Đọc sách MỘT THỜI ĐỂ NHỚ

MỘT THỜI ĐỂ NHỚ

BUỔI RA MẮT SÁCH “MỘT THỜI ĐỂ NHỚ”

CỦA THẦY NGUYỄN VĂN LỤC TẠI NAM CALI

NGÀY CHỦ NHẬT 13 THÁNG 11, 2011

Từ trái sang phải: Anh Phạm Khắc Đàm, Thầy Phan Thanh Hoài, Thầy Nguyễn Văn Lục,

Ngọc Dung, Mai Trọng Ngãi, Tiêu Hồng Phước, Tất Ứng, Lữ Công Tâm

Trong bầu không khí của một ngày chủ nhật nắng ấm, trời trong tại miền nam CA trái với dự đoán của các channel thời tiết trong những ngày trước nói là sẽ có mưa suốt từ thứ Sáu đến Chủ nhật, và do thiệp mời đã được Ban tổ chức phổ biến rộng rãi trên các đài truyền thanh, truyền hình và ngay trên trang nhà NQ từ mấy tuần trước buổi ra mắt tác phẩm “Một Thời Để Nhớ” của thầy Nguyễn Văn Lục tại Westminster Civic Center lúc 2 giờ trưa ngày 13 tháng 11, 2011 đã thành công rực rỡ.

“Một Thời Để Nhớ” là tác phẩm thứ ba của Thầy được phát hành tại CA sau quyển đầu tiên là “Lịch Sử Vẫn Còn Đó” và quyển “Hai Mươi Năm Miền Nam VN" (1955-1975).

Đây là một buổi Sinh Hoạt Văn Học do Nguyệt San Diễn Đàn Giáo Dân tổ chức nhằm giới thiệu hai tác phẩm với cùng chủ đề về một nhân vật lịch sử Việt Nam: Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm của 2 tác giả Minh Võ và Nguyễn Văn Lục nhân dịp tưởng niệm lần thứ 48 ngày cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm và nền Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam bị bức tử, nên đã lôi cuốn được sự tham dự rất đông đảo của các độc giả và nhiều thành phần nhân sĩ, trí thức hải ngoại, những người vẫn còn nhiều khắc khoải, ưu tư với lịch sử dân tộc Việt Nam.

Cũng với những khuôn mặt NQ quen thuộc đã đến tham dự Ra Mắt Sách của thầy Kiều Vĩnh Phúc tuần trước tại tòa báo Người Việt, nhưng tuần này, lại vắng đi một số Thầy Cô vì bận việc riêng và anh đặc phái viên nhà báo Nguyễn Hữu Hạnh của NQ phải đi SanJose để dự lễ cúng đình Tân Lân của Đồng Hương Biên Hòa. Tuy vậy trước buổi RMS 1 ngày mọi người cũng đã liên lạc rũ nhau đi để gặp gỡ và ủng hộ Thầy Nguyễn Văn Lục đến từ Canada.

Anh Mai Trọng Ngãi, anh Tiêu Hồng Phước là người đến sớm nhất từ 1 giờ trưa, ngồi bên ngoài hội trường để chờ đón Thầy Cô và bạn bè NQ. Ngọc Dung là người thứ ba đến đúng 1:30 giờ khai mạc như trên thiệp mời đã ghi, nhưng vẫn còn sớm hơn rất nhiều người, nên cùng đứng chờ bên ngoài với các anh. Mãi gần đến 2 giờ mới thấy chị Tất Ứng, anh Lữ Công Tâm, anh Đỗ Trung Quân, sau đó là Thầy Phan Thanh Hoài, chị Ngọc Huệ. Thầy Nguyễn Văn Lục từ lúc đến thì đã luôn bận rộn lo ký tên, trả lời cho các độc giả đang mua sách nên muốn gặp chào hỏi Thầy cũng phải đứng… xếp hàng chờ đợi.

Đặc biệt, hôm nay có rất nhiều cơ quan truyền thông, báo chí đến tham dự và phỏng vấn như đài TV Hồn Việt, đài VNBC, đài SàiGònTV, nhật báo Viễn Đông, Người Việt… Anh Phạm Khắc Đàm, con của Thầy Hiệu Trưởng Phạm Khắc Thành và là camera man, làm việc cho đài SaiGòn TV, cũng được kéo vào chụp hình chung với Thầy Lục và nhóm NQ thật vui. Anh đã ở lại để thu phần phỏng vấn thầy Lục cho xong và giờ cuối còn cho Anh Lữ Công Tâm và Ngọc Dung lên truyền hình với một màn phỏng vấn "chớp nhoáng" bất ngờ về quyển sách mới của Thầy. Được biết giờ cuối, vì lý do sức khỏe nhà biên khảo Minh Võ đã không đến tham dự được nên Thầy Nguyễn Văn Lục một mình "tả xung hữu đột" trả lời phỏng vấn với báo chí, truyền hình, ký tên tặng sách cho độc giả liên tục suốt từ đầu đến cuối chương trình, khá bận rộn đến đổi phải nhờ chị Tất Ứng cung cấp cho một số giấy kleenex để… lau mồ hôi.

Buổi sinh hoạt RMS đã được chuẩn bị rất trang trọng với cờ Việt-Mỹ và những banner chào mừng quan khách từ bên ngoài cổng hội trường Wesminster cho đến bên trong sân khấu nơi bục của diễn giả, đã đón chân gần 200 quan khách đến tham dự.

Đúng 2 giờ trưa, Bác sĩ Trần Đức Cường, MC của chương trình đã khai mạc bằng lời nhắc nhở về quê hương VN để giới thiệu tác giả và tác phẫm sẽ được ra mắt trong ngày hôm nay. Sau đó là phần chào quốc kỳ, quốc ca Mỹ - Việt và tưởng niệm các bậc tiền nhân đã giữ và dựng nước.

Bác sĩ Trần Văn Cảo, trưởng ban tổ chức, ngỏ lời chào mừng và cám ơn sự hiện diện đông đảo của mọi người. Nhà văn Phan Lạc Tiếp giới thiệu tác phẩm “Tâm Sự Nước Non” của nhà biên khảo Minh Võ bằng sự ngưỡng mộ và cho rằng “sử gia là ký ức của dân tộc” và lối viết của ông Minh Võ trong các bài viết luôn rất thuyết phục, chân thành và lôi cuốn.

Nhà văn Phan Lạc Tiếp

Phần giới thiệu tác phẩm “Một Thời Để Nhớ” của thầy Nguyễn Văn Lục do Dược sĩ Phạm Đình Thuận, một trí thức trẻ, sinh hoạt nhiều cùng giới trẻ, yêu thích văn học, có tâm tình rất tha thiết với quê hương, đất nước. Ông cho biết là khi còn nhỏ ở VN rất mê học Triết, trong thời gian qua rất ngưỡng mộ những bài biên khảo của tác giả NVL qua sách báo và trên các trang web, hôm nay được nói về NVL giống như là “học trò đi review công việc của ông Thầy” nên xin được chia sẻ với cách nhìn của “người học trò về lịch sử”. Theo ông, tác giả NVL với những tài liệu phong phú, lập luận tinh vi, đầy tính thuyết phục trong suốt 17 chương của quyển sách dày 500 trang đã nêu ra được những “cái mốc” lịch sử quyết định sự thành hình và tan rã của nền đệ nhất Cộng Hòa trên đất nước VN. “Ai là tác giả chính đề” là chương rất xuất sắc. Tựa đề MTĐN có vẻ như một lời tình tự về tình cảm nhưng thực ra là một chuỗi sự thật, sự kiện lịch sử về Tổng Thống Ngô Đình Diệm và nền Đệ nhất Cộng Hòa. Ông kết luận rằng công trình biên soạn, chọn lọc, ghi chép tỉ mỉ các tài liệu để sử dụng trong các bài viết luôn là “ấn tượng” rõ nhất về tác giả NVL, nhằm giúp độc giả hiểu biết thêm về lịch sử và tìm một hướng đi mới.

Dược Sĩ Phạm Đình Thuận

Giáo Sư Lưu Trung Khảo tiếp tục với phần nhận định về tác phẩm MTĐN, ông cho rằng tác giả NVL đã dùng tư duy trí thức và triết học để giải mã các đề tài trong các bài viết của mình và nội dung sách muốn nêu rõ sự thật về cố Tổng thống NĐD. Thường thì một số các tác giả viết chính sử theo cảm tính, tác giả NVL đã tránh được điều này, không lên án, bào chữa mà chỉ đưa ra những nhận định khách quan, đứng đắn. Kiến thức uyên bác, dẫn chứng với nhiều chi tiết bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, nhưng có khuyết điểm là bố cục không nhất quán vì thường là tổng hợp của các bài đã đăng từng kỳ trên báo hoặc trên web.

Ông Nguyễn Chí Thiện, tác giả của tập thơ “Hoa Địa Ngục” cho biết tuổi trẻ của ông đa số là ở trong ngục tù Cộng Sản, rất giới hạn tin tức bên ngoài nhưng ông biết rõ rằng cuộc sống ở Miền Nam có tự do, trí thức, nhân bản, là miền “Đất Hứa” và Miền Bắc thì hoàn toàn không. Để nói lên điều này ông đã dẫn chứng bằng 2 câu thơ của Lê Đạt, từng là thư ký của Trường Chinh, viết năm 1936: “Tôi sống mãi những ngày tháng Hạ. Khôn ngoan nên không dám làm người” đã được cử tọa vỗ tay tán thưởng nồng nhiệt. Ông kết luận rằng: “Phải cám ơn 2 nền Cộng Hòa đã cho quý vị được sống làm người”.

Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện

Ông Trần Phong Vũ, chủ bút nguyệt san Diễn Đàn Giáo Dân, xin cáo lỗi cùng quan khách vì lý do sức khỏe ông Minh Võ đã không thể đến tham dự được và cám ơn mọi người đã đến ủng hộ cho hai tác giả và tác phẩm. Ông cho rằng quan điểm của tác giả Nguyễn Văn Lục có thể khác với ông Minh Võ, nhưng cả 2 cùng gặp nhau ở một điểm là chịu chia sẻ những suy tư để tìm một hướng đi mới cho lịch sử.

Ông Trần Phong Vũ

Thầy Nguyễn Văn Lục thay mặt cho tác giả Minh Võ cám ơn tất cả mọi người đã đến tham dự và nói rõ lý do, hoàn cảnh đã khiến thầy viết về đề tài này là để bày tỏ tâm tư của những người đã mang ơn Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm và chế độ đệ nhất Cộng Hòa, như là trả ơn người đã có công đưa miền Nam VN đi lên, nhất là những người di cư như tác giả. Trong bao năm qua, Cố TT Ngô Đình Diệm và chế độ đệ nhất Cộng Hòa đã bị bôi nhọ rất nhiều, tác giả muốn với tư cách của một người nghiên cứu đi tìm sự thật để viết lại những gì trung thực, trong sáng và khách quan hơn.

Cuối cùng, Ông Huỳnh văn Lang, cựu Tổng Giám Đốc Ngân Hàng Hối Đoái của nền đệ nhất Cộng Hòa, một chứng nhân lịch sử của giai đoạn này cũng lên chia sẻ cảm nghĩ.

Buổi sinh hoạt Văn học giới thiệu hai tác phẩm với cùng một đề tài lịch sử Việt Nam đã kết thúc vào lúc 4:00 chiều cùng ngày. Và thầy Nguyễn Văn Lục đến giờ phút cuối sau buổi lễ vẫn còn một vài độc giả trẻ nán lại, đến gặp để xin chữ ký và bày tỏ sự thích thú khi được tìm hiểu thêm về lịch sử dân tộc qua những quyển sách của Thầy đã viết.

Võ Thị Ngọc Dung

11/15/2011

Một số hình ảnh của thầy trò NQ trong buổi ra mắt sách:

Mời đọc bài thơ "CẢM TÁC" của Thy Lệ Trang viết sau khi đọc bài giới thiệu RMS của thày LỤC:

CẢM TÁC

(Nhân đọc bài giới thiệu Ra Mắt Sách thày Nguyễn Văn Lục)

Cuộc đời như áng mây bay

Về nơi xứ lạ... tháng ngày buồn tênh...

Một mình trên đỉnh chênh vênh

MỘT THỜI ĐỂ NHỚ... để quên ngậm ngùi...

LỊCH SỬ CÒN ĐÓ... ai ơi,

Âm thầm ghi chép, lưu đời về sau...

Còn mang chung một niềm đau

Làm sao xóa được nỗi sầu thời gian ???

Ôi, HAI MƯƠI NĂM MIỀN NAM...

Và bao năm nữa ngổn ngang nỗi buồn

Ôi quê hương!... ôi quê hương...!

THY LỆ TRANG

MASSACHUSETTS

PHỤ ĐÍNH

Ra mắt hai tác phẩm về cố TT Ngô Ðình Diệm

Monday, November 14, 2011 3:28:39 PM

Nguyên Huy/Người Việt

WESTMINSTER (NV) -Chiều hôm Chủ Nhật, 13 Tháng Mười Một, tại hội trường Westminster, nguyệt san Diễn Ðàn Giáo Dân đã tổ chức buổi ra mắt hai cuốn sách liên quan đến cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm nhân tưởng niệm 48 năm ông bị sát hại.

Ông Nguyễn Văn Lục đang ký sách. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Trước khoảng hơn 200 đồng hương tham dự, Bác Sĩ Trần Văn Cảo, chủ nhiệm nguyệt san Diễn Ðàn Giáo Dân, ngỏ lời chào mừng quan khách. Nhắc đến biến cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm bị sát hại, Bác Sĩ Cảo phát biểu: “Ðã qua đến 48 năm nhưng biến cố 1 Tháng Mười Một, 1963 vẫn còn nhiều tranh cãi. Sự thật lịch sử cần phải được sáng tỏ nên nguyệt san Diễn Ðàn Giáo Dân xin giới thiệu hai cuốn sách đề cập đến việc này của hai vị từng là tác giả những tác phẩm về tài liệu lịch sử rất giá trị.”

Ðó là cuốn “Hồ Chí Minh-Ngô Ðình Diệm và Cuộc Chiến Quốc Cộng” của Minh Võ và cuốn “Một Thời Ðể Nhớ, Những Sự Thật Về Cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm và Nền Ðệ I Cộng Hòa” của Nguyễn Văn Lục.

Nhân dịp này, một số trí thức trong cộng đồng người Việt như nhà văn Phan Lạc Tiếp và cựu Tổng Giám Ðốc Viện Hối Ðoái VNCH Huỳnh Văn Lang cũng lên phát biểu.

Bìa cuốn sách của tác giả Minh Võ còn ghi một tiểu đề “Tâm Sự Nước Non” (2) như một nhấn mạnh đến tinh thần yêu nước của tác giả trước những biến cố thời sự đã ảnh hưởng khá nhiều đến vận nước và dân tộc.

Cuốn “Hồ Chí Minh-Ngô Ðình Diệm và Cuộc Chiến Quốc Cộng” là khổ sách lớn, dầy hơn 400 trang, bìa cứng, ngoài những phần Tựa, Thư Mục và Danh Mục, có đến 23 chương sách đề cập đến cuộc chiến tranh Việt Nam, cuộc chiến tranh ý thức hệ và những vấn đề thời sự khác có liên quan đến tình hình chính trị Việt Nam để tác giả ngầm so sánh hai nhà lãnh đạo cộng sản và quốc gia.

Ông Minh Võ từng là tác giả của hàng chục cuốn sách nghiên cứu về Hồ Chí Minh và Cộng Sản Việt Nam từ năm 1963 cũng như một số tác phẩm về cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm nên tài liệu tác giả đưa ra khá là phong phú giúp cho người đọc có được những cái nhìn khách quan về những sự kiện lịch sử.

Cuốn “Một Thời Ðể Nhớ” của tác giả Nguyễn Văn Lục đề cập đến “những sự thật về cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm và nền Ðệ I Cộng Hòa” dầy 500 trang gồm 17 chương và một phần phụ lục đề cập đến những giai đoạn trước khi về làm thủ tướng cho chính phủ Bảo Ðại của nhà Chí Sĩ Ngô Ðình Diệm.

Từ “những viễn kiến về một giải pháp thứ ba và bước đường lưu vong” của nhà chí sĩ cho đến cuộc trưng cầu ý dân “truất phế Bảo Ðại” và nhiều vấn đề khác trong thời Ðệ I Cộng Hòa như về cái chết của Nhất Linh, về Thượng Tọa Thích Trí Quang và vai trò của Mỹ trong biến cố Phật Giáo... được tác giả soi rọi lại với những tài liệu sách báo thời đó cũng như sau này để giúp độc giả có một cái nhìn chính xác hơn.

Tác giả Nguyễn Văn Lục cũng là tác giả cuốn “Lịch Sử Còn Ðó” do Tạp Chí Tân Văn xuất bản và “Hai Mươi Năm Miền Nam” do Tiếng Quê Hương xuất bản, đều là những sách viết về miền Nam Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động đưa đến những hậu quả khốc liệt cho đất nước và dân tộc. Trong “Lịch Sử Còn Ðó,” tác giả viết bằng cả một tâm hồn phong phú của mình với những cái nhìn chứa chan tình cảm.

Cả hai cuốn sách đều là những tài liệu cho các thế hệ sau tìm hiểu về một giai đoạn lịch sử mà những người lãnh đạo đất nước đã không thể thoát được những thế lực chính trị quốc tế.

Westminster (VB)- - Vào lúc 2 giờ chiều Chủ Nhật 13-11-2011 tại Westminster Civic Center, Nguyệt San Diễn Đàn Giáo Dân tổ chức buổi ra mắt 2 tác phẩm "Hồ Chí Minh, Ngô Đình Diệm và Cuộc Chiến Quốc Cộng" của Nhà Biên Khảo Minh Võ và cuốn "Một Thời Để Nhớ" của GS Nguyễn Văn Lục viết về Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Nền Đệ Nhất Cộng Hòa. Khoảng 200 người đến tham dự. Bác Sĩ Trần Văn Cảo đại diện Ban tổ chức lên ngỏ lời chào mừng và cảm ơn sự hiện diện của mọi người tham dự. Nhà Văn Phan Lạc Tiếp lên giới thiệu tác phẩm "Tâm Sự Nước Non" của Minh Võ, sau đó nhà thơ Nguyễn Chí Thiện lên phát biểu cảm tưởng. Dược Sĩ Phạm Bình Thuận lên giới thiệu "Một Thời Để Nhớ" của Nguyễn Văn Lục, sau đó Giáo Sư Lưu Trung Khảo lên phát biểu cảm tưởng. Tiếp theo các tác giả lên phát biểu trước cử tọa, và sau cùng là phần trao đổi và phát hành sách. Trong hình, GS Nguyễn Văn Lục, thứ 3 từ phải, ký sách tặng độc giả. (http://www.youtube.com/watch?v=2sCaBTa7Gt8)

Nhìn Về Quá Khứ Và Cảm Ơn Nhau

Từ trái sang phải: Đào Nam,Thầy Nguyễn Văn Lục, Thầy Nguyễn Xuân Hoàng, chị Bùi Thị Hảo, Diệu Hương

Trung tuần tháng 11 vẫn còn là cuối Thu, mùa Đông chưa lấp ló, nhưng San Jose đã lạnh đủ để thở ra khói mà không cần phải hút thuốc. Lạnh như thế nhưng các bác, các chú cao tuổi vẫn đội mũ quấn khăn đến tham dự buổi ra mắt hai tác phẩm "Tâm sự nước non" và "Một thời để nhớ" của hai nhà biên khảo Minh Võ và Nguyễn Văn Lục .

Chính xác hơn phải nói đây là "Tâm sự nước non" thứ hai của tác giả lão thành Minh Võ . Ông là một người có nhiều công trình biên soạn có giá trị về các giai đoạn chính trị của Việt Nam Cộng Hòa. Cư ngụ ở San Diego, nhưng tuổi đã ngoài 80, sức khỏe không cho phép tác giả Minh Võ đến gặp gỡ độc giả. Dù không được gặp ông, cử tọa tham dự vẫn rất trân trọng "Tâm sự nước non" của ông và của rất nhiều người dù sống lưu vong nhưng lúc nào cũng nặng tình với đất nước.

Hai hàng ghế ngồi ở Hội trường Trung tâm Công Giáo Việt Nam ở San Jose gần như kín chỗ. Điều khác biệt với những buổi ra mắt sách khác là có hình của cố Tổng thống Ngô Đình Diệm của nền Đệ Nhất Cộng Hòa.

Sau nghi thức khai mạc, chào cờ Việt, Mỹ, và phần tưởng niệm tất cả những người nằm xuống vì hai chữ "tự do", MC Trần Hiếu đã giới thiệu các diễn giả gồm có:

- Linh Mục Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Trung tâm Công giáo VN ở San Jose.

- Bác Sĩ Trần Văn Cảo, Chủ nhiệm Nguyệt san Diễn đàn Giáo dân.

- Luật Sư Phạm Văn Hướng một nhân sĩ của cộng đồng VN ở San Jose.

- Nhà văn Trần Phong Vũ, Chủ bút Nguyệt san Diễn đàn Giáo dân.

- Kỹ sư Nguyễn Đức Cường cựu Tổng trường Kinh tế thời Đệ Nhị Cộng Hòa.

Cha Thư và BS Cảo đã chào mừng tất cả mọi người có mặt ở hội trường và giới thiệu khái quát tình hình lịch sử của nền Đệ Nhất Cộng Hòa, từ lúc Tổng thống Ngô Đình Diệm chấp chính đến cuộc cách mạng 1 tháng 11 năm 1963.

Tác giả Minh Võ vì sức khỏe, không thể có mặt nhưng Luật sư Hướng đã giới thiệu khái quát tiểu sử của ông, và quá trình phục vụ trong quân đội dưới cả hai nền Cộng hòa của Nam Việt. Ông đã gởi cả tấm lòng của mình vào "Tâm sự nước non" I và II.

Tiếp lời ông, nhà văn Trần Phong Vũ, với thiên khiếu hùng biện hiếm có, đã giới thiệu nhà biên khảo, cựu giáo sư Triết Nguyễn Văn Lục với cử tọa. Mọi người nghe ông trích dẫn một vài chương chính trong "Một thời để nhớ", trong đó ông dành nhiều thì giờ nói về nhà văn Nhất Linh cùng mối quan hệ của nhà văn tài hoa này với Tự lực Văn Đoàn và Việt Nam Quốc dân đảng.

Dù diễn giả nói rất hay, nhưng những cử tọa trẻ vẫn bị chìm trong sương mù hoài nghi của lịch sử trong trường hợp của nhà văn Nhất Linh với chén thuốc độc tự kết liễu đời mình. Phải chi ông Nhất Linh sống lâu hơn, văn học Việt Nam hẳn là sẽ có thêm vài tác phẩm có giá trị khác.

Kết thúc phần phát biểu, kỹ sư Nguyễn Đức Cường đã góp một vài ý kiến cá nhân về thời còn hàn vi của cố Tổng thống Ngô Đình Diệm.

Sau đó, thay mặt cho cả hai tác giả, cựu GS Triết Nguyễn Văn Lục đã cảm ơn mọi người có mặt trong Hội trường, đặc biệt là ban tổ chức đã giúp phổ biến một phần sự thật về nền Đệ nhất Cộng hòa đến các thế hệ sau qua "Tâm sự nước non" và "Một thời để nhớ". Ông khẳng định là khi nền Đệ Nhất Cộng Hòa bị bức tử, ông còn là một sinh viên ban Triết của Viện Đại học Đà Lạt. Ông chưa hề được hưởng một bỗng lộc nào của chế độ nên ông viết "Một thời để nhớ" bằng công tâm qua nghiên cứu và biên khảo. Và như vậy tác phẩm có được sự khách quan tương đối.

Đâu đó trong hàng ghế cử tọa có nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng đến với buổi ra mắt sách không chỉ vì văn chương, chữ nghĩa, mà còn vì tình bạn thâm giao với tác giả Nguyễn Văn Lục từ thời cả hai người đều "chưa có tên và chưa có tuổi" ở sân trường Đại học Đà Lạt ngày xưa. Từ rất lâu, sau tháng 4 năm 1975, cả hai ông đều không còn cầm phấn viết bảng mà chỉ còn gõ keyboard, góp một phần nhỏ trong sinh hoạt văn hóa của cộng đồng Việt Nam lưu vong.

Tác giả Nguyễn Văn Lục, nguyên là một giáo sư dạy Triết - ở các trường Trung học công lập Võ Tánh (Nha Trang), Ngô Quyền (Biên Hòa) và một số trường tư ở Saigon: Văn Học, Trường Sơn, Cao Bá Nhạ.... - đến từ Canada đã ký tặng độc giả trên cả hai tác phẩm. Một trong những người chờ được ký tặng trên trang đầu của sách là ông Nguyễn Hữu Lộc. Ông ngồi trên xe lăn, nhưng mắt vẫn sáng ngời niềm vui khi biết thêm nhiều chi tiết về một nền Cộng hòa còn non trẻ đã bị bức tử. Tác giả Nguyễn Văn Lục đứng ký sách, ông Lộc ngồi xe lăn, tay ông yếu không nâng sách lên cao được. Một cô học trò cũ của "thầy Nguyễn Văn Lục" đã giúp ông chuyển 3 quyển sách đến tay thầy. Ông cười rạng rỡ cảm ơn. Tác giả Nguyễn Văn Lục cũng ân cần cảm ơn ông.

Những lời cảm ơn chân tình của những người Việt Nam lưu lạc quê người gởi đến nhau trong mùa Lễ Tạ ơn của Mỹ có mang theo cả tấm lòng...

Nguyễn Trần Diệu Hương

Thanksgiving 2011

(bài viết cho tuần báo Viettribune ở San Jose)

Một số hình ảnh của Thầy Trò Ngô Quyền trong buổi RMS ở SanJose, ngày 19 tháng 11, 2011

THIỆP MỜI: Tham dự buổi sinh hoạt văn học giới thiệu tác phẩm "Một Thời Để Nhớ" của GS. NGUYỄN VĂN LỤC tại Miền Nam và Bắc CA

Hội AHCHSNQ BH xin chúc mừng và trân trọng giới thiệu đến toàn thể ĐGĐ Ngô Quyền, hai buổi ra mắt tác phẩm "MỘT THỜI ĐỂ NHỚ" của Thầy Nguyễn Văn Lục vào Chúa Nhật ngày 13 tháng 11 năm 2011 tại Westminster Civic Center, thuộc thành phố Westminster, Ca và Thứ Bảy ngày 19 tháng 11, 2011 tại Trung Tâm Công Giáo San Jose, thuộc thành phố San Jose, Ca.

Đây là tác phẩm thứ ba của Thầy đã được phát hành tại CA.

Xin chuyển thiệp mời của Thầy đã gửi đến cho Hội. Kính mời quý Thầy Cô và CHsNQ hai miền Nam Bắc CA đến tham dự hai buổi ra mắt sách đông đảo để ủng hộ tinh thần và chúc tác phẩm của Thầy phát hành được thành công tốt đẹp.

Trân trọng,

Hội AHCHS NgôQuyền, Biên Hòa.