Đọc sách HAI MƯƠI NĂM MIỀN NAM

HAI MƯƠI NĂM MIỀN NAM VIỆT NAM 1955-1975

Mục Lục

PHẦN 1: SINH HOẠT CHÍNH TRỊ MIỀN NAM

Chương 1–– Cuộc di cư 1954-1955.

Chương 2–– Trí thức miền Nam nhập cuộc.

Chương 3–– Mạn đàm về chế độ đệ nhất cộng hòa.

Chương 4–– Nhìn lại cuộc chiến 1955-1975.

Chương 5–– Nhớ về ông bà Ngô Đình Nhu.

Chương 6–– Hai mươi năm, người và việc.

PHẦN 2: SINH HOẠT VĂN HỌC MIỀN NAM

Chương 1–– VN có một nền văn minh sông nước?

Chương 2–– Tinh thần tự do trong văn giới MN.

Chương 3–– TLVĐ trong sinh hoạt văn học VN.

Chương 4–– Bùi Giáng giữa chúng ta.

Chương 5–– Phạm Duy còn đó hay đã chết.

Chương 6–– Mặt trận văn hóa cộng sản tại MN.

PHẦN 3 : SINH HOẠT DỊCH THUẬT & BÁO CHÍ MIỀN NAM

Chương 1–– Văn Học Dịch Thuật MN trước 1975.

Chương 2–– Triết học hiện sinh tại miền Nam.

Chương 3–– Cộng sản với báo chí miền Nam.

Chương 4–– Từ Nam Phong tới Bách Khoa.

Chương 5–– Nhìn lại một số tạp chí từ 1964-1977.

Chương 6–– Tập san sử địa hai miền.

Một vài bài viết về tác phẩm của Nguyễn Văn Lục

Hai mươi năm miền Nam 1955–1975

Tác giả: Nguyễn Văn Lục

Người đọc: Trần Phong Vũ

Trong Lời giới thiệu tác phẩm, với tiêu đề “Một lần nhìn lại”, nhà văn Uyên Thao, người chủ trương tủ sách Tiếng Quê Hương viết:

“Nguyễn Văn Lục không là sử gia, không là học giả, không là nhà văn và cũng không bao giờ là chính khách nên không thể quy cho tác phẩm của ông bất kỳ tính chất nào liên quan đến các chức danh đó.

Tác phẩm của ông có thể gọi là ký sự, là sưu tập, là nhận định, là tạp luận…, nhưng quan trọng hơn hết không phải tên gọi mà chính là tác động gợi nhắc từ những con người, những sự kiện đã ghi dấu một thời oan nghiệt của nhiều thế hệ con dân Việt Nam, trong đó có Nguyễn Văn Lục đã hiện diện như một chứng nhân và cũng là một nạn nhân.

Những bài viết tập họp thành nội dung tác phẩm HAI MƯƠI NĂM MIỀN NAM 1955-1975, vì thế, không chỉ là tập họp những bức chân dung thời thế của một đoạn đường lịch sử mà còn là tiếng gào bức thiết của những thân phận bị giam hãm giữa trăm ngàn đoạ đày vò xé để khơi lên mọi hướng suy tư cần thiết nơi mỗi người đọc…”

Từ những giòng mở đầu ấy, trong suốt 17 trang kế tiếp của Một lần nhìn lại, Uyên Thao không trực tiếp đi vào chi tiết nội dung tác phẩm của Nguyễn Văn Lục. Ông có những chọn lựa riêng. Chọn lựa của một nhà văn, hơn thế, một người nắm trọn chủ trương, đường lối của tủ sách, một cơ sở xuất bản mà ngay từ đầu đã xác định vị trí, thế đứng của mình. Vị trí, thế đứng ấy, như tên gọi: Tiếng Quê Hương, Những tiếng nói uất nghẹn, oan khốc, không thể và không có điều kiện cất lên thành lời, vẳng lại từ một quê hương khốn khó bên kia bờ đại dương.

Đặt nền trên những kỷ niệm, những nỗi ám ảnh dai dẳng về chiến cuộc Việt Nam nơi những cựu binh Hoa Kỳ: Robert F. Turner, Jim Webb (James Henry “Jim” Webb, Jr. (hiện là Nghị sĩ trong Thượng Viện Hoa Kỳ), Rich Luttrell, Duery Felton (người quản lý phòng sưu tập tại đài kỷ niệm 58 ngàn chiến binh Mỹ đã hy sinh trên chiến trường VN), Uyên Thao có những lý do chính đáng để không đi sâu vào tác phẩm, nhưng để nhắc người đọc về cái chiều sâu thăm thẳm ẩn giấu bên trong và đàng sau những con chữ trong hơn 500 trang sách của Nguyễn Văn Lục.

Và bây giờ chúng tôi xin làm công việc đọc và thẩm định một cách sơ lược giá trị hình thức và nội dung tác phẩm “Hai mươi năm Miền Nam 1955 – 1975” .

Đây là tác phẩm thứ hai, sau cuốn “Lịch sử còn đó” ấn hành ở nam California năm 2007, của Nguyễn Văn Lục.

Như một số lớn trong số hơn 50 tác phẩm đã giới thiệu cùng độc giả hải ngoại sau này do tủ sách Tiếng Quê Hương xuất bản, công trình biên khảo của Nguyễn Văn Lục được gửi qua Đài Loan in một cách trân trọng trên giấy đặc biệt màu ngà rất dễ đọc, không bị chói mắt. Sách được đóng chỉ, bìa cứng nền offset 4 màu, mặt trước ghi tên tác giả, tác phẩm, tủ sách với các màu đỏ, xanh nhạt, vàng, tím hài hòa trên nền đen láng. Mặt bìa sau nổi bật lên hình bức tượng Tiếc Thương của điêu khắc gia Thanh Thu như một khơi gợi về một nỗi đau, một niềm nhớ không tên trong tâm tưởng, không chỉ cho những người đã cầm súng, đã chiến đấu, mà tất cả những người dân miền Nam, dù còn ở trong nước hay đang tán lạc khắp bốn phương trời hải ngoại.

Mở vào nội dung, sách dày 516 trang, được chia làm ba phần: Phần I, Sinh Hoạt Chính Trị Miền Nam (Từ trang 29 đến trang 263, gồm các tiết mục: Cuộc di cư 1954-1955; Trí thức miền Nam nhập cuộc; Mạn đàm về chế độ Đệ nhất Cộng hòa; Nhớ về ông bà Ngô Đình Nhu; Nhìn lại cuộc chiến 1955-1975; Hai mươi năm, người và việc). Phần II, Sinh Hoạt Văn Học Miền Nam (Từ trang 264 đến trang 372, gồm các tiết mục: VN có một nền văn minh sông nước? Tinh thần tự do trong văn giới miền Nam; Tự Lực Văn Đoàn trong văn học miền Nam; Bùi Giáng giữa chúng ta; Phạm Duy còn đó hay đã chết? Mặt trận văn hóa CS tại miền Nam). Phần III, Sinh Hoạt Dịch Thuật và Báo Chí Miền Nam (Từ trang 373 đến hết, gồm các tiết mục: Văn học dịch thuật miền Nam; Triết học hiện sinh tại miền Nam; Cộng sản với báo chí miền Nam; Nhìn lại một số tạp chí miền Nam).

Ở phần thứ nhất, để làm bối cảnh cho sự hình thành nền Đệ Nhất Cộng Hòa miền Nam, tác giả đã ghi lại những hình ảnh thật sống động pha trộn những nét bi thảm nhưng không thiếu hào hùng đầy hy vọng của cuộc di cư và định cư ngót một triệu đồng bào miền Bắc vào lập nghiệp và tránh nạn cộng sản ở miền Nam. Với những sách báo, tài liệu, phim ảnh sưu tập ở miền Nam trước tháng 4-1975 cộng với những chứng từ đọc được qua những tác phẩm của Ronald B. Frankum trong “Operation Passage to Freedom” và Gertrude Samuels trong “Passage to Freedom in Vietnam”, kèm theo ý kiến của nhiều người, nhiều giới và nhận định riêng, Nguyễn Văn Lục đã cung cấp cho những thế hệ Việt Nam sau này một cái nhìn cụ thể và đa dạng của đồng bào miền Bắc trong cuộc trốn chạy họa cộng sản lần thứ nhất sau hiệp định Geneva 1954.

Tác giả đã lập lại lời ví von mang tính lịch sử một thời: thái độ quyết liệt giữa sống và chết, giữa tự do và cộng sản khi ấy là một cuộc bỏ phiếu bằng chân của người Việt Nam.

Từ bối cảnh ấy, Nguyễn Văn Lục trưng dẫn những sự kiện có được trong tầm tay để trình bày quan điểm của ông về hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ.

Nơi trang 81-82 ông viết:

“Khi ông Diệm về nước, miền Nam đang ở bên bờ vực thẳm về chính trị, kinh tế, bị đe dọa bởi nhiều thế lực khuynh đảo cả bên trong lẫn bên ngoài. Lúc ấy, chỉ cần ổn định nổi tình thế là đủ thành vị cứu tinh nên đã có nhận xét:

“Ngô Đình Diệm đảm nhiệm chức vụ thủ tướng năm 1954, khi đất nước của ông đang đối mặt với những hỗn loạn kinh tế, bất ổn chính trị và áp lực khuynh đảo bên ngoài, không trên qui mô toàn diện nhưng với cường độ ngày một gia tăng. Ông đã đưa miền Nam qua các khủng hoảng ban đầu này, chuyển nó từ chế độ quân chủ sang cộng hòa, và xây dựng được một sự trung thành quốc gia mà dân chúng chưa từng thấy.” (Stephen Pan and Daniel Lyons, Vietnam Crisis.)

“Sự ổn định tạo cảm tưởng chính thể Ngô Đình Diệm có thể ở thế mạnh trong cuộc đương đầu với miền Bắc vì đã giành được lòng dân như phát biểu của giáo sư Vũ Văn Mẫu:

“Trong cuộc trưng cầu dân ý tổ chức ngày 23-10-1955, không ai có thể chối cãi rằng đa số, nếu không muốn nói ít nhất 80% đồng bào thuộc thành phần Phật tử đã bỏ phiếu cho thủ tướng Ngô Đình Diệm giữ chức vụ quốc trưởng tại miền Nam Việt Nam thay thế Cựu Hoàng Bảo Đại bị truất phế.”

“Theo giáo sư Mẫu, mọi người đánh giá cao Ngô Đình Diệm trong cương vị một tân tổng thống và nhắc đến “quá khứ trong sạch của Ngô Đình Diệm khi làm việc quan, tính tình khí khái của ông khi từ chức thượng thư Bộ Lại trong nội các đầu tiên của Bảo Đại.” Ở trang 83-84, tác giả trích dẫn thêm: “Mai Thảo, trong bài “Sài Gòn thủ đô văn hóa Việt Nam”, đã viết một cách đầy hào khí, “Sài Gòn thay thế cho Hà Nội, từ một đô thị miền Nam trở thành thủ đô tinh thần của toàn thể đất nước, Sài Gòn sáng tạo và suy tưởng.”

Đề cập không khí phấn khởi trong lãnh vực báo chí, văn nghệ trong những năm đầu Đệ Nhất Cộng Hòa miền Nam, tác giả ghi tiếp:

“Trước và sau Sáng Tạo, vô số báo chí, nguyệt san ra đời, như tạp chí Văn Hóa Á Châu của giáo sư Nguyễn Đăng Thục, Quê Hương của giáo sư Nguyễn Cao Hách, Tin Sách của giáo sư Thanh Lãng, Luận Đàm của Tổng Hội Giáo Giới với các cụ Thẩm Quỳnh và Nghiêm Toản, Bách Khoa (1957) của nhóm Huỳnh Văn Lang, Hiện Đại của thi sĩ Nguyên Sa, Thế Kỷ Hai Mươi của giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch…”

Những biến chuyển mau chóng trong chính tình miến Nam kể từ đầu thập niên 60 đã được Nguyễn Văn Lục trình bày khá chi tiết xuyên qua những cuộc vận động đối kháng của giới trí thức trong nhóm Caravelle và phong trào Phật giáo miền Trung do thượng tọa Thích Trí Quang lãnh đạo dẫn tới việc cố Tổng thống Ngô Đình Diệm và em là cố vấn Ngô Đình Nhu bị thảm sát kéo theo sự sụp đổ của nền Đệ Nhất Cộng Hòa miền Nam. Ông không tránh né khi trình bày một cách trung thực về những nét đẹp trong cuộc tự thiêu của Hòa Thượng Quảng Đức cũng như cái chết của nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, sự xung khắc giữa hệ phái Phật Giáo Ấn Quang và Phật Giáo Việt Nam Quốc Tự mà lãnh đạo tinh thần là Thượng toạ Thích Tâm Châu.

Chính từ sự lương thiện trong lối suy nghĩ và cung cách cẩn trọng khi trưng dẫn những lời tuyên bố, những chứng từ của các tướng lãnh trực tiếp dính líu tới cuộc binh biến 01-11-63 như Tôn Thất Đính, hồi ký của Trần Văn Đôn, Nguyễn Cao Kỳ, của các chính khách như cựu Đại sứ Bùi Diễm, kể cả những tác giả cộng sản, Nguyễn Văn Lục đã cung ứng cho người đọc một bức tranh toàn cảnh khá cân bằng về người và việc chung quanh biến cố 1963, tình hình chiến cuộc gia tăng một cách khốc liệt sau đó dẫn tới hồi kết cuộc bi thảm ngày 30-04-1975.

Từ lâu dư luận thường bị dẫn giắt vì cái định kiến ông Diệm là người của Mỹ. Nhưng tác giả Hai Mươi Nam Miền Nam 1955-1975 đã chứng minh ngược lại. Nơi trang 224, ông viết:

“Chứng cớ cụ thể là ngày 20/4/1954, trước khi lên đường sang Paris họp với các ngoại trưởng Anh-Pháp về vấn đề Việt Nam, ngoại trưởng Foster Dulles đã nhờ bộ ngoại giao chuyển cho tướng Collins một văn thư như sau:

“Tôi rất ân hận không có mặt ở đây, Hoa Thịnh Đốn, khi ông đến. Dĩ nhiên, tôi sẽ gặp ông ngay khi tôi trở về vào ngày thứ hai. Trong khi chờ đợi, đây là vài ý kiến của tôi. “Diệm không do chúng ta cất nhắc, mà là do người Pháp. Chúng ta ủng hộ ông ta (Diệm) và ủng hộ ông ta 100%”

“Như thế, Mỹ không hề đưa ông Diệm về thay thủ tướng Bửu Lộc mà chỉ chấp nhận sự bổ nhiệm ông Diệm. Trong Gọng kìm lịch sử, cựu đại sứ Bùi Diễm còn ghi lời kể của Bảo Đại về việc chọn ông Diệm làm Thủ tướng:

“Vào cuối năm 1991, tôi có dịp trở lại thăm cựu hoàng Bảo Đại ở Ba Lê. Trở lại chuyện cũ, tôi có hỏi ông về vấn đề này, thì ông trả lời rằng: Vào thời kỳ đó, thái độ của Hoa Kỳ không có gì là rõ rệt, tuy nhiên, ông quyết định chọn ông Diệm vì ông cho rằng trong số những nhân vật làm chính trị ở miền Nam lúc đó, ông Ngô Đình Diệm rõ rệt là người ít dính líu đến người Pháp trong những năm về sau này nên có thể dễ được người dân ủng hộ hơn những người khác.” (Gọng kìm Lịch Sử –– Bùi Diễm, trg 146 nxb Phạm Quang Khai.)

Một cách gián tiếp để biện minh cho chính sách độc lập với Mỹ của cố Tổng thống Diệm là khôn ngoan và chính đáng, tác giả trích dẫn lời tuyên bố trắng trợn của Kissinger với Chu Ân Lai tại Bắc Kinh ngày 22/06/1972 như sau:

“Chúng tôi không nhằm tiêu diệt Hà Nội và ngay cả chuyện thắng Hà Nội, chúng tôi cũng không nghĩ đến. Nếu có thể sống với một chính phủ cộng sản ở Trung Quốc, thì chúng tôi cũng có thể chấp nhận một chính phủ cộng sản ở Đông Dương” (trang 163).

Trong một đoạn khác, ông viết:

“Trên tờ New Yorker, Robert Shaplen từng có mặt ở Việt Nam suốt 20 năm đã viết:

“Ông Diệm cũng như ông Nhu không bao gìờ đòi hỏi hoặc cho phép gửi 550.000 quân Mỹ vào VN cũng như cho phép các cuộc tấn công dội bom xuống miền Bắc. Ông Nhu đã từng nói: “Sớm hay muộn, chính là chúng tôi, những người Việt Nam phải giải quyết những bất đồng giữa chúng tôi.” (227-228)

Đề cập bản chất phi quốc gia, phi dân tộc, cúc cung phục vụ chủ nghĩa cộng sản quốc tế của tập đoàn cộng sản Việt Nam ở phương Bắc khi theo đuổi cuộc trường chinh xâm chiếm miến Nam, tác giả đã trích dẫn lời tuyên bố của Lê Duẩn được nhà văn Vũ Thư Hiên kể lại trong tác phẩm Đêm giữa ban ngày (trang 422) như sau:

“Ta đánh Mỹ là đánh cho Nga Xô, đánh cho Trung Quốc, cho các nước xã hội chủ nghĩa và cả nhân loại.” (trang 181-182).

Nói về hệ quả khốc hại của biến cố 01-11-1963, Nguyễn Văn Lục viết, “Quả thực chế độ đệ nhất Cộng Hòa sụp đổ đã tạo ra một khoảng trống chính trị mênh mông dẫn đến một cuộc chen lấn xô bồ với ý đồ chiếm lãnh của mọi thành phần để đẩy toàn miền Nam vào một cảnh thế kinh hoàng khó tả…” (trang 246)

Nó không chỉ xô đẩy miền Nam Việt Nam vào một giai đoạn cực kỳ hỗn loạn với những cuộc đảo chánh xảy ra như cơm bữa để cuối cùng mất vào tay cộng sản và kể từ đấy biến đất nước thành một mảnh đất tan hoang, lạc hậu đển nỗi cả những viên chức cao cấp còn nhất điểm lương tâm trong hàng ngũ đảng và nhà nước ở Hànội cũng phải lên tiếng ta thán, như lời Trần Quang Cơ, nguyên thứ trưởng ngoại giao trong chánh quyền CSVN trong Hồi Ức Và Suy Nghĩ của y như sau:

“Tôi thật sự đau xót vì ta đã bỏ lỡ mất cơ hội củng cố thế đứng của Việt Nam trong hòa bình để tập trung phát triển đất nước… sau bao nhiêu năm chiến tranh, lỡ cơ hội san bằng khoảng cách với các nước cùng khu vực. Trong From this world to First, Lý Quang Diệu đã nhận xét: Năm 1975, thành phố Hồ Chí Minh có thể sánh ngang với Băng Cốc (Bangkok), nhưng nay, năm 1992, nó tụt lại đằng sau hơn 20 năm” (trang 212).

Với cá nhân ông Diệm, tác giả cũng nêu lên chứng từ của nhiều nhân vật thời danh để chứng minh nhân cách khác thường của vị Tổng thống đã có công lớn trong việc ổn định đời sống của ngót một triệu đồng bào miền Bắc di cư vào miền Nam lánh nạn cộng sản cùng với nỗ lực giải quyết tình trạng chia năm xẻ bảy do mưu toan của thực dân Pháp trước đó. Nơi trang 226, người ta đọc được những giòng sau đây của Nguyễn Văn Lục:

“Cụ Quách Tòng Đức cho rằng ông (Diệm) có cái uy để người ta kính nể, một con người cuồng nhiệt, kiên trì, không nhân nhượng, làm việc bất chấp giờ giấc với nhịp độ làm các người thân cận mệt nhoài... Một con người kinh lý không biết mệt, có tuần đi suốt hai, ba ngày, bằng đủ phương tiện: máy bay, ghe, tầu, xe jeep, trực thăng… Ăn uống thanh đạm, dùng ngay tại phòng ngủ gồm có cơm vắt, muối mè, cá kho và rau. Mới đây, Nguyễn Văn Hanh, nguyên thống đốc ngân hàng Quốc Gia VN đã ghi trong hồi ký đăng trên trang mạng Talawas nhận xét sau về ông Diệm:

“Trong chuyện này, tôi có dịp chứng kiến sự chính trực và liêm khiết của ông Diệm. Tôi luôn luôn kính trọng ông Diệm về sự thanh liêm của ông. Tôi nghe tin chính phủ Việt Nam bị lật đổ và vài giờ sau nghe Diệm và Nhu bị giết. Đột nhiên nước mắt tôi chảy dài xuống má. Tôi cảm thấy buồn vô cùng vì đối với tôi, Diệm là một nhà lãnh tụ lớn. Cái chết của ông làm tôi cảm thấy đau lòng suốt nhiều năm và nhớ tới ông ta là tôi lại buồn hết sức. Khi tôi nói chuyện với ông Pinay, ông cũng tiếc là các tướng lãnh đã giết chết Diệm, thay vì để ông ta lưu vong.”

Trong khi đó, Rufus Phillips, nguyên cố vấn của ông Ngô Đình Nhu trong chương trình Ấp Chiến Lược đã bày tỏ nỗi xúc động hết sức chân tình: “Tôi đã đổ xụm xuống và bật khóc – I wanted to sit down and cry.” (trang 257)

“Đồng ý hay bác bỏ các nhận xét về nhân vật Ngô Đình Diệm là quyền của mỗi người nhưng phải nhìn nhận đó là những điều đã có.”

Đề cập những nhân vật chủ chốt trong việc sát hại Tổng thống Ngô Đình Diệm và bào đệ, ông cố vấn Nhu, cũng ở trang 257, tác giả ghi lại như sau:

“Khó thể xác định ai là kẻ chủ mưu thực sự, nhưng cụ Trần Văn Hương, người đã bị chính quyền Ngô Đình Diệm bỏ tù từ năm 1960 vì ký tên trên bản tuyên ngôn Caravelle đòi thực thi dân chủ đã nêu nhận xét có vẻ chính xác nhất về động cơ dẫn đến sự việc:

“Các tướng cầm đầu đảo chính quyết định giết anh em ông Diệm vì khiếp hãi. Họ biết rõ mình là thứ bất tài, thất đức, không có sự hỗ trợ nào về chính trị nên sẽ không thể cản nổi sự trở về ngoạn mục của tổng thống và ông Nhu, nếu hai người còn sống.” (Howard Jones –– Death of a Generation. New York OUP 2003 trg 436.)

“Một người trong cuộc là tướng Dương Văn Minh gần như thú nhận tâm trạng đã được cụ Hương mô tả khi thổ lộ riêng với một người Mỹ:

“Chúng tôi không còn chọn lựa nào khác. Họ phải chết. Diệm không thể được phép sống vì còn rất được kính trọng với đám đông giản dị, khờ khạo trên khắp nước, đặc biệt là các tín đồ Thiên Chúa giáo và người di cư tị nạn. Chúng tôi cũng phải giết Nhu vì ông ta có ảnh hưởng bao trùm rộng lớn và đã tạo được nhiều tổ chức là những cánh tay quyền lực của ông ta” (Tác giả và sách đã dẫn trang 436)

Nếu cái chết của anh em ông Diệm và sự sụp đổ của nền Đệ Nhất Cộng Hòa là một bất hạnh cho miền Nam thì trái lại, nó là cơ may cho Hà Nội trong âm mưu xâm chiếm VNCH như Nguyễn Văn Lục ghi nhận sau đây: (trang 247-248):

“Miền Bắc lập tức bắt tay vào hành động, theo thuật lại của Bùi Tín như sau:

“Khi cuộc đảo chánh xảy ra dẫn đến cái chết của Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu, Hà Nội triệu tập ngay cuộc Hội Nghị Trung Ương đảng lần thứ 9, khóa 3. Cuộc họp kéo dài hai tuần lễ, từ 7 đến 20 tháng 12, chia làm hai phần: Cách mạng miền Nam và nhiệm vụ quốc tế của đảng. Nghị quyết này rất quan trọng được gọi là nghị quyết 9. Nghị quyết nhấn mạnh: Cuộc khủng hoảng của Mỹ và chế độ Sài Gòn qua cuộc đảo chánh “thay ngựa giữa dòng” chắc chắn sẽ trầm trọng hơn nữa. Ấp chiến lược đã và đang bị phá trên quy mô lớn.”

Và đây là những quyết định được đưa ra:

• Chọn một số trung đoàn chuẩn bị gấp lên đường vào quân khu V và Tây nguyên.

• Mở rộng gấp đường vận chuyển chiến lược 559.

• Đưa gấp vào chiến trường những vũ khí chống thiết vận xa M.113 và trực thăng, đặc biệt B40 và các lọai súng máy.

• Đưa đại tướng Nguyễn Chí Thanh trở lại quân đội để vào Nam nhận nhiệm vụ tổng tư lệnh và lên đường ngay tháng 12/1963.

“Bùi Tín có mặt trong đoàn cán bộ 24 người vào miền Nam đã kết luận:

“Đúng là tình hình sau ngày 1/11/1963 ngày càng thuận lợi cho phía quân giải phóng. Trong suốt năm 1964 chứng minh việc lật đổ Ngô Đình Diệm tạo nên nhiều khó khăn mới cho chế độ miền Nam.” (Bùi Tín – Đi Tới)

Để nắm bắt được những suy nghĩ của tác giả Hai Mươi Nam Miền Nam 1955-1975 về người và việc trong bối cảnh chín năm cầm quyền của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, độc giả cần theo dõi sát cuộc trao đổi giữa ông và nhà báo Vĩnh Phúc, tác giả Những Huyền Thoại và Sự Thật về Chế Độ Ngô Đình Diệm từ trang 178.

Mời độc giả đọc những giòng sau đây của Nguyễn Văn Lục khi viết về ông bà Ngô Đình Nhu sau đây:

“Tôi mường tượng cuộc sống của bà suốt những năm làm vợ ông Nhu qua hình ảnh mô tả của nhiếp ảnh gia Trần Cao Lĩnh về ánh mắt reo vui, âu yếm của ông khi nhìn vợ con ăn mặc chuẩn bị chụp hình. Đặc biệt, ông Nhu rất nuông chiều cậu Út. Đó là một gia đình êm ấm.

“Ông đã chết từ 02/11/1963.

“Phần bà Nhu cũng đã chết kể từ ngày ấy nhưng chết đến hai lần: Chết cho ông Nhu cùng nền đệ nhất cộng hoà và chết cho chính bà, cho cuộc sống hiện nay.

“Nghĩ đến hai người phụ nữ danh tiếng tài sắc trong lịch sử Việt Nam cận đại là Nam Phương hoàng hậu và bà Ngô Đình Nhu, tôi không khỏi có chút so sánh và ngậm ngùi, thương tiếc cho hai người phụ nữ tài sắc mà số phận dành cho họ không khỏi bất công.

“Tôi quý mến ông Diệm, tiếc cho ông Nhu và trân trọng quý mến bà quả phụ Ngô Đình Nhu.” (trang 157)

Để có được sự công bằng đối với Nguyễn Văn Lục, người đọc không thể bỏ qua những lời ca ngợi của ông dành cho cuộc tự thiêu của Hòa Thượng Thích Quảng Đức, hành vi tự sát của nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, và của người thiếu nữ có tên Quách Thị Trang, nhất là những nhận định vô tư của ông đối với Thượng toạ Thích Trí Quang, người cầm đầu khối Phật Giáo Ấn Quang sau đây:

“Do đó, khẳng định Thượng toạ Thích Trí Quang cùng nhiều nhà tu khác là cán bộ Cộng Sản cũng như nhiều nhân vật tên tuổi trong hàng ngũ trí thức miền Nam là cán bộ Cộng Sản để kết luận mọi cơn biến động sau ngày 1/11/1963 đều do Cộng Sản chủ động có thể là một quyết đoán bất công và hấp tấp ngay cả vào lúc này”. (trang 249)

Bước qua sinh hoạt văn học miền Nam bao gồm hoạt động báo chí và địch thuật, Nguyễn Văn Lục dè dặt nêu lên nhận định riêng về một nền văn minh sông nước ở miền nam vĩ tuyến 17. Tác giả nhấn mạnh tới tinh thần tự do gần như tuyệt đối trong văn giới miền Nam để đối chiếu với một nền văn học khép mình trong thứ kỷ luật sắt thép ở miền Bắc. Ông cũng dành nhiều trang sách để phân tích về những mưu toan xâm nhập trong lãnh vực tư tưởng, văn nghệ và báo chí của Hà Nội nhắm vào Việt Nam Cộng Hòa.

Bên cạnh ảnh hưởng của Tự Lực Văn Đoàn, tác giả cũng trình bày những nhận định cá nhân và chủ quan của ông về một vài tác giả được nhiều người nói tới trong văn giới miền Nam, thí dụ như nhà thơ Bùi Giáng.

Tắt một lời, tác phẩm Hai Mươi Năm Miền Nam 1955-1975 của Nguyễn Văn Lục, do tủ sách Tiếng Quê Hương xuất bản và phát hành mùa thu 2010 là một tập hợp những sự kiện tiêu biểu với những con người và những sự việc cụ thể, có thật. Nó gợi nhắc cho thế hệ thuộc lứa tuổi 70, 80 ngày nay những kỷ niệm vui cũng như buồn, sung sướng cũng như khổ đau khởi đi từ cuộc di cư vĩ đại từ Bắc vào Nam năm 1954-1955, trải qua cuộc chính biến 01-11-1963 và hơn một thập niên chiến tranh khốc liệt cho đến ngày phải rời xa quê hương, xứ sở để tán lạc khắp bốn phương trời hải ngoại 20 năm sau đó.

Đối với những thế hệ Việt Nam sinh sau đẻ muộn, tác phẩm cung ứng cho họ những chứng từ sống động, thiết thực để có thể chia sẻ và cảm thông với các thế hệ cha anh trên bước đường đi tới –vì nói như nhà văn Uyên Thao trong Một lần nhìn lại, nó “không chỉ là tập họp những bức chân dung thời thế của một đoạn đường lịch sử mà còn là tiếng gào bức thiết của những thân phận bị giam hãm giữa trăm ngàn đoạ đày vò xé để khơi lên mọi hướng suy tư cần thiết nơi mỗi người đọc.”

Nam California,

một ngày thượng tuần tháng 6, 2010

Trần Phong Vũ

Đọc sách HAI MƯƠI NĂM MIỀN NAM 1955 – 1975 của NGUYỄN VĂN LỤC

Người đọc: Phạm Phú Minh

Nhan đề sách gợi một cảm tưởng rất mông lung, dù là nhìn không gian ấy, thời gian ấy thì ai cũng biết là nói về Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng là về những đề tài gì? Nhà xuất bản cho biết: “Tác phẩm của ông có thể gọi là ký sự, là sưu tập, là nhận định, là tạp luận..., nhưng quan trọng hơn hết không phải là tên gọi mà là chính tác động gợi nhắc từ những con người, những sự kiện đã ghi dấu một thời oan nghiệt của nhiều thế hệ con dân Việt Nam, trong đó có Nguyễn Văn Lục đã hiện diện như một chứng nhân và cũng là một nạn nhân.”

Nguyễn Văn Lục, với tư cách là một công dân từ ngày đầu tới ngày cuối của Việt Nam Cộng Hòa, đã viết về một số sự kiện liên quan đến chế độ, nhân vật, sự biến... trong hai mươi năm ấy, vẫn theo lời nhà xuất bản, không phải với tư cách một sử gia, học giả, nhà văn hay là một chính khách. Theo chúng tôi, đúng nhất, Nguyễn Văn Lục viết cuốn sách này với tư cách một trí thức tự do, hay chi tiết hơn chút nữa, viết qua lăng kính của một giáo sư Triết học. Qua 16 vấn đề được đề cập, dù là về chính trị, văn học hay báo chí, tác giả luôn luôn có một cố gắng, xuyên qua khảo sát vô số sự kiện và tài liệu, đi tới tận cốt lõi của vấn đề, vốn là thói quen của những người thường sống với các suy nghĩ triết học. Có thể nói với cách viết của ông, đề tài nào cũng lôi cuốn, vì ông rất chịu khó sưu tầm tài liệu rất phong phú “nói có sách mách có chứng”, kèm theo các nhận định riêng của mình.

Trong phần 1, Sinh hoạt chính trị miền Nam, chương “Trí thức miền Nam nhập cuộc” đã đưa ra một vấn đề ít người để ý nhắc tới khi viết về Việt Nam Cộng Hòa. Người ta đã viết nhiều sách khen hay chê Tổng thống Ngô Đình Diệm, về các thành tựu đáng ca ngợi trong việc ổn định tình hình trong thời gian rối ren trước khi nền Cộng Hòa được khai sinh, về Ấp Chiến Lược, về vụ Phật Giáo v.v..., nhưng về trí thức, lớp men của xã hội, thì lại không mấy người quan tâm. Lý do dễ hiểu là phần lớn đều viết dựa trên sự kiện và biến cố, trong khi trí thức là một cái gì gần như vô hình, dù là có ảnh hưởng quan trọng trong một xã hội. Bài này sẽ đề cập riêng về chương “Trí thức miền Nam nhập cuộc”, như một chia sẻ rất trân trọng và tâm đắc với cách đặt và trình bày vấn đề của tác giả. Dĩ nhiên cuốn sách còn nhiều chương rất đáng chú ý, xin được hẹn sẽ đề cập trong dịp khác.

Ông Ngô Đình Diệm về nước chấp chánh giữa một tình thế vô cùng khó khăn, nhưng đã ổn định tình hình nhanh chóng và lập nên nền Cộng Hòa cho miền Nam. Nhiều tầng lớp dân chúng, trong đó có trí thức, ủng hộ chính quyền. Giáo sư Vũ Văn Mẫu trong buổi bình minh của chế độ đã có nhận xét là mọi người đánh giá cao Ngô Đình Diệm trong cương vị một tân tổng thống và nhắc đến “quá khứ trong sạch của Ngô Đình Diệm khi làm việc quan, tính tình khí khái của ông khi từ chức thượng thư Bộ Lại trong nội các đầu tiên của Bảo Đại.” Từ giữa đến cuối thập niên 1950 tình hình thật tốt đẹp, mặc dù từ đầu chương, tác giả đã lưu ý tình trạng thiếu vắng trí thức của miền Nam do họ đã bị giết hại quá nhiều do thực dân Pháp và nhất là do Đệ tam quốc tế cộng sản: Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Bùi Quang Chiêu, Hồ Văn Ngà, Huỳnh Phú Sổ, Trần Văn Thạch v.v... Nhưng bù vào đó, rất nhiều trí thức từ miền Bắc di cư vào Nam năm 1954, và chính quyền đã cử nhiều sứ giả đi ngoại quốc, tiếp xúc, lôi kéo lớp khoa bảng Việt Nam mới tốt nghiệp ở các nước phương Tây về nước tham gia chính quyền hoặc giảng dạy đại học. Tác giả đã có những ghi nhận chính xác:

“Vào thời gian này, cuộc sống người dân đã có nhiều cải tiến. Về giáo dục, các trường tiểu học, trung học được thành lập từ cấp tỉnh đến quận. Về y tế, mỗi tỉnh đều có trạm y tế và nhà thương. Vấn đề đào tạo giáo viên, y tá, cán sự y tế, giáo sư trung học được đẩy mạnh. Các trường đại học, kỹ thuật, hành chánh, các trường võ bị mỗi năm đã đào tạo một số lượng chuyên viên, sĩ quan đáp ứng đủ nhu cầu.”

Chính quyền đệ nhất cộng hòa đã đặt để những nền tảng vững chắc cho một xã hội ổn định, để từ đó phát triển đất nước. Thế nhưng:

“Nếu những năm đầu của nền đệ nhất Cộng Hòa từng tạo cảm tưởng tổng thống Diệm đang nắm thế mạnh thì diễn biến thực tế cho thấy thời kỳ ổn định chính trị kéo dài không lâu. Năm cuối cùng của thập niên 1950, dấu hiệu bất mãn trong quần chúng đã hiển hiện. Stanley Karnov đi thăm nhiều vùng và nhận thấy dân chúng bắt đầu mất tin tưởng chính quyền vì tình trạng tham nhũng đã thành phổ biến. Những năm tháng tốt đẹp của nền đệ nhất cộng hòa đã rạn nứt.”

Tình trạng rạn nứt đó là có thật và ngày càng trầm trọng. Vì sao đang từ sự tốt đẹp trong những năm đầu, lại bắt đầu manh nha nhiều bất mãn trong dân chúng? Có thể từ hai lý do: khách quan, cộng sản bắt đầu phá hoại, lấn chiếm ở nông thôn, gây tình trạng bất an ninh; chủ quan, chính quyền không thực hiện sự đoàn kết rộng rãi với những nhân vật và đảng phái chống cộng khác đã có mặt ở Việt Nam từ lâu năm, đã từng cọ xát với cộng sản nhiều phen như Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt v.v..., khi ông Ngô Đình Diệm còn “lê gót nơi quê người.” Càng ngày chính quyền càng tỏ ra một sự kiêu hãnh cục bộ, khá hẹp hòi, tự thấy mình đầy đủ năng lực từ lý thuyết cần lao nhân vị đến đoàn thể thanh niên thanh nữ cộng hòa, lực lượng giáo dân di cư, và dĩ nhiên của guồng máy hành chánh và quân đội đang nắm trong tay, để không những từ chối đối thoại với thành phần quốc gia đối lập mà còn bắt bớ, giam cầm và cả thủ tiêu.

Tác giả Nguyễn Văn Lục đã có một nhận định rất đúng khi đưa ra việc lên tiếng của nhóm Caravelle như là một phản ứng, một cảnh cáo đầu tiên của giới trí thức trước tình thế đất nước lúc ấy. Đó là “tình trạng bất mãn thực sự công khai hóa vào ngày 26 tháng 4 năm 1960 với sự kiện 18 nhân sĩ trí thức tiêu biểu của miền Nam họp báo tại khách sạn Caravelle phổ biến bản tuyên ngôn gửi tổng thống Ngô Đình Diệm. Ký tên trên bản tuyên ngôn gồm các nhân vật Trần Văn Văn, Phan Khắc Sửu, Trần Văn Hương, Nguyễn Lưu Viên, Huỳnh Kim Hữu, Phan Huy Quát, Trần Văn Lý, Nguyễn Tiến Hỷ, Trần Văn Đỗ, Lê Ngọc Chấn, Lê Quang Luật, Lương Trọng Tường, Nguyễn Tăng Nguyên, Phạm Hữu Chương, Trần Văn Chương, Tạ Chương Phùng, Trần Lê Chất và linh mục Hồ Văn Vui.”

Trước tiếng nói bắt nguồn từ sự ưu tư thật sự của nhóm trí thức tiêu biểu ấy, phản ứng của chính quyền tỏ ra thô bạo: ngay ngày hôm sau tổng thống Diệm ra lệnh bắt giam hầu hết những người ký tên trong bản tuyên ngôn.

Tình thế cứ thế mà xấu đi, với cuộc đảo chánh của Nguyễn Chánh Thi vào tháng 11, 1960, trận ném bom dinh Độc Lập của Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử vào năm sau, và năm sau nữa, 1963, với phong trào Phật giáo, kết thúc bằng vụ đảo chánh ngày 1 tháng 11, chấm dứt Đệ nhất Cộng Hòa.

Thái độ của trí thức miền Nam trong chín năm cai trị của Tổng thống Ngô Đình Diệm có thể chia làm hai giai đoạn. Khoảng năm năm đầu, nói chung ủng hộ chế độ (hoặc nếu không thì cũng không chống đối) tiêu biểu như nhận định của giáo sư Vũ Văn Mẫu nêu trên. Bốn năm sau thì có vẻ có tình trạng “tức nước vỡ bờ”, thoạt đầu là làm tuyên ngôn nhẹ nhàng nhưng được nhận ngay sự đàn áp, tiếp theo mạnh mẽ hơn, là đảo chánh, dội bom, và cao điểm là vụ Phật giáo năm 1963, với sự tham gia tích cực của hầu như toàn xã hội, với sự dấn thân rõ rệt của giới trí thức. Theo Nguyễn Văn Lục, trong vụ Phật giáo có ba biến cố quan trọng đẩy mạnh nhanh chóng sự sụp đổ của chế độ: vụ tự thiêu của hòa thượng Thích Quảng Đức, vụ tự sát của nhà văn Nhất Linh, và sự kiện giáo sư Vũ Văn Mẫu quyết định từ chức bộ trưởng Ngoại giao kèm theo việc cạo đầu phản đối guồng máy chính quyền. Đó có thể coi là những hành động đóng góp tích cực nhất của giới trí thức nhằm làm biến đổi cuộc diện chung.

Từ tuyên ngôn của nhóm Caravelle đến sự dấn thân trọn vẹn trong cuộc đấu tranh Phật giáo, giới trí thức như bước hẳn vào một sự bùng vỡ của ý thức, mà trong khung cảnh yên bình của những năm đầu họ hầu như không có. Sự bùng vỡ đó đã lên đến cao độ trong những năm đầy xáo trộn từ 1963 đến 1975, với các vụ chỉnh lý liên miên, rồi quân Mỹ đổ bộ vào Việt Nam, rồi biến cố Mậu Thân, chiến tranh ngày càng khốc liệt, hội nghị Paris, Việt Nam hóa chiến tranh, hiệp định đình chiến... Nguyễn Văn Lục đã theo sát nhịp độ chuyển biến của giới trí thức với nhận định: “Thời kỳ mới do phong trào Phật giáo 1963 mở ra chính là thời kỳ giới trí thức Việt Nam chọn lựa thái độ dấn thân đấu tranh thay vì giới hạn đóng góp trong phạm vi chuyên môn như từng có.”

Quả thật, sau vụ đảo chánh 1963, sinh hoạt của giới trí thức trở nên năng động hẳn, với một ý thức cao về vai trò của mình đối với đất nước và xã hội, khác hẳn vai trò mờ nhạt của họ trong thời đệ nhất Cộng Hòa. Đặc biệt nổi bật sự tham dự của giới trí thức trẻ, “thay vì chọn lựa quay lưng với xã hội là chọn lựa phải đấu tranh chống lại mọi áp bức, bạo lực bất cứ từ đâu tới,” nhưng lắm khi vì quá hăng say, “họ lao theo mọi lời kêu gọi đấu tranh, bất kể hành động của mình có thể bị các thế lực giấu mặt ở hậu trường khai thác ra sao.” Sau mấy năm rối loạn, đã xuất hiện phong trào trí thức khuynh tả.

“Trí thức khuynh tả ra đời trong hoàn cảnh này và có nhiều dạng với một số tên tuổi ở Sài Gòn như Thích Nhất Hạnh, Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Trương Bá Cần, Nguyễn Văn Trung, Lý Chánh Trung, Thế Nguyên, Phan Khắc Từ, Ngô Bá Thành, Ngô Công Đức, Lý Quý Chúng, Nguyễn Hữu Chung, Trần Ngọc Liễn... Ở miền Trung có Lê Khắc Quyến, Tôn Thất Hanh, Lê Tuyên, Mai Văn Lễ, Cao Huy Thuần...”

Phần đông họ dùng báo chí để biểu hiện nhiều xu hướng chính trị khác nhau như chống Mỹ, chống chiến tranh, kêu gọi hòa hợp hòa giải, kêu gọi hòa bình, cổ võ giải pháp cách mạng về một xã hội không cộng sản... Đó dĩ nhiên là tiếng nói lương tâm giữa một đất nước đang tan nát dưới bom đạn của một trận chiến không do mình chọn lựa, thế nhưng: “trên một đất nước bị đặt dưới họng súng của hai phe đang nắm giữ quyền lực thì lời hô suông sẽ dựa trên căn bản nào để biến thành thực tế, đặc biệt lại tin rằng có thể hòa hợp hòa giải với cộng sản.” Vì thế tác giả Nguyễn Văn Lục đã nhận định:

“Vì thế trách nhiệm về sự sụp đổ của miền Nam không thể trút bỏ hoàn toàn cho Mỹ mà cần phải thành thực nhìn nhận phần lớn thuộc về sự lạc hướng trong đấu tranh của người miền Nam, đặc biệt là giới trí thức ở mọi thế đứng.”

Chúng tôi cho rằng chương “Trí thức Miền Nam nhập cuộc” là một chương rất quan trọng trong cuốn sách Hai Mươi Năm Miền Nam của Nguyễn Văn Lục. Trong biết bao yếu tố để cấu thành quốc gia cũng như để biến đổi quốc gia ấy, tác giả đã nhìn ra yếu tố quan trọng nhất, giống như người xưa đã nhận định “trí thức là nguyên khí của quốc gia”. Tác giả đã có thái độ tôn trọng giới trí thức và đã đặt để họ vào một vị trí cao khi viết về lịch sử, một thái độ ít thấy trong những cây bút viết về hai mươi năm tồn tại của Miền Nam. Tác giả đã theo dõi kỹ lưỡng và công bằng sự vận động của nhiều giới trí thức song song với các biến chuyển của chính tình miền Nam, phân tích cái được, cái không được của họ, và đã tỏ ra tiếc là miền Nam đã thiếu hẳn một “hòn đá có sức chuyển hướng lịch sử” như câu đề từ ở đầu bài trích của E. Mounier: “Đôi khi lịch sử cũng ban thưởng cho kẻ cứng đầu, và một hòn đá đặt đúng chỗ, có thể chuyển hướng cả một dòng sông.”

Nhưng dù thành dù bại, sự thức tỉnh của giới trí thức, sự dấn thân của họ luôn luôn cần thiết cho xã hội, dù là xã hội của Nam Việt Nam cách đây nửa thế kỷ, hay xã hội của Việt Nam trong ngày hôm nay. Sự dấn thân của họ như một ngọn đuốc, như một tiếng nói lương tâm để rọi sáng những vùng tối tăm còn bao phủ trên đời sống của người dân. Viết về giới trí thức cũng là một cách nhắc nhở cho tất cả thành viên của giới này về vai trò của họ, và nhắc nhở cho cộng đồng dân tộc hãy biết tôn trọng và lắng nghe những tiếng nói đại diện cho lương tri của chính dân tộc ấy.

“Hai mươi năm Miền Nam 1955-1975”, tiểu luận của Nguyễn Văn Lục, 512 trang, Tiếng Quê Hương xuất bản, giá US$20.00, sách giao tận nhà thêm $3.00 bưu phí. Liên lạc với nhà xuất bản: Tủ sách Tiếng Quê Hương, P.O. Box 4653, Falls Church, VA 22044 – USA.

Xin ghi thêm về chuyện: Trí Thức Miền Nam Nhập Cuộc

(viết nhân đọc sách “Hai Mươi Năm Miền Nam 1955 - 1975” của tác giả Nguyễn Văn Lục)

Đoàn Thanh Liêm

Tác giả Nguyễn Văn Lục là một cây bút quen thuộc trong mấy năm gần đây trên các diễn đàn báo giấy, cũng như báo điện tử. Vốn là một giáo sư dậy môn Triết học tại các trường trung học ở miền Nam trong nhiều năm, nên ông có thói quen đọc rất nhiều tài liệu sách báo, ghi chép, suy tư nghiền ngẫm, và lại còn đi gặp gỡ phỏng vấn với nhiều nhân chứng ở hải ngoại, cũng như ở trong nước. Nhờ vậy mà tác giả này đã có thể cống hiến cho chúng ta rất nhiều bài viết có giá trị. Tác giả lại sắp cho phổ biến một cuốn sách mới nữa, nhan đề là: “Hai Mươi Năm Miền Nam 1955 – 1975”, nhân dịp buổi Ra Mắt Sách được tổ chức tại Phòng Sinh Hoạt Nhật Báo Người Việt ở Nam California vào ngày Chủ nhật 1 Tháng 8 Năm 2010.

Cuốn sách này đã được hai nhà văn Uyên Thao và Trần Phong Vũ của Tủ Sách Tiếng Quê Hương là cơ quan xuất bản, giới thiệu với nhiều thiện cảm rồi, nên tôi chỉ xin góp một phần rất khiêm tốn liên hệ tới một mục nhỏ trong sách thôi. Đó là mục “Trí thức miền Nam nhập cuộc” được trình bày trong 36 trang (từ trang 80 đến trang 116).

Trong mục này, tác giả chỉ đề cập đến khía cạnh chính trị của sự nhập cuộc của giới trí thức trong sinh họat chung của miền Nam Việt Nam, mà không nói gì đến khía cạnh văn hóa xã hội, đặc biệt là không đề cập đến phong trào sinh hoạt thanh niên của giới trẻ, mà điển hình như của Hội Hướng Đạo, Hội Thanh Niên Thiện Chí, các Nhóm Sinh viên Công giáo, Sinh viên Phật tử v.v… Mặc dầu trước đây, tác giả cũng đã có viết một số bài về họat động của giới thanh niên trong lãnh vực công tác xã hội, mà tác giả đặt tên cho là “những hoạt động Lên Đường” để phân biệt với các “hoạt động Xuống Đường” đi biểu tình nhằm gây xáo trộn xã hội, tạo thêm khó khăn bối rối cho chánh quyền, loại hoạt động này thường do các phần tử “thiên cộng sản” gây ra. Nhưng trong cuốn sách này, tác giả đã không hề đả động gì đến phong trào sinh hoạt rất là phong phú đa dạng và tích cực của giới thanh niên tại miền Nam trong giai đoạn trước năm 1975.

Là người đã từng tham gia nhiều trong lãnh vực công tác xã hội với giới thanh niên, ngay từ những bước đầu còn là một sinh viên Đại học cho đến khi say mê dấn thân nhập cuộc vào với Chương trình Phát triển Cộng đồng tại các Quận 6, 7 và 8 Saigon từ năm 1965, tôi xin đóng góp một số nhận định nhằm bổ túc cho mục “Trí thức miền Nam nhập cuộc” mà được xếp đặt trong Phần I : “ Sinh Hoạt Chính Trị Miền Nam”, cả phần này được dàn trải khá dài trong 232 trang ( từ trang 31 đến trang 263 ) của cuốn sách.

1. Miền Nam đã tạo môi trường rất thuận lợi cho công cuộc Phát triển của Xã hội Dân sự.

Nếu ta so sánh với xã hội miền Bắc cũng vào thời kỳ 1955 – 1975, thì ta sẽ thấy có sự khác biệt thật rõ rệt trong lối sống cởi mở, phóng khóang của người dân miền Nam, điều này khác hẳn với chế độ cộng sản kềm kẹp, kiểm soát khắc nghiệt đối với người dân miền Bắc. Thí dụ điển hình nhất là chánh quyền nhà nước ở trong Nam hầu như không can thiệp vào sinh họat có tính cách tự nguyên của các tổ chức tư nhân, như các hội từ thiện, các hiệp hội của thanh thiếu niên, của giới phụ nữ hay của các tôn giáo, của các nhà văn nhà báo, v.v…

Dĩ nhiên là vì lý do phải đối phó với sự xâm nhập và lũng đoạn rất tinh vi của các cán bộ công sản nằm vùng, nên chánh quyền đã có nhiều biện pháp kiểm soát an ninh chặt chẽ đến độ đi ngược với tiêu chuẩn sinh hoạt dân chủ bình thường như tại các nước Âu Mỹ. Nhưng nói chung, thì người dân bình thường, đặc biệt là giới thanh niên ở các đô thị vẫn còn có một không gian xã hội tương đối thông thoáng mở rộng, để cho họ có thể thường xuyên tổ chức các hình thức sinh hoạt tập thể, sinh hoạt cộng đồng, mà xét ra cũng không thua kém bao nhiêu so với tại các quốc gia dân chủ khác.

Ta có thể thấy là các hiệp hội cổ truyền như Hội Cúng Đình vẫn còn có thể sinh hoạt bình thường tại vùng nông thôn hay ven biên đô thị. Các hội bác ái từ thiện của các tôn giáo, cũng như Hội Hướng Đạo, các Câu lạc bộ thể dục thể thao… vẫn hoạt đông bình thường. Mà có khi lại còn được cơ quan nhà nước như Bộ Giáo Dục, Bộ Thanh Niên Thể Thao nâng đỡ yểm trợ khuyến khích nữa.

Kể từ cuối thập niên 1950, thì do sự giao lưu dễ dàng với thế giới bên ngoài, nên tại miền Nam giới thanh niên đã có thể tiếp thu được kinh nghiệm sinh hoạt của các bạn trẻ trên thế giới, cụ thể như của phong trào Thanh niên Thiện chí – Trại Công tác và Nghị luận (Voluntary Youth – Work Camp & Seminar). Rồi thì các hiệp hội như Rotary Club, Lion Club v.v… cũng lần lượt được thành lập, lôi cuốn được nhiều thành phần chọn lọc trong giới doanh gia cũng như viên chức của nhà nước, để cùng sát cánh sinh hoạt chung với nhau. Vắn tắt lại là tại miền Nam đã có sự nổ rộ của các tổ chức tư nhân hoạt động bất vụ lợi (non-profit), và độc lập (phi chánh phủ = non-governmental organizations) trong lãnh vực văn hóa giáo dục, cũng như xã hội từ thiện nhân đạo.

2. Nhu cầu phải ghi chép lại sự Phát triển của khu vực Xã hội Dân sự tại miền Nam trong giai đoạn 1955 – 1975.

Có thể nói vào đầu năm 1975, dù cuộc chiến đã leo thang kéo dài từ lâu với bao nhiêu tàn phá tang thương chết chóc kinh hoàng, thì trong xã hội miền Nam vẫn có đến hàng ngàn những đoàn thể hiệp hội tư nhân, hoạt động độc lập trong mọi lãnh vực văn hóa xã hội, thể thao nghệ thuật, cũng như về tâm linh tôn giáo. Nhưng khi người cộng sản chiến thắng và thiết lập một chế độ độc tài toàn trị tại miền Nam rồi, thì mọi tổ chức tư nhân đó đã bị vô hiệu hóa, không còn được tự do sinh hoạt như trước nữa. Do đó mà khu vực Xã hội Dân sự ở miền Nam đã hoàn toàn bị tê liệt tan rã, để dành chỗ cho các tổ chức ngoại vi của đảng cộng sản như Hội Liên Hiệp Phụ Nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nhà Văn, Liên Hiệp các Hội Khoa Học Kỹ Thuật v.v… được độc quyền hoạt động. Mà chỉ đến gần đây mới có những cố gắng còn lẻ tẻ, rụt rè để nhằm phục hồi lại khu vực XHDS này. Điển hình như Hội Hướng Đạo, thì vẫn chưa được chính thức cho phép hoạt động trở lại. Chuyện này còn nhiều sự phức tạp nhiêu khê, ta sẽ có dịp tìm hiểu cặn kẽ hơn trong một dịp khác vậy.

Vấn đề chúng ta có thể làm được trong tầm tay của mình hiện nay là : Tìm cách ghi chép lại cái kinh nghiệm tích lũy được trong suốt quá trình hoạt động của hàng ngàn đơn vị đoàn thể hiệp hội, mà đã hiện hữu tại miền Nam trong giai đoạn 1955 – 1975 đó. Việc tổng kết kinh nghiệm này rất là cần thiết, không những vì lợi ích về sử học, mà nhất là vì lợi ích của thế hệ trẻ hiện nay để họ có thể ứng dụng cái kinh nghiệm đó cho việc xây dựng và tái kiến thiết đất nước trong giai đoạn “hậu cộng sản” sắp tới. Nhưng tiếc thay, cho đến nay vào năm 2010, tức là đã 35 năm sau ngày miền Nam bị xụp đổ, thì ta vẫn chưa thấy có được một “bản tổng kết” đó. Kể cả các đoàn thể, hiệp hội vốn có uy tín từ lâu như Hội Hướng Đạo, Hội Thanh Niên Thiện Chí, Các Hội Bác Ái Từ Thiện của các Tôn giáo v.v…, thì cũng chưa thấy có một tài liệu nào tương đối đầy đủ, chính xác ghi lại lịch sử hoạt động và phát triển của riêng đơn vị mình.

Dĩ nhiên đây là một chuyện lớn lao cần phải có sự phối hợp của cả người ở trong nước cũng như với người ở hải ngoại nữa, thì mới có thể thực hiện cho thành công tốt đẹp được. Người viết chỉ xin nêu vấn đề cấp thiết như vậy và xin kêu gọi sự quan tâm chú ý của các bậc huynh trưởng của các đoàn thể hiệp hội mà đã từng có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng văn hóa xã hội tại miền Nam thời kỳ trước năm 1975. Hầu hết quý vị thì nay đã lớn tuổi vào lớp thế hệ 60 – 70 cả rồi.

Nhưng với phương pháp khoa học hiện đại và với khả năng tài chánh tương đối phong phú của các cộng đồng ở hải ngoại, thì quý vị vẫn có thể tìm cách tiến hành công việc ghi chép lịch sử này được, mà không đến nỗi phải khó nhọc vất vả gì cho lắm vậy.

Westminster Tháng Bảy 2010

Nguyễn Văn Lục và “Hai mươi năm miền Nam 1955–1975”

Trịnh Bình An

Phải công nhận Nguyễn Văn Lục viết khoẻ!

T/g Nguyễn Văn Lục

Nguồn: DCVOnline

Nếu ông Lục ngoài đời đúng là “một người đã nghỉ hưu, một tuần xoa mạt chược hai, ba ngày”, như bà Hoàng Dược Thảo mô tả, thì viết như Nguyễn Văn Lục nghĩa là còn sung sức lắm. Bài của ông Lục đăng nhiều nơi, báo giấy có, báo mạng có. Ngay trong email bạn bè truyền nhau cũng có Nguyễn Văn Lục. Loạt bài “Lịch Sử Còn Đó” của ông đã được đăng nhiều kỳ trên DCVOnline.net và in thành sách.

Giống như món phở được nhiều người ăn nên nhiều người bán, những đề tài ông Lục khai thác: lịch sử, miền Nam, Công giáo, Phật giáo, ông Diệm, ông Nhu... là đề tài nhiều người thích đọc nên nhiều người thích viết, thành thử đủ cả lời chê lẫn tiếng khen. Coi món phở “vàng” kia, người thích sẽ gật gù ấy bùi bổ béo, người không thích sẽ lắc đầu nguầy nguậy mỡ ễnh thế ăn vào có mà “đi” sớm. Ý kiến bạn đọc về Nguyễn Văn Lục cũng vậy, có người khen, cám ơn tíu tít một bài; nhưng ngay đấy cũng có người bĩu môi, chê ra rả.

Theo tôi, văn ông Lục hơi bị lung tung. Nói tử tế là “thiếu trật tự, lớp lang”, nói để chọc cười là “hầm bà lằng xắng cấu”. Đọc văn ông Lục cũng như bước vào một tiệm chạp phô Trung Đông. Tiệm bé tí nhưng chật ních; hàng họ chất lên nhau lung tung lẫn lộn và choán hết chỗ. Khách phải đi nghiêng mới len được vào trong, cũng phải khẽ khàng tránh va đụng không kéo đồ bày lại kéo nhau nhau đổ rầm.

Vào một tiệm như thế khách thấy ngán vì không biết sẽ kiếm được gì trong đống đồ tạp lục đó, lại cũng thấy ngộp vì quá nhiều thứ cùng lúc lọt vào tầm mắt. Thế là khách lắc đầu hỡi ôi rồi quay lưng bỏ đi.

Nhưng vẫn có những người khách kiên nhẫn hơn, hay có nhiều thì giờ hơn; người đó cứ nhẩn nha nhìn ngắm từng đồ vật một. Sau một hồi rị mọ trong đống đồ bụi bặm dày cả tấc, khách có thể bất ngờ kiếm ra những thứ thật độc đáo: một cái dọc tẩu hình thù cổ quái, cái đèn đúng đèn A-la-đanh (!?), hay, một vật chẳng biết để dùng vào việc gì nhưng sao trông thích mắt thế.

“Hai mươi năm miền Nam 1955–1975” của Nguyễn Văn Lục đối với tôi cũng giống như cái tiệm chạp phô Mô-ha-mét ấy.

A… miền Nam, cái miền Nam của chúng ta - những người Việt bỗng một ngày nháo nhào tìm đủ mọi cách chạy trốn ra khỏi nó, để rồi những năm tháng sau cứ thấy váng vất trong lòng một nỗi nhớ đắng cay. Và người ta tìm kiếm, ngấu nghiến đọc những gì viết về mảnh đất miền Nam như để tự an ủi rằng mình vẫn chưa bị cắt lìa ra khỏi cái nơi thân yêu ngày cũ. Nhưng sự an ủi chỉ có khi những điều được viết là sự thực, chí ít cũng phải được viết với sự cẩn trọng; bằng không, đó chỉ là một trò đùa lố bịch, nếu không nói là một cái tát vào mặt người đọc.

Nhà văn Trùng Dương chắc cũng cảm thấy rát mặt vì cung cách hời hợt cẩu thả của một số sách viết về miền Nam nên đã phải viết “Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu” để chỉ chỗ kiếm tài liệu sao cho chính xác.

Công việc biên khảo quả có nhiều khó khăn như ông Vương Trí Nhàn nhận xét:

Cũng xung quanh vấn đề thiếu tài liệu, trong bài phỏng vấn của chị Thụy Khuê về văn học miền Nam, ông Vương Trí Nhàn, khi được hỏi “có thấy có những điều gì nói thêm về việc đưa Văn học miền Nam trở lại văn đàn, điều mà anh thật sự hết lòng mong muốn thúc đẩy”, đã trả lời như sau, xin trích lại nguyên văn:

“Tôi bị ám ảnh bởi một điểm là chúng ta đến chậm quá, làm muộn quá,” ông Nhàn nói. “Hiện nay nếu muốn quay trở lại Văn học miền Nam, ngoài khó khăn tôi nói trên về tư tưởng, các quan niệm, thì khó khăn vật chất cũng rất cụ thể. Như không khí chểnh mảng không ai chuyên tâm. Lòng người thì vẫn tâm lý hậu chiến, tức là vẫn bị ảnh hưởng ngày hôm qua, không tách ra được để nhìn đối tượng văn hoá, bình tĩnh làm công việc một cách tốt hơn. Thứ nữa, tư liệu thì mất rất nhiều. Gần đây trên mạng talawas cũng đã trích đăng lại một số tác phẩm cũ của Văn học miền Nam, ở bên Mỹ, nhiều tác phẩm cũ được in lại, nhưng tôi vẫn cảm thấy chưa đủ. Thỉnh thoảng trao đổi với một vài nhà nghiên cứu khác cũng thấy thế. Chúng tôi có cảm tưởng mỗi người nắm một tí, tức là mỗi người chỉ nắm được phần của mình thôi, còn sự thực người có khả năng bao quát chung thì không có.”

Khó đấy, nhưng vẫn có cách giải quyết:

Mặc dù Cộng sản Việt Nam hô hào đốt sách để thanh tẩy “tàn dư Mỹ Nguỵ” từ ngay sau khi chiếm miền Nam, kho tàng văn hoá phẩm của miền Nam thực ra đã được “tẩu tán” ra nước ngoài, đặc biệt tại Mỹ, từ lâu rồi. Trước thời Internet, những văn hoá phẩm này nằm trong hai thư viện lớn bên Mỹ, đó là Thư Viện Quốc Hội ở Washington, D.C. và thư viện Kroch Asia thuộc hệ thống thư viện của Đại học Cornell ở Ithaca, New York. Muốn tham khảo những tài liệu này ta phải tới tận nơi lưu giữ chúng.

Nguồn: Tiếng Quê Hương

Hóa ra, cái miền Nam bị xóa sổ kia vẫn còn sót lại vài mảnh, và khéo sao, những mảnh vụn vỡ ấy lại trôi dạt vào cùng một chỗ với nhau. Nói như thế không có nghĩa tôi sẽ lục tung thư viện D.C., thư viện New York để kiếm cho ra những cái sai, cái đúng trong “Hai mươi năm miền Nam”của ông Lục. Sức đâu! mà cũng không phải kiểu, bởi người đọc không có nhiệm vụ phê bình văn học, người đọc chỉ có một nhiệm vụ, nhiệm vụ với chính mình, đó là làm sao cho thời gian đọc sách trở thành những giây phút thống khoái nhất.

Một cách đọc cho khoái là thả mình theo bất kỳ dòng cảm xúc, suy nghĩ nào dấy lên trong khi đọc, cho dù đó có thể là những ý tưởng quái đản, điên rồ. Chớ cưỡng lại, cứ đi theo…

“Hai mươi năm miền Nam” gợi cho tôi một ý tưởng: Nguyễn Văn Lục là người như thế nào?

• Vớ vẩn, phàm sách biên khảo, quan trọng nhất là sự kiện, sai hay đúng; hà cớ chi săm soi tới tác giả?

• Xin thưa, biết bao nhiều sự kiện, diễn biến trong ngần ấy năm, tại sao chọn cái này mà không chọn cái kia, tại sao viết chuyện ni mà không viết chuyện nớ. Phải chăng bởi người viết đã chọn lựa sự kiện theo ý riêng của mình, vô tình tạo ra một bức self-portrait của chính mình.

• Cứ cho là có bức truyền thần ấy. Thế ta thấy được gì nào?

Tôi thấy Nguyễn Văn Lục đang sám hối.

Trước khi tìm hiểu Nguyễn Văn Lục sám hối chuyện gì, sám hối thế nào, tưởng cũng cần nhắc tới một số tác giả nổi tiếng đã viết về miền Nam: Vương Hồng Sển với “Sài Gòn năm xưa”, Sơn Nam với “Văn minh Miệt Vườn”, Võ Phiến với “Văn học Miền Nam Tổng Quan” và Hồ Trường An với những truyện diễm tình trong khung cảnh đặc thù miền Nam.

Nhìn chung, những tác giả đó dường như chỉ quanh quẩn trong mong muốn tìm lại chút hương xưa. Lời đề tựa ngay trang đầu của “Sài Gòn năm xưa” thể hiện ý hướng ấy: “Tập biên khảo thường đàm nầy để tưởng niệm những phút êm đềm đã qua”. Tác phẩm của họ không mô tả miền Nam như nó đã từng là ở những góc độ khác, những góc độ không đẹp, không vui, gai góc và vô lý đến không thể hiểu nổi.

Nguyễn Văn Lục không nhìn miền Nam qua những giây phút êm đềm. Ông nhìn miền Nam trong một bối cảnh chính trị phức tạp và rối loạn. “Hai mươi năm miền Nam 1955–1975” có 3 chương thì chương 1, “Sinh hoạt chính trị miền Nam”, mở đầu sách như nhấn mạnh tầm quan trọng của những biến cố chính trị, bắt đầu bằng cuộc di cư vĩ đại đi tìm tự do của đồng bào miền Bắc.

Một vùng đất trù phú nhưng hoang sơ được bổ sung bằng lượng chất xám khổng lồ và tinh thần làm việc cần cù bền bỉ của các nông dân, tiểu thương, trí thức miền Bắc cộng với thể chế tự do dân chủ đã là bệ phóng cho nhiều đổi mới và phát triển tốt đẹp của miền Nam. Thế nhưng, tại sao kết quả cuối cùng vẫn là đổ vỡ?

Điều đáng buồn là bản tuyên ngôn hình thành bằng những bước chân dứt khoát ra đi dù phải đạp trên chông gai nguy hiểm của những người Việt Nam di cư 1954-1955 đã không thể vang vọng tới mọi nơi và đi đến với mọi người để thúc đẩy những hành vi tương tự.

Vì thế, cho tới nay, cơ may giải thoát con người khỏi tối tăm cơ cực để tìm lại cuộc sống con người vẫn còn nằm trong mong đợi.

Chương 1 của sách ghi lại những sự kiện chính trị quan trọng trong 20 năm, và tuy không đưa ra những kết luận cụ thể nhưng người đọc có thể tự tìm thấy lời giải đáp cho câu hỏi trên, hay chí ít, hiểu được nền tảng cho sự thất bại của miền Nam.

Một trong những điều của quá khứ nhưng vẫn đang và sẽ còn là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm, đó là vai trò của trí thức. Trong tiểu mục “Trí thức miền Nam nhập cuộc” tác giả Nguyễn Văn Lục đưa ra nhiều dẫn chứng cụ thể để đi đến kết luận: giới trí thức miền Nam có khả năng cao về khoa học, nghệ thuật, văn chương nhưng như thế vẫn chưa đủ.

Nhược điểm lớn nhất của miền Nam là sự vắng thiếu ý thức đấu tranh cách mạng trong hàng ngũ trí thức - cụ thể là vắng thiếu đội ngũ lãnh đạo có đủ vốn liếng kinh nghiệm đấu tranh. Đó là sự vắng thiếu những hòn đá tảng có thể chuyển hướng một dòng sông.

Thực ra, miền Nam không thiếu nhân tài, có thể còn quá dư so với miền Bắc, nhưng thiếu một lý tưởng đấu tranh viễn kiễn. Lý tưởng “chống Cộng” biến miền Nam thành “tiền đồn của thế giới tự do” rõ ràng chỉ là yêu cầu giai đoạn của tình thế, không gắn bó lâu dài với vận mạng sống còn của đất nước. Kế tiếp là một thực tế không ai mong có từng được nhắc qua than thở của một nhân vật trí thức. Giáo sư Lý Chánh Trung từng lạy trời ban cho miền Nam một nhà lãnh đạo mà cái bụng nho nhỏ một chút và đi bằng hai chân.

Thiếu người lãnh đạo có tầm cỡ là nhược điểm từ đó dẫn tới những bất cập khác như việc báo chí (phương tiện chính trong mặt trận tuyên truyền) ngoảnh mặt quay lưng với chính trị, tuồng như coi đó không phải là việc của mình.

Tuy nhiên, đa số báo miền Nam được xuất bản đều nhắm mục tiêu thương mại nên không đặt nặng các đòi hỏi chính trị và nghề nghiệp. Đặc tính này giúp giảm nhẹ không khí căng thẳng khó tránh cho chính quyền khởi từ các hoạt động nghề nghiệp của báo chí, nhưng lại biến báo chí thành vùng đất màu mỡ cho các âm mưu xâm nhập, lũng đoạn do chủ nhiệm nhiều tờ báo không lưu tâm đến xu hướng chính trị của cộng sự viên, trong khi chính quyền chỉ đặc biệt lưu tâm tới những tờ báo có tiếng nói đối lập công khai.

Tìm hiểu vai trò của báo chí ngày trước là điều hữu ích cho tình hình hiện nay, giúp chỉ ra những sai phạm, lầm lỡ cần tránh. Một trong những sai lầm đó là tách rời chính trị ra khỏi văn chương, báo chí. Tiếc thay, nhiều người đã coi thái độ tách rời đó là một thể hiện của tự do.

Giới trí thức trẻ tại thành thị với khung cảnh giáo dục và xã hội thông thoáng có cơ hội tiếp xúc với nhiều chân trời lạ lại gần như thiếu hẳn hiểu biết về diễn biến lịch sử của đất nước Việt Nam trong giai đoạn trước đó. Kết quả là nhiều hướng nhìn trái ngược về cuộc sống tới mức hỗn loạn để xé nát giới trí thức ra nhiều mảnh vụn rã rời hoặc đối nghịch lẫn nhau.

Tự do ví như đôi cánh rộng, nhưng nếu không được hỗ trợ bằng ý thức chính trị vững chắc, tự do chỉ còn là đôi cánh bằng sáp của Incarus, đôi cánh giúp anh thoát trốn ngục tù nhưng nhanh chóng rệu rã dưới nắng mặt trời. Tự do không giúp trí thức miền Nam vượt qua những thử thách khắc nghiệt thời ly loạn để rồi họ, cũng như Icarus, rơi thảm thiết xuống cái vùng trống hoác dưới chân.

Cho tới nay, chính trị với nhiều người vẫn bị coi là một thứ độc địa, tồi bại, không nên dính vào. “Tôi chỉ làm nghệ thuật, tôi không làm chính trị” - Câu này nghe thường lắm. Nhiều “nhà” văn, “nhà” báo, “nhà” nghệ thuật, “nhà” phê bình… của miền Nam cho tới nay vẫn tự hào về cái mác phi-chính trị, cố tình không hiểu thái độ dửng dưng ấy đã là cái đinh đóng chặt quan tài chôn chết miền Nam của họ. Nguyễn Văn Lục thì không, qua những trang sách “sặc mùi chính trị”, ông đã dứt khoát đứng về một phía: phía của những người dấn thân.

Có thể ông thày dạy môn triết ngày nào cũng thờ ơ như bao kẻ khác, cũng chỉ quẩn quanh vui vầy với nào sen hồng nào phượng thắm; chỉ khi trở thành kẻ tha phương trên đất khách, nhớ lại cũng cái thời phượng thắm sen hồng kia mới bàng hoàng bừng tỉnh hiểu ra rằng sự trốn tránh đối đầu năm xưa của mình đã định đoạt số phận thê lương ngày nay của bản thân, của cả dân tộc.

Nguyễn Văn Lục không đấm ngực “mea culpa”, nhưng cố gắng của ông - lục lại những trang sử cũ, những trang sách cào cấu tim gan, để người sau có dịp nhìn kỹ và suy gẫm - đã là lời sám hối chân thành nhất.

***

Viết như trên kể cũng đủ dài về một người, nhưng xét ra vẫn chưa đủ nếu đã đọc “Hai mươi năm miền Nam”. Nếu bảo sách là tranh vẽ chân dung tác giả, thì đó là một bức chân dung nhiều chiều.

Tôi còn nghe “sách nói” Nguyễn Văn Lục là người mơ mộng.

Thế nào là mơ mộng? Theo nghĩa đơn giản nhất, mơ mộng là ước muốn những điều ngoài tầm tay mình. Vậy ông Lục mơ gì? Nguyễn Văn Lục mơ làm người khác Nguyễn Văn Lục, người khác ở đây là Bùi Giáng, Phạm Duy và... Lệnh Hồ Xung.

Trong 6 tiểu mục của chương hai “Sinh hoạt Văn học miền Nam”, có phần dành riêng hẳn hoi cho Bùi Giáng và Phạm Duy: “Bùi Giáng giữa chúng ta” và “Phạm Duy còn đó hay đã chết”.

Cứ cho rằng Bùi Giáng và Phạm Duy quả có những sáng tác vượt trội trong giới văn học nghệ thuật nhưng xét cho cùng tài năng của họ vẫn là cái tài trời cho. Phạm Duy và Bùi Giáng là những người ngoại hạng, cuộc đời và sản phẩm họ tạo ra không hẳn đã gắn liền hay thể hiện hoàn cảnh đặc biệt của miền Nam lúc ấy.

Có nên cho rằng nhờ miền Nam tự do nên Bùi Giáng tự do điên, và Phạm Duy tự do viết lung tung đủ thứ. Cũng có thể lắm! Nhưng theo tôi, sở dĩ Nguyễn Văn Lục chọn hai vị này để viết có lẽ chỉ vì ông mơ mộng muốn được như họ.

Bùi Giáng từng bán tất cả ruộng vườn được thừa kế để lấy tiền in sách, Phạm Duy từng lang thang với những mối tình lãng mạn. Cả hai đều được coi là những kẻ ngông cuồng nhất, cao ngạo, bất chấp thiên hạ nhất. Thế nhưng không ai có thể phủ nhận những bài thơ, bài hát của Bùi Giáng, Phạm Duy đã ảnh hưởng sâu đậm tới tâm tư của nhiều thế hệ vì đậm đà tình người và ảo diệu ngôn ngữ.

Tưởng tượng cảnh một ông thầy dạy triết, sớm vác ô đi tối vác về, đứng trước bảng đen phấn trắng, trước đám học trò trung học e dè. Ông thầy nhìn ra cửa sổ, nhìn những con chim bay nhảy chuyền cành, giá mình được điên, được ngông như thế...

Nói về “thế giới Bùi Giáng”, ông Lục viết:

Đáng lẽ tôi cần đổi nhan đề bài viết Bùi Giáng giữa chúng ta thành Bùi Giáng không bao giờ ở giữa chúng ta cả. Thế giới của ông là thế giới bên kia, mù khơi và đầy những vùng tối mà một vài sợi thần kinh trục trặc là đủ thay đổi toàn diện cuộc sống một người. Đó là một thế giới không thể tiếp cận, cũng không thể hiểu, không lý giải được, không vào được - impénétrable.

Nếu rút cục chẳng lý giải được thì ông Lục mất công làm gì khi đã có rất nhiều người đã viết Bùi Giáng? Phải chăng dù không hiểu được thế giới kỳ quặc của người điên kia, ông Lục vẫn cho đó là một thế giới kỳ thú và mơ mộng giá mình cũng biết ti ti về nó chắc sẽ khá là sướng.

Và nếu làm được như Phạm Duy hẳn cũng sướng!

Theo Nguyễn Văn Lục, Phạm Duy là người có nhiều khuôn mặt, hay có dở có; do đó nhạc Phạm Duy cũng có đủ cả hay lẫn dở.

Phạm Duy trái lại, đưa người nghe từ thái cực này đến thái cực khác, hay dở lẫn lộn, pha chế, dửng mỡ, thô tục, thanh cao, ngậm ngùi, tha thiết, xót xa, rẻ tiền... nói chung là lung tung, chắp vá và tùy tiện. Có vẻ ông muốn thay đổi, muốn có cái lạ, cái mới nhưng lại theo kiểu tiện đâu hay đó, hoặc có tiền thì làm, nên nhiều khi khiến người nghe khó chịu và bực dọc. So với các nhạc sĩ khác, Phạm Duy sáng tác nhiều nhất và cũng có không ít tác phẩm dở.

Ông Lục chê Phạm Duy sát ván thế, tại sao tôi cứ có cảm giác ông Lục muốn được như Phạm Duy? Bởi tuy chê ra rả đấy nhưng ông Lục vẫn thấy Phạm Duy là người đặc biệt vì Phạm Duy dám nói, dám yêu, dám làm những điều ông thích, nói tóm lại, dám sống hết mình.

Một nhận xét nhỏ của riêng tôi về con người Phạm Duy là ông không có một lời chê bai bất cứ ai, nhất là giới nhạc sĩ, dù trên thực tế ông luôn nói năng tùy tiện, lời lẽ huyênh hoang, suy đoán chủ quan về cái này cái kia. Đây là điều tôi ghi nhận khi đọc hồi ký của ông. Thêm nữa, cũng qua những dòng hồi ký, ông còn không ngần ngại kể lại đời tư của mình, ngay cả về những mối tình lớn nhỏ bất chấp khuôn nếp xã hội.

A... được lãng mạn với những-mối-tình-lớn-nhỏ-bất-chấp-khuôn-nếp-xã-hội phải chăng là điều ông giáo nghiêm cẩn kia mơ mộng?

Nhưng nghĩ kỹ mà xem, điên cỡ Bùi Giáng, ngông cỡ Phạm Duy cần có cái gan rõ to mới được. Không gan không dám nói: “Đây là con c... nhét vô cái l... Kim Cương” như Bùi Giáng, hay “Tôi thấy cách mạng bắt đầu lẩm cẩm khi kết án Vọng cổ trong các Đại hội (ĐảngCS) mà tôi vừa tham dự” như Phạm Duy. Thành thử, muốn điên muốn ngông như 2 người họ thật không dễ chút nào.

Thôi thì, mơ làm Lệnh Hồ Xung vậy.

Trong chương 3, “Sinh hoạt dịch thuật và báo chí miền Nam”, phần nói về Kim Dung và sách võ hiệp, Nguyễn Văn Lục chọn Lệnh Hồ Xung là nhân vật được nhiều độc giả thời ấy ưa thích nhất.

Chỉ nhìn vào nhân vật Lệnh Hồ Xung, phán định đầu tiên có thể là một sự chê bai hoặc ít nhất cũng là ý nghĩ coi thường. Trước tiên, nguồn gốc nhân vật không có gì đáng kể với gốc rễ ti tiện và cảnh ngộ mồ côi. Tính cách của nhân vật cũng không có gì nổi trội mà ngược lại còn sa đà vào nếp sống phóng túng như đam mê rượu chè, đắm đuối yêu đương và luôn bị cuốn theo tiếng kêu phiêu bạt để lê gót giang hồ sống vô định hướng.

Với nếp sống đó, nhân vật gần như không bao giờ biết phân biệt chính tà nên kết giao với bất kỳ loại người nào kể cả loại bị đời coi là cặn bã. Thế nhưng trong thế giới tiểu thuyết Kim Dung, chính nhân vật ấy đã nổi danh trên chốn giang hồ và đặc biệt đã trở thành mẫu người cuốn hút thiện cảm của hết thảy người đọc.

Giải đáp ra sao về sự trạng này?

Và ông tìm ra lời giải đáp:

Mơ làm Lệnh Hồ Xung

Nguồn: cyworld.com

Lời giải đáp cho thắc mắc đã nêu, do đó, có thể dựa trên một số nét tiêu biểu của nhân vật. Trước hết Lệnh Hồ Xung không phải là kiểu mẫu lý tưởng mà là một mẫu người thực, gần gũi với mọi người về tính chất vì vẫn mắc nhiều nhược điểm. Kế tiếp, Lệnh Hồ Xung có con tim trong sáng hợp với sự trông đợi của mọi người và cũng gần gũi với mọi người.

Từ đây, Lệnh Hồ Xung đã thể hiện cuộc sống nằm trong khát vọng tìm kiếm của mọi người, cuộc sống thảnh thơi, vô tư, không gây tì vết cho cái nền nhân tính. Đó là cuộc sống của con người bình thường luôn gắn bó với ý hướng vĩnh cửu của sự sống là đạt tới khát vọng thể hiện tình người và tự do tuyệt đối. Cuộc sống được gọi là ước mơ hay đúng hơn đã biến thành một ước mơ trong chuỗi mơ ước liên tục và vô tận của cõi đời.

Vậy nếu ông Lục hay bất kỳ ai có mơ được như Lệnh Hồ Xung cũng đáng lắm chứ, vì xét cho cùng đó là một ước mơ chân chính, mơ ước được thấy tình người hòa lẫn với khát vọng tự do.

Tính bộc trực vì thế càng bùng phát để con tim cất cao tiếng nói tự do. Cũng vì thế, Lệnh Hồ Xung có thể thoải mái khước từ không tiếc xót các cơ may nắm giữ vai trò lãnh đạo võ lâm và mở rộng vòng tay giao kết với mọi người, vừa thể hiện tấm lòng tương thân quảng đại vừa thảnh thơi tiếu ngạo giang hồ…

Tới đây tôi chợt nhớ tới bức hình chụp chân dung Nguyễn Văn Lục ở đầu sách. Một Nguyễn Văn Lục mặt vuông chữ điền; miệng cười rất tươi, rất bè bạn, rất tiếu ngạo giang hồ!

***

500 trang sách viết về miền Nam của tác giả Nguyễn Văn Lục chắc chắn không thể tóm gọn trong 1, 2 bài nhận xét cũng như một người khách không thể nhìn ra hết những đồ quý hiếm trong tiệm chỉ qua 1, 2 lần. “Hai mươi năm miền Nam 1955–1975” chứa đựng nhiều sự kiện, mỗi sự kiện lại hàm ẩn nhiều ý nghĩa khác nhau thành thử người đọc nếu muốn rút tỉa những điều hữu ích cần dành cho sách một sự chiếu cố đặc biệt. Nhưng đó chính là cái hay của một cuốn sách biên khảo, dù gấp sách xếp lên giá người đọc vẫn biết mình rồi sẽ phải quay lại với nó.

Miền Nam của Nguyễn Văn Lục có sông nước và điệu Vọng cổ, có lãng mạn thanh niên và tham vọng con người, có những thành tựu xây dựng và chia chác phe phái nhưng nổi bật, vượt trên tất cả vẫn là Tự Do. Dù tự do có vô tình đẩy miền Nam vào thảm họa nhưng cái mầm tự do gieo trồng vào mảnh đất miền Nam, vào con người miền Nam dù bị vùi lấp nhưng sẽ mãi còn đó và luôn tìm mọi cách bật dậy để vươn lên.

“Hai mươi năm miền Nam” của Nguyễn Văn Lục không là cuốn sách dễ đọc và có thể làm người ta buồn phiền nhưng đó là cái khó, cái phiền cần có của một người mắc bệnh tới lúc phải biết mình bị bịnh gì để rồi tìm ra cách chữa.

Tôi chỉ không thỏa mãn vì vẫn còn nhiều thứ “Hai mươi năm miền Nam”chưa đề cập tới như sinh hoạt của người Hoa, các ngành nghề tiêu biểu của miền Nam, sách báo dành cho trẻ em: Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc, Thiếu Nhi...và nhất là các trường trung học, đại học của miền Nam mà chỉ người trong nghề như ông giáo Lục mới có cái nhìn chính xác nhất. Thôi thì mong sao mai mốt sẽ có “Hai mươi năm miền Nam - Tập II”.

Cuối cùng, quay trở lại câu hỏi ban đầu: “Nguyễn Văn Lục là ai?”

Theo Uyên Thao: “Nguyễn Văn Lục không là sử gia, không là học giả, không là nhà văn và cũng không bao giờ là chính khách…” thế nhưng sách của Nguyễn Văn Lục lại có “tác động gợi nhắc từ những con người, những sự kiện đã ghi dấu một thời oan nghiệt của nhiều thế hệ con dân Việt Nam…”

Được như thế hẳn vì Nguyễn Văn Lục không phút nào quên mảnh đất miền Nam và con người miền Nam. Trong một buổi hội luận văn học, ông viết: “Tôi nhìn thấy nhiệm vụ của mình bây giờ là cày xới lại 20 năm văn học miền Nam để cho mọi người chưa có dịp biết thì biết.”

Và tôi thấy chân dung rõ nét nhất của Nguyễn Văn Lục: một người không là gì cả nhưng vẫn tự đặt lên vai mình trách nhiệm với đất nước, với những thế hệ sau.

Chúc tác giả Nguyễn Văn Lục tiếp tục tiếu ngạo giang hồ và tiếp tục viết với niềm đam mê mãnh liệt nhất.

© DCVOnline

Trịnh Bình An

Giới Thiệu Sách: Hai Mươi Năm Miền Nam 1955-1975

Hai Mươi Năm Miền Nam 1955-1975

Nguyễn Văn Lục

Nguyễn Văn Lục trước 1975 sống tại miền Nam, là giáo sư Triết bậc Trung học.

Sau 1975, ông viết báo hải ngoại, hiện định cư tại Canada.

Tác phẩm của Nguyễn Văn Lục thể hiện ông như là một chứng nhân, cũng như là một nạn nhân tác động gợi nhắc từ những con người, những sự kiện đã ghi dấu một thời oan nghiệt của nhiều thế hệ con dân Việt Nam.

Trăng Vàng xin trân trọng giới thiệu đến quý đọc giả một tác phẩm của tác gỉả Nguyễn Văn Lục với nhan đề Nguyễn Văn Lục - Hai Mươi Năm Miền Nam 1955-1975.

Hai Mươi Năm Miền Nam 1955-1975 là bức chân dung thời thế của chặng đường lịch sử, là tiếng kêu của những thân phận bị giam hãm giữa trăm ngàn đọa đày vò xé mà người đọc suy gẫm.

Sách dày 516 trang, in khổ giấy vừa cầm tay.

Tiếng Quê Hương xuất bản. In lần thứ nhất tại Hoa Kỳ Virginia 2010

Ấn phí 20 Mỹ kim

Muốn mua sách xin gửi thư về:

Tủ sách Tiếng Quê Hương

P.O Box 4653 Falls Church - VA 22044