Chuyển giao công nghệ sản xuất nấm bào ngư từ bã cà phê

Khi uống cà phê chúng ta chỉ sử dụng khoảng 2% chất dinh dưỡng trong bột cà phê. Vì vậy, bã cà phê sau khi sử dụng còn lại rất nhiều dinh dưỡng. Tại sao ta không tận dụng chất dinh dưỡng dư thừa đó để trồng nấm?

Tại TP.HCM, hằng ngày có rất nhiều bã cà phê được thải ra tại các quán cà phê trong thành phố. Khi bã cà phê được thải trực tiếp vào đất, lâu ngày sẽ bị nấm mốc, vi khuẩn phân hủy làm bốc mùi hôi rất khó chịu. Ngoài ra, bã cà phê để lâu trong không khí còn trực tiếp sản sinh ra khí Metan (CH4) - một loại khí gây ra hiệu ứng nhà kính.

Trong khi đó, nấm bào ngư được trồng hoàn toàn trên mùn cưa thải của cây cao su. Song, cao su là loại cây đem lại hiệu quả kinh tế cao, người trồng có xu hướng giữ lại cây cho mình càng lâu càng tốt. Từ đó, dẫn tới tình trạng khan hiếm về mùn cưa cao su tại nhiều công ty sản xuất nấm.

Vậy tại sao chúng ta lại không sử dụng nguồn nguyên liệu này để sản xuất nấm bào ngư, giải quyết vấn đề thiếu nguyên liệu tại các công ty sản xuất nấm. Mặt khác, sau quá trình sử dụng làm nấm, bã cà phê có thể xử lý lại, tái chế làm phân bón cho một số loại cây trồng” - Phúc cho biết.

Sau 9 tháng mày mò nghiên cứu và thử nghiệm, phương pháp cải thiện năng suất chất lượng nấm bào ngư từ bã cà phê của Phúc đã cho thấy tính hiệu quả.

Bã cà phê được thu về đem phơi khô xử lý với nước với vôi 1% trong 72 giờ, sau đó phơi cho ráo nước. Tiếp đến, bã cà phê được trộn với mạt cưa theo tỷ lệ 50 - 50 (theo khối lượng) và bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết.

Bã cà phê được chia thành 4 phần để phối trộn nguyên liệu:

Phần 1: Bã cà phê không trộn phân anmoni sunphat (SA) và amoni photphat (DAP).

Phần 2: Bã cà phê trộn phân SA và DAP theo tỷ lệ 1/1000 về khối lượng.

Phần 3: Bã cà phê trộn mạt cưa với phân SA và DAP. Tỷ lệ bã cà phê - mạt cưa là 50% - 50% (theo khối lượng) và tỷ lệ phân SA, DAP vẫn giữ nguyên là 1/1000.

Phần 4: Bã cà phê trộn mạt cưa không trộn phân SA, DAP. Tỷ lệ bã cà phê - mạt cưa vẫn giữ nguyên là 50% - 50%.

Độ ẩm lúc này của tất cả các phần là khoảng 55-65% và đóng nguyên liệu vào các bịch PE với trọng lượng 1,1kg/bịch.

Ở đầu bịch nguyên liệu, Nguyễn Phan Hoàng Phúc gắn nút bông sau đó đem tất cả đi hấp khử trùng ở 121°C trong 15 phút, áp suất 1 atmosphere (atm).

Ngày thứ 17 trong môi trường phối trộn 50% mạt cưa 50% bã cà phê, tơ nấm đã mọc trắng quanh bao nấm. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Tiếp đến là khâu phân lập giống. Cần lựa chọn những nấm bào ngư to, khỏe, không bị nấm bệnh. Sau đó, tiến hành phân lập trên môi trường PGA (Potato Glucose Agar) gồm hạt thóc và cám gạo. Thóc sau khi nứt hạt có thể trộn thêm với 5% cám gạo, đong vào các bình tam giác hoặc chai thủy tinh và đem hấp khử trùng ở 121°C trong 15 phút, áp suất 1 atm. Môi trường này nhằm cho giống nấm nhân lên một cách nhanh chóng. Sau khi sợi tơ nấm đã mọc đầy trong môi trường cấp 1, tiến hành cấy giống vào môi trường nhân giống cấp 2. Để ở nhiệt độ phòng (25°C-30°C) cho đến khi tơ nấm mọc đầy môi trường.

Tiến hành cấy giống cấp 2 vào các bịch nguyên liệu đã chuẩn bị sẵn ở trên. Giữ các bịch phôi nấm này ở nhiệt độ phòng (25°C - 30°C) trong vòng 21-30 ngày cho đến khi sợi nấm mọc kín bịch.

Sau khi sợi nấm bào ngư mọc kín bịch phôi nấm, mở nút bông và rạch bịch phôi nấm. Sau đó, đặt bịch phôi nấm ở nơi thoáng mát, thoáng gió và trong điều kiện ánh sáng khuếch tán. Có thể treo các bịch phôi nấm bằng dây nylon hoặc xếp các bịch trên kệ. Dùng lưới bao xung quanh các bịch phôi để tránh sự tiếp xúc của côn trùng. Tiến hành tưới nước xung quanh bịch phôi nấm để tạo độ ẩm khoảng 80% – 90%, có thể tưới nước 3 – 4 lần/ngày nếu trời nóng khô.

Quan sát sự phát triển của sợi nấm bào ngư trong bịch phôi, thường xuyên kiểm tra để phát hiện những bịch phôi bị nhiễm nấm mốc, vi khuẩn, côn trùng.

Sau 17 ngày từ quá trình rạch bịch, có thế thu hoạch nấm. Với phương pháp kết hợp mạt cưa và bã cà phê nhà sản xuất có thể tiết kiệm tới khoảng 40% vốn đầu tư so với cách làm truyền thống”- Phúc cho biết.