Phần 75
Ngô Đình Cẩn. Ông là ai? (p4)
Posted on May 4, 2017 by editor — 0 Comments
Nguyễn Văn Lục
Ông Phan Quang Đông (1929-9/5/1964) và thơ gởi vợ trước giờ bị xử tử.
Những tay chân còn lại của ông Ngô Đình Cẩn như Dương Văn Hiếu, Thái Đen, Nguyễn Thiện Dzai. Hay những người ở bên ngành cảnh sát cũng chịu chung số phận như Nguyễn Văn Y, Khưu Văn Hai, Nguyễn Văn Hai, Trần Bửu Liêm, v.v. với những bản án nặng nề: Khổ sai chung thân xử theo luật “cách mạng”.
Chỉ cần nhìn lại thực chất cuộc chiến đã qua và nhờ đó để hiểu vai trò của họ là gì? Và họ thực sự có đáng chịu những hình phạt nặng nề đó hay không?
Cuộc chiến tranh vừa qua là một cuộc chiến tranh toàn diện chẳng những về mặt ý thức hệ, chiến tranh giữa hai khối cộng sản và tư bản, chiến tranh giữa thành thị và nông thôn, giữa quân sự và chính trị.
Theo ông Đặng Văn Sung, chủ báo Chính Luận thì chiến tranh Việt Nam chỉ có 25% là về mặt quân sự, còn 75 % kia là mặt chính trị.
Nhưng cái 25% kia dưới mắt người Mỹ cũng như giới quân sự Việt Nam lại cho là yếu tố quyết định. Đối với người Mỹ, nhất là Bộ trưởng Quốc Phòng McNamra, với sự cao ngạo và tin tưởng đến lố bịch cho rắng họ biết làm thế nào để chiến thắng trận chiến này với những bộ óc chuyên viên biết nhìn vào con số, các bảng thống kê, phương pháp tính toán xác chết và hệ thống điện tử tinh vi về nhu cầu súng đạn, vũ khí và số bom đạn.
Các tính toán của McNamara chỉ có giá trị lý thuyết. Bởi vì thế khi ông ta hỏi ý kiến Ed. Lansdale về việc này. Lansdale đã trả lời là các tính toán ấy đã thiếu một “x factor”. Đó là yếu tố con người, chính trị của cuộc chiến. Đó cũng là cái 75% còn lại.
(Rufus Philipps, “Why Vietnam Matters: An Eyewitness Account of Lessons Not Learned” (2008), trang Preface)
Trong 75% còn lại đó có việc giữa người Mỹ và Việt Nam không hiểu nhau, không đồng quan điểm về chiến thuật, chiến lược, về văn hóa, về lịch sử con người. Chính ví sự kém hiểu biết ấy mà những người Mỹ chỉ nhìn thấy những ưu thế về người, về trang bị và về tiền bạc, về số bom đạn bỏ xuống bắc Việt và ở miền Nam..
Họ đã thất bại và thua cuộc.
Thất bại đó vẫn còn thấy được trong các trận chiến ở Iraq và A Phú Hãn kéo dài cho đến tận bây giờ. Một trận chiến có tên gọi là War of Terror.
Người Mỹ sau 1964 đã không còn mấy tha thiết với việc bình định và phát triển nông thôn (Rural Affairs) như ở thời kỳ đầu 1954-1955. Thời kỳ mà với chỉ trên dưới 5000- 10000 ngàn người Mỹ có mặt đã đem lại một hình ảnh tốt đẹp về nước Mỹ.
Số tổn thất sinh mạng người Mỹ lúc bấy giờ chỉ là một con số rất nhỏ, tượng trưng: 50 người so với con số tổn thất sau này 58.000 người là một sự cách biệt quá lớn lao!
Nếu người Mỹ không đổ quân ồ ạt vào Việt Nam với tổn phi rất cao về sinh mạng và tiền bạc, liệu người Mỹ có bỏ cuộc và bỏ rơi Việt Nam hay không?
Những người như đám mật vụ miền Trung của ông Cẩn nằm trong cuộc chiến mà sự thách thức đặt ra cho người cán binh cộng sản tự nhận thức rằng họ đã lầm đường. Họ không có đất sống, không có chỗ để thở trong một nông thôn ổn định, một nông thôn đem lại sự an bình, no ấm cho nông dân.
Những người như Edward Lansdale và đám phụ tá sau này như Rufus Philipps mà phần vụ còn lại của họ là lo làm thế nào phát triển nông thôn, xây dựng cầu đường, bệnh xá, trường học.
Đó là cuộc chiến hai mặt: mặt bình định nông thôn và mặt phát triển nông thôn. Nếu hiểu cuộc chiến tranh như thế thì vai trò của mật vụ Ngô Đình Cẩn phải được đánh giá lại. Và cũng cần lượng định cuộc chiến tranh leo dốc có cần thiết hay không? Còn đối với ông Nhu thì có chính sách Ấp Chiến Lược bắt chước lại của Mã Lai .
Tem Ấp Chiến Lược. Nguồn: OntheNet
(Tôi cho là Ấp chiến lược quá chú trọng đến vấn đề an ninh và chưa quan tâm cho đủ đến đời sống an sinh xã hội của người dân nên không được dân chúng hưởng ứng. Sự xây dựng đồng loạt quá vội vã và áp đặt cốt đạt thành tích mà không nghĩ tới đồi sống ấm no, có trường học, có trạm y tế, có đời sống kinh tế ổn định. Thất bại là ở chỗ đó. Nhất là ở các tỉnh Phía Nam, dân chúng sống rải rác, thưa thớt không giống miền Trung và trên cao nguyên.)
Sự thiệt thòi và kém may mắn của những cán bộ mật vụ
Khi một người lính ra mặt trận nếu giết được kẻ thù thì được thưởng công cho chiến thắng đó nhờ đó có thể lên lon, có nhiều huân chương, bằng khen. Đó là lẽ thường bởi vì họ đã đem thân mình, sự sống của họ để bảo vệ quê hương đất nước.
Thượng sĩ Nguyễn Hữu Hoàng, trưởng đồn Chắc Cà Đao trong một dịp kiểm soát ghe thuyền may mắn bắt được Ba Cụt. Ông được thưởng công đặc cách từ Thượng sĩ lên Trung úy. Điều ấy cũng rất là bình thường. Nhiều sĩ quan cấp úy, cấp tá đã được cách lên lon ngay tại mặt trận để thưởng những chiến công của họ.
Nhưng khi một người cán bộ Mật vụ nhận lãnh trách nhiệm nặng nề hoạt động bí mật như mật vụ, phản gián, biệt kích thì bại không nói làm gì, thành công cũng không có một quy chế thăng thưởng rõ rệt, trừ những người ở trong quân ngũ. Còn có gì nguy hiểm hơn là các chiến sĩ thám báo, các Biệt kích được gửi ra Bắc?
Một Thượng sĩ bắt được Ba Cụt được đặc cách như thế thì Dương Văn Hiếu và đồng bọn khi bắt được Mười Hương, Cục trưởng cục tình báo cộng sản phải được tưởng thưởng như thế nào cho xứng đáng? Chẳng hạn thay thế Bùi Văn Lương, làm Bộ trưởng Bộ nội vụ?
Vì là tin tức tình báo bí mật nên báo chí không hề đăng tin, dân chúng hoàn toàn mù tịt!
Cho đến hơn 40 năm sau, một trăm người tự nhận là chống cộng khét tiếng, có mặt hò hét trong bất cứ cuộc biểu tình nào thì đến 99/100 người trên không hề biết Mười Hương là ai? Dương Văn Hiếu là người thế nào? Có ai biết thành tích của Dương Văn Hiếu? Và tôi biết được một phần là do năm tập tài liệu của cộng sản viết.
(Năm cuốn sách là: Đoàn Mật vụ Ngô Đình Cẩn của Văn Phan. Đường Thời đại của Đặng Đình Loan. Cuộc chiến tranh đặc biệt, Hồi ký của Đinh Thị Vân. Và hai cuốn: “Bội phản hay chân chính” của Dư Văn Chất và “Trần Quốc Hương, Người chỉ huy tình báo” của Nguyễn Thị Ngọc Hải.)
Nguồn: Nhà xuất bản: NXB Hồng Bàng
Giả dụ hồi đó, báo chí được đăng tải tin tức khắp nơi, họp báo, rồi đưa Mười Hương và đồng bọn không chịu chuyển hướng ra cho dân chúng coi, thử hỏi kết quả sẽ ra sao?
Tôi vẫn chưa tìm ra lời giải thích, tại sao ta lại phải giữ bí mật về những thành tích như vậy? Cộng sản Bắc Việt khi bắt được phi công Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời Bắc Việt thì chúng mang người phi công bị trói tay ra sau lưng đi khắp phố phường cho dân chúng phỉ nhổ.
Thiệt thòi ấy không phải chỉ dành cho cá nhân Dương Văn Hiếu mà cho cả miền Nam.
Và sau này, Cách mạng nào dám đưa Dương Văn Hiếu ra xử tội và kết tù chung thân khổ sai vì trước đó Dương Văn Hiếu đã được vinh danh là chiến sĩ ngay cả là anh hùng diệt cộng?
Kẻ thù của chúng ta đã viết năm cuốn sách ca tụng, vinh danh Ngô Đình Cẩn và bọn Dương Văn Hiếu, còn người Quốc gia kết tội họ, nhục mạ họ, phỉ báng họ? Giữa Ngô Đình Cẩn và Thích Trí Quang, ai là người có công và người có tội đối với miền Nam? Ai đáng xử chém? Và ai chém ai?
Đã có một cuốn sách nào viết về họ không? Không. Hoàn toàn không. Ngoại trừ các cuộc phỏng vấn của ls Lâm Lễ Trinh trong Thức Tỉnh, 2007
Sau đây, người viết xin được trích dẫn một đoạn tâm trạng của một cán bộ cộng sản đã chuyển hướng cho thấy sự thành công của Đoàn Mật vụ Dương Văn Hiếu như thế nào:
“Tới khi khoanh vùng, cơ sở bị đánh tan tành xí quách, bám trụ trong dân không nổi nữa, phải bật lên núi. Bám núi, anh cán bộ vẫn chỉ đạo phong trào ở đồng bằng. Đối phương leo núi, cắt đường liên lạc, tiếp tế.. Lương thực cạn dần, liên lạc tắc nghẽn. Cuộc sống ngày một trờ thành vô nghĩa nếu cứ bám trụ trên núi cao, trong rừng sâu, quanh quẩn với cây rừng và khỉ đột. Hãy khoan nói tới những gì cao xa, cái bao tử này trước đã. (Chân vỗ đồm độp vào bụng mình mấy cái) Nó đòi hỏi phải được ưu tiên giải quyết trước hết. Hết gạo, hết lương khô, hết mọi thứ. Đói quá không tính thì chết đói. Không lẽ chết đói để giữ vững khí tiết người vô sản? (…) Đó, tình hình miền Trung như vậy, bối cảnh như thế-phần nào anh đã hình dung được những nét đặc trưng của phong trào, đặc ính của địa phương, đặc thù của tình hình. Tôi cùng một số đồng chí cũ, cũng là những cán bộ có trách nhiệm với đồng bào địa phương mình, cùng ở trong một cảnh ngộ: đầu hàng. (… )
Với thảm trạng não nề, ê chề như vậy, tới độ nào đó tự nhiên chất người biến đổi đưa tới phản ứng tâm lý dây chuyền không sao cưỡng lại được nữa, là dân oán ghét cán bộ, cán bộ oán trách |Đảng. Người ta cảm thấy mình bị phản bội. Thực tế sau đó là nhân dân có kết luận rằng: “cán bộ đi tới đâu gieo tang tóc tới đó” nên đồng bào dứt khoát “thò anh cán bộ nào ra, túm đầu anh đó, giao nộp cho nhà chức trách.”
(Trích Văn Tiến Mạnh “Nhà Văn bất đắc dĩ”, ngày 20/4/1995, dài 26 trang)
Xét về mặt quân sự, chúng ta phải cần bao nhiêu tiểu đoàn để vây và phá tan một cơ sở hậu cần của một quận? Và nếu vị sĩ quan VNCH nào đánh trận này phá trắng được một cớ sở của địch thì vị sĩ quan đó có được đề nghị để được thăng cấp ngay tại mặt trận không? Vấn đề thu phục lòng dân để dân tỉnh ngộ nghe theo cần bao nhiều thời gian làm công tác dân vận?
Vậy mà Đoàn công tác Mật vụ miền Trung đã khoanh vùng, rồi xóa trắng các vùng xôi đậu do cộng sản bám trụ suốt dọc miền Trung, nắm vững từ trước và sau Hiệp Định Genève đến nay. Tôi đã từng sống và quen thuộc các tỉnh miền Trung. Vậy mà sau 63, nhất là từ 66 trở đi, đi công tác từ Nha Trang ra Phan Thiết, phải dùng máy bay quân sự.
Họ đã được thưởng công gì|? Như thế nào? Bằng văn thư, Nghị định nào của Bộ Nội Vụ? Hay họ đã không nhận được bất cứ một lời khen thưởng trực tiếp nào của ông Ngô Đình Cẩn?
Chẳng hạn Mật vụ của Dương Văn Hiếu sau này được thưởng gì để khuyến khích họ là nhờ quỹ đen của TT Ngô Đình Diệm. Nhưng các nhân viên của ông Hiếu, trong suốt 9 năm trời phục vụ tận tâm cho guồng máy Mật vụ đem lại an ninh cho toàn khu 5 và các tỉnh lân cận thì họ được thăng thưởng chức vụ gì? Được hưởng tiền bạc ra sao? Chính bản thân Dương Văn Hiếu, chức vụ có thể ngang hàng giám đốc công an, nhưng không được cấp phát nhà chính phủ.
Đáng lẽ, phải cho họ đảm nhận các chức vụ quận trưởng hoặc phó quận trưởng các vùng đó thì mới xứng đáng công trạng của họ và gìn giữ an ninh vùng được lâu bền. Sự thiệt thòi ấy dù sao vẫn có thể chấp nhận được.
Nhưng khi chính quyền sụp đổ, như thời Đệ Nhất Cộng Hòa, họ bi coi là người của chế độ và bị trừng phạt nặng nề nhất.
Trong khi đó cả một guồng máy chính phủ, các lãnh đạo hàng Bộ trưởng thường phục vụ đắc lực cho chế độ thì lại được miễn trừ mọi trách nhiệm hình sự? Chẳng hạn, ông Phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ có phải chịu trách nhiệm gì về cái chết của Ba Cụt không?
Sau đây, tôi xin tóm tắt danh sách các nhân viên Mật vụ bị ra tòa và bị Toà án cách Mạng xử phạt tù chung thân khổ sai.
Vụ xử Bọn Mật vụ Dương Văn Hiếu với 42 nhân chứng (có chỗ ghi 44).
Theo bài báo của ký giả Nam Đình, đăng trên nhật báo Thần Chung .
“Vụ xử là ngày thứ tư 26-6-1964 với Công Tố viên quen thuộc là Nguyễn Văn Đức. Vụ xử dựa trên sắc luật 4/64. Các nhân chứng là 42 người gồm bác sĩ, luật sư, giáo sư, nhân sĩ, nhà báo, thương gia bị bắt cóc, bị tra tấn cực hình, không khác nào tra tấn những tên tướng cướp, giết người. Tra tấn để rồi khảo của, xét nhà rồi lấy tiền, lấy vàng. Chúng bắt người đoạt xe hơi: chúng tước đoạt từ cái bốp phơi đựng tiền, đồng hồ … cho đến cặp mắt kiếng, chúng cũng lấy nốt. Không một báu vật nào trong nhà mà chúng chịu bỏ lại cho vợ con nạn nhân.
Sắc luật thiết lập tòa án Cách Mạng có dự bị những tội trạng “các việc tịch thu bất hợp pháp” “tra tấn và phạm trọng tội” “bắt giam trái phép”… mà hình phạt tối đa “không quyền giảm khinh” là án tử hình.”
Thật rất tiếc, nhà báo Nam Đình cũng không nêu tên hoặc danh sách 42 nhân chứng, nhưng chỉ nêu tên có một người là: Ông Phan Khắc Sửu. Sau này, tôi cũng không có cơ hội đọc các hồi ký của 42 nhân sĩ, nạn nhân của Ngô Đình Cẩn?
Sau đây, xin trích dẫn tiếp theo nội dung câu hỏi của Công Tố Viện hỏi bị can Dương Văn Hiếu:
“Ô. Nguyễn Văn Đức thay mặt Công tố viện, hỏi bị can Dương Văn Hiếu suốt 10 mười phút về danh từ ‘Công tác đặc biệt’:
— Tại sao không gọi, ví dụ ‘công tác chống Cộng’ hay công tác gì đó, chớ sao lại đặt ra danh từ “công tác đặc biệt”. Đặc biệt là nghĩa gì?
Hiếu lúng túng không biết đâu trả lời. Ông Chưởng lý hỏi tới nữa, Hiếu đáp: ‘Danh từ công tác đặc biệt đã có từ lâu rồi…’
Ông chưởng lý như nói một mình: ‘Thảo nào! Những công tác đặc biệt thật là đặc biệt!’
Mỗi lần nhân chứng khai rồi, Ô. chánh thẩm day qua hỏi bị can:
— Bị can có nhìn nhận… không?
Và mỗi lần hỏi vậy, các bị can đều trả lời: ‘hoàn toàn không có’.”
(Trích Nam Đình, ibid., nhật báo Thần Chung)
Kết quả Bản án Mật vụ/b>
Sau đó thì tòa tuyên án chỉ có 4 người đứng đầu. Tất cả nhân viên khác được tha bổng.
- Dương Văn Hiếu: chung thân khổ sai.
- Thái Đen tức Nguyễn Như Thái: Chung thân khổ sai. (Thật ra có hai Thái. Thái trắng, tức Lê văn Thái làm việc cho Trần Kim Tuyến).
- Nguyễn Thiện Dzai: Chung thân khổ sai.
- Phan Khanh: 10 năm khổ sai.
Theo sự tiết lộ sau này của Dương Văn Hiếu với luật sư Lâm Lễ Trinh, “bà quả phụ ông Đinh Xuân Quảng, vợ của một ông cựu Bộ Trưởng thời Bảo Đại thưa tôi đã tra khảo bà. Nhưng không có bằng chứng cụ thể.”
Cũng theo Dương Văn Hiếu, nếu tôi có giết ai thì sau này chắc chắn Mai Hữu Xuân đã “làm thịt” tôi rồi. Chính Mai Hữu Xuân cũng nới với Dương Văn Hiếu như thế. Tuy nhiên, tòa án Cách mạng do một thẩm phán dân sự chủ tọa. (Trong đó có đại tá Dương Hiếu Nghĩa làm thành viên.)
Nhưng chẳng bao lâu sau, năm 1964, chính phủ cho ba chiếc máy bay chở tất cả đám tù chính trị mật vụ, khoảng 40 người về đất liền. (Thật ra lệnh thả là do ông Trần Văn Hương ký giấy thả)
Việc kết án tù chung thân khổ sai rồi sau đó thả cho thấy đây hoàn toàn là một vụ án chính trị, không có căn bản pháp lý cũng như thủ tục tố tụng.
Ít lâu sau, Dương Văn Hiếu nhận được giấy của Phủ Đặc Ủy Trung Ương tình báo, tướng Nguyễn Khắc Bình, bến Bạch Đằng mời đến làm việc ở Phòng Nghiên cứu về tình báo.(Một cách cầm chân Dương Văn Hiếu giữ vai trò văn phòng, ngồi chơi xơi nước.)
Đó cũng là trường hợp của Đào Quang Hiển, từng là Giám đốc Nha Nội An Bộ Nội Vụ bị giam tù bảy tháng, sau cũng được điều về làm ở Phủ Đặc Ủy Trung Uơng tình báo với chức vụ Giám đốc Nha tổ chức dưới quyền của đại tá Lê văn Nhiêu, người của Nguyễn Khánh.
(Lâm Lễ Trinh, “Thức tỉnh. Quốc Gia & Cộng sản”, trang 425)
Những án tù khác
Xin tóm tắt vì những người này không nằm trong khuôn khổ Đoàn Mật Vụ Ngô Đình Cẩn. Trich lại nhan đề bài báo của Ký giả Nam Đình, báo Thần Chung như sau:
“Chúa Nhựt 18, Thứ hai 19-7-65. 13 nhân viên cao cấp trong Ngành Cảnh Sát Quốc Gia. Phạm tội bắt giam trái phép và Thủ tiêu 13 Nhà Ái Quốc: 10-6-1964.”
13 nhà ái quốc có tên sau đây:
- Nguyễn Phan Châu, tự Tạ Chí Diệp
- Huỳnh Hữu Thiện, tự Dư
- Huỳnh Thiện Tứ
- Nguyễn văn Tập, tụ giáo Tập
- Nguyễn Văn Danh
- Lê Hoài Nam, tự Trương Văn Kinh
- Vũ Tam Anh
- Lâm Hoàng Bá
- Trần Chí Tài
- Lý Tâm Nghiệp
- Tôn Thất Dương
- Nguyễn Bảo Toàn
- Phan Xuân Gia
Cuối cùng cũng chỉ xử kết án 4 án chung thân khổ sai. Còn được tha bổng hết.
4 án khổ sai gồm: Nguyễn Văn Y, Nguyễn văn Hay, Khưu Văn Hai và Trần Bửu Liêm. Còn tha bổng: Huỳnh Phước Bang, Lê Văn Thảo, Nguyễn văn Ngời, Nguyễn Thanh Huân, Nguyễn văn Hiếu, Võ Văn Chẻ và Võ Văn Dưỡng.”
Trong vụ án này, nó có một chi tiết đáng phải nói. Trước hết, xin trích lại bài báo của ký giả Nam Đình trên tờ Thần Chung như sau:
Lời bàn
Một đứa trẻ con cũng biết rằng vụ ám sát chính trị phải có lệnh từ trên và để thực hiện, phải có kế hoạch hẳn hoi.. Vậy mà tòa án cách Mạng đã bẻ quẹo đây là một vụ “cố sát không dự mưu” để tránh bản án tử hình cho các bị can?
Ai có thể tin được quyết định của ông Chánh Thẩm Trần Minh Tiết là xử đúng pháp luật?
Lại còn trường hợp Thiếu tá Đào Quang Hiển chẳng hiểu vì lý do gì được tha bổng? Bởi vì ra trước tòa, Khưu Văn Hai khai rằng, ông chỉ làm theo lệnh của Thiếu tá Đào Quang Hiển?
Kết Luận
Tôi đã sống trọn vẹn tuổi trẻ và tuổi trưởng thành của tôi giữa hai nền Đệ Nhất và nền Đệ Nhị Công Hòa. Tôi hiểu được phần nào những thành tựu cũng như những thất bại của cả hai. Tôi yêu mến và hãnh diện về nền Đệ Nhất Cộng Hòa và không thể nói khác được. Tôi để những lời thù hận chế độ ra bên ngoài tai vì tôi nhận ra càng ngày xu hướng chính trị nói chung cả người Mỹ lẫn người Việt đều nhận thức được đâu là sự thật và cái chết oan nghiệt của họ.
Nhưng có một điểm khác biệt sâu xa giữa hai chế độ ấy là: Lãnh đạo nền Đệ Nhất Cộng Hòa tuy non trẻ và thiếu nhiều kinh nghiệm, nhưng lý tưởng quốc giả, lòng yêu nước và lý tưởng phục vụ cao nơi những người như ông Diệm. Bên cạnh ông Ngô Đình Diệm là những người công chức gương mẫu, sống thanh bạch, đạo đức nghề nghiệp như cụ Quách Tòng Đức, ông Võ Văn Hải, ông Đoàn Thêm và những người cán bộ Mật vụ.
Đặc biệt, tôi nghĩ rằng phải trả lại công đạo cho những cán bộ cốt cán của nền Đệ Nhất Cộng Hòa đã bị xử oan sai cần được đánh giá lại. Công của họ thì nhiều mà tội thì không chứng cớ rõ ràng.
Chỉ cần so sánh hệ thống điệp báo giữa hai thời kỳ đủ rõ. Sau 1963, Phủ Đặc Ủy Trung ương tình báo do tướng Nguyễn Khắc Bình, với số nhân viên đông đảo, tiền bạc đầy đủ nào đã có những công trạng gì? Hay chỉ thấy, cán bộ cộng sản xâm nhập gần như công khai trong các trường học, trong một số chùa chiền và trong các cơ quan chính phủ! Việc khui ra ổ gián điệp Vũ Ngọc Nhạ, Huỳnh Văn Trọng trong Dinh Độc Lập đăng tải công khai trên báo chí là do CIA, nào phải công trạng của Phủ Đặc Ủy.
Nhìn lại những năm đầu của nền Đệ I Cộng Hòa, ít lắm thì đó là một xã hội có kỷ cương, có nề nếp, có trật tự. Nếu có điều gì phải hối tiếc nơi cá nhân tôi là đã có lúc tôi đã đánh giá cao Trần Kim Tuyến cả về nghiệp vụ cũng như về lòng trung thành của ông ta mà sau này tôi biết là mình đã lầm lẫn. Điều ấy cũng đúng cả trong trường hợp Dương Văn Minh nữa.
Nhưng sau này tôi đã không thể tìm thấy những điều tối thiểu ấy nơi các nhà lãnh đạo sau 1963 như các ông Dương Văn Minh, Nguyễn Khánh, v.v..
Tôi còn nhớ như in là sau cuộc cách mạng thành công, các tướng lãnh cho phép mở phòng trà, cho nhảy đầm. Bỏ bê Ấp Chiến lược mà không có một giải pháp chính sách nào thay thế.
Sự nhốn nháo và bất bình trong đám tướng lãnh của Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng ngay từ dầu mỗi ngày mỗi lộ ra không cần dấu diếm.
Cái chết của hai ông Diệm và Nhu thay vì giúp họ an tâm, đoàn kết lại với nhau lại là mầm mống chia rẽ họ. Sự chia rẽ ấy, người Mỹ biết hết mà không can thiệp. Mỹ lỏng tay cho Nguyễn Khánh làm chỉnh lý.
Rồi sự chia rẽ trở nên trầm trọng hơn khi Dương Văn Minh loại bỏ không có tướng Nguyễn Khánh và tướng Đỗ Cao Trí trong Hội Đồng Quân Nhân. Sau này nó sẽ là nguyên nhân của các cuộc chỉnh lý.
Đặc biệt, nhìn lại những việc làm của Dương Văn Minh đều là những việc làm tiêu cực cả. Cuộc đời làm chính trị của ông là vai trò bù nhìn trong nhiều trường hợp.
Lấy một thí dụ. Báo Chính Luận, ngày 8-5-1964 đưa tin như sau:
Giết người Quốc Gia, nhưng lại thả tất cả các cán bộ cộng sản bị bắt trước 1963. Điều này không hiểu tại sao, dư luận báo chí không lên tiếng! Hành động này có khác chi một hành động “phản quốc”?
Hãy nghe Mười Hương nhận xét:
“Sau 4 tiếng đồng hồ nghị án, ông chánh thẩm Trần Minh Tiết và các ông phụ thẩm nhân dân và quân nhân phải trả lời nhiều câu hỏi để rồi đồng ý khép về tội “cố sát không dự mưu” nên cả 4 người mới khỏi chết.”
“Sắc lệnh bác đơn xin ân xá của Đông và Cẩn. Saigòn (VTX). Sáng 5-5-64, Trung tướng Dương Văn Minh, Quốc Trưởng VNCH đã ký một ngày hai sắc lệnh số 0006-QT/SL và số 0007-QT/SL bác đơn xin ân xá của Phan Quang Đông (đề ngày 28-3-64 và của Ngô Đình Cẩn đề ngày 23-4-64.”
“Lực lượng đảo chánh của Dương Văn Minh lo thanh trừng phe phái của Diệm, không quan tâm số tù chính trị cũ, nên cho thả rất đông và rất dễ. Nguyễn Tư Thái (phụ tá Đoàn công tác đặc biệt miền Trung) sau này có nói, năm 1965, nghe Trần văn Hai — chủ sự phòng Thẩm vấn khối Cảnh sát đặc biệt — chửi bọn đảo chính chẳng làm ăn được gì cả, còn ăn đút lót để thả cán bộ cộng sản, và đã thả nhầm một cán bộ tình báo cấp quan trọng là Mười Hương. Hồ sơ của ông có nhận xét ở phiếu tóm lược:
“Đương sự ngưng hoạt động năm 1955, hơn nữa không gia nhập đảng cộng sản và đã bị giam giữ 6 năm.””
(Nguyễn Thị Ngọc Hải “Trần Quốc Hương, Người chỉ huy tình báo”, trang 155)
Tôi không hiểu ai là người đã làm hồ sơ giả như trên để có cớ thả Mười Hương?
Mười Hương đã được thả ngày 18 tháng 5-1964. Nghĩa là 6 tháng sau cuộc cách mạng lật đổ chế dộ Đệ Nhất Cộng Hòa. Khi được thả ra, Mười Hương còn cười vào mặt những kẻ đã thả ông bằng cách bịa chuyện như sau: “Tụi địch còn đùa: Nay, tụi này thả ông anh ra về kịp ăn sinh nhật cụ Hồ.”
Tôi thấy nhục thay cho Dương Văn Minh. Nhục thêm nữa khi nhin bức hình ông ta cúi gằm mặt như một tên tội đồ đến đài phát thanh để đọc lệnh đầu hàng.
© 2017 DCVOnline