Nhìn Lại Sử Việt 5

Sử học, đọc vài cuốn (P1)

Posted on September 14, 2016 by editor1 Comment

Nguyễn Văn Lục

history-13199603

Có hai môn học thuộc lãnh vực Khoa học Xã hội Nhân văn của miền Nam trước 1975được phổ biến rộng rãi nhất là Triết học và Sử học.

Sử học, đôi điều tai tiếng

Trong đó triết lý Tây phương, đặc biệt triết lý hiện sinh, được phổ biến sâu rộng nhất trong giới sinh viên. Có thể nói đó là một môn học thời thượng. Và có những tên tuổi hàng đầu như Nguyễn Văn Trung, Lý Chánh Trung, Trần Thái Đỉnh, Lê Tôn Nghiêm và Trần Văn Toàn.

Nhưng kể từ cuối thập niên 1960 thì có trào lưu, hay một xu hướng, tìm về Đông phương với triết lý Phật giáo, triết Thiền học và triết lý Nho học. Những người trong nhóm này có thể kể đến những tên tuổi như Thích Nhất Hạnh, giáo sư Lưu Kim Định, Bùi Giáng và Phùng Khánh, Phùng Thăng.

Ở đây, tôi không có ý nói đến việc hay dở, đúng sai của hai trào lưu trên.

Môn sử học thì âm thầm lặng lẽ hơn, nhưng lại tỏ ra có ưu thế vì có một tập san chuyên ngành, xuất bản từng tam cá nguyệt và đã ra được 29 số chủ đề do nhóm giáo sư, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Sài Gòn thuộc Viện Đại học Sài Gòn chủ trương thực hiện, với Nguyễn Nhã làm chủ nhiệm và Phạm Thị Hồng Liên quản lý, dưới sự hỗ trợ tài chánh của ông Khai Trí. Đó là Tập san Sử Địa.

Nhân kỷ niệm tròn 50 năm Tập san Sử Địa ra mắt số đầu tiên (1966 - 2016), Tạp chí Xưa & Nay kết hợp NXB Hồng Đức (Hà Nội) tái bản 5 chuyên đề của tập san gồm: Đặc khảo về phong tục Tết Việt Nam và các lân bang (225 trang), Đặc khảo về Quang Trung - Nguyễn Huệ (450 trang), Đặc khảo về Nguyễn Trung Trực (140 trang), Đặc khảo về Trương Công Định (165 trang), Đặc khảo về Phan Thanh Giản (255 trang - ảnh).. Nguồn: http://thanhnien.vn/

Nhân kỷ niệm tròn 50 năm Tập san Sử Địa ra mắt số đầu tiên (1966 – 2016), Tạp chí Xưa & Nay kết hợp NXB Hồng Đức (Hà Nội) tái bản 5 chuyên đề của tập san gồm: Đặc khảo về phong tục Tết Việt Nam và các lân bang (225 trang), Đặc khảo về Quang Trung – Nguyễn Huệ (450 trang), Đặc khảo về Nguyễn Trung Trực (140 trang), Đặc khảo về Trương Công Định (165 trang), Đặc khảo về Phan Thanh Giản (255 trang – ảnh).. Nguồn: http://thanhnien.vn/

Trong ban chủ biên, tôi thấy ngay hàng đầu có tên các ông Nguyễn Thế Anh, bà Quách Thanh Tâm, Nguyễn Khắc Ngữ, Trần Anh Tuấn, Thái Việt Điểu. Nhưng xem ra chỉ có tính cách bày hàng, phô trương để tên cho có vậy thôi. Thực sự thì hiếm thấy bài của họ trên tập san.

Về phía những người cộng tác như trường hợp giáo sư Nguyễn Phương, đại học Huế, tôi chỉ thấy có một bài của ông lúc ban đầu. Những người khác như Tạ Trọng Hiệp, Trương Bửu Lâm, Lê Văn Hảo, Chen Chin Ho, Nguyễn Trần Huân, tôi cũng không chắc có bài của họ.

Trong khi đó, giáo sư Nguyễn Thế Anh lại cho xuất bản cuốn Kinh tế và xã hội Việt Nam dưới các vua triều Nguyễn ( Économie et société au Viet Nam sous le règne de Nguyen), NXB Trình Bày, 1968, 206 trang.

Đây có thể là cuốn sách đầu tay của ông trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh bắt đầu gia tăng, do nhóm Trình Bày gồm những trí thức thiên tả như Lý Chánh Trung, Nguyễn Văn Trung, Trương Đình Hòe, Nguyễn Ngọc Lan chủ trương

Từ cuốn sách đầu tay năm 1968 cho đến sau này, giáo sư Nguyễn Thế Anh chuyên viết về triều Nguyễn và thời kỳ Pháp thuộc. Ông lại thuộc thế hệ trẻ sau 1954, tốt nghiệp ở Sorbonne nên được đánh giá cao.

Trước khi tìm đọc lại các tác phẩm của ông, có hai sự việc liên quan đến ban Sử học ở Văn khoa xin được một lần trình bày vớ bạn đọc, vì phần đông ít người được biết đến hoặc đã quên lãng.

Theo giáo sư Trần Anh Tuấn, một người đã nhiều năm giảng dạy ở Văn khoa Sài Gòn, vào những năm 1974, có đến 4000 sinh viên ghi danh học môn Sử Địa.

Con số này không có chi để hãnh diện và đừng vội mừng. Điều đó chỉ cho thấy sinh viên không biết học môn gì nên ghi tên cả vào ban Sử Địa như thể một chỗ chứa tạm dung. 4000 sinh viên, nếu chỉ cần ra trường phân nửa, thì đã không biết sẽ đi làm gì, ở đâu?

Ngoài ra còn có xảy ra hai sự kiện gây tai tiếng tại ban Sử Địa mà đến nay nhiều người cũng không biết tới.

Một là có một số sinh viên khuynh tả hoặc nằm vùng, hoặc do sự chỉ đạo giật dây của cộng sản xâm nhập vào nhóm Sử Địa Văn Khoa, viết bài trên nội san của ban Sử Địa chửi bới giáo sư Văn khoa.

Hai là nội bộ ban Sử Địa liên quan đến kỳ thi ứng viên Tiến sĩ, xảy ra sự tố cáo thi cử không minh bạch. Và 5 sinh viên thí sinh đã đăng báo tố cáo công khai vào năm 1972 trên tờ Sóng Thần. Việc này có liên quan trực tiếp đến Gs Nguyễn Thế Anh.

Việc thứ nhất liên quan đến chính trị năm 1969(1)

Theo tư liệu của Gs Nguyễn Văn Trung, Nội san Sử Địa của sinh viên Văn Khoa bắt đầu cho đăng các bài đả kích trực tiếp Khoa trưởng lúc bấy giờ, chính là giáo sư Nguyễn Văn Trung. Ông Nguyễn Văn Trung khi đó có dự án cải tổ trường Văn khoa. Trong đó có sự cải tổ về nền Tự trị Đại học. Nhân dịp đó, các sinh viên ban Sử Địa đã cho đăng hai bài, một là Thực chất và huyền thoại của nhóm trí thức cấp tiến trong nội san ban Sử Địa, số 4.

Bạch Diện Thư Sinh là một người nằm trong tổ chức A.17 vào năm 1971. A.17 là một tổ chức tình báo chống lại sinh viên nằm vùng cho cộng sản. Theo trí nhớ của Bạch Diện Thư Sinh, một trong những sinh viên viết bài tố giác trên nội san Sử địa tên là Hồ Thanh Tâm. Theo trang web cuả trường trung học thục Văn học do Hiệu trưởng là Chử Bá Anh thành lập từ đầu những năm 1960 có 1 giáo sư Sử Địa tên Hồ Thanh Tâm.

Ông Hồ Thanh Tâm, Cựu giáo sư  Sử Địa Trung học tư thục Văn Học (Đà Lạt). Nguồn: https://van-hocdalat.smugmug.com

Ông Hồ Thanh Tâm, Cựu giáo sư Sử Địa Trung học tư thục Văn Học (Đà Lạt). Nguồn: https://van-hocdalat.smugmug.com

Theo sự tiết lộ của Gs Trần Anh Tuấn, có ba sinh viên ban Sử Điạ hoạt động cho cộng sản lúc bấy giờ sau 1975 lộ diện. Một là Quách Thu Nguyệt, giám đốc NXB Trẻ. Hai là Nguyễn Thị Kim Ngân, hiện nay là chủ tịch Quốc hội nước CHXHCNVN. Ba là Nguyễn Thị Tiếng, chủ tịch sinh viên Văn khoa sau 1975.

Tiếp theo đó là bài viết thứ hai nhan đề, Sách lược Nguyễn Văn Trung. Trong đó, tờ báo cho rằng Nguyễn Văn Trung bị buộc rời khỏi Huế năm 1962 vì lý do bê bối cá nhân.

Chúng tôi dựa trên tài liệu của Gs Nguyễn Văn Trung để viết lại vụ này.

Vì sự cáo buộc có tính cách vu khống trên nên linh mục Viện trưởng Đại Học Huế, người trực tiếp có quyết định buộc Gs Nguyễn Văn Trung phải rời bỏ đại học Huế đã lên tiếng, dù quá trễ. Lá thư đúng ra phải được viết và công bố ngay từ năm 1962.

Lá thư của linh mục Cao Văn Luận đề ngày 15 tháng 11, 1969 có nội dung như sau:

“Sài Gòn ngày 15 tháng 11 năm 1969

Trong bài “Thực chất và huyền thoại của trí thức cấp tiến” đăng trong Tập San [thật ra là Nội san] Sử địa, số 4, bới móc cuộc đời của giáo sư Nguyễn Văn Trung, tôi đọc đoạn: “Ông Nguyễn Văn Trung bị linh mục Cao Văn Luận sa thải khỏi Đại Học Huế” (tr 22). Tôi thấy có bổn phận phải lên tiếng vì danh dự của ông Nguyễn văn Trung. Nếu dùng một danh từ nặng nề, quả thực Gs Nguyễn Văn Trung bị đuổi khỏi Đại Học Huế, nhưng câu chuyện như sau:

Hồi tháng tư năm 1961, tôi nhận được công điện của ông Trần Hữu Thế, Bộ trưởng giáo dục, đổi ông Trung về Sài Gòn tức khắc. Tôi thấy phi lý nên không trả lời. Ông Thế lại đánh một công điện nữa. Tôi có họp các giáo sư lại và mọi người đã đồng ý ký vào một kiến nghị phản đối quyết định trên.

Sau khi gặp ông Thế, tôi được ông cho biết, không phải ông thù ghét gì ông Trung, nhưng vì đó là lệnh của Đức cha Ngô Đình Thục, lúc đó sắp ra nhậm chức TGM và ngài có nói với ông [Thế]: “Tôi không muốn thấy mặt Nguyễn Văn Trung khi tôi ra Huế.”

Về sau, tôi có gặp đức cha Thục và được biết người ta cho ngài hay, ông Trung dạy triết ‘rối đạo’. Tôi có nói để đức cha yên lòng trước những tin đồn vu vơ và đề nghị với đức cha hỏi thẳng những linh mục học ông Trung, nhất là cha J. Lê Chúng, thuộc dòng Thiên An.

Tôi còn nhớ ngày Đức cha ra Huế cũng là ngày ra đi của ông Trung. Ông Trung là một trong những người đầu tiên đáp lời mời của tôi ra cộng tác xây dựng Đại Học Huế. Tôi không cần nói gì về con người của ông, vì những việc ông làm cho đại học cũng như cho văn hóa minh chứng cho con người của ông.”

Sau vụ này, chỉ xin liệt kê tóm tắt phản ứng của giới trí thức Sài Gòn qua các thư từ tài liệu được đánh máy và lưu trữ như các thư sau:

    • Thư của viện trưởng viện Đại Học Saigon, gửi Khoa trưởng Đại Học Văn Khoa ngày 11/11/69 của bác sĩ Trần Quang Đệ.
    • Tuyên cáo của các nhóm sinh hoạt đại học văn khoa ngày 15, 11, 69 gồm: nhóm nghiên cứu triết học, Hạ Đình Nguyên, Nhóm nghiên cứu Nhân văn, Nguyễn Thị Yến, Nhóm nghiên cứa Việt hán, Vương Văn Nam, Nhóm Ủy ban sinh viên vận động cải tổ văn khoa, Võ Ba, Nhóm Đối diện, Trần Việt Hải. Như vậy chỉ thiếu nhóm Sử Địa.
    • Tổng Hội sinh viên lên tiếng. Ngày 22, 11, 1969 Tổng hội sinh viên Sàigon lên tiếng về thái độ chỉ trích của một nhóm sinh viên sử địa.

“Tổng Hội nhận định rằng:

— Cải tổ giáo dục là nhu cầu cấp bách.

— Cải tổ giáo dục không phải là chiêu bài để các phe nhóm, lợi dụng bôi nhọ mạ lỵ cá nhân.

— Thái độ của một số sinh viên chủ trương Nội san Sử Địa thiếu tính xây dựng và tạo ra những hiểu lầm.

— Ủng hộ mọi cải tổ.

— Bày tỏ sự công phẫn về thái độ bất nhã và vô trách nhiệm của nhóm Sử Địa”

    • Tuyên ngôn của Phong Trào Thanh Niên Công Giáo Đại Học Việt Nam.

“Trước hành động phá hoại tinh thần trường Đại Học Văn Khoa do một thiểu số sinh viên bất mãn chủ trương, chúng tôi phân đoàn Văn Khoa thuộc Phong Trào Thanh Niên Công Giáo Đại Học Việt Nam bất bình và mạnh dạn lên tiếng:

• Những luận điệu mạ lỵ xấc xược, chửi bới viết trong một tờ đặc san là do những sinh viên hỗn láo, làm mất thanh danh cả một tập thể sinh viên Văn Khoa vốn lấy lễ độ làm đầu.

• Chúng tôi lên tiếng kêu mời các nhóm hoạt động tại trường hãy lên tiếng bảo vệ danh dự, truyền thống sinh viên Văn Khoa.

• Yêu cầu Hội Đồng Khoa áp dụng biện pháp cương quyết đối với các sinh viên vô kỷ luật.

Sài Gòn ngày 16 tháng 11 năm 1969.

Phân đoàn trưởng

Phạm Minh Tâm (ấn ký).”

Tiếp theo đó là đơn từ chức của giáo sư Trần Bích Lan (thi sĩ Nguyên Sa), đề ngày 2/12/1969 mà đoạn chót viết như sau:

“Tôi tin tưởng những Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Văn Trung bạn thiết chớ không phải Nguyễn Văn Trung khoa trưởng, cũng như những Nguyễn Khắc Hoạch, Nghiêm Toản, Thanh Lãng, Lý Chánh Trung, Lê Thành Trị sẽ chẳng bị khuất phục bởi những bạo động hèn kém mà đồng nghiệp tôi là nạn nhân… Tôi sẽ tiếp tục chống trả, tiếp tục cất tiếng…

Nguyên Sa”

Trong giới báo chí thi có sự lên tiếng của Chu Tử và nhà báo Sức Mấy:

Chu Tử trong tạp chí Đời, số 11, ngày 27, 11, 69 cho rằng:

“Cuộc khủng hoảng ở Đại Học Văn Khoa đang chuyển từ giai đoạn trò mạt sát thầy sang giai đoạn trò mời thầy xơi kẹo đồng. Người hùng Nguyễn Văn Trung, khoa trưởng Văn Khoa đang là cái “bia” của mọi khen chê, chỉ trích bênh vực.”

Điều này cho thấy có bàn tay cộng sản thò vào như trước đây không lâu đã xảy ra vụ ám sát hai giáo sư tại Đại Học Y Khoa. Cũng như giáo sư Quốc gia hành chánh Nguyễn Văn Bông.

Bạo động dùng lời nói đã đành còn tính cho ăn kẹo đồng thì chỉ có cộng sản mới làm được những điều ấy như chúng đã làm.

Phần sinh viên Sài Gòn, dù ở bất cứ phân khoa nào, đều xử sự trong tôn ty trật tự, lễ giáo.

Để tóm tắt vụ sinh viên Sử Địa chửi bới giáo sư Văn khoa, tôi xin trích dẫn bài bình luận của Sức Mấy, một nhà giáo, nhà báo lão thành nay thỉnh thoảng vẫn còn có bài đăng trên Da Mầu, như một sự trân trọng ông.

“Sổ Tay. Sức Mấy

Đẹp

Theo nguồn tin Sức Mấy được biết, tại trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn đã vừa có vụ đồng loạt từ chức của vị khoa trưởng và trưởng ban:

• Giáo sư Nguyễn Văn Trung từ chức khoa trưởng.

• Giáo sư Lê Trung Nhiên, phó khoa trưởng.

• Giáo sư Lâm Thanh Liêm. Không ghi rõ chức vụ.

• Giáo sư Bùi Xuân Bào, trưởng ban Pháp Văn.

• Giáo sư Thanh Lãng, trưởng ban Việt Văn.

• Giáo sư Nguyễn Thế Anh, trưởng ban Sử Địa.

• Giáo sư Nguyễn Duy Cần, trưởng ban Triết Đông.

Như vậy là gần như toàn thể (7 trên 9) vào chức vụ trong Hội Đồng Khoa đã nhất loạt từ chức.

Nguyên nhân của sự từ chức tập thể xảy ra lần đầu tiên trong lịch sử Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, là những lời đả kích của một tờ báo do chính các sinh viên đại học Văn Khoa Sài Gòn chủ trương.

Phản ứng đầu tiên của Sức Mấy đối với tin trên là hoan nghênh sự từ chức tập thể như vậy.

Nó đẹp lắm.

Cái đẹp đầu tiên, là cái đẹp hiếm có. Ở đất nước này, kiếm được một người biết từ chức, hiếm lắm, nhất là trong lãnh vực chính trị. Chỉ có những người không tham quyền cố vị, mới xứng đáng cầm quyền. Muốn tỏ ra là người không tham quyền cố vị, trước hết phải biết từ chức cái đã.

Cái đẹp thứ nhì là cái đẹp liêm sỉ. Những người biết từ chức là người có liêm sỉ.

Cái đẹp thứ ba là cái đẹp đoàn kết. Giới trí thức thường khó đoàn kết với nhau lắm.

Đoàn kết để chia phần là chuyện thường, đoàn kết khi từ chức, hiếm lắm.

Cái đẹp thứ tư, là cái đẹp tự do. Các giáo sư Văn khoa có thể dùng biện pháp kỷ luật với những sinh viên viết báo chửi mình. Nhưng thay vì làm như vậy, đã cứ để cho sinh viên chửi, và người bị chửi chọn việc từ chức.

Sức Mấy đã mất cả một buổi tối, để đọc tất cả những từ chửi bới của các sinh viên Sử Địa Văn khoa dành cho các giáo sư của họ, và đọc tất cả những cái sinh viên căn cứ vào đó mà chửi.

Người bị chửi nặng hơn cả là giáo sư khoa trưởng Nguyễn Văn Trung.

Gần đây, báo chí nhắc nhở tới nhiều hoạt động của ông Trung trong chuyến đi Pháp vừa qua(2).2 Sức Mấy không đồng ý với ông Trung, vị giáo sư “tiến bộ” tiếng tăm nổi như cồn, nên những gì báo chí nói là đúng sự thật. Sức Mấy cũng đồng ý với những lời chỉ trích ông Nguyễn Văn Trung trên mặt báo, nếu quả thật ông Trung có làm những điều đáng chỉ trích.

Nhưng trong phạm vi một trường học, giữa giáo sư và sinh viên, có phải rằng tất cả mọi việc đều nên viết trên báo để chửi bới lẫn nhau?

Sinh viên Văn Khoa đã chửi giáo sư Văn Khoa rằng:

“Châm ngôn của họ là sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi. Họ rút đầu vào mu rùa, mù mắt vì cái lá đa, và có những ê kíp đàn anh quý hóa biết bày trò tằng tịu với nữ sinh viên.”

Thời buổi này, không có một ông khoa trưởng, một trưởng ban hay một ông giáo sư nào theo quy chế lương bổng Việt Nam được lãnh tới hai chục ngàn đồng một tháng.

Cái ‘tiền thầy bỏ túi’ hàng tháng, chỉ bằng nửa tháng lương một người thợ nề, đâu có đáng để cho sinh viên phải đả kích giáo sư nặng nề như thế?

Trong khi các sinh viên đang đi học để đi thi, và đã đi thi ai chẳng mong đậu thì các sinh viên Văn khoa đã viết về các giáo sư Văn Khoa:

“Quý vị thông minh lắm chứ, vì nếu không tiền tài thì làm sao đỗ tiến sĩ Quốc Gia, thạc sĩ của cái lò Sorbonne, Louvain! Đó là giai tầng trí thức có cái thông minh của loài két, nhớ dai và nhớ lâu.”

Nếu sự thi đậu những bằng cấp cao đáng nhục mạ như vậy, hà tất sinh viên còn theo học đại học làm chi?

Người Nhật có một nguyên tắc viết báo đáng chú ý: Trong khi viết về người khác, không cần luật lệ gì cả. Hãy viết tất cả những gì mình nghĩ rằng khi mình gặp mặt người ấy, mình vẫn có thể nói thẳng những điều mình viết. Còn những điều gì mình nghĩ rằng không thể nói trực tiếp với người ta thì đừng viết.

Sức Mấy nghĩ rằng khi diện đối diện với các giáo sư Văn Khoa, có lẽ sinh viên Văn Khoa sẽ không nói những câu đã chửi bới đã trích dẫn ở trên. Và nếu các sinh viên đã viết nghĩ rằng mình có thể chửi thẳng vào mặt giáo sư những câu như đã viết, thì tại sao không gặp thẳng mà chửi, vì sự gặp gỡ giữa sinh viên với giáo sư là điều quá dễ.

Sức Mấy chuyên viết nham nhở chửi bới. Đọc những câu chửi bới của sinh viên Văn Khoa thì thích lắm. Nhưng trong phạm vi một trường học, giữa sinh viên và giáo sư. Việc ấy có nên không?

Đây là vấn đề đặt ra với các bạn sinh viên, còn với quý vị giáo sư Văn khoa, thì người xưa đã có nói “giáo bất nghiêm, sư chi đọa”. Quý vị từ chức là phải. Và Sức Mấy đã chỉ viết những dòng này khi biết quý vị đã thực sự từ chức.

(Chủ Nhựt 16, 11, 1969)”

Chính vì có sự trà trộn của một số sinh viên thân cộng sản vào Văn khoa cũng như các phân khoa khác mà cục Tình báo chiến lược đã lập ra Mặt Trận Đại Học để đối đầu với các sinh viên theo cộng sản. Xin xem cuốn Măt Trận Đại Học thời Việt Nam Cộng Hòa của tác giả Bạch Diện Thư Sinh, tủ sách Hoàng Sa.

Việc thứ hai liên quan đến kỳ thi [của ứng viên] tiến sĩ môn Sử

Theo Gs Trần Anh Tuấn(3), với tư cách Phó Khoa trưởng Học vụ, Gs Nguyễn Thế Anh là người soạn thảo chương trình Tiến sĩ Văn khoa Việt Nam vốn bị xóa sổ từ năm 1919, dưới thời Pháp thuộc.

Chương trình Tiến sĩ này gồm hai cấp: cấp thứ nhất gọi là “Năm Thứ nhất tiến sĩ chuyên khoa”, sau đó trong cấp thứ hai, ứng viên mới sửa soạn luận án tiến sĩ.

Cụm từ “Năm Thứ nhất tiến sĩ chuyên khoa” dễ gây hiểu lầm và có thể làm cho nhiều người tưởng là đó là những người đã có học vị tiến sĩ rồi.

Thực ra, như ở các đại học phương Tây — dù có vài khác biệt nhỏ, họ là những ứng viên (Ph.D. candidate) học chuẩn bị thi (comprehensive examination hay examen pré-doctoral) để chứng minh khả năng nghiên. Sau khi đỗ kỳ thi prédoc hay comprehensive sinh viên học tiến sĩ mới “được phép có điều kiện” đề nghị, thực hiện và sau cùng trình luận án tiến sĩ trước hội đồng giám khảo, và chỉ có học vị Tiến sĩ sau khi được HĐGK chấm đỗ.

Niên khóa đầu tiên 1972-73 của ban Sử Địa Văn Khoa, có 7 thí sinh theo học. Nhưng chỉ có hai thí sinh được chấm đậu “Năm Thứ Nhất” là Tạ Chí Đại Trường và Đỗ Phan Hạnh.

Chương trình tiến sĩ chuyên khoa Sử học bắt đầu niên khóa 1972-73 thì xảy ra biến cố có tính cách lịch sử trong giới đại học VNCH. Gs Trần Anh Tuấn viết:

“Nguyên niên khóa đầu tiên ấy có 7 thí sinh ghi danh, thì 5 người không đậu kỳ thi cuối khóa. Năm thí sinh thi trượt đều là người có danh vị trong xã hội bấy giờ. Tất cả đều đã có cao học. Một là giáo sư trung học Nguyễn Trãi Sài Gòn. Một là Giám sát viên thuộc Giám sát viện VNCH. Một là giáo sư Đại học Huế. Một là phó khoa trưởng đại học Văn khoa Cần Thơ.

Theo tôi nghĩ, điều các thí sinh thi trượt uất ức là vì một trong hai thí sinh trúng tuyển được nhận xét là chỉ có khả năng bình thường. Trong lá thư ngỏ của các thí sinh thi trượt đăng trong các nhật báo Saigon lúc đó, như Sóng Thần chẳng hạn, có một câu mà tôi còn nhớ nguyên văn, “Chúng tôi có thể dốt, nhưng không có thể dốt hơn ông…”

Theo người viết bài này, có lẽ nên liệt kê đầy đủ tên 5 sinh viên bị đánh rớt vì họ đã chính thức tố cáo trên báo từ nửa thế kỷ trước. Còn hai thí sinh trúng truyển là Tạ Chí Đại Trường và Đỗ Phan Hạnh,(4) ngay cả không nêu tên, người ta cũng có thể suy đoán được ai là người bị tố cáo trên báo.

Cũng theo Gs Trần Anh Tuấn, trong vụ này điều bất ngờ nhất là

“Một hôm tại Văn phòng Ban Sử địa Đại học Văn khoa Sài gòn trên đường Cường Để, năm 1973, giáo sư Nguyễn Thế Anh đưa tôi xem một bản “Án tử hình Nguyễn Thế Anh” gửi qua bưu điện kèm theo một viên đạn súng lục. (…) dưới ký “Việt Nam Hưng Quốc Đảng” thì phải.”

Theo như trong thư của Gs Trần Anh Tuấn gửi, chúng tôi ghi nhận rằng kỳ thi tiến sĩ Sử (1972-73) này có giáo sư Philipp Langlet chấm bài. Và Chánh chủ khảo là giáo sư Nguyễn Thế Anh. Trong năm học, sinh viên phải tham dự các khóa Seminars do các ban sắp xếp. Kỳ thi cuối năm gồm có một bài luận văn và một bài sinh ngữ thi viết, và vấn đáp.

Các ban Triết, Anh văn, Pháp văn, v.v. cũng đều có mở kỳ thi tiến sĩ năm thứ nhất như ban Sử, nhưng đã không gặp trở ngại nào.

Thiết nghĩ câu chuyện (chưa là) bằng cấp này cũng nên nói ra một lần rồi thôi.

Trách nhiệm đòi hỏi sự liêm chính liên quan đến người chủ khảo cũng như các thí sinh. Nhưng vấn đề là đã không ai, có thẩm quyền, đã làm gì để giải quyết vấn đề. Hội Đồng Khoa vẫn có thể họp và duyệt xét lại kết quả của 5 thí sinh kia. Nào có khó chi việc duyệt xét lại 5 bài thi?

Một công việc thường làm trong các kỳ thi Tú tài II về môn Triết là khi một giám khảo cho điểm 16 thì bài thi đó buộc chuyển qua một giám khảo khác chấm lại. Sau đó trung bình của hai số điểm sẽ là điểm chính thức được công nhận. Sự nhầm lẫn trong việc đánh giá một bài viết là điều khó tránh được. Nhưng sai số ấy vẫn có những giải pháp nhằm đạt được một sự công bằng tối thiếu được nhìn nhận.

Hậu quả trực tiếp và rõ ràng của vụ tai tiếng này là năm sau, số sinh viện dự tuyển đáng lẽ thay vì 7 người hoặc có thể hơn thế nữa, chỉ còn có hai sinh viên nộp đơn học.

Sinh viên e ngại chăng? Họ không tin tưởng vào cách chấm đậu của Gs Nguyễn Thế Anh chăng? Trong hai thí sinh dự tuyển năm sau, cuối cùng một người bỏ cuộc, còn lại một người thi đỗ là Gs Trần Anh Tuấn.

Việc chính không hẳn phải là mảnh bằng tiến sĩ (chưa có) mà vấn đề ở chỗ hai thí sinh trúng tuyển nêu trên đã để lại được công trình nghiên cứu gì cho miền Nam?

Tạ Chí Đại Trường đã viết nhiều sách vở liên quan đến sử học. Cuốn sách đầu tay của ông là Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ năm 1771 đến 1902, (1960). Tiếp theo là những cuốn Thần Người và Đất Việt (2000) và Một khoảng VNCH nối dài (1993). Và rất nhiều bài biên khảo có giá trị khác, thường liên quan đến nhà Tây Sơn.

Riêng Đỗ Phan Hạnh, tuy đã có nhiều năm giảng dạy môn sử tại trường Văn Khoa, Sài Gòn, nhưng rất tiếc chúng tôi không được đọc bất cứ một công trình nghiên cứu sử nào của ông cả. Trong việc đi dạy tư kiếm thêm tiền thì thay vì dạy Sử, ông lại chọn dạy Anh văn. Thật khó hiểu.

Gần đây, chúng tôi mới được đọc một số tư liệu về ông, đăng trong tập san Câu lạc bộ sinh viên Phục Hưng, 60 năm 1955-2015, do “Gia đình cựu sinh viên cư xá Phục Hưng” thực hiện, Hoa Kỳ năm 2015.

frameborder=”0″ scrolling=”no”

Tập san Câu lạc bộ Sinh viên Phục Hưng, Hoa Kỳ, 1915

Qua bản tiểu sử tự biên của ông, người đọc lại có dịp so sánh việc ông “Trúng tuyển kỳ thi CUỐI NĂM THỨ NHẤT TIẾN SĨ CHUYÊN KHOA SỬ HỌC, TRONG KHOÁ THI DUY NHẤT NIÊN HỌC 1972-1973” với kết quả thực tế suốt 43 năm qua (1972-2015).

Trong bản tiểu sử, ông viết, “sinh năm 1939, tại Hà Nội. Di cư vào Nam năm 1954. Tiếp tục theo học trường Chu Văn An tại Sài Gòn…”

Nguồn [ĐienanDanToc]

Nguồn [DiendanDanToc]

Tình cờ, một bài viết vào tháng 3, 2016, tựa đề “Một kỷ niệm về Thủ Tướng Ngô Đình Diệm” được tác giả gởi lên mạng, trên [DiendanDanToc] ngày 15/7/2016. Nội dung chính của bài viết đó là tấm hình kỷ niệm của thầy Tô Đình Hiền, Hiệu đoàn trưởng trường Nguyễn Trãi, và một số học sinh lớp Đệ Ngũ chụp với Thủ tướng Ngô Đình Diệm năm 1955. Tấm hình kèm theo bài, trích từ cuốn “In the Midst of Wars: An American’s Mission to Southeast Asia” nhưng không có chú thích của tác giả Edward Geary Lansdale.

Cesar Climaco, Giám đốc của “Operation Brotherhood” ở Sài Gòn, tổ chức một nhóm thiếu niên để dọn dẹp một phần của thành phố bị phá hủy trong cuộc gia tranh với Bình Xuyên. Lưu ý Ngô Đình Diệm đứng ở hàng trên. (Nguồn: ảnh minh hoạ của Edward, Geary Lansdale, “In the Midst of Wars: An American's Mission to Southeast Asia”, Fordham University Press, March 31st 1991, sau trang 148; phát hành lần đầu năm 1972). DCVOnline: Cesar Climaco là người quay lưng lại, xắp xếp đám đông để chụp ảnh.

Cesar Climaco, Giám đốc của “Operation Brotherhood” ở Sài Gòn, tổ chức một nhóm thiếu niên để dọn dẹp một phần của thành phố bị phá hủy trong cuộc gia tranh với Bình Xuyên. Lưu ý Ngô Đình Diệm đứng ở hàng trên. (Nguồn: ảnh minh hoạ của Edward, Geary Lansdale, “In the Midst of Wars: An American’s Mission to Southeast Asia”, Fordham University Press, March 31st 1991, sau trang 148; phát hành lần đầu năm 1972). DCVOnline: Cesar Climaco là người quay lưng lại, xắp xếp đám đông để chụp ảnh. Người có dấu (X) là Đỗ Phan Hạnh, học trò Đệ Ngũ trường Nguyễn Trãi năm 1955

[DCVOnline: Cesar Cortez Climaco là một chính khách người Phi Luật Tân, cựu Thị trưởng thành phố Zamboanga (1953-54). Năm 1954, Climaco gia nhập “Chiến dịch Huynh Đệ” (Operation Brotherhood), một nhóm được tổ chức Jaycees — của Mỹ chuyên huấn luyện lãnh đạo tổ chức dân sự cho những người trong độ tuổi từ 18 và 40 — tài trợ để giúp cung cấp nhu cầu y tế và cứu trợ người tị nạn chiến tranh tại Việt Nam. Là Trưởng dự án và Điều phối viên hiện trường tại Việt Nam, Climaco đã lấy được cảm tình của Thủ tướng Ngô Đình Diệm và hoạt động của Climaco đã được tạp chí LIFE phổ biến. (Nguồn: “The 1958 Ramon Magsaysay Award for International Understanding – Operation Brotherhood”. Ramon Magsaysay Award Foundation Online. Retrieved 2008-01-25. và Guingona, Teofisto (1993). The Gallant Filipino. Pasig City: Anvil Publishing Inc. p. 196. ISBN 971-27-0279-0.)]

Tác giả bài viết, ông Hoàng Cơ Định, đánh số và nhận diện 10 người bạn cùng học Đệ Ngũ, trong đó có ông Đỗ Phan Hạnh!

Thế là thế nào? Trong bản tiểu sử tự biên, ông Đỗ Phan Hạnh đã viết “Di cư vào Nam năm 1954. Tiếp tục theo học trường Chu Văn An tại Sài Gòn…”

Không lẽ năm 1954 ông Hạnh học Đệ Lục ở Chu Văn An rồi đến 1955 xin chuyển sang học Đệ Ngũ trường Nguyễn Trãi vì biết sẽ có thể được dẫn đi chụp ảnh với Thủ tướng Ngô Đình Diệm? Logic mà nghĩ thì có lẽ ông đã làm một việc gọi là “xoá bỏ qúa khứ, viết lại tiểu sử” cho nó sang hơn chăng? Các bạn cùng học Nguyễn Trãi với ông Hạnh sẽ nghĩ gì? Là học sinh Nguyễn Trãi không đáng kể hay sao? Đặc biệt là những người cũng tương đối gọi là có tiếng trong cộng đồng người Việt như tác giả Hoàng Cơ Định, và các ông Nguyễn Tiến Hưng, Đinh Mạnh Hùng, Nguyễn Trọng Nho, v.v. Vâng họ từng là những học sinh Đệ Ngũ Trung học Nguyễn Trãi năm 1955 cả đấy.

Trên thực tế, trường Nguyễn Trãi khi mới chuyển vào Nam sau cuộc di cư 1954 chỉ có 16 lớp đệ nhất cấp (Tô Đình Hiền, “Trường Trung học Nguyễn Trãi”, Saigon, 14/5/1974). Theo một cựu học sinh Nguyễn Trãi, Sài Gòn, mãi đến đầu những năm 1960 mới bắt đầu có các lớp đệ nhị cấp, nhưng chỉ có một lớp Đệ Nhât ban Anh văn – và đến 1965 mới có thêm 1 lớp Đệ Nhất ban Pháp văn. Sau khi học xong đệ nhất cấp và khi trường chưa có đủ lớp Đệ Nhất học trò đã được chuyển sang học đệ nhị cấp ở các trường Chu Văn An, Petrus Ký, Võ Trường Toản, v.v. tuỳ theo đơn xin chuyển trường.

Xin được mở ngoặc nhỏ để viết về thầy Tô Đình Hiền. Sau năm 1975 ông không còn được làm thầy giáo ở Trung học Nguyễn Trãi và phải đi dạy tại trường Trung Tiểu học Khánh Hội với người viết bài này. Thầy Hiền hoàn toàn khuất phục trước kẻ thắng cuộc và hết sức làm tất cả để chiều lòng họ trong khi chúng tôi, những thầy cô giáo khác, vẫn sinh hoạt bình thường, vẫn dạy học, vẫn tụ họp, vẫn hát nhạc vàng. Thầy Hiền đã chết ngay trong trường học vì kiệt sức.

Trong bản tiểu sử ông Hạnh ghi tiếp, “…và hoàn tất bằng tú tài 2 năm 1958.” Năm 1955 ông mới học Đệ Ngũ (trường Nguyễn Trãi) và chỉ 3 năm sau ông đã lấy Tú tài 2.

Vào năm 1955, nghĩa là khi mới có 16 tuổi, đang học Đệ Ngũ ở trường Nguyễn Trãi Sài Gòn, ông đã ra hoạt động xã hội và ông viết là “đã được bầu làm Tổng Thư Ký Hội Học sinh Tình nguyện Cứu tế (có thủ tướng Ngô Đình Diệm là Hội trưởng danh dự.)”

Theo tác giả Hoàng Cơ Định cho biết vì những đổ nát ở Chợ Lớn sau cuộc giao tranh giữa lực lượng của Thủ tướng Diệm và quân Bình Xuyên thì ông và một số bạn Nguyễn Trãi đã “được Thầy Hiệu Đoàn Trưởng Tô Đình Hiền hướng dẫn vào Chợ Lớn làm công tác dọn dẹp trong một số trại tạm cư của nạn nhân chiến cuộc.”

Như vậy, có lẽ cái gọi là “Hội Học sinh Tình nguyện Cứu tế” đã thành hình tại Chợ Lớn, hay có thể là tại Dinh Độc Lập để Thủ tướng Ngô Đình Diệm nhận làm Hội trưởng danh dự cho nó tiện sổ sách? Tôi nghĩ, đã không nghiên cứu Sử học, và nếu ông Đỗ Phan Hạnh không bận đi dạy Anh văn có lẽ miền Nam Việt Nam đã có thêm một tiểu thuyết gia chuyên đề xã hội giả tưởng.

Ông tự khai, trong thời sinh viên, ông đã hoạt động và đảm nhận một số vai trò như “Tổng Thư ký Nguyệt san Thông Cảm của Liên Đoàn Sinh viên Công giáo Viện Đại Học Sai gòn 1962.”

Tôi thật sự ngạc nhiên đến sửng sốt khi đọc tin này. Xin đọc bài viết của Hòa Giang Đỗ Hữu Nghiêm nhan đề Chung quanh nhà nguyện Mai Khôi, nhân kỷ niệm 1954-2005 với gần 100 tên tuổi sinh viên Thiên chúa giáo hoạt động qua 3, 4 thế hệ mà một phần lớn tôi đều biết, đều quen, hay ít lắm đều nghe tiếng. Nhưng tôi chưa hề thấy có tên Đỗ Phan Hạnh trong danh sách sinh viên công giáo. Được biết ông Đỗ Phan Hạnh không phải người công giáo.

Làm thế nào, một sinh viên không phải là tín hữu Thiên Chúa giáo lại có thể làm Tổng Thư ký tờ Thông Cảm. Tôi thật sự không hiểu! Hơn nữa, theo Hòa Giang Đỗ Hữu Nghiêm, tờ “Thông Cảm” đến 1967 vẫn là bán nguyệt san đổi từ dạng in ronéo sang in typo. Đến khi trở thành nguyệt san thì đổi tên là “Hiện Diện” hoạt động dưới danh nghĩa của Liên Đoàn Sinh viên Công giáo Việt Nam (LĐSVCGVN). Nói cách khác không có tờ Nguyệt san Thông Cảm ở Sài Gòn mà chỉ có Nguyệt san Hiện Diện thuộc LĐSVCGVN

Các chức vụ khác của ông Hạnh như Tổng Thư Ký (TTK), Tổng Hội sinh viên Sài Gòn, rồi Tổng Thư ký Cơ quan Tương trợ Đại học Thế giới tại Việt Nam — World University service of Viet Nam (WUS), v.v. Đặc biệt, ông không ghi là ông làm TTK những nhiệm kỳ nào.

Thật ra, lúc đó, 1955, trên thế giới không có tổ chức nào tên là “Cơ quan tương trợ Đại học Thế giới tại Việt Nam” hay “World University service of Viet Nam (WUS)” như đã thấy trong tiểu sử của ông Đỗ Phan Hạnh mà chỉ có một tổ chức thiện nguyện, phi lợi nhuận tên là “World University Service of Canada”, WUSC (1957), hậu thân của World University Service (WUS, 1950), và International Student Service (ISS, 1920s). Từ năm 1950 WUS chuyển trọng tâm của các hoạt động cứu trợ và xây dựng lại từ châu Âu sang Trung Đông và châu Á. ISS, WUS, và WUSC là tên của tổ chức cứu trợ và tái thiết thành lập tại Canada giúp đỡ cộng đồng nạn nhân chiến tranh, người di cư, và sinh viên toàn thế giới từ sau Đệ Nhất Thế Chiến.

Đọc tiểu sử ông Đỗ Phan Hạnh không khác gì đọc tiểu thuyết hư cấu, lãng mạn.

Độc giả từ miền Bắc, trước 1975, hay bạn đọc cả nước hiện nay đọc bài này có lẽ sẽ ngạc nhiên tự hỏi, “những chuyện nhỏ như (“con kiến”) thế sao tác giả phải đi tìm hiểu, trình bầy làm gì cho mất thời giờ? Xã hội của chúng tôi thì…”

Thưa quý bạn đọc, đó là một khác biệt rõ rệt giữa hai miền Nam Bắc và giữa những con người ở một xã hội đạo đức với những người quen sống trong một môi trường gian dối. Chúng tôi có một nền văn hóa biết tự trọng. Chỉ có vậy thôi. Amen!

(Còn tiếp)

© 2016 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”

Nguồn: Bài và chú thích của tác giả. DCVOnline biên tập, phụ chú và minh hoạ.

(1) Tài liệu riêng của Nguyễn Văn Trung cho xử dụng.

(2) Theo sự hiểu biết của người viết, Gs Nguyễn Văn Trung có mời một vài vị giáo sư thiên tả như Tạ Trọng Hiệp về Văn Khoa giảng dạy, và vì thế bị báo chí phanh phui và chống đối.

(3) Trần Anh Tuấn, “Giáo sư Nguyễn Thế Anh và Ban sử Đại Học Văn Khoa, Sài gòn”, Trích từ “Sử Việt Tại Bắc Mỹ (1975-2015)” sắp xuất bản. http://svkhktmdk1.blogspot.ca/2016/04/giao-su-nguyen-anh-va-ban-su-ai-hoc-van.html

(4) Trần Anh Tuấn, ibid.