Thù vực chu tư lục

1. Nam Man - An Nam (Minh - Nghiêm Tòng Giản soạn)

Năm (Hoằng Trị) thứ mười, Tư Thành chết. Tư Thành là con thứ tư của (Nguyên) Long, tiếm hiệu ba mươi tám năm, hai lần đổi niên hiệu là Quang Thuận-Hồng Đức, ngụy thụy là Thánh Tông. Con là Tranh, ngụy danh là Huy nối nghiệp. Bầy tôi của Tranh là Lê Ngạn Tuấn đi sứ sang cống, muốn theo đường Long châu vào huyện Bằng Tường phủ Nam Ninh, Tri châu là Lí Quảng Ninh vì thấy hồi mới dựng nước đặt ra ải Trấn Nam ở trong châu mình nên tranh ải ấy, tấu về triều. Vua hạ chiếu đặt như cũ.

Năm (Hoằng Trị) thứ mười bảy, Tranh chết. Tiếm hiệu bảy năm, đổi niên hiệu là Cảnh Thống, ngụy thụy là Hiến Tông. Con cả là Thuần lập. Đổi niên hiệu là Thái Chân. Tiếm hiệu chưa được một năm thì chết. Ngụy thụy là Túc Tông. Em là Tẩu, còn có tên là Nghị nối nghiệp, tin dùng người họ mẹ là anh em Nguyễn Chủng, phóng túng ngang ngược, giết chóc tông tộc (họ Lê), dùng thuốc độc giết bà nội, người trong nước rủa giận. Chủng lại tự ý đoạt quyền, dần dần không ngăn được. Năm Thành Hóa thứ mười hai, vua hạ chiếu đổi Nam kinh hộ bộ tả thị lang là Vương Thứ làm Tả phó đô ngự sử, Tuần phủ Vân Nam. Trước đó viên trung quan trấn thủ Vân Nam là Tiền Năng cậy quyền tham lam, sai bộ chúng là Chỉ huy Quách Anh đi theo đường tắt đến An Nam đòi hối lộ. Phàm là sứ giả của triều đình đến An Nam đều theo đường Quảng Tây, chưa có ai theo đường Vân Nam, do đó vua tôi An Nam kinh ngạc. Lâu sau, muốn nhân lúc rỗi mà lên đường, sai một tù trưởng đi theo sau Anh. Sắp đến gần biên giới, Anh sai tù trưởng ấy đến nói xin quan lại giữ ải trước, do đó về muộn, quan lại bèn giới nghiêm, quân An Nam mới rút về. Việc này đã truyền tin ồn ào, đồn là Anh dẫn người nước ngoài dòm ngó biên giới. Triều đình nghị bàn sai Thứ đến Tuần phủ đất ấy (Vân Nam). Thứ đến, liền sai Án sát ti bắt Anh trị tội. Anh sợ, nhảy xuống giếng chết. Thu hết ngọc báu ở sở quan, bắt phe đảng của Anh về kinh sư trị tội. Thứ dâng tấu nói: "Ngày xưa không có ai trấn thủ được Giao Chỉ nên làm cho một phương tan nát. Ở đây rong ruổi gây rối, dẫn đến giặc cướp phản nghịch. Việc xấu của ngày nay lại quá lắm rồi." Lại tấu khuyên vua không nhận vật lạ, phàm là vật báu hoa cỏ cầm thú đều một mực chối từ. Thứ ở Vân Nam cả thảy hơn một tháng mà dâng tấu hai chục lần, lòng ngay thẳng chấn động thiên hạ.

Năm (Thành Hóa) thứ mười sáu, vua nghị bàn đánh nước An Nam, rồi lại bỏ việc ấy. Bấy giờ người An Nam nhiều năm xâm lấn nước Chiêm Thành. Người Chiêm Thành sai sứ vào tấu xin phong tước. Uông Trực nhân đó dâng kế đánh lấy nước An Nam. Chức phương lang trung là Lục Dung dâng sớ nói: "An Nam thần phục Trung Quốc đã lâu, việc hôm nay theo lễ lớn thì không thể trách, chưa thấy việc làm phản nghịch, nếu một sớm phát binh đến thì sợ rằng chuốc lấy họa không nhỏ." Ý của Trực vẫn không thôi, truyền ý vua kiểm xét số quân như thời năm Vĩnh Lạc. Bấy giờ trung quan là Uông Trực được tin dùng làm việc. Bấy giờ Lưu Đại Hạ cũng làm quan Chức phương, vốn nắm việc giữ sổ bạ, thong thả đem việc lợi hại báo cho Thượng thư là Dư Tử Tuấn, ra sức can ngăn, việc ấy mới thôi. Trần Thị Kiến nói: "Trình Hoàng Đôn xét việc Lục Chức phương, khen việc can ngăn việc đòi đánh An Nam là rất đúng. Bấy giờ Uông Trực phía đông kết oán với người Nữ Chân, phía bắc gây hấn với người Thát Đát, hai phương đã dùng binh gây họa, hại dân tổn nước vậy. Nếu phát binh đánh An Nam nữa lại làm cho hắn buông tuồng, việc an-nguy của thiên hạ còn chưa biết thế nào? May mà các ông bộ Binh ra sức ngăn chặn việc ấy. Đấy há chẳng phải là sự thiêng của tổ tông, cái phúc của xã tắc, điều may lắm của dân này nước này sao?"

Năm Hoằng Trị thứ tám, An Nam lại xâm Chiêm Thành. Vua nước Chiêm Thành sai sứ sang tấu xin vua sai sứ đến hỏi tội ấy. Vua muốn nghe theo, Đại học sĩ là bọn Từ Phổ dâng sớ nói: "Theo nghĩa kinh Xuân thu thì bậc đế vương không coi việc của người Di-Địch. An Nam dẫu vâng chính sóc, sửa chức cống, nhưng cậy hiểm giữ vững đã nhiều năm rồi. Nay nếu sai sứ đến nước ấy thì biển đảo mênh mông, khua múa một tấc lưỡi, nhỏ thì giấu họa che lỗi, lớn thì giữ ý chống lệnh. Nếu đi mà không hỏi được tội được thì làm tổn oai đã nhiều, nếu dấy binh hỏi tội thì gây họa càng rất lớn, chớ nên nghe." Bèn thôi. Rồi sai trung quan truyền ý chỉ của vua mới thôi. Võ Tông lên ngôi, hạ chiếu sai Tu soạn là Luân Văn Tự ban chính sóc đến Giao Chỉ. Xét: Văn Tự vào cuối năm Hoằng Trị thi đỗ Trạng nguyên... Chủng ép Nghị tự sát, Tiếm hiệu bốn năm, đổi niên hiệu là Đoan Khánh, giáng xưng làm Lệ Mẫn Vương. Chủng ngụy tôn Nghị là Uy Mục Đế. lập Nguyễn Bá Thắng. Em của Chủng. Bầy tôi trong nước là bọn Lê Quảng đánh bọn Chủng, lập cháu của Tư Thành là Oánh, ngụy danh là Chửu.

Năm (Chính Đức) thứ sáu, vua sai Biên tu là Trạm Nhược Thủy đến phong cho vua nước ấy. Con thứ năm của Tư Thành là Tấn, ngụy danh là Cư, sinh con là Oánh-Nghị, Nghị bị giết, không có con, người trong nước lập Oánh, đổi niên hiệu là Hồng Thuận, ngụy tôn thụy cha mình là Tấn làm Đức Tông.

Năm (Chính Đức) thứ mười, Oánh sai Nguyễn Trọng Đạt vào cống... Oánh đã lập, làm việc vô đạo.

Năm (Chính Đức) thứ mười một, Xã đường thiêu hương quan là Trần Cảo cùng con là Bỉnh-Thăng làm loạn, giết Oánh, Tiếm hiệu tám năm, giáng xưng làm Linh Ẩn Vương, sau tôn ngụy thụy là Tương Dực Đế. tự lập tiếm hiệu. Lại xưng nước là Đại Ngu, đổi niên hiệu là Thiên Ứng. Nói dối là dòng dõi họ Trần. Đô lực sĩ là Mạc Đăng Dung đã hàng lại phản, liền lại cùng đại thần họ Lê là Nguyễn Hoằng Dụ dấy binh đánh Cảo, Cảo thua chạy, bắt giết được con là Bỉnh và bộ chúng là bọn Trần Toại. Cảo cùng Thăng chạy đến Lạng Sơn, chiếm ba phủ Tràng Khánh-Thái Nguyên-Thanh Đô. Đăng Dung cùng với đại thần lập con Oánh là Y, ngụy danh là Huệ, mưu xin phong, vì nước đang loạn nên không đi được. Y thấy Đăng Dung có công phục hưng, phong làm Võ Xuyên Bá, lĩnh hết các quân thủy-bộ. Đăng Dung đã nắm binh quyền, bèn dần dần nuôi chí khác. Năm (Chính Đức) thứ mười ba, bầy tôi họ Lê là Trịnh Tuy thấy Y giữ ngôi hão, Đăng Dung không thần phục, bèn lập con em họ Lê là Dậu Bảng, đánh đô thành ấy. Y chạy ra, Đăng Dung dẫn binh đánh Tuy. Tuy thua chạy, Đăng Dung bắt giết được Dậu Bảng. Y về nước, Đăng Dung tự làm Thái phó Nhân Quốc Công. Năm (Chính Đức) thứ mười sáu, Đăng Dung phát binh đánh Trần Cảo. Cảo thua chạy chết. Đăng Dung bèn lấy mẹ Y làm vợ.

Năm Gia Tĩnh thứ nhất, Mạc Đăng Dung tự xưng làm An Hưng Vương, mưu giết Y, mẹ Y ngầm báo cho Y, Y bèn cùng bầy tôi là Đỗ Ôn Nhuận lẻn đi đến phủ Thanh Hoa, ở đó. Đăng Dung lập em Y là Khoáng. Y sai sứ đi tắt sang cống, cùng cầu phong, bị Đăng Dung chặn. Vua (Thế Tông) vì mới lên ngôi đổi niên hiệu, bèn sai Hàn lâm biên tu là Tôn Thừa Ân, Lễ khoa hữu cấp sự trung là Du Đôn mang đem chiếu thư thêu văn đến xét dụ tặng vua nước An Nam là Lê Chửu. Bọn Thừa Ân nghe nói bầy tôi nước ấy làm loạn, vua Lê bị hại, khi đến phủ Long Châu tỉnh Quảng Tây cách địa giới nước ấy chừng tám chục dặm thì hỏi qua việc Lê Chửu còn hay mất cùng tên húy của Thế tử. Kịp lúc đi đến biên giới thì gặp quân vệ các phủ Lạng Sơn-Văn Uyên-Tràng Khánh của nước ấy ra đón mời. Quân vệ phủ Tràng Khánh nói là nước này đang bị bọn phản nghịch là Trần Cảo cùng con là Trần Bỉnh chiếm lấy các phủ tỉnh Lạng Sơn, đường đi tắc nghẽn, đợi truyền báo cho quốc vương đón xin như phép tắc. Quân vệ phủ Long Châu nói là đầu mục chiếm giữ ải là Đinh Nguyên trình tờ khai hỏi thăm biết được vua nước An Nam là Lê Chửu đã chết bảy năm rồi, nay Thế tử lên ngôi đổi niên hiệu là Quang Thiệu, nhưng không biết tên húy. Kịp lúc hỏi thăm quan Trấn sóc vệ sĩ của nước ấy là Bế Hiếu Trung, nói là vua Quang Thiệu bị bầy tôi phản nghịch là Mạc Đăng Dung làm loạn, trốn đến miền bờ biển, sống chết chưa rõ, lại có bầy tôi phản nghịch là Trần Cảo chiếm giữ các xứ tỉnh Lạng Sơn, hiệu xưng là Thiên Ứng, sau đó thì chết, có con là Trần Dị vẫn chiếm giữ như cũ, đến nay trong nước đánh giết nhau không dứt, đường đi không thông.

Năm (Gia Tĩnh) thứ hai, bọn Thừa Ân không dám đi đến. Kịp lúc đó Du Đôn ốm chết, Thừa Ân bèn dâng sớ về nói: "Thần trộm nghĩ chiếu thêu văn ban xuống chỉ là dụ tặng Lê Chửu. Mà nay Lê Chửu đã chết, người nước ấy nói Quang Thiệu được thay lập. Lúc trước khi chưa xin phong có gặp loạn nhưng không cầu viện, chưa xét rõ được thật giả có phải là chi trưởng hay thứ của Lê Chửu hay không. Vả lại nếu đường không bị tắc nghẽn thì bọn thần sẽ đi vào được, do đó không dám khinh suất. Huống chi xét các tin báo truyền đến thì biết bầy tôi phản nghịch nước ấy là cha con họ Trần (Cảo-Bỉnh) liền nhau ngăn chặn ở ngoài, họ Mạc (Đăng Dung) lại bức ép ở trong, binh lửa theo nhau, trong nước không có chủ. Bọn thần sao dám khinh suất đi vào mà tự làm nhục mệnh vua. Vả lại bọn thần vốn gửi thư đến các phủ vệ Lạng Sơn-Văn Uyên-Tràng Khánh của nước ấy. Các phủ Lạng Sơn-Văn Uyên lại không có một chữ đáp lại, chỉ có người phủ Tràng Khánh đi đến đáp lại là đợi báo cho quốc vương đến nghênh đón như lễ nghi. Bọn thần đợi lâu ở biên giới cũng không có tin tức gì đến đón. Theo đó mà suy xét thì nếu Quang Thiệu còn sống thì tất biến ơn trời rủ đến, sẽ nhanh đến đón xin, nhưng vì oai lệnh nước ấy lâu ngày không được đạt đến ở các xứ phủ Lạng Sơn, làm mấy con đường cổ họng đi vào nước ấy, cho nên sứ giả nước ấy không đi qua được. Bên ấy đã không qua lại đón xin được, bọn thần sao dám đi vào đây! Huống nữa lúc trước có tin báo Quang Thiệu bị đuổi ra ngoài bờ biển, sống chết còn chưa rõ, bọn thần ở đây ngồi đợi thì cũng chẳng ích gì vậy. Họa phúc lợi hại, bọn thần vốn không đáng tiếc, nhưng xét việc này liên quan đến thể diển của nhà nước, há dám không cận thận? Bọn thần nghĩ không có lí gì để đi vào được, bèn về đến phủ Ngô Châu tỉnh Quảng Tây, gặp các quan chủ sự ở đấy để thăm hỏi. Cấp sự trung là Du Đôn lại bị trúng gió độc, nhiễm bệnh uống thuốc không khỏi, rút cuộc ngày mồng bốn tháng giêng năm Gia Tĩnh thứ thứ hai thì bỏ mình. Thần cúi nghĩ việc này: Thần vốn cùng Du Đôn chịu vâng mệnh vua, làm chính-phó sứ đến làm việc ở nước An Nam, nay các xứ nước ấy xảy ra nhiều việc, đã không vào được mà Du Đôn lại lìa đời, thần lại khó đi một mình, về lí thì nên hợp lại cùng làm việc, xin lệnh hai bộ Lễ-Binh cùng bàn nghị làm việc, làm cho thần có chỗ được cậy nhờ, để biết tiến hay dừng." Vua hạ chiếu rằng: "Lời tấu sự tình ấy phải trao cho quan Trấn tuần tra xét rõ ràng. Tôn Thừa Ân tạm cho về kinh."

Năm (Gia Tĩnh) thứ ba, tháng mười hai, bọn Tuần án Quảng Tây giám sát ngự sự là Uông Uyên tấu rằng: "Hội đồng tổng trấn Lưỡng Quảng thái giám là Trịnh Nhuận, Tổng đốc Lưỡng Quảng quân vụ hữu đô ngự sử là Trương Đính, Trấn thủ Lưỡng Quảng tổng binh quan Phủ Ninh Hầu là Chu Kì nghị bàn rằng nước An Nam kề đất Lưỡng Quảng, dẫu mang tiếng là Man-Di nhưng thấm thánh hóa đã lâu, xin phong nạp cống, giữ vững chức thường. Chiếu dụ khen tặng, ghi vào lệnh điển. Nay giữa nước ấy nhiễu loạn đã khoảng chục năm, khiến cho đất nước chia cắt, còn chưa có định chủ. Bọn thần tra xét qua sổ sách các năm, dò la hỏi thăm lời đồn, suy xét sự tình, chỉ biết sơ qua. Xướng loạn phản nghịch bọn Trần Cảo, khiến cho Lê Chửu bị hại, kẻ nối sau gian hùng là Mạc Đăng Dung, làm cho Lê Huệ phải bỏ trốn. Nay xét lời thư của người các phủ Tràng Khánh-Cao Bằng nước ấy cùng lời thư của người phủ Long Châu đều có khác nhau, nhưng theo lí mà suy thì biết được cha con Trần Cảo phản nghịch, tội lỗi đã rõ, không cần đợi xét hỏi. Vua nước ấy là Lê Chửu bị hại, không có con. Người trong nước cùng lập anh cả của Lê Chửu là con của Lê Hạo là Lê Huệ làm Thế tử, danh vị rất chính đáng, quyền nắm việc nước. Qua được sáu-bảy năm thì danh phận vua tôi cũng đã rất lâu, sao một sớm bị người khác ép chuyển ra nước ngoài mà người ta đều không biết? Lại nữa Mạc Đăng Dung đã nổi danh là trung nghĩa, thế mà vua trên bị loạn họa sao lại không đón về? Bèn lại đổi chí thay lời, lập riêng Lê Xuân tuổi đời nhỏ, sao nắm giữ được việc nước? Có kẻ nói Lê Huệ dẫu được cho là em cùng mẹ của Lê Chửu nhưng Lê Hạo lìa đời đã lâu, há còn có con nhỏ sao? Có kẻ nói Mạc Đăng Dung đã đã lấy mẹ Huệ mà sinh con, Đồn rằng mẹ Huệ gả làm vợ của Đăng Dung. mạo xưng là Lê Huệ, cũng chưa biết được. Tình lí mờ mịt như thế, chưa dễ xét kĩ được thật giả, nếu Lê Huệ là con của Lê Hạo là em của Lê Chửu thật thì em há được đoạt quyền của anh? Lê Huệ là vua của một nước mà Mạc Đăng Dung đã dám đổi ngôi thì bầy tôi há được bỏ vua? Nay người phủ Tràng Khánh nước ấy gửi thư báo Lê Huệ đã sai bồi thần tấu việc xin phong, người phủ Cao Bằng cũng gửi thư báo Lê Huệ đã sai bồi thần tấu việc xin phong. Lại theo người phủ Thái Bình tỉnh Quảng Tây xét thư của người nước An Nam thì biết bồi thần là bọn Nguyễn Văn Thái-Phạm Đôn Lễ-Trịnh Kỉ mang đem biểu sớ tấu các việc cùng dâng phương vật, xin đi đến kinh, muốn được theo lệ mở cửa đi vào, cùng cấp cho các thứ tiền của bổng lộc. Nhân đó bọn thần hỏi thăm biết nước ấy nhiễu loạn, chưa có định chủ mới liền ngầm lẻn sai bồi thần đến cống cầu phong. Trong đó lại không nói ra rõ ràng người được phong họ tên gì, vậy đã rõ người được lập không được ứng theo, người trong nước không phục. Hoặc là kẻ gian hùng mưu cướp ngôi, lập ngôi hão giả. Tất có kẻ gian trong nước thông dụ người nước ngoài, muốn mượn ân sủng của thiên triều ta để phục lòng người, để làm mưu phản, cũng chưa biết được. Triều đình đối với muôn nước cũng không thể không nắn sửa nghĩa lớn phép thường. Lại nữa đế vương thời xưa coi trị Di-Địch cũng có khi không coi trị mà vỗ về. Việc này liên quan đến biên giới, xin sai hai bộ Lễ-Binh bàn nghị tra xét." Vua hạ chiếu các quan Trấn tuần đi xét hỏi biết sự thật thì tấu về để xử định.

Năm (Gia Tĩnh) thứ sáu, Đăng Dung dùng bộ chúng của mình là bọn Phạm Gia Mô làm chiếu nhường ngôi giả, cướp ngôi tiếm hiệu ở nước ấy. Đổi niên hiệu là Minh Đức. Ngụy lập con là Phương Doanh làm Hoàng thái tử, rồi giết Xuân. Xét: Bầy tôi cũ của vua An Nam là Trịnh Duy Liêu nói: "Bầy tôi phản nghịch là Mạc Đăng Dung vốn theo nghề võ làm Lực sĩ hiệu úy, được chú ruột của Trịnh Duy Liêu là Trịnh Duy Thận nhiều lần tiến cử làm Đô chỉ huy. Vào lúc nước này mới loạn, lúc đầu Đăng Dung theo Trần Cảo, sau mới đến hàng (họ Lê), mệnh sai làm Tham tướng huyện Nghi Dương. Hắn giỏi thủy chiến, đánh giặc có công, rút cuộc thăng lên làm Võ Xuyên Bá, cho quản giữ một xứ Hải Dương, dần dần có quyền bính. Bấy giờ đầu mục nước ấy là Trịnh Tuy-Nguyễn Hoằng Dụ tranh quyền đánh nhau, đều về quê gốc đạo Thanh Hoa. Đăng Dung bèn bắt kẹp Thế tử nước ấy, sai đầu mục cả nước lấy vàng bạc rồi ngầm lệnh bộ chúng của mình là bọn quan văn Phạm Gia Mô hối lộ dụ dỗ bọn quan văn, bảo là quyền bính nằm ở bọn đầu mục cũ có công, bọn ta (Duy Liêu) không được dùng việc, nếu không cho hắn làm quan tiết chế thì bọn ta tự ý buông tuồng. Rút cuộc mọi người cho Đăng Dung làm tiết chế mười ba đạo. Đăng Dung đã xưng bá, nắm việc nước, ngầm nuôi chí không thần phục, bèn mưu làm loạn không ngừng. Thế tử biết được, lẻn đi thoát được ra ngoài. Anh thứ của Thế tử là Lê Lự và mẹ Lê Lự ra ngoài, bị Đăng Dung đuổi bắt được. Đầu mục người dân nước ấy đều theo Thế tử dấy binh đánh Đăng Dung. Đăng Dung chạy về các xứ Hải Dương, kẻ theo Đăng Dung chỉ có người các phủ Thượng Hồng-Hạ Hồng-Kinh Môn-Nam Sách-Thái Bình mà thôi. Thế tử lại về nước, các đô tướng quan văn giúp Đăng Dung trước đây bị giết, suất quân dân đầu mục bốn mặt đến đánh (Đăng Dung). Bấy giờ viên đầu mục quản binh cũ là Nguyễn Hoằng Dụ đã chết, còn Trịnh Tuy vẫn ở Thanh Hoa, quân trong nước tuy nhiều nhưng không có ai dẫn dắt. Đăng Dung bèn ép lập Lê Xuân, làm hào lũy, giữ vững một xứ Hải Dương. Trong khoảng một tháng, (quân Lê) đánh không thắng được. Đăng Dung liền ra chỗ (quân Lê) không ngờ, buổi đêm đem thuyền đi nhanh vào sông lớn đánh úp đô thành. Thế tử chạy thoát. Các đồ cờ lọng của Thế tử đều bị Đăng Dung lấy được. Đăng Dung bèn giương cao cờ lọng ấy, giả hiệu lệnh quân các xứ, bảo là đã bắt được Thế tử. Quân của các đầu mục nước này tạm lui một chốc, đóng giữ chỗ hiểm yếu, đều cùng nhau tự giữ. Sau đó biết Đăng Dung đã đắc thế, Thế tử lui về giữ huyện Ninh Sơn. Trịnh Tuy từ Thanh Hoa đi đến, bấy giớ thế càng yếu, liền đón Thế tử về giữ các xứ Thanh Hoa, đô thành cung tẩm bị giặc chiếm lấy. Đăng Dung lại sợ Lê Xuân trốn ra theo Thế tử, bèn dùng thuốc độc giết Lê Xuân, giả lập người khác, vẫn mạo xưng họ tên là Lê Xuân. Vào giữa tháng bảy năm Gia Tĩnh thứ năm, có bộ chúng của bầy tôi phản nghịch Mạc Đăng Dung trước kia là Kiều Văn Côn ra đón Thế tử, đem binh đạo Sơn Nam mà mình quản đến hàng. Thế tử bèn cho Trịnh Duy Tuấn trấn thủ Thanh Hoa, để Thế tôn là Hưng ở lại, sai Trịnh Duy Tuấn nuôi dưỡng Thế tôn. Thế tử phát binh đến phủ Thiên Quan, trên đường đóng lại ở huyện Lạc Thổ, sai chia các đầu mục đến đánh phe đảng của Đăng Dung ở huyện Chương Đức. Kiều Văn Côn cũng đi theo đường thủy đến đánh Đăng Dung ở sông Tam Giang bãi Mộc Hoàn xứ Sơn Nam thừa tuyên. Quân của Kiều Văn Côn thua, Đăng Dung đuổi đến huyện Kim Bảng phủ Lị Nhân mà Thế tử không biết. Đăng Dung đem vàng bạc hối lộ dụ thổ quan huyện Lạc Thổ là Trịnh Liêu Hạc lẻn dẫn đi nhanh vây đánh doanh của Thế tử. Do không ngờ tới, đều bị thua vỡ, các đồ chiếu thư sắc chỉ của thiên triều phong cho một chữ đều mất. Đăng Dung bèn bắt vợ của Thế tử là mẹ của Thế tôn là Trịnh Nô Bảo ném xuống sông giết đi. Thế tử chỉ đeo một tấm ấn tín theo mình chạy thoát. Bầy tôi đi theo chỉ còn mười lăm-sáu người, lẻn đi đường núi về các xứ Thanh Hoa. Các quân đi trước đều không biết, kịp khi thấy lửa cháy súng nổ mới tan chạy cùng nhau về các xứ Ninh Sơn. Bầy tôi phản nghịch Mạc Đăng Dung càng được thế lớn." Lời này có hơi khác nhưng gần đúng với sự thật, nay đều chép lại.

Năm (Gia Tĩnh) thứ chín, Đăng Dung giao đất nước cho Phương Doanh, ngụy xưng là Thái thượng hoàng. Lo người trong nước không phục dấy binh đánh mình, bèn lùi về ở phủ Đô Trai.

Năm (Gia Tĩnh) thứ mười lăm, vua vì Ai Xung thái tử được sinh, mệnh bố cáo cho tứ di biết. Lễ bộ thượng thư là Hạ Ngôn dâng sớ nói: "An Nam lâu năm dứt sứ sang cống, Hoàng thượng ta lên ngôi cao đổi niên hiệu, mệnh sai Biên tu là Tôn Thừa Ân, Cấp sự trung là Du Đôn cầm mang chiếu thư đến dụ, nhưng vì nước ấy có loạn, đường đi tắc nghẽn, chưa đến mà về. Nay xét hoàng tử được sinh, nếu lại ban chiếu đến nước ấy thì tất cũng tắc nghẽn như trước. Sứ giả không nên đi đến nước ấy, chỉ làm tổn oai nước thôi. Nay sao không cho dừng việc ban chiếu dụ vua nước Triều Tiên, cũng tạm miễn sai sứ đến nước An Nam? Lại xét bầy tôi nước ấy phản nghịch, nước không có chủ, chia cắt chống giữ, hại độc sinh linh, về nghĩa nên giúp nước ấy đánh giặc dẹp loạn, đấy là cái đạo Trung Quốc giúp đỡ tứ di. Lại xét lời các quan Trấn tuần Lưỡng Quảng, sai mang chiếu thư đến tra hỏi, về lại không có gì đáp lại, rõ là coi nhẹ việc biên giới, làm trái ý chỉ, mặc cho kẻ gian thêm buông tuồng, càng tổn oai nước. Nếu cho các quan lại theo nhau qua đến tra hỏi, sao không lệnh cho bộ Binh nhanh chóng sai người ruong ruổi đến các xứ tỉnh Lưỡng Quảng, chấn chỉnh các quan Trấn tuần, nhân đó tra xét rõ ràng các việc mang chiếu thư sang dụ lúc trước, dò hỏi kín kẽ sự thật của nước ấy, lại họp quan lại Tam ti và các quan lại trấn thủ xứ ấy nghị bàn, phải trù hoạch đúng đắn, đem tất cả các việc tấu lên? Không được che giấu làm trái, làm lỡ việc nước. Mong rằng cái tội phản nghịch phải trị, phép tắc chầu cống không bỏ, Man Di được yên, biên giới được vững, mà cái lễ của Trung Quốc được nêu lên vậy." Vua dụ nói: "Tạm hoãn đi sứ, về các việc của nước ấy thì bộ ngươi hãy họp cùng bộ Binh bàn kế rồi tấu lên, chớ xem là không trọng yếu."

Bấy quân giặc là bọn Võ Nghiêm Uy-Võ Văn Uyên-Võ Tử Lăng tránh tội trốn ra, phạm vào biên giới nước ta. Trưởng quan thổ ti quan phó trưởng quan Bát Trại là Lung Triệt, Trưởng quan ti thổ xá của ba bộ Giáo Hóa là bọn Trương Trạch-Thông Bả-Lí Giả Lai-Bạch Tuấn qua lại với chúng, dẫn chúng đến xâm lược. Sau đó Lung Triệt lại nhân có việc mà bị giặc bắt giữ. Tổng binh Vân Nam là Mộc Thiệu Huân tấu rằng: "Lung Triệt là quan chức của Trung Quốc ta, há lại để yên mà không tra xét? Thần muốn phát binh đi đánh, nhưng Võ Nghiêm Uy vốn là kẻ trốn tội nước ngoài, tránh náu qua lại ở đất này, thế khó đánh dẹp được, sợ chỉ tốn binh lương, rút cuộc khó nên công. Lại muốn bắt Trương Trạch theo phép tra hỏi, nhưng nay các tù trưởng qua lại với bọn Võ Nghiêm Uy, lại sợ bắt giữ chúng gấp quá thì chúng mang chí khác, gây nên họa lớn, thật là không tiện. Nên một mặt giới nghiêm chỉnh đốn quân mã một dải các xứ gần đấy, hợp sức phòng giữ, một mặt chọn dùng những quan lại tài năng bản địa đi đến vỗ về, đòi cho Lung Triệt bị bắt quay về." Lễ bộ thượng thư là Hạ Ngôn dâng sớ nói: "Bọn thần họp cùng bọn Binh bộ thượng thư là Trương Toản bàn kế cho rằng: Thái Tổ Cao Hoàng Đế ta từ thủa mới mở nước thấy họ Trần đến cống nạp trước, cho nên ghi vào 'Tổ huấn' là không cho người đời sau đánh nước ấy, lại khen họ Trần có lòng kính thuận, là lòng trung thần phục đầu tiên. Không ngờ họ Trần bị giặc giết, dứt mất ngôi quý, nhưng đạo trời sâu xa, do đó giặc (Lê) Lợi lại giết dòng dõi Quý Li, may có được nước, truyền cho con cháu. Nay lại bỏ chức không sửa, vứt dân không giữ, từ năm Chính Đức thứ mười khi Lê Chửu sai bồi thần là Nguyễn Trọng Đạt sang cống về sau đến nay là hai mươi mốt năm mà không có sứ giả sang cống, vứt bỏ chính sóc, quên mất lễ tiết. Nay theo quan trấn thủ Lưỡng Quảng tấu về thì Lê Huệ, Lê Khoáng đều không phải là dòng con cả đáng được lập của Lê Chửu. Còn bọn Mạc Đăng Dung-Trần Cảo-Trần Bỉnh-Nguyễn Thì Ung-Đỗ Ôn Nhuận-Trịnh Tuy đều là bầy tôi phản nghịch. Xét theo nghĩa lớn kinh Xuân thu, với bọn loạn thần tặc tử thì mọi người bắt được thì giết. Huống chí thiên tử thánh thượng ở ngôi cao thay trời, coi trị Hoa-Di, mà nước ấy cậy hiểm loạn phản, nhiều năm không đến châu. Xét các sự tình của nước ấy, tội trạng rõ ràng, khó tránh trời phạt. Xin sai Cẩm y vệ chọn lấy hai viên quan vốn có gan dạ mưu lược nói năng nhanh nhẹn thông hiểu sự cơ trong bọn quan Chỉ huy thiên bách hộ lĩnh một tờ chếu thư đi đến các xứ tỉnh Lưỡng Quảng trước tiên để đôn đốc các quan Trấn tuần, lại chọn ba-năm viên quan lại hiểu sâu sự tình nước ấy-biết rõ đường đi-cứng cỏi có mưu lược trong bọn quân vệ xứ ấy, cùng mang chiếu thư đi sứ đến trong nước An Nam, tra hỏi nguyên do việc nước ấy phản nghịch triều đình-lâu năm không vào cống, cùng hỏi họ tên kẻ vó tội giết vua cướp ngôi ngày nay, tìm hiểu kĩ càng, rồi nhanh tấu báo. Lại xin triều đình hạ lệnh chọn tướng sắm binh, đợi tin báo thì phát. Lại xét đất đai An Nam phía đông đến Khâm châu tỉnh Quảng Đông, phía tây qua sông Tả tỉnh Quảng Tây đến sông Nguyên phủ Lâm An tỉnh Vân Nam làm giới hạn, sao không một mặt sai Trấn thủ Lưỡng Quảng-Chinh Man tướng quân-Tổng binh quan-An Viễn Hầu là Liễu Tuần họp cùng Tuần phủ Lưỡng Quảng-Đô ngự sử là Tiền Như Kinh một mặt xin sai Trấn thủ Vân Nam-Chinh nam tướng quân-Tổng binh quan-Kiềm Quốc Công là Mộc Thiệu Huân họp cùng Tuần phủ Vân Nam-Đô ngự sử là Hồ Huân, Quý Châu đô ngự sử là Uông San phải nhanh chỉnh đốn quan quân Hán-Thổ, điều động tiền lương, giới nghiêm đợi lệnh? Lại xét nghịch thần làm loạn nước ấy vốn không chỉ có một người, Võ Nghiêm Uy bỏ nước ấy đến nước ta, chắc không phải là quân giặc cướp ngôi, có lẽ không nỡ nhìn vua bị họa, không chịu cam lòng theo giặc, cũng chưa biết được, sao không mệnh sai Cẩm y vệ chọn riêng hai viên quan tài năng mang theo một tờ chiếu thư đi đường đến Vân Nam tra hỏi sự tình Võ Nghiêm Uy? Ra lệnh bọn quan Trấn tuần sai quan lại bản bộ đến trong các xứ của bọn trưởng quan ti Bát Trại và đi thẳng vào doanh của Võ Nghiêm Uy, dụ kín là triều đình vì An Nam lâu năm không đến cống, lại biết trong nước có nghịch thần cướp ngôi, đang dấy binh hỏi tội, nếu Võ Nghiêm Uy đúng là cùng phe với bọn phản nghịch tránh tội mà trốn đến thì liền dụ rõ họa phúc nghịch thuận, nếu biết thay lòng theo nghĩa, về dựa quân ta đi đánh nước ấy thì tha cho tội qua lại gây nhiễu bắt giữ thổ quan biên giới, nếu Lung Triệt bị bắt ở đấy thì sai phải cởi bỏ oán thù với Võ Nghiêm Uy, cùng lòng theo đi đánh, cũng cùng lúc tha cho tội qua lại của Lung Triệt. Lại nước ấy nay đang có việc làm loạn, cho bọn Võ Nghiêm Uy được kể rõ sự tình, nếu chúng thực lòng theo về thì nhanh chóng tấu báo để cậy vào đó mà hạ lệnh điều dụng. Nếu chúng không phục thì nên đặt để ở ngoài, đợi ngày đại quân đến thì đánh diệt một thể. Nhưng dấy binh đánh xa, sai tướng phạt kẻ có tội là công việc to lớn. Sao không gọi họp triều đỉnh, hạ lệnh cho bộ Binh tụ tập các quan văn võ triều đình bàn kế? Cẩn thận chọn đại tướng, lựa lấy tướng giỏi, kén dùng văn thần đôn đốc lương hướng, lại sai quan lại các xứ liên quan cất chứa thương thảo cho binh mã các lộ. Phải cùng nhau trù hoạch đúng đắn. Dâng lên vua định đoạt thi hành." Vua nói: "Chiếu thư trước chưa đến dụ đến nước An Nam mà quay về, có làm tổn hại oai nước. Lại lâu năm không vào cống, không phản là gì? Hai lần sai quan lại đến thăm dò xét hỏi rõ ràng rồi tấu về, lại làm chiếu thư khác sang dụ cho nước ấy, việc dấy binh sắp đánh phải giao cho bộ Binh, nhân đó cùng nghị bàn."

Xét: Đầu năm Gia Tĩnh có người Điền Châu là Sầm Mãnh làm phản, Tổng đốc Lưỡng Quảng là Diêu Mạc đi đánh dùng thuốc độc giết hắn, bảo là có thể diệt được họ Sầm, dâng sớ xin đặt lưu quan trị Điền Châu. Lại có giặc là bọn Lô Tô-Vương Thụ qua lại với người Giao Nam (An Nam), nói đồn xáo động miền Điền-Lĩnh. Diêu Mạc bị hặc mất chức. Quế Ngạc bắt đầu được dùng, tiến cử Tân Kiến Bá là Vương Thủ Nhân làm Tổng đốc Lưỡng Quảng. Thủ Nhân đến miền Lĩnh Nam, bèn biết không nên đặt lưu quan, xin đặt lại con của Mãnh là Bang Tướng làm Phán quan Điền Châu. Lô Tô cũng được cho làm Tuần kiểm để ràng buộc lỏng lẻo hắn. Ngạc được tăng chức đến ngôi Khanh phụ, muốn lập công lớn, bèn lén gửi thư cho Thủ Nhân sai ngầm dò xét những việc trọng yếu của người An Nam. Thủ Nhân không đáp, Ngạc lấy làm tiếc giận. Gặp lúc Thủ Nhân chết, cuối cùng cách trừ chức tước cùng đồ truy tặng.

Vua đã sai quan Cẩm y vệ đến xét việc An Nam, lại sai Lễ bộ thượng thư là Hoàng Oản, Học sĩ là Trương Trị đi sứ đến An Nam. Bấy giờ xe quan đến phủ Thừa Thiên, Oản-Trị lại dừng lại. Phủ Đô Trai là chỗ yếu hại của giặc, Đăng Dung ở đấy làm ngoại viện cho Phương Doanh. Lại lấy phủ Cửu Công làm phiên vệ của phủ Đô Trai, lại tiếm ban đại cáo có năm mươi chín điều ở trong nước. Phương Doanh tiếm hiệu, đổi niên hiệu là Đại Chính. Năm đó Lê Y chết ở đạo Thanh Hoa. Y là con của Mô, cháu mấy đời của Tư Thành. Lúc đầu được Oánh phong làm Đà Giang Vương, nuôi làm con mình. Y lập, ngụy ban thụy cha ruột của mình làm Triết Tông, tiếm hiệu sáu năm, đổi niên hiệu là Quang Thiệu. Sau bị đuổi, lo buồn mà chết. Có kẻ nói Đăng Dung đánh úp bắt được Y đem về, dùng thuốc độc giết đi, ngụy thụy là Cung Hoàng Đế. Họ Lê truyền được mười đời, giữ ngôi một trăm mười năm. Bầy tôi của của Y lập con Y là Sanh. Đổi niên hiệu là Nguyên Hòa. Sanh ngụy danh là Ninh, sai bọn Trịnh Duy Liêu đi sứ, vượt biển đến kinh dâng sớ kể tội soán ngôi của Đăng Dung. Bộ Lễ ngờ việc ấy là giả, hỏi sớ ấy do người nào làm, ai sao chép dâng lên. Lại hỏi sao không đi qua vệ môn mà ghi tên. Trịnh Duy Liêu tự kể rằng: "Thế tử nước thần cùng các đầu mục kì lão cùng bàn nói rằng: Nước ta nguy loạn như thế, xa nghe Trung Quốc có vua thánh minh được bầy tôi trung lương giúp sức, tất không bỏ ta. Nước ta nguy khốn, muốn đến thiên triều tấu kể tội giặc, nhưng đi đường bộ lại không thông, muốn làm thuyền đi vượt biển lại không quen đường thủy. Nghĩ đi suy lại, không biết làm sao. May gặp thuyền buôn Quảng Đông vượt biển đến ở bờ biển xã Vân Tế huyện Ngọc Sơn, thế tôn bèn sai các đầu mục quan lại văn võ bàn nghị, gấp gáp sai người nhờ cùng thuyền buôn chở đi, các đầu mục đều không dám đi, riêng Trịnh Duy Liêu một là giận việc Đăng Dung đuổi vua cướp ngôi, một là giận mối thù Đăng Dung giết mẹ mình, thề không ở cùng vòm trời. Vả lại nghĩ rằng đã ăn lộc của vua thì liều chết cứu nạn của vua, việc ấy chẳng nên từ chối khó khăn, đấy là chức phận của bầy tôi vậy. Liền vâng mệnh đi ngay. Người cùng đi làm việc là Chu Đầu, cha hắn là Chu Diêm đi đến Nam Ninh nhưng không qua được, bèn về thì bệnh chết. Đầu muốn làm tròn việc của cha mới muốn đi theo. Nước thần ở tại bờ biển, biết rằng việc đi biển khó biết trước được sống chết, do đó thế tôn bèn làm hai tờ sớ bọc trong hai cái ống, cùng chia hai sai Duy Liêu-Chu Đầu đều mang mỗi người một ống, chia đi trên hai con thuyền, phòng việc một người chết thì một người còn sống, cũng làm tin cho thiên triều. Thế tôn cùng các đầu mục kì lão đốt nhanh xin trời, vận nước còn hay mất là do ở một chuyến đi của bọn Duy Liêu. Duy Liêu từ nhà đi ra, người cả nước đều nói chuyến này là mười chết một sống, là vì trôi nổi ngoài biển là một việc chết vậy. Nếu đến Quảng Đông không vào ghi tên ở quan phủ môn vệ thì nhỡ trên đường bị xét hỏi đòi bắt, vì cho là người ngoài vượt biển qua ải, là một việc chết. Nếu đến gặp quan phủ vệ môn thì nhỡ không cho đi lên nữa, bắt quay về nước mình, nếu bị bọn phản nghịch bắt được thì giết đi, lại là một việc chết vậy. Lại nữa quan phủ vệ môn ghét việc vượt qua cửa ải, được giết trước tấu sau, triều đình sao biết các nguyên do sự tình của bọn thần, chết oan trên đường, cũng là một việc chết. Vả lại bọn thần cùng bàn nhau bảo là thiên triều ban giáo hóa phong tục, giáo hóa hóa vốn là giúp người trong thiên hạ được thờ vua dốc hết lòng trung, thờ cha mẹ dốc hết lòng hiếu. Biết là đường đi khó khăn, nhưng sống chết là do mệnh trời, nếu đến được thiên triều thì chẳng có lí gì chết. Bèn bày kế đi lẻn theo đường tắt, từ khi qua dãy Mai Lĩnh vẫn sợ bị tiết lộ, ngày tháng dây dưa, lòng vòng đi lại, đói rét khốn khổ, chưa biết sống chết ra sao. Nay may đã đến kinh, được gặp Mặt Trời, mới có cơ sống lại vậy. Trộm nghĩ Duy Liêu vâng mệnh thế tôn nước thần sai đi là không phải là việc nhỏ, đường đi cũng không phải là đường đi gần tiện. Nếu không vì nước vì vua thì sao dám đến đây! Cúi nghĩ đến những việc ngày xưa để làm gương cho đời nay, đấy là Thân Bao Tư đã không biết con cháu vua nước Sở ở đâu còn biết tự mình sang nước Tần cáo nạn xin binh để dựng lại ngôi vua nước Sở; có Trương Lương vì nước Hàn đã mất còn biết tự mình bỏ tiền tài đi tìm cầu lực sĩ đòi đâm vua Tần (Thủy Hoàng), báo thù cho nước Hàn; có Dự Nhượng vì Trí Bá đã chết còn biết tự mình liều chết, đổi tên nuốt than, náu ở bên cầu muốn giết Tương Tử để báo đền cho họ Trí. Huống chi nay Trịnh Duy Liêu được thế tôn nước thần sai đến, há chẳng dốc thân vâng mệnh mà đi sao? Đấy là việc lớn của một nước, chẳng phải là việc riêng của một nhà Trịnh Duy Liêu, cúi mong xét rõ sự tình thương xót việc này. Còn như việc ai sao chép tờ sớ thì đều có giữ lại, không phải là chức phận của Duy Liêu. Phép cũ của nước thần là do viện Hàm lâm làm nháp, viện Đông các soạn định, gửi qua nhà vua xem qua rồi truyền xuống cho Trung thư giám sao chép, lại gửi vào cho riêng nhà vua cùng quan Thượng bảo ti đóng dấu chuyên dùng, rồi quan Ti lễ giám bọc lại, gọi sai người đến đọc lại trước mặt nhà vua, lúc ấy mới được cầm lấy mà đi, thần há dám hỏi người nào soạn và người nào chép lại, há biết các việc trong sớ ấy chép như thế nào? Các việc lớn nhỏ của nhà nước không giống nhau, nhưng lễ pháp của vua tôi là cùng một mối, như Mặt Trời chiếu sáng muôn vậy, sao dám ngước nhìn thẳng lên đây!" Triều đình bàn nghị cho là tớ sớ mà Lê Ninh gửi chưa xét được đúng sai, bèn lệnh quan lại Lưỡng Quảng phải ra ngoài khảo xét qua. Lại truyền hịch cho Chỉ huy vệ Lâm An là Triệu Quang Tổ gửi thư đến nước ấy xét hỏi.

Dương Hầu nước An Nam là Võ Văn Uyên tấu báo rằng: "Nay là năm Gia Tĩnh thứ mười sáu, tháng hai, ngày hai mươi tám, bọn Võ Văn Uyên nhận được hai tờ thư thiên triều sai Triệu đại quan gửi xuống tra xét các việc An Nam, đã tỏ rõ cái gốc họa phục của bọn Võ Văn Uyên, bày cách nghiêng mình theo lễ hóa, Văn Uyên này không khỏi vui mừng, thật là may mắn lắm. Cúi nghĩ hoàng đế da da bệ hạ của thiên triều ở ngôi cao vời, trông coi vạn nước, đứng ở giữa trời đất, giữ lấy đạo lí cương thường để làm việc khuyến thiện trừ ác, cho nên sai Triệu đại quan (Triệu Quang Tổ) làm việc ấy. Nhưng bọn Văn Uyên dù quê mùa nhưng há không dám dốc lòng bày tỏ việc này sao! Bọn Văn Uyên lo toan việc nước này bị Mạc Đăng Dung soán đoạt ngôi hiệu, gây nên loạn họa, rút cuộc làm mất lễ lớn. Mạc Đăng Dung kia vốn là kẻ ở miền bờ biển, là bọn loạn pháp, tổ tiên hắn đều làm nghề đánh cá mà sinh ra bọn Đăng Dung, vua nước này thời trước là Lê Chửu chọn mà dùng hắn, nhưng vua nước này là Lê Chửu không may lìa đời, bọn đầu mục nước này cùng tôn lập con cháu họ Lê là Lê Y làm vua, đổi hiệu là Quang Thiệu để nắm việc nước, muốn sửa chức cống như trước. Không ngờ bọn Mạc Đăng Dung ngầm mưu việc không hay, sắp đặt phe đảng riêng, xua đuổi vua Quang Thiệu chạy ra ở ngoài, rồi lại dùng thuốc độc mà giết đo, vận nước bèn loạn. Hắn lại ngụy lập em của vua Quang Thiệu là Lê Xuân làm vua để yên lòng dân chúng. Nhưng quyền bính lại rơi về tay của Mạc Đăng Dung, chính lệnh cũng xuất từ miệng của Đăng Dung. Mới được năm năm thì giết vua cùng mẹ của vua, đều phơi thây ở ngoài quán, bèn soán ngôi vua, đổi hiệu là Minh Đức. Vừa được ba năm thì anh em tranh nhau, hắn lại giết em mình là Mạc Quyết, rồi ngụy truyền ngôi cho con là Mạc Đăng Doanh, đổi hiệu là Đại Chính, đến nay là tám năm. Lại từ lui về ở làng Cổ Trai xứ Hải Dương, còn Mạc Đăng Doanh lại giữ ở thành Long Biên (Thăng Long). Cúi nghĩ nghịch thần là cha con Mạc Đăng Dung cướp nước soán ngôi, giết vua loạn dân, làm bừa như thế. Do đó những kẻ sĩ trung nghĩa của nước này thì có đầu mục công lao như bọn Trịnh Duy Tuấn cùng tôn lập con của vua Quang Thiệu là Mạc Sanh để nắm việc nước, giữ ở xứ Thanh Hóa. Bấy giờ có bọn Trịnh Ngung-Trịnh Nhiêu giữ ở xứ Thái Nguyên, bọn Nguyễn Kim giữ ở xứ Nghệ An, bọn Nguyễn Nhân Liên giữ ở xứ Quảng Tây, những bọn ấy đều tỏ nghĩa giúp vua cũ, có chí báo thù, đều dấy bộ chúng, cắt giữ đất đai để mưu dẹp nạn nước, mừu trừ cái ác của kẻ thù, làm lẽ thường của đạo trời thường đạt đến nước An Nam. Hai mươi mốt năm trước thật là làm mất lễ của phiên thần là vì nguyên nhân ấy. Còn như bọn Lê Huệ-Lê Khoáng là nghịch thần Mạc Đăng Dung sợ bị phạt tội, trá xưng tên giả để che đậy kế gian của mình, vậy thì con cháu họ Lê không có hai tên hai người ấy là rõ rồi. Còn như đường đi sông núi trước sau đều cùng ghi rõ ở trong bản đồ thiên triều, nếu bọn Văn Uyên không nói hết thì Triệu đại quan cũng đã biết rồi, nhưng bọn Võ Văn Uyên xét kĩ các đường Thạch Long xứ Lạng Sơn có vẻ bằng phẳng, còn các đường khác đều đường gập ghềnh. Nay bọn Võ Văn Uyên nghĩ tổ tiên mình được nhờ ơn nước, anh em được hưởng phúc ấm để lại, nghĩ rằng mối thù nước há cùng ở cùng vòm trời, thề rằng không cùng sống với giặc phản, giận cha con Dung-Doanh làm việc gian ác và lầm lỗi mà làm cho người dân nước này khổ sở hơn cả nhà Tần bạo, làm cho tay bầy tôi không rụt, chí giúp vua lơ lờ. Do đó bọn anh em Võ Văn Uyên vâng mệnh vua nước này ra giữ các xứ đạo Tuyên Quang, rất có ý trông mong đức nghĩa của thiên triều, kính mong hoàng đế da da bệ hạ đức rộng thuấn nhuần mở lòng cứu giúp, đứng lên chủ việc dấy binh điếu dân phạt tội, trị nghiêm lỗi của kẻ giết vua soán ngôi, sửa lại cái thuận nghịch của danh phận, chữa cái nọc độc của sinh linh, khiến cho trong ổn ngoài yên. Gần xa cùng trông vào oai đức, lớn sợ nhỏ mong, người Man-Mạch được thấm lễ giáo. Do đó kính cẩn tấu lên, cúi mong xét rõ."

Ngày mồng hai tháng sáu (năm Gia Tĩnh thứ mười lăm), quan thủ bị Lâm An là Vương Thời Trung lùng bắt được hai chục kẻ do thám người An Nam là bọn Tổng binh là Vương Minh Triết, Tiến sĩ là Nguyễn Cảnh. Vương Minh Triết cũng nói muốn làm dẫn đường đưa đại quân ta vào, đi từ châu Tuy Phụ đến bến Liên Hoa phủ Quy Hóa, lại từ phủ Quy Hóa đến phủ Lâm Thao vào thành Đông Đô (Thăng Long), kể rõ các nơi trấn thủ và lịch trình đường đi thủy-lục vào nước ấy. Tướng quân nước ta chưa tin việc ấy. Trước đây Khoảng năm (Gia Tĩnh) thứ mười hai. Đăng Dung đánh xứ Thanh Hoa, Sanh chạy vào xứ Quảng Nam, trốn ở nước Chiêm Thành, tin tức không thông, bầy tôi cũ lập con em Sanh là Mô để chống Đăng Dung. Đổi niên hiệu là Quang Chiếu. Thế rồi, Năm (Gia Tĩnh) thứ mười lăm. lại biết Sanh còn sống, rồi cùng đánh giặc, bọn tướng quân Phúc Hưng Hầu là Trịnh Duyệt đón Sanh về Thanh Hoa. Năm đó triều đình bàn nghị thấy người An Nam không cống, tấu xin hỏi tội ấy. Vua sai Hàm Ninh Hầu là Cừu Loan làm Tổng đốc quân vụ, Binh bộ thượng thư là Mao Bá Ôn làm Tham tán quân vụ, đến đánh tội ấy. Đổi Đề đốc Lưỡng Quảng quân vụ Binh bộ thị lang là Phan Đán làm Tá lí nam kinh bộ sự, lại lấy Tuần phủ Sơn Đông là Thái Kinh thay Đán. Trước đó Đán gửi sớ về triều bảo rằng: "Họ Mạc vốn là kẻ gian hùng đứng đầu, nhưng họ Lê cũng là bọn phản nghịch. Theo phép tắc của Trung Quốc đều không nên mượn danh hiệu thiên triều đê làm chủ việc ấy. Nay hai họ phân tranh, binh giáp không ngừng, nước ấy đã chưa yên, ta theo làm gì?" Có lẽ ý là muốn đứng yên xem sự biến. Mao Bá Ôn lo Đán ngăn việc mình, cho nên tấu đổi chức Đán. Rồi vua hạ lệnh Lưỡng Quảng-Vân Nam điều động binh lương. Thái Kinh tấu rằng đường thủy-lục tiến quân chia làm sáu ngả, tạm dùng ba chục vạn quân trong khoảng một năm, hợp dùng lương thảo đã khoảng một trăm sau mươi hai vạn thạch, còn các chi phí tạo thuyền mua cỏ ngựa làm khí giới cũng tốn khoảng hơn bảy mươi ba vạn lạng bạc. Chưa dễ sắm được.

Bấy giờ đại quân đã đi mà hai bên bàn đánh diệt hay vỗ về còn chưa xong. Hộ bộ thị lang là Đường Trụ dâng sớ nói việc này rất quan trọng, quyết không nên đánh, đại ý nói: "Việc nước An Nam ngày nay nếu muốn bên ấy sửa chức cống thì việc ấy rất dễ. Không chỉ là quân lính không nên phải đem đi, cũng là quan lại đi xét hỏi cũng không nên phải sai đi. Nếu muốn đánh mà lấy cớ bên ấy không cống thì gây hệ lụy rất lớn. Không chỉ là việc đánh dẹp lần này không nên làm bừa, mà còn là có nhiều việc còn hơn việc đánh dẹp ấy nữa, cũng không làm được vậy. Thần xin nêu bảy việc không nên đánh để bày cho bệ hạ rằng: Trong các ngôi sao chẳng gì lớn bằng các chòm sao Tam Viên (ba chòm Thái Vi-Tử Vi-Thiên Thị), nhưng đều dựa ở trung ương, còn ngoài thì đều là ở rìa thứ yếu. Trong các núi sông chẳng gì lớn bằng Ngũ Nhạc-Tứ Độc (năm núi lớn là Tung-Thái-Hoa-Hằng-Hành và bốn sông lớn là Hà-Hoài-Tế-Giang), nhưng đều hội ở trung ương, còn ngoài thì đều chi nhánh cuối cùng. Đấy là Hoa-Di là phân cách ở trong trời đất, do đó An Nam dẫu không chầu mà có Tổ huấn thì bệ hạ cũng nên noi theo. Đấy là một việc không nên đánh. Đến thời Thái Tông Hoàng Đế đi đánh dẹp Lê Quý Li là vì bên ấy có tội ác lớn giết vua giết sứ. Nhưng quân đã đến gần biên cảnh mà ta còn sai Hành nhân là Chu Khuyến đi nhận người vàng (thay thân) chuộc tội thì rút quân, đến khi bên ấy không sửa lỗi mới đánh. Đã thắng, liền tìm dòng dõi họ Trần không có được, bất đắc dĩ mới đặt quận huyện ở nước ấy. Rồi phản trắc không yên cho đến hết thời năm Vĩnh Lạc. Nhân Tông Hoàng Đế lấy đó làm hối hận. Tuyên Tông nói với triều đình rằng: 'Khảo hoàng (Nhân Tông) suy xét việc ấy, thường thường than thở lộ ra mặt, trẫm thường nghe thấy vậy.' Rút cuộc đem các quận huyện đã lập bỏ đi trong một chốc. Đấy là là noi theo lời răn của Thánh Tổ (Thái Tổ) như cầm ngọc bưng bát nước đầy, bệ hạ cũng nên noi theo việc ấy. Đấy là hai việc không nên đánh. Còn như việc thống trị Hoa-Hạ thì không thể không hỏi tội bầy tôi phản loạn, còn đối với người Di-Địch thì bậc đế vương không làm việc ấy. Huống chi từ xưa người Di-Địch tranh giành là điều may của Trung Quốc, nay cũng là đúng việc ấy. Ngày xưa nhà Hán ở thời người Hung Nô đang mạnh, trải qua các đời Cao Tổ từng tự dùng sức đánh mà không được, kịp đến những năm Nguyên Khang-Thần Tước về sau thì người Hung Nô nội loạn, năm vị Thiền vu tranh ngôi, Tuyên Đế cũng chỉ ngồi yên mà đợi bên ấy đến chầu, đấy là việc rõ ràng. Vả lại dân ta như con đỏ, người Di-Địch như chó dê, nếu đem con đỏ đến hỏi tội chó dê, dẫu có trị được thì há phải là việc đáng làm sao? Đấy là ba việc không nên đánh. Còn như là đất cũ của Trung Quốc thì nay nên thừa loạn mà chiếm lấy. Vậy thì ngày xưa vào những năm Kiến Võ sai Mã Viện đánh miền nam, vào sâu nơi Lãng Bạc rồi về, sợ Giao Chỉ rút cuộc chìm vào cõi người Di, bèn dựng cột đồng làm giới hạn cuối cùng của nhà Hán, là tại đất phủ Tư Minh tỉnh Quảng Tây ngày nay vậy. Kịp đến năm Vĩnh Lạc thứ năm triều ta sai Trương Phụ đánh dẹp nước ấy, năm sau thì bọn vua Giản Định lại làm phản, cuối cùng bị Lê Lợi hãm diệt. Đấy đều là lấy được nhưng không giữ được, há chỉ không có ích mà thôi sao? Đấy là bốn việc không nên đánh. Còn như là nước ấy không đến cống là đáng đánh, vậy những cuối năm Hồng Võ thì người An Nam lấn mấy trăm dặm đất phủ Tư Minh của ta, sai Hành nhân đến dụ, bên ấy nói chống không phục, triều đình bàn nghị đi đánh, nhưng Thánh Tổ ta rút cuộc để yên Man-Di ở nơi ngoài cõi, há chỉ như việc An Nam ngày nay không cống mà thôi. Huống chi đến cống là cái lợi của bên ấy, một là vâng chính sóc giữ cõi mà oai phục các nước bên cạnh, hai là thu lấy hàng hóa qua lại mà vẫy gọi người các nước đến theo. Nay vốn là lúc tranh loạn mà vẫn sớm dâng sớ biểu đem phương vật đi xin cống đến các quan Phủ-Án cầu phong, chỉ là họ tên không đúng mà gạt đi, đấy là muốn cống mà không được, không phải cậy hiểm mà không cống. Lấy đó mà hỏi tội nước ấy thì lấy gì làm nước ấy chịu phục được? Đấy là năm việc không nên đánh. Vả lại việc dấy binh cốt ở tài lực. Nay các quân Lưỡng Quảng tích chứa thường khoảng mấy chục vạn lạng (bạc), gần đây chi tiêu cho việc đánh người Điền Châu là Sầm Mãnh, nay chỉ còn hơn bốn vạn lạng. Các bộ còn đang bàn lại muốn cấp (bạc) cho nội địa các tỉnh Giang Tây-Phúc Kiến-Hồ Quảng nữa. Lại nữa nội địa các tỉnh tự làm các việc, cả thảy kho tiền các tỉnh miền nam tích chứa hằng năm đều có khoảng một lạng bạc, đều bị bộ Công lấy hết để dùng. Thần lúc trước làm Đề đốc quân vụ các xứ Nam Cám, coi xét nhiều năm các xứ ấy tích chứa chỉ khoảng hơn bốn chục vạn lạng bạc lương, nay cũng đem dùng không còn nữa. Đấy là sáu việc không nên đánh. Nhưng đấy chỉ là các việc có lí lẽ thấy được, lại có điều lo lắng khác nữa: Thời nhà Đường dấy binh đánh nước Nam Chiếu bắt đầu từ Huyền Tông, trước sau mất mấy chục vạn quân. Đến những năm Hàm Thông lại phòng bị nước ấy lấn biên giới, nhiều lần phát lính thú, do đó nhà Đường bèn loạn. Vào thời Thần Tông nhà Tống muốn đánh nước Liêu lấy đất Yên, bèn sai sứ giả bốn lần đi lo việc tài vật, do đó miền Trung Thổ nhiễu loạn, người nước Liêu thừa lúc nội loạn, đi đòi cắt đất trước, rút cuốc mất bảy trăm dặm đất Hà Đông, dẫn đến các trận Bạch Cấu-Yên Sơn, nhà Tống bèn có nhiều việc. Vả lại nay phe đảng giặc bắc dần mạnh, người các bộ Cáp Lạt Thận là bọn Cát Nang cướp lấy được miền Hà Sáo của nước ta, gần đây lại thêm việc lính thú phủ Đại Đồng làm phản dẫn đường cho chúng đến. Nay lại chia sức ở miền nam, thần sợ điều lo lắng ở ngoài rất lớn khó mà đo hết được. Đấy là bảy việc không nên đánh. Cúi mong phàm những quan lại sai đến An Nam gần đây, nhân lúc họ chưa đi mà thu lại lệnh trước. Đấy chỉ là bọn quan võ, một khi đến nước ấy thì tất tự ý làm hỏng lẽ đúng sai, làm cho bên ấy không phục, trái lại làm giảm oai trời. Nên sai sứ coi xét sự tình, làm cho thanh thế nước ta đã nêu lên mà lại buông ra, nếu cho quân đi hỏi tội thì đã thất tín lại không uy hiếp được gì, hai bên đều không tiện. Chỉ nên sai các bộ đưa thư hoặc lệnh một viên quan, truyền lệnh cho các quan Phủ-án Lưỡng Quảng chọn sai một người hiểu rõ sự tình người Di nơi biên giới đi thẳng đến An Nam dụ ý ngày nay sang cống thì tha cho. Vậy thì bên ấy sẽ hớn hở vô cùng, chắc sẽ nhảy nhót mà đến vậy. Lại nữa lời vua rất nhỏ nhưng đã nói rồi thì hệ lụy rất lớn. Các nước phiên nghe tin có lệnh sắm binh đợi lệnh một khi phát ra thì lòng người sẽ chấn động. Lại nữa bọn gian hùng thừa cơ mà theo lợi, mượn lúc điều động mà làm việc ý riêng, nhân lúc đòi thu mà phóng túng tìm bắt. Cái hại của lúc nhiễu động thì sao thể nói hết. Vậy nên mới nó khi đã phát lệnh thì chưa kịp động đến người Di ở ngoài cõi mà đã động đến dân ta ở giữa thành ấp rồi. Nay nên sai dừng lại các quan các bộ mang lệnh đi điều động binh lương. Vậy thì không chỉ dừng một điều lo của nước nhỏ mà còn giữ được điều yên ổn của cả nước, thánh đức ráng rõ, lòng người gắn chặt, mãi được trị an vậy."