con đường tơ lụa 2

CON ĐƯỜNG TƠ LỤA

BÚT KÝ

Xa Mộ Kỳ

Người dịch: NGUYỄN PHỐ

----o0o---

11. TỪ SÔNG MỘC LŨY ĐẾN MỤC TRƯỜNG THIÊN SƠN

MỘT CON ĐƯỜNG XƯA VÀO ĐỜI NHÀ ĐƯỜNG

Vào đời Đường, có một con đường lớn từ cửa ngõ Y Ngô (Ha Mật) của Tây Vực đến trung tâm quân sự - chính trị Bắc Đình thuộc khu vực bắc Thiên Sơn, rồi theo hướng tây đi qua sông Y Lê để đến Toái Diệp (Đây là nơi sinh của nhà thơ Lý Bạch đời Đường, nay là ven hồ Issyk Kul (thuộc Liên Xô cũ).

Để bảo vệ sứ thần và khách thương lai vãng trên con đường thông vãng đông tây ấy một cách an toàn, dọc đường người ta đặt nhiều “thủ tróc” (trạm canh phòng và bắt những người khả nghi), tức là những cứ điểm quân sự, ví như “La Hộ thủ tróc”, “Hắc Thủy thủ tróc” v.v...

Tôi đi từ huyện Barkol theo hướng tây để đến huyện Mulei phải qua một “thủ tróc” (cứ điểm quân sự) trọng yếu, đó là “Độc Sơn thủ tróc”. Sau khi đi vào một nơi thuộc huyện Mulei thì có một mô đá lớn nằm chắn ngang giữa đường, đường nhựa qua đó buộc phải đi vòng. Anh tài xế nói:

- Địa phương này có tên là “Đại Thạch đầu” (hòn đá lớn), và trước mặt là công xã Đại Thạch đầu.

Vào đời Đường, “Độc Sơn thủ tróc” đặt tại Đại Thạch đầu, huyện Mulei. Cứ điểm này chẹn giữa điểm giao nhau của hai yếu đạo từ phía đông đến: một từ Barkol, một từ Ha Mật, do đó nó có vị trí rất quan trọng.

Tôi đi từ Ha Mật qua Barkol mà đến, nhưng còn một con đường tắt khác thông qua Barkol, tức là đi thẳng từ Ha Mật tới cũng được. Trong Tân Đường thư - phần địa chí có ghi rõ như sau: “Từ huyện Nạp Chức thuộc Y Châu đi theo hướng tây chừng 390 dặm thì đến cứ điểm La Hộ, sau đó lên đến đỉnh Phạp Lư (đỉnh lừa mệt), rồi đi về hướng bắc chừng 300 dặm nữa thì đến cứ điểm Độc Sơn (Độc Sơn thủ tróc, tức nay là công xã Đại Thạch đầu), đi tiếp qua huyện Bồ Loại chừng 160 dặm mới đến Bắc Đình.

Các địa điểm được xác định về các địa danh cổ nói trên, có nơii thì chính tôi đến hiện trường để tìm hiểu xem xét, có nơi thì tôi tra cứu qua các địa danh hiện tại, ví như:

- Huyện Nạp Chức, nay thuộc địa phận Ha Mật, có thể là cổ thành La-phu-kiều-nhĩ-khắc mà tôi đã thăm qua.

- La Hộ thủ tróc, cũng là cứ điểm quân sự thời nhà Đường. Căn cứ Hán Tây Vực đồ khảo nay là bắc Ha Lạt và Trác Chi thuộc địa phận Tolophan.

- Đỉnh Phạp Lư là một trong những ngọn núi của dãy Thiên Sơn.

- Độc Sơn thủ tróc, tức Đại Thạch đầu thuộc huyện Mulei đã nói ở trên.

- Bắc Đình nay ở phía bắc huyện Jimusar.

Chỉ còn huyện Bồ Loại ngày xưa tại nơi nào thì chưa rõ mà thôi. Nhưng đem địa điểm đã biết kể trên liên kết lại với nhau, vẽ ra một lộ tuyến thì huyện Bồ Loại vào thời nhà Đường rất có thể là huyện Mulei hay một phần huyện Kỳ Đài ngày nay. Nếu tôi tìm ra huyện Bồ Loại tức là tôi có thể nghiễm nhiên lần theo dấu chân của người xưa đi từ Độc Sơn thủ tróc đến Bắc Đình.

ĐƯỜNG LẠC ĐÀ

Mulei là do sông lấy tên sông Mộc Lũy mà đặt tên, lịch sử hành chánh của huyện còn rất mới, năm 1930 mới thành lập huyện. Sau giải phóng, năm 1954 mới trở thành huyện tự trị Mulei Hazak. Dân số hiện có hơn 7 vạn 4 ngàn người, phần lớn đều sống bằng nghề chăn nuôi.

Theo như người ta nói Mulei là biến âm của Pulei (Bồ Loại). Đời Đường gọi là huyện Bồ Loại, phía nam có một cổ thành, nhưng không ai biết rõ tên thành ấy là gì: Nghe người ta nói trên sa mạc Gôbi có một con đường lạc đà của lái buôn hay qua lại, điều này khiến tôi vô cùng thích thú .

Trương phòng văn hóa người Hazak của huyện là Xialifuhan dẫn tôi đi tìm con đường lạc đà ấy. Ra khỏi thành, theo hướng bắc đi vào sa mạc Gôbi. Đằng xa xuất hiện bóng cây phản chiếu hồ nước, đúng là hình ảnh cuốn hút người chết được, Xialifuhan cười nói:

- Có cả đời anh cũng không đến được hồ ấy?

Thì ra do tác dụng phản xạ của ánh mặt trời, đó là loại ảo giác thường xuất hiện trên sa mạc Gôbi.

Tại một nơi cách thành chừng 15 cây số, chúng tôi thấy tương đối rõ dấu tích của con đường cổ đại tại sa mạc này, cỏ hoang mọc đầy, ở đấy phảng phất mùi thơm kỳ lạ của loại cỏ nhục tử, Xialifuhan nói:

- Đây chính là con đường lạc đà.

Tại sao lại mọc đầy cỏ hoang? - Tôi hỏi.

- Nhiều năm lạc đà qua lại, lâu ngày lún sâu thành mương rãnh, có nước đọng, nên cỏ mọc um tùm.- Anh nói.

Tuy là sa mạc, nhưng có nước, tức là có thể trồng cấy, và dọc đường chúng tôi thấy những đám ruộng lúa mạch, những vườn trồng cải lấy nước từ sông Mộc Lũy để tưới.

Xialifuhan nhớ hồi nhỏ thường thấy cảnh lặn lội của các đội khách thương bằng lạc đà qua lại trên con đường này nối liền giữa Kỳ Đài và Hohhot ở Nội Mông. Người Hazak gọi con đường lạc đà này là “hoành lộ”, tức con đường nằm ngang, ý muốn nói con đường song song với dãy Thiên Sơn.

Sau này tôi hiểu ra những gì Xialifuhan nói về “con đường lạc đà”. Con đường này có từ đời nhà Thanh. Thời đó, huyện Kỳ Đài là trung tâm thương nghiệp của vùng bắc bộ Tân Cương, sự phồn thịnh của nó vượt xa Urumqi (Ô-lỗ-mộc-tề), thủ phủ của khu tự trị Tân Cương hiện nay. Từ Kỳ Đài qua Mulei, Barkol đến thảo nguyên và sa mạc ở Mông Cổ có con đường dùng lạc đà làm phương tiện vận chuyển hàng hóa. Con đường này có khoảng cách gần hơn so với con đường lớn từ Tẩy An qua Cam Túc đến Urumqi, và cước phí vận chuyển cũng tương đối thấp. Cả hành trình mất khoảng 3 tháng. Mỗi con lạc đà có thể chở 200 kg hàng hóa, giá cước vận chừng 10 lạng bạc. Phần lớn các hàng hóa từ nội địa chở đến Kỳ Đài rồi từ đó phân tán ra các nơi ở Tân Cương, gồm từ tơ lụa, len dạ, vải bô, đến trà, thuốc, sành sứ. Các thứ hàng này là nhu phẩm cần thiết đối với dân tộc thiểu số sống bằng nghề chăn nuôi. Hàng hóa từ Kỳ Đài đưa vào nội địa gồm lông thú, sừng dê, gạc nhung, câu kỷ, bối mẫu, nho khô, ngọc thạch.

Con đường lạc đà thời cận đại này hình thành và diễn biến có vẻ giống con đường tơ lụa thời cổ đại; nhưng trong một tình hình nhất định nào đó, cũng có thể nói rằng con đường lớn thông vãng đông tây dọc chân núi phía bắc dãy Thiên Sơn có nước và cỏ phong phú hơn dọc chân núi phía nam, thích hợp cho lạc đà trong việc vận tải hàng hóa đi lại.

TIỀN NHẬT BẢN TIỀN Ả RẬP

Rời huyện Mulei, chúng tôi men theo con đường nằm ngang (hoành lộ) song song với dãy Thiên Sơn tiến về huyyện Kỳ Đài. Vào đến địa phận huyện, chúng tôi thấy hai bên đường những hàng cây du và cây bạch dương thẳng tắp rất đẹp và kéo dài hàng chục cây số.

Huyện kỳ Đài rất lớn so với huyện Mulei, dân số toàn huyện ước khoảng 17 vạn người, dân số tại huyện lỵ chừng 2 vạn 2 ngàn người. Đường sá khu nội thành ngang dọc, nhiều cửa hàng buôn bán, quán xá mọc lên như rừng, có thể nhận ra bộ mặt phồn vinh của một thời đã từng là trung tâm thương nghiệp trọng yếu của khu bắc bộ Tân Cương. Đường phố sạch sẽ, ngay ngắn đã gây nơi tôi ấn tượng rất sâu đậm. Hai bên đường có nước chảy róc rách. Buổi trưa trời nắng, người đi đường có thể ngồi bên mương nước, hoặc dưới bóng cây hóng mát. Đó là một thị trấn yên tĩnh, đáng yêu ở phía bắc Trường Thành.

Anh Từ Văn Trị ở phòng văn hóa huyện rất nhiệt tình đối với công tác khảo cổ. Trong phòng làm việc của anh, tôi thấy có bộ sưu tập các loại tiền tệ từ đời Hán đến đời Thanh. Có một đồng tiền Nhật Bản được đúc từ thời Thủy Vĩ Thiên Hoàng, trên mặt có in bốn chữ Hán “Khoan Vĩnh thông bảo”. Anh còn cất giữ 100 đồng tiền bạc cổ Ả Rập, nặng chừng tám lượng. Số tiền tệ cổ trong và ngoài nước này đứng về một góc độ nào đó chứng minh rằng Kỳ Đài giữ một vị trí trọng yếu trong lịch sử giao lưu kinh tế đông tây của thời cổ đại.

Tôi hỏi xem tiền bạc Ả Rập được tìm thấy ở đâu? Anh bảo ở tại Đường Triều Đôn cổ thành tức phía tây huyện lỵ Kỳ Đài, do các cháu nhỏ tình cờ phát hiện.

Năm 1973, các cháu nhỏ đang chơi tại di thỉ Đường Triều Đôn cổ thành (mô đất thành cổ đời Đường) thì thấy trên mặt đất nổi lên một quai bình bằng sành. Bọn trẻ lấy tay đào lên, đổ ra một đống tiền cổ. Chúng cho là đồ chơi nên chia nhau mỗi đứa một ít. Về sau, Từ Văn Trị nghe có người nói lại, bèn khuyên chúng giao nạp văn vật ấy cho phòng văn hóa huyện, đồng thời tặng cho mỗi cháu một số quà tưởng lệ.

Thế là tôi yêu cầu Từ Văn Trị dẫn tôi đến thăm mô đất thành cổ đời Đường ấy. Nó cũng gần huyện lỵ Kỳ Đài, tường thành vẫn còn dấu cũ, người ta dùng đất nện truyền thống xây nên, thành có hình chữ nhật, bề đông tây dài 315 mét, bề nam bắc dài 90 mét. Phía đông có sông Thủy Ma, ven sông là bãi cỏ. Chúng tôi tản bộ trong thành thấy có nhiều mảnh sành. Từ Văn Trị nhặt lên mấy mảnh, can chấp lại một cách thành thạo thì nhận ra đó là bình sành một quai thuộc đời Đường. Anh nói từ những gạch ngói, tiền tệ trước sau đào được ở đây, đem phân tích các văn vật thì thấy đồ vật tại cổ thành này có sớm nhất vào đời Đường, và chậm nhất vào đời Nguyên.

Tôi hỏi:

- Đúng là cổ thành thuộc đời Đường, nhưng quy mô của nó lớn như thế này thì đây có phải là huyện Bồ Loại nhà Đường xưa kia không?

Anh có vẻ do dự một chút rồi nói:

- Theo góc độ khảo cổ mà xét thì rất khó nói. Sử sách của ta có ghi chép nói rõ rằng huyện Bồ Loại nhà Đường xưa kia nay chính là huyện Kỳ Đài.

Hán Tây Vực đồ khảo (Nghiên cứu bản đồ xứ Tây Vực đời Hán) có ghi: “Đường Trinh Quán năm thứ mười sáu (640) đặt ra huyện Bồ Loại, nay tức là Cổ 'thành”. Đất sở tại của huyện của huyện Kỳ Đài ngày nay có tên gốc của nó là “Cổ thành tử”.

Sau này, tôi có đến thỉnh giáo ông phó giám đốc Viện Bảo tàng Lịch sử Tân Cương là Lý Ngẫu Xuân, ông cho rằng mô đất thành cổ đời Đường (Đường triều Đôn cổ thành) rất có thể huyện Bồ Loại nhà Đường xưa kia, nhưng ông cũng nói thêm những gì chưa được khoa học khai phá thì chưa thể kết luận được. Sự tìm hiểu này dầu chưa có kết quả xác đáng song cũng khiến tôi ý thức rõ rằng lộ trình mà tôi đã đi qua về cơ bản vẫn phù hợp với tuyến bắc cua con đường tơ lụa thuộc đời Đường.

Tại phòng làm việc của Tư Văn Trị thấy có mấy khối “vân văn ngỏa đang” và “thằng văn đồng ngỏa”. Đây là phong cách kiến trúc điển hình về nghệ thuật ghép mảnh sành trong các nhà cửa quan gia đời Hán. Nó cho thấy lực lượng chính quyền triều Hán thời bấy giờ đã lan tới vùng bắc Thiên Sơn và còn uy hiếp cả người Hung Nô tận khu vực này. Người ta còn đào được ở đây một khối “vân văn ngỏa đang” và đã từng đem triển lãm tại phòng trưng bày văn vật thuộc con đường tơ lụa ở Nhật Bản, và đã khiến nhiều chuyên gia chú ý.

Từ thế kỷ thứ II trước CN, sau khi Hán Vũ Đế phái Trương Khiên đi sứ Tây Vực, nhà Hán và Hung Nô đã tiến hành nhiều cuộc chiến tranh kéo dài hơn bảy mươi năm tại Tây Vực. Đến đời Hán Tuyên Đế niên hiệu Thần Tước năm thứ hai (năm 60 trước CN), vua Hung Nô là Nhật Trục Vương dẫn đại binh đầu hàng nhà Hán, bấy giờ nhà Hán mới chính thức thiết đặt việc đô hộ Tây Vực, cử trưởng quan tối cao thống lĩnh địa hạt Tân Cương. Lúc đó bắc lộ Thiên Sơn vẫn còn một phần đất thuộc Hung Nô. Đến năm 58 trước CN, toàn bộ vùng đất này mới trực thuộc chính quyền trung ương nhà Hán. Những năm đầu đời Đông Hán, khu Tân Cương xảy ra tình hình cát cứ, bắc Tân Cương bị người Hung Nô chiếm lại. Chính quyền Đông Hán một lần nữa phải tiến đánh mới thu phục lại toàn bộ Tân Cương.

Theo đó, chúng ta thấy lối kiến trúc chính thức thuộc đời Hán tại huyện Kỳ Đài bắc Tân Cương có một ý nghĩa rất lớn. Từ Văn Trị nói Thạch Thành Tử hiện ở một nơi cách phía nam huyện ly chừng 50 cây số, tôi quyết định tự mình đến đấy để xem thử thế nào.

MẬT ONG, HOA HOUBLON ...

Lên xe rời huyện lỵ đi về hướng nam, rồi tiến vào khu núi đồi ở phía bắc chân núi Thiên Sơn, qua nông trường quốc doanh Tam Phân để ăn trưa thì gặp ngay ông Trần Nhất Tinh, là phó giám đốc nông trường. Ông vốn là người Vô Tích, tỉnh Giang Tô, thấy có khách từ nội địa đến, ông rất vui vẻ, ông tha thiết mời chúng tôi lưu trú, tham quan. Ông nói:

- Mục dân Hazak trong núi đang cử hành mỗi năm một lần đàn ca xướng hát, cớ sao các anh không ở lại nông trường một đêm, sớm ngày mai hàng đi, tham quan cổ thành xong rồi đi lên núi xem qua cuộc vui của mục dân Hazak há chẳng phải không hay lắm sao?

Bạn đồng hành của tôi đồng ý thì tôi cũng đành phải theo thôi?

Đây là một nông trường có dạng như một hoa viên. Ở đây người ta trồng hạnh, táo. Có một khu thí nghiệm trồng cây ăn quả khá lớn, người ta trồng nhiều loại cây ăn quả, cây thuốc. Tại đây còn được thấy quả văn quan nổi tiếng xưa nay. Nó là loại cây ép dầu có năng suất rất cao. Chúng tôi đang tham quan bộ phận nuôi ong, được thưởng thức mùi vị mật ong tuyệt hảo. Trạm thủy điện tự cung ứng điện cho cả nông trường và chuẩn bị đưa điện về huyện lỵ. Tản bộ bên bờ suối giữa rừng xanh, không khí ẩm ướt cơ hồ như quên khuấy mình đang ở nơi biên tái khô hạn của sa mạc.

Tiện đường, chúng tôi ghé vào một gia đình làm nông nghiệp phổ thông, nhà cửa phòng ốc rộng rãi thoải mái, trong nhà bài trí gọn gàng sạch sẽ, lịch sự, thật hoàn toàn nằm ngoài dự đoán của tôi. Bước vào cổng chính là một vuông sân rộng được quét tước gọn sạch. Giữa sân là một bồn hoa trồng hoa nguyệt quý, hoa phiên liên. Phía nam là một dãy nhà bốn phòng, trước hiên nhà có hàng cột chống đỡ dãy hành lang, đó là phỏng theo lối kiến trúc của người Uygur. Chính giữa là một gian phòng rộng chừng 20 mét vuông. Một bên là giường nằm, chăn chiếu xếp đặt gọn gàng, lấy khăn vải phủ lên. Phía trên bàn thờ sát tường có treo một cái đồng hồ ở ngay giữa, hai bên treo bầu rượu, đĩa và các thứ trang trí khác, tất cả đều ở dạng đối xứng, người ta nói đó là phỏng theo tập quán của người Uygur. Con trai của gia chủ là một giáo viên tiểu học. Theo lối sinh hoạt thường nhật của gia đình này mà xét thì mức thu nhập tương đối khá cao, bằng mức thu nhập của nông dân ở nội địa.

Sau này Trần Nhất Tinh nói với tôi là gia đình này gốc người Thiểm Tây, đời trước chạy lánh nạn đói đã đến Tân Cương sinh sống đến nay đã năm đời, tự xưng mình là “Lão Tân Cương”. Người xưa nói “vui đến nỗi không nhớ nước Thục”, theo tôi thấy thì gia đình “Lão Tân Cương” này đã mải “vui không còn nhớ gì đến Thiểm Tây” nữa.

Buổi tối, tôi và Trần Nhất Tinh, người quê Thái Hồ, tỉnh Giang Nam xa xôi đến chốn biên ải này ngồi nói chuyện phiếm. Tôi hỏi ông có phải ông cũng đã “mải vui không còn nhớ gì nước Thục” chăng? Ông thẳng thắn thừa nhận rằng đời sống vật chất ở đây tuy rất tốt nhưng vẫn nhớ về cố hương, cách vài ba năm ông lại về thăm cha mẹ một lần. Ông nói con người luôn luôn lưu luyến đến đất cũ người xưa, huống chi đất Giang Nam từ xưa đến nay vốn được tôn xưng là “thiên đường của nhân gian”, thử hỏi làm sao không nhớ cho được!

Ông là sinh viên tốt nghiệp khoa nông nghiệp, có chí nguyện đi kiến thiết vùng biên cương. Ngày nay ông đã đưa vợ con đến, nhà cửa ổn định, vật dụng phòng ốc đầy đủ, giống như một người Tân Cương chính cống. Ông nói:

- Tôi làm việc, sinh sống trên mảnh đất này đã 15 năm, mắt đã chứng kiến núi hoang thành cây trái, nên đã có tình cảm sâu nặng, nguyện suốt đời cống hiến cho vùng Thiên Sơn này!

Ông cho là tiền đồ phát triển vùng Thiên Sơn này rất to lớn. Khí hậu ở đây vuông ấm, hè mát, đôi khi còn ẩm ướt nữa, điều đó là do khí nóng ở lòng chảo Chuẩn Hát Nhỉ bốc cao vận hành về hướng nam bộ núi Thiên Sơn chận lại và vùng đồi án ngữ phía trước mà hình thành một lớp ôn nhiệt tương đối ổn định. Do đó ở đây có điều kiện phát triển các hình thức kinh doanh về cây ăn quả, cây dược liệu, hoặc nuôi ong lấy mật v.v... Gần đây, Trần Nhất Tinh cùng các bạn đồng nghiệp thí nghiệm thành công việc trồng hoa bia (houblon, hốt-bố). Nông trường của họ được nhà nước chỉ định là một trong những vùng trồng cây hoa bia cung cấp cho toàn quốc, giọng ông nói nghe rất đỗi tự hào.

Đêm tâm sự với người đồng hương xứ Giang Nam đã làm ấm lòng kẻ “du tử” là tôi này và họ đã giành được sự kính trọng sâu xa từ trong đáy lòng tôi.

SỰ TÍCH VỀ CỔ THÀNH

Sáng hôm sau, từ biệt Trần Nhật Tinh tiếp tục đi đến lòng chảo Sơn Gian, tức là vùng đất thuộc công xã Bán Triệt Câu rồi leo núí lên đến tận đội sản xuất Ma Câu Lương đi thăm di chỉ “Thạch Thành Tử”.

Một tráng niên người địa phương. dẫn chúng tôi leo lên một ngọn núi, đến đỉnh, anh chỉ cho thấy di chỉ Thạch Thành Tử. Tường thành không còn nhận ra nữa, ở khu nội thành cũ, người ta trồng tiểu mạch nhưng ven bờ ruộng có thể nhặt được những “vân văn ngỏa đang” và “thằng văn đồng ngỏa” đời Hán. Đến phía bắc bờ tường thành hoang phế, đứng trên cao nhìn xuống mới thấy địa thế của khu cổ thành này vô cùng hiểm yếu.

Phía nam cổ thành là thảo nguyên và núi tuyết, phía bắc giáp lòng chảo, hai phía đông tây là vách đá dựng đứng. Cạnh đông cổ thành có một con suối sâu chừng mươi thước chảy theo hướng bắc ven dọc bình nguyên. Từ trên cao nhìn xuống thành lũy được phòng thủ vô cùng kiên cố. Thành này khiến tôi nghĩ đến một sự tích có tính chất truyền kỳ được ghi trong sử sách nói về danh tướng đời Đông Hán, đó là Cảnh Cung khi đi đánh Hung Nô.

Cảnh Cung là viên quan chấp chưởng quân sự của triều đình Đông Hán được phái đến đóng quân ở bắc Thiên Sơn. Quân Hung Nô quấy nhiễu vùng Xa sư Hậu quốc, ông cố thủ thành Kim Mãn (nay là Jimusar) và đẩy lui quân địch. Sau đó Cảnh Cung cho là “cạnh thành Sơ Lặc có một con suối có thể cổ thủ được, bèn dẫn quân đến trấn giữ. Tháng bảy, quân Hung Nô lại đến tấn công … và chắn ngang dòng suối ở dưới thành.

Trong thành, Cảnh Cung sai người đào giếng sâu đến 15 trượng mà vẫn không thấy nước , tướng sĩ đều khát, đành phải vắt phân ngựa lấy nước uống”. (Hậu Hán thư - truyện Cảnh Cung). Trong thời điểm nguy cấp ấy, Cảnh Cung thở ra nói: “Nhị sư Tướng quân Lý Quảng Lợi cũng trong cơn nguy cấp như vầy đã rút đao đâm xuống núi thì suốí_nước tuôn trào, nay ta là quan của triều Hán thần minh lẽ nào ta lại không làm được như vậy?” Nói xong, ông sửa lại mũ áo quỳ về phía giếng quỳ lạy, ngẩng mặt lên trời cầu đảo. Lát sau nước giếng phun lên, quân sĩ đứng chung quanh tung hô vạn tuế. Cảnh Cung ra lệnh “quân sĩ hãy phun nước lên cao để thị uy bọn giặc, giặc lấy làm lạ cho là thần linh bèn rút lui”.

Từ sự tích của Hậu Hán thư ghi chép mà xét thì thành Sơ Lặc ở trong lãnh địa của Xa sư hậu quốc, cách Jimusar không xa, bên thành có suối nước, trong thành có đào giếng sâu 15 trượng mà không thấy nước. Những điều đó phù hợp về điều kiện địa lý của thành Thạch Thành Tử. Sau này tôi tìm ra một số văn kiện lịch sử có liên quan đến huyện Kỳ Đài xác minh rằng Thạch Thành Tử cũng chính là thành Sơ Lặc đời Hán, nhưng rất tiếc là chưa đưa ra đủ chứng liệu.

CẢNH ĐẸP TRÊN MỤC TRƯỜNG VÀO MÙA HẠ

Lưng của Thạch Thành Tử dựa vào núi tuyết, đó là dãy Bogda của Thiên Sơn, trong đó ngọn núi chính là Bogda mà xưa nay vốn được các thi nhân ngâm vịnh, núi cao đến 5445 mét. Từ thành phố Urumqi nhìn theo hướng đông cũng có thể thấy được. Những ngọn núi tuyết, chung quanh Thạch Thành Tử đều có độ cao hơn mực nước biển trên 4000 mét.

Rời khỏi Thạch Thành Tử, chúng tôi hướng núi sâu đi tới, không khí càng trong lành, cảnh sắc càng ngày càng tráng lệ. Bầu trời trong xanh làm nổi bật các đỉnh núi tuyết sáng lóng lánh hiện ra sau lớp kính cửa xe, xưa nay vẫn là đề tài muôn thuở của hàng loạt bức tranh phong cảnh thiên nhiên.

Xe chầm chậm leo lên một con đường đèo, tay ký giả nhiếp ảnh Tiểu Cầm ngồi trên xe đột nhiên kêu lớn: “Đẹp hết ý! Làm ơn dừng xe lại đi?” Chúng tôi xuống xe nhìn ngắm, trước mắt hiện ra cảnh sắc tươi đẹp, chúng tôi ngơ ngẩn giương mắt nhìn.

Đứng trên một bãi cỏ rộng, dưới chân toàn là hoa dại muôn màu khoe sắc. Tôi nằm dài trên thảm cỏ xanh tận hưởng hương vị của cỏ thơm và hoa dại tản mác quanh tôi.

Cạnh đầu chỗ tôi nằm cùng có thể nhìn thấy nào hoa hồng, màu hồng phấn, màu tím nhạt, màu vàng non ... tựa hồ như đang tập hợp lại tạo thành một bức tranh đầy màu sắc, vừa tự nhiên vừa kỳ diệu. Xa xa là hàng hàng lớp cây vân sâm xanh thẫm, nhưng đẹp nhất là giữa đám vân sâm ấy, trên một đỉnh núi vắt ngang một tấm thảm màu vàng óng, lấp lánh, mượt như nhung, và nếu ta đưa tay vuốt ve nó thì có thể nhận ra cái vẻ mềm mại mượt mà như bộ lông thiên nga. Đó chính là vườn hoa cải đang lúc nở rộ như tạo thành một thứ ảo giác trước mắt ta. Trong không khí như cảnh thần tiên khiến người ta say đắm ấy thì những ngọn núi tuyết kia - núi tuyết ở Thiên Sơn mãi mãi thuần khiết - ngạo nghễ sừng sững dưới bầu trời xanh thẳm. Từng đám mây trắng như vững cái áo và khăn quàng đang vẫy múa bên cạnh.

Tôi chăm chú nhìn cảnh tượng hiện ra trước mắt mình, bỗng cảm thấy ân hận mình, không có khả năng âm nhạc thiên phú. Nếu không thì tôi rất muốn viết một khúc giao hưởng phổ lại những âm sắc tươi đẹp của cảnh thiên nhiên diễm lệ này để ca tụng dãy Thiên Sơn hùng vĩ, ngạo nghễ này của đất nước.

Theo bản tính tự nhiên, lòng tôi bỗng hứng khởi một khát vọng về âm nhạc như vậy thì không lâu sau đó trong buổi liên hoan hát xướng của các “a khẳng” (ca sĩ) đã đem lại cho tôi sự đền bù xứng đáng.

“A khẳng” là tiếng Hazak có nghĩa là ca sĩ. Được đặt danh hiệu là “a khẳng” trong số những mục dân là một danh dự tối cao. Một “a khẳng”có thể tự biên tự diễn, vừa là người diễn xướng vừa là một nhà thơ. Lịch sử có nói rằng có tranh chấp xảy ra giữa những người trong bộ lạc Hazak kéo dài mãi không thôi thì một “a khẳng” nổi tiếng xuất hiện đứng ra hòa giải, chỉ cần đàn hát một bài là có thể biến can qua thành bình định.

HỘI DIỄN ÂM NHẠC TRÊN ĐỒNG CỎ

Chúng tôi vượt qua một rừng tùg xanh tốt thì đi vào một hang núi, sau đó là một vùng chăn thả có núi non bao bọc chung quanh, người ta gọi đó là Hạ Oa Tử - tức bãi cỏ chăn thả súc vật vào mùa hè. Ở đây lều trại mọc lên như rừng, cờ hồng phấp phới, các cô gái Hazak áo quần sặc sỡ và các chàng trai oai phong cưỡi trên những con tuấn mã từ bốn phương tám hướng đi lại. Một bà lão khoác chiếc khăn lụa trắng dài phết đất bên cạnh là cô cháu gái dìu đi, cũng rời lều trại đến hội trường. Chúng tôi đến đúng giờ, hội liên hoan hát xướng sắp bắt đầu.

Nghi thức buổi lễ ngắn gọn, hội đàn hát khai mạc bằng một bài độc tấu đàn Ca-dắc Một người đàn ông khoảng năm mươi tuổi ôm cây đàn Ca-dắc ngồi biễu diễn ngay trên thảm cỏ. Ông một tay vuốt dây, một tay gảy đàn, bắt đầu bằng nhịp chầm chậm, giai điệu ngọt ngào như bài mục ca, như nước suối chảy, tiếng đàn như đưa ta đến nơi u tĩnh có trăng thanh gió mát, lướt qua cảnh ý rừng thông. Rồi lát sau, khúc đàn dần dần lên cao, hùng mạnh như thiên binh vạn mã phóng nhanh trong bão tố cuồng phong, đàn cho đến lúc cao trào bỗng nhiên im bặt. Tiếng vỗ tay nổi lên tứ phía vang dội cả núi rừng.

Lúc hội đàn hát tạm nghỉ, rất nhiều mục dân vây quanh ông yêu cầu đàn thêm mấy khúc nữa. Tôi cũng đứng một bên thưởng thức. Khi hết đàn, tôi có hỏi họ tên của ông. Ông tên là Tàng-ni-nhĩ Ha-bố-nhĩ. Tôi rất tiếc là không mang theo máy cassette, nếu không thì mỗi khi nhớ vết kỷ niệm ở Thiên Sơn tôi có thể mở máy lại để nghe tiếng đàn Ca-dắc của Tàng-ni-nhĩ Ha-bố-nhĩ.

Xem ra nam nữ thanh niên rất thích nghe tiết mục hát xướng. Hai phụ nữ chừng bốn, năm mươi tuổi đứng một bên, hai người đàn ông đứng một bên. Đại khái hội dung đàn hát là nhớ lại tình yêu thời trai trẻ, trong cái nét trữ tình ấy có mang hơi hướng của sự hài hước, đôi khi làm cho cả hội trường cười rộ. Lời ca đều do cảm hứng mà sáng tác, bên hỏi, bên đáp, thi thố cùng nhau. Phụ nữ thường được vỗ tay tán thưởng, xem ra có vẻ ưu thế hơn. Tôi thấy nữ ca sĩ đầu tóc bạc phơ kia thỉnh thoảng nghiêng tai nói nhỏ với đồng bạn, chị này gật đầu mỉm cười như đồng ý những xảo tứ của bạn. Người nghe lúc đâu còn giữ trật tự ngồi yên một bên, phân trên phân dưới hẳn hoi, nhưng về sau họ càng nghe càng thích ý, đần dần tiến lên, cuối cùng họ bao vây luôn cả bốn ca sĩ ...!

Hát cho đến khi thắng bại khó phân thì bên nữ đứng ra chủ động đàn hòa, hát rằng:

- Thính giả giờ đây bụng đói cồn cào, nếu các anh không cam lòng thấy mình thua trận thì hãy để cho chị em tôi ăn no rồi tái đấu có được chăng? Hỡi nào!” Thính giả bỗng cười ồ, rồi chấm dứt ra về.

Hội đàn ca xướng hát kéo dài sáu ngày, trong đó có xen các tiết mục truyền thống của người Hazak như đua ngựa và kéo dê. Chúng tôi muốn trở về huyện lỵ, nhưng lưu luyến không dứt, hy vọng ở một mục trường khác sẽ có cơ hội vui vẻ với anh chị em người Hazak một vài lần nữa!

12. HAI THỦ PHỦ XƯA VÀ NAY - JIMUSAR VÀ URUMQI

Thời Thịnh Đường, biên giới phía tây xa đến tận Hàm Hải. Để cai quản khu tây bắc rộng lớn ấy, triều đình nhà Đường đã thiết lập ở đây hai trung tâm chính trị quân sự: một là An Tây Đô hộ phủ, đặt tại nước Quy Tư (nay là huyện Khố Xa, Tân Cương), cai quản từ vùng Thiên Sơn đến địa phận phía nam sông Toái Diệp; và một là Bắc Đình Đô hộ phủ, đặt tại Đình Châu (nay là huyện Jimusar, Tân Cương), cai quản từ bắc Thiên Sơn đến khu đông bộ Hàm Hải.

THI NHÂN NGÂM VỊNH CỔ THÀNH NƠI BIÊN TÁI

Rời huyện lỵ Kỳ Đài men theo tuyến bắc của con đường tơ lụa, tôi tiếp tục tiến về phía tây chừng 37 cây số thì đến huyện Jimusar. Cát mộc và kim mãn (đầy vàng) hài âm với nhau (jimu - kinman). Sar (Tát nhỉ) tiếng Uygur có nghĩa là “thành lũy”. Tóm lại, Jimusar (Cát-mộc-tát-nhỉ) tức là “Kim mãn thành” (thành đầy cả vàng). Thời Đông Hán đã từng đóng quân ở thành Kim Mãn. Còn Đình Châu đời Đường chính là dựa trên cơ sở thành Kim Mãn đời Hán mà phát triển thêm, đến Trường An năm thứ II (702 CN), nữ hoàng Võ Tắc Thiên mới thiết đặt Bắc Đình Đô hộ phủ tại Đình Châu để cai quản vùng lãnh thổ bắc Thiên Sơn. Đó là một trong hai thủ phủ ở Tây Vực thời cổ đại. Tôi vốn ngưỡng mộ tiếng tăm Bắc Đình Đô hộ phủ từ lâu, nên khi vừa mới đến Jimusar, tôi liền lên xe đi thăm cổ thành. Địa sở cũ cách huyện lỵ 11 cây số về phía bắc, nay thuộc hai đội sản xuất của công xã Quốc Khánh. Đang là mùa hạ, ruộng tiểu mạch hứa hẹn một mùa bội thu, sự phát triển tốt đẹp đã làm vui lòng mọi người dân ở đây.

Tại di chỉ cổ thành, rải rác đây đó những đoạn tường xiêu vách đổ. Trèo lên góc tây bắc của đoạn tường thành đổ nát nhìn bốn chung quanh thì cổ thành này là một hình vuông có thể mang máng nhận ra. Thành phân ra nội ngoại hai vòng: vòng thành ngoài có châu vi chừng 5000 mét. Bước qua khỏi một cái động dùng làm cổng thành thì vào đến nội thành, ở đây khắp nơi đều thấy những gạch bể, ngói vụn.

Trước giải phóng đã từng có người ngoại quốc đến đây đào bới khai quật bất hợp pháp. Nắn 1973, đội công tác văn vật Trung Quốc đã tìm được một con dấu bằng đồng tại nội thành và phát hiện ra gạch hoa hình vuông có hoa văn hình bông sen, một đặc điểm trang trí trên gạch đời nhà Đường, thêm vào đó còn có tiền đồng có khắc “Khai nguyên thông bảo”, “Càn Nguyên trọng bảo” (Nhà Đường). Tại đây, chúng tôi gặp đội khảo cổ thuộc phòng khảo cổ Trung Quốc đang khai quật, hy vọng họ có thêm những phát hiện mới.

Khu cổ thành này, qua khảo sát, nghiên cứu, các chuyên gia, họ đều nhất trí xác nhận là khu hành chính của Bắc Đình đô hộ phủ.

Tôi đứng trên thành trông vời bốn phía nam là dãy Thiên Sơn dài ngàn dặm, bắc là sa mạc Gôbi mênh mông vô tận, đông có một con sông nhỏ, bên kia là sông là con đường xưa quanh co uốn lượn chạy dài theo hướng Barkol. Đúng là “Cô thành Thiên bắc bạn, Tuyệt vực Hải tây đầu” (nghĩa là thành lũy lẽ loi bên bờ bắc Thiên Sơn, vùng đất tận cùng tại phía tây Hãn Hải).

Đó là mấy câu thơ của Sầm Tham đời Đường sáng tác khi đến nhậm chức ở Bắc Đình. Thơ nói về biên tái của ông có nhiều bài đề cập đến Bắc Đình và Luân Đài thuộc Đình Châu. Dưới ngòi bút của ông, thế giới băng tuyết ở biên cương phía bắc được miêu tả một cách rất chân thật, ví dụ như đoạn thơ sau đây:

“Bắc phong quyển địa bạch thảo triết,

Hồ thiên bát nguyệt khước phi tuyết.

Hốt như nhất dạ xuân phong lai ,

Thiên thu vạn thụ lê hoa khai.

Tán nhập chu liêm thấp la mạc,

Cô cừu bất noãn cẩm khâm bạc.

Tướng quân giác cung bất đắc khống,

Đô hộ thiết y lĩnh nan trước.

Hãn hải lan can bách trượng băng,

Sầu vân thảm đạm vạn lý ngưng.

Trung quân tri tửu ẩm quy khách,

Hồ cầm tỳ bà dữ Khương địch.

Phân phân mộ tuyết há viên môn,

Phong xiết hồng kỳ đống bất phiên …”

Tạm địch: Gió bắc thổi quét sát mặt đất, cây cỏ gãy liệt, trời xứ hồ tháng Tám đã có tuyết rơi. Bỗng một đêm gió xuân về, ngàn vạn cây lê hoa nở rộ. Tỏa lan vào phòng làm ướt màn lụa. Áo đơn không đủ ấm, lại thêm chăn gấm mỏng. Cung nỏ tướng quân bị đóng băng cứng không rút ra được, áo giáp sắt của quan đô hộ lạnh đến nỗi rất khó mặc. Dọc ven hành năng bờ Hãn Hãi băng đóng dài hàng trăm trượng. Mây buồn áo não ngưng đọng ngoài ngàn dặm. Trong quân mở tiệc rượu đãi khách trở về, tiếng đàn tỳ bà xứ Hồ, cùng tiếng sáo đời Khương tấu xướng. Trời chiều tuyết rơi ào ào ngoài cổng trại quân, đến nỗi cờ hồng treo trên đó cũng đóng băng cứng, gió không lay động nổi.

Xem thế, ngay cả quân kỳ treo trước cổng trại cũng bị đông cứng không thể tung bay trước gió thì ta có thể tưởng tượng chân tay tướng sĩ tê lạnh biết chừng nào. Từ đó ta liên tưởng đến tình cảnh người chiến binh thời xưa ở chốn biên cương chịu gian nan vất vả đến thế nào trong việc thống nhất Tây Vực, duy trì và bảo vệ sự thông thương của con đường tơ lụa. Rõ ràng họ đã lập công to trong sự chinh phục khu tây bắc.

CUỘC ĐẤU TRANH THÔNG NHẤT TÂY VỰC HƠN 1300 NĂM TRƯỚC

Việc thiết lập An Tây Đô hộ phủ và Bắc Đình Đô hộ phủ đánh dấu sự nghiệp to lớn của nhà Đường. đối với sự thống nhất Tây Vực. Có một thời việc gian thương đông - tây trên con đường tơ lụa bị gián đoạn nay mới được khôi phục và còn đạt đến trình độ phồn thịnh mà trước đó chưa từng có. Điều này có được là nhờ vua quan nhà Đường đã trải qua nhiều năm tranh đấu, tiêu diệt sự quấy nhiễu của người Tây Đột

Quyết. Thời Tùy - Đường, Tây Đột Quyết thường hay uy hiếp Tây Vực giống như người Hung Nô đối với thời Lưỡng Hán.

Đột Quyết là một dân tộc du mục cổ lão ở trên các sa mạc phía bắc Trung Quốc, trước khi đã từng liên minh Với bộ lạc Hung Nô, sau bộ lạc này giải thể mới bắt đầu dùng tên gọi “Đột Quyết” và xuất hiện trên vũ đài lịch sử Trung Quốc. Vào khoảng năm 552 CN, nước Đột Quyết thành lập, nhưng không lâu sau đó lại bị phân liệt thành Đông Đột Quyết và Tây Đột Quyết.

Tây Đột Quyết khống chế một khu vực rộng lớn từ bắc Thiên Sơn, Tây A Nhĩ Thái Sơn đến đông Hắc Hải. Vào thời cực thịnh của Tây Đột Quyết thì một số nước nhỏ ở Nam Thiên Sơn đều bị họ khống chế hoặc uy hiếp.

Tây Đột Quyết và chính quyền trung ương nhà Đường có mối quan hệ thân thuộc. Nhiều đời vua Tây Đột Quyết chịu nhận sắc phong của vua Đường và hàng năm về triều tiến cống. Sứ giả ngoại quốc gọi người Tây Đột Quyết là người Trung Quốc và cho rằng lãnh thổ phía tây của tây Đột Quyết là cương vực tây bộ của Trung Quốc. Thế nhưng Tây Đột Quyết lại dùng quân cát cứ, đôi khi làm loạn, thậm chí còn đem quân đánh lại nhà Đường.

Là một bộ lạc du mục, nên sự thống trị của Tây Đột Quyết ở Tây Vực cực kỳ dã man. Họ cướp bóc lương thực, súc vật của các nước nhỏ, đốt phá làng mạc, thành quách, bắt bớ tù binh, nô lệ. Thương khác lai vãng trên con đường to lục đôi khi cũng bị uy hiếp, cướp đoạt. Tây Đột Quyết còn mưu đồ lũng đoạn việc buôn bán tơ lụa của Trung Quốc với phương Tây đến nỗi phá vỡ mối quan hệ hòa mục của người Ba Tư. Hàng loạt những hành động bạo ngược của Tây Đột Quyết đã làm trở ngại sự tiến bộ của Tây Vực và sự phồn vinh của nền giao thương của phương Tây.

Sau khi nhà Đường thống nhất Trung Nguyên, các tiểu quốc ở Tây Vực và các quốc gia Tây Á tấp nập cử sứ thần về triều yêu cầu nghiêm trị bọn Tây Đột Quyết để khôi phục con đường tơ lụa.

Thế là trước hết nhà Đường đem quân tiểu trừ lực lượng tây Đột Quyết ở nam Thiên Sơn, vào năm 658 CN, nhà Đường đặt An tây Đô hộ phủ tại Quy Tư, xác lập vị trí vững chắc của chính quyền trung ương tại đây.

Sự kiện này khiến Tây Đột Quyết cát cứ ở bắc Thiên Sơn phải chấn động. Tù trưởng bộ lạc A-sử-na-hạ-lỗ không đánh mà hàng, đích thân đến Trường An triều kiến Đường Thái Tông và xin thần phục. Đường Thái Tông bèn lập Dao Trì Đô đốc phủ tại bắc lộ Thiên Sơn, giao A-sử-na-hạ-lỗ làm đô đóc, đóng trú sở tại Đình Châu (nay là Jimusar).

Đường Thái Tông dùng chính sách “dĩ di trị di” (lấy người di trị người di), công lớn hoàn thành, nhà vua cảm khái trong lòng nói: “Bốn biển đã yên, nghiệp đế đã vững, trẫm nay vui quá!”.

Thực ra, A-sử-na-hạ-lỗ rất xảo quyệt, nấp dưới ngọn cờ của nhà Đường, từ trong nội bộ của bộ lạc, hắn ta đã tự gây dựng thế lực, chờ ngày đủ lông đủ cánh nổi dậy xưng vương, dời đô đến lưu vực sông Y Lê, đồng thời lần nữa đem binh tiến đánh nhà Đường.

Sau khi ảo tưởng về một nền hòa bình thống nhất Tây Vực của nhà Đường bị phá vỡ, bắt đầu từ năm 652, nhà Đường nhiều lần đem binh đánh giáp công A-sử-na-hạ-lỗ từ hai cánh nam bắc, rồi tổng công kích tại lưu vực sông Y Lê; A-sử-na-hạ-lỗ đại bại đào thoát về phía tây, chạy thẳng đến Thạch Quốc và bị người Thạch Quốc bắt đem giao cho quân đội nhà Đường. Từ đó, Tây Đột Quyết xưng hùng xưng bá ở Tây Vực bị diệt vong, nhà Đường hoàn thành công cuộc thống nhất Tây Vực vào năm 657 CN.

Nhà Đường thiết lập hai Đô hộ phủ ở Côn Lăng và Mông Trì tại bắc lộ Thiên Sơn, phân chia việc cai trị lãnh thổ vùng tây sông Toái Diệp. Năm 702, để tăng cường sự thống trị tại Bắc Lộ Thiên Sơn, nữ hoàng Võ Tắc Thiên lập Bắc Đình Đô hộ phủ ở Đình Châu, quản hạt luôn hai Đô hộ phủ Côn Lăng và Mông Trì với số binh sĩ hơn hai vạn.

Nhờ sự thiết lập Bắc Đình Đô hộ phủ mà con đường thông vãng đông-tây ở bắc Thiên Sơn lại được khai thông. Sau khi khách thương trên con đường tơ lụa ra khỏi Đôn Hoàng, không những có thể theo tuyến năm và tuyết bắc từ sa mạc Taklamacan đi về phía tây mà còn có thể qua Barkol, Bắc Đình đi thẳng đến lưu vực sông Y Lê tiến lên phía tây để đến Ba Tư.

MỤC TRƯỜNG XINH ĐẸP - THỦ PHỦ CỦA KHU TỰ TRỊ

Rời Jimusar tiếp tục men theo chân núi phía bắc Thiên Sơn tiến về phía tây, đường đi toàn cát phẳng mênh mông, hoang vu không người. Khi qua đây, tôi nghĩ ngay đến mấy câu thơ của Sầm Tham đời Đường: “Luân đài cửu nguyệt phong dạ, nhất xuyên tái thạch đại như đấu, tùy phong mãn địa thạch loạn tẩu” (nghĩa là ban đêm thánh chín ở Luân Đài gió gầm rú, cả một vùng đá lăn lóc to như cái đấu cũng theo gió thổi bay chạy lung tung). Luân Đài vào đời Đường thuộc Đình Châu, theo sử sách ghi chép thì cách phía tây Đình Châu chừng 400 dặm, ước chừng ngày nay là vùng gần Urumqi; lúc Sầm Tham đến nhậm chức ở Bắc Đình có lẽ ông thường đến Luân Đài. Căn cứ vào những bài thơ của Sầm tham trong tập “Toàn Đường Thi”, có đến mười chỗ ông nói về Luân Đài. Có người ngộ nhận xem Luân Đài đời Đường cũng là Luân Đài gần Đô hộ phủ Tây Vực đời Hán, có vị trí tại phía đông huyện Khố Xa thuộc Nam Cương ngày nay. Thế là họ không biết rằng tên gọi Luân Đài đời Đường tuy lấy nguồn gốc Luân Đài đời Hán, nhưng vị trí địa lý của hai nơi này lại rất xa nhau. Sầm Tham trong bài “Phó Bắc Đình độ Lũng tư gia” (Đi Bắc Đình qua Lũng Sơn nhớ nhà) có viết:

“Tây hướng Luân Đài vạn lý dư,

Dã tri hương tín nhật ưng sơ.

Lũng Sơn anh vũ năng ngôn ngữ,

Vi báo gia nhân số kí thư”.

Tạm dịch: Luân Đài ở phía tây xa xôi vạn dặm, nên tin thư ở quê nhà ngày một thưa; trên núi Lũng Sơn chim anh vũ hay thóc mách nhắn nhe là người nhà sẽ gửi nhiều tin thư đến để báo tin đấy!

Trên đường nhà đi Bắc Đình, nghĩ đến “tây hướng Luân Đài” ý muốn chỉ Luân Đài thuộc Bắc Đình Đô hộ phủ mà hiện nay là khu vực bắc Thiên Sơn. Rất tiếc, ngày nay không ai phát hiện ra di chỉ của Luân Đài cả nên tôi cũng thể nào tìm cho ra ý cảnh trong câu thơ “Luân Đài thành đầu dạ xuy giác” (trên thaàh Luân Đài đem khuya nghe tiếng tù và thổi).

Trên đường đi, ngang qua ngọn núi tuyết Bogda tráng lệ thì lát sau sẽ đến thành phố Urumqi. Ngày nay, Urumqi là trum tâm văn hóa kinh tế, chính trị của khu tự trị người Uygur ở tân Cương. Urumqi dịch âm tiếng Mông Cổ có nghĩa là “mục trường xinh đẹp”. Thời cổ đại, con đường tơ lụa thông suốt thì ở đây là vùng thảo nguyên mênh mông. Thế nhưng ngày nay những người muốn tìm hiểu lịch sử của con đường tơ lụa trước hết ai cũng phải đến Urumqi để nghỉ ngơi, chuẩn bị những gì cần thiết cho chuyến đi dài.

Xuất phát từ Ha Mật men theo tuyến bắc của con đường tơ lụa đi về phía tây. Lần thứ hai tôi đến thành phố này. Lần trước, tôi đi máy bay từ Bắc Kinh đến. Lần đi ấy đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng sâu sắc đến nay tôi vẫn còn nhớ rõ.

Tôi còn nhớ hôm trước khi máy bay cất cánh từ Bắc Kinh, tôi được thưởng thức màn độc tấu “hắc quản” bài “Ca ngợi Thiên Sơn” trong đêm nhạc hội do viện âm nhạc trung ương tổ chức. Các giai điệu như mộng ảo kia đã khiến tôi say mê. Trên chuyến bay ngàn dặm đi Urumqi này, trên trời không một áng mây; nhìn xuống đất, cảnh vật như hiện ra trước mắt. Máy bay lướt qua Vạn lý Trường thành, qua sa mạc Gôbi, qua Gia Dụ quan rồi vào địa phận Tân Cương. Tôi ngủ gật một thoáng và khi tỉnh ra thì trước mắt tôi hiện ra ngọn núi tuyết Bogda tráng lệ, thần kỳ. Từ không trung, nhìn xa xa về ngọn núi trứ danh độc đáo ấy của dãy Thiên Sơn. Tôi kinh ngạc tự bảo: “Giấc mộng đi Tây Vực của mình cuối cùng đã trở thành hiện thực đấy chăng?”

Vào thời cổ đại, Tây Vực dùng để chỉ vùng đất rộng lớn ở về phía tây Đôn Hoàng, nó chiếm một khu vực trọng yếu vừa rộng vừa dài, đó là vùng nam bắc dãy Thiên Sơn và đông tây dãy Thông Lĩnh. Ngày nay lấy Urumqi làm thủ phủ khu tự trị của người Uygur ở Tân Cương, đúng là vùng đất trung tâm của Tây Vực thời cổ đại.

DU LỊCH TRÊN KHÔNG BAY QUA CON ĐƯỜNG TƠ LỤA

Trong phòng đợi rộng thoáng bề thế của sân bay Urumqi, du khách qua lại nhộn nhịp, đông vui. Những phụ nữ người Uygur ăn mặc hoa lệ đi tới như đàn bướm lượn làm mọi người chú ý, còn đám thanh niên người Hazak chân mang giày cao cổ, để ria mép hình chữ bát trông thật oai nghiêm. Trong phòng, tiếng cười nói râm ran, nhiều nhất là tiếng Uygur và tiếng Hazak, thanh âm trầm bổng, ngừng - nói vô chừng, còn tôi là một người hoàn toàn xa lạ. Tôi tìm đến một nữ phục vụ người Hán nói chuyện, nhưng nhận thấy ngay giọng nói của nàng rất lạ thường, nhưng rất êm tai. Sau này tôi mới biết đó là thứ tiếng Hán lai ngữ điệu tiếng Uygur, người ta gọi là tiếng Tân Cương. Một địa phương có nhiều dân tộc cư trú, người ta sẽ dễ nhận ra ảnh hưởng của nhau trên nhiều phương điện khác nhau.

Nhìn bảng chỉ dẫn các chuyến bay, Urumqi không những có các chuyến bay đi Bắc Kinh, Thượng Hài, Lan Châu mà còn có những chuyến bay định kỳ đến mười thành phố trong khu tự trị như Ha Mật, Hòa Điền, Khố Xa, Y Lê, Thả Mạt v.v... Đó chẳng phải là những nước nằm trên con đường tơ lụa cổ đại như Sơ Lặc, Vu Điền, Quy Tư, Ô Tôn, Thả Mạt... đó sao? Tôi thầm nghĩ nếu muốn nhanh hơn, ta có thể đu lịch trên không bay qua con đường tơ lụa để tránh sự lặn lội khổ nhọc qua một chặng đường dài trên đất liền. Như người ta nói đường đi Thả Mạt chẳng hạn bị cách trở bởi sa mạc, nên đến nay người ta vẫn còn sợ không dám đi. Nhưng khi tôi đến Urumqi thì Thả Mạt vừa có tuyến hàng không, thế thì tại sao mình không đi thử nhỉ? Ồ, nhưng tôi đổi ý ngay vì tôi muốn khảo sát thực địa của con đường tơ lụa, chính mình phải đích thân thể nghiệm một lần nữa sự gian khổ trong việc khai mở con đường giao thương giữa đông và tây của người xưa, vậy đi đường bộ là hay nhất.

Mỗi tuần, phi trường Urumqi có sáu mươi sáu chuyến bay, hàng năm chuyên chở hơn mươi vạn hành khách, trọng lượng hàng hóa khoảng hơn 1500 tấn. Nó là trạm hàng không quan trọng của đường bay quốc tế ở nước ta đi các nơi như Karachi, Téhéran, Frankfurt, Paris... Từ đó, ta có thể thấy Urumqi có một vị trí đặc biệt trên “con đường tơ lụa ngày nay”.

“BA TRÁT” VÀ QUANG CẢNH PHỐ PHƯỜNG

Đi sâu vào các khu thị tứ mới thấy thành phố ở đây khác với thành phố ở Trung Nguyên, nó mang sắc thái Tây Vực rất rõ nét. Hai bên đường phố lớn có nước chảy róc rách dùng để tưới những cây dương đen. Giữa ngày trời nắng, ta có thể ngồi dưới bóng cây hoặc bên bờ nước thật là mát mẻ. Y phục đầy màu sắc của phụ nữ làm tăng thêm vẻ tươi đẹp trên đường phố. Những ai cho trang phục ở Bắc Kinh, Thượng Hải là đơn điệu thì tại Urumqi này sẽ cảm thấy hài lòng. Có một số kiến trúc mái vòm sơn màu xanh lục, có tâm nhọn, cổng hình cánh cung. Ở cửa nam khu cổ thành có xây một nhà hát tân thời vừa trang trọng vừa xinh đẹp với phong cách kiến trúc Trung

Á. Có một nơi mà người bản xứ gọi là “ba trát” (khu họp chợ) thì đó là khu buôn bán. Có cửa hàng bán thịt dê nướng, cơm bốc, nem nướng, bánh bao ... Những hương vị độc đáo đó làm tôi nhớ lại buổi đi dạo qua một “ba trát” ở Tamashica hơn hai mươi năm trước. Tôi bước vào một tiệm bán nhạc cụ, bề ngoài trông có vẻ sơ sài, cô bán hàng người Uygur mặc áo lụa, niềm nở tiếp đón. Trong tiệm treo đầy các loại nhạc cụ dân tộc thiểu số, hình dáng rất kỳ lạ nhưng rất đẹp mắt. Rất nhiều nhạc cụ có khảm xà cừ, đá quý, hiện rõ nét hoa văn tinh tế. Điều này khiến tôi nhớ lại lần đi du lịch Trung Đông có mua đem về một hộp gỗ nhỏ trên đó người ta khảm hoa văn cách điệu trông rất giống hoa văn khảm trên các nhạc cụ ở đây.

Cư dân Urumqi hiện nay khoảng hơn tám mươi vạn người. Ngoài thành phần chiếm đa số là người Uygur còn có các dân tộc anh em như Hồi, Hazak, Mông Cổ, Kirgiz, Hán ...

Hơn hai ngàn năm trước, chu vi mục trường Urumqi bao gồm các nước Ty Lục, Đơn Hoàn, Đông Thả Nhĩ, Tây Thả Nhĩ, tức là các “hành quốc” (nước di chuyển) của các bộ lạc du mục đi tìm nguồn nước và cỏ để chăn thả và cư trú; nhân khẩu tổng cộng khoảng hơn 4000 người. Bấy giờ, tại Tây Vực thì số dân như vậy xem ra tương đối nhiều. Qua hàng ngàn năm biến đổi, lần hồi có dân du mục người Đột Quyết, người Mông Cổ, người Hồi Cất tiếp nhau tiến vào lưu vực sông Urumqi. Người Hồi Cốt vốn là tổ tiên của người Uygur chiếm đa số ở Tân Cương. Họ xuất hiện sớm nhất vào khoảng đầu thế kỷ thứ V CN tại mạn bắc Thiên Sơn, nhưng phần lớn định cư tại

Tây Vực thì phải đến thế kỷ thứ IX. Cuộc sống của các giống dân du mục tại lưu vực sông Urumqi là “không xây thành quách, nhà cửa, không có chỗ ở nhất định, cho thuận theo thời tiết, tìm nơi có nguồn nước và cỏ chăn thả bò ngựa làm kế sinh nhai”. Do đó, khách thương lai vãng trên con đường tơ lụa khi qua sông Urumqi thường không thấy nhà cửa, thành quách. Phải đến thế kỷ thứ XVIII nhà Thanh mới bắt đầu xây đựng doanh trại quân đội ở đây và dần dần phát triển thành thị phố xá lớn vào bậc nhất tại Tân Cương.

Urumqi “nằm ở chân núi bắc Thiên Sơn, có đường thông thương các nơi”. Phía đông là dãy Bogda của hệ Thiên Sơn; phía nam là núi Ky~nhĩ-cổ-tử, giữa hai dãy núi hình thành một vùng đất trũng, nam bắc dài chừng 120 cây số, đông tây rộng chừng 20 cây số. Vùng trũng này giống như một dải áo nối đến lòng chảo Chuẩn Hát Nhĩ của bắc Tân Cương với lòng chảo Tolophan cửa nam Tân Cương, nó còn giống một con dao lớn như muốn cắt ngang sống lưng của dãy Thiên Sơn ra làm đông tây hai đoạn. Khu vực chính của Urumqi nằm ở phía bắc của vùng trũng, núi non bao bọc, sông nước vây quanh. Với vị trí ưu đãi như vậy, Urumqi trong điều kiện lịch sử nhất định sẽ phát triển thành trung tâm chính trị, văn hóa và kinh tế của cả vùng Tân Cương rộng lớn.

CƠN SỐT VỀ CON ĐƯỜNG TƠ LỤA

Vào thời kỳ mà con đường tơ lụa thông thương, thì Urumqi chưa xuất hiện, nhưng đến nay nó lại là địa điểm quy tụ của nhiều tổ chức đoàn thể tạo thành một cơn sốt về con đường tơ lụa.

Vừa đến nhà khách Urumqi thì thấy nhóm săn tin của tờ “Họa báo Nhân dân” đang chớp ảnh. Họ nói với tôi Đài Truyền hình Bắc Kinh và Hội Liên hiệp Phát thanh Nhật

Bản phái họ đến hoạt động trước ở Urumqi. Phân xã Tân Cương của Tân Hoa xã chuẩn bị đón tiếp đoàn tìm hiểu con đường tơ lụa của thông tấn xã Nhật Bản. Tân Hoa xã cũng phái ký giả của mình đến thu lượm tin tức. Du khách các nước đều dùng chiêu bài đoàn lữ hành tham quan con đường tơ lụa cũng ùn ùn kéo đến. Các lữ quán ở Urumqi lo không đủ chỗ cho khách. Ngoài ra, giới nghiên cứu lịch sử của Urumqi đang chuẩn bị hội thảo có tính cách học thuật về con đường tơ lụa lần đầu tiên kể từ khi lập quốc đến nay. Tôi có gặp mấy vị học giả đã chuẩn bị đầy đủ cho các chuyên luận của mình.

Bị cuốn hút vào cơn xoáy rầm rộ của phong trào tìm hiểu con đường tơ lựa, Viện Bảo tàng Tân Cương trở nên rộn rịp. Phó viện trưởng Lý Ngẫu Xuân bận đón tiếp khách trong và ngoài nước suốt ngày. Ông làm công tác khảo cổ ở Tân Cương đã hơn 25 năm nay. Khi tiếp tôi, ông sôi nổi hào hứng nói là ông đã bỏ ra nhiều năm để viết các báo cáo về công tác khảo cổ và các luận văn mang tính học thuật nhưng chưa công bố, trong đó có những bộ nghiên cứu về hang động ở Tân Cương và nhiều bài khảo sát về các di chỉ cổ thành.

Tôi nói:

- Kết quả của các công trình nghiên cứu ấy rất đáng quý, đối với chúng tôi việc làm đó khiến những người có tâm huyết với con đường tơ lụa phải theo đuổi.

Ông khiêm tốn nói:

- Còn chưa được hoàn chỉnh lắm. Tôi đang chuẩn bị đi tìm hiểu thêm nữa.

Mở tấm bản đồ Tân Cương ra, ông lấy tay vạch một vòng quanh sa mạc Taklamacan ở phía nam Tân Cương rồi nói:

- Tôi rất muốn theo dấu chân của các thương nhân thời cổ lại đi một vòng xem sao?

- Tôi nghĩ thầm: “Hay lắm! Việc đó đáng làm lắm!”. Dọc đường có biết bao nhiêu di chỉ cổ thành và chùa hang động rên con đường tơ lụa ấy. Nếu có ông ta dẫn đường, chỉ điểm thì lý tưởng biết chừng nào.

Thế là tôi không để lỡ cơ hội, đưa ra yêu cầu:

- Nếu anh đồng ý, tôi xin tình nguyện đi theo anh.

Ông lắc đầu và nói:

- Không, chúng ta phải là bạn đồng hành chút.

Về sau, tôi và tay ký giả nhiếp ảnh quả có đi một vòng sa mạc Taklamacan, hành trình ước chừng 4000 cây số. Tuy trước sau chúng tôi không cùng đi một đường với Lý Ngẫu xuân, nhưng tôi cũng đã cưỡi lạc đà đi với ông một đoạn đường dài 70 cây số trong sa mạc để tìm hiểu cổ thành đời Đường bị sa mạc chôn vùi, thật là một cuộc tương ngẫu đầy thú vị mà cả đời rất khó gặp. Về chuyến đi này, tôi sẽ nói rõ sau.

BẢN KHẮC ĐÁ VÀ GIẤY THÔNG HÀNH

Dưới đề mục Con đường tơ lụa, viện bảo tàng Tân Cương trưng bày nhiều văn vật quý báu. Những hiện vật quý hiếm ấy là thành quả của những người làm công tác khảo cổ Tân Cương đã mất nhiều năm lao động cần mẫn, gian khổ. Xem qua một lượt, ta chọn mấy hiện vật có ý nghĩa nhất để giới thiệu.

Đối với thực tế lịch sử, triều đại nhà Hán đã hết sức duy trì bảo vệ con đường tơ lụa, Bài tụng ở đình ghi công Lưu Bình Quốc (Lưu Bình Quốc tác đình tụng) (bản dập lại) để lại một bằng chứng không còn nghi ngờ gì nữa.

Nguyên văn được khắc trên vách đá hang núi Bozeklak (Bác giả khắc la khắc) ở đông bắc huyện Bái Thành, nam Tân Cương. Bài tụng kiểu chữ lệ, khắc lõm, dạng chữ nắn nót, rõ ràng dễ nhận, cả thảy có 101 chữ.

Nội dung của bản khắc đá trên là: “Tả tướng quân Lưu Bình Quốc nước Quy Tư” suất lĩnh một số “người Tần” (tức ý chỉ người Hán) như Mạnh Bá Sơn, Địch Hổ Bôn, Triệu Đương Ty v.v... đi đục đá ở hang núi Bozeklak, lập cửa ải, kiểm tra lữ khách. Năm khắc bản đá là Vĩnh Thọ năm thứ tư Tuyên Đế đời Đông Hán, tức năm 158 CN.

Người làm công tác khảo cổ Trương Bính Hoa nói với tôi là hang núi Bozeklak ở huyện Bái Thành là đường thông thương từ nam Tân Cương vượt Thiên Sơn đến lưu vực sông Y Lê ở bắc Tân Cương, mà vào thời cổ đại là cửa khẩu thông vãng giữa nước Quy Tư và nước Ô Tôn. Khe núi này rộng chỉ khoảng 6 mét 7, hai bên là vách đá dựng đứng, rõ ràng là một cửa ải trọng yếu. Đến nay dưới vách đá vẫn có thể thấy hốc đá sâu hơn một mét. Gần bản khắc đá còn có di chỉ lũy đá của thời cổ đại phía đồng bằng ngoài khe núi có một cổ thành bỏ hoang.

Liên kết các di chỉ nhìn thấy ở bên ngoài với nội dung bản khắc đá mà phân tích thì thấy cuối đời Đông Hán, nhà nước trung ương phái tả tướng quân Lưu Bình Quốc trú đóng ở nước Quy Tư suất lĩnh thợ xây thành ải núi Bozeklak để bảo vệ giao thông an toàn.

Bản khắc đá còn chứng minh là vào đời Hán có một con đường núi đi từ nam Tân Cương vượt Thiên sơn để đến lưu vực sông Y Lê ở bắc Tân Cương. Có thể nói đó là một chi tuyến của con đường tơ lụa.

Tại viện bảo tàng Tân Cương, tôi thấy có một số giấy thông hành dùng để đi lại trên con đường tơ lụa thuộc đời nhà Đường, lúc bấy giờ gọi là “quá sở” (tương tự như visa ngày nay), đọc kỹ những chữ ghi trên những tờ giấy thông hành ấy cũng rất thú vị.

Có một tờ “quá sở” của nhà buôn người Tây Châu (nay là Tolophan) tên là Thạch Nhiễm Điển. Ông ta giữ giấy thông hành đi Qua Châu (nay là huyện An Tây, Cam Túc), buôn bán trở về, trên đó có ký tên và lời phê của các viên quan châu, huyện, thủ tróc nơi đương sự đã đi qua, đồng thời đăng ký địa điểm và thời gian dọc đường nơi phải qua. Trên tờ thông hành ấy người ta có thể thấy rõ chữ ký và dấu triện của viên chế sử Y Châu (nay là Ha Mật) là Trương Tân đồng thời có phê hai chữ “nhậm khứ” (được phép đi) nữa.

Lại có một tờ “quá sở” khác của Mễ tuần chức người Đình Châu (nay là Jimusar) đi Tây Châu (nay là Tolophan) còn giữ được trên đó viết: “Tuần chức nay đem các nô tỳ X, X ... kể ra dưới đây ... muốn đến Tây Châu buôn bán, nhưng ngại đồn sở tại không cho phép nên kính quý ông xét ...” và đoạn văn dưới đây là lời phê của quan viên: “Người dân tuần chức X được phép đi Tây Châu buôn bán, mong đồn sở tại xem xét”. Những giấy “quá sở” trên đều khai quật được từ các ngôi cổ mộ thuộc đời Đường ở Tolophan. Căn cứ vào những tờ “quá sở” ấy ta thấy vào đời nhà Đường, việc kiểm tra thương khách lai vãng trên con đường tơ lụa được tiến hành một cách nghiêm ngặt, đúng mực .

“Quá sở” là tờ văn kiện chứng minh không thể thiếu được đối với những lữ khách thời bấy giờ. Phàm lữ khách không mang theo giấy “quá sở” thì không thể đi lại được. Người xin giấy “quá sở” phải trình báo đầy đủ lai lịch bản thân, nói rõ số nô tỳ đem theo và các đặc điểm, các cửa ải mình sẽ đi qua và lý do xin đi. Sau khi trình báo, hương lý phải kiểm tra lại rồi chứng nhận mới lần lượt trình lên cấp trên. Và cuối cùng phải được phê chuẩn cấp phép mới được đi lại.

Ngày nay, căn cứ vào các địa danh ghi trên “quá sở”, người ta có thể kiểm tra được lộ tuyến của con đường tơ lụa cổ đại. Đây là một vấn đề được giới học thuật thường tranh luận. Ví dụ, con đường tơ lụa ngày xưa có đi qua Lan Châu không thì giới học thuật có cách nhìn nhận mỗi người một khác. Tôi đã đưa ra một số tài liệu nói rõ Lan Châu là nơi con đường tơ lụa có đi qua, ở đây có một tờ “quá sở” cung cấp thêm bằng chứng xác đáng cho lời quả quyết trên.

Đường Mạnh Khiêm người Tây Châu (nay là Tolophan) có người chú đang nhậm chức tại Phúc Châu, ông xin đem nô tỳ và ngựa từ Tây Châu đến Phúc Châu cho người chú. Nhà đương chức cấp cho ông giấy “quá sở” trên đó ghi rõ các trạm kiểm soát phải qua là Ngọc Môn, Kim Thành ... Đường Mạnh Khiêm từ Tây Châu đến Phúc Châu tất phải qua Kim Thành mà ngày nay chính là Lan châu. Điều này chỉ rõ rằng Lan Châu dưới đời nhà Đường là thành phố mà con đường tơ lụa đã đi qua.

TƠ LỤA NGÀY XƯA KHIẾN NGƯỜI TA PHẢI LÓA MẮT

Tại phòng triển lãm viện bảo tàng Tân Cương, điều khiến người ta tán thưởng nhất là màu sắc tươi đẹp của các thứ tơ lụa khai quật được. Tôi đi từ Tây An qua một chặng đường dài, bất luận ở Thiểm Tây hay Cam Túc nơi có con đường tơ lụa đi qua thì không nơi nào có lượng tơ lụa nhiều, với màu sắc hoa văn tinh tế xinh đẹp như ở đây. Nếu không phải chính mắt mình trông thấy thì thật khó tin, nghĩa là từ thời Đông Hán (năm 25 - 220 CN), thời Đường (618 - 907) xa xưa, tơ lụa được truyền lại đến nay vẫn còn giữ được màu sắc tươi đẹp đến như thế.

Số hiện vật đem triển lãm ấy một mặt phản ánh tình hình buôn bán tơ lụa thịnh vượng diễn ra trên con đường tơ lụa, mặt khác còn cho thấy trình độ nghề dệt, nhuộm và in hoa của người Trung Quốc cổ đại thật là cao siêu. Qua nghiên cứu của các nhà chuyên môn, người ta còn phát hiện ra bóng dáng của sự giao lưu văn hóa đông tây qua cách dệt và cách trình bày hoa văn:

Ông Lý Ngẫu Xuân nhắc tôi chú ý là vào năm 1959, tại huyện Dân Phong nam Tân Cương, ông đã phát hiện một chiếc áo gấm hoàn chỉnh, thời Đông Hán, cách nay hơn 1700 năm. Chiếc áo gấm đã dùng chỉ tơ năm màu là hồng thắm, trắng sáng, xanh ngọc, nâu nhạt, cam nhạt, dệt nên và may ra, màu sắc lóng lánh, tao nhã. Trên mặt gấm có hàng chữ “diên niên ích thọ đại nghi tử tôn” (tuổi thọ kéo dài, con cháu tốt lành). Theo nghiên cứu của nhà khảo cổ học Hạ Nãi thì loại gấm này phải cần 75 tấm thêu hoa kết lại mới có được, đúng là một kiểu vải công phu, phức tạp nhất thời bấy giờ.

Đồng thời, người ta còn đào được loại gấm có hàng chữ “vạn thế như ý” dệt bằng tơ năm màu và loại gấm có chữ “dương” (mặt trời) có hoa văn hình thoi dệt bằng tơ ba màu. Ngoài ra, người xưa còn đã ra loại lụa rất tinh tế và loại lụa có màu nhuộm đều đặn. Tôi nghĩ nếu các thứ lụa mềm, lụa mỏng này khoác trên mình một người đẹp thời cổ đại ắt hẳn tha thướt yêu kiều quyến rũ biết bao!

Hàng loạt các thứ tơ lụa quý báu ấy đều do những người làm công tác khảo cổ như Lý Ngẫu Xuân phát hiện tại di chỉ nước Tinh Tuyệt đời Hán. Di chỉ này nằm bên bờ sông Nê Nhã cho nên gọi là di chỉ Nê Nhã (ruins of Niya). Đến nay, mỗi khi nhắc đến các phát hiện ấy, Lý Ngẫu Xuân vẫn còn thấy hứng thú.

Khi đào ngôi mộ thời Đông Hán này, họ nhận thấy nam nữ chủ nhân (của ngôi mộ) đều nằm, mình mặc áo gấm, hài cốt nguyên vẹn, dáng mặt là người Tây Vực, mắt sâu, mũi cao. Tay người nữ khoác trên mình người nam. Đồ chôn theo phần lớn là tơ lụa và đồ thêu. Căn cứ vào các chữ Hán dệt trên tơ lụa thì rõ chúng có xuất xứ từ Trung Nguyên, còn những đồ chôn theo khác như cung tên, nhẫn, dây chuyền và thiết đao thì rõ là mang sắc thái của Tây Vực. Những người làm công tác khảo cổ có được những di vật ấy tất nhiên họ rất hứng thú. Họ làm một giá gỗ đặc biệt giống như một cái kiệu đặt hai hài cốt cùng các đồ chôn theo lên trên đó và cho lạc dà đưa ra khỏi sa mạc, ngày nay dang bày tại Viện Bảo tàng tân Cương để mọi người chiêm ngưỡng nghiên cứu.

Trong phòng triển lãm còn trưng bày rất nhiều tơ lụa đào được ở Tolophan, niên đại từ thế kỷ V đến thế kỷ thứ VIII, tức tương đương thời Nam Bắc triều và đời nhà Đường. Trong đó cũng có khá nhiều hàng tơ lụa có hoa văn liên chu, một phong cách nghệ thuật của xứ Ba Tư.

Gọi là hoa văn theo phong cách Ba Tư tức là dệt một vòng tròn hình viên ngọc ở giữa, các bên dệt chim hay thú đói xứng nhau. Hoa văn lioên chu trên tơ lụa đào được ở Tolophan gồm rất nhiều loại như: đôi chim, đôi gà, đôi vịt, đôi ngựa, đôi sói, đôi khổng tước ... có một số tơ lụa không chỉ có hoa văn theo phong cách Ba Tư mà còn dùng cả cách dệt theo kỹ thuật Ba Tư nữa.

Ba Tư dưới triều đại Tashan (thế kỷ thứ III đến thế kỷ thứ VII CN) đã học cách nuôi tằm dệt tơ từ Trung Quốc, đồng thời có thể dệt gấm và sáng tạo hoa văn, có cách dệt riêng của mình. Trong lịch sử Trung Quốc cũng có nói đến gấm Ba Tư. Theo ghi chép của Lương thư (sách sử của nước Lương) thì năm 520 CN, nước Hoạt Quốc (tức Yalta ngày nay) sai sứ sang Trung Quốc đem tặng lễ vật trong đó có loại “gấm Ba Tư”.

Tơ lụa có phong cách Ba Tư đào được ở Tân Cương có thể có một số từ Ba Tư đem tới. Sản phẩm vốn có nguồn gốc từ Trung Quốc do người nước ngoài học hỏi chế tạo rồi trở lại nguyên xứ. Hiện tượng lịch sử hoàn toàn không thể loại trừ và cũng không có gì lạ, nhưng có điều tơ lụa Trung Quốc chuyển vận đến các nước phương Tây là điều chủ yếu như lịch sử đã từng ghi chép. So số lượng gấm theo phong các Ba Tư đào được trong các ngôi mộ ở Tolophan với tơ lụa theo phong cách Trung Nguyên cùng thời kỳ thì xem ra loại sau có vẻ nhiều hơn. Các nhà chuyên môn suy đoán loại sản phẩm ấy có thể người Trung Quốc vì nhu cầu thị trường Trung Á thích dùng mà đặc biệt chú trọng dệt nhiều hơn để cung ứng thị trường ngoại dịch.

Nhà khảo cổ học Hạ Nãi phát hiện nhiều loại gấm có hoa văn liên chu đào được ở Tolophan thì thấy cách dệt vẫn duy trì cách dệt truyền thống của gấm Trung Quốc. Ông cho rằng số lụa gấm ấy dùng hoa văn dạng Tashan có lẽ là để bán ta nước ngoài.

Ông còn chỉ cho thấy một tấm gấm dệt hình dắt lạc đà, bộ phận chân của người dắt và chân lạc đà nối nhau, chu vi tấm gấm cũng có một vòng liên chu bao quanh, nhưng ở giữa có dệt hai chữ Hán “Hồ Vương”. Điều này chỉ rõ hàng do Trung Quốc chế tạo.

Hoa văn liên chu trên các hàng dệt của Trung quốc đã từng xuất hiện. Công nghệ mỹ thuật Ba Tư thông qua con đường tơ lụa mà truyền đến phương đông và được người Trung Quốc cổ đại tiếp thu. Đây cũng là một hiện tượng lịch sử giao lưu văn hóa đáng ca tụng.

13. TỪ SÔNG MANAS ĐẾN HỒ TARIM

Từ Urumqi đi về hướng tây đến thành phố Y Ninh trên bờ sông Y Lê là một đoạn đường dài hơn 700 cây số. Trên bản đồ nhà Hán, lộ trình dài dằng dặc ấy hầu như là một vùng trống vắng, không thành quách, không nhà cửa. Đến đời Đường, dọc đường mới xuất hiện một số cứ điểm quân sự gọi là “thủ tróc” như thủ tróc Trương Bảo, thủ tróc Diệp Hà, thủ tróc Đông Lâm, thủ tróc Tây Lâm ... nhưng lại không để lại thành lũy, di chỉ nào cả.

Duy chỉ bên bờ sông Manas, một nơi cách thành phố Thạch Hà Tử không xa, có di tích của một vòng thanh tường bằng đất hình vuông, bên cạnh có một đống đất cao giống như một phong hỏa đài, đến nay vẫn chưa có người khai quật.

Đường Urumqi đi Y Lê ngày nay có thể nói là con đường tốt nhất vùng Tân Cương, một con đường có lưu lượng vận chuyển bận rộn nhất. Ở nội địa, xe cộ qua lại như vậy là chuyện bình thường, nhưng ở đây lại khác. Tôi từ Barkol đến Mulei tìm kiếm dấu tích của con đường tơ lụa ngày xưa đã từng phải trải qua nhiều gian khổ, nay đi lại trên con đường nhựa bằng phẳng này, trong lòng không khỏi thầm cám ơn những công nhân làm đường. Họ làm việc trong điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên: khô hạn, lạnh giá, bão cát, họ vì mọi người mà tạo ra con đường tốt đẹp này.

Hiện nay, trước mắt khu nam bắc Thiên Sơn đã có 6800 cây số đường nhựa, ước chiếm một phần ba tổng số đường ô tô trên toàn vùng Tân Cương. Trước sau tôi đã đi khắp ba tuyến đường chính của con đường tơ lụa cổ đại thuộc địa phận Tân Cương, tổng cộng lộ trình gần 4000 cây số, trong đó tính sơ sơ thì một nửa là đường nhựa.

Hiệu suật sử dụng đường ô-tô Urumqi - Y Lê tại tân Cương là cao nhất. Tân Cương đất rộng người thưa, trên một diện tích đất 1,600,000 cây số vuông chỉ có hơn 10 triệu người cư trú, tương đương với dân số thành phố Thượng Hải, do đó xe cộ qua lại trên đường tương đối vắng vẻ, thông thường mỗi ngày chỉ thấy vài ba chiếc xe là cùng, nhưng đường ô-tô Urumqi - Y Lê thì xe cô tương đối đông đúc. Trên đường người ta thường thấy các đoàn xe chở xăng dầu, da lông thú và lương thực.

Cách vận chuyển tấp nập trên đường ô-tô phản ảnh sự phát triển công nông nghiệp của Tân Cương. Trên con đường này người ta mới xây một xưởng lọc dầu, đó là xưởng Độc Sơn Tử. Dầu thô của mỏ dầu Klamay chảy qua ống dẫn đến Độc Sơn Tử, tại đây người ta tinh chế ra xăng, dầu diesel và các sản phẩm phụ khác cung ứng nhiên liệu cho toàn Tân Cương. Sau giải phóng, trên con đường này người ta đã lập nên hai thành phố mới đó là Khuê Đồn và Thạch Hà Tử. Hai thành phố này là do Quân đội giải phóng nhân dân Tân Cương buổi đầu tiên đóng hồi năm 1950, rồi sau đó khai khẩn đất đai mà lập nên, và ngày nay chúng trở thành kho lương thực của Tân Cương.

Bước vào thành phố Thạch Hà Tử vốn là thành tựu tốt đẹp do quân đôi khai khẩn, tôi lại nghĩ đến sự tích lập đồn điền ở Tây Vực vào đời Hán.

ĐỒN ĐIỀN THỜI CỔ ĐẠI - BẮT ĐẦU VÀ KẾT THÚC

Theo Hán thư ghi chép thì đồn điền bắt đầu vào năm 101 trước CN, năm đó Nhị Sư tướng quân Lý Quảng Lợi lần thứ hai viễn chinh nước Đại Oản thắng lợi. Tiếp thu lời răn dạy về sự khó khăn trong việc cấp dưỡng lương thực trong các cuộc viễn chinh, nhà Hán bắt đầu lập đồn điền ở Tây Vực, đặt quan chuyên môn quản lý công việc đồn điền.

Đánh chiếm nước Đại Oản xa xôi là một cuộc chến có ý nghĩa quyết định nhằm củng cố địa vị của nhà Hán Tây Vực. Nước Đại Oản nằm ngoài cao nguyên Pamia, trường kỳ bị người Hung Nô khống chế, đối với việc ngoại giao thời nhà Hán như vậy là mạo phạm. Năm 104 trước CN, Hán Vũ Đế phái đặc sứ đi Đại Oản để mua đổi ngựa quí, nhưng bị cự tuyệt và sú giả bị làm nhục. Tin tức truyền đến Trường An, Hán Vũ Đế giận dữ bèn lệnh cho Đại tướng Lý Quảng Lợi xuất chinh. Nước Đại Oản có thành tên là Nhị Sư, sản sinh ngựa quí. Hán Vũ Đế lấy tên là Nhị Sư tướng quân ban cho Lý Quảng Lợi biểu thị quyết tâm chinh phục Đại Oản.

Nhị Sư tướng quân suất lĩnh 6 ngàn kỵ binh và hàng vạn quân sĩ ra Ngọc Môn quan hướng tây chinh phạt. Khi đến vùng đất phèn ở La Bố thì mọi người đều mệt mỏi, yếu sức. Sau đó trên dường tiến về cao nguyên Pamia lại gặp quân Hung Nô sách động các nước nhỏ đánh lén, cắt đứt xe lương, đại quân trên đường tiến đến Đại Oản đã mất hết lợi thế. Năm 102 trước CN, Nhị Sư tướng quân bị thất bại phải rút lui về Đôn Hoàng, đám tàn quân chỉ còn lại một, hai phần mười.

Ông sai sứ trình thư về triều đình yêu cầu bãi binh, trong thư viết: “Đường sá xa xôi, vận lương, khó khăn, binh lính không sợ chiến đấu mà chỉ lo đói khát, người ít không đủ đánh thắng Đại Oản”. Hán Vũ Đế nghe Lý Quảng Lợi thua trận rút lui rất làm giận dữ, hạ lệnh: “Kẻ bại trận bước vào Ngọc Môn quan, chém”. Đồng thời tại triều, quan văn nào chủ trương đinh chiến, hòa hoãn cũng bị trị tội. Nhà vua hạ quyết tâm dốc toàn lực tăng cường tinh binh viễn chinh một lần nữa.

Năm 101 trước CN, nhị Sư tướng quân chinh phạt miền tây lần thứ hai. Ông suất lĩnh 6 vạn binh sĩ, ba ngàn chiến mã và hơn một vạn trâu, lừa, ngựa, lạc đà chuyển vận lương thảo và khí giới. Một đội quân hùng mạnh hơn bao giờ hết ào ào tiến về phía tây, các tiểu quốc dọc đường đều chấn kinh, tranh nhau dâng cấp rượu thịt. Đại quân thủ thắng sau hơn 40 ngày vây chặt thành Đại Oản. Nước Đại Oản bại trận phải dâng tặng ngựa quí hàng chục con, ngựa tốt hàng ngàn con. Hán Vũ Đế không tiếc sức người, sức của cả nước đi viễn chinh Đại Oản, nếu nói là để lấy về ngựa quí thì tại sao không nói là để đẩy lùi thế lực của người Hung Nô ở Tây Vực, tăng cường uy thế của nhà Hán tại đây. Từ trước đến nay, ở Tây Vực bất kể là Đại Oản hoặc các tiểu quốc khác đều bị sự khống chế và ảnh hưởng của Hung Nô dưới nhiều mức độ khác nhau.

Sau lần viễn chinh này, vị trí của nhà Hán ở Tây Vực được củng cố hơn lên, quan viên quân sự, hành chính bắt đầu đặt trụ sở lâu dài ở Tây Vực, đồng thời cũng cho lập đồn điền bảo đảm việc cấp dưỡng lương thực cho quan viên, quân sĩ tại đây. Hán thư có ghi: “Từ sau khi Nhị Sư tướng quân chinh phạt Đại Oản thành công, toàn xứ Tây Vực khiếp sợ, nhiều nước sai sứ triều cống, người Tây Vực nào có công sẽ được ban chức ... Luân Đài, Cừ Lê đều có hàng trăm lính canh điền, đặt hiệu úy trông coi ...”

Luân đài và Cừ Lê đời Hán nay là vùng trung được lưu vực sông Tarim thuộc nam Tân Cương, nằm trên tuyến giữa của con đường tơ lụa, đất cát phì nhiêu, nước nôi sung túc, khí hậu ôn hòa, theo báo cáo của các quan đại thần nhà Hán và Tang Hoằng Dương thì các đồn điền Luân Đài và Cừ Lê sau 10 năm khai khẩn, đất canh tác có đến năm ngàn khoánh, trồng ngũ cốc bội thu và chín cùng với lúa ở Trung Nguyên.

Vói tầm nhìn rộng lớn của Tang Hoằng Dương, ông đưa ra kế hoạch từng bước mở rộng đồn điền tại Tây Vực lên vua Hán Vũ Đế. Ông đề nghị khảo sát, xem xét địa hình, khai thác nguồn thủy lợi, sửa mương đào rãnh, phổ biến kinh nghiệm canh tác ở nội địa. Ông còn đề xuất binh sĩ sau khi khai khẩn tạo được thành tích có thể cho di dân từ nội địa đến để thay thế và làm tiếp.

Các đề nghị của Tang Hoằng Dương không được triều đình bấy giờ chấp nhận, phải đợi đến 10 năm sau mới được Hán Chiêu Đế tiếp thụ. Hán Chiêu Đế bổ nhiệm thái tử nước Vu Di làm hiệu úy tướng quân chủ quản công việc đồn điền ở khu vực Luân Đài. Về sau, việc lập đồn điền mở ra khắp các nơi ở Tây Vực, nổi tiếng nhất là các đồn điền ở Tolophan, Ha Mật, Jimusar, Korla, A Khắc Tô v.v... thậm chí còn lan qua vùng phụ cận hồ Issyk Kul thuộc địa phận Liên Xô cũ ngày nay.

Tùy vào sự phát triển đồn điền, các nông cụ bằng sắt và nghề rèn được truyền vào Tây Vực, ngoài ra, công tác thủy lợi tưới tiêu và kỹ thuật đào giếng cũng được phổ biến. Công cụ và kỹ thuật sản xuất tiên tiến ở nội địa lần lượt được du nhập vàp Tây Vực, cuộc sống kinh tế của nhân dân ở đây và những ảnh hưởng canh tác nông nghiệp mang lại đã có những bước tiến rõ rệt và sâu sắc.

THÀNH BẠCH DƯƠNG Ở GÔBI

Tân Cương sau giải phóng, với sự nghiệp khai phá đồn điền dưới sự lãnh đạo của quân đội giải phóng và bình đoàn kiến thiết sản xuất, trong lịch sử từ trước đấy chưa từng có quy mô phát triển như ngày nay. Thành phố Thạch Hà Tử là khu vực chính của binh đoàn khai phá đất nông nghiệp và kiến thiết sản xuất ở Tân Cương vào lúc mới giải phóng.

Ba mươi năm trước, ở đây chỉ có ba hộ gia đình cư trú, sinh sống cạnh một con suối mà mà chung quanh là bãi lau sậy mênh mông. Tướng Vương Chấn dẫn đại quân tiến vào nơi đây, quyết định đưa một sư đoàn khai phá lau sậy và khai khẩn đồn điền tại Gôbi, bộ chỉ huy sư đoàn đặt bản doanh gần mấy hộ gia đình kia.

Ngày nay vùng hồ đầy lau sậy không còn nữa, hơn năm triệu mẫu ruộng được khai khẩn, nhà cửa mọc lên san sát, đường sá ngang dọc, một thành phố mới sừng sững bên rìa sa mạc Gôbi.

Ấn tượng đầu tiên của tôi đối với thạch Hà Tử là một thành phố của những hàng bạch dương xinh đẹp. Bạch dương ở đây không giống bạch dương ở nội địa, đó là một loại cây có thân cao lớn, vút thẳng lên trời cao, sững sững hiên ngang như vươn cao mãi. Những hàng cây như vậy làm cho thiên nhiên thêm phần hùng vĩ. Bước vào thành phố, tôi hỏi khách bộ hành đường đến tòa thị chính, người ta chỉ thẳng theo hướng rừng bạch dương. Tôi cho đó là một công viên, nhưng không ngờ dãy lầu của tòa thị chính lại ẩn mình trong rừng bạch dương sâu kín này. Về sau tôi mới để ý thấy giữa khu công xưởng và khu thị tứ cũng cách nhau bởi hàng chục cây bạch dương với dụng ý là phòng gió cát, ô nhiễm và cách âm.

Xứ Gôbi khô hạn làm sao có thể sinh trưởng cây cối tốt tươi như thế được nhỉ? Mỗi sáng sớm ra ngoài tản bộ, nghe tiếng nước ào ào thì thấy một người đàn ông đang tưới hàng cây dọc đường phố. Nước của sông Manas được dẫn từ xa tới. Quanh Thạch Hà Tử có mười bảy nông trường được cơ giới hóa thì cơ bản dựa vào công trình thủy lợi tưới tiêu của nước sông Manas ...

Tôi ngồi xe đi quanh một vòng nông trường 143 được khai phá trước nhất ở sa mạc Gôbi thì thấy toàn là ruộng giống như ô bàn cờ trên một diện tích đất canh tác hơn 20 vạn mẫu, chúng cách nhau bởi những mương dẫn nước thẳng tắp, bởi đường đi và dãi rừng, mỗi lô chừng hai, ba trăm mẫu. Ngoài ruộng lúa mạch và lúa chiêm ra, còn có hơn hai vạn mẫu bông vải và hai vạn mẫu củ cải đường. Trong vườn cây ăn quả thì trồng táo, lê và đào. Lúc sinh tiền Chu Đức có đến thị sát ở đây và đã khen là nông trường hoa viên.

Nghe chiến sĩ lão niên Hầu Chính Nguyên, người đã từng tham gia phong trào khai hoang hồi ấy nói chuyện thì bộ đội vào đến Tân Cương, vừa cởi bỏ hành trang chưa kịp tẩy rửa bụi đường thì đã nhận lệnh lập đồn khai khẩn biên nhung, một tay cầm súng, một tay cầm cuốc, nêu cao tinh thần Diên An, triển khai cuộc vận động sản xuất lớn. Không có máy kéo, không có súc vật thì phải dùng sức người kéo cày gieo hạt. Không có nhà ở thì đào hang. Mùa hè không có mùng màn, người bị muỗi đốt không ngủ được, nhưng sĩ khí đang hăng, gian khổ chẳng nề. Sau một năm, lương thực và thực phẩm cơ bản tạm đủ cho bộ đội ở đây. Hầu Chính Nguyên nói, lúc bấy giờ việc giao thông ở Tân Cương rất bất tiện, nếu bộ đội ở đây không tự giải quyết vấn đề sinh hoạt mà chờ vào sự vận chuyển lương thực từ nội địa đến là một điều không thể được, còn dựa vào địa phương ư? Cũng tức là tạo thêm gánh nặng cho dân tộc thiểu số ở đây. Thế nên tự khai khẩn nhung biên là cái thế phải làm.

Trong một thời gian năm năm, bộ đội đã khai phá trên một triệu mẫu đất ở vùng nam - bắc Thiên Sơn, thành lập hai khu khẩn hoang lớn là Thạch Hà Tử và Tarim, xây mới tám công trình thủy lợi, làm cho sự nghiệp hiện đại hóa nông nghiệp Tân Cương có cơ sở vững chắc.

Năm 1954, bộ đội tham gia khẩn hoang ở đây đổi tên thaàh binh đoàn kiến thiết sản xuất Tân Cương. Sau này lại tiếp nhận hàng loạt giới trí thức từ các nơi như Thượng Hải, Thiên Tân đến là cho sự nghiệp khẩn hoang từng bước ổn định và phát triển, đồng thời làn lượt thiết lập những công xưởng có liên quan mật thiết đến nông nghiệp như xưởng dệt vải, dệt lông thú, xưởng làm đường, xưởng nông cơ ...

SỰ TÍCH VỀ HỒ TARIM

Rời vùng lục châu Thạch Hà Tử, đi xuyên sa mạc Gôbi chừng 100 cây số thì thấy một vùng lục châu khác, đó là vùng khai hoang do binh đoàn sản xuất Tân Cương khai phá có tên là Khuê Đồn. Chúng tôi không dừng chân ở đây mà đi tiếp thêm 150 cây số nữa và ngủ đêm ở huyện Tinh Hà. Huyện này có sông Tinh Hà chảy qua mà đặt tên.

Vào đời nhà Đường, phía tây huyện Tinh Hà là cơ quan hành chính của Song Hà Đô đốc phủ. Gọi “Song Hà” là để chỉ sông Tinh hà và sông Bortala. Dân số huyện Tinh hà ngày nay chừng bảy vạn người, chủ yếu là người Mông Cổ và người Hazak, nhưng cũng có người Uygur, người Hồi và người Hán. Người Mông Cổ từ phía đông thiên di đến vào khoảng thế kỷ thứ XVII, phần lớn đều đã thay đổi thói quen sống du mục của họ mà định cư lâu dài bằng cuộc sống canh tác nông nghiệp. Tinh Hà sản xuất dưa hấu nổi tiếng xưa nay, trái lớn nhất có thể nặng đến 45 kílô, đáng gọi là “qua vương” (vua dưa).

Xuất phát từ huyẹn Tinh Hà, tiếp tục hướng biên giới Nga-Trung đi tới chừng 100 cây số thì trước mắt hiện ra hồ Tarim, phong quang kỳ thú. Hồ này trên núi cao nằm giữa ranh giới châu tự trị Mông Cổ Bortala và châu tự trị Y Lê Hazak.

Nước hồ xanh ngắt, xanh đến độ làm say lòng người, xanh như nước đại dương. Xa xa thấp thoáng bóng núi phản chiếu ven hồ. Đến gần thì thấy thảo nguyên rộng lớn bằng phẳng trải dài dọc theo chân núi, cỏ mọc sum suê xanh tốt lan thẳng đến ven hồ. Vòng hồ dài chừng 100 cây số, đi ngựa phải mất hai ngày.

Tôi xuống xe đi thẳng đến bên hồ, nước trong thấy đáy, có thể nhìn rõ từng viên cuội bên dưới, và thuận tay có thể nhặt một vài viên ném tung giữa lòng hồ phẳng lặng tạo thành những sóng nước lăn tăn. Tôi chợt nhớ đến những thú vui thời còn nhỏ vẫn nô đùa bên bờ Bột Hải. Nếu không bị cái lạnh của chốn núi cao rừng sâu này, tôi muốn cởi phăng áo quần nhảy xuống nước bơi lội một hồi cho phỉ.

Quay đầu nhìn về phía núi, những cây tháp tùng xanh thắm rải rác khắp nơi, nổi rõ dưới bầu trời xanh và những đám mây trắng lững lờ như nét chấm phá của một họa sĩ trong một bức tranh thủy mặc, lấm chấm từ đỉnh núi đến lưng chừng núi.

Trên bãi cỏ xanh non bên bờ hồ, tản mác đầy đó là những lều bạt màu trắng thưa thớt li ti. Dọc hồ phía tây là mục trường mùa hè lý tưởng của mục dân Hazak.

Tôi tìm người để hỏi về lai lịch của hồ Tarim thì không ai biết cả, nhưng lại kể được sự tích có tính chất truyền khẩu về cái hồ này.

Vào thuở xa xưa nọ, có một cặp vợ chồng người Hazak mới cưới, họ cùng cưỡi một con ngựa và dắt theo một cặp dê đến bãi cỏ Tarim. Qua mấy năm lao động cần cù, cặp dê đẻ được một bầy. Lúc ấy không biết từ đâu hiện ra một người mục chủ ngang ngược nói rằng bãi cỏ Tarim là do hắn ta sở hữu, hắn không những cướp đoạt bầy dê mà còn cưỡng chiếm luôn người vợ của mục dân ấy nữa. Hai vợ chồng không đấu lại đám thủ hạ nanh vuốt của người mục chủ, bèn nhảy lên ngựa chạy về phía sơn lâm. Tên mục chủ sai bọn tay chân truy bắt. Bất hạnh thay người chồng trúng tên chết, người vợ xuống ngựa ôm xác chồng kêu khóc. Lúc ấy cả bọn của mục chủ chạy đến vây chặt lấy nàng, la ó, hò hét muốn bắt sống nàng. Trong tình hình nguy cấp ấy, người nữ mục dân sờ soạng trên bãi cỏ thấy có một hòn đá muốn giật lên để ném vỡ đầu tên mục chủ; nhưng hòn đá lún sâu trong đất, dù lắc qua lắc lại vẫn không bật lên được, thế là nàng bị kẻ thù bắt, đưa lên ngựa đi mất. Nàng vừa buồn vừa hận, ngửa mặt lên trời kêu cứu. Trong tiếng kêu cứu kinh thiên động địa ấy, bỗng bên dưới hòn đá bị nàng lắc nhổ lúc nãy phụt lên một suối nước, chẳng bao lâu bãi cỏ lênh láng cả nước là nước tạo thành một cơn hồng thủy. Tên mục chủ tàn bạo và toàn bộ đám tay chân bị vùi thây dưới dòng nước lũ, người nữ mục dân trung trinh bất khuất với tiếng kêu cứu chấn động sơn lâm đã bay lên trời.

Từ đó, núi non bao bọc quanh bãi cỏ và xuất hiện hồ Tarim mênh mông rộng lớn này.

NGÀY HỘI CỦA MỤC TRƯỜNG

Ngày nay thảo trường bên hồ Tarim thuộc sở hữu tập thể. Sự bóc lột của mục chủ đối với mục dân không còn nữa. Mục dân trở thành xã viên của công xã, đội nuôi dưỡng dê cứ chiếu công lao động mà hưởng thù lao thích hợp. Tôi tự tiện bước vào căn lều của một gia đình xã viên, chủ nhà tên là Khảm Bố Nhĩ niềm nở mời tôi ngồi ra trước. Vợ anh đi vắng, đứa con gái đang ngồi trên thảm đứng dậy bằng một tách trà sữa ra mời tôi. Nhìn quanh đồ đặc trưng bày trong trại rất gọn gàng, sạch sẽ. Trên một chiếc rương gỗ chạm khắc hoa văn chất đầy chăn đệm. Cạnh cửa treo một dãy túi xách thêu hoa, bên trong chứa đầy thức ăn. Chủ nhà nói cuộc sống ở đây khá tốt, công lao động mỗi ngày chừng hai nguyên (đơn vị nhân dân tệ).

Tôi đến bờ đông của hồ Tarim, ở đó có bãi cỏ tên là “tùng thụ đầu”. Tại đây, người ta đang cử hành ngày hội giao dịch, tổ chức mỗi năm một lần, mục dân tứ xứ quy tụ về đây vô cùng đông đúc náo nhiệt.

Trên bãi cỏ, lều trại dùng để trưng bày hàng hóa xếp theo hình chữ nhất dài ước khoảng 200 mét. Tôi chú ý đến số hàng hóa đầy những thứ quý giá, trong đó được ưa thích nhất là vải hoa, khăn vấn đầu, hàng len dạ, len sợi, giày cao cổ.

Mục dân Hazak ăn mặc rất lịch sự, phụ nữ diện rất mốt. Tôi thấy mấy cô thiếu nữ Hazak đứng chớp ảnh bên hồ, gió nhẹ phất phơ bộ váy nhiều màu trên người và dải khăn lụa mềm mại trên đầu của họ trông thật tự nhiên, đáng yêu. Tôi để ý thấy một em bé người Hazak chừng năm, sáu tuổi, ngực ưỡn, hai tay áp sát vào dây thắt lưng, lắc lư đi qua. Nhìn cung cách ăn vận kiểu kỵ sĩ của chú bé, ai cũng bật cười. Chú bé như biết tôi đang nhìn, nhảy phóc lên mình ngựa chạy tới chạy lui trước đám đông, trông dáng vẻ rất tự hào. Tôi muốn choàng chàng kỵ sĩ tương lai này hôn lên đôi má tròn căng hồng hào của nó quá.

Tại quầy bán thực phẩm của ngày hội giao dịch, tôi ăn một bữa cơm bốc. Đó là thứ cơm chiên với thịt dê và củ cải chế biến mà thành, mùi vị của nó ngon hơn cơm chiên trứng rất nhiều. Tôi còn uống bia của họ tự chế nữa, người ta cho mật ong vào nên bia có một chất vị rất đặc biệt. Uống hai cốc lớn tôi cảm thấy say say.

Trong ngày hội giao dịch này, người ta còn tổ chức đua ngựa và bồng dê. Đây là tiết mục vui chơi của người Hazak. Trên bãi cỏ, người ta để một con dê vừa mới giết Nghe hiệu lệnh, các kỵ sĩ tham gia cuộc đua phóc lên ngựa chạy, kỵ sĩ nào đoạt được dê phá vòng vây mà ra, một cơn ngựa dẫn đầu, còn những người khác quất ngựa đuổi theo, lần này một cuộc chiếm đoạt dê được triển khai trên lưng ngựa. Nhìn thấy họ rượt nhau, hoặc ôm mình dê, hoặc kéo đùi dê, tranh tranh đoạt đoạt thật là náo nhiệt khẩn trương.

Người Hazak ở Tân Cương có gần 60 vạn, chủ yếu sống bằng nghề du mục, cư trú quanh vùng thảo nguyên bắc Thiên Sơn. Tổ tiên lâu đời của tộc người Hazak là người Ô Tôn; về sau lại pha trộn thêm huyết thống của người Tái Chủng, người Đột Quyết và người Mông Cổ. Về vẻ mặt xem ra rất gần người Mông Cổ. Ngôn ngữ thuộc hệ ngôn ngữ Đột Quyết. Dân tộc Hazak có tính cách hào sảng, hiếu khách, rộng rãi, vui tính như tiền bối, đáng kính đáng yêu của họ. Mặt trời sắp tắt, tôi lưu luyến từ biệt thảo trường hồ Tarim, tiến về hang Y Lê phía trước, đi thăm và tìm hiểu tổ tiên của tộc người Hazak, đó là vùng đất xưa của người Ô Tôn

14. SÔNG Y LÊ (1)

QUẢ TỬ CÂU THƠM LỪNG

Rời vùng hồ Tarim, đi theo phía nam để đến sông Y Lê phải xuyên qua hẻm núi Tháp Lặc Kỳ dài 30 cây số. Hai bên hẻm là núi cao xanh ngắt, trên đó chi chít những cây tùng sam. Trong khe núi hẹp, có tiếng suối róc rách, chúng hợp lưu mà tạo ra sông Y Lê. Đường đi theo dòng chảy uốn lượn của con sông mà dẫn xuống. Hai bên đường thỉnh thoảng thấy những cây táo, cây hạnh hoang. Người ta gọi hẻm núi tĩnh mịch này là “Quả Tử Câu” (ngòi nước đầy hoa trái).

Đường bộ đi từ Urumqi đến sông Y Lê tất phải qua Quả Tử Câu. Từ đời Hán đến đời Đường, đây không phải là nơi cần phải đi qua của tuyến bắc con đường tơ lụa; điều này tôi chưa dám khẳng định, bởi vì chưa thấy có một văn bản nào ghi chép, thế nhưng ít ra vào những năm đầu của triều nhà Nguyên thì đây là con đường nối lòng chảo Chuẩn Hát Nhỉ với sông Y Lê. Người đời Nguyên là Lý Chí Thường khi viết

Trường Xuân chân nhân tây du ký (Ghi chép vế chuyến Tây du của Trường Xuân chân nhân) có tả rất rõ về Quả Tử Câu như sau:

“Sáng sớm, đi về hướng tây nam chừng 20 dặm thì thấy một cái hồ. Hồ rộng chừng vài trăm dặm, núi tuyết bao quanh in bóng xuống hồ, sư thầy đặt tên là Thiên Trì” (Thiên Trì đây chỉ hồ Tarim).

“Men theo hồ đi về hướng nam, núi đá cao chất ngất, tùng bách rậm rạp, cao hơn trăm thước (thước là đơn vị đo chiều dài của Trung Quốc trước đây tương đương 0,33 mét). Từ đỉnh núi đến chân núi, đâu chỉ hàng vạn cây mà không biết cơ man nào kể cho xiết. Nước từ nhiều nơi đổ vào hẻm núi cuồn cuộn tuôn trào, uốn lượn quanh co dễ chừng sáu, bảy chục dặm” (Hẻm núi ở đây chỉ Quả Tử Câu).

“Nhị thái tử tháp tùng chinh tây, trước tiên phải đục đá thông đường, chặt gỗ làm 48 cây cầu để có thể cho xe qua được Đêm xuống ngủ lại trong hẻm. Hôm sau mới bước ra, nước chảy vào sông Đông Tây”. (Sông ở đây chỉ sông Y Lê chảy từ đông sang tây).

Đoạn ghi chép trên cho thấy, đương thời lúc Thành Cát Tư Hãn chinh phạt miền tây, nhị thái tử đã từng suất lĩnh binh lính sửa đường, làm cầu ở Quả Tử Câu, đủ thấy đoạn đường này rất quan trọng.

Về sau, cũng có một tập du ký của người đời Thanh miêu tả về Quả Tử Câu. Đại thần Lâm Tắc Từ đã có công trong việc kiểm tra và cấm chỉ lưu hành thuốc phiện ở Quảng Châu, nhưng triều đình hôn ám và nhu nhược, khuất phục dưới sự uy hiếp của chiến hạm và trọng pháo của đế quốc Anh, nên ông bị kết tội và đày đến Y Lê. Bấy giờ, khi đi qua Quả Tử Câu, ông có miêu tả một đoạn rất sinh động trong nhật ký của mình như sau:

“Sau khi xuống núi, đường núi quanh co khuất khúc có tên là Quả Tử Câu, đây rõ là một ngòi nước kỳ lạ, có một không hai. Trong Hành ký của Kỳ Hạc Cao tiên sinh, ông gọi xứ này là cảnh non tiên kỳ tuyệt, như đi vào hang núi vạn hoa. Nay đang vào mùa đông, hoa khoe màu xanh đậm, đỏ thắm không thể nào thấy hết, trùng trùng điệp điệp không kể xiết. Sau đợt tuyết rơi, núi trắng tùng xanh, thiên nhiên đẹp như một bức tranh. Đường núi vắng vẻ quanh co, suối nước trong xanh mát lạnh, dài hai mươi dặm có dư, mỗi bước đi qua là dẫn ta vào cảnh lạ”.

Lâm Tắc Từ chống đế quốc Anh xâm lược, lòng dân ai cũng biết, thế nhưng có kẻ gian vu họa nên bị triều đình sung quân nơi biên ải; ông giong ngựa xuôi về miền viễn tây, trên đường đi lòng trĩu nặng, đầy bi phẫn. Đọc Tây hành nhật ký của ông, thấy ông miêu tả cảnh sắc rất ít, hầu như không còn lòng dạ nào để thưởng ngoạn cánh đẹp nữa chăng? Nhưng quang cảnh ở Quả Tử Câu vẫn khơi dậy được tấm lòng bi tráng của một đại anh hùng.

NHÀ DÂN VÀ VƯỜN CÂY ĂN QUẢ

Ra khỏi hang núi thì đến thung lũng sông Y Lê, lại một lần nữa đối diện với cảnh sắc ở đây. Ruộng đồng khoảng khoát, đất đai bằng phẳng, mương rãnh dọc ngang, rõ giống như một Giang Nam nơi biên ải.

Sông Y Lê là nơi hội nhập của ba chi lưu, đó là sông Đặc-khắc-tư sông Nãi-tư và sông Ca-thập, chảy từ đông sang tây và đổ ra hồ Borcashi thuộc địa phận Kazakhstan. Sông Đặc-khắc tư bắt nguồn từ ngọn núi chính của dãy Thiên Sơn; ngọn Hãn-đằng-tư-lý cao 6995 mét. Thung lũng Y Lê tây rộng đông hẹp, đông cao tây thấp, vừa có thể nhận được hơi nước từ phía tây mang lại, vừa có sườn núi cao hai bên ngăn chặn được những đòng gió nóng thổi từ sa mạc Gôbi theo hướng nam tới, cho nên ở đây khí hậu tương đối ôn hòa, ẩm ướt. Thung lũng Y Lê là vùng đất phì nhiêu nhất của Tân Cương.

Y Ninh là trung tâm kinh tế chính trị của thung lũng Y Lê, có những chuyện máy bay đi Urumqi, tuy ở chốn biên cương xa xôi nhưng vẫn liên lạc mật thiết với nội địa, không bao giờ bị gián đoạn. Trên các đường phố Y Ninh, người ta ăn mặc xinh đẹp không kém gì ở thành phố Urumqi. Ở đây người ta cũng có trình độ văn hóa khá cao, tôi thật không ngờ. Tình Cờ tôi gặp một anh cán bộ người Hán đã mấy đời lập nghiệp ở đây, nói về khuynh hướng âm nhạc ở Bắc Kinh và Thượng Hải, anh biết rất rõ. Gần đây, đứa con gái mười tuổi của anh thi đỗ vào lớp âm nhạc thiếu niên thuộc Học viện âm nhạc Thượng Hải, cháu đang theo học dương cầm. Trẻ em các thành phố lớn ở nội địa được trúng tuyển vào học viện âm nhạc đã là một điều hy hữu, huống hồ là em bé gái ở chốn biên cương xa xôi này.

Y Ninh được khen là thành phố của hoa viên, thật danh bất hư truyền. Tôi tản bộ trên những đường phố yên tĩnh ở đây thì thấy mọi nhà đều có vườn cây ăn quả xanh tốt. Tôi tùy tiện bước vào nhà của một người Uygur, chủ nhà tên là A-hách Mặc-đức làm công tác thư viện, vợ anh là một giáo viên trung học. Vườn nhà riêng của anh có diện tích chừng một mẫu, vườn cây ăn quả chiếm nửa mẫu. Bước vào vườn cây, anh tự hào chỉ cho tôi xem những cây ăn quả mà anh đã tận tình chăm bón như mười hai cây táo, bốn cây hạnh, bốn cây lê, bốn cây đào. Khoảng sân nhỏ trước nhà là những trụ dàn nho, đưa tay lên thì có thể hái được những chùm nho trắng bụ bẫm. Tiền thu nhập từ vườn cây ăn quả đủ cho cả nhà tiêu dùng suốt năm. Vườn còn trồng các loại rau dưa như dưa chuột, bí ngô, cà chua, ớt hành tây, hẹ, tỏi và rau thơm, thật là cần gì có nấy. Sống ở thành phố mà được hưởng thú điền viên, điều này ở Y Lê là chuyện thường tình, nhưng ở nội địa chắc phải rất khó. Nhà An-hách Mặc-đức có ba gian làm bằng gỗ, tổng diện tích chừng 50 mét vuông. Người Uygur không có thói quen ngủ giường, họ nằm trên thảm. Sáng ra tất cả chăn đệm được xếp vào một góc, phòng nhà trở nên rộng rãi. Đồ đạc trong phòng trưng bày giản dị, gọn gàng, cửa sổ trang hoàng rất nhã và lịch sự. Một lớp vải hoa làm rèm và thêm một lớp lụa trắng. Trên bệ cửa sổ phía ngoài đặt mấy chậu hoa đang nở.

A-hách Mặc-đức còn dẫn tôi đi xem vườn hạnh bên cạnh nhà. Mười mấy cây hạnh có trái đang chín. Một chú bé trèo lên cây rung nhẹ một cái, hạnh chín vàng rơi xuống đầy đất. Bọn trẻ nhặt lên ngồi ăn. Nhìn đôi mắt trong như nước mùa thu của một bé gái thật là dễ mến. Tôi nói với cô bé bằng tiếng Uygur vừa mới học được: “tienailak” (rất đẹp). Cô bé cười rất xinh trên má lộ hai núm đồng tiền.

TRẠM VẬN CHUYỂN TƠ LỤA THỜI CỔ ĐẠI

Cách thành phố Y Ninh chừng 25 cây số có một thôn của người Uygur gọi là “bờ rào Tolophan”. Theo như người ta nói cư dân của thôn này là từ huyện Tolophan ở đông bộ Tân Cương thiên di đến, do đó mà có tên gọi như vậy. Cạnh thôn có một di chỉ có thành, tuy chưa được giới khoa học khảo chứng là cổ thành thuộc đời nào, nhưng có người cho đó là thành “Cung Nguyệt” đời Đường.

Thành Cung Nguyệt đời Đường là một thị trấn trọng yếu của con đường tơ lụa. Đông thông với Bắc Đình Đô hộ phủ đóng ở Đình Châu (tức Jimusar); tây thông với trấn Toái Diệp (nay là Takmak thuộc Liên Xô cũ), phía nam thông với An Tây Đô hộ phủ đóng ở Quy Tư (nay là Khố Xa). Vùng đất này ở nơi xung yếu và cũng là trung tâm của thung lũng Y Lê trù phú, do đó tự nhiên hình thành địa điểm mua bán và chuyển vận tơ lụa thời cổ đại. Có một văn kiện gọi là Cao Xương huyện thường An Tây Đô hộ phủ Điệp (Công văn của huyện Cao Xương trình lên An Tây Đô hộ phủ) chứng thực cho điều này.

Văn kiện trên được đào trong ngôi mộ của Astana ở huyện Tolophan vào năm 1966, đó là một báo cáo của huyện Cao Xương lên An Tây Đô hộ phủ, nội dung là việc tranh chấp dân sự Nguyên bản đã hư nát, nhưng đại thể chữ nghĩa có thể nhận ra.

Có một người “xuất thân là người Hồ, không hiểu tiếng Hán” tên là “Lộc Sơn” tố giác một “người Hán ở kinh sư” tên là ‘Thiệu Cần” lên quan trưởng sử Tây Châu. Lộc Sơn tố cáo là Thiệu Cần đã lấy đi của y 275 tấm vải và các tài sản khác từ thành Cung Nguyệt rồi chở đi bằng lạc đà, trâu và lừa đến Quy Tư thì mất dấu. Theo văn kiện trên mà suy đoán thì giữa hai người hầu như đã có khế ước mua bán gì đấy, nhưng bị cáo (tức Thiệu Cần) không thực thi đúng khế ước.

Văn kiện trên đề cập đến sự kiện tụng dân sự về tài vật trong dân chúng, nó chứng minh một số sự thực lịch sử rất có ý nghĩa.

Thứ nhất thành Cung Nguyệt đời Đường là trạm vận chuyển trọng yếu trên con đường tơ lụa. Thương nhân ở đây một lần có thể xuất kho một số tơ lụa lớn đến 275 tấm, điều này cho thấy lượng tơ lụa được tàng trữ trong thành rất là nhiều.

Thứ hai, từ thành Cung Nguyệt đến Quy Tư cũng tức là từ thung lũng Y Lê đến Khố Xa nằm bên bờ sông Tarim có một chi tuyến của con đường tơ lụa xuyên qua Thiên Sơn. Con đường này đã có từ đời Hán và đến đời Đường vẫn còn thông thương.

Thứ ba, tại Tây Vực, vào đời nhà Đường việc hành xử quyền quản lý rất hữu hiệu. Người hồ và người Hán phát sinh việc kiện tụng dân sự có liên quan đến hai địa phương Quy Tư và thành Cung Nguyệt từ quan lại huyện Cao Xương đứng ra giải quyết rồi trình báo lên An Tây Đô hộ phủ. Do đó có thể thấy nhà Đường đặt An Tây Đô hộ phủ không chỉ quản lý việc quân sự và hành chính mà còn giải quyết những tranh chấp dân sự với nhau nữa.

Vốn ngưỡng mộ danh tiếng thành Cung Nguyệt từ lâu, nay đến Y Ninh tôi không thể không đi thăm di chỉ cổ thành ở bờ rào Tolophan được. Từ Y Ninh đi xe theo hướng đông bắc thì đến đội sản xuất của công xã Hồng Tinh, huyện Y Ninh, tức nơi có tên bờ rào Tolophan. người hướng đạo dẫn tôi lội bộ qua một con sông nhỏ gọi là sông Cát Lý Cách Lang. Leo lên một gò cao thì thấy một bãi đất hoang, đó chính là di chỉ cổ thành. Thành tường chỉ còn lại chân tường, có dạng hình vuông chu vi chừng 1400 mét. Trong khuôn viên thành có rất nhiều hào rãnh, đó là dấu tích khai quật đào xới hồi năm 1936 dưới thời Thanh Thế thống trị Tân Cương, chúng đã phá hoại nghiêm trọng di chỉ này. Ý đồ của ông ta là đào tìm vàng bạc, châu báu của người xưa để lại. Người bản địa gọi nơi này là “đại kim trường”, “tiểu kim trường”, tức có ý nói nơi đào ra vàng. Sau giải phóng, người ta đào được ở đây loại đèn đất nung và cho là thuộc đời Đường, ngoài ra còn tìm thấy cả tiền đồng Ả Rập.

NHỮNG NGÔI MỘ Ở Ô TÔN VÀ NGỰA Ô TÔN

Ngược dòng Y Lê , vượt quá chi lưu Ca Thập, rồi men theo một chi lưu khác là Củng Nãi Tư và tiếp tục đi nữa thì vào khu vực lăng mộ gần khu chăn thả súc vật của dân. Tôi để ý thấy hai bên đường có những nấm đất tròn nhỏ, vừa giống gò đống hình thành tự nhiên vừa giống những nấm đất un lên do bàn tay con người. Người ta bảo đó là quần thể cổ mộ.

Trên mục trường Xuân Thu của lưu vực sông Y Lê, rải rác khá nhiều mồ mả của mục dân Ô Tôn thời cổ đại, chúng có đặc điểm là nấm đất un mộ rất lớn, nấm lớn nhất có thể cao đến 10 mét và chu vi đáy dài đến 200 mét. Các nhà khảo cổ học có khai quật một ngôi mộ Ô Tôn lớn nhất, thì trong một thất gồm có quách gỗ và hòm gỗ. Quách gỗ thì dùng gỗ súc chất thành, hình dạng giống như nhà gỗ trú đông của mục dân Hazak ngày nay.

Ô Tôn là dân tộc cổ lão ở tây bộ Trung Quốc, cư trú rất sớm dọc Đôn Hoàng, Cam Túc; về sau thiên di đến lưu vực sông Y Lê. Sử ký có nói Ô Tôn là xứ nhiều ngựa, nhà giàu có đến bốn, năm ngàn con. Vua Ô Tôn hiến cống một ngàn ngựa quý cho vua Hán Vũ Đế. Nhà vua rất vui thích và gọi là “thiên mã” (ngựa trời). Về sau, có hãn huyết mã của xứ Đại Oản mới đổi tên ngựa Ô Tôn thành “ngựa tây cực” (tây cực mã) và gọi ngựa Đại Oản là “thiên mã”. Ô Tôn có nhiều ngựa quý và đồng cỏ trù phú ở thung lũng Y Lê, tất nhiên có mối quan hệ. Ngựa Y Lê ngày nay cũng là giống ngựa trứ danh của Trung Quốc. Tôi để ý thấy đàn ngựa dọc đường tôi đi qua có phần thân đầu rất đẹp, tai nhỏ, mắt to, lưng rộng, cổ dài ngẩng cao, bốn chân mạnh chắc, trông rất uy nghi lẫm liệt, thật không hổ là hậu duệ của ngựa Ô Tôn cổ đại. Sử ký có ghi: “Vua Ô Tôn đem ngàn con ngựa quý làm lễ vật cưới con gái nhà Hán”. Ở đây có một câu chuyện về cuộc hôn nhân giữa nhà Hán và vua xứ Ô Tôn như một hình thức liên minh để đánh bại người Hung Nô.

CÔNG CHÚA NHÀ HÁN LÀM DÂU XỨ Ô TÔN

Người Ô Tôn thường vốn bị người Hung Nô coi thường. Phụ vương của Côn Mạc - vua Ô Tôn - bị vua Thiền Vu Hung Nô sát hại; lúc còn bé xíu, Côn Mạc bị vứt ra ngoài đồng hoang. Tục truyền rằng chim quạ thường ngậm thịt bay đến cho Côn Mạc ăn, sói hoang thường chạy đến cho Côn Mạc bú, Thiền Vu biết được chó là việc thần kỳ, thế là đem về nuôi dưỡng nên người. Côn Mạc trưởng thành, lãnh đạo dân Ô Tôn thiên di về khu vực thung lũng sông Y Lê, nhằm thoát ra khỏi vòng vây khống chế của người Hung Nô, kẻ thù đã giết cha mình, nhưng ông vẫn luôn luôn đề phòng.

Nội tình uẩn khúc ấy sau lần đi sứ Tây Vực đầu tiên Trương Khiên có biết, nên ông đã tấu trình lên Hán Vũ Đế và đề nghị nhà vua cho kết thân với vua Ô Tôn, đồng thời khuyên họ quay lại Đôn Hoàng chiếm đóng dọc hành lang Hà Tây để chặt bớt cánh tay mặt của Hung Nô.

Mục đích của Trương Khiên đi Tây Vực lần thứ hai là để du thuyết Ô Tôn kết thân và liên minh. Nhưng bấy giờ nội bộ Ô Tôn bất hòa, lại không biết gì nhiều về nhà Hán, thêm vào đó họ quá khiếp sợ sự hùng mạnh và cường bạo của Hung Nô, nên không chấp thuận. Tuy mục đích chính của lần đi sứ này không đạt kết quả như ý, song Trương Khiên đã phái phó sứ của mình đi liên hệ các tiểu quốc ở Tây Vực, tăng thêm mối quan hệ giữa nhà Hán và Tây Vực.

Người Hung Nô có biết sự liên hệ giữa nhà Hán và Ô Tôn bèn lấn tới, áp bách Ô Tôn. Lúc bấy giờ vua Côn Mạc Ô Tôn đã biết rõ sự hùng mạnh của nhà Hán, nhất quyết muốn được nhà Hán bảo trợ, sai đặc sứ đem một ngàn con ngựa quý dâng tặng, thỉnh cầu nghinh hôn công chúa. Ông vua anh tài đảm lược Hán Vũ Đế liền chấp thuận, lập con gái của Giang Đô Vương Lưu Kiến là Tế Quân làm công chúa và gả cho Côn Mạc.

Đây không phải là thứ quan hệ hôn nhân tự nhiên mà là một dạng liên minh chính trị. Vua Thiền Vu Hung Nô giảo hoạt hay tin ấy, cũng gấp rút đem một công chúa gả cho Côn Mạc. Thế là Cơn Mạc phong Tế Quân làm Tả phu nhân và công chúa Hung Nô làm Hữu phu nhân, một tả, một hữu gần như cân bằng, nhưng sự việc xảy ra sau này không phải chỉ đơn giản như thế.

Sau khi Tế Quẩn đến Ô Tôn thường “mở tiệc ăn uống, đem tiền bạc, vải vóc ban phát cho tả hữu quan lại của nhà vua”, bắt đầu hoạt động để tranh thủ giới quý tộc Ô Tôn. Để lấy lòng Tế Quân, Côn Mạc đặc biệt cho xây dựng cung thất do kiểu nhà Hán. Như vậy, Tế Quân đã thành công về mặt chính trị nhưng cuộc sống riêng tư không được hạnh phúc. Côn Mạc về già, ngôn ngữ không thông, Tế Quân rất buồn khổ, âu sầu, làm bài ca rằng:

“Ngô gia gá ngã hề thiên nhất phương,

Viễn thác đi quốc hề Ô Tôn Vương.

Cư thường thổ tư hề nội tâm thương,

Nguyện vi hoàng hạc hề quy cố hương”.

Tạm dịch:

Nhà ta gã ta chừ trời một phương

Nước lạ xa xôi chữ Ô Tôn Vương

Ở đây hay nghĩ chừ lòng đau thương,

Muốn làm cánh hạc chừ về cố hương.

Hán Vũ Đế đã nghe thấy và rất đồng tình, nhưng vì vấn đề chính trị, ông không chịu cho Tế Quân trở về quê nhà, mà vài ba năm cho đặc sứ đến dâng lễ và ủy lạo.

Về sau, Côn Mạc thấy mình tuổi già sức yếu không còn xứng hợp nữa, muốn đem nàng gả cho cháu là Sầm Tâu, đây là tập tục truyền đời cho nhau của xứ Ô Tôn, công chúa nhà Hán làm sao có thể ngờ tới. Tế Quân gởi thư về triều, Hán Vũ Đế trả lời: “Cứ theo tập tục của nước họ để cùng với xứ Ô Tôn tiêu diệt rợ Hồ”. Điều này nhắc nhở Tế quân lấy lợi ích quốc gia dân tộc làm trọng, tôn trọng phong tục tập quán của người bản xứ, cố gắng củng cố liên minh giữa nhà Hán và Ô Tôn, cùng nhau đối phó với Hung Nô.

Tế Quân được gả cho vua kế vị là Sầm Tâu sinh được một con gái rồi chết. Vua nhà Hán lại tiếp tục đem cháu gái của Sở Vương Lưu Mậu là Giải Ưu làm công chúa và gã cho Sầm tâu. Sau khi Sầm Tâu chết, công chúa Giải Ưu lại theo phong tục của Ô Tôn được đem gã cho vua kế vị là Phì Vương. Phì Vương chết, lại tiếp tục gả cho con trai của Sầm Tâu do bà vợ người Hung Nô sinh.

Năng lực hoạt động của Giải Ưu so với Tế Quân thì lớn hơn nhiều. Tình cảm giữa nàng và Phì Vương rất tốt, sinh được ba trai, hai gái, người con gái đầu gã cho vua Quy Tư, và tại đây nàng đã phổ biến rộng rãi văn hóa Hán. Công chúa Giải Ưu sống ở Ô Tôn bơn bốn mươi năm, cuối đờì khi trở về quê hương đã hơn bảy mươi tuổi. Bà đem theo quan thị nữ của mình là Phùng Liêu, nhiều lần thay mặt triều đình nhà Hán hiểu dụ và vỗ an xứ Tây Vực.

Càng ngày liên minh Hán - Ô Tôn càng mật thiết, điều này làm cho Hung Nô giận dữ. Năm 72 trước CN, Hung Nô khởi binh uy hiếp Ô Tôn, yêu cầu dâng thủ cấp công chúa nước Hán và cắt đứt quan hệ với nhà Hán. Vua Ô Tôn và công chúa Giải Ưu cùng dâng thư về triều đình xin cứu trợ, thỉnh cầu đem quân tiến đánh Hung Nô. Triều đình liền chấp thuận, đêm năm lộ quân xuất chiến, đồng thời cử đại tướng Thường Huệ đại biểu cho triều nhà Hán đến Ô Tôn chỉ huy thế trận. Trận này thu được kết quả vẻ vang. Trai gái Hung Nô bị bắt hơn bốn vạn người, trong đó có cả chú và con dâu của vua Thiền Vu. Hung Nộ tấn công lại nhưng cũng bị thất bại. Liền theo đó dân tộc các nơi bị Hung Nô áp bức lâu nay ào ào nổi dậy. Hung Nô rơi vào bế tắc. Trải qua hơn nửa thế kỷ đi lại nhiều lần, lần đầu tiên sách lược “liên minh Ô Tôn khống chế Hung Nô” của Trương Khiên đề ra bắt đầu có hiệu quả.

NHẠN ĐÃ ĐỊNH CƯ TRÊN THẢO NGUYÊN

Ở Tân Cương tôi nghe người ta kể nhiều về sự tích công chúa Giải Ưu, lấy đó làm chủ đề cho kịch bản lịch sử đăng trên tạp chí “Tân Cương Văn nghệ” gần đây. Cho dù điều kiện lịch sử khác nhau rất xa, ngày nay những thanh niên trí thức người Hán từ nội địa đến chi viện để kiến thiết biên cương thì qua sự tích có tính chất lịch sử kể trên cũng đã soi rõ quyết tâm cùng với dân tộc thiểu số anh em kề vai sát cánh, tay trong tay cống hiến cả đời mình cho mảnh đất biên cương này.

Phó giám đốc mục trường nuôi dê Dương Nhĩ Tế ở Củng Nãi Tư là một trong những người phụ trách mà chúng tôi được gặp.

Mục trường nuôi dê nằm bên bờ sông Củng Nãi Tư. Tôi đứng bên bờ sông đang cuồn cuộn chảy nhìn xa hút tầm mắt là cả một đồng cỏ trông như tấm thảm xanh trải dài tít tắp trên vùng đất bằng phẳng rộng lớn. Xa xa theo tầm nhìn là núi non trùng điệp. Tôi thết lên: “Ồ, mục trường rộng lớn và xinh đẹp làm sao!”. Dương Nhĩ Tế đứng bên cạnh nói:

- Đây mới chỉ là mục trường dành cho mùa đông của chúng tôi, còn nơi chỗ núi cao rừng sâu kia chúng tôi có một mục trường dành cho mùa hè nữa kia!

Tôi rất muốn đi thăm xem thử thế nào, ông ấy nói:

- Lên đó không thể đi xe được, còn đi ngựa phải mất mươi tiếng đồng hồ, sợ anh về không kịp.

Mục trường nuôi dê Củng Nãi Tư không chỉ nổi tiếng ở Tân Cương mà còn nổi tiếng trong cả nước. Mục trường đã gây giống loại “dê lông mịn Tân Cương” đã được nhà nước giám định. Chính mắt tôi đã trông thấy những xe ca ở Liêu Ninh tận bên bờ Bột Hải đã chuyển vận về xứ họ các loại dê giống ở đây. Ba mươi năm nay mục trường này đã cung cấp cho hai mươi bốn tỉnh trên toàn quốc 50 vạn con dê giống. Từ thập niên năm mươi đến thập niên bảy mươi mặt hàng sản xuất dê giống rất cao. Ngày nay, hàng năm, mỗi con dê lông mịn Tân Cương cho ra ít nhất là 5 kg lông, lông dài hơn 8cm, còn các tiêu chuẩn khác như độ mịn, độ dày, độ đều và màu sắc thì xếp hạng tiên tiến toàn quốc.

Loại dê lông mịn Tân Cương là kết tinh của sự hợp tác mật thiết giữa Dương Nhĩ Tế và Maisfuhas, kỹ thuật viên người Hazak. Tất cả vì thảo nguyên mà các bạn thanh niên trí thức người Hán vui vẻ đến đấy công tác. Maisfuhas nói với Dương Nhĩ Tế.

- Họ chẳng khác nào đàn nhạn đến với thảo nguyên, trong những ngày đông tháng giá, thế nào rồi cũng bay đi!

Đến nay, hai mươi bảy mùa đông giá đã qua, thế mà đàn nhạn đã không bay đi. Dương Nhĩ Tế đã mọc rễ tại mục trường Củng Nãi Tư, từng bước lao tâm khổ trí vì công tác nâng cao phẩm chất dê giống lông mịn Tân Cương. Maisfuhas nay đã qua đời, Dương Nhĩ Tế mới năm mươi tuổi mà đầu đã bạc, khi nói về người lãnh đạo cũ, người bạn của mình, ông vô cùng thương nhớ, ông nói:

- Ông ấy có thể yên tâm, quá khứ cũng như tương lai của tôi, tôi sẽ mãi mãi cống hiến cho thảo nguyên Củng Nãi Tư.

LỜI TIÊN ĐOÁN CỦA LÂM TẮC TỪ

Tôi rời Củng Nãi Tư trở về thành phố Y Ninh, sau đó đi một chặng đường chừng 38 cây số nữa theo hướng tây để thăm cổ thành Huệ Viễn bên bờ sông Y Lê. Vào đời Thanh, tòa thành này không chỉ là trung tâm chính trị ở Y Lê mà còn là trung tâm quân sự trên toàn cõi Tân Cương, phủ tướng quân Y Lê thống lĩnh toàn Tân Cương đặt tại Huệ Viễn.

Khu chính của cổ thành còn được giữ lại là một tòa lầu ba tầng có kiến trúc gần giống kiến trúc thường thấy ở Thiểm Tây, Cam Túc. Đứng trên lầu trống nhìn một lượt thì thấy đường thành còn lại một nửa, nhưng đều bị hư nát, phía ngoại thành là ruộng đồng khoáng đãng, có sông Y Lê chạy dọc theo bờ nam. Nội thành có trung tâm là lầu trống, chạy thẳng theo hướng tây là một ngã tư đường rộng lớn. Thành Huệ Viễn vào đời Thanh, phố xá san sát, hàng hóa phong phú, người ta gọi là một tiểu Bắc Kinh. Ngày nay là khu đất thuộc công xã Mãnh Tiến, có hơn mười lăm ngàn xã viên với hơn bốn vạn mẫu đất canh tác.

Xuống lầu trống, đi vào ngã tư đường thì bên cạnh là một tòa nhà chạm trổ công phu, đó là phủ tướng quân Y Lê đời Thanh. Sân phủ có cây cổ thụ cao ngất, đây đó là sảnh đường, lâu các, hành lang và một ngôi đình xinh đẹp gọi là tướng quân đình. Cạnh đình có hai con sói đá. Chúng giương mắt tròn xoe, nhe răng há mồm; nhìn chòng chọc như muốn tỏ rõ uy phong của mình ngày nào đối với mọi người.

Thành Huệ Viễn này được trùng tu vào năm 1883. Thành Huệ Viễn cũ cách thành Huệ Viễn ngày nay chừng bốn cây số. Lúc Lâm Tắc Từ bị đày đến Y Lê, ông đã từng cư trú tại phía đông ngõ thứ hai trước lầu trống ở nam thành Huệ Viễn cũ. Rất tiếc thành Huệ Viễn cũ đã bị tiêu hủy không tìm ra được chỗ ở cũ của ông. Người ở đây vẫn còn nhớ công trình xây dựng thủy lợi ở Tân Cương của Lâm Tắc Từ. Một con kênh dẫn nước từ sông Ca Thập đến Huệ Viễn dài 100 cây số, tương truyền chính Lâm Tắc Từ lãnh đạo dân chúng làm nên, đến cháy được mọi người gọi là “Kênh ông Lâm”.

Hồi đó Lâm Tấc Từ bị đày đến Tân Cương làm chưởng quản kho lương tại phủ tướng quân Y Lê ,thế nhưng con người đã từng làm khâm sai đại thần họ Lâm không hề có ý coi thường chức vụ hiện tại, ngày thường ra ngoài tìm hiểu dân tình, cần chấn hưng nông nghiệp thì phải thực hiện công tác thủy lợi. Về sau, tướng quân Y Lê phái ông đến nam Tân Cương khai khẩn đất hoang. Trong khoảng nửa năm, ông đã không ngại gian khổ đi khắp các nơi như Khố Xa, A Khắc Tô, Ca Thập, Diệp Nhĩ Khuông, Hòa Điền, Ha Mật, Tolophan …, chỉ huy khai khẩn đất hoang, lập đồn điền ở các nơi, tổng cộng hơn sáu vạn mẫu.

Dấu chân của họ Lâm có khắp Tân Cương. Ông cảm nhận sâu sắc mối nguy hại uy hiếp từ Sa hoàng nước Nga. ông đã từng đi đầu trong việc chống đối người Anh xâm lược ở Quảng Châu thì khi đến Tân Cương ông cũng là người đầu tiên đưa ra lời cảnh báo: “Rốt cuộc, mối hiểm họa của Trung Quốc chính là nước Nga La Tư. Ông thật không hỗ là người đầu tiên đánh tiếng chuông cảnh tỉnh đối với lịch sử cận đại Trung Quốc.

Quả nhiên không ngoài dự liệu của họ Lâm. Ông rời Tân Cương năm 1845 thì hai mươi sáu năm sau, tuyến đường sắt của Sa hoàng nước Nga chạy thẳng đến Y Lê và cưỡng chiếm vùng đất này. Đến năm 1881, Trung Quốc bị ép phải ký “Điều ước Y Lê” bất bình đẳng với nước Nga mới thu hồi được một phần, còn vùng đất rộng lớn mênh mông của Trung Quốc từ phía tây Hoắc-nhĩ-lý-tư trở lên bị Sa hoàng cưỡng bức cắt làm đất của mình.

Tôi men theo con đường tơ lụa thời cổ đại đi tiếp dọc sông Hoắc-nhĩ-lý-tư, qua một tòa lăng mộ theo phong cách Islam, trên đó từng khối gạch men nhiều màu được khảm nạm tạo thành những hoa văn rất tao nhã, đó là lăng mộ của hậu duệ Thành Cát Tư Hãn là Khuông Hắc Lỗ Niêm Mộc Nhi. Ông là vua Mông Cổ đầu tiên theo đạo Hồi và truyền bá đạo này ở khu vực Tân Cương. Cạnh lăng mộ là di chỉ thành A Lực Ma Lý đời Nguyên. Các nhà khảo cổ đã từng tìm thấy ở đây tiền đồng Ả Rập và đồ gốm đời Nguyên.

Lại đi tiếp về hướng tây chừng mười cây số thì đến bờ sông Hoắc-nhĩ-lý-tư. Sông này chảy từ bắc xuống nam và nhập vào sông Y Lê. Đồn biên phòng của hai nước Trung - Nga dựng lên hai bên bờ đông tây của con sông, đối diện nhau. Có một cây cầu bắc qua sông, hai đầu cầu mỗi bên có đường chạy theo hướng đông hoặc hướng tây của mỗi nước. Tôi đứng hồi lâu nhìn hai con đường không có xe cộ và khách bộ hành qua lại lòng cảm thấy vô cùng bất an. Tại sao trong lịch sử xa xưa trên con đường tơ lụa này có sự giao lưu kinh tế văn hóa tấp nập như vậy mà nay ở đây phải bị cắt đứt như thế này nhỉ?

Trong sự phát triển lâu dài của lịch sử nhân loại, chủ nghĩa bộ quyền nước lớn chẳng qua chỉ là một hiện tượng biến chứng tạm thời mà thôi, sự qua lại hòa bình giữa các quốc gia dân tộc với nhau để thúc đẩy nhân loại tiến bộ mới là xu thế tất yếu của sự phát triển lịch sử.

(1) Sông Y Lê phát nguyên từ Tân Cương và đổ ra hồ Borcashi thuộc Kazakstan - ND.

15. HỎA CHÂU - TOLOPHAN

Sau khi dọc theo tuyến bắc của con đường tơ lụa đến vùng biên giới phía tây của Trung Quốc, tôi trở lại Urumqi để nghi ngơi đôi chút và sửa soạn hành lý tiếp tục xuôi miền đông đến Tolophan, mở đầu cho chuyến du hành Nam Tân Cương. Tại đây, con đường tơ lụa men theo bờ bắc và bờ nam của đại sa mạc Taklamacan mà tự nhiên hình thành hai tuyến đường, tức là tuyến giữa và tuyến nam của con đường tơ lụa. Tolophan là một trọng trấn của tuyến giữa.

Tùy thư (sách đời Tùy) có ghi: “Từ Đôn Hoàng đến Tây Hải (tức Địa Trung Hải) phàm có ba tuyến đường, mà tuyến giữa thì đi từ Cao Xương đến Ba Tư”. Trung tâm nước Cao Xương thời cổ đại nằm ở lòng chảo Tolophan.

Khách thương của con đường tơ lụa, sau khi từ hành lang Hà Tây đi vào cửa ngõ Y Ngô (Ha Mật) của Tây Vực có thể vượt Thiên Sơn để đi theo tuyến bắc, hoặc có thể men chân núi nam Thiên Sơn theo hướng tây đến Tolophan để đi theo tuyến giữa.

Cao tăng Đường Huyền Trang sau khi rời khỏi Ngọc Môn quan đến Y Ngô, nghĩa là vốn muốn theo tuyến bắc đi Đình Châu (tức Jimusar) rồi tiếp tục lên hướng tây thì nhân vì vua nước Cao Xương thành khẩn mời mọc, ngài mới đổi hướng qua Cao Xương thuộc lòng chảo Tolophan, rồi đi theo tuyến giữa của con đường tơ lụa đến nước Quy Tư (Khố Xa), Cổ Mặc (A Khắc Tô). Tôi bắt đầu từ Tolophan và muốn truy tìm dấu vết của Đường Huyền Trang.

HUYỀN TRANG TUYỆT THỰC BA NGÀY

Huyền Trang dừng chân ở nước Cao Xương hơn một tháng, trong đó có ba ngày tuyệt thực: Ngài vốn được Vua Cao Xương Cúc Văn Thái tiếp đãi trịnh trọng, cớ sao phải tuyệt thực? Việc này có nguyên do của nó.

Cúc Văn Thái rất mộ đạo Phật, nghe nói có pháp sư Huyền Trang đì Tây Vực thỉnh kinh đã đến Y Ngô, nhà vua bèn sai sứ đi nghinh tiếp. Huyền Trang theo sứ về đến thành Cao Xương thì đã nửa đêm, Cúc Văn Thái đích thân cầm đuốc đón pháp sư vào cung. Sáng hôm sau, vua dẫn vương phi đến chào đón thăm hỏi, ai nấy đều tự xưng là đệ tử vô cùng cung kính. Nhà vua hỏi:

- Đệ tử đã cùng tiên vương đến Trung Quốc, đã gặp rất nhiều danh tăng, đệ tử vô cùng ngưỡng mộ; kể từ khi nghe đại danh pháp sư, thâm tâm rất vui, mừng lỡ đến nỗi khua chân múa tay, rất mong được pháp sư lưu lại tệ quốc để cho đệ tử được cung phụng suốt đời, khiến trăm họ đều là đệ tử của pháp sư được nghe pháp sư giảng đạo. Nước của đệ tử tuy nhỏ nhưng tăng chúng có đến hàng ngàn. Kính mong pháp sư thể lượng tấm lòng thành của đệ tử mà ở lại đây đừng đi thỉnh kinh nữa, pháp sư nghĩ sao?

Huyền Trang thành thật bày tỏ nguyên đo đi Tây Vực thỉnh kinh của mình, dùng lời lẽ mềm mỏng cảm tạ lời yêu cầu của nhà vua. Cúc Văn Thái nhiều lần khẩn cầu mà không đạt được mục đích, sau cùng đổi sắc mặt, vẻ uy hiếp nói:

- Pháp sư đã đến lãnh thổ nước tôi, há nào ra đi dễ dàng như thế? Hoặc ở lại, hoặc sai lính đưa pháp sư về nước. Đi hay ở, xin pháp sư nghĩ lại!

Huyền Trang không hề nhượng bộ, bèn tuyệt thực để biểu thị ý chí, rồi nghiêm sắc mặt nói:

- Thân xác có thể vì ngài mà lưu lại, còn tinh thần thì ngài không dễ gì giữ lại được!

Hàng ngày Cúc Văn Thái đích thân bưng mâm đến mời, Huyền Trang nhắm mắt tọa thiền không hề nhúc nhích. Liên tục ba ngày như vậy, nước cũng không nhắp môi. Đến ngày thứ tư, Cúc Văn Thái thấy sắc dáng Huyền Trang quá hao gầy hơi thở yếu ớt, ông vô cùng xấu hổ bèn quỳ lạy, thưa:

- Xin mời ngài dùng bữa, rồi tùy pháp sư cứ việc lên đường!

Huyền Trang ở lại Cao Xương hơn một tháng, lúc ra đi, Cúc Văn Thái đem tặng 100 lượng vàng, 3 vạn đồng tiền bạc, 30 con ngựa và 24 lá thư giới thiệu đến các nước, mỗi phong thư đều có kèm một tấm lụa.

CỔ THÀNH CAO XƯƠNG RỘNG HAI TRIỆU MÉT VUÔNG

Ngay ngày thứ hai đến Tolophan, tôi đã thăm di chỉ cổ thành Cao Xương. Rời huyện ly theo hướng đông tiến vào sa mạc Gôbi mênh mông chừng 40 cây số thì thấy có vùng Lục Châu, đó là công xã nhân dân Hỏa Diệm Sơn. Qua khỏi Lục Châu thì đến khu cổ thành Can Xương: Cổ thành được bảo tồn tương đối hoàn chỉnh.

Tường thành còn khá rõ. Qua cổng thành phía tây, leo lên nơi cao nhất nhìn một lượt, bốn mặt khắp nơi đều tường xiêu vách đổ, cơ hồ nhìn không thấy đâu là ranh giới. Đồng chí Sầm đi cùng chúng tôi nói tổng diện tích thành Cao Xương ước khoảng hai triệu mét vuông, chu vi tường thành dài hơn 5 cây số Đó là khu thành có quy mô tương đối lớn.

Toàn thành chia làm ba bộ phận: ngoại thành, nội thành và cung thành. Bố cục của nó phỏng theo thành Trường An. Phía đông nam và tây nam ngoại thành mỗi nơi có di chỉ tự viện. Đồng chí Sầm dẫn tôi đến khu di chỉ tự viện tây nam chỉ cho tôi xem đại điện và trụ tháp sừng sững trước đại diện.

Trên tháp có bày khám thờ Phật, đặc biệt trong khám thờ còn sót lại tượng Phật và bích họa. Chỉ riêng di chỉ tự viện đã đến hơn 10000 mét vuông. Tôi thầm nghĩ đây không biết có phải là nơi năm xưa Huyền Trang thuyết pháp không.

Chính giữa thành lệch về hướng bắc một chút có một đài cao xây bằng gạch thô, nền đài còn sót lại cao đến 15 mét. Gần đó người ta đã tìm thấy đá kê chân cột và ngói lưu ly màu lục có chạm khắc hoa văn. Đồng chí Sầm nói, rất có thể đây là di chỉ cung điện của vương triều dòng họ Cúc.

Ông còn dẫn tôi đi thăm một quảng trường nằm ở ngoại thành mà chung quanh là khu kiến trúc phố chợ. Bước đi trên quảng trường tôi hầu như thấy những sạp hàng bày biện ngăn nắp, như nghe tiếng lao xao của kẻ mua người bán thuở nào. Ở đây rất có thể là khu chợ tập trung mua bán đổi chác của một thời. Đi quanh một lượt khu di chỉ phố chợ này, tôi thấy một số gian nhà tương đối rộng giống như là công xưởng của những người làm nghề thủ công. Trước di chỉ của một khu nhà lớn hiện còn rải rác nhiều mảnh sành bể giống như đây là nơi sản xuất ra loại rượu bồ đào Cao Xương nổi tiếng mà mọi người đã từng thưởng thức chăng?

CỔ THÀNH TẠI MỘT KHU ĐẤT CAO TRÊN ĐẢO

Nơi cách huyện lỵ Tolophan chừng 10 cây số có cổ thành Giao Hà. Di chỉ nằm trên khu đất cao của một cù lao giữa hai con sông. Hai dòng sông phân nhánh ở phía bắc cù lao và gặp nhau lại ở phía nam. Cù lao có hình lá liễu, dài khoảng hơn 1600 mét, nơi rộng nhất chừng 300 mét, chung quanh dòng nước sông bào mòn mà tạo thành một bờ vách cao 30 mét và trở thành bức tường thiên nhiên.

Chúng tôi men theo bờ thành chênh chếch hướng nam bắc mà đi vào thành, hai bên là vách thành khá hoàn chỉnh. Ngày xưa, hai bên đường phố lớn ở Trường An đời Đường cũng có tường cao sừng sững như vậy, các cổng nhà không hướng ra phố chính mà chỉ có ngõ mới hướng ra phố. Xem ra bố cục của thành Giao Hà phỏng theo cấu tạo của người Hán. Đi suốt đầu kia theo hướng nam bắc thì đến một ngôi chùa có quy mô đồ sộ mà di chi của nó là một hình chữ nhật. Đại điện cùng với trụ tháp, nền đất của ba dãy nhà và tầng cấp đều còn phân biệt được. Phía sau tự viện còn có một quần thể tháp Phật. Chính giữa là một tháp Phật rất lớn, bốn góc có nhiều tháp Phật nhỏ tạo thành thế trận hình vuông chầu quanh tháp Phật lớn ở giữa. Rất tiếc, qua hàng ngàn năm dâu bể, tháp Phật lớn thì tồn tại, còn những tháp Phật nhỏ chung quanh trơ trọi lại nền tháp mà thôi. Nếu không thì trước mắt ta sẽ là một quần thể kiến trúc tháp Phật hùng vĩ tráng lệ biết bao!

Tôi rẽ về hướng nam đi tìm hiểu khu dân cư ngày xưa. Mò mẫm bước vào một ngõ nhỏ thấy hai bên có tường, có cổng, có nhà thật giống như lạc vào cảnh ảo của một ngõ tối thời cổ đại. Đi vào một cánh cổng, thấy có sân trước, có lối vào nhà lớn, vào phòng ở, trước cửa phòng có tầng cấp và trong phòng có thể lờ mờ thấy dáng hình cửa sổ, chỉ có điều không có người chủ phòng. Tôi lại tiếp tục theo ngõ nhỏ ấy ra đến bờ thành, dưới chân đột nhiên xuất hiện bờ vách sâu hoắm đành phải dừng chân. Cứ nhìn bờ vách của lòng sông Giao Hà chợt nghĩ lẽ nào cư dân thời cổ đại phải đến bờ vách này để lấy nước sinh hoạt chăng? Sau này, ở khu nội thành tôi có thấy một cái giếng cổ. Thì ra cổ thành Giao Hà tuy xây trên một khu đất cao của đảo, cư dân vẫn có thể đào giếng lấy nước ở nội thành, nếu không thì sự sinh hoạt của dân sẽ rất bất tiện.

Nhớ lại từ lúc tôi rời Tây An đi thăm viếng và tìm hiểu con đường tơ lụa cho đến nay, dọc đường tôi thấy rất nhiều di chỉ cổ thành, nhưng khi đến thăm cổ thành Cao Xương và cổ thành Giao Hà ở Tolophan mới thấy quy mô của chúng rất to lớn và sự bảo tồn rất hoàn hảo, thật là một điều thích thú vô cùng.

NGƯỜI HÁN LẬP RA BỐN NƯỚC CAO XƯƠNG

Lịch sử hai cổ thành Cao Xương và Giao Hà có thể truy nguyên sớm nhất là từ đời Tây Hán và trễ nhất là đến đời nhà Nguyên. Di chỉ của hai cổ thành này chưa kinh qua khảo sát khoa học một cách toàn diện và cũng chưa thể xác minh đúng đắn niên đại kiến tạo đầu tiên và sự tàn phế cuối cùng của chúng: Những năm gần đây theo sự khai quật có tính chất cục bộ và những văn vật đào được linh tinh mà xét thì các chuyên gia cho rằng quy mô cơ bản của di chỉ được xây dựng vào thế kỷ thứ V CN và tàn phế vào khoảng sau, bảy trăm năm sau.

Khu vực Tolophan vào đời Tây Hán là nơi di trú của người Xa Sư. Hán thư, Tây Vực truyện nói: “Xa Sư Tiền quốc vương trị vì thành Giao Hà, nước sông phân nhánh bao bọc quanh thành cho nên có tên là Giao Hà”. Đem nơi ghi chép trên đối chiếu với hình thế địa lý của cổ thành Giao Ha ngày nay là hoàn toàn phù hợp.

Tên Cao Xương được dùng đầu tiên trong Hán thư thường gọi là thành Cao Xương hoặc lũy Cao Xương, theo tên gọi thì nghe ra như nơi đóng quân. Nước Xa Sư vốn thuộc Hung Nô, nhà Hán nhiều lần gây chiến với Hung Nô để tranh giành ảnh hưởng đặt chức “Mậu kỷ hiệu úy”, một chức quan lãnh binh, trông coi lũy Cao Xương tại nội địa nước Xa Sư.

Thế kỷ thứ IV, thứ V CN, thế lực quyền chính của triều đại Tiền Lương lan tận đến Tây Vực, đặt ra quận Cao Xương tại địa phận Tolophan. Thời Năm - Bắc triều, ở Trung Nguyên phân thành hai hệ chính quyền trung ương nam bắc đối đầu nhau, nên khu vực Tolophan mới xuất hiện nước Cao Xương.

Nước Cao Xương thứ nhất (442-460 CN) do hậu duệ dòng họ Thư người Hung Nô kiến lập. Sau khi nước Cao Xương của dòng họ này diệt vong, tiếp theo là nước Cao Xương của họ Hám, dòng họ Trương, dòng họ Mã và dòng họ Cúc lần lượt làm chủ, vua đều là người Hán. Trong số các dòng họ đó, nước Xương của dòng họ Cúc là có ảnh hưởng to lớn nhất tại Tolophan, tổng cộng truyền được mười một đời, kéo dài 141 năm (499 - 640 CN). Nước Cao Xương của dòng họ Cúc đóng đô ở thành Cao Xương (tức di chỉ cổ thành Cao Xương ngày nay), lãnh thổ bao gồm lòng chảo Tolophan, huyện tự trị Yên Kỳ của ngươi Hồi và một phần sơn khu của dãy Thiên Sơn ngày nay, có tất cả 21 thành kể cả thành Giao Hà.

Nước Cao Xương của dòng họ Cúc là do người Hán, người Xa Sư và các bộ tộc khác liên hợp lập thành tiểu quốc. Vua tiên là Cúc Gia, nguyên quán huyện Kim Thành, Cam Túc. Sau khi lập quốc, nhà vua một mặt đối xử tốt với dân du mục phương bắc để giữ cho được quốc thái dân an, một mặt tiến hành triều cống và nhận tước phong của chính quyền trung ương nội địa, ra sức phổ biến văn hoá Trung nguyên. Đàn ông Cao Xương ăn mặc theo kiểu người Hồ, còn đàn bà thì phục sức và đầu tóc bắt chước kiểu người Hán ở nội địa. Ngôn ngữ và chữ viết thì dùng cả Hán lẫn Hồ. Bố cục nhà dân và thành thị kết hợp giữa kiểu Hán và Hồ.

Sau khi nhà Tùy thống nhất Trung Nguyên, quan hệ giữa Cao Xương của dòng họ Cúc và chính quyền trung ương ở nội địa rất hòa hảo. Khi Tùy Dạng đế tuần du phía tây, đến hành lang Hà Tây, tỉnh Cam Túc, vua Cao Xương Cúc Bá Nhã đích thân đến Trương Dịch bái yết, đồng thời sau đó tháp tùng với Tùy Dạng Đế đến Trường An, đi khắp Trung Nguyên ba năm mới trở về. Lúc về lại cưới công chúa Hoa Dung của Tôn thất nhà Tùy làm vợ và cũng đã có lần hạ lệnh nam nữ cả nước ăn mặc theo kiểu người Hán, nhưng vì sợ đắc tội với dân du mục hùng mạnh phương bắc nên không dám thi hành.

Nhà Đường nối nghiệp nhà Tùy không bao lâu thì vua Cao Xương Cúc Bá Nhã qua đời, vua kế vị là Cúc Văn Thái, người đã từng tiếp đãi trọng thể đồng thời cũng uy hiếp Huyền Trang như đã nói trên. Ông là một con người đầy mưu mô, thủ đoạn. Dựa vào sự giúp rập đằng sau của người Tây Đột Quyết, ông đối với chính quyền trung ương nhà Đường thì trước mặt ra vẻ phục tùng, nhưng sau lưng lại tìm cách phản bội. Cao Xương là vùng đất trọng yếu của con đường tơ lụa, việc giao thương buôn bán tương đối phát đạt. Ông thừa cơ bắt chẹt đóng thuế cao, đồng thời còn bắt giữ khách thương và sứ giả các nước Tây Vực đến Trung Nguyên. Nhà Đường có quở trách thì ngoài mặt làm ra vẻ sợ sệt, nhưng bên trong lại giương giương tự đắc. Đường Thái Tông muốn duy trì và bảo vệ con đường tơ lụa thông thương, nên luôn luôn muốn củng cố sự thống nhất ở Tây Vực. Nhà vua đã từng phái Hầu Quân Tập thống suất đại binh đánh Cao Xương. Cúc Văn Thái sợ quá mà chết, con trai kế nghiệp bị ép phải đầu hàng.

Sau khi nước Cao Xương dòng họ Cúc diệt vong, nhà Đường đặt Tây Châu tại Cao Xương. Đến nửa thế kỷ thứ IX, một số người Hồi Cốt thiên di từ phía đông đến chiếm hết đất đai ở đây và lập ra nước Cao Xương của người Hồi Cốt. Người Hồi Cốt chính là tổ tiên của người Uygur ngày nay.

HƠN MỘT TRĂM NGÔI MỘ CỔ

Do người Hán đã sớm đặt chân lên khu vực Tolophan lập đồn điền và cư trú từ thế kỷ thứ I trước CN, rồi tiếp theo trải qua bốn dòng họ nhà Hán lập ra nước Cao Xương tại đây, cho nên nền văn hóa tiến bộ của người Hán đã sớm được người bản địa tiếp thu, ảnh hưởng khá rộng lớn. Theo những văn vật đào được trưng bày ở viện bảo tàng Tolophan ngày nay thì có thể thấy một cách khá rõ nét đặc sắc ấy.

Tại vùng đất A-tư~đáp-na - Ha-la-hòa-trác cạnh cổ thành Cao Xương có khá nhiều ngôi mộ cổ. Sau giải phóng, người ta đã khai quật hơn một trăm ngôi mộ, thu được rất nhiều văn vật có niên đại từ thế kỷ thứ III đến thế kỷ thứ VIII CN. Mặc dù phần lớn đã chuyển đến viện bảo tàng Tân Cương ở thành phố Urumqi, nhưng ở đây số lượng trưng bày cũng còn khá nhiều, tôi xem xét mất một buổi chiều mới hết.

Vật xem mê mải không chán đó là số tơ lụa nào được ở trong các ngôi mộ. Phần lớn tơ lụa được lưu giữ ở viện bảo tàng Tân Cương đều đưa từ Tolophan về. Về niên đại, số tơ lụa cổ này có thể truy nguyên sớm nhất là thế kỷ thứ V và trễ nhất là thế kỷ thứ VIII, màu sắc tươi đẹp, thích mắt, hoa văn trang nhã ưa nhìn. Các thứ lụa, the, gấm, đoạn đem trưng bày ấy có thể nói là những văn vật tiêu biểu nhất của con đường tơ lụa đúng với tên gọi của con đường.

Có một bức vẽ màu trên lụa khiến tôi chú ý. Một nam một nữ có đầu người, mình rắn, mỗi người duỗi tay ra một cánh tay ôm nhau, còn đuôi rắn thì xoắn lấy nhau. Đầu người nam đội mũ, một tay nâng cái thước nách (gọi là “củ” - tức cái ê-ke); người nữ búi tóc, một tay nâng cái com pa (gọi là “quỳ”), cả hai đều mặc trang phục Hán. Phía trên bức họa có mặt trời, phía dưới có mặt trăng, chung quanh là những ngôi sao. Người vẽ rất tinh tế, dùng màu tươi, diện mạo người nam anh tuấn, người nữ yêu kiếu.

Các học giả gọi bức tranh lụa này là Phục Hy Nữ Oa đồ (Bức vẽ vua Phục Hy và bà Nữ Oa). Loại tranh lụa như vậy đào được rất nhiều trong các ngôi mộ ở Tolophan, có niên đại từ thế kỷ thứ V đến thế kỷ thứ VII, tranh được treo trên vách mộ hoặc đắp trên thi thể người chết. Loại tranh vẽ này xuất hiện sớm ở Trung Quốc, sử sách có ghi thời Tây Hán cũng đã có rất nhiều.

Họ Phục Hy và họ Nữ Oa là thủy tổ của loài người trong thần thoại Trung Quốc, ví như Á Đương và Hạ Oa trong Kinh thi. Truyền thuyết nói rằng loài người là con cháu của Nữ Oa kết hôn với anh mình là Phục Hy rồi sinh con đàn cháu đống.

Ở Tolophan còn đào được hơn 2700 văn kiện bằng chữ Hán, cung cấp sử liệu quý báu cho những nhà nghiên cứu chính trị, kinh tế, quân sự và văn hóa xứ Tây Vực.

Trong số những văn kiện trên có một danh sách ghi số tùy tùng “hộ tống hoàng tử Ba Tư” trong đó người Hán có, người Hồ có. Ngoài ra còn có một bản “lý lịch” (gọi là “cáo thân”) của một quân nhân có tên là Tỵ Đức Đạt, nói rõ anh ta đã từng được tuyển mộ vào đội ngũ hộ tống hoàng tử Ba Tư. “Anh em con nhà hào kiệt” cùng được tuyển với anh ta có đến 932 người.

Hai văn kiện nói trên là xác nhận những gì được ghi trong Đường thư như sau: “Năm 679, Bùi Hành Kiểm nhậm chức trưởng sử Tây Châu và An Tây Đô hộ phụng mệnh vua nhà Đường hộ tống hoàng tử Nê-niết-sư con vua Ba Tư Ty-lộ- tư đến thăm Trường An trở về nước. Bấy giờ người Tây Đột Quyết đang quấy nhiễu tại vùng hồ Borcashi, phá hoại sự thông thương trên con đường tơ lụa. Bùi Hành Kiểm một mặt chấp hành sứ mệnh ngoại giao hộ tống hoàng tử Ba Tư, mặt khác lấy đó làm bình phong chiêu mộ quân binh ở Tolophan tiến lên phía tây dẹp loạn Tây Đột Quyết. Bùi Hành Kiểm xuất phát từ Tolophan men theo con đường tơ lụa tiến về phía tây tống tiễn Nê-niết-sư đến Toái Diệp, đồng thời thừa cơ địch không chuẩn bi đánh bại Tây Đột Quyết.

Văn kiện còn có một số mục ghi thức ăn của ngựa trong các dịch trạm, điều này làm tôi rất hứng thú. Vào thời nhà Đường, phương tiện giao thông ở Tân Cương chủ yếu là ngựa, phụ thêm thì có lạc đà, lừa hoặc trâu. Bấy giờ trên con đường tơ lụa, đông từ Ha Mật, tây đến Toái Diệp đều có đặt các dịch trạm để lữ khách có nơi ăn chốn ở dọc đường đi. Các dịch trạm đều có chứa đầy đủ thức ăn cho ngựa. Số văn thư này có đăng ký mục ghi thức ăn của ngựa ở các dịch trạm từ năm 753 đến năm 755 và mục ghi nước uống từng ngày, mỗi tháng có ghi mục kết toán. Từ đó ta có thể thấy trên các tuyến đường giao thông ở Tây Vực có rất nhiều tên gọi dịch trạm, cá biệt cũng có tên riêng từng lữ quán, trong đó có tên của nhà thơ biên tái Sầm Tham đời Đường nhậm chức tại Tây Vực.

“TÂY DU KÝ” MIÊU TẢ NÚI LỬA Ở TẬY VỰC

Vào đời nhà Nguyên, Tolophan từng được gọi là “Hỏa châu”. Tôi rất sợ nóng, nghe nói lòng chảo Tolophan là vùng đất nóng nhất của Trung Quốc, nên tôi có ý tránh mùa viêm nhiệt của tháng bảy và lần lữa đến hạ tuần tháng tám mới đi. Lúc ấy nhiệt độ vẫn ở 37 độ C. Thành ngữ có câu: “Mồ hôi đổ như tắm” thì thật không thích hợp ở đây. Vì sao? Mồ hôi ra nhiều nhưng bốc hơi cũng rất nhanh, da luôn luôn bị khô. Nước rửa mặt, rửa tay không cần lau cũng bốc hơi khô liền.

Trong những năm 1952, 1953 và 1956, Tolophan có nhiệt độ lên đến 47,6 độ C, kỷ lục trên toàn quốc. Có một điều trùng hợp thú vị là trong cả ba lần có nhiệt độ cao kỷ lục ấy đều nhằm vào ngày 24 tháng bảy. Tôi may mắn tránh khỏi những ngày nắng nóng ấy. Dân chúng ở đây nói cát sa mạc Gôbi có thể làm chín trứng gà, nướng chín bánh mì. Chính mắt tôi chưa trông thấy nhưng tôi vẫn tin. Khoa học có ghi rõ khoảng tháng bảy có những ngày nhiệt độ bề mặt sa mạc vào lúc đứng bóng có thể lên đến 80 độ C.

Vĩ độ đi ngang Tolophan tương đương với Trường Xuân của Trung Quốc và bắc biển Nhật Bản, nhưng tại sao lại nóng khiếp như vậy Sở dĩ nóng là do địa thế quá thấp. Hồ Ngãi Ninh ở vào chỗ thấp nhất của lòng chảo, thấp hơn mặt nước biển 154 mét, chỉ xếp thứ hai sau Biển Chết (Biển Chết thấp hơn mặt nước biển 392 mét). Lòng chảo Tolophan là lòng chảo thấp nhất của Trung Quốc và là lòng chảo thấp thứ hai trên thế giới Lòng chảo Tolophan có hình ngọn lá dâu, mặt bắc là dãy Thiên Sơn quanh năm đầy tuyết, giữa là vùng núi lửa nằm ngang kéo dài 100 cây số, ngọn cao nhất là 815 mét so với mặt nước biển. Vì mặt đất vùng phụ cận thấp hơn mặt nước biển nên núi lửa có vẻ nguy nga chót vót. Trên núi, nham thạch đỏ hồng, người Uygur gọi là “khác du lặc tháp cách”, có nghĩa là “hồng sơn” (núi đỏ). Người xưa gọi là “xích thạch sơn (núi đá đỏ) hoặc “hỏa sơn” (núi lửa).

Nhà thơ biên tái Sầm Tham đời Đường có bài thơ nhan đề “kinh Hỏa sơn”:

“Xích diễm thiêu lỗ vân,

Viêm khí chưng tái không.

Bất tri âm dương thán,

Hà độc nhiên kỳ trung?”

Tạm dịch:

Lửa đỏ thiêu tầng mây,

Khí nóng hun biên tây.

Than âm dương nào biết,

Sao chỉ đốt nơi này?

Buổi trưa, vào mùa viêm nhiệt, nhìn lửa đỏ nơi núi đá kia, khí nóng ngùn ngụt bốc lên cao, lửa tỏa trông thật là đáng sợ. Thảo nào nhà thơ tưởng tượng ra trong lòng núi lửa kia là cả lò than khổng lồ đang đốt cháy, không chỉ đốt đỏ nham thạch mà ngay cả không khí chung quanh cũng bị nung nóng. Cũng trong bài thơ trên, Sầm Tham viết tiếp:

“Ngã lai nghiêm đông thời,

Sơn hạ da viêm phong,

Nhân mã tận lưu hãn,

Thục tri tạo hóa công?”

Tạm dịch:

Ta đến vào giữa đông,

Núi non trùm gió nóng,

Người ngựa mồ hôi mướt,

Ai hiểu được hóa (ông?

Tiểu thuyết có tính chất thần thoại “Tây du ký” tả núi lửa ở Tolophan như thế này: “Ngọn lửa phun cao ngàn trượng”, “Ngọn lửa dài 800 dặm” kia cháy đỏ đến nỗi pháp sư Tam Tạng Huyền Trang đi Tây Vực thỉnh kinh phải dừng bước. Ngài không thể không nhờ Tôn Ngộ Không thần thông quảng đại lên thiên đình mượn chiếc quạt “Ba tiêu” của công chúa Thiết Phiến (công chúa quạt sắt) về diệt lửa. Truyền thuyết kể rằng quạt quý ấy quạt lần thứ nhất lửa tắt, quạt lần thứ hai sinh gió, quạt lần thứ ba ra mưa. Nhưng công chúa Thiết Phiến nào có dễ dàng cho mượn! Tôn Ngộ Không đành phải sử dụng bán lĩnh bí kíp của mình. Thế là Ngộ Không biến thành tiểu trùng chui thẳng vào bụng công chúa quậy phá, rồi ép công chúa phải nhượng bộ. Không ngờ cái quạt Tôn Ngộ Không đưa về lần thứ nhất không phải là quạt thật nên càng quạt lửa càng cao. Rồi lần thứ hai, thứ ba mới đúng là quạt Ba Tiêu thật nên mới quạt tắt ngọn lửa hùng hậu của hỏa diệm sơn; bấy giờ thầy trò Đường Tam Tạng mới bình an vượt qua núi lửa tiến về phía tây.

Ngày nay đỉnh núi lửa có một trụ đá, người bản xứ nói đó là cái trụ cột ngựa của Tôn Ngộ Không lúc bấy giờ. Điều này tin hay không là tùy bạn, nhưng trụ đá sừng sững đứng đầu núi đã bị phong hóa giống trụ gỗ hiện ra như một kỳ quan.

Thực ra núi lửa này không phun lửa và cái nóng quái đản ở Tolophan không liên can gì đến núi lửa cả. Tôi nhận thấy núi lửa có vẻ là nơi dễ mến, đáng đi xem. Sáu, bảy khe núi nằm ngang hỏa diệm sơn với nhiều khe nước trong vắt chảy về tiếng suối róc rách vui tai; chúng tụ hợp thành sông lấy nước nuôi dưỡng thế giới màu xanh cho vùng đất yên tĩnh mát mẻ này.

THẾ GIỚI MÀU XANH LÀM MÊ LÒNG NGƯỜI

Chúng tôi đi xe vượt qua sa mạc Gôbi, rồi tiến vào một hang núi ở khu tây bộ của núi lửa, ở đây không khí trở nên ẩm ướt: Hang núi dài tám cây số, trên dưới trước sau đều là một màu xanh thẫm, khắp nơi là những giá trụ dàn nho. Đôi mắt đang phải chịu ánh nắng chói chang soi mói khó lòng chịu nỗi thì gặp ngay một thế giới màu xanh làm ta dễ chịu và thoải mái biết bao. Chúng tôi nhảy xuống xe chạy đến bên một thảm cỏ mát rượi thì trước mắt hiện ra một hồ nước. Mọi người tranh nhau rửa mặt, rửa tay, vô cùng sảng khoái. Đang nói cười vui vẻ bỗng mấy đứa trẻ người Uygur vây quanh, chẳng nói chẳng rằng, giương những đôi mắt tròn xoe nhìn chằm chằm chúng tôi như muốn trách hỏi: “Các vị là ai? Tại sao lại dám đi xộc vào vườn nho của chúng tôi”.

Tôi đang đợi nói ra ý định của mình thì sau lưng một cô gái người Uygur chừng 20 tuổi bước lại. Cô nói bằng một thứ tiếng Hán lưu loát dễ nghe:

- Các vị đến tham quan đấy hẳn? Xin mời đến trụ sở hợp tác xã nghỉ chân, được không ạ?

Đây là vườn nho của hợp tác xã “Bồ đào câu”, nổi tiếng về nho giống. Chúng tôi nói rõ ý muốn của mình. Cô gái có tên là Mễ Na Ngõa, tự nguyện là hướng đạo dẫn chúng tôi đi thăm quanh núi, các nơi ươm trồng nho giống, cô thành thạo giới thiệu đặc điểm và tình hình sản xuất nho giống.

Diện mạo Mễ Na Ngõa thanh tú, mũi cao thẳng như người Hy Lạp, đôi mắt sáng đen, nước da trắng ngả vàng. Tôi nghĩ trong lịch sử Tolophan, người Hán, người Xa Sư và người Hồi Cốt cùng sinh sống với nhau rất lâu dài thì người Uygur hiện nay chắc hẳn không còn thuần chủng của người Hồi Cốt ban đầu nữa. Cô là cán bộ ngoại thương của huyện Tolophan, vào mùa thu hoạch cô đến hợp tác xã giúp đỡ công việc. Cô vừa xuống mấy chùm nho tươi mời chúng tôi thưởng thức.

Chúng tôi như lạc vào khu trưng bày tàng trữ đủ mọi thứ nho: nho trắng không hạt, nho hồng, nho đen, nho vú ngựa ...

Nho trắng không hạt là loại nho quý của Tolophan, được trồng nhiều nhất, chiếm đến tám mươi phần trăm diện tích đất trồng nho. Loại này trái nhỏ, không hạt, sắc trắng có

thoáng chút lục non, nước nhiều, vị ngọt hơi chua một tý, chứa lượng đường từ 22-24%. Vì không có hạt nên ăn rất tiện; loại này tốt nhất là làm nho khô. Nho Tân Cương nổi tiếng khắp nơi chính là loại nho trắng không hạt này.

Chúng tôi thấy trên sườn núi có những gian nhà bằng đất, hàng dãy cửa sổ nhỏ ngay ngắn mở ra giống như những chiếc hộp vuông. Đó là những gian phòng đặc chế dùng để sấy nho khô. Nho tươi được treo ở đây trong hơn ba mươi ngày, tự nhiên được sấy thành những chùm nho khô có màu xanh tươi trong suốt.

Nếu nói về ăn nho tươi, theo tôi thích nhất là nho vú ngựa. Trái to, nhiều cơm, nước ngọt, có hình như đầu vú ngựa, mỗi trái dài đến ba, bốn centimét nặng chừng năm, bảy gam. Nho ốc tiêu là loại nho có dược tính đặc biệt của Tolophan. Trái nhỏ như hạt tiêu, màu tím, sau khi phơi khô thành thuốc, có tính âm, chủ trị sởi và chứng sôi nóng ở trẻ em.

Mẽ Na Ngõa cho chúng tôi biết tổng diện tích các vườn nho ở Tolophan có hơn năm vạn mẫu, sản lượng hàng năm gần 50 triệu cân, so với trước giải phóng tăng gấp sáu lần. Hợp tác xã trồng nho không chỉ mở rộng diện tích trồng nho ở nội vi Bồ Đào Câu mà còn dẫn nước ven rìa sa mạc Gôbi mở thêm những vườn nho tận ngoài khu vực hỏa diệm sơn. Hàng năm xuất khẩu một số lượng lớn nho tươi và nho khô tiêu thụ trên thị trường các nước.

NGUỒN GỐC CỦA CÂY NHO

Cây nho có mặt tại tây bộ châu á và khú vực Ai Cập là loại cây trồng sớm nhất trên thế giới rồi được truyền nhập vào Trung Quốc qua con đường tơ lụa. Sử ký ghi rằng khi trương Khiên đời Tây Hán đi sứ Tây Vực, ông có đem giống nho từ Đại Oản về nội địa. Sử sách viết sau Sử ký của Tư Mã Thiên cũng nói đến vùng Tân Cương trồng nhiều nho và sản xuất rượu nho (bồ đào tửu). Tùy thư có nói đến nước Cao Xương ở xứ Tolophan có làm nhiều rượu bồ đào.

Thời Tây Hán, trong sân vườn cung điện Trường An có trồng loại nho từ miền tây mang về, nhưng mãi đến sáu, bảy trăm năm sau vào thời Sơ Đường mới thấy có nho và vẫn chưa phổ cập. Tân Đường thư có kể một câu chuyện về một vị đại thần tên là Trần Thúc Đạt dự tiệc vua thết đãi trong cung, trên bữa tiệc có dọn nho nhưng ông không dám ăn. Vua lấy làm lạ hỏi. Trần Thúc Đạt thưa rằng thân mẫu có bệnh và biết là nho có thể chữa khỏi bệnh nhưng mua không có, nay muốn xin một ít nho trong buổi tiệc này đem về dâng mẹ để làm thuốc chữa bệnh. Đường đường một quan dại thần mà không dễ kiếm ra nho để mua; điều này cho thấy trong dân gian nho là thứ trái cây còn rất quý hiếm.

Còn rượu nho, có lẽ đến đời Đường Thái Tông mới học ách chế tạo. Trước đó, trong cống phẩm của các nước Tây Vực thường thấy có rượu nho, nhưng rất nhiều người không biết nó thư thế nào. Mãi sau khi Đường Thái Tông phái binh tiêu diệt nước Cao Xương của dòng họ Cúc mới đem giống nho vú ngựa ở đó về trồng rộng rãi ở Trường An, đồng thời học cách kế tạo ra rượu; do đó trong các bài thơ Đường mới xuất hiện lời ca tụng rượu nho là mỹ tửu, và từ đó trên các tấm gương rằng đồng cũng phổ biến loại hoa văn dây nho leo.

Ngày nay, vùng Hoa Bắc, vùng Đông Bắc nho được trồng khá phổ biến. Rượu nho Thông Hóa vùng Đông Bắc, rượu nho Vỵ Mỹ Tư của Yên Đài và rượu nho Bắc Kinh đã trở nên nổi tiếng vượt xa rượu nho Tân Cương. Nhưng nói về tính chất phổ biến của việc canh tác cây nho thì nội địa còn thua rất xa Tân Cương. Tôi đã đi qua vùng nam và bắc Tân Cương, nếu muốn thấy màu xanh thì chỉ có vườn nho. Ở đây mọi nhà, trước sân, sau vườn hầu như đều có dàn nho. Nói cho cùng, suốt một thời gian dài trong giấc mộng Tây Vực của tôi, trước sau vẫn xuất hiện điệu múa lời ca dưới những dàn nho.

HANG ĐỘNG - DẤU TÍCH CỦA PHẬT GIÁO DU NHẬP VÀO PHUƠNG ĐÔNG

Trong số sáu, bảy khe núi của hỏa điểm sơn còn ẩn tàng nhiều hang động mang sắc thái nghệ thuật Phật giáo. Hiện còn hai nơi có hang động, đó là hang Thổ Dụ Câu và hang Bách-tư-khắc-lý-khắc. Tôi đã đi thăm khá đầy đủ toàn khu bảo tồn hang đá Bách-tư-khắc-lý-khắc.

Rời công xã Bồ Đào Câu men theo hỏa diệm sơn đi về hướng đông chừng 30 cây số thì đến hang Mộc Đầu, rồi đi ngược lên 6 cây số nữa là đến hang Bách-tư-khắc-lý-khắc.

Ngoại cảnh thật là hùng tráng, khoảng khoát, đáy hang là một con sông cuồn cuộn chảy. Bờ đông là núi cao, phần lớn nham thạch bị phong hóa thành những hình trạng quái dị. Núi màu đỏ nổi bật giữa bầu trời xanh thẳm. Bờ tây là những vách đá cao sừng sững. Quần thể hang động được đục mở tại chỗ vách đá cheo leo này. Hang đá hiện còn mang số 57.

Tôi hào hứng đi vào từng hang một để xem xét, chiêm ngưỡng. Tuy phần lớn bích họa mang phong cách Hồi giáo đều bị hư hại, song một số còn sót lại màu sắc vẫn còn rất lộng lẫy.

Hang 39 còn lại bức Các quốc vương tử ai đồ (Bức họa hoàng tử các nước dự lễ tang) khá hoàn chỉnh. Mặt mày các hoàng tử được vẽ phác bằng những đường nét rất tinh tế làm nổi rõ mắt, mũi, miệng, tai ... Đầu tóc và râu ria cũng rất tinh tế, hiện rõ lên từng sợi. Nhưng nét mặt và cách trang sức ở phần đầu lại khác nhau, trông rất sinh động, hiện rõ nét đặc trưng của dân tộc ở Tây Vực.

Ở hang 37, trên tường phía bắc có một bức tượng bồ tát đứng, mặc áo đỏ thẫm, đeo chuỗi ngọc màu xanh, diện mạo thanh tú, hiển nhiên là khuôn mặt người Tây Vực, so với những tượng bồ tát có khuôn mặt đẹp đời Đường mà tôi đã từng thấy ở các hang động Đôn Hoàng thì hoàn toàn khác biệt. Trong một số hang khác còn thấy tượng hình người Hồi Cốt, người Mông Cổ đang cúng dường.

Bách-tư~khắc-lý-khắc là tiếng Uygur có nghĩa là “bày biện phòng ốc xinh đẹp”. Nhiều chuyên gia cho rằng thời kỳ bắt đầu của các hang đá này ước khoảng thế kỷ thứ VI CN tương đương với thời đại nước Cao Xương của dòng họ Cúc. Còn thời kỳ thịnh đạt nhất là vào thế kỷ thử XIV, tương đương với thời đi nước Cao Xương của người Hồi Cốt. Trên đây chỉ đề cập đến những bích họa ở hai hang đá 39 và 37 coi như là đại biểu cho thời đại Hồi giáo du nhập vào Tolophan. Ngày nay, người dân tộc Uygur theo đạo Hồi, còn tổ tiên của họ khi mới thiên di đến Tây Vực đều theo đạo Phật. Điều này có thể chứng minh được bằng cách xem lại những gì ghi trong các hang đá

(còn tiếp)