Bụi và Rác 2a

Nguyễn Xuân Hòang : Bụi và Rác

TV và BH

Chương Mười Hai

Nhà tù Kiên Giang buổi tối. Những cánh cửa sắt mở ra đóng lại vội vàng. Cả đám người bơ phờ, bụng đói, tay không đồng hồ, chân không giày dép, đầu óc hoang mang lo lắng sợ hãi ngồi chồm hổm giữa sân nhà giam.

Ðêm đang xuống.

Thấp thoáng bên trong một ngọn đèn điện bóng tròn màu vàng. Tôi không thấy Kiệt đâu. Cả Tám và Hiệp cũng bị đẩy về một phía nào. Tôi tự hỏi cái gì đang chờ đợi tôi. Ðêm tối ám, tôi không thấy rõ mặt người.

Cả đám ngồi lổn nhổn như những hòn đá. Một ngọn đèn vàng hắt xuống từ một mái nhà trước mặt chiếu sáng vừa đủ ba chữ “Cải Hối Thất.”

Chúng tôi ngồi đợi như vậy khá lâu không tên công an nào đến ngó. Một vài bóng đen đi lướt qua, lặng lẽ.

Mưa lất phất vừa đủ ướt mặt. Người ngồi trước quay lại hỏi tôi:

“Bị bắt ở đâu vậy?”

“Rạnh Sỏi.” Tôi trả lời cho xong chuyện.

“Xuống ghe chưa?”

“Chưa. Còn ông?” Tôi hỏi lấy lệ.

“Ôi! Tôi hả?” Tôi lên xuống như cơm bữa.” Rồi ông ta quay hẳn mặt lại: “Lần đầu hả?”

“Lần đầu.” Tôi trả lời.

“Ðừng sợ. Ông tên gì?”

Có cần nói tên mình cho người lạ mặt này nghe không? Tôi thoáng nhớ lại những lời dặn dò của ông Công. Ði có giấy công tác cứ nói thật, cứ khai địa chỉ chỗ làm việc. Phần còn lại để ổng lo. Tôi cũng nhớ lời dặn của Tâm Khô-Khốc-Thiền-Sư. Mày phải khai tên giả, địa chỉ giả, lý lịch giả. Tụi nó không cách nào điều tra được. Phải nhớ mày là dân ít học, làm nghề chân tay, trốn quân dịch, có cảm tình với cách mạng… Càng ở gần tận cùng đáy của xã hội càng tốt. Tôi hiểu lời dặn dò của Tâm. Cái đáy vực của chế độ này là đỉnh cao của chế độ kia và ngược lại. Nhưng đó có phải là chân lý không?

Tôi không tin một sự đổi đời và lộn ngược đời như thế. Xấp-Ngửa. Trắng-Ðen. Phải-Trái. Tôi đã nhìn thấy những điều đó đang diễn ra quanh tôi. Cái hôm qua được coi là đạo đức, bữa nay đã bị coi là tội lỗi.

Một ngôi nhà to, một chức tước cao, một địa vị lớn, một sự quen biết rộng…của bữa trước, rất là bất lợi cho bữa nay. Mới hôm qua còn là “ông,” bây giờ đã là “thằng.”

Còn “thằng” hôm qua có là “ông” hôm nay không thì không rõ.

Tội ác như một thứ ruồi nhặng mà những người cầm quyền mới cố gắng dán lên đầu những con người đầy danh vọng của chế độ cũ, tưởng chừng như…

Nhưng mà những con người cùng khổ của hôm qua, sau mấy năm dưới chế độ mới cũng vẫn không thơm tho gì hơn. Căn nhà bằng bìa cạc-tông, mái lợp tôn hay fibro xi măng bữa trước ra sao bây giờ vẫn vậy.

Có đổi mới chăng là xiêu vẹo hơn, và vô phương cứu chữa hơn. Người cùng khổ vẫn sống, tiếp tục sống dưới đáy xã hội. Chỉ có những kẻ khốn nạn hôm qua mới chiếm được một chỗ sạch sẽ dưới ánh đèn ấm cúng trong một ngôi nhà mới. Vậy thì tôi có cần nói tên tôi cho người lạ mặt này không. Nhưng mà tôi là cái thá gì chớ! Nói thì sao. Ðã sao?

“Thăng. Tôi tên Thăng. Mà ông hỏi chi vậy?”

“Hỏi vậy thôi. Tôi tên Bình. Tôi bảo đảm là trước sau gì ông cũng nhớ đến tôi!”

“Im lặng! Im lặng!” Tù không được nói chuyện.” Bất ngờ một giọng nói vang lên rất gần chỗ tôi.

Tôi ngước mắt nhìn chưa kịp ngạc nhiên về lời nói của người bạn tù, thì cái bóng đen lướt qua choán trước tầm ngó của tôi.

“Anh kia tên gì?” Bóng đen hỏi.

“Thăng.” Tôi trả lời gọn.

“Cái gì Thăng.”

“Trần Lâm Thăng.”

“Bị bắt vì tội gì?”

“Không biết.”

Tôi không biết thật. Tôi chỉ gặp Kiệt để xem ghe. Tôi mới chuẩn bị vượt biên chớ đâu đã vượt biên.

“Không biết?” Bóng đen hỏi lại.

“Không biết.” Tôi lặp lại.

“Ðứng dậy!” Hắn ra lệnh.

Tôi chống hai tay dưới mặt sân ướt. Tôi nghe cải hai chân tôi tê điếng.

“Anh biết tại sao tôi bắt anh đứng dậy không?”

“Không biết.”

“Anh theo tôi. Cần phải nhốt anh ở một chỗ riêng. Anh biết tại sao không?”

“Không biết.”

“Anh có biết là ngồi trong đám tù này anh đã cao hơn nhiều người tù khác không?”

“Không biết.” Tôi bắt đầu ương ngạnh.

“Vậy bây giờ biết rồi. Theo tôi!”

Bất thình lình hắn đẩy chúi tôi về phía trước. Tôi tưởng mình bị ngã sấp xuống. Cái chân đau của tôi bị nhói thấu xương.

Chỉ mấy bước ngắn hắn xô tôi qua một bên tra chìa khóa vào cánh cửa gỗ mở toang ra.

Một mùi hôi nồng nặc xông lên. Tôi đang chần chờ. Hắn đập mạnh vào ót tôi bằng một vật cứng. Tôi ngã xuống.

Tôi không nhớ mình nằm dưới mặt đất ẩm hôi hám này trong bao lâu, nhưng khi tôi tỉnh dậy, bắt đầu quen bóng tối, tôi thấy lờ mờ còn có một người tù khác đang ngồi tựa lưng vào tường. Phòng chật, tôi nghĩ vậy, bởi vì chân tôi đụng vách và tay tôi chạm vào chân một người. Không, nói đúng hơn tôi chạm vào sợi xích sắt buột vòng cổ chân người tù kia. Có lẽ ông ta còn thức, bởi vì thỉnh thoảng tôi nghe thấy tiếng khua động của sợi xích. Bọn cán bộ đang điểm danh tù bên ngoài. Xà lim tối om.

“Có thuốc lá không?” Bất ngờ ông ta hỏi.

“Không.” Tôi trả lời thật nhanh.

Tôi không phải là người nghiện thuốc lá. Có thì hút phì phà mấy sợi khói chơi, còn không có thì thôi. Vả lại ở Rạch Sỏi, hai tên công an biên phòng đã thu hết mọi thứ trên người tôi, giấy tờ tùy thân của tôi, kể cả gói thuốc, và cái hộp quẹt zippo.

“Mới hả?”

“Mới.”

“Tội gì?”

“Tình nghi vượt biên.”

“Tình nghi?”

“Phải. Tình nghi.”

“Vậy, chắc sẽ ở lâu.”

“Tại sao?”

“Tình nghi thì phải ở lâu, tại vì có biết tội gì mà buộc mà xử.”

“Vậy có tội thì về sớm sao?”

“Tùy tội chớ. Lâu hay mau là tùy tội nặng hay là nhẹ.”

“Còn ông, ông tội gì?” Tôi hỏi.

“Không phải chuyện vượt biên đâu.”

Ông ta nói chưa hết câu, tôi chống tay ngồi dậy, dựa lưng vào vách chờ đợi ông nói tiếp. Tôi có cảm tưởng như ông sắp nói thêm một điều gì nữa. Nhưng ông ta vẫn im lặng. Tôi duỗi chân. Căn phòng này không thể giam quá một người, không khí khó thở. Mùi hôi mỗi lúc một nồng nặc.

Tại sao tôi đến chốn này? Ban đêm thì tối, ban ngày thì đen.

Tôi tuyệt vọng.

Tôi như một người đi trong đường hầm. Hầm thì hun hút tối tăm đi hoài không dứt. Còn tôi thì giống như người bị chặt hết hai tay và hai chân, chỉ còn có cái đầu và thân hình bị lăn lông lốc trong đường hầm trơn trợt.

“Nè, người anh em…” Người tù bỗng gọi tôi.

Tôi không lên tiếng. Tôi chờ đợi.

“Bao nhiêu tuổi?”

“Bốn mươi.” Tôi trả lời.

“Tứ thập nhi bất hoặc! Ông nhỏ hơn tôi một con giáp.”

Tôi vẫn có cảm tưởng như ông chưa nói điều ông định nói. Một đỗi lâu, người tù tiếp:

“Ông có biết trong tù người ta dùng một người tù khác để điều tra khai thác một người hiện bị giam gọi là gì không?”

“Không!” Tôi trả lời, vì thật sự tôi không hiểu gì cả.

“Nó gọi là đặc tình.”

“Ðặc tình?”

“Phải. Nó gọi là đặc tình… Ông có phải là đặc tình không?”

Câu hỏi của ông làm tôi sửng sốt.

Vậy là sao? Trong tù còn có đặc công nằm vùng sao? Chốn nào là chốn nương thân? Tôi chồm về phía trước, nhướng to mắt nhìn chằm chằm người đối diện. Tôi không cách nào thấy rõ mặt ông ta. Tôi muốn biết sắc diện ông ra sao khi hỏi tôi và tôi cũng muốn biết phản ứng của ông khi tôi trả lời. Chịu thôi.

“Ông nghĩ tôi là đặc tình sao?”

“Tôi không nghĩ ngợi gì hết. Tôi nói trước để đề cao cảnh giác.”

“Ông khỏi cần đề cao cảnh giác. Tôi tên Trần Lâm Thăng, bị bắt ở Rạch Sỏi…”

Tôi nói một hơi. Thật tình trong thâm tâm tôi, tôi muốn mở lòng mình ra cho người cùng tù biết tôi không phải là chó săn. Tôi căm thù bọn chó săn.

“Thôi, thôi… không phải khai. Tôi đâu phải công an chấp pháp. Ðủ rồi! Tôi không phải là người dễ tin đâu.”

Người tù nói giọng nhỏ, chậm, đã bớt hoài nghi.

“Nè, người anh em. Cần phải bình tĩnh. Ở đâu cũng vậy. Cần bình tĩnh, luôn luôn bình tĩnh. Không sợ hãi. Không căm thù…”

Tôi không hiểu ông ta muốn nói gì. Tôi chợt thấy toàn thân ê ẩm mệt mỏi. Tôi nhắm mắt lại, nghe rõ hơi thở của mình bắt đầu đều đặn.

“Rượu đã rót ra rồi phải uống, uống cho đến cặn.”

Tôi tưởng chừng nghe tiếng một người nào đó nói bên tai tôi một câu gần như vô nghĩa, chẳng ăn nhập gì với câu chuyện của tôi cả.

Những tia sáng của mặt trời chiếu qua song khung cửa nhỏ đánh thức tôi dậy.

Suốt đêm tôi đã ngủ theo kiểu duỗi chân và lưng tựa tường. Người cùng tù cũng ngủ theo cách đó. Nếu không có thêm một người thứ hai có thể ông ta đã nằm co gối ngủ được. Tôi thấy ông đang nhìn mình. Hai con mắt thụt sâu vào như hai cái hố. Cả khuôn mặt như cái đầu lâu của người chết nếu bóc đi làn da nhăn nheo. Ðầu ông ta không có lấy một sợi tóc. Tôi bốn mươi tuổi. Ông năm mươi hai. Hơn nhau một con giáp, ông ta nói như vậy đêm qua, nhưng nhìn ông tôi tưởng đó là người của trăm năm. Hay đúng hơn, một người đã chết vừa đội mồ đứng dậy. Hai cánh tay khẳng khiu da bọc xương của ông xếp lại đặt lên bụng, cả hai bàn tay ấp lên sợi xích sắt. Ông mặc quần đùi. Hai ống xương chân như hai cây que. Và một sợi xích sắt khác buộc vào sát cổ chân. Mùi hôi từ thân thể ông ta bốc ra cùng với cái thùng nhỏ bằng nhựa đặt ở phía tay phải tôi.

“Nè, người anh em…” Người cùng tù nói.

Tôi nhìn thấy quai hàm ông cử động. Quả thật đêm qua tôi đã hình dung ông ta khác hẳn con người bằng xương – chớ không bằng thịt trước mắt tôi.

“Không sợ hãi. Không căm thù.” Ông ta tiếp, “Rượu đã rót ra rồi phải uống, uống cho đến cặn.” Ông ta lặp lại những lời tôi đã nghe đêm qua.

Nhưng mà tôi không hiểu gì hết. Tôi nhớ Quỳnh, nhớ con tôi, nhớ khuôn mặt của Tâm khô-khốc-thiền-sư khi nhắc đến chuyện vợ con đã bị làm mồi cho biển cả trong chuyến vượt biên. Cái hình ảnh Nhật đứng với tôi trên con đường nhỏ trước một ngôi nhà ở Phú Nhuận, dưới chân đầy những sổ thông hành, bỗng nhiên hiện ra trong trí tôi. Năm năm rồi, Nhật đã bị chế độ mới bắt nhốt giam giữ tù đày ra tận miền Bắc. Những tin tức vọng về cho biết Nhật luôn luôn dũng cảm. Bố là đảng viên trung kiên không thuyết phục được Nhật “phản tỉnh” về những gì anh đã viết. Bố anh không cứu được anh, hay không dám cứu anh. Mà Nhật cũng chẳng cần kêu cứu. Sự can đảm của người trong tù luôn luôn là liều thuốc khích lệ những kẻ ngoài tù. Kỳ lạ không, chính những con người như tôi đã sống bằng hy vọng của những người đang bị giam hãm. Ký cũng đi tù chỉ để bên ngoài mối “sầu ở lại.” Lộc trình diện bọn quân quản mang theo những kỷ niệm tình ái của Sorbonne Paris, những đêm say ngất trời Chợ Ðũi. Yvonne, Denise, Catherine, Rosalie, Dominique… tóc vàng sợi nhỏ…, hắn mang tuốt luốt theo vào nhà giam. Nghĩa biến mất. Phùng biệt tăm. Ðình thu mình vào khu làng báo chí Thủ Ðức. Những chuyến vượt biên hụt, những lời nói mở ra đóng lại, hoài nghi cả người thân ruột thịt… Kiệt đâu? Tôi chợt nhớ đến người học trò đã đưa tôi đi xem ghe. Tôi lo cho Kiệt. Tôi sợ chú nhỏ không chịu nổi những nhục nhằn. Nỗi đau khổ về cái chết của người cha chưa nguôi trong trái tim chú, bây giờ chính chú gánh thêm trên vai những điều đau đớn khác. Những điều tôi từng giảng trong lớp học, tôi nghiệm ra chưa đủ giải tỏa cho tôi, liệu nó có giải tỏa được gì cho Kiệt. Ðau khổ sẽ tăng lên nếu nó đi sau một hạnh phúc. Niềm vui lúc nào cũng lớn sau một điều bất hạnh. Hạnh phúc chỉ là khoảnh khắc, và tình yêu cũng không là vĩnh cửu. Và Noccolo Machiavelli? A, tôi nhớ ra rồi, “kẻ thiết lập một nền độc tài mà không giết Brutus, thì chắc chắn ba bảy hai mươi mốt ngày…” Nhưng nó là cái gì. Chế độ mới nó là bá đạo hay vương đạo? Vương thế nào được! Machiavélisme.

Cánh cửa phòng bỗng xịch mở. Mở hé thôi. Một bàn tay đẩy vào hai chén cơm. Cơm không, không có thứ gì khác. Cánh cửa đóng lại. Bây giờ tôi mới nghe tiếng khóa. Tôi bưng chén cơm đưa cho người cùng tù. Ông ta không buồn cầm. Hai con mắt ông ngó chén cơm, chân phải ông co lại, duỗi ra, sau đó chân trái ông làm một động tác y như vậy. Tôi nhìn ông, đặt chén cơm xuống đất. Tôi thấy đói, đói lắm. Tôi dúm tay bốc cơm. Tôi ăn bằng những ngón tay. Tôi nghe vị ngọt ở đầu lưỡi. Những hột cơm đi qua cuống họng, sau khi đã bị răng nghiền nát, thơm như mùi chả ram. Tôi cảm thấy như vậy. Tôi không hề cảm tưởng. Mắt tôi, cả thân thể tôi chằm chằm vào chén cơm. Tôi đói như chưa bao giờ đói như thế.

Bỗng nhiên có một cái gì đó nhói trong đầu tôi. Tôi ngước nhìn lên, người tù già đang nhìn tôi. Hình như, tôi ngượng. Tôi đặt chén cơm xuống đất. Những ngón tay tôi còn dích những hột cơm. Tôi không biết để vào đâu bàn tay của mình.

“Ông không đói sao?”

“Không.” Ông ta lắc đầu. “Chưa tới giờ ăn của tôi.” Ông tiếp tục nhìn tôi đỗi lâu, tiếp, “Mà người anh em chưa ăn uống mấy bữa rồi?”

Tôi nhớ lại lúc bước chân xuống xe lam ở Rạch Sỏi. Hình như hai ngày tôi không có gì bỏ bụng. Tôi có được uống nước, nhưng ăn thì không.

Tôi không muốn trả lời người tù già. Tôi thấy đói. Tôi đang đói. Người ta không chỉ sống bằng bánh mì. Ai nói vậy? Người ta đâu chỉ sống bằng cơm gạo. Ðúng vậy. Nhưng không có bánh mì, cơm gạo thì trước hết người ta sống bằng cái gì? Tôi cúi xuống vét tiếp những hột cơm còn thừa trong chén. Tôi làm sạch không còn một hột. Tôi xòe bàn tay ra. Tôi gặm những ngón tay còn vướng cơm. Tôi biết người tù già đang nhìn tôi. Mặc kệ. Tôi phủi tay, tựa lưng vào vách nhà giam. Tôi thở.

“Nè, người anh em…” Người tù gọi.

Tôi nhìn ông. Chiếc đầu không sợi tóc của ông như cái đầu lâu. Những hốc mắt, hố mũi, hố miệng, răng. Một xác chết biết nói.

“Kêu tôi là Tư Long.”

Tư Long kể ông ta là đảng viên, là cựu thành viên Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng. Tư Long hoạt động nội thành, làm nghề lái tắc xi. Trong vụ tổng tấn công Tết Mậu Thân, quân “giải phóng” bị bại nặng khi quân lực Việt Nam Cộng Hòa phản công mạnh. Bộ đội vừa đánh vừa tháo chạy. Nhiều tên lạc đường bị bắt. Lúc đó Tư Long phụ trách một đường dây. Tư Long chở hai người bộ đội bị thương đi “ém” ở một địa điểm gần xã Bình Chánh. Tư Long quen một bác sĩ quân y Saigon. Tư Long đến than với người y sĩ là vợ mình bị bệnh nặng sắp chết. Người y sĩ bị cấm trại, vừa xếp đặt với một đồng nghiệp về thăm nhà mấy tiếng đồng hồ, thấy tình cảnh đáng thương của Tư Long nhận lời.

Tư Long chở ông ta đến chỗ ém mấy người bộ đội bị thương, bắt điều trị. Sau khi Tư Long đưa bác sĩ quân y trở về, một người bộ đội được cứu đưa ra bưng trở lại. Người kia đang hấp hối. Khi người bác sĩ quân y trở về anh ta cũng vừa tắt thở. Tư Long đành chôn người bộ đội tại chỗ. Tư Long bị nghi là cấu kết với “sĩ quan ngụy” giết bộ đội. Tư Long bị gọi vô bưng, bị bắt giam một nơi trong rừng. Nhà tù của “quân giải phóng” là một cái hầm sâu trên ba thước, bên trên được đậy bằng một tấm phên tre và phủ bằng các nhánh cây. Ban đêm tù nhân bị còng dính chung vào một thanh sắt dài và nặng, không cách nào đứng dậy được. Muốn tiểu tiện gì phải “đi” tại chỗ. Phần ăn mỗi ngày một bữa, khoai mì và muối. Ðói là căn bản. Cho nên ban ngày hay ban đêm, bất cứ lúc nào vồ được con nhái, con cào cào là bỏ ngay vào miệng ngấu nghiến. Tư Long bị tù từ trong rừng tù ra. Tư Long nói tù ở đây sướng hơn tù ở rừng. Mặc dầu cơm chỉ được ngày một bữa, nhưng là cơm chớ không phải khoai mì. Vả lại tuy bị cùm chân còng tay, nhưng là cùm chân một mình chứ không phải cùm chung bằng một thanh sắt dài. Tư Long nói có lần đau khổ quá không chịu nổi, Tư Long buột miệng niệm Phật Quán Thế Âm Bồ Tát, tên bộ đội canh giữ tình cờ nghe được đập cho một báng súng AK. Tư Long bị quy thêm tội tư sản, lạc hậu, mê tính, dị đoan!…

Người ta muốn đem Tư Long ra xử, nhưng không biết xử như thế nào cho phải. Tư Long có thành tích cách mạng, có tuổi đảng, nhưng Tư Long chỉ có một tội là bị tình nghi. Lúc đầu Tư Long lý luận mình không có làm gì sai trái, trước sau chi rồi “đảng” cũng sẽ rõ, sẽ thấu, sẽ trả tự do cho mình, sẽ được minh oan. Cá nhân mình có phải gánh chịu một vài đau khổ thì có sá gì với nỗi khổ đau của cả dân tộc. Tư Long lý luận kiểu đó để an ủi mình nhưng dần dà niềm tin được ngọn đèn “công lý cách mạng” chiếu rọi bị lung lay. Tư Long nhiều lần nói với người coi tù xin được đưa ra tòa án xét xử.

Nhưng lời kêu xin của ông như những hạt bụi rơi vào khoảng không. Có lần Tư Long nài nỉ xin được tờ giấy cây bút, Tư Long làm đơn gửi lên trên xin sớm được đem ra xét xử. Nhưng một lần nữa tiếng kêu của ông không hề được vọng lại. Tư Long mòn mỏi chờ, mỗi ngày thêm một tuyệt vọng. Tư Long bắt đầu chửi, chửi từ trên xuống dưới. Tư Long đem tên tuổi tất cả lãnh đạo đảng ra phỉ báng.

Có lần Tư Long đánh người coi tù đưa cơm, vì “câm miệng hến” nhất định không trả lời bất cứ câu hỏi nào của Tư Long. Tư Long bị cùm tay cùm chân, nhốt riêng. Ít lâu sau Tư Long không chửi nữa. Người ta tháo cùm cho Tư Long. Tư Long bóp cổ người coi tù. Tư Long vượt ngục hụt. Tư Long bị cùm cả tay chân trở lại. Tư Long đang chết mòn trong chờ đợi thứ ánh sáng công lý mà có lúc Tư Long tin tưởng.

Tôi hiểu tại sao Tư Long nói với tôi “tội tình nghi” chắc là sẽ ở lâu.

Tư Long hỏi:

“Nè, người anh em… ở đâu vậy?”

“Saigon.”

“Ðường nào?”

“Ðường Võ Tánh. Khu Mã Lạng.”

“Gần rạp Quốc Thanh phải không?”

“Sao ông rành vậy?”

“Trời, dân tắc-xi mà!”

Ông nhắc thời kỳ chạy tắc-xi ở Saigon. Nghề tắc-xi có nhiều kỷ niệm.

“Tội nghiệp cái ông đại úy bác sĩ có lần bị tôi gạt. Không biết ổng có đi vượt biên được không?”

“Nếu đi không được cách mạng cũng phải đền ơn đáp nghĩa ổng chớ! Ổng đã từng cứu người của cách mạng mà!”

“Mà ai làm chứng là ổng có cứu người của cách mạng? Người nào? Ở đâu? Hồi nào?”

“Thì ông làm chứng.”

Tư Long khua sợi xích sắt cười không ra tiếng.

“Nè, người anh em… Tổ mẹ nó tui như vầy tôi còn làm chứng cho ai!”

Tôi không ở lâu với Tư Long. Một tuần sau tôi được cho ra ngoài. Chân tôi đã hết đau từ hôm nào tôi cũng không rõ. Tôi có một chỗ nằm bên rãnh nước chảy từ nơi rửa chén của cái giếng giữa nhà giam. Tôi hít thở được khí trời. Thỉnh thoảng trong đêm tôi nghe tiếng xích sắt khua trong xà lim của Tư Long.

Tôi không biết bao giờ mình được đem ra xét xử. Tôi không biết Quỳnh và con bây giờ sống chết ra sao. Tôi ở đây cứ cho là yên thân đi. Tôi thấy mình lo cho người thân ở ngoài hơn là lo cho chính bản thân tôi.

Cũng như Tư Long, tôi chờ đợi.

Tôi không phải chờ đợi lâu. Một tuần sau khi được đưa ra nằm bên rãnh nước rửa chén, tôi bị tên coi ngục đánh thức đi “làm việc” vào lúc nửa khuya về sáng. Người công an chấp pháp ngồi trước mặt tôi khá quen. Cô tên Nhị Hà.

Chương Mười Ba

Tôi biết chắc người ngồi trước mặt tôi là Nhị Hà, cô học sinh những ngày đầu tiên của một Saigon vừa thất thủ. Có tất cả ba người tù cùng ngồi với tôi trên băng ghế dài chờ hỏi cung. Nhị Hà thì ngồi với một công an áo vàng. Chính Nhị Hà cũng mặt quần áo công an. Cô đang chăm chú đọc một tờ giấy, thỉnh thoảng cô quay sang người công an bên cạnh, đã trọng tuổi, trao đổi điều gì đó rồi lại tiếp tục cúi xuống tờ giấy. Tôi nhìn người tù bên cạnh. Tôi không quen. Tôi cúi xuống nhìn hai bàn tay tôi.

Những ngón gầy ốm, đen đúa. Những móng tay dài cáu bẩn, gớm ghiếc. Tôi nhìn xuống chân tôi. Hai bàn chân không dép còn đen đúa hơn cả hai bàn tay. Khi bắt đầu đi chân không, tôi nhói lên khi giẫm phải một viên sỏi, nhưng bây giờ chỉ một thời gian ngắn, tôi thấy gan bàn chân tôi đã quen với các vật cứng nhọn. Da chân đã tương đối dày đủ để chống với sức nóng mặt đường và những hòn sỏi cứng. Tôi chợt nhớ tới lớp học những buổi đầu sau ngày Ba Mươi Tháng Tư. Nhị Hà hồi đó ngồi một mình ở bàn đầu, mặt áo may theo kiểu nửa sơ mi, nửa bà ba, hai con mắt sắc, giọng nói đặc biệt của những người Bắc bảy lăm. Bài giản là một đoạn trích trong tiểu thuyết “Cái Sân Gạch” của Ðào Vũ,… Và tôi đã giảng bài như một con vẹt. Nhị Hà hồi đó giống như cái phong vũ biểu của tôi. Tôi nhìn mắt của cô bé này để đo lường bài giảng tôi chính xác đến mức độ nào. Tôi không nghĩ là cô ta giỏi, nhưng tôi tin là cô bé thuộc lòng quan điểm chính trị mà bố cô có lẽ là một đảng viên và cô đang là một đoàn viên. Cái cánh đưa tay lên xin phát biểu ý kiến của Nhị Hà cũng khác cách đưa tay của các em học sinh Saigon.

Tôi nhớ Nhị Hà nói, “Thưa thầy, em nghĩ rằng nhân vật trong Cái Sân Gạch là một nhân vật lạc hậu…” Hồi đó tôi luôn luôn nhận biết là không cách gì còn có thể đứng nổi trên cái bục giảng nữa.

Bục giảng đã không còn là của tôi. Những học sinh Saigon của tôi không làm sao có thể chấp nhận được thứ ngôn ngữ hay lập luận của một người thầy mà mới vừa hôm qua còn là xanh mà hôm nay đã là đỏ. Còn những học sinh từ ngoài Bắc vô hay từ chiến khu về, chắc cũng chẳng thể nào chấp nhận được cái ngọng nghịu ngượng ngập của một người thầy mà mỗi lần nói cứ phải cầm chặt lấy tờ giáo án, soi rọi từng chữ, từng nghĩa, lo lắng trước từng phản ứng của từng ánh mắt người học trò để xem mình có nói đúng hay sai quan điểm, lập trường. Nhị Hà luôn luôn nhìn vào mắt tôi khi tôi giảng bài. Tôi có cảm tưởng cô như một người được chỉ định để theo dõi tôi. Mỗi lớp học cần có một đoàn viên “nắm” những ông thầy và cô ngụy, nhất là những người “có vấn đề.”

Hình như có lần một đồng nghiệp cũ nói với tôi như vậy.

“Nè, có phải ông tên là Thăng không?” Người tù ngồi bên thúc cùi chỏ vào hông tôi làm tôi giật mình.

“Phải! Sao?” Tôi nhìn ông ta.

“Công an gọi ông kìa!” Ông ta hướng mắt về phía Nhị Hà.

Tôi thấy cô không ngồi chỗ cũ nữa. Cô đang đi về phía tôi, trên tay vẫn còn cầm tờ giấy và cây bút. Nhị Hà đi chậm rãi. Mái tóc cô uốn quăn, chải khéo, khiến khuôn mặt cô có vẻ trẻ hơn hồi năm Bảy Lăm. Tuy nhiên, bộ quần áo công an màu vàng làm cho Nhị Hà có cái dáng vẻ của một người bộ đội khi mới vào Sài Gòn hơn là của một cô gái đã ở thành phố hơn năm năm.

“Có phải là thầy không? Thầy Thăng?” Nhị Hà hỏi vừa khi đứng sát cạnh tôi.

Tôi nhìn thẳng vào mắt Nhị Hà. Tôi nói:

“Phải. Tôi là Trần Lâm Thăng.”

“Thầy không nhận ra em sao?” Nhị Hà hỏi rất nhỏ. “Thầy theo em. Em muốn nói chuyện với thầy.” Cô quay lưng, đi thẳng đến một bàn trống ở góc nhà.

Tôi đứng dậy bước theo. Tôi không nghĩ là có điều gì tốt cho tôi, nhưng tôi cũng không nghĩ là tôi đang gặp điều gì xấu.

“Ðây là tờ giấy để thầy khai. Thầy cứ điền vào chỗ trống trả lời các câu hỏi. Chỗ nào không rõ xin thầy cứ hỏi em.” Nhị Hà nói giọng nhỏ nhẹ.

Tôi cúi xuống tờ giấy, bản khai của người tù, tôi đọc lướt qua. Quá nhiều mục. Tôi bắt đầu điền vào những chỗ trống. Ngắn và gọn. Tôi không hỏi Nhị Hà. Tôi cứ thế mà ghi. Tôi chờ xem. Ở mục học lực, tôi ghi là biết đọc biết viết. Ở chỗ liên hệ với gia đình cách mạng, tôi ghi không. Ở chỗ lý do bị bắt, tôi viết tình nghi vượt biên. Tôi trả tờ giấy lại cho Nhị Hà sau khi ký. Tôi ký bằng một chữ ký khác với chữ ký tôi vẫn dùng. Nhị Hà cầm lên đọc bằng mắt. Có một đôi chỗ cô dừng lại, hơi nhíu mày. Nhìn mắt cô, tôi đoán ra được, cô đang ngừng lại ở đâu. Biết đọc biết viết, chắc cô không muốn như vậy. Nghề nghiệp: lái xe ủi đất đào giếng ở công trường An Biên. Ðây chỗ này cũng làm cho Nhị Hà dừng hơi lâu.

Khi đặt tờ giấy xuống mặt bàn, Nhị Hà hỏi:

“Sao thầy không khai là có liên hệ với đồng chí Mười Tân?”

Câu hỏi của Nhị Hà làm tôi giật mình. Tôi không nghĩ là cô sẽ hỏi tôi câu đó. Mười Tân? Tôi đã gặp ông ta ít nhất là một lần khi ông đến thăm Quỳnh, ngay sau ngày Sài Gòn vừa mất. Nhưng tôi có nhiều dịp nghe nói về ông ta. Những buổi nói chuyện của ông ở Thành Ðoàn lôi cuốn một số đông người nghe, những người trẻ tin tưởng vào lý thuyết của chế độ mới, những người trí thức khuynh tả, những người hôm qua bị đè nén áp bức, những người lo sợ chế độ mới sẽ làm mình mất đi những gì mà mình đã tạo ở chế độ cũ. Các bạn tôi, ngồi ở quán cà phê, vẫn thường nhắc đến ông Mười Tân, lúc đầu với một thái độ nể sợ, về sau với một thái độ lo lắng. Kết buộc, lên án, đanh thép… gần như là toàn bộ luận điệu trong những bài nói của Mười Tân. Người ta nói Mười Tân của miền Nam cũng giống như Tố Hữu của miền Bắc.

Trong thơ văn của hai ông này có chứa đựng những độc tố. Người ta luôn nhắc tới một bài nói chuyện của ông Mười Tân hơn một tháng sau khi Sài Gòn bị mất. Ðó là một bài nói lên án văn nghệ Sài Gòn trước Bảy Lăm, nền văn nghệ mà đồng loạt cả Hà Nội lẫn trong “bưng” ra gán cho cái tên là phản động và đồi trụy. Văn chương chống cộng thì gọi là phản động và văn chương viết về tình yêu thì bị gọi là đồi trụy. Cách nào thì cách, không có một chỗ đứng nào cho nền văn nghệ này. Dữ dằn, quá khích, cố chấp, thiên kiến… Mười Tân như một ông thần hung bạo chỉ hạ búa chứ không cầm bông hoa. Có lần Mười Tân nói với Quỳnh rằng thằng chồng mày cũng là một chướng ngại vật của cách mạng, nói với nó cứ im đi thì sống còn ngo ngoe là không tồn tại đâu. Ðừng nói chi xa, tên nào vượt biên thì vài tháng về, còn nó cứ cầm chắc bốn chục năm cho phải lẽ.

Cách nói của Mười Tân cho người nghe hiểu rằng tất cả cái gì thuộc chế độ cũ đều xấu xa và đáng phải bị tiêu diệt, đặc biệt là nền văn học nghệ thuật miền Nam. Mười Tân là người ưa dùng thứ ngôn ngữ thậm xưng và cường điệu trong khi nói nhằm khích động người nghe theo cách mà ông ta muốn.

Tôi còn nhớ tháng trước tình cờ gặp nhạc sĩ Nguyễn Giang ở một quán cà phê vỉa hè nhà bà Luật Sư Ðại, Giang vô tình nhắc đến tên Mười Tân khi anh hỏi tôi có bao giờ nghe những ca khúc mới của anh không.

Giang nói mặc dù âm nhạc của anh luôn luôn được quần chúng ưa thích, nhưng Mười Tân đã có lúc cho người gọi anh đến và nói rằng âm nhạc của anh chẳng qua là thứ “nhân đạo chủ nghĩa.” Ðó là một loại hình văn học “kết án chiến tranh mà không cần phân biệt loại chiến tranh nào, kết án bạo lực mà không cần hiểu xuất xứ, tính chất mục đích của mỗi thứ bạo lực.”

“Âm nhạc của anh,” Mười Tân nói: “có chứa đựng những lời than thở phản chiến nhưng nó cũng làm đảo lộn mọi thứ, nó lẫn lộn trắng đen, trung và nịnh, yêu nước và cướp nước. Coi chừng âm nhạc của anh cũng là một hình thức tiếp tay với bọn phản loạn.” Nguyễn Giang rùng mình khi nhắc lại chuyện trên. Lúc đó tôi nhìn thấy hai bàn tay Giang run giật lên như người mắc kinh phong. “Ông ta làm cho mình có cảm tưởng chỗ nào cũng tội lỗi, cái gì cũng tội ác. Cõi tạm. Mình phải xem đời sống này chỉ là cõi tạm, trăm năm chẳng qua cũng chỉ là kẻ ở trọ của ngàn năm thôi.”

Con chim ở đậu cành tre,

Con cá ở trọ trong khe nước nguồn

……..

Tôi nay ở trọ trần gian

Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời

……..

hoặc

Em đi qua chuyến đò

Thấy con trăng đang nằm ngủ

Con sông là quán trọ

Và vầng trăng tên lãng du.

……

Ừ thì cũng chỉ là trọ thôi. Có lúc Giang thở ra, “Tôi như đứa trẻ tìm nơi nương tựa mà sao vẫn cứ lạc loài…. Ðừng tin tôi nhé, vì tiếng cười.” Ðó là những lúc tôi thấy khuôn mặt Giang vốn nhỏ và nhô xương, hai con mắt sâu núp dưới đôi kính trắng, tối sầm lại. “Dường như quanh đây có điều gì tuyệt vọng.” Giang nói lửng lơ. Tôi hiểu bạn.

“Thầy Thăng!” Tiếng gọi tên tôi làm tôi giật mình.

“Thầy có sao không?” Nhị Hà hỏi tiếp.

“Không. Không có gì!”

“Em muốn hỏi sao thầy không ghi có liên hệ gia đình với đồng chí Mười Tân?”

Tôi nhìn thẳng vào mặt Nhị Hà. Tôi không trả lời.

“Thầy tốn bao nhiêu vàng trong chuyến vượt biên này?”

“Không tốn một xu.”

“Thầy là người tổ chức hay sao?”

“Không.”

“Thế thì ai là người tổ chức. Thầy ghi vào đây, chỗ này.”

Nhị Hà đặt tờ giấy xuống mặt bàn, để thuận chiều về phía tôi.

“Ðó là cách duy nhất để thầy sớm được khoan hồng.”

“Tôi không biết.”

“Tại sao?” Phải có người tổ chức vượt biên thì mới vượt biên được chứ!”

“Tôi không vượt biên. Chuyến đi Rạch Sỏi này là đi công tác đào giếng ở công trường An Biên.” Tôi nhắc lại những lời của ông Công dặn.

Nhị Hà không nói thêm. Cô lật lật mấy tờ giấy, trong đó có cái thẻ công nhân viên của tôi do ông Công cấp.

“Thầy không biết cái ‘Tổ Hợp Kiến Tạo’ của ông Công này là một tổ hợp ma chuyên bán giấy đi đường cho người vượt biên sao?”

“Không.” Tôi vẫn nhìn vào mặt Nhị Hà.

“Tại sao cô không đi chuyến này với thầy?”

“Tôi không đi vượt biên. Nhà tôi vẫn còn buôn bán làm ăn ở Sài Gòn .”

“Nhưng hồ sơ công an xã ghi thầy đi với một nhóm người Hoa, bị bắt vừa lúc xuống ghe mà.”

“Không. Tôi không hề đi với nhóm người Hoa nào. Tôi đi một mình.”

Nhị Hà cầm tờ khai trước mặt tôi:

“Thầy không gặp Kiệt sao?” Giọng cô nhỏ nhẹ, nhưng giống như cái búa đập lên đầu tôi, làm tôi ngã lăn

ra.

Tôi quên khuấy chuyến đi có Kiệt, quên khuấy Kiệt là bạn học của Nhị Hà, dù chỉ là bạn học của một tháng.

“Kiệt đâu rồi?” Cả tuần nay tôi không thấy cậu ấy đâu cả!”

“Kiệt đã được đưa xuống Kinh Làng Thứ Bảy lao động cải tạo trong tuần lễ thầy bị biệt giam.”

Tôi nhìn Nhị Hà. Tôi không đọc được tình cảm trong mắt cô khi cô nói đến việc một người bạn cùng lớp bị bắt. Kiệt đã bị đưa đi cải tạo. Còn tôi tại sao tôi còn ở đây? Người tù tên Bình bữa hôm qua mon men đến chỗ nằm của tôi gợi chuyện, hỏi là tôi có muốn về sớm hay không? Tôi hỏi lại muốn thì sao. “Dễ ợt. Ði hai cây thì về cũng hai cây.” Tôi nghi ngờ. Bỗng nhiên tôi giật mình nhớ đến lời hắn nói ngay trong đêm đầu tiên ngồi xếp hàng trong cải hối thất Kiên Giang. “Tôi bảo đảm là trước sau gì ông cũng phải nhờ đến tôi.”

“Thầy nên khai vượt biên bị bắt thì sẽ tính được ngày thả, nếu không…”

“Tôi muốn nhắn với gia đình tôi là tôi hiện bị giam ở đây. Tôi không vượt biên.”

Nhị Hà nhìn tôi lắc đầu. Cô xấp xấp mất tờ giấy cho đồng đều rồi đứng dậy.

Tôi đứng dậy, hai tay thọc túi quần, đi len qua dãy ghế. Cánh cửa hông nhà giam núp dưới hàng rào kẽm gai. Tên công an theo sau tôi ra dấu tên lính trên chòi gác mở cửa. Tôi bước chân qua thanh gỗ nằm chắn lối đi mà tôi không thấy. Tôi ngã chúi. Ðầu tôi va mạnh lên nền đất.

Ðêm lạnh lẽo.

Tôi nằm đó, hơi thở của đất trời làm tôi hồi sinh dần. Tôi nhìn thấy lại những ngày đầu của một Sài Gòn lửa đạn. Ðám cháy trong khu Mã Lạng. Quỳnh bế con đứng chờ tôi trong căn nhà ngập nước. Những chiếc guốc nổi lềnh bềnh trong nhà. Mùi hôi của cống rãnh tràn ngập cả con hẻm. Tuấn luật sư mang dép râu, chỉ còn thiếu cái nón cối. Ông Mười Tân, hai con mắt giật giật, giọng nói hằn học, lên án, buộc tội, ra lệnh. Tôi nhớ Ðăng và Mai, hai đứa con tôi không biết chúng đã theo mẹ đi Pháp chưa? Tôi tưởng tượng thấy Paris, thành phố ấy là đốm lửa đốt cháy trong tôi chút hy vọng nhỏ nhoi. Nhớ quán Cái Chùa nơi sáng nào cũng gặp Ðình, Nhật, Tâm,…. Nhớ chợ Ðủi. Ký, Lộc, Nghĩa… Tôi thấy những hình ảnh lộn xộn tràn ngập trong trí não tôi.

Bỗng nhiên tôi rùng mình. Một cơn lạnh thấu xương vừa thổi qua trong tôi. Cả khu trại giam còn chìm trong bóng đêm. Tôi chống hai tay trên mặt đất lồm cồm bò dậy. Tôi đi đến bên giếng nước, thả chiếc gầu bằng nhôm xuống, kéo sợi dây buộc ở cây xà ngang. Nước buổi sáng lạnh tanh. Tôi chùi cả hai tay vào ngực áo. Tôi đi vào căn nhà giam, dò dẫm từng bước giữa những người cùng tù đang say ngủ. Tôi tìm ra chỗ nằm của tôi gần rãnh nước. Vị linh mục bên phải tôi, hình như không chợp mắt từ khi tôi bị gọi lên chấp pháp “làm việc,” ông trở mình nhường chỗ cho tôi:

“Sao? Họ hỏi anh cái gì?”

“Thưa cha, cũng chung chung vậy thôi.”

“Mà anh gặp tên công an đàn ông hay đàn bà?”

“Thưa cha, một nữ công an.”

“Thưa cha phải. Mà sao cha biết tên cô ta Nhị Hà?”

“Ở đây ai mà không biết cô ta. Gặp cô này đỡ hơn là gặp thằng Sáu Phận.”

Sáu Phận là tên công an hung dữ nhưng có bộ mặt của một thanh niên đẹp trai. Hắn đi đứng nói năng từ tốn, hơi có phần lễ phép nữa là khác. Linh mục Minh cho tôi biết Sáu Phận là một tay chuyên sưu tập đồng hồ. Hắn luôn luôn thay đổi các loại đồng hồ tùy theo đợt người vượt biên bị bắt. Ðối với hắn sự chính xác của giờ giấc ăn uống, nghỉ ngơi và “làm việc” rất là quan trọng. Ai bị hắn gọi lên nửa đêm “làm việc” mà đến trễ quá năm phút, coi như người có hồ sơ xấu. Ðiều đó có nghĩa là Sáu Phận sẽ tự động phê vào hồ sơ người tù những tội mà người này không hề có. Và hắn sẽ bỏ quên luôn người mà lẽ ra hắn đã phải thẩm vấn và xét xử. Theo lời cha Minh nói, có lần Sáu Phận đứng giữa đám tù hát bài Vàm Cỏ Ðông, ở tận sông Hồng, em có biết, quê hương anh cũng có dòng sông… Hắn hát hay như một ca sĩ nhà nghề.

Và sau mỗi lần hắn hát như vậy là thế nào cũng có người được hắn “tuyển chọn” cho biệt giam, hoặc chia một chỗ nằm với Tư Long.

Sáu Phận đã từng “bỏ quên” một người tù tên Ayakawa, một thương gia Nhật Bản, không hiểu vì sao sau Bẩy Lăm còn lạc lõng dưới Rạch Giá, bị bắt vì một cớ nào không rõ.

Ông Ayakawa chừng bốn mươi tuổi, người gầy và cao để ria mép. Một đêm Sáu Phận gọi ông lên. Nghe người bên cạnh đập dậy ra dấu đi “làm việc” Ông Ayakawa từ từ xếp lại chỗ nằm, ra giếng múc nước rửa mặt, đánh răng, chải tóc thay quần áo. Ông lên trình diện Sáu Phận. Nhưng không lâu, chỉ chừng năm phút sau, ông trở về chỗ nằm. Người bạn tù bên cạnh hỏi sao nhanh vậy, Ayakawa lắc đầu. Chuyện đó xảy ra hồi năm Bảy Sáu. Bốn năm sau Ayakawa vẫn cứ ở một chỗ. Ông con cháu của Thái Dương Thần Nữ này hoàn toàn bị rơi vào quên lãng. Trường hợp của cha Minh cũng là một “tác phẩm” của Sáu Phận. Hắn lễ phép với cha y như chính hắn là một con chiên ngoan đạo. Tuy vậy có lần hắn hỏi cha một câu giữa bữa ăn trưa của tù là “Chúa có biết rằng cha đang ở tù không? Và Chúa có ý định gì khi đưa cha vào tù?”

“Còn Nhị Hà thì sao thưa cha?” Tôi tò mò.

“Khá hơn. Có vẻ có học. Nhưng cũng cùng một guộc thôi.”

“Suỵt! Tù không được nói chuyện.”

Bất ngờ có tiếng người nói rất gần. Tôi quay nhìn. Như một bóng ma, người nói là Bình, nhân vật đã ngồi cạnh tôi ngoài sân khám Rạch Giá đêm đầu tiên tôi bị giải về đây.

“Nhà anh có được tin là anh bị biệt giam ở đây chưa?”

“Chưa.”

“Anh có muốn gia đình anh biết là anh hiện ở đây không?”

Câu hỏi của anh ta nhắc tôi nhớ là cả tháng nay tôi không được thăm nuôi. Gần như mọi người trong tù tuần nào cũng có người thăm nuôi. Tôi không biết Quỳnh bây giờ ra sao. Hai mẹ con sống như thế nào? Căn nhà ở khu Mã Lạng. Mùa mưa. Ông Mười Tân hai con mắt giật giật. Tuấn luật sư dép râu, áo bỏ ngoài quần. Mai và Ðăng. Biệt tăm.

“Nếu tôi muốn thì sao?” Tôi hỏi anh ta.

“Chẳng có làm sao làm siết gì hết. Anh muốn thì tôi giúp cho. Thế thôi!”

“Anh làm ơn…” Trời chưa sáng hẳn nên tôi không nhìn rõ lắm khuôn mặt của anh ta. Tôi nóng lòng gặp lại Quỳnh và con tôi biết chừng nào.

“Anh cứ biên mấy chữ kèm tên bà chị và địa chỉ nhà ở Saigon tới giờ cơm tôi lấy.” Anh ta nói xong đứng dậy đi ngược ra phía giếng nước.

“Thưa cha…” Tôi ngập ngừng.

“Anh muốn biết ông Bình này là loại người gì phải không?”

Cha Minh hỏi tôi giọng chậm rãi.

“Thưa cha, phải. Ông ta chẳng có vẻ tù chút nào hết. Mà chả lẽ ông ta là cán bộ?”

“Hiểu sao cũng được. Tù cò mồi của Sáu Phận đó mà.”

Cha kể chuyện tên Bình này ra vào nhà tù như đi chợ. Tù lâu năm ở đây ai cũng nhẵn mặt anh ta. Anh ta làm tiền cho Sáu Phận bằng cánh chuyển thơ của tù mới bị giam về cho thân nhân. Anh ta là trung gian giữa Sáu Phận và người tù. Phần bên ngoài như liên lạc với thân nhân người bị giam thì Sáu Phận lo. Nhiều người bị bắt đợt hai, đợt ba, cho biết gia đình bị Sáu Phận làm tiền trắng trợn. Cái yếu điểm của hắn là đồng hồ. Hắn say mê đồng hồ hơn mê gái. Có lần một người làm nghề sửa đồng hồ ở Saigon vượt biên bị bắt được Sáu Phận đặc biệt ưu đãi, kể lại với cha là nhà Sáu Phận có nhiều đồng hồ đến nỗi có thể mở một chớ hai cửa tiệm cũng được. Người ta đồn Nhị Hà và Sáu Phận yêu nhau. Nhưng tình yêu đó cứ trắc trở vì mấy cái đồng hồ của Sáu Phận. Trời có vẻ sáng hơn. Tôi không dám nằm xuống. Tôi sợ giấc ngủ sẽ bắt tôi nằm bẹp luôn. Tôi tựa lưng vào vách, duỗi dài hai chân, nhắm mắt, thở. Bỗng nhiên tôi nhớ mấy câu thơ của Bùi Giáng mà Ký đã đọc ở Chợ Ðũi, những câu thơ làm tôi tức cười đến nôn ruột.

“Người con gái lội qua khe

Bàn chân với nước lạnh đè lên nhau

Nỗi niềm tưởng lại xưa sau

Bàn chân với nước cùng nhau lại đè!”

Ðó là lúc tôi nghe tiếng kẻng ở giếng nước vang lên. Tù đang thúc nhau dậy xếp mùng màn và chiếu. Cha Minh đặt tay lên vai tôi, vỗ vỗ mấy cái. Tôi nhìn thấy hai mắt cha hấp háy dưới chiếc kính cận dày. Một ngày tù bắt đầu như mọi ngày.

Chương Mười Bốn

Suốt một tuần lễ trời mưa tầm tã. Chỗ nằm của cha Minh và tôi bị nước tạt ướt, phải di chuyển ép sát vào bên trong. Ban đêm nghe tiếng nước chảy liên tiếp từ cái rãnh bên hè xà lim xuống ống cống ở cuối nhà giam.

Thời tiết thay đổi. Lạnh bất ngờ. Tôi nằm ngủ hai chân co lên, đầu gối áp sát vào ngực. Buổi sáng thức giấc bỗng thấy chiếc áo chùng của Cha Minh đắp lên tôi từ hồi nào. Tất cả những người tù bị giam trong “nhà mưa” – đó là một phòng chật, thấp, lợp tôn, tù ở trần trùng trục, chỉ có thể đứng và ngồi chớ không thể nằm, ngày cũng như đêm, mồ hôi vã ra như tắm – gặp cơn mưa thứ thiệt của trời đất đã có dịp được mặc quần mặc áo.

Tôi bị bệnh thật sự. Tôi nghe lạnh từ trong xương lạnh ra. Tôi không có cách nào để giữ cho hai chiếc quai hàm đừng đập vào nhau. Tôi thấy diễn ra trước mặt mình vô số hình ảnh. Người quen, kẻ lạ. Cảnh tượng thiên đàng. Bóng dáng địa ngục. Phố xá người đông đúc chen nhau đi. Những quán cà phê. Khách hàng ra vào tấp nập. Những đốm sáng bay ngược chiều thổi vào mắt tôi với tốc độ của chiếc máy bay phản lực. Tôi thấy khuôn mặt Quỳnh nhạc nhòa nước mắt. Tôi nghe tiếng con tôi khóc trong nôi giữa căn nhà ở hẻm Lê Văn Mùi khu Mã Lạng ngập nước. Những chiếc dép cao su, những tờ giấy trôi lềnh bềnh. Tôi thấy hai con tôi, Ðăng và Mai, đứng ở một góc đường phố Paris đón xe buýt đến trường, đã cao lớn hẳn, mạnh bạo, tin tưởng.

Chiếu qua màn ảnh trí nhớ tôi còn là một người đàn ông tên Trần Lâm Thăng, chạy chiếc xe Lambretta màu bạc, sau lưng ông ta là một cô gái tên Quỳnh, gầy nhom, cao, hai con mắt dân Mông Cổ. Trời mưa to. Xe chết máy trên đường Lê Lai gần nhà ga xe lửa, nơi ống cống bị nghẽn khiến con đường đã trở thành như một dòng sông. Cả hai ướt như chuột lột. Chiếc áo mưa nhà binh mặc ngược trước ngực người đàn ông không che nổi những giọt nước thổi xuống da thịt cả hai. Rét lạnh. Co ro. Saigon trở lại trong trí nhớ tôi, không phân biệt đâu là thời điểm sau và trước Tháng Tư Bẩy Lăm.

Tuấn-Luật-Sư mặc áo bỏ ngoài quần nói giọng cách mạng. Ông Mười Tân với hai con mắt giật giật, những ngón tay gõ nhịp trên mặt bàn, điếu thuốc luôn luôn gắn trên môi, bộ quần áo kaki màu bộ đội, tóc bạc cắt ngắn sát da đầu. Ðó là một con người quá khích, quá độ, cực kỳ thiên kiến. Một con người rất “chủ nghĩa”. Yêu, ghét rạch ròi như thể ngoài hai màu trắng và đen ra trên đời này không còn một màu sắc nào khác, như thể đời sống chỉ là một bài toán chỉ có hai đáp số, nếu không trung thì nịnh, nếu không gian thì ngay, nếu không là thế này thì phải là thế kia, không thể vừa là cái này vừa là cái kia. Rạch ròi. Rạch ròi. Tôi thấy tôi như một con nhện đi trên những sợi thừng do con người giăng. Tôi nhớ…

Từ chỗ nằm, tôi có thể nhìn thấy cái vòm cửa nhỏ của chiếc xà lim nhốt một người nữ tù. Thấp thoáng hai con mắt dại đi vì bóng tối. Tiếng xích sắt của Tư Long khua không còn vang đến tai tôi, nhưng tôi vẫn nghe rõ mồn một, in như thể tôi đang nằm bên ông. Mộng mị. Chiêm bao. Tưởng tượng. Bệnh tưởng. Tôi nhìn thấy cả quá khứ và tương lai.

Quá khứ của tôi? Những ngày dài buồn chán kể từ một tuổi thơ bơ vơ lạc lõng trong một gia đình ly tán, cho đến tuổi một thanh niên học hành lỡ dở đầu óc tràn ngập thứ mặc cảm tự ti, và một cuộc hôn nhân phản trắc đi theo một tình yêu cay đắng… Như một người đứng bên lề cuộc đời, tôi câm điếc đui mù trước cảnh sống ngột ngạt của một thành phố sa đọa. Tiếng đại bác đêm đêm vọng về như một người quen gọi tên mình, nhưng tôi cứ giả điếc làm ngơ nhất định không nghe.

Tôi chạy trốn những giọt nước mắt và máu. Lựu đạn nổ ở ngã tư đường, bom trong rạp hát, mìn claymore trên một nhà hàng nổi ở bến tàu… Chiến tranh không thập thò ở ngưỡng cửa thành phố, chiến tranh đã hòa tan trong không khí với hơi lựu đạn cay, với những bánh xe nhà binh bị đốt cháy nằm giữa mặt đường. Ðể tự trấn an mình, tôi lý luận cho riêng tôi rằng ở ngoài chiến trường dẫu sao vẫn dễ hơn là ở thành phố. Một nơi người ta có thể nhận diện kẻ thù, còn một nơi người ta không biết ai là ai. Bịt mắt trước ánh sáng tung tóe của những trái hỏa châu soi xuống những vùng ven đô, tôi đã sống trong cảnh đui mù của một con người tàn phế.

Chiến tranh ở đâu? Bao nhiêu bè bạn tôi đã bị bắt buộc phải làm người sát nhân để rồi sau đó làm nạn nhân? Cũng có đứa chưa kịp cầm lấy khẩu súng, cây gậy giết người, đã phải làm ngay nạn nhân thời chiến. Chiến tranh ở đâu, khi cha tôi bị bắt phải bước qua cái nghĩa địa đầu mồ mả của những người trong gia tộc, để rồi sau rốt đành lấy những giọt rượu làm người tri kỷ đốt cháy những ngày cùng tháng tận.

Chiến tranh là gì khi người anh tôi khoác cây súng lên vai đi khắp bốn vùng chiến thuật, để cuối đời về nằm bẹp dí trên giường bệnh chờ chết mà không nhận được một lời thăm hỏi. Anh đã là một người “chiến sĩ vô danh” được “tổ quốc ghi ơn” khi hãy còn thở. Khi bà chị dâu tôi sanh ra đứa con đầu lòng tưởng rằng chiến tranh đã hết đặt tên cháu là Ðình Chiến, Trần Ðình Chiến, nhưng chiến tranh vẫn cứ hiên ngang tồn tại, chờ cho Ðình Chiến kịp đến tuổi động viên thi hành quân dịch vào quân trường, súng trên vai đi bốn vùng chiến thuật với vết thương trên vai trên ngực, để rồi cuối cùng cũng còn kịp thời giờ chán để cháu bước vào trại cải tạo như một tù binh…

Tôi đâu phải là thiền sư, sau bao nhiêu năm sống trong cảnh tăm tối vật vờ, bây giờ nằm trong nhà giam nghe tiếng mưa rơi trên mái tôn, ngửi mùi hôi thối của cống rãnh chảy cạnh chỗ nằm, bỗng giật mình thấy ánh sáng… Nhưng tôi biết rằng ánh sáng đó là một điều có thực. Tôi nghiệm ra cuộc đời không đến nỗi bi thảm như tôi nghĩ, tôi tưởng. Những quả chuối xanh treo lủng lẳng ở cửa sổ phòng giam của người phụ nữ bị bắt vì “tội phản động dám chống lại chính quyền cách mạng” mới hôm qua còn xanh nay đã vàng chín. Từ chỗ nằm của tôi, tôi đã có lần thấy mấy tên công an áo vàng dẫn chị đi “làm việc” ngang qua rãnh nước. Tôi thấy chị cười khi người tù cắt tóc đang cạo trọc nửa đầu một người tù khác. Nụ cười của người tử tội dạy cho tôi biết bao nhiêu điều. Với cái vẻ đẹp ở đâu cũng có, vấn đề là mình có nhìn thấy nó và biết chia sẻ với nó không.

Tôi nhớ lại những ngày nằm chung xà lim với Tư Long. Công thần hãn mã như Tư Long mà còn bị cái chế độ Tào Tháo giam nhốt không biết ngày ra thì cái thứ người như tôi có gì để mà lý đến. Tôi nghĩ đến Sáu Phận, tên coi tù mà nào có khác chi người tù, có khác chăng chỉ là cái không gian của hắn rộng hơn, chân cẳng của hắn ít quẩn hơn. Và hai người học sinh của tôi; Kiệt đã chọn cho mình một quyết tâm riêng sau ngày cha cậu tự sát. Hoặc đi vào chiến khu chống lại chế độ mới hoặc vượt biển đến Mỹ học cho thành tài chờ ngày trở lại quang phục quê hương.

Và tôi không quên được cái hình ảnh mới nhất của Nhị Hà. Một khuôn mặt đằm thắm trong bộ quần áo công an. Cái nhìn lạnh lùng, những câu hỏi dửng dưng. Nhị Hà, người học sinh mà có lần Kiệt báo động cho tôi biết đừng bao giờ nói điều hớ hênh gì với cô gái ấy. Cô ấy có “bồ” là một người Nam tập kết, nhưng rất căm thù dân Nam Kỳ. Năm 54, khi tập kết ra Bắc, ông họa sĩ Ðặng Thanh Chánh chia tay vợ và con trai lúc đó mới tám tuổi, hẹn hai năm sau đất nước thống nhất trở về đoàn tụ. Nhưng ai ngờ, hai năm rồi hai năm, đất nước vẫn chia lìa. Năm 58, ông họa sĩ tập kết, người chuyên vẽ những bức tranh ca ngợi “lính cụ Hồ” được Ðảng cho phép lập gia đình với một nữ văn công trong đoàn kịch nói Hà Nội. Nhị Hà ra đời. “Bố” là họa sĩ, mẹ là văn công, Nhị Hà ưa thích văn học cũng là một lẽ dễ hiểu. Bà Chánh ở Saigon khổ nhọc nuôi con, không nhận được một tin tức nào của chồng. Bà gá nghĩa với một người thầu khoán người Bắc di cư. Ngoài đứa con trai riêng với ông Chánh, bà còn có thêm ba cô con gái với người chồng sau. Tháng Tư Bẩy Lăm, ông cán bộ họa sĩ trở vào Saigon. Ông thầu khoán bị chế độ mới bắt đi tù cải tạo vì thuộc thành phần tư sản mại bản. Ông Chánh tìm gặp lại được người vợ cũ. Nhưng có lẽ lương tâm ông đắn đo có nên gặp lại người xưa không, cũng có lẽ lập trường chính trị của ông bị chao đảo. Ông đứng thập thò giữa biên giới đảng và vợ cũ. Ðứa con trai của ông đã trình diện đi học tập cải tạo vì là sĩ quan của chế độ cũ.

Bà Chánh khóc lóc xin ông tìm cách cứu giọt máu riêng của hai người và nếu có thể cứu người chồng mới đã có ba mặt con với bà. Ông Chánh không nhận lời cũng không nói thẳng là từ chối. Nhưng rõ ràng là ông không làm gì để cứu người con là sĩ quan biệt đông trong quân lực Việt Nam Công Hòa. Người ta nói ông Chánh đã tìm cách chinh phục người vợ cũ – bỏ mẹ con Nhị Hà không ngó ngàng đến, và sau đó dọn về ở hẳn trong biệt thự của người vợ trước.

Nhị Hà có lần nói thẳng với mấy bạn trai, những học sinh của Saigon cũ, rằng cô rất ghét người Saigon, “giống dân bạc tình bạc nghĩa, chỉ biết chạy theo vật chất mà quên cái phần tinh túy là tâm hồn.”

Nhị Hà là một trong số những đoàn viên thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh “cực tả” trong thành đoàn. Không một chiến dịch nào do Thành ủy và Ủy nan Nhân dân thành phố mở ra đánh vào dân Saigon mà không có sự tham dự của Nhị Hà. Các vụ đánh tư sản, đổi tiền, tịch thu văn hóa phẩm gọi là phản động và đồi trụy, tấn công nhạc vàng, ruồng ốp sách báo cũ… đâu đâu cũng thấy Nhị Hà đi hàng đầu. Sau cùng Nhị Hà vào ngành công an. Cô thấy không ngành nào thích hợp cho lòng thù hận của cô bằng ngành này.

Còn tương lai?

Ừ, tương lai thì sao?

Tôi cần gì tương lai. Hiện tại tôi sống chưa xong, chưa hết việc gì tôi tìm kiếm tương lai!

Tôi nhớ lại nụ cười của người nữ tù. Một mái tóc rối bù, một khuôn mặt xanh xao, một bộ quần áo màu đen, bạc mốc. Nhưng nụ cười ấy đã làm ấm lại cái mùa đông tù ngục của hiện tại. Nụ cười ấy làm tan đi trong tôi những ý nghĩ đen tối chết chóc suốt bao nhiêu ngày nay. Tôi nhớ Tư Long, sợi xích sắt nặng nề buộc vào hai cườm tay, hai cổ chân, khua động rên xiết; hai sợi xích còn nặng hơn cả tấm thân toàn da với xương khẳng khiu còi cọc; tên cuồng tín chủ nghĩa, sau cùng đã thốt lên:

“Tôi phải sống để nhìn cái lũ đó chết, chớ tôi đâu có dại gì chết trước cái lũ đầu trâu mặt ngựa đó.”

“Anh Thăng!”

Bất ngờ có người gọi tên tôi và tôi cảm thấy có một bàn tay lay lay bả vai tôi.

Tôi mở choàng mắt dậy. Người đàn ông ngồi chồm hổm ngay chỗ nằm tôi là một cai tù. Tôi biết chắc như vậy, bởi vì tôi thấy y có đeo đồng hồ.

“Anh có phải là Trần Lâm Thăng không?”

“Phải.”

“Hôm nay có thăm nuôi, sao anh không ra sân chờ nghe tên?”

“Tôi bị bệnh. Mà tôi không chắc là nhà tôi biết tôi đang ở đây đâu.”

“Không nên bi quan như vậy. Nên rửa mặt rửa mũi đi. Tôi chắc hôm nay anh có người nhà thăm mà!”

Tôi ngồi dậy. Tên cán bộ cai tù còn trẻ. Y trạc ba mươi. Da trắng, khuôn mặt y đẹp trai một cách cải lương. Chiếc đồng hồ trên cổ tay y thuộc loại đắt tiền. Hiệu Longines, mỗi con số là một hột xoàn. Dây đeo màu vàng tựa như được đánh ra từ vàng khối.

“Ðồng chí Hà nói với tôi là anh là thầy học của đồng chí. Ðúng vậy không?”

Tôi gật đầu, mắt vẫn nhìn y.

Tôi biết y là ai rồi. Y chính là người sưu tập đồng hồ. Y là Sáu Phận. Giọng nói của y làm tôi nhớ lại tên cai tù ra lệnh cho tôi ngay đêm đầu tiên tại nhà tù này phải vào xà lim nằm chung với Tư Long.

Tôi hiểu được rằng điều này có nghĩa là người tù tên Bình và tên cai tù Sáu Phận quả có mối liên hệ như lời cha Minh nói. Nhưng tôi chưa kịp hiểu vì sao y không để tên Bình nói chuyện với tôi mà y lại đích thân làm việc này. Thật ra tôi chưa cần tìm hiểu. Tôi đang mong gặp Quỳnh. Tôi tưởng tượng thấy khuôn mặt vợ tôi đầm đìa nước mắt bế con đứng bên kia song sắt, dưới chân là một giỏ đựng thức ăn và đủ thứ linh tinh mà một người tù được phép nhận. Tôi tưởng tượng Quỳnh sẽ đứng đó không nói lời nào cho đến khi bị tên cai tù đuổi đi vì hết giờ thăm nuôi. Tôi như thấy lại chiếc răng khểnh của Quỳnh, đôi mắt màu nâu mã não, trên khuôn mặt thơ ngây, không bao giờ ngừng thơ ngây, đã chiếm hết chỗ trong trái tim tôi.

Tôi nhìn ra sân. Trưa nắng. Tiếng đọc tên người được thăm nuôi vang lên ơi ới, truyền miệng nhau, tên này chồng lên tên kia.

“Ðồng chí Nhị Hà đã lấy phép về thành phố Hồ Chí Minh thăm gia đình…”

Xong y đứng dậy, bàn tay phải y trùm lên chiếc đồng hồ ở cườm tay trái như muốn che đậy sự sang trọng. Y bước đi, không ngoảnh lại. Ðúng lúc đó, cha Minh vào xách theo một giỏ quà thăm nuôi. Ngồi xuống chỗ nằm của mình, cha Minh bày thức ăn ra trên mặt báo, những thức ăn đã bị mở tung ra để kiểm soát trước khi tù đưa về chỗ nằm.

“Sao anh không ra ngoài chờ nghe coi có người nhà thăm nuôi không?”

“Cha nói đúng cái câu mà một người vừa mới nói với tôi.”

“Ai vậy? Phải cái ông Bình cò mồi không?”

“Thưa cha, không.”

“Vậy thì cái ông có đeo đồng hồ vàng. Phải không?”

“Sao cha biết?”

“Tôi đoán chừng thôi. Mà có đúng vậy không?”

Tôi gật đầu.

“Vậy thì cứ ra ngoài sân đi lòng vòng chỗ cửa sắt coi. Sáu Phận nói chuyện gì khó tin chớ chuyện thăm nuôi là tin được.”

Tôi đứng dậy ra giếng múc nước đánh răng rửa mặt. Tóc tôi đã cắt ngắn ngay trong ngày đầu vừa bước vào tù nay đã lởm chởm dài.

Tôi dội nguyên một gầu nước lên đầu. Hai tay tôi chà xát thật mạnh vào mái tóc đã được cắt ngắn. Tôi muốn tìm chiếc gương soi lại mặt mũi tóc tai của tôi. Tôi không muốn để Quỳnh thấy tôi bạc nhược, tả tơi, thê thảm. Không, người trong tù phải giúp cho người bên ngoài tù yên tâm, tin tưởng, lạc quan mà sống. Phải như thế. Tôi đánh răng thật kỹ. Tôi không bịnh. Tôi không bịnh. Tôi không bịnh. Tôi là người khỏe mạnh. Tôi… lặp đi lặp lại nhiều lần trong đầu các câu nói đó. Và tôi vuốt lại bộ quần áo độc nhất đã mặc từ ngày vào tù. Bộ quần áo ấy tôi đã giặt hai lần vào những buổi tối.

Hai lần tôi được cha Minh cho mượn chiếc áo chùng của cha để ngủ chờ quần áo khô. Tôi yên tâm thấy quần áo tuy có nhàu nát nhưng không hôi hám. Tôi tưởng tượng tôi đang có bộ mặt vui vẻ. Tôi đi vòng ra phía cửa sắt. Tôi đứng sau lưng những bạn tù đang lao nhao chờ đọc tên mình. Tôi kiễng chân lên cố nhìn những thân nhân của người tù bên kia song sắt. Tôi hy vọng Quỳnh đang có mặt. Tôi hy vọng Nhị Hà đã báo cho Quỳnh biết. Tôi hy vọng Sáu Phận đã đưa thư tôi cho Quỳnh. Tôi tưởng chừng thấy Quỳnh đang bế con, giỏ thức ăn dưới chân dáo dác tìm kiếm tôi bên trong song sắt. Tôi chắc chắn Quỳnh sẽ khóc khi ôm tôi, dụi cái mái tóc ngắn ngổ ngáo vào ngực tôi. Tôi chắc Quỳnh sẽ cười nói rằng “ngu lắm, không khóc nữa đâu.”

Tôi tưởng… nhưng không, không có gì hết. Người tù có vẻ đông hơn đám nhân thân ngoài kia. Chừng mười người đàn bà, có người bế con, có người dắt con, có người còn trẻ, có người đã già, ăn mặc đủ kiểu, đủ loại. Tên công an coi tù đứng giữa, trên tay cầm tờ giấy. Tôi thấy hắn đọc khó nhọc, như thể hắn đang bị hành xác. Tôi nhìn quanh quất thêm một lần nữa đám thân nhân bên ngoài. Cố tưởng tượng Quỳnh mặc bộ bà ba đen, đang tay xách nách mang, lỉnh cà lỉnh kỉnh những thứ thăm nuôi tù.

Không. Không có Quỳnh. Có một người đàn bà trẻ đang đứng khóc. Dưới chân chị là một giỏ quà nhỏ. Có tiếng mấy người tù bên trong nói truyền nhau. “Cam Duy Nghĩa bị đưa đi rồi!” Người đàn bà trẻ vẫn đứng yên. Những giọt nước mắt chảy ròng ròng trên hai gò má xanh xao. Một bà lão da mặt nhăn nheo, hai gò má tóp lại, vịn tay lên song sắt, cả khuôn mặt bà áp sát vào cửa, tưởng như bà muốn chui vào trong tù. “Thằng Sanh đâu? Tui muốn gặp thằng Sanh, cháu tui!” Không ai trả lời. Tên công an coi tù gỡ những ngón tay của bà ra khỏi song sắt, “Bà đi về đi! Ở đây không có ai tên Sanh mà! Bà về đi!” Bà lão vẫn nhất định không nghe, những ngón tay bà bám chặt hơn vào song sắt, cả chiếc đầu nhỏ bé của bà với chiếc miệng móm, hai con mắt sâu, mái tóc bạc trắng thưa thớt như chui hẳn vào giữa hai thanh sắt. “Tui muốn gặp thằng Sanh. Nó là cháu tui. Nó có làm gì đâu mà mấy người bắt nó, nhốt nó. Trả thằng Sanh cho tui.”

Giữa những tiếng kêu của bà lão là tiếng la mừng rỡ của một người tù khác nghe xướng đúng tên mình có người nhà thăm nuôi. Tiếng cười của người tù, tiếng khóc của người bên ngoài cửa sắt.

Tôi không thấy Quỳnh đâu, nhưng tôi vẫn hy vọng. Có thể mẹ con nó được tin tức mình quá trễ, chưa kịp mua sắm gì thăm nuôi chồng. Có thể thư tôi chưa đến tay Quỳnh. Có thể Nhị Hà không muốn cho nhà tôi biết. Có thể Sáu Phận có âm mưu gì đây. Có thể tên Bình cò mồi muốn ếm tôi để Sáu Phận làm tiền. Có thể… có thể Quỳnh sắp tới, Quỳnh đang tới. Bao nhiêu điều “có thể” đang nhảy múa trong đầu tôi.

“Trần Lâm Thăng! Ai là Trần Lâm Thăng?”

Tôi nghe có người gọi tên tôi. Tôi nhìn chăm vào miệng tên công an đứng bên cửa sắt. Không, hắn không đọc tên tôi. Hắn đang xếp tờ giấy bỏ vào túi. Ðám tù bắt đầu rã hàng. Bà lão bên ngoài cửa sắt đang quỵ xuống. Một cô gái bênh cạnh bà cúi xuống đỡ bà.

“Trần Lâm Thăng! Ai là Trần Lâm Thăng?”

Tiếng kêu tên tôi lặp lại một lần nữa. Tôi quay ra phía sau. Một phản ứng rất tự nhiên tôi giơ tay lên.

“Anh là Trần Lâm Thăng hả?” Tên coi tù, tay đeo đồng hồ, chống nạnh hỏi giọng bực bội. “Anh có điếc không?”

“Không.” Tôi trả lời gọn.

“Không điếc, sao không lên tiếng?”

“Tôi tưởng có người nhà thăm nuôi”

“Tưởng cái gì? Ði theo tôi!” Hắn ra lệnh và quày quả bỏ đi.

Mấy người tù trong sân ngó tôi ái ngại. “Làm việc!”

“Sao làm việc ban ngày?” Tôi nghe tiếng cha Minh nói bên tai tôi khi cha đi ngược chiều tôi. “Cẩn thận!”

Băng qua bờ giếng, chui qua cánh cổng nhỏ nằm dưới chòi canh, tường lởm chởm mẻ chai và kẽm gai, tên công an dẫn tôi đến một căn phòng rộng. Giữa phòng là một cái bàn và hai cái ghế. Một người đang ngồi quay lưng về phía tôi. Mái tóc bạc trắng, những ngón tay đang gõ gõ trên mặt bàn, khói thuốc bay lên.

Tên công an đến gần đứng thẳng người.

“Báo cáo thủ trưởng, Trần Lâm Thăng đã đến!”

“Cám ơn!” Người ngồi trên ghế không buồn quay mặt lại.

Tôi lặng người. Tôi biết người đàn ông tóc bạc kia là ai rồi. Tôi không ngờ. Tôi thật không ngờ. Người đang chờ tôi là Mười Tân.

Tên công an coi tù đã bỏ đi.

“Mời cậu Thăng ngồi. Lâu quá phải không?”

Chương Mười Lăm

Thật tình là tôi bị bất ngờ. Tôi đang nóng lòng chờ đợi Quỳnh và con. Tôi không hề nghĩ là sẽ có ngày gặp lại Mười Tân, nhất là ở đây trong hoàn cảnh này. Dù sao… sự thể đã như vầy. Tôi đi vòng ra trước mặt Mười Tân, kéo ghế ngồi xuống.

Những ngón tay của bàn tay trái Mười Tân vẫn gõ nhịp trên mặt bàn. Ðiếu thuốc vẫn còn trên môi. Tôi có cảm tưởng Mười Tân đang nhìn tôi cái nhìn xoi mói, muốn đọc những gì đang đi qua đầu óc tôi.

Tôi không biết cái thời gian im lặng nặng nề đó kéo dài trong bao lâu, nhưng rõ ràng Mười Tân là người mở lời trước.

“Tôi được người quen cho biết là cậu hiện đang ở đây. Từ một tuần trước kia. Nhưng bây giờ tiện dịp xuống dưới này làm việc với bí thư tỉnh ủy, nên tôi ghé thăm cậu.” Mười Tân bắt đầu nói sau khi nhấc điếu thuốc ra khỏi môi, dụi đốm lửa xuống cái gạt tàn, dí dí đến gãy cái điếu thuốc còn gần phân nữa.

Tôi vẫn im lặng. Tôi có cảm tưởng Mười Tân sẽ hỏi một câu gì đó. Tôi không chờ một câu nói vô thưởng vô phạt. Và tôi không phải chờ lâu.

“Có biết vượt biên là phản quốc không?”

Mười Tân hỏi cũng bất ngờ như sự xuất hiện vừa rồi của ông. Tôi không trả lời câu hỏi trống không của ông. Mười Tân lấy điếu thuốc bật diêm, châm lửa. tôi có cảm tưởng như ông đang dằn cơn tức để nói. Ðiếu thuốc chưa bập được hai hơi Mười Tân đã dập xuống gạt tàn. Những ngón tay lại gõ trên mặt bàn. Sau cùng ông đứng dậy, hai tay thọc trong túi quần, đi qua đi lại, rồi dừng hẳn trước mặt tôi, ông nói:

“Có biết loại người nào trong xã hội mới này bỏ nước ra đi không? Ðó là bọn ma cô đĩ điếm, bọn ăn không ngồi rồi, bọn sống bám trên mồ hôi lao động của người khác, bọn không có xương sống, không đầu óc, không biết suy nghĩ. Tại sao đi theo bọn đó? Tại sao?”

Tôi biết mình trước sau gì cũng sẽ nghe những lời nói đó, những câu hỏi loại đó. Bây giờ Mười Tân đã nói:

“Không phải đi học tập cải tạo như những tên có nợ máu với nhân dân sao không đội ơn lượng khoan hồng của chế độ mà còn giở trò vượt biên. Có biết hành động này không phải chỉ là hành động phản quốc mà thậm chí còn là hành động vô đạo đức nữa không?”

Mười Tân lại ngồi xuống ghế, rút thêm một điếu khác, mồi lửa, thở khói.

“Bỏ vợ bỏ con một mình lén lút ra đi, trốn chạy trách nhiệm với tổ quốc, trốn trách nhiệm với gia đình, phải đánh giá một con người vô trách nhiệm như thế ra sao?…”

Tôi vẫn ngồi im. Tôi cúi xuống nhìn hai bàn chân không giày dép của tôi. Tôi đan chéo hai bàn tay vào nhau. Tôi thấy những móng tay mình đã dài, cáu bẩn, đen đúa. Tôi nhìn chiếc áo mình đang mặc, nhiều chỗ đã ố vàng. Tôi thèm được uống một ngụm nước. Tôi muốn chui xuống cuống họng điều mà tôi đang ngậm đắng nuốt cay.

“Không đóng góp được gì tốt đẹp cho tổ quốc đã là một con người xấu, bỏ tổ quốc ra đi theo bọn phản động, còn làm cho mình trở nên tồi tệ…”

Tôi nhìn Mười Tân nói năng cử động như một người đang lên đồng.

“Tôi đã nói với Quỳnh, ngay sau ngày giải phóng là nó đã lấy một thằng đàn ông không ra gì. Một gia đình cách mạng xấu hổ khi để lọt một người như cậu bước vô.”

Tôi ngó lên trần nhà. Tôi nhìn quanh nhìn quất. tôi nhớ ra nơi chốn này tôi đã đến một lần. Cô học trò công an tên Nhị Hà ngồi ở chỗ mà Mười Tân vừa ngồi để lấy lời khai của tôi. Tôi không biết giờ này Quỳnh đang làm gì. Con tôi có khỏe mạnh không. Nếu có bị bệnh tật ốm đau làm sao có thuốc men mà chạy chữa, mặc dù gia đình của Quỳnh có cả một tiệm thuốc tây. Tôi nhớ có lần

Tâm-Khô-Khốc-Thiền-Sư nói về Mười Tân rằng đó là một con người có tài ăn nói, nhưng là người cực đoan chủ nghĩa về tất cả những gì mà ông theo đuổi một cách mù quáng. Những người trí thức bị chất mua túy của chủ nghĩa Mác-xít cuốn hút, những người chán ngấy cái xã hội Sài Gòn mà họ đã sống, những người trẻ tuổi bị bế tắc trước tương lai, những người sợ hãi trước chế độ mới… đều là những người hết lời ngợi ca Mười Tân. Những bài nói chuyện của ông lôi cuốn đám đông ấy trong một không khí sôi sục đến thần thánh, gần như sẵn sàng bùng nổ. Phải nói ông Mười Tân là một diễn giả tài giỏi và sức thuyết phục của ông trước một tình hình chính trị mới mẻ, trong một chế độ cai trị bằng bạo lực, thật là to lớn. Có lần tôi nghe được hay đọc được ở đâu đó rằng Mười Tân đã bỏ nhà ra đi làm cách mạng năm mới mười sáu tuổi. Năm mười tám tuổi, ông đã là chính ủy một đại đội đặc biệt. Mười Tân không phải chỉ là người can đảm, kiên cường, hoạt bát, lý luận giỏi, ông còn là một người chọn văn chương nghệ thuật như một vũ khí để minh họa cho con đường cách mạng của ông.

Cái tiểu sử của Mười Tân được thêu dệt bằng nhiều câu chuyện kể hơn là bằng chữ viết. Mười Tân trong thời kỳ cao điểm của cuộc chiến Việt Nam dám đứng khơi khơi giữa vùng phi cơ oanh tạc trong chiến khu mà không bị một mảnh đạn nào ghim tới, trong khi Trần Văn Trà chạy nhủi xuống địa đạo như con cút đất không dám ló mặt.

Mười Tân ra vô Saigon như cơm bữa mà tình báo của chính phủ từ thời ông Diệm đến ông Thiệu coi như bó tay. Người ta nói khi mà Nam Bộ hát bài “Mùa Thu rồi, ngày hăm ba, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến…” Mười Tân đã là một cán bộ cao cấp trong Xứ Ủy Nam Bộ. Mười Tân, hồi còn là học sinh đã chinh phục được một tướng cướp lừng danh tên Ba Công. Ba Công người cao lớn vạm vỡ, mặt đỏ như Quan Công. Ba Công lấy chữ Ba, vì như ông ta vẫn thường giải thích với đám thuộc hạ là “tao không muốn làm anh Hai thằng nào hết, nhưng thằng nào muốn làm anh Hai tao là không được.” Ba Công theo Việt Minh thời kỳ đầu, nhưng đám lâu la bộ hạ của Ba Công vẫn nằm nguyên trong đại đội của ông. Nhiều lần Việt Minh muốn phân tán cái đám đàn em của Ba Công ra mà không được. Ba Công là người trọng nghĩa khinh tài, đúng là loại người “giữa đàng thấy chuyện bất bình mà tha.”

Lính vệ binh của Ba Công có lúc lên đến vài ba trăm. Ðến lúc đó thì Ba Công gặp được đại diện của Việt Minh Nguyễn Bình. Vệ binh Ba Công gia nhập Việt Minh làm đại đội trưởng trong một đại đội mà hầu hết lính của ông ta là những người đã từng “vào sanh ra tử” trong các trận cướp suốt một vùng Mỹ Tho-Chợ Gạo. Mười Tân, mười tám tuổi làm chính ủy trong đại đội do Ba Công làm đại đội trưởng, biến một tướng cướp thành một con người bình thường. Người ta nói Mười Tân là người tổng chỉ huy trong trận đánh Tết Mậu Thân sáu tám tại Saigon. Và trận đánh thất bại vì Mười Tân đặt nặng sức mạnh vào vai trò của trí thức sinh viên học sinh mà lại xem nhẹ vai trò của công nhân, nên thất bại là lẽ thường tình. Mười Tân bị hạ tầng công tác.

Cuộc đời “làm cách mạng” của Mười Tân không suôn sẻ, nhưng cái quan trọng là Mười Tân luôn luôn tự xem mình như là người cộng sản thứ thiệt. Sau bảy lăm, Mười Tân vẽ ra cho dân Saigon cái hình ảnh Vùng Kinh Tế Mới, vùng đất lưu đày của những người mà chế độ mới gọi cái tên chung là “Ngụy”, rằng đó là vùng đất lý tưởng, chỉ cần năm năm sau là nhà cửa vườn tược được điện khí hóa đến nơi đến chốn. Rồi con kinh đào nước trong xanh chảy qua. Ðêm trăng, bầu trời trong đầy sao. Mười Tân nói hay đến nỗi, trừ những người bị cưỡng bách đi vùng kinh tế mới thì chẳng nói làm gì, có người đang đủ điều kiện sống ở Saigon cũng bỏ ra đi. Năm năm đã qua. Cái cảnh con kinh xinh xinh, cánh đồng, vườn tược, tiếng hát, tiếng cười của trẻ thơ mà Mười Tân vẽ ra chỉ là những hình ảnh trên trang giấy.

Người đi kinh tế mới lũ lượt kéo nhau về Saigon, sống tạm bợ ở các vỉa hè, sống chui rúc trong những khu xóm tối tăm, ngay cả nghĩa địa cũng đầy những người sống. Mười Tân đề cao một thứ đạo đức mới của người cộng sản là “trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.” Các bài viết nào của Mười Tân cũng nhắc đi nhắc lại câu thơ của Nguyễn Ðình Chiểu “chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm, đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.”

Mười Tân gọi mấy thằng gian này là đám cán bộ bắt đầu tham nhũng hối lộ, muốn lấy cái công lao kháng chiến làm công hãn mã để ăn ngon mặc đẹp, ăn trên ngồi trước. Ðám này phải được trừng trị, dạy cho bài học làm người. Nhưng, thêm một lần nữa, Mười Tân bị hạ tầng công tác. Bộ Chính Trị trung ương đảng nói Mười Tân làm cách mạng bao nhiêu năm mà chưa thuộc bài học tư tưởng Mác xít Lê-nin-nít. Kẻ thù số một của cộng sản Việt Nam trong giai đoạn này là cái bọn ở Trung Nam Hải Bắc Kinh, còn kẻ thù cơ bản thì vẫn là “đế quốc Mỹ,” chớ còn “mấy cái thằng gian” kia dù sao cũng là đồng chí anh em, những người đã từng nằm gai nếm mật, những người đã từng “áo anh rách vai, quần tôi có hai miếng vá, miệng cùng cười buốt giá chân không giày…” Cây bút của Mười Tân đâm sai chỗ. Mười Tân chưa bao giờ được đưa vào chức ủy viên trung ương, chớ đừng nói chi được vào Bộ Chính Trị, trong khi những người được Mười Tân giới thiệu vào đảng, cất nhắc, bao che, lần lượt chiếm những chỗ mà bất cứ một đảng viên cộng sản nào cũng ao ước đạt tới.

Mười Tân có lần đến thăm nhà của Quỳnh. Ông cụ còn nằm trong trại cải tạo cộng sản. Ðứa em trai của Quỳnh, cựu học sinh Taberd Saigon bị ma túy hành. Mười Tân rút khẩu súng ngắn ra đặt trên bàn nói với giọng lạnh lùng: một là gởi thằng này vào trại phục hồi nhân phẩm, hai là tôi bắn nó ngay tại chỗ này.

Ðứa em trai của Quỳnh tên Dũng đi vào trại phục hồi nhân phẩm ba tháng sau trốn trại. Một tên công an khu vực bắt được Dũng khi cậu lần mò về nhà trong một đêm tìm thứ gì có thể bán được để mua thuốc. Dũng chống cự và bị tên công an đánh đập tàn nhẫn. Dũng chết ngay trong đêm đó. Mười Tân nói cái chết của Dũng là một điều hay. Xã hội này không có chỗ đứng cho loại người chẳng những vô tích sự mà còn ăn bám như Dũng.

Ðó là Mười Tân.

Mười Tân cứ tiếp tục nói. Hai con mắt ông nhấp nháy, thỉnh thoảng giật giật như bị kích thích. Những ngón tay gõ nhịp trên mặt bàn. Khói thuốc bốc lên tỏa ra căn phòng hỏi cung không ngừng khi ông nói. Tôi nhìn ông. Dần dần tôi thấy ông như một diễn viên kịch câm trên sâu khấu thành phố. Tôi nhớ Quỳnh. Tôi nhớ con tôi. Tôi nhớ Saigon. Chẳng lẽ Mười Tân biết tôi ở đây mà Quỳnh không biết? Chẳng lẽ Quỳnh đã quên tôi? Chẳng lẽ Quỳnh đang gặp chuyện không may? Chẳng lẽ…? Không. Tôi không được nghĩ ngợi như vậy. Tôi tin Quỳnh. Cái hình ảnh Quỳnh trong đêm sinh nhật của Uyên tại nhà ông Phan trước ngày Saigon thất thủ vẫn còn trong trí nhớ tôi. Làm sao tôi quên được cái đêm giới nghiêm sau cùng của thành phố, Quỳnh xé chiếc vé máy bay của hãng CAL và quyết định ở lại với tôi. Tôi yêu Quỳnh. Chính trị, chế độ là cái sẽ đi qua. Tình yêu là cái còn lại vĩnh viễn.

Mười Tân tin tưởng vào những điều ông ta làm, say mê những điều ông ta nghĩ. Có lẽ suốt đời Mười Tân không biết thế nào là tình yêu. Nhưng những gì mà ông ta làm và nghĩ tưởng chừng như là lớn lao, thật ra dưới mắt tôi cũng chỉ là con số lẻ của một bài toán.

Tôi đã có lần gặp chị Mười Tân. Ðó là một phụ nữ bình thường, ốm yếu, bệnh tật. Hơn thế nữa, chị là một phụ nữ lạnh lùng. Tôi không thấy chị cười bao giờ. Khuôn mặt chị giống như được đắp bằng sáp. Chị ít nói đến độ tôi có cảm tưởng sự băng giá ấy đã làm đông cứng trái tim chị.

Người ta nói tại hội nghị La Celle-Saint-Cloud ở Pháp, Nguyễn Thị Bình là cái bề mặt còn chính chị Mười Tân mới là người quyết định những phát biểu của Bình. Chính những ngày dự hội nghị ở Paris, chị Mười Tân đã có một hành động làm rúng động tới Praha về tận Hà Nội.

Trong một buổi tiếp tân của chính phủ Pháp khoản đãi các phái đoàn bốn bên, trong đó có các đại sứ và phu nhân của nhiều quốc gia tham dự. Bà đại sứ Ấn, mặc quốc phục để hở rốn – một chuyện bình thường – nhưng một tên đại sứ của Hà Nội từ Praha, Tiệp Khắc đến đã bất kể lịch sự tối thiểu cứ nhìn chằm chằm vào bụng người phụ nữ Ấn. Cái nhìn láo liên mất dạy của hắn không qua được mắt của chị Mười Tân. Trong bữa ăn sáng ngày hôm sau, giữa các thành viên trong phái đoàn, chị Mười Tân nhắc lại thái độ không đúng đắn của tên đại sứ. Hắn cho là chị đùa. Hắn vẫn cứ tiếp tục cười nói: “Ối, đàn bà có cái rún đẹp để cho đàn ông ngó. Mất mát hao mòn gì đâu mà phê bình!”

“Ðồng chí nói sao?” Chị Mười Tân hỏi lại.

“Thì tôi nói đàn bà có cái rún đẹp…”

Tên đại sứ chưa nói hết câu, chị Mười Tân bỏ dao nĩa xuống, xô ghế đứng dậy, chồm qua mặt bàn, tát một cái thẳng cánh vào mặt tên đại sứ.

Xong, chị cầm cái khăn ăn chùi tay ngồi xuống ăn tiếp bữa. Chuyện đó người ta đồn rùm lên. Tôi nghe anh Phú, một cán bộ tập kết, người bạn cũ của anh Thúc tôi, kể lại như vậy.

Chị Mười Tân có yêu Mười Tân không? Tôi không biết. Nhưng cái mà tôi thấy bên ngoài giữa hai người là sự lạnh lẽo, cô đơn không có gì gắn bó.

Trong ngôi nhà to lớn giữa Saigon, chị treo một chiếc võng, nằm đọc báo. Chiếc võng đu đưa, đu đưa. Thỉnh thoảng chị lấy chiếc kính ra khỏi mắt, đặt tờ báo đọc dở lên bụng, hai bàn tay xếp lại ngó lên trần nhà cao. Chị nghĩ gì? Khó có ai đọc được những suy nghĩ trong đầu chị, kể cả Mười Tân. Chị là người khôn khéo trong giao tế với Bắc Bộ Phủ. Tất cả những tay lãnh đạo Hà Nội đều ưu ái chị. Chính Mười Tân khi có những hành xử quá mức, vượt ngoài quyền hạn mà Hà Nội cho phép, đã được chị cứu gỡ. Mười Tân trong khu, chị Mười Tân ở nước ngoài. Hai người ở “hai đầu công tác.”

Một lần đi với Quỳnh tới thăm chị, tôi biết thêm chị là người ăn nói nhỏ nhẹ dịu dàng, nhưng xa cách.

Tôi có cảm tưởng chị không muốn gia đình chị liên hệ họ hàng gì đến gia đình Quỳnh. Chị đối xử đúng đắn, phải lẽ, nhưng không thân thiết. Một gia đình cách mạng, không thể dính dáng đến cái bọn tư sản – như gia đình Quỳnh – lại càng không thể liên hệ được với một gia đình có quá nhiều điều còn cần phải xét lại như gia đình tôi – quen ông Phan là một tội, chơi bời với đám văn nghệ sĩ tự do phóng túng là một tội, đứng bên lề một cuộc chiến mà không tham gia Mặt Trận là một tội, Cha đi lính Tây là một tội, anh vào lính Việt Nam Cộng Hòa… là vô số tội… Ðó là mẫu số chung duy nhất giữa ông Mười Tân và chị.

“Cậu có nghe tôi nói không?”

Tôi giật mình. Tôi đã để Mười Tân nói một mình quá lâu.

“Dạ… có!”

“Sao cậu không đi chơi với thằng Giang mà giao du chi với đám thằng Ðình, thằng Tâm?”

“Anh nói nhạc sĩ Nguyễn Giang phải không?”

“Chớ còn ai! Một tài năng âm nhạc như thế mà còn đứng về phía cách mạng, điều đó nghĩa là gì, cậu biết không? Cả cái Saigon này, cả cái miền Nam này, cả cái nước Việt Nam này, ai mà không biết Nguyễn Giang. Một tâm hồn lớn như thế đã thấy được đâu là con đường phải đi, đã biết chọn ánh sáng bỏ bóng tối. Còn cậu? Cậu là cái gì? Một thứ thầy giáo hạng bét. Dạy một môn học bá láp. Ðồ cái thứ triết lý duy tâm không tưởng. Cậu tưởng là ghê lắm phải không? Cái thứ triết lý trên trời trên mây đó chỉ để cho bọn ăn không ngồi rồi, bọn trà dư tửu hậu, bọn no cơm rửng mỡ, bọn làm đầy tớ phục vụ đế quốc tư bản đọc…”

Dụi điếu thuốc hút dở xuống cái gạt tàn. Mười Tân ngừng nói, rút một điếu khác châm lửa. Tôi thấy ông nhìn tôi cái nhìn dò xét.

“Cậu có biết cái câu ngưu tầm ngưu mã tầm mã không? Tại sao chưa lần nào gặp Nguyễn Giang mà tôi thấy có mặt cậu cả vậy? Trước giải phóng là bạn thân mà, đúng không?”

“Dạ… không.”

Tôi ngập ngừng. Thật ra tôi không biết có thể nói Nguyễn Giang là bạn thân hay bạn sơ. Anh ấy là một trong những nhạc sĩ mà tôi ưa thích nhất. Chúng tôi quen biết nhau khá lâu, nhưng đi lại với nhau không phải là nhiều. Tôi phục anh. Ngôn ngữ trong âm nhạc Nguyễn Giang gần gũi với chúng tôi, với cả một thế hệ chúng tôi. Cùng lứa tuổi, Giang lớn lên ở Huế, tôi sinh trưởng ở Nha Trang. Chúng tôi gặp nhau, quen nhau ở Saigon.

Âm nhạc của anh làm tôi nhức nhối. Nó luôn luôn làm tươi lại những bông hoa tình yêu đầu tiên của một đời người. Những ngày tháng yêu Quỳnh, tôi vẫn để băng nhạc anh tặng trên máy nghe ở đầu giường. Ngày Chủ Nhật buồn, nằm trên căn gác đìu hiu… Tôi đã là như vậy khi ly dị với “người đàn bà trong căn nhà có cây trứng cá,” sau đó đi thuê một căn gác nhỏ trong cư xá Ðô Thành. Những ngày Chủ Nhật buồn, đầy dẫy trong tôi thời gian đau đớn. Một buổi tối Quỳnh đến thăm tôi, cãi nhau về chuyện giữa tôi và Uyên, cô giận dữ bỏ về lúc nửa đêm, âm nhạc của Giang cũng đầy trong đầu tôi. Tôi lo sợ tình yêu ấy sẽ tan mất. Từ lúc đưa em về là biết xa nghìn trùng. Tôi rất yêu những ca khúc của Nguyễn Giang, nhưng có lẽ tôi chưa là bạn thân của anh. Và tôi nghĩ là anh cũng chẳng thân tôi. Có lẽ cái cơ hội để chúng tôi gần nhau khá hiếm hoi, nên sợi dây bạn bè không đủ siết chúng tôi lại gần nhau. Vả lại tôi chỉ là một thứ người vô danh trong xã hội đầy danh vọng kia, tôi có gì để đến với anh. Tôi chơi với Nguyễn Giang qua các bạn Ðình, Nhật, Phùng, Tâm của tôi. Chúng nó viết văn làm báo. Chính tác phẩm của đứa này kéo đứa kia đến gần với mình và ngược lại. Một lần, theo các bạn Nhật, Tâm, Phùng, Ðình đến dự buổi ra mắt sách của một nhà văn nữ, tôi gặp lại Nguyễn Giang. Ðó là thời gian cuộc chiến Việt Nam đang ở cao điểm, và hôm đó Nguyễn Giang đã hát một ca khúc làm tôi thật sự rung động.

“Ðại bác đêm đêm vọng về thành phố

Người phu quét đường dừng chổi đứng nghe.”

Giọng anh khàn và đục, anh không phải là ca sĩ nhà nghề, nhưng tiếng hát của anh diễn tả ngôn ngữ âm nhạc của chính anh viết ra có một sức thuyết phục kỳ diệu. Nó khác với những lần nghe nữ ca sĩ Mai Khanh hát nhạc anh.

Tiếng ca ma túy của chị lôi cuốn người nghe theo một cách khác. Nhưng giờ đây, sau Tháng Tư Bảy Lăm, người nữ ca sĩ ấy đã ra đi. Ngày đầu tiên Saigon bị cưỡng chiếm tôi nghe tiếng hát Nối Vòng Tay Lớn của Nguyễn Giang trên đài phát thanh Saigon. Và mấy năm sau tôi nghe những ca khúc mới của anh. Em ra đi, nơi này vẫn thế. Có phải là một lời nhắn nhủ Mai Khanh rằng Saigon vẫn như xưa hay tâm hồn anh vẫn không có gì thay đổi, dù vật đã đổi, sao đã dời. Tôi không tin rằng nơi này vẫn thế. Tôi nhìn thấy mọi vật hoàn toàn đảo ngược. Tôi không phải là một người bị đe dọa mạng sống như các bạn tôi, tôi cũng không phải là những người có tài sản bỗng một sớm một chiều trắng tay, tiêu tan sự nghiệp, tôi cũng không phải là người mà hôm qua tràn ngập danh vọng nay bị đẩy xuống đáy thứ dân. Tôi chỉ là một tên dạy học quèn, sống ở một căn nhà quá nhỏ đâu mặt với những căn nhà cũng quá nhỏ khác trong một con hẻm ngập nước cống, rất gần với một nghĩa địa chen chúc những túp lều của đám người nghèo nhất của một thành phố có bốn triệu dân. Có lẽ những con người nghèo khổ cùng cực kia có quyền nói câu “Em ra đi nơi này vẫn thế” hơn là Giang, tôi nghĩ vậy.

“Sao Giang nói với tôi là cậu thân với Giang?”

“Dạ, mà phải!” Tôi ngập ngừng, “Nhưng lâu rồi không gặp.”

“Ngày nào Giang không có mặt ở Hội Văn Nghệ…” Mười Tân ngừng lại, bập một hơi thuốc, tiếp, “Vậy chớ những ngày trước khi vượt biên bị bắt làm gì, ở đâu?”

Mười Tân hỏi giọng gay gắt. Câu hỏi đó nghe quen, tôi trả lời không khó:

“Dạ, vẫn lái xe ủi đất ở công trường dưới Minh Hải.”

“Lái xe ủi đất? Cậu làm cái nghề này từ hồi nào vậy? Sao con Quỳnh nó không cho tôi biết?”

“Lâu rồi anh. Khi được giấy cho phép nghỉ dạy là chuyển ngành ngay.”

“Cậu có biết là tôi có đủ quyền hạn để cho cậu ngồi tù rục xương không?”

Tôi không trả lời.

Tôi biết điều đó.

Tôi thấy mình chưa đến nỗi rục xương lúc này, nhưng biết bao nhiêu người quanh tôi xương cốt đang bắt đầu mục rã. Người ta có cảm tưởng như cánh cửa nhà lao của chế độ mới chỉ rộng mở để đón người vào chứ không phải hé mở để cho người ra. Nhà giam của chế độ cộng sản là một nơi để người ta bỏ quên những sinh vật mà xã hội của những người tự xưng là “làm cách mạng” không muốn nhớ tới.

“Sáu Phận! Sáu Phận đâu!”

Sau cùng tôi nghe tiếng Mười Tân kêu lên hối hả.

“Thôi, tôi phải đi đây!”

Ông không chờ Sáu Phận đến. Ông bước ra cửa đúng lúc tôi nghe tiếng chân chạy ngược lại.

Mùi khói thuốc của Mười Tân khét nghẹt. Và tôi vẫn ngồi yên trên ghế.

Tôi không biết mình chờ đợi gì.

Chương Mười Sáu

Suốt một tuần sau bữa gặp Mười Tân, tôi thấy mình không còn chút hy vọng chi ngày ra tù. Tôi mất ăn mất ngủ. Tôi thấy lại cái hình ảnh Tư Long trong đêm đầu tiên đến nhà giam sau khi tôi đã bị Sáu Phận đẩy vào nhốt chung trong căn xà lim nhỏ xíu. Cha Minh nằm cạnh tôi nhắc chừng tôi phải ăn uống.

“Ai mà chẳng có lúc bị ngã, vấn đề là có biết đứng dậy để đi tiếp hay không?”

Cha làm tôi nhớ tới Linh Mục Alexis Cras. Cha không bao giờ nói chuyện đạo với tôi. Cha cũng chẳng hỏi tôi đạo gì. Ðưa tay chỉ cho tôi thấy một người tù đang đứng bên lu nước, Cha nói nhìn kỹ coi có gì lạ không. Tôi quan sát người cùng cảnh ngộ và thấy không có chi lạ. Ðó là một người đàn ông đã lớn tuổi chừng năm lăm sáu mươi. Ðầu hói, mắt xếch, mặt ngạnh, trán dồ, cặp môi xệ, gầy gò xanh xao, hậu quả của sự thiếu ăn như mọi người tù khác. Ông ta đang vịn tay lên lu nước, mắt ngó chăm vào trong lu như thể đang tìm kiếm một thứ gì bị mất trong đó. Tôi nhìn lại cha Minh.

“Ông Ba đó!”

“Thưa Cha, ông đó là ai?”

“Ông Ba Trương Phi.”

“Sao lại Ba Trương Phi?” Tôi hỏi lại cha, ngạc nhiên đến quên mất lời thưa gửi.

“Ổng là cán bộ hưu trí nhưng bị chính quyền cách mạng buộc tội quản quốc, cấu kết với tình báo CIA chống nhân dân, chống đảng. Trong tù người ta đồn như vậy.”

Ông Ba Trương Phi, cha Minh kể, theo kháng chiến đánh Tây rồi sau đó đi tập kết ra Bắc. Năm Sáu Hai, vượt Trường Sơn vào Nam, chiếm đấu ở miền Ðông cho đến ngày Sài Gòn thất thủ. Năm Bảy Lăm, ông Ba Trương Phi về làng cũ ở Long Ðiền thì cả nhà ông không còn một ai sống sót! Ba Trương Phi không phải là tên của ông mà là tên của vợ ông. Bà tên thật là Ngô Thị Ba. Bà này cũng đi kháng chiến làm tới trung đội trưởng. Bà Ba cắt tóc cao, người to lớn, ăn mặc quần áo đàn ông con trai, nói to tiếng, bất bình chuyện gì thì kêu rầm trời lên nên người ta gọi là Ba Trương Phi.

Ông Ba Trương Phi này tên thật là gì trong tù không ai biết. Ổng nói ổng đào ngũ khi mang lon đại úy bộ đội để nuôi bà Ba Trương Phi vì bà bị đau thần kinh sau khi bị thương ở đầu trong một trận đánh. Dưới mắt chính quyền “cách mạng” ông Ba Trương Phi là một tên đào ngũ, sách động, sống bất hợp pháp. Hai vợ chồng mặc dù công lao hãn mã không được cấp một cục đất chọi chim nói chi đất làm ruộng. Ông Ba Trương Phi bất mãn và khinh thường cái đám đang cầm quyền trong xã. Bao nhiêu công lao kháng chiến của ông và bà, ông sổ toẹt. Ổng nói tao là thằng đánh giặc mướn ở miền Ðông chớ không có kháng chiến kháng cháo con mẹ gì hết, chẳng có công lao công láo cái con c… gì hết. Cái thái độ đó của một người đã từng một thời đổ xương máu cho một chủ nghĩa mà ông cho là phục vụ nhân dân phục vụ con người, nay bị bỏ bê và bị buộc tội chống chính quyền địa phương chỉ vì không chịu đóng thuế nông nghiệp làm cho bọn cầm quyền mới ngứa mắt. Ba Trương Phi là người cầm đầu đám nông dân biểu tình kéo rốc lên Sài Gòn gây chấn động cả nước. “Có chết thì chết tao chống cho tới cùng!” Ba Trương Phi thường nói như vậy…

Cha Minh ngừng kể:

“Thấy chưa, đến như tên Ba Trương Phi này mà còn tù tội, nói chi anh và tôi, những người không có một chút công lao cho chủ nghĩa chế độ này. Nhưng mà,” cha Minh ngập ngừng “phải lạc quan mà sống. Ðừng để cho chúng hành hạ mình, đừng để chúng thấy mình suy sụp. Chúa ở cùng chúng ta!”

Tôi không biết nói gì với Cha.

Nhìn Ba Trương Phi tôi nhớ Tư Long và càng nhớ Tư Long tôi càng nhớ Mười Tân. Thiệt là kỳ lạ, cứ cái gì người ta càng cố quên thì lại càng bị bắt nhớ. Tôi không muốn giữ trong đầu tôi cái hình ảnh Mười Tân chút nào. Ðối với tôi, những ngày tháng qua đã quá chật chội trong ký ức tôi. Tôi đã sống được với một người con gái mà tôi vẫn nghĩ là tôi yêu cô ta và cô ta cũng yêu tôi. Cô đã cho tôi một đứa con. Nhưng cô cũng đưa đến cho tôi một người bà con “khủng khiếp.” Ai nói với tôi ông Mười Tân là lá chắn che cho tôi khỏi tù tội? Ai nói với tôi rằng Mười Tân là thần hộ mạng đưa cho tôi ra khỏi những cơn nguy biến của chế độ mới? Chủ nghĩa mà Mười Tân theo đuổi, tranh đấu, đổ máu để mà xây dựng, chắc chắn Mười Tân sẽ không bao giờ để yên cho ai làm hư nó, chống lại nó. Mười Tân lên án tôn giáo. Mười Tân đang tôn thờ một tôn giáo khác. Cứ cầu nguyện đi Phật Chúa có đem gạo đến không? Phải lao động thì mới có vinh quang. Nhưng Mười Tân cũng đưa ra một thứ giáo điều mới: kinh thánh Mác Lê Nin. Chống lại một giáo điều bằng cách đưa ra một giáo điều khác, Mười Tân có biết rằng ông đang đi trong vòng tròn hay không?

“Có người tìm cậu kìa!” Cha Minh vỗ vai tôi.

Tôi ngước mắt nhìn lên, Nhị Hà đang đi về phía tôi. Hôm nay cô ta lạ hẳn.

Cô không mặc quần áo công an, cũng không mặc thường phục kiểu Hà Nội nửa nạc nửa mỡ, mà hôm đầu tiên khi bước vào lớp học sau ngày mất Sài Gòn tôi đã nhìn thấy. Nhị Hà rất thiếu nữ Sài Gòn. Quần jean, áo thun có vẽ chữ “I Love NY,” đi giày thể thao hiệu Nike, Nhị Hà giống như một cô gái Sài Gòn chính cống.

“Chào thầy” Nhị Hà mở lời, “Em mang tin vui cho thầy.”

Tôi nhìn chăm vào mắt Nhị Hà. Tôi không đoán ra cô mang tin gì cho tôi. Quỳnh sẽ đến thăm tôi? Tôi sẽ nhận được quà thăm nuôi? Hay tôi sẽ được đưa đi công trường? Ở trong tù Kiên Giang này, người nào “được” gọi đi công trường lao động được coi như hên vì cực nhưng chắc chắn sẽ có ngày được thả ra, còn cứ ở đây ngày hai bữa cơm nước thơ thẩn qua lại thì “còn lâu” mới thấy cuộc đời.

Tôi đứng dậy, nóng lòng nghe Nhị Hà nói tiếp, nhưng cô chỉ nhìn tôi.

“Mời thầy.”

Và cô quay đi.

Tôi bước theo Nhị Hà, đi ngang qua giếng nước, chỗ rửa chén, rửa mặt, băng qua chiếc cổng hẹp, nằm dưới chiếc chòi canh lởm chởm mẻ chai và kẽm gai.

Cô dừng chân ở cửa vào căn phòng chấp pháp mà người tù nào cũng bị gọi lên “làm việc.”

“Thầy sẽ không được đi công trường đâu!” Nhị Hà nói, “em muốn cho thầy biết trước là đợt trả tự do kỳ ày có tên thầy.”

Tôi ngỡ ngàng, không tin lời nói của Nhị Hà. Tôi sợ mình nghe lộn. Tôi muốn hỏi lại cho chắc, nhưng tôi tự nghĩ tại sao phải làm vậy?

“Chỉ còn một tiếng đồng hồ nữa thôi, đợt điểm danh ba mươi người trước bữa ăn trưa là trả tự do chứ không phải gọi đi công trường. Chúc thầy trở lại cuộc sống bình thường.” Nhị Hà ngập ngừng, “em nghĩ là đồng chí Mười Tân có tiếng nói trong vấn đề này. Chào thầy!”

Nhị Hà quay mặt về phía chiếc cổng hẹp.

“Cám ơn!”

Tôi lúng túng, mừng rỡ, bỡ ngỡ.

Tôi đi thật chậm. Bờ tường lởm chởm mẻ chai. Người lính gác trên chòi canh. Giếng nước bên tay trái, nhà

bếp bên tay phải. Buổi sáng trong nhà tù không có chút dấu hiệu gì sẽ có đợt thả tù. Cái không khí “được” đưa đi lao động dưới U Minh hay chuyển trại, ra trại… bao giờ cũng ồn ào trước đó cả buổi. Tin tức loại này thường lộ trước. Sáu Phận hoặc tên “tù cò mồi” thường mang tin về báo sớm. Và mọi người lục đục thu xếp các thứ linh tinh. Hoặc xe nổ máy trước cổng nhà giam bóp còi inh ỏi. Lần này tuyệt nhiên không có gì. Mọi sự êm ả và lặng lẽ. Nhà bếp đã chuẩn bị phát cơm. Mọi người ơi ới gọi nhau chia thức ăn.

Tôi trở lại chỗ của tôi bên mương nước. Cha Minh vẫn còn ngồi dựa lưng vào tường.

“Anh được thả phải không?”

Cha hỏi tôi một câu cũng đột ngột như câu Nhị Hà đã nói với tôi trước đây mấy phút.

“Thưa cha…” Tôi ngập ngừng.

“Thằng Bình mới kiếm anh. Nó cho tôi biết.”

“Nhưng tại sao tên Bình?” Tôi thật bối rối lòng dạ.

“Như vậy là anh phải tốn tiền với nó và Sáu Phận rồi! Chắc chị ở nhà chạy chọt dữ lắm!”

Tôi ngồi xuống bên cha Minh. Tôi dựa lưng vào tường. Một giờ nữa. Sáu mươi phút nữa. Thời gian đối với tôi lúc này sao dài dằng dặc. Tôi muốn có chiếc đồng hồ để nhìn cây kim kéo thời gian chạy. Không có đồng hồ, tôi có cảm tưởng mọi thứ mọi điều đang bị đóng băng, ù lì.

“Cha có nhớ rõ tên Bình đó nói như thế nào không?” Tôi vẫn nghi ngờ tai tôi.

“Nó nói anh đã có lệnh tạm tha.”

“Thưa cha,… nhưng mà hắn có nói bao giờ thì tha không?”

“Nội trong ngày nay thôi. Nó biểu anh sửa soạn đồ đạc ngay bây giờ là vừa.”

Ðồ đạc? Tôi có đồ đạc gì đâu. Một chiếc chiếu sẽ trả lại cho nhà giam. Chiếc màn do người tù được thả đợt trước tặng, nay tôi sẽ tặng lại cho người khác. Cái chén, đôi đũa để cho nhà bếp. Tôi không còn giày dép.

Quần áo tôi tuy có giặt giũ nhưng bẩn vì thiếu xà phòng. Tôi nhớ Quỳnh. Nhớ chiếc răng khểnh, đôi mắt lớn, chân mày xếch, nụ cười đầy quyến rũ. Tôi nghe tiếng con tôi khóc đói sữa. Tôi thấy lại căn nhà của tôi trong ngõ hẻm khu Mã Lạng, nước cống ngập tràn, mùi hôi nồng nặc. Tôi ngửi thấy mùi lựu đạn cay ngày nào ở quán nước Givral trước tòa nhà Quốc Hội, khi tôi và Quỳnh quen nhau, yêu nhau. Tôi nhớ các bạn tôi hiện giờ đang ngồi tù ở những nơi khác trong một đất nước quần đảo ngục tù. Lộc rất Tây, rất parisien, không biết bây giờ sống chết ra sao. Còn Ký, thi sĩ say sưa, có một đời sống rất là thơ hơn cả những câu thơ do anh sáng tác, liệu anh phải sống cách nào trong lao tù? Nhật đã bị đưa ra Bắc, nhưng chúng tôi thỉnh thoảng vẫn được nghe tin tức về anh.

Cha Nhật là một cán bộ cao cấp đã đến tận nơi thăm anh, khuyên anh viết bài phản tỉnh về những cuốn sách của mình, trước khi ông có thể dùng quyền thế của mình cứu anh, nhưng Nhật khăng khăng một mực từ chối. Anh nói anh đã thành thật khi viết những điều anh suy nghĩ, anh thấy những điều ấy cho đến nay chưa sai, vậy thì việc gì mà phải phản tỉnh. Người ta cũng kể là Nhật nói anh yêu cha anh, nhưng điều đó không có nghĩa là anh phản bội lại sự thật. Sự thật đó là nhân cách của người trí thức. Tôi không gặp lại Ðình kể từ sau cái ngày mất Sài Gòn. Tuy vậy tôi có nghe một ca khúc của anh mới sáng tác có nội dung về một thành phố bị mất tên. Anh viết văn nhẹ nhàng, nói năng cay độc, nhưng âm nhạc anh sao buồn khủng khiếp. Một người tù trẻ tối hôm qua vừa mới hát cho tôi nghe. Phùng đã vượt biên đường bộ băng qua Cam Bốt, đến Thái Lan.

Nghĩa đã đến Mã Lai. Còn Bùi Giáng? Nhà thơ của chúng tôi vẫn bình thường một cách rất bình thường.

Trước ngày đi Rạch Sỏi, tôi còn gặp anh trên đường Bùi Thị Xuân, quần jean trùm đầu, ba lô đầy màu sắc, quần áo mền gối vá chầm vá đụp, giày rách há mõm, gậy trúc cầm tay như một vị “cái bang” lạc lõng giữa những trang sách Kim Dung. Tôi đã đi quanh những nơi tôi từng đến. Ngôi nhà ông Phan nơi tôi đã quen Uyên, cái sắc đẹp chát chúa của một thứ tiểu thư vừa mới lớn, ngôi nhà ấy nay đã có một cán bộ cao cấp từ chiến khu về chiếm cứ. Tôi đã trở lại quán Cái Chùa tìm kiếm những người bạn cũ. Không một ai. Có chăng là một vài người quen cũ nay vừa ra mặt là nhà cách mạng đã hoạt động nội thành từ lâu. “Cái thằng vô thưởng vô phạt!” Nhiều người trong bọn họ đã nói với tôi như thế. Tướng tá, công chức cao cấp hay nhà văn nhà báo mới là “đối tượng” chớ còn thứ thầy giáo quèn như thằng này thì giờ đâu mà bận tâm! Có lúc tôi cũng đã nghe phong phanh như vậy về tôi. Kìa là cậu Sơn, luật sư tòa thượng thẩm Sài Gòn , bạn của Tuấn-phở, nay mang quân hàm trung úy cách mạng. Nọ là cậu Thảo, dạy Anh văn ở Tân Việt, đang đóng lon thiếu tá cách mạng. Anh nhà báo nổi tiếng xì phé một cây, mà trước Bảy Lăm có lần Ðình nói với tôi là tên này viết văn có đường lắm, vừa làm việc trong một tờ báo của chế độ mới ban ngày, ban đêm đạp xích lô nói khích với khách chửi rủa cách mạng, nếu khách vô tình nói theo, thì anh ta chở ngay vào đồn công an. Thế thì tôi biết phải làm sao? Tôi nói với ai, câu gì. Tôi phải có thái độ ra sao trước thời thế đang đổi thay. Tôi biết mình đâu phải con kỳ nhông, cứ thay đổi màu da tùy theo nơi nó ẩn nấp. Ở tù thế mà hay. Tôi biết mình đang ở đâu, và đang nói chuyện với ai. Ờ mà không. Trong tù cũng có “đặc tình” nữa chớ. Tư Long đã dạy tôi bài học đó. Tù cò mồi như tay Bình chắc không hiếm…

Nhưng mà tôi sẽ được về. Tất nhiên. Tại sao? Tôi là người may mắn hay chẳng qua chỉ là vì tôi được Mười Tân can thiệp như suy nghĩ của Nhị Hà? Hay là Sáu Phận đã làm công việc này chỉ vì hắn đã móc nối được với Quỳnh để lấy vàng? Tôi không biết.

“Thưa Cha!” Tôi ngập ngừng nói mắt nhìn thẳng vào mặt cha Minh. “Cha có tin là con được thả hay không?”

“Tôi không biết. Nhưng theo kinh nghiệm thì lần nào sắp có trả tự do, tôi cũng đều thấy xôn xao cả buổi. Mà bữa nay thì không thấy gì?”

“Vậy thì theo Cha chắc là tin đồn không thật?”

“Tôi không biết. Nhưng mà để coi, thằng Bình nó nói với tôi rõ ràng là anh sẽ được thả mà!”

Bất thình lình tôi nghe tiếng kẻng ầm lên.

“Tất cả ra sân tập họp!” Tiếng Sáu Phận vang vang trên máy phóng thanh.

Mọi người không ai nói ai dồn hết ra giữa sân. Tôi đỡ cha Minh dậy. Chúng tôi bước theo chân đám tù.

“Tổ cha nó chứ tập với hợp. Tập hợp cái mả mẹ tụi bây!”

Người tù chửi thề đi phía sau lưng tôi. Tôi quay lại và thấy Ba Trương Phi. Ông ta đi chậm, giọng nói oang oang khiến cả đám tù phải quay mặt lại.

“Vào hàng, trật tự!”

Vẫn tiếng Sáu Phận ở máy phóng thanh.

Một người tù đi ngược dòng, choàng tay quanh cổ tôi. Sự thân mật của Bình-cò-mồi làm tôi sợ.

“Anh thấy chưa? Tôi nói mà! Hôm nay anh được ra. Ðừng quên!”

Chỉ mấy phút cả sân trại đã đâu vào đấy. Ðám tù ngồi chồm hổm, vuông vức. Sáu Phận vác loa phóng thanh chạy “pin” đứng trước hàng tù. Tôi không thấy Nhị Hà.

“Do lượng khoan hồng của Ðảng và Nhà Nước và căn cứ vào thái độ học tập tốt, lao động tốt của các anh (?) tôi xin đọc danh sách những người được lệnh tạm tha kể từ hôm nay. Nên nhớ, sau khi trở về nguyên quán, phải trình diện công an địa phương và phải quyết tâm làm ăn đàng hoàng, ra công đóng góp xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa…”

Sáu Phận nói dài dòng, như thuộc lòng từ một trang sách chính trị nào của nhà trường cách mạng.

“Tổ cha cái đồ nói dóc!” Ba Trương Phi nói, giọng khá lớn.

“Im lặng! Trật tự!”

Sáu Phận ngừng nói, mắt ngó chăm xuống chỗ Ba Trương Phi.

“Im lặng cái mả mẹ nó. Nói chừng đó đủ rồi!” Ba Trương Phi vẫn tiếp tục chửi rủa.

Sáu Phận thõng tay cầm loa xuống. Hắn bước vào căn phòng dành cho cán bộ coi tù. Liền đó, hai tên cai tù theo Sáu Phận bước ra. Sáu Phận đứng vào chỗ cũ. Hai tên kia đi thẳng xuống chỗ ngồi của Ba Trương Phi. Mọi con mắt đều dồn theo bước chân của hai tên coi tù. Ba Trương Phi không ngồi trong hàng. Tôi thấy ông đứng thẳng dậy, bước ra khỏi hàng đến thẳng trước mặt hai tên coi tù. Hai tay ông đưa ra trước như một người mộng du.

“Tụi bây muốn gì? Nè, tay đây, trói thì cứ trói, đừng nhiều lời!”

Một tên bất ngờ chụp cổ ông bẻ ngoặt hai tay Ba Trương Phi ra sau, tên kia nhanh như chớp thọc một khúc cây tròn và ngắn qua nách ông, kéo một sợi dây – đã cột sẵn ở hai đầu khúc cây – tròng vào cổ Ba Trương Phi quấn lại một vòng. Không ai nghe thấy Ba Trương Phi nói thêm một lời. Hai cườm tay ông liền đó đã bị còng. Ông bị đẩy đi về phía trái, nơi dẫy xà lim dành cho những người biệt giam kiểu Tư Long.

Sự việc xảy ra trong khoảnh khắc tưởng chừng như một giấc mơ. Tôi nhìn cha Minh. Cha không nhìn tôi. Tôi thấy khuôn mặt Cha ngó thẳng về phía trước. Nhìn nghiêng mới biết mũi cha hơi gẫy, môi mỏng và yết hầu lớn. Cha Minh có quá khứ thế nào tôi không được rõ. Mà thật tình thì tôi cũng không muốn tìm hiểu. Tôi, với ngay bản thân tôi, mà tôi còn thờ ơ thì nói chi đến người khác. Tôi ngước mắt lên trời. Buổi sáng, trời xanh lơ. Gió thổi mát. Tôi nghe tiếng cười ồ của những người tù giữa tiếng xướng danh của Sáu Phận. Tôi ngó ra sau lưng, thấy Bình tù-cò-mồi đang ra dấu chỉ ngón trỏ về phía Sáu Phận. Y có nụ cười cầu tài.

“Sắp đến tên anh rồi!” Y nói như người đã được đọc danh sách.

Tôi thèm khát biết bao nhiêu cái màu xanh trên bầu trời bên kia song sắt. Tôi sẽ nhảy cỡn lên, sẽ đi bằng những sải chân dài, sẽ chạy thật nhanh ra khỏi cánh cửa kia, sẽ bay lên những vòm cây, sẽ đậu trên mui chất đầy đồ đạc của chiếc xe đò ọc ạch chạy trên quốc lộ bốn… Tôi mặc xác cái tên Bình tù-cò-mồi, tôi thây kệ Sáu Phận, Nhị Hà. Nhưng mà tôi sẽ phải làm sao với Tư Long, Ba Trương Phi…?

Có phải cứ để họ trả cho xong món nợ máu và xương, và những cuộc đời bình thường mà họ đã lấy đi trước khi họ thong thả bước từng bước bên những bụi hoa buổi sáng để nghe ngóng mùi hương của những đóa hoa. Tôi thấy trước mặt tôi là cha Minh, là Kiệt, là Nhật, là Tâm, là Ký, là Lộc, là Phùng là những con người đang chia sẻ cái số phận tù đày… Nhưng mà, tôi giật mình tự hỏi tôi sẽ bay đi đâu, về đâu trên cái đất nước này, bên ngoài cái song sắt kia? Sáu Phận ở đây. Mười Tân ngoài kia. Một nơi mình yên trí là mình đang bị tù, còn một nơi mình tưởng là mình đang tự do. Có khác nhau chăng là cái bề rộng của không gian ở mỗi nơi. Quỳnh? Trời ơi, tôi nhớ biết bao nhiêu khuôn mặt của em. Cái trán vồ kiêu hãnh. Nụ cười quyến rũ với chiếc răng khểnh. Tôi nhớ tiếng khóc của con tôi trong nôi. Làm sao tôi quên được căn nhà trong ngõ hẻm khu Mã Lạng?

“Trần Lâm Thăng! Trần Lâm Thăng!”

Tôi nghe vai đau nhói. Bình vừa đập vào vai tôi vừa giục:

“Lên nhận lệnh tạm tha đi kìa!”

Như một cái máy, tôi đứng dậy bước ra khỏi hàng, đi thẳng lên trước mặt Sáu Phận.

“Tên gì?” Sáu Phận hỏi.

“Trần Lâm Thăng!”

“Ðịa chỉ?”

“Ðịa chỉ?” Tôi hỏi lại.

“Phải, đọc địa chỉ nhà anh coi có đúng không?”

Tôi đọc số nhà và tên con đường. Sáu Phận nhìn vào tờ giấy.

“Ðây là lệnh tạm tha của anh. Xếp hàng bên tay trái tôi. Chờ người hướng dẫn ra cổng.”

Sáu Phận đưa cho tôi một miếng giấy mỏng lét màu vàng xỉn như màu rơm bị nước mưa. “Lệnh tạm tha.” Tôi thấy tên tôi, nhưng không thấy ghi tội trạng. Tôi bước đến chỗ đám tù may mắn như tôi. Tất cả ngồi quay mặt về phía những người đang còn chờ nghe tên mình. Tôi thấy cha Minh ở gần cuối hàng. Mái tóc cha bạc trắng. Bình cò mồi đưa cao tay vẫy vẫy.