Sổ Tay NXH

Nguyễn Xuân Hòang : Sổ Tay

TV và BH

clip_image001

(Nguồn : Văn Magazine )

Lời Giới Thiệu : Sổ Tay của nhà văn Nguyễn Xuân Hòang là những trang ghi chép về con người, sự vật, sự việc xẩy ra chung quanh một con người dường như sinh ra chỉ để làm văn chương. Duới con mắt nhà văn, thế giới chung quanh ông được chiếu rọi qua buồng lọc của một trái tim nhân hậu, từ một cái đầu sắc bén, và bằng một cảm quan tinh tế bắt gặp được những góc khuất nhất của thế giới ấy mà không phải nhà văn nào cũng có thể bắt gặp được. TV&BH trân trọng giới thiệu đến độc giả một số bài Sổ Tay đã được tạp chí Văn online (http://vanmagazine.saigonline.com) đăng tải . Nay ngừơi chủ biên đã qua đời, trang Web không còn có sự chăm sóc, nên bài vở đã bị mọt (corrupted), không thể truy cập được. Nội dung đăng tải sau đây chỉ là một phần trong những bài Sổ Tay trên tạp chí Văn ( báo giấy) trong khỏang thời gian 10 năm , kể từ năm 1996 ông tiếp nhận lại tạp chí từ tay nhà văn Mai Thảo cho đến khi tạp chí tự đình bản năm 2007.

T.Vấn & Bạn Hữu

Tháng 9 năm 2014

7-1999 – Vĩnh biệt Lê Uyên Phương

“H. ơi, anh Phương đã bỏ Uyên đi rồi!” Giọng nói nghẹn ngào, đầy nước mắt ở đầu giây điện thoại bên kia cách nơi tôi làm việc bảy tiếng đồng hồ xe chạy là của nữ ca sĩ Lê Uyên. Chị báo cho biết tin Lộc đã ra đi. Nhạc sĩ Lê Uyên Phương, tác giả Vũng Lầy Của Chúng Ta đã ra người thiên cổ đúng vào hai giờ chiều thứ Ba 29 tháng Sáu vừa qua. Chưa tới cái tuổi sáu mươi. Sáu mươi của cuối thế kỷ 20 không phải là tuổi già. Cái tuổi còn khả năng sáng tạo. Và Lê Uyên Phương đang hoàn thành tác phẩm âm nhạc cho năm 2000: phổ nhạc những bài thơ của các thi sĩ Việt Nam hiện đại.

Lần sau cùng tôi gặp Phương hình như vào tháng Chín (hay tháng Mười?) 1998 tại một quán cà phê trên đường Bolsa, góc đường Magnolia. Bởi vì tôi nhớ tháng Mười Một tôi chia tay Bolsa. Hôm đó anh đi với Phạm Công Thiện vừa từ Úc qua. Phương hơi nhỏ con, tóc dài, đôi mắt như cười, chiếc áo mặc ngoài màu sẫm và rộng so với khổ người anh (có vẻ như màu nâu là màu Phương thích nhất, tôi nghĩ vậy vì lần nào gặp anh tôi cũng tưởng chừng như mới ngày hôm qua, vì chiếc áo ấy không thay đổi.) Và lần này gặp lại anh tôi vẫn nhìn thấy một khuôn mặt rạng rỡ yêu đời. Anh có một nụ cười rất tươi và giọng nói ấm. Anh là người chỉ gặp một lần thôi cũng sẽ giữ mãi một kỷ niệm đầm ấm tin cậy. Tôi quen anh thời còn là sinh viên ở Đại học Dalat, đâu khoảng năm 1960. Đó là thời gian Lê Văn Lộc – với tên Phương sau này – đang viết những tình khúc đầu tay của anh. Tôi chưa kịp thân anh thì ra trường. Trở về Sài Gòn, tôi bị cuốn hút vào thế giới chữ nghĩa hơn là thế giới âm thanh. Có vẻ như âm nhạc không tác động nhiều đến đời sống tình cảm tôi, nếu có, phải nói chính những lời từ trong các ca khúc mới thực sự chinh phục tôi. Khi nhạc sĩ Cung Tiến giới thiệu những tình khúc đầu tiên của Lê Uyên & Phương tôi chợt nhận ra người bạn của những ngày ở Dalat lớn hơn những gì tôi nghĩ và biết về anh trước đó rất nhiều.

Lê Uyên & Phương, như Sony & Cher của âm nhạc Mỹ, quả thật đã chinh phục cả một lớp tuổi chúng tôi. Âm nhạc của anh không chỉ là những tình khúc lấy cái melody làm nền tảng, như một nhận xét của nhà báo Đỗ Ngọc Yến. Cái melody lãng mạn trong những ca khúc của Phạm Duy hay cái melody siêu hình trừu tượng trong tình ca Trịnh Công Sơn làm thành nét quyến rũ của hai bậc thầy về những bài tình ca này quả có khác với tình khúc của Lê Uyên Phương. Cái làm thành sức mạnh của âm nhạc Lê Uyên Phương chính là cái giai điệu cực kỳ khêu gợi dục tính. Đó những lời than thở cả một tình yêu “gặp hôm nay mà đã nhớ ngày mai”, không phải âm nhạc của mộng dưới hoa, của cầm tay nhau không nói, khóc lóc mà làm chi, anh về đi em đi. Âm nhạc của Lê Uyên Phương là tiếng kêu la chất ngất của thịt da, của loài thú sống với bản năng, của giống đực ngợi ca giống cái, của một sự thực không thể chối cãi về giới tính. Âm nhạc của Phương đã chinh phục tôi. Nghe Lê Uyên và Phương hát, tôi khám phá ra sự dịu dàng trong văn chương và âm nhạc thật ra chỉ làm vui lòng các cô tiểu thư giả vờ ngây thơ chứ không phải là thứ âm nhạc mà lẽ ra chúng ta phải hát cho nhau nghe bằng tấm lòng chân thật của tình yêu. Thứ tình yêu kiểu Lưu Trọng Lư đã qua rồi. Đã qua rồi tình yêu Tự Lực Văn Đoàn, đã qua luôn thứ tình yêu kiểu chàng và nàng như Vacances Romaines với Audrey Hepburn và Gregory Peck,… Âm nhạc của Lê Uyên Phương rất gần với truyện của D.H. Lawrence. Nó là cái phần vô thức trong phân tâm học của Sigmund Freuud, là cái tận cùng kỳ thú trong Kiều của Nguyễn Du. Tôi yêu âm nhạc của Lê Uyên Phương, tôi yêu tiếng hát cũa hai bạn, tiếng hát khêu gợi làm sao, tiếng hát đi qua một trái tim nóng bỏng và đã thổi cái hơi nóng tình yêu nồng nàn qua trái tim người nghe, bắt họ phải nhận ra rằng đó mới là tình yêu đích thật.

Bao giờ cũng vậy, mỗi khi nghe nhạc Lê Uyên Phương tôi đều nhìn thấy lại Dalat, một Dalat đã làm tôi trở thành một người khác với con người thời niên thiếu của tôi. Và tôi nhận ra mình ngu ngốc và rụt rè biết bao trước một Lê Uyên Phương chân thật và dũng cảm.

Sống cùng một bầu trời với anh tại nam California trong hơn mười ba năm nhưng tôi và anh gặp nhau không nhiều. Tuy vậy mỗi lần gặp nhau chúng tôi đều nhận ra người bạn ấy vẫn là người bạn của Dalat năm xưa: sương mù, con dốc, nhà ga, và cái lạnh lẽo của những ngày mùa đông. Âm nhạc Lê Uyên Phương trở thành những lời trối trăn của một cuộc tình trong thời chiến, không cơ may nổi loạn, chỉ làm sao có thể sống sót cho qua những cơn thảm sát ngu xuẩn của chiến tranh. Chia tay ngay trong giờ phút gặp gỡ của hiện tại này vì ngày mai chắc gì chúng ta còn nhìn thấy nhau. Lê Uyên Phương hát cho một tuổi trẻ bất lực trước cuộc sống không có ngày mai.

Nhưng cái gì làm thành âm nhạc Lê Uyên Phương? Trong một bài tùy bút có tựa đề là Âm Nhạc Từ Thiên Đường, trong tập Không Có Mây Trên Thành Phố Los Angeles, Lê Uyên Phương đã trả lời cho câu hỏi đó. Anh kể lại trong thời tuổi nhỏ đã có ít nhất bốn lần âm nhạc đã đến với anh. Lần đầu tiên vào một buổi chiều của Dalat, lúc anh mới khoảng tám, chín tuổi, cùng với người anh họ tên Bửu Ân, ngồi trên một ngọn đồi thấp gần ngôi trường tiểu học nằm giữa thị xã, trước mặt là con dốc dẫn xuống hồ Xuân Hương, xa là ngọn tháp nhọn của Lycée Yersin … Cả hai ngồi đó nhìn xuống con dốc, vừa bứt những ngọn cỏ xanh, vừa nói đủ chuyện trời trăng mây nước. Và đột nhiên anh phát giác ra cả hai ngưng bặt từ lúc nào, và đang lắng nghe trong không gian tràn ngập những tiếng đàn vĩ cầm: chồng lên nhau, quấn vào nhau, đuổi theo nhau như một dòng suối, những tiếng đàn vĩ cầm đến từ chiếc loa phóng thanh của hội chợ, một đoạn valse của Johann Strauss, rồi một dàn kèn đồng trỗi lên làm lung linh mọi thứ trong không gian.” Lê Uyên Phương viết “Ôi! Hạnh phúc biết bao, con người đã tạo nên được những âm thanh kỳ diệu như thế.” Và từ đó anh bắt đầu nhận thức thế giới chng quanh qua cái “nghe” của những âm thanh của buổi chiều hôm đó. Bài viết của anh cho tôi hình dung cái cảnh tượng cậu bé Lê Văn Lộc mỗi buổi chiều thường ra cái mép của khoảng đất trống trên đường Hàm Nghi, nhìn xuống thung lũng chỗ có rạp hát Ngọc Hiệp trên đường Phan Đình Phùng để nghe vọng lại âm điệu của cái concerto en C majeur của Mozart viết cho dương cầm được phát ra từ cái loa của rạp hát trước giờ chiếu phim…” Lần thứ hai, âm nhạc đến với anh từ những bài thánh ca trong nhà thờ Tin Lành, và anh làm quen với Mendelson, với Bach, với Schubert… Lần thứ ba, qua đài phát thanh Dalat, chương trình âm nhạc Hoa Kỳ đã chinh phục anh với tiết điệu của nhạc Jazz. Điều làm anh say mê là những tiết điệu nhịp nhàng của trái tim con người bên cạnh những buông thả của hơi thở, của cảm xúc thể hiện qua tiếng kèn đồng nóng bỏng.” Sự vắng bặt của lý trí trong nhạc Jazz đã mê hoặc anh. Và như thế Duke Ellington. Bessie Smith, Louis Amstrong, Lil Hardin đã đến với anh, mang cho anh bài học lớn lao về cái gọi là chất tươi của âm nhạc, là máu của âm nhạc. Tôi nghĩ rằng người ta sẽ dễ thẩm thấu âm nhạc của Lê Uyên Phương hơn nếu được đọc những dòng chữ đầy tính cách tự truyện của anh trong tùy bút Âm Nhạc Từ Thiên Đường:

“Tôi biết rằng tôi đã thuộc vào một nơi nào đó rất chênh vênh giữa lý trí của con người, linh hồn của Thượng Đế và hơi thở của tình yêu.”

Lộc đã ra đi. Lê Uyên Phương đã vẫy tay từ biệt chúng ta. Nhưng Tình Khúc Cho Em, Vũng Lầy Của Chúng Ta, vẫn còn ở lại, sẽ còn ở lại. Âm nhạc của Lộc không phải ai cũng hát được. Có những ca khúc gần như anh chỉ viết cho hai người hát. Và hai người đó chính là Lê Uyên và Phương. “Hãy ngồi xuống đây. Hãy ngồi xuống đây… ” Khi những âm thanh ấy cất lên chỉ còn lại cái khuôn mặt ngây dại của Lộc cúi xuống cây đàn thùng và cái dáng đứng cao gầy của Lê Uyên nhìn xuống những ngón tay anh. Hãy ngồi xuống đây! Hãy ngồi xuống đây! là những lời mời gọi của một tình yêu không còn ngây thơ nữa. Trái cấm đã ăn, cánh tay đã ôm ấp và hai thân xác đã nhập vào nhau.

Âm nhạc của Lê Uyên Phương là giai điệu của chúng tôi. Anh ra đi mang theo phần thứ hai của một tên tuổi đã đi vào trí nhớ mọi người. Sẽ khó mà tìm được một Phương khác cho Lê Uyên trong khi trình bày những tình khúc của Lộc. Tôi nghĩ như vậy.

Chỉ trong một thời gian ngắn, rất ngắn, chúng tôi đã tiễn đưa Mai Thảo, rồi Nghiêu Đề, rồi Nguyên Sa. Trước đó là Bùi Giáng ở quê nhà. Mới đây là Lê Đình Điểu ở Quận Cam. Và bây giờ là Lê Uyên Phương.

Rồi sau cùng mọi người cũng sẽ lần lượt rủ nhau ra đi thôi.

Nếu trái đất không thể chịu đựng nổi sự già nua, với một quá khứ đầy thử thách thì nó sẽ phải ấp ủ trong lòng một tuổi trẻ chưa kịp làm thành dĩ vãng. Nhưng điều đó cũng chả hề gì. Tuổi trẻ bây giờ đang chuẩn bị cho một quá khứ sắp tới, bởi vì tương lai đang có trong tay họ. Nghệ thuật của Trần Anh Hùng và Tony Bùi đang trả lời cho những câu hỏi như thế.

Những cơn mưa Sài gòn

tràn ngập kỷ niệm thời tuổi nhỏ

Mùa hè quả thật đã đến miền Bắc Cali. Mấy ngày cuối tháng Sáu độ nóng đã vượt quá con số 97. Cả thành phố như chìm trong một lò nướng thịt. Sức nóng ngoài trời làm mọi người ngật ngừ, dễ cáu gắt, giận dữ. Tôi lái xe trên đường trở về buổi tối vẫn không thoát dược cái nóng. Tôi nghĩ chắc không thể dưới 100 độ. Dưới Santa Ana, mùa hè tôi đã từng chịu những trận nóng dữ dội, nhưng tôi chưa thấy cái cảm giác bị nằm trong một lò nướng thịt này. Tôi đi tìm một cơn mưa cho bầu trời bắc Cali. Phải có một trận mưa lớn, thật lớn, may ra… Tôi nhớ Sài Gòn những ngày mưa, những cơn mưa xối xả đổ xuống con dường Phạm Ngũ Lão, lầy lội ở Ngã Tư Quốc Tế, ướt con đường Kỳ Đồng. Mưa kéo theo một dòng sông trên đường Trần Quốc Toản. Những cơn mưa tràn ngập trong cuốn phim Ba Mùa của đạo diễn Tony Bùi vẫn còn ướt trí nhớ tôi.

Cô phóng viên Vương Trường Nga My của tờ Việt Mercury luôn luôn hỏi tôi tại sao chưa đi xem Ba Mùa. Đó là một cuốn phim tuyệt vời, một cuốn phim mà mọi người Việt Nam đều phải đi xem. Và tôi đã đi xem Ba Mùa. Cái cảm giác sau cùng khi tôi bước ra khỏi rạp còn đọng lại trong tôi là những cơn mưa, đúng là những cơn mưa tuyệt vời. Cái ống kính của người cầm máy đã thu được cái chất rất Sài Gòn ở những cơn mưa trên đường phố. Hình ảnh chú bé mặc áo mưa bước đi lang thang trong thành phố đêm. Cảnh đá bóng dưới mưa trên đường phố. Và cái thế giới bên kia sự nghèo khó . Cô gái điếm. Người phu xích lô. Cô gái bán sen. Một người Mỹ đi tìm con. Đừng nói đến nhân vật thi sĩ bị phong cùi, chủ cả một đầm sen giàu có với cái bí ẩn kiểu tay trùm một băng đảng và là tác giả những bài thơ hạng C. Hãy bỏ cái cảnh những người phụ nữ miền Nam ăn mặc như Tàu. Hãy quên đi những tiếng hát “giả” trên đầm sen thiếu cái logic của nghệ thuật. Hãy tưởng tượng không nhìn thấy cái cảnh người phu xích lô bịt mắt côgái điếm chở đến một con đường đầy hoa phượng rất cải lương. Hãy đừng hỏi tại sao cứ phải là cô gái điếm, là người đạp xích lô,… khi nói về, viết về, lấy ảnh về Việt Nam, và hãy nhớ là Tony còn rất trẻ, chưa sống được cái kỷ niệm những cơn mưa Sài Gòn, chưa nếm được cái mùi của một đứa trẻ kiếm ăn trên hè phố, chưa ngợp trước vẻ đẹp của những cánh hoa phượng vĩ đổ xuống một mùa hè tuổi trẻ,… ta sẽ yêu cuốn phim đến chừng nào. Tôi hiểu tại sao cuốn phim được giải ở Đại hội Điện ảnh Sundance. Tôi hiểu được tại sao những người trẻ tuổi yêu cuốn phim này. Tony Bùi xứng đáng được ca ngợi. Và phải nói tài năng của anh được sự hỗ trợ rất lớn của những tay nghề rất cao trong đoàn làm phim của anh. Nếu thiếu những con người đó tôi nghĩ Tony sẽ vất vả nhiều. Bởi vì để thực hiện một cuốn phim, cốt truyện hay chưa đủ. Phim trước hết là hình ảnh. Ngôn ngữ của nó là hình ảnh. Ba Mùa có được cái sức mạnh ấy. Và chúng ta hiểu tại sao tác phẩm ấy đã chinh phục được những khán giả chọn lọc của phim ảønh Hoa Kỳ tại Đại hội Sundance. Bốn ngôi sao cho Tony Bùi. Và đừng tìm những ý nghĩa sâu xa nào khác để gán ép cho cuốn phim có những hình ảnh tuyệt vời này.

NGUYỄN XUÂN HOÀNG

8-1999 -Người đàn ông sexy nhất nước Mỹ

Tháng Bảy năm nay là tháng của những người đi xa: Tác giả Bão Thời Đại, nhà viết kịch Trần Lê Nguyễn ở Việt Nam; nhà viết tiểu thuyết lừng danh Mario Puzo với tác phẩm in ra trên 21 triệu bản, The Godfather- Bố Già, và gần nhất không phải là một kịch tác gia, cũng không phải là nhà tiểu thuyết, chủ bút tạp chí George, ông John F. Kennedy Jr., con trai của cựu Tổng thống Kennedy, cả ba nhân vật này đều đã từ giã chúng ta.

Người đàn ông sexy nhất nước Mỹ

Trong ba cuộc chia tay, có lẽ cuộc chia tay của John F. Kennedy Jr. (1960-1999) được xem là chấn động nhất, không chỉ trên toàn nước Mỹ, mà còn được cả thế giới quan tâm theo dõi, hậu chấn của nó cũng mạnh không thua gì cái chết của Công nương Diana nước Anh trước đây. Chiếc phi cơ của ông bay trong đêm tối , chở theo bà vợï và bà chị vợ đã bay chuyến bay cuối cùng vào bóng đen của biển cả. Trên nhiều tờ báo cũng như trên truyền hình, và trên mạng lưới điện toán mấy ngày qua, nhiều lần người ta được xem lại hình ảnh chú bé John-John trong chiếc quần ngắn, áo choàng xanh, đứng thẳng người trong ngày sinh nhật lần thứ ba của chú để chào chiếc quan tài mang thi hài của người cha thân yêu ra đi. Cái chào tay mà ký giả Michael Powell của tờ Washington Post viết là “một cử chỉ tự nó đã làm rạn nứt thêm những trái tim đã tan vỡ.” Chú bé ấy lớn lên trở thành một thiếu niên phơi phới “ném bắt những chiếc đĩa nhựa frisbee tại Công viên Central Park. Rồi thành người thanh niên trượt băng ẵm được một cô vợ tuyệt đẹp. Con người mang dòng điện 100,000 megawatt từng đọc bài diễn văn khiến cho cả hội trường phải đứng dậy vỗ tay trong kỳ Đại hội đảng Dân Chủ tại Atlanta năm 1988, người từng được tờ People phong là người đàn ông sexy nhất thời đại, đồng thời người bị trêu là “bảnh thế mà thi rớt kỳ thi đầu tiên vào luật sư đoàn,” người từng làm chủ bút sáng lập một tạp chí chính trị mà phi-chính-trị, tờ George, năm 1995, nhưng lại tinh nghịch cưỡng lại sự mời gọi của chính trường bầu bán. Trong số ra mắt tờ George, John F. Kennedy Jr. viết: “Như một khán giả đã được thấy trong cuộc đời mình cuộc trình diễn của những con rối khổng lồ, có thể biến công chúng bên ngoài thành những biểu hiệu không có nét nào giống họ, tôi hy vọng là chúng tôi sẽ cung cấp được một cái gì đó hữu ích hơn.”

Trong lịch sử của đất nước Hiệp Chủng Quốc chắc chắn người ta không bao giờ đem so sánh ông với thân phụ của ông, cũng như người chú Robert F. Kennedy của ông, nhưng nói theo nhà báo Mike Antonucci của tờ San Jose Mercury News thì cái chết của John F. Kennedy Jr. dẫu sao cũng “vẫn là một phần của bài thơ buồn, mang đủ những tính chất của một lời nguyền muôn thuở.” Lời nguyền muôn thuở nào? Của ai? Tại sao?Không thấy tác giả bài báo viết. Nhưng người ta nhìn lại số phận của những con người trong đại gia vọng tộc Kennedy này không khỏi đặt câu hỏi: Tại sao những cái chết khủng khiếp như thế. Từng người, từng người lần lượt ra đi, như những giọt máu cuối cùng từ cơ thể của một sinh vật khổng lồ bị vắt kiệt và từ từ ngã xuống. Đi tìm lời giải thích cho những cái chết tưởng là dễ hiểu một cách khó hiểu người ta đã gặp phải một bức tường màu đen của vô ngôn.

Nếu cái chết của Mẹ Teresa là một sự pha trộn của một định mệnh đầy ý nghĩa thì liệu có thể nào nói được rằng cái chết của John F. Kennedy Jr. là “một sự pha trộn lạ lùng của cái vô nghĩa và định mệnh” như cách nói của Mike Antonucci không?

Vĩnh biệt John F. Kennedy Jr. (1960-1999), vĩnh biệt Carolyn Bessette Kennedy (1965-1999). Cả nước Mỹ đang để tang cho sự ra đi của vị Hoàng tử sau cùng của Hiệp Chủng Quốc cuối thế kỷ XX.

Tác giả The Godfather và dịch giả Bố Già

Một buổi sáng tháng Chạp năm 72, một người đàn ông gầy ốm, mặt nhỏ choắt, mặc chiếc sơ mi màu cháo lòng, tay áo thả dài xuống lấp cả hai bàn tay, bước vào toà soạn Văn ở đường Phạm Ngũ Lão Sài Gòn. Mai Thảo giới thiệu với tôi anh là Tú tức Ngọc Thứ Lang, dịch giả cuốn Bố Già của Mario Puzo. “Mình đi uống cà phê đi!” Mai Thảo rủ cả hai chúng tôi. Quán cà phê nhỏ nằm bên hông toà soạn của bà Tư (tôi không nhớ tên bà có đúng là bà Tư không, nhưng tôi nhớ bà là người Nam rất dễ tính, xởi lởi và hệch hạc. Bà vẫn thường cho tôi ghi sổ nợ để cuối tháng trả một lần cho tiện, mặc dù tôi ít khi được dịp trả nợ, vì Bố già Vượng luôn luôn “thanh toán hộ” tôi trước kỳ hạn.) Thường tôi vẫn ra ngồi cà phê sáng ở quán Cái Chùa với Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Đình Toàn, chỉ hôm nào không ra ngồi ở Quán Cái Chùa, chúng tôi mới ăn sáng ở quán bà Tư. Aên sáng ở đây không có gì khác hơn là bánh mì hột gà (ốp la hay ô mơ lét) và cà phê (đen hay sửa). Quán nhỏ nằm bên hông nhà của một con hẽm, hình như là tiệm ảnh sát bên toà soạn Văn. Con hẽm rất hẹp, chỉ vừa cho một chiếc xe Honda ra vào một chiều. Quán chỉ có hai ba chiếc ghế lèo tèo, loại ghế cao đóng bằng gỗ tạp. Ngọc Thứ Lang ít nói. Và Mai Thảo hôm đó cũng không nói gì nhiều. Chưa uống hết ly cà phê, anh Ngọc Thứ Lang là người đứng dậy trước dợm bước đi, tôi thấy Mai Thảo đứng dậy theo kín đáo dúi vào tay Ngọc Thứ Lang mấy tờ giấy bạc. Đó là lần đầu tiên và lần duy nhất tôi gặp dịch giả Bố Già. Tôi không có cơ hội nào khác để gặp anh. Tôi đọc cuốn Bố Già bản tiếng Việt của Ngọc Thứ Lang và cuốn sách đã lôi cuốn tôi mạnh mẽ. Thời gian đó tôi đang thực hiện một loạt bài dưới tên Nhà Văn Ở Phút Nói Thật, phỏng vấn các nhà văn Doãn Quốc Sĩ, Võ Phiến, Mai Thảo, Bùi Giáng, Viên Linh , Nguyễn Mạnh Côn,… Bỗng nhiên tôi thấy muốn phỏng vấn một người dịch là Ngọc Thứ Lang. Bố Già Nguyễn Đình Vượng, chủ nhiệm tờ Văn cười bảo tôi, phỏng vấn chi người dịch Bố Già, cứ phỏng vấn trực tiếp Bố Già có hơn không. Bởi vì tôi vẫn thường gọi ông là Bố Già mà! Tuy nhiên thời gian đó có quá nhiều việc phải làm nên tôi quên bẳng chuyện đi tìm anh để hỏi vì đâu anh nắm bắt được cái ngôn ngữ kỳ lạ của thế giới mafia như thế.

Cuộc chiến Việt Nam chấm dứt mà chúng tôi vẫn chưa được xem Bố Già trên màn ảnh lớn. Bố Già Nguyễn Đình Vượng thì đã mất trước đó một năm. Gia đình, bạn bè thì đã ly tán. Cả thành phố chìm trong bóng tối. Tôi quên mất Bố Già Mario Puzo. Tôi cũng không nhớ có một người tên là Ngọc Thứ Lang đã dịch cuốn Bố Già tuyệt hay.

Năm 1986 từ Bataan Phi Luật Tân đến Mỹ tình cờ tôi được xem cuốn video Bố Già. Tôi có cái cảm giác giống như anh Hoàng Hải Thủy, cuốn phim không lôi cuốn tôi như khi tôi đọc sách, mặc dù đó là một trong những tác phẩm lớn của điện ảnh Hoa Kỳ. Sự chờ đợi quá lâu đã làm tình cảm người ta nguội lạnh chăng? Tôi không tin là như thế. Bởi vì, có những tác phẩm, như cuốn Bác Sĩ Jhivago, sau bao nhiêu năm giờ đây xem lại vẫn làm trái tim tôi rung động như mới ngày nào vừa mới gặp người đàn bà định mệnh Lara từ cuốn tiểu thuyết của Boris Pasternak bước lên màn ảnh và khuôn mặt đam mê quyến rũ ấy cứ theo đuổi tôi mãi suốt những tháng năm trong đời mình.

Thời gian đã cắt bỏ một góc trí nhớ này, ráp nối một mãnh ký ức khác. Miếng bánh tráng nướng dòn trong tô Mì Quảng bao giờ cũng làm sống lại trong tôi cái hình ảnh dịu dàng của mẹ tôi một buổi chiều ngồi trước sân nhà trên tỉnh lộ Mười Ba ngó qua khoảnh sân banh ngập cỏ với cái khán đài không mái che và những hàng ghế gỗ xộc xệch long đinh ván cong lên hay đã gẫy.

Và cái bản tin tôi đọc được hồi đầu tháng cho biết tác giả The Godfather đã qua đời hôm 1 tháng Bảy tại thành phố Bay Shore, New York, thọ 78 tuổi, đã làm tôi nhớ lại hình ảnh người đàn ông gầy gò, chiếc sơ mi màu cháo lòng, hai tay áo dài thòng che lấp hai bàn tay, một buổi sáng nào đã bước vào toà soạn tạp chí Văn trên đường Phạm Ngũ Lão. Bây giờ anh ấy ở đâu, người dịch giả tài năng ấy? Hoàng Hải Thủy nói Ngọc Thứ Lang mất cách nay cũng đã 20 năm rồi. Sau 1975, hai nhà xuất bản ở Việt Nam giành nhau in lại bản dịch Bố Già của anh, giờ đây không phải trả tiền bản quyền người dịch nữa. Một nhà xuất bản Việt ở hải ngoại cũng đã in Bố Già và nay cũng miễn chi tiền bản quyền cho Ngọc Thứ Lang.

“Mario Puzo, tác giả The Godfather, tiểu thuyết best-seller từng bán đến 21 triệu quyển, qua đời ở nhà riêng trong thàmh phố Bay Shore, New York, ngày Một tháng Bảy 1999, thọ 78 tuổi, có năm con, chín cháu. Ngọc Thứ Lang, dịch giả Bố Già, qua đời ở trại Lao Cải Phú Khánh năm 1979, chưa đầy 50 tuổi, không vợ, không con.”

Theo trí nhớ Hoàng Hải Thủy thì ông đã gặp Nguyễn Ngọc Tú tức Ngọc Thứ Lang, công tử Bắc Kỳ vào năm 1951 tại Sài Gòn. Đó là năm mà cả hai ông đều mới ở tuổi đôi mươi. Thế nhưng ở vào tuổi đó Tú đã là người chơi trội hơn Hoàng Hải Thủy nhiều: Đánh roulette ở sòng bạc Kim Chung và hút thuốc phiện. Năm 1955, mới chừng 25 tuổi, Nguyễn Ngọc Tú đã kiếm được nhiều tiền. Anh in và bán quyển Tại Sao Tôi Di Cư cho Bộ Thông Tin chính phủ Việt Nam Cộng Hoà thời bộ trưởng Phạm Xuân Thái. Năm đó Nguyễn Ngọc Tú có trong tay cả trăm ngàn đồng, một số tiền rất lớn thời bấy giờ. Anh ăn diện như một tay chơi thứ thiệt: áo sơ mi hàng nhập từ Paris sang chỉ có trong một cửa tiệm trên đường Tự Do, đồng hồ vuông mặt đen, mũ mossant, cặp da, máy chữ, hút thuốc lá Phillip Morris vàng loại King size, bật lửa Dupont, cơm Tây, rượu chát,… Vào giai đoạn đó, Nguyễn Ngọc Tú gặp tình yêu. Nhưng mối tình trắc trở. Người yêu anh tự tử và cuộc đời anh bắt đầu xuống dốc không phanh. Anh nằm luôn trong căn nhà bán thuốc phiện ở hẽm Monceaux, Tân Định. Ăn, hút và ngủ luôn trong nhà đó . Để có tiền hút, Tú bán dần đồng hồ, máy chữ, cặp da,… Anh trở thành người nghiện hút nặng. Những năm 70 anh viết cho tuần san Thứ Tư của Nguyễn Đức Nhuận và nhiều báo khác với bút hiệu Ngọc Thứ Lang. Khi Nguyễn Đức Nhuận đưa cuốn The Godfather cho Ngọc Thứ Lang dịch, anh đã chọn tên Bố Già cho bản dịch của mình. Và cuốn sách trở thành tác phẩm ăn khách của Sài Gòn những năm 71, 72. Năm 1976, anh bị bắt đi phục hồi nhân phẩm trên Bình Triệu. Trung tâm cai ma túy nằm trong toà nhà Tu viện Fatima. Một nữ ký giả ngoại quốc đến thăm Trung Tâm ngạc nhiên khi biết Nguyễn Ngọc Tú, một con người thân tàn ma dại đang đứng trước mặt mình là dịch giả cuốn The Godfather của Mario Puzo. Cô nhà báo không tin. Và anh được phép về Sài Gòn mang cuốn sách dịch lên Trung Tâm cho cô ký giả thấy là thật.

Người ta còn nhớ khi cuốn tiểu thuyết viết về tổ chức Mafia ở Hoa Kỳ của Mario Puzo được Ngọc Thứ Lang chuyển ngữ vào năm 1972 dưới tên Bố Già lập tức, như tác phẩm nguyên bản của nó, Bố Già trở thàønh cuốn sách ăn khách nhất thời bấy giờ, mặc dù đó là thời điểm mà cuộc chiến Việt Nam đang bước vào những giây phút ác liệt nhất, thời mà Phan Nhật Nam viết Mùa Hè Đỏ Lửa.

Người Sài Gòn rất mê cuốn tiểu thuyết Bố Già, và chờ đợi xem cuốn phim thực hiện theo tác phẩm này, thế nhưng cho đến năm 1975, chưa người Sài Gòn nào được xem phim Bố Gia do Marlon Brando đóng vai Don Corleone. Mặc dù như lời Hoàng Hải Thủy, ngay từ đầu năm 1975, người ta đã cho nhập cảng cuốn phim này vào Việt Nam, nhưng phim vẫn chưa được trình chiếu trước công chúng. Tại sao? Hoàng Hải Thủy cho biết vì những người nhập phim còn chờ đợi ngày lành tháng tốt mới đem ra chiếu để hốt bạc. Sự chờ đợi của những con buôn ấy không bao giờ trở thành hiện thực. Cuốn phim ấy đã đi qua và mãi hơn 20 năm sau người Sài Gòn mới được xem Bố Già.

Với Mario Puzo, sau Bố Già ông vẫn không ngừng viết. Năm 1996, ông viết The Last Don – Bố Già Cuối Cùng, nhưng không mấy ăn khách, và tác phẩm cuối cùng của ông Omerta (Luật Kín Miệng) sẽ được ấn hành năm 2000, cuốn sách mà tác giả không còn cơ hội nhìn thấy mặt mũi đưá con tinh thần của mình.

Tác giả Bão Thời Đại không còn nữa

Có lẽ Trần Lê Nguyễn là một trong những người cầm bút mà tôi ít có cơ hội tiếp xúc nhất. Ở Sài Gòn, thỉnh thoảng tôi có gặp anh. Anh có đến chơi báo Văn đôi khi. Đôi khi tôi có gặp anh ở nhà Nguyễn Đình Toàn. Hình ảnh mà tôi còn ghi nhớ được về anh là một người hơi thấp, dáng chắc và khoẻ. Anh có một đôi mắt như lúc nào cũng chực cười và một mái tóc ít khi chải. Mấy người bạn ngồi ở quán Cái Chùa đường Tự Do thời đó nói anh mê cá ngựa và xì phé – như ông bạn Huỳnh Phan Anh của tôi vậy. Anh có dáng đi bương chải. Sau 75, có lần gặp anh ngồi ở một kiosque trên một con đường nhỏ cắt ngang đường Trần Hưng Đạo – hình như quán đối diện với một rạp hát cải lương Hồ Quảng – anh bảo hồi này anh bán tranh sơn mài. Anh gầy hơn xưa. Da xạm đen, đôi mắt buồn. Nhà báo Thanh Thương Hoàng trong một bài viết trên tờ Việt Mercury số ra ngày 16 tháng Bảy, 99, cho biết Trần Lê Nguyễn là người thích phiêu lưu mạo hiểm trong tình ái. Anh đã yêu một nữ môn đồ của Chúa, một người thuộc dòng họ lớn ở Huế. Người nữ tu đã cởi áo dòng vào Sài Gòn sống với anh và hai người có với nhau một đứa con. Nhưng cuộc sống giữa hai người quá khác biệt, “chàng và nàng” đành chia tay. “Nàng” trở lại nhà Tu, “chàng” gà trống nuôi con. Sau 1975, người nữ tu bị đẩy ra khỏi nhà Dòng, trở lại với sống với anh và mất trong cơn bạo bệnh. Người phụ nữ sống với anh trong những ngày cuối đời là cô nữ sinh hàng xóm, chăm sóc giúp đứa con của anh và trở thành vợ anh.

Nói về những người viết kịch ở Sài Gòn, người ta vẫn nhắc đến Vũ Khắc Khoan, Phan Tùng Mai và Trần Lê Nguyễn. Nhưng trong các kịch bản Thành Cát Tư Hãn, Người Giết Tần Cối và Bão Thời Đại, tôi chỉ được đọc Thành Cát Tư Hãn và Người Giết Tần Cối. Tôi không được đọc Bão Thời Đại. Cả vở Quán Nửa Khuya là sáng tác anh cho đăng trên tờ Kịch Aûnh khoảng năm 1958-1959, tôi cũng chưa được đọc.

Một người đam mê kịch như Trần Lê Nguyễn suốt đời chỉ mong sao được một lần nhìn thấy kịch mình trình diễn trên sân khấumà cho đế chết trời vẫn chưa chìu lòng người. Môt người đánh bạc không bao giờ thắng. Khi trường đua Phú Thọ mở cửa lại, anh trở lại tìm cảm giác mạnh và anh đã đột quỵ ngay tại trường đua. Trần Lê Nguyễn tên thật Nguyễn Văn Tạo, sinh năm 1924 và mất ngày 7 tháng Bảy, 1999.

Đến Le Petit Trianon nghe nhạc Hoàng Trọng

Giữa tháng Bảy, được tham dự một buổi chiều tưởng niệm nhạc sĩ Hoàng Trọng là một niềm vui ngậm ngùi. Đó là một buổi chiều được nghe lại những hồi âm của quá khứ, được thưởng thức tiếng dương cầm bậc thầy của Nghiêm Phú Phi và những ca khúc đã lớn lên cùng tuổi trẻ tôi. Mai Hương, Kim Tước, Quỳnh Giao những tiếng hát bay dài theo năm tháng, chuyên chở những âm điệu của Hoàng Trọng, làm thành một không gian Sài Gòn xưa giưã một thành phố điện tử California.

Nghe Mai Hương với Đường Về, Kim Tước với Mộng Đẹp Ngày Xanh và Quỳnh Giao với Tôi Vẫn Yêu Hoa Màu Tím tôi khám phá ra một Sài Gòn xưa tràn ngập những âm khúc dịu dàng. Chiến tranh Việt Nam đứng bên ngoài âm nhạc Hoàng Trọng. Như những trạm dừng chân dọc theo xa lộ Nam Bắc Cali, để người lái xe có thể quành vào nghỉ ngơi trước khi đi tiếp đoạn đường còn lại, âm nhạc Hoàng Trọng chính là những rest area của xa lộ cuộc chiến Việt Nam. Âm nhạc ông không gắn liền với cuộc chiến Việt Nam (mặc dù người ta không quên ca khúc Người Tình Không Chân Dung ông đã viết riêng cho cuốn phim cùng tên), nó chỉ là những lời tình tự của những con người đang trú ẩn dưới căn hầm an toàn không nghe thấy tiếng bom dội trên mặt đất.

Bằng những lời giới thiệu cũng tràn ngập quá khứ của MC Như Hảo, với những ca khúc quen thuộc được diễn tả bằng những tiếng hát đã từng đưa Hoàng Trọng đến với người nghe, người ta nhận ra mình đang gặp lại một Sài Gòn thanh bình trên một “quê hương mới” thực sự không có chiến tranh.

Hoàng Trọng, ông Vua Tango Việt Nam, như cách nói của nhiều người là một trong những nhạc sĩ sống với âm nhạc cho đến phút cuối cuộc đời. Nghe lại nhạc Hoàng Trọng là thưởng thức lại một lần nữa những âm điệu thanh bình của một vùng trời không khói lửa đạn bom, là bước vào căn hầm trú ẩn an toàn nhất của một cuộc chiến không thương tiếc. Hoàng Trọng với ban Tiếng Tơ Đồng và trên 200 ca khúc thanh bình sẽ còn ở với chúng ta lâu hơn khi nào chúng ta vẫn còn cần bóng mát của một tàng cây hay một chiếc dù che mưa tránh nắng của một thế giới không bình yên.

NGUYỄN XUÂN HOÀNG

10/1999

Vũ Hoàng Chương trong trí nhớ

Trên vách tường trong căn phòng nhỏ của Mai Thảo, treo khá nhiều ảnh. Những bức ảnh của Mai Thảo thời trẻ. Một bức ảnh do nhiếp ảnh gia Lê Phúc chụp Mai Thảo mấy năm sau này, trước ngày anh mất sức. Một khuôn mặt trầm tư, lạnh. Những nếp nhăn của thời gian ở đuôi mắt. Chiếc khăn quàng cổ dầy. Mái tóc đã thưa nhưng không có sợi bạc. Đôi mắt ngó xuống, cái nhìn như phóng vào khoảng không. Mai Thảo vững chắc. Rất đàn ông. Nhiều bức ảnh đời thường của anh rất đẹp. Tôi hiểu vẻ đẹp ngoại hình của một người đàn ông không nhất thiết phải có khuôn mặt của Alain Delon, càng không cần cái thân xác vạm vỡ mà thiếu bộ óc của Mike Tyson . Chính cái sần sùi của một làn da khô nứt, cái dáng cao mà vững, sóng mũi thẳng. cái cằm bạnh, cái lạnh của mắt nhìn, cái say mê khi nói về chữ nghĩa, cái phong thái sống ung dung, cái tấm lòng ở với bạn bè đã làm cho Mai Thảo trở thành một người đàn ông quyến rũ.

Tôi tiếc đã không xin anh Khánh – bào đệ của Mai Thảo – một bức ảnh trong căn phòng cuả anh trong hẽm Song Long. Đó là bức ảnh đen trắng, Mai Thảo chụp với thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Tôi nhớ mang máng hình như cả hai anh ngồi trên thềm nhà. Và nhiều lần Mai Thảo cho tôi biết anh rất thích tấm ảnh này. Lẽ ra tôi đã hỏi tại sao. Nhưng tôi đã không hỏi. Năm 1985, một năm trước ngày tôi đặt chân lên đất Mỹ, Mai Thảo cho in tập Chân Dung mười lăm nhà văn nhà thơ Việt Nam, do nhà Văn Khoa của giáo sư Đỗ Đình Tuân xuất bản. Mười lăm chân dung “đã được minh họa từ những chất liệu của kỷ niệm và trí nhớ” của Mai Thảo, chứ không phải được viết bằng tác phẩm hay tài liệu văn học. Trong 15 chân dung ấy, Vũ Hoàng Chương là chân dung thứ nhất với tựa bài “Mấy Tháng Cuối Cùng Với Vũ Hoàng Chương.” Bài viết chiếm gần 40 trang trong tập sách chỉ dày 190 trang. Có thể nói đó là một bài viết tràn ngập tình bạn và cuồng nộ trước số phận mong manh của nhà thơ Vũ Hoàng Chương trong những ngày 1975.

Đọc lại bài viết của Mai Thảo về Vũ Hoàng Chương tôi khám phá ra trong thời kỳ nghi hoặc – những tháng năm 1975 – 1976 , thời mà nói như kịch tác gia người Đức Bertolt Bretch “nói chuyện với cỏ cây cũng là một điều tội lỗi” , tình bạn của hai ông thật là chân tình và vĩ đại.

“Một buổi tối, đến thăm Vũ Hoàng Chương, được ông cho coi những thư từ bạn bè ngày trước của ông từ Hà Nội gửi vào. Thư của Lưu Trọng Lư, Hoàng Lập Ngôn, Hoàng Cầm. Nhưng lá thư ngắn nhất là của Nguyễn Tuân. Chỉ vỏn vẹn hai câu: “Mấy lời hỏi thăm cố nhân. Thư bất tận ngôn.” Vũ Hoàng Chương cười: “Thằng Tuân ngày xưa với tao thân lắm. Khâm Thiên, bàn đèn, tao đâu nó đó, mà nó sợ. Chỉ dám dùng bốn chữ thư bất tận ngôn.” “Mày có trả lời bọn họ không?”

Tại sao mày tao? Tôi ngạc nhiên cách xưng hô giữa Mai Thảo và Vũ Hoàng Chương. Thi sĩ Vũ lớn tuổi hơn Mai Thảo nhiều. Ông có thể mày-tao với Mai Thảo, nhưng chẳng lẽ Mai Thảo cũng mày-tao với họ Vũ?

Tôi đọc bài viết về Vũ Hoàng Chương thêm một lần nữa. Tôi ngừng lại ở đoạn: “Tôi đến thăm Gác Bút thường ngày [như vậy] và thường vào buổi chiều. Thường, vì muốn, vì cầu, với tôi. Hai mươi năm sinh hoạt thơ văn của miền Nam, được ông nhận cho kết giao, rồi thân thiết mày tao và được ông xem như một tấm lòng tri kỷ, dù tuổi tôi thua tuổi ông đúng một Giáp mười hai năm, tôi đã đến thăm mọi chỗ ở của thi sĩ rất nhiều lần.” Tôi hiểu tại sao Phạm Công Thiện – thua tôi một tuổi, và cách Mai Thảo trên một con Giáp – mà cứ mày-mày-tao-tao với tác giả Sống Chỉ Một Lần. Tôi hiểu tại sao nhà văn Nguyễn Tuân – cùng lứa tuổi với Vũ Hoàng Chương, không bằng lòng khi tôi gọi ông bằng bác. Nhà văn không có tuổi. Nhà văn chỉ có già đi và chết. Nhà văn không đếm cái khoảng thời gian sống. Thời gian của mộït nhà văn là ý nghĩa những dòng chữ ông ta viết ra. Là những trang sách đã in. Là cái khả năng thể hiện sáng tạo. Là chính đời sống của ông.

Tôi viết những dòng chữ này nhân mới đây nhà phê bình văn học Đặng Tiến nhắc cho nhớ ngày 6 tháng Chín vừa qua là ngày giỗ thứ hai mươi ba của tác giả Thơ Say. Theo Đặng Tiến, Vũ Hoàng Chương là một nhà thơ lớn của đất nước, một tác giả quan trọng trong lịch sử văn học nước nhà, chiếm một địa vị riêng biệt trong các trào lưu thi ca. “Giữa những trầm luân của đất nước, tác phẩm của anh chưa được tìm hiểu toàn bộ và đánh giá đúng mức – ở miền Bắc cũng như miền Nam trước 1975, và trong nước cũng như ngoài nước những năm sau 1975 và gần đây.” Hiện nhà xuất bản An Tiêm, trong dự án dài hạn, muốn ấn hành một tuyển tập Vũ Hoàng Chương, có thể “nhích” lên toàn tập. Ông Thanh Tuệ, Giám đốc nhà xuất bản An Tiêm yêu cầu Đặng Tiến sưu tầm, biên tập và giới thiệu, với sự thỏa thuận của bà Vũ Hoàng Chương. Người đọc có quyền trông chờ tác phẩm lớn này của một nhà xuất bản đứng đắn và do một nhà phê bình văn học sâu sắc chủ biên.

Hãy Cứ Là Tình Nhân

Tôi vừa được nghe một ca khúc mới. Tác giả là một người rất trẻ, một cô gái. Tôi được nghe chính tiếng hát của cô và âm nhạc của cô. Tiếng hát không điêu luyện và thiếu kỹ thuật, vì không phải là một tiếng hát nhà nghề. Nhưng theo tôi đó là một bài hát hay và một tiếng hát còn nguyên cái vẻ xanh tươi của một tàu lá chuối sau vườn vừa dứt một cơn mưa. Tiếng hát quyến rũ, không phải vì cái âm điệu vừa tha thiết vừa nồng nàn của nó đâu. Theo tôi, hơi thở của khúc tình ca mới mẻ này chính là lời từ của bản nhạc. Đó là yếu tố khiến cho ca khúc Hãy Cứ Là Tình Nhân trở thành mối suy nghĩ xã hội trong tôi.

Nếu trước đây lời trong những tình khúc là nỗi đau tình ái, là sự sợ hãi không được sống bên nhau, là sự chia ly, là niềm cách biệt, là “mặt nhìn mặt cầm tay bâng khuâng không nói một câu,”* hoặc “một là sống trong lòng người đẹp Tô Châu, hai là chết bên dòng sông Danube,”* hay “từ lúc đưa em về là biết xa nghìn trùng,”*…

Những khúc tình ca trước hết là những lời than thở não nuột, là tiếng kêu thấu trời xanh vì “em đã đi lấy chồng – hoặc anh đã đi lấy vợ, và ông trời đã chia cách đôi ta…” Hoặc sến hơn, kiểu như “đời tôi cô đơn nên đi đâu cũng cô đơn…”

Không được sống bên nhau thì chỉ có cái chết mới giải quyết được. “Em sinh ra là để được yêu, được sống với anh, bên anh cho tới ngày răng long đầu bạc. Không gì có thể chia cắt đôi ta, bởi vì đôi ta như chim liền cánh như cây liền cành, như thuyền và biển. “Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời. Chỉ nhớ người thôi sông đủ cạn. Nói gì kiếp khác với đời sau…” hoặc “Nếu từ giã thuyền rồi biển chỉ còn sóng gió, nếu phải cách xa anh, em chỉ còn bão tố…”*

Lời từ trong ca khúc này là tiếng nói mới của một lớp người trẻ, hơn nữa là tiếng nói của một cô gái trước cuộc sống xứ người: “Em không thích làm vợ, không thích anh là chồng… Chỉ cần anh nhìn em là tim em rã rời, chỉ cần anh nắm tay là hồn em đắm say… Hãy cứ là tình nhân.”

Tôi không biết lớp người trẻ hiện nay – những thanh niên Việt trên quê người, và cả lớp trẻ tại quê nhà – quan niệm thế nào về tình yêu và gia đình, nhưng Tú Minh, tác giả ca khúc Hãy Cứ Là Tình Nhân đã nói lên một tiếng nói mới: Sự kết hợp lứa đôi làm thành một gia đình không còn là “nguyên tắc” nữa. Thà làm một đôi tình nhân yêu nhau và run rẩy khi “anh nhìn em và em nhìn anh” hơn là sống bên nhau và chán ngán dằn vặt nhau. Phải chăng Hãy Cứ Là Tình Nhân là tiếng nói của một lớp trẻ trước thời đại của www. , của com. , của thiên niên kỷ mới? Hay chỉ là tiếng kêu đau thương trước sự thất bại trong đời sống lứa đôi?

Cô đơn là một mốt khá phổ biến tại Âu châu vào đầu thế kỷ 21. Hiện nay , chỉ tính riêng nước Pháp đã có từ bảy đến tám triệu người không lập gia đình hoặc không muốn… lập gia đình trở lại. Các nhà xã hội học cho rằng đã xuất hiện một loại người “cô đơn kiểu mới” và họ hết sức hạnh phúc trong sự cô đơn của mình. Đặc điểm của loại người này là không muốn san sẻ cuộc sống hàng ngày với bất kỳ ai, dù đó là người mà họ yêu thương tha thiết. Nhà xã hội học Jean Claude Kaufman trong tác phẩm “Hoàng tử và người phụ nữ cô đơn” viết rằng “Có vẻ như đám cưới là cánh cửa đóng lại chắc chắn nhất con đường vào tương lai.” Và yêu nhau đâu có nghĩa là phải sống chung với nhau dưới một mái nhà. Nhưng sống một mình không phải là một hiện tượng xã hội có nơi những người trẻ từ 20 đến 35 tuổi. Ngày nay, với những người trung niên với nhiều kinh nghiệm “gãy đỗ” cũng muốn bảo vệ thế giới cô độc của mình. Cái hình ảnh “chồng chồng vợ vợ con con” cách đây 15 năm được coi là giá trị cao nhất của tế bào xã hội thì giờ đây theo Kaufman người ta – nhất là phụ nữ – bắt đầu ý thức tự lập về tài chính, sống trọn vẹn với chính mình, và một cách nào đó có thể nói người ta đang muốn biến kế hoạch đó thành một quan niệm sống … mãn đời. Một nữ kịch sĩ người Pháùp, Kathy Bodet, 42 tuổi, nói “Tôi thử lập gia đình nhiều lần, nhưng không lần nào kéo dài quá một năm. Đàn ông đòi hỏi nhiều quá, mà tôi thì cần thanh tịnh. Họ vắt cạn sinh lực của tôi. Tôi thấy tình bạn hay hơn tình yêu.” Một câu trích dẫn khác có thể chép lại ở đây là của ông Didier Huré: “Hôn nhân là một khoảnh khắc đẹp đẽ có tính cách trang trí, còn đời sống độc thân là thời gian hạnh phúc có tính chất lượng.”**

Bạn có bao giờ xem sô Friends trên chương trình truyền hình của NBC mỗi thứ Năm không? Với Hãy Cứ Là Tình Nhân, Tú Minh có thể không phải là người [nữ] đầu tiên chọn cách sống cô đơn, nhưng cô là tác giả đầu tiên trong âm nhạc Việt Nam nói hộ một lớp người chọn “tự do” trong thời đại mới của những ngày tháng chuẩn bị bước vào thế kỷ 21.

Chào mừng Uyên Thao và Thanh Thương Hoàng

Hôm 14 tháng Chín vừa qua, nhà văn-nhà báo Uyên Thao và gia đình đã đến Hoa Thịnh Đốn và ngụ tại Virginia. Nhà văn Uyên Thao Vũ Quốc Châu là một trong số những tù nhân chính trị được chính phủ Hoa Kỳ trực tiếp can thiệp đòi Hà Nội để ông sang Hoa Kỳ tị nạn. Uyên Thao từng làm việc nhiều năm trong Đài Phát Thanh Quốc gia Việt Nam Cộng Hòa . Trong những năm 1972 đến 1975 ông làm Tổng thư ký tòa soạn nhật báo Sóng Thần. Sau ngày 30 tháng Tư, ông là một trong số những văn nghệ sĩ và chính trị gia Việt Nam Cộng Hòa bị bắt giam ngay từ những ngày đầu. Ông từng bị nhốt xà lim nhiều tháng cùng một nơi với ông Phan Huy Quát, cựu Thủ tướng chính phủ Việt nam Cộng Hòa. Năm 1988, Uyên Thao mới được trở về Sài Gòn. Từ đó ông sống rất vất vả, bị ngăn cấm mọi việc, ngay cả việc xin xuất cảnh sang Hoa Kỳ tị nạn cũng không được. Chuyện ra đi của ông hầu như tuyệt vọng cho đến khi bà Khúc Minh Thơ, Hội trưởng Hội Gia đình Cựu Tù nhân chính trị đứng ra lo giúp. Bà Khúc Minh Thơ đã đến bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cùng với hồ sơ của hai nhà báo Uyên Thao và Thanh Thương Hoàng để trình bày với ông Phụ tá Bộ trưởng Ngoại giao chuyên về Di trú. Và kết quả là sau rất nhiều khó khăn và thời gian, hai ông Thanh Thương Hoàng và Uyên Thao đã đến được bến bờ tự do. Nhà báo Thanh Thương Hoàng hiện định cư ở thành phố Sacramento, bắc California.

NGUYỄN XUÂN HOÀNG

* Tô Vũ, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Du Tư Lê, Xuân Quỳnh…

** Lê Lộc, Nghệ Thuật Cô Đơn, theo Figaro Magazine, Psychologies Magazine, Kiến Thức Ngày Nay , 319, 20/6/99.

12-1999 -Chào mừng nhà văn Andrew X. Pham

Cao, hơi gầy, tóc cắt ngắn, ngắn gần như cạo trọc, một khuôn mặt khắc kỷ, một nụ cười hiền, nhưng đôi mắt dưới tròng kính trắng là một đôi mắt buồn, nhà văn Andrew X. Phạm , tác giả cuốn Catfish and Mandala nói với tôi bằng một thứ tiếng Việt không sỏi lắm..

Đó là một buổi tối thứ Năm 21 tháng Mười, 1999, tại trường Đại Học San Jose State University, nơi anh đã đến ký sách và nói chuyện. Cuốn sách là một hồi ký rất văn chương của một người Việt Nam rời bỏ đất nước – khi còn là một chú bé con, vào năm 1977 – trên một chiếc ghe vượt biển. Gần 20 năm sau, 1996, anh trở về trên một chiếc xe đạp khởi từ Vùng đất điện tử, để đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi về bản chất văn hóa của anh, về cái chết của người chị đầy trắc trở và về mảnh đất quê hương vẫn còn hằn trong trí nhớ anh.

Andrew X. Phạm nói “chuyến du hành này đã cho tôi biết rằng tôi là người Việt Nam hơn tôi tưởng và ít chất Mỹ hơn là tôi mong muốn. Hầu như mỗi đứa trẻ thuộc thế hệ thứ nhất lớn lên ở Mỹ, vào một lúc nào đó, đều tin chắc rằng mình hoàn toàn là một người Mỹ trên mọi ý nghĩa….”

Cuốn sách với tựa đề phụ là A Two-Wheeled Journey through the Landscape and Memory of Vietnam. là một tác phẩm nặng chất văn chương [hơn chất hồi ký] với đầy đủ ý nghĩa của nó.

Mặc dù rời bỏ Việt Nam ra đi lúc mới 10 tuổi, Andrew X. Phạm trở lại quê nhà đã tìm thấy lại một mảnh đất tràn đầy kỷ niệm.. “Bây giờ qua khung cửa kính nhuộm màu, tôi thấy một buổi chiều Sài Gòn như những buổi chiều khác trước đây. Tôi thấy mặt trời lặn đang chìm xuống trên những ngọn cây cổ thụ và những cây “ăng-ten” chia chỉa trên mái những ngôi nhà xếp lớp nhau… Các quán kiosk dọc theo con lộ, không có lề đường , đón lấy dòng người do xe cộ đùn lên. Những người bán bánh mì, những bà già với những đôi tay đầy dầu mỡ, … Những người đàn ông ở trần , da rám nắng, mặc quần dùi, đi dép cao su, ngồi xổm nướng thịt trên chiếc chảo sắt. Một con chó lông loang lổ cạnh sườn, ngửi phân một con chó khác. Trong một ngõ hẽm, bà mẹ và cô con gái chiên bánh và gói trong những tờ giấy báo bẩn..” Và anh gặp lại những người khốn cùng trong xã hội, những đứa bé ăn xin ở Hồ Con Rùa, ở chợ Bến Thành. Mỗi góc đường nhung nhúc những người đàn ông tàn tật, những người đàn bà với những vết thương lở lói bưng mủ. Từ những chỗ sưng tấy lên , da thịt ung thối tỏa ra một mùi hôi nồng. Những bé trai què quặt nằm trên tấm gỗ có bánh xe thô sơ, bò lết với đôi tay mang dép và một cái lon xin tiền cặp giữa những hàm răng bẩn. …. Một đoạn văn cho thấy xã hội đất nước ta còn quá nhiều vấn đề cần phải giải quyết, cần biết bao nhiêu những người như Mẹ Teresa. Trái đất này còn nhiều khổ đau – tất nhiên?- nhưng cái mảnh đất quê hương nơi mình sinh ra và bỏ đi, sống cuộc đời tha phương cầu thực, khi quay về nhìn lại sao mà bi thảm đến thế. Làm sao? Phải làm sao? Đừng nói chi xa. Hãy nói đến chiếc xích lô. Chiếc xích lô với người phu xe ngồi sau rướn mình nhấn bàn đạp chở một đôi thanh niên khỏe mạnh, ăn mặc đẹp đẽ sao nó làm lòng tôi xốn xang đến thế! Những chiếc xích lô làm đề tài cho những cuốn phim từ Trần Anh Hùng đến Tony Bùi, như một cách nhìn Việt Nam, nhưng cái tôi nhìn quê hương tôi là làm sao trong những thứ cần thay đổi, tôi mong sao cho chiếc xích lô không còn tồn tại trong trí nhớ của người ngoại quốc nữa. Trong những thứ làm nên văn hóa Việt Nam, xin xóa dùm tôi chiếc xích lô. Chúng ta đang sống trong một thời đại mà sự đầy ải và hạ thấp con người là điều không thể chấp nhận được. Chiếc xích lô là một trong những “nghề” sau cùng phải được lấy ra khỏi đời sống người dân Việt Nam. Cùng lắm nó chỉ được coi là tấm ảnh vàng úa trong cuốn album bị bỏ quên trong ngôi nhà quá khứ. Có người sẽ hỏi: Vậy chứ nếu bỏ cái xích lô đi thì những người đạp xích lô sẽ sống bằng gì? Câu hỏi đó phải để cho những người đang cầm vận mệnh đất nước trả lời. Và tôi nghĩ câu trả lời đó cũng dễ thôi.

Cùng với Nguyễn Quí Đức, Andrew Lâm, Trần Đệ, Lai Thanh Hà, Lily Dizon,… Andrew X. Phạm đã mang đến người đọc bản xứ và cho thế giới văn chương cái nhìn của một người Việt Nam đạp chân trở lại trên chính mảnh đất quê hương mình.

Miền Trung chìm trong biển nước

Cái quê hương mà Andrew Phạm trở về không chỉ nghèo khó – trong cảnh phồn vinh bề mặt ở các thành thị – mà nó còn bị “trời hành cơn lụt mỗi năm” như trận lũ đầu tháng Mười Một vừa qua. Cả miền Trung chìm trong lũ lụt. Ở Huế chỉ trong vài tiếng đồng hồ sáng ngày 2 tháng Mười Một, nước sông Hương, sông Bồ dâng cao dìm cả thành phố và các vùng lân cận dưới biêûn nước. Báo trong nước cho biết đến 4 giờ chiều cùng ngày đã có 58,000 ngôi nhà trong tỉnh Huế-Thừa Thiên chìm trong cơn lũ. Giao thông hoàn toàn bị gián đoạn. Điện bị mất, truyền hình ngưng phát sóng. Chỗ bị ngập sâu nhất tại Huế lên đến 7, 8 thước. Tại Quảng Trị, mực nước sông Thạch Hãn lên đến 7. 24 thước. Báo cho biết 60,000 ngôi nhà bị chìm trong nước. Một chi tiết làm chúng ta chảy nước mắt: “Bệnh viện Triệu Hải nước lũ đã ngập giường các bệnh nhân.” Những bức ảnh của hãng thông tấn chụp hôm 3 tháng Mười Một, 99 tạ xã Cẩm Kim, Hội An cho thấy nhân viên giải cứu chèo ghe gần những mái nhà tranh ngập nước; một bứckhác chụp một phụ nữ chèo ghe thúng chạy lụt có chở theo con chó nhỏ, căn nhà ngói phía sau nước ngập gần mép cửa sổ, và trên căn gác ngôi nhà một cô bé chừng 10 tuổi đứng ngó xuống … Tôi không nhớ rõ mình đã chúng kiến trận lụt nào những ngày còn nhỏ ở quê nhà. Nhưng khi lớn lên ở Dalat, rồi Sài Gòn tôi chưa thấy một trận lũ nào như hình ảnh miền Trung chìm trong biển nước như tôi được thấy trong những bức ảnh này. Ở Nha Trang, trong những năm tiểu học tôi chỉ còn nhớ những ngày mưa bão lớn, con đường dọc theo biển chạy dài từ Nhà Giây Thép xuống Cầu Đá nước biển tràn lên mặt đường theo từng đợt sóng. Biển giận dữ điên cuồng gào thét. Biển đục ngầu ghê rợn. Biển địa ngục. Biển như một nấm mồ mở tung nấp ván thiêng đầy những oan hồn nổi dậy . Những hàng cây dọc đường Yersin trốc gốc. Những cành cây còn nguyên lá xanh nằm ngổn ngang trên mặt đường. Những trụ điện ngã nghiêng. Thành phố suốt đêm không còn ánh sáng. Bãi cát trắng nơi tôi vẫn thường xuống ngồi nhìn những con tàu ngoài khơi tưởng tượng những chuyến đi xa, tưởng tượng những thành phố mình sẽ đến, tưởng tượng những chuyện thần tiên chỉ có trong sách cổ tích…. cái bãi cát làm nền cho trí tưởng tượng của tôi đã hoàn toàn chìm trong biển nước. Những cây dừa và những tàu lá ngả nghiêng theo chiều gió. Lụt miền Trung và thành phố tuổi thơ của tôi bây giờ ra sao?

Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!

Tháng Mười vừa qua – đúng ra là ngày 13 tháng Mười – người đọc yêu mến nhà văn Vũ Trọng Phụng đã tưởng niệm 60 năm ngày ông qua đời. Tác giả của Giông Tố, Số Đỏ, … lừng danh với câu nói bất hủ “Biết rồi, khổ lắm , nói mãi!”, cha đẻ của những nhân vật Xuân Tóc Đỏ, Bà Phó Đoan, Cụ Cố Hồng, Nghị Hách, Thị Mịch, … Vũ Trọng Phụng là một trong số rất hiếm nhà văn Việt Nam “không ai bắt chước được, không ai theo kịp được”, (Nguyễn Tuân,) “ông vua phóng sự đất Bắc”, (Lãng Nhân Phùng Tất Đắc), “tiểu thuyết gia trác tuyệt của văn học Việt Nam (Nguyễn Đình Thi). Mười tám tuổi (1930) có truyện ngắn đầu tay – Chống Nạng Lên Đường – in trên tờ Ngọ Báo, chín năm sau vừa kịp hoàn thành cuốn tiểu thuyết thứ chín – Trúng Số Độc Đắc – trước khi qua đời vì bệnh lao. Một nhà văn chết vì suy dinh dưỡng ở tuổi 27, Vũ Trọng Phụng đã làm người đọc ngạc nhiên trước khối lượng sáng tác gần như đồ sộ trong thời gian cầm bút ngắn ngủi của ông: ba mươi truyện ngắn, chín tiểu thuyết, tám tập phóng sự, sáu vở kịch. Đó là chưa kể bản dịch vở kịch Lucrèce Borgia của Victor Hugo, một số bài viết phê bình, tranh luận văn học và hàng trăm bài báo viết về các vấn đề chính trị xã hội, văn hóa. (GS Trần Hữu Tá).

Nhà văn “trác tuyệt của văn chương Việt Nam”, “ông vua phóng sự đất Bắc” sống cuộc sống ngắn ngủi vì triền miên đói khát, vậy mà sau khi chết cũng không yên thân. Hai mươi năm sau ngày ông qua đời, 1958, Hà Nội bắt đầu “vạch lá tìm sâu” trong tác phẩm Vũ Trọng Phụng. Người ta gọi ông là tác giả “khiêu dâm”, là “trốt-kít”, sách ông trong thư viện bị bỏ vào khu vực nghiên cứu đặc biệt, muốn đọc phải có giấy giới thiệu Nhà nghiên cứu phê bình văn học Phan Cự Đệ của Hà Nội, năm 1960, khi viết giáo trình Văn Học Việt Nam 1930-1945 (nxb Giáo Dục – 1961) không xem Vũ Trọng Phụng như một tác gỉa. Đến cuối năm 1960, Viện Văn Học [Hà Nội] tổ chức hai cuộc thảo luận về Vũ Trọng Phụng đưa ra những “ý kiến”: “Nghe nói” Vũ Trọng Phụng lúc còn sống có nhận tiền của mật thám Pháp, Vũ Trọng Phụng là một “nhà văn lưu manh”, “chỉ giỏi xỏ xiên”, “không có gì đáng nghiên cứu”,… Cho mãi đến năm 1983, Vũ Trọng Phụng mới được ghi nhận trong câu nói của Nguyễn Khải về cuốn Số Đỏ: “cuốn sách ghê gớm có thể làm vinh dự cho một nền văn học.”

Trong một bài tham luận Hội Thảo Tưởng Niệm 50 Năm Ngày Mất Vũ Trọng Phụng đọc tại Văn Miếu Hà Nội, [ngày 12 tháng Mười, 1989] ông Hoàng Thiếu Sơn cho rằng cuốn Số Đỏ của Vũ Trọng Phụng “chỉ muốn nói đến bọn nhơ øvận may chó ngáp phải ruồi mà nên sự nghiệp ” và ông cho rằng cái văn tài của Vũ Trọng Phụng là “đã cho ta thấy tất cả cái gọi là vô nghĩa lý của xã hội.” Điều này Vũ Trọng Phụng đã viết trong các tác phẩm của ông, “còn lòng xót thương thì Vũ Trọng Phụng đã để dành cho một cuốn tiểu thuyết khác, tiếp theo Số Đỏ, mà tác giả đã đặt tên là Số Đen. Nhân vật trong tác phẩm này là một con người hết sức đáng trọng vì nhân phẩm mà rất đáng thương vì cuộc đời gặp toàn sóng gió, trải qua mọi nỗi bất công. Số Đen trùm lên cả cuộc đời của nhân vật như thiên la địa võng, thật là chạy trời không thoát.” Cho đến nay, mười năm sau khi phát hiện có một tiểu thuyết mang tên Số Đen của Vũ Trọng Phụng, người ta vẫn chưa có cái “may mắn” được nhìn thấy mặt mũi của đứa con bị bỏ quên của nhà văn có mộït số phận đen đủi này.

Tưởng niệm 60 năm ngày mất của tác giả Số Đỏ, người đọc Vũ Trọng Phụng lại thêm một lần nữa nhìn thấy văn học Việt Nam từng có một nhà văn lớn, nhà viết phóng sự lớn .

Thầy Tôi

Hồi ở Đại học Dalat, người Thầy để lại trong tôi nhiều ấn tượng nhất có lẽ là Linh Mục Alexis Cras,** giáo sư phụ trách môn Siêu Hình Học. Tôi còn nhớ dường như gần suốt ba năm trời ông chỉ giảng đi giảng lại có mỗi một câu của Martin Heidegger. Ông có phong thái của một vị Thánh hơn là một giáo sư. Tôi không hiểu được gì nhiều qua những lời Cha giảng. Nhưng tôi học được nhiều điều nơi Cha qua cách sống. Tôi khám phá ra mỗi người chỉ có một đời sống để sống và gắng sống sao cho ra con người. Một con người tử tế. Làm con người tử tế giống như người đi trên giây xiếc. Nếu không đứng thẳng rất dễ ngã. Nói về Heidegger hay nói về Sartre, về Merleau-Ponty hay về Karl Jaspers, bao giờ Cha cũng đi kèm theo một tác giả Việt Nam. Cha thích nói về tác phẩm Hồn Bướm Mơ Tiên, về nhà văn Khái Hưng, nói về một ngôi nhà thờ Hà Nội, về một con đường của một thành phố mà chưa bao giờ tôi đặt chân đến. Trong lớp tôi có 28 sinh viên thì có đến gần 20 người là đi đạo Chúa. Tôi nằm trong số người ít ỏi còn lại. Tôi là một người athéiste. Cha thường bảo tôi là hãy giữ những gì con đang có, học thuyết chỉ là cái để nghe, để làm giàu sự suy tưởng của mình. Học thuyết không làm thành đời sống, chính đời sống mới làm thành học thuyết. Cha bảo hãy đọc Goethe đi. Đó là một con người vĩ đại. Nhưng tôi chỉ đọc Camus và tôi không cách sao mê nổi Goethe, Tôi thích Gide. Nhưng khi Gide bảo “Ôi gia đình, ta ghét ngươi!” thì tôi thấy mình không thể sống được nếu không có gia đình. Tôi khám phá ra tâm hồn tôi là hễ cứ yêu một thứ gì thì có nghĩa là phải làm ngược lại những gì thứ ấy mong mỏi. Đối với tôi Cha Cras là hình ảnh của một mẫu người dẫn đường. Cha đã dẫn tôi đi ở vào lứa tuổi mà tôi biết rằng chỉ có sức mạnh của bàn tay và quyền lực mới xứng với khát vọng tuổi trẻ tôi. Tôi đã từng đánh nhau với những thằng sinh viên mất dạy nhất ở sân trường Đại học Khoa học Sài Gòn. Tôi đã có lần cứa cổ một thằng ưa dùng tay chân dao búa trên sân Cù Dà Lạt năm tôi mười tám tuổi. Nhưng tôi cũng đã có lần chảy nước mắt vì một bàn tay dịu dàng xoa vết chém trên lưng tôi trong một buổi tối trong khu chợ cá Trần Quốc Toản. Tôi đã sợ hãi vì đôi mắt buồn rầu của mẹ tôi khi tôi bảo là tôi sẽ bỏ học ra đi – mà không biết đi đâu. Đôi khi tôi thấy mình giống như một thằng trôi sông lạc chợ. Tôi biết mình dễ trở nên một tên du đảng hơn là một cậu học trò may mắn đứng đầu lớp. Học cho lắm vào, cha tôi thường nói, đầu óc mày cũng chỉ có một dúm cỏ chữ nghĩa là cùng. Cỏ chữ nghĩa, cha tôi thường bảo vậy, chẳng hù dọa được ai đâu. Cho tới bây giờ sự hiểu biết mà tôi có thật ra cũng chỉ là một dúm cỏ. Cái hiểu biết thực sự của mình sao mà nó tầm thường, nhỏ nhoi.

NGUYỄN XUÂN HOÀNG

Tháng Giêng năm 2000

Gặp bạn ở Paris

Sau cùng tôi cũng đã trở lại Paris, trở lại thành phố của những ngôi nhà chật, những đường phố hẹp, những viện bảo tàng lịch sử, những người quen cũ và cả những người mới nghe tiếng nhưng tưởng chừng như đã quen lắm từ lâu. Paris của Nguyên Sa, Võ Đình, của Trần Thiện Đạo, Trần Hồng Châu, của Cung Trầm Tưởng, Đặng Tiến, của Lê Bá Đảng, Nguyễn Cầm, Kiệt Tấn,… trước kia và bây giờ là của Diễm Châu, Thanh Tuệ, Hồ Trường An, Miêng, của Trần Vũ, Trần Công Sung, Đỗ Kh., Thụy Khuê, Nguyễn Thị Chân Quỳnh, Phan Thị Trọng Tuyến, Mai Ninh, Đặng Mai Lan, Trần Thị Diệu Tâm, của Cổ Ngư, Mạch Nha, của Linda Le và Kim Lefèvre, của các nhà báo Trần Văn Ngô, Trần Trí Vũ, Ánh Nguyệt, Trần Trung Quân, … Cho dù Diễm Châu có ở Strasbourg, Hồ Trường An có ở Troyes, Đặng Mai Lan có ở Reims, Mai Ninh có ở Normandie,… thì Paris vẫn là của những người cầm bút này. Y Chi và cả Nguyễn Hưng Quốc nữa, bây giờ đã ở Úc, nhưng trước đây cũng là người của Paris. Thành phố văn học của cả thế giới đang dành cho Việt Nam những khuôn mặt chữ nghĩa.

Tôi đến Paris đúng vào ngày mà hàng quán nào cũng treo bảng Le Nouveau Beaujolais Est Arrivé! Rượu Beaujolais đầu mùa thật ngon. Không phải là một tay sành rượu, nhưng tôi đã uống và đã thấy như vậy. Mới giữa tháng Mười Một, mà Paris đã lạnh như mùa đông. Trời hơi có chút mưa. Nhà tôi ở avenue de la République, Quận XI, gần Nghĩa trang Père Lachaise, nơi có những ngôi mộ của những nhân vật tên tuổi mà lần đầu đến Paris tôi chưa kịp thăm.

Buổi sáng đầu tiên trở lại thành phố này, tôi chưa biết mình phải làm gì trước khi thăm Huỳnh Phan Anh, người bạn đã cùng tôi sống những năm tháng của một Sài Gòn sôi nổi. Không ngờ vậy mà chúng tôi đã xa nhau gần mười lăm năm. Trước khi gặp lại bạn, tôi đã nghe Ánh Nguyệt và Đặng Tiến và Thanh Tuệ mô tả bạn tôi. Vẫn gầy ốm, đã có chút hư hao và … Tôi muốn đến ở với bạn một ngày, nghe bạn nói về Sài Gòn, về những người bạn còn lại của chúng tôi. Trong đám bạn sáu tên vẫn thường ngồi với nhau những buổi sáng ở quán Cái Chùa thời đó, bây giờ chỉ còn Huỳnh Phan Anh và Nguyễn Nhật Duật. Bốn tên kia, Nguyễn Quốc Trụ, Đặng Phùng Quân , Nguyễn Đình Toàn, và tôi, đã rời khỏi nước. Đó là những năm 60, những năm Sài Gòn cheo leo giữa chiến tranh ngày càng ác liệt và hòa bình rất đỗi mong manh; những năm mà đời sống chúng tôi chui rúc vào những quán cà phê trên đường Tự Do, như những con đà điểu vùi đầu trong cát; những năm SàiGòn gắn liền với không khí chính trị sôi sục của những cuộc xuống đường và lưụ đạn cay; những năm mà mỗi biến động của văn chương Pháp vẫn còn làm những trang sách Sài Gòn dính đầy dấu mực Paris.

Huỳnh Phan Anh trong nhóm chúng tôi là một người rất “mặn” với tiểu thuyết mới của Alain Robbe-Grillet, Michel Butor, Nathalie Sarraute,… Với cuốn tiểu luận Văn Chương Và Kinh Nghiệm Hư Vô, Huỳnh Phan Anh đã mở ra một cánh cửa khác của cách nhìn văn chương Việt Nam sau thời Sáng Tạo. Những bài viết của anh trên tạp chí Văn cho thấy Huỳnh Phan Anh là một tài năng đa dạng: anh viết tiểu luận, anh dịch và anh sáng tác. Huỳnh Phan Anh là người có khuôn mặt của một thiền sư, nhưng mang nỗi đam mê của một Dostoievsky. Anh dựng nhà xuất bản Đêm Trắng và một trong những cuốn sách do nhà xuất bản này ấn hành là cuốn Khu Hừng Rực Lửa của tôi. Cuốn “tiểu thuyết vừa” này đã được chạy từng kỳ trên tạp chí Văn, lúc đó do Trần Phong Giao làm tổng thư ký, không phải là một cuốn sách bán chạy. Nói chung, những sách của nhóm Đêm Trắng với Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Quốc Trụ, Đặng Phùng Quân, Nguyễn Nhật Duật và tôi ra đời không được người đọc đón nhận như sách của Duyên Anh, Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng, Túy Hồng hay Nguyễn Thị Thụy Vũ. Điều đó cũng dễ hiểu thôi.

Huỳnh Phan Anh mới đây đã chọn và dịch một hợp tuyển thơ của thi sĩ Pháp, Yves Bonnefoy, [từ những tác phẩm Po èm es, 1986; Ce Qui Fut Sans Lumière, 1987 và La Vie Errante, 1993, tất cả đều do Mercure de France ấn hành] và chính Bonnefoy đã viết lời tựa cho hợp tuyển đặc biệt này. Chuyến đi của Huỳnh Phan Anh là do Yves Bonnefoy bỏ tiền túi mời.

Nhưng sáu ngày ngắn ngủi của tôi ở Paris, ba ngày ở Bruxelles, tôi chỉ gặp bạn tôi ba lần. Hai lần đến và đi ở phi trường Charles de Gaulle, một lần duy nhất tại nhà Thanh Tuệ. Bạn tôi vẫn như xưa. Vẫn những đốm lửa không ngừng cháy sáng trên môi. Có gầy hơn, nhưng hơn hai tháng qua sống tại Paris, bạn tôi đã hồng hào. Anh vẫn còn giữ nguyên đôi mắt của một người đam mê. Chúng tôi không nói chuyện gì nhiều. Tất cả chỉ quây quanh đời sống. Cuộc sống của những người ở tuổi chúng tôi ngoảnh mặt nhìn lại những tháng ngày đã qua giật mình thấy sao quá nhiều biến cố dồn dập đổ xuống đời mình, bóng tối nhiều hơn ánh sáng, thiên đường ít hơn địa ngục và hãi hùng khi thấy tuổi trẻ đã không còn ở với chúng tôi nữa.

Tôi bước xuống phố. Con đường còn đọng nước mưa. Phòng điện thoại công cộng đã có ba người chiếm. Le Soleil Levant, quán cà phê góc phố. Kiosque bán sách báo đầu trạm métro. Tôi mua một tạp chí. Tờ Le Nouvel Observateur, với bìa la ảnh Marguerite Duras và Yann Andréa, người tình trẻ của bà. Duras mon amour, Le dernier homme de sa vie témoigne. Câu chuyện bắt đầu năm 1975, ở Caen, một sinh viên rất trẻ gặp nhà văn Marguerite Duras, – tác giả tiểu thuyết Người Tình – thần tượng của anh. Năm năm sau, mùa hè năm 1980, Yann Andréa gõ cửa ngôi nhà của Marguerite Duras ở Trouville. Và kể từ đó họ không rời nhau nửa bước cho đến ngày Duras qua đời vào năm 1996. Duras Mon Amour là trích đoạn trong cuốn sách của Yann Andréa. Tôi không xuống métro. Tôi đi ngược lên. Nghĩa trang Père-Lachaise. Những ngôi mộ, những nhà mồ, những bức tượng… như Oscar Wilde [tràn ngập những dấu son môi trên đá], như mộ Apollinaire rất đẹp, như Marcel Proust, Balzac, Merleau-Ponty, Gertrude Stein, Paul Eluard, Edith Piaf, Modigliani, Chopin,…. và cả mộ bia rất thấp của đôi uyên ương Yves Montand & Simone Signoret. Tôi có cảm tưởng mình đang đi giữa một thứ bảo tàng viện sống, giữa những nhà mồ và những ngôi mộ của những người vô danh [một vài ngôi mộ người Hoa và cả ngôi mộ của một người Việt Nam] nằm lẫn với những nhân vật lừng lẫy của văn học nghệ thuật nước Pháp. Những ngôi mộ với những bức tượng quá đẹp làm thành một quần thể những tác phẩm mỹ thuật…trong một nghĩa trang thầm lặng. Hai hôm sau, tôi đã trở lại nghĩa trang lần nữa với nhà văn trẻ Cổ Ngư để chụp ảnh mộ những nhân vật mà tôi từng nghe tiếng.

Ra khỏi cổng nghĩa trang trên đường Boulevard de Ménilmontant, tôi đi ngược lại trạm métro Saint Maur. Công nhân bãi việc. Một vài trạm rác rưới ngập lối đi. Những tấm bích chương quảng cáo du lịch Ai Cập và Maroc. Một ban hát xẩm chơi nhạc ở cổng xuống sân ga. Phần lớn khách đi rất nhanh, gần như chạy. Nhiều thiếu nữ ở Paris mặc áo choàng đen dầy phủ trùm tận gót chân, đứng chờ xe ở trạm . Xe vừa dừng bánh đã đẩy cửa bước nhanh vào toa và giở một cuốn sách ra đọc, không buồn nhìn ai.

Mùa đông đến sớm với Paris nhưng những chiếc áo choàng dày màu đen của những cô gái Pháp đã làm ấm một thời tiết giá băng.

Theo xe nhà báo Trần Văn Ngô, và nhà văn Trần Thị Diệu Tâm, xuống Sceaux, tôi được dự buổi ra mắt cuốn sách đầu tay của Miêng tại tư gia anh chị Quỳnh Dao-Huỳnh Hùng. Ngôi nhà đẹp, khu yên tĩnh, khách đứng chật phòng. Ấm cúng , thân mật. Đặng Tiến đang làm phóng sự văn học nghệ thuật cho BBC. Anh là người cộng tác khá lâu với Văn thời trước 1975. Những bài viết về văn học nghệ thuật của anh rất có giá trị. Tôi cũng gặp lại chị Thụy Khuê của đài RFI, Mai Ninh thường có bài trên Hợp Lưu, Trần Công Sung trên Thế Kỷ 21 và nhiều khuôn mặt quen thuộc khác.

Tại quán ăn An Hiên của anh chị Phạm Kế Viêm-Trần Thị Diệu Tâm, tôi được gặp lại “bà già trầu” Hồ Trường An, nhà báo Trần Trí Vũ, và Tuấn [RFI] , Thanh Tuệ, nhà xuất bản An Tiêm, anh chị Thụy Khuê-Lê Tất Luyện, nhiếp ảnh gia Huỳnh Tâm, nhà văn Đặng Mai Lan, nhà thơ Thụy Khanh, và giáo sư Bùi Xuân Quang…[Cũng tại quán này, trong một thời gian rất chật hẹp hai hôm sau, tôi gặp bình luận gia Trần Thanh Hiệp, nhà viết sử - nhà văn Chính Đạo-Nguyên Vũ, và người chuyên dịch Liêu Trai Chí Dị Phạm Xuân Hy.] Và sau đó [đúng đêm trước ngày lên đường trở về Mỹ] tạitư gia của anh chị Miêng-Khoa, ở Saint Denis, tôi được gặp hai vợ chồng Phan Thị Trọng Tuyến, anh chị Vương Văn Đông, Quỳnh Dao- Huỳnh Hùng. Những buổi gặp gỡ đầy tình thân ái và qua đó tôi học hỏi được nhiều điều rất hay. Miêng ít nói, văn chương sắc bén. Đặng Mai Lan cũng ít nói, truyện ngắn thơ mộng và lãng mạn. Trần Thị Diệu Tâm sôi nổi, truyện chị nhẹ, trầm; Hồ Trường An lưu loát thao thao như những trang sách của anh và Thụy Khuê kín đáo. Tôi thật may mắn có những ngày tràn ngập kỷ niệm tại một vùng đất văn vật lừng danh thế giới với những người mà tôi yêu thích.Chỉ có một điều ân hận là tôi không còn thì giờ đi thăm Trần Vũ, Đỗ Kh. và chị Nguyễn Thị Chân Quỳnh, đi Strasbourg thăm Diễm Châu, sang Anh gặp “bạn già” Nguyễn Đăng Thường, đến Đức thăm Lê Minh Hà và Nghĩa, ăn một bữa cơm với vợ chồng Thế Giang, ngồi giữa nhà hàng của Hoàng Nga nghe chuyện Việt Nam, đi một quảng đường với Ngô Nguyên Dũng… Tôi thiếu nhiều nơi phải đến, nhiều người phải gặp. Và sau cùng tôi cũng đã thiếu một ly cà phê với anh Vũ Thư Hiên như đã hẹn, vì cả anh lẫn Đỗ Kh. trong thời gian ấy đã đến Hoa Kỳ. Và Trần Vũ, ngòi bút trẻ tuổi xuất sắc của văn học Việt Nam hải ngoại đi chơi xa chưa về.

Sau cùng, tôi cũng chẳng biết thêm chút nào về Paris ngoài con đường avenue de la République, trạm metro Saint Maur và trạm République, nghĩa trang Père Lachaise, bateau mouche trên sông Seine và tháp Eiffel về đêm.lạnh buốt.

Paris, thành phố mà nhà văn Julien Green, “nhiều lần mơ ước viết một cuốn sách về nó như một cuộc dạo chơi không mục đích, thành phố mà ta không tìm thấy được những gì mà ta muốn tìm kiếm, nhưng người ta sẽ nhận ra được nhiều thứ mà người ta không chủ tâm kiếm tìm…. Thành phố này chỉ mỉm cười với những ai đến gần nó và lang thang trên những nẻo đường phố xá; thành phố ấy nói cho ta nghe thứ ngôn ngữ thân quen, yên lòng chắc dạ, thế nhưng tâm hồn của Paris chỉ hiện lên từ xa, và từ trên cao, và trong sự lặng thinh của đất trời người ta có thể nghe được tiếng kêu trầm thống của niềm kiêu hãnh và đức tin cất cao trên trời xanh.”

Tạm biệt Paris và xin cám ơn những người bạn đã uống cùng tôi một ly cà phê đắng.

Miền Trung vọng tiếng…

Chưa biết Paris là một thiếu sót, nhưng chưa được về miền Trung mang đến cho đồng bào tôi một tấm áo, một bữa ăn, một tập vở, một tấm lòng, tôi thấy đó mới là một thiếu sót lớn hơn rất nhiều trong lúc này. Cái đất miền Trung cát cháy, nghèo khổ cầy lên sỏi đá của chúng ta trong nhiều thế kỷ qua chưa năm nào tránh khỏi thiên tai.Cái đói và cái khổ đeo đuổi dai dẳng như lủ đỉa hút máu người. Trận lụt thứ nhất chưa qua, trận lụt thứ hai đã dội tiếp xuống. Những mái nhà nhấp nhô trên mặt nước như những đầu người bị chìm, những con đường đang trở thành những dòng sông, những khuôn mặt, những đôi mắt ướt nước mưa [hay nước mắt?] của những thanh niên chạy lũ trên ngọn đồi cao 30 mét của huyện Phú Lộc, suốt ba ngày không có một hột cơm trong bụng; ở cửa biển Thuận An, lũ xoáy đã tạo ra hai cửa biển mới: Hòa Duân và Vinh Hải. Nước! Nước! và nước! đâu đâu cũng chỉ có nước. Đất và nước làm thành quê hương,làm nơi trú ngụ của con người, nhưng đất hoang thiếu bàn tay người và nước tràn lan ngập lụt khắp mặt đất sẽ là thảm họa.

Trên tờ Thế Kỷ 21 số 128 tháng Mười Hai, tôi đọc mấy câu thơ rất cảm động của Thảo Chi:

…..

Trên tờ Tuổi Trẻ số ra ngày 11 tháng Mười Một, tôi đọc thấy ba bài thơ “Thương Về Miền Trung” :

Mẹ ngồi bám nóc nhà tranh

mắt không còn lệ để dành khóc con

giữa trời nước lụt mênh mông

biết nơi đâu xác của con trôi về!

Mới đêm qua mẹ còn nghe

tiếng con hát dưới bóng tre sau vườn

bây giờ đã thấy tang thương

làng trên xóm dưới không còn mái tranh!

(Nguyễn Như Mây, Mẹ Miền Trung Mất Con)

Em không về kịp nữa chị ơi

Mưa trắng cả một trời Quảng Trị

Lũ nguồn như từ thiên niên kỷ

Dưng không đổ xuống quê mình.

Mấy ngày rày cha cứ làm thinh

O út vô ra thở dài thườn thượt

Qua màn hình chỉ một màu: mây nước.

Ở nơi mô, nhỏ nhoi đất quê mình?

Thiệp cưới chị nhờ em đã lấy tận nhà in

Kịp tuần sau cả nhà ra đám cưới

Nhìn ảnh chị cười răng mà thấy tội

Bốn mươi tuổi còn gì?

Chuyện tình ngày xưa đẫm ướt mi

Ai xui khiến Thủy Tinh giờ tìm bắt chị

Chú út nghẹn ngào báo qua dòng lệ:

Lũ cuốn trôi nhà và chị… chị ơi!

Cha cố nuốt nước mắt vào trong, không nói nên lời

O út gào lên như người mê sảng

Cả nhà phủ một màn mưa trắng

Mưa trắng trời hay trắng cả con tim?

Em không về kịp nữa chị ơi!

Mưa vẫn trắng cả một trời Quảng Trị.

(Tạ Nghi Lễ, Chị Ơi!)

Ngày mai này em về Huế, Huế ơi

Xin đừng trách người về sau trận lụt

Xin Huế hiểu cả người không về được

Ở trong ni mà lòng cứ ngoài tê!

(Nguyễn Thái Dương, Ngày Mai Em Về Huế)

Trên Văn số này, nhà thơ Tô Thùy Yên, một khuôn mặt lớn trong thi ca Việt Nam gửi đến bạn đọc bài Huế Oán, bài thơ viết trong mùa thảm nạn của xứ Huế đau thương.

Trường thành nhiều chỗ đã sụt lở.

Thương em còn thơm hồn nhãn sen.

Mấy bận, sóng thần lấp cửa phá.

Đêm giông, mẹ nhắc chuyện năm Thìn….

Xin bạn đọc hãy dồn tất cả tình yêu về cho miền Trung ruột thịt và bi thương của chúng ta …

NGUYỄN XUÂN HOÀNG

SỔ TAY THÁNG BA, 2000

Ba bài thơ mới tìm được của Mai Thảo

Anh Nguyễn Đăng Khánh, bào đệ của nhà văn Mai Thảo vừa gửi cho Sổ Tay ba bài thơ mới tìm được của tác giả Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền. Anh cho biết ba bài thơ này do anh Nguyễn Đức Chấn, cháu của Mai Thảo, tìm thấy tại Việt Nam hồi đầu năm 1999 khi Chấn về Sài Gòn đón mẹ sang Mỹ đoàn tụ cùng gia đình. Thư anh Khánh viết “Chấn đã cố tìm ở nhà chị tôi [mẹ của Chấn] nơi anh Mai Thảo thường tới ẩn náu khi bị chế độ mới truy lùng trong những năm 1975-78, một tấm ảnh mà Chấn đã chụp anh Mai Thảo với chị Kiều Chinh tại nhà hàng La Pagode. Mặc dù không tìm thấy tấm ảnh nhưng Chấn đã tìm được một tờ giấy trên đó anh Mai Thảo ghi ba bài thơ nhan đề Hình Tượng, Thủy Tinh và Kim. Sau hơn 20 năm, tờ giấy đã vàng, nét chữ đã mờ, rất khó đọc, nhưng vẫn là nét chữ của anh Mai Thảo. … Ba bài thơ trên xác định một điều: Anh Mai Thảo làm thơ từ nhiều năm trước đấy chứ không phải [mới làm thơ] vào những năm gần cuối đời với tập thơ Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền xuất bản vào năm 1989…”

Cùng với những bài thơ, anh Nguyễn Đăng Khánh gửi cho Sổ Tay tấm ảnh [màu] do nhiếp ảnh gia Trần Cao Lĩnh chụp Mai Thảo ngồi với thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Trên góc trái bức ảnh, dưới chữ ký của Cao Lĩnh, tôi thấy dòng chữ viết tay: Dưới thềm gác mây 1974.

Bức ảnh mà tôi đã có lần ghi trong Sổ Tay là đã nhìn thấy trên vách phòng anh Mai Thảo trongcăn phòng nhỏ anh ở trên đường Bolsa, phía sau nhà hàng Song Long. Xin ghi lại nguyên văn ba bài thơ của anh như một tưởng niệm ngày anh qua đời và đồng thời là một đóng góp cho các nhà phê bình văn học những sáng tác còn bỏ quên của thi sĩ / nhà văn Mai Thảo:

hình tượng

Từ trong cửa tối nhìn ra

Thấy gần: bóng lá, thấy xa: biển trời

Lá lay, bóng cách ngăn đời

Biển im, hình tượng cõi người không ta.

thủy tinh

Trở mình chăn chiếu mênh mông

Giấc mơ chật hẹp vẫn trong cuộc đời

Mộng ta không xóa nổi người

Đáy đêm còn đọng tiếng cười thủy tinh.

kim

Miếng da bịt mắt thành đêm

Cây kim khâu miệng thành im lặng mồ

Tay chân, giây trói bao giờ

Da, kim, giây ấy bây giờ là ta.

Khẩu khí ấy, chữ nghĩa ấy không thể là ai khác, ngoài Mai Thảo.

Tôi vẫn thường nghĩ Nguyễn Đình Vượng là cha đẻ của tạp chí Văn, và Mai Thảo là người đã tiếp sức nuôi nó lớn lên. Văn không có mặt nếu không có cụ Vượng và Trần Phong Giao. Nhưng Văn không thể tồn tại đến hôm nay nếu không có Mai Thảo.

Nhà văn-giáo sư Cung Giũ Nguyên và những người học sinh cũ

Mấy ngày trước Tết, một số bạn học thời nhỏ ở Nhatrang gọi nhau gửi thư chúc Tết thầy cô giáo cũ còn ở quê nhà. Một người bạn cùng trường bảo tôi “anh nên viết cho thầy Cung Giũ Nguyên một cái thư đi. Dù sao anh và thầy Nguyên cũng có chỗ giống nhau.” Tôi hỏi giống nhau chỗ nào? Bạn tôi bảo “thì Thầy Nguyên là nhà văn, mà anh cũng viết văn.” Tôi nghĩ viết thư chúc tết thầy cô thì ai cũng viết được, cứ gì phải là nhà văn. Và tôi viết thư thăm Thầy. Tôi không còn nhớ hết các thầy cô thời tiểu học, nhưng ở Trung học tôi còn nhớ nhiều vị, mặc dù tôi biết chắc các thầy / cô tôi không nhớ tôi là đứa nào. Cũng dễ hiểu thôi. Tôi chỉ là một học sinh tầm thường trong đám học sinh tầm thường không xuất sắc và cũng không ngỗ nghịch phá phách. Thuở đó tôi là một cậu bé ghét nhà trường và sách vở. Lớp học, với tôi đôi khi chỉ là tù ngục. Cuốn vở tôi không chép bài học mà chỉ tràn ngập chi chít những hình vẽ, những khuôn mặt tôi ghét, tôi thương, những bầu trời giông bão mà tôi tưởng tượng một ngày nào sẽ xảy ra trên thành phố tôi đang sống. Tôi vẽ những ngôi nhà đổ nát, những đường phố không bóng người. Những chiếc xe nằm ụ bốc cháy. Xác người la liệt nằm lớp lớp trên bãi biển, sóng xô dạt vào bờ rồi kéo ra khơi xa… Nhà tôi ở gần nhà thầy Điểm giáo sư phụ trách môn hội họa. Phòng khách của thầy treo nhiều tranh, phần lớn là phong cảnh và một bức lớn, gần như chiếm hết tấm vách ngó ra mặt đường. Bức tranh vẽ biển xanh với bãi cát trắng, mấy cây dừa lả ngọn. Tranh vẽ như chụp lại từ một bức ảnh. Thầy người Nam, tánh tình cởi mở, học trò đứa nào cũng thương thầy. Giờ hội họa, đứa nào cũng được thầy cho điểm cao. Phần tôi, thầy luôn luôn nhắc, “vẽ như mầy mai mốt bán tranh cho ai. Sao không giống gì cả vậy. Biển trong tranh của con thầy thấy giống như mấy miếng giẻ chùi cọ. Đầu óc con không bình thường.” Tôi nói tôi thích thầy, nhưng không thích tranh của thầy. Tôi cũng không ưa môn văn với những tác phẩm đầy điển tích khó hiểu. Tôi chịu không nổi những Nhị Độ Mai, truyện Trê Cóc, v.v.. Tôi chỉ nhớ lỏm bỏm mấy câu của Cao Bá Quát, bài Đạo Phùng Ngạ Phu (Đi Đường Gặp Người Đói). Ngày hai cố chiếc tráp, ngày ba nhịn đói dài, thấy ai cũng tươi tỉnh, muốn nói nhưng nghẹn lời… Có lẽ tôi bị ảnh hưởng của cha tôi. Cả đời ông chỉ thuộc có mỗi một bài thơ, bài Thạch Hào Lạ của Đỗ Phủ. Nghe ông đọc đi đọc lại mãi sau mỗi chầu rượu tối tôi nhập tâm hồi nào không hay. “Mộ đầu Thạch hào thôn. Hữu lại dạ tróc nhân. Lão ông du tường tẩu. Lão phụ xuất môn nghênh.”* [Ngô Tất Tố dịch ra thơ lục bát: Lính lệ Thạch Hào: Chiều hôm, tới xóm Thạch Hào, Đương đêm có lính lao sao bắt người. Vượt tường ông lão trốn rồi, Cửa ngoài, mụ vợ một, hai mời chào…) Ông thường nói lập thân bằng binh nghiệp, đừng lập thân bằng văn chương. Văn chương chỉ là thứ vớ vẩn. Ông cũng thường hỏi tôi mày thích gì? Tôi trả lời “Con không biết.” “Nhưng ít ra mày cũng phải biết mày thích một thứ gì chứ. Như tao đây này. Tao biết tao thích thứ gì và tao ghét thứ gì.” Tôi nói tôi tôi thích nhìn biển động, tôi thích trời sập, tôi thích thế giới này không còn ai… Cha tôi nói “đồ ngu, thế giới không còn ai thì mày sống với ai?” Còn sợ? Tôi sợ những giờ học, sợ bị đóng khung – bất cứ thứ gì đóng khung cũng làm tôi sợ….. Tôi sợ thầy giáo, sợ nghề dạy học, sợ những ông bà công chức, sợ giấy tờ, sợ những ngày lễ lạc, sợ trói buộc, sợ gò bó… Tôi nghĩ, mình học hành còn không ra chi, nói gì làm nghề dạy người khác. Và lớn lên tôi trốn chạy nó, trốn chạy mãi, nhưng như một người đi trong mê lộ, cuối cùng tôi gặp lại khởi điểm, nơi từ đó tôi đã ra đi: dạy học. Cũng may bố già Nguyễn Đình Vượng đã cứu tôi một nửa, khi tôi bước vào tờ Văn, một nửa còn lại chấm dứt khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc. Tôi tìm thấy tôi.

Nhưng những ngày giáp Tết Canh Thìn vừa qua, khi những bạn học cũ thời nhỏ của tôi nhắc nhở việc viết thư chúc Tết thầy/cô tôi thấy những suy nghĩ đã từng làm tôi đau nhức ngày xưa trở lại trong tôi. Và hiện lại trong tôi rõ nét nhất là thầy Cung Giũ Nguyên. Nhưng tại sao thầy Cung Giũ Nguyên mà không là ông thầy, bà cô nào khác? Tôi không tìm thấy câu trả lời chính xác. Có thể vì hồi mới lớn tôi nghe người ta thường nhắc thầy là “nhà văn”, là tác giả cuốn tiểu thuyết viết bằng tiếng Pháp, cuốn Le Fils de la Baleine. Cũng chỉ là nghe thôi chứ không hề thấy mặt mũi cuốn sách ra sao nói gì đọc. Rồi câu chuyện về mối tình của Thầy Nguyên với một thiếu nữ. Cô gái kia chắc thua tôi một hoặc hai tuổi, còn thầy Nguyên, tôi biết thầy lớn hơn tôi chừng 31 tuổi. Người ta đàm tiếu, thêu dệt về mối tình của Thầy. Thời gian đó tôi đã vào Sài Gòn, học trường Petrus Ký, nhiều khi nghe người khác kể lại tôi ngạc nhiên tự hỏi tại sao người ta tốn quá nhiều thì giờ về một mối tình đẹp đẽ của thầy Nguyên như thế! Thầy Nguyên là một con người, và là một con người tài hoa.

Cách đây sáu năm, năm 1994, tôi được đọc một tác phẩm mới của thầy, cuốn Thái Huyền, do nhà Đại Nam ấn hành. Đây là bản dịch cuốn Le Boujoum tiếng Pháp, dày 700 trang đã xuất bản tại Pháp năm 1980. Khi đó thầy Cung Giũ Nguyên đã 71 tuổi. Chính thầy Cung Giũ Nguyên đã – theo lời yêu cầu của nhà xuất bản Đại Nam – dịch tác phẩm của mình ra tiếng Việt. Cuốn Thái Huyền tôi có trong tay là tập một. Đọc lại phần tiểu sử mới biết thầy đã viết truyện ngắn đầu tay đăng trên tờ Đông Pháp Thời Báo năm 1928 tức là năm thầy mới 19 tuổi. Những tác phẩm thầy Cung Giũ Nguyên viết trực tiếp bằng tiếng Việt đã xuất bản gồm: Một Người Vô Dụng, tiểu thuyết, 1930; Nhân Tình Thế Thái, truyện ngắn, 1931; Nợ Văn Chương, tiểu thuyết, 1934. Năm 1938 thầy chủ trương tờ Les Cahiers de la Jeunesse; làm chủ bút nhật báo Le Soir d’Asie, 1940-1941 và La Presse d’Extrême-Orient, 1954. Bài của thầy Nguyên cũng có mặt trên tạp chí Đại học Hoa Kỳ Syposium ở Syracuse, New York, 1952 và Books Abroad ở Norman, Oklahoma, 1956. Về sách trực tiếp viết bằng tiếng Pháp có Volontés d’Existence (Những Ý Chí Để Sống Còn), tiểu luận, France-Asie, Saigon, 1954. Tiểu thuyết Le Fils de la Baleine, (Con Ông Nam Hải) Arthème Fayard, Paris, 1956, được dịch ra tiếng Đức xuất bản năm 1957, tạiGenève và Franfort dưới nhan đề Der Sohn des Walfischs. Viện sĩ Hàn Lâm Pháp, ông Daniel Rops trong khi phê bình quyển truyện này đã có ý xếp Cung Giũ Nguyên ngang hàng với Giono, một nhà văn lừng danh của Pháp.

Tôi biết chắc là thầy không thích tôi nói lăng nhăng về thầy như những dòng chữ trên , nhưng tôi mong là Thầy sẽ tha thứ cho tôi về những phát biểu linh tinh của một người học trò cũ. Tôi chắc chắn sẽ có dịp viết thêm về nhà văn Cung Giũ Nguyên, người thầy ngày xưa của tôi, trong những số tới.

Nguyễn Đình Toàn và Hiên Cúc Vàng

Nguyễn Đình Toàn, một trong những nhà văn được yêu mến nhất của Sài Gòn trong những năm trước 1975 vừa đến với người đọc người nghe của ông bằng một CD mang tên Hiên Cúc Vàng. Tác giả Chị Em Hải và nhiều tiểu thuyết khác như “Áo Mơ Phai”, “Ngày Tháng”, “Con Đường”, “Sau Giờ Ra Chơi” và Đồng Cỏ”,… đã chinh phục người đọc trẻ tuổi Sài Gòn không chỉ bằng chữ nghĩa mà còn bằng cả âm thanh và âm điệu nữa. Những người Sài Gòn từng nghe chương trình nhạc chủ đề của ông trên Hệ Thống Truyền Thanh Quốc gia cách đây 30 năm hẳn không thể nào quên được giọng nói ấm áp truyền cảm của ông qua cách giới thiệu tiếng hát và các ca khúc nóng thời bấy giờ. Có thể nói Lệ Thu, Khánh Ly và nhiều ca sĩ nổi tiếng của SàiGòn trong những năm 60-70 đều lớn lên qua chương trình của Nguyễn Đình Toàn. Ông là người không chỉ xuất sắc về thơ và truyện mà còn là người có khiếu thẩm âm vô cùng tinh tế. Trước 75, ông viết lời từ cho nhiều ca khúc, trong đó có bài Tình Khúc Thứ Nhất rất nổi tiếng của Vũ Thành An. Sau 75 trong những ngày tù tội dưới chế độ mới, ông viết nhạc và giờ đây những ca khúc ấy được nữ ca sĩ tên tuổi Khánh Ly – người được Nguyễn Đình Toàn gọi là “góa phụ của chiến tranh” mang đến cho người nghe trong đêm nhạc Hiên Cúc Vàng tại Vũ Trường Ritz, thành phố Anaheim, Quận Cam..

Khoảng 500 khán thính giả yêu mến và ngưỡng mộ Nguyễn Đình Toàn đã đến tham dự chào đón một tài năng văn chương, mừng ông trở lại với người đọc-người nghe quen thuộc của những năm tháng cũ trong một bầu không khí mới. Có thể nói với Hiên Cúc Vàng, Nguyễn Đình Toàn đã mang đến cho sinh hoạt âm nhạc hải ngoại một làn điệu mới, một hơi thở mới.

Cách đây không lâu, khi nhà báo Lê Đình Điểu giới thiệu tác phẩm mới của Nguyễn Đình Toàn – cuốn Đồng Cỏ – tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt tại Nam Cali, tôi có viết một bài Tạp Ghi có tựa đề là: Nguyễn Đình Toàn-Sài Gòn-Pagode, nhắc lại những kỷ niệm của anh và đám bạn bè vẫn gặp nhau buổi sáng ở quán cà phê Cái Chùa [Pagode] và bao giờ cũng vậy giữa những Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Quốc Trụ, Nguyễn Nhật Duật, Nguyễn Đình Toàn luôn luôn là người đưa ra nhiều nhận xét về bạn bè và văn chương người khác một cách sắc bén nhất. Ông là một trong những khuôn mặt lớn của sinh hoạt văn học nghệ thuật Sài Gòn những năm 70. Gặp lại ông sau bao nhiêu năm tháng xa cách, chúng ta không chỉ muốn nghe nhạc của ông mà người đọc đang muốn thưởng thức tiếp những tác phẩm văn chương mới mẻ của ông nữa.

Trầm Tử Thiêng: Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gẫy

Ngày 25 tháng Giêng năm 2000, nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, tác giả ca khúc nổi tiếng Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gẫy đã từ giã anh em bạn bè ra đi. Tôi không có cơ duyên quen biết ông trong những năm ở Sài Gòn, nhưng ở Mỹ, năm 1986 khi từ đảo Bataan Phi Luật Tân qua làm cho nhật báo Người Việt thì không lâu sau đó Trầm Tử Thiêng cũng về trú cùng một mái nhà, nhưng công việc của anh là phụ trách chương trình văn nghệ cho Đài Truyền hình Người Việt. Trầm Tử Thiêng có một ngoại hình nhỏ thó, gầy gò, khắc khổ. Anh ít cười, ít nói, nhưng mỗi khi nói anh nói chắc nịch như đinh đóng những gì anh bảo vệ. Tôi còn nhớ năm đó Người Việt ra số báo Xuân – năm nào Người Việt cũng ra một số báo Xuân ngoài những số báo thường – và tôi có đề nghị anh viết một bài tổng kết về tình hình văn nghệ ca nhạc hải ngoại. Báo chuẩn bị đi in, nhưng bài anh Thiêng còn đang viết. Anh rất cẩn thận trong chữ nghĩa và bài anh viết càng lúc càng dài thêm do những tài liệu anh vừa thu lượm hàng ngày trong tiếp xúc với những nghệ sĩ trình diễn. Cho đến lúc không chờ bài anh được nữa, Nguyễn Đức Quang – lúc đó trong vai trò người điều hành tờ báo – và Lê Đình Điểu, chủ bút, bàn với tôi là quyết định lấp bài cho kịp đưa nhà in thì Trầm Tử Thiêng đưa bài. Bài anh viết công phu và khá dài. Nếy lay out nguyên bài thì tờ báo bị coi như trình bày lại từ đầu. Biết tính anh khó không ai dám dưa ý kiến cắt bớt một số chữ cho vừa số trang dành cho anh. Tôi lãnh nhiệm vụ trình bày ý kiến đó. Trầm Tử Thiêng không trả lời đồng ý hay không đồng ý cách giải quyêt. Anh không nói chuyện với bất cứ ai trong ba chúng tôi một thời gian khá lâu. Tôi biết anh giận, nhiều lần kéo anh đi uống cà phê, nhưng anh luôn luôn kêu bận. Phải hơn một năm sau [1987] tôi mới thấy anh cười với tôi. Thời gian đó anh đã rời Người Việt, trở lại với âm nhạc, phụ trách phần hòa âm cho ca sĩ Khánh Ly và Thanh Thúy. Nhiều năm sau tôi thỉnh thoảng gặp anh, khi thì ở quán Anh Thi đường Bushard, khi thì ở Coffee Factory, đường McFadden. Cũng có khi gặp anh ở những lần các ca nhạc sĩ ra mắt CD ở Ritz hay Majestic. Chúng tôi ngồi chung bàn nghe anh nói chuyện âm nhạc, đời sống và thế thái nhân tình. Khi ca sĩ Thùy Dương muốn thực hiện một vài ca khúc mới với lời từ viết sẵn cho anh phổ nhạc, tôi thường gặp anh ở quán Anh Thi. Tôi ăn vội vì còn phải về tòa soạn, còn anh vẫn thường nhâm nhi cà phê thuốc lá sau đó. Anh nói có nhiều chuyện muốn bàn với tôi, nhưng thấy tôi lu bu quá, anh hẹn để đó, trước sau gì cũng sẽ làm thôi. Cho đến cuối năm 1998, tôi đổi việc làm lên San Jose, anh từ Quận Cam gọi cho tôi biết anh vừa viết một ca khúc mới mà anh rất thích: phổ nhạc bài thơ của Xuân Diệu Cha Đàng Ngoài, Mẹ Đàng Trong. “Tôi sẽ lên San Jose tuần tới, Đêm Nhạc Thùy Dương tôi sẽ hát bài này cho cậu nghe!” Anh đã nhắn riêng tôi như vậy và đêm đó tôi đã bỏ việc lay out tờ Văn đến nghe anh hát. Đêm có Lê Uyên, Từ Công Phụng, Lệ Thu, Thùy Dương và Trầm Tử Thiêng. Ca khúc mới của anh do chính anh trình bày đã làm tôi thực sự xúc động. Tôi nói với anh bài ca này khó hát, tôi sợ ngoài anh ra khó ai diễn tả có hồn như anh, mặc dù giọng anh không mạnh lắm.. Anh biết điều đó. Và có vẻ như đó là lần sau cùng tôi gặp anh. Khi nhạc sĩ Trường Kỳ từ Montreal báo tin cho tôi biết Trầm Tử Thiêng đã qua đời, tôi hoàn toàn bất ngờ. Bởi vì tôi biết anh bệnh ít lâu nay, nhưng anh đã bỏ thuốc tây chữa thuốc ta và anh đã thấy hiệu nghiệm của việc dùng thuốc mới. Vũ Ánh từ Quận Cam sau đó đã viết mấy bài về Trầm Tử Thiêng trên Nhật báo Viễn Đông. Đó những bài viết rất hay về một nhạc sĩ.

Dưới tựa đề Những Dòng Nhạc Định Hình Trầm Tử Thiêng, Vũ Ánh đã nhắc đến ca khúc “Mưa Trên Poncho” của Trầm Tử Thiêng. “Hình ảnh chiếc poncho, một loại áo mưa làm tương tự như loại áo khoác của người Mễ Tây Cơ, bằng một loại vải nhựa, có mũ che. Nó thân thiết với người lính cả lúc sống lẫn lúc nằm xuống. Chiến trận miệt mài, nắng mưa sương gió, nằm bờ ngủ bụi, người lính dùng poncho như những tấm lót thay mền. Khi chết, cũng chỉ một chiếc poncho đó gói tấm thân vừa trọn nghĩa với đất nước. Mưa Trên Poncho là hình ảnh bi hùng tráng tuyệt vời của những người lính trận. Nó giống như chiếc nón sắt đa dụng, như chiếc ba lô vốn là tài sản duy nhất của người lính.

“Chiến tranh Việt Nam ngày một lan rộng. Nhạc viết về chiến tranh thời gian này khá nhiều và nhiều bài nổi tiếng. Nhưng nội dung những nhạc phẩm ấy đẩy người nghe vào hai trạng thái đối nghịch:

“Một làm cho người nghe chùng xuống tê liệt vì nỗi buồn và tuyệt vọng.

“Và một làm cho người nghe cảm giác người lính bị huyền thoại hóa một cách vụng về.

“Trầm Tử Thiêng không rơi vào hai trạng thái đó. Sựï lãng mạn đã giúp ông viết những ca khúc chiến tranh nhẹ nhàng hơn. Ông cho người nghe ý thức được nỗi đau đớn, phiền muộn, sợ hãi chiến tranh, nhưng đồng thời ông cũng mở cho người nghe những lối thoát bằng niềm tin và bằng sự lãng mạn của những cuộc tình trong thời chinh chiến. Khi nhạc phẩm Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gẫy ra đời sau Tết Mậu Thân đã đánh động hàng triệu con tim của người Việt Nam.

“Nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu, một người bạn khá thân của Trầm Tử Thiêng cho biết trong dòng nhạc lính lúc bấy giờ, ca khúc Một Trăm Phần Trăm [Ngô Mạnh Thu không nhớ tên tác giả] thường do Hùng Cường và Mai Lệ Huyền trình bày bán được một triệu bản thì Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gẫy của Trầm Tử Thiêng cũng đã bán được trên 600,000 bản. Một kỷ lục vào thời đó.

…Và Vũ Ánh kết luận: “Tuy nhiên, suy đi nghĩ lại, trong suốt 40 năm sống cho âm nhạc, tác phẩm định hình cho Trầm Tử Thiêng chính là ca khúc Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gẫy. Không có tác phẩm nhìn chiến tranh bằng con mắt lãng mạn này, có lẽ con đường mà ông đi sẽ chẳng có khúc quanh nào để lưu lại cho chúng ta di sản của một bậc tài hoa.”

Xin chào vĩnh biệt Trầm Tử Thiêng, người nhạc sĩ không ngừng tìm cái tuyệt đối trong một thế giới chỉ toàn những điều tương đối, trái tim lớn trong một thân thể nhỏ bé, tấm lòng bao dung trên một khuôn mặt khắc khổ.

Vĩnh biệt, bạn hiền!

NGUYỄN XUÂN HOÀNG

SỔ TAY THÁNG TƯ, 2000

Nguyễn Văn Sâm và Khói Sóng Trên Sông

Văn chương Nam Kỳ Lục Tỉnh vẫn luôn luôn lôi cuốn tôi. Truyện của Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam, Kiệt Tấn, Bình Nguyên Lộc, Lê Xuyên, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Vương Hồng Sển, Huỳnh Phan Anh, … và trong những năm tháng sống xa quê hương, được đọc Cao Đông Khánh, Hồ Trường An, Nguyễn Văn Ba, Võ Kỳ Điền, Trần Long Hồ, Bùi Thanh Liêm, Nguyễn Tấn Hưng, Lương Thư Trung, Nguyễn Thị Long An… với tôi là một hạnh phúc.

Đó là những tác giả mang đến cho người đọc không khí của miền đất “hảo hớn”, bầu trời của “bao dung và cởi mở”, hơi thở nồng nàn của ruộng đồng , sự thơm tho của cây trái, cái dào dạt mênh mang của dòng sông Cửu Long…

Đó là chưa kể Tô Thùy Yên, mà tiếng thơ của ông đã bay trùm lên khắp miền đất nước như một cái bóng lớn trong thế giới thi ca Việt Nam… Có thể tôi còn thiếu sót một số tên tuổi khác trong những tác giả Nam Kỳ Lục Tỉnh, nhưng một tác giả tôi không thể quên, đó là Nguyễn Văn Sâm, người bạn từ năm 1969 đã viết Văn Chương Tranh Đấu Miền Nam,; 1971 Văn Học Nam Hà; 1972 Văn Chương Nam Bộ; và những năm tháng tại Mỹ ông đã viết Câu Hò Vân Tiên (Texas, 1985); Ngày Tháng Bồng Bềnh (Texas, 1987). Mười ba năm sau khi in tập truyện Ngày Tháng Bồng Bềnh, Nguyễn Văn Sâm vùa gửi đến người đọc những sáng tác mới của ông: Khói Sóng Trên Sông. Trong một email, ông hỏi tôi “tao sẽ in tập truyện mới. Nhà xuất bản Văn đứng tên được không?” “Tại sao không?” Tôi đã trả lời ông như vậy. Chúng tôi quen nhau đã lâu. Cùng học chung trường Petrus Ký, cùng đi quân trường Quang Trung, từng cà phê cà pháo ở những quán nước Sài Gòn. Sâm là một người chân chất, và thẳng thắn -như đa số người miền Nam.. Ông quả là một người bạn tốt. Tuy vậy, về chuyện chữ nghĩa văn chương, ít ra là thời bấy giờ, những năm sáu mươi-bảy mươi ở Sài Gòn, ông và chúng tôi không cùng chung một quan điểm.. Nguyễn Văn Sâm lúc đó viết biên khảo hơn là sáng tác. Có vẻ công việc dạy học đã đặt ông vào cái thế một công đôi chuyện.

Hồi đó, bọn chúng tôi -Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Quốc Trụ, Nguyễn Nhật Duật, Đặng Phùng Quân – vẫn thường lê la ở quán Cái Chùa mỗi sáng, nói đủ thứ chuyện giữa những ly cà phê trước khi đến sở làm. Trong khi chúng tôi, nói theo Huỳnh Phan Anh, ‘đi tìm tiểu thuyết mới ở Việt Nam, dòng tiểu thuyết ly khai với truyền thống cũ,.thuộc Tự Lực Văn Đoàn, hoặïc nói rộng hơn, ly khai với tiểu thuyết giai đoạn tiền chiến” thì Nguyễn Văn Sâm hết Văn chương miền Nam, tới văn chương Nam bộ hết Vũ Anh Khanh, Thẩm Thệ Hà, tới Dương Tử Giang,… . Ông cứ đi ngược lại với bọn tôi.

Khi cuộc chiến kết thúc, chúng tôi mỗi người một ngã. Kẻ ở, người đi. Văn chương chữ nghĩa trong một thời đại hoài nghi trở thành trò chơi của tội lỗi. Sách vở từ trong tủ kính rủ nhau bước xuống chợ trời. Như những hạt bụi bị trận cuồng phong thổi tung, chúng tôi bay di mười phương tám hướng. Và sau cùng như những hạt bụi, chúng tôi lại gặp nhau.

Houston, nơi tôi đã đôi lần đến. Nhiều người bạn cũ đã gặp. Nhiều người bạn mới vừa quen. Cách đây mấy năm là Tường Vy & Cao Hữu Tích. Gần đây là Phương Hoa & Đăng Khánh. Bữa cơm gia đình nhà Duy Trác thân tình và đầy những nụ cười. Bữa cơm nhà anh chi Minh & Điệp Mỹ Linh tôi đã chạy đến theo cây kim đồng hồ. Gặp lại Đặng Phùng Quân, Hàn Song Tường, Ngu Yên, Trương Trọng Trác, Vũ Thanh Thủy & Dương Phục, vợ chồng Phạm Quang Tân, Nguyễn Vĩnh Châu. Và phải chờ đến trưa ngày hôm sau mới gặp lại người bạn già Nam Kỳ-Lục Tỉnh Nguyễn Văn Sâm..

“Mày nói cho tao mấy lời trong buổi ra maắt sách của tao.” Nguyễn Văn Sâm đã dặn như thế cả tháng trời trước khi tôi đến Houston. “Nói thì nói.” Tôi trả lời như vậy, nhưng thực sự lòng chưa biết sẽ nói gì. Tôi được Sâm cho đọc bản thảo trước. “Viết cho cái tựa đi, cha nội.” Sâm nói như ra lệnh. Sắp tới ngày ra mắt sách, tôi vẫn chưa gửi qua cho Sâm cái tựa. Còn hơn một tuần tôi email bài viết. Sâm trả lời “không convert được.” Phải nhờ đến Nguyễn Vĩnh Châu. Và đâu cũng vào đấy. “Cái thằng, coi bộ vậy mà cũng công tử Bạc Liêu chớ!” Tôi đã nghĩ về Nguyễn Văn Sâm như vậy.

Tôi thú thật là đến Houston mấy lần mà chẳng biết gì về thành phố này. Từ phi trường về đến nhà Tường Vy, hoặc nhà Phương Hoa, hoặc khách sạn. Và một tiệm ăn nào đó. Là hết. Houston sau cùng chỉ là những trang sách. Lần trước cách đây mấy năm nghe một chương trình nhạc và vinh danh một số người. Lần sau nghe nhạc Đăng Khánh với Tuấn Ngọc, Thanh Hà, Thái Thảo. Lần này, đến với Nguyễn Văn Sâm được gặp những người quen cũ: Doãn Quốc Sỹ, Vũ Ngự Chiêu, Cao Đông Khánh, Lê Quỳnh Mai [cũng hơn mười năm rồi, khi ngày đầu tiên đến Montreal giới thiệu số ra mắt tạp chí Thế Kỷ 21 và cuốn truyện dài Sa Mạc] , gặp giáo sư Đàm Trung Pháp, và những người đã từng đóng góp bài vở cho Văn: Quan Dương, Phạm Ngũ Yên, Thu Thuyền, Kiều Mộng Hà, Phạm Quang Tân, Nguyễn Anh Tuấn…

Phải nói là bài của giáo sư Đàm Trung Pháp giới thiệu và phân tích về Nguyễn Văn Sâm rất hay. Ông cho thấy một Nguyễn Văn Sâm là nhà văn sử dụng nhuần nhuyễn về ngôn ngữ Đồng bằng sông Cửu Long. Ông cho rằng tập truyện Khói Sóng Trên Sông của Nguyễn Văn Sâm “là một rừng thành ngữ bình dân, nghe lên thì khoái tai, mà đọc lên thì khoái mắt.”

Tôi chia xẻ ý kiến của giáo sư Pháp: Toàn tập truyện của ông Nguyễn tràn đầy lời ăn tiếng nói dân gian của sông Tiền sông Hậu. Truyện của ông nặng chất ký mà nhẹ chất tiểu thuyết. Có thể nói Khói Sóng Trên Sông là bức tranh vẽ lại sự hình thành của đô thị Sài Gòn. Không phải một Sài Gòn bề mặt với những con đường “cây dài bóng mát”, những quán cà phê đợt sóng mới, những vũ trường sang trọng trai thanhgái lịch và người hùng. Nguyễn Văn Sâm đã nhìn Sài Gòn từ cái phía trái của nó. Bóng tối và sự khốn khó. Sài Gòn của mồ hôi và nước mắt. Đó là Xóm Sáu Lèo, là đình Tân Kiểng, là khu Mã Lạng, là Xóm Chiếu, là Chánh Hưng, là Chợ Cầu Kho, là Bến Tắm Ngựa,…

Nguyễn Văn Sâm là một người kể chuyện hơi rề rà nhưng có duyên. Ông không vội vàng và người đọc ông cũng không có ý muốn ông phải gia tăng tốc độ. Ông cứ nhẩn nhơ nói, như một người đọc thơ Lục Vân Tiên, và người nghe có thể vừa nghe vừa uống rượu hoặc nhấp chén trà tàu.

Trong thế giới văn chương miệt vườn, Nguyễn Văn Sâm là người nắm khá vững ngôn ngữ Nam Kỳ-Lục Tỉnh nhất. Cũng dễ hiểu tại sao ông không sáng tác cùng thời với chúng tôi. Chính là những bài biên khảo về văn chương Nam bộ đã giúp ông sau đó – thay vì nghiên cứu – đã viết thẳng bằng trái tim.

Sài Gòn của Nguyễn Văn Sâm đích thực là Sài Gòn của những con người nào được nó nuôi dưỡng, dạy dỗ, và làm cho nó lớn lên.

Khói Sóng Trên Sông là một tác phẩm văn chương của một người cầm bút thực sự.

Nguyễn Nhật Duật đã ra đi

Nói về Nguyễn Văn Sâm tôi đã không thể không liên tưởng đến bọn chúng tôi. . Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Nhật Duật còn ở Việt Nam, Nguyễn Quốc Trụ ở Toronto, Canada; Đặng Phùng Quân ở Houston, Texas; Nguyễn Đình Toàn ở Long Beach, California. Điều đau buồn là “ông giáo” Nguyễn Nhật Duật vừa mới “đi xa”. Duật là người nghiêm túc nhất, “thầy giáo” nhất, “khổng tử” nhất. Tuy vậy anh là người trong một ý nghĩa nào đó là người cỗ võ nhất cho cái mới trong tiểu thuyết. Nếu Huỳnh Phan Anh coi như “lý thuyết gia” của nhóm thì Nguyễn Nhật Duật chính là người cầm thắng và nhắc nhở cái mới trong văn chương.

Huỳnh Phan Anh năm đó cho xuất bản cuốn tiểu luận “Văn Chương Và Kinh Nghiệm Hư Vô”, một tác phẩm của một ngòi bút mới mẻ khiến những cây bút thời danh lúc đó ngẩn ngơ. Ai vậy? Tên này ở đâu ra thế? Bọn chúng nó có những ai? Một bài viết ngắn trong cuốn sách bày tỏ cách nhìn tiểu thuyết của nhóm: Đi Tìm Tiểu Tuyết Mới Ở Việt Nam.

Tháng Mười Một năm rồi gặp lại Huỳnh Phan Anh ở Pháp tôi quên hỏi “cái nhìn đó giờ đây đã thay đổi chưa hay vẫn còn nguyên?”

Nhân sự ra đi của Duật, sự gặp lại Huỳnh Phan Anh ở Pháp, Đặng Phùng Quân ở Houston và Nguyễn Quốc Trụ ở Canada vẫn trò chuyện qua email, tôi muốn ghi lại đây một trích đoạn bài của Huỳnh Phan Anh cho Sổ Tay kỳ này.

“Mỗi thời đại có tiếng nói riêng của nó. Tiểu thuyết mới trước hết là nỗ lực làm mới ngôn ngữ. Mỗi nhà văn thực hiện một cách thế sử dụng ngôn ngữ… Xa hơn ngôn ngữ, tiểu thuyết mới đánh dấu sự trưởng thành của kỹ thuật tiểu thuyết. Tiểu thuyết không chỉ là câu chuyện kể một cách dung dị thi ngây. Đó là sự tìm kiếm một lối kể, một cách viết, một kỹ thuật. Đây là vấn đề nội dung và hình thức. Có người cho rằng trong hình thức có nội dung và ngược lại. Kafka nói: Văn chương chỉ là kỹ thuật.

Albéres đã đi đến một định nghĩa về tiểu thuyết hiện đại: một sáng tạo văn chương dùng một câu chuyện kể để diễn đạt cái khác (une création littéraire qui se sert d’un récit pour exprimer autre chose.) Cái khác ở đây có thể là một kinh nghiệm đời sống. Nó cũng có thể là một vũ trụ quan đượm chất siêu hình hay đạo đức. Nó cũng có thể không là cái gì khác trừ những thì thầm của ngôn ngữ, ngôn ngữ như một định mệnh đang thành hình, ngôn ngữ như một tìm kiếm vô vọng, ngôn ngữ như một hiện hữu chống lại chính tác giả… Cái khác có thể là cái ngôn ngữ đang đi tìm. Viết một cuốn tiểu thuyết không có ý nghĩa như một sự hoàn thành: nó chỉ mới là một sự bắt đầu..”

Theo Hùynh Phan Anh thì thời gian đó Thanh Tâm Tuyền với cuốn Bếp Lửa và Nguyễn Đình Toàn với cuốn Con Đường là những nhà văn của tiểu thuyết mới Việt Nam.

Vẫn chuyện thầy tôi

Nhà văn Nguyễn Hữu Trí, tác giả Ăn Trưa Nghe Kể Chuyện Tình , tập truyện mới do nhà xuất bản Văn ấn hành, vừa cho tôi nghe cuộn băng phỏng vấn giáo sư – nhà văn Cung Giũ Nguyên ở Việt Nam. Trả lời câu hỏi trong các tác phẩm [viết bằng tiếng Pháp lẫn tiếngViệt của ông], tác phẩm nào ông ưng ý nhất, tại sao? Thầy tôi nói cái nghề viết văn và cái nghề dạy học của ông hình như đi song song. Từ khi ông bắt đầu đi dạy học thì ông đã bắt đầu viết văn rồi. Cho đến bây giờ [1999] ông vẫn còn đang dạy học và ông cũng vẫn còn cầm bút. Ông cho biết là năm 1932 ông có viết một cuốn tiểu thuyết tựa là “Nợ Văn Chương”, cái nợ đó bây giờ ông vẫn còn tiếp tục phải trả.

“Tại sao tôi viết văn? Thì cũng giống như hỏi tại sao tôi đi dạy học? Cũng chỉ với ý nghĩ là san xẻ những gì điều mình biết, trao gửi tâm sự cho những người có thể nghe được hiểu được mình.” Ông không nói ra, nhưng viết theo ôn g chính là phá vỡ cái cô đơn của mình. Ông bảo có những cuốn sách giờ đọc lại thấy thú vị, thú vị như khi gặp lại những học sinh cũ của mình. Những học sinh đã từng học với ông cách đây bốn mươi năm . Có người còn lâu hơn nữa. Có người từ thế hệ lúc ông còn dạy ở bậc tiểu học. Ông cho biết quyển sách [tiếng Pháp] mà ông có thể nhắc lại là cuốn Le Fils De La Baleine [nhà xuất bản Artheme Fayard, Paris, 1956, bản dịch tiếng Việt của cuốn này vừa được xuất bản ở Hà Nội dưới tên Kẻ Thừa Tự Của Ông Nam Hải, do một người học trò cũ của thầy dịch.] Theo ông, cuốn Le Fils De La Baleine là tác phẩm ông ưng ý nhất. Cuốn sách đã được phê bình rộng rãi ở các nước phương Tây. Hai năm, sau khi được xuất bản tại Paris, cuốn sách được dịch ra tiếng Đức, và được xếp vào sách bán chạy nhất thời bấy giờ.

Phân tích tựa đề cuốn sách, nhà văn Cung Giũ Nguyên cho rằng người nào học tiếng Pháp, mới đọc qua cái tựa có thể nói là “tác giả dốt biết bao nhiêu.” Bởi khi người ta nói baleine, con cá ông, thì làm sao con cá ông lại có con trai? Người ta sẽ nói Le Petit De La Baleine chứ người ta không nói Le Fils De La Baleine. Thế thì, một là nó “dốt” hai là nó có cái gì đây! Cho nên theo ông, cái tựa tiếng Việt đã lộ ra điều này trong khi cái tựa tiếng Pháp còn gây cho người đọc bối rối. Kẻ thừa tự không phải của con cá ong, mà là mà là của ông Nam Hải, một cái chức do nhà vua đặt cho một con vật. Con cá ông là một con vật đã từng cứu người và thuyền bè khi gặp sóng to gió lớn trên biển. Nhà vănCung Giũ Nguyên kể lại một đoạn trong cuốn sách một nhân vật bị chìm tàu, đầu ông ta va vô một tảng đá, sau đó ông mắc bệnh “quên” không nhớ gì hết, không biết mình là ai, không biết dĩ vãng mình ra sao. Tuy nhiên có đôi lúc ông nhớ lại cuộc đời mình, và đó là lúc ông cần phải gửi lại cho một người nào đó , để họ giúp ông làm lại trí nhớ, và ông kể chuyện.: Này ông, nhớ nhe, nhớ giùm tôi nhe. Tôi là thế này, thế kia, nhớ giùm nhe! Và ông kể tất cả tâm sự đời ông. Ông đi trên một chiếc tàu từ Pháp trở về quê hương, tàu bị chìm. Ông cũng là người có học hành thế này, thế kia,… Nhưng sau khi kể hết cuộc đời mình ông mới biết người nghe ông nói là một người điếc. Nhà văn Cung Giũ Nguyên cho rằng viết là trao đổi tâm sự ý nghĩ của mình cho một người khác, không phải để khoe khoang mà muốn cho người khác làm giùm cái trí nhớ của mình..

Chúng ta viết là để cho người đọc. Và khi người đọc không “đọc được” những dòng chữ của ta có nghĩa là ta thất bại.

“Lịch sử của văn chương là lịch sử của những tác phẩm. Tác phẩm không nói, nó là tiếng nói, và hơn thế, nó là chân lý, cội nguồn, bản thể của tiếng nói. Tác phẩm trước hết là kinh nghiệm của một người trong tư cách một vật thể. Đọc và hiểu một tác phẩm tức là một cách nào đó chia xẻ với tác giả kinh nghiệm đó.”

Liệu những ghi nhận trên đây của Huỳnh Phan Anh có chia xẻ cùng nhà văn Cung Giũ Nguyên mối tương quan giữa người đọc và người viết?

NGUYỄN XUÂN HOÀNG

SỔ TAY THÁNG NĂM, 2000

Gặp gỡ ở San Jose

Đã bước qua năm thứ hai ở San Jose, tôi vẫn chưa biết gì về thành phố Thung Lũng này. Tôi vẫn còn là một người xa lạ. Tôi chưa biết Santa Cruz, chưa lái xe tới Fremont hoặc Hayward. Los Gatos, Palo Alto cũng gần thôi tôi cũng chưa đến. Còn Gilroy – thành phố tỏi – tôi chỉ đến một lần nhưng chưa có dịp quay trở lại. Tôi biết con đường Oakland, đi về hướng phố trở thành con đường 13. Nó sẽ gặp đường Santa Clara nơi có nhiều quán ăn. Một quán người Ý đường số 2; mấy quán Việt Nam như Quảng Đà, Vũng Tàu, Bắc Hương…Gần tòa báo trên đường Lundy tôi biết có quán Nhatrang, tiệm cơm Tàu Chief Minh.; . . Nhưng San Jose đâu chỉ có thế. Nhiều nơi đẹp đẽ tôi chưa một lần đặt chân. Nhưng với tôi, thế là đã nhiều lắm.

Ở San Jose, tôi luôn luôn nhớ Quận Cam, nhớ con đường Bolsa, nhớ tiệm phở Nguyễn Huệ của ông Cảnh nơi tôi có thể gặp bạn bè mỗi buổi sáng mà không cần hẹn; nhà hàng Song Long, gần căn phòng cũ của Mai Thảo; nhớ quán Viễn Đông của ông nghị Tony Lâm với những tiếng cười bất tận, … nhớ cả tiệm sách Văn Khoa, Tú Quỳnh. Năm tôi dọn lên San Jose, khi ông giám đốc nhà xuất bản Văn Nghệ Võ Thắng Tiết chưa mở nhà sách Văn Nghệ. Nhớ căn nhà Nguyễn Mộng Giác, nơi chúng tôi vẫn thường đến quây quần mỗi chiều thứ Bảy. Ở đó bao giờ cũng có nhà văn Nghiêm Xuân Hồng, “nhà tùy bút” Trúc Chi, “nhà sử học” Tạ Chí Đại Trường, anh chị Lê Thọ Giáo, Châu Văn Thọ, Tôn Thất Khoát, Huy Văn, Nguyễn Đức Quang, … Đôi khi có Phùng Nguyễn từ Bakersfield xuống, Đặng Tường Vy-Nguyễn Khắc Nhân, Giang từ San Diego lên…

Ở San Jose, tôi chưa tìm được một ngôi nhà như nhà Nguyễn Mộng Giác, nơi chúng tôi không hẹn vẫn gặp nhau, ăn uống, nói chuyện trên trời dưới đất. Những câu chuyện làm ấm trái tim.

Mười lăm năm ở một thành phố đầy người Việt Nam, làm việc với những người cùng màu da, cùng một ngôn ngữ, cùng một văn hóa,… khi đi xa tôi mới khám phá ra đời sống là một xâu chuỗi những thói quen gần với bản năng, nhưng cũng rõ ràng con người là một sinh vật thích ứng nhanh chóng với thiên nhiên và môi trường. Thích ứng để sống, không có nghĩa là hạnh phúc.

Xa lộ 880, với tôi, trở thành con đường Bolsa. Nha Trang là tiệm Song Long. Khu thương xá McCarthy ở Milpitas là Westminster Mall… mặc dù quả thực, sự so sánh này hoàn toàn là một so sánh khập khiểng và gán ép.

Vào giữa tháng Tư tôi có cái may mắn thở lại không khí cũ: Quỳnh Trang, Nguyễn Quí Đức, Phùng Nguyễn từ nam Cali lên. Và Hồ Như, cây bút nữ nhiều triển vọng ở San Jose rất ít khi được gặp đã đến họp mặt tại một quán ăn Việt Nam – kiểu Quận Cam.. Phùng Nguyễn, nhà văn đầy sức sống và đa năng đa dạng, người viết chủ chốt của tạp chí Văn, bao giờ cũng “phản ứng” nhanh chóng và “dị ứng” tức khắc với mọi ý kiến, và phản ứng ấy của anh luôn mang đến cho bạn bè hơi thở của niềm vui. Quỳnh Trang, Nguyễn Quí Đức, những người trẻ già dặn trong kinh nghiệm truyền thông, đã hội nhập vào đời sống văn hóa của người bản xứ một cách nhẹ nhàng, nhưng vẫn giữ được bản sắc của dân tộc trong đời sống là một niềm mơ ước không bao giờ đạt được của tôi. Nguyễn Quí Đức sáng tác bằng tiếng Anh hay viết trực tiếp bằng tiếng mẹ đẻ cũng đều dễ dàng như người ta uống cà phê mỗi sáng. Tiếng Anh nhuần nhuyễn, tiếng Việt giàu có, Nguyễn Quí Đức là một tài năng hiếm quý của văn học Việt Nam.. Tôi rất yêu thích những sáng tác của Đức. Làm sao trong đời sống văn học của chúng ta có được nhiều Nguyễn Quí Đức như thế?

Vùi mình vào công việc mỗi ngày tôi thấy thời gian ở đây chạy nhanh hơn nơi ở cũ. Hơn một năm nay tôi chưa bao giờ phải đặt câu hỏi “hôm nay phải làm gì?” mà luôn luôn là câu hỏi “còn chuyện này chừng nào sẽ làm?”. Hơn một năm những thùng sách, báo vẫn còn bừa bộn trong ga-ra, những thứ đáng bỏ đi đã bỏ rồi, nhưng những thứ nên bỏ đi vẫn còn bề bộn vì “nếu vứt đi đến lúc cần thì sao?” Câu trả lời cho “còn chuyện này bao giờ sẽ làm?” vẫn còn là một “ẩn số”.

Tới gần cuối tháng Tư mà mùa Đông hình như vẫn còn. Nhiều buổi sáng trời lạnh nhưng đến trưa thì nóng. Từ căn nhà nhỏ trong khu đất vòng của thành phố Milpitas, đến tòa báo ở đường Ridder Park mỗi buổi sáng tôi vẫn lái xe trên đường Calaveras ra xa lộ 880 xuôi nam. Nếu đường vắng chỉ cần 15 phút sẽ đến sở làm.. Nhưng nếu kẹt xe, thì….

San Jose là mộït thành phố lòng chảo, đi đâu cũng chỉ thấy núi dựng đứng trước mặt. Mùa này ngày dài hơn đêm. Gần bảy giờ chiều, ánh sáng vẫn còn. Tháng Tư sắp hết. Chỉ còn một tuần nữa là giáp một phần tư thế kỷ của ngày 30 tháng Tư năm nào. Tôi đã quên chưa cái ngày tháng ấy? Trên căn gác xép bằng gỗ của căn nhà trong xóm Mã Lạng một tối cuối tháng Tư, một viên đạn xuyên qua mái tôn, cắm phập xuống mặt gối chỉ cần nhích một đốt ngón tay tôi đã trở thành một trong những người ra đi sớm nhất hay cuối cùng khi cuộc chiến Việt Nam sắp kết thúc.

Salman Rushdie trở lại quê nhà

Nhà văn Salman Rushie, tác giả Những Vần Thơ Của Qủy, cuốn sách nổi tiếng thế giới đã mang đến cho ông bản án tử hình, và khiến ông trở thành một người bị buộc “ẩn mình trong bóng tối chờ chết.” Ông là nhà văn “lưu vong kép” , lưu vong ngay trong thế giới lưu vong. Mới đây, sau hơn một thập niên xa quê, ông vừa được Ấn Độ cấp chiếu khán nhập cảnh. Ông nói ông trở về là để hàn gắn lại mối quan hệ bị sứt mẻ với đất mẹ, nơi đã là nguồn cảm hứng cho những tác phẩm của ông. Đó là một chuyến trở về trong sự ẩn dật. Nhưng báo chí đã khám ra sự có mặt của tác giả “Những Vần Thơ của Quỹ” và Salman Rushdie không được bóng tối che chở nữa.

[Một người nổi tiếng] muốn sống cuộc sống bình thường thì cách hay nhất là làm cho mọi người chán ngán, Salman Rushie đã nói như vậy, và ông vẫn chưa thành công.

Cuốn sách mới nhất của ông có tên là The Ground Beneath Her Feet. Salman Rushie dù sao vẫn là một “tác giả nóng” theo cái nghĩa rất thời sự của nó. Mười hai năm chưa trở lại nhà mà Salman Rushdie ray rứt như vậy, còn những người cầm bút Việt Nam 25 năm sau cuộc chiến lòng thương nhớ quê hương còn ray rứt xót xa biết là bao nhiêu!!

Nhớ Thạch Lam

NGUYỄN XUÂN HOÀNG

SỔ TAY THÁNG NĂM 2001

Trịnh Công Sơn Đã ra Đi

clip_image002

Bức vẽ trên đây của họa sĩ Đinh Cường, một trong số ít bạn thân của Trịnh Công Sơn, gửi cho tôi qua bưu điện theo đường express và anh bảo “cậu dành cho Sơn những trang đẹp đẻ nhé!”

Bức vẽ ghi ngày 1 tháng Tư, năm 2001, 12h 45 là ngày giờ Trịnh Công Sơn ra đi. Đó là một buổi sáng Chủ Nhật, tuần đầu tiên của tháng Tư. Một buổi sáng Chủ Nhật như mọi buổi sáng Chủ Nhật khác trong đời tôi: một buổi sáng để tùy nghi. Tôi nói tùy nghi theo cái nghĩa có nhiều chuyện phải làm và không biết phải làm cái nào trước cái nào sau, thành ra cứ ngồi nhìn thời gian đi qua.. và tùy nghi.

Cứ vào thứ Hai đầu tuần tôi tự hứa với mình là mọi việc sẽ thanh toán cho xong vào Chủ Nhật này: dọn bớt [lại một lần nữa!] cái garage, chở sách [lại thêm một lần nữa!] tặng thư viện; gọi một người bạn biếu hết cho anh những thứ làm vườn lỉnh kỉnh; sắp lại mấy số Văn theo thứ tự thời gian, xếp lại mấy cuốn sách cần đọc mang vào phòng khách – cũng là phòng làm việc của tôi; toàn là những lới hứa mà tôi đã không thực hiện được. Sáng nay tôi nhất định phải gọi điện thoại cho Trịnh Cung hỏi thăm anh về buổi gặp bạn bè buổi chiều ở Quận Cam. Một người bạn từ tuần trước từ phía nam đã gọi lên nhắc tôi “ông đừng quên nói mấy lời về người bạn chúng ta nhé! ông ấy sắp trở về Việt Nam…” Tôi có cảm tưởng như buổi gặp gỡ của Trịnh Cung và bạn hữu là một buổi chia tay và khi bạn tôi nhắc tôi đừng quên viết mấy lời tạm biệt anh tôi nghe như một nỗi bùi ngùi.

Chia tay một người và biết rằng mình đang nói lời vĩnh biệt, người ta biết rằng mình đã bỏ lại sau lưng những khó chịu những sắc mắc, những điều không vui vì cá tính và tâm tính.

Trịnh Cung là người cùng quê với tôi và cùng lứa tuổi tôi. Anh nói với tôi là anh sẽ về Việt Nam gặp Trịnh Công Sơn “chia tay với nó trước khi moa ra đi vĩnh viễn.” Trịnh Cung cho tôi biết anh mắc bệnh ngặt nghèo, và sự ra đi của anh chỉ là vấn đề thời gian. “Moa hết nợ rồi chớ thằng Sơn chưa hết nợ đâu. Và toa, toa còn nhiều nợ lắm.”

Nhưng buổi sáng Chủ Nhật 1 tháng Tư, đã là một Chủ Nhật khác. Trịnh Công Sơn ra đi trước khi Trịnh Cung trở lại Việt Nam. “Moa không còn cơ hội gặp nó!” Và như vậy buổi chia tay của Trịnh Cung và bạn hữu cũng đồng thời là buổi lễ vĩnh biệt Trịnh Công Sơn.

Người gọi tôi đầu tiên báo tin Sơn qua đời là Nguyễn Văn Khanh, đài RFA. Tôi gọi ngay cho Đinh Cường vì tôi biết anh là ban thân của Trịnh Công Sơn. Cường nói “tôi biết tin này sớm lắm, tôi đã email cho ông tin Sơn ra đi cách đây mấy tiếng đồng hồ mà! Có lẽ ông chưa mở mail.” Đúng vậy, sáng nay tôi chưa mở mail. Tôi cho phép mình không phải mở mail vào một ngày xem sao. Và cái mail đầu tiên trong ngày chính là mail Đinh Cường báo tin Trịnh Công Sơn đã ra đi. Cường nói anh rất buồn. “Tôi gần như bất động, không suy nghĩ gì được, không biết làm gì. Tôi tê điếng.” Tôi nghe như có tiếng nghẹn ngào của anh qua đường dây viễn liên. Tôi nói tôi muốn dành một số trang báo đặc biệt về Trịnh Công Sơn, và tôi hỏi xin anh những tư liệu về Sơn.

Cá nhân tôi. tôi không có nhiều kỷ niệm về Sơn. Tôi không thân thiết với anh. Trước và sau 1975 tôi có đôi lần gặp anh. Tôi yêu âm nhạc của anh. Đúng ra tôi yêu những ca từ của anh. Những câu viết rời của anh như là một đoản văn cho tôi. Trước hết nó là tình yêu của tôi: “Từ lúc đưa em về là biết xa nghìn trùng.” Nó là nỗi nhớ của tôi trong những ngày xa quê: “Nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa. Mưa bay trong ta bay từng hạt nhỏ.. Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà….” Nó là định mệnh tôi: “Những hẹn hò từ nay khép lại. Thân nhẹ nhàng như mây…”

Trong những tháng gần đây tôi đã nói với tôi bằng cái giọng của Sơn. Nhiều trang sách của tôi trong bộ Người Đi Trên Mây – từ Kẻ Tà Đạo đến Bụi Và Rác* – tôi đã đặc tả một nhân vật nhạc sĩ từ những cá tính và nghệ thuật cũng như đời thường của anh.

Trước và sau năm 1975, tôi có đôi lần đi chơi với anh. Nhưng chúng tôi không có nhiều điều để nói. Tôi nhớ cái ngày anh lên đài phát thanh Sài Gòn hát bài Nối Vòng Tay Lớn, tôi và anh Phan Lạc Phúc [tức Ký Giả Lô Răng] đứng trước đài nhìn qua hàng rào kẽm gai. Và sau đó, năm 1992 Sơn đến Montréal, Canada thăm gia đình và các em của anh, còn tôi trong chuyến đi với Nguyễn Mộng Giác, Đinh Cường, Khánh Trường cùng nhiều bạn khác đến dự buổi triển lãm tranh Võ Đình. Mặc dù đã đến cùng một thành phố , tôi và một số bạn đã “hèn nhát” không dám đến thăm anh để uống với anh một ly rượu. Những tin đồn đầy ác ý muốn phá phòng tranh của Võ Đình, và lên án sự gặp gỡ giữa những người bạn với Sơn mang đầy tính chính trị.

Sơn đã ra đi. Tôi nghe mấy tiếng nghẹn ngào của Đinh Cường bên kia đầu dây điện thoại. Tôi muốn nói một chút suy nghĩ về Sơn và về âm nhạc của anh.

Đối với tôi, nghe nhạc của Trịnh Công Sơn không phải chỉ là nghe những lời tình tự, mặc dù những người yêu nhau không ngớt lấy âm nhạc của anh làm kỷ niệm cho tình yêu của mình. Bởi vì nhạc Trịnh Công Sơn không đơn giản là những khúc tình ca, nhạc của anh còn mang đến cho người nghe sự đau xót của quê hương, và nỗi nhức nhối của một thân phận làm người. Đó là những lời kinh cầu, những tiếng thì thầm cất lên từ một nỗi đau cũa cả một thế hệ, cả một dân tộc, và caỵ một loài người, nếu tôi được phép nói như thế.

Người ta vẫn thường cho rằng âm nhạc và hội họa là hai loại hình nghệ thuật mang tính quốc tế. Nó đi thẳng từ một trái tim đến một trái tim. Nhận xét đó đúng, nhưng không phải ca khúc nào, bức tranh nào cũng làm được công việc đó – như Trịnh Công Sơn. Không phải họa sĩ nào cũng là Chagall và van Gogh, không phải nhạc sĩ nào cũng là Chopin và Mozart.

Tất nhiên. Những ca khúc của Trịnh Công Sơn đã không nhờ một trung gian nào khác. Tự nó, âm nhạc của anh có khả năng gõ được các cánh cửa của mọi trái tim, là chìa khóa gia?i mã mọi ngôn ngữ. Người ta thường so sánh Trịnh Công Sơn và Bob Dylan, vì tính phản chiến o+? ca từ chứa trong các tác phẩm của hai tác giả này. Nhưng theo tôi âm nhạc của Trịnh Công Sơn cao hơn sự so sánh đó. Nó vượt qua “phản chiến,” nó nhìn thấu suốt được kiếp nhân sinh. Nó không ngừng ở chỗ những lời tình tự giữa hai người nam và nữ. Âm nhạc Trịnh Công Sơn phát lên tín hiệu của những người cùng thế hệ với anh, thế hệ lớn lên trong một cuộc chiến nhưng đồng thời âm nhạc anh không có tuổi. Nó vượt qua không gian và tôi nghĩ nó còn sống lâu với chúng ta, khi nào người ta còn tình yêu. Chính là những ca từ như thơ trong âm nhạc anh trở thành tiếng kêu của kiếp người. Thượng đế của nó, nếu muốn gọi như thế, đó là con người.

Người ta không ngạc nhiên khi nghiệm ra ca từ trong các khúc tình ca của anh đẹp đẽ mà rời rạc, chữ này không dính chữ kia, câu này không dính câu nọ, ý trên rất xa ý dưới, mông lung và mơ hồ. Xin đừng đi tìm sợi xích thuần lý trong ca từ của anh. Hãy thưởng thức âm nhạc Trịnh Công Sơn trong một tổng thể. ở mỗi ca khúc của anh, người ta cảm nhận một tuyên ngôn. ở mỗi ca từ là một tiếng kêu ngạc nhiên bất ngờ trên mặt đất.

Trịnh Công Sơn là một thi sĩ.

Vâng, anh đích thị là một nhà thơ viết nhạc.

Người làm thơ giống như người đi trong rừng. Phải phạt cỏ mà đi. Phải phạt cây mà bước. Thơ của thi sĩ Trịnh Công Sơn đã mang cho âm nhạc Trịnh Công Sơn sức quyến rũ kỳ lạ.

hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi

để một mai tôi về làm cát bụi.

ôi cát bụi tuyệt vời

ôi cát bụi mệt nhoài

Con người là cát bụi và sẽ trở về cát bụi. Cái ý đó không lạ, nhưng khi Trịnh Công Sơn đưa vào âm nhạc anh bằng những câu như sự “tuyệt vời mệt mỏi,” như “mặt trời soi một kiếp rong chơi,” … Trịnh Công Sơn đã bước qua cái chân lý thường hằng quen thuộc: cát bụi trở về với cát bụi. Trái đất này “mỏi ngóng tin vui từng ngày” bởi vì từng ngày chúng ta chỉ có tin buồn. Nỗi đau tuyệt vời ấy chính là nỗi đau làm người.

Tôi như trẻ nhỏ ngồi bên hiên nhà chờ xem thế kỷ tàn phai

Tôi như trẻ nhỏ tìm nơi nương tựa mà sao vẫn cứ lạc loài…

Đừng nghe tôi nói lời tăm tối

Đừng tin tôi nhé vì tiếng cười.

Ngợi ca anh hay lên án anh, yêu mến anh hay căm hận anh, muốn gần gũi anh hay muốn xa lánh anh, bênh vực anh hay chống đối anh… mỗi người đều có lý do riêng để biện minh cho mình. Nhưng không ai có thể phủ nhận tài hoa và sức quyến rũ của âm nhạc anh. Thật tình, người ta khó mà quên anh.

Trịnh Công Sơn là nghệ sĩ có một sức thu hút mạnh mẽ và đồng thời có một lực ly tâm cũng mạnh mẽ cực kỳ.

Xin chia tay anh, Trịnh Công Sơn.

Chúng tôi nhớ anh.

NGUYỄN XUÂN HOÀNG

* “Nguyễn Giang, một khuôn mặt lớn trong đời sống âm nhạc của đám đông với mái tóc dài hơi xoắn, chiếc kính cận gọng nhỏ, nụ cười nửa miệng. Anh là cha đẻ của những ca khúc mà mỗi lời hát như một lời thơ. Ngôn ngữ âm nhạc anh là bản lề giữa một bên là tiếng nói hàng ngày và một bên là suy tư triết học. Âm nhạc ấy được trình bày bởi một giọng hát lôi cuốn trẻ trung và đìu hiu: Mai Khanh. Tiếng hát của chị vang lên từ một trái tim hấp hối. Trong buồng ngực chị như có ngọn lửa tàn bạo thổi nóng từng tiếng ngân,… Tôi nghĩ người ta đã nói không quá đáng rằng âm nhạc của Giang sở dĩ chinh phục được tim óc người nghe là nhờ tiếng ca ma túy của Mai Khanh và ngược lại, giọng hát của Mai Khanh có được một chỗ đứng hàng đầu như cô hiện nay chính là vì tiếng hát ấy đã tựa được vào âm nhạc Nguyễn Giang. (Người Đi Trên Mây, Người Việt xuất bản, 1987, tr. 95-96). “Tôi còn nhớ tháng trước tình cờ gặp nhạc sĩ Nguyễn Giang ở một quán cà phê vỉa hè nhà bà luật sư Đại, Giang hỏi tôi… có bao giờ nghe những ca khúc mới của anh không…. Tôi nay ở trọ trần gian, trăm năm về chốn xa xăm cuối trời. ừ thì cũng chỉ là trọ thôi. Có lúc Giang thở ra, “Tôi như đứa trẻ tìm nơi nương tựa mà sao vẫn cứ lạc loài… Đừng tin tôi nhé vì tiếng cười. Đó là những lúc tôi thấy khuôn mặt Giang vốn đã nhỏ và nhô xương, hai con mắt sâu núp dưới đôi kính trắng, tối sầm lại. Dường như quanh đây có điều gì tuyệt vọng. Giang nói lửng lơ. Tôi hiểu bạn.” (Bụi Và Rác, NĐTM tập 2, Thanh Văn xuất bản, 1992, tr. 130-131). “Anh ấy là một trong những nhạc sĩ mà tôi ưa thích nhất. Chúng tôi quen biết nhau khá lâu, nhưng đi lại với nhau không nhiều. Tôi phục anh. Ngôn ngữ trong âm nhạc Nguyễn Giang gần gũi với chúng tôi, với cả một thế hệ chúng tôi… Âm nhạc của anh làm tôi nhức nhối…” (Bụi Và Rác, tr. 157)… Và nhiều trang sách khác.

SỔ TAY THÁNG MƯỜI 2001

Bóng tối

Có bao giờ bạn nhìn thấy trên bầu trời một đám mây đen khổng lồ bay ngang qua, mỗi lúc một tiến gần đến bạn và cả mặt đất nơi bạn đứng hoàn toàn chìm trong bóng đêm không?

Có bao giờ bạn bị một đám khói vĩ đại cuốn theo xi măng và sắt thép và…xác người đã thành tro bụi ùn ùn đuổi theo bạn trong một thành phố người người chen chúc nhau chạy trốn không?

Những cột khói gần giống hình quả nấm bốc lên ở New York ngày thứ Ba 11 tháng Chín, 2001 không chỉ mang đến cái cảm giác hãi sợ của một đám mây đen. Nó cũng không chỉ mang đến sự rùng rợn của một cảnh chạy trốn trong nỗi kinh hoàng của người New York. Nó mang đến trong tâm trí của toàn thể nhân loại – những ai được nhìn thấy nó tận mắt, và cả những ai chỉ nhìn thấy nó trên màn ả?h như một cuốn phim do Hollywood thực hiện – nỗi kinh hoàng của Ngày Tận Thế.

Trước đây, vào đêm giao thừa năm 2000, người ta run rẩy lo sợ Trái Đất sẽ tan tành. Cả thế giới sẽ sụp đổ. Và người ta thở phào vì Năm 2000 trôi qua trong sự bình an.

Thế nhưng, tiếng thở phào ấy chưa kịp tan trong không gian. Ngày thứ Ba, 11 tháng Chín, năm 2001 tới như một lời cảnh báo: Ngày Tận Thế đến chậm. Mặc dù Trái Đất đã không nổ tung và mặc dù loài người vẫn còn sinh sống, những suy nghĩ của con người về chiến tranh, về xã hội, về chính trị, nói chung về đời sống, từ nay đã khác. Chiến tranh quy ước không còn, khủng bố là một hình thái mới của chiến tranh thế kỷ 21. Có lẽ người ta không cần đặt ra câu hỏi ngày 11 tháng Chín ở New York là khủng bố hay chiến tranh. Khủng bố nay đã thành chiến tranh. Khủng bố là chiến tranh. Từ Khủng Bố có thêm một ý nghĩa mới. Nói theo nhà báo Đỗ Ngọc Yến, “đây là cuộc chiến tranh giữa nhà giầu và nhà nghèo, giữa bắc bán cầu và nam bán cầu, giữa một bên Có và một bên Không Có. Sự hòa hợp giữa con người trên trái đất không còn nữa.”*

Nhà văn Ngọc, bút danh của nữ bác sĩ Nguyễn Thị Minh Ngọc, làm việc tại một bệnh viện ở New York, tác giả nhiều truyện ngắn đặc sắc trên tờ Văn, – một trong những người chứng kiến cảnh hãi hùng trong những giây phút lịch sử – qua hai lần email: Lần đầu đúng ngay sau ngày 11 tháng Chín, là những cảm xúc còn tươi rói, và đầy xúc động; giờ đây, lần thứ hai, vào Thứ Bảy 15 tháng Chín, đã bình tĩnh và tự trấn an, cô cho biết:

“Tôi nghĩ đến lời sấm truyền Nostradamus được nhắc nhở khắp nơi trước khi nhân loại bước vào năm 2000 về một cuộc đại chiến khủng khiếp giữa các lực lượng Trung Đông và phần còn lại của thế giới. Sấm Nostradamus thường rất bí hiểm, sử dụng nhiều mật mã và chỉ sau khi biến cố xảy ra, đối chiếu lại, người ta mới giật mình thấy ông tiên đoán chính xác thời điểm, thậm chí cả tên nhân vật và địa danh. Những ngày cuối năm 1999, tra cứu sấm Nostradamus, những người diễn giải tin rằng ông ám chỉ thành phố New York khi nói về “New City” với những tòa nhà chọc trời lát cửa kính bên cạnh hải cảng và biến cố châm ngòi đại chiến thế giới là cuộc tấn công từ trên không bầu trời thành phố, gây ra cảnh khói lửa kinh hoàng và vô số người thiệt mạng. Ông còn cho biết “những kẻ bạo động sử dụng chính phương tiện của nước bị tấn công” và tiên đoán khủng hoảng kinh tế trầm trọng cũng như khan hiếm thực phẩm. Không hiểu sao lúc ấy những người diễn giải lại cho rằng mục tiêu tấn công là Nữ Thần Tự Do. Tất cả những bản phiên dịch khác nhau, không ai nhắc đến World Trade Center mặc dù Nostradamus đã mô tả khá đặc thù.

Dù sao, biến cố đau thương cũng đã xảy ra, sớm hơn người ta tưởng. Kể từ giây phút đó, nước Mỹ không còn như cũ nữa.

Gắn bó nhiều năm với thành phố New York, tôi đã yêu mến nó như quê hương thứ hai, sau Sài Gòn. Mỗi một tòa nhà, góc phố, cây cầu, dòng sông trở nên thân quen gần gũi. Hai ngọn tháp cao ngất bọc kính sáng lóa đương nhiên ngự trị sừng sững trong cuộc sống người dân thành phố. Một buổi sáng đẹp rực rỡ, trong phút chốc biểu tượng sự sung túc và thịnh trị của New York bùng nổ tan tành, chôn vùi hàng ngàn người dân. Khu downtown điêu tàn. Tấn thảm kịch bất ngờ làm mọi người bàng hoàng, rồi đau đớn, rồi phẫn nộ. Không biết bao nhiêu nước mắt đã đổ. Xung quanh tôi, hàng xóm, bạn bè, người quen – nhiều người có người thân bị thiệt mạng. Mục cáo phó trong các nhật báo xuất hiện ngày càng nhiều những tên người, mất ngày 11 tháng Chín, năm 2001 – nhân viên của World Trade Center, lính cứu hỏa, cảnh sát . Hy vọng tắt dần theo mỗi ngày qua, lực lượng cứu hỏa, cảnh sát và dân tình nguyện làm việc nỗ lực không kể ngày đêm trong đống đổ nát mà chỉ thấy những xác người cùng vô số mảnh thi thể tan tành. Từng đoàn người tự nguyện mang thực phẩm, quần áo, vật dụng đến ủng hộ lực lượng làm việc trên hiện trường. Thành phố rực màu cờ xanh-trắng-đỏ – trước nhà, trên xe, mỗi góc phố ngả đường. Cờ cắm trên từng cột điện chạy dài suốt xa lộ. Người dân mặc ba màu xanh-trắng-đỏ nhan nhản khắp nơi. Cờ trên nón, trên áo, trên tay. Hàng đêm, người người kéo đến đốt nến cầu nguyện, hát quốc ca ở mọi địa điểm. Mỗi góc phố có từng nhóm thanh niên phất cờ, xe cộ chạy ngang đều dừng lại bấm còi ủng hộ, vang động, nhiều người hô to “USA ! USA ! USA !” “God Bless America !”. Không khí tang tóc đau thương lẫn với căm thù. Người ta có thể linh cảm hơi hướm chiến tranh đang đến gần. Động viện lực lượng trừ bị. Nhiều tân binh tình nguyện nhập ngũ. Các sĩ quan hồi hưu và lính giải ngũ tình nguyện tái ngũ.

Chỉ là mới khởi đầu. Rồi cuộc chiến sẽ đi đến đâu?

Tôi chỉ mới 4 tuổi khi cuộc chiến ở Việt Nam chấm dứt. Tuy đọc nhiều sách báo về chiến tranh, đến bây giờ tận mắt chứng kiến thảm cảnh, tôi mới bàng hoàng cảm nhận phần nào sự tang thương mất mát ghê gớm của con người hủy diệt con người. Phải chăng đó cũng là tâm lý chung của đa số người Mỹ – một dân tộc an vui trong xứ sở hòa bình? Đồng bào tôi suốt một thế kỷ chinh chiến liên miên, hàng chục triệu gia đình mang khăn tang trên đầu. Phải chăng những thảm cảnh tương tự diễn ra hàng ngày?

Tôi thấy cái vô lý của đời sống.

Một buổi sáng đẹp trời, người ta lên máy bay chuẩn bị chuyến hành trình qua một thành phố khác, giở tờ báo ra đọc, nghĩ đến những gì sẽ làm, những nơi sẽ đến, những người sẽ gặp. Cũng cùng một buổi sáng đẹp trời, người người tấp nập đến sở làm, ly cà phê trên tay, bàn tán sôi nổi về thời tiết, về giải football sắp khai mạc, về những trận baseball cuối mùa đang hồi quyết liệt, về mùa cưới, về những chuyến du lịch. Thị trường chứng khoán Wall Street ồn ào mua bán trao đổi. Thành phố hào nhoáng trong nắng vàng rực rỡ.

Tất cả thay đổi hoàn toàn trong 18 phút.

Và New York, nước Mỹ cũng như thế giới không bao giờ còn như cũ.”

Thu Thuyền, một nhà văn nữ trẻ, qua điện thoại cho biết từ bao lâu nay sống trên nước Mỹ, cô chưa bao giờ thấy nước Mỹ là quê hương của mình. Trong lòng cô Việt Nam vẫn là nỗi nhớ thương, lo lắng và xúc cảm. Nhưng bây giờ cô nhận ra cô yêu nước Mỹ và cô nói, đây mới là tổ quốc của cô. Cô khóc và đau xót cho những mất mát của tổ quốc mình. Và hôm nay lòng trùng xuống, cô nói: chỉ có trái tim vẫn còn quá nặng trong lồng ngực.

Nhà thơ Nguyễn Đức Tùng, Canada, viết: “Chia buồn với các bạn Việt Nam ở Mỹ. Chia buồn với nước Mỹ. Tôi (Nguyễn Đức Tùng) xin thêm: Đó là cái giá phải trả cho Tự do và cho chủ nghĩa cá nhân kiểu Mỹ (và Bắc Mỹ).”

Nóng hơn cả là bài thơ của Xuyên Trà. Bài thơ đầu tiên nhận được chiều ngày 11 tháng Chín, từ Atlanta, qua email. Một bài thơ đầy ứ cảm xúc và phẫn nộ. Dưới tựa đề Ngày, Tháng Để Đời, ông viết:

11 . 9 . 2001

Ngày tháng để đời

Cho những ai

Muốn nhớ hay không muốn nhớ

Giờ phút kinh hoàng man rợ

Nỗi đau chung cho kẻ làm người

Vỡ ngang trời ngàn giọt máu tươi

Bao nhiêu thây vùi trong biển lửaTa biết chắc

Sẽ không còn nữa

Những giọng cười ngạ quỷ, bên kia

Từ tro tàn sẽ dựng thành bia

Ngày tháng để đời

Khắc trên mộ chí

Cái đau chung của đầu thế kỷ

Nhắc nhở người không có trái tim

Bài thơ trên đây chưa chắc là một bài thơ hay, nhưng tôi chắc đó là một trong số ít bài thơ Việt Nam được viết trong một biến cố dữ dội của đất nước mà mình đang sống.

Nhà văn Cổ Ngư, ở Paris, Pháp, qua email, cho biết vào khoảng 5 giờ chiều (giờ Paris), các đồng nghiệp của anh bắt đầu xôn xao với những tin nhận được từ internet và điện thoại về việc máy bay của khủng bố đâm xuống New York và Washington. Mọi người lo lắng. Và đến sáu giờ thì các phòng làm việc đều vắng tanh. Nhân viên bỏ sở về sớm hơn thường lệ… Trong lối vào métro, các cửa nhỏ đều mở toang, mọi người có thể ra vào mà không cần qua máy soát vé. Suốt buổi tối và đêm hôm sau, các đài truyền hình và truyền thanh Pháp liên tục phát hình ảnh tin tức từ Mỹ gửi về. Tổng thống Jacques Chirac và Thủ tướng Lionel Jospin đều lên tiếng chia buồn với dân tộc Mỹ, nhất trí cùng chính phủ Hoa Kỳ trong việc chống khủng bố, gay gắt lên án những kẻ bao che các tổ chức khủng bố đồng thời kêu gọi dân Pháp thậ? trọng, tránh gây hố sâu chia rẽ giữa các nước phương Tây và các dân tộc thuộc khối Ả Rập. Đài truyền thanh France-Inter truyền đi cuộ? phỏng vấn của một người Pháp thoát nạn trước khi hai cao ốc ở Wall Street sụp đổ. Ông nghẹn ngào khi nhắc đến những người lính cứu hỏa đã chạy ngược hướng với ông, về phía những cao ốc, và nhiều người trong số họ đã mất tích trong đống đổ nát.. Nước Pháp có 86 nhân viên thuộ? nhà băng Crédit Agricole ghi nhận mất tích. Nước Anh có khoảng 100 người làm việc trong hai cao ốc thuộc Trung tâm Thương mại Thế giới bị mất tích. Mặc dù từ trước tới nay, người Pháp vẫn chỉ trích và bài bác lối sống kiểu Mỹ, dân Pháp đã bày tỏ mối cảm thông và tình đoàn kết với dân Mỹ.

Những người cầm bút trẻ tuổi đã viết trên mạng như thế. Rồi đây trên những trang sách sắp tới của họ, liệu biến cố hãi hùng ngày 11 tháng Chín, 2001 sẽ ảnh hưởng ra sao?

Nhà văn Vũ Huy Quang, tác giả tập truyện Tân Liêu Trai cho rằng vụ tấn công vào Trung tâm Thương mại Thế giới và Ngũ Giác Đài sẽ là dịp tốt cho những người cầm bút đọc lại lịch sử – lịch sử là người Thầy vĩ đại nhất, ông nhấn mạnh. Ông muốn nói người cầm bút sẽ phải viết khác đi. Khác như thế nào là một vấn đề khác. Ông bảo cần phân biệt hai hạng người: mạt nhân và siêu nhân. Mạt nhân theo ông là những kẻ đang sống nhưng coi như đã chết rồi.

Tôi muốn trở lại cái bóng tối đang bay trên đầu chúng ta, đang bay trên mặt đất, đang bao phủ tận ngõ ngách tâm hồn những con người mà sự ghê tởm của nó còn làm ta lợm giọng hơn cả cảnh hoang tàn đổ nát của New York và Washington D.C. trong ngày thứ Ba 11 tháng Chín, 2001.

Có bao giờ bạn nhìn thấy trên bầu trời một đám mây đen khổng lồ bay ngang qua, mỗi lúc một tiến gần đến bạn và cả mặt đất nơi bạn đứng hoàn toàn chìm trong bóng đêm không?

Có bao giờ bạn bị một đám khói vĩ đại cuốn theo xi măng và sắt thép và…xác người đã thành tro bụi ùn ùn đuổi theo bạn trong một thành phố người người chen chúc nhau chạy trốn không?

Có bao giờ trong tâm hồn bạn bị một bóng tối như thế bao vây không?

Chúc bình an cho mọi người.**

Về Mai Chửng

Tôi không có cái hân hạnh quen biết Mai Chửng. Năm tôi làm ở nhật báo Người Việt, một lần gặp nhà thơ Phù Hư, tôi hỏi anh đi đâu mà lâu quá không gặp. Phù Hư bảo đi Hawaii, làm nghề lái taxi. Tôi không tin. Phù Hư người gầy yếu, xanh xao. Sức khỏe như thế làm sao lái nổi taxi. Anh cười, xe nó chở chứ tôi có chở đâu mà cần sức khỏe. Nhưng anh nói thêm: Tôi bỏ rồi, cũng mệt lắm chứ không giỡn đâu. “Này ở trong ngành taxi có nhiều người quen ông lắm đó.” Tôi hỏi ai, anh kể vài người và anh nhắc đến Mai Chửng với những lời quý mến và trân trọng. Tôi nói tôi biết tiếng anh Mai Chửng, nhưng tôi không thân với anh ấy. Hồi ở Sài Gòn tôi cứ đàn đúm với đám nhà văn nhà báo hơn là các bạn chơi màu sắc. Phù Hư nói vậy bây giờ ông có dịp thì nên đi chơi với ông ấy đi. “Một người dễ thương cách gì!”

Sau này, cũng gần đây thôi, chị Q.H. một người bạn thân của chúng tôi nhắc tôi viết gì về Mai Chửng, anh ấy sắp có cuộc triển lãm. Tôi lấy điện thoại, gọi anh mấy lần, nhưng đều không được gặp. Cho đến ngày anh về Việt Nam triển lãm chung với các họa sĩ khác.

Khi tôi muốn liên lạc lại với anh để viết về những tác phẩm mới của anh thì nghe tin anh mất.

Ở Sài Gòn trong chuyến về thăm mộ cha tôi, thầy tôi, mẹ tôi và anh tôi, tôi có dịp gặp Trịnh Cung và anh Văn Quang. Mấy người quen cũ đều nhắc Mai Chửng mới về đây nhưng hôm khai mạc phòng triển lãm tranh tượng của những nghệ sĩ Sài Gòn cũ, anh bị bệnh nên không có mặt. Sau đó anh trở lại Mỹ và anh ra đi vào ngày 1 tháng Chín vừa qua.

Từ Việt Nam, Trịnh Cung và Văn Quang viết bài về Mai Chửng. Cả hai bài viết đều rất cảm động. Bài của Đinh Cường trong số Văn kỳ này cũng chứa chan một tình cảm tốt đẹp với con người tài hoa cùng thời. Nhưng ở đây tôi muốn xin trích một đoạn trong bài viết của một nhà điêu khắc – ông Nguyễn Văn Nam viết về ông thầy của mình .

“…. tôi đã học ở ông rất nhiều về nhân cách của ông (điều này đã chứng minh trong quan hệ gia đình, bạn bè, xã hội), về cách làm việc, ý hướng sáng tác, đến chuyên môn trong kỹ thuật điêu khắc.”Tôi làm điêu khắc như khi rỗi rảnh mang chiếc xe đạp ra sửa lại.” “Tôi làm tượng rất đơn giản chỉ cần đất sét, một cây đập đất, một con dao làm bếp, đơn giản thế thôi! (vế trên tôi đọc được trong một vựng tập của hội họa sĩ trẻ Sài Gòn, vế sau là khi gặp ông sau này khi ông về VN thăm.)

Cái chính là ý tưởng trong sáng tác, rồi sau đó mới đến những trãi nghiệm về nghề.” Lời ông nói như một thiền sư.”

Mai Chửng xin vĩnh biệt anh.

Hợp Lưu thập nhị chu niên

Không ngờ Hợp Lưu mới đó mà đã 12 năm. Nhớ ngày nào trong căn nhà nhỏ chật chội ở thành phố Garden Grove, cả bọn chúng tôi ngồi nghe kể chuyện “chàng” Khánh Trường làm tờ Hợp Lưu bị đấm đá tưng bừng. Nhưng đấm đá thì đấm đá, “chàng” cứ ngó đàng trước mà đi. Mà đi như vậy đã hơn 4,000 ngày. Hợp Lưu số 62 tới đây của “chàng” sẽ là số Xuân Nhâm Ngọ? đồng thời cũng sẽ là số kỷ niệm Hợp Lưu tròn 12 tuổi. Nghe đâu sẽ có một chương trình họp mặt vĩ đại lắm vào ngày 8 tháng Mười Hai, 2001 tại Trung tâm Văn hóa Nguyễn Bá Học, 4072, Chesnut thành phố Westminster cùng với 40 tác phẩm sơn dầu của họa sĩ Khánh Trường.

Khánh Trường bảo, đó là một buổi họp mặt mang chủ đề Hợp Lưu với văn hữu & độc giả. Không những “chàng” triển lãm tranh mà “chàng” còn có phần ca nhạc thính phòng trong buổi khai mạc. “Chàng” nói phòng tranh sẽ kéo dài một tuần lễ, và sau đó sẽ bán với giá thật thân hữu, nghĩa là từ 400 đến 600 Mỹ Kim “nhằm tích vốn nuôi dưỡng Hợp Lưu cho năm tới.”

Làm chủ bút một tạp chí văn chương mà lại còn là một họa sĩ nữa, Khánh Trường thật không thua ai. Nghe đâu ông Nguyễn Xuân Hoàng đang gạ “chàng” Khánh Trường dạy cho cách pha màu. Ông ta cười bí mật: Biết đâu!!!!!!!!!! ?

NGUYỄN XUÂN HOÀNG

SỔ TAY THÁNG GIÊNG 2002

Mưa ở Berkeley ….

Tháng Chạp, những ngày cuối năm, bão rớt ở Vùng Vịnh. Trời xám xịt. Lạnh. Mưa bắt đầu rơi khi tôi bước vào quán cà phê trên đường Telegraph. Cái tháp đồng hồ của đại học Berkeley sau lưng giống như ngọn hải đăng là cột mốc giúp tôi định hướng ngõ vào lớp học trong những lần đầu khi tôi mới đến thành phố này .

Quán khá đông. Có hai tầng, cấu trúc thật kỳ lạ. Mặt bằng phía trước thấp, chật; phía sau cao như một sân khấu, hẹp và ngang bè, là một thứ sân khấu khuất. Tôi mua ly cà phê, bơm một chút half & half, cầm theo gói đường equal màu xanh bước đến chiếc bàn duy nhất còn trống trong góc. Tôi đặt ly cà phê xuống, cởi áo khoác móc lên thành ghế. Sau đó bước lên “sân khấu” đi tìm phòng vệ sinh. Có ba cánh cửa không biết cửa nào mở vào toilet. Một thanh niên, có dáng vẻ sinh viên đang làm bài hay viết cái gì đó, nhìn tôi hỏi có phải ông cần restroom không. Tôi gật đầu. Anh bảo phải xuống quầy hỏi mượn chìa khóa. Cánh cửa sắt màu đen có lưới đó là phòng vệ sinh.

Tôi lấy chìa khóa trở lại “sân khấu”. Người sinh viên vẫn ngồi chăm chú với trang giấy trên mặt bàn. Phòng vệ sinh sáng và sạch, nếu ta đừng chú ý đến những chữ viết đủ màu sắc chằng chịt trên vách. Những câu văn thô tục lẫn giữa những dòng chữ như một bài thơ. Một thứ graffiti trên đường phố nhưng dồn lại trong ba bức vách của một nhà vệ sinh khá sạch. Tôi có cảm tưởng những dòng chữ này dùng để trang trí chứ không phải là phá hoại.

Có một câu chữ lớn tôi đọc được:

so long my friend, don’t say goodbye….

và sau đó còn mấy dòng nữa chữ nhỏ, rất khó đọc.

Tôi tự hỏi nếu là trang trí tại sao người chủ quán buộc khách phải có chìa khóa mới vào được? Cũng có thể là không có phòng dành riêng cho nam và nữ thành ra cái chìa khóa là tiện nhất. Tôi thấy mình thắc mắc vô duyên. Tiểu xong, tôi vẫn chưa muốn bước ra ngay. Tôi cũng muốn viết một câu gì đó, bằng tiếng Việt để cho người đến sau biết rằng ở đây không chỉ có bọn Mỹ chủ nhà chơi trò chữ nghĩa lăng nhăng. Tôi tiếc là không có trong tay cây bút lông loại to. Tôi mang chìa khóa trả lại quầy tính tiền. Trở lại bàn nơi tôi để ly cà phê và cái áo choàng, tôi ngạc nhiên thấy đã có người ngồi ở đó. Một người đàn ông và một người đàn bà Á châu. Tóc tai cả hai đều ướt. Thấy tôi ngơ ngác nửa muốn ngồi xuống nửa cứ đứng trơ ra, người đàn ông đứng dậy đưa tay bắt tay tôi.

“Xin lỗi! Xin lỗi!” Ông ta nói tiếng Việt.

“Tôi thật tình không hiểu. Thế này là thế nào? Mà sao ông biết tôi là Việt Nam?”

“Tôi thấy trên bàn có cuốn báo tiếng Việt này.”

“À” Tôi nhớ ra sáng nay tôi có mang theo một tờ báo Việt ngữ. Tờ báo địa phương ở San Jose ra mỗi thứ Sáu.

“Tôi thành thật xin lỗi ông, quán chật hết, không còn một bàn trống,” anh ta tiếp “ông cho chúng tôi ngồi cùng bàn nhé! Ngoài trời mưa dữ lắm, mà lạnh nữa!”

Và anh quay sang người phụ nữ – từ lúc tôi trở lại bàn của mình không nghe chị nói một lời – đặt tay lên vai chị:

“Cô Mía, bạn tôi. Còn tôi, ông cứ gọi là Huy.”

“Chào ông Huy. Xin chào cô Mía.” Tôi hơi lúng túng.

Chị đưa tay bắt tay tôi, hơi mỉm cười. Chị có mái tóc khá dài đen mướt, mắt một mí, sáng, má lúm đồng tiền, cằm chẻ. Chị không hẳn là một phụ nữ đẹp, nhưng chị có một nụ cười thật tươi trên khuôn mặt bướng bỉnh, mạnh mẽ và quyến rũ.

“Tên tôi không phải là Mía, anh Huy đùa đấy. Tôi tên là Mia.” Chị đánh vần: ” Em mờ, I, MI, A. MIA . Đọc là MIA, Như Missing In Action vậy. Còn ông?”

Tôi nói tên tôi và tôi kéo ghế ngồi xuống. Người đàn ông cầm tay chị, những ngón tay dài, xanh xao. Anh nhìn chị dịu dàng và che chở trái với khuôn mặt lạnh, khắc khổ đầy lo âu của anh. Tóc anh cứng, không chải, những giọt nước mưa không làm tóc anh nằm xuống mà còn đứng sững dậy. Anh mặc chiếc áo màu kaki nhạt, khoác bên ngoài chiếc áo jacket màu xanh sẫm. Bỗng nhiên như sực nhớ điều gì, người đàn ông đứng lên:

“Xin lỗi, tôi phải lấy nước chứ. Em uống gì?” Anh hỏi cô Mía, và không chờ cô trả lời, anh quay sang tôi “Ông dùng gì thêm không?”

“Cám ơn, tôi đã có cà phê.”

“Anh gọi cho em một ly hot cider đi. Trời lạnh quá!” và chị nói với tôi: “Cà phê ông đã nguội.”

“Cô có cái tên thật đặc biệt. Tôi chưa bao giờ nghe một cái tên như thế ở Việt Nam.”

“Đó là lý do anh Huy gọi tôi là Mía?”

“Vậy tôi gọi cô là Mía có được không?”

“Không. Ông tha lỗi. Mía là tên gọi riêng của Huy và tôi .”

Chị nói bình thản. Tôi ngượng chín.

“Cô là người ở đây?” Tôi hỏi cho có chuyện.

“Không. Tôi không ở đây. Tôi ở San Fran.”

“Cô ở San Fran sao? ” Tôi hỏi lại.

“Dạ phải. Ở San Fran thì sao?” Chị hỏi ngược, giọng ngạc nhiên.

“Không. Tôi chỉ hỏi vậy thôi. Là vì tôi nghe nói đời sống ở San Fran đắt đỏ đường sá chật chội nhà cửa cao quá. Đến đó chơi thì được, chứ ở thì không. Nhiều bạn tôi nói như vậy?”

“Không hẳn là như vậy đâu. Người ta vẫn sống ở San Fran được đấy chứ!”

“Cô đến Mỹ năm nào?”

“Cũng hơn 15 năm. Trước tôi ở dưới Los. Gần 12 năm. Tôi tìm được việc trên này mới vài năm nay.”

“Tôi cũng đến Mỹ cùng thời gian với cô, đã ở dưới Los một thời gian gần bằng thời gian của cô. Sao tôi chưa bao giờ gặp cô. Cô thấy trên này và dưới Los có gì khác nhau?”

“Ông muốn nói khác cái gì? Con người? Sinh hoạt? Xã hội? Văn hóa? Cộng đồng người Việt mình?”

“Tôi muốn nói chung chung. Cô thấy trên này dễ chịu không?”

“Ở đâu rồi cũng quen đó. Dưới Los tôi có nhiều bạn bè hơn. Sống trên này hơn ba năm rồi nhưng tôi ít giao du thành ra nhiều lúc buồn không biết đi đâu. Vả lại công việc tôi cũng khá bận rộn thành ra không nhiều bạn quen cũng là điều hay.”

“Vậy chắc là cô vẫn thường đi Los phải không?”

“Thỉnh thoảng thôi. Bởi vì càng ngày tôi càng thấy cái vùng đất này có nhiều điều hay mà dưới kia không có.”

“Điều hay?”

“Cider nóng của em đây!” Huy đặt hai ly nước xuống mặt bàn.

“Cám ơn anh.” Mía kéo người đàn ông về phía mình, hôn lên những ngón tay anh, sau đó chị ấp hai bàn tay vào ly nước như muốn lấy hơi ấm.. Chị uống từng ngụm nhỏ. Mắt chị không rời Huy. Và chị nói chậm rải: “Huy là một điều hay của tôi.” Chị lại nắm bàn tay người đàn ông, tiếp: “Và cũng là điều suy nghĩ của tôi. Nếu không gặp Huy có lẽ tôi đã bỏ xứ này về lại dưới kia từ lâu rồi.”

“Vậy sao?” Tôi nhìn người phụ nữ, rồi nhìn người đàn ông. Tôi muốn biết cái gì đã gắn họ lại với nhau. Cả hai đều không còn trẻ. Mặc dù, rõ ràng là chị trẻ hơn anh rất nhiều. Trên khuôn mặt mỗi người tôi đọc thấy một nỗi khắc khoải. Những nếp nhăn ơ? đuôi mắt của chị, những vết hằn trên trán của anh. Dù vậy tôi thấy trong sự chăm sóc của cả hai toát ra một đam mê, một thứ tình yêu cuồng tín.

“Xin lỗi ông, thế ông làm gì ở đây?”

“Tôi hả? Tôi không phải dân ở đây.” Tôi không muốn nói việc làm của tôi. “Tôi ở San Jose. Tôi lên đây có chút việc.”

“Anh Huy?” Chị quay sang người đàn ông. “Chân em lạnh quá!” Chị đặt cả hai chân lên đùi anh.

Người đàn ông cúi xuống. Anh bóp bóp chân chị, vụng về kéo từng ngón, khuôn mặt ánh lên một vẻ say mê kỳ lạ. Đột nhiên tôi nhìn thấy chiếc vớ màu xanh sẫm của chị tuột ra rơi xuống, và Huy nâng bàn chân trần của chị lên hà hơi giữa những kẻ chân, và tôi có cảm tưởng như anh cắn ngón chân út và hôn cổ chân của chị.

“Huy! Trời ơi!” Chị kêu giọng thảng thốt.

“Có gì đâu!” Tôi nói. “Cô đã thấy đỡ lạnh chưa?”

“Đỡ lắm rồi. Cám ơn ông.” Và chị nói với người đàn ông. ” Anh bóp mạnh chân em, mạnh nữa đi!” Chị chồm người qua mặt bàn hôn người đàn ông. Họ hôn nhau say đắm tưởng như trái đất này chỉ có hai người. Tôi nghĩ tình yêu của họ chắc phải là mãnh liệt lắm mới khiến họ không nhìn thấy trời đất gì chung quanh. Những người khách trong quán vẫn đọc sách, báo, vẫn viết, vẫn cười nói, chuyện trò quanh ly cà phê. Người chủ quán đang nghe điện thoại, đứng bên cạnh anh ta, sau quầy là một thanh niên chải tóc ngược kiểu mồng gà, hai cánh tay xâm hình chằng chịt, cạnh bàn chúng tôi là hai cô gái tóc vàng châu đầu vào một trang sách cười khúc khích.

Một người khách vừa bước vào, đứng giữa cửa, đang xếp dù rủ nước bám trên vải…Ông ta lớ ngớ nhìn quanh phòng. Mưa đã giữ khách lại. Vẫn không còn một bàn nào trống.

Tôi thấy mình thừa thải.

Bên ngoài, chiều đã xuống. Mùa này ngày ngắn đêm dài. Và trời đang mưa..

Tôi hớp thêm một ngụm cà phê, đứng dậy.

“Chào cô Mía, chào ông. Có lẽ tôi phải về.”

“Về? Ông về đâu?” Người đàn ông hỏi.

“Về Milpitas.”

“Mưa lớn lắm. Sao ông không ngồi thêm một chút. Trời này lái xe nguy hiểm!” Cô Mía nói. “Chúng tôi cũng sắp chia tay rồi.”

“Chia tay? Thế hai người không cùng về chung à?” Tôi ngạc nhiên.

“Không, tôi phải trở lại San Fran. Huy thì về Palo Alto. Tại sao ông nghĩ là chúng tôi phải về chung?” Cô Mía nói.

“Tôi tưởng vậy thôi.”

“Chắc ông nghĩ rằng khi người ta yêu nhau là phải ơ? chung dưới một mái nhà? Chúng tôi mỗi người đều có một nơi để trở về.”

Chị nói với một giọng đều và buồn. Có vẻ như chị cũng không muốn tin vào điều mình nói nữa. Tôi không nghĩ là chị đang nói với tôi.

Sau cùng, người đàn ông lên tiếng:

“Ông lái xe hay đi BART?* Tôi có thể đưa ông về.”

“Cám ơn.” Tôi nói. “Thường thì tôi đi BART. Hôm nay tôi lái xe.”

Tôi mặc áo khoác, cầm tờ báo, quyết định.

“Xin chào!” Tôi đưa tay về phía người đàn bà. Cô Mía bắt tay tôi và nói: “so long my friend, don?t say goodbye….”

Tôi nghe tiếng chị nói như hát. “So long my friend, don’t say goodbye….” Đúng là câu tôi vừa đọc thấy lúc nãy. Tôi lớ ngớ nhìn chị, và tôi bắt gặp nụ cười của người đàn ông:

“Tôi biết tại sao ông lúng túng! Ông đọc được câu đó trong phòng vệ sinh phải không?”

“Phải. Sao ông biết?”

“Tại vì tôi cũng đã đọc được câu đó.”

“Bộ ông và cô đây quen thuộc cái quán này lắm sao?”

“Chúng tôi vẫn thường hẹn nhau ở đây. Cái bàn này gần như dành cho chúng tôi. Nói đùa đấy, tôi làm sao đủ tiền mua cái bàn này.”

“Nhưng tôi nhớ không lầm, sau cái câu cô Mía vừa đọc còn mấy câu nữa mà. Chẳng lẽ ông cũng thuộc?”

“Không, tôi thì không. Nhưng cô Mía thuộc đấy. Mía, em đọc cho ông bạn chúng ta nghe bài này đi. Bài gì mà em bảo là của ban Ataris đó!”

“Đó là một ca khúc của bọn trẻ ở đây có tên là Hello and Goodbye. Ông có muốn nghe tôi đọc không?”

“……..”

“So long my friend, don’t say goodbye..

just give me one last kiss beneath this gloving sky

we’ll go walking through the park

and hang out in the rain…. ”

Người đàn ông ôm hôn cô, vội vã như sợ cô biến mất:

“Đừng anh!” Mía nói. “Đã đến giờ rồi, em phải về thôi.” Chị đứng dậy, choàng tay qua vai anh, kéo đầu anh xuống, hôn anh và thì thầm trong tai anh, rồi chị cầm bàn tay người đàn ông lên hôn và ngậm trong miệng rất lâu một ngón tay của anh. Người đàn ông nói:

“Còn sớm mà!. Mía có biết là anh cần em đến chừng nào không?”

Anh rút bàn tay ra, ôm siết người đàn bà.

“Còn mấy hôm nữa là Tết rồi. Từ giờ tới đó, em sẽ không gặp anh được đâu!” Chị lấy hai tay đập đập lên ngực anh. Tôi thấy mắt chị có ngấn nước. Và chị quày quả bước ra cửa. Không nhìn anh. Không nhìn bất cứ ai.

Tôi biết chắc là ngoài trời vẫn còn mưa.

Và cơn mưa dai dẳng đó cũng đã chạy theo tôi suốt dọc đường về.

Quán tên gì tôi không nhớ, nhưng cà phê khá ngon, ít nhất là ngon hơn thứ cà phê Starbucks mà nhiều người hiện nay ưa thích.

Tôi không gặp lại cô Mía và người đàn ông tên Huy một lần nào nữa. Tôi biết là họ yêu nhau – yêu một cách cuồng nhiệt như thể cả hai đang ở tuổi mười tám đôi mươi – nhưng tôi cũng cảm thấy hình như có một điều gì đó chen giữa hai làn môi của họ, mơ hồ không trọn vẹn.

Tôi muốn viết về họ. Về nhân vật Huy, mà tôi tưởng tượng là một người qua Mỹ gần 25 năm nay, thành công trong kinh doanh, nhưng vẫn chưa tìm ra được điều mình muốn tìm. Và người phụ nữ tên Mía, trẻ tuổi hơn, mặc dù đến xứ sở này muộn hơn, đã học hành thành đạt hơn, và cũng đã có được một chỗ đứng trong xã hội, nhưng trong tay chị vẫn là sự trống vắng thiếu hụt. Tôi nghĩ cả hai đều có đời sống riêng, những lo toan riêng, những liên hệ riêng. Và giờ đây như hai hạt bụi bay giữa đất trời, họ chạm vào nhau. Rất tình cờ. Và họ khám phá ra là họ cần nhau. Mỗi người vừa tìm thấy sự lấp đầy trong lỗ hổng của người kia. Nhưng cái cách họ hôn nhau, và cả cái cách chia tay của họ như có điều chi vướng mắc. Làm sao tìm cho ra cái đầu mối ấy nằm ở đằng sau cánh cửa tình yêu say đắm của họ. May ra….

Những dòng chữ trên thật ra chỉ là cách kể lại một câu chuyện trong một chiều mưa ở thành phố Berkeley. Và hình ảnh buồn rầu của khuôn mặt người đàn ông khi anh ôm người phụ nữ trong tay, khi bóp bóp bàn chân cô, khi cúi hôn những ngón chân khẳng khiu xanh xao của cô giữa một quán cà phê đông người, và cảnh chia tay kỳ lạ của họ cứ bám theo tôi mãi về tận nhà.

Liệu người đọc có tin được một tình yêu cuồng nhiệt như thế giữa hai người đã không còn tuổi trẻ? Liệu cái cảnh người đàn ông cúi xuống hôn chân người đàn bà giữa một quán cà phê đông người có thuyết phục được người đọc? Liệu tôi có cường điệu quá đáng trong hư cấu của một cuốn tiểu thuyết sẽ viết không? ………

Tôi vẫn nghĩ đôi khi hư cấu không bắt kịp hiện thực. Hiện thực có lúc còn vượt quá cả sức tưởng tượng của con người nữa là đằng khác…

Trời mù đặc. Trắng đục. Tôi là một tay lái xe tồi. Có lúc tôi nghĩ là chắc gì mình an toàn trở về thành phố. Mưa lớn, có lúc tôi muốn tấp vào Oakland trốn mưa. Nhưng đó chỉ là ý nghĩ. Tôi cứ tiếp tục ngó về phía trước. Ánh đèn của những chiếc xe chạy ngược chiếu rõ những giọt mưa lấp lánh. Tôi nghĩ đến một cuốn truyện sẽ viết như lời hứa với bạn tôi. Ít nhất cũng là cuốn thứ ba trong bộ ba Người Đi Trên Mây mà tôi đã nợ với độc giả của mình, và cụ thể là nợ một nhà xuất bản. Cái máy computer thật lợi hại. Cái nút delete đã xóa mất của tôi trên trăm trang sách viết dở dang. Tôi không đủ can đảm viết lại những dòng chữ đã viết. Và bỗng nhiên khuôn mặt đắm đuối của cô Mía khi áp vào ngực người đàn ông tên Huy hiện ra trong trí nhớ tôi, Tình yêu cuồng tín của họ theo tôi đến tận nhà.

Milpitas. Thành phố ấy có gì để tôi lưu luyến. Tôi đã ở với nó hơn ba năm trời. Năm đầu cay đắng. Năm thứ hai ngọt ngào. Nhưng năm thứ ba là sự buồn bã. Và năm thứ tư trước mắt tôi như cánh đồng không mông quạnh dưới chân một ngọn núi ở một vùng quê Khánh Hòa, Nha Trang khi tuổi tôi vừa mới lên năm. Xa gia đình. Bơ vơ. Lạc loài. Sợ hãi. Không biết đâu là nơi nương tựa. Tôi là một đứa bé mồ côi.

Năm đó là năm đầu tiên của cuộc chiến tranh Việt Nam.

NGUYỄN XUÂN HOÀNG

* Một loại xe như xe lửa, hay xe métro . Chaỵ từ Fremont lên Richmond và Daly City. Xe chạy qua Berkeley và có đường chạy lên San Francisco.