Sổ Tay NXH 2

Nguyễn Xuân Hòang : Sổ Tay

TV và BH

SỔ TAY sáu & bảy, 2002

Chuyện một cái tủ sách

1.

Trong nhà tôi ở Sài gòn hồi đó có một kệ sách nhỏ đặt trên gác lững. Kệ sách là những thanh gỗ dài, bào láng, đặt trên những viên gạch đỏ xếp cao theo chiều đứng của sách. Sách mỗi ngày một nhiều, kệ sách cứ chồng thêm các thanh gỗ cao lên mãi, lên gần tới trần nhà. Đến lúc không đủ sức chứa, tôi bắt đầu cho sách vào thùng giấy, rồi cứ thế đánh số thùng theo thứ tự, thùng này chồng lên thùng kia .

Nhà nhỏ, sách lấn qua chỗ nằm, tôi đành phải nghĩ đến chuyện vất bớt những cuốn không cần đọc nữa . Vất nhưng tiếc, vì tuy không cần lúc này, nhưng biết đâu về sau có lúc cần tìm một đoạn, một câu . Một câu trích mà không có sách dẫn thì sao ? Sách mang ra thùng rác rồi lại mang vô.

Làm cách nào để giữ được những cuốn sách mà lúc này chưa cần đến?. Tôi hỏi Trần Phong Giao, lúc đó là thư ký toà soạn tờ Văn, cách giải quyết những cuốn sách của tôi . Anh hỏi lại tôi: “Cậu làm sao thế? Có chuyện gì vậy ?” Chẳng có chuyện gì hết. Tôi nói với Trần Phong Giao là tôi cần thanh toán mọi thứ trước nhất là sách vở.

2.

Trần Phong Giao là một người to lớn, có vẻ một công tư chức, một nhà thầu hơn là một người làm công việc sách báo chữ nghĩa .

Những người mới gặp anh lần đầu rất khó chịu vì cái vẻ hơi “kênh kiệu” của anh. Anh lạnh với người lạ trong giao tế, nhưng quen anh lâu mới thấy anh là người rất tử tế. Tôi không biết những thư ký toà soạn khác thế nào, chứ với Trần Phong Giao tôi có thể nói anh là một thư ký toà soạn đặc sắc. Hơi bảo thủ, và khắt khe, có vẻ như anh chỉ tin vào những tài năng đã được xác nhận, nhưng không phải vì thế mà anh không dám mở tay đón nhận những người viết mới .

Cách đây vài năm, một tình cờ may mắn tôi được nhà bình luận thời cuộc-kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa gửi tặng mấy số báo Văn cũ trước năm 1975, trong đó có số 164, ra ngày 15 tháng Mười, 1970, “Đi Giữa Mưa Thu” / Tuyển tập những cây bút trẻ.

Như tên gọi của nó, đây là một số báo dành riêng cho những người mới đến với Văn. Mới từ người vẽ tranh bìa: hoạ sĩ Hồ Đắc Ngọc. Và tất nhiên cái mới chính là từ những người làm thơ viết văn: Lê Văn Thiện, Đặng Tấn Tới, Kinh Dương Vương, Nguyễn Đường-Thai, Nguyễn Lệ-Uyên, Hoàng Ngọc Châu, Hồ Minh Dũng, Lộc-Vũ, Mường-Mán, Hoài Tuyết Trang, Phạm Ngọc Lư, Nguyễn Lương Vỵ, Nguyễn Văn Ngọc, Lê Miên Tường, Phạm Thanh Chương.

Tôi không biết trong số những người viết trên số báo này [cách đây đã 35 năm] ai còn ai mất, ai vẫn cầm bút và ai đã thay tên đổi nghề, nhưng tôi biết ít ra chúng ta vẫn còn Kinh Dương Vương [của truyện ngắn, ký Dung Nham khi làm thơ, và Rừng khi vẽ], vẫn thở khói còn Mường Mán viết truyện trong nước, vẫn còn Hồ Minh Dũng sáng tác mạnh mẽ ngoài nước. Trong thư toà soạn Trần Phong Giao thông báo sẽ còn thực hiện thêm nhiều số báo với người viết mới khác. Tôi không nhớ sau số này anh đã làm thêm được bao nhiêu số giới thiệu người viết mới, nhưng trong mục hộp thư tôi đọc được có nhiều người hiện có tên tuổi trong làng văn trong nước. Như Khuê Việt Trường là một. Tờ Văn thời Trần Phong Giao thực sự làm sống dậy một đam mê chữ nghĩa của nhiều người viết trẻ.

Trong thời gian làm tờ Văn, Trần Phong Giao thực hiện nhiều số đặc biệt không những về các nhà văn nhà thơ tiền chiến hay đưong đại mà còn giới thiệu nhiều khuôn mặt văn học thế giớị

Không mở đường và khai phá như Sáng Tạo, không bắt mắt với lối trình bày nghệ thuật và trẻ trung như Khởi Hành, Thời Tập, nhưng Văn có được một chỗ đứng đáng tin cậy nhờ thư ký toà soạn Trần Phong Giao .

3.

Trần Phong Giao là người khéo hỏi bài người viết và đối xử khéo sau khi đăng bài . Trong ngăn kéo anh bao giờ cũng có sẵn nhiều bài cho vài số báo . Anh đặt bài cho những số chuyên đề từ cả sáu tháng đến một năm trước. Có thể nói, tạp chí Văn thời Trần Phong Giao là một tạp chí văn chương hơi cổ điển và đặc biệt …. ít lỗi chính tả nhất, bởi vì trước hết anh là người cẩn trọng, chăm sóc từng chữ, từng câu, từng trang bài, và sau nữa vì anh còn có một người phụ tá cần mẫn tỉ mỉ, giỏi chính tả ngữ vựng: Đàm Gia Tuấn.

Đưa bài cho Trần Phong Giao, người viết có thể yên tâm nhiều mặt: bài không bị sai lỗi chính tả và, tiền nhuận bút có ngay sau khi báo rậ .

Tôi nhớ anh đi chiếc mobylette cũ, một chiếc xe xấu xí, nhả khói tợn và máy kêu hơi to, chân đi dép thường hơn đi giày, áo sơ mi ngắn tay bỏ ra ngoàị Trần Phong Giao ít cười và hơi nghiêm.

Tuy vậy cần ghi nhận, thời làm tờ Văn anh cũng bị nhiều trận đụng nặng. Ở quán Cái Chùa, bọn tôi: Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Nhật Duật, Đặng Phùng Quân, đôi khi vẫn đề cập đến anh như một “đề tài”. Có một ông thư ký toà soạn như Trần Phong Giao, “bố già” chủ nhiệm Nguyễn Đình Vượng yên tâm lắm.

Nhưng, năm 1972, không hiểu vì lý do gì đã làm cho hai ông chủ nhiệm và ông thư ký toà soạn “cơm không lành, canh không ngọt” nữa . Trần Phong Giao phủi áo ra đi . Anh đứng ra làm một tạp chí khác, tờ Chính Văn với nhà văn Nguyễn Mạnh Côn. Nhà thơ Viên Linh nói “anh em lúc đó rất tiếc, phải chi Trần Phong Giao làm một tờ giống như tờ Văn có lẽ anh thành công ngay .” Tờ Chính Văn chỉ sống đến số thứ hai thì chia tay .

Đó là thời gian ông Nguyễn Đình Vượng kéo tôi về với tờ Văn. Ông là người lo cho tôi nhiều thứ khó khăn trong đời sống mà tôi đang vấp phải . Tôi gọi ông Nguyễn Đình Vượng là “bố gìa” vì quả thật không ai bỏ thì giờ nhiều cho tôi như ông, mặc dù sức khoẻ ông trong thời gian này đã không còn như xưa . Tôi là ngưòi chịu ơn ông rất nhiều . Hồi đó tôi la cà ở quán cà phê nhiều hơn ở lớp học, tôi ngồi ở Chợ Đủi nhiều hơn nằm nhà. Ông Vượng đã đem tôi trở lại đời sống bình thường.

Tôi nhớ một buổi sáng Chủ Nhật, Trần Phong Giao đến nhà tôi, hỏi có đi cà phê không? Đối với tôi đây là một điều lạ. Trần Phong Giao ít khi cà phê, anh chỉ thích rượu và là người biết thưởng thức rượu ngon mặc dù anh không phải là tay nhậu . Anh cũng không có tật lê la đầu đường xó chợ như tôi . Tôi trả lời ừ đi thì đi . Anh đứng giữa nhà nhìn quanh. “nhà tôi đã chật mà nhà cậu coi bộ còn chật hơn. Sách báo đâu hết rồỉ” Tôi chỉ tay lên gác lững. “Trên đó! Không còn chỗ nằm nữa .” “Cái phòng khách này ban đêm dựng chiếc lambretta của cậu vẫn còn có thể để một tủ sách nhỏ đấy .” Trần Phong Giao chỉ nói khơi khơi . Chúng tôi ra quán Cái Chùa . Tôi gọi cà phê, nhưng anh chỉ uống một hớp và xin lỗi có chuyện phải đi .

Chiều tối khi tôi về tới nhà thấy có gì lạ. Chiếc lambretta của tôi không còn chỗ đậu . Tôi thấy một tủ sách bằng gỗ đánh vẹc ni bóng có cửa kính kê sát vách phòng khách. Trong tủ chỉ có một cuốn sách, bản dịch bài diễn văn nhận giải Nobel văn chưong của Albert Camus. Người dịch tôi có biết chính là Trần Phong Giao .

Sau đó tôi dọn nhà hai lần, nhiều thứ mang theo, nhưng nhiều thứ phải bỏ lại . Tuy vậy, bao giờ tôi cũng chở theo tủ sách Trần Phong Giao cho . Căn nhà sau cùng ở Khu Mã Lạng – căn nhà mà “bố già” Nguyễn Đình Vượng cho tôi khi tôi về thay thế vai thư ký toà soạn Văn của Trần Phong Giao – sách đã chất đầy tủ. Những cuốn sách trong tủ này đôi khi thay đổi do những cuốn mới đem về đang cần đọc và những cuốn cũ lấy ra tặng cho các bạn khác cần hơn tôi, nhưng cuốn Sứ Mệnh Văn Nghệ in bài diễn từ Nobel của Albert Camus do Trần Phong Giao dịch, không bao giờ thay đổi vị trí.

Thời gian này tôi rất ít khi gặp anh.

“Bố già” Nguyễn Đình Vượng lúc đó ốm nặng. Báo Văn từ bán nguyệt san chuyển qua Giai Phẩm. Tôi bận rộn với chuyện nhà trường nhiều hơn trước, nhất là sau khi “Bố Già” chia tay . Tôi không nhớ rõ, nhưng số báo Tưởng Mộ Nguyễn Đình Vượng [chữ tưởng mộ là chữ của Mai Thảo] Mai Thảo và tôi chia nhau viết bài và mời người viết, sau đó tôi trở về dành toàn thời gian cho nhà trường.

Tủ sách Trần Phong Giao vẫn nhìn thấy tôi mỗi ngàỵ Cho tới ngày 30 tháng Tư, 1975.

Những cuốn sách trong tủ và trong nhà tôi bị một trận “hồng thủy” cuốn trôi hết, bất kể đó là tự điển hay sách triết học, loại biên khảo hay lý luận nghiên cứu phê bình văn học . Cứ sách là tịch thu tuốt luốt cho chắc ăn. Sách được những người trẻ tuổi đưa xe ba gác đến chở như chở xác chết của những tội đồ. Cái tình cảm vất tay này nhưng tay kia lấy lại ngày xưa không còn nữa . Căn nhà nhỏ của tôi đột nhiên trống trải gọn gàng một cách dễ sợ

Cuốn Sứ Mệnh Văn Nghệ của Albert Camus, bản dịch của Trần Phong Giao cũng không còn – đương nhiên – và đầu óc tôi cũng trống rỗng như cái tủ sách trống trơn kia .

Thế rồi những năm tháng sau, chợ trời sách cũ dần dần xuất hiện rải rác nhiều nơi ở Sài Gòn. Tôi nhớ một hôm đi trên con đường Bùi Quang Chiêu, xem sách, bất ngờ tìm thấy một vài cuốn có chữ ký của mình. Có cuốn có chữ ký của Huỳnh Phan Anh và những bạn khác của Sài Gòn.

Tôi bắt đầu tha ở chợ trời về gần như đầy đủ những cuốn trước đây của tôi . Có điều là tôi vẫn không tìm thấy cuốn sách dịch bài diễn văn của Albert Camus.

Cách đây mấy năm thôi, Nguyễn Thụy Long nhờ Nguyễn Đạt mang tặng tôi mấy cuốn sách mà tôi là tác giả in ở Sài Gòn trước 75. Long nói anh đã tìm thấy nó ở chợ trời . Cuốn sách của mình viết ra sau một thời gian gió bụi bỗng một hôm trở lại tay mình ở một nơi rất xa quê hương. Mấy cuốn sách bị nhầu nát, bìa rách, giấy đen… Thời gian tưởng đã mất rốt cuộc hình như cũng tìm lại được.

Mười năm ở lại trong nước tôi chưa một lần gặp lại Trần Phong Giâ . Và mặc dù hai mươi năm xa quê tôi có đôi lần gửi quà cho anh nhưng chỉ là những món quà không đáng kể. Tôi nghĩ có lẽ nhà văn Trùng Dương là người giúp đỡ Trần Phong Giao nhiều hơn ai hết. Tôi nhớ lại thời gian làm báo Người Việt ở Nam Cali dù lương thấp không đủ nuôi sống gia đình, tháng nào tôi cũng gửi cho những thuyền nhân ở trại tị nạn Bataan Phi Luật Tân năm ba chục mỹ kim. Những người thiếu may mắn, đến đảo trước tôi cả mấy năm mà vẫn chưa thấy tên trên list định cư. Tôi thấy mình làm như thế là đúng thôi, nhưng bây giờ nghĩ lại thấy mình có phần tệ bạc với anh. Anh xứng đáng để được mình nghĩ đến nhiều hơn những người khác.

Cho đến một buổi sáng dậy sớm mở mail thấy thư Đặng Tiến. Một dòng chữ ngắn trên cái email gửi chung cho các bạn quen. Trần Phong Giao đã ra đi . Rất ít chi tiết về Trần Phong Giao . Tôi nhờ Trần Thị NgH. – tác giả Nhà Có Cửa Khoá Trái – ở Sài gòn cho một bài về anh. Chị viết một hồi ức về lần đầu đưa sáng tác của mình cho Trần Phong Giao . Một tiếp xúc khó chịu của ông thư ký toà soạn với một người viết mới là một ấn tượng còn ở lại hơi lâu với Trần thị NgH.

4.

Ở Mỹ chuyện mua một tủ sách gỗ có đánh vẹc ni có vân đâu phải là chuyện khó. Tìm cho nó một chỗ để trong phòng khách hay phòng làm việc, thậm chí trong phòng ngủ cũng là chuyện dễ như trở bàn tay . Tôi đã có nhiều kệ sách như thế, nhưng cái kiểu tủ sách Trần Phong Giao tôi không tìm ra .

Trong ga ra nhà tôi thuê ở thành phố Milpitas giờ đây đã chật ních sách báo . Mấy năm nay tôi đã dọn dẹp cho vào thùng giấy – loại thùng có thể mua ở các tiệm Staples hay Office Max, Office Depot – và đã chật đầy ga ra . Nhưng tôi không hiểu mình tha về từ đâu mà nhiều sách thế. Ga ra không còn chỗ chứa, sách đưa vào phòng khách, đưa vào phòng ngủ, rồi lại đặt lên kệ là những thanh gỗ bào láng theo kiểu Sài Gòn. Rồi bắt đầu phân loại chở sách đến tặng cho thư viện, tặng cho trung tâm người cao niên Việt Nam, tặng bạn bè, chỗ này một ít chỗ kia một ít. Nhưng đâu cũng vào đó, chưa đầy sáu tháng sau, sách lại dồn lên chật chội khắp các phòng.

Mấy dòng chữ trong email của Đặng Tiến làm tôi nhớ lại cái tủ sách mà Trần Phong Giao lặng lẽ chở đến nhà tôi một buổi sáng năm xưa ở Sài Gòn.

Suốt mấy năm nay, tôi vẫn còn một lấn cấn chưa giải quyết xong: Làm cách nào cho hết những thùng sách trong nhà tôi . Tôi trở lại cái cảm giác bỏ sách ngày xưa, như hồi còn ở Sài Gòn: bỏ thì thương mà vương thì tội . Tay này vừa vất sách tay kia đã kịp giữ lại .

Xin tạm biệt Trần Phong Giao . Xin cám ơn người đã xây dựng cho tờ Văn có một chỗ đứng cho đến ngày hôm nay . Nơi mà tôi sẽ đến cũng là nơi mà anh vừa đến con đường ấy với tôi không còn xa lắm đâu . Hẹn gặp!

——————————————-

TRẦN PHONG GIAO

1932-2005

Tên thật Trần Đình Tĩnh

Sanh năm 1932,

Mất tại Sài Gòn ngày 13 tháng Tư, 2005.

Thọ 73 tuổi.

Trước 1964, làm Tin Sách của Trung Tâm Văn Bút Việt Nam.

1964, tổng thư ký tạp chí Văn.

1972, rời Văn, làm tờ Chính Văn với Nguyễn Mạnh Côn.

Đầu năm 1975, giữ mục Giải Đáp Thắc Mắc Văn Học tờ Thời Tập của Viên Linh..

Ông là dịch giả các cuốn:

Guồng Máy [L’Engrenage] của Jean-Paul Sartre Sứ Mệnh Văn Nghệ, diễn từ Nobel Văn chương của Albert Camus,

Sự Đã Rồi [Les Jeux Sont Faits] Jean-Paul Sartre [dịch chung với Nguyễn Xuân Hoàng.

Tác giả: Ngồi lại bên cầu

Nửa đêm thức giấc.

NGUYỄN XUÂN HOÀNG

TRÒ CHUYỆN VỚI TÁC GIẢ

Daughters of the River Huong

Dương Như Nguyện

Có lẽ người đọc Việt hải ngoại không xa lạ gì với tác giả Dương Như Nguyện qua những truyện ngắn của cô trên các tạp chí văn học tại Hoa Kỳ những năm 90. Năm 1999 nhà xuất bản Văn Nghệ [California] ấn hành cuốn Mùi Hương Quế của cô, và năm nay, 2005, Dương Như Nguyện cùng lúc vừa cho phát hành cuốn Chín Chữ Của Nàng [nxb Văn Mới, California], đồng thời với cuốn Daughters of the River Huong -a Vietnamese royal concubine and her descendants, Uyen Nicole Duong (Dương Như Nguyện). Bià do Tom Suzuki trình bày, RavensYard xuấtbản, sách dày 271 pages, SRP $17.95. Địa chỉ: RavensYard Publishing, Ltd. P.O. Box 176, Oakton, VA 22123 USA, www.ravensyard.com

clip_image008

Lâu lắm, dễ chừng 15 năm nay, tôi không gặp Dương Như Nguyện. Tôi nhớ khoảng năm 89, 90 gì đó tạp chí Văn Học của Nguyễn Mộng Giác đăng truyện Những Cỗ Quan Tài của Tịnh Tâm của một tác giả lần đầu tiên mà tôi được đọc: Dương Như Nguyện, và lập tức truyện của cô gây trong tôi một xúc động mạnh. Sao có thể có người viết nồng nàn đến thế. Không khí trong truyện tưởng là thư thả mà dồn dập, lạnh lùng mà nóng bỏng, và đẩy người đọc phải chạy theo tác giả mệt nghỉ. Như trong âm nhạc, có những dấu lặng, bỗng nhiên người đọc không thấy truyện của cô xuất hiện trên các tạp chí văn học Việt ngữ nữa. Cho đến năm 1999, người ta bỗng thấy trên kệ các nhà sách cuốn Mùi Hương Quế của cô. Dương Như Nguyện đã trở lại. Và sau đó là một khoảng lặng nữa. Sáu năm sau, 2005, các nhà xuất bản đồng lúc in hai tác phẩm của cô: Chín Chữ Của Nàng [Văn Mới] và Daugters of the River Huong [DORH] [RavensYard]. Đó chưa kể cũng trong năm nay cô sẽ cho in tiếp liền Con Gái của Sông Hương bản dịch Việt ngữ của Linh Chấn Brown.

Dương Như Nguyện cho biết cuốn DORH là một tiểu thuyết viết ở ngôi thứ nhất theo thể “ memoir” (hồi ký). Và cô nhấn mạnh, “ vì đây là tiểu thuyết- hồi ký có nghĩa là hồi ký của nhân vật, chứ không phải hồi ký của tôi.” Cô không muốn người đọc ngộ nhận giữa tác giả và nhân vật.

Ơ bià lưng cuốn sách, dưới dòng tít: Love & War /Tình Yêu & Chiến Tranh, người ta đọc được câu : “Truyện tình giữa André và Simone Mỵ Uyên tượng trưng cho cái chết của đặc tính lãng mạn của nền văn hoá Pháp ở thuộc địa, cộng thêm sự mở cửa của một nước Việt Nam bị tàn phá vì chiến tranh, phải đón trào lưu canh tân mang tính cách lệ thuộc của kinh tế toàn cầu. Bức tranh ấn tượng này sẽ nhắc nhở độc giả tới những chuyện có tầm vóc bao quát của Gone with the Wind và The Thorn Birds (Cuốn Theo Chiều gió và Tiếng Chim Hót trong bụi Mận Gai), đượm thêm nhân bản tính và tình yêu sâu xa giữa mẹ và con của The Joy Luck Club.”

Cô nói “Câu này không phải là quan điểm của tôi. Việc so sánh tác phẩm của tôi với Gone with the Wind, Thorn Birds, hay Joy Luck Club là ý nghĩ của nhà xuất bản, để giải thích lý do tại sao họ muốn đầu tư vào tiểu thuyết của tôi sau khi đã đọc bản thảo.”

Cô cho biết cô có thói quen là trong tiến trình sáng tạo, không bao giờ viết để cho giống hay theo một khuôn mẫu của bất kỳ tác phẩm nổi tiếng nào. Viết là viết theo sự thôi thúc sáng tạo (artistic vision) của chính mình mà thôi. Bằng chứng là trước khi RavensYard đến với cô, bà Sandra Kjistra, đại diện cho Amy Tan và Stephen King, đã hối thúc cô viết lại tác phẩm này cho giống cuốn Memoir of a Geisha của Arthur Golden, thì bà ta mới nghĩ đến việc đem tác phẩm của cô đến với các nhà xuất bản danh tiếng của Hoa Kỳ. Thế nhưng Dương Như Nguyện đã bác bỏ đề nghị đó, cũng chỉ vì không muốn đi theo một khuôn mẫu khi viết về nguồn cội của mình.

Hỏi tại sao cô chọn River Huong mà không chọn Perfume River như một cách đẩy sách đến người đọc dòng chính, Dương Như Nguyện cho biết lúc đầu nhà xuất bản RavensYard đề nghị đặt tên cho tác phẩm là“Những Cánh Hồng Đen”, dựa trên mối tình trái cấm của nhân vật chính, một thiếu nữ chỉ mới 14, 15 tuổi, nhưng cô không bằng lòng, và cuối cùng quyết định để tác phẩm mang tên của dòng sông Hương.

Cô cho rằng Perfume River là danh xưng do người ngoại quốc dịch tên của dòng Hương giang xứ Huế.

Theo cô, “Người Huế không ai gọi dòng sông lịch sử của quê hương mình là “dòng nước Hoa” cả. “Perfume” hay “parfum” là một kỹ nghệ buôn bán, một hình thức mỹ phẩm phù du bên ngoài, làm đẹp cho phụ nữ theo kiểu quyến rũ người khác phái, hoàn toàn có tính cách vật chất hời hợt, không phải là phẩm lượng bên trong. “Nước hoa” sẽ phai đi. “Mùi hương” trái lại có thể toả từ tiền kiếp, liên đới kiếp này sang kiếp khác, không gian này qua không gian khác, đi từ quá khư, ù hiện tại, và có thể chuyên chở vào tương lai, từ vô thức, tiềm thức, tới ý thức. Với mùi hương thật sự (authentic) như trong câu: “Hữu xạ tự nhiên hương” thì “hương” có thể trở thành bất diệt trong trí tưởng và tâm thức của người thưởng ngoạn.

“Hương còn là tiếng thơm, có thể toả ra từ đáy hồn là một luyến nhớ vào rừng kỷ niệm. Tiếng tăm (cái gì lưu lại) là sợi dây liên đới giữa sựphán đoán của lịch sử (external) với đạo đức cá nhân (intrinsic). Đạo đức ở đây có nghĩa là “universal truths” công cuộc đi tìm sự thực của người cầm bút, chứ không phải là kỷ cương của tôn giáo hay xã hội.

Chữ “hương” do đó mang ý nghĩa tâm linh nhiều hơn vật chất, phải dịch là “fragrance” trong trí tưởng, hoặc “good name” như trong “tiếng thơm muôn thuở”. “Hương” là một “motif” liên tục trong sáng tạo của tôi. Thí dụ Mùi Hương Quế. “Đó là tập truyện độc nhất tôi đem đến cho cộng đồng mình trong mười năm qua, hoàn toàn không có việc ra mắt sách, không có lời giới thiệu của ai, cũng không có bài phê bình nào, ngoại trừ bài của ông Đoàn Nhã Văn, một người tôi không hề biết, hình như cảm nhận được tâm thức của chữ “Hương” trong Mùi Hương Quế. Tôi chỉ mới đọc bài này ngày dạo gần đây.”

Dương Như Nguyện nói cô chủ trương đem bản chất văn hoá thực thụ của nguồn cội đến cho dòng chính, chứ cô không cần thiết phải bắt nhịp cầu cho dòng chính đến với nguồn cội của mình một cách dễ dànghơn. “Tôi chẳng cần phải dịch chữ ‘Hương’ như người Âu Tây đã dịch tên dòng sông quê ngoại! Nếu tôi gọi nó là ‘sông Hương’ thì độc giả của dòng chính cũng phải chịu khó viết và đọc chữ ‘Hương’ như tôi vậy thôi. Nếu tác phẩm gây được ảnh hưởng trong dòng chính, thì dòng chính sẽ biết đến tên ‘Hương’ (tiếng Việt) của dòng sông.”

Theo tác giả, đã đến lúc người nghệ sĩ sáng tạo phải viết lại hình ảnh sông Hương ngay trong lòng dân tộc, chứ đừng nói chi đến ngoài dân tộc. “Từ một lúc nào đó, sông Hương bị mang theo hình ảnh các cô gái‘ngủ đò’, nói về việc bán thân nuôi miệng của người phụ nữ. Đây là lý do khiến cô rất thận trọng trong việc chọn tên cho bản dịch. ‘Con Gái của Sông Hương’ để nói lên ý nghĩa liên hệ máu huyết, nguồn cội. Nếu sông Hương đã bị đồng hoá với việc ‘bán phấn buôn hương’ thì gọi nó là mỹ phẩm ‘parfum’ chỉ làm cho hình ảnh đó thêm độc địa mà thôi. Từ trước đến nay, người Việt mình cứ điềm nhiên mà chấp nhận những gì đã xảy ra, bình thường hoá ngay cả sự ẩu tả hoặc tiêu cực trong vấn đề ngôn từ và biểu tượng có liên quan đến dân tộc tính.” Cô giải thích.

Theo cô, “nói như vậy không có nghĩa là cô khinh bỉ những phụ nữ ‘ngủ đò’ theo ý nghĩa bình dân này. Tình tự dân tộc mà Nguyễn Du mang đến cho chúng ta bao thế kỷ nay là tiếng lòng của một kỹ nữ. Một kỹ nữ đã được bậc thức giả, đại nho tôn xưng là biểu tượng của chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”

Và cô kêu gọi: Xin nam giới và phụ nữ chấm dứt vấn đề coi sông Hương là chốn “ngủ đò” theo ý nghĩa tiêu cực này. Rồi truyền tụng lẫn nhau một cách vô ý thức, trong một thời điểm mà du khách ngoại quốc đã và đang đổ xô vào Việt Nam, thời điểm mà phụ nữ Việt Nam cất tiếng kêu thương trên toàn thế giới.

Dương Như Nguyện nhắc, hãy nhớ đến cái chết của Trần Cao Vân và Thái Phiên trong ngục tối, trong những ngày dầu sôi lửa bỏng bên thềm của phong trào lật đổ thực dân (decolonization) đầu thế kỷ 20. Cậu bé trai 16 tuổi trên ngai vàng vô nghĩa, đã đi theo tiếng hò trên sông, lời kêu gọi của hai nhà nho trong ngày tàn của quân chủ và thể chế Khổng Mạnh. Vang vang trong tiếng hò lịch sử ấy là lòng thương xót cảnh khổ của người dân đen thấp cổ bé miệng, và trách nhiệm của người lãnhđạo. Đó không phải là luân lý giáo điều của Khổng Mạnh, mà là căn bản của đạo đức dân tộc. Trước bến Vân Lâu…Nghe câu Mái Đẩy chạnh lòng nước non! Đây mới đúng là chỗ đứng lịch sử của sông Hương.

Cô kết luận: “Why do we have to repeat the linguistic convention attached to our roots by outsiders? Just because someone from the West has called the river ‘Perfume’, do we, descendants of this river, must adhere to such terminology (thuật ngữ)? Make the West call it what we call it, Huong, in the native language. Isn’t that the by-product of the work of a Vietnamese American artist who injects her roots into the host country by simply pursuing her art? Đây chỉ là một thí dụ nhỏ để nói lên chiều hướng khai phóng.

As far as I am concerned, the superficial ‘Perfume’ connotation is out of my Song Huong. Out, for good! (Cô nói cô không biết phải dịch ý này ra tiếng Việt như thế nào, xin chấp nhận việc cô chêm những câu tiếng Anh để kết thúc câu trả lời).”

Thế hiện nay cô đang đọc tác giả nào, Dương Như Nguyện cho biết cô mới vừa đọc lại một số những tác phẩm bất hủ của văn học Nga, the classics, từ Tolstoy cho đến Dostoyevsky, ngay cả Solzhensitsyn của thời cận đại. “Dĩ nhiên là khi quay về classique,” cô nói, “tôi đọc lại luôn Boris Pasternak và Franz Kafka. (Nhân tiện tôi đọc lại cả Henrik Ibsen của Na Uy (the Master Builder) để suy gẫm, George Bernard Shaw (để nhận thức thêm một lần nữa rằng Shaw đã đi trước quá xa thời đại của ông sống khi ông viết về phụ nữ), và cả Theodore Dreiser (để nhắc lại cho mình nhớ thế nào là một cuốn tiểu thuyết Hoa Kỳ, the cliche — the American novel, thật sự đúng nghĩa là tiểu thuyết với tất cả tâm lý nhân vật, cường độ, và cao độ của nghệ thuật tiểu thuyết!)”

Cô cũng đọc lại các nhà văn Nga và Đông Âu trong giai doan này vì cô cho rằng cô mường tượng thấy hình như các tác giả này được truyền tụng trong giới trí thức thuộc “thế hệ của ông”. Cô muốn tìm hiểu về cách nhìn và nếp sống tâm linh của thế hệ này. Lý do? “Tôi muốn tạo dựng một nhân vật chính (protagonist) là một người đàn ông Việt Nam cùng thế hệ với ông, sống trong lòng nước Mỹ, cho bản thảo sắp tới, bản thảo mà tôi chưa bắt đầu.”

Dương Như Nguyện nói cô rất trọng classiques, vì classiques đã được minh chứng bởi thời gian. Tuy nhiên, khi đọc lại classiques, cô thấy rõ những gì đã lỗi thời về bút pháp bên cạnh tính chất vĩ đại trường cửu của classiques. “Tôi cố tình không chú ý đến những tác phẩm hiện đại đang bán chạy hay đang nổi tiếng, được giải này giải nọ, vân vân, để tránh khỏi bị ảnh hưởng hay chi phối bởi thị trường hay chính trị.”

Theo cô, việc đọc các tác phẩm nổi tiếng, đọc càng nhiều càng tốt. là đường lối giảng dạy viết văn của Âu tây. Đến một lúc nào đó, người sáng tác ngưng đọc hoàn toàn, và không còn bị ảnh hưởng, tìm tòi cái gì nữa hết. Chỉ đọc những gì cần cho việc sáng tác mà thôi. “Tôi đã đi vào giai đoạn này kể từ năm 1998, sau khi làm xong một hình thức ‘fellowshi’ về tương quan giữa luật học và văn chương ở Harvard.”

Hiện tại, cô chỉ đọc những cuốn sách không nổi tiếng, mà cô lạicho rằng rất hay. “Đọc để thưởng thức, và đọc để tìm thấy chính mình.” Cô nói, “trong đó có cuốn The Sevigne Letters viết bởi một nhà văn trí thức không nổi tiếng: William Eisner, xuất bản bởi một nhà xuất bản boutique, chuyên về tiểu thuyết văn chương, hình như lúcnày không còn hoạt động thường trực nữa. Đây là tác phẩm hay nhất mà tôi đã đọc trong suốt một thời gian dài rất bứt rứt không tìm thấy đâu là tác phẩm ưng ý.”

“Nếu một ngày nào đó, có một nhà văn rất trí thức sẽ đọc Sông Hương hoặc những tác phẩm khác của tôi, như tôi đã đọc The Sevigne Letters, thì tôi cho đó là mình đã thành công, dù là thành công trong bóng tối.”

Về câu hỏi: Cô có chịu ảnh hưởng bút pháp của tác gỉa nào không?, Dương Như Nguyện nói:

“Bút pháp Hoa Kỳ? Thưa không. Hoàn toàn không. Tôi còn chủ trương sẽ đem metaphor, simile (bút pháp ẩn dụ) của tiếng Việt vào văn chương Mỹ. Tôi đã từng bị một, hai ‘readers’ phê bình (đây là những readers tốt nghiệp khóa văn chương) cho là văn của tôi ‘unAmerican’ vì các metaphor lạ hoắc! Một vài người khác (thường thường là trong ngành báo chí) thì hết lòng bênh vực tôi, nói rằng tiếng Anh của tôi nổi bật lên một giọng nói (the voice) rất đặc biệt và authentic. Mainstream nghĩ thế nào? Khi chọn con đường đặt tác phẩm vào tay Ravensyard (vì họ yêu cầu) và không đi qua các trung gian vănchương ở Nữu Ước, tôi chẳng nghĩ đến việc sẽ có tên tác phẩm mình trên mục book review của tờ New York Times. Điều đó thật tình không quan trọng đối với tôi. Tôi càng lớn tuổi càng lý tưởng và lãng mạn: nếu Hương quả thật là Hương, thì không cần New York Times cũng tạo ra Hương; Hương tỏa trong bóng tối thì mới là hương đặc biệt. Hương đem bán thành perfume ở Gallerie LaFayette là hương mại bản.”

Còn bút pháp của tác giả Việt Nam trong các sáng tác tiếng Việt của cô thì sao? “Hoàn toàn không.” Cô tiếp, “tôi viết song ngữ; viết thẳng bằng tiếng Việt; tuy nhiên bây giờ thì ngưng hẳn và chú trọng hoàn toàn vào tiếng Anh.”

“Không bị ảnh hưởng,” cô thêm, “không có nghĩa là tôi không yêu thích một số tác giả nào đó.”

Cô cho biết cô thích Nabokov, vì ông là người độc nhất trong văn chương Tây Phương viết nhiều thứ tiếng cùng một lúc cũng như tiếngmẹ đẻ: Anh, Pháp, Nga. Ông thật sự là một nhà văn song ngữ, một nhà văn lưu vong với rất nhiều khuôn mặt.

Cô nói, khi viết tiếng Anh, cô không thể theo nổi ngòi bút trác tuyệt của Nabokov. “Không dám có tham vọng đó. Viết chỉ để mà viết. Tôi rất ghét những người viết với tham vọng – some sort of a ‘hidden agenda’ như cái thang để leo trèo. Tôi chỉ có thể là tôi. Never any hidden agenda in what I write. The heart is the heart, pen is pen, and art is art.”

Theo Dương Như Nguyện, trong thế giới văn chương tiếng Việt, không ai viết tiếng Việt theo kiểu “lanh chao” [chanh chua và linh động] xứ Huế, thâm thúy và trung thực về tâm lý và sự chua xót nhọc nhằn của phái nữ trong đời sống trung lưu ở miền Nam Việt Nam hay hơn nhà văn Túy Hồng. “Cho đến hôm nay, chưa ai viết một truyện ngắn nào làm tôi nhớ mãi cho bằng một truyện ngắn của Trùng Dương. Và tôi chưa thấy có nhà văn nữ nào ở hải ngoại đã vượt lên trên đànchị nói trên. Đó là theo tiêu chuẩn chủ quan của tôi, dựa trên những gì tôi đọc từ tủ sách của bố mẹ tôi, thời thơ ấu.”

Cô nhắc câu: “Đập cổ kính ra tìm lấy bóng, xếp tàn y lại để dành hơi…” và nói “Hơi ấy chắc chắn phải vương vấn mùi hương quyện lên y trang như một hoài niệm tinh thần về quá khứ, một sự quyến luyến tinh thần, mãi mãi không phai nhạt vì đã nằm trong trí tưởng, chứ không thể là mùi nước hoa Chanel hay Calvin Klein ở cửa tiệm được!”

Trả lời câu hỏi Cô nghĩ sao về văn chương trong nước, văn chương ngoài nước, chuyện “nhếch nhác” bên trong và chuyện “lão hoá” bên ngoài?, Dương Như Nguyện cho biết: “Tôi không dám nói về văn chương trong nước vì không đủ dữ kiện. Tuy nhiên, những gì tôi đã đọc, ngoài vài truyện ngắn của Nguyễân Huy Thiệp, chỉ đem đến cho tôi sự thất vọng. Câu hỏi được đặt ra, trong một môi trường thiếu tự do ngôn luận, làm thế nào cho văn chương khởi sắc? Văn chương chống đối, dissident, được đánh giá theo một số tiêu chuẩn dành riêng cho văn chương chống đối. Tiêu chuẩn ấy chưa hẳn là tiêu chuẩn văn chương.”

“Nhưng trên văn đàn Mỹ Quốc, tự do ngôn luận đầy dẫy, trong những thập niên gần đây, đã có sự khởi sắc nào chưa, dù rằng Toni Morrison đã đem giải Nobel văn chương về cho nước Mỹ? Nên có một sự phục hưng (renaissance) nào đó hay không, cho dù tờ New York Times sẽ không bao giờ công nhận nhu cầu phục hưng khi họ viết về những tác phẩm được xuất bản trong guồng máy lớn?” (Cô cho biết cô nói ‘guồng máy’ là vì cô dạy luật công ty, thương mại – cái gọi là luật thương trường của tư bản. Theo con mắt nhìn của một luật gia, cô cho rằng kỹ nghệ xuất bản của nước Mỹ bây giờ là một guồng máy thương mại rất lớn có tính cách ‘độc tôn’ (monopoly) của thể chế tư bản).

“Về văn chương hải ngoại, Vietnamese exile literature, tôi công nhận và đồng ý với ông, rằng ngọn đuốc phải chuyền đến tay người của thế hệ mới. Nhìn vào thế hệ mới, theo tôi, thì ngay cả những tác phẩm bestsellers, và ngay cả cá nhân tôi với sông Hương (với tất cả những hạn định vì tình huống riêng biệt của nó (limitations by circumstances), hầu như chưa có một chỗ đứng gì đáng kể trong phạm vi rộng lớn.

Everything still remains to be seen. Con đường đi, dưới mắt tôi, là conđường thiên lý. Đường đi chưa đến.”

Nói về ‘lão hóa’ – Dương Như Nguyện hiểu theo một nghĩa khác của từ này* – cô gọi đó là chu trình chung của tất cả mọi sự việc. Cô nói “Trong lãnh vực văn chương, chưa chắc ‘lão hóa’ là điều đáng ,tiếc. (Nếu ‘lão hóa’ có nghĩa là ‘tuyệt tự’, không có ai để thắp tiếp ngọn đuốc, thì vâng, nên có tiếng chuông kêu cứu. Nhưng nếu thật sư đã ‘tuyệt tự’ thì có kêu cứu cũng không làm gì được. Nguy hiểm là ở sự ‘tuyệt tự,’ chứ không phải ở sự thật hiển nhiên: Lão Hóa.

“Văn chương cần tuổi tác và kinh nghiệm, giống như rượu ngon, giống như mỹ nhân tự cổ như danh tướng, càng nhiều tuổi càng sắc sảo (trong tiêu chuẩn gourmet, nếu thật sự là mỹ nhân, thì phải già đi mới đẹp. Nếu không tại sao người ta lại ví mỹ nhân với danh tướng? Có tướng nào trẻ măng mà có kinh nghiệm chiến trường đủ để trở thành danh tướng hay không, kể cả Napoleon và Alexandre? Thúy Kiều 16 làm sao thu hút cho bằng Thúy Kiều 35, khi mặt hồ thu đã long lanh ngấn lệ vì đường đời, và trái tim đã trưởng thành đủ để mang tình cầm sắc đổi ra cầm kỳ?”

Điều mà cô lo ngại hơn vấn đề ‘lão hóa’ là vấn đề ‘thoái hóa trong tiêu chuẩn’ (sub-standardization, chữ dùng của riêng cô). “Trong cộng đồng Việt Nam, hiện tượng này xảy ra, là trách nhiệm của những người cầm bút đi sau, và là trách nhiệm của độc giả. Của cộng đồngngười đọc. Điều này quá nan giải, vượt ra ngoài cuộc nói chuyện của chúng ta hôm nay, vì có liên quan đến vấn đề xã hội học của tình huống di dân.”

Cô nêu một thí dụ về cái mà cô gọi là ‘sub-standardization’.

“Cách đây mấy tháng, tôi được biết rằng tôi đã được xếp loại vào chung với một số phụ nữ viết văn tiếng Việt – viết về tình dục. Tôi xin khẳng định – tôi chưa bao giờ viết về tình dục cả. Tôi chỉ viết về kinh nghiệm làm người. Người nữ nồng nàn và người nữ nhọc nhằn. Và tôi cũng không lấy gì làm hãnh diện được chỗ đứng ‘tiền phong’ cho phong trào ‘viết về tình dục’ này.

“Trong việc phê bình văn học (một địa hạt quá thiếu vắng trong tình huống eo hẹp của kiếp di dân), dùng tiêu chuẩn gì đây để đánh gía hiện tượng này – cái gọi là ‘nhà văn Việt Nam viết về tình dục, nữ cũng như nam?’ Nếu nói rằng nhà văn nữ Việt Nam đi vào một thế giới mà trước kia là chỗ đứng của đàn ông, thì Anais Nin đã làm điều này từ thập niên 1930. Tại sao đàn bà Việt Nam bây giờ đi làm chuyện đó, chỉ để công nhận mình đã thụt lùi sau Anais Nin gần cả một thế kỷ?

“Artists write art. Artists write humanity. Thinkers write thoughts. Thinkers write social justice. Artists and thinkers do not write sexuality for the sake of sexuality. Nếu tình dục là một phần của kinh nghiệm nhân sinh, thì artists sẽ tả dục tình để đi tìm cái đẹp của nhân sinh và nhà tư tưởng sẽ mô tả dục tình để tranh đấu cho nhân sinh. Dục tình viết khơi khơi, gratuitously, là khởi điểm của mại bản, dùng ngay thân xác con người để làm shock effect, mà trong đó phụ nữ thường thường là bị bóc lột. Người luật gia nói rằng đây là mại bản appealing to the prurient interest. Không thể dùng realism để bào chữa cho chiều hướng mại bản này.

“Tình dục, realism, trong phạm vi tiểu thuyết, cần phải được authenticated trở thành một kinh nghiệm nhân sinh (tôi không biết phải dịch chữ ‘authenticated’ làm sao), Chu kỳ ‘authentication’ đó phải đặt trên kiến thức, trí tuệ, và sự ngậm ngùi suy gẫm về kiếp người — knowledge, experience, and then the necessary elaboration. Đi vào lãnh vực mô tả tình dục con người bằng trí tưởng tượng, và chạm cả vào phạm vi chuyên môn của tâm lý học và y học — có thể sẽ trở thành faux pas lớn nhất cho người tập cầm viết. Write only what you know! Đây là nguyên lý rõ rệt nhất cho trường dạy văn chương sáng tạo ở xứ này. Nếu không, viết về tình dục sẽ trở thành một sự trịch thượng, kệch cỡm và gượng ép. Có nhiều khi đi luôn vào cái mà độc giả có tầm vóc sẽ cho là ‘bad taste.’”

“Người cầm bút của thế hệ mới trực tiếp chịu trách nhiệm nếu sự trịch thượng, kệch cỡm và gượng ép này xảy ra trong cái được mệnh danh là ‘văn chương, văn học’ làm cho nó không còn là ‘văn chương, văn học’ nữa. Và như thế thì chẳng thà lão hóa còn hơn.”

Dương Như Nguyện nhấn mạnh: “Xin đừng hiểu lầm là tôi muốn phê bình những ‘nhà văn nữ’ của cộng đồng. Con đường viết là con đường riêng biệt của mọi người. Văn chương là cái gì còn lại của cái gì bị quên đi, bị bỏ đi, bởi người đọc (người đọc, chứ không phải là người đi mua trong thế giới mại bản).”

“Substandardization lại càng trầm trọng hơn nữa trong môi trường di dân, nơi mà người đọc ngày càng ít đi, và tình trạng ‘tự xuất bản’ gây nên một môi trường tàn khốc cho tiêu chuẩn.”

Cô cho biết cô yêu thích một vài tác phẩm của Vũ Khắc Khoan và Nghiêm Xuân Hồng, cũng như trường thiên tiểu thuyết cuối cùng của Nhất Linh trước khi ông mất – “cuốn tiểu thuyết đó mới thật sự là tiểu thuyết của ông Tam. Ba vị này, rất ư là lão hóa. Lão hóa như thế thì thế hệ mới của tôi cần nên lão hóa.”

“Cái khổ là có những người trong thế hệ mới này cứ chuyên môn đem chuyện ông Hemingway ra hỏi ông Doãn Quốc Sỹ, làm như thể ông Doãn Quốc Sỹ phải biết ông Hemingway thì mới trở thành nhà văn! Trong khi đó, nếu ông Hemingway còn sống, ông Hemingway không biết ông Doãn Quốc Sỹ là ai, vì ông Doãn Quốc Sỹ viết bằng tiếng Việt, mà sách lại không được phổ biến cho 80 triệu dân. Ngọn đuốc của thế hệ mới nên soicho những ông Hemingway của Đại Tây Dương được biết về bác Doãn Quốc Sỹ nhà mình, ngồi câu cá bên cái Hồ Thùy Dương của bác ấy (câu cá thay vì viết văn vì tác giả Hồ Thùy Dương đã lão hóa, lão hóa sau khi tấm thân gầy gò đã chịu đựng ngục tù chỉ vì nhà giáo đã từng cầm bút). Có những người khác trong thế hệ mới lại rất dễ bỏ quên hẳn bác Doãn Quốc Sỹ nhà mình, vì con đường đi vào dòng chính không cần sự lót đá (grounding) của cái Hồ Thùy Dương ngày xưa.

“Đó, mới chính thức là ngọn đuốc của người đi sau để giải quyết vấn đề lão hóa. Ngọn đuốc này phải thắp nên bởi nhiên liệu đến từ độc gỉa?. Tôi đau đớn mà nhận ra rằng vấn đề ông nêu lên không biết giải quyết ra sao. Thật tình mà nói, có thể tôi méo mó nghề nghiệp luật sư thương mại, nhưng tôi cho rằng vấn đề này mang tính chất của một vấn đề kinh tế. Cần có một Bill Gates cho văn chương hải ngoại. Tôi nghĩ đến điều này hằng đêm.

“Về phần tôi (con người nghệ sĩ tách ngoài phạm vi nghề nghiệp), sau tác phẩm này, tôi chỉ mong là một số độc gỉa hiếm hoi trong dòng chính sẽ nhớ cái tên dòng sông Hương, thay vì ‘Perfume River’ của nhà quảng cáo trung tâm du lịch. Như thế là tôi đã tạm thành công.

“Chỉ có thế thôi. Và chỉ có trời biết, cho dù rằng tên tôi là Như- Nguyện. May All Your Wishes Come True. Rút cục lại, tôi tự bảo mình: cứ viết đi, đừng suy nghĩ đến thành công hay không thì tốt hơn. Con đường thiên lý đẹp vì hoa nở trên đường đi, chứ không phải vì nó dẫn đến đích: một ngôi nhà vàng nào đó để nhốt con chim hót!”

San Jose-Denver

Aug 15, 2005

NGUYỄN XUÂN HOÀNG

clip_image010

Tác giả:

Sinh quán tại miền Trung Việt Nam, Uyên Nicole Duong [Dương Như Nguyện] đến Mỹ năm 16 tuổi, năm ngày trước khi Sài Gòn sụp đổ.

Tốt nghiệp Báo Chí và Luật Khoa tại Southern Illinois University, the University of Houston Law Center và Harvard Law School. Đã theo học ngành diễn xuất tai American Academy of Dramatic Arts ở New York và Pasadena, California, đồng thời cũng là một bỉnh bút cho Quận Học Chánh Houston. Được bổ nhiệm làm giám đốc cơ quan quản lý các sự kiện có thể gây rủi ro, và là người phụ nữ Á Châu đầu tiên có chân trong Ban quản lý điều hành của Sở Học Chánh Houston, ở tuổi 24. Đảm nhiệm chức vụ Thẩm phán tại Houston, Tiểu Bang Texas và là người được Luật Sư Đoàn Hoa Kỳ vinh danh là vị chánh án người Mỹ gốc Việt đầu tiên tại Hoa Kỳ trong năm 1992. Từng hành nghề tư vấn trong lãnh vực kỹ nghệ dầu lửa quốc tế, là luật sư của cơ quan giám sát thị trường chứng khoán Securities andExchange Commission, Hoa Kỳ, đồng thời là Giáo sư tại Đại học Luật Khoa Denver, Colorado.

Đã xuất bản:

Mùi Hương Quế (nxb Văn nghệ 1999)

Chín Chữ Của Nàng (nxb Văn mới 2005)

Daughters of the River Huong (nxb RavensYard 2005)

Con Gái của Sông Hương (bản dịch, RavensYard 2005)

Sẽ xuất bản:

Mimi and Her Mirror

Postcards from Nam

(Hai tác phẩm này đã hoàn thành từ năm 1999 nhưng vấn đề thương lượng với nhà xuất bản chưa xong.)

(Bản dịch: Bưu Thiếp từ Nam, Văn Mới 2006) – đã có sự chấp thuận tiên khởi của Văn Mới)

Tình Yêu, Đời Sống và Lưu Đầy (tập thơ song ngữ PenAsia 2006)

(PenAsia là imprint của một LLC – limited liability company – làcông ty con của một nhà xuất bản rất nhỏ ở Luân Đôn; đang tiến hành].

Đang viết:

Book of the Seven Dreams

“Đối với tôi, các tác phẩm đã in hoặc đang tiên hành không còn quan trọng. Các bản thảo chưa viết mới là quan trọng. Như tôi nói, trong trái tim tôi có con đường thiên lý.”

Nhã ca cái viết ra mới thực sự quan trọng

Tôi không biết mình đã đọc đi đọc lại bao nhiêu lần những trang sách trong Hồi Ký Một Người Mất Ngày Tháng của Nhã Ca. Những dòng chữ khô, lạnh, bén, sắc và ngắn như nhát dao đâm xoáy vào trái tim. Như một cái buá nện xuống một bàn tay đang bám vào vách đá chờ được kéo lên. Những dòng chữ “phẫn nộ” có thể làm những đôi mắt khô khốc phải ứa lệ.

“Suốt buổi chiều, tôi ngồi với giỏ thăm. Xếp vào. Xếp ra. Nhìn. Rờ rịt. Anh còn mê man. Anh chưa nhìn thấy món ăn con thơ này. Dọn lên. Mắt mũi các con. Dọn lên. Tim gan các con. Dọn lên. Nước mắt các con, nước mắt Mẹ…. Tôi nằm xuống lúc nào không hay. Lúc tỉnh được dậy sau cơn mê mệt, giỏ thăm nuôi đổ, mấy gói cá muối bị xé rách, tung toé. Nơi lỗ cầu tiêu, lại nó, con chuột. Cặp mắt nhỏ như hai hạt đậu, tinh quái, thập thò. Ngày mấy? Tháng mấy? Còn hỏi làm gì nữa.” [1]

Nhân vật “anh” là thi sĩ Trần Dạ Từ và các con thơ của anh chị. Và khung cảnh là một phòng kiên giam dành riêng cho một người. Điều gì đã khiến một Trần Thy Nhã Ca với “buồn như lá cây, hồn thơ dại, xanh xao tháng ngày, …” [2] phải viết ra những dòng chữ trần trụi lạnh lùng đến như thế? Câu trả lời đã rõ. Nhưng viết được như thế không phải là tưởng tượng của một nhà văn, và không chỉ là kinh nghiệm của một người đã trải nghiệm những nỗi đau đó. Viết được như thế có nghĩa là đã phải sống như thế. Và hơn là như thế! Bởi vì, có bao nhiêu người đã từng sống như thế để có đượcmột Nhã Ca như thế? Đó cũng là một câu hỏi đã có câu trả lời.

Chị đã đi trên một con đường đầy gai nhọn, không tên gọi, không ngày tháng. Con đường máu và nước mắt. Con đường của một nỗi đau bị nén lại, một hạnh phúc bị chia cắt, bầm dập. Con đường mà ai đã đọc hồi ký của chị sẽ chảy nước mắt, nhưng chính những dòng chữ của chị chỉ là sự lặng câm.

Phải là một người có ý chí mạnh mẽ mới có thể đứng vững được trước những sóng gió của cơn hồng thuỷ 30 tháng Tư, 1975 đổ ập xuống Sài Gòn. Mặc dù, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhiều người đã trụ được. Nhiều ngưòi đã đứng dậy được. Nhưng từ một thiếu nữ lớn lên ở Huế, thành phố trang nghiêm và khắt khe, …. Trần Thị Thu Vân đã làm những bước nhảy vọt lớn: từ Huế cổ kính nhảy vào Sài Gòn phóng khoáng, rồi nổi tiếng với những bài thơ, nổi tiếng hơn với Đêm Nghe Tiếng Đại Bác, với Giải Khăn Sô Cho Huế và thình lình bị đẩy rơi từ một thể chế này xuống một thể chế khác như lao từ đỉnh cao xuống vực thẳm của một nỗi đau ngất, rát nhức như muối xát trên những vết thương còn tươi rói. Chị là người đi trên một sợi giây xiếc giữa sống và chết, một bên là cái sống mong manh và một bên là cái chết lúc nào cũng giang tay chờ đợi. Tất cả những gì chị có đều bị tước đoạt, trần trụi, trơ trọi, bức rời. Sau nhà tù nhỏ sẽ là nhà tù lớn: Một người đàn bà với đàn con thơ dại và hai bàn tay trắng đứng giữa chợ đời.

Làm sao có thể viết được giữa một hoàn cảnh như thế? Phải đợi 16 năm sau, khi cả gia đình chị ra khỏi Việt Nam, Hồi Ký Không Ngày Tháng của Nhã Ca mới ra đời. Đây không phải chỉ là một ghi chép lẫn lộn thời gian và kỷ niệm. Hồi Ký đó là một tiếng nói mạnh mẽ của con người trước một thế giới bị tan rã, một tiếng chuông cảnh tỉnh của một vũ trụ bị mê đắm trong u minh.

Bao lâu còn chiến tranh – bất cứ một cuộc chiến nhân danh chủ nghĩa nào – tiếng nói ấy cần phải được cất lên, tiếng chuông ấy cần phải được gióng lên, thông điệp ấy cần phải được lắng nghe.

Người đọc biết Trần Thy Nhã Ca với “Bài Nhã Ca Thứ Nhất”, mở đầu cho một dòng thơ mới trong văn chương Việt Nam từ năm 1960. Nhưng thật ra trước đó, từ năm 1955, chị đã từng làm thơ học trò ký tên Thu Vân, đăng trên các tuần báo Văn Nghệ Học Sinh, Văn Nghệ Tiền Phong tại Saigon, chưa kể thơ thời bích báo tiểu học, trung học. Và trước đó nữa, từ năm 1954, khi mới 15 tuổi cô bé Thu Vân đã viết truyện dài đầu tiên có tựa là “Đường Một Chiều”. Đó là thời cuối trận chiến tranh Việt-Pháp. Chị nói: ‘Truyện được viết theo “đơn đặt hàng” của ông anh trong nhà, để đăng từng kỳ trong báo “Hồn Xuân”, tờ báo chép tay của một nhóm văn nghệ choai choai tại Nam Giao, Huế. Còn nhớ, người chủ trương nhóm báo Hồn Xuân là anh Tôn Thất Chi, người vẽ bìa số báo đầu tiên là ông anh Trần Văn Lễ. Sau đó có hiệp định Geneve ngưng chiến, chia đôi đất nước, rồi di cư, tập kết. Báo Hồn Xuân chỉ mới “xuất bản” được ba số thì đành tự “đình bản”. Truyện dài đầu tay “Đường Một Chiều” vĩnh viễn dang dở.”

Giờ đây đọc lại thơ và truyện Nhã Ca của những năm Sáu Mươi, Sáu Mươi Tám, Nhã Ca của 1975 và môt Nhã Ca của 2005, người ta khám phá ra một khuôn mặt văn chương đã đi qua hạnh phúc và khổ đau, đi qua một tình yêu lớn, đi qua những thao thức và chờ đợi, đi qua những phút giây làm mẹ và trải nghiệm qua biết bao nỗi đau làm người.

Nhã Ca kể lại báo chữ in đầu tiên của chị sau khi đã làm báo tường báo chép tay là tờ “Văn Nghệ Học Sinh”, do nhà báo Giang Tân làm Tổng Thư Ký. Chủ nhiệm, chủ bút là ông Lê Bá Thảng, chánh văn phòng của Bộ Trưởng Thông Tin Trần Chánh Thành.

Thơ, tuỳ bút, truyện ngắn ký tên Thu Vân được liên tiếp chọn đăng. Những “tác giả” có bài đăng trong tờ báo “văn nghệ họcsinh” này về sau thành bạn nhau. Khởi đầu có Lê Đình Điểu (làm thơ tình với bút hiệu Y Dịch, viết khôi hài với bút hiệu Lê Ngông Nghênh), Nguyễn Thụy Long (viết truyện mộng mơ với bút hiệu Mặc Lan Giao). Tiếp theo, có Lê Tất Điều (viết truyện con nít thậtdễ thương với bút hiệu Ái Nhân); Dương Nghiễm Mậu (triết lý như một ông già với bút hiệu Hương Việt Hương); Đỗ Quí Toàn (làm thơ với bút hiệu Đỗ Quí), Viên Linh (thơ sáu chữ, thơ lục bát số một), Nguyễn Khắc Nhân (viết tuỳ bút giọng miền Trung với bút hiệu Thùy Nhân), Tô Tam Kiệt (thơ chiến đấu hùng dũng)… Thình lình, vào khoảng 1956, bỗng thấy Điểu và Long giới thiệu cho chàng thi sĩ Hoài Nam, người sau này sẽ là Trần Dạ Từ …

Trần Dạ Từ, tình yêu đầu tiên và sau cùng của chị. Chị nói: “Ừ, thì đó, chuyện giản dị vậy thôi. Hai đứa quen nhau qua tờ Văn Nghệ Học Sinh, do Lê Đình Điểu và Nguyễn Thụy Long giới thiệu. Tiếp theo, nhận cả ngàn bài thơ. Khác với các bạn viết văn làm thơ tài tử, Từ là “nhân vật toà soạn”, người trả lời hộp thư của toà báo. (Sau này mới biết, thật ra, thi sĩ chỉ là một anh nhóc bụi đời, các “văn hữu” nhóc tì họp đại hội với ông chủ nhiệm yêu cầu cho chàng việc làm, nhờ đó chàng là “thầy cò” sửa bài, kiêm biên tập viên duy nhất của tờ báo bên cạnh tổng thư ký Giang Tân). Bị cả ngàn bài thơ tấn công, cô bé 16 tuổi chịu không thấu. Sau hai năm viết thư, hai người trẻ tuổi gặp nhau lần đầu năm 1958.

Trong Hồi Ký, Nhã Ca kể chuyện, mùng một Tết chàng từ Sàigòn ra Huế. Chị ngồi nghe tiếng còì tàu. Đã biết trước nhưng vẫn giật mình. Tàu hoả đang hú còi vào ga. Ghê quá, chị nghĩ, anh ta tới rồi đấy. Tàu từ Đà Nẵng ra đúng sáng mùng Một Tết. Chắc còn phải tìm đường, tìm nhà. Trước sau một giờ trưa, sẽ đi qua cổng. Bẩy giờ tối sẽ tới, sẽ gặp. Thư cuối năm, anh báo trước như vậy.

“Buổi trưa. Bao nhiêu người qua đường, biết ai là anh. Run quá. Coi tề, cái người nhìn mình một cái rồi quay đi, bước nhanh hơn. Anh? Anh vậy há? Mỏng như tờ giấy. Còn mặt mũi? Kịp thấy chi mô. Mới nghĩ chắc anh đó, mắt con bé đã hoa lên rồi. Nhát.”

Buổi tối, Trần Dạ Từ bước vào nhà. Chưa mời, anh đã ngồi, Nhã Ca viết trong Hồi Ký. Người cha vặn cái radio bóng đèn cổ lỗ đầy tiếng kêu rồ rồ. Ông anh lớn trong nhà nhăn mặt, bỏ sang phòng bên. Chị ú ớ. “Những lá thư xuôi ngược cả năm Sàigòn-Huế-Sàigòn. Những bài thơ tình đầu. Anh ngồi đó ốm nhom.” Sáng mùng hai tết, khi gặp lại anh trong… khách sạn, trên bàn có bài thơ “Thủa Làm Thơ Yêu Em”, ký tên Trần Dạ Từ.

Thêm hai năm sau khi gặp nhau, chàng thi sĩ nhát như thỏ đế, vẫn không dám cầm tay người yêu. Vậy mà tình yêu của họ đã làm ồn thành phố Huế. Ồn đến nỗi, “nàng” phải đành bỏ chạy theo chàng. Vô tới Sài Gòn, một người bạn của Từ, Nguyễn Khắc Nhân, đứng tên ông anh, gửi chị vô nội trúù trường Đức Trí ở đường Võ Tánh. Xong thời nội trú, Nhã Ca trở về Huế ở một năm để làm lành với gia đình. Sau đó chị vào Sài Gòn, in thiệp cưới và năm 1962, sinh con đầu lòng là Sớm Mai. Tiếp theo, thêm một loạt 5 đứa nữa. Cậu út là Hưng Chấn, cuối 1974. Hưng Chấn là tên do bố mẹ đỡ đầu của cháu là anh chị Cung Tiến đặt cho để lấy hên. Chị nói, nhưng hên đâu chả biết, chỉ thấy mấy tháng sau là miền Nam sập tiệm, hai vợ chồng đi tù.

Từ khi biết “chàng”, Nhã Ca bắt đầu viết nhiều hơn. Chàng không chỉ làm Văn Nghệ Học Sinh mà còn viết bài kiếm ăn ở các báo khác. Bài gửi cho chàng ở Văn Nghệ Học Sinh, bỗng thình lình thấy xuất hiện trên mục “Mỗi Ngày Một Truyện” của nhật báo Ngôn Luận, rồi nhật báo Lẽ Sống, tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong… vừa nhận báo vừa nhận cả nhuận bút. Biết mùi nhuận bút rồi, khó bỏ. Vậy là viết đêm viết ngày. Từ 1960, khi bỏ Huế vào Saigon với Trần Dạ Từ, bạn bè họp thành một bọn, mỗi tên tự chọn một bút hiệu chính thức và bắt đầu sống với nghề cầm bút. Từ 1960, 1961 gì đó, cùng lúc với việc Trần Dạ Từ làm nhật báo Dân Việt, các bạn của Từ -Nhã chủ trương tuần báo Ngàn Khơi, in ở nhà in Nguyễn Đình Vượng, số 39 đường Phạm Ngũ Lão. Năm 1963, ông Vượng ra báo “Văn”, yêu cầu chị góp bài. Năm 1964, bài viết cho Văn được in thành sách. Báo Văn và nhà xuất bản Nguyễn Đình Vượng ấn hành truyện dài “Bóng Tối Thời Con Gái”. Nhà AnTiêm của Thanh Tuệ ấn hành tập truyện “Đêm Dậy Thì”. Sau đó là “Đêm Nghe Tiếng Đại Bác” và cứ thế đi tới…

Thế còn tập thơ “Nhã Ca Mới” và giải thưởng thi ca toàn quốc thì sao? Chị nói thơ “Nhã Ca Mới” do “Ngôn Ngữ” xuất bản, cũng đầu năm 1964. Ngân khoản in thơ lẫn tên nhà xuất bản đều do anh Nguyên Sa. Cuối năm ấy, Nhã Ca được giải thi ca toàn quốc 1965. Tiền lãnh giải dĩ nhiên không còn dấu vết. Huy hiệu giải thưởng là huy hiệu của nguyên thủ quốc gia nghe nói là bằng vàng – tương tự huy hiệu của Tổng Thống VNCH dành cho các giải thưởng về sau- chẳng nhớ đi đâu mất, có lẽ còn đâu đó trong… Sở Công An Thành Phố hoặc không chừng đã ra vỉa hè, bị nấu chẩy thành dăm ba “chỉ”, hay một hai “cây”…

Trong các bài viết về thơ Nhã Ca, từ Bùi Giáng, Võ Phiến, Thi Vũ tới Huyền Không tức Hoà Thượng Mãn Giác… thường nhắc tới bài thơ “Tiếng Chuông Thiên Mụ”. Võ Phiến viết là trong lịch sử văn học Việt Nam chưa hề có tiếng chuông nào vang dội khác thường tới mức ấy. Hỏi chị tại sao? Chị bật mí: “ Bài thơ in lần đầu trên tuần báo Ngàn Khơi, đầu năm 1963. Đó là thời điểm vừa xẩy ravụ biểu tình đẫm máu tại Đài Phát Thanh Huế và Phật Giáo bị chính quyền đàn áp. Tuần báo Ngàn Khơi do bọn này chủ trương bàn nhau phải cùng nhau viết cái gì đó. Dự tính có Nguyên Sa, Nguyễn Mạnh Côn, Chu Tử, Đỗ Quí Toàn, Nguyễn Thụy Long, Tú Kếu, Nguyễn Hữu Đông, Trần Dạ Từ… mỗi người sẽ cùng viết nhiều ít gì đó. Bìa offset do Đằng Giao trình bầy in trước 4 số đã ghi sẵn tựa đề chung là “Tiếng Chuông Thiên Mụ”. Tới ngày ra báo, Nhất Linh tự tử, rồi sư sãi bị bắt, Saigon giới nghiêm… Chỉ riêng bài thơ mang tên “Tiếng Chuông Thiên Mụ” được xuất hiện trên báo. Còn nhớ trong bài thơ có câu “Thức dậy cùng tan vỡ, thức dậy cùng lịch sử” đã được các bạn trong “Sở Kiểm Duyệt” nhẹ tay cho qua… Mọi bài viết khác không qua khỏi lưỡi kéo kiểm duyệt, đành phổ biến cách khác.

Trần Dạ Từ và các bạn của anh làm báo “Lửa” đánh máy quay roneo bằng cái máy chữ của anh Nguyên Sa cho, cả bọn xúm nhau vào phát hành chui… Trong việc phổ biến số báo “Lửa” ở các đại học thời đó có cả các nhà văn Nguyễn Thị Vinh, Nhật Tiến. Sau đó, Trần Dạ Từ bị mật vụ nửa đêm bịt mắt dẫn đi mất tiêu, cả bọn trốn chui trốn nhủi… Đó cũng là lúc có bài “Thơ Sớm Mai”, sinh nhật năm đầu tiên của cháu.”

Trả lời câu hỏi hiện nay chị đang viết gì? Nhã Ca nói: “Truyện ngắn, đang lo viết cho báo tết. Truyện dài, đang sắp xếp, sửa chữa bộ “Đường Tự Do Saigon”. Truyện đã viết liên tục hơn 10 năm trên Việt Báo, mỗi ngày mỗi viết. Độc giả có lòng hỏi. Có nhà xuất bản muốn trả tiền để in. Nhìn lại, đếm chữ thấy đã có tới hơn 10,000 trang sách. Truyện viết từng ngày, muốn thành sách, phải sửa chữa, sắp xếp lại. Cả năm nay, chỉ mới xong 640 trang cho cuốn 1, hiện đã đưa thử lên internet… Việc xuất bản trọn bộ, chắc còn phải mất thêm ngày tháng.

Về câu hỏi tác phẩm nào của chị được chị thích nhất, Nhã Ca trả lời có lẽ nhiều phần dành cho cuốn “Hồi Ký Một người Mất Ngày Tháng”. Đó là nói văn. Còn trong lòng, chị vẫn yêu và trân quí Thơ. Nhã Ca, tên tuổi ấy đã mang âm hưởng một bài thơ.

Nói về kỷ niệm mà chị nhớ hoài là thời kỳ trong nhà tù nhỏ và nhà tù lớn ở Việt Nam, Nhã Ca kể có lần được theo xe tù đi thăm nhà trưng bày tội ác Mỹ Ngụy ở trường Dược cũ tại Saigon, thấy sách của mình và bạn hữu được bầy dưới danh nghĩa “tội ác Mỹ Ngụy”. Đặc biệt, cuốn “Giải Khăn Sô Cho Huế” được treo trang trọng. Đã đứng nghiêm cạnh Lê Xuyên, Hoàng Anh Tuấn, Trần Việt Sơn… chào kính tác phẩm của mình và bạn hữu.

Hỏi chị đang đọc gì? Nhã Ca cho biết hiện chị đang đọc Milarepa, thơ và truyện kể về thi sĩ và thầy tăng lớn của Tây Tạng. Còn tác giả ưa thích? Với chị đó là Thơ Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thuỳ Yên, Mai Thảo, Trần Dạ Từ, Đỗ Quí Toàn, Viên Linh, Tú Kếu…

Còn truyện? Chị nhắc đến Thảo Trường, Lê Tất Điều, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Thụy Long…

Với câu hỏi liệu có thể nói đến một nền văn học hải ngoại không, Nhã Ca cho rằng “Một nền văn học hải ngoại?” chắc chỉ là câu hỏi nhất thời hoặc tạm thời. Dăm ba chục năm, vài ba trăm năm, rồi sẽ qua đi. Những cái đáng còn sẽ còn lại. Yếu tố nơi sinh sống trong nước hay ngoài nước của tác giả bất quá chỉ là những ghi chú, không phải là yếu tố để tác phẩm văn chương tồn tại. Văn học hay văn chương Việt Nam là đủ. Người viết ở đâu cũng được, dù trong hay ngoài nước. Viết trong hay viết ngoài nhà tù chẵng phải là yếu tố quyết định giá trị. Cái viết ra mới thực sự quan trọng..

NGUYỄN XUÂN HOÀNG

[1] Nhã Ca, Hồi Ký Một Người Mất Ngày Tháng, tr. 61. Nxb Thương Yêu, 1991.

[2] Bài Nhã Ca Thứ Nhất.

Tôi nghe tiếng nước reo trên bếp

1.

Suốt mấy ngày đầu tháng giêng tây, thành phố Thung lũng tôi ở, mưa dầm dề và có những trận gió buốt lạnh. Cái thứ lạnh căm căm giống như cái lạnh ngày đầu khi tôi vừa từ Sàigòn lên Đà lạt. Vườn sau nhà có một sàn gỗ [deck] rất lý tưởng cho những buổi sáng mùa hè uống cà phê đọc báo hay những chiều họp bạn. Tuy vậy ở đây tôi chưa bao giờ có được cái hạnh phúc bắc ghế ra sân hóng nắng,

Cách đây ba bốn năm, có lần tôi ra sàn tính xem chỗ này có thể đặt cái bàn và mấy chiếc ghế để cuối tuần ngồi uống rượu với bạn bè được không. Tôi bước quanh mép sàn và bất ngờ sụp chân xuống. Mấy chậu hoa đổ theo. Sàn gỗ đã mục từ lâu. Ý định mời bạn bè đến nhà chưa bao giờ thực hiện được dù tôi đã ở đây bảy năm. Bảy năm với những ngày cuối tuần hết đến nhà người bạn này lại chạy đến nhà người bạn khác, ăn uống trò chuyện mà không bao giờ đón được bạn đến nhà mình.

Nhiều lần gọi cô chủ nhà than phiền về cái deck bị sụp, nhiều lần cô hứa cho người đến thay sàn mới, nhưng lời hứa của cô như gió thoảng mây bay.

Sáng nay, nhìn ra sân, những chỗ ván ghép đã thấy đóng rêu xanh, những chậu hoa ngã nghiêng, bụi hoa mọc sát bờ rào bị gió thổi cúi rạp đầu. Một con sóc từ bụi cây cao ngăn hồ nước phiá sau nhảy qua sân và biến mất dưới chân sàn. Những con sóc? Tôi nhớ một bài hát hồi nhỏ ở Nha Trang khi đi xem xi-nê ở rạp Tân Tân bao giờ trước khi phim chiếu cũng được nghe bài hát Ma Cabane Au Canada / Căn Lều Của Tôi Ở Canada nằm sâu trong rừng nơi có những chú sóc…Bài hát lập đi lập lại một điệp khúc quen tai đến nỗi bọn trẻ chúng tôi đứa nào cũng thuộc nằm lòng. Bài hát đó theo tôi vào Sài gòn, lên Đà lạt, vô nhà tù U Minh, vào trại tỵ nạn Phi Luật Tân và bây giờ một buổi sáng mùa đông ở California. Có những bài hát ta nghe nhiều lần nhưng không bao giờ nhớ nỗi một câu và có những bài hát dù không còn phổ biến nữa, nhưng nó vẫn cứ vang lên trong đầu bằng một trí nhớ không được chuẩn bị. Những bài hát làm sống dậy hình ảnh và kỷ niệm, sống dậy mùi vị cỏ cây và hơi thở của da thịt. Những con sóc thời thơ ấu và ca khúc Ma Cabane Au Canada của tôi.

2.

Có tiếng gõ cửa. Cái nút chuông có trên vách sao họ không bấm mà lại gõ? Tôi bước ra. Một người đàn ông da đen cao lớn, mặc bộ suit màu đen, đeo kính trắng, mũ đen rộng vành, cầm trên tay một xấp giấy, đứng trước mặt tôi.

Ông tự giới thiệu là Thomas Donahey, người của Thượng Đế. Ông nói thế giới đầy tội lỗi, đã đến lúc mọi người trên trái đất này phải sám hối. Tội ác như một nồi nước đang sôi sùng sục, và cầu nguyện là rút những thanh củi đang cháy ra khỏi bếp. Tôi nói với ông tôi chưa bao giờ phạm tội, tại sao tôi phải cầu nguyện? Ông lấy một tờ giấy màu xanh trong xấp giấy đưa cho tôi. “Đây là những lời kinh sám hối. Ông đọc sẽ rõ. Ông nói ông chưa bao giờ phạm tội à? Thật sao? Trong suốt đời ông, ông chưa bao giờ phạm tội thật à?” “Thật chứ!” Tôi nói. Ông Thomas nhìn tôi, tay ông vẫn chìa tờ giấy màu xanh về phía tôi. Đầu ông hơi nghiêng, gọng kính trụt thấp dưới sóng mũi, mắt ông to, nhưng tròng trắng nhiều hơn tròng đen. Tôi không muốn cầm tờ giấy nhưng thật là bất lịch sự nếu cứ để ông giữ nguyên tư thế đó. Tôi đành đưa tay ra. Ông Thomas tiếp, trên thế gian này không một ai, không trừ một ai – ông nhấn mạnh, mà không phạm tội. Sinh ra đời đã là phạm tội. Làm người đã là phạm tội.

Lúc đó hình như gió thổi mạnh hơn và bầu trời xuống thấp mịt mù mây đen cùng với những giọt mưa lạnh buốt tạt vào mặt chúng tôi. Tôi đẩy rộng cửa, mời ông vào nhà. Ông khoát tay, kẹp xấp giấy vào nách, bật chiếc dù đen đeo ở cánh tay lên. “Cám ơn. Tôi còn nhiều nhà phải đi. Tôi sẽ trở lại với ông một vài ngày sau, nếu ông còn muốn nói chuyện với tôi.” Ông kẹp gọng dù vào cổ, chìa tay cho tôi bắt. Tôi nắm bàn tay to bè của ông, những ngón tay dài mập màu nâu nhưng lòng bàn tay nhạt màu cà phê sữa. Ông bước đi, lưng thẳng, giương chiếc dù lên cao, nhìn về đằng trước. Bỗng nhiên tôi thấy ông giật mình đứng sững lại. Vô tình, ông đã giẫm lên cây ớt trước nhà vừa bị trận gió thổi ngã xuống. Cả một cành ớt chín đỏ nát dưới chân ông.

“Xin lỗi! Xin lỗi!” Ông quay lại nhìn tôi trước khi tiếp tục rảo bước.

3.

Sau bảy năm, từ dưới nam lên miền bắc thung lũng nhận việc làm mới, nay tôi đang có nhiều ngày để tùy nghi. Ngồi trước màn ảnh máy vi tính tôi đọc những bài viết trên các mạng Talawas, Tiền Vệ, Evăn,….. Hai cuốn sách đang được nhắc đến nhiều nhất lúc này là Bóng Đè của Đỗ Hoàng Diệu và Cánh Đồng Bất Tận của Nguyễn Ngọc Tư. Những lời khen “cực kỳ” và những lời chê cũng “cực kỳ” không kém cho Bóng Đè, trong khi với Cánh Đồng Bất Tận lời khen chê có phần chừng mực hơn. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên gọi Nguyễn Ngọc Tư là “người viết những câu chuyện bình thường về những điều bình thường của những người bình thường của cuộc sống quanh cô.” Nhưng với Cánh Đồng Bất Tận, “Nguyễn Ngọc Tư đã bắt đầu chạm vào được những vĩa tầng cuộc sống của vùng đất cô sống và viết văn. Dữ dội và nhân tình [tính?] văn Tư bắt đầu là như thế.”

Trong khi đó trên mạng Evăn.com [trích lại từ báo ĐànÔng?] tôi đọc thấy câu “Danh hiệu nhân vật bị búa rìu dư luận ghê gớm nhất trong năm qua có lẽ phải trao cho nhà văn trẻ Đỗ Hoàng Diệu, do chuyện sex trong cuốn Bóng Đè của cô. Trả lời câu hỏi “Tình dục trong văn chương là bình thường hay không bình thường” cô nói “Tình dục, nó là một phần của đời sống. Nó đẹp như đời sống đang diễn ra. Nó nồng nàn như đời sống nhưng mặt khác nó cũng tăm tối như đời sống. Văn chương đạt đến văn chương nhất đấy là khi viết về cái phần ẩn sâu, giấu kín nhất trong con người. và sex là cái ẩn giấu nhất ấy. Nó là một trong những cảm xúc lớn lao và bền bỉ của con người. Thế tại sao tôi không được viết sâu về tình dục.”

Điều đáng tiếc là tôi chưa được đọc cuốn Bóng Đè của Đỗ Hoàng Diệu.

4.

Trời vẫn mưa, gió vẫn tiếp tục thổi rạp mấy bụi cây sân sau, và lạnh vẫn không giảm chút nào. Trời đất thế này tôi ngại ra Starbucks. Thôi đành ở nhà tự đun nước pha cho mình một ly cà phê buổi sáng. Thứ cà phê mà cực chẳng đã do lười biếng tôi mới uống. Thứ Nestcafe’ 100% Colombian, màu đen như than nhưng không mùi vị. Tôi mua vì nó có màu đen đậm, giống như cà phê phin Việt Nam. Một thứ nước màu đen để tạo cảm giác cà phê. Tại sao có thể gọi là cà phê mà không có chút hương vị cà phê?

Lại có tiếng gõ cửa. Hơi dồn dập. Tôi nghĩ chắc lại cái ông Thomas “người của Thượng đế”. Tôi bước ra mở chốt. Người đàn ông đứng trước mặt tôi gầy nhom, hơi thấp, lưng như có vẻ còng xuống. Mái tóc thưa, nhiều sợi bạc. Ông mặc chiếc áođi mưa bằng ni lông màu vàng. Ông cặp nách một gói giấy, có vẻ như là một cái chai. Đôi giầy thể thao màu trắng sần sùi, lấm nước mưa, hai sợi giây giầy bị tuột thòng xuống gần chấm đất. Gấu quần bị tươm ra, mòn rách. “Có phải ông là ông H. không?” Khách hỏi tiếp. Tôi gật đầu. “Tôi có thể vào nhà ông được không?” “Được chứ.” Tôi đẩy rộng cánh cửa ra. “Mời ông.” Tôi nói. Khách bước lên thảm, tự nhiên, không cởi giầy. Phòng khách nhỏ chỉ có một ghế cho hai người ngồi. Mấy thùng giấy và sách báo đã chiếm hết chỗ. Khách ngồi xuống ghế, đặt gói giấy trên bàn và tự tay mở ra. Một chai rượu. Khách nói đây là chai Les Violettes, Côtes du Rhône, năm 2000. Tôi không phải là người sành rượu đâu. Ông bạn tôi mua dùm cho tôi đó. Ông có đồ khui không?” Tôi nói, có, nhưng tôi vẫn chưa biết ông là ai? “Xin lỗi! Xin lỗi! Một cái tên đâu có nghĩa gì. Ông không biết tôi là ai là phải rồi. Nhưng mà tôi thì tôi biết ông. Tôi có đọc những bài viết của ông. Chắc ông sẽ hỏi tại sao tôi biết nhà ông phải không? Chẳng là tôi là bạn của một người bạn của ông. Ông còn nhớ ông Đ. không. Hiện nay ông ấy làm nghề xây cất dưới Lốt. Trước tôi cùng ở trại tỵ nạn Bataan, Phi Luật Tân với ông Đ. Đâu khoảng năm 1986. Hình như trước ông cũng ở đó phải không. Ông Đ. nói khi tôi đến thì ông cũng vừa rời trại. Hiện tôi làm nghề bỏ báo ở QuậnCam. Tôi đi Xe Đò Hoàng lên đây từ hôm qua, dự cuộc họp mặt mấy người bạn trước cùng đơn vị. Chai rượu này tôi mang lên tặng ông. Ông Đ. nói ông thích vang Pháp, ông ấy bảo tôi cứ mua đại một chai, cứ nhãn hiệu Pháp là ô-kê rồi. Vì làm nghề bỏ báo tôi có dịp đọc đủ loại. Bất cứ sách báo gì viết bằng chữ Việt là tôi đọc ráo. Nhiều bữa buồn hết sách báo tôi đọc luôn cả mục rao vặt. Tuy vậy báo tin tức thì coi xong là xong. Thời sự nó đi qua mau lắm! Tsunami rồi cũng qua. Katrina rồi cũng qua. Iraq thì ngày nào cũng có người chết, xe bom tự sát. riết rồi cứ thấy tin Iraq là tôi cho qua luôn. Nhưng trên giường tôi thì không bao giờ thiếu mấy tờ Hợp Lưu, Văn Học, Văn. Có nhiều bài, nhất là thơ, tôi đọc mà chẳng hiểu gì ráo. Tôi chỉ đọc truyện thôi. Có hôm tôi được đọc bài của ông. Điều tôi muốn nói với ông ở đây là… Khách bỗng ngừng lại: “Sao? Nhà không có đồ khui rượu sao?” Tôi nói, có, nhưng sáng sớm mà rượu chè gì ông anh. Thôi cũng được, khách nói, chỉ là vì tôi muốn cụng ly với ông thôi mà! Vậy nhà có cà phê không? Tôi nói có, nhưng cà phê dở lắm. “Không sao! Không sao! Cà phê gì cũng được, miễn nó là cà phê là ô-kê rồi!” Tôi đến bếp, mở ga nấu nước. Khách hỏi: “Tôi có làm phiền ông không?” Tôi trả lời, không, không, tôi muốn nghe ông nói. “Nói gì?” Khách hỏi. “Thì ông có thể cho tôi biết tại sao ông đến đây gặp tôi, chắc là ông có điều gì muốn nói chứ phải không?” “Gặp ông coi như gặp người đồng hương vậy thôi mà. Mà sao ông viết gì bi quan quá trời vậy? Cái Sổ Tay đó. Ông biết không, tôi ở đây sống một mình. Không gia đình, tứ cố vô thân. Vợ con tôi đã chết hết trong chuyến vượt biên. Hồi ở Sài gòn tôi chỉ là một người lính quèn. Tôi đi lính chỉ vì đến tuổi lính thì đi lính. Tôi không biết chính trị là gì. Chế độ mới tôi cởi áo lính ra, gia đình nheo nhóc, đi kinh tế mới. Sống không nổi, về Sài gòn, còn tệ hơn. Vợ chồng tôi dắt díu về Rạch Giá, quê vợ tôi. Thấy người ta vượt biên tôi cũng vượt biên. Tôi đâu có đồng xu dính túi. Vượt biên vì nhà gần bãi, giúp chủ ghe chứa người rồi người ta cho đi theo. Bị lộ, bị bắt, bị tù. Thả ra, vượt nữa. Lại bị lộ, bị bắt, bị tù. Chuyện cơm bữa. Chuyến đi tưởng được trót lọt, thì bị hải tặc Thái Lan. Vợ tôi bị chúng hiếp, xong liệng xuống biển, ghe đi tiếp bị chìm. ba đứa con tôi nằm trong bụng cá mập. Trên ghe cả sáu chục người chỉ còn có chín. Gần hai mươi năm nay tôi làm đủ thứ nghề toàn là tay chân. Hết bồi bàn rồi bưng phở, hết rửa chén rồi quét dọn thương xá. Thuê gì làm đó. Bây giờ thì đi bỏ báo. Những ngày đầu ở đảo đêm nào cứ chợp mắt là thấy vợ con hiện về. Qua tới Mỹ cũng còn ám ảnh. Nhiều đêm khóc vì nhớ vợ nhớ con. Bây giờ thì nguôi rồi. Thỉnh thoảng thôi. Tôi nghiệm ra người chết thì đã chết, người sống thì phải sống thôi….”

Tôi nói tôi cám ơn ông, nhưng tôi vẫn không hiểu ông muốn nói gì. “Tôi muốn nói, “ông có công ăn việc làm, có vợ có con, mà sao những gì ông viết ra buồn thảm quá. Mỗi lần đọc ông tôi thấy như ông xô tôi xuống một cái hố sâu. Tôi cũng muốn chết quách cho xong đời. Nhưng tôi nghĩ lại, tại sao chớ. Buổi sáng mở mắt ra tôi thấy một ngày vui, đi làm dành dụm được chút tiền tôi gửi về nhà cho mấy đứa cháu. Tôi thấy mình sống có ích. Cái sống là quan trọng. Tôi muốn nói, phải chi ông đừng viết về những điều buồn bã nữa thì tôi rất cám ơn ông. Bất cứ điều gì làm cho thế giới này buồn bã đều là tội ác. Ông không thấy vậy sao? Buổi sáng hôm nay trời đất ở đây mưa gió lạnh lẽo nhưng dưới nam Cali trời ấm áp lắm. Lạnh lẽo thì cũng có cái thú của lạnh lẽo chớ phải không ông? Buổi sáng hôm nay tôi thấy là một buổi sáng hạnh phúc. Chuyến trở về tôi sẽ kể cho ông Đ. nghe về cuộc gặp gỡ này. Chắc ông Đ. mừng lắm. Khách nói không ngừng. Khi ông dừng lại, tôi nghe ấm nước trên bếp vừa reo lên.

NGUYỄN XUÂN HOÀNG

Phụ Lục :

Một sổ thông hành để đi vào trái tim đời

Bùi Vĩnh Phúc

(Tựa, cho Sổ Tay Nguyễn Xuân Hoàng) (*)

Jean Michel Basquiat, Self Portrait (Chân Dung Tự Họa)

Nhà văn phải làm việc trên những chất liệu của đời sống. Nhưng hắn không được quyền mang tất cả những chất liệu thô của cuộc đời vào trang giấy. Đối mặt, tiếp cận với những hiện thực của cuộc đời, nhà văn phải ghi lấy những hình ảnh, những ấn tượng mình có vào trong tâm hồn. Hoặc kỹ hơn nữa, hắn phải luôn luôn có một vài mảnh giấy rời, hay một quyển sổ tay nhỏ, bỏ sẵn trong túi. “Lẩn” vào cuộc sống, nhìn ngắm, quan sát, rung động, khổ đau, hạnh phúc, giận dữ, thiết tha… với đời, hắn giữ lại tất cả những điều đó cho riêng mình. Khi thuận tiện, tìm một góc riêng, hắn ngồi xuống, hí hoáy ghi nhận cuộc đời trong mắt nhìn, trong cảm quan và ấn tượng của riêng hắn. Từ những cảm quan, ấn tượng có thể còn khá mơ hồ đó, những tác phẩm lớn có thể ra đời.

Các nhà văn Việt Nam chắc chắn là đã có rất nhiều người viết sổ tay. Nhưng rất ít người công bố những ghi nhận, cảm xúc, ấn tượng ban đầu ấy cho độc giả quan sát. Độc giả, trước sổ tay của một nhà văn, sẽ làm một công việc đặc biệt: quan sát cái được quan sát. Sự quan sát này mang tính văn học, thậm chí văn chương nữa. Nó không còn phải là cái quan sát mang nhiều tính thực tế, khách quan, trước những hiện tượng, sự kiện, biến cố của cuộc đời. Nó là sự quan sát, theo dõi, đánh giá cái đã được quan sát, theo dõi của nhà văn. Chắc chắn một sự quan sát như thế sẽ đem lại nhiều thú vị.

Trong văn chương Việt Nam, Mai Thảo đã là người đem lại cho người đọc những cái thú vị như thế. Nhớ, trong một bài viết về Mai Thảo, tôi đã đọc cái quan sát, rung động của Mai Thảo, trong Sổ Tay của ông, như thế này:

Câu văn của Mai Thảo ở đây thường “tự nhiên” hơn là câu văn của ông ở những chỗ khác. Rất nhiều câu cụt và ngắn một cách cố ý. Mà vẫn có nghệ thuật. Hình ảnh và nhịp điệu của chúng phơi phới bay múa. Nhịp điệu của hình ảnh? Vâng, đó là một đặc trưng của văn Mai Thảo.

” (…) Mưa. Mùa Thu. Mưa dương cầm Nghiêm Phú Phi. Thu vĩ cầm Đan Thọ. Phần tôi, sáng nay một hơi thuốc lá thấy ngon hơn, hơi thuốc của thơ Hồ Dzếnh: ngỡ lòng mình là rừng, ngỡ hồn mình là mây, cộng với cái nhìn bởi nắng đã lui quân nên đằm đằm bóng rợp, đã những ý thơ, hình thơ, ảnh thơ, tứ thơ về mùa thu, về mưa trời, về tháng chín óng ả hiện hình dưới hàng hiên tâm hồn sáng nay tôi đang ngồi, trên một ghế bành tưởng tượng, nhìn mưa Mỹ nghiêng nghiêng chở mùa thu Việt tới (…)

Mùa thu. Moderato, trong nhạc dân gian Phạm Duy. Lá vàng mùa thu. Doloroso, trong nhạc trữ tình Cung Tiến (…) Thơ tiền chiến về mưa thu, nắng thu lấp lánh thật nhiều châu báu, kim cương nơi thể thơ như một bình ngọc riêng được đúc ra để đựng hết mùa thu ngây ngất là thể thơ lục bát. Câu sáu đội mưa thu bay. Câu tám nhặt ngô đồng rụng (…)”

(Văn số 40, 10/ 1985)

“(…) Đích thực mưa xuân. Phơi phới, nghiêng nghiêng. Và lục bát trên những mái nhà. Và tứ tuyệt trên những đường phố. Và song thất ở những ngã tư (…)

Đêm qua thức giấc, thoáng nghe thấy, thật xa, những tiếng mưa trên những cảnh ngộ, những thân thế quê nhà. Tiếng mưa dài như một cuộc đời buồn. Những tiếng mưa tăm tối (…)”

(Văn số 57, 3/ 1987)

[Trích trong Lý Luận và Phê Bình/Hai mươi năm văn học Việt ngoài nước (Bùi Vĩnh Phúc, California: Văn Nghệ, 1996)]

Trong văn chương thế giới, có lẽ Sổ Tay (Carnets) của Albert Camus là một trong những trang văn, ghi nhận những hiện thực thô của cuộc sống, bằng cái nhìn rất ấn tượng, đặc thù của mình. Hãy xem ông tả khung cảnh New York mà tôi thử dịch lại sau đây:

Có lẽ New York sẽ chẳng là gì cả nếu nó không có bầu trời của nó. Vươn mình ra khắp bốn góc của chân trời, trần trụi và bát ngát, nó đem lại cho thành phố sự huy hoàng, tráng lệ của nó vào buổi ban mai và nét vĩ đại vào những buổi tối. (…) [T]ôi nghĩ đến những buổi chiều khác, quá dịu dàng và lướt qua quá nhanh đến nỗi nó bóp thắt trái tim ta, những buổi chiều nhuộm tím những khoảng sân cỏ bát ngát của Central Park… Những bầy trẻ nhỏ da đen đang dùng gậy gỗ để quật bóng, giữa những tiếng reo cười ồn ào hạnh phúc, trong khi những cụ Mỹ già, áo sọc ca-rô, đang ngả người trên băng ghế (…), những chú sóc vụt chạy biến lao mình vào bụi rậm tìm kiếm những mẩu thức ăn khoái khẩu của chúng. Trên những lùm cây rậm rạp trong sân cỏ, những con chim đang tấu một khúc nhạc jazz chào mừng sự xuất hiện của ngôi sao đầu tiên trên nóc cao ốc Empire State…

(Albert Camus / Carnets, “Le Ciel de New York”)

Carnets, sổ tay, theo định nghĩa, là một cuốn sổ, giống như một giấy thông hành, một hộ chiếu, một thứ giấy tờ chính thức cho phép bạn đi lại, đặc biệt cho phép bạn vượt qua các biên giới quốc gia. Đúng là như vậy. Với Carnets, Camus đã đưa ra những ghi nhận về mọi sự của cuộc đời, những cái nhìn xuyên quốc gia, để nhìn vào trái tim sự sống. Ông đã viết, trong Carnets, “Một người trí thức là một kẻ mà trí óc hắn quan sát chính nó”, và “Chúng ta chỉ sống thật sự một vài giờ phút trong cuộc đời của mình.” Những giờ phút ấy hẳn phải là những lúc con người sống rất thực với bản chất, với rung động của chính hắn.

Nguyễn Xuân Hoàng cũng vậy. Ông cũng đã sống những giờ phút như thế trong Sổ Tay của mình.

Ông đã viết như thế này trong một đoạn Sổ Tay, khi nói về những người bạn thân thiết một thuở giờ đã ra đi, không còn có mặt trong cuộc sống:

Chia tay và gặp gỡ là một biện chứng. Nói theo nhà triết học Martin Heidegger thì bản chất con người là “luôn luôn bị ném về phía trước”. Con người là sinh vật luôn luôn lo toan và dự tính, bởi vì bản thể con người không ở trong con người, nhưng ở trước mặt nó. Chính trong viễn tượng đó, Heidegger gọi con người là vật sống đấy để chết. Con người sinh ra nhất thiết phải chết. Dasein là hữu thể để chết (sein Zum Tode: être pour la mort). Sự chết để lại dấu tích trên từng hành động, trong từng ý nghĩ ta.

(trích bài “Chia Tay”)

Những lời, những chữ ấy như tự nhắc nhở cho mình. Như tự nhắc nhở, rằng, một ngày nào đó ta cũng phải nói lời chia tay, từ biệt với thế gian này. Tự nhắc nhở như thế để ý thức hơn nữa về những giây phút sống của mình hiện tại. Để ta sống một cách có ý thức và có ý nghĩa hơn. Và người đọc, khi tiếp cận với những dòng chữ trên, chắc hẳn cũng sẽ làm một cuộc quy chiếu. Ngay trên bản thân mình. Để thấy rằng mình là một hữu thể hướng về cái chết. Être pour la mort. Viết như thế là vượt qua biên giới của cuộc sống hữu hạn trong vòng trần gian này. Để hướng lòng tới một đích tới xa vời và sâu thẳm hơn.

Viết như thế, nhà văn đã sử dụng một thứ carnets văn học. Nhận thức hiện thực. Và nhận thức nó với một cảm quan nhanh nhậy và bén sắc.

Cũng trong tinh thần ấy, vượt một biên giới gần hơn, nhìn ngắm, suy nghĩ về thế sống lưu vong, xa quê hương của mình, đối diện với một đám đông những người tứ xứ, được nhào trộn trong một mảnh đất của hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, Nguyễn Xuân Hoàng viết:

(…) Những khuôn mặt không quen biết nhưng gần gũi với tôi. Họ là những người trẻ ồn ào hoặc những người trung niên lặng lẽ. Đập vào tai tôi là một thứ ngôn ngữ đường phố mà tôi phải cố gắng lắm mới nắm bắt được. Có người ngồi lặng thinh, mắt nhắm bất động như một bóng ma, chỉ bừng mắt dậy đúng ga muốn xuống và âm thầm bước qua cửa. Dù họ có là ai, nhưng tôi biết đám đông ấy cùng một giuộc với tôi. Họ là tôi, và tôi cũng chính là họ. Sau lưng chúng tôi là một quê hương đã và đang xa. Và trước mặt chúng tôi là một quê hương muộn màng đang gần. Như người tình cuối cùng trong đời, quê hương đó sẽ ở lại mãi mãi với tôi.

(trích bài “Người bạn bất ngờ trên xe Bart”)

Đó là hiện thực. Hiện thực được nhìn ngắm và quán chiếu ở một độ gần và sâu. Nhưng, như trong một đoạn khác, Nguyễn Xuân Hoàng đã viết, cũng như một cách tự nhắc nhủ mình: “Tôi vẫn nghĩ đôi khi hư cấu không bắt kịp hiện thực.” Đúng như vậy. Cuộc sống thiên biến vạn hoá và đầy những bất ngờ, những điều không thể nào tiên liệu được. Hiện thực là một cái gì hết sức vũ đoán. Bản chất của nó là hư cấu, một nhà thơ châu Mỹ La-tinh, Juan Calzadilla, đã nói như vậy. Thực sự, hiện thực còn là một cái gì hư cấu hơn cả hư cấu nữa. Bởi lẽ, để hư cấu, thường, tối thiểu, người ta cũng phải tuân thủ một số luật tắc nào đó. Còn hiện thực, hãy nhìn mà xem, nó có chịu chấp nhận một nguyên tắc nào đâu. Bởi thế, Sổ Tay, một thứ giấy nháp, để viết xuống, để mô tả những khuôn mặt và những xung động của đời, cũng chỉ là ghi nhận lại những điều hư cấu. Nhưng, với một trái tim.

Giá trị của sổ tay là ở mắt nhìn, ở cách quan sát. Nhưng, dĩ nhiên, tất cả những điều ghi chép ấy phải bập bùng một ánh lửa phía sau. Ánh lửa bập bùng ấy nằm trong trái tim của người viết.

Nguyễn Xuân Hoàng có một trái tim bập bùng ánh lửa như thế. Ông viết về những điều xảy ra quanh mình, những điều bất cứ một người nào khác cũng có thể thấy. Nhưng những hình ảnh mà ông ghi nhận xuống, để thành những con chữ nhẩy múa trước mắt người đọc, đã được lọc qua một lăng kính đặc biệt của riêng ông. Chúng phản chiếu cái ánh sáng cháy đỏ, ấm nóng của những ánh lửa trong trái tim nhà văn. Cái ánh sáng ấy làm cho những hình ảnh thô tháp, tầm thường trong đời sống trở nên lấp lánh, và, đôi khi, như trộn lẫn trong chúng âm thanh của những tiếng nhạc, những bài hát mà chúng ta đã nghe đâu đó, trong đời.

… Có những bài hát ta nghe nhiều lần nhưng không bao giờ nhớ nổi một câu và có những bài hát dù không còn phổ biến nữa, nhưng nó vẫn cứ vang lên trong đầu bằng một trí nhớ không được chuẩn bị. Những bài hát làm sống dậy hình ảnh và kỷ niệm, sống dậy mùi vị cỏ cây và hơi thở của da thịt. (…)

(trích trong “Tôi nghe tiếng nước reo trên bếp”)

Những bài hát. Và trái tim ta. Và mắt nhìn, và chữ viết của nhà văn. Đời sống con người, có lẽ, một phần nhờ vào những thứ ấy, mà có thể tiếp tục. Dù cho nó có là một “hữu thể hướng về cái chết” đi chăng nữa, tôi tin chắc, con người đã hướng về cái chết kia với cả thân xác, tâm hồn và trái tim của mình. Thân xác, tâm hồn và trái tim ấy vẫn cần một chút “dưỡng chất trần gian” để đi trọn con đường của nó. Đó là thơ, văn và những gì tạo nên nghệ thuật của con người.

Nguyễn Xuân Hoàng, trong chữ viết của mình, đã đem lại cho chúng ta một chút “dưỡng chất trần gian” như thế.

Xin cám ơn Nguyễn Xuân Hoàng. Và cám ơn Sổ Tay.

Bùi Vĩnh Phúc

Tustin Ranch, Calif.

(*) Sổ Tay Nguyễn Xuân Hoàng, sẽ xuất bản.