Phần 7

- Tin Nhà: Lên tiếng thay cho những kẻ phải làm thinh

- Thách đố sống còn của Đảng CSVN

- Nhìn cây thấy rừng

- Mặt trận văn hóa và những thủ tiêu ám sát trí thức miền Nam (I)

Tin Nhà: Lên tiếng thay cho những kẻ phải làm thinh

Nguyễn Văn Lục

“Chức tước chẳng là cái gì cả. Mà phải sống cho đến chết, đừng chết khi đang sống,” Đức ông Phạm Hân Quynh

Trong một chế độ toàn trị, ta găp nhiều loại người như nhà văn, nhà báo, nhà chính trị trở thành những người hèn. chuyện đó không lạ và nay đã nhiều người lên tiếng thú nhận cái hèn của mình. Nói chung, người ta dễ chấp nhận cái hèn của một nhà văn, một người làm chính trị và cũng dễ bị chửi vung vãi nếu đó là một người dân thường hay một người trí thức như trường hợp Nguyễn Hữu Liêm hay Nguyễn Văn Tuấn.

Tôi nghe người đọc chửi vung tí mẹt mà đôi khi cảm thấy có phần bất công cho các quý vị ấy vì không có lá chắn gì để đỡ. Dư luận vẫn là dư luận.

Nhưng trong lãnh vực tôn giáo, nhiều vị lãnh đạo cũng “không ra gì” mà mọi người biết rõ, nhưng “kỵ” không dám nói tới mặc dầu họ cũng biết rằng các vị lãnh đạo ấy cũng “hèn” không thua ai cả. Chẳng hạn trong bài viết vừa rồi của tôi về vụ Bát Nhã: Một cái chết im lặng. Tôi có trích dẫn khá nhiều tài liệu của ông Đỗ Trung Hiếu, một người cộng sản và một người Phật tử chân chính viết lại một cách trung thực điều gì xảy ra cho Giáo Hội Phật giáo Việt Nam thống nhất.

Tôi chỉ dám mói tới sự im lặng của các vị lãnh đạo đó và chưa dám dùng chữ “Hèn” đáng lẽ nên dùng. Và tôi đã nhận được một số lời nhục mạ.

Chửi ai cũng được, phê bình ai cũng được, nhưng tránh đụng đến lãnh đạo tôn giáo.

Cái chết và khổ cho người cầm bút là các vị lãnh đạo ấy mặc đến hai ba thứ áo, mình đụng áo nào cũng không được, nhất là áo tu hành.

Trong Tin Nhà kỳ này, tôi sẽ tiếp tục đặt vấn đề với các vị lãnh đạo trong giới Thiên chúa giáo trong cái tinh thần lên tiếng thay cho những kẻ muốn làm thinh.

Bản Tin Nhà kỳ này vì thế có chủ đề: Lên tiếng thay cho những kẻ phải làm thinh.

Rất nhiều điều ở Việt Nam cần được lên tiếng đã không ai lên tiếng. Như vụ Bát Nhã chẳng hạn. Chẳng những thế, đã có một vị Hòa Thượng nổi tiếng một thời, hiện nay ở hải ngoại có vẻ hoan hỉ với tin Bát Nhã bị nạn. Ông nói, Cho đáng kiếp thằng cha Nhất Hạnh.”

Không lên tiếng có nhiếu lý do, trong đó khôn ngoan và nhát sợ là hai mặt của một vấn đề. Tin nhà sẽ dẫn chứng cụ thể liên quan đến các vị lãnh đạo Thiên chúa giáo ở Việt Nam, nhất là nhân dịp Nguyễn Minh Triết sang Roma gặp Giáo Hoàng kỳ này.

Nhưng trước đó, Tin Nhà sẽ giới thiệu những khuôn mặt lãnh đạo Thiên chúa giáo bất khuất ở miền Bắc trước 1954 và đồng thời cho thấy sự “nhu nhược” của lãnh đạo Thiên chúa giáo sau 1954 như thế nào.

Đấy là một hình thức xám hối. Thưa các vị giám mục. Xám hối không chỉ nói chung chung một hai câu là xong đâu. Phải nói thành thật cho đến cùng sự việc.

Câu chuyện linh mục Phạm Hân Quynh được phong tước Đức ông – Biểu tượng cho tiếng nói bất khuất của giáo hội thầm lặng miền Bắc

Viết về Phạm Hân Quynh là viết thay cho những người làm thinh, viết thay cho hai người bạn của ông đã qua đời.

Bọn họ là 3 người cùng lứa tuổi, cùng chí hướng và cùng lớn lên trong hoàn cảnh đất nước giai đoạn 1945-50. Họ cũng là những người trực tiếp tham dự vào những ngày sôi bỏng của miền Bắc trước khi xảy ra chiến tranh đông Dương. Đó là Phạm Hân Quynh, Nguyễn Văn Thông và Nguyễn Ngọc Oánh.

Tương lai của giáo hội miền Bắc sau này đặt trên vai họ và họ sẽ thay thế chỗ của những linh mục người Pháp đã đến lúc phải nhường chỗ. Vì thế, cả ba đều được gửi đi du học. Một người đi Mỹ, hai người đi Pháp.

Khi đất nước chia đôi. Họ có thể chọn ở lại miền Nam như mọi người. Nhưng cả ba đều bỏ học, Phạm Hân Quynh về Bắc 1953, rồi đề nghị Giám mục (Gm) Khuê kéo hai người bạn cùng về. Thế rồi họ tình nguyện rủ nhau về miền Bắc phục vụ giáo hội. Họ biết nỗi hiểm nguy, họ biết những gian nan mà họ sẽ gặp phải. Nhưng họ vần về hy sinh theo lý tưởng đời họ đã chọn.

Trước khi đi du học, linh mục Nguyễn Văn Thông đã để lại những dòng bút ký sau đây, gửi gấm tâm sự và hầu như một cách nào đó, số phận của ông sau này đã bị định đoạt trước qua những trang bút ký sau đây:

“Đừng ai trách anh muốn trốn tránh cảnh khổ, đi tìm một chốn thanh bình. Không. Đời anh đã cống hiến. Nó sẽ ngừng, sẽ tắt nhanh chóng trước một viên đạn hay chết dần theo thời gian, nó vần là một đời cống hiến. Lâu hay chóng không hệ. Trước hay sau không lo. Nó vẫn là một đời cống hiến»

Trích: Tài liệu gia đình Nguyễn Văn Thông

Vâng nó sẽ chết dần theo thời gian với 23 năm tù dưới chế độ cộng sản.

Những dòng bút ký của linh mục Thông cũng có thể là tâm can của hai người bạn còn lại.

Cuộc đời của họ đã được vạch sẵn ngay từ những ngày tuổi trẻ cùng nhau leo núi.

Cả ba cùng lên đường.

Bút ký ghi tiếp:

“Những kỷ niệm ấy có nhẽ xa xăm, nhưng anh đã có dịp nhớ lại những giây phút: Trèo lên Đỉnh. Những đám bạn lên đường, họ cũng chung một ý định: Lên họ cùng chung một ý chí: mạnh tiến họ cùng đòng một lòng: liên đới cố kết với nhau để thắng gian lao, để vượt nguy hiểm để phấn khởi nhau, để nương tựa nhau lên.

Để rồi cùng tới Đỉnh.

Điều cần là tới Đỉnh là lên. Ai cũng phải gắng mà lên. Tuy những người cùng lên không cùng một nhiệm vụ.

Lên, ai cũng phải lên, nhưng có người vai phải đeo bị. Không có họ, trên kia lúc ở đỉnh đồi không nước uống cho khỏi khát. Không cơm ăn cho đỡ đói lòng. Có người chém cành rẽ lá làm lối cho cả đoàn cùng tiến dễ dàng, không đứt tay, không vướng gai góc.”

Đọc đoạn bút ký này, tôi có cảm tưởng nó thẫm ướt tinh thần hướng đạo và sẽ là kim chỉ nam vào đời của họ. Tiếc rằng sau này thanh thiếu niên chỉ được học tập theo gương bác Hồ nên nó mới ra nông nỗi này.

Nay thì còn lại có mình Phạm Hân Quynh, 83 tuổi ở cõi đời này. Hai người kia đã bỏ đi trước. Nguyễn Ngọc Oánh khi tôi ra thăm năm 2005 đã tặng tôi bản luận án tốt nghiệp MA về xã hội. Phải chăng đó là những kỷ niệm khó quên thời tuổi trẻ?

Cho đến khi nhắm mắt lìa đời, ông đã không dám nói nửa lời, hoặc viết nửa câu về hơn 20 năm quản chế. Khủng khiếp thay cái bộ máy công an quản lý con người?

Phần Phạm Hân Quynh, nay ông hưu trí tại xứ Đông Xuyên, Tiên Lãng, Hải Phòng vừa được vinh thăng chức Đức Ông. Khi nhận chức này, ông thừa biết đây chỉ là “một phần thưởng trễ” dành cho một người là nạn nhân của thời cuộc, nạn nhân có thể của Tây, nhất là Việt Minh và phần nào của chính Giáo Hội. Dầu vậy nhân dịp này, ông đã để lại câu nói để đời, đọc mà thấm lắm:

“Chức tước chẳng là cái gì. Mà phải sống cho đến chết, đừng chết khi đang sống.”

Ôi câu nói của “ông già gân” 83 tuổi, vẫn là một Phạm Hân Quynh thuở nào, vẫn là hòn đá tảng, vẫn cái trán bướng bỉnh ấy, vẫn ngược dòng, vẫn đầy dũng khí, khác hẳn Nguyễn Ngọc Oánh.

Ông được giám mục Trinh Như Khuê cử đi du học từ năm 1949-1953. Ông học tại Đại chủng viện Des Carmes, Paris cùng khóa với Jean-Marie Lustinger, sau này là Hồng Y và Tổng Giám mục Paris. Trong bài phỏng vấn trả lời nhà báo Yves Kerihuel, Nguyễn Ngọc Giao dịch, Ông cho biết cùng học với Hồng Y Jean-Marie Lustiger và hai người đã gặp lại nhau năm 1989 tại Paris và lần thứ hai vào năm 2006, một năm trước khi Hồng y từ trần.

Xem thêm bản dịch của Nguyễn Ngọc Giao trên diendan forum.

Nhiều dư luận của giới Thiên chúa giáo như Thông Tấn xã Thiên chúa giáo Việt Nam, Viet Catholic suy đoán rằng ông bị chính phủ Pháp trục xuất về Việt Nam vì chống Pháp và thân Việt Minh.

Xin trích dẫn Viet-catholic:

“Năm 1952, sau khi được phong chức linh mục tại Pháp, mặc dù cha rất muốn ở lại học lên tiếp, nhưng người Pháp đã ngầm trục xuất cha về nước. Vì họ đánh giá cha là loại linh mục đỏ. Khi về nước, cha làm thư ký tòa giám mục, là người giúp việc đắc lực cho Đức Cha Trịnh Như Khuê.”

Trích vietcatholic.net/News?Clients/Read Article.axps? ID=70018

Tôi không rõ Viet-catholic lấy nguồn tin đó ở đâu, nhưng tôi nghĩ điều đó không chính xác cần xét lại.

Trong thời gian ông được chính quyền cộng sản cho sang Pháp vào năm 1989, ông đã trả lời phỏng vấn của tác giả Trần Thị Liên về sự lựa chọn của ông ở lại miền Bắc thay vì miền Nam như sau:

“J'étais sur que les Francais seraient vaincus. Je l'ai d'ailleurs dit à Mgr Tu qui éatait en visite à la Fédération vietnamienne à Paris . Moi, je voulais vite rentrer au Viet Nam pour assurer une présence catholique dans un régime communiste. Pendant les quatres années passées en France, j 'en ai profité pour lire des ouvrages sur le marxisme et sur les régimes politiques des" démocraties populaires", pendant que mes condisciples lisaient des livres de théologie et de philophie. J'étais très proche des idées défendues par Nguyen Manh Ha.”

Tôi biết chắc là người Pháp sẽ thua trận. Tôi cũng đã nói với Đức cha Từ về điều đó khi ngài tới thăm Liên đoàn Việt Nam lúc ở Paris. Phần tôi, tôi muốn mau chóng về Việt Nam để bảo đảm một sự có mặt của Thiên chúa giáo trong một chế độ cộng sản. Trong 4 năm học ở Pháp, tôi lợi dụng thời gian đó để đọc những tác phẩm về Mác Xít và về những chế độ chính trị về" dân chủ nhân dân" trong khi các bạn bè linh mục của tôi lo đọc những sách về thần học hay về triết học. Tôi rất gần với những ý tưởng mà Nguyễn Mạnh Hà chủ trương.

Trích phỏng vấn Phạm Hân Quynh, Ivry, le 29/6/1989, Les Catholiques Vietnamiens pendant la guerre d'Inđépendance 1945-1954, Trân Thi Lien, trang 531.

Trong một đoạn phỏng vấn khác, ông nói rõ hơn về liên hệ với ông Ngô Đình Diệm như thế nào:

“Le père Phạm Hân Quynh alors actif dans le mouvement des étudiants catholiques en France et proche de Nguyen Manh Ha se rappelle l'appel de Ngo Dinh Diem à le rejoindre. Ce qui firent la plupart de ses confrères mi 1954 en descendant au Sud, alors que lui fut un des seuls à đécider de rester dans le Nord"

Trích phỏng vấn Phạm Hân Quynh, như trên, trang 519.

Lm Phạm Hân Quynh là người hoạt động tích cực trong phong trào sinh viên Thiên chúa giáo ở bên Pháp và rất thân với Nguyễn Mạnh Hà {sau này là bộ trưởng kinh tế trong chính phủ Hồ Chí Minh}, ông nhớ lại tthời kỳ đó, ông Ngô Đình Diệm đã kêu gọi sinh viên về hợp tác với ông, điều mà hầu hết cả các sinh viên đã nhận về nước và ở lại miền Nam, chỉ có cha Phạm Hân Quynh là người duy nhất quay trở về miền Bắc.

Linh mục Phạm Hân Quynh, nói theo kiểu Nguyễn Ngọc Giao trong Diễn Đàn Forum, là người 55 năm chuyên đi “ngược dòng”.

Chống Tây

Ông chống Tây thẳng thừng nên không chấp nhận hợp tác với chinh quyền Bảo Đại mà ông cho lá bài của Thực dân Pháp. Ông cũng không theo lời kêu gọi của ông Diệm để về miền Nam. Ông nghĩ trước tiên đến giáo hội miền Bắc là nơi cần sự có mặt mà ông biết chắc phải đương đầu.

Quyết định ở lại miền Bắc là một quyết định can đảm dễ mấy ai làm được. Ở lại miền Bắc không phải để theo Việt Minh mà để phục vụ giáo hội và đồng hành với giáo hội trong những gian lao thử thách sắp tới. Ông đã rủ thêm hai người bạn thân thiết của ông là Lm Nguyễn Văn Thông, học ở Lyon và Paris, Lm Nguyễn Ngọc Oánh học ở Mỹ. Hai Lm Thông và Oánh rủ nhau về miền Bắc phục vụ giáo phận Hà Nội vào những ngày áp chót của Hiệp định Geneva, ngày 21/4/1955.

Khi Lm Thông và Lm Oánh quyết định về Bắc thì họ đã ghé Roma, gặp Gm Sigismondi, phụ trách Thánh bộ truyền giáo hồi đó.Theo ý kiến của Gm Sigismondi thì hai người nên về Hà Nội vì tòa thánh còn duy trì tòa Khâm sứ ở miền Bắc. Riêng tại Paris, Lm Thông cũng đã hỏi ý kiến thày dạy là giáo sư Paul Mus, giáo sư ỏ Collège de France. Ông Paul Mus quen biết rất nhiều lãnh tụ đảng cộng sản Đông Dương và dự đoán sẽ không xảy ra những cuộc bách hại tôn giáo như ở bên Tàu. Mặc dầu vậy ông cho rằng nếu ở địa vị của ông, ông sẽ không về, nhưng đối với vai trò một linh mục truyền giáo thì lại khác. Ngoài ra, có trường hợp của cô Denise Léger, ở Paris 6ème, bạn thân của tất cả các linh mục như Trần Thái Đỉnh, Nguyễn Khắc Xuyên, Nguyễn Văn Thông ,v.v... Cô Denise nghe tin Lm Thông quyết định về miền Bắc thì đã quỳ xuống trước mặt van xin ông đừng về Bắc. (Trích LM Nguyễn Văn Thông, 1922-1991, tài liệu của gia đình.)

Sau này cả ba linh mục bị chính quyền cộng sản lưu đầy.

Lm Thông trên 20 năm tù, 4 năm ở Hỏa Lò, 8 năm trên trại “Cổng Trời”, Hà Giang, rồi chuyển trại về Lào Cay, quay lại Cổng Trời một lần nữa, rồi trở về thăm Hỏa Lò 18 tháng. Sau đó đưa về quản thúc tạI Thọ Cách, Ý Yên Nam Định. Tại Nam Định, ông không được ở trong làng mà ở một cái chòi chơ vơ ngoài đồng một mình. Thật ra tòa tuyên án ông 13 năm tù ở và 3 năm quản chế. Vậy mà cộng lại ở tù tất cả là 23 năm. Lúc ra tù, ông gần như phế vật nói năng đã không còn bình thường. Vào trong Nam thăm được gia đình vài tháng thì mất. Cả cuộc đời tuổi trẻ là ngồi trong tù.

Xin trích dần vài dòng lá thư đầu tiên liên lạc được với nhau sau mấy chục năm biệt tin tức:

“Sau nhiều năm xa cách, con chỉ có một ước mong: mau chóng về bên thày mẹ, để thày mẹ được vui lòng một chút và cả nhà được đôi phần an ủi. Vì từ bao năm qua, không ngày nào con nhãng quên thày mẹ và các anh, các chị em, các cháu trong gia đinh.

Nước nhà độc lập thống nhất, việc con được trở về với gia đình lại có bề thuận lợi hơn bao giờ hêt.”

Thư đề ngày 16/8/1975. 12 năm sau được thả ra tù; 3 năm sau nữa mới được vào thăm gia đình và lăn ra chết sau hai tháng vì đã kiệt lực .

Tôi nghĩ đên trường hợp Lm Lý mà xót thương và số phận chắc rồi cũng thế. Những người tù bất khuất trước bạo lực chỉ khi gần chết mới được thả về.

Số phận cha Quynh, Oánh cũng không hơn gì. Cả hai bị quản chế hơn 20 năm có lẻ. Cha Quynh cho biết trong giáo phận Hải Phòng, có 2000 giáo dân và linh mục bị nhà cầm quyền giam tù.

Cả địa phận chỉ còn sót lại có 3 linh mục.

Đó là những cuộc đàn áp khốc liệt mà sau này có nhiều ông quản xứ bị biệt giam trên trại “Cổng Trời” cho đến chết .

(Tôi mong muốn độc giả tìm đọc thêm hai bài ký của ông Kiều Duy Vĩnh: Cuộc tuyệt thực ở trại Cổng Trời và Đức Thánh Tử đạo thứ hai mà tôi gặp. Bài ký được đăng trên Thế Kỷ 21, đầu năm 1997.)

Lm Quynh bị quản thúc từ năm 1960, ông cho biết, “...trong suốt 28 năm trời, tôi hoàn toàn bị cô lập.” Mãi đến năm 1988, việc quản thúc mới chấm dứt.

Khi được phóng viên báo La Croix hỏi Lm làm thế nào để có thể sống còn sau những năm tháng bị biệt giam?

Lm Quynh trả lời vắn gọn, hiên ngang, đầy ý nghĩa, “Tôi cố sống thực thụ như một linh mục của Đức Ki Tô trước mặt kẻ thù.”

Sống trong lòng chế độ

Linh mục Quynh được cử làm đại diện tòa Giám mục liên lạc với Ủy Ban Liên Lạc Thiên chúa giáo do chính quyền cộng sản miền Bắc điều động. Ông cũng đã từng có cơ hội gặp Hồ Chí Minh. Vậy mà chỉ nửa năm sau, ông phải dời bỏ Hà Nôi về một vùng quê hẻo lán, thôn Xuân Hòa, huyện Tiên Lan, tại Hải Phòng.

Nguyễn Ngọc Giao trong bài viết Linh mục Phạm Hân Quynh, 55 năm “ngược dòng” đã hỏi, “Ai quyết định cho cha đi đầy như vậy, chính quyền hay giáo quyền?”

Ông cười hóm hỉnh, “Cả hai!”

Về điểm này, xin giải thích thêm cho rõ. TGM Trịnh như Khuê là một người rất sùng dạo, nhưng rất cổ, bảo thủ, nghiêm nhặt, khắt khe cứng nhắc trong luật lệ. TGM Khuê lại có xu hướng thân Pháp hơn Việt Minh.

Trong khi đó, Lm Quynh là linh mục trẻ, hấp thụ văn hóa Tây Phương. Tính rất trẻ, cười đùa tự nhiên, hơi “tếu”, bướng. Về chính trị thì tả khuynh, không ưa Pháp ra mặt, có cảm tình với Việt Minh.

Thật khó để hai người có thể làm việc chung lâu dài với nhau được. Cũng vậy, thật khó cho những người khác như Lm Đinh Lưu Nhân, cũng đi du học, nguyên giám đốc chủng viện Piô 12 được điều động về Nam Định.

Nhưng không vì thế mà nghĩ rằng giám mục có thể đầy đọa Lm Quynh đi một vùng xa côi hẻo lánh như thế! Điều này phần lớn chắc chắn là do sức ép của chính quyền cộng sản Hà Nội.

Và để chứng minh điều này thì đến năm 1960, họ đã quản chế và cách ly Lm Quynh trong suốt 28 năm.

Và theo Nguyễn Ngọc Giao nhận xét về những năm tháng tù đầy của cha Quynh:

“Trải nghiệm của ông là một nguồn cảm hứng, suy tư không phải chỉ cho người Ki Tô giáo, mà cho mọi người quan tâm đến vận mệnh dân tộc.”

Con người ấy theo Nguyễn Ngọc Giao ở cái tuổi không phải “gần đất xa trời” mà là “xa đất gần trời” vẫn tiếp tục đi ngược dòng khi ông trả lời phỏng vấn của Yves La Croix, ngày 22/6/2009 rằng:

“Giáo Hội không cần tiền hay đất đai mà “Phải xây dựng lại tâm hồn Ki tô của giáo dân Việt Nam”.”

Và để kết thúc phần này, xin trích dẫn lời Lm Quynh khi trả lời báo La Croix như sau:

“Từ 12 năm nay, mỗi tuần, khoảng 60 tín hữu nam nữ do tôi đào tạo đã đi ra các làng chung quanh để rao giảng phúc âm. Kết quả: 8000 người vào đạo và xin rửa tội (Không kể các cuộc hôn nhân hỗn hợp). Chúng tôi sắp xây một nhà thờ mới tại một làng cách đây 5 km. Mười hai năm về trước, làng này chỉ có 4 giáo dân, nay 800 người.

Tôi viết vắn tắt lại cuộc đời của ba vị linh mục ưu tú của giáo phận Hà Nội như một dịp để nêu một tấm gương can đảm, hy sinh cho lý tưởng, phục vụ giáo hội để gửi đến các giám mục, linh mục, tu sĩ hiện nay thấy đó mà suy nghĩ về vai trò linh mục của mình trong hoàn cảnh hiện tại.

Hoàn cảnh có khác, có nhiều thay đổi, nhưng không vì thế sao nhãng hoặc coi nhẹ trách nhiệm vai trò linh mục của mình như lời dặn dò của Lm Trọng trong hồi ký của ông sắp được phát hành trong tuần tới ở hải ngoại.

Thách đố sống còn của Đảng CSVN

Nguyễn Văn Lục

Tính chính thống chính trị: Một thách đố đối với sự sống còn của chính quyền CSVN hiện tại

Đã đến lúc cần nói thẳng với nhà cầm quyền cộng sản là họ đã mất tư cách là những người lãnh đạo Việt Nam. Và nói theo lý thuyết sách vở thì họ đã đánh mất tính chính thống chính trị của một nhà cầm quyền.

Còn đối với người dân trong nước qua vụ án chính trị “âm mưu lật đổ chính quyền” thì đã gián tiếp thừa nhận đã đến lúc phải lựa chọn một chính quyền mới không phải là cộng sản nữa.

Tòa án vừa kết thúc trong một ngày xử luật sư Lê Công Định bị 5 năm tù, các ông Nguyễn Tiến Trung, bị án 7 năm tù, Lê Thăng Long, 3 năm tù và và cả ba sẽ bị thêm 3 năm quản chế, và Trần Huỳnh Duy Thức nặng nhất bị 16 năm tù và 5 năm quản chế. Đó là bản án tiêu biểu của một chế độ dành cho những người bất đồng chính kiến.

Bản án đó cũng cho thấy con đường tranh đấu cho dân chủ còn phải được tiếp nối và còn dài.

Mọi người đều thừa hiểu rằng sự chọn lựa tranh đấu của các thanh niên trí thức trẻ nêu trên có cái giá phải trả. Nghĩa là còn phải tranh đấu, còn phải can đảm lên tiếng, còn phải hy sinh ngay cả bị tù tội để đạt mục đích. Tranh đấu dân chủ không phải là một món quà tặng không. Vì thế, không dễ dầu gì có thể đạt được kết quả mong đợi như Edouart Herriot đã viết, “La démocratie est une bonne fille, mais pour qu’elle soit fidèle, il faut faire l’amour avec elle tous les jours.” Dân chủ là một cô gái tốt, nhưng muốn cô trung thành thì hằng ngày phải ân ái với cô ấy.

Câu nói phải ân ái với cô ấy chỉ là một cách nói ẩn dụ có nghĩa là phải tranh đấu từng ngày, từng giờ không mệt mỏi.

Thật vậy, mỗi ngày mở mắt ra lên mạng là thấy ngổn ngang những vấn đề ở Việt Nam. Nào là kinh tế, xã hội, chính tri, đời sống giáo dục. Mà tuyền là những vấn đề sai trái, tiêu cực, dối trá, thủ đoạn gian manh, pháp luật tùy tiện.

Mở mắt ra là thấy chính quyền cộng sản hiện ra như một ác mộng.

Không có một vấn đề gì, dù nhỏ nhặt ở Việt Nam mà không trở thành vấn đề và hầu như vô phương giải quyết.

Chính quyền hiện nay càng bám vào đảng, càng củng cố đảng càng xa dân tộc, càng tách rời quần chúng.

Đó là một chính quyền mạo xưng chính quyền của Nhân Dân mà không có Nhân Dân.

Vì thế, đảng cộng sản phải chuyển hóa hay là chết.

Theo giáo sư Carlyle A. Thayer, có ba thách thức lớn đặt vấn đề tính chính đáng chính trị của chính quyền cộng sản hiện nay mà người viết xin được triển khai một cách cụ thể sau đây.

Thứ nhất là vụ Beauxite

Quặng Beauxite của Việt Nam trữ lượng đứng thứ ba trên thế giới với ước luợng 8 tỉ tấn quặng. Đó là một tiềm năng kinh tế chiến lược được quyết định trong nội bộ đảng từ năm 2006. Chính quyền mới đầu chỉ nhận được những ý kiến “những bày tỏ”, “những nguyện vọng” của giới trí thức và chuyên viên đặt ra cho chính quyền trong việc khai thác quặng Beauxite này. Họ đưa ra các vấn đề như khả năng nắm vấn đề của chính phủ khi có quyết định cho phép khai thác Beauxite. Tiếp đến, người ta nghì ngờ tính khả thi khai thác, sau đó họ lo ngại các vấn đề môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của dân chúng. Hình ảnh ghê rợn về những “bụi đỏ” và “bãi bùn đỏ” được tung lên mạng.

Dân chúng bắt đầu hoảng sợ. Ở đây mới cho thấy rõ được sức mạnh truyền thông như thế nào trong khi chính quyền thì cố bưng bít.

Cuối cùng các chuyên viên kinh tế còn đặt thẳng cả vấn đề lợi nhuận về lâu về dài trong các dự án khai thác Beauxite này.

Trước những thông tin khách quan như thế và được sự đồng tình của đa số dân chúng, xem ra chính quyền cộng sản đuối lý, mất tính chính đáng chính trị.

Nhà nước thay vì chiều theo dư luận của dân chúng đã “ngoan cố” bằng cách “cứ làm”, bất chấp dư luận, dùng quyền lực cứng như áp đảo, ngăn chặn thông tin, kiểm duyệt báo chí thay vì quyền lực mềm để thương thảo, nhân nhượng.

Đối với chính quyền, đây là vấn đề quốc gia đại sự, một kế hoạch phát triển kinh tế đã được quyết định và không thể có vấn đề quyết định lại chính sách, đường lối sau đại hội 10, tháng tư 2006.

Từ chối ngồi xuống thảo luận, bất chấp sự lên tiếng phản đối của giới chuyên viên, coi thường dư luận đã dần dần biến những “đề nghị” trở thành một “áp lực chính trị” với sự vào cuộc của báo chí và nhiều khuôn mặt chính trị. Đặc biệt là sự chống đối của đại tướng (về hưu - DCVOnline) Võ Nguyên Giáp vào tháng giêng, 2009 với ba lá thư gửi lên chính quyền.

Rồi nhân dịp kỷ niệm 55 năm Điện Biên Phủ, một lần nữa, ông đã cảnh cáo chính phủ là kế hoạch khai thác Beauxite tại cao nguyên là một địa điểm chiến lược liên quan đến an ninh và quốc phòng của VN nên không thể để người ngoài đặt chân vào.

Vấn đề Beauxite mới đầu là vấn đề môi trường nay mang một chiều kích lớn đến sự an nguy của đất nước.

TT Thích Quảng Độ cũng vào cuộc tuyên bố, “Dự án Beauxite chỉ cho thấy sự lệ thuộc của nhà cầm quyền vào Trung Cộng.” (AFP, 2009).

Hồng Y Phạm Minh Mẫn cũng lên tiếng tiếp theo phản đối dự án làm nguy hại đến môi sinh, môi trường và kêu họi giáo dân tẩy chay dự án này.

Nhà nước trả đũa bằng cách ngăn chặn tất cả báo chí không được đả động đến Beauxite, điển hình là tờ Vietnam net.

Vấn đề khai thác Beauxite trở nên mghiêm trọng hơn đặt thành vấn đề chủ quyền đất nước khi mà người dân biết rằng công ty CHALCO của Trung Quốc đã hợp tác với công ty VINACOMIN của VN để khai thác quặng Beauxite. Nay có hàng ngàn nhân công Trung Quốc tràn sang Việt Nam với số tiền đầu tư lên tới 1 tỉ 600 ngàn đô la với hai kế hoạch, một tại Nhân Cơ, Dak Nong và một tại Tân Rai, Lâm Đồng .

Và để cụ thể hóa việc chống lại những quyết định của nhà nước, một nhóm trí thức đã cho ra đời mạng Beauxite vào tháng 5/2009 với sự tham gia của các chuyên viên về môi trường, các nhà khoa học, giới trí thức đủ thành phần, các cựu sĩ quan quân đội. Mạng lưới điện tử Beauxite mau chóng trở thành mạng lưới có đông đảo số người vào đọc nhất ở trong nước.

Nay thì nó trở thành một phong trào phản kháng có tầm mức quốc gia không phải chỉ là vấn đề môi sinh, môi trường nừa. Nó đặt vấn đề chủ quyền, vấn đề tính chính đáng chính trị về những quyết định của nhà cầm quyền cộng sản.

Phong trào phản kháng đã lan rộng chẳng những ở trong nước mà cả ở Hải ngoại mà đặc biệt là thành phần trí thức thường được gọi là thành phần thứ ba. Người viết nhận thấy rõ điều này là Kỳ Hội Nghị Việt Kiều cũng như Hội Nghị Quốc tê về văn học VN xuất khẩu vắng bóng các khuôn mặt trí thức thành phần thứ ba tham dự.

Mới đây nhất, trang mạng Beauxite bị phá phách và những người chủ trương như ông Nguyễn Huệ Chi bị hạch hỏi và bị khám xét nhà cửa.

Sự phản kháng này là chính đáng, có cơ sở khoa học, có pháp lý nên nhà nước cầm quyền không đủ lý do để bắt cầm tù những thành phần bất đồng chính kiến này. Hơn nữa họ vốn có vai vế chính trị, có uy tín cá nhân mà việc bắt giữ cầm tù không phải là dễ.

Vì thế báo chí, đài phát thanh, các cơ quan truyền thông chọn thái độ im lặng, tránh né nói đến Beauxite.

Vụ đòi đất của giới Thiên Chúa giáo

Vấn đề Beauxite và vấn đề đòi đất của giáo hội Thiên Chúa giáo giáo là những vấn đề riêng rẽ, không liên quan gì với nhau. Có thể nói vấn đề tài sản và đất đai của giáo hội Thiên Chúa giáo là vấn đề “muôn thuở” gây ra những mối căng thẳng không tháo gỡ đươc từ trước đến nay. Kể từ 1954 đến 2009, nhà nước cộng sản đã chiếm dụng 2250 tài sản đất đai của Giáo Hội Thiên Chúa giáo. Và nay khắp nơi xảy ra những tranh chấp, đối đầu đến đổ máu. Từ vụ đất tòa khâm sứ, đất Thái Hà, đất Tam Tòa, Đồng Hới gây ra những vụ biểu tình phản đối nhà nước khắp nơi lây lan đến các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Giáo dân biểu tình bất bạo động, thắp nến cầu nguyện, có nơi tập trung đến 200.000 ngàn giáo dân như như Ở Vinh, Nghệ An.

Tất cả sự phản đối của giáo dân diễn ra ở nhiều nơi, đồng loạt, cùng một phương thức hành động, có tổ chức, có kỷ luật, có lãnh đạo. Các cuộc biểu tình có tổ chức, có sắp xết từ nhiềy nơi kéo về tập trung tại một địa điểm có khi lên đến con số trăm ngàn người là điều chưa hề từng xảy ra trong suốt lịch sử giáo hội Thiên Chúa giáo cũng như đối với chính quyền cộng sản.

Việc đòi đất của giáo hội năm 2009 thách đố đến thẩm quyền chính trị của chính quyền cũng như tính chính đáng của chính quyền ấy.

Phần Nguyễn Tấn Dũng căn cứ vào các luật về đất đai chiếm hữu từ năm 2003 tuyên bố không xét bất cứ trường hợp đất đai nào đã bị chiếm dụng. Đúng như Cartyle A. Thayer nhận định, “And State has not concede any ground on the matter of legal ownership of land confiscated years ago.” (Trích Political Legitimacy of Viet Nam’s One party-State: Challenge and responses, Cartyle Ạ Thayer, Journal of Current Southeast Asian Affairs, xem bài viết trong Viet-studies, Tran Huu Dung.)

Vụ đòi đất khác hẳn vụ Beauxite về nhiều mặt, về mục đích cũng như về quyền lợi. Beauxite chỉ là những phản đối trên mạng do một nhóm trí thức lên tiếng nhân danh lợi ích của quốc gia, dân tộc. Việc đòi đất diễn ra trực diện đối đầu giữa đám đông dân chúng và lực lượng công an. Chỉ cần một hai trường hợp gây tử thương cho giáo dân thì người ta sẽ không tiên đóan được điều gì sẽ xảy ra sau đó. Vụ đòi đất dựavào sức mạnh quần của đám đông không đễ để cho nhà cầm quyền áp đảo

Trong khi đó nhà cầm quyền từ Trung ương đến địa phương dùng các phương tiện truyền thông, báo chí, đài phát thanh ra rả ngày đêm bôi bẩn, vu khống, các cấp lãnh đạo Thiên Chúa giáo. Đây là một chiến dịch tuyên truyền, bôi bẩn chỉ xảy ra ở các nước độc tài đảng trị.

Nhưng nhà nước không thể nào không giải quyết việc đất đai, tài sản của Giáo hội Thiên Chúa giáo mà bỏ qua tính cách lịch sử của những mảnh đất lâu đời ấy. Rõ ràng việc trấn áp bằng bạo lực pháp lý bị đưa ra tòa, bằng bôi nhọ trên báo chí truyền hình là chỉ có hại mà không có lợi. Cái hại ấy người viết bài này hình dung ra chẳng khác gì họ cầm cái ly pha lê đập nát xuống sàn đá hoa vậy. Nó vỡ ra rồi, nó đập tan mọi căn bản pháp luật như quyền tự do ngôn luận và quyền phản biện.

Những mảnh vỡ thủy tinh trở thành những mảnh sắc nhọn đối kháng của một đa số dân chúng đủ thành phần ở một bên và phía bên kia là chính quyễn cộng sản.

Những vụ Thái Hà và mới đây vụ Đồng Chiêm cũng như vụ Bát Nhã là nhừng vấn đề địa phương nay trở thành vấn đề đối đầu giữa tôn giáo và chính phủ mang tầm mức quốc gia và quốc tế nữa. Từ vấn đề nhỏ của địa phương biến thành một cao trào phản kháng là trách nhiệm của ai?

400 tăng ni ở Bát Nhã, những giáo dân ở chốn nhà quê nhà mùa như Đồng Chiêm chẳng những là những công dân tốt lành mà còn là những người có đời sống đạo hạnh tiêu biểu nếu không nói là những thành phần ưu hạng về phẩm chất đạo đức xã hội VN bây giờ.

Vậy mà đối xử với họ như thể họ là bọn côn dồ, đạo tặc đến nỗi phải đánh đập, xua đuổi, gây thương tích? Đồng thời dối trá, tránh trách nhiệm vu cáo là do nội bộ Phật giáo tranh chấp với nhau.

Họ thừa biết họ nói dối mà vẫn cứ nói dối. Họ dẫm đạp lên dư luận. Họ mất ý thức về quyền tự do dân chủ nên mới hành xử như vậy.

Nhà báo Ngô Nhân Dụng phẫn nộ tố cáo, “đó là một chính quyền côn đồ.”

Thật vậy, chỉ nhìn hết phát ngôn viên Phan Thúy Thanh, Lê Dũng rồi bây giờ đến lượt nhìn cái miệng xinh đẹp của Nguyễn Phương Nga, nói dối leo lẻo trên đài truyền hình VN là tôi thấy “bức xúc” rồi. Cô nói dối như một cái loa, một cái máy nói. Đàn bà thiếu gì nghề làm danh giá, hái ra tiền đâu cần dùng cái miệng (nói dối) để nuôi thân? Tôi kiếm loanh quanh xem có cái gì có thể nhét vào cái miệng xinh đẹp của cô để cô im tiếng mà chưa kiếm ra được.

Phần chính quyền, cứ tiếp tục xử dụng quyền lực cứng rắn một cách không cần thiết thay vì tìm kiếm sự hòa giải, sự tin cẩn của người dân.

Hết Thái Hà này thì sẽ có Thái Hà khác, Đồng Chiêm khác.

Sự đàn áp thẳng tay đối với giới bất đồng chính kiến và các Bloggers

Kể từ 2006-2009, một số người trẻ bất đồng chính kiến, một số vốn lớn lên và trưởng thành trong chế độ XHCN nay đặt vấn đề quyền tự do tư tưởng đối với chính quyền cộng sản.

Điều đó chỉ ra rằng không phải chỉ có người Việt hải ngoại là thành phần “chống cộng” Chính những người trí thức trẻ đã tự nhận ra rằng chế độ độc đảng là điều không thể chấp nhận được. Vì thế, tính cách độc đảng của chính quyền cộng sản trở thành mục tiêu tranh đấu hàng đầu của các thành phần bất đồng chính, các nhà hoạt động chính trị và các bloggers. Họ chỉ trích chính quyền quyết định độc đoán trong vụ Beauxite, trong vấn đề nhân nhượng Tàu ở các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, vấn đề tham nhũng của quan chức nhà nước.

Vào năm 2009, ước tính có khoảng 30 người bất đồng chính kiến trong bọn họ bị bắt giam trong đó có 4 bloggers nổi tiếng. Và khi tôi đang ngồi viết những dòng này thì 4 người trong bọn họ đã nhận lãnh những án tù từ 5 năm đến 16 năm tù.

Đó là các người trẻ như Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định, Lê Thăng Long, Trần Huỳnh Duy Thức.

Tin Reuters mới nhất từ Tp. HCM vào sáng thứ tư cho hay luật sư Lê Công Định, 41 tuổi bị kết án cũng với ba người khác là có mưu toan lật đổ chính phủ Ông nhìn nhận đã có liên lạc điện thư với những thành phần bất đồng với chính quyền cộng sản ở nước ngoài. Ông nhìn nhận rằng đảng dân chủ mà ông là thành viên chủ xướng đa nguyên chính trị và nhìn nhận đã vi phạm điều 79 của hiến pháp. Một điều luật mà nội dung rất mơ hồ đến độ muốn bắt tù bất cứ ai cũng có thể được.

Một nhà ngọai giao nói, “Đây là một phiên tòa vô dụng. Một phiên tòa chuột nhục nhã.”

Tại sao họ thẳng tay đối với những người bất đồng chính kiến một cách không khoan nhượng như vậy?

Họ làm như vậy, vì biết rằng đằng sau những thành phần trẻ này không có thế dựa của quần chúng. Hôm nay, không thấy một tờ báo nào của chính quyễn đăng tải những tin tức liên quan đến 4 người bất đồng chính kiến phải ra tòa. Họ ra tòa đơn độc đối chất với thế lực của bạo quyền khác hẳn 8 bị can trong vụ Thái Hà có hằng vài ngàn người đứng ngoài tòa án hỗ trợ họ.

Nam Nguyên, phóng viên RFA thì dư luận báo chí tại Việt Nam khá im lặng. Được phỏng vấn, ông Nguyễn Quốc Thái, trước 1975 là một sinh viên tranh đấu, nay là Tổng Thư Ký báo Doanh Nghiệp cho biết:

“Báo chí ở Việt Nam theo quy chế khác với các nước có báo chí tư nhân. Tất cả báo chí Việt Nam đều là của một cơ quan nào đó của nhà nước. (...) Cứ để phiên xử diễn biến như thế nào thì báo chí sẽ thông tin đúng diễn biến phiên tòa đó.”

Một nhà báo được dấu tên thì nói khác:

“Trong giao đoạn trước Đại Hội Đảng lần XI, bảo đảm an ninh xã hội chính trị là ưu tiên, mọi mầm mống dù chỉ nhỏ như móng chân con vi trùng cũng được giải quyết rốt ráo.”

Họ đưa ra những bản án nặng nề đối với các trí thức này nhằm cảnh cáo những đối tượng khác.

Dù gì đi nữa thì đây vẫn là những bản án dựng sẵn.

Một người bạn của Nguyễn Tiến Trung, cô Hoàng Lan phát biểu trên BBC về Cảm Nghĩ Trước phiên tòa:

“Họ là những gương mặt có thể nói là tiêu biểu cho ba thế hệ khác nhau, có những hy sinh và đóng góp cho đất nước cũng như đều mang khát vọng xây dựng một Việt Nam giàu mạnh.”

BBC, thứ ba, 19/1/1010

Phần chính quyền, cứ tiếp tục xử dụng quyền lực cứng rắn một cách không cần thiết thay vì tìm kiếm sự hòa giải, sự tin cẩn của người dân.

Một thể chế, một chính quyền mà được sự tín nhiệm của người dân thì đó là một tài nguyên vô giá. Nhưng nếu chẳng may, chính quyền ấy mất lòng dân thì chính quyền trở thành cai ngục cho một nhà tù rộng lớn, trở thành gông cùm xiềng xich cho toàn thể dân chúng.

Tiếc thay, chính quyền cộng sản hiện nay đã đánh mất cái tài nguyên vô giá ấy. Giới trẻ, sinh viên thờ ơ. Giới trí thức bất mãn phản biện. Giới nông dân, thợ thuyền ẩn nhẫn, chịu đựng. Phật giáo, Thiên Chúa giáo chống đối. Ngay cả giới quân nhân và đảng viên cũng chán nản. Giới trí thức thiên tả hải ngoại có nhiều dấu hiệu đổi chiều thể hiện rõ nét trên các trang báo điện tử.

Chính quyền cộng sản hiện nay bị cô lập trở thành mục tiêu đối kháng của toàn thể dân chúng.

Phần đông dân chúng chán nản đến không thiết nói nữa. Chính người viết nhiều khi cũng rơi vào tâm trạng chán “không muốn nói nữa”.

Tinh thần ấy nói chung giống như hình ảnh tiêu biểu trong cuốn sách của bà Barbara Demick: Nothing to envy nói về 23 triệu dân đang sống khốn cực ở Bắc Hàn.

Nothing to envy! Cộng sản Việt Nam, nothing to envy.

Trong dài hạn, khủng bố, tra hỏi, trừng phạt, tù tội không phải là giải pháp tối ưu cho một nhà nước muốn ổn định. Thật ra sức mạnh nằm ở lẽ phải và sự thuyết phục chứ không nằm ở cái dùi cui cảnh sát. Joseph Nye, giáo sư đại học Harvard, người chủ trương chính sách Quyền lực mềm (Soft power) khẳng định rằng, “Chìa khóa sức mạnh mềm là lòng tin”.

Ông lấy ví dụ rất đơn giản, trên sàn nhảy. Một người đàn ông có thể nài ép một cô gái nhảy với mình, nhưng nếu ông làm thế nào để cô gái ưng thuận nhảy thì hay biết mấy.

Ông nói tiếp, “Sức mạnh mềm như một điệu nhảy, phải có đối tác.”

(Trích tóm lược: Thông điệp đọng lại từ chuyến thăm của Joseph Nye, Tuan Viet Nam. Net. Joseph Nye, tác giả cuốn The means to success in world politics, 2005)

Chân lý đơn giản như thế mà mấy ai hiểu và áp dụng được. Nguyễn Tấn Dũng không học được. Chính quyền cộng sản không học được. Lời nhắn nhủ của Josph Nye trở thành vô ích.

Khi xử dúng bạo lực một cách không chính đáng thì tự nó chính quyền mất chính nghĩa.

Bạo lực, đàn áp bằng “luật rừng” đẩy dân chúng vào thế thụ động, tiêu cực bất hợp tác. Bài học tiêu cực ấy đã được Đào Duy Anh trích dẫn lại trong Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí của Phan Huy Chú như sau, “Như nhà nước đòi sơn thì dân chặt cây đi, nhà nước đòi vải lụa thì dân phá khung dệt, đòi gỗ thì dân quẳng búa rìu, đòi tôm cá thì dân xé lưới.”

Phản ứng tiêu cực ấy nay là “sự phá rào”.

Phá rào đạo đức, phá rối trật tự học đường, phá rối trật tự xã hội trong tình thần “Sống chết mặc bay”.

Nhà nước bất lực, tìm cách siết chặt hơn nữa. Cánh bảo thủ trong Đảng sẽ thắng thế. Hiện nay, Nguyễn Tấn Dũng vừa đưa ra một lô biện pháp trấn áp bạo lực nhằm kiểm soát báo chí và doanh nghiệp sau đây:

‒ Việt Nam phải có một tập đoàn truyền thông mạnh: Mạnh có nghĩa là cùng với Ban Tuyên Giáo Trung Ương lãnh đạo, quản lý báo chí thật tốt”. Tốt, có nghĩa là “những thông tin không có lợi cho đất nước, cho dân tộc thì không đưa.” Đây là cái giây thòng lọng thắt cổ truyền thông, báo chí.

‒ Lập tổ chức đảng cho các doanh nghiệp tư nhân. Theo Trần Lưu Hải, phó tổ chức Trung ương nói: “Đó là liều thuốc tốt cho doanh nghiệp.” Đây là sự xen lấn vào nội bộ các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nhiều chủ doanh nghiệp nước ngoài nói thẳng rằng khi vào đầu tư ở tỉnh, họ chỉ biết có Ban quản lý KCX-KCN, trong giấy phép đầu tư không có điều khoản nào quy định về việc này. Trong tương lai, vốn đầu tư ngoại quốc sẽ chậm lại vì sự có mặt của tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp.

Theo như phân tích trên thì chính quyền cộng sản VN hiện nay mất tính cách chính đảng chính trị của một chính quyền được lòng dân rồi.

Họ phải rút lui, nhường chỗ cho một chính quyền mới, một chính quyền mà theo báo chí Ba Lan gọi là, “Viet Nam trở thành Ba Lan của Châu Á.”

Bao giờ Việt Nam phía trước là bầu trời cho Việt Nam vươn lên? Vài thập kỷ trước Trần Dần cũng đã hy vọng như thế, “Tôi khóc những chân trời không có người bay, lại khóc những người bay không có chân trời.”

Tiếng khóc thứ nhất của Trần Dần, xin dành cho Đảng Cộng sản VN hiện nay và tiếng khóc thứ hai xin dành cho bất cứ ai từ những sinh viên đến dân nghèo của VN .

Nhìn cây thấy rừng

Tôi có hai đứa cháu nội. Chẳng nhiều nhặn gì so với người khác. Dầu vậy, chúng là điểm chuẩn (point de repère) cho tôi nhìn và so sánh với thế giới bên ngoài. Từ hồi chúng bắt đầu “cắp sách đi học”, tôi cũng bắt đầu học được nhiều thứ lắm.

Thật ra, tôi xin sửa lại cho đúng kẻo oan cho các cháu. Chúng nó chỉ có cái “bề ngoài” đi học. Đứa nào cũng đeo lủng lẳng một cái cặp nặng sau lưng, to bằng một phần tư thân hình.Thằng nhỏ đi đứng khệnh khạng làm ra quan trọng lắm. Kỳ thực trong đó chỉ có bánh mì, trái cây và nước trái cây.

Mang tiếng là nó đi học mà như thể đi chơi. Đến trường thì cô giáo phát cho dụng cụ như các loại bút chì mầu, tha hồ “vẽ bậy vẽ bạ” cái gì nó nghĩ ra được.

Vậy mà chúng “tiến bộ” từng ngày. Cả hai làm bố mẹ chúng ngạc nhiên. Trường học đã làm thay đổi ngay cả từ cử chỉ chào hỏi, cách đối đáp, biết mừng ngày lễ của mẹ, mừng sinh nhật, v.v... Trường xem ra không dạy gì cả mà dạy rất nhiều. Chưa kể chúng nói “sành sõi” đúng giọng tiếng Pháp không giống cái giọng cứng cỏi như ông nội nó. Điều ngạc nhiên là đến trường, chúng phân biệt chữ nào là tiếng Pháp cô giáo nói và chữ nào là tiếng Việt, bố mẹ nó nói. Có lần, tôi lười, uống xong lon bia, tiện tay quẳng cái vỏ lon bia vào thùng rác. Nó thấy được, “bắt quả tang” ông nội làm bậy. Nó nói, ông nội, ra dấu không bằng lòng rồi nắm tay tôi lôi ra phía thùng rác, bắt lấy lon bia vứt vào một thùng nhựa đề Recyclage (Recycle) gần đó. Xấu hổ quá. Tôi muốn nhờ họa sĩ Ba Bụi giúp vẽ cái cảnh cháu tôi, nó bắt tôi lượm vỏ lon bia để vào thùng Recyclage gửi cho thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Chẳng bao lâu sau thì tôi đâm nghi ngờ hình như chúng nó biết nhiều thứ lắm. Nhất là cháu gái lớn 6 tuổi. Nó biết cả những vấn đề mà Nguyễn Tấn Dũng cũng “mù” không biết, như vấn đề môi sinh, môi trường. Thật ra chẳng dám so sánh, nhưng cực chẳng đã phải nói thẳng vậy thôi. Nhưng tương lai Việt Nam mà rơi vào tay một người lãnh đạo vô học thì chỉ có chết. Nay ông Thủ tướng lại phát động thành lập những tổng công ty trọng điểm do nhà nước quản lý là thêm một bước lùi nữa. Chẳng bao lâu nữa, những công ty như đóng tầu thủy, Hàng không Việt Nam, dầu hỏa, điện lực, các ngân hàng sẽ là những ổ thụt két, ổ tham nhũng, làm ăn lỗ lã thất thoát vốn nhà nước.

Đất nước không khá được khi trao vào tay những kẻ cầm quyền ít học.

Hiện nay, 8 triêu dân Sài Gòn đang sắp sửa đua nhau mua áo tắm và học bơi trên một hồ tắm thiên nhiên trải dài trên khắp các quận huyện. Lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh báo động Sài Gòn sẽ bị ngập lụt khi có mưa lớn và khuyên nên chuẩn bị đối phó bằng cách tập bơi để tránh khỏi chết đuối. Có lẽ hơn ba chục năm nay, không có lãnh đạo nào tồi tệ, bất nhân, lì lợm như nhóm lãnh đạo hiện nay từ Trung Ương tới địa phương.

Đất nước có nguy cơ bị kéo sụp đổ.

Tuy con cháu tôi đã có chút hiểu biết về môi sinh, môi trường, nhưng vẫn chưa nói được hai chữ bô xít...

Còn computer thì khỏi nói. Chẳng ai dậy nó mà mới tý tuổi đầu, tự nó vào “gõ loạn lên.” Xem ra nó nắm được nguyên tắc, những “nguyên lý” của computer mà sau này nó sẽ qua mặt tôi dễ dàng.

Chúng đúng là những đứa trẻ. Chúng có tuổi trẻ của nó.

Có nghĩa là sống hồn nhiên, vô tư. Ai cũng phải nhìn nhận trẻ con Việt Nam sống ở nước ngoài sướng thật. Chúng là niềm hy vọng trước cả niềm hy vọng.

Nhưng cái vương vấn của tôi là cứ nhìn đến các cháu bên này hay đọc tài liệu phía Việt Nam và Trung Quốc liền nghĩ đến các trẻ bên Việt Nam.

Chúng không được cái cơ may sống như một đứa trẻ hải ngoại và nói một cách nghiệt ngã như nhà văn Lu Xun, nhà văn lớn Trung Hoa của thế kỷ 20, đã dự đoán tương lai những đứa trẻ Trung Hoa rằng: “Trước khi đứa trẻ mở miệng nói, người ta đã cho là nó lầm lỗi rồi.” Điều đó, áp dụng cho cả những đứa trẻ đã trưởng thành như các anh luật sư Luật, Định. Họ đã dùng cả bộ máy công an khổng lồ của nhà nước để trấn áp một thanh niên trẻ tuổi bắt nhận tội trước cả khi tòa xét xử. Cái nỗi nhục không phải từ phía luật sư Lê Công Định mà từ phía những kẻ man rợ trấn áp anh.

Khi các anh ra tòa thì xin các anh nhận thêm một tội này, tội lớn nhất: Đó là tội đã trót sinh ra làm người Việt Nam sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa... Các anh đang sống ở một nơi mà bộ máy quản lý con người (La machine humaine) thuộc loại tàn độc và bạo hành khủng khiếp nhất với hơn 3 triệu cán bộ. Các anh chỉ có thể hiểu được tại sao tôi nói thế, khi các anh đã sống ở các nước thế giới tự do.

Cứ mỗi lần nghĩ tới cháu tôi hoặc các trẻ em bên này, tôi không thể không chạnh lòng, than thở với vợ. Cô ấy gạt đi và nói, “thây kệ họ, mình ở đây hơn 30 năm rồi, mình làm gì được?”

Đúng vậy, nhưng chỉ vì một lẽ là mình còn có một trái tim.

Trẻ em Việt Nam chúng không có cơ may làm người. Ngay dù hiện tại chúng là một đứa trẻ thì đã gánh trên vai trách nhiệm nặng nề của một tương lai nghiệt ngã sắp tới.

Bỏ ra ngoài lề những đứa trẻ chẳng may số phận bất hạnh như mồ côi, lạc loài sống chung giữa những đống rác hay mới 5 tuổi đầu mà mẹ đã bắt đi ăn mày, hoặc 13, 14 tuổi đã bị gả bán cho ngọai kiều. Những sự bất hạnh ấy giống như những hạt cát trong hằng hà những hạt cát trên bãi biển, bị sóng xô đẩy, vùi dập rồi còn bị những bước chân con người vô tình thản nhiên dẫm lên.

Nhưng ngay cả đa số những đứa trẻ được ăn học thì số phận chúng cũng bị dập vùi đủ thứ bất hạnh. Chúng đang sống ở một nơi mà quyền sống, quyền làm người không có gì bảo đảm. 83 triệu người cúi đầu khiếp sợ trước hơn 3 triệu đảng viên. Luật lệ là do họ, bắt bớ tù đầy là do họ. Kết quả đó là một xã hội còn ở tình trạng thô thiển (simple), khép kín như một trại súc vật hay một thứ trại lính (système encaserné). Ở bên Tầu, một tỉ 300 triệu người cũng cúi đầu khuất phục trước 64 triệu đảng viên đang làm mưa làm gió như vậy.

Ở Việt Nam cũng như bên Tầu, chính trị có mặt khắp nơi. Nó có mặt trên những tấm biểu ngữ người ta đọc được như: Mừng Xuân, mừng Đảng. Tôi đã đọc được những biểu ngữ như thế trên đường phố Sài Gòn và Huế. Tôi buồn cười mà chua chát. Khắp nơi đều có các phường Văn hóa mà vô Văn hóa. Loa phóng thanh còn tồn tại khắp nơi, ngay cả thành phố Hà Nội và cộng vào đó hơn 600 tờ báo đủ loại, chưa kể đài phát thanh, vô tuyến truyền hình.

Chỉ cần có một biến cố gì đó như vụ Thái Hà là vang vang khắp nơi như bầy chó sủa.

Họ át tiếng người.

Họ như những sợi dây trời. Có những sợi vu oan, sợi dối trá, sợi trói tay người, sợi tra tấn, sợi hù dọa. Chỉ thiếu sợi tình người, sợi chia sẻ.

Họ gần như mỗi ngày đi xa khỏi giống người.

Trong tinh thần đó, hy vọng gì có một Thiên An Môn thứ hai xảy ra trên đất nước Tàu, Và dĩ nhiên cả ở trên đất nước Việt Nam nữa.

Một ngày mùa đông trên quảng trường Thiên An Môn. Hôm đó vào một ngày có trời tuyết. Một người cha dắt con đến đó và đắp một tượng người bằng tuyết cho con chơi. Một người lính đến và dùng chân đạp sập tượng người tuyết và nói rằng: Ở quảng trường này không có chỗ cho người tuyết. Đứa trẻ khóc thút thít.

Người tuyết không có quyền được có mặt trên quảng trường, trẻ con cũng vậy và ngay cả một chút mơ mộng của một đứa trẻ cũng không có nốt.

Cứ nhìn cây thì biết rừng như thế nào. Vì thế cây không thể nào che dấu được rừng.

Ngay từ tuổi thơ, trẻ em Việt Nam đã bị dập vùi học với thi cử. Chưa kể chẳng may bụng dạ không tốt, muốn đi ị cũng không xong, vì trường học không có cầu tiêu, hay cầu tiêu quá dơ bẩn. Sao mà khốn khổ thế.

Một nhà báo Pháp, ông Éric Meyer trong cuốn sách nhan đề: Sois riche et tais-toi! Portrait de la Chine d’aujourd’hui. (Cứ làm giàu đi và câm cái miệng của anh lại). Cuốn sách viết về nước Tàu mà giống y hệt Việt Nam. Chỉ cần bỏ chữ Chine và thay vào đó chữ Việt Nam là xong. Ông Meyer lập nghiệp và lấy vợ Tàu, sống ở Bắc Kinh từ năm 1987 đã viết vỏn vẹn như thế này về việc học bên Trung Quốc: “En Chine, les études se conjuguent avec les larmes.”

Ở bên Tàu, việc học đi đôi với nước mắt.

Sao nó giống Việt Nam thế. Cha mẹ cứ rình, hễ đứa trẻ hở ra một phút nào là bắt đi học thêm. Và đây là thời khóa biểu của một bé gái con nhà có cuộc sống tương đối khá. 7giờ 30 tới trường. Chiều về, tuần ba buổi tới nhà cô giáo học thêm. Những buổi còn lại dành cho một buổi học đàn Piano, một buổi học Anh Văn. Đặc biệt thứ bảy có học thêm hai giờ toán. Chưa kể chiều thứ năm, công tác đoàn đội. Ngày thứ bảy kể từ 11 giờ là vui nhất vì đến nhà thờ, sau đó sinh hoạt vui chơi như hát hay múa. Chính quyền cũng không phải là không nhìn thấy cái “lợi ích” của sinh hoạt nhà thờ. Họ muốn giao trách nhiệm cho nhà thờ lắm. Nhưng họ còn ngại.

Ngay từ lúc 4 tuổi, Zhou Jaying đã được cha mẹ ghi tên học thêm cours nói tiếng Mỹ và một cours đàm thọai tiếng Anh. Cha mẹ em hy vọng sau này có thể gửi con sang học đại học ở Hoa Kỳ. (Trích bài của De Leslie T. Chang trong số National Géographic, tháng 5, 2008) Xin nói thêm về tác giả. Leslie T. Chang đã sống ở bên Tàu 10 năm. Cuốn sách của tác giả có tựa đề thật “bức xúc”: Factory girls.

Theo Nguyễn Đức Tuyên, học thêm không có nghĩa là dốt. Vì thế học thêm là một nhu cầu giả.

Tôi nghĩ việc học thêm này là một nhu cầu xã hội cạnh tranh, nhu cầu kinh tế để sinh tồn, nhu cầu có chỗ đứng trong xã hội, một truyền thống giáo dục trong các gia đình Á Châu như Đại Hàn, Nhật, Trung Quốc. Nhưng trong việc đi tìm một sự phát triển đổi mới do bản thân các cha mẹ đã trải nghiệm những lo toan sinh tồn trong cái đi tìm (Quête) một đời sống bình ổn nhờ vào học vấn. Kinh nghiệm đau xót ấy được chuyển giao, đặt trên vai thế hệ con cháu thêm một tầng áp lực thứ hai nữa tạo thêm một tầng áp lực “quá tải”. Vì thế, việc học thêm trở thành một ám ảnh tương lai tuyệt đối mà bất cứ ai khi nghĩ đến tương lai, đến thành công đều hy sinh tốn kém, thực hiện cho bằng được.

Dĩ nhiên, những bậc cha mẹ đã không có chút hiểu biết gì về phương pháp đào tạo và giáo dục cả. Nước Tàu cũng rơi vào căn bệnh y như Việt Nam để rồi những đứa trẻ nào nhẫn nại nhất, chịu khó nhất, tự kỷ (autistes) nhất sẽ có chỗ đứng trong đại học. Nhưng ít ra người Tàu còn có 20 thế kỷ ngự trị của Hán tộc làm đuốc soi đường mà dấu vết văn minh còn sót lại như những dấu tích và truyền thống không quên. Nó chẳng khác gì đế quốc La Mã thời xưa: Hai thế giới, hai siêu cường trong quá khứ lịch sử. Mặc dầu vậy, cả hai nền văn minh ấy đều dựa trên những căn bản dị biệt: Sự thịnh vượng của triều đại Hán tộc là dựa trên những người nông dân tự do, còn sự thịnh vượng của La Mã rõ ràng là dựa trên lưng của người nô lệ.

Con cháu họ sau này mải mê việc học có cái truyền thống của họ.

Còn chúng ta đã phải trả giá một giá quá cao đến cái giới hạn cuối cùng của sức người. Nhất là chúng ta đã hoàn toàn hy sinh tuổI trẻ.

Còn đâu là cuộc đời đứa trẻ với tuổi thơ. Đến năm 12 tuổi, gánh nặng tương lai đã đè nặng trên vai bởi vì những nỗi lo âu của cha mẹ bắt đầu trút xuống trên đôi vai tuổi trẻ. Không học thì tiêu đời. Vì vậy, theo thống kê của người Trung Quốc 30% trẻ em Trung Quốc bị stress trong đó nhiều em có xu hướng muốn tự tử. Nhiều trẻ đã thất bại trong việc học, Con số lên đến 70%. Thất bại việc học một cách tự động kéo theo đi tìm sex như một chỗ trú ẩn trong mò mẫm “tự học” hoặc “tự dẹp” (autorépression), không có sự hướng dẫn của cha mẹ và trường học. Kết quả là 50% các vụ phá thai ở các nhà thương ở Bắc Kinh là những cô gái độc thân và trong đó có 17% là gái vị thành niên.

Ở Việt Nam cũng không khác gì, nhiều học sinh chán nản việc học quay ra tìm thú vui nhục dục. Rượu gọi rượu đưa tới những tệ nạn dây chuyền như du đãng, mãi dâm, nghiện ngập, bệnh Aids, nạn phá thai và cuối cùng tự tử. (Xin xem thêm bài viết Giáo dục và tuổi trẻ, Diễm Uyên và bài Một cái nhìn về thực trạng giáo dục Việt Nam, Nguyễn Đức Tuyên, tập san Truyền Thông, số 17, mùa thu 2005).

Những con số ấy có thể nào giúp một cái nhìn quy chiếu về tương lai giáo dục Việt Nam không?

Cho nên, việc học lấy được chỉ cốt đào tạo những cái đầu cho đầy và để đến cuối năm thi cử, trả bài. Người ta kiểm tra cái vốn học thay vì cái tính luận lý, suy luận.

Đó là cái học theo tinh thần: Thầy đọc, trò ghi. Nó như mưa thì từ trên trời rơi xuống. Đã đến lúc cần có mưa rơi ngược. Mưa từ dưới đất lên trời? Để cho mưa làm ướt trời thay vì ướt đất.

Trường học Việt Nam, một thứ Chinese model cũng như bên Tàu là nơi đến đó để buồn, để chán nản. (L’école chinoise rest un endroit òu l’on s’ennuie).

Kết quả chất lượng học tập là học sinh Việt Nam có tỷ lệ thấp nhất trong vùng. So với Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Malaysia, Philippines, chỉ số chất lượng giáo dục Việt Nam đạt 3.79 trên thang điểm 10, áp chót, chỉ hơn Indonesia.

Tôi nói có người làm chứng. Em Nguyễn Phi Thanh, lớp 11 A18 trường Trung Học phổ thông Việt Đức, Hà Nội trong kỳ thi giỏi các lớp không chuyên Hà Nội, ngày 18/03/2005 đã viết trong bài thi như sau:

Em nghĩ, đứng trước một tác phẩm văn học, bao giờ cũng có ý kiến trái ngược khen-chê, hay-dở, nhưng dường như học sinh bọn em chỉ có quyền thích, chỉ có quyền khen hay mà không có quyền nói lên chính kiến của mình, và việc phê bình văn học hình như chỉ là việc của các nhà phê bình như Hoài Thanh, Hoài Chân. Nhìn ra, chỉ ra cái hay của một tác phẩm văn học đã khó, nhưng chỉ ra cái hạn chế, thiếu sót của tác phẩm ấy còn khó nữa, vậy mà chưa bao giờ bọn em được tỏ rõ chính kiến của mình trong một bài thi, tất cả chỉ vì áp lực của điểm số.”

Phản ứng của em Thanh không thể coi nhẹ. Nó sẽ tiếp nối những tư tưởng đối kháng và tiến bộ của những Lê Trần Luật, Lê Công Định bây giờ.

Ở bên Tàu, các bài học về chính trị dùng cho các trường học từ thập niên 1950 đã được cải sửa vào năm 1998. Người ta đã tạm quên, tạm gác bỏ (en sourdine) môn học đó. Và thay vào đó cho thêm những vấn đề như kinh tế thị trường, thị trường chứng khoán và quản trị xí nghiệp. Tuy nhiên, những điểm “cốt lõi” như quyền và vai trò của đảng trong nhà trường cũng như những nhiệm vụ của học sinh đối với nhà nước vẫn giữ nguyên.

Chẳng hạn có những giờ được quy định từ sáng sớm, mất giấc ngủ sáng, học sinh phải đến sân vận động tập thể dục tập thể. Trên tay mỗi học sinh cầm hai lá cờ đỏ, hoặc tấm biểu ngữ rồi múa theo nhịp của vận động viên. Hàng ngàn ngàn học sinh sinh cứ tập đi, tập lại như thế trong cả năm để chờ đến các dịp lễ thì ra múa như dịp Thế vận Olympic vừa rồi chẳng hạn.

Trông thì đẹp mắt lắm, nhưng chẳng ai tự hỏi xem cái giá mà tuổi trẻ phải trả là bao nhiêu? Người ta gọi môn thể dục đó là múa Callisthénie. Có thể nó phần nào như lối múa thi sắc đẹp thời cổ Hy Lạp vậy?

Việt Nam không quen múa may thì may ra có thể miễn trừ được môn học này.

Cái bất ngờ đến sửng sốt là có khóa hội thảo trên toàn nước Tàu vào năm 2000 về sư phạm, người ta mới kịp khám phá ra rằng chương trình giáo dục khoa luân lý học của Tàu đã biến mất.

Nền giáo dục của Tàu không nói tới đạo lý nữa. Và vì vậy những kẻ yếu đuối, thấp hèn không được pháp luật bảo vệ. Bên Việt Nam thì vấn đề đã rất rõ ràng: Chỉ học theo gương bác Hồ.

Đã thế việc đầu tư vào giáo dục ở Việt Nam là quá thấp so với các nước khác. Mã Lai đầu tư cho giáo dục 720 đô la đầu người. Thái Lan 350, Trung Quốc 105, và Việt Nam vỏn vẹn 35. Nếu tính trên cả nước, nước Tàu dành 2.66 tỷ cho giáo dục trong khi đó dành đến 45 tỉ đô la cho Quốc Phòng...

Giữa Mã Lai vã Việt Nam, tương lai tốt đẹp sẽ dành cho nước nào?

Vì thế, một nhà giáo dục ông Qian Liqun đã cho xuất bản vào tháng tư năm 1999, đại học Shantou, Canton cuốn sách nhan đề: L’enseignement littéraire à l’école intermédiaire, trong đó có ý tưởng chủ đạo là: Không thể có bất cứ cuộc cải cách giáo dục nào nếu không đặt lại vấn đề vai trò trung tâm của chủ thuyết Mác Xít trong giáo dục.Từ năm 1942, tư tưởng chủ đạo của Mao Trạch Đông cho rằng mọi thứ nghệ thuật thì đều phải dựa vào Đảng, phải lấy Đảng làm gốc và Đảng sẽ là cái loa tuyên truyền của ý thức hệ.

Cũng như mọi chế độ cộng sản, Môn chính trị ở bên Tàu cũng như ở bên Việt Nam. Chủ nghĩa Mác Xít đã ngênh ngang ùa vào lớp học một cách ép buộc. Cho đến ngày 22/12/2004, các môn Mác Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn là phương án cho các kỳ thi tốt nghiệp của các trường đại học ở Việt Nam. Người đi học vẫn tiếp tục cắm cúi tụng niệm một môn học mà chính thầy không muốn dạy và trò không muốn học.

Môn sử học lớp 12 vẫn học về những năm chiến thắng Điện Biên Phủ và những năm chống Mỹ cứu nước. Đó là một thứ sử phi sử vì nhằm mục đích tuyên truyền thay vì giúp cho học sinh hiểu lịch sử đất nước mình.

Tôi chỉ không hiểu là về môn địa lý, chính quyền đã làm lễ hỏa thiêu bản đồ cũ Atlas Việt Nam chưa? Và đã xây dựng được một nghĩa trang để chôn bản đồ atlas cũ với tấm bia kỷ niệm với hàng chữ: Nơi đây chôn cất 5 triệu người đã hy sinh để bảo vệ tấm bản “dư đồ” này.

Và kể từ nay, chúng ta đã vẽ xong tấm bản đồ mới với Trung Quốc về biên giới đất và biên giới biển mà đã không phải tốn kém một giọt máu nào.

Cho nên, đã đến lúc phải coi chủ nghĩa Mác với những lãnh tụ như Lenin, Trostsky, Sokolnikov, Staline, Zinoviev không còn chỗ đứng nữa trong lịch sử. Lịch sử quả có một hướng đi lên, nhưng không nhất thiết không chỉ đi theo một hướng duy nhất. Không thể mãi mãi có những con đường một chiều, không có lối quay nhìn trở lại.

Phải hạ ảnh của họ xuống.

Con gấu cách mạng Stalin vào năm 1932, trong kế hoạch ngũ niên đã hứa hẹn như thế này:

– Trước đây, ta không có kỹ nghệ thép (Staline bị ám ánh vào kỹ nghệ thép, luyện kim). Bây giờ chúng ta có rồi.

– Trước đây ta không có kỹ nghệ trắc-tơ. Bây giờ chúng ta có rồi.

– Trước đây, ta không có kỹ nghệ xe hơi . Bây giờ chúng ta có rồi.

– Trước đây chúng ta không có kỹ nghệ cơ khí. Bây giờ chúng ta có rồi.

– Trước đây chúng ta không có kỹ nghệ hóa học. Bây giờ chúng ta có rồi.

Để thực hiện được những điều đó, chúng ta cần ăn đói mặc rách để biến mồ hôi thành nhà máy.

Để thực hiện những điều đó, 30 năm chúng ta không thấy ánh sáng mặt trời, vì một người đã biến thành “mặt trời của nhân loại.”

Để thực hiện những điều đó, chúng ta cần chịu đựng một bản án khai trừ, lưu đầy, xử tử, ngay cả thủ tiêu để thực hiện được thiên đàng xã hội chủ nghĩa trên đỉnh núi Sinai-Kremlin...

Nhân loại đã phải trải qua những thời của một triều đại tàn độc phi nhân như Staline, Mao Trạch Đông, Lê Duẩn như một thứ Tần Thủy Hoàng của thời đại bấy giờ.

Xem ra thì cái mô hình, kiểu mẫu thử nghiệm đầu tiên bao giờ cũng phải trả một giá quá đắt.

Kết thúc bài này

Đây chỉ là một bài tạp luận trong đó hệ số bản thân người viết là chủ yếu. Giáo dục là tương lai của một dân tộc. Nhìn vào nền giáo dục Việt Nam, tôi không còn thấy tương lai cho Việt Nam nữa. Nó đang đi trên đà phá sản với tập đoàn đảng cộng sản cầm quyền.

Ai trong lúc này có thể thắp lên một ngọn nến hy vọng ngoài giới trẻ? Ngay nước Tàu được coi như tiêu biểu của ngọn đuốc phát triển kinh tế. Đó chỉ là cái bề mặt. Họ đã hy sinh tất cả cho phát triển mà bỏ rơi các vấn đề xã hội. Chỉ nội Bắc Kinh thôi. Có khoảng 250.000 trẻ em bỏ học, đi lang thang đầu đường xó chợ. Theo Daniel Stocecklin, (lấy lại trong Sois riche et tais-toi, Éric Meyer, trang 215) một nhà xã hội học với một luận án tiến sĩ về trẻ em lêu lỏng ở Thượng Hải. Ông cho rằng từ năm 1993 đến 1996, có khoảng 44% trẻ em sinh ra một cách dấu diếm và bất hợp pháp”, vì không có giấy tờ khai sinh. Và rằng cứ mỗi năm, nước Tàu có thêm 2 triệu trẻ em “sinh lậu” như thế. Và tổng cộng lại có 25% số đó bị chính cha mẹ bỏ rơi vì không có tiền bạc để nuôi dưỡng. Và theo UNESCO, người ta tính ra có 10 triệu trẻ em đi hoang trong vòng 20 năm nay.

Không ai có những con số chính thức như thế về tình trạng trẻ em Việt Nam. Nhưng một cách dự đoán khiêm tốn, con số trẻ em đi hoang có thể lên tới nửa triệu trẻ em trên toàn quốc.

Đấy là những con số làm đau lòng nhiều người. Đi bất cứ đâu, đến bất cứ chỗ nào, khách du lịch cũng bị một bầy trẻ em bao quanh làm phiền, quấy nhiễu mà không nhẽ chối từ? Có ai đã gặp những cảnh đó chưa? Nhưng chính quyền hiện này cũng phủi tay.

Và theo phúc trình của Liên Hiệp Quốc vào năm 1987, Việt Nam là một trong 12 nước dốt và lạc hậu nhất thế giới.

Nhìn cây thì thấy rừng, nhìn trẻ em Việt Nam ngày hôm nay để sẽ thấy được cái bảng chỉ đường đất nước đi về đâu? Hỏi là đã trả lời.

Mặt trận văn hóa và những thủ tiêu ám sát trí thức miền Nam (I)

Nguyễn Văn Lục

Từ mặt trận văn hóa đến những việc thủ tiêu ám sát trí thức miền Nam của Cộng sản

Mới hôm nào, tay cắp sách...

Sáng mai này trên phố xá

Tay bom xăng, tay cầm gạch đá

Những bước chân rộn rã

Em kiêu hùng trên phố thị miền Nam...

Tôi còn nhớ những năm tháng ấy của miền Nam Việt Nam. Thân yêu mà cũng buồn, bực dọc, bất mãn, chán nản, tuyệt vọng. Những năm tháng Sài Gòn giành giật giữa quốc gia và cộng sản. Bằng đủ mọi âm mưu và thủ đoạn giữa tiếng ồn ào của hoan hô, đả đảo với khói lựu đạn cay. Chúng tôi sống một thời kỳ điên đảo bị giật giây bởi người cộng sản bằng một sự ngây thơ không tưởng, bằng những dằn vặt, dằng co giữa khát khao tự do, dân chủ, công bằng của chúng tôi.Và hơn hết tất cả là khát vọng hoà bình mong chiến tranh chóng chấm dứt.

Chúng tôi sống mất ngủ vì những khát vọng không đạt được mà thực tế trước mắt là chiến tranh, chém giết. Chúng tôi mong ước những trận mưa rào dập tắt khói lửa, nguôi ngoai hận thù. Nhưng thực tế mỗi ngày là những sự lừa phỉnh, dối gạt bằng đủ loại thuốc ngủ có tên phản chiến, nhạc phản chiến, văn chương phản chiến.

Trong khi đó thì người cộng sản với đủ loại “căn cứ lõm” trong thành phố giành giựt tim óc, tâm tư của tuổi trẻ thành phố. Và nếu không giành giựt được thì họ không ngần ngại thanh toán, ám sát giết hại.

Nhưng mỗi khi có một vụ ám sát giết người như vụ ám sát giáo sư Nguyễn Văn Bông, ám sát sinh viên Lê Khắc Sinh Nhật hay nhà báo Từ Chung, nhà báo Chu Tử thì vô số loại tin đồn được tung ra. Người ta đổ cho Mỹ sát hại cũng có, nhất là đổ cho chính quyền miền Nam Việt Nam Cộng Hòa. Đó là những dư luận dễ dãi nhất và vô căn cứ nhất. Nhưng nhiều người vẫn tin. Và chính quyền miền Nam thì không có cách gì để cải chính những tin đồn kiểu đó.

Nay thì đã có câu trả lời rõ ràng ai là thủ phạm những vụ ám sát đó.

Không ai khác là cộng sản.

Đó là Đoàn công tác của thành đoàn thanh niên sinh viên, học sinh Sài gòn, Chợ Lớn. Họ chiụ trách nhiệm về những việc ám sát ấy. Họ là những ai? Trụ sở của họ ở đâu? Nay họ làm gì?

Trong khi đó, tổ chức hệ thống mật vụ Việt Nam thời đệ nhị cộng hòa tỏ ra thiếu hữu hiệu như thể bó tay. Tất cả những vụ đốt xe Mỹ, tất cả những vụ đưa người thâm nhập cơ sở, tất cả những vụ phá rối trật tự, phá hoại an ninh, những vụ ám sát các viên chức miền Nam, nhất là các trí thức miền Nam thường không tìm ra dấu vết thủ phạm. Cộng Sản trà trộn khắp nơi, len lỏi vào trong nhiều tổ chức tôn giáo, nhất là Phật giáo. Các tổ chức này như tấm bình phong che chắn cho CS. Có nhiều tấm bình phong như thế có tên là giới sinh viên, giới trí thức, giới Phật tử và giới báo chí. Chẳng hạn, biểu tình là do sinh viên chống chính phủ. Nhưng ai thấy được CS ở đằng sau?

Cái đằng sau mới là quan trọng. Không phải chính quyền cứ đàn áp sinh viên, bắt bớ, giải tán bằng lựu đạn cay, rào kẽm gai là xong, là lấy lại được an ninh trật tự. Nhiều khi chỉ tạo ra những phản ứng ngược chiều, rất bất lợi. Những thành phần sinh viên thầm lặng vô tình bị đẩy cũng đứng vế phía sinh viên xuống đường.

Vấn đề là bắt cho bằng được những kẻ đầu não. Nào có khó khăn gì ? Họ là những Huỳnh Tấn Mẫm, Vũ Hạnh, Dương Văn Đầy. Họ đi khơi khơi ngoài đường. Họ biểu tình, họp báo, viết báo như chỗ không người. Hãy nãy nhốt họ lại. Đủ bằng cớ. Đưa họ đi Côn sơn. Cách ly bọn họ, triệt tiêu tận gốc. Chúng ta đã không làm, bắt rồi thả do áp lực sinh viên, trí thức báo giới, nhà văn.

Có lẽ, tất cả chỉ vì cái khí thế chống Cộng thời đệ nhất cộng hòa không còn nữa? Còn đâu những lời hiệu triệu của TT Ngô Đình Diệm những năm đầu thể chế đệ nhất cộng hòa: Quốc dân đồng bào, ai áp bức bóc lột và chà đạp con người Việt Nam? Thực dân, phong kliến và cộng sản. Vì vậy mà chính phủ chủ trương kháng đế, bài phong, diệt Cộng... Hỡi binh sĩ và cán bộ Quốc gia.

Chúng ta tố Cộng là để tranh thủ được lòng dân. Thông điệp đầu năm Ngô Đình Diệm, 1959.

Cảnh sát thời ông Tổng Giám Đốc cảnh sát Trang Sĩ Tấn dẹp biểu tình cũng không xong. Càng tăng cường kiểm soát an ninh, giữ gìn trật tự bằng lựu đạn cay, bằng hàng rào kẽm gai, dùi cui của Cảnh sát dã chiến. Càng gây thêm sự phẫn nộ trong dân chúng. Dư luận cũng như đông đảo quần chúng mất tin tưởng vào chính quyền.

Khi có phong trào thanh niên đốt xe Mỹ, ông Trang Sỹ Tấn đã đưa ra những lời đe dọa vu vơ như sau trong một buổi họp báo ngày 16 tháng chín, 1972: “Những kẻ nào bị bắt quả tang đang phá hoại quân cụ, kể cả những xe cộ, sẽ bị kết án tử hình”.

Ai cũng biết đó là những lời đe dọa vu vơ.

Án tử hình đâu chưa thấy, chỉ thấy thành phố Sài Gòn rơi vào tình trạng xáo trộn liên tục.

Hình ảnh Sài Gòn với rất nhiều xáo trộn chính trị đủ loại là hình ảnh một cuộc chiến tranh đặc biệt, lạ lùng mà kỳ cục. Có lựu đạn cay ngoài đường, có những bộ áo rằn ri. Nhưng cũng có những tà áo nữ sinh, cầm túi chanh, te tác trên đường phố. Có tiếng hát, tiếng hò của đám sinh viên, học sinh vào một buổi tối, tại chùa Ấn Quang. Ở đấy, hẳn không thiếu những tiếng cười. Không thiếu niềm tự hào và hăng say. Trong khi đó, nhìn xuống lề đường, ở mỗi gốc cây đều có bóng lính. Xe nhà binh, xe cảnh sát chạy rần rần, pha đèn mở sáng.

Người ta chỉ thấy một hậu phương rối loạn. Lính tráng ngoài mặt trận làm sao yên tâm cầm súng chiến đấu chống kẻ thù?

Bộ mặt thành phố Sài gòn lộ diện ra khi tôi lần dở lại tờ báo Sóng Thần ra ngày 31 tháng 10 với những hàng tít lớn trên báo: 31/10 Ngày dài vô tận. Ngày dài vô tận là ngày tranh đấu, xuống đường, khí thế bừng bừng như một cuộc tranh đấu nội thù. Ở phần đầu tờ báo Sóng Thần có đăng tâm thư của LM Thanh Lãng viết cho tờ báo Sóng Thần: Đập các anh là đập tất cả chúng tôi. Ai đập ai giữa những người Quốc gia? Bên cạnh đó là các tên tuổi lớn hỗ trợ tờ báo Sóng Thần như Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Hiến Lê, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Lam Giang, Lê Ngộ Châu. Và các nghệ sĩ như Năm Châu, Bích Thuận, Kim Chung, Khánh Ly lên tiếng để chịu chung bản án với Sóng Thần. Rồi 32 nhà văn, nhà thơ tên tuổi ký tên chung tuyên bố: Phản đối đàn áp báo chí, truy tố Sóng Thần. Cạnh đó hình ảnh diễn hành của một số luật sư ra tòa biện hộ như các luật sư Bùi Tường Chiểu, Hồ Tri Châu, Lý Văn Hiệp, Trần Ngọc Liễng, Nguyễn Lâm Sanh tại một ngã tư . Ở một góc phòng với bị can Trùng Dương, chủ nhiệm báo Sóng Thần, vây quanh có các luật sư Đỗ Văn Võ, Đặng Thị Tám, Nguyễn Văn Tấn, Nguyễn Tường Bá. Cũng cạnh đó, bà luật sư Nguyễn Phước Đại thay vì cầm tập hồ sơ biện hộ thì lại đang cắt chanh phòng hờ bị lựu đạn cay.

Và biết đâu ở một góc đường, một anh thợ vá xe đang ghi nhận tất cả những hoạt cảnh đó báo về “Trung ương” của anh. Đó là những hình ảnh hai mặt của cuộc chiến trong thành phố, giữa lòng thủ đô Sài gòn của miền Nam.

Không ai ngày nay nghĩ rằng những cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ đó là sai, nhưng điều chắc chắn là đã vẽ đường cho hươu chạy và hơn hết mọi chuyện là gián tiếp bị CS lợi dụng.

Tôi có liên lạc với nhà văn Trùng Dương, chủ nhiệm báo Sóng Thần. Chỉ khẳng định và xác nhận lại cuộc tranh đấu của báo chí qua vụ báo Sóng Thần là đúng, không làm khác được.

Chắc là như vậy.

Nhưng bên cạnh sinh hoạt đấu tranh có vẻ dân chủ đó có một thứ đấu tranh một mất một còn giữa Cộng Sản và chính quyền miền Nam thông qua những thanh niên, sinh viên, học sinh. Chính những sinh viên, học sinh này đang đấu tranh, đang hô hào phản đối chính quyền đã góp phần làm tiêu hao lực lượng cũng như tinh thần của miền Nam Việt nam.

Đó mới là bộ mặt thực của cuộc chiến tranh này. Bộ mặt được dẫn dắt và chỉ đạo từ đảng Cộng Sản miền Bắc Việt Nam.

Có một cuộc chiến tranh ngoài Sài Gòn bằng bom, bằng đạn, bằng trực thăng, bằng đại bác 105 ly, bằng hầm chông, bằng xe tăng. Bằng xác người phơi thây bên bờ kinh, bờ rạch. Bằng đô la và xác người.

Nhưng cũng có một cuộc chiến tranh thứ hai ngay giữa lòng Sài Gòn bằng biểu tình, tuyệt thực, xuống đường, bằng hô hào, đả đảo, bằng lựu đạn cay, bằng hàng rào kẽm gai.

Cuộc chiến tranh cân não này ít được ai nói tới, vì không mấy khi có người chết. Mà chỉ có nước mắt của lựu đạn cay. Nhưng nó cũng đủ làm lung lay bất cứ chế độ nào. Nó sói mòn tin tưởng, nó làm lung lay ý chí. Bởi vì bản chất của nó là một cuộc chiến tranh cân não làm hao mòn ý chí phấn đấu, làm suy sụp tinh thần kẻ địch. Biên giới cuộc chiến tranh này không rõ rệt, trộn lẫn ta và địch, địch cũng là ta.

Cuộc chiến tranh trên đường phố Sài gòn diễn ra ở hai mặt: Mặt nổi là những cuộc biểu dương lực lượng của giới sinh viên học sinh như biểu tình, xuống đường, đòi cái này, cái nọ, đòi thả người này người kia, ngay cả đòi thả những cán bộ cộng sản như Vũ Hạnh, sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm, Dương Văn Đầy. Lý Chánh Trung trong bài viết: Rồi Hoà Bình sẽ đến ghi như sau:

Tôi đã đến đây tham dự buổi tuyệt thực của 20 giáo chức Đại, Trung và Tiểu hoc tại tòa Viện trưởng Viện Đại học Sài gòn, để yêu cầu nhà cầm quyền trả lại tự do cho các sinh viên, trong đó có anh Huỳnh Tấn Mẫm đã bị giam giữ trái phép đúng một tháng qua và đang tuyệt thực, tuyệt ẩm trong khám Chí Hòa. Trong lúc mấy em hát, tôi cảm động không dám nhìn lên, chỉ nhìn xuống...

(trích trong Một thời bom đạn, một thời Hòa Bình, Lý Chánh Trung, trang 62).

Thế nào là trái phép? Bắt giam một cán bộ CS nằm vùng là trái phép? Không ai đặt ra câu hỏi đó cả.

Bên cạnh Lý Chánh Trung còn có một số phụ nữ Đòi quyền sống, còn có các ông Nguyễn Long, Trần Ngọc Liễng, Nguyễn Văn Cước, các Thượng tọa Mãn Giác, Nhật Thường.

Thêm vào đám đông đòi đó, còn có một Thích Nhất Hạnh vu cáo về một cuộc tàn sát chỉ có trong tưởng tượng của ông ấy:

Làng tôi hôm qua vì có 6 người Cộng sản về

Nên đã bị dội bom hoàn toàn tan nát

Cả làng tôi hoàn toàn chết sạch

Lũy tre ngơ ngác

Miếu thờ ngã gục

(Thơ Thích Nhất Hạnh )

Đáng nhẽ ông ấy phải viết rõ như thế này: Chỉ còn sống có mình tôi, để viết những điều vu cáo này. Có thật như thế không? Ngôn ngữ của sự gian dối? Một nhà sư nói gian dối thì phải gọi ông ta là gì?

Và để tường thưởng cho vị thiền sư, cộng sản đã có những lời lẽ trân trọng như sau:

“Người Sài gòn, tuổi trẻ Sài Gòn biết ơn những bậc tu hành chân chính đã quên mình vì nghĩa lớn, những phật tử hy sinh trong bão lửa đấu tranh làm suy yếu kẻ thù, làm rối loạn hậu phương của chúng, tạo điều kiện thuận lợi cho Sài Gòn, tuổi trẻ Sài Gòn bung ra ào ạt giành một thế đứng công khai phất cao cờ cách mạng sau bao nhiêu năm xúc tích lực lượng chuẩn bị thời cơ”.

Đó là những lời lẽ trân trọng mà người cộng sản đã dành cho Thích Nhất Hạnh. (trích Trui rèn trong lửa đỏ, trang 349).

Phần Trần Bạch Đằng, chúng ta cần đọc mấy dòng thư này của ông ta để chúng ta nhận ra Huỳnh Tấn Mẫm là ai? Ông Trần Bạch Đằng còn giữ lại một mảnh giấy gửi cho ông ta của sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm ghi lại như sau: Xin đoàn thể yên tâm, quyết làm tròn nhiệm vụ. L71. L.71 là mật hiệu của Huỳnh Tấn Mẫm. Mẫm viết thư này tại nhà Quốc khách, nơi được dành làm trụ sở Tổng hội sinh viên. Trớ trêu thay, trụ sở này do ông Nguyễn Cao Kỳ dành cho Tổng Hội sinh viên của Huỳnh Tấn Mẫm chỉ vì mâu thuẫn, muốn chơi ông Thiệu.

Mời đọc thêm đoạn hồi ký bị cấm xuất bản ở trong nước của cựu dân biểu đối lập Hồ Ngọc Nhuận để nắm cho rõ câu truyện này. Ông Hồ Ngọc Nhuận viết như sau về vụ này:

Nguyễn Cao Kỳ “xớt” Huỳnh Tấn Mẫm. Đó là nhan đề bài viết. Huỳnh Tấn Mẫm một lần nữa bị bao vây, truy bắt. Trung tâm sinh viên Phật tử một lần nữa dậy sóng. Một chiếc jeep nhà binh, ngay sau khi tôi “điệu” hết cảnh sát về Tân Sơn Nhứt, chúng tôi đã ập vào trung tâm Quảng Đức, bốc Huỳnh Tấn Mẫm chạy thẳng về dinh Quốc khách ở góc đường Công Lý và Hiền Vương, nay là Trung tâm văn hoá thiếu nhi, góc đường Nam Kỳ khởi nghĩa-Võ Thị Sáu. Chiếc jeep ập vào bốc Mẫm là của Phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ và dinh quốc khách lúc bấy giờ cũng thuộc quyền Phó tổng thống.”

Dinh Quốc khách, trung tâm Quảng Đức. Chùa Phổ Hiền. Ấn Quang. Những mái chùa. Tất cả những nơi ấy đã góp chung bàn tay che chở bọn người cộng sản nằm vùng để làm sụp đổ miền Nam Việt Nam.

Và Hồ Ngọc Nhuận đắc thắng viết tiếp:

Tiếp tay cho cộng sản, như vậy, không chỉ có mình tôi. Và lần này vai chánh không là tôi, mà là tướng Nguyễn Cao Kỳ.

(trích hồi ký Đời, bản thảo, Hồ Ngọc Nhuận, trang 142).

Cái đất nước mình nó như thế đấy. cái lãnh đạo mình nó như thế đấy.

Và sau đây là danh sách 16 sinh viên bị chính quyền Việt Nam Cộng Hoà bắt. Bắt đúng người, bắt đúng những kẻ đã tiếp tay với Cộng sản. Nhưng vẫn bị sinh viên biểu tình đòi tha họ. Sau này cho thấy họ đều là những cán bộ CS trà trộn vào sinh viên như: Huỳnh Tấn Mẫm, Dương Văn Đầy, Lê Thành Yến, Phùng Hữu Trân, Trần Khiêm, Đỗ Hữu Ứng, Lê Anh, Võ Ba, Đỗ Hữu Bút, Hồ Nghĩa, Cao Thị Quế Hương, Trương Hồng Liên, Truơng Thị Kim Liên, Võ Thị Tố Nga.

Chưa kể vụ án thành đoàn giải phóng gồm 21 người, trong đó có một số lãnh đạo Thành Đoàn như Ba vạn, tức Phan Chánh Tâm, Năm Nghị, tức Phạm Chánh Trực. Sau 1975, họ đều là những cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở thành phố Hồ Chí Minh.

Và danh sách những nhà văn, nhà trí thức đòi thả bọn sinh viên cộng sản hãy còn đây. Quốc gia chống Cộng mà lại có chính nhà văn, nhà trí thức người quốc gia biểu tình, đòi thả bằng được những sinh viên cộng sản nằm vùng? Nhiều tờ báo cách này cách khác trở thành phương tiện cho cộng sản lợi dụng.

Bên cạnh đó, về mặt chìm là những toán đặc công cộng sản do thành đoàn tổ chức gài bom phá hoại các công sở, các xe nhà binh Mỹ, các doanh trại Mỹ và cuối cùng là giết hại, ám toán người quốc gia đã không theo họ. Nữ tướng đốt xe Mỹ thời 1960-1970 là Võ Thị Bạch Tuyết lúc đó nay trở thành giám đốc nông trường Đỗ Hoà ở Duyên Hải.

Sau đây, tôi xin dần dần viết lại với đầy đủ tên tuổi bọn họ.

1966: Mặt trận văn hóa vận qua báo chí

Đầu xuân 1966, Đảng ủy văn hóa khu Sài gòn Gia Định giao cho Vũ Hạnh, một nhà văn nằm vùng công tác đặc biệt là mở một mặt trận văn hóa tấn công miền Nam trong vùng đô thị mà họ gọi là “vùng tạm chiếm”. Vũ Hạnh nguỵ trang dưới chiêu bài Bảo vệ Văn hóa, chống lại văn hóa đồi trụy, chống lại văn hóa ngoại lai đầu độc thanh niên miền Nam. Họ tổ chức và xin phép cho ra tờ Tin Văn. Tờ báo trực tiếp được chỉ đạo bởi các cán bộ cộng sản. Đứng đầu là Trần Bạch Đằng. Chủ nhiệm là Nguyễn Mạnh Lương. Và một số nhà văn cộng tác như Lữ Phương, Hồng Cúc, Nguyễn Hữu Ba, Vũ Hạnh. Những nhà văn này còn viết cho tờ Hồn Trẻ với các cây viết như Trần Cảnh Thu, Trần Triệu Luật, Nguyên Hạo, Lê Uyên Nguyên, Tuyết Hữu, Cao Hoài Hà, Thích Quảng Khanh, Anh Vũ, Lê Ngọc Lê, Đinh Khắc Nhu, Lê Việt Nhân...Toà soạn tờ báo được đặt trong một ngôi chùa. Chẳng hạn tờ Hồn Trẻ do Mười Hải, bí thư khu uỷ văn hóa. Tòa soạn đặt ở ngôi chùa số 29, đường Trần Quang Khải.

Một số chùa chiền trở thành cơ sở bí mật cho các hoạt động phá hoại của cộng sản như Ấn Quang, lúc bấy giờ do TT Thích Thiện Hoa chủ trì, trung tâm Quảng Đức, Đại học Vạn Hạnh. Theo tài liệu của Thành đoàn TNSVHS trong cuốn Trui rèn trong lửa đỏ đã viết về Đại học Vạn Hạnh như sau:

Viện đại học Vạn hạnh thành lập năm 1964 là một đại học của Phật giáo.Trường ở đối diện chợ Trương Minh Giảng.Trước năm 1968, tổ chức cách mạng cũng có hoạt động ở đây. Đêm đón tết Mậu thân, tổ chức cách mạng ngay tại trường với một cuộc tập họp táo bạo, sinh động.Tuy nhiên lực lượng ta thời này chưa mạnh. Tháng 10/68, tình hình tổ chức cách mạng ở trường sau thời gian bị đánh phá, coi như trắng. Thành đoàn chỉ đạo đồng chí Sáu Tỉnh, tức Đỗ Quang Tỉnh, nay là cán bộ ban Hợp tác kinh tế của Uỷ ban nhân dân thành phố về xây dựng lại bằng tổ chức Liên đoàn sinh viên Phật tử Vạn Hạnh..Và họ đã kết luận: kể từ tháng 5/1972, một chi bộ chính thức của Vạn Hạnh được thành lập.

Và một câu đánh giá quan trọng như sau: Từ những ngày đó, Vạn Hạnh trở thành một pháo đài xuất quân đốt xe Mỹ và chống bầu cử

(trích Trui rèn trong lửa đỏ, trang 96).

Còn Ấn Quang được ghi lại như sau:

Những ngọn lửa bùng lên tuyệt đẹp trên đường phố. Các báo gọi những chiến sĩ đốt xe Mỹ là du kích quân sinh viên học sinh. Và chùa Ấn Quang trong những ngày ấy, là một chiến lũy của họ. Những người mẹ, người chị vượt qua những hàng rào cảnh sát, lựu đạn cay, vòi phun nước... đến với những đứa con ngoan của thành phố... “Tụi bay cứ đốt, đốt hết những quân chó đó đi...” Các mẹ, các chị căn dặn, nhắc nhủ với một lòng căm thù như vậy.

(trích Trui rèn trong lửa đỏ, trang 110).

Tuy nhiên, dưới mắt người Cộng Sản, họ đã nhìn lại vai trò của

Phật giáo như sau:

Viện hoá đạo, lá cờ đấu tranh vang dội một thời đang ủ rũ và chia rẽ, phân hóa. Kẻ về Vĩnh Nghiêm với lá cờ chống Cộng rách rưới. Kẻ về Vạn hạnh dò dẫm một lối đi. Người về Ấn Quang gần gũi với quần chúng, với thanh niên. Viện hóa đạo còn lại những chiến lưực gia ủng hộ Khánh- Hương đàn áp phong trào, bắn chết học sinh Phật tử Lê Văn Ngọc.

Và kể từ nay: “Ngọn cờ Phật giáo lãnh đạo đấu tranh hạ xuống, ngay từ trong lòng Phật tử, nhường chỗ cho lá cờ cách mạng phất cao lãnh đạo phong trào đấu tranh của Sài gòn, của tuổi trẻ thành phố.”

Năm 1964 đã kết thúc như vậy. Tuổi trẻ thành p[hố kết thúc 10 năm sóng gió, để bước vào cuộc chiến đấu mới 10 năm sục sôi kỳ lạ.

(trích Trui rèn trong lửa đỏ, trang 350-351).

Tiếp nối một cách vô tình hay bị mua chuộc có thêm các tờ báo sinh viên như Hoa Súng của Dược Khoa, Văn Khoa với Hạ Đình Nguyên. Nhất là tờ Tin Tưởng, tiếng nói của sinh viên Phật tử. Năm 1968, tờ Tin Tưởng do Phạm Phi Long làm chủ nhiệm, Đặng Minh Chi làm thư ký tòa soạn. Sang đến năm 1970, tờ Tin Tưởng sang tay cho Nguyễn Xuân Lập làm chủ nhiệm, Trần Công Sơn chủ bút và Trịnh Thị Xuân Hồng, thư ký tòa soạn. Sự tiếp tay của những tờ báo như Tin Tưởng với nội dung các bài đòi ngưng bắn vỉnh viễn, đòi Mỹ rút quân. Tất cả đều do bàn tay CS chỉ đạo.

Trong khi đó thì phía miền Nam có Chu Tử, đứng mũi chịu sào trực tiếp tố cáo Vũ Hạnh là Cộng Sản trong nhiều số báo liên tiếp kể từ tháng 10/1966 cho đến cuối năm 1966. Cái dở khóc dở cười của văn nghệ sĩ miền Nam là đã nhiều lần hội Văn bút do Lm Thanh Lãng làm chủ tịch đã công khai bênh vực Vũ Hạnh và cứu thoát y nhiều lần khỏi cảnh tù tội.

Cộng sản đã dùng tờ Tin Văn do Nguyễn Ngọc Lương làm chủ nhiệm, nhân danh bảo vệ và phát huy văn hóa dân tộc, bài trừ văn nghệ phản động đồi truỵ. Trong tờ Tin Văn có những bài viết như:

Nhân một quyết định của bộ Văn hóa giáo dục, về việc bài trừ sách báo đồi truỵ. Tin Văn số 3, tháng 6-7/1966. Hiện tượng dâm ô đồi trụy trong Văn Học hiện nay. Tin Văn số 9, 15/10/1966. Đọc tác phẩm của Chu Tử, Lữ Phương, số 10, 30/10/1966.

Sau này, trong tài liệu của Thành Đoàn, Vũ Hạnh đã có những nhận xét như sau về tờ Tin Văn:

Tuần báo Tin Văn, với các bài phê bình vạch mặt những tên xung kích chống phá cách mạng qua các tác phẩm đồi trụy, phản động..Phong trào bảo vệ phát huy văn hóa dân tộc, bài trừ văn nghệ phản động, đồi trụy sớm trở thành phong trào quần chúng sôi nổi, sâu rộng ở Sai gòn và các tỉnh miền Nam, khiến bọn tay sai văn nghệ co lại, nguỵ quyền hoang mang và dĩ nhiên chúng tìm mọi cách để phản kích lại .Sự ra đời những hoạt động văn hóa nguy dân tộc bị phong trào vạch mặt, chúng trắng trợn cho tên Chu Tử, tay sai của sở công an và Trung ương tình báo ngụy, bắt đầu một chiến dịch đả kích tôi, tố cáo tôi là việt cộng nằm vùng và liên tiếp trong nhiều số báo như vây, y đã vu khống tôi, cốt làm cho những người đã tham gia phong trào sợ hãi. Lúc nầy, Đảng uỷ văn hóa và thường vụ khu uỷ ở nội thành vẫn hằng ngày theo dõi tôi, động viên, chăm sóc về tinh thần lẫn vật chất cho tôi, thông qua vợ tôi, mở đường dây liên lạc mới, tôi trực tiếp nhận sự chỉ đạo của đảng.

(trích Từ toà án văn hóa đến Hát cho đồng bào tôi nghe. Vũ Hạnh, Trui rèn trong lửa đỏ trang 179).

Vũ Hạnh hay bút hiệu cô Phương Thảo đã bị chính quyền miền Nam chính thức bắt giữ ngày 02/06/1967. Cứ mỗi lần bị bắt thì lại có những nhà văn, trí thức, sinh viên và đặc biệt Hội Văn bút do Thanh Lãng vào tù lôi ông ta ra.

Chính Vũ Hạnh đã thố lộ về việc bắt giữ ông ta như sau:

Mấy tháng sau đó, tôi bị công an nguỵ quyền bắt giữ là do hai cơ sở của ta làm lộ. Nhưng sự kiện tôi bị bắt giam bấy giờ tạo thêm một cái cớ cho các hoạt động đấu tranh hết sức nhiệt tình của giới sinh viên học sinh. tất cả đều tung ra dư luận khắp nơi rằng tôi bị giam giữ là do Chu Tử vu cáo, rằng chính quyền đã bất chấp pháp luật, chà đạp lên quyền tự do cầm bút một cách hết sức thô bạo. THSV bấy giờ một mặt vận động các giáo sư đại học có lòng yêu nước lên tiếng để ủng hộ tôi, ủng hộ gia đình tôi.

(trích Trui rèn trong lửa đỏ, trang 181).

Đọc đoạn văn trên cho thấy Vũ Hạnh đã trắng trợn vu cáo cho Chu Tử dính vào việc bắt giữ ông ta, đồng thời y đã vận động trong giới trí thức để xin tha cho y. Đó là lối vừa đánh trống vừa ăn cướp.

Bên cạnh những tờ báo chính thức như Tin Văn, CS còn tổ chức rất nhiều những báo chí sinh viên hỗ trợ và tiếp tay cho Tin Văn.

Các báo sinh viên do những sinh viên như Trần Thị Ngọc Hảo, quyền chủ tịch Tổng Hội sinh viên làm “báo nói” tố cáo Mỹ Ngụy. Dương Văn Đầy (Ba Đầy biệt danh Bảy Không - DCV) làm bích báo sinh viên bên Y khoa đòi chuyển ngữ ở Đại học y khoa.. Nguyễn Trường Cổn, chủ bút báo sinh viên ca tụng quân giải phóng trong dịp tết Mậu thân, bị bắt và bị tòa án quân sự kết tù 5 năm khổ sai. Nguyễn Đăng Trừng đã trốn ra vùng giải phóng bị kết án 10 năm biệt xứ.

Đại học Khoa học có tờ Lửa Hồng, tờ Dấn Thân được ông giáo sư Trần Kim Thạch đỡ đầu. Luật Khoa có tờ Đất mới do Lê Hiếu Đằng, Nguyên Hạo. Tờ Học sinh do Lê Văn Triều làm chủ nhiệm, Nguyễn Thị Liên Hoa quản lý, xuất bản 1000 số.

Nhưng quan trọng là tờ Hồn Trẻ. Tờ Hồn Trẻ đã mượn danh tính một số người viết tên tuổi ở miền Nam lúc bấy giờ như tấm bình phong và giúp làm tăng uy tín cho tờ Hồn trẻ. Đó là các tác giả có tên tuổi như Thiên Giang, Bùi Chánh Thời, Nguyễn Văn Trung, Võ Quang Yến, Trụ Vũ, Tô Nguyệt Đình, Thiếu Sơn, Lương Phương, Vân Trang, Hồng Cúc, Song Thương, Ái Lan, Thảo Lam, Phương Khánh, Thu Quyên, Cao Ngọc Phượng, Phong Sơn, Chinh Ba, Hữu Hoàng, Nguyễn Văn Phụng, Phan Hữu Trình. Như đã nói ở trên, tòa soạn đăt trong một ngôi chùa do một cư sĩ là ông Nguyễn Văn Hoanh đứng vai chủ nhiệm. Mục xã luận là do chính những cán bô cộng sản gộc như Phạm Bá Trực, Mười Hải biên sọan.

Bên cạnh đó là những buổi sinh hoạt văn nghệ, ca nhạc nhằm cổ vũ các phong trào svhs phản chiến, đòi hòa bình. Tờ sinh viên ra mắt độc giả ngày 15/5/1967 do sinh viên Hồ Hữu Nhật làm chủ nhiệm. Tờ sinh viên được coi như biểu tượng của sinh viên tranh đấu. Ở đây, tôi xin nêu danh tánh tất cả những sinh viên thuộc các phân khoa đại họ đã hoạt động cách này cách khác cho cộng sản. Họ đã gài người vào trong các tổ chức sinh viên. Chẳng hạn như phong trào đòi Hòa Bình với chương trình “Hát Cho Đồng Bào tôi nghe, Dậy mà đi, Tiếng hát những người đi tới Đêm Văn nghệ tết Quang Trung” với sự tham gia của các sinh viên đi theo cộng sản như: Trần Thiện Tứ, bác sĩ Trương Thìn, nhạc sĩ Nguyễn Văn Sanh, nhạc sĩ sĩ Tôn Thấp Lập, Võ Thành Long, nhạc sĩ Trần Xuân Tiến, Phạm Phú Tâm, Trương Thị Hoàng và Trương Thị Anh, Phùng Hữu Trân, Nguyễn Ngọc Phương, Võ Thị Tố Nga,, Lê Thành Yến.

Và sau đây là danh sách sinh viên tranh đấu đã tình nguyện vào căn cứ ở Bắc Lộ 7, Cam pu chia gồm: Phan Công Trình, Nguyễn Đình Mai, Tôn Thất Lâp, Trần Long Ẩn, Nguyễn Văn Sanh, Lê Thành Yến, Trương Quốc Khánh, Huỳnh Ngọc Hải, Dương Văn Đầy, Trần Thị Ngọc Hảo, Huỳnh Quang Thư, Hai Nam, Năm Sao, Trần Thị Ngọc Dung, Hà Văn Hùng, Trương Quốc Khoách.

Trong khi đó như tiếp sức cho địch, các trí thức, dân biểu nhà văn đua nhau ra các bản thông cáo đủ loại. Chúng tôi cũng xin tóm tắt bản Tuyên ngôn của nhóm Quốc Gia, ngày 04/09/1974 về tình trạng đàn áp báo chí tại miền Nam do các dân biểu sau đây đồng ký tên: DB Nguyễn Văn Binh, DB Nguyễn Tuấn Anh, DB Đặng văn Tiếp, DB Nguyễn Văn Cử, DB Dương Minh Kính, DB Nguyễn Trọng Nho, DB Nguyễn Văn Kim, DB Nguyễn Đức Cung, DB Vũ Công Minh, DB Đỗ Sinh Tứ, DB Nguyễn Hữu Hiệu.

Nội dung bản Tuyên bố phủ nhận luật báo chí 007, bênh vực báo Hòa Bình bị bộ Thông tin chiêu hồi đóng cửa, bênh vực các ký giả Nguyễn Thái Lân, Ngô Đình Vận bị gọi lên cơ quan an ninh lấy lời khai. Những bản tuyên cáo, những đòi hỏi như thế chắc là đúng, chắc là hợp pháp, chắc là ngay thẳng vì các vị ấy đều là những người quốc gia chân chính, người có lòng. Nhưng cộng sản đã biết lợi dụng những hoàn cảnh như thế để châm thêm ngòi nổ phá rối trật tự, an ninh ở Sài gòn.

Trong nhiều tháng qua, Hội Văn Bút của Thanh Lãng đã nhiều lần lên tiếng cảnh cáo về tình trạng đàn áp báo chí và coi đó là một ngục tù tư tưởng quy mô nhất.

Nhà văn Nhật Tiến cũng có đọc một bản cáo trạng dài về tình trạng ngộp thở của văn nghệ sị miền Nam cũng như của ngành xuất bản sách báo dưới lưỡi kéo kiểm duyệt ác nghiệt.

Cạnh đó là tuyên cáo chống đối chính quyền một cách đương nhiên của khối dân biểu Dân tộc xã hội gồm có: DB Trần Văn Tuyên, Hồ Ngọc Nhuận, Nguyễn Ngọc Nghĩa, Nguyễn Phúc Liên Bảo, Nguyễn Công Hoan, Lý Trương Trân, Phan Thiệp, Huỳnh Ngọc Diêu, Trần Văn Thung, Trần Ngọc Giao, Trần Văn Sơn, Trần Cao Đề, Phan Xuân Huy, Tư Đồ Minh, Đinh Xuân Dũng, Lê Đình Duyên, Lý Quý Chung, Kiều Mộng Thu, Nguyễn Văn Hàm, Nguyễn Văn Phước, Nguyễn Hữu Thời, Nguyễn Mậu, Nguyễn Phước Vĩnh Tùng, Mai Ngọc Dược, Hồ Văn Minh, Đoàn Mai.

Riêng bản tuyên bố của nhóm dân biểu Xã hội-Dân tộc mà luật sư Trần Văn Tuyên làm trưởng khối thì chúng ta có quyền nghi ngờ nội dung bản tuyên cáo đó. Vì trong số dân biểu này, có một số đã làm tay sai cho cộng sản như dân biểu Hồ Ngọc Nhuận, Lý Quý Chung, Kiều Mộng Thu.

Luật sư Trần Văn Tuyên, một trí thức miền Nam, một người quốc gia chân chính mà còn có thể bị cộng sản giật giây thì còn ai khác nữa? Sau này đánh giá công tội của luật sư Trần Văn Tuyên, Hồ Ngọc Nhuận đã viết trong hồi ký “Đời” của ông như sau:

Luật sư Trần Văn Tuyên, có sách nào đó cho là lý thuyết gia của chủ nghĩa quốc gia chống Cộng, vào quốc hội nhiệm kỳ 2, năm 1971. Nhưng suốt nhiệm kỳ, anh chỉ đi với đối lập và là trưởng khối Xã hội-Dân tộc. Hôm gặp nhau khi đi trình diện với quân quản ở trụ sở Hạ viện, anh còn lạc quan nói: ‘chế độ mới không có luật sư, nhưng tôi hy vọng sẽ được làm bào chữa viên nhân dân’. Về anh cũng như một số các anh như Phan Thiệp, Nguyễn Mậu... thuộc cánh Quốc Dân Đảng miền trung, thật cũng khó mà lấy vài ba năm tham gia chính trị đối lập ở Sài Gòn để cân bằng đánh đổi mấy mươi năm chống Cộng. Nhưng nếu thời gian tham gia tranh đấu chống Mỹ của họ kéo dài thêm năm mười năm nữa thì sao? và đâu là nhựng giọt nước nhỏ nhoi muộn màng giờ chót, thay vì rơi đi nơi khác, lại góp phần làm tràn cái ly?

(trích hối ký Đời, bản thảo, Hồ Ngọc Nhuận, trang 165).

Ra đến Hải ngoại, trong Văn Học miền Nam, truyện 3, trang 1771 của Võ Phiến có trích dẫn lời giới thiệu của Trần Bạch Đằng có nêu 3 “tác phẩm tốt” trong thời kỳ 1954-1975 là Vũ Hạnh, Sơn Nam và Võ Hồng và không đề cập một chữ đến vai trò cán bộ CS của Vũ Hạnh. Việc nêu danh có ba tác giả thân Cộng có tác phẩm tốt thật là khó chấp thuận được? Và thế nào là tác phẩm tốt? Và như thế gạt bỏ tất cả những nhà văn miền Nam còn lại trong đó có cả Võ Phiến? Tôi hy vọng rằng nhà văn Võ Phiến chia sẻ những suy nghĩ của tôi viết với sự trân trọng và công bình.

Cùng một tinh thần như Trần Bạch Đằng, trong bài báo của Xuân Trang nhan đề: Tuổi trẻ Việt Nam làm báo có viết như sau về hiện trạng báo chí dành cho giới trẻ miền Nam:

Một hôm tôi ở tòa soạn nhận được bên anh em bên tạp chí Tin văn gởi biếu cho tờ Tin Văn số 10, với lời dặn dò là tờ Hồn Trẻ rất khó chen chân với các tờ báo nhảm nhí Tuổi hoa, Thiếu nhi, Tuổi ngọc... do bọn Nhật Tiến, Duyên Anh, Bảo Sơn chủ trương. Có lần tôi, tôi giao cho nhà phát hành Độc Lập, đường Trần Hưng Đạo 5 ngàn số thì sau đó y trả về gần đủ... 5 ngàn số, nghĩa là không bán được tờ nào cả.

Báo do cộng sản chủ trương không bán được vì không ai mua, nhưng bọn họ vẫn gọi các báo Tuổi Hoa, Tuổi ngọc, Thiếu nhi là những báo nhảm nhí. Đó là cái cung cách của người Cộng Sản.

Bên cạnh những tờ báo chính thức như Tin Văn, người cộng sản đã phát hành vô số báo vệ tinh như các tờ Xung kích, Suối thép, Lửa thiêng, Trung Kiên từ căn cứ đưa vào nội thành. Nhưng những báo này thực sự cũng ít được ai biết tới.

Kết luận phần 1

Nguyễn Đình Thi trong bài viết Câu chuyện gởi tới các bạn tuổi trẻ sinh viên học sinh miền Nam đã viết:

Mấy tháng nay, từng bước đấu tranh của các bạn đã được toàn thể đồng bào miền Bắc, nhất là các giới trí thức, đại học, các lứa tuổi trẻ, chăm chú theo dõi với tình thương yêu đầy tự hào. Hai mươi năm lăn lộn lửa đạn, và ngày nay đang tiếp tục chiến đấu, dân tộc ta đồng thời đã không ngừng từ đất bùn mà nhào nặn lại cuộc sống của mình, từng bước tiến lên xóa vỡ bao ngang trái bất công và quét đi những rác rưởi của chế độ cũ.

Và Lý Chánh Trung trong bài: Làm và tin cũng đã viết:

Không có mũi nhọn xung kích của thanh niên thì không thể tạo được những xáo trộn dữ dội và kéo dài trong những năm 70, gây đưiợc tiếng vagn ở nước ngoài và làm cho địch rất lúng túng... Tôi đã nhảy vào cuộc đấu tranh, phần lớn do sức lôi kéo của những người trẻ tuổi nói trên và đó là những ngày đẹp nhất mà tôi đã sống, với những lý tưởng đẹp, những tình cảm đẹp, những gương mặt đẹp mãi mãi không quên.

Hiện nay, tờ Tuổi trẻ cùng như tờ Tuổi Trẻ chủ nhật, Tuổi trẻ cười tại thành phố Hồ Chí Minh là hậu duệ của những tờ báo sinh viên, học sinh thời trước 1975. Một số bọn họ được trui rèn từ những ngày tháng tranh đấu trong mặt trận báo chí của Sài gòn trước 1975 nay đảm trách nhiệm vụ mới.

Mặt trận báo chí ở đô thị trở thành mũi nhọn hàng đầu trong tất cả các phong trào chống Mỹ, chống Thiệu. Tất cả những tờ báo ấy trở thành vũ khí tư tưởng theo lệnh của đảng góp phần vào sự sụp đổ miền Nam vào năm 1975.

Viết lại những trang này như một bài học ôn lại cho những người dân ở miền Nam trước 1975 nay đã sinh sống ở nước ngoài. Như một bài học. Như một dĩ vãng cần được khơi lại để cùng nhớ những năm tháng ấy.

Nguyễn Hữu Ba, cộng tác viên tờ Tin Văn; giáo sư âm nhạc trung học Petrus Trương Vĩnh Ký

Nguồn: vietnamnet.vn

Trần Bạch Đằng (1926 — 2007)

Nguồn: vi.wikipedia.org