Thân Hữu & NXH

Niên khoá 1968-1969, đậu xong Tú tài một, tôi được vào trung học Pétrus Ký học lớp đệ nhất. Giảng dạy môn triết học là một giáo sư trẻ vừa tốt nghiệp đại học sư phạm Ðà lạt, khoa triết, kiêm văn sĩ

Xem thêm

LÁ THƯ TỪ KINH XÁNG (gởi nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng) - Lương Thư Trung (09/04/2013 12:50 PM) (Xem: 2)

Nhớ cách nay khoảng bốn năm, tôi nhận được lá thư của Thầy mời tôi viết cho “Blogg Nguyễn Xuân Hoàng và Bạn Hữu” trên trang nhà VOA. Lần đó tôi xin Thầy thứ lỗi vì tôi không đủ tư cách để được Thầy xem là “Bạn Hữu” và trong thư hồi đáp,

Xem thêm

Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng

Đoạn ghi khi mới về lại nhà sau một tuần đi Cali.

thăm bạn, nhớ chiếc mũ đen rơi đâu mất

Nguyễn Xuân Hoàng – Trương Gia Vy – Đinh Cường

San Jose, 9 – 2013

Chiếc mũ đen có in mấy nét

của Miró vẽ mặt trời mặt trăng

mua ở Tây Ban Nha lâu rồi

bây giờ đang bay tấp bên góc

đường nào ở Santa Ana – Cali.

người bạn nói nó đã hết thời

đi giang hồ cùng tôi đó đây

Paris Sàigòn Huế Hànội Đàlạt…

chiếc mũ làm rơi đâu mất ở Cali.

chiều gió Santa Ana thổi trên hàng cây

cọ cao có mấy cánh chim biển bay vào

gió trên đường ra phi trường Long Beach

đi chuyến bay đêm giã từ những ngày

bên bè bạn chưa nói hết những ân tình …

năm giờ bay từ Miền Đông qua Miền Tây

đi xe đò Hoàng mất sáu tiếng Miền Nam

lên bắc Cali. thăm Nguyễn Xuân Hoàng

( đọc trên damau.org với bao nhiêu

bài viết cho một nhà văn được nhiều

người yêu mến, khi nhà văn nằm bệnh )

rất mừng gặp thăm bạn thấy bạn tươi cười

ra quán Minh ngồi ăn cùng nhau hai buổi cơm chiều

bạn thích mấy miếng bánh tôm chiên Cổ Ngư

uống ly nước cam không đường

bạn nói ngủ được, gắng ăn cho thêm sức khoẻ

hai tuần nữa bạn sẽ đi chemo. lần thứ tư

mong sao bệnh sẽ thuyên giảm

mong sao chị Vy đỡ lo cho Hoàng để lo thêm cho mình

nhìn chị nhìn ánh mắt chị thấy cả một nghị lực phi thường

chiều Virginia tôi lại đi bộ hai blocks đường qua Starbucks

tiếng còi tàu như nhớ những bước chân âm thầm hụ hồi còi dài

tôi lại phone cho Nguyễn Xuân Hoàng cho Lữ Quỳnh

phone cám ơn những người bạn quý mấy ngày vui bên nhau

rồi sẽ viết tiếp đoạn ghi cùng bao nhiêu ảnh kỷ niệm …

hãy nằm im đâu đó nghe chiếc mũ đen, tạm biệt luôn nhớ

như nhớ thơ Thanh Tâm Tuyền qua mấy nét Miró

chỉ có trời sao là đáng kể

như chỉ có Tình bè bạn yêu quý Người Đi Trên Mây …

Virginia, Sept. 28, 2013

Đinh Cường – Nguyễn Xuân Hoàng – Nguyễn Xuân Thiệp

San Jose, 9 – 2013

Một chặng đường văn chương

Niên khoá 1968-1969, đậu xong Tú tài một, tôi được vào trung học Pétrus Ký học lớp đệ nhất. Giảng dạy môn triết học là một giáo sư trẻ vừa tốt nghiệp đại học sư phạm Ðà lạt, khoa triết, kiêm văn sĩ đang được nhiều độc giả trẻ ngưỡng mộ: Nguyễn Xuân Hoàng.

Tôi chú ý đặc biệt đến ông, vì từ năm học lớp đệ ngũ tôi đã bắt đầu tập tễnh viết văn, làm thơ thiếu nhi gởi đăng trang Búp-bê do nhà văn Duyên Anh phụ trách trong nhật báo Sống. Giữa thập niên 1960, tôi khởi sự dọ dẫm làm quen với sách báo văn học ảnh hưởng đậm nét trường phái văn chương tây phương đang được giới độc giả trẻ tuổi ở Sài gòn ưa chuộng.

Bữa nọ, chị tôi được bạn cho mượn quyển "Vòng Tay Học Trò" của Nguyễn thị Hoàng. Tôi xin đọc. Chị nói không được, bảo tôi chưa tới tuổi. Tôi nài nỉ. Cuối cùng chị xiêu lòng.

Cảm xúc tôi, khi mở đọc những trang sách đầu tiên, lạ lắm. Tôi thấy mình tuồn tuột rơi theo những trang chữ diễm lệ óng ả của tác giả diễn tả tâm tư cô giáo Trâm vướng víu khắc khoải vào mối tình cấm kỵ với cậu học trò tên Minh. Không khí xứ lạnh Ðà lạt ấy, thứ bút pháp bóng bẩy dục tính ấy mới lạ, rất khác, hoàn toàn khác với văn phong của các tác giả trong những cột tiểu thuyết tình cảm xã hội đăng nhiều kỳ trong nhật báo. Cũng không giống những "Ðiệu Ru Nước Mắt" hay "Trần thị Diễm Châu" của Duyên Anh, là vài quyển tiểu thuyết người lớn đầu tiên chính tôi bỏ tiền túi mua về đọc.

Bắt đầu từ đó tôi tìm đọc những tác phẩm kén độc giả như "Con Sâu" của Dương Nghiễm Mậu, "Bếp Lửa" của Thanh Tâm Tuyền, "Sống Chỉ Một Lần" của Mai Thảo, "Sau Giờ Ra Chơi" của Nguyễn Ðình Toàn, "Khung Rêu" của Nguyễn thị Thuỵ Vũ, …

Cho tới lúc đọc được văn chương Nguyễn Xuân Hoàng, một lần nữa, tôi khám phá thêm một khuynh hướng sáng tác khác: tính đẹp của tư tưởng bi quan ẩn trong chủ nghĩa hiện sinh. Ở tuổi mười tám, tôi tìm đọc văn ông, ngoài vai trò độc giả, còn với tâm trạng tò mò của một đứa học trò, hy vọng nhặt ra những mảnh vụn tâm tư ẩn náu giữa những dòng chữ về con người và đời sống của người thầy mà tôi mến mộ. Tôi tìm thấy không nhiều, mà vặt vãnh như những mẩu giấy ráp một bức ảnh lỗ chỗ nhiều mảng trống.

Với cương vị giảng viên môn triết, Nguyễn Xuân Hoàng là một người thầy linh động hoạt bát. Ông dẫn dắt tuổi trẻ chúng tôi bước vào ngôi nhà triết học tây phương với những luận lý, tâm lý và đạo đức học cổ điển. Thầy Hoàng là người trẻ nhất, dáng vẻ hào hoa và diện mạo điển trai nhất trong ban giáo viên lớp mười hai của chúng tôi.

Là văn sĩ, Nguyễn Xuân Hoàng đã khai mở trong tâm thức tôi những cánh cửa bước vào cõi chữ nghĩa huyễn mộng. Cuối năm 1969, tôi rời nước du học. Bạn tôi biết tôi để ý tới văn chương Nguyễn Xuân Hoàng, cho nên mỗi khi có tác phẩm mới ấn hành của ông ở quê nhà, đều gởi cho tôi. Từ đó, những "Ý Nghĩ Trên Cỏ", "Khu Rừng Hực Lửa", "Kẻ Tà Ðạo", "Bất Cứ Lúc Nào, Bất Cứ Ở Ðâu" rắc mầm trong tâm tư tôi những chồi cây.

Trong "Khu Rừng Hực Lửa" tôi đã gạch dưới vô số câu và những chương tâm đắc. Tôi đã xúc động dào dạt sau khi đọc xong đoản văn "Cha và Anh", mà tôi nhớ được in trong tập truyện "Bất Cứ Lúc Nào, Bất Cứ Ở Ðâu", ấn bản in ở Sài gòn khi trước. Ngoại trừ "Kẻ Tà Ðạo" là một quyển tiểu thuyết với nhiều tình tiết gút mắc, những truyện ngắn, truyện vừa hoặc tuỳ bút khác của ông là những suy tư, những ý tưởng, những nhân sinh quan của riêng ông, một nhà trí thức chịu ảnh hưởng triết lý tây phương và trào lưu chủ nghĩa hiện sinh trong văn chương, về cuộc đời, tình yêu và thân phận con người trong một đất nước chiến tranh.

Trong văn chương Nguyễn Xuân Hoàng, rải rác đây đó là những tư tưởng bi quan, vô vọng trước những bất toàn của con người, tầm hữu hạn của hạnh phúc, những bất trắc của đời sống. Chính những đặc điểm ấy làm nên bản sắc văn-chương-Nguyễn-Xuân-Hoàng, không trùng lặp với ai khác. Sau "Khu Rừng Hực Lửa", một truyện vừa gây nhiều tiếng vang trong giới yêu thích văn chương, tiểu thuyết "Kẻ Tà Ðạo" là tác phẩm thành công rộng rãi của ông, ấn hành năm 1973. Quyển truyện là một phim bản linh động kể lại sinh hoạt của giới trẻ, giới văn thi sĩ và chính trị gia Sài gòn vào cuối thập niên 1960 với những phân cảnh yêu vội sống cuồng lồng trong tình huống chính trị rối reng, không lối thoát. Cá tính và cách ứng xử của những nhân vật nam qua bút pháp Nguyễn Xuân Hoàng, như Thăng trong "Kẻ Tà Ðạo", không cường điệu thái quá, không công-tử-tính cổ điển như một tay chơi đất Hà thành vào những thập niên 40, 50 của thế kỷ 20 qua ngòi bút Mai Thảo, mà hờ hững, lãnh đạm trước thực trạng chính trị và xã hội như một kẻ mộng du giữa ban ngày. Và Thăng đi về phân vân giữa những nhân vật nữ.

Loại văn phong được Nguyễn Xuân Hoàng sử dụng, gán ghép cho những vai trò văn chương rất thời thượng, rất "tây", rất trí thức, nhiều phim ảnh tính. Và thụ động.

»… Tôi là một người đàn ông thụ động. Tôi không biết sục sạo tìm kiếm như con gà bươi móc trong đống rác ngoài sân để mổ được chút hạt gạo thừa.

Tôi thụ động trong tận cùng xương tuỷ …« (i)

Không phải chỉ riêng những nhân vật nam trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Hoàng chất chứa tâm trạng thụ động ấy, mà không ít người thuộc giới trí thức cũng như văn thi sĩ thời bấy giờ cũng cùng quan điểm như họ. Phần lớn, có lẽ, bắt nguồn từ bối cảnh chiến tranh. Ranh giới sống chết quá mong manh. Cánh cửa hướng về tương lai khoá kín. Quan niệm về cuộc sống trong văn chương ông tuy mù mờ bảng lảng, nhưng vẫn khiến người đọc nghĩ ngợi. Nó bóc vỏ những bí ẩn về tính hiện hữu của đời sống, mặc dù không sắc sảo, tinh tế như văn chương Võ Phiến, nhưng đủ đậm để khắc dấu thành một ấn tượng Nguyễn Xuân Hoàng.

Sau biến cố 1975, tôi trực tiếp tham dự vào các diễn đàn văn chương hải ngoại. Khi được tin thầy tôi, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, cùng gia đình sang Hoa kỳ định cư, tôi tìm cách liên lạc. Trong lá thư đầu tiên trả lời tôi, ông đề nghị sửa cách xưng hô, gọi bằng "anh" thay vì "thầy". Kể từ đó, tôi thường xuyên theo dõi văn nghiệp ông. Ông viết không nhiều, không bền bỉ dài hơi như Nguyễn Mộng Giác, nhưng tương đối đều đặn.

Những sáng tác ở ngoài nước của ông, tôi được ông gởi tặng bốn quyển: truyện dài "Người Ði Trên Mây", tái bản của "Kẻ Tà Ðạo" với nhiều nhuận sắc và sửa đổi, là quyển một trong trường thiên tiểu thuyết cùng tựa (ii), tập truyện "Căn Nhà Ngói Ðỏ", truyện dài "Sa Mạc" và tập truyện tái bản "Bất Cứ Lúc Nào, Bất Cứ Ở Ðâu".

Ðọc "Người Ði Trên Mây", tôi bỡ ngỡ vì không thấy lại những chương, những đoạn và những câu văn đã từng làm tôi rung động trong "Kẻ Tà Ðạo". Cá nhân tôi ưng ý bản chính hơn bản nhuận sắc ấn hành ở Hoa Kỳ, vì "Kẻ Tà Ðạo" sắc nét và đậm đà cảm tính hơn "Người Ði Trên Mây", với những ý nghĩ thú vị về văn chương và điện ảnh của nhân vật Thăng. Hoặc, có lẽ chỉ vì "Kẻ Tà Ðạo" đã bầu bạn thân thiết cùng tôi suốt nhiều năm tha hương đầu tiên.

Mở tập "Căn Nhà Ngói Ðỏ", lòng tôi chùng xuống, khi đọc lại dòng chữ ông ghi thêm trên truyện ngắn "Tự Truyện Một Người Vô Tích Sự": "Tặng Ngô Nguyên Dũng tự truyện này. N.X.H.". Chi tiết thân ái này của ông dành cho tôi, từ lâu rồi tôi quên bẵng. Tôi tần ngần đọc lại đoản truyện, lần này với nhiều xúc cảm sâu xa như thể chính tôi là người hứng chịu những nghịch cảnh, những mất mát.

Chuyện kể kết thúc như sau:

»… Buổi sáng sớm rừng còn đầy sương mù, gió thổi luồn qua những vòm cây lạnh. Trên những ngọn cây cao, tôi nghe tiếng chim kêu từng hồi buồn bã. Giẫm trên những ngọn cỏ ướt sương, bập bập điếu thuốc lá chưa kịp khô, tôi thấy mình già hẳn. Như giờ đây, gần bốn mươi năm sau tôi thấy tôi mới già bằng thuở đó.« (iii)

Một hôm, đã lâu, tình cờ tôi xem được một cuốn phim Ý đen trắng cũ của đạo diễn Federico Fellini chiếu trên truyền hình: "La Strada", Anthony Quinn diễn vai chính. Phim kể về cuộc sống lang bạt nay đây mai đó của một gã đàn ông cục súc hành nghề xiếc dạo, giang hồ mưu sinh cùng một thiếu nữ phụ việc … Sực nhớ lại, trong một tác phẩm nào đó của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, đã có lần ông đề cập tới một cuốn phim có nội dung tương tự với nhạc phim là một khúc kèn đồng não nuột, mà không nhắc tới tựa. Soạn lại những gáy sách cũ, tôi tìm thấy độc nhất một quyển của ông: "Kẻ Tà Ðạo". Những cuốn khác thất lạc đâu mất. Tôi bâng khuâng lật từng trang sách úa vàng hoài niệm. Và tôi tìm ra đoạn văn ấy (iv), cũng như những suy nghĩ rời của nhân vật Thăng, xưng tôi, đôi ba lần đề cập tới W. Somerset Maugham. Luôn cả câu văn trích từ một truyện ngắn của Maugham đã được Nguyễn Xuân Hoàng đem in lên bìa sau, làm nền cho quyển sách, đã bám víu tôi một khoảng thời gian dài:

»Thảm kịch của tình yêu không phải là cái chết hay sự chia phôi … Thảm kịch của tình yêu chính là sự dửng dưng.« (v)

Những mẩu chuyện nhắc nhớ bên lề của ông, từ một cuốn phim không đề tựa cho tới câu văn trích dẫn nói trên, đã bắt tôi lùng mua tất cả sách truyện của W. Somerset Maugham được chuyển sang Ðức ngữ, để tìm cho ra manh mối, được trích dẫn từ truyện ngắn nào. Nhờ vậy mà tôi đã đọc sạch ráo toàn bộ trước tác của Maugham. Văn chương của Nguyễn Xuân Hoàng, vì vậy, có thể nói, là tác động làm vỡ mạch những đam mê văn chương, âm nhạc, điện ảnh trong tôi. Và tôi viết. Viết để giải toả những ứ nghẽn của tư tưởng. Viết để thăng hoa ý nghĩ thành những trang chữ hào nhoáng. Viết để khai sinh những bóng hình hư cấu. Viết để biểu lộ thái độ tự mãn, rúng ép những nhân vật hành động theo ý mình.

Nguyễn Xuân Hoàng

(bìa sau "Kẻ Tà Ðạo",

Sài gòn, 1973)

Năm 2002, trong chuyến đi Cali thăm bạn, tôi và bạn có tham dự một buổi nhạc thính phòng vinh danh nhạc sĩ Phạm Duy. Sau giờ trình diễn, ca sĩ Quỳnh Giao dẫn tôi vào dự buổi tiếp tân, gặp gỡ ca nhạc sĩ. Tình cờ tôi tái ngộ nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng cùng hiền thê là chị Trương Gia Vy. Chào hỏi nhau xong, ông nhoẻn cười nhìn tôi:

»Ngô Nguyên Dũng thấy anh ra sao?«

Tôi không nhớ tôi đã trả lời ông như thế nào, vì trong khoảnh khắc ấy, thú thật, tôi đang bối rối. Ồn và đông, quá đông những khuôn mặt vang tiếng trong giới ca nhạc sĩ hiện diện, mà tôi chỉ là một tham dự viên "đi ké", không được mời, cũng không phải khán giả mua vé hạng nhất. Tôi nán lại thêm chốc lát, rồi lẻn về.

Từ đó tới nay, tôi và ông gần như bặt tin nhau.

Giờ đây, đọc và ngẫm lại, tôi nhận ra có điều gì dường như nghịch lý trong câu văn ghi trên của W. Somerset Maugham. Ví dụ như, thay "tình yêu" bằng "đời sống" và hoán đổi mệnh đề, thành:

»Thảm kịch của đời sống không phải là sự dửng dưng … Thảm kịch của đời sống chính là cái chết hay sự chia phôi«,

thì sao?

Theo thời gian, sở đọc văn chương của tôi có phần thay đổi. Ðọc lại dăm ba quyển sách đã một thời làm tôi ngẩn ngơ đêm ngày, tôi không còn xúc động như xưa. Bi thảm hơn nữa, tôi cảm thấy có điều gì đó không thật giữa những hàng chữ. Không phải tôi thất vọng. Ðúng hơn, tôi hoài nghi. Nhưng những trang sách của Nguyễn Xuân Hoàng là một trong vài ngoại lệ nằm trong sở thích tôi. Thỉnh thoảng có dịp, tôi lấy ra, đọc lại. Những bóng ảnh quá khứ trồi lên, quay quắt. Thời hoa niên hừng hực nắng Sài Gòn. Những khuya tha hương quạnh quẽ, tôi viết nằm trong căn phòng hẹp. Chữ ứa ra giấy. Băn khoăn dập xoá. Lắm khi rúng động theo tâm tình của nhân vật. Ðôi lúc gục đầu ngủ quên trên bản thảo.

Gấp sách, tắt đèn, tôi mở cửa sổ. Nhà trọ hai gian như hai hộp diêm kề cận nhau trong ngõ cụt. Cũng khung cửa ấy, những sáng mùa hè mở ra vườn nắng, nhác thấy con bồ câu trên đầu hồi mái nhà hàng xóm, cúc rúc rời rạc. Cứ vậy, lẻ loi, nhẫn nại nhiều sáng liên tiếp. Cho tới sáng nọ, sau một lúc cúc rúc, bất chợt nghe tiếng cánh xoạc. Một con bồ câu khác sà xuống, cách đoạn rụt rè một sải tay. Lấc ngấc dè dặt ngó nhau một chặp, đoạn con trống đập cánh, liệng một vòng biểu dương tài mọn. Rồi đậu lại, gần hơn, vờ vĩnh ngó mông. Tưởng xong, ngờ đâu một con thứ ba, rồi thứ tư xúm lại, ngúc ngắc xum xoe. Không biết tính toan ra sao, đột ngột cả bốn vỗ cánh túa lên, mất dạng.

Ðứng yên như vậy một đỗi lâu. Hương đêm tháng tám lùa vào, se se dịu dàng. Ðêm ngoài chập chùng úp tay lên vườn cây. Không một hơi gió. Ngoài kia tịch mịch, rỗng rang. Nhưng trong tôi chật chội những ý tưởng, những hình bóng. Không dưng một câu hát lướt ngang trí: "Ðể lại cho ai. Buồn như giọt máu …" (vi). Ðam mê văn chương trong tôi như một thương tích, tưởng lành, không dưng loét đau, rỉ máu. Hồi tưởng nhiều thập niên dài. Ðọc và viết, chỉ mình tôi với chữ, thâu đêm. Chuyện văn chương, cũng như kiếp nhân sinh, phải chăng chỉ là những vui buồn phù du chất nặng chiếc thuyền bào ảnh, là một giấc huyễn mộng dài?

Nhưng dù là gì đi nữa, tôi tin rằng, những tác phẩm của thầy tôi, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, vẫn vững chãi với thời gian. Chữ nghĩa của ông hội đủ sức đề kháng, chống chọi lại những huỷ diệt không thương tiếc của năm tháng qua dòng biến động lịch sử. Cùng với nhiều văn nhân thi sĩ tài danh khác, ông là một tên tuổi, một khuôn mặt quan trọng góp phần gầy dựng một nền văn học rực rỡ của miền Nam, thời kỳ 1954-75 nói riêng, và của toàn cõi Việt nam nói chung.

Một lần nữa, tôi cám ơn đời đã cho tôi cơ hội góp mặt trên văn đàn, để tôi có dịp cùng đi với ông, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, trên nẻo về văn chương vô tận. Dẫu chỉ một chặng đường ngắn ngủi.

(Ðức, tháng 8. 2013)

i Kẻ Tà Ðạo, tr. 22, nxb. Nguyễn Ðình Vượng, Sài gòn, 1973. (Không tìm thấy trong ấn bản "Người Ði Trên Mây".)

ii Bụi và Rác: quyển hai của bộ tiểu thuyết "Người Ði Trên Mây", tôi không được đọc.

iii Căn Nhà Ngói Ðỏ, tr. 27-28, nxb. Văn Nghệ, Hoa Kỳ, 1989.

iv n. tr., tr. 192-193. (Không tìm thấy trong ấn bản "Người Ði Trên Mây".)

v »The tragedy of love is not death or separation ... The tragedy of love is indifference.«, Red, W. Somerset Maugham. (Trong "Người Ði Trên Mây", tái bản của "Kẻ Tà Ðạo", đoạn văn được nhân vật xưng tôi nhớ và thuật lại rành rẽ truyện ngắn nói trên của W. Somerset Maugham - Kẻ Tà Ðạo, tr. 335-336, nxb. Nguyễn Ðình Vượng, Sài gòn, 1973 - được rút gọn: "Rồi chị Quỳnh sẽ hiểu. Yêu nhau mà không lấy nhau được đến nỗi phải chia tay, hoặc phải đi tìm cái chết... thì tình yêu ấy vẫn tồn tại. Thảm kịch của tình yêu chính là người nầy dửng dưng dưới mắt người kia trong khi vẫn sống bên nhau." Tôi nhớ lại một truyện ngắn của nhà văn Anh, ông Somerset Maugham, mà có lần tôi đã thấy trên kệ sách trong nhà này... - Người Ði Trên Mây, tr. 245, nxb. Người Việt, Hoa Kỳ, 1987.)

Trích đoạn ca khúc "Lặng Lẽ Nơi Này", Trịnh Công Sơn.

Ngô Nguyên Dũng

LÁ THƯ TỪ KINH XÁNG

Thư gởi nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, như một lời xin lỗi muộn màng.

nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng

Kính xáng Bốn Tổng ngày 23 tháng 08 năm 2013

Kính chào Thầy Nguyễn Xuân Hoàng,

Nhớ cách nay khoảng bốn năm, tôi nhận được lá thư của Thầy mời tôi viết cho “Blogg Nguyễn Xuân Hoàng và Bạn Hữu” trên trang nhà VOA. Lần đó tôi xin Thầy thứ lỗi vì tôi không đủ tư cách để được Thầy xem là “Bạn Hữu” và trong thư hồi đáp, Thầy viết mà tôi còn nhớ đại ý: “Trời, Hai Trầu mà không viết cho Nguyễn Xuân Hoàng, thì viết cho ai?” ; tiếp đó Thầy còn dặn thêm : “Nếu anh không ngại các bình luận, anh nhớ viết cho Nguyễn Xuân Hoàng nhe.”

Thưa Thầy,

Đọc lời hồi đáp ấy, tôi biết mình đã làm Thầy buồn vì không đáp ứng được lời kêu gọi của Thầy.Nhơn mấy hôm nay có nhiều trang mang nhắc đến Thầy, tôi xin có mấy lời bộc bạch này cùng Thầy.

Trước nhất, về cách xưng hô, với Thầy, trong lòng tôi luôn kính trọng Thầy ở cương vị một vị giáo sư Triết mặc dù tôi chưa được học với Thầy giờ nào. Dù đọc được đây đó là Thầy không thích lắm cái nghề mô phạm ấy, cũng như có lần trong một lá thư Thầy gởi cho tôi và Thầy nói đại ý rằng cái nghề dạy học đã qua lâu rồi, không nên nhắc nữa. Tôi rất hiểu ý Thầy nhưng dù Thầy nói thế nào đi chăng nữa thì một đứa học trò tỉnh lẻ như tôi thì dù lớn bao nhiêu tuổi, nề nếp giáo dục của gia đình tôi từ xưa đến nay đã dạy rằng các con phải kính trọng các bậc Thầy giáo là một trong những nhân cách sống ở đời. Chính vì thế, nếu may mắn, tôi chỉ đáng là học trò của Thầy chứ không thể nào là một “Bạn Hữu” ngang bằng với Thầy được!

Thứ đến, về chuyện viết ra chữ chứ chưa dám gọi là viết văn, một cái gì đó rất cao siêu mà tôi không bao giờ dám mơ hoặc dám nhận mình có khả năng viết thành văn các khía cạnh về đời sống nơi miền quê tôi. Trong khi đó, nhìn lại sáu bảy mươi năm sống chết với niềm đam mê của mình qua một quá trình dài làm báo viết văn của Thầy, thì đủ biết Thầy không có

những“Bạn Hữu” như Hai Trầu, một ông già nhà quê từ tay lắm chưn bùn tới mùi da khét nắng bốn mùa. Do vậy mà tôi rất ngại hai chữ “Bạn Hữu” mà trang Blogg của Thầy nêu lên. Có thể được, tôi cũng chỉ là một người mê đọc văn của Thầy, chứ không bao giờ dám xưng hô“Anh, Anh, Tôi, Tôi” với một trong những vị tiền bối trên văn đàn đáng bậc Thầy như Thầy!

Tiếp nữa, có lần tôi cũng rất áy náy khi đọc được của Thầy một đôi chỗ thấy Thầy đã trách :“Có những người mình tưởng là bạn nhưng không phải bạn”. Thưa Thầy, xét riêng trường hợp của tôi, với một người tên tuổi như Thầy, những người thấp hèn như tôi phải tự biết mình đứng ở đâu trong cái trật tự chung với một vị tiền bối như Thầy; nên tôi tự thấy mình chưa xứng đáng là “bạn” của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, mà may lắm như trên tôi đã nói, có thể tôi là người đọc, là một bạn đọc các trang sách của Thầy, một người đọc từ những ngày trước cũng như bây giờ mà thôi, thưa Thầy. Và trong tư cách một người đọc có chút suy nghĩ, trong một bài ghi nhận về cuốn truyện đầu tay của Thầy: “Bất Cứ Lúc Nào, Bất Cứ Ở Đâu”, tôi có mấy hàng như một lới kết, xin chép lại để chia sẻ cùng Thầy:

“Rải rác trong các truyện, Nguyễn Xuân Hoàng đã có nhắc đến chiến tranh dù không rực lửa như Dấu Binh Lữa, Dọc Đường Số Một, Mùa Hè Đỏ Lửa của Phan Nhật Nam hoặc như Nhật Ký Hành Quân, Quán Biên Thùy của Trần Hoài Thư cũng viết về cuộc chiến ấy những năm 1968, 1969, 1972… Điều này cũng dễ nhận ra vì Phan Nhật Nam, Trần Hoài Thư là những người lính viết văn; họ viết những tác phẩm chiến tranh bằng chính những hiểm nguy, chết choc mà họ phải đối mặt thường trực; trong khi đó, Nguyễn Xuân Hoàng, với lương tâm của một nhà giáo, qua ngòi bút của một nhà văn, ông muốn chia sẻ với những hy sinh, những chết choc của người lính, và cả của những người dân vô tội vì hoàn cảnh phải chìm trong lửa đạn qua cái nhìn cảm thông của người trẻ có học thức ở thành thị Miền Nam vào lúc dầu sôi lửa bỏng ấy. Sau khi dàn trải cho người đọc những cảnh đời yêu cuồng sống vội trong ấm êm, ích kỷ nơi thành thị như một cái gì bạc bẽo, bất công, vô lý, phi nghĩa, tác giả không ngần ngại nói lên ý tưởng của mình: “Thời chiến tranh, tình yêu đôi khi chỉ là xa xí phẩm.” (Dưới tàn cây trứng cá, trang 79)

Dường như cách tốt nhất để nhận biết về một thời đại nào, bạn nên tìm đọc những tác phẩm được sáng tác vào thời đại ấy. Có thể nói tập truyện “Bất Cứ Lúc Nào, Bất Cứ Ở Đâu” của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng là một tác phẩm mang lại cho người đọc những chất liệu như vậy, dù khái quát về hoàn cảnh xã hội cùng đời sống với lối sống cùng những suy nghĩ của giới trẻ nơi các thành thị tiêu biểu Miền Nam vào những năm cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970, những năm binh lửa ngút trời ấy, có một chút gì hơi xót xa, chua chát khi biết được rằng nơi các thành thị yên bình đã có một thời thanh niên nam nữ họ lao vào những trận yêu cuồng sống vội như thế !”

Từ trái: Thành Tôn, Nguyễn Văn Sâm, Phạm Phú Minh, Đạm Thạch, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Tà Cúc, Viên Linh, Đỗ Việt Anh, Trần Yên Hòa,

Trần Văn Nam, Trúc Chi.

Thưa Thầy,

Với các suy nghĩ vụn vặt vừa kể xin được kính gởi đến Thầy như một lời xin lỗi dù muộn mang cách nay có lẽ vào khoảng bốn năm mà tôi đã không làm cho Thầy vui vì những lẽ vừa kể. Xin cầu nguyện Trời Phật gia hộ Thầy mau hồi phục lại sức khỏe trước cơn bịnh trong mấy ngày qua.

Trang trọng kính chào Thầy và kính mong Thầy bỏ lỗi cho.

Kính thư,

Hai Trầu

Lương Thư Trung

LỜI VIẾT GỞI NGUYỄN XUÂN HOÀNG

Nguyễn Xuân Thiệp

NXHoàng. CA

NXHoàng. Đinh Cường vẽ

mảnh trăng

tặng Nguyễn Xuân Hoàng

vẫn chiếc áo sờn cổ

đôi giày của gã lãng du

tôi đi. với mảnh trăng. mùa đông

này bạn văn xưa

còn không những nét dao trên đá

về số phận. của một người. một đời

và đốm lửa

tôi nghe thơ anh. cùng tiếng chuông. ngân

giã từ

giã từ

những mùa của quỷ

hồi tưởng

những năm tháng đó

mảnh trăng mùa đông

cùng ta đi

qua mái nhà. góc phố. đường ray

về hổ khê

về vùng lau thưa. thăm mộ bạn

mùa này cây đào cẩm nhân đã trổ bông

hồn oan. đêm cầm đèn. gọi cửa

đường tăng

đầm suối tây phương như kiếm sắc

dốc hiểm

khe oan

về đâu

ngọn gió mùa đông. thổi. tím

mảnh trăng còi

bay. bay. như chim. qua mây

dưới trăng. trâu bon. ngựa mỏi

hoa ác ăn người

yêu quái. chờ ai. nơi lều cỏ

đường tăng

thuyền đã ghé bờ

hãy quên. như trăng

quán cháo khuya. đèn đỏ

mở chân trời. cuộc đời thôi đã khác

tháng mười hai, 1997

Tôi viết bài thơ này năm 1997, một thời gian ngắn sau khi qua Mỹ. Bài thơ đề tặng bạn Nguyễn Xuân Hoàng, ghi lại hành trình của một người thơ qua chiến tranh và ngục tù, với tâm nguyện khắc văn mình trên đá và nhóm lên ngọn lửa giã từ thế giới và thời của cái ác. Hành trình đó, ít nhiều Nguyễn Xuân Hoàng cũng đã trải qua như trong tác phẩm Bụi Và Rác của bạn. Tôi hình dung nó như con đường Huyền Trang đi thỉnh kinh, và mỗi nhà văn chúng ta kinh qua nó với sứ mạng của Đường Tăng là mang những nét đẹp nhân văn đến cho cõi người. Con đường đó muôn vàn khó khăn, hiểm trở, cái ác rình chờ khắp mọi nơi. Huyền Trang đã vượt qua được. Còn nhà văn chúng ta, bạn và tôi và Nguyễn Xuân Hoàng đã tới bến bờ nào. Bên kia sông là ánh mặt trời hay một cõi lãng quên nào đó, cũng không là quan trọng.

Giấc mơ của Balakirev

Trong những dòng viết cho Nguyễn Xuân Hoàng ngày hôm nay, tôi muốn nói tới một cuộc hành trình khác -cuộc hành trình của Balakirev trong mùa đông băng giá trên một chiếc xe ngựa thời cổ. Mily Balakirev (1837- 1910), là pianist, nhạc trưởng và là nhà soạn nhạc danh tiếng của Nga, người đã ảnh hưởng đến nhiều nhạc sĩ đương thời trong đó có Tchaikovsky (1840-1893) trong vở nhạc kịch Romeo and Juliet và bản giao hưởng Manfred Symphony. Bài thơ của tôi gởi Nguyễn Xuân Hoàng được viết lại từ bài Giấc Mơ Của Balakirev (Balakirev’s Dream), thơ Tomas Transtromer, theo bản tiếng Anh và bản dịch của Cao Thu Cúc trên Văn Chương Việt.

balakirev đang dự một cuộc hòa nhạc

và rồi ông ngủ thiếp đi

chợt ông mơ thấy mình đang đi trên cỗ xe ngựa thời nga hoàng

chiếc xe ngựa lăn bánh trên con đường lát đá

chạy thẳng vào vùng bóng tối của tiếng quạ kêu

balakirev ngồi một mình trong xe. nhìn ra ngoài

có khi ông bước xuống chạy cùng với những chú ngựa

mảnh trăng mùa đông cũng chạy theo cỗ xe. qua những hàng bạch dương. dưới trời khuya a.cuộc hành trình dường như đã dài lâu

trên ngôi nhà thờ cổ. chiếc kim đồng hồ bây giờ chỉ năm. thay vì chỉ giờ

và trên cánh đồng có một chiếc cày bỏ quên

chiếc cày là con chim gãy cánh

trong vịnh. giờ này. một chiếc tàu đang neo đậu

chung quanh tuyết phủ. không một ánh đèn

thủy thủ lên đứng hết trên boong tàu

chiếc xe ngựa chạy qua vùng băng tuyết. bốn bánh quay. quay. tiếng lụa xé

balakirev tới gần một chiếc tàu chiến nhỏ

chiếc sebastopol

giờ đây ông đang ở trên tàu. các thủy thủ vây quanh

một người trao ông cây đàn cổ:

“ông sẽ không chết nếu ông chơi đàn”

Như thế đó, cuộc hành trình của Balakirev kết thúc. Như đời tôi, đời bạn, đời Nguyễn Xuân Hoàng sẽ kết thúc. Nó kết thúc với một hy vọng (hay ảo vọng?) rằng “ông sẽ không chết nếu ông chơi đàn”, có nghĩa là nhà nghệ sĩ, người sáng tạo đã ca hát trước cuộc đời và hiến dâng cho đời sẽ sống mãi với thời gian.

Với hai bài thơ, Mảnh TrăngGiấc Mơ Của Balakirev, tôi muốn trao tới Nguyễn Xuân Hoàng một nhắn gởi và một tâm tình. Hoàng ạ, chúng ta đã cùng với mảnh trăng mùa đông đi qua vòng đầu của địa ngục, ghi khắc lời mình trên đá, và đã tới bờ. Bên kia bờ, cuộc đời thôi đã khác. Và cùng với nhà soạn nhạc lừng danh của nước Nga, chúng ta đi trên chiếc xe ngựa cổ vượt qua mùa đông tuyết phủ tới con tàu nằm trong vịnh giá băng, với hy vọng là những nghệ sĩ đã ca hát cho niềm vui và nỗi buồn của con người sẽ không bao giờ chết.

Bây giờ, tôi xin trích đọc cùng với Nguyễn Mạnh Trinh một đoạn văn rất đẹp của Nguyễn Xuân Hoàng trong Đoản văn viết ở Cali. Bài “Mưa Cali nhớ Phạm Ngũ Lão”:

“Cali mưa cơn mưa nhỏ chợt đến chiều nay trên đường Westminster như một người khách lạ không hẹn mà tới, Những hạt mưa lớn, thưa, gõ từ tốn trên mặt kính chắn gió nghe như tiếng mưa thuở nào rơi trên mái tôn trước hiên nhà.

Bầu trời ẩm đục, thấp và nóng. Cali đang mùa hè. Cơn mưa tuy không đủ sức làm dịu những cục than hồng, nhưng có thừa cái sắc bén của con dao cau rạch trong tôi những vết thương hoài niệm.

Mưa gõ đi từ góc ngã tư đường Harbor- Westminster là những mũi kim xoi đằm trí nhớ. Mưa dẫn tôi đi trở về trên những con đường quen, khu phố cũ, những bạn bè xa xưa…”

Trong những ngày này, ước mong Nguyễn Xuân Hoàng có tâm bình an với hành trình của mình. Trở về hay đi tới thì cũng là hoan ca như cây sáo của Tagore đã được Đấng Chí Tôn phả đầy âm nhạc vào trong đó… Và xin nhắc lại lời chia tay của thi hào xứ Ấn Độ: Tôi đã được mời tới lễ hội trần gian này, và tôi cảm thấy đời tôi tràn đầy ơn phước. Tôi đã được nhìn và được nghe bao điều. Trong hội vui, phần tôi là chơi nhạc trên cây đàn của mình, và tôi đã chơi hết sức tận tình.

Giờ đây xin hỏi, đã đến giờ chưa để tôi được phép bước vào diện kiến Người và dâng lên Người lời chào kính lặng thầm?

Tôi phải ra đi rồi đây. Anh em ơi, hãy nói lời từ biệt tôi! Tôi cúi đầu chào tất cả và cất bước lên đường.

Đây tôi trả lại chìa khoá cửa, và trao ngôi nhà lại cho anh em. Tôi chỉ xin anh em lời tử tế cuối cùng.

Khi tôi từ giã nơi đây, xin nhớ lời tôi chia tay, rằng nhũng gì tôi đã được hân thưởng thật đã quá tràn đầy.

Tôi đã được nếm mật ủ trong lòng bông sen đang nở cánh trên biển ánh sáng, và như thế đã là diễm phúc rồi, và đây là lời từ biệt của tôi. (Gitanjali-Tagore)

NXT

18.8.2013

Thư gửi Nguyễn Xuân Hoàng

Sep1

• Trịnh Cung

Hoàng thân,

Tôi đã đọc Ðinh Từ Bích Thúy viết về thơ của Ðinh Linh, Nguyễn Quốc Chánh, đây là 2 tác giả thơ đương đại, một ở Mỹ và người kia ở Sài Gòn, có ngôn ngữ và tính cách rất riêng, được nhiều người trẻ trong giới làm thơ “bây giờ” ngưỡng mộ, nhưng để nắm được linh hồn chữ nghĩa của 2 nhà thơ này không phải là chuyện đi dạo công viên. Qua những bài viết ấy, Ðinh Từ Bích Thúy đã động đến chân tơ kẽ tóc của thơ họ không phải bằng dao mổ của academy, lúc nào cũng kéo theo một cỗ xe kiến thức lòng ngòng phép tắc, nguồn dẫn từ mấy đời cha ông… vừa máy móc duy lý vừa khoe chữ, mà bằng cái khả năng cảm nhận sâu sắc thiên phú và những kiến thức văn hóa đã được tiêu hóa thành sinh tố cần thiết, thành những công cụ “mềm” cho tư duy của riêng mình để đọc, viết và bình luận về văn học. Hôm nay, cái ý nghĩ này lại được nâng lên độ tin cậy ở tôi khi được đọc bài viết của Ðinh Từ Bích Thúy về văn chương Nguyễn Xuân Hoàng vừa được post trên Da Màu để mở đầu cho chuyên đề về Nguyễn Xuân Hoàng, nhà văn, nhà hoạt động văn học 75 tuổi từng nổi tiếng từ những năm 60-70 ở Sài Gòn, nay đang sống trong nguy kịch bởi bệnh ung thư xương thời kỳ cuối tại nhà riêng ở San José.

Ðặc biệt ở bài viết này có 3 điểm:

Thứ nhất là nó không được viết trong một điều kiện có đủ thời gian cho một tiểu luận về văn chương của cả một sự nghiệp của một nhà văn. Trong điều kiện khẩn cấp này, Ðinh Từ Bích Thúy đã viết liền mạch chỉ trong có một đêm.

Thứ hai là Nguyễn Xuân Hoàng không phải là nhà văn ở độ tuổi của thế hệ 1.5 như chị và Ðinh Linh, dễ gần nhau về tâm thức và tâm lý. Hơn nữa, dòng văn chương của ông cũng không phải là đương đại, không ảnh hưởng trực tiếp văn chương Mỹ vì ông là thế hệ sau cùng người Việt chịu ảnh hưởng đậm Tây học, nhất là triết Tây.

Và sau cùng là Nguyễn Xuân Hoàng không phải là tác giả nằm trong danh sách “ưu tiên” (tôi đoán vậy) của Ðinh Từ Bích Thúy.

Vì lẽ đó mà những gì tiêu biểu nhất cho sự sắc sảo, sự xúc cảm, những ẩn điệp trong tác phẩm của Nguyễn Xuân Hoàng đã được Ðinh Từ Bích Thúy giải mã không thể tốt hơn chỉ trong một bài viết tuy ngắn nhưng đầy cảm hứng và quyến rũ mãnh liệt. Thật sự ngạc nhiên, tôi đã bị cuốn theo dòng chảy xiết của một thứ ngôn ngữ bình luận sinh động trong tiết tấu không có dấu lặng, légato và staccato, fortissimo và andante liên tục thay nhau đưa người đọc lên và xuống những thang bậc âm điệu cao thấp, mỏng dầy, thật thú vị và trong chuyển đổi hình ảnh từ tĩnh sang động hay ngược lại một cách linh hoạt như ngôn ngữ điện ảnh Hollywood bây giờ. Nhưng trên hết, điểm tuyệt vời nhất của bài viết ấy không phải ở phần nhận định, mà là phần cảm xúc của tác giả dành cho bài viết, theo tôi, nó nằm ở những chỗ chữ nghĩa bị ngập ngừng, ậm à, bối rối của tác giả trước khi liền mạch trở lại. Nó như là những nhịp đập thổn thức của trái tim vào những giây phút cảm xúc khi ý tưởng viết của tác giả rơi vào trạng thái thăng hoa.

Hoàng à,

Có lẽ động lực để cô ấy viết được như thế, ngoài tài năng, tôi đoán, trong trường hợp này còn là do viết cho một nhà văn tài hoa đang đứng trước lằn ranh của sự sống và cái chết, là do đến từ lòng ăn năn, một món nợ lâu ngày chưa trả cho bạn, một món nợ văn chương, như trong bài viết của mình, Đinh Từ Bích Thúy đã nói. Và cô ấy đã viết bằng tiềm thức. Hôm nay, món nợ ấy đã được trả một cách đẹp đẽ, cả vốn lẫn lãi, trong hoàn cảnh này, chắc bạn sẽ vui đến phát khóc.

Nếu khóc được bạn cứ khóc, khóc thật to, khóc thật nhiều nước mắt. Tiếng vang của khóc và nước mắt tràn ra chính là lúc bạn thật hạnh phúc, hạnh phúc của một nhà văn. Tôi nói như thế không phải là tôi làm phép hoán vị để cảm được điều sẽ xảy ra nếu là mình, mà là từ một trải nghiệm của chính tôi. Bạn còn nhớ, năm 2001, cuối tháng 4, tôi bị bệnh viện Fountain Valley, Orange County trả về vì không có thuốc chữa cho bệnh ung thư tụy. Trước khi rời bệnh viện, buổi sáng cuối cùng, tôi được một người tìm đến thăm vì biết tin trễ, sự hiện diện và những lời nói cùng cử chỉ của người khách đã làm tôi xúc động như chưa từng, tôi đã bật khóc, khóc dữ dội và lạ thay người tôi nóng trở lại sau lần khóc đó.

Và khi về nhà, cứ mỗi lần chuông điện thoại reo là tôi vui vì biết mình sắp nhận được một lời hỏi thăm và cầu chúc của bạn hữu khắp bốn phương, tôi lại khóc vì hạnh phúc. Các con tôi bảo bố đừng khóc, đừng nhấc máy, bố sẽ kiệt sức nhưng tôi không làm theo, tôi vẫn nghe điện thoại và vẫn òa lên khóc vì một giọng nói thâm tình vọng lại từ Pháp, Úc, Ðức, Việt Nam, và từ các tiểu bang nước Mỹ.

Hoàng ơi,

Nước mắt đã hồi sinh tôi, tình cảm và lời cầu nguyện của bạn bè đã giúp tôi đứng lên trở lại, xin cám ơn và không bao giờ quên. Bạn cũng đang nhận được những lời thăm hỏi và cầu nguyện chân tình từ rất đông bạn hữu, chúc bạn, một thằng bạn cùng tuổi Mậu Dần, cùng có một tuổi thơ nghèo khó, cùng một mái trường Võ Tánh, Nha Trang, cùng quê Khánh Hòa và cũng đang sống lưu lạc từ lúc trai trẻ trên quê hương và nay ở xứ người, sẽ đứng lên trở lại và chúng mình sẽ vẫn còn cơ hội ngồi café với nhau ở San José hoặc Bolsa.

Arcadia, 14-8-2013.

Trịnh Cung

_____________________

Chân thành cám ơn họa sĩ Trịnh Cung đã cho phép đăng lại bức thư này.

NM

Nguyễn Xuân Hoàng một đời viết văn, làm báo, dạy học

Doanh nhân Sài Gòn - 04/09/2013 08:56

Nguyễn Xuân Hoàng là người nghệ sĩ đích thực, nhưng tư chất nhà giáo đặt ra những giới hạn không thể vượt qua cả trong cuộc đời lẫn trong nghệ thuật.

Khuya thứ Bảy 17/8, anh Nguyễn Quốc Thái gọi từ Quận Cam báo tin sắp lên San José thăm nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng đang trong cơn bạo bệnh. Tình trạng sức khỏe của thầy tôi đã nghe mấy tuần nay, đã xem thủ bút của thầy Tôi không còn thời gian, nhưng tôi vẫn tin Ơn Trên còn cho thầy phép lạ.

Chân dung nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng

Anh không về thật rồi

không tìm café bụi đời khác

chỗ ngồi đó quê hương đó

đã hoang vu. (Vũ Trọng Quang)

Thầy Nguyễn Xuân Hoàng và thầy Nguyễn Trọng Văn là hai người thầy giáo mà tôi quý mến cùng dạy lớp 12C3 của chúng tôi ở Trường Trung học Trường Sơn, Sài Gòn.

Thầy Nguyễn Trọng Văn dạy luận lý học (logic học), thuộc khuynh hướng “dấn thân”, thường cộng tác với các báo khuynh tả. Thầy Nguyễn Xuân Hoàng dạy tâm lý học, gần với khuynh hướng “viễn mơ”, làm báo thuần túy văn nghệ. Nhưng cả hai thầy đều để lại trong tôi những ấn tượng tốt đẹp về tư chất của người trí thức.

Dạo đó thầy Văn vừa có bài thuyết trình gây chấn động ở Trường Đại học Văn khoa “Phạm Duy đã chết như thế nào?”, sau đó được nhà xuất bản Văn Mới in thành sách.

Ý kiến của thầy gây ra tranh cãi: người tán thành thì đồng tình với việc phê phán người nhạc sĩ đã sửa lời những bài ca kháng chiến; kẻ phản đối thì cho đó là thái độ “chính trị hóa nghệ thuật” và bất công với người nghệ sĩ.

Hơn 40 năm sau, đọc lại những gì Nguyễn Trọng Văn viết về Phạm Duy, dễ thấy là cuộc đấu tranh tư tưởng trong hoàn cảnh cực đoan lúc đó đã dẫn đến những nhận xét nặng nề, nhưng tự trong thâm tâm người viết vẫn trân trọng tài năng của nhạc sĩ và muốn đặt Phạm Duy giữa lòng dân tộc.

Một lần, trong lớp tôi, chính thầy Văn đã say sưa nói về những kỷ niệm liên quan đến bài hát Tóc mai sợi vắn sợi dài của người nhạc sĩ tài năng ấy. Và thật là một nghĩa cử đẹp: sau hơn 30 năm, một trong những người đến thăm Nguyễn Trọng Văn nằm dưỡng bệnh tại nhà sau cơn tai biến chính là nhạc sĩ Phạm Duy khi mới hồi hương.

Thầy Nguyễn Xuân Hoàng thì khác. Thầy yêu nhạc Phạm Duy, cũng như Trịnh Công Sơn, và muốn tách con người nghệ sĩ Phạm Duy ra khỏi con người chính trị của ông. Nhưng thầy Hoàng thật ra không phải là nhà văn viễn mơ.

Trong cái năm 1972 nhiều biến động ấy, thầy nhận lời ông Nguyễn Đình Vượng thay nhà văn Trần Phong Giao điều hành tạp chí Văn trên cương vị thư ký tòa soạn.

Cũng năm đó, thầy viết một truyện ngắn có chất tự truyện nhan đề Cha và anh đăng trên tạp chí Vấn đề của Vũ Khắc Khoan, hoài nhớ về những ngày kháng chiến chống Pháp, trong đó trích lại mấy đoạn trong bài Bà mẹ Gio Linh của Phạm Duy. Vì việc ấy, tạp chí Vấn đề bị tịch thu và tác giả Nguyễn Xuân Hoàng bị gọi ra hầu tòa.

Không biết truyện ngắn đó có phải là cách đối thoại tế nhị của thầy Hoàng với thầy Văn hay chăng; nhưng dù không tán thành sự chọn lựa của đồng nghiệp, trong trường hai thầy bao giờ cũng nể trọng nhau.

Hai ông thầy đều cao ráo, đẹp trai theo cách riêng: thầy Văn râu quai nón, uy nghi, đường bệ, giọng nói chắc nịch, đi xe hơi Volkswagen tới trường; thầy Hoàng dáng thư sinh, pha một chút “bụi đời”, đi xe máy Lambretta, buổi chiều bao giờ cũng đến trường thật sớm, ngồi chờ ở văn phòng trước khi vào lớp.

Ngoài bài giảng, thầy Văn thích nói chuyện xã hội; thầy Hoàng chỉ nói chuyện văn nghệ, triết lý. Một lần, nhân nói về cuốn sách Nói với tuổi hai mươi của Nhất Hạnh, trong đó tác giả trao đổi thân ái với Phạm Công Thiện về vấn đề lý tưởng, thầy Hoàng đưa ra so sánh rất thú vị và sâu sắc về hai tu sĩ Phật giáo nổi tiếng này; thầy nói thầy yêu quý cả hai, nhưng nếu chọn lựa một hướng suy nghĩ tích cực cho cuộc đời, thì thầy chọn Nhất Hạnh.

Thầy Nguyễn Xuân Hoàng không thích uống rượu, có thể đó như một phản ứng với người cha nghiện rượu chăng? Vì nể nang tình bạn mà thầy hay ngồi với nhà thơ Tạ Ký ở quán rượu bên chợ Đũi.

Thầy chỉ thích cà phê, nhất là thích nhìn những giọt cà phê sóng sánh rơi xuống đáy ly. Rượu thường làm người ta hưng phấn, bốc lên; cà phê giúp người ta trầm tĩnh, đằm xuống.

Hình như A. Camus bảo nghề giáo là chỗ sa lầy của nhà văn chính là theo nghĩa này.

Khi tiểu thuyết Kẻ tà đạo được xuất bản sau khi đăng dài kỳ trên một tờ báo, có người hỏi thầy: “Kẻ tà đạo là ai?”, thầy tự trào: “Kẻ tà đạo là tôi đó!”. Thật ra, Nguyễn Xuân Hoàng vẫn là người coi trọng cái đạo trong đời và trong văn.

Sau này, trên đất Mỹ, theo lời kể của thầy, có lần hai người đang ngồi trong quán cà phê, Phạm Duy bỗng xô ghế đứng dậy bỏ đi giữa chừng, vì nghĩ rằng Nguyễn Xuân Hoàng không thích con người ngoài đời của ông.

Một câu chuyện khác chứng tỏ cái đạo của người làm báo: Khoảng 1973 Nguyễn Xuân Hoàng về Nha Trang phỏng vấn nhà văn đồng hương Võ Hồng, bài báo chỉ có một câu nói vui về chuyện “đi bước nữa” của nhà văn mô phạm “lắm mối tối nằm không” này mà khiến ông hờn dỗi, làm người phỏng vấn phải vội vàng “nói lại cho rõ” ngay trên số báo sau: “Nha Trang, Võ Hồng và không có ai là phu nhân”.

Tôi đã đọc hết những truyện ngắn và tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Hoàng in trước 1975: Mù sương; Sinh nhật; Khu rừng hực lửa; Kẻ tà đạo; Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu

Riêng sách thầy in ở nước ngoài tôi không có đầy đủ, nên chưa thể viết một bài toàn diện về sự nghiệp văn học của thầy. Nhưng tôi tin rằng không sớm thì muộn, sách của thầy sẽ được chọn lọc tái bản trong nước, như trường hợp Nhật Tiến, Lê Tất Điều, Phan Văn Tạo, Nguyễn Mộng Giác…

Tôi yêu thích và vẫn còn nhớ từng đoạn văn tùy bút của thầy trong cuốn Ý nghĩ trên cỏ. Sau này, viết tản văn, tôi biết mình chịu ảnh hưởng những bài của thầy như Nếu buổi sáng hôm nay, Quá khứ một lần nữa, Uống rượu ở chợ Đũi, Những trái cao su ở Sài Gòn

Tôi đã gửi tặng thầy tập sách mỏng của tôi và vui sướng báo tin với thầy, cách đây hai năm, cô giáo Lê Trà My, với sự hướng dẫn của giáo sư Trần Đình Sử, đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về thể tản văn và sau đó đã chọn tác phẩm của Nguyễn Xuân Hoàng in trong tập Tản văn Việt Nam hiện đại.

Gần dây nhất, báo Lao Động cuối tuần cũng in lại truyện ngắn Ở quán cà phê Starbucks mà thầy mới viết.

Sau 1975, những người trí thức ở miền Nam đều gặp khó khăn về đời sống, Nguyễn Xuân Hoàng viết báo Tin sáng với bút hiệu Nguyễn Mai Khôi. Hồi đó công chúng Sài Gòn không có nhiều sản phẩm nghệ thuật đa dạng để thưởng thức, có lần tôi gặp thầy đến Phân viện tư liệu điện ảnh ở đường Phan Kế Bính để xin vé xem phim hạn chế.

Một lần khác, tình cờ gặp thầy cô ở nhà hát Trần Hưng Đạo, trông thầy rất vui và tỏ ra thú vị với vở kịch Vụ án Erostrat. Từ khi định cưở Mỹ năm 1985, thầy tiếp tục viết văn, làm báo, tham gia giảng dạy văn học Việt Nam ở Đại học California, góp phần tục bản tờ tạp chí Văn cho đến năm 2008 mới đình bản vì lý do tài chính.

Sang năm là kỷ niệm 50 năm ra đời, tờ tạp chí văn học này có những đóng góp quan trọng trong việc giới thiệu các khuynh hướng, trào lưu và tác gia lớn trên thế giới, góp phần hiện đại hóa văn học ở miền Nam trước 1975, “thực sự làm sống dậy một đam mê chữ nghĩa của nhiều người viết trẻ”, như thầy Hoàng nhận xét.

Không phải ngẫu nhiên mà gần đây, trong các trường đại học và các viện nghiên cứu, tạp chí Văn là một nguồn tài liệu tham khảo đáng tin cậy cho các luận văn, luận án về văn học.

Bức ảnh in kèm đây chụp nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng ở Thung lũng Silicon, thầy gửi cho tôi đã gần chín năm. Năm ngoái nhân một đồng nghiệp ở trường đi trao đổi khoa học ở Mỹ, thầy lại gửi sách mới cho tôi.

Thầy còn hẹn sẽ về Sài Gòn, thầy trò đi uống cà phê một bữa. Tôi đã chuẩn bị photocopy tặng thầy một bài luận và học bạ lớp 12 của tôi có lời phê, điểm số và chữ ký của thầy với tư cách là giáo sư hướng dẫn (bây giờ gọi là giáo viên chủ nhiệm) cùng với toàn bộ tập bài giảng tâm lý học in ronéo thầy soạn cho lớp mà tôi lưu giữ cẩn thận suốt 40 năm qua. Nhưng bây giờ đây e rằng điều đó đã không còn ý nghĩa.

Trong sách Đoạn đường chiến binh, nhà văn Thế Uyên, một người cùng thế hệ vừa từ trần tháng 6 năm nay, kể rằng hồi chiến tranh có lần Trịnh Công Sơn đặt câu hỏi: “Khi đất nước thanh bình, bạn bè hai bên trở về, sẽ ra sao nhỉ?”.

Thế hệ đó đến nay vẫn còn nhiều người thất lạc quê hương, thất lạc bạn bè. Nguyễn Xuân Hoàng hay viết hai từ “Hẹn gặp” để tiễn biệt một bạn văn vừa ra đi: “Nghĩ cho cùng trên đời này tưởng là chia tay mà vẫn là gặp gỡ và tưởng là gặp gỡ đôi khi đã là chia tay. Con người giống như những hạt bụi bay tán loạn giữa bầu trời và tình cờ gặp nhau, rồi những cơn giông bất ngờ ập đến bắn tung ra, những hạt bụi lại rời nhau bay về những phương hướng khác. Những hạt bụi có còn gặp lại nhau không hay mãi mãi không bao giờ tái hợp?”.

Nếu có thế giới bên kia, liệu những người đã ra đi đó còn có dịp ngồi lại với nhau để nói tiếp câu chuyện bỏ dở của những người trí thức đã kinh qua cơn tao loạn của lịch sử?

Không Phải Lúc Nào Cũng Có Sự Quên Lãng

(08/24/2013) (Xem: 2908)

Tác giả : T.Vấn

Nào còn gì đâu cầm lấy tay tôi

Nào còn gì đâu cầm lấy hồn tôi

Này đây những lời yêu thương thứ nhất

Chia nhau mỗi người làm vốn sinh nhai

(Nguyễn Xuân Hoàng)

1.

Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, trong đỏan văn viết về Nguyễn Tất Nhiên nhân cái chết của nhà thơ tháng 8 năm 1992, đã mở đầu như sau: “Sống trong sự quên lãng và chết dưới những vòng hoa, chuyện đó vẫn diễn ra thường ngày trên trái đất. Ở đâu có con người, ở đó có sự quên lãng. Và, tất nhiên có cả những vòng hoa... “

Ý ông muốn nói đến sự lạnh lẽo của người đời đối với nhà thơ khi còn sống, nhưng khi anh nằm xuống một mình trước sân chùa thì “hoa đã ngập đầy nơi an nghỉ cuối cùng của anh “.

Nhưng dường như với trường hợp của chính ông – nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng – sự quên lãng ấy đã không xảy ra.

Mới đây, nhà văn đã được chẩn đóan mắc bệnh “sarcoma cancer “, một lọai khối u ác tính hiếm gặp. Cả tháng nay, ông ra vào bệnh viện Stanford để làm xạ trị. Trong thư gởi cho tôi, mà ông viết giữa giờ nghỉ của những cơn đau, lần đầu tiên tôi cảm được “sự yếu đuối“ ở một con người vốn là “role model“ của tôi từ ngày tôi còn ngồi ghế nhà trường trung học (đệ nhất cấp): Tôi bị bệnh gần 3 tháng nay (nhưng biết bệnh thì mới chỉ khỏang độ 1 tháng). Đau ở sống lưng từng giây từng phút. Uống thuốc giảm đau để ngủ. nhưng thức dậy thì đau lắm... Tôi nghĩ chuyện sống chết là thường tình, nhưng sống trong sự đau đớn thể xác từng phút từng giây và chờ chết thì sợ quá...“

Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng sinh năm 1940. Năm nay ông đã vượt qua ngưỡng cửa cổ lai hy mà không phải ai cũng hưởng được, dù ngày nay tuổi thọ của con người đã tăng lên rất nhiều.

2.

Suốt tuần lễ đầu tiên của tháng 8 năm nay, trong giới những cựu học sinh trường trung học Petrus Ký của Sài Gòn năm xưa, sức khỏe của thầy Nguyễn Xuân Hoàng là mối quan tâm chính trong mọi sinh họat thông tin liên lạc. Người ta báo tin cho nhau về mọi diễn tiến sức khỏe của thầy Hoàng, về các việc mà các học trò của thầy có thể làm để giúp đỡ, hoặc đơn giản chỉ là để bày tỏ sự quan tâm, sự lo lắng, lòng yêu mến dành cho thầy. Tất nhiên, những quan tâm ấy, trước hết gởi đến ông trong tư cách một người thầy. Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng là giáo sư dạy tại trường trung học Petrus Ký Sài Gòn từ năm 1963. Ông phụ trách hai môn: Triết và Kim văn. Năm đệ ngũ, tôi họp lớp Kim văn với thầy Hoàng. Năm đệ nhất, tôi lại học triết với thầy Nguyễn văn Sâm, chứ không phải thầy Hoàng. Nhưng ấn tượng mà nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng để lại trong tôi từ thời mới lớn ở ngưỡng cửa bậc trung học đã theo tôi suốt đời, mãi đến hôm nay. Cho nên, tôi không ngạc nhiên khi thấy những học trò sau này của thầy Hoàng đã tỏ ra rất gắn bó với ông. Sức hút ở cá nhân ông, ngòai cương vị một thầy giáo dạy Triết nổi tiếng, mà còn ở tư cách một nhà văn lớn của Sài Gòn năm xưa, tư cách, một người chủ biên những tạp chí văn học uy tín nhất từ trong nước ra đến hải ngọai và gần đây nhất là trang Blog của ông trên trang mạng của đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA).

Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng

Từ ngày rời trường, đi lính, đi tù, rồi đi định cư ờ Mỹ, tôi chưa một lần gặp lại ông, dù là trong đám đông hay chỗ riêng tư. Nhưng tên ông thì tôi vẫn bắt gặp đây đó. Sau này, do một dịp tình cờ từ nhà văn Phạm thị Hòai, người chủ trương trang mạng Talawas, tôi bắt được liên lạc với ông. Cũng từ dịp ấy, ông mới biết mình có một người học trò vẫn hằng dõi theo mọi bước đi của mình.

3.

Dựa trên những hiểu biết và những tin tức mà tôi nhận được, tôi tin chắc rằng nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng không mang cái nghiệp thật buồn của các nhà văn nhà thơ: sống trong sự quên lãng và chết dưới những vòng hoa.

Các học trò của ông, những bạn bè của ông đã phủ ngập căn nhà của ông vùng bắc Cali những vòng hoa thật đẹp, thật tươi mát của sự quý mến chân thành, lòng kính trọng ngay khi gia đình ông đang nhen nhúm chút tia hy vọng trước những tiến triển khá khả quan của việc điều trị. Ông đang nuôi ý định viết một bài chi tiết trên trang Blog của mình về vị bác sĩ của bệnh viện Stanford đang phụ trách việc điều trị cho ông. Ông tin rằng có một sự ngẫu nhiên thú vị khi vị bác sĩ ấy lại là một cựu binh Mỹ năm xưa,lúc tham chiến ở Việt Nam đã từng trú đóng ở Cầu Bóng, Nha Trang, miền đất quê hương nơi ông đã sống qua thời thơ ấu.

Nếu không có những cơn đau thể xác đáng sợ, hẳn nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng đang sống những ngày thật hạnh phúc, bởi vì ông biết rằng – ngòai những người thân yêu trong gia đình – có rất nhiều những người chung quanh lúc nào cũng yêu thương ông và quan tâm đến ông.

Còn những người bạn đồng nghiệp cầm bút của ông ư ? ông biết hơn ai hết, những lời ai điếu của họ chỉ để dành cho người nằm xuống, để ném theo những hòn đất phủ trên nắp quan tài.

Giờ đây, ông mới chỉ mấp mé bên bờ tử sinh, nên những vòng hoa vinh danh một đời hết mình cho văn học, cho nghệ thuật vẫn còn được cất giữ đâu đó trên những trang bản thảo.

Bốn câu thơ ở trên đầu bài ghi chép nhỏ này là của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng mà chính ông cũng không nhớ mình viết hồi nào và đăng tải ở đâu. Cách đây mấy năm, tôi đem ra hỏi ông. Ông ngạc nhiên sao em còn nhớ được chúng. Tôi trả lời em nhớ được vì chúng hay quá.

Tôi muốn được sửa mấy chữ cuối để gởi đến ông lời chúc tốt lành của một người học trò nghĩ mình chịu ở ông món nợ chữ nghĩa:

Nào còn gì đâu cầm lấy tay tôi

Nào còn gì đâu cầm lấy hồn tôi

Này đây những lời yêu thương sau cuối

Chia nhau mỗi người làm vốn đi xa.

T.Vấn

Wednesday, 04 September 2013 00:00

Tác Giả

NGUYỄN & BẠN HỮU

Nguyễn Xuân Hoàng là nhà văn đương thời nổi tiếng, được người đọc yêu mến. Ông sinh ngày 7 tháng 7 năm 1940 tại Nha Trang (Khánh Hòa). Thời niên thiếu, ông học ở trường Võ Tánh (Nha Trang), trường Pétrus Ký (Sài Gòn).

Nguyễn Xuân Hoàng tốt nghiệp đại học Sư phạm Đà Lạt, khoa Triết (1958-1961), rồi giảng dạy môn Triết tại trường trung học Ngô Quyền ở Biên Hoà (1961-1962), tại trường Pétrus Ký Sài Gòn (1962-1975). Ngoài ra, ông còn làm Thư ký Tòa soạn tạp chí Văn ở Sài Gòn (1972-1974).

Nguyễn Xuân Hoàng

Năm 1985, ông đến Hoa Kỳ và định cư tại San Jose.

Năm 1986-1997, ông làm Tổng Thư ký báo Người Việt Daily News (California).

Năm 1989- 1994, ông còn là Tổng Thư ký tạp chí Thế kỷ 21 (California) thuộc công ty Người Việt.

Năm 1994, ông làm trong ban chủ biên tạp chí Văn Học. Tháng 9 năm 1996, ông làm chủ nhiệm kiêm chủ bút tạp chí Văn [2], đồng thời ông làm Tổng thư ký cho báo Việt Mercury trực thuộc nhật báo San Jose Mercury News của Hoa Kỳ từ tháng 11 năm 1998 đến tháng 11 năm 2005.

Ngoài ra, ông cũng từng là giảng viên (lecturer) giảng dạy môn Văn học Việt Nam đương đại tại Đại học California-Berkeley.

Hiện Nguyễn Xuân Hoàng đang định cư tại San Jose, Bắc California.

Tác phẩm của Nguyễn Xuân Hoàng đã xuất bản:

Tập truyện ngắn

- Mù sương (1966)

- Sinh nhật (1968)

Truyện dài

- Bụi và rác (1996)

- Khu rừng hực lửa (1972)

- Kẻ tà đạo (1973)

- Người đi trên mây (1987)

- Sa mạc (1989)

Các thể loại khác

- Ý nghĩ trên cỏ (tiểu luận, 1971)

- Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu (tùy bút, 1974)

- Căn nhà ngói đỏ (tạp ghi, 1989)

Ngoài ra, ông còn một số tác phẩm chưa xuất bản, đó là: Lửa (truyện dài), Ai cũng cần phải có một bà mẹ (tùy bút), Sổ tay văn học... (Theo Wikipedia) Hiện Nguyễn Xuân Hoàng đang phải điều trị bệnh. Báo Trẻ xin ân cần gởi đến bạn lời cầu chúc bình phục.

NGUYỄN & BẠN HỮU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT CỦA NGUYỄN XUÂN HOÀNG - Tự Lực Văn Đoàn thêm một lần lỡ hẹn!

Tôi chào đời trong thời chiến. Những tiếng súng đầu tiên trong cuộc chiến Việt Nam đã dứt tôi ra khỏi vòng tay mẹ khi tôi vừa mới lên 5. Và những tiếng súng ấy theo đuổi tôi từ làng quê này sang thôn xóm khác, đẩy cậu bé ra khỏi gia đình rồi chuyền từ tay bà mẹ nông dân này đến tay người lính cầm súng kia... Tôi là đứa bé chăn bò luôn luôn đói, là đứa con nuôi của người lính Lê Dương luôn ngồi giữa súng đạn, là đứa em nhỏ của những người lính bên giao thông hào, ngày nào cũng nhìn thấy người chết nằm kề bên. Cho đến ngày gặp lại mẹ, tôi được ôm sách đến trường. Tôi đi học giống như chạy giặc. Đúng hơn, như một người đói lâu ngày được ăn. Nhai nuốt vội vàng, nhiều khi không kịp tiêu, chữ thì có, nghĩa thì không. Phải học nhảy lớp cho kịp tuổi. Nhưng, tôi thích đời lính hơn đời thường. Và khi chưa kịp đến tuổi đi lính, tôi đã phải lén mẹ làm giấy thế vì khai sinh tăng thêm tuổi để hy vọng được đi lính. Mẹ tôi đã kịp thời bắt tôi trở lại nhà trường, bắt tôi phải đi học trước khi tôi muốn trở thành người lính chuyên nghiệp. “Lính chuyên nghiệp hả? Nhà có hai đứa con trai, anh hai mày đi lính là đủ rồi!”

Nguyễn Xuân Hoàng. Nguồn: VOA

Tôi là đứa học trò kém môn Văn. Tôi chỉ thích môn Toán. Những con số đến với tôi dễ hơn là con chữ! Và như thế tôi lớn lên. Và khi tôi bắt đầu biết đọc biết viết, biết chữ và nghĩa, tôi khám phá ra mình chỉ thích đọc những gì thuộc về hiện tại hơn là quá khứ. Tôi không thích Kim Dung vào cái thời mà sách vở Kim Dung tràn ngập cả Sài Gòn, Việt Nam. Không chỉ không thích mà còn cả không đọc. Tôi chỉ đọc những gì người ta viết về cái thời tôi đang sống! Tôi không mê Hồ Biểu Chánh, tôi chỉ thích Sơn Nam. Những tác giả mà tôi đọc đôi khi là những người tôi từng có dịp ngồi với họ bên ly cà phê buổi sáng. Từng có lúc tranh cãi với họ trong bữa rượu hồi chiều. Họ khác tôi, nhưng họ nói với tôi cùng một thứ ngôn ngữ. Tôi biết mình chật hẹp, nhưng không biết cách nào đi ra khỏi con hẻm đó! Tôi muốn biết người cùng thời đại của mình sống như thế nào, nghĩ như thế nào, họ giải quyết đời sống họ ra sao trước một biến cố mà tôi có lần phải đối diện?

Tôi chưa bao giờ đọc như một nhà biên khảo. Tôi đã khám phá ra trong cái đọc của tôi có quá nhiều thiếu sót. Những thiếu sót ấy cần phải được bù đắp.

Tôi muốn nói trường hợp tác phẩm và tác giả trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Tôi nhớ tựa những cuốn sách tôi tưởng mình đã đọc: Hồn Bướm Mơ Tiên. Đời Mưa Gió. Lạnh Lùng... tôi nhớ tên những tác giả tôi tưởng mình đã biết: Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam, Hoàng Đạo. những tác phẩm lớn của những nhà văn lớn trong văn học Việt Nam. Trong một thư gửi bạn bè, nhà văn Phạm Phú Minh cho biết trong hai ngày 06 và 07 Tháng Bảy này tại Hội trường báo Người Việt Quận Cam sẽ có cuộc triển lãm và hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn. Và trong hơn một tháng nay nằm trên giường bệnh, tôi nghĩ mình sẽ có dịp bổ sung những khiếm khuyết ấy.

Tôi phải xuống Quận Cam, tôi hứa với Phạm Phú Minh - trưởng ban tổ chức Hội Thảo và Triển lãm về Tự Lực Văn Đoàn và báo Phong Hoá, Ngày Nay - như thế, bởi vì ngoài chuyện sẽ gặp lại bạn bè từ lâu không gặp - mà không biết còn có dịp nào gặp nữa không? - còn là dịp hiểu thêm về những tác giả mà tôi đã đọc thiếu chiều sâu. Sẽ thấy được hai tạp chí Phong Hoá, Ngày Nay, sẽ nhìn chiếc áo dài Le Mur, sẽ nghe những bài nhạc đầu tiên của Việt Nam trên Ngày Nay, sẽ ít nhất xem được vở kịch trong sự hình thành của phong trào kịch mới Việt Nam, cả tranh bìa, hí họa, minh họa của báo Phong Hoá, Ngày Nay thuở đó…

Và những phát biểu của đại diện gia đình thành viên Tự Lực Văn Đoàn: Nhà văn Nguyễn Tường Thiết đại diện gia đình Nhất Linh, Giáo sư Minh Thu đại diện gia đình Hoàng Đạo, Bác sĩ Nguyễn Tường Giang đại diện gia đình Thạch Lam.

Ông Kawaguchi Kenichi, Giáo sư Danh dự Đại học Ngoại ngữ Tokyo, Nhật Bản, nói về Tự Lực Văn Đoàn và Văn học Cận Đại Việt Nam. Nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc, Giáo sư Đại học Victoria, Melbourne, Australia: đánh giá lại Tự Lực Văn Đoàn. Đó là chưa kể được nghe Đỗ Quý Toàn, Trần Huy Bích, Trần Doãn Nho, Trần Mộng Tú, Đặng Thơ Thơ, Ngự Thuyết cung cấp cho tôi những cái nhìn khác về Tự Lực Văn Đoàn mà tôi thiếu sót.

Tôi đã lỡ một cái hẹn mà tôi mong ước.

Quang cảnh ngày đầu tiên triển lãm và hội thảo về báo Phong Hóa Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn - nguồn diendantheky.net

NXH - Nguồn:VOA