Sổ Tay NXH 1

Nguyễn Xuân Hòang : Sổ Tay

TV và BH

SỔ TAY THÁNG BA 2002

Người bạn bất ngờ trên xe B.A.R.T

1.

Tôi quen anh tình cờ trên xe BART. Tôi lên trạm Fremont, còn anh lên trạm thứ hai, trạm Union City. Hôm đó xe không đông lắm. Không hành khách nào phải đứng. Anh ngồi vào chỗ trống bên tôi. Trời lạnh. Xe qua các trạm South Hayward, rồi Hayward, Bay Fair, … Người lên rồi người xuống, anh vẫn ngồi yên, mắt chăm chú nhìn vào cuốn sách đặt trên đùi. Khi xe vừa qua khỏi San Leandro, anh giật mình quay sang hỏi tôi “Xin lỗi ông, xe đã qua trạm Fruitvale chưa?” Tôi ngạc nhiên nhìn thấy một chàng Mỹ đen nói tiếng Việt sỏi như thế. Tôi trả lời rằng tôi nghĩ là chưa. Xe mới vừa qua San Leandro. “Cám ơn ông. Vậy là còn một trạm nữa.” “Anh xuống Fruitvale à?” “Không. Tôi xuống Coliseum.” Không biết tại sao anh hỏi Fruitvale vì đến trạm Fruitvale là xe đã qua Coliseum rồi. Lúc đó là hai giờ năm mươi ba phút chiều. Tôi nói còn bốn phút nữa xe sẽ ngừng ở Coliseum. Anh gắp trang sách đang đọc dở dang, và thấy tôi cũng đang cầm trên tay cuốn sách, anh hỏi: “Xin lỗi, ông đang đọc gì?”

Tôi chìa bìa cuốn sách về phía anh. Cuốn Testaments Betrayed của Milan Kundera*. Anh hỏi tôi “Tay này là ai vậy?”

“Một nhà văn.” Tôi không biết trả lời anh cách sao.

Trời lạnh. Trên xe người nào cũng mặc áo khoác mũ trùm đầu. Một vài thanh niên da đen mặc quần áo sậm, rộng rinh, đầu quấn khăn giống như nông dân Việt Nam, cười nói ồn ào ở dãy ghế cuối. Ở cửa ra vào, một người áng chừng gốc Mễ, ngồi với chiếc xe đạp. Một phụ nữ Á châu đang áp tai vào cái điện thoại cầm tay. Không thấy ai cười. Những khuôn mặt lặng lẽ. Trạm xuống của tôi còn xa. Khi nào qua Ashby, tôi mới chuẩn bị xuống Berkeley.

Thấy tôi nhìn cuốn sách còn đặt trên đùi, anh cười: “Tôi đang đọc cuốn The Unwanted của Kiên Nguyễn. Ông đã đọc cuốn này chưa?”

“Có. Tôi có đọc qua.”

“Anh thấy sao?”

“Thấy sao là sao?”

“Ông có thích cuốn sách đó không?”

“Tại sao anh hỏi tôi?”

“Tại vì tôi rất thích. Cuốn sách đó nó nói một khía cạnh của đời tôi. Tác giả lai Mỹ trắng, còn tôi lai Mỹ đen. Tác giả có một bà mẹ Việt Nam giàu có, còn tôi có một bà mẹ Việt nghèo khổ. Tác giả được đi học đại học, tôi chưa hết trung học đã phải đi làm….” Và đột nhiên anh hỏi tôi “Ông làm gì?”

Tôi nói công việc của tôi hiện đang làm, anh cười:

“Làm báo có nói láo không?”

“Anh nghĩ là tôi nói láo sao?”

“Xin lỗi, tôi không có ý nói vậy đâu. Tôi chỉ muốn biết báo có nói sự thật không?”

“Cũng tùy.” Tôi nói.

“Sao ông không làm một nghề nào khác?”

“Nghề làm báo xấu lắm sao?” Tôi hỏi lại anh.

“Không. Tôi không có ý nói vậy.” Anh lập lại đúng câu anh vừa nói với tôi lúc nãy. “Tôi muốn nói làm báo khó mà trung thực lắm. Có nhiều điều cần nói thì không nói và có nhiều điều không cần nói mà cứ viết ra.”

Xe ngừng ở trạm Coliseum, anh đứng dậy.

“Tôi tên là Randy. Mong có dịp gặp lại ông. Chào!” Anh nói.

“Chào!” Tôi nhìn anh. Ngạc nhiên. Tôi thấy anh bước qua cửa, xách vải mang trên vai, cuốn sách của Kiên Nguyễn trên tay, đầu ngoái lại, vẫy tay.

Xe tiếp tục chạy. Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ. Trời mù. Mưa.

Ba năm đã qua, nhưng Bắc Cali đối với tôi vẫn là một thành phố xa lạ… cho đến khi tôi quen biết Bart tôi mới khám phá ra một khía cạnh của vùng đất Thung Lũng Điện Tử. Tôi thích những chuyến đi trên xe bart. Nó giúp tôi nhìn thấy một một lớp người của thành phố thung lũng. Nhiều người da mầu tôi gặp trong các chuyến đi. Những khuôn mặt không quen biết nhưng gần gũi với tôi. Họ là những người trẻ ồn ào hoặc những người trung niên lặng lẽ. Đập vào tai tôi là một thứ ngôn ngữ đường phố mà tôi phải cố gắng lắm mới nắm bắt được. Có người ngồi lặng thinh, mắt nhắm bất động như một bóng ma, chỉ bừng mắt dậy đúng ga muốn xuống và âm thầm bước qua cửa. Dù họ có là ai, nhưng tôi biết đám đông ấy cùng một giuộc với tôi. Họ là tôi, và tôi cũng chính là họ. Sau lưng chúng tôi là một quê hương đã và đang xa. Và trước mặt chúng tôi là một quê hương muộn màng đang gần. Như người tình cuối cùng trong đời, quê hương đó sẽ ở lại mãi mãi với tôi.

Những chuyến xe bart cho tôi cái cảm tưởng tôi đang bắt đầu là người của vùng đất này. Cũng như tôi, một người đến từ Việt Nam, những người da mầu kia đến từ Mễ Tây Cơ, Nhật Bản, Ấu châu, Trung quốc, Đài Loan, Đại Hàn, Phi Luật Tân, Ần Độ, Pakistan, Trung Đông, Phi châu,… Chúng tôi trộn vào nhau, quết vào nhau trong một mẻ bột. Chúng tôi trang trí cho một đất nước vĩ đại thứ màu sắc chủng tộc, mang đến sức lao động và trí óc của những sắc dân còn tươi mát vẻ lãng mạn của những vùng đất hoang dã, những trái tim khao khát mới lạ. Và sau cùng là tự do. Tự do, tiếng réo gọi của những chuyến đi.

Và chính ở đây, tôi đang bắt đầu có thêm những người bạn mới. Nguyễn Hữu Liêm, Lê Thị Thấm Vân, Quế Hương, anh chị Nguyệt Cầm-Peter Zinoman,… Căn nhà của Nguyệt Cầm và Peter ở Berkeley nhỏ mà gọn. Mấy tủ sách dựa tường, ở phòng khách và phòng ăn treo nhiều tranh của các họa sĩ Việt Nam trong nước, những bức tranh đẹp. Nguyệt Cầm có giọng nói nhẹ, êm và rất ngọt. Có lần họp mặt ở nhà Vũ Huy Quang, tôi còn được dịp nghe chị đàn và hát, một tiếng hát còn tươi như cá vừa vớt từ dưới ao lên, nhưng là một tiếng hát tràn ngập hơi thở của một trái tim. ..

Tôi quen Bart sau khi đã có thêm những người bạn mới. Và giờ đây là người thanh niên da đen tên Randy.

2.

Mấy tuần sau, những ngày thứ Năm, mỗi khi xe dừng ở trạm Union City, tôi bất chợt nhớ anh. Có những người, ta chỉ gặp một lần và ta không muốn gặp thêm một lần nào nữa. Và ngược lại. Tôi nghĩ có thể Randy đang ngồi ở một toa khác. Hoặc có thể anh đi vào một chuyến khác. Cũng có thể anh chỉ là người một lần tình cờ lên xe bart. Ở vùng này, con đường từ San Jose đi Oakland, Berkeley hay đi San Fran, người ta chọn cách tự lái xe hơn là chọn đi bart. Tôi có cảm tưởng bart là phương tiện di chuyển chỉ dành cho những người ngại lái xe, người da mầu và….. người nghèo.

Cho đến một ngày giữa tháng Hai vừa qua. Đúng ra là ngày 14 tháng Hai. Một ngày thứ Năm. Vừa bước lên xe ở trạm Fremont, tôi nhận ngay ra anh. “Hello, Randy!” tôi nói. Người thanh niên da đen đang cúi xuống trang sách đặt trên đùi, ngẩng đầu lên.

“Chào! May quá. Tôi đang có ý gặp ông.”

Tôi ngồi xuống cạnh anh, mở ba lô kéo ra cuốn Testaments Betrayed của Milan Kundera.*

“Anh vẫn đọc cuốn The Unwanted phải không?”

“Thì The Unwanted đó. Tôi đọc chậm lắm. Chỉ đọc khi đi xe thôi. Ở nhà nhiều việc, không có thi giờ đọc. Còn ông?”

Tôi nói về cuốn sách của Kundera, cuốn sách ở cuối phần ba Improvisation in Homage to Stravinsky giải mã cho tôi những ẩn số của một người cầm bút không còn ở trong nước [lưu vong, tị nạn, hải ngoại?]. Dưới tiểu tựa Số Học Của Sự Di Tản**, Milan Kundera viết: “Cuộc sống của một người di tản, là một vấn đề số học.” Và ông nhắc tới Joseph Conrad bằng những con số: sống 17 năm ở Ba Lan, và 50 năm còn lại của đời ở Anh. Ông sáng tác bằng tiếng Anh, đề tài Anh, tính chất Ba Lan nơi ông không còn nữa, ngoại trừ sự dị ứng chống Nga của ông, sự thù ghét của ông đối với Dostoyevsky; Vladimir Nabokov sống 20 năm ở Nga, 21 năm ở châu Ấu, [ở Anh, ở Đức và Pháp], 20 năm ở Mỹ, 16 năm ở Thụy Sĩ. Ông sử dụng Anh ngữ trong viết lách. Mặc dù tiểu thuyết của ông có nhiều nhân vật Nga, ông vẫn luôn luôn tuyên bố mình là công dân Mỹ, và là nhà văn Mỹ. Kundera cũng nhắc tới tên một vài tác giả mà tôi chưa hề nghe bao giờ: Kazimierz Brandys, sống 65 năm ở Ba Lan, năm 1981 định cư ở Paris sau vụ đảo chính của Jaruzelski. Ông chỉ viết bằng tiếng Ba Lan, về đề tài Ba Lan, tuy nhiên sau năm 1989, dù không còn lý do chính trị để ở lại nước ngoài, ông vẫn không trở về Ba Lan. Gombrowicz một tác giả khác, đã sống 35 năm ở Ba Lan, 23 năm ở Argentina, 6 năm ở Pháp. Tuy nhiên ông chỉ viết bằng tiếng Ba Lan, và các nhân vật trong tiểu thuyết của ông đều là Ba Lan. Năm 1964, trong thời gian ở Berlin, ông được mời về Ba Lan. Ông đắn đo, rồi cuối cùng từ chối. Khi ông chết, hài cốt ông được chôn ở Vence, miền nam nước Pháp.

Tại sao Gombrowicz từ chối không về Ba Lan, dù chế độ cộng sản của Ba Lan đã phân rã, và hầu hết những người hoạt động văn hóa đã tham gia phe đối lập.

Những người cầm bút di tản [lưu vong, tị nạn hay hải ngoại] của chúng ta, theo cách nói của Kundera, mà những điều kiện chính trị và văn hóa khác người Ba Lan hay người Nga, nhưng cũng có thể có một mẫu số chung là ngoài nỗi đau khổ nhớ tới quê hương, chúng ta còn thêm một nỗi đau khác, lớn hơn, nỗi đau khi gặp lại, nhìn lại quê hương sau bao nhiêu năm xa cách, nhận ra những gì trước đây gần gũi thân mật và giờ đây bỗng trở nên xa lạ, lạnh lẽo, trong khi vùng đất và con người xa lạ mà ta ngỡ ngàng khi mới đặt chân đến định cư giờ đây ngày càng gần gũi gắn bó, thân mật.

Đâu là lý do đích thật của sự từ chối trở lại quê hương của Gombrowicz. Chắc không phải là lý do chính trị. Đó là vấn đề con người, sự đụng chạm vào cái phần sâu xa nhất của trái tim. Sự từ chối trở lại quê hương của Gombrowicz là điều ông không thể thổ lộ được. “Có những điều [người ta] chỉ có thể [dùng ngôn ngữ của sự] nín lặng.”***

Randy ngồi im lặng nghe tôi nói, và nhìn đôi mắt anh tôi biết anh có vẻ như chẳng hiểu tôi ba hoa cái gì. Đột nhiên anh hỏi:

“Thế ông đã về nước lần nào chưa?”

“Có, một lần, vào năm ngoái. Đó là lần đầu tiên sau 17 năm xa quê của tôi.”

“Vậy là ông nghĩ khác ông Gombrowicz phải không?”

“Mỗi người có một cách của nhìn cuộc sống khác nhau. Tôi nghĩ Milan Kundera nói đúng.”

“Tôi không hiểu Milan Kundera. Ông nhà văn đó phức tạp quá. Tôi chỉ muốn biết ông nghĩ sao sau khi về Việt Nam?”

“Tôi thấy mình xa lạ. Tôi nôn nao, hồi hộp. Tôi đã chảy nước mắt khi bước xuống phi trường Tân Sơn Nhất. Tôi đã về thăm mộ mẹ tôi, cha tôi và anh tôi. Tôi đã đứng trước căn nhà của tôi, giờ đây đã có người chủ mới. Tôi lạc lõng trên con đường phố mà xưa kia quen thuộc thân mật với tôi biết là chừng nào.”

Câu chuyện giữa tôi và Randy còn dài, mãi tận đến Richmond là nơi cả tôi và anh không ai muốn đến.

3.

Anh/chị ở San Jose đã lâu, hay vừa mới tới, có bao giờ đi xe BART chưa? Nếu chưa, tôi nghĩ anh/chị nên đi một lần cho biết. Xe bart có vẻ gần với xe metro. Ga xe bart ở Fremont không rộn rịp như các ga metro ở Paris. Có vài nơi xe bart chui qua hầm, nhưng phần lớn xe bart đi giữa những gò cao. Ban đêm từ phía bắc Richmond trở về Fremont, anh/chị có thể nhìn thấy những thành phố sáng đèn ở phía dưới: Bay Fair, Hayward, Union city,…

Suốt hai mùa đi xe bart lên xuống Fremont – Berkeley , tôi khám phá ra giai cấp của những người đồng hành: Rất ít người da trắng, người da màu chiếm đa số, đặc biệt là người da đen và nâu. Da vàng cũng vừa thôi. Càng về tối, xe càng vắng. Đôi lần, tôi thấy hình như… chỉ có một mình mình ngồi giữa toa tàu trống trơn.

Tiểu thuyết lịch sử, tại sao?

Nhà văn Hoàng Khởi Phong vừa gửi đến người đọc phần một bộ trường thiên tiểu thuyết Người Trăm Năm Cũ phần một, gồm hai cuốn Trên núi Đồi Yên Thế I và II, dài 866 trang. Tác giả cho biết sẽ in tiếp Người Trăm Năm Cũ III và IV vào năm 2003. Tính về lượng, kể từ cuốn đầu tay: tập thơ Mặt Trời Lên in năm 1967, cho đến nay Hoàng Khởi Phong đã ấn hành 15 tác phẩm gồm thơ, tập truyện, hồi ký, truyện dài, ký sự nhân vật…. Với bộ sách này anh hứa hẹn với người đọc một cuộc chạy nước rút: vượt qua chiều dài của Sông Côn Mùa Lũ và Mùa Biển Động của Nguyễn Mộng Giác. Hoàng Khởi Phong viết khỏe, thử bút qua nhiều thể tài và đặc biệt ông có một ngòi bút trơn tru. Dù viết dưới bất cứ thể loại nào, tác giả cũng lôi cuốn người đọc bằng một văn phong hực lửa. Hoàng Khởi Phong thở trên từng trang chữ, chạy marathon trên từng cây số.

Sau Hoàng Khởi Phong, nhà văn Nam Dao cũng chuẩn bị in Đất Trời, tiểu thuyết do nhà Văn Mới xuất bản. Trong vòng hai năm qua, Nam Dao đã liên tục gửi đến người đọc các tác phẩm, không những được viết từ một ngòi bút nặng chất văn học mà còn là một trong số ít tác giả hải ngoại quan tâm tính tư tưởng trong nội dung và cách viết của mình. Hai tác phẩm mới đây của ông, Trong Buốt Pha Lê (tập truyện) và Khoảng Chơi Vơi (truyện và ký) do nhà Thi Văn xuất bản, Nam Dao đã bày tỏ quan điểm của mình trong sáng tác: “Trong một thế giới mở, người viết ở vị thế một di dân, tuy đèo bồng nền văn hóa của sắc tộc mình nhưng không bắt buộc cứ phải lập lại và khép kín trong những sắc thái và tình tự đặc thù cá biệt. Văn chương chỉ vượt lên tầm nhìn khái quát khi đối tượng khái quát. Đó là con người ở những điểm chia chung với nhau về thân phận. Nhìn rộng ra và đi sâu vào những mảnh đời của những sắc dân chung quanh ta là một hướng văn học đáng trân trọng.”

Vấn đề đặt ra ở đây là sau Sông Côn Mùa Lũ của Nguyễn Mộng Giác là Người Trăm Năm Cũ của Hoàng Khởi Phong, và bây giờ là Đất Trời của Nam Dao … đều là những tiểu thuyết lịch sử.

Tại sao tiểu thuyết lịch sử? Thứ tiểu thuyết mà trước đây không lâu các nhà phê bình và những nhà văn hiện đại đã gần như bỏ quên nó. Tiểu thuyết lịch sử đã đi vào quá khứ như Hoàng Lê Nhất Thống Chí đã thuộc về một thời đại không còn là của chúng ta. Người cầm bút đương đại không thể không gắn bó với đề tài của cuộc sống hiện nay. Chọn đề tài quá khứ là một cách lẩn trốn hiện tại, lẩn trốn những vấn đề mà mỗi chúng ta bắt buộc phải chạm mặt hàng ngày.

Mặc dù ai cũng biết viết tiểu thuyết lịch sử không phải là viết lịch sử, người đọc khó tính luôn luôn soi mói vào những chi tiết (có thật không? có đúng không?) Các nhà văn hậu hiện đại không chia sẻ quan điểm này. Viết đòi hỏi trí tưởng tượng. Tiểu thuyết là những điều “bịa như thật” (ai đã nói thế?). Viết tiểu thuyết lịch sử yếu tố tưởng tượng càng phải mạnh hơn. Nhà văn Anh A.S. Byatt cho rằng trong khi đương đầu với các đề tài lịch sử, “nhà văn có toàn quyền sáng tạo ra quá khứ mộng tưởng theo ý họ từ những chi tiết khác thường về tên họ, biến cố và nơi chốn. Nếu chúng ta không biết, chúng ta có quyền phát minh và mọi thứ đều được phép.”

Thử đọc lại Nguyễn Huệ qua Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Mộng Giác, Trần Vũ để khám phá ra cái khác biệt của lịch sử và tiểu thuyết lịch sử. Hơn lúc nào hết, những năm gần đây, tiểu thuyết lịch sử đã có chỗ đứng của nó. Đừng quên giải Pulitzer năm 2001 về tiểu thuyết vào tay Michael Chabon với The Amazing Adventures of Kavalier and Klay là một cuốn tiểu thuyết lịch sử. Trước đó, nhiều nhà văn tên tuổi Mỹ cũng đã chọn đề tài lịch sử cho tiểu thuyết của mình. Như Toni Morrison với Paradise; Don Delillo với Underworld; Russell Banks với Cloudsplitter…****

Mai Trung Tĩnh, Như Thế

Mai Trung Tĩnh làm nhiều thơ, nhưng bài thơ mà tôi thuộc nhất là bài (tựa là gì?) có mấy câu như sau:

Khi nào em mệt mỏi

Thì xin em hãy cầm lấy tay anh

Ầy con đường đưa em tới

Vùng mây trời biển xanh

Khi nào em tội lỗi

Mời em hãy giẫm lên đời anh

Đừng quên anh đã có thừa ô nhục

Và nơi đây cũng không còn thần linh

Khi nào em tuyệt vọng

Thì xin em hãy cầm dao giết anh

Vì anh như tấm gương soi đối mặt em đó

Vỡ một lần cho xong.

Bài thơ ghi được bằng trí nhớ trên đây là một bài thơ đã được phổ thành nhạc, và trí nhớ của tôi không hoàn toàn bảo đảm sự toàn vẹn nguyên chất của bài thơ. Nhưng mới đây, ngày 20 tháng Hai, 2002, ngày Mai Trung Tĩnh chia tay với chúng ta mãi mãi, tại Catonsville, Maryland, nhà báo Phạm Trần ở Hoa Thịnh Đốn đã viết một bài về giấc mơ của anh, giấc mơ muốn in một tập thơ để lại cho vợ con, bạn bè và cho đời trước khi ra đi. Tập Thơ Mai Trung Tĩnh gồm 73 bài thành hình nhờ công sức của bằng hữu. Tôi không có tập thơ trong tay, nhưng bài viết của Phạm Trần cho tôi cơ hội có được bài thơ sau cùng của anh, bài Như Thế viết tại Annapolis năm 1995 là năm ông mới vừa tới định cư tại Hoa Kỳ.

Vẫn mây trời như thế

Nắng vẫn như thế

Gió và mưa như thế

Nhưng ta không còn phải sống những giây phút như thế

Thành phố ta ở không như thế

Những bộ mặt quanh ta không như thế

Ngôn ngữ ta nghe và báo ta đọc không như thế

Ấm nhạc ta nghe cũng không bị nghe như thế

Và những giấc ngủ của ta

Những giấc mơ của ta

Không còn bị như thế

Duy có một điều

Trong chỗ sâu kín nhất của lòng ta

Ta cảm thấy vẫn còn như thế

Có lẽ mãi còn nguyên như thế.

NGUYỄN XUÂN HOÀNG

* Linda Asher dịch từ bản tiếng Pháp Testaments Trahis của Milan Kundera, nxb HarperPerennial, 1995.

** Emigration Arithmetic. Sđd tr.93

*** Some things we can only leave unsaid.” Sách đã dẫn tr. 95.

**** Theo tài liệu của Thượng Văn.

SỔ TAY THÁNG NĂM 2002

Đi tìm nguồn cội

Trong cuộc hội thảo mang tên East Coast/West Coast: Vietnamese American Writers, Poets and Performers tổ chức hôm 2 tháng Ba, 2002 tại Đại Học San Francisco State, các nhà văn trẻ Mỹ gốc Việt đã gặp gỡ trong một khung cảnh ấm áp và cảm động. Họ là những nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ trình diễn người Việt Nam, nhưng họ nói và viết bằng Anh ngữ. Tác phẩm của họ có khác nhau về nội dung, nhưng cùng chứa một ý nghĩa: Đi tìm nguồn cội, đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “Tôi là ai? Tôi đứng ở đâu?”

Monique T.D. Trương, Mộng Lan, Andrew Lâm, Andrew X. Phạm, Nguyễn Quí Đức, Lê Thị Diễm Thúy, Trường Trần, Kiên Nguyễn, Lan Trần, và Maura N. Donahue, Nguyễn Đại Hải. là những người đang đi tìm câu trả lời đó.

Bài viết này, thay thế Sổ Tay tháng Năm, chỉ là một giới thiệu chung chung về một hiện tượng mới: những nhà văn Mỹ gốc Việt trong văn chương Mỹ. Để có một cái nhìn tương đối đúng đắn hơn về tác giả và tác phẩm của họ, thiết nghĩ cần nhiều bài viết khác do những người hít thở được không khí văn chương và ngôn ngữ của họ. Người viết cần một chìa khóa ngôn ngữ để mở cánh cửa đó.

Monique T.D. Trương, tác phẩm đầu tay The Book of Salt sẽ được phát hành năm 2003, trả lời câu hỏi là động cơ nào đã khiến cô chọn nghề viết văn, cho biết như mọi người, cô cũng muốn chọn một ngành nghề nào làm ra tiền và bảo đảm cuộc sống, “nhưng tôi không thích nghề luật sư” mặc dù cô đã tốt nghiệp luật khoa trường Đại Học Columbia 1995. “Cha tôi thường bảo tôi hãy làm nghề gì tôi ưa thích.” Chị nói, “Vì vậy bây giờ tôi đã dành toàn thời gian cho việc viết lách.” Monique Trương là một trong những tác giả trẻ Mỹ gốc Việt viết văn bằng tiếng Anh.

Với Andrew Lâm, một nhà báo, một nhà bình luận, tác giả nhiều truyện ngắn – thì viết là một thôi thúc. Từ hồi nhỏ ở Việt Nam, anh đã thích viết. Thuở đó anh đã từng làm thơ tiếng Việt. Nhưng sau khi tốt nghiệp Đại Học Berkeley ngành sinh hóa, Andrew Lâm quyết định đi theo con đường viết văn. Và anh đã chọn việc diễn tả suy nghĩ của mình bằng Anh ngữ.

Mộng Lan đơn giản hơn. Cô viết vì muốn bày tỏ cảm xúc và ý nghĩ của mình. Trước khi là nhà văn, Mộng Lan là một họa sĩ. Chọn ngôn ngữ viết vì theo cô, cách diễn tả này “chính xác hơn.”

Về đề tài trong tác phẩm, Mộng Lan nói rằng cô không chọn đề tài. “Chính đề tài chọn tôi. Tôi viết về những gì tôi thấy và tôi cảm, những gì xảy ra quanh tôi, những gì chạm đến tôi.”

Tập thơ đầu tay của Mộng Lan, Song of the Cicadas (Khúc Hát của Những Con Ve Sầu). Cô nói “Một cách nào đó, trong tác phẩm đầu tay này của tôi, có từ 70 tới 75 phần trăm được viết từ kinh nghiệm ở Việt Nam,” kinh nghiệm mà cô có được trong sáu tháng trời giữa hai năm 1995-96. Phần còn lại của cuốn sách là kinh nghiệm sống của cô trong những tháng năm ở Vùng Vịnh này.

Trong tác phẩm của những người trẻ nói trên, người đọc vẫn như còn ngửi được mùi hương khói, tro tàn của cuộc chiến Việt Nam, vẫn còn mang nặng dấu vết, hơi hám, nỗi đau của cuộc chiến Việt Nam. Chiến tranh Việt Nam như một lớp mây, một lớp mù sương bao trùm những trang chữ của họ.

Hình ảnh những nhà văn trẻ Mỹ gốc Việt này được miêu tả như một con người đứng giữa hai thế giới. Viết với họ là đi tìm lại bản sắc của mình. Một mặt họ sống và trưởng thành trên đất Mỹ, hấp thụ nền văn hóa Hoa Kỳ, trong khi đó họ vẫn sống giữa một gia đình còn nặng quá khứ trong phong tục tập quán, trong lời ăn tiếng nói, trong liên quan xã hội.

“Tôi là ai?” Có thể là câu hỏi thường trực của họ.

Với Monique Trương, The Book of Salt là câu chuyện về một người trẻ tuổi Việt Nam sống ở Paris vào cuối thập niên 1920. Anh nhận làm bếp và sống trong nhà bà Gertrude Stein, một văn sĩ người Mỹ lưu vong trong thời kỳ “Lost Generation” cùng với nhà văn Ernest Hemingway. Đây là thời gian bà Gertrude Stein sống với người yêu của bà ta là Alice B. Toklas.

Trong tác phẩm này, Monique viết lý do tại sao người đàn ông kia đã rời Việt Nam ra đi và vì sao anh ta quay về lại cố hương. Ý tưởng xây dựng tác phẩm này, cô cho biết được gợi từ một cuốn sách dạy nấu ăn của bà Toklas.

Monique Trương cho biết cô không chọn đề tài chiến tranh cho cuốn sách đầu tay của cô. “Tôi chỉ muốn qua tác phẩm này đưa ra một câu hỏi: chiến tranh là gì mà khiến cho một người phải bỏ nước ra đi, và bỏ lại sau lưng gia đình (nhà cửa). Với cuốn sách này, tôi muốn dùng trí tưởng tượng vẽ lại khung cảnh đầy xúc động trong đó chiến tranh không phải là yếu tố chính tác động lên tình cảm và quyết định của con người.”

Andrew Lâm thì khác. Anh cho biết mặc dầu rời Việt Nam lúc mới 11 tuổi, anh đã lớn lên trong một gia đình quân nhân, đã từng nhìn thấy sự đỗ vỡ tan nát và tro than của cuộc chiến.

“Ta không thể nào chối bỏ được quá khứ, muốn vươn lên khỏi dĩ vãng ta phải luôn luôn học hỏi quá khứ.”

Anh chọn đề tài nào đập vào cảm xúc anh mãnh liệt nhất, như mối quan hệ Việt-Mỹ vốn tác động lên cuộc sống cá nhân mỗi người Việt Nam.

Andrew X. Phạm, với Catfish and Mandala, viết theo thể loại non-fiction, anh đã mở toang cánh cửa ngôi nhà của mình ra trong một thái độ can đảm hiếm thấy trong loại hồi ký tiểu thuyết – nếu có thể tạm gọi như vậy – của một người viết trẻ tuổi Việt Nam. Cuốn sách của anh như một cơn lốc lôi cuốn người đọc vào một cuộc hành trình đầy hứng thú. Sức mạnh của tác phẩm này là chất liệu cuộc sống. Nhưng vẫn là câu hỏi chưa được trả lời: tôi là người Việt hay tôi là người Mỹ?

Theo Mộng Lan vấn đề bản sắc không đặt ra với cô. Cô nói “khi ở Mỹ tôi coi mình là người Mỹ, khi về lại Việt Nam tôi là Việt Kiều. Ở California, tôi là dân Cali. Chuyện rất là giản dị. Việt Nam là đất nước nơi tôi chào đời, còn nước Mỹ là nơi tôi lớn lên. Tôi chịu nợ cả hai xứ sở này.”

Những bài thơ của Mộng Lan, Trường Trần, Andrew X. Phạm, Kiên Nguyễn (The Unwanted) và Lan Cao (Monkey Bridge), Đinh Linh (Fake House), Lại Thanh Hà… ở Mỹ; và tiểu thuyết của Kim Lefevre (Métisse Blanche), Linda Lê (Les Trois Parques) ở Pháp… là những nụ hoa mới nở trong vườn văn chương Mỹ và văn chương Pháp.

Nhưng trường hợp của Nguyễn Quí Đức là một ngoại lệ, là một sự ngạc nhiên thích thú và là một khao khát khó đạt. Anh là một người đa dạng và tài hoa: nhà báo, nhà phát thanh, nhà văn viết bằng hai ngôn ngữ Việt và Anh, dịch giả Behind the Red Mist của Hồ Anh Thái, tác giả hồi ký Where the Ashes Are – và nhiều truyện ngắn viết bằng tiếng Việt của anh đăng trên các tạp chí văn chương tại hải ngoại như Văn, Văn Học, Hợp Lưu.

Với những tác phẩm viết bằng Việt ngữ – ngoài nước với 2 triệu dân, và có lẽ kể cả trong nước với trên 80 triệu dân – cái readership của các tác giả có vẻ như chỉ dừng lại ở con số 500 hay 1,000.

Viết bằng ngôn ngữ Anh hay Pháp, người ta dễ hiểu cái readership ấy rộng lớn hơn nhiều. Một tác phẩm được nhiều người đọc bao giờ cũng là niềm vui của tác giả. Người ta không in sách để bỏ vào một xó. Bởi vì không gì buồn hơn một cuốn sách in ra trong 5 năm trời không bán quá 1,000 cuốn.

Tác phẩm của những người trẻ này cho thấy cơ may cái vòng readership rộng lớn, mà còn cho thấy một hội nhập nhanh chóng của người Việt trên vùng đất mới: chưa kịp bước qua một phần tư thế kỷ, văn chương Việt Nam hải ngoại đã nhảy qua ba giai đoạn: viết về quê hương, tù đày, khốn khó, hoài niệm, quá khứ bằng tiếng Việt; chuyển dịch [chuyển ngữ?] những trang chữ tràn ngập dĩ vãng sang Anh ngữ [Pháp ngữ]; và giờ đây, chính những người trẻ tuổi này đã viết thẳng từ trái tim của họ ngôn ngữ của dân tộc mà họ đang sống với.

Nhưng liệu có thể gọi những tác phẩm của những người trẻ tuổi Việt Nam này viết bằng thứ ngôn ngữ không phải của mẹ đẻ – dù đề tài của nó vẫn là Việt Nam, nhân vật Việt Nam, khung cảnh Việt Nam – là văn học Việt Nam?

Nhà văn Nguyễn Quí Đức cho rằng tuy viết bằng Anh ngữ, nhưng linh hồn, tinh thần vẫn còn mang ảnh hưởng của văn hóa và lịch sử đất nước, vẫn còn gần gũi với kinh nghiệm người đi trước. Chỉ khác là họ dùng hư cấu để nói lên kinh nghiệm, thay vì dùng tự truyện hay hồi ký, và do đó đem vào tác phẩm một khả năng phổ cập. Chính những tác giả có quyền chọn chỗ đứng cho chính mình.”

Trước đây vào thập niên 50, Cung Giũ Nguyên, tác giả Le Fils de La Baleine, là một nhà văn được biết ở Pháp và ở những nước nói tiếng Pháp. Cũng giống như vậy cho Phạm Duy Khiêm, tác giả Légendes des Terres Sereines. Trong văn học Việt Nam, người ta không ghi danh hai ông vào danh sách nhà văn Việt Nam.

Cao Hành Kiện, Nobel Văn Chương, tác giả Linh Sơn, viết bằng tiếng Hoa, nhưng khi ông nhập tịch Pháp, viết bằng tiếng Pháp, giải Nobel trao cho ông như trao cho một nhà văn Pháp; trường hợp Nobel Văn Chương V.S. Naipaul cũng tương tự. Ông đã mang danh dự về cho nước Anh, không phải cho xứ Trinidad của ông. Và như thế cho Amy Tan (The Joy Luck Club), cho Maxine Hong Kingston (The Woman Warriors), cho Henry Wang (The Golden Child). họ đâu phải là nhà văn Trung Quốc. Họ là những nhà văn Hoa Kỳ trong dòng chính của văn học Mỹ.

Họ đã nhập vào đất nước họ đang sống, suy nghĩ bằng thứ ngôn ngữ của người bản xứ, phản ứng như một người Mỹ – hay một người Anh hoặc Pháp – tác phẩm của họ cho dù là một cuộc du hành trở về nguồn cội, tìm lại một quá khứ mà họ chưa có, có chăng chỉ là một nỗi đau ngay từ gia đình bơ vơ những ngày trên đất mới, và sự hội nhập của gia đình và chính họ.

So với các nhà văn Trung Quốc, Ần Độ hay Nhật Bản viết bằng Anh ngữ hiện nay, có thể các nhà văn trẻ Mỹ gốc Việt chưa đủ trọng lượng, vài người còn bị nặng hình thức và kỹ thuật diễn tả, có những bước dọ dẫm, nhưng đã sao, họ còn trẻ, còn nhiều hứa hẹn. Họ là những nhà văn Mỹ đang bước vào dòng chính của văn học bản xứ, bằng thứ ngôn ngữ phổ biến và được đọc nhiều nhất hiện nay trên thế giới.

Dù sao, họ đang đóng góp vào văn học Hoa Kỳ những tiếng nói mới. Liệu tiếng nói ấy có được nghe? Liệu văn chương của họ có chiếm lĩnh những chỗ đứng đặc biệt trong thế giới chữ nghĩa vốn mỗi ngày mỗi tháng mỗi năm tràn ngập những đầu sách của những người viết mới tài năng và sâu sắc? Sự tồn tại của tác phẩm họ cần được thử thách qua ngọn lửa thời gian. Nó đòi hỏi không chỉ là lòng đam mê chữ nghĩa mà còn tài năng của họ. Nếu không, những tác phẩm ấy rồi cũng sẽ nhanh chóng rơi vào quên lãng.*

NGUYỄN XUÂN HOÀNG

* Tạp chí Văn hiện đang chuẩn bị làm một số đặc biệt về những nhà văn Mỹ gốc Việt với các tác giả nói trên (cùng với Lan Cao, Đinh Linh,…) qua sự điều hợp của nhà văn Nguyễn Quí Đức.

SỔ TAY sáu & bảy, 2002

Phạm Duy và vết thương di tản

Như những người cùng lứa tuổi, tôi ưa thích nhạc Phạm Duy, trước khi yêu thích nhạc Trịnh Công Sơn. Tôi nghĩ, trước khi nổi tiếng với những ca khúc của chính mình, Sơn cũng là một người yêu nhạc Phạm Duy. Thế hệ của anh tôi, theo kháng chiến chống Pháp, chắc chắn là thế hệ của những người chọn con đường ra chiến khu một phần cũng vì âm nhạc của ông.

Nhưng tôi có thêm một lý do để nhớ đến ông nhiều hơn các bạn tôi một chút vì cho đến năm 1972 – không nhớ chắc là năm 72 hay 70, cái năm mà nhà văn Ngô Thế Vinh cũng ra hầu tòa vì một bài báo của anh – tôi bị phiền phức do một ca khúc của ông: Bài bà Mẹ Gio Linh.

Phạm Duy viết Bà Mẹ Gio Linh năm 1948. Năm 1972, sau khi Trần Phong Giao thôi tờ Văn, ông Nguyễn Đình Vượng nhờ tôi làm Tổng Thư Ký tòa soạn ở 38 Phạm Ngũ Lão. Lúc đó tạp chí Vấn Đề của kịch tác gia-giáo sư Vũ Khắc Khoan đặt trên lầu cùng địa chỉ với tờ Văn. Ông Thần Tháp Rùa khi đến tòa soạn bao giờ cũng đi ngang qua chỗ ngồi của tôi. Một lần ông hỏi tôi cho Vấn Đề một truyện. Tôi hứa. Và lần nào đi ngang qua bàn viết của tôi, ông cũng nhắc: Sao? Có truyện cho số này không? Tôi xấu hổ vì không viết được. Sau cùng, tôi quyết định nhất định phải nộp bài cho ông. Truyện ngắn Cha và Anh tôi đưa ông để đăng trên Vấn Đề – tôi nhớ hình như là số 52.

Một buổi chiều Mai Thảo đến tòa soạn kéo ghế ngồi trước mặt tôi hỏi Hoàng viết cái gì cho Vấn Đề mà báo bị tịch thu, đóng cửa vậy?

Tôi ngớ người.

Truyện ngắn Cha Và Anh là một hồi tưởng với nhiều hư cấu về một gia đình (tôi) bị chia cắt trong chiến tranh, và chia cắt ngay cả trong một thành phố. Một nhân vật bơ vơ mất hướng, không biết mình đi đâu, về đâu.

Truyện còn chép một số đoạn trong ca khúc của Phạm Duy:

Mẹ già cuốc đất trồng khoai

Nuôi con đánh giặc đêm ngày

Cho dù áo rách sờn vai

Cơm ăn bát vơi bát đầy…

……..

Nhà thì nó đốt còn đâu

Khuyên con báo thù phen này

Mẹ mừng con giết nhiều Tây

Ra công xới vun cày cấy.

………

Ông Khoan gặp tôi một tuần sau không vui. Tuy vậy, ông cũng tỏ vẻ lo cho tôi. “Anh có sao không? Có bị gì không?” Thưa anh, tất nhiên là có. Em phải hầu tòa đây.

Đó cũng là thời gian mà Ngô Thế Vinh cũng từ Biệt Đoàn 81 Biệt kích Dù về hầu tòa vì bài báo Mặt Trận Ở Sài Gòn của anh.

Nhưng tôi đâu chỉ dính với ông Phạm Duy chỉ chừng đó thứ. Những ca khúc sau này của ông, những bài Bình Ca (Dường Như Là Hòa Bình,Sống Sót Trở Về, Ngày Sẽ Tới…) cũng làm tôi ray rứt mãi.

Tôi ngạc nhiên về những bài Tục Ca,Vỉa Hè Ca của ông cùng đi với Đạo Ca, Bé Ca, Nữ Ca của ông. Ông Phạm Duy đa tài, đa dạng và là một người giàu có về âm thanh. Ông mơ mộng hơn những người lãng mạn nhất, nhưng ông cũng là người thông tục hơn những người thông tục nhất. Ông có nhiều tiếng nói cho nhiều hoàn cảnh.

Ông là một trong số ít nhạc sĩ “sống” và “mạnh” không phải là thứ nghệ sĩ ẻo lả của bàn đèn và khói thuốc. Nhạc của ông được nhiều thế hệ hát và hát khắp nơi. Nhạc ông được nhiều người nhớ và nhớ bằng những kỷ niệm đặc biệt. Nhạc ông được hát với một trái tim sôi nổi, nhưng cũng được hát với một nỗi buồn cùng cực. Nhạc ông có nước mắt. Và cũng được hát với một nụ cười.

Thế gian có những thứ tình cảm nào, ông đều cho người ta cơ hội bày tỏ thứ tình cảm đó.

Nhưng tôi biết không phải ai cũng bằng lòng ông.

Có người nhìn ông như một tài năng hư hỏng. Có người bảo sau những ca khúc phổ thơ từ Huy Cận, Phạm Thiên Thư, Nguyễn Tất Nhiên, ông không còn để lại gì cho âm nhạc Việt Nam.

Tôi ngờ những người ấy sống bằng thành kiến.

Không người Việt Nam nào có thể quên ơn Phạm Duy.

Để soi sáng giá trị và ý nghĩa. của một tác phẩm nghệ thuật – một cuốn tiểu thuyết, một bức tranh, một nhạc phẩm – người ta thường qui chiếu về tác giả, về đời tư của người nghệ sĩ . Người ta nghĩ – cũng có lý thôi – giữa tác phẩm và tác giả chắc chắn phải có một mối giây nhân quả. Tác phẩm là sản phẩm của nghệ sĩ, nó tất yếu phải mang dấu ấn, hơi thở, đời sống, ý nghĩ của người sáng tạo.

Người ta đọc Kiều của Nguyễn Du và người ta đi tìm tiểu sử của ông để hiểu Kiều. Cũng vậy, người ta xem kịch Lưu Quang Vũ, xem tranh Nguyễn Trung, nghe nhạc Trịnh Công Sơn, người ta luôn luôn đi tìm tác giả. Người ta tìm đọc “những bản thảo dở dang, những thư từ, những nhật ký, hồi ký” và qua đó họ vẽ lại chân dung người nghệ sĩ. Chính chân dung ấy đã “soi sáng” tác phẩm của họ.

Tôi chia xẻ “một nửa” ý kiến đó.

Tôi không tin là cuộc đời của một nghệ sĩ hoàn toàn làm thành tác phẩm của họ.

Tôi không tin là tác phẩm đang được quần chúng yêu mến kia sẽ kém đi vì tác giả có một cuộc sống xã hội “không tốt đẹp” theo ý kiến của những nhà đạo đức.

Tôi không tin giá trị tác phẩm sẽ bị tụt xuống khi tác giả có một cuộc sống không cân bằng với tiêu chuẩn xã hội.

Những điều “tôi không tin” ấy thật ra chưa đủ lý lẽ để thuyết phục người khác. Cho đến khi tôi đọc được mấy cuốn sách của Milan Kundera, một nhà văn Pháp gốc Czech.*

Dưới tựa đề Soixante-treize mots (Bảy mươi ba từ), phần thứ sáu của cuốn Nghệ Thuật Tiểu Thuyết, Milan Kundera viết: “L’artiste doit faire croire à la postérité qu’il n’a pas vécu”, dit Flaubert.**

Vẫn theo Kundera, Maupassant không cho đưa chân dung của mình vào một loạt chân dung các nhà văn nổi tiếng: “Đời tư của một người và khuôn mặt anh ta không phải là của công chúng.” Heman Broch nói về mình, về Musil, về Kafka: “Cả ba chúng tôi đều không có tiểu sử thật.”

Nhà văn William Faulkner muốn làm “người bị triệt tiêu, bị xóa bỏ khỏi lịch sử, không để lại bất cứ dấu vết gì, không có cái gì khác ngoài những cuốn sách đã in.” Và Kundera nhấn mạnh: Sách và để in,tức là không có các bản thảo dở dang, thư từ, nhật ký.)

Tôi muốn bắt chước Kundera nói theo một ẩn dụ của Kafka rằng nhạc sĩ Phạm Duy (nhà tiểu thuyết) phá ngôi nhà của mình đi, để lấy gạch xây một ngôi nhà khác: các ca khúc của ông (cuốn tiểu thuyết).

Từ đó đi đến kết luận là những người viết tiểu sử về một nghệ sĩ (nhà tiểu thuyết, họa sĩ, kịch tác gia, nhạc sĩ, điêu khắc gia…) là người phá dỡ những gì mà nghệ sĩ đó đã làm, để làm lại cái mà người nghệ sĩ đã phá dỡ ra. Cái công việc chõ vào đời tư của một nghệ sĩ (tài năng) là một công việc tiêu cực, thuần túy tiêu cực, nó không thể soi sáng cả giá trị lẫn ý nghĩa của tác phẩm; “may ra thì chỉ nhận dạng được vài viên gạch.”***

Kundera không chỉ nói một lần về vấn đề này trong cuốn L’art Du Roman, mà ông nói nhiều lần. Trong phần thứ bảy cuốn sách này, dưới tựa đề Discours de Jerusalem: Le Roman et L’Europe. “Nhà tiểu thuyết là người, theo Flaubert, muốn biến mình đi sau tác phẩm của mình. Biến mình đi sau tác phẩm của mình, điều đó có nghĩa là từ chối vai trò nhân vật xã hội.”****

Phạm Duy là một con người, như mọi người. Ông đã sống tận cùng đời sống của ông, ông đã hiến tận cùng những gì ông có trong trái tim ông và thân xác ông. Tôi đồng ý với Hoàng Khởi Phong, Phạm Duy không cần vinh danh, vì cái danh ấy ông đã có, người ta nên biết ơn ông.

Trong cuộc sống của mỗi chúng ta, rõ ràng là chúng ta nợ nần quá nhiều người. Không chỉ nợ nần công ơn sinh và dưỡng của cha mẹ ta, mà ta còn nợ nần những người làm cho cuộc sống ta tốt đẹp hơn, có ý nghĩa hơn. Ngay khi họ làm ta đau đớn vì bản chất của họ, ta cũng nợ họ, vì nhờ đó ta khám phá ra sự đa dạng của con người,khám phá ra cái bộ mặt đen tối của một con thú tưởng là người, và ta cũng khám phá ra sức chịu đựng của mỗi chúng ta.

Phạm Duy và Stravinski

Chưa thấy nhà văn nào nói về âm nhạc say mê và đầy kiến thức như Milan Kundera. Trong cuốn Những Di Chúc Bị Phản Bội, ông dành nguyên phần thứ ba Improvisation en hommage à Stravinski (Ứng tác kính tặng Stravinski) từ trang 69 đến 119 để viết về Stravinski.

Tôi ước gì mình có đủ kiến thức về âm nhạc để viết một chương về nhạc sĩ Phạm Duy. Nếu cuộc đời của Stravinski chia làm ba phần dài gần bằng nhau. Ở Nga, 27 năm; Pháp và Thụy Sĩ nói tiê?g Pháp, 29 năm; Mỹ, 32 năm; thì Phạm Duy cũng chia phần đời mình qua những con số tương tự: Miền Bắc 29 năm, vào Nam 25 năm, và ở Mỹ nay ông đã ở được 27 năm.

Kundera viết “Di tản: một cuộc lưu lạc bắt buộc ở nước ngoài đối với người coi đất nước nơi mình sinh ra là tổ quốc duy nhất của mình. Nhưng tình trạng di tản kéo dài và một sự trung thành mới đang nảy sinh, sự trung thành với đất nước mình đã nhận; bấy giờ là đến lúc cắt đứt. Stravinski dần dần từ bỏ chủ đề Nga. Năm 1922 ông còn viết Mavra (hí kịch phỏng theo Pouchkine), rồi năm 1928, Nụ Hôn Của Bà Tiên, kỷ niệm về Tchaikovski, rồi ngoài mấy tác phẩm ngoại lệ không đáng kể, ông không trở lại chủ đề Nga nữa. Khi ông mất năm 1971, Vera vợ ông, tuân theo ý nguyện của ông, từ chối đề nghị của chính phủ Xô Viết chôn ông ở nước Nga và chuyển thi hài ông đến nghĩa trang Venise.”

Kundera viết tiếp: “Không còn nghi ngờ gì nữa, Stravinski mang trong mình vết thương của sự di tản, như tất cả những người khác; không còn nghi ngờ gì nữa, sự phát triển nghệ thuật của ông sẽ đi một con đường khác nếu ông có thể ở lại nơi ông đã sinh ra.

Phần đầu của Stravinski và Phạm Duy có vẻ như trùng hợp nhau. Sự khác là ở phần cuối. Chủ đề trong âm nhạc Phạm Duy luôn luôn là Việt Nam.

“Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời.”

Chủ đề ấy ở cuối đường là Minh Họa Kiều I và II. Việt Nam nhất trong những gì thuộc về Việt Nam.

Tôi viết những dòng chữ này như một lời biết ơn Phạm Duy.

Tôi không có nhiều lý lẽ để nói về âm nhạc ông. Tôi mượn nhiều lời của Milan Kundera để cám ơn ông.

Xin ông khỏe mãi.

NGUYỄN XUÂN HOÀNG

* L’ art Du Roman, Collection Folio, 15 Novembre, 1999 và Les Testaments Trahis, Collection Folio, 18 Janvier, 2002. Bản dịch của Nguyên Ngọc, NX Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2001.

** Sách đã dẫn, trang 177. Flaubert nói: “Người nghệ sĩ phải làm cho hậu thế tưởng rằng anh ta không hề sống.”

*** Bản dịch của Nguyên Ngọc, sđd., tr. 156-157.

**** Bản dịch Nguyên Ngọc, Sđd., tr. 165

SỔ TAY tháng 9 2002

Sau cùng, bạn tôi đã đến…

Sau cùng, bạn tôi, Huỳnh Phan Anh đã đến.

Anh là một ‘thành viên’ trong bè lũ mấy đứa cùng thế hệ suýt soát tuổi nhau hoặc cách nhau chừng mấy tuổi, lớn lên trong một thành phố chiến tranh và văn chương. Hai thứ đó có vẻ như không ăn nhập gì nhau, nhưng quả thực là những năm sáu mươi, chúng tôi hằng ngày trong khi viết lách vẫn nghe tiếng súng nổ từ ven biên, khói lựu đạn cay trên đường phố và đôi khi đón nhận tin cái chết của bạn bè từ chiến trường bay về.

Ở lại quê nhà – vĩnh viễn – là Nguyễn Nhật Duật, đến trước Huỳnh Phan Anh không lâu là Nguyễn Đình Toàn, trước đó là Nguyễn Quốc Trụ và lâu hơn, trước nữa là Đặng Phùng Quân.

Chúng tôi, tưởng rằng sau cùng cả bọn có thể gặp lại nhau. Những tưởng là thế, sau 27 năm, nhưng thật ra chúng tôi nay vẫn mỗi người một ngã.

Cái thời mỗi buổi sáng cả bọn tụ tập la cà ở quán La Pagode, ly cà phê đen, cái bánh croissant nóng, nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, không còn nữa. Khó mà tìm lại được nữa.

Trụ ở Canada, Quân ở Houston, Texas, Toàn ở Nam Cali.

Huỳnh Phan Anh, người sau cùng chân ướt chân ráo, ngày 22 tháng Bảy, 2002, đã đến bắc Cali, Thung lũng Hoa Vàng, Thung lũng Điện tử, vùng Vịnh, nơi có thành phố biển Santa Cruz, có Vịnh Nửa Vầng Trăng, gần John Steinbeck, gần Berkeley, gần San Francisco.

Anh đã đi một mạch từ Sài Gòn, Việt Nam đến Bắc Cali, nơi mà tôi phải đợi 13 năm sau khi đến Mỹ mới đặt chân đến.

Chúng tôi vừa tụ được hai người.

Bữa cà phê tao ngộ giữa tôi và anh là quán Starbucks, trên đường Brokaw, gần tòa soạn báo Mercury News. Cà phê Mỹ, dù là Starbucks không đủ đậm cho một người quen cà phê Việt Nam, nhưng dù sao đó vẫn là thứ cà phê uống được. Chúng tôi chọn chiếc bàn ngoài sân. Huỳnh Phan Anh hút thuốc, như những ngày còn ở Sài Gòn.

Chúng tôi không nói nhiều, nhưng tôi biết anh không vui.

Tôi có cảm tưởng nếu bây giờ ở Việt Nam chắc anh vui hơn. Bởi vì 27 năm đã qua, nhiều thói quen mới đã thành hình như một bản năng. Người ta đi đứng nói năng, ăn uống, giao tế trong một môi trường không như nơi anh vừa tới. Tôi mong cái cảm tưởng ấy sai. Nước Mỹ cũng sẽ là trạm nương thân cuối đời anh.

Anh đến Mỹ âm thầm, tôi không hay biết.

Gia đình anh ở đây. Chị và em của anh. Con gái và con trai của anh. Mỗi người đều ở đây từ lâu, nhiều năm trước khi tôi đến Mỹ. Tất cả đều có công ăn việc làm.. Tôi nghĩ, cũng như tôi, anh là người may mắn. Cách đây 16 năm, từ Bataan, Phi Luật Tân đặt chân xuống Virginia, tôi cũng đã chọn sự âm thầm đó. Tôi hiểu bạn tôi. Chuyện đâu có gì mà phải ầm ĩ!

Tôi biết cái nước Mỹ mà tôi đang sống, không phải là một xứ sở toàn hảo. Làm gì có sự toàn hảo trên cõi đời này! Nhưng tôi biết đây là một đất nước mà tôi mơ ước được tới, một nơi tôi có thể nương thân trong khi quê hương ruồng bỏ tôi.

Tôi nhớ ngày đầu tiên tôi đến xứ sở này là một ngày mùa đông. Thành phố Falls Church, Virginia. Tuyết trắng xóa dọc đường đi. Lạnh buốt. Và những ngày đầu tiên buồn nẫu ruột. Buồn hơn những ngày còn ở ngôi làng tị nạn Bataan, Phi Luật Tân, nơi suốt ngày tôi không biết làm gì hơn là quanh quẩn vùng chín vùng mười một, không có một tờ báo để biết tin tức, không có một cuốn sách để đọc….Tôi sống giữa những khuôn mặt thường trực đăm đăm chờ một chuyến đi…

Tôi đã có hai chuyến đi. Một chuyến từ Sài gòn, và sau đó một chuyến từ Manila, Phi Luật Tân. Một chuyến đi như chạy trốn, sau nhiều lần chạy trốn bất thành. Một chuyến đi công khai với một trái tim hồi hộp. Mười sáu năm đã qua. Tôi may mắn được làm một số công việc mà tôi ưa thích. Tôi may mắn có được những người bạn tốt trên dọc đường. Nếu không may mắn, không biết bây giờ tôi sẽ ra sao?

Tôi muốn nói với bạn tôi là anh đang có những người thân tử tế. Những bà chị, những người em, những đứa con. Anh có đủ một cách vững chắc, những thứ mà tôi có rất mong manh trong những ngày đầu.

Mười sáu năm qua, tôi có học được vài thói quen của đất nước này. Nhưng còn nhiều điều tôi chưa thông, chưa biết. Tôi nghĩ là tôi chưa hội nhập được vào cuộc sống này. Và có lẽ sẽ không bao giờ tôi hội nhập được một cách toàn diện. Tôi nghĩ Huỳnh Phan Anh cũng thế. Nhưng đó đâu hẳn là nỗi ưu tư chính của chúng tôi.

Nỗi ưu tư của chúng tôi là làm sao, Huỳnh Phan Anh ngồi xuống và viết. “Viết là một cách thế từ chối thế giới tác giả đang sống, chối từ chính thân phận tác giả.” “Viết là tự mình biến thành sự vắng mặt, lùi về hư vô. Nói theo Levinas, viết là chết.” Chính Anh đã viết như thế.

Năm 1968, mới 24 tuổi, với tiểu luận Văn Chương Và Kinh Nghiệm Hư Vô, Huỳnh Phan Anh bằng một cách nhìn mới mẻ, đã làm chấn động giới văn nghệ Sài Gòn. Vượt lên trên cách nhìn văn chương của Tự Lực Văn Đoàn, bước qua cả quan niệm văn chương theo nhóm Sáng Tạo, Huỳnh Phan Anh, với kiến thức triết học và cách nhận thức văn học theo quan điểm tiểu thuyết mới với Nathalie Sarraute, Alain-Robbe Grillet, Michel Butor, Claude Simon,..đã thổi đến một hơi thở mới.

Ba mươi mốt năm sau, năm 1999, Huỳnh Phan Anh cho in tiểu luận-phê bình Không Gian Khoảnh Khắc Văn Chương, tác phẩm tập hợp những bài viết ở những thời điểm khác nhau (những năm 60-90) , tiếp cận những khoảnh khắc văn chương, “những bước chân có thể xóa đi hoặc giẫm lên trên những dấu vết của chính mình hoặc của ai đó, nhưng chung quy vẫn là những bước lang thang quanh mối ưu tư không dứt bỏ được, căn bệnh không thoát được: chữ nghĩa, cái đọc và cái viết.” Anh đã viết như thế trên những trang chữ của anh.

Đó là một tác phẩm – như tác giả nói – lâ? lại, khai triển, những chủ đề ông đã viết trước đó 31 năm.

“Hãy viết. Điều cần nhất đừng bỏ dỡ, đừng thua cuộc. Hãy ngồi lại bàn và viết, đừng nghĩ ngợi quẩn quanh, đừng thắc mắc lôi thôi.”

Huỳnh Phan Anh đã trở lại với bạn bè và người đọc, trở lại với Văn Chương Và Kinh Nghiệm Hư Vô, chủ đề mà anh không ngừng khai thác từ bao năm nay. Chủ đề ấy anh không chỉ ứng dụng trên André Gide, Jean-Paul Sartre, Simone de Beauvoir, Samuel Beckett, Rimbaud, Valery, Claude Simon, Yves Bonnefoy, Rene Char mà còn ứng dụng trên Tản Đà, Nhất Linh, Hàn Mặc Tử, Đinh Hùng, Hồ Biểu Chánh….

Trong bài viết có tựa là Những Trang Rời, nhà phê bình Huỳnh Phan Anh đặt câu hỏi: “Phải chăng nhà phê bình trước tiên là một độc giả khốn khổ nhất, bởi hắn đánh mất tất cả, trừ trí thông minh của hắn dùng để đo lường, cân nhắc, phán đoán. Nhà phê bình đó là một độc giả chuyên nghiệp. Một khách bộ hành thông thạo luật đi đường. Một tên thợ săn lành nghề. Và nếu cần là một đao thủ phủ. Hắn đọc như một cách thế chiếm hữu và bạo động trên chính tác phẩm…”

Hãy tưởng tượng Huỳnh Phan Anh hạnh phúc khi anh ngồi xuống bàn viết viết lại những dòng chữ của anh trên một không gian mới.

Chào mừng tác giả Không Gian Khoảnh Khắc Văn Chương

Chào mừng cây bút tiểu luận-phê bình quen thuộc của chúng ta.

NGUYỄN XUÂN HOÀNG

GHI CHÉP tháng 12, 2004IRIS CHANG, TạI SAO?

clip_image004

Thứ Sáu 10 tháng Mười Hai, 2004

Người đàn ông tôi gặp trưa nay ở quán cà phê Starbucks tên B.

Ông và tôi quen nhau tình cờ từ hơn sáu tháng nay cũng ở quán cà phê này. Hôm nay ông ăn mặc khá giản dị, cái áo choàng lanh màu xanh đã cũ, quần màu vàng kaki hiệu Dockers hơi rộng, bàn tay ông to bè, những ngón tay ngắn và thô, móng tay dài cáu bẩn, như một người vừa làm vườn. Ông đứng xếp hàng trước tôi chờ mua cà phê.

“Chào ông.” Tôi lên tiếng trước.

“Chào!” Ông trả lời, giọng ông mệt mỏi.

Buổi trưa, nhiều nhân viên các cơ sở quanh vùng sau khi ăn lunch xong thường lấy cà phê trước khi trở lại sở làm. Hàng người chờ lấy cà phê khá dài. Ông B. quay mặt lại hỏi tôi hôm nay uống gì. Tôi cám ơn. Tôi nói để tôi vì tôi còn tiền trong thẻ starbucks.

Nhớ lần đầu gặp ông, cũng đúng vào lúc xếp hàng mua cà phê vào buổi trưa. Ông đứng sau lưng tôi và hôm đó bất ngờ ông hỏi tôi một câu bằng tiếng Anh “Xin lỗi, ông có phải là người Việt Nam không?”

“Phải”, tôi trả lời bằng tiếng Việt. “Tại sao” Tôi hỏi lại.

Ông nói mấy lần trước đi cà phê ở đây thấy tôi ngồi một mình nhưng ngại không dám hỏi sợ tôi không phải người Việt Nam. Người Việt mình ít ai uống Starbucks lắm. Cà phê Việt Nam dù gì cũng hợp gout hơn là cà phê Mỹ. Thấy tôi đeo sợi giây mang thẻ sở làm, ông hỏi, tôi làm việc gì ở sở này. Tôi nói dối, tôi làm janitor, nghiã là lau chùi bàn ghế, hốt dọn rác rến trong toà soạn. Ông nhìn tôi thương hại.

“Qua Mỹ hồi nào? Làm janitor sống đủ không? Vợ con ra sao?” Tôi trả lời cho qua chuyện, tôi biết mình đã lỡ nói dối không thể tiếp tục thêm. Tôi nói tôi qua Mỹ năm 1985, vợ tôi thất nghiệp cả năm nay, tôi có bốn đứa con, đứa út mới vào đại học, ba đứa kia đã có việc làm.

“Vẫn ở với con cái à?”

“Không”, tôi nói, “vợ chồng tôi sống riêng, giống như hai con khỉ già chờ ngày ra đi.”

“Đi đâu?” Ông hỏi.

Tôi cười, “thì ra đi đó mà. Ai sống mà chẳng có lúc sau cùng phải ra đi.”

Ông cũng cười, “nói bậy. Lương bổng sao? Đủ sống không?”

Ông ta nhắc lại câu hỏi.

Tôi nói “à thì cũng sống vậy vậy.”

“Qua Mỹ năm nào?” Đây là lần thứ hai ông hỏi tôi.

Tôi nhắc lại: Năm 1985.

“Mà ở thành phố này lâu chưa?”

“Ồ chỉ mới sáu năm thôi.”

“Trước ở đâu?”

Tôi nói trước ở Quận Cam.

“Hồi đó làm gì?”

Tôi nhắc lại: “À, thì cũng lau chùi phòng ốc, hốt rác rưới cho một toà soạn báo Việt ngữ.”

“Vậy sao?” Ông hỏi mà như nói.

Tôi hỏi lại ông, vậy chứ ông đến Mỹ từ bao giờ? Ông cho biết ông đã qua Mỹ từ trước 1975, đi du học rồi do biến cố tháng Tư 75, ông ở lại luôn. Ông hiện làm kỹ sư cho một hãng nhu liệu điện tử ở đây. Gần 10 năm sau ngày 30 tháng Tư, ông mới lo được giấy tờ cho vợ con qua, và bây giờ… ông bỏ lửng câu..”Tôi và vợ tôi không hợp nhau. Mấy đứa con đã lớn, đứa nào cũng có công ăn việc làm.

Tôi hiện sống một đời sống khác.”

Tôi muốn hỏi ông thế nào là một đời sống khác, nhưng tôi nghĩ lại, hỏi để làm gì?

“Ông dùng loại nào?” Tôi nghe cô thu ngân hỏi ông. Ông gọi món frappucino và quay sang nói với tôi “hôm nay không mang tiền lẻ, ông trả hộ ly nước của tôi nhé!”

“Không sao.” Tôi gọi một tall coffee, và như thường lệ, tôi đưa cái thẻ Starbucks cho cô thu ngân .…

Lấy cà phê xong, chúng tôi ra ngồi ở chiếc bàn trống ngoài sân…

Trời mùa đông vùng Thung Lũng năm nay lạnh hơn mọi năm. Tôi ấp hai tay vào ly cà phê. Aám. Tôi hỏi ông sao lúc này ít ra quán cà phê vậy? Ông nói hồi này ông uống cà phê Việt Nam nhiều hơn ở cái quán quen, chỗ đó thiếu chịu được. Tôi hỏi công việc của ông ông nói ông tính về hưu. Ông là người thích du lịch. Nhưng chuyện chưa tính xong, còn nhiều chuyện phải giải quyết trước khi nghỉ hưu sao cho có lợi. Ông hỏi tôi hôm nay có phải về sở lau chùi bàn ghế ngay không? Tôi nói còn sớm, tôi có thể ngồi nán thêm ít phút nữa.

Ông B. than hôm nay ông buồn quá.

“Tại sao?”

“Tay kỹ sư làm cùng sở tôi vốn là một tay hiền lành, bỗng nhiên hôm nay nó chửi tôi là đồ khốn nạn.”

“Tại sao?”

“Đời sống tinh thần tôi mấy lúc sau này không ổn. Tôi nhìn đâu cũng thấy người ta nói xấu tôi, âm mưu hãm hại tôi. Tôi không tin ai, cái khổ của tôi là tôi thấy chung quanh mình ai cũng ngu dốt, đứa nào cũng có ý xấu với tôi. Một câu nói bình thường của bọn nó cũng làm tôi điên đầu suy diễn ra trăm nghìn ý nghĩa thâm độc.

Tôi có cảm tưởng cả thế giới này đều nhắm vào tôi. Cái tay kỹ sư ấy mới qua Mỹ chưa đầy 20 năm mà giữ cái chỗ tốt trong khi tôi sống ở đây đã hơn 30 năm, ăn học đàng hoàng mà vẫn cứ còn lẹt đẹt. Nếu không phải nó bắt tay với thằng phụ tá chủ tịch công ty thì làm sao có đươc chỗ đó.”

Tôi hỏi ông B., hay là tay này nó có bà con họ hàng gì với ông chủ tịch công ty?

“Làm gì có chuyện đó. Chủ tịch công ty là người Mỹ, còn nó là người như mình, mũi tẹt da vàng mà!”

“Không”, ông B. tiếp, “không có bà con cô bác gì đâu. Tôi nghĩ là nó nịnh thằng manager Việt Nam, thằng này cất nhắc nó lên. Tôi biết thằng đó dốt bỏ mẹ, tài năng gì! Tôi sẽ nói cho bàng dân thiên hạ biết tay đó là một thằng dốt. Anh làm nghề hốt rác lau chùi nhà cửa thì không biết gì chuyện của những người có học như tôi đâu.”

Và đột nhiên, ông B. đổi đề tài:

“Ở Việt Nam ông ở thành phố nào?”

Tôi nói Sài Gòn.

“Hồi đó ông làm ngành nghề gì?”

Tôi ấp úng, “tôi làm thợ mộc. Nhà tôi có hai anh em, anh tôi là lính Biệt Động Quân, còn tôi … làm thợ mộc.” Tôi đã lỡ nói dối nên tới luôn.

“Còn tôi, tôi rời nước sớm quá, tôi không biết gì về tình hình đất nước những ngày 30 tháng Tư. Anh có bị tù không?”

“Không, thợ mộc không bị tù, nhưng tôi cũng ở tù vì tội vượt biên.”

“Tù ở đâu? Có cùng chỗ với ông Đại Học Máu không?”

“Không, tôi ở tù dưới U Minh.”

“Vậy là ở chỗ của ông Hương Rừng Cà Mâu chứ gì?”

Tôi nói tôi không hiểu ông muốn nói gì.

Ông cười, “anh không bao giờ đọc sách báo à?”

“Sách thì không, nhưng báo thì cuối tuần nào mà tôi không đọc, báo chợ bỏ đầy ở các tiệm ăn Việt Nam.”

Ông B. nhìn tôi, “mặt mũi anh trông không đến nổi nào mà sao không chịu học hành gì cả. Thế còn mấy đứa con của anh có học hành gì không?”

Tôi ậm ừ không trả lời. Tôi đang chán vở kịch tôi đang đóng.

Ông B. lại hỏi “lương bổng anh sao? Khá không?”

Tôi nói 12 đồng giờ. Cũng sống được.

Ông B. bỗng nghiêng qua bàn, kê sát miệng vào tai tôi thì thầm:

“Anh có cần tiền không?”

Cái miệng kinh khủng với đôi môi thâm xì, hai hàm răng vàng khè và hơi thở ông khét mùi thuốc lá làm tôi khó chịu.

“Tiền hả? Tiền thì ai mà không ham. Nhưng tiền ở đâu ra?”

Ông B. rút trong túi áo ra một tấm ảnh cắt từ một tờ báo. “Đây là thằng X. cái thằng kỹ sư ngu dốt mà tôi đã nói chuyện với anh, nó là thằng dám nói tôi là đồ khốn nạn. Tôi sẽ đưa anh một ngàn nếu anh làm nhục nó trước mặt đám đông.”

“Làm nhục bằng cách nào?”

“Anh chỉ cần chửi nó là đồ ngu, đồ dốt nát, đồ khốn nạn trước mặt đám đông ở một tiệm phở mà nó hay đến. Tôi chịu trả anh một ngàn đồng.”

Tôi không trả lời. Tôi nhìn ông B., ngạc nhiên hơn là khinh bỉ, khinh bỉ hơn là giận dữ.

Tôi đứng dậy, cầm xâu chìa khoá xe. Ông B. kéo giật tay tôi, “anh ngồi xuống đây với tôi chút nữa thôi. Tôi sẽ trả anh hai ngàn. Chịu không? Tôi đang có những ngày tháng không vui. Những ngày tháng mà bỗng dưng giữa đám bạn bè ai cũng nhìn tôi như một con quái vật mang hình dáng người. Một con quái vật trở mặt, thoắt một cái từ mặt người thành mặt thú, thoắt một cái từ cái dáng vẻ lương hảo thành tay lưu manh xảo quyệt, thoắt một cái từ sự thanh tao trở nên thô lỗ cục cằn… Con quái vật có đủ mọi thứ bề ngoài của một con người bình thường, nhưng khi nó há miệng ra tôi cho người ta thấy những chiếc răng nanh nhọn hoắc đầy máu me của mình. Con quái vật có những ngón tay cầm bút nhưng khi nhìn kỹ đó chỉ là móng vuốt của một thứ dracula đang bấu vào cổ người. Tôi vốn không tin có dracula trong đời sống này. Chẳng qua đó chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng. Thật ra bây giờ tôi mới biết tôi đã có một ý nghĩ sai. Thế giới chúng ta quả thật có ma quỷ. có hồ ly, có Dracula. Dracula sống trà trộn giữa chúng ta. Chúng nói cười đi đứng sinh hoạt như chúng ta. Chúng luôn luôn than van thiếu thốn nghèo túng mặc dù chúng không hề túng thiếu. Chúng thích vơ vét, bốc hốt, thích dí mũi vào đời sống người khác may ra moi móc chút đời tư để kể lại bằng giọng hả hê. Chúng giống như con dòi ngúc ngoắc từ một đống phân. Chúng đóng vai một tên có chút kiến thức nhưng là một thứ kiến thức ăn đong cóp nhặt từ những trang báo, những cuốn sách chưa kịp tiêu. Những con quỷ dracula không thể sống nếu không hút máu của người khác. Nhưng nó sẽ không hút được máu ai nếu trước hết nó không làm cho người khác tin nó là một con người tử tế. Người ta cứ tưởng nó mềm như một miếng bông gòn, nhưng thực ra nó là một cục chì, đất sét. Nó là một con vật thông minh chứa đầy nọc độc. Tôi đang có những ngày không vui, khi bỗng dưng một hôm phát hiện ra con quỷ dracula mà lâu nay tôi cứ tưởng là người nào khác lại chính là tôi. Anh đừng bỏ đi, tôi sẽ cho anh mười nghìn đồng, mười nghìn chứ không phải hai nghìn, anh làm nhục tên kia dùm tôi. Tôi xin anh, chỉ khi nào anh làm được như thế con quái vật dracula kia mới ra khỏi đầu óc tôi, ra khỏi trái tim đầy lòng hoài nghi của tôi.”

Hôm nay là thứ Sáu, buổi chiều cuối tuần, công việc ở sở tương đối nhẹ nhàng, tôi có hai ngày nghỉ ngơi trước mắt.

Tôi nói với ông B. là ông cứ moi hết những rác rưới trong đầu ông ra đi tôi sẽ đổ dùm ông. Ông cứ móc hết sư nhơ bẩn của cống rảnh ra khỏi trái tim xấu xa của ông đi tôi sẽ dội nước sôi dùm ông. May ra…..

Chiều thứ Sáu tuần này là một buổi chiều không vui của tôi.

Hơn một tháng trước đây tôi cũng đã có một buổi chiều không vui khác về cái chết của một nhà văn nữ, cô Iris Chang, tác giả cuốn The Rape of Nanking, trên xa lộ 17, gần Los Gatos, vùng vịnh Bay Area. Xác của cô được tìm thấy trong một chiếc xe hơi với một viên đạn xuyên qua đầu vào ngày 9 tháng Mười Một. Iris vừa 36 tuổi và là tác giả của ba cuốn sách The Rape of Nanking, Thread of the Silkworm và The Chinese in America.

Bản tin của BBC cho biết The Rape of Nanking là một tác phẩm gây nhiều tranh cãi nói về những hành động tàn bạo của lính Nhật khi chiếm đóng một thành phố phía đông Trung quốc trong những năm 30. Iris Chang thống kê khoảng 10 ngàn người dân Trung quốc vô tội bị giết và khoảng 80 nghìn phụ nữ bị lính Nhật hảm hiếp. Tác phẩm của cô lột tả những chi tiết về sự chà đạp về thể xác và nhân phẩm của người phụ nữ Trung quốc. Cuốn sách đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới và trở thành một trong những tác phẩm bán chạy nhất trong những năm 90.

clip_image006

Iris Chang chào đời tại New Jersey trong một gia đình Trung quốc, có bằng cử nhân báo chí của Đại học Illinois, bước đầu sự nghiệp là một nhà báo sau đó tiếp tục như một nhà văn. Năm 25 tuổi cô viết tác phẩm đầu tay Thread of The Silhworm về cuộc đời nhà khoa học Tsien-Hsue-shen trong thời đại chiến tranh lạnh của nước Mỹ. Các tác phẩm của cô hầu hết tập trung vào vấn đề định cư của người Trung quốc tại Mỹ và cuộc chiếm đóng của Nhật trên quê hương Vạn Lý Trường Thành.

Cái chết của cô, theo cơ quan điều tra là một vụ tự sát được chuẩn bị kỹ lưỡng. Trước đó mấy tháng, Iris đã phải nhập viện vì suy nhược thần kinh. Và cô đã rời viện khi chưa hoàn toàn hồi phục và bỏ nhà đi từ đầu tuần, để lại một bức thư ngắn yêu cầu mọi người nhớ về mình với hình ảnh trước khi cô bị bệnh.

Có phải Iris Chang chọn cái chết bởi vì căn bệnh trầm cảm, khi ở cái tuổi 36 tràn đầy sinh lực, nhưng những gì cô tìm kiếm, đào xới từ lịch sử cuộc chiếm đóng của người Nhật trên quê hương gốc của cô, với sự dã man tàn bạo của người Nhật xúc phạm nhân phẩm của người phụ nữ Trung quốc đã khiến cô thấy ra cuộc đời không là gì cả trước hành dộng của những con thú mang bộ mặt người. Cái vẻ đẹp nồng nàn của cô, cái sức sống mãnh liệt của một người phụ nữ thành danh như cô không là gì cả trước nỗi đau của một dân tộc. Cô chọn cái chết vì cô không thấy đời sống không có gì đáng sống . Những tên lính Nhật mọi rợ và những thằng khốn nạn như tên B. làm cho đời sống chúng ta buồn nản càng buồn nản hơn.

Tôi không muốn nhìn thấy những bộ mặt thối tha và đểu cáng đó trong đời sống chúng ta.

Nhiều lúc tôi muốn ra đi, ra đi ở tuổi tôi cũng là vừa rồi, không có gì than thở. Ra đi ở cái tuổi của Iris Chang thật là một điều phí phạm.

Nhưng nghĩ lại, trời ơi, tại sao những tên lính quốc xã dã man không chết đi, tại sao những tên lính Nhật man rợ không chết hết đi, tại sao những tên khốn nạn như tên B. trong quán cà phê Starbucks không tan rữa như xác một con chó chết đi cho người khác sống, cho Iris sống, cho môi trường đời sống chúng ta không còn bị nhiễm độc vì sự bẩn thỉu của chúng?

Tại sao? Iris Chang? Tại sao

NGUYỄN XUÂN HOÀNG

Vài hiện tượng trong VH

Nếu lấy những năm 1945, 1954, 1975 – những dấu mốc của lịch sử Việt Nam đương đại – làm dấu mốc cho Văn Học Việt Nam thì điều ấy cũng không lấy gì làm sai lắm.

1945: văn học kháng chiến và văn học đô thị; 1954: văn học ngoài bắc văn học trong nam, và đến năm 1975: Văn học trong nước và văn học ngoài nước, mà ta vẫn thường gọi là văn học hải ngoại .

Trong khi văn học đô thị và văn học kháng chiến chỉ kéo dài có 9 năm, văn học trong Nam-ngoài Bắc kéo dài 21 năm, thì văn học trong nước và ngoài nước tính đến nay đã là 30 năm. Và không biết còn kéo dài bao nhiêu năm nữa .

Ba mươi năm ấy nhìn la .i – cả trong và ngoài nước – chúng ta có khá nhiều tác giả, nhiều đầu sách, nhưng dường như không có tác phẩm nào lớn, theo nghĩa đưa được văn học Việt Nam hoà nhịp vào dòng văn học thế giới . Tại sao ?

Ba mươi năm, sau một cuộc chiến tàn khốc, bao nhiêu xương máu đã đổ xuống, bao nhiêu nước mắt, chia lìa, đau đớn và đau khổ. Cả bên này lẫn bên kia . Thử tưởng tượng [tôi không nghĩ chỉ là tưởng tượng đâu!] trên bàn thờ của một gia đình Việt Nam, bà mẹ đốt nhang trước chân dung hai đứa con, một người lính Cộng Hoà và một người lính Cộng Sản. Hai kẻ thù ngoài mặt trận là hai đứa con yêu của một bà mẹ. Không phải là cái thắng của một chủ nghĩa hay là cái thua của một thể chế, với bà mẹ, đây là nỗi đau hai mặt: cái chết của hai đứa con mang cùng huyết thống đứng trên hai chiến tuyến đối nghịch!

Khi cuộc chiến chấm dứt, nỗi mừng của người thắng trận cũng mang theo nỗi đau của người thua trận. Những vinh và nhục, không phải chỉ một cá nhân, một gia đình mà cả một dân tộc phải mang theọ Và kỳ lạ thay, những bài học mới cho cả hai phía: cái được cho người thua và cái mất cho người thắng.

Nếu tủi nhục và xót xa, cho người này; hãnh tiến và quyền lực cho người kia, thì cái được và cái mất nào cho một bà mẹ trong hoàn cảnh bi thương trên?

Hãy đếm xem có bao nhiêu người trai trẻ bỏ xác trên đường Trường Sơn, bao nhiêu người chôn vùi trong lòng biển cả, bao nhiêu là nạn nhân của hải tặc bạo tàn; bao nhiêu người trong lao tù khổ ải, nhà giam bên này, trại cải tạo bên kia,…chắc rồi cũng sẽ có lúc phai đi theo năm tháng nhưng làm sao mất hẳn trong trí nhớ lịch sử.

Sự đổi đời lớn lao, cắt da xé thịt, một thế hệ lớn lên, thành đạt ở đất nước ngoài Việt Nam, hay vùng vẫy vươn lên trong một đất nước đang còn thay da đổi thịt, thế nhưng văn học chúng ta bên này, bên kia vẫn chưa có tác phẩm ngang tầm với thời đại . Tại sao ?

Đó là một câu hỏi khá lớn cho một bài viết nhỏ. Tôi chỉ muốn giới hạn mấy suy nghĩ quanh vài hiện tượng văn học gần đây trong và ngoài nước để may ra tìm cho nó một câu trả lời .

Trước hết là chuyện Hoa Thủy Tiên trong bài Trò Chuyện Với Hoa Thủy Tiên và Những Nhầm Lẫn của Nhà Văn – trên bán nguyệt san Ngày Nay, Hà Nội [các số 4, 5, 6 các ngày 15/2/2004, 1/3/2004 và 15/ 3/2004] của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Bài viết thực sự đã gây một chấn động lớn trong giới văn học trong nước và ta .o ra những phản ứng nhiều tầng và nhiều hướng. Ông viết: “Khoảng hơn hai chục năm trở lại đây, ở Việt Nam không có những nhà văn có phong độ, khí phách lớn. Đến ngay cả những nỗi buồn cũng không phải là những nỗi buồn lớn. Thái độ hời hợt của xã hội với văn học, cách tiếp nhận của xã hội đối với các giá trị văn học cũng làm mất đi cảm hứng ở nhiều nhà văn nhiệt thành. Đấy là chưa kể đến sự tráo trở và lạnh lùng của cơ chế thị trường vẫn chẳng nể nang gì ai cả.”

Vậy thì văn học Việt Nam hiện nay thiếu gì? Nguyễn Huy Thiệp trả lời “văn học thiếu vắng những tham vọng to lớn”…. “Văn học luôn tránh né một vấn đề nan giải khó nói nhất trong xã hội: không phải khó khăn kinh tế, không phải sex, không phải là tình cảnh chiến tranh… Nó là vấn đề nhân tính. Văn học Việt Nam gần đây mất đi khả năng tưởng tượng, lãng mạn, mơ mộng và nhiệt huyết sống. Nó trở nên thực dụng, ê chề, lọc lõi, oái ăm, đôi khi đểu cáng.”

Để có một nhà văn có giá trị nhân đạo [có lẽ Nguyễn Huy Thiệp muốn nói nhân bản], ông viết, phải dựa vào nhiều yếu tố, không phải chỉ là nỗ lực cá nhân và tự phát, “năng khiếu” như lâu nay người ta vẫn tưởng. Đã đến lúc phải nghĩ đến một týp nhà văn khác: lớp nhà văn trí thức của một xã hội phát triển. Họ viết văn có bài bản, có lý luận, lý lẽ chứ không mò mẫm. Trước đây, ở Việt Nam hầu như chưa có những điều kiện xã hội để xuất hiện týp nhà văn nàỵ Theo ông, văn học giá trị bao giờ cũng đề cao nhân tính, và, một xã hội không có những tác phẩm văn học hay, không có những tác phẩm văn học giá tri . nghĩa là nhân tính mất đi.. . Trách nhiệm đó không phải chỉ ở một người nào mà nó ở toàn xã hội . [bđd].

Đánh giá nền văn học trong nước bằng cái nhìn từ trong, Nguyễn Huy Thiệp viết: “Nhìn vào danh sách hơn 1,000 hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam người ta thấy đa số đều chỉ là những người gìa nua không có khả năng sáng tạo và hầu hết đều… “vô học”, tự phát mà thành danh. Trong số này có tới hơn 80% là nhà thơ, tức là những người chỉ dựa vào “cảm hứng” để tùy tiện viết ra những lời lẽ du dương, phù phiếm vô nghĩa, nhìn chung là lăng nhăng, trừ có dăm ba thi sĩ tài năng thực sự (số này đếm trên đầu ngón tay) là còn ghi được dấu ấn ở trong trí nhớ người đời, còn toàn bộ có thể nói là vứt đi cả.” [bđd].

Chính những dòng chữ này của Nguyễn Huy Thiệp, trong phần thứ ba của bài viết, là ngòi thuốc nổ tạo thành một chấn động liên lỉ.

Chuyện Hoa Thủy Tiên mới nở chưa kịp tàn thì nổ tiếp chuyện “Cái nước mình nó thế!” của Hoàng Ngọc Hiến – giáo sư đại học, nhà nghiên cứu phê bình văn học, tác giả của một nhận định từng làm rung động giới văn học trong nước những năm 80 khi ông đưa ra cụm từ “hiện thực phải đạo”.

Đây là bài phỏng vấn do Phạm Thị Hoài và Trương Hồng Quang thực hiện trên Talawas. Một bài phỏng vấn đậm đặc sôi nổi và mở ra nhiều cánh cửa trong đời sống văn học trong nước. Nó không chỉ liên quan đến những người cầm bút [trong nước] mà còn liên quan đến cả giới chức văn hoá và chính trị . Nổ tung như tạc đa .n, nếu có thể gọi như thế.

Từ Nguyễn Huy Thiệp với bước đầu đi vào thế giới văn chương –đến nhà thơ nữ Xuân Quỳnh, người phụ trách mảng văn xuôi nhà xuất bản Tác Phẩm Mới [tiền thân của Hội Nhà Văn bây giờ], và Nguyễn Duy, Thu Bồn. Rồi Nguyễn Minh Châu, Hà Minh Đức, đến Chế Lan Viên, Tố Hữu, Lưu Quý Kỳ, Bùi Minh Quốc, Vũ Thi . Thường, Nguyễn Đình Thi, cả ông Lê Đức Thọ và Trần Độ..…

Phát biểu về Chế Lan Viên, ông Hiến cho rằng “Nhà thơ lớn nước mình cũng nhà quê, cũng trẻ con cả thôi, cả nước mình nó thế: Nhà quê và trẻ con.”

Hoàng Ngọc Hiến còn cho biết ”Trần Đăng Khoa [người từng nổi tiếng là nhà thơ thần đồng trước kia, đã] tìm mọi cách để hạ uy thế của Nguyễn Huy Thiệp. Đối với Trần Đăng Khoa thì Nguyễn Huy Thiệp là thằng cường hào địa chủ trong văn học cần lật đổ.” Theo ông, cái cách của Trần Đăng Khoa là thế này: “Nguyễn Huy Thiệp là người sắc sảo, trí tuệ ư? Không, sắc sảo trí tuệ cái gì, chỉ có phép nói ngược thôi . Anh nói trắng thì nó nói đen, anh nói phải thì nó nói trái, Thiệp nó chỉ có thế, chứ chẳng có trí tuệ gì…. Họ [Trần Đăng Khoa và những người như ông Khoa] muốn chôn, muốn đóng ván thiên cho Thiệp.” Và ông gọi ông Khoa là nông dân và trẻ con.

Ông cũng nhắc đến tên nhà thơ Hữu Thỉnh [phe bảo thủ, chống đối Nguyễn Huy Thiệp] và Hội Nhà Văn Việt Nam – một tổ chức của Đảng và là “một bộ máy quan liêu, lấn át tính chất nghề nghiệp”, nhưng ngưòi ta vẫn muốn vào Hội vì quyền lợi và được đi nước ngoài . Ông cũng nhắc đến Nguyễn Khoa Điềm, người ở trên đe dưới bu’a, nhắc đến dịch giả Lê Huy Bắc, nhân vật được coi là người giỏi tiếng Anh nhất trường Sư phạm, một trường đại học mẫu mực, trường điểm của nhà nước, tương lai của nền học thuật Việt Nam. Thế nhưng, ông Hoàng Ngọc Hiến cho biết bản dịch của ông Lê Huy Bắc, “một đoạn mười dòng của ông ấy đã có bốn cái contresens, tức dịch ngược hẳn ý của người ta .” Ông cũng nhắc đến Đặng Việt Bích, con trai ông Trường Chinh, muốn làm Viện trưởng trường Đại học Văn Hoá-Nghệ Thuật, nhưng không được vì “quá lười đọc sách, ngu dốt, ích kỷ, nhếch nhác.”

Một câu nói đáng ghi nhận của ông Hoàng Ngọc Hiến: “Theo tôi, dùng tiếng Việt chính xác mới là yêu tiếng Việt, mà cái yếu nhất trong văn học Việt Nam từ 1945 đến nay là không chính xác về từ ngữ. Toàn dùng những từ chung chung, từ khuôn sáo, không chọn được từ chính xác…”

Đó là chuyện văn học do người cầm bút trong nước nhìn từ bên trong. Còn nền văn học hải ngoại qua cái nhìn của người viết và người đọc ngoài nước thì sao ?

Nhà văn Nguyễn Mộng Giác, tác giả hai bộ trường thiên tiểu thuyết đồ sộ Mùa Biển Động và Sông Côn Mùa Lũ, trong bài “Tình trạng lão hoá trong sinh hoạt văn học” [nxb Văn Mới, 2004] cho biết những nhà xuất bản uy tín trước đây [như Văn Nghệ, Thanh Văn, An Tiêm và mới nhất như Văn Mới] ngày càng ngại bỏ tiền xuất bản sách, nhất là loại sáng tác như thơ, tiểu thuyết. Số ấn bản trung bình chỉ lên đến 500, nghĩa là nếu bán hết may lắm lấy lại đủ vốn, cho nên dù sách xuất bản dưới nhãn hiệu nào, đa số trường hợp đều do chính tác giả bỏ tiền túi in lấy sách của mình. “Tình trạng ấy đưa đến một loạt phụ ứng: sách in ra nhiều nhưng chất lượng không bao nhiêu, nhu cầu quảng cáo để bán sách giết chết ngành phê bình, độc giả đứng trước rừng sách nhiều màu không biết nên mua sách nào sau nhiều lần “trao thân lầm tướng cướp” quyết định không mua sách nữa, không có người mua sách thì ngành xuất bản sa sút kéo theo động cơ thúc đẩy việc sáng tác… Cái vòng lẩn quẩn không lối thoát ấy có thể xảy ra cả trong nước, nhưng ở hải ngoại trầm trọng hơn do tình tra .ng lão hoá của sinh hoạt chữ nghĩa .”

Lão hoá theo Nguyễn Mộng Giác là khi người cầm bút chỉ nhằm viết cho những người cùng cảnh ngộ lưu vong như mình đọc, viết như lâu nay họ đã từng viết: “tiếc nuối một thời hoàng kim đã mất, xót xa trăn trở với những khổ ải đã trải qua, lật từng trang album bồi hồi với những kỷ niệm đẹp, mơ ước ngày trở về có khải hoàn môn dựng trên khắp nẻo đường và gặp lại một quê hương y nguyên như thời hoàng kim cũ…”

Có thể nói thêm là Lão hoá không chỉ ở người viết mà còn cả ở người đọc nữa, bởi vì ở hải ngoại số người đọc báo Việt và văn chương Việt ngày như một giảm xuống. Cứ nhìn vào các tạp chí văn chưong như Văn Học, Hợp Lưu hay Văn thì biết.

Đã đến lúc người viết nhận ra rằng tác phẩm của một nhà văn không chỉ nhắm vào một nhóm người, một cộng đồng nhỏ mà là cho cả một dân tộc nếu không có tham vọng có một readership lớn hơn, vượt khỏi biên giới của một quốc gia .

Những câu hỏi rất cũ đặt ra cho người cầm bút như Viết cho ai ? Viết cái gì? Viết như thế nào ? bây giờ vẫn còn có thể đặt lại trong một ý nghĩa mới . Nó không chỉ đúng cho người cầm bút hải ngoại mà theo Nguyễn Mộng Giác, nó còn đúng cả cho người cầm bút trong nước nữa . Ông kể lâu lâu xem một tạp chí hay một tuần báo văn chương trong nước, ông cảm thấy bị xúc phạm khi đọc hồi ký hay truyện ngắn của những cây bút Miền Bắc dùng những “nhân xưng miệt thị như “y”, “hắn”, “chúng”, “bọn nguÿ”, “thằng ngụy” y như trong thời chiến tranh. Rõ ràng là người viết văn ấy viết cho họ đọc với nhau, bất kể những thay đổi trong hơn một phần tư thế kỷ quạ “

Theo nhà nghiên cứu phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc [Chiến tranh, như một thi pháp, Talawas, 27/5/2004] thì trong văn hoá chiến tranh có ba điều đáng kể nhất: “chủ trương phi-nhân hoá kẻ thù, mỹ học về bạo động và đạo đức học về sự phá hoại .” Và trong quá trình phi-nhân hoá kẻ thù người ta tìm cách tước bớt chất ngưòi của kẻ thù bằng một hệ thống đại từ nhân xưng cực hạn chế: “thằng”, “con” và “mụ”…” Những biện pháp phi-nhân hoá kẻ thù như thế làm cho hành động giết người được miễn trừ trách nhiệm đạo đức: giết kẻ thù chỉ là giết một khái niệm, một con thú hay một kẻ chưa thành người vậy thôi .” [bđd].

Đào sâu hơn, Nguyễn Hưng Quốc cho rằng giới văn nghệ sĩ Việt Nam viết về chiến tranh ‘như một cách tái tạo la .i chi’nh mình’. “Những nỗ lực tái tạo ấy thay đổi theo thời gian và theo thời tiết chính trị chung quanh….. Nỗ lực tái diễn dịch và tái cấu trúc quá khứ như thế là hành động phổ quát ở hầu hết mọi người cầm bút. Bởi vậy, đối diện với đề tài chiến tranh, trong đó có chiến tranh Việt Nam, chúng ta không cần, không nên, và thật ra, cũng không thể đặt ra vấn đề chính xác trong việc tái hiện hiện thực.” Và ông kết luận: “Một cuộc chiến tranh có thể mang tính chính nghĩa hay phi nghĩa; nhưng một tác phẩm viết về chiến tranh thì chỉ có vấn đề hay hoặc dở mà thôi .” Và ông thêm, trong thế giới nghệ thuật, cái hay nhất bao giờ cũng được xem là cái đúng nhất. Chiến tranh và Hoà bình của Leo Tolstoi không phải là tác phẩm viết đúng nhất mà là tác phẩm viết hay nhất về cuộc chiến tranh Nga-Pháp. Và khi nó được xem là hay nhất, nó tự động được xem là chuẩn mực, từ đó, không phải chỉ có cuộc chiến tranh Nga-Pháp mà hầu hết các cuộc chiến tranh khác đều ‘bắt chước’ Chiến tranh và Hoà bình.” [bđd].

Cụ thể hơn, Hoàng Ngọc Tuấn trong một bài viết trên Hợp Lưu [số 71, tháng 6&7, 2003] có tựa đề “Văn chương về chiến tranh Việt Nam và nhu cầu sáng tạo bút pháp mới” cho rằng mặc dù “văn chương về chiến tranh Việt Nam cực kỳ phong phú về số lượng, chỉ có một số tác phẩm được xem là những thành tựu nghệ thuật.” Tại sao vậy ? Cũng như cách nhìn trên của Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc Tuấn cho biết phần lớn tác giả xem nhẹ giá trị sáng tạo nghệ thuật và đề cao “sự trung thực”, họ viết như một người lính hơn là như một nghệ sĩ văn chương, cũng giống như một bức ảnh rõ ràng và chính xác và một bức ảnh nghệ thuật có một khoảng cách rất xa . Trong gần hai thập niên trở lại đây, một số nhà văn đương đại của Hoa Kỳ đã nhận ra rằng không phải chỉ có một sự thật, mà có nhiều sự thật về chiến tranh Việt Nam và về bất cứ sự kiện nào xảy ra trong cuộc chiến ấy, và họ nỗ lực tìm kiếm những bút pháp mới có khả năng diễn tả cái hiện thực đa phương, đa tầng của lịch sử và cái tâm cảm cực kỳ phừc tạp của con người trong cuộc chiến ấỵ” [bđd]

Ông nêu ra cuốn tiểu thuyết Paco’s Story của Larry Heinemann làm ví dụ. Theo ông, Heinemann phù hợp với quan niệm thẩm mỹ hậu hiện đại, theo đó tác giả không chủ tâm đưa ra một phán xét chung cuộc nào cả, và độc giả phải đối diện với vô số khả thể diễn di.ch. Sau này, trong số những nhà viết tiểu thuyết hậu hiện đại về chiến tranh Việt Nam, Tim O’Brien với tiểu thuyết The Things They Carried (1990) là đáng lưu ý nhất. Theo Hoàng Ngọc Tuấn trong khi tuyệt đại đa số các nhà văn chiến tranh trong thời hiện đại nỗ lực chinh phục độc giả bằng những sự kiện và diễn biến “như thật” hoặc “hoàn toàn có thật”, O’Brien lại cố làm cho độc giả hoài nghi liên tục bằng những sự kiện và diễn biến không ngừng tự mâu thuẫn nhau.. Hơn thế nữa, ông còn xen vào câu chuyện để, một cách tỉnh táo, lật tẩy chính lối viết của mình.” [bđd]

Nhiều người trẻ gốc Việt hiện nay tại hải ngoại đã không viết bằng tiếng mẹ đẻ mà viết trực tiếp bằng tiếng Anh hoặc Pháp. Họ không đơn giản chỉ viết cho người ngoại quốc đọc. Họ viết như một nhà văn. Một trong những người trẻ cầm bút đó, nhà văn Nguyễn Quí Đức – hồi đầu tháng Ba, 2005, trước một chuyến đi công tác trong vùng Đông Nam Á cho một đài phát thanh tiếng Mỹ do anh làm chủ biên – nói rằng đối với giới trẻ, văn chương ngày nay không còn biên giới, nó đã ra khỏi cái đường biên quốc gia, tuổi trẻ của anh và những người trẻ hơn anh, nhận ra không còn nữa cuộc đối thoại đông và tây, không còn chuyện bắc và nam, không còn chuyện xung đột tôn giáo . Thế giới đã nhỏ hẹp với khoa học kỹ thuật tối tân ngày một biến ảo không lường. Đinh Linh có thời đến sống ở Ý Đại Lợi, đạo diễn lừng danh Trung quốc Trần Khải Ca đến Việt Nam. Đây là thời đại để người ta đi tới chứ không phải để người ta bước lui . Một phụ nữ Thái lấy chồng Đức và sanh con bên Pháp, hay một người Â’n chào đời ở Anh và đi học ở Mỹ. Vấn đề toàn cầu hoá đang là câu trả lời cho những câu hỏi cục bộ của người cầm bút đương thời .

Trước đây gần tám năm, Salman Rushie cũng từng đề cập đến vấn đề trên cho văn học Â’n Độ, trong một bài viết dành cho hợp tuyển Những tác phẩm văn học Â’n Độ điển hình: 1947-1997 [sau đó bài được Tạp chí Dân tộc Â’n Độ (India’s National Magazine) số ra ngày 9- 22/8/1997 kỷ niệm 50 năm ngày Â’n Độ độc lập, in lại .].

“Tiếng Anh là phương tiện giao tiếp thông dụng nhất thế giới; chẳng lẽ chúng ta lại không vui mừng về sự tinh thông của chúng ta về thứ ngôn ngữ mà uy thế của nó càng ngày càng lớn ma.nh. Việc lên án các nhà văn về những thành công của họ trong việc bứt phá các rào cản ngôn ngữ không khác việc làm của chủ nghĩa địa phương hẹp hòi là bao (chủ nghĩa địa phương có thể là thói tật chính của văn học bản địa .) Vai trò quan trọng của văn học được thể hiện ở chỗ, nó là phương tiện có thể tạo ra những cuộc đối thoại giữa các quốc gia trên thế giới…… Văn học sẽ có ít, hoặc chẳng có gì để nghiên cứu với những cái tên chỉ được biết đến trong nước của tác giả.” [Phạm Phương Chi dịch, http://evan.com.vn, 10/3/2005]. Cái nhìn của Salman Rushdie đối với văn học Â’n không khác mấy cái nhìn của Nguyễn Quí Đức đối với sự bế tắc của văn học Việt Nam.

Sau cái tạm gọi là sự “nhếch nhác” của văn học trong nước và cái “lão ho’a” của văn học hải ngoại, liệu văn học Việt Nam bao giờ mới có tác phẩm ngang tầm thời đại .

Phải chăng, để ra khỏi cái ngõ cụt ấy là một nền văn học Việt Nam viết bằng tiếng Anh, Pháp của người viết trẻ ở hải ngoại và sự tiếp thu nguồn văn hoá thế giới một cách chủ động của người viết trẻ trong nước?

Tháng Ba, 2005

NGUYỄN XUÂN HOÀNG