Sử ký Tư Mã Thiên 1

Tam đại Hạ - Ân - Chu bản kỉ

Hạ bản kỉ:

Vua Vũ của nhà Hạ, Thụy pháp chép: "Nhận ngôi vua thành công gọi là 'Vũ'". Chính nghĩa: Hạ là tên nước phong của vua Vũ. Đế vương kỉ chép: "Vũ nhận đất phong làm Hạ Bá, ở phía nam cõi ngoài châu Dự, là huyện Dương Trạch quận Hà Nam ngày nay". tên là Văn Mệnh. Sách ẩn: Thượng thư chép: "Đức của Văn Mệnh truyền đến bốn cõi". Khổng An Quốc nói: "Truyền văn hóa đức mệnh ra ngoài". Không nói (Văn Mệnh) là tên của vua Vũ. Thái sử công đều cho là Phóng Huân, Trùng Hoa, Văn Mệnh là tên của Nghiêu, Thuấn, Vũ, đấy chưa hẳn là đúng. Khổng Tử nói: "Họ Ngu, tên Thuấn", vậy thì Nghiêu, Vũ, Thang đều là tên gọi. Có lẽ thời xưa hiệu của đế vương đều lấy từ tên gọi, đời sau lại theo đức hạnh của mỗi vua mà đặt tên thụy. Thực ra Vũ là tên. Cho nên Trương Yến nói: "Từ thời vua Thiếu Hạo về trước, hiệu của thiên hạ lấy theo tên đức của vua, từ thời vua Chuyên Húc về sau, hiệu của thiên hạ lại lấy theo tên gọi của vua". Lại xét: Hệ bản chép: "Cổn có lấy người con gái họ Tân tên là Nữ Chí, sinh ra vua Cao Mật". Tống Suy nói: "Cao Mật là nước phong của vua Vũ". Chính nghĩa: Đế vương kỉ chép: "Vợ của Cổn tên là Tu Kỉ thấy sao băng xuyên qua sao mão, nằm mơ cảm thai, lại nuốt hạt ngọc ý dĩ thần, ngực tách ra mà sinh ra Vũ, đặt tên là Văn Mệnh, tên chữ là Mật, thân dài chín thước hai tấc, vốn là người Di miền tây". Đại đái lễ chép: "Cháu của Cao Dương, con của Cổn, tên là Văn Mệnh". Thục vương bản kỉ của Dương Hùng chép: "Vũ vốn là người huyện Quảng Nhu quận Vấn Sơn, sinh ở núi Thạch Nữu". Quát địa chí chép: "Núi Thạch Nữu huyện Vấn Xuyên châu Mậu tại phía tây huyện bảy mươi ba dặm". Hoa Dương quốc chí chép: "Nay người Di cùng giữ đất ấy, trong khoảng trăm dặm không ai dám làm nhà ở đấy, đến nay vẫn không dám thả lục súc". Xét: Huyện Quảng Nhu, nhà Tùy đổi tên là huyện Vấn Xuyên. Cha của Vũ là Cổn, cha của Cổn là vua Chuyên Húc, Sách ẩn: Hoàng Phủ Mật chép: "Cổn là con của vua Chuyên Húc, tên chữ là Hi". Lại nữa Liên sơn dịch chép: "Cổn được phong ở núi Sùng", cho nên Quốc ngữ chép: "Sùng Bá tên là Cổn". Hệ bản cũng cho rằng Cổn là con của Chuyên Húc. Hán thư luật lịch chí lại chép: "Sau vua Chuyên Húc năm đời thì sinh ra Cổn". Xét: Cổn đã làm quan cho vua Nghiêu, chênh lệnh với thời vua Thuấn, mà Thuấn là cháu đời thứ sáu của Chuyên Húc, vậy thì Cổn chẳng phải là con của Chuyên Húc. Có lẽ lời của họ Ban gần với sự thật. cha của Chuyên Húc là Xương Ý, cha của Xương Ý là Hoàng Đế. Vũ là cháu chút của Hoàng Đế và cháu của vua Chuyên Húc. Ông nội của Vũ là Xương Ý và cha là Cổn đều không được nắm ngôi vua, làm bầy tôi. Ở vào thời vua Nghiêu, nước lụt tày trời, mênh mông ngập núi tràn gò, dân chúng lo sợ. Vua Nghiêu tìm người biết ngăn nước lụt, bầy tôi tứ nhạc đều nói là Cổn làm được. Nghiêu nói: "Cổn là người trái lệnh diệt tộc, không được". Tứ nhạc nói: "Chúng tôi chẳng ai giỏi bằng Cổn, mong vua thử hắn". Do đó Nghiêu nghe lời tứ nhạc, dùng Cổn ngăn lụt. Cổn làm chín năm mà nướt lụt không ngừng, công lao chẳng thành. Do đó vua Nghiêu lại tìm người, lại được Thuấn. Thuấn được chọn, nắm chính sự của thiên hạ, tuần thú, di xem chỗ Cổn trị thủy không có công trạng, bèn giết chết Cổn là núi Vũ. Chính nghĩa: Cổn ở núi Vũ hóa thành con hùng vàng, chạy vào suối ở núi Vũ, hạ ba tay xuống thành ba cái chân". Phát mông kí của của Đông Thệ chép: "Con miết có ba chân gọi là 'hùng'". Thiên hạ đều cho rằng Thuấn giết Cổn là phải. Do đó Thuấn chọn con Cổn là Vũ và sai thay nghiệp của Cổn.

Nghiêu băng, vua Thuấn hỏi tứ nhạc rằng: "Ai giúp việc cho Nghiêu thành công mà làm quan được"? Tứ nhạc đều nói: "Bá Vũ làm Tư không, có thể thành công đẹp của Nghiêu". Thuấn nói: "Ồ, được"! Lệnh cho Vũ nói: "Mi dẹp bằng đất nước, phải cố gắng lên". Vũ bái tạ cúi đầu, nhường cho Tiết, Hậu Tắc, Cao Dao. Thuấn nói: "Mi đến xem việc ấy đi thôi".

Vũ là người nhanh nhẹn chăm chỉ, đức của Vũ không trái, có nhân mà dễ gần, lời nói đáng tin, tiếng ra như âm luật, thân mình như phép tắc. Đã ra làm thì hăng hăng hái hái, đúng lề đúng thói.

Vũ bèn cùng với Ích, Hậu Tắc vâng mệnh vua, sai chư hầu trăm họ cho người đến để chia coi đất đai, lên núi chặt gỗ, sửa định núi cao sông lớn. Tập giải: Mã Dung nói: "Sắp đặt lại việc cúng tế sai sót mà mình thấy". Vũ thương tiên nhân là Cổn làm không thành công mà bị giết, bèn lao thân khổ tứ, ở ngoài mười ba năm, qua cửa nhà không dám vào. Ăn cơm ít mặc áo mỏng, tỏ đạo hiếu với quỷ thần. Tập giải: Mã Dung nói: "Cúng tế sạch đẹp". Làm nhà cửa thấp bé để dốc của cải làm kênh rãnh. Tập giải: Họ Bao nói: "Cách một dặm thì làm một cái giếng, trong giếng có rãnh, rãnh sâu rộng bốn thước. Cách mười dặm lại đắp thành, trong thành có rạch, rạch sâu rộng tám thước". Đi bộ thì ngồi xe, đi sông thì cưỡi thuyền, lướt bùn thì dẫm khiêu, đi núi thì xỏ hài, bên trái nắm dây, bên phải cầm khuôn, dựa theo bốn mùa để mở chín châu, thông chín đường, đắp chín đầm, qua chín núi. Sai người cấp thêm lúa cho dân chúng, trồng được nơi ẩm ướt. Lại sai Hậu Tắc cấp những đồ ăn khó tìm. Đồ ăn ít, đem những đồ thừa phát cho nhau để chia đều cho chư hầu. Vũ lại đi xem từng vùng đất để đặt ra phép cống nạp cho đúng hợp và chọn những chỗ tiện lợi của sông núi.

Do đó chín châu hòa đồng, bốn góc được yên, chín núi được thờ, Tập giải: Khổng An Quốc nói: "Các ngọn núi trong chín châu đã được mở đường mà đến cúng tế". chín sông chảy suốt,Tập giải: Khổng An Quốc nói: "Sông trong chín châu đã chín đầm được vét và không ứ tắc".. Bốn cõi chung hội. Sáu vật được sửa. Tập giải: Khổng An Quốc nói: "Lục phủ là kim, mộc, thủy, hỏa, thổ, lúa". Đất đai bằng phẳng, thuế cống vừa phải, đều theo luật tam nhưỡng mà cống nạp. Tập giải: Trịnh Huyền nói: "Tam nhưỡng là đất có ba bậc thượng, trung, hạ". Người Trung Quốc được phong họ, đất. Chư hầu nghe theo, không trái mệnh vua. [b]Tập giải: Trịnh Huyền nói: "Trung Quốc là chín châu. Thiên tử đã dựng nước, chư hầu được phong đất, được ban họ, kính theo đức hạnh của thiên tử, lại không làm trái chính giao của thiên tử".

Vua Thuấn cử Vũ với trời, làm người nối ngôi. Năm thứ mười bảy thì vua Thuấn băng. Để tang ba năm xong, Vũ nhường ngôi cho con của Thuấn là Thương Quân ở Dương Thành. Tập giải: Lưu Hi nói: "Là huyện Dương Thành quận Dĩnh Xuyên ngày nay". Chư hầu thiên hạ đều bỏ Thương Quân mà theo Vũ. Do đó Vũ bèn lên ngôi thiên tử, Tập giải: Hoàng Phủ Mật nói: "Đóng đô ở Bình Dương, có người nói là ở An Ấp, có kẻ nói là ở Tấn Dương". ngoảnh mặt về phía nam mà nhìn về thiên hạ, gọi tên nước là Hạ Hậu họ là họ Tự. Lễ vĩ chép: "Tổ tiên vì nuốt quả ý dĩ mà sinh ra Vũ".

Vua Vũ đã lập rồi cử lấy Cao Dao, lại trao chính sự cho Cao Dao, nhưng vừa lúc Cao Dao chết. [b]Chính nghĩa: Đế vương kỉ chép: "Cao Dao sinh ở Khúc Phủ. Khúc Phụ là chỗ cong (hình trăng khuyết), cho nên vua Nghiêu nhân đó ban cho Cao Dao lấy họ Yển. Vua Nghiêu truyền ngôi cho Thuấn, sai làm quan Sĩ (chủ việc hình pháp). Vua Thuấn truyền cho Vũ, Vũ lên ngôi vua, vì thấy Cao Dao là người hiền nhất, cử Cao Dao với trời, sắp có ý truyền ngôi cho. Chưa kịp truyền ngôi thì vừa lúc Cao Dao chết". Quát địa lí chép: "Mộ của Cao Dao ở phía đông thành Lục phía nam huyện An Phong châu Thọ một trăm ba mươi dặm, là ngôi mộ lớn ở trong bờ Đông Đô". Phong dòng dõi của Cao Dao ở đất Anh, đất Lục, Tập giải: Từ Quảng nói: "Sử kí chép là 'Anh', do đó Anh Bố là dòng dõi của họ". Sách ẩn: Địa lí chí chép: "Huyện Lục quận Lục An là chỗ mà dòng dõi Cao Dao họ Yển được phong. Còn đất Anh thì khuyết, không biết ở đâu, cho rằng Kình Bố là dòng dõi của họ". Chính nghĩa: "Huyện Cố Thủy châu Quang vốn là nước Lục thời Xuân thu, họ Yển, dòng dõi của Cao Dao". Tả truyện chép: "Vua Sở tên là Tiếp diệt nước Lục". Thái Khang địa chép: "Nước Lục lúc đầu ở huyện cũ Nam Dương, là thành Hồ cũ thuộc huyện Yển châu Dự, sau dời đến đấy". Quát địa chí chép: "Nước Lục xưa tại phía nam huyện An Phong châu Thọ một trăm ba mươi hai dặm. Theo kinh Xuân thu chép rằng vào mùa thu năm thứ năm thời Lỗ Văn Công thì Sở Thành Vương đại diệt nước Lục". có người được phong ở đất Hứa. Tập giải: Hoàng lãm chép: "Mộ của Cao Dao ở huyện Lục quận Lư Giang". Sách ẩn: Quát địa chí chép: "Thành Hứa cũ tại phía nam huyện Hứa Xương châu Hứa ba mươi dặm, vốn là huyện Hứa thời Hán, là nước Hứa cũ". Rồi sau đó cử Ích nắm chính sự.

Năm thứ mười, vua Vũ đi tuần thú miền đông, đến tại núi Cối Kê thì băng. Tập giải: Hoàng Phủ Mật nói: "Vũ thọ hơn trăm tuổi". trao thiên hạ cho Ích. Để tang ba năm xong, Ích nhường ngôi cho con Vũ là Khải, rồi tránh đến ở tại phía nam núi Kì. Tập giải: Mạnh Tử chép 'phía nam núi' là 'phía bắc núi'. Lưu Hi nói: "Ở phía bắc núi Sùng Cao". Chính nghĩa: Xét phía bắc núi là đất Dương Thành. Quát địa chí chép: "Huyện Dương Thành ở phía bắc núi Kì ba mươi dặm". Lại sợ rằng chữ 'Kì' là lầm, vốn là chữ 'Tung', vì chữ giống nhau. Huyện Dương Thành ở phía nam núi Tung hai mươi ba dặm, tức là phía nam núi Tung". Con vua Vũ là Khải hiền, thiên hạ liền theo ý. Kịp lúc vua Vũ băng, dẫu truyền ngôi cho Ích nhưng Ích giúp vua Vũ ngày càng kém, thiên hạ chưa hòa. Cho nên chư hầu đều bỏ Ích mà theo Khải, nói: "Vua ta là con của vua Vũ". Do đó Khải bèn lên ngôi thiên tử, đấy là vua Khải nhà Hạ Hậu.

Vua Khải nhà Hạ Hậu là con của vua Vũ, mẹ là con gái của họ Đồ Sơn.

Họ Hữu Hỗ không phục, Tập giải: Địa lí chí chép: "Huyện Hộ quận Phù Phong là nước Hỗ xưa". Chính nghĩa: Quát địa chí chép: "Huyện Hộ phía nam châu Ung là nước Hỗ xưa". Địa lí chí chép: "Huyện Hộ là nước Hỗ xưa, có đình Hộ". Huấn toản chép: "Ba chữ Hộ, Hỗ, Hô đều là chỉ một nước, vì xưa nay dùng chữ không giống nhau mà thôi". Khải đánh họ, đại chiến ở đất Cam. Tập giải: Mã Dung nói: "Đất Cam là chỗ ngoài phía nam của họ Hữu Hỗ". Sách ẩn: Chỗ mà vua Khải nhà Hạ đánh là đình Cam phía nam huyện Hộ ngày nay. Sắp đánh, vua Khải tác bài văn 'Cam thệ', lại gọi lục khanh đến bày tỏ. Tập giải: Khổng An Quốc nói: "Sáu quân của thiên tử, tướng của chúng đều gọi là khanh". Vua Khải nói: "Hê! Những kẻ coi sáu việc, Tập giải: Khổng An Quốc nói: "Đều nắm việc quân, cho nên nói là 'sáu việc'. ta thề báo cho các ngươi rằng: họ Hữu Hỗ uy hiếp ngũ hành, vứt bỏ tam chính, Tập giải: Trịnh Huyền nói: "Ngũ hành là cái thịnh đức của bốn mùa luân chuyển. Uy hiếp là làm trái ngũ hành. Tam chính là đạo chính của trời, đất, người". Thiên tử phải cắt đứt mạng nó. Nay ta cùng các ngươi thay trời phạt nó. Nếu kẻ bên trái không đánh địch bên trái, kẻ bên phải không đánh địch bên phải là kẻ đó không vâng mệnh. Nếu kẻ đánh xe ngựa mà không khiển ngựa thì kẻ đó không vâng mệnh. Nếu vâng mệnh thì thưởng ở miếu tổ. Nếu không vâng mệnh thì giết ở miếu xã, ta cũng giết cả vợ con kẻ đó". Rút cuộc diệt họ Hữu Hỗ. Thiên hạ đều theo về.

Vua Khải nhà Hạ Hậu băng, Tập giải: Từ Quảng nói: "Hoàng Phủ Mật cho rằng vua Khải nhà Hạ lên ngôi vào ngày giáp thìn, ngày quý sửu năm thứ mười thì băng". con là vua Thái Khang lập. Vua Thái Khang mất nước, Tập giải: Khổng An Quốc nói: "Vui chơi săn bắt ở ruộng, không lo việc dân, bị Hậu Nghệ đuổi, không về nước được". năm người anh em dừng ở đất Lạc Nhuế, tác bài hát 'Ngũ tử'. Tâp giải: Khổng An Quốc nói: "Năm anh em của vua Thái Khang cùng mẹ mình đợi vua Thái Khang ở phía bắc sông Lạc, oán mình không về được, cho nên tác bài ca này".

Vua Thái Khang băng, em giữa là Trung Khang lập, đấy là vua Trung Khang. Vào thời vua Trung Khang, Hi-Hòa say đắm, bỏ bê việc chép ngày tháng. Tập giải: Khổng An Quốc nói: "Họ Hi, họ Hòa là quan coi bốn mùa trời đất. Sau thời vua Thái Khang, Hi-Hòa say đắm bởi rượu, làm loạn lịch trời, ruồng bỏ giáp ất". Dận vâng mệnh đánh Hi-Hòa, tác bài văn 'Dận chinh'. Tập giải: Khổng An Quốc nói: "Vua của nước Dận vâng mệnh đến đánh Hi-Hòa". Trịnh Huyền nói: "Dận là tên một bầy tôi".

Vua Trung Khang băng, con là vua Tương lập. Vua Tương băng, con là vua Thiếu Khang lập. Sách ẩn: Tả truyện chép Ngụy Trang Tử nói: "Ngày xưa vào buổi nhà Hạ suy, Hậu Nghệ từ ấp Tư dời sang ấp Cùng Thạch, dựa vào nhà Hạ thay ngôi nhà Hạ. Hậu Nghệ dựa vào tài bắn tên của mình, không sửa việc dân mà lại tin nghe lời kẻ gièm pha họ Bá Minh tên là Hàn Trác. Trác giết Nghệ, nấu chín cho con của Nghệ ăn, con không nỡ ăn, bèn giết ở cửa Cùng. Trác nhân đó lấy vợ của Nghệ sinh ra Kiêu và Ế, sai Kiêu diệt họ Châm Quán và họ Châm Tầm, còn Tương bị Kiêu giết, vợ là Hậu Mân chạy về nước Hữu Nhưng, sinh ra Thiếu Khang. Có bầy tôi nhà Hạ tên là Mĩ từ nước Hữu Cách thu dân còn sót của hai nước để giết Trác mà lập Thiếu Khang. Thiếu Khang giết Kiêu ở ấp Quá; Hậu Trữ giết Ế ở ấp Qua. Nước Hữu Cùng bèn mất". Vậy thì vua Tương tự bị soán ngôi mà bị giết, trung gian còn qua hai đời là Nghệ , Trác, có lẽ khoảng ba chục năm. Mà bản kỉ này không chép ra, lại chép thẳng là 'vua Tương băng, con là Thiếu Khang lập', thật là quá sơ sài. Chính nghĩa: Đế vương kỉ chép: "Hậu Nghệ họ Hữu Cùng không biết tổ tiên họ gì, từ đời vua Khốc về trước thì nắm chức Xạ chính (dạy bắn tên). Đến đời vua Khốc, ban cho cung đỏ tên trắng, phong ở ấp Tư, làm quan Tư xạ của vua Khốc. Trải qua thời nhà Ngu đến nhà Hạ, bấy giờ Nghệ học nghề bắn tên từ Cát Phủ, tay Nghệ dài, cho nên bắn tên giỏi mà nổi tiếng. Kịp lúc nhà Hạ suy, Nghệ từ ấp Tư dời đến ấp Cùng Thạch, dựa vào người Hạ mà lấy ngôi vua nhà Hạ. Vua Tương dời đến ấp Thương Khâu, nương vào chư hầu cùng họ là Châm Tầm. Nghệ ỷ vào tài bắn tên, không sửa việc dân, chìm đắm trong việc săn bắn ở ngoài ruộng, bỏ bầy tôi giỏi là Vũ La, Bá Nhân, Hùng Khôn, Bàng Ngữ mà tin Hàn Trác. Hàn Trác là kẻ nịnh nọt của họ Bá Minh. Họ Bá Minh sau đó vì Hàn Trác hay nịnh mà bỏ hắn, nhưng Nghệ dùng Hàn Trác làm Tể tướng của mình. Hàn Trác giết Nghệ ở ấp Đào Ngô rồi nấu chín cho con Nghệ ăn, con Nghệ không nỡ ăn thịt cha mình, chết ở cửa Cùng. Trác bèn chiếm lấy nhà Hạ, lập làm vua. Hàn Trác lấy hiệu nước là Hữu Cùng, lấy vợ của Nghệ sinh ra Ngạo và Ế. Ngạo sức khỏe, có thể đi thuyền trên đất đá, sai Ngạo đem quân diệt Châm Quán, Châm Tầm, giết vua Tương nhà Hạ, phong Ngạo ở ấp Quá, phong Ế ở ấp Qua. Hàn Trác cậy trí lực, không lo việc dân. Lúc trước vào buổi Ngạo giết vua Tương, có vợ của vua Tương là con gái họ Hữu Nhưng tên là Hậu Mân chạy về ấp Hữu Nhưng, sinh ra Thiếu Khang. Buổi đầu có bầy tôi cũ của nhà Hạ tên là Mĩ giúp Nghệ , sau khi Nghệ chết, trốn về ấp Hữu Cách, thu dân còn sót của hai nước Châm-Tầm mà đi giết Hàn Trác, lập Thiếu Khang, diệt Ngạo ở ấp Quá; Hậu Trữ giết Ế ở ấp Qua, nước Hữu Cùng bèn mất". Xét: Vua Tương bị cướp ngôi, trải hai đời Nghệ - Trác là bốn mươi năm mà bản kỉ không chép, cũng là chỗ mà Tư Mã Thiên chép sơ lược. Ngạo, âm là 'ngũ cáo phiên'. Ế, âm là 'hứa khí phiên'. Quát địa chí chép: "Ấp Tư cũ tại phía đông huyện Vi châu Hoạt mười dặm". Tấn địa kí chép: "Quận Hà Nam có hang Cùng, có lẽ vốn là chỗ mà họ Hữu Cùng chuyển đến ở". Quát địa chí chép: "Ấp Thương Khâu thuộc châu Tống ngày nay. Ấp Châm Quán xưa tại phía đông huyện Thọ Quang châu Thanh năm mươi tư dặm. Ấp Châm Tầm xưa là huyện Bắc Hải châu Thanh ngày nay. Đình Quá Hương tại phía tây bắc huyện Dịch châu Lai hai mươi dặm vốn là nước Quá xưa. Ấp Hữu Cách cũ tại huyện Mật châu Lạc. Đỗ Dự nói là tên nước, là huyện Cách quận Bình Nguyên ngày nay". Nước Qua tại vùng Tấn-Trịnh. Nước Hàn là đình Hàn ở phía đông huyện Bình Thọ quận Bắc Hải. Họ Bá Minh là vua nước Hàn. Thần Toản nói: "Ấp Châm Tầm tại quận Hà Nam, có lẽ sau này dời đến quận Bắc Hải. Có bài văn cổ trong ngôi mộ ở huyện Cấp chép rằng: "Vua Thái Khang cư ở ấp Châm Tầm, Nghệ cũng trú ở đó, vua Kiệt cũng ở đây". Thượng thư chép: "Thái Khang mất nước, năm người anh em đợi ở Lạc Nhuế". Tức là vua Thái Khang ở chỗ gần sông Lạc. Lại nữa Ngô Khởi đáp Ngụy Vũ Hầu rằng: "Chỗ ở của vua Kiệt nhà Hạ, bên trái là sông Hà, sông Tế, bên phải là núi Thái Hoa, cửa Y ở phía nam, núi Dương Tràng ở phía bắc". Lại nữa Chu thư độ ấp biên chép: "Ta chọn chỗ dựa vào nơi ở cua vua Kiệt nhà Hạ". Tức là quận Hà Nam. Quát địa chí chép: "Ấp Tầm cũ tại phía tây nam huyện Củng châu Lạc năm mươi tám dặm, có lẽ là chỗ vua Kiệt ở. Huyện Dương Trạch lại là chỗ Vũ được phong, làm Hạ Bá.

Vua Thiếu Khang băng, con là vua Trữ lập. Sách ẩn: Đọc là 'trữ'. Tả truyện chép: "Trữ diệt Ế ở ấp Qua". Quốc ngữ chép: "Trữ có thể noi theo Vũ". Vua Trữ băng, con là vua Hòe lập. Vua Hòe băng, con là vua Mang lập. Vua Mang băng, con là vua Tiết lập. Vua Tiết băng, con là vua Bất Giáng lập. Vua Bất Giáng băng, em là vua Quynh lập. Vua Quynh băng, con là vua Cận lập. Vua Cận băng, lập con của vua Bất Giáng là Khổng Giáp, đấy là vua Khổng Giáp.

Vua Khổng Giáp lập, chuộng thờ quỷ thần, làm việc dâm loạn. Họ Hạ Hậu đức suy, chư hầu phản lại. Trời giáng hai con rồng, có con cái con đực, nhưng Vua Khổng Giáp không cho ăn, cũng không tìm họ Hoạn Long. Tập giải: Giả Quỳ nói: "Hoạn là nuôi". Nhà Đào Đường đã suy nhưng dòng dõi còn có người tên là Lưu Luy, Tập giải: Phục Kiền nói: "Sau này Lưu Luy làm chư hầu, nhà Hạ Hậu ban cho họ Lưu Luy". Chính nghĩa: Quát địa chí chép: "Thành cũ Lưu Luy tại phía nam huyện Câu Thị châu Lạc năm mươi lăm dặm, là đất cũ của Lưu Luy". học nuôi rồng ở chỗ họ Hoạn Long để giúp vua Khổng Giáp. Vua Khổng Giáp ban cho Lưu Luy là họ Ngự Long, Tập giải: Phụng Kiền nói: "Ngự cũng là nuôi". nhận đất phong của dòng dõi họ Thỉ Vi. Tập giải: Bùi Nhân xét Giả Qùy nói: "Dòng giõi của Lưu Luy đến đời nhà Thương không dứt, nối thay dòng dõi của họ Thỉ Vi. Dòng dõi của họ Chúc Dung được phong ở ấp Thỉ Vi. Vua Vũ Đinh nhà Ân diệt họ Thỉ Vi, lấy dòng dõi của Lưu Luy thay họ Thỉ Vi". Sách ẩn: Hệ bản chép Thỉ Vi là họ Phòng. Một con rồng cái chết, Lưu Luy đem cho vua nhà Hạ Hậu ăn. Ăn rồi vua nhà Hạ Hậu lại sai sứ đến đòi nữa, Lưu Luy sợ mà bỏ trốn. Tập giải: Giả Qùy nói: "Nhà Hạ Hậu đã ăn rồi lại sai sứ đòi đem thịt rồng đến, Lưu Luy không có nữa mà sợ". Tả truyện chép rằng Lưu Luy trốn đến huyện Lỗ.

Vua Khổng Giáp băng, con là vua Cao lập. Vua Cao băng, Tập giải: Tả truyện chép: "Mộ của vua Cao ở lăng phía nam núi Hào". con là vua Phát là vua Phát lập. Vua Phát băng, con là Lí Qúy lập, đấy là vua Kiệt. Sách ẩn: Kiệt là tên. Xét Hệ bản chép rằng vua Phát sinh Phát và Kiệt. Đây lại chép Phát sinh Kiệt. Hoàng Phủ Mật cũng như vậy. Vào thời vua Kiệt, từ thời vua Khổng Giáp đến lúc này thì có nhiều chư hầu phản nhà Hạ, vua Kiệt không tu đức mà lại dùng võ làm hại trăm họ, trăm họ chẳng chịu được. Bèn gọi Thang về mà giam ở ngục Hạ Đài, Sách ẩn: Nhà Hạ cũng gọi là ngục Quân Đài. Hoàng Phủ Mật nói: "Chỗ ấy tại huyện Dương Trạch". rồi lại thả Thang. Thang tu đức, chư hầu đều theo Thang, Thang bèn đem quân đến đánh vua Kiệt nhà Hạ. Vua Kiệt chạy đến ấp Minh Điều, Tập giải: Khổng An Quốc nói: "Chỗ ấy ở phía tây huyện An Ấp". rồi bị đuổi đi mà chết. Tập giải: Từ Quảng nói: "Từ đời vua Vũ đến đời vua Kiệt trải qua mười bảy đời vua, có mười bốn vua". Bùi Nhân xét Cấp trủng kỉ niên chép: "Có vua và không vua, trải bốn trăm bảy mươi mốt năm". Chính nghĩa: Quát địa chí chép: "Huyện Sào châu Lư có hồ Sào, tức là chỗ mà Thượng thư chép 'Thành Thang đánh Kiệt, đuổi Kiệt đến ấp Nam Sào'. Hoài Nam Tử chép: "Thang đánh bại Kiệt ở núi Lệ, cùng với Muội Hỉ ngồi cùng thuyền bơi sông, trốn đến núi Nam Sào rồi chết". Quốc ngữ chép: "Vua Kiệt nhà Hạ đánh nước Hữu Thi, người Hữu Thi dâng người con gái tên là Muội Hỉ". Vua Kiệt bảo người ta rằng: "Ta hối không giết Thang ở ngục Hạ Đài cho nên đến nỗi này". Thang bèn lên ngôi thiên tử, thay nhà Hạ trị thiên hạ. Thang phong đất cho dòng dõi của nhà Hạ, Chính nghĩa: Quát địa chí chép: "Thành cũ nhà Hạ tại phía đông bắc huyện Giáp Thành châu Nhữ năm mươi tư dặm. Có lẽ là chỗ mà họ Hạ Hậu được phong". đến đời nhà Chu được phong ở ấp Kỉ. Chính nghĩa: Quát địa chí chép: "Huyện Ung Khâu châu Biện là thành nước Kỉ xưa. Chu Vũ Vương phong dòng dõi của vua Vũ, hiệu là Đông Lâu Công".

Thái sử công nói: Vua Vũ lấy họ Tự, dòng dõi phân phong, lấy tên nước làm tên họ, cho nên có họ Hạ Hậu, họ Hữu Hỗ, hoh Hữu Nam, họ Châm Tầm, Tập giải: Từ Quảng nói: "Có sách chép là họ Châm, họ Tầm". họ Đồng Thành, họ Bao, họ Phí, Sách ẩn: Hệ bản không chép họ Đồng Thành và họ Bao. Xét thấy nhà Chu có Đồng Bá, có lẽ là dòng dõi họ Đồng Thành. Địa lí kí của Trương Ngao chép: "Huyện Bình Thọ quận Nhữ Nam là nước Châm Tầm xưa". họ Kỉ, họ Tăng, họ Tân, họ Minh, họ Châm. Vào lúc Khổng Tử sửa lịch nhà Hạ, nhiều học giả học chương 'Tiểu chính' của nhà Hạ. Tập giải: Lễ vận dẫn lời Khổng Tử rằng: "Ta muốn xem đạo của nhà Hạ cho nên đến nước Kỉ, nhưng không tìm được đủ, ta chỉ tìm được lịch của nhà Hạ". Trịnh Huyền nói: "Khổng Tử tìm được lịch bốn mùa của nhà Hạ, nay còn có chương 'Tiểu chính'". Sách ẩn: 'Tiểu chính' là chương của sách Đại đái lễ. Từ thời nhà Ngu, nhà Hạ việc nạp cống phú đã có. Có người nói vua Vũ hội chư hầu ở phía nam sông Giang, kể công rồi băng, nhân đó táng ở đấy, mệnh gọi là núi Cối Kê. 'Cối Kê' là 'hội họp kể công' vậy. Tập giải: Hoàng lãm chép: "Mộ của vua Vũ ở trên núi Cối Kê huyện Sơn Âm. Núi Cối Kê vốn có tên là núi Miêu, tại phía nam huyện Sơn Âm, cách huyện này bảy dặm". Việt truyện chép: "Vua Vũ đến đất Đại Việt, lên núi Miêu, đại hội chư hầu kể công, phong tước kẻ có đức, phong đất người có công, nhân đó mà đổi tên núi Miêu thành núi Cối Kê. Rồi bệnh chết, táng ở đấy, lấy lá sậy làm áo quan, đào huyệt sâu bảy thước, trên không đắp bùn lầy, dưới không chứa nước, vun đàn cao ba thước, có ba lớp đất, vòng quanh một mẫu". Lữ thị xuân thu chép: "Vũ táng ở núi Cối Kê, không làm phiền nhiều người". Mặc Tử chép: "Vũ táng ở núi Cối Kê, áo khoác ba lớp, áo quan bằng gỗ cây đồng dày ba thước". Địa lí chí chép: "Trên núi Cối Kê có giếng của Vũ, miếu thờ Vũ, tương truyền cho rằng ở đấy có bầy chim làm sạch cỏ ruộng". Sách ẩn: Lấy sậy làm áo quan, ý nói là lấy lau sậy mà bọc thây, là sai. Vũ dẫu tiết kiệm, nhưng há là vua của muôn nước mà bầy tôi chỉ lấy lây sậy bọc thây sao? Mặc Tử chép là áo quan bằng gỗ đồng dày ba thước, có lẽ đúng với ý người. Chính nghĩa: Quát địa chí chép: "Lăng vua Vũ tại phía nam huyện Cối Kê châu Việt mười ba dặm. Miếu vua Vũ tại phía đông nam huyện mười một dặm".

Ân bản kỉ

Ân Tiết, Sách ẩn: Tiết lúc trước phong ở đất Thương, dòng dõi là Bàn Canh chuyển đến đất Ân, đất Ân ở phía nam huyện Nghiệp, bèn lấy tên Ân làm tên hiệu của thiên hạ. Tiết là ông tổ đầu tiên của nhà Ân, cho nên gọi là Ân Tiết. Chính nghĩa: Quát địa chí chép: "Huyện An Dương châu Tương vốn là chỗ mà Bàn Canh đóng đô, tức đất Bắc Mông. Đất Ân Khư phía nam cách thành Triều Ca một trăm bốn mươi sáu dặm". Trúc thư kỉ niên chép: "Bàn Canh từ đất Yểm dời đến đất Bắc Mông, gọi là Ân Khư, phía nam cách huyện Nghiệp bốn mươi dặm". Phía tây nam thành huyện Nghiệp cũ ba mươi dặm có sông Hoàn, cách bờ nam ba dặm có thành An Dương, phía tây có thành gọi là thành Ân Khư, là chỗ gọi là đất Bắc Mông. Nay xét thấy sông Hoàn tại phía bắc châu Tương bốn dặm, thành An Dương là thành ngoài châu Tương. mẹ là Giản Địch, Sách ẩn: Địch, âm là 'thổ lịch phiên'. là con gái họ Hữu Tung, Tập giải: Hoài Nam Tử chép: "Đất Hữu Tung tại phía bắc núi Bất Chu". Chính nghĩa: Xét Lễ kí chép: "Kiệt thua ở gò Hữu Tung". Hữu Tung tại châu Bồ ngày nay. làm vợ lẽ của vua Khốc. Ba người Giản Địch đi tắm, thấy con chim đen thả quả trứng xống, Giản Địch nhặt nuốt nó, nhân đó có thai sinh ra Tiết. Sách ẩn: Tiếu Chu nói: "Tiết sinh vào thời vua Nghiêu, vua Thuấn bắt đầu cử Tiết, vậy Tiết chắc không phải là con của vua Khốc. Vì cha Tiết không có cho nên không chép. Mẹ Tiết là con gái họ Hữu Tung, cùng ba người đàn bà họ hàng tắm ở sông, có con chim đen thả quả trứng, Giản Địch nuốt trứng, vậy thì rõ rằng Giản Địch không phải là vợ lẽ của vua Khốc". Tiết lớn lên thì giúp Vũ trị thủy có công. Vua Thuấn bèn lệnh Tiết rằng: "Trăm họ chẳng thân, ngũ phẩm chẳng dạy, ngươi làm quan Tư đồ mà kính theo ngũ giáo, ngũ giáo cốt ở khoan dung". Phong Tiết ở ấp Thương, Tập giải: Trịnh Huyền nói: "Nước Thương ở phía nam núi Thái Hoa". Hoàng Phủ Mật nói: "Đất Thượng Lạc ngày nay là đất Thương xưa". Sách ẩn: Vua Nghiêu phong Tiết ở ấp Thương, tức Thi Thương tụng chép: "Họ Hữu Tung đang lớn, trời cho con sinh Thương". Chính nghĩa: Quát địa chí chép: "Phía đông châu Thương tám mươi dặm là huyện Thương Lạc, vốn là ấp Thương, nước Thương thời xưa, là chỗ mà con của vua Khốc là Tiết được phong". ban cho họ Tử. Tập giải: Lễ vĩ chép: "Tổ tiên được chim đen sinh con". Chính nghĩa: Quát địa chí chép: "Thành Tử cũ tại phía đông bắc huyện Hoa Thành châu Vị tám mươi dặm, có lẽ là ấp riêng của họ Tử". Tiết nổi lên ở thời Đường, Ngu, Đại Vũ, công nghiệp vang khắp trăm họ, trăm họ được yên.

Tiết chết, con là Chiêu Minh lập. Chiêu Minh chết, con là Tương Thổ lập. Tập giải: Tống Trung nói: "Tương Thổ nối nghiệp Tiết được phong ở ấp Thương". Xuân thu Tả thị truyện chép: "Át Bá cư ở ấp Thương Khâu, Tương Thổ theo đó". Sách ẩn: Tương Thổ giúp nhà Hạ, công nổi ở ấp Thương. Thi tụng chép: "Tương Thổ hiển hách, ngoài cõi cung kính". Tả truyện chép: "Ngày xưa vào thời họ Đào Đường có quan Hỏa chính là Át Bá cư ở ấp Thương Khâu, Tương Thổ nối theo". Đấy là bắt đầu phong ở ấp Thương. Chính nghĩa: Quát địa chí chép: "Huyện Tống Thành châu Tống là ấp của Át Bá ngày xưa, tức ấp Thương Khâu, lại là đất mà Hậu Nghệ được phong". Tương Thổ chết, con là Xương Nhược lập. Xương Nhược chết, con là Tào Ngữ lập. Sách ẩn: Hệ bản chép là 'Lương Ngữ'. Tào Ngữ chết, con là Minh lập. Tập giải: Tống Trung nói: "Minh làm quan Tư không, chăm làm việc quan, chết ở giữa sông, người Ân tế Minh". Sách ẩn: Lễ kí chép: "Minh chăm việc quan mà chết ở sông". Người Ân có tổ là Tiết và dòng dõi là Minh. Minh chết, con là Chấn lập. Chấn chết, con là Vi lập. Sách ẩn: Hoàng Phủ Mật nói: "Vi, tên chữ là Thượng Giáp, vì mẹ Vi ngày giáp sinh Vi mà đặt tên ấy". Nhà Thương sinh con lấy tên ngày làm tên gọi, có lẽ bắt đầu từ Vi. Tiếu Chu cho là ngày chết xưng ở chủ miếu gọi 'Giáp'. Vi chết, con là Báo Đinh lập. Báo Đinh chết, con là Báo Ất lập. Báo Ất chết, con là Báo Bính lập. Báo Bính chết, con là Chủ Nhâm lập. Chủ Nhâm chết, con là Chủ Qúy lập. Chủ Qúy chết, con là Thiên Ất lập, đấy là Thành Thang. Tập giải: Trương Yến nói: "Vũ, Thang đều là tên chữ. Hai vua ấy bỏ phép của nhà Đường-Ngu, theo thói của Cao Dương, cho vua của nhà Hạ-Ân đều lấy tên làm hiệu". Thụy pháp chép: "Trừ tàn diệt ngược gọi là 'Thang'". Sách ẩn: Thang có tên là Lí. Thượng thư chép: "Con nhỏ của ta là Lí". Lại gọi Thang là Thiên Ất. Tiếu Chu nói: "Theo lễ của nhà Hạ-Ân, sống gọi tên vua, chết gọi tên chủ miếu, đều lấy tên vua ghép vào. Trời cũng là vua, người Ân tôn thờ Thang, cho nên gọi là Thiên Ất". Từ đời Tiết đến đời Thang cả thảy mười bốn đời, cho nên Quốc ngữ chép: "Vua đen sinh Thương, mười bốn đời hưng". Vua đen là Tiết.

Thành Thang, từ đời Tiết đến đời Thang là tám đời dời chỗ ở. Tập giải: Khổng An Quốc nói: "Mười bốn đời cả thảy tám lần dời đô thành". Thang bắt đầu cư ở ấp Bạc, Tập giải: Hoàng Phủ Mật nói: "Huyện Cốc Thục nước Lương là đất Nam Bạc, là đô của Thang". Chính nghĩa: Quát địa chí chép: "Phía tây nam huyện Cốc Thục châu Tống ba mươi lăm dặm là thành cũ Nam Bạc, là đô của Thang. Phía bắc châu Tống năm mươi dặm là thành Đại Mông, là đất Cảnh Bạc, là nơi mà Thang thề, có núi Cảnh cho nên đặt tên ấy. Huyện Yển Sư quận Hà Nam là đất Tây Bạc, là chỗ mà vua Khốc và Thang đóng đô, Bàn Canh cũng dời đô đến đấy". theo chỗ tiên vương mà ở, Tập giải: Khổng An Quốc nói: "Cha Tiết là vua Khốc đô ở đất Bạc, Thang từ ấp Thương Khâu dời đến đấy, cho nên nói là 'theo chỗ tiên vương mà ở'". Chính nghĩa: Xét thấy đất Bạc là thành Yển Sư. Thương Khâu là châu Tống. Thang lên ngôi, đô ở Nam Bạc, sau dời đến Tây Bạc. Quát địa chí chép: "Thành cũ ấp Bạc tại phía tây huyện Yển Sư châu Lạc mười bốn dặm, vốn là đô của vua Khốc, cũng là đô của vua Thang nhà Thương".tác bài văn 'Đế cáo'. Sách ẩn: Khổng An Quốc cho răng tác bài văn cáo cho tiên vương là mình đến ở đất Bạc.

Thang đánh chư hầu. Tập giải: Khổng An Quốc nói: "Làm phương bá của nhà Hạ, được quyền đánh dẹp". Cát Bá không phục, Thang bắt đầu đánh Cát Bá. Tập giải: Mạnh Tử chép: "Thang ở đất Bạc, kề với Cát Bá". Địa lí chí chép: "Ấp Cát là làng Cát huyện Ninh Lăng nước Lương ngày nay". Thang nói: "Ta có nói rằng: người ta nhìn vào mặt nước thì thấy hình, nhìn dân thì biết nước ấy có được trị hay không"? Y Doãn nói: "Rõ thay! Nói nghe được, đạo mới truyền. Trị nước an dân, làm cho người tốt đều làm quan cho vua. Gắng lên, gắng lên"! Thang nói: "Mi không vâng mệnh được, ta phải đánh phạt mi, không có tha cho". Tác vài văn 'Thang chinh'.

Y Doãn tên là A Hành. Tập giải: Tôn Tử binh thư chép: "Y Doãn tên là Chí". Khổng An Quốc nói là 'Y Chí', còn có người giải thích A Hành là tên chức quan. Xét: 'A' là nương dựa, 'Hành' là ngang bằng. Ý nói dựa vào mà ngang bằng. Thượng thư chép: "Chỉ là vua nối ngôi không hợp với A hành". Cũng nói là 'Bảo hành', đều là tên chức quan của Y Doãn, không phải là tên gọi. Hoàng Phủ Mật nói: "Y Doãn là dòng dõi của Lực Mục, sinh ở ấp Không Tang". Lại nữa Lữ thị xuân thu chép: "Có người con gái họ Hữu Sân hái lá dâu gặp được đứa trẻ con ở ấp Không Tang, mẹ cư ở sông Y, đặt tên là Y Doãn". Doãn là sửa. Ý nói Thang sai Y Doãn sửa trị thiên hạ. A Hành muốn gặp Thang mà không có cớ gì, bèn làm người hầu đưa cô dâu họ Hữu Sân, Tập giải: Liệt nữ truyện chép: "Vợ Thang là con gái họ Hữu Sân". Chính nghĩa: Quát địa chí chép: "Nước Sân xưa tại phía đông huyện Trần Lưu châu Biện năm dặm, là thành nước Sân cũ". Trần Lưu phong tục truyện chép: "Huyện Ngoại Hoàng quận Trần Lưu có đình Sân Xương, vốn thuộc nước Tống, là ấp của họ Sân". mang mâm lễ đến nói lời hay để thuyết phục Thang, kể đạo làm vua. Có người nói Y Doãn là kẻ sĩ ở ẩn, Thang sai người rước đón, sau năm lần rồi mới chịu đến theo Thang, nói về việc làm của tố vương và cửu chủ. Tập giải: Biệt lục của Lưu Hướng chép: "Cửu chủ là vua hình pháp, vua chuyên quyền, vua nương dựa, vua chăm làm, vua công bằng, vua gửi gắm, vua phá nước, vua giữ thành, vua ba tuổi chủ xã tắc, cả thảy chín vị, vẽ hình dáng của họ". Sách ẩn: Xét 'tố vương' là vua thời xa xưa, phép tắc chất phác, cho nên gọi là 'tố vương'. Cửu chủ là Tam hoàng, Ngũ đế và vua Vũ nhà Hạ. Có người nói cửu chủ là Cửu hoàng. Nhưng xét thấy tên gọi cửu chủ mà Lưu Hướng nói trong Biệt lục rất lạ, không biết dựa vào đâu mà nói vậy. Vua hình pháp là vua dùng hình pháp nghiêm ngặt như Tần Hiếu Công và Tần Thủy Hoàng. Vua chăm làm là vua chăm chỉ giúp thiên hạ, như Vũ-Tắc. Vua công bằng là vua đặt thứ bậc khen thưởng ngang nhau, như Hán Cao Tổ phong công thần, ban tước Hầu cho Ung Xỉ. Vua nương dựa là vua không tự nắm việc được mà trao cho bầy tôi, như Yên Vương tên là Khoái dựa vào con, như Vũ trao quyền cho Ích. Vua chuyên quyền là vua tự mình xử đoán, không nghe hiền thần, như Hán Tuyên Đế. Vua phá nước là vua khinh địch dẫn giặc đến, nước mất thân diệt, như Sở Vương tên là Mậu, Ngô Vương tên là Tị. Vua gửi gắm là vua bị bầy tôi gây khó, chủ kiêu ở trên, đợi ngày đổ vỡ, cho nên Mạnh Kha mới nói là 'vua gửi gắm'. Vua giữ thành là vua ở trong thành, cậy vào giáp binh sắc bén mà không tu đức, như Tam Miêu, Trí Bá. Vua ba tuổi chủ xã tắc, là vua còn mang tã địu mà làm chủ xã tắc, như Chu Thành Vương, Hán Chiêu Đế, Hán Bình Đế. Lại có chú thích cửu chủ là vua hình pháp, vua chăm làm, vua công bằng, vua chuyên quyền, vua nương dựa, vua phá nước, vua giữ thành, lấy vua ba tuổi, vua chủ xã tắc làm hai, sợ rằng sai. Thang cử Y Doãn sửa chính sự. Y Doãn bỏ Thang sang nhà Hạ. Rồi nhà Hạ suy, lại về ở đất Bạc, từ cửa bắc đi vào, gặp Nữu Cưu, Nữ Phòng, tác bài văn 'Nữ Cưu', 'Nữ Phòng'. Tập giải: Khổng An Quốc nói: "Hai người Cưu-Phòng là hiền thần của Thang, hai bài văn có ý nói là nhà Hạ suy cho nên quay về".

Thang ra săn, thấy lưới giăng bốn bề trên cánh đồng, có kẻ chúc rằng: "Bốn bề thiên hạ đều chui vào lưới ta". Thang nói: "Hê, hết thảy rồi"! Bèn bỏ ba mặt lưới, có kẻ chúc nói: "Muốn bên trái thì giăng bên trái. Muốn bên phải thì giăng bên phải. Nếu không nghe thì cho vào lưới ta". Chư hầu nghe tin, nói: "Đức của Thang rộng lắm, trùm cả cầm thú".

Thời bấy giờ, vua Kiệt nhà Hạ bạo ngược dâm hoang, cho nên chư hầu là họ Côn Ngô làm loạn. Chính nghĩa: Côn Ngô là con cả của Lục Chung thời vua Khốc, ở đây là dòng dõi họ Côn Ngô. Thế bản chép: "Côn Ngô là tổ của họ Vệ". Thang bèn dấy binh lĩnh chư hầu, Y Doãn theo Thang, Thang tự cần rìu đến đánh Côn Ngô, rồi đánh vua Kiệt. Thang nói: "Dân chúng các ngươi, đến đây, các ngươi hãy nghe lời trẫm: không phải kẻ hèn này dám đến làm loạn mà là nhà Hạ lắm tội. Ta nghe qua lời các ngươi nói là nhà Hạ có tội, ta sợ thượng đế cho nên không dám không trị.Tập giải: Khổng An Quốc nói: "Không dám không trị tội của Kiệt mà giết hắn". Nay nhà Hạ lắm tội, trời sai giết hắn. Nay dân chúng của hắn nói: 'Vua ta không không giúp dân ta, bỏ việc cày ruộng lại vứt chính sự'. Chúng còn nói:'Có tội thì phải làm sao'? Vua quan nhà Hạ ngăn sức dân, cướp đoạt nhà Hạ. Tập giải: Khổng An Quốc nói: "Vua tôi Kiệt cùng nhau ngăn chặn sức dân, khiến cho dân không được cày cấy, cùng nhau cắt xén đất đai của nhà Hạ". Dân chúng lười nhác không hòa đồng, nói: 'Ngày nào là ngày mất, ta với vơi đều chết'! Tập giải: Thượng thư đại truyện chép: "Vua Kiệt nói: 'Trời có mặt trời như ta có người dân. Mặt trời mất được sao? Mặt trời mất thì ta mất vậy'". Đức nhà Hạ như thế, nay trẫm phải đánh. Các ngươi hãy cùng ta như một thay trời trị tội, ta sẽ thưởng cho các ngươi. Các ngươi chớ có không tin, trẫm không nói bừa. Nếu các ngươi không theo lời ta thì ta giết chết các ngươi, không có tha cho". Lại bao cho quân, tác bài văn 'Thang thệ'. Do đó Thang nói: "Ta rất oai vũ". Hiệu là 'Vũ Vương'. Tập giải: Thi chép: "Vũ Vương phất cờ, lẫy lừng tay búa". Mao truyện chép: "Vũ Vương là Thang".

Kiệt thua ở gò Hữu Tung, Kiệt lại chạy đến Minh Điều, Chính nghĩa: Quát địa chí chép: "Bãi Cao Nhai tại cửa Nam Bản phía bắc huyện An Ấp châu Bồ ba mươi dặm là bãi Minh Điều thời xưa. Chỗ xảy ra trận Minh Điều tại phía tây huyện An Ấp". quân Hạ thua vỡ, Thang bèn đánh nước Tam Tông, lấy được ngọc báu, Tập giải: Khổng An Quốc nói: "Tam Tông là tên nước, Kiệt chạy đến giữ ở đấy, là huyện Định Đào ngày nay". Chính nghĩa: Quát địa chí chép: "Huyện Tế Âm châu Tào là đất Định Đào thời xưa, phía đông có đình Tam Tông". Nghĩa Bá, Trọng Bá tác bài văn 'Điển bảo'. Tập giải: Khổng An Quốc nói: "Hai vị tác một bài văn 'Điển bảo', nói là bài văn thường có của đất nước".. Thang đã thắng nhà Hạ, muốn dời miếu xã của nhà Hạ nhưng không được, Tập giải: Khổng An Quốc nói: "Muốn đổi đặt miếu xã tắc nhưng người đời sau không ai bằng Câu Long, cho nên không được mà dừng". tác bài văn 'Hạ xã'. Tập giải: Khổng An Quốc nói: "Ý nói về nghĩa chẳng nên chuyển miếu xã của nhà Hạ". Y Doãn báo cho chư hầu biết, do đó chư hầu đều theo mệnh, thiên hạ bình định.

Thang đi về đến ấp Thái Quyển, Tập giải: Khổng An Quốc nói: "Tên đất. Thang từ Tam Tông về đến đấy". Trọng Hôi tác bài văn cáo. Tập giải: Khổng An Quốc nói: "Trọng Hôi là Tả tướng của Thang, dòng dõi của Hề Trọng". Bỏ lệnh của nhà Hạ, về đất Bạc, tác bài văn 'Thang cáo' rằng: "Tháng ba, nhà vua tự đến miền đông, báo cho chư hầu bầy tôi, nói: 'Chớ không được lập công giúp dân, gắng sức làm làm việc. Nếu không ta đánh phạt các ngươi, lúc ấy chớ oán ta'. Nói: 'Ngày xưa Vũ, Cao Dao chăm chỉ ở ngoài, họ có công với dân, dân mới được yên. Phía đông vét sông Giang, phía bắc vét sông Tế, phía tây vét sông Hà, phía nam vét sông Hoài, bốn sông đã sửa, muôn dân mới ở được. Hậu Tắc gieo trồng vun xới trăm cây, ba vị ấy đều có công với dân, cho nên dòng dõi được lập. Ngày trước Si Vưu cùng các đại phu làm loạn trăm họ, đế mới không cho, có tội. Sách ẩn: Đế là trời. Ý nói Si Vưu làm loạn, trời cao không giúp, cho nên không cho. Có tội, ý nói Si Vưu tội lớn mà tỏ rõ, cho nên Hoàng Đế diệt Si Vưu. Những vị vua thời trước nói là không thể không gắng'. [Sách ẩn: Những vị vua thời trước là Hoàng Đế, vua Nghiêu, vua Thuấn. Vũ, Cao Dao vì chăm chỉ lâu ngày ở ngoài cho nên dòng dõi được lập. Còn như Si Vưu làm loạn, trời không giúp Si Vưu, mới có Hoàng Đế diệt đi. Đều là những vị vua thời trước thưởng kẻ có công, phạt kẻ có tội, nói là không thể không gắng. Đây là lời Thang răn bày tôi.[/b] Nói: "Nếu không có đạo lí thì không cho ở nước, các ngươi chớ oán ta". Đem lệnh chư hầu. Y Doãn tác bài văn 'Hàm hữu nhất đức'. Tập giải: Vương Túc nói: "Ý nói vua tôi cùng một ý". Sách ẩn: Theo Thượng thư chép Y Doãn tác bài văn 'Hàm hữu nhất đức' vào thời vua Thái Giáp, mà Thái sử công chép ở đây, cho là vào thời Thành Thang, lời nay lại sai thứ tự. Cữu Đan tác bài văn 'Minh cư'. Tập giải: Mã Dung nói: "Cữu Đan là quan Tư không của Thang. Bày cách cho dân ở yên".

Thang bèn đổi lịch pháp, thay màu áo, chuộng màu trắng, chọn buổi sáng đến chầu hội.

Thang băng, Tập giải: Hoàng lãm chép: "Mộ vua Thang tại thành đông huyện Bạc quận Tế Âm, cách huyện ba dặm. Mộ có bốn góc, mỗi góc đều dài mười bước, cao bảy thước, bề mặt trên bằng, nơi đất bằng. Năm Kiến Bình thứ nhất thời Ai Đế nhà Hán, quan Đại tư không ngự sử là Ngự Trường Khanh đi xét nạn nước lụt, nhân đó đi qua mộ của Thang". Lưu Hướng nói: "Vua Thang nhà Ân không có đất mộ". Hoàng Phủ Mật nói: "Lên ngôi vua được mười bảy năm thì lên ngôi thiên tử, làm thiên tử mười ba năm, thọ hơn trăm tuổi thì băng". Chính nghĩa: Quát địa chí chép: "Bãi đất phẳng ở thành đông phía bắc huyện Bồ Thành ba dặm có mộ của Thang". Xét: Tại đất Mông, tức đất Bắc Bồ. Lại chép: "Phía đông huyện Yển Sư châu Lạc sáu dặm có mộ của Thang, gần với cung Đồng, có lẽ ở đấy". thái tử là Thái Đinh chưa lập thì chết, do đó bèn lập em của Thái Đinh là Ngoại Bính, đấy là vua Ngoại Bính. Vua Ngoại Bính lên ngôi ba năm thì băng, lập em của Ngoại Bính là Trung Nhâm, đấy là vua Trung Nhâm. Vua Trung Nhâm lên ngôi bốn năm thì băng, Y Doãn bèn lập con của Thái Đinh là Thái Giáp. Chính nghĩa: Thượng thư Khổng Tử tự chép: "Thành Thang đã chết, là năm đầu đời vua Thái Giáp". Không nói có vua Ngoại Bính, vua Trung Nhâm, vậy mà Thái sử công chọn ở Hệ bản mới có chép Ngoại Bính, Trung Nhâm, hai sách không giống nhau, vậy nay tín thì truyền tín, nghi thì truyền nghi. Thái Giáp là cháu cả lớn của Thành Thang, đấy là vua Thái Giáp. Năm đầu thời vua Thái Giáp, Y Doãn tác bài văn 'Y huấn', tác bài 'Tứ mệnh', tác bài 'Tồ hậu'. Tập giải: Trịnh Huyền nói: "Bài văn 'Tứ mệnh' bày điều mà chính giáo nên làm. Bài văn 'Tồ hậu' nói về pháp lệnh của vua Thang".

Vua Thái Giáp đã lập ba năm, không sáng, bạo ngược, không theo phép tắc của vua Thang, loạn đức, do đó Y Doãn đuổi đến ở tại cung Đồng. Tập giải: Khổng An Quốc nói :"Là chỗ mộ của Thang". Trịnh Huyền nói: "Là tên đất có cung khác của vua". Chính nghĩa: Tấn Thái Khang địa kí chép: "Phía nam làng Thi có bãi Bạc, phía đông có thành, là chỗ Thái Giáp bị đuổi đến". Được ba năm, Y Doãn nắm lấy chính sự đất nước, để coi chư hầu.

Vua Thái Giáp ở cung Đồng ba năm, hối lỗi tự trách, theo thiện, do đó Y Doãn liền đón vua Thái Giáp về mà trao chính sự. Vua Thái Giáp tu đức, chư hầu đều theo nhà Ân, trăm họ được yên. Y Doãn khen Thái Giáp, bèn tác bài văn 'Thái Giáp huấn' có hai chương, khen vua Thái Giáp, xưng là Thái Tông.

Thái Tông băng, con là Ốc Đinh lập. Vào thời vua Ốc Đinh thì Y Doãn chết. Đã táng Y Doãn ở đất Bạc, Tập giải: Hoàng lãm chép: "Mộ của Y Doãn tại làng Bình Lợi huyện Kỉ Thị quận Tế Âm, đất Bạc gần huyện Kỉ Thị". Chính nghĩa: Quát địa chí chép: "Mộ của Y Doãn tại phía tây bắc huyện Yển Sư châu Lạc tám dặm". Lại chép: "Phía tây bắc huyện Sở Khâu châu Tống mười lăm dặm có mộ của Y Doãn". Sợ là không phải. Đế vương thế kỉ chép: "Y Doãn tên là Chí, làm tể tướng của vua Thang, hiệu là A Hành, sống hơn trăm tuổi thì chết, lúc chết có sương mù đặc ba ngày ngày, Ốc Đinh lấy lễ thiên tử mà táng Y Doãn". Cữu Đan bèn giảng việc của Y Doãn, tác bài văn 'Ốc Đinh'.

Vua Ốc Đinh băng, em là Thái Canh lập, đấy là vua Thái Canh. Vua Thái Canh băng, con là vua Tiểu Giáp lập. Tập giải: Từ Quảng nói: "Thế biểu chép vua Tiểu Giáp là em của Thái Canh". Vua Tiểu Giáp băng, em là Ung Kỉ lập, đấy là vua Ung Kỉ. Nhà Ân đạo suy, chư hầu có kẻ không đến chầu.

Vua Ung Kỉ đã băng, em là Thái Mậu lập, đấy là vua Thái Mậu. Vua Thái Mậu lập Y Trắc làm tể tướng. Tập giải: Khổng An Quốc nói: "Y Trắc là con của Y Doãn". Ở đất Bạc có việc lạ là cây dâu cây dó cùng mọc ở miếu, một tối thì lớn lên xoắn vào nhau. Tập giải: Khổng An Quốc nói: "Việc lạ là yêu quái. Hai cây cùng mọc là điềm chẳng thuận". Sách ẩn: Đây nói 'một tối thì lớn lên xoắn vào nhau', nhưng Thượng thư đại truyện chép là 'bảy ngày thì lớn lên xoắn vào nhau'. So với đây không giống. Vua Thái Mậu sợ, hỏi Y Trắc. Y Trắc nói: "Thần nghe nói yêu quái không thắng được người có đức. Chính sự của nhà vua có chỗ thiếu kém sao? Nhà vua nên tu đức". Vua Thái Mậu nghe theo, do đó cây dâu lạ kia khô chết mà bỏ đi. Sách ẩn: Lưu Bá Trang nói: "Cây lạ kia khô chết mà bỏ đi không thấy nữa, nay là vì vua tu đức cho nên yêu quái bỏ đi". Y Trắc khen vua Thái Mậu với Vu Hàm. Tập giải: Khổng An Quốc nói: "Khen là báo cho biết. Vu Hàm là tên một bầy tôi". Chính nghĩa: Xét rằng Mộ của Vu Hàm và con là Hiền đều tại trên núi Ngu phía tây huyện Thường Thục châu Tô, có lẽ người này đều là người đất Ngô. Vu Hàm giúp nhà vua có công, tác bài văn 'Hàm nghệ', Tập giải: Mã Dung nói: "Nghệ là trị". tác bài văn 'Thái Mậu'. Vua Thái Mậu khen Vu Hàm ở miếu, nói là không đối đãi như bầy tôi, Y Trắc nhường, tác bài văn 'Nguyên mệnh'. Tập giải: Mã Dung nói: "Nguyên là tên một bầy tôi. Nói những việc mà đạo của Vũ, Thang nên sửa". Nhà Ân lại hưng, chư hầu theo về, cho nên xưng Thái Mậu là Trung Tông.

Trung Tông băng, con là vua Trung Đinh lập. Vua Trung Đinh chuyển đến đất Ngao. Tập giải: Khổng An Quốc nói: "Tên đất". Hoàng Phủ Mật nói: "Có kẻ nói là huyện Ngao Thương quận Hà Nam". Chính nghĩa: Quát địa chí chép: "Thành cũ Huỳnh Dương tại phía tây nam huyện Huỳnh Trạch châu Trịnh mười bảy dặm là đất Ngao thời Ân". Hà Đản Giáp cư ở đất Tương. Tập giải: Khổng An Quốc nói: "Tên đất, tại miền Hà Bắc". Chính nghĩa: Quát địa chí chép: "Thành nhà Ân cũ ở phía đông nam huyện Nội Hoàng châu Tương mười ba dặm, là chỗ mà Hà Đản Giáp đắp đô, cho nên gọi là thành nhà Ân". Tổ Ất chuyển đến đất Hình. Sách ẩn: Hình, đọc là 'cảnh'. Gần đây cũng chép là 'Cảnh'. Huyện Bì Thị quận Hà Đông có làng Cảnh. Chính nghĩa: Quát địa chí chép: "Phía đông nam huyện Long Môn châu Giáng mười hai dặm có thành Cảnh, là nước Cảnh cũ". Vua Trung Đinh băng, em là Ngoại Nhâm lập, đấy là vua Ngoại Nhâm. Sách chép về vua Trung Đinh đã khuyết không còn. Sách ẩn: Có lẽ Thái sử công biết lúc trước có sách chép về vua Trung Đinh, nhưng naty đã lạc mất không còn. Vua Ngoại Nhâm băng, em là Hà Đản Giáp lập, đấy là vua Hà Đản Giáp. Thời vua Hà Đản Giáp, nhà Ân lại suy.

Vua Hà Đản Giáp băng, con là vua Tổ Ất lập. Vua Tổ Ất lập, nhà Ân lại hưng, Vu Hàm nhậm chức.

Vua Tổ Ất băng, con là vua Tổ Tân lập. Vua Tổ Tân băng, em là Ốc Giáp lập, đấy là vua Tổ Giáp. Sách ẩn: Hệ bản chép là vua Khai Giáp. Vua Ốc Giáp băng, lập con của Tổ Tân (anh của Ốc Giáp) là Tổ Đinh, đấy là vua Tổ Đinh. Vua Tổ Đinh băng, lập con của Tổ Giáp là Nam Canh, đấy là vua Nam Canh. Vua Nam Canh băng, lập con của Tổ Đinh là Dương Giáp, đấy là vua Dương Giáp. Vào thời vua Dương Giáp, nhà Ân suy.

Từ thời vua Trung Đinh đến đây, vua nhà Ân bỏ con cả mà lập con của các em, con các em có kẻ tranh nhau thay lập, chín đời vua loạn, do đó chư hầu chẳng theo.

Vua Dương Giáp băng, em là Bàn Canh lập, đấy là vua Bàn Canh. Vào thời vua Bàn Canh, nhà Ân đã đóng đô ở phía bắc sông Hà; Bàn Canh vượt sông Hà về phía nam, ở lại tại chỗ ở cũ của Thành Thang, bèn dời lần thứ năm, không ở cố định. Tập giải: Khổng An Quốc nói: "Từ đời vua Thang đến đời vua Bàn Canh là năm lần dời đô". Chính nghĩa: Từ lúc Thang ở đất Nam Bạc dời đến đất Tây Bạc; Trọng Đinh dời đến đất Ngao, Hà Đản Giáp trú ở đất Tương; Tổ Ất cư ở đất Cảnh; Bàn Canh vượt sông Hà về phía nam cư ở đất Tây Bạc, cả thảy là năm lần dời đô. Dân nhà Ân than thở đều oán, không muốn dời. Tập giải: Khổng An Quốc nói: "Dân không muốn đi, đều thở thở than lo buồn, cùng nhau oán vua của mình". Vua Bàn Canh bèn cáo dụ đại thần chư hầu rằng: "Ngày xưa cao tổ là Thành Thang cùng tổ tiên các ngươi cùng bình định thiên hạ, còn sửa phép tắc. Nếu bỏ mà không sửa, lấy gì để thành đức"! Rồi bèn vượt sông về phía nam, trị ở đất Bạc, Tập giải: Trịnh Huyền nói: "Trị ở đất cũ nhà Ân nơi đất Bạc, nhà Thương từ nơi ấy dời đi, cho nên đổi hiệu là Ân Bạc". Hoàng Phủ Mật nói: "Là huyện Yển Sư ngày nay". Làm theo chính sách của Thang, sau đó trăm họ yên ổn, đạo nhà Ân lại hưng. Chư hầu đến chầu, vì họ tôn đức của Thành Thang vậy.

Vua Bàn Canh băng, em là Tiểu Tân lập, đấy là vua Tiểu Tân. Vua Tiểu Tân lập, nhà Ân lại suy. Trăm họ nhớ Bàn Canh, bèn tác bài văn 'Bàn Canh' có ba chương. Sách ẩn: Thượng thư chép: "Bàn Canh muốn đóng đô ở đất Bạc, dân nhà Ân cùng nhau than oán, tác bài văn 'Bàn Canh'". Còn đây chép "vua Bàn Canh băng, em là Tiểu Tân lập, trăm họ nhớ Bàn Canh, bèn tác bài văn 'Bàn Canh'" là do không đọc đoạn văn cổ này. Vua Tiểu Tân băng, em là Tiểu Ất lập, đấy là vua Tiểu Ất lập.

Vua Tiểu Ất băng, con là vua Vũ Đinh lập. Vua Vũ Đinh lên ngôi, nghĩ cách phục hưng nhà Ân nhưng chưa được người giúp. Ba năm không nói, chính sự quyết định bởi Trủng Tể, Tập giải: Trịnh Huyền nói: "Trủng Tể là vị quan trông coi thiên văn giúp nhà vua". để xem phong tục của đất nước. Vua Vũ Đinh buổi đêm nằm mơ gặp được thánh nhân tên là Thuyết. Đem việc mà mình nằm mơ gặp để nhìn trăm quan bầy tôi, đều không phải. Do đó bèn sai trăm quan đi tìm ở ngoài đồng, tìm được Thuyết ở trong vách Phó. Tập giải: Từ Quảng nói: "Thi Tử chép: 'Vách Phó tại bãi sông quận Bắc Hải'". Chính nghĩa: Quát địa chí chép: "Vách Phó là chỗ Phó Thuyết đắp nên, cái hang mà Phó Thuyết ẩn náu gọi là 'hang thánh nhân', tại phía bắc huyện Hà Bắc châu Thiểm bảy dặm, tại chỗ của nước Ngu, nước Quắc. Lại có miếu thờ Phó Thuyết". Thủy kinh chú chép: "Sông Sa Giản ở phía bắc chảy ra từ núi Ngu, phía đông nam chảy qua vách Phó, qua phía trước hang ở ẩn của Thó Thuyết, tục gọi là hang thánh nhân". Bấy giờ Thuyết là kẻ phạm tội, đắp đường ở vách Phó. Tập giải: Khổng An Quốc nói: "Vách của họ Phó tại cõi Ngu-Quắc, chỗ mà con đường trải qua có đoạn đường lở bên sông Giản, nhà vua thường sai người phạm tội đắp sửa con đường này. Thuyết là người hiền nhưng giấu kín, làm kẻ phạm tội đắp đường để tự cấp ăn. Cho gặp với vua Vũ Đinh, vua Vũ Đinh nói là phải. Rồi cùng nói chuyện với Thuyết, quả là thánh nhân, cử làm tể tướng, nhà Ân được sửa. Do đó bèn lấy tên vách Phó làm tên họ, gọi là Phó Thuyết.

Vua Vũ Đinh tế Thành Thang, buổi sáng, có con chim trĩ bay đến đậu trên tai đỉnh mà kêu, Chính nghĩa: Thi chép: "Chim trí đến kêu". vua Vũ Đinh sợ. Tổ Kỉ nói: "Nhà vua chớ lo, nên tu chính sự trước". Tổ Kỉ bèn giảng cho vua rằng: "Trời xem xét cái nghĩa của người dưới mà ban cho tuổi thọ dài và không dài, không phải là trời làm cho dân chết sớm, nửa đời dứt mạng người ta. Nếu dân không có đức, không nhận tội thì trời đã hạ lệnh sửa đức của họ, mới nói: 'Làm thế nào'? Ô hê! Nhà vua nối ngôi phải kính dân, không làm trái lẽ trời, cúng tế nên theo phép thường mà không bỏ".Tập giải: Khổng An Quốc nói: "Người làm vua trị dân phải kính làm việc dân. Việc dân thường không được không theo điều mà trời cho người nối ngôi. Cúng tế có thường, không được bày vật lễ nhiều". Sách ẩn: Tế tự có thường, không được dùng lễ giết nhiều mà bỏ đi đạo thường. Vua Vũ Đinh sửa đạo tu đức, thiên hạ đều mừng, nhà Ân lại hưng.

Vua Vũ Đinh băng, con là vua Tổ Canh lập. Tổ Kỉ lấy điềm chim trĩ kêu sửa đức mà khen vua Vũ Đinh, lập miếu xưng là Cao Tông, rồi tác bài văn 'Cao Tông dung nhật' và 'Cao Tông huấn'.

Vua Tổ Canh băng, em là Tổ Giáp lập, đấy là vua Giáp. Vua Giáp dâm loạn, nhà Ân lại suy. Sách ẩn: Quốc ngữ chép: "Vua Giáp làm dâm, bảy đời thì suy".

Vua Giáp băng, con là vua Lẫm Tân lập. Sách ẩn: Hán thư cổ kim nhân biểu cùng Đế vương đại kỉ đều chép là 'Phùng Tân'. Vua Lẫm Tân băng, em là Canh Đinh lập, đấy là vua Canh Đinh. Vua Canh Đinh băng, con là vua Vũ Ất lập. Nhà Ân lại bỏ đất Bạc, dời sang phía bắc sông Hà.

Vua Vũ Ất vô đạo, làm người tượng, Chính nghĩa: Lấy đất gỗ làm người, đối tượng như hình người. gọi là 'thần trời', cùng nó chơi bài, sai người làm cho nó chơi, 'thần trời' không thắng, bèn làm nhục nó. Làm bao cỏ, đổ đầy máu vào, tung lên mà bắn nó, gọi là 'bắn trời'. Vua Vũ Ất săn ở miền sông Hà-Vị gặp sấm lớn, Vũ Ất kinh sợ mà chết. Con là vua Thái Đinh lập. Vua Thái Đinh băng, con là vua Ất lập. Vua Ất lập, nhà Ân càng suy.

Con cả của vua Vũ Ất là Vi Tử tên Khải, Sách ẩn: Vi là tên nước, tước là Tử; Khải là tên. Khổng Tử gia ngữ chép là 'Vi', có sách chép là 'Ngụy', đọc là 'vi'. mẹ Khải hèn mọn, cho nên Khải không được nối ngôi. Sách ẩn: Đây là Khải và Trụ khác mẹ, mà Trịnh Huyền nói là cùng mẹ, xét Lữ thị xuân thu chép là lúc mẹ Khải sinh Khải vẫn chưa chính vị, kịp lúc sinh Trụ mới chính làm phi, cho nên Khải là con cả mà lại ngôi thứ, Trụ là em mà lại ngôi đích. Con út là Tân, mẹ Tân là vợ cả, cho nên Tân được nối ngôi. Vua Ất băng, con là Tân lập, đấy là vua Tân, thiên hạ gọi Tân là Trụ. Tập giải: Thụy pháp chép: "Tàn nghĩa tổn thiện gọi là 'Trụ'".

Vua Trụ lời lẽ nhanh nhẹn, nghe nhìn rất mau, sức khỏe hơn người, tay bắt thú dữ; [b]Chính nghĩa: Đế vương thế kỉ chép: "Trụ vật đổ chín con bò, rút cầu nhổ cột". trí đủ để ngăn chặn lời can gián, lời đủ để bao biện điều sai trái, cậy tài năng mà kiêu ngạo với bầy tôi, dựa danh tiếng mà tự cao với thiên hạ, cho là mọi thứ đều ở dưới thân mình. Ưa rượu thích nhạc, thích với đàn bà, yêu Đát Kỉ, Tập giải: Hoàng Phủ Mật nói: "Là người con gái đẹp họ Hữu Tô". Sách ẩn: Quốc ngữi chép: "Người con gái nước Hữu Tô, tên chữ là Đát, họ Kỉ". Đát Kỉ nói gì thì nghe theo. Do đó sai thầy nhạc chọn tác bài hát dâm mới, điệu múa thô bỉ, lời nhạc ẻo lả. Tăng phú thuế để chất thừa đài Lộc, Tập giải: Như Thuần nói: "Tân tự chép là đài Lộc to rộng ba dặm, cao nghìn thước". Toản nói: "Đài Lộc là tên đài, nay tại trong thành Triều Ca". Chính nghĩa: Quát địa chí chép: "Đài Lộc tại phía tây nam huyện thuộc chây Vệ ba mươi hai dặm". lại chứa đầy thóc ở kho Cử Kiều. Tập giải: Phục Kiền nói: "Cự Kiều là tên kho. Hứa Thận nói: "Cây cầu lớn bắc ngang sông Cự Lộc có thóc lúa". Thu thêm chó ngựa vật lạ, lúc nhúc cung thất. Làm rộng thêm đài vườn Sa Khâu, Tập giải: Nhĩ nhã chép: "Sa Khâu miên man". Địa lí chí chép: "Sa Khâu tại phía đông bắc quận Cự Lộc bảy mươi dặm". Chính nghĩa: Quát địa chí chép: "Đài Sa Khâu tại phía đông bắc huyện Bình Hương châu Hình hai mươi dặm". Trúc thư kỉ niên chép: "Từ thời Bàn Canh dời nhà Ân đến lúc Trụ diệt là hai trăm năm mươi ba năm lại không dời đô, bấy giờ Trụ có vẻ mở rộng ấp của mình, phía nam kề đất Triều Ca, phía bắc tiếp đất Hàm Đan và Sa Khâu, đều là cung riêng quán khác". lấy nhiều chim chóc thú hoang thả ở trong ấy. Coi nhẹ quỷ thần. Đặt bày chơi nhạc ở Sa Khâu, đổ rượu làm ao, Chính nghĩa: Quát địa chí chép: "Ao rượu tại phía tây huyện Vệ châu Vệ hai mươi ba dặm. Thái công lục thao chép: "Trụ làm ao rượu, họp bọn vây thuyền gò cặn mà uống như bò chừng hơn ba nghìn người". treo thịt làm rừng, sai trai gái cởi trần, đuổi nhau trong đó, mở tiệc uống rượu thâu đêm.

Trăm họ oán hờn mà chư hầu có kẻ phản, do đó Trụ lại chuộng hình phạt, phạt có phép phạt 'bào cách'. Tập giải: Liệt nữ truyện chép: "Bôi mỡ lên cột đồng, dưới đặt thêm than, sai kẻ có tội trèo lên, liền rơi xuống giữa than, Đát Kỉ cười, gọi là hình phạt 'bào cách'". Sách ẩn: Trâu Đản Sinh nói: "Thấy kiến bò trong chén đồng, chân gãy mà chết, do đó làm cành đồng, thổi than ở dưới, sai kẻ có tội đi trên đó". So với Liệt nữ truyện có khác chút ít. Lấy Tây Bá tên là Xương, Cửu Hầu, Tập giải: Từ Quảng nói: "Có sách chép là 'Qủy Hầu'. Huyện Nghiệp có thành Cửu Hầu". Chính nghĩa: Quát địa chí chép: "Phía tây nam huyện Phũ Dương châu Tương năm mươi dặm có thành Cửu Hầu, cũng có tên là thành Qủy Hầu, có lẽ là thành Cửu Hầu thời nhà Ân". Ngạc Hầu Tập giải: Từ Quảng nói: "Có sách chép là 'Vu', đọc là 'vu'. Huyện Dã Vương có thành Vu". làm Tam công. Cửu Hầu có người con gái hiếu, dâng cho vua Trụ. Con gái Cửu Hầu không thích dâm, vua Trụ giận, giết đi rồi băm Cửu Hầu. Ngạc Hầu ra sức can ngăn, lời lẽ gay gắt, lại chém Ngạc Hầu. Tây Bá tên là Xương nghe tin, than ngầm. Sùng Hầu tên là Hổ biết được, báo cho vua Trụ, vua Trụ nhân đó bắt giam Tây Bá ở thành Dũ Lí. Tập giải: Địa lí chí chép: "Huyện Thang Âm quận Hà Nội có thành Dũ Lí, là chỗ mà Tây Bí bị bắt". Vi Chiêu nói: "Đọc là 'dậu'.". Chính nghĩa: Thành Dũ tại phía bắc huyện Thang Âm châu Tương chín dặm, là thành vua Trụ giam Tây Bá. Đế vương thế kỉ chép: "Vua Trụ giam Văn Vương, con cả của Văn Vương là Bá Ấp Khảo làm con tin ở nhà Ân, làm quan khanh của vua Trụ, vua Trụ nấu Bá Ấp Khảo làm canh, ban cho Văn Vương, nói: "Thánh nhân chẳng nên ăn canh con mình". Văn Vương ăn canh. Vua Trụ nói: "Ai nói Tây Bá là thánh? Ăn canh con mình mà không biết". Bầy tôi của Tây Bá là bọn Hoành Yểu tìm gái đẹp vật lạ ngựa tốt để dâng vua Trụ, vua Trụ mới thả Tây Bá. Tây Bá được thả rồi dâng đất phía tây sông Lạc, Chính nghĩa: Sông Lạc còn có tên là sông Tất Thư, tại đất Lạc Tây châu Đồng, là các châu Đan, Phòng miền Lạc Tây.xin bỏ hình phạt 'bào cách'. Vua Trụ liền ưng ý, ban cho cung tên búa rìu, sai được đánh dẹp, làm Tây Bá. Lại dùng Phí Trung coi chính sự. Chính nghĩa: Phí là họ, Trung là tên. Phí Trung ưa nịnh, hám lợi, người Ân chẳng thân. Vua Trụ lại dùng Ác Lai. Sách ẩn: Con của Phi Liêm, tổ tiên của vua Tần. Ác Lai hay gièm pha, do đó chư hầu thêm bỏ.

Tây Bá về, bèn ngầm tu đức sửa thiện, nhiều chư hầu phản vua Trụ mà theo về Tây Bá. Tây Bá thế lớn, do đó vua Trụ càng mất quyền trọng. Vương tử là Bỉ Can can ngăn, vua Trụ không nghe. Thương Dung là người hiền, trăm họ mến ông, Trụ lại bỏ ông. Kịp lúc Tây Bá đánh nước Kì, diệt nước này. Bầy tôi của vua Trụ là Tổ Y Tập giải: Khổng An Quốc nói: "Là dòng dõi của Tổ Kỉ, bầy tôi hiền". nghe tin mà ghét nhà Chu, sợ, chạy nhanh báo cho vua Trụ rằng: "Trời đã dứt mệnh nhà Ân ta, người ta bói rùa già, không có điều lành, Tập giải: Mã Dung nói: "Rùa già là rùa lớn, dài một thước hai tấc". Khổng An Quốc nói: "Người ta dựa vào việc người làm để xem nhà Ân, rùa lớn có linh thần mà xét, đều không có được điềm lành". không phải tiên vương không giúp người đời sau ta, chỉ là nhà vua dâm ngược tự hại thân, cho nên trời bỏ ta, không được ăn ngon, không biết được lẽ trời, không theo phép thường. Tập giải: Trịnh Huyền nói: "Vua bạo ngược với dân, khiến cho dân không ăn ngon, nghịch loạn âm dương, không vâng mệnh trời, trái với đức sáng, không sửa pháp giáo". Nay dân ta không ai không muốn mất, nói: 'Trời sao không tỏ oai, phép lớn sao không đến'? Nay nhà vua làm sao"? Vua Trụ nói: "Ta sinh ra không có mệnh từ trời vậy"! Tổ Y về, nói: "Không can ngăn được vua Trụ rồi". Tây Bá đã chết, Vũ Vương nhà Chu sang đánh miền đông, đến bãi Minh Tân, có tám trăm chư hầu phản nhà Ân theo nhà Chu. Chư hầu đều nói: "Nên đánh Trụ thôi"! Vũ Vương nói: "Các ngươi chưa biết mệnh trời". Rồi quay về.

Vua Trụ ngày càng dâm loạn không dứt. Vi Tử nhiều lần can mà không nghe, bèn mưu với Đại sư, Thiếu sư, rồi bỏ đi. Bỉ Can nói: "Là bầy tôi là không nên không can ngăn đến chết". Liền gắng can vua Trụ. Vua Trụ giận nói: "Ta nghe nói tim của thánh nhân có bảy lỗ". Phanh Bỉ Can, xem tim của ông. Chính nghĩa: Quát địa chí chép: "Bỉ Can thấy Vi Tử bỏ đi, Cơ Tử điên, bèn than rằng: 'Vua sai không can là bất trung. Sợ chết không nói là bất dũng. Thấy sai thì can, không nghe thì chết, đấy là cái trung lớn nhất vậy'. Đến can ba ngày không đi. Vua Trụ hỏi: 'Sao lại tự chống ta'? Bỉ Can nói: 'Tu thiện hành nhân, lấy nghĩa tự giữ'. Vua Trụ giận, nói: 'Ta nghe nói tim thánh nhân có bảy lỗ, vậy sao'? Liền giết Bỉ Can, xem tim của ông". Cơ Tử sợ, bèn giả cuồng làm kẻ nô bộc, vua Trụ lại bắt giam ông. Thái sư, Thiếu sư của nhà Ân lại đem các đồ cúng tế lễ nhạc trốn sang nhà Chu. Do đó Vũ Vương nhà Chu bèn lĩnh chư hầu đánh vua Trụ. Vua Trụ cũng phát binh chống ở đồng Mục Dã. Tập giải: Trịnh Huyền nói: "Mục Dã là tên đất ngoài thành nam của vua Trụ". Chính nghĩa: Quát địa chí chép: "Thành châu Vệ ngày nay là đất Mục Dã thời nhà Ân, Vũ Vương nhà Chu đánh vua Trụ đắp nên". Ngày giáp tí, quân của vua Trụ thua, vua Trụ chạy vào giữ đài Lộc, mặc áo ngọc báu, nhảy vào lửa mà chết. Chính nghĩa: Chu thư chép: "Trụ lấy năm chuỗi ngọc diễm thiên trí quấn vào người để tự đốt". Vũ Vương nhà Chu bèn chém đầu vua Trụ, treo lên cờ trắng, giết Đát Kỉ. Cởi trói cho Cơ Tử, đắp mộ cho vua Trụ và Bỉ Can, nêu khen trước cổng làng của Thương Dung. Sách ẩn: Hoàng Phủ Mật nói: "Thương Dung cùng người Ân xem quân Chu đi vào". Vậy thì Thương Dung là tên người. Trịnh Huyền nói: "Thương Dung là quan coi nhạc của nhà Chu, biết nghi lễ, cho nên chỗ tế lễ gọi là 'đài dung'". Phong con của vua Trụ là Vũ Canh, Lục Phụ để nối dõi tế lễ nhà Ân. Tập giải: Tiếu Chu nói: "Nhà Ân trải ba mươi mốt đời vua, được hơn sáu trăm năm". Cấp trủng kỉ niên chép: "Từ lúc Thang diệt nhà Hạ đến đây là được hai mươi chín đời vua, trải bốn trăm chín mươi sáu năm". sai tu hành chính giáo của Bàn Canh. Người Ân cả mừng. Do đó Vũ Vương nhà Chu làm thiên tử. Người đời sau biếm hiệu đế, hiệu làm vương. Sách ẩn: Xét: Thiên tử nhà Hạ, Ân cũng đều xưng đế, đời sau thấy đức mỏng không bằng Ngũ đế, bắt đầu biếm hiệu đế, hiệu gọi là vương, cho nên Bản kỉ đều gọi là đế, nhưng đời sau gọi chung là 'Tam vương'. Lại phong dòng dõi nhà Ân làm chư hầu, thuộc nhà Chu. Chính nghĩa: Là Vũ Canh, Lục Phụ.

Vũ Vương nhà Chu băng, Vũ Canh cùng Quản Thúc, Sái Thúc làm loạn, Thành Vương sai Chu Công đánh Vũ Canh mà lập Vi Tử ở đất Tống để nối dõi nhà Ân.

Thái sử công nói: Ta dựa vào Thi tụng để chép việc của Tiết, từ đời Thành Thang về sau lại chọn ở Thư-Thi. Tiết lập họ Tử, dòng dõi phân phong, lấy tên nước làm tên họ, có họ Ân, họ Lai, họ Tống, họ Không Đồng, họ Trĩ, Sách ẩn: Xét Hệ bản chép họ Tử không có họ Trĩ. họ Bắc Ân, Sách ẩn: Hệ bản chép là 'họ Mao'. Lại có họ Thì, họ Tiêu, họ Lê. Nhưng họ Bắc Ân có lẽ là dòng dõi vua ấp Bạc mà Tần Ninh Công đánh, là dòng dõi của Thang vậy. họ Mục Di. Khổng Tử nói: "Người Ân giỏi đi xe đường, lại chuộng màu trắng". Sách ẩn: Luận ngữ Khổng Tử nói: "Ngồi xe nhà Ân". Lễ kí chép: "Người Ân chuộng màu trắng". Thái sử công chép lời tán không lấy câu văn trọn, mới chép lời này, cũng sơ lược vậy"

Tổ tiên nhà Chu hiệu là Hậu Tắc, tên là Khí. Chính nghĩa: Nhân nơi mà Thái Vương ở tên là bãi Chu, cho nên gọi là Chu. Địa lí chí chép: "Làng Trung Thủy phía tây bắc núi Kì huyện Mĩ Dương quận Hữu Phù Phong là nơi mà Thái Vương nhà Chu ở". Quát địa chí chép: "Thành nhà Chu xưa còn có tên là thành Mĩ Dương, tại phía tây bắc huyện Vũ Công châu Ung hai mươi lăm dặm, tức thành của Thái Vương". mẹ là con gái họ Hữu Thai, tên là Khương Nguyên. Tập giải: Hàn thi chương câu chép: "Khương là họ, Nguyên là tên chữ". Có sách chép Khương Nguyên là thụy hiệu. Chính nghĩa: Thai, âm là 'thiên lai phiên'. Thuyết văn chép: "Thai là dòng dõi Viêm Đế, họ Khương, phong ở đất Thai, là nhà họ ngoại của Khí nhà Chu".Khương Nguyên là vợ cả của vua Khốc. Sách ẩn: Tiếu Chu cho rằng Khí là tên gọi của vua Khốc, cha của Khốc cũng không rõ, so với bản kỉ có khác. Khương Nguyên ra ngoài bãi, thấy dấu chân người lớn, lòng hớn hở vui mừng, muốn dẫm lên, dẫm lên liền động lòng như có thai. Đến kì thì sinh con, cho là không lành, vứt nó ở ngõ hẻm, Sách ẩn: Chép dưới đây đều là điều mà Thi đại nhã sinh dân chép là: "Đặt nó ở ngõ hẻm, bò dê mớm hít nó, đặt nó ở rừng rậm, lại chặt rừng rậm, vứt nó ở băng giá, chim lại ấp che nó". bò ngựa đi qua đều tránh mà không dẫm; dời đặt nó ở trong rừng, gặp lúc rừng núi có nhiều người, chuyển mà vứt nó ở trên băng trong rạch, chim bay lại đến ôm ấp lót cỏ cho nó. Khương Nguyên cho là thần, bèn đưa về nuôi nó lớn, lúc đầu muốn vứt nó, nhân đó đặt tên là Khí.

Vào lúc Khí là trẻ con, có chí chót vót như người lớn. Khí đi chơi, ưa gieo trồng cây gai, cây đậu; cây gai, cây đậu mọc tốt. Kịp khi thành người lớn, lại ưa cày cấy, chọn chỗ đất hợp, hợp với cây lúa liền gieo trồng lúa. Dân đều noi theo Khí. Vua Nghiêu nghe tin, cử Khí làm thầy nông, thiên hạ được cái lợi này, có công. Vua Nghiêu nói: "Khí, dân đen lúc trước đói, sau đó ngươi treo trồng các giống cây lúa". Phong Khí ở đất Thai, Tập giải: Từ Quảng nói: "Là làng Li tại quận Phù Phong ngày nay". Thi sinh dân chép: "Nhà họ Hữu Thai". Thai tức Li, xưa nay chép chữ khác. Chính nghĩa: Quát địa chí chép: "Thành Li cũ còn có tên là thành Vũ Công, tại phía tây nam huyện Vũ Công châu Ung hai mươi hai dặm, là nước Thai cổ, là chỗ mà Hậu Tắc được phong. Có miếu thờ Hậu Tắc và Khương Nguyên". Mao Trường nói: "Nước Thai là nước của Khương Nguyên, là nơi mà Hậu Tắc được sinh, cho nên phong ở nước Thai". hiệu là Hậu Tắc, họ riêng là họ Cơ. Tập giải: Lễ vĩ chép: "Tổ tiên vì dẫm lên vết chân lớn mà sinh". Hậu Tắc hưng nghiệp vào thời Đào Đường, Ngu, Hạ, đều có đức tốt.

Hậu Tắc chết, Tập giải: Sơn hải kinh đại hoang kinh chép: "Giữa miền sông Hắc sông Thanh có bãi Quảng Đô, là nơi táng Hậu Tắc". Hoàng Phủ Mật nói: "Mộ của Hậu Tắc cách Trung Quốc ba vạn dặm". con là Bất Truất lập. Sách ẩn: Đế vương thế kỉ chép: "Hậu Tắc lấy con gái họ Cô, sinh ra Bất Truất". Tiếu Chu xét Quốc ngữ chép: "Hậu Tắc làm việc vào thời Ngu-Hạ". Nói là nối chức coi việc làm nông, vậy là sai với lịch đời. Nếu cho rằng Bất Truất là con của Khí, đến đời Văn Vương là hơn ngàn năm với mười bốn đời, thật là chẳng hợp sự tình. Chính nghĩa: Quát địa chí chép: "Thành cũ của Bất Truất tại phía nam huyện Hoằng Hóa châu Khánh ba dặm. Là thành mà Bất Truất cơ tại đất rợ nhung địch". Mao thi sớ chép: "Đời nhà Ngu cùng Hạ, Ân cộng là một ngàn hai trăm năm. Mỗi đời làm vua đều là tám mươi năm mới đủ được số năm. Mệnh vua dài ngắn xưa nay là một, mà nếu mười lăm đời vua giữ ngôi đều tám mươi năm, con phải sắp già mới sinh, thật là không hợp nhân tình. Theo lí mà suy thì thật khó tin được". Cuối đời Bất Truất, nhà Hạ Hậu đạo suy, bỏ quan chủ nghề nông mà không dùng, Tập giải: Vi Chiêu nói: "Vua Thái Khang nhà Hạ mất nước, bỏ quan coi nghề nông, không chăm nghề nông nữa". Sách ẩn: Ý nói nhà Hạ đạo suy, Bất Truất bị bãi chức coi nghề nông, không làm nghề nông nữa. Bất Truất vì mất chức mà chạy sang miền rợ nhung địch. Bất Truất chết, con là Cúc lập. Cúc chết, con là Công Lưu lập. Công Lưu dẫu ở giữa miền rợ nhung địch nhưng sửa lại nghề của Hậu Tắc, chăm cày trồng, tìm đất hợp, từ sông Tất-Thư qua sông Vị mà lấy gỗ dùng, Chính nghĩa: Công Lưu từ sông Tất huyện Tất về phía nam qua sông Vị, đến núi Nam lấy cây gỗ mà dùng. Quát địa chí chép: "Huyện Tân Bình châu Bân là huyện Tất thời Hán. Sông Tất chảy từ suối Tất trên núi Kì phía đông nam huyện Nhuận châu Kì, chảy về phía đông vào sông Vị". người đi đường có cái dùng, người ở nhà có cất chứa, dân nhờ cái hay này. Trăm họ vui ý, nhiều người dời đến mà đi theo. Nhà Chu bắt đầu hưng từ đấy, cho nên nhà thơ ca hát nhớ đức của Công Lưu. Sách ẩn: Thi đại nhã chép: "Công Lưu dốc sức". Công Lưu chết, con là Khánh Tiết lập, dựng nước ở đất Bân. Tập giải: Từ Quảng nói: "Phía đông bắc huyện Tất huyện Tân Bình có đình Bân". Sách ẩn: Bân tức Phân, xưa nay chép khác chữ. Chính nghĩa: Quát địa chí chép: "Huyện Tân Bình châu Bân là huyện Tất thời Hán. Là nước Bân mà Thi kinh nói đến, là đất mà Công Lưu ở".

Khánh Tiết chết, con là Hoàng Bộc lập. Hoàng Bộc chết, con là Sai Phất lập. Sai Phất chết, con là Hủy Du lập. Sách ẩn: Hệ bản chép là 'Ngụy Du'. Hủy Du chết, con là Công Phi lập.[Sách ẩn: Hệ bản chép: "Công Phi Tịch Phương". Hoàng Phủ Mật nói: "Công Phi, tên chữ là Tịch Phương".[/b] Công Phi chết, con là Cao Ngữ lập. Tập giải: Tống Suy nói: "Cao Ngữ biết noi Hậu Tắc, người Chu báo đền". Sách ẩn: Hệ bản chép: "Cao Ngữ Hầu Mâu". Cao Ngữ chết, con là Á Ngữ lập. Thế bản chép: "Á Ngữ Vân Đô". Hoàng Phủ Mật nói: "Vân Đô là tên chữ của Á Ngữ". Sách ẩn: Hán thư cổ kim biểu chép: "Vân Đô là em Á Ngữ". Xét rằng như vậy thì Tịch Phương, Hầu Mâu cũng là tên của hai người, thật là chưa rõ được. Á Ngữ chết, con là Công Thúc Tổ Loại lập. Sách ẩn: Hệ bản chép: "Thái Công tên là Tổ Cám Chư Trưu". Tam đại thế biểu xưng là Thúc Loại, cả thảy bốn tên. Hoàng Phủ Mật nói: "Công Tổ còn có tên là Tổ Cám Chư Trưu, tên chữ là Thúc Loại, hiệu là Thái Công". Công Thúc Tổ Loại chết, con là Cổ Công Đản Phụ lập. Cổ Công Đản Phụ sửa lại nghề của Hậu Tắc, Công Lưu, tích đức hành nghĩa, người trong nước đều noi theo. Người nhung địch Huân Dục đánh Cổ Công Đản Phụ, muốn được của cải, bèn ban cho họ. Rồi lại đánh, muốn được dân và đất. Dân đều oán, muốn đánh lại. Cổ Công nói: "Dân chúng lập vua là muốn làm lợi cho mình. Nay rợ nhung địch tới đánh là vì muốn có dân và đất của ta. Lòng dân theo ta, trao dân cho bên nó thì có khác chi? Dân muốn vì ta mà đánh, làm cho cha con người ta bị giết mà còn làm vua nữa, ta chẳng nỡ làm". Rồi liền cùng người thân bỏ đất Bân, qua sông Tất-Thư, Tập giải: Từ Quảng nói: "Sông này tại núi Kì huyện Đỗ Dương. Huyện Đỗ Dương tại quận Phù Phong". vượt núi Lương, Chính nghĩa: Quát địa chí chép: "Núi Lương tại phía tây bắc huyện Hảo Chỉ châu Ung mười tám dặm". Trịnh Huyền nói: "Núi Kì tại phía tây nam núi Lương". Vậy thì núi Lương ngang dài, phía đông là đất Hạ Dương, phía tây bắc kề sông Hà, phía tây là mé đông bắc núi Kì. Từ đất Bân đến đất Chu phải qua núi ấy. dừng ở dưới núi Kì. Tập giải: Từ Quảng nói: "Núi Kì tại phía tây bắc huyện Mĩ Dương quận Phù Phong, phía nam núi có bãi Chu". Bùi Nhân xét Hoàng Phủ Mật nói: "Lập ấp ở đất Chu, cho nên bắt đầu đổi tên nước là Chu". Người đất Bân cả thảy dắt già cũng trẻ theo về Cổ Công ở dưới núi Kì. Bấy giờ người các nước kề bên nghe tin Cổ Công nhân từ, cũng nhiều người theo Cổ Công. Do đó Cổ Công bèn bỏ tục nhung địch mà đắp dựng nhà cửa thành quách, lại lập ấp chia riêng nơi ấy. Tập giải: Từ Quảng nói: "Chia ra mà làm thành ấp xóm". lập ra năm chức quan. Tập giải: Lễ kí chép: "Năm chức quan của thiên tử là Tư đồ, Tư mã, Tư không, Tư sĩ, Tư khấu, trông coi quản trị trăm họ". Trịnh Huyền nói: "Đấy là phép chế thời nhà Thương". Dân đều vui ca tụng đức của Cổ Công. Sách ẩn: Thi tụng chép: "Cháu của Hậu Tắc, sinh ta Thái Vương, phía nam núi Kì, thay bỏ nhà Thương".

Cổ Công có con cả là Thái Bá, con thứ là Ngu Trọng. Thái Khương sinh ra con út là Qúy Lịch, Chính nghĩa: Quốc ngữ chú chép: "Vua bốn nước Tề, Hứa, Thân, Lữ đều họ Khương, dòng dõi của Tứ nhạc, con nhà Thái Khương. Thái Khương là vợ của Thái Vương, mẹ của Qúy Lịch". Qúy Lịch lấy Thái Nhâm, Tập giải: Liệt nữ truyện chép: "Thái Khương là con gái họ Hữu Thai. Thái Nhâm là con gái giữa của họ Chí Nhâm". Chính nghĩa: Quốc ngữ chú chép: "Vua hai nước Chí-Trù họ Nhâm. Hề Trọng là dòng dõi của Trọng Hôi, họ nhà Thái Nhâm. Thái Nhâm là vợ của Qúy Lịch, mẹ của Văn Vương". đều là vợ hiền, Chính nghĩa: Liệt nữ truyện chép: "Thái Khương được Thái Khương cưới làm vợ, sinh ra Thái Bá, Trọng Ung, Qúy Lịch. Thái Khương có đẹp lại trinh thuận, dạy dỗ các con, đến lúc thành lớn, chưa có sai sót. Thái Vương mưu việc đều tại Thái Khương, dời chuyển tất hưng. Thái Nhâm được Qúy Lịch lấy làm vợ. Tính của Thái Nhâm thì đứng đắn thành thật, làm theo đức hạnh. Kịp lúc mang thai, mắt không nhìn màu xấu, tai không nghe tiếng dâm, miệng không nói lời kiêu, dạy được con lúc có thai, rồi sinh ra Văn Vương". Đấy đều có đức hạnh. sinh ra Xương, có điềm là thánh. Chính nghĩa: Thượng thư đế mệnh nghiệm chép: "Vào ngày giáp tí tháng cuối thu, có con chim tước đỏ ngậm tờ văn mà son bay vào đất Phong. Tờ văn ấy chép: 'Kính thắng khinh thì lành, khinh thắng kính thì diệt, nghĩa thắng dục thì thuận, dục thắng nghĩa thì xấu. Làm không chắc thì cong, không kính thì không đúng, kẻ cong thì diệt, kẻ kính thì được. Lấy nhân mà được, lấy nhân mà giữ, trải đến trăm đời. Lấy bất nhân mà được, lấy nhân mà giữ, trải đến mười đời. Lấy bất nhân mà được, lấy nhân mà giữ, chẳng được đời nào". Có lẽ đây là điềm thánh. Cổ Công nói: "Đời ta chắc có kẻ hưng, ở tại Xương chăng"? Con cả là Thái Bá, Ngu Trọng biết Cổ Công muốn lập Qúy Lịch để truyền cho Xương, hai người bèn bỏ sang đất Kinh Man, Chính nghĩa: Thái Bá sang đất Ngô, thành mà mình ở là thôn Mai Lí huyện Vô Tích châu Thường cách phía bắc châu Tô năm mươi dặm, thành và mộ Thái Bá vẫn còn. Còn nói "bỏ sang đất Kinh Man" là vì Sở diệt Việt, đất Việt thuộc Sở; Tần diệt Sở, đất Sở thuộc Tần, vua Tần húy là Sở, đổi gọi là Kinh, cho nên gọi đất Ngô-Việt là 'Kinh'. Kịp lúc người miền bắc soạn sử thì chép thêm là 'Man', là điều đương nhiên. xăm mình cắt tóc, Tập giải: Ứng Thiệu nói: "Thường ở giữa nước, cho nên cắt tóc, xăm lên mình để giống con rồng, cho nên không bị thương hại". để nhường Qúy Lịch.

Cổ Công chết, Qúy Lịch lập, đấy là Công Qúy. Công Qúy sửa đạo truyền của Cổ Công, chăm chỉ hành nghĩa, chư hầu thuận theo.

Công Qúy chết, Tập giải: Hoàng Phủ Mật nói: "Táng ở núi phía nam huyện Hộ". con là Xương lập, đấy là Tây Bá. Tây Bá là Văn Vương, Chính nghĩa: Đế vương thế kỉ chép: "Văn Vương mặt rồng vai hổ, thân dài mười thước, ngực có bốn vú". Lạc thư linh chuẩn thính chép: "Thương Đế là Cơ Xương, trán vuông mũi chim, thân cao tám thước hai tấc, thánh trí từ lí". noi nghiệp của Hậu Tắc, Công Lưu, theo thói của Cổ Công, Qúy Công, hành nhân, kính già, yêu trẻ. Lấy lễ nhún nhường với người hiền, giữa ngày không rỗi ăn cơm để tiếp đãi kẻ sĩ, do đó nhiều kẻ sĩ theo Văn Vương. Bá Di, Thúc Tề tại nước Cô Trúc, Tập giải: Ứng Thiệu nói: "Tại huyện Linh Chi quận Liêu Tây". Chính nghĩa: Quát địa chí chép: "Thành cũ Cô Trúc tại phía nam huyện Lư Long châu Bình mười hai dặm, là nước Cô Trúc chư hầu thời nhà Thương, vua họ Mặc Thai". nghe nói Tây Bá giỏi nuôi người già, cùng đến theo Tây Bá. Bọn đại phu Thái Điên, Hoành Yểu, Tán Nghi Sinh, Dục Tử, Tân Giáp đều đến theo Tây Bá. Tập giải: Biệt lục của Lưu Hướng chép: "Dục Tử tên là Hùng, phong ở đất Sở. Tân Giáp là bầy tôi cũ của nhà Ân, thờ vua Trụ, bảy mươi lăm lần can ngăn mà không nghe, bỏ đến nhà Chu, nói chuyện với Triệu Công, cho là người hiền, báo cho Văn Vương, Văn Vương tự đến đón Tân Giáp, lấy làm công khanh, phong tước cho con cả". Con cả được phong ở chỗ trị huyện của quận Thượng Đảng ngày nay.

Sùng Hầu tên là Hổ gièm Tây Bá với vua Trụ nhà Ân rằng: "Tây Bá tích thiện tu đức, chư hầu đều hướng về, sắp gây bất lợi cho nhà vua". Vua Trụ bèn giam Tây Bá ở ngục Dũ Lí. Bọn Hoành Yểu lo lắng, liền tìm người con gái họ Hữu Sân, Chính nghĩa: Quát địa chí chép: "Thành nước Sân cũ tại phía nam huyện Hà Tây châu Đồng hai mươi dặm". Thế bản chép: "Vua nước Sân, họ Tự, dòng dõi vua Vũ nhà Hạ. Bọn Tán Nghi Sinh tìm người con gái đẹp nước Hữu Sân dâng cho vua Trụ". ngựa vằn của người Li Nhung, Chính nghĩa: Quát địa chí chép: "Thành cũ Li Nhung tại phía đông nam huyện Tân Phong châu Ung mười sáu dặm, là thành nước Li Nhung thời Ân-Chu". Xét loài ngựa khỏe này bờm đỏ, thân trắng, mắt như vàng ròng, Văn Vương đem dâng vua Trụ. chín cỗ xe ngựa của họ Hữu Hùng, Chính nghĩa: Quát địa chí chép: "Huyện Tân Trịnh châu Trịnh vốn là đất của họ Hữu Hùng". Xét chín cỗ xe ngựa có ba mươi sáu con ngựa. các vật lạ khác, nhờ viên sủng thần của nhà Ân là Phí Trung mà dâng cho vua Trụ. Vua Trụ cả mừng, nói: "Một vật này là đủ để thả Tây Bá, Sách ẩn: 'Một vật này' là chỉ người con gái đẹp họ Hữu Sân. Vì vua Trụ nhà Ân hiếu dâm ưa sắc cho nên biết vậy. huống chi lại nhiều thế này"! Bèn thả Tây Bá, ban cho cung tên rìu búa, sai Tây Bá được đánh dẹp, nói: "Kẻ gièm Tây Bá là Sùng Hầu tên Hổ vậy". Tây Bá liền dâng đất phía tây sông Lạc, lại xin vua Trụ bỏ hình phạt 'bào cách'. Vua Trụ nghe theo.

Tây Bá thầm hành thiện, chư hầu đều đến xin xử công bằng. Do đó người nước Ngu-Nhuế có tranh kiện mà không quyết được, Tập giải: Địa lí chí chép: "Nước Ngu tại huyện Đại Dương quận Hà Đông, nước Nhuế tại huyện Lâm Tấn quận Phùng Dực". Chính nghĩa: Quát địa chí chép: "Thành Ngu cũ tại trên núi Ngu phía đông bắc huyện Hà Bắc châu Thiểm năm mươi dặm, là nước Ngu thời xưa. Thành Nhuế cũ tại phía tây huyện Nhuế Thành, là nước Nhuế thời xưa". Tấn Thái Khang địa kí chép: "Phía tây thành Ngu một trăm bốn mươi dặm có thành Nhuế". Quát địa chí lại chép: "Bãi đất trống tại phía tây huyện Hà Bắc sáu mươi lăm dặm". Thi chép: "Ngu-Nhuế hỏi mà xong". Mao Trường nói: "Vua hai nước Ngu-Nhuế cùng nhau tranh ruộng, lâu ngày mà không xong, bèn bảo nhau rằng: 'Tây Bá là người nhân từ, đến đấy hỏi xem". Liền cùng nhau đến nhà Chu. Vào đất Chu thì thấy người cày nhường bờ ruộng, người đi nhường đường. Vào thành ấp thì trai gái đi lối riêng, trắng đen không dìu dắt. Vào triều đình, quan sĩ nhường cho đại phu, đại phu lại nhường cho công khanh. Vua hai nước bảo nhau nói: 'Chúng ta tiểu nhân, không đáng vào triều đình của quân tử'. Rồi nhường nhau đất mà mình tranh lấy làm đất bỏ trống". Đến nay vẫn còn. bèn đến nhà Chu. Vào cõi, thấy người cày đều nhường bờ ruộng, tục dân đều nhường người già. Hai người nước Ngu-Nhuế không gặp Tây Bá, đều thẹn, bảo nhau rằng: "Cái mà ta tranh là điều mà người Chu cho là xấu hổ, còn đến làm chi mà tự chuốc lấy nhục"! Rồi về, cùng nhường rồi thôi. Chư hầu nghe tin, nói: "Tây Bá có lẽ là vua vâng mệnh từ trời".

Năm sau, đánh rợ Khuyển Nhung. Tập giải: Sơn hải kinh chép: "Có người nhưng mặt người thân thú, tên là Khuyển Nhung". Chính nghĩa: Lại chép: "Hoàng Đế sinh Miêu Long, Miêu Long sinh Dung Ngô, Dung Ngô sinh Tịnh Minh, Tịnh Minh sinh Bạch Khuyển. Bạch Khuyển có hai giống, đấy là Khuyển Nhung". Thuyết văn chép: "Xích Địch vốn là loài chó". Chữ 'Địch' gồm chữ 'khuyển'. Hậu Hán thư lại chép: "Khuyển Nhung là dòng dõi của Bàn Hồ". Ở chỗ quá nửa huyện Vũ Lâm quận Trường Sa". Mao thi sớ chép: "Khuyển Nhung, Côn Di".Năm sau, đánh nước Mật Tu. Tập giải: Ứng Thiệu nói: "Mật Tu là nước của vua họ Cô". Toản nói: "Tại huyện Âm Mật quận An Định". Chính nghĩa: "Thành cũ Âm Mật tại phía tây huyện Thuần Cô châu Kính, phía đông tiếp thành huyện, là nước Mật xưa". Năm sau, phá nước Kì. Chính nghĩa: Là nước Lê. Trâu Đản Sinh nói có sách chép là nước Lê. Khổng An Quốc nói: "Nước Lê tại phía đông bắc quận Thượng Đảng". Quát địa chí chép: "Thành Lê cũ là nước của Lê Hầu, tại phía đông bắc huyện Thành Lê châu Lộ mười tám dặm". Tổ Y là bầy tôi của nhà Ân, sợ, đem việc này báo chó vua Trụ, vua Trụ nói: "Ngươi không có mệnh trời sao? Thì làm được chi"! Năm sau, đánh nước Vu. Tập giải: Từ Quảng nói: "Thành Vu tại phía tây bắc huyện Dã Vương, đọc là 'vu'". Tả truyện chép: "Vua các nước Vu, Tấn, Ứng, Hàn là họ hàng của Vũ Vương". Năm sau, đánh Sùng Hầu tên là Hổ. Chính nghĩa: Hoàng Phủ Mật nói: "Là chỗ mà ông Cổn nhà Hạ được phong. Thời Ngu, Hạ, Thương, Chu đều là nước Sùng, nước Sùng có lẽ ở giữa đất Phong-Hạo. Thi chép: 'Đã đánh đến nước Sùng, lập ấp ở đất Phong'. Là đất của nước ấy". Lại dựng ấp Phong. Tập giải: Từ Quảng nói: "Ấp Phong tại phía đông huyện Hộ quận Kinh Triệu. Ấp Hạo tại phía bắc Côn Minh vườn Thượng Lâm, có ao Hạo, cách ấp Phong hai mươi lăm dặm, đều tại phía nam thành Tràng An mấy chục dặm". Chính nghĩa: Quát địa chí chép: "Cung ấp Phong là cung của Văn Vương nhà Chu, tại phía đông huyện Hộ châu Ung ba mươi lăm dặm. Ấp Hạo tại phía tây nam châu Ung ba mươi hai dặm". Từ dưới núi Kì mà dời đô đến ấp Phong. Năm sau, Tây Bá băng, Tập giải: Từ Quảng nói: "Văn Vương thọ chín mươi bảy tuổi thì băng". Chính nghĩa: Quát địa chí chép: "Mộ của Văn Vương nhà Chu trên bãi tại phía tây nam huyện Vạn Niên châu Ung hai mươi tám dặm". thái tử tên là Phát lập, đấy là Vũ Vương.

Tây Bá có lẽ ở ngôi năm mươi năm. Lúc bị tù ở Dũ Lí, có lẽ chồng thêm tám quẻ của kinh Dịch mà thành sáu mươi tư quẻ. Chính nghĩa: Càn tạc độ chép: "Người bày ra cách bói cỏ thi là Phục Hi, người chồng quẻ diễn giải là Văn Vương, người dẫn thành mệnh là Khổng Tử". Dịch chính nghĩa chép: "Phục Hi chế tám quẻ, Chu Công tác hào từ, Khổng Tử tác thập dực". Xét Thái sử công nói là "có lẽ" là có ý còn ngờ vực. Văn Vương có công diễn giải kinh Dịch, tác Chu bản kỉ mà khen cái hay của ông, không dám tự ý chắc chắn là chồng quẻ, cho nên nói là "có lẽ" vậy". Nhà thơ khen Tây Bá, có lẽ vào lúc chịu mệnh làm vua là lúc xử vụ kiện của Ngu-Nhuế. Chính nghĩa: Sau khi vua hai nước nhường nhau, có hơn bốn mươi nước chư hầu theo Tây Bá, đều tôn Tây Bá làm vương. Có lẽ năm ấy là năm chịu mệnh xưng xương. Đế vương thế kỉ chép: "Văn Vương lên ngôi được bốn mươi hai năm, sao tuế ở tại sao thuần hỏa, là năm đầu Văn Vương đổi hiệu chịu mệnh, bắt đầu xưng vương". Mao thi sớ chép: "Văn Vương thọ chín mươi bảy tuổi thì mất, lúc mất đã chịu mệnh chín năm, vậy thì năm đầu chịu mệnh là lúc tám mươi chín tuổi". Mười năm sau thì băng. Chính nghĩa: 'Mười năm', đáng là 'chín năm'. thụy là Văn Vương. Thụy pháp chép: "Dọc ngang trời đất gọi là 'Văn'". Nhà Chu đổi pháp độ, chế chính sóc, truy tôn Cổ Công là Thái Vương, truy tôn Công Qúy là Vương Qúy. Chính nghĩa: Dịch vĩ chép: "Văn Vương chịu mệnh, đổi chính sóc, báo hiệu vương cho thiên hạ". Trịnh Huyền tin mà chép theo, nói là Văn Vương xưng vương, đã đổi chính sóc báo hiệu vương. Xét: Trời không có hai mặt trời, đất không có hai vương, há vua Trụ nhà Ân vẫn còn mà nhà Chu xưng vương chăng? Nếu Văn Vương tự xưng vương đổi chính sóc thì công nghiệp đã thành, cớ sao Vũ Vương còn nói là công lớn chưa lập, muốn cho xong công nghiệp của cha vậy? Lễ kí đại truyện chép: "Sau trận Mục Dã thì Vũ Vương làm xong việc lớn rồi rút, truy tôn Thái Vương tên là Đản Phụ, Vương Qúy tên là Qúy Lịch, Văn Vương tên là Xương". Xét lời văn này thì truy tôn Văn Vương, sao lại chép Văn Vương tự xưng vương đổi chính sóc được? Có lẽ nghiệp vương bắt đầu từ thời Thái Vương nổi lên vậy. Chính nghĩa: Cổ Công tại đất Phân, bị rợ Nhung Địch đánh chiếm lấy dân. Cổ Công nói: "Lòng dân theo ta, cho họ khác chi? Giết cha con người ta mà làm vua người ta, ta không nỡ làm". Bèn rời xa đất Phân, dừng ở dưới núi Kì. Hết thảy người đất Phân theo Cổ Công. Người nước khác nghe tin Cổ Công nhân từ, cũng nhiều người theo về. Lại bỏ tục Nhung Địch, làm nhà cửa thôn ấp mà chia ra ở đấy. Qúy Lịch lại sinh ra Xương, có điềm thánh. Có lẽ là nghiệp vương bắt đầy từ thời Thái Vương mà nổi lên. Nhưng từ đoạn văn "Tây Bá có lẽ ở ngôi năm mươi năm" xuống đến đoạn văn "Thái Vương nổi lên" vào lúc sau khi Tây Bá băng thì kể lại việc ấy, là không giống với kinh truyện, không thể bỏ hết, nên chép sơ qua, dẫn ở dưới đây, việc này chắc đáng ngờ, cho nên nhiều lần nói là "có lẽ".

Vũ Vương lên ngôi, Chính nghĩa: Thụy pháp chép: "Đánh dẹp họa loạn gọi là 'Vũ'". Xuân thu nguyên mệnh bao chép: "Vũ Vương răng biền, đấy là cứng cỏi". Thái Công Vọng làm thái sư, Chu Công tên là Đán làm tể phụ, bọn Triệu Công, Tất Công làm Tả hữu vương, sửa trị công nghiệp của Văn Vương.

Năm thứ chín, Vũ Vương dâng tế ở đất Tất. Tập giải: Mã Dung nói: "Tất là tên đất mộ của Văn Vương". Sách ẩn: Xét "Văn Vương dâng tế ở đất Tất", vậy thì 'Tất' là tên sao trời. Sao Tất chủ việc binh, cho nên xuất quân mà tế sao Tất. Chính nghĩa: Thượng thư Vũ Thành biên chép: "Cha ta là Văn Vương, sinh ứng mệnh trời để vỗ về trăm họ, năm thứ chín rồi mà đại thống chưa nối". Thái thệ biên tự chép: "Vào năm thứ mười một, Vũ Vương đánh nhà Ân". Thái thệ biên chép: "Mùa xuân năm thứ mười ba, đại hội ở Mạnh Tân". Đại đái lễ chép: "Văn Vương mười lăm tuổi sinh Vũ Vương". Vậy thì Vũ Vương ít hơn Văn Vương mười bốn tuổi. Lễ kí Văn Vương thế tử chép: "Văn Vương thọ chín mươi bảy tuổi thì mất". Xét Văn Vương băng thì Vũ Vương đã tám mươi ba tuổi rồi, tám mươi tư tuổi thì lên ngôi, đến chín mươi ba tuổi thì băng, Vũ Vương ở ngôi không quá được mười năm. Mà đây chép năm thứ mười ba đánh vua Trụ, nối Văn Vương chịu mệnh, muốn làm rõ sự nghiệp của cha. Kim đằng biên chép: "Vua đánh nhà Ân ba năm, vua có bệnh, không vui". Xét Văn Vương chịu mệnh chín năm thì băng, năm thứ mười một Vũ Vương để tang xong, giễu binh ở Mạnh Tân, năm thứ mười ba thì đánh vua Trụ, năm thứ mười lăm thì có bệnh, Chu Công xin lệnh, vua khỏi bệnh, bốn năm sau thì băng, vậy thì Vũ Vương thọ chín mươi ba tuổi. Thế mà Thái sử công chép là năm thứ chín vua giễu binh, năm thứ mười một đánh vua Trụ, vậy thì số năm Vũ Vương lên ngôi có khác với Thượng thư rất xa. Giễu binh sang miền đông, đến tại Mạnh Tân. Làm bài vị Văn Vương, lấy xe chở ở trong quân. Vũ Vương tự xưng là Thái tử Phát, nói là vâng mệnh Văn Vương đến đánh, không dám tự ý. Lại báo cho các quan Tư mã, Tư đồ, Tư không, các tướng rằng: "Ngay ngắn, nghe đây! Ta không có trí, nhờ tổ tiên có đức thần, con nhỏ nhận công nghiệp của tổ tiên, phải đặt thưởng phạt để nối được công ấy". Rồi dấy binh. Sư Thượng Phủ gọi rằng: "Thu tập quân sĩ cùng thuyền chèo của các ngươi, kẻ đến sau thì chém". Vũ Vương qua sông Hà, giữa dòng có con cá trắng nhảy lên giữa thuyền của vua, Tập giải: Mã Dung nói: "Cá là loài có vảy che, là biểu tượng của binh giáp. Màu trắng là màu ưa thích của nhà Ân, có ý nói quân dân nhà Ân giúp nhà Chu". Sách ẩn: Dưới đây đến chỗ nói có lửa rơi xuống nhà Chu tạo thành con chim, đều thấy chép ở Chu thư và Văn thái thệ. Vũ Vương cúi lấy để tế. Đã qua sông, có lửa từ trên lại rơi xuống, đến tại chỗ của vua, chuyển thành con chim màu đỏ, kêu tiếng phanh phách. Tập giải: Trịnh Huyền nói: "Màu đỏ là màu ưa thích của nhà Chu". Sách ẩn: Xét Văn thái thệ chép: "Chuyển thành con điêu". Điêu là chim kền kền. Mã Dung nói: "Ý nói Vũ Vương đánh Trụ được". Trịnh Huyền nói: "Con chim kia là chim hiếu, nói rằng Vũ Vương tất xong công nghiệp của cha". Bấy giờ chư hầu không hẹn mà hội ở Mạnh Tân có đến tám trăm chư hầu. Chư hầu đều nói: "Đánh vua Trụ được rồi". Vũ Vương nói: "Các ngươi chưa biết mệnh trời, chưa nên". Rồi đem quân về.

Được hai năm, nghe tin vua Trụ càng thêm hôn loạn bạo ngược, giết Vương tử tênlà Bỉ Can, cầm tù Cơ Tử. Thái sư tên là Tì, Thiếu sư tên là Cương ôm đồ lễ nhạc của mình mà trốn sang nhà Chu. Do đó Vũ Vương báo khắp chư hầu rằng: "Nhà Ân tội nặng, không thể không nên đến đánh". Rồi theo phép của Văn Vương, liền phát ba trăm cỗ xe trận, ba nghìn lính hổ bôn, Tập giải: Khổng An Quốc nói: "Hổ bôn là hiệu của dũng sĩ. Như hổ vồ thú, nói đến sự dũng mãnh". bốn vạn năm nghìn quân giáp sĩ, đến phía đông đánh vua Trụ. Ngày mậu ngọ tháng mười hai năm thứ mười một, quân qua Mạnh Tân hết, chư hầu đều hội, Vũ Vương nói: "Hăng hái chớ lười"! Vũ Vương lại tác bài văn 'Thái thệ' báo với mọi người rằng: "Nay vua Trụ nhà Ân lại nghe lời của người vợ, tự dứt với trời, hủy hoại tam chính, Tập giải: Mã Dung nói: "Đảo ngược trời, đất, người". Chính nghĩa: Xét tam chính là tam thống. Nhà Chu lấy tháng kiến tí là thiên thống. Nhà Ân lấy tháng kiến sửu là địa thống. Nhà Hạ lấy tháng kiến dần là nhân thống. rời xa anh em thân tộc của mình, lại vứt bỏ đồ lễ nhạc của tổ tiên, tác nhạc tiếng dâm, làm biến loạn tiếng hay, cho hợp ý vợ. Cho nên nay ta cùng các người vâng mệnh trời đến phạt tội. Gắng lên các phu tử, Tập giải: Trịnh Huyền nói: "Phu tử là tên gọi của đàn ông". không đánh lần hai, không đánh lần ba"!

Tảng sáng ngày giáp tí tháng hai, Tập giải: Từ Quảng nói: "Có sách chép là tháng giêng. Đấy là tháng kiến sửu, tháng giêng theo lịch của nhà Ân, tháng hai theo lịch của nhà Chu". Vũ Vương buổi sáng đến tại bãi Mục Dã ngoài thành nhà Thương, lại thề. Tập giải: Khổng An Quốc nói: "Buổi tối ngày quý hợi bày binh, buổi sáng ngày giáp tí cáo thề". Chính nghĩa: Quát địa chí chép: "Thành châu Vệ, người già cũ nói là Vũ Vương nhà Chu đánh vua Trụ đến bãi Mục Dã ngoài thành nhà Thương có đắp thành ấy. Thủy kinh chú của Lịch Đạo Nguyên chép: "Từ huyện Triều Ca xuống phía nam đến sông Thanh, đất đai rộng phẳng, đầm bãi miên man, đều là chỗ chăn thả được". Quát địa chí chép: "Vua Trụ đô ở Triều Ca tại phía đông bắc châu Vệ hai mươi ba dặm là thành cũ Triều Ca". Vốn là ấp Muội, vua Vũ Đinh nhà Ân lúc đầu đô ở đấy". Đế vương thế kỉ chép: "Vua Ất lại qua sông Hà lên phía bắc, dời đến Triều Ca, con là vua Trụ vẫn đô ở đấy". Vũ Vương tay trái cầm rìu vàng, tay phải nắm cờ trắng để xua quân. Nói: "Xa rồi hỡi những người con miền tây"! Vũ Vương nói: "Hầy! Những vị vua lớn của ta, các quan Tư đồ, Tư mã, Tư không, Á lữ, Sư thị, Tập giải: Khổng An Quốc nói: "Á là thứ. Lữ là các đại phu, ngôi vị sau quan khanh. Sư thị là quan đại phu, đem binh giữ cửa". Thiên phu trưởng, Bách phu trưởng cùng người các nước Dung, Thục, Khương, Mao, Vi, Lô, Bành, Bộc, Tập giải: Khổng An Quốc nói: "Tám nước đều là người Man-Di-Nhun-Địch. Khương ở phía tây. Thục, Tẩu, Mao, Vi tại miền Ba-Thục. Lô-Bành tại miền tây bắc. Dung-Bộc tại phía nam sông Giang-Hán". Mã Dung nói: "Vũ Vương lĩnh quân các nước ấy đi đến đánh vua Trụ". Chính nghĩa: Quát địa chí chép: "Huyện Trúc Sơn châu Phòng và châu Kim là nước Dung cổ. Châu Ích và các châu Ba, Lợi đều là nước Thục cổ. Các châu Mân, Thao, Tùng miền Lũng Hữu về phía tây là nước Khương. Từ Diêu Phủ về phía nam là đất của nước Mao. Phía nam Nhung Phủ là đất của ba nước Vi, Lô, Bành cổ. Nước Bộc tại phía tây nam nước Sở. Có châu Mao, châu Vi, châu Bộc. Vũ Vương đem người rợ miền tây nam đi đánh vua Trụ". giương qua lên, bày can ra, tựa mâu thẳng, nghe ta thề". Vũ Vương nói: "Người xưa có nói: 'Gà mái không báo sáng, gà mái báo sáng thì nhà trơ trọi'. Tập giải: Khổng An Quốc nói: "Trơ trọi là hết. Ví đàn bà làm việc ngoài thì như gà mái thay gà trống gáy sáng, thì nhà tan hết". Nay vua Trụ nhà Ân theo lời đàn bà là đáng dùng, tự vứt đồ tế tự của tổ tiên mà không hỏi, bỏ đi nhà nước của mình, không dùng anh em họ hàng, chỉ chuộng những kẻ có tội trốn tránh trong bốn cõi, tin dùng chúng nó, lại làm bạo ngược với trăm họ, gây việc gian tà ở nhà Thương. Nay ta phát binh cùng vâng mệnh trời phạt tội. Việc ở hôm nay không quá sáu bước bảy bước là dừng lại sửa sang, các ngươi gắng lên! Không quá bốn nhát, năm nhát, sáu nhát, bảy nhát chém, lại dừng lại sửa sang, các ngươi gắng lên! Hãy hăng hăng như hổ như gấu, như sói như li, ở ngoài thành nhà Thương không phải chặn đánh quân địch bỏ chạy, cho họ theo về quân miền tây. Gắng kên các ngươi! Nếu các ngươi không gắng, ta sẽ bị giết các ngươi". Thề xong, bốn nghìn cỗ xe của quân chư hầu hội lại bày trận ở bãi Mục Dã.

Vua Trụ nghe tin Vũ Vương đến, cũng phát bảy mươi vạn quân lính chống Vũ Vương. Vũ Vương sai Sư Thượng Phủ cùng trăm người lên đánh, Tập giải: Trịnh Huyền nói: "Lên đánh, phải có ý cùng đánh. Thời xưa lúc sắp đánh, sai quân dũng mãnh lên trước phạm vào quân địch". Xuân thu truyện chép: "Vua Sở sai Hứa Bá lái xe ngựa, Nhạc Bá-Nhiếp Thúc ở bên phải để xông vào quân Tấn. Hứa Bá nói: 'Ta nghe nói lên đánh là lấy được cờ tinh, phá lũy rồi về'. Nhạc Bá nói: 'Ta nghe nói lên đánh là phải tay trái bắn tên nhọn, thay người lái xe ngựa cầm dây cương, nắm lấy hau con ngựa, kéo dây cương lôi mà về'. Nhiếp Thúc nói: 'Ta nghe nói lên đánh là bên phải vào lũy, chém đầu bắt địch mà về'. Đều làm theo những điều mà mình nghe rồi quay về". đem đại tốt đuổi quân của vua Trụ. Chính nghĩa: Đại tốt là ba trăm năm mươi cỗ xe ngựa, hai vạn sáu ngàn hai trăm năm mươi quân lính, có ba ngàn quân hổ bôn.Quân vua Trụ dẫu đông nhưng đều không có ý đánh, ý muốn Vũ Vương vào nhanh. Quân vua Trụ đều cầm ngược giáo mà để đánh để đón Vũ Vương. Vũ Vương xua vào, quân vua Trụ đều vỡ phản lại vua Trụ. Vua Trụ chạy quay về lên trên đài Lộc, mặc trùm châu ngọc lên người, Chính nghĩa: Chu thư chép: "Buổi đêm ngày giáp tí, vua Trụ lấy năm chuỗi ngọc thiên trí quấn người để tự đốt". Chú: Ngọc thiên trí là ngọc tốt, quấn quanh người cho tự coi trọng. Đốt cả thảy bốn nghìn viên ngọc, các thứ ngọc khác đều tiêu, còn ngọc thiên trí không tiêu, cả thân vua Trụ không cháy hết. tự đốt trong lửa mà chết. Vũ Vương cầm cờ trắng to để hiệu chư hầu, chư hầu đều bái Vũ Vương, Vũ Vương bèn lĩnh chư hầu, chư hầu đều theo. Vũ Vương vào thành nhà Thương, Chính nghĩa: Nói là vào thành Triều Ca. trăm họ nhà Thương đều đợi ở ngoài thành. Do đó Vũ Vương sai bầy tôi cáo dụ trăm họ nhà Thương rằng: "Thiên tử ban lành"! Người nhà Thương đều cúi đầu bái lạy, Vũ Vương cũng bái lại. Sách ẩn: Vũ Vương dẫu là tôi mà đánh vua, vả lại có ý thẹn, không ưng nhận bái lạy của người nhà Thương. Thái sử công không chép. Xét lời trên thì chư hầu đều chúc mừng Vũ Vương, Vũ Vương còn đang vái chào, không rỗi xuống bái người nhà Ân. Rồi vào, đến chỗ vua Trụ chết. Vũ Vương tự bắn vào đấy, sau ba phát thì xuống xe, lấy kiếm nhẹ đâm vào, Chính nghĩa: Chu thư chép: "Lấy kiếm khinh lữ chém vào". Khinh lữ là tên kiếm. lấy rìu vàng chém đầu vua Trụ, treo ở cờ trắng to. Rồi lại đến chỗ hai người thiếp yêu của vua Trụ, hai người thiếp đều treo cổ tự sát, lấy kiếm ngắn đâm, dùng rìu đen chém, Tập giải: Tư mã pháp chép: "Nhà Hạ cầm rìu đen". Tống Quân nói: "Rìu đen làm bằng sắt, không mài nhẵn". treo đầu ở cờ trắng nhỏ. Rồi Vũ Vương lại xuất quân ra.

Hôm sau đó, trừ đường, sửa miếu xã và cung thất của vua Trụ nhà Thương. Đến hẹn, trăm tên lính vác cờ xí để đi trước. Tập giải: Độc đoán của Sái Ung chép: "Đi trước có quân cầm chín lá cờ xí hình đám mây". Em của Vũ Vương là Thúc Chấn cầm lắc bày xe thường, Chu Công Đán cầm rìu lớn, Tất Công cầm rìu nhỏ. Tán Nghi Sinh, Thái Điên, Hoành Yểu đều cầm kiếm ngắn để hộ vệ Vũ Vương. Đã vào, dừng ở phía nam miếu xã, tả hữu đại tốt đều đi theo. Mao Thúc tên là Trịnh dâng nước trong, Vệ Khang Thúc trải chiếu bố tư, Triệu Công tên là Thích dâng vải màu, Sư Thượng Phủ dắt vật tế đến, Y Dật dâng biểu mừng nói: "Cháu đời cuối của nhà Ân tên là Qúy Trụ, cắt bỏ đức sáng của tổ tiên, khinh nhờn thần linh mà không tế, bạo ngược trăm họ nhà Thương, tội này đã nêu rõ tới thượng đế thiên hoàng". Do đó Vũ Vương bái lạy cúi đầu, nói: "Nhận lấy mệnh lớn mà thay nhà Ân, vâng mệnh của trời". Vũ Vương bái lạy cúi đầu nữa rồi ra.

Các học giả xem rộng sách vở còn phải tin xem ở lục nghệ (sáu kinh Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Xuân thu, Dịch). Thi-Thư dẫu khuyết nhưng lời văn chép về thời Ngu-Hạ vẫn biết được. Vua Nghiêu muốn thoái ngôi, nhường cho Ngu Thuấn. Giữa thời vua Thuấn-Vũ, các quan đều chọn, bèn thử họ ở ngôi, coi việc mấy chục năm, Chính nghĩa: Thuấn-Vũ đều nắm chức vụ hơn hai chục năm rồi mới lên ngôi vua. công lao đã lập, sau đó truyền ngôi. Nêu rõ thiên hạ là của nặng, đế vương là người nối dõi lớn nhất, trao thiên hạ khó như thế. Vậy nên có người nói rằng vua Nghiêu nhường thiên hạ cho Hứa Do,Chính nghĩa: Cao sĩ truyện của Hoàng Phủ Mật chép: "Hứa Do tên chữ là Vũ Trọng. Vua Nghiêu nghe tin mà nhường thiên hạ cho ông, nhưng ông lại lui về ở phía bắc sông Dĩnh miền trung nhạc (núi Tung), ở dưới núi Kì mà ẩn náu. Vua Nghiêu lại gọi làm người đứng đầu chín châu, Do không muốn nghe lời ấy, rửa tai ở bờ sông Dĩnh. Bấy giờ có Sào Phủ dắt bê muốn cho nó uống nước ở đấy, hỏi vì sao. Đáp rằng: 'Vua Nghiêu muốn gọi ta làm người đứng đầu chín châu, ta ghét nghe lời ấy, cho nên rửa tai'. Sào Phủ nói: 'Nếu ngài ở chỗ khe sâu vực cao, không qua lại với người đời thì ai biết ngài? Đấy là vì ngài còn phù du, muốn tìm nghe danh dự của mình. Bẩn miệng bê ta"! Dắt bê lên dòng trên mà cho nó uống. Hứa Do chết, táng ở núi ấy, cũng gọi là núi Hứa Do". Tại phía nam huyện Dương Thành châu Lạc mười ba dặm. nhưng Hứa Do không nhận, hổ thẹn mà bỏ trốn. Kịp vào thời nhà Hạ, có Biện Tùy, Vụ Quang cũng như vậy. Sao lại không khen họ?Sách ẩn: Xét: 'Có người nói' là bảo các bản chép của các nhà. Còn việc vua Nghiêu nhường ngôi cho Hứa Do, kịp đến thời nhà Hạ lại có bọn Biện Tùy, Vụ Quang; vua Thang nhà Ân nhường thiên hạ cho họ nhưng đều không nhận mà trốn đi, việc này đều chép tại Trang Chu nhượng vương biên. Chính nghĩa: Kinh sử chỉ khen Bá Di, Thúc Tề mà không nói đến Hứa Do, Biện Tùy, Vụ Quang, không chỉ thiếu mà còn ít thấy, sao lại thế? Cho nên mới nói 'sao lại không khen họ' là không khen nói về họ vậy.

Thái sử công nói: Ta lên núi Kì, trên núi ấy có lẽ có mộ của Hứa Do. Khổng Tử xếp bày người hiền thánh nhân từ, bàn về những người như Ngô Thái Bá, Bá Di là rõ rồi. Ta nghe nói bọn Do-Quang có nghĩa cao lắm, [color=red]Sách ẩn: Nói là Thái sử công Nghe Trang Chu nói về bọn Hứa Do, Vụ Quang vậy. Nhường thiên hạ cho Hứa Do, Do bèn trốn ở núi Kì, rửa tai ở sông Dĩnh; Biện Tùy tự nhảy xuống sông Đồng; Vụ Quang cõng đã tự chìm ở sông Lô; đấy là nghĩa cao lắm. văn chép về họ không chỉ ít mà còn ít thấy, sao vậy?

Khổng Tử nói: "Dá Di, Thúc Tề không màng thù cũ, ít nói lời oán". "Tìm ý nhân từ thì được ý nhân từ, sao lại oán nhỉ"? Ta buồn cho ý của Bá Di, xem qua lời thơ thì thấy đáng cho là lạ thật đấy!Sách ẩn: Nói 'buồn' là việc anh em họ nhường nhau, lại khen cho việc không ăn thóc nhà Chu mà chết đói. Còn nói 'lạ thật đấy', xét Luận ngữ chép "tìm ý nhân từ thì được ý nhân từ, sao lại oán nhỉ", mà nay lời thơ chép "ta biết về đâu nhỉ, ô hô chết rồi, mạng ta hết rồi", là lời oán, cho nên nói là 'lạ thật đấy'. Truyện về họ rằng:

Bá Di, Thúc Tề là hai con của vua nước Cô Trúc. Sách ẩn: Xét: Nói 'truyện chép về họ' có lẽ là sách Hàn thi ngoại truyện và Lữ thị xuân thu. Truyện này chép rằng: "Vua Cô Trúc được vua Thang nhà Ân phong nước vào ngày bính dần tháng ba. Truyền nhau đến đời cha của Di-Tề tên là Sơ, tên chữ là Từ Triều. Bá Di tên là Doãn, tên chữ là Công Tín. Thúc Tề tên là Trí, tên chữ là Công Đạt". Xét: Địa lí chí chép: "Thành Cô Trúc tại huyện Linh Chi quận Liêu Tây". Ứng Thiệu nói: "Là nước của Bá Di, vua nước này họ Mặc Thai". Chính nghĩa: Quát địa lí chí chép: "Thành cũ nước Cô Trúc tại phía nam huyện Lư Long mười hai dặm, thời nhà Ân là nước chư hầu Cô Trúc". Cha muốn lập Thúc Tề, kịp lúc cha chết, Thúc Tề nhường Bá Di. Bá Di nói: "Là mệnh của cha vậy". Rồi bỏ đi. Thúc Tề cũng không chịu lập mà trốn đi. Người trong nước lập con giữa của vua. Do đó Bá Di, Thúc Tề nghe nói Tây Bá tên là Xương giỏi nuôi người già, bèn theo về với. Kịp lúc đến nơi, Tây Bá chết, Vũ Vương chở bài vị Tây Bá, hiệu là Văn Vương, sang đông đánh vua Trụ. Bá Di, Thúc Tề lôi ngựa mà can rằng: "Cha chết mà không chôn, lại dùng đến can qua, có thể nói là hiếu không? Là tôi mà giết vua, có thể nói là nhân không"? Tả hữu muốn đánh hai người. Thái Công nói: "Đấy là người có nghĩa vậy". Cho người ôm mà đẩy ra. Vũ Vương đã bình loạn nhà Ân, thiên hạ thờ nhà Chu, nhưng Bá Di, Thúc Tề cho là xấu hổ, không chịu ăn thóc của nhà Chu, náu ở núi Thủ Dương, Tập giải: Mã Dung nói: "Núi Thủ Dương tại giữa chỗ gập khúc sông Hà phía bắc núi Hoa huyện Bồ Bản quận Hà Đông". Chính nghĩa: Tào Đại Gia chú U thông phú nói: "Di Tề chết đói ở núi Thủ Dương, tại đầu quận Lũng Tây". Tây chinh kí của Đái Diên Chi chép: "Núi Thủ Dương ở phía đông bắc thành Lạc Dương có miều thờ Di-Tề". Nay tại phía tây bắc huyện Yển Sư. Mạnh Tử chép: "Di-Tề tránh vua Trụ, cư ở bờ sông miền Bắc Hải". Núi Thủ Dương, theo Thuyết văn chép: "Núi Thủ Dương tại quận Liêu Tây". Sử truyện và các sách chép Di-Tề đói ở núi Thủ Dương, cả thảy có năm chỗ, đều có chứng cứ, trước sau không rõ. Trang Tử chép: "Bá Di, Thúc Tề về phía tây đến chỗ phía nam núi Kì, thấy Vũ Vương nhà Chu đánh nhà Ân, nói: 'Ta nghe nói kẻ sĩ thời xưa gặp thời trị không tránh việc làm quan, gặp thời loạn không làm việc sống cho qua. Nay thiên hạ tăm tối, nhà Chu đức suy, nếu theo nhà Chu thì làm bẩn thân ta, không bằng tránh nhà Chu để cho đức ta trong sạch'. Hai người lên phía bắc đến núi Thủ Dương, rồi đói bụng mà chết". Lại nữa phần dưới có thơ là rằng: "Lên núi tây này", là núi Thủ Dương huyện Thanh Nguyên ngày nay, tại phía tây bắc huyện Kì Dương, rõ là chỗ Di-Tề chết đói. hái rau vi mà ăn. Chính nghĩa: Mao thi thảo mộc sớ của Lục Cơ chép: "Rau vi là rau mọc trên núi, cành lá đều như cây đậu nhỏ, mọc leo, mùi nó như mùi lá đậu nhỏ, nấu canh được, cũng ăn sống được". Kịp lúc đói sắp chết, tác bài hát, lời hát rằng: "Lên núi tây này, Xét 'núi tây' là núi Thủ Dương. hái lấy rau vi. Lấy bạo để thay bạo, không biết đấy là sai. Sách ẩn: Nói là tôi bạo Vũ Vương thay vua bạo Ân Trụ mà không tự biết mình sai. Thần Nông-Ngu-Hạ, xưa đã qua đi, ta biết về đâu nhỉ? Sách ẩn: Nói là thời Phục Hi, Thần Nông, Ngu, Hạ có cái đạo nhường ngôi chân phác, đã qua lâu rồi, mất hết rồi. Nay gặp lúc vua tôi tranh cướp, cho nên nói 'ta biết về đâu'? Ô hô chết rồi, mạng ta hết rồi"! Sách ẩn: Nói là đến nay chết đói cũng là vận mệnh suy bạc, không gặp thời có đạo lớn, đến nỗi u uất mà chết đói. Cuối cùng chết đói ở núi Thủ Dương.

Chu bản kỉ

Vũ Vương đem dân còn lại của nhà Ân phong cho con vua Trụ là Lộc Phủ. Vì nhà Ân mới định dân chưa an tập cho nên Vũ Vương sai em mình là Quản Thúc tên là Tiên, Sái Thúc tên là Độ cùng Lộc Phủ trị ở đất Ân. Chính nghĩa: Địa lí chí chép: "Quận Hà Nội là đô cũ của nhà Ân. Nhà Chu đã diệt nhà Ân, chia kinh kì nhà Ân làm ba nước, kinh Thi chép là ba nước Bội, Dong, Vệ. Lấy nước Bội phong cho con vua Trụ tên là Vũ Canh, lấy nước Dong phong cho Quản Thúc giữ, lấy nước Vệ phong cho Sái Thúc giữ; để trông coi dân nhà Ân; gọi là 'Tam giám'". Đế vương thế kỉ chép: "Từ đô nhà Ân về phía đông là nước Vệ, cho Quản Thúc trông coi; từ đô nhà Ân về phía tây là nước Dong, cho Sái Thúc trông coi; từ đô nhà Ân lên phía bắc là nước Bội, cho Hoắc Thúc trông coi; đấy là 'Tam giám'". Xét: Hai thuyết đều khác, không rõ. Rồi lại sai Triệu Công cởi trói cho Cơ Tử, sai Tất Công cỏi trói cho trăm họ, khen Thương Dung ở cổng ngõ; sai Nam Cung Quát chia tiền ở đài Lộc, phát thóc ở kho Cự Kiều để cấp cho người dân nghèo yếu; sai Nam Cung Quát, quan Thái sử tên là Dật bày ngọc báu cửu đỉnh; sai Hoành Yểu đắp mộ của Bỉ Can; sai quan Tông chúc cúng tế cho quân sĩ. Rồi bãi binh về miền tây. Đi tuần thú, ghi chính sự, tác bài văn 'Vũ thành'. Phong cho chư hầu, ban cho họ đồ tế tông miếu, chia các đồ vật của nhà Ân cho họ. Vũ Vương truy xét những vị vua hiền thời trước, bèn thưởng phong dòng dõi Thần Nông ở nước Tiêu, Tập giải: Địa lí chí chép: "Huyện Thiểm quận Hoằng Nông có thành Tiêu, là nước Tiêu xưa"., phong dòng dõi Hoàng Đế ở nước Chúc, Chính nghĩa: Phục Kiền nói: "Quận Đông Hải có huyện Chúc Kì". phong dòng dõi vua Nghiêu ở đất Kế, Tập giải: Địa lí chí chép: "Nước Yên có huyện Kế". phong dòng dõi vua Thuấn ở nước Trần, Chính nghĩa: Quát địa chí chép: "Trong thành Trần tại huyện Uyển Khâu châu Trần là nước Trần xưa. Dòng dõi vua Thuấn tên là Át Phủ làm quan Đào chính của Vũ Vương nhà Chu, Vũ Vương được nhờ vào đồ dùng của Át Phủ, bèn phong cho con của Át Phủ tên là Quy Mãn ở nước Trần, đô ở bên huyện Uyển Khâu". phong dòng dõi vua Vũ ở nước Kỉ. Chính nghĩa: Quát địa chí chép: "Huyện Ung Khâu châu Biện là nước Kỉ xưa". Địa lí chí chép: "Đô của nước Kỉ xưa là thành ấy. Vũ Vương nhà Chu phong dòng dõi vua Vũ ở nước Kỉ, hiệu là Đông Lâu Công, truyền hai mươi mốt đời thì bị nước Sở diệt". Do đó phong cho công thần mưu sĩ, mà Sư Thượng Phủ được phong trước; phong Sư Thượng Phủ ở ấp Doanh Khâu, gọi là nước Tề; Chính nghĩa: Nhĩ nhã chép: "Sông chảy từ phía trước đất ấy rồi rẽ sang trái gọi là Doanh Khâu". Quách Phác nói: "Ấp Doanh Khâu của nước Tề ngày nay có sông Truy chảy qua mé nam và mé đông". Chính nghĩa: Thủy kinh chú chép: "Trong thành Lâm Truy có gò. Huyện Lâm Truy châu Thanh là ấp Doanh Khâu thời xưa. Là kinh đô nước Tề mà Lữ Vọng được phong. Ấp Doanh Khâu tại giữa ngoài thành phía bắc huyện trăm bước". Dư địa chí chép: "Nhà Tần lập thành huyện, thành này kề sông Truy cho nên đặt tên là Lâm Truy". phong em là Chu Công tên là Đán ở ấp Khúc Phụ, gọi là nước Lỗ; Tập giải: Ứng Thiệu nói: "Ấp Khúc Phụ tại giữa thành Lỗ, thế đất uốn cong dài bảy, tám dặm". Chính nghĩa: Đế vương thế kỉ chép: "Viêm Đế từ đất Trần đến dựng đô ở ấp Khúc Phụ nước Lỗ. Hoàng Đế lên ngôi vua ở đất Cùng Tang, sau dời đến Khúc Phụ. Thiếu Hạo dựng ấp ở Cùng Tang, sau đó lên ngôi vị, đóng đô ở Khúc Phụ. Vua Chuyên Húc lúc đầu đô ở Cùng Tang, sau lại dời đến ấp Thương Khâu". Đất Cùng Tang tại phía bắc nước Lỗ, có người nói Cùng Tang là Khúc Phụ, lại là nước cũ của họ Đại Đình, lại là đất Yểm thời nhà Thương. Hoàng Phủ Mật nói: "Hoàng Đế sinh ở Thọ Khâu, tại phía bắc cửa đông thành Lỗ; trú ở gò Hiên Viên, theo Sơn hải kinh chép là giữa đất Cùng Tang, phía nam đất Tây Xạ". Quát địa chí chép: "Thành ngoài huyện Khúc Phụ châu Duyện là thành nước Lỗ cũ do con của Chu Công Đán tên là Bá Li đắp". phong Triệu Công tên là Thích ở nước Yên; Chính nghĩa: Thủy kinh chú chép: "Góc tây bắc trong thành Kế có gò Kế, nhân đó mà đặt tên ấy". Quát địa chí chép: "Núi Yên tại phía đông nam huyện Ngư Dương châu U sáu mươi dặm". Tông quốc đô thành kí của Từ Tài chép: "Vũ Vương nhà Chu phong Triệu Công tên là Thích ở nước Yên, đất ấy tại cánh đồng ven núi Yên, cho nên đặt làm tên nước". Xét: Nhà Chu lấy năm bậc tước mà phong chư hầu, hai nước Kế, Yên đều do Vũ Vương phong, dựa vào núi Yên, gò Kế mà đặt tên, đất ấy đủ tự dựng nước. Kịp lúc nước Kế suy nước Yên thịnh, bèn chiếm cả nước Kế, tên nước Kế bèn mất. Huyện Kế châu U ngày nay là nước Yên xưa. phong em tên là Tiên ở đất Quản; Chính nghĩa: Quát địa chí chép: "Thành ngoài huyện Quản Thành châu Trịnh là nước Quản xưa, là chỗ mà em của Vũ Vương nhà Chu tên là Tiên được phong". phong em tên là Độ ở đất Sái; Chính nghĩa: Quát địa chí chép: "Phía bắc châu Dự bảy mươi dặm có huyện Thượng Sái, là nước Sái cũ, Vũ Vương phong em tên là Độ ở đất Sái. Phía đông huyện mười dặm có đồi Sái, nhân đó đặt tên nước". các chư hầu còn lại lần lượt cũng được phong.

Vũ Vương đem dân còn lại của nhà Ân phong cho con vua Trụ là Lộc Phủ. Vì nhà Ân mới định dân chưa an tập cho nên Vũ Vương sai em mình là Quản Thúc tên là Tiên, Sái Thúc tên là Độ cùng Lộc Phủ trị ở đất Ân. Chính nghĩa: Địa lí chí chép: "Quận Hà Nội là đô cũ của nhà Ân. Nhà Chu đã diệt nhà Ân, chia kinh kì nhà Ân làm ba nước, kinh Thi chép là ba nước Bội, Dong, Vệ. Lấy nước Bội phong cho con vua Trụ tên là Vũ Canh, lấy nước Dong phong cho Quản Thúc giữ, lấy nước Vệ phong cho Sái Thúc giữ; để trông coi dân nhà Ân; gọi là 'Tam giám'". Đế vương thế kỉ chép: "Từ đô nhà Ân về phía đông là nước Vệ, cho Quản Thúc trông coi; từ đô nhà Ân về phía tây là nước Dong, cho Sái Thúc trông coi; từ đô nhà Ân lên phía bắc là nước Bội, cho Hoắc Thúc

trông coi; đấy là 'Tam giám'". Xét: Hai thuyết đều khác, không rõ. Rồi lại sai Triệu Công cởi trói cho Cơ Tử, sai Tất Công cỏi trói cho trăm họ, khen Thương Dung ở cổng ngõ; sai Nam Cung Quát chia tiền ở đài Lộc, phát thóc ở kho Cự Kiều để cấp cho người dân nghèo yếu; sai Nam Cung Quát, quan Thái sử tên là Dật bày ngọc báu cửu đỉnh; sai Hoành Yểu đắp mộ của Bỉ Can; sai quan Tông chúc cúng tế cho quân sĩ. Rồi bãi binh về miền tây. Đi tuần thú, ghi chính sự, tác bài văn 'Vũ thành'. Phong cho chư hầu, ban cho họ đồ tế tông miếu, chia các đồ vật của nhà Ân cho họ. Vũ Vương truy xét những vị vua hiền thời trước, bèn thưởng phong dòng dõi Thần Nông ở nước Tiêu, Tập giải: Địa lí chí chép: "Huyện Thiểm quận Hoằng Nông có thành Tiêu, là

nước Tiêu xưa"., phong dòng dõi Hoàng Đế ở nước Chúc, Chính nghĩa: Phục Kiền nói: "Quận Đông Hải có huyện Chúc Kì". phong dòng dõi vua Nghiêu ở đất Kế, Tập giải: Địa lí chí chép: "Nước Yên có huyện Kế". phong dòng dõi vua Thuấn ở nước Trần, Chính nghĩa: Quát địa chí chép: "Trong thành Trần tại huyện Uyển Khâu châu Trần là nước Trần xưa. Dòng dõi vua Thuấn tên là Át Phủ làm quan Đào chính của Vũ Vương nhà Chu, Vũ Vương được nhờ vào đồ dùng của Át Phủ, bèn phong cho con của Át Phủ tên là Quy Mãn ở nước Trần, đô ở bên huyện Uyển Khâu". phong dòng dõi vua Vũ ở nước Kỉ. Chính nghĩa: Quát địa chí chép: "Huyện Ung Khâu châu Biện là nước Kỉ xưa". Địa lí chí chép: "Đô của nước

Kỉ xưa là thành ấy. Vũ Vương nhà Chu phong dòng dõi vua Vũ ở nước Kỉ, hiệu là Đông Lâu Công, truyền hai mươi mốt đời thì bị nước Sở diệt". Do đó phong cho công thần mưu sĩ, mà Sư Thượng Phủ được phong trước; phong Sư Thượng Phủ ở ấp Doanh Khâu, gọi là nước Tề; Chính nghĩa: Nhĩ nhã chép: "Sông chảy từ phía trước đất ấy rồi rẽ sang trái gọi là Doanh Khâu". Quách Phác nói: "Ấp Doanh Khâu của nước Tề ngày nay có sông Truy chảy qua mé nam và mé đông". Chính nghĩa: Thủy kinh chú chép: "Trong thành Lâm Truy có gò. Huyện Lâm Truy châu Thanh là ấp Doanh Khâu thời xưa. Là kinh đô nước Tề mà Lữ Vọng được phong. Ấp Doanh Khâu tại giữa ngoài thành phía bắc huyện trăm bước". Dư địa chí chép: "Nhà Tần lập thành huyện, thành này kề sông Truy

cho nên đặt tên là Lâm Truy". phong em là Chu Công tên là Đán ở ấp Khúc Phụ, gọi là nước Lỗ; Tập giải: Ứng Thiệu nói: "Ấp Khúc Phụ tại giữa thành Lỗ, thế đất uốn cong dài bảy, tám dặm". Chính nghĩa: Đế vương thế kỉ chép: "Viêm Đế từ đất Trần đến dựng đô ở ấp Khúc Phụ nước Lỗ. Hoàng Đế lên ngôi vua ở đất Cùng Tang, sau dời đến Khúc Phụ. Thiếu Hạo dựng ấp ở Cùng Tang, sau đó lên ngôi vị, đóng đô ở Khúc Phụ. Vua Chuyên Húc lúc đầu đô ở Cùng Tang, sau lại dời đến ấp Thương Khâu". Đất Cùng Tang tại phía bắc nước Lỗ, có người nói Cùng Tang là Khúc Phụ, lại là nước cũ của họ Đại Đình, lại là đất Yểm thời nhà Thương. Hoàng Phủ Mật nói: "Hoàng Đế sinh ở Thọ Khâu, tại phía bắc cửa đông thành Lỗ;

trú ở gò Hiên Viên, theo Sơn hải kinh chép là giữa đất Cùng Tang, phía nam đất Tây Xạ". Quát địa chí chép: "Thành ngoài huyện Khúc Phụ châu Duyện là thành nước Lỗ cũ do con của Chu Công Đán tên là Bá Li đắp". phong Triệu Công tên là Thích ở nước Yên; Chính nghĩa: Thủy kinh chú chép: "Góc tây bắc trong thành Kế có gò Kế, nhân đó mà đặt tên ấy". Quát địa chí chép: "Núi Yên tại phía đông nam huyện Ngư Dương châu U sáu mươi dặm". Tông quốc đô thành kí của Từ Tài chép: "Vũ Vương nhà Chu phong Triệu Công tên là Thích ở nước Yên, đất ấy tại cánh đồng ven núi Yên, cho nên đặt làm tên nước". Xét: Nhà Chu lấy năm bậc tước mà phong chư hầu, hai nước Kế, Yên đều do Vũ Vương phong, dựa vào núi Yên, gò Kế mà đặt tên, đất ấy đủ tự

dựng nước. Kịp lúc nước Kế suy nước Yên thịnh, bèn chiếm cả nước Kế, tên nước Kế bèn mất. Huyện Kế châu U ngày nay là nước Yên xưa. phong em tên là Tiên ở đất Quản; Chính nghĩa: Quát địa chí chép: "Thành ngoài huyện Quản Thành châu Trịnh là nước Quản xưa, là chỗ mà em của Vũ Vương nhà Chu tên là Tiên được phong". phong em tên là Độ ở đất Sái; Chính nghĩa: Quát địa chí chép: "Phía bắc châu Dự bảy mươi dặm có huyện Thượng Sái, là nước Sái cũ, Vũ Vương phong em tên là Độ ở đất Sái. Phía đông huyện mười dặm có đồi Sái, nhân đó đặt tên nước". các chư hầu còn lại lần lượt cũng được phong.

Vũ Vương gọi quân trưởng ở khắp chín châu đến, trèo lên gò Bân để nhìn ấp của nhà Ân. Vũ Vương về đến nhà Chu, suốt đêm không ngủ. Chính nghĩa: Nhà Chu là thành Hạo. Vũ Vương đánh vua Trụ, về đến thành Hạo, lo nghĩ chưa yên định được thiên hạ, cho nên suốt đêm không ngủ được. Chu Công tên là Đán đến chỗ Vũ Vương nói: "Sao lại không ngủ"? Vũ Vương nói: "Nói cho ngươi biết: Trời không giúp nhà Ân, từ lúc Phát chưa sinh đến nay là sáu mươi năm, hưu nai ở ven thành, Tập giải: Từ Quảng nói: "Việc này chép từ Chu thư và Tùy Sào Tử, chép rằng: "Di dương tại mục". Mục là ven thành. Di dương là vật quái gở. phỉ hồng bay đầy đồng. Sách ẩn: Xét: Cao Dụ nói: "Phỉ hồng là sâu mối". Nói là sâu mối bay lấp ruộng đầy đồng, cho nên gây hại, không phải là chim hồng. Tùy Sào Tử chép là 'phi thập', phi thập là con sâu. Chính nghĩa: Phỉ đọc là 'phi' là chữ 'phi' cổ. 'Đến nay là sáu mươi năm' là từ năm thứ mười thời vua Ất đến năm đánh vua Trụ. 'Hươu nai ở ven thành' là chỉ kẻ tiểu nhân nịnh bợ ở triều đình. 'Phỉ hồng bay đầy đồng' là chỉ kẻ quân tử trung hiền bị xua đuổi. Nói là sau khi cha vua Trụ là vua Ất lên ngôi, nhà Ân càng suy, đến lúc đánh vua Trụ là trong vòng sáu mươi năm. Cho nên kinh Thi chép: "Hồng nhạn bay lên, cánh đập phành phạch, quân tử đến đánh, siêng năng ở đồng". Mao Trường nói: "Quân tử là hầu bá khanh sĩ". Trịnh Huyền nói: "Chim hồng nhạn biết tránh nóng lạnh âm dương, như dân biết bỏ kẻ vô đạo mà theo người có đạo". Trời chẳng giữ nhà Ân, nên nay mới thành công. Sách ẩn: Nói là trời giúp đỡ nhà Ân cho nên gặp tai họa, nhà Chu ta mới thành công. Trời dựng nhà Ân, tin dùng ba trăm sáu mươi kẻ sĩ, không hiển hách cũng không đến nỗi diệt vong, Sách ẩn: Ý nói là trời mới dựng nhà Ân, cũng chọn được có ba trăm sáu mươi người hiền, dẫu chẳng phải là đại hiền, chưa vực dậy được giáo hóa, cho nên nhà Ân không được sáng rõ lắm, nhưng cũng không đến nỗi bị diệt bỏ, truyền cho đến nay. truyền đến nay. Ta chưa được mệnh trời giữ, ngủ sao được"! Vũ Vương lại nói: "Muốn được mệnh trời phải theo ý trời, phải trách kẻ ác, phạt lỗi ngang như vua nhà Ân. Ngày đêm chăm chỉ giữ miền tây ta, tỏ rõ việc ta, truyền đức sáng khắp. Từ bến sông Lạc trải đến bến sông Y, đất đai chẳng vững, là nơi ở của nhà Hạ. Tập giải: Từ Quảng nói: "Nhà Hạ đóng đô ở Hà Nam, lúc đầu tại huyện Dương Thành, sau trú ở huyện Dương Trạch". Sách ẩn: Nói là từ bến sông Lạc đến bến sông Y, đất đai bằng phẳng không chắc chắn, là chỗ ở cũ của nhà Hạ. Chính nghĩa: Quát địa chí chép: "Từ vua Vũ đến vua Thái Khang so với thời Đường-Ngu đều không đổi thành đô". Vậy thì ở Dương Thành là lúc vua Vũ tránh Thương Quân, không phải đô ở đây. Đế vương thế kỉ chép: "Vũ được phong làm Hạ Bá, ở huyện Dương Trạch quận Hà Nam ngày nay". Cấp trủng cổ văn chép: "Vua Thái Khang cư ở Châm Tầm, Hậu Nghệ cũng ở đó, vua Kiệt cũng trú ở đây". Ta phía nam nhìn núi Tam Đồ, phía bắc nhìn núi Nhạc Bỉ, cúi xem sông Hà, Sách ẩn: Đỗ Dự nói: "Núi Tam Đồ tại phía nam huyện Lục Hồn. Nhạc, có lẽ là núi Thái Hàng ở phía bắc sông Hà. Bỉ là đất ven đô, là ấp gần núi lớn". Chính nghĩa: Quát địa chí chép: "Núi Thái Hàng, núi Hằng nối liền, phía đông bắc tiếp núi Kiệt Thạch, phía tây bắc tiếp núi Nhạc". Nói là phía bắc nhìn núi Thái Hàng, đô ấp ở ven núi Hằng. Lại chép: "Núi Hoắc ở châu Tấn còn có tên là núi Thái Nhạc, tại phía tây bắc ấp Lạc. Núi Hằng tại phía đông bắc ấp Lạc". ngẫm ngắm sông Lạc-Y, không xa kinh đô. Bèn dựng nhà Chu ở ấp Lạc, sau lại bỏ. Chính nghĩa: Quát địa chí chép: "Thành cũ của Vũ Vương còn có tên là thành Hà Nam, vốn là ấp Giáp Nhục, do Chu Công đắp mới, tại góc tây bắc trong vườn phía bắc huyện Hà Nam châu Lạc chín dặm. Từ đời Bình Vương về sau là mười hai đời vua đều đô ở thành này, đến đời Kính Vương mới dời đô ở ấp Thành Chu, đến đời Noản Vương lại đô ở thành cũ của Vũ Vương". Địa danh của Kinh Tương Phan chép: "Giáp là tên núi, Nhục là tên ấp". Thả ngựa ở phía nam núi Hoa, lùa bò vào gò rừng Đào; Tập giải: Khổng An Quốc nói: "Rừng Đào tại phía đông núi Hoa". Chính nghĩa: Quát địa chí chép: "Rừng Đào tại phía tây huyện Đào Lâm châu Thiểm". Sơn hải kinh chép: "Ở núi Khoa Phụ, phía bắc núi có rừng, tên là rừng Đào, vuông rộng ba trăm dặm, trong rừng có nhiều ngựa, sông Hồ chảy ra từ đấy, phía bắc vào sông Hà". bỏ can qua, bãi binh giải giáp, cho thiên hạ biết không dùng đến nó nữa.

Vũ Vương đã thắng nhà Ân, hai năm sau, hỏi Cơ Tử nguyên nhân nhà Ân mất. Cơ Tử không nỡ nói nhà Ân xấu, lấy lẽ được mất của nhà nước mà đáp. Chính nghĩa: Cơ Tử là người nhà Ân, không nỡ nói cái xấu của nhà Ân, nói những điều nên làm của nhà Chu mà đáp Vũ Vương, tác bài 'Hồng phạm' có chín mục, Vũ Vương lấy từng mục để hỏi đạo trời. Vũ Vương cũng thẹn, cho nên lấy đạo trời để hỏi.

Vũ Vương bệnh. Thiên hạ chưa yên tập, bầy tôi lo, bèn chiêm bói. Chu Công lại cầu cúng, Chính nghĩa: Cúng trừ điều chẳng lành mà cầu phúc. tự làm tin, Chính nghĩa: Chu Công cầu cúng, tự lấy vật lễ cáo Tam vương, xin bị bệnh thay Vũ Vương, bệnh Vũ Vương mới đỡ. Muốn bệnh thay Vũ Vương, Vũ Vương có đỡ bệnh. Sau thì băng, Tập giải: Từ Quảng nói: "Phong thiện thư chép: 'Vũ Vương đánh nhà Ân được hai năm, thiên hạ chưa yên thì băng'". Hoàng Phủ Mật nói: "Vũ Vương lên ngôi năm đầu ất dậu, năm thứ sáu canh dần thì băng". Bùi Nhân xét: Hoàng lãm chép: "Mộ của Văn Vương, Vũ Vương, Chu Công đều tại trong xã phía đông ấp Hạo huyện Trường An quận Kinh Triệu". thái tử tên là Tụng thay lập, đấy là Thành Vương.

Thành Vương còn nhỏ, nhà Chu vừa định thiên hạ, Chu Công sợ chư hầu phản nhà Chu, Chu Công bèn nắm lấy làm việc nước. Các em là Quản Thúc, Sái Thúc ngờ Chu Công, cùng Vũ Canh làm loạn, phản nhà Chu. Chu Công vâng lệnh Thành Vương, đánh giết Vũ Canh, Quản Thúc, đuổi Sái Thúc; lấy Vi Tử tên là Khải thay làm dòng dõi nhà Ân, dựng nước ở đất Tống. Chính nghĩa: Là châu Tống ngày nay. Lại thu nạp dân còn lại của nhà Ân để phong cho em út của Vũ Vương, phong Khang Thúc ở nước Vệ. Chính nghĩa: Thượng thư Lạc cáo chép: "Ta chọn đất phía đông sông Triền, cũng tính ở bên sông Lạc để cho dân các nước Bội, Dong, Vệ ở". Đa sĩ biên tự lại chép: "Thành Thành Chu đã dựng xong, dời dân cứng đầu nhà Ân". Xét: Đấy là nhà Chu phía đông, là thành Lạc Dương cũ. Quát địa chí chép: "Thành Lạc Dương cũ tại phía đông bắc huyện Lạc Dương châu Lạc hai mươi sáu dặm, là thành mà Chu Công đắp, tức thành Thành Chu". Dư địa chí chép: "Vì đất Chu tại phía đông thành của vua, cho nên gọi là nhà Chu phía đông. Kính Vương tránh loạn Tử Triều, từ ấp Lạc sang phía đông ở đấy, cho nên vét suối Địch mà mở rộng nó". Xét: Vũ Vương diệt nhà Ân chia làm các nước Bội, Dong, Vệ, đặt Tam giám giữ lấy. Vũ Canh làm loạn, Chu Công diệt đi, dời dân của Tam giám đến thành Thành Chu, thu lấy dân còn sót ấy để phong Khang Thúc làm Vệ Hầu, là châu Vệ ngày nay. Khổng An Quốc nói: "Lấy dân còn lại của Tam giám phong cho Khang Thúc làm Vệ Hầu dựng nước. Chu Công giận họ mấy lần làm phản, cho nên sai em ruột hiền mà trị dân ấy". Tấn Đường Thúc được lúa tốt, Tập giải: Trịnh Huyền nói: "Hai cây cùng một bông lúa". dâng cho Thành Vương, Thành Vương đem cho Chu Công đặt ở nhà binh. Chu Công đưa cây lúa sang miền đông, nêu rõ mệnh của thiên tử. Lúc đầu, Quản-Sái phản nhà Chu, Chu Công đánh Quản-Sái, ba năm thì bình xong, cho nên mới làm bài văn 'Đại cáo', lại tác bài văn 'Vi Tử chi mệnh', nữa là 'Quy hòa', nữa là 'Gia hòa', nữa là 'Khang cáo', nữa là 'Tửu cáo', 'Tể tài', việc này ở chương chép về Chu Công. Chu Công làm việc nước bảy năm, Thành Vương lớn, Chu Công trả lại việc nước cho Thành Vương, ngoảnh mặt về phía bắc ở ngôi bầy tôi.

Thành Vương ở đất Phong, sai Triệu Công dựng lại ấp Lạc như ý chỉ của Vũ Vương. Chu Công lại bói xem đất, rút cuộc đắp dựng, đặt chín đỉnh ở đấy, nói: "Đây là nơi giữa của thiên hạ, người bốn phương nạp cống đều vào đây". Tác bài văn 'Triệu cáo', 'Lạc cáo'. Thành Vương đã dời dân còn lại của nhà Ân đi, Chu Công vâng mệnh vua tuyên cáo, tác bài văn 'Đa sĩ', 'Vô trật'. Triệu Công làm Thái bảo, Chu Công làm Thái sư, sang đông đánh người Hoài Di, diệt nước Yểm, Tập giải: Trịnh Huyền nói: "Nước Yểm tại phía bắc nước Hoài Di". Chính nghĩa: Yểm, âm là 'ư hiểm phiên'. Quát địa chí chép: "Phía bắc huyện Từ Thành châu Tứ ba mươi dặm là nước Từ cổ, tức nước Hoài Di. Làng Yểm huyện Khúc Phụ châu Duyện là đất của nước Yểm". dời vua nước này đến ấp Bạc Cô.Tập giải: Mã Dung nói: "Thuộc đất Tề". Chính nghĩa: Quát địa chí chép: "Thành Bạc Cô cũ tại phía đông bắc huyện Bạc Xương châu Thanh sáu mươi dặm. Họ Bạc Cô là chư hầu của nhà Ân, được phong ở đấy, nhà Chu diệt nước ấy". Thành Vương từ nước Yểm quay về, đến tại đất Tông Chu, Chính nghĩa: Đánh nước Yểm rồi về ấp Hạo. tác bài văn 'Đa phương'. Tập giải: Khổng An Quốc nói: "Tuyên cáo chư hầu thiên hạ các phương". Đã trừ bỏ lệnh của nhà Ân, đánh úp người Hoài Di, về tại đất Phong, tác bài văn 'Chu quan'. Tập giải: Khổng An Quốc nói: "Nói là nhà Chu bày cách đặt quan phân chức dùng người". Sửa lại lễ nhạc, đổi đặt pháp chế, do đó dân hòa mục, cất tiếng ca tụng. Thành Vương đã đánh Đông Di, người Tức Thận đến chúc mừng, Thành Vương sai Vinh Bá tác bài văn 'Hối Tức Thận chi mệnh'. Tập giải: Khổng An Quốc nói: "Hối là ban tặng'. Mã Dung nói: "Vinh Bá là người cùng họ nhà Chu, là chư hầu trong nước, làm Khanh đại phu".

Thành Vương sắp băng, sợ Thái tử tên là Chiêu không nhận ngôi, bèn lệnh Triệu Công, Tất Công lĩnh chư hầu để giúp Thái tử mà lập ngôi. Thành Vương đã băng, hai vị suất chư hầu, đem Thái tử Chiêu đến gặp ở miếu của tiên vương, tự tuyên cáo rằng Văn Vương, Vũ Vương lập nên nghiệp vương là không dễ, chăm ở việc tiết kiệm, chớ có tham dục, dốc lòng làm việc nước, tác bài văn 'Cố mệnh'. Thái tử Chiêu bèn lập, đấy là Khang Vương. Khang Vương lên ngôi, tuyên cáo khắp chư hầu, nói rõ sự nghiệp của Văn-Vũ để coi xét, tác bài văn 'Khang cáo'. Cho nên vào thời Thành-Khang, thiên hạ yên ổn, hơn bốn chục năm không dùng hình phạt. Khang Vương sai Tất Công phát sách lệnh phân chia chỗ ở, đặt vùng ngoài thành nhà Chu, Tập giải: Khổng An Quốc nói: "Phân chia chỗ ở của dân, để rạch ròi thiện ác. Đặt thành cõi ngoài thành nhà Chu, để có giữ gìn". tác bài văn 'Tất Công'.

Khang Vương chết, con là Chiêu Vương tên là Hà lập. Vào thời Chiêu Vương, vương đạo suy kém. Chiêu Vương tuần thú miền nam không về, chết ở sông Giang. Vương chết mà không cáo tang, kị việc này vậy. Chính nghĩa: Đế vương thế kỉ chép: "Chiêu Vương đức kém, đánh miền nam, qua sông Hán, người chèo thuyền ghét vương, lấy thuyền dán keo dâng vua, vua ngồi thuyền đến giữa dòng, keo rời thuyền vỡ, vương và Tế Công đều chìm ở giữa sông mà băng. Tả hữu của vương thương xót, nhờ tay dài lại sức khỏe bơi xuống vớt vương, người nhà Chu kị việc này". Lập con của Chiêu Vương tên là Mãn, đấy là Mục Vương. Mục Vương lên ngôi, tuổi đời đã năm mươi rồi. Vương đạo suy kém, Mục Vương xót đạo của Văn-Vũ suy, bèn sai Bá Quýnh xét làm quan Thái bộc coi việc nước, Tập giải: Ứng Thiệu nói: "Thái bộc, là chức quan mà Mục Vương nhà Chu đặt, có lẽ là viên quan đứng đầu các quan Thái ngự, là quan Trung đại phu". tác bài văn 'Quýnh mệnh'. Chính nghĩa: Thượng thư tự chép: "Mục Vương sai Bá Quýnh làm Thái bộc sửa việc nước". Thiên hạ lại yên.

Mục Vương sắp đánh người Khuyển Nhung, Tế Công tên là Mưu Phủ Tập giải: Vi Chiêu nói: "Tế là nước trong kinh kì, dòng dõi của Chu Công, làm khanh sĩ của nhà vua, Mưu Phủ là tên chữ". Chính nghĩa: Quát địa chí chép: "Thành Tế cũ tại phía đông bắc huyện Quản Thành châu Trịnh mười lăm dặm, là ấp của viên Đại phu nước Trịnh tên là Tế Trọng". Thích liệt chép: "Thành Tế tại quận Hà Nam, trong thành có kho Ngao, là chỗ mà dòng dõi Chu Công được phong". can rằng: "Không nên. Tiên vương nêu đức chẳng giễu binh. Binh nghỉ thì tùy lúc mà dấy, dấy thì ra oai, giễu thì dạo chơi, dạo chơi thì người ta chẳng sợ. Cho nên có lời khen Chu Văn Công rằng: 'Ngừng nghỉ can qua, bọc cất cung tên, ta tìm đức sáng, truyền khắp cõi Hạ, nghiệp vương được giữ'. Tiên vương đối với dân, sửa lại đức của dân mà khiến cho tính nết của họ được tốt, làm cho dân chất đầy của cải mà tìm cái lợi đồng dùng cho dân, nêu rõ cái việc lợi hại, để tu nghiệp văn, sai dân làm việc lợi mà tránh làm việc hại, làm cho dân nhớ đức mà sợ oai, cho nên giữ được sự nghiệp lâu dài. Ngày xưa tiên vương ta ở đời làm thầy nông để giúp việc cho nhà Ngu-Hạ. Kịp lúc nhà Hạ suy, bỏ nghề nông mà hông chăm việc này. Tiên vương ta là Bất Truất bị mất chức quan, nhưng tự náu ở giữa người Nhung Địch, không dám bỏ nghề, thường nêu đức mình, tu sửa nghề mình, sửa theo pháp độ, sớm tối chăm chỉ, giữ tính thật thà, vâng đức tung tín. Đời sau giữ đức, không trái ý người trước. Đến thời Văn Vương, Vũ Vương, nêu rõ đức sáng thời trước mà thêm cái tính nhân hòa, thờ thần giúp dân, không gì không vui mừng. Vua nhà Thương là vua Tân gây ác với dân, dân thường không chịu được, đi theo Vũ Vương, dẫn đến dấy binh ở bãi Mục Dã. Đấy là tiên vương không thích dùng binh, mà là chăm việc giúp dân, thương dân mà trừ hại cho dân vậy. Theo phép tắc của tiên vương, trong nước là điện phục, ngoài nước là hầu phục, hầu vệ là tân phục, Man Di là yêu phục, Nhung Địch là hoang phục. Kẻ điện phục thì tế, kẻ hầu phục thì cúng, kẻ tân phục thì nạp, kẻ yêu phục thì cống, kẻ hoang phục thì mỗi ngày tế một lần, mỗi tháng cúng một lần, mỗi quý nạp một lần, mỗi năm cống một lần, mỗi năm chầu nhà vua một lần. Theo phép chế của tiên vương, nếu có kẻ không tế thì ta tỏ ý, nếu có kẻ không cúng thì ta tỏ lời, nếu có kẻ không nạp thì ta sử phép tắc, nếu có kẻ không cống thì ta sửa chức phận, nếu có kẻ không chầu thì ta sử đức, nếu có những điều trên mà có kẻ không đến thì ta dùng hình phạt. Cho nên phạt kẻ không tế, đánh kẻ không cúng, trị kẻ không nạp, nhường kẻ không cống, tuyên cáo kẻ không chầu. Do đó mới có luật hình phạt, có quân đánh dẹp, có sắm sửa đánh dẹp, có lệnh ra oai, có lời văn tuyên cáo. Có lệnh truyền báo mà vẫn có kẻ không đến thì ta sửa thêm đức, không làm cho dân vất vả đi xa. Cho nên kẻ gần không ai không nghe, kẻ xa không ai không phục. Nay từ khi Đại Tất, Bá Sĩ chết, người Khuyển Nhung giữ phận đến chầu nhà vua. Chính nghĩa: Giả Qùy nói: "Đại Tất, Bá Sĩ là hai vị vua của người Khuyển Nhung. Sói trắng, hươu trắng là vật cống của người Khuyển Nhung". Xét: Sau khi Đại Tất, Bá Sĩ chết, người Khuyển Nhung thường giữ chức phận mà đến chầu. Thiên tử nói: 'Ta chắc nếu các người không nạp thì ta đánh các người, lại giễu binh cho các người xem'. Không nên bỏ lời dạy của tiên vương, mà vương lại xuất quân ư? Ta nghe nói người Khuyển Nhung dốc lòng thật thà, noi theo đức sáng của người xưa mà giữ vững chức phận. Họ vẫn có cớ để chống lại ta vậy". Mục Vương rút cuộc đánh người Khuyển Nhung, bắt được bốn con sói trắng, bốn con hươu trắng đem về. Từ đó kẻ hoang phục không đến.

Có chư hầu không hòa thuận, Phủ Hầu bẩm với vua, sửa sang hình pháp. Tập giải: Trịnh Huyền nói: "Kinh Thư chép Mục Vương nhà Chu lấy Phủ Hầu làm tể tướng." Vua nói: "Này, đến đây, những kẻ có tước có ấp kia, ta báo cho các ngươi biết hình pháp hay tốt. Ngày nay các ngươi vỗ về trăm họ, há chẳng chọn người hiền, há chẳng noi theo hình pháp, há chẳng dùng hình pháp đúng đắn sao? Hai bên đã đủ, quan coi ngục xem xét ngũ từ. Tập giải: Khổng An Quốc nói: "Hai bên là chỉ người bị giam và người làm chứng. Hai bên đã đủ thì quan coi ngục xem xét kẻ đó thuộc vào hình phạt nào." Chính nghĩa: Hán thư hình pháp chí chép: "Có năm cách xem xét, một là xét lời lẽ, hai là xem sắc mặt, ba là xem hơi thở, bốn là xem tai nghe, năm là xem mắt nhìn." Chu lễ chép: "Lời lẽ không thẳng thắn thì nói nhiều, mắt không nhìn thẳng thì nhìn lỏm, tai không nghe thẳng thì đối đáp dối gạt, sắc mặt không thẳng thắn thì thẹn thùng, hơi thở không thẳng thắn hổn hển." Đã xem xét ngũ từ rồi mới đặt định ngũ hình. Ngũ hình không hợp thì đặt định ngũ phạt. Tập giải: Khổng An Quốc nói: "Đã xem xét ngũ từ có chứng cứ phạm tội đặt định ngũ hình." Ngũ phạt không hợp thì đặt định ngũ quá. Tập giải: Khổng An Quốc nói: "Không hợp là không đáng tội. Đặt định ngũ quá là nhân đó mà tha cho." Cái xấu của việc đặt định ngũ quá là quan coi ngục có sắp đặt bên trong, bao che kẻ có tội, hình phạt ngang nhau. Nếu ngũ hình đáng ngờ thì tha, ngũ phạt đáng ngờ cũng tha, xem xét định đoạt hình phạt. Phải xem xét kĩ càng, noi theo phép tắc. Nếu không có chứng cứ thì không được trị tội, nên tỏ rõ oai trời. Nếu tội khắc chữ lên mặt có chỗ đáng ngờ thì tha, phạt chuộc một trăm xâu tiền, Tập giải: Từ Quảng nói: "Xâu là hoàn." Khổng An Quốc nói: "Sáu lạng là một hoàn. Hoàn là đồng thau." nếu xét có tội thật thì mới phạt. Nếu tội cắt mũi có chỗ đáng ngờ thì tha, phạt chuộc gấp đôi tiền, nếu xét có tội thật thì mới phạt. Nếu tội chặt xương đầu gối có chỗ đáng ngờ thì tha, phạt chuộc gấp đôi tiền nữa, nếu xét có tội thật thì mới phạt. Nếu tội thiến có chỗ đáng ngờ thì tha, phạt chuộc năm trăm xâu tiền, nếu xét có tội thật thì mới phạt. Nếu tội lớn chém đầu có chỗ đáng ngờ thì tha, phạt chuộc một ngàn xâu tiền, nếu xét có tội thật thì mới phạt. Có một điều luật của tội khắc chữ lên mặt, một ngàn điều luật của tội cắt mũi, năm trăm điều luật của tội xắt xương đầu gối, ba trăm điều luật của tội thiến, hai trăm điều luật của tội chém đầu. Cả thảy có ba ngàn điều luật của ngũ hình." Gọi hình pháp ấy là 'Phủ hình'.

Mục Vương làm vua được năm mươi năm thì băng, con là Cộng Vương tên là Ê Hỗ lên thay. Sách ẩn: Hệ bản chép tên là 'Y Hỗ'. Cộng Vương đi chơi ở trên sông Kính, có Khang Công nước Mật đi theo, Tập giải: Vi Chiêu nói: "Khang Công là vua của nước Mật, cũng thuộc họ Cơ." Chính nghĩa: Quát địa chí chép: "Thành cũ huyện Âm Mật tại phía tây huyện Thuần Cô châu Kính, phía đông kề thành huyện là nước Mật xưa." Có ba người con gái đến theo Khang Công nước Mật. Mẹ của Khang Công nói: "Phải đem ba đứa con gái ấy cho nhà vua. Ba con thú họp thành bầy, ba con người họp thành nhóm, ba đứa con gái họp thành phe. Không nên bắt bầy thú ở ruộng của vua, chư hầu đi chơi cũng không nên cho nhiều người theo cùng. Không nên lấy ba đứa con con gái cùng một họ của nhà vua. Ba đứa con gái ấy là người đẹp. Ba đứa con gái đẹp ấy theo về ngươi, ngươi có đức gì mà được lấy? Nhà vua còn không lấy được, huống chi ngươi là một chư hầu nhỏ nhoi đây! Chư hầu nhỏ nhoi mà lấy được người đẹp ấy thì tất mất nước thôi." Khang Công không dâng cho vua, quả nhiên được một năm thì Cộng Vương diệt nước Mật. Cộng Vương băng, con là Ý Vương tên là Hàn lên ngôi. Sách ẩn: Hệ bản chép tên là 'Kiên'. Vào thời Ý Vương, nhà Chu suy yếu, nhà thơ làm thơ chê chọc. Sách ẩn: Tống Trung nói: "Ý Vương dời đô từ ấp Hạo đến ấp Khuyển Khâu, còn gọi là ấp Phế Khâu, là huyện Hòe Lí ngày nay."

Ý Vương băng, em của Cộng Vương tên là Tích Phương lên thay, đấy là Hiếu Vương. Hiếu Vương băng, chư hầu lại lập thái tử của Ý Vương tên là Tiếp lên ngôi, đấy là Di Vương. Chính nghĩa: Kỉ niên chép: "Năm thứ ba, gọi chư hầu đến họp, nấu Ai Công nước Tề ở đỉnh." Đế vương thế kỉ chép: "Năm thứ mười sáu thì băng."

Di Vương băng, con là Lệ Vương tên là Hồ lên ngôi. Lệ Vương lên ngôi được mười ba năm, ham lợi, gần gũi Vinh Di Công. Đại phu là Nhuế Lương Chính can ngăn Lệ Vương rằng: "Nhà Chu sắp suy rồi chăng? Vinh Công chỉ ham lợi mà không biết họa lớn sắp đến. Món lợi là thứ mà muôn vật sinh ra, có kẻ ham nó là có hại nhiều. Muôn vật trong trời đất đều chia cho mọi người hưởng lấy, sao lại chỉ riêng mình lấy được? Rất nhiều người oán việc ấy mà không ngăn ngừa họa lớn ấy đi. Lấy cái lợi mà dạy nhà vua, nhà vua sao mà giữ ngôi lâu được? Người làm vua là phải đem cái lợi ban cho những kẻ trên dưới. Nếu muôn vật thần người không gì là không được đâu vào đấy thì như gây ra sợ hãi xót xa vậy. Cho nên có lời Tụng rằng: 'Hậu Tắc có đức, công cao tày trời, dạy dỗ dân ta, chẳng ai không theo.', có lời Đại nhã rằng: 'Ban lợi dựng Chu'. Tập giải: Đường Cố nói: "Ý nói Văn Vương ban phát của lợi để dựng nên nhà Chu." Đấy là nếu không ban của lợi thì sợ rằng sẽ có họa, cho nên dựng nhà Chu đến ngày nay. Nay nhà vua chỉ chăm đòi lợi, có nên không? Vinh Công làm như thế, nhà Chu tất suy." Lệ Công không nghe, rút cuộc lấy Vinh Công làm Khanh sĩ, nắm việc.

Nhà vua làm việc bạo ngược xa xỉ, người trong nước giễu chọc nhà vua. Thiệu Công Tập giải: Vi Chiêu nói: "Dòng dõi Khang Công nước Thiệu là Mục Công tên là Hổ, làm Khanh sĩ của nhà vua."can ngăn rằng: "Dân không vâng mệnh rồi." Nhà vua giận, tìm được thầy mo nước Vệ, sai coi xét những kẻ giễu chọc, kẻ nào giễu chọc thì giết kẻ đó. Do đó kẻ giễu chọc ít dần, chư hầu không đến chầu. Năm thứ mười bốn, nhà vua càng nghiêm ngặt, người trong nước chẳng ai dám nói, đi trên đường chỉ liếc mắt nhìn nhau. Lệ Vương mừng, bảo Thiệu Công rằng: "Ta biết ngăn lời giễu chọc nên chẳng ai dám nói." Thiệu Công nói: "Đấy là cấm thôi. Chặn miệng của dân con hơn chặn nước sông. Nước ông đã bị chặn thì sẽ tràn, làm nhiều người bị thương, người dân cũng như thế. Cho nên dẫn nước thì phải khơi dòn, dạy dân làm điều phải thì phải cho dân nói. Thhiên tử coi việc để cho công khanh đến kẻ sĩ được dâng thơ, bày kế sách, quan Thái sử được chép sách, quan Thái sư được nói lời khuyên răn, người mù được ngâm vịnh, kẻ lòa được hát tụng, những người thợ được can gián, người dân thường được truyền lời, cận thần được mưu toan, thân thích được xem xét, quan coi nhạc được răn lỗi, quan Thái phó được tu sửa, nhà vua sau này nên noi theo, cho nên làm việc mà không loạn. Người dân có miệng như đất có sông núi, đồ dùng đều sinh ra từ đó, đất cũng có đồng lầy bãi trũng, cơm áo sinh ra từ đó. Miệng nên được nói, tốt hay xấu cũng sinh ra từ đó. Làm việc tốt thì ngăn việc xấu cũng như sinh ra đồ dung cơm áo vậy. Người dân lo nghĩ ở trong lòng mà thốt ra lời nói ở miệng, rồi mới làm theo lời nói. Nếu ngăn miệng nói của dân thì giữ được bao lâu?" Nhà vua không nghe. Do đó người trong nước chẳng ai dám nói ra, được ba năm bèn cùng nhau nổi loạn, đánh úp Lệ Vương, Lệ Vượng trốn ra đến ở ấp Trệ. Tập giải: Vi Chiêu nói: "Ấp Trệ ở nước Tấn, là huyện thời Hán, thuộc quận Hà Đông, nay là huyện Vĩnh An." Chính nghĩa: Quát địa chí chép: "Huyện Hoắc Ấp châu Tấn vốn là huyện Trệ thời Hán, sau đổi tên huyện Trệ thành huyện Vĩnh An. Lệ Vương từ ấp Hạo chạy đến nước Tấn."

Thái tử của Lệ Vương tên là Tĩnh náo ở nhà của Thiệu Công, người trong nước nghe tin, bèn đến vây thái tử. Thiệu Công nói: "Lúc trước ta xúm lại can ngăn nhà vua nhưng nhà vua không nghe, cho nên mới có nạn ấy. Nay nếu giết thái tử của nhà vua thì nhà vua sẽ coi ta như kẻ thù mà oán giận ta đấy! Đạo thờ chúa là chúa có gây hại mà không báo thù, gây oán mà không báo oán, huống chi với nhà vua đây!" Bèn lấy thái tử của nhà vua lên thay, thái tử mới thoát được.

Hai tể tướng là Thiệu Công-Chu Công nắm việc, hiệu là 'Cộng Hòa'. Sách ẩn: Cấp trủng kỉ niên chép: "Cộng Bá tên là Hòa soán ngôi vua." Cộng, đọc là 'cung'. Cộng là tên nước, Bá là tước, Hòa là tên. Soán là đoạt lấy. Ý nói là Cộng Bá nắm lấy việc của nhà vua, cho nên nói là 'soán ngôi vua'. Chính nghĩa: Cộng đọc là 'cự dụng' phiên. Vi Chiêu nói: " Vào thời xảy ra loạn nhà vua trốn đến ở ấp Trệ, công khanh cùng với nhau sửa lại việc nước, hiệu là 'Cộng Hòa'." Lỗ Liên Tử chép: "Huyện Cộng Thành châu Vệ vốn là nước của Cộng Bá thời nhà Chu. Cộng Bá tên là Hòa, ưa làm việc nhân nghĩa, chư hầu cho là người hiền. Lệ Vương nhà Chu vô đạo, người trong nước làm loạn, Lệ Vương trốn đến ở ấp Trệ, chư hầu tôn Hòa làm việc của thiên tử, hiệu là 'Cộng Hòa'. Được mười bốn năm thì Lệ Vương chết ở ấp Trệ, Cộng Bá sai chư hầu đón con của Lệ Vương tên là Tĩnh làm Tuyên Vương, rồi Cộng Bá lại về nước ở nước Vệ." Vệ thế gia chép: "Năm thứ mười ba thời Li Hầu, Lệ Vương nhà Chu trốn đến ở ấp Trệ, chư hầu Cộng Hòa nắm lấy việc nước. Năm thứ hai mươi tám, Tuyên Vương nhà Chu lên ngôi. Năm thứ bốn mươi hai, Li Hầu chết, thái tử là Cộng Bá tên là Dư lên ngôi. Em của Cộng Bá tên là Hòa đánh úp Cộng Bá ở trên mộ Li Hầu, Cộng Bá vào hầm mộ của Li Hầu tự sát, người nước Vệ nhân đó táng Cộng Bá bên cạnh mộ Li Hầu, đặt tên thụy là Cộng Bá, rồi lập Hòa làm vua của nước Vệ, đấy là Vũ Công." Xét: Lời văn này chép Cộng Bá không được lập làm vua mà Hòa được lập làm Vũ Công. Vũ Công được lập sau khi Cộng Bá chết, số năm lại không giống nhau, mà niên biểu cũng chép giống. Rõ là kỉ niên và Lỗ Liên tử chép sai. Năm thứ mười bốn thời Cộng Hòa (năm 828 TCN), Lệ Vương chết ở ấp Trệ, thái tử tên là Tĩnh lớn lên ở nhà của Thiệu Công, hai vị tể tướng bèn cùng lập Tĩnh làm vua, đấy là Tuyên Vương. Tuyên Vương lên ngôi, hai vị tể tướng giúp việc, sửa chính sự, noi theo cách trị nước truyền lại của các đời vua Văn-Vũ-Thành-Khang, do đó chư hầu lại chầu nhà Chu. Năm thứ mười hai (năm 816 TCN), Vũ Công nước Lỗ đến chầu.

Tuyên Vương không cày ruộng ở bãi Thiên Mẫu, Chính nghĩa: Ứng Thiệu nói: "Thiên tử thời xưa cày ruộng ở ấp Thiên Mẫu để làm gương cho thiên hạ." Xét: Tuyên Vương không tự làm lễ cày ruộng. Quắc Văn Công Tập giải: Giả Quỳ nói: "Văn Công là dòng dõi của người em cùng mẹ của Văn Vương là Quắc Trọng, làm Khanh sĩ của Tuyên Vương." Vi Chiêu nói: "Văn Công là dòng dõi của Quắc Thúc, là vua nước Quắc ở phía tây. Tuyên Vương đóng đô ở ấp Hạo, nước Quắc thuộc miền trong kinh kì." Chính nghĩa: Quát địa chí chép: "Thành cũ nước Quắc tại phía đông huyện Trần Thương châu Kì chục dặm. Lại chép: "Bãi Thiên Mẫu tại phía bắc huyện Nhạc Dương châu Tấn chín chục dặm." can gián là không nên, Sách ẩn: Quốc ngữ chép: "Quắc Văn Công can gián rằng: 'Việc lớn của người ta là làm ruộng, đĩa xôi cúng Thượng Đế cũng sinh ra từ đó, người dân cũng sống được từ đó, những đồ dùng làm việc cũng sinh ra từ đó'." Nhà vua không nghe. Năm thứ mười chín (năm 789 TCN), đánh trận ở bãi Thiên Mẫu, Sách ẩn: Là tên đất, tại huyện Giới Hưu quận Tây Hà. quân của nhà vua bị người Nhung họ Khương đánh thua vỡ. Tập giải: Vi Chiêu nói: "Là một nhóm người rợ phía tây, dòng dõi của Tứ nhạc."

Tuyên Vương đã mất quân của miền nam, bèn gọi dân ở miền Thái Nguyên. Tập giải: Vi Chiêu nói: "Mất quân vào lúc bị người Nhung họ Khương đánh thua. Miền nam là miền sông Giang-Hán." Đường Cố nói: "Miền nam là quận Nam Dương." Trọng Sơn Phủ can gián nói: "Không nên gọi dân." Tuyên Vương không nghe, rút cuộc gọi dân.

Năm thứ bốn mươi sáu (năm 782 TCN), Tuyên Vương băng, Chính nghĩa: Chu xuân thu chép: "Tuyên Vương vô cớ mà giết Đỗ Bá, ba năm sau thì hội chư hầu đi săn ở vườn, giữa trưa, Đỗ Bá nhảy ra ở góc trái đường, mặc áo mũ màu đỏ, cầm cung tên màu đỏ, bắn Tuyên Vương, trúng tim xuyên qua lưng mà chết." Quốc ngữ chép: "Đỗ Bá bắn chết Tuyên Vương ở ấp Hạo." con là U Vương tên là Cung Niết lập làm vua. Năm thứ hai thời U Vương, ba con sông ở đất Tây Chu đều rúng động. Tập giải: Từ Quảng nói: "Là sông Kính, sông Vị, sông Lạc." Bùi Nhân xét: Vi Chiêu nói rằng đất động ở ấp Hạo của nhà Tây Chu cho nên ba con sông cũng động." Chính nghĩa: Hai sông Kính-Vị ở phía bắc châu Ung. Sông Lạc còn có tên là sông Tất Thư, ở phía đông bắc châu Ung, chảy về phía nam vào sông Vị. Bấy giờ gọi thành của vua ở là đất Đông Chu, ấp Hạo là đất Tây Chu. Bá Dương Phủ nói: "Nhà Chu sắp mất rồi. Tập giải: Vi Chiêu nói: "Bá Dương Phủ là quan Đại phu của nhà Chu." Đường Cố nói: "Bá Dương Phủ là quan Trụ hạ sử của nhà Chu, là Lão Tử." Khí của trời đất không được làm mất trật tự, nếu sai trật tự thì dân có loạn. Khí dương náu mà không xổ ra được, khí âm ép mà không bay bốc được, cho nên đất có rúng động. Nay ba con sông động mạnh, đấy là khí dương tụ sai chỗ mà bị khí âm chèn ép. Khí dương sai chỗ ở tại chỗ khí âm, Tập giải: Vi Chiêu nói: "Ở dưới khí âm." nguồn nước sông tất bị nghẽn; nguồn nước nghẽn thì nhà nước sẽ mất. Đất nước trôi chảy thì dân mới có đồ dùng. Đất không được tưới tắm thì dân thiếu đồ dùng, nhà nước mất còn đợi khi nào! Ngày xưa sông Y-Lạc cạn thì nhà Hạ mất, Tập giải: Vi Chiêu nói: "Vua Vũ đóng đô ở huyện Dương Thành, ở gần sông Y-Lạc." sông Hà cạn thì nhà Thương mất. Tập giải: Vi Chiêu nói: "Nhà Thương đóng đô ở nước Vệ, là chỗ sông Hà chảy qua." Nay đức của nhà Chu như thời cuối của hai nhà Hạ-Thương, nguồn nước sông của nhà Chu lại cạn, đấy là điềm báo mất nước vậy. Sông cạn íât có núi lở. Tập giải: Vi Chiêu nói: "Nước sông không chảy thì cây khô mà đổ xuống." Nước mất không quá chục năm nữa, đấy là một kỉ trong vận số. Trời bỏ nhà Chu không quá một kỉ nữa." Năm đó, ba con sông cạn, núi Kì lở.

Năm thứ ba (năm 779), U Vương tin yêu Bao Tự. Sách ẩn: Bao là tên nước, người nước này cùng họ với nhà Hạ. Họ Tự. Theo kinh Lễ thì gọi phu nhân của nhà vua xưng tên nước và họ. Người con gái ấy là người con gái đẹp sinh ra từ nước dãi của con rồng, có người nhặt được, người nước Bao dâng cho U Vương, cho nên gọi là Bao Tự. Chính nghĩa: Quát địa chí chép: "Thành cũ nước Bao tại phía đông huyện Bao Thành châu Lương hai trăm bước, là nước Bao xưa." Bao Tự sinh con tên là Bá Phục. U Vương muốn phế thái tử. Mẹ của thái tử là con gái của Thân Hầu được làm Thân Hậu. Sau khi U Vương có được Bao Tự, yêu Bao Tự, muốn phế Thân Hậu cùng bỏ thái tử tên là Nghi Cữu, lấy Bao Tự làm Bao Hậu, lấy Bá Phục làm thái tử. Quan Thái sử của nhà Chu là Bá Dương Phủ chép sử rằng: "Nhà Chu mất rồi." Ngày xưa vào lúc họ Hạ Hậu suy yếu có hai con rồng thần sà xuống nghỉ ở sân của vua nhà Hạ mà nói rằng: "Ta là hai vị chúa của nước Bao." Vua nhà Hạ bói xem nên giết hay là nên bỏ hay nên giữ lại, bói là chẳng lành. Thầy bói nói là lấy nước dãi của hai con rồng mà cất giữ thì mới lành. Tập giải: Vi Chiêu nói: "Nước dãi là nước bột mà rồng thổ ra. Nước bọt là khí tốt của con rồng." Do đó bày tiền và thẻ cầu đảo hai con rồng, Tập giải: Vi Chiêu nói: "Khắc chữ lên thẻ tre để báo cho rồng biết, xin rồng nhả nước bọt." Rồng chết thì còn nước dãi, bỏ vào rương mà cất giấu. Nhà Hạ mất, truyền thứ ấy cho nhà Ân. Nhà Ân mất, lại truyền thứ ấy cho nhà Chu. Nay là ba đời, chẳng nhà nào dám bỏ nó, đến cuối thời Lệ Vương thì mở ra mà xem. Nước dãi chảy vào sân, không rửa được. Lệ Vương sai đàn bà cởi truồng mà reo mừng. Nước dãi hóa thành con giải đen, Sách ẩn: Cũng chép là con sam. Con sam đen, là con thằn lằn. đem vào hậu cung của U Vương. Có đứa con gái trẻ đang thay răng sữa gặp được nó, Tập giải: Vi Chiêu nói: "Thay răng non gọi thay răng sữa. Con gái bảy tuổi thì thay răng." đến tuổi cài trâm thì mang thai, Chính nghĩa: Lễ kí chép: "Con gái đến tuổi lấy chồng thì được cài trâm." không có chồng mà sinh con, sợ mà vứt đứa con đi. Vào thời Tuyên Vương có đứa con gái trẻ hát rằng: 'Túi cơ cung dâu, bắn diệt nhà Chu'. Tập giải: Vi Chiêu nói: "Cây dâu núi gọi là cây yểm. Cung làm từ cây dâu núi. Cơ là tên cây. Túi đựng tên làm từ cây cơ." Do đó Tuyên Vương nghe tin, có vợ chồng nhà nọ đem bán thứ ấy, U Vương sai người bắt mà giết đi, vợ chồng nhà nọ trốn ở bên đường, vừa lúc thấy người trong làng là đứa con gái trẻ bỏ đứa con nhỏ ở trên đường, Chính nghĩa: Vợ chồng nhà nọ bán cây cung làm bằng gỗ cây dâu, Tuyên Vương muốn bắt giết đi, bèn trốn ở bên đường, gặp được đứa con nhỏ, thương mà lấy về nuôi. buổi đêm nghe tiếng đứa trẻ con ấy khóc, thương mà nhặt lấy. Vợ chồng nhà nọ bèn trốn sang ở nước Bao. Người nước Bao có tội, xin lấy đứa trẻ con mà đứa con gái trẻ vứt đi dâng cho U Vương để tạ tội. Chính nghĩa: Quốc ngữ chép: "U Vương nhà Chu đánh nước Bao, người nước Bao đem người con gái họ Tự dâng cho U Vương, được tin yêu ngang với Quắc Thạch Phủ." Đứa con gái bị vứt đi ấy lớn lên ở nước Bao, đấy là Bao Tự. Vào năm thứ ba thời U Vương, U Vương vào hậu cung gặp mà yêu Bao Tự, sinh con là Bá Phục, bèn bỏ Thân Hậu và thái tử, lấy Bao Tự làm Bao Hậu, lấy Bá Phục làm thái tử. Thái sử là Bá Dương Phủ nói: "Họa đã thành, không sao cứu được!"

Bao Tự không thích cười, U Vương muốn bày muôn cách cho nàng cười, nhưng nàng cũng không cười. U Vương bèn đốt đuốc lửa, bày trống lớn, Chính nghĩa: Buổi ngày đốt đuốc lửa để nhìn khói lửa, buổi đêm đốt đuốc lửa để nhìn ánh lửa. Đều đặt ở trên núi, có giặc đến thì đốt lên. có giặc đến thì đốt đuốc lửa. Chư hầu đều đến, đến nơi mà không có giặc. Bao Tự mới cười lớn. U Vương mừng rỡ, nhiều lần đốt đuốc lửa. Sau đó chư hầu không tin, cũng dần dần không đến.

U Vương lấy Quắc Thạch Phủ làm Khanh sĩ, coi việc nước, người trong nước đều giận. Thạch Phủ là người nịnh bợ, giỏi nói gièm ham lợi. U Vương tin dùng hắn, lại phế Thân Hậu, bỏ thái tử. Thân Hầu giận, cùng người nước Tăng, Tập giải: Tăng là tên nước, người nước này cùng họ với nhà Hạ. Chính nghĩa: Tăng, đọc là 'tự lăng' phiên. Quốc ngữ chép: "Vua nước Tăng họ Tự, dòng dõi của vua Vũ nhà Hạ." Quát địa chí chép: "Huyện Tăng ở huyện Thừa châu Nghi, là nước có vua tước hầu, dòng dõi của vua Vũ." người Khuyển Nhung phía tây đánh U Vương. U Vương đốt đuốc lửa gọi quân, quân chẳng đến. Cuối cùng giết U Vương ở dưới núi Li, Sách ẩn: Tại phía nam huyện Tân Phong là nước Li Nhung xưa. Li, trước đọc là 'lê'. Từ Quảng đọc là 'lực tri' phiên. Chính nghĩa: Quát địa chí chép: "Núi Li tại phía nam huyện Tân Phong châu Ung mười sáu dặm." Thổ địa kí chép: "Núi Li là núi Lam Điền." Xét: Phía nam núi Li là núi Lam Điền. bắt lấy Bao Tự, lấy hết của cải của nhà Chu rồi đi. Tập giải: Cấp trủng kỉ niên chép: "Từ khi Vũ Vương diệt nhà Ân đến thời U Vương cả thảy là hai năm năm mươi bảy năm." Chính nghĩa: Xét: Sách ở ngôi mộ ở huyện Cấp là sách cổ gồm bảy mươi lăm quyển, lấy được ở ngôi mộ của Tương Vương nước Ngụy ở huyện Cấp quận Cấp vào năm Hàm Hòa thứ năm thời nhà Tấn. Do đó chư hầu bèn theo Thân Hầu mà cùng lập thái tử cũ của U Vương tên là Nghi Cữu làm vua, đấy là Bình Vương để coi việc cúng tế tổ tiên của nhà Chu.

Bình Vương lên ngôi, dời đô sang phía đông đến ở ấp Lạc để tránh người Nhung đánh cướp. Chính nghĩa: "Là thành của vua, từ thời Bình Vương về trước gọi là đông đô, từ thời Kính Vương về sau đến thời Chiến quốc là đất Tây Chu. Vào thời Bình Vương, nhà Chu suy yếu, các nước chư hầu lớn nuốt bé, các nước Tề, Sở, Tần, Tấn bắt đầu mạnh, chính lệnh do chư hầu đứng đầu. Tập giải: Chu lễ chép: "Chín lần hiệu lệnh chư hầu thì đứng đầu." Trịnh Huyền nói: "Chư hầu lớn làm chủ một phương."

Năm thứ bốn mươi chín (năm 722 TCN), Ẩn Công nước Lỗ lên ngôi.

Năm thứ năm mươi mốt (năm 720 TCN), Bình Vương băng, thái tử tên là Tiết Phủ chết sớm, lập con của thái tử tên là Lâm làm vua, đấy là Hoàn Vương. Hoàn Vương là cháu của Bình Vương.

Năm thứ ba (năm 717 TCN), Trang Công nước Trịnh đến chầu, Hoàn Vương không thi lễ. Sách ẩn: Vào năm thứ sáu thời Ẩn Công nước Lỗ.

Năm thứ năm (năm 715 TCN), người nước Trịnh giận việc Hoàn Vương không thi lễ, bèn cùng người nước Lỗ đổi ruộng ấp Hứa, ruộng ấp Hứa là ruộng dùng để tế núi Thái của thiên tử vậy. Sách ẩn: Tả truyện chép vua nước Trịnh đem ngọc bích đặt ở ruộng Hứa, rồi đổi sang ấp Banh. Ấp Banh có ruộng để vua nước Trịnh tế núi Thái. Ấp Hứa là ấp thang mộc của vua nước Lỗ khi đến chầu ở kinh sư, ở đấy có miếu thờ Chu Công, vua nước Trịnh vì thấy ấp ấy gần nước mình, cho nên đổi lấy nó. Ở đây chép 'ruộng ấp Hứa là ruộng dùng để tế núi Thái của thiên tử' là lầm. Chính nghĩa: Đỗ Dự nói: "Thành Vương đắp thành Vương Thành, có ý dời đô, cho nên ban ruộng ấp Hứa cho Chu Công, lấy đó làm ấp nghỉ chầu của vua nước Lỗ, người đời sau nhân đó mà dựng miếu riêng tế Chu Công. Hoàn Công nước Trịnh tên là Hữu là em cùng mẹ của Tuyên Vương nhà Chu được phong ở nước Trịnh, có đặt ấp thang mộc để tế núi Thái ở ấp Banh. Vua nước Trịnh thấy thiên tử không còn tuần thú được đến đây, cho nên muốn đổi ruộng ấp Hứa sang ấp Banh, đều theo cái cái tiện nghi của nước mình. Lại sợ vua nước Lỗ thấy đó là miếu riêng tế Chu Công mà nghi ngờ, cho nên nói đã bỏ lễ tế núi Thái mà muốn giúp vua nước Lỗ tế Chu Công, dùng lời lẽ nhún nhường để xin." Quát địa chí chép: "Ruộng ấp Hứa tại phía nam huyện Hứa Xương châu Hứa bốn chục dặm, có thành Lỗ, có miếu thờ Chu Công ở trong thành. Ruộng ấp Banh tại phía đông nam huyện Phí châu Nghi." Xét: Uyển là viên Đại phu của nước Trịnh.

Năm thứ tám (năm 712 TCN), người nước Lỗ giết Ẩn Công,Chính nghĩa: Tử Doãn sai công tử là Huy giết Ẩn Công. lập Hoàn Công.

Năm thứ mười ba (năm 707), Hoàn Vương đánh nước Trịnh, Sách ẩn: Vào năm thứ năm thời Hoàn Công nước Lỗ., người nước Trịnh bắn Hoàn Vương bị thương, Hoàn Vương dẫn quân về. Sách ẩn: Tả truyện chép trong trận Nhu Cát, Chúc Đam bắn tên trúng vai Hoàn Vương.

Năm thứ hai mươi ba (năm 697 TCN), Hoàn Vương băng, con là Trang Vương tên là Đà lập.

Năm thứ tư (năm 693 TCN), Chu Công tên là Hắc Kiên muốn giết Trang Vương mà lập vương tử là Khắc. Tập giải: Giả Quỳ nói: "Em của Trang Vương là Tử Nghi." Tân Bá báo cho Trang Vương biết, Tập giải: Giả Quỳ nói: "Tân Bá là quan Đại phu của nhà Chu." Trang Vương giết Chu Công. Sách ẩn: Tả truyện chép: "Trước đây, Tử Nghi được Hoàn Vương sủng ái, Hoàn Vương tin dùng người nhà Chu Công. Tân Bá can ngăn nói: 'Vợ hai có có bốn con trai, hai bên cùng nắm việc nước là gốc của loạn vậy.' Chu Công không nghe, cho nên dẫn đến nạn ấy." Nhưng Chu Công theo ý chỉ của tiên vương, tự dẫn đến tru di, Tân Bá sửa lại nghĩa của vua tôi, rút cuộc giữ yên nghiệp vương, nhị khanh lo việc thật là đáng ghi. Vương tử là Khắc bỏ sang nước Yên. Chính nghĩa: Đỗ Dự nói: "Vua nước Nam Yên họ Cật."

Năm thứ mười lăm (năm 682 TCN), Trang Vương băng, con là Hi Vương Chính nghĩa: Hi, đọc là 'hi'. tên là Hồ Tề lập.

Năm thứ ba (năm 679 TCN), Hoàn Công nước Tề bắt đầu xưng bá.

Năm thứ năm (năm 677 TCN), Hi Vương băng, con là Huệ Vương tên là Lãng lập. Sách ẩn: Hệ bản chép tên là Vô Lương. Chính nghĩa: Hoàng Phủ Mật nói là 'Vô Lương'.

Năm thứ hai (năm 675 TCN), lúc đầu, Trang Vương sủng ái người vợ họ Diêu, Chính nghĩa: Đỗ Dự nói: "Họ Diêu." sinh con là Đồi, Sách ẩn: Là con của Trang Vương, em của Hi Vương, chú ruột của Huệ Vương. Đồi được sủng ái, kịp lúc Huệ Vương lên ngôi, đoạt vườn cây của đại thần để làm vườn thú, Tả truyện chép đại thần là bọn Vị Quốc. cho nên năm người bọn Đại phu là Biên Bá làm loạn, Tập giải: Tả truyện chép năm người ấy là Vị Quốc, Biên Bá, Chiêm Phủ, Tử Cầm, Chúc Quỵ. mưu gọi quân các nước Yên-Vệ đến đánh Huệ Vương. Huệ Vương trốn đến ấp Ôn, Chính nghĩa: Tả truyện chép Tô Phẫn Sinh có mười hai ấp, Hoàn Vương đoạt mười hai ấp của vua nước Tô trao cho vua nước Trịnh, cho nên vua nước Tô cùng năm quan Đại phu đánh Huệ Vương. Ấp Ôn là một trong mười hai ấp ấy. Đỗ Dự nói: "Là huyện Ôn quận Hà Nội ngày nay." rồi đến ở tại ấp Lịch của nước Trịnh. Tập giải: Phục Kiền nói: "Ấp Lịch là ấp lớn của nước Trịnh." Chính nghĩa: Đỗ Dự nói: "Ấp Lịch là huyện Dương Trạch quận Nam Dương ngày nay." Bọn quan Đại phu lập em của Hi Vương tên là Đồi làm vương, bày nhạc và các điệu múa, Tập giải: Giả Quỳ nói: "Các điệu múa đều là nhạc múa có từ sáu đời trước (Hoàng Đế, Đường, Ngu, Hạ, Thương, Chu)." Vua các nước Trịnh-Quắc giận việc ấy.

Năm thứ tư (năm 673 TCN), vua các nước Trịnh và Quắc đánh giết vua nhà Chu là Đồi, Chính nghĩa: Giả Quỳ nói: "Lệ Công nước Trịnh là Đột, vua nước Hoắc là Lâm Phủ." đón Huệ Vương về.

Năm thứ mười (năm 667 TCN), ban cho Hoàn Công nước Tề nhận tước bá.

Năm thứ mười lăm (năm 652 TCN), Huệ Vương băng, con là Tương Vương tên là Trịnh lập. Mẹ của Tương Vương chết sớm, mẹ kế là Huệ Hậu. Tập giải: Tả truyện chép: "Vua họ Quy nước Trần về chầu ở kinh sư, tặng nhiều quà cho Huệ Hậu." Chính nghĩa: Xét: Vua nước Trần là dòng dõi vua Thuấn, họ Quy. Huệ Hậu sinh con là Thúc Đái, Sách ẩn: Là con của Huệ Vương, em của Tương Vương, được phong ở nước Cam, cho Tả truyện chép là Chiêu Công nước Cam. Chính nghĩa: Là con của Huệ Vương, em của Tương Vương, được phong ở nước Cam. Quát địa chí chép: "Thành Cam cũ tại phía tây nam huyện Hà Nam châu Lạc hai mươi lăm dặm. Tả truyện chép Chiêu Công nước Cam là vương tử tên là Thúc Đái. Lạc Dương kí chép ở phía tây nam huyện Hà Nam hai mươi lăm dặm, có sông Cam xuất từ đó, chảy về phía bắc vào sông Lạc. Trên núi có thành Cam, là ấp thang mộc của vua nước Cam." được Huệ Vương sủng ái, Tương Vương sợ Thúc Đái.

Năm thứ ba (năm 649 TCN), Thúc Đái cùng người Nhung-Địch mưu đánh Tương Vương, Tương Vương muốn giết Thúc Đái, Thúc Đái trốn sang nước Tề. Hoàn Công nước Tề sai Quản Trọng sang dụ người Nhung hòa với người nhà Chu, sai Thấp bằng sang dụ người Nhung hóa với người nước Tấn. Tập giải: Đỗ Dự nói: "Người Nhung đánh nhà Chu, người nước Tấn đánh người Nhung cứu người nhà Chu, cho nên sang dụ hòa." Hi Vương lấy lễ thượng khanh đãi Quản Trọng, Quản Trọng từ chối rằng: "Thần chỉ là viên quan hèn kém, lại có hai vị đại thần họ Quốc, họ Cao của thiên tử ở trên. Tập giải: Đỗ Dự nói: "Hai đại thần họ Quốc, họ Cao là những người mà thiên tử sai làm đại thần của nước Tề, đều là thượng khanh." Nếu họ đến hai mùa xuân-thu đến chầu gặp nhà vua thì nhà vua dùng lễ gì đãi họ? Tập giải: Vương Túc nói: "Hai mùa xuân-thu là lúc đi cúng tế." Kẻ bồi thần này dám từ chối lễ này." Tập giải: Phục Kiền nói: "Bồi là trùng. Bầy tôi của chư hầu đối với thiên tử thì xưng là bồi thần." Tương Vương nói: "Nhà cậu kia, ta khen công của ngươi, Tập giải: Giả Quỳ nói: "Nhà cậu là nói sứ giả của Bá Cữu." Chính nghĩa: Võ Vương lấy con gái của Thái Công làm hậu, cho nên xưng là nhà cậu, ý nói là 'ta khen ngươi có công lao dụ hòa với người Nhung. chớ trái lệnh trẫm." Quản Trọng rút cuộc nhận lễ của hạ khanh rồi về. Chính nghĩa: Đỗ Dự nói: "Quản Trọng không dám vì chức mà tự cao, rút cuộc nhận lễ vốn có của mình."

Năm thứ chín (năm 643 TCN), Hoàn Công nước Tề chết.

Năm thứ mười hai (năm 640 TCN), Thúc Đái lại về nhà Chu. Tập giải: Tả truyện chép: "Tương Vương gọi về."

Năm thứ mười ba (năm 639 TCN), người nước Trịnh đánh nước Hoạt, Tập giải: Giả Quỳ nói: "Nước Hoạt là nước của vua họ Cơ." Bùi Nhân xét: Tả truyện chép: "Người nước Hoạt phản nước Trịnh mà theo phục nước Vệ." Chính nghĩa: Đỗ Dự nói: "Nước Hoạt đóng đô ở ấp Phí, huyện Hầu Thị quận Hà Nam bị người nước Tần đánh diệt, bấy giờ thuộc các nước Trịnh-Tấn, sau thuộc nhà Chu, việc này chép tại năm thứ hai mươi thời Hi Công nước Lỗ." Quát địa chí chép: "Thành cũ Hầu Thị vốn là thành Phí, tại phía đông nam huyện Hầu Thị châu Lạc hai mươi lăm dặm." Tương Vương sai Du Tôn, Bá Phủ đến dụ hòa, Tập giải: Giả Quỳ nói: "Hai người là quan Đại phu của nhà Chu." người nước Trịnh bắt giữ hai người. Văn Công nước Trịnh giận việc Huệ Vương khi được về mà không ban chén rượu cho Lệ Công, Tập giải: Phục Kiền nói: "Huệ Vương đem dây gương của Huệ Hậu trao cho Lệ Công nước Trịnh,, mà lại chỉ ban chén rượu ngọc cho vua nước Hoắc." Chính nghĩa: Tả truyện chép: "Năm thứ hai mươi mốt thời Trang Công, Huệ Vương đi tuần thú, vua nước Hoắc làm cung cho Huệ Vương ở ấp Phong, Huệ Vương ban ấp Tửu Tuyền cho vua nước Hoắc, vua nước Trịnh đến gặp Huệ Vương, Huệ Vương đem dây gương ban cho vua nước Trịnh. Vua nước Hoắc xin chén rượu, Huệ Vương lại ban chén rượu cho vua nước Hoắc. Vua nước Trịnh do đó giận Huệ Vương." Đỗ Dự nói: "Huệ Hậu đeo dây mà lấy gương làm đẹp. Chén rượu là chém dùng để uống rượu. Ấp Phong là tên ấp, ấp Tửu Tuyên là ấp của nhà Chu." lại giận việc Tương Vương trao nước Hoạt cho nước Vệ, Tập giải: Phục Kiền nói: "Hoạt là nước nhỏ gần nước Trịnh, nhiều đời theo phục nước Trịnh mà lại làm phản, cho nên vua nước Trịnh phát binh đánh nước Hoạt, theo lệnh, sau lại báo cho Tương Vương biết, Tương Vương đem trao cho nước Vệ." cho nên bắt giữ bọn Bá Phục. Tương Vương giận, muốn sai người Địch đánh nước Trịnh. Phú Thần Tập giải: Phục Kiền nói: "Phú Thần là quan Đại phu của nhà Chu." can rằng: "Hễ nhà Chu ta dời sang miền đông thì đều dựa vào các nước Tấn-Trịnh. Vào lúc Đồi làm loạn, lại được người nước Trịnh giúp mà yên. Nay sao lại vì cái oán nhỏ mà bỏ nước Trịnh?" Tương Vương không nghe.

Năm thứ mười lăm (năm 637 TCN), Tương Vương phát người Địch đánh đi đánh nước Trịnh. Tương Vương khen người Địch, bèn lấy con gái người Địch làm hậu. Phú Thần lại can rằng: "Các đời vua Bình, Hoàn, Trang, Huệ đều nhận kết giao với người nước Trịnh, nay nhà vua bỏ người nhà mà thân với người Địch, không nên thế." Tương Vương không nghe.

Năm thứ mười sáu (năm 636 TCN), Tương Vương bỏ hậu người Địch, người Địch đến đánh nhà Chu, giết Đàm Bá. Tập giải: Đường Cố nói: "Giết Đàm Bá, là quan Đại phu của nhà Chu là Nguyên Bá, Mao Bá." Sách ẩn: Xét: Quốc ngữ chép: "Giết Đàm Bá." Nhưng Tả truyện chép: "Ở nạn Thái Thúc, người Địch bắt được quan lại nhà Chu là Kị Phủ, Nguyên Bá, Mao Bá." Đường Cố dựa vào Tả truyện đọc chữ 'Đàm' thành chữ 'Nguyên', nhưng kinh Xuân thu có Đàm Bá, sao lại thời ấy cũng làm quan cho nhà vua mà dẫn đến bị bắt giết? Quốc ngữ đã chép là 'giết Đàm Bá', cho nên Thái sử công theo đó, không theo lời Tả truyện. Phú Thần nói: "Ta nhiều lần can ngăn mà không nghe, nếu ta không ra đánh thì nhà vua sẽ giận ta chăng?" Bèn đem thuộc hạ ra đánh, chết trong trận.

Trước đây, Huệ Hậu muốn lập vương tử là Thúc Đái, cho nên kết đảng với người Địch, người Địch bèn vào nhà Chu. Tương Vương chạy sang nước Trịnh, người nước Trịnh cho Tương Vương ở tại ấp Phiếm. Tập giải: Đỗ Dự nói: "Ấp Phiếm phía nam nước Trịnh tại phía nam huyện Tương Thành." Chính nghĩa: Quát địa chí chép: "Thành Phiếm cũ tại phía nam huyện Tương Thành một dặm. Tả truyện chép nhà vua ra ở tại nước Trịnh, trú ở ấp Phiếm." Thúc Đái lập làm vua, cho hậu người Địch mà Tương Vương bỏ trú ở ấp Ôn. Chính nghĩa: Quát địa chí chép: "Thành Ôn cũ tại phía tây huyện Ôn châu Hoài ba chục dặm, thời Hán-Tấn đặt làm huyện, vốn là ấp phong của quan Tư khấu của nhà Chu là Tô Phẫn Sinh. Tả truyện chép nhà Chu ban mười hai ấp cho người nước Trịnh là Tô Phẫn Sinh, ấp Ôn là một trong đó. Địa lí chí chép huyện Ôn là nước cũ, vua nước ấy họ Kỉ, là đất phong của Tô Phẫn Sinh."

Năm thứ mười bảy (năm 635 TCN), Tương Vương báo nạn cho người nước Tấn, Văn Công nước Tấn thu nạp Tương Vương rồi đánh Thúc Đái. Tương Vương bèn ban cung tên, rượu nếp, ngọc khuê, phong tước bá cho Văn Công nước Tấn, lấy đất Hà Nội cho nước Tấn. Chính nghĩa: Giả Quỳ nói: "Vua nước Tấn có công, ban đất cho vua nước Tấn là các ruộng ấp Dương Phàn, Ôn, Nguyên, Toàn Mao."

Năm thứ hai mươi (năm 632 TCN), Văn Công nước Tấn gọi Tương Vương, Tương Vương hội ở ấp Tiễn Thổ phía bắc sông Hà, Tập giải: Giả Quỳ nói: "Phía bắc sông Hà là ấp Ôn của nước Tấn. Tiễn Thổ là ấp thuộc nước Trịnh, tại quận Hà Nội." Chính nghĩa: Quát địa chí chép: "Cung nhà vua cũ trong thành Vương Cung tại phía tây bắc huyện Huỳnh Trạch mười lăm dặm. Tả truyện chép Văn Công nước Tấn đánh bại quân Sở ở ấp Thành Bộc, đến tại ấp Hành Ung, đắp thành Vương Cung ở ấp Tiễn Thổ." Xét: Thành nhà cua thì đắp tại trong thành Tiễn Thổ, góc đông bắc có đài Tiễn Thổ, cách ấp Hành Ung về phía đông hơn ba chục dặm. chư hầu đều đến chầu, kinh Thư kị chuyện ấy, chép là "nhà vua đi tuần ở phía bắc sông Hà." Tập giải: Tả truyện chép: "Trọng Ni nói: 'Tôi mà gọi vua đến thì không đáng để làm gương'. Cho nên chép là 'đi tuần'."

Năm thứ hai mươi tư (năm 628 TCN), Văn Công nước Tấn chết.

Năm thứ ba mươi mốt (năm 621 TCN), Mục Công nước Tần chết.

Năm thứ ba mươi hai (năm 620 TCN), Tương Vương băng, con là Khoảnh Vương tên là Nhâm Thần lập. Khoảnh Vương lập được sáu năm thì băng, con là Khuông Vương tên là Ban lập. Khuông Vương lập được sáu năm thì băng, em là Du lập, đấy là Định Vương.

Năm đầu (năm 606 TCN) thời Định Vương là lúc Trang Vương nước Sở đánh người Nhung ấp Lục Hồn, Tập giải: Địa lí chí chép: "Huyện Lục Hồn thuộc quận Hoằng Nông." Chính nghĩa: Hồn, đọc là 'hồn'. Đỗ Dự nói: " Người Nhung họ Doãn trú ở ấp Lục Hồn, tại phía tây bắc các nước Tần-Tấn, vua hai nước ấy dụ mà dời người Nhung đến ở bên sông Y, bèn theo gọi là người Nhung, tên huyện Lục Hồn châu Lạc ngày nay là lấy tên từ đó." Hậu Hán thư chép: "Người Nhung ấp Lục Hồn từ châu Qua dời đến bên sông Y." Tả truyện chép: "Trước đây, Bình Vương dời sang miền đông, Tân Hữu đến bên sông Y, thấy người dân xõa tóc mà tế ở bãi, nói: 'Không đến trăm nữa, nơi này là đất của người Nhung chăng? Lễ của dân này sẽ mất trước chăng?.'" Xét: Đến mùa thu năm thứ hai mươi hai thời Hi Công, vua các nước Tần-Tấn dời người Nhung ấp Lục Hồn đến ở bên sông Y, kể từ lúc Tân Hữu nói là vừa một trăm năm. Quát địa chí chép: "Thành Ma cũ gọi là thành Man Trung, tại cõi huyện Lương châu Nhữ. Tả truyện chép 'Đan Phù Dư vây thành Man Thị', Đỗ Dự nói 'Thành tại phía đông nam huyện Tân Thành quận Hà Nam, là thành Man Thị của người Nhung ấp Lục Hồn ở bên sông Y-Lạc. Tiếng nói từ 'Ma', 'Man' giống nhau nên như vậy." Xét: Huyện Tân Thành là huyện Y Khuyết ngày nay. đến bên sông Lạc, sai người hỏi về chín cái vạc. Định Vương sai vương tôn là Mãn đến đối đáp để từ chối, Tập giải: Giả Quỳ nói: "Vương tôn tên Mãn là quan Đại phu của nhà Chu." quân Sở bèn về.

Năm thứ mười (năm 597 TCN), Trang Vương nước Sở vây nước Trịnh, vua nước Trịnh hàng, rồi lại tha cho.

Năm thứ mười sáu (năm 591 TCN), Trang Vương nước Sở chết.

Năm thứ hai mươi mốt (năm 586 TCN), Định Vương băng, con là Giản Vương tên là Di lập.

Năm thứ mười ba (năm 573 TCN), người nước Tấn giết vua của mình là Lệ Công, đón công tử là Chu ở nhà Chu về lập làm Trác Công.

Năm thứ mười bốn (năm 572 TCN), Giản Vương chết, con là Linh Vương tên là Tiết Tâm lập.

Năm thứ hai mươi tư (năm 548 TCN), người nước Tề là Thôi Trữ giết vua của mình là Trang Công.

Năm thứ hai hai mươi bảy (năm 545 TCN), Linh Vương băng, Tập giải: Hoàng lãm chép: "Mộ của Linh Vương ở trên núi Tây Chu đình Bá phía tây nam thành Hà Nam. Có lẽ vì Linh Vương khi sinh ra mà đã có ria mép, có khí thần cho nên thụy là Linh Vương, người dân tế Linh Vương ở mộ ấy không dứt." con là Cảnh Vương tên là Quý lập. Sách ẩn: Tên là Quý. Xét: Quốc ngữ chép: "Năm thứ hai mươi mốt, Cảnh Vương đúc tiền lớn và chuông Vô Xạ; Đan Mục Công và Linh Châu Cưu đều lên tiếng để can ngăn." Nay đây không chép đến, cũng là sơ sài vậy.

Năm thứ mười tám (năm 527 TCN), Thái sử mà Vương hậu sinh có đức thánh mà chết sớm.

Năm thứ hai mươi (năm 525 TCN), Cảnh Vương sủng ái con là Triều, muốn lập Triều, Chính nghĩa: Tả truyện chép: "Vương tử là Triều dùng ngọc khuê ở ấp Thành Chu ném xuống sông Hà, có người bến sông nhặt được ở trên bãi sông Hà." Đỗ Dự nói: "Cúng tế ở sông Hà để cầu phúc, ngọc khuê tdươúi sông nổi lên." Xét: Thần sông Hà không dám nhận nên mới thế. kịp lúc Cảnh Vương băng, phe đảng của vương tử là Cái cùng tranh ngôi, người trong nước lập con cả của Cảnh Vương tên là Mãnh làm vua, vương tử là Triều đánh giết Mãnh. Mãnh được đặt thụy là Trác Vương. Người nước Tấn đánh vương tử là Triều mà lập Cái, đấy là Kính Vương. âop giải: Giả Quỳ nói: "Kính Vương là em cùng mẹ của Mãnh