Bụi và Rác 2b

Nguyễn Xuân Hòang : Bụi và Rác

TV và BH

Chương Mười Bảy

Ðến tối mịt tôi mới về tới nhà. Trong túi không còn một xu, tôi vừa đi vừa chạy. Bầu trời không một ánh sao. Con đường từ bến xe về nhà không xa, nhưng sao tôi đi hoài không đến. Tôi tưởng ở đầu hẻm anh Sáu vẫn còn ngồi với ngọn đèn leo lét trên lề chờ sửa xe đạp. Thằng út con của anh, bụng ỏng da chì đang chạy lòng vòng. Mấy chiếc xích lô đang đậu quanh trước rạp hát Quốc Thanh. Những hàng chè, cháo, thuốc lá lẻ… hiện lên dưới mấy ngọn đèn hột vịt hay những cọng nhang. Và bên trong phòng vé rạp hát ánh đèn điện sáng cho thấy tên vở diễn buổi tối.

Tôi tưởng… nhưng mà, không. Rạp Quốc Thanh đây rồi: Cửa sắt đóng im ỉm, tối om. Quán cà phê, sòng bi da… có chút ánh đèn nhưng không bóng người. Không một chiếc xích lô ghếch càng đợi khách. Anh Sáu bên trong khu nghĩa địa không ngồi ở đầu hẻm. Cả khu Mã Lạng cũng chìm trong bóng đêm.

Tôi thò tay vào bên trong cánh cửa sắt nhỏ, kéo chốt. Tôi bước lên thềm hành lang cao – chính tôi đã mua xi măng và gạch về xây nó cao lên để chận nước từ ống cống chảy vào nhà mùa mưa – tôi lắng tai nghe ngóng. Bên trong nhà không có ánh sáng. Tôi vặn nắm cửa. Cửa đã khóa chặt. Tôi gõ, lúc đầu nhỏ, về sau tôi đập thật mạnh. Nhưng vẫn không thấy động tịnh gì. Không, chắc chắn là Quỳnh không có nhà. Không một ai trong căn nhà tôi. Tôi mệt mỏi, hụt hơi. Tôi ngồi bệt xuống đất, tựa lưng vào cửa. Tôi nghe tiếng lách cách của những căn nhà bên cạnh. Bác Tốt phía trước. Nhà anh chị Bằng kế bên. Nhà ông bà Ngô, nằm chéo bên phải… Tôi nóng lòng muốn biết Quỳnh đi đâu. Nhưng tôi không vội. Có thể Quỳnh đi loanh quanh gần đây, chưa về kịp. Tôi ngước mắt nhìn lên bờ tường cao, nơi Quỳnh vẫn để những chậu hoa vui mắt. Buổi tối đứng bên cửa sổ nhìn trời, tôi vẫn thường được ngửi mùi hoa dạ lý thơm ngát. Nhưng bây giờ tôi có cảm tưởng những cây hoa đã chết khô trong chậu không người tưới.

Tôi cảm thấy lạnh. Tôi thèm được bước qua cánh cửa này. Tôi thấy chiếc giường kê sát cửa sổ ngó ra sân trước, mà sau đó khi Quỳnh về sống chung đã chuyển qua một bên nhường chỗ cho chiếc bàn ăn.

Tôi nhớ chiếc ghế sopha ở phòng khách bị rách lớp vải ở mặt sau, tủ sách đã dọn gần trống trơn một năm sau khi Saigon mất. Tôi thấy cái máng xối bằng thiếc bị bể nước trút ào ạt xuống mặt sàn gỗ căn gác sau, nơi chứa những thứ đồ vật không dùng đến… Không, chắc Quỳnh đi đâu đó, sắp về. Tôi phải kiên nhẫn chờ.

Tôi đã ngồi như vậy lâu đến chừng nào, tôi không nhớ. Tôi nghe tiếng muỗi kêu bên tai. Cái còn lại là sự lặng im. Cả một thành phố trên bốn triệu con người đột nhiên như bị cơn gió độc thổi qua làm câm họng. Tôi lại áp tai vào cánh cửa – cánh cửa tôi đã cho thay khi Quỳnh dọn về căn nhà này sống với tôi – nhưng tôi vẫn không nghe thấy gì. Không có chút sự sống ở bên trong. Vắng ngắt. Lạnh tanh.

“Con ơi!” Tôi nghe tiếng kêu từ bên trong tôi. “Quỳnh ơi!”

Khi bước chân lên chiếc xe đò chật ních những người buôn gánh bán bưng Kiên Giang-Saigon, trí tưởng tượng đã vẽ cho tôi thấy cảnh Quỳnh đang cho con bú, đứa bé khóc nhoi lên vì đòi mẹ bế. Ðiện trong hẻm bị mất, nhưng trong phòng Quỳnh một ngọn đèn dầu lửa bóng bầu dục vẫn sáng lấp lánh ấm áp. Tôi sẽ gõ cửa rất nhẹ và khi Quỳnh biết chắc tôi đang đứng trước thềm, cô sẽ mở toang cánh cửa ra, ôm chầm lấy tôi. Và tôi sẽ lặng im đón nhận những chiếc hôn tới tấp của Quỳnh, nghe thấm ướt trên môi chất mặn của những giọt nước mắt vui mừng đoàn tụ.

Tôi sẽ ôm trong tay mình tấm thân thể nồng nàn của người đàn bà đã nuôi sống tôi, đã làm cho tôi tin tưởng rằng cả thế gian này sở dĩ tồn tại được là nhờ có cô, có khuôn mặt rực rỡ với đôi mắt màu mã não, cặp chân mày hơi xếch, nụ cười răng khểnh… Chính là người đàn bà này đã mang đến cho tôi niềm lạc quan tin đời và yêu người. Tôi tưởng tượng Quỳnh sẽ nói với tôi về những ngày sống trong lo âu vì chạy ngược chạy xuôi lo cho sự tự do của tôi. Tôi sẽ bế con tôi lên và đứa bé sẽ thôi khóc mỉm miệng cười. Quỳnh sẽ nấu nước nóng bắt tôi tắm, sẽ lau khô những giọt nước bám trên thân thể tôi, sẽ để sẵn trên giường bộ quần áo đã ủi thẳng nếp. Và chúng tôi sẽ nói với nhau bao nhiêu là chuyện. Tôi sẽ quên đi những điều thắc mắc tại sao Quỳnh không thăm nuôi tôi, tạo sao cô có thể ngờ nghệch đến độ không biết chồng mình sống chết ra sao, tại sao, tại sao và tại sao… Với tôi, ra khỏi nhà tù đã là một điều hạnh phúc, ôm Quỳnh trong tay còn hạnh phúc hơn.

Nhưng mà…, tôi bỗng nhớ tới Mười Tân. Phải rồi, tránh được Sáu Phận, rốt cuộc tôi cũng gặp Mười Tân, lại gặp những “ông cách mạng ba mươi Tháng Tư,” lại gặp những cái nón cối u ám, những đôi dép râu hãi hùng, những khuôn mặt lạnh tanh. Ði trong một nhà tù nhỏ hay bơi lội trong một nhà tù lớn, đằng nào tôi cũng là tù nhân của một chế độ mà tôi không chọn. Nhưng mà tôi là thứ người có bao giờ chọn lựa cái gì đâu. Có lần Mười Tân nói thứ người như tôi giống như bóng ma chập chờn trong một nghĩa trang những đêm tháng Bảy. Cái bóng ma ấy chẳng làm hại được ai, nhưng chắc chắn xã hội không cần. Ông ta nói đúng. Tôi nghĩ như vậy, nhưng ông nói có phần quá đáng. Tôi cũng thấy sự có mặt của ông khác tôi, nhưng là khác một cách tai hại. Dưới những quyết định của ông, bao nhiêu người đã chết. Cái lý tưởng mà ông theo đuổi, đã được xây trên bao nhiêu xương máu của người khác. Có bao giờ ông nghĩ lại để thấy rằng cuộc chiến đấu của ông thật sự mang lại cái gì sau khi đã chôn vùi những con người có lý tưởng khác ông… Trời ơi, tạo sao tôi phải nghĩ tới Mười Tân nhiều như vậy. Tôi giật mình thấy một cơn lạnh chạy dọc theo sống lưng tôi. Tôi nghẹn thở.

“Quỳnh!” Tôi nghe tận trong tiềm thức tôi tiếng kêu thảng thốt của một người đàn ông tả tơi đang ngồi trước thềm nhà mình. Tôi muốn nằm xuống thềm xi măng lạnh lẽo và bụi bặm như một cọng rác. Tôi là một thứ rác rưới trong một xã hội bụi bặm. Tôi là một hạt bụi trong một xã hội rác rưới. Tôi rác rưới bụi bặm. Tôi bụi bặm rác rưới… Và tôi thấy mình ngã xuống, ngã xuống. Tôi mở mắt to ngó lên bầu trời cao, mỗi lúc một xa. Tôi quay mặt ngó cái đáy hun hút phía dưới mà mỗi lúc tôi mỗi lao nhanh xuống. Tôi gào to tên của Quỳnh. Tôi vùng vẫy la hét. Tôi thở hụt hơi. Tôi tìm cái gì để bám. Khuôn mặt Quỳnh hiện ra chỗ này, chỗ kia. Tôi chụp bắt, nhưng khuôn mặt ấy ẩn hiện như một bóng ma…

Tôi nghe một luồng hơi ấm chạy khắp thân thể tôi. Ánh sáng chui vào hai mí mắt tôi làm tôi phải mở ra. Tôi thấy những khuôn mặt quen thuộc chụm lại ngó xuống. Hai ông bà Ngô, bác Tốt, bác Kỳ, chị Bằng, anh Sáu sửa xe đạp…

“Tỉnh rồi! Tỉnh rồi! Xoa dầu thêm nữa đi!”

Tiếng những người nói xì xào.

“Cậu Thăng! Cậu Thăng!”

Tôi nhắm mắt lại, nghe tiếng người gọi tên tôi.

Tôi mở mắt ra. Những khuôn mặt mờ mịt như bị che phủ bởi một lớp sương mù. Tôi không thấy Quỳnh. Tôi cảm giác có một bàn tay đang đặt lên trán tôi. Tôi đổi thế nằm, kéo tấm chăn lên tận cằm. Tôi chỉ muốn được yên thân một mình. Tôi nghe tiếng ông bà Ngô thì thầm. Ánh sáng vụt tắt không còn chui vào hai mí mắt tôi. Tôi nghe tiếng chân bước ra ngoài, cánh cửa phòng khép lại.

Nhưng tôi không ngủ được. Tôi nhớ Quỳnh. Trời ơi, tôi nhớ Quỳnh biết là bao nhiêu.

Tôi muốn được ôm em, chằng phải để hỏi tại sao thế này tại sao thế kia, mà để được hỏi với em là em có làm sao không, em và con đã phải sống như thế nào trong những ngày không có tôi…

Nhưng mà kỳ quá, tại sao không ai buồn nói với tôi điều gì cả.

Tự nhiên tôi cảm thấy ngộp thở. Tôi kéo chăn xuống. Mắt tôi bắt đầu quen với bóng tối. Tôi thấy chỗ nằm tôi là chiếc giường nhỏ sát bên cửa sổ ngó sân nước. Chiếc bàn tròn loại mở ra xếp vào được đặt cạnh bếp, nơi tôi vẫn đến ăn cơm với ông bà Ngô thời gian Quỳnh đi thăm nuôi ông ngoại cháu. Chiếc tủ đựng quần áo kê sát vách làm bằng loại gỗ tạp. Cái bàn nhỏ có tấm kính bên trên để bình trà và mấy cái ly. Bộ xa lông bọc vải đã bị sờn, tủ kính để ly chén thủy tinh, bên trên thờ Phật Bà Quan Âm. Sân trước hẹp và thấp, cánh cửa sắt mới thay. Tôi nhắm mắt cũng có thể thấy rõ tất cả mọi vật trong nhà này như của nhà tôi. Bởi vì cả khu phố này được kiến trúc một kiểu như nhau, nhà nào y như nhà nấy. Cũng cái sân nhỏ vừa để đựng một chiếc xe Honda, vì tường, để vài chậu bông, bước vào là phòng khách, bên trong là phòng ngủ, sau cùng là sàn nước và nhà bếp. Hơn nữa dù có thuê hoặc sang, có xây thêm tường hay cất thêm căn gác gỗ phía sau để lấy chỗ ngủ thì cũng chỉ chừng đó không hơn không kém. Vả lại trong cả khu phố này chỉ có căn nhà ông bà Ngô là tôi tự tiện ra vào như nhà mình, còn các căn kia thì năm thì mười họa tôi mới bước vào, nói láp dáp vài câu xã giao là ra ngay.

Tôi thuộc lòng bề mặt của những căn nhà và cả những con người trong khu phố tôi. Ðối với những người cùng khổ sống chen chúc trên mồ mả ở bên trong hay những người chỉ kiếm đủ ăn đủ mặc bên ngoài như chúng tôi thật ra không cách biệt là bao nhiêu. Cái khoảng cách lớn nhất mà tôi đã gặp ít ra hai lần trong đời tôi là khi tôi bước chân vào gia đình ông Lý và khi tôi sống trong ngôi biệt thự ông Phan. Với con gái ông Lý tôi làm rể của một tay cự phú, tổng giám đốc ngân hàng, chủ tịch một công ty xuất nhập cảng, các loại máy móc kỹ nghệ, có cổ phần trong hãng hàng không Việt Nam v.v… Chính ông Lý là người đầu tiên gọi tôi là người đi trên mây. Chính ông Lý đã từng nói với tôi rằng ông không cần một thằng rể làm ra tiền – cái thứ giấy lộn ấy tao có thể đốt cháy cả cái xứ này mà trong kho cũng chưa cạn nữa – vả lại nếu chẳng may mà cậu có làm ra tiền thì lương tháng nhiều lắm cũng chỉ đủ trả một chầu rượu cho tao ở Caravelle là cùng.

Với cô Uyên, tôi bước vào thế giới quyền lực của ông Phan. Mỗi lời nói của ông có thể đưa một người từ cõi sống vào cõi chết hoặc ngược lại. Mội sự can thiệp của ông có thể làm cho tay nhà buôn kia lời thêm vài chục triệu như chơi, hay trái lại làm cho đương sự tán gia bại sản trong nháy mắt. Ðồng tiền trong tay ông Lý, quyền lực trong tay ông Phan, cả hai thứ đó đều đè lên đời sống của mọi người. Và hơn ai hết, ông Lý là người biết kết hợp cả hai trong tay khi ông gả đứa con gái út của ông cho con trai của một tay trung tướng cầm đầu cuộc chính biến. Chính tay này đã đóng chặn cánh cửa không cho ông Phan trở về nước sau chuyến công du. Những bữa ăn thịnh soạn – gần như ngày nào cũng tiệc tùng, xe hơi loại mới nhất, đắt tiền nhất, quần áo được đặt may ở tiệm sang nhất, nổi tiếng nhất. Những thứ vừa thấy xuất hiện ở Paris, Hồng Kông tuần trước, tuần sau nhà ông Lý đã có.

Ðời sống của gia đình ông Lý hoàn toàn khác hẳn đời sống của gia đình tôi. Nếu nói tấm mề đay có mặt trái thì gia đình tôi là mặt trái đó. Nó sần sùi, nháp xỉn, trong khi cái mặt phải màu mè đẹp đẽ. Lúc đầu tôi tắm trong sự giàu có của ông Lý, tôi tưởng mình là sự giàu có ấy. Về sau tôi khám phá ra mình đã vơ vào cái không phải của mình. Cái cuộc sống hào nhoáng sao mà hời hợt. Cả cái gia đình ông Lý đã bị mục rỗng tự bao giờ. Những đứa con trai cao bồi du đãng, những đứa con gái chỉ biết có tiền. Quả thật, những đồng lương hàng ngày tôi mang về cho con gái ông Lý không đủ cho ông đãi một chầu rượu ở tiệm Admiral đường Nguyễn Văn Thinh, chớ đừng nói chi đến Caravelle cho nó xa. Tôi từng nhiều lần nhìn thấy cái cảnh mọi người trong một nhà hàng Tây đứng dậy khi ông Lý bước vào. Tôi đã nhìn thấy cách ông chi tiền cho mấy anh nhà báo viết về kinh tế hoặc viết về ông.

Ông Lý mua được tất cả mọi thứ mà ông muốn, kể cả một “thằng chồng” cho con gái ông hay một “đứa con dâu” cho con trai ông. Sau cùng tôi khám phá ra mình chỉ là một món hàng, một đồ vật trang trí trong nhà ông như mọi thứ trang trí khác.

Còn ông Phan thì sao? Tôi không cách nào quên được bàn tay với những ngón mập ú rịn ướt mồ hôi khi lần đầu tôi bắt tay ông. Tuy vậy rõ ràng ông là người làm chính trị có một cuộc sống đạm bạc. Những bữa cơm gia đình với bà Phan và cô Uyên cho tôi thấy mình gần gũi hơn với nếp sống của ông bà. Tôi biết với quyền lực trong tay, ông bà Phan có thừa sức để sống cuộc sống kiểu ông Lý, nhưng ông bà đã không làm như thế. Nếu ông Lý không bao giờ đọc một cuốn sách – trừ việc đọc báo hằng ngày, mà cũng chỉ đọc những bài liên quan đến kinh tế tài chánh thôi – thì ông Phan là người đọc khá nhiều. Cái tiểu thư viện của ông không phải chỉ gồm có những cuốn chính trị và hồi ký của những nhân vật lịch sử. Tôi đã tìm thấy những tác phẩm văn học của nhiều thế kỷ được ông trân trọng sắp xếp theo thể loại của nó. Truyện của Jack London hay tiểu thuyết của Dostoievsky, Sử Ký của Tư Mã Thiên hay Ðông Châu Liệt Quốc qua bản dịch của Nguyễn Ðỗ Mục… Những cuốn sách ấy tôi đã thấy dấu vết của ông Phan… Nhưng… giữa hai ông, tuy có nhiều điểm dị biệt, tôi vẫn nhận ra một điều, một điều rất giống nhau khi phải trực tiếp tiếp xúc với hai con người ấy: sự soi mói của họ với người đối diện.

Chính cái quan niệm sống đầy mùi tiền bạc của ông Lý đã chuyển sang con gái ông – người đàn bà đã có với tôi những đứa con – chuyển sang một cách trung thực nhất khiến tôi bị ngộp thở phải trốn chạy. Và chính cái quan niệm quyền lực của ông Phan đã tiếp sức cho Uyên khiến cô say mê chế ngự và ra lệnh hơn là hiến dâng và phục vụ.

Chỉ có Quỳnh mới làm cho tôi tin được nơi con người sự chia sẻ và tận tụy. Quỳnh chọn tôi như chính tôi đã chọn Quỳnh.

Cô đơn thương độc mã đến với tôi. Trước mặt không có chi, sau lưng cũng chẳng có gì. Quỳnh tự lập.

Tôi không tiếp xúc với người cha của Quỳnh. Tôi không rõ ông là loại người nào, kiểu ông Lý hay kiểu ông Phan. Nhưng tôi luôn luôn nghĩ rằng kiểu nào thì kiểu, Quỳnh đã đứng vững trong cuộc sống của cô.

Quỳnh không phải là thứ cây mọn bám vào gốc sồi già. Quỳnh sống đời sống của mình. Và tôi hiểu tôi không thể nào sống nếu thiếu Quỳnh.

“Quỳnh!”

Bỗng nhiên tôi rùng mình sợ hãi. Tôi nhận ra tôi đang bị mất một cái gì, như cái bình dưỡng khí của người bệnh đã bị người ta rút ra, mang đi khỏi phòng hồi sinh. Những ngày trong tù tôi nhớ Quỳnh nhớ con nhưng tôi vẫn yên tâm nghĩ rằng Quỳnh vẫn còn đó, vẫn có mặt trong căn nhà ở Khu Mã Lạng nghèo nàn kia. Và tôi đã đón nhận mọi việc đến với tôi trong nhà tù như đón nhận một việc không thể không đến được. Quỳnh chẳng phải là nổi ám ảnh của tôi bởi vì tôi đinh ninh là mình đang có Quỳnh.

Tôi bị mất tự do, nhưng tôi không phải là người cô đơn. Những chấn song sắt kia, cái căn phòng giam hôi hám này, những bữa ăn nghèo nàn thiếu thốn trăm thứ… không đè ép nổi tôi. Những người bạn tù sống khốn khổ gấp trăm lần tôi, dạy tôi bài học kiên nhẫn. Và trái tim tôi luôn luôn ấm áp vì bạn tù và vì hình ảnh Quỳnh lúc nào cũng nồng nàn trong trí nhớ tôi.

Quỳnh không phải chỉ là cái phao của đời tôi. Quỳnh còn là cái mẫu ánh sáng duy nhất trong đêm tối của hồn phách tôi. Tôi ngã xuống đời Quỳnh. Cái lạnh lẽo của tôi tan trong khí hậu nhiệt đới của Quỳnh.

Chính là nhờ Quỳnh, tôi khám phá ra tôi, nhận ra sự yếu đuối và cả sức mạnh của mình… Nhưng mà bây giờ đây, nằm trong căn phòng của ông bà Ngô, tôi có cái cảm giác của một người bị té sông, tay chân quờ quạng, đập đạp lia lịa vào một thứ chất lỏng không có chi bám víu. Và nước cứ tha hồ chui vào mắt, vào mũi, vào miệng tôi, đẩy tôi xuống, xuống mãi. Tôi đã mất tấm ván, cái phao để bám lấy. Cũng không còn cái ánh sáng trong đêm để tôi trông theo mà sống, mà đi. Tôi run rẩy. Tôi lo sợ hãi hùng. Cái cảm giác lạnh lẽo chạy lan khắp cơ thể tôi, kéo tôi ra khỏi trạng thái mê man thần trí. Và tôi nghe tiếng tôi hét to. Tôi không rõ là mình la cái gì.

Cửa phòng mở. Ông bà Ngô chạy vào. Ánh sáng của ngọn đèn bỗng vụt chói mắt.

“Cậu Thăng! Cậu Thăng!”

Bà Ngô ngồi xuống mép giường nắm tay tôi.

Ông Ngô đứng ngay giữa cửa.

“Cậu làm sao vậy?”

“Thưa bác, không có gì!” Tôi để yên tay tôi trong tay bà Ngô.

“Cậu thấy trong người ra sao? Có đỡ không?”

“Thưa bác, tôi khỏe. Tôi muốn hỏi thăm bác, nhà tôi…”

“Cô Quỳnh, tôi biết. Mà cậu đã khỏe chưa?”

Bà Ngô đặt tay lên trán tôi.

Bàn tay bà ấm. Dưới gọng kính lão, đôi mắt bà hiền từ.

“Anh Tư, anh lấy dùm em lá thơ của cô Quỳnh.”

Bà nói với ông Ngô giọng ngọt ngào như hai người trẻ tuổi yêu nhau.

“Cô Quỳnh có để lại cho cậu một cái thơ, nói chừng nào cậu về đưa dùm. Cổ đưa nhưng mà cổ nói thêm

không chắc gì cậu trở lại đâu. Cổ nói cậu đã tới đảo gì gì ở Mã Lai rồi. Suốt mấy tuần nay, cổ ẵm con sang đây khóc lóc, nói với tôi là cậu tệ bạc quá, sao ra đi mà không nói với mẹ con cổ một lời…”

Những điều bà Ngô nói làm tôi sửng sốt. Tin đồn ở đâu mà kỳ quái. Nhị Hà, Sáu Phận, rồi Mười Tân… ai cũng hé cho tôi biết là đã gặp Quỳnh, đã cho cô biết rằng tôi đang ngồi tù. Ai cũng cho tôi cái cảm tưởng là tôi được Quỳnh đứng ra chạy chọt lo lắng. Vậy nghĩa là sao?

“Cô Quỳnh nói cậu đã bỏ hai mẹ con cổ. Ở tù Rạch Giá có một tuần là cậu được thả rồi, cậu ra bến xe tình cờ gặp một cô gì ở Sài Gòn xuống, hai người quen nhau từ hồi nào, bây giờ gặp nhau, cô ta rủ cậu, cho cậu một chỗ trên ghe, rồi đi luôn.”

“Trời ơi!”

Tôi xoay người lại, bước xuống giường. Tôi thọc tay vào túi quần. Tôi đi qua đi lại. Tôi nhìn bà Ngô, rồi nhìn xuống bàn chân không giày dép của tôi. Tôi gãi tóc, gãi đầu. Tôi cắn ngón tay trỏ. Tôi đan hai bàn tay vào nhau. Tôi vòng tay trước ngực. Tôi nghe lạnh run, lạnh từ trong xương tủy lạnh ra.

“Trời ơi! Sao đến cớ sự này?”

“Mà bác Tư ơi, mẹ con nó đi đâu?”

“Cổ nói cổ cũng vượt biên, cổ đi tìm cậu, cổ hỏi cho ra lẽ, tại sao cậu đi mà không nói với mẹ con cổ một tiếng. Cổ nói cổ tin cậu, nhưn cổ không ngờ…”

“Mà hai mẹ con Quỳnh đi hồi nào Bác Tư?”

“Mới hồi sáng này chớ mấy! Ði ngõ Phan Thiết. Cổ đã đình lại ba lần rồi. Lần này cổ đi thiệt. Cổ nói chắc là cậu cũng đã đi thiệt rồi, nếu cậu chưa đi thì hoặc là cậu còn ở tù, hoặc là cậu phải về nhà. Mà tù thì nói không có tên cậu. Vậy chắc là cậu đã đi.”

“Bác Tư à, bác có thể nào cho tôi mượn đỡ ít tiền.”

“Chi vậy? Bộ tính đi Phan Thiết tìm mẹ con nó hả?”

“Dạ phải. Tôi muốn đi tìm mẹ con nó. Tôi lo quá!”

“Mỹ Trân!”

Ông Ngô gọi bà Tư.

“Cái thơ của cô Quỳnh em để đâu anh tìm không ra.”

“Ở dưới tượng Phật Bà chớ đâu. Mà thôi, anh để em lấy cho.”

Bà Ngô đứng dậy trở ra phòng khách.

Tôi phải làm sao bây giờ. Một đồng xu dính túi tôi cũng không có. Tôi cho tay vào hai túi quần trống rỗng. Tôi tìm túi áo. Tờ giấy mỏng dính xếp làm sáu. Tôi nhớ ra rồi. Mình còn có cái lệnh tạm tha. Tôi ngồi dậy, lấy tờ giấy ra, mở rộng, trải xuống mặt giường. Giấy tạm tha có ghi rõ ngày tháng, và nhà tù nào giam giữ tôi. Không biết bây giờ là mấy giờ.

Tôi chợt thấy hình như căn nhà ông bà Ngô trống vắng, tịch liêu. Tôi nhận ra hai em Ðạt và Vỹ không có ở nhà. Những gia đình ở Sài Gòn trong mấy năm nay “đầy vơi vơi đầy” là lẽ thường. Một buổi sáng tinh mơ dắt díu nhau đi. Một buổi tối chập choạng dắt nhau trở về. Ðôi khi gia đình chia làm hai. Chồng và con lớn đi trước, vợ và con nhỏ ở lại chờ chuyến sau. Chồng con chẳng may không đi trót bị giam, vợ ở nhà thăm nuôi, chạy chọt, lo cho chồng con ra. Rồi mót máy, vay mượn, giật gấu vá vai, lại làm một chuyến hải trình khác. Cái nhà tù nằm ở trước mặt, mặt biển, sóng gió, vực sâu nằm ở sân sau nhà tù. Ðến bến bờ tự do hay là chết, mọi người không nói ra lời đều thấy đó là châm ngôn của mình. Có lẽ Ðạt và Vỹ đã đi. Hay là hai em đã đi cùng với mẹ con Quỳnh?

“Thơ của cổ đây, cậu Thăng!”

Bà Ngô bước vào phòng đưa lá thơ còn trong phong bì cho tôi.

Ông Ngô đứng ở cửa:

“Cậu Thăng ăn chút gì nghen! Nhà tôi nấu cháo rồi!”

“Thưa Bác Tư!” Tôi ngập ngừng, “hai em đi chơi đâu mà giờ này chưa thấy về?”

“Hai đứa nó đi được rồi! Cả một tháng trời nay hai vợ chồng tôi ăn chay nằm đất cầu Trời khấn Phật…cháy ruột cháy gan, cậu Thăng ơi!”

“Hai em đã đi hơn một tháng rồi?”

“Phải, hơn một tháng nay. Gia đình của một người cùng đi chuyến với hai em đã nhận thơ, mà sao hai đứa nó vẫn chưa biên cho tụi tui chữ nào!”

Bà Ngô nói giọng lo lắng như sắp khóc.

Tôi cầm lá thơ của Quỳnh. Nét chữ tròn trĩnh mềm mại quen thuộc. Những chữ T, L, a và g rất đặc biệt của Quỳnh không giống chữ của bất cứ người nào. Tôi không mở vội thư. Tôi nhắc lại câu hỏi với bà Ngô:

“Bác Tư à, có thể nào bác cho tôi mượn đỡ ít tiền?”

“Bộ cậu tính đi Phan Thiết thiệt hả?”

“Dạ!…”

“Mà sao không đọc thơ đi, coi cổ nói cái gì ở trỏng!”

“Dạ!…”

“Chìa khóa nhà cậu tôi còn giữ đây. Cổ dặn tôi chừng nào công an khu vực có hỏi cứ nói cổ ẵm con đi thăm cậu làm việc ở dưới Minh Hải. Ðừng cho chị tổ trưởng ở đầu hẻm biết. Chừng nào cổ đi trót lọt biên thơ về thì khai báo cũng không muộn…”

“Dạ!…”

Bà Ngô có vẻ bỡ ngỡ khi thấy tôi không nói gì hơn chữ “dạ!”, ngó tôi chăm chăm. Sau cùng bà đứng dậy đến bên tủ thuốc lấy chiếc chìa khóa to bản móc trên cây đinh gần đó.

“Cậu muốn về nhà thì về. Muốn đi đâu cũng được. Nhưng phải ăn một chút cháo cho ấm bụng.”

“Dạ! Chắc tôi xin phép bác Tư về bển…”

“Thì cũng phải bỏ chút gì trong bụng chớ!”

Bây giờ tôi mới nghe gan ruột cồn cào. Ðói thật. Bà Ngô đứng dậy đi xuống bếp. Ðúng vào lúc đó đèn trong nhà tắt phụt.

“Anh Tư ơi!”, bà Ngô kêu chồng, “In hình hôm qua nhà đèn cúp rồi mà phải không anh?”

“Phải. Nhưng bữa nay là thứ Ba mà! Ðâu, anh tìm giùm em cái hộp quẹt coi!”

“Có liền! Có liền! Mà em đừng đi, cứ đứng đó anh đem xuống cho. Có lẽ bữa nay nó cúp đột xuất.”

Tôi nghe tiếng bật diêm quẹt, tiếng dép khua lết trên sàn nhà. Thoáng qua cánh cửa phòng tôi đang ngồi một ánh lửa lập lòe chực tắt trên tay ông Ngô. Mà lửa tắt thật. Tôi nghe tiếng ông Ngô càu nhàu. Lại quẹt thêm một lần nữa. Rồi một lần nữa.

“Hộp quẹt hồi này nó làm bằng đất sét chắc. Mười cây xài không tới một cây, mà phải mua chợ đen nữa chớ!”

Ông Ngô càu nhàu.

“Anh đưa cái hộp quẹt cho em. Sao anh nóng quá vậy!”

Tôi cầm chặt lá thơ của Quỳnh trong tay. Tôi muốn đọc ngay, nhưng tôi chỉ muốn đọc khi quanh mình không có ai. Tôi nhét lá thơ dày cộm vào túi áo. Tôi bước theo ông Ngô xuống nhà bếp.

Tô cháo bà Ngô giúp tôi tỉnh táo hẳn.

Tôi nuốt vội nuốt vàng.

Bà Ngô kín đáo đặt trên bàn một bao thư khác. Bà nói:

“Nếu cậu cần đi Phan Thiết tìm cô Quỳnh thì phải đi chuyến xe sớm nhất. Sợ không kịp.”

Tôi quyết định trở về căn nhà của chúng tôi, đốt nến đọc lá thư của Quỳnh chờ sáng.

Tôi nhất định phải đi tìm mẹ con Quỳnh.

Chương Mười Tám

Ngồi chen chúc trên chiếc xe đò ọp ẹp, giữa những khuôn mặt thất thần, tôi nhận ra hình như đâu phải chỉ có một mình tôi đang phập phồng, sợ hãi. Người đàn ông ngồi sát bên tôi đeo kính đen, đội cái mũ nồi đã rách, chiếc áo jacket màu vàng đã sờn chỉ, hút thuốc liên tu hồ tận. Người đàn bà cùng dãy ghế gác chân lên một cái túi xách khá lớn không cách nào nhét lọt xuống gầm chỗ ngồi được. Tiếng thở dài của một bà lão tóc bạc trắng ngồi xéo bên kia. Người tài xế mở nhạc lớn.

Tiếng hát của một ca sĩ trước Bảy Lăm. Nhiều tiếng cười ồ lên, nhưng sau đó tất cả đều chìm xuống trong im lặng. Xe chạy chậm. Dọc đường quá nhiều trạm kiểm tra. Một số người lên, một số người xuống. Một vài con buôn ăn cò với tài xế chờ ở một ngã tư đường. Xe dừng khá lâu để chuyển hàng lên mui. Tài xế và con buôn cười nói hăng hái nhất. Thỉnh thoảng tôi nghe tiếng thở dài của người đàn ông ngồi bên. Tự nhiên tôi cũng nghe mình thở dài, như thể trong trái tim tôi là cả một trời gió chướng. Tôi thu nhỏ lại giữa hai người đàn ông trung niên. Ðầu tôi ngã ra sau. Gió thổi làm tôi buồn ngủ.

Suốt đêm qua tôi không hề chợp mắt. Khi bà Ngô đưa cho tôi chiếc chìa khóa và cây nến, tôi đã trở lại căn nhà của tôi. Quỳnh bế con đi chỉ mới một ngày mà căn nhà lạnh ngắt như tờ giấy. Ðổ nến lỏng nóng xuống mặt bàn, cắm nến lên tôi mở thư Quỳnh ra đọc. Chưa bao giờ Quỳnh biên cho tôi một bức thư dài như vậy. Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần. Tôi cố tìm xem qua những lời trách móc và hoài nghi của Quỳnh, cô muốn nói gì với tôi. “Em có còn yêu tôi không?” Tôi không thấy có câu trả lời qua bức thư tràng giang đại hải của cô. Quỳnh tin là tôi đã ra đi, đã đến được một trại tị nạn nào đó ở Nam Dương, Mã Lai, Thái Lan hay Phi Luật Tân.

Quỳnh đặt quá nhiều câu hỏi về việc ra đi của tôi. Quỳnh viết ông Mười Tân có đến gặp Quỳnh và nhiều lần hỏi tôi hiện giờ đang làm gì, sao không thấy ở nhà.

Quỳnh phải nói dối rằng tôi vẫn ở Minh Hải làm nghề lái xe ủi đất. Ông Mười Tân nói có đi Minh Hải, có ghé công trường tìm thăm tôi nhưng không gặp. Quỳnh nói có gặp một cô gái tên Nhị Hà. Cô ta nói cô là học trò của tôi, cô nói cô muốn đến thăm tôi và cô ngạc nhiên khi Quỳnh nói tôi hiện là tài xế lái xe ủi đất ở một công trường dưới Minh Hải. Quỳnh nói mặc dù tin đồn tôi đã bỏ đi nhiều đến nỗi không thể không tin, nhưng dù sao Quỳnh vẫn mong rằng đó không phải là sự thực. Sự thực là tôi vẫn còn ở đâu đó. Quỳnh nói rất tiếc là không biết địa chỉ của Kiệt. Nếu không may ra Quỳnh sẽ tìm được tôi, biết rõ tôi đang làm gì. Quỳnh mong tôi đọc được thư này và hãy cầu nguyện cho mẹ con Quỳnh thuận buồm xuôi gió. Nhưng Quỳnh cũng không mong tôi được đọc nó. Ðể mẹ con Quỳnh sẽ gặp tôi ở một trại tị nạn nào đó ở bên Phi Luật Tân. Một lá thư dài viết rối rắm, lủng củng, hoài nghi và đầy mâu thuẫn. Một mặt Quỳnh không muốn đi, một mặt Quỳnh cũng không muốn ở. Ở lại với ai? Mà ra đi để kiếm ai? Quỳnh nghĩ tôi đã đến nơi. Rồi Quỳnh lại nghĩ là tôi vẫn còn ở đâu đó.

Tôi không hiểu gì cả. Ông Mười Tân. Nhị Hà. Những người đó đã làm gì, nói gì, suy nghĩ gì, âm mưu gì. Và tôi, tôi đã làm gì. Tôi bị bắt, bị giam, bị đẩy vào một nơi chốn cô lập. Không. Không. Tôi không thể để Quỳnh ra đi. Tôi không muốn mất mẹ con Quỳnh. Tôi muốn Quỳnh hiểu là tôi vẫn còn ở đây. Tôi yêu Quỳnh. Tôi cần Quỳnh biết là bao nhiêu. Tôi có thể chịu đựng mọi thứ vì tôi biết Quỳnh đang ở bên tôi, đang hiện diện trong tôi. Tôi không thể làm được điều gì, suy nghĩ cho xong một chuyện gì nếu không có Quỳnh.

Tôi lại nghe tiếng thở dài của người đàn ông ngồi bên cạnh. Tôi nhìn ông. Chiếc kính đen che kín mắt, cái mũ nồi rách sụp xuống trán.

Ðường ổ gà. Xe xốc dữ.

Dọc đường khách lên nhiều hơn là khách xuống. Hàng hóa chất lên mui, nhét dưới ghế ngồi. Người đứng, leo, bám lên phía sau xe. Chiếc xe chạy rướn, mệt nhọc, như con ngựa già thở phì phèo. Nhưng mà xe vẫn cứ chạy.

Tiếng hát của một ca sĩ Saigon trước đây phát ra từ cái loa nhỏ gắn phía trước chỗ ngồi cạnh người tài xế vẫn rên ư ử…

Tôi thấy mệt. Ðêm qua thức suốt, không ngủ. Trước đó một ngày, từ Rạch Giá về, cũng không một phút nhắm mắt. Những ngày ở trong tù, tôi thấy mình còn có một căn nhà, một người vợ, một đứa con. Bây giờ ra khỏi nhà tù, tôi không còn gì hết.

Quỳnh đã bế con đi. Căn nhà trống trơn lạnh lẽo. Tôi sẽ sống cách nào nếu không có hai người thân thích kia? Liệu tôi có gặp lại được hai mẹ con Quỳnh không? Tôi còn nhớ tối qua, ông bà Ngô trước khi đi ngủ còn gọi cửa tôi, nhắc cho tôi biết phải dậy sớm ra bến xe, mua vé chợ đen, mua giấy đi đường, vẽ cho tôi căn nhà Quỳnh đến tạm trú ở Phan Thiết trước khi có người dẫn xuống bãi. Nhớ hỏi nhà bà Sáu Mượn. Trong túi tôi đã có đủ thứ giấy tờ của một công dân đi đường hợp pháp. Xuống bến xe, tôi sẽ tấp vào một quán cà phê bên cạnh tiệm hủ tiếu Hai Ký. Uống nhâm nhi xong tôi sẽ lững thững như một người dân địa phương đi dạo mát. Nhà bà Sáu Mượn nằm mép bờ con sông cạn ở cuối đường Phan Bội Châu.

“Nói với bà Sáu, cậu là chồng của cô Quỳnh mới ở tù ra, bả sẽ giúp cậu.”

Tôi tưởng tượng Sáu Mượn là một người đàn bà mập mạp chừng sáu chục tuổi, tóc bạc thưa búi ngược, miệng ăn trầu tỏm tẻm, đứng trước cửa một ngôi nhà ba gian rộng. Giữa nhà là một tấm phản dầy và lớn, láng bóng. Một bàn thờ cao bằng gỗ mun cẩn xà cừ với bình hương bằng đồng bóng lưởng, hai chân đèn cao với hai cây nến đỏ đã cháy đến một nửa, tim nến màu đen… Tôi tưởng tượng thấy Quỳnh đang đứng dưới ở nhà bếp, ôm con ngó đăm đăm ngọn lửa cháy hừng hực, nước mắt chảy ròng ròng. Tôi tưởng tượng con tôi đang ôm chặt Quỳnh, cái đầu nhỏ bé tóc mềm vàng ngã lên vai Quỳnh ngủ ngon lành… Và khi bà Sáu Mượn chận tôi ở cửa hỏi, “Cậu kiếm ai?” tôi nhận ra khuôn mặt của bà chính là bà lão tóc bạc trắng ở hàng ghế xéo bên kia. Tôi chập hai khuôn mặt ấy làm một và tôi ngủ.

Xe đã ngừng ở trạm nào, đã chạy qua bao nhiêu làng xã… tôi không hay biết. Tôi ngủ như chưa hề được ngủ. Hai mí mắt tôi cứ kéo xuống không cách nào cưỡng nổi. Toàn thân tôi rũ liệt. Giống như một người thả lỏng cơ thể dưới mặt nước, tôi mặc kệ cho cơn buồn ngủ lôi kéo tôi đi.

Bà Sáu Mượn, Quỳnh, con tôi, ngôi nhà cất bên bờ sông cạn, những chiếc ghe, mặt biển đen, những giọt nước biển như những giọt thủy tinh, những tên công an biên phòng đứng chờ sẵn trên chiếc ghe vượt biên, dí những họng súng vào đầu từng người đẩy lên bờ rồi lùa hết đàn ông đàn bà trẻ con lên một xe thùng chạy về đồn công an…

Tôi thấy nhà giam qua ba tầng cửa sắt. Tiếng khóa tra vào ổ gây một âm thanh lạnh lùng. Và cả đám tù ngồi lổn ngổn lảng ngãng giữa sân chờ điểm danh. Tôi thấy tôi nằm bên một người tù bị xiềng cả tay và chân, mỗi khi trở mình, những sợi xích sắt kéo lê khua động. Tôi thấy khuôn mặt người tù giống Tư Long, người cán bộ Mặt Trận bị tình nghi làm CIA bị nhốt từ những ngày còn trong rừng và tiếp tục nhốt khi vào thành phố.

Tôi thấy Mười Tân đứng ở cửa nhà lao, hai tay thọc túi quần, điếu thuốc trên môi ánh sáng chiếu từ sau lưng tới, nên khuôn mặt ông khi tỏ khi mờ tùy theo đốm lửa trên đầu điếu thuốc.

“Ðảng luôn luôn là chân lý chỉ có những con người bất toàn mới sai mà thôi.”

“Những thứ người như thằng Thăng này là đồ thừa của xã hội.”

“Nó là sản phẩm của một xã hội đồi trụy.”

“Vượt biên là đi theo con đường của bọn đĩ điếm ma cô, bọn lười biếng, bọn ngồi nhà mát ăn bát vàng…”

Tôi thấy ông Ba Trương Phi đưa hai tay cho bọn cai tù trói sau khi chửi rủa Sáu Phận. Và những hình ảnh của cô công an Nhị Hà, từ một khuôn mặt hơi ngơ ngác khi mới từ Hà Nội vào mặc chiếc áo may theo kiểu nửa bà ba nửa sơ mi, đến một khuôn mặt đã bắt đầu biết dùng phấn son, chiếc áo thun mang câu “I Love NY” nhét trong cái quần jean xanh hiệu Levi’s, mà giá cả hai thứ đó không dưới mười tháng lương của cô công an chấp pháp mới vào nghề.

Tôi thấy tôi đang ngồi trước mặt cô học trò công an tên Nhị Hà điền lời khai sau những câu hỏi.

Cha tên Trần Văn Lâm, sanh năm 1910 chết năm 1968. Mẹ tên Hoàng Thị Cúc, sanh năm 1920 chết năm 1972.

Sau khi đọc lướt qua, Nhị Hà hỏi:

“Lý do chết?”

“Bệnh.” Tôi không hiểu tại sao cô công an này quan tâm đến điều đó. Tôi nhìn vào mắt cô.

“Sáu Tám là Tết Mậu Thân. Còn Bảy Hai là mùa hè đỏ lửa. Thầy không hiểu sao?”

“Tôi hiểu, tôi hiểu.”

Tôi hiểu và tôi giật mình. Cái chết dính vào một biến cố thời sự cũng là một vấn đề. Tại sao chết vào năm Mậu Thân là năm mà Hà Nội gọi là Tổng tấn công và Nổi dậy? Tại sao không chết vào một năm trước đó hay một năm sau đó? Ðằng nào cũng chết. Nhưng sao hai người chết đúng vào hai thời điểm dễ gây thắc mắc.

“Em hỏi vậy thôi. Ðể ghi cho đầy chỗ trống. Thầy đừng ngại!” Cô học trò công an Nhị Hà an ủi.

Rồi tôi lại thấy Quỳnh đang ôm con đi dọc bãi biển theo một đoàn người già trẻ lớn bé trong một đêm không trăng. Những bóng đen di chuyển trong nỗi hăm hở đầy lo âu. Những bước chân cương quyết. Những bước chân ngập ngừng. Sự lạnh tanh của những đôi mắt ngó về phía trước. Những giọt lệ ấm lăn trên gò má của những con người thỉnh thoảng quay đầu về phía sau. Như những con ngựa ngậm tăm lặng lẽ bước, cả đám người dắt díu nhau leo lên những chiếc ghe nhỏ, những “tắc xi” như các người tổ chức vượt biên hay nói. Và “con cá lớn” đang bỏ neo ở ngoài xa chớp đèn theo như qui ước để đón những người hành khách kỳ quái nhất trên thế giới. Tôi thấy Quỳnh ôm chặt con, bước đi thất thểu. Và tôi đã đến kịp lúc. Dưới một bầu trời đêm lạnh buốt, trên một bãi biển phập phồng chúng tôi ôm siết lấy nhau, đứa con ở giữa chúng tôi chia cái hơi ấm của một gia đình nhỏ bé trong một thời đại nghi hoặc nhất của con người.

Và bất chợt ngay lúc đó những tiếng hô “đứng lại!” vang lên, những tiếng nổ chát chúa từ tứ phía chụm vào đoàn người đang bắt đầu bước xuống lội bì bõm trong nước biển.

Tiếng súng nổ lớn quá làm tôi giật mình. Người tài xế đạp thắng. Xe còn trớn kéo lết bốn bánh trên mặt đường. Tôi ngó ra cửa xe. Công an đứng ngay trước đầu xe từ bao giờ.

“Mời tất cả hành khách xuống! Kiểm tra!”

“Chết rồi!” Tôi nghe tiếng người đàn ông ngồi bên cạnh thở dài. Vẫn cặp kính đen trên mắt, vẫn cái mũ nồi chụp trên đầu, ông đứng dậy nối theo những người khách bước xuống cửa sau. Người đàn bà ngồi bên cạnh kéo cái bị dưới gầm ghế ra định xách theo, nhưng nghĩ sao lại nhét trở xuống. Bà lão tóc trắng đi trước, người đàn bà cùng dãy ghế tôi bước theo. Và tôi theo chân người đàn ông đeo kính đen.

Tôi nhận ra không phải chỉ có một chiếc xe bị chận. Nhiều xe khác đang đậu bên kia đường. Nhiều hành khách đang xếp hàng trước trạm công an.

“Ðồng bào xếp hàng trật tự. Cầm sẵn sàng giấy đi đường và thẻ chứng minh nhân dân!” Một tên công an mang súng ngắn đứng ngay ở cửa xe nhắc.

Tôi cho tay vào túi tìm tờ giấy đi đường và thẻ chứng minh nhân dân. Giấy đi đường giả mang tên tôi được viết bằng một dòng chữ rất Hà Nội, nghĩa là những chữ viết hoa G, T, H và các chữ n, m, g không giống kiểu chữ dân Saigon chút nào. Nó giả một cách rất thật, bởi vì nó do một cán bộ tổ chức bán ra.

Khi tất cả mọi người xuống xe, hai công an leo lên sục sạo hàng hóa và hành lý. Người đàn bà đứng cạnh tôi nhấp nha nhấp nhỏm, lúc tiến lên, lúc quay đầu lại. Cái túi xách của bà đang làm bà bối rối. Người đàn ông đeo kính đen lui ra sau, cái mũ nồi rách chụp xuống tận mắt. Bà cụ tóc trắng nhai trầu bỏm bẻm. Vừa đi vừa lầm bầm trong miệng. Người tài xế và người “lơ” xe đứng lại nói chuyện với người công an đang soát xe. Hai bên có vẻ ăn ý. Tôi thấy họ cười nói vui vẻ.

Khi tôi trình giấy tờ đi đường ở trạm gác dã chiến, chiếc xe đò đã lăn bánh qua phía bên kia rào cản, dừng lại chờ khách. Tôi thở phào nhẹ nhõm khi người công an trả lại giấy tờ và phất tay cho tôi đi.

Khách lục tục kéo lên đầy xe. Người đàn ông đeo kính không biết đi ngả nào đã ngồi vào chỗ trước. Tôi thấy tỉnh người hẳn khi người đàn ông mời tôi điếu Phù Ðổng. Thuốc vấn rời rạc, những sợi màu vàng rớt trên đùi tôi, gẫy vụn, nhưng mùi thuốc thơm dễ chịu.

Sắp vào thành phố. Xe bắt đầu xuống đám khách con buôn. Hàng bỏ xuống lề cỏ. Chỗ ngồi dễ thở. Xe chạy nhẹ.

Ðêm ở nghĩa địa. Tôi ngồi với người thanh niên tên Long, con trai bà Sáu Mượn trong một ngôi nhà mồ. Ngôi nhà, không đúng. Nó giống như một cái miếu thờ.

Xung quanh là tường gạch cỏ hoang mọc tràn lối đi. Bên trong, ngay giữa nhà là một cái mồ xây cao đến ngực và phẳng như mặt bàn, tráng xi măng láng. Một cái hốc đứng để bài vị và những cọng nhang cắm trên một bình bằng sành đựng cát. Từ cái ô của những viên gạch lỗ tôi nhìn ra con đường mòn hẹp đi ngoằn ngoèo xuống những lùm cây đã lẫn vào bóng đêm.

Gió biển lạnh thổi vào cùng với hơi lạnh của nhà mồ làm tôi rùng mình. Long cởi chiếc áo choàng nhà binh cũ quàng lên vai tôi:

“Lạnh hả?” Long nói thầm vào tai tôi. “Tôi không biết chị Quỳnh đi theo đám nào. Hôm qua có một chuyến đi trót lọt. Chuyến này do một người quen của má tôi tổ chức. Khách được ém ở nhiều chỗ trong thành phố, buổi chiều họ đi chơi bằng xe lam ba bánh, do người của tổ chức làm tài xế, chừng tối xuống thì tập trung hết ở đây. Bãi đáp là bên kia đường. Mình cứ chờ đây. Anh đừng nói gì. Chừng nào có chị Quỳnh và cháu, anh cho tôi biết, tôi liệu. May ra…”, ngừng một phút, Long tiếp, “nếu chị và cháu chưa đi.”

Long là con út bà Sáu Mượn. Trước Bảy Lăm anh là lính địa phương quân. Lính trơn nên chỉ học tập có ba ngày. Người anh rể của Long là trung tá, sau ba mươi

Tháng Tư bị bắt đi học tập cải tạo tận ngoài Bắc. Người vợ ở nhà chạy xuôi chạy ngược lo cho chồng ra, gặp cửa nào cũng gõ, gặp người có họ hàng xa nào tập kết về cũng lạy lục năn nỉ xin được cấp tờ giấy gia đình có liên hệ với cách mạng để chồng được sớm trả tự do. Nhưng tiền của thì cứ mất dần mà những khuôn mặt cán bộ họ hàng thì cứ tiếp tục cười vui một cách nhăn nhở, không hiệu quả. Ðồ đạc, của cải cho thì cứ nhận, nhưng chẳng những không giúp được gì mà còn nói: “Ðể anh ấy học tập tốt rồi ra. Cách mạng lúc nào cũng khoan hồng với những người biết ăn năn hối cải.” Và cứ thế mà chị ngày càng xác xơ từ sợi tóc đến đầu ngón chân. Sau cùng thuê được một chỗ bán bánh xèo ngoài chợ. Long thì làm rẫy, mỗi tuần chỉ về nhà một lần. Làm rẫy gì, ở đâu, sao mỗi tuần về nhà một lần, có lẽ anh rành về việc đưa người vượt biên. Còn bà Sáu Mượn? Khi gặp bà tôi mới thấy trí tưởng tượng của tôi trật chìa đến là chừng nào. Bà gầy nhom, người nhỏ thó, lớn tuổi mà tóc còn đen huyền. Tôi nhìn thấy bà ăn mía mà phát sợ. Bà tước mía bằng răng, và nhai mía như một thiếu nữ mới lớn. Ngôi nhà bà nằm sát bờ sông trang trí đâu thua gì một ngôi biệt thự ở Saigon. Sau Bảy lăm, một ngôi nhà kiểu này còn tồn tại thật là một điều khó tưởng tượng. Bà Sáu Mượn nghe tôi nói đến ông bà Ngô là vui ngay. Tối hôm tôi đến, Long về nhà. Bà cho tôi biết Long sẽ giúp tôi tìm Quỳnh.

“Cậu đừng lo, ở đây có mấy người tổ chức vượt biên tôi biết hết. Trước sau gì cũng có tin mà!”

Gầy ốm như bà Sáu Mượn, nhưng cao như một cây tre miễu, Long có khuôn mặt lúc nào cũng như một người đang cười. Trước khi đến chỗ trú này, Long kéo tôi ra quán cà phê. Chúng tôi nhâm nhi chờ một người bạn của Long. Gần một tiếng đồng hồ sau, ông ta đến. Không uống cà phê, ông ta kéo chúng tôi đi ngay. Ba người trên một chiếc xe Honda, chúng tôi đi một quãng khá xa. Ðường vắng, hai bên không nhà cửa, gió biển thổi lạnh thốc. Tôi ngồi giữa, Long ngồi sau ôm choàng cả tôi lẫn người lái. Bỏ chúng tôi ở đầu con dốc tẻ vào con đường mòn của nghĩa địa, người bạn của Long quay về thành phố. Suốt dọc đường ông ta không nói một tiếng nào.

Trong bóng tối, con đường mòn lờ mờ bị khuất vào các lùm cây nhỏ. Long như một người từng sống ở đây lâu năm. “Coi chừng cái hố này! Bụi gai nghe, quẹo trái theo tôi… Nè, thấy mấy cái đốm sáng kia không? Mả mới chôn hồi chiều đó. Ðám ma giả! Tối nay có chuyến!…”

Long gần như kéo tôi đi. Chính trong cái ngôi nhà mồ này, chúng tôi chờ đám người vượt biên đến.

“Nếu không có Quỳnh và đứa bé thì sao? Nếu Quỳnh đã đi rồi, tôi sẽ phải làm sao đây?”

“Anh đừng lo. Tại anh gấp quá, chớ để mai tôi chạy hỏi mấy nơi là biết chắc chị và cháu đã đi hay còn ở đâu?”

“Nếu chút nữa có vợ con tôi đi, anh Long có bảo đảm cho tôi đi cùng chuyến được không?”

“Anh yên tâm, dì Ngô là bạn thân của má tôi, hai ba chỗ thì không được, chớ một mình anh, tôi bảo đảm.”

Tôi nghĩ thầm, vậy là yên. Tôi mong gặp Quỳnh và con. Tôi bồn chồn nôn nóng. Tôi che tay, bấm cái nút nhỏ ở chiếc đồng hồ xem giờ. Thời gian chậm quá sức. Cái áo nhà binh Long đưa tôi mặc dày như thế mà vẫn không che nổi cái lạnh. Tôi ngồi bệt xuống đất, đầu tựa vào mồ. Long vẫn ngồi một chỗ, mắt dán vào cái ô của viên gạch lở. Tôi cảm thấy mỏi mệt, quá mỏi mệt. Ngày hôm kia vừa mới chạy ra khỏi cái nhà tù ở tận phía Nam, bây giờ đã ở một thành phố ven biển miền Trung. Hôm kia là nhà tù, bây giờ là nhà mồ. Giữa hai cái nhà này, hôm qua tôi nằm trong căn nhà của tôi ở khu Mã Lạng, một căn nhà quạnh quẽ, trống trơn, đầy kỷ niệm. Không ai chờ đợi tôi.

“Anh Thăng!” Long bỗng đập tay lên vai tôi. “Kìa, có người đến rồi kìa!”

Tôi chồm dậy đẩy Long ra lấy chỗ nhìn. Tôi chẳng thấy gì. Bên ngoài là một vũng đen hoàn toàn.

“Thấy không? Thấy chưa anh Thăng?”

“Thấy gì đâu!”

“Trời ơi!” Long kêu nhỏ, “anh nhích ra, để tôi.”

Tôi rút đầu lại, ngả lưng vào thành ngôi mộ.

“Họ đang đến!” Long đứng xổm dậy, “anh ngồi yên đây, để tôi xem sao?”

Long bước ra nhà mồ. Tôi ngồi dậy dụi mắt, ngó chăm ra lỗ gạch lần nữa. Tôi nghe có tiếng trẻ nhỏ khóc.

Tiếng chân đang đến gần. Tôi ép mặt tôi sát vào. Tôi cố phân biệt tiếng nói của Quỳnh và tiếng khóc của con tôi. Nhưng vô ích. Bất thình lình mọi tiếng động bỗng im bặt, tắt ngúm như ngọn đèn bị gió thổi. Tiếng khóc của trẻ thơ như bị một bàn tay bụm lại. Và một loạt những ngọn đèn bấm sáng lên chiếu dồn một tụ điểm. Từ cái ô tròn của viên gạch trong ngôi nhà mồ tôi nhận thấy lố nhố mấy chục con người dớn dác, há hốc mồm, tay dụi mắt.

Tiếng lên cò súng cùng lúc với tiếng nói ra lệnh:

“Ðứng yên! Các người đã bị bắt!”

Một tia sáng lớn chiếu quét vào từng khuôn mặt. Những người đàn bà, những đứa trẻ. Vài thanh niên. Một ông lão tóc bạc trắng. Một cái đầu với chiếc mũ nồi.

Một bàn tay đặt lên vai tôi bất ngờ làm tôi giật mình.

“Tôi đây mà!” Tiếng nói của Long sát bên tai tôi. “Ngủ đi!”

Anh tựa lưng vào lưng tôi.

Tôi làm sao ngủ được.

Ánh sáng chấp chới của mấy cây đèn bấm. Tiếng người nói chuyện rân ran. Trẻ con khóc thả giàn.

Cả đám người xa dần nghĩa địa xuống con đường lớn.

Tôi nghe tiếng máy xe nổ, xa dần.

Chương Mười Chín

Tôi trở về Sài Gòn ngay buổi sáng hôm sau. Long đã hỏi dò và cho biết chắc chắn mẹ con Quỳnh đã đi trót chuyến vượt biên đêm trước. Trót có nghĩa là không bị công an biên phòng bắt, còn có lọt đến được một nước nào khác không thì quá sớm. Phải đợi ít nhất một tháng hoặc có khi nhiều tháng sau mới có thể có tin tức dội về, nếu…

Tôi không muốn nghĩ gì hết sau chữ nếu. Tôi nhớ con tôi, tôi nhớ Quỳnh. Cái nôi nhỏ vẫn còn tấm màn vắt lên. Chiếc bàn ăn sát bên cửa sổ ngó ra sàn nước. Cầu thang bằng gỗ tạp đã gãy vài đoạn dẫn lên căn gác thấp lợp mái tôn chứa đồ lặt vặt và là chỗ phơi quần áo. Căn bếp thông qua con hẻm bên rạp Quốc Thanh nguội lạnh như mùa Ðông.

Làm gì?

Tôi đi lang thang các khu chợ sách, chợ trời. Hình như đồ đạc trong tất cả các gia đình của thành phố đều được tuôn xuống dưới đường. Sách vở không thiếu thứ gì. Những tạp chí cũ mà trước Bảy Lăm tôi ao ước được có một bộ trong tủ sách gia đình, nhưng giá quá đắt không cách nào mua được thì nay đang nằm chổng chơ trên một cái sạp làm bằng những miếng ván chồng lên bốn chiếc ghế đẩu. Một người bạn cũ trước làm ở đài phát thanh nay là chủ một hành sách nói với tôi: “Cứ ngồi với tao. Vượt biên thì không đủ tiền. Nhưng sống qua ngày thì được!” Nhưng tôi không cách nào ngồi lại được ở một chỗ.

Tôi lại thang lang qua các khu chợ trời quần áo, chợ trời máy ảnh, đồng hồ, chợ trời ti-vi, cát-sét, băng nhạc.

Tôi thong dong, dạo qua khắp phố phường như một người không chủ đích. Mà tôi còn có chủ đích gì. Chiếc đồng hồ đeo tay của tôi đã bị giật trên đường Hồng Thập Tự sau chuyến ở Phan Thiết về. Ðó là món quà đắt giá duy nhất tôi có trên người do bác Ngô đã tặng khi tôi đi tìm mẹ con Quỳnh. Chìa khóa nhà tôi là vật còn lại tương đối nặng trong túi. Người tôi nhẹ tênh như mây.

Tôi lại ra các quán cà phê vỉa hè.

Tôi uống cái thứ nước đen nhạt nhẽo làm bằng bắp rang, vỏ măng cụt ấy với số tiền bán những cuốn sách cuối cùng, những bàn ghế, quần áo cuối cùng… trong nhà tôi.

Tâm khô-khốc-thiền-sư đã có việc làm, một thứ công nhân chạy việc cho một hợp tác xã tiêu thụ.

Ðình bị bắt vì có tên nội tuyến trong chuyến tổ chức vượt biên tố. Cả đám ngồi trên xe đò đi nửa chừng đường đã bị công an chặn lại gọi từng tên một xuống trói thúc kéo chở về Chí Hòa.

Ðó là thời gian tôi quen một số bạn mới. Những người đầu đường xó chợ. Những người từ ngoài Bắc vào thuộc loại không sống nổi ở ngoài đó. Những người vừa ở cải tạo ra. Những người đàn bà không biết ngày mai. Những đứa con gái phung phí đời mình trong cái xã hội tuyệt vọng. Những người nuôi một mối căm thù muốn lật đổ chế độ. Những lý thuyết gia của một chủ nghĩa hoàn toàn không cộng sản mà cũng chẳng tư bản. Tôi nghe đến một thứ tên gọi là chủ nghĩa bình sản.

Như thế nào là bình sản? Chỉ nghe vậy thôi, còn cụ thể thì không rõ. Người ta nói đến Ðài Loan như một quốc gia muốn vươn tới chế độ bình sản. Ðiện khí hóa tối tân nông thôn. Không có người giàu quá. Không có người nghèo quá.

Tiện nghi công cộng được chăm sóc tối đa. Ðời sống tinh thần lành mạnh. Y tế hoàn toàn miễn phí. Giáo dục hậu trung học là cưỡng bách. Trẻ em và người già được nhà nước quan tâm đặc biệt. Những tên sát nhân đều bị xử tử. Trại trừng giới dành cho những người phạm pháp là xưởng thợ sản xuất nhu yếu phẩm. Phạm nhân được thả khi xét hạnh kiểm đã tốt. Mỗi người dân đều có sẵn giấy thông hành trong tay, có thể đi đến bất cứ nước nào, miễn là phải thông qua tòa đại sứ của nước ấy.

Cũng có người nói đó chỉ là một chủ nghĩa không tưởng. Ðiều kiện kinh tế, xã hội chính trị của mỗi xứ, mỗi quốc gia trên toàn cầu không giống nhau nhưng nó phải đồng bộ. Một chế độ như kiểu bình sản trước hết cần phải có một chủ thuyết, và muốn có một chủ thuyết trước hết phải có một con người cha đẻ của chủ thuyết ấy.

Tôi cứ như thế quanh quẩn trong các khu phố. Có lần tôi gặp Nguyễn Giang. Ðôi kính cận màu nâu trên khuôn mặt xương nhỏ, mái tóc dài thưa hơi gợn sóng. Nguyễn Giang vẫn gầy, có phần còn gầy hơn nữa. Giang viết một số ca khúc mới, làm nhạc cho phim, hát một vài nơi công cộng. Âm điệu trong nhạc anh không gì mới. Lời hát nếu có đôi bài ca ngợi cuộc sống mới thì cũng có những bài nói lên cái tạm bợ của cuộc sống. Thấp thoáng qua những lạc quan là bóng dáng của tuyệt vọng. Suốt buổi Giang uống nhiều, cái thứ rượu Bình Ðông làm ở Chợ Lớn pha trộn đủ thứ chất hóa học làm xé ruột xé gan. Cái cảnh Giang cúi xuống thùng đàn so dây, chiếc kính to mặt, gọng nâu, tụt trên sóng mũi, và những ngón tay anh run lên vì thiếu rượu vẫn ám ảnh tôi.

Có vẻ như Giang ngày càng xa lánh bạn bè cũ. Cùng với một người viết văn và một nhạc sĩ tập kết trở về, Giang tạo thành một bộ ba lúc nào cũng xuất hiện bên nhau ở những chốn công cộng.

Tâm khô-khốc-thiền-sư thì lúc nào cũng nồng nặc mùi rượu. Từ khi hay tin vợ con chết mất xác trên biển đông, Tâm vốn còm cõi càng còm cõi hơn. Chúng tôi gặp nhau ở các quán cà phê vỉa hè. Phùng đã vượt biên đường bộ qua đất Miên và Thái, mang theo một bé gái, vợ nằm nhà chờ xem tình hình ra sao. Lỡ có gì còn bới cơm thăm nuôi chồng con.

Lộc học tập cải tạo về đã vượt biên đến được Canada. Nghĩa biệt tăm. Ký sau ngày được trả tự do, gầy ốm hẳn, bẳn tính và chua chát. Sau cùng đã nằm chết trên bãi chỗ ghe vượt biên đã đón vợ con anh đi.

Tôi bây giờ đâu khác gì Ký.

Tôi không có gì để sống. Tôi đi lăng quăng. Nhiều khi tôi thấy mình như một con thú, có lẽ như một con chó hoang thì đúng hơn. Hai vợ chồng bác Ngô thỉnh thoảng dúi cho tôi ít tiền. Nhưng tiền không bao giờ nằm lâu trong túi tôi. Tôi bệ rạc, xơ xác. Nhiều bữa tôi nằm vùi trong nhà, mệt mỏi, như một con cá khô. Tôi ngó xung quanh thấy sao lạnh lẽo, đầy hồn ma bóng quế.

Tôi đã chết chưa?

Tôi chưa chết. Nhưng tôi thấy mình đã không còn sống. Cái xác sống. Tôi chỉ là cái xác sống.

Nhiều đêm tôi nghe có tiếng gõ cửa nhưng tôi không buồn ngồi dậy. Kệ nó. Chẳng phải là công an đâu. Nếu công an nó đâu để mình yên. Có lẽ một ông quen nào đó. Chờ lâu không thấy trả lời rồi họ cũng đi thôi. Thế nhưng tối nay, tiếng gõ cửa khá lâu, không có gì khẩn cấp, nhưng chắc chắn người gõ khá là kiên nhẫn. Mấy lần tôi dợm mình thức dậy. Nhưng rồi tôi lại nằm xuống. Tiếng gõ không tắt.

“Ông Thăng! Ông Thăng! Tôi là Phước đây!”

Phước? Tôi đâu có quen ai tên là Phước. Kệ nó. Phước, Phúc, Phét gì cũng kệ. Ngủ lại đi.

Tuy vậy tiếng gõ vẫn đều đặn gấp mà không mạnh. Sau cùng không chịu nổi, tôi bước ra mở cửa.

“Ông Thăng! Ông còn nhớ tôi không? Tôi là Ngô Văn Phước đây!”

Ánh sáng của ngọn điện đường ở đầu hẻm không chiếu rõ khuôn mặt người đối diện. Tôi hơi ngập ngừng.

“Người thí sinh lựu đạn đây.”

“Ồ, nhớ rồi!”

Tôi đưa tay bắt tay Phước.

“Vào đi, vào nhà đi!”

Tôi mở rộng cửa.

Phước bước vào. So với lần gặp Phước ở hàng bánh mì đêm trên đường Lê Lợi thì Phước gầy nhiều lắm. Tuy vậy cái khuôn mặt chữ điền cằm bạnh, hai con mắt to, chân mày rậm, gò má nhô xương và chiếc mũi gãy như vẫn còn nguyên.

“Tôi vừa ở tù ra, tôi có chuyến đi gấp. Tôi muốn mượn anh chị một lượng vàng.”

“Ngồi xuống đây đi.” Tôi kéo ghế ở căn phòng vừa dùng làm buồng ăn buồng ngủ.

Phước ngồi tự nhiên. Tôi thấy anh đưa tay sờ túi áo. Sau đó anh hỏi:

“Anh Thăng có thuốc lá không?”

Tôi lấy thuốc cho Phước.

Hồi chiều Tâm vừa cho tôi một bao ba số năm. Phước gõ gõ giọng giọng điếu thuốc lên hộp quẹt, bật lửa, châm, thở khói.

“Chà. Sướng gì đâu!” Phước vừa nói vừa ngó những dòng chữ trên điếu thuốc. “Anh có phải đi tù không anh Thăng?”

Tôi kéo ghế ngồi đối diện với Phước. Tôi cũng châm một điếu thuốc.

“Cũng có chút chút. Mỗi nơi vài ba tháng. Tôi vượt biên.”

“Anh ở tù nào?”

“Rạch Giá. Nha Trang. Mỹ Tho…”

“Tôi ở ngoài Bắc.”

Bỗng nhiên Phước rùng mình. Tôi thấy hai tay anh vòng trước ngực.

“Nhà gì lạnh quá chừng!” Phước vừa hút thuốc, nhả khói vừa ngó quanh nhà.

“Mà chị đâu anh?”

“Nhà tôi và con tôi đã vượt biên!” Tôi nghe chính giọng nói của tôi như thể là giọng của một người nào khác.

“Vượt biên? Còn anh tại sao anh không đi?”

“Tôi không đi vì lúc đó tôi còn ở tù dưới Rạch Giá.”

Phước đứng dậy, dập điếu thuốc hút dở xuống cái dĩa làm gạt tàn. Anh cho hai tay vào túi quần, đi qua đi lại. Căn phòng chật, chỉ bước ba bước, Phước đã đụng vách. Dừng lại trước mặt tôi, anh hỏi:

“Bây giờ anh Thăng làm gì?”

“Tôi chưa làm gì. Tôi không biết làm gì?”

“Vậy anh sống cách sao?”

Tôi sống cách sao? Tôi đi qua đi lại. Tôi đi rong trên phố. Tôi đứng ở chợ trời. Tôi uống cà phê của bạn bè. Tôi ăn cơm chực của bác Ngô. Tôi nhớ Quỳnh, nhớ con. Tôi như một thứ cây, mà nhựa sống đã bị rút hết, đứng khô héo dưới một thời tiết hạn hán. Tôi mong tin Quỳnh biết là chừng nào. Hai mẹ con đã đến đâu? Palawan? Poulo Bidong? Sungei Beisi? Songkla? Hay… Tôi không bao giờ dám nghĩ đến điều đó. “Hay”… không nên có cái chữ “Hay” đó. Mà tôi cũng chẳng biết mình có sống không, làm sao tôi biết mình có sống không, làm sao tôi biết tôi sống cách nào. Nếu sống chỉ giản dị là ăn, là thở, là đi đứng, là cười nói… có lẽ tôi đang sống.

Ðột nhiên, Phước dừng lại, ngồi xuống ghế:

“Tôi hiểu rồi! Anh Thăng. Thật tình là tôi đến gặp để mượn anh chị một lượng vàng. Tuần tới tôi có chuyến đi. Nhưng mà… tôi hiểu rồi! Anh ăn gì chưa?”

“Ăn rồi! Tôi đã ăn từ hồi chiều.”

Nhìn quanh căn buồng trống trơn, Phước hỏi:

“Bán hết rồi hả?”

“Hết. Chẳng còn gì để bán.”

Tôi cắn đầu điếu thuốc, đổi đề tài “Sao bây giờ mới tính chuyện đi?”

Phước xua tay, châm lửa đốt thêm một điếu khác. Im lặng một lúc Phước nói:

“Hồi giữa Tháng Tư tôi phân vân lắm không biết đi hay ở. Tôi còn nhớ rõ tờ Tiền Tuyến ngày 27 Tháng Tư có đi một cái tít dài tám cột Việt Nam Cộng Hòa sẽ không bao giờ đầu hàng cộng sản, chừng nào quân đội vẫn còn đó và vẫn còn sự ủng hộ của nhân dân. Và Tướng Kỳ đã tuyên bố trong một cuộc mít tinh lớn rằng các lực lượng của Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn mạnh và sẽ mang lại hòa bình trong danh dự cho xứ sở. Tôi đi làm sao được. Tôi quyết định ở lại. Mặt khác hồi đó tôi không muốn khi mình tới trại tị nạn sẽ bị người Mỹ xịt thuốc DDT như xịt vào một con vật hôi tanh, như thể mình có chí, có rận hoặc có mùi nặng. Tôi nghĩ rằng chắc mình sẽ có một cái mùi mà người Mỹ sẽ không bao giờ chịu được là mùi bại trận của họ…”

Ngưng một lát, Phước tiếp, “Vả lại, muốn làm người tị nạn thì phải rất trẻ hoặc phải rất giàu. Trẻ thì tôi không còn trẻ và giàu thì tôi cũng chưa bao giờ giàu…”

“Vậy sao bây giờ tính chuyện đi?”

“Tôi không thể sống nổi ở đây.”

“Nhưng bây giờ gặp anh, để tôi tính lại. Có thể tôi sẽ hoãn chuyến đi của tôi.”

“Mà tôi làm gì để anh đổi ý?”

“Anh chẳng làm gì. Tôi đổi ý vì tôi đang nghĩ khác. Ði chậm không có nghĩa là sẽ không đi. Thôi bữa khác gặp anh.”

Phước đứng dậy, chìa tay cho tôi bắt.

Phước đi rồi tôi không ngủ được. Tôi nhớ Quỳnh và con. Tôi thấy lại khuôn mặt của Uyên, hai con mắt đen, tóc chải cao, cái trán bướng, áo hở cổ rộng, da trắng. Tôi thoảng nghe tiếng khóc của con, những ngón tay gầy, đôi mắt to trên một khuôn mặt thiếu chất dinh dưỡng. Ðứa bé ra đời trong một Saigon tan nát. Nó không chỉ đánh dấu tình yêu của hai con người, nó còn đánh dấu những tháng năm khổ nhục của cha mẹ và cả một dân tộc.

Tôi tưởng tượng lúc này Quỳnh đang dắt con đi trên bờ biển của một hòn đảo đầy những thuyền nhân tị nạn. Quỳnh đang xếp hàng chờ lãnh phần ăn. Quỳnh đang giặt quần áo trên tảng đá của một con suối. Quỳnh đang ôm sách đến một lớp học Anh ngữ. Quỳnh đang bị bao vây giữa những người đàn ông. Quỳnh xông pha giữa bầy cá mập. Quỳnh và con nằm bất động trên một chiếc ghe đầy những xác chết. Ghe đang trôi lềnh bềnh giữa đại dương. Quỳnh bị đưa lên một thuyền đánh cá của bọn hải tặc. Quỳnh bị đánh đập, bị hãm hiếp, bị làm đồ chơi cho bọn thú vật Thái.

Quỳnh giãy giụa. Quỳnh chống chọi, vùng vẫy. Quỳnh ôm chặt con vào lòng. Quỳnh cắn lưỡi. Quỳnh ôm con nhảy xuống biển. Quỳnh được một tàu buôn cứu. Quỳnh đã đổi khác. Hai con mắt căm hờn, chiếc miệng có cái răng khểnh đã khép lại vĩnh viễn nụ cười đã từng làm chết lòng tôi. Quỳnh đi đứng lo cho con như một hồn ma trên dương thế.

Trong trái tim Quỳnh, tôi đã biến mất như một làn khói mỏng.

Quỳnh không bao giờ còn nhớ tôi. Cô không muốn nhớ tôi. Tự nhiên tôi có cái ý nghĩ ấy. Ðùng một cái, cả một đất nước sụm xuống. Ðùng một cái, cả một dân tộc tan nát. Ðùng một cái, tôi đánh mất tất cả. Tình yêu của tôi, con cái tôi, gia đình tôi biến đi như những bóng mây. Và tôi, thứ rong rêu bèo bọt, một sinh vật bình thường bất ngờ bị tước đoạt tất cả, trần truồng trước cõi đời. Nhưng mà có đúng là “đùng một cái” không? Có đúng là đùng một cái gạo trong kho sạch trơn không còn một hột không? Có đúng là bừng con mắt dậy thấy mình tay không hay không? Có đúng là tự nhiên một hôm thấy mình mất sạch sành sanh, tay chân bị trói bỏ rọ không? Hôm ở nhà tù Rạch Giá, Linh Mục Minh nói với tôi rằng chính những người cầm vận mệnh dân tộc trong tay đã đẩy đất nước này đến chỗ suy sụp cùng tận.

Càng có nhiều quyền lực chừng nào họ càng có trách nhiệm lớn lao chừng nấy trong vụ làm mất nước. Máu của cả một dân tộc đổ xuống, xương của nhiều thế hệ xếp lại để cho cả bọn mua bán quyền lực đưa đẩy đến ngày Ba Mươi Tháng Tư Bảy Lăm.

Chính cái tham vọng chính trị và quyền lực của bọn cầm đầu Bắc Bộ Phủ họp với cái tham vọng địa vị và tiền bạc của bọn trong phủ Ðầu Rồng đã làm nên cuộc chiến thắng vĩ đại cho bên kia, cái thất bại nhục nhã cho bên này. “Chính cái thứ người như anh, sống lửng lơ bên lề xã hội, sống như cơm nguội và nước lạnh với cuộc đời đã góp phần vào sự tan nát này!” Ðâu phải một ngày mà sự thể nó trở thành thế kia. Lâu lắm rồi, một khi “triều đình” không biết nỗi khổ của dân đen, thì cái thế tất yếu của thất bại đương nhiên là phải đến.

Tôi chắp hai tay lót dưới ót, ngó lên trần nhà thấp tối om. Cây đèn hột vịt hết dầu đã tắt ngúm. Căn nhà tràn ngập một thứ bóng tối buồn bã. Tôi nhớ đến Uyên đến ông Phan, bà Phan. Uyên nồng nàn. Bà Phan kiểu cách. Ông Phan đầy tham vọng, những ngón tay tròn và mập, lòng bàn tay ướt rịn mồ hôi. Cái tiểu thư viện, nơi lần đầu tiên tôi gặp ông. Bức tự họa của Van Gogh trên tường. Những thứ ấy cùng lúc bỗng hiện ra trong trí tưởng tôi. Rồi ông Mười Tân, con người theo đuổi một thứ lý tưởng mà ông tự cho là cao đẹp tự mãn về sự chiến thắng của một chủ nghĩa như đã tìm được đáp số cho một bài toán mà dân tộc đã đặt ra cho mình. Ðáp số ấy, buồn thay, tôi nhìn kỹ, nó chẳng qua chỉ là cái âm bản của một tấm phim mà phần dương bản là cái ông đã cùng với các đồng chí ông đem chính máu xương của mình và đồng đội mình ra để tiêu diệt thôi.

Ðâu có gì khác khi người ta lật đổ một chế độ để xây dựng một chế độ giống như cái chế độ mà mình từ khước, phủ nhận. Cái câu nói của bà Phan vậy mà hay, “Cậu trốn nhà tù này để chui vào một nhà tù khác chứ có gì khác đâu.” Tôi nhìn ngó xung quanh nhà trống trải. Ðường sá bẩn thỉu, đầy ổ gà. Những con người lạ lẫm. Cảnh vật tiêu điều buồn bã. Những nụ cười gượng. Cái công viên trước Dinh Ðộc Lập trước kia đẹp đẽ trang nghiêm bây giờ khi bóng tối xuống đã đầy những gái ăn sương. Mà đâu phải dân chuyên nghiệp gì. Con gái của một ông giáo. Bà vợ của một sĩ quan học tập cải tạo. Những con người thất cơ lỡ vận. Cánh cửa của xã hội đóng lại trước mũi của những con người cũ. Ở trên mỗi khuôn mặt của người Saigon luôn luôn có một chữ vô hình nhưng rõ nét. Ngụy! Ngụy! Ngụy! Chỗ nào cũng Ngụy. Có học đã là Ngụy. Ðĩ điếm cũng là Ngụy. Người ta có biết đâu con số đĩ điếm đã gia tăng gần bằng thời gian quân đội Mỹ và Ðồng Minh tới Sài Gòn…

Tôi còn nhớ cái gì nữa? Ðăng và Mai hiện đã theo mẹ chúng đến Pháp. Cái thư hai đứa viết cho tôi đề tại Paris. Ðã đi học lại. Má đã lấy chồng, bắt tụi con kêu ông này là ba. Không được, con chỉ có một người ba thôi. Mỗi tối má giành mười lăm phút để chửi ba. Ðàn ông bội bạc. Ðàn ông tồi. Ðàn ông là rác rưởi. Ðàn ông làm má tởm. Và má lấy chồng. Người chồng mới của má tuy bề ngoài có hơi thấp lùn một chút và không được bảnh trai lắm, nhưng bù lại tánh tình dễ chịu, cần kiệm, tiện tặn, tiêu một đồng một cắc cũng suy đi tính lại “Một cái giẻ rách trong nhà cũng lưu luyến, khó mà bỏ nó được.” Ông chồng mới của má ở Âu Châu lâu năm, học hành đỗ đạt, việc làm tốt, lương cao, bổng hậu. Nhưng dè sẻn tiện tặn chẳng qua là vì có truyền thống gia đình thôi. Thế là quá tốt. Khi má chửi đàn ông có lẽ má chửi ba, chớ không phải chửi bất cứ người đàn ông nào. Má nói sao ba không ở tù chết rục trong mấy cái trại cải tạo của cộng sản.

Ðăng viết trong thư nói nó muốn bảo lãnh cho tôi đi Pháp mà tuổi nó còn nhỏ không thể làm giấy tờ được. Chú nhỏ nói có gặp một cô bạn gái hồi ở Sài Gòn của tôi, “Cô ấy là ma-ren của con, cô đứng tên với con ký giấy tờ với con, chở con đi chỗ này chỗ nọ làm các thủ tục để lo cho ba.” Thư đi kèm mấy cái “xét-ti-fi-ca” bảo đảm nơi ăn chốn ở cho tôi của Brigitte Huỳnh. Brigitte Huỳnh? Tôi không nhớ. Có lẽ hồi ở Saigon cô có tên khác. Dù sao Brigitte không biên cho tôi một chữ nào để nhắc kỷ niệm cũ. Có thể cô là bạn của Uyên không chừng. Nhưng không sao. Tôi hy vọng tờ giấy của Brigitte và Ðăng có hiệu lực. Tôi vẫn giữ cái thư và tờ giấy bảo lãnh trong túi, nhưng chưa nộp. Tôi cứ hẹn lần hẹn lữa. Mai đi! Mai đi! Tờ giấy đã hơi nhàu. Cái gì giữ chân tôi lại khi cầm tờ giấy này đi xuống công an quận. Có thể nó sẽ không nhận. Dù sao? Còn ông Mười Tân? Chẳng lẽ ông ta không biết rằng tôi ở tù ra? Chính ông đã vào trong tù gặp tôi.

Chính ông chẳng đã từng nói một người dân ngụy nào đó vượt biên mà bị bắt thì “tùy địa phương xử lý vài ba tháng đến vài ba năm, chớ thằng Thăng thì cứ cầm chắc trong tay bốn chục năm. Bốn chục năm rất khác với bốn tháng hay bốn năm!” Ông gằn từng tiếng như vậy. Tôi không rõ ông yêu cái chế độ mà ông góp công xây dựng và cái chủ nghĩa mà ông theo đuổi từ khi mới mười sáu tuổi hay ông yêu cái chỗ đứng của ông trong cái chế độ này.

Ông có lạc quan quá đáng chăng khi mà cái thành phố Saigon đẹp đẽ này và cả một đất nước thân yêu này mỗi ngày một lún sâu xuống cái bãi lầy của sự nghèo khốn, xót xa, đau đớn, khổ nhục. Cách mạng là đoàn tụ cho người này, chia ly cho người nọ, là sự hãnh tiến cho cái đám lau nhau này, và sự cúi đầu nghiến răng của đám kia. Cách mạng có phải là giật ngôi nhà của người này, đuổi họ ra đường để cho một tay tự xưng là từng đổ máu xương cho chủ nghĩa dọn vào. Cách mạng có phải là làm trống trải những căn nhà – kể cả những căn nhà không còn có gì để làm trống trải thêm nữa – để làm đầy những căn nhà khác. Cách mạng có phải là hạ thấp mức sống của một xã hội đang không cao gì cho lắm xuống bằng một xã hội mà cuộc sống đã bị ngưng đọng suốt hai mươi năm?

Tôi không hiểu chính trị là gì. Tôi là một tên dốt nát về nhiều mặt. Cả cái lũ bạn tôi, từ Tâm khô-khốc-thiền-sư, Ðình cay-chua-độc-mồm-độc-miệng, đến Nhật can đảm một cách ka-mi-ka-de… hoặc như “Lộc-Sorbonne,” “Ký-thi-sĩ,” “Nghĩa-kinh-tế.” Thằng nào cũng lãng mạn về chính trị. Lãng mạn về chính trị, ai đã nói với tôi như vậy? Tôi không nhớ. Nhưng mà có lẽ ai đó đúng. Tôi khinh bỉ cái thứ chính trị xu thời, xa lông, cái thứ chính trị bằng mồm, cái thứ chính trị được làm vua thua làm giặc.

Trời ơi, tưởng tượng một quốc gia tràn ngập những loại người đó kèm theo đủ loại công an và nhà tù thì nó sẽ ra sao? Mà đâu cần tưởng tượng. Tôi chỉ cần mở cánh cửa bước ra đường là tôi có thể thấy ngay rồi. Ðầu hẻm, cuối hẻm, có công an. Khu vực có công an. Ngôi biệt thự cửa đóng im ỉm có cổng sắt của một gia đình Ngụy nào đó có thể là một nhà giam. Run sợ: đó là cái cảm giác thường trực trong tôi. Và để trấn an nó, tôi thường nói không sao, không sao, tôi đâu có làm gì, tôi đâu có nợ máu với bất cứ ai. Tôi không ăn cắp, không nói dối, không giết người. Tôi sống lương thiện. Tôi không ân hận hối tiếc về những ngày tôi đã sống qua. Tôi yêu người, yêu đời. Không sống được với người đàn bà kia tôi đã thẳng thắn chia tay. Tôi yêu thương các con tôi. Tôi yêu Quỳnh và tôi sống với Quỳnh. Nếu cô không yêu lại tôi và nếu cô không sống với tôi, chắc chắn là tôi sẽ đau khổ. Nhưng tôi đã được người phụ nữ mà tôi ao ước. Tôi đã có với Quỳnh một đứa con thay vào chỗ những đứa con tôi đã ra đi. Nhưng sau cùng tôi cũng đã mất. Cái có đã trở thành cái không. Cái tự do đã trở thành tù ngục. Tôi hoang mang về lẽ tử sinh. Cái bóng tối của đêm Sài Gòn sao mà đen sệt như thế này.

Chương Hai Mươi

Quán cà phê là sân của một ngôi biệt thự nằm khuất sau một bờ tường cao trơ trụi. Những chiếc bàn thấp đặt dưới những tàn cây. Cà phê thơm lừng. Thứ thiệt. Bánh “ba tê sô” nóng. Chỗ ngồi mát mẻ. Ðủ mọi loại người đang trò chuyện bên ly nước đen sánh bốc khói. Một quán cà phê rất Saigon trong một Saigon đang bị chìm khuất, u ám. Nó có cái vẻ thanh bình của những năm tháng trước Bảy Lăm. Nhưng mọi người đều biết không phải thế. Chỉ cần đặt chân ra khỏi cái cổng rỉ sét kia, người ta sẽ gặp một thế giới khác, in tuồng như cái cổng là rặng núi Pyrénées mà một bên là sai lầm, còn bên kia là chân lý.

Vũ ngồi đối diện tôi. Hai cánh tay anh xếp lại. Một khuôn mặt vuông. Ðôi mắt tình cảm. Da mặt xanh. Cái cảm giác lần đầu khi gặp Vũ là tôi đang đối diện với một tâm hồn yếu ớt và lãng mạn. Nhưng dần dần được đọc những bài viết của anh, tiếp xúc với anh, tôi hiểu cái cảm tưởng đầu tiên ấy là sai.

Cái bề ngoài của một con người đôi khi chả vẽ lên được bản chất của con người đó chút nào cả. Vũ có một tâm hồn khỏe mạnh, những suy nghĩ sâu sắc và thâm thúy. Các sáng tác thơ, truyện, và nhất là kịch của anh, không những chỉ được bạn bè và người đọc, người xem ở “ngoài đó” ưa thích mà đối với dân Saigon, những người nhạy cảm cũng tìm thấy một tâm hồn đồng điệu. Bảy năm sau ngày Saigon mất tôi gặp Vũ ở một hàng sách chợ trời đường Ðặng Thị Nhu. Con đường ấy, hai đầu được chận lại bằng cái rào gỗ đóng tạm. Sách báo trước Bảy Lăm không những chỉ bày trên vỉa hè mà con tràn ra cả mặt đường. Hôm đó tôi ngồi núp sau hàng sách của Vĩnh, uống cà phê. Vĩnh trước làm ở đài phát thanh Saigon, phụ trách một chương trình ca nhạc. Anh bị tật ở chân nên không phải đi lính. Gia đình Vĩnh vượt biên hết, anh nhất định không đi. “Ðể coi thử thời thế nó ra sao.”

Hàng sách của Vĩnh có đủ loại Anh, Việt, Pháp, Tàu, sách, báo, tạp chí… từ những cuốn xưa cũ đến những cuốn mới nhất. Xưa như Nam Phong Tạp Chí, Tản Ðà Vận Văn, gần nhất như tạp chí Sáng Tạo, Hiện Ðại, Bách Khoa, Trình Bày, Văn… mới như các tờ Newsweek, Time, Paris Match, L’Express… có hàng tuần do những người dọn dẹp phi cơ trên Tân Sơn Nhất tuồn ra. Những tạp chí này chỉ cần cho người thuê trong vòng một tuần. Vĩnh đã lấy lại vốn.

Còn sách cũ khi gặp mối, do những người có giấy xuất cảnh đi ngoại quốc hoặc do những người chuẩn bị vượt biên, anh mua cả tủ sách gia đình của họ, giá rất rẻ. Và sau đó, Vĩnh giữ giá bán lời lên cả mấy chục lần. Vĩnh cũng mua sách “Lê nin toàn tập” xé ra lấy giấy bán kí lô, còn bìa đem bán cho các nhà đóng sách. Tôi quen Vĩnh qua Tâm Khô Khốc Thiền Sư. Tâm là khách hàng của Vĩnh, sau khi đã là bạn của Vĩnh. Một người đọc sách nhiều như Tâm dễ làm khách ngộp thở. Một lần vào chơi nhà bạn, tôi chỉ thấy sách và sách, báo và báo. Ở chỗ nào cũng có sách. Sau Bảy Lăm, khi chợ trời sách bắt đầu xuất hiện, trước tiên là sách Hà Nội loại hiếm, sau đó là sách Saigon, loại đã bị Sở Văn Hóa Thông Tin tịch thu vì gán cho cái nhãn hiệu phản động và đồi trụy. Tâm gặp Vĩnh, và anh trở thành người cung cấp hàng sách đầu tiên cho “ông chủ sạp” sách Vĩnh.

Bán hết sách, Tâm đâm ra thèm và nhớ sách. Ngày nào cũng một lần đi chợ trời sách ngắm nghía những cuốn sách của chính mình bán ra. Lật lại từng trang, sờ từng gáy sách. Cuốn nào Vĩnh bán được cũng làm Tâm đau xót. Có lúc Tâm đề nghị mua lại những cuốn mình đã bán. “Ðể làm chi? Mày bán rồi mà!” Vĩnh hỏi. “Chẳng để làm chi hết!” Có lần, tình cờ ra thăm Vĩnh, Tâm thấy một người khách đang săm soi cuốn L’Être et le Néant của Jean Paul Sartre, Tâm trả giá cao hơn người khách và lấy lại cuốn sách mà ngay trang đầu có chữ ký của anh kèm theo con số ghi rõ ngày tháng mua.

Từ chiếc ghế thấp sau sạp sách, vừa nhấp cà phê vừa nhìn những người qua lại mua bán sách, tôi chợt thấy một người đàn ông tròn và hơi thấp, mang dép da, mặc quần jean xanh, đang cúi xuống cuốn Bếp Lửa của Thanh Tâm Tuyền. Một lúc sau anh ta cầm lên lật từng trang đọc rất nhanh.

“Tôi muốn mua cuốn này.” Người đàn ông nói, mặt hướng về phía tôi. Có lẽ anh ta nghĩ tôi là chủ sạp.

Tôi thấy một khuôn mặt vuông vức, cằm bạnh, nước da tái, hai con mắt buồn rầu, giọng nói rõ ràng không phải là dân Saigon.

“Vĩnh, có người mua sách!”

Tôi đặt ly cà phê xuống dưới đất. Vĩnh bước ra, liếc mắt nhìn tựa đề cuốn sách và chỉ thoáng liếc thấy mắt của người khách, Vĩnh nói một cái giá mà tôi vừa nghe đã đỏ lỗ tai. Chỉ mấy năm làm nghề bán sách chợ trời Vĩnh khám phá ra cái giá của cuốn sách tùy thuộc vào con mắt của người khách.

“Khi người ta kết cuốn sách rồi thì bất cứ giá nào họ cũng mua.” Ðó là bí quyết của Vĩnh.

Người khách nói:

“Ðắt qua! Tôi tưởng giá vừa phải thì tôi lấy quyển này!”

“Ông muốn bao nhiêu?” Vĩnh hỏi lại, rõ ràng là sẵn sàng hạ giá.

“Tôi chỉ còn có hai chục thôi.”

“Không được đâu ông. Giá chót là một trăm.” Vĩnh nói chắc như đinh đóng cột.

Người khách đặt cuốn sách trở lại chỗ cũ.

“Tiếc quá. Tôi không đủ tiền.” Anh ta vừa nói vừa bỏ đi.

“Thôi, để tôi bớt một tiếng chót. Tám chục.” Vĩnh lại ra giá.

Anh ta lắc đầu, khuôn mặt vuông tái lại, nụ cười buồn. Bỏ đi.

“Cám ơn. Ðể chừng nào mượn đủ tiền tôi sẽ quay lại.”

Hôm đó tôi có tiền, không nhiều, một số tiền tàm tạm nhờ bán bộ đồ vía sau cùng, kèm theo hai lố khăn mù soa Quỳnh đã mua tặng sinh nhật tôi năm Bảy Tư.

Tôi đứng dậy nói với Vĩnh:

“Ông để tôi mua cuốn đó.”

Và thật nhanh, tôi chộp cuốn Bếp Lửa chạy theo người đàn ông.

“Sách đây ông! Người ta chịu bán giá hai chục rồi!”

Người đàn ông nhìn thẳng vào mặt tôi, thoáng một cái tôi có cảm tưởng như anh ta biết là tôi nói dối.

“Ðây, sách của ông đây!” Tôi dúi cuốn sách vào tay anh ta.

Ðúng như tôi nhận thấy cái thoáng mắt ấy, sau này Vũ nhắc lại chuyện cũ hỏi tôi, “Sao anh tặng sách cho tôi, khi mà mình chưa quen nhau?”

“Không biết. Lúc đó tôi nghĩ là tôi thích anh vì anh cũng thích cuốn sách mà tôi thích.”

Bẵng đi một thời gian khá lâu, tôi gặp lại người khách mua sách tại một quán cà phê với Tâm Khô Khốc Thiền Sư.

“Ðây là anh Vũ. Lâm Quốc Vũ. Nhà viết kịch. Và đây là Thăng, bạn tôi.”

Tôi bắt tay Vũ nhớ ra lần gặp gỡ ở sạp sách của Vĩnh. Vũ cũng vậy, anh nhìn ra tôi ngay.

“Quen nhau rồi à?” Tâm hơi ngạc nhiên.

“Không. Chỉ mới biết nhau thôi.” Vũ nói, “Nhưng cũng nhờ ông Thăng này mà tôi biết ông Tâm.”

“Tại sao?” Lần này tôi ngạc nhiên.

“Bởi vì, tôi đọc cuốn Bếp Lửa, in lần thứ hai có lời tựa của ông Tâm này. Nhờ đó mà tôi quen. Chẳng phải sao?”

“Trời ơi! Sao mà rắc rối!” Tôi đập tay lên trán.

Và như thế chúng tôi quen nhau.

Vũ nói: “Tôi sắp về Hà Nội. Người ta đang dựng một vở kịch mới của tôi. Tôi không biết vở này có được trình diễn không. Dù sao…”

Vũ không nói hết câu. Vở trước bị cấm sau khi diễn phúc khảo, chỉ vì Vũ đã để cho một nhân vật câu cá ở Hồ Tây khi bị công an bắt đã nói rằng: “Ông bắt được tôi chỉ vì tôi ngủ gục chứ nếu tôi tỉnh táo thì…”

Vũ không phải gốc người Hà Nội, nhưng cung cách của anh rất là Hà Nội xưa. Ðiềm đạm, từ tốn. Người ta nói quê anh ở Ðà Nẵng theo cha tập kết ra Hà Nội. Tại đây anh đi học rồi đi bộ đội. Ðào ngũ khi theo “quân giải phóng” đánh trận Hạ Lào. Trở lại Hà Nội, Vũ sống lêu bêu không “hộ khẩu.”

Người vợ trước của Vũ là một nữ diễn viên điện ảnh, sống ngay với một người khác khi anh vừa đi bộ đội.

Trong thời gian sống chui rúc, Vũ làm thơ viết văn. Sau khi tập thơ đầu tay ra đời, in chung với một người bạn khác, Vũ bắt đầu viết kịch. Trong tình hình sân khấu thiếu kịch bản, hai vở kịch của Vũ gửi đến tạp chí Sân Khấu trở thành bùa hộ mệnh của anh. Hội Nghệ Thuật Sân Khấu bắt được một tay có cỡ đi theo ngành này, nên đứng ra che chở anh, cho anh một chỗ ở tạm tại cơ quan tờ báo. Thế nhưng trong hai năm trời, Vũ sáng tác sáu vở, và gần như vở nào cũng có vấn đề đối với đảng và nhà nước.

“Hôm qua tôi vừa đi họp một hội nghị về sân khấu.” Vũ uống một hớp cà phê, “Người ta nói tự do sáng tác là điều kiện sống còn để tạo nên giá trị đích thực trong văn hóa văn nghệ, để phát triển tài năng. Tôi có nêu trường hợp mấy vở kịch của tôi bị kiểm duyệt quá kỹ, cắt xén nhiều đối thoại, thậm chí đổi cả tính cách nhân vật. Và tệ nhất là sau cùng còn cấm không cho trình diễn nữa.”

“Như vậy theo anh có tự do trong nghệ thuật dưới chế độ xã hội chủ nghĩa hay không?”

Vũ ngồi im không trả lời. Hai con mắt anh nhắm lại. Hai bàn tay mở ra. Anh ngó chăm vào những đường chỉ tay như săm soi tìm kiếm điều gì đó. Tôi đốt thuốc. Thuốc Vàm Cỏ khét nghẹt. Tôi nhớ hình như vang vọng đâu đây bài hát đang ăn khách Vàm Cỏ Ðông, Vàm Cỏ Tây:

Ở tận sông Hồng em có biết

Quê hương anh cũng có dòng sông.

Mẹ, quê hương ai mà chả có dòng sông.

Rồi tôi nhớ tới cái anh chàng bộ đội làm thơ mà tôi đã gặp trong một quán cà phê trước ngày tôi ngồi tù. Cũng Tây, cũng Ðông. Mà không phải Vàm Cỏ. Chỉ là Trường Sơn. Anh ta nói anh ta mê tiếng hát Khánh Ly. Khi mới đặt chân tới Sài Gòn, trong cái ngổn ngang của một thành phố bị chiếm đóng, trên vai vẫn còn mang ba lô anh ta đi hỏi thăm Khánh Ly và khi biết người nữ ca sĩ mà mình ưa thích đã bỏ đi, anh ta làm một bài thơ. Câu duy nhất mà tôi còn nhớ trong bài thơ đó là: Ðã khánh tận đâu mà em ly biệt. Anh ta đã kể lại như vậy và chỉ vài năm sau, anh thấy câu thơ của mình sai. Ðã khánh tận rồi nên em biệt ly…

Anh ta đọc cho tôi nghe hai câu thơ của anh đã làm anh khổ sở:

Khói bom lên trời thành một vòng đen

Trên mặt đất hiện bao nhiêu vòng trắng.

Cái thằng cha này coi bộ vậy mà hay. Mình đã lếch thếch kể từ khi cách mạng vô, nó là cách mạng thứ thiệt còn lếch thếch hơn mình.

“Này!” Vũ đập tay lên tay tôi, “Có lẽ tôi phải đi.” Anh vẫn chưa trả lời câu hỏi tôi.

“Ngồi lại một tí nữa thôi. Tôi cũng sắp đi mà!”

“Còn anh, anh nghĩ sao?”

“Nghĩ cái gì?”

“Cái mà anh gọi là tự do…”

“Theo tôi,” tôi nhìn người khách-bạn nói, “chắc chắn là không có chuyện tự do dưới chế độ này. Tôi chỉ thấy bích chương tuyên truyền chứ không thấy họa phẩm. Chỉ có… những cuốn sách hô hào chống Mỹ-Ngụy chứ không thấy tác phẩm văn học…”

“Theo tôi,” Vũ nói, “cái chính không phải là điều anh vừa nói.” Có lẽ anh thấy không tiện trả lời tôi về cái vụ có hay không có văn chương. Rõ ràng là mắt anh không đồng ý cái suy nghĩ hàm hồ của tôi. Anh nói, “Ghê tởm là sự giả dối. Hôm trước ông tổng bí thư tuyên bố cởi trói văn nghệ sĩ, kêu gọi văn nghệ sĩ phải nói lên sự thật, dù là sự thật phũ phàng. Ông ta nói. Dù thế nào các đồng chí cũng không nên bẻ cong ngòi bút của mình. Ấy vậy mà hôm sau, vở kịch tôi bị cấm trình diễn. Lý do nêu ra hết sức đơn giản: chống lại dân tộc, chống lại chủ nghĩa xã hội, phá hoại hòa bình, phá hoại nhân phẩm.”

“Nhưng tôi thấy kịch anh vẫn có vở được trình diễn mà!”

“Ừ, thì cũng có vở được trình diễn chứ. Nhưng mà, anh không thấy sao, một tình trạng độc đoán về tư tưởng như vậy, văn học nghệ thuật chỉ có khô kiệt, chứ làm sao mà nảy nở được…” Trầm ngâm một lúc, Vũ tiếp:

“Ôi, chỉ cần một người suy nghĩ giùm cho mọi người, một cái đầu tối cao suy nghĩ cho mọi cái đầu khác, cũng đủ rồi!”

“Tôi muốn hỏi anh một câu…”

Vũ đặt ly cà phê xuống bàn, ngó vào mắt tôi, chờ đợi.

“Có bao giờ anh nghĩ tới chuyện vượt biên chưa?”

“Tôi có một số bạn quen đã vượt biên. Tôi không nghĩ đến chuyện đó. Tôi chọn ở lại đất nước này. Có người thân rủ tôi đi đường bộ qua cửa hữu nghị quan vào đất Trung Quốc. Tôi thấy mình không có lý gì để vượt biên. Còn anh thì sao?”

“Có phải anh muốn lên án những người vượt biên không?”

“Không. Hoàn toàn không! Tôi tin tưởng rằng những người bỏ nước ra đi đều có lý lẽ riêng của họ. Cũng như tôi, tôi tự hiểu tại sao tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện ra đi.”

“Tôi thì trái lại, tôi luôn luôn nghĩ đến chuyện phải ra đi. Vợ con tôi đã đi. Bạn bè tôi kẻ trong tù, kẻ đã chết, kẻ đã đi. Người ta không đi tìm một tình bạn khi đã quá cái tuổi bốn mươi.”

Vũ không tiếp lời tôi. Anh cúi xuống ly cà phê như đang soi tìm điều chi trong đáy cốc nước đen sánh.

“Cũng chẳng ai đi lính, học nghề, theo cách mạng… ở cái tuổi nhi bất hoặc này.”

Vũ ngước lên, hai con mắt buồn rầu của anh ngó chăm vào mắt tôi.

“Tôi vừa mới qua cái tuổi ba mươi. Tôi đoán chừng tôi thua anh đến dăm ba tuổi. Cũng như anh, tôi đã hai lần lập gia đình. Nhưng vào trong Nam này tôi mới biết tôi đang có trong tay quá nhiều cái đáng xem, đáng nghe, đáng nói và đáng viết. Nhưng xem vậy mà chả biết thế nào là đủ cho một người cầm bút.”

Tôi có kể cho Vũ nghe về tôi. Hai lần lập gia đình của đời tôi là hai lần thất bại. Người đàn bà đầu tiên đã đến với tôi bằng tình yêu và chia tay tôi trong thù hận. Những đứa con chung của chúng tôi trở thành cái thùng đựng những lời nguyền rủa của bà mẹ căm ghét người cha của chúng. Tôi không hiểu tại sao. Tôi tìm kiếm cho người đàn bà ấy lý do để căm thù tôi và tôi thấy có quá nhiều lý do để tôi khinh bỉ bà ta. Ðể tỏ ra mình cao thượng, tôi cố thấy mình có lỗi.

Người ta không thể buộc tội một người cha quá yêu con, người ta cũng không thể lên án một người đàn ông lúc nào cũng chăm sóc gia đình nhà cửa. Người ta càng không thể trách cứ một người chồng không hề biết ghen là gì. Tôi không nhìn ra rằng tôi có một tội rất lớn đó là sự không biết làm ra tiền trong một xã hội mà đồng tiền là thước đo của mọi giá trị. Mãi về sau này, khi tôi đã mất thêm người đàn bà thứ hai – cứ cho việc Quỳnh bỏ đi vượt biên như là một hình thức chạy trốn tôi – tôi còn nghiệm ra rằng thật ra tôi là một thứ người không biết yêu. Trong trái tim tôi, mọi thứ đều nhòa nhạt như thể tất cả đều chìm dưới một làn mưa. Cái nhìn của tôi bao giờ cũng phải lọc qua một tấm kính đục mờ.

Tôi không yêu nổi chính con người tôi, tôi còn có thể yêu nổi được ai. Và như vậy nếu không ai yêu tôi, không yêu nổi tôi, điều đó cũng chẳng có chi là lạ. Những biến cố chính trị và thời sự có tác động đến nếp sinh hoạt tôi, nhưng hình như vẫn không làm thay đổi con người tôi: Tôi dửng dưng với tôi.

Tôi nhàm chán tôi. Ngay cả trong tình bạn tôi cũng thiếu luôn cái nồng nhiệt và tận tụy. Tôi yêu một người bạn, không có nghĩa là tôi cứ phải gặp gỡ anh ta, cứ phải bênh vực những điều anh ta suy nghĩ, làm hay nói ra. Tôi yêu một người bạn có nghĩa là tôi giữ lòng quý trọng bạn, ngay cả trong khi tôi chống bạn. Tôi có đúng chăng, tôi không biết. Bạn bè tôi đã đi tản mạn. Người duy nhất tôi còn gặp là Tâm. Một người còm cõi, đen đúa. Hai con mắt sâu hoắm trên một khuôn mắt nhô xương. Một dáng tất bật. Một nụ cười rất buồn. Những ngón tay vàng khói thuốc…

Chính Vũ tìm đến Tâm và nói cho anh biết là Vũ thán phục bài viết của anh. Và Tâm cũng nhận ra rằng anh đang đối diện với một tài năng. Vũ kể người vợ trước của anh là một diễn viên điện ảnh. “Cô ta đẹp lồ lộ và yêu tinh lắm.” Họ có với nhau một đứa con trước ngày Vũ đi bộ đội. Khi được lệnh theo quân đi chiến dịch Hạ Lào, Vũ đào ngũ. “Không, người ta sinh ra không phải để chém giết nhau,” Vũ luôn luôn nghĩ như vậy.

Anh sống chui rúc từ nhà người bạn này đến nhà người quen khác. Những căn “hộ” vốn chật hẹp, không tới chín thước vuông mà chứa đến bốn năm con người, chỗ nằm cũng là phòng khách, là bàn viết, là bếp núc, là thứ gì cũng được. Sau cùng Vũ chui vào hội Nghệ thuật Sâu khấu. Anh viết một kịch bản. Tác phẩm như một tấm giấy tùy thân, như cái nón che đầu. Vũ tìm được một chỗ để thở là một góc trong căn phòng làm việc của hội để đêm đêm có chỗ trải chiếc chiếu, giăng cái màn.

Người đàn bà thứ hai Vũ yêu và rất yêu anh là một phụ nữ bình thường. Chị mồ côi từ lúc còn rất bé. Chị sống gian khổ và lập gia đình với một đảng viên cao cấp. Ðó là một người chồng giả dối. Y húc vào đời chị như một con heo húc mõm vào chậu cám. Y nói chuyện đạo lý trong khi y đi đến đâu để con rơi con rớt đến đấy. Y luôn mồm đăng đàn diễn thuyết nói về người phụ nữ đã được giải phóng, trong khi chính chị là nạn nhân của những hành vi thô bỉ của y. Y sống trong một căn nhà khá rộng so với nhiều cán bộ đảng viên ở Hà Nội. Y hưởng chế độ đặc biệt: mua bán ở những quầy hàng đặc biệt với hàng hóa thực phẩm có phẩm chất cao với giá rẻ. Và chị chỉ là con vật phục vụ cho hắn từ nhà bếp đến cái giường. Chị làm quen với Vũ khi lần đầu tiên xem kịch anh ở Hà Hát Lớn. Chị là một phụ nữ đặc biệt. Chị thắm thía những lời nói và suy nghĩ của nhân vật trong kịch của Vũ. Chị nói anh nghe những điều chị nghĩ về kịch của anh. Và họ yêu nhau. Người chồng đảng viên cao cấp của chị biết. Y đưa nội vụ ra “tổ chức.” Vũ bị công an “hỏi thăm.” Chị tiếp tục bị y hành hạ. Y nhốt chị trong nhà như người ta nhốt một con chó. Các vở kịch của Vũ bị soi mói từng dòng, từng chữ. Các nhân vật của Vũ bị giải thích là ám chỉ “các đồng chí lãnh đạo kính mến,” phỉ báng lãnh tụ, coi thường những thành quả to lớn của cách mạng, đi chệch hướng, tư tưởng lệch lạc, văn chương theo “chủ nghĩa hiện đại…”

Nhưng tình yêu họ mạnh hơn mọi sự áp chế. Hai người được bạn bè bao che, gỡ bỏ dần những sợi dây trói buộc họ về mặt chính trị. Họ sống với nhau như thể hai người trẻ tuổi lần đầu tiên gặp nhau và yêu nhau.

“Vả lại,” trầm ngâm một lúc lâu, Vũ tiếp, “cũng như anh, tôi không thể nào đi học một cái nghề vào cái tuổi đã không còn trẻ nữa. Ngay như ở đây, tại Sài Gòn này, mà tôi còn thấy mình sống còn khó huống gì là đến một nước Tây phương… Nhưng mà, anh Thăng này, tôi có điều muốn hỏi anh…”

Vũ ngập ngừng, lấy cái thìa ra khỏi ly cà phê, đặt xuống thành dĩa:

“Anh nghĩ gì về tôi khi anh rủ tôi vượt biên? Anh không sợ sao?”

“Anh có nghĩ rằng anh là người đáng cho tôi sợ vì anh có can đảm bán đứng một người bạn không?”

Vũ không trả lời tôi. Anh bưng ly cà phê lên chiêu một ngụm.

“Không khí ở đây êm đềm quá nhỉ?”

“Nhưng mà ở ngoài kia, anh có biết mỗi căn nhà của bốn triệu dân thành phố này đang có bao nhiêu là sóng gió. Cả cái miền Nam này biết bao nhiêu là tủi nhục xót xa, chia lìa và chết chóc.”

“Anh đừng quên cả miền Bắc từ năm Năm Mươi Tư mười mấy triệu con người cũng đã sống như thế. Sống như thế gần ba chục năm trời rồi. Và không biết còn đến bao giờ nữa…”

“Như vậy theo anh, chọn ở lại phải chăng là để chịu đựng một đời sống như trong một trại súc vật?”

“Tôi không nghĩ vậy. Chọn ở lại có nghĩa là tôi không muốn nhìn thấy cái đất nước này là một trại súc vật.”

“Liệu có ai làm nổi chuyện này không?”

“Liệu còn có con người nào chịu suy nghĩ và muốn làm điều đó không?”

Tôi nhìn Vũ. Ðôi mắt anh đỏ, hai con mắt lấp lánh màu xanh trong. Cái vẻ thư sinh của anh đã đánh lừa tôi. Vũ là một con người dũng cảm.

“Có lẽ tôi phải đi.” Tôi nói với Vũ, sau khi đặt tiền lên mặt bàn.

“Bao giờ anh lên đường?” Vũ nhìn thẳng vào mắt tôi, “Tôi hỏi câu này không tế nhị, nhưng tôi muốn từ giã anh… không biết lần sau tôi vào Sài Gòn tôi còn có dịp nào gặp lại anh nữa không?”

“Chưa. Tôi không đủ phương tiện để đi. Nhưng nếu gặp cơ hội, chắc tôi sẽ không chần chờ đâu.”

“Chúc anh Thăng may mắn.” Vũ đứng dậy bắt tay tôi.

“Còn anh, anh muốn tôi chúc điều gì?”

“Chúc cho tôi có thì giờ và không ngồi tù.”

“Xin chúc cho anh như vậy đi!”

Tôi đứng dậy, bắt tay Vũ.

“Anh có muốn tôi đưa anh về không?”

“Cám ơn, tôi có xe!”

Tôi nhìn theo Vũ đẩy xe ra cổng. Hai tay giữ ghi đông, chân trái đặt trên pê đan, anh nhấp nhấp lấy đà và vòng chân phải qua bánh sau. Vũ đạp xe về phía ngã tư Duy Tân.

Tôi không biết rằng đó là lần cuối cùng tôi gặp anh.