Thân Hữu 3

Hommage à Nguyễn Xuân Hoàng - Đinh Cường

Nguyễn Xuân Hoàng, lần cuối - Trúc Chi

Cái Chết - Nguyễn Đăng Thường

Đi Trọn Đường Trần - Giao Chỉ

Nói với Nguyễn Xuân Hoàng - Liên Hương – Bùi Văn Rậu

MÙA LÁ RỤNG - Trúc Hà

Bức họa trên bàn thờ - Nguyễn Quang Chơn

Hommage à Nguyễn Xuân Hoàng

Đinh Cường ♦ 20.09.2014

hommage_a_NXH_9-2014

Hommage à Nguyễn Xuân Hoàng

sơn dầu trên giấy báo in 10 x 14 in

Đinh Cường 20 – 9 – 2014

Nguyễn Xuân Hoàng, lần cuối

Trúc Chi ♦ 20.09.2014

Tôi nắm lấy bàn tay Hoàng. Tôi không nắm chặt lắm sợ niềm vui gặp lại bạn có thể khiến bàn tay của Hoàng bị đau vì Hoàng yếu. Mà rồi tôi đã được một chút ngạc nhiên vui. Hoàng xiết chặt tay tôi với cái sức của một người mạnh khỏe. Chúng tôi cầm tay nhau khá lâu. Im lặng nhìn nhau cũng khá lâu.

So với lần trước đó mà chúng tôi gặp nhau, khoảng cuối năm 2012 khi Hoàng từ San Jose về Westminster để dự buổi họp mặt các bạn viết lách, nhân dịp giới thiệu tập tưởng niệm một người bạn văn đã ra đi trước đó không lâu, Nguyễn Mộng Giác, so với lần ấy, Hoàng có ốm đi nhiều, tóc bạc cũng nhiều hơn. Ngày xanh như ngựa, đầu xanh bạc… Thời gian đã đành mà lại còn thêm bệnh hoạn nữa!

Vậy nhưng mà thần sắc không suy, dù mệt vì ảnh hưởng của thuốc giảm đau. Ánh mắt hiền lành vẫn sáng trong căn phòng hơi tối vì màn cửa sổ đã được kéo xuống một nửa giữa một ngày trời nắng chang chang không một vẩn mây.

Trước đó chừng nửa tiếng, Vy – vợ Hoàng – nói với vợ tôi qua điện thoại: “Anh chị tới lẹ lên, anh Hoàng em đang tỉnh.” Là vì bệnh bấy giờ đã đến mức trầm trọng thuốc giảm đau thuộc loại mạnh cứ cách hai tiếng lại phải cho một liều, nên người bệnh cứ chập chờn nửa thức nửa ngủ.

Tôi định hỏi một câu thừa: “Trong người thấy ra sao?” Nhưng chưa kịp thì Hoàng đã mở to đôi mắt, giọng bình thản:

- Chấp nhận.

Vậy là bạn tôi còn tỉnh lắm và còn tinh lắm. Chưa kịp hỏi mà Hoàng đã đoán được. Hoàng và tôi đã từng bù khú với nhau về nhiều sự việc, vấn đề nhưng tôi nhớ chưa bao giờ chúng tôi đả động đến tôn giáo hoặc chuyện tâm linh. Thôi thì… sống gửi thác về, bốn tiếng này xưa nay vẫn bàng bạc trong tâm tư người Việt, vốn không thích lý luận dông dài về chuyện siêu hình, sống chết. Cái nhìn của Hoàng, giọng nói của Hoàng cho tôi biết Hoàng bình tĩnh lên đường đi đến nơi Hoàng chọn lựa. Vậy là quí rồi. Quí cho Hoàng đã đành. Quí cho gia đình Hoàng, cho bạn bè của Hoàng nữa.

Sực nhớ một câu nói của Hoàng hôm gặp nhau ở Westminster:

- Tôi cho hết 28 thùng sách rồi.

Tôi nghĩ thầm rằng một người duyên nợ trùng trùng với sách vở, sống với và sống vì nghiệp viết lách, nay phải lìa cái đám tình nhân ấy, dễ gì! Quả có can đảm thiệt. Khoảng một tháng sau đó, được tin Hoàng lâm trọng bệnh. Bên giường bệnh của bạn, sực nhớ câu nói của bạn, tôi tự hỏi: “Phải chăng linh tính xui anh xả hết trước khi lên đường?”

Tôi giỡn:

- Đã… tống khứ hết sách chưa?

Hoàng mỉm cười:

- Chưa. Còn quyển này.

Hoàng kéo ra từ dưới gối một quyển sách nhỏ, chìa cho tôi. Đó là tập thơ Paroles của Jacques Prevert. Thế hệ trẻ bên Pháp sau thế chiến II kể như ai cũng biết bài Barbara trong tập này. Chính Jacques Prevert là người viết lời ca của bản Les Feuilles Mortes ( Xác Lá ) lừng danh khắp thế giới. Và tôi cũng không ngạc nhiên khi thấy Hoàng vẫn giữ tập Les Paroles làm sách gối đầu vào những ngày mà Hoàng biết là những ngày cuối đời mình. Hoàng am hiểu và thấm nhuần văn hóa Pháp. Chắc chắn những vần thơ đầy tình cảm, nhân bản một cách thiết tha này đã đến với Hoàng (hay là Hoàng đến với nó ) từ thời trung học ở Petrus Ký. Lấy dăm vần thơ mình hằng yêu thích làm chút hành trang trên đường qua… chốn ấy. Kể cũng đẹp thật.

Chợt thấy mấy quyển Bụi Và Rác mới tái bản để trên chiếc bàn con kê cạnh giường, tôi cầm lấy một quyển, mở trang đầu:

- Ký vào đây!

Hoàng nhanh nhẹn cầm lấy quyển sách. Vy lấy cây bút “bic” đâu đó trao cho Hoàng, mặt tươi hẳn khi thấy chồng cũng tươi. Tôi biết. Không một người cầm bút chuyên nghiệp nào không phấn khởi khi sắp sửa viết. Ngay cả lúc cầm bút với một tâm trạng chán nản. Sau đó, Hoàng còn ký tặng tôi một bản Đặc San Petrus Ký 2014, ấn bản đặc biệt về Hoàng. Lần đầu tiên trong đời tôi được một bạn văn ký tặng sách ngay bên bờ hai cõi, trên sân ga của chuyến tàu cuối trong một kiếp sống sửa soạn lìa chốn… bụi hồng này. Mắt tôi hơi cay. Tôi nhìn Hoàng, nhìn Vy. Chợt Hoàng lim dim đôi măt. Vy nhẹ kéo tay tôi, nói nhỏ: “Ảnh ngủ lại rồi.”

Tôi nghĩ thầm: “Thôi thì để cho Hoàng ngủ.”

Trúc Chi

9/14

Cái chết

Nguyễn Đăng Thường

Cái chết nào cũng khiến tôi cảm thấy hụt hẫng.

Nhiều hay ít, nhưng nó luôn luôn cho tôi cảm giác về một sự mất mát, trống vắng. Có thể một phần đến từ vài cái chết gần đây, của vài người thân, vài người bạn.

Mỗi khi nghe tiếng chuông nhà thờ đổ, hay tiếng kèn báo tử chia tay nơi nghĩa địa tiễn đưa một chiến sĩ vào lòng đất mẹ, đừng hỏi chuông chiêu hồn ai, vì chuông chiêu hồn mọi linh hồn.

Cái chết, dù là cái chết của một con người hay một con vật. Ðối diện cái chết, ngay tức khắc và chí ít, tôi lặng người, trong vài phút, trước cái chết của một người xa lạ, của một kẻ thù, một người bà con, hay của một người bạn ở nơi xa, xa cách bao nhiêu năm trời chưa được gặp mặt lại. Hay cái chết của một con chó bị xe cán chết nằm trên đường đi. Hay của một con chuột nhắt chết khô dưới chiếc máng sối, trong mùa đông.

Tôi nghĩ tới gia đình của người vừa khuất bóng, những người thân trong gia đình họ. Tôi nghĩ đến cuộc sống của con vật đã qua đời, tại sao con chó đó phải chết vào lúc đó, tại sao con chuột đó đã chết co quắp trong mùa đông.

Tôi đã chứng kiến, đã hứng chịu quá nhiều cái chết từ thuở bé, trước tiên là cái chết của ông bà ngoại tôi, và điều này đã không khiến tôi chai đá, không khiến tôi dửng dưng trước cái chết. Mà ngược lại. Cái chết của một người khác, của một con vật, cũng là cái chết của chính tôi.

Tác phẩm quan trọng. Nhưng con người của tác giả quan trọng hơn. Tôi thiển nghĩ. Hay cả hai đều quan trọng như nhau, không thể thiếu một được. Về phía độc giả, nếu còn xa lạ với tác giả, thì biết được càng nhiều càng tốt, về cái tốt cũng như về cái xấu của con người đó, chí ít là vì nếu không có con người thì sẽ không có tác phẩm.

Dù đó là một tác giả "vô danh" như Homère, chẳng hạn. Khi đọc hai thiên hùng ca, Iliade và Odyssée của ông, tôi đã ráng hình dung, dù không dễ, con người bình thường của ông trong cuộc sống hàng ngày ở một nước cổ Hy Lạp xa xưa, xa xôi. Một người hát dạo thơ ca mù, hay nhiều ông Homère mù? Ai là tác giả của Ngàn lẻ một đêm?

Thậm chí, tác giả của hai câu lục bát ca dao nào đó, tôi cũng cố hình dung ra con người, hoàn cảnh gia đình và xã hội đã khiến người ấy ứng khẩu ra câu ca dao đó, vào thời điểm đó.

Ðọc Tự Lực Văn Ðoàn thì tôi ráng hình dung Hà Nội vào buổi giao thời, thời trai trẻ của các tác giả, cử chỉ, dáng điệu, áo quần của họ. Ðược biết Xuân Diệu và Huy Cận có thể đã là một đôi tình nhân đồng tính đã tăng thêm thú vị cho tôi khi tôi đọc lại các bài thơ tình của hai tác giả này và nghĩ tới cái bối cảnh xã hội, tình yêu, tình dục, khi con người chưa có được nhiều sự tự do trong đời sống như hôm nay.

Ta không thể hiểu tận tường cuốn Ulysses của Joyce, Ði Tìm Thời Gian Ðã Mất của Proust, hay Bản Án của Kafka, nếu ta mù tịt về tác giả và xã hội đương thời. Không thể đọc Nhân Văn Giai Phẩm mà không cần biết về cuộc đời và con người Trần Dần, Lê Ðạt. Không thể đọc Trần Ðức Thảo mà không cần biết về cuộc đời và con người Trần Ðức Thảo. Không thể đọc nhật ký Anne Frank hay nhật ký Ðặng Thùy Trâm mà không cần biết thêm về cuộc đời và con người Anne Frank và Ðặng Thùy Trâm, một cô gái Do Thái và một cô gái Bộ Ðội.

Mặt khác, ta cũng có thể coi một cuốn phim cũ, hay một cuốn phim mới của Hollywood, mà không cần biết về con người và cuộc đời của các diễn viên, của nhà đạo diễn. Nhưng nếu biết được các đạo diễn phim đen của Hollywood thập niên 40, 50 là những người Ðức gốc Do Thái đã trốn qua Mỹ để lánh nạn phát xít Ðức thì ta mới hiểu rõ hơn sự ra đời và cái không khí ngột ngạt, chết chóc trong những cuốn phim đen này.

Tôi không lãng mạng đến mức nghĩ rằng độc giả và tác phẩm là một đôi tình nhân, mà sự có mặt của tác giả khi còn sống hay khi đã chết, như một người chồng chính thức, như một người vợ có hôn thú, có thể ngăn chặn thú vui của đôi tình nhân đó, của một độc giả với một tác phẩm nào đó.

Vì thế, tôi không nghĩ chúng ta cần được giải phóng khỏi tác giả để được tự do thong dong với chữ nghĩa, thì thầm tâm sự với tác phẩm. Nhứt là khi ta quan niệm rằng tác giả, một nhà văn, hay một nhà thơ, là bạn đồng hành, và chúng ta gặp họ trong từng bước chân.

Nếu độc giả cần được giải phóng khỏi tác giả, thì ghi tên tác giả để làm gì, nhứt là khi tác giả đã qua đời? Nếu vậy, thì bây giờ cuốn Hồn bướm mơ tiên không cần phải ghi tên tác giả là Khái Hưng, và Ðoạn tuyệt không cần phải ghi tên tác giả là Nhất Linh. Hay ngược lại, chúng ta có thể ghi Nhất Linh là tác giả của Nửa chừng xuân, và Khái Hưng là tác giả của Bướm trắng. Tới nay, độc giả vẫn muốn biết T.T.Kh. là ai, nam hay nữ?

Một nhà văn, một nhà thơ không thể chỉ là một cây bút, nghĩa là chỉ là một phương tiện cho cuốn sách ra đời, cho bài thơ ra đời. Trẻ con phải có cha có mẹ, và người cha không thể chỉ là một kẻ gieo giống, người mẹ không thể chỉ là một cái máy đẻ. Một tác giả qua đời không chỉ là một cây bút ra đi, như mọi cây bút khác. Có những tác giả chưa chết nhưng bị bloc không viết được. Robin Williams qua đời. Lauren Bacall qua đời. Nhưng họ là Robin Williams, là Lauren Bacall, và họ không chỉ là hai diễn viên ra đi. "John F. Kennedy qua đời" khác với "một tổng thống ra đi".

Làm sao mà hiểu được Một mùa địa ngục của Rimbaud, hiểu thơ Rimbaud, nếu ta không biết gì cả về con người và cuộc tình đồng tính ngắn ngủi của Rimbaud-Verlaine. Thì thầm tâm sự với Một mùa địa ngục là thì thầm tâm sự với Rimbaud-Verlaine. Ðôi tình nhân, hay đôi vợ chồng, hay hai cha con, không phải là độc giả và tác phẩm, mà tác giả và tác phẩm. Dù muốn hay không, ngưởi thứ ba không phải là tác giả mà chính là độc giả kẻ đã chen vào giữa. Ăn trái nhớ kẻ trồng cây. Uống nước nhớ người đào giếng.

Ta có thể thưởng thức một cuốn phim như xem một cái bóng. Nhưng đằng sau cái bóng đó, hay đằng sau những con chữ đó, vẫn là những con người bằng da bằng thịt, diễn viên, đạo diễn, tác giả.

Ta cũng có thể ăn một món ngon mà không cần biết ai nấu, nấu bằng thịt gì, thịt bò hay thịt chó? Nhưng nếu biết rõ, và ta cần biết rõ, xuất sứ của món ăn đó, nó đến từ đâu, vật liệu dùng để nấu, do ai nấu, đầu bếp nhà hàng, hay mẹ già, hay vợ hiền, hay em gái. Nếu biết được, thì vị của món ăn đó sẽ được/bị thay đổi qua cảm tính.

Ta không thể đọc thơ Tố Hữu mà không cần biết tác giả là ai. Tác phẩm của một tác giả trước khi đoạt giải Nobel có thể không có nhiều độc giả bằng sau khi tác giả đó đã được trao giải thưởng. Nói tóm lại, không thể tách rời tác phẩm khỏi tác giả, nhứt là sau khi tác giả đã qua đời.

Marilyn Monroe qua đời từ đầu thập niên 60. Phim Marilyn Monroe, tranh Marilyn Monroe còn đó, bất tử, trong tư gia, trong bảo tàng. Nhưng thỉnh thoảng vẫn có một cuốn tiểu sử viết về Marilyn Monroe ra đời. J. D Salinger, tác giả cuốn Bắt trẻ đồng xanh vang danh, là một ẩn sĩ. Nhưng càng ẩn thì lại càng khiến người ta muốn biết thêm về ông.

Ngày nay, độc giả nhiều khi chỉ tìm đọc về con người và cuộc đời của một tác giả trên báo, trên mạng, hay qua các cuốn tiểu sử, các cuốn phim, nhứt là khi cuộc đời đó khác thường. Nhưng trái lại họ không tìm đọc tác phẩm, chỉ vì sách vở, tác giả ngày nay quá nhiều, quá đông, không còn biết đâu mà rờ, không còn biết phải lựa chọn ai nữa. Nếu tác giả gây được sự chú ý thì sẽ dễ thành công hơn.

Một người nhà quê Việt Nam xem bức họa Guernica của Picasso có thể thấy nó ghê rợn hay kỳ cục, thế thôi. Vì họ không biết về hội họa Tây phương, về cuộc nội chiến Tây Ban Nha, về cá nhân Picasso là một người Tây Ban Nha yêu nước, hay chỉ chống bọn quân phiệt theo phát xít Ðức, sống ở Paris, trong thế chiến thứ hai, đã sáng tạo ra tác phẩm đó trong bối cảnh đó.

Biết được Michel Angelo là một người đồng tính, người xem tranh bích họa trên mái vòm thánh đường Sixtine sẽ hiểu tại sao nhà họa sĩ đã vẽ cơ thể đàn bà to lớn lực lưỡng như đàn ông, bởi vì họ chỉ là những người đàn ông, những thanh niên trá hình. Biết được cuộc đời và con người của Van Gogh, Gauguin, Modigliani… ta mới hiểu tranh của họ. Ta không thể tách khỏi tác giả, còn sống hay đã chết, để thì thầm tâm sự với một cuốn tự truyện hay một bức chân dung tự họa.

Do vậy, bảo rằng cái còn lại là tác phẩm và chỉ có tác phẩm là quan trọng, bất tử, thì chỉ đúng nửa phần thôi. Nói cách khác, ném tác giả qua cửa sổ, hắn sẽ chui vào cửa sau ngay lập tức.

Ðọc Kiều, tôi cố hình dung ra một ông quan triều Lê hay triều Nguyễn đi sứ sang tàu và lọt vào một tiệm bán sách cũ lần giở những trang sách của Thanh Tâm Tài Nhân. Nói tóm lại, ta không thể bảo tác giả đi chỗ khác chơi, xem ta có ở đó hay không, để ta thong dong thì thầm tâm sự với tác phẩm.

Nguyễn Xuân Hoàng và tôi tuy có quen biết nhau, tuy là đồng nghiệp dạy học, chúng tôi ít có dịp gặp gỡ nhau vì tôi tánh tôi rụt rè, tôi chỉ cảm thấy thoải khi cô đơn lẻ loi một mình một bóng. Nhưng Nguyễn Xuân Hoàng luôn luôn tặng sách anh viết cho tôi, khi còn ở trong nước cũng như khi đã ra hải ngoại.

Có thể tôi sẽ đọc lại một, hai, tác phẩm của Nguyễn Xuân Hoàng. Có thể không. Nhưng tôi sẽ nhớ mãi cái tên Nguyễn Xuân Hoàng, con người Nguyễn Hoàng cho tới khi tôi nhắm mắt. Với tôi, Nguyễn Xuân Hoàng bất tử không vì những tác phẩm anh để lại cho đời, hay đã gởi tặng cho tôi. Với tôi Nguyễn Xuân Hoàng bất tử nếu tôi còn sống và còn nhớ, còn nghĩ tới anh. Khi cầm một tập thơ của Diễm Châu lên, điều tôi nghĩ đến trước tiên là Diễm Châu đã chết rồi, và tim tôi nhói, và tôi cảm thấy một sự trống vắng, một sự hụt hẫng.

Tác phẩm không thể xóa bỏ sự trống vắng đó, sự hụt hẫng đó, vào lúc đó. Một bài thơ của Diễm Châu có thể hay, hay có thể dở nhưng cái hay, cái dở của nó không thể giống với cái hay, cái dở của một nhà thơ, hay của một người làm thơ khác. Một ví dụ khác: Không thể so sánh một cuốn phim hay, hay một cuốn phim dở của Marilyn Monroe với một cuốn phim hay, hay một cuốn phim dở của Nicole Kidman.

Các thế hệ mai sau nếu có đọc, còn đọc Nguyễn Xuân Hoàng và yêu văn chương Nguyễn Xuân Hoàng thì họ cần phải biết về con người Nguyễn Xuân Hoàng, càng nhiều càng tốt, chí ít là trên phương diện lý thuyết, lý tưởng. Tất nhiên trong mai hậu, có thể cái tên Nguyễn Xuân Hoàng không gợi lên trong đầu độc giả một điều gì cả, một hình ảnh nào hết. Tác phẩm sẽ còn đó, nhưng Nguyễn Xuân Hoàng sẽ "vô danh", như Homère "vô danh". Nhưng đó là chuyện ngày sau.

Cái chết không xóa bỏ một con người, một tác giả, một diễn viên, một thành phố trong tôi, mà ngược lại, nó chỉ tăng thêm sự hoài cảm, hoài nhớ, hoài tưởng. Sài Gòn vẫn còn đó như một thành phố, như một tác phẩm của thời Pháp thuộc, nhưng Sài Gòn ngày nay khác với Sài Gòn ngày xưa. Sài Gòn của La Pagode, Sài Gòn của Rue Catinat, của đường Tự Do đã chết hẳn rồi.

Nhưng nó, Sài Gòn cũ, vẫn sống trong tôi, bất tử, và những người Pháp đã xây dựng Hòn Ngọc Viễn Ðông, nghĩa là những tác giả, còn sống trong tôi, còn sống trong ký ức của những người như tôi, vì chúng tôi chưa quên, vì chúng tôi còn nhớ, vì chúng tôi còn nghĩ tới nó, tới họ, cho tới khi thế hệ của chúng tôi nhắm mắt qua đời.

Nhà thơ Vương Tân, thập niên 50-60, trên tạp chí Sáng Tạo, "ghi ngày giỗ đầu Q.T." (Quách Thoại):

Nghe tin anh vừa chết

Buổi chiều đầy hoang liêu

Ngày mai tôi phát vãng

Thương nhớ nhau còn nhiều

Anh đi ôi cô độc

Trần gian vắng quá rồi

Buồn đau nên tôi khóc

Mưa rơi và lệ rơi

Cùng tham gia lịch sử

Chiều nay thiếu một người

Cùng mơ làm thi sĩ

Mỗi kẻ một phương trời…

Người lữ hành cô độc

Là anh hay là tôi

Trùng dương mênh mông sóng

Ôi cô liêu cuộc đời…

Gác xưa còn ai nữa

Hai đứa hai phương trời

Chia nhau thay lịch sử

Vắng anh nhiều mây trôi

Cái chết có thể không có tiếng khóc, không có nước mắt, có thể không gây buồn cho tôi. Hay đúng hơn nó gây ra ở nơi tôi một cái gì đó không thể diễn tả bằng từ buồn, vì nó có thể lớn hơn là cái buồn.

Nguyễn Đăng Thường

NguyễnXuân, Hoàng ra đi. TrươngGia, Vy ở lại

ĐI TRỌN ĐƯỜNG TRẦN

Giao Chỉ, San Jose

Chuyện hai tờ báo

Ở San Jose có hai tờ báo đáng được lưu ý. Tờ Thời Báo ra hàng ngày của ông Vũ bình Nghi coi như lâu năm hơn một phần ba thế kỷ. Thời vàng son của Thời Báo phát hành 50 trang mạnh mẽ hàng ngày. Cuối tuần có lúc gần 100 trang. Bà Nghi quản trị văn phòng suốt bao năm, chợt một ngày từ giã cõi trần ai, ra đi nhẹ nhàng như sương khói. Ông Nghi đưa bà về chôn cất tại cố hương Bùi Chu đã mấy năm qua mà nhớ thương sao mãi chưa nguôi. Bây giờ Thời Báo già yếu còm cõi như chủ nhân. Tuy vậy, gặp bác Nghi vẫn nhẹ nhàng bình tĩnh. Bác nói rằng , sân cỏ nhà tôi theo lệnh chính phủ tiết kiệm nước nên chẳng còn xanh tươi, nhưng bà nhà tôi mất đi, quả thực tôi như mất nửa người. Chẳng thiết gì đến thị trường quảng cáo để Thời Báo phải héo hon. Tương lai của báo nhà cũng khó khăn như tương lai thế giới mà thôi....

Bây giờ đến lượt cô Trương Gia Vy. Tờ tuần báo Việt Tribune do anh chị Nguyễn Xuân Hoàng phát hành được coi là có giá trị trong thị trường báo chí Việt Ngữ miền Bắc California. Đã thọ được 8 năm rồi. Nhưng mấy năm qua anh chị cũng bị đau ốm nên việc quản trị tờ báo thực vất vả. Cô Vy đau lên đau xuống, những tưởng sẽ ra đi bất cứ lúc nào. Ai ngờ từ một năm qua, người vợ đã cố gắng đứng vững để nuôi báo lao đao, nuôi chồng đau ốm thường trực. Cô ngược suôi giữ cho tờ báo tồn tại. Báo thì giữ được, người thì không. Dù là vợ chồng, chẳng ai giữ được đời cho nhau. Cho đến hôm nay. Anh Hoàng ra đi, quả thực cũng không phải chuyện bất ngờ. Ai cũng biết bệnh của anh cầm cự được như vậy là đã quá lâu rồi. Bà Nghi ra đi. Ông Nghi choáng váng, Thời Báo vất vả. Nếu Thời Báo mà không còn?? Nguyễn Xuân Hoàng ra đi. Quản ngại cho sức khỏe của cô Vy. Rồi tờ Việt Tribune cầm cự được bao lâu. Nếu cả hai báo không còn nữa thực là điều đáng tiếc. Hai tờ báo có lập trường chống Cộng giá trị thực sự tại miền Bắc California.

Chống kẻ nội thù

Dù tháo vát, đủ can đảm đương đầu với nhu cầu bên ngoài và kẻ nội thù bệnh tật của chính mình nằm phục bên trong, nhưng khi anh Hoàng ra đi, cô Vy cũng cảm thấy chết nửa người. Cô Vy cũng mắc bệnh trầm kha oan nghiệt từ hai năm qua. Anh Hoàng lại bắt đầu hơn một năm. Toàn là bệnh tử sinh mà khoa học thái tây với các bệnh viện danh tiếng nhất thế giới cũng đành bó tay. Người vợ cầm cự xuất sắc để nuôi chồng. Người chồng cũng cầm cự dũng cảm suốt một năm dài. Tuy vậy trong nhà cũng vẫn còn có những nụ cười. Để tôi kể các bạn nghe câu chuyện bên nhau khi anh chị mới ở nhà thương về. Vợ chồng tôi và anh chị Hoàng cùng ngồi trên giường bệnh. Trừ lúc trong cơn đau, còn lúc thường Hoàng khỏe mạnh, tỉnh táo. Cô Vy kể đầu đuôi buổi họp cuối cùng tại nhà thương. Mặc dù không cần thông dịch nhưng nhà thương vẫn đưa thông dịch viên Việt ngữ hiện diện. Chẳng có gì phải dấu diếm người bệnh và thân quyển. Bác sĩ nói rằng bệnh ung thư của Hoàng không điều trị được nữa. Chỉ còn nằm chờ và uống thuốc cho khỏi đau. Nhà thương sợ cô Vy vì quá thương yêu nên không nói thực với anh Hoàng. Anh chị cùng muốn biết là sẽ chờ đợi bao lâu. Bác sĩ trả lời là hàng tuần hàng tháng và hàng năm. Khi bác sĩ nói, cô Vy nghe chữ years có âm"s"rõ ràng mà bà thông dịch chỉ nói là hàng tuần và hàng tháng. Chữ years có s rất quan trọng. Ấy thế mà lại không nói rằng có thể sống hàng năm. Nhưng chuyện bệnh tật nhà thương mãi cũng chán, tôi thay đổi không khí nói rằng vừa mới thấy tấm hình giáo sư Nguyễn Xuân Hoàng chụp với các em nữ sinh trung học Ngô Quyền ở Biên Hòa. "Anh" giáo sư triết lại là nhà văn đứng chung với các cô học trò lớp 12. Quả thực là một bức hình đẹp và tình không thể chịu được. Ông thấy trẻ tuổi, đẹp trai muốn nằm trong vòng tay học trò là được ngay thôi. Bây giờ thiên hạ nhìn mà còn thấy ghen tức. Nói gì là ngày xưa. Lại nói đến chuyện mới tốt nghiệp cậu sinh viên sư phạm xin đi dạy cả trường Gia Long và Trưng Vương đều từ chối. Bà hiệu trưởng nào cũng chê ông thầy trẻ đẹp. Nữ sinh mê ông thầy triết, lại là nhà văn. Chàng nói triết lý em chẳng hiểu, lại càng mê. Cho đến khi anh Hoàng nói chuyện văn chương Việt trên trời, gặp cô Vy, nữ sinh trường đầm bèn kéo chàng xuống đất. Anh chị có 4 người con.

Câu chuyện văn chương

Giữa văn chương và dạy học Hoàng thấy thế nào. Nguyễn Xuân Hoàng cho biết Văn là ý nghĩa chính của cuộc đời. Đi dậy chỉ là phụ. Cô Vy nói thêm. Nhưng cái phụ nuôi cái chính. Dạy học mới có tiền nuôi vợ con và nuôi văn chương. Mà lại là thầy dậy có giá. Nhiều trường trả tiền gấp đôi. Tôi nói, nếu như vậy cậu Hoàng sống trọn vẹn quá rồi. Hoàng nói, em có phàn nàn gì đâu. Ra đi không sợ, chỉ sợ đau và sợ cô Vy khóc.. Vy lấy tay gạt nước mắt nói rằng. Con có khóc đâu...

Nhà tôi nói rằng. Vy ơi, thôi cô lo cho thân cô đi. Sửa ngay cái chuông trước cửa. Làm cho anh Hoàng cái chuông đầu giường. Có gì thì còn gọi. Vy nói. Nhà thương bảo là nếu có chuyện sẽ gọi chỗ khác, không gọi 911 nữa. Nhà tôi nói ngay. Gọi 911 là lo cho cô chứ không phải 911 cho cậu Hoàng. Tôi nói rằng dù sao cũng phải chờ thêm thời gian. Hoàng nói, còn chờ gì nữa anh. Chờ đến 20 tháng 7-2014, kỷ niệm 60 năm giã từ Hà Nội. Rồi đến 30 tháng tư năm 2015. Kỷ niệm 40 năm tạm biệt Sài Gòn.

Nhớ Hà Nội thì sẽ có ngày gặp Mai Thảo. Nhớ Sài Gòn thì tìm gặp Nguyên Sa. Khi ta ra đi, có anh sợ ít có anh sợ nhiều. Nhưng tất cả kẻ đi người ở, ai cũng có nỗi buồn như nhau. Nguyễn Xuân Hoàng may mắn lấy vợ trẻ. Trong tiếng khóc có cả tiếng cười. Tôi lại nói. Hoàng là nhà giáo, nhà báo, nhà thơ và nhà văn. Khi ra đi mang theo nhà nào. Hoàng cười buồn. Em luôn luôn nghĩ mình là người viết văn.

Giọt nắng cuối chiều chưa vội tắt, mà lời từ biệt đã lên môi

Câu thơ chẳng biết của ai mà ghi lại cũng chẳng biết có đúng không. Nhưng thực sự rất gần với hoàn cảnh của ông thầy dạy triết, Nguyễn Xuân Hoàng. Anh Nguyễn Xuân Hoàng cũng là nhà văn tên tuổi trên văn đàn và báo giới. Tổng thư ký báo Văn, báo Người Việt, Viet Mercury và Viet tribune hiện nay phát hành tại San Jose. Mấy tháng nay anh bị đau rất nặng, phải ra vào nhà thương nhiều lần. Thân hữu chúng ta ai cũng biết và hết sức ngậm ngùi. Mới đây bác sĩ Ngô Thế Vinh có viết về tiểu sử và bệnh tình của anh Hoàng. Tôi xin kể thêm về chút tình cảm riêng tư như sau. Anh được cô Vy, vợ Hoàng đưa về nhà như là giọt nắng cuối chiều. Nắng chiều chưa tắt, nhưng trước sau cũng đến lúc phải hoàng hôn...

Từ nhà thương cô Vy điện thoại qua nước mắt. Xin báo cho Măng biết là Stanford quyết định cho nhà con về nằm nhà để chờ. Bác sĩ và nhà thương ở đây chịu thua rồi. Con đang ký giấy nhận chàng về. Con về trước đến nhận giường điều trị nhà thương cho đưa tới. Xe nhà thương sẽ chở Hoàng về chiều nay. Nói Măng không còn gì phải lo nữa. Không cần cấp cứu. Xe nhà thương chuyến về không phải mở đèn và thổi còi. Con sẽ không còn phải gọi 911 nữa. Sau cùng thì chàng cũng trở về với em trong những ngày sau cùng. Những ngày cuối cùng mệt mỏi và sầu thảm. Khách khứa khá nhiều. Bạn văn chương, học trò, đồng nghiệp và xóm làng thân hữu. Có bạn phương xa, có bạn qua điện thoại viễn liên, bạn bè trên thế giới ảo. Cho đến khi cô Vy phải đưa anh Hoàng vào dưỡng đường của bác sĩ Ngãi. Ở đây, mấy năm trước Phạm Huấn và Hoàng Anh Tuấn cũng đã từng sống những ngày sau cùng. Bây giờ đến lượt Nguyễn Xuân Hoàng nằm chờ giây phút cuối. Mắt nhắm kỹ, hơi thở nhẹ nhàng. Tưởng như đã hôn mê. Nhà tôi nói cô Vy ra ngoài ăn cháo. Vy nói con phải ở thường trực bên cạnh Hoàng. Có cô điều dưỡng vốn là học trò cũ vào túc trực. Chợt Hoàng cất tiếng thật to. Vy đi ăn với bố má đi. Chúng tôi vội vàng đi ăn cháo ở nhà hàng Bò Bẩy Món của anh chị Phụng bên cạnh. Đem về cho Hoàng tô cháo cuối cùng. Sáng hôm sau cô Vy báo tin anh Hoàng ra đi.

Đi trọn đường trần

Bây giờ người viết văn Nguyễn Xuân Hoàng đã yên giấc chúng tôi đọc lại tiểu sử, đọc cáo phó, đọc bài của bạn văn viết về thầy Nguyễn Xuân Hoàng mới lại hiểu thêm rất nhiều về con người tuy quen nhưng cũng chẳng biết tường tận. Quả thực anh đã sống cuộc đời may mắn trọn vẹn và đầy đủ. Trong cuộc chiến Việt Nam, cũng chỉ đi quân dịch vài tuần gọi là có khoác chiến y rồi biệt phái về dạy học. Chàng cũng đi tù cộng sản vì tội vượt biên để gọi là trải qua tất cả mọi trầm luân của đất nước. Trong khi tù vượt biên lại được cô cán bộ thẩm vấn nhận là học trò và khen ngợi thầy Hoàng hấp dẫn. Tuổi của người ra đi cũng là con số bí ẩn. Giấy tờ là bậc cao niên 77 tuổi nhưng có lúc trẻ trung như nhà văn sinh năm 1940. Lập gia đình với cô gái trẻ họ TrươngGia có đuoc 4 người con tại Mỹ nhưng anh chàng họ NguyenXuan này đã có 3 người con thời trước đang ở bên Tây. Trong các tác phẩm nổi tiếng nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng có cuốn tựa là Người đi trên Mây. Quả thực anh Hoàng vẫn đi trên Mây cho đến những ngày cuối cùng. Hỏi rằng báo VietTribune tiền in hàng tháng phải trả cho Mercury bao nhiêu, Hoàng không biết. Tiền thuê tòa soạn bao nhiêu, Hoàng lắc đầu. Không biết và cũng không cần biết. Cuộc sống tuy gọi là giao thiệp rộng như cũng khép kín. Làm báo mà không nhậu nhẹt, lang thang với anh em. Hoàng giữ tấm lòng tự trọng và pha đôi chút kén chọn bạn trong cộng đồng. Nhưng lại là tác giá tùy bút tôi cho là hấp dẫn nhất: Tự truyện của một người vô tích sự.

Bây giờ con người vô tích sự đó đã ra đi, để lại sự thương tiếc của nhiều người ở lại. Trong số đó, cô Trương gIa Vy cũng mất đi một người chồng vô tích sự mà sao nàng cảm thấy mất cả nửa người. Chàng đi, một nửa hồn em mất. Một nửa hồn em thấy.. làm sao. Thấy dại khờ.

Chuyện riêng tư

Có người hỏi là hai gia đình chúng tôi họ hàng ra sao mà cô Vy cứ gọi bà Lộc là Măng. Có phải là mẹ nuôi không. Đâu có họ hàng bà con gì đâu. Cô Vy là dân Sài Gòn, con ông Trương gia Kỳ Sanh. Nhà tôi khuê danh Quan Thị Châu, cháu ông Quan Công bên Tầu(?) sinh quán Rạch Giá. Chẳng có bà con xa gần gì cả. Hay cô Vy là con cháu ông Trương Phi. Vài chục năm xưa, hai người gặp nhau, tình cờ mặc áo giống nhau. Tưởng như hai chị em. Người nọ khen người kia mặc áo đẹp. Chưa biết thưa gửi ra sao. Bà cụ mang họ Quan Công hỏi cô Vy bao nhiêu tuổi mà đóng vai vợ Nguyễn Xuân Hoàng. Cô Vy khai là con thua chàng hơn một giáp. Nhà tôi nói, vậy cháu ngang tuổi con gái lớn của bác. Vy bèn gọi mẹ ơi, rồi tuyên xưng chính thức danh nghĩa mẹ con. Vy gọi chúng tôi là Pa và Măng.

Cha mẹ Trương gia Vy không còn nữa, cô gọi chúng tôi như là một tình cảm thay thế cho tiếng gọi lòng sâu thẳm của đứa con gái cô đơn. Phận chúng tôi cũng cố gắng không làm điều gì cho con gái.. phải hổ thẹn. Nhưng chuyện này chỉ giới hạn với cô Vy mà thôi.

Đối với anh Nguyễn Xuân Hoàng, cá nhân tôi hơn anh 8 tuổi, mãi mãi chỉ là thân hữu. Quê hương thân phụ Hoàng ở Nam Định, quê tôi cũng Nam Định. Nếu có họp hội đồng hương thì sẽ ngồi cùng bàn. Hoàng là giáo sư viết văn, dậy triết. Tôi suốt đời đi linh. Dù là cầm bút, nhưng văn tôi dưới đất, văn của Hoàng trên trời, Người đi trên Mây. Người lính đi bộ. Cõi trần gian đã không gặp nhau. Cõi văn chương cũng không gặp nhau. Không có nhiều dịp cùng nhau tâm sự. Không cùng ngồi uống cà phê để làm thơ. Không ở bên nhau uống rượu mà làm báo. Chúng tôi chỉ biết nhau tại San Jose. Tôi viết báo, Hoàng xem qua rồi cho đăng. Duyên nợ thấm thoát cả chục năm dài. Vẫn còn đủ cho tình cảm tràn đầy. Bởi vì tuyệt đối không chơi bút chiến.

Hỏi cô Vy kỷ niệm nào đẹp nhất trong cuộc sống với anh Hoàng. Vy nói, thật lạ lùng là còn nhớ những ngày xách giỏ đi thăm tù vươt biên. Các cô gái Sài Gòn sinh viên ngoài 20 tuổi. Ai cũng trẻ đẹp như hoa hậu. Da trắng, vóc giáng cao, thanh tú, tóc mây buông xõa trên áo nâu. Cô vợ tù bước vào cổng trại thăm nuôi. Lính cộng sản Bắc Kỳ đổ xô ra xem, mồm há hốc. Quản giáo cũng còn muốn làm tù. Đóng vai vợ tù thăm chồng cũng có lúc thấy được niềm vui. Gái miền Nam vừa đẹp vừa chung thủy. Bây giờ Vy muốn thăm nuôi anh Hoàng, còn tìm biết nơi đâu... Hỏi Hoàng về thi ca, chàng nói thích thơ Tô Thùy Yên. Nhớ được vài câu trong bài Ta về.

Ta về cúi mái đầu sương điểm. Nghe nặng từ tâm lượng đất trời

Cám ơn hoa đã vì ta nở. Thế giới vui từ mỗi lẻ loi...

Ta về như hạc vàng thương nhớ.Một thuở trầngian bay lướt qua

Ta tiếc đời ta sao hữu hạn. Đành không trải hết được lòng ta

Hỏi về chuyện ngàn thu vĩnh biệt, Hoàng nói, thương cho cô Vy.

Giao Chỉ, San Jose

Nói với Nguyễn Xuân Hoàng

Anh Hoàng ơi, trong số những người bạn thân của anh, chúng tôi là những người đến sau, nhưng có thể nói rằng suốt hơn 15 năm qua chúng tôi có may mắn được gặp anh nhiều hơn những người khác , hầu như tháng nào cũng vậy chúng tôi cũng gặp anh vài đôi ba lần , khi thì ăn trưa, khi thì ăn tối , lúc ở các buổi dạ tiệc do bạn bè, hội đoàn tổ chức, lần nào gặp anh vẫn dành cho chúng tôi những nụ cười hiền hoà, những tình cảm ấm áp, Với giọng nói nhỏ nhẹ, chưa bao giờ chúng tôi thấy anh nói xấu , giận hờn người nào, chưa bao giờ anh nói về cái tôi của anh, chỉ biết rằng qua báo chí, người thân chúng tôi đã biết anh là một nhà văn, nhà báo tài ba và là vị giáo sư nổi tiếng, vì thế chúng tôi rất hãnh diện được làm bạn với anh Kể từ khi anh lâm trọng bệnh, chúng tôi gặp gỡ anh thường xuyên hơn, mỗi lần đến thăm thấy cơn đau hành hạ anh, chúng tôi không cầm được xúc động, tự giận mình vì không làm gì được cho anh cả; Tuy những cơn đau hành hạ triền miên, anh vẵn cắn răng chịu đựng, vẫn lo lắng cho mọi người ,nhất là cho cho người bạn đầu ấp tay gối của anh là chị Trương Gia Vy đây, chúng tôi vẫn nhớ như in là hôm đến thăm anh vào cái ngày bệnh viện từ chối chữa tiếp cho anh, anh không than thân trách phận gì cả, anh bảo rằng: anh sẵn sàng ra đi và còn nhờ chúng tôi nhắn với mọi người rằng nếu anh có làm gì, nói gì làm phật lòng ai thì cho anh xin lỗi, Đối với chúng tôi thì chúng tôi mới cảm thấy có lỗi vì được kết bạn với anh quá muộn màng ,

Anh Hoàng ơi, những cơn đau quái ác kia không còn hành hạ được anh nữa, anh đã ra đi, đã bỏ lại BỤI VÀ RÁC ở chốn này, bây giờ anh đã thực sự là NGƯỜI ĐI TRÊN MÂY , trên những đám mây trên kia xin anh hãy dõi theo và phù trợ cho chị Vy thêm sức mạnh để tiếp tục con đường của anh Cũng xin thưa với anh rằng BẤT CỨ LÚC NÀO BẤT CỨ Ở ĐÂU anh vẫn có chúng tôi

Xin tạm biệt anh

Liên Hương – Bùi Văn Rậu

MÙA LÁ RỤNG

Trúc Hà

Như một tình cờ sắp đặt, bài thơ anh thích là "Les Feuilles Mortes" của nhà thơ người Pháp Jacques Prévert. Bài nhạc mà tôi yêu nhất cả lời và giai điệu chính là bài "Autumn Leaves" được Johnny Mercer chuyển tải sang tiếng Anh từ bài thơ tình bất hũ này. Hôm nay, sáng mùa thu, tiễn anh đi trong niềm yêu thương của bạn hữu xa gần, từ những những gương mặt của nền thơ văn Việt Nam trước và sau 75, từ những ngôi sao điện ảnh của Hollywood đến những người gặp anh thường ngày ở đâu đó trong thung lũng này. Thế mới biết 53 năm giảng dạy, viết văn, làm báo, anh đã để lại bao nhiêu tình cảm đẹp cho bạn hữu và các thế hệ đàn em. Đã đúng một tuần từ ngày nhận tin anh ra đi, tôi đã lựa chọn nghĩ về anh trong im lặng. Những kỉ niệm ngắn, dài, tôi xếp lại, cất giữ riêng một góc như những cuốn sách quí mà anh cẩn thận đã dặn Quân phải xếp giùm anh lên kệ sách như thế nào, bìa xoay hướng nào cho đúng ...

Trưa thu nắng nhạt, tim tôi như vỡ khi nhìn chị lê từng bước chân buồn theo cỗ quan tài đưa anh về điểm dừng chân cuối. Bàn tay đầy vết kim và bầm máu từ lần lọc máu mới nhất chới với níu anh, ôm chầm trước khi anh khuất hẳn sau cánh cửa- nơi sẽ hóa thân anh thành tro bụi. Tiếng kêu của chị dành cho anh, rớt xuống vùng âm thanh- nơi có những tiếng nấc nghẹn, tiếng cửa sắt đóng sầm, tiếng kinh cầu siêu thoát....Tôi có cảm giác như lồng ngực bị ép chặt và nơi ngực nhói đau vì tôi hiểu được chị cần anh tới dường nào. Hình ảnh chị đau đớn tiễn anh sẽ khó xóa nhòa trong kí ức của tôi, của con gái tôi. Có thể sẽ là mãi mãi.

Anh đi thanh thản nhé! Nơi này mọi người sẽ cất giữ những kỉ niệm đẹp về anh. Tiễn anh, "Người đi trên mây" bằng giai điệu lãng mạn của bài thơ anh rất thích.

Bức họa trên bàn thờ

Ảnh: Quang Dũng

Nhìn bức họa trên bàn thờ

nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng

Quang Dũng chụp,

Lòng bỗng rưng rưng…

Bức vẽ anh ngày còn trẻ

Par corps với lũ giang hồ Đà lạt chăng?

Hay thời anh làm Văn?

Hay thời là giáo sư Pétrus Ký?

Nhớ khi còn sống anh thích bức hình này

Đôi mắt sâu

Tóc tuổi trẻ bụi đời

Hai cầu vai trên vai áo

Tôi vẽ anh bằng than trên canvas

Dũng mang tặng anh…

Chỉ một bức tranh họa thôi

Cứ nghĩ để làm kỷ niệm một tình thân

Nào ngờ bây giờ thành bức chân dung trên bàn thờ người đã khuất

Dũng đến làm tuần

Sắp xếp lại giúp gia đình những di cảo của anh trên laptop

Chụp ảnh bàn thờ gởi ba xem

Lòng chợt rưng rưng…

Chúc anh phiêu diêu miền cực lạc

Anh Nguyễn Xuân Hoàng thân thương…

Nguyễn Quang Chơn

3.10.14