Thân Hữu 4

Nguyễn Xuân Hoàng - Trùng Dương

Nửa Đường - Phùng Nguyễn

Vĩnh biệt anh Nguyễn Xuân Hoàng - Nguyễn Quang Chơn

Một tuần ở nursing home của Nguyễn Xuân Hoàng - Lữ Quỳnh

Bây giờ là hoàng hôn - Hồ Đình Nghiêm

Ngay Lúc Này, Ngay ở Đây - Đinh Từ Bích Thúy

Nguyễn Xuân Hoàng

Tôi không nhớ đã quen Hoàng trong dịp nào. Chắc đâu đó dạo đi lại với toà soạn Văn hồi còn chủ nhiệm Nguyễn Đình Vượng ở đường Phạm Ngũ Lão, Sàigòn, vào cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970, với Trần Phong Giao còn làm chủ bút trước khi chuyển sang cho Mai Thảo, rồi sau đó đến tay Hoàng, chăm nom. Chỉ biết là Hoàng, từ hồi nào không nhớ, đã trở thành như một người trong gia đình tôi, quen biết cả với mấy chị em gái tôi, từ chị Huệ hơn tôi bốn tuổi xuống đến Quế thua tôi hai tuổi và Nhung cô em út của tôi thua tôi tám tuổi. Từ đó đã thành cái lệ: mỗi lần gặp nhau là Hoàng thường hỏi thăm một lượt các chị và em gái tôi, và ước anh cũng có được một liên hệ gia đình gần gũi như của chúng tôi.

Hoàng và tôi thân nhau tới độ có một lần, sau vụ Mậu thân 1968 khi các giáo chức cũng phải đi học tập quân sự, Hoàng phải đi huấn luyện quân sự ở Trung tâm Quang Trung, và đang lúc còn “nợ” báo Văn một cái truyện ngắn hứa nhưng chưa thu xếp viết được. Tôi bảo để tôi viết thay rồi Hoàng chép lại, thêm mắm dặm muối nếu cần, và ký tên Hoàng rồi nạp cho cho chủ bút Trần Phong Giao. Sở dĩ phải chép lại vì hồi ấy đa số những người viết văn, trong đó có tôi, viết tay. Trong số những người sáng tác tôi quen biết hồi ấy rất ít người viết bằng máy chữ. Chủ bút Trần Phong Giao in cái truyện ngắn đó nhưng không hề biết có tôi ở đằng sau. Tôi không nhớ truyện tựa là gì, về cái gì, chỉ nhớ một hình ảnh trong đó: đó là tàng cây trứng cá vào một buổi trưa hè -- giống như cái tàng cây trứng cá với hình ảnh một Đỗ Tiến Đức thất tình ra đứng dưới tàng cây vừa khóc vừa bứt trái trứng cá ăn mà một lần tác giả “Má Hồng” kể tôi nghe và nó in sâu vào ký ức tôi như một hình ảnh ngộ nghĩnh dễ thương, nên tôi mượn cho vào cái truyện ngắn viết hộ Hoàng.

Hoàng có số chơi với bạn và được nhiều người quý. Tôi không ngạc nhiên khi mục blog của Hoàng trên VOA - Voice of America được đặt tên là Nguyễn Xuân Hoàng và Bằng Hữu. Không gì hay bằng có một nơi trên Internet để hội tụ bằng hữu, Hoàng nói. Song đó là do ở “bản chất” của một chủ bút, tôi nghĩ, vốn là người ít tự viết bài nhưng biết cách phối hợp và khuyến khích các người cộng tác, điểu khiển sắp xếp dàn trang bài vở cho một chủ đề nào đó, và theo giõi sự hình thành của một số báo từ A đến Z. Blog, viết tắt từ cụm từ “Web log”, thường là do người đứng tên viết kể những chuyện bên lề, có khi rất riêng tư về chuyện viết lách, những ghi chép vụn vặt, những chuyện loại “not (yet) fit to print” (không hay chưa phù hợp để in vào báo giấy). Chỉ có Blog NXH và Bằng hữu là do nhiều người viết, rất ít bài do chính chủ nhân của Blog viết.

Tôi được tin Hoàng bị chứng ung thư “sarcoma” qua một cái điện thư ngắn có vài câu của anh. Hoàng có tật viết e-mail rất ngắn, đôi khi chả chấm phẩy song thừa dấu chấm than. Có khi vỏn vẹn có một câu gồm đôi ba chữ. “Moa mới chẩn bệnh bị chứng sarcoma. Ung thư đấy toa ạ!!!!!” Tôi chả nghe về bệnh đó bao giờ nên chưa thấm. Cũng một phần tại cái giọng nghe có vẻ thản nhiên của Hoàng.

Từ nhiều năm rồi anh nói mệt mỏi và chán đời. Có lúc tôi phát bực, bảo Hoàng than hoài như vậy không “fair” đối với người thân và cả bằng hữu là những người thương yêu và quý mến mình. Có lúc tôi khuyên Hoàng đi gặp bác sĩ và nếu cần xin thuốc vì nhiều khi đó chỉ là do sự mất quân bình hóa học trong cơ thể mình. Vài bạn chung khác thì khôi hài hơn. Họ kháo với nhau Nguyễn Xuân Hoàng lớp này làm chủ vựa than (viết không dấu thì thành… “vua than”), khiến nhiều người tưởng anh đi buôn than thật.

Hoàng chả bao giờ giải thích tại sao mình chán đời. Tôi có gặng hỏi thì anh chỉ lắc đầu. Lý do chính, tôi suy đoán, có thể một phần vì Hoàng đã lâu không viết được nữa.

Tôi thích nghĩ viết lách đối với mình không quan trọng, viết được thì tốt mà không viết được thì cứ việc thưởng thức các sản phẩm văn chương nghệ thuật của thiên hạ mà mình thực sự chả bao giờ có thể đọc hay xem hết được. Mà tôi thì thích đủ thứ: một bài viết hay phim hay, bố cục khéo léo chặt chẽ, kết cục nhiều ẩn ý sâu sắc; hoặc một bức ảnh “bằng cả ngàn chữ”; hay một bức tranh, một pho tượng đơn sơ, đẹp, làm mình xúc động ngây ngất; một kiến trúc lạ, đường nét gọn, mạnh mà vẫn duyên dáng, đầy tính thực dụng. Bao nhiêu người cũng chỉ biết đọc và thưởng thức của thiên hạ mà có sao đâu. Thế nhưng thử không viết được một thời gian, tự dưng cũng… thấy đời sống có vô vị thật. Cái tật thích chia sẻ làm tôi vừa đọc hay xem một cái gì thích thú vừa bắt đầu sắp xếp trong đầu bài mình sẽ viết để chia sẻ lại với độc giả. Viết được thì đã hẳn là vui, như mở hội trong lòng, thấy đời đẹp ra.

Nhiều người cầm bút lâu năm đều, theo nhận xét chủ quan của tôi, cảm thấy như vậy. Thành ra khi không viết được nữa thì thấy thiêu thiếu, có khi hụt hẫng, rồi nếu tình trạng này kéo dài hoặc không có một sinh hoạt nào thay thế, dễ trở nên buồn chán, trầm cảm. Riêng tôi, tôi thường giải quyết những khi hụt hẫng ấy bằng cách đi du lịch và chụp hình, tức là phóng ra ngoài mình, là hướng ngoại. Khả năng này có được, theo tôi, là do mình chịu ảnh hưởng sâu đậm của báo chí. Sinh hoạt báo chí ảnh hưởng không ít tới khả năng tưởng tượng rất cần cho việc sáng tác; nhưng bù lại, chính báo chí giúp cho người cầm bút khả năng phóng ra ngoài để ghi nhận cuộc đời muôn hồng nghìn tía, thay vì lùng bùng với chính mình mà kết quả thường là… bế tắc, ít ra trong trường hợp của tôi.

Hoàng thích đi du lịch. Mỗi lần tôi đi xa về gặp anh kể chuyện, anh nghe một cách say sưa, thú vị, và thường kết luận: “Phải chi moa được đi như toa.” Đời sống thực tế có những cái khiến Hoàng không thể làm theo ý muốn. Tuy vậy, tôi được biết mỗi năm anh cũng cố gắng đi Pháp một lần, thăm người thân và luôn thể gặp các thân hữu bên đó. Hồi tôi còn ở ngôi nhà bên bờ biển ở Nam Oregon, tôi rủ anh và Trương Gia Vy, vợ anh, lên chơi nhiều lần, nhưng Vy vừa bận việc với tờ Việt Tribune, vừa phải đi nhà thương lọc thận hàng hai tuần vì bệnh ung thư máu (bây giờ thì hàng ngày và tự làm lấy ở nhà), nên không dám rời vùng San Jose đi xa; mà Hoàng thì không bỏ đi được. Vả lại, phải nhận là nơi tôi ở dạo ấy, trừ phi lái xe lấy, còn ngoài ra không có phương tiện chuyên chở nào khác đem khách tới chơi. Mà Hoàng, như nhiều người lớn tuổi khác, không hoặc ngại lái xe đi xa được.

Tôi nhớ hồi cuốn thập niên 1990, tờ San Jose Mercury News ở San Jose, Bắc Cali, dự tính ra tờ tuần báo Việt Mercury biếu không, nhắm vào cộng đồng người Việt đông đảo thứ hai (sau Quận Cam ở Nam Cali) trên đất Mỹ có một đời sống thương mại rất phong phú, phồn thịnh. Biết tôi đang làm việc cho một tờ báo Mỹ ở Stockton, Hoàng hội ý với tôi về việc làm đơn, đặc biệt là sọan résumé cho đúng với thủ tục. Hoàng được chân tổng thư ký tờ Việt Mercury ở San José phần lớn nhờ kinh nghiệm làm báo của anh với tạp chí Văn trước kia ở Saigon và đặc biệt sau này với nhiều năm trông coi nhật báo Người Việt ở Westminster, từ 1986 tới 1997, với tư cách tổng thơ ký.

Anh và Vy dọn nhà lên San José, và anh trông coi tờ tuần báo Việt Mercury từ 1998 tới 2005, khi SJ Mercury News quyết định đình bản tờ báo Việt ngữ này. Thời gian làm tờ Việt Mercury là thời kỳ Hoàng thích thú nhất, anh kể, vì học hỏi được nhiều điều từ báo chí Mỹ, và đã hẳn với số lương cao hơn và do đấy đời sống vật chất cũng thoải mái hơn. Hoàng thích nhất cái cơ hội trau giồi nghề nghiệp báo chí. Anh cho biết mỗi ngày anh đều có dịp dự thính những buổi họp giữa các chủ bút của tờ SJ Mercury News để quyết định nội dung của số báo sẽ ra hôm sau, đặc biệt của trang nhất. Phải nhìn nhận là tờ Viet Mercury có lẽ là một tờ tuần báo Việt ngữ chuyên về tin tức và ký sự được trình bầy sáng sủa và chuyên nghiệp nhất mà tôi biết được, đặc biệt là việc ghi nhận nguồn tin hay hình ảnh.

Khi Viet Mercury đình bản, Vy -- từ hồi nào vẫn tiếp tay với Hoàng trong việc quản trị báo, đặc biệt thời kỳ Hoàng nhận lãnh tờ Văn từ tay cố nhà văn Mai Thảo, cộng với thời gian làm việc cho SJ Mercury News nên sẵn kinh nghiệm quản trị và điều hành -- đứng ra gầy dựng nên tờ Viet Tribune, với sự tiếp tay về nội dung và trình bầy của Hoàng. Do đấy, Việt Tribune cũng mang cái chất chuyên nghiệp về cả hình thức lẫn nội dung như tờ Việt Mercury. Mỗi lần giao bài cho Hoàng tôi rất yên chí vì biết phần trình bầy sẽ đàng hoàng, với hình ảnh và chú thích ghi nhận rõ ràng, chính xác, không có cảnh “râu ông nọ cắm cằm ba kia”. Cũng phải nhận là tôi, sau nhiều năm ngưng viết vì bận chuyện áo cơm, đã tìm lại được hứng thú viết cho Việt Tribune vì biết bài vở của mình được coi sóc bởi một bàn tay chuyên nghiệp. Hoàng và tôi quen nhau qua văn chương, nhưng trở nên ngày càng gắn bó trong cùng cái đam mê dành cho báo chí.

Nghe tin Hoàng bị chứng ung thư “sarcoma” khá hiếm, đã lan tới cột xương sống khiến rất đau đớn, chị Bùi Bích Hà và tôi mướn xe đi San Jose thăm Hoàng và Vy vào một ngày cuối tháng 7 vừa rồi. Hôm chúng tôi ghé thăm Hoàng có cả anh bạn Nguyễn Tuấn Khanh lại chơi. Hoàng gầy thê thảm, song cũng gượng ngồi tiếp chúng tôi, rồi cũng gượng đi ra quán ăn với chúng tôi, nhưng chỉ nhâm nhi chút đỉnh bún thang. Trong suốt mấy giờ thăm viếng, tôi không thấy Hoàng cười, nụ cười hiền hoà. Anh có vẻ sẵn sàng bỏ cuộc chơi. Hai chị em chúng tôi xót xa nhìn bạn xin kiếu để về phòng nghỉ, mặc Vy vừa đi làm ở toà sọan về ngồi tiếp chúng tôi.

Đang là người mà Hoàng phải đưa đón ra vào bệnh viện ở Stanford cho những chuyến đi khám bệnh và lọc thận -- giờ thì Vy tự làm việc đó hằng đêm ở nhà – Vy lại trở thành người đưa đón Hoàng đi bác sĩ, làm MRI, xạ trị này khác. Hai vợ chồng cùng bệnh nặng, con cái bận công ăn việc làm, gia đình, lại ở xa, cuối tuần chia nhau về thăm bố mẹ.

Tôi muốn rớt nước mắt khi nghe Vy nói: “Tụi bạn em bảo, ‘Tưởng anh ấy sẽ chôn mày chứ ai dè bây giờ mày sắp phải chôn anh ấy!’” Vy hiểu là Vy cần vững để lo cho chồng, dù cũng đang bệnh hoạn. Vy cho biết bác sĩ nói Hoàng đã ung thư tới thời kỳ thứ tư nhưng gia đình (lúc ấy) còn dấu anh ấy. Khi chúng tôi ghé thăm, Hoàng đã trải qua 10 lần xạ trị (radiation) nhưng kết quả chưa thấy gì hứng khởi. Tôi hỏi Vy về tờ Việt Tribune. Vy nói phải tiếp tục vì vấn đề bảo hiểm sức khỏe của Vy, nếu buông tờ báo thì sẽ khó mua bảo hiểm vì tình trạng bệnh của Vy. Vả lại, Vy cho biết, tờ báo đã có nếp và nhân viên biết phải làm gì, vấn đề đáng quan tâm là bài vở. Tôi nói tôi sẽ cố gửi bài thường xuyên hơn.

Sau chuyến viếng thăm của chúng tôi, Hoàng đi Stanford và sau nhiều thử nghiệm khác, tôi nhận được điện thư này của Hoàng vào ngày 9 tháng 8 lúc 12:36 sáng:

> CHIEU NAY DA TRO LAI NHA THAI A

> MOT BAC SI TREN STANFORD NOI VOI MOA THOI GIAN KHG CON LAU

> VE VOI GIA DINH VA BAN BE LA TOT

>

> Sent from my iPhone

>

Sau đó hình như Hoàng gác iPhone sang một bên, không thấy hồi âm điện thư của tôi nữa. Những tin tức về Hoàng tôi trông vào anh Khanh hầu như ngày nào cũng gọi hoặc ghé thăm và rủ Hoàng ra phố đi ăn hoặc uống cà phê, đặc biệt khi có các bạn khác của Hoàng tới thăm. Hoàng rất vui, ăn uống được mỗi khi gặp các bạn văn nghệ. Chính Vy cũng phải ngạc nhiên và đã nhắn anh Khanh nhớ tới thăm thường xuyên và đưa Hoàng đi chơi. Điều khiến tôi ngạc nhiên và khấp khởi mừng nữa, đó là gần đây, theo lời anh Khanh, Hoàng thỉnh thoảng ra tòa báo chơi và có khi… ngồi làm báo hàng mấy tiếng đồng hồ một lúc nữa, một điều đáng kể đối với một người đan gbị đau xưuơng sống. Anh Khanh còn cẩn thận chụp hình Hoàng ngồi trước computer và gửi cho tôi xem. Ngoài ra, các bác sĩ ở Stanford nhận thấy Hoàng đã có vẻ khá hơn nên cũng đã quyết định thử làm hoá trị (chemotherapy) cho anh, chắc nghĩ còn nước còn tát. Khi tôi viết những hàng này, Hoàng đã được hoá trị lần thứ hai. Bác sĩ nói phải làm 10 lần cả thẩy mới biết kết quả thế nào.

Tôi nhìn tấm hình Hoàng ngồi trước computer làm báo, với một niềm xúc động. Anh Khanh kể trong thư gửi kèm tấm hình, ví Hoàng như “con tằm đến chết vẫn còn nhả tơ”. Tôi lại nghĩ: Có lẽ đây chính là thứ therapy Hoàng cũng cần hơn cả, một thứ… báo chí trị liệu, bên cạnh trị liệu y học? Chính Bác sĩ Rậu, bác sĩ gia đình của Hoàng, cũng nghĩ là nhờ còn làm báo anh Hoàng mới khoẻ lại, anh Khanh kể.

“Hôm lên Stanford, mấy đứa con khuyên anh bỏ tờ báo để nghỉ thì anh chảy nước mắt,” Anh Khanh viết cho tôi. “Nghe kể như vậy tôi thấy rất thương tâm.”

Tôi biết có thể là viển vông, song vẫn mong có dịp để thực hiện lời đã hứa với Hoàng mấy lần mà Hoàng cứ công kia việc nọ lần khân, đó là sẽ lái xe chở Hoàng đi Salinas, cách San Jose 60 miles về phía nam, để thăm Trung tâm Quốc gia John Steinbeck, vì biết Hoàng sẽ rất thích. Tôi đã ghé trung tâm này một lần lâu lắm rồi, và vẫn muốn đi thăm lại, nhưng phải với một người bạn đồng điệu kia.

Hoàng cuối cùng đã ra đi vào lúc 10:45 sáng ngày thứ Bẩy 13 tháng 9, 2014 sau hơn một năm phấn đấu với chứng ung thư. Biết trước sau gì rồi Hoàng cũng sẽ ra đi, nhưng các thân hữu của anh vẫn thấy hụt hẫng mất mát và sầu muộn. Điện thư đi cho nhau tới tấp về tin tác giả Người Đi Trên Mây đã thực sự về cùng với trời mây.

Trong những điện thư tôi nhận được, có một bức hình chụp Hoàng đứng bên một cái bích chương chụp nhà thơ Pháp Jacques Prevert (1900-1977) ngồi bên ly rượu vang trên một đường phố hay công viên chắc là ở Paris, với con chó nằm dưới chân. Chắc một thân hữu nào đó chụp Hoàng với tấm bích chương đó trong một trong những chuyến viếng thăm Paris của anh -- với Hoàng, Paris vẫn nguyên vẹn là Paris của những mộng mơ lãng mạn của một thời trẻ tuổi. Tự dưng tôi nhớ đến những bài thơ của Prevert mà những người thuộc thế hệ tôi hồi gần nửa thế kỷ trước đã truyền tay nhau đọc, những bài thơ đơn sơ, lãng mạn, rất tượng hình, là một trong những liều thuốc bổ đã giúp chúng tôi nghị lực để tiếp tục sống còn mà không bị chìm đắm trong thời chinh chiến.

Những lời chia buồn với Vy xin vỏn vẹn là bài thơ mượn của Prevert để nói lên sự mất mát lớn lao cho những người ở lại, không chỉ riêng Vy, mà còn gồm các thân hữu đông đảo ở khắp nơi của Hoàng nữa:

Déjeuner du matin

Jacques Prévert

Il a mis le café

Dans la tasse

Il a mis le lait

Dans la tasse de café

Il a mis le sucre

Dans le café au lait

Avec la petite cuiller

Il a tourné

Il a bu le café au lait

Et il a reposé la tasse

Sans me parler

Il a allumé

Une cigarette

Il a fait des ronds

Avec la fumée

Il a mis les cendres

Dans le cendrier

Sans me parler

Sans me regarder

Il s'est levé

Il a mis

Son chapeau sur sa tête

Il a mis

Son manteau de pluie

Parce qu'il pleuvait

Et il est parti

Sous la pluie

Sans une parole

Sans me regarder

Et moi j'ai pris

Ma tête dans ma main

Et j'ai pleuré.

Hãy yên giấc ngàn thu, Hoàng nhé. Thế nào rồi cũng sẽ đi thăm lại Trung tâm John Steinbeck ở Salinas với ý nghĩ có Hoàng ở bên cạnh để chuyện trò về nhà văn này.

Trùng Dương

[TD, 09/2014]

Nửa Đường

Điểm hẹn nằm phía bên kia đường. Đó là tiệm café Starbucks duy nhất của trạm nghỉ chân Buttonwillow, một thị trấn bụi bặm nằm dọc xa lộ xuyên bang số 5. Chuyến xe đò Hoàng khởi hành từ San Jose vào buổi sáng sớm sẽ dừng lại ở đây và người khách tóc trắng tên Hoàng chỉ cần bước xuống và băng qua đường là đến nơi. Theo dự tính, mày đến trước và chờ ông ở đó. Trên thực tế thì ngược lại, ông đã có mặt trong quán café khi mày đến nơi.

Nụ cười mở ra một vùng ánh sáng trên khuôn mặt ông khi mày hướng về phía chiếc bàn tròn nhỏ ở một góc quán.

“Anh đến lâu chưa?”

“Chỉ mới vài phút. Uống gì anh gọi luôn?”

Mày đi theo ông đến quầy. Ông sẽ trả tiền café, như một thỏa thuận ngầm. Trong những năm sau này, ông luôn giành trả tiền café khi chỉ có hai người với nhau. Không hiểu vì sao, và mày không bao giờ hỏi.

Trên đường trở lại cái bàn tròn nhỏ ở góc quán, ông hỏi:

“Có cần phải đi ngay không ?”

“Không, ” mày trả lời. “Đâu có gì gấp đâu anh!”

Ông tóc trắng ra dấu chấp thuận phát biểu của mày qua cái gật đầu. Quả thực không có gì để phải gấp gáp. Chút nữa đây, mày sẽ đi cùng ông đến quận Cam, khoảng 150 dặm về phía Nam. Ở đó một người nằm, không chờ đợi bất cứ một ai, không cần đến bất cứ điều gì. Nhưng ông tóc trắng và mày vẫn cứ phải đến để còn có thể gặp ông ấy thêm một lần nữa trước khi ông thành tro thành bụi.

Hai hôm trước mày gọi phone ông tóc trắng.

“Anh Hoàng, mình đi chung xe xuống dự đám tang anh Giác cho vui.”

Câu này tất nhiên không ổn, “đám tang” và “vui” hiếm khi nằm chung trong một câu. Cũng may mà mày chỉ nói ra chứ không viết xuống.

“Đi làm sao?”

“Dễ lắm, anh leo lên xe đò Hoàng ở SJ, leo xuống ở B, em mang xe ra đón, rồi mình đi tiếp đoạn đường còn lại.”

Anh Hoàng có vẻ thích kiểu sắp đặt này, “OK, vậy đi.” Anh trả lời.

*

“Có gì lạ không?” Anh hỏi khi xe chạy được một quãng

“Không... eh… có. Mới đọc một gã tên Junot Diaz .”

“?”

“Truyện tình, ‘Cẩm nang tình yêu cho gã lừa tình.’ (1)

“Đọc được không?”

Mày không trả lời thẳng vào câu hỏi. Truyện về một gã Dominican hoang đàng lãng phí 6 năm trời để chữa bệnh thất tình! Tất nhiên tác giả và hầu hết độc giả của hắn ta sẽ cho rằng mày khắc nghiệt. Biết làm sao được, mày biết có người bỏ ra nửa phần đời chỉ để gìn giữ một mối tình!

“Trong truyện này, Junot Diaz dùng ngôi số hai để kể chuyện.”

Mày biết mày cũng muốn thử kiểu này này khi có dịp. Mày không nói ra nhưng hình như anh nghe được.

“Kỹ thuật mới thì tốt thôi. Nhưng viết truyện ngắn thì phải biết dừng đúng lúc.”

Câu này khiến mày chột dạ. Anh Hoàng đã từng nói với mày như thế nhiều năm về trước khi mày đưa anh xem một truyện ngắn vừa viết xong. Đúng như cái tựa, đó là chuyện thần tiên, nghĩa là ở hồi kết cuộc những điều tốt đẹp phải xảy ra đúng như ý tác giả muốn cho… chính hắn. Anh Hoàng, vào lúc đó tóc mới lưa thưa vài sợi bạc, bảo mày nên cho truyện chấm dứt lúc nhân vật nữ lên máy bay về lại nhà. “Để độc giả thử tìm lấy đoạn kết cho chính mình.” Tất nhiên là mày không chịu, không thể để độc giả làm hỏng giấc mơ của mày. Cho nên nhân vật nam phải leo lên máy bay đến tận nơi “nàng” ở, lôi cả nhà “nàng” ra ngồi đó để lên lớp họ về mãnh lực ái tình. Tất nhiên là họ khóc ròng vì hối hận. Không lâu sau đó, đến phiên mày hối hận! Đoạn kết mày viết xuống đã không hề xảy ra, và điều này chỉ khiến cho nhân vật của truyện càng trở nên ngốc ngếch hơn.

*

Mày gặp anh Hoàng lần đầu tiên tại nhà của người quá cố, anh Giác, vào một trong những ngày cuối cùng của năm 1994. Hai người này quen biết nhau đã lâu, và có nhiều điểm tương đồng. Họ dạy học, viết văn, làm báo văn chương. Cũng may là những điều tương tự giữa họ chấm dứt ở đó, nếu không thì sẽ chán phèo, cho mày. Người ta không nên có hai người bạn, ngay cả bạn vong niên, giống hệt nhau. Đó là một hoang phí không thể tha thứ.

Thực khó để hình dung hai nhân vật tài hoa này là chủ tiệm… phở. Tuy nhiên, thử cho là như vậy đi. Khoan hãy đề cập đến khả năng nấu nướng, nêm nếm của họ, mày chỉ muốn nhìn qua cái thực đơn. Thực đơn của một tiệm phở thuần túy chỉ nên liệt kê các món phở [na ná/khang khác nhau], cùng lắm thì thêm món chả giò và không nên có thêm gì khác. Đó là phở Giác, biên khảo, phê bình, tiểu luận, bút ký, thơ, truyện ngắn, truyện dài,… trường thiên! Tác giả, tác phẩm, trong nước, ngoài nước, trước 75, sau 75, đủ để no say mỗi lần gặp gỡ. Khó mà gọi lầm món ăn, quanh quẩn một chút đâu đó rồi cũng phải trở lại với những món này. Phở Hoàng ư? Thực đơn của “tiệm” này có đủ những món phở Giác có, cộng thêm khá nhiều những món không tìm thấy ở phở Giác. Tuy chúng không phải là phở, nhưng không phải là không ngon. Chẳng phải mày vẫn luôn cảm thấy thoải mái hơn với… phở Hoàng hay sao? Mày có thể nói hoặc nghe nói về bất cứ điều gì khác hơn là văn chương trong suốt buổi café. Vậy mà cũng chính là mày đã đôi lần băn khoăn về chuyện có khi cái bóng của Nguyễn-Xuân Hoàng-ngoài-văn-chương đã phần nào làm khuất lấp cái văn-chương-Nguyễn-Xuân-Hoàng.

*

Lúc này xe đang bò lên con dốc ngoằn ngoèo bắt đầu từ một nơi có tên là Grapevine. Anh Hoàng và mày đã trao đổi một số điều về anh Giác. Đây là điều tất nhiên, anh ấy là đích đến của chuyến đi này.

“Giác như vậy là yên ổn rồi .” Anh lên tiếng .

Hai người bạn này gọi nhau bằng tên và xưng tôi. Hoàng và tôi, Giác và tôi. Còn “yên ổn?” Ngàn thu yên giấc hay là yên thân, không còn bị quấy phá?

“Anh sẽ nói vài điều về anh ấy chứ?”

“Có lẽ sẽ viết xuống.”

“Về cái ‘thôi kệ‘ của Giác,” anh tiếp.

“Đây là quan niệm sống, hoặc hẹp hơn, phản ứng, của anh hay của anh ấy?”

“Của chúng tôi, có lẽ!”

Mày đang nghĩ đến truyện “Ở quán café Starbucks” mới đây của anh. Nỗi hồ nghi lớn hơn, sâu hơn, và đậm đặc. Điều gì đã xoi mòn niềm tin vào tình người của người đàn ông tóc trắng này? Ông sẽ không nói ra trừ phi điều này thực sự cần thiết. Nếu phải như thế, có lẽ câu chuyện sẽ được kể lại bằng những phương tiện và cách thế thích hợp, mày nghĩ như vậy.

Liệu ông sẽ kể ra? Có nên xem “Ở quán café Starbucks” như là một dấu hiệu?

*

Quãng đường còn lại ngắn dần, và bây giờ thì anh Hoàng và mày đang ở trên xa lộ 405. Xa lộ này có một lối đi dành riêng cho các xe chứa hai người trở lên, gọi là carpool lane. Mày đã có thể đưa xe vào lối đi ưu tiên này để có cơ hội đến nơi hẹn sớm hơn. Ở đó có anh Giác, nằm “yên ổn,” không chờ đợi anh Hoàng, không chờ đợi mày, không chờ đợi bất cứ ai.

Chiếc xe tiếp tục lăn bánh một cách chậm chạp trên xa lộ 405. Mày vẫn chưa đưa xe vào capool lane. Không có phản ứng gì đặc biệt từ anh Hoàng. Liệu anh có gấp đến nơi? Mày nghĩ là không!

Phùng Nguyễn

Vĩnh biệt anh Nguyễn Xuân Hoàng

thương tiếc gởi hương hồn nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng

Chủ nhật cuối thu, trời vẫn nắng nhưng nắng nhẹ nhàng hơn

Mới nhận được hình Dũng và Tâm ngồi ăn cùng bác Đinh Cường, Mạnh Hùng, Như Hạnh tại Virginia, thì lại nhận email

Đinh Cường post trên trang Nguyệt Mai tin anh Nguyễn Xuân Hoàng đã rời cõi tạm…

Muốn viết một email. Muốn viết một điều chi

Mà sao không thể typing được, đầu óc mang mang, trống trải…

Tôi chưa gặp anh Hoàng nhiều nhưng anh rất thương Quang Dũng

Khi anh chưa bịnh. Có việc gì anh cũng gọi Dũng qua

Khi thì sửa cái computer, khi thì tặng vài cuốn sách, khi thì đi uống cà phê, đi ăn buổi sáng, kể cháu nghe chuyện làm văn…

Dũng cũng quí bác như các bác bạn của ba

Tôi vui mừng khi cứ nghe các anh khen Dũng tốt ngoan. Bác Đinh Cường, bác Lữ Quỳnh, bác Mạnh Hùng, bác Nguyễn Xuân Hoàng…

Vẫn theo dõi bịnh tình anh qua Dũng, qua email họa sĩ Đinh Cường

Vẫn nhớ giọng anh trong, sang sảng

Khi nói chuyện bạn bè, kể chuyện ngày xưa…

Tháng 6 đến thăm anh trong bệnh viện

Tháng 7 Dũng đón các bác Cường, Quốc Thái đến thăm và làm sinh nhật

Tôi đã ngờ là lần cuối với anh

Tôi ngờ mà vẫn cầu mong sẽ gặp lại anh một lần khi quay lại Mỹ

Nhưng mà không kịp rồi

Anh đi. Có đau đớn không anh?

Như lần anh đau đi cấp cứu ở Stanford?

Anh bảo chưa bao giờ mình đau như vậy Chơn ơi

Chừ thì anh hết cả đớn đau

Nhưng bạn bè anh, em và Dũng thì đau đớn lắm

Thôi Dũng từ nay mất một người bạn lớn

Thương quí và cứ phone gọi Dũng hoài

Dũng mất một tâm hồn văn chương lớn mà Dũng đương dõi theo học tập...

Nửa vòng trái đất, viết cho anh mà lòng hoang mang

Nghĩ về những người bạn thiết của anh cùng trang cùng lứa

Những người đã làm nên trang sử vẻ vang văn học nghệ thuật miền Nam

Anh Hoàng,

Em sợ sự chia tay này lắm. Mỗi người thân quí ra đi là em thêm một nỗi cô đơn

Em sợ. Chẳng thà là em ra đi!…

14.9.14

Nguyễn Quang Chơn

Một tuần ở nursing home của Nguyễn Xuân Hoàng

Trưa thứ sáu tôi lên nhà thăm Nguyễn Xuân Hoàng, thì được chị Vy cho biết, chiều hôm qua anh bị té và chị đã đưa anh xuống nursing home ở đường Alvin, phòng số 115, anh Quỳnh xuống đó ngay, anh Hoàng mong bạn đến thăm lắm. Nhìn chị Vy xanh xao, vàng võ, tiếng nói nhẹ trong hơi thở, còn bị xỉu lên xỉu xuống mấy ngày qua, tôi đi mà lòng nặng buồn bã.

Ở nursing home, anh Hoàng nằm phòng một giường, rộng rãi, sạch sẽ. Khi tôi đến, anh chưa tỉnh, mắt nhắm nghiền, bên mắt phải có quầng thâm nâu. Tôi cố đánh động, gọi tên nhưng anh không hé mắt. Nhân viên mang phần ăn trưa vào, thức anh dậy cũng không được, đành đặt khay thức ăn lên bàn rồi đi ra.

Vì nursing home nằm gần khu thị tứ, nên tôi dễ dàng đến thăm anh cách ngày.

Sáng thứ ba, trên đường đến bưu điện, tôi ghé anh. Gặp lúc nhân viên vào phòng, đập tay vào cửa thật mạnh để thức anh, anh mở mắt nhìn tôi, nói LQ ngồi xuống ghế đi. Cô nhân viên hỏi tôi là gì của người bệnh, tôi nói là bạn, Nguyễn Xuân Hoàng còn nói thêm My friend. Rồi anh lại nhắm mắt, chìm vào giấc ngủ. Nhân viên sửa soạn đưa anh đi tắm.

Trưa thứ năm vào thăm thì sửng sốt thấy anh phải thở máy. Hỏi người y tá ngồi trước cửa phòng, thì được biết anh thở yếu lắm, phải dùng máy trợ thở. Tôi đứng cạnh giường, nắm bàn tay anh, bàn tay ấm nắm chặt tay tôi. Tôi có cảm giác như anh còn bóp nhẹ tay tôi nữa. Tôi chờ anh bỏ tay ra, nhưng không, anh vẫn nắm chặt như không muốn rời. Không biết trong phút giây này anh nghĩ gì, lòng anh có thật sự thanh thản… Tôi đứng với anh một lúc lâu, nhẹ nhàng rút tay ra và nhìn anh vẫn yên bình trong giấc ngủ sâu. Lúc này tôi thấy bên mắt phải anh, vết bầm đen lan ra một khoảng lớn.

Trưa thứ bảy, nhận tin anh ra đi lúc 10:50 sáng. Không ngờ anh ra đi nhanh thế, dù biết ngày này không còn dài lâu nữa. Hơn hai năm trước, khi tiễn Nguyễn Mộng Giác, anh viết: Thôi kệ! Ngủ yên nghe Giác. Trước sau gì thì bọn mình cũng gặp nhau thôi.

Và giờ đây hai anh đã gặp nhau ở cõi vĩnh hằng.

Nguyễn Xuân Hoàng ơi, anh hãy ra đi thanh thản nhé.

Bạn bè luôn nhớ anh với những buổi chiều ngồi cà-phê Starbucks nhìn mây bay, cùng câu chuyện buồn nhiều hơn vui của cuộc đời hữu hạn, vô thường này. Nam Mô Vô Lượng Thọ Như Lai.

13-9-2014

Lữ Quỳnh

Bây giờ là hoàng hôn

Tối thứ bảy, như thông lệ, tôi từng thức khuya. Thức vì có những điều tự mình loay hoay làm khổ mình, viết nhăng viết cuội, thoạt ngắn thoạt dài rồi xoa tay gửi vào hư không. Hư không có nhiều nghĩa, trong muôn một là chiếc lá rời cành rơi tịch lặng giữa mênh mông để nợ nần dính mắc vào lưới, treo lên mạng.

Thường khi, để trả công thành quả, tôi bưng cốc cà phê đen ra ngoài hàng hiên đứng nhâm nhi. Thắp một điếu thuốc, thở khói trong bóng tối im sững. Trời vào thu, đêm có gió làm đánh thức lá cây không cho ngủ ngáy, bắt khiêu vũ lắt lay. Màu vàng của đèn đường cô một vũng sáng lẻ loi, chẳng soi rõ kẻ bộ hành đi xào xạc trên bờ cỏ kia là nam hay nữ. Lạnh. Học trò đã tựu trường đồng nghĩa với áo xống ngự hàn đã thực sự bày biện làm dáng dấp con người trở nên no căng.

Ốm o gầy mòn, tôi ném điếu thuốc xuống cỏ làm con đom đóm tàn hơi dần tắt thở. Chuyện tếu kểmột cậu đom đóm mặt mày sưng húp bị bạn chặn hỏi nguyên do. Tớ không bị thằng tình địch ấy đánh, chẳng qua vì hôn nhầm một điếu thuốc nằm lẩn vào cỏ. Hút thuốc có hại cho sức khoẻ. Ừ, ai rồi cũng có khi vấp phải lầm lạc. Tôi nói thầm khi bước vào đóng lại cửa ngăn heo may.

Đêm nay thứ bảy. Mai chủ nhật, chuông nhà thờ Côte des Neiges sẽ thong thả đổnhư thường hằng, bất biến. Chuông có gọi hồn ai? Không, tiếng kinh cong kia phát ra, với riêng tôi là một sự nhắc nhở. Một tuần, chỉ có bữa nay là mày cần thanh toán một số việc: Đi chợ, quét dọn vệ sinh, chùi nhà chùi cửa và rồi ngồi thừ người tra vấn, như cách tự thán của Trịnh Công Sơn: Bao nhiêu năm rồi người mãi ra đi? Dạ thưa tôi chưa kịp nhớ. Lâu hung rồi, e đã nửa đời người rồi. Nhật nguyệt vẫn thế mà cá nhân tôi nghe hao mòn nghe kiệt quệ nghe bù trất một sân si.

Lại ngứa tay đụng vào laptop đểbàn. Vuông bếp ấm và đó là giang sơn riêng biệt của lãnh chúa được thê tử đồng thanh biểu quyết tạm chấp nhận không nở lòng mang đặt giàn khoan vào bờ cõi phá rối trị an. Lãnh chúa làm tiếp cốc cà phê cho đỡ nhạt mồm. Lãnh chúa giờ đã khôn lanh chút đỉnh, đã thôi kêu réo những “nhi đồng cứu quốc” vào giúp đỡ giải quyết một số vấn nạn do computer rắc rối mang lại. Đã biết mở mắt, cô đơn không cần đồng minh chỉ đạo việc thu nhận và lưu trữ thông tin. Ghép cái này xoá cái nọ, râu ông nọ cắm cằm bà kia hoá ra cũng dễ, dễ như ăn ớt. Lãnh chúa đã gôm tẩy câu phát ngôn trước đây: Sinh ra ta là cha mẹ ta mà người phụ đỡ ta chính là con vậy! Sông có khúc người có lúc, lúc này đây thú thật ta ưa cô đơn tự mình giải quyết lấy những hệ luỵ. Cho ta yên thân ở xó bếp này để suy gẫm câu nói của Alan Wilson Watts: “Man suffers only because he takes seriously what the Gods make for fun”.

Đêm thứ bảy, một vài diễn đàn loan tin nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng vừa giũ áo ra đi, thôi ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng. Bên kia cầu có kẻ thiện nguyện đứng trong bóng tối trao tay chén cháo lú. Chỉ là truyền thuyết, nếu thực sự có hoạt cảnh đó, tôi sẽ ỏng ẹo: Chỉ chén thôi à? Có size Xe Lửa không? Nếu không có thì dẹp, đổ đi. Bình sinh tớ đã ăn thì phải xơi cho đáng đồng tiền bát gạo. Khi chưa húp cháo lú, người đứng bên cầu vẫn có quyền tham sân si. Vẫn vọng tưởng về cõi miền mình vừa cực lòng rời bỏ.

Tôi gặp nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng mình ên đôi ba lần ở Montréal, một lần ở Boston thì có thêm chị Trương Gia Vy. Đó là người đàn bà mà quá khứ, thời son trẻ là nhân vật chính, là nguyên cớ đểnhà văn trải nỗi nhớ trên vô số trang chữđược viết ra trong toà soạn báo Văn đặt ở đường Phạm Ngũ Lão. Những trang văn của người ký tên Nguyễn Xuân Hoàng bao giờ cũng lộra những dấu hỏi, về phận người, về đời sống; thậm chí về sự đổi thay của nắng mưa, thậm chí thắc mắc: Vy nên viết là y hay i. I ngắn hay y dài? Tại sao là Vy mà không Vi?

Chúng tôi có những buổi chuyện trò, thuần là trò chuyện, vô thưởng vô phạt mà không đá động tới lãnh vực văn chương. Có chăng, tôi và anh Nguyễn Xuân Hoàng đều đồng ý với nhau một điểm: Không sử dụng, không đụng tới chữ nàng và chàng. Khuôn mặt anh Hoàng khi đó có thoáng đổi thay, chút nhíu mày: Nó làm sao ấy… Anh vẫn thế, chẳng cực đoan đi tới một nhận định. Tôi khác, tôi nói: Nghe nó sến chứ còn gì nữa. Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng là một người rất mực lành tính, tôi nghĩ thế. Điềm đạm, anh ăn nói chừng mực, ít khi lộ ra sự sôi nổi. Một khuôn mặt luôn gắn sẵn một nụcười. Có khi, anh chẳng nói rõ lý do, mình nhờ bạn lo hộ mình bài vở cho một số báo Văn, nhắm làm được không? Rất hứng khởi, rất điếc không sợ súng, tôi nói không suy nghĩ: Ba mươi giây.

Không như trong quân đội, kỷ luật sắt thép, ít du di, ba mươi giây của người sinh hoạt chữ nghĩa được quy thành ba mươi ngày. Một tháng rị mọ, cuối cùng tôi lôi kéo được sự góp mặt nhẹ dạcủa bằng hữu bốn phương xa gần mà bài họ gửi vềcó thể làm được một số Văn bề thế. Thư cám ơn nồng ấm viết tay mực tím của chị Vy gửi sang (dạo ấy chưa có i-meo như giờ này, nhỉ?) thư anh Nguyễn Xuân Hoàng trần tình: Chắc mình chỉ nên đóng khung, tập trung những người viết ở Canada thôi. Số bài thặng dư mình để dành số sau, bạn nhé!

Vậy đó, một kỷ niệm thoáng qua dễ hư hao, may còn trang giấy đóng tập được giữ gìn, lưu trữ. Giữ gìn một khuôn mặt anh em trong văn chương, bất biến. Như trí nhớ từng lưu trữ nhân diện nhiều nếp nhăn Mai Thảo: “Uống ư, một ngụm chiều rơi lệ. Và một bình đêm rót thật đầy”. Những người anh từng chăm sóc tờ tạp chí Văn lần lượt bỏđi. Sau họ, một bình đêm đã thực sự cạn tới giọt cuối. Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi. Lần lượt đi theo đầy vơi tháng ngày mà kẻ ở lại có khi vô phương rơi lệ, ngậm miệng hát không nên câu giã từ.

Trong chúng ta, chắc ai cũng ghét nói lời tiễn biệt. Tôi cũng vậy, thậm ghét là đằng khác. Tôi nghĩ tới hình ảnh trái khuấy về một người đưa thư mẫn cán siêng năng với công việc không quản ngại gió tuyết hoặc lao động bất kể thứ bảy, chủ nhật, lễ lạc các thứ. Ông ta (tạm xếp vào giống đực, ngôi số ít) lầm lũi đi, chỉ gõ cửa từng căn nhà xét thấy muốn trao thư “bảo đảm”. Tôi loan báo tin buồn, ông bà chú bác thím cô cậu mợ anh chị x y z vừa qua đời. Chỉ ngần ấy thôi, chẳng kèm gửi theo một minh giải nào khác. Rồi ông ta quay lưng, “nhân viên bưu điện” nọ chả biết ăn lương từ đâu? Không thấy nghỉ hưu ăn tiền già. Vẫn rất sung để hăm hở đi gây phiền nhiễu cho những gia đình “cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng”.

Gió luôn rung cây. Tôi đặt bàn viết trong xó bếp vì chỗ ấy khuất lấp, ấm cúng. Lại nữa, quan trọng hơn, rằng gần tầm tay với của tôi là nồi cơm điện luôn có sẵn đôi ba hạt cơm chầu chực. Theo truyền thuyết, khi bạn bỏ một hạt cơm vào miệng, thì dẫu thần chết đang đứng sát nách bạn, lão ta sẽ thu tay lại thực thi nghiêm chỉnh câu chú: Trời đánh còn tránh bữa ăn. Lão có thừa sức để đợi chờ, vấn đề là bạn có nôn nóng làm cuộc viễn du. Lúc mà tôi muốn đi gặp mặt anh Mai Thảo, anh Nguyễn Xuân Hoàng chính là lúc tôi nuốt trôi hạt ngọc của trời kia.

Giờ này chẳng biết nói năng (chi cũng thừa), tôi xin chép lại bài thơ cũ của Nguyễn Bắc Sơn. Bài thơ hay, theo tôi, bởi không ai an nhiên tự tại như thi sĩ khi nói tới nỗi sợ hãi của người bình thường lúc đối mặt với cái chết.

“Một mai anh chết tự nhiên

Mỉm cười thương tiếc cõi miền nhân gian

Suốt đời anh, ly rượu tàn

Niềm vui sống cứ trải dàn mênh mông

Anh thương trái đất chạy vòng

Thương người khốn khổ, một lòng thương yêu

Nhà thơ có ít cho nhiều

Hình như anh chết có điều bận tâm

Một mai nơi chỗ em nằm

Không anh em biết trăm năm là dài

Một mai ừ nhỉmột mai

Mỉm cười anh chết cười hoài thế gian”.

Chị Trương Gia Vy kính mến, ở San Jose giờ này có rét bằng Montreal? Xứ lạnh tình câm. Vĩnh biệt anh Nguyễn Xuân Hoàng. Tôi đi nằm đểbiết rõ một điều, trắng mắt suốt năm canh. Ngày mai, chuông giáo đường lại rót, đổ ràn rụa. Tiếng chuông trôi, qua đi qua đi, mênh mang không gì chặn giữ.

Hồ Đình Nghiêm

Ngay Lúc Này, Ngay ở Đây

Đã từ gần bốn năm tôi vẫn ân hận vì chưa trả lời email của ông. Vào khoảng cuối năm 2009 ông gửi cho tôi một email ngắn kêu gọi tôi đóng góp cho blog Nguyễn Xuân Hoàng và bằng hữu trên website VOA. Tôi không hồi đáp, có lẽ lúc đó vướng bận chuyện công việc làm và gia đình, hoặc có lẽ vì tôi ngại, sợ chuyện hứa với ông cho vui miệng rồi không làm được, và vì thế đã giữ im lặng. Anh Phùng Nguyễn, bạn ông, về sau có nói với tôi là ông hơi buồn vì tôi đã “ignore” ông.

Hiện hữu trong cái tảng lờ đáng trách của tôi là một băn khoăn nan giải. Dù đã làm việc trong Ban Biên tập Da màu từ nhiều năm, tôi vẫn bị … áy náy trong cách xưng hô và giao tế qua thư từ với các nhà văn tiền bối –những vị xấp xỉ tuổi đời, hoặc còn “lớn” hơn bố mẹ tôi. Nhiều khi tôi đắn đo chuyện hồi đáp vì thấy nếu gọi người đi trước bằng danh từ thân mật như “anh” và “chị” thì có phần không ổn, còn nếu gọi các vị là “bác, cô, v.v.” và xưng “cháu” thật cũng không xuôi. Đinh Linh, một bạn văn lâu năm của tôi, nói rằng anh thường “gọi mọi người là anh chị hoặc … mày tuốt luốt cho được việc.” Nhưng cuộc sống của tôi là một cái tủ với những ngăn hộp. Cả nước Mỹ là những cái hộp lồng vào nhau, dựa rón rén bên cạnh nhau, hay chèn ép, chênh vênh ngất ngưởng bên trên những cái hộp khác, nhiều hộp bị chôn kín dưới đất và loang lổ đầy rêu như những ngôi mồ. Quật mồ để rồi bị dìm chôn vào một cái mồ tập thể khác là số phận của nhiều nhà văn Mỹ gốc di dân thế hệ tôi. Sự đa hóa không ngừng nghỉ của xã hội Mỹ tuy kích thích tâm trí nhưng cũng dễ làm chúng tôi bị tan loãng. Và cứ như thế chúng tôi cố ngóc đầu bơi ngược dòng. Trái lại, cộng đồng văn chương Việt, tuy ở thời đại toàn cầu hóa, vẫn duy trì không khí xuề xòa của một quán cà-phê nơi cả chủ và khách đều tự túc. Chính vì thế mà tôi ái ngại. Tôi ít khi xưng “em” với các nhà văn đàn ông còn viết tiếng Việt, nhưng cũng ngập ngừng khi xưng “tôi” (hay “chị”) với họ.

Giá tôi đã đọc nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng kỹ hơn vào thời điểm 2009, có lẽ tôi đã không bị chi phối quá nhiều về cung cách xưng hô, xử thế giữa những người viết đồng hương nhưng chênh lệch tuổi tác; có lẽ tôi đã trở nên cởi mở, tự tin hơn: cuộc sống sáng tạo không thể là những cái hộp vuông vắn, mà là những phút giây đặc thù, những bứt mở đột ngột, những tình cờ mỏng manh tuyệt đẹp mà người ta tưởng là phép lạ. Nhưng làm sao tôi có thể cởi mở hay tự tin khi tôi đã mất đi cả một Tháng Tư của thời niên thiếu?

Từng là một giáo sư Triết, chắc hẳn ông bi quan, can đảm hoặc vị tha hơn tôi về thân phận của một con người bị bứt rễ. Tôi không được đọc nhiều văn của ông, nhưng những truyện ngắn của ông, mà truyện tôi thích nhất là “Bất Cứ Lúc Nào, Bất Cứ Ở Đâu” — viết vào tháng 9 năm 1968 và tái bản năm 1998 — đã có một phán đoán rất ngậm ngùi và súc tích cho nỗi băn khoăn của tôi, dường như cũng là nỗi lo sợ của chính ông dành cho mọi đôc giả, mọi đối tượng tương lai/hậu duệ: Bởi vì, giữa tôi và em, chúng ta có bao nhiêu là sông núi, bao nhiêu là hố thẳm, bao nhiêu thung lũng, bao nhiêu biển trời. Có cả sương mù và sấm sét. Có đêm và ngày. Có cả “Khổng tử” và gia phong. Và…

Tôi nghĩ những giòng chữ ông viết ở trên biểu lộ một chấp nhận cay đắng hơn là một tiên đoán cho sự sụp đổ của một thời đại. Vào năm 1968, tuy trận chiến Việt Nam đã bắt đầu khốc liệt, ông không thể ngờ rằng số phận văn chương miền Nam sẽ bị gian nan, dập vùi, hoặc tiếng nói nhà văn miền Nam Việt Nam sẽ bị ngăn trở bởi ngôn ngữ, không gian, thời thế, chính trị. Nhưng tôi nghĩ “Bất Cứ Lúc Nào, Bất Cứ Ở Đâu”chắc chắn không chỉ là một thư tình gửi cho một người con gái tên Vy mà còn gói ghém cả một khối suy tư cho mọi người viết văn “sáng tạo” trong thế hệ ông: “Vy” của ông, V/Vi/y (tiếng Anh) hoặc “Vê” trong tiếng Pháp, chính là văn hóa, văn chương Việt Nam–một vũ trụ phức tạp, tinhvivà dễ méo bẹp như cái hộp chứa con cừu tí hon của chàng hoàng tử bé trong truyện của St. Exupéry. Một người viết văn Việt Nam trong thời loạn thì nên viết những gì, viết cho ai, viết về tình yêu, cái chết, hay viết về thời thế, chính trị, viết làm sao để mình không chỉ là một kẻ tự truyện ngoài cuộc, một kẻ rỗi nhàn “vô tích sự”—quả là bao nhiêu nỗi suy tư bắt đầu bằng chữ V:

Bữa qua có tin từ mặt trận về cho hay chiến trường miền Trung đang hồi ác liệt, một bạn tôi vừa mất xác. Sáng nay trên cao nguyên báo xuống, một người bạn khác nữa của tôi mới vừa tử trận. Những tin tức ấy đã làm tôi chảy nước mắt. Bao nhiêu người ở tuổi tôi đang đối mặt với cái chết, tại sao tôi vẫn ngồi đây yên ổn. Và tại sao tình yêu của chúng ta? Có phải tôi là một người may mắn bất hạnh. May mắn mà sống sót, nhưng bất hạnh thay chưa sống đủ kiếp người.

Có phải là một điều nhảm nhí không khi ta nói đến tình yêu trong một thời đại mà người ta chỉ đề cập đến sự chết. Tôi vẫn nghĩ rằng con người càng đến gần với tình yêu chính là tiến gần đến cái chết. Yêu là chết. Và trước cái chết, người ta bao giờ cũng ham muốn sự sống. Và sự sống là gì nếu không là tình yêu? Ngụy biện quá, phải không?

Trong thời đại của ông, và sau này, ngay trong thời của những nhà văn hải ngoại, văn chương “miệt vườn” về một địa thế, lề thói, văn hóa đặc thù (như tác phẩm Rừng Mắm của Bình Nguyên Lộc) bị một số người coi là lỗi thời, vì nó “kín mít,” không “đột phá,” hoặc không lột trần những tệ nạn của thời đại hỗn tạp. Tuy vậy, trong truyện Bất Cứ Lúc Nào, Bất Cứ ở Đâu, ông đã nhẹ nhàng đề cập đến Rừng Mắm như một cách tri ân: “Lúc viết những giòng này cho em, những người thợ sắp chữ vừa vỗ bản in truyện ngắn của tác giả Rừng Mắm đặt trên bàn tôi.” Khái niệm hiện tại của địa thế, không khí, thời gian, “những người thợ sắp chữ vừa vỗ bản in …” là tất cả. Tương tự, khái niệm hiện tại và đặc thù của bối cảnh cũng được bày tỏ rất rõ trong lời giới thiệu cho Rừng Mắm của chính nhà văn Bình Nguyên Lộc:

Câu truyện trong “Rừng Mắm” chỉ xẩy ra tại miền Nam nước Việt, còn thì không thể xẩy ra ở phần nào khác trong lãnh thổ ta. Miền Nam là đất mới, mà cho đến ngày nay việc khẩn hoang cũng chưa xong. Ðất này lại là đất bùn lầy, nên không giống với việc khẩn hoang các vùng đất khô như trong tỉnh Quảng Ðức chẳng hạn. Bạn đọc gốc miền Bắc khó lòng mà hình dung được lối khẩn hoang này. Miền Trung lại càng khó tưởng tượng đến những gì xẩy ra trong truyện hơn.

Như cái hộp đựng cừu của hoàng tử bé, bây giờ tôi hiểu rằng địa danh không “đóng hộp” tác giả, mà chính là tấm hộ chiếu, là lý lịch giúp ông băng qua những hành tinh lạnh. (Hoàng tử bé nói: “mọi thứ từ hành tinh tôi đều rất nhỏ.”)

Tôi xem sự đề cập về Rừng Mắm ngay đầu truyện “Bất Cứ Lúc Nào, Bất Cứ ở Đâu” như đầu mối cho cấu trúc văn phong của ông. Chính tựa truyện “Bất Cứ Lúc Nào, Bất Cứ ở Đâu” là một cái bẫy, một cách áp dụng sự mâu thuẫn của tác giả. Không phải làbất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, mà là ngay ở lúc này, ngay ở đây. Văn chương gây ấn tượng là văn chương có thể gây cảm xúc ở bất cứ không gian, ngôn ngữ, hay địa thế nào, nhưng phải được tạo dựng từ một khoảnh khắc riêng tư, đặc thù, hay từ một địa thế, bối cảnh, sự vật cá biệt. Một truyện ngắn khó quên gây ngạc nhiên cho người đọc như một đóa hoa quỳnh nở bừng đêm, là giao điểm giữa phù du và định mệnh, là bây giờ.

Trong “Bất Cứ Lúc Nào, Bất Cứ ở Đâu,” nhân vật kể rất rõ về thời gian và không gian của ông: mười giờ sáng là lúc ông viết thơ cho người tình tên Vy trong tòa soạn một tạp chí văn chương trên đường Phạm Ngũ Lão, thành phố Sàigòn “con đường ấy, khá nhiều nhà in, nhà báo, nhà phát hành, chắc em đã biết, là một con đường nhỏ, đầy bụi và nhiều xe.” Khi ông viết về những người thợ sắp chữ “vỗ” bản in đầy mực và nước lên bàn làm việc của nhân vật kể truyện, thì ta cũng biết rằng đây là thời điểm của thập niên 1960, khoảng 20 năm trước khi máy vi tính thay thế công việc typeset trong một nhà in hay tòa báo.

Tiếp theo, tuy rằng nhân vật nói rằng “cho đến bây giờ tôi vẫn không thể nào mường tượng ra nổi nơi ăn chốn ở của em,” độc giả được biết, qua những chi tiết khá tỉ mỉ, là người yêu của ông sống ở Đà lạt, một nơi cũng rất quen thuộc với chính ông: “Thành phố trên cao ấy đã một thời nhìn thấy tôi lớn lên, đã nghe tôi thở, đã thấy tôi yêu, đã chứng kiến những trận đòn thù trên Đồi Cù, đã dí tôi trong quán cà phê Huyền nửa đêm về sáng. Và giờ đây những dấu chân em in trên con đường đất đỏ dưới những cơn mưa tầm tã đang làm tôi thương nhớ em. Cánh cửa sổ từ căn phòng em ở mỗi sáng mở ra có thể nhìn thấy chăng đỉnh núi Langbiang?

Và tên gọi của người yêu trong truyện cũng gợi nét đặc thù, như bông hồng thân thiết của hoàng tử bé, đẹp và đặc biệt trên hết mọi bông hồng khác: “Và em, Vy của tôi, tên em phải viết i ngắn hay y dài? Và tại sao phải là y dài mà không là i ngắn?” Rồi ông thố lộ, “Tôi đang nghĩ đến em, đến hơi thở em, khuôn mặt thần thánh em …. Sẽ buồn biết bao nếu trí tưởng tôi không còn cái khả năng tưởng tượng ấy nữa, cái khả năng khiến cho đời sống tình cảm chúng ta giàu có hơn, màu sắc hơn .…

Văn của Nguyễn Xuân Hoàng nhấn mạnh cái nhớ. Những nhân vật của ông nhớ, nhớ và để ý từng địa danh, từng mẩu đối thoại, ngay cả một vệt bùn trên mũi giày (“Một Người Ngồi Trong Ghế Bành”), để vượt qua mọi vô tình và lãng quên, để làm chậm lại cái Lãng Quên Cuối Cùng, để xua đuổi những trận mưa lúc nào cũng xuất hiện (mưa trong “Bất Cứ Lúc Nào, Bất Cứ ở Đâu,” trong “Một Người Ngồi Trong Ghế Bành,” trong “Barbara.” Nỗi nhớ trong các tác phẩm của ông không hẳn là nostalgia vì nó luôn luôn ngự trị như một hiện tại chễm chệ, một gia sản bằng xương bằng thịt. Nỗi “may mắn/bất hạnh” vang vọng mãi mãi từ các các địa danh được ông tái dựng, như lời Jacques Prévert nhắc nhở Barbara, với điệp vận dồn dập của phụ âm “r”và “s” rít sâu về cuống họng như chính hơi thở của một người đang hấp hối:

Rappelle-toi Barbara

Il pleuvait sanscesse sur Brestce jour-là

Et tu marchais souriante

Épanouie ravie ruisselante

Sous la pluie

Rappelle-toi Barbara

Đọc văn của ông tôi phải cẩn thận. Độc giả của ông, như nhân vật trong “Người Ngồi Trong Ghế Bành” phải biết đi bộ qua “những lỗ trũng đầy nước, ổ gà tùm lum, mặt lộ dợn sóng làm chao xe, nhiều bữa đang chạy ngon trớn … bỗng hụp xe một cái, tá hỏa tam tinh, tưởng chết đi được.”[1] Văn phong ông không hẳn là khó hiểu, nhưng chính vẻ “giản dị” của nó lại ơ hờ úp mở những đường hầm sâu hút, tạo ra những nhột nhạt nghi vấn giữa tác giả, văn bản và độc giả. Cái “tưởng chết đi được” chính là sự bấp bênh của ngôn ngữ và ý nghĩa khi bị cắt lìa ra khỏi môi trường văn hóa. Trong tiếng Việt, khi đọc “Bất Cứ Lúc Nào, Bất Cứ Ở Đâu,” tôi cảm thấu được nỗi suy tư của tác giả – ông như một người du hành vượt thời gian, gửi đến cho tôi những băn khoăn của ông về sự phù du của cuộc đời. Lúc đó, ông không tin rằng tình yêu hoặc nghệ thuật là giải đáp hữu hiệu cho chiến tranh hay sự chết.

Tôi hiểu rằng “chết” ở đây có nhiều nghĩa. Không phải chỉ chết vì súng đạn, nhưng chết vì không được ai nghe, ai hiểu mình, chết vì mình đã mất đi ngôn ngữ cảm thông, mất đi cái tình thân thương giữa người với người, mất đi mọi niềm tin. Điều mâu thuẫn ở đây là cho dù tác giả/nhân vật có vẻ nghi vấn khả năng truyền đạt của mình (“Thư từ làm cái gì, chữ nghĩa cũng sẽ chỉ là điều vô ích”) người đọc hình như không có sự nghi vấn đó đối với văn bản. Tôi hiểu, từ phương diện một độc giả Việt, lớn lên ở Mỹ, ở thế kỷ 21 đọc một tác giả miền Nam Việt Nam sáng tác trong tiếng Việt vào thời điểm 1968. Tuy tôi may mắn vì không phải là nạn nhân của chiến tranh hoặc của chế độ sau 1975, tôi bất hạnh vì chưa bao giờ có dịp sống như một người hoàn toàn Việt Nam. Miền Nam mất, và một phần của tôi cũng mất đi với nó. Nhưng ngôn ngữ Việt vẫn an ủi tôi, vẫn kết nối tôi với quá khứ. Rồi quá khứ trở thành hiện tại. Tôi trở thành người viết thư cho Vy. Vy là Việt Nam ngoài tầm với của tôi. Vy là một Việt Nam của dĩ vãng xong cũng rất thật, rất sống động qua trí trưởng tượng của tôi.

Thế nhưng, khi tôi dịch truyện “Bất Cứ Lúc Nào Bất Cứ Ở Đâu” sang tiếng Anh, hình như khái niệm siêu hình trong nguyên bản đã bị thu hẹp lại. Không hiểu hiện tượng này đã xảy ra bởi sự khiếm khuyết trong khả năng dịch thuật của tôi, hay là vì tiếng Anh quá lô-gích, không uyển chuyển, không “bóng gió” như tiếng Việt? Hay tôi cũng biến thể, thành một người khác, khi suy nghĩ và phân tích văn bản trong tiếng Anh? Đọc bản dịch tiếng Anh của chính mình (hình như trong tiếng Anh những vấn đề nữ quyền mới xuất hiện, thách thức, chất vấn tôi?), tôi nhận ra sự vị kỷ của người viết thư trong “Bất Cứ Lúc Nào, Bất Cứ Ở Đâu.” Ông ta là một người từng trải, trí thức và nghệ sĩ, còn Vy của ông thì mới lớn, thua ông nhiều tuổi. Ông nói ông nhớ cô, cô là tình yêu “hâm nóng một trái tim tưởng chừng đã nguội lạnh” của ông. Ông nhớ vẻ đẹp, thân hình của của cô (tôi nghĩ “bờ ngực nặng” trong câu văn tiếng Việt của Nguyễn Xuân Hoàng gợi ra nhiều ý nghĩa phong phú, ngoài nghĩa thiên về tình dục: một bờ ngực không hời hợt, một bờ ngực bao dung, chắc nịch, một bờ ngực biết cáng đáng bão táp, một bờ ngực đang bị thách thức bởi trọng lực ngầm của thời gian?? Nhưng trong tiếng Anh, hình như khái niệm thể xác trở nên lồ lộ hơn, ít chênh vênh hơn, ít cao rộng hơn, khi hờ hững biến thành “ full breasts”? Tôi cố ý không chọn chữ “bosom” tuy chữ này thanh nhã hơn, vì “bosom” là ngực của các bà mẹ, không phải là ngực của người tình, và không hợp với giọng nhân vật đàn ông khi chuyển ngữ qua tiếng Anh – một giọng lịch lãm chán đời rất … Hemingway.

Cuối cùng, lá thư gửi Vy, trong tiếng Anh, cho dù úp mở, vẫn là một lá thư đoạn tuyệt. Tuy người viết thư cố làm dịu cái sốc cho người nhận bằng những lý do mang tầm mức quan trọng: vì ông bị mặc cảm tội lỗi về những người bạn lính không may mắn đã nằm xuống, vì tình yêu trong thời loạn là “điều nhảm nhí,” vì giữa Vy và ông có nhiều khác biệt xã hội, v.v… Tôi nghĩ rằng, từ phương diện của Vy, một người bị khước từ, một cô gái không có giọng nói mà chỉ là đối tượng của người viết thư, tất cả những lý do trên đều chưa đủ.

Bản dịch tiếng Anh làm tôi trắc trở, vì từ một “fan” khi đọc nguyên bản Việt ngữ, bỗng dưng sau khi dịch sang Anh ngữ, tôi trở thành một “nhà phê bình nữ quyền”! Thì ông cũng đã nói rồi, “Bởi vì, giữa tôi và em, chúng ta có bao nhiêu là sông núi, bao nhiêu là hố thẳm, bao nhiêu thung lũng, bao nhiêu biển trời.…” Đối với người di dân, ngôn ngữ thứ hai là bẫy mìn, là du kích, nó chĩa súng vào người đọc, tra khảo y với những yếu tố, giá trị văn hóa hiện hữu ngay trong cấu trúc của nó, phủ nhận, đè nén những tình cảm u uẩn của nguyên bản. Cách đọc một văn bản, cũng như cách dịch một tác phẩm, trở thành cuộc nội chiến trong tâm trí độc giả/người dịch.

Ông đặt vấn đề hơi khác trong “Barbara,” chú trọng về khái niệm màu da như hộ tịch hoặc sự cản trở hộ tịch, hơn là ngôn ngữ:

Một người Pháp hay một người Đức, nói chung là một người Âu Châu, khi đến Mỹ họ đã có ngay một mẫu số chung là màu da và màu tóc, là chiều cao và sức nặng, là vóc dáng và tổ tiên trước của họ. Họ chỉ còn có cái trở ngại duy nhứt là ngôn ngữ. Bức tường ấy tuy vậy mà cũng không phải là khó leo. Còn chúng ta, những người Á Châu da vàng mũi tẹt, chiều cao thì khiêm tốn, sức nặng thì nhẹ nhàng, tóc đen nhánh, mắt nâu buồn … Chúng ta xa lạ biết bao với người bản xứ.

Thưa ông, chúng ta vừa xa lạ với người bản xứ và với chính chúng ta nữa. Có sao đâu? Trong trạng thái chia rẽ đồng đều này chúng ta có được sự đoàn tụ. Đồng thời chúng ta cũng tự do như những hòn đảo giữa đại dương. Giữa những thế hệ Việt Nam ở ngoài lãnh thổ Việt Nam vẫn là những hố thẳm. Đó là thân phận của những con người mất nhà. Điều này đã được ông tiên đoán từ hơn 40 năm trước, và lập lại trong “Barbara,” “Truyện Kể Trên Đồi Cam,” “Tự Truyện Một Người Vô Tích Sự,” và “Ở Quán Cà phê Starbucks.” Chuyện “mất nhà” có thể xảy ra dưới nhiều hình thức trước và sau, thậm chí rất lâu sau khi biến cố lịch sử đã nhào ập đến—đó là một triệu chứng “rối loạn căng thẳng sau chấn thương” mà người Mỹ gọi là PTSD (Post-Traumatic Stress Disorder).

Nếu “Bất Cứ Lúc Nào, Bất Cứ ở Đâu” với Đồi Cù, đỉnh Langbiang, công trường Saint Paul hay con đường Phạm Ngũ Lão là thông điệp gửi đến những người tình hay bạn hữu của ông trong thế hệ trước 75, thì “Barbara” là lá thư ông gửi đến thế hệ một ruỡi của chúng tôi. Barbara là biến tấu của “Bất Cứ Lúc Nào, Bất Cứ ở Đâu.” Những địa danh đặc thù trong “Barbara” cũng chính là những địa danh trong đời tôi. Con đường Hai Mươi Hai, Hai Mươi Mốt, gần đại lộ Constitution trong Washington D.C. là đường đến sở làm từ hơn 20 năm qua của tôi. Springfield, thuộc tiểu bang Virginia, thành phố mà ông gọi là “Cánh Đồng Mùa Xuân” (nhưng gia đình tôi đã chế diễu gọi là “chợ” Đồng Xuân) chính là nơi tôi đã sinh sống và lớn lên sau khi rời Việt Nam–nơi mà hiện nay người ta gọi là cái “bô” hỗn tạp (mixing bowl) vì nó là chỗ cụng đầu của nhiều xa lộ.

Springfield, thành phố tuổi teen mà tôi chưa một lần chấp nhận, đã và vẫn ngập “cái màu trắng lạnh lùng của ông thần Băng Giá” vào mỗi mùa đông. Qua “Barbara,” ông nhìn rất rõ sự cách trở giữa con người nhiệt đới của tôi với cái không gian quái ác miền Đông Bắc – nơi tôi luôn nguyền rủa vào mỗi tháng Chạp khi băng tuyết làm tôi bị cầm tù nằm nhà đồng thời mất điện, không nước tắm và không sưởi trong căn rừng cao dốc, cho dù tôi đã có vẻ là một phần tử của cái xã hội “Đông Bắc” này:

Buổi sáng thức dậy, trước khi đi làm, em có phải lội tuyết ra sân, áo khoác, khăn quàng cổ, nón len, găng tay và một bình nước sôi đổ vào ổ khóa cửa xe đã bị đóng đá, cho máy nổ và chờ mọi thứ "tan ra,” defrost.

Vâng, vâng, và vâng. Ông nói trúng hết thảy. Tôi ghét mùa đông ở Virginia và lúc nào cũng nghĩ đến miền Tây nước Mỹ, như một bài thơ khác của Jacques Prévert, “L’Accent Grave” (“Dấu Huyền” hay là … “Hướng Mồ” trong cách chơi chữ của Jacques Prévert?) Être òu ne pas être. Ở nơi mình không muốn ở. Être ou ne pas être. Có hiện hữu hay không hiện hữu. Hai câu hỏi khác nhau, chỉ khác bởi một dấu huyền. Ở mặt khác, đó là hai câu hỏi giống hệt nhau.

Ông viết trong “Barbara,” “Có một nơi chứa đầy mâu thuẫn, đó là trái tim của chúng ta.” Vâng, tôi nghĩ nhận xét này vị tha và dung thứ hơn khynh hướng đóng hộp những vấn đề nan giải: out of sight, out of mind. Là một người viết và đọc giữa/trong hai ngôn ngữ, tôi sẽ nhớ mãi điều này, vì sự mâu thuẫn bao hàm khái niệm bình đẳng giữa nhiều nghịch lý. Sự mâu thuẫn không đầy ải những gì không hợp với nó. Sống với sự mâu thuẫn là sống với lòng nhân, là sống với nỗ lực sáng tạo, với bây giờ. Trong nhận thức này, có lẽ ông “Mỹ” (và “thiện”) hơn tôi chăng?

Tôi nghĩ rằng bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, ông luôn dùng những kẽ hở trong ngôn ngữ, những khoảng trống lấp lửng, để đối thoại với các độc giả của ông, những người của ngã ba đường, những du mục miễn cưỡng, những thế hệ chưa, sắp, và đã quên tháng Tư. Thậm chí, cả những thế hệ chào mừng tháng Tư mà chưa một lần tư lự băn khoăn.

Trong mọi mâu thuẫn, ông luôn là người trung thành với V.

Đinh Từ Bích Thúy

[1]“Người Ngồi Trong Ghế Bành,” tr. 461, từ Những Truyện Ngắn Hay Nhấtcủa Quê Hương Chúng Ta (nxb Sóng: 1973).