Đoản Văn

- Có Một Chuyện Tình Như Thế Không?

- Người Thầy Cũ

- Vòng Hoa Và Quên Lãng

- Xin Lỗi Và Cám Ơn!

- Ai Cũng Cần Phải Có Một Bà Mẹ!

CÓ MỘT CHUYỆN TÌNH NHƯ THẾ KHÔNG?

Sáng nay, mở computer tôi thấy một mail lạ. Thường thì tôi vẫn delete hoặc cho vào spam ngay những mail không biết xuất xứ, nhưng mail này khiến tôi dừng lại vì dòng chữ trên ô subject: XIN DUNG DELETE MAIL CUA K. Mail của K.? K. là ai? Tôi có một người bạn tên K. Nhưng bạn tôi đã “ra đi” vào những ngày cuối của cuộc chiến tại Sài Gòn. K. nào? Tôi bấm chuột, kéo xuống. Đọc.

Gửi ông H.

Tôi gửi thư này theo lời yêu cầu của bà Huyền, thân mẫu của anh K. bạn của ông. Tôi là cháu của bác Huyền. Trong một dịp tình cờ tôi vô tình nhắc đến tên ông qua một bài viết của ông trên trang mạng điện tử, bác Huyền hỏi tôi có phải ông ngày xưa ở Nha Trang không? Và ông có phải là bạn cùng lớp của K. con trai bác không? Nếu ông đúng là người bạn của K., bác tôi muốn biết tin tức của ông. Bác tôi hiện sống ở Hà Nội. Năm nay bác Huyền tôi đã 88 tuổi. Rất mong được thư ông.

PTL

Tôi không quen ông PTL, nhưng tôi có biết ông là một nhà nghiên cứu văn học trong nước. Thỉnh thoảng tôi cũng có dịp đọc bài của ông. Đây là lần đầu tiên tôi đọc thư ông. Tôi sẽ trả lời thư ông L. Và chắc chắn tôi sẽ liên lạc với Mẹ Huyền. Đúng bà là mẹ của K. bạn học thời nhỏ của tôi, và bà cũng là Mẹ của tôi, như Mẹ tôi cũng từng là Mẹ của K. Tôi muốn kể cho ông PTL biết đôi điều về K. và ... tôi. Tôi muốn tặng bài viết này cho Mẹ Huyền của chúng tôi.

1.

Không biết điều gì đã kéo chúng tôi lại gần nhau, mặc dù hai chúng tôi khác nhau về nhiều phương diện. K. đẹp trai, con một, dân “bắc-kỳ-di-cư”. Còn tôi, dân địa phương, mặt mũi không giống ai, nhà lại đông “dân cư”. Cũng như nhiều gia đình di cư khác, lúc đầu nhà của K. ở trên một khu nhà tạm ở dưới Cầu Đá, Nha Trang, trước khi dọn đến một căn nhà gần thành phố hơn.

Những ngày mới bước vào lớp, K. được xếp ngồi ở bàn đầu, sát bên tôi. Bọn ma cũ luôn bắt nạt ma mới. Và K. luôn luôn là nạn nhân của mấy tay ngồi cuối lớp. Chính tôi lúc đầu cũng không ưa K., nhưng ngồi bên nhau lâu chúng tôi dần dà thích nhau. Tôi hỏi “cậu có cần tôi nói chuyện với chúng nó để cho cậu yên không?” K. nói “cám ơn cậu, không cần đâu. Cậu để tôi tự giải quyết.” Và K. đã giải quyết cách nào tôi không biết, chỉ thấy sau đó, không đứa nào chọc phá “bắc-kỳ-cá-rô-cây” K. nữa.

Cái khác nhau lớn nhất giữa K. và tôi là chuyện học. Tôi thích toán và thường đạt điểm cao về môn này, trong khi K. chỉ ưa chuyện văn chương. Có lần thầy Phan N. dạy môn Văn trong khi trả bài luận, đã làm cả lớp ngạc nhiên khi nói: “Tôi muốn giới thiệu với các em, một nhà văn trong lớp chúng ta: Phạm Thế K. Bài luận của K. không chỉ là một bài luận mà là một truyện ngắn, một truyện ngắn đặc sắc.” Thầy nhắc đi nhắc lại “một truyện ngắn đặc sắc” mà thầy được đọc từ bài viết của một học sinh từ mấy chục năm đi dạy đến nay. Và thầy đã làm copy phát cho cả lớp cùng đọc.

Bài viết nói về ngày K. giã từ Hà Nội. K. nhắc đến bạn bè thầy cô, khí hậu thời tiết, tình cảm của một đứa trẻ trước một chuyến đi sẽ là mãi mãi. Hà Nội trong trí nhớ của một cậu bé 14 tuổi. K. nói đến một cô bé học cùng lớp đã khóc khi chia tay vì gia đình của cô quyết định ở lại. Còn mẹ K. là một phụ nữ xinh đẹp, bà giống như chị của K. hơn là mẹ. K. còn có ông chú là một nhạc sĩ nổi tiếng. Những chiều cuối tuần, bọn tôi thường kéo nhau ra bờ biển nghe ban nhạc của những người di cư chơi các ca khúc của ông. Đó những bài nhạc luôn luôn nhắc về một Hà Nội đã xa, một Hà Nội trong trí nhớ. Những ca từ thấp thoáng trong bài luận của K.

Mẹ K. thương tôi như bà thương K. Nhờ bà, tôi biết bún chả Hà Nội, canh giò thì là, những món ăn đặc biệt Bắc Kỳ mà trước đó tôi chưa hề được ăn. Về phần mẹ tôi, bà cũng đặc biệt thương K. và bà luôn đem K. ra để làm gương cho tôi soi.

"Học hành như thằng K. mới là học, chớ đâu như mày. Học trò gì mà không bao giờ có một cuốn tập cầm tay." Có lần bà nói với K., “con nhớ nhắc nhở nó học hành dùm cho má. Má lo cho tương lai nó quá." Bà giống mẹ của K. gọi bọn tôi là con và xưng mình là mẹ. Thật ra, tôi biết, má tôi chỉ nói thế chứ trong lớp tôi chỉ kém môn Văn chứ các môn khác tôi đâu có thua đứa nào.

Trong khi đó thì mẹ của K. cũng thường nhắc: "Con nhớ bảo vệ K. nhé. Đừng để đứa nào hiếp đáp K. nhé. Con nhé!" Bà nói thế thì tôi nghe thế chớ thật tình K. không hiếp đáp người khác thì thôi chớ làm gì có chuyện người khác hiếp đáp K. Điều đặc biệt là hai bà mẹ của chúng tôi chưa hề một lần gặp nhau.

Năm 1956, gia đình K. dọn vào Sài Gòn, vì bố của K. nhận được một chức khá lớn trong chính phủ. Hôm tiễn K. ra ga xe lửa, mẹ K. ôm tôi nói: “Con có muốn vào Sài gòn sống với K. và mẹ không?” Tôi không biết nói sao. Vào Sài Gòn ở với K. thì được, nhưng tôi sẽ ở đâu? Trường nào sẽ nhận tôi? Nhưng K. vào Sài Gòn được ít lâu thì ông anh tôi từ Ban Mê Thuột cũng được đổi về Sài Gòn làm việc ở Quân Khu Thủ Đô. Anh biên thư về nhà xin phép má cho "nó vào trong này để con dạy dỗ nó, theo dõi chuyện học hành của nó, kẻo nó trở thành bọn đầu đường xó chợ mất.”

Thế là K. và tôi lại gặp nhau. K. ở Chu Văn An học ban C. Tôi vào Petrus Ký học ban B. K. học ban C vì giỏi sinh ngữ, và văn. Tôi theo ban toán và thật tình tôi không ưa chuyện thi phú “vớ vẩn” như tôi vẫn thường nói với K.. Năm Đệ Nhất, K. đã có truyện và thơ đăng trên tạp chí Hiện Đại của thi sĩ Nguyên Sa. Còn tôi, không có gì kéo tôi ra khỏi những định lý, định đề, những con số và những bài toán khó và …

K. và tôi cuối tuần nào cũng gặp nhau. Mẹ của K. thường hỏi: Tuần này cả nhà ăn gì nào? Bún chả nhé? Có bữa bà nhắc K. hôm nay mẹ có món canh giò thì là đấy, gọi bạn con đến đi.

Trong đầu tôi lúc đó ngoài Euclid, Riemann, Lobatchewsky ra, bao giờ tôi cũng có ý nghĩ là phải làm sao cho trái đất này rung lên, làm sao có thể đi sâu xuống tận cùng dưới đáy đại dương, làm sao bay lên những vì sao, làm sao? Có lúc tôi nghĩ chiến tranh là cần thiết. “Si vis pacem, para bellum.” “Muốn hoà bình phải có chiến tranh.” Tôi ghét những giọt nước mắt. Tôi khinh bỉ sự đau khổ. Còn K.? “Đau khổ là một thứ tình cảm cần thiết. Bất cứ sự đau khổ nào cũng làm cho người ta lớn lên. Chỉ có hạnh phúc làm người ta nhỏ lại."

Tôi mơ ước mình sẽ trở thành nhà khoa học, và những phát minh của tôi sẽ biến đổi cả thế giới này. Tôi muốn khám phá những bí ẩn của vũ trụ, trong khi K. chỉ muốn khám phá những bí mật của tâm hồn. Có lúc tôi nghĩ ước gì mình có thể chế tạo được chiếc máy "làm ra những nụ cười". K. thì bảo tôi "cậu là người tưởng tượng giỏi sao không viết văn đi, còn khoa học ấy à, có ghê gớm đến đâu đi nữa cũng chẳng giải quyết nổi được chuyện con người đâu. Thế kỷ này không có Albert Einstein thì thế kỷ khác cũng sẽ có thôi, chứ thế kỷ này mà không có Nguyễn Du thì chưa chắc gì thế kỷ khác sẽ có."

Chúng tôi càng lớn lên càng thấy mình quá khác biệt nhau, nhưng không hiểu sao chúng tôi bao giờ cũng tìm đến nhau trong những lúc khó khăn nhất. Chúng tôi biết rằng mỗi người chỉ là một nửa của người kia. Phải có một nửa kia, chúng tôi mới hoàn toàn là một con người.

2.

Sau khi tốt nghiệp trung học, mặc dù là con một, K. nhất định thi vào Võ bị Ðà Lạt, còn tôi thì vào Văn khoa, ban Triết. Có vẻ như mỗi đứa chúng tôi vẫn đang đi tìm cái mà chúng tôi thiếu hồi thời học trung học. Ra trường K. đi Không quân, tôi vẫn còn được đi học nhờ nhà tôi có cả hai ông anh đều đi lính.

Chúng tôi đang đi tréo đường nhau, nhưng cái khoảng cách giữa chúng tôi dường như bỗng thu ngắn lại. K. khoẻ mạnh hơn, vững chãi hơn. Cái vẻ yếu đuối ngày xưa không còn nữa. Còn tôi thì bắt đầu quan tâm tới thế giới chữ nghĩa, văn chương. Khoảng cách giữa hai chúng tôi biến mất dần nhờ con đường mang tên Nguyễn Bỉnh Khiêm.

K. yêu một người Trưng Vương, còn tôi làm công việc đi theo bạn đến "chầu" một cô gái ở con đường đầy bóng mát để bạn tôi yên chí lấy tinh thần "nhìn người yêu hững hờ bước đi, mắt không hề ngoảnh lại". Đó là chữ nghĩa của K. khi viết về N., người mà K. yêu.

Phải nói N. là một cô gái đẹp lạ lùng. Từ cổng trường túa ra, giữa những chiếc áo dài trắng toát, N. nổi bật lên như một ngôi sao. Mái tóc ngắn chải kiểu con trai, hai con mắt to và đen, đôi môi hơi dầy, nhưng chiếc răng khểnh làm cho khuôn mặt của N. trở nên quyến rũ mời gọi. Lần đầu tiên theo K. "chầu N.", K. vỗ vai tôi chỉ người thiếu nữ xinh đẹp kia và hỏi “cậu thấy con bé đó thế nào?” “Thế nào là thế nào?” Ngay lúc đó, tôi thấy K. đứng bất động nhìn N. đi qua, đi qua như một người lạ mặt. Cho đến khi N. bước lên chiếc xe có tài xế đón, K. mới chịu chở tôi ra về.

N. có biết là K. yêu cô không, tôi không biết. Điều duy nhất tôi biết đó là chưa bao giờ tôi thấy N. dừng chân nói với K. một lời nào.

Gần một năm trời, theo K. chầu N. ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, tôi khám phá ra mình không có người yêu. Không phải vì tôi không muốn yêu ai, nhưng nếu có muốn thì chắc cũng chả có ai yêu mình. Em gái tôi bảo anh học chi cái môn triết học, gàn ơi là gàn, nói năng chẳng ai hiểu ra làm sao cả, đứa con gái nào ngu lắm mới yêu anh. K. bảo "này, cậu bỏ dùm tôi ra khỏi cái đầu rắc rối của cậu mấy ông Jean-Paul Sartre, Martin Heidegger, Emmanuel Kant, và Nít Niết đi,... cho con nhờ tí. Không biết tình yêu à. Thế thì sống để làm gì nhỉ?"

Có lần tôi hỏi K. "Này ông, cứ đứng nhìn người ta như vầy mãi sao? Muốn gì thì nói đi chớ, bạn." K. bảo "cần gì nói, cứ đứng nhìn thế này là nói rồi. Bây giờ đến lượt cô ấy phải nói chứ tại sao tớ phải nói nhỉ?" K. cười: “Mỗi người đàn bà là một bí ẩn: một giọng nói, một cử chỉ, một niềm im lặng.” Tôi hỏi K. ai đã nói thế? K. bảo thì cái lão Le Petit Prince đã nói thế. K. gần như thuộc nằm lòng những câu của St. Exupéry trong cuốn Le Petit Prince. Tôi hiểu tại sao anh chọn binh chủng không quân. Có lần K. nói K. mơ ước được sống và chết như St. Ex. Sống như một nhà văn, chết như một phi công. Thời gian đó ở Sài Gòn, người ta vẫn hay nói một câu rất thời thượng của St. Ex: “Yêu nhau không phải là nhìn nhau mà cùng nhìn về một hướng.”

Mối tình thầm lặng ấy của K. kéo dài bao lâu, tôi không nhớ. Có thời gian K. đổi đi Cần Thơ, rồi ra Nha Trang. Sau đó là Đà Nẵng và mất liên lạc. Còn tôi, sau chín tuần ở Quang Trung, chuyển qua Thủ Đức. Ra Vùng Một chiến thuật. Bị thương nhẹ trong một vụ đụng độ, rồi may mắn được trở lại Sài gòn. Đơn vị 3 Quản trị. Tôi trở lại nhà trường.

Tôi vẫn chưa có người yêu.

3.

Nhiều năm sau, gặp lại K. tại quán Cái Chùa Sài Gòn, chúng tôi đã không còn trẻ nữa. Mẹ tôi đã qua đời. Mười ba anh chị em trong gia đình tôi đã ly tán. Hai ông anh tôi, một chết mặt trận Đông Hà, một là thương phế binh. Bà chị tôi lấy chồng bỏ quê hương đi xa. Tôi hỏi K. "lâu nay có gặp N. không, cô ấy bây giờ ra sao?" K. cười: "Có, thỉnh thoảng chúng tôi có gặp nhau... Cô ấy đã lập gia đình." "Thế những điều ông định nói với cô ấy đã nói được chưa?" "Chưa. Vả lại, nếu nói thì nói trước khi người ta lấy chồng, chứ bây giờ còn nói gì."

Đó là lần sau cùng tôi gặp K. Bởi vì anh đã chết trong những ngày cuối của cuộc chiến tranh Việt Nam. Người ta đưa xác K. về nhà anh ở Phú Nhuận trong những ngày tháng Ba, Bảy Lăm, những ngày mở màn cho một Sài Gòn bắt đầu hỗn loạn. Suốt mấy ngày liền, tôi ở nhà K., ngồi bên quan tài anh. Mẹ K. già sụm thấy rõ. Cụ ôm tôi khóc, gào lên; "Con ơi là con. Sao con bỏ mẹ mà đi thế này!" Bức ảnh của K. rọi lớn đặt trên bàn thờ. Đôi mắt sáng. Nụ cười buồn. Một khuôn mặt "bô" trai. Những người sĩ quan đứng bên quan tài anh đổi phiên nhau.

Sáng ngày động quan, bất ngờ tôi thấy một thiếu phụ bước vào. Chiếc áo dài màu trắng, hai con mắt to và đen, chiếc răng khễnh. N. đến trước mặt tôi chào hỏi như một người quen đã lâu không gặp. Tôi đưa cho chị cây nhang. N. chắp hai tay đưa cao lên trán, đứng lặng hồi lâu. Tôi có cảm tưởng là lâu lắm. Và khi chị bỏ tay xuống xá mấy xá trước khi quỳ lạy trước quan tài K. Tôi nhìn thấy những giọt nước mắt của chị. Những giọt nước mắt lặng lẽ chảy dài trên một khuôn mặt xanh xao. Tôi thấy như mình đang đứng với K. ngày nào trên con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm đầy bóng mát, nhìn xéo qua cổng trường Trưng Vương. Con đường cắt đôi, một bên là Thảo cầm viên và một bên là ngôi trường của N. Và người thiếu nữ với mái tóc cắt ngắn, hai con mắt to và đen, chiếc răng khểnh đang bước đi, đầu ngoái lại nhìn chúng tôi với một nụ cười buồn. Tôi nhớ câu của St. Ex có lần K. nói: “C’est tellement mystérieux, le pays des larmes.”

Mối tình ấy có thật không hay chỉ là trong trí tưởng của tôi?

NGUYỄN XUÂN HOÀNG

* Antoine de Saint-Exupéry, [1900-1944] nhà văn phi công Pháp, tác giả Courrier Sud [1929], Vol de Nuit [1931], Terre des Hommes [1939], Le Petit Prince [1943], …

NGƯỜI THẦY CŨ

Nguyễn Xuân Hoàng

Tôi là người có trí nhớ kém, nhưng điều đó không hề làm phai mờ chút nào trong tôi hình ảnh của người thầy ngày xưa. Thầy của tôi. Đó là một người đàn ông gầy, hơi thấp, lặng lẽ bước vào lớp học giảng bài rồi lặng lẽ ra đi, mà không bao giờ để lại cho chúng tôi một nụ cười nào.

Thầy có một chiếc xe đạp cũ, không phanh, không chắn bùn, không cả vành che “sên” để khỏi vướng vào ống quần. Mỗi lần băng qua đường tôi thấy thầy luôn luôn xuống xe dắt bộ. Thầy lầm lũi đi, đầu hơi cúi xuống như một người không dính dáng gì đến thế giới đang biến động xung quanh.

Chỉ khi nào đứng trên bục gỗ, trước bảng đen cầm viên phấn trên tay, tôi mới thấy sự sống trên khuôn mặt thầy. Thầy dậy cho chúng tôi biết làm cách nào để có thể yêu và hiểu được Alphonse Daudet, Le Petit Chose, Chú Nhóc, Lettres de Mon Moulin, Những Lá Thư Viết Từ Cối Xay Gió Của Tôi, Contes Du Lundi, Truyện Kể Ngày Thứ Hai... Đó là những tác phẩm thầy cứ nhồi mãi trong đầu chúng tôi. Nhiều lúc tôi cứ nghĩ thầy là nhân vật le petit chose, bị vùi dập giữa cuộc đời.

Thầy có một người con trai tên S. học cùng lớp với tôi. Anh là một hình ảnh hoàn toàn trái ngược với thầy. Phá phách, nghịch ngợm, gây gỗ với tất cả mọi người, S. là hung thần của cả trường. Dù vậy, anh là một học sinh giỏi đặc biệt là môn Pháp văn. Những bài luận của anh luôn luôn đạt điểm cao và được đọc trước lớp như những mẫu mực.

S. viết chữ rất đẹp và rất tài hoa. Năm mới mười sáu tuổi, S. đã sáng tác một truyện vừa lấy tên là Ngôi Nhà Bằng Đá. Tôi không nhớ S. lấy đề tài gì, nhưng ở lứa tuổi mười sáu viết được một cuốn sách đầy gần hai trăm trang, dù chỉ là hai trăm trang viết tay, S. đã làm tôi vô cùng khiếp phục. S. không chỉ viết văn, anh còn làm thơ nữa. Đầu tiên là những bài thơ tình. Sau đó là những bài thơ đơn giản hơn, đầy dẫy những hình ảnh giống tính thô mà không tục. Tôi không ngạc nhiên lắm khi, mấy năm sau đó, S. trở thành một trong những người viết truyện và làm thơ đặc biệt có một chỗ đứng rất riêng trong văn học. Nhiều người khen truyện của S. và chê thơ S. và ngược lại có nhiều người khen thơ mà chê truyện. Tôi không có ý kiến.

Lớn lên, đổi lớp, đổi trường, chúng tôi chia tay mỗi người một ngả. Thầy tôi trở thành một cái bóng, nhỏ bé và nhòa nhạt. Alphonse Daudet không phải là tác giả tôi ưa thích, mặc dù những truyện ngắn của ông vẫn còn làm tôi xúc động khi đọc lại. Tôi đọc Antoine de Saint Exupery và tôi thích Le Petit Prince. Tôi không giữ trong tủ sách truyện Nhất Linh, Thạch Lam. Tôi chỉ thích Nguyễn Tuân, Thế Lữ tiền chiền, sau đó là Quang Dũng, Hoàng Cầm. Tôi cũng thích Guy de Maupassant, Charles Dickens, Dostoievski và Turgeniev. Đặc biệt sau này tôi khoái Amado với Terras Do Sem Fim mà Claude Plessis dịch là Terre Violente (Đất Dữ)… Tôi cũng rất thích thơ Nguyên Sa, truyện Võ Phiến. Tôi ghét nghề dậy học. Tôi biết chắc đó không phải là con đường tôi đi. Tôi không đủ tư cách để làm cái công việc mà người Việt Nam chúng ta vẫn đòi hỏi khi phải làm nghề “giáo dục”. Tôi mà giáo dục ai. Nhưng ghét của nào trời trao của ấy. Tôi từ giã Y Khoa, sau một năm, tôi bỏ Quốc Gia Hành Chánh, sau một tháng. Tôi theo học môn Triết và trở thành người đứng trên bục gỗ, với phấn trắng, bảng đen… Tôi đi trên con đường thầy tôi đã đi, con đường khổ ải và run sợ

Trường PetrusKý 1972- Thầy NXHoàng người thứ 4 từ phải

Hơn mười năm sau, tại Sài Gòn, ở một trường tư thục, tôi gặp lại thầy. Chúng tôi là đồng nghiệp. Vẫn chiếc xe đạp không phanh, không chắn bùn, không vành che sên. Vẫn lầm lũi đi bộ dắt xe khi băng ngang đường… Tôi chào thầy, nhắc thầy nhớ rằng tôi là học trò cũ của thầy, là bạn của S. Thầy nói cám ơn, và gật đầu. Tôi hỏi thăm chỗ ở của thầy, thầy không nói, thầy cũng không buồn hỏi tôi học thầy hồi nào, ở đâu. Tôi có cảm tưởng thầy tránh né tôi. Tôi hỏi thăm S., thầy nói không biết. Và một hôm, văn phòng cho tôi biết thầy không còn cộng tác với nhà trường nữa.

Suốt thời gian làm nghề dạy học tôi luôn luôn biết mình chọn sai đường đi, nhưng biết làm sao. Tôi phải xin lỗi người khác về những lầm lỗi của mình và tự xin lỗi mình về sự lầm lẫn của tôi.

Tháng Tư, Bảy Lăm mang đến cho Sài Gòn những ngày đen đêm đỏ, nó cũng mang đến cho tôi những ngày U Minh, những đêm Tuy Hòa. Trong cái rủi ro đau thương của một dân tộc, tôi có được cái may mắn là không phải cầm trên tay những viên phấn trắng, tránh được cái bục gỗ và bảng đen. Tôi tự thoát ra khỏi trí tưởng mình cái hình ảnh của thầy tôi.

Cuộc sống bắt người ta phải nhớ một vài điều và cần phải quên nhiều điều, nhưng trong lòng tôi cái hình ảnh người thầy giáo tất tả dắt chiếc xe đạp cũ, không thắng, không vành che sên đi băng qua đường, đầu cúi thấp… vẫn còn nguyên vẹn trong tôi như một dấu ấn. Tôi hiểu tại sao tôi thích Le Petit Prince hơn là Le Petit Chose.

NGUYỄN XUÂN HOÀNG

VÒNG HOA VÀ QUÊN LÃNG

Nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên [30.05.52-03.08.92] là một hiện tượng trong thi ca Việt Nam, hiểu theo nghĩa trong thi có ca, trong thơ có nhạc. Vòng Hoa Và Quên Lãng là tên bài viết của Nguyễn Xuân Hoàng trên nhật báo Người Việt số ra ngày 6.8.1992, thời ông làm tổng thư ký nhật báo này. Tám năm sau, ngày 2.8.2000, ông đã phát triễn từ bài viết trước đây. Để tưởng niệm tác giả Thà Như Giọt Mưa.

1.

Sống trong sự quên lãng và chết dưới những vòng hoa, chuyện đó vẫn diễn ra thường ngày trên trái đất.

Ở đâu có con người, ở đó có sự quên lãng. Và, tất nhiên có cả những vòng hoa.

Cũng là điều dễ hiểu thôi, bởi vì không nợ nần gì nhau thì cần gì phải nhớ. Trí nhớ bao giờ cũng kén chọn. Nó chỉ nhớ những gì đáng nhớ hoặc sẽ chỉ nhớ những gì ta cố quên. Thế nhưng, khi mà hoa vẫn nở và người ta vẫn có khả năng kết được những vòng hoa thì rõ ràng đó là bằng chứng cho thấy con người không bội bạc.

Con người ta sống với nhau mà không bội bạc đã là quí. Đòi hỏi một cái gì khác hơn nữa có là điều quá đáng chăng?

Tôi hoàn toàn không nghĩ như vậy. Bởi vì theo tôi, không ai sống trên đời mà không nợ nần gì nhau. Cái máy chữ tôi đang gõ, trang giấy tôi đang viết, cái ghế tôi đang ngồi... có thứ gì mà tôi không nợ của người khác chứ!

Nếu chúng ta không thể quên được ơn của những người đã sinh ra ta, không thể quên ơn những người đã đổ mồ hôi mang đến cho ta những bữa cơm hàng ngày, những thực phẩm của trần gian, thì chúng ta càng không thể quên ơn những tiếng hát, những bài thơ, những bức tranh,... những thứ làm cho cuộc sống ta văn hóa hơn, người hơn. Thế mà trên thực tế có vẻ như người ta không mấy tử tế với những người đã làm ra các sản phẩm ấy.

2.

Có người sẽ bảo, thực phẩm trần gian là những gì nuôi dưỡng thân xác ta, cũng như khí trời, nếu không có nó thì ta chỉ có chết thôi, chứ còn văn chương với chữ nghĩa, hội họa với âm nhạc,... những thứ ấy thì ăn nhập gì! Trước cái chết của những người Nam Tư trong cuộc chiến hiện nay, liệu ông nhà văn, bà nhà thơ Serbia, Croatia nào có thể làm ngưng được tiếng súng? Đó là chuyện của những nhà chính trị. Nhà văn, thi sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ... chẳng qua chỉ là những người cung cấp cho chúng ta những thứ trang trí trong một ngôi nhà mà thôi. Những thứ ấy là một loại xa xí phẩm. Có cũng được, mà không có cũng chả sao. Nó đâu phải là khí trời. Nó cũng đâu phải là cơm áo.

Người ta cũng nói nhà khoa học làm cho đời sống tiện nghi hơn, nhà chính trị giải quyết những cuộc chiến đẫm máu bằng hòa bình hoặc bằng những... cuộc chiến đẫm máu khác. Văn chương nghệ thuật có làm được điều đó đâu.

Người ta bảo vậy, nhưng có lẽ người ta quên rằng thật ra có những tác phẩm đã làm biến đổi [xấu hay tốt, xét sau!] thế giới. Căn Lều Của Chú Tom của Harriett B. Stowe và nước Mỹ, Cuộc Chiến Đấu Của Tôi của Adolf Hitler và nước Đức, cuốn Le Prince của Niccolo Machiavelli và những thủ đoạn chính trị...Chiến Tranh và Hòa Bình của Lev Tolstoi, Vua Lear của Shakespeare, Truyện Kiều của Nguyễn Du,... Vâng, Truyện Kiều của Nguyễn Du từng sống với dân tộc ta bao năm tháng, qua bao thăng trầm của thời đại. Truyện Kiều đã mang đến cho chúng ta niềm hãnh diện của một dân tộc văn hoá. Truyện Kiều, và bao nhiêu tác phẩm văn học nghệ thuật khác của dân gian đã làm cho chúng ta ngững mặt lên mà đi chớ không phải cúi mặt xuống mà bước. Còn Cao Bá Quát, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Nhược Pháp, Nguyên Sa, Võ Phiến, Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, ....những thứ ấy đã làm cho chúng ta vượt qua bao nhiêu đoạn đường của một con người.

Một nhà văn Nga có nói: Người ta đâu chỉ sống bằng bánh mì! có thể hiểu rằng ngoài bánh mì còn có những thứ khác không thuần vật chất cũng nuôi sống con người một cách... không thể thiếu được.

Người ta có thể nói nếu thế kỷ này không có một Einstein thì thế kỷ tới thế nào cũng có một Einstein khác, nhưng nếu trước đây chúng ta không có một Nguyễn Du thì không chắc gì thế kỷ sau này sẽ có một Nguyễn Du. Cho nên ta không thể không trân trọng những Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Võ Phiến, Nguyên Sa, những Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái,...

Chính những người đó dù còn sống hay đã qua đời bao giờ cũng đang sống giữa chúng ta, những người đã làm cho đời sống chúng ta có ý nghĩa hơn, đáng sống hơn. Những người đang cùng chúng ta thở chung một bầu không khí, đang cùng chia sẻ với chúng ta những hãnh diện và khổ đau của một dân tộc, những người nói cùng một ngôn ngữ với chúng ta, thế mà không những chúng ta không ngó ngàng gì đến nhau, không thuận thảo nhau, thậm chí còn nguyền rủa nhau... khi vắng mặt, thì nói làm chi chuyện một vòng hoa cho người nằm xuống.

Cái tội lạnh nhạt, thờ ơ với người sống, nhất là những người mà ta chịu nợ thật là một lỗi lầm khó tha thứ. Cái tội ấy làm cho trái đất ta đang ấm áp sẽ lạnh lẽo đi, và đang lạnh lẽo sẽ băng giá hơn. Nó làm cho những trái tim đang nồng nàn sẽ nguội lạnh và những trái tim cằn cỗi sẽ khô cứng hơn. Nó sẽ làm cho thế giới này chỉ còn nơi chứa những sinh vật chứ không còn là nơi ăn chốn ở của con người.

3.

Tôi nhớ những ngày sau cùng của Nguyễn Tất Nhiên ở Quận Cam. Phải thú thực, kể từ khi quen biết anh, cho đến ngày anh ra đi, tôi chưa bao giờ thấy thoải mái với anh. Tôi luôn luôn giữ một khoảng cách với anh, mặc dù bao giờ tôi cũng yêu mến những bài thơ của anh. Tại sao? Tôi không có câu trả lời. Cũng như tôi không thể trả lời được tại sao, lúc nào và bao giờ tôi cũng quý mến Nguyễn Hoàng Nam, bào đệ của Nguyễn Tất Nhiên.

Phải nói rằng thơ Nguyễn Tất Nhiên là một đóng góp hồn nhiên vào đời sống thi ca của chúng ta, mặc dù chữ nghĩa trong thơ anh - nhiều bài - vẫn còn ở thể quặng mỏ của ngôn ngữ. Nó là một thứ nham thạch ròng chưa bị tính bác học của ngoại lai xâm nhập, thẩm thấu và tác hại như một vài dòng thơ Việt Nam đã và đang chảy ra trong thi ca chúng ta.

Thơ Nguyễn Tất Nhiên làm cho đời sống chúng ta ấm áp, thế nhưng, những ngày sau cùng với chúng ta, anh đã sống trong sự lạnh lẽo.

Nguyễn Tất Nhiên bước vào đời như một nhà thơ và anh đã ra đi trong sân một ngôi chùa lặng lẽ như một thi sĩ.

Hoa đã ngập đầy nơi an nghỉ cuối cùng của anh. Người ta đã choàng cho người thi sĩ vòng hoa cuối cùng.

Không nên trách sự lạnh lẽo của người khác khi Nhiên còn sống, cũng chẳng ai trách sự vội vã của những người choàng vòng hoa lên Nguyễn Tất Nhiên khi anh đã ra đi. Bởi vì sống trong sự quên lãng và chết dưới những vòng hoa, chuyện đó vẫn diễn ra thường ngày trên mặt đất.

Nguyễn Tất Nhiên đã đến trong cuộc sống, đã rong chơi cùng chúng ta, và anh đã từ giã chúng ta.

Thà cứ như một giọt mưa đi nhé, Nguyễn Tất Nhiên...

Trước sau gì rồi chúng ta lại chẳng có dịp gặp nhau.

Vaya con Dios!

NGUYỄN XUÂN HOÀNG

California [6.8.1992- 2.8.2000]

XIN LỖI VÀ CÁM ƠN!

Buổi chiều cuối năm, ngồi bên ly cà phê với người bạn đến từ một tiểu bang xa. Bạn tôi hỏi, ba điều bốn chuyện, chuyện sức khoẻ, chuyện gia đình, chuyện công ăn việc làm, chuyện người sống người chết, chuyện quê hương, chuyện quê nhà... Sau cùng bạn hỏi: "Năm qua cậu đã làm được những gì, đầu óc có thoải mái không?" Tôi nửa đùa nửa thật: Đầu óc thì không, còn làm được việc gì thì không biết.

Bạn tôi là một người chơi nhạc, không phải nhạc sĩ sáng tác, nhưng kiến thức về âm nhạc thì khá cao, và chơi đàn tây ban cầm xuất sắc. Mặc dù ở xa chúng tôi vẫn thường liên lạc nhau qua email. Có lần anh đưa ra một nhận xét bất ngờ về một bài viết của tôi, anh làm tôi sửng sốt. "Phong cách của bút pháp. Đó cũng là một vấn đề," anh nói. Đọc nhiều, biết thưởng thức hội họa, và nói về văn chương và kịch nghệ thì thuyết phục lắm... tuy vậy bạn tôi không phải là người viết văn làm báo.

Cà phê nóng. Tôi uống một ngụm. Mùa đông năm nay ở miền bắc Cali lạnh hơn năm ngoái, lạnh hơn cả những năm trước nhiều. Tôi mở gói mật ong châm thêm vào ly cà phê. Hôm nay là ngày cuối tuần, tôi không ngồi ở quán quen Starbucks của tôi, mà là quán Peet’s coffee. Cà phê ở đây đậm hơn cà phê starbucks. Khung cảnh cũng thân mật và ấm cúng, từ cái bàn cái ghế, những gói cà phê, … Mấy bức tranh treo trên tường cũng đơn giản và nồng ấm. Quán hơi vắng. Có hai người khách sát bàn tôi: một người Mỹ râu tóc bạc phơ, ăn mặc rất bụi đời [áo quần giày dép và cái mũ chụp đầu bằng len cũ kỷ tả tơi] và một phụ nữ Á châu ăn mặc sang trọng, nhưng nét mặt hơi thô và lạnh. Tôi biết quán Peet’s coffee này hơi trễ, chỉ chừng hơn 1 năm nay thôi, nhưng tôi rất thích.

Bạn tôi nhắc: “Sao lúc này không thấy cậu viết gì? Phải viết đi chứ! Ở không lâu quá đâu có tốt.” Tôi nói không viết gì vì không biết viết gì, nhưng ở không thì cũng không hẳn là ở không đâu. “Nghĩa là cậu không còn chuyện văn chương chữ nghĩa nữa à?” Tôi nói chuyện chữ nghĩa thì còn nhưng mà chuyện văn chương thì không. Tôi lúc này thích chuyện thời sự hơn. “Nói tóm lại là cậu không có thì giờ?” bạn tôi hỏi. Tôi nói, thì giờ đâu nữa mà còn. Từ mấy năm nay tôi đã đọc ít đi. Thiếu cái nguồn nước liên lỉ ấy, cái giếng sẽ khô cạn dần, mạch nước ấy khi không còn thì cái ngọn lửa kia cũng từ từ tàn lụi, lấy nhiên liệu đâu mà đốt lên? “Cậu nói sao?” bạn tôi hỏi. “Cậu không đọc sách nữa à? Bỏ cái chuyện vớ vẩn ấy, chết tiệt ấy đi cậu ơi. Tin trong nước, tin ngoài nước, tin thế giới, tin xe cán chó chó cán xe, tin trong nhà ngoài phố. Cái thứ mì ăn liền ấy mà! Đau đầu!” Ừ, tôi nói, đau đầu thật!

…..

Bạn tôi nói: “Cậu có biết chuyện ký mục gia Art Buchwald không?” Ông nói sao? Tôi hỏi. Ông Art Buchwald à? Ông ấy mất từ tháng Giêng năm 2007 kia mà! “Đúng vậy!”, bạn tôi nói, “Tôi biết chứ, ông ấy mất đã gần bốn năm rồi, nhưng cậu không biết là ông Art Buchwald trước khi chết ở tuổi 82 vẫn còn viết không?” Ừ, thì sao? “Còn cậu, còn lâu cậu mới tới tuổi đó, sao cậu lười thế?” Tôi hỏi, ông nói thế là thế nào? Bạn tôi cười, “Thế cậu không thấy chuyện này không dính líu gì tới cậu à?” Dính líu gì? Tôi hỏi. “Hãy bắt chước Art Buchwald đi, nếu đời không có gì vui, thì sao không mang tặng cho đời một nụ cười?” Bạn tôi hỏi lại.

Bạn tôi kể “Từ tháng Hai năm 2006, khi bác sĩ cho biết vì ông không chịu lọc máu hàng tuần nên ông chỉ còn sống vài tháng nữa thôi, ông quyết định dọn vào hospice, một loại housing ‘tống tiễn’ những người chờ chết và muốn ra đi một cách êm thắm không làm phiền ai. Chính tại nơi chốn này, ông vẫn không ngừng viết và còn in cả một cuốn sách mang tựa Too Soon To Say Good Bye (Còn quá sớm để nói lời từ biệt).

Ly cà phê của tôi đã cạn. Tôi đứng nhổm dậy. Bạn tôi biết ý. “Thôi cậu ơi. Đủ rồi! Tối rồi, đâu phải buổi sáng mà không ngừng cà phê thế này. Mai tôi bay về lại tiểu bang ngập lụt New Orleans của tôi, tôi vẫn muốn hỏi lại cậu một câu: năm qua cậu đã làm được những gì?” Năm qua? Tôi có làm được gì đâu. Toàn những chuyện vớ vẩn. “Sao lại vớ vẩn?” Thì đấy, chuyện thì nhiều mà có ra cái khỉ gì đâu! “Vậy có nghĩa là cậu cũng có làm đôi ba chuyện phải không? Cậu nghĩ gì về những chuyện khỉ của cậu?” Tôi biết bạn tôi nhất định không buông tha tôi. Thì đành. Tôi nói: Tôi muốn nói lời xin lỗi. “Xin lỗi ai?” Xin lỗi tất cả mọi người. Tôi muốn xin lỗi những người tôi yêu thương, những người tử tế và cả những người không tử tế với tôi. Tôi muốn xin lỗi bạn, xin lỗi những người tôi quen, lẽ ra tôi phải làm điều này không nên làm điều kia, nhưng tôi đã làm nhiều điều ngược lại. Tôi nhớ câu nói của một ông anh trong vùng tôi đang sống, rằng sau khi hoàn tất một công việc, bao giờ người ta cũng thấy hai túi áo chứa đầy những lời cảm tạ và những lời xin lỗi. Cảm tạ những người đã từng giúp đỡ mình, đã từng chăm sóc mình, lo lắng cho mình, những người đã bất chấp những rào cản của cuộc sống đã đem cho mình tình yêu thương mà rồi đây suốt cả đời sẽ không bao giờ tìm thấy... Và trong túi áo kia là những lời xin lỗi vì mình đã không xứng đáng với lòng tử tế của họ, đã không hết lòng với họ, đã không trải lòng ra lắng nghe tiếng nói của họ. Tôi muốn nói lời xin lỗi với những độc giả của tạp chí Văn, tờ báo tôi đã làm ở Việt Nam sau anh Trần Phong Giao, và nay ở Mỹ sau nhà văn Mai Thảo, tờ báo đã đình bản mà không một lời xin lỗi. Cái lỗi đó quá lớn. Tại sao? Cả một năm qua, tôi nằm chờ chuyện đi xa, chờ từng ngày… “Cậu thật là vớ vẩn! Cậu đã nói bao nhiêu lần câu này rồi?” Tôi nhớ tôi đã nói nhiều lần. Và cách đây mấy năm, nhà văn Võ Phiến có viết cho tôi một lá thư tay về cái ý nghĩ “vớ vẩn” đó của tôi đấy. “Ông Võ Phiến viết gì cho cậu vậy? Tôi muốn đọc được không?” Muốn đọc thật à? Lần tới tôi sẽ cho ông đọc. Nhưng ngay lúc này thì chưa được. Ừ, tối rồi, không cà phê nữa. Bây giờ tôi đưa ông đến một quán cơm Ý, tôi muốn uống một ly rượu đỏ với ông trước khi chia tay.

Mùa đông, mặt trời đi ngủ sớm. Bóng tối tràn ngập khắp bãi đậu xe trước quán cà phê Peet’s coffee. Và lạnh.... “Đúng, cậu vớ vẩn thật!” Bạn tôi nói.

NGUYỄN XUÂN HOÀNG

Tháng 12, 2009

AI CŨNG CẦN PHẢI CÓ MỘT BÀ MẸ!

1.

Hồi còn sống cha tôi thường nói ai cũng cần phải có một bà mẹ. Tôi vẫn nghĩ, ai mà chẳng có một bà mẹ. Tuy vậy mãi về sau tôi mới hiểu vì sao cha tôi lúc nào cũng nhắc tới câu nói trên. Bởi vì tôi là một đứa cháu chưa bao giờ thấy được mặt nội của tôi.

Có lúc tôi nghe cha tôi than, làm đàn ông con trai phiêu lưu giang hồ cũng hay, nhưng mà khi dừng chân nhìn lại không thấy bà mẹ mình ở đâu thì cả cái thế giới này có hơn gì cái chái bếp đâu. Cha tôi thường nói ai cũng cần phải có một bà mẹ, chớ chẳng có ai chui từ dưới đất nẻ lên bao giờ.

Cha tôi cũng thường nói nhiều người trên đời này ưa làm anh hùng đến nỗi quên rằng mình có một bà mẹ. “Úi trời, làm anh hùng mà không có mẹ thì làm anh hùng mà chi!”

Một lần cha tôi say - cha tôi bao giờ mà chả say - hỏi tôi rằng “mày yêu ai nhất trên đời?”, tôi còn chần chừ chưa rõ ý ông muốn gì thì ông gạt phắt ngay “còn suy nghĩ gì nữa, mày phải yêu mẹ nhất, rõ chưa, đồ ngu!” Tôi thấy hai con mắt ông đỏ ngầu ẩm ướt.

***

Hồi còn sống ông cậu tôi thường khoe cậu là người được ngoại tôi yêu nhất nhà. Cậu làm tôi ngạc nhiên. Bà ngoại tôi có hai người con. Mẹ tôi là một, còn cậu tôi là người thứ hai. Lẽ nào cậu tôi là người được ngoại yêu nhất, thế còn mẹ tôi ở đâu? Chẳng lẻ những bà mẹ trên thế giới này chỉ yêu có con trai mình thôi à? Mà có lẽ như vậy thật. Khi người ta sống trong một xã hội trọng nam khinh nữ thì chuyện thương ghét kiểu này cũng chẳng lạ chi.

Mà nghĩ cũng kỳ. Cậu tôi có phải là người hay ho gì cho cam. Ông là người khó dạy, khó bảo, học hành dang dở, làm chuyện gì cũng không đến nơi đến chốn, suốt ngày chỉ biết tụm ba tụm bảy, phá làng phá xóm, gây biết bao phiền toái cho ngoại tôi. Cho đến ngày cậu vào lính… Ấy vậy mà bà vẫn một mực thương yêu cậu, bênh vực cậu, lo lắng che chở cho cậu... cho đến ngày bà nhắm mắt.

Có lần sau cuộc hành quân trở về, cậu nói “trễ quá! trễ quá! ước chi bà ngoại còn để tao báo hiếu. Tao làm khổ ngoại quá!” Và tôi có cảm tưởng như cậu tôi thương mẹ tôi nhiều hơn những ngày ngoại tôi còn sống. Nhưng tình cảm muộn màng này cũng không được bao lâu, vì chưa đầy một tháng sau cậu tôi đã bị chiến tranh cướp mất.

***

Hồi còn sống anh cả tôi thường nói trên đời này anh không sợ ai bằng sợ mẹ tôi. Tôi không hiểu tại sao. Anh là người bán trời không mời thiên lôi. Anh chưa bao giờ sợ bất cứ một thứ người nào. Thằng nào chơi thứ gì thì anh chơi thứ ấy. Có súng thì chơi súng, có dao thì chơi dao. Nhưng anh là người yêu mẹ nhất nhà, và đúng như anh nói, anh cũng là người sợ mẹ nhất nhà. Còn chúng tôi những đứa em của anh thì lại là những người sợ anh nhất nhà. Phần tôi, tôi chỉ yêu mẹ thôi chứ không biết sợ mẹ. Tôi nghĩ, trong tình yêu thì có gì mà phải sợ. Nhưng có một lần tôi sợ. Thực sự sợ. Lần đó tôi từ một thành phố xa trở về, khi trong túi không còn lấy một đồng xu, và tôi đã gặp một cảnh tượng rợn người. Ngôi nhà mẹ tôi nằm ở ngã tư một thị trấn. Buổi chiều nhá nhem, cả ngôi nhà chìm trong bóng tối. Ở giữa nhà một đốm lửa chợt sáng chợt tối. Tôi biết đó là điếu thuốc trên môi cha tôi. Và tôi nghe một tiếng nấc nghẹn ngào của mẹ tôi từ phía sau bậc cửa ngó ra một giếng nước cạn. Hình ảnh ấy làm tôi sững sờ.

Khi cha tôi biết tôi trở về, ông bật diêm châm ngọn đèn hột vịt, đặt trên chiếc bàn giữa nhà. Tôi thấy một quang cảnh đổ nát như thể có một trận bão vừa thổi qua ngôi nhà tôi. Tôi thấy cha tôi đến bên cạnh mẹ tôi cúi xuống thì thầm bên tai bà - điều mà tôi ít khi thấy ông làm với mẹ tôi - và bà đứng dậy, kéo chiếc khăn vắt vai lau nước mắt, hỏi tôi sao về mà không báo trước. Mẹ biết có bao giờ tôi đi hay về mà báo cho mẹ lời nào đâu. Mẹ bắt tôi đứng yên ở thềm cửa chờ bà quét dọn những “đổ vỡ” trước khi chậm rãi đến ôm tôi. Cha tôi chỉ đặt tay lên vai tôi, rồi bỏ vào buồng trong không nói một lời.

2.

Khi mẹ tôi qua đời, cả cái gia tài mà bà để lại cho con cái không có gì khác ngoài tình thương yêu của bà. Suốt đời tôi chưa thấy bà ghét ai. Có lẽ trong trái tim của bà, trong dòng máu đang lưu chuyển trong huyết quản bà chỉ có tình thương yêu con người.

Nhà tôi nằm ở ngã tư đường, cách một đám ruộng nhỏ là quận đường, nơi giam giữ những người tù chính trị. Khi những người tù bị dắt từ nhà giam quận đi “làm việc” ngang qua nhà tôi, bà đã mua cho họ từng gói xôi, tặng cho họ từng chiếc áo - những chiếc áo mà bà vừa mới may cho cha tôi chưa kịp mặc một lần. Cũng có khi là một gáo nước mưa, một đòn bánh tét, một chiếc khăn lau mặt… Cả những người gác tù nữa, đôi khi họ cũng đến hỏi bà một đồng bạc, một cái bánh tráng nướng, một chai dầu trị cảm... Với bà, người tù hay người gác tù nào có khác gì nhau.

Mỗi lần gặp lại mẹ tôi, tôi thấy bà già đi một chút, nhưng bà như có vẻ đẹp hơn - người con nào mà chả thấy mẹ mình đẹp, phải không? Tình yêu thương của bà dành cho con như tăng lên nhiều hơn. “Mẹ chẳng có gì để lại cho các con. Mẹ chỉ có tình yêu thương các con và mẹ mong các con phải thương yêu nhau.”

Cái tình thương tràn trề ấy nơi bà, khi bà ra đi đã để hết lại cho đám con, nhưng thật ra ít ai trong chúng tôi giữ gìn được trọn vẹn. Chỉ có ông anh cả tôi, người được mô tả là hung dữ nhất, gan lì nhất, là người duy nhất thừa hưởng nguyên vẹn gia tài của mẹ tôi. Qủa thật anh là người rộng lượng, quảng đại, vị tha. Anh yêu thương tất cả mọi người. Chỉ có điều là anh không bao giờ tha thứ kẻ thù. Cái đám còn lại, trong đó có tôi và các em gái của tôi, thì tình yêu thương của mẹ tôi để lại có vẻ như chắt chiu hơn là ban phát.

3.

Hồi nhỏ ở SàiGòn có một lần tôi được xem phim một cuốn phim Ấn Độ ở rạp Long Phụng. Tôi gọi là tình cờ, bởi vì tôi vốn không ưa phim Ấn Độ, mặc dầu tôi biết mỗi dân tộc đều có nghệ thuật riêng của nó. Nhưng hôm đó trời SàiGòn rất nóng và tất cả các phim ở mấy rạp kia tôi đã xem hết rồi. Rạp Long Phụng chẳng mát mẻ gì, nhưng cuốn phim đã làm tôi suy nghĩ. Sau đó tôi quên bẳng nội dung câu chuyện, tôi chỉ nhớ hình ảnh bà mẹ Ấn Độ cầm súng bắn chết người con đạo tặc của mình. Thật không còn gì đau đớn bằng việc người mẹ phải cầm súng bắn con mình, bắn vào chính trái tim mình. Nhưng những ai đã xem cuốn phim này sẽ hiểu vì sao người mẹ phải can đảm lấy đi sự sống của người con. Người con trai của bà mẹ này là một tên cướp và bà đã khẩn cầu dân làng cho phép bà được chính tay mình xử tử người con. Tôi thấy đó là một người mẹ hết sức yêu con, và sức mạnh của bà đã làm cho tôi vô cùng sợ hãi. Tôi hiểu rằng trong tình yêu người ta có cách giải quyết riêng mà không phải ai cũng cùng giải quyết như thế.

4.

Hồi nhỏ có lần chị tôi nói chị yêu mẹ nhất nhà và nhiều lúc chị hỏi không biết nếu mẹ chết đi thì “chị em mình sẽ ra sao?” Tôi cũng vậy, tôi luôn luôn có cái cảm giác bơ vơ khi thoáng qua trong đầu ý nghĩ nếu một ngày nào đó mẹ không còn nữa. Tôi ghiền biết bao nhiêu nụ cười của mẹ tôi, tôi thèm biết bao nhiêu hơi thở của mẹ tôi... Cái tiếng dép của mẹ cũng làm trái tim tôi hồi hộp, cái màu tóc trắng của mẹ cũng làm tôi rung động...

Nhưng bà chị tôi không có dịp nhận ra cái cảm giác “nếu mẹ mất đi mình sẽ ra sao?”. Bởi vì chị đã bỏ mẹ và các em ra đi quá sớm. Mẹ tôi ôm xác chị ngồi khóc. Một cây tre già ngồi khóc măng non. Mà mẹ cũng chẳng khóc lâu. Mẹ đứng dậy tiếp tục mạnh dạn nuôi dưỡng các cây măng non khác. Những cây măng non nào mà chẳng có lúc trở thành những cây tre già để rồi lại tiếp tục khóc những cây măng non khác! Cuộc chiến tranh Việt Nam dường như đã đi ngược với quy luật trên.

5.

Hồi nhỏ tôi rất ít khi được gần mẹ. Mới bốn tuổi tôi đã xa gia đình, sống trong làng quê với một gia đình nông dân. Tuổi thơ tôi lớn lên giữa ruộng đồng và tiếng súng của cuộc chiến Việt-Pháp. Một người lính Lê Dương già bắt tôi làm con nuôi. Và ông ta đã kéo tôi đi từ mặt trận này sang mặt trận khác. Tôi sống giữa tiếng súng và bom đạn mặc dù tôi không phải là một người lính. Trong nhiều năm trời tôi chỉ có một tình cha nuôi chứ không có tình gia đình. Và càng không có “tình mẫu tử”. Tôi học chữ của người cha nuôi, học đánh vần, học đọc học viết, học toán… từ những người lính… Khi người cha nuôi tôi chết trong trận Đ. B. P., tôi mười bốn tuổi. Đó cũng là năm tôi tìm lại được gia đình. Nhưng tôi cũng chẳng ở được lâu với mẹ tôi. Tôi phải đi học tiếp ở nhà trường ở các lớp lớn hơn ở một thành phố khác. Cái vốn kiến thức hổ lốn của một đứa bé xa nhà ấy vậy mà giúp tôi học nhanh, học được bất ngờ [?]. Tôi nhẩy lớp cho kịp cái tuổi đã ở rừng, ở bụi, ở trong những cuộc chạy lon ton theo người cha nuôi từ chiến trường này sang mặt trận khác, tai nghe tiếng súng chứ đâu phải tiếng trống trường, nghe thứ ngôn ngữ đời lính xa nhà chứ đâu phải lời thầy cô bạn bè ngoài sân trường trong lớp học. Tôi đã qua một thời thấy máu và nước mắt nhiều hơn là nụ cười và vòng tay âu yếm....

Và sau cùng, tôi nếm được hạnh phúc muộn màng của một đứa học trò với sách vở cầm tay.

Xa nhà, mỗi tuần hay đôi khi cả mấy tháng tôi mới về thăm mẹ một lần. Mẹ tôi nói, con không về thì mẹ vẫn cứ chờ mỗi tuần. Bà ngồi ở hàng hiên mỗi chiều thứ Bảy nhai trầu chờ con. Đến tối mịt bà mới chịu lót tót về nhà. Mẹ có chiếc miệng móm, nụ cười từ bi, hai con mắt bác ái. Tôi xa mẹ quá lâu, nhưng một sợi giây vô hình đã trói tôi vào với mẹ tôi. Tôi biết tôi không làm gì cho mẹ đau khổ, nhưng tôi cũng biết tôi chẳng mang lại cho mẹ được chút niềm vui. Tuy vậy tôi nhận ra một điều là khi tôi yêu một người phụ nữ nào tôi luôn luôn nhận ra rằng có một cái gì đó rất tương hợp giữa mẹ tôi và khuôn mặt người con gái tôi yêu.

Đôi ba khuôn mặt của tình yêu đi qua đời tôi, nhưng khuôn mặt đích thực của tình yêu mà tôi không ngớt tìm kiếm vẫn là khuôn mặt mẹ tôi.

6.

Một lần cha tôi hỏi mày yêu ai nhất trong nhà? Tôi biết ông muốn tôi phải trả lời như thế nào, nhưng tôi không nói. Và tôi biết cha tôi chỉ hỏi như thế thôi. Ông không cần tôi trả lời. Và cũng bởi vì ông biết, tôi rất yêu mẹ tôi.

Khi những buổi chiều im vắng trong ngôi nhà nhỏ ở một quê hương mới, nhìn mẹ của các con tôi ngồi giữa những trang báo ngổn ngang, tôi thấy thấp thoáng đường nét khuôn mặt em sao giống khuôn mặt của mẹ tôi một cách lạ lùng.

7.

Ai trên đời này mà không cần có một bà mẹ. Những người không còn mẹ nữa lại càng cần hơn ai hết, phải không?

NGUYỄN XUÂN HOÀNG

Mùa Vu Lan 1993