Con đường tơ lụa 1

CON ĐƯỜNG TƠ LỤA

BÚT KÝ

Xa Mộ Kỳ

Người dịch: NGUYỄN PHỐ

----o0o---

6. ĐI DỌC HÀNH LANG HÀ TÂY

Tôi đi tàu hỏa trên đường sắt Lan Châu - Tân Cương. Rời khỏi Lan Châu, trên suốt đường đi tôi luôn ngắm nhìn cảnh sắc biến đổi bên ngoài cửa sổ.

Bầu trời xanh ngắt, xanh đến độ trong suốt khiến lòng người mê mẩn. Sát hai bên đường, hàng bạch dương thưa thớt đã nhuốm sắc vàng của mùa thu vươn thẳg mình lên trời xanh. Nhìn xuyên qua hàng cây, có thể thấy các dãy núi xa xa trọc nhẵn hình cánh cung không góc cạnh,nó cho ta cái cảm giác đôn hậu, an ổn. Ngoài ra, mặt đất thì toàn là đá vụn và đá cười mênh mông bát ngát, thô tháp nhưng cũng hào phóng.

Đó là tôi đang đi dọc hành lang Hà Tây, lần đầu am hiểu được phần nào phong cánh của vùng lại Tây Bắc.

Hành lang Hà Tây còn được gọi là hành lang Cam Túc, đó là một dải đất dài và hẹp, dài hơn 1200 cây số, rộng chừng 100 cây số. Phía nam là dãy Kỳ Sơn cao hơn mặt nước biển bốn, năm ngàn mét. Phía bắc, trừ một đoạn ngắn là núi non, còn thì mênh mông là sa mạc: Sa mạc Tengger và sa mạc Badain Jaran. Dải đất hẹp và dài ấy nằm giữa núi cao và sa mạc là điều kiện thiên nhiên cung cấp để hình thành con đường tơ lụa cổ đại thông vãng Đông Tây.

QUÁI THẠCH Ở DÃY KỲ LIÊN

Đầu đời Tây Hán, hành lang Hà Tây là đất của dân du mục Hung Nô. Thời Hán Vũ Đế, Trương Khiên là sứ giả Tây Vực lập được công lớn. Lần thứ nhất vào năm 139 trước CN, ông đi sứ Tây Vực bị người Hung Nô bắt giam hơn 10 năm, ở đây ông cưới vợ sinh con. Nhưng ý chí của ông thề quyết không thay đổi và cuối cùng ông đã đào tẩu ra khỏi Tây Vực hoàn thành sứ mệnh. Nhưng trên đường trở về Trung Nguyên ông lại bị người Hung Nô bất trên dai đất này (tức là hành lang Hà Tây) và bị giam hơn một năm, sau ông mới trốn thoát về Trường An. Điều này cho thấy muốn đi Tây Vực trước hết phải qua hành lang Hà Tây.

Lần thứ hai Trương Khiên đi Tây Vực vào năm 119 trước CN. Lần này tương đối thông suốt. Vì sao vậy Năm 121 trước CN, đại tướng Tây Hán là Hoắc Khứ Bệnh đã hai lần chiến đấu đẫm máu tại hành lang Hà Tây, tướng Hung Nô phải trốn chạy con đường huyết mạch được thông suốt vô ngại.

Tôi nhìn mãi qua cửa sổ toa xe thì dãy Kỳ Liên vẫn liên tu bất tận, tôi nhìn thấy những tảng quái thạch, có tảng thì như đầu cá, có tảng thì như voi nằm, nhà điêu khắc chỉ cần đục chạm sơ là có thể thành tác phẩm nghệ thuật. Do đó tôi liên tưởng đến công lao của Hoắc Khứ Bệnh trong việc khai thông hành lang Hà Tây vì trên lăng mộ của ông có dáng dấp phong cách khấc chạm đá.

Hoắc Khứ Bệnh với chiến công hiển hách đã phải mệnh chung năm hai mươi bốn tuổi. Để biểu dương vị tướng tá đáng mến, Hán Vũ Đế đã cho “làm mộ giống như núi Kỳ Liên” (theo Sử ký) để kỷ niệm công tích của ông đối với hành lang Hà Tây.

Làm mộ giống như núi Kỳ Liên” có ý nghĩa như thế nào?

Trước đây, khi tôi đi thăm mộ của Hoắc Khứ Bệnh tại Mậu Lăng (nằm trong khuôn viên lăng mộ Hán Vũ Đế tại huyện Hưng lăng, tỉnh Cam Túc) đã từng tìm hiểu qua. Tôi thấy mộ của Hoắc Khứ Bệnh đúng là xếp đống thành mồ, tuy so với mộ phần thì có vẻ quá cao, nhưng thật khó nói là giống Kỳ Liên. Người hướng đạo giải thích: có thể là ở phần mộ chất nhiều quái thạch (đá có hình thù quái dị), trước mộ còn có người đá, thú đá tượng trưng cho núi đá (tức núi Kỳ Liên). Cứ liệu của anh là lời chú giải của Sử ký: “Phía trên có dựng đá, phía trước có ngựa đá đối xứng, và có cả người đá. Lúc ấy nghe thế, tôi nửa tin nửa ngờ, nhưng nay chính mắt mình trông thấy quái thạch trên núi Kỳ Liên mới ngầm tín phục.

Quần thạch khắc chạm trên mộ Hoắc Khứ Bệnh đúng là những quái thạch từ núi Kỳ Liên chuyển đến rồi đục chạm thêm mà thành, chính vì lẽ đó mà nó có một phong cách đặc thù khiến cho các học giả nghiên cứu lịch sử nghệ thuật Trung Quốc bàn tán rôm rả.

Quần thạch khắc chạm ấy bao gồm hình dáng cá, ếch, trâu, voi, ngựa. Nhìn gần có vẻ rất thô kệch, nhưng nhìn từ một khoảng cách thích hợp thì lại rất có thần. Hiện nay, quần thạch khắc chạm ấy đã chuyển đến trước mộ trong hành lang của khu triển lãm có kiến trúc đặc biệt. Tôi đứng trên mộ nhìn xuống hành lang thấy dãy trâu đá, ngựa đá ấy sống động như thật. Mỗi một khối đá hoa cương đều được nhà nghệ thuật vô danh ban cho một cuộc sống.

Dĩ nhiên thưởng thức mỗi một hình thù như vậy cần phải đứng cách xa vài ba mét mới có thể nắm bắt được nghệ thuật tạo hình. Có một hình ngựa đá, đôi chân trước song song chồm lên thì thân và đầu cấu thành một đường thẳng vươn ra cho ta cái cảm giác xông lên phía trước một cách mạnh bạo, dù đôi chân sau còn nằm trên mặt đất. Điều cần chú ý: tuy là khối chạm khắc hình tròn có bốn mặt khắc chạm không đồng đều so với chạm khắc hình tròn thông thường, nhưng tứ chi và đầu cổ ngựa vẫn gắn chặt vào cả khối đá. Cách tạo hình phần đầu, chân và thân ngựa đều dùng cách chạm nổi hoặc chạm chỉ để thể hiện bằng một trình độ khá điêu luyện. Các nhà mỹ thuật cho rằng đó là sự kết hợp xảo diệu của nghệ thuật chạm chỉ, chạm nổi và chạm vòng. Lịch sử chạm tượng dạng lập thể có thể truy nguyên từ đời nhà Thương (thế kỷ XVI - XI trước CN). Nhưng quần thể khắc đá trên mộ Hoắc Khứ Bệnh có thể nói là một quần thạch khắc chạm hoàn chỉnh có rất sớm trong lịch sử mỹ thuật Trung Quốc.

Hoắc Khứ Bệnh là con riêng của người chị Vệ hoàng hậu của vua Hán Vũ Đế, năm mười tám tuổi đã hầu cận vua Hán Vũ Đế. Ông giỏi cưỡi ngựa, bắn cung, nhiều lần đã cùng quốc cửu đại tướng quân. Vệ Thanh đi đánh Hung Nô. Năm hai mươi tuổi, ông đã hai lần dẫn quân chinh phạt hành lang Hà Tây. Một lần vượt qua núi Yên Chi (thuộc huyện Sơn Đan, Cam Túc); lần khác vượt qua núi Kỳ Liên bắt hơn bốn vạn người Hung Nô. Hồn Da vương của Hung Nô chiếm cứ Hà Tây giết Nặc vương rồi dẫn hàng vạn quân đến xin hàng. Từ đó, đông từ Lan Châu, tây đến La-Bạc-Nao-Nhĩ, Tân Cương không còn bóng dáng của người Hung Nô nữa. Thế là chính quyền trung ương nhà Hán lập ra hai quận Vũ Uy và Tửu Tuyền ở Hà Tây; về sau lập thêm hai quận Trương Dịch, Đôn Hoàng và gọi chung dải đất này là hành lang Hà Tây. Cả bốn địa danh ấy dùng mãi cho đến ngày nay. Lập bốn quận ở Hà Tây, nhà Hán đã mở ra một hàng lang thông vãng Tây Vực nhằm chuẩn bị điều kiện cho giao lưu văn hóa, kinh tế giữa Trung Quốc, khu vực Trung Á và châu Âu.

Ở Cam Túc, tôi nghe nhiều câu chuyện truyền kỳ về Hoắc Khứ Bệnh. Lan Châu có cảnh đẹp Ngũ Tuyên sơn, theo truyền thuyết, khi. Hoắc Khứ Bệnh dẫn quân qua đây binh sĩ và chiến mã đều khát nước, ông lấy roi đánh xuống đất năm lần, trong núi liền chảy ra năm suối nước trong. Ngoài ra, phía đông huyện Tửu Tuyến có một suối nước từ dưới đất vọt lên tạo thành một ao nước trong vắt, Hoắc Khứ Bệnh đã đổ xuống ao ấy một hũ rượu của vua Hán Vũ Đế ban thưởng để cho mỗi binh sĩ đều được uống một chén cùng hưởng “ân tứ” của nhà vua. Vì thế mà có tên là Tửu tuyền (Suối rượu). Thực ra, Hoắc Khứ Bệnh tuy rất thiện chiến nhưng ông không phải là vị tướng “yêu lính như con”.

Sử ký của Tư Mã Thiên, khi nói về Hoắc Khứ Bệnh có lời phê phán như sau: “Còn trẻ mà đã làm đến chức thị trung (tức hầu cận vua), rất quý hiếm. Khi làm tướng cầm quân lại không tiếc mạng binh sĩ, có lần trên đường tòng quân, vua sai thái quan cung cấp binh lương hàng chục xe, danh thắng trở về, xe lương chở nặng dư hàng đống, nhưng binh sĩ thì bị đói”. Thế nhưng Hoắc Khứ Bệnh chỉ lấy việc quốc gia dân tộc làm trọng, xem thường lợi ích cá nhân, và Tư Mã Thiên cũng đã khen “nhà vua cho lập phủ đệ, gọi Phiêu ký tướng quân đến xem, Hoắc Khứ Bệnh cảm tạ, bẩm: Hung Nô chưa bị diệt thần chưa nghĩ đến chuyện gia thất an cư”.

Do đó, chiến công của Hoắc Khứ Bệnh hiển hách, lưu danh thiên cổ, người đời sau kính trọng không phải là không có duyên cớ.

SỰ LUI TỚI CỦA CÁC CAO TĂNG XỨ TĂNG VỰC

Trạm đầu tiên của tôi khi đến hành lang Hà Tây là Vũ Uy. Ký ức về cổ thành Vũ Uy có tường thành bằng đá, có con sông hộ thành, càng khó quên nhất là hàng liễu rủ ven sông. Ở hành lang Hà Tây, màu xanh của tự nhiên mãi mãi là điều quý báu vì chỉ có bốn con sông phát nguyên từ núi Kỳ Liên chảy qua để tạo thành bốn vùng lục châu lớn ở đây. Ngày nay vòng tường cổ thành đã hư nát, những ngã tư đường ở trung tâm thành Phố đã có những dãy nhà mới xây, rõ ràng khu vực Hà Tây trọng yếu này đã có hàng chục vạn nhân khẩu cư trú, sinh sống.

Vũ Uy ngày xưa gọi là Cô Tàng được thành lập từ đời Tây Hán. Trước đó, Hà Tây là nơi sinh sống của dân du mục người Đê Khương người Nguyệt Thị, người Ô Tôn và người Hung Nô, không có thôn xóm làng mạc định cư. Sau khi dân du mục rút đi, bốn quận Hà Tây mới được thiết lập, vua nhà Hán mới đưa dân cư từ trong nước đến Hà Tây lập đồn điến sinh sống. Sản xuất, phát triển, thành thị được dựng lên. Có thể nói Vũ Uy là thành phố sớm nhất trong các thành phố ở Hà Tây.

Các văn vật khai quật được ở Vũ Uy rất phong phú. Tượng ngựa bằng đồng đời Hán nổi danh thế giới “Mã đạp phi yến” cũng đào dược ở Vũ Uy. Đồng thời người ta còn đào hơn 220 hiện vật khác trong đó đa số là đồ đồng có trình độ công nghệ rất cao. Hàng loạt văn vật ấy cho thấy vùng đất Vũ Uy vào đầu đời hán là một khu vực rất phát đạt về nền văn hóa của người Hán.

“Mã đạp phi yến” là một văn vật quan trọng đào được trên con đường tơ lụa, có người còn gọi nó là “Thiên mã long tước” mà tôi đã nói ở trên. Khi đến Vũ Uy, làm sao tôi có thể không đến thăm nơi có bảo vật ấy cho được?

Ra khỏi thành, đi bộ theo hướng bắc, vòng qua khu trồng hoa màu của thành phố thì đến một thôn ấp. Đầu thôn có một đài cao, trên đài là ngôi miếu lôi thần nên gọi là “Lôi thần đài”. Trước đài có mấy cây hòe cổ thụ ba người ôm không xuể. Năm 1969, người ta phát hiện một ngôi mộ thời Đông Hán dưới những gốc cây hòe của Lôi đài. Một số lớn văn vật, kể cả tượng “Mã đạp phi yến” đều đào được từ ngôi mộ ấy.

Tôi đi xuống Lôi đài tìm lối vào mộ, vào đến bên trong theo ánh đèn chiếu rọi, tôi thấy có ba gian thuộc mộ chính và ba gian phụ khác, tất cả đều xây bằng gạch đời Hán, trông rất bề thế, chắc chắn người chết phải là một nhân vật quyền thế. Theo như chữ khắc trên ức của con ngựa bằng đồng thì chủ nhân họ Trương vốn là một vị tướng không rõ tên gì.

Từ Lôi đài nhìn theo hướng nội thành thì thấy có một cái tháp cao gọi là La Thập tháp, đó chính là tháp của vị cao tăng từ Tây Vực: Cưu Ma La Thập.

Trên đường trở về thành cổ, tôi đi vòng qua tháp để tham quan. Tháp xây bằng gạch, tọa lạc ở phía bắc cổ thành, hình bát giác cao mười hai tầng, mỗi tầng có treo một cái chuông đồng tám lá. Gió thổi qua, chuông kêu đinh đang. Trên đỉnh tháp, ánh mặt trời chiếu rọi, rực rỡ một màu vàng xanh nhấp nhánh.

Đối với nền Phật giáo Đông phương thì Cưu Ma La Thập có những cống hiến đặc biệt. Thân sinh ngài là người Thiên Trúc (tức Ấn Độ), thân mẫu là nữ vương xứ Quy Tư (nay là vùng đất Khố Xa thuộc Tân Cương). Ngài sinh năm 343 CN, xuất gia năm bảy tuổi. Năm hai mươi tuổi đi du lịch các nước Phật giáo ở Tây Vực. Lúc trẻ ngày đã nổi tiếng là nhà tinh thông Phật học: Tên tuổi của ngài truyền đến Trung Nguyên. Tiền Tần vương là Phù Kiên rất tín ngưỡng đạo Phật và cũng có người tiến cử Cưu Ma La Thập cho nhà vua. Phù Kiên có ý chiếm Tây Vực, nên năm 384 CN sai đại tướng Lã Quang đem binh đi đánh Tây Vực rồi thuận đường rước Cưu Ma La Thập từ Quy Tư về Lương Châu (Vũ Uy). Năm sau, Lã Quang chiếm Vũ Uy, lập ra nước Hậu Lương. Cưu Ma La Thập về Trường An, tôn làm quốc sư, mời ngài chủ trì việc dịch kinh Phật. Lúc này Phật học đã đạt đến đỉnh cao trong số mười sáu nước ở vùng Tây Vực.

Cống hiến lớn nhất của Cưu Ma La Thập là sự nghiệp phiên dịch kinh sách. Ngài tinh thông Phật học, giỏi cả tiếng Phạn lẫn tiếng Hán, thái độ dịch thuật rất cẩn thận và trung thực. Khi dịch kinh sách, tay cầm quyển sách bằng tiếng Phạn, miệng đọc qua tiếng Hán, rồi các thầy bàn bạc, viết thành bản sơ cảo, rồi sửa chữa lại một lần nữa để tiến tới trình độ chuẩn xác và thông suốt của Hán ngữ. Trước kia, người ngoại quốc dịch kinh vì không thông chữ Hán nên bản dịch thường tối nghĩa, khó hiểu. Cưu Ma La Thập không dịch từ ra từ mà dịch theo ý của câu văn, và là người đầu tiên sáng lập ra phái dịch nghĩa. Lúc gần viên tịch, ngài phát lời thề rằng nếu dịch văn mà không làm mất ý thì sau khi chết lửa sẽ thiêu đốt thân thể ra tro, nhưng cái lưỡi sẽ không bị hư nát. Thái độ trung thực của ngài trong cách phiên dịch đáng để cho chúng ta học tập.

Có người nói tháp La Thập là nơi mai táng “cái lưỡi không hư nát” của ngài. Đó có thể là điều không có thật, khó tin, nhưng công lao sáng tạo ra phái cách ý trong sự nghiệp phiên dịch của ngài thì hậu thế chứng ta không thể quên được.

Trong suốt thời kỳ phân liệt toàn Trung Nguyên từ sau đời Tây Tấn trở đi, đó là Tiền Lương, Hậu Lương và Bắc Lương (từ 376 - 419 CN) thì Vũ Uy là nơi lập kinh đô của các quốc gia cát cứ. Bấy giờ tại Trung quốc Phật giáo đang thịnh hành. Vũ Uy nằm trên con đường tơ lụa có một thời đã trở thành trưng tâm Phật giáo của cả khu vực Tây Bắc. Thời thịnh đạt nhất, Vũ Uy có đến mười ba ngôi chùa Phật.

Sau Cưu Ma La Thập, có cao tăng Huyền Trang nổi danh một thời đi thỉnh kinh ở Tây Vực cũng có ghé lại Vũ Uy và giảng kinh tại đây. Lúc bấy giờ Vũ Uy là một trung tâm Phật giáo nên Huyền Trang được mời lại ở hơn một tháng, đăng đàn giảng kinh Niết bàn và kinh Bát nhã, vang danh một thời, người đến nghe càng ngày càng đông. Tôi có hỏi ngài giảng kinh tại chùa nào thì người ở đây đều không biết.

Thời bấy giờ tại Vũ Uy, thương nhân và tăng lữ các nước Tây Vực thường hay lui tới: Họ nghe những lời giảng cao diệu của thầy Huyền Trang thảy đều kính phục, không chỉ tự nguyện bố thí, cấp lộ phí để Tây du thỉnh kinh mà còn tán thưởng các cao tăng nhà Đường có vốn Phật pháp uyên thâm. Như vậy tiếng tăm của Huyền Trang được truyền bá nhanh đến các quốc gia Tây Vực kể cả trước khi ngài chưa đến, thậm chí có những vị quân vương tín ngưỡng đạo Phật đã sớm chuẩn bị nghênh đón ngài. Vua Cao Xương là người nhiệt tâm nhất.

Cưu Ma La Thập và Huyền Trang đều là những nhà dịch thuật lớn trong quá trình giao lưu văn hóa Trung Ấn, cống hiến của họ rất to lớn, một người từ phương tây đến, một người từ phương đông lại, cả hai đều lưu lại dấu tích dọc hành lang Hà Tây. Họ e không ngờ rằng cách hơn nghìn năm sau lại có người đang truy tìm tung tích lịch sử của họ.

ĐỒNG CỎ VÀ SÔNG BĂNG

Phía bắc Vũ Uy là biển cát cuồn cuộn - sa mạc Tengger mênh mông; phía nam là núi non tuyết phủ quanh năm - dãy Kỳ Liên sơn. Con đường tơ lụa chạy xuyên qua giữa biển cát và núi tuyết ấy.

Tháng mười, trời vào thu, Vũ Uy bắt đầu có tuyết. Qua một lớp tuyết mỏng mà leo núi Kỳ Liên lại càng thích thú. Không khí trong lành, mặt trời chiếu sáng, bầu trời như vừa mới tắm gội, trong suốt kỳ lạ. Vừa bước chân ra khỏi cửa đã thấy các ngọn núi của dãy Kỳ Liên khoác bộ áo tuyết trong trắng lạ thường nổi bật giữa nền trời xanh ngắt, đặc biệt nhìn xuyên qua đồng lúa chín vàng và đám lá cây bạch dương rực rỡ dưới ánh mặt trời chẳng khác nào một bức tranh sơn dầu đầy sắc màu tươi đẹp.

Lái xe theo hướng tây bắc chừng 45 cây số, tách khỏi đường cái đi vào khu vực núi Kỳ Liên, rẽ vào một con đường nhỏ ngoằn ngoèo rồi tiến lên phía trước chừng 25 cây số nữa thì trên đồng cỏ chăn thả gia súc Đãn Mã, chúng tôi được mời vào phòng làm việc của mục trường nghỉ ngơi.

Trong phòng đã nhóm lửa. Ở nơi cao hơn mực nước biển 2300 mét thì lạnh hơn nhiều so với dưới chân núi. Chủ nhà bưng trà sữa đang bốc hơi ra chiêu đãi chúng tôi. Tôi lấy làm hiếu kỳ uống thử một ngụm thì toàn nghe có mùi rượu. Trên đường đi tôi cảm thấy lạnh, uống loại trà rượu này khắp châu thân đều có sức ấm tỏa lan, thế là tôi làm một hơi cạn hai chén, cái lạnh trong người không còn nữa.

Mục trường Đẵn Mã có đến ba mươi phần trăm là người Tây Tạng, họ giỏi về việc chế tạo bơ, thực ra đó chỉ là loại bơ nước thổ sản của họ. Chè bánh (tức trà đóng thành bánh như viên gạch) thêm nước sôi khuấy đều đun nóng rồi bỏ vào mấy viên bơ nữa thế là có một thứ thức uống cao cấp của dân du mục người Tây Tạng sau bữa cơm.

Chủ nhân mời chúng tôi vào núi thăm đồng cỏ. Toàn thể diện tích thảo nguyên mục trường là mười lăm vạn mẫu, nuôi chừng sáu ngàn con dê, hai ngàn bảy trăm con bò, ngoài ra còn có ngựa và bò sữa, tổng cộng ước chừng một vạn con.

Chúng tôi đi vào bên trong núi Kỳ Liên, thấy triền núi đâu đâu cũng là đồng cỏ, loại cỏ này có tên là “mã lan”, từng đám từng đám mọc lên giống như hoa lan, màu cỏ đã chuyển sang màu vàng. Dọc đường chúng tôi đã thấy mục dân cắt cỏ chuẩn bị thức ăn cho gia súc vào những ngày đông tháng giá.

Thảo nguyên lớn nhất nằm giữa hai dãy núi ở độ cao 2300 mét có tên là bãi cỏ sông Thượng Tự, cúi nhìn xuống một hang nín trống hoác thấy một dải nước trắng bạc thì đó là sông Thượng Tự. Một đồng cỏ rộng lớn ẩn mình trong núi sâu cạnh một con sông. Xa xa nhìn đàn bò, đàn đê nhỏ như những con kiến đang di động trên bãi cỏ màu vàng óng. Hai bên là núi thấp mọc đầy những cây thông mụ can sừng sững. Cảnh sắc rậm rạp tráng lệ ấy khiến tôi liên tưởng đến bức họa phong cảnh với thế núi hùng vĩ vùng Đông sơn của Khôi Di. Vừa đúng lúc đó một đàn nhạn kết thành hình chữ “nhân” đang bay qua trên bầu trời trong vắt. Và xa xa tiếng dân ca vọng lại của mục dân người Tây Tạng. Cảnh sắc thiên nhiên đẹp đẽ tráng lệ ấy khiến người ta phải mê mẩn!

Tôi nghĩ các danh thắng nổi tiếng xa gần xưa nay như Tây Hồ ở Hàng Châu, Vân Hải ở Hoàng Sơn, tất nhiên có sức hấp dẫn nhiều du khách, nhưng rừng rậm nguyên thủy, mục trường ở núi Kỳ Liên tuy chưa đưa vào sổ tay du lịch thuộc phong cảnh dã ngoại nhưng vẫn có nét đặc biệt kỳ thú.

Bức họa sơn dầu phong cảnh thiên nhiên nơi núi cao của mục trường đang hiện ra trước mắt ấy sở dĩ nó đẹp là nhờ băng tuyết núi Kỳ Liên làm nổi bật, ngọn núi cao nhất kia có tên là Lĩnh Long, cao 5254 mét.

Núi Kỳ Liên ở độ cao trung bình trên 3000 mét có thể nói là dãy núi băng tuyết quanh năm, bình quân hàng năm ở núi Kỳ Liên có nhiệt độ 0 độ C từ đông sang tây trong khoảng núi các từ 2800 đến 3100 mét, còn những nơi đóng băng thì cao trên 4200 mét.

Dãy Kỳ Liên kéo dài từ đông sang tây 800 cây số, có hơn 3000 dòng băng hà, chiếm một diện tích hơn 2000 cây số vuông, đó là một kho nước đóng băng rất lớn. Đất cát dọc hành lang Hà Tây hầu như chỉ dựa vào nguồn cung cấp nước của các dòng băng hà ở núi Kỳ Liên. Khối băng tuyết tĩnh lặng trên đó đúng là suối nguồn sự sống của hàng lang Hà Tây.

Hành lang Hà Tây khô hạn, bình quân lượng mưa hàng năm từ 40 đến 140 milimét, nhưng lượng bốc hơi lại rất lớn. Nếu có mưa chăng nữa thì sự bốc hơi cũng làm chúng khô đi. Dãy Kỳ Liên nằm xuyên ngang từ đông sang tây giống như một bức bình phong thiên nhiên chắn làn hơi nước ẩm mát từ Ấn Độ Dương thổi đến. Mực nước mưa trên núi khá cao từ 300 đến 600 milimét. Cho nên băng hà trên núi Kỳ Liên mới được hình thành, ba hệ thống nước của hành lang Hà Tây là Thạch Dương hà, Hắc hà và Sơ Lặc hà đều bắt nguồn từ các băng hà trên dãy Kỳ Liên. Mạch nước ngầm ở dọc hành lang Hà Tây ước chừng 1500 tỉ mét khối, tương đương 300 lần lượng nước ở hỗ chứa Kẽm Lưu Gia trên sông Hoàng Hà. Số nước này cũng do từ băng hà trên núi Kỳ Liên mà ra.

Trên đường từ nơi Kỳ Liên trở về thành phố, tôi ghé thăm hai hồ chứa nước lớn ở Vũ Uy. Hồ chứa phía nam và hồ chứa phía bắc, trữ lượng nước ở đây khoảng trên mười triệu mét khối. Điều làm tôi đặc biệt chú ý là hệ thống kênh mương dẫn nước vào hồ chứa. Người ta dùng đá cuội ở bãi Gôbi trộn với xi-măng để xây thành mương chính và các đường mương phụ có độ dốc khá lớn, nước chảy rất mau. Nếu lỡ súc vật không để ý rơi xuống mương nhất định sẽ bị cuốn phăng, khó mà sống sót. Tăng thêm độ dốc của các con mương, nâng cao tốc độ dẫn nước tức là làm giảm bớt sự tổn thất nước do bốc hơi sinh ra. Ở hành lang Hà Tây, nước quý như vàng.

Người ta còn cho tôi biết, trước khi chưa trùng tu hồ chứa nước và hệ thống kênh mương, nước sông ở bất Gôbi chảy không được kiểm soát, một phần thẩm thấu, một phần bốc hơi, thật là lãng phí. Ở đây có câu tục ngữ ”thượng điền tích thủy, hạ điền khan” (ruộng trên ứ nước, ruộng dưới thì cạn khô) để mô tả tình trạng này. Ngày nay, ngoài việc trùng tu hồ chứa nước, huyện Vũ Uy còn xây dựng thêm 470 cây số đường mương chống thẩm thấu, nâng cao hiệu năng của các đường kênh mương.

Hiện tại, huyện Vũ Uy trở thành huyện có lượng sản xuất nông nghiệp lớn nhất tỉnh Cam Túc. Nông dân đều nhận thấy nước không đủ dùng nên có người nghi ngờ rằng băng hà ở núi Kỳ Liên ngày một rút ngắn, nguồn nước giảm thiểu. Điều này có quan hệ đến sự sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân dọc hành lang Hà Tây, mọi người đều rất quan tâm. Do đó, tôi đã đi hỏi ý kiến của các nhà khoa học, Sở Nghiên cứu Băng hà Lan Châu và các giáo sư địa lý thuộc Đại học Lan Châu nói, họ đã trải qua nhiều năm khảo sát, nghiên cứu, do khí hậu biến hoá các dòng băng hà ở Kỳ Liên đúng là có rút ngắn lại, nhưng mấy năm gần đây tốc độ rút ngắn càng ngày càng giảm. Họ dự đoán xu thế rút ngắn băng hà ở Kỳ Liên đã kết thúc, trong tương lai một vài năm nữa băng hà sẽ cung cấp lượng nước nhiều hơn. Điều này đối với nhân dân Hà Tây là một tin tốt lành.

SA MẠC VÀ CỔ LŨY

Từ huyện thành đi xe theo hướng tây bắc chừng 40 cây số thì đến bên bờ của một con sông có nước màu hồng. Nước sông rất cạn, bước trên đám đá ngổn ngang giữa dòng sông là có thể vượt qua được. Đó là con sông nhỏ do những suối ngầm dưới lòng đất phun lên hợp lại mà thành, chảy, chảy mãi rồi dần dần thấm nhập vào. Hành lang Hà Tây có một bộ phận hà lưu từ trong lòng đất phun lên rồi lại chạy vào lòng đất.

Qua khỏi con sông, trèo lên bờ, đi xuyên qua một rừng táo gai thì thấy cồn cát nhấp nhô của sa mạc. Đó là chúng ta đã bước chân vào hai khu tự trị Nội Mông Ninh Hạ và sa mạc Tengger thuộc tỉnh Cam Túc.

Tôi bước lên một gò đất cao phóng tầm mắt nhìn về phía xa, cho thấy cồn cát và cồn cát, không bờ không bến và trông giống như sóng biển lớp lớp tuôn trào, sóng sau xô sóng trước cơ hồ như muốn nuốt chung mọi sinh linh, trông thật đáng sợ.

Sau đó tôi đến một cổ lũy bị cồn cát xâm thực thì mới nhận ra sức phá hoại ghê gớm của cát sa mạc.

Lũy này là do đất sét đắp thành tường, bốn góc cao hơn mặt đất chừng 20 mét. Tôi thuận theo mô đất cao đến cạnh bờ tường hư nát vẫn còn một vài nơi có thể ngăn chặn sự xâm thực của cát vàng sa mạc, nhưng phía bờ bắc có một lỗ hổng lớn và những đợt sóng cát mà từ đó tràn vào bên trong cổ lũy tha hồ lấn tới nuốt gọn cả một diện tích đất 15000 mét vuông của cổ lũy. Tôi bước xuống và đi bộ bên trong cổ lũy, thuận tay nhặt lên mấy mảnh gạch đất nung thời cổ đại, nhưng rất tiếc không có nhà khảo cổ nào đi theo để hỏi cho biết chúng thuộc triều đại nào.

Cả dải đất này là nơi Trường thành chạy ngang do nhà Hán kiến tạo, nay có tên là công xã Trường Thành. Đồn lũy này là doanh trại quân đội bảo vệ Trường Thành trú đóng của thời cổ đại, về sau có lẽ có dân chúng đến đây cư trú. Thôn dân ở công xã Trường Thành nói tổ tiên của họ đã từ cổ lũy kia chuyển đến. Đứng trên bờ tường của cổ lũy mà nhìn về phía xa, ta có thể thấy rõ hai dải rừng bảo vệ cát xâm thực bao quanh một dải đất dài và hẹp, viên cán bộ công xã nói dải rừng ấy dài hơn 30 cây số bảo hộ cho hơn 16000 mẫu ruộng của công xã Trường Thành.

Rừng chống cát chủ yếu là loại táo gai chịu hạn hán, trái của nó có hình dáng và màu sắc giống như táo thường nhưng nhỏ hơn rất nhiều. Tôi hái mấy trái nếm thử thì có cảm giác như nhai bột, khô không có chất nước, vị chát, nhai lâu có vị ngọt. Ven sa mạc, Công xã lập vườn cây ăn quả, họ trồng lê, táo tây.

Bữa trưa, tôi được một xã viên mời. Cổng và cửa sổ của nông xá đều thiết kế theo phong cách dân tộc, có vẻ khác thường. Trên những bức tường trắng treo lủng lẳng những xâu ớt đỏ tươi trông rất vui mắt. Trong một vuông sân nhỏ, người ta trồng hoa hướng dương và rau xanh. Có đi vào những nông trang an nhàn đang bị vây bọc bồi cồn cát của sa mạc mới cảm nhận được cuộc sống thân thiết hiếm có của họ.

Chủ nhân mời chúng tôi ngồi cạnh lò sưởi, ăn hai đĩa thức ăn trộn nhiều ớt, khoai tây, bắp cải trộn với mì sợi, thật là ngon miệng. Sau bữa ăn, chủ nhân bưng ra một khay đậu non, mời nói:

- Đậu vừa mới hái đấy, mời quý vị nếm thử!

Khó từ chối tấm thịnh tình của chủ nhà, chúng tôi vừa ăn vừa nói chuyện.

Công xã Trường Thành sống ven sa mạc Tengger hiện có hơn 14000 nhân khẩu. Lúc mới giải phóng, do ruộng đất bị cát sa mạc xâm thực, người ta đã bỏ đi rất nhiều, từ năm 1952 trở đi nhà nước bắt đầu có kế hoạch trồng cây gây rừng, đến năm 1956, rừng chống cát thành công, sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân trở nên khởi sắc, dân cư các nơi lục tục kẻo về.

Mấy năm gần đây, có nhiều công trình trồng cây gây rừng bị phá hoại, nhưng rồi được khôi phục lại. Xã viên vui vẻ nói với tôi, rừng chống cát của công xã Trường Thành sẽ cùng với rừng chống cát của các huyện lân cận liên kết lại với nhau, nhà nước có kế hoạch trồng rừng từ Cam Túc, Ninh Hạ, Nội Mông đi thẳng đến Hắc Long Giang ở cực đông tạo thành một dải rừng phòng cát sa mạc dài vạn dặm (vạn lý phòng sa lâm đái) Có người nói trên phi thuyền vũ trụ, người ta có thể thấy rõ Vạn lý Trường thành của Trung Quốc. Chúng tôi hy vọng một vài năm sau cũng từ phi thuyền Vũ trụ còn có thể thấy một trường thành màu xanh dài vạn dặm song song với Vạn Lý Trường thành cố cựu.

7. CỬA KHẨU KỲ LIÊN VÀ CHÂN NÚI YÊN CHI

LỘ TRÌNH TUẦN DU TÂY VỰC CỦA VUA TÙY DẠNG ĐẾ

Câu chuyện vua Tùy Dạng Đế tuần du xuống phương Nam thì ai cũng biết. Để thực hiện chuyến du ngoạn Giang Nam này, nhà vua đã ra lệnh khai thông nhiều con sông đào để nối liền ba con sông lớn Hoàng Hà, Hoài Hà và Trường Giang lại với nhau. Tự mình ngồi trên thuyền rồng cao bốn tầng đem theo cả hậu phi, vương tôn công tử, tăng ni, quan lại, người hầu cộng hơn hai mươi vạn người, trùng trùng điệp điệp từ kinh đô Lạc Dương xuống Giang Đô (tức Dương Châu). Suốt đường đi, hàng ngàn ghe thuyền đầu đuôi tương tiếp dài hơn 200 dặm. Nhà vua còn hạ lệnh cư dân ven sông trong khoảng 500 dặm đều phải đem dâng thức ăn cho các đội thuyền của hoàng đế đến nỗi sơn hào hải vị chất đống thành núi, quan quân ăn không xuể, lúc lên đường lại phải đào hầm mà chôn để chứng tỏ thần dân luôn luôn hiếu kính hoàng đế của mình.

Nhưng câu chuyện vua Tùy Dạng Đế tuần du phương tây thì hầu như mọi người không hề biết đến, lại càng không biết nhà vua đã khổ sở như thế nào tại hành lang Hà Tây.

Năm Đại Nghiệp thứ V đời Tùy (609 CN), Dạng Đế từ kinh đô đến Lũng Tây tỉnh Cam Túc, lên đến Thanh Hải, sau đi xuyên núi Kỳ Liên, qua đến Đại đẩu Bạt cốc rồi đến quận Trương Dịch ở hành lang Hà Tây.

“Tùy thư - Dạng Đế kỷ” có ghi: “Qua Đại đầu Bạt cốc, đường núi chật hẹp, hiểm trở, nối đuôi nhau mà đi, gió tuyết mờ mờ, các quan tùy tùng thất lạc sĩ tốt chết cóng quá nửa”. Lúc Tùy Dạng Đế ra khỏi đường núi Kỳ Liên hiểm trở thì trời đã vào tháng sáu, nhưng lại gặp bão tuyết tại một hẻm núi, không chỉ binh sĩ bị chết cóng quá nửa mà các quan viên tùy tùng cũng bị thất tán. Lúc ấy, người ít thế cô rất có thể bị lang sói tấn công giữa chốn núi rừng hiu quạnh này.

Tôi đặc biệt chú ý đến đoạn ghi chép trên, vì lộ trình tuần du Tây Vực của vua Tùy Dạng đế đến hành lang Hà Tây đúng như các nhà chuyên môn xác định, đó là lộ trình tuyến nam, một trong ba lộ tuyến của con đường tơ lụa sau khi xuất phát từ Trường An đi hành lang Hà Tây. Những gì nói trongTùy thư quyển ba về lộ trình của Tùy Dạng Đế tuần du Tây Vực là: “Nhà vua đi săn ở Lũng Tây ... thứ đến là Địch đạo (Lâm Thao) ... Ra khỏi ải Lâm Tân (gần chùa Bính Linh) qua sông Hoàng Hà, rồi đến Tây Bình (Lạc đạo) ... qua Đại đẩu Bạt cốc … trạm tiếp theo là Trương Dịch: “Lộ trình ấy trên bản đồ ngày nay là: từ Tây An đến Lững Tây tỉnh Cam Túc, tại vùng phụ cận chùa Bính Linh qua sông Hoàng Hà đến huyện Lạc Đô tỉnh Thanh Hải rồi đi dọc theo Hà Tây, sau đó vượt qua một khe núi trong dãy Kỳ Liên, sau khi ra khỏi Đại đẩu Bạt cốc thì đến quận Trương Dịch tức đoạn giữa của hành lang Hà Tây.

Theo các chuyên gia cho biết thì Đại đẩu Bạt cốc là cửa khẩu Biên Đô, tức một trong những cửa khẩu của núi Kỳ Liên, nó nằm trong địa giới huyện Dân Lạc tỉnh Cam Túc, đây là một cửa ải trọng yếu chắn ngang từ Tây Ninh tỉnh Thanh Hải đến Trương Dịch tỉnh Cam Túc. Các đội thương nhân cổ đại từ Thanh Hải đến đều phải ra khỏi cửa khẩu Biên Đô mới tiếp tục đi lên hướng tây.

Để tìm hiểu cửa khẩu trọng yếu này trên con đường tơ lụa, tôi đi xe lửa từ Vũ Uy đến Trương Dịch, sau đó đi ôtô để đến huyện Dân Lạc. Tại đây, tôi được một người làm công tác văn vật tên là La Thư Quần làm hướng dẫn viên.

CỬA KHẨU ĐẦY GIÓ TUYẾT

Từ Trương Dịch đi xe theo hướng đông nam, qua đoạn đường dài trên sa mạc Gôbi hoang vu không người, thì đến huyện Dân Lạc. Nghỉ ngơi thột lát rồi tiếp tục đi, qua khỏi bình nguyên rộng lớn là đụng phải chân núi Kỳ Liên. Nơi đổ xe có cột mốc ghi rõ bảng chỉ đường, trên đó ghi từ quận Trương Dịch, Cam Túc đến đây đúng 93 cây số, từ Tây Ninh, Thanh Hải đến đây 243 cây số. Đây chính là cửa khẩu Biên Đô, cũng tức là Đại đẩu Bạt cốc, nơi vua Tùy Dạng đế gặp bão tuyết.

Tôi leo lên một ngọn núi thấp, nhìn địa hình tứ phía thì thấy quả là rất hiểm yếu đúng là danh bất hư truyền. Hai bên cửa núi, vòm núi dựng đứng cao sừng sững, gần là sườn núi xanh um những cỏ, xa là những đỉnh núi tuyết trắng phau; một dòng nước trong suốt từ hang núi chảy ra có tên là sông Đồng Tử. Có đường nhựa vượt qua một cầu vồng, men theo bờ sông ngoằn ngoèo để đến Thanh Hải. Trên đường xe cộ qua lại tấp nập, xe ca có, xe khách có. Ngày nay cửa khẩu Biên Đô vẫn là cửa ải giao thông quan trọng giữa Thanh Hải và Cam Túc.

Tuy đang tháng mười, trời thu cao xanh, khí thu sảng khoái nhưng dừng chân lâu tại cửa khẩu Biên Đô này người tôi cảm thấy lành lạnh, dưới chân là lớp tuyết dày, chỗ chúng tôi đang đứng có độ cao gần 3000 mét. Đi vào hẻm núi, đường nhựa như cao dần, nơi cao nhất gần 4000 mét, quanh năm lạnh dưới 0 độ. Thảo nào mà vua Tùy Dạng Đế vào tháng sáu Nông lịch qua Đại đẩu Bạt cốc gặp phải bão tuyết mù trời!

Quay đầu nhìn về phía bắc, bên ngoài cửa khẩu Biên Đô là bình nguyên trải dài bát ngát. Những người từ hang núi thâm sâu bước ra, khi đến Biên Đô đối ngặt với bầu không khí trong vắt, xa xa nghìn trùng là vùng đất mênh mông khiến tầm nhìn thông suất, tấm lòng rộng mở... Phía tây của đại thảo nguyên là công xã Nam Phong vừa chăn nuôi vừa cày cấy của huyện Dân Lạc, còn phía đông là mục trường nuôi ngựa

Sơn Đan nổi tiếng xưa nay. Theo hướng mục trường Sơn Đan, dõi tầm mắt nhìn xa tít tắp thì thấy những ngọn núi tuyết sừng sững phía chân trời, đối đầu với núi Kỳ Liên chứ không liên tiếp nhau. La Thư Quần nói đó là núi Yên Chi. Tôi lấy làm ngạc nhiên, thích thú hỏi:

- Ồ! Chính ngọn núi Yên Chi ấy, nơi mà Hoắc Khứ bệnh và Tùy Dạng Đế đều đặt chân đến ấy à?

Anh gật đầu nói:

Chính là nó đấy! Chúng ta đến thăm mục trường Sơn Đan thì tố thể đến được chân núi ấy.

HỘI CHỢ THỜI CỔ ĐẠI

Trong lịch sử, núi Yên Chi rất nổi tiếng. Hán thư có ghi: Đời Tây Hán, chàng Phiêu kị tướng quân trẻ tuổi Hoắc Khứ Bệnh trên đường tây chinh đến Hà Tây truy đuổi quân Hung Nô đã vượt qua núi Yên Chi. Tùy thư cũng có ghi: Vua Tùy Dạng đế tuần du phương Tây có lần đã đến núi Yên Chi. Hôm nay tôi đang đứng tại cửa khẩu Biên Đô này, nơi Tùy Dạng Đế gặp phải bão tuyết, xa xa là đỉnh núi tuyết của ngọn Yên Chi, tôi lại nghĩ vì sao một ông vua xa hoa dục lạc nổi tiếng như vậy mà lại tìm đến một nơi chẳng có chút vui thú nào ở chốn thâm sơn cùng cốc này?

Thực ra, vua Tùy Dạng Đế không chỉ sống xa hoa sảng khoái mà ông còn làm được những công tích lớn khác. Cuộc tuần du phương Tây đã làm được hai việc: thứ nhất, dẫn quân tiến đánh và chiếm cứ Thổ Cốc Hồn thuộc Thanh Hải của người Tiên Ty, bấy giờ tộc người này sống bằng nghề du mục lập thành tiểu vương quốc nhưng bất kính đối với chính quyền trung ương nhà Tùy; thứ hai, đến quận Trương Dịch, một thành phố có cả người Hoa lẫn người Tây Vực tiếp kiến quân vương, sứ giả và các nhà buôn Tây Vực, làm rạng rỡ uy danh của đế quốc.

Thời bấy giờ thương nhân các nước Tây Vực, bao gồm các tiểu quốc mới thành lập của các dân tộc thiểu số thần phục nhà Tùy kể cả một số các quốc gia Trung Á bên kia cao nguyên Pamia1 đều đến Trung Quốc kinh doanh buôn bán, thường thường quy tụ tại quận Trường Dịch, một trung tâm lớn dọc hành lang Hà Tây. Vua Tùy Dạng Đế từng phái đại thần thân tín là Bùi Củ giữ chức chưởng quản Trương Dịch và lo việc giao thương với các nước TâyVực. Bùi Củ biết rõ dụng ý của Tùy Dạng Đế, trong thời kỳ nhậm chức, ông hay điều tra, hỏi han thương nhân người Hồ về nhân tình, phong thổ và sông núi đất đai của bốn mươi bốn nước Tây Vực, viết thành bộ sách Tây Vực đồ ký đem dâng cho nhà vua.Trong bài tựa có nói đến ba con đường giao thương đi từ hành lang Hà Tây đến Tây hải (tức Địa Trung Hải và vịnh Ba Tư2). Lấy

Đôn Hoàng làm điểm xuất phát chung thì có ba đường đi về hướng tây như sau: Từ Y Ngô (Ha Mật - Tân Cương) xuất phát thì đó là tuyến Bắc; từ Cao Xương (Tolophan - Tân Cương) xuất phát thì đó là tuyến giữa; từ Thiên Thiện (Nhược Khương - Tân Cương) xuất phát thì đó là tuyến Nam. Rất tiếc sách trên đã thất truyền, nhưng cũng may Tùy thư đã trích dẫn lại lời tựa của cuốn sách ấy. Đó là những gì được miêu tả tương đối hoàn chỉnh và sớm nhất về lộ trình của con đường tơ lụa trong sách sử Trung Quốc còn lưu lại.

Tùy Dạng Đế rất vui khi đọc Tây Vực đồ ký, đặc liệt chú ý lắng nghe Bùi Củ báo cáo tình hình về các nước Tây Vực. Năm 606 CN, Tùy Dạng Đế tuần du phương Tây ra lệnh cho Bùi Củ đi trước thông tri quân vương các nước Tây Vực đến Trương Dịch hội kiến. Bùi Củ tự mình đến Đôn Hoàng nghênh tiếp tân vương, sứ giả. “Tùy thư” ghi: “Vua Ngô là Thổ Đồn Thiết cùng hai mươi bảy nước Tây phiên yết kiến vua ở Đạo Tả”. Lúc ấy vua ban lệnh quan lại, phụ nữ ở Vũ Uy Trương Dịch ăn mặc, đẹp đẽ ra đường nghênh đón, ngựa xe tấp nập, mọi người đốt hương tấu nhạc, ca múa vang lừng, thật là náo nhiệt đông vui.

Cuộc tuần du phương Tây của vua Tùy Dạng Đế đã làm hưng phấn quần thần, dân chúng, không phải là không có ý khoe bày sự hưng thịnh của Trung Quốc, đồng thời làm lung lạc xứ Tây Vực và triển khai việc mậu dịch kinh tế. Sau đó, tân vương, sứ giả Tây Vực theo nhà vua đến Lạc Dương rất đông. Nhà vua cho thiết trí hàng trăm nhà hát kịch lớn ngoài các phố thành Lạc Dương diễn các tuồng hay của các xứ trên toàn quốc để người Tây Vực xem, tiếng vang xa hàng chục dặm, suốt đêm đèn đuốc sáng trưng. Vua còn ra lệnh cho các nhà buôn Lạc Dương trang sức đẹp đẽ, bày ra nhiều hàng quý, đọc đường phố vây màn trướng, đặt nhiều thức nhắm và rượu ngon mời thương nhân Tây Vực nhập tiệc, ăn uống no say không phải trả tiền.

Hình thức “hội chợ” để giao lưu kinh tế, văn hóa xuất hiện vào thế kỷ thứ VII ở Trung Quốc có thể nói là một sáng tạo độc đáo. Vở kịch múa hiện đại Ti lộ hoa vũ diễn lại tình hình hưng vượng của hội chợ thời cổ đại đã nói lên điều đó. Nhưng cũng có một số sử gia chê trách những hành vi tiêu hoang phung phí của Tùy Dạng Đế. Sau cơn đại loạn của mười sáu nước thời Đông Tấn, nhà tùy thống nhất Trung Quốc, một thời thịnh vượng phú cường, nhưng sau cũng suy bại rất nhanh, điều này cũng có liên quan rất lớn đến sự xa hoa quá độ cũng như sự vui chơi quá trớn của vua Tùy Dạng Đế.

DẤU TÍCH TÂY CHINH CỦA HOẮC KHỨ BỆNH

Từ Biên Đô trở về, ăn cơm trưa tại công xã Nam Phong, ngồi bàn luận với cán bộ công xã về mức sản xuất của vùng đất bán nông nghiệp bán du mục này. Công xã đất rộng người thưa bình quân mỗi người có đến 60 mẫu đất. Vùng đất có độ cao 2800 mét này thích hợp cho lúa đại mạch (tức loại đại mạch chịu lạnh), gần đây cũng có trồng thử tiểu mạch. Công xã có một vùng thảo nguyên rộng lớn, nuôi gần 20000 con bò và dê. Cuộc sống của xã viên so với khu thuần nông có phần khá hơn nhiều.

Chúng tôi rời công xã Nam Phong đi vế hướng bắc đến một tòa cổ thành cách đông nam huyện Dân Lạc chừng 100 cây số, ngày nay là trụ sở của công xã Vĩnh Cố. Trong cổ thành có nhiều xã viên trú ngụ. Tường thành xây bằng đất sét hiện còn khá hoàn chỉnh, chu vi dài 9 dặm ba, thành hình vuông. Tòa thành cổ này có tên là gì? Xây dựng vào triều đại nào? La Thư Quần có vẻ lấy làm tiếc nói:

- Chưa biết chính xác. Theo sách sử mà xét thì có thể là huyện Sơn Đan đời Hán, còn một nơi khác thì đó là huyện Đê Trì đời Hán. Nhưng các căn cứ đều không đủ để xác minh.

Anh dẫn tôi đi xem xét mấy ngôi mộ cổ ngoài cửa tây thành. Mấy năm gần đây đã khí quật và xác minh đó là những ngôi mộ thuộc đời Hán. Ngoài ra, ở cửa đông thành cũng khai quật được thêm mấy ngôi mộ đời Hán nữa, tổng cộng có chân ngôi tất cả. La Thư Quần nói:

Di chỉ của cổ thành bao quanh trong nhóm những ngôi mộ đời Hán. Đó là một chứng cứ quan trọng xác định thời đại kiến trúc của chúng. Dĩ nhiên, muốn có kết luận một cách khoa học, cần phải khảo sát cặn kẽ thêm nữa.

Rời khỏi cổ thành đi về hướng nam 5 cây số thì đến một mảnh đất trống gọi là Bát Quái doanh, tôi gặp một ông già cắt cỏ, ông bảo đó là nơi đóng quân của đại tướng Hoặc Khứ Bệnh thời Tây Hán.

Chúng tôi đến tận nơi xem xét thì thấy có hào rãnh dạng hình vuông, chu vi chừng 800 mét, giống di chỉ của một thành lũy nhỏ. Chếch về hướng nam có một đài cao, có chia cấp lên đài, dân chúng ở đây gọi là “Tử anh đài”, tương truyền là đài điểm danh tướng sĩ của Hoắc Khứ Bệnh.

Trên “Tử anh đài” tản mác nhiều gạch ngói vỡ, tôi cúi xuống nhặt lên mấy mảnh rồi thuận tay nhặt thêm những mảnh sành vỡ khác. Với con mắt người làm công tác văn vật, La Thư Quần chiếu theo chất đất và hoa văn cho là đồ sành sứ đời Hán. Tôi còn nhặt được một mẩu khắc đá có hoa văn hình chéo, ông xem qua rồi cao hứng nói:

- Đây là kiểu đồ đá giũa đời nhà Hán đấy!

Thế rồi ông cúi xuống tiếp tục tìm tòi khắp nơi, nhặt được một mẩu tương tự rồi đem chắp với mẩu trước của tôi thì khớp thành dạng một nửa cái khay, ngay như tôi người ngoài nghề nhìn qua cũng thấy giống là đồ đá giũa:

La Thư Quần góp đồ đá giũa ấy cất vào túi, luôn miệng nói:

- Thật không phí cuộc đi chơi, thu hoạch không phải là nhỏ!

Gần doanh Bát Quái có một hòn núi nhỏ, dưới chân núi nhiễu hang lỗ, nhìn xa trông giống như những hang động xếp ngay ngắn thành hai, ba tầng. Đến gần mới thấy rõ đó là quần thể cổ mộ đã được khai quật. Hai ba chục ngôi mộ tập trung lại với nhau trông giống như ngôi mộ tập thể thời cổ đại.

Huyệt mộ không lớn chỉ vừa chỗ cho một quan tài, trông rất sơ sài. Chắc chắn chủ của ngôi mộ không phải là hạng quan lại giàu có.

La Thư Quần cho biết trong số các ngôi mộ đào được có đến năm, sáu xâu tiền đời Hán, chứng tỏ rằng chúng là những ngôi mộ đời Hán. Văn vật đào được có cả binh khí cổ đại như tên đồng, nỏ đồng... Theo cách an táng và các văn vật đào được mà suy đoán thì quần thể cổ mộ ở doanh Bát Quái rất giống ngôi mộ tập thể của binh sĩ đời Hán.

Chúng tôi lên xe theo hướng núi Yên Chi đi tới, bên kia là Biên Đô, nơi chúng tôi đã đi qua khi sáng vẫn còn thấy rõ. Những gì biết được sau một ngày tìm hiểu đấu tích thời cổ đại, đầu óc tôi lộn xộn cả lên, nhất thời không hiểu ra manh mối, tôi bèn đến hỏi La Thư Quần:

- Doanh Bát Quái có phải là nơi đóng quân của Hoắc Khứ Bệnh không?

Ông nói:

- Anh thấy, trước mặt là núi Yên Chi. Hán thư có ghi:

Hoắc Khứ Bệnh đi đánh Hà Tây có đến núi Yên Chi. Doanh Bát Quái rất gần núi Yên Chi, vừa rồi chính chúng ta đã tìm thấy nhiều gạch ngói đời Hán tại đấy, cho nên nói đó là di chỉ đời Hán thì không có gì sai trái cả. Bên cạnh lại còn mộ chôn tập thể các binh sĩ đời Hán. Tất cả chứng cứ ấy cộng lại để suy đoán thì Hoặc Khứ Bệnh dẫn binh sĩ qua Bát Quái doanh, điều đó có thể khẳng định được ... Còn nói đó có phải là doanh trại quân đội, có phải là đài điểm danh tướng sĩ hay không thì rất khó xác quyết.

Tôi mân mê những đồ đá giũa đời hán, dòng tư tưởng lại đang trở về thời cổ đại xa xưa. Tôi phảng phất nhìn thấy những binh sĩ đỡ khiên, cầm mâu và những người dắt lạc đà kéo dây cương đang lần lượt đi bên cạnh tôi. Họ đã có những cống hiến cho con đường tơ lụa cổ xưa được khai mở. Trong lịch sử chỉ lưu danh những nhân vật tên tuổi như Trương Khiên, Hoắc Khứ Bệnh, Tùy Dạng đế, Bùi Củ ... nhưng người sáng tạo ra lịch sử, thúc đẩy lịch sử tiến lên chính là quần chúng nhân dân. Ngày nay, tôi suy tưởng về họ, họ đã vì chúng ta mà để lại kho tài sản lịch sử quý báu, nhưng lại không có tên tuổi, không có dòng dõi gì của họ cả!

NGỰA LAI TẠO LUÔN LUÔN LÀ NGỰA TRÁNG KIỆN

Xe chúng tôi vượt nhanh qua khu thảo nguyên bằng phẳng và khu canh tác phì nhiêu thì đến chân núi Yên Chi. Xem ra cũng rất kỳ lạ là núi Yên Chi và núi Kỳ Liên tuy gần nhau nhưng hoàn toàn lại không liên kết nhau. Chúng cách bởi một thảo nguyên bằng phẳng. Núi Kỳ Liên chạy theo hướng đông tây, còn núi Yên Chi chạy theo hướng nam bắc kéo dài 70 cây số. Đỉnh núi là một lớp tuyết dày ở độ cao 3978 mét. Chân núi và triền núi đều có dân cư, họ gọi núi Yên Chi là núi Đại Hoàng vì trên núi mọc đầy cây thuốc bắc đại hoàng.

Bất kể núi Kỳ Liên hay núi Yên Chi, người Hung Nô cổ đại đều có một tình cảm sâu sắc đối với chúng. Họ cho rằng chiếm được núi Kỳ Liên thì gia súc đầy đàn, mà có được núi Yên Chi thì có đàn bà con gái nhan sắc xinh tươi: Trước đây khi đọc sách có bài ca dao nói người Hung Nô nhớ về hai dãy núi này tôi hoàn toàn không thể hiểu nổi thì nay khi tôi đi đứng dưới chân núi Yên Chi mới thật sự thể hội được tại sao dân du mục Hưng Nô thời ấy lại lưu luyến khu vực này đến thế. Chu vi của mục trường thì mênh mông và phì nhiêu biết chừng nào!

Hiện nay mục trường quạnh núi Yên Chi thuộc khu chăn thả ngựa Sơn Đan, trụ sở của mục trường đóng ở dưới chân núi. Tối nay chúng tôi ngủ lại đây để chuẩn bị sáng mai đi tham quan mục trường.

Tỉnh dậy lúc tinh mơ, nhìn qua song cửa thì thấy một vùng trắng xóa. Ở nơi có độ cao 2600 mét, mùa đông đến rất sớm. Đêm qua tuyết rơi đầy trời, trên mặt đất là một lớp tuyết dày. Qua lại mục trường bằng những con đường sơ sài hết sức khó đi xe.

Anh chàng ký giả nhiếp ảnh Tiểu Kim đang hứng chí, khoác trên người chiếc áo da dê cùng với anh chàng nhiếp ảnh nghiệp dư của mục trường cưỡi môtô ra đi. Đến chiều trở về họ lạnh cóng, hai má đỏ ửng đang vui vẻ kể lại cho tôi nghe những gì đã được nghe thấy. Anh ta không những chớp 'được những cảnh ngựa chạy trên tuyết mà còn tự mình cưỡi ngựa phi quanh một vòng thật thích thú. Lời kể nghe rất tự hào. Chàng thanh niên cùng đi mỉm cười buộc miệng nói:

Nói có vẻ dễ nghe nhỉ! Anh sống được trở về là phước ba đời đấy!

- Xưa nay Tiểu Kim chưa hề cưỡi ngựa. 'Thấy một chú ngựa hùng dũng tráng kiện, đây là giống ngựa tốt của mục trường do ngựa Đốn Hà và ngựa Mông Cổ giao phối sinh ra. Chàng ta nghe mục công nói chú ngựa này đã được thuần phục bèn cả cưỡi thử, không ngờ vừa mới lên ngồi trên yên, ngựa xem thường chàng ta là người lạ, tung mình chạy, chàng vội ghìm dây cương, ngựa lại chạy nhanh hơn bấy giờ chàng ta có vẻ hoảng loạn, nhắm mắt nghĩ thôi hôm nay số phận mình phải giao cho nó rồi. Con ngựa bướng bỉnh ấy chạy một hơi mấy dặm liền, chạy thẳng đến gần chuồng ngựa của mình mới chịu dừng lại. Mục công cưỡi ngựa chạy đến an ủi chàng Tiểu Kim đang hồn xiêu phách lạc và nói:

- Bài học đầu tiên về thuật cưỡi ngựa của anh không tồi đâu đấy?

Bãi chăn ngựa chiến Sơn Đan trải dài qua sáu huyện của hai tỉnh Cam Túc và Thanh Hải, tổng diện tích hơn ba triệu mẫu, ngoài việc chăm sóc và gây giống ngựa tốt cho quân đội, người ta còn chăn thả thêm la, lừa, cừu , bò Tây Tạng …

Lịch sử về nhà nước quản lý mã trường ở hành lang Hà Tây đã có từ rất lâu. Đời Hán, tại biên giới tây bắc đã “lập ra đồng cỏ để chăn nuôi ngựa, có đến ba mươi sáu sở, nuôi đến ba mươi vạn con ngựa”(Hán thư). (Đó là sự mở đầu của các mã trường quốc doanh ở Trung Quốc. Thế kỷ thứ V CN, đời Bắc Ngụy mở rộng đế quốc, lấy Hà Tây làm mục trường rộng lớn để nuôi ngựa. Ngụy thư có ghi: “Hà Tây có nước có cỏ tốt bèn lấy làm nơi chăn thả súc vật, sinh sản nhanh chóng, ngựa có đến hai triệu con”. Thời bấy giờ, ở Hà Tây thường xuyên duy trì khoảng một trăm ngàn ngựa chiến dự phòng nhu cầu quân sự bảo vẹ kinh đô. Ngựa từ Hà Tây đưa về nội địa trước tiên phải chuyển đến Sơn Tây, rồi từ từ đưa về phía nam để ngựa quen dần với thủy thổ nội địa, ngựa sẽ không bị chết nửa chừng. Thời Tùy Dạng Đế, khu đồng cỏ rộng lón chăn thả ngựa tại Sơn Đan nuôi đến hơn mười vạn ngựa quan (tức ngựa nuôi để phục vụ triều đình). Thời Sơ Đường, từ Trung Nguyên chuyển đến dải đất Hà Tây ba ngàn con ngựa, qua bốn mươi năm sinh sản hơn bảy mươi ngàn con ...

- Xem thế có thể thấy từ nhà Hán đến nhà Đường, Hà Tây trước sau vẫn là khu vực nuôi ngựa quan trọng của chính quyền trung ương, còn lịch sử nuôi ngựa ở mục trường Sơn Đan có thể truy nguyên từ đời nhà Tùy.

Do tác dụng đặc biệt quan trọng của ngựa chiến trên các chiến trường thời cổ đại, thời ấy có thể xem một con ngựa chiến tương đương với một cổ xe tăng ngày nay, kẻ thống trị của các triều đại không chỉ coi trọng sự sinh sảnh nhanh chóng của ngựa mà còn coi trọng sự cải tạo các giống ngựa.

Đời Hán, người ta cho các loại ngựa xứ Đại Oản, xứ Ô Tôn giao phối với ngựa nội địa để có những con ngựa hình thể tuấn tú, sức vóc tráng kiện. Đời Đường, người ta cho nhập các giống ngựa từ Ba Tư nuôi dưỡng thành giống ngựa của nhà Đường khỏe mạnh, hùng tráng. Tân Đường thư, mục binh chí có nói: “Cho giao phối với ngựa Hồ, ngựa ta sẽ tăng phần tráng kiện”. Ngày nay, dọc con đường tơ lụa, chúng ta đã đào được những tượng ngựa đồng, ngựa đất nung thì có thể thấy từ nhà Hán đến nhà Đường, có nhiều giống ngựa khác nhau, nhiều đáng ngựa khác nhau, không thiếu những con ngựa mang phẩm chất ưu mỹ của giống ngựa xứ Tây Vực. Đó cũng là một thành quả của sự giao lưu văn hóa kinh tế giữa Đông và Tây.

Trên đường đi xe từ mã trường Sơn Đan về huyện Trương Dịch, tôi nói với La Thư Quần:

- Công tác khảo cổ của các anh nhiều thật đấy! Ví như khu doanh Bát Quái, khu hoại thành, khu cổ thành Vĩnh Cố v.v… Tất cả đều phải chờ khảo sát khoa học, việc này tôi thấy có liên quan đến con đường tơ lụa đấy!

Ông gật đầu nói:

- Nhiệm vụ rất nặng, nhưng cũng rất thú vị, còn nhiều nơi hấp dẫn. Xem ra anh rất hứng chí, ngày mai tôi sẽ dẫn anh đi tìm nhà của “Chiêu Vũ cửu tính” (chín họ nhà Chiêu Vũ).

“Chiêu Vũ cửu tính” vốn là họ “Chiêu Vũ” của chín gia dân tộc thiểu số từ hành lang Hà Tây thiên di đến Trung Á. Để kỷ niệm cố hương, vua của họ viết thêm hai chữ “Chiêu Vũ” vào trước họ của mình, sử gọi là “Chiêu Vũ cửu tín”. Đi xem quê cũ của họ, đương nhiên là tôi rất hứng thú.

1 Pamia: cao nguyên vùng Trung Á chia giữa Tadjikistan và Trung Hoa, cao trên 7000m.

2 Vịnh Ba Tư thông với Ấn Độ dương, nằm giữa Ả Rập và Iran; nơi xảy ra chiến tranh vùng vịnh năm 1990.

8. TỪ BỜ SÔNG HẮC THỦY ĐẾN GIA DỤ QUAN

Nhà thơ Đường Bạch Cư Dị bị biếm trích Cửu giang, đêm thu đưa bạn đến bến sông, bỗng nghe văng vẳng trên sông nước tiếng đàn tỳ bà, khúc nhạc hay như khúc nhạc tiên, liền tìm hỏi xem người chơi đàn là ai, thì đó là một phụ nữ vốn là một ca nữ Trường an đã từng học đàn tỳ bà với hai nhà thiện tài họ Tào. Mục, về già lấy một lái buôn, trôi nổi chốn tha hương. Nhà thơ nghe qua thân thế của người phụ nữ cảm động muôn phần, sáng tác bài “Tỳ bà hành” làm rung động lòng người.

CỐ HƯƠNG CỦA NGƯỜI HỒ PHẢI THIÊN DI VỀ HÀ TÂY

Trong lịch sử, nước Mục và nước Tào thuộc nước “Chiêu Vũ cửu tính”, nằm bên ngoài núi Thông Lĩnh, đứng đầu là nước Khang, rồi đến nước An, nước Thạch, nước Mễ, nước Sử, nước Tào, nước Hà, nước Hỏa Tâm v.v... Về danh xưng của nước “Chiêu vũ cửu tính” trong sử sách còn chưa nhất trí, nhưng đó chỉ là tiểu tiết. Chín nước này vốn thuộc tộc người Nguyệt Thị cư trú rất sớm ở thành Chiêu Vũ dọc hành lang Hà Tây. Trước Công nguyên bị người Hung Nô truy đuổi phải thiên di đến phía tây núi Thông Lĩnh, trước tiên lập ra nước Khang rồi sau mới phân nhánh mà thành chín nước. Quân vương của chín nước này đều có thêm hai chữ “Chiêu Vũ” trước họ của mình để dòng họ không bị mất gốc.

Cổ thành Chiêu Vũ tọa lạc tại một nơi cách không xa Trương Dịch về phía tây bắc là mấy. Về “Chiêu Vũ cửu tính”, người ta có hàng loạt những câu chuyện thú vị, cố hương của họ chỉ gần trong gang tấc, chắc chắn tôi sẽ đi thăm một chuyến.

Sau khi con đường tơ lụa khai thông, nhiều người của nước “Chiêu Vũ cửu tính” trở lại Trung Nguyên. Tại kinh đô Trường An của nhà Đường, lưu ngụ không ít những người đa tài đa nghệ của nước “Chiêu ' Vũ cửu tính”. Các danh thủ trong nghệ thuật chơi đàn tỳ bà có Tào Bảo, đến đời con là Tào Thiện, đời cháu là Tào Cương. Ngoài ra trong một số bài thơ Đường còn có nói đến danh ca Mễ Gia Vinh, ông chính là người nước Mễ. Trong sử sách đời Đường có nói đến môn “múa xoay của người Hồ” do các vũ nữ nước Khang và nước Sử diễn xuất. Trong mười bộ nhạc do vua Đường ngự chế có nhạc của nước An và nước Khang ... Như vậy ta có thể thấy âm nhạc và ca múa của “Chiêu Vũ cửu tính” có ảnh hưởng rất lớn tại Trường An vào đời nhà Đường.

Người của nước “Chiêu Vũ cửu tính” còn giỏi về kinh doanh buôn bán. Người nước Khương sinh con trai thì lấy mật ngậm vào miệng, lấy keo dính vào lòng bàn tay, mong sau này con lớn nên người, miệng sẽ nói lời ngon ngọt, tay cầm đồng tiền dính như keo, khó mà thoát ra được. Con trai đến hai mươi tuổi thì cho ra ngoài kinh doanh buôn bán. Nước của chín họ kể trên ở vào trung đoạn của con đường tơ lụa, có điều kiện địa lý thuận lợi và trong mậu dịch giữa đông tây họ thường đứng ra làm trung gian giúp đỡ người phương Tây như Ba Tư, La Mã, Ả Rập đến phương Đông buôn bán. Do người “Chiêu Vũ cửu tính” giỏi về kinh doanh buôn bán nên người ta thường bảo họ là những người “miễn có lợi thì tranh chấp, đâu có lợi thì có mặt, không nơi nào là không đến”. Nhưng đối với việc xúc tiến mậu dịch giữa đông tây, họ có tác dụng đặc biệt, chúng ta không thể phủ nhận vai trò của họ được.

Trên bản đồ khu vực Trương Dịch, tôi đã tìm ra địa danh “Chiêu Vũ”, nó nằm cách phía tây bắc thành Trương Dịch chừng 40 cây số, hiện nay là một thôn trang thuộc công xã Ấp Noãn huyện Lâm Trạch.

Đáp xe rời Trương Dịch theo hướng tây đi Lâm Trạch, gần đến huyện lỵ thì rẽ hướng bắc rồi ngoặt hướng đông đi thẳng thì đến công xã Ấp Noãn. Tô Thức (Tô Đông Pha) đời Tống có câu thơ rằng: “Xuân giang thủy noãn áp tiên tri”. (Sông về mùa xuân nước ấm lên thì những con vịt biết trước tiên), có lẽ tên của công xã do từ ý của câu thơ ấy. Trên đường đi thấy có chiếc cầu nhỏ bắc qua dòng sông trông giống hệt cảnh sắc vườn ruộng xứ Giang Nam. Đang là mùa thu hoạch vụ thu, cả một vùng ruộng lúa vàng óng. Trong một vườn cây ăn quả có tường bao quanh, vươn lên những cây táo xanh tốt, lá cây màu đỏ tía lấp lánh dưới ánh mặt trời chiếu rọi, trông thật đẹp mắt.

Tôi đi vào thôn Chiêu Vũ, trong lòng đã dự cảm đó là một thôn trang trù phú, nghe nói đội sản xuất Chiêu Vũ có đến 4000 mẫu đất canh tác, lương thực bình quân đạt hơn 916 cân. Tôi nghe ra không khỏi kinh ngạc, mức sản xuất cao như vậy ngay ở bắc sông Hoàng Hà cũng đã hiếm huống hồ tại khu vực hành lang Hà tây!

Xã viên đội sản xuất Chiêu Vũ tạo những vườn cây ăn quả rộng lớn, họ trồng táo, lê, đào và táo hồng. Đến nghỉ tại một nhà xã viên, chủ nhân sau khi mời trà thuốc, còn bưng một đĩa táo hồng ra chiêu đãi. Táo hồng là đặc sản của bổn địa, trái lớn và ngọt, nhà nước thu mua để xuất khẩu. Gần đây công ty quốc doanh đã thu mua táo hồng với giá rất cao. Do đó đội sản xuất tăng thu nhập đến hơn ba vạn nhân dân tệ. Anh đội trưởng họ Dương khi nói đến điều này mặt mày trông rất rạng rỡ.

Anh dẫn tôi đi thăm sân phơi táo hồng, chỉ thấy một sân táo hồng đều nhau, giống như một tấm thảm hồng rộng lớn, tôi như muốn nằm lăn trên đó một cái cho đã thích.

Tôi hỏi anh đội trưởng họ Dương xem gần đây có di chỉ cổ thành nào không. Anh nói trong thôn dù không có, nhưng công xã Bản Kiều ở bên kia sông có một cổ thành.

Bên cạnh sân phơi táo có một con sông lớn, phát nguyên từ sông Hắc Hà trong dãy Kỳ Liên nên theo ướng tây bắc chảy về sa mạc Badain Jaran. Đối diện với con sông là một dãy núi đá, trên đó có thột phong hỏa đài thời cổ đại. Dưới chân núi là công xã Bản Kiều.

Đứng bên sông xem xét địa hình, tôi nghĩ đến những điều ghi chép trong Cam châu phủ chí: “Cổ thành Chiêu Vũ nằm ở phía đông nam Bản Kiều, đất hướng theo chân núi, trước mặt là sông Vị Thủy … đêm ngày phản chiếu, ráng chiều rọi vào nước sông Hắc Thủy”. Rất tiếc, lúc tôi đứng bên bờ sông buổi trưa, nếu là hoàng hôn thì chắc tôi sẽ lĩnh hội được những gì gọi là cảnh đẹp của Chiêu Vũ lưu hàghi trong Cam châu phủ chí.

Xem ra thì cổ thành Chiêu Vũ ở một nơi không xa bờ bên kia sông Hắc Hà là mấy, nay tôi đứng ở thôn Chiêu Vũ, tức là đang ở khu vực ngoại thành Chiêu Vũ trước đây. Hiện nay người trong thôn Chiêu Vũ có họ là Lý, Trương, Vương, Dương, Kim v.v..., nhưng họ có biết đâu hơn 2000 năm trước còn có họ Khang, An, Mễ, Sử, Tào v.v... của người Nguyệt Thị đã từ đây thiên di đến phía tây núi Thông lĩnh.

LÁI BUÔN TÂY VỰC TẠI TỬU TUYỀN

Rời Công xã Ấp Noãn, chúng tôi di thẳng đến huyện Tửu Tuyền. Đó là một trong bốn quận được thiết lập tại Hà Tây từ đời Tây Hán - quận Tửu Tuyền. Đã có thời quận Vũ Uy (Lương Châu) và quận Trương Dịch (Cam Túc) từng là nơi quy tụ đông đúc các lái buôn Tây Vực, rồi đến quận Tửu Tuyền (Túc Châu). Vùng đất dọc theo tây bộ hành lang Hà Tây là đầu mối phía tây của Vạn lý Trường thành, trong đó Gia Dụ quan là một địa trấn quan trọng bậc nhất.

Xe chạy với tốc độ cao từ 60 đến 80 cây số giờ. Đường nhựa giống như quỹ đạo của một phi tiễn vạch thẳng một đường xa tít tắp trên hoang mạc Gôbi. Thỉnh thoảng mới xuất hiện một vài con lạc đà hay một vài đàn dê, còn thì đại địa thật là tĩnh lặng, chẳng khác nào cuộc sống bị ngưng đọng. Hoàng hôn, bầu trời khoác một lớp lớp ráng chiều. Cây xanh, khói bếp và đèn sáng lại xuất hiện giữa những vùng đất bằng phẳng, cuộc sống hầu như đang là hồi phục đại địa. Các đội khách thương lạc đà của thời cổ đại, sau khi vượt qua một quãng đường dài trong sa mạc Gôbi thấy ánh đèn của dân bản xứ ắt hẳn tâm tình hưng phấn hẳn lên, điều này tôi nghĩ, mình có thể cảm nhận được phần nào.

Trong sân và ngoài cửa cạnh một đường phố nơi khách sạn của chúng tôi lưu trú đậu đầy xe khách và xe con từ Cam Túc, Thanh Hải, Tân Cương đến, đâu đâu cũng xe là xe. Trong khách sạn còn có những người nước ngoài đi máy bay từ Bắc Kinh đến nghỉ lại chờ xe để ngày mai đi thăm Đôn Hoàng. Phòng ở khách sạn trở nên ồn ào nhộn nhịp, nói đủ mọi thứ tiếng. Qua nửa ngày giong ruổi trên sa mạc Gôbi, giờ đến lục châu, cuộc sống sôi nổi của con người bỗng có nét mẫn cảm đặc biệt.

Tửu Tuyền còn có tên là Túc Châu đã nổi tiếng rất sớm với người Trung Á và châu Âu. Vào thế kỷ thứ XIII, nhà du hành người Ý Marco Polo trong Đông phương kiến văn lục (Ghi chép những điều nghe thấy ở phương Đông) đã ca ngợi Tửu Tuyền, sách đó gọi Tửu Tuyền là Succuir (Túc Châu, tức vùng đất đáng kính). Sau khi từ vùng Tiểu Á (tức Trung Đông) vào đến Tân Cương rồi đến Tửu Tuyền thì không có đường qua hành lang Hà Tây để vào nội địa Trung Quốc, ông bèn từ Tửu Tuyền ngoặt lên phía bắc đến biển Cư Diên (tức Ngạch Tế Nạp Kỳ) rồi từ Nội Mông thẳng đến Đại Đô (tức Bắc Kinh).

Về sau, cũng có nhiều người nước ngoài ghi chép về những điều mắt thấy tai nghe ở Túc Châu. Vào thế kỷ thứ XVII, một người Bồ Đào Nha tên là Caociu (?) từ Ấn Độ qua Tân Cương rồi đến Tửu Tuyền với ý định là đi Bắc Kinh, nhưng chẳng may ông bị bệnh và chết ở đây vào năm 1607. Ông còn để lại tập nhật ký miêu tả những việc đã trải qua và những điều nghe thấy lúc trú ngụ tại Túc Châu.

“Thành Túc Châu là nơi tụ tập của các thương nhân phương Tây... Thành chia làm hai khu: một khu người Trung Quốc cư trú, còn một khu của người Hồi giáo, họ đều từ phương Tây đến, chuyên về nghề buôn bán, phần lớn họ lấy vợ sinh con ở đấy, đời này nối đời khác không trở về quê cũ nữa, rồi dần dần nhập tịch ở đây luôn. Hằng đêm, người Hồi về khu Hồi giáo của mình đóng cửa tự thủ, cư xử bên ngoài luôn luôn hòa đồng, mọi điều tố tụng đều theo lời phán quyết của quan sở tại.

Trong nhật ký của Caociu còn nói đến việc các thương nhân nước ngoài mạo danh sứ thần để được nhập cảnh. Với tư cách là sứ thần, họ phải dung nạp cho hoàng đế Trung Quốc đá quý kim cương và các cống vật khác, thế làm sao họ kiếm ra lợi lộc? Thực ra, nhà vua cung ban cho họ nhiều lễ vật và đôi khi còn vượt xa giá trị cống vật của họ nữa. Do đó, thương nhân nước ngoài lai được lợi nhiều hơn. Xem ra cách kinh doanh trục lợi của thương nhân thời cổ đại không chỉ do ý nghĩa của việc ngậm mật, dính keo vào lòng bàn tay lúc mới sinh, mà họ còn có cả kho khôn ngoan trong kinh doanh nữa.

LẦU TRỐNG VÀ SUỐI RƯỢU

Căn cứ sử sách ghi chép thì thương nhân Tây Vực tập trung tại Đông Quan. Ngày nay, ở Đông Quan người ta không tìm thấy “di xưởng”, “di quán” ... đâu nữa. Cả thành chỉ còn lại “Lầu trống” (Cổ lâu) nằm ở ngã tư đường của trung tâm thành phố là dấu ấn của kiến trúc có hương sắc của thời cổ đại. Trên một nền gạch cao, sừng sững một tòa lầu ba tầng bằng gỗ, đỉnh lầu nhọn trông giống như một ngôi đình. Toàn thể kiến trúc cho ta một cảm giác vừa xinh đẹp vừa đôn hậu. Dưới lầu, chung quanh có bốn cửa trông ra bốn hướng đông tây nam bắc, bộ hành và xe cộ có thể đi qua. Trên mỗi các cửa có đề bốn chữ lớn: “Bắc thông sa mạc”, “Nam vọng Kỳ Liên”, “Đông nghênh hoa Nhạc", "Tây đạt Y Ngô" . Mười sáu chữ đó chỉ rõ vị trí địa lý của Tửu Tuyền tương đối chính xác. Đứng trên lầu nhìn về tứ phía thì trước mặt là sa mạc Badain Jaran ở phía bắc và dãy núi Kỳ Liên ở phía nam. Phía tây là con đường lớn thông vãng Y Ngô, Tân Cương, đi thẳng Tây Vực. Phía đông, nhìn hút tầm mắt, tuy trải dài nghìn dặm, trừng trùng điệp điệp những núi non chập chùng cao ngất của bao nhiêu rặng núi trên vừng đất bao la của Trung Nguyên, nhưng như đang quy tụ đón chào.

Lầu trống được xây dựng vào năm 346 CN, tức lúc Tửu Tuyền thuộc thời Tiền Lương. Ngôi lầu bằng gỗ ba tầng hiện nay được trùng tu vào thế kỷ XIX thời Quang Tự nhà Thanh. Mấy năm gần đây có tu sửa lại một lần nữa. Ngoài cửa thành phía đông có một suối nước nằm dưới đất có tên là Tửu Tuyền (Suối rượu) nên lấy nó đặt tên cho tên huyện luôn và trở thành một danh thắng. Ngày nay người ta đã xây thành công viên. Bước vào cổng công viên thì thấy một hàng dương bao quanh một lòng hồ nhỏ, chính giữa có một ngôi đình gọi là hồ Tâm Đình. Nước hồ do một suối nước trong vắt từ lòng đất phun lên. Chỗ suối nước phun có dựng quanh một vòng đá ngọc thạch đời Hán trông giống như một cái giếng. Bên cạnh suối có dựng một bia đá trên có khắc dòng chữ “Tây Hán Tửu Tuyền thắng tích” (Thắng tích Tửu Tuyền đời Tây Hán). Viên đại tướng Hoắc Khứ Bệnh thời Tây Hán đã đem rượu của vua ban đổ xuống suối với hàm ý là để thuộc hạ, quan binh của mình đều được hưởng ân tứ của hoàng đế. Truyền thuyết thì khó tin, nhưng việc Hoắc Khứ Bệnh đi đánh Hà Tây, sử dụng chiến thuật vu hồi (đánh vòng sau lưng địch gây bất ngờ), tức từ khu vực bắc bộ sa mạc bao vây đến Tửu Tuyền để đánh bọc hậu quân Hung Nô là một việc có thật.

Trong thơ Đường có nhiều bài thơ biên tái nói về sinh hoạt của các chiến sĩ đi chinh tây ngoài biên ải, trong đó có bài Lương Châu từ của Vương Hàn rất nổi tiếng.

“Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi,

Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi;

Túy ngoa sa trường quân mạc tiếu,

Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”.

Bài hát Lương Châu:

Rượu bồ rót chén dạ quang

Trên yên, sắp uống, nghe vang đờn tì

Say nằm bãi cát, cười chi?

Xưa nay chiến địa sống về những ai?

(Theo Đại cương văn học sử Trung Quốc, Nguyễn Hiến Lê NXB Trẻ 1997)

Trong bài thơ có nói đến chén dạ quang thì ngày nay là một công nghệ phẩm của Tửu Tuyền, khách du lịch nước ngoài nghe danh thường mua mấy cái đem về. Theo những gì Đông Phương Sóc kể trong Hải nội thập châu ký (Những ghi chép về mười châu trong nước) thì “Thời Chu Mục vương, người Tây Vực đem cống nộp rất nhiều chén dạ quang,... Chén làm bằng một thứ bạch ngọc rất tinh xảo, ban đêm tỏa ra ánh sáng”. Chén dạ quang trong truyền thuyết là một cống vật của người Tây Vực làm từ loại ngọc trắng, sáng như ánh trăng mà trong suốt.

Trong phòng triển lãm trưng bày sản phẩm công nghệ mỹ thuật ở Tửu Tuyền, tôi thấy đủ loại kiểu cách của chén dạ quang, có thứ bằng bạch ngọc, có thứ bằng hắc ngọc, có loại chén đáy bằng, có loại chén chân cao. Tôi rất thích loại chén dạ quang bằng hắc ngọc, đưa chén ra ánh sáng thì nửa là trong suốt, còn nửa kia có màu lục đậm, rót rượu cho vào đầy chén, rượu vẫn không tràn ra ngoài. Tuy giá tiền khá đắt, tôi vẫn mua một cặp. Tôi nhớ lúc mới giải phóng tôi có ghé qua Tửu Tuyền và mua một cặp chén dạ quang bày bán trên vỉa hè, cách chế tạo còn quá thô sơ, không trong bóng, nó chỉ như loại chén đá mài thông thường người ta hay dùng. Còn ngày nay sản phẩm của xưởng công nghệ mỹ thuật Tửu Tuyền đều lấy đá ngọc từ núi Kỳ Liên đem về chế tạo, nên rất tinh xảo, mỹ thuật, xứng danh là chén dạ quang.

Đặc biệt tôi được tham quan kho chứa vật liệu, ở đấy chất đầy ngọc thạch, có thứ màu xanh lục, có thứ màu vàng mơ, có thứ màu trắng mỡ … Tất cả đều được đem về từ núi Kỳ Liên. Xưởng sản xuất không những làm ra chén dạ quang từ ngọc thạch núi Ký Liên mà còn chế tạo bình hút thuốc trà, nhân vật, động vật.... các thứ, được đem bán khắp nơi trong và ngoài nước.

Người phụ trách khai thác ngọc thạch Vu Sư Truyền nói hằng năm vào khoảng tháng năm, đội khai thác vào núi và khoảng tháng mười thì họ trở về: Địa điểm khai thác ngọc thạch ở núi Kỳ Liên là cạnh một ngọn núi cao cách mặt nước biển 5564 mét. Trong thời gian khai thác ngọc, họ dựng trại dã chiến trên núi cao, sinh hoạt giống như một đội leo núi thể thao, ngủ trong lều trại, săn bắt thú hoang, nhóm lửa trại, kết bạn với những mục dân người Tây Tạng. Vu Sư Truyền sôi nổi nói về cuộc sống đặc biệt đầy hứng thú ấy. Hằng năm họ khai thác đưa về từ 10 đến 20 tấn ngọc thạch mới đủ dùng.

Tửu Tuyền sản xuất chén dạ quang bắt đầu từ cuối đời Quang Tự nhà Thanh, bấy giờ người ta mới phát hiện ra ngọc thạch núi Kỳ Liên. Thơ Đường nói đến chén dạ quang tức là loại chén ngọc lấy chất liệu từ Tây Vực mà làm ra. Vương Hàn trong bài Lương châu từ cố ý dùng chén dạ quang, rượu bồ đào, đàn tỳ bà ... là muốn tô vẽ ra màu sắc địa phương xứ Tây Vực đã sớm vang danh ở Trung Quốc từ hơn hai ngàn năm trước. Sau khi con đường tơ lụa khai thông, sử sách nói đến sứ thần và lái buôn Tây Vực thường đưa ngọc vào Trung Nguyên. “Ngọc môn quan” là cửa chuyển vận ngọc vào nên mới có tên như vậy.

CUỘC SỐNG CỦA MỘT NGÀN NĂM TRĂM NĂM TRƯỚC TÁI HIỆN

Để có thêm một số kiến thức lịch sử của khu vực Tửu Tuyền về mặt di chỉ văn vật, tôi đã đến phòng văn hóa huyện thăm và hỏi nhà làm công tác văn vật Phùng Minh Nghĩa, năm nay đã ngoài năm mươi tuổi. Ông có vẻ băn khoăn nói, rất nhiều văn vật đã đưa về Bắc Kinh và Lan Châu cả rồi.

Những gì đang có thì chưa được tu chỉnh hoàn hảo. Thoáng thấy trên án thư có một tượng ngưa bằng đồng, tôi liền bị cuốn hút ngay. Tượng ngựa này làm theo dáng đứng yên, khác với tượng ngựa “Mã đạp phi yến” ở thế tung vó phi nhanh đào được ở Vũ Uy, nhưng nhìn cách tạo hình ở phần đầu và phần thân thì khá đẹp, chẳng khác gì tượng ngựa ở Vũ Uy. Tượng ngựa đồng, thời Đông Hán này đào được ở cổ thành thuộc công xã Tam Đông vào năm 1977. “Ồ! Dọc hành lang Hà Tây người ta khai quật được không ít những tượng ngựa rõ thật là đẹp!”.

Tôi bỗng thốt lên như vậy.

Ông Phùng Minh Nghĩa nối tiếp:

Và đó cũng là một dạng phản ánh thực tế lịch sử nữa đấy!

Thấy tôi có vẻ thích thú với các văn vật, ông bèn dẫn tôi đến phòng tàng trữ của Sở Văn hóa, vừa đi vừa nói:

- Ở đấy nó lộn xộn lắm! Chẳng qua chỉ giúp ông được chừng nào hay chừng ấy thôi! Mở cửa ra thoạt nhìn thấy trên bàn, dưới đất, trên tường toàn là đồ cổ, rất nhiều đồ quý giá. Tôi nói đùa:

- Giá ông là một tay lái buôn đồ cổ, thì tha hồ mà phát tài!

Ông cười lơn, vui vẻ giảng giải cho tôi từng món một thuộc lòng như đồ quý của nhà mình.

Tôi để ý đến tiền cổ của Trung Hoa và nước ngoài. Có cả tiền đồng Nhật Bản, Triều Tiên, thật là hy hữu. Lại còn có cả một quyển địa chí viết bằng tay thuộc đời Đường, thật là giá trị. Trong sách ghi chép một số đạo, châu, phủ, huyện, làng và hộ; ghi rõ tiền các nơi nộp thuế. Đáng chú ý nhất là đối với các vùng đất Tây Vực mà nhà Đường quản lý, văn kiện trong quyển địa chí đều ghi rõ tên phủ như Bắc Đình, Quy Tư, Sơ Lặc … Những vùng đất này ngày nay đều thuộc tỉnh Tân Cương, và cũng chính là những nơi mà con đường tơ lụa đi qua.

Tội bắt đầu hởi về tình hình một số mộ đời Hán và đời Ngụy Tấn khai quật được ở Tửu Tuyền. Ông nói:

- Gần đây chúng tôi đã khai quật một ngôi mộ thuộc thời Đông Tấn thập lục quốc (khoảng đấu thế kỷ thú IV CN), có những bức bích họa thật đặc sắc.

Tôi rất hứng thú, nói:

- Có thể đi xem được không?

Chúng tôi đang tu sửa phần bên trong, ông nói, chưa đóng cửa, chúng ta có thể đến xem qua.

Ngày thứ hai, chứng tôi theo đường thông vãng Tân Cương, đi chừng 8 cây số, rẽ về hướng bắc thì đến vườn ăn quả thuộc hợp tác xã Đập Đinh Gia, bên bờ sa mạc Gôbi, tìm thấy ngôi mộ số 5, tức ngôi mộ khai quật vào tháng 8 năm 1977. Theo đường hào đi xuống chừng 10 mét, mở cánh cổng bằng gỗ được tân trang lại, thúng tôi đi vào một gian huyệt mộ rộng chừng 6 mét vuông. Bốn mặt tường là những bức vẽ hiện ra, màu sác lộng lẫy. Trong phòng có hai vị họa sư đang tô vẽ dưới ánh đèn sáng trưng. Đứng trong một huyệt mộ hơn 1500 năm trước, tôi cảm thấy không một chút gì có vẻ âm khí lạnh lẽo cả, mà trái lại nhìn thấy người xưa vẫn sinh hoạt một cách sống động chẳng khác nào như đang diễn ra xung quanh chúng tôi. Sứ thần, thương gia Tây Vực của một thời xa xưa, sau khi vượt qua sa mạc Taklamacan để vào dãy hành lang trù phú, rồi chính mắt họ thấy tình hình hưng thạnh của vùng Hoa Hạ lần lượt hiện ra trước mắt tôi.

Đồ họa trên vách chia làm ba tầng: trên, giữa và dưới. Tầng trên có nội dung nói về các thần thoại cổ đại Trung Quốc. Đồ họa trên hai bức vách trước sau vẽ chủ tể của thế giới ở thiên đình là Đông Vương công và Tây vương mẩu. Đồ họa hai vách trái phải vẽ những thiên mã phi lướt giữa tầng mây, trong không trung kỳ lân phóng như bay cùng với những thiên thần với đôi cánh trên vai. Các bức vẽ này thật phóng túng, mang đầy chất lãng mạn.

Các bích họa ở tầng giữa và tầng dưới đã khiến tôi rất thú vị, người ta vẽ về những sinh hoạt của nhân gian. Tầng giữa miêu tả những sinh hoạt hào phóng của chủ nhân ngôi mộ, đặc sắc nhất là bức đồ họa về buổi yến tiệc. Chủ nhân đội mũ đẹp, mặc trường bào ngồi ngay ngắn nơi tiền án, đằng sau có hai người, một nam, một nữ đang đứng hầu. Trên án bày thức nhắm, trước mặt chủ nhân là đám nam nữ đang ca hát, nhảy múa và có một người đi đầu xuống đất như đang làm xiếc. Cạnh đó có bốn người đang tấu nhạc: gồm đàn tranh, đàn tỳ bà, thổi sáo và đánh trống. Cách họa người chơi đàn và người nhảy múa rất ăn ý, sinh động. Toàn thể bức họa toát lên không khí hưởng thụ, thưởng thức nhạc vũ của chủ nhân, khiến người xem cũng như đang là người trong cảnh. Tôi thầm nghĩ các sứ thần Tây Vực đã từng đón tiếp các quan viên Trung Quốc của họ bằng việc thưởng thức những yến tiệc như vậy cùng với nội dung của bức bích họa ở tầng cuối là những nô bộc của chủ nhân ngôi mộ: tả cảnh sinh hoạt của những người lao động như cảnh cày đất, cảnh sàng sảy lúa gạo, cảnh hái dâu, cảnh chăn nuôi gia súc, … rồi người giúp việc, người nấu bếp v.v... Nhân vật được phác thảo bằng màu đen hay màu đỏ thẫm, đường nét thật linh hoạt.

Mỗi nét bút tuy là vẽ phác thảo hình đáng y phục bên ngoài, nhưng hình thái chi thể bên trong và các động tác của từng nhóm nhân vật đều có thể khiến người xem cảm nhận được những nét kỹ xảo của những nhà họa sĩ vô danh thời cổ đại không thể không khiến ta thán phục.

Phùng Minh Nghĩa nhắc tôi chú ý đến hình dáng của một người đang cày đất. Đầu đội mũ dạ, mũi cao, mắt sâu, râu rậm mà ngắn, mình mặc áo cánh, chân đỏ hồng. Phùng Minh Nghĩa nói người giúp việc ăn mặc kiểu người Hồ rõ ràng không phải là người Hán. Trong số các đầy tớ và vũ công nam ăn mặc trang phục người Hán cũng để râu rậm vễnh lên, xem qua diện mạo không phải người Hán mà là người dân tộc thiểu số.

Tôi hỏi:

- Theo bối cảnh lịch sử khu vực Hà Tây mà xét thì anh rút ra nhận xét gì về những bức bích họa trong các mộ chí này?

Anh nói ra một số nhận định của mình và nghe ra cũng rất có lý. Thứ nhất, thời kỳ mười sáu nước Đông Tấn, Trung Nguyên loạn lạc liên miên, còn khu vực Hà Tây, đặc biệt là vùng Tửu Tuyền, Đôn Hoàng tương đối ổn định, kinh tế phát triển. Trên các bích họa không hề có bóng dáng binh lính, vũ khí mà toàn là cảnh trang viên san sát, nông nghiệp, chăn nuôi thịnh vượng, cảnh sống thanh bình, điều này cũng đã phản ảnh phần nào bối cảnh lịch sử đương thời. Thứ hai, trong gian mộ còn có những bức họa cảnh hái dâu. Trong số những ngôi mộ thời Ngụy Tấn khai quật được ở Tửu Tuyền và Gia Dụ Quan cũng có họa lại cảnh hái dâu. Điều này chứng minh rằng trong lịch sử, hành lang Hà Tây không chỉ là lộ chính của con đường tơ lụa mà còn là khu vực sản xuất ra tơ lụa. Thứ ba, thời kỳ mười sáu nước Đông Tấn, các tộc người Hán, người Đê, người Hung Nô và người Tiên Ty liên tiếp nhau làm ra năm nước Lương (sử gọi là Ngũ Lương quốc) tại khu vực Hà Tây, đó là Tiền Lương, Hậu Lương, Nam Lương, Tây Lương và Bắc Lương. Bấy giờ nhân dân các tộc người này rất hòa thuận, về mặt văn hóa cũng có những gắn bó với nhau, văn hóa tiên tiến của người Hán có tác dụng chủ đạo. Những tập quán sinh hoạt của nhân dân phản ánh trên những bức bích họa trong các gian mộ đều thuộc về người Hán, nhưng xem ra nhân vật trong các bức họa không ít người thuộc các dân tộc thiểu số.

Phùng Minh Nghĩa còn nhắc tôi chú ý các bức bích họa trong gian mộ ấy cũng đã tồn tại trước đó trong các bích họa ở Đôn Hoàng. Xét về phong cách đồ họa có thể thấy bích họa cả hai nơi đều có liên hệ hữu cơ với nhau. Điếu này nói lên một bằng chứng rằng cho dù nghệ thuật ở Đôn Hoàng có hấp thu ảnh hưởng của Tây Vực, nhưng gốc rễ của nó vẫn bắt nguồn tại vùng đất nghệ thuật phong phú của dân tộc người Hoa. Tôi đã được xem bích họa ở đây cũng là một bước chuẩn bị để xem xét và hiểu thêm về nghệ thuật bích họa ở Đôn Hoàng vậy.

Rời khu cổ mộ, tôi lên xe ra đường cái đi chừng hai mươi phút về hướng tây thì thấy một cửa ải hùng vĩ đó là Gia Dụ Quan. Sa mạc Gôbi có Gia Độ Quan thì trên bờ Bột Hải có Sơn Hải Quan, hai cửa ải cách xa ngàn dặm, chúng sừng sững ở hai đầu Đông Tây của Vạn Lý Trường Thành.

9. TAM QUAN HÀNH:

GIA DỤ QUAN - NGỌC MÔN QUAN - DƯƠNG QUAN

THIÊN HẠ ĐỆ NHẤT HÙNG QUAN

Đầu phía đông của Vạn lý Trường thành, trên Sơn Hải Quan tiếp giáp với vịnh Bột Hải có tấm biển đề Thiên hạ đệ nhất quan (Cửa ải số một trong thiên hạ); đầu phía tây của Vạn Lý Trường Thành, cửa ải Gia Dụ Quan nằm trong sa mạc Gôbi cũng có tấm biển đề Thiên hạ đệ nhất hùng quan (Cửa ải hùng vĩ số một trong thiên hạ). Tuy biển sau có hơn một chữ hùng, nhưng cả hai cửa ải đều thiên hạ đệ nhất.

Người xưa hay lấy chữ thiên hạ đệ nhất để thể hiện sự tán thưởng một danh thắng nào đó. Và hai biển đề trên cũng không ngoài mục đích ấy, nhưng có hơi lạm dụng, nào là Thiên hạ đệ nhất tuyền (con suối số một trong thiên hạ), nào là Thiên hạ đệ nhất kiều (cây cầu số một trong thiên hạ), đâu đâu cũng có, thế là khiến người ta hoài nghi, vậy cuối cùng cái nào mới thật sự là đệ nhất? Tôi đã đến Sơn Hải Quan, cho nên lúc đi Gia Dụ Quan trong bụng mới bảo thầm như vậy.

Đến dưới chân Thiên hạ đệ nhất hùng quan (chỉ cửa ải Gia Dụ Quan), ngước nhìn bốn bức tường thành bằng gạch kìa chống đỡ năm tầng lầu cao mới thấy cái “hùng” của nó. Bước theo triền dốc để lên thành, tôi suýt nữa thì bị trượt ngã. Tại sao người ta không xây thành bậc cấp nhỉ? Người hướng dẫn nói ngựa chiến thời cổ đã theo lối này để lên thành, có lẽ vì thế mà không xây cấp. Lên đến mặt thành thấy tương đối rộng, ngựa có thể chạy thoải mái. Lâu thành này có ba tầng cả thảy, lên đến tầng cao nhất, nhìn quanh tứ phía thì tư thế của Gia Dụ Quan mới hiện rõ, đúng là có thể sánh với Sơn Hải Quan.

Nói là một cửa ải nhưng thực sự đó là một tòa thành lũy. Tường thành hình vuông bao quanh tạo nên thành cửa ải, chu vi tổng cộng 733,30 mét. Phía trong thành có thể trú đóng quan binh, nhưng ngày nay người ta đã cải tạo thành một công viên lớn và mở một phòng triển lăm rộng. Cửa đông và cửa tây thành, người ta đã dựng hai ngôi lầu ba tầng bằng gỗ, bên trong chạm trổ rất tinh vi, vừa cổ kính vừa trang nhã. Ngoài cửa thành phía tây, còn có một lớp cửa ải nữa cũng cao bằng thành chính, dày đến 20 mét. Cho nên có thể nói ngoài cửa ải còn có một cửa ải khác, điều này chứng tỏ rằng việc phòng ngự của người xưa rất chu đáo và nghiêm mật.

Tôi không đọc thấy tấm biển đề “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” nhưng theo người của Sở Bảo tồn nói thì có cái biển đó, nó được treo ở lâu thành của lớp cửa ải phía ngoài, nhưng rất tiếc cả tường thành và tấm biển đều bị hủy hoại trong cuộc chiến xảy ra năm 1928.

Ở Sở Bảo tồn hiện còn dư một viên gạch xây thành, tương truyền rằng năm xưa lúc tu tạo cửa ải còn sót lại. Khi xây dựng Gia Dụ Quan, những người thiết kế đã tính toán rất chi ly xem toàn bộ công trình cần bao nhiêu viên gạch. Và sau khi khánh thành công trình thì chỉ thừa đúng một viên gạch này! Truyền thuyết trên có thể là lời quá khen của người đời sau đối với những người thợ tài năng và tinh xảo đấy thôi!

TRƯỜNG THÀNH THỜI NHÀ HÁN

Gia Dụ Quan xây năm 1372, tức Hồng Vũ năm thứ năm đời nhà Minh. Khi việc giao lưu văn hóa kinh tế giữa đông và tây hưng thịnh nhất vào các triều đại Hán Đường trên con đường tơ lụa thì chưa có cửa ải Gia Dụ Quan. Sau nhà Đường, việc giao thương giữa đông và tây có thêm con đường trên biển nên con đường tơ lụa không còn là con đường giao thông duy nhất nữa. Nhưng vẫn có những thương nhân, giáo sĩ người châu Âu hay Trung Á theo con đường ấy để đến Gia Dụ Quan, và họ còn để lại những ghi chép đáng chú ý.

Một người Bồ Đào Nha tên là Ebentu vào năm 1602, từ Ấn Độ đến Trung Quốc bằng con đường tơ lụa, có viết:

“Từ Ha Mật đi mất chín ngày thì đến phía bắc Trường thành của nước Chinh (tức Trung Quốc), một bức tường thành nổi tiếng thế giới. Dừng chân đi một nơi gọi là Gia Dụ Quan. Nghỉ ở đấy 25 ngày để đợi thư trả lời của quan tổng đốc tỉnh có cho phép nhập cảnh hay không. Sau cùng được trả lời là cho nhập, bấy giờ mới khởi hành. Đi một ngày thì đến Cam Túc (Tửu Tuyền)”.

Nói Trường thành bắt đầu từ Sơn Hải Quan ở phía đông điến Gia Dụ Quan ở phía tây là chưa hoàn toàn đúng, đó chỉ là nói đến một trường thành tương đối hoàn chỉnh có từ đời nhà Minh và tồn tại cho đến ngày nay mà thôi. Về lịch sử mà xét thì Trường thành được xây dựng theo thời kỳ và theo từng đoạn. Xa nhất về phía đông thì đến tận sông Áp Lục, xa nhất về phía tây thì đến bên hồ La Bố ở Tân Cương.

Thời Chiến Quốc, để phòng ngư mặt bắc thường bị dân du mục Hung Nô quấy nhiễu, ba nước Tần, Triệu, Yên mỗi nước đều tự xây tường thành. Sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc, đem thành ba nước trên kết lại với nhau đồng thời mở rộng thêm tạo nên Trường thành, tây từ huyện Lâm Thao, quận Lũng Tây, Cam Túc; đông đến Kiệt Thạch, Liêu Đông. Do đó, bức tường thành đầu tiên không qua hành lang Hà Tây của phía tây sông Hoàng Hà.

Sau khi nhà Hán khai thông con đường đi Tây Vực qua hành lang Hà Tây thì mới bắt đầu mở rộng thêm Trường thành đến đó (tức Hà Tây) và chạy thẳng đến tây bộ quận Đôn Hoàng, tức hai cửa ải Ngọc Môn Quan và Dương Quan. Và do đó Trường thành kéo dài về phía tây cho đến hồ La Bố.

Tôi tiếp tục đi về hướng tây, ở địa phận Vũ Uy và Trương Dịch, tôi lần lượt được xem những di chỉ Trường thành đời Hán. Trường thành đời Hán dùng đất để xây tường, dĩ nhiên không hùng tráng bằng Trường thành đời Minh xây bằng gạch. Thế nhưng trường thành đã trải qua hai ngàn năm sương gió mà vẫn tồn tại thì đủ thấy nó kiên cố như thế nào! Tôi đã từng hỏi các chuyên gia về vấn đề này, vì sao dùng đất xây tường mà bền vững như vậy? Họ nói, nhìn bên ngoài thì đúng tường thành bằng đất, nhưng bổ ra xem thì bên trong có từng lớp, từng lớp thân cây thực vật. Qua sự thẩm thấu của nước và muối khoáng, đất sét kết dính với thân cây thực vật tạo thành một thể rắn chắc, do đó mà tường thành rất kiên cố.

Rời Gia Dụ Quan, tôi tiếp tục đi về hướng tây, mục đích là đến huyện Đôn Hoàng và hai cửa ải Ngọc Môn Quan và Dương Quan.

ĐƯỜNG CAO TỐC TRÊN SA MẠC

Đường ở sa mạc Gôbi đi về phía tây có thể nói là loại uống cao tốc. Tôi để ý đến kim chỉ tốc độ trên đồng hồ kilômét, từ con số 40 dần dần lên đến con số 80. Tay lái dưới tay anh tài xế hầu như bất động. Bánh xe lướt nhanh trên mặt đường thẳng tắp và bằng phẳng giống như muốn bay lên khỏi mặt đất.

Trên đường đi phải qua huyện An Tây, ngày xưa gọi là Qua Châu, tức là vùng đất sản xuất nhiều loại dưa như dưa hấu, dưa bở, dưa bạch lan v.v... Nơi đây còn là kho gió nổi tiếng nữa. Dân trong vùng thường hay nói: “Ở đây mỗi năm chỉ nổi gió một lần”. Thực ra, từ đầu năm đến cuối năm, liên miên bốn mùa đều có gió, tính đúng ra chỉ thổi có một lần! Lúc chúng tôi đi qua cũng may không gặp gió lớn. Anh tài xế cho biết đó là nhờ mấy năm gần đây có chủ trương trồng cây gây rừng. Toàn huyện có cả thảy ba mươi bảy lò gió lớn, trong đó có ba mươi lò đã trở thành lâm trường. Diện tích trồng cây gây rừng trên toàn huyện đạt hơn hai mươi mốt ngàn mẫu.

Vị cao tăng Huyền Trang đời Đường đi Tây Vực thỉnh kinh có ghé qua Qua Châu. Ngài đã dừng chân ở đây nhiều ngày, tìm hiểu lộ trình sắp đi. Người ta bảo cho ngài biết từ Qua Châu men theo sông Lặc Hà đi về hướng tây, ra khỏi Ngọc Môn Quan là sa mạc trải dài không bóng người, không thôn xóm, một vùng cát dài hơn 400 cây số không cỏ, không nước.Từ Lương Châu (Vũ Uy) ra đi, có hai đồ đệ tháp tùng với ngài đi Qua Châu, một người thì đi Đôn Hoàng, còn một người thì yếu ớt không chịu được lao nhọc giữa đường nên ngài cho trở về Lương Châu. Tại Qua Châu, ngài tự xoay xở chuẩn bị, rồi thay ngựa khỏe, một mình trơ trọi men theo sông Sơ Lặc thẳng đến Ngọc Môn Quan.

Chúng tôi rời An Tây tiếp tục nhắm hướng Đôn Hoàng đi tới, lại một lần nữa đi vào sa mạc Gôbi. Tôi thấy trên mặt đất bằng phẳng phía trước ánh phản chiếu lấp lánh giống như có một hồ nước lớn, rồi lại thấp thoáng thấy bóng rừng cây. Đi thêm nửa giờ đồng hồ nữa, thì mặt nước kia đã tiến về phía chân trời xa, không còn thấy gần nữa. Tôi hỏi anh tài xế:

- Phía trước là nơi nào mà trông giống như một hồ nước vậy.

Anh tài xế nói:

- Anh đang khát nước phải không? Ở đây làm gì có hồ nước nào? Từ đây đến Đôn Hoàng, ngoài sa mạc và đá cuội, còn không có gì khác cả. Thì ra hồ nước và rừng cây chỉ là cảnh ảo, đó chỉ là do ánh mặt trời chiếu vào sa mạc nóng hừng hực phản xạ lại mà ra. Cảnh đó gọi là ảo ảnh trong sa mạc.

Chúng tôi thật sự thấy được lục châu vào lúc hoàng hôn. Thử tính từ Gia Dụ Quan đến Đôn Hoàng qua sa mạc Gôbi trên con đường cao tốc vừa đúng 381 cây số.

Chúng tôi vào thành bằng con đường rợp bóng cây, ven hai bên đường có mương nước. Những cây bạch dương ở hai vệ đường đã khoác lên mình màu vàng óng của sắc lá mùa thu.

Ánh chiều xuyên qua hàng lá phản chiếu lên mặt nước tạo thành những điểm sáng rực rỡ, long lanh, nhấp nhánh thật là thích mắt. Và đây không còn là cảnh ảo nữa. Nước mương chảy từ sông Đảng Hà đến mang lại sự sống cho nhân dân Đôn Hoàng.

Phạm vi đất đai thuộc huyện Đôn Hoàng tương đối rộng, ước chừng bốn mươi mốt ngàn cây số vuông, rộng hơn cả đảo Đài Loan. Có người ví Đôn Hoàng như một tấm vải màu vàng vĩ đại trên đó rải mấy giọt sơn dầu màu xanh. So với sa mạc Gôbi mênh mông rộng lớn, những mảng màu xanh của lục châu thật là nhỏ bé. Thế nhưng cũng không thể xem thường chúng. Hơn hai ngàn năm nay ở đây, người ta sinh sống, lao động và phát triển sản xuất tạo dựng văn hóa đã làm nên một Đôn Hoàng đầy chất nghệ thuật nổi tiếng thế giới.

ĐÔ HỘI THỊNH VUỢNG THỜI CỔ ĐẠI

Trước thế kỷ XI trước CN và có thể còn sớm hơn nữa, Đôn Hoàng đã có những dân tộc thiểu số sinh sống. Về sau, người Khương Nhung, người Nguyệt Thị và người Hung Nô lần lượt chiếm hữu vùng đất này. Họ đều là những dân tộc lấy du mục làm sinh kế. Sau khi Hán Vũ Đế đem binh đến hành lang Hà Tây tiến đánh Hung Nô và chiến thắng thì đưa dân từ nội địa đến để khai khẩn canh tác, lúc đó Đôn Hoàng mới phát triển về nông nghiệp, tạo dựng làng xóm và thị tứ, và dần dần phát triển thành một cứ điểm trọng yếu thông vãng Tây Vực được sử sách gọi là “một đô hội lớn”.

“Đôn Hoàng” có nghĩa là “Thịnh đại”. Hán Vũ Đế Nguyên Đỉnh năm thứ sáu (111 trước CN) lần đầu tiên lấy tên “Đôn Hoàng” đặt thành quận cho cả dải đất rộng lớn này, đứng đầu trong sáu huyện như Đôn Hoàng, Long Lặc ... Hán Vũ Đế đặt ở Hà Tây bốn quận mà trong đó quận Đôn Hoang sát về phía tây nhất, nó là yết hầu của con đường tơ lụa.

Kể từ đó trở đi, người xưa có thói quen lấy Đôn Hoàng làm biên giới, ra khỏi đó đi về hướng tây gọi là Tây Vực bao gồm các tiểu quốc thuộc chính quyền trung ương ở phạm vi trong và ngoài núi Thông Lĩnh và kể cả một số quốc gia ở Trung Á và châu Âu. Ba lộ tuyến của con đường tơ lụa đi qua địa phận Tân Cương đều xuất phát từ Đôn Hoàng. Bất luận thương nhân, lữ khách nào đi về phía đông hoặc lên phía tây đều phải đi qua Đôn Hoàng.

Điều sử sách nói về các con đường đi Tây Vực “tất cả đều chụm lại ở Đôn Hoàng” là có ý nghĩa như vậy.

Đôn Hoàng là một lục châu đầy nước và cỏ, nhưng tất nhiên cũng nhờ vào sự giao lưu kinh tế giữa đông và tây mà phát triển. Các thương lữ từ nội địa đi Tây Vực đến Đôn Hoàng dừng chân nghỉ ngơi, lấy thêm lương thực, chuẩn bị vượt sa mạc Taklamacan rộng lớn; còn các thương lữ từ Tây Vực đến, sau cuộc giong ruổi đường dài gian khổ trên sa mạc đến đấy cũng phải nghỉ ngơi lấy lại sức rồi tiếp tục đông tiến để thăm thú phong cảnh, mua sắm các sản vật vùng Hoa Hạ. Như vậy có thể tưởng tượng ra cảnh người qua lại tấp nập, tiếng chương lạc đà đinh đang trên đường phố Đôn Hoàng thời cổ đại, trong đó không thiếu những người mũi cao, mắt sâu, râu rậm của các nước Âu Á.

Đôn Hoàng ngày nay là một huyện thành nhỏ xanh um cây lá yên tĩnh đáng yêu. Trên đường phố, nhà cửa, cây cối, quầy hàng ... đều đem lại cho ta một cảm giác mới. Trên các ngã tư đường, xe hàng qua lại không thiếu những biển số của xứ Thanh Hải, Tây Tạng. Tàu lửa, máy bay đã thay thế lạc đà trong thời đại mới này, nhưng Đôn Hoàng vẫn là một đầu mối giao thông của dải cao nguyên vùng tây bắc của tổ quốc.

XUÂN PHONG DĨ ĐỘ NGỌC MÔN QUAN

Ngày thứ hai ở Đôn Hoàng, tôi nhờ một người làm công tác khảo cổ của phòng văn hóa huyện hướng dẫn tôi đi thăm Ngọc Môn Quan, anh tên là Vinh Ân Kỳ.

Ra khỏi thành, chúng tôi đi về hướng bắc đến sông Lặc Hà thì men theo bờ sông đi về hướng tây. Vinh Ân Kỳ nói Đường Huyền Trang không đi qua Đôn Hoàng, ngài rời Qua Châu (An Tây) thì men theo sông Sơ Lặc theo hướng tây để đến Ngọc Môn Quan. Lòng sông rộng, nước chảy rất yếu. Trên bãi sông, xã viên công xã Nhân dân đàng đào muối ăn.

Không có đường nhựa đến Ngọc Môn Quan, chiếc Jeep của chúng tôi lúc thì chạy trên sa mạc, lúc thì chạy bên bờ sông. Dọc đường không thấy vườn ruộng, thỉnh thoảng mới gặp một đàn gia súc. Trên đất toàn mọc những cây chịu hạn của sa mạc. Tình cờ chúng tôi thấy một gò đất ven sông mọc một giống cây xanh mướt và theo lời anh tài xế nói dù đó là một loại cây thuốc cam thảo hoang. Tôi nhổ lên một cây rứt một đoạn nhai thử, quả nhiên vị giống như cam thảo, tính hàn và có vị ngọt.

Men theo bờ sông tiến về phía tây, ta có thể thấy dấu vết của Trường thành đời Hán, đứt nối vô chừng. Cách huyện thành 60 cây số, chúng tôi đến một nơi gọi là “Đại phương bàn thành”. Đây là kho lương lớn cửa đời nhà Hán, dung tích chứa lương thảo để quan binh nơi biên ải và sứ thần lai vãng sử dụng. Tường thành của kho lương thảo hiện vẫn còn phế tích.

Lại đi tiếp chừng 20 cây số nữa thì thấy một tòa thành luỹ bằng đất sừng sững trên một mô đất bên bờ sông Càn Hà. Cạnh thành dựng một tấm bia đề ba chữ “Ngọc Môn Quan”. Tường thành cao 10 mét, hình vuông, chiếm một diện tích đất rộng 633 mét vuông. Tôi theo vết nứt của bờ tường leo lên đỉnh, gió rất to, đứng không vững, chỉ có cách ngồi áp vào tườngl thành ló đầu nhìn ra.

Vinh Ân Kỳ chỉ về hướng tây bảo tôi nhìn theo: biển cát mênh mông trải dài hút tầm mắt. Nơi đó là địa giới tỉnh Tân Cương, lại nhìn về hướng tây thì đó là hồ nội địa La Bố Náo Nhĩ, người xưa gọi là biển Bồ Xương.

Ngày xưa vượt ra khỏi Ngọc Môn Quan gọi là Xuất Tái (ra khỏi cửa ải). Trong thơ Đường có nhiều bài thơ nói về nỗi buồn nơi biên tái. Ví như bài “Xuất tác của Vương Chi Hoán là một trong những bài nổi tiếng:

(1) “Hoàng hà viễn thướng bạch vân gian,

Nhất phiến cô thành vạn nhận san.

Khương địch hà tu Oán dương liễu,

Xuân phong bất độ Ngọc Môn Quan”.

Tạm dịch: Sông Hoàng Hà lên xa mãi tận làn mây trắng, mảnh thành trơ trọi đứng giữa muôn tầng núi cao; tiếng sáo người Khương kia cớ sao lại tấu khúc “triết liễu” làm gì, vì người ra đi nhớ nhà thì cứ nhớ, nhưng không về được cũng như làn gió xuân không thổi tới được Ngọc Môn Quan xa xôi nơi sa mạc khô cằn này.

(1) Bài Xuất Tái có 2 bản chép lại:

1.- của Nguyên Hiến Lê:

Hoàng hà treo ngọn giữa mây xanh

Vạn bậc non cao một mảnh thành

Sáo rợ buồn chi lời chiết liễu

Gió xuân chẳng vượt Ngọc Môn Quan.

(Nguyễn Hiến Lê - NXB Trẻ)

2.- của Cao Tự Thanh:

Cát vàng chen thẳng vào mây trắng

Một mảnh thành côi núi vạn trùng

Sáo rợ trỗi chi lời Liễu Oán

Gió xuân đã bị Ngọc Môn Quan.

(Giai Thoại Thơ Đường - NXB Phụ Nữ).

Người xưa khi tiễn biệt nhau thường bẻ cành liễu để biểu thị sự lưu luyến, tiếng sáo nói lên ý mùa thu ly biệt. Nhà thơ thường đem tiếng sáo, bẻ cành liễu và oán biệt liên kết lại với nhau để nói lên sự xa cách. Cớ sao tiếng sáo người Khương lại tấu khúc “triết liễu” (bẻ cành liễu) kia chứ? Gió xuân không đời nào thổi đến phía ngoài Ngọc Môn Quan thì thật là thê lương buồn bã làm sao!

Ngày nay chúng tôi đang đứng cạnh Ngọc Môn Quan nhìn về phía tây, nhưng tâm tình hoàn toàn khác hẳn. Cần nhớ Diệp Kiếm Anh đã từng sống quá nửa cuộc đời nhung mã có làm bài thơ đề “Ngọc môn”, khẩu khí nghe ra rất hào hùng. Ông mượn hai câu sau của Vương Chi Hoán, nhưng có ý ngược lại, bài thơ như sau:

“Dẫn đắc xuân phong độ Ngọc quan,

Tịnh phi dương liễu thị thanh niên;

Anh hùng nhất đại thiên thu nghiệp,

Cảm thuyết tiền hiền quỹ hậu sinh”.

Tạm dịch: Đã đưa gió xuân đến tận Ngọc Môn Quan, hoàn toàn không phải do “dương liễu” mà là do những chàng trai trẻ; anh hùng của một thời chính là sự nghiệp của ngàn năm và dám có thể nói rằng hiền nhân ngày trước đôi khi cũng phải thẹn với đám hậu sinh ngày nay.

Tôi ngước đầu nhìn về phía tây, bỗng nhiên tôi nghĩ đến đứa cháu nơi phương xa, nó đang làm việc tại cơ quan nghiên cứu khoa học tỉnh Tân Cương. Năm nọ khi về Bắc Kinh nó có tặng cho tôi một cành sen tuyết ở Thiên Sơn. Hỏi tình hình việc nghiên cứu của nó, nó bảo:

- Bác cứ đến chỗ chúng cháu để xem cuộc sống mới ở đấy cho biết!

Lời nói của nó nghe rất tự tin. Ngày nay, tôi quả thật muốn vượt khỏi Ngọc Môn Quan để đến xem lớp thanh niên mới đã cống hiến đời mình cho khu vực nam bắc Thiên Sơn như thế nào.

Đứng ở Ngọc Môn Quan nhìn về phía nam thấp thoáng trong núi đồn chập trùng có thể thấy các “phong toại đài” (đài dùng để đốt lửa vào ban đêm, hoặc un khói vào ban ngày, để báo hiệu có chiến tranh xảy ra trong thời cổ đại). Vinh Ân Kỳ nói cứ nhắm phong toại đài đi thẳng về phía nam thì đến Dương Quan, cách Ngọc Môn Quan chừng 50 cây số.

Tôi hỏi:

- Từ đây có thể đi thẳng đến Dương Quan được không?

Anh bảo:

Dĩ nhiên là được, nhưng đi xe jeep thì rất khó. Chi bằng chúng ta trở về thành, ngày mai sẽ đi theo một lối khác và trên đường đi ta có thể nhìn ngắm nhiều cảnh tượng thú vị khác.

CÂU CHUYỆN VỀ LỬA HIỆU

Hôm sau, ra khỏi tây thành huyện Đôn Hoàng thì thấy một đoạn tường thành. Vinh Ân Kỳ bảo đó là vị trí cũ của cổ thành Đôn Hoàng, cách đó không xa có một tòa tháp, hình dáng tương tự như Bạch tháp ở công viên Bắc Hải của Bắc Kinh có tên là tháp Bạch Mã. Tương truyền rằng vị cao tăng Cưu Ma La Thập xứ Tây Vực từ nước Quy Tư đến Lương Châu đi qua Đôn Hoàng thì con bạch mã của ngài bị bệnh chết, người ta làm đám táng cho bạch mã rồi sau đó xây tháp cho nó.

Ra khỏi thành đi đường nhựa về hướng tây. Mặt nam là một dãy núi có hình dáng rất kỳ lạ, sống núi nhọn như đao. Vinh Ân Kỳ nói: “Đó không phải là loại núi như thường thấy mà là núi cát đấy”. Qua cách giảng giải của anh, tôi thấy trên núi quả nhiên có những hoa văn ngoằn ngoèo giống như sóng nước. Nó lại không giống như những cồn cát hình thường mà quanh năm cố định, không hề di động, kéo dài hơn 40 cây số, ngọn cao nhất cao đến 250 mét, nhìn xa trông như một dãy núi có tên là núi Minh Sa.

Tiếp tục đi về hướng tây, đường nhựa sắp tiếp giáp với bãi sa mạc Gôbi hoang vắng. Phía nam ra dường là sông Đảng Hà, nước chảy đào khoét lòng sông thành một ngòi nước sâu. Nếu không đến gần ngòi nước cúi nhìn xuống thì không thấy được lòng sông, con sông này mang lại cuộc sống và văn hóa cho Đôn Hoàng.

Trên sông Đảng Hà, người ta kiến tạo hồ chứa nước và sản xuất điện lực. Bên cạnh hồ chứa nước là phong toại đài có từ đời nhà Hán. Đó là một phong hỏa đài hoàn chỉnh nhất mà tôi được thấy khi đi dọc hành làng Hà Tây này. Người xưa đã dùng đất sét, thân lau sậy và đá cuội mà xây nên.

Trên phong hỏa đài ấy có xây một giá thật cao, trên đó treo một cái giỏ lớn, trong chứa đầy củi khô, cỏ khô. Nếu ban đêm phát hiện có kẻ địch thì đốt lửa lên nên gọi là “phong” (tức lửa báo hiệu). Ngoài ra, trên đài còn chứa thêm củi và cỏ. Nếu ban ngày phát hiện có kẻ địch thì un khói làm tín hiệu nên gọi là “toại” (tức khói báo hiệu). Tương truyền rằng thời cổ đại người ta thường dùng phân của con sói để un khói vì khi đốt lên chúng bốc nhiều khói đen nên gọi là “lang yên” (khói của phân sói).

Phong toại đài thời cổ đại thì cách nhau vài dặm lập một đài theo dọc đường cái. Cứ qua từng trạm truyền đạt tin tức thì nhanh hơn nhiều so với đi ngựa để báo tin. Phong toại đài dùng làm công cụ thông tin của thời cổ đại không phải chỉ bắt đầu từ đời Hán, mà trước đó vào cuối thế kỷ thứ VIII trước CN đã lưu truyền một câu chuyện có liên quan đến phong toại.

Chu U Vương có một ái phi tên là Bao Tự. Suốt ngày nàng luôn sầu muộn không vui. U Vương đã dùng trăm phương ngàn kế cũng không mua được một nụ cười của mỹ nhân. Vị hoàng đế chơi hoang ấy lại nghe theo kế của một kẻ vô lại nào đó bèn hạ lệnh cho đốt lửa báo hiệu có chiến tranh. Các nước chư hầu thấy khói lửa báo hiệu cho là triều đình đang gặp nạn, vội vàng dẫn binh đêm ngày vượt đường sá xa xôi đến kinh thành. U Vương đưa nàng Bao Tự ngồi trên lầu cao nhìn xuống thấy các lộ mà chư hầu bị lừa đang rầm rộ kéo quân đến, nàng không nhịn được bỗng cười lên một tiếng. U Vương mừng rỡ, bèn thưởng cho người hiến kế một ngàn lạng vàng. Thế nên người ta thường nói ngàn vàng mua một nụ cười là do từ sự tích ấy. Về sau, địch xâm nhập thực sự, U Vương hạ lệnh đốt lửa báo hiệu thì chư hầu không tin nữa nên không đem binh đến cứu, kết quả U Vương bị giết, Bao Tự bị bắt.

LỤC CHÂU BÊN BÃI HOANG

Tiếp tục đi lên phía trước, qua những phong toại đài sừng sững trên các đồi núi thì đến một tòa cổ thành bị cát chôn vùi gọi là thành Thọ Xương. Đó là vị trí cũ của huyện Long Lặc, quận Đôn Hoàng thuộc đời nhà Hán; đến đời Đường đổi tên là huyện Thọ Xương. Vinh Ân Kỳ nói các đội thương lữ ngày xưa xuất phát từ huyện Đôn Hoàng rồi men theo con đường chúng ta vừa đi qua, trước tiên đến thành Thọ Xương, sau đó đi tiếp một đoạn nữa thì đến Dương Quan và thế là tiến vào xứ Tây Vực.

Bờ tường của cổ thành Thọ Xương vẫn còn một phần lộ ra trên cồn cát. Chúng tôi đi vòng quanh bờ tường hoang phế ấy, có lúc như đang bước trên bức bờ tường đất đổ nát, có lúc thì như đi trên cồn cát. Góc đông nam tường thành là lò thiêu ngày trước. Đứng trên bờ tường hoang phế này nhìn xa xa thì thấy cát vàng trùng trùng từng đợt mù mịt bay từ hướng bắc đến dần dà nuốt gọn cả cổ thành có diện tích hơn tám mươi ba ngàn mét vuông này. Sức tàn phá của gió cát thật sự đã làm cho con người khiếp sợ. Cạnh cổ thành Thọ Xương có một dọc rừng phòng cát xanh tốt chắn bớt sự tiến công của cát vàng. Chúng tôi rời khỏi cồn cát, đi xuyên qua dãy rừng phòng cát, qua các ruộng ngô và bông vải, đi vào một con đường trồng toàn bạch dương tỏa bóng mát, hai bên đường là hai dãy nhà ở ngay ngắn, đây chính là công xã nhân dân Nam Hồ của huyện Đôn Hoàng.

Rời khối cổ thành bị cát chôn vùi, chúng tôi vào đến lục châu, ngửi thấy mùi hương trong lành tỏa lan của lá cành cây cối, nhìn thấy tư thái nhàn nhã của dân mục đồng ngồi trên mình trâu và nghe thấy tiếng nước chảy róc rách ... trong lòng bỗng cảm thấy sảng khoái lạ.

Sở dĩ nhân dân Nam Hồ sản xuất và sinh hoạt được trong cảnh bao vây của cát sa mạc là nhờ bốn con suối ngầm phun từ lòng đất, trong đó có một con suối lởn nhất, lưu lượng mỗi giây đạt 0,8 mét khối. Tôi đến xem suối ngầm ấy thì thấy có một cái đập xây bằng đá để giữ nước phun lên đưa vào một hồ nhỏ. Đập này xưa nay vốn có tên là đập hoàngThủy: Ven hồ có nhiều cỏ mọc, ngựa, la và dê đến uống nước ở đấy.

Hồ nước này vào đời Hán gọi là Ốc Oa trì (ao nước trũng). Vinh Ân Kỳ nói sự tích ngựa trời xuất sanh ở ao ốc Oa do từ đấy mà ra. Thời Hán Vũ Đế có một người ở Tân Dã, Nam Dương, tên là Bộc Lợi Trường vì phạm pháp bị tội lưu đày đến huyện Đôn Hoàng để khai khẩn đất đai, ông thường thả súc vật ở cạnh ao Ốc Oa. Có lần ông nhận thấy trong số những con ngựa đến uống nước có một con kiêu mãnh xuất chúng. Ông nghĩ ra một kế để bắt con ngựa hoang ấy. Trước tiên ông làm một tượng người bằng đất đứng cạnh ao, cho mặc áo quần, tay cầm một sợi dây. Ngựa hoang đến uống nước thấy tượng người thì tránh xa. Càng lâu về sau, thấy người cầm sợi dân ấy không hề làm hại gì cả, nên dần dần quen đi và cũng không còn dè chừng nữa. Thế rồi Bộc Lợi Trường thay tượng đất và chính mình đứng vào chỗ ấy. Ngựa hoang theo thường lệ vẫn đến uống nước, rồi tới cận dần; Bộc Lợi Trường thừa cơ bất kỳ bất ý quăng sợi dây ra bắt được ngưa đem dâng cho Hán Vũ Đế, và nói: “Ngựa trời xuất sanh ở ao Ốc Oa”. Hán Vũ Đế cho là thật và sáng tác ra bài ca “Thiên mã”.

DƯƠNG QUAN - BÃI “ĐỒ CỔ”

Di chỉ Dương Quan cách ao Ốc Oa về hướng tây bắc không đầy một cây số. Vinh Ân Kỳ dẫn tôi đi xuyên qua rừng phòng cát dọc phía tây công xã nhân dân Nam Hồ để đi vào sa mạc, nhưng phải vượt qua bốn mươi vồng cát lớn mới thấy di chỉ Dương quan. Anh nói di chỉ này cách huyện Đôn Hoàng 70 cây số vế phía tây nam. Trên phần đất của di chỉ này không thấy cảnh vách đổ tường xiêu mà chỉ thấy toàn là cồn cát, đất đai cằn cỗi, nhưng lại có dấu tích của nền tường.

Khi đến đây bỗng dưng Vinh Ân Kỳ trở nên hăng hái hẳn lên, vừa khom lưng cúi đầu tìm kiếm “đồ cổ” trong cát, vừa giảng giải cho chúng tôi những kiến thức cơ bản về việc giám định các văn vật. Có sáu người học cách của anh, lui tới dùng mắt trần tìm kiếm xem trên mặt đất, may ra phát hiện được gì nơi ải Dương Quan cố cựu này.

Bỗng đằng kia có một người gọi lớn:

- Anh Vinh ơi! Tôi tìm được của quý đây này!

Vinh Ân Kỳ chạy đến xem, rồi nói lớn:

- Hay lắm, đây là mũi tên đồng thời nhà Hán đấy.

Chỗ khác lại có người kêu:

- Anh Vinh ơi! Mau đến xem. Đây có phải là đồ cổ không?

Vinh Ân Kỳ chạy lại thấy một viên ngọc lưu ly liền đoán:

- Đây là đồ trang sức gắn trên mũ của người xưa.

Tôi cũng nhặt được một đồng tiền thời nhà Hán, tuy rỉ đồng bám đầy nhưng cũng có thể thấy rõ trên mặt có hai chữ “ngũ thù” (năm tiền, một tiền bằng nửa lạng). Tôi còn nhặt thêm một viên đá nhỏ, giữa có một cái lỗ, theo lời giám định của Vinh Ân Kỳ thì đó là “con thoi” dệt vải thời xưa.

Ở di chỉ Dương Quan, người ta thường nhặt được các mảnh văn vật nhỏ nên được gọi là “bãi đồ cổ” và có thể nói hầu như người ta không thể nhặt hết các văn vật nơi di chỉ này. Mãi cho đến ngày nay, chúng ta chỉ cần để ý một chút cũng có thể nhặt được một vài mảnh “đồ cổ” như thường.

Về vấn đề này, Vinh Ân Kỳ giải thích: vị trí cũ của Dương Quan đã từng bị dòng nước chảy qua công phá. Ngày nay những cồn cát trên nền đất cũ thường bị gió làm di động. Gió không những có tác dụng chôn vùi “đồ cổ” mà cũng có tác dụng làm lộ ra “đồ cổ” bị ẩn tàng trong cát.

Anh vừa đi vừa nói, bỗng đứng sững lại, chắp hai tay đưa lên đầu la lớn: “Dừng lại?” Thì ra có thứ văn vật quý hiếm gì đó đang xuất hiện trước mắt anh. Anh quỳ xuống một chân cẩn thận nhặt lên một mảnh đá xanh ở giữa có một lỗ tròn tròn, rồi nhẹ nhàng đặt lại vào chỗ cũ, quay lưng nói với chàng ký giả Tiểu Kim:

- Làm ơn chớp giùm cho mình một pô tại nguyên chỗ của nó. Đây là cái đao bằng đá thuộc thời kỳ đồ đá mới, trước nay chưa ai tìm thấy.

Đây là lần đầu tiên anh phát hiện ra văn vật thuộc thời kỳ đỗ đá mới tại di chỉ Dương Quan. Tôi hỏi đã có ai tìm được một vật gì tương tự như thế chưa, thì anh nói:

- Chưa từng nghe thấy. Sự phát hiện này chứng minh khu vực quanh Dương Quan đã có cư dân sinh sống vào thời kỳ đồ đá mới.

Chúng tôi tìm tòi của quý tại di chỉ Dương Quan chỉ trong hai tiếng đồng hồ thật chưa đã thích chút nào. Trời gần tối không thể ở lâu được nữa, chúng tôi bên leo lên phong toại đài ở phía bắc núi Đôn Đôn nhìn quanh một lượt lần cuối cùng. Mặt trời lặn dần, phía chân trời hiện ra một vầng ráng chiều đầy màu sắc phản chiếu ánh hồng trên lớp sóng cát mênh mông của buổi hoàng hôn. Dương Quan ơi! Xin giã biệt!

9a. HANG ĐỘNG Ở MẠC CAO VÀ CON ĐƯỜNG TƠ LỤA

Chúng tôi về đến Đôn Hoàng thì trời vừa tối. Từ gọi điện thoại cho Thường Thư Hồng, giám đốc Sở Nghiên cứu Văn vật huyện Đôn Hoàng thông báo là chúng tôi đã đi Dương Quan và Ngọc Môn Quang sau đó mới đi thăm hang động ở Mạc Cao. Nghe qua điện thoại, giọng ông ôn tồn, nhỏ nhẹ:

- Hoan nghênh, hoan nghênh các anh! Có chớp nhiều ảnh không? Có phải các anh định cho ra một tập bưu ảnh về Đôn Hoàng, đúng không?

- Lần này chúng tôi chỉ muốn biết thêm về mối quan hệ giữa nghệ thuật Đôn Hoàng và con đường tơ lụa mà thôi. - Tôi nói.

LẦN THỨ HAI ĐI THĂM HANG ĐỘNG MẠC CAO

Năm 1975, tôi đã đến thăm hang động Mạc Cao. Ông bạn ký giả họ Địch cùng với tôi đã đi qua Đôn Hoàng cũng vì những bích họa rực rỡ và những tượng hình chạm khắc tinh mỹ trong các hang động ở Mạc Cao làm mê hoặc chúng tôi, nên bấy giờ chúng tôi đã chớp khá nhiều tấm ảnh. Hồi đó, “Tứ nhân bang” đang lúc hung hăng cuồng loạn, họ cấm chỉ những cuộc triển lãm và những họa báo có hình ảnh Đức Phật và các vị Bồ tát. Do đó, những bức ảnh có dính dáng đến những cấm kỵ ấy chỉ còn cách đem cất giấu cho xong, đợi đến khi họ bị hạ bệ, mới sửa chữa lại và cho xuất bản. Đối với việc xuất bản tập bưu ảnh ấy, Thường Thư Hồng đã hỗ trợ hết mình (1).

(1) vì vậy lần này gặp lại, Thường Thư Hồng mới hỏi về việc chớp ảnh và xuất bản tập ảnh về Đôn Hoàng.

Đi xe từ Đôn Hoàng đến hang động Mạc Cao mất độ nửa tiếng đồng hồ. So với lần trước, tôi cảm thấy Đôn Hoàng có sự thay đổi rõ ràng. Ngày nay có xe hợp đồng đưa đón khách tham quan. Đường đất ven sa mạc Gôbi đã trở thành đường rải nhựa. Chúng tôi chạy cạnh chân núi Minh Sa, vượt qua cây cầu xi-măng mới xây và dừng xe trước một nhà bia có bút tự của Quách Mạt Nhược và thế là đã đến hang động Mạc Cao. Con đường rợp bóng cây, yên tĩnh trước hang động sạch bong đến độ không có lấy một ngọn lá sót lại. Và một lần nữa nghe tiếng chuông gió đinh đang trên cao lại cảm thấy sao mà thân thiết lạ?

Tôi được dẫn vào phòng tiếp tân của viện Tứ Hơp yên tĩnh. Lần trước lúc chúng tôi đến chỉ có anh bạn họ Địch và tôi, hai người trông thật cô đơn. Bấy giờ, dưới bóng đen càng quấy của “Tứ nhân bang”, hang Mạc Cao trông thật thảm hại. Còn ngày nay thì trở nên náo nhiệt đông vui. Ở đây có rất nhiều khách từ Đại học Bắc Kinh, Đại học Lan Châu, học viện Mỹ thuật Triết Giang, Viện Bác cổ Lịch sử Tân Cương đến. Ngoài ra, trong một tòa viện khác, đội nhiếp ảnh thuộc xưởng làm phim Thượng Hải trú ngu. Họ đang làm những cuốn phim tài liệu về nghệ thuật.

Tôi đến phòng làm việc của Thường Thư Hồng để thăm. Ông đang chủ trì một cuộc tọa đàm. Vào hội trường, ông nhiệt tình kéo tôi ngồi xuống nghe giáo sư Đại học Bắc Kinh Chu Tổ Mô thuyết giảng. Đầu đề của bài nói chuyện là “Văn học cổ điển và lịch sử”. Các đồng chí trong vở nghiên cứu ngồi chật cả hai trường đang để hết tinh thần lắng nghe, xem ra công tác này đã trải qua một giai đoạn tiêu đoạn tiêu điều linh lạc, nay mới trùng tân làm sống lại. Sau buổi tọa đàm, tôi đi theo Thường Thư Hồng về phòng làm việc của ông. Điều khiến tôi chú ý là trên tường có treo một bản đồ họa thiết kế nhà khách theo kiến trúc truyền thống.

Ông nói:

- Đồ họa này là của một ông bạn mới đây đã vẽ giúp cho chúng tôi nhà đón khách du lịch tham quan đấy!

- Ồ, chuẩn bị đón hàng loạt khách du lịch đấy nhỉ? - Tôi nói - Thật không ngờ mới chỉ có ba năm mà ở đây các anh đã làm thay đổi không ít!

NHỮNG TẤM THẢM BA TƯ RỰC RỠ

Nói đến mối quan hệ giữa nghệ thuật Đôn Hoàng và con đường tơ lụa, Thường Thư Hồng bắt đầu từ cách cấu tạo các bích họa, chạm khắc tượng và khám thờ trong hang động đều có thể thấy sự liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp đến con đường tơ lụa, ông đề nghị hãy đi xem trước rồi bàn sau.

Vừa lúc đó chị Tưởng Nghị Minh, người đã giảng giải và giúp đỡ chúng tôi chớp ảnh lần trước muốn giáo sư Chu Tổ Mô cùng đi tham quan Mạc Cao, tôi đã tháp tùng với họ.

Vào đến hang thứ 324 (thời Sơ Đường), tôi đang ngắm nhìn bức bích họa có vị bồ tát cưỡi trên mình voi thì giáo sư Chu chỉ các hoa văn trang trí trên đỉnh hang tán thưởng nói:

- Ồ! một tấm thảm Ba Tư thật tuyệt hảo!

Tưởng Nghị Minh cười tỏ ý tán đồng. Chị nói với tôi:

- Con mắt của giáo sư Chu thật tinh tế. Hoa văn Đôn Hoàng rõ ràng mang ảnh hưởng của Tây Vực. Anh đợi tôi một chút, chúng ta đến hang thứ 158 (thời Trung Đường), anh hãy chú ý đến cái gối của tượng Phật ở niết bàn.

Lần đi trước tôi như bị hấp dẫn bởi cái vẻ đẹp thâm trầm thư thái của hình Đức Phật nằm ngủ. Tuy đã từng đứng nhiều góc độ để chớp một số kiểu ảnh và đã chọn một kiểu phóng lớn treo trong nhà và đã được nhiều bạn bè tán thưởng, song lúc ấy tôi hoàn toàn không chú ý đến chiếc gối kia. Lần này qua sự chỉ điểm của Tưởng Nghị Minh, tôi mới phát hiện ra trên gối có hoa văn tạo thành từng vòng, từng vòng cánh hoa sen. Trong mỗi vòng lại có một vành ngọc tròn, ở giữa là một đôi chim.

Theo lời của các chuyên gia nói đó là dạng hoa văn “liên chu đối điểu” một phong cách hoa văn điển hình của Ba Tư.

Ánh sáng trong hầu hết các hang động ở Mạc Cao thật mù mờ, những bộ phận vi tế trên các bích họa cần phải nhờ ánh sáng của đèn pin soi cận vào và quan sát kỹ mới thấy rõ. Ở hang thứ 156 (thời Vãn Đường), tôi cầm đèn gìn rọi lên bờ vách chiếu đèn thật kỹ vào thì thấy đôi mắt ngọc xanh biếc và chăm chú nhìn mới phát hiện ra người ấy đang nghe Đức Phật thuyết pháp, với khuôn mặt trắng, mũi cao, mắt sâu, rất giống người Nam Âu ở Địa Trung Hải.

Sau khi xem, Chu giáo sư nói:

- Có lẽ họa sư thời cổ đại đã từng thấy người châu Âu nên họ mới vẽ giống như vậy.

Tôi nghĩ Đôn Hoàng nằm trên trục lộ chính của con đường tơ lụa ắt hẳn không thiếu những người thuộc các nước Âu Á đến Trung Quốc, nhưng con mắt của các họa sư đương thời thật là sắc sảo. Ví như bức họa tân vương các nước làm lễ táng (hang 158), hoặc bức họa tín đồ các nước nghe thuyết pháp (hang 98) đều mặc trang phục của dân tộc ngoại quốc và dân tộc thiểu số, nhưng họ vẽ rất linh động.

Theo sự chỉ điểm của người giảng giải có vốn hiểu biết phong phú, chúng tôi vừa xem vừa bàn khiến tôi từ cái biết vụn vặt đến việc nắm bắt một số mặt chủ yếu, hiểu rõ thêm về mối liên hệ vi diệu mà mật thiết giữa nghệ thuật Đôn Hoàng và con đường tơ lụa.

HANG ĐỘNG SỐ MỘT TRONG SỐ HÀNG NGÀN ĐỘNG PHẬT

Văn hóa Phật giáo có mặt ở các hang động Mạc Cao là do con đường tơ lụa từ Ấn Độ truyền nhập vào nội địa Trung Quốc qua hai cửa ải Ngọc Môn Quan và Dương Quan kể từ sau khi Đức Phật ra đời. Đứng trên một góc độ ý nghĩa nào đó mà nói thì không có con đường tơ lụa tức sẽ không có hang động Mạc Cao tại Đôn Hoàng.

Rất sớm trước khi Trương Khiên mở đường sang Tây Vực vào thời Tây Hán, thì Phật giáo đã xuất hiện vào thế kỷ thứ V trước CN ở Ấn Độ và đã từ đấy, vượt qua núi Thông Lĩnh đi về phía đông truyền nhập vào khu vực Tân Cương. Sau đó theo con đường tơ lụa mà vào Trung Nguyên. Đôn Hoàng là cửa khẩu lớn của Trung Nguyên đã tiếp nhận các vị khách từ phương tây đến đồng thời cũng tiếp nhận luôn nghệ thuật kiến tạo chùa hang động.

Phật giáo từ ngoài vào Trung Quốc thật sự được định hình là vào thời kỳ mười sáu nước Đông Tấn, thời ấy chiến loạn liên miên, nhân dân thống khổ trầm trọng, suốt gần 100 năm từ đầu thế kỷ thứ IV đến đầu thế kỷ thứ V CN. Chính trong giai đoạn này, hang động Mạc Cao bắt đầu khai sinh. Đứng về góc độ lịch sử mà xét thì đó là kết quả tất nhiên về yêu cầu tín ngưỡng của nhân dân.

Sự đục mở hang đá đầu tiên tại hang động Mạc Cao chỉ do một sự kiện ngẫu nhiên. Năm Kiện Nguyên thứ hai Tiền Tần (tức năm 366 CN), có một vị hòa thượng tên là Lạc Tăng từ Trung Nguyên lên phía tây đến dưới chân núi Minh Sa ở Đôn Hoàng. Lúc đó mặt trời đang lặn nhanh xuống núi, hòa thượng thấy ba ngọn núi cao phía trước rực lên ánh kim quang làm lóa mắt trông giống như có hàng ngàn hàng vạn vị Phật hiển hiện trong ánh kim quang ấy. Hòa thượng cho đây là vùng đất thánh bèn quyết định treo mình lên vách đá dựng đứng ở núi Minh Sa đục mở một động để một mình vào đó trú ngụ tu hành.

Chúng tôi đứng trên hang Mạc Cao trông vời về hướng đông thấy phía đối diện là một dãy núi đá màu hồng tía thì đó là Tam Nguy sơn (ba ngọn núi cao chót vót). Tưởng Nghị Minh nói đá trên Tam Nguy sơn có hàm lượng khoáng chất, trời chiều phản chiếu sẽ phát ánh kim quang sáng lóa. hiện tượng này được hòa thượng Lạc Tăng gọi là “Phật quang”.

Hơn 1600 năm trước, hang động đầu tiên ở Mạc Cao được đục khai như thế. Còn hang động thứ hai thì do hòa thượng Pháp Lương khai mở.

Về sau hang động Mạc Cao phát triển trở thành loại chùa hang đá lớn nhất Trung Quốc và có mối tương quan mật thiết về vị trí địa lý đối với khu vực Đôn Hoàng. Ba tuyến đường từ Trung Quốc đi Tây Vực của con đường tơ lụa đều lấy Đôn Hoàng làm nơi xuất phát.

Hang động Mạc Cao tuy ẩn tàng trong sa mạc Gôbi hẻo lánh nhưng cách huyện Đôn Hoàng không xa lắm chỉ ước khoảng 20 cây số. Khách thương lai vãng trên con đường tơ lụa, sau khu ra khỏi Ngọc môn Quan, hoặc Dương Quan thường muốn đến hang động Mạc Cao để dâng hương lễ Phật, ước nguyện đi đường bình an vô sự, còn những người từ phía tây vào ải cũng thường qua đấy hiến cúng một số tài vật để khai đục hang động và cảm tạ Phật tổ, Bồ tát. Nơi đây dần dần trở nên nổi tiếng, hang động dần dần ngày một nhiều. Từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ thứ XIV, ở đây đã khai đục đến con số ngàn hang động xứng danh với “thiên Phật động”. Đến nay số hang động còn giữ được 492 cái trải qua mười triều đại từ Đông Tấn mười sáu nước, Bắc Ngụy, Tây Ngụy, Bắc Chu, Tuỳ, Đường, Ngũ Đại, Tống, Tây Hạ và Nguyên Mông ...

KHÁCH THƯƠNG QUA CẦU, KHÁCH THƯƠNG GẶP KẺ CƯỚP

Trong khi đi thăm các hang động, tôi đặc biệt chú ý đến hình tượng khách thương trên bích họa và tượng chạm khắc, vì rõ ràng đó là những hình ảnh phản ảnh trực tiếp những sinh hoạt trên con đường tơ lụa đối với nghệ thuật Đôn Hoàng.

Hiện vật có tính chất đai biểu nhất là bức vẽ tượng người trên gạch nung thuộc đời Đường đào được ở miếu thờ Phật ở Đôn Hoàng. Phù điêu khắc trên gạch là một người thuộc Tây Vực đầu đội mũ dạ có chóp nhọn, đang dắt một con lạc đà chở đầy hàng hóa.

Giáo sư Chu và chị Tưởng Nghị Minh hiểu rõ ý định của tôi nên trong khi tham quan các hang động thường nhắc nhở chỉ bảo tôi: khi thì nói “Ở đây có đội khách thương chỗ lạc đà”, khi thì bảo “Anh nhà buôn này sao mà giống người Ả Rập đến thế! …

Vào đến bang thứ 246 (thời Bắc Chu), tôi thấy bức họa vẽ đội khách thương qua cầu trông thật thú vị. Bên trái là người cưỡi ngựa lùa mấy con lừa trên lưng chở hàng hóa bước lên cầu, bên phải là một người có vóc dáng người Tây Vực đang dắt con lạc đà chở đầy hàng hóa cũng bước lên đầu kia cầu. Khách buôn người Trung quốc đi về hướng tây, và khách buôn ngoại quốc đi về hướng đông lại gặp nhau trên một cây cầu; đó họ chẳng phải là cảnh tượng thường diễn ra trên một con đường tơ lụa thời cổ đại chăng? ớ hang thứ 45 (thời Thịnh Đường) có một bức họa “Khách buôn người Hồ gặp kẻ cướp”, trong đó vẽ sáu khách thương Tây Vực, so với bức họa “Qua cầu” kể trên thì có vẻ tươm tất, tỉ mỉ hơn nhiều. Không những tướng mạo, y phục của họ khác thường mà chính sự biểu lộ tình cảm của họ cũng mỗi người một khác. Điều này chứng minh rằng đầu óc ghi giữ đại hình thể người Tây Vực của các họa sư Đôn Hoàng thật là bén nhạy, đầy đủ, nên khi vẽ lại mới sống động như thật.

Trong số những bích họa ở Đôn Hoàng, đề tài về sự tích Đức phật thường là nội dung chính, nhưng cũng có một bức chỉ chuyên miêu tả về sự tích con đường tơ lụa. Đó là bức “Trương Khiên xuất sứ Tây Vực đồ” (Bức họa về Trương Khiên đi sứ Tây Vực) ở hang thứ 323 (thời Sơ Đương). Trên bức họa có vua Hán Vũ Đế cưỡi ngựa dẫn đám quần thần ra ngoài thành tống biệt Trương khiên đi sứ Tây Vực. Người cầm hốt quỳ dưới đất để nói lời từ biệt đó là Trương Khiên, sau ông là đoàn tùy tùng. Đến những nơi có dấu chân Trương Khiến đi qua, rồi xem lại bức bích họa của người đời Đường vẽ, không thể không khiến ta nghĩ đến công tích lớn lao của ông đối với sự khai thông con đường tơ lụa.

BÀI CA KHẢI HOÀN CỦA ĐOÀN QUÂN CHIẾM LẠI ĐẤT ĐAI ĐÃ MẤT

Tưởng Nghị Minh dẫn tôi đến hang thứ 156 (thời Thịnh Đường) xem hai bức bích họa có tương quan mật thiết với con đường giao thông trọng yếu trong khu vực hành lang Hà Tây, đó là bức Trương Nghị Triều thống quân thu phục Hà Tây đồ (Bức họa về Trương Nghị Triều thống suất binh đội chiếm lại Hà Tây) và bức Tống phu nhân xuất hành đồ (Bức họa về phu nhân nước Tống xuất hành). Hai bức bích họa này có kích cỡ đồ sộ, hình ảnh sinh động, màu sắc tươi đẹp, bố cục xảo diệu, thật xứng danh là tác phẩm ưu mỹ của nghệ thuật bích họa Đôn hoàng, do đó, trong nhiều tập ảnh xuất bản về bích họa Đôn Hoàng đều được chọn.

Trương Nghị Triều, người Đôn hoàng sống vào thế kỷ thứ XI thời Vãn Đường, là một anh hùng dân tộc, ông có công rất lớn đối với sự ổn định và phồn vinh của dải hành lang Hà Tây. Phu nhân nước Tống là vợ của ông.

Việc duy trì sự thông thương của con đường tơ lụa không phải luôn luôn thuận buồm xuôi gió. Cuối thế kỷ thứ VIII và đầu thế kỷ thứ IX, dân du mục Thổ Phồn (Tây Tạng) quấy nhiễu lãnh thổ nhà Đường, họ chiếm hành lang Hà Tây, phá hoại sản xuất, cản trở việc giao lưu văn hóa kinh tế giữa Trung Quốc và các nước phương Tây. Quân dân Đôn Hoàng (Sa Châu) đã anh dũng chống lại trong hơn mười một năm, cuối cùng, lương thảo hết, vũ khí thiếu nên phải thất bại.

Năm 848, một người Đôn Hoàng tên là Trương Nghị Triều lãnh đạo dân chúng khởi nghĩa, sử gọi là “cuộc khởi nghĩa ở Sa Châu”. Nhân cơ hội nội bộ nước Thổ Phồn lục đục, ông bí mật liên kết với hào kiệt trong xứ vạch kế hoạch khởi nghĩa lấy lại đất đai đã mất về cho triều đình. ông suất lĩnh dân chúng các châu phủ dựng cờ khởi nghĩa, toàn thể nhân dân Đôn Hoàng hưởng ứng. Tướng soái Thổ Phồn hay tin hoảng sợ đào tẩu. Mọi người tôn Trương Nghị Triều lên lãnh đạọ chính sự ở Sa Châu, đồng thời dâng biểu về triều cấp báo và được triều đình phong làm “Sa Châu phòng ngự sứ”. Về sau, ông lại suất lĩnh binh mã thu phục lại phần lớn đất đai dọc hành lang Hà Tây từ trong tay Thổ Phồn rồi phái anh là Trương Nghị Trạch đem địa bộ Hà Tây và mười một châu thuộc Tân Cương về Trường An. Triều đình phong ông làm “Sa Châu quy nghĩa quân Tiết độ sứ”. Dưới sự lãnh đạo của ông, nhân dân khu vực Hà Tây khôi phục lại sản xuất, sửa sang nhà cửa, vườn tược. Con đường tơ lụa trở lại cảnh tượng phồn vinh như trước.

Sử sách ghi chép về sự kiện Trương Nghị Triều quá ít ỏi. Căn cứ vào các bích họa ở Mạc Cao, chúng ta mới có thể thấy được hình tượng oai hùng của nhân vật anh hùng ấy, đồng thời thấy được những gì mà đội quân hùng hậu dưới sự thống suất của ông ca khúc khải hoàn trong chiến thắng. Còn trong bức họa phu nhân nước Tống, vợ ông, xuất hành thì có hàng hàng lớp lớp màn hiểu diễn ca hát, nhảy múa đã phản ảnh phong tục tập quán của dải đất hành lang Hà Tây.

TRUYỀN THÔNG DÂN TỘC VÀ ẢNH HƯỞNG NGOẠI LAI

Sau khi thăm thú một lượt các hang động chính, tôi muốn tiến thêm một bước nữa trong việc tìm hiểu mối quan hệ giữa truyền thống dân tộc của nghệ thuật Đôn Hoàng và ảnh hưởng của ngoại lai. Nhân ngày chủ nhật rảnh rỗi, tôi đến nhà riêng của Thường Thư Hồng để thăm viếng và thỉnh giáo đôi điều.

Tôi đã từng đến nhà ông ở Lan Châu. Trong một vuông sân nhỏ trồng nhiều loại, hoa, trong thư phòng treo một bức họa chân dung của ông vẽ tại Paris. Tôi rất thích những tập tranh trong và ngoài nước mà ông đã sưu tập từ nhiều năm nay. Lần đầu tiên bước vào chỗ ở của ông tại Đôn Hoàng, cũng như thấy những cây hoa đã được ông dày công chăm sóc trước sân, thì trên tường của chỗ ở mới này của ông lại treo một bức tranh thiên thần mô phỏng trên các bích họa về Phật giáo trong các hang động. Ông thuận tay đưa cho tôi xem một tập tranh giới thiệu nghệ thuật điêu khắc tượng Hy Lạp và Ấn Độ. Tôi vừa lật xem vừa lắng nghe những kiến giải của ông về nghệ thuật Đôn Hoàng.

Ông cho rằng cuộc viễn chinh phương đông của Alexandre Đại đế vào thế kỷ thứ IV trước CN là một sự kiện lớn đối với sự hình thành lịch sử văn hóa nhân loại. Văn hoá của ba nước có nền văn minh cổ đại của thế giới - Hy Lạp, Ấn Độ, Trung Hoa - hội tụ tại phía tây núi Thông Lĩnh. Hay nói rõ hơn nghệ thuật Hy Lạp, Phật giáo Ấn Độ và văn hóa cổ đại Trung Quốc đều hội họp tại khu vực Đôn Hoàng, Kỳ Liên. Ba nền văn hóa ấy giao hòa lẫn nhau tạo thành một nền văn hóa mới. Nghệ thuật hang đá Kiến Đà La cũng theo Phật giáo truyền xuống phía đông mà vào Trung Quốc sau khi Trương Khiên mở đường sang Tây Vực.

Nghệ thuật Phật giáo Ấn Độ và Kiến Đà La đã sớm có ảnh hưởng khá sâu đậm đối với nền điêu khắc tượng và bích họa ở Đôn Hoàng. Tôi đã hai lần tham quan hang động Mạc Cao đều gặt hái được những ấn tượng sâu sắc về phương diện này. Không thừa nhận ảnh hưởng ngoại lai trong nghệ thuật Đôn Hoàng là không thực tế. Thường Thư Hồng cũng chỉ rõ:

- Nghệ thuật Đôn Hoàng đặt trên cơ sở truyền thống dân tộc của nhân dân Trung Quốc, hấp thụ những thành phần tốt đẹp của nước ngoài mà sáng tạo ra một nền nghệ thuật hang động mang phong cách thời đại và đặc sắc dân tộc.

Đục thành hang động trên vách đá đã sớm xuất hiện ở Trung Quốc vào thời cổ đại. Vào đời nhà Hán, thạch thất tương đối phổ biến. Chừa hang động ắt hẳn bắt nguồn từ Ấn Độ. Người Trung Quốc tiếp nhận Phật giáo từ phía tây truyền sang thì cũng có nghĩa là tiếp nạp luôn loại chùa hang động của nó, mà trên thực tế đời Hán vốn đã có thạch thất làm cơ sở nên khiến nó trở thành một trong những loại hình kiến trúc Phật giáo của Trung Quốc.

Tại Ấn Độ, chùa hang động là do các tín đồ Phật giáo muốn kỷ niệm Đức Thích ca Mâu ni mà làm ra, phần lớn là đục mở thành hang động trên các vách đá dựng đứng, hoặc nơi ít có dấu chân người qua lại, mục đích là để tu luyện và cúng bái.

Hang động thời Bắc Ngụy có hai loại. Một loại là gian trước có hình vuông, giữa không có cột, bốn vách chung quanh người ta đục ra những khám thờ phật cỡ nhỏ. ngay ngắn chỉnh tề. Loại hang động này chịu ảnh hưởng loạt hang tịnh xá của Ấn Độ. Bốn vách hang tịnh xá có nhiều động nhỏ dùng để các tăng lữ tĩnh tọa tu hành. Còn loại hang động thứ hai thời Bắc Ngụy có hình dáng loại hang “chi đề” của Ấn Độ. Chính giữa hang chi đề là tháp “Xá lợi”, chung quanh tháp có một khoảng không để tín đồ đi vòng cúng bái. Hang động thời Bắc Ngụy trong hệ thống hang động Mạc Cao có hình vuông, giữa có cột lớn, đó chính là sự chuyển hóa từ tháp Xá lợi mà ra. Khoảng không hình tròn chung quanh tháp cũng cải biến thành hình vuông tương ứng. Nóc hình chữ nhân trên đỉnh hang càng biểu hiện rõ phong cách kiến trúc kết cấu nhà gỗ của dân tộc Trung Hoa.

Tượng hình bồ tát thuộc thời Thịnh Đường và Trung Đường là những nghệ thuật phẩm trác tuyệt của hang động Mạc Cao.

Bồ tát đến từ ấn Độ, để người Trung Quốc cảm thấy gần gũi, dưới bàn tay của các nhà nghệ thuật, Bồ tát đã biến thành người Hán. Thân hình của họ đẹp đẽ, phong thái dịu dàng, mỗi bức tượng đều chiếu theo người đẹp đời Đường mà tạo ra. Người xưa có nói: “Bồ tát như cung nữ” là có ý như vậy. Có một số tượng vẫn giữ được đặc điểm Ấn Độ bằng vào lối phục sức. Đó là những tượng có bụng phẳng, vai trần, cổ và tay đeo chuỗi ngọc, mặc quần áo mỏng dán sát trên người. Đó là những vị Bồ tát hóa trang thành phụ nữ Ấn Độ nhưng mặt mũi, vóc dáng lại là người Hán; cũng có những vị Bồ tát trang phục đời Đường nhưng hoàn toàn bị Hán hóa. Vị Bồ tát ở hang thứ 194 được khen là người phụ nữ quí phái điển hình đời Đường đã trở thành một đại biểu đặc sắc.

Thường Thư Hồng nói với tôi rằng điêu khắc tượng và bích họa của Trung Quốc có nguồn gốc từ rất lâu chứ không phải đợi đến khi nghệ thuật Phật giáo Ấn Độ truyền sang mới bắt đầu. Về phương diện bích họa mà nói thì đã có từ đời nhà Chu, bốn vách chung quanh của kiến trúc cổ thường là tượng của các vị đế vương. Đến đời Hán, bích họa trở thành thông dụng nhất. Theo như các bích họa trong các ngôi mộ đời Hán phát hiện được ở vùng đông bắc và bắc Trung Hoa mà xét cách họa của chúng so với các bích họa trong hang động Mạc Cao có cùng một nguồn mạch. Bích họa trong ngôi cổ mộ thời Ngụy Tấn mười sáu nước được phát hiện ở khu vực Tửu Tuyền, Gia Dụ Quan thì về mặt nội dung không có liên quan gì đến Phật giáo nhưng về cách họa và kĩ thuật họa lại có nhiều điểm tương đồng với các bích họa ở hang động Mạc Cao.

Trên các bích họa ở hang động Mạc Cao, nhiều sự tích Phật giáo bắt nguồn từ Ấn Độ thì dưới ngòi bút của các họa sư Trung Quốc, chúng đã biến thành dạng thức Trung Hoa. Ta lấy bức họa Duy Ma Cật kinh biền đồ làm ví dụ.

Duy Ma Cật là cư sĩ thành Tì Da Ly ở Ấn Độ, nói hay luận giỏi đã từng cùng với Bồ tát Văn Thù tranh luận suốt mấy ngày đêm. Họa gia cổ đại Trung Quốc lại có cảm hứng đặc biệt đối với vị cư sĩ có tài biện luận này. Các họa gia nổi tiếng như Cố Khải Chi thời Đông Tấn và Diêm Lập Bổn, Ngô Đạo Tử đời Đường đều đã lấy đề tài này để vẽ. Các bích họa đời Đường trong hang động Mạc Cao đã có nhiều bức về Duy Ma Cật kinh biến đồ rất đặc sắc. Duy Ma Cật xuất hiện dưới nét vẽ truyền thống Trung Quốc thì không còn là người Ấn Độ nữa mà là người Hán, mặc áo, đội mũ của người Hán. Ông có bộ râu dài, trán rộng, mắt sáng, đó là hình tượng của một sĩ đại phu trí thức Trung Quốc biện bác hơn người. Cố Khải Chi đã dùng đường nét để miêu hội bức họa gọi là Duy Ma Cật kinh biến, rất tiếc nguyên tác đã thất lạc, nhưng chúng ta có thể ngầm thấy phong cách nội dung đại thể tiến các bức bích họa ở hang động Mạc Cao.

Thường Thư Hồng cho rằng hang động Mạc Cao ở Đôn Hoàng và chùa hang đá ở Tân Cương có mối quan hệ mật thiết. Ông đem bản thảo của mình viết về đề tài nghiên cứu nghệ thuật hang đá Tân Cương cho tôi mượn tham khảo thêm trong chuyến thăm viếng miền tây này của tôi.

10. TÌM HIỂU TUYẾN BẮC THIÊN SƠN CỦA CON ĐƯỜNG CỔ ĐẠI

GHI CHÉP VỀ CHẶNG ĐƯỜNG GIAN KHỔ MÀ HUYỀN TRANG ĐÃ ĐI QUA

Cao tăng Huyền Trang đời Đường Tây du, rời Ngọc Môn Quan tiến vào xứ Tây Vực thì trạm đầu tiên là Y Ngô (tức nay là Ha Mật).

Ra khỏi Ngọc Môn Quan, dọc theo tuyến tây bắc có năm phong hỏa đài, mỗi đài cách nhau một trăm dặm Ngoài năm phong hỏa đài ấy ra là sa mạc Mạc Giá Diễn, ở đây trên trời không có chim bay, dưới đất không có thú chạy, không cỏ, không nước. Suốt ngày gió nổi cát bay mù mịt như mưa. Ban đêm ma lửa nhấp nhoáng sáng như sao đầy trời.

Lúc bấy giờ, khi Huyền Trang rời khỏi cửa ải, nghe những người tốt bụng khuyên bảo, ngài cưỡi một con ngựa thuộc đường đem theo một chàng trai trẻ làm hướng đạo. Nào ngờ giữa đường chàng trai nổi tà tâm, đang đêm dùng dao muốn đâm chết thầy để đoạt của. Huyền Trang bỗng giật mình tỉnh giấc ngồi dậy tọa thiền và cảm hóa được kẻ hành hung. Anh chàng quỳ rạp xuống đất liên tiếp khấu đầu chịu tội, đồng thời khuyên sư phụ đừng tiếp tục đi nữa, con đường phía trước lành ít dữ nhiều. Lẽ nào Huyền Trang nửa đường lại chịu thối lui; thế là ngài đem chia cho chàng ta một ít tiền của rồi cho trở về ải, còn mình ngài trơ trọi tiếp tục hướng sa mạc đi tới.

Đi được mấy ngày, nước đem theo đã hết, ít ra cũng đã bốn đêm năm ngày không có một giọt nước thấm giọng, miệng khô bụng đói, sắp chết đến nơi, đang khi nguy cấp ấy, con ngựa bỗng dưng hứng chí ngẩng đầu đi tới. Huyền Trang dù có rị gấp dây cương ngựa vẫn không chịu quay đầu. Đi một đoạn không xa bỗng thấy một bãi cỏ xanh, cách đó mươi bước thì mấy một hồ nước trong vắt. Người ngựa uống thỏa thuê, sự sống được bảo toàn.

Đệ tử của ngài Huyền Trang. có ghi lại đoạn lữ trình này trong Đại Từ Ân tự Tam Tạng pháp sư truyện như sau: “Ra khỏi Lưu Sa thì đến Y Ngô, đây là vùng đất đầy nguy hiểm không sao kể xiết”. Dưới ngòi bút của đệ tử nhà Phật, dọc đường Huyền Trang đã làm được điều kỳ lạ là chuyển nguy thành an, dĩ nhiên điều đó đến quy về sự phù hộ của Phật tổ, nhưng ngày nay chúng ta đọc lại không thể không khâm phục nghị lực và ý chí tuyệt vời của Huyền Trang.

TÌM KIẾM CON ĐƯỜNG XƯA QUA ẢI NGỌC MÔN

Tôi đi tàu lửa trên tuyến đường sắt Lan Châu - Tân Cương để đến Ha Mật, sự an toàn thoải mái trên suốt đường đi so với hành trình lội bộ của người xưa thì không cần phải

nói nữa. Tuyến đường sắt từ Tửu Tuyền tỉnh Cam Túc sẽ nối liền với Ha Mật mà không cần phải qua Đôn Hoàng và ải Ngọc Môn. Cần nhớ trên mé cửa phía tây của lầu trống trong nội thành Tửu Tuyền có đề bốn chữ “Tây đạt Y Ngô”. Y Ngô đây là địa danh của thời Hán Đường và ngày nay cũng chính là Ha Mật chứ hoàn toàn. không phải là Ha Mật ở phía tây bắc cách hụyện Y Ngô hiện nay hơn 120 cây số.

Khi đến Ha Mật tôi liền hỏi thăm xem có ai biết con đường xưa từ Đôn Hoàng đến Ha Mật không, thăm hỏi quanh co mãi sau mới tìm đến một vị tráng niên người Uygur tên là Tư Địch Khắc hiểu biết dường sá vùng phía nam Ha Mật thuộc công xã Nam Hồ.

Anh có thân thể tráng kiện, đầu húi cao, giọng nói trong, rõ, trông có vẻ đầy hào khí. Tôi chi chiếc xe hơi đỗ bên đường mời anh lên xe dẫn đường giúp chúng tôi. Anh ngồi chồm hổm dưới bóng cây, lắc đấu quầy quậy và dùng tay dấu như muốn nói: “Cần phải đem theo nước, đem theo thức ăn ... còn như thế này thì đi làm sao được”. Anh hiểu nhầm cho chúng tôi là muốn vượt sa mạc Gôbi để đến Đôn Hoàng. Nhưng sau đó, người thông dịch nói rõ là chúng tôi chỉ muốn đi một đoạn xem qua đoạn đường mà ngài Huyền Trang từng đi qua vào thời xa xưa mà thôi. Anh cười sảng khoái đứng dậy lên xe.

Tư Địch Khắc dẫn chúng tôi xuyên qua đồng ruộng đi về hướng nam, rồi leo một con dốc nhỏ tiến vào sa mạc Gôbi bằng phẳng bao la. Anh chỉ dải núi có màu đỏ thẫm xa xa chạy dọc theo con đường này và nói: “Vượt qua khỏi ngọn đèo chắn ngang kia là đường đi Đôn Hoàng”. Anh đã từng dẫn đường cho đoàn địa chất khảo sát sa mạc, đã từng gặp người ta lùa dê từ Đôn Hoàng đến Ha Mật. Dọc đường đúng là có những phong hỏa đài, may họa lắm mới gặp được suối nước.

Chiếc xe men theo con đường xưa lờ mờ khó đi, khi thông khi tắc và chỉ chạy được một đoạn thì trời đã về chiều, chúng tôi đành quay xe trở về. Rời khỏi Gôbi, lần nữa lại trèo đèo và rồi trước mặt đã hiện ra hàng bạch dương cao vút, đồng ruộng xanh um, khói chiều trong thôn bốc lên. Đây chẳng phải là vùng lục châu Y Ngô mà ngài Huyền Trang đã vui sướng trông thấy thấy sau mấy mươi ngày giong ruổi lênh đênh khốn khó trên sa mạc Gôbi đó sao!

Sau khi trở lại thôn trang, chúng tôi đã đi thẳng đến vùng canh tác. Nam nữ xã viên người Uygur đang còn bón phân trên các ruộng dưa. Dưa Ha Mật sản xuất tại đây đã cung ứng cho các thị trường trong và ngoài nước và đã khá nổi tiếng. Bình quân mỗi mẫu sản xuất chừng một tấn dưa, sản lượng cao nhất có khi đạt đến bốn, năm tấn. Mấy năm gần đây, mỗi năm công xã Nam Hồ xuất khẩu khoảng 200 tấn dưa qua công ty mậu dịch ngoại quốc. Mức thu nhập bình quân của xã viên cao nhất so với toàn vùng nông nghiệp Tân Cương.

Dưa Ha Mật là một loại dưa bở được trồng ở Tân Cương đến nay ít nhất đã hơn 500 năm. Hình dáng và mùi vị của nó không giống loại dưa bở ở nội địa. Vỏ mỏng, thịt dày, giòn ngọt, thơm ngon, màu sắc lại rất đẹp, chủng loại rất nhiều, có thể chia ra ba loại chính tùy theo mùa: loại chín sớm, loại chín vào mùa hạ, loại chín vào mùa thu. Dưa mùa thu chín rộ vào tháng chín có thể cất giữ đến mùa đông. Dưa Ha Mật có thể cắt thành miếng phơi khô và trở thành loại thực phẩm quý.

Ở Tân Cương đâu đâu cũng có thể trồng loại dưa Ha Mật, nhưng có người đem giống về trồng ở nội địa thì không thành công. Nguyên gốc sản xuất của nó không phải ở Ha Mật mà là ở huyện Thiên Thiện gần Tolophan. Thế tại sao được gọi là dưa Ha Mật?

Năm 1404, nhà Minh đặt Nha Ha Mật tại đây và phong An-Khắc-Niêm-Mộc-Nhi, người Mông Cổ làm Trung Thuận vương. Vương đem đặc sản dưa Tân Cương tiến cống nhà vua. Vua ăn thấy ngon bèn gọi người đến hỏi là loại dưa gì. Đình thần trong triều không ai biết đó là loại dưa gì, chỉ biết là đem từ xứ Ha Mật đến, nên tâu lên vua nói là dưa Ha Mật. Từ đó, dưa Ha Mật trở thành cống phẩm truyền thống, duy mãi đến đời nhà Thanh.

CỔ THÀNH Y NGÔ ĐỜI ĐUỜNG TẠI NƠI NÀO?

Bộ mặt huyện thành Ha Mật ngày nay trông ngay ngắn và sạch sẽ, đường phố chính được trồng cây xanh tươi tốt, diện mạo của cổ thành đã đổi khác. Chúng tôi trú ngụ bên ngoài phòng khách của sở tiếp tân, nơi có suối nước chảy róc rách. Qua khỏi một cây cầu gỗ là bước vào một rừng cây du cổ thụ, ánh nắng gay gắt của mùa hè cũng không lọt vào được. Từng đoàn học sinh nhỏ do thầy giáo hướng dẫn đang vui đùa cạnh suối nước. Bên ngoài rừng du là đồi chè xanh non bụ bẫm. Tôi đang tận hưởng cảnh đẹp rừng núi thiên nhiên tại nơi này. Mỏ dầu và mỏ thiếc ở Ha Mật đều đã được khai thác. Sau khi tuyến đường sắt Lan Châu - Tân Cương được thành lập, trạm Ha Mật sẽ trở thành trạm chính có quy mô tương đối lớn chuyển vận người và hàng hóa từ nội địa vào Tân Cương. Một xưởng cung ứng vật tư cho tuyến đường sắt được dựng lên. Khi đến tham quan tại đây, chúng tôi thấy cônh nhân đang sản xuất hàng loạt bộ phận của cầu bê-tông chịu lực để cung cấp cho tuyến đường sắt Nam Tân Cương đang khẩn trương tăng tốc thi công. Công trình của đoạn thiết lộ mới này sẽ đi từ Tolophan đến Korla mà lộ tuyến chính phải đi qua là một đoạn của con đường tơ lụa cổ đại.

Nội thành Ha Mật không thấy có một kiến trúc cổ nào cả. Chỉ ở ngoài cửa thành phía tây có kiến trúc lăng mộ kiểu Islam là có vẻ hùng vĩ, người thời đó gọi là Vương mộ Ha Mật. Đó là sách phong sáu đời vua Ha Mật Bá Tích Nhỉ (người Uygur) dựng lên vào đời nhà Thanh, thời gian xây dựng kéo dài đến 20 năm. Trong lăng táng vợ chồng Bá Tích Nhỉ với hài cốt của các đời sau. Lăng mộ cao hơn 10 mét, dạng lầu hình vuông, phần chóp hình tròn màu lục đậm, vách tường đều có nạm khảm hoa từ phương chuyên cực kỳ tráng lệ.

Điều mà tôi quan tâm và thích thú nhất chỉnh là nơi con đường tơ lụa đi qua thành Y Ngô dưới triều nhà Đường rốt cuộc là tại nơi nào? Người ta cho tôi biết khu vực phía tây của công xã Ngũ Bảo có một di chỉ cổ thành, cứ thử đi đến đó xem sao! Chúng tôi lên xe men theo đường cái đi chừng 50 cây số, rồi rẽ về hướng nam tiến vào sa mạc Gôbi hoang vắng, lát sau thì đến một khu cây cối xanh um, đó chính là thôn trang của người Uygur tụ cư sinh sống. Ngày nay sa mạc Gôbi hoang vắng đã có nước cho sinh hạ để xây dựng cuộc sống và văn hóa. Đi suốt từ hành lang Hà Tây đến đây, tôi cảm nhận một điều rằng giá trị của nước đối với cả khu vực rộng lớn này trở nên quá quan trọng.

Hai bên đường kéo dài hàng cây số là nhà ở của nông dân, hàng lớp ngay ngắn. Sân vườn nhà nào cũng có trồng lê, hạnh và trụ dàn nho. Mương nước róc rách chảy qua sân vườn từng nhà tưới ướt cây cối xanh tươi Xem ra nước nôi ở đây khá sung túc, cuộc sống của người dân tương đối thảnh thơi.

Viên cán sự người Uygur làm công tác quản lý văn giáo công xã ngũ Bảo dẫn tôi đến đôi sản xuất Tứ Bảo thăm khu cổ thành. Tiếng Uygur gọi là cổ thành La Phủ Kiều Nhỉ Khắc, nghĩa là cổ thành Tứ Bảo. Tường thành vẫn còn phế tích, vị trí thành chưa đuợc đo đạc cụ thể nên không biết đúng diện tích là bao nhiêu, nhưng theo như tôi từng thấy các thành tại hành lang Hà Tây thì cổ thành này có diện tích lớn gấp bội, cũng có thấy có tượng Phật và bích họa. Như vậy có nghĩa là ở đây vốn đã có chùa miếu thờ Phật.

Nhân chuyện này tôi lại nghĩ đến một đoạn trong Đại Từ Ân tự Tam Tạng pháp sư truyện. Huyền trang lặn lội vất vả đến Y Ngô bước vào một ngôi chùa, “trong chùa có ba vị tăng người Hán, trong đó có một vị đã già, không kịp mặc áo ôm ngài mà khóc thảm thiết nghẹn ngào mãi không thôi, rồi bảo lâu quá nay mới được gặp người đồng hương”. Kẻ xuất gia đến xứ Tây Vực xa xôi này vẫn chưa gột bỏ hết chốn hồng trần, thì ra quan niệm của kẻ tu hành kia vẫn không khác người trần tục là bao!

Về sau, tôi đến hỏi những nhà làm công tác khảo cổ ở Tân Cương thì họ xác nhận rằng La-phủ-Kiều-Nhỉ-khắc đúng là thành xưa của nhà Đường. Lúc bấy giờ Y Châu bao gồm ba huyện: Y Ngô, Nạp Chức và Nhu Viễn. Có điều La-Phủ-Kiều Nhỉ-Khắc rốt cuộc thuộc huyện Y Ngô hay Nạp Chức thì các nhà nghiên cứu mỗi người giữ một ý, vẫn chưa xác định rõ ràng.

HAI LẦN CHIẾN DỊCH CỦA HAI ĐỜI HÁN - ĐƯỜNG

Trong thời Hán Đường, Y Ngô là một vị trí trọng yếu, có thể nói là một trong những cửa khẩu thông Tây Vực và là vùng đất có tầm quan trọng về chiến lược quân sự.

Tuyến giữa của con đường tơ lụa, sau khi ra khỏi Ngọc Môn Quan thì đi đến đoạn đầu Xa Sư thuộc nhà Hán hoặc nước Cao Xương thuộc nhà Đường (nay là khu vực Tolophan) rồi men theo chân núi phía nam dãy Thiên Sơn, cũng tức là đi ven phía bắc của sa mạc 'Taklamacan đi về hướng tây; hay nói chung là trước hết phải qua Y Ngô. Hậu Hán thư - Tây Vực chí có ghi: “Từ Đôn Hoàng muốn đi Tây Vực thì ra khỏi Ngọc Môn Quan đi về hướng bắc thẳng đến Y Ngô hơn ngàn dặm, rồi từ Y Ngô thẳng đến thành Cao Xương chừng một ngàn hai trăm dặm”- Chính Đường Huyền Trang đi Tây Vực đã theo con đường này.

Tuyến bắc của con đường tơ lụa trước hết cũng qua Y Ngô, sau đó đi theo hướng bắc qua Thiên Sơn để đến biển Bồ Loại (nay là hồ Barkol), rồi ngoặt về hướng tây đi tiếp đến đoạn cuối Xa Sư thuộc nhà Hán hoặc đô hộ phủ Bắc Đình thuộc nhà Đường (nay là vùng phụ cận huyện Jimuzar); rồi men theo chân núi phía bắc dãy Thiên Sơn đi lên hướng tây. Tuyến bắc của con đường tơ lụa này đã bị một số học giả xem thường, bỏ qua, nhưng trên thực tế, Bùi Củ đời Tùy đã nói rõ trong Tây Vực đồ ký của ông như sau: “Con đường phía bắc đi từ Y Ngô qua biển Bồ Loại ...”, rồi theo hướng tây mà đi. Con đường này có nhiều cỏ, nhiều nước đi vào mùa hè thì rất thuận tiện.

Như vậy có thể thấy Y Ngô khống chế cả chân núi nam và bắc Thiên Sơn của hai con đường thông vãng đông tây, nó là một vị trí trọng yếu. Chính vì thế mà Y Ngô thời cổ đại là vùng đất có tầm chiến lược quan trọng, chiến sự xảy ra liên miên.

Hán Vũ Đế đã từng phái quân đội đến Y Ngô đánh với người Hung Nô, nhưng chưa đóng đồn, chưa để lại binh lính trấn giữ. Về sau, Y Ngô bị Hô Diễn vương chiếm cứ.

Để chống lại sự xâm lấn của người Hung Nô, năm 73 CN, vua Minh Đế đời Đông Hán đã phái Cảnh Trung suất lĩnh một vạn hai ngàn kỳ binh đến Y Ngô đánh bại Hô Diễn vương, truy kích tàn quân đến biển Bồ Loại. Lấy lai Y Ngô, nhà vua ra lệnh cho tướng tá, binh sĩ ở lại lập đồn điền, đặt chức “Nghi hòa Đô úy” trông coi việc quản lý hành chánh và quân sự địa phương.

Trong chiến dịch nổi tiếng lần ấy có một tiểu tướng nhiều lần lập được công trạng rõ là một tài năng kiệt xuất. Người đó chính là chàng tuổi trẻ Ban Siêu đã “xếp bút nghiên theo việc kiếm cung”(Chinh phụ ngâm).

Từ nhỏ Ban Siêu đã có chí lớn, không nệ tiểu tiết, đã từng làm thư lại ở quan phủ Lạc Dương, suốt ngày sao sao chép chép. Bấy giờ Hung Nô quấy nhiễu biên cương, dân chúng mất ăn mất ngủ. Ban Siêu lo nghĩ đến dân đến nước, quăng bút than: “Là đại trượng phu, phải bắt chước Trương Khiên, lập công nơi biên ải, cớ sao ta lại phải sống nhờ vào cái cán bút này?”. Mọi người chung quanh nghe thế cười ồ, cho là chàng này nói khoác. Về sau, quả nhiên chàng theo đại tướng Đậu Cố đi đánh Y Ngô, bước dầu đã lộ rõ tài năng, được Đậu Cố thăng chức. Thế rồi Ban Siêu được phái đến Tây Vực. Sau này ông đảm nhận chức hưởng quan hành chính, quân sự tối cao đại diện cho triều đình tại Tây Vực. Lập được nhiều công được vua quan và dân chúng các nước Tây Vực ủng hộ hoan nghênh.

Y Ngô dưới đời nhà Đường cũng đã tự trải qua một chiến dịch nữa trong sự duy trì bảo vệ con đường tơ lụa thông thương.

Nước Cao Xương ở phía tây Y Ngô nằm trên con đường trọng yếu của tuyến giữa con đường tơ lụa. Vua Cao Xương là Cúc Văn Thái phản phúc vô thường, đã từng cấu kết với vợ Đột Quyết chống đối lại vua nhà Đường, đặc biệt là việc ngăn cản sứ thần và khách thương qua lại trên con đường tơ lụa, phá hoại sự giao thông giữa đông và tây. Sứ thần và khách thương các nước nhao nhao yêu cầu vua nhà Đường trừng phạt. Đường Thái Tông hạ chiếu gọi Cúc Văn Thái vào triều hỏi tội. Cúc giả bệnh không vào. Năm 640 CN, Đường Thái Tông bổ nhiệm Hầu Quân Tập làm tổng quản Giao hà Đại đạo suất lĩnh hàng vạn kị binh qua Y Ngô tiến đánh Cao Xương. Mỗi lần xuất trận, quân Cao Xương đều bị bại. Từ đó họ Cúc nước Cao Xương không còn tồn tại nữa.

Đáng nhắc lại một điều là khi Hầu Quân đánh nước Cao Xương, ông đã sử dụng khí giới công thành tương đối mới: có xe đâm thành vào cổng thành, có thang mây để trèo lên tường thành, bắn đá vào thành địch v.v… Những loại khí giới công thành ấy đều do phó tổng quản Khương Hàng Bổn sáng chế. Ông “suất lĩnh dân binh đến Y Châu, dựa vào núi chế tạo vũ khí công cự”. Núi ở đây chỉ núi Thiên Sơn ở phía bắc Ha Mật.

Ở đấy vốn đã có tấm bia kỷ niệm chiến công của Ban Siêu. Khương Hành Bổn đến đó mài đá khắc chữ, ghi chép lại chiến dịch đánh Cao Xương của Hầu Quân Tập và việc chế tạo vũ khí công thành của mình. Người đời sau cũng có bia kỷ niệm công huân của Khương Hành bổn dựng trên đỉnh núi Thiên Sơn tức là nơi từ Ha Mật đến hồ Barkol tất phải đi qua.

Về tấm bia ghi công của Khương Hành Bổn, trong Tây Vực thủy đạo ký có lưu lại một truyền thuyết: “Người ta nói bia ấy có thần, tránh không được đụng đến, nếu đụng đến ắt sẽ xảy ra gió to tuyết dày làm gián đoạn việc đi lại.

Lúc tôi đến hồ Barkol để qua Thích Sơn lại gặp tuyết lớn. Tháng sáu đầu hè, một ngày trước đó trên các ruộng dưa người ta đổ mồ hôi như tắm, nhưng chỉ cách có mươi giờ đồng hồ, khi đi qua khu đất dựng bia Khương Hành Bổn thì hoa tuyết rơi đầy trời, dù đã mặc áo bông mà vẫn thấy lạnh co ro, chẳng phải do nghĩ đến truyền thuyết về tấm bia ấy bởi vì bia đã được đưa về đặt tại Viện Bảo tàng Tân Cương rồi thì ai có thể đụng đến được nữa.

ĐI TRONG TUYẾT VƯỢT THIÊN SƠN

Lúc bắt đầu đi vào buổi sáng, trời mưa nhỏ. Rời huyện thành Ha Mật đi về hướng bắc một đọan không xa chúng tôi tiến vào sa mạc Gôbi. Đi được 31 cây số thì đến cửa khẩu phía nam Thiên Sơn, hình thế cửa khẩu rất hiểm yếu, có phong hỏa đài và một bãi đá lớn. Men theo dòng sông quanh co cuồn cuộn chảy để leo lên núi, núi cao, cao mãi, mưa rơi biến thành tuyết lúc nào không hay, trong hang núi bầy dê quay lưng về hướng gió, không kêu, cũng không gặm cỏ, trông chúng thật hiền hòa dễ bảo. Trên bãi cỏ xanh, tuyết đã phủ một lớp mỏng trông giống như một tấm lụa màu trắng phơn phớt nhẹ trên nền cỏ xanh lục, rõ là một cảnh tượng đặc biệt. Chúng tôi lên đến điểm cao nhất, cao ước 3400 mét. Sau đó xe bắt đầu rẽ ngoặt đi xuống. Trong cảnh hoa tuyết mây mù mờ mịt mông lung ấy bỗng hiện ra một khoảng rộng mọc đầy cây vân sam xanh mướt, chúng cũng được phủ một lớp hoa tuyết trông giống như đang khoác một tấm lụa trắng mỏng tinh khiết.

Bắc Thiên Sơn khí hậu khô ráo, núi đồi trọc nhẵn, nhưng nam Thiên Sơn thì khí hậu ẩm ướt, những cây tùng sâm mọc đầy xanh tốt sum suê bao phủ cả một vùng rộng lớn thật hùng vĩ tráng lệ. Nội địa huyện Barkol còn có khu rừng nguyên sinh diện tích ước khoảng 5600 hecta toàn là cây vân sam và cây tùng rụng lá sừng sững cao vút. Ngày xưa Khương Hà Bổn “Dựa vào núi chế tạo vũ khí” chính là lợi dụng cây rừng bất tận của vùng núi này để hành sự.

Trên đường xuống núi, xe của chúng tôi hoàn toàn len lỏi quanh co trong khu rừng nguyên sinh này, cảnh sắc thay đổi liên tiếp trong chớp mắt qua cửa kính, không thể tiếp nhận kịp. Tôi yêu cầu tài xế dừng xe. Ra khỏi xe, tôi đứng dưới lớp mưa tuyết trắng tinh ngắm nhìn no say cảnh đẹp của tạo hóa. Tôi vươn vai hít sâu không khí trong lành của chốn núi rừng để tẩy rửa tỳ phế của mình. Người tôi nóng lên, cái rét, mệt bỗng tiêu tan.

Giữa trưa, xuống đến cửa khẩu phía bắc của dãy Thiên Sơn có tên là “Khẩu môn tử”, ở đây có nhà trọ, hàng ăn và tiệm trà. Nghỉ ngơi qua loa một lát rồi tiếp tục đi vào đại thảo nguyên mênh mông thăm thẳm. Đó là chiến trường xưa, nơi đã diễn ra những trận chiến đẫm máu của các tướng sĩ thời cổ đại. Đồng cỏ bằng phẳng, khoáng đãng vô biên, la liệt hàn ngàn xe ngựa, tha thồ mặc sức tung hoành. Nghĩ đến năm xưa trên thảm cỏ xanh này máu rơi loang lổ, không biết bao nhiêu chiến sĩ đã bỏ mạng chốn sa trường!

Cỏ dành cho súc vật trên thảo nguyên này thật phong phú, cỏ cao đến ngang thắt lưng. Nhớ hồi nhỏ đọc bài “Sắc lặc ca” của nhà thơ dân tộc du mục Hộc Luật Kim trong đó cô câu: Thiên thương thương, dã mang mang, phong xuy thảo đê kiến ngưu dương” (Bầu trời trong xanh, đồng cỏ mênh mông, gió thổi cỏ rạp mới thấy được bò dê), lúc ấy không thể hiểu được, vì lẽ nào cỏ lại cao hơn cả dê bò? Bây giờ chính mình ở trong cuộc mới thể hội được phần nào. Ngày nay thảo nguyên Barkol nổi tiếng đã thiết lập bãi chăn thả ngựa, nuôi toàn ngựa Barkol. Đây là một giống ngựa tráng kiện, dũng mãnh, chạy giỏi, tiện cho việc kéo xe, là một trong những giống ngựa có tiếng ở Tân Cương.

Đi dọc theo núi Thiên Sơn về hướng tây một đoạn không xa thì đến khu tự trị Barkol Hazak. Huyện lỵ rất nhỏ, chỉ có một con đường từ đông sang tây, trên đường có tiệm buôn, nhà trọ, bưu điện, nhà hát ... Diện tích toàn huyện 22 vạn hecta, nhân khẩu hơn 9 vạn người, trong đó dân tộc Hazak chiếm 2 vạn, đa số sống bằng nghề chăn nuôi. Sau bữa cơm chiều, tôi đến nhà hát, trên đường phố, nam nữ thanh niên Hazak đi thành từng đoàn nói cười vui vẻ, xem ra so với thanh niên người Hán, họ cởi mở hoạt bát hơn nhiều. Sau cơn mưa, trời tạnh sáng, phía tây ráng chiều rực rỡ. Tôi quay đầu nhìn về phương nam, dãy Thiên Sơn nguy nga hùng vĩ sừng sững trước mắt. Mặt trời chiều treo lơ lửng trên dải đất bằng nhuộm hồng ngọn núi tuyết xa xa, dãy Thiên Sơn phản chiếu ánh hồng hiện lên từng mảng sáng vừa tráng lệ vừa đáng yêu.

Tâm hồn tôi bị chinh phục bởi cảnh tượng ấy. Nhưng khi mặt trời tắt hẳn, ánh màu rực rỡ của núi tuyết làm mê hoặc lòng người cũng tiêu thất luôn. Tôi có cái may mắn chính mắt mình nhìn ngắm cảnh đẹp chỉ diễn ra một lóng rồi mất hút ấy, suốt đời vẫn nhớ mãi …

Khu vực cách phía tây huyện lỵ 10 cây số là hồ Barkol rộng lớn, nó dài chừng 10 cây số, rộng chừng 3 cây số, tổng diện tích 30 cây số vuông. Hồ không có rong rêu, tôm cá vì là hồ nước mặn, ven hồ người ta khai thác muối ăn.

Về mặt lịch sử, hồ Barkol chính là biển Bồ Loại nổi tiếng, ven hồ có xứ Bồ Loại. Hậu Hán thư có ghi: “Xứ Bồ Loại ở khu vực hang Sơ Dụ, phía tây núi Thiên Sơn … có hơn 800 hộ, 3000 nhân khẩu, binh lính 700 người, vây màn để ở, tìm nơi có nguồn nước để sinh sống, biết canh tác, có bò, ngựa, lạc đà; biết nuôi dê, làm cung tên. Nước sản xuất nữa tốt”. Lúc bấy giờ xứ Bồ Loại bị người Hung Nô cai quản. Tra cứu lại sử sách ghi chép thì tướng sĩ nhà Hán có ít nhất là ba lần truy kích quân Hung Nô đến tận biển Bồ Loại. Nhưng chỉ ghi có một lần, phải chăng sách sử bỏ sót? Thời cận đại, ở phía bắc huyện lỵ Barkol, người ta đã tìm thấy một tấm bia đá, gọi là bia ghi công của Bùi Sầm. Văn bia ghi xe chiến sự ấy như sau: năm 137 CN, thái thú Đôn Hoàng Bùi Sầm suất lĩnh 3000 kỵ binh đánh Hô Diễn Vương ở biển Bồ Loại, “trừ tai ương cho Tây Vực và dịch họa cho bốn quận thuộc Trung Quốc”. Bia ghi công kỷ niệm Bùi Sầm hiện đã đưa về đặt ở Viện Bảo tàng Tân Cương.

Huyện tự trị Barkol Hazak lấy chăn nuôi làm nghề sinh sống, là một trong nhiều khu chăn nuôi súc vật phát đạt nhất tỉnh Tân Cương. Nông nghiệp cũng khá phát triển, cây trồng thì có tiểu mạch, đại mạch, rau cải v.v… nổi tiếng nhất là loại khoai tây với củ to, phẩm chất hảo hạng.

MỘT ĐOẠN ĐƯỜNG XƯA SỚM BỊ CHÔN VÙI

Xe đi từ Ha Mật đến Barkol rồi tiến về phía tây thì hết đường, nhưng lúc ấy lòng tôi muốn lần theo vết chân người xưa đi suốt tuyến bắc của con đường tơ lụa bỗng trở nên mãnh liệt. Tôi rất lo vì không biết ý nguyện ấy có thực hiện được không. Huyện tự trị Barkol Hazak cách huyện tự trị Mulei Hazak chừng 150 cây số về hướng tây. Cứ nhìn về hướng ấy thì không thấy đồng cỏ, chỉ cỏ sa mạc, núi đồi hoang vu không có bóng người ... Thế thì xe có thể đi dược không? Tài xế có dám đồng ý mạo hiểm vì mình không?

Tôi thổ lộ sự lo lắng ấy với người bạn đồng hành, anh tài xế Tiểu Cao ngồi bên cũng nghe rõ, anh chủ động nói:

- Cứ đi thử xem!

Tôi vui mừng ra mặt luôn miệng cám ơn. Anh chàng mảy may để ý, nói:

- Không có chi! Độ cũng chỉ là công tác cả thôi!

Thế nhưng Barkol vừa mới trải qua một trận mưa lớn, đường đất phía ngoại thành sình lầy, mọi người nghe chúng tôi muốn vượt thảo nguyên đi Mulei hết lòng can ngăn, họ bảo dọc đường không có thôn xóm, người qua lại hiếm hoi, ngộ nhỡ xe cộ bị rơi vào hố sình làm sao xoay xở cho được? Tôi không có lời nào để biện hộ, nhìn qua Tiểu Cao xem anh ta tính thế nào. Anh im lặng ngồi nghe mọi người bàn tán, chẳng nói chẳng rằng, sau cùng anh buột miệng hỏi luôn mấy câu: Nước con sông nào đang dâng cao? Nước đã chảy vào khe núi nào ...?

Tôi đi ngủ sớm, trong giấc ngủ vẫn nghe người ta tranh

biện, có thể đi qua được đoạn đường xưa của con đường tơ lụa đã bị chôn vùi không. Sáng sớm tỉnh dậy thấy mền chiếu trên giường của Tiểu Cao đã xếp gọn ngăn nắp. Chạy ra sân thấy anh đang kiểm tra xe và nói với tôi:

- Chúng ta vào ăn sáng cho sớm để còn đi!

Bấy giờ tôi mới yên tâm. Anh đã tìm được một tài xế sở tại thuộc đường cùng đi, anh nói:

- Dọc đường ta có thể giúp đỡ lẫn nhau.

Chúng tôi mua lương khô, mang theo đầy đủ nước uống. Tiểu Cao còn chuẩn bị một khẩu súng săn ... thế là chúng tôi lên đường.

Vừa ra khỏi thành thì gặp ngay một phong hỏa đài. Tiểu Cao nói:

- Dọc đường có nhiều phong hỏa đài lắm đấy!

Tôi để ý đếm thử, trên đường đi có cả thảy mười hai cái, hình dáng rất giống nhau. Bất kể các phong hỏa đài ấy thuộc triều đại nào cũng đủ chứng minh rằng con đường chúng tôi đang đi qua thì ngày xưa cũng chính là con đường mà khách thương và quân đội đã từng qua lại.

Ra khỏi thành không xa, chúng tôi men theo hồ Balkol đi về hướng tây. Ven hồ có vườn ruộng, hoa cải vàng và hoa khoai tây trắng xen lẫn trông thật thích mắt. Rời khỏi bờ hồ, đường đất càng ngày càng nhiều bùn khó đi. Phụ nữ Hazak mặc quần áo màu sặc sỡ, đầu vấn khăn lụa đi lẫn trong đoàn xe ủi đất làm đường. Một con đường nhựa thông với công xã chăn nuôi Sa-nhỉ-kiều-khắc đang được khẩn trương thi công.

Xe chúng tôi dừng trước cổng lớn của công xã nghỉ ngơi. Một thiếu nữ người Hazak, hình vóc mảnh khảnh, mặt mày thanh tú thủng thỉnh đi lại gọi Tiểu Cao và bắt tay chúng tôi. Tiểu Cao nói với tôi cô ta là một thiếu nữ rất tốt, tên là Sa Ma Li Han: Có lần trong một trận bão tuyết, một mình cô đã cứu cả một đàn dê tránh qua cơn bão mà không để mất con nào trong một thời gian khá dài. Cô được huyện ủy tuyên dương. Tôi hỏi cô:

- Cô là ủy viên hội phụ nữ công xã hay còn chăn thả súc vật?

Cô trả lời tôi bằng một thứ tiếng Hán không được lưu loát cho lắm:

- Làm cán bộ, nhưng thỉnh thoảng cũng xuống bãi chăn thả.

Vào đời nhà Hán, vùng đất Barkol là nơi chăn thả súc vật của người Bồ Loại và người Hung Nô. Về sau, người Đột Quyế,t người Hồi Cất, Người Mông Cổ trước sau sống bằng nghề du mục tại đây. Đến thế kỷ XIX, tộc người Hazak mới từ vùng tây bắc thiên di đến. Ngày nay dân du mục trong cả huyện hầu như toàn là người Hazak.

Rời công xã Sa-nhỉ-kiều-khắc, chúng tôi đi vào sa mạc Gôbi. Đường đi lúc có, lúc không, khi bàng phẳng, khi chông chênh. Tiểu Cao và người bạn đồng hành hầu như rất hiểu nhau, vừa đi vừa nói: “Chuyện chẳng có gì lớn cả!” Và chính lúc đó xe rẽ qua một khúc ngoặt thì một vũng nước lớn nằm trờ ra. Tiểu Cao bình tĩnh lui số, nhấn ga, chiếc Jeep rồ máy chồm lên vượt qua vũng nước.

Chúng tôi lên đến đỉnh của một ngọn núi nhỏ có tên là Hồng Tỉnh Tử thì đã hai giờ chiều, ngồi trên xe bốn tiếng đồng hồ chỉ đi được 81 cây số.

Trên đỉnh núi có một ngôi nhà nhỏ trơ vơ, đó là trạm nghỉ chân cho khách lai vãng do dân du mục công xã Sa-nhỉ-kiều-khắc dựng lên. Một cặp vợ chồng trẻ người Hazak dẫn chúng tôi vào nhà. Chúng tôi đã vượt qua một đoạn đường gian khổ như vậy, không những đã đói bụng mà còn cảm thấy lành lạnh nữa, có lẽ địa thế ở đây tương đối cao. Chủ nhà hội ý liền chẻ củi nhóm lửa hâm trà. Thật không ngờ tháng sáu đầu hè mà lại ngồi quanh bếp lửa uống trà sữa nóng bỏng vừa giải khát vừa trị lạnh. Có lẽ bụng đang đói, thưởng thức món bơ thủ nhân bưng ra mời mới nhận ra rằng so với bơ của các hiệu ăn ở Bắc Kinh còn ngon hơn gấp bội.

Trước khi đi, tôi định trả tiền, Tiểu Cao đưa mắt ra hiệu bảo đừng. Sau đó anh mới nói mục dân Hazak rất hiếu khách. Đừng nói chi đến uống trà ăn cơm khỏi trả tiền mà ngay cả chiêu đãi một con dê anh cũng khỏi phải chi tiền, nếu không sẽ bị hiểu nhầm là coi khinh họ.

Chúng tôi tiếp tục lên đường, xe đi vào một khe núi và xuyên qua một hang núi ngoằn ngoèo không biết tên là hang gì. Tiếp theo lại có một hang núi khác vừa đủ cho một chiếc xe qua lọt, hơi vô ý một tí thì thân xe có thể va vào vách đá hai bên. Vừa ra khỏi miệng núi, thì gặp ngay một khúc cua xuống rất ngặt. Tiểu Cao đúng không hổ là một tài xế dày dạn kinh nghiệm, xe vừa lên đến chỗ cao nhất, anh lập tức thắng xe dừng lại, lấy hai yên đá chen ngay dưới hai bánh xe. Anh hít hơi thở mạnh, đi cho xe từ từ đi xuống. Tôi là người ngồi trên xe mà cũng toát mồ hôi lạnh thay cho anh.

Quả nhiên trên suốt chặng đường không hề thấy có thôn trang nào cả, cũng chẳng thấy chiếc xe nào chạy qua, thỉnh thoảng chỉ gặp một vài mục dân cưỡi ngựa đi qua. Đến chỗ ranh giới của hai huyện Barkol và Mulei mới thấy có dấu vết của thôn trang bỏ phế. Xuống xe, đến tận nơi xem xét thì thấy hiện ra dấu tích thành tường giống như miếu thờ hoặc dịch trạm gì đó của thời cổ đại. Nhặt mấy viên gạch và ngói lợp đem cất, sau nhờ người làm công tác khảo cổ chứng nghiệm thì biết chúng thuộc đời nhà Thanh.

Qua tám tiếng đồng hồ tròng trành lênh đênh trên một lộ trình 140 cây số vừa như là đường, vừa không phải là đường, cuối cùng cũng tìm ra được đường nhựa mới làm lại hẳn hoi. Đi vào một hang núi xanh xanh, nhìn thấy đàn dê đang uống nước bên bờ suối róc rách, lòng tôi bỗng thay đổi. Không lâu sau, chúng tôi lại đi vào vùng bằng phẳng, qua các thôn trang có trồng những hàng bạch dương cao ngất, rồi một lần nữa nhìn thấy một phong hỏa đài cuối cùng, thì trước mặt là một cánh đồng hoa cải vàng rực rỡ, không dằn lòng được bèn hát lên mấy câu vu vơ. Với đôi bàn tay sáng tạo của con người, thiên nhiên trở nên tươi đẹp làm sao!

Sau khi chiếc xe chầm chậm lên đỉnh dốc, nhìn xuống là đông bằng mênh mông hút tầm mắt. Bấy giờ, mặt trời đang lặn, khói cơm chiều vấn vít bay lên, huyện ly Mulei đã hiện ra trước mắt. Nhìn đồng hồ thì giờ Bắc Kinh là 8 giờ 25 (còn giờ ở đây là 6 giờ 25). Chúng tôi đi tổng cộng 11 tiếng đồng hồ với một hành trình 230 cây số. Người xưa đi ngựa, cưỡi lạc đà vượt qua cạn đường dài như vậy không phải là chuyện bình thường, họ phải trải qua bao nhiêu ngày đêm gian nan vất vả nhỉ?

(còn tiếp)