Người Đi Trên Mây 2a

Nguyễn Xuân Hòang : Người Đi Trên Mây

TV và BH

Chương 11

Khi tôi về đến nhà ông Phan trời đã tối hẳn. Tuy vậy đèn phòng khách vẫn sáng và tiếng cười nói bay ra mãi tận con đường lót sỏi. Tôi đi vòng ngã sau, dựng xe sát cửa sổ. Phòng khá tối, cửa để mở, tôi thấy Uyên ngồi ở bàn viết đang dán mắt trên trang sách. Âm nhạc bay ra từ chiếc máy thu thanh đặt ở một ô trong kệ gỗ. Tôi nhận ra đó là một khúc giao hưởng của Beethoven. Uyên rất thích nhạc cổ điển, khi nào cô ngồi một mình.

Tôi vào phòng, đi nhẹ trên những mũi giầy. Chẳng hiểu là Uyên không nghe thấy tôi trở về thật vì cô bị câu chuyện âm nhạc lôi cuốn hay vì tôi đi quá nhẹ chân, hoặc cô biết tôi đang về nhưng vẫn giả mù sa mưa. Tôi ngả lưng trên nệm, hai tay chắp sau ót, nhắm mắt. Dư vị tình ái vừa trải qua với Quỳnh còn đọng lại trong thần trí tôi. Sự hờn giận của cô làm tôi khó nghĩ. Tôi tự thấy mình không thể ở lâu trong nhà ông Phan, nhưng ra đi ngay trong lúc này thì tôi không thể làm được. Tôi bị kẹt cứng trong một thứ tình cảm không tên. Giương mắt ngó lên trần nhà, tôi không thấy gì ngoài cái mờ mịt của một thứ đêm ba mươi. Nhìn sang bàn học, dưới ánh sáng của ngọn đèn đọc sách, tôi thấy khuôn mặt Uyên xanh như tàu lá. Mái tóc cô đen nhánh trên một đôi vai trần trắng như bông. Hôm qua, cũng ngay ở bàn viết này,

Uyên nói với tôi là cô đang nghiên cứu khoa chiêm tinh học.

“Anh ở tuổi Bắc giải phải không? Uyên cũng vậy. Chúng ta đều là con của Mặt Trăng. Mà mặt trăng thì thay đổi bốn lần trong một tháng. Tuổi Bắc Giải cũng giống như vậy. Nghĩa là cũng rất hay thay đổi.”

Tôi cười:

-Chiêm tinh học không phải là một khoa học. Nó gần với dị đoan và mang màu sắc huyền bí.

-Huyền bí? Dị đoan? Sao? Uyên thế này mà huyền bí dị đoan sao?

Cô cãi, nếu chiêm tinh học không phải là một khoa học thì khoa học thực sự là một cái gì kém hơn chiêm tinh học. Chiêm tinh học biết những bí ẩn về con người mà khoa học hoàn toàn bó tay.

Lý luận của Uyên làm tôi ngớ ra. Tôi hỏi cô vậy thì tại sao mình không thể nói rằng những ai ở tuổi Bắc Giải sẽ gặp nhiều hạnh phúc trong mùa hè, vì lẽ, họ ra đời vào một tháng giữa năm?

Uyên kêu lên, giọng mừng rỡ:

-Ðúng rồi, chiêm tinh học đã luận giải như thế! Mà sao anh biết?

Tôi bật cười lớn. Có lẽ tiếng cười của tôi làm Uyên giật mình, hay nàng giả bộ giật mình?

-Trời! Anh về hồi nào vậy? Anh làm Uyên hết hồn!

-Tôi mới về. Cô không làm bộ chớ?

-Anh đừng nói oan cho Uyên. Anh có đói không? Uyên làm cơm cho anh nhé?

-Cám ơn cô! Tôi vừa đói, vừa buồn ngủ!

-Hai anh em nói chuyện gì đó?

Bà Phan hiện ra ở cửa từ lúc nào. Sự có mặt đột ngột của bà làm cả hai chúng tôi giật mình. Tôi chống hai tay ở mép giường ngồi dậy. Bà đến chỗ con gái, cầm cuốn sách lên coi lơ đãng cái bìa.

-Sao con không mở đèn?

Bà hỏi nhưng không đợi Uyên trả lời, tự động đến sau cửa buồng, bật công tắc.

Ánh sáng tràn ngập căn phòng. Tôi ngồi vụt dậy.

-Thưa bác!

Bà nhìn tôi, rồi nhìn Uyên:

-Cháu mới về?

-Thưa bác, cháu mới về.

-Cháu ăn cơm chưa?

-Thưa bác…

-Tôi cũng chưa ăn. Cả Uyên nữa. Ngày hôm nay sao mà lắm khách thế không biết!

-Thưa me, con chỉ thấy có mỗi bà Lãm thôi mà!

-Thì bà Lãm, rồi kế đó là bà Liên, bà Ngọc. Bà Lãm nhờ me bán giúp chiếc nhẫn hột xoàn, gửi tiền cho cậu con học bên Pháp. Bà Liên mời chơi một bát họ. Bà Ngọc rủ me đi Hồng Kông một chuyến!

-Ðến ba cơ à! Vậy mà con cứ tưởng có mỗi một mình bà Lãm.

-Ðã xong đâu, bà Lãm vừa về thì bà tổng Hưng lại đến. Bà muốn mua lại chiếc lọ cổ nhà mình. Thôi, đi ăn cơm đi cô cậu, tôi đói lắm rồi!

Uyên rời bàn ăn sớm nhất. Cô ngồi bên tôi, đối diện với mẹ. Trước khi đứng dậy, cô nghiêng đầu nói nhỏ:

-Uyên chờ anh ở phòng đọc sách nhé!

Bà Phan đang ăn, ngừng đũa hỏi:

-Con nói gì?

Uyên tỉnh bơ.

-Con nói anh Thăng ăn nhanh lên, con sẽ cho anh ấy biết vận mệnh Cancer của anh theo Horoscope.

-Ðừng nói nhảm. Con đã đưa cái carte postale của bố gửi cho anh ấy chưa?

-Chúa ơi! Con quên mất. Con đi lấy ngay bây giờ!

Uyên bước ra cửa, bà Phan ngó tôi:

-Uyên có làm rộn cháu không?

-Thưa bác…

-Trông lớn con như vậy chứ còn dại lắm. Ông nhà tôi cứ mắng hoài…

Tôi nhớ Quỳnh. Tôi thấy mình vô lý nếu cứ chôn chân ở đây. Cái lý do an ninh không đủ sức thuyết phục Quỳnh bởi vì chính tôi cũng không tin lắm vào lý do này. Tôi là người sợ rắc rối. Tôi đang tự mình đi tìm rắc rối.

-Thưa bác, cháu muốn xin phép bác…

-Cháu cứ nói…

Bà Phan bỏ đũa xuống.

-Cháu thấy ở đây cháu làm phiền bác quá. Cháu muốn xin phép bác cho cháu dọn ra ngoài…

-Sao, cháu nói cái gì vậy?

Bà Phan trố mắt ngó tôi:

-Cháu cảm thấy tù túng phải không? Cháu quên những lời dặn của bác trai rồi sao?

-Thưa bác, cháu vẫn nhớ, nhưng cháu cảm thấy xấu hổ, nếu…

-Ðây, tấm carte postale bố gửi cho anh đây!

Uyên đưa tôi tấm bưu ảnh. HÌnh chụp cảnh bên ngoài tòa Bạch ốc ở Washington D.C. Ở lưng tấm bưu ảnh, ông Phan viết:

“Cháu Thăng,

Vài hàng thăm cháu, cháu còn nhớ hôm cuối bác cháu ta gặp nhau không? Bác chép gửi tặng cháu hai câu thơ trong bài Thục Ðạo Nan của Lý Bạch. Mong cháu bình an.

Thục đạo nan chi, nan vụ thượng thanh thiên

Trắc thân tây vọng trường tư ta…”

Bà Phan nhìn tôi hỏi:

-Cháu có hiểu bác trai muốn nói gì không?

-Thưa bác, cháu không rõ lắm. Cháu chỉ đoán thôi!

-Ừ! Thì cháu đoán xem nhà tôi viết gì mà khó hiểu vậy?

Tôi kể cho bà Phan và Uyên những điều mà tôi biết về Lý Bạch, một trong những tác giả nổi tiếng đời Ðường, và Thục Ðạo Nan là một trong những bài nổi tiếng nhất của ông. Nhà thơ cảm xúc trước cảnh hiểm trở của xứ Thục, nơi mà Ðường Minh Hoàng phải chạy vào. Ðại ý ông nói đường đi vào đất Thục còn khó hơn đường lên trời xanh. Trên trời thì có núi cao đến nỗi mặt trời phải vướng mà quay trở lại, dưới thì khe suối quanh co nước chảy lộn ngược rất ghê sợ. Cho nên bay cao như con hạc vàng cũng không thể qua, leo giỏi như loài khỉ vượn cũng phải e ngại. Ngày thì cọp dữ, đêm thì rắn dài. Cái xứ ấy tuy có vui thú cũng không bằng sớm sớm về nhà. “Ðường vào xứ Thục khó hơn đường lên trời xanh. Ðành phải nghiêng mình đứng trông về tây mà thở dài.”

-Phải chăng ông nhà tôi đang gặp khó khăn?

-Thưa bác, cháu cũng nghĩ là như vậy!

-Tại sao bố không viết ra là tao đang rắc rối bên này có phải dễ cho cả nhà không?

-Uyên! Bà Phan lên tiếng giận dữ

-Hồi này sao con ăn nói luông tuồng thế?

-Con xin lỗi me!

Uyên vịn hai tay lên thành ghế, đầu cúi xuống. Tôi đứng dậy chào bà Phan trở về phòng.

Tôi rửa mặt thật lâu. Tôi nhìn tôi trong gương. Tại sao Uyên hẹn tôi trong phòng đọc sách? Sao nàng không đến thẳng phòng tôi như nàng đã từng đến? Có phải phòng đọc sách là nơi không ai được lui tới, trừ ông Phan, nay ông đã đi xa và Uyên nghĩ rằng chúng tôi có thể nói chuyện với nhau giữa những cuốn sách trang nghiêm như một người lớn nói chuyện với một người lớn? Nếu đúng là như vậy phải chăng vấn đề đã trở nên trầm trọng? Dù sao, sau cùng tôi quyết định đến thẳng phòng đọc sách. Cửa mở, đèn thắp sáng. Trên bàn giấy ông Phan là cuốn Horoscope in thật đẹp với hàng chữ lớn: Tất Cả Những Gì Bạn Cần Biết Về Tuổi Bắc Giải. Uyên không có ở đó. Tôi ngồi xuống chiếc ghế bành. Trước mặt tôi là bức Tự Họa của Van Gogh. Tôi thấy nhớ ông Phan. Con người phức tạp, thích thơ Lý bạch, ưa tranh Van Gogh, say mê chính trị…

Tôi không hiểu ông và thực tình mà nói, trong thâm tâm tôi, tôi chưa hề có ý muốn tìm hiểu ông hay bất cứ một ai. Tôi là người thụ động, nhưng tôi có một quan niệm về quyền sở hữu tuyệt đối đặc biệt là trong tình yêu. Khi tôi yêu ai và biết người kia cũng yêu tôi thì tôi cho rằng họ đã là của tôi rồi. Tôi biết là tôi sẽ phản ứng mạnh nếu người đó không thuộc về tôi. Nói cách khác tôi có thể bỏ rơi họ, chứ họ không thể bỏ rơi tôi. Trước tình yêu tôi do dự không phải vì tính toán mà vì sợ bị từ chối. Ðiều ám ảnh tôi chính là tôi luôn luôn có trong đầu cái ý nghĩ một ngày nào đó sẽ hết được yêu. Một ngày đó Quỳnh sẽ bỏ tôi, cả Uyên nữa, nếu yêu tôi, rồi cô cũng sẽ bỏ tôi. Tôi đốt một điếu thuốc. Tôi đi rảo khắp các kệ sách.

Tiểu thư viện ấy đối với tôi thật quá quen thuộc, nhưng lần này, tôi sung sướng khám phá ra ngoài những cuốn hồi ký chính trị và thuật lãnh đạo là cả một kho tiểu thuyết và thi ca. Cuốn Ðường Thi do Ngô Tất Tố phiên dịch nằm bên tập thơ của R.Tagore, ấn bản tiếng Anh.

Bộ Ðông Chu Liệt Quốc, bản dịch của Nguyễn Ðỗ Mục đứng sát cạnh bộ Chiến Tranh và Hòa Bình của Léon Tolstoi… Nhưng bỗng nhiên tôi nghe mắt mình nặng trĩu. Tôi buồn ngủ. Tôi thèm ngủ. Tôi ra khỏi thư viện kẹp theo cuốn Othello của Shakespeare. Ðèn hành lang đã tắt nhưng ánh sáng phòng bà Phan len qua khe cửa.

Tôi nghe tiếng hai mẹ con nói chuyện.

-…

-Me không bằng lòng!

-Nhưng con có làm gì không phải đâu!

-Không được cãi bướng. Me chỉ muốn nhắc cho con nhớ là anh Thăng đã có vợ con…

-Nhưng con đâu có yêu anh Thăng. Me đừng làm con khổ!

-Me bao giờ cũng muốn thấy con của me hạnh phúc. Anh Thăng đã có gia đình. Con có nhận điều này không?

-Nhưng thưa me, anh Thăng đã ly dị.

-Chưa. Tất cả còn ở trong vòng thủ tục. Tuy nhiên con nên nhớ rằng cái việc ly dị hay không ly dị của anh ấy chẳng liên quan gì đến con!

-Nhưng thưa me, bố nói con phải coi anh ấy như một người anh?

-Thì ai cấm cản coi anh ấy như một ông anh, nhưng đừng xen vào đời tư anh ấy!

-Thật con không thể hiểu nổi me, đã xem anh Thăng như một ông anh mà lại phải dửng dưng với cuộc sống anh ấy?

-Uyên! Con có còn là con của me nữa không?

-Thưa me, lúc nào mà con chẳng là con của me?

-Vậy con hãy quên anh ấy đi!

-Me muốn nói anh Thăng là người xấu?

-Không, me không nghĩ thế.

-Me muốn con phải xa lánh anh ấy?

-Không. Me chỉ muốn con đừng yêu anh ấy!

-Nhưng, con có yêu anh Thăng đâu!

-Ðừng dối me. Me hiểu tình cảm con!

-Nhưng me không thấy tình cảnh anh Thăng thương tâm hay sao?

-…

-Anh ấy đâu có sung sướng gì trong việc phải xa gia đình anh ấy, ngay trong một thành phố mà anh ấy đang sống!

-Nhưng anh ấy có làm cái gì thì phải nhận lãnh hậu quả của mình chứ!

-Thưa me, con sợ me bất công khi chỉ nhìn lỗi lầm của anh Thăng qua mắt một người khác.

-Ai? Con nói người khác ấy là ai?

-Bất cứ ai nói xấu anh Thăng đều như thế!

-Kể cả vợ anh ấy sao?

-Thưa me, phải.

-Me đã gặp chị ấy. Lỗi này hoàn toàn là của anh Thăng!

-Thưa me, chắc bà Lan đã nói với me phải không?

-Bà Lan nào?

-Thì chị Thăng ấy!

-Phải. Chị ấy nói về anh Thăng những điều không thể tưởng tượng nổi!

-Và me tin tất cả những gì bà ấy nói?

-Sao me lại không tin? Còn ai biết rõ người đàn ông hơn là vợ ông ta chứ?

-Thưa me, con cũng đã gặp bà ấy, nhưng con nghĩ khác.

-Con đã gặp chị ấy? Ở đâu? Ðể làm chi? Tiếng bà Phan kinh ngạc thấy rõ. Tôi cũng ngạc nhiên không kém.

-Cách đây ít lâu. Con theo đám bạn đến chơi nhà ở đường Kỳ Ðồng. Cathy Hồng là cousine của bà ấy!

-…

-Bà cũng xinh xắn dễ thương, nhưng nói xấu chồng theo cái kiểu cả vú lấp miệng em. Con nghĩ rằng nội cái việc bà ấy nói xấu cùng cực về anh Thăng cũng đủ làm con nghi ngờ lời nói bà. Xấu lá thời xấu nem chứ. Phải không me?

-Thì anh Thăng có thế nào chị ấy mới nói thế chứ! Giọng bà Phan dịu lại.

-Thưa me, đám bạn con nói mỗi lần đến thăm bà là mỗi lần được nghe bà ấy nói xấu anh Thăng một kiểu khác nhau, đến nỗi chúng nó bị ám ảnh, ghét cay ghét đắng anh ấy!

-Thế còn con?

-Con nghĩ là con hiểu anh Thăng, mặc dù anh ấy chưa bao giờ nói với con về bà Lan!

-Con hiểu anh Thăng như thế nào?

-Thưa me, con nghĩ khi đời sống gia đình là một địa ngục thì không có lý do gì buộc người ta phải tiếp tục ở cùng dưới một mái nhà!

-Uyên!

-Thưa me,…

-Con có biết là me yêu con đến chừng nào không?

-Thưa me, con biết.

-Con có muốn làm những điều trái ý me không?

-Thưa me, không bao giờ con dám.

-Vậy con nghe đây. Bao lâu me còn sống, me không muốn con kết hôn với một người đàn ông đã có một lần lập gia đình!

-Thưa me…

-Thôi con về phòng đi, me mệt. À,… con lấy hộ me một viên Valium nhé!

Tôi trở về buồng mình, tắt đèn, nằm dài trên giường, mở mắt nhìn bóng đêm. Giấc ngủ không đến với tôi nữa. Trần nhà như một màn ảnh lớn trên đó Uyên, bà Phan, ông Phan, Quỳnh, Ðăng và Mai lần lượt hiện ra riêng rẽ rồi chập lẫn vào nhau. Tôi mong sao trời mau sáng. Tôi muốn ra quán nước sớm để gặp bạn bè.

Chương 12

Quán nước sáng nay khá đông. Chiếc bàn mọi khi đám bạn tôi vẫn ngồi đã có người chiếm. Tôi đứng chôn chân ở thềm cửa nửa muốn vào nửa muốn không. Rong một vòng qua các hàng sách, hay đi xem phim? Ừ, biết đâu được, chúng nó chẳng đang ở đó! Khi dợm bước chân ra, tôi nghe có tiếng gọi lớn từ một chiếc bàn tận góc trong.

-Ê, Thăng!

Tôi quay lại.

-Ồ, Vinh! Ông về hồi nào vậy?

-Mấy hôm rồi!

-Sao nghe nói tiểu đoàn ông đang hành quân mà!

-Phải. Ðang hành quân, nhưng tôi thì được lệnh phải về!

-Tại sao?

Vinh nhìn tôi cười. Anh có một nụ cười quá đẹp và quá ngây thơ. Những bông mai màu đen trên cổ áo rằn ri của tiểu đoàn biệt kích Dù không làm Vinh già đi chút nào. Hồi còn học Y khoa Vinh là tay làm báo có hạng. Những bài anh viết không phải chỉ thuần túy khoa học mà luôn luôn chạm đến cái phần nhân bản của Y khoa. “Vấn đề xã hội là hàng đầu của suy nghĩ tôi.” Anh thường nói với bạn bè như vậy. Khi ra trường và được đổi sang phục vụ cho Tiểu Ðoàn Biệt Kích 81 Dù, Vinh viết càng nhiều và càng sắc bén. Những bài của anh đăng trên các tạp chí bao giờ cũng là một ngạc nhiên đầy thích thú cho những ai quan tâm đến các vấn đề thời sự và đời sống chính trị hiện tại. Dưới mắt tôi, Vinh hiện ra như một người trí thức trẻ đi săn tìm lý tưởng tuyệt đối không hề mỏi mệt.

-Ðến đây ngồi với tôi uống cái gì đi. Ðược không?

-Xong rồi!

Tôi theo Vinh đến bàn anh.

-Ông tìm ai vậy?

-Không hẹn ai. Chỉ tìm bạn bè vì thói quen thôi!

-Cà phê nhé?

-Ừ, thì cà phê!

Vinh ra dấu gọi thức uống. Anh cười, tôi thấy da mặt anh trắng hồng như con gái. Những chuyến hành quân trên các buôn Thượng, những đụng độ ở mặt trận quân khu hai kéo dằng dai hơn cả tháng trời không làm cho da mặt anh sạm đen đi tí nào. Tóc Vinh cắt cao, đầu tròn, mắt sáng chiếu thẳng vào người đối diện. Anh nói nhỏ nhẹ nhưng thái độ dứt khoát và quyết liệt. Tôi thường nói đùa “Vinh là lương tâm của tôi.” Thực ra điều này cũng chẳng có gì quá đáng. Công bình mà nói anh còn có thể được xem là lương tâm cho nhiều người khác nữa kia.

Tôi nhìn Vinh, lập lại câu hỏi lúc nãy.

-Lệnh thuyên chuyển về Sài Gòn hả?

-Không. Tôi bị gọi về hầu tòa!

-Hầu tòa? Ông làm cái gì mà phải hầu tòa?

Vinh lại cười. Anh giở chiếc nón màu xanh lá cây úp trên mặt bàn, kéo một tờ tạp chí, đẩy về phía tôi.

-Ðó! Lý do hầu tòa là cái đó!

Tôi mở trang báo. Hàng tít lớn với dòng chữ “Mặt Trận Ở Sài Gòn.” Kẹp vào trang có đi bài là cái trát gọi hầu tòa ghi tên Vinh. Tôi đọc qua trát lệnh, rồi lướt mắt trên bài viết của Vinh.

-Cho tôi mượn tờ báo được không?

-Ðược. Ông cầm lấy. Tôi còn mấy cuốn ở nhà. Nhưng thôi, không phải nói chuyện đó nữa. Việc gì đến tức khắc sẽ đến.

Còn ông thế nào? Hồi này đời sống ra sao?

-Ai? Tôi hả?

-Chứ còn ai? Nghe nói ông bây giờ là người thân của cụ Phan phải không?

Tôi hơi ngần ngừ trước câu hỏi đột ngột của Vinh. Tôi biết tính anh ít nói về những gì liên quan đến đời tư của bạn. Anh không ưa tò mò và không bao giờ là người tọc mạch soi mói. Anh là một nhà thực nghiệm. Anh không tin những gì anh chỉ nghe bằng tai.

-Phải. Nhưng ai đã cho ông biết tin này?

-Hôm qua đến tòa báo về vụ ra tòa, tôi có gặp mấy bạn quen, thấy chúng nó nói vậy!

-Họ nói sao?

-Chúng nó nói ông sẽ là bí thư trẻ tuổi nhất của cụ Phan!

Tôi bật cười:

-Ðứa nào ác mồm ác miệng quá thế! Ông Phan đi Mỹ rồi mà!

-Ừ, thì cụ Phan đi Mỹ, nhưng cụ sẽ về chứ? Ông là người trong nhà, ông không thấy địa vị nào dành cho cụ Phan trong ngày trở lại sao?

-Tôi không nhìn thấy địa vị nào dành cho ông Phan, mặc dù tôi biết ông đang giữ một vai trò quan trọng trong sinh hoạt chính trị ở đây!

Nhân viên nhà hàng đem cà phê cho tôi. Vinh vừa đẩy hũ đường vừa nói:

-Cà phê ở đây dở quá, có thể nói là dở nhất Sài Gòn. Trên đường hành quân tôi biết có mấy quán lụp xụp tồi tàn bên đường thế mà cà phê ngon tuyệt, ngon không thể nào tả được!

Tôi kéo Vinh trở lại câu chuyện cũ:

-Ông thấy ông Phan là người như thế nào?

Vinh nhìn tôi, vẻ sửng sốt:

-Sao ông hỏi tôi câu đó? Hơn ai hết, ông phải là người biết rõ cụ Phan chứ?

Trời ơi, bây giờ đến lượt Vinh, anh ấy mà còn ngộ nhận về mối quan hệ thân thiết giữa ông Phan và tôi thì còn ai tin được những đính chính của tôi?

-Ông có muốn nghe tôi giải thích không?

-Hồi này ông làm sao thế?

-Tôi được đề nghị để được coi như một người thân trong gia đình ông Phan.

-Chắc là phải có lý do chứ?

-Giữa ông Phan và cha tôi có một liên hệ đồng đội từ xưa mà tôi không rõ? Mặc dù tôi biết một cách tình cờ rằng mối liên hệ ấy có thực.

Chợt Vinh chỉ vào cái băng đen trên túi áo tôi, hỏi một câu bất ngờ:

-Ông để tang ai vậy?

-Cha tôi!

-Kìa, ông cụ mất hồi nào sao tôi không nghe biết chi hết!

-Cũng lâu rồi. Có hơn năm nay. Chắc lúc đó ông bận hành quân!

-Thế ông có thấy cụ Phan trong đám người đưa tiễn không?

-Không rõ. Tôi về đến nơi thì mọi sự đã xong cả rồi.

-Lạ nhỉ?

-Nhưng tôi thấy ông Phan có cả bộ ảnh chụp hôm đám tang. Ông Phan biết là tôi đã không có mặt trong những giây phút cuối của cha tôi.

Vinh bỗng lái câu chuyện sang một hướng khác.

-Vẫn ở chỗ cũ chứ?

-Không! Tôi ngập ngừng.

-Tôi đã bỏ đường Kỳ Ðồng hơn một năm nay.

Tôi tự hỏi có nên nói cho Vinh biết chuyện gia đình mình hay không? Trước kia Vinh và các bạn anh ở Tiểu đoàn Dù có đến ăn cơm nhà tôi mấy lần. Ai cũng nói tôi là một người hạnh phúc. Ðông, sếp lớn của Vinh nói nếu tôi đừng “bị” biệt phái có lẽ tôi là người hạnh phúc hơn. Chưa đụng nhau trên một chiến trường có súng đạn, có máu đổ và có người chết, tôi vẫn đang còn là một thiếu sót lớn. Thứ triết học nhà trường mà tôi đã được nhập môn, cả thứ triết học mà một vài ông nào đó tự nhận là triết gia khi mới lõm bõm chữ nghĩa trong đầu qua một vài cuốn sách… chỉ là bọt bèo và rác rến của thứ “tư tưởng” đã mòn nhẵn. Vâng, có lẽ thế. Ðông nói đúng. Tôi là một người hạnh phúc khốn khổ.

Tôi lấy gói thuốc, bốc một điếu chìa về phía Vinh.

“Không. Tôi không hút thuốc.”

“Không hút thuốc, không uống rượu. Ông là một chiến sĩ đầy thánh tính.”

“Sao ông không nói thêm rằng tôi còn là một người rất ghét cờ bạc và trai gái?”

“Cờ bạc thì tôi biết là ông không ưa từ lâu. Còn phụ nữ, tôi xin mở một dấu ngoặc!”

“Ông có thể bỏ cái dấu ngoặc ấy được!”

“Vậy thì ông là một vị thánh lạc loài giữa rừng gươm bể giáo!”

“Tôi không thích làm ông thánh. Tôi là một con người bình thường. Tôi có một tình yêu, ông biết. Nhưng tôi chưa muốn

tiến tới hôn nhân. Có rảnh rỗi, chiều mai ăn cơm với chúng tôi?”

“Ở đâu?”

“Gần đây. Quán Ngọc Hương ở đường Gia Long. Cơm Bắc Kỳ, không biết cô Uyên của ông có thích không?”

Vinh nhắc đến Uyên chừng như anh biết có một mối tình giữa hai chúng tôi.

“Trời đất! Sao lại có vụ cô Uyên trong đó vậy?”

“Cô ấy là người Nam phải không?

“Không. Ông Phan là người Trung nhưng bà Phan là người Bắc.”

“Người ta nói cô Uyên đẹp lắm, ông thấy có đúng không?”

“Xinh thì đúng. Nhưng…, thôi tôi không đính chính đâu. Tôi biết ông ghét giải thích.”

Vinh cười. Anh uống một hớp nước ngọt.

“Thăng. Không cần chúng nó nói mới biết. Tôi thấy ông thay đổi nhiều.”

“Thật sao? Tôi thay đổi gì?”

“Ông vẫn cười giòn nhưng không vui. Da mặt sạm đen, xấu hơn, khác với màu đen vạm vỡ mà ông vốn có. Ông hết tin đời và tin người rồi phải không?”

“Phải. Bây giờ tôi sống tạm bằng hoài nghi.”

“Hoài nghi mà sống có khá không?”

“…”

“Vậy thì tôi nói đúng nhé! Khao gì nào?”

Tôi vẫn không muốn trả lời các câu hỏi của Vinh.

“Bao giờ xong vụ ly dị?”

“Coi như là xong.”

“Nếu bỏ qua cái lý ở Tòa án, chỉ xét về tình thì phần lỗi về phần ai? Thăng giận mình không, nếu mình hỏi như vậy?”

Tôi không giận Vinh, nhưng câu hỏi ấy làm tôi bối rối. Lỗi về ai? Mọi người đâu cần suy nghĩ cũng thấy rõ là lỗi ấy về phần tôi. Tại sao? Cũng dễ hiểu thôi. Chị ta hiền lành như thế, nết na như thế, phúc hậu như thế. Còn tôi mặt mũi du côn, du kề, tính tình lang bạt, ngang chướng, bạn gái bạn trai thôi thì đủ loại. Một người như thế dẫn đến một tình trạng gia đình như thế. Sao lại là một kẻ vô tội được. Tôi nhìn chăm mắt Vinh. Từ lâu anh vẫn là người mà tôi tin cậy có thể nói hết những gì chân thật nhất mà đối với kẻ khác tôi vẫn giấu giếm. Vả lại, Vinh vốn có khả năng làm cho người đối diện anh bối rối ngay khi họ muốn che đậy sự thật. Tuy vậy tôi vẫn hỏi anh.

“Trước hết ông có tin tôi không đã?”

“Ðừng hỏi tôi câu đó. Tôi tin ông.”

“Vậy thì lỗi ấy chắc chắn không ở về phía tôi!”

“Thế còn con cái?”

“Tất cả rắc rối là ở chỗ đó. Tôi muốn giáo dục con cái theo cách của tôi. Nhưng còn mẹ chúng nó? Có thể nào tách một

đứa còn quá nhỏ ra khỏi tay người mẹ không?”

“Có thể. Nếu người mẹ ý thức được sự bất lực của mình trong việc giáo dục đứa trẻ. Trong hai người, bà mẹ dễ làm hỏng đứa con hơn người cha. Nhưng trong hai người thì cha chăm sóc con dở hơn bà mẹ. Thăng, tôi tin ông. Ngày mai tôi ra tòa. Nếu không có gì trục trặc, ngày kia tôi trở về đơn vị.”

“Cám ơn Vinh!”

Tôi đứng dậy cầm tay anh. Sự hiểu biết của anh làm tôi cảm động. Anh không cần tôi giải thích những đổ vỡ và lỗi lầm.

Anh cũng chẳng cần xoi mói vào đời sống tôi. Nhưng tôi tin là anh hiểu tôi, mặc dù chưa bao giờ chúng tôi nghĩ rằng hai chúng tôi là đôi bạn thân tình. Thỉnh thoảng chúng tôi gặp nhau uống một ly nước, họa hoằn lắm mới ăn với nhau một bữa cơm. Hoàn toàn là riêng rẽ, hai người với nhau. Tôi tin cậy Vinh như tin cậy một người lớn tuổi; nhưng tôi rõ là Vinh ít tuổi hơn tôi. Tính bộc trực của anh dễ làm tan những lớp sơn giả dối của kẻ khác.

Tôi hỏi Vinh về vụ án bài báo.

“Ông buồn hay vui khi ra hầu tòa?”

“Ngạc nhiên thì đúng hơn!”

“Muốn một bản án như thế nào?”

“Khó nói quá! Nhưng tôi muốn nói ngay tại tòa rằng Mặt trận ở Sài gòn khó chiến đấu hơn mặt trận ở Cao nguyên mà tôi đang hành quân. Dẹp được mặt trận Sài gòn quân lực Việt Nam Cộng Hòa sẽ chiến thắng mặt trận Cao nguyên.”

“Thôi, tôi chúc ông như ý!”

“À, đừng quên tối mai ở quán Ngọc Hương nhé!”

“Xong rồi!”

Tôi mở cửa kính bước ra ngoài.

Nắng Sài gòn vẫn chói chang.

Chương 13

Sinh hoạt trong thành phố có vẻ như đang lấy lại phong độ. Con đường chính đã đầy kẻ mua người bán. Từ chợ Bến Thành đi ngược về tòa nhà Quốc Hội, dọc theo đường Lê Lợi là vô số hàng Mỹ bày trên lề đường hay trên các sáp gỗ. Người đi bộ chen nhau qua lối nhỏ, đôi khi giẫm lên cả những cuốn sách bán “xôn” rải đống trên mặt đất. Những tạp chí Playboy, Penthouse số mới nhất in hình phụ nữ lõa thể màu sắc rực rỡ, bên cạnh những tác phẩm văn học dịch từ tiếng nước ngoài như Ðỉnh Gió Hú, Cuốn Theo Chiều Gió, Hãy Khóc Ði, Hỡi Quê Hương Yêu Dấu!… Sạp vải vóc bên sạp quần áo cũ. Thuốc tây và dụng cụ y khoa bày la liệt giữa trời chịu nắng và hứng bụi đường…

Tôi dừng lại ở một hàng sách cũ. Chủ quán là một người Hoa quen. Tôi đã mua sách ở đây nhiều lần. Ông ta không đọc được tiểu thuyết bằng tiếng Việt, nhưng ông ta bán sách theo cái cách riêng của ông.

Ông cho tôi biết là ông định giá sách theo đôi mắt của khách. Nếu khách mua sách mắt sáng lên về một cuốn đang cầm tay, điều đó có nghĩa là ông có thể bán được giá cao. Còn ngược lại, thì cứ thế mà bán. Tôi luôn luôn được ông dành cho quyền ưu tiên xem trước những cuốn mới nhất – và hưởng giá rẻ đặc biệt. Tôi đưa tay ra dấu chào ông. Và ông mở thùng giấy lục cho tôi một cuốn sách mới.

“Thuyền của Quỳnh Giao?”

‘Không!”

“Song Ngoại?”

Tôi lắc đầu.

“Hải Âu Phi Xứ?”

Tôi xua tay.

“Lưỡi Dao Cạo?”

Tôi ra dấu cho ông ta gói sách. Tôi trả tiền, kẹp sách vào nách và đi ngược đường đến quán nước. Nắng chói và hơi người làm tôi khó chịu. Tự nhiên tôi thấy mệt, hơi thở nặng, chân đi không vững nữa.

Quán nước đông khách, nhưng không có Nhật, Tâm, Phùng. Tôi trở lại Nguyễn Huệ, đi qua những kiosque gỗ bán hoa. Tôi thấy tôi đứng trước một cao ốc nơi Quỳnh làm việc. Tôi đẩy cửa kính bước vào.

Quỳnh đã nhìn thấy tôi và tôi nghe tiếng nàng kêu hốt hoảng.

“Trời. Anh làm sao thế nảy?”

“Tôi đến thăm em mà!” Tôi hơi ngạc nhiên về tiếng kêu của Quỳnh.

“Sao mặt anh tái xanh thế?”

“Ðâu? Tôi có gì đâu!”

“Anh ngồi xuống đây đi!”

Quỳnh đẩy tôi ngồi xuống ghế của khách hàng trước bàn, lấy khăn thấm mồ hôi trên trán tôi.

“Trời ơi, anh ốm thật rồi đây này! Người nóng như lửa thế kia mà không sao. Anh chờ em!”

Quỳnh bước vào bàn trong. Cô nói gì đó với một ông lớn tuổi đeo kính cận. Sau cùng Quỳnh trở lại bàn giấy thu xếp hồ sơ và quàng sắc lên vai.

“Ði anh. Em đưa anh về!”

“Về đâu?”

“Anh muốn về đâu?” Quỳnh khựng lại.

“Về đằng em đi!”

Ngồi trên taxi, Quỳnh đan những ngón tay cô lên tay tôi. Ðôi mắt cô không vui. Cô quay cửa kính lên và thúc xe chạy nhanh hơn. Nỗi lo âu của Quỳnh làm tôi thấy mình nhỏ lại.

Tôi là đứa bé sớm xa gia đình. Năm lên sáu tuổi đã chạy giặc Pháp, lạc trong rừng sâu. Cha tôi thì bặt vô âm tín, còn mẹ tôi thì tay xách nách mang hai đứa em tôi. Hồi đó tôi đã tự tìm cách sống giữa lũ trẻ chăn trâu dưới chân ngọn núi Hòn Bò. Người chủ trại, ông Năm Ngũ, có căn nhà tranh bên bờ suối và người giúp việc tên Thằng Ðược – anh khoảng mười lăm, mười sáu tuổi và là người Thượng. Bà Năm Ngũ đã lượm được trong rừng khi bà theo ông Năm đi rẫy, vì thế bà đặt anh tên Ðược. Tôi sống ở đây không bao lâu thì được một tiểu đoàn Biệt Ðộng Lê Dương hành quân qua đây, và một người lính già lượm tôi đem về nuôi. Tôi đã sống như một đứa con hoang tự tìm lấy miếng ăn. Khi người lính lê dương già trả tôi về với gia đình, tôi trở thành một đứa bé có trách nhiệm với hai đứa em. Tôi phải chăm sóc chúng mọi thứ và nhất là không để cho chúng khóc. Mẹ tôi ghét nghe tiếng khóc. Bà có một hàng chạp phô nhỏ, buôn bán đổi chác với đám người từ các làng quê gần đó xuống thị trấn mỗi sáng.

Chưa đầy mười tuổi tôi đã trở thành một “cậu nội trợ” bất đắc dĩ. Khi việc buôn bán của mẹ tôi bắt đầu kha khá, bà thuê người làm và cho tôi đi học trở lại. Tôi là đứa học sinh lớn tuổi nhất và to xác nhất trong lớp. Nhưng nhờ các vốn chữ nghĩa vơ được từ những ngày theo người cha nuôi tôi học nhanh, đổi lớp giữa niên học, được thầy giáo khen giỏi và bị tụi bạn ghen tị. Thị trấn tôi sống lúc bấy giờ là một quận nhỏ nằm trên ngã ba của trục quốc lộ số một và mười ba.

Một hôm mẹ tôi gọi tôi ra ngoài cửa hàng, nói với tôi bằng một giọng đầy nước mắt là đã đến lúc tôi phải tự lo liệu lấy đời sống của tôi, bởi vì mẹ còn phải nuôi mấy em nhỏ, cha tôi thì say sưa tối ngày, không đưa tiền mua rượu cho ông thì ông chửi, nhưng nếu mua rượu cho ông rồi ông uống xong ông cũng chửi. Bà nói, “Nếu con giúp mẹ một tay để nuôi các em càng tốt, nhưng con còn nhỏ quá, con phải đi học để có chút chữ nghĩa trong bụng làm vốn mà sống chớ bắt con ở nhà thì mẹ không đành.”

Sau đó, với một số tiền nhỏ dắt túi, bà mang tôi vào Nha Trang, quê hương của cha tôi, gởi tôi cho ông chú bà thím và bỏ tôi ở đó. Chú tôi là một công chức có địa vị lão làng ở tỉnh. Nhà chú đông con, thím tôi thì bệnh tật rề rề, một mình chú nuôi đàn con đã khốn khổ lại phải gánh thêm một miệng ăn là tôi, càng làm chú thím tôi vất vả thêm. Cho nên tôi tiếp tục đóng vai đứa bé vừa đi vừa hôn lên vết thương trên bả vai mình vì biết rằng chẳng ai thương ta. Và bãi cát trắng, những cây dừa, biển xanh luôn luôn là bạn trung thành nhất đời tôi. Có những trưa trốn học tôi ngồi ở biển nghe tiếng sóng vỗ vào bờ như những tiếng thì thầm vô tận của một người đàn bà đang yêu. Từ nhà Bưu điện, tôi lội trên cát đi mãi xuống qua Hotel Beau Rivage. Gió biển mát làm no buồng phổi nhưng dạ dày tôi thường là lép kẹp. Tôi chui vào những bụi dương nằm ngủ quên trên những tờ báo. Tôi đọc tiểu thuyết Nhất Linh, Khái Hưng, tùy bút Nguyễn Tuân… Tôi mê thơ Huy Cận, Ðinh Hùng… Những bài thơ thời kháng chiến chống Pháp của Quang Dũng, Hữu Loan, Yên Thao, Hoàng Cầm… cũng làm tôi ngất ngư. Văn chương ấy, thiên nhiên ấy nuôi tôi bằng mơ mộng. Tôi lớn lên bằng những thực phẩm là gió biển, là truyện và thơ. Tôi thụ động tiếp nhận thứ món ăn vốn không làm no ai…

Và như thế, tôi tiếp tục lớn lên cho đến khi vào đại học, tới một thành phố xa hơn, lớn hơn, học những môn học phức tạp hơn, gặp nhiều điều xằng bậy hơn, tôi vẫn đi một mình, đến một mình, tự lo lấy quần áo mà mặc, tự lo lấy sách vở mà học, tự tìm lấy cách sống mà sống. Tôi là con thú hoang, tự chiến đấu để sinh tồn, tự liếm vết thương trên thân thể mình do kẻ khác gây ra để chữa trị. Cho đến khi tôi gặp Lan. Tôi nhìn thấy cái phúc hậu bên ngoài của chị ta, tôi nhận thấy được sự chăm sóc có phần quá đáng của chị cộng với cái khí hậu lạnh lẽo của một thành phố miền núi, tôi hiểu thế nào là nỗi cô đơn và sự cần thiết phải có một người khác phái bên cạnh mà từ lâu tôi thiếu. Chúng tôi đi lại với nhau, lén lút như hai kẻ ngoại tình, mặc dù chúng tôi còn đang ở năm thứ ba đại học và chưa ai có một cuộc sống gia đình. Tôi sợ bạn bè biết, sợ giáo sư biết. Tôi sợ tất cả các con mắt dòm ngó của mọi người lên đời sống của chúng tôi.

Tại sao lại có cái thứ tình ái đầy bóng tối như thế? Tại sao có được tình yêu trong tay mà tôi không hãnh diện ngửng mặt nhìn trời. lại cúi mặt xuống đất mà đi?

Hồi đó tôi không hiểu, nhưng giờ thì tôi đã rõ. Cuộc sống chung cho tôi biết một sự thực là cô ta cần được tôi chiều chuộng hơn là chiều chuộng tôi. Cô ta chờ đợi nơi tôi những gì tôi đang chờ đợi nơi cô. Rốt cuộc cả hai chúng tôi đều mong đợi kẻ khác chăm sóc và sự chờ đợi ấy không bao giờ trở thành hiện thực.

Buổi sáng dậy sớm trước khi đi làm, tôi phải tự pha lấy cà phê mà uống, tự mua lấy bánh mì điểm tâm. Buổi tối về phải tự mở cửa để vào, tự nấu nước lấy mà tắm, tự lục cơm nguội mà ăn. Bởi vì cô ta đã đi ngủ và người giúp việc cũng không buồn thức dậy.

Tôi là người khách lạ trong gia đình do chính hai bàn tay tôi gây dựng nên. Tôi đâu có khác gì cái tôi ngày trước khi đi lang thang trên bãi biển Nha Trang tự hôn lấy vết thương trên bả vai mình.

Tôi là một người chồng-độc thân! Cô ta có ghé mắt vào đời sống tôi không? Chắc là có! Nhưng hình như cô ta vẫn còn tiếp tục chờ đợi. Tôi biết rằng cô ta sẽ hoài công chờ đợi. Sợi dây căng ra mãi, quả bóng cứ bị ép xuống mãi, có ngày dây phải đứt, quả bóng phải vỡ. Ðó là chưa kể mối liên hệ mong manh kia còn bị cứa đi cứa lại bởi những con dao oan nghiệt và sự thể phải xảy ra đã xảy ra.

Và bây giờ đây Quỳnh không chỉ chăm sóc tôi, cô còn lo âu cho đời sống tôi. Những giọt nước mắt âm thầm của cô ứa ra trên đời sống tôi là cái giá mà tôi không làm sao mua được. Cả Uyên nữa! Cô đâu chăm sóc tôi như một người em lo cho ông anh. Cô chính là bà mẹ ở cái tuổi mà cô chỉ có thể làm một cô gái ngây thơ.

-Em không phải lo cho tôi nữa. Tôi khỏe rồi!

-Nhưng anh xanh như thế này!

-Mình đi chơi đâu đi, Quỳnh!

-Ði chơi? Không được. Anh phải về nhà em cạo gió cho anh. Em biết có bà thầy gừng đánh gió giác hơi hay lắm. Nhé?

-Không có gừng nghệ gì hết cô bé ạ! Tôi khỏe rồi! Mình đi uống cà phê đi!

-Không được. Anh phải về nhà. Em cũng cần nói chuyện với anh! Quỳnh khăng khăng giữ ý định của mình.

Phòng thơm nức mùi dâu tươi, Quỳnh kéo rèm, mở cửa kính, căn phòng sáng hẳn ra. Tôi đứng ở cửa sổ ngó qua rạp Rex. Phía tay trái là bồn nước có vòi phun và mấy cây liễu rũ ngọn, chỗ giáp nhau của đường Lê Lợi và Nguyễn Huệ. Tiệm Pole Nord ở góc ngã tư, nơi tôi vẫn hẹn Quỳnh.

-Em làm cocktail dâu cho anh nhé!

Tôi quay vào, để nguyên giầy, nằm lên giường Quỳnh. Gối chăn cô thơm phức. Tôi vùi đầu xuống nệm. Tôi muốn ngủ một giấc. Nhưng tôi thèm muốn Quỳnh. Tôi gọi Quỳnh. Cô đang rửa dâu, cắt khóm tách nho, rắc đường ngâm rượu vang.

-Anh gọi em?

-Ừ. Em đến đây với anh?

-Không!

-Tại sao?

-Anh đang ốm! Vả lại em chỉ muốn nói chuyện với anh thôi!

-Thì em đến với anh hẳn rồi nói!

-Không! Em ngồi đây nói cũng được! Quỳnh thu mình trong chiếc ghế bành.

-Hãng vừa đưa vé chuyến đi Âu Châu cho em?

Hôm trước nghe Quỳnh nói tôi tưởng hãng chỉ thăm dò nhân viên, nên bây giờ tuy Quỳnh nói một điều đã được biết trước mà tôi vẫn ngạc nhiên.

-Em thích không?

-Anh có muốn em đi không?

Tôi trả lời không suy nghĩ.

-Sao tôi lại ích kỷ đến nỗi không muốn em vui chơi một chuyến? Tôi biết em đã từng ao ước một chuyến đi chơi xa như thế phải không?

-Phải. Nhưng bây giờ em không còn cái ý thích đó nữa.

Tôi nhổm dậy.

-Sao, em nói cái gì vậy?

-Em nói là bây giờ em không còn cái ý thích đó nữa.

-Tại sao? Cái gì làm em thay đổi vậy?

-Em muốn biết ý kiến của anh!

-Ý kiến của tôi là: không nên bỏ qua cơ hội. Nhưng bao giờ thì em đi!

-Ðầu tháng tới.

-Em sẽ mang gì về cho tôi?

-Như vậy là anh muốn em đi, phải không?

-Tôi có không muốn cũng chẳng được! Tôi nói mà vẫn không hiểu ý Quỳnh.

-Ðược chứ anh! Nếu anh không muốn em đi, em sẽ không đi!

Câu nói của Quỳnh làm tôi hụt hẫng.

-Tại sao lại có cái ý muốn kỳ quái như thế mới được chứ? Em từng nói với tôi là em ao ước được du lịch một chuyến, và giờ đây cơ hội ấy đến mà em lại hủy bỏ vì ý kiến một người khác!

Quỳnh đứng dậy đến chỗ tôi nằm. Cô áp mặt mỉnh lên mặt tôi, hai tay cô vòng lấy người tôi.

-Em sẽ nhớ anh lắm, bởi vì nếu em đi, em sẽ không bao giờ trở lại.

-Em trốn ai?

-Trốn anh! Anh lửng lửng lơ lơ, anh không có tình yêu. Còn em, lòng em luôn luôn tưởng nhớ anh!

-…

-Anh Thăng? Cái gì đã làm anh thành một con người khủng khiếp như thế?

Bỗng nhiên tôi cáu lên.

-Cái gì à? Chính đời sống tôi, những kẻ quanh tôi, cái bọn đạo đức giả ấy làm tôi phát tởm!

-Còn em? Anh không thấy là em đã thuộc về anh sao? Anh thay đổi nhiều quá, anh đã là một người lạ,

Tôi ôm chặt Quỳnh. Tôi hôn cô, dụi đầu vào ngực cô.

-Em rắc rối quá! Trước kia em giản dị bao nhiêu!

-Tại sao anh không muốn có em bên cạnh?

-Ai nói với em là tôi không muốn có em bên cạnh?

-Anh chứ còn ai! Anh muốn em đi xa, anh không còn yêu em. Có phải Uyên đang làm anh nhức đầu không?

-Em tin như vậy sao?

-Em tin như vậy. Trực giác của em nói nói với em như vậy!

-Em có một thứ trực giác kém vô cùng!

Tôi lật ngửa Quỳnh. Tôi hôn cô cuồng loạn. Hơi lưỡng lự phút đầu, nhưng sau đó Quỳnh hưởng ứng cùng tôi một cách nhiệt tình. Ngực cô săn cứng, thân thể cô mềm mại. Tôi bước vào da thịt Quỳnh với tất cả sức mạnh của tuổi thanh xuân.

-Thăng ơi! Thăng!

Tiếng kêu của Quỳnh làm tôi bủn rủn tứ chi. Tôi thấy tôi chạy phăng phăng trên một con đường rộng, gió thổi tung tóc tôi ngược về phía sau, những sợi tóc bị gió kéo mỗi lúc một dài ra, dài mãi như một dải lụa đen, bung ra như một cuộn khói và sau cùng biến thành đám mây. Tôi thấy tôi nhẹ phơi phới. Tôi giang hai cánh tay rộng như chim nhảy từ đỉnh núi cao xuống mặt biển xanh dưới kia. Tôi bay như chim, bay hoài, bay hoài không biết mệt. Tôi thấy đôi mắt Quỳnh mở lớn, nụ cười hai lúm đồng tiền, chiếc răng khểnh. Tôi thấy rõ những sợi lông màu đậm trên mép cô.

Có lúc tôi nghe cánh tay trái tôi trĩu xuống và tôi thấy Uyên đu đưa trên đó, tóc nàng dài mướt quấn khắp mình tôi như những sợi rong biển. Có lúc tóc cô là một con trăn dài siết chặt tôi và nuốt chửng tôi. Tôi nghe thân thể tôi nặng nề. Tôi có cảm tưởng hai cổ chân tôi bị ghìm xuống. Tôi nghe toàn thân tôi chạm vào một thảm cỏ, đầu kéo lướt trên những cành lá mềm. Tôi nghe tiếng mưa rơi ào ạt. Tôi chạm tay lên đồi núi và khe suối cỏ mượt của Quỳnh. Tôi đã rã rời. Quỳnh choàng tay qua người tôi.

-Thăng! Thăng.

Tiếng kêu của cô như vang lên từ một cõi nào xa lắm. Tôi lịm xuống. Và mây, và mưa, và một cõi đá vàng đã hết. Tôi không đủ sức để ôm Quỳnh. Tôi muốn ngủ, nhưng tôi biết tôi không thể ở lại. Tôi phải trở về căn phòng của tôi, dù tôi biết là trời đã khuya lắm, khuya lắm thật rồi.

Chương 14

Ở nhà Quỳnh ra, đã khuya, tôi tấp vào một hàng bánh mì đêm trên đường Lê Lợi. Tôi không đói, nhưng biết chắc chắn là đêm nay thế nào tôi cũng sẽ thức khuya. Những điều Quỳnh nói với tôi hồi chiều làm tôi khó nghĩ. Rồi Quỳnh cũng sẽ bỏ tôi mà đi sao?

Trước mặt hay sau lưng tôi, bên phải hay bên trái tôi, bây giờ có còn ai. Quỳnh và Uyên có yêu tôi thực không? Hay đó chẳng qua chỉ là ảo tường. Dù sao những người đàn bà ấy đã đến với tôi, nhắc cho tôi biết rằng mình vẫn còn là một sinh vật, giống như những sinh vật khác, đeo trên mặt chiếc mặt nạ có khuôn mặt người. Mà một sinh vật thì dù sao cũng cần có chất dinh dưỡng để sống chớ!

Nhưng ngay khi tôi vừa mở miệng hỏi mua bánh thì một người đàn ông từ trong bóng tối của một chái hiên bước ra, nắm lấy tay tôi.

-Tôi có chút chuyện muốn bàn với ông!

Giọng nói hắn khá lịch sự, nhưng bàn tay hắn nắm chặt tay tôi, chặt một cách sỗ sàng.

-Ơ!

Tôi kêu lên, ấp úng. Tôi không hiểu gì hết. Thoạt đầu tôi có hơi ngạc nhiên, nhưng liền ngay đó là cái cảm giác sợ hãi chạy khắp châu thân. Tôi nghe như có một khối đá đang đè trên lồng ngực tôi. Tôi lạnh cóng.

Người đàn ông nhìn thẳng vào mặt tôi. Ngọn đèn vàng của xe bánh mì chao qua chao lại soi không rõ lắm một khuôn mặt chữ điền, cằm bạnh, hai con mắt to, chân mày rậm, gò má nhô xương, mũi gãy. Hắn cao ngang tôi, nhưng vạm vỡ hơn nhiều.

-Ông nghĩ là tôi lầm người, phải không ông Thăng?

Ngừng một lát, như để dò phản ứng tôi, hắn tiếp:

-Nhưng ông thấy đó, tôi không lầm đâu!

Hắn cười sau câu nói. Tiếng cười nhỏ giữa một đêm Sàigòn vắng vẻ trên một đường phố chính mang đầy vẻ hăm dọa.

-Lối này, ông Thăng!

Hắn đi những bước dài, và gần như là lôi tôi theo hơn là để cho tôi tự do đi.

Ðến đường Nguyễn Trung Trực, hắn rẽ phải và sau cùng đẩy tôi lên chiếc jeep đậu sẵn trước nhà hàng Thanh Thế.

-Ông đi đằng này với tôi!

Hắn nói tự nhiên như đang trò chuyện với một người bạn thân. Ngồi vào xe, hắn cho máy nổ, nhấn ga vọt tới. Chiếc xe chồm về trước, giật mạnh rồi đột ngột thắng gấp. Ðầu tôi như muốn đập vào thành kính.

-Chắc cô Uyên và bà Phan đang lo cho ông lắm!

-A! Tôi kêu lên, mừng rỡ. Nỗi lo sợ như vừa được cất đi khỏi buồng ngực tôi. Tôi thấy nhẹ hẳn. Tôi thở bình thường. Tôi nhớ lại những gì ông Phan nói với tôi trước ngày ông lên đường đi Hoa Kỳ. Việc ông không muốn tôi ra khỏi nhà lúc đầu có làm tôi hơi lo, sau đó là ngượng, và chỉ mươi ngày sau, nó là một cực hình. Tôi lại ra ngồi quán, lại gặp bạn bè, lại lui tới với Quỳnh. Ðiều đó Uyên biết. Cả bà Phan nữa. Bà phật ý nhưng vẫn dịu dàng, còn Uyên thì khó chịu ra mặt. Tuy vậy cả hai người, chẳng ai nói gì đến tôi. Những bữa cơm chiều thường vắng tôi và sự vồn vã dành cho tôi lúc đầu tuy không hẳn là đang phai lạt, nhưng rõ ràng là ngày một phai màu. Uyên vẫn chăm sóc tôi, nhưng đôi lúc có cảm tưởng như cô tìm cách tránh né tôi.

Tuần trước, sau khi chia tay Quỳnh, tôi trở về nhà khá muộn – đúng vào lúc còi giới nghiêm hụ – tôi để nguyên quần áo giầy dép nằm xoải trên giường, bật đèn sáng và không buồn đóng cửa phòng. Cứ thế tôi thiếp đi trong cơn mê, nối tiếp những phút giây khoái cảm vừa chia sẻ với Quỳnh trên căn phòng trọ. Bỗng nhiên tôi giật mình, có cảm giác như bị ai đang nhìn trộm. Tôi choàng dậy. Ðèn phòng đã tắt, cửa phòng đã khép. Nhưng mùi thơm của hương phấn và nước hoa cho tôi biết là Uyên đang ngồi ở đầu giường tôi. Tôi bật dậy, hai tay bó gối. Tự nhiên tôi muốn nói chuyện với Uyên.

Nhưng đúng vào lúc ấy, Uyên bỏ chân xuống giường đứng dậy, lẳng lặng ra khỏi phòng. Phải chăng Uyên không bao giờ có thực. Cô chỉ là hình bóng trong một giấc mơ. Cô thuộc về thế giới của mộng tưởng. Tuy vậy, sự xa cách ấy không có nghĩa là giữa chúng tôi chỉ có sự lạt lẽo. Uyên giống như con beo rình mồi ở một khoảng cách vừa tầm để có thể lấy đà phóng tới. Trong những phút giây ân ái, Uyên là con bọ ngựa cái nuốt chửng con đực của mình. Ấy là lúc cô muốn tôi chết đi, tan biến mất tăm trong thân thể.

Từ lúc cho xe chạy, người đàn ông không nói thêm với tôi lấy một lời. Nhưng phần tôi, tôi bắt đầu cảm thấy điều phỏng đoán của mình về tông tích hắn đã không còn chỗ tựa.

Bởi vì nếu hắn là người nhà của ông Phan, hắn phải đưa tôi qua Nguyễn Thái Học, tiếp lên đường Lê Văn Duyệt về nhà, đằng này hắn cho xe chạy quanh qua Bùng Binh Chợ Bến Thành, trở lại Lê Lợi. Ðến góc Nguyễn Huệ, hắn quẹo phải, đi phía sau lưng mấy kiosque bán hoa, ép sát thương xá Tax, qua garage Charner và thẳng đường xuống Bến Tàu. Nỗi lo sợ lại chạy lan khắp người tôi. Tôi tê điếng.

Gió bờ sông mát lạnh. Nhà hàng nổi Mỹ Cảnh đã đóng cửa, đèn đuốc tắt ngúm. Hắn cho xe leo lề, ngừng sát mé sông, bên cạnh một trụ xi măng lớn dùng để cột neo mấy chiếc sà lan.

Hắn mở một điếu thuốc vỗ vỗ lên hộp quẹt máy. Hắn bật lửa mồi thuốc. Dưới ánh sáng xanh, tôi thấy mắt hắn nhìn tôi.

-Lo không? Hắn hỏi lạnh lùng.

Thuốc đã cháy, nhưng hắn vẫn để ngọn lửa sáng phần phật theo chiều gió. Tôi nhìn chăm vào mắt hắn cho đến khi ngọn lửa tắt phụp trong nắp hộp. Qua bóng tối, cái nhìn tinh quái của hắn như vẫn còn phóng về tôi.

-Không lo sao?

Hắn lập lại câu hỏi. Ngón tay cái của hắn bật lên đẩy xuống nắp hộp quẹt, gây ra những tiếng kêu khô và chat:

-Tôi không phải người nhà ông Phan.

Hắn nói chậm rãi như đọc. Hắn đã xác nhận điều tôi nghĩ. Và thật nhanh, tôi liên tưởng đến ông Lý. Tôi thấy những gì ông Phan nói đang trở thành sự thực. Ông Lý là người ít nói, với ông, hành động mới là điều đáng kể, còn kỳ dư là đồ bỏ. Và nếu quả thật đây là ý muốn của ông, tôi nghĩ là số phận mình coi như cũng đã xong. Trời lạnh nhưng tôi nghe mồ hôi rịn ướt hai tay.

Tôi thấy hắn kéo một vật cộm ở thắt lưng ra và đặt lên đùi. Một khẩu súng ngắn.

Hắn không nhìn tôi. Hắn tiếp tục hút thuốc, thở khói, mắt ngó thẳng ra mặt sông Sàigòn. Tôi biết bên kia là Thủ Thiêm, nơi tôi chưa bao giờ đặt chân đến, dù đã ở Sàigòn hơn mười lăm năm.

“Làm cho một người nào đó biến mất trên cõi đời này mà không để lại một dấu tích nào cả, đó là nghề của tôi.”

Hắn lạnh lùng nói, mắt không buồn nhìn tôi. Tôi ngồi lặng, người đông cứng. Sự sợ hãi là những con kiến nhỏ bu ngoạm khắp châu thân tôi. Tôi nhớ con mắt căm hờn của Uyên khi nhìn tôi một buổi tối về muộn. Tôi nhớ ông Lý, nụ cười độ lượng. Cái giọng xưng ba ngọt ngào. Tôi nhớ rõ cách mời rượu của ông mà có lần tôi đã chứng kiến ở một quán ăn. Tôi nhớ cách chào hỏi xưng hô của những chức sắc cũng như những tay anh chị khi gặp ông… Vậy ra hắn là người của ông Lý sao? Có thể lắm chứ? Tại sao không?

-Có một điều tôi cần cho ông biết: Cái giá làm ông biến mất khá cao, mà bất cứ ai nghe đến cũng đều khó mà chối từ. Tiền và tình của một người đàn bà. Chắc ông hiểu đó là ai? Tôi đang cần tiền và đàn bà loại đó tôi cũng muốn biết qua. Nhưng trường hợp ông, tôi thấy khó xử.

Hắn ngưng lại bất ngờ, lấy điếu thuốc ra khỏi môi và búng xa xuống mặt sông.

-Mùa thi năm 70 ở Biên Hòa, tôi chịu ông một món nợ. Tôi là người phân minh, trắng ra trắng, đen ra đen. Oán phải trả, nhưng ân không thể không đền…

Mùa thi năm 70 ở Biên Hòa? Không, tôi không nhớ gì. Ðối với tôi, mùa thi đáng nhớ là mùa thi ở Nha Trang, nơi tôi gặp Quỳnh. Và mối tình chúng tôi bây giờ đang là mối bận tâm lớn nhất đời tôi. Tôi nhìn hắn. Tôi chờ đợi một lời giải thích thêm. Nhưng hắn vẫn lặng thinh.

Một lúc sau, hắn đột ngột cất tiếng.

-Ông không nhớ, đó là quyền của ông, nhưng người chịu ơn ông là tôi, tôi có bổn phận không được quên!

Hắn đã dẫn tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

“Ông Thăng, Mùa Hè 70 ở Biên hòa, người thí sinh làm bài thi với một quả lựu đạn trên bàn là tôi…”

“A! Trời ơi! Thiệt sao?” Tôi kêu lên. Mùa thi. Một thí sinh. Một quả lựu đạn. Tôi nhớ ra rồi. “Phước! Có phải Ngô Văn Phước không?”

“Như vậy là ông có nhớ tôi. Ông Thăng. Cám ơn ông! Phải, tôi là Ngô Văn Phước đây! Ông đã cứu tôi trận đó!”

Trận đó là một mùa thi. Vào giờ cuối của buổi chiều, ngày chót kỳ thi Tú tài hai, người ta đưa lên phòng Hội Ðồng Giám Thị biên bản đánh trượt và cấm thi ba năm thí sinh Ngô Văn Phước. Lý do làm bài với một quả lựu đạn đặt trên bàn. Quả lựu đạn đã bị Quân Cảnh tịch thu vì Phước là một quân nhân. Phần chế tài Phước bên quân đội tùy thuộc vào biên bản của Hội Ðồng Thi. Trong khi tôi đọc biên bản chờ các đồng nghiệp buộc gói bài thi, thì có tiếng gõ cửa. Một người lính trẻ cao lớn ăn mặc gọn hàng bước vào. Anh chào tôi trong tư thế nghiêm và hỏi:

“Tôi muốn được nói chuyện với ông Chủ tịch Hội đồng Giám thị.”

Các đồng nghiệp ngừng tay hết nhìn người lính rồi lại nhìn tôi. Tất cả đều như đông lại.

“Tôi tên Ngô Văn Phước, người làm bài thi với một quả lựu đạn!” Anh tiếp.

Nói xong, anh bước thẳng đến chỗ bàn tôi:

“Tôi có thể trình bày lý do tại sao tôi phải làm bài với một quả lựu đạn không, thưa ông Chủ tịch?”

Tôi hoàn toàn bị động ngay từ khi Phước bước vào.

“Tôi nghĩ biên bản mà ông Giám thị lập tại phòng thi lúc nãy cần phải có chữ ký của tôi.”

Tôi cúi xuống tờ giấy. Quả thật là chưa có chữ ký của Phước. Một bạn đồng nghiệp đến sau lưng tôi nói qua vai rất khẽ:

“Thí sinh phạm lỗi không chịu ký, chớ không phải thiếu chữ ký.”

Tuy ông ta nói nhỏ, nhưng Phước đã nghe và phản ứng ngay:

“Ðúng, tôi không chịu ký vì biên bản không ghi rõ sự thật về trường hợp quả lựu đạn trên bàn tôi. Thứ nhất quả lựu đạn ấy không đi kèm với việc gian lận bài thi. Tôi đã làm xong bài trước khi đặt quả lựu đạn lên bàn. Thứ hai ông giám thị này, Phước chỉ vào mặt người vừa nói, suốt mấy buổi thi liền luôn luôn lăng xăng chạy qua chạy lại gần như có mặt thường trực ở phòng thi tôi. Người cần làm biên bản là ông đó. Người gian lận chính là ông đó, vì ông gạ bài và đưa bài giải sẵn cho thí sinh Nguyễn Công Phương ngồi bàn phía sau tôi và cứ án ngang chỗ tôi, khiến tôi khó khăn trong khi làm bài. Tôi đã nhiều lần nhắc ông ta, nhưng ông ta không nghe. Tôi muốn hỏi các ông ở đây, người giám thị có quyền bám riết một phòng trong suốt các buổi thi không? Và ông này, Phước lại chỉ vào mặt người lúc nãy, xin ông công khai cho biết ông bán bằng cấp Tú tài cho Nguyễn Công Phương với giá là bao nhiêu?”

Tôi hiểu tôi phải làm gì trong trường hợp đó. Tôi đã giải tỏa Phước ra khỏi cái biên bản quái đản kia, nhưng thất bại trong việc chứng minh sự bất chính của người giám thị. Tôi không ngờ người giám thị ấy có gốc rễ lớn. Ðụng vào anh ta, tôi đã chịu vào một ổ kiến lửa. Nhưng tôi cần gì. Ngạch trật không phải là cứu cánh của tôi. Ðó là thời gian tôi hiểu câu nói “Tuyệt đỉnh của sự công bằng, chính lả tuyệt đỉnh của sự bất công” theo một nghĩa khác, tiêu cực nhất và xấu xí nhất.

Sự công bằng của tôi sẽ phải trả một giá đắt nếu không có sự can thiệp của ông Lý. Giờ đây khi Phước nhắc tôi điều đó, tôi chợt nhớ tới những lần khác mà ông Lý cũng đã phải đứng ra can thiệp cho tôi. Sức mạnh của ông Lý trong khi che chở cho tôi, tuy vậy cũng ít tàn bạo hơn là ông chuyển nó sang thành hình phạt đè ập lên đời tôi. Buồn cười thay, sống trong sự ngay thẳng đôi khi cũng đồng nghĩa với làm một điều tội lỗi.

Phước đưa tay lên xem đồng hồ.

“Sắp tới giờ giới nghiêm rồi! Nhưng ông đừng lo. Tôi có giấy đi trong giờ thiết quân luật. Tôi sẽ đưa ông về nhà an toàn. Món nợ mà tôi mắc của ông từ xưa, tôi luôn luôn tự hứa có ngày sẽ trả. Ngày ấy đã đến. Tôi đang đền. Xin lỗi ông Thăng, nếu từ nãy đến giờ tôi có làm điều gì khiến ông khó chịu, xin ông bỏ qua cho. Từ giờ tôi sẽ không gặp ông nữa. Nhưng khi nào ông cần tôi, tôi luôn luôn có mặt. Ngày mai tôi sẽ trả lại cho “người đàn bà ấy” số tiền “đặt cọc” mà tôi đã nhận. Có lẽ “bà ta” sẽ nhờ một người khác. Nhưng ông đừng lo. “Người khác” đó cũng sẽ không phải ai khác ngoài những anh em của bọn tôi.”

Phước gắn lên môi một điếu thuốc, bật lửa, mồi, thở khói. Và không lâu, vừa khi tiếng còi giới nghiêm hụ lên, anh ta nổ máy ngay và cho xe chạy hết tốc lực. Trong một thành phố vắng bóng người, Phước cho xe chạy như một người bị ma đuổi.

Ở những khúc quanh, Phước vẫn giữ tốc độ cao khi bẻ tay lái. Tiếng bánh xe nghiến suốt mặt đường làm tôi nhói tim. Tôi ngó nghiêng khuôn mặt anh ta. Lầm lì. Lạnh lùng. Khuôn mặt ấy rất giống Charlton Heston trong cuốn phim Le Survivant mà tôi vừa xem tuần rồi ở rạp Rex.

Thả tôi xuống trước cổng nhà ông Phan, Phước nói:

“Chiếc Lambretta của ông sẽ có ngay tại chỗ này vào sáng mai. Chào ông. Chúc ông ngủ ngon!”

Tôi nhìn đám khói bay mù sau xe của Phước. Ðêm Sài gòn sau giờ giới nghiêm giống như một rạp hát đã vãn. Tôi đặt ngón tay cái lên cái bấm chuông điện nằm sau trụ cổng. Và chờ đợi.

Chương 15

Người ra mở cửa cho tôi là Uyên.

“Chúa ơi!”

Cô kêu lên, giọng thảng thốt. “Sao anh về trễ thế? Me lo cho anh quá! Có chuyện gì không anh?”

Tôi không muốn trả lời Uyên, lặng lẽ theo cô vào nhà. Cuộc gặp gỡ với Ngô Văn Phước vừa qua vẫn còn nóng hổi trong trí nhớ tôi, và tôi có cảm giác như hình ảnh ấy sẽ còn lâu mới mờ nhạt trong tôi. Dù sao sự im lặng của tôi đã làm Uyên cụt hứng. Cô đi bên tôi bằng những bước ngập ngừng. Vì vậy, khi đến trước cửa phòng mình, tôi phá tan sự đông đặc.

“Cám ơn Uyên!”

“Không có chi!” Uyên đáp lạnh lùng rồi quầy quả bỏ đi.

Tôi đứng yên đó, cô đơn trước căn phòng mình. Tôi có nên vào không? Câu chuyện của Phước hình như mỗi lúc một làm tôi ghê rợn hơn. Sao lại có thể có một người đàn bà loại ấy trên cõi đời này? Chị ta muốn gì nơi tôi. Chúng tôi đồng ý chia tay và phần tôi, tôi đã thuận tình để cho chị ta tất cả những gì chị ta đòi hỏi. Nhưng tất cả những gì chị ta làm, đang và sẽ làm, phải chăng chỉ là chị ta muốn thực hiện câu ca dao:

Bậu ra cho khỏi tay ta

Cái xương bậu nát, cái da bậu mềm.

Mà chị ta là cái thá gì mới được chớ? Một hiền thê của thời đại? Một phụ nữ có giáo dục? Một con người hay là một kẻ chỉ có khuôn mặt người? Nhưng thôi, tại sao tôi lại phải thắc mắc những điều vớ vẩn như vậy. Tôi đẩy cửa vào phòng, bật đèn, cởi giầy, để nguyên quần áo, ngã lên giường. Trần nhà lấp lánh những màu sắc của ảo tưởng. Trí tưởng tượng tôi không sao có đủ khả năng hình dung được một con người như thế. Ông Lý hay ông Phan? Một người say mê tiền bạc, một người đam mê quyền lực. Ðối với họ, phương tiện nào cũng tốt, miễn là đạt được mục đích thì thôi. Nhưng còn người đàn bà kia, tiền bạc hay quyền lực? Cái gì đã làm cho chị ta trở nên ghê tởm như thế? Cái gì? Tôi trở mình, nằm sấp xuống. Ở chiếc bàn ngủ là mấy tờ nhật báo và một cuốn sách mỏng. Tôi cầm lên: Góp Nhặt Sỏi Ðá của Thiền Sư Muju. Tôi hiểu Uyên đã mua sách này cho tôi. Mấy bữa trước có lần tôi nói với cô là tôi đang tìm cuốn sách của Muju. Uyên hỏi Muju là gì. Tôi nói đó là tên riêng của một người, cũng như cô là Uyên và tôi là Thăng vậy.

“Uyên không tin”, cô tiếp, “Chẳng hạn Thăng có nghĩa là lên, Uyên có nghĩa là vực sâu, và Muju cũng phải có nghĩa là gì chứ!”

“Thế thì thua cô. Ðúng! Muju có nghĩa là Không Nơi Trú Ẩn.” Tôi cười. “Theo nghĩa đó, Thăng bây giờ không phải là lên, mà là đồng nghĩa với Muju.”

Tôi cũng đang là người không nơi trú ẩn.

Ðặt sách qua một bên, tôi nằm sấp, trải rộng mấy tờ báo vừa ra buổi chiều. Thời sự nóng bỏng vẫn là những trận đụng độ ở vùng Tam Biên. Giờ giới nghiêm giảm. Trường học sẽ mở cửa lại vào đầu tháng tới. Ở một mẫu nhỏ trang nhất, tôi đọc thấy tin vụ án báo chí, và Vinh đã được nhắc tới bằng một luận điệu có phần hơi chiều chuộng. Không thấy có tin nào nói về việc ông Phan sẽ trở về.

Tôi nghe chính tiếng thở dài của mình.

Như vậy là lớp học sẽ khai giảng vào đầu mùa đông. Công việc của tôi rồi sẽ trở lại nhịp độ bình thường nhàm chán như những năm trước. Sẽ lại có những buổi đứng lớp nhai đi nhai lại một số kiến thức cũ mèm, những ví dụ đã lập đi lập lại mòn nhẵn như bánh xe đã mất răng cưa, những buổi đón Ðăng và Mai ở cổng trường tiểu học, những bữa cơm trưa rất ít tiếng cười của ba cha con. Ðời sống ấy đồng điệu đến độ tê liệt cả thần trí tôi.

Tôi không đau ốm gì, nhưng sau cái đêm trở về từ Bến Tàu, tôi không bước ra khỏi ngôi nhà ông Phan. Tôi tự chôn mình trên giường mặc cho tóc tai bù xù, mặc cho những tiếng động trôi bên ngoài cửa phòng. Tôi đọc hết cuốn sách này đến cuốn sách khác, nghe hết cuộn băng này đến cuộn băng nọ. Tôi uể oải mệt nhừ, không buồn cử động, dần dần tôi cũng cảm thấy như mình đang bệnh thật sự. Như buổi sáng hôm nay, tôi thức dậy từ rất sớm, nhưng không buồn đặt chân xuống đất. Chiếc đồng hồ báo thức ở đầu giường với con số ngày và thứ trong tuần nhắc cho tôi nhớ là tôi đã diện bích khá lâu và ngày trở lại lớp học đã cũng rất là kề cận.

Có tiếng gõ cửa. Tôi nghĩ đó là Uyên, và tôi hơi khó chịu về sự kiểu cách của cô. Những lần trước vào phòng tôi, có bao giờ Uyên gõ cửa đâu. Cô đang còn giận tôi chăng? Mặc kệ. Tôi nằm lì trên giường. Nhưng tiếng gõ cửa vẫn tiếp tục có phần gấp gáp hơn. Còn nghi ngờ gì nữa, chắc chắn người gõ cửa đã không phải là Uyên.

Tôi ngồi dậy, mở cửa.

Bà Phan, phải chính là bà Phan, đang đứng trước mặt tôi.

-Xin lỗi bác, cháu tưởng là cô Uyên.

-Không sao! Không sao! Cháu khỏe rồi chứ?

-Thưa bác, cháu vẫn bình thường!

-Người cháu xanh như thế kia. Cháu bị bệnh cũ tái phát phải không?

Tôi không hiểu. Vậy là tôi bị bệnh thật sao? Và tôi đã mê man đi bao lâu?

-Bác sĩ nói cháu bị colisques néphrétiques. Ðó có phải là bệnh cũ của cháu không?

-Thưa bác… vậy là cháu bệnh thật?

-Thế cháu tưởng là cháu không bệnh à?

Bà Phan ngồi trên ghế nơi bàn viết tôi và tôi ngồi ở mép giường. Cái việc bà nói đúng căn bệnh cũ của tôi làm tôi bối rối quá chừng. Tôi không biết đâu là mộng, đâu là thực trong mấy ngày qua. Tôi có gặp một người tên Ngô Văn Phước hay đó chỉ là giấc mơ? Và những buổi tối Uyên đến với tôi trong căn phòng này, mái tóc dài của nàng phủ xuống mặt mũi tôi ướp đẫm cái mùi da thịt nồng nàn hân hoan, ập lên người tôi trong một thú vui tuyệt vời, phải chăng chỉ là cơn mộng mị?

-Bác muốn cho cháu biết là có lẽ bác và Uyên sắp đi xa!

Tiếng bà Phan dẫn tôi trở lại đời thực. Và trong chữ đi xa tôi nghe cách phát âm của bà có cái vẻ nghiêm trọng khác với thường lệ.

-Thưa bác chắc là bác đi du lịch? Tôi hỏi dè dặt.

-Không phải? Tôi vừa nhận được thư của ông nhà tôi. Ông muốn mẹ con tôi sang bên đó ít lâu.

Tự nhiên tôi liên tưởng ngay đến tấm thiệp mà ông Phan đã gửi tôi với mấy câu thơ của Lý Bạch trong bài Thục Ðạo Nan.

Tôi cũng lờ mờ hiểu tại sao báo chí đã không còn đề cập đến tên ông trong danh sách những ứng viên có thể sẽ đứng ra thành lập nội các. Có phải vai trò ông Phan là làm một thứ hào quang giả để moi ra một ánh sáng thật nhằm đánh lừa những dư luận chính trị trong một tình thế khó khăn của thời cuộc?

-Thưa bác, bao giờ thì bác và cô Uyên lên đường?

-Chưa định được. Tôi còn khá nhiều việc phải thu xếp. Ông nhà tôi biết tính tôi. Không thích dời đổi. Tôi ở đâu quen đó mất rồi. Lạ nước lạ cái làm tôi khó chịu lắm!

-Nhưng rốt cuộc rồi bác cũng vẫn phải thay đổi chỗ ở?

-Còn làm sao được! Xuất giá thì phải tòng phu chứ!

Như vậy là ông Phan không có lối về. Con đường ông đi quả là con đường vào đất Thục. Tôi nghĩ là ông đã không đi lầm đường, nhưng chắc chắn cờ đã không đến tay ông. Ông nhảy vào một thời thế dầu sôi lửa bỏng mà phần trang bị của ông còn thiếu nhiều thứ quá chăng? Hay ông đang đánh một canh xì phé mà phần thắng sau cùng không bao giờ thuộc về mình vì cả cỗ bài ấy đã được đánh dấu quá tinh vi? Cũng có thể đó là một ván bài đã được trang xếp theo ý của người cầm cái.

Lá bài cuối cùng của ông Phan được rút chắc chắn sẽ phải là một lá bài để thua cho dù đúng đó là một lá bài mà ông mong muốn.

-Cậu Thăng, ông nhà tôi còn nhắn một điều: nếu cậu muốn học thêm, nhà tôi sẽ lo cho cậu một cái học bổng bên ấy. Cậu nghĩ sao?

-Hấp dẫn!

Tôi thoáng có cái ý nghĩ đó trong đầu. Quỳnh sẽ bỏ tôi đi. Và Uyên rồi cũng không có con đường nào khác. Tôi bây giờ như một thứ cây mọc ven sông, nhìn những dòng nước chảy miết, liên tu hồ tận. Và bà Phan đang thả cho tôi một chiếc phao.

Ði Mỹ là một giấc mơ của tôi cách đây mười năm. Giấc mơ ấy có còn theo đuổi tôi không? Nhưng có lần tôi từ chối chuyến đi Pháp của ông Lý, và bây giờ lẽ nào tôi nhận chuyến đi Mỹ của ông Phan?

Cửa phòng bỗng xịch mở, Uyên bước vào nhẹ như một chị mèo. Bà Phan ngồi chìm trong ghế bành quay lưng ra cửa, nên không nom thấy Uyên. Tôi đưa mắt cho Uyên biết là có người trong phòng, nhưng cô không hiểu ý tôi. Cô đi thẳng đến chỗ tôi ngồi. Khi nhận ra sự có mặt của bà Phan, Uyên đưa tay lên miệng như che nỗi kinh ngạc. Bà Phan rất trầm tĩnh:

- Ngồi xuống đi con!

-Con xin lỗi me. Con tưởng không có ai trong phòng.

-Không sao. Nhưng me có cảm tưởng là con không bao giờ gõ cửa khi vào phòng anh Thăng, phải vậy không?

-Thưa me… Uyên vẫn đứng cạnh tôi.

Tôi giả lả:

-Bao giờ cô Uyên đi Mỹ vậy?

-Ði Mỹ? Cô ngơ ngác.

-Uyên đi Mỹ làm gì cơ chứ?

Tôi cũng ngạc nhiên không kém, nhưng bà Phan trấn an ngay:

-Me chưa kịp cho con biết là bố muốn mẹ con mình sang bên đó!

-Chúa ơi, bố bỏ Sài gòn mà đi luôn sao?

-Sao lại đi luôn? Bố bị ốm bất ngờ, phải nằm bệnh viện một thời gian. Bố cần mẹ con mình.

-Nhưng me nhận thư bố hồi nào? Sao me giấu con?

-Uyên!

Bà Phan trừng mắt ngó con gái.

-Xin lỗi me!

-Me không bằng lòng cách hỏi của con. Me cấm con từ nay không được có thái độ hỗn hào đó nữa. Con nghe chưa?

-Thưa me, con nghe.

Bà Phan quay về phía tôi.

-Phần cháu, tôi muốn nghe ý kiến của cháu.

-Cháu cám ơn bác. Nhưng cháu muốn xin phép bác cho cháu thời gian suy nghĩ trước khi trả lời…

-Sao? Bà Phan nhổm người dậy.

-Cậu không thấy đây là cơ hội tốt cho cậu sao?

-Thưa bác!…

Uyên chen vào:

-Thưa me, cơ hội tốt nào dành cho anh Thăng vậy?

-Uyên, im nào!

Bà Phan đứng dậy, nắm tay con gái.

-Ừ cháu cứ suy nghĩ cho kỹ nhé! Nhưng nhớ cho bác biết sớm. Thời gian cũng đã cấp bách lắm rồi!

-Cám ơn bác, cháu xin nhớ lời bác.

Tôi đưa bà Phan ra cửa, Uyên vẫn đứng bên trong.

-Thưa me, con xin phép me con ở lại một chút. Con muốn nói chuyện với anh Thăng.

Tôi không nghe tiếng bà Phan trả lời, nhưng nhìn ánh mắt bà ngó Uyên, tôi hiểu là bà không bằng lòng. Tuy vậy, bà Phan đã bước ra, cầm tay nắm, khép cửa lại.

Tôi quay vô, đứng giữa phòng, Uyên đã ngồi trên mép giường, ngón tay trỏ nằm trong miệng.

Tôi bước mấy bước quanh phòng, rồi ngồi xuống chiếc ghế bành mà bà Phan đã ngồi. Chúng tôi im lặng nhìn nhau không ai nói với ai một lời. Như thế thật lâu, tưởng chừng như thiên thu vĩnh cửu. Nhưng đột nhiên, như một con beo, Uyên phóng tới vòng tay quanh cổ tôi, ôm chặt đầu tôi trong ngực nàng.

-Anh!

Tôi nghe rõ mùi hương thơm ngát của da thịt nàng. Và đôi môi nàng, mái tóc dài của nàng phủ kín mặt mũi tôi, chùm lấp cả cái đầu óc đang vô cùng bối rối của tôi.

Chương 16

Ở Givral ra, tôi đi ngược đường Tự Do về phía Nhà Thờ Ðức Bà. Thánh Ðường vắng. Tôi như một tín đồ ngoan đạo giữa những hàng ghế trống, một mình đối diện với Chúa.

Tôi nghĩ đến Quỳnh, đến mối tình mà Quỳnh dành cho tôi. Có lần Quỳnh nói:

-Em yêu anh, nhưng em ghét nói một câu nhà quê như thế. Em muốn sống với anh chứ em không cần sống với tờ hôn thú.

Quỳnh thương các con tôi nhiều hơn là lòng tôi mong ước. Cô chăm sóc chúng như một bà chị cả chăm sóc em, và lo lắng chúng như một bà mẹ lo cho con. Với đôi chân mềm của một thiếu nữ mới lớn Quỳnh thản nhiên đi trên những mũi thép nhọn của dư luận.

Sự thất bại trong đời sống lứa đôi để lại trong tôi lòng căm thù gia đình, nhưng với Quỳnh tôi cảm thấy cái ý nghĩ ấy cần phải được xem xét lại. Hình như tôi luôn luôn ao ước một mái nhà!

Nhưng gia đình là cái gì mới được chớ?

Còn nhớ bữa uống rượu với Tâm, Nhật và Phùng ở một nhà sàn trên sông Sài Gòn, Tâm đã nói về gia đình của nó rằng đó là nơi mà người đàn ông có thể trở về nhà để nghỉ ngơi sau những bon chen khốn khổ và khốn nạn của đời sống. Gia đình chính là lò sưởi của người đàn ông, chống lại những cơn gió lạnh lẽo tàn nhẫn của cuộc đời. Gia đình là nơi ẩn trú sau cùng của người chồng, là tấm gương để người cha soi lại hình ảnh mình qua những đứa con. Xã hội tàn bạo nhưng gia đình là tình yêu. Gia đình là điểm tựa sau cùng của niềm tin trong một xã hội tràn đầy hận thù và dối trá.

Tôi chia sẻ với Tâm ý nghĩ gia đình là hòa bình, gia đình không phải là chiến tranh. Và lúc đó tôi thầm ghen với bạn tôi về cái gia đình mà bạn hiện có. Ngọc, vợ Tâm, là một mẫu người đàn bà Việt Nam tiêu biểu: xinh đẹp, yêu con, chiều chồng và có óc hài hước. Chị hiếu khách, rộng rãi nhưng không bao giờ giơ tay quá trán. Tâm làm đồng lương thấp nhưng chị là một phụ nữ vén khéo. Ðời sống thanh đạm nhưng không thiếu thốn. Ở chị, luôn luôn tôi nhìn thấy nụ cười. Những lần Tâm đi chơi lâu một vài ngày mới về, lại đem theo cả một đám bạn, chị vẫn vui đùa khi dọn bữa ăn cho chúng tôi. Có lần chị nói:

-Ông chồng bê bối của tôi mà thiếu một hiền thê của thời đại là Ngọc này thì chỉ có cửa nát với nhà tan thôi! Cũng may!

Chị nói đùa không chút ác ý. Phải nói là tôi thèm muốn một gia đình như gia đình bạn tôi. Và cùng lúc tôi càng thù ghét cái gọi là gia đình mà tôi đã chia sẻ với một người đàn bà được vớt lên từ đống bùn đen của sự nhục nhã.

Mẹ tôi ở xa, quá xa, cho nên những lục đục trong gia đình tôi chậm đến tai bà. Tuy vậy đối với bà chỉ có nước mắt là người sứ giả hòa bình duy nhất được gửi đến trong một trận chiến tranh mà sự đổ vỡ rõ ràng là không thể hàn gắn được.

Với tôi, cho đến bây giờ, bà vẫn luôn luôn là người phụ nữ xinh đẹp nhất, tuyệt vời nhất, mặc đủ chưa bao giờ trên đôi môi bà có một chút son, trên gò má xanh xao bà có được chút phấn hồng, đừng nói chi một vòng cẩm thạch, một chiếc kiềng vàng. Bà chỉ có sự giàu có về nỗi khổ đau, và cha tôi luôn luôn là người thừa thãi thứ tài sản ấy để có thể cung cấp cho bà những tặng phẩm nước mắt. Ông là nỗi hãi hùng của cả nhà. Hoặc là ông không uống rượu và ông lặng thinh như đá. Hoặc là ông uống rượu và ông chửi bới. Không, ông không chỉ chửi bới những lời cay nghiệt. Ông rượt chém mẹ con tôi bằng dao nhà bếp và rựa vót mây.

Ông như là ma quỉ, là diêm vương, là bóng tối. Tôi có bao giờ đi lại con đường ông đã đi? Tôi ghét chính trị, tôi thù rượu chè, tôi căm phẫn những bữa cơm gia đình dưới bóng đèn tròn màu vàng ám mà mỗi người gầm đầu xuống những chén cơm đã nguội được chan bằng nước mắt và câm nín. Có lần nào trong đời tôi, tôi lập lại những điều ghê gớm ấy đâu! Tôi mang đến nụ cười thỉ thấy trả lại bằng nỗi lạnh băng. Tôi đem đến sự tin cậy chỉ được đền đáp bằng điều phản bội.

Tôi nhớ anh tôi. Ðó là người đàn ông để lại trong tôi nhiều dấu ấn. Anh khỏe mạnh, cương quyết, thẳng thắn và rộng lượng. Anh là hình ảnh của một thỏi thép: cứng rắn và không biết lùi bước trước bất cứ một trở lực nào. Anh hiểu biết và sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Anh yêu mẹ, thương em và rất can đảm khi phải đối diện với cha tôi. Tôi thấy rõ là cha tôi chỉ nể có mình anh. Nhưng, sự thẳng thắn của anh tôi không phải lúc nào cũng có người chia sẻ. Ðời sống xã hội của sự giả trá khó chấp nhận một sự thẳng thắn kiểu ấy và một tai nạn thảm khốc đã đến đời anh. Ðang là một người lạc quan, anh bỗng trở thành một người bi quan cùng cực. Tuy vậy anh vẫn là người duy nhất, ngoài Quỳnh, biết rõ những nỗi khổ tâm của tôi, và những gì anh nói về tôi, về cái thảm cảnh mà tôi đang chịu đựng, về sự đỗ vỡ đang đè trên đời sống tinh thần tôi. Tôi biết rằng tôi kính trọng anh hơn tất cả những người mà tôi từng gặp. Anh là người lính dám nói thẳng với cấp chỉ huy của mình về sự tham nhũng và lạm dụng quyền thế. Tôi nghĩ anh và Vinh, bạn tôi, rất gần nhau, nhưng một bên là hành động còn một là lý thuyết. Anh ca ngợi Nhơn, một bạn học thuở nhỏ của tôi, người bác sĩ một mình trấn thủ một bệnh viện và chết giữa những viên đạn của đồng đội chỉ vì dám chống tham nhũng.

Tôi cho tay vào túi áo. Túi tôi cợm lên những tờ giấy chụp lại từ bản chính của Bản Ðại Tự tòa án. Người nữ luật sư đã gửi toàn bộ hồ sơ gồm có Bản Văn được công bố trên một tờ báo chỉ định và Bản Ðại Tự ghi rõ tình trạng ly hôn. Ðứa con gái ở với mẹ, đứa con trai ở với cha. Nhưng vì đứa con trai còn nhỏ nên quyết định cho người mẹ nuôi giữ. Án phí hoàn toàn do người đàn bà chịu.

Tờ giấy được chờ đợi sau cùng đã có mặt. Ly dị? Tôi tự hỏi còn có sự khôi hài nào nặng hơn? Lấy nhau, đẻ con, chia tay… những động tác ấy trong đời tôi chỉ là một chuỗi lầm lẫn sao? Con người đâu phải là loài vật, đi một chu kỳ sinh hóa đơn giản đến chừng ấy!

Quỳnh, tôi đang thấy lại khuôn mặt em, nghe lại giọng nói đầy tình cảm em. Tôi đang thở trong tôi hơi thở em. Có thật là chúng ta cần nhau không? Có thật là chúng ta sẽ không bao giờ đi lại trên những vết chân lỗi lầm trước đây không?

Ôi, rốt cuộc đi tìm sự yên tĩnh, tôi chỉ gặp có sự náo nhiệt của một trái tim rộn ràng.

Tôi đứng lên, bước qua những hàng ghế trống. Trời đầy mây đen. Bên tay trái, trên cao đồng hồ nhà Bưu Ðiện chỉ mười giờ, nhưng có vẻ như buổi chiều đang sụp xuống thấp và trên đỉnh những ngọn me bên kia đường.

Tôi đi bộ trở xuống quán nước, kêu một ly cà phê, đổi một đồng xu bưu điện và gọi dây nói cho Quỳnh.

-Em đang làm gì?

-Em đang không làm gì cả!

-Sao? Hôm nay không có việc gì để làm à?

-Không, anh. Em đang bắt đầu ngày phép thứ nhất của em mà!

-Bao nhiêu ngày?

-Em đã nói với anh rồi!

-Bao giờ em đi?

-Ngày mai!

-Ngày mai?

-Thì em đã nói với anh rồi mà!

-Tôi muốn gặp em!

-Em cũng vậy, em cũng đang muốn gặp anh.

-Tôi đang ở Givral. Em đến ngay được không?

-Em đến ngay!

Ðặt ống nói xuống, trở lại bàn, bật lửa đốt một điếu thuốc, tôi nhìn tôi trong kính. Hình như tôi đang thấy một người nào khác. Ðâu phải tôi, đôi mắt đó! Ðâu phải tôi, khuôn mặt kia? Ðâu phải tôi, mái tóc bù xù dài thượt như một người tiền sử!

Tôi đó hả? Làm sao tôi có thể tưởng tượng nổi bộ mặt mệt mỏi và đăm chiêu đến thế kia có ngày bị tôi gọi là tôi!

Tôi hút thuốc, nhưng muốn nuốt khói. Tôi cứ phì phà hết nửa điếu này sang nửa điếu khác. Tôi hớp từng ngụm nước cà phê, nhẩn nha trong những hình ảnh và ý tưởng rời rạc. Tôi đeo kính mát lên mắt. Tôi gỡ kính xuống. Ðủ quá rồi! Vẫn là tôi. Tôi nhớ đến đôi mắt Ðăng nhìn tôi trong một nỗi buồn kỳ lạ. Tôi liên tưởng đến chiếc miệng nhỏ nhắn chất đầy câu hỏi của Mai, những câu hỏi làm tôi ứa nước mắt.

-Sao ba không ở nhà với tụi con?

-Má chửi tụi con cả ngày!

-Tối nay ba ngủ với tụi con nghe ba!

-Sao ba ốm quá vậy?

-Ba đừng để râu nữa. Cái mặt có râu ghê thấy mồ! Cái áo ba đứt nút rồi nè. Ðể con lớn con học giỏi, con đi làm, con nấu cơm ba ăn, may áo ba bận, chịu hông ba?

Bây giờ tôi đã có trong tay Bản Ðại Tự. Ðối với tôi, tờ giấy ấy là nhát dao sau cùng cắt đứt một sự chịu đựng về mối dây liên hệ đã kéo dài quá lâu. Những cái còn lại không phải là giữa hai người lớn. Cái đau xót dai dẳng chính là hai đứa bé…

-Anh!

Tiếng kêu làm tôi giựt mình. Quỳnh đã đến và đứng đó tự bao giờ.

Ðặt chiếc xắc tay lên bàn, cô kéo ghế ngồi đối diện tôi:

-Anh đang nghĩ gì mà em đến không biết?

-Hút thuốc.

-Hút thuốc? Em thấy rồi, nhưng anh nghĩ gì khi hút thuốc?

-Hút thuốc có nghĩa là không nghĩ gì!

-Lẻo mép!

-Em uống gì? Sprite há?

Quỳnh gật đầu.

-Lúc này anh biến kỹ quá! Em tìm khắp các quán nước mà không thấy anh!

-Vẫn ở nhà bác Phan.

-Em có gọi điện thoại, nhưng cô Uyên nói anh không có ở nhà!

-Thiệt không?

-Thật. Cô Uyên kiểm duyệt kỹ nhé!

-Cô ấy nói gì?

-Chẳng nói gì. À! Cô ấy mời em dự sinh nhật.

-Của ai?

-Của cô ta chứ còn ai!

-Bao giờ?

-Tối nay. Anh không biết thật à?

-Không!

-Thật?

-Không. Không biết. Nhưng em đã nhận lời rồi chứ?

-Tất nhiên là nhận lời!

-Tại sao tất nhiên?

-Mà tại sao em không nhận lời mới được chứ?

-Thôi, không vòng vo tam quốc nữa. Tôi muốn cho em biết một điều. Tòa đã xử xong. Hiện tôi đã có Bản Ðại Tự.

-Ồ! Quỳnh kêu lên kinh ngạc.

-Mà anh có từ bao giờ vậy?

-Hôm qua. Em thấy sao?

-Mừng cho anh!

-Tại sao?

-Thế anh không mừng à?

-Dửng dưng.

-Sao trước kia anh hăm hở thế?

-Bây giờ thì cũng chỉ là vô ích thôi! Cái trước đây mình tưởng là cần lắm, giờ đây đã không còn cần nữa!

-Em không hiểu!

-Em không hiểu? Anh cần gì Bản Ðại Tự với Tiểu Tự chớ! Nếu chỉ cho bản thân thì cái Ðại và Tiểu kia có thay đổi được gì nơi anh chớ?

-Vậy theo anh Bản Ðại Tự ấy cần cho em à?

-Anh không muốn nói như vậy. Nhưng chẳng lẽ mình tìm nhau để nói chừng ấy câu chuyện à?

-Em nhớ anh!Bỗng nhiên Quỳnh cầm tay tôi.

-Em nhớ anh vô cùng, Thăng ơi!

Tôi nắm ngược lại bàn tay Quỳnh kéo về phía mình, cúi xuống hôn lên những ngón tay dài xanh xao của Quỳnh.

-Có phải là ngày hôm nay là ngày cuối mình gặp nhau không?

-Cứ cho là như vậy đi. Anh không thấy nhớ em sao?

-Tại sao em cứ muốn tôi phải nói là nhớ em?

-Một ngàn lần em muốn nghe anh nói như vậy, mặc dù thực tế có thể là anh không nhớ em?

-Tôi biết là tôi không thể quên em!

-Anh vẫn nhất định không chịu nói là nhớ em? Quỳnh cười.

-Tôi muốn mời em một bữa cơm tạm biệt!

-Ngay bây giờ?

-Phải ngay bây giờ!

-Không được!

-Tại sao?

-Em còn bao nhiêu việc phải làm trước một chuyến đi xa thế này! Em chỉ muốn ngồi đây nhìn anh, bởi vì em biết là mình đã mất nhau.

-Em nói gì vậy? Tôi vẫn giữ tay Quỳnh trong tay tôi.

Bỗng nhiên Quỳnh rút tay lại, đứng dậy, quàng sắc lên vai.

-Thế nào tối nay em cũng sẽ về dự sinh nhật cô Uyên. Nhưng xin anh coi như chúng ta đã uống với nhau một ly nước tạm biệt ở đây.

-…

-Em muốn đến nhà Kỳ Ðồng đưa Ðăng và Mai đi ăn kem. Em muốn hôn các cháu trước ngày lên đường. Chắc chắn là em sẽ nhớ chúng nó lắm!

-Tôi muốn nói chuyện với em. Tôi muốn đi với em một quãng!

-Em tự về một mình được. Từ nay em sẽ tập sống với không một hình bóng ai trong đầu!

Quỳnh mang kính mát lên mắt, che kín cả khuôn mặt, mở cửa bước ra ngoài.

Chương 17

Chợ Ðũi chiều Thứ Bảy có cảnh tượng của một đám giỗ nhà quê. Ánh nắng sắp tắt của mặt trời chiều rất thích hợp với không khí một bữa nhậu trong làng. Bàn ghế lổng chổng, xô lệch, chỗ ngồi tạm bợ. Cả đám bạn tôi, dân quán Cái Chùa, kéo rốc hết ra đường Trần Quý Cáp. Chúng nó nói hôm nay sẽ bắt tôi say nhừ một trận.

-Lý do? Tôi hỏi.

-Tại sao cần phải có lý do? Tâm hỏi lại.

-Tao ghét say rượu lắm!

-Dạy Triết mà không biết say rượu sao gọi là dạy Triết! Nhật nói móc.

-Tại sao?

-Người không đam mê rượu khó mà giảng thành công một bài tâm lý đam mê!

-Úi dà! Hôm nay nhà báo còn dạy tôi cả cách dạy học nữa! Ghê gớm! Thiệt là ghê gớm!

-Mày công nhận là người ta chỉ nói và viết thành công về những gì người ta đã có kinh nghiệm. Phải không? Tâm chen vào.

-Mày công nhận là những bài phóng sự chiến trường của thằng Nhật được viết từ kinh nghiệm sống của nó, chớ không phải viết từ tưởng tượng phải không?

-Ðúng quá!

-Tao đếch tưởng tượng nổi một thằng ngồi xa lông trong phòng trà mà lại có thể viết được một trận đánh nếu chính hắn không kinh qua chiến trường đó. Phải không?

-Ðúng quá đi chớ!

-Tao đếch tưởng tượng nổi chuyện “phê” với “không phê” khi làm một phát tuyệt vời. Phải không?

-Ðúng! Nhưng mày nói xong chưa? Tôi hỏi gặng.

-Còn nữa. Nhưng thôi, như thế cũng tạm đủ. Tao chỉ muốn chứng minh là thằng Nhật nói đúng thôi. Mày không đam mê thứ gì cả sao mày có thể nói cho người khác hiểu đam mê là cái gì?

-Nhưng mà… tao muốn hỏi ngược lại một chút. Phùng chen vào.

-Phải chăng, chỉ có rượu mới là đối tượng duy nhất của đam mê trên cõi đời này?

-Bênh nhau quá! Ðồng hội đồng thuyền có khác! Nhật lắc đầu.

-Thầy hai kêu chi thầy hai? Tôi thấy chị chủ quán đứng sau lưng Tâm khá lâu, chị hỏi Nhật bất ngờ giữa lúc câu chuyện bắt đầu sôi nổi.

-Sao chị hỏi sớm quá vậy? Nhật nói mắc.

-Thầy hai thông cảm thầy hai. Mấy cha nội ở bàn kia cho chó ăn chè, em phải dọn mà! Lu bu quá! Thầy hai kêu chi thầy hai!

-Giỡn chơi chị thôi. Mượn chỗ này ngồi nói dóc chút, không kêu chi được không? Nhật tiếp tục chọc.

-Tự nhiên thầy hai, nhưng… Người chủ quán cười giả lả.

-Nhưng sao? Nhưng cái gì?

“Nhưng mấy thầy uống đâu cũng vậy, uống em em biết ơn!”

“Trời! Uống chị? Uống chị là uống làm sao?” Nhật lại tấn công.

“Ông nội này làm luật sư chắc! Bắt bẻ quá “chời” qua đất “dzậy!” Chị chủ quán trả lời, giọng đã hơi giận.

“Thôi giỡn vậy đủ rồi! Chị cho một két ba mươi ba và một dĩa gà xé phay.” Tôi nói.

“Có hột vịt lộn không?” Nhật tiếp tục đùa cợt.

“Dạ có!” Chủ quán sốt sắng hẳn.

“Cho tôi chục hột tráng miệng!” Nhật nói, mặt lập nghiêm.

“Cha ơi, ông nội này chưa uống đã say mèm rồi!” Chủ quán quay quả bỏ vào trong.

“Sao hôm nay mày có vẻ khùng quá vậy Nhật?” Tôi hỏi nửa đùa nửa thật.

“Có gì đâu. Nó thương bạn bè hơn thương vợ con nên con vợ nó làm nó khổ,” Tâm giải thích.

Bia và hột vịn lộn đã được mang ra. Nhật khui rượu đổ vào ly tôi.

“Tao với mày! Uống đi, rồi cũng thế thôi!”

“Thế thôi là sao?” Tôi hỏi.

“Là chả có cái con mẹ gì trên cõi đời này hết! Thằng nào có cách sống của thằng đó. Mày không khốn khổ hơn tao. Nhưng tao cũng chẳng sung sướng hơn mày!”

“Bá láp!” Tâm cự, đưa ly cụng vào ly tôi. “Tụi bây bá láp tuốt luốt! Làm chó gì có sự khốn khổ với sung sướng trên cõi đời này. Tất cả đều là dối trá hết! Thôi “dzô” đẹp cái coi!”

“Dzô thì dzô, thằng nào sợ thằng nào!” Nhật cà khịa với Phùng.

“Mày biết tin gì chưa Thăng?” Phùng hỏi tôi.

“Tin gì?”

“Thứ Hai tới, trường mở cửa lại rồi.”

“Sao mày biết?” Tôi ngạc nhiên thật.

“Báo đăng. Mày không đọc báo à?”

“Có, nhưng không chú ý. Thật ra tao ước gì Bộ Giáo Dục cho nghỉ thêm vài tháng nữa.”

“Nghỉ lâu vậy mà chưa đã à?”

“Chưa. Bộ mày đã rồi hả?”

“Ðã cái nỗi gì! Chỉ mới nghĩ đến tiếng chuông reo vào lớp tao cũng đã rợn cả người nói chi chuyện ngày nào cũng phải nghe nó!”

“Vậy sao hỏi tao chi một câu ngu như vậy?”

“Sướng nhé! Vậy là mấy ‘cụ đồ’ hết thất nghiệp nhé!” Nhật nheo mắt chọc Phùng và tôi.

“Sướng cái con khỉ! Tao đang chán đời muốn chết đây!”

Tâm không uống bằng ly, mà cầm cả chai lên nốc. Nắng chiều đã tắt nhưng chiếc kính đen vẫn còn ngự trên sóng mũi hắn.

“Mày mà cũng biết chán đời sao thằng công tử?”

“…”

“Vậy chớ mối tình của mày đâu rồi?”

“Mối tình nào?” Tôi hỏi.

“Trời đất! Vậy chớ mày có hết thảy mấy mối tình?” Tâm kéo kính xuống sóng mũi, ngó tôi.

“Tao đâu có mối tình nào!” Tôi chống chế.

“Giả mù sa mưa, bạn!” Tâm tiếp tục tấn công.

“Vậy chớ con gái ông Phan mày bỏ đâu?”

“Ăn thua gì tới tao!”

“Không phải mối tình lớn à?”

“Lớn cái con khỉ!”

“Ê, hôm nay nhậu cấm quạu à, bồ tèo!” Nhật chen vô. “Nhưng nói vậy chớ tao biết tại sao hôm nay thằng Thăng bứt rứt.”

“Tại sao?” Tôi hỏi.

“Sắp làm một màn Vĩnh Biệt Tình Em phải không?”

“Với ai?” Tâm hỏi.

“Con gái nhà ông Phan”. Nhật nói chậm rãi, mắt nheo lại.

Phùng giở mắt kính cận ra, rút khăn tay chùi đi chùi lại, cười thích thú.

“Nàng đi đâu?” Hắn hỏi, nhìn chăm vào mặt Nhật.

“Ði Huê Kỳ!”

“Thiệt không mậy? Sao không cho anh em hay? Tụi tao kẻ ít người nhiều góp tiền phúng điếu?” Tâm nói xỏ.

“Thằng này nhà văn mà ăn nói giọng điệu như Hồ Tam Kỳ Cống Bà Xếp!” Tôi trả lời Tâm nhưng chọc mối đau thương của Nhật.

“Mày nói gì? Hồ Tam Kỳ Cống Bà Xếp là ai vậy?” Tâm hỏi tới.

“Thế ra cậu chưa nghe chuyện Hồ Tam Kỳ Cống Bà Xếp à?” Nhật hỏi.

“Không lẽ là chuyện của mày?” Tâm hơi ngạc nhiên.

“Chứ của thằng nào ở đây?” Nhật đánh ực một hơi cạn ly bia.

… Hồ Tam Kỳ là một tay anh chị khét tiếng vùng Nguyễn Thông-Kỳ Ðồng-Cống Bà Xếp. Hồi đó, vừa lấy vợ xong ít lâu, Nhật quyết định dời Biên Hòa về Sài Gòn, nơi anh có nhiều bạn bè và vô số điều vui chơi mà anh không thể không biết được.

Một buổi chiều, Nhật xách Honda chạy lớ ngớ tìm nhà trên đường Kỳ Ðồng. Khi đi ngang qua nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế gần tới góc Nguyễn Thông, thì nghe một cái rầm như trời giáng. Nhật té xuống mặt đường, chiếc Honda còn chạy thêm một đoạn mới ngã. Nhật cảm thấy có một cái gì đè nặng ở ngực. Nhướng mắt lên anh thấy một bàn chân đi giầy đen mũi nhọn đạp giẫm nghiến lên đó. Dò theo cổ chân gầy còm đầy lông lá, Nhật thấy một thanh niên cao lớn, mặt bành như cái nia, rỗ chằng rỗ chịt, tóc tai lởm chởm, một tay xỏ túi quần, một tay đang quay vù vù sợi xích sắt cọng bự.

Hắn thấy Nhật mở mắt, ngừng quây sợi xích, cúi xuống gần mặt anh hỏi:

-Mày biết ông là ai không?

-Không! Nhật trả lời. Mắt anh hơi mờ vì máu ở trán chảy dòng xuống.

Hắn quất một cái xuống vai Nhật.

-Ai cho phép mày tới địa phận của ông? Mày không biết ông thật à?

-Không!

-Vậy thì ông cho mày biết!

Nhật nghe đau nhói cả bả vai. Anh lăn một vòng cố hất chân tên du đãng, nhưng vô ích, chân hắn như bắt vít vào ngực anh. Cả người anh ê ẩm, đau nhức. Anh nghe tiếng cười.

-Bảnh! Vậy mày biết ông là ai chưa?

-Chưa!

Ự! Hắn phóng mũi giầy vào hông Nhật. Anh lăn một vòng, tai vẫn nghe tiếng cười.

-Nghe rõ đây, ông nội mày là Hồ Tam Kỳ! Bữa nay lần đầu tha. Lần tới đừng lạng quạng ở khu vực này. Bây giờ mày biết ông là ai chưa?

-Chưa! Nhật không nao núng.

-Bảnh! Vậy thì ông nhắc cho mày biết! Hắn quất thêm một vòng xích nữa lên vai của Nhật. Anh nghe đau điếng, Nhật lăn thêm vòng thứ hai sát hàng rào ngôi biệt thự, mắt ước lượng khoảng cách giữa chân mình và bản mặt Hồ Tam Kỳ, rồi thu hết sức trong một lúc bất ngờ nhất, Nhật phóng mình dậy đá song phi vào giữa mặt hắn. Hồ Tam Kỳ ngả đầu né cú đá của Nhật, nhưng đã không kịp. Má giầy của Nhật lướt qua gò má của Kỳ.

-Bảnh!

Hắn đứng dang chân lấy lại thăng bằng, hai tay cầm hai đầu dây xích căng trước ngực.

-Coi như bữa nay huề! Lần tới nếu bạn cần tiền phúng điếu linh hồn bạn, cứ tới đây!

Nói xong Hồ Tam Kỳ bỏ đi.

Nhật khó khăn lắm mới dựng nổi chiếc Honda và chạy thẳng lên Tổng Y Viện Cộng Hòa. Nhật đã điều trị ở nhà thương hơn tháng trời. Sau đó trở lại đơn vị bỏ thêm một tháng nữa, mài con dao thật bén cột ở cổ chân giấu dưới ống quần, chùi đi chùi lại bóng loáng hai cây súng ngắn: cây Colt giắt lưng và khẩu Beretta bạc cuộn ở cổ tay đeo đồng hồ.

Nhật đi tìm Hồ Tam Kỳ ở Cống Bà Xếp.

Hôm đó trời chạng vạng tối, đám tiểu yêu ở khu chợ trời Nguyễn Thông chỉ cho Nhật chỗ ở của Hồ Tam Kỳ với giá năm trăm đồng. Ðó là một toa xe lửa bỏ phế ở cuối đường.

-Tụi em sợ ảnh lắm! Hôm qua ảnh vừa bẻ cổ một thằng không nộp tiền cho ảnh!

Nhật không nói gì, anh dựng Honda ở trước một hàng bán đồ Mỹ bày trên mặt đường. Anh mua một chai dầu cạo râu hiệu Aqua Velva, một hộp Band Aid, trả tiền liền, bỏ tất cả vào giỏ xe phía trước và đề nghị người chủ cho gửi xe có trả tiền.

Nhật đi thẳng qua Nha Lộ Vận, tuốt vô tận đường Hoàng Diệu. Khu này có một số đường rầy xe lửa bị tháo rời. Nhiều toa xe có vẻ mục nát và sắp sụm đến nơi. Giữa những toa khác chìm trong bóng tối nhá nhem, im lặng và quạnh quẽ, Nhật thấy một toa có ánh đèn. Anh lò dò bước vào.

-Hồ Tam Kỳ! Nhật kêu tên.

Trong toa xe cả đám đang sát phạt nhau. Ngọn đèn ở giữa sàn chỉ đủ sức soi rõ mấy con bài, nhưng không rõ mặt người.

Có lẽ cả bọn đang quyết ăn thua đủ nên không ai nghe tiếng kêu của Nhật. Anh nhắc lại, giọng to hơn.

-Hồ Tam Kỳ!

Cả đám bỗng quay mặt ra cửa toa. Bầu không khí im lặng hẳn.

-Thằng nào kêu ông nội dzậy?

Nhật nhỏ nhẹ.

-Tôi đây! Anh quên tôi rồi sao?

Hồ Tam Kỳ xô hai tên ngồi hai bên hắn ra, đứng thẳng dậy. Một ngọn đèn pin chiếu thẳng vào mắt Nhật, rồi tắt phụt. Giọng nói của Kỳ.

-Không quên! Bạn muốn gì?

-Tôi giữ lời hứa! Nhật vẫn nhỏ nhẹ.

Hồ Tam Kỳ xòe bàn tay trái ra. Tên đàn em đứng bên cúi xuống cầm sợi xích đặt vào tay Kỳ, Nhật vẫn nhìn đám đông không chớp mắt:

-Tôi có súng.

-Cũng thế thôi! Thứ gì cũng được! Kỳ nói giọng thách thức.

Và ngay lúc bất ngờ nhất, mặc dù Nhật đã chuẩn bị từ trước, hắn đã phóng sợi xích về phía Nhật đánh văng khẩu Colt trong tay anh.

-Sao? Người anh em muốn gì? Kỳ nói trong tiếng cười. Cả đám cười rộ theo.

-Tôi nói là tôi có súng! Nhật vẫn nhỏ nhẹ.

-Súng hơi hay súng nước? Một tên chọc tức Nhật, giọng lè nhè như người say.

Nhật đưa tay thẳng về phía Kỳ, khẩu Beretta nhỏ xíu gọn trong lòng bàn tay anh và anh bóp cò liên tiếp. Cánh tay trái cầm xích của Kỳ hơi buông thõng và Kỳ khụy xuống. Sợi xích sắt rơi trên sàn toa xe. Cả đám rú lên ù chạy. Nhật bước tới đứng trước mặt Kỳ bình tĩnh hỏi:

-Tôi không nói dối chứ?

-Người anh em nói thiệt, nhưng có gì thay đổi đâu!

Kỳ vừa trả lời vừa đứng thẳng dậy và tiện đà câu chuyện húc đầu vào ngực Nhật. Súng vẫn còn trong tay, nhưng Nhật đã ngã xuống. Kỳ phóng qua người Nhật chạy ra toa xe và băng dọc đường Lê Văn Duyệt. Nhật chồm dậy đuổi theo. Trời tối đen và anh phải vất vả lắm mới bắt kịp Kỳ ở khu bán vật liệu xây cất trên trạm xe buýt.

Kỳ đang ngồi trong một ống cống, xé áo buộc vết thương ở chân một con dao to bản bên cạnh. Nhật ập tới, đạp chân lên con dao, túm tóc Kỳ và không nói không rằng anh thọc đầu súng Beretta vào họng Kỳ. Anh kề sát miệng vào tai Kỳ nói nhỏ.

-Một là bạn làm theo tôi, hai là tôi bóp cò. Bạn chọn kiểu nào?

Kỳ giương mắt ngó Nhật, gật gật đầu.

-Nghĩa là làm sao? Bóp cò hả?

-Làm theo tôi chứ?

Kỳ gật đầu.

-Rồi sao? Tâm hỏi tiếp, nôn nóng.

-Tất nhiên là sau đó cảnh sát đến! Trong những vụ thanh toán du đãng bao giờ cảnh sát cũng đến hơi chậm một tí!

-Này, tụi bây nói chuyện tầm phào gì vậy? Hôm nay cho thằng Thăng say mà! Tâm nhắc.

-Thăng, dzô cái coi! Nhật cụng ly tôi.

-Dzô thì dzô! Tôi nói mạnh nhưng chỉ uống một tợp.

-Hỏi thật bạn nhé! Có phải ông Phan ở luôn bên đó trị bệnh đau mũi không?

Câu hỏi của Nhật làm tôi ngạc nhiên. Rõ ràng là nó biết nhiều điều hơn tôi tưởng.

-Vai trò của ông Phan hết thật rồi sao? Tôi hỏi lại Nhật một cách bâng quơ trong khi đốt một điếu thuốc.

-Theo tao vai trò ông Phan chưa hết!

-Tao không hiểu!

-Có gì mà không hiểu. Bởi vì trước khi đi Mỹ, ông Phan vẫn đảm nhận một vai trò nào lớn ở đất nước này. Báo chí và tin đồn gán cho ông Phan một quyền lực mà thực sự ông chưa có!

-Nhưng sao báo chí thổi phồng ông ấy lên quá vậy?

-Có gì đâu. Chẳng qua đó là quả bóng thăm dò. Và theo tao sự thăm dò đó có kết quả.

-Nghĩa là?

-Nghĩa là ông Phan không thích hợp với hoàn cảnh đất nước này.

-Tao vẫn không hiểu!

-Mày sẽ chẳng bao giờ hiểu, ông đi trên mây ạ!

-Hai thằng nói nhăng nói cuội kia có im đi không? Có người tìm thằng Thăng kia kìa! Tâm nói giọng nghiêm.

Ngó theo hướng mắt Tâm, tôi thấy từ một chiếc ô tô đậu sát lề đường bên cạnh gốc me, một cô gái bước xuống. Cánh cửa xe đã đóng lại, nhưng cô vẫn đứng yên một chỗ nhìn ngó xung quanh, trước khi đi thẳng về phía bàn chúng tôi.

Tôi nhận ra là Uyên ngay khi cô cất bước. Cô đi thẳng đến chỗ tôi ngồi, ngó quanh bàn và nói:

-Xin lỗi các anh, tôi có chút chuyện muốn nói riêng với anh Thăng!

-Mời cô tự nhiên! Cô cứ như bọn tôi không có mặt ở đây là được rồi! Nhật nói đùa không ác ý.

-Cám ơn anh! Tôi cũng đang nghĩ vậy! Uyên đáp lại nhanh không để hở một phút.

Tôi kéo ghế đứng dậy. Tôi biết là mình phải về. Tôi chợt nhớ tối nay là sinh nhật của Uyên và tối nay cũng là buổi gặp gỡ chót với Quỳnh.

-Ði đâu vậy bạn? Tâm hỏi chận.

-Tao có chút chuyện. Tôi nói.

-Chưa giới thiệu mà! Nhật kêu lên.

-Xin lỗi. Ðây là Uyên, con gái cụ Phan. Và đây là anh Nhật, nhà báo-nhà binh, anh Tâm, nhà văn khét tiếng Khô Khốc Thiền Sư, và đây là anh Phùng, “godautre” của trường Văn Khoa.

-Còn một người chưa được giới thiệu! Nhật nhắc.

-Ai? Tôi ngạc nhiên.

-Ông chứ còn ai?

-Thôi, giỡn hoài!

-Ðể tao giới thiệu giùm với cô Uyên. Nhật đứng dậy đưa tay về phía tôi, nói với Uyên:

-Và đây là Thăng, người đi trên mây.

-Sao lại người đi trên mây? Uyên hỏi.

-Nghĩa là người này chỉ biết có trời trăng chứ không biết thổ thần thổ địa.

-Ðủ chưa? Tao lên đường?

-Mày tên là Thăng, nhưng chưa thể thăng sớm dễ dàng như vậy đâu! Nhật không tha tôi.

-Làm sao bây giờ! Thủ tục xong rồi mà! Uyên nôn nóng làm tôi tức cười.

-Thủ tục đã xong đâu! Nhật trả lời.

-Vậy còn gì nào? Uyên hơi xẵng giọng.

-Còn mục chót. Nhưng hơi gay! Tâm chen vô. Tôi biết Tâm muốn để tôi đi.

-Xin anh cứ nói! Uyên vẫn nôn nóng.

-Chuyện như vầy. Bữa nay cả bọn tôi đồng ý đi uống rượu. “Người-đi-trên-mây” là cái ông này – Tâm chỉ tôi – ổng kêu một két bia. Một két bia là hai mươi bốn chai. Chia cho bốn đứa, một đứa sáu chai. Nãy giờ trung bình mỗi đứa ba chai.

Ông-trên-mây thì chỉ mới chai rưỡi. Ổng muốn đi cũng dễ thôi. Cạn hết sáu chai phần ổng thì ổng có quyền dzọt.

Tâm khề khà như một ông già.

-Nghĩa là anh Thăng còn phải uống bốn chai rưỡi nữa? Uyên hỏi.

-Ðúng!

-Nếu anh Thăng uống không hết thì sao?

-Thì chưa đi Nhật chêm vào.

Uyên cúi thấp xuống vai tôi, nói khẽ.

-Anh uống hết không?

-Chắc không hết! Tôi thành thật.

Tâm quay sang nói nhỏ gì đó với Nhật và Phùng, xong hắn tuyên bố:

-Cho phép cô Uyên giúp sức!

-Cám ơn anh! Sao anh không nói sớm? Uyên cười.

-Cứ coi như anh Thăng uống ba chai. Tôi uống ba chai.

Uyên lấy bia đổ vào ly tôi và chúng tôi chia nhau hết ly này đến ly khác. Cả đám trố mắt nhìn Uyên uống bia như uống nước ngọt.

Khi tôi theo Uyên ngồi hẳn vào trong xe, nhìn qua cửa kính, tôi thấy người chủ quán vừa mang ra cây đèn dầu. Cả đám bạn tôi như những bóng đen bất động. Ánh sáng của ngọn đèn hắt lên từ phía cổ chiếu rõ những mảng cằm phản với bóng đen của cả khuôn mặt.

Xe chạy vòng theo đường Lê Văn Duyệt trở về nhà ông Phan. Tôi nghe trong hơi thở của Uyên còn đọng mùi bia rượu.

Chương 18

Khách đến đã khá đông. Phần lớn là sinh viên Văn khoa và Luật khoa, những trường Uyên có ghi danh lấy chứng chỉ. Mặc dù thời buổi này (mà chắc là thời buổi nào cũng thế thôi!) “phi bác sĩ bất thành phu phụ,” sinh viên y khoa không thấy có trong phần khách mời của Uyên.

Tôi không hiểu sự giao du của Uyên, và thật tình mà nói, tôi có bao giờ tìm hiểu chuyện riêng của Uyên. Nhưng sở dĩ tôi biết điều này là vì trên đường từ Chợ Ðũi về, sau khi đã uống giùm tôi một “loáng” ba chai bia, Uyên hỏi đố là tôi có thể đoán được khách mời sinh nhật của cô tối nay là ai không. Tôi nói tôi không biết. (Mà làm sao tôi biết được?) Uyên cho hay có ba cái đặc biệt của sinh nhật cô. Trước hết là cô mừng tôi “chặt được sợi dây cuối cùng của một ràng buộc đã là vô ích.” Thứ nữa là cô có một người bạn mới, một cô bạn gái tên Quỳnh. Và sau cùng, cái đặc biệt của sinh nhật Uyên chính là cô sẽ từ chối lời cầu hôn của một sinh viên y khoa duy nhất trong buổi tiệc này.

Khác với buổi dạ tiệc lần đầu tôi đến nhà ông Phan, không khí hôm nay ồn ào náo nhiệt và rôm rả hơn. Những người trẻ tuổi của thành phố, trong đó có một số người từ quân trường trở về phép đặc biệt, đang quây quanh Uyên và bà Phan. Hai mẹ con đứng bên cạnh nhau, giữa những người trẻ tuổi trông giống như hai chị em. Bà Phan nhỏ nhắn dịu dàng, xinh đẹp nhờ cách trang điểm đơn sơ và ăn mặc giản dị. Còn Uyên như lớn hẳn lên do cách phấn son có phần hơi thái quá một chút, mắt bôi đen, má tô hồng, môi đỏ son. Hôm nay cô mặc chiếc áo dài nhung màu tím than, điểm hoa trắng nhỏ. Áo hở cổ rất rộng, để lộ làn da trắng muốt nổi lên trên sợi dây màu đen tuyền với một thập tự giá bằng gỗ mun. Cao hơn bà Phan gần nửa đầu, Uyên giống như một người mẫu. Trước mặt tôi hôm nay là một cô Uyên lạ hẳn: sắc sảo và cương quyết. Có phải vì đây là lần đầu tiên Uyên có một khuôn mặt trang nghiêm của một người sắp quyết định một điều gì lớn lao trong đời mình?

Phòng khách đèn sáng trưng. Tất cả bạn Uyên ở ngoài vườn cây đã tụ tập hẳn vào trong. Không khí chật chội ấm cúng. Giữa phòng là một chiếc bàn hình bầu dục, mặt đá có vân. Một chiếc bánh sinh nhật lớn trong hộp kiếng đặt giữa bàn, quanh bánh là những bông hồng vàng và nhung thẫm. Quà tặng đủ cỡ nằm la liệt dưới sàn nhà.

Tôi bước về chỗ bà Phan.

“Joyeux anniversaire!”

Rất nhiều tiếng chúc mừng của những người trẻ tuổi. Như một con công, một con công “chúa,” đang khiêu vũ giữa bầy, cô tươi cười, hân hoan, đáp lễ. Bà Phan thấy tôi tới gần, lên tiếng gọi.

-Thăng đến đây!

-Mừng sinh nhật Uyên!

-Cám ơn anh. Uyên nghiêng mặt về phía tôi. Và tôi hôn cô.

-Sinh nhật vui vẻ! Tôi chúc một lần nữa.

Bà Phan đặt tay lên vai tôi ra dấu. Tôi theo bà bước ra khỏi đám đông. Khi đến chỗ vách có treo thanh kiếm Nhật, bà Phan dừng lại hỏi tôi, giọng trách móc dịu dàng:

-Cháu đi đâu suốt cả tuần?

-Thưa bác… Tôi ấp úng.

-Nghe nói cháu đã có Bản Ðại Tự?

-Thưa bác, cháu đã nhận.

-Cháu thấy sao?

Thấy sao? Hình như có người đã hỏi tôi một câu tương tự. Thấy sao là sao? Dửng dưng! Hình như người ta nóng lòng chờ đợi một điều gì đó, nếu không có nó người ta sẽ khổ sở đến không chịu nổi, vậy mà khi điều ấy đến người ta lại thấy dửng dưng. Nhưng với bà Phan, tôi biết phải trả lời sao.

-Thưa bác… Tôi luôn luôn ngọng trước những câu hỏi của bà Phan.

-Tôi muốn nói là cháu thấy việc xử ấy có công bằng không?

-Thưa bác, cháu không để ý đến khía cạnh công bằng pháp lý của bản án. Chính cháu là nguyên đơn và cháu hiểu rằng tờ giấy phán quyết ấy chẳng qua cũng chỉ là một tờ giấy. Nó không thay đổi được gì đời cháu.

-Nghĩa là sao?

-Thưa bác, cháu nghĩ là cháu đã làm một điều ngu xuẩn. Cháu đã cố gắng một cách vô ích.

-Chào anh! Bà Phan đang nghiêm bỗng nở nụ cười hướng về phía một ông khách tiến về phía chúng tôi.

-Không dám, chào chị. Chị hồi này khỏe luôn chứ ạ! Khách trả lời khi đứng trước mặt bà.

Ðó là một người đàn ông tròn và lùn. Ông đeo chiếc kính lão nhỏ, để râu mép. Bộ quần áo ông mặc là một loại vải đắt tiền được cắt rất khéo.

-Chào bác Phan đi con!

Người đàn ông nói với người thanh niên đứng bên mà tôi không để ý. Anh rất trẻ, trắng trẻo, gầy và hơi xanh. Mắt anh nhìn thẳng, nụ cười tự tin.

-Cháu Ngạc đang là sinh viên năm thứ ba trường đại học y khoa.

Người đàn ông giới thiệu con trai một cách trang trọng và kiêu hãnh.

-Tôi cũng xin được giới thiệu với anh đây là cháu Thăng, con trai của một người bạn thân của gia đình tôi.

-Chào cậu!

Người đàn ông ngó tôi không mấy thiện cảm. Ông đưa tay cho tôi bắt. Những ngón tay ông rất lơi trong tay tôi.

-Uyên, lại đây con!

Bà Phan gọi Uyên ra khỏi đám bạn cô. Bà giới thiệu người đàn ông với chúng tôi.

-Bác Ðại đây là tổng giám đốc công ty thương thuyền Vihaco, có tàu chạy đường Singapore và Hong Kong. Và đây là cháu Uyên!

-Kính bác!

Uyên nghiêng mình lễ phép.

-Cháu Thăng tiếp khách hộ Uyên nhé!

Bà Phan nói với tôi và đưa tay mời hai cha con ông Ðại.

Còn lại một mình, tôi đi dọc theo vách tường, đến thềm cửa lớn. Tôi đứng lặng nhìn ra sân. Những ngọn đèn xanh đỏ bắt quanh các cành cây đã tắt. Ðêm đang xuống. Tôi có ý trông chờ Quỳnh. Liệu cô có đến không? Tôi nhớ câu chuyện với Quỳnh sáng nay. Dường như chúng tôi đã ngầm đồng ý với nhau rằng đã đến lúc mỗi người phải sống một đời riêng. Tôi nhớ đến ông Phan, người đã vắng mặt trong ngôi nhà này, và quyền thế có vẻ như cũng đã theo ông mà ra đi. Tôi chợt nhận ra, chính ngay chỗ tôi đứng bây giờ là nơi tôi đã bắt tay ông Phan lần đầu. Cái vẻ u ám trầm mặc của vườn cây giờ đây khác hẳn với cái vẻ rực rỡ quyền quí của nó trước kia, gợi lại trong tôi biết bao điều cần suy nghĩ. Phải chăng quyền thế cũng như ánh sáng và bóng tối? Phải chăng đời sống cũng như nước thủy triều, nó tấp lên rồi rút xuống? Ông Phan đã ra đi, và đó hình như là một chuyến đi không có đường trở lại. Quỳnh và Uyên cũng sẽ ra đi, và cả hai như cũng sắp nói với tôi lời vĩnh biệt.

-Tại sao Thăng đứng đây? Vào trong này với Uyên!

Uyên nắm cánh tay tôi thật chặt. Trong bóng tối, tôi thấy mắt cô sáng long lanh.

-Ông tổng giám đốc công ty về rồi à?

-Vâng. Bác Ðại và anh Ngạc vừa về xong. Bác ấy không vui!

Có vẻ như Uyên muốn cho tôi biết rằng cô vừa nói lời từ hôn với người thanh niên tên Ngạc.

-Mấy giờ rồi anh?

Tôi nhìn đồng hồ tay.

-Tám rưỡi.

Tôi thấy Uyên bồn chồn nôn nóng.

-Sao Uyên chưa cắt bánh sinh nhật?

-Uyên muốn chờ chị Quỳnh.

-Tôi sợ là sẽ quá trễ. Sắp đến giờ giới nghiêm rồi!

-Vâng. Uyên biết. Nhưng me đã có giấy phép đặc biệt.

-Thôi, mình vào đi. Sinh nhật của cô thì cô phải có mặt với bạn bè chớ!

-Bây giờ thì Uyên không muốn vào nữa. Uyên có chuyện muốn nói với anh. Trong đó đông người Uyên sẽ khó nói.

-Cô có biết là hôm nay cô lạ lắm không?

Tôi gạt ngang.

-Uyên hiểu. Nhưng anh có biết anh là người không thực tế không? Tại sao anh không xin học bổng?

-Học bổng gì? Tôi ngạc nhiên.

-Me đã nói với anh rồi mà! Uyên trố mắt nhìn tôi.

-Tôi không nhớ. Thật tình là tôi không nhớ.

-Me nói bố sẽ lo cho anh cái học bổng nếu anh muốn. Anh vẫn chưa trả lời đề nghị của bố?

-A! Tôi nhớ ra rồi. Nhưng tôi vẫn chưa tìm ra câu trả lời. Tôi bị xâu xé giữa sự ở và sự ra đi. Ði Mỹ có nghĩa là đi theo Uyên, là chạy theo một mối tình mà cà hai đều biết rằng chỉ là một thách đố, là mãi mãi chia tay với Quỳnh, là trốn lánh những móng vuốt của người đàn bà, là tự bứt mình ra khòi Ðăng và Mai mà tôi thương yêu nhất. Còn ở lại, có nghĩa là chịu đựng sức ép của một quyền lực vô hình, là chấp nhận nỗi khốn khổ của một trái tim dẫy dụa vì bị ruồng bỏ…

Tôi tin rằng dù “quyền” đã hết ông Phan vẫn còn “thế”. Tôi tin chắc rằng ông Phan có thừa khả năng để lấy cho tôi cái học bổng. Nhưng để làm chi? Tôi choàng tay qua vai Uyên.

“Thôi mình vào đi?” Tôi nhắc lại.

Uyên hơi do dự:

“Anh vào trước, Uyên muốn đứng lại đây!”

Ðúng vào lúc tôi sắp quay lưng, thì có tiếng chuông cổng reo.

“Chị Quỳnh!” Uyên kêu lên.

Cô nắm tay tôi, lôi tôi xuống các bực cấp. Quỳnh đang đứng bên ngoài cổng nói chuyện với người lính gác.

“Chị Quỷnh! Xin mời chị!”

“Xin lỗi chị Uyên, tôi đến trễ quá!”

“Không, không trễ lắm! Mời chị đi lối này!”

Khi người lính kéo chốt cửa mở rộng cánh cổng, Uyên nắm tay Quỳnh đi băng qua thảm cỏ. Quỳnh quay sang nói nhỏ.

“Em có món quà tặng Uyên.”

Ở phòng khách mọi người đang trò chuyện rôm rả. Dàn nhạc sống với Cathy Hồng đang chơi một điệu “soul” rất thịnh hành. Rượu champagne đã được rót. Mỗi người một ly trên tay. Khi thấy chúng tôi vào, cả đám ồ lên.

“Uyên! Uyên! Uyên!”

Tiếng vỗ tay làm nhịp ầm ĩ và tiếng kêu tên Uyên từng chập.

“Nói đi! Nói đi! Nói đi!”

Cả đám tiếp tục vỗ tay và kêu Uyên tuyên bố lý do. Dàn nhạc im bặt. Cathy Hồng giơ cao tay:

“Xin im lặng! Xin im lặng!”

Cả đám quay về hướng Cathy.

“Thay mặt bạn bè, xin một lần nữa chúc mừng sinh nhật Uyên. Xin đốt nến, thổi nến và cắt bánh!”

Uyên rời chúng tôi bước lên bục gỗ. Tay cô cầm một ly rượu.

“Cám ơn! Xin cám ơn tất cả! Hôm nay Uyên mười chín tuổi. Các bạn hãy cạn ly cùng Uyên và chúc sức khỏe!”

“Chưa được! Chưa được! Chưa được!”

Cả đám lại vỗ tay đập nhịp la hét.

“Tại sao?” Uyên hỏi.

“Nến! Nến! Nến!”

Cả đám reo lên cho Uyên biết chưa đốt nến.

“Có ngay!” Uyên nói. Xong cô bước xuống đến bên chiếc bàn giữa phòng. Quỳnh đưa quà sinh nhật của mình cho Uyên.

“Chị Uyên hãy mở ra và đốt ngay. Nến mười chín tuổi đó!”

Và quay sang tôi Quỳnh tiếp.

“Anh Thăng tắt đèn hộ Quỳnh nhé!”

Cả phòng chìm trong bóng tối.

“Anh bật diêm giùm đi!”

“Chị Uyên đốt nhé!”

“Em sợ nổ lắm!”

“Không sao. Không nổ đâu!”

“Này. Diêm này!”

“Ðầu này kia!” Quỳnh nhắc.

Tôi đánh một que diêm.

Một tiếng nổ lớn. Một ngọn lửa xanh lóe lên. Cả gian phòng vỡ ra những đốm sáng. Và phút chốc, mười chín đóa hoa nở bung giữa trần nhà. Ánh sáng kỳ ảo như một ngọn pháo bông.

Tiếng vỗ tay vang rền. Tôi mở công tắc điện. Gian phòng sáng rực chói chang đến khó chịu.

“Tắt! Tắt! Tắt!”

Cả đám vỗ tay đập nhịp phản đối. Chính Uyên đến tắt điện và bật một công tắc khác. Căn phòng chìm mờ trong một thứ ánh sáng tím. Màu trắng của quần áo bị ánh sáng vật lý chiếu ngược một thứ màu sắc lạ lùng. Chiếc bàn giữa phòng được khiêng đặt vào sát vách dành cho sàn nhẩy. Và âm nhạc trỗi lên.

“Chủ nhân đâu? Chủ nhân đâu?” Nhiều tiếng kêu.

“Cái gì vậy?” Tôi hỏi Uyên.

“Chúng nó đòi Uyên khai mạc! Anh nhảy với Uyên nhé!”

“Tại sao không?”

Phòng đã chật ních người. Khi điệu “Soul” tiếp theo, tôi để Uyên nhảy với Tấn và đi xuống cuối phòng. Tôi thấy Quỳnh đang đứng bên bà Phan, hai người nói chuyện có vẻ tâm đầu ý hợp.

“Cháu có cô bạn gái xinh lắm! Cháu mời cô Quỳnh nhảy đi chứ? Tôi đi một vòng nhé!” Bà Phan nhắc tôi.

“Cám ơn bác!”

“Quỳnh uống gì?” Tôi hỏi.

“Anh cho em Sprite.”

“Lúc nào cũng Sprite há? Ðổi gout một bữa coi ra sao?”

“Em là người thủy chung mà!”

“Không có tôi sao?”

“Anh thì có trời mà biết!”

Khi đã đưa thức uống cho Quỳnh, và đứng sát bên cô trong thứ ánh sáng mờ ảo, tôi thấy Quỳnh lặng im như một pho tượng. Mãi một chập lâu sau, Quỳnh hỏi tôi.

“Anh có thoải mái không?”

“Không!”

“Anh đã tìm kiếm được chưa?”

“Tìm kiếm cái gì?”

“Hạnh phúc!”

“Có hạnh phúc thật sao?”

“Có chứ. Hạnh phúc có thật!”

“Em đã gặp nó chưa?”

“Ðã!”

“Theo em thì tôi đã gặp nó chưa?”

“Sao chưa! Anh đã gặp nhưng anh có nhìn thấy nó đâu!”

“Cái gì? Ở đâu?”

“Em. Ở đây.”

Em. Ở đây. Quỳnh nhắc cho tôi nhớ rằng tôi là người không bao giờ bằng lòng với cái hiện tại, cái trước mắt. Tôi phù phiếm. Tôi mơ mộng, hư vô. Tôi, con đà điểu ngu xuẩn. Em. Ở đây. Câu trả lời của Quỳnh như một gáo nước lạnh dội xuống đầu tôi đuổi tôi ra khỏi cơn mê.

“Hai người nói xấu gì Uyên đó?”

Uyên rời khỏi sàn nhảy, đến bên Quỳnh, và đặt tay lên vai tôi, hỏi Quỳnh:

“Sao chị Quỳnh không nhảy?”

“Em không thích!”

“Chị Quỳnh không bao giờ đi party à?”

“Thỉnh thoảng thôi, nhưng không thích.”

“Uyên lấy bánh cho chị nhé!”

“Cám ơn chị Uyên. Em đến mừng sinh nhật chị. Có lẽ em xin phép…”

“Chị Quỳnh! Còn sớm mà!”

“Mai em phải đi sớm. Vả lại hôm nay còn là bữa giới nghiêm cuối cùng.”

“Em cứ ở đây chơi với Uyên. Chốc nữa tôi đưa về. Ðừng lo.”

“Cám ơn Thăng!” Uyên nói. “Hay là mình vào trong phòng đọc sách của bố đi. Uyên kể cho chị Quỳnh nghe chuyện này hay lắm.”

Ðứng dưới bức tự họa của Van Gogh, Uyên bắt đầu.

“Chị Quỳnh. Trước hết, Uyên thành thực xin lỗi chị về những điều mà Uyên sẽ nói ra trong chút nữa đây. Uyên cũng xin lỗi anh Thăng bỏ qua cho Uyên nếu những điều Uyên nói có làm anh khó chịu. Nguyên do đơn giản thôi. Ðó là vì Uyên yêu anh. Uyên tự hỏi không biết trên đời này còn có người nào yêu Thăng hơn là Uyên yêu Thăng không, nhưng Uyên biết chắc chắn một điều là Thăng đã không yêu Uyên bằng Uyên yêu Thăng…”

“Chị Uyên…”

Tôi nghe tiếng Quỳnh kêu lên. Nhưng Uyên đã đưa tay ngăn lại:

-Không. Chị Quỳnh cho phép Uyên nói tiếp. Bởi vì Uyên sợ là nếu Uyên ngưng lại thì Uyên sẽ không bao giờ đủ can đảm để nói nữa. Uyên biết anh Thăng đã có gia đình. Uyên cũng đã nghe người ta nói những điều không mấy tốt đẹp về anh ấy. Quả thật anh ấy có nhiều cái xấu. Hơi nhiều là khác. Nếu nhìn lên anh ấy chả bằng ai. Giáo sư! Cái ‘tít’ ấy đối với nhiều người, nó chỉ ngang với một thứ cấp úy trong quân đội. Nó cũng không bằng một thứ thương gia hạng xoàng. Nhưng đối với Uyên, tuy anh ấy là người có một cuộc sống rất khác với cách suy nghĩ của Uyên. Uyên rất thích có anh ấy. Trong một xã hội mà người nào không sống theo đám đông, người ấy sẽ bị lên án. Uyên không dám sống khác cái đám đông ấy, nhưng Uyên tin cậy anh Thăng. Mặc dù không chấp nhận cái tính bơ bơ không thực tế của anh, Uyên vẫn nghĩ rằng tính tình của anh lôi cuốn Uyên. Người ta nói tình yêu sẽ cải biến những thói xấu nhất trở nên tốt hơn. Uyên tin điều đó. Nhưng me đã nhận ra tình yêu của Uyên. Ðối với me, chỉ yêu một người có một đời vợ đã là điều không thể chấp nhận được nói gì làm vợ người ấy. Khi Uyên nói với me là ‘định mệnh khắc nghiệt’ đã đến với tình yêu của mình thì me trả lời là ta nên cám ơn thứ định mệnh khắc nghiệt ấy, bởi sự chia ly trong đau đớn sẽ làm cho tình yêu đẹp đẽ hơn. Chính sự chia ly giúp ta tránh được thảm kịch thực sự của tình yêu…

Tôi thả điếu thuốc hút dở xuống nền gạch hoa, dí mũi giầy lên đầu đóm thuốc.

-Em không hiểu chị Uyên muốn nói gì? Quỳnh nói.

-Rồi chị Quỳnh sẽ hiểu. Yêu nhau mà không lấy nhau được đến nỗi phải chia tay, hoặc phải đi tìm cái chết… tình yêu ấy vẫn tồn tại. Thảm kịch của tình yêu chính là người này dửng dưng dưới mắt người kia trong khi vẫn sống bên nhau.

Tôi nhớ lại một truyện ngắn của nhà văn Anh, ông Somerset Maugham, mà có lần tôi đã thấy trên kệ sách trong phòng này. Tôi hiểu ý bà Phan muốn nói gì với con gái rượu của bà.

Một lát, tôi nghe tiếng Quỳnh thở dài.

-Chị Uyên, em vẫn không hiểu chị muốn nói gì?

Tôi thấy Quỳnh đứng dậy, hai tay cô chống lên bàn giấy ông Phan.

-Em không tin là chị Uyên yêu anh Thăng. Chị là người được chiều chuộng quá mức. Chị có nhiều tham vọng. Chị muốn làm chủ sở hữu những gì chị ưa thích. Chị chỉ muốn có anh Thăng. Chị đâu có yêu anh ấy. Chị thích nhận hơn là cho…

-Chị Quỳnh! Uyên kêu lên.

-Xin chị Uyên cho Quỳnh nói. Em rất phục tài ăn nói của chị. Chị có quá nhiều điều mà em không có. Chị có một gia đình quyền thế, có một người mẹ rất hiểu biết, chăm sóc và lo lắng cho tương lai của con. Chị có quá nhiều lý trí để nói đến cái gọi là tình yêu. Ðối với em tình yêu có nghĩa là kết hợp, là chia sẻ, là dâng hiến, là cho… Thảm kịch của tình yêu chính là vì tình yêu thiếu những điều đó…

-Chị Quỳnh. Chị đã hiểu lầm em. Những gì em nói chỉ là muốn giúp chị thôi!

-Cám ơn chị. Chị muốn giúp Quỳnh điều gì vậy?

-Uyên muốn nói khi mình gặp một người mà mình nghĩ là mình có thể yêu, hãy yêu. Nhưng tốt nhất là đừng nên nghĩ đến việc sống chung với người đó. Theo Uyên, mình chỉ nên là tình nhân của người mình yêu, còn nếu phải lấy chồng thì mình nên lấy người yêu mình.

-Tại sao?

-Bởi vì nếu mình lấy người đàn ông yêu mình, mình sẽ tránh được nhiều điều phiền phức, ít ra là mình sẽ không khổ, nếu họ lăng nhăng, vì mình đâu có yêu họ. Nhưng Uyên tin là họ chả bao giờ dám lăng nhăng chạy theo những bóng hồng khác đâu. Bởi vì khi họ yêu mình, họ sẽ tránh những gì làm phiền lòng mình. Chị Quỳnh nghĩ sao?

-Em càng thán phục sự tính toán của chị!

-Cám ơn lời khen của chị. Thật ra Uyên chỉ nói lại những gì me Uyên nói. Uyên không thể sống nếu thiếu me…

-Chị thật là một người hạnh phúc! Một hạnh phúc hoàn hảo!

Và Quỳnh quay sang tôi:

-Anh Thăng! Em muốn về!

Tôi nhìn đồng hồ trên vách. Chỉ còn mấy phút nữa là đến giờ giới nghiêm. Tôi nhớ lại những gì Uyên và Quỳnh nói. Tôi hiểu tôi phải làm gì. Tôi đứng dậy đến bên Quỳnh. Tôi cúi xuống chiếc ghế bành, nơi Quỳnh đang trầm mình trong đó.

-Ði Quỳnh! Anh có thể đưa em về!

Quỳnh đứng dậy. Cô nhìn chăm vào mắt tôi. Tôi có cảm tưởng như có một dấu hỏi to lớn trong mắt người thiếu nữ kia.

-Anh Thăng! Tôi nghe tiếng Uyên kêu giật ngược.

-Anh đi đâu vậy?

-Tôi đưa Quỳnh về. Sáng mai sớm Quỳnh đã rời Việt Nam rồi!

-Ðể em gọi bác tài, chúng mình cũng đưa Quỳnh về!

-Thôi Uyên ạ! Uyên cứ vui chơi với các bạn. Tôi đưa Quỳnh được mà!

Tôi nắm tay Quỳnh đi len qua phòng khách. Những người trẻ tuổi nhảy nhót trong một vũ điệu cuồng loạn. Trông họ giống như những người đồng bóng. Âm nhạc và ánh sáng có ảnh hưởng gây những cơn mê thần trí. Mạnh như Ullysse mà còn phải bịt tai trước tiếng hát quyến rũ đầy chết chóc của những con nhân điểu ở đảo Trinakri, huống chi tôi. Nhưng Quỳnh đã giúp tôi qua cơn sóng gió.

Uyên vẫn còn đứng nguyên ở thềm cửa thư viện. Ánh sáng từ ngọn đèn màu trên vách chiếu xuống khuôn mặt Uyên, khuôn mặt trẻ trung, xinh đẹp, quyến rũ và tràn đầy sinh lực, nổi bật trên một nền đen thẫm, như một bức tranh siêu thực.

Uyên vẫn đứng đó bất động như một pho tượng bằng sáp.

Tôi hiểu rằng tôi sẽ chia tay Uyên mãi mãi. Có Uyên, quyền lực sẽ trói buộc tôi, mà tôi thấy mình không việc gì phải chui đầu vào chiếc thòng lọng êm ái kia.

Vườn cây trong sân biệt thự ông Phan hoàn toàn chìm trong bóng đêm. Những lá cây đang thở diệp lục tố. Tôi dừng lại ở bực cấp cuối, đốt một điếu thuốc và thở khói.

Tôi choàng tay qua vai Quỳnh. Tôi muốn che chở một tình yêu. Không phải, chính tình yêu của Quỳnh đã che chở tôi.

Chính tình yêu ấy đã giữ tôi khỏi ngã.

Những viên sỏi lót đường kêu lạo xạo dưới chân tôi. Tường cao lởm chởm những mảnh chai nhọn. Khi người lính kéo cánh cửa sắt dày và nặng, nhường lối cho chúng tôi đi, tôi hiểu rằng tôi sẽ không bao giờ trở lại ngôi nhà ấy nữa. Cánh cửa sắt đóng lại sau lưng tôi khép vĩnh viễn một con đường vào xứ Thục…

Ngoài trời, đêm Saigon mát lạnh. Những hạt mưa rất nhỏ đang bắt đầu rơi trên thành phố.

Tôi quên là trên tay tôi vẫn còn ly rượu chưa uống cạn. Tôi ném nó xuống mặt đường. Tiếng thủy tinh vỡ làm đầu óc tôi tỉnh táo hẳn. Ðường vắng, không một bóng người. Chúng tôi đi thong thả, nhàn tản đi như những chủ nhân giàu có luôn luôn cô đơn giữa một tài sản to lớn của mình.

Ðến một trụ đèn đường, Quỳnh dừng lại. Cô mở chiếc xắc tay lấy ra một xấp giấy. Tôi thấy tấm vé của hãng hàng không CAL. Lúc đầu hơi do dự, nhưng sau đó, rất quyết liệt, Quỳnh xé nát những tờ giấy trong tay mình, rải xuống mặt đường.

Mưa đã ướt tóc tôi và bắt đầu xối xả trên mặt mũi tôi. Chúng tôi ướt lạnh, co ro, run rẩy.

Ông Phan hay ông Lý? Bà Phan hay Uyên? Quyền lực hay thù hận. Tôi không biết điều gì sẽ đến với tôi. Tôi ôm Quỳnh.

Chúng tôi hôn nhau cái hôn nhòa nhạt nước mưa dưới một bầu trời thấp, ẩm đục, giữa một thành phố vắng vẻ và lạnh lẽo, trong tiếng còi hụ của đêm giới nghiêm sau cùng.

(Hết)

Người Đi Trên Mây, hiệu đính từ bản điện tử của Người Việt Online và ấn bản 2014 Người Đi Trên Mây, Người Việt Books, ISBN 978-1-62988-251-2 (TV&BH 2014)