SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA ĐÔ THỊ CẢNG SÀI GÒN (TK XVII – XIX)

Chuyên đề nghiên cứu - Thái Nguyễn Đức Minh Quân (và những người khác) viết

Đặt vấn đề

Việc nghiên cứu các vấn đề liên quan đến lịch sử hình thành và phát triển của đô thị cảng Sài Gòn từ lâu đã thu hút được sự quan tâm, nghiên cứu từ lâu của nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước như Trần Văn Giàu, Nguyễn Đình Đầu, Vương Hồng Sển. Họ nghiên cứu vấn đề này trên nhiều góc nhìn khác nhau: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và đã cho ra đời nhiều công trình có giá trị về đô thị cảng Sài Gòn. Trải qua nhiều hội thảo, hội nghị khoa học và các cuộc tọa đàm thì nhiều vấn đề liên quan đến đô thị cảng được hé mở; thế nhưng cũng có một số vấn đề rất mơ hồ cần phải làm rõ như: vai trò của cư dân Việt, người Hoa ở đô thị cảng Sài Gòn xưa, quá trình mở rộng và xác lập chủ quyền của chúa Nguyễn ở vùng đất Sài Gòn (và cả phương Nam), sự thay đổi của đô thị cảng Sài Gòn dưới thời chúa Nguyễn, vua Nguyễn và một phần thời Pháp thuộc ra sao ?

Sau sự kiện thống suất Nguyễn Hữu Cảnh theo lệnh chúa Nguyễn vào kinh lược đất phương Nam năm 1698, lấy đất Nông Nại đặt làm phủ Gia Định, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn… cho thấy các chúa Nguyễn đã xác lập quản lý hành chính ở khu vực Sài Gòn và Nam Bộ. Đó cũng là mốc bắt đầu hình thành Sài Gòn. Kể từ khi hình thành Sài Gòn sớm đóng vai trò trung tâm kinh tế, văn hóa lớn nhất của vùng đất mới phía Nam. Và bước sang triều Nguyễn, các hoạt động sản xuất kinh tế và thương mại của Sài Gòn đã diễn ra một cách nhộn nhịp. Sài Gòn sớm trở thành đô thị cảng phồn thịnh với các hoạt động buôn bán luôn diễn ra tấp nập ngày đêm. Trên sông Tân Bình (tên cũ của sông Sài Gòn) nhiều tàu buôn trong và ngoài nước đến đây buôn bán, trao đổi hàng hóa tạo nên đô thị cảng Sài Gòn – Chợ Lớn phồn thịnh chưa từng có. Đến thời Pháp thuộc, Sài Gòn trở thành trung tâm hành chính theo kiểu phương Tây. Sài Gòn cũng là trung tâm kinh tế - xuất nhập khẩu quan trọng nhất của vùng đất phía Nam phục vụ cho chính sách khai thác và bóc lột thuộc địa của Pháp.

Vị trí, vai trò, những biến đổi và các hoạt động ở Sài Gòn trong suốt tiến trình lịch sử gần 300 năm đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Nhiều vấn đề liên quan tới lịch sử hình thành và phát triển của Sài Gòn cần phải bổ sung, làm sáng tỏ thêm. Chính vì lý do đó chúng tôi quyết định chọn “Lịch sử hình thành và phát triển của đô thị cảng Sài Gòn (thế kỷ XVII – XIX))” làm đề tài cho chuyên luận khoa học của mình.

Nội dung

CHƯƠNG 1.

LƯỢC SỬ VÙNG ĐẤT ĐÔ THỊ CẢNG SÀI GÒN TRƯỚC THẾ KỈ XVII

1.1. Tổng quan về địa lý, cư dân

1.1.1. Vị trí địa lý

Thành phố Hồ Chí Minh – với tên gọi xa xưa là Đông Phố, Sài Gòn, Gia Định, Phiên An… là một vùng đất đã sớm được hình thành và phát triển từ lâu đời. Thành phố sở dĩ phát triển được như hiện nay là bởi vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên phù hợp; do đó lôi cuốn người dân vào khai phá, lập làng và dần trở thành đô thị phồn thịnh, một đô thị cảng lớn vào loại bậc nhất ở Việt Nam.

Về vị trí địa lý, thành phố Hồ Chí Minh ở một vị trí đặc biệt – vị trí trung tâm của vùng đất Nam Bộ từ xưa đến nay. Quan sát và đo đạc trên bản đồ hành chính Việt Nam, ta thấy thành phố nằm ở tọa độ địa lý 10o10’ – 10o38’ Bắc đến 106o22’ – 106o54’ Đông, phía bắc giáp Tây Ninh, Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Đồng Nai, Đông Nam giáp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây và Tây Nam giáp tỉnh Long An và Tiền Giang.

Thành phố Hồ Chí Minh gồm có bốn điểm cực:

1. Cực Bắc là xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi.

2. Cực Tây là xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi.

3. Cực Nam là xã Long Hòa, huyện Cần Giờ.

4. Cực Đông là xã Thạnh An, huyện Cần Giờ.

Thành phố cách Hà Nội 1.730 km theo đường chim bay và cách biển Đông 50 km. Nằm ở miền Nam Việt Nam, thành phố Hồ Chí Minh là một thành phố rất lớn (loại đô thị đặc biệt) và là trung tâm kinh tế quan trọng nhất của miền Nam với diện tích 2.095,6 km2, dân số hơn 7,7 triệu người (thống kê năm 2012). Toàn thành phố có 19 quận (254 phường), 5 huyện ngoại thành (63 xã). Trong năm thành phố Hồ Chí Minh có 2 mùa là mùa mưa – khô rõ rệt. Mùa mưa được bắt đầu từ tháng 5 tới tháng 11 (khí hậu nóng, mưa nhiều nhờ gió từ Xích đạo thổi vào), còn mùa khô từ tháng 12 tới tháng 4 năm sau (khí hậu mát, ít mưa nhờ gió lạnh từ miền Bắc và Trung Hoa đại lục thổi vào). Cư dân thành phố là hơn 7,7 triệu dân (thống kê năm 2012) và gồm nhiều dân tộc thuộc nhiều thành phần dân tộc khác nhau, ngoài người Việt còn có người Hoa, Khmer, Ấn, Mạ, Stiêng và cả một số ngoại kiều, với mật độ dân số khoảng 4.057,3 người /km².

Ngược dòng lịch sử ta thấy ngay khi đầu Công nguyên, vùng đất này thuộc về lãnh thổ của Phù Nam (thế kỷ I – 649), Chân Lạp (thế kỷ VII – XVIII). Trong thời kỳ Phù Nam – Chân Lạp thống trị, vùng đất Nam Bộ xưa đã tiếp giáp giữa nhiều quốc gia cổ dẫn tới hình thành các cộng đồng dân cư khác nhau; mặc khác do có nhiều đầm lầy, nhiều sông nước, kênh rạch xen lẫn những gò đất cao nằm trong vùng đất mới, rộng lớn, mênh mông ở phía Nam trải dài tới biển Đông, nên vùng đất này rất khó cho các cư dân đến đây khai phá. Những cuộc tranh chấp liên tục giữa Xiêm và Chân Lạp ở phía Tây Bắc Campuchia (thế kỷ XIII – XVII) đã biến vùng đất Sài Gòn - Gia Định, cho tới trước khi những cư dân Việt hiện diện, trở thành miền đất bỏ ngỏ và hoang vu, vô chủ - không ai đến khai phá được. Sài Gòn – Gia Định thời kỳ này là một vùng đất hoang vu với giới hạn diện tích khá lớn: phía Bắc của Sài Gòn là những dãy gò đồi thấp kéo dài từ phía chân cao nguyên Nam Trường Sơn, còn phía Đông, Nam thành phố là vùng đồng bằng thấp mà công cuộc bồi đắp còn dở dang; phần lớn diện tích vùng đất này bị ngập sâu trong nước, trừ một số nơi có gò đồi cao nhô lên và nơi đó (gò đồi cao) chính là nơi tập trung lẻ tẻ của một vài nhóm cư dân cổ lúc đó.

Trước tình hình Chân Lạp bận giải quyết vấn đề trong nước, không (hoặc ít) quan tâm đến vấn đề vùng đất Nam Bộ, Chúa Nguyễn thông qua hôn nhân đã xác lập 2 đồn thu thuế đầu tiên năm 1623 là Kampong Krâbei (tức Bến Nghé - nội thành Sài Gòn ngày nay) và Prei Nokor (nay là Sài Gòn - Chợ Lớn). Trong Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức cũng nói Gia Định “là đất thuộc Chân Lạp xưa, tên gọi Sài Gòn xuất phát từ tên Brai Nokor, nghĩa là “rừng cây gòn”, người Hoa phiên âm thành Sài Côn, người Việt đọc thành Sài Gòn. Về sau người Pháp đã gọi tên thành phố là Sài Gòn vì họ thấy tên đó trong các bản đồ đại lý do người Tây Âu vẽ, ở đây người ta chỉ tên thành phố bằng tên gọi bao quát nhưng là tục danh xưa dùng để gọi toàn thể địa phận tỉnh Gia Định” [18, 8].

Khi người Việt đến khai phá, họ đã nhìn thấy địa thế tự nhiên và môi trường sống phong phú mà Chân Lạp lúc đó chưa nhận ra được. Về địa thế, Sài Gòn - Chợ Lớn là vùng đất tương đối phẳng phía xa sông (trừ Gò Cây Mai và Gò Vấp), có độ dốc là (không gắt) và trũng đi về phía gần sông Sài Gòn, rạch Thị Nghè và rạch Tàu Hũ - Bến Nghé [8, 24]. Như vậy theo ý kiến của Trịnh Hoài Đức, địa hình vùng đất Nam Bộ trải dài theo hướng thấp dần từ Bắc xuống Nam và Tây sang Đông. Nếu chúng ta dùng lát cắt để cắt dọc địa hình thành phố từ Tây sang Đông, ta thấy thành phố cao dần ở phía Tây, thấp dần ở phía Đông. Các vùng đất như gò Cây Mai, Phú Thọ, Gò Vấp nằm ở phía Tây thành phố, nên nó cao. Địa hình ở vùng đất cao này chủ yếu là giồng đất, gò cao (trung bình 10 – 25 m so với mặt nước biển), nhiều kênh rạch và ở nơi này là phù hợp với người Minh Hương, người Khmer chuyên canh tác trên vùng cao. Chỉ khi người Minh Hương từ Cù Lao phố ở Biên Hòa bỏ nơi này để đến khu vực giữa gò Cây Mai và kênh Tàu Hủ định cư, một vị trí thuận tiện có thể đi theo sông rạch đến Mỹ Tho (một nơi mà người Hoa Minh Hương đã có mặt) mà không phải qua cửa ngõ ra biển ở Cần Giờ, thì vùng Sài Gòn - Chợ Lớn mới bắt đầu có nhiều di dân đến định cư và phát triển để trở thành một đô thị sung túc và quan trọng nhất sau này ở miền Nam. Còn ở vùng thấp như Cần Giờ (0,5 – 1 m) thì nhiều đầm lầy thụt, rừng rậm nhiều nên ở đó ít người khai phá. Chính vì địa hình đặc biệt này nên người ta xây một ngôi thành tên là Sài Gòn nằm giữa vùng có độ cao trung bình (khoảng 10 – 15 m), để có thể quan sát bao quát chung quanh, đổ dốc xuống khu vực Bến Nghé gần sông Sài Gòn, tức vùng quanh khu chợ Cũ ngày nay.

Ngoài địa thế, chính môi trường thiên nhiên phong phú đã thu hút người dân đến đây khai phá, lập làng ở Sài Gòn – Gia Định. Vùng đất Sài Gòn, cũng như toàn khu vực vùng đồng bằng Đông và Tây Nam bộ, được bồi đắp bởi sông Sài Gòn, Đồng Nai, Vàm Cỏ và Cửu Long, được bao phủ bởi rừng, cây cối rậm rạp. Sinh vật như cọp, beo, voi, tê giác, nai… sinh sống trải dài khắp nơi từ cao nguyên, các tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa đến tận Cần Thơ và Cà Mau. Và trong sông rạch có nhiều cá sấu, rùa và cá heo đặc hữu. Khi con người bắt đầu đến vùng đất Sài Gòn và vùng phụ cận chung quanh bao gồm vùng Đông và Tây Nam Bộ, môi trường sống ở nơi họ đến rất phong phú và họ sống theo lối sống hái lượm trong rừng và thu hoạch dưới sông rạch, không định cư nhất định ở một nơi. Họ đến Đông Nam Á từ Nam Á (và trước đó từ Phi Châu) cách đây khoảng 47.000 năm [39, 13 – 15].

Cuối cùng, hệ thống kinh rạch dầy đặc cũng giúp thu hút người dân : từ trung tâm Sài Gòn (rạch Chợ Vải, rạch Cầu Sấu, rạch Cầu Kho..), khu tiếp giáp với quận 3 (rạch Cầu Quan), khu cầu Ông Lãnh (rạch Cầu ông Lãnh), Chợ Quán (rạch Bà Đô) cho đến Chợ Lớn (rạch Phố xếp, rạch Chợ Lớn, rạch Bãi Sậy, rạch Lò Gốm). Khởi thủy của Sài Gòn - Chợ Lớn là qua kinh, rạch, sông và đường biển giao lưu với mọi vùng và vì thế đặc trưng văn hóa, kinh tế của thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn cũng như con người là sông, nước nối liền đời sống kinh tế sản xuất, thương mại và tư tưởng văn hóa của nhiều giống dân hội tựu nơi đây.

Tóm lại, với vị trí - địa thế và môi trường sống phong phú, Sài Gòn thực sự trở thành trung tâm, một đầu mối giao thông quan trọng về cả đường bộ, đường thủy và đường không, nối liền các tỉnh trong vùng và còn là một cửa ngõ quốc tế.

1.1.2. Cư dân

Về cư dân vùng đất Sài Gòn, chắc hẳn có ít người biết rằng vùng đất này cách đây hơn 300 năm chủ nhân của nó không phải là người Việt, người Khmer hay người Chăm mà chính là hơn 10 tộc người tồn tại trên vùng đất Nam Bộ xưa – thuộc loại hình nhân chủng Indonesiens, ngữ hệ Nam Á; đó là Chăm, người Churu, người Giarai, người Raglai, người Edeh, người Stiengs, người Châu Mạ, người Mnông… Họ đã sống thành các bộ lạc trong thời nguyên thủy; đến lúc phân hóa giai cấp thì tạo lập các quốc gia như vương quốc Thủy Xá – Hỏa Xá của người Giarai, vương quốc Stiengs của người Stiengs, vương quốc Champa của người Chăm…. trên vùng đất rừng rậm hoang dại, nhiều thú dữ và sông ngòi chằng chịt này.

Thời Phù Nam, các vương quốc này bị lệ thuộc trong thời gian dài. Đến khi người Khmer từ vùng châu thổ sông Cửu Long phía Tây và phía Tây Bắc đến và người Chăm từ phía Bắc và Đông Bắc xuống thì hai dân tộc Mạ và Stiêng (cùng với các tộc khác) bắt đầu rút dần lên thượng nguồn, rừng rậm và núi, định cư ở các vùng Đồng Nai, Lâm Đồng và Dak Nông, Daklak ngày nay. Thời kỳ đó, vùng đất Sài Gòn thực sự đã là nơi trú chân, là “giao điểm” của cư dân đồng bằng Khmer, Chăm và cao nguyên Mạ, Stiêng và các dân tộc khác. Các vết tích kiến trúc, nghệ thuật của người Khmer được tìm thấy ở nhiều nơi trong Sài Gòn và vùng phụ cận. Riêng vùng Đông Nam Bộ, có người Mạ và Stiengs là hoạt động khá tích cực ở vùng này. Theo phân bố của bản đồ do Viện Dân tộc học biên soạn năm 1987 thì người Châu Mạ sống ở một vùng rộng lớn từ Lâm Đồng cho đến tận Tp. Hồ Chí Minh (có khi là tận Mỹ Tho – theo Bình Nguyên Lộc). Ngay khi người Khmer thay người Môn cai trị Chân Lạp (và cả Nam Bộ), họ coi người Mạ anh em ở vùng phía trong miền Đông Nam Bộ cho đến cao nguyên Lâm Đồng là tộc người sơ khai. Tuy nhiên trong quá trình tồn tại của mình, người Châu Mạ (sinh sống từ Lâm Đồng, Long Khánh, Bình Thuận, Biên Hòa, Đồng Nai đến Bà Rịa-Vũng Tàu và Cần Giờ) thường bị các dân tộc khác đánh cướp và bắt làm nô lệ. Người Chăm, Chân Lạp và ngay cả Stiêng thường tổ chức những trận cướp bóc, đánh vào vùng Tây Nguyên và chung quanh nơi người Mạ sinh sống để bắt nô lệ. Khi lưu dân Việt đến vùng này, người Việt đã sử dụng họ như nô tì, đầy tớ như trong Phủ biên tạp lục của Lê Quí Đôn có ghi là từ các cửa biển như Cần Giờ, Soài Rạp đi vào toàn là những đám rừng hoang vu đầy cỏ rậm, mỗi đám rừng có thể rộng hơn nghìn dặm, nhà Nguyễn cho dân được tự nhiên chiếm đất, cho họ thâu nhận những người Mọi từ trên đầu nguồn xuống để mua làm đầy tớ, đứa ở, sai khiến, hầu hạ. Tiếp sau người Châu Mạ, người Stiengs và Mnông cũng đã từng tồn tại và cho ra đời ở Nam Bộ những vương quốc hùng mạnh như vương quốc Champa, vương quốc Stiengs, vương quốc Thủy – Hỏa Xá….

Từ khi lưu dân Việt đến vùng Sài Gòn, mở rộng đất canh tác thì các tộc bản địa trước đó như Mạ, Stiêng (Bình Phước) vì không thích ứng kịp sự thay đổi này nên từ từ rút lên vùng cao là Lâm Đồng, Daklak …sinh sống. Đặc tính hội nhập của nhiều cộng đồng cư dân trên đất Sài Gòn đã được thể hiện ngay từ buổi ban đầu. Cho đến trước khi lập phủ Gia Định và huyện Tân Bình (1698) số cư dân sống trên đất Sài Gòn phỏng chừng 10.000 người.

1.2. Lược sử vùng đất Sài Gòn từ thế kỉ I đến thế kỉ XVI

1.2.1. Nước Phù Nam

Ngay từ đầu công nguyên, vùng đất Nam Bộ Việt Nam ngày nay đã được các nhà hàng hải và thương nhân quốc tế biết đến như là một trung tâm thương mại lớn nhất của Đông Nam Á thời cổ đại. Từ thế kỷ I - VII, vương quốc cổ Phù Nam - mà lãnh thổ của nó trên đại thể tương ứng với Nam Bộ ngày nay - đã khẳng định sức hút mạnh mẽ với thế giới nói chung và Đông Nam Á nói riêng bởi vị trí địa lý đặc biệt, mang tính chiến lược trên con đường mậu dịch biển nối liền phương Đông với phương Tây. Trong thời cường thịnh của mình (thế kỷ III – V), Phù Nam đã mở rộng ảnh hưởng của mình ra khắp toàn Campuchia, một phần Thái Lan, một phần Lào và một phần Malaya; kiểm soát con đường thương mại từ Tây sang Đông qua eo biển Kra. Óc Eo (xuất phát từ tiếng Khmer: Ur Kev, nghĩa là “rạch ngọc”), là cảng thị, đầu mối con đường mậu dịch và là trung tâm thương mại bậc nhất không chỉ trong hàng hải Đông Nam Á mà còn với hàng hải quốc tế. Kết quả khai quật khảo cổ học tại Óc Eo của L. Malleret từ ngày 11/4/1942 đến nay đã làm phát lộ nhiều bằng chứng vật chất gồm các hiện vật trong sinh hoạt tôn giáo, sinh hoạt đời thường và các loại tiền bạc của Phù Nam và cả nước ngoài.

Lương thư – một bộ sử của Trung Quốc được biện soạn vào thế kỷ thứ VI đã mô tả về vị trí của Phù Nam đối với khu vực và thế giới: “nước Phù Nam ở phía nam quận Nhật Nam, trong vịnh lớn phía Tây của biển, cách Nhật Nam có đến 7000 lí, cách Lâm Ấp ở phía Tây Nam đến hơn 3000 lí. Thành cách biển 500 lí, có sông lớn rộng đến 10 lí từ Tây Bắc chảy sang Đông nhập vào biển. Nước rộng lớn hơn 3000 lí, đất trũng ẩm thấp nhưng bằng phẳng rộng rãi. Khí hậu, phong tục đại để cũng giống như Lâm ấp. Sản xuất vàng, bạc, đồng, thiếc, trầm hương, mộc hương, ngà voi, chim công lông biếc, anh vũ năm sắc [29, 209].

Quốc gia Phù Nam có hệ thống cảng sông và cảng biển rất thuận lợi để giao lưu với các quốc gia trong khu vực và thế giới. Với lợi thế là nằm cạnh dòng chảy sông Mêkông, từ Phù Nam thuyền và người dân dễ dàng ngược theo sông Hậu và sông Tiền để đến Chân Lạp, Nam Lào. Trong giai đoạn phồn thịnh, người Phù Nam đã tiến hành đào hệ thống kênh chính Tây – Đông nhằm tận dụng tối đa lợi thế giao lưu khu vực trên phần lãnh thổ phía Tây sông Hậu. Điểm cực tây của hệ thống kênh này là Angkor Borei (thủ đô của Phù Nam) và điểm cực đông chính là cảng thị Óc Eo. Theo bản đồ không ảnh của P.Paris và khảo sát của các nhà khảo cổ thuộc Viễn Đông bác cổ (Dupont, Malleret…), từ Angkor Borei có 5 con kênh thẳng đến đầu trục kênh Châu Đốc – Óc Eo và hướng ra biển. Bằng đường biển, từ Óc – Eo có thể dễ dàng vượt vịnh Xiêm La để đến Bangkok, theo bờ biển đến với các quốc gia sơ kỳ trên bán đảo Malaysia, các đảo và quần đảo thuộc Indonêsia hoặc ngược lên phía Bắc đến Lâm Ấp – Chămpa, Giao Chỉ và vùng ven biển Nam Trung Quốc.

Chính vị trí địa chiến lược đã sớm đưa Phù Nam trở thành một kiểu nhà nước thành bang với ưu thế về kinh tế thương mại trong 7 thế kỷ đầu công nguyên. Đồng thời, đưa Phù Nam trở thành “cầu nối” giữa Ấn Độ và Đông Nam Á cổ trên các lãnh vực kinh tế, văn hóa.

Đáng tiếc là vị trí chiến lược này đã không được người Chân Lạp phát huy trong gần 10 thế kỷ tiếp theo đó, khi mà người Chân Lạp đã chiếm đóng và quản lý vùng đất này từ tay người Phù Nam. Suốt từ thế kỷ VII đến thế kỷ XVII, vùng đất này được biết đến như một vùng hoang vu, chưa được mở mang khai phá bao nhiêu, mặc dù thế kỷ IX – XIII là thời kỳ Angkor huy hoàng trong lịch sử [22, 37]. Điều này được thể hiện rõ qua sự mô tả của Chu Đạt Quan, sứ thần Trung Hoa qua Chân Lạp vào năm 1296: “Bắt đầu vào Chân Bồ (vùng biển Vũng Tàu ngày nay), gần hết cả vùng đều là bụi rậm của rừng thấp, những cửa rộng của con sông lớn chảy dài hàng trăm dặm, bóng mát um tùm của những gốc cổ thụ và cây, mây dài tạo thành nhiều chỗ trú sum suê. Khắp nơi vang tiếng chim hót và tiếng thú kêu. Vào nửa đường trong sông, thấy những cánh đồng hoang không có một gốc cây. Xa nửa tầm mắt chỉ thấy toàn cỏ cây đầy rẫy. Hàng trăm, hàng nghìn trâu rừng tụ họ từng bầy. Tiếp đó nhiều con đường dốc đầy tre chạy dài hàng trăm dặm” [30, 80].

Đó chính là quang cảnh tự nhiên khi những cư dân mới bắt đầu có mặt trên vùng đất này.

1.2.2. Lược sử cư dân vùng đất đô thị cảng Sài Gòn từ thế kỉ I đến thế kỉ XVI

Về cư dân vùng đất Sài Gòn, chắc hẳn có ít người biết rằng vùng đất này cách đây hơn 300 năm chủ nhân của nó không phải là người Việt mà là 10 tộc người thuộc loại hình nhân chủng Indonesiens theo ngữ hệ Nam Á và Nam Đảo, có mặt ở vùng đất Sài Gòn – Gia Định ngay từ những năm đầu Công nguyên. Theo những tài liệu chúng tôi thu thập được, trước khi lưu dân Việt di cư vào thì nơi đây đã xuất hiện hơn 10 tộc người là người Chăm, người Churu, người Giarai, người Raglai, người Edeh, người Stiengs, người Châu Mạ, người Mnông, người K’ho [11, 143], người Khmer….

Theo dòng lịch sử, trước khi người Môn – Khmer thành lập vương quốc Phù Nam vào thế kỷ I thì nơi đây (vùng Đông Nam Bộ) thì những người thuộc chủng Indonesiens đã dần xuất hiện trên mảnh đất Nam Bộ này từ hàng nghìn năm về trước. Theo đó, người Indonesiens cổ (kết hợp giữa người Mongoloid phương Bắc và người Australoid phương Nam) đã hình thành và tập trung rất nhiều ở Nam Trung Quốc (vùng Nam Trường Giang). Khi bị quân Tần đánh đuổi, họ đã di cư dần xuống phía Nam và bị phân hóa: nhóm Indonesiens nói ngữ hệ Nam Á đã chạy xuống vùng Miến Điện, Bắc Campuchia và hình thành người Môn; số còn lại rút vào Đông Nam Bộ. Ở Đông Nam Bộ, người Indonesiens phân thành 5 tộc người là Churu, Giarai, Raglai, Edeh và Chăm.

Khi Phù Nam ra đời, một thế kỷ sau (thế kỷ II) thì người Chăm cũng thành lập một vương quốc mới là vương quốc Champa, du nhập đạo Balamon làm quốc giáo. Việc du nhập Balamon giáo vào Champa đã khiến cộng đồng Indonesiens (Đông Nam Bộ) này bị phân hóa: Người Chăm chịu ảnh hưởng của Ấn Độ giáo nên sống ở miền biển, 4 tộc người còn lại dị ứng với văn hóa Ấn Độ thì rút lên Tây Nguyên ở, giữ lại tính Indonesiens bản địa, nói ngữ hệ Nam Á [33, 224 – 225] và lưu giữ nhiều nét truyền thống khá gần gũi với cư dân hải đảo [40, 63]. Đồng thời với người Chăm ở Nam Trung Bộ, ở vùng Đông Nam Bộ này cũng xuất hiện người Mạ, người Stiengs và người Mnông[1].

Các tộc người nói trên đã hình thành, phát triển và bước đầu đã thành lập các vương quốc lớn nhỏ khác nhau; lớn nhất là Champa của người Chăm; vương quốc Thủy Xá – Hỏa Xá của người Giarai[2], vương quốc Stiengs (Xương Tinh Thành) của người Stiengs và vương quốc Châu Mạ của người Mạ (hay Châu Mạ). Thế kỷ III – IV, các quốc gia này là chư hầu của Phù Nam. Khi Chân Lạp đánh chiếm Phù Nam, các vương quốc trên đã tự tách ra, tự do đánh chiếm và hùng cứ trên đất Nam Bộ; và Sài Gòn – Gia Định từ lâu đã trở thành nơi tranh chấp thường xuyên giữa nước Chân Lạp của người Khmer với các vương quốc ở Nam Bộ này.

Đầu tiên là người Châu Mạ (hay Chiau Mạ). Có mặt từ rất sớm trên vùng đất Nam Bộ, người Châu Mạ nói tiếng gốc Malai – Đa đảo (không phải gốc Môn – Khmer) và đã sinh sống ở một vùng rộng lớn từ Đồng Nai xuống tới Mỹ Tho. Thời kỳ thuộc Phù Nam và Chân Lạp, người Châu Mạ đã thành lập một vương quốc có tên “Bà Lợi” (hay Bà Lịa, Bà Rịa[3]…) vào khoảng thế kỷ V – VI (có thể là trước đó); rồi bị Phù Nam thôn tính một thời gian. Khi Phù Nam đổ thì nó tự tách ra thành một vương quốc riêng. Tân Đường thư của Trung Quốc (thế kỷ VII – VIII) nói rõ: “"Nước Bà Lợi ở ngay phía Đông Nam Chiêm Thành, từ Giao Châu vượt biển, trải qua các nước Xích Thổ, Đan Đan thì tới. Phong tục của họ là xỏ tai đeo khoen, dùng một tấm vải thô quấn ngang lưng. Phía nam (Bà Lợi) là nước Thù Nại. Sau niên hiệu Vĩnh Huy đời Đường (650 - 655) thì bị Chân Lạp thôn tính”. Khoảng thế kỷ XIV – XV, ngưởi Châu Mạ có thể đã xóa bỏ nước Bà Lợi và thành lập vương quốc của người Châu Mạ, tồn tại từ thế kỷ XV – XVIII. Lãnh thổ của nó có thể nằm trong phạm vi từ trung lưu đến hạ lưu sông Đồng Nai[4] [2, 30], từ Lâm Đồng, Long Khánh, Bình Thuận, Biên Hòa, Đồng Nai đến Bà Rịa-Vũng Tàu và Cần Giờ hiện nay. Tài liệu của một học giả người Pháp xác định rõ: “Tuy phải triều cống Cao Miên, Mạ vẫn là một tiểu quốc tự do. Tiểu vương Chê Mạ cai trị khắp vùng Tây Nam trên lưu vực sông La Ngà, và về mạn bắc, trên cao nguyên Di Linh và Lâm Đồng nay” [3, 31]. Khi người Việt vào Đông Nam Bộ (thế kỷ XVI – XVII), cư trú ở miệt Soài Rạp và Cần Giờ thì do nhu cầu về nhân công để khai khẩn, họ đã thâu nhận những người Mọi (tức người Châu Mạ) từ trên đầu nguồn xuống để mua làm đầy tớ, đứa ở, sai khiến, hầu hạ; đó là nguồn gốc hình thành chế độ “mãi nô” (thật ra là người làm, đầy tớ hơn nô lệ). Hiện nay, người Châu Mạ có khoảng 2 vạn người, sinh sống ở nam Tây Nguyên, một phần Lâm Đồng và một phần Daklak.

Tộc người kế tiếp có mặt trên vùng đất Nam Bộ này là người Stiêng. Như đoạn trên đã nói, người Stiêng là một dân tộc hùng mạnh; từng đánh cướp dân Châu Mạ làm nô lệ và có thời cũng đã thành lập một vương quốc hùng mạnh có tên “Xương Tinh Thành”. Trong bản đồ “An Nam đại quốc họa đồ” do giáo sĩ Pháp Taberd vẽ năm 1838 có nhắc đến tên nước của người Stieng là “Xương Tinh Thành”; “Xương Tinh” là phiên âm Hán của Stieng, “thành” là thủ phủ và là nơi đóng đô của vua Stieng. Lãnh thổ của “Xương Tinh Thành” thời đó kéo dài từ Bình Phước, một phần Tây Ninh và toàn vùng Đồng Nai hiện nay. Khi vương quốc này suy yếu, người Việt tràn vào đã đánh bại họ và bắt đi làm nô lệ rất nhiều. Trong Monographie de la province de Thudaumot có đề cập rằng dân Stiêng chia thành hai nhóm: nhóm Hớn Quản (An Lộc, Bình Phước) có nước da đen và mức độ Việt hóa sâu đậm hơn; nhóm Bù Đốp có nước da sáng (giống người Chăm và Malaysia), nhưng “kém văn minh” hơn, dưới con mắt người Việt [26, 28]. Họ để tóc dài và búi lại ở sau gáy; đeo bông tai bằng cây hay ngà voi, đàn bà mặc váy và đàn ông đóng khố. Khi người Việt vào thì họ vì nhiều lý do khác nhau đã rút dần về vùng cao, bị người Việt khinh miệt và gọi là “Mọi”. Monographie de la province de Thudaumot có gọi người Stiêng là Mọi hoang, Mọi Cà răng hay Mọi Đồng Nai. Hiện nay, họ có 4 vạn người và sống ở Tây Ninh, Bình Phước và Đồng Nai ngày nay.

Người Khmer xưa sau khi đánh chiếm Phù Nam đã thiết lập ách thống trị ở vùng đất Nam Bộ với vương quốc Chân lạp hùng mạnh. Tuy nhiên ở vùng Đông Nam Bộ, người Khmer có mặt rất ít ở vùng Tây Ninh với số dân khoảng vài chục (vài trăm người – xem chi tiết ở bản đồ các dân tộc Nam Bộ cuối bài). Khi người Việt xâm nhập vào, họ đã lùi dần về sống chủ yếu ở vùng biên giới Việt – Miên để rồi xuống dần tới Trà Vinh - Sóc Trăng lập thành các phum – sóc và sống tách biệt với thế giới bên ngoài. Khi toàn cõi miền Nam thuộc về chúa Nguyễn thì Khmer trở thành thiểu số của tộc Việt. Về số lượng dân Khmer, trong thời kỳ thế kỷ XVII – XVIII (1698) thì số dân khoảng gần 2 vạn người; năm 1776 là 45.000 người và đến thời Pháp thuộc là 170.488 người (1895); trong khi thời Pháp thuộc, người Việt đã lên 1.967.000 người (1895), người Hoa thời kỳ 1895 là 88.000 người [13, 27]; [10, 82].

Các tộc người khác ở Đông Nam Bộ (ngoài Châu Mạ, Stieng và Khmer) như Champa, Raglai, người Edeh….đã có hiện diện ở Đông Nam Bộ và thành lập nhiều quốc gia chung quanh như vương quốc Champa và nhiều vương quốc khác. Theo Mã Đoan Lâm, vùng Đông Nam Bộ này có 74 nước, trong đó có các nước như Thù Nại (hay Chu Nại), Tỳ Khiên, Lang Nha Tu, Bà Lợi, Xích Thổ, La Sát, Bàn Bàn [20, 243]….; quốc vương của các nước này thường rất giản dị, sống “bằng nghề nông sau công việc triều chính”.

Từ khi lưu dân Việt đến vùng Sài Gòn, mở rộng đất canh tác thì các tộc bản địa trước đó như Mạ, Stiêng, Khmer, Mnông, Edeh… vì không thích ứng kịp sự thay đổi này nên từ từ rút lên vùng cao là Lâm Đồng, Daklak …sinh sống, hầu như tách biệt với vùng đất Nam Bộ này. Khi vào Nam Bộ, với bản tính cởi mở và khoan hòa, người Việt nhanh chóng hòa nhập với các cộng đồng dân bản địa, từ đó tạo chỗ đứng vững chắc của họ trên vùng đất này. Cho đến trước khi lập phủ Gia Định và huyện Tân Bình (1698) số cư dân sống trên đất Sài Gòn phỏng chừng 10.000 người.

1.3. Tình hình kinh tế, xã hội và văn hoá của vùng đất đô thị cảng Sài Gòn (thế kỷ VII – XVII)

Như vậy, trước khi lưu dân người Việt đến thì Sài Gòn đã là nơi định cư của các người Khmer ở phía Tây, ở phía Đông là người Mạ, Chăm, và phía Bắc là Stieng, Khmer và Mạ. Người Mạ và người Stiêng là cư dân bản xứ và đã hiện diện lâu đời, có mặt trước hết từ thượng nguồn sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Bé, sông Vàm Cỏ xuống đồng bằng hạ lưu của các sông này và sông Tiền Giang cho đến Cần Giờ, Mỹ Tho; ngữ hệ của họ là Nam Á và nhóm ngôn ngữ là Môn – Khmer. Đến thế kỷ XV, khi đế chế Angkor sụp đổ thì người Khmer đã lác đác di chuyển về sinh sống ở vùng Tây Ninh và Châu Đốc, một số giồng đất cao ở miền Tây Nam Bộ xưa. Tuy nhiên, do dân số còn quá thưa, kỹ thuật sản xuất còn thô sơ, trình độ tổ chức xã hội chưa tới mức có một triều đình thống nhất hay một nhà nước hoàn chỉnh. Cứ thế họ đã tiếp tục sinh tồn hàng bao thế kỉ, không bị tan vỡ nhưng cũng không tiến lên được. Bên trong thì vẫn chưa có sức sản xuất mới để phá thế quân bình, bên ngoài thì vương quốc Cao Miên chưa vươn tay tới thống trị chặt chẽ và dân Khmer đang bận khai khẩn vùng đất màu mỡ quanh biển Hồ nên chưa đặt chân đến vùng này, trừ một vài sóc Miên sang sống heo hút trên mấy giồng đất cao, có lẽ vì lý do chính trị nào đó hơn vì kinh tế [11, 201].

Từ thế kỉ XVI cho đến đầu thế kỉ XVII, lưu dân Việt đã đến làm ăn sinh sống trên một số địa điểm thận lợi thuộc lưu vực các sông Đồng Nai, Mekong, Mê Nam. Tại các vùng đất mới đến, họ bắt đầu vỡ hoang – lập ấp để tiến hành các hoạt động trồng lúa nước, thủ công nghiệp và cả buôn bán – chuyên chở. Đối với cư dân bản địa, do chưa phân biệt được họ thuộc các sắc tộc nào, nên người dân Việt cũng như chính quyền Chân Lạp nơi đây đã gọi chung họ là người “Man” (hay gọi Nôm là “mọi”). Người Việt thạo nghề trồng lúa nước từ ngàn xưa, khi gặp các cánh đồng cỏ ngập nước bỏ hoang chưa hề ai khai khẩn thì rất mừng. Hầu như ngay từ buổi mới gặp nhau, đã có sự phân công hòa họp khai thác: người Việt làm các ruộng sâu có nhiều cỏ (gọi là thảo điền), người dân tộc làm các ruộng cao trên gò hay giồng (gọi là sơn điền), vì họ thạo nghề săn bắn và làm lúa rẫy hơn là lúa nước. Chỉ trong thời gian khoảng mấy chục năm, người Việt đã kéo nhau tới khá đông đủ sức khai khẩn các cánh đồng phì nhiêu. Người Stiêng, người Mạ và số rất ít người Miên, vì không tiến bộ, chỉ còn lẻ tẻ ở trên mấy giồng đất lác đác giữa một biển lúa mênh mông xanh rì hay vàng ửng khi tới vụ gặt hái. Tự nhiên mấy dân tộc thiểu số, bị mặc cảm thua kém rồi tự ý rút về các vùng nhiều đồi núi thích hợp với kỹ thuật làm rẫy, săn bắn và tổ chức sóc buôn hơn. Đầu thế kỷ XVIII, họ còn ở quanh vùng Gò Vấp, Hóc Môn, rồi thiên cư lần lên phía Bắc ở những nơi mà người đồng tộc với họ đã cư trú từ lâu.

Trong bản đồ các dân tộc ở Việt Nam vào cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, địa bàn cư trú của dân tộc Mạ và Stiêng còn ở gần Sài Gòn hơn nữa. Trước khi lưu dân Việt tới khẩn hoang lập ấp, có lẽ các dân tộc Mạ, Stiêng hay cả Mnông, Cơho, Churu… cư trú trên các giồng đất lác đác khắp đồng bằng Mekong và Đồng Nai.

Kết luận chương 1

Sài Gòn là giao điểm của vùng Đông Nam bộ và Tây Nam bộ và cũng là vùng giao thoa của hai chủng tộc và nền văn minh lớn ở Đông nam Á: Môn - Khmer với nền văn minh Phù Nam - Chân Lạp - Angkor có nguồn gốc lục địa và Austronesian với nền văn minh Champa có nguồn gốc từ hải đảo. Trong hai chủng tộc và nền văn minh trên thì ảnh hưởng của Môn - Khmer có phần mạnh hơn.

Như vậy, trên danh nghĩa, đất Sài Gòn là thuộc Chân Lạp, nhưng “thuộc” một cách lỏng lẻo: các dân tộc vẫn sống tự trị, và mấy sóc Khmer lẻ tẻ chưa họp thành đơn vị hành chính thuộc triều đình La Bích (tức Lovek, Chân Lạp). Trong khi đó, triều đình Chân Lạp phải tập trung lực lượng ở phía Nam Biển Hồ (sau khi bỏ Angkor ở phía Bắc) để đối đầu với Xiêm La đang tiếp tục lấn đất Chân Lạp ở phía Tây. Đất Sài Gòn vẫn là đất tự do của các dân tộc và hầu như vô chủ, là đất hoang nhân cả về kinh tế lẫn chủ quyền từ xưa.

CHƯƠNG 2.

ĐÔ THỊ CẢNG SÀI GÒN GIAI ĐOẠN TỪ THẾ KỈ XVII ĐẾN THẾ KỈ XIX

Lời dẫn

Bước sang đầu thế kỷ XVII, nội chiến Trịnh – Nguyễn nổ ra khốc liệt, kéo dài gần nửa thế kỷ. Cục diện chiến tranh đã thúc đẩy họ Nguyễn nhanh chóng mở rộng lãnh thổ về phía Nam, mục tiêu là vùng đất Nam Bộ. Trong gần 2 thế kỷ, bằng nhiều biện pháp khác nhau: lợi dụng các lớp người Việt, Hoa xiêu tán, phá sản dưới các hình thức khác nhau mở rộng khai khẩn vùng đất Nam Bộ; lợi dụng lực lượng “có vật lực” ở miền Thuận – Quảng chiêu mộ dân nghèo vào khai phá đất hoang; sử dụng quân đội đồn trú; kiến tạo quan hệ đồng minh dưới nhiều hình thức với triều đình Chân Lạp… các chúa Nguyễn nhanh chóng khẩn hoang, lập làng, xác lập và khẳng định chủ quyền trên vùng đất Nam Bộ.

2.1. Quá trình khai khẩn và xác lập chủ quyền của chúa Nguyễn trên vùng đất Sài Gòn

Từ trước năm 1698, vùng đất Đồng Nai – Gia Định vẫn chưa nằm trong sự quản lý hoàn toàn của các chúa Nguyễn về mặt nhà nước, điều đó có nghĩa là về mặt chủ quyền quốc gia vùng đất này vẫn chưa được chúa Nguyễn xác lập để trở thành một phần lãnh thổ của Việt Nam. Ngay từ đầu thế kỷ XVII, với những bước đi thích hợp và cực kỳ khôn khéo, chúa Nguyễn đã mở đường cho những lớp di dân người Việt vốn là những nông dân lưu tán, thợ thủ công nghèo khổ, những binh lính lao dịch bị lưu đày dưới sự áp bức bóc lột của địa chủ phong kiến và do chiến tranh, thiên tai đã phải bỏ làng xóm vào vùng đất phía Nam để lập nghiệp.

Quá trình hoạch định biên giới Việt Nam – Campuchia (Chân Lạp) là một quá trình lâu dài, trải qua nhiều biến cố phức tạp mà nội dung cơ bản của nó là sự thiết lập và củng cố chủ quyền hợp pháp của người Việt trên vùng đất Nam Bộ. Về cơ bản, qúa trình đó kéo dài từ đầu thế kỉ XVII – khi những cộng đồng dân cư người Việt đầu tiên đã có mặt trên vùng đất Nam Bộ - cho đến giữa thế kỉ XVIII (1757). Sự hoạch định đó dựa trên những cơ sở tư liệu lịch sử và pháp lý sau đây:

Năm 1620, chúa Nguyễn Phúc Nguyên gả công chúa Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp Chey Chettha II (1618 - 1628). Năm 1623, chúa Nguyễn sai một phái bộ tới yêu cầu vua Chey Chettha II cho lập hai đồn thu thuế tại Prei Nokor (Sài Gòn) và Kas Krobei (Bến Nghé), tọa lạc gần rạch Bến Nghé, trên địa bàn quận 1 và quận 5 ngày nay. Vua Chân Lạp đã chấp thuận đề nghị này [24, 56]. Các nhà nghiên cứu cho rằng đồn Kas Krobei có nghĩa là Bến Nghé hay Bến Trâu ở gần cột cờ Thủ Ngữ trên bờ sông Sài Gòn. Đồn thu thuế Prei Nokor có lẽ đặt trên bờ rạch Bến Nghé hay kênh Tàu Hủ [15, 58].

Đây là vùng rừng rậm hoang vắng nhưng cũng là địa điểm qua lại và nghỉ ngơi của thương nhân Việt Nam đi Campuchia và Xiêm La. Chẳng bao lâu, hai đồn thu thuế đã trở thành thị tứ với hoạt động công nghiệp và thương nghiệp sầm uất. 25 năm sau, nơi đây xảy ra sự kiện Mô Xoài (1658). Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí viết rõ: “Đến đời vua Thái Tông Hiếu Triết hoàng đế năm thứ 11 Mậu Tuất (1658), tháng 9 vua nước Cao Miên là Nặc Ong Chân xâm phạm biên cảnh. Vua sai Khâm mạng dinh Trấn Biên Phó tướng Yến Vũ hầu, Tham mưu Minh Lộc hầu và Tiên phong Cai đội Xuân Thắng hầu đem 3 ngàn binh đi trong 2 tuần đến thành Mỗi Xuy (hay Mô Xoài) nước Cao Miên, đánh phá kinh thành và bắt được vua nước ấy là Nặc Ong Chân giải về hành tại dinh Quảng Bình. Vua dụ cho tha tội, rồi phong Nặc Ong Chân làm Cao Miên quốc vương, cho được giữ đạo phiên thần, lo bề cống hiến, không được xâm nhiễu dân sự ở ngoài biên cương, rồi khiến quan binh hộ tống về nước. Khi ấy địa đầu Gia Định là Mỗi Xuy (hay Mô Xoài) và Đồng Nai (tức nay là Biên Hòa trấn) ấy đã có lưu dân của nước ta đến ở chung lộn với dân Cao Miên khai khẩn ruộng đất. Người Cao Miên rất khâm phục oai đức của triều đình, đem nhượng hết cả đất ấy rồi tránh ở chỗ khác, không dám tranh trở chuyện gì” [8, 58]. Lý do vì sao Nguyễn Phước Yến đánh Mô Xoài, nhiều tài liệu không nói rõ; nhưng việc Chúa Nguyễn đánh Mô Xoài có ý nghĩa hết sức to lớn: mở đường cho người Việt mở cõi vào Nam [12, 58]. Vào lúc này (1658), số dân Việt ở Mô Xoài đã tăng lên khoảng vài trăm người. Theo giáo sĩ Pháp Chevreuil (1665), ông chứng kiến ở Colompé (Phnom Penh) có 2 làng người Việt với tổng số dân là 500 người (theo Thiên Chúa chỉ độ 50 người). Về sau, do tarnh chấp với người Hoa nên người Việt bị triều đình Oudong bức hại phải kéo về nước khoảng 700 – 800 người [19, 65 – 72]. Lúc này, dân số Sài Gòn – Gia Định tăng lên rõ rệt, khoảng gần 10 vạn người (phỏng đoán của tác giả), để rồi đến 1679 đã vọt lên tới 20 vạn người (ước tính của Trịnh Hoài Đức – ông nói có 4 vạn hộ)[5]

Kế tiếp, năm Giáp Dần (1674) tháng 2, Nặc Ông Đài, người Cao Miên, đuổi vua nước ấy là Nặc Ông Nộn. Ông Nộn chạy sang cầu cứu chúa Nguyễn, chúa Nguyễn sai Nguyễn Dương Lâm làm thống suất, Nguyễn Diên Phái làm tham mưu đem binh đi tiến thảo. Tháng 4 quan quân quá vỡ luôn được 3 lũy Sài Gòn, Gò Bích và Nam Vang. Nặc Ông Đài thua chạy rồi tử trận. Tháng 6, Chúa Nguyễn phong cho Nặc Ông Thu làm Cao Miên quốc vương đóng đô ở U Đông, cho Nặc Ông Nộn làm phó vương ngự trị ở Sài Gòn [11, 125 – 231]. Lúc này, tên “Sài Gòn” đã có mặt trên thị tứ này từ năm 1674 [21, 5], chứ không phải năm 1772 hay năm 1778 như các sách khác đã viết. Trịnh Hoài Đức (Gia Định thành thông chí, tr. 167) miêu tả khá rõ Sài Gòn trong giai đoạn này: “Gia Định (tức đất Sài Gòn) nguyên xưa có nhiều ao chằm rừng rú, thuở vua Thái Tông (Nguyễn Phước Tần, 1648-1686) sai tướng vào khai thác phong cương ở nơi bằng phẳng rộng rãi, tức là chỗ chợ Điều Khiển ngày nay, xây cất đồn dinh làm chỗ cho quan Tổng tham mưu cư trú, lại đặt dinh Tân Thuận, tức nay là Lân Tân Thuận, có cất nhà thự cho các quan Giám quân, Cai bộ và Ký lục ở, lại có quân trại hộ vệ, ngăn ra từng khu rào, ngoài ra thì cho dân trưng chiếm chia lập làng xóm phố chợ”.

Năm 1679 (tức 56 năm sau khi lập đồn thu thuế và 5 năm sau khi Ông Nộn đóng ở Sài Gòn), chúa Nguyễn cho lập đồn dinh Tân Mỹ. Đồn dinh Tân Mỹ không phải là một cái đồn có nhiệm vụ kinh tế, mà mang tính chất quân sự, chính trị, cai quản; có giám quân, cai bộ và ký lục với dinh thự của bộ sậu ấy, có trại lính để sai phái và để bảo vệ phó vương Chân Lạp, bảo vệ Việt kiều. Đồn dinh cũng có nhiệm vụ lập làng chia xóm, tổ chức phố chợ. Thực tế đó là một chánh quyền bán chính thức của chúa Nguyễn.

Vào năm 1679, một số quan lại cũ dưới triều Minh như Dương Ngạn Địch, Hoàng Tiến, Trần Thượng Xuyên, Trần An Bình không chịu thuần phục nhà Thanh đã đem 3.000 quân cùng gia đình trên 50 chiếc thuyền sang xin thần phục chúa Nguyễn. Đại Nam thực lục tiền biên chép: “Binh thuyền của Ngạn Địch và Hoàng Tiến vào cửa Soài Rạp đến đóng ở Mỹ Tho; binh thuyền của Thượng Xuyên và An Bình thì vào cửa Cần Giờ, đến đóng ở Bàn Lân” [34, 136 – 140] (Biên Hòa, tên Khmer là Kâmpéâp Srêkatrey). Tại Nam Bộ, hai nhóm người Hoa này quy phục Chúa Nguyễn và được Chúa cho phép khai hoang, mở đất. Về nhóm Dương Ngạn Địch, Đại Nam thực lục tiền biên ghi rằng: Dương Ngạn Địch đến vùng Mỹ Tho dựng nhà cửa, họp người Kinh, người Di, kết thành làng xóm; sau đó dựng 9 trường biệt nạp (sở thu thuế) gọi là Quy Ang (có 9 sở thu thuế là: Duy Hoá, Cảnh Dương, Thiên Mụ, Gian Thảo, Hoàng Lạp, Tam Lạch, Bả Cạnh, Tân Thạch cho dân lập ấp khai khẩn ruộng đất cày cấy lại lập thành trang trại, man, nậu, nhân dân đều theo nghề nghiệp của mình làm ăn để nộp thuế [34, 146 – 148]. Dưới sự tổ chức và chỉ đạo tài tình của nhóm Dương Ngạn Địch, Mỹ Tho (nơi ông đóng) đã trở thành một đô thị cảng vào loại bậc nhất vùng Nam Bộ lúc đó. Nguyễn Phúc Nghiệp trong bài viết về vấn đề lập phố Mỹ Tho cũng viết: “Do chợ Mỹ Tho đã nổi lên như một trung tâm kinh tế-thương mại sầm uất, nên năm 1781, chúa Nguyễn Phúc Ánh cho dời lỵ sở của dinh Trấn Định từ giống Kiến Định (nay thuộc Tân Lý-Tân Hiệp, huyện Châu Thành) về thôn Mỹ Chánh-chợ Mỹ Tho. Kể từ đó, Mỹ Tho trở thành trung tâm chính trị của dinh Trấn Định- một trong năm dinh của Nam Bộ lúc đó [28, 140].

Về nhóm Trần Thượng Xuyên, sách Đại Nam nhất thống chí, căn cứ vào các dấu tích hoạt động cụ thể đã cho biết nhóm Trần Thượng Xuyên đến vùng Bàn Lân (nghĩa là “xóm mới”, hay “bằng lăng” (từ của Sơn Nam nói trại ra) để “mở đất, lập phố ". Với biệt tài tổ chức của mình, chẳng bao lâu ông đã biến vùng đất hoang sơ trở thành thương cảng, trung tâm thương mại và giao dịch quốc tế của cả vùng Nam Bộ xưa. Trịnh Hoài Đức đã ghi chép lại khung cảnh buôn bán ở cù lao Phố: “Các thuyền ngoại quốc tới nơi này (Cù lao Phố) bỏ neo, mướn nhà ở, rồi kê khai các số hàng trong chuyến ấy cho các hiệu buôn trên đất liền biết. Các hiệu buôn này định giá hàng, tốt lẫn xấu, rồi bao mua tất cả, không để một món hàng nào ứ đọng. Đến ngày trở buồm về, gọi là “hồi đường”, chủ thuyền cần mua món hàng gì, cũng phải làm sẵn hóa đơn đặt hàng trước nhờ mua dùm. Như thế, khách chủ đều được tiện lợi và sổ sách phân minh. Khách chỉ việc đàn hát vui chơi, đã có nước ngọt đầy đủ, lại khỏi lo ván thuyền bị hà ăn, khi về lại chở đầy thứ hàng khác rất là thuận lợi… [8, 45].

Như vậy cùng với Sài Gòn- Gia Định, Biên Hoà và Mỹ Tho cũng đã đang dần dần trở thành những trung tâm cư dân và kinh tế phát triển dưới quyền cai quản của Chúa Nguyễn ở miền Đông và cả miền Tây Nam Bộ.

Cả hai nhóm người cùng người Việt Nam khai phá đất hoang, người Minh Hương thì thiên về lập phố chợ thương mại như Nông Nại đại phố ở Đồng Nai, giao thong với người Tàu, người Nhật Bổn, người Tây Dương, người Đồ Bà, thuyền buôn tụ tập đông đảo. [8, 8 – 10].

Đầu năm 1679, Sài Gòn được chọn làm nơi trú đóng cho các cơ quan công quyền bán chính thức của nhà Nguyễn. Năm 1698, chúa Nguyễn cử thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược. Nguyễn Hữu Cảnh đã lấy “đất Nông Nại làm phủ Gia Định, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn; mỗi dinh đặt chức lưu thủ, cai bộ và ký lục và các cơ độ thuyền thủy bộ binh và thuộc binh…” [34, 153 – 154]. Ranh giới giữa hai huyện Phước Long (Đồng Nai) và Tân Bình (Sài Gòn) là sông Sài Gòn. Hữu ngạn thuộc huyện Tân Bình, tả ngạn thuộc huyện Phước Long.

Năm 1698 trở thành mốc đánh dấu hình thành Sài Gòn, vì từ đó mới có phủ sở Gia Định, huyện sở Tân Bình thuộc phủ Gia Định, xứ Sài Gòn từ lúc đó mới chính thức là đất của Việt Nam. Sài Gòn trở thành trị sở quan trọng nhất cho vùng đất mới phía nam. Thủ phủ Gia Định đặt ở Bến Nghé và phố thị Bến Nghé (hay còn gọi là phố thị Bến Thành) xưa nằm trải trên bờ sông Sài Gòn và đường Nguyễn Huệ ngày nay. Song song với việc khẩn hoang Thống suất Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh thi hành ngay việc chia ranh định vùng mong sớm đưa chúng dân vào nề nếp an cư.

Về hành chính: Trên cơ sở lưu dân Việt Nam tự phát tới "khẩn hoang lập ấp", ông chia đất Đông Phố lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh trấn biên (Biên Hòa ngày nay). Lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn (tức Sài Gòn). Theo Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí thì: "Đất đai mở rộng hơn ngàn dặm, dân số có thêm bốn vạn hộ". Nguyễn Hữu Cảnh cất đặt các bộ phận trông coi mọi việc như Ký lục (trông coi về hành chính, thuế khóa), Lưu thủ (trông coi về quân sự) và Cai bộ (trông coi về tư pháp). Giúp việc cho các quan là các Xá ty và một số đơn vị vũ trang. Đối với người Hoa, Nguyễn Hữu Cảnh tập hợp họ thành những tổ chức hành chính riêng như xã Thành Hà (Trấn Biên), xã Minh Hương (Phiên Trấn). Ông cho chiêu mộ nhân dân đi khẩn hoang lập ấp. Trấn Biên bao gồm từ Bình Thuận đến Nhà Bè. Phiên Trấn bao gồm từ Tân Bình đến Cần Giuộc (Long An).

Phủ Gia Định ngày đó là gồm từ Bình Thuận, Sài Gòn, Đồng Nai, Nhà Bè đến Long An. Khi đó địa bàn Đồng Nai Gia Định được nới rộng thêm ra hàng ngàn dặm vuông, các chủng dân được quy tụ dựng thành chòm xóm. Dân số có đến 40.000 hộ. với khoảng 20 vạn dân. Liền đó, Thống suất Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vạch ra quy hoạch:

1. Thiết lập làng xã, khóm ấp.

2. Lập sổ đinh, sổ điền.

3. Định mức tượng trưng về thuế tô, thuế dung. Riêng người Hoa tập trung làm hai xã để việc thương mại có cơ hội bành trướng đều khắp.

4. Xã Thanh Hà ở huyện Phước Long (Đồng Nai Biên Hòa).

5. Xã Minh Hương ở huyện Tân Bình (Sài Gòn Bến Nghé).

6. Tất cả dân số người Hoa cũng đều nhập sổ bộ Đại Việt.

Về thương mại: ông cho lập đường thủy ven các nhánh sông, lấy khu chợ nổi Nhà Bè cổ nơi ngã ba sông Bình Dương làm trung tâm giao dịch, thương lưu với các ngã: Cù Lao Phố, Bến Nghé, Cần Giờ, Rạch Cát, Vũng Gù (Cần Giuộc) và Gò Vấp. Đặc biệt bến tàu Châu Đại Phố của nhóm Hoa thương nhem nhúm còn quá luộm thuộm, giờ đây cũng được khuyến khích cho có qui cũ. Vị trí này sau đã nhanh chóng thành tên Cảng Đại Phố. Đây chính là bến cảng non trẻ nhất của miền này ở cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII.

Về quân sự: Đã có sẵn một lực lượng binh chủng gồm: thủy binh, bộ binh, tinh binh và thuộc binh. Thống suất cho cắt đặt các cơ đội canh phòng yên ổn thôn trang và quân lính cả hai dinh lo bảo vệ chủ quyền tại suốt vùng đất mới thành lập.

Thời ấy, vua Cao Miên (tức Chân Lạp) lúc bấy giờ là Nặc Ông Thu. Mặc dầu bên trong hoàng tộc của ông vẫn thường xảy ra nổi loạn tranh chấp nhưng bên ngoài, đối với sự định vùng biên giới của nhà Đại Việt thì ông tìm cách làm ổn định cho cả đôi bên Việt Miên. Sự thần phục tiến cống được ông với chúa Nguyễn được nối lại như trước.

Sau hết đến vấn đề di dân và khuyến nông đã được triều đình chúa Nguyễn chấp thuận. Thống suất Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh cấp tốc phái thuộc binh đi hô hào chiêu mộ dân chúng từ miền Ngũ Quảng vào Gia Định lập nghiệp.

Như vậy chúa Nguyễn đã xác lập quyền quản lý về mặt nhà nước đối với các xứ Đồng Nai (huyện Phước Long) - Sài Gòn (huyện Tân Bình), sáp nhập hẳn vào lãnh thổ Đàng Trong, tổ chức các đơn vị hành chính và bộ máy chính quyền từ cấp dinh trấn cho đến tận các thôn xã, thực thi quyền lực nhà nước trong việc quản lý đất đai, hộ khẩu thu thuế và trưng thu các nguồn lợi tự nhiên và thu thuế qua việc trao đổi với thương nhân nước ngoài. Đến đây, Sài Gòn - Gia Định đã trở thành trung tâm hành chính - chính trị và đang từng bước hình thành một trung tâm kinh tế và văn hóa của vùng đất mới. Sự kiện năm 1698 là cột mốc quan trọng trong quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của Chúa Nguyễn đối với vùng đất Nam Bộ. Sự hình thành của Sài Gòn Gia Định ngày nay bắt đầu tư thuở cha ông đi khai phá và lập nghiệp cách đây hơn ba thế kỷ là vậy.

Cùng trong thời gian chúa Nguyễn xác lập chủ quyền ở Sài Gòn – Gia Định thì ở vùng Tây Nam Bộ, một người Hoa tên là Mạc Cửu là người xã Lôi Quách, huyện Hải Khang, phủ Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) cũng ''để tóc chạy sang phương Nam, đến nước Chân Lạp làm chức Ốc Nha…” [17, 327] (khoảng năm 1680). Nhân tình hình Chân Lạp đang rối ren, ông bỏ Nam Vang về phủ Sài Mạt [37, 196]. Với óc tổ chức của mình, Mạc Cửu đã có toàn bộ vùng đất Hà Tiên - Long Xuyên - Bạc Liêu - Cà Mau (được gọi chung là Hà Tiên) và kiến tạo vùng này thành khu vực cát cứ của dòng họ mình, không còn lệ thuộc vào chính quyền Chân Lạp nữa. Khi đặt chân đến vùng đất này, Mạc Cửu mở tiệm hút, trưng mua việc thu thuế hoa chi các sòng bạc lớn để làm giàu. Từ đó, trên mảnh đất này, người Việt, người Hoa, người Liêu, người Man đua nhau kéo đến trú ngụ làm ăn, hộ khẩu ngày càng trù mật. Sự phát triển “độc lập” của vùng đất Hà Tiên dưới quyền cai quản của Mạc Cửu, Mạc Thiên Tứ đã từng được người Trung Quốc đương thời nhìn nhận như là một quốc gia riêng. Sách Thanh triều văn hiến thống khảo gọi đây là nước Cảng Khẩu (Cảng Khấu quốc): ''nước này có nhiều núi cao, địa hạt khoảng 100 dặm vuông. Thành và các cung thất làm bằng gỗ không khác Trung Quốc mấy. Chỗ Vua ở xây bằng gạch ngói. Chế độ trang phục phảng phất các Vua đời trước, búi tóc, đi võng, chít khăn, đội mũ. Vua mặc áo bào vẽ trăn rắn, lưng thắt dải đai, giày dép bằng da: Dân mặc áo vạt cổ rộng. Khi có tang thì mặc đồ màu trắng, bình thường thì áo nhiều màu... Họ gặp nhau thì chắp hai tay chào theo lễ Phong tục nước này ham chuộng thơ văn, trong nước có dưng đền thờ Khổng Tử. Vua và dân đều đến lễ...” [5, 42].

Năm 1691, Phó Quốc Vương Nặc Ông Nộn (Ang Non) ở Sài Gòn qua đời. Từ đây, khu vực Nam Bộ không còn đại diện của Vương triều Chân Lạp cai quản nữa.

Năm 1708, Mạc Cửu xin nội thuộc chúa Nguyễn và đem đất Hà Tiên sáp nhập vào lãnh thổ của chúa Nguyễn.

Đến đầu thế kỷ XVIII, chủ quyền Việt Nam đã mở rộng đến tận Hà Tiên và mũi Cà Mau, bao gồm cả các hải đảo ngoài Biển Đông và vịnh Thái Lan. Lúc này, bên cạnh đội Hoàng Sa trấn giữ các quần đảo giữa Biển Đông, chúa Nguyễn còn lập ra đội Bắc Hải (dưới sự kiêm quản của đội Hoàng Sa) có trách nhiệm khai thác hóa vật, kiểm tra, kiểm soát thực thi chủ quyền của Việt Nam ở khu vực ''các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên”. Năm 1739, quốc vương Chân Lạp Nặc Bồn đem quân đánh Hà Tiên, nhưng bị các đạo quân do Mạc Thiên Tích (con Mạc Cửu) cùng vợ mình đánh bại. Chúa Nguyễn khen ngợi, cử ông làm Đô đốc tướng quân và ban cho áo bào đỏ cùng mũ, đai. Bà vợ ông cũng được phong làm phu nhân (Hiếu Túc Thái Phu Nhân) [6, 177].

Năm 1744, chúa Nguyễn Phúc Khoát tổ chức lại bộ máy hành chính thống nhất. Nam Bộ lúc ấy gồm 3 dinh là dinh Trấn Biên, dinh Phiên Trấn, dinh Long Hồ và trấn Hà Tiên.

Năm 1756, vua Chân lạp Nặc Nguyên ''xin hiến đất hai phủ Tầm Bồn, Lôi Lạp và nộp bù lễ cống còn thiếu 3 năm về trước để chuộc tội”. Sau khi bàn tính kỹ, chúa Nguyễn đã chấp nhận việc ''lấy đất hai phủ ấy, uỷ cho thần xem xét hình thế, đặt luỹ đóng quân, chia cấp ruộng đất cho quân và dân, vạch rõ địa giới cho đặt lệ vào châu Định Viễn để thu lấy toàn khu”. Năm sau (1757), Nặc Nguyên qua đời. Người chú họ là Nặc Nhuận tạm trông coi việc nước, nhưng ngay sau đó triều đình Chân Lạp lại rối loạn, đánh giết lẫn nhau. Người con của Nặc Nhuận (em họ của Nặc Nguyên) là Nặc Tôn (Outey II) chạy sang Hà Tiên. Mạc Thiên Tứ đã cưu mang và giới thiệu Nặc Tôn lên chúa Nguyễn. "Chúa bèn sắc phong cho Nặc Tôn làm Vua nước Chân Lạp, sai Thiên Tứ cùng với tướng sĩ năm dinh hộ tống về nước. Nặc Tôn bèn dâng đất Tầm Phong Long... Bấy giờ Nặc Tôn lại cắt năm phủ Hương Úc, Cần Bột, Chân Sum, Sài Mạt, Linh Quỳnh để tạ ơn mạc Thiên Tứ, Thiên Tứ hiến cho triều đình. Chúa cho lệ năm phủ ấy vào quản hạt Hà Tiên, Thiên Tứ xin đặt Giá Khê làm đạo Kiên Giang, Cà Mau làm đạo Long Xuyên, đều đặt quan lại, chiêu dân cư, lập thôn ấp làm địa giới Hà Tiên ngày càng thêm rộng” [36, 27]. Như vậy, đến năm 1757, những phần đất còn lại ở miền Tây Nam Bộ mà trên thực tế đã thuộc quyền cai quản của Chúa Nguyễn từ trước đó, chính thức thuộc chủ quyền của Việt Nam. Sau này, dưới thời Nhà Nguyễn (1802 - 1945), tuy có một số địa điểm cụ thể vẫn còn được tiếp tức điều chỉnh, nhưng trên căn bản khu vực biên giới Tây Nam Việt Nam đã được hoạch định từ năm 1757.

2.2. Sự thiết lập và phát triển đô thị cảng Sài Gòn

Đô thị hóa là quá trình tất yếu của mỗi quốc gia trong tiến trình phát triển của lịch sử, trình độ kinh tế gắn với công thương nghiệp. Đô thị hóa là quá trình chuyển từ sản xuất nông nghiệp phân tán sang sản xuất phi nông nghiệp (thương nghiệp, công nghiệp, dịch vụ…) trên một địa bàn nhất định. Đồng thời đô thị hóa còn gắn với quá trình tập trung ngày càng đông dân cư vào khu vực thành thị, các trung tâm, từ đó nâng cao vai trò của các đô thị trong sự phát triển kinh tế - xã hội. Với vị thế thuận lợi cho sự phát triển công thương nghiệp, quá trình đô thị hóa ở vùng đất Sài Gòn xưa có những điều kiện xuất hiện khá sớm.

Lê Quý Đôn trong cuốn “Phủ biên tạp lục” viết vào những năm 80 của thế kỷ XVIII đã cho biết: người dân Thuận Hóa chủ yếu sống nhờ vào thóc gạo của xứ Đồng Nai - Gia Định. “Ngày trước việc buôn bán với Đồng Nai được lưu thông thì tại kinh thành Phú Xuân giá gạo một hộc mười thăng chỉ có ba tiền đồng mà có thể đầy đủ cho một người ăn trong một tháng, cho nên nhân dân ở Thuận Hóa chưa hề phải lưu tâm chú ý đến việc làm nghề nông. Ngày nay thành Quy Nhơn bị loạn lạc, thành Gia Định bị núi cách sông ngăn, nên nhân dân ở nơi đây lấy việc thiếu ăn làm điều lo lắng lớn” [7, 252 – 253]. Ghi nhận của Lê Quý Đôn cho thấy, từ thế kỷ XVIII, Sài Gòn - Gia Định đã là nơi cung cấp lúa gạo chủ yếu không chỉ cho nội vùng mà còn của cả xứ Đàng Trong, nhất là vùng Thuận Hóa.

Trên cơ sở một nền nông nghiệp phát triển, các ngành nghề thủ công đã ra đời, đáp ứng nhu cầu đa dạng của dân chúng và chính quyền. Hiện chưa có số liệu thống kê chính xác về số ngành nghề và số lượng thợ thủ công chuyên nghiệp, nhưng qua sử liệu của Nhà Nguyễn đã biết rằng vào cuối thế kỷ XVIII (1791), chính quyền chúa Nguyễn đã cho đặt ở Gia Định 62 ty, cục, tượng chuyên chế tạo các loại vật phẩm cung ứng cho nhu cầu của triều đình phong kiến. Đó là còn chưa kể đến thủ công nghiệp gia đình mang tính tự phát của nhân dân.

Việc lưu thông, buôn bán cũng đã diễn ra tấp nập. Lê Quý Đôn cũng mô tả “Miền Gia Định có rất nhiều lúa thóc… những lúc bình thường, người ta chuyên chở thóc gạo ra bán tại thành Phú Xuân để đổi chác hay mua sắm những hàng vóc, nhiễu, trừu đoạn của người Tàu đem về may mặc, nên quần áo của họ toàn là hàng hoa màu tươi tốt đẹp đẽ. Ít khi họ dùng những áo quần bằng vải trắng” [7, 243b].

Cũng qua ghi chép về cuộc trò chuyện của một thương nhân ở nam Bố Chánh tên là Trùm Châm với Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục mà ta được biết về cách thức buôn bán của người Nam bộ khi ấy: “Khi đến địa giới Gia Định, xứ Vũng Tàu là xứ hải đảo có cư dân thì thu buồm nghỉ ngơi một chút, hỏi thăm nơi nào được mùa, nơi nào mất mùa, biết rõ nơi nào được mùa mới đến. Trước vào cửa Cần Giờ, rồi vào cửa Sài Lạp, cuối cùng vào cửa Đại, cửa Tiểu. Đến nơi nào cũng thấy thuyền buồm đầy bến. Khi mặc cả thành giá thì người bán tự sai người nhà chuyển thóc xuống thuyền cho. Một tiền cổ mua được mười đấu lớn thóc, bằng ba bát ngang miệng của hộ phiên, tức là 30 bát quan, tính ra một quan đong được 300 bát quan thóc. Không có nơi nào giá thóc rẻ như thế. Ở đó, gạo rất trắng và mềm, cá tôm to và béo không thể ăn hết, nên dân thường luộc chín phơi khô để bán”. [7, 60].

Do sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế sớm mang tính chất hàng hóa, nên ngay từ thế kỷ XVIII, nhiều thị tứ, trung tâm buôn bán sầm uất đã ra đời, trong đó có những trung tâm thương mại nổi tiếng như: thương cảng Cù Lao Phố, tức Nông Nại đại phố (ở Biên Hòa); thương cảng Sài Gòn (tức Chợ Lớn ngày nay) hình thành và phát triển từ năm 1788; thương cảng Mỹ Tho (tức Mỹ Tho đại phố); thương cảng Bãi Xàu (Mỹ Xuyên ngày nay) hình thành vào đầu thế kỷ XVIII…

Bằng tư duy thương nghiệp, tư duy hàng hóa, tiền tệ nhóm Trần Thượng Xuyên đã sớm phát hiện ra ưu thế của Cù lao Phố với vị trí quan trọng trong kinh doanh của đường thủy, đường bộ nối liền miền Trung, đường bộ lên Cao Miên và đường thủy xuống Gia Định. Việc buôn bán ở nơi thương cảng này được tổ chức khá bài bản, khéo léo và mang tính chất kinh doanh lớn dưới dạng xuất nhập khẩu, có nhiều kho hàng dự trữ hàng hóa nhập vào và dự trữ hàng hóa thâu mua với nhiều chân rết.

Sự hình thành và phát triển mạnh mẽ của trung tâm thương mại Cù Lao Phố đã mở đường đưa nông sản, lúa gạo sản xuất trong vùng trở thành hàng hóa.

Từ sau năm 1778 sau khi thương cảng Cù lao Phố bị tàn phá do các cuộc chiến tranh giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh thì thương cảng Sài Gòn (vùng Chợ Lớn ngày nay) được hình thành và phát triển.

Ngược lại dòng lịch sử hơn 300 năm qua, năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh vâng theo chỉ dụ của chúa Nguyễn vào Nam kinh lược: “Lấy đất Nông Nại làm phủ Gia Định, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn” [8, 12] chính thức thành lập chính quyền cai trị và xác lập chủ quyền trên mảnh đất này. Và cũng kể từ đó lưu dân đến đây khai khẩn ngày càng đông đúc, các phố thị, dinh thự, kho tàng, ... mọc ngày càng nhiều, “Sài Gòn trở thành trung tâm hành chánh, cư ngụ, thương mại khá quan trọng ngay từ buổi đầu lập quyền cai trị chính qui”.

Đặc biệt, cần nhấn mạnh rằng người Việt tiến vào đồng bằng Nam Bộ lúc họat động ngọai thương ở khu vực Đông Nam Á khởi sắc. Ngoài thương cảng Hội An vốn đã nổi tiếng từ thế kỷ XVI - XVII, các trung tâm thương nghiệp như Hà Tiên, Cù lao Phố cũng khá phát triển, nên sau khi chính thức xuất hiện trên bản đồ Việt Nam, Sài Gòn cũng mau chóng trở thành một thương cảng lớn. Từ đây, lúa gạo được thương lái chất lên thuyền đem bán cho nhiều nước ở Đông Nam Á, Trung Quốc. Ngoài người Việt, Sài Gòn còn là nơi tụ hội, lui tới của đủ mọi thành phần dân cư: Hoa, Khmer, Ấn, Âu….

Theo thời gian, đô thị cảng này cũng phát triển thành một trung tâm thương nghiệp trong khu vực, xuất khẩu không chỉ nông sản hàng hóa của khu vực Nam Bộ mà còn là đầu mối xuất khẩu nhiều lâm thổ sản của Campuchia. Ở vùng Sài Gòn – Gia Định không chỉ phát triển nông nghiệp, mà nhiều trung tâm thủ công nghiệp, trung tâm thương mại đã rất phát triển. Như nghề thủ công, ở Sài Gòn có thôn chuyên làm nghề gốm, có thôn chuyên làm đinh, rồi thôn đan buồm, thôn đúc đồng, thôn làm nghề nhuộm... . Theo nguyên ngữ, “thành” có nghĩa là “chỗ địa phương người nhiều, thế hiểm xung quanh có tường vây kín”. Còn “phố” là chỗ buôn bán hàng hóa. Kể từ khi lúa gạo trở thành hóa mà việc trao đổi và buôn bán phần lớn thực hiện ở Sài Gòn, đầu mối giao thông thủy bộ thuận tiện nhất đối với toàn vùng và quốc tế, thì “phố” và “thị” (tức chợ) mọc lên như nấm [11, 236]. Phố là hình tức buôn bán thường xuyên và tập trung, không như quán hàng lèo tèo trong miền quê nông nghiệp. Chợ cũng vậy, tuy cùng gọi một tên, song chợ ở đây là nơi trao đổi hàng hóa giữa các địa phương xa cách nhau. Theo ghi chép từ Trịnh Hoài Đức: chợ Bến Nghé với “phố xá trù mật”, chợ Cây Da Còm “buôn bán suốt ngày”, Chợ Bến Thành “phố, chợ, nhà cửa rất trù mật, họp chợ dọc ven sông”. Ở đầu bến, theo lệ tháng đầu xuân gặp nhằm ngày tế mã, có thao diễn thủy binh. Bến này có đò ngang đón chở khách buôn tàu biển lên bờ. Đầu phía bắc là ngòi Sa Ngư, có bắc cầu ván ngang qua, hai bên nách cầu có phố bằng ngói, tụ tập hàng trăm thức hàng hóa, dọc bến sông thuyền buôn lớn nhỏ đậu nối liền nhau; phố chợ Sài Gòn, cách trấn về phía nam 12 dặm ở hai bên tả hữu đường cái quan, là đường phố lớn, thẳng suốt 3 đường, giáp đến bến sông, một đường ngang ở giữa, một đường đi dọc theo sông. Các đường ấy đan xuyên nhau như chữ điền, phố xá liền mái nhau, người Việt và người Tàu ở chung lộn dài độ 3 dặm. Hàng hóa trong phố bày bán có: gấm, đoạn, đồ sứ, giấy má, châu báu trang sức, hàng sách vở, tiệm thuốc, tiệm trà, tiệm hủ tíu. Hai đầu nam bắc bến sông không gì là không có. Đầu phía bắc đường lớn của bổn phố có miếu Quan Đế và 3 hội quán: Phúc Châu, Quảng Đông, và Triều Châu chia đứng hai bên tả hữu; phía tây ở giữa đường lớn có miếu Thiên Hậu, gần phía tây có hội quán Ôn Lăng, đầu phía nam đường phố lớn về phía tây có hội quán Chương Châu. Gặp ngày tốt, đêm trăng, như Tam nguyên, rằm, mùng một thì treo đèn đặt án tranh đua kỳ xảo trông như là cây lửa, cầu sao, thành gấm, hội quỳnh, kèn trống huyên náo, nam nữ dập dìu, thật là một phố lớn nơi đô hội náo nhiệt. Trong đường phố lớn có cái giếng xưa, nước ngọt tràn trề, bốn mùa không cạn. Sông nhỏ chảy ngang phố có bắc cầu ván lớn, trên có hai dãy hành lang mái ngói, treo màn che nắng, đường đi râm mát như đi dưới mái nhà cao. Giữa phố về phía đông đường lớn có chợ Bình An bán đủ sản vật quý ở núi biển và thổ sản các nơi, ban đêm còn thắp đèn mua bán. Chợ Thị Nghè trên bến dưới thuyền, rồi chợ Tân Kiểng, chợ Quán, Chợ Nguyễn Thực, chợ Bình An… Ở các chợ, theo mô tả của du khách người Anh là Finlayson, có mặt ở Sài Gòn vào năm 1821 thì: gà, vịt, thịt heo, thịt sấu… đã nhiều lại rẻ, gạo trắng, cá tươi, cá khô, thuốc lá, hạt tiêu, đường, dao, kéo, đinh, sơn, buồm, chiếu, sừng v,v… không thể kể xiết, và trầu cau thì không thấy ở đâu nhiều bằng xứ này. Quyển Gia Định thành thông chí nêu rằng: “Phố Sài Gòn, cách Nam trấn 12 dặm ở hai bên quan lộ, ấy là một đường cái lớn, lại có đường thẳng dọc đến bờ sông, một đường giữa xuyên ngang, một đường thẳng bờ sông…. Hàng phố liền nhau, người Tàu người Việt ở xen lẫn nhau, dài ước ba dặm, buôn bán gấm vóc, đồ sứ, hàng giấy, hàng sách, hàng thuốc bắc, hàng trà, hàng bánh, không thiếu món gì”. Về cách thức buôn bán thì: “Tàu buôn đến bến hạ neo xong rồi, thuyền chủ kê biên các hang hoá trong thuyền cho nhà hàng, hiệu buôn trên đất biết; các hiệu buôn ấy sẽ định giá mua cất tất cả. Hàng xấu hàng tốt đều bao mãi hết, không để một món nào ứ đọng; đến ngày trở buồm về Tàu, muốn cần mua món hàng gì, cũng làm sẵn hoá đơn, nhờ chủ hàng phố mãi biện. Như thế chủ khách đều tiện lợi, sổ sách phân minh, khách cứ việc đàn hát rong chơi, nước ngọt dùng hàng ngày đầy đủ, khỏi lo ván thuyền bị hà ăn, chỉ chờ đến nhật kì, sẽ chở hàng đầy thuyền, hân hoan trở về xứ sở” [1, 211].

Trong cư dân, đã hình thành những nhóm nghề mang tính chất “phường hội” như xóm Chiếu, xóm Cốm, xóm Lá, xóm Lò Rèn, xóm Câu, xóm Dầu, xóm Lò Gốm, xóm Chỉ, xóm Đệm Buồm, xóm Bột... Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức mô tả: Sài Gòn có “chợ phố liền lạc, nhà tường nhà ngói liên tiếp cùng nhau… Tàu nghe ở Hải Dương đến buôn bán qua lại, hàng hoá đủ cả trăm thức, xưng làm đại đô hội ở Gia Định, cả nước không đâu sánh bằng”.

Không chỉ là trung tâm kinh tế, đô thị cảng Sài Gòn còn là một trung tâm văn hóa với nhiều gương mặt xuất sắc như Võ Trường Toản, Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhân Tịnh… Trên đất Sài Gòn có nhà Tinh Học, nhà Phủ Học, có trường thi…Hai khoa thi đầu tiên ở Gia Định (năm 1791 và 1796) có gần 300 người đỗ đạt[6]. Tình hình nói trên cùng với mạng lưới sông rạch dày đặc ở Nam bộ đã khiến Sài Gòn cũng đồng thời trở thành một trung tâm văn hóa và hành chính quan trọng, một đô thị lớn sánh ngang Thăng Long và Phú Xuân. Song khác với Thăng Long và Phú Xuân vốn là trung tâm chính trị mở rộng thành trung tâm kinh tế, Sài Gòn – Gia Định là trung tâm kinh tế (thương nghiệp, thủ công nghiệp) trước rồi mới trở thành trung tâm chính trị - văn hóa: thành phố này đã hình thành theo quy luật của các đô thị tiền tư bản, tức yếu tố “thị” có trước rồi phát triển thành yếu tố “thành” chứ không phải như các đô thị phong kiến ở đó yếu tố “thành” có trước rồi mở rộng thêm yếu tố “thị” [16, 12].

Thương cảng Sài Gòn (hay đô thị cảng Sài Gòn) được xem là cửa ngõ giao thương với các nước trong khu vực và quốc tế, đóng vai trò quan trọng cho mảnh đất này trong quá trình giao lưu và hội nhập văn hoá. Cho đến cuối thế kỷ XVIII, thương cảng Sài Gòn là một nơi buôn bán tấp nập, trù phú như nhận định của L.Malleret (người Pháp): “Gia Định là chỗ đô hội thương thuyền của các nước, cho nên trăm món hàng hoá đều tụ về đây”. Cho đến khi thực dân Pháp xâm lược, chúng cần có một cảng thương mại lớn để phục vụ cho việc khai thác thuộc địa. Năm 1860, thực dân Pháp đã đón một số người Hoa (Hoa kiều) ở Singapore sang xây dựng một bến cảng dài gần 2.000m trên bờ sông Sài Gòn và kết hợp với giang cảng Sài Gòn - Chợ lớn để biến nơi này trở thành chốn vận chuyển lúa gạo và hàng hoá, vũ khí lớn không chỉ ở Nam bộ mà cho cả khu vực Đông Nam Á lúc bấy giờ. Nguyễn Phan Quang đã có nhận xét về vai trò của cảng Sài Gòn: “Sài Gòn không chỉ là một điểm dừng chân như Singapore mà trở thành đầu mối của các tuyến hàng hải từ Châu Âu sang Viễn Đông” [31, 61]. Đây chính là cơ hội để Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh vươn mình đón nhận nhiều luồng văn hoá từ Đông sang Tây hơn suốt 300 năm qua.

2.3. Vị trí và vai trò của Sài Gòn trong giai đoạn thế kỷ XVII – XIX

2.3.1. Sài Gòn dưới thời các chúa Nguyễn

Vào thế kỉ I sau công nguyên, vùng Sài Gòn - Gia Định thuộc vương quốc Phù Nam. Hải cảng lớn nhất của Phù Nam là Óc Eo - Ba Thê (An Giang ngày nay). Tuy nhiên với di vật khảo cổ của nền văn hoá này cho thấy, Sài Gòn cũng là trung tâm văn hoá thời đó, nhưng không quan trọng bằng Óc Eo. Trên đất Sài Gòn lúc trước có rất nhiều tộc người cư trú. Nhưng đến thế kỉ VI, người Khmer nổi lên đánh bại vương quốc Phù Nam, lập ra vương quốc Chân Lạp. Trên danh nghĩa Sài Gòn thuộc quyền cai quản của Chân Lạp, nhưng thực tế, Sài Gòn vẫn là đất tự do và hầu như vô chủ. Sài Gòn lúc đó từ cửa Tiểu, cửa Đại. Xoài Rạp chỉ toàn là rừng rậm bạt ngàn. Mãi đến thế kỉ XVI – XVII, khi lưu dân Việt vào đây khai hoang lập ấp họ đã biến nơi đây thành vùng đất mới với nhiều tiềm năng. Ở nơi đây dần dần trở thành thị trấn đông đúc và nơi đi lại tiện lợi. Dưới thời Nguyễn, năm 1679, nơi đây được chọn làm cơ sở chính quyền của chúa Nguyễn. Ngay từ năm 1698, Sài Gòn đã có đồn dinh của quan Thống suất, có nha thự ở Tân Thuận, có kho Quản Thảo tập trung gạo và tiền thuế, cùng các phố thị ở nhiều nơi (về sau mang tên Thị Nghè, Đất Hộ, Chợ Lớn, Chợ Quán…). Cuối thế kỉ XVII đầu thế kỉ XVIII, Chợ Sài Gòn (tức Chợ Lớn) được lập nên, trở thành nên buôn sầm uất với nhiều loại hàng hóa, nhất là lúa gạo. Năm 1772, sau khi đánh thắng quân Xiêm có ý đồ xâm phạm miền biên cảnh, quan Điều khiển Nguyễn Cửu Đàm đem lại binh khải hoàn về Gia Định, cho đắp lũy (lũy Bán Bích) và đào kinh Ruột Ngựa làm công trình phòng thủ bảo vệ Sài Gòn, nối liền Rạch Cát và Rạch Lò Gốm với Rạch Vàm Bến Nghé, tên Sài Gòn – Bến Nghé xuất hiện từ đó “Sài Gòn trước kia là vùng chợ lớn; Sài Gòn bây giờ lại là ở vùng Bến Nghé. Chợ Lớn thuộc huyện Tân Long, Bến Nghé thuộc huyện Bình Dương, cả hai bên đều thuộc phủ Tân Bình. Sài Gòn – Chợ Lớn tuy hai mà một, khi hợp khi chia, tuỳ theo thời kỳ lịch sử, người ta gọi chung là “Sài Gòn”. Như vậy, từ năm 1772, Sài Gòn thực sự đã là một “thành phố” với đầy đủ ý nghĩa của nó: “thành” là “chỗ địa phương người nhiều, thế hiểm, xung quanh có tường vây kín; “phố” là nơi buôn bán hàng hóa. Với vai trò và vị trí quan trọng, Sài Gòn được sánh ngang với Băng Cốc. Sài Gòn đã trở thành trung tâm tài chính, cư ngụ thương mại quan trọng của vùng Nam Bộ. Dưới thời Nguyễn từ năm 1802 – 1859, Sài Gòn là thủ phủ của Gia Định Thành, Phủ Nam Kì lục tỉnh.

Ngược dòng Tân Bình, tục danh sông Bến Nghé, ta sẽ tới thành Gia Định tức Sài Gòn. Tới cửa thành, sông vẫn rộng và sâu, rất thuận tiện cho việc giao thông. “sông Tân Bình… ở trước thành gia Định, tục danh sông Bến Nghé, rộng 142 tầm (345m77), sâu 10 thước (4m87), con nước lên thì sâu 13 thước (6m33), những tàu buôn và ghe lớn nhỏ của bản quốc và ngoại quốc liên tiếp đến đậu, trông thấy trụ buồm liên lạc, làm ra một đại đô hội [8, 38].

Nằm trên vị trí ưu việt đó, Sài Gòn thật xứng đáng với danh hiệu “đầu mối giao thông của cả nước”, nhưng đồng thời nó cũng xứng đáng là đô thị cảng của cả nước. Chúng ta có thể tìm thấy những điều này qua các luận cứ sau:

2.3.1.1. Sài Gòn là trung tâm thương mại lớn ở xứ ta “không đâu bằng”

Ở giữa hệ thống giao thông về thuận lợi, giữa một vùng kinh tế mới đang chuyển mình đi lên, Sài Gòn đã trở thành trung tâm thương mại rất sớm. “Gia Định là chỗ đô hội thương thuyền của các nước, cho nên trăm món hàng hóa phải tụ hội ở đây” [8, 47]. Sài Gòn là trung tâm thương nghiệp của miền Nam mà cũng là nơi xuất khẩu quan trọng với nước ngoài.

Khi ấy, cũng có nhiều tàu buôn bên Tây sang Đồng Nai mà buôn bán; bởi vì đất Đồng Nai thì tốt lắm, hay sinh ra những bông lúa, cau, đường cát, hồ tiêu, gừng, sáp, tơ, gà, lợn, hoa quả, săng gỗ rất bền mà đóng tàu, và những giống khác thế ấy. Cho nên những tàu ấy chở đem những khí giải, thuốc súng và các đồ binh khí để bán cho vua, mà mua các đồ thổ sản thì lợi cho vua lắm. Người lại cho mấy lái buôn ấy sang Manila cho đặng mua tàu, và lấy tên vua mà mời các lái buôn ấy sang Macao và bên Đồng Nai nữa. Trước khi bị Nguyễn Ánh tái chiếm, Sài Gòn đã là một trung tâm thương nghiệp có tiếng; nhưng từ khi Nguyễn Ánh ráo riết chuẩn bị hậu cần đánh ra Bắc, thì đó cũng là đòn bẩy cho việc bán buôn ở Sài Gòn thêm tấp nập.

Món hàng trao đổi chủ lực của thời ấy là gạo. Gạo được trao đổi trong phạm vi kinh tế đã đành, mà còn làm phương tiện trao đổi ngoại giao và chính trị nữa. Như “tháng 4 (1789), nước Xiêm đại hạn, đói lắm, sai thuyền đến nước ta xin đong gạo: ngài (Nguyễn Ánh) cho hơn 8.800 vuông gạo (được 200 xe Xiêm)” [35, 21]. Vuông tức là giạ, mỗi giạ nặng 23 kg. Số gạo đó nặng khoảng 2.024 tấn. Hay khi nghe tin quân Thanh đánh Tây Sơn, Nguyễn Ánh mừng quá “sai Phạm Văn Trọng đem thư đi Quảng Đông và đưa 50 vạn cân gạo giúp!” (khoảng 340 tấn) khuyến khích, giúp quân Tàu đánh nước mình. Năm sau, “nước Tam Hoạt sai sứ thần… sang dâng đồ binh khí. Khi về, vua ban cho Quốc trưởng nước ấy một cái tàn vàng và một vạn cân gạo” [35, 23] (tức gần 7 tấn). Còn Laurent Baziri thì được cho “coi việc lương phạn nên hay sai đi chở gạo qua Thiên Trước (tức Ấn Độ nay), Manille, Batavia, Malacca bán mà mua hay là đổi lấy súng ống thuốc đạn.

Vậy không những gạo đã thành hàng hóa, gạo còn là món hàng chiến lược: lúc đầu nhà nước muốn độc quyền lúa gạo nên nghị định cho “các thuyền buôn nước ngoài không được chở các đồ cấm như lúa gạo, kỳ nam, ngà voi, trầm hương và sừng tê”. Sau lại quy định rộng hơn: “Thuyền người Tàu chở sắt, gang, lưu huỳnh chỉ sang nước ta, thời nhà nước mua. Nhưng tùy nhiều ít chia hạng mà tha thuế nhập cảng, cho chở gạo về nước Tàu. Từ đó người buôn vui việc buôn bán, các đồ binh khí cũng dồi dào”. Song hình như chỉ tha thuế cho số lượng lớn, chứ ít thì vẫn phải đóng thuế: “cứ thuyền có các thứ ấy trên 10 vạn cân thì miễn thuế cho chở 30 vạn cân gạo đi, mà nộp thuế y lệ định”. Xem cách đánh thuế như vậy, thì biết Nguyễn Ánh muốn dùng gạo để câu mua được nhiều vũ khí đạn dược; đồng thời cũng thấy được phần nào số lượng gạo khá quan trọng đem xuất khẩu mỗi năm. Chính sách kinh tế xã hội của nhà Nguyễn khá thong thoáng cởi mở đã góp phần thúc đẩy việc khai hoang và biến lúa gạo trở thành hang hóa thương phẩm qua trọng ở vùng đất Gia Định trước kia. Gia Định không chỉ là vùng sản xuất lúa gạo hang đầu ở phía Nam mà còn của cả nước, vùng Thuận – Quảng miền Trung cũng nhờ lúa gạo của Gia Định do các thương nhân chuyển ra để sử dụng trong đời sống. Từ giữa thế kỷ XVIII ở đây đã hình thành nên một thị trường lúa gạo nhộn nhịp bán – mua. Các hoạt động nông nghiệp truyền thống đã tạo điều kiện cho hoạt động công thương nghiệp phát triển, làm thay đổi bộ mặt vùng đất mới. Cũng từ đó Sài Gòn đã trở thành nơi mà thành thị phát triển sớm, nhanh của miền Nam và của cả nước.

Hàng năm, trong lúc bình thời, có hàng trăm chiếc tàu buôn người Hoa và hàng chục chiếc thương thuyền Tây phương tới trao đổi hàng hóa ở Sài Gòn. Ngoài gạo, khách thương còn mua nhiều loại đặc sản quý giá và một số khá lớn đường cát. Chính quyền đã sai “dinh Trấn Biên (sau là Biên Hòa) hòa mãi đàng cát (nghĩa là mua theo giá thỏa thuận), phòng khi đổi binh khí cho người Thái Tây” … Còn thuyền buôn lớn nhỏ trong nước, có lẽ mỗi năm đã có tới cả ngàn chuyến cập bến Sài Gòn, Những thuyền này cũng đến đong gạo, mua hàng thổ sản và khá nhiều trầu cau.

Trong khắp miền Nam đất mới khi ấy, không đâu tập trung nhiều phố chợ như trên địa bàn Sài Gòn. Chợ Bến Nghé với phố xá trù mật (ở bờ sông khoảng đầu đường Đồng Khởi-Nguyễn Huệ ngày nay). Chợ Cây Da Còm (trước Viện Bảo tàng cách mạng thành phố) buôn bán suốt ngày. Chợ Bến Thành (trên khoảng trường trung học Ngân hàng đường Nguyễn Huệ nay) có phố sá trù mật ở hai bên kinh Sa Ngư (sau lấp đi thành đại lộ Nguyễn Huệ), có đò ngang, cầu ván, phố ngoái, hàng hóa tụ tập rất nhiều, thương thuyền lớn nhỏ đậu bến liên tiếp. Chợ Bến Sỏi (bên này sông nhìn sang Nhà Rồng) có phố ngói liên lạc, bên bờ sông xưa là bến tắm ngựa, có cầu bắc ngang sang đồn Thảo Câu (tức cầu sang Khánh Hội đầu đường Nguyễn Tất Thành nay). Chợ Điều Khiển (đường Nam Quốc Cang, thông từ đường Nguyễn Trãi qua Bùi Thị Xuân) cũng là phố xá trù mật. Chợ Thị Nghè khá lớn, trên bến dưới thuyền. Chợ Tân Kiểng (gần Chợ Quán nay) thường năm đến Tết Nguyên Đán có tổ chức cuộc chơi vân sa và đánh đu tiên, nên cũng gọi là Chợ Lớn. Phố chợ Sài Gòn (cũng chính là trung tâm Chợ Lớn nay) có “phố xá liên tiếp liền mái nhau, người tàu và người ta ở chung, dài độ 3 dặm. Hàng hóa trong các phố bày bán có: gấm đoạn, đồ sứ, giấy mực, châu báo, sách vở, thuốc thang, trà bột… Những món hàng ở Nam Bắc theo đường sông đường biển chở đến không thiếu món nào… Phía đông đường lớn, giữa có phố chợ Bình An đủ sản vật quý báu ở núi ở biển và thổ sản các nơi, ban đêm còn thắp đèn mua bán [9, 96 – 99]. Với tình hình nội thương và ngoại thương như thế, Sài Gòn từ cuối thế kỷ XVIII xứng danh là một trung tâm thương nghiệp tầm cỡ.

2.3.1.2. Đô thị cảng Sài Gòn ngày xưa cũng là trung tâm công nghiệp khá quan trọng

Nam Bộ là đất mới, song nông nghiệp phát triển nhanh, gạo đã trở thành hàng hóa, thành thị sớm phát triển nên Sài Gòn cũng sớm có công nghiệp. Một số lao động được giải phóng khỏi sản xuất lương thực để trở thành thợ thủ công chuyên trách. Thợ thủ công ở Sài Gòn đã có tay nghề cao và được tổ chức thành “ty thợ” nếu phải làm cho nhà nước, thành “phường thợ” nếu được sản xuất tự do. Đa số mặt hàng đã đáp ứng nhu cầu trong xứ, và một phần giành cho xuất khẩu được khách nước ngoài rất ưa thích như mỹ trang bằng vàng bạc, vật dụng bằng đồi mồi, tàu bè đóng mới và sửa chữa, cùng các sản phẩm khác như đường cát, bông vải, tơ tằm, vóc đũi…

Riêng nghề đóng thuyền đã quan trọng, nhở sẵn gổ tốt như sao, trắc, bằng lăng, giáng hương, gõ, sến, táu, cẩm lai… ở ngay rừng kề cận. Thuyền đóng theo yêu cầu trong nước và cả ngoại quốc. Hầu hết thuyền lớn bên Cao Miên đề do thợ ta làm ra. Theo Lê Quý Đôn thì dân Lý Hòa thuộc Nam Bố Chính rất quen thích việc buôn bán “bình thời vào Gia định đóng thuyền lớn đến trăm chiếc, mỗi chiếc giá hơn nghìn quan” [7, 104] đem thuyền về làng để buôn bán hoặc bán lại. Riêng một đơn dặt hàng đó đã đáng giá 10 vạn quan, tất phải cần một số thợ và lao động chuyên môn không nhỏ.

Hầu hết 62 ty thợ đều tập trung ở Sài Gòn làm việc cho chính quyền năm 1791, là dấu hiệu cho ta thấy phần nào trình độ công nghiệp Sài gòn đã tương đối phát triển cách nay gần 2 thế kỷ. Có rất nhiều ty thợ, có thể kể đến như: ty thợ một ,ty thợ làm nhà, ty thợ chạm bạc, ty thợ Bạc Nội, ty thợ bạc Tả trung, ty thợ bạc Hữu trung, ty thợ giày Ngoại, ty thợ lồng đèn, ty thợ làm giấy… (đều thuộc dinh Phiên Trấn quản trị). Công trường thủ công lớn hơn cả có lẽ là Xưởng Thủy ở bờ sông Tân Bình và rạch Thị Nghè (nay là xưởng Ba Son), nơi sản xuất và sửa chữa mọi loại chiến thuyền, bơi đặt lò đúc các loại súng nhỏ bằng đồng hay bằng gang, nơi tập trung cả ngàn công nhân với nhiều ngành chuyên môn khác nhau.

Ngoài mấy chục ty thợ làm việc cho nhà nước, có thể còn có hàng trăm phường thợ khác làm việc cho dân gian tại chỗ hay cho khách từ xa tới mua hay đặt hàng. Nhiều ngành nghề đã tập trung vào một địa điểm để mang những địa danh chuyên nghiệp như: hàng Đinh, cóm Chiếu, đường Thợ Tiện, cầu Muối, xóm Cốm, xóm Lò Rèn, xóm Lò Gốm, chợ Đũi… Như vậy có thể thấy công nghiệp của Sài Gòn nãy nở khá lắm và thật sự Sài Gòn có truyền thống công nghiệp thử công nghiệp khá lâu.

2.3.1.3. Sài Gòn là nơi đầu tiên tiếp thu kỹ thuật Tây phương

Trước hết có lẽ là kỹ thuật quân sự, như đắp thành Bát Quái theo kiểu Vauban, đóng tàu đồng và đúc súng đạn theo lối Thái Tây… Thông thường thì kỹ thuật mới là do người nước ngoài đến chỉ vẽ, còn việc thực hiện đều do dân phu và thợ thủ công đảm đương. Người mình có tài bắt chước và dễ “học lỏm” không thành kiến với cái lạ mới mẻ, nên mau tiếp thu kỹ thuật Tây phương. Nhưng không phải chỉ bắt chước, ngay từ những buổi đầu đã có ngưới Việt Nam biết đi sâu vào cả lý thuyết lẫn thực hành để có thể làm lấy được mọi công đoạn. Chính sử còn ghi lại một đoạn khá điển hình như sau: Trần Văn Học sinh quán ở Bình Dương (tức Sài Gòn) từng theo Bá Đa Lộc, biết quốc ngữ latinh và tiếng Tây dương. Sau Lộc giới thiệu Học làm thông ngôn cho Nguyễn Ánh. Ánh đã cử Học theo Hoàng tử Cảnh sang Pháp; nhưng đến Pondichéry thì có trục trặc, Học trở về. Trần Văn Học phụ trách việc dịch sách, nhất là sách kỹ thuật Thái Tây cho Nguyễn Ánh. Đồng thời, Học kiêm cả “chế tạo hỏa xa, địa lôi và các hạng binh khí”. Đến năm 1790, xây thành Bát Quái, Trần Văn Học phụ trách việc “phác họa đường sá và phân khu phố phường”. Sau đó cùng với Vannier, Học điều khiển việc đóng tàu đồng theo kiều mới. Năm 1792, Học vẽ xong họa đồ thành Mỹ Tho. Học rất có tài vẽ địa đồ và họa đồ kỹ thuật. Ta có thề coi Trần Văn Học là người việt Nam đầu tiên đã biết vẽ bản đồ địa lý và đồ họa kỹ thuật theo phương pháp Tây phương.

Ngoài vũ khí, người ta đã biết sử dụng một số máy công cụ hoặc đo lường như ống dòm, khinh khí cầu, đồng hồ chỉ giờ…

Phía của Nguyễn Huệ cũng chú trọng tiếp thu kỹ thuật Tây phương chứ không riêng gì phía Nguyễn Ánh. Rõ ràng, chiến tranh có kích thích một sự phát triển kỹ thuật, đó là việc thường khi đông và tây đã giao tiếp. Tiếc rằng sau Nguyễn Huệ và sau Nguyễn Ánh, thì sự học tập và áp dụng kỹ thuật Tây phương ngày càng yếu dần.

Có thể nói: Đến giữa thế kỷ XIX, chỉ hơn một trăm năm kể từ khi người Việt đến khai phá, lập nghiệp tại xứ Sài Gòn, một vùng đất hoang vu đã đổi thịt thay da, từ sức sáng tạo,trí thong minh của con người Việt Nam đầy tính năng động. Một thành phố Sài Gòn với tiềm năng to lớn đã hình thành. Văn hóa đô thị đã thực sự phát triển, tạo được sự khâm phục với khách du lịch phương Tây đến với Sài Gòn vào thời ấy. Chúng tôi mạn phép trích lại một đoạn Du ký của Finlayson đến Sài Gòn năm 1821, in trong Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh năm 1987, thay cho lời kết của phần này:

“Quần chúng nhân dân rất lịch sự, có trật tự, có tư cách, hay kính nhường. Thật là vừa lý thú, vừa bất ngờ đối với chúng tôi. Ai nấy đều ăn mặc tử tế. Họ nhỏ thó người, nhanh nhẹn, mặt tròn có những nét đặc sắc”.

“Chúng tôi để nhiều thì giờ đi thăm nhiều khu vực của thành phố.Đến chiều chúng tôi trở về quán trọ, rất bằng lòng với những gì chúng tôi đã trong thấy. Chúng tôi có cảm giác tốt đẹp về phong tục và cử chỉ của nhân dân. Sự ân cần, tính rộng lượng, long hiếu khách mà chúng tôi đã gặp, vượt qua xa tất cả những gì mà chúng tôi đã thấy ở các nước châu Á” [37, 10].

2.3.2. Đô thị cảng Sài Gòn dưới triều Nguyễn (1802 – 1859)

Sài Gòn chỉ làm kinh đô Gia Định trong 10 năm, từ năm 1790 đến năm 1801. Sau khi đánh bại Tây Sơn, thống nhất sơn hà, Nguyễn Ánh lên ngôi Hoàng đế, lấy hiệu là Gia Long. Lập vương triều mới được vài năm, ông ta cho thành lập 2 cơ quan đại diện ở Bắc ThànhGia Định Thành để quản lý, ứng phó với mọi biến cố ở Bắc và Nam Việt Nam. Sài Gòn (thuộc Gia Định thành) tuy không còn là kinh đô như thời trước, nhưng nó vẫn là một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa lớn và có chức năng trọng yếu chi phối toàn cõi Nam Việt Nam đang có nhiều biến động sâu sắc.

Quá trình phát triển kinh tế được thúc đẩy mạnh, Sài Gòn là một trong những tỉnh thành trù phú nhất Việt Nam lúc bấy giờ. Theo các ghi nhận của người ngoại quốc, dân số Sài Gòn - Chợ Lớn cộng với 40 làng "nội thành" (đồng thời cũng là những trung tâm nhỏ) là khoảng hơn 100.000 nhân khẩu. Căn cứ vào bản đồ cuả Trần Văn Học (lập năm 1815) thì Sài Gòn đã có rất đông cư dân đến định cư ở phía Đông và Nam thành phố (các khu vực giới hạn bởi rạch Thị Nghè và rạch Bến Nghé). Trên địa bàn Bến Nghé (Sài Gòn bây giờ) đã có khoảng 40 đường phố, lộ giới từ 15 đến 20 mét và có đặc điểm là song song hay thẳng góc với bờ sông, bờ rạch. Đi vào tận trung tâm Bến Nghé còn có hai con kinh (trên vị trí của các đường Hàm Nghi và Nguyễn Huệ ngày nay). Phía Tây và Bắc thành Phụng ngược lại có ít người ở dù rằng trên trục đường dẫn vào Chợ Lớn đã có các cửa hàng buôn bán. Dọc theo các đường thủy và bộ nối liền hai trung tâm Sài gòn và Chợ Lớn là các xóm làng chợ. Ví dụ hai bên rạch Bến Nghé có đến 21 làng như vậy. Theo truyền thống các làng được tổ chức theo hoạt động chuyên ngành về thương mại cũng như về nghề thủ công. Đặc biệt hơn nữa là có rất nhiều chợ chuyên doanh (chợ Bến thành, chợ Điều Khiển, Chợ Sỏi, chợ Cây Da Còm, Chợ Quán, chợ Nguyễn Thúc, chợ Lò Rèn, chợ Bình An...), tất cả hợp thành một chuỗi đô thị nhỏ (nói theo ngôn ngữ hiện đại).

Sài Gòn thực sự là một trung tâm sản xuất và thương mại, nội địa cũng như quốc tế. Ngoài xưởng đóng tàu hoàng gia, sản xuất thủ công nghiệp là chính. Từ khi Gia Long dời đô về Huế, Sài Gòn đã mất đi phần nào ngành thủ công nghiệp cao cấp, ngành sản xuất vũ khí và ngành đóng tàu chiến. Nhưng động cơ chính của phát triển Sài Gòn vẫn là buôn bán gạo và các nông sản khác. Gạo được xuất sang tận Manille, Batavia hay Malacca. Việc chuyên chở do các ghe thuyền Hoa và tàu biển Âu châu (mấy chục chuyến mỗi năm) đảm nhiệm. Nguồn thu nhập này đã giúp thực hiện dễ dàng một chương trình đào và khai thác một mạng kinh quy mô lớn, vừa mở rộng thêm diện tích canh tác vừa giải quyết giao thông thuận lợi. Nhờ đó vị trí trung tâm cuả thành phố ngày càng được củng cố.

Với các hoạt động hưng phấn như vậy và với vai trò cuả một đầu mối mậu dịch, Sài Gòn có nhiều điểm tương đồng với các thành phố cảng Đông Nam Á. Đặc biệt là tính đa văn hoá và sự phân cấp xã hội rất rõ rệt. Chỉ xét về khía cạnh thuế khoá đã cho thấy những tầng lớp xã hội với cách biệt lớn: sở hữu chủ bất động sản, thương gia, nghệ nhân, lái ghe hoặc bán hàng rong là các thành phần chịu sự quản lý cuả ngành thuế (riêng các thành phần thuộc các bang hội người Hoa đóng một khoản thuế đặc biệt). Đa số thị dân còn lại không chịu một khoản thuế nào, họ là thành phần vô sản hành nghề lao công.

Thành phần cư dân Sài Gòn cũng rất đa dạng. Đa số tất nhiên là người Việt mới tới hoặc định cư lâu đời. Một cộng đồng người Minh Hương hoặc mới đến tỵ nạn, rất năng động. Cộng thêm vào đó là một số nhỏ gồm các sắc tộc thiểu số, Chàm, Khmer và dân ngoại quốc tứ xứ. Đây cũng chính là nhân tố tạo thành nét đa văn hoá cuả Sài gòn. Về tín ngưỡng thì Phật giáo chiếm tuyệt đại đa số trừ một hai khu thiên chúa giáo tập trung trên vị trí “Thảo Cầm Viên” và bên kia rạch Bến nghé. Và hãy còn thiếu sót nếu không nói đến cộng đồng người Hoa Chợ Lớn.

Trung tâm định cư người Hoa từng có tên Chợ Sài Gòn, Phố Khách, Minh Hương Xã hay Chợ Lớn trên thực tế bao gồm nhiều làng mà biết đến nhiều nhất là làng Minh Hương thành lập khoảng năm 1698. Các làn sóng nhập cư người Hoa đáng kể sau đó có: năm 1771 sau khi quân Xiêm chiếm Hà tiên là một công quốc người Hoa dưới sự bảo hộ cuả chúa Nguyễn - 1772 kinh Ruột Ngưạ được mở thông thương trực tiếp với đồng bằng Cửu long và Chợ lớn trở thành một thương cảng quan trọng; thời kỳ chiến tranh Tây Sơn số người Hoa về đây càng đông hơn biến Chợ lớn thành trung tâm thứ hai của thủ phủ miền Nam; suốt thế kỷ thứ XIX người Hoa tỵ nạn tiếp tục đổ về đây.

Từ đầu thế kỷ XVII, Sài Gòn – Bến Nghé lần lượt trở thành cảng sông – phố chợ – nơi thu thuế (1623), trung tâm chính trị – hành chánh (1698), trung tâm thương nghiệp của “xứ Đàng Trong”, “Gia Định kinh” (1790) của các chúa Nguyễn rồi vương triều Nguyễn (1802). Vị thế quân sự – chính trị – kinh tế – văn hóa của Sài Gòn đối với đồng bằng sông Cửu Long được khẳng định. Trải qua các biến cố quân sự – chính trị trong suốt gần 300 năm, các công trình đồn lũy (lũy Bán Bích – 1772), Thành (thành Gia Định - thành Quy được Nguyễn Ánh cho xây dựng năm 1790, thành Phụng do Minh Mạng xây lại vào năm 1835 trên cơ sở một phần nhỏ của thành Quy), đại đồn Kỳ Hòa và nhiều công trình khác đã chứng minh rằng Sài Gòn luôn giữ cho mình cái vị trí quân sự, vẫn làm căn cứ quân sự lớn nhất của nhà Nguyễn ở cực Nam đối với trong nước cũng như đối với biên thùy; Nhất là Sài Gòn vẫn giữ và mở thêm cái thế tự nhiên ưu đãi của một trung tâm kinh tế chung cho toàn bộ Lục tỉnh và cho cả những vùng rộng lớn khác, cái thế trung tâm kinh tế mới thật sự là thế mạnh mẽ nhất, trường cửu nhất, cơ bản nhất. Sài Gòn – Gia Định ở cái thế đó từ thuở nó chưa ý thức được vấn đề này.

Kết luận chương 2

Với trí tuệ và khả năng lao động phi thường, chính quyền họ Nguyễn và các cộng đồng cư dân Việt – Hoa – Khmer… không chỉ mở mang tạo dựng cơ nghiệp trên vùng đất hoang hóa, sình lầy để mưu sinh mà còn làm thay đổi lớn lao diện mạo của vùng đất mới.

Lợi thế về đất và nước cộng với kinh nghiệm tích hợp được của cộng đồng cư dân Việt, Khmer trong sản xuất nông nghiệp, khả năng thiên phú của cộng đồng người Hoa trong phát triển thương mại, đã sớm đưa Sài Gòn trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp phát triển mang đặc tính của nền kinh tế nông nghiệp hàng hóa ngay từ đầu thế kỷ XVIII. Chính vì vậy mà trong các thế kỷ XVII - XVIII, các giáo sĩ và thương nhân Pháp đang có mặt ở Việt Nam đã thường xuyên gửi về Pháp những bản tường trình về tình hình Việt Nam, thôi thúc chính phủ họ xúc tiến kế hoạch chiếm lấy Nam Bộ Việt Nam. Theo họ thì: (…) Ngoài những mối lợi buôn bán ra ngoài, Đàng Trong do vị trí của mình sẽ trở nên rất lợi cho sự buôn bán với Trung Quốc, và chính do điều đó làm cho thương cục trở nên thật sự quan trọng. Từ những bờ biển của xứ này, đi chỉ cần 3 ngày vượt biển để tới Macao, Manila, Borneo, Battavia. Một thương cục nằm trên bờ biển đó là nằm trên ngay con đường của tất cả các thuyền tàu đi đến Trung Quốc và đến tất cả các thương điếm khác. Nước nào đặt được thương điếm đó sẽ làm chủ độc nhất tất cả việc buôn bán với Trung Quốc và các đảo của nó. Há chẳng nên lo ngại là những người Anh hiện đã rất có thế lực ở Aán Độ rồi lại chẳng đặt thương cục ấy hay sau, nếu chúng ta không nghĩ đến trước.

So với Huế, Hà Nội và phương Bắc nói chung, Gia định - Sài Gòn là một vùng đất mới. Đa số dân vào Nam thuộc thành phần khó khăn, đầu óc thực tiễn và không nệ cổ, có đủ các đức tính để trở thành những công dân gương mẫu mà không nhất thiết theo truyền thống nho học". Sài Gòn, thành phố mới tạo dựng, cảng buôn bán, nguồn gốc đa dạng, là nơi thử nghiệm một nền văn hoá mới trong bối cảnh tương đối đã vào nền nếp cuả toàn cõi Việt Nam. Và cũng chính giai đoạn này thành phố đã mang những đặc tính chỉ còn chờ dịp để phát huy vào các thời kỳ kế tiếp.

Để kết luận, chúng ta có thể khẳng định là trước khi người Pháp tới, Sài Gòn đã hội đủ các yếu tố cơ bản để phát triển và tự khẳng định. Các sự kiện như chính sách thâm nhập vương quốc Khmer của chúa Nguyễn, cuộc chiến Tây Sơn, quyết tâm cuả vua Minh Mạng... chứng tỏ Sài Gòn là một vị trí có tầm quan trọng chiến lược hàng đầu. Trải qua bao cuộc binh biến Sài Gòn không hề bị cản trở trong phát triển kinh tế với các hoạt đông chính là thương cảng và chế biến sản phẩm đến từ cả một vùng rộng lớn và trù phú. Chính vì những lý do trên, Sài Gòn nhanh chống rơi vào ách thống trị của thực dân Pháp trong suốt một thời gian dài (1858 - 1954).

2.3.3. Sài Gòn dưới thời Pháp thuộc (1859 – 1900)

2.3.3.1. Thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn

2.3.3.1.1. Sự ra đời thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn

Vào giữa thế kỷ XIX, lịch sử Việt Nam bước vào những trang đen tối. Với dã tâm xâm lược – mở rộng thị trường có lợi cho chủ nghĩa tư bản Pháp đang trên đà phát triển mạnh, Pháp đã can thiệp vào Việt Nam bằng cách đánh chiếm Nam Kỳ, Trung kỳ và Bắc Kỳ, áp đặt chế độ đô hộ trên toàn lãnh thổ nước ta. Để tiến hành xâm lược Việt Nam, Pháp tiến hành dùng bọn gián điệp đội lốt giáo sĩ đi do thám, đồng thời tăng cường can thiệp quân sự vào Việt Nam. Sau nhiều lần “đòi thiết lập quan hệ” Việt Nam không thành, ngày 1/9/1858 thì 3.000 quân Pháp – Tây Ban Nha đi trên 14 thuyền lớn, bắt đầu nã pháo vào cửa bể Đà Nẵng, mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam.

Thất bại trong chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” ở Đà Nẵng, de Genouilly để 1.000 quân do đại tá Toyon chỉ huy ở Đà Nẵng, đại quân Pháp – Tây Ban Nha gồm hơn 2.000 tên kéo vào Gia Định (tháng 9/1858 – 2/1859). Việc Pháp chọn Sài Gòn làm “mặt trận thứ hai” của mình, de Genouilly lý giải:

- Nam Kỳ (La Basse Cochinchine) là vựa lúa nuôi cả quân đội nhà Nguyễn và kinh đô Huế.

- Vị trí Sài Gòn có những điều kiện tự nhiên rất thuận lợi về mặt giao thông hàng hải, thương mại đã được các nước phương Tây chú ý ngay từ những năm đầu của thế kỷ XIX.

- Thời điểm bấy giờ đang mùa gió Đông Bắc thuận lợi cho việc hạm đội Pháp xuôi Nam.

Đầu tháng 2/1859, quân Pháp tấn công các ụ phòng thủ ở dọc sông Sài Gòn – đường vào thành Gia Định. Ngày 17/2/1859, quân Pháp tấn công thành Gia Định. Trong thành lúc này có hơn 2.000 quân triều đình, 200 đại bác bằng sắt, bằng đồng, 25.000 kg thuốc súng, tiền bạc trị giá tương đương 130.000 francs, thực phẩm đủ nuôi 8.000 quân trong một năm [32, 272]. Mặc dù quân triều đình chiến đấu anh dũng, nhưng do hỏa lực mạnh của Pháp nên quân ta bị thất bại và phải rút về ụ Tây Thới (khoảng 11 giờ trưa, 17/2/1859). Chiếm xong Gia Định, thấy không đủ quân để giữ thành nên de Genouilly quyết định phá thành (3/1859). Ngày 24 – 2 - 1861, quân Pháp bắt đầu nổ súng công kích Đại đồn Chí Hoà. Sau hai ngày chiến đấu quyết liệt, Đại đồn thất thủ (26 - 2). Tướng giữ thành là Nguyễn Tri Phương bị thương, phải cùng quan quân triều đình rút khỏi Đại đồn về vùng Biên Hoà. Thừa thắng, quân Pháp tiến lên chiếm Định Tường (12 – 4 – 1861), Biên Hòa (16 – 12 – 1861) và Vĩnh Long (23 – 3 – 1862); 5 năm sau lại chiếm xong 3 tỉnh miền Tây là Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Chiếm xong Nam Kỳ lục tỉnh,chúng tuyên bố Nam Kỳ là “ Đất đai nước Pháp”, coi nhân dân ở ba tỉnh này là “Thần dân mới của hoàng đế Napoleon”.

Về phần Gia Định, ngay sau khi đánh chiếm vùng này thì Pháp đã đổi tên thành phố Chợ Lớn (khu vực quận 5) và phố thị Bến Nghé (hay khu vực phố thị Bến Thành) là thành phố Sài Gòn. Thành Gia Định (tức thành Phụng) Pháp cũng gọi là thành Sài Gòn. Ngày 22 tháng 2 năm 1860, Pháp cho mở cảng Sài Gòn để đón thương thuyền của Pháp và các nước Châu Âu và để xuất cảng lúa gạo, nông sản Nam Kỳ. Năm 1861, Đô đốc Charner cử trung tá công binh Pháp là Coffyn vẽ bản đồ quy hoạch Sài Gòn trên cơ sở của Nghị định do Charner ban bố ngày 11 - 2 – 1861. Theo đó, ranh giới của Sài Gòn nằm trong khu vực giới hạn bởi một bên là rạch Thị Nghè (Arroyo d' Avalanche) và rạch Bến Nghé (Arroyo Chinois) với một bên là sông Sài Gòn cùng con đường nối liền chùa Cây Mai với những phòng tuyến cũ của đồn Kỳ Hòa. Kế đến, các quyết định và Nghị định của các Đô đốc góp phần hình thành thành phố Sài Gòn:

- Ngày 14-8-1862, Đề đốc P. Bonard ra Quyết định số 145 về tổ chức hành chính Sài Gòn. Theo đó, Bonard đã chia tỉnh Gia Định ra ba phủ: Tân Bình, Tây Ninh, Tân An, mỗi phủ có ba huyện, dưới huyện có tổng, dưới tổng có xã, thôn, lý, ấp. Sài Gòn lúc bấy giờ vừa là tỉnh của tỉnh Gia Định vừa là phủ của phủ Tân Bình, là huyện của huyện Bình Dương, còn Chợ Lớn là huyện của huyện Tân Long, cùng phủ Tân Bình. Các phủ, huyện này đều do quan lại nhà Nguyễn cai trị. Đứng đầu tỉnh Gia Định là Bố chánh người Pháp, đầu tiên là L. Boresse (1862 – 1863) – Chủ tỉnh kiêm thanh tra bản xứ sự vụ (Inspecteur des affaires indigènes).

- Năm 1864, Chợ Lớn được tách khỏi Sài Gòn, trở thành một khu vực riêng do người Hoa phụ trách. Năm sau (1865), Pháp cử F. Garnier làm thanh tra Pháp ở Chợ Lớn.

- Năm 1865, G. Roze ra Nghị định 3/10/1865 quy định địa giới Sài Gòn – Chợ Lớn. Theo đó, Sài Gòn chỉ rộng không quá 3 cây số vuông và Chợ Lớn chỉ hơn một cây số vuông. Sài Gòn bấy giờ nằm gọn trong quận 1 bây giờ, còn Chợ Lớn là quận 5 hiện nay. Giữa hai thành phố là vùng thuộc địa hạt Sài Gòn.

- Đến năm 1867, Thống đốc Pháp De la Grandière ra Nghị định số 53 ngày 4-4-1867, giao Sài Gòn cho Ủy ban thành phố quản lý. Ủy ban thành phố gồm 1 ủy viên và 12 hội viên. Ủy viên được chọn trong số những cư dân châu Á cũng như châu Âu cư trú tại Sài Gòn, không phân biệt quốc tịch. Ủy viên thành phố cai trị Sài Gòn đầu tiên là Charles M. Turc – về sau ông này làm Thị trưởng (Đốc lý) Sài Gòn đầu tiên (từ 8/7/1869). .

- Ngày 15/3/1874, Tổng thống Pháp là P. Mac Mahon ra sắc lệnh chính thức thành lập thành phố Sài Gòn. Đứng đầu thành phố là Đốc lý (Maire) – hiện giờ là Lourdeault (1872 – 1874), hai viên phó đốc lý và một hội đồng thành phố. Còn Chợ Lớn, chậm hơn hai năm được thành lập do nghị định của thống đốc dân sự đầu tiên là Le Myre de Vilers, ký năm 1879. Đốc lý Chợ Lớn đầu tiên là Landes (1879 – 1883).

- Trong những năm 1870 – 1890, cơ cấu chính quyền Pháp có sự thay đổi: sắc lệnh 8/2/1880 của Tổng thống Pháp Grevy đã thành lập một Hội đồng quản hạt (Conseil colonia) có trụ sở đặt tại Sài Gòn có chức năng bao trùm toàn thể thuộc địa Nam Kỳ; tháng 4/1880, Thủ tướng Pháp de Freycinet ra sắc lệnh áp dụng luật của Pháp trên toàn cõi Nam Kỳ. Hai năm sau (1882), Thống đốc Nam Kỳ de Vilers ra Nghị định ngày 12/6/1882 thiết lập các Hội đồng hàng tỉnh Nam Kỳ Năm 1885 địa hạt được đổi tên là Gia Định và đến năm 1899 được gọi là tỉnh Gia Định.

Với các văn bản trên, thực dân Pháp xem như đã hoàn chỉnh dần chính quyền Pháp ở Sài Gòn để bắt tay vào cai trị vùng đất này. Chúng tiến hành xây thêm các công trình công cộng khác, cơ sở hành chính khác để biến Sài Gòn thành một thành phố theo kiểu Tây phương.

2.3.3.1. Sự phát triển thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn

Có thể nói, mốc đánh dấu sự phát triển của thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn bắt đầu từ đề án của trung tá công binh Pháp Coffyn năm 1861. Thời gian đó, ngay sau khi đánh chiếm Sài Gòn từ 1859, Pháp bắt đầu xây nhiều công trình công cộng phục vụ cho việc cai trị của chúng, và từ đó Sài Gòn có sự biến chuyển sâu sắc – bị “đô thị hóa” (phát triển thành phố theo xu hướng phát triển công thương nghiệp) để trở thành thành phố mới theo kiểu Tây phương. Ngày 11/4/1861, Charner ban bố Nghị định thiết kế quy hoạch thành phố Sài Gòn. Khi ông ta về Pháp, người kế nhiệm là Bonard kế tục thi hành Nghị định trên. Theo đó, trung tá công binh Pháp Coffyn chịu trách nhiệm quy hoạch thành phố này. Coffyn đề ra bản “Đề án thành phố 500.000 người” (Projet de Ville de 500.000 âmes à Saigon), được Bonard chấp thuận vào ngày 30/4/1862.

Theo đề án này, thành phố sẽ có diện tích 2.500 ha, dân số là 500.000 – 600.000 người. Đất đai sẽ được phân thành 4 lô để chia cho người dân, thương gia (phân theo vị trí và việc sử dụng của người sở hữu đất), tách ra một khu ở hữu ngạn sông Sài Gòn và tả ngạn Bến Nghé làm kho trữ lương thực. Đề án đã tính đến xây dựng đường giao thông ở thành phố với hai loại (rộng 20 m và rộng 40 m), có vỉa hè rộng 2 - 4 m tùy theo loại đường; chiều rộng của các bến cảng là 40 m, mở các đài phun nước ở nơi công cộng, cung cấp sinh hoạt cho nhà dân và cống thoát nước để hoát nước mưa và nước sinh hoạt của người dân. Coffyn đề nghị cùng Bonard làm hồ giống như hồ chứa nước ở Calcutta, tức là đào một hồ trung tâm rất rộng, có tia đường cống thu nước, nối với kênh Tàu Hũ, rạch Thị Nghè, sông Sài Gòn và kênh vành đai. Ngoài ra, Coffyn tính đến xây dựng thêm nhà tiêu, cổng chào và lập 2 đồn binh ở phòng ngự từ xa là đồn Hữu Bình, đồn Tả Bình (hai đồn này cách nhau 1,5 km); củng cố thêm các ụ và lũy ở kênh Thị Nghè để đón đánh quân ta từ xa [3, 37 – 42].

Khi trình bày, Đề án của Coffyn bị coi là hết sức viễn vông và bị người Pháp bác bỏ, vì họ cho rằng không bao giờ Sài Gòn có đủ số dân đó (cả Nam Bộ lúc đó chỉ có gần 1 triệu dân). Coffyn đã đúng, nhưng có lẽ ông cũng chưa hình dung hết quá trình đô thị hóa ở Sài Gòn sau này lại diễn ra rất nhanh chóng. Năm 1865, Đô đốc Pháp là Roze ban hành Nghị định 3/10/1865 quy định địa giới Sài Gòn – Chợ Lớn. Theo đó, Sài Gòn chỉ rộng không quá 3 cây số vuông và Chợ Lớn chỉ hơn một cây số vuông. Đến lúc đó, đề án của Coffyn đã được thực hiện (xem kỹ bản đồ Sài Gòn năm 1878): các trục đường ra đời. Trên bản đồ năm 1878, một con đường chính chạy thẳng góc với thành Phụng (sau là đường C. Laubat, rồi Nguyễn Thị Minh Khai), được lấy làm trục đối xứng chính; và con đường Hai Bà Trưng chạy ngang sẽ cắt thẳng góc với trục chính này – cuối đường Hai Bà Trưng sẽ là công trường (vòng xoay Mê Linh) để rẽ sang nhiều hướng khác. Dựa theo trục đường chính đó, hàng loạt con đường khác ra đời theo dạng bàn cờ, song song hoặc thẳng góc với sông Sài Gòn như đại lộ Norodom (Lê Duẩn), Citadelle (Tôn Đức Thắng), Pasteur, …. Cùng với các con đường lớn, hàng loạt con đường nhỏ và các bến cảng, công viên lớn ra đời; đào thêm các con kênh để thông nước giữa các con kênh lớn với nhau.

Nhờ việc ra đề án hết sức khoa học và công phu, các con kênh, đường sá, cầu cảng và các công viên cây xanh đang dần xây dựng lên. Hai năm sau, bộ mặt thành phố có thay đổi lớn: Các vùng trũng đầm lầy, những đường mòn gồ ghề được thay bằng những công trình mới được xây trên một không gian thoáng đãng, ở đó người ta mở những quãng lộ, những con đường ngang, dọc có trải nhựa phẳng phiu, hai bên vỉa hè rộng rãi được trồng cây xanh thẳng tắp. Cùng với thay đổi về cấu trúc thành phố, người Pháp còn xúc tiến xây dựng nhiều công trình kiến trúc mới phục vụ cho việc cai trị của chúng. Các công trình tiêu biểu:

- Dinh Thống đốc Nam Kỳ (nay là Bảo tàng Cách mạng) xây dựng xong vào năm 1864, phỏng theo kiến trúc của Bảo tàng hội họa Munich do kiến trúc sư Foulhoux thiết kế. Trước năm 1879, Nam Kỳ đặt dưới quyền cai trị của các đô đốc hải quân nên dinh Thống đốc được gọi là dinh Đề đốc hay dinh Phó soái.

- Dinh Toàn quyền (nay là Hội trường Thống Nhất): Lễ đặt viên đá đầu tiên cho công trình kiến trúc đồ sộ này được cử hành vào ngày 23-2-1868. Viên đá đầu tiên hình lập phương, mỗi cạnh 50cm, bên trong có chứa các đồng tiền vàng, bạc, đồng. Công trình hoàn tất vào năm 1873. Đồ án do kiến trúc sư Hermitte vẽ.

- Dinh Xã Tây (nay là Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh), còn gọi là Sở Xã Tây. Lễ đặt viên đá đầu tiên vào năm 1873 nhưng vì thiếu ngân sách nên mãi đến năm 1898 mới thực sự được xây dựng. Năm 1909, nhân kỷ niệm 50 năm (1859-1909) chính quyền thực dân được thiết lập, dinh Xã Tây được tổ chức lễ khánh thành. Họa đồ kiến trúc do kiến trúc sư P.Gardès vẽ.

- Nhà hát Tây (Nhà hát thành phố bây giờ) xây dựng năm 1898 theo đồ án của kiến trúc sư Berger và được khánh thành vào ngày 1-1-1900. Đầu thế kỷ XX, các đoàn hát Tây thường từ chính quốc sang Sài Gòn biểu diễn vào tháng 5 đến tháng 1 và vào các ngày thứ ba, thứ năm, thứ bảy và tối chủ nhật.

- Bưu điện Sài Gòn: Dân chúng đương thời quen gọi là Nhà dây thép, Sở dây thép. Khởi công xây dựng năm 1886 và hoàn thành vào năm 1891. Dịch vụ bưu điện là dịch vụ mới lạ đối với dân chúng và rất gây ấn tượng.

- Nhà thờ Thiên chúa (Nhà thờ Đức Bà hay Vương cung Thánh đường) được khởi công xây dựng ngày 1-10-1877 và khánh thành vào ngày 11-4-1880 với tổng kinh phí 2,5 triệu franc theo thời giá lúc bấy giờ. Hai tháp chuông nhọn, cao 57m được xây thêm vào năm 1895.

- Chợ Bến Thành (cũ): Chợ Bến Thành ở vị trí ngày nay, mới được xây dựng vào năm 1911. Trước đó chợ Bến Thành nằm ở mé sông, đầu các con đường lớn, ghe thuyền có thể cập bến, thuận tiện bốc hành lên chợ. Chung quanh chợ có nhiều cửa hiệu của người Việt, Hoa, Ấn, Pháp... Hàng hóa phong phú. Các cửa hàng ăn lúc nào cũng tấp nập đông đúc. Các đường phố như Catinat (Đồng Khởi), Bonard (Lê Lợi), Charner (Nguyễn Huệ), De La Somme (Hàm Nghi)... là các đường phố lớn ở khu trung tâm tiêu biểu cho thành phố Sài Gòn. Đầu thế kỷ XX, Catinat là trung tâm sinh hoạt, mua bán của giới thượng lưu thuộc địa, nổi tiếng thanh lịch.

2.3.3.2. Thương cảng Sài Gòn (1859 – 1900)

2.3.3.2.1. Sự ra đời thương cảng Sài Gòn

Sau khi Pháp đánh chiếm Gia Định năm 1859, người Pháp bắt đầu quan tâm đến vị trí thuận lợi của nơi đây và đã quyết định xây dựng nơi đây thành thương cảng bậc nhất Nam Kỳ lục tỉnh. Lý do cho sự quyết định này là vị trí địa lý rất thuận lợi của cảng: “Cảng nằm ở vị trí rạch Tàu Hủ đổ ra sông Sài Gòn, rất thuận lợi cho tàu ghe buôn gạo từ chợ lớn đến” [25, 10], diện tích cảng khá lớn – hơn 386 mẫu và mực nước thủy triều của sông Sài Gòn điều hòa, nước lên cao là 13 thước (6,33 m) và thấp nhất là 10 thước (4,87 m), lòng sông khá rộng gần 346 m (Trịnh Hoài Đức). Bởi vị trí tốt, cảng có nhiều cái thuận lợi: cảng không bị phủ bùn, dòng chảy sông ra vào không mạnh (tốc độ con nước vừa phải) và luồng lạch sâu tạo điều kiện cho tàu thuyền qua lại trong cảng; mặc khác còn là nơi hội tụ của hệ thống đường biển nối Sài Gòn với các cảng biển khác trên thế giới. Bên cạnh đó, cảng có không ít hạn chế: khúc sông Lòng Tàu (210 m về phía hạ lưu) có nhiều bãi san hô, cản trở tàu thuyền qua lại khi thủy triều rút.

Sau một thời gian dài tính toán và phân định kế hoạch chiến lược, ngày 22/2/1860, Đô đốc Pháp là Francois Page tuyên bố mở Cảng Sài Gòn. Một năm sau, tháng 2/1861, mặc dù chiến sự luôn bị ác liệt, hãng Messageries Imperiales cử người sang điều tra kỹ lưỡng. Cuối tháng 12/1861, hãng này đệ đơn xin Charner, rồi Bonard 5 lô đất[7] để tiến hành xây dựng cảng. Ngày 10/6/1862, Bộ trưởng Hàng hải và Thuộc địa Pháp là Chasseloup Laubat chỉ thị cho Bonard tạo điều kiện cho hãng này xây dựng các cơ sở vật chất ở cảng. Ngày 15/8/1862, ngọn hải đăng Vũng Tàu được khánh thành chính thức đưa vào sử dụng. Ngày 25/8/1862 bộ luật đầy đủ về Cảng Sài Gòn được công bố. Ngày 23/11/1862 con tàu hơi nước của cảng đã khai trương tuyến đường biển Pháp – Sài Gòn.

Ngày 28/4/1863, Pháp đã thông qua dự án xây dựng thủy xưởng Ba Son (bằng xi măng cốt sắt; khởi công từ 1858) trực thuộc Bộ Hải quân và Thuộc địa Pháp; dựng các u nổi và các xưởng đóng tàu, sửa chữa tàu để phục vụ cho giao thông thủy ở Sài Gòn. Năm 1864, Pháp khánh thành Bến Nhà Rồng (được khởi công từ ngày 4/3/1863). Bến Nhà Rồng là biểu tượng của cảng, cũng là nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Nhà Rồng là một công trình kiến trúc độc đáo, là sự kết hợp tinh tế, hài hoà của kiến trúc Đông – Tây tạo nên vẽ đẹp vừa cổ điển vừa hiện đại (trong thời điểm đó). Ngôi nhà cao ba tầng, hình chữ nhật dài 35m, rộng 27m, mỗi tầng có hành lang rộng 4m chạy bao quanh. Phần chính là kiến trúc phương Tây, riêng phần mái mang đậm kiến trúc đền chùa của Việt Nam, trên nóc có biểu tượng: “Lưỡng long chầu nguyệt” (hai con rồng châu đầu vào nhau, ở giữa có hình mặt trăng) [27, 15].

2.3.3.2.2. Hoạt động và vai trò thương cảng Sài Gòn từ thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX

Về hoạt động của cảng thì có thể nói, kể từ khi thành lập đến nay thì cảng Sài Gòn hoạt động rất sầm uất. Do gạo đang là mặt hàng thiết yếu của nước ta và nước ngoài, nên thị trường Viễn Đông như Ma Cao, Trung quốc, Nhật Bản, Hồng Kông đều có nhu cầu nhập khẩu lương thực nên tàu các nơi tới Sài gòn mua gạo nhiều, tàu đến có tất cả 246 chiếc tàu máy và thuyền buồm thuộc quốc tịch Âu Châu và Trung Hoa; tải trọng tổng cộng là 63.299 tôn-nô, trong đó có 53.939 tôn-nô (tonneaux) gạo trị giá khoảng 50.184.000 quan và các sản phẩm linh tinh khác trị giá 1.000.000 quan, cộng thêm 5.000.000 quan á phiện. Sở dĩ, Cảng Sài Gòn xuất cảng nhiều trong năm 1860 là do gạo từ năm trước còn tồn đọng lại. Mặc khác, do ảnh hưởng của chiến tranh trước đó một năm thành Sài Gòn mất, nên ghe bầu từ miền Trung không vào ăn gạo được như trước.

Vì lý do trên, số tàu ra vào cảng Sài Gòn tăng lên nhanh chóng: năm 1862, có nhiều tàu châu Âu (44 tàu Pháp, 43 tàu Anh, 8 tàu Đức, 5 tàu Hà Lan) và 74 thuyền buôn Trung Quốc vào cửa biển Sài Gòn chở đi 153.000 tôn-nô gạo trị giá 20.000.000 phơ răng; năm 1865, có 254 tàu thuyền châu Âu đến. Trong đó có 92 tàu Pháp, số tàu đi là 72 tàu thuyền đạt giá trị xuất khẩu là 35.000.000 quan, trong đó gạo là có 10.500.000 quan và vải là vào khoảng 3.000.000 quan; Năm 1867 có 439 tàu châu Âu đến cập bến. Trong đó có 98 tàu Pháp và 142 tàu Anh. Giá trị xuất khẩu trong năm này là 34.057.351 quan và giá trị tổng cộng là 63.663.636 quan. Giá trị xuất khẩu năm này sút giảm hơn so với năm 1860 là do sự hạ giá của lúa gạo và cuộc nổi dậy của Cambodge làm tạm ngưng xuất khẩu ngà voi và đồi mồi, số này chiếm 61.000.000 quan trong năm 1866 [11:67] . Việc xuất cảng mạnh ở Sài Gòn mang lại những kết quan trọng: nhiều tàu bè các nước ra vào nhiều hơn và giá trị xuất khẩu của các mặt hàng thiết yếu trong cảng tăng mạnh lên trông thấy.

Vào thập niên 80 của thế kỷ XIX, do sự phát triển ngày càng mạnh của chủ nghĩa tư bản Pháp, hàng loạt công trình được mở về phía Tây thương cảng để phục vụ cho nhu cầu xâm lược và khai thác thuộc địa kế sau của chúng. Theo đó, Pháp đã cho xây dựng tuyến đường sắt Sài Gòn – Mỹ Tho dài 71 km (1881); đào các con kênh như kênh Cột Cờ (1875), kênh Trà Ôn (1876), kênh Phú Túc (1879), kênh Xanh Ta (Saintard) và đặc biệt là kênh Chợ Gạo dài 10km; thực hiện xây cầu Bến Lức qua sông Vàm Cỏ Đông (khánh thành ngày 20/5/1885) thông thương tuyến Sài Gòn – Mỹ Tho. Chính nhờ những việc làm đó mà việc vận chuyển hàng hóa được dễ dàng hơn. Thống kê lượng lúa gạo xuất khẩu của Nam Kỳ từ 1860 - 1896 cho thấy tỉ lệ gia tăng gần gấp 10 lần (năm 1860 xuất 56.950 tấn, năm 1896 xuất 557.249 tấn). Việc lúa gạo xuất khẩu càng nhiều đã kéo theo hoạt động giao thương của Cảng Sài Gòn ngày càng phát triển.

Bảng 1.1.

Bảng thống kê số lượng tàu ra vào Cảng Sài Gòn (1870-1882)

Đơn vị: Tàu thuyền: Chiếc

Dung lượng: Tôn-nô [14, 69].

Theo bảng thống kê, từ năm 1870 – 1882, dung lượng tàu thuyền vào Cảng Sài Gòn tăng 174.988 tôn-nô đạt tỷ lệ 162.8 % và dung lượng tàu thuyền ra tăng 50.376 tôn-nô đạt tỉ lệ 164,7%.

Bước sang những năm 1880 và 1890 hoạt động của thương cảng Sài Gòn trở nên nhộn nhịp.

Bảng 1.2.

Bảng thống kê số lượng tàu thuyền và tải trọng hàng hóa ra vào cảng

Đơn vị: Tàu thuyền: Chiếc

Dung lượng: Tấn. Xem [14, 71].

Những năm cuối thế kỉ XIX, ở Nam Kỳ, lúa vẫn là loại cây trồng chủ yếu đưa lại nhiều sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, lúa gạo được thực dân Pháp xem là sản phẩm xuất khẩu chủ yếu. Lúc này, hoạt động chính của cảng là xuất khẩu gạo và hạt tiêu.

Về gạo, số lượng hàng hóa xuất khẩu tăng lên nhanh chóng. Nếu tính từ năm Cảng Sài Gòn mở cửa (1860) đến khi thực dân Pháp tiến hành khai thác thuộc địa lần thứ I (1896) lượng lúa gạo xuất khẩu qua Cảng Sài Gòn tăng 9,78 lần (từ 56.950 tấn lên 557.249 tấn).

Ngoài ra, Cảng Sài Gòn còn xuất ra nước ngoài một loại nông sản khác là hạt tiêu. Đây là loại cây đã được trồng từ lâu ở Nam Kỳ. Hầu hết sản phẩm hạt tiêu đi ra ngoài đều thông qua Cảng Sài Gòn. Trước khi, thực dân Pháp tiến hành khai thác thuộc địa lần I (trước 1897) tình hình xuất khẩu tiêu của cảng hằng năm trên 1.000 tấn. Cụ thể:

- Năm 1895 xuất 1.577 tấn

- Năm 1896 xuất 1.510 tấn

- Năm 1897 xuất 1.325 tấn

Ngoài lúa gạo và tiêu, ngô cũng là một mặt hàng có giá trị xuất khẩu. Bên cạnh đó, Cảng Sài Gòn còn xuất khẩu các mặt hàng thủ công nghiệp. Trong những năm 1860 - 1862, trong số 180.000 tấn hàng xuất đi Hông Kông và Singapore có vải bông, dầu dừa, tơ tằm, đường,…

Bảng 1.3.

Bảng thống kê tổng giá trị xuất khẩu của Nam Kỳ

Đơn vị: Phơ – rang. Xem [14, 80].

Hoạt động nhập khẩu từ ngoài vào Cảng Sài Gòn chủ yếu là những mặt hàng không có trong nước. Các mặt hàng công nghiệp chủ yếu như vải, máy cơ khí, máy may, máy đánh chữ..., các mặt hàng tiêu dùng như sản phẩm ăn uống, đồ dùng gia đình như chổi, bàn chải, dao kéo, đồ mặc như áo may sẵn, nón…. Nhìn chung, hàng nhập qua cảng vào Nam Kỳ là hàng chính quốc sản xuất. Chính sự đa dạng của các loại hàng hóa nhập khẩu trên cho thấy phần nào vai trò tiêu thụ hàng hóa của thị trường Nam Kỳ. Trong số hàng nhập khẩu, đồ tiêu dùng và thực phẩm chiếm số lượng rất lớn và rất đa dạng về chủng loại.

Bảng 1.4.

Bảng thống kê hoạt động và giá trị hàng hóa nhập khẩu vào Nam Kỳ

Đơn vị: Phơ – rang. Xem [14, 88].

Những năm cuối thế kỉ XIX, đất Nam Kỳ đã bị thực dân Pháp bình định hoàn toàn, điều kiện đó đã giúp cho hoạt động kinh tế, thương mại của Pháp ở Nam Kỳ diễn ra mạnh mẽ hơn trước. Đây cũng là thời gian thực dân Pháp thực hiện chế độ mới. Từ năm 1896, trước tình trạng hàng hóa Pháp nhập vào Thương Cảng Sài Gòn ít hơn so với hàng hóa ở một số nước khác, chính quyền Pháp ở chính quốc và ở Nam Kỳ đã phải quy định một chế độ thuế quan ưu đãi đối với hàng hóa từ Pháp nhập vào Sài Gòn. Bộ thuộc địa Pháp năm 1896 đã quy định: “Nói chung thuế hải quan thuế quan của nước Pháp áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu vào Nam Kỳ cũng giống như các xứ khác thuộc Đông Dương, nhưng nay có một điều chỉnh chủ yếu nhằm vào các hàng hóa của châu Á không có ở châu Âu. Riêng đối với hàng hóa của Pháp nhập vào Nam Kỳ, dù chở trên tàu của nước khác đều được giảm thuế hải quan. Ngược lại, đối với hàng hóa từ Nam Kỳ chở sang Pháp, thì về nguyên tắc, nếu là thổ sản của thuộc địa thì đều được miễn thuế, ngoại trừ cà phê, ca cao, tiêu, ớt, sa nhân, đậu khấu, quế, cassava, trà, vani, đinh hương thì phải nộp một nửa thuế so với thuế đánh vào cùng loại hàng hóa từ nước Pháp nhập vào Thương cảng Sài Gòn”. Về sau nhiều nghị định ưu đãi hàng hóa từ Pháp nhập vào cảng tiếp tục được ban hành, điều chỉnh trong các năm 1910,

KẾT LUẬN

Lịch sử hình thành và phát triển Sài Gòn đồng thời là lịch sử hình thành và phát triển đất Đồng Nai – Bến Nghé – Cửu Long nói chung.

Hơn 300 năm trước, vùng đô thị cảng Sài Gòn này chỉ là một vùng đất hoang vu, rộng lớn. Với địa hình đa dạng cùng với hệ thống sông ngòi dày đặc, vùng đất này trở thành nơi thu hút người dân tứ xứ về khai khẩn và làm ăn. Do sự phát triển không ngừng (nhất là hàng hải), cư dân nơi đây đã tạo nên vương quốc Phù Nam nổi tiếng hùng mạnh. Hải cảng lớn nhất của Phù Nam là vùng Óc Eo (An Giang ngày nay). Khi bị Chân Lạp xâm chiếm, vùng Nam Bộ trên danh nghĩa là của Chân Lạp nhưng thực tế, Sài Gòn vẫn là đất tự do và hầu như vô chủ. Sài Gòn lúc đó từ cửa Tiểu, cửa Đại cho đến vùng Soài Rạp chỉ toàn là rừng rậm bạt ngàn. Mãi đến thế kỉ XVI – XVII, khi lưu dân Việt vào đây khai hoang lập ấp, họ đã biến nơi đây thành vùng đất mới với nhiều tiềm năng lớn. Khi lưu dân Việt đến vùng Sài Gòn, mở rộng đất canh tác thì các tộc bản địa trước đó như Mạ, Stiêng (Bình Phước) vì không thích ứng kịp sự thay đổi này nên từ từ rút lên vùng cao là Lâm Đồng, Đaklak …sinh sống trong khi người Chăm và người Hoa vì các lý do khác nhau nên đã rút xuống vùng đất này. Đặc tính hội nhập của nhiều cộng đồng cư dân trên đất Sài Gòn đã được thể hiện ngay từ buổi ban đầu. Sự định cư lâu dài của lưu dân ở đây tạo điều kiện cho việc chúa Nguyễn thực thi chủ quyền với Nam Bộ, biến vùng đất Nam Bộ thành lãnh thổ của Việt Nam.

Từ đầu thế kỷ XVII, vùng đất Sài Gòn – Bến Nghé lần lượt trở thành nơi thu thuế (1623), rồi phố chợ và cảng sông nhỏ, trung tâm chính trị – hành chánh (1698), trung tâm thương nghiệp của “xứ Đàng Trong”, “Gia Định kinh” (1790) của các chúa Nguyễn rồi vương triều Nguyễn (1802). Vị thế quân sự – chính trị – kinh tế – văn hóa của Sài Gòn đối với đồng bằng sông Cửu Long đã được khẳng định. Trải qua các biến cố quân sự – chính trị trong suốt gần 300 năm, cùng với việc xây dựng các thành quách, công trình đồ sộ đã cho thấy Sài Gòn luôn giữ cho mình một vị trí: vừa là vị trí chiến lược, vừa là vị trí quân sự và đồng thời nó cũng là vị trí như một trung tâm kinh tế quan trọng nhất của miền Nam Việt Nam.

Về vị trí quân sự, Sài Gòn thực sự là nằm ở một vị trí đặc biệt: nhiều sông, nhiều cảng (nhất là cảng Sài Gòn) thuận lợi cho việc đóng quân của triều đình và nó cũng là căn cứ quân sự bật nhất của vương triều Nguyễn trong việc củng cố quyền xác lập lãnh thổ ở phía Nam Tổ quốc, trấn áp các phong trào của nhân dân trong vùng và là nơi thuận lợi để mở các cuộc hành quân đánh bại quân xâm lược, giữ vững biên cương của Tổ quốc. Về vị trí chiến lược, Sài Gòn nằm ở vị trí đặc biệt: nằm ngay ngã ba con đường giao lưu buôn bán, con đường chiến lược nối các tỉnh phía Nam Trung Quốc với các nước Đông Nam Á. Với vị trí địa lý thuận lợi, Sài Gòn nghiễm nhiên là trung tâm kinh tế lớn: nó là nơi tập trung nhiều ngành nghề kinh tế của nhân dân, sản phẩm tiêu dùng và xuất khẩu đa dạng và là vựa lúa lớn. Thời chúa Nguyễn (sau là vua Nguyễn), Sài Gòn – Gia Định chính là vựa lúa lớn, cung cấp lương thực nuôi sống cả đất nước, Sài Gòn thời kỳ đó thực sự là trung tâm kinh tế lớn, chi phối đời sống nhân dân Lục tỉnh. Nguyễn Hữu Cảnh chọn Sài Gòn làm trung tâm cho cả vùng đất mới thể hiện nhãn quan sắc sảo của ông. Sài Gòn đạt một cao trình vừa phải so với mặt biển, tiếp giáp giữa triền Trường Sơn nhấp nhô với cả một bình nguyên bát ngát phía tây, nằm trên lưu vực con sông lớn, uốn khúc, tạo nhiều bán đảo tiện cho xây nhà, lập vườn, cách biển không xa nhưng tránh sóng gió, sông đủ sâu cho mọi loại tàu thuyền, thực tế là một cảng biển lý tưởng, sông gồm nhiều chi lưu tỏa khắp Đồng Nai, nối liền với các con sông lớn như Vàm Cỏ, Cửu Long đảm bảo giao thông thủy đến bất cứ thôn xóm nào của đồng bằng.

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Thế Anh (2008), Kinh tế và xã hội Việt Nam dưới các vua triều Nguyễn, Nxb. Văn học, Thành phố Hồ Chí Minh.

2. Phan Xuân Biên (1998), “Về cư dân bản địa xứ Đồng Nai”, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 11.

3. Jean Bouchot (1927), Documents pour servir à l’Histoire de Saigon (Tài liệu dùng cho Lịch sử Sài Gòn), Nhà xuất bản Albert Portail, Sài Gòn.

4. B. Bourotte (1955), Essai d’histoire des populations montagnardes du Sud-Indochinois jusqu’à 1945, BSEI, Saigon.

5. Huỳnh Ngọc Đáng (1999), Chính sách của chính quyền Đàng Trong đối với người Hoa (từ năm 1600 đến năm 1777), Luận văn Thạc sĩ khoa học Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Thành phố Hồ Chí Minh.

6. Trương Minh Đạt (2008), Nghiên cứu Hà Tiên, NXB Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh.

7. Lê Quý Đôn (1977), Phủ biên tạp lục, toàn tập, tập 1, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

8. Trịnh Hoài Đức (1998), Gia Định thành thông chí, tập thượng - trung, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.

9. Trịnh Hoài Đức (1998), Gia Định thành thông chí, tập hạ, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.

10. Etat de la L’ Indochine en 1895, Sài Gòn, 1897

11. Trần Văn Giàu (1987), Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh.

12. Nguyễn Hữu Hiếu (2012), “Mô Xoài trong tầm nhìn chiến lược của Nguyễn Phước Nguyên”, Kỷ yếu Hội thảo Từ xứ Mô Xoài xưa đến Bà Rịa – Vũng Tàu ngày nay, Bà Rịa – Vũng Tàu.

13. Nguyễn Hữu Hiếu (2013), “Cấu trúc xã hội Nam Kỳ cuối thế kỷ XVIII”, Tạp chí Đồng Tháp xưa và nay, số 28.

14. Lê Huỳnh Hoa (2000), Cảng Sài Gòn và biến đổi kinh tế Nam Kỳ thời Pháp thuộc (1860-1839), Luận án Tiến sĩ, ĐHSP. TP. HCM

15. Nguyễn Đức Hòa (2008), “Quá trình đô thị hóa ở Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1860 đến năm 2008 và những kết quả tác động đến sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố”, Kỷ yếu Hội thảo Việt Nam học lần thứ 3 (2008), tập 4, Đại học Quốc gia Hà Nội.

16. Hà Minh Hồng (2011), Sài Gòn Thành Phố Hồ Chí Minh hành trình 100 năm (1911 - 2011), Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.

17. Phan Khoang (2001), Việt sử xứ Đàng Trong, Nxb. Văn học, Hà Nội.

18. Trương Vĩnh Ký (1997), Kí ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận, Nguyễn Đình Đầu dịch, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh.

19. A. Launay (1923), Histoire de la mission de Conchinchine 1658 – 1823, Document historiques, Paris.

20. Mã Đoan Lâm (1883), Ethnographie des peuples étrangers à la Chine, Les Méridironaux, Traduit par le Marquis d’Harvey de Saint – Denis, Geneve.

21. Thanh Lê (1998), «Thành phố bất khuất – kỷ niệm 300 năm Sài Gòn – Tp. Hồ Chí Minh », Sài Gòn Giải phóng, số 281.

22. Huỳnh Lứa (1987), Lịch sử khai phá vùng đất Nam Bộ, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, TP.HCM.

23. Henri Maitre (2008), Les Jungles Moi (Rừng người Thượng), NXB Tri thức, Hà Nội.

24. A. Dauphin Meunier (1965), Le Cambodge, Paris.

25. Lê Công Minh (2008), Cảng Sài Gòn quá trình hình thành và phát triên, NXB. Trẻ, Tp. HCM.

26. Monographie de la province de Thudaumot, BSEI, 1910.

27. Lê Thị Trà My (2012) (và những người khác), Vai trò và hoạt động của Cảng Sài Gòn trong giai đoạn 1986-2010, khóa luận tốt nghiệp, Đại học Sài Gòn, Tp. Hồ Chí Minh.

28. Nguyễn Phúc Nghiệp (2005), «Mỹ Tho đại phố », sách Nam Bộ xưa và nay, Nxb TP. HCM & Tạp chí Xưa và Nay, Tp. Hồ Chí Minh.

29. Lương Ninh (2005), Vương quốc Phù Nam - lịch sử và văn hóa, Viện Văn hóa và Nxb.Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

30. Chu Đạt Quan (1973), Chân Lạp phong thổ ký, Lê Hương dịch, Sài Gòn.

31. Nguyễn Phan Quang (1998), Góp thêm tư liệu Sài Gòn – Gia Định từ 1859 – 1945, Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh.

32. Nguyễn Phan Quang (2002), Việt Nam thế kỷ XIX, NXB Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh.

33. Thái Nguyễn Đức Minh Quân (2013), “Quá trình giao thoa giữa tiếng Việt với các ngôn ngữ khác (tiếng Khmer, tiếng Chăm) ở vùng đồng bằng sông Cửu Long”, Kỷ yếu Hội thảo Ngôn ngữ sông nước và vùng đồng bằng sông Cửu Long, Đại học An Giang.

34. Quốc sử quán triều Nguyễn (1961), Đại Nam thực lục tiền biên, Nxb. Viện Sử học, Hà Nội.

35. Quốc sử quán triều Nguyễn (1908), Quốc triều chánh biên toát yếu, Nxb. Văn hóa – Xã Hội, Hà Nội.

36. Vương Hồng Sển (1960), Sài Gòn năm xưa, Nxb. Tổng hợp Đồng Nai.

37. Trịnh Tri Tấn (1997), Sài Gòn từ khi thành lập đến giữa thế kỉ XIX, Nxb tp.Hồ Chí Minh.

38. Trần Nam Tiến (2008), Hỏi đáp lịch sử Việt Nam, tập 3, NXB Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh.

39. Cao Tự Thanh (2007), Lịch sử Sài Gòn – Gia Định trước 1802, Nxb. Văn hóa Sài Gòn.

40. Trần Ngọc Thêm (1997), Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, NXB Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh.

41. Đặng Nghiêm Vạn (2003), Cộng đồng quốc gia dân tộc Việt Nam, Nhà xuất bản Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh.

[1] Chưa tài liệu nào khẳng định người Sedang thành lập vương quốc trong thời kỳ này, có chăng là họ đã thành lập một vương quốc mới ở Tây Nguyên, tên là vương quốc Sedang do vua Marie I làm vua, ra Hiến pháp ngày 3/6/1888 và kinh đô là Kontum (1888 – 1890), về sau nó bị công sứ Pháp ở Bình Định là Guiomar (thay Lemire làm Công sứ từ năm 1888) xóa sổ. Xem trong [13, 56]. Người Mnông mà chúng tôi thêm vào là trích từ bản đồ các dân tộc ở Việt Nam do Viện Dân tộc học biên soạn. Xem trong [11, 138].

[2] Trong suốt thời gian tồn tại, Thủy Xá và Hỏa Xá (ngoài ra còn có Gió Xá) là những vương quốc rất mạnh (ở Gia Lai, Daklak), từng nhiều lần buộc vua Chân lạp và Đại Việt triều cống (riêng chúa Nguyễn khi nộp lễ vật còn đòi Thủy Xá – Hỏa Xá phải nộp thuế). Theo [41, 316 – 317].

[3] Về tên gọi Bà Rịa, Monographie de la province de Baria, Publ de la SEI, Saigon, 1902, p. 243 viết như sau: ”khoảng năm 1789, một bà tên Rịa tới lập làng Phước Liễu rồi mất vào năm Gia Long thứ hai tức 1803”. Điều này chưa hẳn là đúng, đôi khi còn đầy mâu thuẫn vì: Trịnh Hoài Đức khi đó (năm 1788) từng giữ các chức Hàn lâm chế cáo, Điền tuấn và Phó tổng trấn Gia Định thành nên không biết sự kiện năm 1789 đó. Để sửa chữa sai lầm này, ông đã tìm ra địa danh Bà Rịa trong danh mục “họ đạo ở Đồng Nai”, cho rằng nơi này có 350 dân Công giáo (Launay, p. 137); và do Bà Rịa không biết có từ bao giờ, ông cũng điều chỉnh bộ Gia Định thành thông chí, tập thượng, tr. 33 có đoạn “Thổ nhân thường chỉ gọi đất Biên Hòa là Đồng Nai, Bà Rịa; gọi đất Phiên An là Bến Nghé, Sài Gòn”.

[4] Về vương quốc Châu Mạ, Phan Xuân Biên cho rằng các cư dân như Ch’ro, Châu Mạ và Stiêng chính là cư dân của Châu Mạ; hoạt động chủ yếu là làm rẫy, săn bắn và hái lượm.

[5] Trong bài viết « Cấu trúc xã hội Nam Kỳ thế kỷ XVIII », Nguyễn Hữu Hiếu thống kê số dân Việt, Khmer, Chăm ở Nam Bộ như sau (xem trang bên)

Chú thích (xem trang bên):

T : Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí

* Quốc sử quán, Đại Nam thực lục

** Lê Hương: Người Việt gốc Miên, S. 1969 ( Theo J.C Baurac trong La Cochinchine st ses habitants , Paris. 1895)

*** V. Purcell: The Chinese in Southeast-Asea, London, 1965.

**** Etat de la L’ Indochine en 1895, Sài Gòn, 1897.

P: Các con số phỏng đoán.

Xin ghi lại đây để tham khảo.

[6] Hà Minh Hồng (2011), Sài Gòn Thành Phố Hồ Chí Minh hành trình 100 năm (1911 - 2011), Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr.12.

[7] 5 lô đất đó là: lô 1: góc đường số 15 và đường Strategique (nay là đường Lê Thánh Tôn và Nguyễn Thị Minh Khai; 31/12/1861), lô 2 ở phía Bắc rạch Thị Nghè (sát sông Sài Gòn); lô thứ 3 ở gần bờ Nam rạch Thị Nghè (gần Thảo Cầm Viên ngày nay); lô thứ tư nằm ở ngã ba sông Sài Gòn đến rạch Bến Nghé (thuộc cột cờ Thủ Ngữ sau này) – 3 lô giữa này được hãng xin ngày 5/2/1852; lô cuối cùng được Bonard nhượng lại là bên kia vàm Bến Nghé.