Phần 65
Từ Georges Boudarel với Trại tù 113 đến các trại tù sau 1975.
Posted on February 24, 2017 by editor — 1 Comment
Nguyễn Văn Lục
Tội ác trong các chế độ độc tài bao giờ cũng có mẫu số chung. Đó lá sự tàn bạo. Trước 1975, chúng ta ở miền Nam cũng có gần 100 đầu sách dịch mà tôi gọi là sách dịch thời thế.
Từ Georges Boudarel với Trại tù 113 đến các trại tập trung cải tạo sau 1975.
Các tác giả này thường có những suy tư về các biến cố đang phủ trùm đời sống con người, đặc biệt họ là những người đối kháng với bước đi lạc đường lịch sử do tham vọng cá nhân, bè phái, đảng tính mà chủ yếu là do sự mù lòa trí tuệ. Họ là những tên tuổi như Arthur Koestler, Constantin Virgil Gheorghiu, Milovan Djilas, Boris Pasternak, Solzhennitsyn, Moris L. West.
“Sự nổ rợ các tác phẩm dịch này là điều hiểu được. Sự đối đầu giữa hai khối trong cuộc chiến không chỉ vạch ra các đường ranh súng đạn mà còn vạch ra một đường ranh trong tâm não con người. Tính ủy nhiệm và sự tham dự tích cực của các nhà tư tưởng cũng như nhà văn trở thành một thông điệp đối kháng với sự bạo tàn và áp bức.
Chúng ta đã có dịp làm quen với những bản dịch như “Nước đã đến chân” của Suzane Labin, “Thoát ly hỏa ngục” của Thomas Dooley, “Giờ thứ 25” của C.V. Georghiu, “Dr. Zhivago” của Boris Pasternark, “Quần đảo ngục tù” của Soljénitsyn, “Tầng đầu địa ngục” của Thomas P. Whitney.
Chỉ riêng Gheorghiu, ngoài tác phẩm “Giờ thứ 25”, ông còn có các cuốn khác đã được dịch sang tiếng Việt như “Lối thoát cuối cùng”, “Người Lữ hành cô độc”, “Kẻ ăn mày phép lạ”, “Chiếc roi ngựa”, vv..
Nhưng chỉ trong vòng 3 năm, từ 1970-1973, nhiều tác phẩm của Solzhennitsyn đã được dịch như “Một ngày trong đời của Ivan Denissovitch”, rồi “Tầng đầu địa ngục” và cuốn gây sóng gió nhất là “Quần đảo ngục tù”.” (Nguyễn Văn Lục, 20 năm miền Nam 1955–1975, Tủ sách Tiếng Quê Hương, 2010, trang 396)
Khi nhìn lại hàng trăm tác giả ngoại quốc viết về sự bạo tàn của con người, đặc biệt là người cộng sản, tôi tự trách là khổ đau như thế, nhưng người miền Nam nói chung, các nhà văn nói riêng. Đã không có một ai có một tác phẩm ngang tầm với chiều kích bi kịch của sự tàn bạo. Huế 1968, Quảng Trị Mùa hè 1972, đã có tác phẩm nào cho tôi đọc để chia xẻ hết những nỗi đau ấy? Hình như trong cuộc chiến vừa qua có đến cả ngàn đầu sách mà phần đông người ngoại quốc “nói hộ” cho chúng ta.
Nào đã hết. Những bài học về tội ác đối với con người như chế độ Phát Xít Đức Quốc xã bút nào tả hết. Hàng triệu người đã chết dưới tay những tên đao phủ như thế tại các trại tập trung như Buchenwald, tại Bergen–Belsen, tại Landsberg, Flosenburg, Mauthausen. Cộng chung có 1500 trại tập trung rải rác những nơi dưới quyền của Đức Quốc Xã. Có những hố chôn tập thể hàng 2000 người. Nổi tiếng nhất là trại Dachau.
“Khi Dachau được giải phóng, viên hạ sĩ Harold Collum, thuộc đơn vị 392e pháo binh cùng với bốn binh sĩ khác dừng xe díp lại. Họ nhìn thấy những bộ xương người chậm rãi tiến tới gần họ, cánh tay dơ ra. Những người lính kinh hoàng khi nhìn cảnh tượng ấy đến không nói ra lời, Collum đưa cho họ mấy chiếc bánh be nhê, phần còn lại của bữa ăn sáng..Những bộ xương người khụy xuống quỳ lạy tỏ lòng biết ơn. Chiếc xe díp lại nổ máy đi tiếp. Tại trung tâm trại, một vị linh mục tuyên úy Mỹ, có tượng thánh giá bạc trên mũ của ông, trèo lên nắp xe díp, nói to lên trước đám đông những tù nhân bị lưu đày: Lạy Chúa, chúng con dâng lời cảm tạ Chúa.
Thế rồi, ông tiếp tục cầu nguyện bàng tiếng La tinh. Cả đám đông im lặng. Một số người quỳ gối xuống, có nhiều người khóc, nhiều người làm dấu Thánh giá. Một người lính leo lên nóc xe díp đứng bên cạnh vị tuyên úy, nói to lên bằng một thứ tiếng Đức “ăn đong”.
“Hôm qua Mussolini đã bị lật đổ. Munich đã bị chiếm đóng. Các ông được tự do. Xin chào mọi người nhân danh Liên Hiệp Quốc.” (Joshua M. Green, “Justice à Dachau”, nxb calmann-lesvy, 2003, trang 31)
Tôi đã đọc lại những trang lịch sử kinh hoàng ấy trong xúc động về những tội ác đối với con người. Và tôi đành tự an ủi là: Những gì liên quan đến con người, dù độc ác tàn bạo đến đâu đi nữa thì cũng hiểu được theo tinh thần: “Tất cả những gì anh mong muốn người khác làm cho anh, thì chính anh hãy làm điều ấy cho người khác. Và đó là lề luật của các đấng tiên tri.” (Mathieu, 7,12)
Cho nên, chúng ta cũng không lạ gì tội ác và sự tàn bạo của người cộng sản đối với nhân loại, và đối với riêng người Việt Nam khốn khổ. Nhưng vì thế, tôi nghĩ rằng mỗi bài học là một kinh nghiệm riêng, quý báu để ta suy nghĩ trong những hoàn cảnh riêng của nó, trong từng trường hợp, trong cách ứng xử của từng cá nhân. Mỗi bài học, mỗi kinh nghiệm đau thương là một thông điệp gửi đi mà nhiều tội ác trở thành tội phạm chống lại con người.
Nói chung, trước những đau khổ ấy, thái độ tốt đẹp nhất là tôn trọng sự khổ đau theo cái tinh thần: ai có qua cầu mới hay.
Bài học của Georges Boudarel mà người viết nêu ra ở đây với Trại tù 113 (“Prisonnier au camp 113”) để lại vừa là bài học vỡ lòng và là một bài học tiêu biểu nhất người viết gửi đến bạn đọc, từ đó dẫn đưa bạn đọc đến các trại cải tạo giam giữ các “ngụy quân, ngụy quyền” sau 1975.
Nhưng trước hết Georges Boudarel là ai mới được? Có thể phần đông bạn đọc lần đầu tiên nghe đến tên này. Vì thế, cần có đôi hàng tóm tắt về tiểu sử và hành trạng của G. Boudarel trước. Đọc hành trạng của G. Boudarel, bạn đọc có thể so sánh không ít đến bọn trí thức thiên tả đủ loại trước 1975 tai miền Nam.
Georges Boudarel – Chính uỷ Trại 113 của Việt Minh. Nguồn: Criminocorpus
G. Boudarel, sinh năm 1926 ở Saint-Étienne, bên Pháp. Đi tu và khi sắp sửa dọn mình chịu chức linh mục, ông cởi áo nhà tu và đi theo đảng cộng sản Pháp. Ông là thứ công giáo cấp tiến, thiên cộng như phần đông trí thức công giáo thời bấy giờ. Sau đó, ông được đảng cộng sản Pháp gửi sang Việt Nam vào năm 1948. Ông đóng vai giáo sư dạy Triết tại trường Yersin, Đàlạt. Năm 1949, ông dạy sử và triết học ở trường trung học Marie Curie, Saigon. Nhưng năm 1950, ông quyết định bỏ đi dạy và gia nhập Việt Minh / đảng cộng sản Đông Dương và làm chủ biên các chương trình phát thanh bằng tiếng Pháp, La voix de Saigon–Chợ Lớn libre (Tiếng nói Tự do của Saigon-Chợ Lớn) của đảng cộng sản đặt ở vùng Sông Bé. Ông làm việc ở đây 18 tháng và sau đó quyết định ra Bắc. Từ 1952 đến 1954, G. Boudarel giữ chức Chính uỷ với cộng sản trong chiến tranh chống Pháp. Năm 1953 Boudarel bị kết án phản quốc ở Pháp. Boudarel ở Hà Nội đến năm 1964 mới đi Prague.
Phải mất 6 tháng trời hay hơn thế nữa để G. Boudarel đi đường bộ từ Nam ra Bắc.
Sau này, khi ông trở về Pháp nhờ luật ân xá 18 tháng 6, 1966, làm giảng viên khoa Sử Việt Nam tại ĐH Paris VII. (Georges Boudarel, https://trialinternational.org/latest–post/georges–boudarel/ và Wikipedia.org )
Trong thời gian sau này, G. Boudarel đã viết những tác phẩm sau đây:
- G. Boudarel, Vo Nguyen Giap
- Cent fleurs écloses dans la nuit du Viet Nam – Communisme et Dissidence (1954–1956.
- Hanoi, city of the rising dragon với G. Boudarel, Nguyễn Văn Ky và William. J. Duiker
- Banner of people war. The party’s military line với Vo Nguyen Giáp, Jean Lacouture và Georges Boudarel.
Tôi đã có dịp đọc cuốn đầu tiên viết về Võ Nguyên Giáp. Đối với tôi, đây chỉ là một cuốn sách thường, chẳng có gì đáng đọc. Nó chỉ là một tập tài liệu nhái lại những luận điệu tuyên truyền, chỉ nhằm mục đích ca tụng “ thiên tài” quân sự của Võ Nguyên Giáp. Trong một loạt bài biên khảo của tôi về tướng Giáp, tôi có trích dẫn G. Boudarel và đưa ra những nhận xét sau đây về ông:
“Chúng ta sẽ không lạ gì những tác giả như G. Boudarel cũng như nhiều tác giả Pháp khác. Ông là một người cộng sản Pháp nên toàn bộ cuốn sách của ông về tướng Giáp mà tôi đọc. Ông đã không hề nhắc nhở xa gần về vai trò của Trung Quốc trong chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất.” (Nguyễn Văn Lục, Những chiến dịch mang tên Võ Nguyên Giáp, Ngoquyen.org)
Tóm tắt, theo tôi cuốn sách ít có giá trị sử học.
Nhận xét của tôi chỉ muốn nêu lên một nhận định: Đã là cộng sản thì không có tổ quốc. G. Boudarel đã dẫm đạp lên quyền lợi của nước Pháp, mù quáng chạy theo Việt Minh cộng sản. Vì thế, ông bị coi như một kẻ phản quốc. Ông là mẫu người tiêu biểu cho trí thức theo cộng sản có dấn thân vốn là một khuynh hướng chính trị có sức thu hút nhiều thành phần trí thức thiên tả đi theo họ.
Trào lưu này cũng đã một thời tác động lên một số không nhỏ trí thức thành phần thứ ba tại Việt Nam trước cuộc kháng chiến chống Pháp và sau 1954. Rồi chống Mỹ, nhất là giai đọan từ cuối thập niên 1960, đầu 1970. Sau 1975, một số lớn trong bọn họ mới chợt tỉnh và ý thức được những sai lầm mê muội của họ thì đã quá trễ.
Khi ông về lại bên Pháp, nhờ tiếp xúc được với nhiều giới cũng như thu tập được khá đủ tài liệu, các số báo Nhân văn Giai phẩm, ông bắt đầu viết những bài tham luận đăng trên tập san Sudestasie, số 50 năm 1988, nhan đề “Dissidences intellectuelles au Viet Nam L’affaire Nhân Văn Giai phẩm”. Sau đó ông tập trung lại in thành sách, “Cent fleurs éclosent dans la nuit du Viêt Nam: communisme et dissidence, 1954-1956, Jacques Bertoin, 1991”.
Trong những nhận định được coi là quan trọng và sắc bén nhất của Georges Boudarel, theo tôi, ông có một nhận xét khá tinh tế khi cho rằng các nhà văn trong NVGP có một nhầm lẫn lớn là nói ra quá sớm những điều chưa thể nói ở Việt Nam. (Le tort de parler trop tôt).
Đúng vậy, nói không đúng lúc, nói không đúng thời điểm, các tác giả trong NVGP trở thành nạn nhân của chế độ cộng sản. Phải biết lúc nào được nói, lúc nào được phép nói. Đơn giản là vậy.
Nhưng điều làm cho G. Boudarel “tỉnh ngộ” là vụ cải cách ruộng đất. Hồ Chí Minh lộ hình cho thấy là một kẻ tàn bạo khi tiến hành cải cách ruộng đất, giết hại cả trăm ngàn người vô tội, trong đó, không phải chỉ có giới phú nông mà còn có con em của nhưng người đã từng hy sinh tính mạng trong công cuộc đánh đuổi người Pháp.
Nếu Hồ Chí Minh là kẻ sát nhân trong vụ NVGP thì Lê Duẩn là tên tội đồ trong vự thảm sát tết Mậu Thân.
Do sự bất mãn với chế độ Việt Minh Cộng sản trong vụ cải cách ruộng đất, năm 1964, Boudarel đã phải tìm cách trốn đi khỏi Việt Nam để sang sống ở Moscou với một tên giả là “Boris”, rồi Prague.
Boudarel bị cộng sản Việt Minh kết án tử hình do tội bỏ trốn và đào ngũ vì chống lại vụ cải cách ruộng đất. Trong một cuộc phỏng vấn dài với đahi châu Âu 1, Boudarel trả lời cho những người đã chỉ trích ông,
Georges Boudarel
“Tôi không hối tiếc gì về việc đã theo bên của Việt Nam và người dân thuộc địa. Tôi tham gia vì niềm tin. Lúc đó tôi là một người cộng sản. Bây giờ tôi nghĩ rằng tôi đã làm sai 100 phần trăm khi lựa chọn cộng sản.” (Aan Riding, “Paris Journal; Vietnam Echo Stuns France: Case of Treachery?” Special to The New York Times, March 20, 1991)
Tuy nhiên bi kịch kinh hoàng nhất của G. Boudarel là ông ta được cộng sản Việt Minh cài đặt ông trông coi một trại tù, làm trung gian để giết hại các cựu tù nhân Pháp. Đây là một đòn thù tàn ác, ghê tởm dùng người Pháp giết người Pháp. Ông được bổ nhiệm làm phụ tá ủy viên chính trị trong một trại tù của Việt Minh, trại tù nổi danh với cái tên vỏn vẹn con số 113. Một cái tên khác gọi là trại tù Đại Đồng. Mọi sự tàn độc của cộng sản đối với tù binh Pháp nay đổ lên đầu một mình G. Boudarel. Mặc dầu có thể trên thực tế, ông không có một tý quyền hành gì cũng không dúng tay vào các tội ác.
Georges Boudarel (1953–1991) Communisme & Guerre Froide
Trại 113 nổi tiếng vì mức độ tàn độc về số tù nhân tử vong do đói khát, bệnh tật và nhiều nguyên nhân khác. Có nhiều con số đưa ra từ mức 50% đến 75% số tù nhân bị tử vong. Thật cũng khó mà có được con số chính xác vì chỉ là những lời kể lại của các tù nhân–nhân chứng. Các tù nhân còn sống sót xác nhận rằng có 278 người chết trên tổng số 320.
Nhưng cho dù con số đưa ra không hoàn toàn chính xác vì chẳng ai trong số các tù nhân người Pháp có thể có điều kiện để đếm từng người, ngoại trừ cán bộ cộng sản coi tù? Cho đến nay thì muốn tìm tài liệu về phía cộng sản hẳn là ngay cái tên cái trại tù 113 cũng không hề có. Họ hẳn đã xoá sạch?
Câu chuyện trại tù 113 hầu như bị quên lãng! Và Georges Boudarel trở lại Pháp, rồi dạy đại học một cách công khai, không cần che dấu tên tuổi vì có sự che chở của một số trí thức cánh tả trong giới đại học.
Cho mãi đến năm 1991, trong một buổi hội thảo do Centre des hautes études sur l’Afrique et l’Asie moderne, Jean Jacques Beucler đã từng bị tù cộng sản Việt Minh trong bốn năm, tố cáo G. Boudarel và quy kết ông vào tội: Crimes contre l’humanité. (Tội ác chống lại con người). Sau đó đã có một số nhân chứng đã từng bị tù trong trại giam 113 như Jean Pouget, Charles Bora, Georges Le Gouron coi trại tù 113 một trại giam được coi như Les camps de la mort. Họ được dịp kể lại những gì họ đã sống, đã nhìn thấy bằng chính mắt họ trong sự xúc động, đau khổ khi nhắc nhở lại dĩ vãng đau thương khi thấy các đồng đội của họ bị bỏ chết đói và chết như thế nào. Xác người chết không kịp chôn, mùi hôi thối nồng nặc với những thân xác người như các bộ xương khô, hình ảnh gợi nhớ đến các cảnh kinh hoàng trong các trại tập trung thời Đức Quốc Xã.
Nhưng chính trong bối cảnh đó, có sự tố cáo lẫn nhau giữa các nhân chứng. Đây là thứ bi kịch thứ hai do cộng sản dùng ăng ten để tù kiểm soát tù. Người nọ tố cáo người kia làm ăng ten cho cộng sản.
Một cựu tù nhân đã chất vấn một cách hung hãn như hai kẻ thù, cho một cựu tù nhân khác: Khi ra khỏi tù, anh nặng bao nhiêu kí lô? Người kia trả lời 70 kí lô.
Người tù chất vấn trả lời: khi tôi ra tù chỉ nặng có 40 kilo. 70 kí và 40 kí là sự khác biệt giữa tù thật và tù làm ăng ten. Sự khác bệt giữa 40–70 kí là bằng chứng tội phạm.
Sự nghi ngờ và tố giác nhau công khai như thế, sau hơn 40 năm quả thật là một bi kịch chỉ có thể tìm thấy trong các nhà tù cộng sản. Họ la hét, họ bày tỏ tất cả nỗi oán giận lên người cùng số phận với họ như một thứ kẻ thù có thể ăn tươi nuốt sống. Nỗi oán hận ấy theo lẽ phải đổ lên đầu những tên cán bộ cộng sản vốn chúng độc ác, tàn bạo! Như thể có thật là vô lý hay không?
Phần G. Boudarel, về mặt pháp lý, toà án không có đầy đủ yếu tố buộc tội ông như các lời tố cáo của các tù nhân trại tù 113. Ông có thể bị bắt buộc phải làm theo lệnh của cộng sản. Ông có thể chỉ là trung gian truyền những mệnh lệnh của bọn lãnh đạo trại tù.
Vì thế, sau này, ông đã làm đơn kiện lên tòa án về 5 tội phạm mà ông cho là không có bằng cớ và đòi phải được bồi thường về sự vu khống?
Cho dù về mặt pháp lý, G. Boudarel được coi là người vô tội. Nhưng về mặt lương tâm con người, tôi nghĩ rằng chưa bao giờ lương tâm ông được yên ổn? Cả đời ông làm sao quên được những người Pháp như ông bị bỏ đói, chết khát, chết vì đủ thứ bệnh truyền nhiễm, thân xác chỉ còn da bọc xương. Đã thế, còn bị hành hạ tinh thần, bị xỉ nhục bằng cách học tập, nhồi sọ lý thuyết Mác Xít?
Ông Boudarel cho biết ông đã trở thành “một tù nhân của một ý thức hệ đã gắn liền với bản thân mình. Tôi là một phần của hệ thống phân cấp và tôi phải tuân lệnh như những người lính Pháp phải tuân lệnh các sĩ quan của họ.” (Alan Riding, ibid., )
Tuy nhiên, tôi đã có dịp quan sát rất kỹ thái độ, cử chỉ, ánh mắt nhìn, cách trả lời của G. Boudarel với vẻ khinh mạn, thách thức, lạnh nhạt trước các lời tố cáo. Nếu chỉ nhìn G. Boudarel lúc ông phải đối diện với những nạn nhân trại tù 113, tôi cảm nhận ông là thứ người đã bị nhồi sọ, vô cảm. Một thứ bất nhân hết thuốc chữa. Không một chút gì cho thấy ông có một tấm lòng hay một sự hối cải nào. Ông lãnh đạm và đôi lúc còn tỏ ra khinh bỉ, coi thường những nạn nhân đã từng bị ông đối xử như bày súc vật.
Đó là điều đáng trách nhất và đáng nguyền rủa nhất của một người trí thức như G. Boudarel. Trong số những bọn trí thức thiên tả miền Nam, trước 1975, tôi cũng có thể so sánh cung cách thái độ của một số bọn họ chẳng khác gi G. Boudarel cả. Hèn nhát, nịnh bợ, a dua, về hùa, mất nhân tính khi gọi các trại cải tạo là nơi “nghỉ mát”.
Tôi đã có dịp trích dẫn cuốn của Alain Ruscio, “Vivre au Viêt Nam”, từ các trang 133 cho thấy tiêu biểu trại Nam Hà, vào năm 1978 như sau:
“Từ năm 1975, hơn 600 người đã ở đây. Khoảng 50 người đã được thả về. Các căn trại được xây bằng gạch. Các phòng, rất sạch sẽ, chúng giống như các doanh trại nhà binh. Mỗi căn trại có 50 người. Đúng như vậy. (..) Mỗi người có một cái chiếu, hai cái mền..Một nhân viên quản giáo cho chúng tôi biết quần áo, sà phòng, kem đánh răng, tất cả những gì cần thiết cho đời sông thường ngày thì đều được Trung tâm cung cấp đầy đủ. (…) Chúng tôi đã gặp nghị sĩ Ngô Văn Ham, cựu tướng Huỳnh Văn cao, không có dấu hiệu gì cho thấy sự đối xử… tàn bạo. Nói chung, toàn doanh trại cho thấy có dấu hiệu một trại trừng giới”
Tội ác từ Trại tù 113 thời Pháp đến các trại cải tạo sau 1975
Sách và tài liệu về phía Pháp viết về các trại tù cộng sản là những bằng cớ không chối cãi được sự dã man và tàn bạo của người cộng sản.
Về phía VNCH, cũng đã có một ít sách viết về trại Cải Tạo sau 1975 như các cuốn: Đáy Địa Ngục, Cùm đỏ, Trại Cải Tạo, Những năm cải tạo ở miền Bắc, The Vietnamese Holocaust and the Conscience of the civilized nations, Viet Nam after 1975: Bamboo Gulags and Subtle Genocide, Những sự thật không thể chối bỏ, Trại Đá Bàn, Một nửa VNCH kéo dài, Tôi phải sống, v.v.. Và nhất là Trại Cổng Trời của Kiều Duy Vĩnh và Trại Cổng Trời (phỏng vấn của Mạc Lâm, đài RFA)
Và số người đi cải tạo lên đến nửa triệu người. Vậy mà trong nửa triệu người ấy, tôi có thể đoan chắc có thể không có đến một hai người trở thành cộng sản. Điều đó là một nỗi mừng hãnh diện về tư cách cũng như tinh thần của các tù nhân cải tạo.
Trong khi đó, thời VNCH, trước 1975 số cán binh cộng sản được chiêu hồi lên đến con số không phải ngàn người mà hàng vạn người. Sự khác biệt ấy nói lên điều gì và không nói lên điều gì?
Vì thế, khi nêu trường hợp G. Boudarel ra đây, cũng như những nạn nhân trong trại tù 113 như cái cớ để nói về bi kịch những người đi học tập cải tạo của miền Nam. Mục đích rõ ràng là như thế! Những gì đã xảy ra ở trại tù 113 cũng có thể xảy ra trong các trại Học tập cải tạo sau 1975 như một thứ phiên bản?
Nếu trong trại tù 113, hơn phân nửa đã chết vì đói ăn và bệnh tật thì theo ông Kiều Duy Vĩnh trên trại Cổng Trời, vào năm 1959, có 72 người bị đầy lên trại Cổng Trời, phần đông bọn họ là linh mục, hai vị, tu sĩ, thày giảng, ông Trùm, (hai) bà sơ, giáo dân. Không một ai có cơ hội sống sót để trở về, trừ hai người là Kiều Duy Vĩnh và Nguyễn Hữu Đang may mắn hơn, chỉ vì họ không phải là người công giáo. Tội của người chết đơn giản vì họ là người công giáo. Sau này, 1977, có một số vị linh mục bị đầy lên trại Cổng Trời và lãnh bản án 22 năm tù đầy.
Trong số những tác giả viết về các trại Tập Trung cải tạo của cộng sản, tôi dành một chỗ cao nhất nếu có thể dành cho tác giả Kiều Duy Vĩnh, mặc dầu ông viết rất ít và rất ngắn.
Số người chết trong tù cải tạo sau này có thể không đông đảo bằng trại tù 113, nhưng chính sách và đường lối quản lý tù nhân thì có thể không thay đổi. Chính sách bỏ đói, cài đạt ăng ten, chỉ điểm, chính sách tẩy não, thời gian tù đầy “tù mù” không hạn định ngày được tha có thể vẫn y như cũ.
Đối với quan điểm của tôi, tôi không kết án những tên cai ngục, ngay cả những người trót dại chỉ điểm, nghĩa là không kết án con người trong cái guồng máy nghiền tội phạm ấy mà kết án cái chế độ ấy.
Trong cuốn Đáy Địa Ngục của họa sĩ Tạ Tỵ, xuất bản năm 1985, ông đã đủ can đảm nhiều thứ, trong đó ông thú nhận rằng:
“Đói là vấn đề lớn trong tù. Đúng vậy. Cộng sản cai trị dân Việt Nam qua cái dạ dầy. Nếu ai chưa bị đói, cái đói dài dài từ ngày này qua ngày khác, từ tháng nọ đến tháng kia, chứ không phải 1, 2 bữa, khó mà cảm thông với cơn đói cồn cào ruột gan, đói toát mồ hôi, đói đương ngủ phải thức dậy, đói đến điên cuồng của những người đi cải tạo miền Bắc, sống chui rúc trong các hang hốc của dãy Hoàng Liên Sơn trùng trùng, ngất ngất, sát miền biên giới Hoa–Việt và sau những lớp đồi giăng mắc như mắt lưới thuộc miền Trung Du Bắc Việt, hay ở chân dải Trường Sơn thăm thăm miền Thanh Nghệ Tĩnh.” (Tạ Tỵ, “Đáy Địa Ngục”, trang 17–18)
Phạm Quang Giai, trong cuốn Trại Cải Tạo cũng viết:
“Cộng sản không cần đánh đập, không cần kết án mà chúng đã dùng cái máy chém “Đói”, chúng lê cái máy này đến mọi nơi, mọi chốn có tù nhân chính trị miền Nam để trả thù, trả hận mà vẫn không mang tiếng là ác độc, là giết người.
Một khoảng triền núi Mường Ngãi (Sơn La) có bãi cát phẳng lỳ, thế mà chỉ sau vài ba tháng, hàng trăm ngôi mộ của tù chính trị miền Nam được đắp lên vội vã.” (Phạm Quang Giai, “Trại Cải Tạo”, trang 5)
Tôi cũng rất trân quý cuốn sách “Trại cải tạo” của Trung tá Phạm Quang Giai, bởi vì cuốn sách rất người, rất nhân bản, biết nghĩ đến đồng đội. Ông viết:
“Số người chết trong mùa đông thật nhiều.
Tổ chúng tôi trực xác chết được chừng một tháng thì vào giữa giai đoạn lạnh rét, thiên hạ bị chết nhiều quá. Có ngày phải chôn hai người, có ngày ba người. Anh em mệt quá nên trở nên bất lực, thì tên Quý thấy khu A làm ăn không bằng khu B nên ra lệnh cho khu B nhận lại làm luôn.” (Phạm Quang Giai, ibid., trang 228)
Chỉ mấy dòng này đủ để chúng ta suy nghĩ về sự tàn độc của cộng sản, giết người bằng cách để thiên nhiên hành động một cách tự nhiên như thế nào. Nó có khác gì mấy các trại tập trung Đức Quốc Xã hay không?
Và phần Tạ Tỵ cũng phải nhìn nhận, “Ở tù… mọi giá trị đều đảo lộn.” (Tạ Tỵ, ibid., trang 21)
Ở chỗ khác, ông viết:
“Vì quá chật chội, nên con người dễ sinh bực tức. Sự việc không đáng gì, ở đây, trở thành nặng nề, khó giải quyết. Mới đây, họ là những chiến hữu, chào hỏi nhau qua cấp bậc, nếu không quen biết cũng chẳng bao giờ có ý gây gỗ. Nhưng ở hoàn cảnh này, tình chiến hữu hình như phai nhạt, nhường chỗ cho ích kỷ, nhỏ nhen. Nói vậy không có nghĩa mọi người có mặt đều hành xử như nhau, nhưng “đa số trầm lặng”, không giúp ích gì trong việc giải quyết mâu thuẫn cấp thời.” (Tạ Tỵ, ibid., trang 283)
Tuy nhiên, rải rác trong suốt cuốn sách, họa sĩ Tạ Tỵ bị ám ảnh gần như soi mói vào từng cử chỉ, thái độ của các người bạn cải tạo. Rồi nghi ngờ, đánh giá cũng như nói xa gần đến những tù nhân tự nhận làm ăng ten cho giặc. Có những giọng điệu mỉa mai gián tiếp không cần thiết đối với các tướng lãnh, các người bạn đồng tù.
Có cần thiết phải làm như vậy không?
Như trong đoạn tranh cãi sau đây, một người người ngoài cuộc cảm thấy đau lòng cho cả đôi bên mà sự phân định phải trái thật không dễ dàng gì.
Đây là đoạn tranh cãi giữa tướng Cao và một vị linh mục trẻ:
“Cách đây mấy hôm, không hiểu có chuyện gì với tướng Cao, vị linh mục Tuyên úy này đã có thái độ quyết liệt nói thẳng:
Tại sao ông lại xuyên tạc sự thật? Ông báo cáo với cán bộ những điều tôi không làm, không nói?
Tướng Cao trả lời lạnh lùng:
Ở đây, ai cũng có quyền báo cáo chả riêng gì tôi!
Đúng, báo cáo là quyền của ông, nhưng tôi chỉ mong ông đừng xuyên tạc sự thực là được. Chúng ta mọi người ở đây đều là tù, không có Tướng Tá gì hết. Cách mạng đã ghi trong nội quy như vậy. Ông muốn về sớm hơn anh em, ông có quyền làm tất cả tất cả những gì thuộc riêng ông thôi, đừng hại anh em, để được tha trước. Nói xong, vị linh mục trẻ này quay về phía anh em nói to:
Phải lôi rắn ra khỏi hang mà đánh.” (Tạ Tỵ, ibid., trang 473)
Lạy Chúa, ai là rắn , rắn nào đây? Rắn ấy vốn là đồng đội với nhau trước 1975?
Có lẽ đây là một trong số những câu truyện xảy ra đáng buồn nhất trong cuốn Hồi ký của Tạ Tỵ. Cái mồi câu nếu học tập tốt sẽ được về sớm đã là một trong những đòn nhử mà cộng sản tàn độc đã dùng để những người tù cải tạo sẵn sàng hại lẫn nhau. Cả vị linh mục lẫn tướng Huỳnh Văn Cao đều tin vào một Chúa, ở ngoài đời chắc đã có sự tương kính không tránh được. Nhưng ở đây thì khác, họ đang tố cáo nhau như thể những kẻ thù.
Trong cuốn Hồi ký, tôi thấy chỉ cần một chi tiết nhỏ cũng có thể trở thành một mối đe dọa, một bản án, một chụp mũ rất vô bằng và bất công cho những ai được bọn cán bộ chỉ định làm toán trưởng. Chúng ta thử đọc một đoạn tiếp:
“ Chổi đâu? Một tiếng nói như gắt. Anh Bảy (toán trưởng) nhỏ nhẹ.
— Mấy anh tự tìm lấy. Tôi cũng như mấy anh biết gì đâu mà hỏi!
— Anh là B. Trưởng mà! Nghe câu đó, anh Bảy không giữ được bình tĩnh:
— B. cái con mẹ gì? Tôi yêu cầu ba anh Tổ trưởng phân công cho anh em làm vệ sinh. Nếu không, tôi sẽ…
Anh chưa nói hết câu, nhưng mọi người đều nhận biết đó là lời đe dọa! Một tiếng nói vọng ra từ góc nhà.
— Đù mẹ, chưa chi đã phách lối!” (Tạ Tỵ, ibid., trang 31–32)
Câu chửi thề ấy rất có thể trở thành một bản án rồi đấy! Sự chia rẽ, nghi kỵ có thể bắt đầu từ đây.
Nhận diện và kết án một ai đó làm ăng ten là một điều không dễ.
Có những người đi học tập có chút nghề riêng thường dễ được xử dụng và hưởng được chút biệt đãĩ như thầy thuốc, thợ mộc đóng bàn ghế, thợ sửa đồng hồ. Hoặc biết chút âm nhạc, hội họa đôi khi cũng có chỗ để dùng. Như chính trường hợp Tạ Tỵ, nhờ biết vẽ, mặc dầu không chuyên về vẽ truyền thần hay phong cảnh, nhưng cần gì. Ông vẫn được trọng dụng để vẽ chân dung Hồ Chí Minh chẳng hạn..
Những trường hợp này có thể nào bị gán ghép là làm ăng ten? Chính Tạ Tỵ kể có lần vẽ cho một cán bộ có em gái đi lấy chồng nhờ ông vẽ một tấm bảng Song Hỷ, có lsửng hoa, v.v. Sau đó, ông được cán bộ tặng cho một gói thuốc lào An Thái, 2 trái su hào to và một hũ mật nhỏ.
Trường hợp Duyên Anh
Hình từ trái qua phải: Ô. Trần Hữu Hoàng, Duyên Anh và vợ, các ông . Nguyễn ý Thuần, Trần Quốc Bảo, Hồ Văn Xuân Nhi, Lê Phước Vinh – hình chụp cuối năm 1987 lần đầu tiên Duyên Anh đến Mỹ và gặp gỡ nhóm chủ trương nguyệt san Tuổi Ngọc (Mỹ ). Nguồồn: chs-tb-nth-hn.com
Nhân đọc bài viết của tác giả Vĩnh Phúc viết về nhà văn Duyên Anh, tôi thấy cần thiết đóng góp một tiếng nói khác về dư luận kết án Duyên Anh làm ăng ten cho cộng sản.
Trong cuốn Hồi ký của Tạ Tỵ , tôi cảm thấy khó chịu khi ông họa sĩ tìm đọc những cuốn: Chân dung các tướng ngụy Sài Gòn. Cuốn sách do một trung tá cộng sản đã dùng những bản tự khai của mỗi tướng lãnh, rồi pha chế thêm. Xin trich đoạn sách những nhận xét của tên trung tá:
“Khi nhìn thấy tôi (tác giả), tướng Kim đang uống nước, vội bỏ ly xuống, chạy ra chắp tay chào bàng một giọng lễ phép! Còn đề đốc Trần Văn Chơn lúc này đã ăn chay, niệm Phật! Tướng Lê Minh Đảo, tướng Lam Sơn, tướng Có, tướng Á, v.v.. Mỗi vị tướng được nói đến như gắn vào ngực một bản án ô nhục, nếu còn sống ngày nào cũng chẳng dám ngửa mặt nhìn ai. Qua cuốn sách, không vị tướng nào còn chút giá trị trước mắt người đọc. Nó nói hết những gì trước kia được che dấu dưới ánh sáng của những ngôi sao.” (Tạ Tỵ, ibid., trang 598-599)
Tạ Tỵ cũng tiết lộ cho biết ông còn đọc cuốn “Bộ mặt thực của các tướng ngụy”. Về cuốn này Tạ Tỵ viết:
“Cuốn này đề cập cả đến những khuôn mặt tướng lãnh đã di tản như Vĩnh Lộc, Phạm Quốc Thuần và Tôn Thất Đính, v.v.. Nội dung vẫn chỉ nói xấu, nhưng cũng phần nào đúng, nếu ai được biết qua “đời tư Lữ Bố” chẳng hạn, tướng Lam Sơn có mấy vợ? Tên các con gái toàn Mỹ Kim, Anh Kim, Đức Kim, Quý Kim, v.v.. Nghe loảng xoảng toàn vàng bạc. Còn người tình của tướng Khôi thiết giáp là ai? Vì sao, cô ta lại yêu tướng Khôi, dù ông đã có vợ con!
Đứng về mặt nghệ thuật, cả hai cuốn đó đều không có, nhưng đứng về mặt tài liệu, chúng có một giá trị tương đối. Trong thời gian vừa qua, có mấy ông tướng được đưa về trại Nam Hà. Một sáng ngồi chờ lao động, tôi thấy mấy ông Tướng đứng thập thò nơi đầu ngõ, lấm lét nhìn tên công an đang đứng gác các Đội, sửa soạn đi lao động. … Tôi không còn nhìn thấy chút oai phong nào ở nơi các ông ấy.” (Tạ Tỵ, ibid., trang 598-599)
Tôi đọc và trích dẫn hai đoạn văn trên của họa sĩ Tạ Tỵ. Tôi nhận ra được tất cả cái tâm địa tầm thường của tác giả. Có người tù nào trong trại cải tạo, dù là sĩ quan hay tướng lãnh, đói ăn và bệnh hoạn làm thế nào để họ giữ được oai phong tướng lãnh?
Không biết, Tạ Tỵ tự nhìn bản thân ông vốn là một sĩ quan cấp trung tá, nhưng chưa một ngày chiến trận, có được cái oai phong thuở nào không?
Hai cuốn sách của cộng sản nhằm hạ nhục tướng lãnh quân đội VNCH, bêu xấu đồi tư của họ. Có đáng được gọi là “tài liệu” và để dẫn chứng ra trong cuốn sách không? Tôi thấy ông hoạ sĩ lập thể có thói quen vẽ tranh thế nào thì viết về người như thế! Thật đáng tiếc.
(7/5/1975) BẠI TRẬN TẠI ĐÀ NẴNG—Binh sĩ Nam VN đang bị canh gác sau khi Đà Nẵng sụp đổ, trong bức ảnh nhận được hôm thứ tư tại New York từ Thông tấn xã Giải Phóng của Nam VN. Chú thích kèm theo bức ảnh viết: “Hàng ngàn binh lính “tinh nhuệ” của bè lũ Thiệu-Kỳ bảo vệ Đà Nẵng đã nhanh chóng bị quân giải phóng quét sạch hay làm tan rã. Hàng ngàn quân địch đã bị bắt làm tù binh trên các mặt trận và chuyển đến những khu vực bảo đảm.” Nguồn: AP Wirephoto
Được biết, sau này khi sang Mỹ, Tạ Tỵ còn viết bài trên tạp chí Văn của Mai Thảo, tố cáo Duyên Anh “đầu hàng cộng sản, bán xác anh em”. Theo Vũ Trung Hiền, Duyên Anh phản công dữ dội. Ngoài một số bài trên các báo, Duyên Anh còn nhắc tới Tạ Tỵ khá kỹ trong Hồi ký: Nhà tù và trại tập trung về “thành tích vẽ ảnh Hồ Chí Minh, ăn vụng thịt, ăn tranh phần cơm cháy của heo.” (Vũ Trung Hiền, “Duyên Anh và tôi”, Tân Tây Sơn xuất bản, tháng giêng 2000, trang 63)
Đây là sự tranh cãi, tố cáo nhau bẩn thỉu nhất mà tôi đọc được mà tất cả đều dựa trên tin đồn, lời truyền miệng từ người nọ đến người kia. Tôi không làm công việc bênh vực Duyên Anh. Bởi vì, tôi không có điều kiện đi tù cải tạo, không ở cùng trại tù Xuyên Mộc với Duyên Anh. Nhưng cũng chắc chắn tôi không dễ dãi đồng ý với cách thức kết án của họa sĩ Tạ Tỵ.
Cũng xin trích ra đây lời tâm sự của Duyên Anh với Vũ Trung Hiền:
“Xét cho cùng, chỉ có chủ nghĩa cộng sản và bọn thiểu số lãnh tụ chóp bu là kẻ thù để mình chống thôi. Những thứ cắc ké như bọn cán bộ quản giáo, công an coi tù, chúng nó có ra cái gì, mà mình phải coi chúng là kẻ thù?
— Mình chỉ chống chủ nghĩa thôi chẳng nên chống con người”
Ông giải thích tiếp:
“Thì cũng là vì anh tội nghiệp những thằng công an con nít, cho chúng nó thuốc lá, lạp xưởng, dạy chúng nó làm thơ tán gái, một số bạn tù cho rằng anh khiếp nhược, sợ bọn cai tù, đầu hàng cộng sản. Thậm chí còn có người bảo anh làm việc cho cộng sản nữa. Nhưng không sao anh bằng lòng chịu những hệ lụy đó. Để khỏi a dua với chúng nó.” (Vũ Trung Hiền, ibid., trang 83)
Đặc điểm của tinh thần “chống nhau” thay vì dồn sức lực chống kẻ thù cũng là nét đặc trưng của các cộng đồng người Việt hiện nay ở hải ngoại.
Nói về nhân cách con người cũng như sự hèn nhát thì không nhất thiết phải tìm trong các trại tù cải tạo! Xin mời đọc đoạn trao dổi giữa Vũ Trung Hiền và Trần Đình Thục, người họa sĩ cùng đi với Duyên Anh và chứng kiến từ đầu đến cuối tấn bi kịch Duyên Anh bị đánh giữa khu Bolsa như sau, Trần Đình Thục kể:
“Trưa hôm nay, anh Duyên Anh đi với anh Lê Quý An, tôi và em tôi đến khu Bolsa Mini Mall, định ăn trưa ở quán Ngân Đình. Chúng tôi gặp Mai Thảo, bác sĩ NM (Nguyễn Mạnh, chú thích của NVL) và bác sĩ NTV (Ngô Thế Vinh — chú thích của NVL) ở trước cửa quán. Duyên Anh dừng lại nói chuyện với họ khoảng chừng mươi mười lăm phút. Ăn trưa xong, khoảng một giờ, chúng tôi đang đi bộ về phía đường Bolsa thì bốn tên từ phía sau trờ tới. Một ten vỗ vai Duyên Anh. Ngay khi anh vừa quay lại, nó đánh thật mạnh vào thái dương bên trái, rồi bồi thêm một cú móc dưới cằm. Duyên Anh ngã quỵ xuống. Sự việc xảy ra đột ngột không kịp phản ứng. (…) Chúng tôi xốc Duyên Anh, dìu anh đến ngồi trước bậc thềm, bên ngoài phòng chụp quang tuyến của bác sĩ NM. (Nguyễn Mạnh)(…) Tôi chạy vào phòng quang tuyến, xin bác sĩ NM. (Nguyễn Mạnh) làm ơn ra coi cho Duyên Anh. Có cả bác sĩ NTV (Ngô Thế Vinh) cũng đang ngồi trong đó nữa.
— Các ông ấy ra ngay chứ?
— Không có ai ra cả. Bác sĩ M. (Nguyễn Mạnh) bảo tôi, ông ta không khám bệnh, chỉ chụp quang tuyến thôi.
— Như vậy, ai gọi 911?
Lúc tôi ra ngoài, anh Lê Quý An đang xin nhân viên ở đó gọi dùm
— Bao lâu thì xe cứu thương mới tới.
— Khoảng 20 phút sau
— Suốt thời gian đó, không ai ngó ngàng gì đến Duyên Anh?
— Không có ai cả. Tôi lấy làm lạ, vì sao hai ông bác sĩ đó không thể bước ra ngoài nhìn Duyên Anh một chút, dù trước đó một tiếng, họ đã bắt tay và nói chuyện với anh ấy.” (Vũ Trung Hiền, ibid., trang 142-143)
Lời thề Hippocrates: …giúp người khi thích đáng và cần thiết.
Và cũng trong cái tinh thần ấy, không một tờ báo nào ở quận Cam dám lên tiếng bênh vực Duyên Anh. Đỗ Quý Toàn, tờ Người Việt đâu? Việt báo của Nhã Ca sướt mướt với Giải Khăn Xô cho Huế ở đâu nhỉ?
Thắc mắc cuối cùng của tôi đặt ra cho độc giả, giữa cái hèn của người tù cải tạo và cái hèn của người ngoài tù, ai hèn hơn ai? Và thắc mắc thứ hai là khi ra khỏi trại tù cộng sản, Duyên Anh nặng bao nhiêu kí và Tạ Tỵ nặng bao nhiêu ký?
© DCVOnline