Hội nhập và vấn đề văn hóa

Cách ăn mặc của nhiều người nổi tiếng rất là lạ lùng. Hể ai đó lên tiếng phê bình thì câu trả lời chung sẽ là «toàn cầu hóa, đó là lẽ thường thôi, bên Tây, bên Mỹ cũng như thế đấy mà»

A, «bên Tây bên Mỹ như thế ấy mà». Thật ư ? Có chắc như thế không ?

Bên Tây, trừ một vài báo chuyên X, vài phim X cho những nam giới «bệnh hoạn», hay vài báo lá cải – danh sách báo X và báo lá cải không nhiều, ở Bỉ tổng cộng có khoảng 10 tờ – , các báo cho dân chúng thường tình không đưa tin người nổi tiếng đầy các trang, không nói cô này lộ hàng hay cô kia sắp lấy chồng, … Ra đường, đi chợ, đi xem phim hay nghe hòa nhạc, giới trẻ bên này ăn mặc rất giản dị. Các túi xách hàng hiệu không là mối quan tâm của những nam thanh nữ tú. Xe hơi không phải là biểu hiệu của sự giàu sang,…

Đọc La Distinction của Bourdieu mà xem. Sự thanh nhã cao sang nằm trong những dấu hiệu kín đáo của văn hóa và tri thức (bày biện nội thất có mỹ thuật – mỹ thuật ở đây không có nghĩa là đắc tiền), dùng ngôn từ chính xác, đọc nhiều sách, biết thưởng thức nhạc cổ điển, …).

Xưa hơn và ở bên Mỹ, Warner phân biệt người trưởng giả truyền thống và người mới giàu. Giới trưởng giả VN là những người mới giàu à ?

Mới giàu nên cần khoe. Nếu không, «hữu xạ tự nhiên hương» là đủ !

Kiểu «Tây» của một số thanh niên thanh nữ Việt nam hiện thời biểu hiện một «hội nhập phiến diện». Lấy cớ là hội nhập nhưng chỉ có cái vỏ bên ngoài thôi. Muốn bắt chước Tây thì phải biết bề dày lịch sử và văn hóa Tây. Nếu không thì bản sắc mình không còn mà lại ăn mặc cư xử …dỏm, không giống ai. Tây không chỉ có Lady Gaga hay Paris Hilton mà còn có Barbara Hendricks, Jessye Normand hay xưa hơn tí, Maria Callas. Nghĩa là bên cạnh cái quái dị của vài hiện tượng «nghệ sĩ», họ còn có những nghệ sĩ cổ điển để … lập thăng bằng.

Nếu ta chỉ bắt chước cái phần quái dị thì bảo là hội nhập sao được ?

Trong lúc chờ đợi ta «học» thêm văn hóa phương Tây, các hảng hàng hiệu, họ làm giàu lên nhờ những người dỏm như thế (Thị trường to nhất của Hermes và Louis Vuiton là châu Á, Việt Nam được các hảng này xem như tiềm năng rất lớn)!

Hiện mọi người đang kêu gào thay đổi trong giáo dục.

Đúng là một việc thức thời, nhưng cùng lúc có lẻ phải dẹp cái loạn «kiểu mẫu» mà các hoa hậu, nghệ sĩ, chân dài … đang nhan nhản khắp nơi. Nếu không thì dù có dạy kỷ năng hay đạo đức ở trường, dù chương trình học có đổi mới, … trẻ cũng sẽ vẫn chen nhau hét hò đón thần tượng Hàn quốc ở phi trường, và sau đó lo chụp ảnh gần như khỏa thân – tôi không biết dùng chữ «bán nude» vì thấy nó lai căng làm sao ấy – để thi người đẹp học đường …

… đến vấn đề hội nhập văn hóa

Tiền đề trước tiên phải nói là không phải chỉ bây giờ mà từ lâu rồi, các nền văn hóa đều có ảnh hưỡng hỗ tương với nhau. Văn hóa Việt Nam bị ảnh hưỡng sâu đậm của văn hóa Trung quốc và trong một chừng mực ít hơn, văn hóa Pháp, Mỹ – vì những hoàn cảnh đặc thù của lịch sữ, vì giao lưu văn hóa,…

Có những ảnh hưỡng áp đặt như trong trường hợp bị lệ thuộc , cũng có những ảnh hưỡng rất thuận hòa suông sẻ trong quá trình giao lưu văn hóa. Tự lực văn đoàn là hiện thân của một quá trình giao lưu hấp thụ văn hóa nhiều nhân bản hơn để chống lại vài hủ tục.

Gần hơn, ta dùng chữ “OK” thay cho «đồng ý» vì nó ngắn gọn, dễ nói nhanh mà ai cũng hiểu.

Vã lại chữ “OK”, trong thập niên 1990 đã được dùng bởi một tài tử điện ảnh, Valérie Lemercier thủ vai Béatrice, trong phim Les visiteurs (Những người khách, Tổ tiên trở về thăm) đễ thương đến nổi từ đó tiếng này được lặp lại từ thôn quê ra thành thị !

Ngay tới các nước Âu Mỹ, không có một văn hóa nào thuần nhất, chính hiệu, không «lai căn». Người viết bài này thường cho học trò mình «mắc bẩy» khi hỏi chúng : «em nào chính gốc người Bỉ, sống hoàn toàn theo văn hoá truyền thống, trong giảng đường, xin giơ tay lên giới thiệu». Cở một phần ba giảng đường đưa tay lên cao. Và tôi bắt đầu hỏi các em ấy có bao giờ dùng chữ OK, có bao giờ uống Coca Cola, ăn bánh mì kẹp thịt, nghe nhạc của the Beatle, hay vẽ viền mắt với cây Khôle… hay không ? Âu và Á cùng chung sống hòa bình với nhau cả đấy mà,

Chúng ta sống toàn cầu hóa từ lâu rồi. Không có quốc hồn quốc túy cũng từ lâu rồi. Vã lại cái tự cao bảo vệ quốc hồn quốc túy thượng đẳng đã là mầm móng của bao nhiêu chiến tranh tuyệt chũng mà thế giới chiến, hai lần, là những thí dụ điển hình.

Bên cạnh đó bản sắc của dân tộc vẫn còn – ta vẫn nói «hòa nhập nhưng không hòa tan» – bản sắc tồn tại là nhờ thế đó.

Cái nào hội nhập được, bằng cách nào, bởi những ai, kết quả ra sao , …? là những điều mà ta cần giải mã trước khi … bị cuốn vào cơn lốc với danh nghĩa hội nhập.

Vài khái niệm ?

Văn hóa là những phương cách mà cộng đồng xã hội đã sáng chế ra để trả lời một cách hửu hiệu nhất những khó khăn mà một hoàn cảnh nào đó bó buộc, đưa ra. Văn hóa là để thích ứng và để sống hòa hợp nhất.

Thí dụ cổ điển và giản dị ? Tây dùng dao nĩa trong khi ta dùng đũa để ăn.

Làm sao dùng đũa được khi thịt chưa được cắt nhỏ từ trong bếp và các món ăn được bày trên đĩa chứ không trong chén.

Đưa thí dụ này tôi cũng muốn nhấn mạnh ở chỗ các văn hóa khác nhau – vì hoàn cảnh khác nhau nên cách làm khác nhau – nhưng không có văn hóa nào hay hơn, khôn hơn hay cao hơn văn hóa khác. Nói rằng các bà mẹ Pháp dạy con hay hơn các bà mẹ Mỹ hay ngược lại là một điều không có căn cứ.

Chuyện bếp núc chỉ là một thí dụ dẫn nhập, vì nó cụ thể, dễ nắm nhận. Cách ăn uống, đối xữ, tổ chức thời gian, xây nhà ở, đi làm, nghỉ hưu, … là phần nền tảng là cách sống theo một văn hóa nào đó.

Văn hóa ấy cũng phải đồng thời «biến thành luật» một số cách hành xữ của dân tình : đi làm từ 9 tới i7 giờ, vợ chồng cưới xong là ra ở riêng, đóng thuế, đóng bảo hiểm xã hội, … Đó là những qui ước xã hội, giúp xã hội sinh hoạt nhịp nhàng hơn, bảo đảm sự sinh tồn của xã hội – nhưng những qui ước này không bị chế tài khắt khe, nếu không tuân thủ hoàn toàn cũng không sao. Thí dụ rõ ràng nhất là là các cặp đôi không bị bắt buộc phải cưới nhau mới được sống chung và sinh con đẻ cái.

Chế tài thành bắt buộc khi dân tình chạm tới những giá trị đạo đức của xã hội.

Bên ta, hồi xưa, cha ông ta vẩn được dạy theo Khổng giáo «Nhân Lễ Nghỉa Trí Tín, Tam Cương, Ngũ thường», … Bên này thì có Công bằng, bác ái, thương người, tự do, dân chủ, … là những giá trị bất khả xâm phạm mà từ dân tới quan đều phải chấp hành, nếu không thì sẽ bị xữ phạt.

Đó là ta chỉ mới phân tích đại cương văn hóa tạm thời gọi là Âu Tây xuyên qua ba tầng khác nhau :

những biểu hiện cụ thể và cách cư xử hàng ngày

những qui ước xã hội

những giá trị chung của xã hội

Còn phần thứ tư nữa : những điều tuyệt đối cấm kỵ và thế giới của đạo đức.

Thật vậy, văn hóa Âu Tây đặt cơ sở trên hai văn kiện quốc tế – quốc tế, đúng rồi vì còn vấn đề hội nhập, nó vẫn ở đó mà ta sẽ bàn đến tiếp theo. Hai văn kiện này là :

Tuyên ngôn Nhân quyền (1948), và Qui ước quyền của trẻ em (1990)

Và vấn đề nam nữ bình quyền, không có văn kiện chính thức nhưng nhờ những đấu tranh của thế hệ 1968

Đó là ba “luật xã hội” quan trọng nhất, nền tảng của mọi giao tiếp. Kính trọng người khác và tự trọng. Những qui ước này đã mất cả một thế hệ để từ từ được áp dụng trong cách đối xử giửa những thành viên xã hội. Quyền của con người, quyền của phụ nữ và quyền của trẻ em là cơ sở của tất cả đạo đức và cấm kỵ. Cấm ấu dâm, cấm «bán» phụ nữ, cấm «bóc lột» người lao động thể hiện, một cách nhanh gọn, cơ sở đạo lý vừa nêu trên, ở Tây Âu.

Ngoài ra có những qui ước về cấu trúc và về sinh hoạt ảnh hưởng đến cách giao tế xã hội như gia đình hạt nhân, đạo đức của một số nghề nghiệp, …

Phân tích như thế đủ cho ta thấy rằng một «hội nhập phiến diện», chỉ bắt chước phần nổi, phần cụ thể – cách ăn mặc, vài từ ngắn gọn như «hot, new, sexy. …» hay những từ pha trộn «quá đát, bán nude, …» rõ là hơi buồn cười.

Nhưng những ngôn từ còn có thể hiểu. Trái lại, nhất cữ nhất động, các báo minh họa bất cứ chủ đề nào bằng các ãnh, lấy từ internet, mà các nhân vật là …. da trắng mắt xanh, làm cho nhiều người lo ngại. Ta hội nhập thật, nhưng giới trẻ cũng cần ý thức về bản thể của chúng. Đập vào mắt chúng toàn là hình ảnh Tây hay là Hàn quốc cả thì bảo chúng giử bản sắc của dân tộc hay bảo chúng định nghĩa rõ ràng bản thể của chúng thì làm sao được đây ? Phải «phá hủy» hoàn toàn cá thể mình để giống các mẫu mà báo chí và người nổi tiếng đưa ra. Mà nếu một cá nhân phải phá hủy hết cái «tôi» thì cá nhân ấy không còn hiện hữu, hay ít nhất là không còn «cơ sở» để làm giống «mẫu» !

Về trang phục, một số phụ nữ Á châu ăn mặc như kiểu những “người đàn bà dễ dãi” vì tưỡng rằng như thế là theo thời trang Âu Tây. Nếu ai đó muốn kiểm chứng những gì bài này đề cập tới, có thể chẳng hạn, mang các ảnh người đẹp ăn mặc hở hang sang hỏi dân tình bên này : họ sẽ nói đó là ảnh của những gái làng chơi hay phụ nữ bán dâm.

Một thí dụ khác : búp bê Barbie là một búp bê được xem, bên này, như đi ngược lại những đấu tranh nữ quyền, rẽ tiền, cho giai cấp “kém” văn hóa , … Thế nhưng một báo ta trên mạng đã đưa tựa « Đẹp hấp dẫn như búp bê Barbie » để chú thích dưới ảnh của một thiếu nữ …

Thành ngữ ta có câu «đầu rồng mình rắn». Hội nhập không đúng cách ta có thể không còn là rắn nữa mà cũng chưa thành rồng.

Vã lại, khi nói đến văn hóa là phải nói đến hòa đồng ý nhị hài hòa chứ không có chuyện vớ càng thành «đầu Ngô đuôi Sở».

Hòa đồng ý nhị hài hòa có nghĩa là cả hệ thống, từ cách sống hàng ngày, qua qui ước luật lệ, đến các giá trị phải tuân thủ và sau cùng phải tránh các điều cấm kị, … đều nằm trong cùng một «danh sách». «Danh sách» này, mỗi thành viên trong xã hội thuộc lòng nhờ xã hội hóa. Ta có thể định nghĩa xã hội hóa như tất cả những tiếp xúc, giao tế, sinh hoạt, … giúp cho một cá nhân từ từ tập tành hòa mình vào môi trường xã hội để sống với người khác.

Xã hội hóa là một quá trình bắt đầu ngay từ lúc một em bé chưa chào đời, em bị ảnh hưởng bởi cách sống, thức ăn của mẹ em từ lúc còn là thai nhi. Sau khi chào đời, gia đình là môi trường xã hội hóa đầu tiên, xã hội hóa cơ sở và quan trọng nhất – đến nổi cái xã hội hóa này cho trẻ những bản tính tự nhiên thứ nhì (seconde nature) mà người ta nói chasser la nature, elle revient au galop – đuổi cái tự nhiên, nó trở lại như ngựa phi nhanh –

một người đi xa xứ lâu năm vẫn hoài hương là vì những kỷ niệm thời thơ ấu khó xóa bỏ. Cũng vì lý do đó, một người xa quê thấy rõ hơn ai hết những bất đồng văn hóa, vì họ khổ …

Không có qui luật xã hội nào bẩm sinh hết, ta hòa hợp với xã hội, sống với người khác, hành động như người khác, … là nhờ những quá trình xã hội hóa.

Xã hội hóa đầu tiên bởi gia đình là một hình thức hết sức nhẹ nhàng. Gói ghém trong tình yêu thương của cha mẹ, trẻ hấp thụ những cách sống với người chung quanh.

Quá trình xã hội hóa của gia đình được nối tiếp bởi học đường, một môi trường tương đối được bảo vệ. Cách tổ chức, sinh hoạt, những liên hệ với bạn bè, với thầy, các lớp về công dân giáo dục – … của trường học giúp học sinh tiếp thu kiến thức và học đạo làm người.

Khi rời trường sau giáo dục, giới trẻ có một « hành trang » tạm đủ để cư xử ở đời.

Thế có nghĩa là gia đình và trường học đóng một vai trò tối ư quan trọng trong việc truyền giao văn hóa. Còn lại hai « tác nhân » xã hội hóa nữa là bạn bè đồng trang lứa và truyền thông.

Văn hóa còn được bảo vệ bởi sự kiểm soát xã hội : hành vi nào khác lạ hay ra ngoài qui củ sẽ bị người bên cạnh cha mẹ anh em thày cô láng diềng dèm pha, chê trách, chế tài. Trái lại những hành động thích ứng thì được khen thưỡng. Rốt cục, để sống với xã hội, bản thân các thành viên cố gắng hòa đồng bằng cách thực thi những mẫu hành động của gia đình, học đường, bạn bè, …

Nếu xã hội hóa và kiểm soát thôi không đủ, hệ thống luật lệ “tiếp sức” để chế tài. Để giữ trật tự cho xã hội và cho xã hội tiếp tục sinh tồn. Lâu dần, văn hóa ăn sâu bám rể vào tâm não mọi người, giản dị như tiếng “xin chúc một ngày đẹp” khi gặp ai đó, trước mọi liên hệ, bên này.

Sau khi được xã hội hóa vững chải, thành viên xã hội «cẩn mật» hơn trước những mẫu văn hóa «xa lạ» và chỉ xữ dụng các mẫu mới sau khi suy xét.

Văn hóa Việt Nam gần đây, nhiều khi ta cũng không biết nó ở đâu – từ ngôn ngữ, y phục đến âm nhạc, văn chương, …Thành ra một số trong giới nghệ sĩ ồ ạt bắt chước Tây, các chương trình truyền hình thực tế được nhiều người xem, …rồi từ đó ảnh hưỡng đến giới trẻ. Trong khi ấy, ta chưa có hội nhập đủ vào xã hội Tây – để suy xét.

Ở bên ta hiện thời, có lẽ quá trình xã hội hóa bị xem lõng. Bằng cớ là các hiện tượng mà giới xã hội học gia gọi là «lạc hướng» «phi văn hóa» (déviance) càng ngày càng nhiều (hãm hiếp, bán dâm, cướp bóc, bạo lực, … ). Lâu ngày, dân tình có chán nãn thế nên cứ mỗi lần có «vấn đề», người dân thường đòi hỏi hay chờ đợi những hình phạt nặng từ giới cầm quyền. Mà đúng ra, những hình phạt này, dù nặng, không cho nhiều hiệu quả.