạn tên) từ Nghệ An ra tiếp viện (cho Thái Phúc giữ thành Nghệ An); đồng thời vua Minh là Tuyên Tông cử Vương Thông chỉ huy 5 vạn viện binh ào ạt tiến vào nước ta (5 vạn này là chỉ có 2 vạn quân tinh nhuệ, gần 2 vạn bộ binh và 2.000 kỵ binh). Tổng binh mới là Vương Thông (thay Trần Trí vào cuối tháng 10/1426).

Quân Minh chia quân ra chiếm đóng ba nơi: bến Cổ Sở (xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội), cầu Sa Đôi (trên sông Nhuệ, huyện Từ Liêm, Hà Nội) và cầu Thanh Oai (xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội) - mục đích là chiếm đường giao thông để bao vây nghĩa quân Lam Sơn, dễ tiếp ứng khi bị quân ta tấn công

* Quân ta: bộ chỉ huy nghĩa quân tiến ra đóng ở Lỗi Giang (Thanh Hóa) và tiếp tục cho ba đạo quân tiến công. Được sự ủng hộ của nhân dân, nghĩa quân đặt phục binh ở cánh đồng Cổ Lãm (nay thuộc các xã Phú Lãm, Phú Cường và Văn Khê thuộc huyện Thanh Oai, Hà Nội), tiêu diệt trên 1.000 tên. Quân ta truy đuổi đến cầu Nhân Mục (lúc này giặc còn độ 500 tên) va đe dọa cầu Sa Đôi, buộc quân địch phải bỏ chạy. Nhưng khi tiến đến gần Cổ Sở, nghĩa quân bị chặn đánh quyết liệt nên phải lui quân. Ngày 13/9/1426, đạo quân của Lý Triện, Phạm Văn Xảo đánh chiếm được Ninh Kiều (cầu bắt qua sông Đáy, giữa xã Biên Giang của huyện Thanh Oai với xã Ngọc Sơn của huyện Chương Mĩ, đều thuộc Hà Nội)

b. Diễn biến

- Ngày 7/11/1426, Vương Thông kéo trên 9 vạn quân tiến vào Cao Bộ. Cao Bộ có tên Nôm là làng Bụa, nay thuộc xã Trung Hòa, huyện Chương Mĩ, Hà Nội - đây là vùng đồi cao có ruộng sâu và nhiều cây cối. Cao Bộ cách Ninh Kiều 8 km; với mục tiêu là tiêu diệt nghĩa quân và mở đường xuống Thanh - Nghệ

- Quân ta (lúc này có chừng 1 vạn người) sau nhiều trận thăm dò quân địch, đã cho đặt phục binh ở Tốt Động và Chúc Động. Làng Tốt Động thuộc huyện Chương Mĩ, Hà Nội ngày nay; là vùng đất thấp và lầy lội, xen lẫn vài gò cao (mùa mưa là cả làng ngập trắng). Chúc Động là tên một cánh đồng ở xã Ngọc Sơn, huyện Chương Mĩ - cách Tốt Động khoảng 6km. Cánh đồng Chúc Động có địa hình đa dạng, không sâu như Tốt Động nhưng lầy lội; núi Chúc không cao nhưng cây mọc như rừng rậm. Có hai con đường về Cao Bộ - Ninh Kiều đều phải qua Chúc Động. Theo kế hoạch, nghĩa quân Lam Sơn giấu quân trong các cánh rừng và tìm kế phát tín hiệu đánh lừa quân Minh

- Rạng sáng 7/11/1426 (đầu canh năm), Vương Thông xuất binh từ Ninh Kiều vào Cao Bộ. Quân giặc đi trên đường làng với xóm làng yên tĩnh, không một bóng người. Đoàn quân địch đang tiến thì bỗng có tiếng súng nổ từ Cao Bộ tới, thúc giục chúng tiến nhanh vào căn cứ mới. Đến giờ tị (10g - 11g), quân địch đang vượt qua cánh đồng Tốt Động lầy lội thì quân ta bất ngờ xông ra tấn công quyết liệt, làm chúng chết khá nhiều. Vương Thông bị trúng tên và bị thương; Trần Hiệp bị quân ta chém chết tại trận. Hết trận đánh lúc 15g, quân giặc thiệt hại rất nhiều; nhưng tàn binh cố tiến lên. Tới Chúc Động, đám tàn quân Minh lại bị phục binh Lam Sơn từ trên núi Chúc và núi Ninh, rừng rậm và cánh đồng chặn đánh kịch liệt, phá cầu không cho giặc rút về Đông Quan. Giặc ở Chúc Động chết nhiều, đến nỗi "nước Ninh Giang vì thế không chảy được".

c. Kết quả:

- Theo Lam Sơn thực lụcĐại Việt sử ký toàn thư thì quân ta diệt 5 vạn tên và bắt sống trên 1 vạn quân địch

- Theo Minh sử thì quân Minh "bị tan vỡ hoàn toàn, chết đến hai, ba vạn người".

d. Ý nghĩa:

- Phá tan cuộc phản công ồ ạt của quân Minh, làm phá sản hoàn toàn âm mưu giành lại thế chủ động chiến lược của quân địch.

- Quân Minh ở Đông Quan hết sức hoang mang và lo lắng, hi vọng mong manh vào đạo viện binh

Sau thất bại ở Tốt Động - Chúc Động, quân Minh cho phá chuông Quy Điền và vạc Phổ Minh để lấy đồng đúc vũ khí; cố gắng củng cố chính quyền đô hộ vốn đang lung lay. Đầu tháng 11/1426, các cánh quân Lam Sơn bí mật tiến lên và tạo thế bao vây Đông Quan. Vào nửa đêm ngày 22/11/1426, quân ta bất ngờ tấn công khu ngoại vi Đông Quan; giết nhiều quân Minh và mở rộng được vùng giải phóng. Để tạo thế bao vây Đông Quan, Lê Lợi bí mật dời bản doanh từ Lỗi Giang (Thanh Hóa) lên Lung Giang (10/11/1426, sông Đáy), Tây Phù Liệt (21/11/1426, thuộc huyện Thanh Trì), Đông Phù Liệt (thuộc huyện Thanh Trì)

Đồng thời với vây Đông Quan, Lê Lợi đưa Trần Cảo lên ngôi - hiệu Thiên Khánh đế (tháng 12/1426) để giao thiệp với nhà Minh

Tháng 1/1427, Vương Thông sai sứ sang giảng hòa với Lam Sơn (quân Minh đòi sửa đường sá, cung cấp lương đủ để từ từ rút về nước); nhưng kỳ thực là hắn âm mưu xin viện binh (bên trong thì củng cố thành lũy, lén xin viện binh)

Tháng 12/1426, Lê Lợi chia miền Bắc thành 4 đạo (Tây đạo, Đông đạo, Bắc đạo và Nam đạo); đứng đầu là Tổng tri (Trần Lựu ở Lạng Sơn, Nguyễn Chích quản lý một phần Nam đạo...). Lê Lợi phong cho một tù trưởng người Thái quản lý Đà giang, Đèo Cát Hãn (Nghệ An) xin theo Lam Sơn. Tổ chức chính quyền Lam Sơn ban đầu còn sơ sài, có gọi nhân tài và mở khoa thi đầu tiên (đầu 1427); củng cố quân đội chặt chẽ và tăng cường tập luyện thường xuyên. Tháng 4/1427, Lê Lợi cho dân phiêu tán về làm ruộng

Đầu năm 1427, Lê Lợi đóng ở dinh Bồ Đề (xã Bồ Đề, huyện Gia Lâm) để tiện theo dõi thành Đông Quan. Số vệ quân (một vệ = 5.600 quân) tăng vọt với gần 20 vệ quân Lam Sơn. Sau đó, Lê Lợi và Nguyễn Trãi nhiều lần viết thư giảng hòa buộc nhà Minh từ bỏ mộng xâm lăng, tố cáo thái độ gian dối của Vương Thông. Chúng lén đem quân phá vỡ bao vây:

+ Ngày 4/3/1427, Phương Chính đem quân tập kích Cảo Động (Nhật Tảo, huyện Từ Liêm); nghĩa quân tổn thất lớn và Lý Triện hi sinh, Đỗ Bí bị bắt

+ Ngày 16/3/1427, quân Minh lẻn ra đánh cầu Sa Đôi, bị quân Lam Sơn chống cự quyết liệt

+ Ngày 4/4/1427, Vương Thông chỉ huy quân Minh ra đánh Tây Phù Liệt. Quân ta chống trả quyết liệt, truy đuổi đến Mỵ Động (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Tại Mỵ Động, nghĩa quân tổn thất và Đinh Lễ tử trận; Nguyễn Xí bị bắt (về sau thoát được)

Đồng thời, nghĩa quân bao vây các thành Chí Linh, Cổ Lộng (1426 - 1427); xử tử bọn tướng Minh chở trộm muối và mắm vào Chí Linh (tháng 2/1427). Tháng 2/1427, Diễn Châu (Tiết Tụ) và Nghệ An (Thái Phúc) và Điêu Diêu xin hàng. Tháng 3/1427, thành Thị Cầu (Đường Bảo Trinh) xin đầu hàng; tháng 4/1427, thành Tam Giang của Lưu Thanh đầu hàng. Có thành Khâu Ôn và nhất là thành Xương Giang (hơn 2.000 quân đóng giữ, Lý Nhậm cầm đầu) không chịu hàng. Quân ta cố sức tấn công và đến tháng 9/1427 thì hạ được Xương Giang (theo Hoàng Minh thực lục, Minh sử)

2. Trận Chi Lăng - Xương Giang (cuối năm 1427)

a. Hoàn cảnh

- Tin thất bại ở nước ta làm vua Minh lúc này là Tuyên Tông "sợ lắm" (Minh sử, quyển 321, tờ 16a). Bọn quan lại nhà Minh cho rằng quân Minh thất bại do tướng lĩnh bất tài, nên thay tướng và tăng thêm quân. Tháng 1/1427, Minh Tuyên Tông quyết định cử viện binh sang cứu Vương Thông. Theo Hoàng Minh thực lụcMinh sử, ban đầu nhà Minh điều 70.000 quân; chia thành 2 đạo do Liễu Thăng và Mộc Thạnh chỉ huy. Đến tháng 4/1427, nhà Minh bổ sung thêm 45.200 quân nữa (theo An Nam sử nghiên cứu, quyển 1) - tổng cộng là 115.200 quân Minh. Trước đó, vua Minh cũng lệnh cho quan lại ở Lưỡng Quảng chiêu mộ thêm dân phu và đảm bảo đủ lương thực (theo Minh sử kỷ sự bản mạt, quyển 22). Theo Đại Việt sử ký toàn thưViệt sử thông giám cương mục thì đạo quân Liễu Thăng có 10 vạn quân với 2 vạn ngựa; đạo quân Mộc Thạnh có 5 vạn quân với 1 vạn ngựa. Tháng 7/1427, quân Minh định sang cứu nguy cho thành Khâu Ôn đang bị ta bao vây, lập tức bị đánh bại và bị chết 3.000 tên, hơn 500 ngựa bị bắt

- Về phía nghĩa quân Lam Sơn:

+ bộ tham mưu quyết định cử một số đạo quân sang phòng ngự ở ải Pha Lũy (Hữu Nghị quan, Trần Lựu chỉ huy), ải Lê Hoa (Hà Giang, Trần Ban chỉ huy), hạ gấp Xương Giang; cử các lộ ở Bắc Giang với mỗi lộ gánh 3.000 lương đến trữ tại Xương Giang. Với lực lượng nghĩa quân lúc này (cuối năm 1427) là 35 vạn người

+ Chọn hướng đánh viện binh. Lúc đầu, ta chủ trương dùng hết quân cùng lúc đánh cả hai đạo viện binh... nhưng khó giành thắng lợi. Nếu đánh Mộc Thạnh trước thì dễ thắng, nhưng ta không đủ lực lượng chặn Liễu Thăng; đạo của Liễu Thăng mạnh nhất và có thể tiến nhanh về Đông Quan, lúc đó kháng chiến của ta sẽ gặp khó khăn. Do đó, ta chủ trương diệt đạo của Liễu Thăng và kiềm chế Mộc Thạnh - đánh bại được Liễu Thăng thì thế trận sẽ bị rung chuyển dữ dội, Mộc Thạnh sẽ tan rã vì mất chỗ dựa

Với kế hoạch trên, Lê Lợi cho tướng Phạm Ban lên tu sửa ải Lê Hoa (nằm trên sông Hồng, giáp giới giữa Lào Cai với Vân Nam); cử Phạm Văn Xảo, Nguyễn Chích, Trịnh Khả.... đem quân lên kiềm chế Mộc Thạnh. Về bố trí thế trận, nghĩa quân bố trí lực lượng như sau:

+ Trần Lựu và Lê Bôi (tên thật là Phạm Bôi) đem quân đóng ở ải Pha Lũy, thực hiện chiến thuật đánh nhử địch và kích động tính chủ quan của Liễu Thăng. Trần Lựu trước đó đã đánh chiếm được ải Khâu Ôn (nay thuộc Lạng Sơn) vào tháng 1/1427, nay theo lệnh chủ tướng đem quân ra Pha Lũy chặn giặc

+ Lê Sát, Lưu Nhân Chú, Đinh Liệt.... đem 1 vạn quân, 100 ngựa và 5 voi chiến ra mai phục ở ải Chi Lăng

+ Lê Văn An và Nguyễn Lý dẫn 3 vạn quân đóng ở Cần Trạm

+ Trần Nguyên Hãn đóng quân ở Xương Giang.

b. Diễn biến:

- Ngày 8/10/1427, đạo quân của Liễu Thăng tiến vào nước ta.

- Ngày 8/10/1427, Trần Lựu đánh mạnh vào đạo quân Liễu Thăng ở ải Pha Lũy (phía bắc sông Kỳ Cùng); rồi nhanh chóng rút về Khâu Ôn. Quân giặc vừa đến thì Thăng nhận thư của Lê Lợi xin rút quân về biên giới để xem xét tình hình; nhưng Thăng không thèm xem và tiếp tục tiến quân

- Ngày 9/10/1427, Trần Lựu rút về Ải Lưu và quân giặc tiến rất nhanh đến nơi này. Theo Việt kiệu thư của Lý Văn Phượng ghi chép, thì ải Pha Lũy ngay sát Bằng Tường (đi chừng chục mét là đến). Từ Pha Lũy đến Khâu Ôn đi mất một ngày; từ Khâu Ôn đến Ải Lưu mất thêm một ngày nữa. Theo nhật trình hành trình Phụng sứ An Nam thủy trình nhật ký của Hoàng Phúc thì từ Ải Lưu đến Chi Lăng đi mất nửa ngày là đến. Cũng theo Hoàng Phúc, đi hành trình một ngày là hết 40 dặm đường (1 dặm = 1,6km). Ải Lưu nằm ở nơi giáp giới giữa hai xã Nhân Lý và Mai Sao thuộc huyện Chi Lăng.

- Ngày 10/10/1427, quân giặc tiến đến ải Chi Lăng. Ải Chi Lăng là thung lũng hình bầu dục (dài khoảng 8km, rộng 1km), bao quanh toàn là núi với 5 ngọn núi đá lớn (Hàm Quỷ, Nà Nông, Ma Sẳn, Kỳ Lân và Mã Yên - núi Mã Yên cao 40m và cạnh núi có cánh đồng mà người Tày gọi là Nà Pung (tiếng Tày nghĩa là "đồng thụt")). Dãy núi dốc đứng tạo thế hiểm trở, nằm ngay đường độc đạo. Với tư tưởng chủ quan, Liễu Thăng kéo 100 quân kỵ (Đông lý văn tập của Dương Sĩ Kỳ; Thông giám tập lãm (thời Thanh)) mở đường vào ải. Hắn thấy cầu hỏng nên quyết định vượt cánh đồng tiến lên luôn. Lúc này, nghĩa quân Lam Sơn cho voi chiến xông ra trước, đánh mạnh và dồn quân địch vào trong cánh đồng lầy lội; khiến chúng mất sức chiến đấu. Tiếp theo voi chiến, kỵ binh và bộ binh xông ra bắn liên tiếp tên độc vào đội hình quân giặc đang rối loạn; Liễu Thăng bị trúng lao và chết ở sườn núi Mã Yên (nay thuộc xã Mai Sao, Ôn Châu của huyện Chi Lăng). Chủ tướng bị giết, đám kỵ binh giặc lập tức bị diệt gọn. Đạo quân Minh theo sau cũng bị đánh dữ dội. Kết quả sau trận Chi Lăng, quân Minh bị giết mất 1 vạn tên (theo Đại Việt sử ký toàn thư)

- Ngày 15/10/1427, Lê Văn An và Nguyễn Lý dẫn 3 vạn quân đóng ở Cần Trạm. Cần Trạm nằm phía dưới núi Bảo Đài, giáp giới giữa tỉnh Lạng Sơn với Lạng Giang của tỉnh Bắc Giang; hiện còn dấu tích thành quách của quân ta. Sau khi Liễu Thăng bị chết, Lương Minh lên thay vẫn cho tiến quân, mặc cho thư của Nguyễn Trãi gửi tới yêu cầu rút quân về. Khi giặc lọt vào trận địa, nghĩa quân từ các thành lũy và ngọn đồi xông ra đánh quyết liệt, chia cắt và tiêu diệt nhiều lính Minh. Tên chỉ huy là Lương Minh cũng bị quân ta phóng lao đâm chết tại trận. Kết quả sau trận Cần Trạm, quân Minh bị giết mất 2 vạn tên (theo Đại Việt sử ký toàn thư)

- Ngày 18/10/1427, quân địch tiến đến Phố Cát. Phố Cát nay thuộc xã Xương Lâm, huyện Lạng Giang, Bắc Giang - cách Xương Giang 8km về phía bắc. Đây là vùng đồi đất thoai thoải (dân gian ban đầu gọi là đồi Bổ Hóa). Quân ta theo lệnh đã chuẩn bị phục kích chờ địch đến. Giặc lọt vào trận địa, quân ta xông ra chặn đánh trước mũi và tạt ngang sườn ở tại thung lũng, cánh đồng lầy lội ở Phố Cát. Trận đánh rất quyết liệt, giặc chết rất nhiều và trong đó có cả tướng chỉ huy. Thượng thư Bộ binh Lý Khánh phải tự tử. Sau trận đánh này, thây địch được đưa về đồi Bổ Hóa mà chôn cất - vì vậy đồi Bổ Hóa được đổi tên thành đồi Mả Ngô.

- Cuối tháng 10/1427, quân địch (7 vạn tên) tiến xuống thành Xương Giang. Khi đến nơi, chúng cướp phá làng xóm và tàn sát nhiều người dân khiến họ phải di chuyển đi nơi khác. Địa hình Xương Giang là vùng đồng ruộng rộng lớn, trơ trọi do bị quân địch phá hết cây cối, dựng lũy thành. Lúc này, nghĩa quân cho các đạo quân từ nhiều phía tiến vào để bao vây quân Minh, khóa chặt các đường rút nhằm làm quân Minh kiệt sức, rã rời. Đồng thời, ta viết thư dụ hàng địch (2 bức thư của Nguyễn Trãi); cho thêm 3.000 nghĩa quân lên vây chặt Xương Giang. Ngày 3/11/1427, quân ta tổng tấn công từ bốn mặt. Minh sử, quyển 154 chép: "giặc (quân ta) lùa voi xông vào đánh bừa. Giặc hô to: ai hàng thì không giết. Hàng trận rối loạn. Quan quân (quân Minh) hoặc bị bắn chết hoặc là bỏ chạy. Toàn quân tan vỡ hết". Sách Hoàng Minh thực lục ghi quân Minh bị chết rất nhiều; sách Minh sử kỷ sử bản mạt, quyển 22 cũng thừa nhận số quân Minh bị diệt là 7 vạn. Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi là quân Minh chết hơn 5 vạn; 300 tên cùng Thôi Tụ và Hoàng Phúc bị bắt sống

Trong lúc quân ta vây Xương Giang, Nguyễn Trãi viết nhiều thư dụ hàng Mộc Thạnh, thậm chí đem ấn và bằng sắc của Liễu Thăng (chết trận) sang cho Thạnh xem. Mộc Thạnh sợ quá, vội cho quân rút về nước vào ban đêm. Nghĩa quân Lam Sơn đuổi theo, hạ sát trên 1.000 tên địch ở Lãnh Câu và Đan Xá; Thạnh phải cưỡi một ngựa rút về nước.

- Ngày 10/12/1427, hội thề Đông Quan được tổ chức. Trong hội thề, hai bên uống máu ăn thề và bại tướng Minh đọc bài văn thề - đây là hiệp định rút quân của chúng. Vương Thông cam kết rút quân bắt đầu từ ngày 29/12/1427. Theo ghi chép của sử Trung Hoa (Minh sử, Hoàng Minh thực lục) thì có 86.000 quân Minh trở về nước.