Trích Bụi & Rác 05-08

- Người Đạp Xích Lô Trong Thành Phố Mất Tên

- Ông Anh

- Hai Người Khách

- Đám Tang

Người Đạp Xích Lô Trong Thành Phố Mất Tên

1.

Người đầu tiên báo tin cho tôi hay tôi đã được Sở Giáo dục thành phố cho phép “thôi việc” là Sự, “hiệu phó” của Hiên. Sự người Nam, tập kết ra Bắc từ năm Năm Tư, lấy vợ Bắc. Cả hai đều là giáo viên cấp ba. Chồng dạy toán vợ dạy Việt văn. Sự nói tiếng Nam trăm phần trăm, giọng không lơ lớ như những người tập kết đã “sống ngoài Bắc hai mươi nhăm năm.” Chị Tâm thì khác hẳn chồng. Chị là người Bắc rặt, Hà Nội thứ thiệt. Chị cho biết chị là cháu cụ Ngô Tất Tố. Chị có giọng nói chậm rãi, nhỏ nhẹ, dịu dàng. Chị biết lắng nghe người khác nói và cũng biết nói điều gì khi cần nói. Sự thì xốc vác, năng động, cởi mở.

“Đơn xin thôi của anh đã được chị Sáu Nỡ, giám đốc sở Giáo Dục chấp thuận. Anh nghĩ sao mà xin thôi dạy?”

Tôi nhìn Sự. Tôi chưa biết trả lời sao. Có nên nói rằng tôi không phải là loại người trở chiều? Có nên nói rằng trước kia tôi chỉ là một người dạy học bất đắc dĩ, giờ đây việc đó còn bất đắc dĩ hơn trước chăng? Phải chi tôi là người dạy Toán, Lý Hóa Sinh, thì dễ cho tôi biết mấy.

Đứng ở lan can hành lang, chúng tôi cùng ngó ra sân trường. Tôi thấy mình sao quá xa lạ ngay giữa khung cảnh quen thuộc từ bao nhiêu năm nay. Từ sau ngày Ba Mươi Tháng Tư đến nay, lòng tôi không bao giờ yên, trái tim tôi không bao giờ ngưng lo âu hồi hộp. Tôi sợ những câu hỏi, và tôi thấy mình lúng túng khi tìm câu trả lời.

“Mừng quá phải không?” Sự hỏi tiếp khi thấy tôi lặng thinh hơi lâu.

“Cảm ơn anh đã cho biết tin. Nhưng bao giờ thì tôi được chính thức nghỉ?”

“Giấy đã về chỗ ông Hiên rồi. Có lẽ nội sáng nay ông Hiên sẽ đưa cho anh. Và từ ngày mai anh có thể… có thể…”

Sự không nói hết câu. Tôi vẫn không hiểu ý anh ta muốn gì. Tôi quay lại, nhìn Sự. Sự hơi thấp hơn một người Việt Nam trung bình. Da mặt anh đen sạm, hai con mắt sáng, giọng nói rổn rảng.

“Có một điều tôi muốn nói với anh, ông Hiên đã làm một bản báo cáo về anh cho Sở. Bản báo cáo không tốt về anh, nhưng có lẽ nhờ đó anh đã được cho nghỉ việc theo ý muốn của anh.”

Bất ngờ, Sự mở cặp đưa cho tôi tờ “pelure” của bản lót giấy than đại khái viết rằng tôi là một người “phóng đãng”, cuộc sống của tôi không thể thích ứng với một nhà giáo, và càng không thể thích hợp với một nhà giáo trong nhà trường xã hội chủ nghĩa. Bản báo cáo còn ghi sự liên hệ của tôi với gia đình ông Phan, một nhân vật phản động của chính trị tại miền Nam. Tôi không chờ đợi những lời tốt đẹp của Hiên viết về tôi. Tôi hiểu tôi là “thứ” người gì. Nhưng tôi không ngờ y viết về tôi kiểu đó.

“Nếu không ở được thì nên tìm cách đi đến một chỗ tốt hơn.”

Sự nắm cánh tay tôi giật giật rồi bước đi.

Tôi nhìn theo anh không biết có phải thật là chính Sự nói những lời đó không. Tôi ngó xuống tay mình. Tờ giấy pelure vẫn còn đó.

….

Tôi đi chậm rãi dọc theo hành lang, trở lại phòng giáo sư. Tôi ngồi xuống chiếc ghế sát bên cửa hông. Đám đất nhỏ vừa được mấy thầy cô giáo xới lên trồng rau. Một chuồng heo vừa mới được rào giậu. Những cái đó thật xa lạ với ngôi trường mà tôi đã từng có mặt hơn mười lăm năm nay, từ một đứa học trò ngồi ở dưới bàn học kia, đến lúc đứng trên bục gỗ này nhìn lại tuổi trẻ của mình. Hai câu đối trước cổng trường, cây phượng trong sân che mát trạm của người gác dan, nơi có chú Phẩm hiền lành cục mịch mở cửa cho chúng tôi mỗi sáng. Phòng y tế nơi làm việc của bác Thử, người gầy nhom, nhưng lúc nào cũng tươi cười chăm lo sức khỏe cho cả trường. Thầy Ái dạy Pháp văn ăn nói lưu loát hoạt bát, ông Tổng giám thị Chương ưa nói chuyện thời sự, và còn bao nhiêu kỷ niệm đang quanh quẩn ở góc sân, ở vòm cây, ở mái ngói, ở đợt nắng sắp vào hè, ở cơn mưa dầm, ở khói lựu đạn cay tỏa đầy sân trường khi các em xuống đường... Tôi giật mình chợt thấy tôi yêu mến các đồng nghiệp của tôi hơn là tôi tưởng. Tôi cũng yêu các em học sinh mà tôi chỉ gặp mỗi năm một lần rồi đi qua ngưỡng cửa vào đại học, rất ít khi ngoái đầu lại. Chắc chắn các em đã mang theo trong lòng những điều đồng ý và bất đồng ý với tôi qua những gì tôi trình bày. Nhưng điều đó có hề gì. Điều mà lòng tôi muốn gửi đến các em là con người và những giới hạn của nó: sự đau khổ, nghèo đói, dốt nát, bệnh tật và nhất là cái chết. Tôi muốn các em chia sẻ cùng tôi bài học làm người. Bài học ấy chúng tôi cùng học, không ai dạy ai.

Tôi biết rằng từ nay tôi sẽ không còn phải đứng trên bục gỗ nói những điều trái nghịch với những gì tôi đã từng nói trước đây cũng từ trên cái bục gỗ ấy. Tôi sẽ không còn phải đêm đêm chong đèn biên chép cái gọi là “giáo án” để sáng mai vào lớp đọc từng chữ như một học sinh không thuộc bài. Tôi sẽ không còn phải…, không còn phải…, không còn phải…

2.

Ở lớp ra, tôi không về thẳng nhà như mọi khi. Danh biết tôi được nghỉ việc, hẹn tôi ra quán cà phê, uống mừng một ly. Quán cà phê vỉa hè lúc sau này, mọc khắp đường phố Saigon. Ở đường Trần Quý Cáp trước trường Tư thục Tân Văn, Danh hỏi tôi:

“Này, ông định làm gì?”

“Tôi chưa biết làm gì bây giờ. Có lẽ tôi sẽ về quê. Tôi muốn nhân dịp này thăm ông anh hiện bị bệnh nặng.”

“Tôi thì không về quê. Gia đình tôi không còn ai ở dưới. Tất cả bây giờ đều tập trung ở nhà tôi. Tôi đã liên lạc được với tòa đại sứ Tây Đức. Tôi đang hi vọng sẽ được đưa cả gia đình đi Đức. Tôi tin tưởng và chờ đợi.”

“Thật tình là tôi chưa biết mình sẽ làm gì. Về quê thì được, nhưng sống bằng cách nào? Từ trước tới giờ tôi có nghề ngỗng gì đâu ngoài cái nghề đứng trên bục gỗ! Ông có khuyên tôi được gì không?”

“Tôi không dám khuyên ông điều gì đâu. Nhưng tôi nghĩ, sống ít lâu ở vùng biển cũng là điều hay. Đó là nơi dưỡng sức lý tưởng.”

Tôi hiểu ý Danh. Người Saigon bây giờ không ai là không mơ ước một chiếc ghe, một người tài công giỏi và một “bãi đổ quân” an toàn.

Tôi nghĩ đến điều đó. Nhưng tôi không thể không nghĩ đến Quỳnh và đứa con chúng tôi hãy còn quá nhỏ. Tôi cũng chờ đợi những tờ giấy bảo lãnh từ Pháp và từ Mỹ. Quỳnh bắt liên lạc với một người làm ở tòa Tổng Lãnh sự Pháp mua tờ khai sanh và cái thẻ của một công dân Pháp – đã chết - để ra vào tòa lãnh sự cho dễ. Chúng tôi muốn đi Pháp theo ngã có “giấy tờ của người đã chết” này nhiều hơn.

Tờ khai sanh tôi mua là của một người mang tên Jean-Francois Didier có cùng tuổi tôi, con của bà Trần Thị Ba và ông Maurice Didier nào đó khá mơ hồ và không có chi chắc chắn. Tôi chờ đợi để xin vào tòa lãnh sự, dù chỉ một lần thôi. Công an áo vàng đứng đầy ở cổng, còn chặt chẽ hơn bức tường cao có những mảnh ve chai nhọn. Người bán khai sanh bảo chúng tôi nên chờ. Chờ đến bao giờ? Không thấy nói.

Chúng tôi ngồi như vậy khá lâu và không biết nói gì thêm. Ly cà phê đen đã hết, chúng tôi được châm cho một bình trà. Đến xẩm tối, chúng tôi chia tay.

“Coi như kể từ ngày mai, ông không bước chân tới trường nữa, phải không?” Danh leo lên xe đạp hỏi tôi câu cuối cùng.

Tôi lên xe, nhưng phân vân không biết đi đâu về đâu. Chạy ngang qua Chợ Đủi, tôi dừng xe như một thói quen những khi buồn. Dựng xe ở dưới gốc cây. Chợ Đủi tối tăm lạnh lẽo. Tôi không thấy cái bàn quen thuộc của chúng tôi: Nhật đã đi học tập cải tạo. Cả Ký và Lộc nữa. Chỉ còn Nghĩa-King Kong, giáo sư môn Kinh tế trường Luật và bây giờ đang “thất nghiệp”, nhưng từ hôm Saigon mất đến nay tôi chỉ gặp Nghĩa có một lần trong một quán cà phê vỉa hè trên đường Tự Do. Tôi lại lên xe, tiếp tục chạy quanh thành phố. Quán Cái Chùa trên đường Tự Do đã trở thành tiệm ăn. Givral cửa kính dầy vẫn có khách ngồi, nhưng tôi biết không còn đám bạn của tôi trong đó. Tôi không gặp lại Trịnh, nhưng hôm Saigon vừa mới bị tiếp thu tôi có nghe một ca khúc của anh vang qua làn sóng điện. Tôi chỉ gặp lại Tâm, Trụ và Phùng. Vẫn Tâm khuôn mặt sạm đen, vẫn Khô-Khốc-Thiền-Sư, vẫn thở thuốc lá đen như ống khói tàu… Còn Phùng vẫn đôi kính cận màu nâu nhạt, vẫn giọng nói gấp gáp đuổi nhau từ tiếng này sang tiếng khác. Trụ, một nhân viên của hãng AP còn khốn khổ hơn chúng tôi trăm lần. Toàn vốn đã gầy ốm giờ có vẻ như càng gầy ốm xanh xao hơn.

….

Tôi chạy xuống bờ sông Saigon. Đêm lạnh lẽo. Chiếc phà chở người về Thủ Thiêm vừa tách bến. Tôi đến ngồi trên chiếc ghế đá nhìn ra chiếc tàu đang bỏ neo. Tôi thấy trước mặt tôi một bóng đen, một người đàn bà đang tỳ hai tay trên sợi xích sắt, nhìn xuống mặt nước đen. Hình như tôi nghe cả tiếng khóc. Hai bờ vai bóng đen rung lên. Tôi vẫn ngồi yên, không nghĩ ra cách nào để can thiệp nếu người kia nhảy xuống nước. Tôi cúi xuống, ngó dưới chân mình. Tôi phải làm gì bây giờ? Tôi nhìn quanh quất. Bến tàu thưa người. Tay tôi bỗng chạm một túi vải, như là một túi đựng quần áo. Tôi rụt tay lại. Hình như phía trên còn có một mảnh giấy. Tôi cầm lên, nhưng ánh sáng mờ của ngọn đèn đường trên cao không soi rõ chữ. Tôi phân vân không biết nên để lại trên túi vải kia hay mang đến chỗ sáng đọc xem trong đó viết gì. Sau cùng, tôi quyết định cầm đến chỗ đèn sáng. Tờ giấy viết:

Chồng tôi đã bỏ đi.

Con tôi đã chết.

Tôi không muốn sống.

Xin cho ba má tôi ở địa chỉ… đường Cống Quỳnh, quận nhì, Saigon biết.

Con bất hiếu,

Trần Thị Lan

Tôi chạy trở lại chỗ ngồi. Bóng đen vẫn còn đứng tỳ tay trên sợi xích sắt.

Tôi bước tới.

“Chị Lan!” Tôi kêu tên người đàn bà nhưng thầm mong chị ta không phải là tác giả bức thư trên. Nhưng bóng đen đã quay phắt lại:

“Ông… là ai?”

“Có phải chị là chị Lan không? Chị đừng làm như vậy!”

“Mà ông là ai?” Người đàn bà hỏi lại.

“Tại sao chị phải làm như vậy?” Tôi biết mình hỏi một câu hỏi thừa.

“Trời ơi, sao tôi khổ thế này?”Người đàn bà vật vã khóc, hai tay vồ lấy túi vải ôm chặt vào lòng. Tôi đứng nhìn chị, nhưng chị không buồn nhìn tôi. Lưng người đàn bà tựa vào thành ghế, nghiêng về một phía như một thân cây bị bão thổi dạt theo chiều gió.

“Nhà tôi ở gần chỗ nhà chị. Chị có muốn tôi đưa chị về không?” Tôi nhận ra đường Cống Quỳnh này gần góc Nguyễn Cư Trinh, nghĩa là gần khu Mã Lạng với khu nhà tôi.

“Cám ơn! Ông đi đi. Tôi không có nhà có cửa gì hết.” Chị nói thều thào như một người hết hơi, kiệt sức.

Chắc chị không biết là tôi đã đọc lá thư trên túi vải của chị.

Tôi quay ra mặt đường, muốn tìm một chiếc xích lô đạp. Đường vắng. Một chiếc xích lô đang nằm dưới trụ đèn đường. Một vài chiếc xe đạp đang đi ngược trên đại lộ Tự Do, nay là đường Đồng Khởi. Tôi bước đến trụ điện. Người phu xích lô đang ngồi trong xe đọc báo. Ánh sáng chiếu rõ tờ tạp chí Lettres Soviétiques. Tôi dụi mắt. Lettres Soviétiques là một tạp chí văn học của Nga viết bằng tiếng Pháp. Tôi rụt rè:

“Ông…, xin lỗi, ông có nhìn thấy người đạp xích lô đi đâu không?”

“Ông đi đâu?”

“Tôi muốn tìm người đạp xích lô!”

“Là tôi đây!” Ông nói nhẹ nhàng.

“Xin lỗi…” Tôi ấp úng.

Người “phu xe” xếp cuốn tạp chí lại. Tôi thấy một khuôn mặt xanh mướt. Chiếc kính cận che một đôi mắt khá sắc sảo. Đó là một khuôn mặt quen, hình như tôi đã gặp đâu đó một đôi lần. Một khuôn mặt rất trí thức.

“Đi đâu?” Người “phu xe” leo lên yên, sau khi đã đặt cuốn sách dưới nệm ghế ngồi.

“Tôi muốn nhờ ông đưa dùm một người đến đường Cống Quỳnh, góc Nguyễn Cư Trinh.” Tôi trả lời, nhưng mắt vẫn không ngưng nhìn ông ta.

“Mời ông lên!” Người “phu xe” giục.

“Không phải tôi! Ông có thể đi vào phía trong một chút được không?”

Tôi đi trước, người đàn ông đạp xích lô theo sau. Tôi thấy ông ta rướn lên khi nhấn chân trên bàn đạp, dù xe không có ai ngồi. Đến chỗ ghế đá có người đàn bà, tôi nói:

“Ông làm ơn đưa dùm người này về địa chỉ… ở đường Cống Quỳnh…” Người “phu xe” nhìn người đàn bà nằm rũ trên túi vải.

“Tôi muốn gửi tiền trước. Từ đây tới đó bao nhiêu?”

Người “phu xe” bước xuống, không trả lời câu hỏi của tôi.

“Chuyện gì vậy?”

“Tôi không biết. Tôi nghĩ rằng người đàn bà này đang đau khổ cùng cực. Tôi sợ bà ấy đi tìm cái chết.”

Tôi đến bên ghế, đặt tay lên vai người đàn bà. Tôi có cảm tưởng như tôi đang sờ một xác chết.

“Ông là gì của bà này?” Người “phu xe” hỏi.

“Không, tôi không là gì của bà ta hết. Ông giúp giùm tôi được không?” Tôi đưa lá thư tuyệt mệnh cho người “phu xe”.

Ông cầm đến chỗ có ánh đèn đường chăm chú đọc, xong lặng lẽ xếp bỏ vào túi.

“Tôi biết chỗ này. Thôi để tôi đưa bà ta về cho. Đừng nói chuyện tiền bạc.”

Ông ta đứng sau ghì yên cho xe khỏi chỏng gọng khi tôi đỡ người đàn bà lên chỗ ngồi. Không còn cách nào khác, tôi cho máy xe nổ, chạy thật chậm sau chiếc xích lô. Đường phố vắng, rất nhiều bóng tối. Tiếng máy xe của tôi, vang vang trong sự im lặng chết chóc làm tôi sợ. Tôi ước phải chi mình đang đi một chiếc xe đạp. Sự lặng lẽ nhiều khi cũng cần thiết. Như chiếc Lambretta nặng nề của tôi với tiếng nổ ầm ĩ của nó càng đi tốc độ chậm tiếng kêu càng to. Đôi lúc tôi phải chạy phóng về phía trước một quãng, dừng lại, chờ cho chiếc xích lô đi qua, rồi mới lại chạy tiếp. Tôi thấy mình không thể nào để người đàn bà kia ở giữa đường. Chẳng thà mình không nghe, không thấy, không biết, đằng này… đi ngang qua những “kiosques” bán hoa đường Nguyễn Huệ, tôi thấy cửa đóng then cài. Vòng trái đường Lê Lợi, còn một vài xe bán bánh mì đêm với ngọn đèn leo lét. Và chợ Bến Thành, bùng binh có tượng Quách Thị Trang, tôi thấy sao mà lạnh lẽo. Trạm ga xe lửa ở đường Lê Lai vẫn đầy những người ngủ trên thềm xi măng. Một vài túp lều dựng sơ xài vội vàng bên hông hãng xe Vespa. Băng qua một đường rầy xe lửa đường Võ Tánh. Rạp Khải Hoàn đang chiếu một cuốn phim có cái tên kỳ lạ: Sáu Người Từ Trên Trời Rơi Xuống. Bên kia là chợ Hòa Bình. Còn một chiếc xe mì xực tắc của người Tàu. Lòng chợ tối om. Quẹo trái là Cống Quỳnh. Tôi chạy trước dò đường. Số chẵn bên trái. Tôi đếm từng số nhà.

“Đây rồi!” Tôi dựng xe trước một căn nhà có cửa sắt, chờ chiếc xích lô.

“Có phải nhà này của chị không?” Tôi bước tới nghiêng đầu hỏi, trong khi người đạp xích lô rướn mình kéo cần thắng.

Người đàn bà mở mắt, ngồi thẳng dậy, ngó chăm vào mặt tôi, không buồn trả lời. Tôi không hiểu cái nhìn đó có ý nghĩa gì. Chị bước xuống. Đến trước cửa sắt, chị luồn tay vào trong bấm cái nút chuông. Và không lâu, tôi nghe tiếng lách cách, cánh cửa trong mở ra, một cái đầu tóc bù xù bạc trắng ngó người đàn bà:

“Trời ơi! Trời ơi!...” Tiếng kêu nhỏ run rẩy, hai bàn tay của người già cũng run rẩy loay hoay với chiếc chìa khóa.

“Má ơi! Má ơi!...”

Sau cùng tôi nghe tiếng người đàn bà thảng thốt.

Tôi cảm thấy có một bàn tay ai đặt lên vai tôi. Tôi quay lại, người đạp xích lô nhìn thẳng vào mặt tôi:

“Tôi tên là Nam.”

“Tôi tên là Thăng.” Tôi trả lời như một phản xạ tự nhiên đến nổi tôi không hiểu tại sao mình đã nói nhanh như vậy.

Và chúng tôi chia tay.

Bụi & Rác – Chương Năm

Ông Anh

Khi tôi về đến đầu ngõ, cả khu Mã Lạng bỗng tắt điện bất ngờ. Tôi nghe tiếng người nói ồn ào ở rạp Quốc Thanh. Hồi sáng, khi chạy xe ngang, tôi thấy rạp dựng bảng đoàn kịch Kim Cương trình diễn vở Dưới Hai Màu Áo. Có lẽ khán giả đang bực mình vì vở diễn bị ngưng nên túa ra trong vòng cửa sắt hút thuốc, uống nước, tìm chút không khí. Tôi tắt máy xe, dắt bộ xuống con hẻm. Hai dãy nhà ngó mặt nhau trong đêm với những cánh cửa sổ như được mở đồng loạt khiến tôi có cảm tưởng là mình đang bị những cặp mắt vô hình theo dõi, soi mói. Dựng xe ở hiên nhà, tôi ngạc nhiên thấy cửa không đóng. Phòng khách tối, nhưng bên trong, nơi được dùng làm phòng ăn và buồng ngủ, tôi thấy ánh sáng leo lét của một ngọn đèn dầu.

“Ảnh về kìa!” Tôi nghe tiếng Quỳnh nói. “Vô đây anh.”

“Chào chú mày!” Tôi nghe tiếng nói của một người đàn ông, giọng cứng và lạnh.

Tôi đến cửa hông, dừng lại.

“Chào ông.” Tôi trả lời, hơi bỡ ngỡ không hiểu người đó là ai.

“Anh Mười. Đây là Thăng, chồng em.” Quỳnh giới thiệu tiếp, “Anh Mười Tân, là con ông bác của em!”

“Thưa anh.” Tôi chào nhưng tôi không hiểu gì. Tôi nhớ lần trước, Quân nói, ông Mười Tân là con ông bác của hắn mà! Tôi bối rối.

“Đi đâu cả ngày bây giờ mới về, mậy?”

Bất ngờ, tôi nghe tiếng nói của Quân. Hắn ngồi trong ghế sát cửa sổ, mở ra sàn nước, nhưng vì ngọn đèn dầu không đủ ánh sáng, nên tôi không nhìn ra hắn.

“À, đi lăng quăng…” Tôi trả lời.

Ông Mười Tân vẫn ngồi yên, chỉ có đốm lửa đỏ trên đầu điếu thuốc sáng rực lên và dịu xuống từng lúc.

“Chắc mày không hiểu mối liên hệ gia đình phải không? Hôm trước anh Mười dặn tao nói anh Mười là con ông bác tao là muốn để bất ngờ cho Quỳnh và mày đó con à! Anh Mười chính là bà con chú bác của Quỳnh, ảnh muốn coi bọn mày sống ra sao?”

Ông Mười Tân một nhân vật quyền lực của chế độ mới là con của ông bác Quỳnh, thế nhưng ba của Quỳnh thì mới vừa bị đưa vào trại cải tạo sau khi nhà cửa bị niêm phong? Tôi không hiểu.

“Tại sao xin nghỉ dạy?” Ông Mười Tân hỏi tôi một câu trống trơn.

Tôi ngồi xuống mép giường. Tôi chưa biết trả lời sao cho ông Mười Tân rõ. Tôi biết người đang nói chuyện với tôi là một đảng viên Cộng sản, một nhân vật quyền lực của chế độ mới. Tôi cũng biết, theo như cách nói của Hiên, hiệu trưởng của nhà trường “cách mạng”, Mười Tân là “thủ trưởng của thủ trưởng” của y nữa kia. Có lẽ, Mười Tân đã được báo cáo về trường hợp xin nghỉ của tôi, theo một cách nào đó như kiểu tờ trình của Hiên gửi lên Sở Giáo Dục Thành Phố mà Sự đã cho tôi một bản sao. Tôi không nghĩ là ông ta đang nói như một người anh họ của người đàn bà đang sống với tôi. Ông Mười Tân đang nói như chính cái chế độ của ông nói:

“Thưa anh,…” tôi chậm lại, “tôi thấy công việc dạy học không thích hợp với tôi.”

“Không thích hợp tại sao trước đây chọn nó?” Mười Tân tiếp tục hỏi trống trơn, giọng nhẹ nhàng.

“Chắc mày dạy cái môn triết lý bá láp này cũng hơn mười năm rồi phải không?” Quân chen vào. “Duy tâm! Duy tâm! Hỏng hết!”

“Em không hiểu sao anh Quân hồi này nói năng lung tung quá!” Quỳnh đứng dậy đặt con vào nôi, vừa buông màn vừa nói, “Ở đời ai chẳng chọn lựa, chọn sai thì đổi, có sao đâu!”

Mười Tân không nhìn tôi. Ông vừa liếc mắt về phía Quỳnh vừa châm thêm một điếu thuốc. Có vẻ ông là người ghiền thuốc hạng nặng.

“Em có biết là cái thái độ xin nghỉ việc của chồng em trong tình hình củng cố và xây dựng chính quyền cách mạng là một thái độ mang ý nghĩa phản kháng chế độ này hay không?” Mười Tân nói giọng nhỏ nhẹ mềm mỏng hơn. “Vả lại,” ông đột nhiên dịu giọng, “rồi tụi bây sẽ làm gì để sống trong những ngày sắp tới?”

“Em sẽ đi buôn bán như hồi má em còn sống!” Quỳnh trở lại giường, ngồi sát chỗ tôi.”

“Hừ! Buôn bán! Chế độ này không có chỗ cho cái bọn con buôn cân thừa bán thiếu đâu. Bây giờ mà má em còn sống, má em cũng phải dẹp tiệm chứ đừng nói em!” Quân nói như thuộc lòng.

“Thế còn cái tiệm vàng của ba má anh ở trên đường Thủ Khoa Huân thì sao? Anh quên cái bọn con buôn cân thừa bán thiếu kia lâu nay nuôi anh ăn học ra trường như thế nào sao?” Quỳnh bất ngờ xẵng giọng. “Anh theo cách mạng hồi nào vậy?”

“Thôi em!” Tôi choàng tay qua vai Quỳnh.

“Thì anh cũng để em nói với ảnh một lần cho ảnh biết chớ!”

Khi mới quen Quỳnh, tôi không mấy rõ về gia đình cô. Lần đầu hẹn nhau ở Givral, chúng tôi vừa gọi cà phê thì Quỳnh bỗng nhìn tôi lo lắng. “Có lẽ mình phải đi quán khác đi anh.” “Tại sao?” Quỳnh không trả lời. Cô nhích ghế đứng dậy. Tôi vẫn không hiểu gì hết. “Đi, anh!” Quỳnh thúc. Cà phê chưa mang ra. Tôi đặt tiền trên bàn, bước theo Quỳnh. Nhưng đúng lúc cửa kính mở, một người đàn ông tóc bạc trắng, bước vào. Theo sau là mấy phóng viên nhà báo, trong đó có Lý, ký giả tờ Chính Luận, bạn tôi. Quỳnh nói với tôi: “Ba em kìa anh!” Đó là lần đầu tiên tôi giáp mặt ba của Quỳnh, một nghị sĩ vẫn thường được báo chí nhắc đến như một nhân vật đối kháng.

Mười Tân ngồi im lặng khá lâu, bập bập điếu thuốc trên môi. Tôi thấy mắt ông ngó xuống mặt bàn, những ngón tay ông gõ nhịp đều đặn trên thành gỗ. Tôi có dịp nhìn kỹ ông. Một mái tóc gần như đã bạc trắng. Một khuôn mặt nhô xương. Hai con mắt vẫn còn sáng. Một vết sẹo lớn trên trán kéo xuống tận mắt trái chẻ ngang đường chân mày.

“Về trường hợp của chú”, ông Mười Tân ngừng lại một lúc, “anh muốn nói ba của em, việc học tập cải tạo là rất cần thiết. Đồng chí Bí Thư Tỉnh Ủy Phú Khánh là bạn của anh, nhưng anh không muốn can thiệp vụ này. Muốn làm việc lớn người ta phải biết đặt tình cảm cá nhân qua một bên. Vả lại đối với cách mạng chú còn nhiều lợn cợn cần phải làm cho sạch. Chánh sách nhà nước là luôn luôn khoan hồng đối với những ai biết nhận ra lẽ phải…” Tiếng nói ông Mười Tân dịu mà mạnh. Tôi thấy rõ mắt ông tiếp tục chiếu thẳng về phía Quỳnh.

“Vậy theo anh Mười thì điều anh Quân nói là đúng hay sao? Buôn bán là một tội lỗi à? Cả cái thế giới này đều là tội lỗi hết trơn hết trọi sao? Còn mấy người trong sạch sống với ai?” Quỳnh nói.

“Tất nhiên buôn bán không phải là cái tội. Nhưng vấn đề là buôn bán như thế nào, buôn bán cái gì, ai buôn bán, buôn bán với ai, thì mới có thể nói là có tội hay không có tội. Dù sao tư sản đã là có tội. Nhưng thôi…” Ông Mười Tân ngập ngừng, “chẳng lẽ anh phải nói là chính em cũng nên đi học tập cho thông suốt đường lối chính sách của Nhà Nước.”

“Em đã vào sinh hoạt trong Hội Trí Thức Yêu Nước. Em tin là em hiểu rõ đường lối chính sách của Đảng và Nhà Nước.” Quân nói chen vào, “còn mày, Thăng, tại sao tao không thấy mày xuống Hội sinh hoạt với anh em?”

“Tôi à?” Tôi cố nhướng to mắt nhìn xem Quân nói với một vẻ mặt như thế nào, nhưng bóng tối đã cho hắn chiếc mặt nạ quá tốt. “Bộ anh nghĩ tôi xứng đáng là một người trí thức sao?”

“Đây không phải là lúc để cãi nhau.” Ông Mười Tân ngừng gõ tay lên mặt bàn, lấy điếu thuốc ra khỏi môi. “Anh nghĩ là Quân chưa biết gì về chính sách Đảng và Nhà Nước ta đâu. Chính mấy ông Chủ Tịch và Phó chủ tịch của Hội cũng cần phải sinh hoạt nhiều mới nắm được đường lối chính sách của Đảng ta. Nhưng thôi…”, đột nhiên ông Mười Tân đổi giọng, “hôm nay anh đến đây cốt để thăm cháu, để xem mấy đứa bây sinh sống ra sao. Anh mừng vì thấy Quỳnh không dính líu gì với chế độ ngụy, không phản động, không …” Ngừng một đỗi, ông tiếp, “nhưng trường hợp Thăng, tôi muốn nói một điều…” ông đổi giọng, bất ngờ xưng là tôi, “đời sống của Thăng là không tốt. Tôi có trong tay báo cáo đầy đủ về mối liên hệ của Thăng và gia đình tên Phan, một trong mấy tay phản động gộc của ngụy quyền. Nhưng tôi không nghi ngờ hành vi của Thăng. Một người như cậu Thăng đây không làm được cái tích sự gì ngoài cái thẩm mỹ học của cậu đâu…”

Tôi không hiểu ông Mười Tân ám chỉ điều gì khi nói đến chữ thẩm mỹ học, “Quân có nói với tôi về đám bạn bè văn nghệ của Thăng. Thật tình, tôi không hiểu tại sao đi dạy học mà chỉ chơi với đám văn nghệ là thế nào? Và bây giờ sao tự nhiên xin nghỉ dạy? Đã có một việc làm gì khác chưa? Hay là muốn đi kinh tế mới?” Ông Mười Tân bất ngờ đứng dậy ngay khi vừa dứt câu, “Có lẽ tôi phải đi. Tôi có một buổi nói chuyện ở Thành đoàn.”

Quân cũng đứng dậy đi theo ông Mười Tân.

“Ừ, hay là mày đi kinh tế mới đi!” Quân đập tay lên vai tôi.

“Anh không cần nói tôi cũng biết anh nghĩ gì mà!” Quỳnh mỉa mai. Cô đứng dậy kéo tay tôi đi theo. Đến cửa, ông Mười Tân quay lại phía chúng tôi.

“Rất tiếc! Rất tiếc!”

Và ông quày quả bỏ đi. Quân lọt tọt theo sau. Ngay lúc đó, tôi thấy có hai bóng đen ở cuối ngõ hẻm đi nhanh tới, một người lách ra trước ông Mười Tân, và một người đi sau lưng ông. Như một yếu nhân của một chế độ, Mười Tân được bảo vệ quá cẩn mật. Và bỗng nhiên chữ “rất tiếc!” của Mười Tân vọng lại làm tôi nổi da gà.

“Thôi vào nhà đi em!” Tôi ôm vai Quỳnh.

Quỳnh vẫn nắm chặt tay tôi.

“Em lo quá anh à! Liệu nhà mình có phải đi kinh tế mới không?”

“Đi thì đi. Nhưng đừng lo! Anh đang tìm một việc làm ở công trường An Biên.”

“An Biên? Anh làm gì ở đó? Sao em không nghe anh nói chuyện này với em!”

“Anh chưa nói với em vì chiều nay anh mới nói chuyện với một người trung gian. Anh sẽ làm tài xế lái xe ủi đất...”

“Lái xe ủi đất? Anh lái xe ủi đất và anh bỏ mẹ con em ở nhà một mình sao?”

Quỳnh nhắc lại chuyện tối qua, khi cả xóm bị khích động bởi tiếng kêu la giữa khuya của căn nhà đâu lưng bên kia hẻm. Một phụ nữ và một thanh niên bị trói thúc ké dẫn về đồn công an. Cả hai không một mảnh vải che thân. Người ta nói công an đã xông vào nhà bắt khi hai người này đang làm tình, vì họ không phải là vợ chồng. Chế độ mới nhân danh đạo đức, bài trừ tệ đoan xã hội, nhưng người ta nói chính tên công an áo vàng theo tán tỉnh người phụ nữ kia không được, nên quyết tâm theo dõi tìm cách trả thù người đàn bà này. Quỳnh nhắc lại chuyện tuần trước khi tôi chở hai mẹ con đi bác sĩ bị một tên công an bắt ngừng xe chĩa súng vào đầu hỏi chứng minh nhân dân. Chờ cho hắn ngưng nạt nộ, Quỳnh hỏi tại sao xét giấy chúng tôi, tên công an trả lời: “Bởi vì anh đeo kính đen. Ngụy quá!”

Tôi nghe hơi thở rất nhẹ của Quỳnh. Mùi bồ kết trên tóc em tràn ngập khứu giác tôi. Tôi nhớ mẹ tôi. Bầu trời đêm tối đen không một ánh sao. Tôi ước gì ngay bây giờ một trận mưa thật lớn dội xuống con hẽm này để được nghe tiếng gọi của bà con cả xóm ra tát nước.

Cả khu Mã Lạng vẫn còn chìm trong đêm Saigon thiếu điện.

Tôi không nhìn thấy chút ánh sáng nào.

Bụi & Rác – Chương Sáu

Hai Người Khách

“Cậu Thăng! Cậu còn nhớ em không?”

Cô gái đứng trước mặt tôi đặt cái bọc lớn xuống thềm nhà, lột chiếc khăn rằn quàng cổ cầm tay.

“Tám phải không? Em đi đâu mà biệt tăm biệt tích vậy?”

Tôi nhận ra ngay cô gái ở Cái Sắn từng giúp việc nhà cho chúng tôi gần một năm trời từ khi Quỳnh về sống chung với tôi ở khu Mã Lạng này. Tôi không nhớ ai đã giới thiệu Tám cho Quỳnh, chỉ biết một hôm ở sở về, tôi thấy một cô gái nhỏ nhắn, sạch sẽ đang dọn cơm. “Anh, em mới mượn được Tám đến phụ em.” Quỳnh giới thiệu. “Chào cậu.” Cô gái nhỏ thó mặt tròn bầu, hai con mắt sáng, lễ phép. “Chào Tám.” Tôi chào và có phần ngạc nhiên vì trước đó không hề nghe Quỳnh có ý mượn người giúp. Vả lại, nhà nhỏ như một ngón tay út thế này thì còn chỗ đâu cho một người nữa. “Tám ở dưới Cái Sắn. Bà Sáu xóm trong thấy em nặng nhọc nên tìm giùm em. Dì Út của Tám là bạn của bà Sáu.” Quỳnh tóm tắt mấy nét về lai lịch của cô gái nhỏ này. Tôi không hiểu gì mấy ngoài bà Sáu có bà bạn là bà Út, dì của một cô bé tên là Tám.

Đối với tôi, Tám là một người giúp việc sạch sẽ gọn gàng, ngăn nắp. Tôi coi Tám như một đứa em trong nhà. Bởi vì công việc không có chi nhiều ngoài việc giặt giũ, nấu nướng và sắp xếp cho khỏi luộm thuộm trong một căn nhà nhỏ, quá nhỏ, của hai người vừa mới lấy nhau, nên Tám có nhiều thì giờ rảnh rỗi. Thỉnh thoảng tôi thấy Tám đọc sách, những cuốn mà đám bạn tôi ký tặng mỗi khi in xong. Nhiều lần tôi hỏi Tám có muốn đi học lớp đêm không, cô gái từ chối. Suốt trong thời gian đó, tháng nào Tám cũng nhờ tôi hoặc Quỳnh mua giùm thuốc tây nhiều loại, đặc biệt là trụ sinh, nói là gửi về dưới quê vì có người nhà bị bệnh cần. Tôi còn nhớ đâu vào khoảng gần Tết ta, đầu năm Bảy Lăm, Tám nhờ Quỳnh mua một số lượng thuốc trụ sinh khá lớn, nói là nhân dịp về quê ăn Tết mang một lần cho bõ công. Sau đó không bao giờ Tám quay lại. Chúng tôi không biết tin tức gì, mà hỏi bà Sáu thì bà cũng mù tịt nói không biết đâu mà lần.

“Cậu, cô có khỏe không?”

“Vào đây Tám. Cô có em bé rồi!” Tôi mở rộng cánh cửa cho Tám vào.

“Em mang gạo lên cho cô và cậu.” Tám ngăn khi tôi cúi xuống kéo cái bọc. “Đừng, cậu để em.”

“Trời ơi! Tám đó hả?”

“Cô Quỳnh!”

Hai người phụ nữ ôm chầm lấy nhau.

“Cô có khỏe không? Em bé tên gì vậy cô? Em dễ thương quá!” Tám ẵm bé lên, áp má mình vào má bé.

“Trời ơi, nó giống cô cách gì!”

“Tám lên đây hồi nào?” Quỳnh hỏi.

“Em vừa mới lên. Em cứ sợ cô cậu đã đi mất tiêu rồi. Em mừng thấy cô cậu vẫn còn ở đây.”

“Vậy chớ Tám tưởng là tụi này đi đâu?” Tôi làm bộ hỏi.

“Em tưởng cô cậu đã đi Mỹ. Trên này nhiều người đi Mỹ lắm mà!”

“Ừ, thì cũng có người đi, cũng có người không.” Bỗng nhiên tôi khựng lại. Tôi cảm thấy có gì khác lạ nơi cô gái nhỏ nhắn này.

Sau ngày Saigon thất thủ, nhiều gia đình không còn người giúp việc. Bà tổ trưởng dân phố trong một buổi họp nói rằng chế độ này không chấp nhận cảnh “người bóc lột người”, “không có chủ và tớ”, không còn “chủ nhân và nô lệ”, muốn ăn thì phải lăn vô bếp, không ai được phép ngồi một chỗ chỉ tay năm ngón sai khiến người khác. Bà tổ trưởng nhà ở đầu xóm, cũng là dân Saigon, trước đây làm nghề móng tay.

“Tám ở trên này chơi với em bé mấy bữa được không?” Quỳnh hỏi.

“Dạ!” Cô gái ngập ngừng, “em cũng muốn lắm, nhưng bà chị em làm việc ở dưới quận Năm bắt em phải về với chỉ.” Tám nói nhỏ nhẹ.

“Bà chị của Tám làm việc gì ở quận Năm?” Quỳnh hỏi lại giọng ngạc nhiên.

“Chị Hai em làm chủ tịch quận. Với lại em cũng không ở trên này lâu được. Em có việc ở dưới quê. Nghỉ lâu lúc này không được. Em sợ bị kiểm điểm lắm!”

“Như vậy Tám cũng là cán bộ?” Tôi biết mình hỏi một câu hỏi thừa.

“Dạ… Em… đem gạo lên cho cô cậu. Gạo ngon lúc này hiếm. Chắc lâu lâu khi nào có dịp em sẽ lên thăm em bé.” Tám nói lảng sang chuyện khác. “Mà cậu vẫn đi dạy phải không?”

“Không. Tôi đã nghỉ dạy lâu rồi.”

“Vậy cậu có tính làm gì không?”

“Chưa. Bây giờ thì chưa, nhưng có lẽ đầu tháng này tôi sẽ đi Sóc Trăng. Tôi sẽ làm việc ở một công trường dưới đó.”

“Còn cô? Cô mà đi làm nữa thì ai coi em bé?”

“Tôi chưa tính được. Nhưng có lẽ cũng phải kiếm việc chi làm, chớ ở không thế này cũng đâu có được.” Quỳnh nói.

Tám đặt bé xuống nôi, lấy gạo trong bao ra trút vào khạp.

“Trời ơi, khạp không còn một hột gạo. Cô chưa mua gạo lấy gì nấu cơm?” Tám ngạc nhiên kêu lên.

“Thì tôi cũng định đi chợ sáng nay đó chớ. Từ hồi cậu nghỉ dạy đâu còn mua được nhu yếu phẩm của cơ quan nữa.”

“Em thấy cô có vẻ mệt. Để em nấu cơm cho cô một bữa. Chiều em xuống chị Hai cũng được.” Tám nói nhanh nhẹn.

Tám làm cơm giỏi, chỉ một loáng là đâu ra đó. Tôi biết bữa ăn đạm bạc đâu có gì phải nấu nướng lâu lắc chi, nhưng dù sao “con bé này giỏi thật”, tôi nghĩ vậy.

Trong suốt bữa ăn, Tám ngồi xới cơm và kể chuyện dưới quê. Hồi còn giúp việc nhà cho Quỳnh, Tám vẫn ăn cơm cùng lượt với chúng tôi, chớ không mâm trước mâm sau gì cả.

“Em làm cán bộ mà tới chức gì lận?” Quỳnh ngừng đũa hỏi Tám.

“Ối, không có gì đâu cô”, Tám có vẻ mắc cỡ “thì mấy chú, mấy bác, mấy ảnh biểu sao em làm vậy mà. Em có biết ất giáp gì đâu.”

Tôi cố tin là Tám nói thật. Cô bé chưa kịp lớn để có một suy nghĩ độc lập, tất cả những gì Tám làm là cho “mấy ảnh, mấy chú, mấy bác” sắp đặt.

“Chừng nào cậu đi Sóc Trăng?” Tám vừa xới cơm cho Quỳnh vừa hỏi.

“Chưa biết, có thể đầu tháng tới.”

“Mà cậu sẽ làm cái gì ở dưới đó?”

“Tôi lái xe ủi đất ở công trường An Biên.”

“Cậu mà lái xe ủi đất?” Tám hỏi giọng ngạc nhiên.

“Ừ, lái xe ủi đất thì đâu có gì khó.”

“Nhưng mà… sao cậu không tìm cái việc gì khác trên này mà làm, thiếu giống gì việc làm, sao lại đi lái xe ủi đất?”

“Thôi đừng bàn chuyện đó nữa.” Quỳnh cắt ngang “Tám nhất định không chịu ở chơi vài bữa phải không?”

“Không được đâu cô! À, mà có tiếng ai gõ cửa kìa cô!” Tám đứng dậy bước ra phòng khách. Tôi cũng có nghe tiếng động như có ai bước hẳn vào trong nhà.

“Xin lỗi ông hỏi ai?”

“Tôi muốn biết đây có phải nhà ông Thăng không?” Giọng một người đàn ông.

“Dạ phải. Xin mời ông ngồi.”

Tám quay vào bàn ăn. Không cần hỏi khách là ai, gặp tôi có chuyện gì. Tám nói.

“Cậu có khách, cậu à?”

“Ai vậy?” Quỳnh hỏi.

“Em không rõ.”

Tôi đặt bát cơm xuống, đứng dậy, bước ra. Tự nhiên cảm thấy có một cái gì nôn nao khác lạ.

“Chào ông!” Tôi nói với người khách lạ.

“Ông là ông Thăng?” Khách hỏi.

“Dạ phải, tôi là Thăng!” Tôi nhìn khách.

Đó là một người đàn ông gầy ốm, khuôn mặt nhô xương, quần áo đúng là của bộ đội, màu vàng do bị nắng và mưa làm phai nhạt đi, mép áo đã sờn. Ông cầm chiếc nón cối trên tay, xoay qua xoay lại. Cả quần lẫn áo đều nhăn nhúm. Đôi dép ông mang làm bằng một thứ nhựa trong màu vàng đục.

“Tôi tên là Phú.” Khách tự giới thiệu.

“Chào ông Phú.” Tôi nhắc lời chào thêm một lần nữa và vẫn chưa hiểu khách là ai. “Xin mời ông ngồi.”

Tám tự động mang bình trà và rót hai ly để trên bàn. Khách đã yên chỗ.

Tôi chờ đợi.

“Tôi là bạn của anh Thúc.” Khách nói.

Thúc là anh tôi.

Năm Bảy Hai, anh Thúc tôi bị thương nặng trong một trận đụng độ ở Đông Hà. Ở Tổng Y viện Cộng hòa ra, anh được lệnh giải ngũ. Anh Thúc ngồi xe lăn, không nói được, muốn trò chuyện với ai phải ra dấu hoặc viết xuống mặt giấy, mà phải viết bằng tay trái, chữ lăn quăn rất khó đọc. Bạn bè đồng đội anh khá đông. Nhiều người đến thăm anh. Phần lớn tìm cách giúp chị và các cháu. Sau Bảy Lăm, con trai lớn anh đóng lon đại úy, bị bắt đi học tập cải tạo. Thằng kế đóng lon trung úy, cũng bị đưa đi trại tập trung. Anh liệt giường, thuốc men lúc có lúc không. Đôi khi có thuốc thì không đủ tiền mà mua.

Khi chạy vạy được tiền thì thuốc không có. Chị Thúc vừa nuôi chồng, vừa bới xách quà thăm nuôi hai đứa con trai ở hai trại cách xa nhau hàng mấy trăm cây số. Chị đầu tắt mặt tối, tất tả ngược xuôi như một bà già, mặc dầu tuổi tác chị chưa đến nỗi nào như vậy. Tháng trước chị biên thư cho tôi nói bịnh tình anh Thúc bây giờ hết thuốc chữa. Anh đau đớn lắm. Cả nửa thân người tê liệt, trăn trở không được, da thịt bị tấy lên, hôi thối. Cả nhà thương anh và khổ vì anh. Anh nói anh chỉ muốn chết cho xong, không phải phiền lụy ai. Tôi có bàn với Quỳnh có lẽ mình phải về quê một chuyến thăm anh chị Thúc.

“Anh là bạn anh Thúc?” Tôi hỏi lại.

“Vâng, tôi là bạn học của anh Thúc từ hồi nhỏ kia. Tôi tập kết ra Bắc năm Năm Tư…” Khách nói, mắt chiếu thẳng vào mắt tôi. “Hơn hai mươi năm tôi mới gặp lại anh ấy. Tôi vừa đi thăm anh Thúc trên đường vào Saigon. Chị Thúc nhờ tôi đến gặp chú.” Khách đổi cách xưng hô, “cho chú hay là cô chú cố gắng thu xếp về thăm anh Thúc một lần cuối.” Khách ngập ngừng, “có lẽ anh Thúc không qua khỏi.”

Tôi ngồi nghe, lặng người. Tôi biết tình trạng sức khỏe của anh tôi kéo dài từ Bảy Hai đến nay đã là những ngày nằm chờ chết. Có lẽ anh đã chết từ những ngày Sài Gòn vừa mất, khi các con anh bị bắt đi học tập cải tạo, và cả chính anh cũng bị chính quyền mới cho người đến tận nhà điều tra xem bệnh thật hay giả, có đủ sức đi học tập cải tạo không.

“Tôi nói vầy sợ không phải, nhưng chú nên hiểu, anh Thúc thế là may. Nếu anh ấy không bị bán thân bất toại, nằm chờ chết trong nhà bên cạnh vợ con, thì có lẽ anh ấy cũng nằm chờ chết trong một trại cải tạo nào đó ngoài Bắc.”

Tôi nhìn khách, không rõ lắm ý anh ta. Anh nói như vậy là đứng từ góc độ nào ngó về cái sống và cái chết của anh Thúc. Bệnh tình như chỉ mành treo chuông, không biết đứt lúc nào mà vẫn còn may (?). Hóa ra có những cái còn tồi tệ hơn cái chết sao.

“Tại sao chú không đi?” Khách đột ngột hỏi. Và đó là lần thứ hai trong ngày tôi nghe câu hỏi này.

Tôi chưa biết trả lời sao. Tôi chưa hề quen người khách lạ này, mặc dù tôi biết rõ chắc chắn một trăm phần trăm khách là cán bộ. Chiếc nón cối đã cũ, vải bị tưa ra ở mép, bộ quần áo vàng bạc màu, đôi dép nhựa trong, khách đã có sẵn nơi anh ta tấm lá chắn mà người Sài Gòn phải dội lại khi trò chuyện.

“Tôi có người em tên Quý, nó mang cấp bậc đại úy Hải quân, đã đi được rồi. Cũng may, nếu nó còn kẹt lại, coi như vô phương cứu chữa.”

Tôi cố hiểu ý nghĩa thật lời nói của người khách. Tôi bưng ly trà lên uống một ngụm. Khách cũng bưng ly nước lên môi. Và tôi nhìn kỹ ông ta một lần nữa. Ông khá gầy, người nhỏ thó, xương hàm bạnh ra, hai gò má hóp. Tôi thấy ông ngó chăm về phía trái tôi, phía có một kệ sách. Sau vụ gọi là tịch thu “văn hóa phẩm phản động và đồi trụy” của chế độ cũ, tôi còn giữ lại được một số sách, loại khảo cứu. Thật ra lúc đến xét nhà, những người Ba Mươi Tháng Tư đồng loạt tịch thu hết, bất cứ ấn loát phẩm nào do Sài Gòn in lẫn sách của Tây phương, nhưng do trong nhóm này có một học sinh cũ của tôi, tôi được cho lại một số. Những cuốn sách này tôi vừa muốn giữ lại vì tiếc nuối, vừa muốn thải đi vì thân mình còn không giữ được nói gì những cuốn sách.

“Kệ sách của chú hơi trống nhưng chú có nhiều sách quý quá!”

Khách vừa nói vừa đứng dậy bước gần kệ, mắt dán sát vào các gáy sách. Ngón tay rà lên từng đề tựa, thỉnh thoảng dừng lại ở một cuốn. Bất thình lình, khách rút ra một quyển, lật từng trang, ngó chăm chú vào một tấm ảnh rồi xếp sách lại, đặt vào chỗ cũ.

“Anh có thích những cuốn này không?” Tôi hỏi.

“Có nhiều cuốn tôi thích lắm. Quyển tự điển những nhà văn Pháp viết bằng tiếng Pháp, đây là quyển tôi rất cần.”

“Nếu anh muốn xin anh cứ tự nhiên.” Tôi nói

“Chú cho tôi mượn được chừng bao lâu?”

“Anh cứ lấy hết những cuốn nào anh cần và giữ luôn cũng được.” Tôi nói dửng dưng.

“Cảm ơn chú Thăng! Cảm ơn chú Thăng! Trời ơi, tôi định đi chợ trời kiếm mấy cuốn này đấy. Xin cảm ơn chú!”

Phòng khách tôi vốn đã quá nhỏ, cái kệ sách choán hết chỗ, có lẽ dọn quách đi trống chừng nào đỡ chừng đó, để còn có chỗ cho con bò quanh quẩn.

Có tiếng đứa bé khóc. Tôi nghe tiếng Quỳnh lắc lắc chiếc nôi. Tôi sực nhớ bữa cơm ăn dở chừng. Tôi nói với khách.

“Gặp bữa, xin mời anh dùng cơm với tụi này.”

“Cảm ơn chú. Tôi cũng đang đói quá. Đi bộ từ ga xe lửa tới đây. Tôi chưa kịp ăn gì.” Khách tự nhiên.

Tôi xấu hổ vì quên mời khách. Tôi đứng dậy, khách đứng lên theo.

“Em, đây là anh Phú, bạn của anh Hai. Và đây là Quỳnh nhà tôi.” Tôi giới thiệu khách.

“Chào cô! Cô chú có căn nhà xinh xắn quá!”

“Không dám. Xin chào anh.” Quỳnh ngẩng đầu lên, tay vẫn không ngừng lắc lắc chiếc nôi cho thằng bé ngủ.

Khách ngồi xuống ghế.

Tám dọn bàn ăn, đặt bát đũa mới cho chúng tôi.

“Hình như cô Quỳnh có ông anh là đồng chí Mười Tân?” Khách hỏi, mắt hướng về phía Quỳnh.

“Dạ phải. Anh Mười Tân là con của ông bác tôi.” Quỳnh trả lời bình thường, không hăng hái lắm.

“Đồng chí Mười Tân là người trong Mặt Trận, một cán bộ lãnh đạo cao cấp lắm, cô chú có biết không?”

“Không. Tụi em đâu biết gì. Hôm trước ảnh có ghé thăm lần đầu, nhưng bọn em không nghe ảnh nói gì.” Quỳnh nói.

“Ở ngoài Hà Nội, chúng tôi thỉnh thoảng có đọc bài của đồng chí Mười Tân. Theo tôi, đồng chí ấy là một người rất sâu sắc và rất … rất cực đoan” khách ngừng một lúc, ngó tôi rồi tiếp “đồng chí Mười Tân là một người không biết đi lui…”

Cả Quỳnh và tôi bỗng rụt lại, im lặng chờ nghe khách nói.

“Trung ương không đánh giá cao đồng chí Mười Tân. Tính cực đoan quá khích của đồng chí ấy khiến nhiều khi cánh cửa của Trung Ương vừa mới mở ra định cho đồng chí ấy vào, đã phải đóng lại.”

“Tôi không hiểu gì hết.” Tôi nói, tay cầm đũa lên mời khách.

“Rồi cô chú sẽ hiểu thôi. Liên hệ ruột thịt với đồng chí Mười Tân có thể là cái may, cũng có thể là cái rủi, dù cô chú sống ở đâu.” Khách tiếp “Mời chú!” Khách cầm đũa lên.

Khách ăn tự nhiên, ăn nhiều, món nào khách cũng khen ngon.

“Chú tính bao giờ thì về quê thăm anh Thúc?” Khách ngừng đũa.

“Tình hình này chắc tôi phải đi ngay. Quỳnh có cháu bé chắc đi xe lửa không tiện. Tôi sẽ đi một mình.”

“Có lẽ em cũng phải đi, mang con theo. Nếu chẳng may anh Thúc qua đời, em sợ bị gia đình anh trách.” Quỳnh quay lại nói.

“Theo tôi cô chú nên đi về một chuyến. Nha Trang là thành phố có biển. Cũng tiện đôi ba bề.” Khách nhắc nhở một câu mà tôi cho là đầy ẩn ý.

Tôi cầm đũa tiếp khách, nhưng không cách nào nuốt nổi chén cơm. Chỉ trong một ngày tôi tiếp hai người. Một cô bé nằm vùng, cứ cho là như vậy đi, và một ông cán bộ tập kết. Người nào cũng hỏi một câu tại sao không đi, tại sao chưa đi. Đi hay ở? Ở lại trong sự ngột ngạt. Ra đi trong sự mơ hồ. Ở khắp nơi người ta gạt gẫm nhau. Toàn là những người quen hoặc có quen biết chút ít gạt mình chứ đâu có ai xa lạ. Màu áo vàng của người công an khu phố luôn luôn là một ám ảnh tôi. Tiếng gõ cửa ban đêm làm vỡ toang lồng ngực. Những giọt nước mắt của Kiệt báo tin cho tôi biết là ba cậu đã tự tử vẫn còn đọng lại trong trí nhớ của tôi. Đi đâu khi mà đứa bé chưa đầy tuổi tôi, thuốc men thiếu thốn. Biển cả mênh mông, ghe thuyền như hạt cát, công an đầy dẫy như ruồi muỗi. Hôm qua, tôi nhớ, gặp Tâm – Khô Khốc Thiền Sư - ở quán nước bên chái nhà bà luật sư Đại, thấy bạn gầy càng gầy hơn. Hai con mắt sâu hoắm, yết hầu lộ ra, những ngón tay vàng khói thuốc, nhìn tôi như nhìn vào khoảng không. Hai đứa uống với nhau ly nước trà để giữ lại, - không, đúng hơn là để đánh tan cái “hậu” của cà phê đã bắt đầu pha trộn cơm rang và nước vỏ măng cụt. Đắng nghét như cuộc sống trước mặt. Nhật đã bị bắt đi mất tích. Lộc đã nằm trong trại cải tạo. Đình và Phùng phải xuống hội Văn nghệ học tập, một hình thức cải tạo tại chỗ. Định Thủy quân Lục chiến, sau ngày bị chế độ mới tống ra khỏi Tổng Y viện Cộng hòa với vết thương ở chân chưa điều trị xong cũng đã phải chống gậy đi tập trung cải tạo. Xung quanh tôi là một bầu không khí đầy những “hơi gió” nghi ngờ. Mặt nạ! Mặt nạ! Mặt nạ!

“Tại sao không đi?”

Trước những câu hỏi loại đó giữa một bầu không khí ngờ vực, người ta thường phải làm bộ trả lời, “đi chi, đi đâu, đất nước đã hòa bình thống nhất, ở lại xây dựng tổ quốc chớ”, hoặc “tôi xuống tàu rồi mà trở lên vì thấy dầu sao quê nhà vẫn hơn”… vân vân và vân vân. Mà trong lòng thì trời ơi, tôi muốn đi biết là chừng nào, nhưng không tìm ra lối. Những nơi đi được thì đã nghẹt người, đành quay lại. Tôi đã chờ trước tòa đại sứ Mỹ suốt một ngày trời. Tôi đã leo lên sân thượng của một ngôi nhà bỏ trống mà người ta đồn là sẽ có máy bay trực thăng của Đệ thất Hạm đội đáp xuống. Tôi đã chạy quanh chạy quẩn như con chuột chạy trong một cái hộp. Tôi đã làm mọi cách, nhưng vô ích, nơi nào tôi ghé vào tạt qua cũng gặp một rừng người chen chúc xô đẩy nhau, đạp lên nhau. Đó là lúc Quỳnh đi đứng nặng nề, chờ giây phút sanh nở. Giá mà Quỳnh không có cái bụng bầu. Ừ, giá mà Quỳnh không có cái bụng bầu thì dễ cho tôi biết là bao nhiêu. Có lẽ chúng tôi đã xuống tàu, đã lên máy bay, đã ở một nơi nào khác không phải ở đây. Không phải ở lại đây, để thở một bầu không khí lo sợ, ngột ngạt, để chờ đợi một điều không may đổ ụp xuống bất cứ lúc nào, để như một người mua vé số hồi hộp chờ đợi cái lô độc đắc là một chỗ tại một nông trường cải tạo. “Giá mà”… không, không giá với hành gì hết. Ý nghĩ ấy dù chỉ thoáng qua óc tôi thôi, tôi cũng không đáng giá một đồng xu teng, chứ đừng nói chi một đồng bạc cắc. Sao tôi lại không nghĩ rằng giá mà không có tôi, có lẽ Quỳnh đã đi khỏi đất nước này từ lâu. Giá mà không có tôi, Quỳnh đã không xé cái tấm vé máy bay của hãng hàng không CAL ngay giữa một Sài Gòn giới nghiêm, một Sài Gòn chênh vênh bên bờ vực của một cuộc chiến sắp hạ màn?

Bụi và Rác – Chương Bảy

Đám Tang

1.

Chúng tôi đến nơi không kịp. Anh cả tôi đã qua đời, khi chiếc xe đò thổ tả chở chúng tôi nằm bẹp dí ở Phan Thiết mấy tiếng đồng hồ. Dù sao chúng tôi cũng còn được nhìn mặt anh trước khi liệm. Ngôi nhà đó, nơi ba lần trở về tôi đã làm ba cuộc chia tay với những người thân yêu nhất đời tôi. Cha tôi chết trong cơn say. Mẹ tôi qua đời khi đứng giữa sân vươn tay hái chùm nhãn. Giờ đây ông anh cả tôi nằm chết ngay trên chiếc giường cha tôi đã nằm. Cả ba lần trở về quê, không lần nào tôi kịp nắm tay những người ruột thịt ấy để nghe được một lời trối trăn.

Còn gì đau xót hơn nhìn một người thân yêu nằm đó nhưng đã mất sự sống. Khuôn mặt ông anh tôi lúc này sao giống hệt khuôn mặt cha tôi ở cái ngày ông ra đi vĩnh viễn.

Xung quanh tôi mọi người sụt sùi. Ngôi nhà tràn ngập không khí lạnh lẽo. Mùi tử khí xông tận mũi tôi. Người chị dâu tôi hai con mắt đỏ hoe nhưng bình tĩnh. Hai đứa con trai lớn đang trong trại học tập chưa kịp hay tin cha các cháu đã qua đời.

Tôi ngồi xuống chiếc ghế đặt cạnh cửa sổ. Bên kia hàng rào là ngôi trường nữ tiểu học đâu lưng với ngôi trường nam tiểu học, nơi mà tôi từng cắp sách đến đó trong suốt thời thơ ấu. Sân cát sủi bụi mù trời trong những giờ ra chơi. Bọn con trai bên này, bọn con gái bên kia. Chúng tôi lớn dần lên, lớn dần lên mỗi ngày mà không biết. Một thầy giáo già chết. Một cô giáo qua đời. Một ông hiệu trưởng đổi đi. Tôi lớn lên mỗi ngày nhìn bao nhiêu biến cố tấp giật rồi tan biến, không khác nào những cơn sóng biển cứ đánh vào bờ cát dưới kia.

Đó là một ngôi nhà không mấy khang trang. Chỉ có cái sân trước là coi được nhờ mấy cây mãng cầu, hai cây nhãn lồng và những tấm gạch thẻ màu đỏ. Tôi lớn lên rồi đi xa, nhưng cây cối trong sân nhà sao vẫn cứ như vậy hoài. Những tấm gạch thẻ màu đỏ trong sân có mòn đi, bóng lưỡng, nhưng ngôi nhà kia mỗi ngày một nhỏ đối với tôi. Lần trở về này, tôi thấy hình như nó còn nhỏ và chật hơn những lần trước.

Quỳnh đốt nén nhang đưa tận tay tôi ra dấu lạy trước quan tài người anh cả. Tôi thấy mắt Quỳnh ướt sũng đỏ hoe.

Đám tang ngoài tiếng khóc chỉ là sự im lặng. Chị dâu tôi chít khăn cho cả nhà, xếp đặt từ đầu chí đuôi. Còn tôi, cứ ngồi đó. Tôi thấy mình đã kiệt. Như máu không còn chảy trong cơ thể tôi. Trong nhiều năm nay, tôi coi ông anh cả tôi như là người cha. Mặc dầu anh chị còn có cả một đàn con, và mặc dầu tôi có công ăn việc làm, nhưng tôi không làm gì mà không hỏi anh. Và nếu anh phải làm một điều gì trái ý anh, chỉ là vì tôi. Anh mạnh bạo và quyết liệt. Giống như cha tôi, anh thường nói “thằng này không sợ thằng nào, có súng thì dùng súng, có dao thì chơi dao”. Nhưng anh là người rộng lượng bao dung như một ông Bụt, anh hào phóng như một công tử. Khi chưa bị bệnh, anh là một sĩ quan mà không một thuộc hạ nào ghét. Anh yêu những người lính của anh như yêu anh em ruột thịt mình. Bạn bè anh mỗi lần gặp tôi đều nói tôi là người may mắn có một ông anh khí khái. Anh phản ứng nhanh trong tình cảm, nhưng anh là người nguội lạnh nhanh trong giận dữ. Anh yêu tất cả mọi người. Đám em của anh, trong đó có tôi, chẳng đứa nào bằng gót chân anh về tính bao dung. Trong đám con cái anh, chẳng có đứa nào bằng móng tay anh về lòng quảng đại.

Đám tang anh tuy vậy mà đông người đưa ngoài sức tưởng tượng của tôi. Những bà bạn của chị dâu tôi chiếm chật sân nhà, đám bạn học nhỏ của mấy đứa con gái nhỏ của anh bu quanh dưới gốc cây nhãn. Hai đứa con trai không có mặt để tang cha vì cả hai đã nằm trong trại cải tạo. Và không có một đồng đội nào của anh đến tiễn đưa. Bởi vì tất cả đều nằm ở một nơi nào đó trong lao tù của chế độ mới.

Ngôi mộ anh nằm trên lưng chừng một ngọn núi đá thấp ngó ra biển. Tôi ngồi trên một tảng đá ngó xuống con đường phía dưới. Tôi có cảm tưởng như thiên nhiên cũng đang chết trong sự quạnh hiu. Cả mặt biển xanh đằng xa kia cũng đứng lại như trong một bức tranh, và con đường không bóng xe như một nét vẽ vô tình của người họa sĩ bị rơi một vệt màu sáng trên nền thẫm kéo dài thành một con đường bất ngờ. Đến như ngọn gió cũng đông lại không còn thổi nữa. Tôi bứt một cọng cỏ cho vào miệng. Ngọt. Tôi có cảm giác ấy. Trời ơi! Tôi nghe tiếng kêu của chính tôi, và tôi thấy mình khóc.

“Không được! Không được!” Tôi nghe trong tôi có tiếng ai đó nói, “Đừng khóc! Đừng khóc!” Tôi khám phá ra những lời căn dặn ấy trong đầu tôi. Nhưng mà nước mắt tôi cứ ứa ra, ràn rụa, ướt đẫm mặt mũi tôi. Như một người đứng bên trong cửa kính ngó ra, cảnh vật bên ngoài dưới một trận mưa tầm tã, tôi thấy chị dâu tôi lăn lộn bên mộ chồng. Hai tay chị cào cấu đất cát như muốn đòi anh lại, đòi lại con người đã từng ăn nằm với mình bao nhiêu năm tháng, đã từng chia ngọt sẻ bùi với mình, đã từng cho mình những đứa con, đã gửi thịt xương mình vào lao tù của chế độ mới, chỉ để lại cho gia đình một nhà toàn đàn bà con gái. Tôi thấy bóng Quỳnh nhoà nhạt cúi xuống ôm cánh tay chị. Bên cạnh là cháu Thùy, con gái lớn chị, cũng đang ôm chặt lấy mẹ. Cả ba người đàn bà bên một ngôi một mới đắp, dưới một bầu trời chiều chập chùng mây, trên lưng chừng một ngọn đồi ngó ra biển ngoài kia vẫn xanh như đã từng xanh…Nhưng tất cả đều như bị mềm nhũn, gẫy ra, tan thành những lượn sóng.

"Không phải! Không phải!"

Tôi đưa tay chùi nước mắt. Không có trận mưa nào đang xối xuống đám tang của anh tôi. Chỉ là một chút nước trong ly làm sóng sánh đại dương. Chỉ là một hạt bụi hoá thân làm thành một kiếp nhân sinh tàn lụi. Tôi đứng dậy, đến gần bà chị dâu, đặt tay lên vai chị. Tôi biết mọi lời nói của mình lúc này là thừa thãi.

2.

"Mở cửa! Mở cửa mau!" Tôi nghe tiếng kêu cửa dồn dập, có cả tiếng đập khá mạnh vào mặt gỗ. Cả nhà đang ngồi quanh phòng khách, nơi mà hồi sáng đây còn chiếc quan tài của ông anh tôi đặt ở giữa. Bà chị dâu tôi đang nhắc tới những kỷ niệm của chồng, những nổi khổ đau mà anh đã để lại cho chị trong suốt những tháng năm làm vợ của một người đàn ông hào sảng. Chị kể lễ những lỗi lầm của người chồng với một giọng tha thứ chua xót.

Tiếng đập cửa khiến không khí ngừng lại.

Tôi đứng dậy, đến áp tai vào mặt gỗ.

"Ai đó?" Tôi hỏi.

"Công an đây. Mở cửa kiểm tra hộ khẩu."

Tôi kéo chốt cửa, mở hé, nhìn ra ngoài, nhưng một bàn tay đã xô mạnh làm bật tung cánh cửa. Ba người bước vào nhà. Ngoài sân có tiếng người nói chuyện. Mấy đốm sáng của đầu điếu thuốc lập lòe dưới gốc cây nhãn.

"Chú Hòe! Có chuyện gì vậy chú Hòe?"

Bà chị dâu tôi đứng dậy tiến đến gần một người đàn ông nhỏ con, da xanh mướt.

"Trước hết, chúng tôi đến chia buồn với gia đình."

Người đàn ông tên Hòe giọng không chút tình cảm, hai tay y chắp lại thả xuôi. Hai người đứng bên cạnh, mặt lạnh như tiền, ngó quanh phòng, quan sát.

Cả nhà bỗng nhiên, không ai bảo ai, đồng loạt đứng dậy. Cháu Thùy nói vào tai tôi:

"Chú ơi! Nó là công an khu vực đấy."

Quỳnh ôm con đứng sát vào chị Thúc.

"Xin cám ơn!" Chị Thúc trả lời. "Mời chú Hòe và các ông ngồi!"

Chị nói nhưng nhìn quanh phòng khách không thấy có chiếc ghế nào. Tất cả đều được dời ra phòng sau để lấy chỗ cho mọi người họp gia đình và ngủ luôn trên sàn nhà.

"Không sao!" Hòe trả lời. "Chúng tôi đứng cũng được. Tôi muốn hỏi anh chị này là ai?" Hòe hướng ánh mắt về phía tôi và Quỳnh.

"Đây là chú Thăng và vợ chú, Thăng là em ruột nhà tôi." Chị Thúc trả lời, giọng bình tĩnh.

"Sao chị không khai báo với công an là nhà có khách?" Y quay về phía tôi, "Anh chị cho coi giấy đi đường!"

Tôi nhìn Quỳnh đang ôm chặt con vào lòng. Quỳnh cũng đang nhìn tôi. Chúng tôi đi gấp quá, không kịp xin giấy đi đường. Chúng tôi mua vé xe đò chợ đen. Để xin được cái giấy đi đường, thường phải chờ một ngày. Và lại xin giấy đi đường cho cả gia đình về miền biển, công an phường còn phải điều tra, có khi phải đưa lên công an quận xét mới cấp được. Như vậy làm sao tôi về nhà cho kịp.

"Tôi không có giấy đi đường." Tôi ngập ngừng thú nhận.

"Vậy anh chị đi bằng cách nào? Có phải anh chị là người ở thành phố Hồ Chí Minh không?" Hòe hỏi dồn.

"Phải." Tôi trả lời.

"Hiện nay anh chị công tác ở cơ quan nào?" Hòe hỏi tiếp.

"Tôi dạy học, nhưng nay đã chuyển ngành." Tôi không muốn nói là mình xin nghỉ. Tôi không hiểu tên Hòe này muốn gì.

"Tôi hỏi hiện nay anh đang công tác ở cơ quan nào?" Hòe không buông tha tôi.

"Tôi lái xe ủi đất ở một công trường dưới Minh Hải." Tôi nói.

"Cho tôi coi giấy tờ?" Người đàn ông mặt lạnh như tiền đứng bên cạnh Hòe chìa tay về phía tôi.

Tôi cho tay vào túi tìm cái bóp.

"Đây mà anh!" Quỳnh đưa cái xắc tay cho tôi. Giấy tờ anh trong đó!" Tôi nhớ cái thẻ công nhân viên do ông Công cấp. Ông Công là một nhà thầu xây cất trước Bảy Lăm. Khi Sài Gòn mất, ông mang tất cả các dụng cụ máy móc xe cộ hiến cho chế độ mới, nghĩ rằng sẽ được yên thân. Tại Bạc Liêu, một nhà thầu xây cất chung cư dang dở đã xuống thuyền ra khơi. Tỉnh ủy khuyến cáo ông Công nên tiếp tục công việc mà người thầu trước bỏ dở. Cả gia đình ông kêu gọi người quen, người có nghề hay người không nghề, họp nhau lại - xuống Bạc Liêu tìm chỗ nương thân. Sau khi tôi xin nghỉ dạy, tôi đã tìm cho mình chỗ tá túc này. Đầu tiên là mua một thẻ công nhân viên qua một trung gian giá một trăm sáu chục đồng, tiền của chế độ mới. Kế đó là cầm thêm trong tay tờ giấy đi đường Sài Gòn - Bạc Liêu, ghi sẵn là thành phố Hồ Chí Minh - Minh Hải. Ông Công thường tổ chức cho bọn công an ở đây ăn nhậu. Ông chuẩn bị những chuyến vượt biển, lúc đầu hơi e dè và sau gần như là công khai. Ông chia chác với bọn chúng, đúng ra ông đã mua gần như tất cả bọn biên phòng. Tuy vậy cũng có nhiều chuyến ông bị trở mặt. Hai đứa con ông bị bắt trong một chuyến được coi là an toàn nhất. Ông Công đã chạy vạy khắp nơi vay vàng chuộc cả đám. Tôi đi hụt hai chuyến, và đó là những chuyến ông Công cho thấy tài tổ chức tuyệt vời của ông.

Tôi mở xắc tay của Quỳnh lấy tấm thẻ công nhân viên đưa cho tên đứng cạnh Hòe. Y cầm lấy nhưng không buồn ngó đó là giấy tờ gì, bỏ tấm thẻ của tôi vào túi.

"Tôi cần kiểm tra lại giấy tờ của anh chị. Đến mai mời anh chị xuống công an phường làm việc." Ngừng một giây, không cần đợi phản ứng của tôi, y tiếp: "Thay mặt tỉnh ủy, tôi xin thông báo cho chị Thúc biết là kể từ hôm nay, ngôi nhà này được đặt dưới quyền quản lý của nhà nước."

Hòe đứng lui về phía sau. Bà chị dâu tôi hơi rùng mình. Hai tay chị bám lên vai Quỳnh như sắp ngã.

"Trời ơi!" Tôi nghe tiếng kêu thảng thốt của chị.

"Chú Hòe, sao có chuyện gì lạ vậy?"

Tôi bỗng nghe thấy chị gượng lại không đầy một tích tắc. Chị đứng sững.

Tên cán bộ đứng bên Hòe lên tiếng.

"Hồ sơ bên công an gửi lên Sở Nhà Đất cho biết ngôi nhà này do chồng chị, một sĩ quan ngụy, đã bóc lột, tham nhũng hối lộ của nhân dân xây cất lên. Tài sản của nhân dân phải trả lại cho nhân dân. Lẽ ra khi cách mạng về, nhà nước đã phải tịch biên ngôi nhà này, nhưng do chủ trương khoan hồng của đảng và nhà nước ta trong tình hình bệnh tật của chồng chị, chúng tôi đã để yên cho anh chị có chỗ tá túc. Bây giờ anh ấy đã chết, ngôi nhà này cần phải được thu hồi để trả lại cho nhân dân."

"Ông nói cái gì của nhân dân? Nhân dân nào?"

Chị dâu tôi hỏi, mặt tái đi vì giận. "Mấy ông có biết vợ chồng tôi lấy nhau, làm việc trong bao nhiêu năm trời mới mua được miếng đất này không? Mấy ông có biết bao nhiêu năm dành dụm chúng tôi mới cất được cái phòng khách này, căn bếp kia không? Mấy ông có biết các con tôi, mỗi đứa đã nhịn ăn nhịn mặc như thế nào để góp cho chúng tôi mua từng viên gạch lót nhà này không? Mấy ông đuổi mẹ con tôi ra khỏi cái nơi do mồ hôi và nước mắt của gia đình tôi đổ xuống để dựng lên mà nói là của nhân dân hả? Nhân dân nào?..." Chị Thúc nói, mắt ráo hoảnh, hai bàn tay nắm chặt.

"Chị nên nhớ, cả gia đình chị là một ổ phản động. Chồng chị và hai con trai chị đều là sĩ quan ngụy, có nợ máu với nhân dân. Rể chị, chồng của cô Thùy đây là một viên chức ngụy quyền. Làm tới phó quận mà không hối lộ tham nhũng à? Con chị làm tới đại úy cảnh sát mà không ác ôn à? Nhưng chị không thấy là chính quyền cách mạng đã khoan hồng hay sao khi để cho chồng chị một sĩ quan ngụy mang cấp tá mà không phải đi học tập lấy một ngày?"

"Khoan hồng?" Chị hỏi. "Bộ mấy ông muốn khiên một người sắp chết, tay chân tê liệt, không cử động được đưa vào tù mới là đúng sao? Bộ mấy ông giam cả những người tù hấp hối sao?"

"Chị Thúc!" Tiếng Hòe kêu, "Chị có im đi không! Có phải chị muốn chống lại chính quyền cách mạng không?"

"Mấy ông nói như vậy là thế nào?" Tôi hỏi.

"Anh không được quyền phát biểu." Tên cán bộ giữ tấm thẻ công nhân viên của tôi trong túi nói như ra lệnh. "Chúng tôi sẽ làm việc với anh sau."

"Nhưng gia đình chúng tôi có tội tình gì chứ?" Quỳnh hỏi, hai tay ôm chặt con vào lòng.

"Một gia đình phản động chưa đủ là cái tội sao?" Hòe nói.

"Trời ơi! Trời ơi!" Tôi nghe tiếng bà chị dâu rên rỉ.

"Nhà nước có đuổi gia đình chị ra đường đâu mà chị kêu trời. Chúng tôi đã tìm cho chị một căn nhà nhỏ dưới chợ. Tạm thời chị cứ dọn về đó. Ngày mai phường sẽ mang giấy tờ lại cho chị ký. Còn anh chị đây," y tiếp, mắt nhìn về phía tôi, "mai xuống công an phường làm việc. Chúng tôi muốn biết anh chị có ý đồ vượt biên hay không?"

Cả ba quay lưng bước ra cửa sau khi Hòe chấm dứt lời đe dọa.

Tôi đứng ở cửa ngó ra sân đêm. Những đốm lửa của đầu điếu thuốc dưới gốc cây nhãn đã biến mất. Tiếng nói cười của đám công an cán bộ xa dần tan loãng ngoài mặt đường.

Bên trong nhà mấy ngọn bạch lạp cháy bập bùng. Mọi người đã tắt tiếng khóc. Không khí chùng hẳn xuống như thể một chiếc bong bóng bị xì hơi.

Những người chết đã chết. Những người sống đang phải cúi xuống gánh tiếp những tai ương còn đầy rẫy trong một thời đại của "Chủ Nghĩa".

Bụi & Rác - Chương Tám